Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hoa Kỳ bác bỏ yêu cầu của Nga, từ chối đóng cửa khối NATO với Ukraine

Thanh Phương, RFI, 27/01/2022

Trong văn bản trả lời gửi cho Nga hôm 26/01/2022, Hoa Kỳ đã bác bỏ một trong những yêu cầu chính yếu của Moskva, khi từ chối cam kết sẽ không thâu nhận Ukraine vào khối NATO. Tuy nhiên, Washington khẳng định đã đề nghị với Nga "một con đường ngoại giao nghiêm túc" để tránh một cuộc chiến tranh mới.

ukraine1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu về Nga và Ukraine trong cuộc họp giao ban tại Bộ Ngoại giao ở Washington, Mỹ, 26/01/2022  Reuters - Pool

Hôm qua, cả Hoa Kỳ và Liên minh Bắc Đại Tây Dương đều đã trao các bức thư cho phía Nga, vốn đã đòi phải trả lời bằng văn bản những dự thảo hiệp ước mà họ đã đề nghị với các nước phương Tây vào giữa tháng 12 năm ngoái.

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :

Hoa Kỳ nhấn mạnh : Câu trả lời của họ là một con đường ngoại giao để tránh xung đột, nhưng vẫn với những lằn ranh đỏ mà ngoại trưởng Antony Blinken nhắc lại :

"Có những nguyên tắc căn bản mà chúng tôi đã cam kết ủng hộ và bảo vệ, trong đó có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và quyền của quốc gia này được chọn lựa tham gia các hiệp ước an ninh và các liên minh".

Nói cách khác, Washington không hứa là Ukraine sẽ không được gia nhập khối NATO và cũng không cam kết là Liên minh Bắc Đại Tây Dương sẽ rút khỏi các quốc gia khác ở Đông âu.

Nhưng Mỹ sẵn sàng thảo luận về sự minh bạch của các cuộc tập trận ở Châu Âu và về vấn đề kiểm soát vũ khí. Ông Blinken nói :

"Câu trả lời của chúng tôi với Nga vẫn giống như tôi đã nói ở Kiev, Berlin và Genève tuần trước. Chúng tôi vẫn mở cửa cho đối thoại, chúng tôi thiên về giải pháp ngoại giao. Chúng tôi vẫn sẵn sàng tiến bước mỗi khi có một khả năng trao đổi thông tin và hợp tác với nhau, nếu nước Nga đi theo con đường xuống thang trong căng thẳng với Ukraine và chấm dứt những lời lẽ hiếu chiến, chấp nhận thảo luận về an ninh tương lai của Châu Âu, trong tinh thần đôi bên nhân nhượng nhau".

Tuy nhiên, trong cùng tuyên bố đó, ngoại trưởng Mỹ nhắc lại là việc cung cấp vũ khí cho Ukraine vẫn tiếp diễn, từ phía Hoa Kỳ cũng như từ các quốc gia Châu Âu, đặc biệt là các nước thành viên khối NATO.

Mặt khác, hôm qua, Washington hôm qua lại kêu gọi các công dân Mỹ ở Ukraine nên "tính đến việc rời khỏi nước này ngay bây giờ" để tránh bị kẹt trong một vùng chiến sự.

Thanh Phương

***********************

NATO trả lời Nga và kêu gọi đối thoại

Phan Minh, RFI, 27/01/2022

Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) một lần nữa thuyết phục Nga đối thoại, nhưng vẫn không chấp nhận đòi hỏi của Moskva muốn khối này từ bỏ kết nạp các thành viên mới, có thể ảnh hưởng đến an ninh của Nga. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 26/01/2022, cho biết khối này vẫn "chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất" trong trường hợp hai bên không tìm được tiếng nói chung.

ukraine2

Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong cuộc họp báo tại trụ sở NATO ở Bruxelles, Bỉ, ngày 12/01/2022.  Reuters – Johanna Geron

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet cho biết thêm :

Các đề xuất của NATO đã được ký bởi ba mươi quốc gia thành viên và đã được gửi tới Moskva. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh rằng đối với Liên minh, điều cơ bản là khôi phục đối thoại với Nga, mở lại cơ quan đại diện ngoại giao, cùng nhau kiểm soát vũ khí, nhưng cũng phải cho phép nhau tiến hành các cuộc thanh tra trong các cuộc diễn tập lớn.

Ông Stoltenberg nói : "Việc Nga tăng cường triển khai binh lính sẵn sàng chiến đấu ở Belarus chính là lý do tại sao chúng tôi cần kiểm tra và thấy được sự minh bạch về các cuộc tập trận. Bởi vì chúng tôi đã thấy trước đây, chúng tôi đã thấy ở Crimea vào năm 2014, chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến rằng quân đội ở mức độ báo động cao trong lúc luyện tập là một ngụy trang để phát động một cuộc tấn công".

Ngoài việc cáo buộc Nga tăng cường sự hiện diện quân sự xung quanh Ukraine, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương còn từ chối các yêu cầu của điện Kremlin bằng cách khẳng định rằng "chính sách mở cửa" của họ vẫn tiếp tục cho Ukraine và Georgia một cơ hội, có thể là trong tương lai xa, gia nhập NATO.

Phan Minh

***********************

Ukraine : Pháp, Đức sẽ phản ứng mạnh với mọi gây hấn nhưng kêu gọi Nga đối thoại

Trọng Thành, RFI, 26/01/2022

Các nỗ lực ngoại giao của Châu Âu nhằm giải quyết hòa bình căng thẳng Nga – Ukraine bằng con đường đối thoại tiếp tục. Hôm 25/01/2022, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz hội kiến tại Berlin. Lãnh đạo hai nước khẳng định chính quyền Nga sẽ phải "trả giá đắt" cho mọi hành động xâm lược.

ukraine3

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong cuộc họp báo chung trước cuộc hội đàm tại Phủ thủ tướng ở Berlin, Đức, ngày 25/01/2022.  Reuters - Pool

Tổng thống Pháp lên án chính sách gây bất ổn định của Nga tại khu vực nhiều quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Tổng thống Macron nhấn mạnh đến việc Châu Âu cần phải chuẩn bị một phản ứng chung để đối phó với Nga, với mức độ tùy theo các hành động của Moskva. Về phía Đức, thủ tướng Olaf Scholz lưu ý Moskva "cần có các biện pháp rõ ràng để góp phần vào việc giảm căng thẳng", "mọi hành động xâm lược sẽ có các hậu quả nghiêm trọng".

Tuy nhiên, trong nội bộ các nước Châu Âu, hành động đơn phương từ phía Mỹ gây lo ngại có thể rót thêm dầu vào lửa. Các nước Châu Âu, trước hết là Pháp và Đức ưu tiên giải pháp ngoại giao.

Thông tín viên Stéphane Siohan từ Kiev phân tích :

Hôm thứ Ba (25/01), trong một cuộc họp báo chung ở Berlin với thủ tướng Đức Olaf Scholz, tổng thống Emmanuel Macron thông báo ông sẽ có một cuộc điện đàm ngày thứ Sáu (28/01) với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin. Tổng thống Pháp nói : "Nếu Nga gây hấn với Ukraine, sẽ có phản ứng và cái giá phải trả là rất cao".

Trên thực tế, trong nội bộ, giới ngoại giao Pháp và các đối tác Châu Âu bày tỏ thái độ giận dữ trước các động thái của Mỹ ở Ukraine. Ở Paris và các thủ đô Châu Âu khác, giới lãnh đạo Châu Âu khó có thể hiểu được quyết định được cho là quá sớm của chính quyền Mỹ, Anh và Úc về việc sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi Kiev, trong lúc biện pháp huy động trước 8.500 lính Mỹ có thể đổ thêm dầu vào lửa, trước một cuộc gặp quan trọng mới Mỹ - Nga vào thứ Sáu tại Geneve, mà Hoa Kỳ sẽ phải phản hồi bằng văn bản đối với các yêu cầu của Nga về an ninh. 

Trong bối cảnh đó, Paris và Berlin chơi lá bài tái khởi động lại tiến trình Minsk II : trong tuần này các cố vấn của tổng thống Ukraine, Nga, Pháp và Đức sẽ gặp lại nhau sau nhiều tháng hoàn toàn bế tắc. Duy có điều, vấn đề chính vào thời điểm này không chỉ còn là việc giải quyết xung đột tại vùng Donbass, nơi tình hình đang rất yên tĩnh, mà là tránh một sự cố ngoại giao lớn và nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh quy ước giữa hai quốc gia. 

Nga từ chối mọi thương lượng với Liên Âu

Pháp, Đức thúc đẩy đối thoại với Nga, nhưng Moskva cự tuyệt. Theo Reuters, hôm nay, 26/01, tại Hạ Viện Nga, ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov tuyên bố Nga hoàn toàn không có ý định thảo luận về tình hình Ukraine và an ninh của nước Nga với Liên Hiệp Châu Âu và Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE).

Ngoại trưởng Nga tái khẳng định Moskva sẽ có "các biện pháp phù hợp", nếu không nhận được từ Mỹ và Nato các đáp ứng đối với các quan tâm của Nga về an ninh. Nga đã đợi một văn bản trả lời từ phía Mỹ về các yêu cầu của Nga, đặc biệt là ngừng mở rộng khối NATO về phía đông.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Phương Tây siết chặt hàng ngũ, trước cuộc khủng hoảng Ukraine

Nếu chia rẽ, phương Tây sẽ thua cuộc ngay trước khi bắt đầu. Điều nghịch lý là sự hung hăng của Nga đã phản tác dụng : NATO đang "chết não" bỗng tỉnh thức và trẻ trung trở lại, thậm chí quyến rũ được cả Thụy Điển và Phần Lan. Pháp tâm đầu ý hợp với Mỹ đến nỗi phải tự hỏi vụ "phản bội" qua hiệp ước AUKUS ở Ấn Độ-Thái Bình Dương có thực sự xảy ra hay không. 

eu1

Các quân nhân Ukraine tuần tra tại khu vực tiền tuyến ở Donetsk, nơi họ phải chiến đấu với quân ly khai thân Nga. Ảnh chụp ngày 27/12/2021.  AP - Andriy Andriyenko

Biến thể Omicron làm dấy lại hy vọng miễn dịch tập thể, áp-phe xét nghiệm Covid béo bở, thất nghiệp thấp nhất tại Pháp kể từ 10 năm qua, ảnh hưởng của người nổi tiếng trong lớp trẻ Hồi giáo, Tây Phi trong vòng xoáy đảo chánh, đó là tựa chính trang nhất các báo Pháp hôm nay. Cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp tục chiếm nhiều giấy mực. Trong bài "Mỹ và Châu Âu đã hiểu ngoài số phận của Ukraine, chính mình cũng bị tấn công", Le Monde nhận định rốt cuộc phương Tây đã thấy ra cần phải sát cánh với nhau trước một nước Nga đang đe dọa thế cân bằng của toàn Châu Âu.

Đoàn kết trước Nga : Lối thoát của phương Tây

Không thể nào trở lại với cái thời chia rẽ trầm trọng hồi năm 2003 trong vụ đưa quân vào Iraq. Cuối tháng Giêng 2022, sau ba tháng hoang mang về ý đồ của Nga đối với Ukraine, rõ ràng giờ đây các đồng minh cần phải đoàn kết.

Đoàn kết, đó là thông điệp được lặp lại bằng mọi ngôn ngữ sau cuộc họp trực tuyến tối thứ Hai 24/01, tập trung các lãnh đạo chính của Châu Âu xung quanh tổng thống Joe Biden. Mối nguy đang cận kề. Tuần trước Paris còn bất bình khi Mỹ và Anh không thông báo những tin tức về khả năng Nga xâm lược Ukraine, và Berlin không giấu giếm những phân tích khác với Washington, còn Luân Đôn tranh với Mỹ vai trò đồng minh số một của Ukraine.

Tuần này, phương Tây siết chặt hàng ngũ. Cố vấn ngoại giao của tổng thống Pháp sang Washington để "trao đổi về tình hình tại chỗ" với đồng nhiệm Mỹ, và nay Pháp cho biết "hài lòng về việc chia sẻ thông tin với Hoa Kỳ". Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu (EU) cùng với tổng thống Ba Lan được mời tham dự hội nghị video với Joe Biden, và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ thách thức tìm được một bất đồng nào dù nhỏ nhoi.

Putin muốn tái lập trật tự thế giới, như Liên Xô chưa hề sụp đổ

Tại sao có sự đoàn kết này ? Đó là vì phương Tây đã hiểu rằng cuộc khủng hoảng vượt ra ngoài số phận của Ukraine, chính mình cũng bị tấn công, toàn bộ an ninh Châu Âu bị thách thức. Tổng thống Nga không chỉ chống lại quyền của người Ukraine được chọn phe, mà còn muốn xóa đi những thành tựu mà Hoa Kỳ và đồng minh đạt được vào cuối cuộc chiến tranh lạnh. Một viên chức Ukraine đã cảnh báo "Nếu lần này các bạn để cho Putin tự tung tự tác, ông ta sẽ không dừng lại ở Kiev".

Cầm quyền từ hai thập niên, Vladimir Putin đã thu về dưới trướng ba nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ (Belarus, Armenia, Kazakhstan), và chiếm đóng quân sự lãnh thổ của ba nước khác (Georgia, Moldavia, Ukraine). Nhờ can thiệp vào cuộc chiến Thượng Karabakh năm 2020, Putin cũng thành công trong việc bố trí được 2.000 quân trên vùng đất bị cho là lãnh thổ của Azerbaidjan. Công cuộc tái chinh phục vùng ảnh hưởng Nga không thể hoàn chỉnh nếu thiếu viên ngọc quý Ukraine.

Ông chủ điện Kremlin còn đòi rút tất cả lực lượng NATO ra khỏi những nước đã tham gia Liên minh Bắc Đại Tây Dương từ cuối chiến tranh lạnh, quay lại với trật tự Châu Âu trước 1991. Cứ như sự sụp đổ của Liên Xô chỉ là một cơn ác mộng ! Tham vọng của Vladimir Putin không có gì mới mẻ, vấn đề là ông ta đang biến thành hành động.

Moskva hung hăng làm NATO bỗng thức tỉnh

Tại sao lại tiến hành lúc này ? Đó là vì Putin thấy mở ra một cơ hội trong tình hình phương Tây hiện nay. Chuyên gia Marek Menkiszak thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông (OSW) ở Warszawa phân tích : "Vladimir Putin nhận thấy cuộc khủng hoảng năng lượng là dịp may duy nhất để bắt bí Châu Âu. Ông ta nghĩ rằng phương Tây đang bị khủng hoảng nhiều mặt, với các xã hội phân cực, giới tinh hoa dị ứng trước những rủi ro, một Châu Âu chỉ lo cho những vấn đề riêng mình, và như vậy phản ứng sẽ hạn chế. Putin biết rằng chính sách về Ukraine của mình là thất bại, nhưng tin giờ đây có thể lật ngược thế cờ".

Song song đó, dù yếu kém về kinh tế, Moskva vẫn can thiệp vào Trung Đông, Châu Phi và vùng Balkan, đồng thời nuôi dưỡng quan hệ với Trung Quốc vốn đang thích thú quan sát cuộc khủng hoảng Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Ba 25/01 tóm tắt, Nga "đang trở thành một thế lực gây bất ổn tại biên giới Châu Âu, ở vùng Caucasus và vài khu vực khác".

Nếu chia rẽ, phương Tây sẽ thua cuộc ngay trước khi bắt đầu. Điều nghịch lý là sự hung hăng của Nga đã phản tác dụng : NATO đang "chết não" bỗng tỉnh thức và trẻ trung trở lại, thậm chí quyến rũ được cả Thụy Điển và Phần Lan. Ba Lan tỏ ra hợp tác. Pháp muốn gởi quân sang Rumani, và tâm đầu ý hợp với Mỹ đến nỗi phải tự hỏi vụ "phản bội" qua hiệp ước AUKUS ở Ấn Độ-Thái Bình Dương có thực sự xảy ra hay không. Le Monde mong rằng sự đoàn kết này vững chắc vì ván cờ có nguy cơ kéo dài.

Châu Âu lệ thuộc cả Mỹ lẫn Nga

Nhà nghiên cứu Cyrille Bret nhận định trên Le Monde "Có một hố sâu giữa can thiệp quân sự của Nga và việc tái lập Liên bang Xô viết". Từ sau cuộc chiến với Georgia năm 2008, Moskva duy trì áp lực quân sự khắp nơi : trên biển Baltic, Hắc Hải, Caucasus. Khi NATO mở rộng cho Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech, các nước Baltic, Nga tiến hành cuộc chiến phức hợp về quân sự, kinh tế, ngoại giao, truyền thông, tại những nước còn lại trong không gian hậu xô-viết. Tuy nhiên khó thể dựng lại uy thế của Liên Xô cũ : không có chủ nghĩa Mác-Lê, kinh tế kế hoạch hóa và phi thực dân hóa, Nga không thể nói chuyện với thế giới cùng một tư cách như thời Liên bang Xô viết. Nhưng duy trì huyền thoại Liên Xô giúp dân chúng quên đi sự bất lực không đa dạng hóa được nền kinh tế, sự lép vế trên trường quốc tế trước các thế lực mới như Trung Quốc. Bóng ma Liên Xô không thể gây sợ hãi.

"Cuộc khủng hoảng Ukraine khiến Châu Âu nhận rõ tính dễ tổn thương của mình", theo nhà chính trị học Alexandra de Hoop Scheffer : vừa phải dựa vào Mỹ vừa lệ thuộc vào nguồn khí đốt Nga. Đây là cuộc xung đột không cân xứng, trước những lằn ranh đỏ rực của Moskva, những ranh giới được Washington và Bruxelles đặt ra chỉ là màu hồng nhạt.

Sự nhập nhằng của Joe Biden giữa "một vụ xâm nhập nhỏ"  "tấn công Ukraine" khiến Putin có thể dấn tới. Mập mờ trong chiến lược thật ra được duy trì từ 2008, khi hội nghị thượng đỉnh NATO tại Bucarest hứa hẹn Georgia và Ukraine "có thể là thành viên", nhưng lại không mở ra cuộc đàm phán nào về vấn đề này. Hai nước liên quan bèn bị Moskva coi là kẻ thù chiến lược, nhưng lại không có được bảo đảm an ninh của NATO. Các quốc gia thành viên NATO cũng trong thế lưỡng nan, không muốn Ukraine gia nhập, nhưng lại không thể tự cho phép đóng chặt cánh cửa trước áp lực của Nga.

Nga có thể ngưng bán khí đốt cho Châu Âu để trả đũa ?

Không chỉ có áp lực quân sự. Về mặt kinh tế, liệu Nga có thể ngưng bán khí đốt cho Châu Âu để trả đũa khi bị trừng phạt hay không ? Câu hỏi mà cách đây mới vài tuần không thể hình dung được, nay cần nghiêm túc đặt ra - cho dù chỉ mới trên lý thuyết - trước sự leo thang căng thẳng ở Ukraine.

Nhà phân tích Michael Stoppard của IHS Markit nhận định trên Les Echos, khó có việc Moskva ngưng cung cấp toàn bộ. Nhưng cần chuẩn bị cho một số kịch bản như một số đường ống dẫn khí nối Nga với Châu Âu thông qua Ukraine và Ba Lan bị đóng. Châu Âu rất lệ thuộc vào khí thiên nhiên, có những năm khí đốt từ Nga chiếm đến 40%, tỉ lệ này năm ngoái còn 30%, riêng Pháp chủ động hơn vì nhà cung cấp chính là Na Uy. Năng lượng nhập từ Nga ít hơn một phần do giá tăng gấp bốn lần. Washington, Berlin và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế tố cáo Moskva siết nguồn cung để lên giá, gây áp lực đối với phương Tây.

Một viên chức cao cấp Nhà Trắng ẩn danh cho biết sẵn sàng tìm giúp nguồn năng lượng thay thế, nhấn mạnh rằng Nga cũng cần thu nhập từ dầu khí như Châu Âu cần năng lượng. Ngày mai tổng thống Joe Biden sẽ tiếp quốc vương Qatar, nhà xuất khẩu khí hóa lỏng (GNL) hàng đầu thế giới để bàn về "sự ổn định trong trật tự năng lượng quốc tế". Nhà phân tích Kateryna Filippenko của Wood Mackenzie giải thích, Châu Âu có nhiều giải pháp. Na Uy có thể tăng sản lượng và Hà Lan, Algérie cũng vậy. Nhất là Châu Âu có thể nhập GNL nhiều hơn từ Hoa Kỳ, Qatar, Châu Phi. Riêng trong tháng Giêng, số khí hóa lỏng nhập khẩu có thể cao hơn khí đốt Nga, một điều chưa từng xảy ra. Một phần là nhờ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nhập GNL ít hơn do thời tiết ấm áp ở Bắc Á.

Nguồn khí dự trữ của Châu Âu đủ dùng trong mùa đông này, tuy nhiên phải lo nhập ồ ạt kể từ mùa xuân để bảo đảm cho mùa đông 2022-2023. Nếu Nga tiếp tục giới hạn xuất khẩu, tình trạng thiếu năng lượng sẽ tiếp diễn, giá tăng vọt làm hao mòn túi tiền các nước nhập khẩu. Nhiều nước như Pháp đã phải chi ra hàng tỉ euro để kềm giá khí đốt và điện. Michael Stoppard kết luận, vấn đề là khủng hoảng giá cả hơn là khủng hoảng nguồn cung.

Khủng hoảng Ukraine : Giá dầu tăng, đồng rúp xuống dốc, lúa mì có thể khan hiếm

Nhật báo kinh tế Pháp cũng cho biết, tình hình căng thẳng ở Ukraine làm giá dầu tăng vọt, còn đồng rúp sụt giá. Trong khi các nhà ngoại giao Pháp, Đức, Nga, Ukraine đàm phán, ba ngưỡng mang tính biểu tượng đã bị vượt qua hôm thứ Tư. Đồng rúp lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020 xuống giá, phải 80 rúp mới đổi được 1 đô la. Dầu thô vọt lên 90 đô la một thùng, lần đầu kể từ 7 năm qua. Bên cạnh đó Washington, lo ngại Nga xâm lăng, kêu gọi công dân Mỹ rời khỏi Ukraine - một cảnh báo chưa từng có trong lịch sử quan hệ giữa Hoa Kỳ với hai nước này.

Một cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine cũng sẽ làm chao đảo thị trường kim loại và lúa mì. Giáo sư Philippe Chalmin, đại học Paris-Dauphine nhắc nhở, nguyên vật liệu luôn biến động trước mọi cuộc xung đột. Năm ngoái, tranh cãi giữa Bắc Kinh và Melbourne khiến than đá tăng giá, vụ đảo chánh ở Guinée làm cho nguồn bauxite trở nên bất ổn. Cho đến nay, giá quặng kim loại và nông sản vẫn dao động theo sức nóng của thương chiến Mỹ-Trung, nhưng nay Ukraine trở thành trung tâm mọi biến chuyển. Nếu Ukraine bị xâm lăng, giá nhôm và kẽm sẽ tăng vọt, nông sản cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt là lúa mì, vì Ukraine là một trong tám nước xuất khẩu nhiều nhất thế giới. Vladimir Putin nếu nuốt chửng được Kiev, sẽ kiểm soát được 1/3 thị trường lúa mì toàn cầu.

Một trận chiến khác giữa Ukraine và Nga : Báo động đánh bom giả

Nhật báo La Croixnói thêm về "Cuộc chiến kỳ lạ về báo động bom giả giữa Nga và Ukraine". Hôm thứ Hai 24/02, cảnh sát thành phố Kryvyi Rih ở miền trung Ukraine nhận được thư nặc danh đe dọa làm nổ tung tất cả các trường học trong vòng một tiếng đồng hồ, khiến phải nhanh chóng sơ tán học sinh, nhiều em vừa chạy vừa khóc. Chỉ từ đầu năm đến nay, đã có 340 vụ báo động kiểu này, làm Ukraine phải sơ tán hơn 3.100 cơ sở trên khắp cả nước. Về phía Nga chỉ có một ít vụ báo động giả tương tự, và thường Kiev bị điểm mặt chỉ tên. Tuy nhiên phải kể thêm một nguyên nhân khác : Tass cho biết hôm 21/01 nhiều học sinh bị bắt tại thành phố Krasnoiarsk của Nga thú nhận đã bịa ra có bom để đùa chơi.

Nhìn chung trong năm 2021, lực lượng an ninh Ukraine ghi nhận có đến trên 1.100 báo động đánh bom, hầu hết từ Nga hay miền đông Ukraine đang do phe ly khai thân Nga kiểm soát. Bộ trưởng Nội vụ Ukraine tố cáo Moskva muốn gieo rắc sợ hãi, làm cảnh sát Ukraine kiệt lực vì phải liên tục kiểm tra và tổ chức di tản, còn cơ quan tình trạng khẩn cấp gọi làn sóng báo động giả này là "khủng bố thông tin".

Thụy My

Published in Quốc tế

Putin có vô số phương án đánh phá Ukraine vào lúc Âu-Mỹ thiếu đối sách chung

Hồ sơ Ukraine tiếp tục là đề tài thu hút mối quan tâm của báo chí Pháp ra ngày 26/01/2022, nhất là khi vào hôm qua, Moskva lại tung ra những cuộc tập trận mới ở miền nam nước Nga, gần biên giới Ukraine, và tại vùng Crimea đã bị sáp nhập. Các động thái phô trương uy lực này được tiến hành vào lúc mâu thuẫn đã lộ rõ giữa Mỹ và Châu Âu về đối sách chống Nga trên vấn đề Ukraine. 

nga1

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp ở Moskva, Nga, ngày 21/01/2022.  AP - Alexei Nikolsky

Ngay trên trang nhất, trong một khung nhỏ nhưng ở một vị trí đập mắt, Le Monde chạy tựa : "Ukraine : Phương Tây bị giằng xé giữa leo thang hay xoa dịu". Le Figaro cũng giới thiệu trên trang nhất nội dung chính của hồ sơ Ukraine : "Mỹ và các đồng minh không nhất trí về chiến lược đối đầu với Vladimir Putin". 

Le Monde nhắc lại rằng tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Hai 24/01 đã hội đàm với các lãnh đạo Châu Âu theo một nghi thức long trọng, cho thấy rõ tính chất cấp bách của việc hai bên phải nói cùng một giọng sau nhiều ngày do dự phân vân.

Theo nhật báo Pháp, Châu Âu và Hoa Kỳ đều nhất trí bác bỏ hầu hết các yêu sách của Nga, nhưng lại mỗi bên một kiểu về cách thức ngăn chặn Nga can thiệp quân sự vào Ukraine. Mỹ đã đặt 8.500 quân vào tình trạng báo động và, giống như Vương quốc Anh, đã cho sơ tán gia đình của các nhân viên ngoại giao ra khỏi Ukraine. Ngược lại, Paris và Berlin, dù vẫn đe dọa trừng phạt Nga, nhưng cho rằng đàm phán với Moskva vẫn phải là ưu tiên. 

Le Figaro cũng ghi nhận sự kiện tổng thống Pháp Macron và thủ tướng Đức Scholz "vẫn đặt cược" vào hiệu quả của việc đối thoại với Nga, trong lúc "thái độ thiếu dứt khoát của Joe Biden làm suy yếu sức răn đe của Washington". 

Bất đồng Mỹ-Âu trong cách đối phó với Nga cũng được nhật báo kinh tế Les Echos nêu bật trong bài : "Washington và Moskva gườm nhau, Paris và Berlin cố gắng xoa dịu tình hình".

Theo tờ báo, Nga đã quyết định khởi động những cuộc tập trận bất ngờ ở Crimea trong lúc tổng thống Mỹ Joe Biden nói rõ hơn về các biện pháp mà Washington sẽ áp dụng nếu Nga xâm lược Ukraine. 

Trong bối cảnh đó, tại Châu Âu, tổng thống Pháp và thủ tướng Đức đã thảo luận với nhau về các phương thức bắt đầu giảm căng thẳng. Đối với Les Echos, một trong những mối lo của Châu Âu là nguy cơ Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Liên Hiệp Châu Âu, nơi đang nhập từ Nga 40% lượng khí đốt sử dụng. 

Phương án tấn công Ukraine của Nga rất đa dạng

Riêng Le Monde, trong một bài phân tích dài của thông tín viên tờ báo tại Moskva, đã nhấn mạnh đến các khó khăn mà Phương Tây đang gặp phải trong hồ sơ Ukraine : Đó là tính chất mập mờ mà tổng thống Nga duy trì trong các đòi hỏi của mình, vào lúc mà các hướng hành động mà Moskva có trong tay rất đa dạng. 

Trong bài viết "Các phương án của Putin tại Ukraine : Can thiệp quân sự, leo thang ngoại giao hoặc tấn công mạng"Le Monde cho rằng việc duy trì sự mơ hồ là một chiến thuật mà Nga sử dụng trong đàm phán với phương Tây về vấn đề Ukraine, nhưng tình trạng mập mờ còn đến từ một yếu tố khác : Tại Nga, mọi sự đều nằm trong tay một người : tổng thống Vladimir Putin. 

Điều đáng ngại là hiện nay không ai biết cái giá mà tổng thống Nga sẵn sàng trả để đạt được các mục tiêu của mình, cũng như những thỏa hiệp có thể chấp nhận được đối với ông. Về Ukraine, cho đến nay ông Putin vẫn tự hài lòng với những công thức mơ hồ, tuyên bố rõ rệt nhất của ông về tình hình căng thẳng hiện nay là lời cảnh báo rằng nếu đàm phán với phương Tây thất bại, Nga sẽ đưa ra những "phản ứng quân sự-kỹ thuật", sẽ được xác định sau khi tham khảo ý kiến ​​ca "giới chuyên gia quân sự". 

Nga chống duy trì nguyên trạng tại Ukraine

Theo Le Monde, điều chắc chắn duy nhất hiện nay là Moskva không chấp nhận duy trì nguyên trạng tại Ukraine, và đối với Vladimir Putin, phải giải quyết "dứt điểm" một vấn đề mà ông cho là cần thiết cho di sản mà ông sẽ để lại. Trong trường hợp Ukraine, cái giá phải trả cho việc không hành động có vẻ cao hơn sự leo thang. 

Từ vài tuần lễ nay, các thủ đô phương Tây đã sử dụng thuật ngữ chung là "xâm lược Ukraine". Trên thực tế, khả năng can thiệp của Nga đa dạng hơn. Việc dồn quân đến vùng giáp giới Ukraine đã diễn ra dần dần, bắt đầu từ mùa xuân năm 2021. Bên cạnh đó, quân đội Nga cũng triển khai ở Belarus, trong khuôn khổ một cuộc tập trận lớn, cho phép mở thêm một chiến tuyến ở sườn phía bắc Ukraine. 

Đối với giới phân tích, cái giá phải trả cho một chiến dịch xâm lược Ukraine trên quy mô lớn sẽ rất cao : Nga sẽ bị cô lập, sẽ bị những biện pháp trừng phạt mới, nhưng ngay cả trên thực địa, việc đánh chiếm quản lý các vùng lãnh thổ rộng lớn sẽ rất tốn kém nhân lực, đặc biệt khi lính Nga phải đối mặt với quân đội Ukraine đã được hiện đại hóa và dân chúng thù địch. Khó có thể tự nhận trách nhiệm trước những hình ảnh các thành phố Ukraine bị bắn phá. 

Theo Le Monde, kịch bản về một chiến dịch xâm lược Ukraine đã bị giới quan sát Nga bác bỏ, nhưng đối với một nhà cựu ngoại giao Nga, "các cuộc đàm phán ngoại giao được thiết kế ngay từ đầu để thất bại và kể từ đó, các phương tiện quân sự rõ ràng đã hướng về Kiev", thủ đô Ukraine. 

Kịch bản khác ngoài việc xâm lược trên quy mô lớn

Các kịch bản quân sự khác, với quy mô nhỏ hơn cũng tồn tại, từ các cuộc tấn công có trọng điểm, tấn công ngắn hạn nhằm làm tiêu hao lực lượng Ukraine, cho đến hỗ trợ cho một cuộc tấn công lớn của phe Ukraine ly khai thân Nga ở vùng Donbass... Trong lĩnh vực mạng, cuộc tấn công gần đây nhằm vào các định chế Ukraine đã được Kiev coi như một lời cảnh cáo.

Vấn đề, theo Le Monde, là liệu những hành động hạn chế kể trên có thể ảnh hưởng đến các định hướng chiến lược của Ukraine trong dài hạn hay không. 

Trong các phương án hành động của Moskva, cũng có thể kể đến các đòn ngoại giao. Phe cộng sản trong Nghị Viện Nga chẳng hạn, ngày 19/01 vừa qua, đã kêu gọi công nhận nền độc lập của các nước cộng hòa tự phong Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã từ chối loại trừ khả năng này, cũng như việc mở các căn cứ quân sự Nga ở các nước đồng minh của Moskva ở vùng Châu Mỹ Latinh. 

Chuyên gia Fyodor Lukyanov, giám đốc một tổ chức tư vấn thân cận với chính quyền "Nước Nga trong các vấn đề toàn cầu – Russia in Global Affairs" cũng khuyên là không nên tập trung vào Ukraine. Theo ông, hướng đi sắp tới đây của điện Kremlin sẽ không mang tính quyết định mà là một "màn phô trương lực lượng rầm rộ" nhằm gia tăng sức ép trong các cuộc đàm phán tương lai. 

Theo nhà phân tích này, Nga có thể xem xét việc triển khai vũ khí hạt nhân ở các địa điểm mới hoặc triển khai quân ồ ạt ở Belarus, dưới vỏ bọc của các cuộc tập trận được loan báo là sẽ diễn ra vào tháng Hai. 

Biến thể Omcicron làm đảo lộn các dự báo

Trong dòng thời sự, diễn biến của đại dịch Covid-19, với sự ló dạng của một truyền nhân mới của biến thể Omicron cũng được quan tâm, đặc biệt trên nhật báo cánh tả Libération với một bài viết hóm hỉnh mang tựa đề : "Với biến thể Omicron, cách diễn giải cũng biến đổi". 

Theo Libération, tình hình quả là rắc rối, không tài nào hiểu được. Đối mặt với các biến thể phụ BA.2 và BA.1 của Omicron, các nhà virus học đã phải đảo ngược dự báo về dịch Covid-19 trong không đầy một tuần.

Sáng hôm qua, 25/01, trên kênh truyền thông France Info, ông Jean-François Delfraissy, chủ tịch Hội đồng Khoa hHọc Pháp, đã khẳng định : "Làn sóng Omicron vẫn chưa kết thúc". Ông không ngần ngại dự đoán "Làn sóng bệnh nhân Covid nhập viện sẽ rất nặng nề cho đến giữa tháng Ba", trong bối cảnh diễn ra từ nay đến đó "một đà suy giảm dần dần và rất chậm". 

Tuyên bố trên đây hoàn toàn ngược lại với một đồng nghiệp của ông cũng trong Hội đồng Khoa học. Trên đài phát thanh France Inter vào tuần trước, nhà dịch tễ học Arnaud Fontanet đã lạc quan xác định : "Tình huống xấu nhất đang biến mất, đà suy giảm của dịch bệnh đã bắt đầu". Theo ông Fontanet, ngay vào tháng Hai này, số lượng các ca nhiễm ở vùng Ile-de-France, nơi bị Omicron ảnh hưởng nặng nề nhất, sẽ "sự sụt giảm đáng kể". 

Chính vì dựa trên nhận định lạc quan vừa kể mà chính quyền Pháp đã loan báo một loạt biện pháp giảm nhẹ các hạn chế như bãi bỏ việc bắt buộc đeo khẩu trang hay làm việc từ xa kể từ ngày 02/02 tới đây, hoặc cho các hộp đêm mở cửa trở lại kể từ ngày 16.

Câu hỏi đặt ra là phải chăng các biện pháp nói trên được đưa ra một cách quá vội vã, vì Cơ quan Y tế Công cộng Pháp, vào cuối tuần trước đã báo động rằng : "Còn quá sớm để coi rằng dịch Covid-19 đã qua đỉnh". Theo số liệu chính thức, tỷ lệ mắc bệnh hàng tuần vẫn đang gia tăng, và từ ngày 15 đến ngày 21 tháng 01, tỷ lệ này vẫn ở mức kỷ lục 3.674 trường hợp trên 100.000 dân. 

Đối với Libération, nước Pháp không đơn độc : Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ hay Thụy Điển đều đang trải qua một đợt lây nhiễm tăng cao trở lại. Ở Đan Mạch, sau khi suy giảm, đường cong nhiễm virus đã bắt đầu vươn lên trở lại và tiếp tục tăng cao cho đến ngày nay. Ở đó, sự gia tăng các ca nhiễm diễn ra cùng lúc với sự xuất hiện của BA.2, một biến thể phụ của Omicron - cũng như BA.1, kẻ hiện đang gây rối trên hành tinh. 

Hơn một nửa số ca nhiễm của Đan Mạch hiện nay đều liên quan đến BA.2. cho thấy khả năng truyền nhiễm cực cao của đàn em mới này. 

Mỹ và Trung Quốc kềm hãm tăng trưởng thế giới

Trong lãnh vực kinh tế, dự báo mới cho năm 2022 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng được báo giới quan tâm, được Les Echos nêu lên thành tựa chính trang nhất với nhận định : "Hoa Kỳ và Trung Quốc đang kìm hãm tăng trưởng toàn cầu". 

Theo nhật báo kinh tế Pháp, dự báo mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ tỷ lệ tăng trưởng của thế giới trong năm nay 2022 xuống còn 4,4% thay vì 4,9% như kỳ vọng vào tháng 10 năm ngoái 2021. Hoa Kỳ và Trung Quốc bị coi là thủ phạm chính làm cho tăng trưởng của hành tinh chậm lại.

Về phía Mỹ, tổ chức đa phương lưu ý rằng kế hoạch chi tiêu cho xã hội và khí hậu của Joe Biden sẽ không lớn như mong đợi. Tuần trước, tổng thống Mỹ đã loan báo những nỗ lực nhằm để hồi sinh thành tố khí hậu trong dự án chi tiêu xã hội khổng lồ của ông vốn đã bị Thượng Viện chôn vùi. Kế hoạch này đã kêu gọi đầu tư 555 tỷ đô la để chống lại việc phát thải khí nhà kính. 

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cộng thêm với việc siết chặt tiền tệ nhanh hơn dự kiến ​​và tình trng ngun cung ng vt tư cho các doanh nghip tiếp tc bị trục trặc, GDP của Mỹ trong năm nay sẽ chỉ tăng 4%, giảm mạnh so với mức 5,2% dự kiến ​​vào mùa thu năm ngoái.

Về phía Trung Quốc, tăng trưởng dự báo cho nước này cũng sẽ giảm từ 5,6% xuống còn 4,8%. Theo nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong cuộc họp báo hôm qua, 25/01, "Triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc xấu đi phản ánh sự sụt giảm liên tục trong lĩnh vực bất động sản và sự phục hồi yếu hơn dự kiến ​​ca lãnh vc tiêu dùng tư nhân". 

Quỹ Tiền tệ cũng quan tâm đến chính sách y tế : "Chiến lược zero Covid của Trung Quốc có thể làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu các căng thẳng tài chính trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc tràn sang nền kinh tế rộng lớn hơn, thì tác hại sẽ lan rộng thêm". 

Bầu cử Tổng thống Pháp, Macron vẫn thư thả

Trang nhất của Le Figaro được dành cho cuộc đua vào phủ tổng thống Pháp sắp diễn ra. Tờ báo ghi nhận : "Dù bị áp lực, Macron vẫn thư thả"

Theo tờ báo cánh hữu, dù rõ ràng là đã quyết tâm tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, nhưng đương kim tổng thống Pháp vẫn chưa chính thức tuyên bố quyết định cho dù vẫn đang "vận động" trên mọi mặt trận. 

Trong một cuộc thăm dò mới đây của Viện Ifop, nguyên thủ quốc gia Pháp chỉ được 37% ý kiến ​​ng h, so vi 41% cách đây mt tháng. Câu hi mà giới thân cận với ông đặt ra là phải chăng tổng thống đang trả giá cho các sự lộn xộn của chính phủ đối với trường học, chiến lược vac-xin, hay câu nói của ông về ý định "quậy phá" người không tiêm chúng đến cùng. 

Một câu hỏi khác : Tổng thống có nên tăng tốc và nhanh chóng tuyên bố tái tranh cử hay ngược lại, ông nên chờ đợi đến giữa tháng 2 khi tình hình dịch bệnh được cho là sẽ bắt đầu được cải thiện. 

Đối với Le Figaro, hiện nay chỉ có duy nhất một điều chắc chắn : Ông Macron đã trở thành ửng cử viên cuối cùng chưa tuyên bố tranh cử, và sự chờ đợi có thể khiến người Pháp mệt mỏi đối với ông. 

Macron đã thắng nạn thất nghiệp ?

La Croix cũng chú ý đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp, nhưng khai thác góc độ "Thành quả 5 năm cầm quyền (của tổng thống Macron) nổi bật với kết quả trong lãnh vực công ăn việc làm"

Tờ báo công giáo Pháp ghi nhận việc thông kê về thất nghiệp trong năm 2021 được công bố vào hôm nay và tự hỏi "Phải chăng tổng thống Macron đã chiến thắng trên mặt trận chống thất nghiệp.

Bi kịch từ nạn mại dâm nơi trẻ vị thành niên

Libération thì nhấn mạnh trên một thảm họa xã hội : "Nạn mại dâm nơi trẻ vị thành niên khiến cả các bậc phụ huynh lẫn ngành tư pháp hoang mang cùng cực".

Theo tờ báo cánh tả, các đợt phong tỏa chống Covid tại Pháp đã kéo theo ​​s gia tăng nn mi dâm được chào mi trc tuyến mà nn nhân là gii tr v thành niên, đa s là thiếu n, thuc mi tng lp xã hi. Các t chc c gng ngăn chn mt hin tượng đang vut ra ngoài tm kim soát.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Hệ lụy xử lý khủng hoảng Ukraine đối với quan hệ Mỹ-Trung Quốc

Thu Hằng, RFI, 25/01/2022

Trung Quốc đang theo dõi cách Hoa Kỳ và các nước phương Tây xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine và quan hệ với Nga để có thể cập nhật chiến lược đối với Đài Loan và các tranh chấp trong vùng.

ukraine1

Tổng thống Mỹ Joe Biden hội đàm trực tuyến với các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu về khủng hoảng Ukraine, ngày 24/01/2022, từ Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ.  Reuters - Handout

Theo nhận định của nhà nghiên cứu Triệu Thông (Zhao Tong) của Trung Tâm Canergie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh được báo Pháp Le Figaro trích dẫn ngày 21/01/2022, Trung Quốc theo dõi sát diễn biến Ukraine "vì muốn học từ Nga một số chiến thuật có thể sử dụng sau này với Đài Loan". Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và sẽ dùng vũ lực để thống nhất, nếu cần thiết.

Trung Quốc muốn học Nga "đạt được nhượng bộ từ vị thế tương đối yếu"

Bốn chuyên gia về tình báo quân sự Châu Âu, được AFP đặt câu hỏi ngày 21/01, đều cho rằng "Nga không được lợi gì khi chiếm Ukraine" vì sẽ quá tốn kém về mọi mặt. Tuy nhiên, điện Kremlin vẫn có thể dùng pháo binh và không quân oanh kích từ xa để đạt được mục tiêu cuối cùng là đàm phán về tương lai an ninh Châu Âu và sâu xa hơn là không để "dân chủ" đến sát biên giới. Moskva "luôn đạt được những nhượng bộ từ vị thế tương đối yếu" và đây chính là nghệ thuật mà Bắc Kinh ngưỡng mộ, theo nhận định của nhà nghiên cứu Triệu Thông.

Sự tôn trọng, cũng như cam kết của Hoa Kỳ đối với Ukraine và các đồng minh Châu Âu, cũng đang được Nga trắc nghiệm. Dù hiện giờ Washington cho thấy sát cánh với Kiev nhưng chiến lược đối phó với Moskva lại hoàn toàn "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" với Liên Hiệp Châu Âu. Điểm này cũng sẽ được Bắc Kinh theo dõi sát sao để phân tích thái độ và mức độ hợp tác của Mỹ với đồng minh và đối tác Châu Á trong hàng loạt tranh chấp và bất đồng về chủ quyền (từ Biển Đông đến biển Hoa Đông), cũng như cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực. 

Nếu như tổng thống Joe Biden phải nhân nhượng hay phải lùi bước trước đồng nhiệm Putin ở Châu Âu, thì sẽ gây tác động như thế nào đến chiến lược của Mỹ ở Châu Á, cũng như đến các nước ở Đông Á và ASEAN đang bị Trung Quốc đe dọa ? Ngược lại, nếu căng thẳng leo thang, dẫn đến xung đột vũ trang, liệu Bắc Kinh có tận dụng thời cơ để thúc đẩy lợi ích chiến lược của họ vào lúc đối thủ số 1 còn đang bận đối đầu với Nga ? Đây là những câu hỏi được François Clémenceau nêu lên trên báo Pháp Le Journal du Dimanche hôm 22/01. 

Hiện tại, Mỹ vẫn trấn an các đồng minh và đối tác láng giềng với Trung Quốc. Chiến lược bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông tiếp tục được duy trì. Sự kiện gần đây nhất là hai hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và USS Abraham Lincoln dẫn đầu một đội tầu chiến Mỹ hoạt động ở Biển Đông từ ngày 23/01 và diễn tập với lực lượng phòng vệ Nhật Bản ở vùng biển phía đông Đài Loan. Cùng ngày, Trung Quốc cũng điều 39 chiến đấu cơ, số lượng kỷ lục từ tháng 10/2021 đến nay, xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan để cảnh cáo cả Mỹ và Đài Bắc. 

Nga, Trung Quốc "bắt tay" gây sức ép đối với Mỹ ?

Thêm một yếu tố khác liên quan đến sự can thiệp của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Ukraine, bị người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên coi là tin đồn vô căn cứ và bác bỏ hôm 25/01, đó là nhiều nguồn tin chính trị và ngoại giao ở Paris, Kiev, Bruxelles và Washington úp mở rằng việc Nga chưa động thủ ngay là để tránh kỳ Thế Vận Hội Mùa Đông 2022. Bắc Kinh không muốn lại bị Moskva chiếm "ánh hào quang", như từng xảy ra năm 2008 khi Nga tấn công Georgia (Gruzia) đúng lúc Trung Quốc tổ chức Thế Vận Hội Mùa Hè. 

Trong lúc biên giới Ukraine căng thẳng, Iran, Nga và Trung Quốc tập trận chung ở Ấn Độ Dương. Rõ ràng sự kiện này đã được tính toán kỹ để gây sức ép trong bối cảnh phương Tây lục đục, chính sách đối nội của tổng thống Mỹ bị rơi vào ngõ cụt. Nhiều dự án cải cách quan trọng của ông Biden bị bác, ngay cả trong nội bộ đảng Dân Chủ, điểm tín nhiệm của ông sụt giảm trong khi kỳ bầu cử Nghị Viện giữa kỳ đang đến gần (ngày 08/11). Ông Biden chỉ còn mặt trận ngoại giao để lấy lại uy tín. Thế nhưng cả hai đối thủ Trung Quốc và Nga sẽ không để ông dễ dàng hành động. 

Thu Hằng

********************

Ukraine : Tổng thống Mỹ gia tăng áp lực với Nga

Thanh Phương, RFI, 25/01/2022

Hôm 24/01/2022, Lầu Năm Góc thông báo đang nghiên cứu khả năng triển khai hàng ngàn quân để tăng viện cho lực lượng của khối NATO ở Châu Âu. Trước mắt, Hoa Kỳ đặt 8.500 binh sĩ trong tình trạng báo động để có thể được gởi sang Châu Âu bất cứ lúc nào.

ukraine2

Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Mỹ, John Kirby trong cuộc họp báo ngày 24/01/2022, tại Lầu Năm Góc, Washington. AP - Manuel Balce Ceneta

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :

"Để giải quyết khủng hoảng, ông yêu cầu Nga phải chọn hoặc là đi theo con đường ngoại giao, hoặc phải trả cái giá rất cao. Kể từ khi điện Kremlin gởi hàng chục ngàn binh lính đến vùng biên giới với Ukraine, tổng thống Joe Biden vẫn nhấn mạnh đến những hậu quả kinh tế và những biện pháp trừng phạt nặng nề chưa từng có mà Nga sẽ phải gánh chịu.

Nhưng thời gian trôi qua, chính quyền Mỹ nay cảnh cáo Moskva về những hậu quả quân sự. Họ dự trừ tăng cường khả năng phòng thủ của các quốc gia thành viên viên khối NATO. Nhà Trắng đang nghiên cứu việc triển khai hàng ngàn quân đến các nước này. 

8.500 binh lính ở Hoa Kỳ đang được đặt trong tình trạng báo động, sẵn sàng được gởi đến các quốc gia có liên quan, như Ba Lan và các nước vùng Baltic. Lầu Năm Góc lưu ý đây là lực lượng tăng viện cho lực lượng phản ứng nhanh của NATO ở Châu Âu, hiện có 40.000 quân.

Mặt khác, các thông cáo của khối NATO từ mấy ngày qua nêu bật việc cung cấp thiết bi quân sự, ban đầu chỉ được nêu lên qua con số hàng trăm triệu đôla, nhưng nay đã được nêu cụ thể hơn. Qua các hình ảnh, người ta biết rõ hơn về các thiết bị này. Đó là các tên lửa diệt tăng và súng phòng không, vốn đã là cơn ác mộng đối với quân Nga ở Afghanistan trước đây".

Hôm nay, điện Kremlin đã chỉ trích việc Mỹ đặt hàng ngàn quân trong tình trạng báo động, xem đây là một hành động khiến cho căng thẳng leo thang

Về phần NATO, hôm qua tổ chức này thông báo cũng đang đặt lực lượng của họ trong tình trạng sẵn sàng ứng chiến, đồng thời gởi các chiến hạm và chiến đấu cơ đến để tăng cường khả năng phòng thủ của khối này Đông Âu.

Cũng hôm qua, lãnh đạo của Hoa Kỳ và nhiều nước Châu Âu trong một cuộc họp qua video đã bày tỏ sự ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và cảnh báo là Nga sẽ gánh chịu những hậu quả "rất nặng nề", nếu xâm lược nước láng giềng.

Thanh Phương

********************

Khủng hoảng ở Ukraine bắt đầu ảnh hưởng đến đồng rúp của Nga

Phan Minh, RFI, 25/01/2022

Căng thẳng ở biên giới Nga - Ukraine đang bắt đầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với khả năng tài chính Nga. Tỷ giá hối đoái của đồng rúp của Nga bị tác động mạnh. Ổn định cho đến tháng 12/2021, đồng rúp bắt đầu giảm nhẹ vào tháng Giêng. Nhưng hôm qua 24/01/2022, Ngân hàng Trung ương Nga đã phải can thiệp để ngăn chặn nguy cơ tụt giảm mạnh.

ukraine3

Một đồng rúp đặt bên cạnh biểu tượng tiền tệ của Nga. Ảnh chụp tại Moskva, Nga, ngày 13/08/2021.  AFP – Kirill Kudryavtsev

Từ Moskva, thông tín viên Anissa El Jabri tường trình :

Thông cáo được đưa ra vào giữa trưa, kể từ 3 giờ chiều, Ngân hàng Trung ương sẽ ngừng mua ngoại tệ trên thị trường trong nước, tỷ giá hối đoái lúc đó là gần 90 rúp đổi được một euro, giá trị đồng rúp xuống tới mức thấp nhất trong 14 tháng qua. Chỉ số chính của sàn chứng khoán Moskva cũng giảm 10%, thậm chí ngay cả cổ phiếu của tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom cũng mất giá.

Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov thản nhiên phản ứng : Thật sai lầm khi nói về các thị trường Nga như thể chúng ở bên ngoài các thị trường quốc tế. Tất cả các thị trường đều đang ở trong giai đoạn hết sức bi quan, nhưng sau những giai đoạn sụt giảm này thường sẽ là giai đoạn tăng trưởng. Những đối thủ của chúng ta ngừng các hành động khiêu khích cuồng loạn sớm chừng nào thì tâm trạng bi quan này sẽ chấm dứt sớm chừng ấy".

Các chuyên gia cho biết trong trường hợp leo thang quân sự, trung bình đồng rúp có thể mất giá thêm 20%. Nga có dự trữ tài chính lớn để chống chọi với cú sốc, nhưng sự mất giá của đồng tiền quốc gia đang đè nặng lên sức mua vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lạm phát hiện ở mức 8% tính theo tỷ lệ cả năm.

Còn tại Hoa Kỳ, đồng đô la đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hai tuần do rủi ro địa chính trị gia tăng liên quan đến vấn đề Ukraine.

Phan Minh

*********************

Liên Hiệp Châu Âu không hồi hương nhân viên sứ quán tại Ukraine

Thu Hằng, RFI, 25/01/2022

Trái với quyết định của Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu sẽ không hồi hương nhân viên sứ quán tại Ukraine. Trong cuộc họp ngày 24/01/2022 tại Bruxelles với người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, 27 ngoại trưởng Liên Âu đưa ra đánh giá tình hình không đến mức đáng báo động như Hoa Kỳ, NATO và Anh Quốc cảnh báo. 

ukraine4

Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borrell (ngồi), trong cuộc họp với các ngoại trưởng EU bàn về khủng hoảng Ukraine tại Bruxelles, Bỉ, ngày 24/01/2022.  AP - Virginia Mayo

Thông tín viên RFI Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles : 

"Theo ông Josep Borrell, người đứng đầu ngành ngoại giao Châu Âu, không có chuyện bất đồng quan điểm với Hoa Kỳ nhưng cũng không có lý do nào để hồi hương nhân viên không thiết yếu khỏi Ukraine.

Ông phát biểu : "Chúng tôi biết rõ những mối đe dọa đó như thế nào, cấp độ của những mối đe dọa đó và chúng tôi biết phải đối phó ra sao. Thế nhưng cũng phải tránh đưa ra những phản ứng kiểu báo động. Cần phải bình tĩnh, làm những việc cần làm, đồng thời phải tránh nôn nóng".

Hôm thứ Hai 24/01, rõ ràng các nước Châu Âu đã tìm cách giảm căng thẳng, có thể đó là một cách để tước cái cớ xâm chiếm của Nga và Moskva phải tôn trọng kiến trúc an ninh Châu Âu, theo ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn. 

Ông nhận định : "Chúng ta đang theo hướng kịch bản tránh chiến tranh. Đó là vai trò của các ngoại trưởng. Bác sĩ chăm sóc các bệnh nhân để họ không qua đời, còn chúng tôi ở đây là để làm mọi cách để chiến tranh không nổ ra". 

Đối với Liên Hiệp Châu Âu, các biện pháp trừng phạt đã sẵn sàng nếu như Nga tấn công nhưng hiện không được công bố để duy trì tác dụng răn đe".

Macron sẽ hội đàm với với Putin 

Tổng thống Pháp cho rằng "vẫn có chỗ cho ngoại giao" thay vì gia tăng quân ở biên giới. Do đó, ông Macron sẽ sớm hội đàm với đồng nhiệm Nga Putin và đề xuất "một con đường giảm căng thẳng" trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Theo điện Elysée ngày 24/01, đại sứ Pierre Vimont (một chức vụ chỉ dành riêng cho một vài nhà ngoại giao Pháp), đại diện đặc biệt của ông Macron về Nga, đến Moskva ngày hôm nay 25/01 để chuẩn bị cho cuộc họp, dự kiến diễn ra "trong những ngày tới"

Thu Hằng

*******************

Căng thẳng Nga-Ukraine : Washington rút bớt các nhà ngoại giao Mỹ tại Kiev

Phan Minh, RFI, 24/01/2022

Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Nga và Ukraine, hôm 23/01/2022, bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu các nhà ngoại giao của mình rời khỏi Kiev.

ukraine5

Ảnh minh họa chụp ngày 08/06/2017 : Trước cửa đại sứ quán Mỹ tại Kiev, Ukraine.  AFP – Sergei Supinsky

Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki tường trình : 

Phương án này dường như đã được tính đến từ mấy ngày qua. Cuối cùng, hôm qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra lệnh sơ tán gia đình các nhà ngoại giao Mỹ ra khỏi Kiev. Các nhân viên không thiết yếu cũng được yêu cầu rời đi. Bộ ngoại giao Mỹ giải thích : "Tình hình rất biến động và có thể xấu đi rất nhanh.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về một cuộc xâm lược của Nga ngày càng gia tăng.

Hôm qua, ngoại trưởng Mỹ một lần nữa cảnh báo Moskva về mọi hành động xâm lược Ukraine, rằng Nga sẽ phải hứng chịu những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ.

Tuy nhiên cho đến nay, Washington vẫn luôn loại trừ khả năng điều động binh lính, báo New York Times thì đưa tin Joe Biden có thể sẽ thay đổi ý định.

Tờ nhật báo giải thích rằng cuối tuần qua, tổng thống đã gặp những cộng sự của mình để nghiên cứu tất cả các phương án. Và khả năng điều động binh lính dường như không hoàn toàn bị loại bỏ. Hoa Kỳ có thể sẽ huy động từ 1000 đến 5000 binh sĩ để củng cố sự hiện diện ở các nước Đông Âu. Lực lượng tăng viện này có thể sẽ nhân tăng lên gấp 10 nếu Vladimir Putin quyết định xâm lược Ukraine.

Về phần mình, lãnh đạo ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu (EU) Josep Borrell hôm nay tuyên bố chưa có lý do gì để "trầm trọng hóa" tình hình giữa Nga và Ukraine và đang chờ giải thích của Hoa Kỳ về việc rút bớt các nhà ngoại giao tại Ukraine.

Phan Minh

**********************

Ngoại trưởng Liên Âu chuẩn bị các biện pháp trừng phạt Nga nếu xâm lược Ukraine

Trọng Nghĩa, RFI, 24/01/2022

Hôm 24/01/2022, ngoại trưởng các nước Liên Âu họp tại Bruxelles. Chuẩn bị sẵn các biện pháp trừng phạt Nga nghiêm khắc, nếu Moskva cho quân xâm lược Ukraine là trọng tâm thảo luận. Các nước Châu Âu khẳng định Liên Âu và Hoa Kỳ đang hợp tác tốt chưa từng thấy, vấn đề an nin của Châu Âu không thể được giải quyết, nếu không có sự tham gia của Liên Âu.

ukraine6

Hình ảnh cuộc họp ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu ngày 24/01/2022 tại Bruxelles (Bỉ). John Thys AFP

Riêng về các biện pháp trừng phạt, thông tín viên Pierre Bénazet từ Bruxelles khẳng định hiện tại tất cả đều trong vòng bí mật : 

"Chúng tôi sẽ không công bố danh mục các trừng phạt", một nhà ngoại giao Châu Âu khẳng định như trên. Các trừng phạt chống lại Nga là chủ đề trung tâm của cuộc họp, nhưng đối với các nước Châu Âu, nội dung cụ thể của chuyện này không thể được tiết lộ, nhằm tránh để bị lộ hỏa lực, tránh để Nga có được các thông tin cụ thể.

Ví dụ như về khả năng ngăn chặn không cho Nga tiếp tục tham gia mã định danh ngân hàng Swift, công cụ cho phép các ngân hàng lưu thông tiền tệ, lập trường chung của Liên Âu là sẵn sàng, nhưng tương tự như phần còn lại của các biện pháp trừng phạt mà Liên Âu dự kiến, thông tin duy nhất mà các nước Châu Âu đưa ra là : Nga sẽ phải trả giá đắt cho mọi hành động can thiệp quân sự vào Ukraine.

27 quốc gia khắng định là mức độ thống nhất mà các nước đạt được trong vấn đề này là cao, nhưng cũng phải nhấn mạnh là các tuyên bố thân Nga của tư lệnh Hải Quân Đức khiến các nước Châu Âu khác bối rối. Giờ đây, các nước Châu Âu muốn chính phủ Đức làm chủ trở lại tình hình và thống nhất hành động với các đối tác Liên Âu. Sự thống nhất của Liên Âu là phương tiện duy nhất để thuyết phục Nga rằng Liên Âu là một đối tác nghiêm túc, và điện Krelin không thể tính đến việc chỉ thảo luận riêng với Hoa Kỳ".

Pháp kêu gọi Liên Âu "đối thoại trực tiếp" với Nga

Trong lúc các nước Châu Âu chuẩn bị các biện pháp trừng phạt, Pháp tiếp tục vận động khối 27 nước "đối thoại trực tiếp" với Moskva về kiến trúc an ninh tại Châu Âu. Trên đây là thông điệp của quốc vụ khanh phụ tránh các sự vụ Châu Âu Clément Beaune trong một cuộc họp báo hôm qua. Theo ông Beaune, Liên Âu phải có "các cuộc đối thoại thường xuyên, có tổ chức, và cứng rắn" với điện Krelin. Quốc vụ khanh phụ tránh các sự vụ Châu Âu Pháp cũng nhấn mạnh đến nguy cơ các nước Châu Âu "bị chia rẽ", và điều này sẽ là "món quà tốt nhất" cho nước Nga.

Hôm thứ Tư 19/01, tại Nghị Viện Châu Âu, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi Liên Âu đối với Nga về "một trận tự an ninh mới tại Châu Âu". Tổng thống Pháp nhấn mạnh là các nước Châu Âu phải tìm ra một lập trường chung trong vấn đề này trước khi chia sẻ với các thành viên NATO khác, rồi để xuất để thương lượng với Nga.

Trọng Nghĩa

Published in Diễn đàn

Khủng hoảng Ukraine : Mỹ - Nga nhất trí duy trì đối thoại

Thu Hằng, RFI, 22/01/2022

Sau hai tiếng đối thoại tại Geneve (Thụy Sĩ) ngày 21/01/2021, ngoại trưởng Mỹ và Nga chỉ đồng ý được ở một điểm là "cần duy trì đối thoại" và hẹn gặp lại "tuần tới" để tiếp tục bàn về cuộc khủng hoảng Ukraine. Kết quả này không nằm ngoài dự đoán dù hai ông Blinken và Lavrov đánh giá cuộc thảo luận là "thẳng thắn và thực tế".

ukraine1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov, trước khi hội đàm tại Genève, Thụy Sĩ, ngày 21/01/2022.  AP - Alex Brandon

Thông tín viên RFI Jérémie Lanche tại Genève tóm lược cuộc họp :

"Trước ống kính máy quay là cái bắt tay trân trọng nhưng không nhiệt tình. Còn ngôn từ đều được cả hai nhà ngoại giao cẩn thận lựa chọn. Nhưng chỉ vài giờ sau, trong hai cuộc họp báo riêng biệt, không có gì thực sự thay đổi.

Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov tiếp tục khẳng định Moskva không hề có ý định xâm chiếm nước láng giềng Ukraine và chính Mỹ mới là bên mở rộng tầm ảnh hưởng, chứ không phải là Nga.

Về phần ngoại trưởng Mỹ, ông Antony Blinken một lần nữa yêu cầu Moskva chứng minh lời nói bằng việc rút quân ngay lập tức khỏi biên giới Ukraine. Ông tiếp tục đe dọa Moskva nếu tấn công, sẽ phải hứng chịu đáp trả nhanh chóng và cứng rắn.

Washington chỉ đưa ra một nhân nhượng là đồng ý trả lời bằng văn bản những yêu cầu của Nga, kể cả về việc không kết nạp Ukraine vào NATO. Tuy nhiên đây chỉ là nhân nhượng hình thức vì Washington từng nói rõ là không có chuyện cấm bất kỳ nước nào gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.

Đối thoại chính thức được mở ra và đây là điểm tiến bộ duy nhất trong cuộc họp tại Genève".

Khủng hoảng Ukraine : Căng thẳng tiếp diễn

Vào lúc Nga, Mỹ đồng ý tiếp tục đàm phán để tháo gỡ bế tắc trên hồ sơ Ukraine, thì tại hiện trường, tình hình vẫn căng thẳng. Đôi bên phô trương sức mạnh : Ba nước trong vùng Baltic hôm 21/01/2022 thông báo giúp Kiev tăng cường khả năng phòng thủ. Mỹ thông báo NATO chuẩn bị tập trận ở Địa Trung Hải với mục đích răn đe.

Mỹ không để Nga độc quyền thao diễn trong vùng Địa Trung Hải. Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 21/01 thông báo khởi động chiến dịch tập trận trên biển kể từ Thứ Hai 24/01. Chiến dịch mang tên Neptune Strike dự trù kết thúc ngày 04/02. Mục tiêu đề ra nhằm "chứng minh khả năng của NATO làm chủ những công nghệ mới, hỗ trợ các chiến dịch phòng thủ và răng đe".

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết Hoa Kỳ huy động hàng không mẫu hạm USS Harry Truman trong chiến dịch Neptune Strike lần này và đây là chương trình đã được lên kế hoạch từ 2020 "không nhằm đối phó với những diễn biến có thể xảy ra chung quanh vấn đề Ukraine".

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ nhìn nhận quan hệ với Nga đang căng thẳng và chiến dịch tập trận của Hải Quân Mỹ cùng với NATO lần này đã làm dấy lên tranh luận trong nội bộ Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Hàng không mẫu hạm USS Harry Truman hiện diện tại Đại Trung Hải từ giữa tháng 12/2021 nhằm trấn an các đồng minh châu Âu của Hoa Kỳ.

Nga mở các cuộc thao diễn trên biển từ Thái Bình Dương đến Địa Trung Hải, huy động 140 tàu chiến và khoảng 10.000 quân. 

Về phía ba nước trong vùng Baltic, Estonia, Litva và Latvia trong một thông cáo chung hôm 21/01 cho biết với sự đồng thuận của Washington, các quốc gia này đã huy động tên lửa Javelin và Stinger giúp Ukraine tăng cường khả năng tự về trong trường hợp bị tấn công. Javelin là tên lửa chống tăng còn Stinger là tên lửa phòng không.

Về phía Đức, Berlin không cung cấp vũ khí cho Kiev nhưng sẽ ủng hộ Ukraine về mặt nhân đạo. Hôm 22/01, bộ trưởng quốc phòng Đức Christine Lambrecht thông báo tháng 2 tới sẽ hoàn tất việc xây dựng một bệnh viện dã chiến với nhân viên và các trang thiết bị cần thiết cho Ukraine. Phí tổn dự án lên tới hơn 5 triệu euro.

Thanh Phương

**********************

Nga - Mỹ buộc phải tìm được tiếng nói chung về Ukraine để tránh nguy cơ chiến tranh

Thu Hằng, RFI, 20/01/2022

Hai ngày trước cuộc họp với đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov ngày 21/01/2022 về cuộc khủng hoảng Ukraine, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi tổng thống Vladimir Putin chọn "con đường hòa bình". Còn nếu tấn công Ukraine, Nga sẽ phải chịu "các biện pháp trả đũa nghiêm khắc", theo lời cảnh báo của tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, một số chuyên gia Pháp cho rằng Nga và Hoa Kỳ "buộc phải tìm được tiếng nói chung" nếu không sẽ "là chiến tranh". 

Tình hình dọc biên giới Ukraine và Nga, cũng như trong lĩnh vực ngoại giao, vẫn rất căng thẳng từ nhiều tuần qua. Dù phủ nhận mọi ý đồ tấn công Ukraine nhưng Nga kiên quyết không rút hàng trăm nghìn quân được triển khai ở biên giới nếu không được NATO cam kết bằng văn bản sẽ không kết nạp Ukraine và triển khai vũ khí chiến lược ở nước láng giềng. Nhiều nhà nghiên cứu Pháp cho rằng Ukraine chỉ là một mặt trận gây sức ép để tổng thống Putin đạt mục đích, được nêu trong hai văn bản lần lượt gửi đến Mỹ và NATO vào giữa tháng 12/2021. 

ukraine2

Thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman (trái) và đồng nhiệm Nga Sergei Ryabkov tại cuộc đàm phán về Ukraine và an ninh Châu Âu tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 10 tháng 1 năm 2022  Reuters – Denis Balibouse

Nga dùng Ukraine để tái lập thế cân bằng với Mỹ và NATO

Dù nhiều nước Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đánh giá những điều kiện này là "không chấp nhận được", nhưng Hoa Kỳ cho biết sẵn sàng đàm phán. Văn bản thứ nhất liên quan đến việc thiết lập một quy chế an ninh mới ở Châu Âu được bắt đầu nghiên cứu lần đầu tiên tại Geneve vào tuần trước và cuộc họp tiếp theo được dự kiến vào tuần tới. Ông Jean de Gliniasty, giám đốc nghiên cứu tại Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS), được trang 20’ trích dẫn, cho rằng "trước một tiến trình đàm phám, các bên đều làm căng để gây sức ép với đối thủ". Nhìn rộng hơn, theo nhà nghiên cứu Bruno Drweski, giảng viên trường Inalco khi trả lời trang Radio France ngày 19/01, "Nga muốn dùng Ukraine để gây sức ép với Mỹ trong nhiều cuộc đàm phán lớn khác. Moskva cần tái lập thế cân bằng giữa Nga, Hoa Kỳ và NATO". 

Ngoài ra, Moskva cũng tìm cách "trắc nghiệm quyết tâm ủng hộ Ukraine của Hoa Kỳ và các nước Châu Âu", theo nhận định của giáo sư Cyrille Bret, trường Khoa Học Chính Trị Sciences Po. Chuyến công du Kiev của ông Blinken ngày 19/01 "chứng minh với Nga rằng Mỹ không bỏ rơi Ukraine và ông Putin không nên đi quá xa trong việc leo thang quân sự". Hoa Kỳ và các nước đồng minh NATO không muốn để điện Kremlin áp đặt "luật chơi" khi sẵn sàng chuẩn bị một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế, được cho là "nghiêm khắc", từ giao dịch ngân hàng đến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 trong trường hợp Nga tấn công Ukraine. 

Leo thang căng thẳng nhưng tránh chiến tranh 

Tuy nhiên, tất cả các bên đều không muốn xảy ra xung đột vũ trang. Châu Âu sẽ thiệt khi chiến tranh xảy ra sát sườn. "Hoa Kỳ lại quá bận chống ảnh hưởng của Trung Quốc". Còn "phía Nga, nhìn chung công luận không muốn chiến tranh", vẫn theo giáo sư Jean de Gliniasty. Trong trường hợp Moskva muốn dùng vũ lực giải quyết xung đột, quân đội Nga phải đối phó với một Ukraine kiên cường hơn cách đây 6 năm khi chiến tranh nổ ra ở vùng Donbass. Tinh thần dân tộc tại Ukraine đã lên cao, quân đội được củng cố, cùng với sự hỗ trợ từ Mỹ và một số nước láng giềng.

Cuộc họp giữa hai ngoại trưởng Nga và Mỹ tại Geneve (Thụy Sĩ) ngày 21/01 được cho là một kỳ vọng mới để giải quyết xung đột theo "con đường hòa bình". Hai cường quốc buộc phải tìm được tiếng nói chung vì nếu không sẽ xảy ra chiến tranh, không chỉ ở Ukraine mà có thể là một cuộc thế chiến mới, theo ông Bruno Drweski. 

Tuy nhiên, cả hai bên cần nhanh chóng tìm ra giải pháp ngoại giao vì có nhiều nguy cơ xảy ra sai lầm, dẫn đến "sự cố". Quân đội Nga đã được triển khai từ hai tháng nay ở biên giới với Ukraine và sẽ tiếp tục đồn trú trong quá trình đàm phán, được dự kiến lâu dài. Giáo sư Cyrille Bret cho rằng khi tập trận trong một thời gian dài, quân nhân mệt mỏi nên có thể sẽ "phạm sai lầm". Ngoài ra, còn phải kể đến hoạt động của lực lượng ly khai Ukraine ở vùng Donbass. Chỉ cần một vài sự kiện nhỏ, kể cả hoạt động vũ trang, có thể khiến tình hình xấu đi và kéo theo phản ứng dây chuyền.

Thu Hằng

********************

Tổng thống Mỹ : Nga sẽ chịu "thảm họa" nếu xâm chiếm Ukraine

Thu Hằng, RFI, 20/01/2022

Washington ưu tiên con đường ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, nếu quân Nga xâm chiếm Ukraine, Hoa Kỳ sẽ có biện pháp đáp trả "nghiêm khắc". Lời cảnh cáo của tổng thống Joe Biden trong cuộc họp báo ngày 19/01/2022, nhưng có phần mập mờ, không rõ nghĩa vì phân biệt một "cuộc xâm lược quy mô lớn" và những cuộc "thâm nhập nhỏ" đơn lẻ, đã bị đối lập chỉ trích và buộc phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki phải cải chính. 

ukraine3

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ở Washington, D.C., Hoa Kỳ, ngày 19 tháng 1 năm 2022.  Reuters – Kevin Lamarque

Theo AFP, trong buổi họp báo dài, nguyên thủ Mỹ cho rằng tổng thống Nga Putin "không muốn một cuộc chiến trên quy mô lớn", nhưng "ông ấy sẽ trắc nghiệm phương Tây" nên "sẽ tiến vào" Ukraine bằng cách này hay cách khác và "ông ấy sẽ làm điều gì đó".

Về khả năng đáp trả, theo ông Biden, các nước thành viên NATO có nguy cơ bị chia rẽ về quy mô trừng phạt "nếu là một vụ thâm nhập nhỏ". Tuy nhiên, nếu Nga "làm với khả năng họ có cùng với lực lượng đóng ở biên giới, thì sẽ là một thảm họa cho Nga". Tình hình sẽ "vượt khỏi tầm kiểm soát", kéo theo "thiệt hại nặng nề về nhân mạng" trên chiến trường. 

Chính việc phân biệt một "cuộc xâm lược quy mô lớn" và "thâm nhập nhỏ" khiến đối lập Mỹ chỉ trích tổng thống Joe Biden "bật đèn xanh cho Putin xâm chiếm Ukraine", theo cáo buộc trên Twitter của thượng nghị sĩ Cộng Hòa Tom Cotton. Tương tự, thượng nghị sĩ Cộng Hòa Marco Rubio chỉ trích : "Nếu như ông ấy (Putin) chỉ sáp nhập một vài vùng của Ukraine, thì biện pháp đáp trả của chúng ta sẽ ít nghiêm khắc hơn là ông ấy sáp nhập tất cả ?"

Ngay sau đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki phải cải chính rằng "nếu lực lượng quân sự Nga vượt biên giới Ukraine, đó sẽ là một cuộc xâm lược mới và sẽ dẫn đến việc đáp trả khẩn cấp, nghiêm khắc và thống nhất giữa Hoa Kỳ và các đồng minh"

Mỹ bàn biện pháp trừng phạt Nga với các đồng minh Châu Âu 

Để có được giải pháp trừng phạt Nga "thống nhất" với các nước Châu Âu, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công du Kiev và Berlin trước khi gặp đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov ngày 21/01 tại Geneve. Washington thông báo hỗ trợ thêm 200 triệu đô la cho "an ninh và quốc phòng" Ukraine, khoản hỗ trợ trước đó là 450 triệu đô la. Ngoài ra, theo ba nguồn tin của Reuters, bộ Ngoại Giao Mỹ cũng cho phép ba nước Litva, Latvia và Estonia gửi tên lửa và nhiều loại vũ khí khác, nhưng không nêu cụ thể loại nào, do Mỹ sản xuất đến Ukraine để giúp nước này "tăng cường khả năng phòng thủ" đối phó với khả năng xâm lược từ Nga.

Ngày 20/01, ông Blinken đến Berlin họp với ba đồng nhiệm Đức, Pháp và Anh về các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga. Khả năng đầu tiên là loại Nga khỏi hệ thống "swift", từng được tổng thống Biden nêu trong buổi họp báo là "không để Nga sử dụng hệ thống ngân hàng và giao dịch bằng đô la Mỹ". Đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 cũng sẽ được đề cập. Luôn được coi là dự án thuần túy kinh tế dưới thời thủ tướng Merkel, chính quyền mới của Đức để ngỏ khả năng chặn dự án này nếu Moskva tấn công Ukraine.

Thu Hằng

Published in Quốc tế