Diễn biến chính trị Việt Nam sau Hội nghị 9 (BBC, 30/12/2018)
Có những diễn biến gì đáng quan tâm sau hội nghị Trung ương lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu hai tiểu ban chuẩn bị Đại hội Đảng 13
Hội nghị Trung ương 9 diễn ra ngắn gọn, chỉ sau hai ngày làm việc từ 25 đến 26/12. Điều này khác với bài viết của BBC chạy ngày 23/12, dựa theo các nhà quan sát, cho rằng hội nghị diễn ra từ 25 đến 28/12.
Tuy vậy, toàn bộ ba chủ đề họp mà bài báo BBC chuyển tải ngày 23/12 cũng là ba nội dung chính được bàn tại hội nghị 9.
Đó là : Kỷ luật Đảng ; Lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị ; và bàn công tác nhân sự khóa sau.
Diễn văn bế mạc hội nghị của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ Ban Chấp hành Trung ương đã kỷ luật ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII ; Phó Bí thư thường trực Thành uỷ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm "rất nghiêm trọng".
Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, chưa đầy ba năm, hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật là con số chưa từng có, trong đó có 4 Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 người trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương.
Ông Trọng nhắc lại năm 2018, đã xử lý nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ nghỉ hưu, cán bộ trong các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, sĩ quan cấp tướng thuộc các lực lượng vũ trang, có những trường hợp bị tước các danh hiệu, xử lý hình sự.
Ông Trọng khẳng định "phải làm, và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới".
Có những dấu hiệu cho thấy rằng việc kỷ luật đảng tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất nước, sẽ còn chưa dừng lại.
Nhắc lại hôm 19/11, nguyên Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín và 2 người khác bị cảnh sát bắt tạm giam do sai phạm quản lý đất đai có liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ.
Ngày 8/12, cựu phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011-2015, Nguyễn Thành Tài, bị bắt và khởi tố bị can để điều tra những sai phạm trong việc giao, cho thuê không qua đấu giá khu đất 5.000 m2 số 8-12 đường Lê Duẩn, quận 1.
Lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị
Hội nghị 9 đã lấy phiếu tín nhiệm của Trung ương đối với các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Kết quả như thế nào không được công bố công khai cho công chúng ngoài hội nghị được biết.
Diễn văn bế mạc của ông Nguyễn Phú Trọng nói việc lấy phiếu tín nhiệm là sự đánh giá, ghi nhận của Ban Chấp hành Trung ương đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay đối với từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư ; đồng thời giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm "tự soi", "tự sửa", tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ, tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công tác.
Đây cũng là kênh thông tin "rất quan trọng để giúp Bộ Chính trị trong việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Các nhà quan sát mà BBC tham khảo sau hội nghị hầu hết cho rằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm không có tác động gì, ít nhất trước mắt, đến chính trường.
Ông Trọng nói : "Mỗi đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hãy coi đây là dịp tốt để nhìn nhận lại mình, phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao, cố gắng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, xứng đáng với niềm tin và hy vọng của Ban Chấp hành Trung ương, của toàn Đảng và toàn dân".
Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026
Tờ trình, Báo cáo và các tài liệu có liên quan về nhân sự quy hoạch đã được trình ra cho các ủy viên trung ương đảng xem xét.
Các ủy viên trung ương đã ghi phiếu và bỏ phiếu kín giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Diễn văn của ông Nguyễn Phú Trọng giải thích rõ danh sách quy hoạch trình ra tại hội nghị 9 chỉ liên quan cấp trung ương đảng, chưa bàn nhân sự cao hơn.
Ông nói : "Trung ương đồng tình cao việc Bộ Chính trị trình Trung ương tại Hội nghị này chỉ cho ý kiến về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026 với tinh thần là phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ, công phu ; quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương, mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư ; sau đó mới đến các chức danh chủ chốt".
Sau hội nghị 9, sẽ lại có quá trình rà soát, thẩm định trước khi trình tiếp cho Bộ Chính trị xem xét, quyết định nhân sự quy hoạch.
Ông Trọng nói với những người được đưa vào quy hoạch, nếu bị phát hiện sai phạm, thì phải "kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch".
Ông cũng nói các cơ quan có thể phát hiện, kiến nghị giới thiệu bổ sung quy hoạch báo cáo Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét ở các Hội nghị sau.
Tổ chức đại hội đảng bộ các cấp
2019 là năm thứ tư, chuẩn bị kết thúc của nhiệm kỳ 5 năm, và khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2021.
Sang năm 2019, các nơi dự kiến chuẩn bị để tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Hôm 29/12, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị toàn quốc với sự chủ trì của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Ông Thưởng được dẫn lời nói Ban Tuyên giáo Trung ương đã xây dựng Đề án tăng cường thông tin tích cực, đấu tranh ngăn chặn xử lý thông tin tiêu cực trên Internet, mạng xã hội trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị.
Ông Thưởng yêu cầu ngành tuyên giáo phối hợp tốt với các cơ quan liên quan tham mưu các nội dung chuẩn bị dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, văn kiện đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Từ ngày 1/1/2019, Luật An ninh mạng của Việt Nam có hiệu lực.
Trong bối cảnh này, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, khi phát biểu tại hội nghị tuyên giáo nói trên, khẳng định phải đặc biệt quan tâm, tăng cường quản lý mạng xã hội.
Ông Vượng được dẫn lời : "Đây thực sự không phải là ảo nữa mà là đời sống thực tế, tác động rất lớn đến đời sống, tư tưởng".
Tác động của kinh tế
Chính phủ Việt Nam đã loan báo năm 2018 có tăng trưởng GDP đạt mức kỷ lục, ước đạt 7,08%, cao hơn mục tiêu 6,7% đề ra và cũng cao hơn mọi dự báo.
Trang chinhphu.vn khẳng định đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua, kể từ năm 2008, sau khi Việt Nam chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Trang chính thức của chính phủ nói : "Điều đáng ghi nhận là, dù tăng trưởng GDP ở mức cao, song nền kinh tế vẫn bảo đảm ổn định vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng ở mức 3,54% - đảm bảo mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%, nợ công giảm so với năm 2017..".
Chính phủ Việt Nam cũng cho hay kim ngạch xuất nhập khẩu thiết lập kỷ lục mới, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm ước đạt trên 482,23 tỷ USD.
Lần đầu tiên, Việt Nam đạt mức xuất siêu 7,2 tỷ USD.
Liệu kinh tế Việt Nam năm 2019 có tác động thế nào đến tâm trạng đảng viên cũng sẽ là diễn tiến được quan tâm.
*********************
Việt Nam sắp có thêm nhà máy sản xuất vũ khí quân sự (RFA, 30/12/2018)
Bộ Quốc phòng Việt Nam hồi đầu tuần trước cho biết Việt Nam sắp thiết lập thêm một nhà máy sản xuất và sửa chữa vũ khí trong một loạt các nhà máy dự định được thiết lập trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2025.
Hình minh họa. Hình chụp hôm 3/1/2014 : tàu ngầm Kilo đầu tiên của Hải quân Việt Nam mang tên Hà Nội ở Vịnh Cam Ranh. AFP
Thông tin này được Bộ Quốc phòng đưa ra trong cuộc họp báo vào hồi đầu tuần trước.
Việc thiết lập các nhà máy này được Bộ Quốc phòng cho biết là nằm trong kế hoạch nhằm hiện đại hóa quân đội đến năm 2025.
Việt Nam trong các năm qua đã có sự gia tang đáng kể trong chi tiêu quốc phòng. Theo thống kê được trang tin export.gov của Mỹ công bố, trong giai đoạn từ 2005 đến 2014, chi tiêu quốc phòng của Việt Nam đã gia tăng gần 400%.
Theo Viện Nghiên cứu Hoà bình Stockholm, trong năm 2016, chi tiêu quốc phòng của Việt Nam là 5 tỷ đô la, chiếm 8% chi tiêu chính phủ, và dự kiến sẽ tăng lên hơn 6 tỷ đô la vào năm 2020. Việt Nam đứng thứ 12 trong số các nước nhập khẩu nhiều vũ khí nhất thế giới trong giai đoạn từ 2010 - 2016.
Theo export.gov, Việt Nam trong các năm qua đã phát triển công nghiệp quốc phòng của chính mình bằng cách hợp tác với các nước khác và nhận chuyển giao công nghệ. Hãng đóng tàu Damen Shipyard của Hà Lan đã giúp Việt Nam thiết kế và sản xuất các tàu quân sự và thương mại. Trong năm 2016, Việt Nam cũng chế tạo thành công các tàu quân sự 600 tấn để chuyển cho Venezuela. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhận chuyển giao công nghệ từ Nga và đã bắt đầu sản xuất tên lửa KCT 15. Việc Mỹ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam cũng mở ra cơ hội cho việc hợp tác sản xuất.
******************
52 người chết vì tai nạn giao thông trong hai ngày nghỉ lễ (RFA, 30/12/2018)
Đã có ít nhất 52 người chết và 26 người khác bị thương do tai nạn giao thông trong hai ngày đầu nghỉ Tết dương lịch ở Việt Nam, Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia công bố hôm 30/12.
Hình minh họa. Một vụ tai nạn giao thông trên một đường cao tốc ở ngoại thành Hà Nội hôm 31/1/2008 - AFP
Cụ thể, trong ngày 30/12, cả nước đã xảy ra 40 vụ tai nạn giao thông đường bộ và 2 tai nạn đường sắt làm 25 người tử vong và 11 người bị thương.
Truyền thông trong nước trích thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông cho biết trong ngày thứ hai của kỳ nghỉ lễ, công an đã xử lý hơn 3.800 trường hợp vi phạm pháp luật, phạt hành chính trên 3,6 tỷ đồng.
Cũng trong ngày thứ hai, theo truyền thông trong nước, cảnh sát giao thông đã tạm giữ gần 600 phương tiện các loại, tước bằng lái 250 tài xế do không tuân thủ luật giao thông.
Ở Việt Nam, cứ vào các dịp nghỉ lễ dài, tình trạng tai nạn giao thông gây thương vong lại gây chú ý vì tăng cao hơn so với các ngày thường, đặc biệt là dịp nghỉ Tết âm lịch. Nguyên nhân thường được cho là do uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông.
Việt Nam tưởng niệm 6.674 người chết vì tai nạn giao thông trong năm 2018 (RFA, 19/11/2018)
Vào tối ngày 18/11, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2018 với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - vì người ở lại".
Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông ở Hải Dương hôm 18/11/2018 - Courtesy Ủy ban an toàn giao thông quốc gia
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia của Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2018, cả nước đã có 6.674 người chết và 11.549 người bị thương do tai nạn giao thông, đặc biệt là trong số nạn nhân thương vong có 962 trẻ em. Trong 1 thập kỷ từ năm 2008 - 2018 cả nước có ít nhất 105.252 chết, 235.198 người bị thương trong tổng số 253.088 vụ tai nạn giao thông.
TTXVN dẫn lời Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhận định, tai nạn giao thông đang gây ra thiệt hại to lớn về nhân mạng và tài sản, cướp đi hạnh phúc của nhiều gia đình, dòng họ ; ảnh hưởng đến tương lai và đe doạ đến sự phát triển bền vững của giống nòi.
Chính quyền Việt Nam muốn thông qua hoạt động tưởng niệm nhằm cảnh báo về thảm họa tai nạn giao thông đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ, sẻ chia từ cộng đồng về những tổn thất, mất mát, khó khăn của các nạn nhân, gia đình nạn nhân tai nạn giao thông.
Trong một sự kiện hồi năm ngoái, ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho hay, nếu tính đúng và đủ thì mỗi năm có ít nhất 15 ngàn người chết vì tai nạn giao thông.
Sở dĩ có 2 con số khác nhau vì Việt Nam chỉ công bố số liệu người chết tại hiện trường của Cảnh sát giao thông nghi nhận mà không công bố số người chết tại bệnh viện 30 ngày sau đó như quốc tế.
******************
Ổ cờ bạc trên mạng tại Hà Nội là ‘cơ sở của Bộ Công an’ (Người Việt, 19/11/2018)
Hai ông trùm cờ bạc trên mạng nói nhờ làm công ty bình phong cho Công an nên yên ổn kinh doanh, lợi nhuận kiếm gần chục ngàn tỉ đồng trong khi gây đại họa cho xã hội.
Nguyễn Văn Dương bị dẫn giải vào phòng xử án. (Hình : Tuổi Trẻ)
Trong phiên tòa tiếp diễn ở Phú Thọ với lời khai tiếp tục của các nghi can, lần đầu tiên, người ta được nghe lời khai của hai ông trùm cờ bạc trên mạng Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương về mối quan hệ giữa họ với hai tướng công an Phan Văn Vĩnh (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (nguyên cục trưởng Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao của bộ Công an), cũng như những số tiến nhờ đó mà kiếm được trong khoảng thời gian 28 tháng.
Theo tờ Tuổi Trẻ tường thuật, ông trùm Nguyễn Văn Dương (con rể của nguyên ủy viên bộ chính trị Phạm Quang Nghị) khai hôm Thứ Hai, 19 tháng 11 là trụ sở chính của họ điều hành tổ chức cờ bạc trên mạng tại Hà Nội cũng là cơ sở của Bộ Công an. Nơi đây, Cục trưởng Cục C50 Nguyễn Thanh Hóa có phòng làm việc tại đây. Điều này chứng tỏ hoạt động điều hành hệ thống cờ bạc trên mạng, ông trùm "Cục C50" dính trực tiếp.
Buổi sáng ngày Thứ Hai, ông trùm Phan Sào Nam, nguyên giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến, khai anh ta quen biết với Nguyễn Văn Dương từ năm 2015, được Dương cho biết đang ôm một công ty bình phong của Cục C50.
Nam có một số game cờ bạc "chất lượng cao" nhưng khó khăn xin cấp giấy phép và Dương nhận lời hợp tác để ăn chia, dựa vào cái bình phong là công ty CNC mà Dương cầm đầu. Dương khai vẫn báo cáo các hoạt động của CNC cho tướng Hóa nên người ta hiểu rằng, tướng Hóa đã "chỉ đường cho hươu chạy" nên đã kiếm ăn được một thời gian dài. Buổi chiều, tới lần Nguyễn Văn Dương khai thì xác nhận lại những điều Phan Sào Nam khai buổi sáng là đúng.
Theo tờ Tuổi Trẻ, khai về quá trình thành lập công ty CNC, Dương cho biết người giới thiệu mình với Bộ Công an là tướng Phạm Quý Ngọ, nguyên thứ trưởng bộ Công an nay đã chết vì ung thư.
Trong phiên xử, Phan Sào Nam nói đã vừa nộp lại tiền mặt 1,088 tỉ đồng, vừa bán nhà để "khắc phục hậu quả" gom chung lại lên tới 1.300 tỉ đồng, trong số tiền lời mà ông ta được chia 1.475 tỉ đồng. Ông Nam cũng xác nhận đang có số tiền 3,5 triệu đô la gửi tại ngân hàng Singapore.
Nguyễn Văn Dương bị cáo buộc "thu lợi bất chính 1.655 tỷ đồng. Một phần trong số tiền này, ông ta "mượn giấy tờ người thân thành lập 4 công ty "ma" để rửa tiền. Ông ta "chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền góp vốn vào Công ty cổ phần đầu tư UDIC… ký hợp đồng khống với các doanh nghiệp "ma" để rút tiền ra. Khi được ăn chia khoản tiền do phạm tội tổ chức đánh bạc, Dương tiếp tục chỉ đạo thuộc cấp đứng danh nghĩa công ty, cá nhân đối tác chuyển trả Công ty UDIC do hủy hợp đồng để hợp pháp hóa số tiền tổ chức đánh bạc thành tiền sạch". Báo mạng Zing kể.
Khác với Phan Sào Nam, ông Dương mới chỉ nộp lại khoảng 15% số tiền bị cáo buộc "thu lợi bất chính".
Trong phiên xử chiều ngày Thứ Hai, 19 tháng 11, tướng Phan Văn Vĩnh nhìn nhận ông ta bị truy tố tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng" là đúng.
Theo bản cáo trạng được thuật lại tóm tắt trên tờ Lao Động, trong tư cách Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, ông tướng Vĩnh đã toa rập với thuộc cấp là tướng Nguyễn Thanh Hóa làm theo đề xuất của Nguyễn Văn Dương (công ty bình phong CNC) "cho phép triển khai kế hoạch xây dựng mô hình cổng trò chơi trực tuyến… và thí điểm cho phép người dùng chuyển đổi một phần tài khoản ảo sang thẻ ảo hoặc ví điện tử của CNC".
Hai tướng công an Nguyễn Thanh Hóa (đi trước) và Phan Văn Vĩnh (phía sau, đeo kiếng trắng) đến phiên xử ở Phú Thọ. (Hình : Tuổi Trẻ)
Sau đó còn "ký văn bản đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tổ chức đánh bạc của Công ty CNC", đồng thời, "chỉ đạo tướng Hóa ký văn bản báo cáo đề xuất Bộ trưởng Bộ Công an cho Công ty CNC tiếp tục tổ chức đánh bạc (vận hành cổng trò chơi đổi thưởng game bài Tip.Club)"
Bản cáo trạng nói "Phan Văn Vĩnh bút phê đồng ý vào văn bản hợp thức ngày 12/10/2011 để che giấu việc góp vốn bằng lợi thế nghề nghiệp và gián tiếp thừa nhận bản thân đã biết và chỉ đạo Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao hợp tác với Công ty CNC ngay từ năm 2011, điều này hoàn toàn phù hợp với việc đồng ý cho Công ty CNC thuê trụ sở số 10 Hồ Giám cũng như biết rõ đề xuất của Nguyễn Văn Dương nêu trong báo cáo hàng năm về vận hành cổng thanh toán cho game ngay từ năm 2012".
Trong phiên xử trước, báo chí trong nước cho hay hai ông tướng công an bảo kê cờ bạc Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa đã tẩu tán hết tiền bạc. Trùm Nguyễn Văn Dương khai đã nộp cho tướng Hóa hơn 22 tỉ đồng, còn tướng Vĩnh 27 tỉ đồng, 1,75 triệu USD và chiếc đồng hồ Rolex trị giá 7 ngàn đô la.
Trong mấy phiên xử trước, người ta thấy các báo tại Việt Nam đưa tin không những hai ông tướng được hưởng những tình tiết "giảm nhẹ" và cả các ông trùm và những kẻ cầm đầu hệ thống cờ bạc trên mạng không bị truy tố tội danh hối lộ. Nhiều ưu đãi của tòa án dành cho vụ án đặc biệt nghiêm trọng dính tới tướng tá công an. Nguyễn Văn Dương đã khai là nộp cho hai ông tướng công an những số tiền rất lớn nhưng lại không bị truy tố tội danh hối lộ, như thế, sẽ không có tội danh nhận hối lộ đối với tướng Vĩnh, tướng Hóa.
Phiên xử vẫn còn tiếp tục trong những ngày sắp tới nhưng nhiều người cho rằng các ông tướng công an và cả hai ông trùm sẽ có thể chỉ bị "giơ cao đánh khẽ". (TN)
Ba ngày nghỉ lễ, 46 người chết vì tai nạn giao thông (RFA, 04/09/2018)
Trong 3 ngày nghỉ lễ từ 1 đến 3/9, Việt Nam đã có đến 83 vụ tại nạn giao thông làm 46 người chết và 53 người bị thương, theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông.
Các bác sĩ đang cấp cứu bệnh nhân bị tai nạn. (Ảnh minh họa) - AFP
Chỉ riêng ngày cuối của kỳ nghỉ đã có 33 vụ tai nạn làm 14 người chết và 32 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2017, số người chết vì tai nạn giảm 12 người và bị thương giảm 3 người nhưng số vụ tai nạn thì tăng 9 vụ.
Phòng cảnh sát giao thông công an Thành phố Hà Nội cho biết trong 3 ngày nghỉ lễ từ 1/9/3/9 trên toàn Thành phố Hà Nội xảy ra 3 vụ tai nạn làm 3 người chết và 2 người bị thương giảm 4 người chết so với cùng kỳ.
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ riêng thống kê của bệnh viện Chợ Rẫy trong ba ngày lễ ghi nhận gần 900 trường hợp cấp cứu. Trong đó có hơn 220 ca tai nạn giao thông với 137 ca chấn thương sọ não tăng 15,8% so với 2017.
Ngoài ra, trong dịp nghỉ lễ, các lực lượng tuần tra đã xử phạt hơn 16.000 người vi phạm giao thông với số tiền phạt lên tới hơn 10 tỷ đồng.
Theo Ủy ban an toàn giao thông, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các vụ tai nạn là do người điều khiển giao thông không đội nón bảo hiểm, chở quá số người quy định và lái xe trong tình trạng say xỉn.
******************
Tướng Công an bao che cờ bạc nhưng… chưa đủ căn cứ xác định hưởng lợi cá nhân ? (CaliToday, 04/09/2018)
Cựu Cục trưởng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao-C50 Bộ Công an ông Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu bảo kê cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển An ninh Công nghệ cao CNC tổ chức đánh bạc qua game Rikvip, không cho các đơn vị nghiệp vụ xác minh, tháo gỡ đó là những gì mà cáo trạng của vụ án vào hôm 31/8/2018 nhắc đến…
Ông Nguyễn Thanh Hóa tổ chức đánh bạc qua game Rikvip (ảnh : thoimoi)
Tờ báo mạng Zing.vn vào hôm 4/9/2018 cho biết cáo trạng của vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền xảy ra ở Công ty CNC thông qua công game Rikvip/ Tip.Club được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành hôm 31/8/2018, dài 235 trang qua đó xác định cựu Cục trưởng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – C50 Bộ Công an ông Nguyễn Thanh Hóa vào năm 2011, đã chỉ đạo cấp dưới làm văn bản trình ý kiến lên Tổng cục cảnh sát về việc thành lập công ty bình phong theo mô hình Trách nhiệm hữu hạn. Trong thời gian xin chủ trương, được sự giới thiệu của ông Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát), ông Hóa gặp ông Nguyễn Văn Dương thống nhất cho công ty CNC làm công ty bình phong với thỏa thuận C50 được hưởng 20% lợi nhuận kinh doanh dù không góp vốn. Ông Hóa đã đề nghị cấp trên cho CNC phát hành trò chơi cờ bạc trên Internet với lý do đề xuất là nhằm quản lý hoạt động cờ bạc bất hợp pháp và tạo nguồn thu xây dựng lực lượng hacker chuyên nghiệp, phục vụ nhiệm vụ chính trị được giao.
Sau đó, ông Vĩnh ký quyết định công nhận CNC làm công ty bình phong trái quy định, đồng thời cho doanh nghiệp này thuê trụ sở của Tổng cục cảnh sát ở số 10 Hồ Giám, quận Đống Đa, Hà Nội. Cụ thể, tại trụ sở công ty CNC có bảng ghi "Bộ Công an – Cục C50" và phòng làm việc của ông Nguyễn Thanh Hóa dẫn đến việc tạo ra rào cản cho cơ quan chức năng khi xác minh, xử lý Dương.
Đáng chú ý, ông Hóa còn bàn bạc, xây dựng văn bản để ông Vĩnh ký báo cáo Bộ Công an và Bộ Thông Tin&Truyền Thông hợp pháp hóa 2 cổng game Rikvip.com và 23zdo.com mà công ty bình phong đang vận hành "chui". Khi lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu báo cáo hoạt động của Rikvip.com và 23zdo.com có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ông Hóa đã không chấp hành ý kiến chỉ đạo. Sau 50 ngày, khi có văn bản yêu cầu báo cáo lần 2, cựu Cục trưởng C50 mới chỉ đạo cấp dưới báo cáo nhưng khẳng định 2 game bài trên đã được cơ quan chức năng cấp phép.
Ngoài ra, Tổng cục cảnh sát yêu cầu dừng phối hợp nghiệp vụ với Công ty CNC, ông Hóa còn soạn văn bản trình ông Vĩnh ký, để che giấu việc C50 góp vốn vào công ty của Dương bằng lợi thế nghề nghiệp.
Giữa năm 2015, Phòng phòng chống tội phạm máy tính (Phòng 2 – C50) phát hiện Rikvip có dấu hiệu tổ chức đánh bạc nên đề xuất được xác minh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hóa không đồng ý với lý do CNC là công ty bình phong vận hành Rikvip không vi phạm pháp luật.
Tháng 8/2016, ông Hóa ký văn bản gửi ông Vĩnh, báo việc game bài Rikvip có dấu hiệu đánh bạc. Ông Vĩnh đồng ý với đề xuất xác minh về game bài này, đồng thời chỉ đạo C50 báo cáo lãnh đạo bộ để xây dựng kế hoạch bóc gỡ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng xác định Tổng cục cảnh sát và C50 không xây dựng kế hoạch, không báo cáo lãnh đạo bộ và cũng không tổ chức xác minh để đấu tranh.
Một tháng sau, Nguyễn Văn Dương và đồng phạm đổi tên Rikvip thành Tip.Club. Phòng 2 – C50 nhiều lần báo cáo ông Nguyễn Thanh Hóa về hoạt động phức tạp của game đánh bạc trá hình này nhưng cựu Cục trưởng không chỉ đạo xác minh làm rõ.
Thời gian Công ty CNC làm công ty bình phong, ông Hóa trực tiếp theo dõi, quản lý doanh nghiệp này. Phòng tham mưu là đơn vị duy nhất được giao nhiệm vụ theo dõi văn bản đến nhưng không được kiểm tra. Khi Phòng 4 của C50 không được điều tra cơ bản về Công ty CNC theo thẩm quyền, lãnh đạo Tổng cục cảnh sát đã có chỉ đạo. Nhưng ông Hóa lại thông báo giao việc điều tra cơ bản cho một phòng khác. Trong khi thực tế, cựu Cục trưởng C50 không giao cho ai điều tra cơ bản.
Cáo trạng của Viện kiểm sát tỉnh Phú Thọ thể hiện ông Hóa chưa thành khẩn, ăn năn hối lỗi về hành vi mà đổ lỗi cho người khác. Quá trình điều tra, Nguyễn Thanh Hóa chỉ thừa nhận Nguyễn Văn Dương hỗ trợ C50 số tiền 700 triệu và phần mềm diệt virus trị giá 30.000 USD.
Cựu Cục trưởng C50 không thừa nhận việc Dương đưa cho ông 22 tỷ đồng.
Về mục đích cho công ty bình phong tổ chức đánh bạc, theo ông Hóa là nhằm tạo nguồn thu để xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng. Tuy nhiên, hơn 2 năm tổ chức đánh bạc qua mạng thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng, công ty CNC không đầu tư khoản tiền nào cho hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng ngoại trừ 2 khoản ông Hóa đã thừa nhận ở trên.
Cơ quan tố tụng xác định việc quyết định số phận game đánh bạc Rikvip của Dương nằm trong tay ông Vĩnh và Hóa. Xét về bản chất, hai ông này có dấu hiệu bảo kê, nhận hối lộ. Trong đó, ông Vĩnh là người chỉ đạo, còn ông Hóa là người thực hành tích cực.
Song quá trình điều tra, cơ quan công an chưa đủ căn cứ xác định ông Vĩnh và ông Hóa hưởng lợi cá nhân. Do vậy, việc xem xét xử lý 2 bị can này mới dừng lại ở mức độ cấu thành tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ông Nguyễn Thanh Hóa sinh năm 1958, tại tỉnh Bình Định.
Trước năm 2009, ông Hóa là lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, thuộc Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an.
Năm 2015, ông Hóa được phong hàm Thiếu tướng Công an, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao.
Ngày 11/3/2018, ông Hóa bị Chủ tịch nước Việt Nam ông Trần Đại Quang kí quyết định tước danh hiệu Công an. Chiều cùng ngày, ông Hóa bị Công an Phú Thọ khởi tố tội "Tổ chức đánh bạc" và bắt tạm giam 4 tháng để điều tra vụ án.
Liên quan đến vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền xảy ra ở Công ty CNC do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam cầm đầu được Cali Today thông tin khá nhiều. Tính đến nay, đã có gần 100 cá nhân bị Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Phú Thọ điều tra, khởi tố và tạm giam, trong số này ngoài ông Nguyễn Thanh Hóa còn có cựu Trung tướng Công an ông Phan Văn Vĩnh cũng đã bị tống giam.
Ngoài ra, Phó cục trưởng C50 ông Võ Tuấn Dũng vào sáng ngày 4/5/2018 đã chết bất thường ngay tại phòng làm việc mà nguyên nhân đến nay vẫn chưa thấy báo chí thông tin. Trước đó, ông Dũng đã bị Bộ trưởng Bô Công an Tô Lâm ký quyết định đình chỉ công tác nhằm phục vụ việc xác minh và làm rõ các sai phạm trong vụ án đánh bạc.
Quê Hương
Nhiều nhà hoạt động ở Lâm Đồng bị hành hung, ném chất nổ (CaliToday, 29/06/2018)
Liên tiếp mấy ngày qua, nhiều nhà hoạt động tự do dân chủ và tự do tôn giáo ở Lâm Đồng bị những kẻ mặc thường phục ném chất nổ vào nhà, hành hung vô cớ cả trong nhà lẫn ngoài đường. Gần đây nhất và có lẽ nghiêm trọng nhất là trường hợp của nhà hoạt động Đinh Văn Hải (SN 1974. Cư trú : Thôn Ninh Hòa, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng) bị hành hung gẫy nhiều đốt xương khiến dư luận khi biết vụ việc đã vô cùng phẫn nộ…
Giấy chứng nhận thương tích của ông Đinh Văn Hải sau vụ hành hung ngày 27/06/2018 (ảnh ; Facebook Đinh Văn Hải)
Vào ngày 27/6/2018, nhà hoạt động Đinh Văn Hải đã cho dư luận, cộng đồng sinh hoạt mạng xã hội Facebook được biết là ông cùng một người bạn đã bị một nhóm "côn đồ" mặc thường phục hành hung dã man, thương tích nghiêm trọng sau khi hai người đến thăm hỏi gia đình nhà hoạt động vì người lao động bà Đỗ Thị Minh Hạnh ở huyện Di Linh cùng tỉnh Lâm Đồng.
Thương tích trên người ông Đinh Văn Hải sau khi bị hành hung ngày 27/06/2018 (ảnh Facebook Đinh Văn Hải)
Căn cứ vào giấy định bệnh của một Phòng khám đa khoa tại Sài Gòn cũng như những chia sẻ của ông Đinh Văn Hải cho biết tình trạng thương tích của ông hiện tại là :
"Tình hình thương tích thì tôi công khai hết trên mạng rồi đó. Đầu xương đòn vai trái bị gẫy rời ra, xương sườn số 3, số 4 nó bị gẫy, xương lòng bàn tay phải sương số 3 nó gẫy sole. Tổng cộng tôi gẫy 4 cái xương".-Lời của ông Hải.
Ngoài ra, ông Hải còn bị thương tích ngoài da với nhiều vết trầy xước, máu đổ. Ông Hải chia sẻ :
"Trầy xước thì anh cứ nhìn sau lưng tôi bao nhiêu gậy, có băng bó lại những vết thương ngoài da. Nói chung là trận mưa gậy…".
Ông Hải cũng chia sẻ luôn với Cali Today về tình trạng thương tích của người bạn đi cùng cũng bị nhóm "côn đồ" mặc thường phục hành hung vào ngày 27/6 như sau :
"Anh ấy cũng bị mấy gậy, bó thuốc và đỡ rồi, chân thì còn đi cà nhấc, lưng vai cũng bị…".
Vụ việc ông Hải và người bạn bị nhóm "côn đồ" mặc thường phục chặn giữa đường hành hung dã man vào ngày 27/6 được Cali Today tìm hiểu như sau : Vào tối muộn ngày 26/6, nhà hoạt động vì người lao động ở Việt Nam bà Đỗ Thị Minh Hạnh thông tin cho dư luận được biết là gia đình bị những người mặc thường phục ném đá, ném chất nổ vào nhà. Sáng ngày 27/6, ông Hải cùng người bạn đến gia đình của bà Hạnh để thăm hỏi và live tream Facebook tiếp vụ việc tại gia đình bà Hạnh. Đến trưa ngày 27/6, ông Hải và người bạn ra về, đến đoạn đường vắng thì cả hai bị một nhóm "côn đồ" mặc thường phục cầm gậy, cuốc hành hung dã man. Sau khi nhóm "côn đồ" này rút, ông Hải mở điện thoại Live Traem Facebook về tình hình, khắp mình ông Hải trầy xước và máu chảy khiến dư luận phẫn nộ cực độ.
Ông Hải chia sẻ vắn tắt vụ hành hung :
"Đại khái là chúng tôi từ nhà Đỗ Thị Minh Hạnh ra, có live tream chổ nhà Minh Hạnh đi ra thì tụi nó theo dõi, tụi nó bố trí trận địa sẵn rồi, đến đoạn đường vắng thì tung cuốc vào mặt chúng tôi làm chúng tôi choáng, rồi vung gậy tới tấp nó đánh. Đánh chúng tôi ngã xuống rồi thì tụi nó bỏ chạy đâu khoảng tầm khoảng 200m thì tụi nó quay lại nhìn thấy chúng tôi ngồi dậy được thì chúng lao đến đánh tiếp một trận nữa. Tôi bước được vài bước thì té lăn xuống, muốn la cũng không được…cái anh đi cùng với tôi chống cự lại thì tôi mới thoát và tụi nó rút lui".
Mặc dù những kẻ hành hung toàn mặc thường phục, cũng như bao vụ hành hung đối với những nhà hoạt động tự do dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo khác ở Việt Nam, ông Hải nói những người mặc thường phục này chính là Công an giả dạng "Côn đồ", đánh dân vô cớ làm sao mặc quân phục được ?.
"Trạm công an cách hiện trường 7 Km và sau ba, bốn phút là có mấy công an xã tới, có nghĩa là tụi nó biết trước nó tới để nghiệm thu thành quả"- Lời của ông Hải.
Ngay sao vụ hành hung, ông Hải và người bạn xuống Sài Gòn điều trị cho đến bây giờ.
Trong khi đó, tình hình của gia đình bà Đỗ Thị Minh Hạnh theo Cali Today được biết là sau đêm bị ném đá, ném chất nổ vào nhà thì may mắn là tài sản không bị hư hỏng gì nhiều và tính mạng của tất cả thành viên gia đình vẫn bình an. Có cuộc nói chuyện ngắn qua Facebook, bà Minh Hạnh cho biết hành động của nhóm mặc thường phục đối với gia đình bà không ngoài lý do đàn áp việc bà lên tiếng đấu tranh cho người lao động, phản đối dự thảo luật Đặc khu.
Bà Minh Hạnh cũng cho biết, từ trước giờ gia đình bà bị sách nhiễu, gây khó khăn khá nhiều lần nhưng việc bị ném chất nổ vào nhà như xảy ra vào tối ngày 26/6 là lần đầu tiên.
Như Cali Today đã thông tin, trước ông Hải và bà Hạnh thì Chánh trị sự Hứa Phi ở thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cũng bị nhóm "côn đồ" mặc thường phục hành hung thô bạo, cắt chùm râu cằm ngay tại căn nhà trong rẫy cà phê vào tối ngày 22/6/2018.
Ông Hứa Phi cho biết vụ hành hung đối với bản thân ông là nhằm mục đích ngăn cản việc ông đi gặp đại diện Đại sứ quán Úc trước thềm đối thoại nhân quyền Việt-Úc.
Quê Hương
*****************
Hơn 4.500 người tử vong vì tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm (RFA, 29/06/2018)
Tổng cục thống kê Việt Nam vào hôm 29 tháng 6 vừa có báo cáo cho biết hơn 4.500 người tử vong và gần 7.000 người khác bị thương vì tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2018.
Một vụ tai nạn giao thông tại Hà Nội. AFP
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kể từ đầu năm đến nay trên cả nước xảy ra 8.999 vụ tai nạn giao thông. Số vụ tai nạn giao thông trên cả nước đã giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, bình quân mỗi ngày xảy ra 49 vụ tai nạn, làm 23 người chết và 39 người bị thương.
Theo Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 8.600 người chết vì tai nạn giao thông, tuy nhiên đây chỉ là con số được cảnh sát giao thông ghi nhận tại hiện trường. Tuy nhiên thống kê của Bộ Y tế năm 2015 cho thấy mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 15.000 người chết vì tai nạn giao thông.
Người Việt Nam chủ yếu sử dụng phương tiện xe máy trong giao thông. Theo quỹ Chống thương vong Châu Á, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm ở Việt Nam được thực hiện trong 10 năm qua đã góp phần ngăn chặn được 500.000 ca chấn thương đầu.
****************
Những trẻ em Việt Nam bị mất "quyền sống" Mỗi năm 2000 trẻ chết đuối (RFA, 28/06/2018)
Mỗi năm 2000 trẻ chết đuối
Tại buổi Lễ công bố chương trình hợp tác về phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam do Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Quỹ từ thiện Bloomberg, Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu tổ chức sáng 26/6 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hà, thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết tử vong do đuối nước trẻ em ở Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước có thu nhập cao.
Bé trai 6 tuổi bơi trước ngôi nhà bị lụt ở Long An. AFP
Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho rằng nguyên nhân là do nhận thức của gia đình và xã hội về nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn hạn chế ; trẻ thiếu sự giám sát của cha mẹ ; trẻ em chưa biết bơi và thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước… Ngoài ra là thói quen tắm ở sông, suối của trẻ em và cả người lớn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.
Tuy nhiên theo một cô giáo không muốn nêu tên hiện mở trường mầm non tư thục ở Sài Gòn thì còn một nguyên nhân khác nữa, đó là thiếu phương tiện, cơ sở hạ tầng đi lại :
Hiện tại ở nhiều nơi, trẻ đi học mà còn đu dây qua suối thì rất không an toàn, đặc biệt mùa nước lớn, chảy xiết.
Chúng tôi liên lạc với một văn phòng Bảo vệ quyền trẻ em để hỏi về giải pháp nào bảo vệ trẻ em khỏi những tai nạn thương tâm từ nước, thì nhận được trả lời :
Xin lỗi mình không nắm vấn đề đó, mình không chuyên liên quan đến chuyện trẻ chết đuối, bạn có thể gọi cho đường dây nóng 111 nhé.
Nhằm giúp Việt Nam phòng chống đuối nước cho trẻ em, quỹ từ thiện Bloomberg đã tài trợ cho Việt Nam 2,4 triệu USD trong 2 năm đầu của chương trình 5 năm. Một phần trong chương trình sẽ là dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ sáu tới mười lăm tuổi.
Tuy nhiên việc sử dụng những khoản tài trợ mà những tổ chức nước ngoài như Quỹ Bloomberg giúp cho Việt Nam như vừa nêu cũng là một vấn đề. Thực tế cho thấy đối tượng được giúp không nhận được đầy đủ khoản kinh phí dành cho.
Bà Võ Thị Cẩm Nhung, cựu cán bộ Ủy ban Dân số kế hoạch hóa gia đình và Bảo vệ bà mẹ, trẻ em tỉnh Khánh Hòa cho chúng tôi biết về tình trạng những khoản tiền thực tế mà trẻ em được thụ hưởng không còn bao nhiêu khi đi từ trung ương tới tỉnh rồi tới địa phương. Theo bà thì tình trạng hợp thức hóa hóa đơn chứng từ để quyết toán thì đầy ra. Chính vì vậy mà bây giờ người ta muốn tài trợ hay ủng hộ thì phải trực tiếp đi xuống tận nơi để giao cho người được thụ hưởng.
Khi bỏ tiền thì mình phải giám sát chứ không phải cứ quăng một cục một chờ nhận báo cáo rồi họ tiêu hết khoản tài trợ ấy đi. Thật sự mình thấy trong quá trình mình làm những công tác này thì nhiều khi kinh phí thì rót, thì tài trợ nhưng để đến tay người dùng thì không còn bao nhiêu hết.
Không phải là không có những chương trình để tài trợ và giúp đỡ, nhưng rồi cuối cùng tự nhiên nó qua các khâu rồi nó đi đâu mất tiêu nên trẻ em vẫn luôn luôn thiếu thốn. Hiện tại bây giờ vẫn có những chỗ trẻ em phải đu dây, có những chỗ điều kiện trẻ em đi học không đến nơi đến chốn. Ngay cả chuyện tập bơi này cũng không phải là chương trình hoàn thiện vì không phải tất cả các trẻ em đều có điều kiện đến học bơi.
Quyền được học hành
Trẻ em chèo thuyền nhận lương thực cứu trợ mùa lũ ở Quảng Bình. AFP
Ngoài quyền được sống thì quyền được học hành của trẻ bình thường cũng như trẻ khuyết tật cũng là một điều đáng quan ngại trong xã hội khi mà nhiều trẻ em phải nghỉ học ở vùng sâu vùng xa, vùng núi do thiếu phương tiện đến trường cũng như cơ sở hạ tầng không an toàn.
Cô giáo không nêu tên cho chúng tôi biết "Riêng quyền học tập thì thấy vất vả rồi, vì có đủ trường, đủ giáo viên đâu. Ngay như một mảng nhỏ là trẻ khuyết tật thì cũng ko đủ trường và đội ngũ y tế, giáo dục để can thiệp, điều trị cho trẻ.
Cô giáo này nói thêm theo luật giáo dục và luật khuyết tật của Việt Nam thì trẻ khuyết tật vẫn được đi học nhưng không có đủ giáo viên và thiết bị hỗ trợ, nên việc học hoà nhập đó rất ít hiệu quả. Nếu cha mẹ trả cho giáo viên đi kèm và nhà trường cho phép giáo viên theo thì đỡ hơn. Các trường quốc tế, nếu chấp nhận trẻ thì sẽ làm tốt hơn, trẻ đó thường là rất khá, nhẹ, ít hành vi và gia đình có điều kiện, do phí cao lắm. Các tổ chức quốc tế có hỗ trợ các trung tâm trợ giúp trẻ tàn tật hay trường chuyên biệt của nhà nước. Chứ trường tư thì thường ko nhận được do quy mô nhỏ.
Bà Võ thị Cẩm Nhung trở lại với tình trạng nhận thức về các quyền của trẻ em trong xã hội Việt Nam hiện nay :
Cái gì đã gọi là đầu tư cho trẻ thì đó là công tác xã hội mà đối tượng cần được bảo vệ và cần được quan tâm thì mọi người đều phải có trách nhiệm trong việc đó, và mọi người phải dồn tâm dồn sức vào. Đó là quan điểm của nình nhưng không hẳn ai cũng có quan điểm như thế. Cũng có những người lợi dụng những khoản tiền không được quản lý chặt chẽ, rồi có những cái lãng phí nhưng mình không thể nói là ai cũng có quan điểm như mình được. Mình đòi hỏi điều đó rất là khó trong một cái xã hội có quá nhiều vấn đề như hiện nay.
Bức ảnh cậu bé Syria chết đuối dạt vào bờ biển năm 2015 và bức ảnh bé gái 2 tuổi bị tách khỏi mẹ ở biên giới Hoa Kỳ năm 2018 từng gây chấn động dẫn đến thay đổi nhanh chóng trong hành động và chính sách liên quan tại Châu Âu và Hoa Kỳ. Trong khi đó nhan nhản những cảnh trẻ chết đuối hàng năm ; hình ảnh trẻ đu dây qua sông, suối để đến trường ; trẻ em nheo nhóc, đói khổ tại vùng núi, vùng sâu vùng xa … vẫn tiếp tục tồn tại ở Việt Nam.
***************
Có thể nói rằng các giải bóng đá từ khu vực cho đến thế giới đi qua, giới hâm mộ bóng đá Việt Nam lại trải qua một phen điêu đứng vì nạn cá độ và những chuyện không vui. Chỉ tính riêng tuần này, hàng chục đường dây cá độ đã bị công an Việt Nam phá vỡ, điển hình như hôm 27 tháng 6, công an Hà Tĩnh phá một đường dây cá độ bóng đá qua mạng với số tiền hơn 37 tỷ đồng. Hôm 25 tháng 6, công an Thanh Hóa đã triệt phá dây cá độ lớn khi giải World Cup 2018 đang diễn ra, ước tính số tiền giao dịch đường dây này lên đến gần 100 tỷ đồng. Công an Sài Gòn cũng bất ngờ kiểm tra hàng loạt quán cà phê và bắt giữ nhiều người đang cá độ bóng đá. Trước đó, vào cuối tuần qua, 4 người trong một đường dây cá độ trực tuyến khác với số tiền hàng chục triệu đô la cũng bị giới chức Sài Gòn bắt giữ…
Nhiều quán cà phê, quán nhậu... trở thành tụ điểm coi bóng đá ở Việt Nam RFA
Phải nói rằng chuyện cá độ bóng đá tại Việt Nam là một vấn nạn chứ không chỉ là chuyện vui chơi giải trí một cách đơn thuần. Và việc nhảy lầu, nhảy cầu, uống thuốc cỏ tự tử vì thua cá độ bóng đá như trường hợp một người lái xe ba gác ở Sài Gòn uống thuốc chuột vào hôm 28 tháng 6 vì thua 300 triệu đồng hay một thanh niên 9X định nhảy cầu Chương Dương vì thua 200 triệu đồng không còn là chuyện hiếm.
Thanh Trung, một thanh niên từng tham gia cá độ, bị mất nhà cửa, hiện sống tại Mộ Đức, Quảng Ngãi, chia sẻ : "Dính vô thì thôi chứ, cũng giống như đánh bài thôi, mộng ăn họ, mình ăn họ rồi thì họ ăn mình, tưởng dễ ăn quá mà, nhưng mà dính vô rồi thì lỡ thua là thua hết. Năm nay kèo trên chết hết, như hôm Đức đá với Hàn Quốc chấp tới hai trái ai cũng nghĩ Đức ăn hết, cuối cùng Đức thua mất…"
Anh Trung cho biết thêm đây là lần thứ hai anh bị thua độ bóng đá, mùa Word Cup năm 2014, anh bị bay mất một căn nhà do thua độ, lúc đó anh chỉ toàn bắt kèo dưới nhưng lại bị thua vì năm đó kèo trên trúng nhiều hơn. Còn năm nay, anh rút kinh nghiệm năm 2014, anh chọn kèo trên thì nguyên từ đầu mùa bóng đến nay, toàn kèo dưới thắng độ. Những đội bóng được dự đoán sẽ vào vòng trong đều bị loại ngay từ vòng 1. Sau vòng một, anh bị mất một khu nhà trọ vì phải bán trả nợ cá độ.
Thường thì ban đầu cá độ nhỏ, thắng độ được một ít tiền, mang về mua quà cho vợ con và giấu nhẹm chuyện cá độ. Vợ con vui vẻ, như vậy là lấy đà chơi tiếp, đến khi thua độ nặng nề, giang hồ kéo tới nhà đòi nợ, thậm chí đòi mạng thì không còn cách nào khác là bán áo kháo bành để trả nợ.
Anh Trung chua chát lắc đầu và kết luận rằng cá độ bóng đá là một cái bẫy quá kinh khủng và chẳng khác nào con bạch tuộc bung vòi khắp mọi nơi, từ thành phố đến thôn quê, từ thị trấn đến hang cùng ngõ hẻm, từ đồng bằng cho tới miền núi, bất kì nơi nào có tụ điểm bóng đá đều có cá độ và cho vay tiền nóng để cá độ. Một khi con mồi say bóng, cứ thấy có tiền để vay là vay cho dù mức lãi suất lên đến 20%, thậm chí 50% một đêm vẫn cứ vay để cá độ. Nếu thắng thì cũng có lãi được 50% còn lại, nếu thua thì chắc chắn phải lo thế chấp, bán nhà hay làm gì đó để tránh mức lãi liên tục tăng giáp cử.
Và tình trạng nhiều thanh niên nhảy cầu tự tử không phải đơn giản chỉ vì thua độ bóng đá, mất nhà mất cửa mà nguy cơ lãi suất vay tín dụng đen của giới cho vay nặng lãi lên chất ngất và ảnh hưởng đến tính mạng, gia đình. Nhảy cầu là một cách trốn nợ bởi vợ con của họ không tham gia cá độ, không có vay của các chủ nợ… Nhưng theo ông Trung, đó là một cách chạy nợ quá sai lầm, bởi các chủ nợ không phải lúc nào cũng bỏ qua khoản nợ khi con nợ đã chết. Họ tiếp tục đến đòi người còn sống trong gia đình và nếu nhân đạo lắm thì họ khóa lãi suất từ lúc con nợ tự tử, chứ số tiền gốc và lãi suất trước khi chết thì người nhà vẫn phải trả.
Một cư dân Hà Nội không muốn nêu tên, chia sẻ rằng không khí bóng đá ở Hà Nội khá thú vị, nhưng dường như điều này không làm cho người dân quên đi câu chuyện biểu tình kêu gọi nhà nước bỏ luật đặc khu và bỏ luật an ninh mạng. Ông nói : "Bóng đá thì có một số người chạy theo thôi chứ đa số dân vẫn sống cuộc sống của người ta. Bây giờ ngoài này nóng hừng hực, rất ghê gớm".
Một nhà báo yêu cầu giấu tên, phân tích về mối liên quan giữa bóng đá và biểu tình, chia sẻ : "Một mặt thì các lãnh đạo quốc gia nói rằng các cuộc biểu tình là do nhân dân bị kích động nên nó tăng cường bố ráp, làm dữ. Thêm nữa là giờ đang mùa bóng đá nên bà con bị quấn hút vào, dãn ra một thời gian rồi có gì nó lại bùng trở lại. Cá độ là toàn cầu mà, chỗ nào có người thì chỗ đó có cá độ mà nhưng ở Việt Nam thì cá độ không công khai. Chỉ có ông Việt Nam đủ thứ cấm, cấm gái, cấm cờ bạc… nhưng cuối cùng nó cũng có hết chứ đâu cấm được".
Vị này chia sẻ thêm là tình trạng người dân, đặc biệt là tuổi trẻ lơ là với việc bày tỏ thái độ nhằm làm cho đất nước tốt đẹp hơn như biểu tình ôn hòa, nhưng lại rất nhiệt tình với những trận cầu và sẵn sàng đánh đổi mạng sống với trái bóng bên trời Âu là một chuyện có vẻ như không còn gì để bàn thêm. Nhưng ông cũng cho rằng có một thực tế là hầu như khả năng quan tâm về bóng đá của đại bộ phận người Việt rất là cao so với khả năng quan tâm đến các biến chuyển xã hội.
Vấn đề quan tâm đến bóng đá không chỉ mới xuất hiện gần đây mà nó hình thành từ thời kinh tế tập thể, tập trung bao cấp và phát triển dần cho đến ngày hôm nay. Những năm 1980, thời kinh tế khó khăn, thiếu đói, lúc đó chỉ có văn nghệ quần chúng và các phong trào bóng đá cứu rỗi con người. Người ta chấp nhận mọi khó khăn, vượt qua đói khổ để tham gia phong trào. Và bóng đá được đẩy lên thành một thứ mục tiêu phấn đấu, cơ hội thoát thân khỏi lũy tre làng của nhiều thanh niên, bóng đá cũng trở thành một mốt thời thượng thời kì nghèo đói.
Và cũng theo vị này, vấn đề biểu tình kêu gọi xóa bỏ luật đặc khu cũng như luật an ninh mạng nhanh chóng rơi vào im lặng không phải chỉ vì sự siết chặt an ninh đến độ gắt máu của nhà cầm quyền mà bên cạnh đó, nó thiếu hẳn sự cộng hưởng hay sự đồng hành của số đông người dân.
Tai nạn giao thông gây thiệt hại gần 3% GDP mỗi năm (RFA, 23/05/2018)
Tai nạn giao thông tại Việt Nam mỗi năm làm tổn thất 2,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), làm thiệt hại mỗi ngày 300 tỷ đồng. Mạng báo của Thông tấn xã Việt Nam dẫn phát biểu của ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Việt Nam loan tin này hôm 23/05.
Số người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm là hơn 15.300 người Thanhnien
Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết số người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm tại Việt Nam là khoảng 15.300 ca và trên 500.000 ca chấn thương sọ não.
Sau 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, tỷ lệ người dân trong độ tuổi trưởng thành chấp hành đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đã đạt hơn 90% tuy nhiên, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm đúng cách và đạt chuẩn chi khoảng 70%. Đặc biệt, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em hiện nay còn thấp, mới chỉ ở mức 35-40%. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tỷ lệ thương tích do tai nạn giao thông ở độ tuổi trẻ em đang có xu hướng tăng cao trong thời gian qua.
Mục tiêu của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trong thời gian tới là giảm số người chết vì tai nạn giao thông xuống dưới 9000 người mỗi năm.
Nhiều người sử dụng phương tiện giao thông bằng xe máy cho biết họ đội mũ bảo hiểm để đối phó với cảnh sát giao thông mà thôi. Thực tế cho thấy có nhiều loại mũ bảo hiểm không đạt chất lượng được bày bán tràn lan trên thị trường.
****************
Trộm, cướp ở Sài Gòn ngày càng ‘manh động, liều lĩnh’ (Người Việt, 22/05/2018)
Tình trạng trộm, cướp xảy ra liên tục ở hầu hết các quận, huyện khắp Sài Gòn, khiến nỗi bất an diễn ra thường trực đối với người dân lẫn du khách.
Một nghi can cướp giật bị người dân bắt giữ ở Sài Gòn. (Hình : Zing news)
Những thông tin về nạn trộm, cướp "manh động, liều lĩnh" ở thành phố Sài Gòn có thể tìm thấy mỗi ngày trên các tờ báo, mạng xã hội.
Báo Người Lao Động, ngày 22 tháng Năm cho hay, bất chấp những nỗ lực của nhà cầm quyền thành phố, tình trạng trộm, cướp xuất hiện hầu hết ở các quận, huyện trên khắp Sài Gòn. Không chỉ xảy ra ở các con phố vắng vào ban đêm mà diễn ra ngay giữa trung tâm thành phố lúc đông người vào ban ngày, khiến không chỉ du khách hoảng sợ mà người dân Sài Gòn cũng ngao ngán, không dám đeo nữ trang, mang giỏ xách ra đường.
Thậm chí ngồi ở quán nước, đứng trước cửa nhà nghe điện thoại cũng phải nhìn trước ngó sau. Bởi bọn cướp giật ngày càng "manh động và lộng hành", sẵn sàng chống trả, giết những người cố bảo vệ tài sản của mình và tấn công cả những người truy bắt.
Khi được hỏi về nạn cướp giật ở khu phố Tây ba lô, bà Phạm Thị Bạch (46 tuổi), ở đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, cho biết ngày nào ở khu trung tâm này cũng có du khách ngoại quốc bị cướp giật, có ngày xảy ra vài vụ, hễ nghe tiếng xe gầm rú, phóng bạt mạng là biết vừa có cướp xảy ra. "Vì vậy, hễ thấy nữ du khách mang dây chuyền, túi xách hớ hênh là chúng tôi nhắc nhở cẩn thận ngay", bà Bạch nói.
Trong khi đó, ông Trần Văn Trọng ( 54 tuổi), chạy xe ôm gần giao lộ Nguyễn Thái Học-Trần Hưng Đạo, quận 1, cho biết cướp giật ngày càng "manh động,liều lĩnh", bất chấp ngày hay đêm, đường vắng hay phố đông đúc. Nhiều khi sự việc diễn ra quá nhanh, người dân và Cảnh Sát Giao Thông đứng gần đó chỉ biết đứng nhìn không kịp hỗ trợ.
Nhiều con đường ở Sài Gòn dựng biển cảnh báo người dân với nạn trộm, cướp do chính quyền bất lực. (Hình : Người Lao Động)
Mới đây, ngày 18 tháng Năm, công an quận 1, đã bắt giữ Nguyễn Thái Tài (20 tuổi), ngụ quận 1, để điều tra về tội "Cướp giật tài sản". Trước đó, vào trưa cùng ngày, Tài bị công an quận 1 truy bắt sau khi cướp điện thoại iPhone 8 Plus của một du khách Thụy Điển tại giao lộ Đề Thám-Bùi Viện.
Là nạn nhân của một băng cướp ở huyện Bình Chánh vừa mới bị sa lưới, bà H.T.P (39 tuổi), ngụ huyện Bình Chánh, kể : "Hai tháng trước, ở khu vực này rộ lên tin có một băng cướp thường xuyên chặn cướp xe của phụ nữ đi một mình. Tôi cũng lo nhưng hôm đó có việc phải đi trong sáng sớm, khi đến đường Trần Đại Nghĩa, huyện Bình Chánh, tôi bị 4 tên chặn xe, lấy mã tấu gí vào cổ. Hoảng sợ, tôi thả tay lái ngã lăn xuống mặt đường và tri hô nhưng chúng dọa ‘mày la nữa là bỏ mạng’ rồi lấy xe máy của tôi phóng đi".
Tại cuộc họp báo ngày 15 tháng Năm, sau vụ 2 "hiệp sĩ" bị đâm chết, 3 bị thương khi truy đuổi 2 kẻ trộm xe máy trên đường Cách Mạng tháng Tám, quận 3, ông Phan Anh Minh, thiếu tướng phó giám đốc công an Sài Gòn, thừa nhận "tình trạng trộm, cướp ở Sài Gòn có chiều hướng phức tạp, táo tợn. Đánh giá tổng thể số vụ giảm hơn so với trước nhưng tính chất manh động, hung hãn tăng hơn. Các nhóm gây án trang bị thêm nhiều công cụ hỗ trợ và sẵn sàng tấn công lại".
Có một thực tế mà ai cũng biết là hằng ngày có hàng trăm vụ cướp giật xảy ra ở khắp thành phố Sài Gòn, nhưng số được trình báo công an không nhiều bởi rất nhiều người xem như "của đi thay người", hoặc nhiều người ngại mất thời gian, phiền phức mà việc lấy lại được tài sản thì… "hên xui" nên không khai báo.
Trước tình trạng trộm cướp lộng hành, phức tạp,chính quyền bất lực, hiện nhiều người dân ở Sài Gòn trước khi ra đường phải thuộc lòng "câu chú" : "Không dây chuyền, điện thoại, túi xách,… khi ra đường" để tự nhắc nhở mình và bạn bè từ nơi khác đến. (Tr.N)
***************
Hơn 4 ngàn cuộc tấn công mạng nhắm vào Việt Nam trong 5 tháng (RFA, 23/05/2018)
Con số vừa nêu được Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam VNCERT, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra tại Diễn tập quốc tế ASEAN-Nhật Bản với chủ đề "Tấn công DoS/DDoS và các hoạt động phối hợp ứng cứu, xử lý sự cố", được tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 23 tháng 5 năm 2018.
Ảnh minh họa tin tặc. AFP photo
Theo VNCERT, trong số 4.035 cuộc tấn công, có 2.661 lần tấn công thay đổi giao diện (deface), 766 lần tấn công mã độc (malware) và 608 lần tấn công lừa đảo (phishing).
Ngoài ra, mỗi ngày có gần 100 ngàn IP trên lãnh thổ Việt Nam kết nối đến mạng internet ma (botnet).
Cũng từ đâu năm 2018 đến nay, nhiều sự kiện về mất an toàn thông tin cũng được phát hiện. Như vụ hơn 40 ngàn máy vi tính bị nhiễm mã độc đào tiền ảo lây lan qua Facebook Messenger, 139 ngàn máy bị nhiễm virus đào tiền ảo W32.AdCoinMiner. Ngoài ra Việt Nam là 1 trong 10 nước bị lộ thông tin người dùng nhiều nhất trong vụ bê bối lộ thông tin của Facebook.
VNCERT cũng nhắc lại, trong năm 2017, Việt Nam đã hứng chịu 13.382 cuộc tấn công mạng.
****************
Hộ chiếu Việt Nam xếp sau Lào và Campuchia (RFA, 23/05/2018)
Tại khu vực Đông Nam Á, hộ chiếu Việt Nam xếp thứ 84, sau Campuchia, đứng thứ 81 và Lào đứng thứ 83.
Đây là kết quả bảng công bố mới nhất về xếp hạng hộ chiếu (Henley Passport Index) do hãng tư vấn và công dân toàn cầu Henley & Partners đưa ra hôm 23.5.2018. Theo bảng xếp hạng này thì Việt Nam chỉ hơn Myanmar.
Hộ chiếu Việt Nam xếp sau Lào và Campuchia. Courtesy of internet
Theo bảng xếp hạng đưa ra hôm 28.2.2018, Singapore và Nhật và 2 quốc gia có hộ chiếu quyền lực nhất thế giới. Tuy nhiên theo bảng công bố mới nhất thì Nhật đã vượt qua Singapore, được miễn visa vào 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đứng kế tiếp là hộ chiếu của Đức với 179 quốc gia và vùng lãnh thổ không cần thị thực nhập cảnh.
Henley Passport Index được đưa ra dựa theo dữ liệu của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, nguồn cơ sở dữ liệu về thông tin du lịch lớn nhất thế giới.
Công dân Việt Nam được 51 quốc gia miễn visa nhập cảnh.
Trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á- ASEAN, dù người mang hộ chiếu Việt Nam được miễn thị thực nhập cảnh, nhưng tại một số nước như Singapore, biện pháp kiểm tra chặt chẽ vẫn được tiến hành ; nhất là đối với những đối tượng bị cho nhập cảnh để hành nghề mại dâm.
Sau va chạm giao thông, nữ Chánh văn phòng đảng ủy các khu kinh tế Hải Phòng phát ngôn gây sốc 'mạng người không quan trọng'.
Câu này có thể xuất phát trong trạng thái 'lỡ lời', tức là không kiểm soát được điều mình sẽ nói ra. Tuy nhiên, bản chất tích tụ về quan điểm 'dân là rác' luôn nằm trong vị Chánh văn phòng đảng ủy này.
Nữ Chánh văn phòng đảng ủy các khu kinh tế Hải Phòng phát ngôn gây sốc 'mạng người không quan trọng
Chánh văn phòng đảng ủy, đơn vị cơ sở tương đương cấp quận, và người ngồi vào vị trí này được bảo hộ bởi cha và mẹ là người có địa vị cao trong xã hội, thế nhưng sau tất cả, yếu tố con người trong mắt chị không được cao như vị trí chị đang ngồi.
Trong xã hội xử sự một cách thô bạo, khinh miệt dân như thế thì thử chị ứng xử với đồng nghiệp, người dân tìm đến cơ quan đó sẽ như thế nào ?
Nữ Chánh văn phòng đảng ủy các khu kinh tế Hải Phòng làm dấy lên dự căm phẫn của cộng đồng xã hội. Một phản hồi của độc giả báo Tuổi Trẻ châm biếm : Mới có chánh văn phòng mà đã có phong thái "bà" ; lên đại biểu quốc hội chắc xe tăng phải làm bằng giấy để đỡ hư xe bà mất.
Câu chuyện va chạm giao thông đã trở thành một hình ảnh đặc trưng lớn về giao tiếp giữa quan chức và người dân hiện nay, khi tính đe nẹt trong lãnh đạo vẫn còn ; và người dân thì tự động được cho rằng phải cun cút, sợ hãi, luồn cúi.
Là đảng viên, ủy quyền cậy thế, ức hiếp người yếu thế trong xã hội, nhưng chị nữ Chánh văn phòng đảng ủy lại không hiện diện một cách đơn nhất, mà hiện hữu 100% tại các tỉnh thành. Lý do xuất phát từ việc, cơ chế xin cho khiến cho đảng viên được 'đặc quyền, đặc lợi' thậm chí 'đặc cách' mình trở thành một giai tầng thống trị trong xã hội (chứ không phải là nhân viên công vụ bình thường nữa). Trong mắt các lãnh đạo, quan chức (công chức) thì người không có quyền hạn là những con người bị trị, và số phận, thậm chí tính mạng của họ phụ thuộc nhiều vào tâm lý/hành vi của lãnh đạo.
Va chạm giao thông, chiếc xe trong mắt lãnh đạo bỗng nhiên trở nên quan trọng, chức vụ trở nên quan trọng, và trong mắt đảng viên - tình người và ứng xử gần gũi với dân là thứ xa xỉ phẩm.
Bản chất cuối cùng cũng là 'dân chủ' chưa hiện diện trong đời sống công quyền, hoặc có nơi hiện diện nhưng lại nằm trên báo cáo cuối năm (dân chủ hình thức), do vậy mà những sự vụ nêu trên diễn như chuyện thường ngày ở huyện.
May mắn là Việt nam có sự hiện diện của internet, smartphone và Facebook.
Ba yếu tố hợp thành một công cụ vạn năng để thanh tẩy bớt những tiêu cực trong hệ thống công quyền, nó tạo cơ hội cho người yếu thế cất lên tiếng nói, nó kéo sự công bình về phía người dân hơn bằng sự tập hợp của,... dư luận xã hội. Giả như nếu không có nó, thì phía nữ Chánh văn phòng đảng ủy có thể chửi bới thoải mái, ép anh sinh viên bồi thường và dọa bỏ tù như cách các 'quan bà' thời phong kiến.
Facebook hay internet chống sự lạm quyền, điều chỉnh ứng xử của quan đối với dân,... và do đó mà tại những nơi công quyền tồn tại như một quyền lực 'trời đánh', thì lại đâm ra e sợ.
Mới đây nhất, UBND xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp gây bức xúc nhân dân vì chính quyền xã này treo bảng cấm quay phim, chụp ảnh, ngay trụ sở UBND xã vì... sợ mạng xã hội. Biển cấm không có căn cứ pháp lý, biển cấm ngang nhiên được dựng lại, biển cấm ngăn cản quyền giám sát của người dân, và biển cấm là tư duy tồn tại của hệ cơ chế 'quyền nực' : tao có quyền và bọn dân đen mày phải nghe theo.
Từ 'mạng người không quan trọng' cho đến 'sợ mạng xã hội' có thể nhận ra, cơ chế - bản chất của tính bạo lực chính quyền khiến cho xã hội không vận hành đúng như trạng thái của một xã hội bình thường mà nó phải tuân thủ theo mô hình 'kín' - tức : quan hét ra lửa và dân buộc phải nghe lời. Quản trị hành chính, dân sự, thay bằng cai trị và lạm quyền. Khi bản chất này không được giải quyết, khi vấn đề 'dân làm chủ' còn chưa thực thi hóa một cách thực tế, thì những 'bộc phát' nêu trên vẫn sẽ hiện diện.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 06/05/2018
Người Buôn Gió, 04/05/2018
Chị Dương Thị Thùy Trang sinh năm 1981, cán bộ lãnh đạo đảng chi bộ Chánh Văn Phòng khu kinh tế Hải Phòng lái xe hơi va chạm với hai học sinh tại Hải Phòng.
Mạng người không bằng xe của tôi
Trong lúc tranh luận đúng sai chị Trang phát biểu giữa công chúng :
- Mạng người không bằng xe của tôi.
Lời phát biểu của chị Trang lập tức khiến dư luận xã hội bức xúc, dư luận cho rằng phát ngôn như vậy là quá coi thường tính mạng người khác.
Đây là sự thiếu suy nghĩ của dư luận, dư luận nhân dân đang đánh giá sự việc xảy ra giữa người dân với người dân, nếu họ nhận thấy đây là phát biểu của một lãnh đạo đảng với người dân, thì họ không nên phản ứng với chị Trang như vậy.
Chị Trang đã nói lên một sự thật, bằng những từ ngữ cô đọng và chuẩn xác nhất cho người dân dễ hiểu, không phải bằng những lý luận về chủ trương khẳng định vai trò lãnh đạo của đảng, tăng cường vai trò lãnh đạo của đảng... là một cán bộ trình độ đến chánh văn phòng một cơ quan quan trọng của thành ủy Hải Phòng, không thể nói chị phát ngôn thiếu suy nghĩ, phát ngôn đó là chắt lọc từ những nghị quyết trung ương đảng về vai trò lãnh đạo, vị trí lãnh đạo của đảng đối với nhân dân.
Hãy lấy một ví dụ thực tế.
Bí thư huyện Quảng Hà lái xe ô tô trong tình trạng say rượu, đâm chết 3 người. Đền 920 triệu cho 3 mạng và nhận tù 3 năm án treo. Mỗi mạng người trị giá 300 triệu, không bằng giá trị chiếc xe, thậm chí tổng cả 3 mạng người hết 920 triệu cũng không bằng chiếc xe của vị lãnh đạo đảng cấp huyện này. 3 năm án treo có nghĩa ông Lãnh Đức Dũng bí thư huyện Quảng Hà chẳng phải đi tù ngày nào. Đúng ta chỉ cần gây tai nạn chết một người ông đã phải bị tạm giữ để chờ điều tra, sau đó có thể tại ngoại hoặc bị giam đến lúc xử. Nhưng không, làm một phát chết 3 người, ông không bị giữ trái lại còn đến nhà nạn nhân để tha hồ tác động, đe doạ, ve vãn đến khi các gia đình nạn nhân thấy rằng không cầm tiền đền bù cũng vô ích, pháp luật chẳng làm gì ông ta, họ phải cầm tiền và làm đơn bãi nại cho ông Dũng.
Từ việc của ông bí thư Quảng Hà Lãnh Đức Dũng gây tai nạn chết 3 người một lúc và đền bù như vây, chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy chị Trang, một cán bộ lãnh đạo nguồn của đảng phát biêủ như trên. Nhiều tờ báo đăng lại phát ngôn của chị Trang còn cắt xén , chỉ giữ câu mạng người không quan trọng mà bỏ luôn phần so sánh không bằng xe của tôi.
Nếu có bực tức, thì nên kiểm tra trước xe của chị Trang có giá trị đến 600 triệu không. Nếu thực sự giá trị của chiếc xe chị Trang đang sở hữu dưới 600 triệu, tức không bằng hai mạng người mà ông đồng chí của chị đã đền. , chứng tỏ chị Trang đã nói láo khi khoe khoang tài sản của mình không đúng giá trị thực. Còn nếu chiếc xe hơn 600 triệu, chúng ta không nên bức xúc làm gì với một người đảng viên đã nói ra sự thật của bản chất xã hội, bản chất của quan hệ giữa nhân dân và giai cấp đảng viên lãnh đạo.
Trong vụ việc này, bà mẹ của chị Trang đi cùng đã chửi hai cậu sinh viên khi hai cậu này định gọi công an rằng.
- Mày tử tế đã không gọi công an.
Thật là dư luận cũng bức xúc vì lời nói thật của bà mẹ chị Trang, ai cũng biết công an Việt Nam thối nát và ăn tiền trắng trợn, không ai muốn dây với công an cả. Người dân khi va chạm với nhau, tốt nhất tìm cách giải quyết. Ra báo công an những mâu thuẫn không giải quyết được chỉ tổ chuốc phiền hà. Bản thân tôi có lần đi xe máy bên làn đường của mình, bị một thanh niên khác đi tốc độ cao trong đô thị lấn làn sang đến 1,5 mét đâm vào xe tôi chỗ đường Đê La Thành. Tôi có bằng , giấy tờ xe đầy đủ. Cậu kia không có gì, bằng lái xe cũng không. Công an giao thông thu cả hai xe lại làm tang vật nhiều ngày, tôi đến xin giải quyết thì họ nói họ gọi cái cậu kia không hẹn được, nên phải chờ. Chờ không biết bao giờ, chán quá tôi đến van xin công an giao thông Hà Nội cho tôi lấy xe về, tôi làm giấy không bắt cậu kia bồi thường gì cả. Đến khi làm đơn xong, tôi mới nhận được xe về. Tính ra mất một tháng.
Vậy theo những gì tôi trải qua và phải chịu đựng, tôi thấy mẹ bà Trang nói hoàn toàn chính xác, cả gia đình nhà bà là đảng viên, quan chức nên bà biết rõ bản chất khốn nạn của lũ công an, dân bị lừa thì tin rằng công an tốt đẹp. Chứ bà ở trong chăn, trong đội ngũ của chúng, bà hiểu rằng người tử tế thì không nên gọi công an, vì bọn công an là bọn khốn nạn hơn cả cướp hay xã hội đen.
Cả lời nói của bà mẹ chị Trang và chị Trang đều đúng với thực tế.
Có điều người dân không muốn thấy thực tế phũ phãng, hay ít ra họ biết nhưng không muốn nghe ai trực tiếp nói thẳng ra điều đó. Cái bực ở đây là cái bực của người bị lừa, nhưng không muốn mất thể diện, trước giờ vẫn im lặng chịu, nhưng ai nói thẳng ra thì phản ứng gay gắt.
Nếu tôi là cha mẹ hai sinh viên bị chị Trang va chạm giao thông , tôi sẽ khuyên con mình làm đơn gửi cơ quan thành ủy Hải Phòng, công an Hải Phòng cảm ơn chin Trang và mẹ chị đã giáo dục cho con cái chúng tôi biết thế nào là vai trò lãnh đạo của đảng qua vụ việc vừa rồi.
Người Buôn Gió
*********************
Chánh văn phòng đảng ủy ở Hải Phòng coi mạng người rẻ hơn xe hơi (Người Việt, 04/05/2018)
Sau khi tông một sinh viên té xuống đường, bị công an buộc đưa nạn nhân đi bệnh viện kiểm tra, bà chánh văn phòng đảng ủy Khu Kinh Tế Hải Phòng tuyên bố : "Con người không quan trọng bằng xe tôi".
Hiện trường vụ va chạm giao thông. (Hình : Dân Việt)
Sáng 4 Tháng Năm, nói với báo Dân Việt, ông Nguyễn Công Thành, bí thư đảng ủy Khu Kinh Tế Hải Phòng, xác nhận người phụ nữ đi xe hơi gây tai nạn và coi rẻ mạng người hơn chiếc xe của mình là bà Dương Thị Thùy Trang (39 tuổi), chánh văn phòng đảng ủy Khu Kinh Tế Hải Phòng thuộc Ban Quản Lý Khu Kinh Tế Hải Phòng.
Còn ông Phạm Văn Mợi, trưởng Ban Quản Lý Khu Kinh Tế Hải Phòng, cho biết hiện lãnh đạo Ban Quản Lý Khu Kinh Tế đã nắm được sự việc và yêu cầu bà Trang lên cơ quan để "làm rõ và rút kinh nghiệm sâu sắc".
"Vì đã là lãnh đạo, đảng viên thì không nên có lời nói khiếm nhã như vậy, còn việc đúng hay sai ở đâu thì đã có các cơ quan chức năng giải quyết", ông Mợi nói.
Trước đó, khoảng 2 giờ chiều 2 Tháng Năm, trên đường Nguyễn Bình, phường Đổng Quốc Bình, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, xảy ra va chạm giao thông giữa xe hơi do bà Trang lái với xe gắn máy chạy điện của anh HQM (27 tuổi), sinh viên trường Đại Học Hàng Hải Việt Nam.
Vụ tai nạn khiến nam sinh viên bị ngã, chấn thương và tràn dịch đầu gối, cả hai xe hư hỏng nhẹ.
Sau khi xảy ra sự việc, nam sinh viên cho rằng mình không sai nên đã gọi báo công an. Hai bên xảy ra tranh cãi. Bà Trang và người đi cùng liên tục to tiếng xưng hô "mày, tao" với nam sinh viên. Song anh M. vẫn giữ thái độ hòa nhã, lịch sự.
Người phụ nữ được xác định là bà Dương Thị Thùy Trang, chánh văn phòng đảng ủy Khu Kinh Tế Hải Phòng, lớn tiếng : "Con người không quan trọng bằng xe tôi". (Hình : Tuổi Trẻ)
Khi công an phường Đổng Quốc Bình có mặt, sự việc càng thêm căng thẳng. Người phụ nữ lớn tuổi đi cùng bà Trang giận dữ nói với nam sinh viên : "Mày là người tử tế thì đã không gọi công an".
Công an yêu cầu bà Trang hỗ trợ đưa anh M. đi bệnh viện băng bó vết thương và kiểm tra chấn thương thì bà này từ chối và nói lớn : "Con người không quan trọng bằng xe tôi".
Bà Trang còn đề nghị công an kiểm tra giấy tờ của nam sinh viên, phân xử xem ai đúng ai sai mới được đưa đi bệnh viện.
Theo báo Tuổi Trẻ, người dân có mặt tại hiện trường kể, sau khi xảy ra va chạm, nam sinh viên bị ngã ra đường. Thay vì dừng xe xuống hỏi thăm tình hình, nữ tài xế lại lớn tiếng mắng nhiếc.
Khi nhiều người xung quanh góp ý, can ngăn, nữ tài xế còn chỉ tay yêu cầu mọi người không được can thiệp.
Trước sự việc này, công an phường Đổng Quốc Bình đã mời công an quận Ngô Quyền đến hiện trường ghi nhận làm căn cứ phân xử đúng sai. Lúc này nữ tài xế lên xe có ý định bỏ đi nên công an yêu cầu người này đưa xe về cơ quan công an để điều tra. Sau khi đưa xe về trụ sở công an, người phụ nữ bỏ đi.
Thấy thái độ hách dịch và bất nhẫn của bà này, nhiều người đi đường lên tiếng phản đối và quay lại video clip tung lên mạng Facebook. Chỉ trong vài giờ, đoạn clip đã nhận được cả ngàn lượt xem và bình luận với phần lớn tỏ ý phẫn nộ. (Tr.N)
Tu viện Dòng Mến Thánh Giá và nhà thờ Thủ Thiêm sắp bị phá bỏ ? (Người Việt, 02/05/2018)
Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 2 tháng Năm, lãnh đạo của nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn "yêu cầu các đơn vị liên quan có phương án di dời những cơ sở tôn giáo trong khu đô thị này (tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và nhà thờ Thủ Thiêm) cũng như thu hồi đất của trường tiểu học Thủ Thiêm để bàn giao cho nhà đầu tư thi công tuyến đường ven sông và công viên bờ sông theo đúng tiến độ".
Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Hình : Tuổi Trẻ)
Phát ngôn của lãnh đạo thành phố Sài Gòn được cho là hành động báo trước việc chính quyền sắp có biện pháp mạnh với hai cơ sở tôn giáo nêu trên.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm nằm trên bán đảo Thủ Thiêm ở quận 2. Dự án được phê duyệt từ năm 1996 và "được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế", theo báo Tuổi Trẻ.
Từ năm 2015, tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm cùng với chùa Liên Trì, phải đối mặt với sức ép di dời để nhường đất cho khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Chùa Liên Trì là một trong số vài ngôi chùa còn lại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất từ sau biến cố năm 1975. Ngày 8 tháng Chín, 2016, nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn huy động tới 400 công an dùng vũ lực cưỡng chế chùa Liên Trì, làm dấy lên suy đoán kết cục tương tự sắp đến với tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và nhà thờ Thủ Thiêm.
Năm ngoái, Tổng Lãnh sự quán Canada tại Sài Gòn đã lên tiếng về việc nhà cầm quyền thành phố này dự định phá dỡ tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và nhà thờ Thủ Thiêm, đồng thời nói rằng đây là các di sản "còn lâu đời hơn cả Canada".
Bí thư Thành ủy Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân đến thăm Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm dịp Tết Mậu Tuất 2018. (Hình : Người Lao Động)
Theo website của Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, thời vua Minh Mạng, đạo bị bách hại dữ dội, tàn phá các nhà thờ, tu viện. Nhiều tu viện bị phá hủy hoàn toàn, chính vì thế các nữ tu của các tu viện này đã chạy tứ tán khắp nơi. Một số gặp nhau ở Thủ Thiêm và dừng chân ở đây vào khoảng năm 1840.
Còn theo website Giáo Xứ Giáo Họ Việt Nam, nhà thờ Thủ Thiêm thuộc Tổng Giáo Phận Sài Gòn hình thành từ năm 1859. Khi đó, nhiều giáo dân ở các nơi vùng Gia Định, Biên Hòa kéo đến sinh sống, cất nhà cửa. Lúc đó chính quyền đã bán rẻ đất cho dân và đặc biệt còn tặng cho các tín hữu một ngôi đình bỏ hoang gần chợ, rồi cho thêm đất đai… thế là một ngôi nhà thờ được hình thành. Cả hai cơ sở tôn giáo này đều đã được xây dựng hơn 150 năm.
Một chi tiết khác đáng lưu ý được công bố tại cuộc họp báo nêu trên là hiện các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân thành phố Sài Gòn "không tìm thấy" bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000 kèm theo bản quyết định ngày 4 tháng Sáu, 1996 của thủ tướng là văn bản pháp lý về quy hoạch dự án.
Cũng cần nhắc lại, ngay trước Tết Mậu Tuất, hôm 9 tháng Hai, 2018, báo Người Lao Động cho hay Bí thư Thành ủy Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân đến thăm và chúc Tết các soeur ở Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.
Tờ báo viết : "Bí thư Nhân ân cần thăm hỏi tình hình hoạt động và mong Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm luôn giữ vững đức tin. Ông chúc các soeur năm mới mạnh khỏe, góp phần làm cho cuộc sống đồng bào bình yên nhằm chung sức xây dựng và phát triển đất nước". (T.K.)
****************
Giải trình ‘mật’ của phó bí thư Thành ủy Sài Gòn bị rò rỉ (Người Việt, 02/05/2018)
Chỉ vài ngày trước hạn chót 8 tháng Năm buộc Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Sài Gòn báo cáo về vụ bán 32.4 ha đất Phước Kiển, một văn bản giải trình vụ việc được cho là của Phó Bí thư thường trực Thành ủy Sài Gòn Tất Thành Cang đã bị rò rỉ.
Ông Tất Thành Cang (áo xanh). (Hình : Báo Pháp Luật)
Ông Cang là nhân vật chính trong thương vụ công ty đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy Sài Gòn) bán khu đất ở huyện Nhà Bè cho công ty Quốc Cường Gia Lai với giá chỉ 1.290.000 đồng (56,7 USD)/m2 hồi tháng Sáu, 2017.
Vụ việc cũng làm lộ ra chuyện Thành ủy Sài Gòn mua bán đất với nhiều khuất tất và nghi vấn về việc cấu kết "lợi ích nhóm" với các doanh nghiệp bất động sản.
Ông Cang bị cáo buộc chịu trách nhiệm chính về việc "gây thất thoát cho ngân sách nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng (hơn 87,9 triệu USD) trong vụ này.
Nhiều Facebooker share văn bản giải trình vụ bán đất Phước Kiển đóng dấu "mật" của ông Cang và dự báo phen này ông Tất Thành Cang sẽ "thành than" trong "cái lò" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Văn bản nhiều trang giấy đề ngày 25 tháng Tư, 2018, được cho là của ông Cang ghi : "Tôi xin có ý kiến giải trình, nhận trách nhiệm cá nhân trước tập thể thường trực Thành ủy về thiếu sót và thiếu cẩn trọng của mình, qua đây nghiêm túc rút kinh nghiệm".
Ông Cang cũng viết thêm : "Bản thân tôi nhận thức đây [khu đất bán cho Quốc Cường Gia Lai] không phải là đất công sản, không phải là tài sản công".
Ông Cang "nhận trách nhiệm là có thiếu sót, chưa yêu cầu cụ thể để Văn Phòng Thành ủy, công ty Tân Thuận phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước kịp thời trợ giúp thẩm định lại theo giá thị trường trước khi ký hợp đồng [bán đất cho Quốc Cường Gia Lai]".
"Xin khẳng định bản thân tôi không có ý lạm quyền và vấn đề này theo điều lệ công ty thuộc thẩm quyền Hội Đồng Thành Viên và Văn Phòng Thành ủy. Tuy nhiên, khi đã cho xử lý việc này, tôi xin nhận khuyết điểm việc không báo cáo…", những lời được cho là của ông Cang trong các trang văn bản bị rò rỉ.
Hôm 19 tháng Tư, 2018, báo Tiền Phong đưa tin : "Một ngày sau khi nhập viện theo dõi các dấu hiệu của bệnh lý tim mạch, ông Tất Thành Cang, ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy Sài Gòn đã ổn định sức khỏe và xuất viện, xóa tan đồn đoán ông bị bệnh nặng".
Trước khi xảy ra vụ bê bối bán đất cho Quốc Cường Gia Lai, ông Cang thường được truyền thông "lề phải" ghi nhận là chuyên gia "lên lớp giáo huấn" về đạo đức cán bộ đảng viên.
Hôm 17 tháng Tư, 2018, báo Pháp Luật dẫn phát ngôn của ông Cang : "Cần phát huy việc nắm bắt dư luận xã hội để nắm bắt tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, nhân dân của địa phương, đơn vị mình và tập trung chỉ đạo xử lý, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, hạn chế những vấn đề phát sinh dẫn đến việc phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người dân", tờ báo trích lời ông Cang.(T.K.)
**********************
79 người chết trong kỳ nghỉ dài ngày ở Việt Nam (CaliToday, 02/05/2018)
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông, sau 4 ngày nghỉ cả nước Việt Nam xảy ra 113 vụ tai nạn giao thông làm chết 79 người và cũng bị thương 79 người.
Một vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam. Ảnh : Vnexpress
Đại đa phần các vụ tai nạn giao thông đều xảy ra trên đường bộ với tất cả 113 vụ. Theo Ủy ban An toàn giao thông, số vụ tai nạn giảm hơn so với năm ngoái và số người tử nạn cũng ít hơn.
Các con số trên chỉ phần nào phản ánh tình trạng giao thông tệ hại ở Việt Nam chưa được cải thiện. Cứ trung bình mỗi năm có đến cả vạn người chết do tai nạn giao thông ở Việt Nam. Nếu tính ra, cứ mỗi ngày có đến 30 người chết do tai nạn giao thông. Vậy nhưng, theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông trong 4 ngày lễ chỉ có 79 người chết, những con số này được các báo dẫn lại khiến cho dư luận không khỏi thắc mắc.
Tại nhiều địa phương, vì để không mất điểm thi đua nên lãnh đạo không công bố số người chết do tai nạn.
Ở Việt Nam, rất nhiều cơ quan, ban ngành được lập ra nhưng không rõ chức năng của nó là gì, Ủy ban An toàn giao thông là một trong số đó. Cho đến nay, ủy ban này chưa hề có bất cứ đề xuất nào hữu hiệu nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn xảy ra. Sau khi các vụ tai nạn xảy ra, thông qua các tờ báo, truyền thông trong nước thường đổ thừa phần lỗi cho người dân "thiếu ý thức khi tham gia giao thông". Trong khi tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay.
Trên diễn đàn của các nhà báo trong nước, đã có ý kiến đề ra nên giải tán Ủy ban An toàn giao thông vì cơ quan này ngoài việc tiêu tốn ngân sách nhà nước thì chẳng có bất cứ đề xuất nào cho việc hạn chế các vụ tai nạn. Công việc của cơ quan này chỉ là thống kê số người chết trong những dịp nghỉ lễ, hoặc cung cấp các con số tai nạn vào mỗi cuối năm mà thôi.
Trước đây, khi Ủy ban An toàn giao thông chưa được thành lập, các con số thương vong được cung cấp cho tỉnh, rồi từ tỉnh gởi lên Trung ương. Từ Ủy ban An toàn giao thông được thành lập, cơ quan này là nơi tiếp nhận các con số về vụ tai nạn giao thông. Nhiệm vụ của cơ quan này chỉ là như vậy.
Trong các ngày nghỉ lễ, lực lượng cảnh sát giao thông vẫn làm việc, nhưng chỉ để tìm cách để phạt người dân nhằm tăng thu ngân sách.
Người Quan Sát
*********************
Gần 2 triệu khách Trung Quốc đến Việt Nam trong 4 tháng (RFA, 02/05/2018)
Việt Nam đã đón tiếp tổng cộng khoảng 1 triệu 800 ngàn khách du lịch Trung Quốc trong vòng 4 tháng qua, chiếm 32% trong tổng số khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, tăng hơn 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết như vậy hôm 30/4.
Du khách Trung Quốc thăm quan phố cổ Hội An - AFP
Trong 4 tháng qua, Việt Nam đã đón hơn 5 triệu 500 ngàn khách du lịch nước ngoài, tăng hơn 29% so với năm ngoái, trong đó khách du lịch từ Nam Hàn có mức tăng cao nhất là 67,3%, tiếp theo đó là Phần Lan và Trung Quốc.
Vào năm ngoái, khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 12 triệu người, tăng hơn 29% so với năm trước đó.
Báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hiệp Quốc xếp tăng trưởng du lịch của Việt Nam vào hàng thứ 7 trên toàn cầu và là nước Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 nước có tăng trưởng du lịch cao như vậy.
Chính phủ Việt Nam thời gian qua cũng đã bật đèn xanh cho việc phát triển du lịch, coi du lịch là một động lực giúp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Du lịch được hy vọng có thể đóng góp 10% GDP của Việt Nam từ nay đến năm 2020 khi Việt Nam dự kiến đón 20 triệu khách du lịch nước ngoài với doanh thu đạt 35 tỷ đô la.
Mặc dù vậy Việt Nam vẫn còn thua Thái Lan về số khách du lịch nước ngoài. Theo Bloomberg, Thái Lan dự kiến sẽ đón 37 triệu du khách nước ngoài trong năm nay.
Những ngày giáp Tết cho đến mồng Mười tháng Giêng, hầu hết các tuyến đường đều trở nên chật chội, kẹt cứng vì lưu lượng xe cộ tăng đột biến, người đi chợ mua sắm, người từ phương xa về quê ăn Tết, người người ra đường đi chơi Tết, các tuyến đường vào nghĩa trang kẹt xe cục bộ, nhiều xe phóng nhanh vượt ẩu vì có hơi men, vì cảnh sát giao thông đang nghỉ Tết
Nhậu, họp mặt đầu năm vốn là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông cao nhất - RFA
Đây cũng là lúc mà mối nguy an toàn giao thông luôn rình rập người đi đường. Bởi có một vấn nạn khác có tính liên đới từ rượu bia ngày Tết khiến cho các vụ tai nạn giao thông tăng đáng kể.
Anh Phạm Văn Khang, cư dân Nghệ An, chia sẻ :
"Mình thấy cái chuyện tai nạn khá là nhiều, tai nạn về cái việc họ đi trên đường, rồi họ tự tông vào xe ô tô bên đường luôn. Mình thấy 3, 4 trường hợp rồi, chẳng ai tông cả, tự mình tông vào ô tô bên đường luôn, mình nghĩ là trường hợp này là do say rượu chứ còn nếu bình thường đã không đâm vào bên đường vậy rồi".
Anh Khang cho rằng, vấn đề văn hóa đi đường, ý thức giao thông của nhiều người sau khi có rượu bia trở thành số không, người ta tha hồ phóng nhanh vượt ẩu, thậm chí phóng với tốc độ cao mà không đội nón bảo hiểm, lạng lách như hung thần. Nhưng còn một nguyên nhân khác mà thiết nghĩ lại thuộc về ý thức, phông văn hóa của một bộ phận không nhỏ người Việt, đó là đậu đỗ xe tùy tiện, không biết nhường nhịn nhau lúc đi đường vì ỷ y những ngày này không có công an giao thông.
Tại thành phố Đà Nẵng, một điểm đến mới cho nhiều cư dân tỉnh lẻ đến kiếm việc, làm ăn sinh sống, giao thông ngày Tết đang trở thành một vấn nạn. Chứng kiến cảnh một ông xe ôm trung niên chở hai chậu hoa cúc, tha hồ lạng xe băng qua đường trong lúc đèn đỏ, điều này gây ùn ứ cho hai làn xe đèn xanh, khi có người phàn nàn, ông xe ôm này nói tỉnh bơ rằng không có cảnh sát giao thông trực đâu mà lo, cứ đi đi, ông Trần Văn Thức, cư dân Đà nẵng chỉ biết lắc đầu :
"Ngày Tết thì lưu lượng mọi người đổ ra đường rất đông, vì công việc, vì mua sắm, nên rất đông, nhiều người không tuân thủ quy tắc tham gia giao thông nên dẫn đến nhiều tai nạn, đó là điều hiển nhiên, năm nào cũng vậy, nhất là xu hướng Đà Nẵng ngày một đông dân thêm cho nên đó là điều tất nhiên".
Tại Sài Gòn, thành phố được xem là đầu tàu kinh tế của Việt Nam, tai nạn giao thông dường như ám ảnh nhiều người khiến họ không dám ra đường vào dịp Tết. Từ quận 1, anh Văn Công, tài xế xe buýt, chia sẻ :
"Nói thẳng ra là tâm lý ai cũng muốn về trước hết nhưng bây giờ người Việt Nam mình không có ý thức, ai cũng tranh giành hết, ý thức rất kém. Nhất là tài xế taxi rất ẩu, còn xe buýt, thì cái áp lực cũng quá lớn đi, chạy mà không đủ thời gian là về nó phạt".
Lễ cúng tất niên, gặp mặt bạn bè, lễ rước ông bà, lễ cúng xóm, cúng làng, họp mặt cuối năm, họp mặt đầu năm, họp lớp, họp đồng hương, cúng tổ nghề, cúng đất xứ… Dường như có cả hàng trăm các loại lễ, hội ở dịp cận Tết và mười ngày Xuân. Đây là quãng thời gian lượng rượu, bia được tiêu thụ mạnh nhất trong năm. Hầu hết những người tham gia hội hè, đình đám đều có thể ra đường tham gia giao thông. Điều này dẫn đến hệ quả đường sá trở nên lộn xộn, mất trật tự một cách bất thường.
Theo thói thường, cứ đến dịp Tết thì vòng quay của đồng tiền tăng nhanh và tốc độ di chuyển của con người cũng tăng đột ngột. Vấn đề này tạo ra hiệu ứng tâm lý hầu hết người Việt, dù có bận rộn hay không bận rộn vẫn luôn có tâm lý hứng khởi và có phần tùy tiện trong việc tham gia giao thông. Nếu như người đi xe đạp, xe máy sợ các xe khách phóng nhanh để đón khách dịp Tết, để có tiền nộp cho cảnh sát giao thông nếu bị chặn thì cánh tài xế xe hơi, xe tải, xe khách và cả xe buýt sợ nhất là những người chạy xe gắn máy có thể tùy hứng đi ra giữa đường bất kỳ lúc nào và có thể bẻ lái, ngoặt sang bên kia đường rất ngẫu hứng.
Lái xe trong dịp Tết là nỗi khổ của cánh tài xế, đó là không muốn nói đến các quái xế có thể trở thành hung thần đường phố bất kỳ giờ nào.
Ông Tạ Như Lâm, cư dân Đà Nẵng, chia sẻ :
"Năm Mậu Tuất thì thấy tình hình giao thông ở Đà Nẵng rất phức tạp. Con người xôn xao, mọi người đông đúc, rồi có những trường hợp uống, liên hoan ngày Tết, vui chơi say sưa nhiều".
Có đến một ngàn lẻ một câu chuyện không vui về giao thông mùa Tết. Và chỉ có một cách duy nhất là người đã uống rượu không nên ra đường và đã ra đường thì đừng nên rượu bia… Nhưng chuyện này nghe có vẻ rất khó để thực hiện, bởi tại Việt Nam, nếu ngày Tết gặp nhau, không uống rượu, bia, không nhậu nhẹt hay đánh bài thì cũng chẳng còn chuyện gì để nói với nhau.
Vì chuyện làm ăn thì mỗi người mỗi khác, có nói cũng không quá nửa giờ, rồi lại chán, chuyện này chuyện nọ, nếu nói ra thực lòng thì đụng chạm chính trị, nhà nước, đảng cầm quyền. Chính vì vậy, khi có rượu bia vào, con người trở nên có dũng khí hơn, sẵn sàng nói, sẵn sàng bung hết mình, cởi mở lòng mình ra để nói. Câu chuyện trở nên đầy đủ, đa chiều khi có rượu bia. Và rượu bia vô hình trung trở thành chất xúc tác để người ta trò chuyện, gắn kết, tạo không khí ba ngày Tết, và câu chuyện chấm dứt sau khi rời bàn nhậu.
Chính vì câu chuyện chính trị, văn học, nghệ thuật và nhiều lĩnh vực khác luôn được thiết lập, kết nối rất hăng say trên bàn nhậu và chấm dứt sau cuộc nhậu nên rượu bia vẫn luôn là thứ được tiêu thụ cao và được nâng lên tầm văn hóa ở Việt Nam. Và có thể nói đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người ta choảng nhau chí chóe, làm hơn 4000 người nhập viện vì bị thương do đánh nhau trong dịp Tết này.
Riêng con số tai nạn giao thông, theo thống kê từ Bộ Công an Việt Nam, chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, cả nước xảy ra 218 vụ tai nạn giao thông làm chết 195 người, bị thương 199 người. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là là do lái xe sau khi uống rượu bia. Có lẽ vì vậy mà giao thông Việt Nam được ví von là giao thông của những con đường men ba ngày Tết, bảy ngày Xuân.
Nhóm phóng viên
*******************
Hơn 210 ngàn người nhập viện trong Tết (RFA, 22/02/2018)
Các cơ sở khám chữa bệnh tại Việt Nam tiếp nhận hơn 210 ngàn bệnh nhân trong 7 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất.
Tai nạn giao thông gây chết người trên quốc lộ - Giaothongvantai.vn
Theo số liệu ghi nhận của Bộ Y Tế, có hơn 37 ngàn người nhập viện do tai nạn giao thông, tỷ lệ tương đương cùng kỳ năm ngoái. Tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận gần 600 bệnh nhân bị tai nạn giao thông, tăng 5% so với năm trước và có gần 400 ca chấn thương sọ não. Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 29 đến ngày mùng 4 Tết tiếp nhận 438 trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông. Bệnh viện Bạch Mai, tại Hà Nội, trung bình mỗi ngày Tết mổ cấp cứu 20 ca, chủ yếu là bệnh nhân bị tai nạn giao thông.
Bên cạnh số người nhập viện vì tai nạn giao thông, các bệnh nhân đến khám và cấp cứu trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất do bị tai nạn trong sinh hoạt, ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu và ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat. Ngoài ra còn có 5 trường hợp bị tai nạn do pháo và các chất nổ.
********************
Biểu tình phản đối thu phí tại trạm BOT Biên Cương, thành phố Cẩm Phả (RFA, 22/02/2018)
Trong hai ngày 21 và 22/2, nhiều người dân ở thành phố Cẩm Phả và các tài xế đã đồng loạt phản đối việc thu phí tại trạm BOT Biên Cương, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, gây ùn tắc kéo dài nhiều lần trong hai ngày.
Trong hai ngày 21 và 22/2, nhiều người dân ở thành phố Cẩm Phả và các tài xế đã đồng loạt phản đối việc thu phí tại trạm BOT Biên Cương, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Courtesy of vietq.vn
Một tài xế giấu tên ở Cẩm Phả nói với đài Á Châu Tự Do vào chiều tối ngày 22/2 về nguyên nhân khiến người dân phản đối trạm thu phí như sau :
"Cái BOT đó có nhiều cái để người dân phản đối. Thứ nhất khoảng cách giữa hai trạm quy định là chỉ 70 km nhưng trạm này với trạm cũ là 56 km thôi. Thứ hai là trạm này thu phí rất cao, trạm cũ thu 30,000 VND mà trạm này thu 35.000 VND. Cái thứ ba vô lý ở chỗ là doanh nghiệp không làm đường mới mà làm trên đường cũ, làm trên con đường huyết mạnh nối giữa hai thành phố Hạ Long và Cẩm Phả từ bao đời nay, từ thời Pháp đến giờ. Họ làm trên nền đường cũ và họ có giải phóng được hai bên đường rộng ra một tí và đồng nghĩa là họ lấn sát vào nhà dân, và đồng nghĩa với việc là họ cắm biển hạn chế tốc độ gần như suốt dọc đường. Gần như lưu thông chỉ có 50 hay 60 km một giờ".
Trạm cũ mà người tài xế nói đến là trạm Đại Yên cũng trên cùng quốc lộ 18A
Theo tài xế này cho biết và các video người dân quay được ở hiện trường mà chúng tôi có được, người dân đã phản đối trạm thu phí bằng cách không trả tiền, khiến các xe ùn ứ.
"Người dân phản đối là cứ đến trạm BOT thì báo là không có tiền đi BOT, cứ như thế thôi. Còn tất cả các lực lượng tụ tập ở đó nhiều lắm. Họ bảo không có tiền có cho lùi lại thì lùi. Nhưng lùi lại cũng không giải quyết được gì. Lùi lại thì tắc hết rồi vì xe quá đông".
Việc phản đối đã gây tắc đường lên đến khoảng 1 cây số vào ngày 21 tháng 2, theo chứng kiến của người tài xế. Doanh nghiệp thu phí BOT đã bắt buộc phải xả trạm 3 lần vào ngày 21/2.
Tuy nhiên, việc phản đối lại tiếp tục vào ngày 22/2 khi doanh nghiệp thu phí trở lại, dẫn đến ùn tắc ở trạm thu phí kéo dài đến hơn 2 cây số, theo lời của người tài xế. Đến chiều ngày 22/2, doanh nghiệp thu phí phải xả trạm nhưng rồi sau đó lại tiếp tục thu phí trở lại vào khoảng 6 giờ chiều.
Người lái xe cho biết, mặc dù việc phản đối đã kéo dài hai ngày nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp giải quyết giúp dân mà chủ yếu chỉ huy động cảnh sát, và xe cẩu đến trạm thu phí. Hôm 21/2, một đại diện của thành phố Cẩm Phả đã đến yêu cầu người dân giải tán. Người lái xe cho biết :
"Có cái phòng riêng của công ty để người dân vào góp ý nhưng mới chỉ dừng lại là tiếp thu ý kiến của người dân thôi. Người bên đại diện doanh nghiệp chỉ tiếp thu ý kiến của dân mà chưa có động thái gì. Có một phó chủ tịch thành phố Cẩm Phả đứng ra hô hào cảnh sát giao thông, cơ động đuổi người dân đi".
Trạm thu phí BOT Biên Cương do công ty Cổ phần BOT Biên Cương là chủ đầu tư. Theo báo chí trong nước, công ty BOT Biên Cương đã đầu tư vào dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long đi Mông Dương.
Ngày 29/1 công ty cổ phần BOT Biên Cương đã đưa trạm thu phí vào vận hành thử nghiệm. Sau gần hai tuần vận hành thử nghiệm, trạm bắt đầu thu phí từ ngày 13/2 với giá phí là 35.000 đồng một lượt với xe tải có trọng tải dưới 2 tấn, xe buýt và tải khách công cộng. Xe chở hàng container 40 feet và xe tải có trọng tải từ 18 tấn trở lên phải nộp phí là 200.000 đồng một lượt.
Tuy nhiên theo người tài xế, ngay trong ngày thu phí đầu tiên, người dân và các tài xế đã phản đối, vì vậy công ty đã ngừng thu phí trong suốt dịp tết cho đến hết ngày 5 tết tức 20/2.
Cũng theo truyền thông trong nước, dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long-Mông Dương do công ty cổ phần BOT Biên Cương là chủ đầu tư theo hình thức đầu tư-khai thác-chuyển giao (gọi tắt là BOT) có chiều dài đường là 38 km với thiết kế 4 làn xe. Tổng mức đầu tư bao gồm cả giải phóng mặt bằng là gần 2.000 tỷ đồng.
Làn sóng phản đối các trạm thu phí BOT đã nổ ra ở khắp Việt Nam trong suốt năm 2017 và kéo dài đến đầu năm nay, trong đó điển hình là những phản đối của người dân và cánh lái xe ở trạm BOT Cai Lậy, Tiền Giang xảy ra gay gay gắt vào tháng 12 năm ngoái. Người dân chủ yếu phản đối việc các chủ đầu tư đã đặt trạm thu phí sai vị trí, và thu phí quá cao. Phản đối gay gắt tại trạm BOT Cai Lậy đã khiến chính phủ phải ngừng thu phí trạm này để chờ đưa ra giải pháp.
Tuy nhiên, đã có một số lái xe tham gia phản đối trạm thu phí Cai Lậy bị công an mời lên làm việc vì hành vi gây rối. Hôm 18/1, chính phủ Việt Nam ra quyết định cho phép Bộ Công An thu thập thông tin để xử lý những phần tử gây rối tại trạm thu phí.
Ngày Tết với truyền thống của người Việt là dịp để mọi người gặp nhau sum họp, vui vẻ, nâng chén chúc nhau năm mới. Thế nhưng thống kê những năm gần đây ở Việt Nam cho thấy con số người phải nhập viện vì đánh nhau vào dịp tết rất cao. Nguyên nhân vì sao ?
Một quán nhậu ở Hà Nội chụp hôm 16/9/2016. AFP
Đạo đức xã hội xuống cấp
Một báo cáo của Bộ Y tế công bố sau 6 ngày tết tính từ ngày 30 đến 5 tết cho thấy cả nước có đến hơn 4.000 người phải nhập viện vì những vụ đánh nhau. Nguyên nhân của những vụ đánh nhau cũng rất đa dạng, nhưng theo một số chuyên gia, tất cả đều có chung một vấn đề. Đó là vấn đề đạo đức xã hội.
Một trong những nguyên nhân mà người ta thường thấy trong các vụ đánh nhau ngày Tết là do rượu vào lời ra, khích bác nhau rồi không kiềm chế được bản thân dẫn đến đánh nhau. Thường tết là dịp mọi người uống rượu nhiều bên bàn tiệc. Bên cạnh đó còn những chuyện không liên quan đến bia rượu nhưng cũng dẫn đến đánh nhau như va quẹt xe cộ, nói móc nhau, hơn thua nhau những chuyện vặt vãnh. Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định tất cả là do vấn đề đạo đức xuống cấp :
"Tình trạng đó nói lên đạo đức xã hội xuống cấp nặng nề, người ta giải quyết với nhau những mâu thuẫn bằng vũ lực. Những diễn biến thực tiễn cuộc sống hàng ngày, từ cán bộ cấp cao đến cấp dưới, là những cái gương người dân nhìn vào có những hành vi đè nén áp bức người dân dẫn đến tâm lý bức xúc gây ra hiện tượng hay cáu bẳn, chửi thề, gây gổ làm cho người dân hung dữ hơn, ít lịch sự, chỉ cần mâu thuẫn chút xíu là đánh nhau, đâm chém nhau, phang nhau chí tử".
Quan niệm của người Việt là ba ngày Tết phải vui vẻ, chín bỏ làm mười, dĩ hòa vi quý để cả năm được thuận hòa, may mắn. Đây là những giá trị truyền thống trong gia đình luôn được nâng niu, gìn giữ từ đời này qua đời khác. Ngày Tết mà gặp chuyện cự cãi, đánh nhau thì bị coi là xui xẻo.
Chúng tôi liên lạc với Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện nghiên cứu phát triển xã hội để xem nhận định của bà về chuyện đánh nhau dịp Tết ngày càng nhiều thì bà chỉ nói ngắn gọn là chưa có nghiên cứu mới nào về chuyện này, nên chúng tôi xin trích đăng ý kiến của bà của bà trên báo VnExpress ngày 28/5/2015 về vấn đề này :
"Việc đánh nhau, cư xử mang nặng yếu tố bạo lực, bỏ qua cách ứng xử nhường nhịn, hòa nhã của người Việt Nam cũng phản ánh đạo đức xã hội đang có vấn đề. Con số trên cho thấy có một bộ phận người Việt ứng xử kém, không có kỹ năng xử lý tình huống, nhất là thanh thiếu niên. Nhiều khi chỉ là những va chạm nhỏ nhưng người ta cũng đẩy lên đến xung đột dẫn đến bạo lực".
Tình trạng coi thường luật pháp
Cũng có ý kiến cho rằng thanh niên ngày nay sống thực dụng, những mối quan hệ xã hội, đạo đức lễ nghĩa ngày càng lỏng lẻo. Người ta hơn thua nhau chỉ vì những giá trị vật chất bề ngoài nên vì sĩ diện mà họ dễ dàng ẩu đả nhau hơn, hay nói đúng hơn là vì cái nghèo mà ra. Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết quan điểm của mình :
"Tôi nghĩ cái nghèo thì không hẳn. Nói một cách công tâm thì Việt Nam tụt hậu so với khu vực và thế giới, nhưng xét về mức sống theo con số tuyệt đối thì những năm thập niên 70, 80 hoặc 60 thì rõ ràng mức sống không bằng bây giờ được, nhưng cách đây vài thập kỷ thì đâu có hiện tượng đánh lộn nhiều như thế này".
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy con số người nhập viện vì đánh nhau nhân dịp Tết năm nay chưa phải là cao nhất, có năm, con số này lên đến 6.000 người.
Báo Công an Nhân dân ngày 3/5/2017 có thông kê cho thấy trong 10 năm từ năm 2006 đến 2016, Bộ này đã khởi tố, điều tra 79.000 vụ với 99.000 đối tượng phạm tội có sử dụng bạo lực. Trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra 1.400 vụ giết người, 6.500 vụ cố ý gây thương tích.
Nhà báo Võ Văn Tạo cũng cho rằng thực trạng không tôn trọng pháp luật của những người thực thi pháp luật, mà cụ thể là công an trong những vụ việc đánh người, cũng góp phần làm tăng tính bạo lực trong xã hội :
"Trước mắt người dân bình thường nhìn vào ông công an thôn, công an xã ăn tục nói phét, chửi thề bắt nạt người dân, đánh đấm người dân. Rồi cảnh sát giao thông cũng thế, người dân vi phạm về chuyện không đội mũ (bảo hiểm) thì thẳng tay phang dùi cui rồi còn đánh chết người ta nữa. Ngay cả hệ thống quản lý nhà nước bảo vệ pháp luật mà còn dùng hành vi vũ lực thô bạo như thế thì làm cho tính hung dữ của xã hội tăng lên".
Hồi năm 2015, báo cáo của Bộ Công an cho biết từ năm 2011 đến năm 2014, đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà giam giữ, trại giam trên toàn quốc. Thường Bộ Công an lý giải là do bệnh lý nhưng dư luận và gia đình các nạn nhân hầu hết đều cho rằng công an đã dùng nhục hình tra tấn.
Diễm Thi
Các bệnh viện ở Việt Nam đã phải tiếp nhận hơn 37 ngàn ca cấp cứu vì tai nạn giao thông và đánh nhau trong 6 ngày, tính từ ngày 30 cho đến mùng 5 Tết. Trong đó, có đến 4.100 người nhập viện vì đánh nhau.
Hình minh họa. Công an đứng cạnh môt xe khách bị tai nạn với một chiếc xe tải trên đường cao tốc ở thị trấn Chư Sê, tỉnh Gia Lai hôm 7/5/2017 - AFP
Báo cáo của Bộ Y Tế cho biết số liệu vừa nêu. Điều đáng chú ý trong báo cáo này là những năm gần đây, số người phải nhập viện do đánh nhau trong dịp Tết ở mức cao, có năm lên đến 6.000 người.
Trong dịp Tết Mậu Tuất, riêng Trung tâm chống độc thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội tiếp nhận số lượng người nhập việc cấp cứu do ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat tăng đột biến so với những dịp Tết trước đây, chiếm đến 35% bệnh nhân nhập viện ở Bệnh viện Bạch Mai.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, làm việc tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết những người uống lượng từ 50 ml thuốc diệt cỏ Paraquat đều có nguy cơ tử vong. Ông cho biết thuốc này có thể được mua rất dễ dàng ngoài thị trường, mặc dù Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn đã loại thuốc diệt cỏ Paraquat khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Cũng trong thời gian 6 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, có đến 231 vụ tai nạn giao thông, khiến 179 người thiệt mạng và 186 người bị thương.
Cục Cảnh sát giao thông, thuộc Bộ Công An cho biết tai nạn giao thông tăng cao trong dịp Tết Mậu Tuất, liên tục từ ngày 30 Tết đến ngày mùng 3 Tết. Riêng ngày mùng 4 Tết, xảy ra 29 vụ tai nạn giao thông, làm chết 24 người và 37 người bị thương.
Số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông cho thấy nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ tai nạn giao thông là do lái xe sau khi uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm và vi phạm tốc độ. Phần lớn các vụ tai nạn giao thông xảy ra đối với người đi xe gắn máy và tại hai khu vực bao gồm thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
*****************
Hàng ngàn người nhập viện vì đánh nhau trong Tết Mậu Tuất (CaliToday, 18/02/2018)
Việt Nam có thể trở thành quốc gia rất thích bạo lực khi mà chỉ trong vài ngày nghỉ Tết Mậu Tuất đã có đến gần 2.000 người phải nhập viện vì đánh nhau.
Một bản phúc trình của Bộ Y tế cho biết, chỉ từ ngày 30 tháng Chạp, cho đến Mùng 2 Tết khắp Việt Nam đã có đến 1.950 phải nhập viện vì đánh nhau. Những tưởng đánh nhau là do bia rượu, thì đằng này số người nhập viện vì nguyên nhân này chỉ có 230 người.
Cứ trung bình mỗi ngày có đến 31 người chết do tai nạn giao thông. Ảnh : Dân Trí
Cũng theo Bộ Y tế, 1.100 người phải ở lại điều trị, 270 người khác bị nặng hơn phải chuyển lên bệnh viện ở tuyến cao hơn, trong đó có 6 người bị chết do đánh nhau quá nặng. Nhìn vào số lượng ca đánh nhau phải nhập viện có thể khiến nhiều người lo lắng, nhưng theo Bộ Y tế, con số này đã giảm rất nhiều so với Tết Đinh Dậu. Còn so với những năm trước đó nữa con số đánh nhau đến nỗi phải nhập viện cũng đã giảm rất nhiều.
Việc đốt pháo đã bị nghiêm cấm tại Việt Nam từ hơn hai mươi năm nay, nhưng tại nhiều địa phương hiện tượng này vẫn xảy ra. Cũng theo Bộ Y tế, từ 30 tháng Chạp cho đến mùng 2 Tết đã có đến 190 người nhập viện liên quan đến pháo nổ, tăng gấp rưỡi so với Tết Đinh Dậu.
Trước đó, để không làm cho tình hình vui Tết của người dân bị giảm sút do thiếu pháo, Chính phủ Việt Nam đã cho biết đang nghiên cứu cho phép đốt phép loại pháo không nổ.
Về tình hình tai nạn giao thông, Cục cảnh sát giao thông thuộc Bộ Công an cho hay, trong vòng 5 này nghỉ Tết đã có 155 người tử vong, 149 người bị thương. Cứ trung bình mỗi ngày cướp đi 31 mạng người. Con số này tăng 2 người so với năm Đinh Dậu. Trong số này, chỉ tính riêng ngày Mùng 3 Tết đã có đến 47 vụ tai nạn giao thông xảy ra khắp cả nước gây thiệt mạng cho 34 người, làm 29 người khác bị thương.
Ở Việt Nam người dân toàn đi bằng xe máy nên con số người bị tai nạn, bị thiệt mạng đa phần đều liên quan đến xe máy và đặc biệt là xảy ra tại các vùng nông thôn, những khu vực ngoài vùng đô thị.
Người Quan Sát
Theo một báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới, tai nạn giao thông chết người là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển.
Cảnh sát dọn đường cho giao thông thuận lợi ở tỉnh Pathum Thani province, bắc Bangkok, Thailand (ảnh tư liệu 2016)
Nghiên cứu này là một trong những nghiên cứu đầu tiên cho thấy đầu tư vào an toàn giao thông đường bộ ở các nước có thu nhập thấp và trung bình sẽ làm tăng thu nhập quốc dân.
90% trong số 1,25 triệu người tử vong vì giao thông hàng năm trên thế giới là ở các nước đang phát triển.
Theo chuyên gia giao thông vận tải của Ngân hàng Thế giới, Dipan Bose, vấn đề này không được quan tâm đúng mức về mặt chính thức.
Ông Bose là đồng tác giả của một nghiên cứu tập trung vào năm quốc gia : Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines và Tanzania. Các tác giả sử dụng các mô hình kinh tế để ước tính nền kinh tế của mỗi quốc gia sẽ tăng được bao nhiêu trong khoảng thời gian 24 năm khi giảm số ca tử vong vì giao thông xuống một nửa.
"Kết quả thật đáng ngạc nhiên", ông nói.
Thái Lan có thể tăng 22% thu nhập quốc dân. Tốc độ tăng trưởng kinh tế và lẫn tăng tai nạn giao thông đều cao của nước này đồng nghĩa là họ có thể thu hái được nhiều nhất nếu có thay đổi.
Tanzania có thể tăng 7%. Các nước còn lại ở khoảng giữa.
Những lợi ích kinh tế này là "những gì mà không một chính phủ quốc gia nào có thể bỏ qua", ông Bose nói. Báo cáo này "nêu ra câu chuyện kinh tế nói lên vì sao lại thật quan trọng khi cần phải hành động mạnh mẽ về an toàn đường bộ".
Các lái xe chỉ chịu trách nhiệm một phần về các ca tử vong do giao thông, theo một báo cáo khác của Ngân hàng Thế giới và Viện Nguồn lực Thế giới.
Các nhà quy hoạch đô thị và các quan chức chính phủ có trách nhiệm bảo đảm hệ thống giao thông đủ an toàn.
Bà Anna Bray Sharpin, đồng tác giả của báo cáo, thuộc Viện Nguồn lực Thế giới, nói : "Nếu hệ thống không an toàn - nếu người ta không có cơ hội sang đường một cách an toàn, hoặc lái trong một chiếc xe an toàn - thì một lỗi nhỏ cũng có thể gây tử vong. Và lẽ ra không nên như thế".
Bà Bray Sharpin lưu ý rằng nhiều nước đang phát triển hiện đang lên kế hoạch làm các dự án cơ sở hạ tầng đường bộ lớn.
Nếu họ không xây dựng chúng bảo đảm an toàn ngay bây giờ, bà nói thêm, họ sẽ "bị mắc kẹt với cơ sở hạ tầng nguy hiểm đó trong một thời gian rất dài".