Mỹ chính thức yêu cầu Canada cho dẫn độ giám đốc tài chính Hoa Vi (RFI, 31/01/2019)
Theo trang tin Business Insider, trích dẫn nhật báo Mỹ Wall Street Journal, chính quyền Canada hôm 29/01/2019 đã xác nhận việc Mỹ chính thức đề nghị Canada cho dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi.
Chưởng lý Richard P. Donoghue tại Tòa án quận phía đông New York, Mỹ, trong cuộc họp báo tại Washington, ngày 28/01/2019, về các cáo buộc nhắm vào tập đoàn Hoa Vi, Trung Quốc. Reuters/Joshua Roberts
Đơn yêu cầu dẫn độ đã được chuyển cho Canada một hôm sau khi tư pháp Mỹ công bố 23 tội danh nhắm vào Hoa Vi và bà Mạnh Vãn Châu, từ vi phạm lệnh trừng phạt Iran cho đến đánh cắp bí mật công nghệ của Mỹ.
Theo báo Wall Street Journal, nhà chức trách Canada có một tháng, tức là đến ngày 01/03, để quyết định chấp nhận hay không yêu cầu của Mỹ. Việc xem xét sẽ căn cứ vào nội dung hiệp ước dẫn độ giữa hai nước. Tuy nhiên, kể cả khi Canada đồng ý cho dẫn độ sang Mỹ, bà Mạnh Vãn Châu vẫn có quyền kháng cáo.
Kể từ khi vụ Hoa Vi nổi cộm lên với việc bà Mạnh Vãn Châu bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ vào đầu tháng 12 năm 2018, sản phẩm của tập đoàn Trung Quốc càng lúc càng bị tẩy chay ở các nước phương Tây, hay các quốc gia đồng minh thân thiết của Mỹ.
Gần đây nhất là Cộng Hòa Séc đã quyết định loại Hoa Vi ra khỏi cuộc đấu thầu xây dựng một cổng thông tin về thuế. Quyết định này được ban hành trong bối cảnh cơ quan an ninh mạng của Cộng Hòa Séc vào cuối năm ngoái, đã chính thức cảnh báo về việc sử dụng các sản phẩm từ hai tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi và ZTE.
Trên một bình diện rộng lớn hơn, theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, Liên Hiệp Châu Âu sắp tiến đến việc loại Hoa Vi ra khỏi tiến trình xây dựng các mạng lưới điện thoại 5G tại Châu Âu, nhưng một cách mặc nhiên chứ không chỉ đích danh.
Theo bốn quan chức Châu Âu được Reuters trích dẫn, hiện nay đã có nhiều đề nghị được đưa ra xem xét, trong đó có ý kiến liên quan đến việc điều chỉnh đạo luật về an ninh mạng năm 2016 của Liên Hiệp Châu Âu, buộc các công ty xây dựng các hạ tầng cơ sở cốt lõi là phải bảo đảm vấn đề an ninh.
Theo các quan chức này, việc điều chỉnh bổ sung định nghĩa về cơ sở hạ tầng thiết yếu để bao hàm luôn cả các mạng lưới điện thoại di động đời thứ năm, trong thực tế sẽ ngăn chặn không cho các doanh nghiệp Châu Âu dùng thiết bị đến từ các nước hay công ty bị nghi ngờ là dùng thiết bị vào mục tiêu gián điệp hay phá hoại. Hoa Vi nằm trong danh sách các công ty bị tình nghi đó sẽ mặc nhiên bị loại.
Trọng Nghĩa
*****************
Hoa Vi : Mỹ công bố 23 tội danh, Trung Quốc tố cáo động cơ chính trị (RFI, 29/01/2019)
Đúng như dự liệu, Bắc Kinh vào hôm nay, 29/01/2019 đã cực lực lên án Washington về các cáo buộc chính thức nhắm vào tập đoàn điện thoại Trung Quốc Hoa Vi. Hôm qua, 28/01, bộ Tư pháp Mỹ đã công bố 23 tội danh nhắm vào Hoa Vi, từ vi phạm cấm vận Mỹ đối với Iran, cho đến đánh cắp công nghệ tiên tiến. Lãnh đạo Hoa Vi Mạnh Vãn Châu, bị bắt tại Canada, đang chờ quyết định dẫn độ qua Mỹ để trả lời về các tội danh nói trên.
Quyền bộ trưởng Tư Pháp M. Whitaker, cùng bộ trưởng Thương Mại W. Ross (trái) và giám đốc FBI C. Wray (phải) trong cuộc họp báo ngày 28/01/2019, công bố các cáo buộc đối với Hoa Vi. Reuters/Joshua Roberts
Theo thông tín viên Simon Leplâtre tại Thượng Hải, Trung Quốc đã tố cáo ý đồ chính trị của Mỹ trong vụ điều tra và truy tố Hoa Vi, nhưng thông điệp của Bắc Kinh không có nhiều tính thuyết phục đối với công luận ở ngoài nước :
"Trung Quốc đang tìm cách phản công trước các cáo buộc của Hoa Kỳ nhắm vào Hoa Vi. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên án những hành vi "thao túng chính trị".
Trên đài truyền hình nhà nước Trung Quốc, nhân vật này tố cáo "Hoa Kỳ đang sử dụng sức mạnh của nhà nước để làm mất uy tín và tấn công một số doanh nghiệp Trung Quốc, với mưu toan bóp nghẹt hoạt động chính đáng và hợp pháp của các công ty này".
Các cáo buộc trên rõ ràng nhằm mục tiêu đối nội, nhưng khó có khả năng thuyết phục các nước khác rằng hoạt động của Hoa Vi hoàn toàn hợp pháp, sau những tiết lộ gần đây.
Người ta từng biết là Hoa Vi bị buộc tội bán hàng cho Iran, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. Trên điểm này, Bắc Kinh có thể tố cáo Washington về việc áp đặt thẩm quyền của tư pháp Mỹ trên toàn thế giới, thông qua nguyên tắc luật Mỹ có hiệu lực kể cả ở ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ, một nguyên tắc vốn bị nhiều nước lên án.
Nhưng giờ đây, tình thế khó khăn cho Trung Quốc. Cuộc điều tra của FBI đã vạch trần những cáo buộc về gián điệp công nghiệp, và thậm chí là cả một hệ thống tặng thưởng, trong nội bộ Hoa Vi, cho những ai mang về cho tập đoàn này những thông tin bí mật.
Hoa Vi đã phủ nhận, nhưng những chi tiết mới kể trên có thể khiến cho uy tín của tập đoàn Trung Quốc bị hoen ố lâu dài".
Cáo trạng Mỹ với 23 tội danh nhắm vào Hoa Vi
Phản ứng gay gắt của Trung Quốc được đưa ra ngay sau khi tại Hoa Kỳ, ngày 28/01, tư pháp Mỹ đã công bố cáo trạng gồm 23 tội danh được dùng làm cơ sở để truy tố tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi ra trước tòa án Mỹ.
Tổng cộng có 4 thực thể bị truy tố : Tập đoàn Hoa Vi, hai chi nhánh của Hoa Vi, và giám đốc tài chính Hoa Vi, Mạnh Vãn Châu.
Các tội danh có có thể chia thành hai loại. Một phần về các hành vi gian lận và thông đồng liên quan tới các giao dịch với Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Teheran. Phần thứ hai là các cáo buộc theo đó Hoa Vị đánh cắp công nghệ của Mỹ, cụ thể là của công ty T-Mobile, hứa thưởng tiền cho nhân viên nào lấy được công nghệ tân tiến từ các doanh nghiệp cạnh tranh với Hoa Vi trên toàn thế giới.
Theo quyền bộ trưởng Tư Pháp Mỹ Matthew Whitaker hôm qua, bản cáo trạng không cáo buộc chính phủ Trung Quốc trong vụ này, nhưng ông nhắc lại rằng trách nhiệm của chính quyền Bắc Kinh là phải "buộc công dân và các doanh nghiệp của họ tôn trọng luật pháp".
Về trường hợp Mạnh Vãn Châu, 46 tuổi, giám đốc tài chánh Hoa Vi, bị chính quyền Canada bắt hôm 01/12/2018 theo yêu cầu của Mỹ, bà hiện được tại ngoại ở Vancouver chờ đến ngày 06/02/2019 là ngày mà tòa án Canada xem xét quyết định cho dẫn độ sang Mỹ.
Trọng Nghĩa
****************
Mỹ công bố 23 cáo buộc nhắm vào Huawei và bà Mạnh Vãn Chu (BBC, 29/01/2019)
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nộp một loạt các cáo buộc hình sự nhắm vào tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei và giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu.
Mỹ đưa tổng cộng 23 cáo buộc nhắm vào Huawei
Trong số các cáo buộc nhắm vào nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới có tội lừa đảo ngân hàng, cản trở công lý và đánh cắp công nghệ.
Vụ việc có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, và tác động đến các nỗ lực mở rộng toàn cầu của hãng này.
Cả bà Mạnh và Huawei đều phủ nhận các cáo buộc.
Bà Mạnh bị bắt ở Canada hồi tháng trước theo yêu cầu của Hoa Kỳ vì cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran.
"Trong nhiều năm, các doanh nghiệp Trung Quốc đã vi phạm luật xuất khẩu của chúng tôi và làm suy yếu các lệnh trừng phạt bằng cách thường lợi dụng hệ thống tài chính Mỹ cho các hoạt động phi pháp của họ. Tình trạng này sẽ chấm dứt", Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross nói.
Chi tiết về các cáo buộc
Bản cáo trạng cáo buộc Huawei đánh lừa Mỹ và một ngân hàng toàn cầu về mối quan hệ của họ với hai công ty con, Huawei Device USA và Skycom Tech, để làm ăn với Iran.
Chính quyền Donald Trump đã khôi phục tất cả các lệnh trừng phạt đối với Iran đã được gỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và gần đây đã áp dụng các biện pháp thậm chí nghiêm ngặt hơn, đánh vào xuất khẩu dầu, vận chuyển và ngân hàng.
Vụ thứ hai cáo buộc Huawei đánh cắp công nghệ của T Mobile được sử dụng để kiểm tra độ bền của smartphone, cũng như cản trở công lý và phạm tội lừa đảo chuyển tiền.
Công nghệ T-Mobile được gọi là Tappy mô phỏng ngón tay người để thử nghiệm điện thoại.
Mỹ đưa ra tổng cộng 23 cáo buộc chống lại Huawei.
Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết : "Những cáo buộc này cho thấy Huawei bị cáo buộc coi thường trắng trợn luật pháp Mỹ và thông lệ kinh doanh toàn cầu".
"Các công ty như Huawei đặt ra mối đe dọa kép đối với cả kinh tế và an ninh quốc gia của chúng tôi".
Một số quốc gia đã gia tăng mối quan ngại về bảo mật đối với Huawei trong những tháng gần đây. Chính phủ Hoa Kỳ khuyến khích các công ty và các quốc gia khác không mua sản phẩm của Huawei.
Bối cảnh sự việc
Huawei là một trong những nhà cung cấp dịch vụ và thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, gần đây đã vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai sau Samsung.
Nhưng Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc có thể tận dụng công nghệ của Huawei để mở rộng khả năng gián điệp, dù hãng này khẳng định họ không chịu sự kiểm soát của chính phủ.
Vụ bắt giữ bà Mạnh, con gái của người sáng lập Huawei, khiến Trung Quốc tức giận.
Bà Mạnh Vãn Chu là giám đốc tài chính của Huawei, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ nhì thế giới
Hồi tháng 12/2018, Mạnh Vãn Chu, con gái nhà sáng lập Huawei, đã bị bắt ở Canada và đối mặt với việc dẫn độ về Hoa Kỳ vì những cáo buộc công ty đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 26/1 sa thải đại sứ ở Trung Quốc John McCallum.
Diễn tiến kịch tính theo sau các bình luận của ông McCallum về việc Mỹ yêu cầu Canada cho dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu của Huawei.
Ông Trudeau nói trong thông cáo rằng đã yêu cầu John McCallum từ nhiệm, tuy vẫn không nói rõ lý do.
Ông John McCallum được bổ nhiệm đại sứ Canada ở Bắc Kinh năm 2017
Nhưng mới hôm thứ Ba, ông McCallum gây tranh cãi khi công khai nói yêu cầu dẫn độ của Mỹ không hoàn thiện.
Ngày hôm sau, ông ra thông cáo xin lỗi rằng ông "nói nhầm".
Nhưng đến hôm thứ Sáu, Đại sứ Canada John McCallum nói với báo StarMetro Vancouver : "Từ quan điểm Canada, nếu Mỹ bỏ yêu cầu dẫn độ, sẽ thật tuyệt cho Canada".
Trước đó cũng trong tuần, Đại sứ Canada gặp báo chí Trung Quốc ở Toronto, nói rằng việc dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ "sẽ không phải là kết cục tốt"
Ông McCallum nói với các phóng viên Trung Quốc rằng bà Mạnh có thể biện hộ vì Canada không tham gia trừng phạt Iran của Mỹ.
Đến hôm 24/1, ông McCallum ra thông cáo rằng ông đã "nói nhầm".
Nhưng việc ông lại tiếp tục nói "thật tuyệt" một ngày sau đó, 25/1, đặt ra những câu hỏi liệu ông đại sứ hay chính phủ Canada có định gửi thông điệp gì cho Mỹ và Trung Quốc.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đầu tuần này bác bỏ kêu gọi cách chức đại sứ.
Ông Trudeau nói làm vậy chả giúp gì cho hai công dân Canada đang bị bắt ở Trung Quốc.
Trung Quốc đã bắt giam hai người Canada, Michael Kovrig và Michael Spavor ngay sau vụ bà Mạnh nhằm gây sức ép cho Canada.
Một tòa án Trung Quốc cũng kết án tử hình một người Canada, mặc dù ban đầu người này chỉ nhận án 15 năm tù.
Chính phủ Canada từ chối khẳng định hay bác bỏ câu hỏi liệu đại sứ McCallum có phát ngôn thay cho chính phủ không.
Các phát ngôn của đại sứ McCallum gây ra đồn đoán phải chăng Canada muốn gửi tín hiệu cho Trung Quốc để giảm căng thẳng.
Thủ tướng Trudeau vẫn nói Canada không can thiệp chính trị vào vụ bà Mạnh.
Sau lời xin lỗi 'nói nhầm' của đại sứ Canada, một người phát ngôn Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, tuyên bố : "Dù phía Canada có nói gì, lập trường Trung Quốc về vụ việc vẫn rõ ràng".
Bà Hoa nói : "Chúng tôi hy vọng Canada có thể hiểu bản chất vụ việc rõ ràng thay vì gây hại cho chính mình, có lợi cho người khác".
"Vô địch quốc gia" Trung Quốc đối mặt công lý Hoa Kỳ
Huawei là những gì người Trung Quốc gọi là một vô địch quốc gia. Một công ty tư nhân, được giao nhiệm vụ thực hiện tham vọng đi vào và dẫn đường thế giới của Trung Quốc.
Nhưng bây giờ, toàn bộ lực lượng của hệ thống tư pháp Hoa Kỳ đang nhắm vào công ty.
Các cáo buộc của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ với Huawei nghiêm trọng nhất từng thấy, và đi vào trung tâm của cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.
Huawei đã liên tục bác bỏ các cáo buộc và ông chủ của công ty nói rằng Huawei đang được sử dụng như một con tốt trong các trò chơi quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mặc dù Hoa Kỳ nói rằng các cáo buộc chống lại Huawei không liên quan đến chiến tranh thương mại, nhưng không có hy vọng Trung Quốc sẽ nhìn nhận nó theo cái nhìn tương tự.
Các cáo buộc được đưa ra khi Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị tổ chức các cuộc đàm phán thương mại cấp cao ở Washington trong tuần này.
Thư ký thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross tuyên bố rằng các cáo buộc của này "hoàn toàn tách biệt" với các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Trung Quốc.
Chính quyền của Tổng thống Trump đã áp đặt thuế quan đối với hàng hóa trị giá 250 tỷ đôla của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh phải đáp trả bằng thuế quan của chính họ.
Vào tháng trước cả hai nước đã đồng ý để đình chỉ thuế quan trong 90 ngày để cho phép hai bên đàm phán.
Phân tích của Karishma Vaswani, phóng viên kinh doanh Châu Á
****************
Mỹ truy tố Huawei tội lừa đảo và đánh cắp bí mật thương mại (VOA, 29/01/2019)
Hoa Kỳ hôm 28/1 truy tố tập đoàn Huawei của Trung Quốc cùng giám đốc tài chính và hai công ty chi nhánh tội lừa đảo ngân hàng để tránh lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, trong vụ việc gây căng thẳng quan hệ với Bắc Kinh.
Mỹ truy tố Huawei tội lừa đảo và đánh cắp bí mật thương mại (VOA, 29/01/2019)
Theo Reuters, trong bản cáo trạng gồm 13 tội danh được nộp lên tòa án tại New York, Bộ Tư pháp Mỹ nói rằng Huawei đã lừa dối một ngân hàng hoạt động trên toàn cầu và chính quyền Mỹ về mối quan hệ của tập đoàn này với các công ty chi nhánh là Skycom Tech và Huawei Device USA Inc nhằm tiến hành giao dịch với Iran.
Trong một vụ khác được nộp lên tòa ở tiểu bang Washington, Bộ Tư pháp Mỹ cũng cáo buộc hai công ty chi nhánh của Huawei với 10 tội danh, trong đó có đánh cắp bí mật thương mại, lừa đảo chuyển tiền và cản trở công lý, liên quan tới cáo buộc đánh cắp công nghệ tự động dùng thử nghiệm điện thoại thông minh của tập đoàn viễn thông T-Mobile của Mỹ. Reuters cho biết rằng Huawei không hồi đáp trước yêu cầu bình luận.
Các cáo trạng trong hai vụ trên gây thêm áp lực của Mỹ đối với Huawei, tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.
Chính quyền của ông Trump, theo Reuters, đang tìm cách ngăn chặn các công ty Mỹ mua thiết bị của Huawei và thúc giục các nước đồng minh cùng làm vậy.
Các chuyên gia an ninh Mỹ bày tỏ quan ngại rằng các thiết bị của Huawei có thể được sử dụng để thực hiện các hoạt động do thám ở Hoa Kỳ.
Theo yêu cầu của Mỹ, Canada đã bắt giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, hồi tháng 12 năm ngoái, và con gái của người sáng lập tập đoàn này đang tìm cách chống lại yêu cầu bị dẫn độ sang Hoa Kỳ.
Chính quyền Mỹ cáo buộc bà Mạnh đóng vai trò chính trong kế hoạch sử dụng các công ty chi nhánh làm ăn với Iran bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Tehran.
*******************
Trung Quốc : Vụ Mỹ truy tố Huawei ‘vô đạo đức’ (VOA, 29/01/2019)
Một phát ngôn viên của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc hôm 29/1 nói rằng các cáo trạng của chính phủ Mỹ đối với tập đoàn Huawei "bất công" và "vô đạo đức".
Trong khi đó, một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đọc trên truyền hình nhà nước kêu gọi Washington "ngưng cuộc đàn áp vô lý" nhắm vào Huawei và các công ty Trung Quốc khác.
Phía chính quyền Bắc Kinh cho rằng có "động cơ chính trị" và "sự thao túng chính trị" trong chuyện này.
Theo AP, Bộ Tư pháp Mỹ hôm 28/1 truy tố Huawei và Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Chu vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran bằng cách làm ăn với Tehran thông qua công ty chi nhánh mà Huawei tìm cách che giấu.
Ngoài ra, tập đoàn của Trung Quốc này cũng bị cáo buộc đánh cắp công nghệ tự động từ công ty viễn thông T-Mobile của Mỹ.
Theo AP, Huawei hôm 29/1 đã bác bỏ các tội danh mà chính phủ Mỹ công bố.
Tập đoàn này cho biết đã đề nghị trao đổi với các công tố viên Mỹ về cuộc điều tra sau khi bà Mạnh bị bắt ở Canada cuối năm ngoái theo yêu cầu của Hoa Kỳ, nhưng bị từ chối.
********************
Hoa Vi ngày càng bị tẩy chay tại phương Tây do nỗi sợ gián điệp (RFI, 29/01/2019)
Hôm 29/01/2019, công ty viễn thông Úc TPG cho biết quyết định hủy bỏ dự án thiết lập một mạng điện thoại di động sử dụng công nghệ 5G tại nước Úc. Là công ty có nhà cung cấp chính là Hoa Vi, quyết định này đồng nghĩa với việc tập đoàn Trung Quốc lại bị loại ra khỏi một công trình hạ tầng cơ sở viễn thông ở Úc. Sự kiện diễn ra ở Úc nằm trong một loạt những quyết định tẩy chay Hoa Vi ở các nước phương Tây, sau khi Mỹ lên tiếng nhắc nhở về nguy cơ gián điệp Trung Quốc lợi dụng thiết bị Hoa Vi để hành động.
Logo Hoa Vi tại Triển lãm điện thoại di động thế giới ở Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 26/02/2018. Reuters/Yves Herman/File Photo
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, Washington dĩ nhiên là quốc gia đã ban hành những hạn chế nghiêm ngặt nhất đối với Hoa Vi, và theo truyền thông Mỹ, Washington đang nỗ lực khuyến khích các đồng minh làm theo.
Ngay từ năm 2012 Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã cho rằng hai hãng Trung Quốc Hoa Vi và ZTE có thể được chính quyền Bắc Kinh sử dụng để phá hoại an ninh của Hoa Kỳ, do đó cần phải bị loại, không cho tham gia các công trình công cộng tại Mỹ.
Báo cáo của Hạ Viện Mỹ nhấn mạnh rằng người sáng lập Hoa Vi là một sĩ quan quân đội Trung Quốc, và "đã không hợp tác hoàn toàn với cuộc điều tra của Mỹ, đồng thời không muốn giải thích về mối quan hệ của Hoa Vi với chính phủ Trung Quốc". Quốc hội Mỹ đã cảnh báo trở lại về nguy cơ đến từ Hoa Vi vào tháng 12 năm 2017.
Trong lãnh vực tư nhân, các tập đoàn viễn thông Mỹ AT & T và Verizon đã ngừng cung cấp điện thoại thông minh Hoa Vi tại Mỹ và vào tháng 8 năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã ký ngân sách quân sự cho năm 2019, cấm quan chức chính phủ và quân đội Hoa Kỳ dùng sản phẩm của Hoa Vi và ZTE.
Theo chân Hoa Kỳ, chính quyền Úc đã cấm Hoa Vi đấu thầu xây dựng chương trình internet băng thông rộng quốc gia vào năm 2012, vì sợ các cuộc tấn công mạng. Đến mùa hè năm 2018, Úc đã loại Hoa Vi khỏi mạng 5G, cho rằng quan hệ mật thiết giữa Hoa Vi và quân đội Trung Quốc là một hiểm họa an ninh.
New Zealand đã theo gương Úc vào tháng 11, viện lẽ "công nghệ không tương thích", trong lúc Nhật Bản cũng tẩy chay Hoa Vi một tháng sau đó, với lý do, theo báo Nikkei, là "để tránh rò rỉ thông tin".
Châu Âu ngày càng đề cao cảnh giác
Cứng rắn nhất đối với Hoa Vi là Cộng Hòa Séc. Vào trung tuần tháng 12 (năm 2018), cơ quan an ninh mạng Séc đã cảnh báo về việc sử dụng phần mềm và thiết bị của Hoa Vi và ZTE, cho rằng đó là "hiểm họa" đối với an ninh quốc gia. AFP trích dẫn lập luận của an ninh Séc, theo đó "luật pháp Trung Quốc buộc các công ty tư nhân có trụ sở tại Trung Quốc là phải hợp tác với các cơ quan tình báo".
Còn tại Ba Lan, vấn đề còn nổi cộm hơn nữa vào giữa tháng Giêng vừa qua khi một trong những quan chức của chi nhánh Hoa Vi tại nước này bị cơ quan phản gián Ba Lan bắt giữ, về tội "làm gián điệp" cho Bắc Kinh. Một quan chức Ba Lan cao cấp còn cho biết là nước này đã bắt đầu điều tra thiết bị do Hoa Vi cung cấp để thẩm định rủi ro.
Riêng ở Tây Âu, theo AFP, chính phủ Anh đã bày tỏ thái độ "hết sức quan ngại", hãng điện thoại Vodafone đã đình chỉ việc mua thiết bị Hoa Vi cho cơ sở hạ tầng hãng này ở Châu Âu. Đồng nghiệp của Vodafone là BT thì loan báo vào tháng 12 vừa qua sẽ loại bỏ thiết bị Hoa Vi ra khỏi các mạng 3G và 4G hiện có.
Tại Pháp, tình hình cũng chuyển biến không mấy thuận lợi cho Hoa Vi với tập đoàn viễn thông lớn nhất là Orange đã quyết định tẩy chay Hoa Vi trong việc thiết lập mạng di động 5G. Quan trọng nhất là sự kiện ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, hồi tuần trước đã gợi đến các "rủi ro" liên quan đến sự hiện diện của Hoa Vi trong màng lưới 5G ở Pháp.
Thái độ nghi kỵ của Châu Âu đối với Hoa Vi đã được một quan chức Châu Âu cao cấp nhắc lại. Nhật báo Pháp La Tribune ngày 28/01 đã trích dẫn phát biểu với hãng tin Mỹ Bloomberg của ông Andrus Ansip, Ủy Viên Châu Âu đặc trách kỹ thuật số, đề cập đến luật an ninh quốc gia Trung Quốc thông qua năm 2017, buộc các doanh nghiệp cũng như cá nhân Trung Quốc là phải trợ giúp các cơ quan tình báo, nếu có yêu cầu.
Theo ông Ansip : "Khi được viết thành luật, chúng ta phải hiểu là những nguy cơ (Hoa Vi giúp tình báo Trung Quốc) sẽ nhiều hơn. Chúng ta không thể tiếp tục ngây thơ".
Trọng Nghĩa
*****************
Xiaomi vén màn kiểu điện thoại có thể gập 3 (BBC, 28/01/2019)
Hãng điện tử Xiaomi (Trung Quốc) vừa trình làng phiên bản thử nghiệm của mẫu điện thoại mới trên Weibo, mạng xã hội lớn nhất đất nước tỉ dân.
Trong bài viết, Xiaomi đề nghị người dùng giúp đặt tên cho thiết bị mới này.
Chiếc điện thoại có thiết kế màn hình lớn, có thể gập làm 3 khúc khiến giới công nghệ bàn tán xôn xao.
"Thật thú vị khi Xiaomi ứng dụng phương thức gập ba khúc cho chiếc điện thoại thử nghiệm", Ben Wood, công ty tư vấn CCS Insight, cho biết.
Tin đồn về chiếc điện thoại Xiaomi có thể gập 3 đã xuất hiện từ đầu tháng Một
"Rất khó để đánh giá lợi ích của thiết kế này so với mẫu điện thoại thông minh chỉ gập một lần. Nó sẽ phụ thuộc vào giao diện người dùng mà Xiaomi chọn. Nhưng thiết kế này mở ra khả năng cho một chiếc điện thoại có 3 màn hình".
"Tuy vậy, điều đó cũng đồng nghĩa với việc có thêm một điểm dễ hư hỏng. Những điểm gấp lại trên màn hình là khu vực có nhiều khả năng xảy ra sự cố".
Samsung và hãng Royole gần đây đã tiết lộ những chiếc smartphone với ý tưởng tương tự, nhưng nó chỉ có thể gập đôi.
Hãng Xiaomi xác nhận với BBC đây là thiết bị mà họ đang thử nghiệm. Đoạn clip quay cảnh nhà đồng sáng lập Bin Lin trải nghiệm sản phẩm mới.
Chỉ mới đăng tải hôm 23/1, đoạn phim 37 giây trên Weibo đã có gần 3,5 triệu lượt xem.
Tin đồn về sự tồn tại của thiết bị này bắt đầu lan truyền từ đầu tháng Một, khi nhà báo Evan Blass đăng một đoạn video khác về chiếc điện thoại này trên Twitter.
Video thu hút hơn 3000 lượt bình luận, nhưng Even Blass không thể khẳng định nguồn gốc của video này. Không ai biết chiếc điện thoại trên là gì.
Xu hướng màn hình gập
Màn hình gập mang đến cho các nhà sản xuất một hướng thiết kế điện thoại mới khác biệt hơn.
Trong khoảng thời gian dài, điện thoại được đóng khung với thiết kế hình chữ nhật, màn hình đen, chỉ có viền màn hình ngày càng thu hẹp.
Nhưng sự đổi mới sẽ đi cùng với mức giá cao, ít nhất là với các thiết bị đi đầu trong trào lưu. Hiện vẫn chưa rõ các nhà sản xuất sẽ nêu bật tính năng gì để biện minh cho giá bán quá cao của chúng.
Royole FlexPai là "smartphone có thể gập đầu tiên trên thế giới"
Hãng công nghệ mới nổi Royole vẫn chờ phản ứng từ những người viết phần mềm, dù chiếc điện thoại thông minh gập đôi của hãng này đã được bán ra vào cuối năm ngoái.
Huawei từng hứa hẹn sẽ cho ra mắt điện thoại có màn hình gập trong năm 2019, trong khi Samsung cho biết họ sẽ tiết lộ kế hoạch của riêng mình trong sự kiện báo chí ngày 20 tháng 2.
Motorola thì đang nghiên cứu các thiết kế màn hình, hi vọng có thể tích hợp tính năng với trong thiết kế điện thoại Razr với nắp gập cổ điển.
Một trong các bản thiết kế của MOTOROLA
Google cũng không đứng ngoài khi đã bắt đầu phát triển một hệ điều hành Android mới hỗ trợ các thiết bị "có thể gập lại".
Các hãng công nghệ khác nhiều khả năng cũng sẽ công bố các thiết bị mới trong triển lãm thương mại Mobile World Congress ở Barcelona, bắt đầu vào ngày 25 tháng 2 tới.
Vẫn còn nhiều mối lo ngại về kích thước của điện thoại kiểu này khi chúng được gập lại.
"Tuy nhiên, không còn nghi ngờ gì, một chiếc smartphone màn hình gập sẽ là thỏi nam châm thu hút những người yêu công nghệ".
Màn hình điện thoại đã "tiến hóa" như thế nào
IBM Simon : Điện thoại di động đầu tiên dùng màn hình cảm ứng - nhưng pin của nó chỉ kéo dài 1 giờ.
Quá trình "tiến hóa" của màn hình điện thoại
Siemens S10 : Thiết bị cầm tay đầu tiên có màn hình màu, dù chỉ hiển thị 4 màu là đỏ, xanh lá cây, xanh dương và trắng.
LG Prada : Màn hình cảm ứng điện dung lần đầu được sử dụng, ghi nhận cử chỉ chạm màn hình bằng điện trường thay vì áp suất.
iPhone : Apple sử dụng "cảm ứng đa điểm", phát hiện cùng lúc nhiều điểm tiếp xúc, đem tới tính năng zoom và các tương tác khác.
Nokia N85 : Điện thoại đầu tiên sử dụng màn hình OLED, cho phép hiển thị màu đen sâu hơn và độ tương phản tốt hơn.
Samsung Galaxy Note : Dù không phải là "phablet" đầu tiên, chiếc điện thoại này chứng minh nhu cầu sử dụng màn hình lớn (5 inch trở lên).
LG G Flex : Thiết kế cong của G Flex bị chế giễu, nhưng đã gợi ý cho ngôn ngữ thiết kế điện thoại "uốn cong" trong tương lai.
Sharp Aquos Crystal : Điện thoại "không viền" đã báo trước xu hướng phát triển của smartphone ngày nay.
Samsung Galaxy Note Edge : Thiết bị cầm tay đầu tiên của Samsung có thiết kế cong 1 cạnh, đồng thời sử dụng mặt công để hiển thị thông báo và phím tắt để bật ứng dụng.
Sony Xperia Z5 Premium : Điện thoại thông minh đầu tiên có màn hình 4K.
Essential Phone : Công ty khởi nghiệp đánh bại Apple trong việc sản xuất "tai thỏ" trên màn hình.
Royole FlexPai : Thêm một công ty khởi nghiệp mới nổi, có trụ sở tại California, gây bất ngờ cho ngành công nghiệp khi tiết lộ "smartphone có thể gập đầu tiên trên thế giới" vào năm ngoái.