Phúc trình tôn giáo của Mỹ : những vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn tiếp diễn (RFA, 27/09/2017)
Ủy hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn giáo Quốc tế- USCIRF vào ngày 27 tháng 9 công bố phúc trình mới về tình hình tự do tôn giáo- tín ngưỡng tại khu vực các nước thuộc Hiệp hội Các Quốc Gia Đông Nam Á- ASEAN.
Phúc trình về tự do tôn giáo của USCIRF - Courtesy USCIRF.gov
Bản phúc trình có tên ‘Một quyền cho tất cả mọi người : quyền tự do tôn giáo & tín ngưỡng tại ASEAN’. Theo thông cáo của USCIRF thì phúc trình mới nêu ra tình trạng về quyền tự do này tại 10 nước thuộc ASEAN.
USCIRF xem xét các biện pháp của khối này và từng quốc gia thuộc khối đối với quyền tự do tôn giáo- tín ngưỡng được nói là một quyền căn bản. Qua xem xét, USCIRF bày tỏ khen ngợi về việc ASEAN đạt được một mức độ nào đó về hợp tác trong khối đa dạng như thế ; đồng thời USCIRF cũng nêu ra thực tiễn cần phải cải thiện.
Chủ tịch USCIRF, ông Daniel Mark, phát biểu rằng khối ASEAN tỏ rõ mong muốn trở thành một lực lượng kinh tế, chính trị và văn hóa trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên khối này và từng quốc gia thành viên có trách nhiệm tôn trọng các chuẩn mực về nhân quyền quốc tế, trong đó có việc bảo vệ quyền tự do- tín ngưỡng và các quyền con người liên hệ khác nữa.
Phúc trình mới nhất của USCIRF trong phần về Việt Nam đánh giá chính quyền Hà Nội có tiến hành một số bước để cải thiện điều kiện tự do tôn giáo ở trong nước. Nhiều cá nhân và cộng đồng có thể thực thi quyền này một các tự do, công khai không gặp lo sợ nào.
Theo USCIRF thì nhìn chung, tại Việt Nam, những những tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận phát triển tốt hơn những nhóm chưa được thừa nhận. Tuy vậy, những vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo vẫn tiếp diễn, đặc biệt đối với những cộng đồng sắc tộc thiểu số ở khu vực nông thôn của một số tỉnh. Chính quyền Hà Nội hoặc có chỉ thị hoặc cho phép sách nhiễu, phân biệt đối xử với những tổ chức tôn giáo độc lập, không đăng ký.
Còn có sự cách biệt giữa phát biểu của chính quyền Trung ương là cải thiện điều kiện tự do tôn giáo và hành động thực tế đang diễn ra của giới chức địa phương, an ninh, và những nhóm côn đồ có tồ chức tiến hành đe dọa, gây hại thân thể của những tín đồ, phá hoại nơi thờ tự hay tài sản tôn giáo.
USCIRF nêu trong phúc trình rằng chính quyền Việt Nam cũng thường xuyên nhắm đến những cá nhân và nhóm cụ thể bởi vì niềm tin tôn giáo, thành phần dân tộc, sự ủng hộ cho dân chủ- nhân quyền- tự do tôn giáo, mối quan hệ lịch sử với Phương Tây, hoặc mong muốn độc lập không chịu sự kiểm soát của chính quyền cộng sản.
Số này được kể ra gồm Cao Đài Chân Truyền, Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy, Khmer Krom, người Thượng Tây Nguyên, người H’mong, Pháp Luân Công, đạo Dương Văn Mình.
Một số trường hợp bị sách nhiễu trong suốt năm 2016 được nêu ra như trường hợp bà Trần Thị Hồng, vợ mục sư Nguyễn Công Chính khi tiếp xúc với Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế David Saperstein. Rồi trường hợp hai người Thượng Tây Nguyên sang Đông Timor tham dự một hội nghị về tự do tôn giáo khu vực là mục sư A Dao và bà Y Bet…
USCIRF còn nêu ra là các tổ chức tôn giáo tiếp tục tường trình về những đe dọa bị trục xuất khỏi hay phá hủy cơ sở tôn giáo của họ.
Vụ việc cưỡng chế và san bằng Chùa Liên Trì tại Thủ Thiêm, thành phố Hồ Chí Minh cũng được nêu ra như một điển hình.
Nhận định về Luật Tín Ngưỡng- Tôn Giáo mà Quốc hội Việt Nam thông qua vào ngày 18 tháng 11 năm ngoái và đến đầu sang năm 2018 có hiệu lực, USCIRF cho rằng luật này có một số yếu tố tích cực. Đó là thừa nhận tư cách pháp nhân cho một số tổ chức tôn giáo ; rút ngắn thời gian mà các tổ chức tôn giáo phải chờ để được đăng ký ; khuyến khích thiết lập các trường học tôn giáo và những cơ sở giáo dục khác ; thay đổi biện pháp chuẩn thuận của chính quyền sang biện pháp thông báo đối với một cố hoạt động tôn giáo nào đó.
Trong khi đó thì đối với những tiếng nói chỉ trích thì Luật Tín Ngưỡng- Tôn Giáo của Việt Nam sẽ giới hạn quyền tự do tôn giáo thông qua những yêu cầu đăng ký nặng nề, bó buộc ; đồng thời cho phép chính quyền can thiệp quá mức vào đời sống tôn giáo. Thực tế thì những cải thiện khiêm tốn trong Luật Tín Ngưỡng- Tôn Giáo chủ yếu làm lợi cho những tổ chức tôn giáo được cho đăng lý, được nhà nước công nhận.
Trong Luật Tín Ngưỡng- Tôn Giáo của Việt Nam còn có qui định mơ hồ về an ninh quốc gia mà giới cổ xúy cho nhân quyền và những cộng đồng tôn giáo quan ngại sẽ được sử dụng để diễn giải nhằm hạn chế các quyền tự do ; đặc biệt ở cấp địa phương.
USCIRF cho rằng nhìn chung chính quyền Việt Nam đàn áp bất cứ ai thách thức quyền hành của họ, trong đó có những luật sư, bloggers, các nhà hoạt động, xã hội dân sự, và các tổ chức tôn giáo.
*************************
An ninh Việt Nam mạnh tay trước thềm hội nghị APEC 2017 (VOA, 27/09/2017)
Chính quyền Việt Nam tăng cường an ninh và mạnh tay đối với các nhà hoạt động trước thềm hội nghị trung ương 6 và hội nghi APEC.
Nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng trong một cuộc biểu tình vì môi trường.
Nhà tranh đấu Lê Văn Sơn cho VOA biết ông Nguyễn Viết Dũng, một người từng tham gia biểu tình thảm họa môi trường Formosa, vừa bị an ninh mặc thường phục bắt giữ khi Dũng đến giáo xứ Song Ngọc ở tỉnh Nghệ An sáng 27/9.
"Anh Nguyễn Viết Dũng bị bắt cóc tại khu vực nhà thờ Song Ngọc. Anh là người lên tiếng phản đối Formosa và đồng hành cùng các linh mục và giáo dân. Ngày hôm nay anh bị một nhóm người bắt giữ. Người dân còn phát hiện nhóm người này để lại xe máy gắn biển số giả và còng số tám. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa biết cụ thể anh Nguyễn Viết Dũng bị đưa đi đâu".
Ông Nguyễn Viết Dũng, với biệt danh trên mạng xã hội là Dũng Phi Hổ, từng bị tuyên 15 tháng tù vào năm 2015 vì tội "Gây rối trật tự công cộng", theo Điều 245 của Bộ Luật hình sự, do tham gia tuần hành bảo vệ cây xanh ở Hà Nội.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, ông Sơn cho biết thêm :
"Trong tuần lễ vừa qua nhà cầm quyền Việt Nam nhắm vào nhiều nhà tranh đấu, trong đó có sinh viên Lê Minh Sơn bị mời làm việc liên tục trong 4 ngày, và bị gây sức ép rất lớn ; luật gia Nguyễn Đình Hà từ Hà Nội và anh Nguyễn Hồ Nhật Thành ở Sài Gòn bị công an câu lưu trong một thời gian ngắn và hiện nay là anh Nguyễn Viết Dũng tại Nghệ An. Trong khi đó nhiều dân oan bị cô lập và giải tán… Đây là một chiến dịch kéo dài từ đầu năm cho đến nay có hơn 20 người bị nhà cầm quyền bắt giữ, truy tố và xét xử".
Hồi đầu tuần nhà hoạt động Nguyễn Đình Hà nói với VOA rằng ông bị "sách nhiễu" ở thành phố Hồ Chí Minh, cùng với hai học viên của một lớp về hoạt động xã hội dân sự hôm 23/9, khi ấy các sỹ quan an ninh Việt Nam mặc thường phục thừa lúc ông đi vắng đã "đột nhập" vào và "lục soát" căn hộ nơi ông tạm trú ít ngày ở phường 5, quận 11.
Nhà tranh đấu Nguyễn Hồ Nhật Thanh, người thuê căn hộ nơi dùng để tổ chức lớp học trên nói với VOA :
"Tôi nghĩ họ không muốn xuất hiện những khóa học cho các nhà hoạt động. Nhà cầm quyền luôn đánh giá rằng những hoạt động này mang tính thù địch và họ luôn luôn tìm mọi cách ngăn chặn và đàn áp, mặc dù những hoạt động này đều ôn hòa và hợp pháp".
Hôm 25/9, hãng tin Reuters đưa tin rằng hơn 500 công an đã dùng vòi rồng và roi điện giải tán 200 người biểu tình chống ô nhiễm và đòi bồi thường tại nhà máy dệt Pacific Crystal Textiles của Hồng Kông ở khu công nghiệp Lai Vu thuộc tỉnh Hải Dương, nơi hàng trăm người dân đã thay phiên nhau biểu tình trong suốt 5 tháng qua bằng cách căng lều bạt, chiếm lối vào nhà máy.
Người biểu tình phản đối nạn ô nhiễm môi trường do nhà máy gây ra tại địa phương, và đòi đền bù thỏa đáng cho nhà đất ruộng vườn của họ đã bị nhà cầm quyền giải tỏa để xây dựng khu công nghiệp.
Blogger Lê Anh Hùng từ Hà Nội nhận định rằng những hành động sách nhiễu các nhà hoạt động trên cả nước trong thời gian vừa qua là nhằm tăng cường an ninh trước hội nghị trung ương 6 dự kiến diễn ra vào đầu tháng 10 và Hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) dự kiến vào đầu tháng 11 :
"Tôi cho là như vậy. Cơ quan an ninh của nhà cầm quyền đang cường đảm bảo an ninh cho các sự kiện quan trọng sắp tới, gần nhất là hội nghị trung ương 6 sắp diễn ra. Điều này cũng phù hợp với xu thế chung là nhà cầm quyền càng ngày càng tăng cường đàn áp những tiếng nói đối lập trong thời gian gần đây".
Các nhà tranh đấu nói chính quyền Cộng sản Việt Nam muốn kiểm soát thành phần bất đồng chính kiến trước hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Đà Nẵng, nơi nhiều nguyên thủ quốc gia, trong đó dự kiến có Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng sẽ tham dự.
Truyền thông trong nước loan tin rằng nhằm để đảm bảo an ninh, trật tự, Công an Hà Nội sẽ bắt đầu tổng kiểm tra hộ khẩu trên toàn thành phố từ 1/10 đến hết ngày 15/11, trong đó nhấn mạnh "tổng kiểm tra, rà soát phát hiện đối tượng nơi khác đến tạm trú".
Ông Lê Anh Hùng nhận định :
"Trong ngắn hạn thì việc đàn áp của chính quyền ít nhiều cũng có ảnh hưởng, nhưng về lâu dài, càng đè nén thì sức phản kháng của những người đấu tranh nói riêng và của dân chúng nói chung càng có dịp bùng lên mạnh mẽ.
Trước đó, ông Adam McCarty, Kinh tế gia Trưởng của Viện Mekong Economics ở Hà Nội, nói với VOA :
"Không có gì nhiều để than phiền, tôi nghĩ APEC sẽ là cơ hội lớn để giới thiệu Việt Nam với thế giới. Chính quyền Việt Nam không muốn sự kiện này trở thành một hậu cảnh cho một cuộc biểu tình".
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền từng lên tiếng rằng các nhân viên mật vụ Việt Nam đánh đập các nhà hoạt động và các blogger mà "không bị truy cứu".
Vào giữa tháng này, Bộ Công An, Bộ Quốc phòng và các cơ quan khác đã có một cuộc họp nhằm đảm bảo an ninh cho Tuần lễ Cấp cao APEC, trong đó nhấn mạnh rằng phải "đảm bảo an ninh, an toàn, cũng như các biện pháp nắm tình hình từ xa, không để xảy ra bị động bất ngờ".
************************
Việt Nam bắt giữ một người hoạt động xã hội theo điều 88 (RFA, 27/09/2017)
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An hôm 27 tháng 9 ra thông cáo báo chí về việc bắt khẩn cấp Nguyễn Viết Dũng, một người hoạt động xã hội, về hành vi ‘Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ theo điều 88 – Bộ luật Hình sự.
Hình Nguyễn Viết Dũng - Courtesy facebook Dung Phi Ho
Vào tối ngày 27 tháng 9, bố của Nguyễn Viết Dũng là ông Nguyễn Viết Hùng cho đài Á Châu Tự Do biết thông tin này qua điện thoại từ nhà của mình ở tỉnh Nghệ An :
Cũng biết được thông tin của bạn bè báo cho. Họ báo là Dũng bị bắt vào lúc 12 giờ 10 phút ngày 27 tháng 9 ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, gần giáo xứ Song Ngọc. Lúc bị bắt thì gia đinh cũng không biết được tin nhưng do áp lực bạn bè nên bây giờ công an ra thông cáo bắt Dũng theo điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Ông Nguyễn Viết Hùng cho biết ông phản đối việc bắt giữ Nguyễn Viết Dũng của công an vì ông cho rằng không minh bạch
Nguyễn Viết Dũng năm nay 31 tuổi là người được cộng đồng mạng biết đến với cái tên Dũng Phi Hổ, nổi tiếng trên mạng sau khi chụp hình mặc quân phục rằn ri của chế độ Sài Gòn và treo cờ vàng ba sọc của chính quyền Sài Gòn trước kia.
Vào tháng 4 năm 2015, Nguyễn Viết Dũng đã lập Đảng Cộng Hòa và Hội những người yêu quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Nguyễn Viết Dũng cũng là người tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc, chỉ trích chính quyền.
Nguyễn Viết Dũng bị bắt lần đầu tiên hôm 12 tháng 4 năm 2015 vì tham gia tuần hành bảo vệ cây xanh Hà Nội, và bị khởi tố theo điều 245 về tội Gây rối trật tự công cộng.
Phiên tòa xét xử Nguyễn Viết Dũng ở Hà Nội hôm 14 tháng 12 năm 2015 đã tuyên án Dũng Phi Hổ 15 tháng tù. Nguyễn Viết Dũng được trả từ do hôm 13 tháng 4 năm 2016.
Chỉ trong vài tháng qua, Việt Nam đã bắt giữ và kết án ít nhất 11 nhà hoạt động xã hội vì các hoạt động ôn hòa chỉ trích chính quyền. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) gọi năm 2017 là năm tồi tệ nhất cho nhân quyền Việt Nam.
Liên Hiệp Quốc lập ủy ban điều tra quân đội Myanmar (RFA, 30/05/2017)
Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc mới thành lập một ủy ban điều tra liên quan đến các cáo buộc về những hành động tàn bạo mà binh sĩ và an ninh Miến Điện đã làm đối với người Hồi Giáo Rohingya trong thời gian vừa qua.
Bà Yanghee Lee, báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về tình hình nhân quyền ở Myanmar, thăm trại Blud Khali Rohingya ở Cox's Bazar vào ngày 21 tháng 2 năm 2017. AFP photo
Quyết định thành lập ủy ban điều tra được Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu từ hồi tháng Ba năm nay, nhưng đến giờ mới thành hình.
Thông cáo của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cho hay ủy ban gồm 3 người, lãnh trách nhiệm phải điều tra khẩn cấp về những hành động binh sĩ và lực lượng an ninh Miến đã làm đối với người Rohingya, đặc biệt là những trường hợp xảy ra ở bang Rakhine, nơi được nói là người Rohingya không chỉ bị bạc đãi, mà còn bị bắt giữ, bắn giết, hãm hiếp, cướp của và đốt nhà, đẩy cả trăm ngàn người Rohingya phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn, phần lớn chạy sang Bangladesh xin tá túc.
Thông cáo cũng cho hay 3 thành viên của Ủy Ban sẽ sớm gặp nhau ở Geneve để soạn thảo chương trình hành động, và sẽ đúc kết cuộc điều tra vào tháng Chín năm nay.
Hiện vẫn chưa rõ chính phủ Miến Điện cho chấp thuận cho ủy ban vào đất Miến cũng như đến tận bang Rakhine để thực hiện cuộc điều tra hay không.
Điều này được nói tới vì đầu tháng này khi ghé Brussels, lãnh tụ Miến Điện Aung San Suu Kyi nói rõ chính phủ do bà lãnh đạo không chấp nhận chuyện Liên Hiệp Quốc mở cuộc điều ra, đồng thời còn nói thêm rằng những tin tức Liên Hiệp Quốc có được hoàn toàn không đúng với sự thật.
Từ tháng Mười năm ngoái, tin tức liên quan đến những hành vi tàn bạo mà binh sĩ và lực lượng an ninh đối xử với người Hồi Giáo Rohingya loan truyền khắp nơi.
Dựa theo những tin tức đó, một bản báo cáo do Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc công bố cho rằng có thể binh sĩ và an ninh Miến Điện phải bị xét xử vì phạm tội ác chống nhân loại.
*****************
Ân Xá Quốc Tế : Tư pháp Cam Bốt là công cụ đàn áp (RFI, 30/05/2017)
Nhà hoạt động Cam Bốt Tep Vanny (G), trong phiên tòa tại Phnom Penh. Ảnh ngày 15/02/2017.TANG CHHIN SOTHY / AFP
Báo cáo của Amnesty International – Ân Xá Quốc Tế ngày 30/05/2017 tố cáo chính quyền Cam Bốt sử dụng hệ thống tư pháp để đàn áp đối lập và những nhà tranh đấu. Tổ chức bảo vệ nhân quyền này lo ngại không khí sợ hãi gia tăng tại Cam Bốt với cuộc bầu cử địa phương Chủ Nhật, 03/06/2017. Đây là một trắc nghiệm quan trọng đối với quyền lực của thủ tướng Hun Sen, tại vị từ 32 năm nay.
Trong dịp công bố bản báo cáo dài 40 trang mang tên "Courts of injustice/Những tòa án bất công", hôm nay 30/05/2017, giám đốc Ân Xá Quốc Tế khu vực Đông Nam Á, bà Champa Patel, khẳng định : "Tại Cam Bốt, các tòa án là công cụ trong tay chính quyền". Ân Xá Quốc Tế nhấn mạnh : chính quyền Cam Bốt đã thao túng tư pháp, lạm dụng các biện pháp hình sự để "dập tắt tiếng nói của những người mà chính quyền không chấp nhận".
27 nhà hoạt động, nhà đối lập hiện đang ngồi tù, hàng trăm người khác đang bị truy tố, và một bộ phận đối lập chính trị có thể bị "bỏ tù bất cứ lúc nào". Giám đốc Ân Xá Quốc Tế Đông Nam Á khuyến cáo chính quyền nên ủng hộ một hệ thống "tư pháp độc lập", thể theo các cam kết quốc tế, thay vì dùng tư pháp để đàn áp những người bất đồng chính kiến.
AFP dẫn ý kiến của các chuyên gia, theo đó, càng gần đến cuộc bầu cử địa phương, chính quyền Phnom Penh càng lo lắng. Ông Sebastian Strango, tác giả một cuốn sách về thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, đưa ra nhận xét : đảng cầm quyền "có nguy cơ mất quyền kiểm soát ở cấp địa phương, lần đầu tiên kể từ khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ năm 1979".
Ngay sau khi bản báo cáo được công bố, đảng của thủ tướng Hun Sen đã lên án giới bảo vệ nhân quyền có thái độ "thù địch" với chính phủ.
Các thủ đoạn của chính quyền
Báo cáo của Ân Xá Quốc Tế chỉ ra nhiều cách thức mà chính quyền dùng để thao túng hệ thống tư pháp không minh bạch của Cam Bốt, như ra lệnh bắt giam các nhà hoạt động với những cáo buộc không có cơ sở, trước khi đem họ ra xét xử trong các phiên tòa bất công.
Một ví dụ tiêu biểu là năm thành viên và cựu thành viên của hiệp hội ADHOC, tổ chức bảo vệ nhân quyền lâu đời nhất tại Cam Bốt, bị tạm giam cách đây một năm trước khi được đưa ra xử. Hay trường hợp của nhà tranh đấu Tep Vanny, người bảo vệ hàng nghìn gia đình tại Phnom Penh chống lại nạn cướp đất trong suốt thập niên vừa qua. Kể từ năm 2013 đến nay, bà Tep Vanny đã bị bắt giữ ít nhất năm lần.
Một thủ đoạn tiêu biểu khác của tư pháp Cam Bốt là mở ra một vụ án, nhưng không tiến hành điều tra hoặc truy tố, trong nhiều năm trời. Mục tiêu của cách làm này là để cho một không khí bất định kéo dài gây mệt mỏi cho các nạn nhân.
Nhìn chung, theo Ân Xá Quốc Tế, không có bất cứ một nhà tranh đấu bảo vệ nhân quyền hay nhà đối lập nào bị đưa ra tòa lại được trắng án, và rất nhiều phán quyết được đưa ra hoàn toàn không dựa vào kết quả điều tra. Chính quyền Phnom Penh chỉ giảm án cho họ sau khi cộng đồng quốc tế gây áp lực.
Trọng Thành
****************
Chính quyền Campuchia bị chỉ trích dùng tòa án đàn áp đối lập (RFA, 30/05/2017)
Nhà hoạt động về đất đai Campuchia Tep Vanny trong một buổi cầu nguyệ cho nhân quyền tại Campuchia. Stephen Welch photo
Chính phủ Campuchia tăng cường sử dụng toà án để sách nhiễu những nhà hoạt động chính trị và các nhà bảo vệ nhân quyền trước những cuộc bầu cử tại nước này.
Tổ chức theo dõi nhân quyền Ân xá Quốc tế - Amnesty International, cho biết như vừa nêu vào ngày thứ Ba, 30 tháng 5.
Trong một báo cáo có tên "Tòa án Bất công", Ân Xá Quốc tế nêu rõ có ít nhất là 27 người hoạt động nhân quyền và những nhà hoạt động chính trị hiện đang bị bỏ tù và hàng trăm người khác đang phải chịu xét xử trong nỗ lực của chính phủ nhằm mục đích đè bẹp bất cứ những chỉ trích nào từ dư luận.
Quốc gia Đông Nam Á này đã nằm dưới sự cai trị của thủ tướng Hun Sen, một trong những nhà lãnh đạo lâu nhất thế giới, hơn 32 năm.
Tuy nhiên, tại cuộc bầu cử vào năm 2013, đảng cầm quyền của ông Hun Sen bất ngờ bị đảng đối lập là Đảng Cứu Nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) giành được gần 1/2 số phiếu với 55/123 ghế tại Quốc hội.
Vào ngày chủ nhật 4 tháng 6 tới đây, hàng triệu cử tri Campuchia đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử địa phương ở hơn 1.600 xã.
Cắt chế độ xe công là ‘cú hích’ cải cách (VOA, 29/03/2017)
Một số lãnh đạo Việt Nam sắp bị cắt chế độ xe công đưa đón mỗi ngày và chuyển sang hình thức khoán kinh phí, theo nội dung văn bản của Văn phòng Chính phủ công bố hôm 29/3.
Ước tính chi phí "nuôi" một chiếc ô tô công khoảng 300 triệu đồng/năm, chưa kể đội ngũ lái xe hùng hậu và hàng loạt các chi phí khác đi kèm.
Theo văn bản này, các lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 đến 1,3 (tương đương với chức thứ trưởng) sẽ được khoán xe ô tô đưa đón từ nhà đến sở làm, thay vì được hưởng chế độ xe công mang biển số xanh, phục vụ riêng như trước. Một chuyên gia về Chính sách công của Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, giải thích thêm về chế độ đãi ngộ quan chức này :
"Tiêu chuẩn là từ thứ trưởng trở lên, thí dụ như trong bộ máy công quyền, thì có chế độ xe đưa đón. Bao nhiêu thứ trưởng thì sẽ có chừng ấy xe. Rồi còn bộ trưởng và những chức vụ tương đương của các ban ngành khác. Rồi ở tỉnh, các lãnh đạo tỉnh như Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân, bí thư… những chức danh đó đều có xe cả. Ngoài ra, xe công còn tràn lan đến mức độ rất nhiều các doanh nghiệp nhà nước cũng có xe công, các đơn vị sự nghiệp, các viện nghiên cứu, các ban của Đảng, các hội, đoàn thể… đều có xe công. Cho nên lượng xe công là vô cùng lớn ở đất nước này".
Tiến sĩ Phạm Quý Thọ cho biết vấn đề quản lý xe công đã được đem ra thảo luận từ lâu, thậm chí từ những năm 1980, nhưng mãi cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Tháng 11/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng quy chế quản lý, sử dụng xe công sao cho đến năm 2020 phải giảm từ 30% - 50% lượng xe công ở các bộ, ngành, địa phương.
Đầu tháng này, Hà Nội đã bắt đầu thí điểm khoán kinh phí xe công cho lãnh đạo. Mức khoán được công bố là không vượt quá 9,3 triệu đồng/người/tháng.
Tiến sĩ Thọ ước tính chi phí hiện nay để "nuôi" một chiếc ô tô công tốn khoảng 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ngân sách nhà nước còn phải "nuôi theo biên chế" một đội ngũ lái xe hùng hậu và chi trả hàng loạt các chi phí khác đi kèm với lượng xe công khổng lồ.
"Cái ngân sách nó quá lớn rồi. Nợ công quá lớn rồi. Cho nên buộc chính phủ phải ra quyết định là khoán xe công như vậy. Người ta ước tính khi khoán được xe công, sẽ tiết kiệm chi được hàng nghìn tỷ đồng".
Theo kế hoạch, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án khoán kinh phí đi lại cho các lãnh đạo. Thứ nhất, đưa chi phí sử dụng xe vào thu nhập của công chức với mức 6,5 triệu đồng/tháng. Phương án hai là khoán theo đơn giá dựa trên khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến sở làm hay khoảng cách đi công tác, với mức giá 16.000 đồng/km. Các mức khoán sẽ được điều chỉnh khi chỉ số CPI biến động trên 20%.
Từ cuối năm ngoái, Bộ Tài chính đã bắt đầu áp dụng chế độ khoán xe ô tô cho lãnh đạo của bộ. Tuy nhiên, để có thể áp dụng rộng rãi chế độ mới cho tất cả các bộ, ngành, địa phương, theo Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, có lẽ sẽ cần thêm một thời gian nữa.
"Thậm chí người ta thăm dò xem sự chống đối tới đâu, vì cái này nó đụng chạm đến lợi ích của các lãnh đạo nên sẽ rất khó. Nó vừa là việc buộc phải làm, vì chính phủ đã rất khó khăn về mặt ngân sách, luôn luôn bội chi kéo dài trong nhiều năm rồi, nhưng đồng thời đó cũng là một xu hướng nếu anh không cải cách như thế này thì có lẽ rất nhiều thứ khác cũng không thể làm được".
Chuyên gia về chính sách công của Việt Nam nhận định rằng ngoài ích lợi về mặt tài chính, cắt giảm xe công còn có ý nghĩa lớn hơn trong nỗ lực cải cách thế chế. Ông nói : "Nó là một việc rất khó mà từ lâu nay anh không làm được, bởi vì nó đụng chạm đến quyền lợi của các lãnh đạo. Thế mà nếu anh làm được việc này thì người ta sẽ thấy rằng đó là một cú hích rất mạnh về cải cách thể chế".
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong năm 2016, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 943,3 nghìn tỷ đồng, trong khi tổng chi ngân sách là 1.135,5 nghìn tỷ đồng, bội chi 192,2 nghìn tỷ đồng.
Khánh An
********************
Doanh nghiệp hải sản bị nhà nước bội ước (RFA, 30/03/2017)
Hải sản do ngư dân miền Trung đánh bắt được. RFA photo
Thảm họa môi trường do Formosa gây nên không chỉ tác động trực tiếp đến ngư dân chuyên đi đánh bắt cá mà nhiều đối tượng liên quan cũng ‘lao đao’ suốt thời gian qua. Trong số này có những người nghe lời chính quyền thu mua và tồn trữ hải sản sau khi thảm họa xảy ra.
Chừng một tháng sau khi xảy ra nạn cá và hải sản chết hằng loạt ven bờ biển từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên- Huế, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh là ông Đặng Quốc Khánh, chủ tịch và Đặng Ngọc Sơn, phó chủ tịch tỉnh cùng chính quyền huyện Lộc Hà đã tới vận động 26 doanh nghiệp, cơ sở đông lạnh trên địa bàn tại cảng cá Thạch Kim thu mua hải sản cho ngư dân không tiêu thụ được với mục đích được nói rõ "đảm bảo an ninh, ổn định tình hình địa phương" trước ngày bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp khoá 2016-2021 (diễn ra ngày 22/5/2016)
Nguyễn Viết Long – Chủ cơ sở đông lạnh Long Huệ, xã Thạch Bằng - Lộc Hà - Hà Tĩnh : "Tỉnh có hứa với chúng tôi sẽ bù lại cho bà con doanh nghiệp, nhưng sau khi chúng tôi mua hàng bỏ vào kho thì từ đó đến nay tỉnh không có ý kiến gì hết cả. Đây là tỉnh lừa, chính phủ lừa, không có nói thật với bà con ! Đến nay gần cả một năm trời rồi mà vẫn không được một đồng nào hỗ trợ".
Trần Thị Hoa - Chủ cơ sở đông lạnh Hùng Mạnh, xã Thạch Kim - Lộc Hà - Hà Tĩnh : "Bầu cử này nọ làm cuối cùng dân mua vào. Bây giờ thiệt hại ! Các doanh nghiệp đều bị mắc lừa ! Dân đi biển thiệt hại một chứ doanh nghiệp thiệt hại mười".
Trần Thị Loan - Chủ cơ sở đông lạnh Cường Loan, xã Thạch Bằng - Lộc Hà - Hà Tĩnh : "Hàng ứ đọng trong kho từ trước bầu cử và sau bầu cử. Vâng lời họ thì mình nhận mua để giữ vững trật tự. Giữ mãi cho đến tận bây giờ vẫn chưa nhận được một đồng tiền đền bù nào cả".
Người dân địa phương cho biết việc chính quyền các cấp tỉnh Hà Tĩnh vận động doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thu mua như vậy hoàn toàn không có văn bản :
Nguyễn Viết Long – Chủ cơ sở đông lạnh Long Huệ, xã Thạch Bằng - Lộc Hà - Hà Tĩnh : "Kêu gọi tất cả các doanh nghiệp chung như thế và không có văn bản, không có giấy tờ. Bà con thì vì lòng tin, nghĩ rằng chủ tịch nói thì chắc chắn là sẽ thực hiện".
Trần Thị Loan - Chủ cơ sở đông lạnh Cường Loan, xã Thạch Bằng - Lộc Hà - Hà Tĩnh : "Không có văn bản gì cả. Họ chỉ đến nói mồm. Mình là một người dân mà họ là cán bộ cấp tỉnh nên chẳng lẽ một lời nói như thế mà họ lại nuốt lời ?"
Cho đến nay, đã gần một năm trôi qua, 26 cơ sở kinh doanh vẫn còn tồn đọng một lượng hàng đã thu mua rất lớn từ trước và sau khi xảy ra thảm hoạ môi trường tháng 4/2016. Đại diện các ban, ngành, chính quyền địa phương đã tới các cơ sở để kiểm đếm số lượng hàng hoá và có lập thành biên bản. Như cơ sở Long Huệ của ông Nguyễn Viết Long có tất cả gần 78 tấn hải sản.
Nguyễn Viết Long – Chủ cơ sở đông lạnh Long Huệ, xã Thạch Bằng - Lộc Hà - Hà Tĩnh : "Trên hai mươi mấy tỷ gồm tiền hàng, tiền kho hàng, tất cả mọi cái được cơ quan chức năng về kiểm đếm".
Trần Thị Loan - Chủ cơ sở đông lạnh Cường Loan, xã Thạch Bằng - Lộc Hà - Hà Tĩnh : "Trước mắt các cơ quan ban ngành đo đếm sứa, hàng khô và hàng tươi chứ còn ruốc với nước mắm là họ chưa cân đong đo đếm. Mà riêng ba thứ đó là được một chục tỷ rồi".
Được biết, các cơ sở kinh doanh này phải vay tiền từ ngân hàng, người thân hoặc vay chịu lãi ngoài để thu gom hàng sau lời vận động của chính quyền và nhiều chủ cơ sở đang đối diện với nguy cơ phá sản.
Các cơ sở kinh doanh đã nhiều lần kiến nghị và yêu cầu chính quyền từ địa phương đến tận trung ương giải quyết việc hỗ trợ, đền bù, nhưng cho đến nay, mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ.
Nguyễn Viết Long – Chủ cơ sở đông lạnh Long Huệ, xã Thạch Bằng - Lộc Hà - Hà Tĩnh : "Chúng tôi kiến nghị nhưng không đem lại hiệu quả.
Trần Thị Hoa - Chủ cơ sở đông lạnh Hùng Mạnh, xã Thạch Kim - Lộc Hà - Hà Tĩnh : "Bây giờ là một năm trời rồi ! Đắng cay chua xót lắm mà tỉnh coi như thờ ơ ! Thậm chí đi lên kêu họ thì không biết công an hay côn đồ đánh đập. Bốn thằng mà vất một bà lên xe như vất lợn vậy đó !"
Số hải sản không tiêu thụ được do người tiêu dùng nghi nhiễm độc bị phân huỷ, bốc mùi. Dù cho gặp khó khăn, các cơ sở vẫn phải vận hành kho để bảo quản số hàng trên nhằm tránh ảnh hưởng đến môi trường, bởi chính quyền chưa đưa ra hướng xử lý cụ thể.
Nguyễn Viết Long – Chủ cơ sở đông lạnh Long Huệ, xã Thạch Bằng - Lộc Hà - Hà Tĩnh : "Người dân xung quanh đây họ phàn nàn kêu ca rất nhiều để làm sao chúng tôi tiêu hủy được hàng. Nhưng bây giờ chúng tôi không biết đi đâu mà đổ đây".
Lê Viết Huy - chủ cơ sở Huy Lộc, xã Thạch Bằng - Lộc Hà - Hà Tĩnh : "Bây giờ yêu cầu nhà nước đưa ra một cái chỗ để mà tiêu hủy. Bây giờ đổ ra biển thì ảnh hưởng môi trường biển. Vừa rồi chúng tôi kêu lên UBND huyện, đề xuất nếu UBND huyện mà không có chỗ chôn lấp thì chúng tôi sẽ đưa hàng lên trên tại UBND huyện, giao cho UBND huyện".
Hệ lụy của thảm họa môi trường Formosa gây nên tiếp tục lộ rõ và nay đến các cơ sở kinh doanh. Khi bị dồn vào thế cùng, nguồn tài chính gia đình bị cạn kiệt, phương kế sinh nhai bị ảnh hưởng, họ cho biết sẽ kiên trì, đoàn kết để cùng đòi lại quyền lợi chính đáng, cũng như yêu cầu chính quyền có trách nhiệm phải thực hiện đúng lời hứa đưa ra cả năm trước đây.
*****************
Đạo luật chế tài vi phạm nhân quyền sẽ áp dụng thế nào với Việt Nam ? (VOA, 30/03/2017)
Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Ủy Ban Cứu trợ Người Vượt biển (BPSOS).
Ủy ban Cứu trợ Người Vượt biển (BPSOS) hôm 17/3 đã hoàn tất và đệ trình danh sách 168 tổ chức, cá nhân kể cả quan chức, vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam lên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để áp dụng các chế tài trừng phạt theo Đạo Luật Nhân Quyền Toàn Cầu Magnitsky (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act).
Đạo luật được thông qua bởi cựu Tổng thống Barack Obama (23/12/2016) quy định các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân, tổ chức bị chính phủ Mỹ coi là đã tham gia các hoạt động tham nhũng hay vi phạm nhân quyền. Theo luật này, một số các Ủy ban của Hạ và Thượng Viện (bên lập pháp), hay bộ phận chuyên trách dân chủ, nhân Quyền và lao Động trong Bộ Ngoại Giao (bên hành pháp) đều có thể lập ra danh sách đề nghị chế tài. Nếu đề nghị được chấp thuận thì những cá nhân hay tổ chức có tên trong "sổ đen" sẽ bị đóng băng tài sản ở Hoa Kỳ cũng như bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.
Danh sách BPSOS vừa hoàn tất gồm có 5 giới chức thuộc chính quyền trung ương và 38 giới chức lãnh đạo cấp tỉnh. Số còn lại gồm các viên chức thừa hành cấp tỉnh hay lãnh đạo cấp địa phương. Ngoài ra, có một người đứng đầu một tập đoàn doanh nghiệp liên quan đến việc chính quyền dùng bạo lực để cưỡng chế đất của một xứ đạo Công Giáo năm 2010.
Tiến sĩ Nguyễn Đình thắng, Giám đốc điều hành BPSOS, cho VOA biết rằng ông và các cộng sự của mình đã điều tra, phối kiểm cũng như chuẩn bị danh sách này trong vào 3 năm liền, cho nên khi Đạo Luật này được áp dụng, BPSOS là tổ chức đầu tiên đệ trình danh sách chế tài liên quan.
Theo dự kiến, buổi họp báo mở đầu cuộc vận động áp dụng Luật Magnitsky Toàn Cầu đối với Việt Nam và một số quốc gia sẽ diễn ra trong tháng 4 tại Quốc Hội Hoa Kỳ và cuối tháng 6 sẽ diễn ra Ngày Vận Động thường niên cho nhân quyền Việt Nam. Quá trình vận động sẽ kéo dài đến tận cuối năm nay.
Tuy nhiên, với việc danh sách có tên nhiều quan chức chính quyền Việt Nam, đặc biệt có 5 lãnh đạo cấp cao, nhiều người nghi ngại rằng có thể chính phủ Hoa Kỳ sẽ né tránh và không đặt vấn đề nhân quyền lên trên lợi ích ngoại giao, thương mại giữa 2 nước.
Tiến Sĩ Thắng nói với quan ngại đó, trong năm đầu tiên khi lập danh sách đề nghị, tổ chức của ông cũng đã cố gắng hạn chế những nhân vật lãnh đạo quốc gia, nhưng mọi cuộc điều tra về đàn áp nhân quyền trầm trọng rốt cuộc cũng quay về các nhân vật chủ chốt.
"Nếu như chỉ cần một trường hợp bị đưa vào danh sách chế tài thì cũng đủ để tạo ra sự rúng động, quan tâm và chú ý trong giới lãnh đạo, trong các giới chức của Việt Nam", Tiến sĩ Thắng chia sẻ.
Nhà hoạt động lâu năm tại khu vực thủ đô nước Mỹ này cũng hy vọng với Đạo Luật Nhân Quyền Toàn Cầu Magnitsky, người dân trong nước sẽ thấy rằng "bây giờ quả thực có một công cụ để trừng phạt những người đàn áp nhân quyền một cách nghiêm trọng ở Việt Nam".
Thông thường, thời gian để Bộ Ngoại Giao kết hợp với Bộ Ngân Khố và Bộ Tư Pháp mở cuộc điều tra về các nhân vật có trong danh sách đề nghị là từ 6 đến 9 tháng.
Ngày 10/12 năm nay là hạn chót để các cơ quan này nộp bản phúc trình đầu tiên lên Tổng thống Hoa Kỳ.
Sơn Trà
*********************
Chuyên gia : Việt Nam đầu tư hạ tầng nhiều nhưng kém hiệu quả (VOA, 30/03/2017)
Tư liệu - Công nhân cắm cọc thép tại công trường thi công một cầu vượt ở Hà Nội, ngày 31 tháng 3, 2012.
Việt Nam có thể là một trong các nước tại Châu Á đang dẫn đầu cuộc đua đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam đang đầu tư có hiệu quả và tình trạng tham nhũng có thể là một phần khiến chi tiêu đầu tư tăng cao, theo các chuyên gia kinh tế Việt Nam.
Hãng tin Bloomberg mới đây dẫn số liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết đầu tư khu vực công và tư của Việt Nam vào cơ sở hạ tầng đạt mức trung bình là 5,7 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong những năm gần đây, cao nhất ở Đông Nam Á, và chỉ đứng sau mức 6,8 phần trăm của Trung Quốc. Indonesia và Philippines chi tiêu ít hơn 3 phần trăm trong khi Malaysia và Thái Lan thậm chí còn ít hơn, dưới mức 2 phần trăm.
"Chính phủ [Việt Nam] biết rằng nếu họ muốn cạnh tranh giành đầu tư thì mức lương thấp là chưa đủ", Bloomberg dẫn lời Eugenia Victoriano, một nhà kinh tế tại Ngân hàng Australia & New Zealand ở Sinagapore, nói. "Họ cần cơ sở hạ tầng đủ tốt để thu hút các công ty tới xây dựng nhà máy. Sự phát triển tới giờ khá dàn trải, với sân bay và và đường sá được xây dựng khắp cả nước".
Tuy nhiên, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ tài khoản Quốc gia Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, nhận định tỉ lệ cao như vậy chưa chắc là đầu tư nhiều và có hiệu quả. Ông nêu ra khái niệm hệ số sử dụng vốn (ICOR), một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh cần bao nhiêu đồng vốn đầu tư thực hiện tăng thêm để tăng thêm 1 đồng GDP.
"[ICOR] của Việt Nam rất là cao, có những năm như là năm 2008-2009 thì lên tới 6-7 và hiện tại bây giờ cũng nằm ở mức trên 5", ông giải thích. "Như vậy tức là các nước phát triển họ cần 3-4 đồng vốn thì Việt Nam cần 6-7 đồng vốn. Nếu mà so với các nước trong khu vực, ngay cả với Trung Quốc, thì đòi hỏi đồng vốn của Việt Nam rất là lớn. Họ chỉ 4 mà Việt Nam tới 6-7".
Ông lưu ý rằng trong một số năm, nhất là dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với chủ trương đẩy mạnh sản xuất và mục tiêu tăng trưởng GDP 10 phần trăm, tỉ lệ đầu tư trên GDP của Việt Nam có khi lên tới 40 phần trăm, nhưng tốc độ phát triển giảm chỉ còn 5-6 phần trăm từ mức 7-8 phần trăm.
"Hoặc là Việt Nam làm không hiệu quả hoặc là đầu tư bị ‘ăn’ đi", Tiến sĩ Việt nhận định, nhắc tới tình trạng tham nhũng.
Theo tính toán của chuyên gia này dựa trên số liệu thống kê mà ông có, lượng tiền chuyển lậu từ Việt Nam ra nước ngoài vào năm 2013 là 8 tỉ đôla so với tổng đầu tư là 45 tỉ đôla, chiếm khoảng 17,8 phần trăm. Đó là chưa kể tới tiền tham nhũng được giữ lại trong nước, theo lời ông.
"Như vậy có thể nói là tham nhũng ở Việt Nam là cực kỳ lớn", ông kết luận.
Theo Chỉ số Nhận thức Tham nhũng 2016 của tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam xếp thứ 112 trong tổng số 176 nước và vùng lãnh thổ được đánh giá về mức độ tham nhũng, đứng trên ba nước trong khu vực là Lào (123), Myanmar (136) và Campuchia (156).
Tiến sĩ Đinh Sơn Hùng, nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, cũng bày tỏ lo ngại về việc Việt Nam đổ tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trả lời phỏng vấn của báo Đất Việt hồi gần đây, ông nói rằng điều này có thể đưa tới chỉ số tăng trưởng cao nhưng hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế cũng như hiệu quả tăng trưởng thực cho nền kinh tế sẽ "rất thấp".
"Người ta vẫn nói ‘chạy chức, chạy quyền’ và ‘chạy dự án,’ nếu như vậy sẽ lại có những địa phương điên đảo chạy đua với dự án, chạy đua với công trình, chạy đua vốn. Và tất nhiên, đi cùng với đó là những cuộc chạy đua với chia chác lợi nhuận và tham nhũng ngày càng phức tạp hơn", ông được dẫn lời nói.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt cũng nhắc tới một vấn đề khiến cho hiệu quả đầu tư thấp là việc Việt Nam mua sắm máy móc, thiết bị kém chất lượng từ Trung Quốc. Ông dẫn ra ví dụ là những dự án nhà máy nhiệt điện, xi măng và sắt thép do nhà thầu Trung Quốc thực hiện bị đội vốn, xây mãi không xong.
Chuyên gia kinh tế này cảnh báo với những dự án đầu tư kém hiệu quả như vậy, cùng với việc "đầu tư nhiều với ý đồ muốn ăn trong khi nước nghèo thì phải đi vay", sẽ đẩy Việt Nam tới đến tình trạng nợ như chúa chổm.
"Khi mất khả năng trả nợ sẽ đưa kinh tế đến khủng hoảng", ông nói.
EU, Mỹ lên tiếng việc Việt Nam bắt giới hoạt động (VOA, 07/02/2017)
Việc nhà chức trách Việt Nam bắt giữ một số nhà hoạt động trong nửa cuối tháng 1 đã làm các phái bộ ngoại giao của EU và Mỹ "quan ngại". Họ đã nhanh chóng lên tiếng vào thời điểm cuối tháng 1, trùng với những ngày nghỉ Tết kéo dài ở Việt Nam, khi báo chí và người dân dường như chú ý nhiều hơn đến các thông tin về Tết.
Hai nhà hoạt động vì nhân quyền là bà Trần Thị Nga và ông Phan Văn Phong bị bắt giữ ngày 21/1 ở Hà Nam với cáo buộc "tuyên truyền chống phá nhà nước". Hai ngày trước đó, một nhà hoạt động nhân quyền khác là ông Nguyễn Văn Oai bị bắt giữ tại tỉnh Nghệ An với cáo buộc "chống lại người thi hành công vụ" và vi phạm thời hạn án treo.
Trong thông điệp đăng hôm 26/1 trên trang Facebook của Phái đoàn Liên hiệp Châu Âu ở Việt Nam, Đại sứ Bruno Angelet kêu gọi rằng "Sự an toàn của những nhà bảo vệ nhân quyền cùng với quyền được thể hiện chính kiến một cách tự do, ôn hòa mà không bị đe dọa hay cản trở cần phải được bảo đảm". Vị trưởng đại diện phái đoàn nhấn mạnh đây là "một trong những cam kết quốc tế và trong nước của Việt Nam về nhân quyền".
Đại sứ của Liên hiệp Châu Âu cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam "đảm bảo quyền lợi của bà Trần Thị Nga, ông Phan Văn Phong và ông Nguyễn Văn Oai được tôn trọng". Thông điệp của đại sứ nhắc lại rằng "Ủng hộ các nhà bảo vệ nhân quyền là một nội dung lâu đời trong chính sách của Liên hiệp Châu Âu về nhân quyền".
Từ Việt Nam, ông Vũ Quốc Ngữ, Tổng giám đốc của Người Bảo vệ Nhân quyền, nói với VOA hôm 6/2 ông đánh giá cao tuyên bố của EU :
"Tôi cũng thấy mừng là bên EU họ cũng ra một tuyên bố để phản đối việc bắt giữ chị Nga và anh Nguyễn Văn Oai. Tôi cũng trông đợi phản ứng này của EU từ lâu rồi. Đấy là một tín hiệu ủng hộ của Liên minh Châu Âu đối với hoạt động nhân quyền ở Việt Nam. Thường là những người bị bắt vì cáo buộc về an ninh quốc gia là do họ thực hiện những quyền tự do ngôn luận và bày tỏ chính kiến, chứ họ cũng không phải những người thực sự gây hại cho an ninh quốc gia Việt Nam".
Chỉ 3 ngày trước khi phái bộ EU công bố thông điệp của Đại sứ Bruno Angelet, hôm 23/1, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội đã gửi VOA hồi đáp của họ khi được hỏi về vụ bắt giữ bà Nga.
Đại sứ quán Mỹ nói họ "quan ngại sâu sắc về việc bắt giữ bà Trần Thị Nga tại Hà Nam" và "Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả bà Nga và tất cả tù nhân lương tâm khác, và cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam tự do thể hiện quan điểm chính trị của mình trên mạng và ngoài đời mà không lo sợ bị trừng phạt".
Email của Đại sứ quán Mỹ gửi VOA cũng nhắc lại là họ "đã liên tiếp kêu gọi chính quyền Việt Nam bảo vệ quyền tự do hội họp một cách ôn hòa, quyền lập hội đoàn, quyền tự do biểu đạt và quyền tự do tôn giáo đã được quy định trong Hiến pháp 2013 và các nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền của Việt Nam".
Việc nhà chức trách bắt những người đấu tranh gần dịp Tết, khi các gia đình quây quần, đoàn tụ đã dẫn đến những chỉ trích gay gắt trên mạng xã hội từ nhiều nhà hoạt động thúc đẩy dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Họ gọi đó là hành động "độc ác", "vô nhân đạo".
*************************
Linh mục Phan Văn Lợi bị chặn trên đường đi lễ (VOA, 07/02/2017)
Linh mục Phan Văn Lợi (phải) cho biết một lý do khiến chính quyền không muốn cho ông ra khỏi nhà là ngăn cách việc tiếp xúc giữa ông với các linh mục bất đồng chính kiến khác như Linh mục Nguyễn Văn Lý (giữa). (Ảnh tư liệu / Facebook Phan Van Loi)
Một linh mục ở Việt Nam đã bị những người bị nghi là nhân viên an ninh chặn không cho đi dâng lễ nhà thờ vào dịp đầu năm âm lịch.
Linh mục Phan Văn Lợi đã bị hai người, mà ông nói là nhân viên an ninh tỉnh Thừa Thiên Huế, mặc thường phục chặn đường không cho ông đi dự thánh lễ tại giáo xứ Tây Linh, sáng ngày 2/2, tức ngày mùng 6 Tết.
Linh mục Phan Văn Lợi cho VOA biết hai thanh niên mặc thường phục mà ông tin chắc họ là nhân viên an ninh đã vi phạm quyền tự do đi lại của ông như sau :
"Vừa mới ra khỏi cổng nhà thì có hai người mặc thường phục, xông tới và đẩy tôi lui. Tôi biết rằng đây là công an vì trước đây họ lãng vãng trước nhà của tôi rồi. Tên đó là một tên to xác như tôi đã đưa lên video đó, cứ đẩy tôi lui. Tôi nói gì thì nói, hai người đó vẫn cứ đẩy tôi lui, xô tôi lui".
Trên Facebook có phổ biến một đoạn video quay cảnh hai người mặc thường phục xô đẩy Linh mục Phan Văn Lợi một cách thô bạo.
Linh mục Phan Văn Lợi yêu cầu họ rằng nếu chính quyền muốn ngăn chặn việc đi lại của ông thì phải có lệnh chính thức của tòa án, nhân viên thi hành lệnh của chính quyền khi tiếp xúc với người dân phải mặc sắc phục, và phải trình giấy tờ. Linh mục Phan Văn Lợi nói rằng hai thanh niên vẫn hung hăng liên tục xô đẩy ông. Vị linh mục 66 tuổi đành phải lui vào nhà.
Là người tham gia tranh đấu cho tự do tôn giáo và dân chủ, nhân quyền từ năm 2001, ông thường xuyên lên tiếng về các vấn đề của đất nước, và tố cáo những sai lầm của chính quyền. Ông không bị quản chế, nhưng ông nói rằng chính quyền luôn cho người canh giữ ông từ 2001 đến 2004.
Linh mục Phan Văn Lợi giải thích rằng việc ông đấu tranh giành công lý cho Đan viện Thiên An có thể là lý do khiến chính quyền ngăn cản việc ông ra khỏi nhà :
"Cách đây 2 tháng các thầy ở dòng Thiên An có mời tôi lên nói chuyện về tình hình đất nước và giáo hội. Và tôi là một trong những người lên tiếng bênh vực dòng Thiên An. Cho nên nhà cầm quyền biết rằng tôi và dòng Thiên An có mối liên hệ rất chặt chẽ. Tôi từng đưa các tài liệu, kháng thư của dòng Thiên An lên mạng. Sau cái vụ đó thì công an gia tăng canh gác".
Theo Linh mục Lợi, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế luôn tìm cách chiếm đoạt đất đai của Đan viện Thiên An. Đan viện Thiên An có 107 hecta đất mua từ 1940, sau năm 1975 thì bị chính quyền chiếm đoạt phần lớn để xây khu vui chơi giải trí. Vài tháng gần đây chính quyền yêu cầu Đan viện Thiên An xác nhận phần đất đang sử dụng, khoảng 7-8 hecta. Linh mục Lợi nói rằng nhà nước có ý định chiếm khoảng hơn 90 hecta của Đan viện.
Theo tin từ trang Tin mừng cho người nghèo, gần 200 công an, dân phòng, Hội phụ nữ của xã, huyện, tỉnh gây khó khăn, đánh đập một số tu sĩ của Đan viện Thiên An, tỉnh Thừa Thiên Huế, vào chiều ngày 02/01/2016. Khi đó, nhiều tu sĩ bị đạp vào mặt và lăng mạ vì chính quyền cho rằng họ đã chặt cây thông trái phép.
Linh mục Phan Văn Lợi cho biết thêm lý do khác khiến chính quyền không muốn cho ông ra khỏi nhà là ngăn cách việc tiếp xúc giữa ông với các linh mục bất đồng chính kiến khác như Linh mục Nguyễn Văn Lý và Linh mục Nguyễn Hữu Giải, dù họ ở rất gần tư gia của ông :
"Linh mục Nguyễn Văn Lý, người bạn của tôi đã ở tù về, hiện đang ở tòa Tổng Giám mục Huế. Người bạn thứ hai là Linh mục Nguyễn Hữu Giải, đã về hưu cũng đang ở tòa Tổng Giám mục Huế. Nhà của tôi cách Tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 500m, cho nên họ không muốn chúng tôi gặp nhau. Bởi vì họ nghĩ rằng nếu chúng tôi gặp nhau sẽ bàn chuyện gì đó về tranh đấu. Lý do nữa là tôi là thành viên của Hội đồng Liên tôn quốc nội, Hội Cựu Tù nhân Lương tâm. Tôi đã từng lên tiếng mạnh mẽ về các vấn đề của đất nước, nhất là vụ Formosa".
Linh mục Phan Văn Lợi tin chắc rằng chính quyền sẽ tiếp tục tìm cách ngăn chặn ông không cho ra ngoài trong thời gian tới :
"Chắc chắn rằng từ đây về sau, không biết đến khi nào, công an sẽ còn giữ tôi, không cho tôi ra khỏi nhà, dù là đi làm các công việc bình thường của một linh mục".
Nhiều ngày liền vào tháng 11, 2016, có một số người lạ mặt, mà Linh mục Lợi cho rằng là người của chính quyền, đã tụ tập xung quanh nhà, ngăn chặn ông đi dự thánh lễ, thậm chí ném đá và chất bẩn vào nhà ông làm hư hỏng tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân xung quanh.
Vị linh mục, đồng thời là thành viên của Hội đồng Liên tôn cho biết trong nhiều năm qua, nhà riêng của ông luôn trong tình trạng bị canh gác, chốt chặn. Ông nói rằng những hành động sách nhiễu này vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo và tự do đi lại của công dân.
***************************
Bùi Thị Minh Hằng và Đoàn Huy Chương sắp ra tù (BBC, 07/02/2017)
Trong thời gian bà Bùi Thị Minh Hằng ở tù đã có nhiều biểu ngữ kêu gọi trả tự do cho bà
Tại Việt Nam, hai blogger, nhà hoạt động sắp mãn hạn tù những ngày tới : Bùi Thị Minh Hằng (hôm 11/2) và Đoàn Huy Chương (hôm 13/2).
Tháng 8/2014, bà Bùi Thị Minh Hằng, một blogger hay tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc, bị tòa án tỉnh Đồng Tháp kết án ba năm tù giam về tội Gây rối trật tự công cộng, bị truy tố theo Điều 245, Bộ Luật hình sự.
Thời điểm ấy, Đại sứ quán Hoa Kỳ phát đi tuyên bố nói họ "quan ngại sâu sắc".
"Việc các cơ quan chức năng Việt Nam sử dụng các điều luật về trật tự công cộng để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ vì họ bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa là điều đáng báo động".
Tháng 10/2010, ông Đoàn Huy Chương, một trong ba thành viên sáng lập Phong trào Lao Động Việt, bị Tòa án tỉnh Trà Vinh tuyên án 7 năm tù giam vì tội Phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân' theo Điều 89 Bộ Luật Hình sự.
Hôm 7/2, trả lời BBC từ Trà Vinh, bà Chiêm Thị Tường Mạnh, vợ ông Chương, nói : "Tôi đang ngóng đến sáng sớm 13/2 sẽ đón chồng tại nhà tù Xuân Lộc, Đồng Nai".
"Bảy năm dài đằng đẵng vậy là cũng sắp trôi qua".
"Tôi luôn mong chờ ngày chồng ra tù để phụ nuôi hai đứa con hiện đang phải gửi nhờ ông bà ngoại ở quê".
Bà Mạnh cũng cho biết thêm : "Trong bảy năm chồng tôi đi tù, dù thu nhập của một công nhân may ở TP Hồ Chí Minh chỉ khoảng 4 triệu đồng, nhưng tôi vẫn đều đặn đi thăm nuôi chồng hàng tháng".
"Lần đi thăm chồng mới nhất là hôm 26/1 (tức 29 Tết)".
"Tôi còn nhớ chồng tôi bị bắt cũng hôm 29 Tết năm 2010 khi đang phụ gia đình gói bánh tét ở nhà".
"Về con đường chồng tôi đã chọn thì tôi chỉ biết tôn trọng chứ không biết khuyên anh ấy thế nào".
Trên trang Facebook cá nhân, anh Trần Bùi Trung, con bà Bùi Thị Minh Hằng, đang đếm ngược ngày về của mẹ mình.
Hôm 7/2, cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển nói với BBC : "Tôi và một số người khác sẽ đi đón bà Hằng tại nhà tù Gia Trung, Gia Lai hôm 11/2 tới".
"Tôi đặc biệt vui mừng trước tin bà Hằng sắp ra tù vì án của bà ấy có liên quan đến tôi".
"Bà Hằng cùng hai người khác bị kết án do ngày 11/2/2014 đi thăm gia đình tôi trong lúc tôi đang bị áp giải".
"Xuất thân là một người làm kinh doanh, bà Hằng đã đi vào con đường đấu tranh cho nhân quyền".
"Tôi nể trọng bà ấy vì tính cách bộc trực và luôn thương yêu người khác".
Hiện trên mạng xã hội, một số nhà hoạt động đang có những lời kêu gọi đi đón bà Bùi Thị Minh Hằng và ông Đoàn Huy Chương cũng như trợ giúp họ ổn định cuộc sống sau khi ra tù.