Vụ nổ ở bệnh viện Gaza và tác hại của chiến tranh hình ảnh
Libération ngày 19/10/2023 đặt câu hỏi, vụ nổ tại bệnh viện Al-Ahli Arabi ở Gaza phải chăng là một bước ngoặt trong xung đột ? Cú sốc đã lan nhanh với cuộc chiến truyền thông của Hamas. Các chuyên gia đều nghiêng về giả thiết do rốc-kết của phe Hồi giáo chứ không phải do Israel oanh tạc. Nhưng bất chấp những bằng chứng, đường phố Ả Rập vẫn đề quyết Israel phải chịu trách nhiệm, khiến nỗ lực ngoại giao của Mỹ bất thành.
Một góc nhìn ở khu vực bệnh viện Al-Ahli Arabi ở Dải Gaza, nơi xảy ra vụ nổ làm nhiều người thiệt mạng nhưng Israel và Palestine đổ lỗi cho nhau. Ảnh chụp ngày 18/10/2023. Reuters – Stringer
Sự kiện bất ngờ làm một loạt cuộc gặp bị hủy bỏ
Trong bài xã luận "Bi kịch và ngoại giao", Le Figaro nhận thấy chuyến đi của tổng thống Joe Biden kém hiệu quả vì những hình ảnh đẫm máu tại bệnh viện Gaza. Tờ báo thử hình dung tình thế khó xử của ông vào tối thứ Ba : khi chuẩn bị bay đến Israel thì được tin xấu nhất cho nhiệm vụ hòa giải. Nhưng đã quá muộn để quay lui.
Trong vụ này, giả thiết đáng tin cậy nhất là rốc-kết do Thánh chiến Hồi giáo bắn đi nhưng bị trục trặc. Các chuyên gia chỉ ra rằng vụ nổ không tạo ra những hố sâu phía trước, bệnh viện không bị sụp đổ. Đối với Israel, nhất thiết không thể bị kết án về một tội ác chiến tranh như thế, mà theo Hamas là có đến 471 nạn nhân. Dựa vào kết luận của tình báo, tổng thống Hoa Kỳ có thể bày tỏ tình đoàn kết không thể lay chuyển với Nhà nước Do Thái, và so sánh phe Hồi giáo Palestine với Daesh, "tột cùng tội ác".
Nhưng sự kiện đã ảnh hưởng đến chuyến đi ngoại giao : các cuộc gặp ở Amman với vua Jordan Abdallah II, tổng thống Ai Cập Al-Sissi và chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas đã bị hủy bỏ. Sự giận dữ của thế giới Hồi giáo không chỉ nhắm vào Israel mà cả các đồng minh, Mỹ lẫn Châu Âu. Trong chiến tranh hình ảnh, hiện đang bị những cảnh thương tâm ở Gaza thống trị, Hoa Kỳ có vẻ ít trung lập hơn bao giờ hết, chỉ quan tâm tới số phận người Israel. Tuy vậy, thách thức lớn nhất của chuyến đi là đạt được những biện pháp nhân đạo và có thể cả giải pháp chính trị cho người Palestine.
Bước ngoặt mới từ chiến tranh hình ảnh
Libération đặt câu hỏi vụ nổ tại bệnh viện Al-Ahli Arabi ở Gaza phải chăng là một bước ngoặt ? Joe Biden không muốn xung đột bị mở rộng, nhưng cú sốc đã lan nhanh trong thế giới Hồi giáo, từ Bắc Phi đến Afghanistan. Phát ngôn viên quân đội Israel tố cáo "Hamas chiến đấu bằng truyền thông và lưỡi gươm, chính họ đã khởi động", và chỉ trích báo chí không chịu xác minh nguồn gốc vụ nổ "với những nguồn tin xác thực của Tsahal".
Trên mặt trận thông tin, Hamas tỏ ra hiệu quả. Tối thứ Ba, phe này lập tức cáo buộc Israel ngay khi khói đang còn bốc lên ở Al-Ahli Arabi. Mối nghi ngờ đã được gieo rắc, giành lấy một bộ phận dư luận đã ngả sang Israel sau những hình ảnh thảm sát người Do Thái. Israel đã nỗ lực tối đa : công bố những dữ liệu từ drone, radar, thậm chí công khai luôn băng ghi âm cuộc trao đổi giữa hai người của Hamas, bối rối tranh cãi sau vụ bắn lầm, nói chung là tất cả những thông tin cần thiết. Nhưng bất chấp ai là thủ phạm, bất chấp những bằng chứng không thể tranh cãi có thể được đưa ra, đường phố Ả Rập đã đề quyết Israel phải chịu trách nhiệm.
Đại bác không gầm lên trong chuyến thăm của tổng thống Mỹ, Israel không oanh kích, các phe nhóm Palestine chỉ tập trung xung quanh Dải Gaza nay không còn thường dân. Rốt cuộc sau khi thăm các gia đình nạn nhân, những người sống sót sau vụ khủng bố của Hamas và tổng thống Israel, Isaac Herzog, Biden loan báo viện trợ nhân đạo có thể vào Gaza, cùng với trợ giúp bổ sung 100 triệu đô la cho người Palestine. Israel không phản đối, nhưng khẳng định không món viện trợ nào có thể lọt vào tay Hamas. Việc này cũng phù hợp với chủ trương của Israel từ hai ngày qua, là tập trung thường dân vào phía nam Gaza.
Năm phút sau khi chiếc Air Force One cất cánh tối thứ Tư, những hồi còi phòng không lại nổi lên ở Tel-Aviv. Cuối cùng, người được lợi nhất trong chuyến thăm ngắn ngủi này là Benjamin Netanyahou. Bị Washington lạnh nhạt từ khi trở thành người đứng đầu một chính phủ cực hữu, chưa bao giờ được ông chủ Nhà Trắng mời uống trà tại Phòng Bầu dục, thủ lãnh đảng Likud lần này được "ôm hôn thắm thiết".
Ai là thủ phạm ?
Sự thực về vụ nổ gây chấn động trên đây như thế nào ? Mục Check News của Libération dẫn lời các nhà phân tích và chuyên gia về định vị cũng như hình ảnh hiện nghiêng về khả năng rốc-kết bắn đi từ Gaza, chứ không phải do Israel oanh kích.
Trong vô số những hình ảnh được phổ biến, một video là trung tâm của mọi phân tích. Đó là từ chương trình truyền hình trực tiếp của kênh Al Jazeera (Qatar), ghi lại vào lúc 18 giờ 59 phút địa phương (17 giờ 59 theo giờ Pháp) bởi một camera đặt ở phía tây bệnh viện, góc nhìn hướng về tây nam. Một quả đạn bắn lên và phát nổ trên bầu trời Gaza. Vài phút sau, một vụ nổ mới trên mặt đất, rồi một vụ thứ ba lớn hơn cũng trên mặt đất. Chính vụ nổ thứ ba - đã được định vị - tác động đến bệnh viện, theo khẳng định của nhiều nhà phân tích.
Danh khoản chính thức của Nhà nước Israel công bố một video khác dẫn đến cùng kết luận. Đó là một video dài khoảng 12 giây do kênh N12 của Israel chiếu, được quay tại Netivot thuộc Israel ở phía đông Dải Gaza, tức từ một góc nhìn ngược lại với video thứ nhất. Người ta thấy nhiều quả đạn được bắn lên từ dải Gaza, rồi một vụ nổ cũng vào 18 giờ 59 phút, được cho là ở bệnh viện. Một video thứ ba trích từ camera giám sát ở làng Netiv Haasara (của Israel, ở cực bắc Dải Gaza) được nhà báo Emanuel Fabian của tờ Times of Israel chia sẻ, cũng phù hợp với chương trình trực tiếp truyền hình của Al-Jazeera.
Các dữ liệu chứng minh vụ nổ do rốc-kết
Vì sao rốc-kết lại rơi xuống bệnh viện ? Có ý kiến cho rằng do bị phòng không Israel bắn chặn, nhưng giả thiết được nhiều chuyên gia đồng ý nhất, là động cơ bị trục trặc nên quả đạn bị bung ra gây nổ. Nhà báo của Washington Post chuyên về các nguồn mở (Osint) là Evan Hill, xem xét một video khác quay từ mặt đất, thấy một vật rơi nhanh xuống và lập tức lửa khói bốc lên. Các không ảnh về hiện trường trước và sau vụ nổ, do drone và vệ tinh ghi được, cho thấy có thể là rốc-kết bắn trật chứ không phải bom, vì sức công phá thấp.
Nhà nghiên cứu Justin Bronk của RUSI nhận thấy "không có hố bom hay mảnh vỡ nào phù hợp với những quả bom JDAM/Mk80 của Không quân Israel trong những hình ảnh này". Marc Garlasco, từng điều tra về tội ác chiến tranh cho Liên Hiệp Quốc, cũng cho rằng không phải do bom. Theo phó giáo sư Andres Gannon của đại học Vanderbilt, Hoa Kỳ, "vụ nổ có vẻ nhẹ, có nghĩa là sức nóng tạo ra có thể từ nhiên liệu còn lại của hỏa tiễn". Theo một nguồn tin tình báo Châu Âu được AFP trích dẫn, số người thiệt mạng do vụ nổ "không phải từ 200 đến 500, mà khoảng 10 đến 50 người", và "có lẽ không do Israel". Còn theo tình báo Mỹ được Reuters dẫn lại, thì con số này là "từ 100 đến 300".
Hamas hành động như tổ chức Nhà nước Hồi giáo
Nhìn lại quá khứ, ông Gershon Baskin nhà đàm phán Israel từng đóng vai trò chủ chốt trong việc thương thuyết trả tự do cho anh lính Gilad Shalit bị bắt làm con tin sau 5 năm bị giam cầm, trao đổi với Libération về quan hệ với Hamas và khả năng giải cứu 200 con tin Do Thái.
Hồi năm 2011, Shalit, quân nhân hai quốc tịch Pháp-Israel bị Hamas bắt chỉ được thả sau những cuộc thương lượng căng thẳng kéo dài. Đổi lại, Israel chấp nhận phóng thích hơn 1.000 tù nhân Palestine. Trong đó có Yahya Sinwar, một thập niên sau trở thành người tổ chức vụ khủng bố đẫm máu vào lãnh thổ Do Thái hôm 07/10, mà phát ngôn viên quân đội Israel gọi là "khuôn mặt của cái Ác, như Bin Laden hay Al Baghdadi". Nhà hoạt động Gershon Baskin từng chống chiến tranh Việt Nam nay thuộc nhóm chủ hòa ở Israel, luôn cố gắng bắc những chiếc cầu với xã hội dân sự Palestine. Cho đến năm ngoái, nhà đàm phán không mệt mỏi vẫn còn tiếp xúc với các nhân vật của Hamas. Ông sững sờ khi phe này nay hành động y như tổ chức Nhà nước Hồi giáo, không còn có thể coi là đối tác.
"Thả cọp về rừng" để đối lấy con tin Do Thái
Tại Israel, mọi người đều có biết ai đó bị giết chết hoặc bị bắt trong vụ tấn công vừa qua. Một nhà đấu tranh ôn hòa thân thiết với ông, và một trong những người bạn thân có 12 thành viên gia đình bị bắt cóc. Israel hy vọng trao đổi các con tin là phụ nữ, trẻ em, người già với gần 150 tù nhân là phụ nữ, vị thành niên Palestine.
Phát ngôn viên Hamas tại Lebanon ám chỉ có thể đổi "thường dân" lấy ngưng bắn vĩnh viễn. Có điều Hamas hầu như coi tất cả thường dân Israel đều là quân nhân, vì họ được huấn luyện quân sự. Phía dân chúng Israel giờ đây muốn mục tiêu hàng đầu là hủy diệt toàn bộ Hamas bằng bất cứ giá nào. Tình hình là khẩn cấp : Shalit bị giam 5 năm 4 tháng, nhưng nay không có được khoảng thời gian dài như vậy để giải cứu các con tin.
Một số người quy trách nhiệm cho nhà đàm phán trong việc giúp Yahya Sinwar trở về Gaza, nhưng ông Baskin cho biết phương án được toàn bộ viên chức an ninh chấp nhận, 26 bộ trưởng và 85% dân chúng ủng hộ, và ông không có vai trò gì trong việc chọn lựa người được phóng thích. 300/1.027 tù nhân được thả là những kẻ giết người, trong đó có 4 tên đã sát hại người thân của vợ ông. Baskin cho rằng trách nhiệm thuộc về những người đã bỏ qua cơ hội hòa giải, và cảnh báo nguy cơ Israel bị mất đi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Dùng ATACMS, Kiev muốn chiến tranh Ukraine không bị lãng quên
Về cuộc chiến tranh ở Ukraine, Le Figaro nhận định "Với ATACMS, Kiev muốn nhắc nhở thế giới là vẫn tiếp tục chiến đấu" : tấn công bằng hỏa tiễn tầm xa của Mỹ, trong khi việc chuyển giao từng được giữ bí mật. Theo tờ báo, hình ảnh các vụ bắn hỏa tiễn ATACMS đăng trên mạng xã hội còn nhắm vào công luận phương Tây. Đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba, những hỏa tiễn này tấn công vào các phi trường ở Berdiansk trên biển Azov, và tại Luhansk ở Donbass bị quân Nga tạm chiếm, chừng như để nhắc rằng chiến tranh vẫn tiếp diễn tại Ukraine. Tổng thống Volodymyr Zelensky hoan nghênh ATACMS "đã chứng tỏ hiệu quả", còn Nhà Trắng cho rằng hỏa tiễn này sẽ "làm gia tăng đáng kể" năng lực của quân đội Ukraine. Việc chi viện được giữ kín để gây bất ngờ.
Trên chiến trường hiện không có nhiều thay đổi. Ukraine không đột phá được ở Verbove, quân Nga tấn công vào Avdiivka nhưng phải trả cái giá nặng nề. Le Monde cho biết việc Nga đột ngột chuyển từ thế thủ sang thế công ở Avdiivka gây bất ngờ. Nga huy động đến hơn 1.000 lính và một lượng lớn khí tài, trong đó có cả thiết giáp Terminator, dàn phóng rốc-kết TOS-1… Theo quân đội Ukraine, số quân Nga thương vong lên đến 3.000 và họ đã mất hơn 300 thiết giáp và pháo. Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby cho rằng Moskva lại dùng chiến thuật biển người.
Với ATACMS của Mỹ, Storm Shadow của Anh và Scalp của Pháp, nay quân đội Ukraine có thể tấn công vào sâu, với độ chính xác cao. Hỏa tiễn được Mỹ giao lần này chỉ có tầm bắn 160 kilomet so với loại mới nhất đến 300 kilomet, nhưng là phiên bản bom chùm, chứa 600 đến 800 quả bom nhỏ. Chỉ cần một phát bắn có thể chạm đến nhiều mục tiêu. Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, hai vụ tấn công vừa rồi đã phá hủy được "9 trực thăng, một kho đạn, một hệ thống phòng không và các thiết bị quân sự".
Ống dẫn khí Sức mạnh Siberia 2 : Putin mơ, nhưng Tập làm ngơ
Nhìn sang Châu Á, nhân diễn đàn Con đường tơ lụa mới ở Bắc Kinh, tổng thống Nga bày tỏ sự tin tưởng rằng dự án Sức mạnh Siberia 2 sẽ trở thành hiện thực. Nhưng dù Nga và Trung Quốc có vẻ thân thiết, Tập Cận Bình mãi vẫn không bật đèn xanh. Theo Libération, bên cạnh vấn đề giá khí đốt, chi phí xây dựng đường ống mới rất cao, Bắc Kinh đã có đủ những nguồn cung. Ngoài đường ống Sức mạnh Siberia 1, còn có các nước Trung Á, Miến Điện, Trung Đông. Để bảo đảm an toàn năng lượng, Trung Quốc đã đa dạng hóa các nguồn cung cấp, ký những hợp đồng khí hóa lỏng khổng lồ với Qatar, Hoa Kỳ, xây dựng các ống dẫn khí mới với Turkmenistan, đồng thời tăng sản lượng khí đốt nội địa. Nói cách khác, Nga ở thế yếu trước Trung Quốc.
Pháp : Dư luận cứng rắn hơn sau vụ khủng bố ở Arras
Nhân đám tang hôm nay của Domique Bernard - thầy giáo yêu văn chương, đã can đảm ngăn chặn Mohammed Mogouchkov tấn công các học sinh và bị tên khủng bố này đâm chết - các báo đều có nhiều bài phóng sự, bình luận về nạn Hồi giáo cực đoan tại Pháp. Đặc biệt là đúng ba năm sau khi một thầy giáo khác là Samuel Paty bị kẻ khủng bố sát hại dã man, dư luận cho rằng cần siết chặt luật nhập cư, và thậm chí hạn chế gắt gao di dân từ những nước mà cực đoan tôn giáo hoành hành.
Trường hợp gia đình Mogouchkov, trước đây đã có lệnh trục xuất nhưng một số tổ chức phi chính phủ đấu tranh phản đối, giám đốc think tank Fondation iFrap phẫn nộ : "Khi nào thì chúng ta ngưng tài trợ cho những tổ chức ngăn cản việc trục xuất những tên khủng bố ?". Tác giả bài viết nhắc nhở, cả nhà này gồm hai vợ chồng và năm đứa con không ai làm việc, trong đó người cha và ba con trai đều ủng hộ khủng bố Hồi giáo. Họ sống trong một căn hộ xã hội, con cái được đi học miễn phí, chăm sóc sức khỏe miễn phí. Vì sao cả một gia đình nhập cư bất hợp pháp lại nghiễm nhiên được cấp nhà ở giá rẻ, trong khi danh sách chờ dài dằng dặc ? Không thể tiếp tục trợ giúp những người không có ý định hội nhập, nuôi mối hận thù với quốc gia đã mở rộng vòng tay với mình, trả ơn người đóng thuế Pháp bằng những nhát dao.
Xúi khách hàng ăn cắp : Cách quảng cáo quá lố
Chuyển sang lãnh vực kinh tế tại Pháp, một chiến dịch marketing ấn tượng đã khiến Libération bất bình, đưa hẳn lên mục xã luận : khuyến khích khách hàng ăn cắp trong một cửa hàng ở Paris.Đó là chiến dịch của Distance để quảng bá cho một nhãn hàng giày thể thao : cho trưng bày những món hàng đang mốt với áp-phích "Hãy lấy cắp để sở hữu chúng". Trong suốt ngày hôm ấy, nhiều người khách đã thử thời vận : chộp lấy đôi giày và chạy vù khỏi cửa hàng trước khi bị chận lại. Nhưng họ không biết rằng bảo vệ chính là Méba-Mickael Zézé, nhà vô địch chạy 100 mét thuộc đội tuyển điền kinh quốc gia Pháp. Trong số 76 khách hàng, chỉ có 2 người may mắn không bị tóm.
Thụy My
Les Echos ngày 16/10/2023 nhận định "Cuộc chiến tranh thứ năm của Israel đã bắt đầu". Chiến tranh đô thị là cơn ác mộng cho các quân đội chính quy vì khó khăn nhất và cũng đẫm máu nhất. Bối cảnh thành thị mang lại lợi thế cho quân phòng thủ, nhưng nếu không mở chiến dịch tấn công trên bộ, quân đội Israel không thể tiêu diệt được Hamas.
Hai quân nhân Israel hôn nhau tại một nhà ga xe lửa ở Ashkelon, miền nam Israel, ngày 16/10/2023, trong bối cảnh quân đội sắp mở chiến dịch trả đũa quân khủng bố Hamas. Reuters – Ilan Assayag
Tấn công Gaza, quân đội Israel đối mặt với nhiều khó khăn
Một sĩ quan cao cấp Pháp nhắc lại việc tái chiếm Mosul ở Iraq từ Daesh (tổ chức Nhà nước Hồi giáo) kéo dài đến 9 tháng, khiến hơn nửa triệu người phải sơ tán. Tại Mosul, thành phố lớn thứ nhì Iraq có 1,5 triệu dân, trận đánh tập trung vào bờ tây sông Tigre. Dù có Không quân của liên minh quốc tế yểm trợ, nhưng phải huy động đến 100.000 lính bộ binh Iraq mới trừ khử được 13.000 quân thánh chiến tại đây. Hàng ngàn thường dân thiệt mạng do bom của đồng minh và bị Daesh sát hại, vì quân khủng bố nhất quyết cản trở họ di tản để dùng làm bia đỡ đạn.
Và Mosul vẫn tương đối thoáng so với địa hình như mê cung của Gaza. Trên lý thuyết, bên công phải đông gấp ba so với bên thủ trên chiến trường mở, nhưng ở đô thị phải gấp mười. Thế nhưng Hamas có khoảng 40.000 tay súng, và tương quan lực lượng chưa hẳn nghiêng về phía Israel, vì họ còn phải duy trì lực lượng ở miền bắc và West Bank (Cisjordanie) để đánh trả Hezbollah.
Grozny, Mariupol, Bakhmut, Fallujah, Mosul... Tiếc thay chiến tranh ngày càng diễn ra nhiều hơn trong thành phố. Lợi thế của một quân đội chính quy sở hữu vũ khí và công nghệ hầu như không còn nữa trước cách đánh du kích (Hamas, Daesh, mafia và các nhóm vũ trang) giấu mình trong đô thị. Theo nhà nghiên cứu Thibault Fouillet, phải mất rất nhiều thời gian. "Không gian thu hẹp, đe dọa đến từ nhiều hướng - những tay bắn tỉa trốn trong các tầng nhà, các ngả đường bị đặt mìn, chất nổ giấu trong nhà dân, bẫy rập dưới lòng đất... tất cả làm bộ binh phải tiến chậm".
Chiến tranh đô thị : Chiếc bẫy đáng sợ
Tất cả chuyên gia quân sự đều khẳng định chiến tranh đô thị là chiếc bẫy tử thần. Chưa kể ngoài số con tin, Hamas còn bất chấp luật lệ quốc tế, không cho thường dân Palestine di tản, giữ họ làm lá chắn sống. Dù vậy, quân đội Israel không thể chỉ tiến hành không kích. Hiện Tsahal đang "dọn sân" bằng cách oanh tạc để thanh lọc từng khu phố. Cần phải phá hủy các trục hậu cần, sở chỉ huy, san bằng những chướng ngại vật thiên nhiên và lô cốt.
Ở Gaza, khó khăn là từ không trung phải phát hiện được những kho vũ khí và mạng lưới địa đạo cùng khắp. Chuyên gia Marc Chassillan nhớ lại, lần đầu tiến vào năm 2009, quân đội Israel chia Gaza làm nhiều khu vực, ngăn trở việc di chuyển và liên lạc từ khu này sang khu khác, và nhắm vào mỗi khu từ trên không, trên biển và lực lượng đặc biệt. Thibaut Fouillet nhấn mạnh, cần có kỹ năng hiệp đồng tác chiến phức tạp.
Không quân yểm trợ bộ binh, bắn những hỏa tiễn có thể chui xuống lòng đất. Pháo binh phải liên tục bảo vệ bộ binh và công binh. Không có việc cho những đoàn xe tăng Merkava nối đuôi trên các trục lộ vì Gaza đầy mìn. Loại xe xúc chống đạn nổi tiếng Cat D9 phải tạo ra những hàng lang xuyên qua các tòa nhà. Cũng cần một lượng lớn drone để thám sát phía sau những bức tường. Radar, cảm ứng, thiết bị nghe lén, camera phải được huy động ; trực thăng sẵn sàng hạ các tay bắn tỉa ; phát hiện lối vào địa đạo... trong lúc Hamas rình rập ở mọi góc phố. Các phương tiện và 300.000 quân dự bị được huy động theo ông Thibaut Fouillet là xứng tầm, tuy nhiên chiến dịch phải kéo dài nhiều tháng.
Lịch sử Nhà nước Do Thái với nhiều vụ bắt con tin
Ngược dòng lịch sử, Le Monde nói về "Bắt con tin, dấu ấn trong lịch sử Israel". Từ cuối thập niên 60, một loạt các vụ khủng bố, cướp máy bay, bắt con tin đã xảy ra, nhắm vào Nhà nước Do Thái. Một trong những vụ kịch tính nhất được tờ báo nêu ra là ở Thế vận hội Munich năm 1972. Nước Đức lúc đó muốn xóa đi hình ảnh Thế vận hội Berlin năm 1936 do Hitler tổ chức, muốn mở ra một kỷ nguyên mới. Các cuộc tranh tài được bảo vệ bởi "những người gìn giữ hòa bình Olympic" mặc đồng phục xanh, không vũ khí.
Đoàn vận động viên và đại biểu Israel rất ngạc nhiên khi không được bảo vệ như yêu cầu, ai cũng có thể xâm nhập vào làng thế vận. Toán khủng bố Tháng Chín Đen mặc đồ thể thao để cải trang còn được các vận động viên Canada giúp sức vượt qua bức tường cao 2 mét. Vụ bắt con tin kết thúc với 9 vận động viên Israel thiệt mạng và 8 kẻ khủng bố bị tiêu diệt. Bốn ngày sau, Israel trả đũa bằng chiến dịch "Cơn phẫn nộ của Thượng Đế" làm hơn 200 người chết.
Cuộc chiến tranh thứ năm của Israel đã bắt đầu
Les Echos nhận định "Cuộc chiến tranh thứ năm của Israel đã bắt đầu", sau chiến tranh giành độc lập 1948, chiến tranh Suez 1956, cuộc chiến Sáu Ngày 1967, chiến tranh Kippur 1973. Khác với những vụ đối đầu lâu nay ở Dải Gaza, cuộc chiến lần này sẽ để lại vết hằn sâu sắc.
Chưa bao giờ có nhiều người Do Thái như thế bị thảm sát chỉ trong một ngày, kể từ Shoah (Đức quốc xã diệt chủng người Do Thái). Và nguy cơ mở rộng xung đột hiển hiện : ở mặt trận phía bắc với Hezbollah, một cuộc chiến intifada thứ ba ở Cisjordanie, và cũng có thể với Iran. Hamas đã biến thành Daesh, và chỉ muốn Nhà nước Do Thái biến mất vĩnh viễn. Về phía Israel, trách nhiệm của thủ tướng Benjamin Netanyahou là đã không thấy được mối đe dọa từ Hamas, coi vấn đề Palestine là thứ yếu, làm chia rẽ xã hội thông qua dự định cải cách Tòa án Tối cao.
Thế lưỡng nan của Israel hiện nay, buồn thay, rất đơn giản : Làm thế nào đáp trả sự kiện gây chấn thương cho toàn quốc, cộng với ký ức bi thảm, mà không làm mất đi thiện cảm ? Khi hành động vô cùng man rợ, Hamas đã ngăn cản mọi ý định xích gần lại không chỉ giữa người Do Thái với người Palestine, mà còn giữa Israel và thế giới Ả Rập trong nhiều thế hệ. Vụ khủng bố ngày 07/10 là sự thọc gậy bánh xe của Hamas (và phía sau là Iran) đối với hiệp định Abraham, vào ý định được nói rõ của Saudi Arabia là bình thường hóa quan hệ với Nhà nước Do Thái.
Giấc mơ hòa bình xa vời hơn bao giờ hết
Israel không nên rơi vào cái bẫy này. Trong đàm phán Oslo, thủ tướng thời đó là Yikzhak Rabin từng nói : "Cần phải tiếp tục thương lượng hòa bình với người Palestine như không hề có bọn khủng bố, và chiến đấu với bọn khủng bố như không có thương lượng hòa bình".
Trong cuộc chiến lần này, Israel lại có được đồng minh nặng ký là Hoa Kỳ. Từ ngày 07/10, Mỹ quay lại với Trung Đông với ý định xóa nhòa sự yếu đuối của Obama và ảo tưởng của ông Trump. Hamas đã "thành công" khi làm người Israel gắn kết lại với nhau và khiến Washington xích gần với Jerusalem. Còn người dân Palestine sau khi bị những lãnh đạo lịch sử phản bội, nay bị quân thánh chiến dùng làm bia đỡ đạn.
Trong tiến trình Oslo, có những cuộc mật đàm ở Paris, và tác giả bài viết của Les Echos từng có mặt trong một số cuộc. Trong ngày, hai bên Israel và Palestine bất đồng về tất cả, nhưng đến tối, họ ôm vai chia tay nhau như những người anh em. Nay đó chỉ là mơ, một không khí như vậy không thể tìm lại được rất lâu nữa, và có thể là không bao giờ, chủ trương của hai bên cách xa chưa từng thấy. Israel sẽ là người chiến thắng, nhưng trong tình trạng như thế nào ?
Thế giới hôm nay tàn bạo hơn
Nhìn chung, Le Figaro nhận thấy "Thế giới trở nên tàn bạo". Vụ khủng bố quy mô của Hamas - làm 1.300 người chết và 3.400 người bị thương chỉ trong một ngày - chứng tỏ bạo lực đã dữ dội hơn và thay đổi tính chất. Nỗi kinh hoàng chưa từng thấy tại một vùng đất vốn đã quen với xung đột, hình ảnh các nạn nhân bị hành hạ, sỉ nhục, sát hại bị tung lên mạng xã hội.
Cũng như quân khủng bố trong vụ 11 tháng Chín, Hamas muốn mở ra một chu kỳ bạo động và thù hận, nhằm nghiền nát Israel và những người ủng hộ. Kế hoạch được lên một cách hoàn hảo : kinh ngạc và phẫn nộ, dân chúng Israel gây áp lực lên các chính khách và giới quân sự ; quân đội tấn công vào Dải Gaza sẽ là thảm họa cho các con tin cũng như 2,3 triệu người Palestine. Mục tiêu phá hoại nỗ lực hòa bình ở Trung Đông đã đạt được.
Thế kỷ 20 đã khởi đầu việc sát hại thường dân nhân danh ý thức hệ. Nhưng các nhà nước tìm cách che giấu tội ác, như Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay vẫn chối cãi việc diệt chủng người Armenia, hay Đức quốc xã phá hủy những phòng hơi ngạt và trại tập trung người Do Thái. Sang thế kỷ 21, thảm sát không còn là độc quyền của các nhà nước và còn là mục tiêu hàng đầu, được dàn cảnh, quay phim và phát tán trên mọi châu lục qua các mạng xã hội.
Bạo lực, công cụ của độc tài để thống trị
Những kẻ gieo rắc kinh hoàng không ngần ngại vỗ ngực xưng tên, sử dụng như vũ khí tuyên truyền và công cụ tuyển quân. Chẳng hạn ngoài Hamas có thể kể Vladimir Putin ở Ukraine, hay Azerbaijan ở Thượng Karabakh.
Bạo lực cực độ còn được công nghệ hỗ trợ, các chế độ độc tài dùng để chống lại thế giới dân chủ và cấu trúc lại trật tự thế giới. Cũng như Ukraine, Israel chỉ có các nước dân chủ đứng về phía mình, trong khi vụ khủng bố Hamas được ủng hộ công khai hoặc ngấm ngầm bởi Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Trung Quốc và một số nước "phương Nam".
Theo Les Echos, đã đến lúc các quốc gia tự do đoàn kết lại để ngăn chặn bạo lực. Ở trong nước, cần tái lập độc quyền nhà nước trong việc sử dụng chính đáng vũ lực. Đối với bên ngoài, phải ngăn chặn một cách hiệu quả các chế độ toàn trị và thánh chiến. Riêng Châu Âu, sau khi đưa thế giới vào chiến tranh trong thế kỷ 20, nay phải chịu đựng chiến tranh, không còn nhiều thời gian để tuyên chiến với bạo lực - không bằng hận thù mà bằng sự khôn ngoan và quyết tâm.
Thêm một giáo viên bị Hồi giáo cực đoan sát hại, Pháp muốn siết chặt luật nhập cư
Trang nhất các báo Paris hôm nay được dành cho vụ khủng bố ở Arras miền bắc nước Pháp. Le Monde chạy tựa "Bọn khủng bố lại tấn công vào trường học". Le Figaro nhận thấy "Giáo chức trên tuyến đầu trước khủng bố Hồi giáo", Les Echos chạy tít "Nước Pháp trong tình trạng báo động". Với hình ảnh người dân nghiêm trang tưởng niệm thầy giáo Dominique Bernard bị sát hại, La Croix khẳng định "Đối mặt", Libération kêu gọi "Đoàn kết".
Les Echos nhận định, đúng ba năm sau khi thầy giáo Samuel Paty bị một kẻ Hồi giáo cực đoan giết một cách dã man ngay trước trường học, giờ đây cần hành động chứ không chỉ lời nói. Đối với các giáo viên trường Gambetta ở Arras, nạn nhân cũng có thể là họ. Có những vụ khủng bố ly kỳ như Charlie Hebdo, Bataclan… nhưng lần này đáng sợ vì sự đơn giản của nó. Một thành phố trung bình, một trường học như những trường khác, một giáo viên bình thường bị một kẻ trong danh sách theo dõi của cảnh sát đâm chết. Ai có thể cảm thấy an toàn được, trong khi cuộc chiến Israel-Hamas chỉ mới bắt đầu ? Những người thân cận tổng thống Emmanuel Macron đòi hỏi luật nhập cư cứng rắn hơn.
Tương tự, Le Monde nhắc lại, hung thủ Mohammed dù trong danh sách đen vẫn không thể bị trục xuất vì vào Pháp lúc chưa đến 13 tuổi. Điều luật này cần phải sửa. Le Figaro nhấn mạnh, vụ thảm sát thứ hai "ngay trước những cặp mắt cận thị của chúng ta" cho thấy không hề là sự tình cờ, mà cỗ máy giết người đã vận hành từ lâu. La Croix kể ra : họa sĩ, cảnh sát, quân nhân, người Do Thái, linh mục, người yêu nhạc, công dân bình thường những năm gần đây đã là nạn nhân của "thánh chiến". Tờ báo đồng tình trước đòi hỏi giữ an ninh cho 60.000 trường học và đặt lại vấn đề trục xuất những người không giấy tờ có hành động nguy hiểm cho xã hội.
Nô lệ của mafia Trung Quốc tại Miến Điện
Phóng sự Le Figaro nói về tình trạng nở rộ những trung tâm lừa đảo trên mạng, bị mafia Trung Quốc kiểm soát bằng bàn tay sắt. Theo Liên Hiệp Quốc, ít nhất 120.000 người bị ép buộc phải lừa tiền của cư dân mạng Hoa lục, các nước Châu Á và cả phương Tây, bằng cách sử dụng các danh khoản giả trên mạng xã hội. Tờ báo nêu ra trường hợp của Emmanuel Isabirye ở Uganda, bị nhốt suốt 10 tháng trong "KK Park" được những người vũ trang canh gác, ở một thành phố Miến Điện gần biên giới Thái Lan. Anh đã bị bán sang tay ba lần với giá 5.000 đô la. Ở Miến Điện, chống buôn người rất khó khăn vì cuộc nội chiến.
Chau Dinh, nhà tâm lý thuộc hiệp hội Blue Dragon của Việt Nam, cho biết tất cả các nạn nhân giải cứu được đều mang dấu vết bị hành hạ, từ những vết bầm cho đến gãy xương, chấn thương tâm lý, phụ nữ bị hãm hiếp. Thu nhập của mafia Trung Quốc từ kỹ nghệ lừa đảo này tương đương với tổng sản phẩm nội địa của một số quốc gia trong khu vực.
Thụy My
Bằng chứng tội ác Hamas chất chồng, quân đội Israel sẵn sàng tiến vào Gaza
Bên cạnh 260 nạn nhân là thanh niên dự lễ hội âm nhạc, mỗi ngày trôi qua, người ta lại phát hiện thêm nhiều người Do Thái bị Hamas thảm sát man rợ tại các kibboutz - báo chí Pháp ngày 12/10/2023 có nhiều phóng sự tường thuật. Sau cú sốc, người dân Israel trở nên cứng rắn hơn, chính quyền không thể không phát động tấn công quy mô vào phe khủng bố, dù thiệt hại sẽ rất lớn.
Binh sĩ Israel khiêng thi thể của một nạn nhân bị giết hại trong vụ thảm sát ở kibboutz Kfar Aza, ngày 12/10/2023. AP - Erik Marmor
Le Monde đưa tít lớn "Tầm cỡ vụ thảm sát tại Israel". Quân đội Israel đã mở cửa kibboutz Kfar Aza cho báo chí quốc tế, nơi quân khủng bố Hamas đã sát hại dã man thường dân. Tương tự, Le Figaro nhấn mạnh "Kfar Aza, vụ thảm sát làm cả thế giới kinh hoàng", khiến Châu Âu và Hoa Kỳ đồng loạt lên tiếng ủng hộ Nhà nước Do Thái. Cả hai tờ báo đều đăng trên trang nhất hình ảnh những người lính mang xác các nạn nhân đi, mặt đất đầy những túi đen chứa thi thể.
La Croix chạy tựa "Israel phát hiện mình dễ tổn thương" : Quy mô của vụ tấn công khủng bố hôm 07/10 cho thấy sự mong manh của hệ thống an ninh Israel, dù là tâm điểm của khế ước xã hội. Libération đăng ảnh xe tăng, binh lính với dòng tựa "Israel vào trận". Năm ngày sau vụ tấn công khủng bố của Hamas, việc thành lập chính phủ tình trạng khẩn cấp cho thấy cuộc hành quân có thể sớm diễn ra.
Thảm sát tại các kibboutz : Trẻ em cũng không tha !
Tại kibboutz Kfar Aza, trước sự chứng kiến của phóng viên ngoại quốc, các quân nhân Israel kiểm tra từng căn nhà một để tìm những kẻ khủng bố còn ẩn náu, mìn gài lại, lựu đạn chưa nổ hay người sống sót, nhưng tất cả người dân đều đã bị giết sạch.
Tử khí bốc lên khắp nơi, ngoài vườn, trên sân thượng, trong phòng ngủ... Địa điểm này chỉ mới được tái chiếm cách đó một hôm. Kibboutz này có cư dân hầu hết là sinh viên và các cặp vợ chồng trẻ, đã bị tấn công đầu tiên. Quân khủng bố chia làm ba mũi, chưa kể từ trên trời bằng dù lượn, nã vào bằng súng trường, lựu đạn, rốc-kết. Những ngôi nhà nhỏ và những mảnh vườn xinh xinh bị đốt cháy, các tay súng lùng sục từng hang hốc để hạ thủ kể cả những em bé.
Yonatan El Koubi, lính dù dự bị 26 tuổi nhìn cảnh tượng với vẻ kinh hoàng. Anh cho Le Monde biết đang đi du lịch ở Los Angeles nhưng đã lên chuyến bay đầu tiên để về nước. Tướng về hưu Itai Veruv thổ lộ với Libération, chưa bao giờ trông thấy cảnh kinh hoàng như vậy trong đời. Xúc động cũng thấy rõ nơi các nhà báo. La Croix dẫn lời Mael Benoliel, phóng viên của i24News và BFMTV, theo những người lính đầu tiên đến nơi vào tối thứ Bảy, họ tìm thấy xác 40 em bé. Cách đó vài cây số, ở kibboutz Beeri, cùng một cảnh tượng thảm sát : 108 thi thể đã được phát hiện, đủ cả nam phụ lão ấu.
Phương Tây kinh hoàng trước những hình ảnh thời Trung Cổ
Sự man rợ của Hamas tại kibboutz Kfar Aza và Beeri - lạnh lùng sát hại trẻ em, thiêu sống cả gia đình, hãm hiếp và bắt cóc phụ nữ - gây kinh hoàng cho tất cả các quốc gia dân chủ. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen thẳng thừng tố cáo hành động "gây chiến" và "khủng bố" của Hamas, tái khẳng định quyền tự vệ của Israel và Châu Âu đứng bên cạnh Nhà nước Do Thái "trong bi kịch này".
Libération cho biết nhiều nước Châu Âu kêu gọi thay đổi chính sách về Palestine của Liên Âu, mà việc tài trợ đã gián tiếp nuôi dưỡng Hamas. Hoa Kỳ gởi ngay hàng không mẫu hạm với 75 tiêm kích, oanh tạc cơ cùng với các chiến hạm khác. Trong khi đó, các nước "phương Nam" tỏ ra nhập nhằng, như đối với cuộc xâm lăng Ukraine.
Thủ lãnh khủng bố trong bóng tối : "Ai có súng dùng súng !"
Về kẻ đứng phía sau cuộc tấn công khủng bố vừa qua, Le Figaro, Le Monde và Les Echos cùng mô tả chân dung của Mohammed Deif, "bóng ma khủng khiếp", "nhà chiến lược trong bóng tối", "thủ lãnh nhánh vũ trang của Hamas". Từ Gaza cho đến Đông Jerusalem, tên ông ta thường xuyên được người Palestine hô vang trong những cuộc biểu tình. Nhưng người ta chẳng biết được gì nhiều về Mohammed Deif, ngoài một tấm hình rất mờ chụp hồi bị tù năm 1989. Và một giọng nói cất lên mỗi lần Hamas lao vào chiến tranh.
Sáng thứ Bảy 07/10, chính ông ta là người loan báo mở màn chiến dịch "Trận lụt Al Aqsa", tấn công quy mô cả trên không, trên biển và đất liền vào 22 địa điểm của Israel. Từ hai mươi năm qua, Deif hứa hẹn "kết thúc tội chiếm đóng", mà theo các chuyên gia về an ninh, đó là sự tự sát. Bị đặc nhiệm Israel truy lùng từ thập niên 90, Mohammed Deif là "tên khủng bố hàng đầu", đã biến nhánh vũ trang của Hamas thành một quân đội có thể bắn hỏa tiễn đạn đạo sang Tel Aviv, cho biệt kích xâm nhập vào lãnh thổ Israel để ám sát, bắt cóc.
Deif đã thoát chết ít nhất 8 lần, được cho là mất một mắt và một bàn tay, sống sót sau một vụ oanh tạc làm một trong những người vợ của ông ta bị thiệt mạng. Ngay cả cha vợ cũng chỉ gặp mặt con rể đúng một lần hồi hỏi cưới năm 2007. Deif là tác giả của làn sóng khủng bố tự sát đã giết hại khoảng mấy chục người Israel đến năm 2006. Ông ta giữ im lặng trong nhiều năm, cho đến thứ Bảy vừa rồi mới xuất hiện, kêu gọi : "Ai có súng hãy cầm súng, thời cơ đã đến".
Hamas phạm tội ác chiến tranh hay tội ác chống nhân loại ?
Le Figaro nhận thấy bức màn được vén lên mỗi ngày về những tội ác mà quân Hamas đã gây ra hôm 07/10. Tại những kibboutz gần Dải Gaza, những người lính của Tsahal lần lượt phát hiện thêm những xác người dân Israel bị sát hại. Luật quốc tế định nghĩa rõ, "tội ác chiến tranh" là những hành vi trong một cuộc xung đột, vi phạm các công ước nhân đạo như Genève. Còn "tội ác chống nhân loại" là khi những vụ giết chóc, đày ải, tra tấn diễn ra "trong khuôn khổ một cuộc tấn công vào thường dân".
Ông Jean-Maurice Ripert, cựu phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhận định "Hamas đã vi phạm tất cả luật pháp quốc tế", và Hiến chương Liên Hiệp Quốc cho phép Israel tự vệ. Hy vọng Nhà nước Do Thái trong quyết tâm diệt trừ hẳn tổ chức khủng bố được nước ngoài vũ trang vẫn tôn trọng các quy định về nhân đạo. Theo ông, Liên Hiệp Quốc yếu đi là vì Trung Quốc ngăn trở rất nhiều cuộc tranh luận, với sự tiếp sức của Nga.
Vắng bóng "hiến binh quốc tế"
Le Monde nêu ra lời tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, vốn muốn đóng vai trò trung dung, kêu gọi "Israel ngưng oanh tạc" và "người Palestine ngưng quấy rối thường dân Israel", bởi vì "chiến tranh cũng có những tiêu chí và đạo lý của nó".
Nhưng nhật báo Pháp nhắc nhở, hiện không còn "sen đầm quốc tế" nào. Trật tự nào sẽ được áp dụng ? Liệu có ai chú ý tới nỗ lực của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về hòa bình Trung Đông, Tor Wenneslandveef ? Cú sốc của vụ tấn công khủng bố ngày 07/10 không chỉ về tiêu chí hay đạo lý như ông Erdogan nói, mà còn làm rung chuyển cả thăng bằng địa chính trị vốn mong manh trên thế giới.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan mới cách đây hai tuần còn nói rằng "Trung Đông yên tĩnh hơn hẳn so với hai mươi năm trước". Yên tĩnh cho đến nỗi Hoa Kỳ - trong bối cảnh phe cực đoan ngăn trở việc bổ nhiệm các viên chức cao cấp - không có đại sứ ở Israel lẫn Ai Cập, Kuwait hay Oman. Rốt cuộc, ai sẽ gánh lấy cái "nghiệp" bất khả thi là thiết lập đối thoại giữa Israel và Palestine ? Libération kể ra : Hoa Kỳ đang vào mùa tranh cử, Trung Quốc không có ảnh hưởng gì trong khu vực. Châu Âu, vừa là đồng minh của Israel lại vừa cung cấp viện trợ thiết yếu cho Palestine, đang trong cú sốc và bị chia rẽ ; Nga thì đang rình rập chờ thủ lợi.
Dân Israel : Từ kinh hoàng đến phẫn nộ
Về phía người dân Israel, sau cơn choáng váng, họ trở nên cứng rắn hơn. Les Echos dẫn lời Jean-Luc Ayash, giám đốc một nhà trẻ tư nhân ở phía bắc Tel Aviv, tự cho là cánh tả, nói : "Tôi không còn nhận ra tôi nữa. Cho tới nay, tôi vẫn thương tiếc những nạn nhân vô tội Palestine bị Israel không kích ở Dải Gaza. Nhưng giờ đây tôi cho rằng như vậy là đáng kiếp".
Những hình ảnh thi thể trẻ em, phụ nữ, thanh niên bị phân xác đã nhắc lại những vụ thảm sát người Do Thái thời Sa hoàng Nga, thậm chí Shoah (diệt chủng người Do Thái) của Đức quốc xã. Nhưng lần này là ngay trên lãnh thổ Do Thái ! Ngay cả một nhật báo rất thiên tả như Haaretz cũng nhìn nhận : "Nhiều người nghĩ rằng cần phải biến Dải Gaza thành tro bụi, kể cả với cái giá nhiều nạn nhân là dân thường. Hai triệu người Palestine sẽ phải chịu đau khổ vì một thế lực độc tài được dân chúng ủng hộ".
Đối lập Israel tham gia chính phủ khẩn cấp và nội các thời chiến
Năm ngày sau vụ tấn công, thủ tướng Benjamin Netanyahou loan báo thành lập một chính phủ khẩn cấp trong tinh thần đoàn kết dân tộc, với nhiều khuôn mặt đối lập - Les Echos và Le Figaro lưu ý.
Chiến tranh gắn kết dân tộc Do Thái. Ông Netanyahou và nhân vật đối lập Benny Gantz - cựu tổng tham mưu trưởng quân đội và cựu bộ trưởng quốc phòng - thỏa thuận lập ra "nội các thời chiến". Ngoài ba thành viên : Benjamin Netanyahou, đương kim bộ trưởng quốc phòng Yoav Gallant, Benny Gantz ; còn có hai chính khách thuộc đảng của ông Gantz nhưng không có quyền quyết định. Nội các này chỉ xử lý vấn đề an ninh, vì Benny Gantz không muốn liên quan đến những quyết định khác của ông Netanyahou. Ông Gantz nổi tiếng từ cuộc chiến tranh chống Hamas ở Gaza năm 2014, kéo dài 50 ngày.
Chính phủ cũng được mở rộng, gọi là "chính phủ khẩn cấp". Năm thành viên đảng đối lập của Benny Gantz trở thành bộ trưởng không bộ, và chính phủ hiện thời của Benjamin Netanyahou được 64/120 nghị sĩ ủng hộ, nay tăng lên 76. Một chỗ trong nội các chiến tranh cũng được dành cho Yair Lapid, thủ lãnh đảng cánh trung Yesh Atid nếu đảng này muốn tham gia. Thủ tướng Netanyahou cũng chấp nhận việc hai thủ lãnh đảng cực hữu, Itamar Ben Gvir và Bezalel Smotrich hiện là hai bộ trưởng, không có mặt trong nội các này.
Khả năng Hamas dẫn dụ Tsahal vào bẫy chiến tranh đô thị
Trong bối cảnh người dân đang phẫn nộ trước các vụ thảm sát, cuộc tiến công trên bộ vào Dải Gaza, hôm thứ Bảy vẫn được coi là giải pháp cuối cùng, nay không thể tránh khỏi. Đặc phái viên Libération tại miền nam Israel ghi nhận tất cả các thành phần của lục quân đều có mặt tại khu vực gần Dải Gaza : lính xe tăng, công binh, quân y, tay súng bắn tỉa… Nhiều người là quân dự bị có trình độ cao : kỹ sư, kịch tác gia, chuyên gia kiểm toán…
Chuyên gia Pierre Razoux cảnh báo "Hamas tìm cách thu hút Tsahal vào chiếc bẫy một cuộc chiến tranh đô thị". Việc phong tỏa Gaza giúp tránh được thiệt hại trong ngắn hạn và làm Hamas yếu đi, nhưng không giải quyết được vấn đề con tin. Nhất là nếu quân khủng bố phổ biến cảnh họ bị hành quyết sẽ khiến thủ tướng Netanyahou gặp nhiều khó khăn trong nội bộ. Theo ông Razoux, một trong những giải pháp là Israel có thể kết hợp với những hoạt động "cú đấm" để tìm kiếm các con tin ở những nơi đã định vị được, mà lực lượng đặc biệt gọi là "Hit and Run" (tiến đánh và bỏ chạy).
Hamas có 35.000 quân, chắc chắn đã chuẩn bị nhiều bẫy rập trên đường phố, trong các tòa nhà, trên nóc cao ốc… Để kiểm soát được Gaza, quân đội Israel cần khoảng 200.000 chiến binh cho chiến dịch này, tức 40% lực lượng kể cả quân dự bị. Mục tiêu là cắt Gaza làm nhiều khúc, vô hiệu hóa những điểm quan trọng.
Thiệt hại lớn lao khó tránh
Xe tăng sẽ canh giữ các đại lộ, ngã tư, những đơn vị bộ binh cơ giới đột phá để vào được các tòa nhà và địa đạo. Bộ binh được trực thăng triển khai vào ban đêm, dưới sự bảo vệ của drone và chiến đấu cơ, đồng thời tiến vào các tầng hầm, ngõ hẻm, căn hộ, trên nóc nhà, kiểm tra từng tòa nhà một để giải cứu con tin, chấp nhận khả năng những người này có thể bị sát thương trong trận đánh.
Đó sẽ là một chiến dịch kéo dài và tốn kém. Đành rằng quân đội Israel được huấn luyện chu đáo, hỏa lực mạnh, có nhiều phương tiện công nghệ. Tất cả binh sĩ đều có kính ngắm hồng ngoại loại mới nhất, drone và robot giám sát, máy quét nhìn xuyên tường… Nhưng đối diện với họ là hàng mấy chục ngàn kẻ thù sắt máu được vũ trang đầy đủ, ngoài ra còn có thể lôi kéo thanh niên tại chỗ tham gia. Thiệt hại sẽ rất lớn : trong chiến tranh đô thị, khoảng 5% tử thương và 25% bị thương, chưa kể chấn thương tâm lý đối với những người lính trẻ. Thường dân Palestine cũng phải trả giá, vì trước khi tiến hành mọi cuộc tiến công trên bộ, bom luôn được rải thảm.
Nhưng liệu có cách nào khác ? Hai nhân vật chống đối thỏa thuận Oslo, thủ lãnh Ismael Hanniyeh của Hamas và Benjamin Netanyahou của đảng Likoud, nay so găng không thương tiếc. Hanniyeh tại nơi lưu vong sang trọng ở Qatar, còn Netanyahou trong ngôi biệt thự được canh phòng cẩn mật ở Caesarea. Nhà văn kiêm nhà ngoại giao Pháp Jean Giraudoux từ thế kỷ trước đã cảnh báo : "Đặc quyền của các nhân vật quan trọng là quan sát thảm họa từ sân thượng".
Thụy My
Israel : Con tin trong tay những kẻ phi nhân, quân đội khó càn quét Hamas
Theo La Croix và Le Figaro ngày 10/10/2023, vấn đề con tin gây phức tạp cho việc trả đũa. Israel có truyền thống cứu cho bằng được các con tin, ưu tiên cho đối thoại nhưng cũng có thể dùng đến vũ lực, biệt kích Israel từng thành công trong nhiều chiến dịch. Nhưng lần này số con tin cao chưa từng thấy trong lịch sử, có nhiều phụ nữ, trẻ em ; bị phân tán tại nhiều địa điểm với những đường hầm chằng chịt, bị dùng làm bia đỡ đạn và món hàng trao đổi.
Một quân nhân Israel và một chú chó cứu được khi vào vị trí gần một hầm tránh bom ở Kibbutz Kfar Aza, miền nam Israel, ngày 10/10/2023. Reuters – Ronen Zvulun
Israel tiếp tục chiếm trang nhất tất cả các nhật báo Paris. Le Monde ra số đặc biệt với chủ đề "Israel bị tấn công vào trung tâm". Les Echos nói về "Nguy cơ một cuộc khủng hoảng lớn", Libération nhận định "Chiến tranh Hamas-Israel : Vòng xoáy địa ngục". Le Figaro chạy tựa "Gaza : Vây hãm trước khi tấn công", La Croix chú ý đến "Israel : Thế lưỡng nan về con tin".
Israel : Toàn quốc đứng lên cầm súng
Les Echos cho biết "Tại Israel, quân đội được huy động chưa từng thấy". Ngay từ hôm thứ Bảy, những lời kêu gọi đã được đưa ra, và trong chưa đầy 48 giờ, 200.000 quân dự bị đã tham gia quân đội. Toàn quốc cầm vũ khí : quân đội Israel có 170.000 ngàn binh sĩ, và có thể trông cậy vào 465.000 người lính dự bị, chiếm 1/20 dân số. Các gia đình vội vã tổ chức lại, ông bà, bạn bè giúp giữ con cho những người đăng lính. Con số này mỗi lúc mỗi tăng lên, thủ tướng Benjamin Netanyahou cho biết có ít nhất 300.000 người nhập ngũ.
Họ là ai ? Tất cả công dân đã đi quân dịch – 24 tháng đối với nữ và 32 tháng với nam, và đến 48 tháng đối với những ai muốn có cấp bậc sĩ quan. Người dân Israel sau đó được coi là quân dự bị đến 40 tuổi, thậm chí 54 tuổi với một số chuyên ngành. Mỗi người luôn trực thuộc một đơn vị cụ thể. Khi chính quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp, họ được thông báo qua điện thoại để đến trình diện đơn vị. Ngoài quân dự bị, còn có số lượng lớn những người tình nguyện lớn tuổi hơn. Trước mắt, quân đội không đủ để triển khai ở miền nam, cần ngay lực lượng dự bị để kiểm soát toàn bộ biên giới Gaza và tiễu trừ số khủng bố Hamas có thể còn lẩn trốn trên đất Israel.
Hôm qua mấy chục ngàn binh sĩ tiếp tục truy quét, gõ cửa từng nhà, lục soát các ngôi vườn, những chỗ có thể ẩn nấp. Việc huy động còn kéo dài tới chừng nào ? Chẳng ai biết được. Một người tên Tamar nói với báo Pháp : "Hồi năm 1973 trong cuộc chiến tranh Kippur, cha tôi là quân dự bị đã ra đi không báo trước, sáu tháng sau ông mới trở về". Người đàn ông ở độ tuổi sáu mươi này đang trông coi các cháu ngoại, con gái và con rể đã lên đường đến đơn vị mình ngay từ hôm thứ Bảy.
Thanh niên từ ngoại quốc về nước đánh giặc
Phóng sự của Libération tả lại khung cảnh ở phi trường Roissy, ngoại ô Paris, nhiều thanh niên Israel xếp hàng về nước để nhập ngũ, trong lúc quân đội đang tảo thanh bọn khủng bố Hamas. Nhân viên của El Al, hãng hàng không quốc gia Israel kiểm tra giấy tờ các quân nhân dự bị này trên điện thoại di động. Có người từ tận Costa Rica trở về. Những thanh niên ở độ tuổi đôi mươi, ăn mặc chẳng khác các nạn nhân trẻ tuổi tham gia nhạc hội bị thảm sát trong các video. Họ được cấp vé ưu tiên về Tel-Aviv, hợp sức với 300.000 quân dự bị đã trình diện. Bên cạnh là những người Israel đủ độ tuổi – một phụ nữ khóc qua điện thoại, một bà có tuổi không nói được tiếng Hebrew nhưng vẫn muốn hồi hương trong lúc này… Họ tranh luận về thứ tự ưu tiên : người lớn tuổi, người đi vé chờ, người có con cái, người thân trong nước. Nhưng không ai nói về chiến tranh.
Hòa bình Cận Đông : Ảo tưởng bị chôn vùi
Trong bài xã luận, Le Figaro nhận định hòa bình ở Cận Đông chỉ là "nghĩa trang của những ảo tưởng". Cuộc tấn công của Hamas vào Israel hôm 07/10/2023 báo hiệu hồi kết cho chính quyền Palestine dưới dạng hiện nay, và "giải pháp hai Nhà nước". Như một chu kỳ đáng buồn không ngơi nghỉ, bóng tử thần một lần nữa lại đổ xuống Israel và dải Gaza.
Sự man rợ mà phe Hamas ở Palestine đã chứng tỏ khi thảm sát hàng trăm thường dân tại nhà họ, và các thanh niên đang dự một nhạc hội ở sa mạc, đã mở ra "một vệt máu có thể biến thành sông". Trong khi chờ đợi đưa "Thanh gươm sắt" đến Gaza, bộ tham mưu Tsahal (quân đội Israel) tập hợp lực lượng, phong tỏa toàn bộ dải đất Palestine. Hai triệu người đã sống trong cảnh trói buộc từ nhiều thập niên, nay lại thêm cúp điện nước, khí đốt. Và những vụ oanh tạc đã diễn ra - để trả đũa hay để chuẩn bị chiến trường - khiến thường dân có thể trả giá đắt trong cuộc chiến sắp tới.
Việc đưa quân vào đại bản doanh của Hamas không còn gì phải nghi ngờ. Nhưng hiện thời phương thức, mục tiêu và thời gian của chiến dịch đặt ra thế khó xử cho Israel : Đơn giản là chiến dịch "tảo thanh" với tác động hạn chế, hay chiếm đóng ít nhất là tạm thời, để đánh bật rễ bộ máy quân sự, chính trị của phong trào Hồi giáo ? Dù sao đi nữa thì cũng sẽ gay go và đẫm máu. Vùng đất thánh ngập nắng Địa Trung Hải vẫn tiếp tục nỗi bất hạnh.
Vụ thảm sát cuối tuần trước đã mở ra một kỷ nguyên mới. Có thể là sự kết thúc của chính quyền Palestine - tham nhũng và trở thành bất hợp pháp, 19 năm sau khi Mahmoud Abbas được bầu lên. Khả năng hai Nhà nước cùng tồn tại cũng khó thể hy vọng, khi người Israel không còn muốn nhượng bộ trước kẻ thù khát máu. Hệ quả là tiến trình bình thường hóa giữa khối Ả rập và Nhà nước Do Thái có nguy cơ bị ảnh hưởng. Ngay cả nền dân chủ Israel cũng có thể trở thành ảo ảnh nếu phe cực đoan thắng thế. Hamas, đồng minh của tất cả các thế lực cực đoan đang nở rộ trong khu vực, đã phát động một công cuộc hủy diệt mà không thể dự đoán sẽ ngừng lại ở đâu.
Con tin Israel trong tay những kẻ phi nhân tính
La Croix nhận thấy những hình ảnh bạo lực khủng khiếp từ Israel làm người ta đau lòng, chà đạp lên phẩm giá loài người, lên sự tôn trọng mà mọi nền văn minh dành cho cơ thể con người dù sống hay chết.
Mức độ phi nhân tính của những tay súng hay cảm tình viên của Hamas đến đâu, khi nhổ vào một người Israel bị thương, đánh đập họ dã man ? Và những kẻ chặt đầu một số nạn nhân, hãm hiếp các nạn nhân khác ? Ngay cả các em bé cũng bị bắt làm con tin, những tiếng la hét vui mừng khi thấy người khác bị hành hạ... Theo thống kê chưa đầy đủ, 1.000 thường dân đã bị sát hại, trong đó 260 thanh niên dự lễ hội âm nhạc "bị thảm sát một cách lạnh lùng". Người dân còn rúng động trước số phận của khoảng 150 người bị bắt cóc.
Vấn đề con tin gây phức tạp cho việc trả đũa của Israel. Nhà nghiên cứu Étienne Dignat thuộc Sciences Po cho biết Israel có truyền thống cứu cho bằng được các con tin. Họ ưu tiên cho đối thoại, nhưng cũng có thể dùng đến vũ lực. Biệt kích Israel từng có những chiến dịch thành công như ở Entebbe (Uganda) khi không tặc chiếm một phi cơ Air France năm 1976, hay giải cứu một chiếc xe buýt năm 1984. Khả năng thứ ba là "Hannibal" : quân đội pháo kích vào đoàn xe hay một địa điểm có con tin với hy vọng sẽ giải thoát được họ trong cơn hỗn loạn.
Làm thế nào tìm ra người bị bắt trong những đường hầm chằng chịt ?
Nhưng lần này không những số con tin cao chưa từng thấy trong lịch sử Israel mà còn có nhiều phụ nữ, trẻ em. Sẽ rất khó khăn để định vị tại một khu vực rộng lớn với những đường hầm đào khắp nơi. Các con tin đã bị phân tán rải rác tại nhiều địa điểm trên dải Gaza, bị dùng làm bia đỡ đạn, giúp Hamas kéo dài thời gian cuộc chiến, ngăn trở người Israel chấm dứt trạng thái tang tóc để chuyển sang hành động. Theo ông Dignat, "đó là thảm họa cho Israel".
Le Figaro cũng cho rằng vấn đề con tin sẽ bị khai thác một cách thô bạo. Có thể hình dung Hamas và Thánh chiến Hồi giáo đã chuẩn bị chỗ giấu, tình báo Israel phải chạy đua với thời gian vì phe khủng bố đe dọa nếu oanh kích sẽ giết con tin. Một công việc chẳng khác tìm kim đáy biển, trên dải đất đông đúc dân cư.
Trước đây tình báo Israel nắm rõ như lòng bàn tay trong thời gian chiếm đóng từ 1967 đến 1994. Tháng 5/1994 khi cảnh sát Palestine tiếp quản theo thỏa thuận Oslo, họ không biết rằng dưới những tấm đan bê-tông là cả một hệ thống nghe lén, giúp theo dõi 1.200 đường điện thoại trong hai năm. Nhưng từ khi rút hẳn khỏi dải Gaza năm 2005, tai mắt của Israel ít dần. Một trong những thủ lãnh Hamas ngay từ thứ Bảy tuyên bố đã bắt đủ số con tin để có thể đòi phóng thích tất cả 5.000 tù nhân Palestine.
Kẻ thù là khủng bố nhưng trang bị hùng hậu như quân đội
Từ 50 năm qua, chưa bao giờ Nhà nước Do Thái đứng trước chọn lựa khó khăn cho giải pháp quân sự như vậy. Nhà nghiên cứu Sarah Fainberg của Centre Elrom ở Tel Aviv nhận định : "Chúng tôi đang lâm chiến với một kẻ thù hoạt động theo kiểu tổ chức Nhà nước Hồi giáo nhưng có nguồn lực của một quân đội. Không thể tiến hành một cuộc chiến nhanh chóng với không quân làm mũi nhọn".
Phản ứng từ Tsahal, hai ngày sau vụ tấn công đẫm máu của Hamas vẫn còn giới hạn. Sự kềm chế này phần vì sợ con tin bị chết, mặt khác để tránh Hezbollah ở Lebanon mở thêm mặt trận thứ hai với sự hỗ trợ của Iran. Không những Israel thận trọng trước nguy cơ này, mà Hoa Kỳ cũng gởi hàng không mẫu hạm USS Gerald-R.-Ford đến. Trên mặt đất, quân đội Israel hoàn tất việc chiếm lại tất cả những thành phố, làng mạc. Đồng thời triển khai quân dự bị để bắt đầu phong tỏa Palestine, trước khi phát động chiến dịch trên bộ để diệt trừ Hamas.
Sarah Fainberg nhắc nhở rủi ro rất cao : Lữ đoàn Al-Qassam, nhánh vũ trang của phong trào Palestine sở hữu số lượng lớn rốc-kết, drone, súng phóng lựu. "Chiến tranh trong đô thị rất đẫm máu cho cả kẻ thù lẫn Tsahal. Chính phủ có thể trả đến cái giá nào, và với mục tiêu chiến lược ra sao ? Chiếm đóng Gaza đòi hỏi nguồn lực quân sự rất lớn. Thay đổi chế độ chăng ? Phía sau Hamas có Thánh chiến Hồi giáo, cũng liên hệ với Iran. Nhưng trong chiến tranh, không có giải pháp nào hoàn hảo cả".
Tham vọng Hamas quá lớn, không thể "mua" được bình yên
Vì sao Hamas dám thách thức Nhà nước Do Thái ? Le Monde nhận định, Israel đã không dự đoán được tham vọng của tổ chức khủng bố này - không muốn đóng khung trong vai trò người quản lý một nhà tù lộ thiên như Gaza. Hamas không từ bỏ truyền thống vũ lực bất chấp rủi ro, không tự hài lòng với "hòa bình qua kinh tế" mà Israel dành cho. Từ 2021, các chính phủ Naftali Bennett, Yair Lapid và nay là Benjamin Netanyahou tự cho là giảm được bạo động qua việc cấp trên 17.000 giấy phép lao động cho người Gaza sang Israel làm việc.
Les Echos cho biết thêm, lương nhận được ở Israel cao gấp mười lần ở dải Gaza, nguồn tiền này giúp hàng trăm ngàn gia đình sinh sống. Bên cạnh đó, từ 5 năm qua Israel chấp nhận để cho Qatar tài trợ 30 triệu đô la hàng tháng để mua bình an : nhiên liệu cho nhà máy điện và trả lương cho Hamas cùng các công chức. Số tài trợ này bằng tiền mặt, đựng trong những vali trên những chiếc xe chạy từ Israel sang Gaza – Qatar không có quan hệ ngoại giao với Israel. Liệu có cái bóng Iran phía sau Hamas hay không ? Theo Wall Street Journal, Tehan trực tiếp hoạch định và bật đèn xanh cho chiến dịch.
Moskva xoa tay, các nước Ả rập lúng túng
Trong khi đó Le Figaro cho rằng "Moskva hy vọng thủ lợi từ một cuộc khủng hoảng đã che khuất cuộc xâm lăng Ukraine". Theo nhà báo Mỹ Thomas Friedman, leo thang xung đột Israel-Hamas khiến Kiev khó thể có được hỏa tiễn Patriot, đạn pháo 155 ly và những loại vũ khí khác mà quân đội Ukraine vô cùng cần đến. Những ngày gần đây, truyền thông Nga đua nhau dẫn lại lời của Dmitri Medvedev, rằng Washington và đồng minh nên quan tâm đến "giải pháp Palestine-Israel" thay vì "can thiệp vào chuyện nội bộ" của Nga, viện trợ quân sự cho Kiev.
Về phía các quốc gia Ả rập, nhà nghiên cứu Denis Bauchard, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) trên Les Echos nhận thấy sự lúng túng của các nước này, "đa số thù địch với Hamas". Dù vậy Ai Cập cũng cố đóng vai trò trọng tài truyền thống. Chuyên gia Frédéric Encel của Sciences Po lưu ý đến "những phản ứng chậm chạp, thiếu nhiệt tình, khác biệt", nhắc nhở "thế giới Ả rập theo nghĩa địa chính trị, không còn tồn tại từ nhiều năm qua". Ông nhấn mạnh Hamas là "mối nguy hiểm và kẻ thù" của nhiều chế độ Ả rập, là nhánh cực đoan Palestine của Huynh đệ Hồi giáo, từng gây bất ổn cho nhiều nước trong Mùa xuân Ả rập.
"Yêu hòa bình" hay đứng về phía kẻ xâm lăng Ukraine ?
Khói lửa Trung Đông không thể làm quên lãng số phận Ukraine đang bị đe dọa. Libération bất bình khi trong lúc cuộc phản công đang dậm chân tại chỗ, ngày càng có những tiếng nói nhân danh "yêu hòa bình", đòi hỏi nhanh chóng kết thúc cuộc chiến, gây áp lực lên những người ủng hộ Kiev.
Trước hết là một con số đáng sợ : nửa triệu người, không biết là cộng luôn thương vong hay chỉ là số người thiệt mạng, của cả Nga và Ukraine. Số liệu của Mỹ cho thấy cuộc chiến này rõ ràng là cuộc thảm sát, đang bị những người thân Nga lợi dụng. Cả một đội quân thứ năm ngày đêm kêu đòi "hòa bình", khả năng Donald Trump đắc cử năm 2024, và kết quả chưa thấy được của cuộc phản công, tạo ra không khí bất lợi đang đầu độc các bên ủng hộ Ukraine.
Các láng giềng của Ukraine đang trong mùa bầu cử. Phe đối lập ở Ba Lan, Slovakia thiên về xu hướng thân Nga của Hungary trong khi hai nước này vốn ủng hộ tích cực Kiev. Ba Lan là hậu cứ, nơi chuyển giao vũ khí từ Mỹ, Anh, Pháp, Đức. Slovakia là nước đầu tiên chi viện MiG-29 cho Ukraine. Phe thân Nga đòi ngưng cấp vũ khí cho Kiev, lý sự rằng các biện pháp trừng phạt gây thiệt hại cho Châu Âu nhiều hơn là Nga. Tại Pháp, họ lột bỏ chiếc mặt nạ "nhân đạo" ; tung nhiều bài viết trên truyền thông, chuẩn bị biểu tình "vì hòa bình" ; ở Hoa Kỳ cũng tương tự.
Tướng Ben Hodges, cựu tổng tham mưu trưởng NATO từ 2012 đến 2017 nói rõ, Hoa Kỳ vũ trang cho Ukraine đủ để không bị đánh bại, nhưng không đủ để đuổi được quân Nga ra khỏi biên giới. Theo ông, "cuộc phản công của Ukraine thực sự có tiến triển", và khẳng định nếu phương Tây muốn Kiev giành chiến thắng thì "không nên ngần ngại cung ứng tất cả những gì Ukraine cần đến". Putin đã nêu gương xấu, không tôn trọng bất cứ điều gì, và rồi người Armenia bị đuổi khỏi quê hương Thượng Karabakh, còn Hamas - được Iran chống lưng - tàn sát người Israel ngay trên lãnh thổ Do Thái. Hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác, giải pháp quân sự đã thay cho thương lượng.
Thụy My
Israel pháo kích dữ dội Gaza và chưa kiểm soát được toàn bộ các điểm bị Hamas chiếm giữ
Thanh Hà, RFI, 09/10/2023
Xung đột bước sang ngày thứ ba, Israel vẫn chưa tiêu diệt được các chiến binh Hamas chiếm giữ 7 hoặc 8 địa điểm trên lãnh thổ Israel. Sáng nay 09/10/2023 quân đội Israel thông báo triển khai "hàng chục ngàn quân" bao vây dải Gaza và trong đêm qua đã nã pháo vào "hơn 500 mục tiêu của Hamas và tổ chức thánh chiến Hồi giáo Jihad".
Khói bốc lên tại Gaza sau cuộc tấn công của Israel, ngày 08/10/2023. Reuters – Mohamed Salem
Theo thẩm định của chính quyền Tel Aviv, có khoảng "1000 chiến binh Hamas tham gia vào chiến dịch thâm nhập lãnh thổ Israel, sát hại và bắt giữ nhiều công dân Israel làm con tin. "Nhiều thường dân và quân nhân Isael đang trong tay địch, đây là thời điểm chiến tranh" tư lệnh quân đội Herzo Helavi đã tuyên bố như trên vào chiều Chủ nhật 08/10/2023 trong lúc thủ tướng Benjamin Netanyahu chuẩn bị công luận trước viễn cảnh "một cuộc chiến tranh kéo dài".
Theo tổng kết sơ khởi, từ sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas sáng sớm thứ Bẩy 07/10, có ít nhất 700 công dân Israel thiệt mạng, hơn 2.000 người bị thương. Về phía Palestine, thiệt hại nhân mạng lên tới gần 450 người. Văn phòng Liên Hiệp Quốc đặc trách về nhân đạo tại Trung Đông, ghi nhận xung đột trong những ngày qua khiến 123.000 người Palestin phải di tản.
Trong cuộc xung đột này, thường dân là những nạn nhân đầu tiên như tường thuật của thông tín viên thường trực Sami Boukhelifa từ Jerusalem.
"Chiến đấu cơ, máy bay trực thăng, đạn pháo hạng nặng… Dải Gaza bị chìm ngập trong các đợt mưa bom. Hơn 120.000 thường dân đã phải di tản theo như thẩm định của Liên Hiệp Quốc. Người dân Palestine lãnh đủ các đợt phản công của Israel. Chúng tôi liên lạc được với một dân cư ở Gaza bà cho biết ‘Israel không báo trước khi họ dội bom. Các chiến binh Hamas thì họ ẩm nấp dưới đường hầm chỉ có thường dân sống trên mặt đất là trên tuyến đầu’.
Một nhân chứng khác cho biết thêm : Theo quan điểm của Israel thì tất cả chúng tôi đều là những tội phạm. Quân đội Israel không phủ nhận điều này. Một phát ngôn viên của bên quân đội sáng nay giải thích : Chúng tôi cố gắng tránh để xảy ra những hậu quả ngoài ý muốn, nhưng khi lực lượng Hamas tấn công Israel thì họ cũng không cảnh báo trước cho chúng tôi biết. Giờ đây, chúng tôi cũng thay đổi cách hành động".
Mỹ cấp đạn dược cho Israel và tăng cường hiện diện quân sự ở đông Địa Trung Hải
Minh Anh, RFI, 09/10/2023
Chủ nhật 08/10/2023, tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc điện đàm thứ hai với thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhằm trấn an rằng Hoa Kỳ đã bắt đầu gởi viện trợ quân sự đến Israel, nhấn mạnh một sự hậu thuẫn nhanh chóng với đồng minh truyền thống, bị Hamas đánh úp bất ngờ trong cuối tuần qua.
Tàu sân bay của Hoa Kỳ USS Gerald R. Ford đến Đông Địa Trung Hải hool 8/10/2023 để sẵn sàng hỗ trợ Israel. AP - Andrew Vaughan
Từ New York, thông tín viên đài RFI Loubna Anaki cho biết chi tiết :
"Trung thành với vai trò nhà cung cấp viện trợ quân sự hàng đầu cho Israel, Washington huy động sức lực. Từ sáng thứ Bảy (07/10), giới chức Mỹ liên tục trao đổi với các đồng nhiệm Israel để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ.
Hôm qua, tổng thống Biden một lần nữa cam kết rằng mọi thứ sẽ được thực hiện sao cho "Israel có thể tự vệ".
Tổng thống Mỹ thông báo, gói hỗ trợ đầu tiên cho quân đội Israel đã lên đường, bao gồm trang thiết bị, vật liệu và đạn dược theo như thông cáo của Lầu Năm Góc. Phần viện trợ này đã được dự trù trong khuôn khổ gói hỗ trợ quân sự trị giá 3 tỷ đô la mà Washington cấp cho Israel mỗi năm.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ củng cố hiện diện quân sự trong khu vực. Nhiều tầu chiến và một hàng không mẫu hạm Mỹ đã nhận được lệnh đến chốt tại Đông Địa Trung Hải. Sự hiện diện của các chiến đấu cơ cũng đã được tăng cường.
Nhà Trắng cho biết đang chuẩn bị một gói hỗ trợ quân sự bổ sung. Nhưng dự án cần phải được Quốc Hội chấp thuận và Hạ Viện thì đang bị khủng hoảng chính trị, do vậy, việc này đòi hỏi phải có thời gian".
Xung đột Israel – Hamas : Giao tranh tiếp diễn, Israel ra lệnh sơ tán dân xung quanh dải Gaza
Minh Anh, RFI, 08/10/2023
Một ngày sau cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào lãnh thổ Israel, quân đội nước này hôm nay, 08/10/2023, tiếp tục truy lùng những kẻ xâm nhập từ phe Hamas ở phía nam, nhưng cùng lúc phải chống trả lực lượng Hamas ở phía bắc, giáp biên giới với Liban. Thủ tướng Israel yêu cầu người dân sống gần vùng Gaza có 24 giờ để sơ tán.
Tên lửa bắn từ dải Gaza hướng tới Israel, ngày 07/10/2023. Reuters – Ibraheem abu Mustafa
Thủ tướng Israel khẳng định giai đoạn một chiến dịch truy lùng những kẻ xâm nhập lãnh thổ "sắp hoàn tất", đồng thời cảnh báo người dân Israel trước nguy cơ phải đối mặt với một "cuộc chiến lâu dài và đầy khó khăn". Quân đội Israel thông báo sẽ cho sơ tán trong vòng 24 giờ tới tất cả những người dân nào định cư gần vùng lãnh thổ với Palestin.
Theo một phát ngôn viên quân đội Israel được Reuters dẫn lại, các chiến dịch quân sự vẫn tiếp diễn tại 8 vùng xung quanh dải Gaza. Thông tin này cũng được lữ đoàn Al Kassam, một nhánh vũ trang của phe Hamas cho biết giao tranh đang diễn ra tại ít nhất 7 khu vực. Dải Gaza hứng những trận mưa bom trả đũa từ quân đội Israel.
Trong khi đó, ở phía bắc, phe Hezbollah mở màn chiến sự tấn công bằng pháo rốc-kết, đạn súng cối nhằm vào ba vị trí kiên cố của Israel trên vùng núi Hermon và vùng các trang trại ở Chebaa, khu vực biên giới do Israel chiếm đóng nhưng Lebanon đòi chủ quyền, theo như tường thuật của thông tín viên Paul Khalifeh.
Trong thông cáo, phe Hezbollah khẳng định "cuộc tấn công này nhằm giải phóng các vùng lãnh thổ do Israel chiếm đóng và thể hiện tình đoàn kết với cuộc kháng chiến của người Palestine".
AFP nhắc lại, sáng sớm thứ Bảy, 07/10, người dân Israel thức giấc trong bàng hoàng dưới tiếng còi báo động và những tiếng nổ khai hỏa vang rền từ hệ thống phòng không Vòm Sắt. Phe Hamas đã bất ngờ mở chiến dịch tấn công quy mô lớn thâm nhập lãnh thổ Israel dưới sự yểm trợ của hỏa lực hàng ngàn quả rốc-kết.
Tính đến hiện tại, giao tranh giữa các bên đã làm cho hơn 500 người thiệt mạng, trong đó phía Palestine là hơn 300 người, và gần 3.000 người khác bị thương từ cả hai phía (1.000 người Israel).
Đáng chú ý, trong cuộc tấn công bất ngờ "chưa từng có" như thừa nhận của thủ tướng Israel, phe Hamas và nhánh Jihad Hồi giáo, một nhóm vũ trang người Palestine khác đã bắt giữ ít nhất 30 con tin Israel.
Trang mạng báo Le Figaro còn thừa nhận Hamas đã sử dụng một kỹ thuật tấn công chưa từng có khi sử dụng dù lượn có gắn động cơ phối hợp với bộ binh để thâm nhập lãnh thổ Israel.
Minh Anh
***************************
Xung đột Israel-Hamas : Mỹ hứa sẵn sàng cung cấp "mọi phương tiện" giúp Israel tự vệ
Thu Hằng, RFI, 08/10/2023
Ngay sau vụ tấn công bất ngờ của phong trào Hamas nhắm vào Israel, cộng đồng quốc tế đã kêu gọi "ngừng bắn" và các bên liên quan "kiềm chế". Ngày 07/10/2023, Hoa Kỳ, đồng minh thân cận nhất của Israel, lên án mạnh mẽ cuộc tấn công của Hamas và hứa cung cấp mọi phương tiện cần thiết giúp Israel tự vệ.
Hệ thống phòng không chống tên lửa của Israel bắn chặn hỏa tiễn của Hamas bắn từ dải Gaza, trong vùng Ashkelon, đêm 07/10/2023. © Amir Cohen / Reuters
Thông tín viên RFI Loubna Anaki tại New York cho biết thêm :
"Israel có quyền tự vệ". Ông Joe Biden đã tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với người dân Israel sau vụ tấn công bất ngờ của phong trào Hamas ngày hôm qua (07/10). Suốt cả ngày, các quan chức Mỹ liên tục họp khẩn ở Washington. Tổng thống Mỹ hội đàm với thủ tướng và tổng thống Israel, cũng như với nhiều lãnh đạo khác ở trong vùng.
Tổng thống Mỹ, nước đồng minh thân cận nhất của Israel, hứa cung cấp mọi viện trợ cần thiết. Ông phát biểu : "Không bao giờ biện minh được cho hành động khủng bố. Và sự ủng hộ của chính quyền của tôi đối với an ninh Israel là điều không thể lay chuyển. Tôi muốn nói rõ và cảnh cáo mọi đối tượng thù nghịch với Israel đang tìm cách lợi dụng những cuộc tấn công này, cũng như tình hình hiện nay ! Thế giới theo dõi các vị !"
Về phần mình, ngoại trưởng Mỹ trấn an là ông liên lạc thường xuyên với các nhà lãnh đạo Israel. Ông Anthony Blinken cũng đối thoại với lãnh đạo của chính quyền Palestin.
Tại New York, Hội đồng Bảo an đã thông báo họp khẩn vào Chủ Nhật này (08/10) để thảo luận về tình hình leo thang mới này. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi cộng đồng quốc tế sử dụng mọi phương tiện ngoại giao để "tránh cho cuộc xung đột lan rộng".
Ngay trong ngày 07/10, đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Trung Đông Tor Wennesland đã lên án "những vụ tấn công ghê tởm" của Hamas nhắm vào Israel và kêu gọi chấm dứt ngay tình trạng này. Liên Hiệp Châu Âu, thông qua phát biểu của chủ tịch Uỷ Ban Châu Âu, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu và người đứng đầu ngành ngoại giao, tố cáo và kêu gọi chấm dứt "ngay" các cuộc tấn công "khủng bố theo hình thức đáng khinh nhất" và "mù quáng nhắm vào Israel" "gây sợ hãi, bạo lực cho người dân vô tội".
Thu Hằng
***********************
Xung đột Israel – Hamas : Iran cổ vũ, Nga quy trách nhiệm cho phương Tây
Minh Anh, RFI, 08/10/2023
Trong khi Ai Cập – nước trung gian hòa giải truyền thống giữa Palestine và Israel – thực hiện một loạt các cuộc tiếp xúc trong khu vực và quốc tế nhằm kềm hãm cuộc khủng hoảng, thì chính quyền Teheran tỏ ra hoan hỉ và tuyên bố ủng hộ "chiến dịch đầy tự hào "hồng thủy Al Aqsa" theo như phát biểu của một lãnh đạo Vệ binh Cộng hòa Iran.
Cột khói cho thấy mục tiêu tại thành phố Gaza bị trúng tên lửa của Israel đap trả các vụ tấn công của Hamas, ngày 07/10/2023. AP - Fatima Shbair
Chính quyền Moskva một mặt bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình nghiêm trọng trên dải Gaza, kêu gọi đôi bên kềm chế, mặt khác, Nga quy trách nhiệm cho phương Tây đã không làm tròn bổn phận để giải quyết "gốc rễ" hồ sơ này.
Từ Moskva, thông tín viên đài RFI Jean-Didier Revoin giải thích :
"Lên án mà không theo một bên nào. Đây là thái độ của Nga sau cuộc tấn công của phong trào Hamas vào lãnh thổ Israel. Moskva đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước sự leo thang này đồng thời tái khẳng định lập trường nguyên tắc của mình, theo đó, cuộc xung đột này, kéo dài từ 75 năm qua, không có giải pháp vũ lực và chỉ có thể giải quyết qua các phương tiện ngoại giao – chính trị.
Ngoại giao Nga kêu gọi ngưng bắn tức thì và các bên tham chiến phải tái lập tiến trình đàm phán hướng đến việc thành lập một nhà nước Palestine ở bên trong đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô, chung sống hòa bình và an ninh với Israel.
Đối với Moskva, bạo lực bùng phát lần này bắt nguồn từ việc không áp dụng thường trực các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nga còn tố cáo phương Tây đã cản trở công việc trung gian hòa giải quốc tế bốn bên cho Trung Đông bao gồm Nga, Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và Liên Hiệp Quốc.
Một thực tế mà Nga phải đối mặt từ hôm nay, trong phiên họp bất thường của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, diễn ra ở New York".
Nếu như nhiều nước phương Tây như Anh, Pháp, Đức lên án mạnh mẽ cuộc tấn công "bất ngờ" của phe Hamas trên dải Gaza, các nước Hồi giáo đưa ra những tuyên bố trái chiều. Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Israel và Palestine "nên hành động một cách hợp lý" và "tránh hành động quá khích, có nguy cơ gia tăng căng thẳng".
Chính quyền Qatar, một mặt hối thúc các bên "nên kềm chế", nhưng mặt khác Bộ Ngoại giao nước này cũng cho rằng Israel là "bên chịu trách nhiệm duy nhất cho tình hình leo thang hiện nay do liên tiếp có những vi phạm", đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế "ngăn chặn khả năng sự kiện này sẽ bị sử dụng như là một cái cớ để châm mồi lửa cho một cuộc chiến tranh mới bất cân xứng nhắm vào thường dân Palestine".
Về phía Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nước này, trong thông cáo đã bày tỏ quan ngại về tình hình leo thang căng thẳng và bạo lực giữa Palestine và Israel, đồng thời kêu gọi các bên liên quan nên giữ bình tĩnh và kềm chế, "tức thì ngưng bắn, nhằm bảo vệ thường dân và ngăn chặn tình hình thêm xuống cấp".
Minh Anh