Từ năm 2019 đến đầu năm 2024, Tổng sản lượng nội địa Mỹ đã tăng thêm 8%, trong khi các nước Châu Âu chỉ thêm được 3%, Nhật Bản 1% và Anh Quốc không lên được chút nào.
Thị trường lao động Mỹ linh động hơn ở các nước tiên tiến bên Châu Âu, các xí nghiệp được sa thải người dễ dàng và người lao động cũng không bị ràng buộc với
Ngày Thứ năm 28/3, Chỉ số S&P 500 của Thị trường Chứng khoán New York tăng thêm 0,1% trên mức kỷ lục ngày hôm trước, cũng như Chỉ số Dow Jones. Ba tháng đầu năm nay S&P 500 tăng 10,2% ; Dow Jones tăng 5,6% và Nasdaq 9,1%.
Giới đầu tư lạc quan vì kinh tế Mỹ rất vững chắc. Tổng sản lượng nội địa (GDP) tăng 3,4% trong ba tháng cuối năm ngoái, sau khi đã tăng 4,9% trong quý trước – trong một năm rưỡi luôn luôn ở trên 2%. Trong năm 2023 mỗi tháng các xí nghiệp tạo thêm trung bình 251.000 công việc làm, qua năm nay mỗi tháng tăng lên 265.000.
Mỗi lần thị trường lên cao vào đầu năm thường thường là dấu hiệu báo trước một năm mới tốt đẹp, mức lời trung bình gần 16%, kể từ năm 1954. Nếu không lên vào mấy tháng đầu thì cả năm chỉ lời được hơn 9%, theo công ty nghiên cứu CFRA Research. Thị trường chứng khoán phản ảnh triển vọng tương lai của cả nền kinh tế.
Điều ngạc nhiên là sản lượng kinh tế tăng mặc dù Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 11 lần từ năm 2022. Lãi suất lên cao thường khiến các xí nghiệp và người tiêu thụ bớt vay tiền, đà phát triển phải chậm lại. Khi Fed nâng lãi suất để ngăn chặn lạm phát – có lúc lên tới 9,1%, mức cao nhất trong vòng 23 năm – mọi người đều chờ một cơn suy thoái, chỉ bàn nhau không biết nặng hay nhẹ. Nhưng từ đó tới nay, chưa thấy kinh tế Mỹ đi xuống mà còn tiếp tục tăng trưởng.
Một lý do là cả giới kinh doanh và dân tiêu thụ ở Mỹ đã "miễn nhiễm" trước hiện tượng lãi suất lên cao. Đối với dân tiêu thụ, đó là hệ quả của các chương trình "kích thích" của chính phủ. Hai vị tổng thống Donald Trump và Joe Biden đã tặng không cho dân đóng thuế vài ngàn tỷ mỹ kim để bảo đảm họ tiếp tục có tiền chi tiêu trong mùa bệnh dịch Covid. Tổng số "tiền kích thích" lớn bằng 26% Tổng sản lượng nội địa, gấp đôi số trung bình của các nước Châu Âu, Nhật, Australia. Trong hai năm 2020 và 2021, chính phủ Mỹ đã chịu cho ngân sách thâm thủng trung bình 14% ; các nước Châu Âu chỉ chấp nhận khiếm hụt 6%. Năm 2022 ngân sách Mỹ khiếm hụt 4%, qua năm sau lại lên 7,5%, một mức thâm thủng cao như trong thời chiến.
Khi còn bệnh dịch, dân có tiền cũng không có chỗ tiêu xài. Tháng 8/2021, số tiền "tiết kiệm bất đắc dĩ" đã lên tới 2,1 ngàn tỷ đô la trong cả nước. Nhưng sau đó người ta đã mua sắm để "trả thù", nhất là giới trung lưu trở lên. Chi nhánh Fed ở San Francisco đã tính ra những người thuộc 20% lợi tức cao nhất nước gần đây đã đóng góp 45% vào tổng số tiêu thụ cả nước ; trước cơn đại dịch họ chỉ chiếm 39%. Lúc đầu, người ta ước đoán số "tiết kiệm quá nhiều" đó sẽ được sử dụng trong khoảng một năm thì hết ; nhưng đến cuối năm 2023 vẫn còn khoảng 400 tỷ mỹ kim để xài trong mấy tháng đầu năm nay. Khi lãi suất lên cao, lớp trung lưu bị ảnh hưởng nặng nhất là tiền lãi các món nợ vay để mua nhà sẽ tăng. Nhưng các hợp đồng vay "mortgages" này thường kéo dài 30 năm, với lãi suất cố định ; cho nên dân chúng cứ bình tâm mua sắm.
Một yếu tố khác bảo đảm kinh tế duy trì đà phát triển là các chương trình "đại công tác" của chính phủ nhằm kích thích các doanh nghiệp đầu tư thêm. Quốc hội Mỹ đã biểu quyết cho ba dự án lớn. Thứ nhất là tái thiết hạ tầng cơ sở, một chương trình đã được thúc đẩy trong ba đời tổng thống kể từ ông Bush nhưng cứ bị trì hoãn mãi đến năm 2021. Sau đó đến chương trình đầu tư vào công nghiệp sản xuất năng lượng sạch, rồi đến kế hoạch khích lệ ngành sản xuất chất bán dẫn tại Mỹ để khỏi bị lệ thuộc vào đường dây cung cấp từ Trung Quốc. Hai chương trình này góp thêm 0,4% vào mức gia tăng của Tổng sản lượng nội địa, nhờ kích thích các công trình xây dựng nhà máy, mua sắm thiết bị và tuyển mộ công nhân. Từ các công ty tư đến các chính quyền tiểu bang và địa phương đua nhau lập dự án để được trợ cấp.
Các hoạt động kinh tế gia tăng thường dẫn đến lạm phát ; nhưng trong thời gian qua tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đã giảm, từ hơn 9% xuống chỉ còn khoảng 3%. Khi tăng lãi suất, Ngân hàng Trung ương góp công hạ thấp mối lo lạm phát, nhưng còn một yếu tố quan trọng hơn là "khả năng sản xuất" của dân Mỹ đã tăng lên. Nếu trong cùng một thời gian mà một người thợ chế tác được nhiều hàng hóa hay cung cấp nhiều dịch vụ hơn trước, thì giá mỗi đơn vị sản xuất sẽ giảm bớt.
Sức sản xuất của một nền kinh tế dự trên hai yếu tố : Có bao nhiêu người làm việc, và "hiệu suất" trong công việc của họ cao hay thấp. Cả hai yếu tố này đều tăng lên trong nền kinh tế Mỹ trong mấy năm gần đây. Từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2024, lực lượng lao động ở Mỹ đã tăng thêm 4%, lên tới con số 158 triệu người. Số tăng mạnh nhất là các di dân mới. Theo công ty cố vấn đầu tư PIPCO, trụ sở tại Newport Beach, California, năm ngoái có 3 triệu di dân mới vào nước Mỹ, so với trong năm 2019 chỉ có một triệu. Con số này chưa kể đến các di dân "lậu" không được đưa vào thống kê nhưng ước đoán cũng trên 10 triệu, hơn 5% số người làm việc trong cả nước. Số người lao động sinh trưởng ở Mỹ đã giảm bớt so với thời trước bệnh dịch, nhưng số người gốc từ nước ngoài đã tăng 16%. Những người làm việc lao động thường là các di dân vào qua biên giới Mexico. Những người làm việc bằng trí óc thường là các sinh viên đến Mỹ học đại học rồi được ở lại. Sau một thời gian ngưng đọng vì bệnh dịch, năm ngoái, số chiếu khán (visa) du học đã tăng lên, gấp bốn lần năm 2020, theo báo Economist.
Nhưng điều quan trọng hơn nữa là hiệu suất lao động của người Mỹ đã lên cao. Hiệu suất lao động (labor productivity) tăng nếu trong cùng một giờ làm việc người ta tạo được nhiều thành quả hơn. Hình ảnh dễ thấy nhất là khi các công nhân bắt đầu sử dụng máy thay vì làm bằng tay, hoặc họ được dùng máy móc tốt hơn. Bệnh Covid là một nguyên do thúc đẩy các xí nghiệp ở Mỹ phải mua thêm máy móc, thiết bị mới, vì họ thiếu người làm việc. Các công ty đầu tư thêm vào các kỹ thuật gia tăng hiệu năng để bù lại số công nhân khiếm hụt. Trong cùng thời gian đó, các chuyên gia tin học đưa ra những nhu liệu (phần mềm) mới để tìm cách tiết kiệm nhân lực và gia tăng hiệu năng.
Số thống kê của chính phủ Mỹ cho thấy trong năm ngoái hiệu suất lao động, tức là sức sản xuất của những người làm việc ngoài lãnh vực canh nông, đã tăng 2,6%. Báo Economist nhận xét trong quý sau cùng năm 2023, tổng số giờ làm việc của người Mỹ chỉ tăng 0,6% nhưng tổng số sản xuất, biểu lộ qua số GDP, đã tăng theo nhịp độ 3,2% một năm. Thời gian làm việc tăng ít mà kết quả tăng nhiều hơn, cho thấy mỗi giờ làm được nhiều hơn.
Bệnh Covid cũng ảnh hưởng trên hiệu suất lao động một cách khác, là tạo cơ hội cho nhiều người Mỹ đổi công việc làm. Thị trường lao động Mỹ linh động hơn ở các nước tiên tiến bên Châu Âu, các xí nghiệp được sa thải người dễ dàng và người lao động cũng không bị ràng buộc với chủ nhân qua các hợp đồng chặt chẽ. Trong thời gian các công ty phải cạnh tranh gay gắt khi cần tuyển mộ nhân viên, giới lao động có thể tìm những việc làm mới, ở các công ty lớn hơn và có sức sản xuất mạnh hơn, nhờ thế hiệu suất lao động chung đã tăng thêm. Một đặc điểm của nền kinh tế Mỹ là các sáng kiến, phát minh, trong các sản phẩm hoặc trong phương pháp sản xuất, đều được tưởng thưởng, khuyến khích tìm tòi những kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu năng.
Nhờ những tiến bộ trên, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã ở mức dưới 4% trong hơn hai năm trời, một khoảng thời gian dài nhất trong nửa thế kỷ qua. Kinh tế Mỹ cũng vượt xa các nước tiến bộ ngang hàng. Từ năm 2019 đến đầu năm 2024, Tổng sản lượng nội địa Mỹ đã tăng thêm 8%, trong khi các nước Châu Âu chỉ thêm được 3%, Nhật Bản 1% và Anh Quốc không lên được chút nào. Trong lúc kinh tế Trung Quốc đang bị đe dọa vì tình trạng dân không dám tiêu xài thì kinh tế Mỹ vẫn tiến vững chắc. Dù cuối năm nay ai đắc cử tổng thống thì nền tảng vững chắc đó vẫn có thể tồn tại trong nhiều năm tới.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 29/03/2024
Tháng trước, ông Jerome Powell, chủ tịch Quỹ Dự trữ liên bang, nói rằng sẽ phải tăng lãi suất nếu lương bổng còn lên cao trong tháng 8 và nếu các xí nghiệp còn thiếu người làm. Ảnh minh họa trụ sở FED
Fed được dự báo sẽ dừng tăng lãi suất trong tháng 9 - Ảnh minh họa Trụ sở Quỹ dự trữ liên bang Mỹ
Tình trạng Trung Quốc còn nguy hiểm hơn rất nhiều, sau khi chấm dứt các ngăn cấm vì bệnh Covid, người tiêu thụ vẫn chưa muốn tiêu tiền và các xí nghiệp phải hạ thấp giá bán, tình trạng "giảm phát" đang đe dọa kéo cả nền kinh tế suy sụp.
Năm ngoái, hầu như ai cũng tin kinh tế Mỹ suy thoái. Công ty nghiên cứu Bloomberg đoán xác suất là 100 phần trăm. Quỹ Dự trữ liên bang, chi nhánh Philadelphia, cho biết tỷ lệ người tiên đoán kinh tế suy thoái lên cao nhất trong hơn 60 năm, khi phỏng vấn các kinh tế gia.
Nhưng qua năm 2023, kinh tế không suy thoái. Trong quý thứ nhì, Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) tăng thêm 2.1 phần trăm. GDP đo giá trị tổng số sản xuất và dịch vụ cả nước, tính ra đô la. GDP lên vì người tiêu thụ vẫn xài tiền, các công ty tiếp tục đầu tư.
Một dấu hiệu tốt là thị trường nhân dụng vững chắc nhưng không "nóng" quá. Bộ Lao Động cho biết số người bắt đầu đòi lãnh tiền bảo hiểm thất nghiệp đã giảm xuống liền ba tuần lễ. Trong tháng Tám, các doanh nghiệp tạo thêm 187.000 công việc làm. Theo bản tin AP, các cơ sở Y tế tuyển dụng nhiều nhất, trong tháng Tám tăng thêm 97.000 nhân viên mới. Các công ty xây dựng tuyển thêm 22.000 công nhân, các cơ xưởng 16.000, các hàng quán ăn uống tuyển thêm 15.000 người. Chỉ có hai lãnh vực giảm số người làm việc, 37.000 công nhân vận tải mất việc khi công ty xe tải Yellow phá sản ; 17.000 người phải nghỉ vì các cuộc đình công đòi tăng lương ở Hollywood.
Nói chung, kinh tế đang hồi phục trở lại, lên ngang tình trạng trước khi bệnh dịch Covid tấn công. Nhiều xí nghiệp mở thêm cơ xưởng, một hiện tượng hiếm có trong một nền kinh tế đã tiến bộ chuyển sang các ngành dịch vụ và mua hàng chế tạo từ các nước khác. Nhiều nhà máy mới thuộc hai ngành, sản xuất chíp trong kỹ thuật điện tử, và năng lượng xanh, dùng ánh sáng mặt trời hay dùng gió.
Mặc dù số việc làm lên cao, trong tháng Tám, tỷ số thất nghiệp đã tăng từ 3,5% lên 3,8%. Tỷ lệ thất nghiệp cao hơn vì nhiều người bắt đầu đi tìm việc làm trở lại. Trong thời gian Covid, số người mất việc rất đông ; sau khi bệnh dịch chấm dứt nhiều người không muốn trở lại làm việc ngay. Họ vẫn lo bị truyền nhiễm, và số tiền trợ cấp được hưởng vẫn đủ chi dùng. Bây giờ, tiền dành dụm đang cạn dần và thấy lương bổng đang cao hơn, nhiều người tìm việc lại. Trong tháng Tám, thêm 736.000 người bắt đầu tìm việc làm. Không phải ai cũng kiếm được việc ngay, cho nên tỷ lệ thất nghiệp tăng lên.
Theo thống kê Bộ Lao động, tỷ số người đang làm việc hay đang tìm việc đã lên tới gần 63% lực lượng lao động, một "tỷ lệ tham gia" cao nhất kể từ 18 tháng qua.
Nhưng tỷ số thất nghiệp cao hơn lại là một tín hiệu tốt đối với Quỹ Dự trữ liên bang (Fed). Vì nó chứng tỏ thị trường lao động không "nóng quá" ! Như vậy thì mối đe dọa lạm phát bớt căng thẳng. Ngân hàng Trung ương Mỹ luôn luôn phải lựa chọn giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Nếu kinh tế lên thì lạm phát sẽ tăng theo, do nhu cầu của người tiêu thụ thúc đẩy trong khi người lao động muốn được tăng lương.
Nếu lạm phát tiếp tục lên, Fed sẽ tăng lãi suất để ngăn ngừa. Lãi suất tăng khiến việc vay nợ khó khăn hơn, các dự án đầu tư của các công ty chậm lại, và dân bớt tiêu tiền. Cả hai hiện tượng đó làm giảm bớt tốc độ kinh tế tăng trưởng. Nếu lãi suất tăng liên tiếp, tác động nặng hơn, thì nền kinh tế sẽ bước vào suy thoái. Theo định nghĩa, kinh tế suy thoái khi nào Tổng Sản Lượng Nội Địa giảm bớt trong hai quý liên tiếp.
Vì vậy, khi tỷ số thất nghiệp tăng, mọi người hy vọng Fed sẽ tạm ngưng không tăng lãi suất mạnh như trước nữa.
Khi tỷ số thất nghiệp lên cao thì những người làm việc sẽ không đòi hỏi tăng lương, các xí nghiệp không cần tăng giá, lạm phát sẽ nhẹ hơn. Quỹ Dự trữ liên bang bắt đầu tăng lãi suất từ tháng Ba năm 2022. Sau 11 lần tăng lãi suất để giảm bớt số tiêu thụ và đầu tư, tỷ lệ lạm phát đã đi xuống, từ 9,1% năm ngoái, bây giờ chỉ còn 3,2%. Nhiều người phê bình ông Jerome Powell, chủ tịch Fed, đã tăng lãi suất trong tháng Bảy, sau khi tạm ngưng trong tháng 6. Ông có thể nhìn số thống kê thấy thị trường lao động vẫn "nóng" sau 10 lần tăng lãi suất đã lo lắng. Nhưng ai cũng biết rằng biện pháp tăng lãi suất phải chờ nửa năm đến một năm mới thấy kết quả, là hoạt động kinh tế giảm bớt.
Trong hội nghị các ngân hàng quốc tế ở Jackson Hole, Wyoming, tháng trước, ông Jerome Powell, chủ tịch Quỹ Dự trữ liên bang, nói rằng sẽ phải tăng lãi suất nếu lương bổng còn lên cao trong tháng 8 và nếu các xí nghiệp còn thiếu người làm. Ông cũng nhắc lại, mục tiêu của Ngân hàng Trung ương là đẩy tỷ lệ lạm phát xuống còn 2% một năm.
Mọi người đang trông đợi Quỹ Dự trữ liên bang sẽ không tăng lãi suất trong phiên họp tháng Chín này. Ban Tiền tệ của Quỹ thấy số thất nghiệp lên cao, các doanh nghiệp sẽ không cần tăng lương để thu hút người làm, như năm ngoái, do đó cũng không cần tăng giá hàng bán.
Một số thống kê khiến người ta còn lo ngại khó ngăn ngừa lạm phát, là trong tháng 8 lương bổng vẫn tăng thêm 4,3%, cao hơn tỷ số tăng một năm trước đây. Nhưng trong tháng 7 có hai tín hiệu ngược chiều, là số người nghỉ việc giảm bớt và số việc làm cần tuyển dụng cũng đi xuống ; cả hai sẽ khiến lương bổng sẽ không tăng nhanh như trong năm ngoái. Hơn nữa, lương bổng tăng 4,3% trong tháng 8, nhưng đã "nguội bớt" so với tỷ lệ tăng 4,4% trong hai tháng trước. Riêng những người lao động lãnh lương giờ thì tốc độ còn thấp hơn, chỉ tăng 0,2% trong tháng 8, so với tháng trước. Nếu những người có trách nhiệm điều chỉnh tiền tệ còn biết những dấu hiệu cho thấy thị trường lao động chưa nguội bớt, thì họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất, dù có thể khiến kinh tế yếu đi.
Dù kinh tế Mỹ có giảm tốc, cơn suy thoái có tới cũng hạ cánh nhẹ nhàng. Vì người tiêu thụ ở Mỹ, đóng góp hai phần ba vào sản lượng quốc gia, vẫn muốn xài tiền. Nền kinh tế tự do khiến các doanh nhân hoạt động không nghỉ. Trong thời gian bệnh dịch, ở Mỹ số các công ty mới thành lập vẫn lên cao hơn cả trước khi bệnh phát khởi !
Ông Seth Carpenter, kinh tế gia hàng đầu của Ngân hàng Morgan Stanley, nói chuyện với hãng tin Bloomberg, so sánh kinh tế Mỹ với Trung Quốc. Tình trạng Trung Quốc còn nguy hiểm hơn rất nhiều, sau khi chấm dứt các ngăn cấm vì bệnh Covid, người tiêu thụ vẫn chưa muốn tiêu tiền và các xí nghiệp phải hạ thấp giá bán, tình trạng "giảm phát" đang đe dọa kéo cả nền kinh tế suy sụp.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 03/09/2023
Nền kinh tế Mỹ đã suy giảm trong quý thứ hai liên tiếp, một cột mốc mà nhiều nước coi là suy thoái kinh tế. Nhưng Mỹ thì chưa coi tình hình kinh tế nước mình 'suy thoái', và đang dùng dữ liệu bổ sung để khẳng định điều này.
Sự suy giảm, với tốc độ 0,9% hàng năm trong ba tháng liên tiếp cho đến tháng Bảy, đã gây chú ý trong bối cảnh lo ngại gia tăng về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ.
Giá thực phẩm, xăng dầu và các mặt hàng cơ bản khác đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1981.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhanh chóng tăng lãi suất để cố gắng hạ nhiệt nền kinh tế và giảm bớt áp lực giá cả, lo ngại gia tăng rằng một cuộc suy thoái sắp xảy ra - nếu nó chưa chính thức bắt đầu.
Đối mặt với niềm tin của công chúng đang giảm dần, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cố gắng thuyết phục rằng nền kinh tế vẫn ổn định, và lưu ý rằng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp 3,6% và tuyển dụng vẫn tăng mạnh.
Ông Biden nói hôm thứ Năm 28/7 : "Nếu bạn nhìn vào thị trường việc làm, chi tiêu của người dùng, đầu tư kinh doanh của chúng tôi - chúng ta sẽ thấy những dấu hiệu của tăng trưởng kinh tế.
"Chắc chắn chúng tôi dự đoán tăng trưởng sẽ chậm hơn năm ngoái. Điều đó phù hợp với quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng ổn định, và lạm phát thấp hơn".
Tuần này, trước số liệu từ Bộ Thương mại, ông nói với các phóng viên rằng nền kinh tế "sẽ không suy thoái". Điều đó đã khiến các đối thủ của ông trong đảng Cộng hòa cáo buộc Nhà Trắng đang cố gắng định nghĩa lại thuật ngữ 'suy thoái'.
'Việc Nhà Trắng thay đổi tên của 'suy thoái' sẽ không làm giảm sự đau khổ của người Mỹ', họ nói.
Trong ba tháng đầu năm, nền kinh tế Mỹ suy giảm với tốc độ hàng năm là 1,6%. Vào thời điểm đó, các nhà kinh tế cho rằng sự sụt giảm của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là do sự lên xuống trong dữ liệu thương mại.
Nhưng báo cáo hôm thứ năm 28/7 cho thấy sự chậm lại rõ rệt hơn, với sự tăng trưởng bị kéo xuống bởi sự sụt giảm của thị trường nhà ở, đầu tư kinh doanh và chi tiêu của chính phủ. Chi tiêu của người tiêu dùng tăng với tốc độ hàng năm chậm hơn 1%, do người dân chi nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, nhà ở và ăn hàng, nhưng cắt giảm chi tiêu cho hàng hóa và thực phẩm.
Giáo sư Đại học Harvard, Jeffrey Frankel, trước đây đã từng phục vụ trong ủy ban của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, một nhóm các học giả có nhiệm vụ đưa ra tuyên bố chính thức về suy thoái.
Ông nói ông không nghĩ rằng một cuộc suy thoái đã bắt đầu vào đầu năm nay, và chỉ ra sự tăng trưởng việc làm mạnh mẽ. Nhưng sau đó ông đã bớt tự tin hơn.
"Mọi thứ đã chậm lại, vì vậy tôi không nói rằng mọi thứ đều tuyệt vời", ông nói. "Xác xuất của một cuộc suy thoái trong tương lai là khá cao".
Lạm phát ở Mỹ đạt 9,1% trong tháng Sáu, tốc độ tăng nhanh nhất trong hơn bốn thập kỷ.
Vào thứ Tư, FED đã tăng lãi suất cho vay 0,75 điểm phần trăm, lần tăng thứ tư trong năm nay.
Bằng cách làm cho chi phí đi vay đắt hơn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hy vọng sẽ giảm chi tiêu cho các mặt hàng như nhà cửa và ô tô, về lý thuyết là giảm bớt một số áp lực đẩy giá lên. Nhưng nhu cầu thấp hơn cũng đồng nghĩa với sự suy giảm trong hoạt động kinh tế.
Các báo cáo gần đây cho thấy niềm tin của người tiêu dùng giảm, thị trường nhà ở chậm lại và hoạt động kinh doanh thu hẹp lần đầu tiên kể từ năm 2020.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã đi xuống kể từ đầu năm và các công ty từ gã khổng lồ truyền thông xã hội Meta, chủ sở hữu của Facebook và Instagram, cho đến nhà sản xuất ô tô General Motors, cho biết họ có kế hoạch giảm bớt tuyển dụng. Một số công ty khác, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, đã thông báo cắt giảm việc làm.
Trao đổi với BBC News tiếng Việt hôm 16/6, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia kinh tế và tài chính ngân hàng sống ở Việt Nam, nói rằng có lo ngại trong những năm tới nền kinh tế của Mỹ sẽ rơi vào "stagflation", tức vừa có lạm phát và nền kinh tế phát triển chậm lại.
"Nhiều người đang rất lo sợ việc tăng lãi suất này sẽ làm chậm lại mức tăng trưởng nền kinh tế của Mỹ, thậm chí có thể đưa Mỹ trở thành một nền kinh tế suy thoái. Và đây sẽ là cú sốc lớn không những cho Mỹ mà toàn thế giới bao gồm Việt Nam. Giá trị USD tăng thì tỷ giá USD - VND cũng tăng, giá trị VND giảm. Về mặt xuất khẩu thì có lợi cho Việt Nam nhưng bất lợi cho nhập khẩu".
"Đặc biệt cách đây mấy ngày, Bộ Tài chính Mỹ cũng vừa đưa Việt Nam vào danh sách giám sát tiền tệ, dù chưa phải là quốc gia thao túng tiền tệ. Việt Nam phải cẩn trọng vì trong thời gian tới khi tỷ giá USD - VND tăng thì Mỹ có thể dựa vào đó để tăng cường theo dõi tiền tệ, và nếu bị rơi vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ thì rất bất lợi cho Việt Nam vì Mỹ có thể có các biện pháp trừng phạt kinh tế sau đó".
Việc FED liên tục tăng lãi suất kéo theo đồng USD lên giá so với nhiều đồng tiền khác, trong đó có VND, tạo sức ép lớn hơn lên tỉ giá USD/VND, theo Tuổi Trẻ.
Tại Ngân hàng Vietcombank, giá bán USD ngày 16/3 (lần FEB tăng lãi suất đầu tiên) ở mức 23.020 đồng/USD, tăng lên mức 23.520 đồng/USD vào ngày 28/7, tăng 500 đồng/USD, tương đương mức tăng 2,15%. Giá mua USD tiền mặt cũng tăng từ 22.710 đồng/USD lên 23.210 đồng/USD.
Các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng phải đồng loạt tăng lãi suất huy động thời gian qua với mức tăng 0,3 - 0,5%, do áp lực tỉ giá và lạm phát tăng.
FED liên tục tăng lãi suất và kinh tế Mỹ suy giảm khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, dẫn đến nhu cầu hàng hóa, dịch vụ giảm, làm giảm nhu cầu với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Trung Quốc. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, năm ngoái, lần đầu thương mại song phương Việt - Mỹ vượt mốc 110 tỷ USD.
Do đó, tình trạng giảm cung đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng dự kiến các nước ở Châu Âu sẽ tăng lãi suất sau Mỹ, áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, và khi đó Việt Nam sẽ đối mặt thêm nhiều khó khăn. Trước mắt thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bị tác động.
"Đây là dấu hiệu cuộc khủng hoảng trước mắt, một kịch bản xấu cho Việt Nam. Ngay từ bây giờ, Việt Nam nên có kế hoạch đối phó. Thị trường chứng khoán ở Việt Nam trước mắt có thể bị tác động như việc trái phiếu Mỹ tăng giá trị sẽ khiến nhà đầu tư khối ngoại sẽ rút tiền khỏi thị trường Việt Nam và đầu tư vào Mỹ".
Trong khi đó, kinh tế trưởng VinaCapital Michael Kokalari nói với báo Tuổi Trẻ rằng khả năng chống chọi với việc FED tăng lãi suất và các rủi ro toàn cầu của Việt Nam tốt hơn một số thị trường mới nổi và cận biên khác.
Ông Kokalari dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ đạt mức trung bình 3,5% trong năm nay, thấp hơn mức lạm phát ở nhiều nước ASEAN khác.
Nguồn : BBC, 29/07/2022
Tổng thống Joe Biden và Đảng Dân chủ tỏ tín hiệu quyết tâm theo đuổi gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ đô la bất chấp sự phản đối của phe Cộng hòa ở Quốc hội trong khi một chuyên gia nhận định với VOA rằng đề xuất của hai phía đều có điểm tích cực và tiêu cực.
Ông Biden tiếp các lãnh đạo Dân chủ Thượng viện ở Nhà Trắng để bàn về gói cứu trợ kinh tế
Số liệu mới được công bố cho thấy nền kinh tế Mỹ đã giảm 3,5% - mức sụt giảm sâu nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn đang ở mức cao và nhiều doanh nghiệp vẫn phải đóng cửa do đại dịch.
Trong lúc này, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn tiếp tục bàn thảo để giải quyết các mắc mứu trong gói cứu trợ nhưng có vẻ như không đi đến đâu vì hai phía vẫn quyết giữ lập trường vốn quá khác biệt.
Hai Đảng tranh đấu
"Chúng ta sẽ có sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa", Tổng thống Mỹ Joe Biden được kênh ABC dẫn lời nói về các cuộc đàm phán về dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la của ông. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ có được lá phiếu của một số đảng viên Cộng hòa".
Ông Biden đưa ra tuyên bố này vào sáng ngày 3/2 trong cuộc gặp với 11 Thượng nghị sĩ hàng đầu của Đảng Dân chủ.
Giọng điệu tự tin trong phát biểu công khai của ông Biden không cho thấy được mức độ đấu tranh trong các cuộc đàm phán, khi mà một số thành viên Dân chủ trong cuộc họp vẫn tiếp tục thúc đẩy chuẩn bị một công cụ ngân sách để thông qua dự luậtmà không có bất kỳ sự ủng hộ nào của phe Cộng hòa ở Quốc hội.
Đảng Dân chủ đang nắm đa số ở cả hai viện Quốc hội. Họ có thể ‘một mình một chợ’ thông qua gói cứu trợ mà không cần phiếu của Đảng Cộng hòa nhưng thế đa số Dân chủ mong manh khiến điều này trở nên rủi ro.
Sau cuộc họp với ông Biden, Lãnh đạo khối Đa số tại Thượng viện, ông Chuck Schumer, cũng đã cố gắng nhấn mạnh sự hợp tác lưỡng đảng, nhưng vẫn để ngỏ khả năng sẵn sàng tiến lên phía trước mà không cần bất kỳ phiếu bầu nào của phe Cộng hòa.
"Tất cả chúng tôi (Đảng Dân chủ) sẽ làm việc cùng nhau với Tổng thống, chúng tôi đồng lòng như một, vì một gói cứu trợ táo bạo, và sẽ làm việc với những người đồng nghiệp Cộng hòa khi có thể", ông Schumer nói.
"Chúng tôi hy vọng các đồng nghiệp của chúng tôi bên Đảng Cộng hòa sẽ đứng cùng chúng tôi - trong chương trình cứu trợ to lớn, táo bạo này mà nước Mỹ cần. Đại đa số cử tri Đảng Cộng hòa ủng hộ phần lớn nội dung gói cứu trợ. Chúng tôi muốn có gói cứu trợ lưỡng đảng, nhưng chúng tôi phải mạnh mẽ. Chúng ta không thể chậm chạp, không thể trì hoãn, không thể làmloãng, bởi vì khó khăn mà đất nước gặp phải và những cơ hội mà chúng ta có thể đem đến là to lớn", ông được kênh ABC dẫn lời nói.
Sáng ngày 3/2, Tổng thống Biden đã tiếp đón các Thượng nghị sĩ đồng hương đến từ bang Delaware là các ông Chris Coons và Tom Carper, tại Phòng Bầu dục. Sau cuộc họp kéo dài một giờ, Thượng nghị sĩ Coons đã chuyển lời lại rằng Tổng thống sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán, nhưng vẫn sẽ kiên định giữ lời hứa của ông là cấp ngân phiếu kích thích kinh tế cho các gia đình lao động.
"Chúng tôi đã trao đổi về các khoản thanh toán trực tiếp và làm sao sửa đổi chúng để đảm bảo rằng chúng nhắm đúng đối tượng hơn, nhưng Tổng thống Biden đã nói rõ với rằng ông ấy sẽ không quên tầng lớp trung lưu", Thượng nghị sĩ Coons được ABC dẫn lời nói. "Ông ấy sẽ không nuốt lại cam kết không chỉ với Georgia mà còn với cả nước là đem gói cứu trợ có mục tiêu đến với những người dân Mỹ khốn khó nhất".
Ông Coons nói thêm rằng viện trợ cho chính quyền các bang và cấp cơ sở có thể là điểm phá vỡ thỏa thuận. Chính quyền các bang đã bị thất thu thuế nặng nề do đóng cửa để chống dịch. Kế hoạch của ông Biden kêu gọi dành 350 tỷ đô la cho khoản này, nhưng phía Cộng hòa đã bỏ khoản trợ cấp này trong đề xuất đối chọi mà họ đưa ra.
"Bản thân tôi cho là nếu không có chút gì viện trợ cho các bang và địa phương thì đó không phải là điểm bắt đầu. Tôi đã nói chuyện với một số đồng nghiệp Cộng hòa về những điều khoản gì họ muốn để sẵn sàng tăng đáng kể tiền viện trợ cho một số bang và địa phương", ông Coons cho biết.
Trước đó, sau cuộc họp kéo dài gần hai giờ của ông Biden với các Thượng nghị sĩ Cộng hòa về gói cứu trợ đối chọi mà họ đề xuất trị giá 600 tỷ đô la tại Phòng Bầu dục vào đêm 1/2, cả hai phía đều cảm thấy lạc quan về các cuộc đàm phán, nhưng không có tiến triển rõ ràng nào.
Những điểm khác biệt
Ông Mitt Romney, một trong 10 Thượng nghị sĩ Cộng hòa đã gặp ông Biden hôm 1/2, nói rằng cần phải có những thay đổi thực sự để giành được sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa.
"Nếu Tổng thống Biden làm việc với đảng Cộng hòa và chúng tôi sửa đổi một số điểm trong kế hoạch của ông, thì hoàn toàn có khả năng sẽ có được một số sự ủng hộ từ phía đảng Cộng hòa. Nhưng nếu nó được đẩy đi mà không có bất kỳ thay đổi gì so với những gì được đề xuất ban đầu, tôi đoán rằng sẽ không một ai bên Đảng Cộng hòa sẽ bỏ phiếu cho kế hoạch 1,9 nghìn tỷ đô la", ông Romney nói trước báo giới tại Điện Capitol.
"Tôi nghĩ rằng khoảng cách lớn nhất giữa đề xuất của Tổng thống và đề xuất của đảng Cộng hòa là khoản tiền 360 tỷ đô la chi cho các bang và địa phương. Báo cáo mới đây nhất cho thấy các bang ở Mỹ trung bình trong năm 2020 chỉ thất thu 1/10 so với năm 2019. Vì vậy, con số như vậy thật vô nghĩa", ông nói và cho biết vấn đề tiền cứu trợ cho người dân ‘cũng có khác biệt lớn giữa hai phía’.
Gọi vào phiên họp kín hàng tuần của phe Dân chủ ở Hạ viện, Tổng thống Biden nói rằng ông không sẵn lòng đổi ý đối vềkhoản tiền chi trả 1.400 đô la một người, nhưng sẽ xem xét hạn chế đối tượng hưởng lợi ở chỉ những người dân Mỹ có thu nhập thấp.
"Chúng ta không thể từ bỏ số tiền 1.400 đô la bổ sung trong ngân phiếu chi trả trực tiếp mà chúng ta đã đề xuất bởi vì người dân cần số tiền đó và thành thật mà nói, họ đã được hứa là sẽ có. Có lẽ chúng ta có thể, tôi nghĩ, chúng ta có thể hướng đến đối tượng tốt hơn. Chuyện đó không sao đối với tôi. Nhưng tôi sẽ không bắt đầu nhiệm kỳ của mình bằng cách phá vỡ lời hứa với người dân Mỹ", ông Biden nói trong cuộc gọi.
Trao đổi với VOA, Giáo sư-Tiến sĩ Khương Hữu Lộc hiện giảng dạy chương trình MBA tại Trường sau đại học Keller về Quản lý và có 20 năm kinh nghiệm làm giám đốc tài chính cho các tập đoàn lớn, chỉ ra các điểm khác biệt trong đề xuất cứu trợ giữa hai Đảng.
Thứ nhất, về tiền cứu trợ người dân, phía Dân chủ muốn cho 1.400 đô la một người dân (nhiều khả năng có thu nhập từ 70.000 đô la một năm trở xuống), trong khi phe Cộng hòa chỉ muốn cho 1.000 cho những ai có thu nhập tối đa 40.000 đô la một năm.
Thứ hai, số tiền trợ cấp thất nghiệp mà Đảng Dân chủ đề xuất là 400 đô la mỗi tuần cho tới tháng 9, trong khi phía Cộng hòa chỉ muốn cho 300 đô la mỗi tuần cho tới tháng 6.
Ngoài ra, phe Dân chủ đề xuất 170 tỷ đô la cứu trợ trường học tất cả các cấp, kể cả đại học, trong khi phe Cộng hòa chỉ chịu chi 20 tỷ nhưng không đồng ý cứu trợ các trường đại học. Ngoài ra, việc có trợ giúp chính quyền bang và địa phương hay không cũng là tranh chấp lớn giữa hai đảng.
Ông Lộc nói rằng có những chỗ ông đồng ý với Đảng Dân chủ và cũng có điểm bên đề xuất của Đảng Cộng hòa mà ông cho là thỏa đáng hơn.
Chẳng hạn, ông nói, cho mỗi người dân thêm 1.000 đô la như đề xuất của Đảng Cộng hòa là ‘quá ít, không đủ sống’ nhưng ông đề xuất nên giới hạn đối tượng như yêu cầu của Cộng hòa, tức là chỉ những người có thu nhập từ 40.000 đô la trở xuống.
"Chính quyền địa phương cần được trợ giúp mà Đảng Cộng hòa không cho gì hết", ông than phiền.
Một điểm mà ông Lộc rất tán đồng trong kế hoạch của phe Cộng hòa là ‘chỉ cho tiền thất nghiệp đến tháng 6’ nhưng ông cho rằng nên cho số tiền như phía Dân chủ đưa ra là 400 đô la một tuần thay vì 300.
"Đừng cho tiền thất nghiệp kéo dài đến tháng 9 để người dân có động lực đi làm trở lại", ông phân tích.
Ông Lộc chỉ trích đề xuất của phe Dân chủ là tăng lương tối thiểu cho người lao động lên 15 đô la một giờ là ‘không giúp ích gì cho nền kinh tế trong đại dịch mà sẽ giết chết các tiểu thương.’
"Những tiểu thương gần cả năm nay đã rất èo uột, họ mướn người và trả lương tối thiểu mà bây giờ bắt họ thay vì trả 7,25 lại lên đến 15 đô la một giờ thì họ sẽ sa thải người hay đóng cửa luôn", Tiến sĩ Lộc phân tích và chỉ ra rằng các doanh nghiệp nhỏ ‘chiếm 50% xương sống kinh tế Mỹ’.
Triển vọng kinh tế Mỹ ?
Giáo sư Khương Hữu Lộc nói trước tình hình Mỹ gánh nợ cao do đã mấy lần bỏ ra số tiền lớn cứu trợ nền kinh tế, Tổng thống Biden ‘sẽ tăng thuế đối với các cá nhân có thu nhập cao, chẳng hạn tăng từ 37% lên 39.6%’ để bù đắp ngân sách.
"Thuế phải gia tăng để phần nào gánh nợ cho quốc gia", vị giáo sư này khẳng định.
Tuy nhiên, ông phản đối việc tăng thuế doanh nghiệp trở lại. Thời cựu Tổng thống Donald Trump đã giảm thuế này từ 35 xuống còn 21%. Ông nói ông Biden sẽ tăng lại lên 28%. "Điều này không cần thiết vì thuế doanh nghiệp chỉ đóng góp không bao nhiêu vào ngân sách quốc gia nhưng nếu tăng thì các công ty sẽ không trở về Mỹ nhiều".
Ông hoan nghênh chương trình đầu tư vào cơ sở hạ tầng của ông Biden để kích thích nền kinh tế - điều mà cả hai đảng đều ủng hộ, nhưng bày tỏ nghi ngờ vào kế hoạch đầu tư 2.000 tỷ đô la vào các kỹ nghệ xanh vì theo ông ‘đây là chương trình dài hơn trong bối cảnh Mỹ đang chạy đua với Trung Quốc vốn dùng kỹ nghệ than đá gây ô nhiễm’.
Về lý do kinh tế Mỹ suy thoái nặng nề đến 3.5% trong năm 2020, ông Lộc nói là ‘do đại dịch virus corona’.
"Kinh tế Mỹ trước khi có dịch đang rất tốt. Thất nghiệp thấp, thị trường chứng khoán tăng kỷ lục, tiền lương ở mức cao", ông chỉ ra.
"Dưới thời của Tổng thống Trump, ông ấy rất là lỏng lẻo trong vấn đề kiềm chế virus. Đó là điểm mà Tổng thống Biden đã sửa đổi mà tôi nghĩ là điều tốt", ông giải thích và cho biết virus corona đã làm kinh tế Mỹ từ chỗ tăng trưởng 2% trong năm 2019 tới chỗ bị giảm 3,5% trong năm 2020.
Về triển vọng kinh tế Mỹ, ông Lộc dự đoán rằng trong nửa năm đầu năm 2021, kinh tế Mỹ sẽ ‘không suy giảm nhưng cũng không tăng trưởng’. "Nửa cuối năm sau sẽ đi vào hướng dương, có thể gia tăng 1-2% nếu kiểm soát được đại dịch. Tốc độ tăng bao nhiêu tùy vào việc triển khai vaccine", Tiến sĩ Lộc nói.
Nguồn : VOA, 06/02/2021
Số du học sinh Việt Nam học bậc đại học tại Hoa Kỳ tăng năm thứ 18 liên tiếp, đóng góp "gần một tỷ đôla" cho nền kinh tế Mỹ, theo báo cáo thường niên Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE).
Với gần 25 nghìn sinh viên, tăng 0,3% so với năm học 2017 – 2018, Việt Nam đứng thứ sáu trong số các quốc gia dẫn đầu về con số du học sinh tại Mỹ trong khoảng thời gian từ 2018 tới 2019.
Đứng trước Việt Nam trong danh sách công bố hàng năm hôm 18/11 nhân Tuần lễ Giáo dục Quốc tế là các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Saudi Arabia và Canada.
Sinh viên của quốc gia đông dân nhất thế giới đứng đầu bảng với gần 370 nghìn sinh viên, đóng góp cho kinh tế Mỹ gần 15 tỷ đôla.
Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, sinh viên quốc tế đóng góp gần 45 tỷ đôla cho nền kinh tế Hoa Kỳ năm 2018, tăng 5,5% so với một năm trước đó.
Phúc trình được Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội dẫn lại cho biết rằng trong tổng số 24.392 sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ, 69,9% học bậc đại học, 15,2% học sau đại học, 10,2% tham gia thực tập không bắt buộc, và 4,6% còn lại theo học các chương trình không cấp bằng.
Không chỉ công bố số du học sinh Việt Nam ở Mỹ, báo cáo cũng cho hay rằng số lượng sinh viên Mỹ đến Việt Nam học tập đã tăng 7,1%, từ mức 1.147 sinh viên trong năm học 2016 – 2017 lên tới 1.228 sinh viên trong niên khóa 2017 – 2018.
Cơ quan ngoại giao của Mỹ tại Hà Nội cho rằng dữ liệu Open Doors là "bằng chứng rõ ràng cho thấy giáo dục vẫn là nền tảng của mối quan hệ song phương".
Tuyên bố chung Việt – Mỹ nhân chuyến thăm của Tổng thống Trump cuối năm 2017 viết rằng ông Trump và Chủ tịch Việt Nam khi đó là ông Trần Đại Quang, "khẳng định ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa nhân dân hai nước, qua đó làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau, hợp tác và tình hữu nghị giữa hai dân tộc, cụ thể thông qua trao đổi chuyên môn và học thuật".
Hai nhà lãnh đạo cũng nêu ví dụ về mối quan hệ liên quan tới giáo dục, trong đó có việc đưa trường Đại học Fulbright Việt Nam vào hoạt động cũng như các khoản trợ cấp với tổng trị giá 500.000 USD dành cho cựu sinh viên của Quỹ Giáo dục Việt Nam.
Theo phúc trình Open Doors, có hơn 1 triệu sinh viên quốc tế học tập tại các trường đại học và cao đẳng của Hoa Kỳ trong năm học 2018 – 2019, chiếm 21% tổng số du học sinh bậc đại học trên toàn thế giới.
Các môn được nhiều du học sinh lựa chọn khi tới Mỹ đó là kỹ thuật, toán học và khoa học máy tính, kinh doanh và quản trị. Số lượng sinh viên theo học ngành Nông nghiệp tăng nhanh nhất, với 10,3%. 10 bang có nhiều sinh viên quốc tế du học nhất gồm California, nơi có cộng đồng người Mỹ gốc Việt lớn nhất ở Hoa Kỳ, cùng các bác khác như New York, Texas, Massachusetts, Illinois, Pennsylvania, Florida, Ohio, Michigan và Indiana.
Báo cáo Open Doors được công bố hàng năm vào Tuần lễ Giáo dục Quốc tế, vốn là một sáng kiến chung giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục Hoa Kỳ nhằm quảng bá giáo dục đại học.
Theo Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ này đã đánh dấu tuần lễ này với các khoá tập huấn dành cho chuyên viên tư vấn và cố vấn học tập tại các trường đại học và trung học phổ thông khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, cũng như các buổi thông tin du học Mỹ và các chương trình học bổng trao đổi của chính phủ Hoa Kỳ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, tin cho hay, Tổng Lãnh sự Marie Damour hôm 18/11 đã khánh thành Điểm hẹn Hoa Kỳ tại trường Đại học An Giang, văn phòng vệ tinh thứ hai sau Cần Thơ, nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận thông tin cho sinh viên khu vực đồng bằng sông Cửu Long về Hoa Kỳ, học tiếng Anh, và dịch vụ tư vấn giáo dục của Văn phòng Giáo dục Hoa Kỳ.
Viễn Đông
Nguồn : VOA, 25/11/2019
Từ giữa thế kỷ 20, khi nào kinh tế Mỹ lên thì kinh tế thế giới cũng lên, Mỹ xuống thì các nước khác cũng xuống theo. Thí dụ, năm 2001 công nghiệp tin học ở Mỹ mất đà hay năm 2008 bị khủng hoảng tài chánh vì địa ốc, cả thế giới chịu tai nạn.
Nước Đức xuất cảng rất nhiều xe hơi. Trong 12 tháng qua ở nước Tàu số xe bán giảm bớt 12%. Bắc Kinh đã hạn chế không để các ngân hàng vung tiền cho vay nữa, Đức chịu ảnh hưởng nặng nề, một nguyên nhân khiến kinh tế Đức tụt giảm. Trong hình, xe hơi nhập cảng của Mercedes-Benz tại một phòng trưng bày ở Thanh Đảo, phía Đông tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Hình : STR/AFP/Getty Images)
Năm 2019 một hiện tượng mới xuất hiện : Kinh tế thế giới xuống và đang kéo nước Mỹ xuống theo.
Nguyên nhân một phần cũng vì cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ khởi động khiến kinh tế các nước khác yếu đi. Trung Quốc lao đao vì các đòn quan thuế của Tổng Thống Donald Trump. Người Mỹ thì vui mừng khi thấy khiếm hụt mậu dịch của Mỹ đối với nước Tàu bắt đầu giảm.
Trong tháng Tám năm nay số thâm thủng bớt được 3,1% so với tháng trước, và giảm bớt 11,4% so với tháng Tám năm ngoái. Nhưng khiếm hut giảm được ở phía Đông thì lại tăng lên ở đằng Tây. Thâm thủng mậu dịch của nước Mỹ đối với tất cả thế giới vẫn tăng thêm gần 55 tỷ vào cuối tháng Tám. Riêng số khiếm hụt với Đức tăng hơn 7 tỷ USD.
Số khiếm hụt lên cao vì các công ty Mỹ lo mua nhiều, đề phòng chính phủ sẽ tăng thuế nhập càng. Tổ chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) mới tuyên án cho Mỹ được phép đánh thuế nhập cảng trên 7,5 tỷ USD hàng hóa Châu Âu. Sẽ tăng thuế trên rượu vang, pho ma, cho đến máy bay Airbus ! Đây là một thắng lợi, vì Mỹ nạp đơn thưa kiện từ năm 2014, tố cáo các nước Liên Âu (EU) trợ cấp cho công ty Airbus, cạnh tranh không công bằng với Boeing !
Nhìn chung thì nền thương mại toàn cầu đã thay đổi khiến kinh tế Mỹ không còn đóng vai trò đầu tàu kéo thế giới chạy theo nữa. Ngược lại, bây giờ Mỹ cũng bị lôi kéo, không cưỡng được.
Trước đây, khi các nước suy thoái, bớt mua hàng Mỹ xuất cảng, Mỹ vẫn chịu đựng được dễ dàng. Vì trong nền kinh tế Mỹ tỷ số hàng xuất cảng tương đối thấp. Ba phần tư việc sản xuất ở Mỹ là để cung ứng cho nhu cầu người tiêu thụ trong nước. Khi kinh tế thế giới xuống, Mỹ không bị ảnh hưởng nặng so với các nơi khác, như nước Đức chẳng hạn.
Nước Đức xuất cảng rất nhiều xe hơi và cả những thứ máy móc để chế tạo xe hơi. Khi người tiêu thụ bên Tàu hay bên Ấn Độ không mua xe nhiều nữa thì người Đức lo ngại. Từ 2012 đến 2018 số xe hơi dân Tàu mua tăng gấp rưỡi. Nhưng trong 12 tháng qua ở nước Tàu số xe bán giảm bớt 12%. Bắc Kinh đã hạn chế không để các ngân hàng vung tiền cho vay nữa, sợ trái bong bóng nợ xấu bùng nổ. Đức chịu ảnh hưởng nặng nề, một nguyên nhân khiến kinh tế Đức tụt giảm.
Trước đây, nước Mỹ không bị lôi cuốn vào cơn thoái trào của thế giới như vậy. Kinh tế Mỹ chịu áp lực từ các yếu tố trong nước, như tỷ số lạm phát, chính sách chi tiêu của chính phủ, mức lãi suất do Ngân Hàng Trung Ương ấn định, vân vân.
Nhưng đến năm 2019 tình hình bắt đầu khác. Nguyên do vì tỷ trọng của nền kinh tế Mỹ trong hệ thống toàn cầu giờ đây nhỏ hơn trước. Nhiều quốc gia mới phát triển nhanh, thế giới bên ngoài đã giàu hơn. Riêng nước Tàu, Tổng Sản Lượng đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 1980, bây giờ chỉ thua GDP nước Mỹ.
Lý do thứ hai, từ ba chục năm qua Mỹ bắt đầu bán ra ngoài nhiều hơn, nhờ nền kinh tế toàn cầu hóa. Năm 1980 Mỹ xuất cảng 272 triệu USD hàng hóa và dịch vụ (trong khi mua vào 291 triệu USD) ; tới năm 2018 Mỹ xuất cảng 2.500 triệu. Số xuất cảng đã tăng gần gấp mười lần (và số nhập cảng 3.100 triệu USD tăng hơn 10 lần).
Ngày nay, các công ty Mỹ đem tiền lời ở nước ngoài về nhiều hơn trước. Khi dân các nước khác ít tiêu tiền hơn thì Mỹ cũng chịu ảnh hưởng. Ngoài ra, nhờ tiến bộ kỹ thuật bây giờ Mỹ lại bắt đầu xuất cảng dầu, khi kinh tế thế giới xuống khiến giá dầu khí giảm, các công ty dầu khí của Mỹ bị ảnh hưởng nặng hơn.
Trong lãnh vực tài chánh, nước Mỹ cũng mất vai trò đầu tầu. Ngày xưa Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) chỉ cần căn cứ trên các điều kiện kinh tế trong nước mỗi khi quyết định lãi suất, cho lên hay xuống. Ngày nay, họ phải ngó xem các nước khác đang làm gì.
Tháng trước, Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu (ECB) cắt lãi suất, Tổng Thống Donald Trump đã thúc giục Fed phải cắt theo. Fed đã cắt tháng trước, và trong kỳ họp tới chắc còn cắt nữa. Vì mọi người đang lo kinh tế thế giới thoái trào sẽ kéo nước Mỹ xuống theo !
Ngân Hàng Trung Ương Mỹ không thể làm ngơ như hồi xưa. Vì khi ECB cùng với Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Hàn, vân vân, cắt giảm lãi suất, giới đầu tư sẽ chuyển tiền vào nước Mỹ để kiếm lời cao hơn. Muốn đầu tư ở Mỹ, họ phải đi đổi tiền, tức là mua đô la Mỹ. Giá trị đồng đô la lên cao, khiến cho hàng hóa Mỹ bán ra ngoài sẽ tăng giá khi tính ra tiền nước khác. Các công ty Mỹ sẽ bán hàng khó hơn, trong khi dân Mỹ mua hàng ngoại quốc thấy rẻ hơn !
Hiện tượng đồng đô la lên giá đã diễn ra trong một năm qua. Cuộc chiến tranh thương mại nhắm cắt giảm khiếm hụt mậu dịch của Mỹ đối với cả thế giới ; đánh bằng cách tăng quan thuế. Nhưng những xáo trộn do cuộc chiến mậu dịch làm nhiều nước gặp khó khăn, người ta càng muốn đầu tư vào nước Mỹ. Thế là đồng đô la càng tăng giá. Nước Mỹ vẫn mua nhiều hơn số bán ra ; cán cân mậu dịch vẫn thâm thủng như cũ và còn cao hơn.
Khi phát động chiến tranh mậu dịch, chính phủ Mỹ suy nghĩ rất giản dị. Ông Peter Navarro, cố vấn thương mại của Tòa Bạch Ốc nói rằng mục tiêu cuộc chiến quan thuế này là làm cho bên địch chịu đòn đau, còn nước Mỹ thì không sao. Điều này nghe hợp lý, vì Trung Quốc và các nước Âu Châu, Canada, Mexico sống nhờ xuất cảng sang Mỹ. Khi quan thuế tăng làm cho giá hàng của họ đắt quá, không bán được nữa, thì họ sẽ không sống nổi, sẽ phải xếp giáo quy hàng. Trong khi đó nước Mỹ xuất cảng ít, có bán ít hơn chút cũng không sao.
Nhưng thực tế không giản dị như vậy. Chiến tranh mậu dịch khiến hầu hết các nước bị ảnh hưởng vì các nước khác cũng mua, bán hàng với các nước bị đánh thuế nặng. Do đó, cuộc chiến làm cho kinh tế cả thế giới đi xuống. Khi nghèo hơn, người ta cũng không thể mua hàng Mỹ xuất cảng nhiều như trước. Các công ty Mỹ không biết cuộc chiến bao giờ mới ngã ngũ, không biết sẽ dẫn tới đâu, đã bắt đầu ngưng không đầu tư và không tuyển mộ công nhân như trước nữa. Các số thống kê đang phơi bày hiện tượng này.
Chỉ số dự báo kinh tế PMI (đo lường kế hoạch sản xuất công nghiệp) đã tụt xuống 49,1 trong tháng Tám, lại xuống 47,8 trong tháng Chín. Khi nào chỉ số PMI thấp hơn 50 nó báo hiệu hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ giảm bớt. Hai tháng qua, PMI đã tụt giảm nặng nề nhất kể từ tháng Sáu, 2009, khi Mỹ đang lôi cả thế giới vào cơn thoái trào lớn.
Khi hoạt động sản xuất giảm bớt thì các công nhân trong những ngành đó sẽ tiêu thụ ít đi, khiến các ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng. Trong tháng Chín, đến lượt chỉ số PMI trong các ngành dịch vụ, không sản xuất hàng hóa, cũng tụt giảm, ở nước Đức cũng như ở Mỹ ; nhưng vẫn là 50,4, cao hơn con số 50, tức là vẫn tăng trưởng, dù yếu ớt. Bốn lãnh vực dịch vụ ở Mỹ đi xuống trong tháng Chín là ngành địa ốc, cho thuê nhà thuê xe, và ngành bán sỉ.
Tóm lại, kinh tế Mỹ bây giờ không thể vững chân khi kinh tế thế giới đi xuống.
Điều đáng lo là hiện nay các người nắm quyền kinh tế khắp nơi sẽ khó chống đỡ khi kinh tế thoái trào, so với quá khứ.
Trước đây, muốn kích thích cho kinh tế đi lên, người ta vẫn dùng một phương pháp là cắt giảm lãi suất để người tiêu thụ cũng như giới sản xuất dễ vay tiền hơn. Nhưng Ngân Hàng Âu Châu (ECB) vừa mới giảm lãi suất cơ bản xuống dưới số không ; rất khó cắt xuống nữa. Fed ở Mỹ thì còn đường để cắt, nhưng đã báo trước không chấp nhận lãi suất âm. Chính phủ có thể kích thích kinh tế bằng cách tiêu tiền thật nhiều, nhưng mức khiếm hụt ngân sách hiện đã lên rất cao sẽ không cho phép mạnh tay nữa.
Nếu chính sách lãi suất âm của ECB không vực dạy được kinh tế Đức và Âu Châu thì họ có thể dùng đến sách lược cuối cùng là hạ giá đồng euro để xuất cảng dễ hơn. Khi đó, đồng đô sẽ la lên giá, Mỹ bán hàng khó, sẽ phải phản ứng bằng cách hạ giá đồng mỹ kim. Một cuộc chạy đua hạ giá tiền tệ có thể tai hại không khác gì cuộc chạy đua đánh thuế lẫn nhau đang diễn ra.
Giữa những tin tức bi quan đó, ngày Thứ Sáu, 4 tháng Mười, đã có một tin vui : Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm thêm, từ 3,7 xuống 3,5% mặc dù chỉ có 136.000 công việc làm mới, thấp hơn mọi dự đoán. Nhưng tin vui mừng cũng không làm người ta bớt lo lắng vì kinh tế thế giới vẫn trên đà uy yếu.
Trong kỳ họp cuối tháng này, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ chắc sẽ hạ lãi suất một lần nữa, mặc dù kinh tế vẫn còn khỏe mạnh chưa cần tiêm thuốc kích thích. Cứ cẩn thận ngăn ngừa trước khi nước lụt đến chân thì hơn. Mỗi lần lãi suất lên hay xuống cũng phải chờ ít nhất nửa năm mới gây được ảnh hưởng trên đời sống.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 04/10/2019