Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tết là ngày nghỉ ngơi, gia đình xum vầy bên nhau để cùng chào đón một năm mới với những ước nguyện tốt lành cho gia đình và người thân. Với những người quan tâm đến đất nước thì mỗi khi xuân về chúng ta đều nhớ tới những người tù lương tâm đang bị giam cầm tù tội. Họ phải xa gia đình, vợ chồng, con cái chỉ vì đã nói lên sự thật và hiện tình của đất nước. Họ là những người can đảm và ưu tú của dân tộc. Theo tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền thì đến năm 2020 chính quyền Việt Nam đang giam giữ 276 tù nhân lương tâm. Một số khuôn mặt nổi bật như Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thành, Phạm Đoan Trang, Lê Anh Hùng, Đinh Thị Thu Thủy, Trần Đức Thạch, Nguyễn Năng Tĩnh, Huỳnh Thị Tố Nga, Trần Hoàng Phúc, Cấn Thị Thêu cùng hai con trai Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư…

phongtrao1 (2)

Theo tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền thì đến năm 2020 chính quyền Việt Nam đang giam giữ 276 tù nhân lương tâm.

Chúng ta cần dứt khoát khẳng định rằng họ vô tội. Họ chỉ thực thi "quyền tự do ngôn luận", đó là một trong những quyền căn bản tối thiểu của con người mà Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập của Liên Hợp Quốc đã long trọng xác nhận và chính quyền Việt Nam cũng đã ký kết và tham gia. Ngay cả Hiến pháp Việt Nam cũng xác nhận "quyền tự do ngôn luận" của công dân. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một tổ chức chính trị dân chủ của Việt Nam, chúng tôi luôn lên tiếng mạnh mẽ phản đối các vụ bắt giữ và kết án tùy tiện đó.

Tập Hợp luôn xem mình là một thành phần gắn bó mật thiết với phong trào dân chủ Việt Nam. Tất cả những người lên tiếng tranh đấu cho dân chủ Việt Nam đều là đồng minh thân thiết của chúng tôi. Chúng tôi luôn quí mến, kính trọng và mong muốn họ được bình an. Với chúng tôi họ là thành phần thiểu số rất đáng quí, là những người còn thao thức và trăn trở với vận mệnh đất nước, họ là lương tri của dân tộc. Thử hình dung một đất nước mà tất cả đều im lặng, chỉ lo làm ăn và nghĩ đến bản thân mình, nhắm mắt bịt tay trước mọi bất công trong cuộc sống thì đất nước đó sẽ đi về đâu ?

Tập Hợp là đồng minh của những người tranh đấu cho dân chủ Việt Nam nhưng chúng tôi không hành động giống họ. Chúng tôi đi theo con đường khác, con đường mà chúng tôi cho là đúng và phù hợp với thời cuộc. Tập Hợp chỉ là đại diện cho một khuynh hướng chính trị trong phong trào dân chủ Việt Nam. Chúng tôi không có tham vọng "thống nhất" tất cả mọi người vào tổ chức của mình vì điều đó là không thể và vô lý. Việt Nam là ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em và 100 triệu người dân với nhiều tư tưởng và quan điểm chính trị khác nhau. Không thể có chuyện áp đặt "đồng phục tư tưởng" cho cả một dân tộc. Đảng cộng sản đã áp đặt một hệ tư tưởng chính trị duy nhất cho cả đất nước bằng sức mạnh của bạo lực, nhà tù và khủng bố là sai. Tập Hợp là một tổ chức dân chủ, chúng tôi chỉ thuyết phục người dân bằng lời nói.

Theo chúng tôi phong trào dân chủ Việt Nam chưa có thực chất và chiều sâu mà chỉ là những tiếng nói phản kháng của các cá nhân lẻ loi. Có lẽ gọi là phong trào phản đối hay phản kháng thì đúng hơn. Phong trào là gì ? Đó là những hoạt động văn hóa, chính trị và xã hội lôi cuốn được nhiều người tham gia. Một phong trào thực sự phải có sự phối hợp tổ chức, có mục tiêu cụ thể và có đánh giá kết quả. Hầu hết những người tranh đấu hiện nay, phần lớn đều là với tư cách cá nhân. Ai làm được gì thì làm, tùy theo khả năng và sở thích của mỗi người. Không có bất cứ sự phối hợp và mục tiêu cụ thể nào. Phương pháp tranh đấu của các nhân sĩ là cố gắng xây dựng tên tuổi cá nhân, tạo tiếng vang và sẵn sàng đối đầu với chính quyền, thậm chí chấp nhận tù đày. Họ hy vọng tiếng nói của họ sẽ thức tỉnh được quần chúng, tập hợp được lực lượng hay hiệu triệu được quần chúng…

Đây là phương pháp tranh đấu đã cũ, chắc chắn sẽ không thành công. Thế giới đã thay đổi rất nhiều, Việt Nam cũng vậy. Truyện thuyết cũ đó, dựa trên tư duy, cách suy nghĩ và hành động của văn hóa Khổng giáo đã thật sự lỗi thời và lạc hậu. Tinh thần dâng hiến đời mình cho tổ quốc như Nguyễn Thái Học, đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng "không thành công thì thành nhân" đã lạc hậu và chỉ cho thấy sự bế tắc. Bao nhiêu năm qua, việc đấu tranh bằng cách hy sinh bản thân để đánh thức đồng bào của các nhân sĩ đã không mang lại kết quả như mong muốn.

phongtrao2

Đoan Trang, một gương mặt tranh đấu nổi bật của Việt Nam bị bắt hôm 6/10/2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chúng tôi xin lấy một ví dụ, đó là trường hợp của Phạm Đoan Trang. Cô là một trí thức trẻ, nổi tiếng, thông minh, có kiến thức và là tác giả của nhiều cuốn sách về chính trị như "Chính trị bình dân", "Cẩm nang nuôi tù", "Phản kháng phi bạo lực"… Đoan Trang là một trong những khuôn mặt tranh đấu hàng đầu tại Việt Nam được dư luận trong nước và thế giới biết đến. Cô được trao nhiều giải thưởng nhân quyền quốc tế như giải Homo Homini 2017 (Cộng hòa Czech), giải thưởng Tự do Báo chí của Tổ chức Phóng viên không biên giới năm 2019. Đoan Trang bị bắt hôm 6/10/2020 và hiện tại vẫn đang bị giam giữ. Sau khi bị bắt thì bạn bè đã công bố bức thư của Đoan Trang như là những lời gửi gắm trước khi bị bắt.

Chúng tôi đọc kỹ lá thư và thấy rõ sự bế tắc trong đó. Đoan Trang đã chuẩn bị tinh thần để bước vào tù với hy vọng sự hy sinh đó sẽ tạo ra "một phong trào xã hội rộng lớn thúc đẩy việc thông qua hai dự luật là Luật bầu cử mới và Luật tổ chức quốc hội mới". Đoan Trang cũng mong muốn việc cô đi tù sẽ là "cơ hội để quảng bá các cuốn sách" mà cô đã viết và sau cùng là muốn "giới hoạt động dân chủ phải là một lực lượng đàm phán với nhà nước, trong đó tập trung nhấn mạnh vào việc đòi thông qua hai dự luật trên"…

Gần nửa năm đã trôi qua và có lẽ Đoan Trang rất buồn nếu biết các mong muốn của cô rất khó thành hiện thực. Sẽ không có một phong trào rộng lớn nào hay một lực lượng dân chủ nào đủ tầm vóc để "đàm phán với nhà nước" hiện nay. Lực lượng dân chủ đó không thể từ trên trời rơi xuống mà phải xây dựng. Muốn xây dựng được một lực lượng như vậy thì cần có quyết tâm và sự cố gắng của rất nhiều người. Chuyện đó không dễ dàng và chúng tôi đã phân tích vì sao. Các cuốn sách của cô thì người dân vẫn đọc, không nhất thiết cô phải vào tù thì người ta mới đọc sách của cô.

Chúng ta thấy được gì qua bức thư mà chúng tôi cho là khá tuyệt vọng và bế tắc này ? Đoan Trang dù trẻ, thông minh, dũng cảm, quyết tâm nhưng phương pháp đấu tranh của cô vẫn đi theo một truyện thuyết cũ. Dù gây được tiếng vang, sự ngưỡng mộ nhưng để đạt được mục tiêu "xóa bỏ chế độ độc tài tại Việt Nam" hay "biến việc đi tù thành cơ hội" cho những người khác thì không thể.

Nhiều người Việt Nam dù không có bạo lực nhưng vẫn kêu gọi dùng bạo lực lật đổ chế độ. Lịch sử của dân tộc ta hàng nghìn năm qua là dùng bạo lực để lật độ các vương triều cũ thay vì đối thoại. Đấu tranh chính trị đồng nghĩa với bạo lực. "Đối thoại" chưa bao giờ là phương pháp của những người làm chính trị kể cả đảng cộng sản.

phongtrao3

"Đối thoại" chưa bao giờ là phương pháp của những người làm chính trị kể cả đảng cộng sản. Phải chờ đến năm... 2045 ! (Đối thoại 2045 diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh : VGP/Quang Hiếu)

Phương pháp và lộ trình tranh đấu của Tập Hợp hoàn toàn khác với các tổ chức và cá nhân trong phong trào dân chủ Việt Nam. Chúng tôi cho rằng đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh có tổ chức. Một tổ chức chính trị chỉ có thể đoàn kết và đồng thuận dựa trên một tư tưởng chính trị. Trong đấu tranh chính trị thì lời nói là tất cả. Một tổ chức chỉ có thể thành công nếu trước đó đã thắng lợi trên mặt trận tư tưởng và lý luận. Hay nói cách khác, một cuộc cách mạng về tư tưởng và văn hóa phải đi trước để dẫn đường cho một cuộc cách mạng. Với Tập Hợp cuộc tranh đấu này không phải để giành chính quyền hay làm ông nọ bà kia mà để mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước : Kỷ nguyên của dân chủ và tự do.

Tập Hợp chỉ trích và phê phán Đảng cộng sản thẳng thắn, dứt khoát nhưng chưa bao giờ xem họ là kẻ thù. Chúng tôi cũng chưa bao giờ kêu gọi biểu tình lật đổ chế độ. Với chúng tôi họ là một sản phẩm của lịch sử mà muốn hay không chúng ta cũng phải tìm cách chung sống. Thậm chí anh em Tập Hợp sẵn sàng đón nhận việc một cựu đảng viên cộng sản trở thành người lãnh đạo cao nhất của tổ chức nếu người đó chia sẻ các giá trị của Tập Hợp và phù hợp với vị trí đó. Tập Hợp không đối đầu, thách thức hay khiêu khích Đảng cộng sản theo kiểu một mất một còn. Họ là họ mà ta là ta. Tập Hợp đề nghị và đưa ra giải pháp dân chủ hóa đất nước và cố gắng xây dựng một đội ngũ có kiến thức và khả năng để làm việc đó. Quyết định cuối cùng trong việc chọn giải pháp dân chủ đa nguyên của chúng tôi hay giải pháp cộng sản thuộc về đa số người dân Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Đảng cộng sản để cùng dân chủ hóa đất nước nhưng sẽ không xin xỏ hay nhượng bộ trên những lập trường căn bản của tổ chức. Tập Hợp muốn Đảng cộng sản là tác nhân của quá trình dân chủ hóa đất nước như các nước Đông Âu. Chúng tôi luôn chủ trương đối thoại chứ không đối đầu trong mọi trường hợp và với mọi tổ chức, kể cả với Đảng cộng sản.

Có người thắc mắc, nếu Tập Hợp đúng, vậy tại sao vẫn chưa thành công ? Việc này chúng tôi đã giải thích nhiều lần là cuộc tranh đấu mà Tập Hợp theo đuổi, đồng thời cũng là một cuộc cách mạng về văn hóa. Để thay đổi văn hóa của cả dân tộc đã hình thành bởi hàng nghìn năm lịch sử, chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Mọi người thấy phương pháp của Tập Hợp rất mới, rất lạ nên còn dè dặt lên tiếng ủng hộ và tham gia chứ không mấy người nói chúng tôi sai. Chúng tôi hiểu điều đó nên cố gắng thuyết phục người dân bằng tất cả sự kiên nhẫn và bao dung. Truyện thuyết mới mà Tập Hợp đề nghị cho người dân Việt Nam khác hoàn toàn với truyện thuyết cũ nên cần có thời gian. Cái gì mới cũng thế. Làm chính trị là hò hẹn với tương lai chứ không phải ăn mày dĩ vãng.

Bầu cử Mỹ và hiện tượng Donald Trump đã là bộc lộ những bất đồng trong phong trào dân chủ Việt Nam. Nói đúng ra là nó đã làm lộ rõ sự tụt hậu nghiêm trọng về kiến thức chính trị của người dân và trí thức Việt Nam. Sự tụt hậu về kiến thức và các quan niệm chính trị đó không hẳn là sai nhưng chúng đã lạc hậu so với thời đại. Đã đến lúc phong trào dân chủ Việt Nam cần kiểm điểm và thay đổi truyện thuyết đấu tranh để tiến về phía trước.

Việt Hoàng

(20/02/2021)

Additional Info

  • Author Việt Hoàng
Published in Quan điểm
lundi, 06 avril 2020 18:29

Virus nhân sĩ

Nhân sĩ là những người có hiểu biết, có tiếng tăm và luôn đứng một mình. Họ không muốn và không thể đứng trong một tổ chức có kỷ luật và tổ chức, cùng lắm họ chỉ kết bạn với một số nhân sĩ khác. Họ cũng có thể tranh đấu và chấp nhận hy sinh. Quan điểm của các nhân sĩ vẫn không khác sĩ phu thời trước là bao, tranh đấu để tìm kiếm công danh cho bản thân chứ không phải vì một lý tưởng quảng đại hay vì dân chủ và tự do cho dân tộc.

Nhân sĩ không có tổ chức vì họ không thể kết hợp được với nhau. Không có kỷ luật và tổ chức các nhóm nhân sĩ không bao giờ có số đông. Nếu có cũng chỉ là một nhóm nhỏ vài ba người. Họ không có bất cứ một giải pháp hay kế hoạch nào dài hơi mà chỉ là đấu tranh theo "thời vụ", có sự kiện gì thì họ lên tiếng, xong rồi thôi. Dù vậy sự lên tiếng của họ cũng có tác dụng tích cực là làm xói mòn uy tín và sự chính đáng của chế độ.

Các nhân sĩ luôn muốn đi nhanh mà muốn đi nhanh thì phải đi một mình vì thế họ không thể tham gia vào các tổ chức. Tham gia vào tổ chức họ phải làm theo những qui định hay chỉ dẫn của tổ chức chứ không thể tùy hứng muốn nói gì thì nói hay làm gì thì làm. Hơn nữa các nhân sĩ vốn đã hình thành trong đầu một phương pháp tranh đấu riêng và theo thời gian phương pháp đó đã trở thành mặc định là đúng, vì thế họ thấy mọi phương án của các tổ chức đều không phù hợp.

Tâm lý chung của các nhân sĩ là muốn đi thật nhanh để sớm được nổi tiếng. Và đó cũng chính là mục tiêu của cuộc đời các nhân sĩ. Nếu mục tiêu của họ là để đất nước có dân chủ thì họ sẽ sớm thất vọng và thất bại. Thực tế là các nhân sĩ, sau khi đạt được một chút tiếng tăm nào đó thì dần dần rơi vào quên lãng. Một số nhân sĩ nổi tiếng một thời như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Mẹ Nấm là những ví dụ. Các "ngôi sao dân chủ" trong nước cũng đang tắt dần.

Cũng không có nhân sĩ nào là thông minh và xuất chúng. Nếu xuất chúng thì họ đã hiểu rằng một cá nhân dù tài giỏi đến đâu cũng không làm được gì, càng không thể chiến thắng được một tổ chức chính trị đã có kinh nghiệm cầm quyền hơn 70 năm như Đảng cộng sản Việt Nam. Muốn chiến thắng một tổ chức chính trị thì phải có một tổ chức chính trị ngang tầm và hơn tầm.

NDDiem1

Nhân sĩ cuối cùng thành công là ông Ngô Đình Diệm nhưng rồi kết quả rất là bi thảm.

Các nhân sĩ là những cá nhân cô đơn nên họ thích chế độ tổng thống. Bản thân các tổng thống cũng là nhân sĩ, nên nếu thành công thì ông "nhân sĩ tổng thống" đó sẽ cần đến các nhân sĩ. Nhân sĩ không ủng hộ chế độ đại nghị vì các chính đảng đều có tổ chức và đội ngũ cán bộ của mình chứ không cần đến các nhân sĩ. Sự thành công của các chính đảng là sự thất bại của các nhân sĩ vì thế họ không bao giờ ủng hộ cho các tổ chức…có tổ chức. Họ hy vọng là dưới chế độ tổng thống họ sẽ được vời ra để làm quan như hồi trước. Điều đó đã qua đi. Nhân sĩ cuối cùng thành công là ông Ngô Đình Diệm nhưng rồi kết quả rất là bi thảm. Cũng vì thấy cô đơn và bất lực nên các nhân sĩ luôn kêu gọi đấu tranh trong "khuôn khổ luật pháp" cho an toàn. Trong thâm tâm họ thừa biết, dưới các chế độ độc tài thì làm gì có luật pháp. Và nếu có thì cũng chỉ nhằm phục vụ cho giai cấp thống trị chứ đâu vì người dân.

Các nhân sĩ ngoài việc chỉ trích, phê phán chính quyền và kêu gọi lấy chữ ký trên mạng ra họ không biết phải làm gì. Họ không thấy có trách nhiệm "hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng". Năm 1945, trí thức nhân sĩ Việt Nam đã không tìm hiểu và hướng dẫn cho người dân để họ nhận diện các tổ chức chính trị đứng đắn vì thế Đảng cộng sản Việt Nam, một tổ chức chính trị theo chủ nghĩa Mác-Lênin đã dành được chính quyền và đưa đất nước vào đêm đen. Ngày hôm nay cũng thế. Không nhiều tổ chức chính trị đối lập đưa ra được các dự án chính trị để tranh đấu và kiến thiết đất nước. Dù vậy, Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã rơi vào im lặng và bàng quan của nhân sĩ và trí thức Việt Nam. Đa số người dân sẽ không đủ kiên nhẫn và kiến thức để đọc và hiểu bất cứ dự án chính trị nào vì thế trí thức Việt Nam cần đọc, nghiên cứu và kiểm nghiệm xem nó đúng hay sai, hay dở như thế nào để còn giới thiệu hoặc cảnh báo quần chúng.

Nhân sĩ và trí thức Việt Nam không hề đả động hay nhắc gì đến Dự án này. Họ làm đúng y như Đảng cộng sản Việt Nam là coi như "không nghe, không thấy, không biết" gì về Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Trong khi đó, Trịnh Hữu Long của tạp chí Luật khoa lại nhắc đến bản dự thảo hiến pháp của "Đảng Dân chủ Việt Nam" của Nguyễn Sĩ Bình, một tổ chức cuội do công an cộng sản lập ra, nay đã biến mất. Tổ chức "Trung tâm Dân chủ Việt Nam" cũng vậy, không ai biết tổ chức này của ai và ở đâu ra (1). Thật đáng buồn là các bạn trẻ này đã bị nhiễm "virus nhân sĩ" quá sớm.

Các dự án chính trị của các cá nhân càng khó được chấp nhận dù chúng hay đến đâu đi nữa vì đấu tranh chính trị là giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Hơn nữa nếu ai cũng cặm cụi ngồi viết dự thảo hiến pháp và dự án chính trị thì Việt Nam sẽ có hàng ngàn bản như vậy và rồi biết dùng cái nào?  

Anh em trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đa số dùng bút danh để viết bài. Ngoài lý do an ninh thì với chúng tôi, thành công của tổ chức, của đất nước mới là quan trọng vì chính trị là "việc chung", là những "cố gắng chung để thành công chung". Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận làm người vô danh suốt đời nếu Việt Nam không có dân chủ. Một số anh em trong Tập Hợp có khả năng làm nhân sĩ nhưng chúng tôi đã không chọn con đường đó.

"Virus nhân sĩ" dù không gây chết người như virus corona nhưng nó làm cho cơ thể dân tộc Việt Nam ốm yếu và không thể "lớn". Các nhân sĩ sợ mình không có chổ đứng trong một tổ chức đã có sẵn ? Điều này sai. Một đảng chính trị khi cầm quyền trong một đất nước gần 100 triệu dân như Việt Nam thì phải cần ít nhất 10.000 cán bộ chính trị có hiểu biết và kiến thức tương đương nhau. Có thế bộ máy mới chạy được trơn tru. Hơn nữa, tranh đấu để thay đổi số phận của một dân tộc 100 triệu người mới là sự cống hiến vĩ đại nhất, vinh quang nhất.

Kinh nghiệm của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là không hy vọng và trông chờ các nhân sĩ tham gia vào tổ chức mà chỉ hy vọng vào những trí thức trẻ chưa là nhân sĩ, chưa bị "virus nhân sĩ" thâm nhập vào cơ thể. Con "virus nhân sĩ" rất khó bị tiêu diệt. Các nhân sĩ nếu có tham gia vào một tổ chức thì sớm muộn họ cũng chia tay và sự chia tay đó gây nhiều tiêu cực hơn là tích cực cho sự có mặt của họ trong thời gian tham gia vào tổ chức.

Con đường đúng đắn cho các bạn trẻ có ý định tranh đấu cho dân chủ là nên tìm hiểu về các tổ chức chính trị theo đuổi các giá trị gần gũi và phù hợp với mình nhất để rồi tham gia vào tổ chức đó. Cùng học hỏi, đóng góp và lớn lên cùng tổ chức thay vì tự mình mày mò và tự nghĩ ra một con đường "cứu nước" riêng. Khi đã lạc đường quá xa thì không thể nào trở lại con đường chính được nữa. Không nên tìm kiếm sự nổi tiếng quá sớm và quá nhanh bằng nỗ lực của bản thân. Thay vì tự mình đóng một con thuyền để vượt đại dương thì hãy tìm đến một con tàu đã có sẵn thủy thủ đoàn và một thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm. Nếu bạn thực lòng và có tinh thần cầu tiến thì tổ chức đó sẽ luôn chào đón bạn.

Một cá nhân đơn độc không thể đóng được thuyền lớn, nên khi ra biển lớn, chỉ một cơn gió nhẹ thoảng qua, cũng đủ nhấn chìm cả người lẫn tàu. Sự thật giản dị đó những bạn trẻ cần phải biết. Các bạn trẻ cũng cần biết một điều nữa là không thể nào đồng thuận với nhau để cùng "hành động" trên những vấn đề cụ thể mà phải đồng thuận với nhau trên nền tảng một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị. Những "lời qua tiếng lại" xung quanh Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vừa qua nói lên sự chia rẽ trầm trọng trong giới nhân sĩ. Các nhân sĩ không ưa nhau. Thành công của người này là thất bại của người khác.

"Sai lầm lớn là cho rằng chỉ cần đồng ý với nhau trên những vấn đề cụ thể và bắt tay nhau hành động. Sự thực là người ta không bao giờ có thể liên tục đồng ý trên những vấn đề cụ thể bởi vì chúng gần như luôn luôn có thể có những giải đáp khác nhau. Do đó nếu tình cờ người ta đồng ý trên một mục tiêu cụ thể nào đó thì tháng sau sẽ không đồng ý trên một vấn đề cụ thể khác, và chia tay. Đồng thuận trên một tư tưởng chính trị khiến người ta không có những suy nghĩ quá khác nhau trên những chọn lựa cụ thể và do đó có thể hiểu nhau và thỏa hiệp với nhau ngay cả khi không đồng ý" (2).

Cuối cùng, vì sao Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên hay lên tiếng chỉ trích cách đấu tranh nhân sĩ ? Lý do cũng giản dị, chúng tôi thật sự muốn Việt Nam có dân chủ. 

"Đấu tranh chính trị chỉ có thể là đấu tranh có tổ chức và một tổ chức chính trị đúng nghĩa chỉ có thể là thành quả của những cố gắng bền bỉ của những người có đủ kiến thức chính trị và cùng chia sẻ một tư tưởng chính trị đúng. Như thế phải bác bỏ chủ nghĩa nhân sĩ, không ủng hộ những tổ chức thành lập vội vã hay không có tư tưởng chính trị, chỉ tham gia và ủng hộ những tổ chức nghiêm túc" (2).

Việt Hoàng

(06/04/2020)

(1) Tại sao phong trào dân chủ thiếu chiều sâu ?, Hồng Việt - Trinh Hữu Long, 02/04/2020

(2) Thử thẳng thắn trả lời một câu hỏi lớn, Nguyễn Gia Kiểng, 27/06/2019

Additional Info

  • Author Việt Hoàng
Published in Quan điểm

Trí thức mà tôi đề cập đến trong bài viết này là "trí thức dấn thân" hay "trí thức chính trị" chứ không phải "trí thức khoa bảng", tức là những người có bằng cấp cao trong các lãnh vực nhưng không quan tâm đến chính trị.

trithuc0

Vô lễ với chính trị tức là coi thường, không tôn trọng và không có thái độ đúng đắn đối với kiến thức về chính trị.

Đầu tiên : Trí thức là ai ? Hiểu một cách ngắn gọn thì trí thức là những người do được đào tạo hay tự học đã đạt tới một trình độ hiểu biết và lý luận trên trung bình, quan tâm tới những vấn đề chính trị và xã hội, suy nghĩ một cách lương thiện, biết tự đặt cho mình những câu hỏi và tìm câu trả lời của mình cho những câu hỏi đó và sẵn sàng bảo vệ quan điểm của mình. Người trí thức chính trị phải suy nghĩ một cách độc lập và nghiêm túc học hỏi về kiến thức chính trị.

Chính trị là gì ? Với nhiều người Việt Nam thì họ xem việc tham gia vào chính trị là sự tìm kiếm thành công cá nhân chứ không phải là một hành động vị tha để phục vụ và tôn vinh con người. Với chúng tôi thì làm chính trị là để cống hiến cho lý tưởng của đời mình, để làm cho đất nước giàu có phồn vinh, nhân phẩm con người Việt Nam được tôn trọng và có chổ đứng xứng đáng như bao dân tộc tiến bộ khác.

Vô lễ là gì ? Vô lễ đồng nghĩa với hỗn xược, có nghĩa là không tôn trọng, không có thái độ đúng đắn đối với người lớn tuổi hoặc người có hiểu biết hơn mình. Vô lễ với chính trị tức là coi thường, không tôn trọng và không có thái độ đúng đắn đối với kiến thức về chính trị. Sự vô lễ với chính trị dẫn đến nhiều người nói và xác quyết về chính trị "như đúng rồi" nhưng thực tế họ không có hoặc rất thiếu hụt về kiến thức chính trị.

Một đặc điểm của người Việt là ai cũng cho là mình biết về chính trị và có quyền nói về chính trị dù họ chưa từng học hỏi về chính trị. Theo ông Nguyễn Gia Kiểng thì :

"Thái độ vô lễ với kiến thức chính trị này là một di sản văn hóa và lịch sử. Trong hàng nghìn năm, giai cấp sĩ, tiền thân của những người được coi hoặc tự coi là trí thức hiện nay, là một loại người vừa vô học vừa vô đạo về mặt chính trị. Họ không phải là trí thức mà còn là cái ngược lại của trí thức. Nghị luận đối với họ chỉ là tìm mọi lý lẽ để biện hộ cho trật tự chính trị sẵn có. Đó là những người mà mộng đời là được làm tay sai không điều kiện cho các bạo quyền để hà hiếp và bóc lột những người dân cùng khổ...Với một cố gắng học hỏi vừa phải họ có thể hiểu biết về chính trị và, nếu dám sống thực nói thẳng, có thể trở thành những người trí thức. Nhưng cố gắng này họ không chịu làm vì họ có thành kiến là chính trị không cần phải học. Bất cứ ai hễ có quyền lực hoặc có bằng cấp cũng cảm thấy có đủ tư cách để nói về chính trị một cách đầy tự tin".

Vô lễ với chính trị khiến nhiều người Việt Nam đặt niềm tin hay trông chờ vào sự xuất hiện của một vị "minh chúa" nào đó. Từ các chế độ phong kiến cho đến Hồ Chí Minh, bộ máy tuyên truyền luôn dựng lên hình ảnh người lãnh tụ như là "người do trời phái xuống" cứu dân độ thế, ví dụ câu sấm tương truyền của Trạng Trình : "Đụn Sơn phân giải, Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh" có nghĩa là "Khi nào núi Đụn bị phân chia ra 2 hay nhiều bộ phận, khe Bò Đái (hay Bồ Đái) chảy không nghe tiếng nữa thì huyện Nam Đàn sẽ sinh ra một vị thánh" và đó là thánh Hồ.

Nhiều người có thể cười và cho rằng đây là chuyện nhảm nhí nhưng chúng vẫn đang tồn tại trong thực tế. Ví dụ, tại hải ngoại không ít người kêu gọi thành lập chính phủ lưu vong và đoàn kết sau lưng ông Lương Xuân Việt vì ông là thiếu tướng trong quân đội Mỹ, hay bà Dương Nguyệt Ánh vì bà đã nổi tiếng sau khi phát minh ra một vũ khí có khả năng xuyên thủng những bức tường rất dầy. Trong nước thì nhiều người ủng hộ tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, hay thậm chí giáo sư Chu Hảo trở thành "tổng thống" và dẫn dắt phong trào dân chủ Việt Nam. Trong thực tế, những người này chưa bao giờ có ý định như vậy.

Trong thư ngỏ nhân dịp Tết Kỷ Hợi của ông Chu Hảo có đoạn viết mà ai cũng biết :

"Tôi, cũng như nhiều quý vị và các bạn trong số chúng ta, không có nguyện vọng và năng lực hoạt động chính trị thực thụ ; nhưng có chính kiến trong thực hành phản biện xã hội trên tinh thần khoa học và xây dựng là nghĩa vụ của mỗi người, để xã hội này không rơi vào tình trạng "chết lâm sàng". Nói đúng sự thật, có lý lẽ, có tầm nhìn và có tâm trong sáng, thì chẳng gì có thể làm chúng ta sợ hãi. Có càng nhiều người can đảm không thờ ơ trước những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc thì sẽ càng ít có chỗ cho cường quyền lộng hành !".

Như vậy ông Chu Hảo nói rất rõ là ông không có "nguyện vọng và năng lực hoạt động chính trị thực thụ" và không phải tự nhiên mà ông viết như vậy, chắc phải có nhiều đề nghị ông "thành lập đảng mới" hay "phất cờ khởi nghĩa". Vô lễ với chính trị khiến nhiều người cho rằng muốn thành công thì chỉ cần một lãnh tụ có danh tiếng thay vì một tổ chức chính trị có đội ngũ cán bộ mạnh và một dự án chính trị đứng đắn.

Vô lễ với kiến thức chính trị khiến nhiều người Việt đặt niềm tin vào tổng thống Mỹ Trump một cách mù quáng. Nhiều người xác quyết một cách không có căn cứ rằng Trump sẽ đánh gục Trung Quốc và mang lại tự do dân chủ cho Việt Nam. Ngoài lý do đến từ văn hóa Khổng giáo là "phò chính thống", "phò kẻ mạnh" thì có lẽ một lý do sâu xa khiến nhiều người thích Trump đó là họ tìm thấy hình ảnh của mình trong đó. Một người không có kiến thức và hiểu biết về chính trị, lỗ mãng, bạ đâu nói đấy, nói sai, nói dối... vẫn có thể làm tổng thống.

Vô lễ với chính trị khiến nhiều người không hiểu rằng "chính trị là đạo đức ứng dụng vào trong xã hội". Nếu làm chính trị mà sẵn sàng dùng thủ đoạn, dối trá, lỗ mãng, bất chấp đạo đức... thì những kẻ đó sẽ lãnh đạo và dẫn dắt đất nước đi về đâu ? Nhiều người tung hô và sẵn sàng bỏ qua mọi vi phạm đạo đức cá nhân của những người người như Trump, Kim Jong-un... vì họ cho rằng quá khứ khác, giờ khác ? Đừng quên rằng đạo đức của mỗi người là bản chất của người đó. Một kẻ vô lại dù có làm đến chức vụ nào thì vẫn là một kẻ vô lại.

Vô lễ với chính trị khiến nhiều người tuyên bố một cách xanh rờn : Chính trị là xấu xa, nhơ bẩn và đấu tranh chính trị chỉ là giành giật quyền lực... Những người này không hiểu rằng không có chính trị xấu xa và nhơ bẩn mà chỉ có những kẻ xấu xa và nhơ bẩn làm chính trị. Cũng như không có ngành Y hay Giáo dục dơ bẩn mà chỉ có những bác sĩ hay giáo viên dơ bẩn tham gia vào ngành Y và Giáo dục. Chính những kẻ dơ bẩn này đã làm vẩn đục môi trường chính trị vốn được xem là một trong những lĩnh vực sạch sẽ và cao quí nhất.

Vô lễ với chính trị khiến nhiều người hô hào lật đổ cộng sản bằng mọi giá. Cuộc vận động dân chủ hiện này đúng là nhằm chiến thắng đảng cộng sản nhưng không phải để tiêu diệt hay lật đổ họ. "Đây là cuộc đấu tranh để đưa con người Việt Nam và đất nước Việt Nam từ bóng đêm của nô lệ và nghèo khổ sang ánh sáng của tự do và phồn vinh. Nó không nhắm tiêu diệt hay hạ nhục một ai, nó là cuộc đấu tranh để tôn vinh mọi người, tôn vinh quyền làm người và quyền được hưởng hạnh phúc như một dân tộc lớn mà dân tộc Việt Nam rất xứng đáng để có" (Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai). Động cơ của nó như vậy là lòng yêu nước và yêu đồng bào, là tình yêu chứ không phải lòng thù hận.

Vô lễ với chính trị khiến người Việt không thể thảo luận được với nhau về chính trị. Chỉ cần một ý kiến nào đó khác với quan điểm của mình là lập tức tấn công, chụp mũ, công kích gay gắt mà không hề dùng lý lẽ để phản bác hay tranh luận. Ai cũng có quyền đưa ra ý kiến, một quan điểm nào đó, có thể sai, có thể đúng nhưng không thể vì trái ý với mình mà "tấn công" người khác. Phê bình, chỉ trích cũng cần thái độ ôn hòa thay vì sử dụng "bạo lực ngôn ngữ". Lý do người Việt không thể thảo luận về chính trị là vì chúng ta hiểu rất khác nhau về các khái niệm chính trị. Sở dĩ có chuyện đó vì người Việt không chịu học hỏi. Đó chính là sự vô lễ với kiến thức chính trị. Không hiểu giống nhau về các khái niệm chính trị thì làm sao thảo luận về chính trị ?

Vô lễ với chính trị khiến nhiều người tranh đấu dù có tấm lòng nhưng không chịu hiểu một điều giản dị là đấu tranh chính trị luôn luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chứ không phải giữa các cá nhân. Chính vì vậy, thay vì tham gia, ủng hộ hay thành lập các tổ chức chính trị để tranh đấu thì nhiều người chỉ tranh đấu cá nhân và không những thế còn "tự hào" về điều đó. Bao nhiêu người tranh đấu cá nhân sau một thời gian đều âm thầm "biến mất" hình như vẫn không thay đổi đươc tư duy của người Việt ?

Vô lễ với chính trị khiến nhiều trí thức tự hào xem mình là "nhân sĩ" mà không ý thức được sự tầm thường, nhỏ mọn và ích kỷ của "giai cấp nhân sĩ", thậm chí nhiều người không hiểu nhân sĩ là gì và nó vớ vẩn đến cỡ nào. Thân phận "nô tài", "nô bộc", tay sai cho các thế lực cầm quyền nhằm ức hiếp dân chúng thì có gì vinh quang để mà tự hào ?

Vẫn theo ông Nguyễn Gia Kiểng thì, "Văn hóa nhân sĩ như vậy ít nhất để lại cho trí thức Việt Nam hai thương tật : Một là coi hoạt động chính trị là để làm quan, là tranh giành công danh cho riêng mình, bằng cố gắng cá nhân. Hai là tâm lý phục tùng chính quyền thay vì đấu tranh để thay đổi nó, ngay cả khi đó chỉ là một chính quyền tồi dở và thô bạo. Hai tật nguyền này khiến các trí thức Việt Nam không kết hợp được với nhau để xây dựng một lực lượng có tầm vóc để đấu tranh dân chủ hóa đất nước. Đa số không có văn hóa tổ chức hoặc ý chí thay đổi xã hội, hoặc cả hai" (Về văn hóa chính trị nhân sĩ). 

Nhiệm vụ và sứ mệnh quan trọng nhất của tầng lớp trí thức là hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng chứ không phải lẽo đẽo chạy theo và nhiều khi chạy sau cả quần chúng (chưa kể những người hùa với chính quyền để ru ngủ và đàn áp dân chúng) vì trí thức là đại diện cho tâm hồn, trí tuệ và tiếng nói của một dân tộc... Bao nhiêu trí thức Việt Nam hiểu được điều đó ?

Vô lễ với chính trị khiến nhiều người khó khăn lắm mới có thể tham gia vào một tổ chức rồi cũng dễ dàng ra đi chỉ vì những bất đồng ý kiến nho nhỏ với những người khác. Họ không nghiên cứu và tìm hiểu về "văn hóa tổ chức" trong các tổ chức chính trị nên họ ngộ nhận nhiều thứ. Họ không hiểu là cần phải hy sinh ít nhiều cái tôi nhỏ bé của mình để có thể hòa đồng với tập thể, hy sinh cái nhỏ để đạt được ước muốn lớn lao là góp phần dân chủ hóa đất nước.

Vô lễ với chính trị khiến nhiều người ngụy biện và ngụy biện lớn nhất đó là "không thể làm gì được trong lúc này vì chính quyền đàn áp các tổ chức từ trong trứng nước". Việc công khai ủng hộ và quảng bá ầm ĩ cho những tổ chức mới ra đời và chưa có sự chuẩn bị nào ở trong nước là những hành động ngu ngốc và điên rồ vì chúng "hữu danh vô thực" và chỉ có tác dụng khiêu khích chính quyền. Với mức độ tự do hiện nay và với sự hỗ trợ của các mạng xã hội thì việc kết nối với các tổ chức không phải là chuyện quá khó. Ngay cả các thảo luận, trao đổi về chính trị mang tính tư tưởng không hề bị ràng buộc gay gặp cản trở nào mà chỉ có vấn đề là "muốn hay không muốn". Một số trí thức Việt Nam vẫn ủng hộ và tiếp tay với đảng cộng sản để kéo dài sự cầm quyền của họ mà không hiểu rằng thời đại của các chế độ độc tài dù hùng mạnh như Trung Quốc hay Nga cũng đã đến hồi cáo chung.

Vô lễ với chính trị dẫn đến bế tắc và trong không ít trường hợp những người bất đồng trong nước không cần tìm hiểu về các tổ chức chính trị ở hải ngoại mà đã vội bắt tay với họ khiến nhiều người chưa làm được gì đã bị bắt và bị kết những bản án rất nặng vì những tổ chức đó là cò mồi hoặc hữu danh vô thực, chuyên nổ và chém gió trên mạng.

Vậy có cách nào để chữa căn bệnh "vô lễ với chính trị" không ? Theo tôi thì có và hoàn toàn không có gì là quá cao siêu, phức tạp. Ông Nguyễn Gia Kiểng, một nhà tư tưởng chính trị của Việt Nam hiện nay, viết :

"Đức tính đầu tiên và bắt buộc của một người đấu tranh cho dân chủ là phải có văn hóa tổ chức, nghĩa là phải biết xây dựng tổ chức và đấu tranh trong khuôn khổ của tổ chức, biết chấp nhận hy sinh tham vọng cá nhân, tư kiến và lòng tự ái để đóng góp cho sức mạnh của tổ chức. Tiếp theo là những khả năng và đức tính mà mọi người đấu tranh chính trị phải có : lương thiện, quyết tâm, kiên trì và bản lãnh chính trị -nghĩa là hiểu biết những vấn đề đặt ra cho đất nước và những giải pháp. Dĩ nhiên cuộc chiến đấu nào cũng đòi hỏi sự dũng cảm, nhưng sự dũng cảm chính của những người đấu tranh dân chủ hóa đất nước trong lúc này là dám tin tưởng vào thắng lợi dù biết cuộc đấu tranh sẽ rất dài và khó khăn, dám quên mình để xây dựng sức mạnh của tổ chức, dám gạt bỏ sự cám dỗ của danh tiếng, dám chấp nhận để người khác nghĩ rằng mình thiếu dũng cảm. Cuối cùng thời gian sẽ trả lại công lý cho mỗi người".

Việt Hoàng

(06/03/2019)

Additional Info

  • Author Việt Hoàng
Published in Quan điểm
samedi, 02 mars 2019 17:47

Niềm hy vọng truyền kiếp

Mỗi người Việt Nam hiện nay, không loại trừ một ai, đều là di sản hiện đại nhất, sống động nhất, của tổ tiên người Việt Nam. Dù lịch sử Việt Nam là bốn ngàn năm hay hai ngàn năm, là bộ tộc ở sông Dương tử hay ở Mã Lai (Biên khảo của Bình Nguyên Lộc), con người Việt Nam năm 2019 vẫn là phiên bản chính thống của tiền nhân Việt Nam.

hyvong1

Mỗi người Việt Nam hiện nay, không loại trừ một ai, đều là di sản hiện đại nhất, sống động nhất, của tổ tiên người Việt Nam.

Đã là di sản, không cần phải cắt tay đếm công thức máu, chắc chắn mỗi người Việt Nam đều có những đặc tính di truyền từ tổ tiên trong DNA. Di sản này nhìn thấy được trên mặt thể lý và cả tinh thần.

Về mặt thể lý, nhân dạng người Việt Nam đã không ngừng tiến hóa để trở nên đẹp đẽ như hôm nay. Đã có quan chức cao cấp cộng sản Việt Nam biết ca ngợi nét đẹp của con gái Việt Nam làm cho nhân dân tự hào. Những lễ hội tổ chức thi hoa hậu được khuyến khích tổ chức rình rang trên khắp nước, tại mỗi thành phố trực thuộc trung ương, ở mọi tỉnh thành và trong mọi ngành nghề, dịch vụ và tại các trường đại học. Chỉ còn thiếu hoa hậu khu công nghiệp Bô-xít Tây nguyên, vùng Vũng án Formosa, các đặc khu kinh tế là bức tranh nhan sắc của con gái Việt Nam thành toàn hảo.

Thật là tự hào vì hôm nay dân tộc ta đã vượt qua giai đoạn tiến hóa chuyển tiếp khi hai ngón chân cái không còn giao vào nhau (giao chỉ), cũng hết rồi thời răng hô và mã tấu.

Về mặt tinh thần, những đặc tính di truyền từ tổ tiên cũng sáng tỏ. Những đặc tính tuyệt vời như cần cù, nhẫn nại, an phận thủ thường… có tiềm năng làm cho sức lao động của người Việt Nam trở nên vô địch. Thật vậy, lực lượng lao động xuất khẩu hàng chục ngàn người/hàng năm đã chứng minh người Việt Nam có khả năng làm việc miệt mài nhiều giờ liên tục nhưng vẫn bằng lòng với giá tiền công bèo nhất trên thế giới. Lực lượng lao động Việt Nam nghiễm nhiên trở thành nguồn nhân lực rẻ rúng nhất được những công ty nước ngoài ở Đài Loan, Hàn quốc hay các công ty đa quốc gia trên thế giới ưa chuộng khai thác. Có ai tự hào hay ai tủi hổ vì lợi thế này của dân tộc thì cũng như nhau, hai từ cũng một vần ‘t’, ‘h’ như nhau.

Những đặc tính cốt lõi trong văn hóa và tâm lý của tiền nhân cũng được người Việt Nam thừa hưởng. Người Việt Nam biết ưu tiên sử dùng bạo lực để giải quyết xung đột cá nhân, tập thể, xã hội và trên đất nước. Người Việt Nam được cái não trạng bất dung, được làm vua thua làm giặc, hoặc mày sống hoặc tao chết, không bao giờ chịu hòa giải để hai ta cùng sống, không may, đã đưa đến hậu quả như hôm nay.

Đảng cộng sản Việt Nam, hiện thân tuyệt đối của bạo lực và sự bất dung, đã nắm được quyền cai trị Việt Nam. Người Việt Nam đang oằn oại rên xiết dưới ách cai trị bạo tàn của người bản xứ. Ai cũng mong ước được thoát khỏi ách cộng sản, nhưng không nhiều người ý thức được rằng khi văn hóa và tâm lý của người Việt Nam chưa thay đổi, Đảng cộng sản Việt Nam không thể thay đổi. Ách cộng sản là một trong những cái gen di truyền hư hỏng của tiền nhân Việt Nam.

Một ưu điểm khác nữa được thừa hưởng từ tiền nhân là người Việt Nam có niềm hy vọng vô biên về một tương lai xán lạn. Có người còn diễn cảm ấn tượng hơn nữa là khát vọng. Người Việt Nam luôn luôn lạc quan bất chấp mọi hoàn cảnh phải chịu đựng. Có vẻ càng bị đè đầu cỡi cổ trong hoàn cảnh cực kỳ khốn khổ, niềm hy vọng càng bùng lên mãnh liệt. Chắc chắn đây là một đặc tính độc đáo đã khiến người Việt Nam được xếp hạng tốp ten trong một cuộc thống kê thổ tả về người sống hạnh phúc nhất trên thế gian.

Nhưng khi hy vọng mà không bắt tay hành động thực hiện hy vọng, nó chỉ là trò chơi của cái tâm lý bất lực. Nó giúp người ta tự lừa bịp mình để chấp nhận, chịu đựng khổ nạn lâu dài hơn. Niềm hy vọng chỉ có ý nghĩa đáng nuôi dưỡng khi nó là một tố chất kích thích người ta phải hành động để thực hiện hy vọng. Chỉ hy vọng mà không đầu tư công sức thực hiện hy vọng chắc chắn sẽ đưa đến những cái ‘vọng’ không mong muốn khác như thất vọng, tuyệt vọng và ảo vọng. Không thể nào khác.

Mọi cuộc cách mạng xã hội nào cũng phải bắt nguồn từ hành động của giới trí thức. Khi giai cấp trí thức cũng chỉ biết hy vọng mà không hành động, xã hội ấy cầm chắc chỉ có thể sống thoi thóp bằng những tuyên xưng khát vọng. Đảng cộng sản Việt Nam đã cho người Việt Nam ăn no những khát vọng đổi đời như độc lập, tự do, tiến bộ, phát triển, dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh bắt kịp bạn bè năm châu.

Giới có bằng cấp to đùng ở Việt Nam hiện nay đông đảo chưa từng có trong suốt hàng ngàn năm lịch sử. Giai cấp có bằng cử nhân, cao học, tiến sĩ, phó giáo sư… cộng cả bằng thiệt, bằng giả, bằng mua, bằng dởm như bằng tiến sĩ xây dựng đảng, đông gấp bội Lực Lượng 47 hay dư luận viên. Nhưng, không may, có vẻ lực lượng này cũng chỉ biết hy vọng/khát vọng rằng đảng cộng sản Việt Nam sẽ thay đổi, sẽ cải thiện, sẽ cho người Việt Nam được hưởng quyền con người, được hưởng tự do và được quyền làm chủ đời mình.

hyvong2

Giới có bằng cấp to đùng ở Việt Nam hiện nay đông đảo chưa từng có trong suốt hàng ngàn năm lịch sử. Ảnh minh họa 

Trong suốt hơn 40 năm kể từ khi đảng cộng sản đã cưỡng đoạt được miền Nam, giới có bằng cấp Việt Nam đã viết nhiều văn thư, kiến nghị, khuyến cáo, thỉnh nguyện, yêu cầu… rất ư là đanh thép để buộc đảng cộng sản phải cải thiện nhân quyền, phải cởi mở chính trị, phải chấm dứt chế độ độc tài đảng trị. Những văn kiện lịch sử này không biết đã đi về đâu vì chẳng thấy đảng cộng sản đá động tới, nhưng trong số người ký tên vào văn tự đã có người vào tù, người đang ở tù và còn nữa những người sắp vào tù.

Thời sự mới nhất để nói lên não trạng của lực lượng xung phong này là nhân cơ hội Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ kính yêu Kim Jong-un của Bắc Cao Ly đến Hà Nội dự hội nghị Giải trừ nguyên tử và Cấm vận kinh tế chẳng liên can gì đến Việt Nam, 100 người tự nhận là trí thức và nhân sĩ Việt Nam đã viết thư cho Tổng thống Mỹ đặt mọi hy vọng vào tài năng thương lượng của Trump để giúp Việt Nam được độc lập tự do và dân chủ. Giời cao ngó xuống mà coi, niềm hy vọng di truyền của người Việt Nam đã được xuất cảng sang đến Hoa kỳ.

Người ta thường nói kẻ thù truyền kiếp, mối thù truyền kiếp nhưng không ai nói hy vọng truyền kiếp nghe nghịch thường. Nhưng nếu chỉ quyết tâm hy vọng mà không bắt tay thực hiện, có mọi khả năng niềm hy vọng vô biên sẽ trở thành di sản quý báu của thế hệ người Việt Nam hôm nay truyền lại cho thế hệ mai sau. Nó trở thành niềm hy vọng truyền kiếp.

Không cần phải có bằng cấp to đùng hoặc đọc cả một nhà sách, ai cũng biết đấu tranh với Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay, thực tiễn chỉ có thể hữu hiệu bằng cách xây dựng cho được một lực lượng không cộng sản làm đối trọng với đảng cộng sản.

Nếu hàng ngàn người đã ký tên vào các văn kiện đanh thép, 2000 người và 10 tổ chức đã ký tên vào ‘Yêu sách 8 điểm năm 2019’ và 100 trí thức và nhân sĩ ký tên đặt hy vọng vào tổng thống Hoa Kỳ biết đoàn ngũ hóa, biết tổ chức, dám đứng lên thành lập một tổ chức chính trị nghiêm chỉnh để thực hiện những yêu sách của mình, niềm hy vọng di truyền từ tổ tiên Việt Nam biến thành hành động, chế độ cộng sản Việt Nam ác ôn phải cáo chung. Bất chấp có Donald Trump hay Tập Cận Bình hay không.

Một tổ chức chính trị Việt Nam nghiêm chỉnh và có trách nhiệm cũng dễ nhận thấy. Tổ chức phải tuyên xưng những giá trị nền tảng làm kim chỉ nam cho hoạt động chính trị. Tổ chức phải có phương pháp để thực hiện mục đích chính trị của đảng và phương pháp để giải quyết những khó khăn, bất cập trên quốc gia. Cuối cùng, tổ chức phải có một dự án chính trị khả thi nêu lên được những mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa giáo dục… cần phải thực hiện ưu tiên để chấn chỉnh lại một xã hội đã bị biến dạng méo mó dưới chế độ cộng sản. Mọi tổ chức chính trị không đầu tư vào những bước căn bản để xây dựng tổ chức nghiêm chỉnh không có tiềm năng lãnh đạo.

Hy vọng của người Việt Nam chỉ thành hiện thực khi giới trí thức Việt Nam thoát ra được thảm cảnh ‘sĩ khí rụt rè, gà phải cáo’ hiện nay. Trí thức Việt Nam dám dấn thân vào làm công việc chung là làm chính trị, thành lập tổ chức chính trị hoặc tham gia tăng cường sức mạnh cho một tổ chức chính trị đã thành lập, học tập và hoạt động trong tổ chức và áp dụng kỹ năng tổ chức quần chúng để làm áp lực tối đa buộc chế độ cộng sản vào thế phải điều đình với lực lượng dân chủ Việt Nam để tìm một cách hạ cánh an toàn cho Đảng cộng sản Việt Nam.

Viễn ảnh này không còn xa nữa vì đã có trí thức lên đường và đã có tổ chức chính trị mời bạn tham gia.

Sơn Dương

(02/03/2019)

Additional Info

  • Author Sơn Dương
Published in Quan điểm

Đảng cộng sản Việt Nam sắp bước sang tuổi 88, đây là một tuổi thọ khá cao (chỉ sau mỗi Đảng cộng sản Trung Quốc). Đảng cộng sản Việt Nam đã độc quyền lãnh đạo đất nước suốt 63 năm trên miền Bắc và 43 năm trên cả nước, sau khi tiến chiếm miền Nam. Mặc dù gặp hết thất bại này đến thất bại khác và ngày càng lún sâu vào tham nhũng, đấu đá nội bộ… nhưng vẫn chưa thấy dấu hiệu nào rõ rệt chứng tỏ Đảng cộng sản Việt Nam sắp kết thúc vai trò lịch sử của mình.

tochuc1

Tham gia vào một tổ chức là để đấu tranh xây dựng một tương lai khác tốt đẹp hơn hiện tại

Có nhiều lý do, nhưng theo chúng tôi thì lý do quan trọng nhất đó là vì chưa có một tổ chức chính trị nào của phong trào đối lập dân chủ Việt Nam có đủ tầm vóc và nhân sự để thay thế Đảng cộng sản Việt Nam.

Có một điều giản dị mà giờ này có lẽ mọi người Việt Nam đều đã đồng ý với nhau đó là : Đấu tranh chính trị luôn luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Mỗi tổ chức chính trị (đảng phái) đại diện cho một khuynh hướng chính trị. Mỗi tổ chức theo đuổi và đề nghị một số giá trị và tư tưởng nền tảng cũng như phương pháp quản trị nhà nước thông qua một "dự án chính trị". Một tổ chức chính trị được thành lập và duy trì là để thể hiện một tư tưởng chính trị và tranh đấu để thực hiện một dự án chính trị.

Nếu không có tư tưởng chính trị được cụ thể hóa qua một dự án chính trị thì không thể có một tổ chức chính trị đúng nghĩa.

Vì sao người ta đấu tranh ? Tất nhiên là do người đó không hài lòng với thực tại đang diễn ra, họ mong muốn một tương lai khác, một luật chơi khác tốt đẹp hơn.

Quá trình (hay diễn tiến) để một người dấn thân tranh đấu như sau : Đầu tiên họ thấy hiện tại có nhiều bất công (mà bản thân họ hay người thân họ gặp phải) nên họ lên tiếng phản ứng. Khi lên tiếng phản kháng trước bất công thì họ nhận được nhiều sự chia sẻ của những người có cùng quan tâm và cảnh ngộ và dần dần họ nhận ra rằng cần phải thay đổi xã hội. Muốn thay đổi xã hội thì phải tranh đấu. Thái độ của họ ngày càng rõ rệt và mạnh mẽ hơn. Sau một thời gian, họ nhận ra rằng nếu chỉ đấu tranh một mình họ sẽ không đủ sức mạnh và ảnh hưởng cần thiết để gây sức mạnh hay sức ép, do đó cần phải tìm một kết hợp lớn hơn với những người khác. Các tổ chức đối lập có tầm vóc bắt đầu hình thành theo diễn tiến trên.

Giai đoạn kết hợp lại với nhau trong một tổ chức để cùng tranh đấu là giai đoạn quan trọng nhất của mỗi người. Nó đánh dấu việc kết thúc tranh đấu cá nhân và tiến lên một bậc cao hơn : đấu tranh có tổ chức. Từ một tiếng nói lương tâm chuyển lên đấu tranh chuyên nghiệp, quyết tâm thay đổi xã hội cùng với những người chung chí hướng là cả một quá trình phấn đấu với chính mình. Hầu hết những người Việt tranh đấu cho tự do và dân chủ Việt Nam đều dừng bước ở "kỳ thi" cuối cùng này.

Không ai nghi ngờ về quyết tâm, lòng dũng cảm và sự hy sinh của những người đã và đang tranh đấu cho một nước Việt Nam dân chủ hiện nay. Niềm tin của họ về sự chính đáng của bản thân và sự suy vong tất yếu của chế độ độc tài là hoàn toàn đúng đắn và có cơ sở. Tuy nhiên tư duy "bất chiến tự nhiên thành", "cùng tắc biến, biến tắc thông", hay ngồi trông chờ vào một thế lực ngoại bang hay một vị minh quân nào đó xuất hiện là điều không tưởng. Không có gì là tự nhiên đến hay tự nhiên đi.

Đấu tranh để chuyển hóa đất nước Việt Nam về dân chủ là một công cuộc vĩ đại của tất cả mọi người Việt Nam. Chỉ mỗi mong ước không thôi sẽ không đủ. Phải có đội ngũ và phương pháp của một tổ chức chính trị nghiêm túc.

Sỡ dĩ đại đa số người Việt đều chọn lối tranh đấu nhân sĩ, chỉ có mình đúng nên đã không tham gia vào một tổ chức nào đều có lý do sâu xa của nó. Nhiều người quả quyết rằng họ muốn "độc lập" để không bị ai chi phối và để khách quan… Thực ra không hẳn như vậy. Lý do khiến họ không tham gia vào các tổ chức chính trị là vì họ khám phá ra rằng, muốn tồn tại trong môi trường của một tổ chức thì họ phải học hỏi nhiều thứ và phải hy sinh ít nhiều cái tôi nhỏ bé của mình.

Vậy tham gia vào một tổ chức để học hỏi cái gì ? Ít nhất bạn phải học về "văn hóa tổ chức", tức là cách ứng xử khi làm việc chung với những người khác, khác về tuổi tác, khác về vai trò, khác về phong cách, khác về cách lý luận… Bạn phải tôn trọng ý kiến người khác và phải biết kiên nhẫn, biết lắng nghe, biết bao dung và chia sẻ.

Một đặc tính của tổ chức đó là "có sự phân công và cấp bậc không đồng đều", và như vậy, có thể bạn phải làm những điều mà tổ chức yêu cầu dựa trên năng lực của bạn, dù công việc đó buồn tẻ hay không thú vị như bạn muốn. Tổ chức có những lôgíc khác với cá nhân. Có những ý kiến mà bạn nghĩ rằng rất hay nhưng khi đưa ra tổ chức thì mọi người không chia sẻ vì chưa đúng lúc hoặc không thực tế thì bạn phải chấp nhận điều đó.

Một công việc khó nữa khi tham gia tổ chức là bạn phải nắm rõ và hiểu rõ tư tưởng, đường lối và lộ trình tranh đấu của tổ chức. Muốn thế bạn phải học tập bằng cách đọc các tài liệu căn bản của tổ chức.

Với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, chúng tôi có ba tài liệu cơ bản :

- Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai ;

- Qui Ước Sinh Hoạt (tức điều lệ của tổ chức) ;

- và tài liệu Văn Hóa Tổ Chức.

Cho dù các tài liệu này được viết với một văn phong rõ ràng, trong sáng và mạch lạc nhưng vì là tài liệu học tập nên không thể tránh khỏi sự nhàm chán (có tài liệu học tập nào mà không nhàm chán ?). Có thể có những điều bạn đã nghe, đã có kinh nghiệm, nhưng muốn tham gia vào tổ chức thì không thể không đọc và không hiểu các tài liệu này để sinh hoạt có tổ chức. Đây cũng là câu trả lời cho những ai muốn hoặc có ý định tham gia vào Tập Hợp.

Quả thực là không dễ và vì thế người ta thường dừng bước ở giai đoạn này. Làm một nhân sĩ rất dễ, chỉ cần nói theo những gì một mọi người đều biết hay những gì mà người dân cần nghe là bạn có thể nổi tiếng. Và mục đích của một nhân sĩ, có lẽ, cũng chỉ đến thế. Trong khi mục tiêu của một tổ chức chính trị là "cố gắng giành lấy - hoặc giữ lấy - quyền lực để thực hiện một dự án chính trị. Sự tranh giành - hay cố giữ - quyền lực này chỉ có ý nghĩa nếu có một dự án chính trị đúng đắn. Nếu không hoạt động chính trị chỉ là vớ vẩn, nhảm nhí…". Xin xem thêm bài tổng hợp các khái niệm chính trị của Hồng Việt (1).

Chính trị và đấu tranh chính trị cũng cần phải có kiến thức như bao nghề nghiệp khác. Muốn có kiến thức thì phải học hỏi và môi trường duy nhất để học hỏi về chính trị là các tổ chức chính trị. Đây cũng là lời giải thích cho những trường hợp bỏ cuộc và bế tắc sau một thời gian tranh đấu cho dân chủ. Người Việt Nam cho rằng chính trị không cần phải học hỏi vì ai cũng biết về chính trị. Tuy nhiên "chính trị quần chúng" khác với "chính trị lãnh đạo", nếu ai cũng biết rõ về chính trị thì ai cũng làm được lãnh đạo chăng? Không có chuyện đó.

Phong trào dân chủ Việt Nam sau một thời kỳ hưng phấn đã dừng bước và tan vỡ ra thành nhiều tổ chức "xã hội dân sự" khác nhau. Hiện tại Việt Nam có hơn 20 tổ chức xã hội dân sự và chưa có một tổ chức chính trị dân chủ đối lập nào đúng nghĩa và có tầm vóc.

Chúng tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần những ý kiến đại loại rằng "Tập Hợp không thuyết phục được tôi nên tôi không tham gia Tập Hợp"… Nhiều người thậm chí chưa từng tham gia vào một tổ chức nào nhưng lại luôn lớn giọng chê trách Tập Hợp và các tổ chức chính trị khác là kém cỏi, bất tài… Chúng tôi không bàn luận về những nhận định này, nhưng nếu ai đó tự cho mình là giỏi và có bản lĩnh thì hãy tự thành lập một tổ chức của riêng mình xem nó khó khăn đến thế nào ?

Muốn thay đổi được vận mệnh của đất nước thì những người dấn thân phải có niềm tin và muốn có niềm tin thì phải có kiến thức và sự hiểu biết. Hiểu biết còn làm cho chúng ta dũng cảm hơn. Hợp quần mới tạo được sức mạnh. Các cá nhân tranh đấu không có tư tưởng sớm muộn cũng bỏ cuộc vì chán nản và cô đơn. Không phải tự nhiên mà Đảng cộng sản Việt Nam tuyên bố là "kiên quyết không để nhem nhóm các tổ chức chính trị đối lập". Họ không sợ người hùng, người giỏi mà họ chỉ sợ những người tranh đấu có tổ chức.

Ngoài kiến thức về chính trị ra thì người đấu tranh còn cần có đạo đức và lòng yêu nước. Lòng yêu nước của người Việt rất yếu. Nếu thực sự yêu nước và muốn cho đất nước thay đổi thì phải hy sinh ít nhiều cái tôi của mình để đứng vào trong một tổ chức chính trị. "Thà làm một người lính trong đoàn quân thắng trận còn hơn làm một viên tướng của phe bại trận", bao nhiêu người dấn thân hiểu và chấp nhận điều đó ? Tham gia vào một tổ chức còn là một môi trường tốt để rèn luyện đạo đức và củng cố lòng yêu nước.

Chừng nào những người tranh đấu chưa chịu hiểu và chưa chịu tham gia vào một tổ chức chính trị thì Việt Nam vẫn chưa thể có được các tổ chức chính trị hùng mạnh và có tầm vóc. Và rồi dân tộc Việt Nam còn phải tiếp tục sống chung dài dài với chế độ cộng sản.

Việt Hoàng

(19/1/2018)

(1). http://thongluan2016.blogspot.com/2016/12/cac-khai-niem-chinh-tri-hong-viet-thdcn.html

Additional Info

  • Author Việt Hoàng
Published in Quan điểm

Câu thoại bất hủ "chúng ta đã sống qua các thời kỳ đồ đá, đồ đồng, để rồi bước sang thời… đồ đểu" của cố nhà văn, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ trong vở kịch "Ông không phải là bố tôi" ra mắt khán giả năm 1988 đến nay đã được gần 30 năm nhưng chúng ta vẫn cảm tưởng như ông vừa mới viết… hôm qua.

danchu1

Những người dân chủ phải là tác nhân của lịch sử thay vì là nạn nhân của lịch sử.

Sự xuống cấp đạo đức của người Việt đã được Lưu Quang Vũ phát hiện ra từ rất sớm và dư luận cho rằng vì khả năng đặc biệt đó mà ông phải trả giá bằng chính cuộc đời mình. Cái chết của ông cùng người vợ, nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ có thể là một tai nạn ngẫu nhiên nhưng cũng có thể là một bí ẩn của lịch sử.

Không ai có một chút lương tâm mà không thấy rằng xã hội Việt Nam ngày hôm nay đang bị đảo lộn mọi giá trị. Cái xấu, cái ác, cái vô cảm đang lên ngôi còn cái đẹp, cái thiện, cái mỹ thì đang phải rút vào… hoạt động bí mật.

Chúng ta có lẽ không cần quanh co và ngụy biện để có thể chỉ thẳng mặt một trong những nguyên nhân chính gây ra những đổ vỡ kinh khủng mà dân tộc đang phải gánh chịu đó là sự lãnh đạo độc quyền và tuyệt đối của đảng cộng sản Việt Nam suốt 72 năm qua. Những gì mà đảng cộng sản đã gây ra cho dân tộc và đất nước này là quá lớn và nó vượt qua mọi sự tưởng tượng của con người. Rồi hậu thế và lịch sử sẽ phán xét họ.

Nguyên nhân thứ hai cũng không kém phần quan trọng đó là trách nhiệm của chúng ta, những người được xem là ‘trí thức’, là ‘tinh hoa’ của dân tộc. Nhưng ‘chúng ta’ là ai? Chúng ta là những người không cùng chia sẻ lý tưởng cộng sản, là những người không ‘chung mâm chung thuyền’ đảng cộng sản, là những người muốn thay đổi hiện thực của ngày hôm nay, chúng ta chính là ‘phong trào dân chủ Việt Nam’.

Chúng ta đã làm gì và có thể làm gì ? Đâu là nhiệm vụ của chúng ta ?

Thành thật và thẳng thắn để nói với nhau rằng chúng ta chưa hoàn thành trách nhiệm cần gánh vác. Phong trào dân chủ Việt Nam vẫn đang dậm chân tại chổ và đúng như dư luận nước ngoài nhìn nhận phong trào dân chủ Việt Nam chỉ là những ‘tiếng nói của lương tâm’, là ‘những người bất đồng chính kiến’. Chúng ta vẫn chưa thực sự trở thành ‘đối lập dân chủ’. Đã đến lúc chúng ta cần ‘nâng cấp’ phong trào dân chủ Việt Nam lên một vị thế mới, vị thế của những ‘tổ chức đối lập dân chủ’ thực sự.

Chỉ trích và tố giác những điều sai trái, xấu xa của đảng cộng sản không làm họ thay đổi. Họ chỉ thay đổi khi buộc phải thay đổi. Họ chỉ thay đổi khi trước mắt họ xuất hiện một tổ chức đối lập dân chủ hùng mạnh có khả năng hiệu triệu quần chúng đứng dậy làm cách mạng. Khi có một tổ chức như vậy thì muốn hay không đảng cộng sản cũng phải thay đổi và tìm cách ‘đối thoại’ với chúng ta. Xin xem thêm bài ‘Đừng quấy phá cộng sản, hãy là đối trọng của cộng sản’ (1).

Sự kiện Đồng Tâm được hâm nóng và gây bức xúc trở lại khi cơ quan điều tra Hà Nội quyết định khởi tố vụ án. Cụ Lê Đình Kình, một nạn nhân của vụ án đồng thời là một biểu tượng tinh thần của người dân Đồng Tâm đã nói rằng dù bị khởi tố nhưng cụ vẫn tin vào đảng, vào chính quyền ?! Chúng tôi cho rằng cụ Kình nói thật lòng vì không tin đảng thì tin ai ? Ai có thể giúp người dân Đồng Tâm giữa được đất của mình? Rõ ràng là không có ai.

Là những người đang tranh đấu cho một nước Việt Nam dân chủ, chúng tôi thực sự cảm thấy có lỗi và bất lực. Chúng tôi không giúp gì được cho cụ và người dân Đồng Tâm ngoài việc lên tiếng đánh động dư luận và tố cáo việc thu hồi đất khuất tất của chính quyền Hà Nội. Chúng tôi phẫn nộ khi một phụ nữ trẻ có con thơ bị kết án 12 tháng tù chỉ vì làm sứt cái mép bàn trong quán karaoke, dù rằng sau đó đã bồi thường gấp đôi số tiền của cả cái bàn. Những bất công như vậy diễn ra hàng ngày hàng giờ trên đất nước Việt Nam. Những điều kinh khủng và vô lý nhất đều trở thành bình thường ở Việt Nam. Chính quyền thì càng ngày càng không coi ai ra gì, họ thích là họ làm, tất cả đều đúng qui trình. Ai tố cáo họ thì họ tìm cách gài bẫy để tống vào tù.

Làm chính trị là chấp nhận sự cô đơn, cô đơn trong suy nghĩ, cô đơn trong đời thực. Những ‘người làm chính trị’ đều ‘không bình thường’ khi cố gắng thay đổi xã hội và tranh đấu cho những điều tốt đẹp, cho tất cả mọi người để đổi lại sự thờ ơ và thậm chí là nghi ngờ của một số người kém hiểu biết và kém thiện chí.

Phong trào dân chủ Việt Nam vẫn chưa thực sự tin vào chiến thắng vì thế không ai tranh đấu để chiến thắng. Đa số tranh đấu vì lương tâm, vì sự bức xúc trước sự nhiễu nhương của thời cuộc, vì không chấp nhận cái sai, cái xấu của chính quyền. Phong trào dân chủ Việt Nam vì thế vẫn rời rạc, manh mún và chia rẽ. Càng chia rẽ thì lại càng cô đơn. Càng cô đơn thì càng suy yếu và thực sự là phong trào dân chủ Việt Nam chưa tác động được gì nhiều lên chính quyền Việt Nam.

Trí thức Việt Nam vẫn mang trên mình gánh nặng của văn hóa Khổng giáo, một trong nhiều biểu hiện của thứ văn hóa độc hại đó là không dám ủng hộ cho các tổ chức chính trị đối lập vì ‘tôi trung không thờ hai vua’. Rất nhiều trí thức Việt Nam hiểu rõ sự thối nát và vô lý của đảng cộng sản nhưng họ vẫn mong và hy vọng đảng sẽ thay đổi cho tốt lên thay vì ủng hộ cho các tổ chức chính trị dân chủ đối lập non trẻ. Họ ngụy biện rằng, các tổ chức này có thành tích gì đâu mà ‘đòi cầm quyền’ nhưng sự thực có ai đòi cầm quyền đâu ? Một số người thì khẳng định như đinh đóng cột rằng ‘đa đảng sẽ loạn’ trong khi đó cả thế giới ‘đa đảng’ mà đâu có loạn? Hơn nữa làm sao có thể khẳng định chắc nịch một điều mà mình chưa biết, chưa trải qua ?

Cơ hội và luôn lách để sống và tồn tại không chỉ là phương châm sống của người dân mà còn là của trí thức Việt Nam. Người dân nhìn thấy vậy nên cũng đành luồn lách theo và cuộc sống cứ thế trôi dần về bế tắc. Chính quyền bế tắc, phong trào dân chủ bế tắc và tương lai của Việt Nam cũng chỉ có thể là bế tắc.

Càng ngày người dân càng thất vọng và chán nản về đất nước. Ai cũng tìm cách bỏ nước ra đi. Những người không đi được thì buông tay, phó mặc cho số phận, sống lay lắt cho qua ngày đoạn tháng và tìm vui nơi chén rượi cuối ngày.

‘Dự án chính trị’ Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2 có nhìn nhận về khó khăn và thách thức này : "Dân chủ hóa đất nước là mục tiêu hiển nhiên nhưng cũng đầy trở ngại. Đảng cộng sản đã chứng tỏ họ có thể làm tất cả để duy trì độc quyền chính trị trong khi đa số người Việt Nam không còn quan tâm tới đất nước nữa, sự thất vọng kéo dài quá lâu đối với một chính quyền tham bạo đã biến thành sự chán nản với chính đất nước. Như vậy những người đấu tranh cho dân chủ phải chống lại cùng một lúc sự ngoan cố của Đảng cộng sản và tâm lý bỏ cuộc của quần chúng. Cuộc vận động dân chủ cũng đồng thời phải là nỗ lực phục hồi lòng yêu nước đã bị thương tổn trầm trọng; nó sẽ đòi hỏi rất nhiều quyết tâm, dũng cảm và kiên trì. Nhưng nó là cuộc đấu tranh bắt buộc".

Vậy phong trào dân chủ Việt Nam phải làm gì ? Đề nghị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên suốt bao năm qua vẫn thế, chúng ta cần làm tác nhân của lịch sử thay vì là nạn nhân của lịch sử. Chúng ta phải có giải pháp để chiến thắng. Chúng ta phải ‘nâng cấp’ và ‘nâng tầm’ tranh đấu lên một tầm cao mới. Phải có một tổ chức đối lập hùng mạnh với một dự án chính trị khả thi mới có thể dân chủ hóa được đất nước. Đấu tranh chính trị là đấu tranh giữa các tổ chức chứ không phải giữa các cá nhân. Trí thức Việt Nam phải lên tiếng ủng hộ cho các tổ chức chính trị đối lập dân chủ để các tổ chức đó lớn mạnh và trở thành một đối trọng, một tiếng nói nặng ký để buộc đảng cộng sản thay đổi về hướng dân chủ.

Đã đến lúc tất cả đều phải thay đổi. Đảng cộng sản thì cần chấp nhận ‘luật chơi dân chủ’, nên xem đối lập dân chủ là đồng minh của chính quyền chứ không phải kẻ thù. Một mình đảng cộng sản không thể nào quản trị được đất nước, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Chính quyền và đối lập là hai mặt của một vấn đề, cả hai sẽ bổ xung cho nhau, hỗ trợ cho nhau, kẻ tung người hứng trong mối quan hệ quốc tế phức tạp và nhạy cảm. Hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ của Mỹ là ‘đồng minh’ chứ đâu phải kẻ thù ?

Phong trào dân chủ Việt Nam cũng cần thay đổi tư duy, từ ‘tiếng nói của lương tâm’ và ‘bất đồng chính kiến’ thành một giải pháp cho vấn đề dân chủ hóa đất nước. Nếu phong trào dân chủ không có tổ chức và không lớn mạnh thì dù đảng cộng sản có muốn thay đổi cũng không được vì sẽ bị các nhóm bảo thủ trong đảng ngăn cản.

Người dân Việt Nam cũng cần thay đổi bằng cách lên tiếng ủng hộ cho các tổ chức dân chủ đối lập đứng đắn và có viễn kiến. Không có cạnh tranh chính trị thì sẽ không có bất cứ sự lựa chọn nào cho người dân. Đảng cộng sản đang ‘độc quyền lãnh đạo’ nên họ sẽ không bao giờ thay đổi.

Chừng nào người Việt Nam thôi hỏi những câu vô duyên đại loại như "làm gì có tổ chức nào để mà ủng hộ’ thì chừng đó mới có hy vọng cho tương lai. Không thể có chuyện dân chủ và tự do từ trên trời rơi xuống theo kiểu ăn ngay như mì ăn liền mà phải có sự ủng hộ, sự chăm sóc và nuôi nấng của người dân nhất là những người có hiểu biết.

Cây dân chủ chỉ có thể đơm hoa và cho trái ngọt nếu được mọi người chăm bón. Không làm gì thì sẽ không có gì và khi đó đừng có kêu trời hay oán trách số phận vì ‘rau nào, sâu ấy’.

Việt Hoàng

(27/06/2017)

(1). http://thongluan2016.blogspot.com/2016/12/ung-quay-pha-cong-san-hay-la-oi-trong.html

Additional Info

  • Author Việt Hoàng
Published in Quan điểm

1. Tự sát hay bị cắt cổ giết người ? Góc nhìn của giám định pháp y

"Sao mấy ông không giết dân hết đi, rồi mấy ông sống một mình".

Đó là câu nói nghẹn ngào, tức tưởi của Mẹ anh Nguyễn Hữu Tấn, sinh năm 1979, được truyền thông nhà nước thông báo là "tự cắt cổ".

suynghi1

Xác ông Nguyễn Hữu Tấn được gia đình mang về tẩm lịm và chôn cất

Công an Vĩnh Long khẳng định toàn bộ quá trình anh Tấn dùng dao tự sát đã được camera ghi lại. Tuy nhiên, cơ quan công an đã không công khai đoạn video đó cho công chúng. Vậy cái chết đau thương của anh Nguyễn Hữu Tấn là "tự cắt cổ" hay bị giết chết ? Kính mời quí vị tham khảo ý kiến của những chuyên gia pháp y (forensic pathologic-médecin légiste), được phân tích bởi Viện Y tế Quốc gia Mỹ, để có cái nhìn toàn diện và trung thực hơn về cái chết man rợ của Phật tử Nguyễn Hữu Tấn.

Cắt cổ họng có thể được phân loại chủ ý giết người, tự sát hoặc vô tình không chủ ý. Cắt cổ giết người là một phương pháp giết người thường gặp, trong khi cắt cổ tự sát thì ít gặp hơn và hiếm có trường hợp lỡ tay/vô tình cắt cổ. Trường hợp lỡ tay không chủ ý cắt cổ vô cùng hiếm có. Trường hợp này chỉ xảy ra khi một nạn nhân đi xuyên qua một tấm kính ; bị đập vào cổ bằng một thứ vũ khí sắc nhọn ; hoặc bị kính bay ngang cứa vào cổ. Bình thường không có ai có thể tự cầm dao, dù là dao sắc bén cạo (huống hồ ở đây theo lời công an là dao cạo giấy, nghĩa là không bén), để tự kết liễu đời mình, vì rất đau và bất tĩnh ngay sau đó vì máu chảy ra từ mạch gân cổ quá nhiều. Và khi đau quá thì người tự sát sẽ tự buông tay vì mất hết sức lực.

Cắt cổ do tự sát

Vết thương của cắt cổ tự sát cũng tương tự như vết thương bị cắt cổ giết người từ phía sau. Vết thương thường bắt đầu ở phần cao hơn ở cổ, đối diện với nơi vết thương kết thúc. Nếu nạn nhân là người thuận tay phải, thì vết thương cắt cổ tự sát thường bắt đầu từ một phần ba của phần bên trái ở cổ và kết thúc ở một điểm thấp hơn so với vết cắt đầu tiên và nằm phía bên phải.

Những vết thương cắt cổ tự sát thường, nhưng không phải luôn luôn, đi kèm với nhiều vết cắt do dự. Hơn nữa, một cổ họng tử vong do cắt cổ tự sát có thể kèm theo chứng co thắt tử thi, với con dao nắm chặt trong tay nạn nhân. Ở đây còn có thêm những vết dao đâm sâu vào cổ mà một người tự sát không thể làm hai độngv tác cùng một lúc : đâm và cắt.

Cắt cổ giết người

Cắt cổ giết người có thể được tạo ra bằng hai cách thức khác nhau ; tùy thuộc vào hành động giết người đó được thực hiện từ phía sau lưng hay trước mặt. Trong hai cách thức này, việc cắt cổ họng của một người từ phía sau là phổ biến nhất. Đầu của nạn nhân được kéo ngược ra phía sau, và sau đó con dao sẽ cứa ngang qua cổ, có thể dẫn tới đứt đầu, như vụ con tin bị quân khủng bố IS giết và quay phim.

Con dao được kéo ngang qua cổ, từ trái sang phải nếu kẻ tấn công thuận tay trái và từ phải sang trái nếu kẻ tấn công thuận tay trái. Vết thương sẽ rất sâu ở phần đầu và đoạn cuối ở phía đối diện của cổ họng. Vết thương sâu dần ở bên trái sẽ là phần đầu của vết cắt cổ và được xác nhận lại bởi sự mài mòn ở đoạn cuối vết thương, được tìm thấy ở phần cuối bên phải.

Các vết thương cắt cổ giết người từ phía đằng sau thường dài hơn. Vết thương thường bắt đầu ở phía dưới của tai, chạy theo hướng nghiêng xuống và ở giữa, sau đó thẳng qua đường giữa của cổ, và kết thúc ở phía đối diện của cổ, thấp hơn điểm bắt đầu.

Ngược lại với cắt cổ từ phía sau, bị cắt cổ từ phía trước thường ngắn và góc cạnh. Các vết thương ngang được gây ra từ phía trước là ít gặp nhất. Hơn nữa, thay vì cổ bị cắt bằng một chuyển động dài, liên tục, thì những vết thương của cắt cổ ở phía trước được gây ra bởi một vài vết cắt hoặc vết rạch.

Khoảng thời gian gây ra cái chết sau vết thương bị cắt cổ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm liệu hệ thống tĩnh mạch hoặc động mạch có bị cắt đứt và liệu có bị nghẽn mạnh không khí hay không. Trong một số trường hợp, những nạn nhân bị một vết cắt ở động mạch cảnh sẽ tử vong sau khoảng 10 phút.

Trở về vụ án Nguyễn Hữu Tấn

Công an tỉnh Vĩnh Long đã thông báo như sau trong buổi họp báo : 

"Lợi dụng lúc cán bộ điều tra vừa ra khỏi phòng, đối tượng đã LỤC TÌM CON DAO RỌC GIẤY được cất trong cặp riêng của cán bộ điều tra (dùng để cắt niêm phong vật chứng khi làm việc) để tự sát bằng cách tự cắt mạch máu 2 bên cổ".

Tuy nhiên, theo lời kể của gia đình anh Tấn kể lại, khi thân phụ của anh Tấn lên nhận xác, thì anh đang nằm trên một vũng máu lênh láng và cuống họng lòi ra. Đáng chú ý, vết thương rất sâu vì chỉ khoảng 2 lóng tay nữa là cần cổ có thể bị đứt lìa ở phía đằng sau. Gia đình anh Tấn cũng kể thêm rằng đoạn video mà công an cho họ xem thì rất mờ và thấy anh Tấn cầm con dao bằng tay trái ; trong khi anh Tấn lại THUẬN TAY PHẢI.

Vài điểm cần lưu ý

1. Từ khi nào nghi phạm ở phòng làm việc công an ở Việt Nam được tự do đi lại để lục và tìm con dao rọc giấy ? Trong thực tế, bất kì nghi phạm nào bị bắt vì yếu tố chính trị, hầu hết các nghi phạm sẽ bị còng cả tay và chân khi ngồi trong phòng hỏi cung.

2. Một người thuận tay phải khi tự sát bằng cách cắt cổ không bao giờ dùng tay trái bởi họ muốn cái chết nhanh chóng nên sẽ dùng tay lực để kết thúc cho nhanh, giảm sự đau đớn. Do đó, chúng ta hoàn toàn có quyền nghi ngờ tính trung thực của đoạn video của công an trong đó anh Tấn cầm dao bằng tay trái.

3. Không ai tự sát bằng cách cắt cổ mà cắt ra tận phía sau đến nỗi "cần cổ muốn lìa ra". Đáng chú ý, không có dấu hiệu do dự trong hình chụp vết thương ở cổ của anh Tấn. Do đó, khả năng "tự cắt cổ" là dường như không thể xảy ra.

4. Hơn nữa, ai cũng biết dao rọc giấy thường không sắc bén và rất mong manh, vì nhà sản xuất cũng sợ xảy ra trường họp dùng dao rọc giấy tự sát. Nếu dùng dao rọc giấy tự cắt cổ thì nạn nhân phải kêu la đau đớn vì phải cứa đi cứa lại cả dự án lẫn gân quanh cổ, và sẽ buông tay vì quá đau đớn, không thể làm tiếp.

Bằng chứng duy nhất có thể chứng minh công an KHÔNG GIẾT CHẾT anh Tấn là đoạn video chưa được công bố ; trong khi đã có rất nhiều bằng chứng minh chứng rằng anh Tấn KHÔNG THỂ "tự cắt cổ". Tuy nhiên, hiện tại công an tỉnh Vĩnh Long nói riêng và Bộ công an nói chung vẫn KHÔNG CÔNG KHAI đoạn video đó.

Vì sao công an không dám công bố đoạn video thật ?

1. Video đó là dàn dựng, nên họ không dám công khai vì sợ bị công luận phát hiện và vạch mặt.

2. Video đó là dàn dựng, nên còn thiếu nhiều kĩ xảo để nhìn cho giống thật. Vì thế họ cần thêm thời gian để thuê chuyên gia hàng đầu về kỉ xảo cũng như tìm người giống anh Tấn để đóng thế, rồi tạo dựng một video "giả" mà quần chúng đang chờ đợi.

Trong thời buổi công nghệ phát triển hiện đại, để tạo một video đổ oan cho người khác không quá khó và chỉ cần thật nhiều tiền.

Kết luận

Phân tích của giám định pháp y và nhiều bằng chứng ở trên chứng minh rằng tình nghi lớn nhất gây ra cái chết của anh Nguyễn Hữu Tấn là công an tỉnh Vĩnh Long. Vì thế đoạn video mà công an chưa công bố không còn quan trọng nữa. 

Gia đình anh Tấn vốn là một gia đình Phật tử hiền hòa và công an nhân anh Tấn là một người hiền lành. Cái chết quá dã man của anh đã khiến cho nhiều người phẫn nộ và khóc thương anh. Khóc cho gia đình anh Tấn. Khóc cho những người đã bị công an dã man sát hại. Và trên hết, khóc cho Dân tộc Việt Nam vì đã quá lầm than, đau khổ, và uất hận dưới chế độ độc tài cộng sản. Sẽ có một ngày khi Dân chủ - Đa nguyên được thiết lập, tất cả những vụ án oan khuất này sẽ được mang ra xét xử công bằng. Không ai giết người mà có có sống cuộc an nhàn và bình thản. Giết người sẽ phải bị xử lý theo luật pháp. Đó là qui tắc của một xã hội văn minh. 

2. Thấy gì khi Đảng ủy Nghệ An đấu tố hai linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục ?

Chắc hẳn rất nhiều người yêu chuộng tự do và dân chủ đã thấy các màn đấu tố hai linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục của Đảng ủy tỉnh Nghệ An và cảm thấy thật tức giận. Khi gặp bất công, người dân ở các nước văn minh xuống đuờng biểu tình chống lại chính quyền. Ở Việt Nam thì ngược lại, chính quyền (Đảng ủy Nghệ An) lại huy động quần chúng "biểu tình" (đấu tố) chống lại người dân. Đó là trường hợp của hai vị chủ chăn một giáo phận nhỏ ở miền Trung.

suynghi2

"Nhân dân bất mãn" được Đảng ủy Nghệ An huy động chống hai linh mục "phản động"

Tuy nhiên, thật sự, chúng ta không nên quá lo lắng và bận tâm vào những trò bẩn thỉu, hạ đẳng và hèn hạ đó của Đảng ủy Nghệ An. Những cuộc tấn công cá nhân, nhục mạ và vu khống hai tu sĩ Nam và Thục, cho chúng ta thấy Đảng ủy Nghệ An, nói riêng, và đảng cộng sản Việt Nam, nói chung, đã và đang rất thất bại trong việc kiểm soát truyền thông, đặc biệt mạng xã hội.

Riêng về thảm họa Formosa, rất nhiều người trong nước chọn đọc những thông tin mà hai linh mục Nam và Thục truyền tải. Hơn nữa, ngư dân miền Trung, đặc biệt các giáo dân, miễn nhiễm với truyền thông bịp bợm và dối trá của ban tuyên giáo, đã đồng thuận và hiệp thông với các linh mục miền Trung trong việc khởi kiện Formosa ra tòa. Dù đã hơn một năm từ sau thảm họa môi trường Formosa, nhưng sự quyết tâm yêu cầu nhà nước đóng cửa Formosa ngày càng cao, bất chấp những vu cáo liên tiếp nhắm vào giáo dân và các linh mục miền Trung.

Chính vì sự thất bại toàn diện và quá bẽ bàng này, Đảng ủy Nghệ An phải đánh lá bài đấu tố, là công cụ mà họ nghĩ sẽ có hiệu quả. Tuy nhiên, do không tìm được nhiều người ủng hộ hành động đấu tố, nên Đảng ủy tỉnh Nghệ An phải huy động hai lực lượng mà những quốc gia văn minh cấm lợi dụng là người già và trẻ em. Ở đây Đảng ủy Nghệ An không chút ngượng ngùng đã huy động những cụ già cựu chiến binh U70, U80, trẻ em và học sinh tiểu học để có đủ túc số thực hiện mục đích đấu tố hèn hạ đó. Kết quả đã ngược lại mong ước, không ai quan tâm đến hành động đó. Không nên lưu ý đến những màn diễn đê hèn và vô liêm sĩ này sự thật và công lý luôn luôn chiến thắng dối trá và bất công.

Đảng cộng sản đã sống được "lâu" là nhờ vào tuyên truyền dối trá và dùng bạo lực để đàn áp. Dối trá ngày nay đã hết tác dụng vì sự thật được công bố ra công luận trước những tuyên truyền dối trá từ phía nhà nước. Còn đàn áp bằng bạo lực xem ra cũng không thành công cho lắm, vì tinh thần người được cử đến để đàn áp không cao lắm. Tháng 10/2016, hơn 10.000 dân làng Kì Anh kéo đến biểu tình trước cổng Formosa, cảnh sát cơ động được cử đến để đàn áp đã phải tháo chạy. Gần đây nhất, tại Đồng Tâm khi người dân không còn run sợ "tạm giữ" hơn 35 cảnh sát cơ động và cán bộ.

Hiện tại, Đảng ủy Nghệ An đang run sợ. Đảng cộng sản cũng đang sợ hãi và lúng túng không kém… Họ không thể vừa nghĩ cách đối phó với Dân, vừa đề phòng đấu đá, "tự chuyển hóa" nội bộ… Xem ra, đảng cộng sản đang rệu rã và phân hóa hơn bao giờ hết. 

It was the quiet before the storm…

Đã đến lúc giới trí thức tinh hoa nên liên kết lại với nhau trong một tổ chức chính trị đối lập, với dự án chính trị nghiêm túc. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một tổ chức chính trị đối lập có một cương lĩnh chính trị đấu tranh giành thắng lợi rõ ràng. Đó là dự án chính trị Khai Sáng Kỉ Nguyên Thứ Hai. 

Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ thật sự lo ngại khi giới trí thức nhận ra được sức mạnh và tầm quan trọng đấu tranh có tổ chức. Khi có một tổ chức chính trị dân chủ đủ khả năng huy động sinh lực của một đất nước, thắng lợi của dân chủ sẽ gần kề.

Một châm ngôn mà những người đấu tranh cho tự do và dân chủ ở Việt Nam phải lặp đi lặp lại hàng ngày là "đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả mà luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức", bởi vì tổ chức tạo ra sức mạnh. Đó cũng là châm ngôn của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

Phạm Vũ Mai

(08/05/2017)

Additional Info

  • Author Mai V. Phạm
Published in Quan điểm