Minh Anh, 11/09/2021
Trang mạng thông tin NHK của Nhật Bản ngày 11/09/2021 cho biết chính phủ Nhật Bản thảo luận về việc tiếp tục triển khai lực lượng phòng vệ (ADF) tham gia gìn giữ hòa bình và sự ổn định của thế giới.
Tokyo muốn duy trì khả năng mở rộng quyền hạn của lực lượng phòng thủ. Ảnh minh họa : thủ tướng Nhật Yoshihide Suga Behrouz Mehri AFP
Trong vòng 20 năm qua, ngay sau loạt tấn công khủng bố ngày 11/9, Nhật Bản đã cho triển khai nhiều tầu chiến của ADF tại Ấn Độ Dương để hỗ trợ cho hạm đội Mỹ. Nhiệm vụ của hải quân Nhật Bản chủ yếu tập trung vào khía cạnh hậu cần như tiếp liệu cho tầu chiến Mỹ chẳng hạn.
Luật về an ninh quốc gia ban hành năm 2015 cho phép Tokyo thực hiện các công tác cứu hộ và bảo vệ công dân đất nước trong trường hợp khẩn cấp ở nước ngoài.
Nhưng những năm gần đây, Nhật Bản cho rằng nhiều rủi ro an ninh thế giới, như khủng bố chẳng hạn mỗi lúc một gia tăng trên thế giới. Và nhiệm vụ của ADF, nhất là cuộc chiến chống hải tặc và can thiệp trong trường hợp có thảm họa rất được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Trong bối cảnh này, nhiều nghị sĩ thuộc Đảng Tự do Dân chủ - chính đảng lớn chiếm đa số ở Nghị Viện muốn tạo thêm nhiều thuận lợi cho lực lượng phòng vệ. Họ lấy làm tiếc rằng chính phủ đã không có phản ứng nhanh trước những biến chuyển xấu đi đột ngột tại Afghanistan sau khi Taliban trở lại cầm quyền.
NHK nêu rõ không quân Nhật Bản đã sơ tán được một phụ nữ người Nhật và 14 người Afghanistan ra khỏi đất nước, nhưng nhiệm vụ vẫn chưa hoàn thành khi để lại nhiều người khác nữa tại quốc gia Nam Á này.
Về phần mình, hãng tin Reuters ngày 10/09/2021 dẫn nguồn tin bộ Ngoại Giao Hàn Quốc cho biết quan chức ba nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ có một cuộc họp tại Tokyo để thảo luận tìm giải pháp tháo gỡ bế tắc trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Minh Anh
**********************
Nhật Bản ký thỏa thuận xuất khẩu vũ khí và công nghệ quốc phòng cho Việt Nam
RFA, 11/09/2021
Nhật Bản và Việt Nam hôm 11/9 đã ký một thỏa thuận cho phép Nhật Bản xuất khẩu các thiết bị và công nghệ quốc phòng của Nhật cho Việt Nam, nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi tới Hà Nội.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi hội đàm trực tuyến với Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang hồi tháng 6/2021 – Quân đội nhân dân
Hãng tin Kyodo News của Nhật trích lời Bộ trưởng Kishi nói tại họp báo trực tuyến tiếp theo sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang rằng, Nhật bản sẽ tăng tốc các thảo luận với phía Việt Nam để bán các tàu của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho Việt Nam.
Theo Kyodo News, Việt Nam là quốc gia thứ 11 ở Đông Nam Á ký thỏa thuận như vậy với Nhật Bản, vào khi Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động đòi hỏi chủ quyền ở hai khu vực là Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Kyodo News trích lời một giới chức quốc phòng Nhật cho biết thỏa thuận này được ký vào khi Việt Nam đang đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu trang thiết bị quốc phòng.
Hiện tại, Nga là nước cung cấp nhiều vũ khí nhất cho Việt Nam, bao gồm máy bay chiến đấu, tàu ngầm, xe tăng.
Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Phan Văn Giang, ông Kishi cũng nói ông muốn gửi một thông điệp đến cộng đồng quốc tế và phản đối mạnh mẽ bất cứ nỗ lực đơn phương nào nhằm làm thay đổi thực trạng.
Bộ trưởng Kishi cũng bày tỏ mong muốn duy trì một khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và mở, quan ngại về việc Trung Quốc thực hiện Luật hải cảnh cho phép dùng vũ khí tấn công các tàu nước ngoài ở vùng nước mà Trung Quốc đòi chủ quyền.
Nhật Bản thời gian qua đã viện trợ các tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm ba tàu cá cỡ lớn đã qua sử dụng. Hồi năm ngoái hai nước cũng ký Hiệp định vốn vay ODA trị giá gần 350 triệu đô la cho dự án sáu tàu tuần tra mà Nhất sẽ đóng cho Việt Nam. Thời gian dự kiến hoàn thành dự án từ tháng 7.2020 - 10.2025 khi tàu tuần tra thứ 6 được bàn giao cho Cảnh sát biển Việt Nam.
********************
Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản thăm Việt Nam
RFA, 10/09/2021
Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo thăm Việt Nam từ ngày 10 tới ngày 12 tháng 9.Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói hôm 10/9. Trong cùng ngày tại buổi họp báo ở Nhật Bản, ông Kishi cũng đã xác nhận thông tin này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo tại một buổi họp báo ở Nhật trước đây. Reuters
Chuyến thăm của ông Kishi Nobuo đến Việt Nam diễn ra trong thời gian Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng có chuyến thăm Việt Nam.
Ông Kishi sẽ gặp Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang, để thảo luận về ‘tình hình khu vực, bao gồm Biển Đông và Biển Hoa Đông’, truyền thông Nhật Bản cho hay.
Hai vị lãnh đạo quốc phòng cũng sẽ có các cuộc thảo luận về thỏa thuận chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng đã được hai nước bàn tới trước đây.
Trước đó, vào tháng 6 năm 2021, Bộ trưởng Kishi Nobuo cũng đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng quốc phòng Phan Văn Giang.
Trả lời báo chí Nhật Bản hôm 10/9, ông Kishi cho biết : "Với mong muốn thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực và cộng đồng quốc tế, tôi mong muốn được trao đổi và tăng cường hợp tác quốc phòng với Việt Nam".
Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng quốc phòng Nhật dự định diễn ra vào giữa tháng Tám ; tuy nhiên, đã bị hoãn lại vì Covid-19.
Trong một diễn biến khác, theo trang tin Stars and Stripes hôm 9/9, Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Dewey của Mỹ đã cập cảng Nhật, nơi có căn cứ hải quân lớn nhất của Washington ở vùng Viễn Đông.
Tin cho biết, tàu Dewey sẽ gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm 71 thuộc Hải đội tàu khu trục 15, là bộ chỉ huy tác chiến trên mặt nước của Mỹ ở Yokosuka, đóng vai trò chỉ huy tác chiến trên biển cho Nhóm tấn công tàu sân bay Ronald Reagan.
Trả báo chí hôm 10/9, chỉ huy của Lực lượng Đặc nhiệm 71 - ông Chase Sargeant cho biết, Dewey là một sự bổ sung tuyệt vời nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ và các quốc gia đồng chí hướng, dựa trên luật pháp quốc tế ở một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Việt Nam và Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác quốc phòng (RFA, 20/12/2019)
Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ ổn định, lâu dài với Trung Quốc và việc phát triển quan hệ Việt-Trung lành mạnh có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam và Trung Quốc cũng như với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực.
Quang cảnh Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam-Thượng tướng Phan Văn Giang (ở giữa, bìa phải) đón tiếp phái đoàn quân sự của Trung Quốc tại trụ sở Bộ Quốc phòng Việt Nam chiều ngày 20/12/19. Courtesy : qdnd.vn
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam-Thượng tướng Phan Văn Giang tuyên bố như vừa nêu tại buổi đón tiếp phái đoàn quân sự của Trung Quốc, do Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung quốc-Trung tướng Thiệu Nguyên Minh làm trưởng đoàn, tại trụ sở Bộ Quốc phòng Việt Nam vào chiều ngày 20/12.
Phái đoàn quân sự của Trung Quốc đến Việt Nam để tham dự Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2019).
Trong buổi gặp gỡ vào chiều ngày 20/12, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam-Thượng tướng Phan Văn Giang và Trung tướng Thiệu Nguyên Minh của Trung Quốc cùng khẳng định hai nước láng giềng gần gũi, có quan hệ hữu nghị lâu dài và quân đội của hai nước đã từng giúp đỡ, kề vai sát cánh chiến đấu để giành độc lập và thống nhất ở mỗi nước trong thời gian trước đây.
Cũng tại trụ sở Bộ Quốc phòng Việt Nam, phái đoàn quân sự Trung Quốc còn được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam-Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đón tiếp. Đại diện của Bộ quốc phòng hai nước cùng nhìn nhận sự hợp tác quốc phòng song phương Việt-Trung năm 2019 đạt hiệu quả tích cực.
Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam-Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ sự tin tưởng rằng hợp tác quốc phòng song phương Việt-Trung trong năm 2020 cũng như trong tương lai sẽ càng hiệu quả, góp phần vào sự phát triển chung của khu vực và thế giới vì hòa bình và ổn định.
******************
Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 30 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân, ông Tổng Bí thư kiêm Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng viết rằng "Bất luận trong hoàn cảnh nào cũng luôn kiên định nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân".
Một người lính đứng bảo vệ ở Hà Nội vào ngày 26/02/2019, trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. AFP
Quan điểm vừa nêu của ông Nguyễn Phú Trọng bị cho là trái với Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng như không đúng với bản chất của quân đội, là phục vụ nhân dân, bảo vệ tổ quốc, chống xâm lược chứ không phải can thiệp chuyện an ninh trật tự hay chống nhân dân, như phát biểu của Giáo sư Mạc Văn Trang :
"Năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trường Quân đội và tặng một lá cờ có chữ ‘Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân’. Sau này thì phát triển thành ‘Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng’. Nhưng sau này biến quân đội thành của đảng ‘Quân đội ta trung với Đảng’ chứ không phải chứ không phải trung với nước, rất vô lý, nghe chướng tai vô cùng. Vì Quân đội Nhân dân phải bảo vệ tổ quốc chứ không phải bảo vệ một đảng, đảng chỉ là một nhóm người".
Còn theo ông Võ Minh Đức, nguyên sĩ quan lục quân thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam đã giải ngũ lại cho rằng qua phát biểu của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cho thấy đảng muốn sử dụng lực lượng quân đội để giữ thế độc tài, độc quyền lãnh đạo, điều hành đất nước.
"Từ ngày xưa tôi mới nhập ngũ, vào trường học, tốt nghiệp ra trường rồi ra làm việc những năm đầu tôi vẫn có cảm giác mình bị nhồi sọ, phải nghe những lời tuyên truyền của họ là quân đội này chỉ phục vụ chủ trương đường lối một đảng đó thôi. Dần dần tôi mới hiểu ra rằng trên thế giới không có nước nào quân đội phải theo đảng phái nào cả. Quân đội chỉ làm nhiệm vụ theo hiểu biết của mình là bảo vệ lãnh thổ quốc gia, bảo vệ người dân là nhiệm vụ chính. Còn chuyện theo một đường lối, một chủ trương, đảng phái, một tổ chức chính trị thì tôi cho rằng nó vô lý".
Một bạn trẻ ở Biên Hòa qua Facebook Messenger cho rằng phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng thể hiện đường lối và tư tưởng của các lãnh đạo Việt Nam từ trước đến nay :
"Đơn giản thôi, bác Lê Duẩn từng nói : Còn đảng là còn mình. Nên bác Trọng cũng như lớp hậu bối phải sống chết bảo vệ đảng cũng hợp lý mà. Cố TBT Nguyễn Văn Linh cũng từng nói : "Tôi cũng biết rằng, dựa vào Trung Quốc sẽ mất nước, nhưng mất nước còn hơn mất Đảng". Vậy nên cứ còn đảng trước đã rồi tính, đối với cán bộ đảng còn gì quan trọng hơn là đảng an toàn đảng vững mạnh".
Đồng quan điểm với ý kiến nêu trên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà quan sát tình hình chính trị tại Hà Nội cũng cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện tư tưởng nhất quán của ông và của nhiều thế hệ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
"Thật sự rất đáng tiếc là đây một quan niệm phản dân tộc ở một nghĩa Đảng Cộng sản Việt Nam đã tư hữu hóa quân đội mà lẽ ra quân đội này để bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc chống ngoại xâm thì bây giờ lại bảo vệ Đảng Cộng Sản Việt Nam".
Vào ngày 15/12 vừa qua, Quân đội Nhân dân đã tham gia diễn tập chống gây rối an ninh, khủng bố, bắt cóc con tin với sự huy động hơn 4.000 người, xe thiết giáp, chó nghiệp vụ... tại thành phố Hồ chí Minh. Đây được xem là đợt diễn tập khủng bố lớn nhất Việt Nam được cho biết nhằm đánh giá khả năng thực binh, ứng phó của các đơn vị khi có các sự cố xảy ra như : các thành phần xấu lợi dụng không gian mạng để kích động, gây rối trật tự hoặc nhóm khủng bố lợi dụng tình hình phức tạp để tấn công trụ sở, cơ quan nhà nước, bắt giữ cán bộ, hoặc dùng chất nổ đe dọa khủng bố cơ quan nhà nước.
Theo Giáo sư Mạc Văn Trang, việc diễn tập nhưng lại huy động lực lượng quân đội tham gia như một hành động đàn áp nhân dân. Vô hình chung, đem lại một ảnh hưởng vô cùng khó lường :
"Hết sức nguy hiểm vì quân đội và công an cuối cùng lại trở thành người chống lại nhân dân, xa rời nhân dân, không còn là chỗ dựa của nhân dân thì làm sao còn sức mạnh. Quân đội phải dựa vào nhân dân mà như thế thì dân mất lòng tin, nhiều người đã nói quân đội công an ‘hèn với giặc, ác với dân’. Nhưng ông Trọng và đảng ngày càng tuyệt đối hóa quân đội phục vụ đảng".
Còn theo cựu sĩ quan Võ Minh Đức, khi quân đội, kể cả công an phải tuyệt đối trung thành, phải chịu sự lãnh đạo toàn diện trực tiếp của Đảng Cộng sản thì có rất nhiều hệ lụy xấu với tình hình thực tiễn Việt Nam hiện nay :
"Họ chủ yếu dùng hai công cụ đó để bảo vệ quyền lực của họ, không chia sẻ cho bất kỳ ai quyền lực đó và sẵn sàng dùng lực lượng đó để đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến, dẫn đến độc quyền điều hành đất nước theo chủ nghĩa, quan điểm, đường lối riêng của họ. Quan điểm của họ nếu nói ở Việt Nam hiện nay đã biến chất, tha hóa, trở thành một đảng phái độc tài, tụt hậu so với tất cả quốc gia, đảng phái trên thế giới".
Dưới góc nhìn cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, việc độc quyền quân đội mà đảng Việt Nam đã và đang thực hiện sẽ là một lực cản vô cùng lớn đối với sự phát triển dân chủ của chính thể ở Việt Nam. Ông giải thích :
"Bởi vì khi người dân vẫn cứ mập mờ về chuyện đấy và binh lính được nhồi sọ rằng mình phải phục vụ cho một đảng chính trị thì không thể có đa đảng được. Điều đó rất nguy hiểm cho sự phát triển dân tộc này".
Vì vậy, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đề nghị rằng để cho toàn dân Việt Nam hiểu đúng hơn vai trò của quân đội thì quân đội phải tách khỏi các đảng chính trị, phải trung lập với các đảng chính trị theo nghĩa rằng chỉ tuân thủ sự chỉ huy dân sự của chính quyền được người dân bầu lên, tức chính quyền hay chính phủ mà được dân bầu lên đã có tính đại diện của nhân dân. Trong trường hợp đó quân đội là của nhân dân thật. Tuy nhiên thực tế hiện nay lại khác :
"Còn bây giờ quân đội là của đảng cộng sản thì họ cứ lập lờ đảng với nhân dân là một, cái đấy thì đại bộ phậm nhân dân Việt Nam thì thấy hai cái đấy không phải là một".
Thỏa thuận hợp tác quốc phòng Việt Nam - EU liệu có thực chất ?
Thường Sơn, VNTB, 21/10/2019
Chẳng có gì bảo đảm là bản thỏa thuận hợp tác quốc phòng và an ninh song phương Việt Nam - Liên Hiệp Châu Âu (EU), được ký vào ngày 17/10/2019, sẽ mang lại một sự an ủi đáng kể về mặt bảo vệ công cuộc ‘khoan dầu nuôi đảng’ cho giới quan lại bị người dân Việt bình phẩm ‘hèn với giặc, ác với dân’.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch (trái) ký FPA với bà Federica Mogherini, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, vào ngày 17/10/2019.
Bởi tại buổi lễ ký kết, đại diện của EU chỉ bày tỏ quan ngại chung chung về "tình hình p quan tuân phủ luật pháp quốc tế, đồng thời ủng hộ việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) "một cách minh bạch", nhưng không một từ ngữ nào nhắc đến Bãi Tư Chính và cái tên Trung Quốc.
Việc ký kết trên là kết quả sau chuyến công du Việt Nam của bà Federica Mogherini - đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, đồng thời cũng là phó chủ tịch Ủy Ban Liên Âu - vào đầu tháng 8 năm 2019.
"Những hành động đơn phương trong những tuần lễ qua ở Biển Đông dẫn đến hệ quả làm gia tăng căng thẳng và suy thoái môi trường an ninh biển. Đây là biểu hiện của mối đe dọa nghiêm trọng đến phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực" - Thông cáo báo chí của Ủy Ban Ngoại Vụ, Chính Sách An Ninh, Chính sách Láng giềng và Đàm phán của EU nêu ra sau chuyến đi trên.
Chi tiết đáng chú ý là dù đã đề cập về ‘những hành động đơn phương’, nhưng tuyên bố của EU lại không có một từ nào nói rõ về chủ thể của hành động đơn phương đó : Trung Quốc.
Lối tuyên bố như thể ‘đi hàng hai’ của EU cho thấy một sự thật đắng chát : Trung Quốc đang vượt mặt Việt Nam về quốc tế vận.
Hồi cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám 2019, Trung Quốc đã giành được một lợi thế trên phương diện quan hệ quốc tế và ngoại giao so với Việt Nam khi Hội Nghị Các Bộ Trưởng ASEAN diễn ra ở Thái Lan vào đã chỉ đề cập khá chung chung và "quan ngại" về tình hình Biển Đông mà không hề nhắc đến cái tên Trung Quốc.
Thái độ lấp lửng của EU khiến người ta phải nhìn lại bản Thỏa thuận quốc phòng mà EU và Việt Nam xem có tính thực chất hay không.
Bởi từ chuyện ký kết cho đến một hành động thực chất nào đó của EU đối với tình trạng nan giải ở Bãi Tư Chính lại là một khoảng cách có thể còn khá xa.
Trong khi đó, chính thể độc tài ở Việt Nam lại liên tiếp cử các ‘đoàn đại biểu cấp cao’ đi một số nước Tây Âu nhằm vận động cho những ‘mặt hàng’ đang trở nên nhu cầu cấp bách ở dải đất quằn quại hình chữ S.
Một trong những ‘đoàn đại biểu cấp cao’ đó được dẫn đầu bởi quan chức Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, đi Cộng hòa Liên bang Đức vào tuần cuối tháng 9 năm 2019.
Chuyến đi Đức của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhắm đến nhiều mục đích như vận động chính phủ Đức sớm phê chuẩn EVFTA (Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu-Việt Nam) cũng như Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA)", vận động Đức ủng hộ Việt Nam hơn nữa trước căng thẳng ở Biển Đông và bãi Tư Chính, và… xin viện trợ ODA.
Dù gì thì vào tháng 8 năm 2019, Bộ Ngoại giao 3 nước trụ cột EU là Pháp, Đức và Anh đã ra một Tuyên bố chung về tình hình Biển Đông, trong đó có nhắc đến cái tên Trung Quốc, tuy chẳng có lấy một lời lên án.
Nhưng cũng như hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Mỹ đi vào Biển Đông để tuần tra nhưng chưa có động tác nào can thiệp vào khu vực Bãi Tư Chính, cả Mỹ và EU dường như đều đang dè dặt trước vụ bãi Tư Chính nói riêng và Biển Đông nói chung, bởi họ muốn chờ xem chính thể Việt Nam sẽ ‘bản lĩnh’’ đến mức nào trong việc đối phó với chế độ cùng ý thức hệ là Trung Quốc, hay chỉ đánh võ mồm và luồn cúi là giỏi.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 21/10/2019
******************
Việt Nam ký hiệp định hợp tác quốc phòng với Liên Hiệp Châu Âu
Thanh Phương, RFI, 19/10/2019
Hôm 17/10/2019, tại Bruxelles, bộ trưởng bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao về Chính sách đối ngoại và an ninh Liên Hiệp Châu Âu, đã ký hiệp định về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của Liên Hiệp Châu Âu (FPA).
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch
Hiệp định FPA là hiệp định khung nhằm thiết lập quan hệ hợp tác, mở đường cho Việt Nam tham gia vào các hoạt động quản lý khủng hoảng mang tính chất nhân đạo, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, trong đó nguyên tắc quan trọng nhất là toàn quyền lựa chọn lĩnh vực, mức độ tham gia phù hợp với chính sách đối ngoại, nhu cầu và khả năng của mình.
Trên cơ sở nguyên tắc đó, các lĩnh vực mà Việt Nam chọn để hợp tác với Liên Hiệp Châu Âu là : Thiết lập đối thoại chính sách quốc phòng với Cơ quan Hành động đối ngoại Liên Hiệp Châu Âu, đào tạo, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Còn đối với Liên Hiệp Châu Âu, việc ký hiệp định FPA là nhằm thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho Liên Hiệp Châu Âu trong việc tăng cường hợp tác với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo Báo điện tử Chính phủ Việt Nam, trong cuộc gặp với bộ trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch sau lễ ký kết hiệp định, bà Federica Mogherini đã bày tỏ mối quan ngại của Liên Hiệp Châu Âu về tình hình phức tạp ở Biển Đông hiện nay, kêu gọi các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Cho tới nay, tính luôn cả Việt Nam Liên Hiệp Châu Âu đã ký FPA với gần 19 quốc gia. Việt Nam là nước thứ hai ở châu Á, sau Hàn Quốc, và là quốc gia đầu tiên của ASEAN ký hiệp định này.
Hiệp định FPA đánh dấu một bước phát triển mới giữa Bruxelles với Hà Nội. Vào năm 2012, Liên Hiệp Châu Âu ký với Việt Nam Hiệp định khung đối tác và hợp tác toàn diện, có hiệu lực từ năm 2016, nhằm mở rộng hợp tác song phương ra nhiều lĩnh vực. Từ đó hai bên đã lập Ủy ban hỗn hợp để triển khai hiệp định. Cuộc họp đầu tiên của ủy ban mới diễn ra vào tháng 5/2019.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 18/10/2019
Gia tăng hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Châu Âu nhắm vào Trung Quốc ?
Với tư cách là một khối, Liên Hiệp Châu Âu trở thành đối tác hợp tác quốc phòng an ninh đầu tiên của Việt Nam, thông qua việc hai bên sẽ ký kết thỏa thuận thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động giải quyết khủng hoảng của Liên Hiệp Châu Âu (Framework Participation Agreements - FPA) (1). Đây là cũng là nội dung chính chuyến công du Việt Nam của bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao của Liên Hiệp Châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh, tại Hà Nội, từ ngày 03 đến 05/08/2019.
Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu đã kết thúc các cuộc đàm phán về Hiệp định thiết lập khuôn khổ tham của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của Liên Hiệp Châu Âu (FPA).
Chính những yêu sách độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh đã buộc Việt Nam phải phòng vệ. Song song với việc mở rộng hợp tác quân sự với nhiều nước (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Úc...), chính phủ Việt Nam cũng tăng thêm ngân sách quốc phòng, từ 5,1 tỉ đô la cho năm 2019, lên thành 5,5 tỉ đô la cho năm 2020 và đạt đến mức 7,9 tỉ đô la vào năm 2024 (2).
Sự kiện Triển lãm Quốc phòng và An ninh 2019 (DSE 2019, ngày 02-04/10), lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam (Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội), thu hút khoảng 200 thương hiệu và 55 phái đoàn là một dấu hiệu cho thấy sự quan tâm của Việt Nam trong việc hiện đại hóa quân đội, cũng như "mở rộng quan hệ quốc tế, tăng cường hợp tác trong khu vực về các lĩnh vực quốc phòng và an ninh", theo phát biểu vào tháng 08/2019 của đại tá Phạm Toàn Thắng, phó cục trưởng Cục Kinh tế, bộ Quốc Phòng Việt Nam.
Vậy hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu về quốc phòng và an ninh mang lại lợi ích gì cho cả hai bên ? Liên Hiệp Châu Âu có thể giúp gì cho quốc phòng Việt Nam ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).
****************
RFI : Trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 08/2019 của bà Federica Mogherini, Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu đã thảo luận về việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phòng vệ và an ninh. Quan hệ đối tác hợp tác này có ý nghĩa gì ?
Benoît de Tréglodé : Trước tiên cần phải nhắc đến bối cảnh. Thỏa thuận quốc phòng này nằm trong loạt thỏa thuận giúp Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam xích lại gần nhau. Thỏa thuận quan trọng nhất dĩ nhiên là Hiệp định Tự do Thương mại (EVFTA), sau bốn năm dài đàm phán giữa Hà Nội và Bruxelles, đã được kí vào tháng 06/2019 và đang chờ được Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn.
Điều này cho thấy Liên Hiệp Châu Âu mạnh mẽ tỏ rõ ý chí củng cố hoạt động trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương, và đặc biệt hơn là với một số nước đối tác trong vùng. Vì thế, đây là một thỏa thuận đối tác chiến lược.
Vậy một đối tác chiến lược có nghĩa là gì ? Đó chính là kết quả cuối cùng của toàn bộ loạt thỏa thuận tiên quyết, từ thỏa thuận chính trị, kinh tế, văn hóa, đến những thỏa thuận chiến lược được đặt chung thành một khối và nhằm chứng tỏ sự hợp tác giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam đã đến thời điểm chín muồi, để đó tiến xa hơn sau đó. Vì thế, đây không hẳn là kết quả mà còn là một bước khởi đầu, hướng đến hợp tác trong mỗi lĩnh vực.
RFI : Hà Nội và Bruxelles trông đợi gì qua thỏa thuận đối tác này ?
Benoît de Tréglodé : Dĩ nhiên là mỗi bên đều có những trông chờ đặc biệt. Đối với Bruxelles, trước tiên là nhằm khẳng định hoặc tăng cường hiện diện ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Liên Hiệp Châu Âu đã kí thỏa thuận tương tự với ba nước, New Zealand, Úc và Hàn Quốc. Thỏa thuận với Việt Nam là thỏa thuận đầu tiên mà Bruxelles kí với một nước Đông Nam Á.
Đúng là hai bên tỏ rõ thiện chí, đã có từ lâu. Chúng ta đừng quên rằng Liên Hiệp Châu Âu là thành viên của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ASEAN Regional Forum, ARF), được thành lập năm 1994 và được coi là cuộc họp đa phương đầu tiên tư vấn các vấn đề an ninh trong vùng. Liên Hiệp Châu Âu luôn muốn có trọng lượng và đóng vai trò trong những vấn đề này ở Châu Á-Thái Bình Dương. Hiện nay, tham vọng của Bruxelles được củng cố thông qua Diễn đàn Khu vực ASEAN, mà theo quan điểm của Bruxelles có rất nhiều mục tiêu lớn, rõ nét.
Phía Việt Nam thì khác hơn một chút. Chúng ta vẫn nhớ bài diễn văn nổi tiếng của cựu ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Dy Niên, nếu tôi nhớ không nhầm là vào khoảng năm 1990-1991. Trong đó ông phát biểu rằng sau chiến tranh lạnh, từ giờ chỉ có một thế giới. Việt Nam nên kết bạn ở khắp nơi vì đó là giải pháp duy nhất để duy trì sự độc lập trong một thế giới không còn là thế giới hai cực nữa.
Vì vậy, Hiệp định với Bruxelles còn là một thắng lợi cho ngành ngoại giao Việt Nam vì Hà Nội đã chờ đợi thời điểm này từ lâu và vì Liên Hiệp Châu Âu là một đối tác có chủ đích đóng vai trò quan trọng. Như vậy, Việt Nam có một lá phiếu ủng hộ chính trị của Liên Hiệp Châu Âu, có trọng lượng, trong bối cảnh quan hệ phức tạp, trong đó có quan hệ với Bắc Kinh và tại vùng Biển Đông.
RFI : Trong khuôn khổ Hợp tác quốc phòng và an ninh với Bruxelles có một điểm là Việt Nam sẽ tham gia các chiến dịch quản lý khủng hoảng do Liên Hiệp Châu Âu đảm nhiệm trong khuôn khổ các chiến dịch của Liên Hiệp Quốc. Những chiến dịch này có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với Việt Nam ?
Benoît de Tréglodé : Thời điểm rất có lợi cho việc Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam xích lại gần nhau về mặt chính trị. Việt Nam sắp giữ nhiều chức vụ quan trọng trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Năm 2020, Việt Nam sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN, cũng như chức thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Vì thế, Liên Hiệp Châu Âu, để gia tăng ảnh hưởng của khối trong vùng Đông Nam Á, cần đến sự ủng hộ của quốc gia có sức ảnh hưởng trong các hồ sơ. Đây là một điểm quan trọng !
Việc Việt Nam tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc không có gì là mới. Điểm mới, được nêu trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác chiến lược về quốc phòng với Bruxelles, là Việt Nam cũng sẽ tham gia những nhiệm vụ ở cấp độ Liên Hiệp Châu Âu. Những cam kết này nhằm giúp Việt Nam hội nhập tốt hơn vào cộng đồng quốc tế và các cấp độ quốc tế. Và đây là điểm tốt cho cả hai bên !
RFI : Thông qua hợp tác quốc phòng và an ninh, Liên Hiệp Châu Âu có thể giúp gì cho Việt Nam về mặt quốc phòng ?
Benoît de Tréglodé : Chúng ta biết là chính sách phòng thủ của Liên Hiệp Châu Âu vẫn còn đang trong quá trình soạn thảo và xây dựng với những tham vọng lớn mà chúng ta có thể hoan nghênh.
Nhưng điểm thú vị cần lưu ý là Việt Nam đang trong quá trình tìm kiếm ủng hộ quốc tế. Và những tuyên bố về mục tiêu được nêu trong văn kiện đối tác chiến lược này cũng theo hướng bao gồm tất cả các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, dù chúng ta biết rằng, trên thực tế, rất ít nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu thực sự tỏ ra tích cực trong vấn đề tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông hoặc đối với những quan hệ đối tác mang tính quân sự, quốc phòng. Đó là những vấn đề thường được xử lý dễ dàng hơn trên phương diện song phương.
Vì vậy, chúng ta cần hoan nghênh khuôn khổ chung đang được triển khai và cho phép hợp pháp hóa "hàng loạt hợp tác trong tương lai". Tôi muốn nhấn mạnh là "hợp tác tương lai" về mặt quân sự và an ninh. Và tôi cho rằng Việt Nam có thể hoan nghênh thỏa thuận này.
Phải nhắc lại rằng thỏa thuận với Bruxelles không gây tác động đến những cuộc đàm phán đang được tiến hành giữa Việt Nam và một số nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Hà Nội đã kí và thúc đẩy một số thỏa thuận đối tác chiến lược với một số thành viên khác trong Liên Hiệp Châu Âu và những thỏa thuận này đã được thúc đẩy hơn một chút.
RFI : Để tăng cường hiện diện tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, Pháp cần phải tham gia nhiều hơn vào cấu trúc quốc phòng, an ninh trong khu vực. Theo ông, Pháp có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của Việt Nam không ?
Benoît de Tréglodé : Tôi nghĩ là dĩ nhiên Pháp có thể trông cậy vào Việt Nam nhưng tất cả mọi vấn đề không thể giải quyết được ở cấp một Nhà nước. Chúng ta đang ở trong một thực tế đa phương và thực tế, có thể nói là rất ASEAN, tức là hoạt động dựa trên đồng thuận. Một mình Việt Nam không thể quyết định được việc để Pháp tham gia nhiều hơn vào các tổ chức đa phương về an ninh.
Trước tiên, những tổ chức nào hoạt động thực sự ? Chúng ta đã nhắc ở trên đến Diễn đàn an ninh Khu vực ASEAN (ARF), được tổ chức lần đầu vào năm 1994 theo sáng kiến của Singapore. Đó là một cơ chế đối thoại không chính thức quy tụ 27 nước, gồm các nước thành viên ASEAN, các nước láng giềng và các cường quốc thế giới. Pháp tham dự diễn đàn nhưng không phải với tư cách là một quốc gia, mà thông qua ghế của Liên Hiệp Châu Âu.
Ngoài ra còn có nhiều cơ chế khác. Cơ chế có thể nói là hiệu quả nhất, đó là ADMM+ (ASEAN Defense Ministers Meeting+), gồm bộ trưởng Quốc Phòng các nước trong vùng. Pháp đã chính thức gõ cửa xin tham gia cách đây vài năm, nhất là sau một bài diễn văn của bộ trưởng Quốc Phòng Pháp tại Đối thoại Shangri-la, diễn ra hàng năm vào tuần đầu tiên của tháng Sáu, ở Singapore.
Cần phải nhắc lại một lần nữa là gia nhập một tổ chức đa phương như vậy cần đến một thỏa thuận, trong đó Việt Nam là một đối tác. Tôi cho rằng, nếu nhìn về mặt ngoại giao, Việt Nam cần phải làm thế nào để các nước ngoài, như các nước Châu Âu, hoặc phương Tây, kể cả nước Pháp, một ngày nào đó có thể tham gia vào các cơ chế đa phương kiểu này. Nhưng Việt Nam sẽ không thể đơn phương làm được một mình mọi thứ.
RFI : Để đối phó với mối đe dọa Trung Quốc, Việt Nam gia tăng ngân sách quốc phòng, mở rộng quan hệ quân sự với nhiều nước lớn trong thời gian gần đây. Ông đánh giá như nào về sự kiện này ?
Benoît de Tréglodé : Từ 20 năm nay và từ khi đa số các nước thành viên trong vùng phê chuẩn Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS, kí tại Montego Bay, được phần lớn các nước phê chuẩn trong thập niên 1990), có thể nói chúng ta chứng kiến xu hướng gia tăng ảnh hưởng trên biển.
Những nước không hẳn có truyền thống lâu đời về hàng hải, không hẳn có lực lượng hải quân lớn, nhận ra rằng từ giờ trở đi thách thức không chỉ nằm trên đất liền mà đến từ biển. Và điều này dẫn đến sự chồng chéo về lập luận lợi ích chiến lược, cùng với việc kí kết Công ước Quốc tế về Luật Biển.
Công ước này đã buộc các nước Đông Nam Á từ giờ phải coi thách thức hàng hải là những vấn đề ưu tiên quốc gia. Trường hợp này trước đây không có. Đây thực sự là điều hoàn toàn mới, đến với các nước Đông Nam Á vào cuối những năm 1990. Từ giờ các nước ASEAN phải trực tiếp xử lý các vấn đề chủ quyền. Sau những biến động trên, đa số các nước trong vùng, kể cả Trung Quốc, đã quyết định hiện đại hóa lực lượng hàng hải phù hợp theo bối cảnh hiện nay.
RFI : RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).
Thu Hằng thực hiện
Nguồn : RFI, 07/10/2019
---------------
(1) Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu đã kết thúc các cuộc đàm phán về Hiệp định thiết lập những Thỏa thuận khung về sự tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của Liên Hiệp Châu Âu (Framework Participation Agreements-FPA). Văn bản này đã được các đại sứ của Ủy ban Đại diện thường trực (Comité des représentants permanents - COREPER) của Liên Hiệp Châu Âu phê chuẩn. Hai bên đang hoàn thiện các thủ tục nội bộ cho phép ký kết, phê chuẩn và thực hiện Hiệp định này.
Thỏa thuận quốc phòng với EU có ‘xử’ được tàu Trung Quốc ?
Thường Sơn, VNTB, 08/08/2019
Suýt chút nữa thì bản Thỏa thuận quốc phòng sắp được ký kết giữa chính quyền Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã bị các cơ quan tuyên giáo chỉ đạo cho báo chí quốc doanh giấu nhẹm mà không đưa một dòng tin nào.
Bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, đồng thời cũng là phó chủ tịch Ủy Ban Liên Âu.
Nhưng tin tức chủ yếu có liên quan đến thỏa thuận trên được báo chí nhà nước ồ ạt đăng phát chỉ là "EU ủng hộ/chia sẻ với Việt Nam nhằm chỉ trích Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông/xâm phạm Bãi Tư Chính".
Quan chức cao cấp của EU được đăng hình ảnh ‘ủng hộ Việt Nam’ là bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, đồng thời cũng là phó chủ tịch Ủy Ban Liên Âu.
Về thực chất, chuyến thăm Việt Nam của bà Federica Mogherini vào đầu tháng 8 năm 2019 là để bàn thảo với phía Việt Nam bản Hiệp định khung về tham gia (Framework Participation Agreement – FPA) mà từ đó Việt Nam có thể trở thành nước đối tác góp phần vào các chiến dịch và sứ mạng căn cứ trên Chính Sách Chung về An Ninh và Quốc Phòng của Liên Âu. Đây được xem là một chiến lược phối hợp các hoạt động quốc phòng và tình báo của Liên Âu.
Việc chính thể độc tài ở Việt Nam lấp ló ý định ký Thỏa thuận quốc phòng với EU là trái ngược hoàn toàn với trước đó chỉ hơn một tháng, chính thể này đã xua báo chí nhà nước ‘tự sướng’ bất kể giới hạn khi ký được với EU hai hiệp định thương mại là EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Châu Âu - Việt Nam) và EVIPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên Hiệp Châu Âu) vào ngày 30/6/2019 tại Hà Nội ?
Điều rất dễ nhận ra là động thái Việt Nam sắp ký thỏa thuận quốc phòng với EU diễn ra trong bối cảnh Bộ Chính trị Hà Nội đang cực kỳ bế tắc bởi không có một hành đông đủ mạnh nào để xua đuổi các tàu thăm dò địa chất và tàu hải cảnh của Trung Quốc khỏi khu vực Bãi Tư Chính từ đầu tháng 7 năm 2019 đến nay, nếu không muốn hình dung như một nỗi lo sợ thất thần đã ám ảnh bộ mặt quan chức đến mức không thể thốt nổi một lời ‘phản đối Trung Quốc’, dù chỉ hé miệng trong buồng tắm.
Vào giữa tháng 7 năm 2019, khi chính quyền Việt Nam không thể giấu diếm hơn nữa về vụ Bãi Tư Chính trước thông tin lan tràn dậy sóng trên mạng xã hội, một số tờ báo quốc doanh, được hiểu đứng đằng sau là toàn bộ hệ thống đảng, đã lên tiếng kêu gọi ‘Cộng đồng quốc tế phải mau chóng vào cuộc, lên án Trung Quốc xâm phạm Biển Đông’.
Nhưng trong thực tế, chẳng có ‘cộng đồng quốc tế’ nào cả, trừ Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên lên tiếng, nhưng chỉ gián tiếp ủng hộ Việt Nam, tuy nhiên từ đó đến nay vẫn chẳng có hành động thực chất nào vì còn phải chờ Hà Nội có dám tự đi trên đôi chân của mình hay vẫn như cũ theo thói đu dây chính trị và ‘vừa đi vừa quỳ’.
Chỉ cho đến lúc này, EU mới là thành phần thứ hai lên tiếng ‘ủng hộ Việt Nam’, một sự hỗ trợ đáng giá bằng vàng bởi thể hiện bằng một thỏa thuận quốc phòng chứ không phải bằng lời nói suông.
Tuy nhiên, từ chuyện ‘sắp ký’ cho đến một hành động thực chất nào đó của EU đối với tình trạng nan giải ở Bãi Tư Chính lại là một khoảng cách có thể còn khá xa.
Cho dù nhiều tàu chiến của một số nước trong khối EU như Pháp, Anh, Tây Ban Nha... đã từng cập cảng Cam Ranh trong thời gian gần đây, nhưng như thế vẫn chưa đủ khiến Trung Quốc co vòi.
Còn nhớ vào đầu năm 2018, ngay sau khi Hoa Kỳ lần đầu tiên đưa một hàng không mẫu hạm có tên USS Carl Vinsion đến cảng Đà Nẵng (chứ không phải đến cứ điểm hải quân chiến lược Cam Ranh), Trung Quốc đã hùng hổ điều hàng không mẫu hạm Liêu Ninh ra tập trận ở Biển Đông như một đáp trả không nhân nhượng. Phép thử về tầm vóc hàng không mẫu hạm của Mỹ cũng vì thế chưa có tác dụng lắm.
Sẽ khó có chuyện Trung Quốc rút sớm các tàu thăm dò dịa chất và tàu hải cảnh khỏi Bãi Tư Chính, mà sẽ ‘phải cho nó một bài học’. Tức Trung Quốc sẽ nhân cái thế yếu đuối của thằng em ươn hèn để tiếp tục bắt nạt và có thể cả vài cú đánh đập để dằn mặt.
Nếu khả năng tàu Trung Quốc kéo dài vụ xâm nhập Bãi Tư Chính xảy ra, mà xác suất của khả năng này đang được giới phân tích chính trị cho là ngày càng lớn, Việt Nam sẽ phải đối phó ra sao ? Tiếp tục phát cờ cho ngư dân để ‘thuyền ra biển lớn’ và làm rộ lên câu vè dân gian "Chống giặc bằng cờ, chống ngập bằng lu, đứa nào nói đảng ngu là thằng phản động" ? Hay tiếp tục kêu gọi quốc tế mau chóng can thiệp ? Liệu hải quân Việt Nam có dám nổ súng nếu tàu Trung Quốc gây hấn ? Và nếu nổ súng, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chuẩn bị ra sao cho những kịch bản đen tối không thể tránh khỏi cho một cuộc xung đột quân sự ở quy mô nhỏ hoặc vừa, hay thậm chí là chiến tranh thực sự với Trung Quốc ?
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 08/08/2019
*********************
Hà Nội giấu dân khi ký thỏa hiệp quốc phòng với Liên Hiệp Châu Âu
Người Việt, 05/08/2019
Truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam không đưa tin một đại diện cấp cao thay mặt 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) vừa ký thỏa hiệp quốc phòng với Việt Nam hôm thứ Hai 5/8/2019 tại Hà Nội.
Chiến hạm Forbin của Hải Quân Pháp từng cập cảng Sài Gòn hồi cuối tháng 5/2019. (Hình : Getty Images)
Tin tức cho hay bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, đồng thời cũng là phó chủ tịch Ủy ban Liên Âu ký với phía Việt Nam bản Hiệp định khung về Ttham gia (Framework Participation Agreement – FPA) mà từ đó Việt Nam có thể trở thành nước đối tác góp phần vào các chiến dịch và sứ mạng căn cứ trên Chính sách chung về An ninh và Quốc phòng của Liên Âu. Đây là một chiến lược phối hợp các hoạt động quốc phòng và tình báo của Liên Âu.
Buổi ký kết kể trên với EU diễn ra vào lúc Việt Nam đang gặp căng thẳng với Trung Quốc ở khu vực bãi Tư Chính trên Biển Đông. Trung Quốc điều động hàng chục chiếc tàu tới cản trở hoạt động dò tìm dầu khí của Việt Nam ngay trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Báo chí của Hà Nội chỉ đưa tin bà Mogherini họp báo với Ngoại trưởng Phạm Bình Minh và gặp Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Trang mạng của nhà cầm quyền Việt Nam là "chinhphu.vn" qua cái tựa "Việt Nam hoan nghênh lập trường của EU về Biển Đông" khi tường thuật về cuộc họp báo chung của bà Federica Mogherini và ông Phạm Bình Minh.
Trang mạng này thuật lại là "Về vấn đề Biển Đông, đại diện cấp cao của EU chia sẻ quan ngại của Việt Nam liên quan đến những căng thẳng gia tăng gần đây trên Biển Đông, cho rằng đó không phải là những yếu tố thuận lợi cho môi trường hòa bình, ổn định tại khu vực".
Báo mạng của đài VOV và tờ Tiền Phong thì cũng với tiêu đề "EU chia sẻ quan ngại của Việt Nam về căng thẳng gần đây ở Biển Đông" và cũng không đề cập gì đến thỏa hiệp quốc phòng hai bên ký kết.
Điều này cho thấy nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vừa muốn giấu dân, vừa cảm thấy nhạy cảm đối với "đồng chí anh em" phương Bắc hiện đang phải đối đầu ở bãi Tư Chính.
******************
Việt Nam có mạnh lên nhờ ‘hợp tác quốc phòng’ ?
Mạnh Kim, VOA, 07/08/2019
Khó có thể nói chính quyền Việt Nam không làm gì trước sự đe dọa và lấn lướt Trung Quốc ở biển Đông. Hợp tác quốc phòng là một trong những chính sách lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, điều này dường như có gì không ổn…
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Patrick Shanahan tiếp Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 23/5/2019. Photo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Asia Times (1/8/2019) cho biết, ngày 5/8/2019, Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu (EU) ký thỏa thuận mới về quốc phòng, trong khuôn khổ Thỏa thuận khung hợp tác quốc phòng (thỏa thuận thứ tư mà EU ký với một quốc gia Đông Nam Á - sau Úc, New Zealand và Hàn Quốc). Tháng 4/2019, Jean-Christophe Belliard, Bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao EU, đến Hà Nội gặp Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh. Tháng 5, ông Vịnh sang Brussels họp, theo lời mời Claudio Graziano - Chủ tịch Ủy ban Quân sự EU. Cũng trong tháng 5/2019, cuộc họp đầu tiên trong khuôn khổ Thỏa thuận khung hợp tác và đối tác toàn diện EU-Việt Nam cũng được tổ chức…
Xét ở cấp độ song phương với các thành viên EU riêng lẻ, Việt Nam và Pháp cũng "nâng cấp" quan hệ quốc phòng. Hai nước ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng năm 2009 và bắt đầu chương trình Đối thoại chính sách quốc phòng cuối năm 2016. Cuộc họp cấp thứ trưởng về an ninh-quốc phòng giữa Việt Nam và Pháp đầu tiên đã được tổ chức vào tháng 9/2018, với kết quả hai bên lập ra các "sáng kiến quốc phòng song phương" đến năm 2028. Ngày 28/05/2019, khu trục hạm Pháp FS Forbin cập cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, Sài Gòn). Đây là "hoạt động thăm viếng" đầu tiên bằng hình thức này của Hải quân Pháp với Việt Nam.
Không quốc gia phương Tây nào mà Việt Nam xây dựng quan hệ quốc phòng mạnh bằng với Mỹ. Từ năm 2008, hai nước đã tiến hành các cuộc đối thoại quốc phòng-an ninh-chính trị hàng năm giữa hai Bộ Ngoại giao. Đến năm 2010, các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa cấp cao quân đội hai nước bắt đầu được thực hiện. Tính đến cột mốc ngày 16/12/2013, khi Ngoại trưởng John Kerry và đồng cấp Phạm Bình Minh ra thông cáo báo chí chung tại Hà Nội trong đó có có đoạn "Hôm nay tôi rất vui mừng loan bố khoản viện trợ Mỹ trị giá 32,5 triệu USD cho lực lượng cảnh sát biển các nước Đông Nam Á" (trong đó có 18 triệu USD cho Việt Nam), quan hệ quân sự Việt-Mỹ đã tiến một bước dài. Một tháng sau tuyên bố "Mỹ có lợi ích quốc gia về tự do hàng hải tại biển Đông" của Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Hà Nội, ngày 10/08/2010, khu trục hạm USS John McCain đã xuất hiện tại Đà Nẵng. Hai ngày trước đó, một nhóm quan chức Việt Nam cũng được chở ra hàng không mẫu hạm USS George Washington…
Trước đó, quan hệ quân sự hai bên bắt đầu bằng những bước dò đường. Năm 2000, William Cohen trở thành bộ trưởng quốc phòng Mỹ đầu tiên đến Hà Nội. Năm 2003, tàu chiến Mỹ bắt đầu ghé thường niên các cảng Việt Nam. Tháng 12 cùng năm, tướng Phạm Văn Trà kinh lý Mỹ. Tháng 6/2006, Bộ trưởng Donald Rumsfeld đến Hà Nội. Năm 2007, Nội các Bush điều chỉnh Luật mua bán vũ khí quốc tế (ITAR) nhằm cho phép cấp "giấy phép việc xuất nhập khẩu các hạng mục quốc phòng không sát thương" theo từng trường hợp. Tháng 6/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kinh lý Mỹ. Hai bên đồng ý tổ chức thường niên các cuộc đối thoại an ninh-chiến lược cấp thứ trưởng và trợ lý thứ trưởng. Cuộc đối thoại đầu tiên được tổ chức tại Washington vào tháng 10 cùng năm. Tháng 12/2009, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đi Mỹ. Tháng 6/2012, Bộ trưởng Leon Panetta qua Việt Nam…
Chuỗi sự kiện liên quan quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt sau đó có thể được tóm tắt bằng loạt ghé thăm của tàu chiến Mỹ và việc mở cửa quân cảng Cam Ranh cho tàu Mỹ vào sửa chữa bảo trì. Giới chức quân sự Việt Nam cũng nhiều lần được chở ra thăm các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ. Năm 2012, Việt Nam lần đầu tiên gửi quan sát viên tham dự cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương. Tháng 6/2013, tướng Đỗ Bá Tỵ đến Lầu năm góc (vài tuần trước chuyến ghé Nhà trắng của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang). Tháng 10/2013, Việt-Mỹ tổ chức hai cuộc họp thường niên quan trọng về an ninh : Đối thoại quốc phòng-an ninh-chính trị lần thứ 6 ; và Đối thoại chính sách quốc phòng lần thứ 4… Gần đây hơn, tháng 4/2019, Philip Davidson, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn-Thái Bình Dương của Mỹ, đã đến Việt Nam. Năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đến Việt Nam không chỉ một mà là hai lần (tháng 1 và tháng 10). Và trước khi hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng vào tháng 5/2018, tháng 10/2017, Nguyễn Chí Vịnh đã trở thành quan chức cao cấp nhất của Việt Nam đặt chân lên chiến hạm này (vài ngày sau khi Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Phạm Quang Vinh, tham quan hàng không mẫu hạm USS George H.W. Bush tại Norfolk, bang Virginia)…
Vấn đề cần chú ý không chỉ là những cuộc tiếp xúc, ký kết, trao đổi… liên quan hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với phương Tây. Trong thực tế, hầu hết các cuộc mở rộng hợp tác quốc phòng dường như vẫn giới hạn ở khuôn khổ đối ngoại hơn là "có thực chất". Chúng truyền tải những thông điệp nhằm cho Bắc Kinh thấy Việt Nam luôn xoay chuyển ứng biến trước mối đe dọa Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Việt Nam ráo riết và tích cực trong việc "thắt chặt", "nâng cấp" và "đi vào chiều sâu" trong các quan hệ quốc phòng với các nước dường như vẫn không đủ để làm Trung Quốc… "sợ". Chính sách quốc phòng Việt Nam có lẽ không đạt hiệu quả đủ mạnh để Trung Quốc có thể "ngán", đặc biệt khi Hà Nội vẫn chưa dám bước sang "lằn ranh" để đưa quan hệ Mỹ-Việt trở thành "đối tác chiến lược".
Theo công thức đối ngoại Việt Nam, quan hệ ngoại giao được thiết lập theo các cấp độ : thấp nhất là "đối tác", rồi "đối tác toàn diện", "đối tác chiến lược", và cao nhất là "đối tác chiến lược toàn diện". Cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn đặt Mỹ ở cấp độ "đối tác toàn diện" (ký kết vào tháng 7/2013). Trong khi đó, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ký kết "đối tác chiến lược" với 16 quốc gia (Nga-2001 ; Nhật-2006 ; Ấn Độ-2007 ; Trung Quốc-2008 ; Hàn Quốc và Tây Ban Nha-2009 ; Anh-2010 ; Đức-2011 ; Pháp, Indonesia, Ý, Singapore, Thái Lan-2013 ; Malaysia và Philippines-2015 ; Úc-2017).
Các quan hệ này đã được điều chỉnh theo thời gian. Năm 2009, quan hệ với Hàn Quốc được nâng lên "đối tác hợp tác chiến lược" ; năm 2014, quan hệ với Nhật được nâng lên "đối tác chiến lược mở rộng" ; năm 2012, quan hệ với Nga thành "đối tác chiến lược toàn diện" và tương tự với Ấn vào năm 2016. Với Trung Quốc, Hà Nội đã nâng lên đến cấp độ "đối tác hợp tác chiến lược toàn diện", vào năm 2009. Như vậy, xét theo chính sách ngoại giao Hà Nội, Trung Quốc hiện là "đối tác" quan trọng nhất ; trong khi Mỹ là "ít quan trọng nhất" (cùng chung "hạng" với Argentina, Brazil và Bồ Đào Nha !), thậm chí Mỹ còn kém hơn Myanmar, nước mà Hà Nội xếp vào nhóm "đối tác hợp tác toàn diện" hồi năm 2017.
Có gì khác nhau giữa "đối tác toàn diện" và "đối tác chiến lược" ? Trả lời phỏng vấn báo Chính Phủ (14/12/2015), ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao, giải thích : "Đối tác chiến lược có đặc điểm nổi bật là không chỉ có sự hiểu biết lẫn nhau sâu sắc, mà hai bên còn có lòng tin chính trị ở mức cao. Giữa hai nhà nước, giữa lãnh đạo cấp cao thường xuyên có trao đổi, thăm viếng lẫn nhau. Giữa hai nước hình thành nên các cơ chế hợp tác toàn diện, trong đó ưu tiên cho một số lĩnh vực hợp tác chiến lược… Còn đối tác toàn diện ở cấp độ thấp hơn một chút, chủ yếu nhấn mạnh khía cạnh hợp tác toàn diện, cùng có lợi. Nói tóm lại, đối tác chiến lược có ý nghĩa quan trọng cả về chính trị và các cơ chế hợp tác cùng có lợi, trong khi đối tác toàn diện chủ yếu tập trung vào khía cạnh hợp tác cụ thể".
Theo đó, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đặt trên cơ sở "có lòng tin chính trị ở mức cao" ; trong khi Việt Nam với Mỹ là "hợp tác toàn diện, cùng có lợi". Trong thực tế, ngôn ngữ dùng để "minh họa" cho quan hệ Việt-Trung mà giới ngoại giao-viên chức Việt Nam sử dụng luôn vượt khỏi khuôn khổ ngoại giao bình thường. Nó luôn được trang điểm bằng những từ vựng màu mè nhất có thể và nó đã là thứ sáo ngữ quen thuộc được dùng xuyên suốt từ thời Hồ Chí Minh-Mao Trạch Đông đến nay.
Tháng 5/2019, tại Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tiếp đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Báo Nhân Dân (27/05/2019) cho biết, hai bên đã "tập trung đánh giá kết quả triển khai Nghị định thư về hợp tác quốc phòng song phương năm 2003, Tuyên Bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2025 của Bộ Quốc phòng hai nước đã ký năm 2017… Nổi bật là, hoạt động tiếp xúc cấp cao và các chuyến thăm của lãnh đạo quân đội hai nước được thúc đẩy duy trì thường xuyên ; một số cơ chế hợp tác được thiết lập, mở rộng về nội dung và hình thức như : Đối thoại Chiến lược quốc phòng, giao lưu sĩ quan trẻ, tuần tra liên hợp trên Vịnh Bắc Bộ, giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới, hợp tác công tác đảng, công tác chính trị, đào tạo ; hợp tác giữa các quân khu giáp biên giới hai nước"…
Hai bên cũng "xác định", rằng "năm 2019 là năm bản lề mang tính đột phá trong quan hệ hai quân đội hướng tới chào mừng 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2020. Trong đó, thống nhất, thời gian tới tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng trên các lĩnh vực : công tác đảng, công tác chính trị ; hoàn thành các công trình nghiên cứu khoa học lịch sử, phim tài liệu ; tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực quân y ; hợp tác giữa các quân chủng Hải quân, Phòng không - Không quân, lực lượng bảo vệ biên giới, công nghiệp quốc phòng, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới Chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới và quan hệ giữa các quân khu, biên phòng, Hải quân, Không quân của Việt Nam với Chiến khu Miền Nam của Trung Quốc…".
Chưa bao giờ có bất kỳ thỏa thuận hợp tác quốc phòng nào giữa Việt Nam với các nước lại "toàn diện" như những gì Việt Nam "cam kết" với Trung Quốc. Do đó, cho dù có tổ chức bao nhiêu cuộc gặp với giới chức quân sự phương Tây, cho dù đón bao nhiêu tàu chiến Mỹ, cho dù mua bao nhiêu vũ khí, Việt Nam vẫn không thể xây dựng được niềm tin với các "đối tác" và khiến cho Trung Quốc chùn tay. Việt Nam không thể vừa là đối thủ quân sự "đáng sợ" khi mà Việt Nam cùng lúc nằm chung "chiến hào" với chính "đồng chí" vốn to khỏe hơn gấp nhiều lần. Những thông điệp "hợp tác quốc phòng với EU" hay cái bắt tay với tướng lĩnh Mỹ dường như cũng chỉ là những tín hiệu để mặc cả giúp hạn chế bớt cái nút thắt của sợi thòng lọng Trung Quốc. Một khi Việt Nam còn chưa nhận ra vấn đề chủ quyền và tương lai dân tộc không phải nằm ở cái gọi là "lời nguyền địa lý" mà chính là "lời nguyền thể chế" thì mọi nỗ lực vận động đối ngoại và hợp tác quốc phòng cũng chỉ là những thông điệp có "hàm lượng" "răn đe" nhẹ đến mức không đủ để làm gợn nổi một ngọn sóng biển Đông.
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 06/08/2019
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Nhật Bản đồng ý hợp tác đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông (RFA, 04/05/2019)
Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Việt Nam và Nhật Bản hôm thứ Năm, 2/5 đã đồng ý sẽ hợp tác đối phó một cách hoà bình với Trung Quốc ở Biển Đông. Trang tin Japan Times loan tin này hôm 4/5.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam Courtesy of dangcongsan.vn
Nói với người đồng nhiệm trong cuộc gặp ở Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya giải thích hướng dẫn quốc phòng quốc gia mới của Nhật Bản đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái đã xác định các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và các vùng nước xung quanh là một mối quan ngại an ninh nghiêm trọng trong khu vực bao gồm cả Nhật Bản và cộng đồng quốc tế.
Nhật Bản đã nhiều lần lên tiếng phản đối hành động xây lấp đảo nhân tạo và quân sự hoá của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, nơi nước này đang có tranh chấp với một số nước láng giềng trong đó có Việt Nam.
Trong cuộc gặp lần này, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã trao đổi một bản ghi nhớ về hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa hai nước.
Theo bản ghi nhớ này, các hợp tác giữa hai bên sẽ bao gồm an ninh biển, trợ giúp nhân đạo, an ninh mạng. Japan Times trích các nguồn tin giấu tên cho biết.
Nhật Bản là nước trong các năm qua đã hỗ trợ Việt Nam các tàu tuần duyên nhằm tăng cường khả năng tuần tra biển cho lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam.
Nhật Bản cũng là nước đang có tranh chấp với Trung Quốc ở khu vực Đông Hải nơi có quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
*****************
Việt Nam - Nhật Bản tăng cường quan hệ quốc phòng (RFA, 03/05/2019)
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và người đồng cấp Nhật Bản Takeshi Iwaya trong buổi hội đàm tại Hà Nội hôm 2/5/2019 đã đồng ý tiếp tục tăng cường quan hệ quốc phòng song phương giữa hai nước trong năm nay và tiếp sau đó.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và người đồng cấp Nhật Bản Tekeshi Iwaya tại Hà Nội hôm 2/5/2019. Courtesy of nhandan.org.vn
Truyền thông trong nước loan tin hôm 3/5 cho biết buổi hội đàm diễn ra nhân chuyến thăm của ông Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đến Việt Nam từ 2 – 4/5/2019.
Theo đó tại buổi hội đàm, hai ông bộ trưởng tuyên bố hai nước sẽ tận dụng các cơ chế hợp tác hiện có và các thỏa thuận quốc phòng đã ký kết cho mục tiêu tăng cường quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Vấn đề quốc phòng được nói là một trong những nội dung quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Hà Nội và Tokyo.
Bản ghi nhớ về hợp tác và trao đổi quốc phòng được hai nước ký kết vào tháng 10/2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam – Nhật Bản về hợp tác quốc phòng trong thập kỷ tiếp theo được ký kết vào tháng 4/2018 được nhận định là giúp tăng cường niềm tin chính trị giữa đôi bên.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch nhân dịp này cũng cảm ơn Nhật Bản vì đã hỗ trợ chi phí phục hồi cho Việt Nam sau chiến tranh và những sáng kiến về cơ chế hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng.
Kể từ năm 2009, Nhật Bản đã viện trợ gần 5,5 triệu USD cho hai dự án rà phá bom mìn ở các tỉnh Quảng Trị và Hà Tĩnh của Việt Nam.
Việt Nam và Nhật Bản được nói cũng đang hợp tác để thử nghiệm các công nghệ xử lý chất độc da cam tại sân bay Biên Hòa.
Hiệp hội nạn nhân dioxin Việt Nam gửi thư đến tòa án Mỹ yêu cầu công lý cho các nạn nhân (RFA, 19/04/2019)
Hiệp hội nạn nhân chất da cam / Dioxin Việt Nam (VAVA) tuần này đã gửi thư đến tòa án Hoa Kỳ yêu cầu công lý cho các nạn nhân chất da cam Việt Nam.
Khu vực thực hiện Dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa. Courtesy vava.org.vn
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 18/04/2019.
Tập đoàn hóa chất Hoa Kỳ Monsanto là một trong những nhà cung cấp chính của hơn 80 triệu lít thuốc diệt cỏ có chứa chất da cam mà Mỹ đã rải khắp miền Nam Việt Nam từ năm 1961 đến 1971 để khai quang những khu rừng rậm nhiệt đới bị cho là nơi ẩn náu của quân đội Bắc Việt Nam.
Trong thư gởi Tòa án Mỹ, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Phó chủ tịch VAVA và Chủ tịch Hiệp hội nạn nhân chất da cam / Dioxin thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam yêu cầu các nhà cung cấp thuốc diệt cỏ cho Hoa Kỳ trong chiến tranh phải chịu trách nhiệm bằng cách hỗ trợ cho người dân Việt Nam và xử lý môi trường,
Năm 2004, các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam đã đệ đơn kiện 37 công ty hóa chất Mỹ, trong đó nổi bật là Monsanto và Dow Chemical, yêu cầu các công ty cung cấp thuốc diệt cỏ cho quân đội Mỹ trong chiến tranh phải có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ khắc phục hậu quả của chất da cam với con người và môi trường Việt Nam. Tuy nhiên, đơn kiện này bị tòa liên bang Mỹ bác bỏ ba lần với lý do không đủ căn cứ.
Vào tháng 3 năm nay, một bồi thẩm đoàn liên bang ở San Francisco đã trình chứng cứ cho thấy thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto có tác hại trực tiếp lên cơ thể con người, là yếu tố quan trọng gây ra bệnh ung thư của cư dân California Edwin Hardeman, 70 tuổi và yêu cầu Monsanto bồi thường cho Hardeman gần 81 triệu USD
Tòa án San Francisco tháng 8/2018 đã ra phán quyết buộc Monsanto phải bồi thường 288 triệu USD cho công dân Dewayne Johnson sau khi ông này bị ung thư vì tiếp xúc trong thời gian dài với thuốc diệt cỏ Roundup và Ranger Pro do công ty hóa chất này sản xuất.
Bằng cách nhấn mạnh những trường hợp này, VAVA hy vọng tòa án Hoa Kỳ sẽ xem xét vụ kiện kể từ năm 2004 để công lý được mang đến cho hơn 4,8 triệu nạn nhân chất da cam ở Việt Nam.
*****************
Việt Nam lại đâm đơn lên tòa Mỹ đòi bồi thường cho nạn nhân chất da cam (VOA, 18/04/2019)
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vừa gửi đơn lên tòa án Hoa Kỳ, "kêu gọi hành động đúng nghĩa vì cuộc sống của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam".
Một phần sân bay Biên Hòa, một khu vực được cho là bị nhiễm chất da cam ở Việt Nam.
Báo VietnamNet hôm 18/4 cho biết Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thành phố Hồ Chí Minh vừa gửi thư tới một tòa án Mỹ, yêu cầu các công ty hóa chất Hoa Kỳ bồi thường cho nạn nhân chất da cam ở Việt Nam.
Vào năm 2004, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kiện công ty Monsanto, công ty Dow Chemical và hơn 30 công ty đã sản xuất chất da cam lên tòa án tại New York. Tuy nhiên, thẩm phán Jack Weinstein đã ra phán quyết cho rằng việc cung cấp chất độc không cấu thành tội ác chiến tranh.
Truyền thông Việt Nam cho biết VAVA đã ba lần bị tòa án Mỹ bác đơn.
VietnamNet hôm 18/4 trích thư gửi tòa án Mỹ của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ nhắc lại kết luận của bồi thẩm đoàn tại tòa án liên bang San Francisco, Mỹ, hôm 19/3/2019, nói rằng thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto có tác hại trực tiếp lên cơ thể con người, là yếu tố quan trọng gây ra bệnh ung thư của cư dân California Edwin Hardeman, 70 tuổi, và yêu cầu Monsanto bồi thường cho Hardeman gần 81 triệu đôla.
Truyền thông Việt Nam trích lời ông Thổ đặt nghi vấn : "Trong khi các nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Mỹ được bồi thường thì ‘công lý nào cho cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam’ khi đang từng ngày bị chất độc hóa học hủy diệt đến tận cùng ? Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đau xót khi phía Mỹ bác đơn kiện vì cho là thiếu chứng cứ ?".
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ nói thêm : "Xin qúy vị hãy lật lại hồ sơ từ năm 2004 đến nay của nguyên đơn là nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đối với bị đơn Monsanto, Dow Chemical. Hy vọng cán cân công lý luôn công minh".
Thống kê của Việt Nam cho biết hiện có hơn 4,8 triệu nạn nhân của chất da cam/dioxin, đang bị hủy diệt từ từ do ung thư và các loại bệnh hiểm nghèo.
*******************
Đoàn Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ thăm Việt Nam (RFA, 18/04/2019)
Đoàn Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ do Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Hoa Kỳ dẫn đầu hôm 18/4 có cuộc gặp người đứng đầu ngành quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, tại Hà Nội.
Đoàn trợ lý Nghị sĩ Hoa Kỳ thăm địa điểm Dự án "Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng" hôm 17/04/2019. Courtesy chinhphu.vn
Tại buổi tiếp đón, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết tin tưởng chuyến thăm của đoàn Thượng nghị sĩ sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ đối tác toàn diện Mỹ - Việt Nam.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch đánh giá cao hợp tác quốc phòng giữa hai nước cũng như công tác khắc phục hậu quả chiến tranh.
Vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đánh giá cao đóng góp của cá nhân Thượng nghị sĩ Patrick Leahy đối với thành công của Dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Ông hy vọng Thượng nghị sĩ Patrick Leahy tiếp tục có những đóng góp để Dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa sắp tới sẽ thành công.
Thượng nghị sĩ Patrick Leahy bày tỏ vui mừng trở lại thăm Việt Nam, đồng thời khẳng định cá nhân ông rất quan tâm và trên cương vị của mình sẽ nỗ lực hết sức để Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa thành công tốt đẹp. Tin cho biết vào ngày 20 tháng 4, công tác này được khởi sự.
Trước đó vào chiều ngày 17/4, Đoàn Trợ lý Nghị sĩ Hoa Kỳ do bà Terra Lynn Sabag, Phó Chánh văn phòng Hạ Nghị sĩ Rick Larsen làm trưởng đoàn đã đến thăm địa điểm thực hiện Dự án xử lý ô nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng.
Bà Terra Lynn Sabag bày tỏ vui mừng trước những kết quả đạt được của dự án, góp phần làm sạch và giải phóng gần 30ha để nâng cấp, mở rộng sân bay Đà Nẵng.
Sau chuyến thăm Đà Nẵng, Bà Terra Lynn Sabag cũng có chuyến thăm và làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 18/4 theo Chương trình Trao đổi Văn hóa Giáo dục Việt Nam-Hoa Kỳ (MECEA).
Trong thời gian ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Terra Lynn Sabag và đoàn trợ lý nghị sĩ Hoa Kỳ có chuyến thăm, làm việc với Phòng Thương mại Hoa Kỳ-Việt Nam (Amcham) ; thăm Công ty Intel ; Trường Đại học Fulbright, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi.
*******************
Mỹ, Việt Nam cam kết tăng cường hợp tác an ninh năng lượng (VOA, 17/04/2019)
Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam tái khẳng định cam kết của hai bên sẽ tăng cường hợp tác về an ninh năng lượng, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Mỹ và Việt Nam cam kết tăng cường hơn nữa trong việc hợp tác về an ninh năng lượng.
Trong một thông cáo chung ra hôm 12/4, Bộ Ngoại giao Mỹ nói hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam vừa tổ chức Đối thoại an ninh năng lượng Mỹ-Việt Nam thường niên tại Washington, DC, trong cùng ngày.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong thông cáo : "Hai phái đoàn Mỹ và Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh năng lượng đối với phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh kinh tế khu vực tăng trưởng mạnh mẽ đi kèm với nhu cầu cao về năng lượng".
Thông cáo này viết thêm : "Cả hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc phải cải thiện tính minh bạch và sự ổn định của môi trường đầu tư ngành năng lượng Việt Nam thông qua sự phát triển do lĩnh vực tư nhân dẫn đầu và các cải cách về thể chế".
Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các nguồn năng lượng, Francis Fannon, đề nghị Mỹ tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật để đẩy mạnh các nỗ lực nhằm nâng cao năng lực điều tiết của Cơ quan quản lý điện lực Việt Nam (ERAV).
Theo phóng viên Thông Tấn Xã Việt Nam tại Washington, tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và tập đoàn General Electric (GE) của Mỹ đã ký hợp đồng tư vấn về nghiên cứu hệ thống tích điện phục vụ phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian diễn ra đối thoại. Tuy nhiên không có chi tiết nào cụ thể về hợp đồng mới ký kết này được đưa ra.
Các đại diện Việt Nam đã thảo luận về chương trình thí điểm về Thỏa thuận mua điện trực tiếp (DPPA), trong đó cho phép các tập đoàn Hoa Kỳ có mục tiêu năng lượng tái tạo 100% được mua trực tiếp điện từ các nguồn năng lượng tái tạo cho các cơ sở sản xuất của họ ở Việt Nam.
Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nêu bật sự ủng hộ của họ và hợp tác với Bộ Công Thương Việt Nam về những cải cách cho ngành điện, tăng cường năng lượng tái tạo và khả năng lưu trữ của Việt Nam, thúc đẩy nhập khẩu khí đốt thiên nhiên và tăng cường hiệu quả năng lượng.
Các phái đoàn Mỹ và Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác trong tất cả mọi lĩnh vực được thảo luận trong cuộc đối thoại tại Washington, và sẽ thẩm định lại những tiến bộ tại Đối thoại An ninh Năng lượng Mỹ-Việt lần thứ 3 vào năm 2020 sẽ tổ chức tại Việt Nam.
Thấy nhiều người "hí hửng" về tin "Mỹ-Việt tăng hợp tác quốc phòng" đăng trên BBC.
Ông Ngô Xuân Lịch vừa đi thăm "Ngũ giác đài", nơi đặt bản doanh Bộ quốc phòng siêu cường Hoa Kỳ. Nơi đây ông Lịch "bắt tay" với ông chủ "lầu năm góc" Jim Mattis.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch chào cờ trước hàng quân danh dự tại Ngũ Giác Đài.
Không biết ý nghĩa của việc "tăng hợp tác quốc phòng" giữa hai quốc gia "cựu thù" là những gì.
"Chính thức hóa quan hệ" thì hai bên đã quan hệ ngoại giao "chính thức" từ lâu.
Về quan hệ quốc phòng hai bên cũng không có gì "cản trở" hay "dấu diếm". Lệnh "cấm vận vũ khí sát thương" đã được Obama gỡ từ năm ngoái.
Việt Nam vẫn không (hay chưa) mua được vũ khí tối tân của Mỹ (và các nước Tây phuong) không phải vì các nước này không bán.
Thương vụ được bày ra trước công luận vừa rồi, quí ông "tướng hạm" của Việt Nam đòi Mỹ "lại quả" 25% tiền mua sắm. Số tiền này được chia vào các tài khoản của các "hạm tướng phu nhơn" đóng ở Singapour.
Từ "hạm", lấy ở "hạm đội", được dùng để chỉ cho các viên chức "tham nhũng" bậc "gộc" thời Việt Nam Cộng Hòa. "Tướng hạm" để chỉ cho mấy ông tướng "ăn của dân không từ một thứ gì", nghĩ thấy cũng "hạp".
Theo tôi ông Lịch qua gặp Mattis kỳ này chắc là để thông báo rằng mấy ông "tướng hạm" đã đồng ý "hy sinh quyền lợi tập thể", cam kết "trả tiền đủ", không đòi lại hoa lại quả 25% nữa.
Thì ông Mattis cũng không có gì phiền lòng. Bán súng hay bán thịt bò đều nằm trong chủ trương tạo công ăn việc làm cho nước Mỹ của tổng thống Trump.
Dĩ nhiên tôi hết sức hoan nghênh việc mua bán này. Lại càng "bái phục" hàng tướng lãnh Hoa Kỳ đã cương quyết không chấp nhận vụ "tiền dưới bàn" trong các thương vụ mua bán vũ khí.
Chợt nhớ lại mấy chiếc tàu ngầm của Việt Nam mua của Nga. Sau khi "lại quả" (ít ra 25%) không biết chúng có khả năng "đánh đấm" gì nữa không ? hay chúng chỉ là những cục sắt biết lặn ?
25% đủ để trang bị "cục sắt biết lặn" trở thành một thứ vũ khí bảo vệ lãnh thổ.
Lấy ra 25%, vũ khí hữu hiệu bảo vệ lãnh thổ trở thành "cục sắt biết lặn".
Vấn đề là chuyến đi của ông Lịch có thể "vớt vát" điều chi ở Biển Đông ?
BBC đăng lại ý kiến của "nhà phân tích chính trị Hà Hoàng Hợp" rằng "thoả thuận hợp tác quốc phòng này phù hợp với chiến lược ngoại giao của Việt Nam, đó là mở cửa cho tất cả các nước".
Lại "thỏa thuận hợp tác quốc phòng".
Khi nói "mở của cho tất cả các nước" thì "thỏa thuận quốc phòng" chỉ là lời "bóng gió", không có ý nghĩa gì cả.
Theo tôi, việc ông Lịch đi gặp đồng nhiệm Jim Mattis trong thời điểm này, chắc chắc có liên hệ với hai vấn đề "Biển Đông" và Bắc Hàn.
Có hai giả thuyết.
Một, Việt Nam sẽ là "món hàng" trao đổi giữa Mỹ à Trung Quốc. Mỹ "thanh toán" kho vũ khí nguyên tử Bắc Hàn. Trung Quốc lo "hậu sự" Biển Đông.
Hai, Việt Nam đứng cùng với Mỹ, sẵn sàng chống Trung Quốc trong việc "giải quyết" vấn đề Bắc Hàn.
Thời gian qua, nghiệm đúng giả thuyết thứ nhứt. Việt Nam đã thực sự cảm nhận sự "cô đơn" trong vụ rút giàn khoan ở lô 136-03. "Biển Đông càng để lâu càng khó".
Quyết định "xoay trục" qua Mỹ là thái độ khôn ngoan, trở lại giả thuyết 2. Nhưng không biết có đủ thời giờ nữa hay không ?
Ý kiến của ông Hà Hoàng Hợp :
"Việt Nam sẽ không thỏa hiệp về vấn đề chủ quyền và cũng đã có sự chuẩn bị riêng mình".
Việt Nam chẳng có sự "chuẩn bị riêng" nào hết cả.
Vụ Trung Quốc hăm dọa "mầy không rút, tao đánh" ở lô 136-03 là bằng chứng.
Nếu "có chuẩn bị riêng" thì Việt Nam đã không "gài số de" bẽ bàng như vậy. Vụ lùm xùm "Vạn An Bắc" (bao gồm các bãi Tư Chính, vũng Mây, Nam Côn Sơn) đã bắt đầu từ năm 1992. Tức là 25 năm rồi.
25 năm mà không có chuẩn bị gì cả.
Vì nếu "có chuẩn bị" thì không thể "rút đơn thuần", vì sau đó còn phải bồi thường cho đối tác Repsol.
Thật là một tập đoàn lãnh đạo vô trách nhiệm.
Còn về vấn đề chủ quyền. Ý kiến của ông Hà Hoàng Hợp thấy cũng "tức cười".
Bởi vì nếu ông này thông hiểu hết các vấn đề biên giới trên đất liền, ranh giới trong vịnh Bắc Việt, các đảo nhân tạo của Trung Quốc xây trên lãnh thổ chiếm được của Việt Nam… thì ông sẽ không nói vậy.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 09/08/2017
Việt Nam và Mỹ đẩy mạnh hợp tác quốc phòng (RFI, 01/06/2017)
Nhân chuyến công du nước Mỹ của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc kết thúc ngày hôm 31/05/2017, Washington và Hà Nội đã nhất trí tăng cường quan hệ quốc phòng và quân sự, đồng thời nhấn mạnh đến nhu cầu tôn trọng quyền tự do hàng không và hàng hải tại Biển Đông, chống mọi hành vi quân sự hóa khu vực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) bắt tay thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng, Washington, ngày 31/05/2017. REUTERS/Jonathan Ernst
Dấu hiệu rõ ràng nhất về quyết tâm tăng cường và phát triển quan hệ quốc phòng và quân sự song phương được thể hiện trong Tuyên Bố Chung về Tăng Cường Đối Tác Toàn Diện Việt Nam - Hoa Kỳ, được công bố sau cuộc hội đàm giữa thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc với tổng thống Mỹ Donald Trump, tại Nhà Trắng, Washington.
Trong bản tuyên bố chung, hai lãnh đạo Việt-Mỹ đã nêu nhiều yếu tố cho thấy rõ mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ quốc phòng, quân sự, theo chiều hướng Mỹ giúp Việt Nam nâng cao năng lực kiểm soát vùng biển của mình, còn Việt Nam sẵn sàng mua tàu tuần tra biển của Mỹ. Thông cáo chung nêu rõ : "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện quan tâm tới việc tiếp nhận thêm trang thiết bị quốc phòng từ Hoa Kỳ, bao gồm các tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển".
Hai bên cũng đã thảo luận về khả năng tàu sân bay Mỹ ghé thăm cảng Việt Nam và "các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các lực lượng hải quân hai nước".
Một đề nghị khác từ phía Hoa Kỳ đối với Việt Nam lần này đã được hai bên chính thức thúc đẩy : Đó là việc Việt Nam cho quân đội Mỹ lưu trữ những thiết bị vật tư trên lãnh thổ Việt Nam để có thể sử dụng ngay khi cần thiết, trước mắt là về các thiết bị nhân đạo.
Bản tuyên bố chung nói rõ : "Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc ký Bản Ghi Nhớ thành lập nhóm làm việc về Sáng Kiến Hợp Tác Lưu Trữ vật tư y tế và hợp tác nhân đạo, đồng thời nhất trí khẩn trương triển khai thỏa thuận này".
Riêng về Biển Đông, tổng thống Donald Trump nhắc lại cam kết Mỹ sẽ bảo vệ quyền tự do đi lại trên Biển Đông, và phản đối mọi hoạt động nhằm quân sự hóa khu vực.
Hai bên đã nhấn mạnh trở lại "tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác", đồng thời bày tỏ quan ngại về những "tác động bất ổn mà những hạn chế bất hợp pháp đối với tự do trên biển gây ra đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương".
Phần tuyên bố chung liên quan đến Biển Đông tái khẳng định lập trường phản đối các hoạt động quân sự hóa khu vực : "Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh các bên cần kiềm chế, không có các hành động có thể gây gia tăng căng thẳng, như việc quân sự hóa các cấu trúc có tranh chấp. Tổng thống Trump nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay di chuyển và hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".
Dù không chỉ đích danh nước nào, nhưng nội dung hai lãnh đạo Mỹ-Việt nêu lên trong bản tuyên bố chung đều ám chỉ các hành vi của Trung Quốc.
Trọng Nghĩa
************************
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi thảo luận về cơ hội và thách thức về hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển diễn ra tại Quỹ Di sản Hoa Kỳ chiều ngày 31/5. Screen capture
Việt Nam ủng hộ sự tham gia của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để đảm bảo an ninh, tự do hàng hải và ủng hộ việc giải quyết tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hoà bình và tuân thủ luật quốc tế.
Đó là lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi thảo luận về cơ hội và thách thức về hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển diễn ra tại Quỹ Di sản Hoa Kỳ chiều ngày 31/5.
Chúng tôi hoan nghênh các quốc gia và đối tác trong đó có cả Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguyên tắc an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Chúng tôi đánh giá cao việc chính phủ, các tầng lớp chính khách, học giả của Hoa Kỳ ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, không thay đổi nguyên trạng quân sự hóa, thực hiện đầy đủ và hiệu quả tuyên bố về ứng xử giữa các bên trên biển Đông DOC và sớm đạt được bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở biển Đông COC.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng nói rằng việc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông cần dựa trên sự hợp tác giữa các nước chứ không chỉ vì quyền lợi ích kỷ của riêng một quốc gia nào.
Trung Quốc hiện đơn phương tuyên bố chủ quyền hầu hết khu vực biển Đông trong phạm vi đường đứt khúc 9 đoạn Trung Quốc tự vạch ra. Hiện biển Đông cũng là khu vực tranh chấp giữa các quốc gia Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia, và Đài Loan. Gần đây Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự hóa khu vực này bất chấp sự phản đối của Hoa Kỳ và các nước trong khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng Việt Nam và Hoa Kỳ cùng chia sẻ những lợi ích từ an ninh hàng hải tại Châu Á – Thái Bình Dương và cho đó là cơ sở để Hoa Kỳ hợp tác gìn giữ hòa bình khu vực này.
Hơn ai hết, chúng tôi thấu hiểu những giá trị hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng chung trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng tôi tin rằng trên phương diện địa chiến lược Việt Nam và Hoa Kỳ là những đối tác cùng chia sẻ các giá trị và nguyên tắc làm nền tảng và cơ sở quan trọng cho gìn giữ hòa bình, hợp tác phát triển khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Nói về tình hình an ninh khu vực và quan hệ Mỹ-Trung, vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam hy vọng quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ luôn ổn định :
Chúng tôi mong muốn Trung Quốc và Hoa Kỳ phát triển ổn định, phù hợp với lợi ích của hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở khu vực.
Hai ông lớn mà làm căng chúng ta cũng gay go. Việt Nam có câu "trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết".
Về kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng quan hệ thương mại giữa hai nước bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh vì Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam những mặt hàng công nghệ cao còn Việt Nam cung cấp cho Mỹ những sản phẩm nông nghiệp, giầy dép, may mặc...
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt khoảng 52 tỷ đô la vào năm 2016.
Ông Phúc cũng nhắc lại những hợp đồng thương mại trị giá 15 tỷ đô la Việt Nam mới ký với Mỹ trong chuyến thăm này. Phần lớn những hợp đồng này là nhập thiết bị của Mỹ.
Sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào chiều ngày 31/5, ông Nguyễn Xuân Phúc nói rằng hai bên đã bàn thảo thành công về các biện pháp trợ giúp doanh nghiệp hai nước kinh doanh và tạo việc làm. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump cũng nói rằng ông hoan nghênh những hợp đồng trị giá hàng tỷ đô với Việt Nam để tạo việc làm cho người Mỹ và giúp Việt Nam vấn đề thiết bị.
Về giáo dục, Thủ tướng Việt Nam đề cập đến các dự án giáo dục chung với Mỹ ở Việt Nam như trường Full Bright và khoảng 21.000 du học sinh Việt tại Mỹ đã giúp mối quan hệ giáo dục giữa hai nước thêm gắn kết.
Trong phần trả lời câu hỏi, vị lãnh đạo Việt Nam đề cập đến tình hình lưu vực sông Mekong bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các đập thủy điện ở thượng nguồn. Ông cho biết Việt Nam đã làm việc với ủy hội sông Mekong và các nước liên quan để giảm thiểu tác động đến đời sống người dân. Đồng thời Thủ tướng Việt Nam cũng gửi lời cám ơn tới Hoa Kỳ vì đã lên tiếng với các nước có liên quan để bảo vệ đời sống người dân khu vực này.
Lan Hương, phóng viên RFA
********************
Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ thăm Việt Nam (RFA, 01/06/2017)
Ủy ban Quân vụ thượng Viện Hoa Kỳ do thượng nghị sĩ John Mc Cain dẫn đầu vào ngày 1 tháng 6 có cuộc gặp với chủ tịch Quốc hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Vào chiều ngày 31 tháng 5, phái đoàn Ủy ban Quân vụ thượng Viện Hoa Kỳ cũng có cuộc làm việc với Bộ Quốc phòng Việt Nam. Courtesy mod.gov.vn
Cuộc gặp diễn ra tại Nhà Quốc hội Việt Nam.
Thông tấn xã Việt Nam trích dẫn phát biểu của bà Nguyễn Thị Kim Ngân tại cuộc gặp với thượng nghị sĩ John McCain rằng chuyến thăm của Ủy ban Quân vụ thượng viện Hoa Kỳ vào dịp này góp phần tăng cường quan hệ hai nước trong bối cảnh hợp tác toàn diện giữa đôi bên đang phát triển tốt.
Bà Ngân nhắc lại phát triển nhanh trong lĩnh vực thương mại giữa hai nước từ mức chừng 300 triệu đô la Mỹ năm 1995 khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao cho đến trên 53 tỷ đô la Mỹ vào năm ngoái.
Hiện nay có hơn 21 ngàn sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Hoa Kỳ.
Vào chiều ngày 31 tháng 5, phái đoàn Ủy ban Quân vụ thượng Viện Hoa Kỳ cũng có cuộc làm việc với Bộ Quốc Phòng Việt Nam.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhắc đến sự hiểu biết về Việt Nam của chủ tịch Ủy ban Quân vụ thượng viện Mỹ là ông John McCain, một cựu phi công Mỹ từng bị giam giữ ở Hỏa Lò Hà Nội.
Theo Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam thì chính ông John Mc Cain đóng góp quan trọng trong thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ.
Theo Thông tấn xã Việt Nam thì thượng nghị sĩ John McCain cho biết sau chuyến thăm Việt Nam kỳ này về lại Hoa Kỳ ông sẽ đề xuất với quốc hội và chính phủ của Tổng thống Donald Trump tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án gồm xử lý môi trường ô nhiễm bởi chất da cam/dioxin ; khắc phục hậu quả chiến tranh, hợp tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải…
Tin còn cho hay trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc của Ủy ban Quân vụ thượng viện Hoa Kỳ, thượng nghị sĩ John McCain sẽ đến thăm tàu USS John S. McCain đang được bảo dưỡng, sửa chữa tại Cảng Quốc tế Cam Ranh ở tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam.
*******************
Chuyên gia Mỹ : Trump không nên chỉ rập khuôn theo Obama về Biển Đông (RFI, 01/06/2017)
Vào lúc thủ tướng Việt Nam công du Washington với thông điệp là yêu cầu Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện tại Biển Đông, một chuyên gia Mỹ về khu vực đã không ngần ngại cho rằng tân chính quyền Hoa Kỳ đang phạm phải một sai lầm nghiêm trọng khi phản ứng yếu ớt theo kiểu chính quyền Obama tiền nhiệm, mặc nhiên để yên cho Trung Quốc tự do tung hoành trên Biển Đông.
Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng, Washington, ngày 31/05/2017. ©REUTERS/Jonathan Ernst
Trong bài phân tích công bố ngày 31/05/2017 trên trang mạng tập san Anh Quốc The Week, giáo sư Harry J. Kazianis, chuyên gia về quốc phòng tại trung tâm nghiên cứu Mỹ Center for The National Interest, đã nêu bật nguy cơ Biển Đông, tuyến hàng hải chiến lược quan trọng nhất vùng Châu Á, trở thành điểm nóng của thế giới. Nguyên nhân là Trung Quốc phô trương uy lực nhằm biến nơi này thành "ao nhà", bất chấp luật lệ quốc tế và phản đối của nước khác.
Vấn đề là Hoa Kỳ, cường quốc duy nhất có khả năng ngăn chặn tham vọng quá đáng của Bắc Kinh lại không có đối sách thích hợp. Mỹ đã từng tìm cách phản ứng dưới thời tổng thống Obama, nhưng thiếu hiệu quả, trong khi tân chính quyền Donald Trump lại có dấu hiệu đặt nặng ưu tiên cho vấn đề Bắc Triều Tiên, mà lơ là Biển Đông. Và đó là một sai lầm lớn.
Theo giáo sư Kazianis, Hoa Kỳ không thể cho phép Trung Quốc thiết lập quyền thống trị trên tuyến đường thủy quan trọng này. Bắc Kinh đã bồi đắp bảy rạn san hô thành đảo nhân tạo để xây dựng bến cảng, sân bay và căn cứ quân sự. Trung Quốc sẽ sớm có khả năng bố trí thường trực một số lượng lớn tàu ngầm, máy bay ném bom và chiến đấu cơ trong khu vực.
Và tình hình đang trở nên tồi tệ hơn : Trung Quốc đang giành quyền kiểm soát phần dưới mặt nước ở Biển Đông bằng cách xây dựng một mạng lưới radar ngầm, có thể phát hiện các tàu ngầm tàng hình của Mỹ hoạt động trong khu vực. Trong khi Washington chỉ du ngoạn trên Biển Đông, Bắc Kinh đã đẩy mạnh cài đặt các thiết bị quân sự cực kỳ tiên tiến - bên trên và dưới nước. Các hòn đảo và thiết bị mới của Bắc Kinh là những cơ sở thường trực trong khi các chuyến du ngoạn hải quân của Mỹ chỉ là tạm thời.
Thế nhưng, khi bị vấn đề Biển Đông khuấy động trở lại, ê kíp của tổng thống Trump lại không biết làm gì khác ngoài việc sử dụng lại phương thức cố hữu của chính quyền Obama : cho chiến hạm Mỹ xâm nhập vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc để biểu lộ thái độ phản đối. Theo ông Kazianis, các chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải đã hoàn toàn vô hiệu vào thời Obama và cũng sẽ vô hiệu ở thời Trump.
Trong tình hình đó, chuyên gia Mỹ cho rằng chính quyền Trump đang có cơ hội để xoay chuyển tình thế với chuyến thăm Mỹ của thủ tướng Việt Nam. Hà Nội luôn tìm kiếm hỗ trợ từ Washington để kháng lại Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Do đó, việc tổng thống Trump tuyên bố Biển Đông là một vấn đề quan trọng và yêu cầu Việt Nam cho phép tàu Hải Quân Mỹ ghé cảng một cách thường xuyên hơn sẽ chứng minh Mỹ không lùi bước trước áp lực của Trung Quốc.
Ngoài ra, còn rất nhiều điều mà chính quyền Mỹ có thể làm. Điều hiển nhiên nhất là chính quyền Trump cần phát triển một chiến lược toàn diện để đảm bảo sao cho Trung Quốc không thể biến Biển Đông thành ao nhà, điều mà chính quyền Obama đã thất bại.
Để làm thế, Washington có thể nói thẳng thắn với Bắc Kinh rằng Trung Quốc không thể chiếm Scarborough Shoal - một trong những vị trí chiến lược nhất trong khu vực. Thêm vào đó, nếu Bắc Kinh cứ tiếp tục thay đổi hiện trạng, Mỹ có thể nhắc nhở rằng Mỹ cũng có cách thay đổi hiện trạng, chẳng hạn cung cấp một lượng vũ khí quan trọng cho Đài Loan, điều mà Đài Bắc luôn yêu cầu, và quyết định của Mỹ chắc chắn sẽ làm Bắc Kinh chấn động.
Giáo sư Kazianis kết luận : Rõ ràng là Washington có nhiều cách để chống lại các tuyên bố chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh tại Biển Đông, nhưng đó không hề là việc đi thuyền vòng quanh một hòn đảo rồi quay về nhà.
Trọng Nghĩa