Trong một động thái chưa từng có, Hạ Viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu phế truất chủ tịch Kevin McKathy. Như vậy, từ ngày 4/10/2023, Hạ viện không có chủ tịch. Nghị sĩ Patrick McHenry của bang North Carolina được chỉ định làm chủ tịch lâm thời với quyền lực rất hạn chế.
Bản thân ông Kevin McCarthy hồi tháng giêng năm nay đã phải trải qua 15 lần bỏ phiếu trong suốt 4 ngày mới đạt được đa số phiếu để trở thành chủ tịch.
Hạ viện dự kiến sẽ họp lại vào 10/10 để bầu chọn tân chủ tịch nhưng có vẻ còn rất gian nan vì mâu thuẫn ngay chính trong đảng Cộng hoà. Khi nội bộ không có sự thống nhất thì rất khó có thể tìm kiếm được đa số phiếu cho một cương vị mới.
Bản thân ông Kevin McCarthy hồi tháng giêng năm nay đã phải trải qua 15 lần bỏ phiếu trong suốt 4 ngày mới đạt được đa số phiếu để trở thành chủ tịch, và nay thì càng khó nhìn thấy một khuôn mặt nào thực sự hội tụ đủ sự "cân bằng" hơn ông McCarthy.
Cựu tổng thống Trump và sự chia rẽ
Điều bất ngờ, cựu Tổng Thống Donald Trump được một số dân biểu Cộng hòa ngỏ ý sẽ đề cử vào chức Chủ Tịch Hạ Viện. Nhưng đây sẽ là một điều khó. Trước hết, ông Trump là nhân vật gây chia rẽ.
Nếu nhìn riêng trong cộng đồng Việt Nam, sự chia rẽ cũng tương đồng với sự chia rẽ trong chính trường Mỹ hiện nay. Từ trong bàn ăn ra tận quảng trường ; từ quốc gia đến cộng sản ; từ nhà đấu tranh dân chủ đến cả những người ủng hộ chính quyền Cộng Sản trên mạng, người ta đều tranh luận rồi thậm chí từ mặt nhau vì "ủng hộ" hoặc "phản đối" vị cựu tổng thống này.
Tôi đã từng ngồi chứng kiến 3 cuộc tranh luận trong các gia đình người Mỹ và thấy rõ sự chia rẽ là hết sức sâu sắc. Nó đậm đặc trong lòng nước Mỹ và dự phóng sẽ kéo dài rất lâu.
Trước mắt, cựu Tổng thống Trump đã bày tỏ không hứng thú với chức vụ Chủ tịch Hạ viện (hoặc nếu có, thì chỉ làm việc trong một thời gian "rất ngắn") vì đang bận chạy đua vào chức tổng thống vào năm sau. Mặt khác, với hàng loạt vụ án đang được xét xử, cùng với lịch xét xử dày đặc, ông Trump không thể có đủ thời gian cho chức vụ chủ tịch Hạ viện.
Cá nhân ông Trump cho rằng có nhiều người xứng đáng có thể đảm nhận công việc đó, còn cô cháu gái Mary Trump thì rất đơn giản cho rằng ôngkhông thể đảm nhận công việc vì chức danh đó "cần làm việc".
Nhưng nếu được đề xuất (having a motion) thì Trump cũng khó có thể được đa số phiếu vì nhiều người trong đảng Cộng hòa có thể bỏ phiếu chống.
Tất nhiên, vị trí chủ tịch Hạ viện không thể bị khuyết lâu dài. Các thành viên đảng Cộng hòa có thể sớm đề cử một nhân vật đáp ứng được yêu cầu của các nhóm khác nhau thì có thể đạt được sớm nhưng cũng chỉ là buộc phải "lấp chỗ trống" chứ không phải là tìm kiếm một người thực sự tài năng và có sự đồng thuận cao.
Hậu quả từ chiếc ghế trống
Việc bỏ phiếu phế truất ông Kevin McCarthy của một số ít người bảo thủ cứng rắn trong Hạ viện có thể gây ra những hậu quả nặng nề cho cả nền kinh tế Mỹ và cho cuộc chiến tại Ukraine.
Trong tình hình hiện tại, Hạ viện Mỹ sẽ không thể làm được nhiều chuyện lớn cho đến khi có một chủ tịch được bầu ra. Như vậy khoản viện trợ mới cho Ukraine không thể đến sớm được với những người lính đang chiến đấu trên chiến trường Ukraine.
Mặc dù tổng thống Biden đã lên tiếng vềnhu cầu viện trợ cho Ukraine và đang tìm cách để hậu thuẫn cho việc này nhưng câu chuyện có lẽ phức tạp hơn khi có quá nhiều tiếng nói khác biệt ngay trong đảng Cộng hòa tại Hạ Viện.
Càng tệ hại hơn khi McCarthy vừa mới vượt qua được một việc khó khăn, đó là giúp cho chính phủ có một ngân sách tạm thời hoạt động đến tháng 11. Việc ông ra đi có thể dẫn đến một cuộc đóng cửa "thật sự" của chính phủ. Khi đó một số chương trình của chính phủ bị cắt giảm, nhân viên bị ảnh hưởng, thị trường chứng khoán đi xuống và điểm tín nhiệm của nước Mỹ có thể bị hạ bậc…
Các định chế của Mỹ là rất vững chắc nhưng chắc chắn cũng sẽ bị xói mòn qua những sự cố này. Tất cả các điều đó có thể dẫn đến hậu quả không tốt cho nền kinh tế Mỹ và sau đó là toàn cầu.
Có những nhà chính trị Mỹ coi những xáo trộn hoặc khủng hoảng là bình thường vì tin rằng"thách thức đến chỉ để làm cho nước Mỹ tốt đẹp hơn". Thế nhưng, trước mắt thì những xáo trộn trong đảng Công hòa và Hạ viện đang thực sự làm cho người dân Mỹ và thế giới quan ngại hơn về những hậu quả khó lường của nó.
Nếu Ukraine không có viện trợ kịp thời, tình hình chiến tranh tại Ukraine có thể xô đẩy hai nước và cả thế giới có thể xoay chuyển theo chiều hướng mà không ai có thể lường trước được. Kinh tế Mỹ mà suy thoái có thể kích hoạt cả một chuỗi ảnh hưởng trong bối cảnh mà Trung Quốc đang cũngđang đối mặt với những khó khăn thách thức mới và Việt Nam thì khó đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Nước Mỹ nương theo tự nhiên để vượt qua
Mặc dù chiếc ghế trống có thể tạo ra những khó khăn bất ngờ rất lớn, nhưng tôi vẫn tin vào sự bền vững mạnh mẽ của các thể chế và luật pháp Mỹ, vì nó thuận theo tự nhiên.
Quả thật, nước Mỹ còn rất trẻ nhưng nguyên lý "vận hành một cách tự nhiên" và hướng đến quyền của con người đã làm cho chính quốc gia này rất "già". Ví dụ trong trường hợp này, Hiến phápkhông quy định chủ tịch hạ viện phải là dân biểu thì được hiểu là bất cứ ai mà được đa số dân biểu trong viện bầu thì đều có thể trở thành chủ tịch.
Trong lịch sử thì chưa từng có người nào không phải dân biểu mà lại được bầu làm chủ tịch Hạ Viện, nhưng cũng không có một điều luật nào chống lại việc đó. Do vậy tư duy "được làm" đã thắng thế tư duy "cấm", màu xanh đã chiến thắng màu đỏ cả trong những vùng xám.
Chính vì vậy mới có người đề xuất cựu Tổng thống Trump làm chủ tịch Hạ viện.
Thực chất cả quá trình đề cử, bầu, được chọn và tuyên thệ… cũng đều là những quá trình thực hành lâu dài và hình thành nên như một lẽ tự nhiên trước khi được pháp điển hoá.
Ví dụ Quyền chủ tịch (acting speaker) thì có thể điều hành biểu quyết thông qua luật trong những trường hợp"cần thiết và thích đáng". Nhiều đại biểu quốc hội tại Việt Nam chắc chắn lại tiếp tục hỏi :"thế nào là cần thiết và thích đáng" và đòi hỏi phải chi tiết hóa các trường hợp đó. Thế nhưng chúng ta không bao giờ trù liệu được tất cả các tình huống mà chỉ có nhận thức và lương tâm đúng đắn vào một thời điểm cụ thể mới cảm nhận được.
Đó chính là thuận theo lẽ tự nhiên đúng đắn hơn là một khuôn khổ pháp lý cứng nhắc.
Tại Mỹ thẩm phán có quyền lực rộng lớn và dựa vào án lệ nên các tình tiết khác nhau sẽ cho ra những phán quyết khác nhau theo hiểu biết và lương tâm của thẩm phán. Trong khi đó nhiều nhà làm luật Việt Nam muốn thu hẹp lại khung hình phạt và chia ra các tình tiết định khung một cách máy móc vì cho rằng "để rộng quá sẽ sinh ra tiêu cực, tham nhũng". Nhưng đó là tư duy sai lầm bởi không thể áp dụng một cách máy móc tất cả các tình tiết đa dạng của cuộc sống. Chỉ có lương tâm trong sạch của người thẩm phán mới đưa ra được một quyết định đúng đắn cho từng trường hợp.
Nếu ai đã từng tham gia giao thông tại Mỹ, chúng ta đều thấy nhiều người chạy quá tốc độ cho phép khoảng 3-5% nhưng chỉ những người "nguy hiểm" thật sự mới bị coi là vi phạm pháp luật và bị bắt, phạt. Mọi người thường theo đi theo tốc độ của dòng xe cộ trên đường (traffic flow) một cách tự nhiên và biết tuân thủ khi nào cần giảm tốc độ, cần nhường đường. Đó là theo lẽ tự nhiên.
Điều này ngược lại với Việt Nam, cảnh sát có thể "núp" sẵn ở đâu đó để "bắn" tốc độ và sau đó cứ chiếu theo luật mà phạt hoặc nhận phong bì. Việc sử dụng rượu bia cũng vậy : rất ít khi cảnh sát Mỹ đứng chặn bắt và phạt người sử dụng rượu bia nhưng mọi người rất tuân thủ, trong khi ở Việt Nam thì cảnh sát đã có chốt kiểm tra hoài và "dính" một tý vẫn bị phạt hoặc phải hối lộ phong bì, nhưng mọi người vẫn… vi phạm.
Từ những chuyện nhỏ đó để thấy, cuộc khủng hoảng trống chiếc ghế chủ tịch ở Hạ Viện có thể kích hoạt những hậu quả khó lường đối với thế giới, nhưng rồi cũng sẽ được giải quyết. Các định chế của Mỹ sẽ phản ứng rất mau lẹ và tiếp tục được tăng cường khi nó thuận theo tự nhiên để giải quyết những điều chưa từng có tiền lệ.
Chúng ta cùng hy vọng và chờ đợi.
Lê Quốc Quân
Nguồn : VOA, 06/10/2023
Theo dõi những đề tài được tìm hiểu trên Google cho thấy trong những ngày chính phủ bị đe dọa có thể đóng cửa thì không mấy người Mỹ nêu vấn đề đó ra để coi chuyện gì đang xảy ra ; nhưng rất nhiều người đi tìm thông tin về "Tuần Lễ Cà Phê 2023 !"
Dân biểu Matt Gaetz (trái) và dân biểu Kevin McCarthy.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy bị truất phế với tỷ số 216 – 210. Đa số dân biểu Cộng hòa vẫn tín nhiệm ông, chỉ có 8 người chống kịch liệt. Trong lịch sử nước Mỹ, ông là vị chủ tịch Hạ viện đầu tiên bị cất chức.
Dân biểu Cộng hòa Patrick McHenry, North Carolina, tạm lên cầm chịch để lo bầu một chủ tịch mới. Trong khi chờ đợi coi như Hạ viện ngưng hoạt động, sẽ không thể biểu quyết một dự luật nào. Hai dân biểu Jim Jordan, Ohio, và Steve Scalise, Louisiana tỏ ý muốn ứng cử, nhưng họ sẽ phải thương lượng với khoảng 20 dân biểu Cộng hòa cứng rắn, những người đã gây khó dễ cho ông McCarthy trong 9 tháng qua.
Tháng Giêng năm 2023, ông Kevin McCarthy, đại biểu California, đã phải trải qua 15 lần bỏ phiếu mới được bầu lên chức chủ tịch, trong khi đảng Cộng hòa chiếm đa số 221/212. Mỗi lần thất vọng ông lại phải mặc cả với mấy người thuộc nhóm bảo thủ cứng rắn này, lại hứa hẹn, nhượng bộ một chút, cho họ thỏa mãn. Nhượng bộ quan trọng nhất của ông là bằng lòng sửa nội quy, từ đó chỉ cần một dân biểu cũng có thể yêu cầu bỏ phiếu cất chức vị chủ tịch.
Dân biểu Matt Gaetz, Florida, đã sử dụng miếng võ này để lật đổ ông chủ tịch ; đã được các đại biểu Dân chủ sẵn sàng giúp cả hai tay. McCarthy từng nói Gaetz có thù hằn cá nhân với mình, từ khi ủy ban Đạo Lý Hạ viện mở cuộc điều tra về ông Gaetz.
Ngoài Jim Jordan, và Steve Scalise, nhiều dân biểu Cộng hòa khác cũng có triển vọng lên chức chủ tịch, như Tom Emmer, Minnesota hoặc Tom Cole, Oklahoma. Dân biểu Hakeem Jeffries, New York, đứng đầu khối thiểu số Dân chủ cũng sẽ ứng cử ; có thể thắng nếu đảng Cộng hòa không đoàn kết. Cho nên ông Mr. McHenry sẽ phải mời các đại biểu Cộng hòa họp riêng chọn trước khi cả Hạ viện bỏ phiếu. Dân biểu Troy Nehls, Texas, đã viết trên mạng X (tức Twitter cũ) của mình rằng ông sẽ đề cử cựu Tổng thống Donald J. Trump ứng cử chủ tịch Hạ viện ; được Dân biểu Marjorie Taylor Greene, Georgia, ủng hộ. Theo nội quy, vị chủ tịch không cần phải là một dân biểu ; nhưng ông Trump có thể bị nhiều dân biểu Cộng hòa bỏ phiếu chống.
Ông McCarthy đã nói sẽ không tranh cử nữa ; nhưng trước đây ông đã từng nhiều lần làm ngược lại những điều đã nói, kể cả những hứa hẹn long trọng, với Tòa Bạch Ốc, với Thượng viện, hay với các dân biểu Cộng hòa hoặc Dân chủ. Ông có thể mặc cả với ông Jeffries để các đại biểu Dân chủ không bỏ phiếu, lúc đó chỉ đếm phiếu các dân biểu Cộng hòa thì McCarthy có thể vẫn chiếm đa số.
Dù ai sẽ lên làm chủ tịch, Hạ viện sẽ vẫn "bất trị" như cũ vì các dân biểu thuộc nhóm bảo thủ "cứng rắn" sẽ không thay đổi. Những người muốn lên chức chủ tịch vẫn phải mặc cả với họ. Họ sẽ tiếp tục duy trì các đòi hỏi cũ, như cắt giảm tối đa ngân sách chính phủ, tăng cường kiểm soát biên giới, và cắt bỏ viện trợ cho Ukraine. Họ theo đuổi một mục tiêu hão huyền. Bởi vì, dù Hạ viện có thông qua một dự luật ngân sách như vậy, thì đa số nghị sĩ trên Thượng viện và Tòa Bạch Ốc cũng sẽ bác bỏ.
Nếu không kịp thông qua ngân sách, tới hạn kỳ giữa tháng 11 chính phủ Mỹ sẽ phải "đóng cửa" thật. Một nhóm trên 20 đại biểu trong đảng chiếm đa số vẫn có thể sẽ làm Hạ viện và guồng máy nhà nước tê liệt.
Nhiều người lo nền dân chủ ở Mỹ đang gặp cơn khủng hoảng. Những biến cố trước đây hiếm họa mới thấy, bây giờ xảy ra liên tiếp. Guồng máy nhà nước đóng cửa. đàn hạch. Cựu tổng thống bị truy tố bốn vụ khác nhau. Hai đảng chia rẽ. Nội bộ mỗi đảng cũng chia ra những nhóm kình chống nhau. Bạo loạn tấn công trụ sở quốc hội, một chuyện chưa bao giờ thấy. Chuyện này kéo theo chuyện khác. Các cử tri không chỉ kết hợp với nhau trên những chính sách họ cùng muốn thực hiện mà còn đoàn kết mạnh hơn khi họ cùng ghét đảng khác.
Người dân tỏ ra dửng dưng, đóng vai bàng quan, có lẽ vì đã quen rồi. Chính phủ đã đóng cửa hai lần thời Tổng thống Bill Clinton năm 1995-96 ; rồi lập lại thời Barack Obama, Donald J. Trump ; Joe Biden thế nào cũng phải nếm mùi. Thị trường chứng khoán cũng không bị lay động về mối lo nhà nước sẽ đóng cửa, như thể các nhà đầu tư biết trước mọi chuyện sẽ yên.
Khi hỏi có muốn các nhà chính trị phải thỏa hiệp hay không, phần lớn nói "muốn". Nhưng người ta lại nghĩ "đảng bên kia" phải thỏa hiệp chứ không phải đảng mình ! Một cuộc nghiên cứu dư luận của "YouGov", báoNew York Times tường thuật, thấy trong tuần trước 29% dân nghĩ cảnh rắc rối ở Hạ viện là do các dân biểu Cộng hòa gây ra ; nhưng 13% đổ tội đảng Dân chủ và 14% coi lỗi là tại ông Joe Biden.
Những xáo trộn ở Hạ viện không phải là dấu hiệu quan trọng nhất. Một hiện tượng đáng lo hơn về nền dân chủ nước Mỹ, là khuynh hướng dùng bạo lực trong chính trị. Thống đốc tiểu bang Utah, Spencer Cox, nói chuyện tại Salt Lake City với đài PBS News, đã báo động : "Tôi đã bị đe dọa. Nhiều viên chức ở Utah cũng bị dọa".
Ông Cox nêu ra cuộc nghiên cứu của Rachel Kleinfeld, thuộc Trung tâm Carnegie, viết rằng "Không những các đại biểu quốc hội bị đe dọa nhiều gấp 10 lần năm ngoái mà các vị thị trưởng, viên chức địa phương cũng bị đe dọa. Bà nêu ra báo cáo của tổ chức Liên minh Đô thị (National League of Cities) nói có 81% viên chức bị đe dọa dùng bạo lực trong năm 2021. Hiện tượng này cũng tăng lên ở Âu Châu ; nhưng không nước nào lên cao như ở Mỹ.
Bà Kleinfeld cho rằng dân Mỹ đang chia rẽ phần lớn vì không hiểu những người bất đồng ý kiến với mình. Người càng lớn tuổi thì càng chia rẽ hơn người trẻ. Nhiều ứng cử viên thấy nếu họ bày tỏ các lập trường cực đoan thì dễ thu hút lá phiếu hơn. Cứ như thế, những ứng cử viên trong cùng đảng sẽ chạy đua coi ai cứng rắn hơn.
Thống đốc Spencer Cox đang kêu gọi dân Utah và cả nước Mỹ hãy trở về với tinh thần dân chủ đã tồn tại từ mấy thế kỷ qua. Ông nhắc đến kết quả một cuộc nghiên cứu của Pew Research Center, cho biết chỉ có 4% dân Mỹ nghĩ hệ thống dân chủ của nước Mỹ vẫn hoạt động rất tốt, còn 65% cảm thấy quá mệt khi nghĩ đến chính trị. Ông Cox đang làm một chương trình vận động mang tên "Disagree Better". Cứ bất đồng ý kiến, như thế mới là dân chủ. Nhưng hãy Bất đồng Ý kiến theo Cách Tốt hơn !
Có lẽ phần lớn dân Mỹ vẫn còn theo tinh thần đó. Và họ tin tưởng rằng nước Mỹ sẽ vượt qua những xáo trộn gần đây, có thể coi là nhẹ hơn nhiều cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Cuộc nội chiến, phong trào đòi quyền bỏ phiếu, phong trào phản chiến, vân vân, còn chia rẽ nước Mỹ hơn nhiều.
Theo dõi những đề tài được tìm hiểu trên Google cho thấy trong những ngày chính phủ bị đe dọa có thể đóng cửa thì không mấy người Mỹ nêu vấn đề đó ra để coi chuyện gì đang xảy ra ; nhưng rất nhiều người đi tìm thông tin về "Tuần Lễ Cà Phê 2023 !" Nhiều người chỉ muốn biết ai đã trúng xổ số "Powerball" hàng tỷ bạc ; hoặc ai sẽ thắng trong chương trình "The Golden Bachelor". Người Mỹ cứ thản nhiên không lo quốc hội không kịp thông qua ngân sách ! Chắc vì họ vẫn tin tưởng vào các định chế tự do dân chủ vững chắc, chẳng có gì phải lo !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 05/10/2023
Các chính khách, Dân chủ cũng như Cộng hòa, nhiều người đang quên lãng, hoặc vứt bỏ các quy tắc cư xử hòa nhã, tương kính, vốn vẫn là nền nếp lâu đời trong đời sống chính trị của nước Mỹ. Họ đang đe dọa chế độ tự do dân chủ.
Buổi điều trần về vụ 6 tháng Giêng tại tòa nhà Quốc hội Mỹ.
Trong cuộc họp thượng đỉnh ở Los Angeles với các nhà lãnh đạo Trung và Nam Mỹ, Tổng thống Joe Biden hô hào cùng bảo vệ thể chế tự do dân chủ. Ông Biden không nói đến nước ông, nhưng chế độ dân chủ ở Mỹ đang bị đe dọa.
Hành pháp bị đe dọa. Nhiều nhóm vũ trang thành lập nói mục đích rõ ràng là lật đổ chính quyền trung ương ; họ tự xưng là "dân quân" cho giống những người dân thuộc địa Bắc Mỹ nổi loạn chống Anh hoàng. Năm 1995, một thanh niên 27 tuổi đặt bom phá một tòa nhà thuộc chính phủ liên bang ở Oklahoma City, làm chết 168 người.
Lập pháp bị đe dọa. Nhiều người đã tấn công cảnh sát, leo tường, nhảy cửa sổ, các đại biểu quốc hội đang họp phải chui xuống hầm bí mật trốn mấy tiếng đồng hồ. Trong ba tháng đầu năm 2021 Cảnh sát ở Quốc hội đã ghi nhận 4,100 vụ đe dọa tánh mạng các đại biểu.
Bây giờ đến lượt Tối cao pháp viện. Cảnh sát đã phải đến bảo vệ nhà riêng của mấy vị thẩm phán tối cao bị dọa giết.
Có thể nói rằng những biến cố này rồi sẽ qua đi, hệ thống chính trị dân chủ vẫn tồn tại, dân Mỹ tiếp tục nêu gương cho khát vọng sống tự do của loài người khắp thế giới.
Tất nhiên, các ông Vladimir Putin và Tập Cận Bình không tin như vậy. Muốn thuyết phục những người nghi ngờ tương lai nền dân chủ, người Mỹ cần phải tự đặt câu hỏi với chính họ.
Chế độ Dân chủ cần hiến pháp phân quyền và bầu cử tự do, nhưng chưa đủ. Quan trọng hơn nữa là những nền nếp trong đời sống chính trị. Mỗi người dân, hay ít nhất đại đa số người dân phải sống theo các nền nếp đó một cách tự nhiên, tạo thành thói quen như thở không khí hàng ngày.
Một thói quen là tôn trọng những ý kiến khác với mình. Không coi phe cánh mình chiếm độc quyền lẽ phải, độc quyền sự thật. Không lăng mạ, miệt thị những người chống lại quan điểm, chủ trương của mình. Nhất là không dọa giết họ.
Một nền nếp rất quan trọng là tôn trọng kết quả các cuộc bỏ phiếu. Người thua phiếu chấp nhận mình thất cử. Muốn tỏ ra hòa nhã, còn khen ngợi ứng cử viên thắng cử, dù chỉ thua một phiếu.
Tất nhiên, nền tư pháp phải độc lập và mọi người phải tôn trọng các phán quyết của tòa án.
Đó là những nền móng của tòa nhà dân chủ tự do.
Có thể đối phó dễ dàng với những người chống đối quyền Hành pháp, vì họ nắm trong tay quân đội, cảnh sát và rất nhiều lực lượng có súng khác. Quyền Lập pháp và Tư pháp phải nhờ Hành pháp bảo vệ trước bạo lực.
Ngày 6 tháng Giêng năm 2021, lần đầu tiên Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Mỹ bị tấn công, kể từ thế kỷ 19 trong trận chiến sau cùng với quân dội Anh hoàng. Những người chủ mưu muốn quốc hội ngưng đếm phiếu cử tri đoàn chính thức hóa kết quả cuộc bầu cử tổng thống. Công việc của Quốc hội chỉ có tính chất hình thức, xác nhận những kết quả do các tiểu bang đã gửi tới. Năm mươi tiểu bang đã gửi tới Washington các thùng phiếu trong các hộp gỗ niêm bằng dây da, đặt trên sàn nhà Thượng viện. Nghị viện các tiểu bang đã xác nhận danh sách cử tri đoàn của họ theo cuộc kiểm phiếu.
Biến cố ngày 6 tháng 1, 2021 là một vụ "nổi loạn" vì mục đích của những người chủ mưu là ngăn cản một hoạt động của guồng máy quốc gia : Xác nhận theo kết quả một cuộc bầu cử. Nhiều người đòi treo cổ Phó Tổng thống Mike Pence, vì ông tuyên bố không có thẩm quyền thay đổi kết quả cuộc bầu cử. Bốn người tử nạn trong cuộc đụng độ và sau đó thêm năm cảnh sát viên chết.
Biến cố 6 tháng 1 đe dọa tương lai nền dân chủ. Nếu không giải quyết đến cùng, sẽ tạo một tiền lệ nguy hiểm. Cựu Tổng thống Donald Trump không chấp nhận mình thất cử ; mặc dù tất cả các vụ kiện về bầu cử gian lận đã bị tòa án bác bỏ, trong đó có các quan tòa do chính ông bổ nhiệm kể cả ba thẩm phán tối cao. Nhiều người tin ông Trump, đã lôi kéo theo các chính trị gia khác. Các ứng cử viên tổng thống sau này khi thất cử chỉ cần hô lớn "bầu cử gian lận" là có lý do từ chối và trì hoãn việc chuyển giao quyền hành. Họ có thể dùng đám đông áp đảo mọi người, nhất là các đại biểu quốc hội ; thay vì căn cứ vào lá phiếu. Nhiều người sẽ mất tin tưởng vào tất cả các cuộc bỏ phiếu từ lớn đến nhỏ, không còn tin vào hệ thống chính trị. Thế giới sẽ bớt tin tưởng vào nền dân chủ Mỹ.
Bây giờ đến lượt Tối cao pháp viện. Ngày Thứ Năm, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tốmột thanh niên 26 tuổi vì ngày hôm trước anh ta thú nhận đã mang súng và đạn tới nhà Thẩm phán tối cao Brett M. Kavanaugh ; với ý định giết ông. Nicholas John Roske nói lý do là anh nghĩ rằng ông Kavanaugh sẽ giảm bớt các luật lệ kiểm soát súng và cùng các thẩm phán tối cao bảo thủ khác sẽ cấm phá thai khi xóa bỏ án lệnhRoe v. Wade.
Trước đây đã có nhiều người bị án tù tội đi giết các vị quan tòa để trả thù. Nhưng đây là một âm mưu giết thẩm phán vì lý do chính trị. Điều nguy hiểm là có các nhà chính trị đã khích động ra hành động này khi họ công kích các vị thẩm phán. Họ dùng một thứ ngôn ngữ tương tự như khi cựu Tổng thống Trump nói đến "Chức Tổng thống bị ăn cắp".
Nghị sĩ Edward J. Markey (DC-Mass.) cũng gọi tên "Tối cao pháp viện bị ăn cắp" trước đám đông biểu tình ở thủ đô Washington. Ông kêu gọi "lấy lại hai ghế thẩm phán tối cao bị ăn cắp". Ông Markey nhắm vào hai vị thẩm phán tối cao,Neil M. Gorsuch và Amy Coney Barrett. Cả hai vị đều vào tòa án tối cao nhờ thủ thuật chính trị của Nghị sĩ Mitch McConnell, trưởng khối đa số Cộng hòa đa số ở Thượng viện, trong thời gian ông có quyền.Đầu năm 2016 một thẩm phán Tối cao pháp viện qua đời, cựu Tổng thống Barack Obama đã đề cử một người thay thế. Nhưng ông McConnell quyết định "ngâm" không đưa ra nghị trường, nói rằng nên để cho dân chúng Mỹ quyết định trong cuộc bầu cử tháng 11 năm đó, khi họ chọn vị tổng thống mới. Sau khi thắng cử, Tổng thống Donald Trump đã đề nghị ông Neil M. Gorsuch và được thông qua ngay. Sau đó, ông Trump còn cơ hội để cử Thẩm phán Brett M. Kavanaugh,được Thượng viện phong nhậm. Cuối năm 2020, Tối cao pháp viện lại có chỗ trống. và chỉ còn dưới hai tháng dân sẽ đi bỏ phiếu,Tổng thống Trump đề cử bà Thẩm phánAmy Coney Barrett và ông Mitch McConnell đã đưa ra thảo luận và phong nhậm ngay.
Lối nói "Ghế thẩm phán tối cao bị ăn cắp" cũng nguy hiểm không khác gì khi tiếp tục rêu rao"Chức Tổng thống bị ăn cắp". Cả hai đều là thái độ quá khích, cực đoan. Bởi vì các vị thẩm phán tối cao đã được phong nhậm theo đúng các thủ tục và luật lệ ; cũng như vị tổng thống do dân bầu và đã được quốc hội phê chuẩn.
Một điều nguy hiểm đe dọa nền dân chủ nước Mỹ là các luận điệu quá khích như thế đã trở thành bình thường, "chuyện hàng ngày ở huyện !" Các nhà chính trị, Dân chủ cũng như Cộng hòa lên tiếng đả kích lẫn nhau chưa đủ, lại tấn công cả các vịthẩm phán tối cao. Tháng Ba năm 2020, trong lúc Tối cao pháp viện đang nghe điều trần về vụ án kiện Tiểu bang Louisiana về luật phá thai, Nghị sĩ Charles E. Schumer (DC-N.Y.) cùng nhiều người ủng hộ quyền phá thai đã biểu tình trước trụ sở tòa án. Ông gọi đích danh các thẩm phán Neil M. Gorsuch và Brett M. Kavanaugh, nói những lời đe dọa. (Lúc đó, chưa có bà Amy Coney Barrett !)
Nhiều người đã lập tức phản đối thái độ và ngôn ngữ của ôngSchumer. Chánh án Tối cao John G. Roberts Jr. lên án, "Những lời đe dọa như vầy, do một người vào hàng cao nhất trong nước, không những là bất xứng mà còn nguy hiểm nữa".
Lúc đó ông Charles E. Schumer chỉ là lãnh tụ khối thiểu số ở Thượng viện. Hiện nay ông làm trưởng khối đa số, quyền hành nhiều hơn. Nhưng ông vẫn chưa nghe lời Chánh án Roberts. Khi những người quá khích đưa địa chỉ cácthẩm phán tối cao lên mạng, vẽ cả bản đồ chỉ dẫn người biểu tình, ông Schumer không kết tội các hành động đe dọa nguy hiểm đó. Ông nói, "Người ta biểu tình phản đối trước cửa nhà tôi mỗi tuần bốn lần, có sao đâu ?" Nhưng bây giờ anh Nicholas Roske thú nhận rằng anh biết địa chỉ ông Kavanaugh nhờ lên mạng. Anh bay từ California đến, lấy taxi đi thẳng từ phi trường đến nhà ôngthẩm phán. Tới nới, anh đổi ý kiến, gọi 911 nhờ giúp đỡ, và thú tội.
Bầu không khí chính trị ở nước Mỹ đang u ám. Những người bất đồng chính kiến không chỉ công kích nhau, phỉ báng nhau, mà còn dọa giết nhau nữa. Trong năm 2021 các đại biểu quốc hội đã bị dọa 9,600 lần, theo Sở Cảnh sát ở trụ sở Capitol, như báoNew York Times cho biết.
Các chính khách, Dân chủ cũng như Cộng hòa, nhiều người đang quên lãng, hoặc vứt bỏ các quy tắc cư xử hòa nhã, tương kính, vốn vẫn là nền nếp lâu đời trong đời sống chính trị của nước Mỹ. Họ đang đe dọa chế độ tự do dân chủ.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 13/6/2022
"Chủ nghĩa ‘Caesar’ của Mỹ giờ đã trở thành nguy cơ hiện hữu". Tôi đã viết dòng này vào tháng 3 năm 2016, thậm chí trước khi Donald Trump trở thành ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa. Hiện nay, việc biến chế độ dân chủ cộng hòa thành chế độ chuyên quyền đã tiến những bước xa. Đến năm 2024, xu hướng này có thể không thể đảo ngược. Nếu điều này thực sự xảy ra, nó sẽ thay đổi hầu hết mọi thứ trên thế giới.
Ảnh minh họa © James Ferguson
Không ai chỉ ra mối nguy hiểm này thuyết phục hơn Robert Kagan. Lập luận của ông có thể được tóm gọn trong hai yếu tố chính. Thứ nhất, Đảng Cộng hòa hiện được định hình không phải bởi hệ tư tưởng, mà bởi lòng trung thành với Trump. Thứ hai, phong trào nghiệp dư "ngăn chặn hành vi đánh cắp bầu cử" trong cuộc bầu cử vừa qua giờ đã biến thành một phong trào phát triển. Một phần của dự án này là loại bỏ các quan chức đã ngăn chặn nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử của Trump vào năm 2020. Nhưng mục đích chính của dự án là chuyển trách nhiệm quyết định kết quả bầu cử sang các cơ quan lập pháp do Đảng Cộng hòa kiểm soát.
Như vậy, nếu sức khỏe cho phép, Trump sẽ là ứng cử viên Đảng Cộng hòa tiếp theo. Trump sẽ được hỗ trợ bởi một đảng mà bây giờ đã trở thành công cụ của ông ta. Quan trọng nhất, theo lời của David Frum, từng là người viết diễn văn đầu tiên cho George W. Bush, "điều mà Hoa Kỳ không có trước năm 2020 là một phong trào quốc gia rộng lớn sẵn sàng biện minh cho bạo lực đám đông để đòi quyền lực chính trị. Bây giờ thì chúng ta đã có. " Xảy ra cơ sự này là vì các thành viên của phong trào này tin rằng đối thủ của họ không phải là người Mỹ "thực thụ". Một nền dân chủ tự do không thể tồn tại lâu dài nếu một đảng lớn tin rằng thất bại của nó là không thể chấp nhận và phải được coi là điều bất khả.
Ở đây chúng ta có một nhà lãnh đạo chính trị đã loại bỏ bất kỳ ai chống lại ông ta ra khỏi các vị trí có ảnh hưởng trong đảng của mình. Ông ta tin rằng bản thân mình bị bức hại một cách vô cớ, tạo cơ sở thực tế cho những người ủng hộ mình, và khẳng định rằng một cuộc bầu cử hợp pháp là một cuộc bầu cử mà ông ta phải thắng. Một cuộc khủng hoảng hiến pháp đã dần hiện lên trong tầm mắt. Kagan cảnh báo cuộc bầu cử năm 2024 có thể mang đến "sự hỗn loạn. Hãy tưởng tượng các cuộc biểu tình cạnh tranh nhau diễn ra suốt nhiều tuần ở nhiều bang khi các nhà lập pháp cả hai bên tuyên bố chiến thắng và buộc tội bên kia có những nỗ lực vi hiến để nắm quyền".
Giả sử Trump được bầu lại, dù hợp pháp hoặc do thao túng. Người ta cần giả định rằng cách tiếp cận ngây thơ và thiếu năng lực của ông ta trong việc sử dụng quyền lực trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình sẽ không được lặp lại. Bây giờ ông ta hiểu rằng ông ta sẽ cần những người trung thành tận tụy, vốn sẽ có rất nhiều, để điều hành các lĩnh vực tư pháp, an ninh nội địa, thu thuế nội địa, an ninh và quốc phòng. Ông ta chắc chắn sẽ đặt những sĩ quan trung thành với cá nhân mình vào các lực lượng vũ trang. Quan trọng không kém, ông ta sẽ khiến Đảng Cộng hòa trung thành của mình xác nhận việc bổ nhiệm những người mà ông chọn, nếu đảng này chiếm đa số ghế Thượng viện cần thiết, một điều có nhiều khả năng sẽ xảy ra.
Cũng không kém phần chắc chắn là ông ta sẽ gây áp lực lên những người giàu và có ảnh hưởng để buộc họ tuân theo lời ông ta. Chủ nghĩa tư bản thân hữu là một trong những khả năng sẽ xảy ra. Về chuyện này, hãy hỏi những người Hungary đang sống trong một "nền dân chủ phi tự do" dưới một vị lãnh đạo được các chuyên gia cánh hữu Hoa Kỳ ngưỡng mộ.
"Tất cả người Mỹ – ngoại trừ một số chính trị gia – đã từ chối xem xét khả năng này một cách đủ nghiêm túc để cố gắng ngăn chặn nó", Kagan lưu ý. "Như điều thường xảy ra ở các quốc gia khác, nơi các nhà lãnh đạo phát xít xuất hiện, những người đáng ra là đối thủ của họ sẽ thường bị tê liệt trong bối rối và kinh ngạc trước nhà độc tài lôi cuốn này".
Chỉ cần xem xét những gì đã xảy ra trong cuộc "đảo chính" mà Trump dự định tiến hành chống lại cuộc bầu cử năm 2020 và cách các nhà lập pháp cùng những người ủng hộ Đảng Cộng hòa đã tập hợp lại để ngăn bất kỳ ai quan trọng, mà trên hết chính là Trump, phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Những nhân vật đáng kể duy nhất đã bị trừng phạt là những người chống lại hoặc lên án cuộc đảo chính. Đảng Cộng hòa đã vượt qua ranh giới của họ rồi.
Tại sao điều này đã xảy ra ? Câu trả lời chính là sự pha trộn giữa lòng tham, tham vọng và sự giận dữ trong một đất nước ngày càng đa dạng và một nền kinh tế thất bại trong việc mang lại sự thịnh vượng an toàn cho một phần lớn dân số. Điều này đã tạo ra một liên minh quen thuộc được xây dựng dựa trên việc phân biệt đối xử chống lại những người bên ngoài, tôn vinh quốc gia, bảo vệ những người giàu có và tôn thờ một nhà lãnh đạo vĩ đại. Năm mươi bảy phần trăm đảng viên Đảng Cộng hòa coi việc tiêm vắc-xin còn nguy hiểm hơn chính Covid-19. Đây là một thước đo của chủ nghĩa bộ lạc.
Vậy có thể ngăn chặn được sự sụp đổ của nền dân chủ tự do ở Mỹ hay không ? Hoàn toàn có thể. Nhưng mọi chuyện sẽ không dễ dàng như nhiều người nghĩ dựa trên nỗ lực thất bại của Trump nhằm lật ngược kết quả bầu cử năm 2020. Ông ta có toàn quyền kiểm soát đảng của mình. Nếu chu kỳ chính trị như lâu nay trao cho Đảng Cộng hòa quyền kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện, ông ta sẽ được Quốc hội bảo vệ và phục vụ kể từ năm 2022. Về nguyên tắc, ông ta nắm đa số ghế trong Tòa án Tối cao. Đảng Cộng hòa cũng kiểm soát tất cả các nhánh chính phủ ở 23 bang, trong khi Đảng Dân chủ chỉ kiểm soát 15. Kagan đặt hy vọng vào quyết định của một số lượng đủ lớn các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa trong việc thông qua luật về quyền bỏ phiếu, và vào việc cơ quan tư pháp sẽ không đảo ngược dự luật đó. Tuy nhiên, ngay cả những người không ưa Trump vẫn trung thành với đảng. Và, như cuộc tranh luận về trần nợ công cho thấy, họ quyết tâm làm cho Biden thất bại.
Hãy tưởng tượng Trump trở lại nắm quyền vào năm 2024, quyết tâm trả thù các đối thủ của mình, và được Quốc hội lẫn Tòa án Tối cao hậu thuẫn. Vâng, thậm chí điều này cũng có thể chỉ là một khúc dạo đầu. Trump đã già : sự qua đời của Trump có thể là dấu chấm hết cho khoảnh khắc độc tài. Nhưng cả hệ thống bầu cử lẫn đảng Cộng hòa sẽ không trở lại như cũ. Đảng Cộng hòa giờ đã là một đảng cấp tiến với một chương trình nghị sự phản động.
Hoa Kỳ là siêu cường dân chủ duy nhất. Biến đổi chính trị đang diễn ra ở Mỹ có tác động sâu sắc tới các nền dân chủ tự do ở khắp mọi nơi, cũng như khả năng hợp tác của thế giới trong các nhiệm vụ quan trọng, chẳng hạn như quản lý rủi ro khí hậu. Hồi năm 2016, người ta có thể làm ngơ những nguy hiểm này. Nhưng ngày nay, chỉ có người mù mới có thể bỏ qua những nguy cơ ấy.
Martin Wolf
Nguyên tác : "The strange death of American democracy", Financial Times, 29/09/2021.
Trần Hùng biên dịch
Nguyễn Nghiên cứu quốc tế, 2/09/2021
Cuộc xung đột vũ trang Thượng Karabakh ở vùng Kavkaz có nguy cơ lan rộng, với tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng gây lo ngại. Nước Pháp huy động tổng lực để chuẩn bị đối phó với đỉnh dịch Covid lần thứ hai. Các chủ đề nóng bỏng nói trên của các nhật báo Pháp hôm 09/10/2020, đẩy hồ sơ tranh cử tổng thống Mỹ xuống hàng thứ yếu. Tuy nhiên về nước Mỹ, có nhiều bài viết đáng chú ý.
Báo Le Monde, ra từ chiều hôm qua, tập trung phân tích cuộc tranh luận giữa hai ứng viên tranh chức phó tổng thống, ứng viên Dân chủ Kamala Harris và ứng viên Cộng hòa Mike Pence. So với cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống, diễn ra trong không khí gần như hỗn loạn, thì cuộc tranh luận lần này được đánh giá là "ôn hòa".
Nhìn chung, Le Monde đánh giá nữ ứng cử viên Kamala Harris, thượng nghị sĩ, người da mầu gốc quần đảo Jamaica, đã "vượt qua vòng trắc nghiệm", trước đối thủ không dễ dàng là đương kim phó tổng thống Mike Pence. Một người rất trung thành với Donald Trump, nhưng có phong cách nhã nhặn, điềm đạm, hoàn toàn trái ngược với tính cách bốc lửa của tổng thống. Le Monde ghi nhận là người phụ tá của ông Joe Biden, ứng viên Harris, đã "không có bước đi sai sót nào".
Theo Le Monde, ông Mike Pence cũng đã tương đối thành công trong cuộc tranh luận, nhờ ở việc "diễn giải lập trường của tổng thống Trump một cách lịch thiệp", giúp cho phe Cộng hòa "giữ được niềm tin". Tuy nhiên, điều bất cập là cuộc tranh luận chừng mực hôm thứ Tư đã không giúp cho ứng cử viên đảng Cộng hòa thu hút thêm được sự ủng hộ của các thành phần cử tri mới, bên ngoài lực lượng cử tri truyền thống, vốn không đủ để Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu ngày 03/11 tới.
Cũng về cuộc tranh luận giữa hai phó tướng của Donald Trump và Joe Biden, Les Echos có bài nhận định, cùng nhấn mạnh đến nỗ lực của ông Mike Pence, nhằm "củng cố sự ủng hộ của nhóm cử tri truyền thống, đang ngày càng đặt ra nhiều câu hỏi" về chính tổng thống mãn nhiệm Donald Trump. Les Echos lưu ý là ông Donald Trump đang ở trong "giai đoạn khó khăn" trong khoảng mươi ngày trở lại đây. Cụ thể là "từ khi tờ khai thuế của Donald Trump được công bố, tiếp theo đó là cuộc tranh luận đầu tiên, với điểm nổi bật là ông đã không ngừng ngắt lời và nhục mạ đối thủ, cho đến vụ dương tính với virus gây bệnh Covid-19, cũng như cách thức ông xử sự với bệnh tật của mình…". Theo các thăm dò dư luận mới nhất, tổng thống mãn nhiệm bị đối thủ Joe Biden dẫn trước từ 12 đến 16 điểm, trên quy mô toàn quốc.
Les Echos nhận xét, việc Donald Trump từ chối cuộc tranh luận lần thứ hai, ngày 15/10, với lý do không chấp nhận các quy định của Ủy ban tổ chức các cuộc tranh luận, có nguy cơ làm ông thêm mất uy tín. Nhật báo Pháp dự đoán, rất có thể cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên phó tổng thống Mỹ vừa qua sẽ là "cuộc tranh luận cuối cùng" trong mùa tranh cử tổng thống Mỹ 2020 này.
Về nước Mỹ, về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, báo Les Echos có bài nhận định đáng chú ý của học giả Jacques Attali, với tựa đề "Chia tay với giấc mơ Mỹ". Ghi nhận chung của tác giả là "khu vực Bắc Mỹ từng là miền đất hứa trong vòng hơn hai thế kỷ đối với cư dân toàn thế giới", với những ai tìm đến tự do chính trị, tự do kinh doanh, được theo học tại các cơ sở đào tạo đỉnh cao. Tuy nhiên giai đoạn này dường như đang chấm dứt với "sự bùng nổ của các bất bình đẳng xã hội, nợ nần doanh nghiệp và của các gia đình ngày càng chồng chất, trong lúc các giá trị của nền dân chủ đang bị thách thức nghiêm trọng".
Theo học giả Pháp Jacques Attali, thì dù ai là tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới, ít có cơ hội là tình hình được cải thiện nhanh chóng, "mọi người đã biết rõ chính sách của Donald Trump là tạo điều kiện thuận lợi cho những người giầu có nhất, và đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng bản sắc lớn". Về phía ông Joe Biden, "cho dù có là người đáng trọng, thì chính trị gia này cũng không có đủ năng lượng, cũng như các phương tiện để thúc đẩy các cải cách khổng lồ", vốn rất cần thiết cho nước Mỹ. Jacques Attali dự báo, "trước khi có một thế hệ mới đứng lên hóa giải được các thách thức, làm tái sinh một dân tộc đúng theo hướng đi đã được những người sáng lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ vạch ra, nền dân chủ Mỹ đang bước vào thời khắc đen tối".
Học giả Attali lưu ý đến tình trạng thu nhập của đa số dân Mỹ không tăng từ khoảng 40 năm nay, trong lúc tài sản của những người giầu nhất tăng gấp nhiều lần. Tuổi thọ nhiều nhóm xã hội sụt giảm, kể cả người da trắng. Hơn 30 triệu dân cư sử dụng ma túy, trong đó 10 triệu người thường xuyên dùng các loại ma túy nặng. Hơn 40 triệu dân cư rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực. Chính người giàu cũng không được bảo vệ. Cháy rừng liên tục diễn ra, vượt khỏi tầm kiểm soát như tại California hủy hoại vô số tài sản của người giầu. Hơn 30 triệu người Mỹ sống trong tình trạng có thể bị trục xuất khỏi nhà bất cứ lúc nào, vì không trả được tiền thuê hay tín dụng. "Hệ thống tài chính, xét về bề ngoài có vẻ thịnh vượng, nhưng thực chất hoàn toàn dựa vào các cơ chế mang tính đầu cơ, mong manh". Nợ các doanh nghiệp vượt quá ba phần tư GDP. 46.000 cây cầu trên toàn quốc có nguy cơ sụp đổ, vì không tiền bảo trì. 45 triệu người được vào các trường đại học tốt, nhưng hiện phải è cổ trả các món nợ khổng lồ. 15% dân số thất nghiệp. Nạn nhân chính là giới trẻ gốc Châu Á và Châu Phi, với tỉ lệ thất nghiệp hơn một phần tư. Thêm hàng chục triệu người có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh hết sức bấp bênh, do Thượng Viện và Hạ Viện không đạt đồng thuận về một chương trình bảo trợ xã hội.
Tuy nhiên, điều mà học giả Jacques Attali nhấn mạnh hơn hết là chính "các giá trị của nền dân chủ Mỹ" đang bị đẩy vào thế thủ. Các giáo phái, chủ nghĩa bè phái, kỳ thị chủng tộc, co cụm cộng đồng… trỗi dậy khắp nơi. Các loại tư tưởng cực đoan này đẩy những người da trắng và da đen, đàn ông và phụ nữ, người theo Cộng hòa và người theo Dân chủ vào thế đối kháng, thù nghịch. Xuất hiện ngày càng nhiều quan điểm cực đoan nguy hiểm, hướng sự thù hận trong xã hội vào một số "hình nhân thế mạng". Jacques Attali cũng nêu ra con số chỉ có "ít hơn một phần ba người Mỹ sinh ra trong thập niên 1980 nghĩ rằng họ đang sống trong một xã hội về cơ bản là dân chủ. Những người khác sẵn sàng, thay vì bảo vệ nền dân chủ, lại chỉ ưu tiên các quyền riêng của mình, như được mang súng, hay không tuân thủ một số quy tắc tối thiểu của cuộc sống chung trong xã hội".
Jacques Attali đặt niềm tin là Liên Hiệp Châu Âu, "với dự án xây dựng một châu lục dân chủ, công bằng, bền vững về sinh thái, có nghĩa vụ bảo vệ các quyền tự do trên thế giới, và có đủ các phương tiện", sẽ là miền đất hứa trong tương lai.
Về nước Mỹ, báo Le Figaro có bài phỏng vấn, mang tựa đề : Tranh cử tổng thống Mỹ : "Donald Trump vẫn là một thế lực chính trị kỳ lạ". Người giải đáp các câu hỏi của Le Figaro là một nhà nghiên cứu Mỹ kỳ cựu, ông Walter Russel Mead, chuyên gia về chủ nghĩa dân túy Mỹ. Giáo sư Walter Russel Mead đặt sự xuất hiện của chính trị gia Donald Trump trong bối cảnh rộng lớn hơn của "những thay đổi lớn mang tính cách mạng" của giai đoạn hiện nay. Theo ông, hành trang của tỉ phú New York chỉ là "một dấu hiệu báo trước" cho "một thời điểm nguy hiểm trong lịch sử của nước Mỹ và của thế giới, mà chúng ta đang bước vào".
Le Figaro ca ngợi Walter Russell Mead là "một trong những trí thức hiếm hoi của nước Mỹ biết quan sát hiện tượng Trump, vượt ra bên ngoài con người cá nhân của ông Donald Trump", không bị rơi vào cái nhìn mang tính bôi đen và cách phân tích dựa trên cảm xúc. Theo Le Figaro, giáo sư Mead đã "nhấn mạnh một cách chính xác đến tình trạng mất phương hướng của một giai tầng chính trị (của nước Mỹ) khi phải đối mặt với một con người không hành xử trên cùng một thực địa, giống như hầu hết các chính trị gia khác, với một chính trị gia, là biểu tượng cho sự trở lại của một hình thức hoạt động chính trị kiểu thế kỷ 19 (…), trước khi xuất hiện bộ máy Nhà nước hành chính và kỹ trị hiện đại".
Theo Walter Russell Mead, "những ai đánh giá thấp Donald Trump đã vấp phải sai lầm nghiêm trọng". Giáo sư Mead lưu ý đến sự ủng hộ mạnh mẽ mà nhân vật này hiện đang có được trong xã hội Mỹ, bất chấp dịch bệnh và suy thoái kinh tế.
Xung đột tại vùng Thượng Karabakh là chủ đề chính của Libération hôm nay. Tựa lớn trang nhất nhật báo thiên tả là "Phóng sự tại Armenia. Cuộc chiến tranh như một di sản", với nhận định : "xung đột bùng lên trở lại vùng Thượng Karabakh cuối tháng 9, tiếp tục khiến nhiều người thiệt mạng, tuy nhiên, đã không làm suy suyển quyết tâm của người Armenia, nơi chiến tranh đã như một định mệnh và ý tưởng hy sinh nhân thân bắt rễ sâu sắc trong tâm thức tập thể". Hình ảnh trên trang nhất nhật báo là hình một phụ nữ bồng con, đứa bé xanh xao, gầy guộc mở to mắt nhìn thẳng vào độc giả.
Bài xã luận ngắn của Libération mang tựa đề "Vòng xoáy" lột tả bản chất cuộc chiến, và đặt câu hỏi về cơ hội hòa bình. Thượng Karabakh, với đại đa số dân cư là người Armenia, nằm trong lãnh thổ Azerbaijan, không chỉ là vấn đề giữa hai nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ. Có thể nói đây chủ yếu là cuộc đối đầu giữa dân tộc Armenia nhỏ bé trước tham vọng đế chế của Thổ Nhĩ Kỳ, có cội rễ từ hơn thế kỉ nay. Xung đột vừa bùng lên đã biến thủ tướng Armenia Nikol Pachinian, một chính trị gia vốn dĩ có quan điểm bất bạo động, trở thành một thủ lĩnh quân sự, khi kêu gọi đồng bào chiến đấu chống lại "mối đe dọa sinh tồn". Làm thế nào thoát khỏi "vòng xoáy" của "bạo lực hận thù và điên dại" hiện nay ?
Theo Libération, chắc chắn không phải là đưa thêm vũ khí đến vùng tranh chấp, và công khai đứng về một bên. Có hai vấn đề đặt ra cần hóa giải : Azerbaijan "bảo vệ chủ quyền lãnh thổ", còn người Armenia tại Thượng Karabakh "bảo vệ bản sắc cùa mình". Pháp và Đức phải nỗ lực để Thổ Nhĩ Kỳ ngừng ủng hộ Azerbaijan về quân sự. Còn nước Nga cần đứng ra đảm nhiệm vai trò trọng tài, hòa giải hai nước Cộng hòa Liên Xô cũ.
Cũng Libération có bài tổng thuật công phu về lịch sử 30 năm chiến tranh ở Thượng Karabakh. 30 năm tức từ khi Liên Bang Xô Viết giải thể. Libération lưu ý : tại mảnh đất không ngừng trong xung đột này, trong số 150.000 cư dân, có một phần ba là lính, lính tại ngũ hay quân nhân dự bị. Người Armenia sinh ra đã là lính.
Về đại dịch Covid-19 tại Pháp, nhật báo Le Figaro đặc biệt chú ý đến các nỗ lực tài chính to lớn, qua bài viết "Cuộc khủng hoảng y tế đã tốn kém như thế nào cho nước Pháp". Theo Les Echos, cho đến nay, chính phủ đã huy động khoảng 468 tỉ euro với mục tiêu dập tắt ngọn lửa khủng hoảng. Tương đương với một phần năm GDP quốc gia. Chưa kể đến kế hoạch chấn hưng 100 tỉ euro, vừa công bố hồi đầu tháng 9. Chi phí khổng lồ, nhưng đầu vào lại đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Năm nay, ước tính, nước Pháp mất khoảng 46,2 tỉ euro tiền thuế.
Nhật báo kinh tế Les Echos dành tựa lớn trang nhất để ghi nhận sự thành công của cuộc cải cách sắc thuế đánh vào tài sản người giàu (ISF), một trong các biểu tượng của nhiệm kỳ tổng thống Emmanuel Macron, được ban hành năm 2018. Theo báo cáo được viện tư vấn France Stratégie công bố hôm qua, nhờ cuộc cải cách này, nước Pháp trở nên hấp dẫn hơn với những người giầu có. Năm 2018, tài sản của các đại gia đưa vào nước Pháp vượt quá lượng tài sản chuyển ra ngoài. Đây là điều được đánh giá là "chưa từng thấy".
Trọng Thành