Hơn 8 ngàn người Việt chết vì tai nạn giao thông trong năm qua (RFA, 03/01/2018)
Có hơn 8 ngàn người thiệt mạng và hơn 17 ngàn người bị thương do tai nạn giao thông ở Việt Nam, trong năm 2017. Riêng trong ba ngày nghỉ Tết Dương lịch 2018, có 67 người chết và 74 người bị thương.
Hình minh họa. Một người lái xe máy UBer (giữa) đang nhìn điện thoại di động khi đợi đền xanh ở Hà Nội. Hình chụp hôm 2/6/2017 - AP
Số liệu vừa nêu được Bộ Công An và Cục Hàng hải Việt Nam công bố tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2017.
Theo số liệu được công bố, trong năm 2017, đã có 20.080 vụ giao thông xảy ra trên cả nước và được ghi nhận giảm xuống so với năm 2016 cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Các vụ tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra ở đường bộ, với gần 20 ngàn vụ, do các nguyên nhân như chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng làn đường, không tuân thủ các quy định về biển báo và hiệu lệnh giao thông.
Vào ngày 3 tháng Giêng, tại buổi lễ phát động ra quân Năm An toàn Giao thông 2018, diễn ra ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Trường Hòa Bình cho biết chủ đề của chương trình Năm An toàn Giao thông 2018 là "An toàn giao thông cho trẻ em", với mục tiêu giảm 10% tỷ lệ thương vong do tai nạn giao thông đối với trẻ em so với năm 2017 và khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cũng như các trục giao thông chính khắp Việt Nam.
*********************
Đan viện Thiên An phản đối Ủy ban Nhân dân Thừa Thiên-Huế (RFA, 03/01/2018)
Hôm 31 tháng 12 năm 2017 các Đan sĩ đan viện Thiên An đã gửi thư phản đối đến UBND Thừa Thiên Huế về văn bản có lời lẽ bị cho là vu cáo, nhục mạ Bề Trên Đan viện – Linh mục Antôn Nguyễn Văn Đức.
Đan viện Thiên An - file photo
Trong thư phản đối, các linh mục đã và đang sống, làm việc chung với Linh mục Antôn Nguyễn Văn Đức cho rằng, việc xây dựng công trình tôn giáo trong nội vi Đan viện – trên khu đất 107 hecta tại thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, Thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An từ những năm 1940 – được thực hiện theo đúng quy định của Pháp luật.
Các linh mục cũng cho rằng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm thay chức năng của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa Án, khi không có bằng chứng mà kết tội Linh mục Antôn Nguyễn Văn Đức có hành vi vi phạm pháp luật.
Cũng trong thư phản đối các Đan sĩ đan viện Thiên An lên án hành vi lạm quyền, can thiệp vào công việc nội bộ của Đan viện, khi các quan chức Thừa Thiên Huế có lời đề nghị không tiếp tục bổ nhiệm Linh mục Antôn Nguyễn Văn Đức làm Bề trên Đan viện Thiên An và thuyên chuyển Linh mục Antôn ra ngoài địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cuối thư phản đối, các Đan sĩ đan viện Thiên An yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh các quan chức UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật ; can thiệp vào công việc nội bộ của tổ chức tôn giáo ; xúc phạm nhân phẩm của Linh mục Bề Trên Antôn Nguyễn Văn Đức và xúi giục người khác vi phạm pháp luật.
Đan viện Thiên An, ở xã Thủy Bằng, bị chính quyền Thừa Thiên-Huế trưng thu 49 héc-ta đất rừng thông để xây dựng khu du lịch từ năm 1998. Đan viện Thiên An nhận thấy việc thu hồi 49 héc-ta đất có nhiều khuất tất và đã tiến hành khiếu nại, khiếu kiện từ cấp địa phương lên đến trung ương. Nhưng việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài gần 2 thập niên vẫn không được giải quyết.
Trước những dấu hiện cho thấy chính quyền địa phương rắp tâm muốn lấy thêm phần đất còn lại trong tổng thể 107 héc-ta của Đan viện để bán cho doanh nghiệp nước ngoài, Đan viện Thiên An quyết định tranh đấu không để mất phần đất (rừng thông) còn lại nên tức tốc chỉnh trang lại vườn tược, ủi đường, đào mương, xây nhà, phục hồi lại đập nước đã được xây từ năm 1958.
Đan viện Thiên An cũng ba lần cho dựng Thập Tự giá trong khỏang thời gian từ năm 2015 đến năm 2017. Tuy nhiên cả ba lần đều bị công an, an ninh và côn đồ đập phá. Lần đập phá thánh giá và hành hung các tu sĩ của Đan viện Thiên An mới nhất xảy ra trong hai ngày 28 và 29 tháng Sáu 2017.
***********************
Nỗi lo của cộng đồng gốc Việt ở Campuchia (BBC, 03/01/2018)
Sinh sống tại Biển Hồ từ hàng chục năm qua, nhưng nay cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia đang lo sợ phải đối diện với nguy cơ có cuộc sống bấp bênh.
Sau khi chạy nạn Pol Pot, nhiều người quay trở lại vùng Tonle Sap hồi đầu thập niên 1980, nơi họ coi là "quê hương xứ sở" của mình.
Khoảng 80% người gốc Việt không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào được chính phủ Campuchia công nhận.
Gần đây, chính phủ Campuchia thông qua Nghị định 129 theo đó quyết định thu hồi giấy tờ của gần 70 ngàn người gốc Việt, khiến nhiều người lo ngại rằng những người bị thu giấy tờ sẽ rơi vào tình trạng "vô tổ quốc" như phần lớn những người còn lại.
Ngoài nỗi lo bị thu giấy tờ, nhiều người nói cuộc sống và kế sinh nhai hàng ngày của họ cũng bị gây khó dễ bởi chính quyền địa phương và cả bởi Tổng hội người Campuchia gốc Việt, điều mà quan chức Tổng hội bác bỏ.
Hơn 6 ngàn người Việt chết vì tai nạn giao thông trong 9 tháng năm 2017 (RFA, 23/10/2017)
Có 14.346 vụ tai nạn giao thông xảy ra trong 9 tháng đầu năm 2017 tại Việt Nam ; trong đó số người thiệt mạng là 6.113 người và số người bị thương là 11.785 người.
Ảnh minh họa : Một tai nạn giao thông tại tỉnh Quảng Nam hôm 9/11/2016. Photo : AFP
Hội đồng An toàn Giao thông Quốc gia (NCTS) cho biết số liệu vừa nêu, tính từ thời điểm trung tuần tháng 12 năm 2016 cho đến trung tuần tháng 9 năm 2017, với phần trăm giảm lần lượt là 6,24 ; 5,11 và 13,35% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên có 15 tỉnh, thành trong cả nước lại gia tăng 10% số vụ tai nạn chết người.
Theo kết quả nghiên cứu do Đại học Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Việt-Đức thực hiện, cho thấy số vụ tai nạn gây ra bởi trẻ em cũng như trẻ em là nạn nhân xảy ra nhiều nhất ở hai thành phố Sài Gòn và Hà Nội và gia tăng trong giai đoạn 2011 đến 2016.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu giới chức địa phương cần có nhiều biện pháp thực tiễn hơn để bảo đảm trật tự và an toàn giao thông cũng như sẽ quy trách nhiệm đối với các lãnh đạo cấp tỉnh, nơi có tỉ lệ giao thông xảy ra cao.
Năm 2016, Cục Cảnh sát Giao thông Việt Nam công bố số liệu tử vong trong hơn 21 ngàn vụ tai nạn giao thông gần 9000 người, số người bị thương được thống kê hơn 19 ngàn người.
****************
Khởi tố vụ án dân chống lại cưỡng chế đất phải nổ súng (RFA, 23/10/2017)
Sáu người dân trong vụ nổ súng làm 3 người chết, 13 người bị thương, xảy ra cách đây tròn một năm, tại Đắk Nông sẽ bị đưa ra xét xử trong nay mai.
Hiện trường vụ bắn vào đoàn cưỡng chế ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Dak Nong hôm 23 tháng 10. Courtesy chinhphu.vn
Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông, ông Ngô Đức Thọ cho biết thông tin vừa nêu vào ngày 23 tháng 10.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, có 6 đối tượng trong vụ tranh chấp đất tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, đã dùng súng bắn chết 3 người và làm cho 13 người khác bị thương vào ngày 23/10/2016 sẽ bị truy tố về các tội giết người, hủy hoại tài sản hoặc cố tình làm hư hỏng tài sản và che giấu tội phạm.
Sáu bị can bao gồm : Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường, Nguyễn Xuân Thiên Sửu, Phạm Công Thiện và Đoàn Văn Diện.
Đồng thời, ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu, Phó giám đốc Công ty Long Sơn, là công ty có tranh chấp đất với các hộ dân địa phương bị bắt giam hồi ngày 24/12/2016 để điều tra về hành vi hủy hoại tài sản và phá rừng.
Xin được nhắc lại, vụ việc tranh chấp đất đai giữa các hộ dân với Công ty Long Sơn liên quan đến dự án nông lâm nghiệp trên diện tích khoảng 1079 héc-ta rừng, tại tiểu khu 1535. Mặc dù việc tranh chấp xảy ra trong thời gian rất dài, từ tháng 2 năm 2008 nhưng chính quyền không can thiệp.
Ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu, Phó giám đốc Công ty Long Sơn vào ngày 23/10/2016 đã điều động hàng chục nhân viên của công ty cùng xe ủi, máy cày, áo giáp, dao, gậy… đến phá hàng trăm cây cà phê của các hộ dân địa phương. Và người dân đã dùng súng để bảo vệ đất của họ.
Vụ việc dân chống cưỡng chế đất phải nổ súng như tại Dắk Nông từng diễn ra ở một số địa phương khác. Tuy nhiên vụ tại Cống Rộc, Tiên Lãng ở Hải Phòng không gây tử vong cho ai trong đoàn cưỡng chế.
*******************
Formosa được yêu cầu nghiên cứu thay phương án xả thải (RFA, 23/10/2017)
Bộ Tài nguyên và môi trường yêu cầu nhà máy gang thép Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh nghiên cứu về phương án xả nước thải bề mặt thay cho phương án xả ngầm ra biển như hiện nay.
Nhà máy Formosa Vũng Áng, Hà Tĩnh tổ chức họp báo nhận trách nhiệm về vụ xả thải ra biển làm ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung. AFP
Đề nghị trên do Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra hôm 23 tháng 10, tại buổi báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội từ kỳ họp thứ ba.
Đặc biệt, một đề nghị được Bộ này đề xuất là chú trọng đến việc tổ chức cho người dân giám sát quá trình vận hành thử nghiệm của Formosa theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết rằng Bộ Tài nguyên và môi trường đã và đang phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh để giám sát nguồn phát thải từ nhà máy Formosa, đảm bảo mọi hoạt động của nhà máy này đều tuân thủ các nguyên tắc về bảo vệ môi trường.
Cũng tại buổi báo cáo, Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết các nguồn ô nhiễm từ nhà máy Formosa đã hoàn toàn được khắc phục. Nhà máy này cũng đã hoàn thiện thêm nhiều công trình bảo vệ môi trường nhầm đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế đã cam kết.
Xin được nhắc lại, nhà máy gang thép Formosa xả thải hóa chất trực tiếp ra biển gây thảm họa môi trường từ đầu tháng tư năm 2016. Cá và hải sản chết hằng loạt tác động mạnh mẽ đến ngành ngư nghiệp tại các tỉnh dọc ven biển miền Trung. Ngoài ra ô nhiễm biển cũng khiến ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề.
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, 7 tháng năm 2017, trên các tuyến đường sắt xảy ra 194 vụ tai nạn, giảm 50 vụ (20,5%) so với cùng kỳ năm trước.
Vụ tai nạn đường sắt đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 20/2/2017 tại Thừa Lưu – Cầu Hai (thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) làm 3 người chết tại chỗ. Ảnh : Hồ Cầu/TTXVN
Trong đó, tai nạn do chủ quan là 7 vụ, (giảm 20,4%), tai nạn do khách quan 187 vụ (giảm 20,4%). Một số vụ tai nạn giao thông đường sắt đã xảy ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản, gây bức xúc trong dư luận xã hội, điển hình là hai vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do khách quan : tàu SE2 ngày 20/2 tại Thừa Thiên – Huế làm chết 3 người, 4 người bị thương ; tàu TN1 ngày 24/4 tại Bình Định làm chết 4 người, 2 người bị thương và một vụ tai nạn do chủ quan ngày 18/3 tại Bình Định tàu SQN4 va ô tô tải tại đường ngang có gác km 1104+640 làm chết 2 người, trật bánh đầu máy.
Cũng trong thời gian này, toàn ngành xảy ra 766 sự cố, tăng 79 vụ (11,5%) ; trong đó, do khách quan 401 vụ, tăng 98 vụ (32,2%) ; chủ quan 365 vụ, giảm 19 vụ (4,9%). Các tai nạn, sự cố đã làm chết 95 người, giảm 8 người (7,8%) ; làm bị thương 125 người, giảm 43 người (25,6%) ; gây bế tắc giao thông đường sắt 321,6 giờ, chậm tàu 1.668,4 giờ ; hỏng 7 đầu máy, 5 toa xe, 100m đường sắt, 110 ô tô, xe máy các loại…
Nguyên nhân tai nạn, sự cố là do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông và kỹ năng điều khiển phương tiện của một bộ phận người tham gia giao thông đường bộ, đặc biệt là lái xe ô tô khi đi qua đường sắt còn thấp.
Các giao cắt giữa đường bộ và đường sắt tuy đã được cải thiện một bước, nhưng vẫn chưa đáp ứng được sự gia tăng của phương tiện tham gia giao thông, còn tồn tại nhiều lối đi tự mở, các điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn chưa được xử lý dứt điểm ; tình trạng lấn chiếm và tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt vẫn còn nhiều. Công tác phối hợp xử lý, ngăn chặn hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của các đơn vị chức năng liên quan có nơi, có lúc vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Một số vụ sự cố chạy tàu do lỗi chủ quan mang tính chất phức tạp, khó lường, gây hư hỏng đầu máy, toa xe, kết cấu hạ tầng đường sắt, thiệt hại về người, làm ách tắc tuyến và chậm tàu nhiều giờ. Một số nhân viên trực tiếp làm công tác chạy tàu không nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ ; chủ quan lơ là trong công việc dẫn đến để xảy ra tai nạn, sự cố chạy tàu.
Phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn cho thấy chủ yếu do người điều khiển phương tiện đường bộ, người đi bộ, nằm ngồi trên đường sắt và dọc hai bên hành lang an toàn giao thông đường sắt, chiếm tới 44% ; tai nạn tại lối đi tự mở chiếm 40% ; tại đường ngang cảnh báo tự động chiếm 8%...
Tai nạn chạy tàu do va chạm ô tô chiếm 15% ; do va chạm xe đạp, xe máy chiếm 32% ; còn lại là các trường hợp đi, đứng, nằm ngồi trên đường sắt, chiếm 53%.
Tuyến đường xảy ra nhiều tai nạn là tuyến Thống Nhất ; Hà Nội-Lạng Sơn và Hà Nội - Hải Phòng, chiếm 94,4%. Địa phương để xảy ra nhiều vụ tai nạn gồm Hà Nội (22 vụ), Nghệ An (20 vụ), Đồng Nai (13 vụ), Thanh Hóa, Nam Định, Khánh Hòa (11 vụ), chiếm 52,4% số vụ tai nạn.
Bên cạnh sự cố chạy tàu do khách quan như lái tàu hãm tàu khi phát hiện các trường hợp uy hiếp đến an toàn công trình (chiếm 32%) ; va gia súc (chiếm 31%) ; va chạm với ô tô, xe máy, xe đạp (không thiệt hại về người), thiên tai bão lũ thì cũng xảy ra những sự cố do chủ quan, trong đó, sự cố về hãm vẫn ở mức cao, chiếm 52% sự cố toa xe.
Công tác kiểm tra, giám sát ở một số đơn vị chưa thường xuyên, sâu sát, việc phát hiện và xử lý các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn chưa kịp thời.
Thực hiện các giải pháp cấp bách đảm bảo an toàn giao thông, toàn ngành phối hợp với các địa phương tổ chức cảnh giới thường xuyên 370 vị trí ; xóa bỏ 242 lối đi tự mở, thu hẹp 983 vị trí ; cắm bổ sung biển báo hiệu "Chú ý tàu hỏa" tại 1.120 vị trí ; cắm biển hạn chế phương tiện cơ giới đường bộ tại 173 vị trí.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã tiến hành rà soát toàn bộ các vị trí đường ngang, lối đi dân sinh do địa phương, doanh nghiệp tổ chức cảnh giới, chốt gác. Đối với các vị trí có lắp thêm cần, giàn chắn nhưng không cử người trực 24/24h, Tổng Công ty đã yêu cầu địa phương dỡ bỏ toàn bộ.
Tổng Công ty đang triển khai lắp đặt bổ sung cần chắn tự động 144 đường ngang cảnh báo tự động ; trình và được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt để triển khai gói thầu nâng cấp 20 đường ngang biển báo lên cảnh báo tự động có cần chắn tự động ; lắp động cơ điện cho 43 đường ngang có gác.
Tổng công ty cũng xây dựng kế hoạch nâng cấp 452 đường ngang biển báo lên đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn 2017-2020.
Trong tháng cao điểm về hành lang an toàn giao thông (15/5 – 15/6), Tổng Công ty đã tổ chức 72 đợt tuyên truyền, phát trên 9.000 tờ gấp ; ký cam kết không vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt với 1.500 hộ dân ; tổ chức 96 đợt ra quân, giải tỏa được 494 vị trí vi phạm hành lang, phát quang 45.579m2 cây cối che khuất tầm nhìn 2 bên đường sắt và tại 402 vị trí giao cắt đường bộ, đường sắt.
Tổng Công ty phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải các địa phương rà soát, tổng hợp các vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải cho phép làm gờ giảm tốc cưỡng bức, trong đó có 97 vị trí giao cắt với đường bộ do Tổng cục Đường bộ quản lý, 1.583 vị trí giao cắt với đường bộ do các địa phương quản lý.
Chu Thanh Vân (TTXVN)
Chiếc xe tải BKS 77C-13937 lao vào đường ngược chiều như tên bắn, tông mạnh vào xe khách giường nằm, cướp đi sinh mạng của 13 người và làm bị thương 32 người.
Hình ảnh xe khách nát bét phần đầu cho thấy lực tác động khủng khiếp từ xe tải. Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, vận tốc của xe tải ghi nhận lúc 4 giờ 31 phút 46 giây là 105 km/giờ, được duy trì đến khi xe này đâm vào xe khách. Bạn sẽ hình dung thế nào về một chiếc xe lao với tốc độ này ? Một người bạn của tôi có 12 năm kinh nghiệm lái xe bảo : "Quá khủng khiếp ! Là một tài xế có đạo đức, có lương tâm, không bao giờ cho phép mình điều khiển xe như vậy".
Nghĩ đến vụ tai nạn xảy ra tại Gia Lai, một cảm giác rùng mình chạy dọc xương sống. Theo số liệu từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Cục Cảnh sát giao thông, trong năm 2016, cả nước xảy ra 21.589 vụ tai nạn giao thông làm 8.685 người chết và 19.280 người bị thương. Còn 4 tháng đầu năm 2017 xảy ra 6.366 vụ tai nạn giao thông với 2.786 người chết và 5.119 người bị thương.
Những con số lạnh lùng nêu trên cho thấy cứ mỗi ngày trôi qua, hơn 20 người ra đường mà không thể trở về nhà. tai nạn giao thông đã khiến bao gia đình lâm vào cảnh cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha hay thậm chí cả gia đình mất mạng. Chỉ vì muốn nhanh hơn một phút mà người lái xe đã cướp đi sinh mạng của nhiều người.
Điều đáng bàn ở đây là trách nhiệm của chủ xe, cơ quan quản lý. Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ, các doanh nghiệp vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe đồng thời bố trí, cắt cử nhân viên theo dõi hoạt động của tài xế 24/24 giờ để kịp thời cảnh báo và ngăn chặn vi phạm. Trong vụ tai nạn này, phía doanh nghiệp đã không có sự can thiệp nào khi để tài xế chạy nhanh trong một khoảng thời gian dài trước khi gây tai nạn.
Còn trách nhiệm của cơ quan quản lý ? Câu hỏi này được ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trả lời : Cơ quan quản lý không thể đủ lực lượng để giám sát tức thời hay chỉ đạo tức thời nhằm ngăn chặn hành vi đó mà chỉ có thể phạt nguội về sau. Vai trò cảnh báo và ngăn chặn tài xế chạy quá tốc độ đã được quy định cụ thể và giao cho chủ doanh nghiệp.
Đây rõ ràng là một lỗ hổng nguy hiểm. Thực tế cho thấy bên cạnh những doanh nghiệp vận tải làm ăn tử tế, nghiêm túc thì không ít doanh nghiệp gắn thiết bị giám sát hành trình, lập ra tổ theo dõi tài xế chỉ để cho có, đối phó hơn là tuân thủ luật pháp.
Tính mạng của người tham gia giao thông phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tuân thủ pháp luật của mỗi tài xế cũng như chủ doanh nghiệp vận tải. Bất luận với lý do gì, khi tài xế cố tình không tuân thủ các quy định của pháp luật để rồi gây ra những vụ tai nạn thảm khốc khiến người khác phải bỏ mạng oan ức, đó là tội ác khó dung thứ.
Văn Duẩn
****************
Phóng 105 km/giờ, gây tai nạn thảm khốc (Người Lao Động, 07/05/2017)
Xe tải chạy ngược chiều với tốc độ kinh hoàng đã tông nát xe khách làm 13 người chết, 32 người bị thương. Tài xế xe khách tử vong, tài xế xe tải đang nguy kịch
Tối 7/5, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cùng ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải, đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai về biện pháp khắc phục, xử lý hậu quả vụ tai nạn giao thông xảy ra tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê sáng cùng ngày.
Nhiều gia đình tan nát
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai, cho biết vào lúc 4 giờ 35 phút ngày 7/5, tại Km 1632+100 đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn huyện Chư Sê), xe tải BKS 77C-13937 đã tông trực diện xe khách BKS 18B-01832. Vụ tai nạn làm 13 người chết, 32 người bị thương.
Trước đó, cơ quan chức năng đã thống kê có 11 người tử vong. Tuy nhiên, trong lúc giải phóng hiện trường vụ tai nạn, lực lượng chức năng đã phát hiện thêm 1 thi thể nam giới khoảng 30 tuổi bị vùi lấp dưới đống phân bón đổ xuống đường. Người đàn ông này đã bị văng từ trên xe khách sau cú tông. Thi thể ông nằm sát khu vực xưởng sắt gần vị trí xảy ra tai nạn. Đến tối cùng ngày, con số tử vong đã tăng lên 13 người, trong đó có tài xế xe khách. Hiện tài xế xe tải và nhiều nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
Xe khách bị tông nát bét sau vụ tai nạn rạng sáng 7/5 ở Gia Lai
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, nhiều người nhà nạn nhân vẫn chờ trước cửa để hỏi thăm thông tin về người thân. Ông Hoàng Văn Dần (56 tuổi ; ngụ xã Xuân Phụng, huyện Xuân Trung, tỉnh Nam Định) may mắn thoát nạn nhưng chẳng biết vợ mình cùng đi trên xe khách sống chết ra sao. "Có ai biết vợ tôi là bà Nguyễn Thị Sợi, 52 tuổi, quê Nam Định đang ở đâu ? Còn sống hay đã chết rồi ?" - ông Dần mếu máo, níu áo từng bác sĩ, y tá mỗi khi họ đi qua.
Ông Dần kể 2 vợ chồng ông từ Bình Phước về thăm quê Nam Định. Lúc lên xe, do khách đông, vợ ông được xếp ở hàng ghế sau ghế tài xế, còn ông nằm ở đường đi cạnh vợ. Lúc xe gặp nạn, hành khách đều đang ngủ. Ông giật mình tỉnh giấc khi nghe tiếng hét lớn, chưa kịp hiểu chuyện gì thì đã nghe nhiều tiếng gào khóc, rên rỉ… Gắng gượng bò dậy tìm xem vợ ở đâu nhưng chân ông Dần bị kẹt cứng không thể nào nhúc nhích được. Sau đó, ông được người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Đau đớn hơn là tình cảnh vợ chồng ông Nguyễn Quốc Trịnh (SN 1950) và bà Lã Thị Hoa (SN 1959 ; ngụ xã Nam Dong, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông). Chiều 6-5, bà Hoa nhận được tin mẹ ruột ở tỉnh Hà Nam hấp hối. Hai vợ chồng định mua vé máy bay để về kịp nhìn mặt mẹ nhưng không đủ tiền nên lên xe khách về quê. Chỉ sau khi xe chạy 2 giờ, bà Hoa nhận được tin mẹ mất. Vợ chồng bà tiếp tục hành trình để về chịu tang mẹ. Thế rồi, vụ tai nạn xảy ra, ông Trịnh chết tại chỗ còn bà Hoa gãy tay, chân.
Dò thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam thì ô tô khách BKS 18B-01832 còn hạn đăng kiểm đến ngày 12-3-2018. Riêng chiếc xe tải BKS 77C-13937, hệ thống đăng kiểm không tìm được thông tin về phương tiện này.
Làm rõ tài xế có sử dụng chất kích thích ?
Thượng tá Trương Đức Đương, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC 45) Công an tỉnh Gia Lai, khẳng định qua điều tra, công an xác định xe tải BKS 77C-13937 do tài xế Võ Văn Quý (SN 1990 ; trú huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) điều khiển cùng một phụ xe bốc 20 tấn phân bón từ cảng Quy Nhơn lên giao hàng tại xã Ia H’lú, huyện Chư Sê. Đến 4 giờ 16 phút, xe này qua trạm thu phí BOT tại dốc Hàm Rồng mà không mua vé.
Lúc này, xe tải chạy rất nhanh, bấm còi liên tục và vượt nhiều xe khác đi cùng chiều. Khi đến đoạn có dải phân cách cứng tại thị trấn Chư Sê, xe tải đi vào đường cấm (làn 1 chiều) và tông vào xe khách giường nằm do tài xế Nguyễn Văn Vượng (52 tuổi ; trú huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) điều khiển chở 42 người, đi ngược lại.
45 người thương vong trong vụ tai nạn thảm khốc
"Sau khi khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và các nhân chứng, công an xác định nguyên nhân là do tài xế Quý chạy quá tốc độ, đi vào đường 1 chiều gây tai nạn" - thượng tá Đương cho biết.
Trước nghi vấn về việc tài xế Quý sử dụng chất kích thích, cơ quan công an đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai làm các xét nghiệm. Kết quả là âm tính với ma túy. Hiện cơ quan chức năng tiếp tục lấy thêm mẫu xét nghiệm để cho khách quan, đồng thời làm rõ tiền sử lái xe này có sử dụng ma túy hay không.
Theo báo cáo nhanh của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thời điểm sắp xảy ra tai nạn, xe tải chạy tốc độ 103-105 km/giờ. Tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Gia Lai, ông Lê Đình Thọ đề nghị sớm làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn này. "Xét nghiệm không phát hiện có chất kích thích nhưng chạy hơn 20 km trong tình trạng như thế, còn đi vào làn đường cấm là có vấn đề" - ông Thọ nhận định, đồng thời đề nghị làm rõ hồ sơ quản lý, điều kiện con người, phương tiện...
Ông Khuất Việt Hùng yêu cầu làm rõ việc các hành khách không thắt dây an toàn trên xe nên bị văng ra nhiều. Bên cạnh đó, ông Hùng đề nghị lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm soát tốc độ xe chặt hơn nữa. "Một vụ tai nạn chấn động cả nước. Tài xế chạy quãng đường dài như thế mà không có lực lượng nào ngăn chặn, để xảy ra hậu quả nặng nề thư thế" - ông Hùng lo ngại. Ông cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải tăng cường thu thập, cung cấp kịp thời dữ liệu cho Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai xử lý.
Hoàng Thanh
Phó Thủ tướng yêu cầu giám sát thiết bị hành trình
Sáng 7-5, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (an toàn giao thông) quốc gia, đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân tử vong, thăm hỏi các nạn nhân bị thương.
Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia yêu cầu chủ tịch UBND, trưởng Ban an toàn giao thông tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh huy động những điều kiện tốt nhất về y tế để cứu chữa các nạn nhân bị thương ; thăm hỏi, hỗ trợ, động viên gia đình các nạn nhân tử vong và người bị thương trong vụ tai nạn. Khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ra vụ tai nạn. Cơ quan chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nhất là vi phạm của tài xế xe khách, xe tải.
Phó Thủ tướng đề nghị Chủ tịch UBND, trưởng Ban an toàn giao thông các tỉnh Nam Định, Bình Định chỉ đạo kiểm tra toàn diện việc thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đối với các doanh nghiệp có 2 ô tô trong vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này, xử lý nghiêm vi phạm. Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường giám sát thông tin qua thiết bị giám sát hành trình của ô tô, kịp thời cung cấp dữ liệu cho các sở Giao thông vận tải có xe vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…
Ng.Thế
Ba điểm đen trên đường Hồ Chí Minh
Ngày 7/5, ông Bùi Văn Ngọc, Chánh Văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh Đắk Lắk, cho biết trên đường Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều vị trí tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Sau khi đường Hồ Chí Minh được nâng cấp, mặt đường bằng phẳng càng khiến tài xế lưu thông tốc độ cao hơn nên rất dễ xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Mới đây, sáng 3/5, tại điểm đầu cầu Đắk R’tih, một xe container trong lúc đổ dốc đã mất lái, lật ngang giữa quốc lộ rồi trượt dài trên đường, tông trúng xe máy đang lưu thông làm người điều khiển xe này tử vong tại chỗ. Đến chiều cùng ngày, cũng tại địa điểm này, một xe tải loại nhỏ đang lưu thông thì bất ngờ mất lái, tông thẳng vào một xe tải khác và tiếp tục tông vào chiếc xe máy khiến người điều khiển xe máy và tài xế xe tải nhỏ bị thương nặng.
Đại tá Hồ Công Hoa, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đắk Nông, khẳng định hiện có 3 điểm đen trên đường Hồ Chí Minh thuộc các km 830, 852 và 887 với đoạn đường dốc, quanh co, che khuất tầm nhìn.Lái xe tải đường dài, nếu không quen đường khi đổ dốc, cứ rà thắng thì đến cuối dốc sẽ rất dễ mất thắng. "Đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra. Chúng tôi phải tăng cường lực lượng đo tốc độ vào ban đêm để hạn chế các phương tiện chạy nhanh gây tai nạn giao thông" - đại tá Hoa cho biết.
C. Nguyên
An ninh ngăn chặn Linh mục Phan Văn Lợi đi dâng lễ (RFA, 02/02/2017)
Linh mục Phan Văn Lợi tại Huế hôm nay bị lực lượng an ninh thường phục chặn không cho đi dâng lễ với một số linh mục khác trong địa phận Huế.
Linh mục Phan Văn Lợi. File photo
Bản thân linh mục Phan Văn Lợi cho biết ông tiếp tục bị ngăn chặn trở lại sau 5 ngày tết vắng mặt lực lượng an ninh canh quanh nhà ông như lâu nay, nhất là trong hai tháng vừa qua.
Khi những người không mặc sắc phục cản trở việc đi lại của ông, linh mục Phan Văn Lợi có những yêu cầu và tranh luận cùng họ như sau :
Tôi nói tôi đi làm lễ tại sao lại chặn tôi ; các anh có phải công an không ? Dĩ nhiên tôi biết họ là công an vì những tay này tôi từng thấy mặt trước đây rồi. Tôi yêu cầu đưa giấy tờ nhưng một tay ‘to xác’ nói chúng tôi đâu phải công an. Nhưng tôi nói lại các anh dù mặc thường phục nhưng là quân của thượng tá Trần Hồng Lam thuộc Công an Thừa Thiên- Huế. Ông này là sĩ quan công an lo về Công giáo tại Huế.
Theo nhận định của linh mục Phan Văn Lợi việc ông tiếp tục bị chặn có thể vì gần đây ông tiếp xúc với Đan Viện Thiên An, nơi đất đai của dòng tu này bị trưng dụng sau năm 1975 nhưng đến nay vẫn không được trả lại mà còn bị thu thêm. Bên cạnh đó nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền gồm ba linh mục tại Huế ngoài ông còn hai linh mục Nguyễn Văn Lý và Nguyễn Hữu Giải đang ở tại Tòa Giám mục nên có thể cơ quan chức năng quan ngại nhóm gặp nhau.
Linh mục Phan Văn Lợi cho rằng biện pháp ngăn chặn công dân như ông của lực lượng chức năng là vi phạm không chỉ luật pháp Việt Nam mà cả luật pháp quốc tế.
***************************
Tai nạn giao thông và đánh nhau tăng trong dịp Tết (RFA, 02/02/2017)
Giao thông tại Hà Nội chụp hôm 23/9/2015. AFP photo
Tai nạn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 tăng cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Đó là công bố do Cục Cảnh sát Giao thông thuộc Bộ Công an đưa ra hôm nay.
Thống kê trong 7 ngày nghỉ lễ tết, từ 26 tháng Giêng đến ngày một tháng 2, cho thấy có tổng cộng gần 370 vụ tai nạn giao thông trên toàn quốc, làm chết 203 người, bị thương 417 người.
Theo Cục cảnh sát giao thông, so với cùng kỳ của Tết Bính Thân 2016, tai nạn giao thông tăng 29,5% , số người chết tăng 11,5% và số người bị thương tăng 48%.
Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ công an nhận định nguyên nhân gây tai nạn giao thông chủ yếu do người điểu khiển phương tiện lưu thông sử dụng bia rượu cao, chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm.
*******************
Gói tín dụng 100 ngàn tỷ đồng cho nông nghiệp (RFA, 02/02/2017)
Nông dân với con trâu trên một cánh đồng ở miền Bắc hôm 21/10/2015. AFP photo
Tăng hỗ trợ tín dụng cho đầu tư nông nghiệp từ 60 ngàn tỷ đồng lên 100 ngàn tỷ đồng, đó là quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề ra trong ngày làm việc đầu tiên sau tết Nguyên đán.
Cổng thông tin chính phủ cho biết là thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Ngân hàng nhà nước thực hiện việc vận động các ngân hàng khác có gói tín dụng hỗ trợ cho quyết định trên.
Cũng từ nguồn tin này tường thuật lời của thủ tướng Phúc khẳng định phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thông minh, theo yêu cầu thị trường, hướng vào thị trường nội địa và xuất khẩu, đặc biệt là rau quả và chăn nuôi. Phương pháp thủ công ‘con trâu đi trước cái cày đi sau’ phải được cải thiện bằng công nghệ mới.
Bên cạnh đó, thủ tướng cũng nhấn mạnh thêm rằng bài toán nông nghiệp Việt Nam chỉ được giải quyết khi có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã chất lượng cao làm nông nghiệp.
Ông khẳng định bản thân thủ tướng chính phủ sẽ sát cánh với các ngành để giới thiệu các sản phẩm công nghệ cao, chất lượng cao, nông nghiệp sạch của Việt Nam ra thị trường thế giới.
********************
Việt Nam : Năng lượng than sẽ gây nhiều tác hại môi trường (RFI, 02/02/2017)
Một nhà máy dệt may ở Hưng Yên. Việt Nam phải gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Reuters
Việt Nam gia tăng số nhà máy điện chạy bằng than bất chấp những lời báo động về tác hại nặng nề lên môi trường. Đó là nội dung một bài viết được đăng trên trang mạng The Diplomat ngày 25/01/2017. Tác giả là ông Nguyễn Việt Phương, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình An ninh Quốc tế của Trung tâm Belfer, Trường hành chính Kennedy, Đại học Havard.
Đầu tiên, tác giả bài viết nhắc lại rằng, ngày 12/01 vừa qua, tạp chí Khoa học & Công nghệ Môi trường đã công bố một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard, tổ chức Greenpeace, và Đại học Colorado Boulder có tiêu đề "Gánh nặng bệnh tật do việc tăng lượng khí phát thải từ các nhà máy điện chạy bằng than ở Đông Nam Á".
Dựa trên các dữ liệu chính thức về các dự án nhà máy điện chạy than tương lai ở khu vực Đông Nam Á và dựa trên mô hình hóa sự di chuyển của các khối không khí, nhóm nghiên cứu đã trình bày một bức tranh ảm đạm về ô nhiễm không khí trong khu vực do khí phát thải từ các nhà máy nói trên.
Theo công trình nghiên cứu này, đến năm 2030, Việt Nam sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất trong khối ASEAN bởi tình trạng ô nhiễm do than, tính về tỷ lệ tử vong sớm do khí phát thải từ nhà máy điện chạy than, với số người chết thêm là 188,8 trên một triệu dân. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ của quốc gia bị ảnh hưởng thứ nhì, Indonesia (85,4 trên một triệu dân)
Tính tổng số, người ta ước tính rằng sẽ có thêm khoảng 20.000 ca tử vong mỗi năm vào năm 2030 tại Việt Nam do ô nhiễm than, tức là cao gấp năm lần con số đưa ra vào năm 2011 (thêm 4.252 ca tử vong). Đây là con số rất lớn nếu ta biết rằng tai nạn giao thông, vốn là nguyên nhân gây tử vong không tự nhiên hàng đầu ở Việt Nam, chỉ gây ra tỷ lệ tử vong trung bình khoảng 106 trường hợp tử vong trên một triệu người trong vòng 5 năm qua.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Phương, bên cạnh những phát hiện đáng báo động đó, thời điểm ra báo cáo của Harvard-Greenpeace-Colorado cũng đáng chú ý, bởi vì chính phủ Việt Nam vừa công bố quyết định hủy bỏ các dự án nhà máy hạt nhân với những lý do chính là không có nhu cầu và các khó khăn tài chính.
Theo lời Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, các nhà máy hạt nhân sẽ được thay thế bằng các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch than và khí tự nhiên hóa lỏng. Theo dự kiến, than sẽ thay thế thủy điện thành nguồn điện năng chính tại Việt Nam vào đầu những năm 2020, và đến năm 2030, các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than sẽ tạo ra hơn một nửa tổng lượng điện của Việt Nam.
Để trấn an công luận về các tác động có thể có của ô nhiễm than, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong buổi làm việc với Công ty Điện lực Việt Nam, đã nhấn mạnh rằng công ty này phải chú ý đến các khía cạnh môi trường của những dự án nhà máy điện mới và áp dụng những bài học rút ra từ các vụ ô nhiễm công nghiệp gần đây.
Theo tác giả bài viết, ngoài các hóa chất gây ô nhiễm biển từ công ty Đài Loan Formosa, còn phải kể đến vụ ô nhiễm không khí và ô nhiễm biển từ các nhà máy điện chạy than Vĩnh Tân, nằm không xa địa điểm trước đây được dự trù xây các nhà các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.
Các chuyên gia Việt Nam cũng đã lên tiếng quan ngại về việc nhiều nhà máy điện chạy than đã được trang bị những công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả và gây ô nhiễm của Trung Quốc, có thể là đầu tư giá rẻ trong ngắn hạn, nhưng sẽ gây tác hại rất lớn đối với cộng đồng địa phương và môi trường trong tương lai.
Với sản lượng suy giảm của thủy điện và khả năng hạn chế về năng lượng tái tạo trong một đất nước có mật độ dân số cao và mạng lưới điện đang rất "căng", chính phủ Việt Nam, mà hiện có ngân sách rất eo hẹp, thực sự không có nhiều sự lựa chọn nào khác ngoài than và khí tự nhiên cho kế hoạch phát triển năng lượng. Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, cho dù nguồn lực nhà nước có hạn chế như thế nào, cũng phải dành ưu tiên cho phúc lợi của người dân, sẽ là những người đầu tiên gánh chịu những ảnh hưởng, đã được giới nghiên cứu chứng minh, của ô nhiễm than.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Phương kết luận : "Muộn còn hơn không, như người ta vẫn nói, có lẽ đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam loại bỏ các nhà máy điện chạy than gây ô nhiễm và nghiên cứu các phương án "sạch" hơn cho sản xuất điện. phát điện. Trong số các phương án này, năng lượng hạt nhân không có khí phát thải nên được xem xét lại, mặc dù trong ngắn hạn, chưa thể quay trở lại năng lượng hạt nhân, do những yếu tố chính trị và kinh tế.
Cũng về nhà máy điện chạy bằng than ở Việt Nam, trang Forbes (forbes.com) ngày 31/01 vừa qua có đăng ý kiến của tác giả Nish Chugh.
Mở đầu bài viết, tác giả nhắc lại rằng vào năm 2011, Ngân hàng Thế giới đã dự đoán Việt Nam sẽ là một trong năm nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Sáu năm sau, Việt Nam dường như đang trên đường biến dự đoán đó thành hiện thực. Biến đổi khí hậu đã bắt đầu tác động đến nông nghiệp và môi trường của Việt Nam, vào lúc mà nước này đang phục hồi ngành than để đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao.
Tác giả bài viết lưu ý rằng, kinh tế Việt Nam trong hai thập niên qua đã tăng trung bình hàng năm 6%, cho nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên với việc nhu cầu năng lượng trong nước tăng 10% mỗi năm.
Sau khi bỏ dự án điện hạt nhân, Việt Nam đã quay trở lại với cái đã có sẳn, đó là than. Vừa miễn phí, vừa dồi dào. Thế nhưng, theo tác giả Nish Chugh, chọn các nhiên liệu hóa thạch giá rẻ sẽ gây ra những tổn hại không thể đảo ngược được trong dài hạn. Thật không may là những tác hại đó đã bắt đầu xảy ra.
Theo ước tính của Công ty Điện lực Việt Nam, tiêu thụ điện năng hàng năm của cả nước là khoảng 162 tỷ kWh. Hiện nay, Việt Nam có tới 20 nhà máy điện chạy bằng than và có kế hoạch tăng số nhà máy này lên 32 vào năm 2020 và lên 51 vào năm 2030. Điều này có nghĩa là vào năm 2020 các nhà máy than của Việt Nam sẽ sản xuất 49% sản lượng điện bằng cách đốt 63 triệu tấn than. Khi có đến 51 nhà máy hoạt động, khối lượng than được đốt sẽ lên tới 129 triệu tấn.
Theo tác giả Nish Chugh, đối với Việt Nam đó là một con dao hai lưỡi. Mặc dù việc xây dựng các nhà máy than mới có thể giúp Việt Nam xóa bỏ dần những nhà máy than không hiệu quả và gây nhiều ô nhiễm, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước với chi phí phải chăng, các chuyên gia tin rằng đó không phải là lựa chọn duy nhất.
Ngân hàng Thế giới đã xác định được một tiềm năng lớn về năng lượng gió ở khu vực phía nam các vùng miền Trung Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp thêm khoảng 513 MW. Tương tự, năng lượng mặt trời cũng có nhiều hứa hẹn tại một quốc gia có đến 2500 giờ nắng mỗi năm. Một báo cáo từ công ty tư vấn Duanne Morris nhấn mạnh là nên dùng khí thiên nhiên rẻ hơn và sạch hơn so với than cho một kết hợp năng lượng xanh hơn. Các nhà tư vấn cho rằng Việt Nam có thể tìm nguồn tài chính cho lĩnh vực năng lượng tái tạo hơn dể hơn là cho các nhà máy điện chạy than.
Tác giả Nish Chugh cũng cho rằng Việt Nam nên xem xét lại cơ cấu năng lượng của nước này trước khi quá muộn và cần phải quyết định xem chuyển sang than hiện nay để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày mai có thực sự mang tính kinh tế trong dài hạn hay không.
Thanh Phương
Tai nạn giao thông vẫn cao trong dịp Tết (RFA, 01/02/2017)
Một vụ tai nạn giao thông ở ngoại thành Hà Nội. AFP photo
Tai nạn giao thông trong những ngày đầu năm âm lịch Định Dậu được nói vẫn cao tại Việt Nam.
Ủy ban An toàn Giao thông Việt Nam cho biết nhận được báo cáo của Cục Cảnh sát Giao thông thuộc Bộ Công an tường trình trong 4 ngày tết từ mồng 1 đến mồng 4 xảy ra hơn 170 vụ tai nạn giao thông.
Số nạn nhân thiệt mạng vì tai nạn giao thông trong bốn ngày qua là 109 người và có 119 người bị thương. Ngày mồng 3 tết được nói có số người không may chết trên đường cao nhất là gần 40 người.
Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, thống kê ghi nhận tai nạn giao thông chiếm 1/3 trong số những ca cấp cứu tại các bệnh viện suốt mấy ngày nghỉ tết âm lịch vừa qua.
Thống kê cho thấy tại Việt Nam trong gần 18.500 bệnh nhân tai nạn giao thông, có gần 67% người điều khiển phương tiện với hơn độ cồn trong máu cao ; gần phân nửa vẫn tham gia giao thông hai giờ sau khi uống rượu bia.
Hơn 77% nam giới tại Việt Nam sử dụng rượu bia. Đây là con số được nói cao nhất thế giới, gấp hai lần mức trung bình.
Bộ Y tế Việt Nam cũng báo cáo chỉ trong 3 ngày gồm ngày 30 tết và mồng một, mồng hai năm mới Đinh Dậu các bệnh viện trên toàn quốc tiếp nhận hơn 2200 người bị thương do đánh nhau gây nên. Trong số này có 14 người thiệt mạng.
Năm ngoái cũng theo ghi nhận của Bộ Y Tế Việt Nam thì chỉ có hơn 1 ngàn vụ đánh nhau nhân dịp tết.
******************
Hà Nội kỷ niệm 228 năm chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa (RFA, 01/02/2017)
Lễ kỷ niệm lần thứ 228 năm chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa hôm 1/2/2017. Photo courtesy of vtv.vn
Lễ kỷ niệm lần thứ 228 năm chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa diễn ra hôm nay tại Gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Mồng 5 tết hằng năm là ngày kỷ niệm Vua Quang Trung dẫn đầu đoàn quân gồm các tướng lĩnh đất Việt, nghĩa quân Tây Sơn cùng nhiều binh lính khác đánh tan hơn 29 vạn quân Mãn Thanh sang xâm chiếm Việt Nam.
Ngoài Gò Đống Đa, Hà Nội tại quê hương vị anh hùng áo vải Quang Trung, Nguyễn Huệ ở Tây Sơn, tỉnh Bình Định lễ hội kỷ niệm chiến thắng quân Thanh cũng được tổ chức với những nghi lễ cổ truyền, biểu diễn võ thuật, trống trận Tây Sơn…
Trong những năm gần đây, Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động nhằm đơn phương lấn chiếm các đảo ở khu vực Biển Đông. Một số người dân trong nước tại Hà Nội, Sài Gòn tiến hành biểu tình chống hành động gây hấn của Trung Quốc nhưng bị lực lượng chức năng giải tán.
*********************
Freedom House : Việt Nam vẫn chưa có tự do (RFA, 01/02/2017)
Sơ đồ phúc trình về tự do toàn cầu với 195 quốc gia trên thế giới.
Feedom House, một tổ chức giám sát độc lập ở Hoa Kỳ công bố phúc trình về tự do toàn cầu với 195 quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam vẫn giữ nguyên vị trí một nước không có tự do và không có dấu hiệu cải thiện.
Trong số 195 quốc gia trên thế giới, 87 nước được công nhận là có tự do, 59 nước chỉ phần nào có tự do, 49 nước còn lại hoàn toàn không được tự do về nhiều mặt, trong đó Việt Nam là một.
Đó là phần mở đầu phúc trình lần thứ 11 về tự do toàn cầu 2017 của Freedom House, tổ chức chuyên theo dõi và đánh giá mức độ tự do dân chủ của người dân tại từng quốc gia thuộc từng khu vực trên thế giới.
Trong phúc trình về tự do toàn cầu 2017, Freedom House sử dụng sơ đồ màu xanh lá cho những nước thực sự có tự do, màu vàng dành cho những nước phần nào có tự do, màu tím là những nước không có tự do. Năm nay, Việt Nam vẫn nằm trong khung màu tím.
Bà Sarah Repucci, giám đốc chuyên trách xuất bản toàn cầu của Freedom House, nói rằng tổ chức tiếp tục đặt Việt Nam vào tư thế một quốc gia thiếu tự do :
Chúng tôi nhận thấy năm nay Việt Nam chẳng có thay đổi nào đáng kể so với năm ngoái, nhiều người đối lập vẫn bị bắt giữ, tiếng nói của các xã hội dân sự hay của những nhà hoạt động độc lập bị dập tắt.
Đã có lúc chúng tôi cảm thấy phần khởi thấy một vài cá nhân hoặc thành viên các tổ chức dân sự độc lập ở Việt Nam gọi là được phép tự ra ứng cử vào quốc hội. Đáng tiếc là chưa đủ để có thể tin rằng đó là sự thay đổi tích cực và đó là Việt Nam muốn chấp nhận có sự đối lập về chính trị.
Theo đánh giá của Freedom House trong phúc trình về tự do toàn cầu 2017, 3 lãnh vực quan trọng nhất mà Việt Nam thiếu hẳn là tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin, tự do mạng. Sơ đổ về tự do toàn cầu của Freedom House năm 2017 cho thấy trong số 39 quốc gia thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam ở nhóm 20% những nước đang theo đuổi chính sách kiểm soát và chi phối mọi quyền tự do căn bản của công dân. Bà Sarah Repucci :
Freedom House chưa bao giờ nhận được sự phản hồi từ phía Việt Nam, đối với những phúc trình thường niên mà tổ chức thực hiện hàng năm. Có vẻ như chính phủ Việt Nam không thực sự quan tâm một cách nghiêm túc đến những báo cáo như thế này và cũng không muốn cải thiện để trở thành một thể chế thông thoáng hơn.
Những điểm chính cần nhấn mạnh là qua đại hội đảng lần thứ XII cho đến bầu cử quốc hội thì rõ ràng Việt Nam đã và vẫn muốn giữ nguyên trạng một nhà nước toàn trị, người dân không được thông báo trước điều gì và cũng không có cơ hội được tham gia vào những sinh hoạt chính trị vốn đã rất giới hạn.
Điểm thứ nhì là đã có những cuộc biểu tình lớn ở Việt Nam hồi năm ngoái, chứng tỏ người dân mong muốn nói ra những suy nghĩ của họ và mong muốn được quyền tự do bày tỏ những suy nghĩ đó.
Việt Nam thường tuyên bố mình là một quốc gia tự do, dân chủ nhưng để trở thành một nước dân chủ đích thực thì Việt Nam phải tôn trọng và thực thi quyền tự do bày tỏ chính kiến, tự do truy cập mạng để trao đổi tin tức, tự do báo chí để người dân biết những điều gì đang xảy ra trên đất nước của mìn. Đó là kết luận của Freedom House.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
Hoa hậu Hoàn vũ đăng quang với trang phục được thiết kế từ Việt Nam (RFA, 30/01/2017)
Hoa hậu Pháp, cô Iris Mittenaere, đăng quang ngôi vị hoa hậu hoàn vũ 2016 tại Mall of Asia Arena, Manila ngày 30 tháng 1 năm 2017 với trang phục được thiết kế bởi Hoàng Hải. AFP photo
Hoa hậu Pháp, cô Iris Mittenaere, đăng quang ngôi vị hoa hậu hoàn vũ 2016 hôm nay với chiếc áo dạ hội tuyệt đẹp mặc đêm chung kết của nhà thiết kế Hoàng Hải người Việt Nam.
Nhà thiết kế Hoàng Hải đã chọn cho cô Iris Mittenaere chiếc áo dạ hội gợi cảm với màu sắc rực rỡ nhưng trang nhã. Tổng cộng cô hoa hậu này đã được Hoàng Hải thiết kế cho tất cả 5 bộ áo dạ hội trong cuộc thi vừa qua.
Đây là niềm tự hào cho một nhà thiết kế người Việt như Hoàng Hải khi được người đẹp nhất nước Pháp chọn làm người chăm sóc những bộ cánh lộng lẫy và sang trọng làm tôn vinh vẻ đẹp của cô trong cuộc thi Miss Universe Hoa Hậu Hoàn Vũ 2016.
Chiến thắng của tân hoa hậu hoàn vũ Iris Mittenaere cho thấy giới thiết kế Việt Nam nay có cơ hội chen chân cùng xã hội thời trang cao cấp ở Paris để chứng tỏ khả năng tinh tế của mình.
**************************
Nhà thiết kế Hoàng Hải chia sẻ về chiếc đầm của tân Hoa hậu Hoàn vũ (Đầu Báo, 30/01/2017)
Nhà thiết kế Việt Nam Hoàng Hải, chính là người sáng tạo nên chiếc đầm lấp lánh Hoa hậu Iris Mittenaere mặc ở khoảnh khắc đăng quang.
Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2016 diễn ra vào sáng 30/1 tại Philippines (theo giờ Việt Nam) với chiến thắng thuộc về người đẹp Pháp - Iris Mittenaere. Trong phần thi đầm dạ hội, Iris Mittenaere diện trang phục của nhà thiết kế Hoàng Hải. Bộ váy ánh kim ôm sát giúp tôn vinh những đường cong gợi cảm của người đẹp sinh năm 1993.
Chia sẻ với Zing.vn, nhà thiết kế Hoàng Hải cho biết anh thiết kế cho Iris Mittenaere 4 chiếc váy dạ hội, nhưng không biết trước cô sẽ mặc trong đêm thi nào. Vì vậy, anh rất bất ngờ khi thấy trang phục của mình xuất hiện trên sân khấu chung kết và ở một trong những phần thi quan trọng nhất.
Hoa hậu Hoàn vũ mặc váy của Nhà thiết kế Hoàng Hải ở khoảnh khắc đăng quang. Ảnh : Getty.
"Khi thấy cô ấy mặc váy của mình ở đêm thi bán kết, tôi đã rất vui. Tôi không ngờ hoa hậu Pháp tiếp tục chọn một bộ đầm khác để xuất hiện trong đêm chung kết. Bạn biết đấy Pháp là cường quốc thời trang với biết bao thương hiệu cao cấp. Nhưng cuối cùng họ lại chọn nhà thiết kế Việt. Tôi sướng muốn điên lên!".
Cũng theo tiết lộ của Hoàng Hải, đây là bộ đầm anh tâm huyết nhất và được đầu tư lớn nhất. Trang phục được sử dụng vải lưới tuyn cao cấp nhập từ Italy, đính kết pha lê Schwarovski thủ công với chi phí lên đến 10.000 USD (khoảng 227 triệu đồng). Để hoàn thành sản phẩm, 20 thợ thủ công làm việc cật lực suốt một tháng.
Nhà thiết kế 8X chia sẻ thực sự anh chưa định giá được chiếc váy này, nhưng rất có thể anh sẽ tặng nó cho đương kim Hoa hậu Hoàn vũ Iris Mittenaere. Bởi việc nó được xuất hiện trên sân khấu đấu trường sắc đẹp lớn, trước hàng triệu khán giả trên khắp thế giới đã là một thành công ngoài sức tưởng tượng.
Nói về cơ duyên gặp gỡ và trở thành nhà thiết kế váy dạ hội cho Iris Mittenaere, Hoàng Hải tâm sự anh có "duyên nợ" với nước Pháp. Mọi chuyện cứ diễn ra tự nhiên sau lần anh mời Hoa hậu Flora Coquerel tham gia show thời trang Ngôn ngữ hoa hồi tháng 5/2016.
Nhà thiết kế Hoàng Hải và Hoa hậu Iris Mittenaere. Ảnh : NVCC .
"Khoảng tháng 6 năm ngoái, tôi sang Pháp để mời Flora Coquerel chụp bộ sưu tập tại Italy. Tôi có cuộc gặp và nói chuyện với Chủ tịch tổ chức Hoa hậu Pháp. Bà ngỏ ý mời tôi thiết kế váy cho Iris Mittenaere thi Hoa hậu Hoàn vũ sau khi cô ấy mặc đồ của tôi và ghi hình cho một kênh truyền hình Pháp. Khi nhận lời, tôi áp lực khủng khiếp vì ai cũng biết Pháp là kinh đô thời trang lớn".
Đến tháng 12, Hoàng Hải hoàn thành các sản phẩm và mang váy sang Pháp cho người đẹp thử. Buổi thử đồ chỉ có hai mẹ con Iris Mittenaere. Mẫu thiết kế cô thử đầu tiên chính là chiếc váy mặc ở khoảnh khắc đăng quang.
Anh kể lúc đó hai mẹ con đều trầm trồ vì chiếc váy vừa như in, tôn vinh vòng eo thon gọn của Iris. Nhà thiết kế còn đùa hoa hậu Pháp rằng nếu cô mặc bộ đầm này chắc chắn thế nào cũng đăng quang.
Hoàng Hải cho biết thêm có thể anh sẽ đồng hành cùng đương kim Hoa hậu Hoàn vũ trong những sự kiện sắp tới của cô. Hiện, anh vẫn chưa liên hệ lại với BTC Hoa hậu Pháp.
********************
Hơn 100 người chết do tai nạn giao thông trong dịp Tết (RFA, 30/01/2017)
Một người bị tai nạn giao thông đang được chăm sóc tại bệnh viện. Ảnh minh họa. AFP photo
Tai nạn xe cộ tăng trong dịp nghỉ Tết với 118 người chết trong vòng 5 ngày qua.
Báo cáo từ Cục Cảnh Sát Giao Thông thuộc Bộ Công An cho thấy 23 người tử vong trong ngày mồng Một Tết . Riêng ngày hôm nay, mùng 3 Tết, 60 vụ tai nạn xảy ra khiến 38 người chết, 69 người bị thương. Đây là ngày có số vụ tai nạn và có số người chết cao nhất tính từ ngày đầu của Tết Nguyên Đán.
Tin nói nếu so với cùng thời gian này năm ngoái thì số vụ tai nạn không thay đổi. Tính chung toàn quốc đã có tất cả 192 vụ tai nạn, 118 người thiết mạng và trên 190 người bị thương. Chuyện đáng nói là số vụ tai nạn cũng như số người chết hôm sau cao hơn hôm trước, nguyên nhân là vì say rượu, coi thường luật và không đội nón bảo hiểm.
************************
Học viên cai nghiện lại trốn trại (RFA, 30/01/2017)
Hàng trăm cảnh sát cơ động hôm 6/11 được huy động để buộc khoảng 60 học viên cai nghiện bỏ trốn trở về trại cai nghiện ở Đồng Nai. AFP photo
Hơn 100 người nghiện trốn khỏi một trung tâm cai nghiện ở tỉnh Long An chiếu ngày 29 vừa qua, tức mồng 2 Tết Âm Lịch.
Tin được phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Long An xác nhận sáng hôm nay, ngày mồng 3 Tết. Ông Lê Tấn Dũng, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Long An, cho hay chiều mồng 2 Tết cả trăm học viên tại trung tâm cai nghiện bắt đầu la hết đạp phá đồ đạc trong trung tâm trước khi cùng nhau chạy thoát khỏi nơi này.
Nhiều người tìm cách trốn trong ruộng hay trong rừng qua đêm, nhưng đến sáng mồng 3 Tết thì khoảng 74 người đã bị bắt lại và đưa trở về trại cai nghiện. Hiện công an cảnh sát địa phương đang truy lùng số người còn lại.
Tin học viên cai nghiện trốn trại cũng được báo về cho thân nhân gia đình của họ, ông Lê Tấn Dũng cho biết.
Đây là vụ mới nhất năm 2017 về học viên cai nghiện trốn trại, sau khi đã xảy ra nhiều vụ tương tự năm 2016 khiến dư luận đặt vấn đề về cung cách quản lý và đối xử với học viên tại các trung tâm cai nghiện trong nước.
Vụ tai nạn giao thông do chiếc ô tô mất lái tông vào một nhà dân ven đường ở TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi ngày 1/1 làm 1 người bị thương - Ảnh : Tử Trực
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết trong 3 ngày nghỉ Tết, từ ngày 27 đến 29/1 (30 tháng Chạp đến mùng 2 Tết), cả nước xảy ra 109 vụ tai nạn giao thông), làm chết 64 người, bị thương 112 người.
Riêng mùng 2 Tết, xảy ra 42 vụ tai nạn giao thông làm chết 25 người, bị thương 36 người. Đường sắt, đường thủy không xảy ra tai nạn giao thông.
Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết so với cùng thời điểm năm ngoái, số vụ tai nạn giao thông tăng 5 vụ (tăng 4,8 %), số người chết không tăng, số người bị thương tăng 14 (14,2%).
Cũng trong 3 ngày nghỉ Tết vừa qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 5.079 trường hợp vi phạm trật tự An toàn giao thông, xử phạt hành chính 1,87 tỉ đồng, tạm giữ 10 ô tô, 1.546 mô tô, tước 248 giấy phép lái xe các loại
Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết thêm trong 3 ngày qua, đường dây nóng của cơ quan này tiếp nhận 70 cuộc gọi và tin nhắn của người dân. Nội dung phản ánh chủ yếu về tình trạng tự ý tăng giá vé, phụ thu cao hơn quy định, nhồi nhét khách...
Trong những ngày qua cũng xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ, tình trạng thu tiền trông giữ xe cao quá quy định tại các khu vực đền chùa, kinh doanh dịch vụ, nhất là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Văn Duẩn
********************
Tai nạn giao thông tăng dần trong ngày Tết.
Như vậy, trong bốn ngày nghỉ Tết Nguyên đán (từ 26/1 đến 29/1) cả nước đã xảy ra 132 vụ tai nạn giao thông, làm chết 80 người và 128 người bị thương. tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra trên đường bộ với 128 vụ làm 77 người chết, 126 người bị thương. Đường sắt xảy ra 4 vụ làm 3 người chết, 2 người bị thương ; đường thủy nội địa không xảy ra vụ tai nạn giao thông nào.
Tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và số người chết từ ngày mồng 1 và 2 Tết. Một phần cũng do tâm lý ngày xuân, người tham gia giao thông dễ cho mình sự tùy tiện vi phạm luật giao thông và cho rằng Cảnh sát giao thông không phạt trong những ngày Tết.
Thêm vào đó, ý thức về việc "uống có trách nhiệm" vẫn chưa được nâng lên, nhiều người vẫn điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia, cũng làm tình hình trật tự an toàn giao thông ngày xuân thêm phức tạp. Một số thanh niên cũng lấy ngày Tết là thời điểm "xả hơi" để tụ tập khuya, tham gia giao thông không an toàn, không đội mũ bảo hiểm. Điển hình là vụ tai nạn giao thông xảy ra rạng sáng ngày 29/1 tại ngã tư phố Hai Bà Trưng và Ngô Quyền (Hà Nội) giữa một xe mô tô chở ba thanh niên không đội mũ bảo hiểm với xe ô tô biển số 29C-914.04, làm cả ba đều thương tích nặng.
Cũng trong 4 ngày nghỉ Tết, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã tiến hành kiểm tra, xử lý hơn 7.600 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 4 tỷ 400 triệu đồng, tạm giữ 1.530 phương tiện các loại, tước 539 giấy phép lái xe. Trên đường thủy, lực lượng Cảnh sát đường thủy kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa với 776 tường hợp, nộp Kho bạc nhà nước 283 triệu đồng.
V.T
**************************
Tai nạn giao thông gia tăng dịp Tết. Ảnh : Lê Trai
Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (An toàn giao thông) Quốc gia, cho biết trong ngày 28/1 (mùng 1 Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017), toàn quốc xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông (tai nạn giao thông), làm chết 23 người, 32 bị thương. Tất cả đều là tai nạn giao thông đường bộ. Đường sắt và đường thủy không xảy ra tai nạn.
Về công tác xử lý vi phạm Luật Giao thông đường bộ, báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ toàn quốc đã tập trung xử lý 1.388 trường hợp, tổng số tiền nộp Kho bạc Nhà nước 370 triệu đồng, tạm giữ 4 xe ô tô, 469 xe mô tô và tước 68 giấy phép lái xe. Cũng trong ngày, cảnh sát giao thông đường thuỷ toàn quốc xử lý 2 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước 2 triệu đồng.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Thái, trong ngày đầu tiên của năm mới, số cuộc gọi và tin nhắn đến số điện thoại đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia giảm đáng kể so với những ngày trước. Cụ thể, chỉ có 16 cuộc gọi và tin nhắn của người dân phản ánh đến đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Nội dung các cuộc gọi phản ánh chủ yếu về tình trạng tự ý tăng giá vé và tình hình trật tự An toàn giao thông tại một số khu vực.
"Sau khi nhận được điện thoại trên đường dây nóng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý triệt để nội dung các thông tin được phản ánh"- ông Thái cho hay.
Cũng theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, từ chiều ngày 27/1 (30 Tết) đến sáng ngày 28/1 (mùng 1 Tết) tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết các tuyến phố mật độ phương tiện khá thấp, giao thông thông suốt, đường phố vắng lặng, yên bình.
Đêm giao thừa ngày 27/1 (30 Tết), tại Hà Nội hàng vạn người dân đổ về hồ Hoàn Kiếm và Nhà Hát lớn để đón giao thừa.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, người dân cũng đổ về phố đi bộ Nguyễn Huệ để đón chào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Lực lượng Công an Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã bố trí lực lượng để phân luồng giao thông, chống ùn tắc trước và sau khi người dân đón giao thừa, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn.
Văn Duẩn
*********************
23 người chết trong ngày mùng một Tết vì tai nạn giao thông (RFA, 29/01/2017)
Người đi xe hai bánh lấn sang đường dành cho xe bốn bánh. Ảnh chụp tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 29/3/2016. AFP photo
Tai nạn giao thông vẫn làm thiệt mạng nhiều người trong ngày Tết.
Có đến 23 người chết, 32 người bị thương trong ngày mùng một Tết Đinh dậu.
Trước đó, vào ngày 29 Tết, có 15 người thiệt mạng trên toàn quốc.
Tai nạn giao thông luôn là một vấn đề làm đau đầu các cơ quan chức năng Việt Nam trong những ngày Tết truyền thống, vì lượng người đi lại trên các quốc lộ tăng cao, và vẫn còn có các nhiều phương tiện giao thông cũ kỹ.
Tin báo chí Việt Nam loan đi ngày hôm nay cũng cho biết là nhiều con đường ở thủ đô Hà Nội bị kẹt cứng vì số lượng người đi chơi xuân ở các ngôi chùa trung tâm thành phố quá lớn. Trong khi đó thì tại miền Nam báo Tuổi trẻ cho hay là đã xảy ra một vụ kẹt xe kéo dài nhiều tiếng đồng hồ trên vài cây số tại cầu Rạch Miễu, trên tuyến quốc lộ nối hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang, nguyên nhân cũng là do số lượng người đi du xuân quá đông đúc.
***************************
ên cạnh những chỉ đạo nêu trên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia còn yêu cầu năm 2017 phải Xử lý dứt điểm các điểm đen về an toàn giao thông với tinh thần "Tính mạng con người là trên hết".
Cảnh sát giao thông Đội 1 Hà Nội bắt giữ xe thương binh chở hàng cồng kềnh trên đường Yên Phụ. Ảnh : Doãn Tấn
Theo Thông báo 36/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, năm An toàn giao thông 2017 có chủ đề "Xây dựng văn hoá giao thông trong Thanh, Thiếu niên" với tinh thần "Tính mạng con người là trên hết".
Mục tiêu cụ thể trong Năm An toàn giao thông 2017 là : Giảm tai nạn giao thông từ 5% - 10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2016 ; giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và trên các tuyến quốc lộ, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút ; nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, trọng tâm năm 2017 cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, trong đó cần phải nghiên cứu sửa đổi Luật giao thông đường bộ, xây dựng các quy định pháp luật về thống kê an toàn giao thông ; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu lực của thực thi công vụ trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó chú trọng các khâu : quản lý vận tải ; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe ; đăng kiểm phương tiện ; tuần tra, kiểm soát.
Bên cạnh đó, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông xây dựng văn hoá giao thông tới khu dân cư, mọi người dân, mọi cơ quan, tổ chức, trường học ; đặc biệt là Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí xây dựng chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện chủ đề "Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên", giảm thiểu tai nạn giao thôngliên quan đến thanh, thiếu niên.
* Xử lý dứt điểm các điểm đen về an toàn giao thông
Hiện trường một vụ tai nạn trên đường Lê Duẩn. Ảnh : Tiến Hiếu
Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường bảo đảm an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, tập trung nguồn lực trung ương, địa phương và xã hội hóa để ưu tiên xử lý dứt điểm các điểm đen về an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và tại các giao cắt giữa đường phụ ra đường chính, các điểm đường ngang qua đường sắt, các điểm tiềm ẩn tai nạn trên đường thuỷ trong năm 2017 ; nghiên cứu làm rõ mối quan hệ giữa chất lượng công tác đào tạo sát hạch cấp phép lái xe, bất cập về tổ chức giao thông, bảo trì kết cấu hạ tầng với tai nạn giao thông để có giải pháp phù hợp. Tổ chức đường dây nóng và hộp thư điện tử để thu nhận phản hồi của người dân về trật tự, an toàn giao thông.
Đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải nhằm nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá cước vận tải đường thuỷ, đường sắt, hàng hải, hàng không để giảm mức phụ thuộc của hàng hoá và hành khách vào vận tải đường bộ ; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh ; vận tải hành khách công cộng.
Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, tuần tra, kiểm soát ; xử lý nghiêm minh, cương quyết các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông như lái xe quá tốc độ cho phép ; lái xe khi đã uống rượu, bia ; xe khách đón, trả khách trái phép trên đường cao tốc ; chở quá tải trọng phương tiện ; tăng cường quản lý nhà nước với bến bãi, nhà xe chủ phương tiện ; đảm bảo người điều khiển phương tiện phải có đủ bằng cấp, năng lực và phẩm chất đạo đức tốt ; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp thực thi công vụ nhưng vi phạm các quy định và đạo đức nghề nghiệp.
* Giải pháp đồng bộ phòng, chống ùn tắc giao thông
Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh ; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, các tuyến đường sắt trên cao, tàu điện ngầm ; có giải pháp khẩn cấp xử lý các nút giao, đoạn đường thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng ; xây dựng quy định bảo đảm sự phù hợp giữa quy hoạch phát triển đô thị và năng lực kết cấu hạ tầng giao thông ; tiếp tục hoàn thiện tổ chức giao thông cho tuyến xe buýt nhanh (BRT) Hà Nội, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về chen lấn làn đường.
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và giao thông thông minh nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là trong công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải, cảnh báo, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm ; công tác thống kê, quản trị dữ liệu, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ ; xác định nguyên nhân tai nạn giao thông, ứng phó sự cố ; khuyến khích sử dụng vận tải công cộng và vận tải phi cơ giới, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
* Bảo đảm an toàn giao thông dịp Tết và mùa Lễ hội
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 2239/CĐ-TTg ngày 13 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội xuân năm 2017, đặc biệt là bảo đảm chất lượng dịch vụ vận tải khách ; điều tiết, chống ùn tắc giao thông và kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Theo chinhphu.vn
Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia thống kê, trong 3 ngày nghỉ tết dương lịch 2017 (từ 31/12/2017 đến 2/1/2017), toàn quốc xảy ra 93 vụ tai nạn, làm chết 79 người, làm bị thương 54 người. Trên 90% tai nạn xảy ra trên đường bộ.
Hiện trường vụ ôtô tông 8 xe máy tại ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - Lê Văn Lương (quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh).Ảnh : Sơn Hòa
Trong ngày đầu và ngày cuối của kỳ nghỉ, nhiều tuyến đường vành đai và cửa ngõ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bị quá tải như tuyến Pháp Vân – Cầu Ghẽ ; đường dẫn vào cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất…
Lưu lượng phương tiện tăng đột biến theo hướng Hà Nội – Ninh Bình và ngược lại. Một số tài xế ý thức kém dẫn đến va chạm giao thông trên tuyến này.
Uỷ ban An toàn giao thông đánh giá, trong kỳ nghỉ lễ tình hình giao thông trên toàn quốc được duy trì ổn định, an toàn, thông suốt, không xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan xe khách, không xảy ra ùn tắc kéo dài.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng tăng giá vé, ôtô chở vượt số người quy định trên một số tuyến và tình trạng ùn ứ cục bộ tại một số nút giao thông quan trọng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông, công an các địa phương đã kiểm tra, xử lý gần 9.600 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông với số tiền phạt trên 8 tỷ đồng. Gần 80 ôtô, 1.200 môtô bị tạm giữ, trên 520 người bị tước giấy phép lái xe.
Phương Sơn