Simularity nói báo cáo về Trung Quốc xả thải tại Trường Sa có cơ sở
RFA, 16/07/2021
Công ty phân tích hình ảnh không gian địa lý Simularity, trụ sở tại Mỹ, hôm 15 tháng 7 khẳng định báo cáo của công ty rằng tàu Trung Quốc trong nhiều năm đã xả chất thải xuống các vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa là hoàn toàn có cơ sở. Báo cáo của Similarity dựa trên bằng chứng từ ảnh vệ tinh.
Khoảng 220 tàu cá Trung Quốc neo đậu ở khu vực Đá Ba Đầu trong tháng 3/2021 nơi Việt Nam và Philippines cùng tuyên bố chủ quyền - Cảnh sát biển Philippines/AP
BenarNews đưa tin hôm 15 tháng 7, dẫn phát biểu của bà Liz Derr, Giám đốc công ty Simularity, đưa ra cùng ngày tại một hội thảo trực tuyến với báo chí Philippines.
Simularity đã phân tích ảnh vệ tinh trong năm năm và phát hiện nồng độ chất diệp lục (chlorophyll-a) cao xung quanh hàng trăm con tàu neo đậu tại các dải san hô của cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa. Chất diệp lục và tảo sinh ra khi nước thải xả ra tích tụ lại và khi tích tụ xung quanh các tàu thì chỉ có một kết luận về nguồn gốc của nó, bà Liz Derr lập luận.
Quan chức Bắc Kinh đã bác bỏ báo cáo của Simularity. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói báo cáo này là một trò hề.
*********************
Thụy My, RFI, 14/07/2021
Tiếp theo cảnh báo của một cựu thuyền trưởng Mỹ rằng hàng tháng các tàu cá Trung Quốc ở Đá Ba Đầu xả 1.000 tấn nước thải ra Biển Đông, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm nay 14/07/2021 dẫn thông tin từ công ty Simularity khẳng định việc xả thải này làm hủy hoại các rạn san hô. Hậu quả có thể nhìn thấy được từ các hình ảnh vệ tinh.
Tuần duyền Philippines giám sát tàu cá Trung Quốc ở Đá Ba Đầu, Trường Sa. Ảnh chụp ngày 15/04/2021. © Philippine Coast Guard/Handout via Reuters
Công ty Mỹ chuyên phân tích hình ảnh vệ tinh đã theo dõi trên 200 tàu đánh cá Trung Quốc tập trung từ nhiều tháng qua tại Đá Ba Đầu, thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, mà Việt Nam và Philippines đều đòi hỏi chủ quyền.
Hồi tháng Tư, cựu thuyền trưởng Mỹ Carl Schuster nay là giáo sư đại học Pacific ở Hawai tố cáo trên 200 tàu cá Trung Quốc ở Đá Ba Đầu xả 1.000 tấn nước thải hàng tháng, gây tác hại lâu dài.
Bà Liz Derr, tổng giám đốc Simularity trong cuộc hội thảo qua mạng do công ty tư vấn Stratbase ADR ở Manila tổ chức hôm thứ Hai 12/07 khẳng định, nước thải từ đoàn tàu cá Trung Quốc hủy hoại các rạn san hô và hệ sinh thái biển. Khi các tàu này không di chuyển, chất thải càng dồn lại, các vi tảo còn gọi là tảo đơn bào phiêu sinh nhanh chóng sinh sôi nảy nở, và có thể nhìn thấy qua vệ tinh nhờ các vi tảo này chứa vi khuẩn có sắc tố.
Để chứng tỏ những thay đổi tai hại từ tảo phiêu sinh, bà Derr so sánh với các hình ảnh từ năm địa điểm khác là Cụm Sinh Tồn (Union Bank), Đá Gạc Ma (Johnson South), Đá Len Đao (Landsdowne), Đá An Bình (Ross) và Đá Cô Lin (Collins). Ảnh vệ tinh thu thập vào ngày 14/05/2016 cho thấy rất ít tảo, và ngày 17/06/2021 khi 236 tàu cá Trung Quốc nằm bất động tại Đá Ba Đầu thì vi tảo lan tràn.
Bà Derr báo động các hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra, vì tất cả các dạng sinh thái biển đều có tương quan với nhau. Trên Biển Đông, cá bột chủ yếu sống tại các rạn san hô, và nguồn cá này cung cấp lượng protein chính của 85% cư dân ven biển.
Hôm qua bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố nếu cáo buộc trên được xác nhận sẽ chứng tỏ cách hành xử vô trách nhiệm của Trung Quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên các chuyên gia cảnh báo tác hại của nước thải lên các rạn san hô. Trong một nghiên cứu mang tên "Phân tích xuyên biên giới về Biển Đông" do Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc công bố năm 2000, chuyên gia Liana Talaue-McManus lên tiếng báo động nạn ô nhiễm đang đe dọa an ninh lương thực của bảy quốc gia ven biển là Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Cam Bốt.
Thụy My
Cựu bộ trưởng Son khai vụ Mobifone mua AVG là làm theo tinh thần chỉ đạo của thủ tướng (RFA, 18/12/2019)
Cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son vào chiều ngày 18/12 khai trước tòa ông cho thực hiện thương vụ Mobifone mua AVG là theo tinh thần chỉ đạo của thủ tướng chính phủ. Người đứng đầu chính phủ lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Ảnh minh họa : Ông Nguyễn Bắc Son (trái) và ông Nguyễn Xuân Phúc chụp ngày 21/3/2016 AFP
Truyền thông trong nước vào ngày 18/12 tường thuật rõ là dù bị mất ngủ vào đêm hôm trước, song tại tòa vào chiều ngày 18/12, ông Nguyễn Bắc Son khai báo khá rành mạch về vai trò của ông là người đứng đầu Bộ Thông tin và truyền thông, đơn vị chủ quản của Mobifone mua AVG.
Theo lời khai của ông Nguyễn Bắc Son thì vào ngày 14/12 năm 2015, Bộ Thông tin và truyền thông nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của thủ tướng chấp nhận chủ trương cho Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG).
Ông Nguyễn Bắc Son thừa nhận vai trò người đứng đầu khi bút phê vào tất cả các văn bản giao cho cấp dưới để hoàn thành thương vụ.
Trước tòa vào chiều ngày 18/12, ông Nguyễn Bắc Son cũng nói rằng ông đã xin ý kiến nhiều nơi trong thương vụ Mobifone mua AVG. Ông Son khẳng định đã giao cho người phó là thứ trưởng bộ Thông tin và truyền thông lúc bấy giờ, ông Trương Minh Tuấn, cùng thực hiện dự án và đã thực hiện công việc mua bán một cách thận trọng, có báo cáo chính phủ.
Ông Nguyễn Bắc Son cũng nhận tội và không cần luật sư bào chữa.
****************
Nhiều công ty bình phong được người nước ngoài lập để sản xuất ma túy ở Việt Nam (RFA, 18/12/2019)
Cục Cảnh sát Điều tra về tội phạm ma túy thuộc Bộ Công an Việt Nam thừa nhận lâu nay có nhiều người nước ngoài lập công ty bình phong để sản xuất ma túy ở Việt Nam.
Ảnh minh họa : một máy dập thuốc lắc bị bắt ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1/6/2017 - AFP
Thông tin vừa nêu được đưa ra vào ngày 17 tháng 12 tại Hội nghị Song phương Việt Nam- Trung Quốc lần thứ 8 về hợp tác phòng chống, trấn áp tội phạm ma túy giữa hai nước láng giềng này với nhau.
Theo đánh giá của lực lượng chức năng, nhiều người Trung Quốc, Đài Loan móc nối với các đối tượng trong nước lập ra các công ty, doanh nghiệp ‘bình phong’ nhằm ngụy trang cho hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn.
Tình trạng tội phạm ma túy có liên quan đến người nước ngoài ở Việt Nam được nhận định diễn ra phức tạp, đặc biệt ở khu vực phía nam. Đơn cử vào ngày 6 tháng 8 vừa qua, Cục Cảnh sát Điều tra về tội phạm ma túy Việt Nam phối hợp cùng phía Trung Quốc phá xưởng sản xuất chất ma túy lớn do người Trung Quốc cầm đầu tại xã Dak Hà, huyện Dak Hà, tỉnh Kon Tum.
Trong vụ này phía Việt Nam bắt giữ 7 nghi can quốc tịch Trung Quốc, phía Trung Quốc bắt giữ 18 nghi can liên quan.
Trên tuyến biên giới phía bắc qua 7 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, Điện Biên, Lai Châu ; lực lượng chức năng hai phía báo cáo phát hiện và bắt giữ hơn 2.100 vụ buôn lậu ma túy với gần 3.600 đối tượng. Số ma túy bị tịch thu gồm trên 345 kilogram heroin, hơn 20 kilogram thuốc phiện, hơn 79 kilogram cây thuốc hiện, hơn 86 kilogram ma túy tổng hợp, hơn 38 ngàn viên ma túy tổng hợp…
Việc vận chuyển ma túy từ khu vực Tam giác vàng qua Lào, Campuchia vào Việt Nam rồi đưa sang Trung Quốc tiêu thụ cũng gia tăng trong thời gian qua.
****************
Trục xuất 42 tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam (RFA, 18/12/2019)
Tổng cục Thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vào hôm 18/12 báo cáo Chính phủ về việc triển khai thực hiện chỉ thị tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó có việc trục xuất 42 tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng biển của Việt Nam.
Tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc. (Ảnh minh họa) - AFP
Theo Cục Kiểm Ngư Việt Nam 42 tàu cá Trung Quốc vi phạm vì không có giấy tờ, không có nhật ký khai thác thủy sản, không có giấy phép khai thác mà đã vào khai thác tại vùng đánh cá chung ở phía Tây đường phân định, xâm phạm vào vùng biển của Việt Nam. Các tàu cá này là các tàu lưới kéo và đa số là tàu vỏ sắt, công suất lớn, không có số hiệu và không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra, cắt lưới bỏ chạy sang khu vực phía Đông đường phân định. Do đó, cục kiểm ngư đã lập biên bản và tiến hành trục xuất 42 tàu cá Trung Quốc như vừa nêu.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, từ đầu năm 2019 đến nay Cục Kiểm ngư đã tổ chức 20 đợt tuần tra, kiểm tra các hoạt động thủy sản, huy động 44 lượt tàu kiểm ngư với hơn 420 ngày bám biển.
Cục Kiểm ngư Việt Nam đã lập biên bản và xử lý hành chính hoạt động thủy sản đối với hơn 200 trường hợp và thu về ngân sách với số tiền hơn 634 triệu đồng, phạt cảnh cáo 254 tàu vi phạm và tiến hành trục xuất 42 tàu cá Trung Quốc vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam như vừa nêu.
Cũng theo Cục Kiểm ngư thì các lỗi mà tàu cá Việt Nam thường vi phạm là không mang theo hoặc không có đầy đủ các loại giấy tờ, chứng chỉ theo quy định, không đánh dấu nhận biết tàu cá hoặc đánh dấu sai quy định, không có hoặc không mang theo đầy đủ phao cứu sinh, hệ thống thông tin liên lạc theo quy định. Hoặc giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật quá hạn khi hoạt động khai thác thủy sản và nhiều vi phạm khác.
*******************
Thủy điện thiếu nước, cán bộ trục lợi (RFA, 18/12/2019)
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tính đến ngày 16/12, tổng lượng nước trong các hồ thủy điện trên toàn quốc đang bị thiếu hụt khoảng 11 tỷ m3, chiếm khoảng 1/3 lượng khi mức nước các hồ dâng bình thường.
Thủy điện Sơn La của Việt Nam AFP
Truyền thông trong nước loan tin hôm 18/12 cho biết với lượng nước thủy điện là khoảng 24 tỷ m3 hiện có, EVN quy ra lượng điện có thể sản xuất là khoảng 10 tỷ kWH và lượng thiếu hụt là gần 5 tỷ kWh.
Số liệu của EVN cho thấy lượng điện do các hồ thủy điện miền Bắc có thể sản xuất đang thiếu hụt khoảng 3,2 tỷ kWh, miền Trung hụt hơn 1,2 tỷ kWh và miền Nam là 0,45 tỷ kWh.
Nguyên nhân của tình trạng này được Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia nói vì ảnh hưởng biến đổi khí hậu dù lưu vực có hồ thủy điện trên cả nước đã chuyển sang vận hành mùa khô. Theo đó, cùng với sự thiếu hụt nguồn nước trong mùa lũ, tuần suất nước về các hồ chứa vẫn tiếp tục yếu kém.
EVN nói đã huy động sản xuất điện từ các nguồn điện than, khí ngay trong mùa lũ, khai thác cao nguồn điện chạy dầu,… để tích lũy nước các hồ thủy điện nhưng việc tích nước lên mức bình thường là không thể đạt được.
Cũng liên quan đến tình trạng thiếu hụt nước thủy điện, một số cán bộ đã lợi dụng để trục lợi và bị đưa ra xét xử thời gian qua.
Mạng báo Pháp luật ngày 18/12 loan tin hôm 6/12, Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tiến hành xét xử sơ thẩm và tuyên ông Đỗ Hồng Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Giám đốc Công ty Khai thác công trình Thủy lợi Nam Khánh Hòa, 17 năm tù và 10 cán bộ liên quan từ 2 năm đến 16 năm tù giam vì tội danh ‘tham ô tài sản’.
Theo cáo trạng, trong hai năm 2014, 2015, các bị cáo đã lợi dụng chủ trương bổ sung kinh phí khắc phục hậu quả hạn hán, phục vụ tưới tiêu thủy lợi chống hạn để lập các hồ sơ khống nhằm chiếm ngân sách Nhà nước.
Các cán bộ của công ty Nam Khánh Hòa bị xác định thông đồng, ký khống các biên bản nghiệm thu, quyết toán các công trình thủy lợi để chiếm đoạt hơn 30 tỷ đồng tiền ngân sách.
*****************
Hà Nội : Không đun than tổ ong, đốt rơm rạ để giảm ô nhiễm không khí (RFA, 18/12/2019)
Truyền thông trong nước trích dẫn thông tin của Sở Tài nguyên và môi trường vào ngày 18/12. Theo đó, những nguyên nhân được Sở Tài nguyên và môi trường đưa ra gồm sự gia tăng của phương tiện giao thông, đặc biệt là phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải ; các hộ kinh doanh dịch vụ đun bếp than tổ ong ; đốt rác tự phát ; các công trình xây dựng cuối năm tăng nhiều ; đối củi trong sinh hoạt... cũng là nguồn phát thải các chất ô nhiễm...
Hà Nội sẽ cấm dùng than tổ ong và đốt rơm rạ trên đồng ruộng để giảm ô nhiễm không khí trong thời gian tới - VnMedia -RFA edited
Riêng nguyên nhân ô nhiễm không khí Hà Nội có liên quan đến các nhà máy nhiệt điện than của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thì trong ngày 18/12, EVN lên tiếng phản bác cho rằng thông tin này là không chính xác.
EVN khẳng định các nhà máy nhiệt điện của EVN đều đã trang bị hệ thống quan trắc tự động 24/24, và các thông số ô nhiễm trong khí thải, nước thải đều được truyền gửi online cho các Sở Tài nguyên và môi trường theo dõi. Và, những kết quả trong thời gian qua không có dấu hiệu tăng nồng độ bụi phát thải.
Để xử lý ô nhiễm không khí nghiêm trọng như thế, Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội cho biết Hà Nội đang đẩy mạnh việc cơ giới hóa công tác vệ sinh môi trường và kêu gọi đầu tư các dự án đốt rác phát điện ; triển khai tách nước thải, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước tại các ao hồ đồng thời trồng thêm cây xanh. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ hạn chế và tiến tới không đun than tổ ong, đốt rơm rạ trên đồng ruộng...
Hôm 14/12, Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trong các ngày 10 đến 13 tháng 12, chỉ số chất lượng không khí (AIQ) tại Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu. Giá trị trung bình 24 giờ của bụi mịn PM 2.5 trong nhiều ngày vượt mức cho phép.
Tổng cục Môi trường hôm đó ra khuyến cáo "Mọi người, kể cả học sinh, nên hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi PM 2.5 khi đi ra đường".
Bộ Y Tế cũng có hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí.
Theo hướng dẫn này, người dân được khuyên thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống, hạn chế ra khỏi nhà.
Bộ Y Tế cũng khuyên người dân nên dùng khẩu trang, vệ sinh mũi, súc họng, tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt là các gia đình ở gần đường giao thông.
Mỹ đã nghĩ đến việc đưa pháo tới Philippines răn đe Trung Quốc (RFI, 03/04/2019)
Theo tiết lộ của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 02/04/2019, Washington và Manila, gần đây, đã bàn bạc về khả năng Mỹ cho triển khai tại Philippines một loại pháo phản lực được nâng cấp để răn đe Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông.
Pháo HIMARS của quân đội Hoa Kỳ(@wikipedia.org)
Theo tờ báo, đây là loại pháo phản lực cơ động cao gọi là tắt là HIMARS, nếu được triển khai ở Philippines, sẽ đặt các đảo nhân tạo mà Trung Quốc kiểm soát ở vùng Trường Sa (Biển Đông) trong tầm ngắm.
Chuyên gia an ninh hàng hải tại Singapore Collin Koh Swee Lean cho rằng nếu được bố trí ở tỉnh Palawan của Philippines, tầm bắn của dàn pháo HIMARS có thể bao trùm một khu vực rộng lớn ở Biển Đông, kể cả các đảo nhân tạo Trung Quốc đã quân sự hóa ở Trường Sa.
Một số chuyên gia quân sự, được South China Morning Post trích dẫn, cho biết là hai bên đã có thảo luận, nhưng đàm phán thất bại vì hệ thống HIMARS quá đắt so với ngân sách quân sự hạn hẹp của Philippines.
Thông tin về ý định của Mỹ liên quan đến hệ thống pháo phản lực HIMARS được đưa ra sau khi Trung Tâm về Một Nền An Ninh Mới của Mỹ CNAS công bố một bản báo cáo (ngày 21/03), kêu gọi Lầu Năm Góc triển khai hệ thống này tới các nước Đông Nam Á, nhằm thể hiện sự linh hoạt và đa dạng trong chiến lược cho quân đội Mỹ luân phiên hiện diện tại khu vực
Nhật báo Hồng Kông tiết lộ rằng bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana trong cuộc gặp quyền bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Patrick Shanahan ở Washington hôm 01/04, đã khẳng định trở lại quan hệ "đồng minh bền vững" giữa hai nước, nhất trí tăng cường năng lực tương tác giữa hai quân đội. Mỹ cũng xác định tiếp tục ủng hộ quá trình hiện đại hóa lực lượng võ trang Philippines.
Trọng Nghĩa
********************
Mỹ-Philippines thảo luận triển khai tên lửa Biển Đông ngừa Trung Quốc (VOA, 03/04/2019)
Hoa Kỳ và Philippines đang thảo luận về việc đặt một hệ thống tên lửa được nâng cấp ở Biển Đông để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực tranh chấp, tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) cho biết hôm 3/4.
Hệ thống pháo phản lực HIMARS của Mỹ được đưa ra trong cuộc tập trận chung "Balikatan 2016" giữa Mỹ và Philippines vào ngày 14/4/2016 ở Philippines.
Hệ thống rocket của Lockheed Martin có khả năng phóng các tên lửa dẫn đường tầm xa chính xác, có thể tấn công bất kỳ sự hiện diện nào của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, một chuyên gia nói với SCMP.
Theo lời các chuyên gia an ninh khu vực nói với SCMP, mặc dù Washington và Manila đang hợp tác để ngăn chặn đà "quân sự hóa" ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trên các đảo ở Biển Đông, nhưng hai bên đã không thể kết thúc được thỏa thuận vì Hệ thống pháo phản lực HIMARS có thể quá đắt đỏ đối với ngân sách của Manila.
Bộ quốc phòng Philippines đã được phân bổ ngân sách 3,6 tỷ đôla cho năm 2019, tăng 34% so với năm trước, nhưng vẫn không là gì so với ngân sách quốc phòng khổng lồ năm 2019 của Mỹ là 686 tỷ đôla.
Tiết lộ trên được đưa ra sau khi một nhóm chuyên gia về quốc phòng có ảnh hưởng thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) ở Washington cảnh báo trong một báo cáo mới rằng các hoạt động "tự do hàng hải" của Hoa Kỳ đã thất bại trong việc đối phó với Bắc Kinh ở Biển Đông .
Trung Quốc đã cài đặt các hệ thống tên lửa chống hạm địa đối không trên 3 đảo nhân tạo ở Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn trong chuỗi đảo Trường Sa, tạo ra một rào cản tiềm năng cho quân đội Hoa Kỳ trong khu vực tranh chấp. Trong các cuộc đàm phán an ninh và ngoại giao cấp cao vào tháng 11, Bắc Kinh đã bác bỏ yêu cầu của Mỹ đòi phải gỡ bỏ các tên lửa này.
Báo cáo được công bố vào ngày 21/3 của CNAS thúc giục Hoa Kỳ phải triển khai hệ thống HIMARS ở các nước Đông Nam Á để "chứng minh tính linh hoạt và khả biến trong hiện diện quân sự luân phiên của Mỹ".
Hệ thống tên lửa đã được thử nghiệm lần đầu tiên trong cuộc tập trận quân sự chung hàng năm của Mỹ và Philippines có tên Balikatan vào năm 2016.
Năm ngoái, Trung tướng Kenneth McKenzie, Giám đốc Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ từng cảnh báo rằng Hoa Kỳ có khả năng thổi bay các đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Hôm 1/4, Lầu Năm Góc cũng lên tiếng đảm bảo "liên minh bền vững" giữa Mỹ và Philippines, và đồng ý về nhu cầu "tăng khả năng tương tác" giữa hai quân đội.
Hồi tháng Hai, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào nhắm vào máy bay hay tàu của Philippines ở Biển Đông đều sẽ nhận phản ứng từ Mỹ.
"Việc xây đảo và các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa chủ quyền, an ninh và sinh kế của Philippines, cũng như của Hoa Kỳ", ông Pompeo nói trong cuộc họp báo chung ở Manila vào tháng Hai.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã và đang tăng dần sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, một trong những thủy lộ bận rộn nhất trên thế giới. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Bắc Kinh đã khai phá hơn 2.900 mẫu đất kể từ năm 2013.
Các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy hoạt động ngày càng tăng trên một số đảo đá ở quần đảo Trường Sa, bao gồm việc xây dựng các sân bay trực thăng, phi đạo và các cấu trúc radar, theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ.
Hôm 1/4, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết họ gửi kháng thư để phản đối sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc ở gần đảo Thị Tứ mà Manila tuyên bố chủ quyền.
********************
Biển Đông : Philippines phản đối Trung Quốc đưa nhiều tàu áp sát đảo Thị Tứ (RFI, 01/04/2019)
Trả lời báo chí, người phát ngôn phủ tổng thống Philippines hôm 01/04/2019, cho biết chính quyền Philippines sẽ có công hàm phản đối Trung Quốc đưa nhiều tàu đến sát khu vực đảo Thị Tứ (Pag-asa Island), như thông báo của quân đội Philippines mới đây.
Ảnh vệ tinh chụh ngày 13/08/2017 cho thấy nhiều tàu cá Trung Quốc (số màu đỏ) và ít nhất 2 tàu "chấp pháp" Trung Quốc (số màu vàng), sát đảo Thị Tứ (Trường Sa) ở Biển Đông.AMTI - CSIS
Báo Philippines Philstar cho hay, người phát ngôn phủ tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo, khẳng định bộ Ngoại Giao sẽ có phản đối chính thức gửi đến Bắc Kinh, thể theo yêu cầu của bộ Tư lệnh miền Tây quân đội Philippines. Người phát ngôn phủ tổng thống Philippines cho biết sẽ nêu vấn đề này trong cuộc gặp với đại sứ Trung Quốc tại phủ tổng thống chiều hôm nay.
Thứ Sáu tuần trước, 29/03/2019, báo chí Philippines loan tải thông tin từ báo cáo của quân đội, theo đó tổng cộng hơn 600 tàu thuyền Trung Quốc đã áp sát, "bao vây" đảo Thị Tứ, một trong các thực thể địa lý lớn nhất của quần đảo Trường Sa, do Manila kiểm soát, kể từ đầu năm đến nay.
ABS-CBN News cho biết cụ thể là thời gian tàu Trung Quốc có mặt đông đảo nhất là vào ngày 10/02/2019, khi quân đội Philippines vận chuyển các phương tiện đến đảo Thị Tứ để chuẩn bị cho một số công trình xây dựng, tôn tạo, trong đó một đường băng máy bay trên đảo này.
Theo trung tá Elpidio Factor, một sĩ quan bộ Tư lệnh miền Tây, các tàu Trung Quốc thuộc lực lượng dân quân biển - thường được tuần duyên hỗ trợ - đã áp rất gần đảo Thị Tứ, sát với khu vực bãi cát bao quanh hòn đảo. Cùng với đảo Thị Tứ, thuyền Trung Quốc cũng "bao vây" hai đảo Kota (đá Loại Ta/Loaita Island) và Panata (đảo An Nhơn/Lankiam Cay), do Philippines kiểm soát.
Trả ABS-CBN, giáo sư Jay Batonbacal, giám đốc Viện An ninh Hàng hải và Luật Biển thuộc Đại học Philippines College of Law, nhận định là Trung Quốc có khả năng sẽ sử dụng biện pháp dùng tàu dân sự lấn dần, dễ gây mất cảnh giác này, để xâm nhập vào các nhiều khu vực mà họ vốn không có cơ hội xâm nhập trước đó. Có thể bây giờ đã đến giai đoạn họ trực tiếp tiếp cận với khu vực đất liền của các đảo.
Trọng Thành
********************
Philippines đã gửi công hàm phản đối sự hiện diện của hơn 200 tàu thuyền của Trung Quốc gần một hòn đảo Manila kiểm soát ở Biển Đông.
Reuters đưa tin, dẫn phát ngôn viên của tổng thống Salvador Panelo cho biết hôm 1/4.
Ông cho hay rằng các tàu hiện diện gần đảo Thị Thứ hiện nằm dưới quyền kiểm soát của Philippines, nhưng không miêu tả các tàu thuyền đó.
Đại sứ Trung Quốc nói rằng đó là các tàu đánh bắt cá. Theo Reuters, chưa rõ Philippines gửi công hàm phản đối khi nào.
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Zhao Jianhua nói với các phóng viên rằng cả ngư dân Philippines và Trung Quốc đều hiện diện tại khu vực tranh chấp.
Ông cũng bác bỏ các tin tức nói rằng các ngư dân Trung Quốc có mang theo vũ khí.
Ông cũng nói tiếp rằng Bắc Kinh và Manila đang xử lý các vấn đề liên quan tới hàng hải thông qua các kênh ngoại giao.
Theo Reuters, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte theo đuổi mối quan hệ nồng ấm với Trung Quốc kể từ khi nhậm chức năm 2016 để đổi lấy hàng tỷ đôla đầu tư và các khoản vay.
**********************
Tàu hải quân Ấn Độ lại cập cảng Tiên Sa (VOA, 02/04/2019)
Tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ hôm 1/4 đã cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, trong bối cảnh Việt Nam và Ấn Độ ngày càng tăng cường hợp tác quốc phòng và hàng hải.
Tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, từ 1/4 và sẽ có cuộc tập trận chung với hải quân Việt Nam trước khi rời đi ngày 4/4. (Ảnh chụp màn hình Tiền Phong)
Báo điện tử Đảng Cộng Sản cho biết tàu tuần tra ICGS VIJIT số hiệu 31 do thuyền trưởng đại tá T Ashish chỉ huy đang có chuyến thăm hữu nghị Đà Nẵng trong 4 bốn ngày với kế hoạch tập trận cùng hải quân Việt Nam trên Biển Đông. Hãng tin Reuters cũng xác nhận tin này.
Trước khi rời đi vào ngày 4/4, cảnh sát biển Việt Nam và lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ sẽ có buổi diễn tập tìm kiếm và cứu hộ trên biển.
Theo Dân Trí, chuyến thăm lần này của tàu VIJIT nhằm "thúc đẩy hợp tác hàng hải giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ" và "đóng góp tích cực vào an ninh và ổn định trong khu vực và thế giới".
Tháng 5/2018, ba tàu của hải quân của Ấn Độ cũng đã cập cảng Tiên Sa trong chuyến thăm 5 ngày như một phần của việc triển khai hoạt động của hạm đội tàu phía Đông của nước này tới các khu vực Đông Nam Á và Tây Bắc Thái Bình Dương, theo The Hindu.
Tờ nhật báo của Ấn Độ nói rằng hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ và Việt Nam đang phát triển mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh hàng hải.
Vào tháng 1 năm ngoái, lần đầu tiên quân đội của hai nước đã cùng tập trận xong phương ở Jabalpur, cho thấy mối quan hệ quốc phòng của nước này với khu vực ngày càng sâu đậm hơn, vẫn theo The Hindu.
Vào tháng 10 năm ngoái, tàu Cảnh sát biển Việt Nam CBS 8001 cũng có chuyến thăm tới Ấn Độ trong 5 ngày, theo Dân Trí. Đó là lần đầu tiên một tàu Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện chuyến thăm bên ngoài khu vực láng giềng.
Dân Trí nhận định Ấn Độ và Việt Nam có sự đồng thuận trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế.
Báo Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng cả hai quốc gia cam kết xây dựng một khu vực Châu Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng, dựa trên sự tôn trọng chủ quyền quốc gia và luật pháp quốc tế cũng như tự do hàng hải, hàng không và hoạt động thương mại không bị cản trở.
Bộ Giao thông và vận tải đã chính thức cam kết sẽ bỏ hai chữ "thu giá" tại các trạm thu phí cho những công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT (1).
Người dân đổ ra đường sau khi thủ tướng tuyên bố tạm ngưng ... thu giá, BOT Cai Lậy.
Cơ quan quản lý, điều hành lĩnh vực Giao thông và vận tải "cúi đầu nhận tội" không phải do chỉ đạo từ Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, cũng không do yêu cầu của lãnh đạo nhà nước, đòi hỏi từ Quốc hội hay thúc ép của chính phủ mà từ nhân tâm và dân ý.
Thông qua mạng xã hội và cả báo chí, thường dân thuộc đủ mọi giới đã thẳng thắn chỉ ra cho Bộ Giao thông và vận tải thấy rằng "vải thưa không che được mắt Thánh", trí trá trong hành xử và vận dụng ngôn từ đã hết thời.
Ông Nguyễn Văn Thể và các viên chức hũu trách trong Bộ Giao thông và vận tải, kể cả các đại biểu đang nắm giữ những vai trò chủ chốt tại Quốc hội như ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân nguyện,… đã được hàng triệu thường dân xúm vào, cùng dạy một bài rằng "miệng nhà quan", cho dù "có gang, có thép" thì thép hay gang cũng sẽ bị thịnh nộ nấu chảy.
***
Tuần trước, các đại biểu Quốc hội khóa 14 lại dắt nhau vào 22 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội để họp. Giống như vô số kỳ họp trước đó, kỳ họp lần thứ năm này của Quốc hội khóa 14 lại cung cấp hàng loạt đề tài cho dân… chửi.
Đề tài đầu tiên hâm nóng dư luận do ông Nguyễn Mạnh Tiến cung hiến. Ông Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, lãnh búa rìu dư luận ngay sau khi đưa ra nhận định rằng, hệ thống công quyền tại Việt Nam thu thuế đã chưa hết, lại còn chưa kỹ, bằng chứng là để sót những người bán trà đá, loại hình kinh doanh có tỉ suất lợi nhuận từ 5.000% đến 7.000% - cao nhất trên thế giới nhưng không phải đóng đồng nào cho ngân sách (2).
Cũng đã có cả triệu thường dân xúm vào dạy ông Tiến. Trong số này có những thường dân như Đinh Thế Hiển (3). Đọc những gì Hiển bày ra, thường dân thuộc giới bình dân, tham gia dạy dỗ ông Tiến theo kiểu… bình dân, sẽ có thêm "đạn" loại… sang để "bắn" ông Tiến. Dường như ông Tiến – người sở hữu văn bằng Thạc sĩ Luật, học vị Tiến sĩ kinh tế - đã vớ được "tỉ suất lợi nhuận" ở đâu đó rồi nuốt vội, nuốt vàng, nhai không kỹ thành ra khi đi vào trong ông, "tỉ suất lợi nhuận" không… tiêu và ông mắc… nạn.
***
Tuần trước còn có chuyện ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế (CIEM), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Việt Nam, ví von, chẳng lẽ ông phải làm biển "Tôi là người" rồi đeo vào cổ mỗi khi ra đường để không bị các cơ quan hữu trách xử phạt.
Ông Cung ví von như thế vì dẫu chính phủ Việt Nam liên tục thề thốt về việc cải thiện môi trường kinh doanh nhưng đến giờ này, Bộ Giao thông và vận tải vẫn buộc chủ các xe vận tải phải dán phù hiệu "xe tải" lên kính ở buồng lái. Không có phù hiệu "xe tải", tùy theo trọng tải, chủ xe vận tải sẽ bị phạt từ ba đến bảy triệu đồng/lần còn tài xế sẽ bị tạm giữ bằng lái tới 60 ngày.
Một điểm đáng nói khác là phù hiệu "xe tải" thuộc loại không dễ có. Không chịu chi từ bốn đến năm triệu đồng cho những cá nhân chuyên "chạy" phù hiệu mà tự làm thủ tục để xin thì cầm chắc phải phủ bạt cho xe nghỉ ngơi hai tháng (4) !
Ví von như ông Cung cũng là một cách dạy. Ông Cung là một trong những người lên tiếng dạy dỗ các viên chức hữu trách thường xuyên. Cách ông lựa chọn để truyền đạt nội dung nhằm đả thông tư tưởng của đối tượng thường rất dung dị nhưng tiếc là viên chức hữu trách nhiều ngành ở đủ mọi cấp vẫn còn… lơ mơ song chưa có bao nhiêu người giúp ông làm phụ đạo !
***
Tuần trước còn có Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam thông qua báo giới, khẳng định với dân chúng Việt Nam rằng : Quan hệ đối ngoại về quốc phòng, kể cả liên quan đến hoạt động trên biển đảo đều rất tốt.
Hàng loạt những diễn biến đáng ngại cho chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông (Ngư dân Việt bị rượt, bị đuổi khỏi các "ngư trường truyền thống" bằng đủ mọi cách, húc cho hư tàu, đâm cho chìm tàu, tịch thu ngư cụ, hải sản – thành quả lao động, bị đấm đá, bị bắn. Repsol ngưng thăm dò – khai thác dầu khí ở mỏ Cá Rồng Đỏ. Trung Quốc lại ra lệnh cấm đánh cá tại Biển Đông, điều động các oanh tạc cơ chiến lược đến những phi trường xây dựng trên các thực thể đã cưỡng chiếm của Việt Nam tại Biển Đông…) không làm ông tướng ba sao này âu lo vì "hoạt động tuần tra chung, giao lưu hải quân, cảnh sát biển Việt Nam với các nước hiện nay chúng ta làm rất tốt, tạo được hòa bình để phát triển kinh tế" và "mối quan hệ hài hòa đó giúp đất nước phát triển tốt".
Đối với sự kiện tàu đánh cá của Trung Quốc vào sâu trong hải phận Việt Nam để đánh cá, thậm chí thả lưới ở vị trí cách bờ biển Đà Nẵng chỉ 30 hải lý, ông tướng hiện là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng : Ngư dân của mình nếu qua nước bạn thì phải xử lý nghiêm túc. Ngư dân của nước bạn vào vùng lãnh thổ của mình cũng phải giáo dục, tuyên truyền và các lực lượng chức năng như cảnh sát biển, thực thi pháp luật phải cương quyết, thực hiện chức năng bảo vệ pháp lý của mình !
Tướng Nghĩa trấn an rằng : Chúng ta đấu tranh bằng tất cả các giải pháp từ chính trị, ngoại giao, xây dựng, bảo vệ thực địa, đặc biệt là việc tổ chức giáo dục tuyên truyền để nhân dân, bạn bè quốc tế hiểu hơn về chủ quyền của mình đối với vùng Biển Đông. Việc này rất rõ theo đúng quy định quốc tế và chúng ta yên tâm (5).
Bạn có yên tâm không ? Nếu không, sao không dạy ông Nghĩa như đã từng dạy ông Thể.
***
Nhiều người cho rằng càng ngày càng nhiều viên chức trong hệ thống công quyền Việt Nam làm những việc mà thiên hạ không thể nhắm mắt làm ngơ, tuyên bố những điều mà nghe xong không thể im lặng. Xét cho đến cùng thì tại Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có bao giờ thiếu những chuyện "chướng tai, gai mắt". Ngày hôm nay chỉ khác ngày hôm qua ở chỗ bạn có cơ hội để thấy nhiều hơn, nghe nhiều hơn và có phương tiện để nói cho họ biết điều bạn nghĩ. Đó là cách duy nhất để dạy họ đừng chủ quan. Hệ thống trường chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam, nơi đào tạo những cá nhân được lựa chọn để "ăn trên, ngồi chốc" không dạy họ nghiêm cẩn, trung thực, tôn trọng chủ của mình, xử sự có trách nhiệm cả trong lời nói lẫn việc làm, tại sao bạn không dạy họ ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 30/05/2018
Chú thích :
(1) http://infonet.vn/bo-gtvt-se-sua-ten-goi-tram-thu-gia-post263558.info
(2) https://thanhnien.vn/toi-viet/chao-buoi-sang/thue-voi-toi-nguoi-ban-tra-da-967152.html
(3) https://www.facebook.com/dinhthe.hien.121/posts/2140884926144396
Theo tin từ trong nước, hôm 3/3, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình đã "tổ chức truy đuổi, vây bắt" 2 tàu cá của Trung Quốc xâm phạm vùng biên Việt Nam và đã "tổ chức phóng thích" 2 tàu này và "xua đuổi" chiếc tàu thứ ba ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Theo VnExpress, sau khi nhận được tin báo có một tốp tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt thủy sản trái phép ở vùng biển cách cửa Gianh khoảng 40 cây số, bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình đã đưa 2 tàu và 16 cán bộ "xuất kích", "đẩy đuổi" các tàu cá.
Lực lượng biên phòng đã bắt được 2 chiếc tàu và 9 ngư dân Trung Quốc. Sau khi kiểm tra, lập biên bản vi phạm, lực lượng chức năng của Việt Nam đã phóng thích các tàu này và "xua đuổi" tàu cá còn lại ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc gần đây ra thông báo chính thức cấm đánh bắt cá trong thời gian từ ngày 1/5 đến 16/8 ở Biển Đông, bao gồm một số khu vực Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Trả lời báo giới hôm 28/2, người phát ngôn Lê Hải Bình của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói "Quyết định đơn phương này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa" và "Việt Nam kiên quyết và bác bỏ Quy chế này của phía Trung Quốc".
Hôm 1/3, Hội nghề cá Việt Nam cũng có văn bản chính thức phản đối lệnh cấm của Trung Quốc. Tổ chức này nói quy định của Trung Quốc "càng khiến tình hình Biển Đông trở nên phức tạp và căng thẳng, gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân Việt Nam".
Đây không phải là lần đầu Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông. Từ năm 1999, Bắc Kinh đã ban hành lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm đối với cả ngư dân Trung Quốc lẫn ngư dân nước ngoài. Ngoài việc lên tiếng phản đối, Việt Nam trong những năm qua vẫn chưa có biện pháp nào để chống lại lệnh cấm này một cách hữu hiệu. Nhiều ngư dân Việt Nam đã bị các lực lượng chức năng của Trung Quốc bắt giữ và tịch thu tàu cá, bắt đóng các khoản tiền phạt lên đến hàng trăm triệu đồng.
*******************
Việt Nam điều thêm tàu kiểm ngư bảo vệ ngư dân (RFA, 03/03/2017)
Tàu kiểm ngư Việt Nam. Courtesy LĐ
Nhiều tàu kiểm ngư Việt Nam sẽ được tập trung tại những khu vực biển mà Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt trong khoảng thời gian từ đầu tháng 5 cho đến giữa tháng 8 tại Biển Đông.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam cho biết mục tiêu của biện pháp đưa thêm tàu kiểm ngư đến khu vực chỉ định nhằm để bảo vệ và hổ trợ cho ngư dân Việt Nam.
Trong cuộc họp báo diễn ra vào sáng ngày 3 tháng 3 ở Hà Nội, đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, ông Vũ Duyên Hải, phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế thuộc Tổng Cục Thủy sản lặp lại quan điểm của chính quyền Hà Nội là quyết định đơn phương từ phía Trung Quốc cấm không cho đánh bắt hải sản tại Biển Đông đưa ra hôm 27 tháng 2 là vô lý, vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các qui định quốc tế.
Theo ông Vũ Duyên Hải, hành động của Trung Quốc làm cho tình hình tranh chấp tại Biển Đông tiếp tục trở nên phức tạp và căng thẳng, gây khó khăn cho việc khai thác hải sản tại các ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam.
Trước hành động phi lý của Trung Quốc, ngoài việc lên tiếng phản đối cơ quan chức năng Việt Nam huy động lực lượng kiểm ngư cũng như khuyến cáo ngư dân nên đi đánh bắt theo tổ đội, thường xuyên trao đổi thông tin với nhau và liên lạc với lực lượng kiểm ngư để được hổ trợ.
Lực lượng Hải đội 2 thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình vào ngày 2 tháng 3 phát hiện và truy đuổi 3 tàu Trung Quốc xâm nhập đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Việt Nam.
Tin cho biết vào ngày 2 tháng 3 Trạm radar 535 Hải Quân thông báo ở khu vực 17 độ 55 vĩ độ bắt, 106 đô 50 kinh độ đông, cách Cửa Gianh khoảng 24 hải lý về phía Đông- Đông Bắc, cách đường giới hạn phía Tây vùng đánh cá chung khoảng 13 hải lý có một tốp tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng biển Việt Nam.
Lực lượng Hải đội 2 thuộc Bộ Chỉ Huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh Quảng Bình cử 2 tàu cùng 16 cán bộ, chiến sĩ xuất phát làm nhiệm vụ. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ, lực lượng này đã vây bắt được 2 tàu cá và 9 ngư dân Trung Quốc.
Tin cho biết phía Việt Nam tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm vùng biển, cảnh báo và tổ chức phóng thích hai chiếc tàu bị bắt. Lực lượng biên phòng Việt Nam tiếp tục xua đuổi chiếc còn lại ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Cũng tin liên quan, ngành du lịch Hoa Lục vừa cho một tàu du lịch xuất phát đến quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Trung Quốc cưỡng chiếm hoàn toàn từ Việt Nam Cộng Hòa cách đây hơn 40 năm.
Tân hoa xã loan tin tàu du lịch có tên Trường Lạc Công Chúa vào ngày 2 tháng 3 bắt đầu chuyến đi từ thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam. Trên tàu có hơn 300 hành khách tham gia tuyến du lịch sinh thái bốn ngày ba đêm đến 4 đảo thuộc nhóm Lưỡi Liềm thuộc Hoàng Sa.
Đây là chuyến hành trình đầu tiên nằm trong chương trình của Tập đoàn Vận tải Eo biển Hài Nam mở vào năm 2013. Chiếc tàu Trường Lạc Công Chúa của Tập đoàn này có vốn đầu tư 230 triệu nhân dân tệ. Tàu có sức chứa gần 500 người. Tàu dài 126 mét, rộng 20 mét và cao hơn 7 mét, lượng giãn nước hơn 12 ngàn tấn.
Vào tháng 6 năm ngoái, Trung Quốc cũng tiết lộ kế hoạch xây dựng những khách sạn, biệt thự và cửa hàng mua sắm trên nhóm đảo Lưỡi Liềm ; bên cạnh đó là những dự án du lịch nghỉ dưỡng sang trọng tại các đảo chiếm đóng ở Biển Đông.
**********************
Tàu đánh cá Trung Quốc vào sâu biển Việt Nam được thả (BBC, 03/03/2017)
Tàu đánh cá Trung Quốc (ảnh minh họa)
Hải đội 2 Biên phòng Quảng Bình hôm 3/3 đã phóng thích hai tàu cùng chín ngư dân Trung Quốc ra vùng hải phận quốc tế.
Hai tàu này bị lực lượng biên phòng Quảng Bình truy đuổi và vây bắt hôm 2/3 khi vào đánh bắt cá sâu trong vùng biển Việt Nam ngày 2/3, truyền thông trong nước đưa tin.
Sự việc xảy ra chỉ ít ngày sau khi Trung Quốc hôm 27/2 công bố việc cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ 12h ngày 1/5 đến 16/8 trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến vịnh Bắc Bộ và "giao tuyến hải vực Mẫn Áo", là diện tích bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định "Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quy chế này của phía Trung Quốc".
Ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng vụ Khoa học Công Nghệ và Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nói Bộ sẽ "chỉ đạo lực lượng kiểm ngư tập trung nhiều tàu kiểm ngư vào khu vực cấm biển để bảo vệ và hỗ trợ ngư dân sản xuất đánh bắt hải sản", trang Dân Việt đưa tin ngày 3/3.
Chi cục Thủy sản Nghệ An, thuộc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An, đã ra công văn hôm 28/2 chỉ đạo chính quyền các cấp thông báo cho ngư dân "nắm rõ Lệnh cấm khai thác hải sản của Trung Quốc". Công văn này cũng cảnh báo ngư dân "không khai thác qua phía đông đường phân định tại Vịnh Bắc Bộ và không vượt qua các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên các vùng biển".
Văn bản của Chi cục Thủy sản Nghệ An về lệnh cấm bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông ngày 28/2
Bắt giữ tàu đánh cá Trung Quốc
Có ba tàu đánh cá Trung Quốc bị radar của Hải quân Việt Nam phát hiện đã vào sâu trong vùng biển Việt Nam sáng hôm 2/3, chỉ cách đường giới hạn phía tây vùng đánh cá chung giữa Việt Nam và Trung Quốc khoảng 13 hải lý, theo VnExpress.
Sau đó, phía Việt Nam đã cho hai tàu thuộc Hải đội 2 Biên phòng Quảng Bình "xuất kích, đẩy đuổi" nhóm tàu cá Trung Quốc, với kết quả hai tàu cùng chín ngư dân Trung Quốc bị bắt giữ, một tàu đánh cá còn lại chạy ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Trước khi phóng thích các tàu và ngư dân Trung Quốc, lực lượng biên phòng Quảng Bình đã kiểm soát và lập biên bản cảnh cáo.
Tàu đánh cá Trung Quốc ra khơi (ảnh minh họa)
Lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc
Từ năm 2009 tới nay, Trung Quốc đã đơn phương đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.
Các tổ chức, hội đoàn thủy sản của Việt Nam nhiều năm nay đã cáo buộc rằng lệnh cấm của Trung Quốc gây thiệt hại đáng kể cho ngư dân Việt Nam. Có năm, hàng trăm hộ ngư dân phải ở lại bờ vì sợ bị bắt và đòi tiền phạt.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, lệnh cấm đánh cá trong khu vực Biển Đông của các quốc gia đã kí kết vào Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) là cần thiết để bảo vệ nguồn hải sản cho tương lai ở vùng biển này, nhất là trong ba tháng vào mùa cá sinh sản.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông. Hồi tháng 11/2016, Tổng thống Philippinnes Rodrigo Duterte tuyên bố vùng cạn trên bãi Scarborough do Trung Quốc kiểm soát sẽ trở thành một khu bảo tồn biển nơi các ngư dân Philippines và Trung Quốc bị cấm đánh bắt cá.