Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

31/01/2019

Venezuela giữa chính thức và chính danh : phải chọn ai ?

Tổng hợp

Cuba đang lộ nguyên hình trong cuộc khủng hoảng Venezuela (VNTB, 01/02/2019)

Ông Pompeo nói : "Không có chế độ nào mà lại làm nhiều hơn để duy trì các điều kiện khủng khiếp tại Venezuela, như chế độ ở Havana đã làm. Có rất nhiều động lực để Cuba tiếp tục can dự ngày càng nhiều hơn để củng cố chính quyền Maduro. Havana có nguy cơ đánh mất một nhà hảo tâm kinh tế quan trọng, ấy là chưa kể đến một đồng minh cánh tả trong một khu vực mà gần đây đã chuyển sang phía hữu".

cuba1

Raúl Castro cùng đồng minh Nicolás Maduro năm 2016

Tuần vừa rồi, khi nhà lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó (sinh 1983, là một kỹ sư và chính trị gia người Venezuela hiện đang giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Hiện tại Quốc hội Venezuela đã thống nhất để Juan Guaidó giữ vị trí Tổng thống lâm thời. Tổ chức các nước Châu Mỹ, chính phủ các nước Argentina, Brazil, Canada, Colombia, Ecuador, Peru, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ … đã ngay lập tức công nhận chính quyền lâm thời này – người dịch) bị các điệp viên tình báo Venezuela tạm giữ một thời gian ngắn, một số người đã nhìn thấy bàn tay của một chính phủ khác đang điều hành công việc tại đó (nguyên văn : "some saw the hand of another government at work"). 

Thượng nghị sĩ Marco Rubio, đại diện cho bang Florida, trên Twitter, cho biết rằng "Cơ quan này được kiểm soát và chỉ đạo bởi những kẻ đàn áp có kinh nghiệm được gửi bởi #Cuba và những loại chiến thuật này là những phương pháp kinh điển được sử dụng bởi chế độ Cuba".

Cuba dường như đang hiện hình ngày càng rõ nét hơn trong cuộc khủng hoảng chính trị đang làm rung chuyển quốc gia Venezuela khi Tổng thống Nicolás Maduro (sinh 1962) đang phải đối mặt với thách thức mạnh mẽ từ ông Guiadó khi, trong tuần qua, đã tự tuyên bố mình là nhà lãnh đạo lâm thời.

Cuba là đồng minh lâu năm của Venezuela và là người hỗ trợ lớn nhất trong khu vực. Chính phủ của Chủ tịch Miguel Díaz-Canel (sinh 1960, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba đương nhiệm, từ tháng Tư, 2018 – người dịch) đã bày tỏ một "tình đoàn kết không gì lay chuyển nổi" với ông Maduro sự và gọi là cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela là "một cố gắng nhằm áp đặt một cuộc đảo chính nhà nước, một chính phủ bù nhìn phục vụ cho Hoa Kỳ".

Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều những đối thủ của ông Maduro, Cuba phải chịu phần lớn trách nhiệm đối với sự tại vị kéo dài của Tổng thống Maduro tại Venezuela. Họ chỉ ra sự hiện diện của các điệp viên Cuba tại Venezuela - gián điệp, cố vấn tình báo và cố vấn chính trị, đặc vụ phản gián, cố vấn quân sự - và cho rằng họ đã chống lưng cho ông Maduro bằng cách giúp đàn áp các nhà bất đồng chính kiến trong các lực lượng vũ trang và trong toàn xã hội.

María Corina Machado, một nhà lãnh đạo phe đối lập của Venezuela, trong một cuộc phỏng vấn, đã nói rằng sự hiện diện của những người Cuba trong các lực lượng vũ trang Venezuela là không thể chấp nhận được. Bà nhấn mạnh, "Chính phủ Cuba phải hiểu rằng họ phải rút khỏi Venezuela".

Hai quốc gia bắt đầu tạo dựng mối quan hệ thân thiết với nhau từ cuộc bầu cử của người tiền nhiệm của ông Maduro, Hugo Chávez (1954 - 2013), vào năm 1998. Mối quan hệ này được thúc đẩy bởi một tình bạn sâu sắc giữa ông Chávez và người tương nhiệm bên phía Cuba lúc đó, là ông Fidel Castro (1926 - 2016).

"Họ rất thân thiết, giống như mối quan hệ cha con vậy", Richard Feinberg, giáo sư tại Đại học California, San Diego, và là chuyên gia về nền kinh tế Cuba, cho biết như vậy.

Hai nhà lãnh đạo đã phát triển một liên minh kinh tế và chính trị chặt chẽ. Ngoài việc gửi các chuyên gia an ninh và quân sự đến Venezuela, Cuba còn gửi đến các chuyên gia thuộc các ngành nghề khác - bao gồm bác sĩ, y tá, giáo viên và huấn luyện viên thể thao - để tăng cường độ ngũ cán bộ chuyên nghiệp của quốc gia Nam Mỹ này.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích nói rằng trong khi sự hỗ trợ của Cuba đối với chính phủ Venezuela hiện tại là quan trọng, thì, xét đến cùng, nó sẽ chẳng mang một ý nghĩa quyết định nào.

"Sự khẳng định rằng Cuba đang kiểm soát Venezuela, thực tế là bắt đầu từ Chávez", ông David Smilde, giáo sư xã hội học và chuyên gia về Venezuela tại Đại học Tulane cho biết như vậy. "Nó được thổi phồng đã từ lâu rồi".

Ông nói thêm : "Người Cuba là những cố vấn chính, nhưng tôi không nghĩ rằng họ kêu gọi sử dụng súng ống hoặc là nói rằng những người Venezuela phải làm thế này, phải làm thế nọ".

Trong khi các cựu quan chức quân đội, những người mà đã chạy trốn khỏi Venezuela đã cho biết về một sự dính líu, liên quan của người Cuba trong các lực lượng an ninh và tình báo, thì các chuyên gia nói rằng mức độ của sự liên quan đó vẫn còn là một điều bí ẩn.

Năm 2017, trong cuộc điều trần trước Thượng viện Hoa Kỳ, Luis Almagro, Tổng thư ký của Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ và là người phê phán bộc trực đối với ông Maduro, đã khẳng định rằng có khoảng 15.000 binh lính người Cuba ở Venezuela và ví nó như "một đội quân chiếm đóng".

Ông Ted Piccone, một nghiên cứu viên cao cấp chuyên ngành chính sách đối ngoại của Viện Brookings nói rằng "Có rất nhiều suy đoán, đồn đại xung quanh điều này, và xung quanh những con số và về mức độ thân thiết của họ đối với Maduro. Tuy nhiên, tôi chưa nhìn thấy bất kỳ báo cáo chắc chắn nào về những điều này".

Các chuyên gia cho biết rằng, cho dù mức độ hỗ trợ của Cuba có là như thế nào đi nữa, thì, trong nhiều năm, Venezuela đã cung cấp rất nhiều dầu thô được trợ giá cho đảo quốc này, với mức độ khoảng 100.000 thùng mỗi ngày. Cuba sẽ lọc lại số thặng dư (dùng không hết) và bán lại trên thị trường quốc tế.

Theo một bản tóm tắt chính sách được xuất bản bởi Viện Brookings, vào năm 2012, thương mại hàng hóa và dịch vụ chiếm tới 20,8% tổng sản phẩm quốc nội của Cuba.

Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng kinh tế Venezuela vốn đã diễn ra trong nhiều năm qua, lượng xuất khẩu dầu thô sang Cuba đã giảm do ngành công nghiệp dầu khí của Venezuela đã sụp đổ (và số tiền tỷ USD mà Đinh La Thăng nhận lệnh cùng quyết tâm chính trị đem đi đầu tư tại đây thế là cũng đi đứt – người dịch). Năm 2017, sức khỏe tài chính của công ty dầu khí nhà nước Venezuela, Pdvsa, đã suy giảm rất nhiều, đến nỗi Cuba đã chiếm tới 49% cổ phần trong một nhà máy lọc dầu Cuba như là một phương thức để thanh toán các khoản nợ tồn đọng.

Ngoài ra, các nhà phân tích còn nói rằng đội ngũ chuyên gia Cuba làm việc tại quốc gia Nam Mỹ này đã giảm đi trong những năm gần đây, và mối quan hệ giữa ông Maduro và lãnh đạo Cuba hiện tại không còn nồng nàn như tình bạn giữa những người tiền nhiệm của họ.

Ông Piccone nói "Họ chắc chắn là những chiến hữu cùng ý thức hệ - những người anh em cùng chung chiến hào chống Mỹ và đó là tất cả"(nguyên văn : "They are certainly ideological brothers-in-arms — against the United States and all that"). Tuy nhiên, nhưng nó không thân thiện đến mức như trước đây đã từng có. Và những người Cuba đã không nhận được nhiều thứ từ nó (từ Venezuela) như trước đây".

Tuy nhiên, đó vẫn là một liên minh bền vững.

Trong một chương trình phát sóng trên truyền hình trong tháng này, ông Maduro cho biết rằng Venezuela sẽ tiếp nhận 2.000 bác sĩ Cuba, những người mà đã phải rời khỏi Brazil sau một cuộc tranh cãi giữa hai chính phủ Brazil và Cuba. Các phòng khám y tế do các bác sĩ Cuba điều hành đã từng sinh sôi nảy nở khắp Venezuela, nhưng nhiều phòng khám đó đã rơi vào tình trạng hoang tàn trong cuộc khủng hoảng kinh tế.

Các cố vấn chính trị vẫn được các các quan chức chủ chốt trong chính quyền Maduro tham vấn, mặc dù ông Smilde nói rằng "Người Cuba thường phàn nàn rằng ông Maduro không lắng nghe lời họ".

Các nhà phân tích cho biết rằng, dầu vậy, có lẽ điều quan trọng nhất đối với ông Maduro vẫn là người Cuba vẫn là thành phần chủ chốt trong lĩnh vực tình báo và quân sự, cung cấp sự hỗ trợ cho công việc giám sát, dò la tin tức trong nước, nghe lén điện tử và giám sát nội bộ quân đội - để giúp đàn áp phe đối lập, những người bất đồng chính kiến và củng cố lòng trung thành.

Trong trường hợp không có thông tin rõ ràng về mức độ can dự của Cuba ở Venezuela, thì các tin đồn càng ngày càng tăng lên, và các đánh giá bên ngoài thường được thiết kế nhằm tạo ra một sự tiện lợi về chính trị.

Hôm thứ Bảy (26/01/2019), phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã chỉ rõ sự can dự, dính líu của Cuba tại Venezuela, ông nói rằng các sĩ quan tình báo của họ (Cuba) đã "thực hiện những hành vi tồi tệ nhất của họ" tại thành phố Caracas.

Ông Pompeo nói "Không có chế độ nào mà lại làm nhiều hơn để duy trì các điều kiện khủng khiếp tại Venezuela, như chế độ ở Havana đã làm. Có rất nhiều động lực để Cuba tiếp tục can dự ngày càng nhiều hơn để củng cố chính quyền Maduro. Havana có nguy cơ đánh mất một nhà hảo tâm kinh tế quan trọng, ấy là chưa kể đến một đồng minh cánh tả trong một khu vực mà gần đây đã chuyển sang phía hữu".

Ông Piccone nói nếu ông Guaidó và phe đối lập ở Venezuela dành được quyền kiểm soát tại Caracas, thì, "dĩ nhiên, đó sẽ là một tin rất xấu đối với Havana. Họ sẽ rất nhanh chóng thay đổi mối quan hệ đối với Cuba".

Kirk Semple

Nguyên tác : With Spies and Other Operatives, a Nation Looms Over Venezuela’s Crisis : Cuba, The New York Times International Edition, 26/01/2019

Mai Hưng dịch

Nguồn : VNTB, 31/01/2019

*********************

Venezuela bên bờ nội chiến : Trận đấu giữa "hợp pháp" và "chính danh" (RFI, 31/01/2019)

Giàu tài nguyên chưa hẳn là có phúc. Đây là trường hợp của Venezuela, quốc gia Trung Mỹ có trữ lượng dầu hỏa quan trọng nhất thế giới, hơn cả Ả Rập Xê Út.

cuba2

Lãnh tụ đối lập, Tổng thống tự phong Venezuela Juan Guaido trong cuộc biểu tình chống Maduro tại Caracas ngày 30/01/2019. Reuters/Carlos Garcia Rawlins

Tuy nhiên, do một ý thức hệ hoang đường với một tập đoàn lãnh đạo chỉ biết dùng ngân sách để mua ổn định chính trị, vật giá leo thang 300.000.000% trong năm 2018, chuyện gì phải đến đã đến.

Mượn bàn tay tư pháp để loại hai đối thủ, Nicolas Maduro chưa kịp an vị nhiệm kỳ hai thì chiếc ghế Tổng thống bị một đối thủ thứ ba mới 35 tuổi ngang nhiên tranh đoạt.

Lực lượng đối lập Venezuela trong chiến dịch phản kháng vào mùa xuân 2017 bị đàn áp đẫm máu, 150 người chết và hàng ngàn người bị thương. Hai nhà đối lập có uy thế, người thứ nhất là Antonio Ledezma, bị bắt phải vượt ngục tị nạn tại Tây Ban Nha, người thứ hai là Leopoldo Lopez, bị quản thúc.

Tuy nhiên, trong hạ tuần tháng 01/2019, các đối thủ của Tổng thống xã hội Nicolas Maduro đã huy động hàng trăm ngàn công dân phẫn nộ chống chế độ tham ô và bất tài làm cho đất nước lao xuống đáy vực khủng hoảng kinh tế, tài chính và thực phẩm. Cao điểm của ngày biểu tình 23/01/2019 là Juan Guaido, một dân biểu mới 35 tuổi, chủ tịch luân lưu Quốc hội Venezuela, định chế chính trị còn nằm ngoài tầm kiểm soát của chế độ, long trọng tuyên cáo ông là "Tổng thống đương nhiệm" trong tiếng vỗ tay hoan hô của đám đông công dân biểu tình. Tuy chưa có tiếng tăm nhưng Juan Guaido ngay lập tức được Mỹ, Canada và đa số các nước láng giềng, tiếp theo là Úc và Israel công nhận là "Tổng thống".

Tại Châu Âu, với tư cách mà một nước bảo hộ cũ, chính phủ cánh tả Tây Ban Nha vận động Pháp, Đức, Anh, Bồ Đào Nha, Hà Lan ra tối hậu thư kỳ hạn cho Nicolas Maduro, cho đến Chủ nhật 03 tháng 02 phải thông báo tổ chức tổng tuyển cử. Nếu không, các nước Châu Âu sẽ công nhận Juan Guaido.

Đây là lần đầu tiên từ sau cuộc đảo chính của trung tá Hugo Chavez năm 1992 thành lập chế độ xã hội chủ nghĩa, ngọn gió chính trị có dấu hiệu đổi chiều.

Trả lời phỏng vấn RFI tiếng Pháp, nhà nghiên cứu Pascal Drouhaud, chuyên gia của viện tư vấn Choiseul, Paris phân tích :

Một bước chuyển động tích cực đang thành hình tại Venezuela và hoàn toàn khác hẳn với những diễn biến trước đây. Juan Guaido, trẻ tuổi, có một lực lượng, có một động lực mà ai cũng thấy rõ. Tôi cũng rất ngạc nhiên khi thấy Juan Guaido có vẻ biết điều phối hoạt động trên trường quốc tế. Chúng ta đã thấy từ mấy ngày qua, tình hình diễn biến nhanh chóng và xu hướng chuyển tiếp chế độ đã hiện rõ.

Bối cảnh và tình trạng đất nước hiện nay đã góp phần thúc đẩy xu hướng muốn đổi mới này. Đó là tâm lý chán ngán chế độ, kinh tế khủng hoảng hết chỗ nói, tỉ lệ lạm phát trong năm nay được dự tính lên đến 10.000.000%. Không thể mường tượng nổi thế nào là lạm phát 10.000.000%, sống như thế nào đây ? Trong khi đó, Venezuela là một nước giàu, rất giàu tài nguyên, trữ lượng dầu lên đến 300 tỉ thùng. Là thành viên của OPEP, Venezuela lẽ ra phải là cường quốc đáng nể trong khu vực, thế mà hàng triệu công dân phải bỏ nước ra đi. Trong số 32 triệu dân, khoảng 2,3 triệu người đã vượt biên. Một triệu qua Colombia. Làm sao một nước như Colombia có thể cưu mang một triệu người tị nạn, phải cho họ những phương tiện sống, những điều kiện tối thiểu để tạm cư. Một triệu khác qua Ecuador, Peru hay Chile.

Khủng hoảng đã kéo dài từ nhiều năm. Từ 2016, 2017 đã có những cuộc biểu tình lớn. Giờ đây, người ta có cảm tưởng như là tình hình tồi tệ hơn nữa, đời sống mỗi ngày mỗi khó làm người dân không còn chút ảo vọng nào đối với ông Nicolas Maduro.

Chưa biết, tình hình sẽ ngã ngũ ra sao nhưng rõ ràng là xu hướng chuyển tiếp càng ngày càng rõ nét. Bây giờ có hai khối đang đối đầu nhau : khối của Tổng thống Maduro và khối của Tổng thống tự xưng Guaido, được nhiều nước quan trọng ủng hộ như Hoa Kỳ.

Cuộc chiến giành chính danh

Một bên là đối lập, chiếm đa số tại Quốc hội lập pháp, bên kia là chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro, vừa bắt đầu nhiệm kỳ hai nhưng bị nhiều nước không công nhận tính chính đáng. Hàng chục sĩ quan kêu gọi nổi dậy bị bắt trong khi theo cáo buộc của Nicolas Maduro, nhiều quân nhân đào ngũ thành lập lực lượng "đánh thuê" ở Colombia để lật đổ chế độ hợp pháp.

Nếu tam quyền phân lập là điều kiện tiên quyết để xác định một nền dân chủ thì tại Venezuela có lập luận đặc biệt : hành pháp và lập pháp tiêu trừ nhau. Tái đắc cử năm 2018, Nicolas Maduro không nhìn nhận tính hợp hiến của Quốc hội bầu lên hai năm trước đó. Quốc hội Venezuela, do đối lập kiểm soát qua một cuộc bầu cử dân chủ, cũng xem Nicolas Maduro là một tên bịp chính trị, sau khi loại các ứng cử viên đối thủ bằng thủ đoạn bất chính.

Lập luận của chủ tịch Quốc hội Juan Guaido như thế nào để biện minh cho quyết định tự xưng Tổng thống ?

Thomas Posado, giáo sư chính trị đại học Paris 8, cho biết quan điểm :

Diễn giải Hiến Pháp, Juan Guaido cho rằng Maduro không có tính chính danh. Từ đó, Juan Guaido tự xưng là Tổng thống Venezuela. Là một dân biểu đắc cử cách nay 3 năm rưỡi, trong một cuộc bầu cử còn tự do, có sự tham gia của đông đảo dân chúng.

Còn Maduro tái đắc cử vào tháng 05/2018 trong một cuộc bầu cử không minh bạch, nhiều ứng cử viên khác bị cấm, bị gạt qua bên lề. Chính quyền Madoro còn lạm dụng bộ máy Nhà nước để bắt chẹt người dân. Người nào không đi bầu cho Maduro thì bị cắt thẻ trợ cấp thực phẩm. Thế nhưng tỉ lệ cử tri đi bầu vẫn thấp kỷ lục, tỉ lệ vắng mặt lên đến 54% làm lộ rõ thế yếu của Nicolas Maduro. Trong khi đó, Juan Guaido được hầu hết các nước trong khu vực ủng hộ, từ Brazil của Jair Bolsonaro cho đến Hoa Kỳ của Donald Trump.

Điều 355

Nếu tìm hiểu bản Hiến Pháp Venezuela, do Tổng thống Hugo Chavez ký ban hành năm 1999, tức 7 năm sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân sự cánh hữu, thì điều 355 quy định như sau : "Nhân dân Venezuela không công nhận bất cứ một chế độ nào, một Quốc hội nào hay một chính quyền nào đi ngược lại những giá trị, những nguyên tắc và bảo đảm dân chủ hoặc gây tác hại cho nhân quyền".

Dựa vào Hiến Pháp này, Quốc hội Vezenuela, bất chấp những hù dọa, cản trở của hành pháp, chỉ định chủ tịch Juan Guaido làm "Tổng thống lâm thời" trong khi chờ một cuộc bầu cử mới.

Ai chính danh, ai hợp pháp trong số hai vị "Tổng thống" Venezuela ?

Chuyên gia Pascal Drouhaud : Người ta có thể nghĩ rằng có một cuộc đấu giữa "hợp pháp" và "chính danh". Đúng như thế, bởi vì năm 2015, có một cuộc bầu cử Quốc hội lập pháp và trong cuộc bầu cử này, đối lập chiến thắng. Trong số dân biểu đắc cử có Juan Guaido và nhiều lãnh đạo đối lập. Thế rồi, Nicolas Maduro từng bước tước đoạt thẩm quyền của Quốc hội lập pháp. Tòa án tối cao, trong tay Maduro, phủ quyết mọi quyết định của Quốc hội lập pháp. Đến năm 2017, phe Maduro lập ra một cái "Quốc hội lập hiến". Thủ đoạn chính trị này nhằm mục đích vô hiệu hóa Quốc hội lập pháp, song song với việc thành lập thêm một số định chế mới để "hợp pháp hóa" chính quyền Maduro mà chúng ta thấy rõ qua cuộc bầu cử thiếu minh bạch vào tháng 5/2018 mà cách nay mấy hôm, Maduro tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai.

Người lừa đảo có quyền bắt đối thủ tự phong

Do quyền lực nằm trong tay Tổng thống Nicolas Maduro và các định chế do ông lập ra thêm như Quốc hội lập hiến, hay bổ nhiệm tay chân vào ghế lãnh đạo như Tòa án tối cao, tư lệnh các binh chủng, thì rõ ràng là ông mạnh hơn. Tổng thống đắc cử nhờ gian lận, lẽ ra là một can phạm, nhưng có quyền bắt Tổng thống tự phong. Trái lại Juan Guaido không thể bắt Nicolas Maduro.

Nhưng nhờ có phối hợp trong ngoài, tương quan lực lượng có vẻ nghiêng về Juan Guaido.

Thomas Posado : Nếu so sánh tương quan lực lượng đồng minh chống lưng giữa hai phe thì Juan Guaido có vẻ mạnh hơn. Juan Guaido được nhóm Lima, với đa số chính phủ cánh hữu ở Châu Mỹ Latinh ủng hộ. Ngoài ra còn có Hoa Kỳ, Canada và Liên Hiệp Châu Âu.

Trong khi đó, Nicolas Maduro được các đồng minh truyền thống như Nga, Cuba, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn do quyền lợi kinh tế và vì Venezuela có tài nguyên dầu hỏa dồi dào.

Tuy nhiên, do bị Hoa Kỳ trừng phạt kinh tế gây nhiều khó khăn cho nên chế độ Caracas hoàn toàn bị bóp nghẹt về tài chính. Thêm vào đó, bản thân Venezuela đã bị khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, đồng tiền mất giá thảm hại. Hệ quả là lần đầu tiên, thành phần dân nghèo có truyền thống ủng hộ chính quyền cánh tả, nay cũng xuống đường chống Maduro.

Trong quân đội cũng có một vài dấu hiệu giới quân nhân cấp thấp không còn tin tưởng ở Maduro, vào khả năng cải thiện tình hình, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn ở ngày mai. Thế nào là cuộc sống với với tỷ lệ lạm phát là 10.000.000% ?

Chế độ chưa lung lay vì Maduro còn được một số nước có trọng lượng ủng hộ như Trung Quốc, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ… khối quốc tế này chưa muốn bỏ rơi Maduro. Vấn đề là Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chọn thái độ dứt khóat, tuyên bố thẳng thừng là mọi phương án đã được chuẩn bị để đối phó kể cả trong trường hợp tình hình diễn biến xấu nhất tức là quân đội trung thành với Maduro ra tay đàn áp dân chúng.

Câu hỏi then chốt ở đây là liệu Nga, Trung Quốc có chấp nhận đọ sức với Mỹ và các quốc gia Châu Mỹ Latinh để bảo vệ Maduro hay không ?

Khủng hoảng Venezuela sẽ đi tới một khúc quanh khi mà xã hội công dân đứng lên với lập trường ủng hộ đối lập. Tôi muốn nói đến Giáo Hội Công Giáo.

Juan Guaido cũng tỏ ra mà một nhà chính trị thông minh khi cam kết ân xá cho tất cả quân nhân, công chức quay về với nhân dân. Cho đến nay, quân đội vẫn án binh bất động cũng là một thành công của Juan Guaido.

Giáo sư Eduardo Rios Ludena, một nhà phân tích chính trị tại Caracas, dự đoán chế độ Caracas cuối cùng sẽ phải thương thuyết với tân lãnh đạo đối lập (Libération).

Tú Anh

******************

Venezuela : 'Tổng thống lâm thời' Guaidó nói vợ 'bị đe dọa' (BBC, 31/01/2019)

Tổng thống lâm thời tự xưng của Venezuela Juan Guaidó nói gia đình ông đã bị đe dọa, trong bối cảnh đất nước tiếp tục bị khủng hoảng chính trị.

cuba3

Lãnh tụ đối lập tự nhận là Tổng thống lâm thời Venezuela, ông Juan Guaidó, muốn cải tổ triệt để đất nước cung như củng cố khẩn cấp kinh tế và các dịch vụ công.

Trong một bài phát biểu tại Đại học Trung tâm Venezuela (VCU), ông nói cảnh sát đã đến tư gia của ông để tìm vợ ông.

Ông Guaidó tuyên bố mình là Tổng thống trong tháng này và ngay lập tức được Mỹ và một số quốc gia Châu Mỹ Latinh công nhận.

Trong một bài phát biểu tại Đại học Trung tâm Venezuela (VCU), ông nói cảnh sát đã đến tư gia của ông để tìm vợ ông.

Ông Guaidó tuyên bố mình là Tổng thống lâm thời trong tháng này và ngay lập tức được Mỹ và một số quốc gia Châu Mỹ Latinh công nhận.

Nga, Trung Quốc và Mexico ủng hộ Tổng thống Nicolás Maduro.

Hậu thuẫn quân sự được coi là rất quan trọng đối với việc bám giữ quyền lực của ông Maduro. Nhưng ông Guaidó nói rằng ông đã có các cuộc họp bí mật với quân đội để giành được sự ủng hộ trong việc lật đổ ông Maduro.

Các cuộc biểu tình đã được tổ chức trên khắp đất nước kể từ khi ông Maduro bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai vào ngày 10/01/2019. Ông Maduro được bầu vào năm ngoái trong một cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi, trong đó nhiều ứng cử viên phe đối lập đã bị cấm tranh cử hoặc bị bỏ tù.

Khoảng ba triệu người đã chạy trốn khỏi Venezuela trong bối cảnh kinh tế cấp bách.

'Một kế hoạch cho tất cả'

Ông Guaidó cho biết : "Ngay lúc này, các lực lượng đặc biệt đã ở nhà tôi tìm Fabiana", nhà lãnh đạo phe đối lập nói trong bài phát biểu tại trường đại học.

"Chế độ độc tài nghĩ rằng họ sẽ làm chúng tôi sợ hãi. Tôi đã nhận được thông tin này trước khi tôi đến đây. Nhưng tôi đã không bắt đầu với điều đó. Tôi bắt đầu với một kế hoạch cho tất cả người Venezuela".

Hướng trực tiếp tới lực lượng an ninh, ông Guaidó nói : "Tôi sẽ buộc các vị chịu trách nhiệm về bất kỳ sự đe dọa nào với con tôi, đứa bé mới 20 tháng tuổi".

Tổng thống tự xưng nói trong một sự kiện phác thảo tầm nhìn khoáng đại của ông cho định hướng tương lai của đất nước.

Ông Guaidó kêu gọi "tái lập các dịch vụ công", các biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ và hỗ trợ cho "các lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất" của nền kinh tế.

"Chúng tôi muốn một đứa trẻ được sinh ra ở bất kỳ nơi nào ở Venezuela đều có khát vọng ngang bằng, hoặc nhiều hơn bất kỳ đứa trẻ nào sống ở Madrid, Barcelona hoặc Bogota hoặc bất kỳ nơi nào khác trên thế giới", ông nói.

Ông kêu gọi người dân Venezuela tập hợp lại vào thứ Bảy 02/2 như một phần của các cuộc biểu tình mới để yêu cầu "hỗ trợ nhân đạo".

Ông Guaidó trước đó cho biết ông đã có "các cuộc họp bí mật với các thành viên của lực lượng vũ trang và lực lượng an ninh". Ông không nói đã nói chuyện với ai.

Đại diện quân sự hàng đầu của Venezuela tại Hoa Kỳ, Đại tá Jose Luis Silva, đã đào thoát - nhưng các nhân vật quân sự cấp cao ở Venezuela ủng hộ ông Maduro.

Là người đứng đầu Quốc hội Venezuela, ông Guaidó nói rằng hiến pháp cho phép ông nắm quyền lực tạm thời khi Tổng thống được coi là bất hợp pháp.

Tuy nhiên Tòa án tối cao Venezuela đã cấm nhà lãnh đạo này của phe đối lập rời khỏi đất nước và đóng băng các tài khoản ngân hàng của ông.

'Sẵn sàng đàm phán'

cuba4

Ông Nicolas Maduro nói ông sẵn sàng đối thoại với phe đối lập

Ông Maduro nói với hãng thông tấn Nga RIA rằng ông đã sẵn sàng đàm phán với phe đối lập "vì lợi ích của Venezuela" nhưng sẽ không chấp nhận tối hậu thư hoặc tống tiền.

Ông nhấn mạnh rằng ông có sự hậu thuẫn của quân đội, cáo buộc những kẻ đào ngũ đã lập âm mưu đảo chính.

Nhiều sĩ quan giữ chức vụ như bộ trưởng hoặc các vị trí có ảnh hưởng khác trong chính quyền, nội các Maduro hiện nay.

Hôm thứ Năm, Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu, trong một nghị quyết không ràng buộc, công nhận ông Guaidó là Tổng thống lâm thời cho đến khi cuộc bầu cử mới có thể được triệu tập.

Quốc hội không có quyền hạn về chính sách đối ngoại nhưng kêu gọi Liên minh Châu Âu và các quốc gia thành viên của mình tuân theo.

'Càng sớm càng tốt'

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Federica Mogherini, nói Liên Minh Châu Âu đã đồng ý thành lập một nhóm liên lạc với các quốc gia Mỹ Latinh nhằm giải quyết khủng hoảng, nhưng đặt ra thời hạn 90 ngày để tìm một giải pháp chính trị.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên Twitter vào hôm thứ Tư rằng ông đã nói chuyện với ông Guaidó và ủng hộ "tuyên bố lịch sử của Tổng thống", và ông Trump viết trong một thông điệp trên Twitter hôm thứ hai rằng "cuộc chiến giành tự do đã bắt đầu !"

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton cũng đã viết thông điệp trên Twitter và có lời khuyên cho ông Maduro :

"Tôi chúc Nicolas Maduro và các cố vấn hàng đầu của ông nghỉ hưu lâu dài, yên tĩnh, sống trên một bãi biển đẹp ở một nơi nào đó xa Venezuela. Họ nên tận dụng sự ân xá của Tổng thống Guaido, và ra đi. Càng sớm càng tốt".

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt dự kiến sẽ thúc giục các quốc gia EU áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các nhân vật chủ chốt trong chính phủ của ông Maduro hôm thứ Năm, sau khi cũng nói chuyện với ông Guaidó vào thứ Tư.

Bên trong Venezuela, có các tin tức nói các nhà báo quốc tế đang bị giam giữ. Hãng thông tấn Tây Ban Nha EFE cho biết ba trong số các nhà báo của họ đang bị trục xuất đến Colombia.

Hai nhà báo người Pháp, làm việc cho một chương trình truyền hình có tên gọi "Quotidien", cũng đã bị bắt giữ. Hai người khác, từ Chile, đã bị trục xuất.

*****************

Venezuela : Tại sao một số nước ủng hộ Maduro ? (BBC, 31/01/2019)

Tình hình chính trị của Venezuela không chỉ thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng quốc tế mà còn chia thế giới làm hai phe, ủng hộ Tổng thống lâm thời Guaidó hay đương thời Maduro.

cuba5

Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador tuyên bố : "Chúng tôi công nhận các lãnh đạo được bầu theo hiến pháp Venezuela"

Tính cho đến giờ ngoài Hoa Kỳ có hơn 20 quốc gia ủng hộ Guaidó.

Tuy nhiên một số nước vẫn khẳng định sự hỗ trợ của họ với ông Nicolás Maduro.

Chúng ta duyệt qua những nước ủng hộ Tổng thống Maduro và chế độ bị cho là độc tài và đàn áp nhân quyền của ông để xem tại sao.

Cuba

Cuba, Bolivia và Mexico là 3 nước đầu tiên lên tiếng ủng hộ Tổng thống Maduro.

Granma, tờ báo nhà nước của Cuba nói rằng qua việc công nhận Guaidó là Tổng thống lâm thời, Donald Trump đã chỉ đạo một cuộc đảo chính.

Giới phân tích cho rằng một trong những lý do Cuba ủng hộ chính phủ Maduro là vì từ cuối năm 1999, Cuba và Venezuela đã trở thành hai đồng minh thân thiết cả về kinh tế lẫn chính trị, với sự lệ thuộc vào nhau ngày càng tăng.

Sự phụ thuộc hai chiều giữa Cuba và Venezuela được thấy rõ trong nhiều lãnh vực, trong đó có thương mại và đầu tư, an ninh và ngoại giao.

Venezuela là nguồn cung cấp dầu quan trọng cho Cuba để đổi lấy dịch vụ của các bác sĩ, giáo viên, huấn luyện viên thể thao và cố vấn quân sự của nước này.

Nhưng ngoài ra, giống như Bolivia, Cuba ủng hộ Venezuela còn là vì hai nước có cùng ý thức hệ.

Mexico

"Chúng tôi công nhận các lãnh đạo được bầu theo hiến pháp Venezuela", Jesus Ramirez, phát ngôn viên của Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador, nói với AFP hôm 24/1.

Cùng với Uruguay, Mexico là hai quốc gia Mỹ Latinh nổi tiếng khác công nhận Maduro, cùng lên tiếng kêu gọi chính phủ Venezuela và phe đối lập đàm phán thêm để tìm giải pháp hòa bình.

Mexico, quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha lớn nhất thế giới, trước đây từng chỉ trích Venezuela, nhưng từ thời Tổng thống Lopez Obrador, nước này trở lại chính sách đối ngoại truyền thống dựa trên "nguyên tắc không can thiệp" vấn đề nội bộ của các quốc gia khác.

Trước đó, Mexico là thành viên duy nhất của Tập đoàn Lima gồm 14 quốc gia - bao gồm một số cường quốc Mỹ Latinh hàng đầu và Canada - không ký tuyên bố vào ngày 4/1 kêu gọi ông Maduro chuyển giao quyền lực cho cơ quan lập pháp được bầu cử dân chủ, thay vì bắt đầu một nhiệm kỳ mới sau đó sáu ngày.

Tuy nhiên tối hôm 28/1, Đại sứ Mexico tại Hoa Kỳ Martha Barcena nói với báo giới ở Washington là chính phủ của bà không đứng vào phe nào trong cuộc khủng hoảng này.

"Chúng tôi không chống lại quan điểm của Hoa Kỳ tại Venezuela. Chúng tôi không đứng về phía Maduro. Chúng tôi không đứng về phía Guaidó. Chúng tôi nghĩ rằng có thể tìm ra cách thứ ba cho một giải pháp hòa bình". Đại sứ Martha Barcena's nói.

Bolivia

Tổng thống cánh tả của Bolivia, Evo Morales, thường xuyên phê bình chỉ trích ông Trump - đã tấn công những gì ông gọi là một cuộc tấn công của đế quốc vào quyền dân chủ và quyền tự quyết của Nam Mỹ.

Ông Morales khẳng định mối quan hệ lâu dài với Tổng thống Nicolas Maduro vào thứ Tư 24/1, viết trên Twitter rằng sẽ đứng về phía Venezuela chống lại can thiệp của Hoa Kỳ vào các vấn đề của Nam Mỹ, theo Reuters :

"Sự đoàn kết của chúng tôi với người dân Venezuela và người anh em Nicolas Maduro, trong những giờ phút quyết định này, khi móng vuốt của chủ nghĩa đế quốc lại tìm cách làm tổn thương nền dân chủ và quyền tự quyết của các dân tộc Nam Mỹ",

Tổng thống Bolivian Evo Morales vừa kỷ niệm 13 năm tại vị vào thứ Ba 22/1 trong bối cảnh tranh cãi về việc liệu ông có nên được phép tái tranh cử Tổng thống hay không.

Năm ngoái, Bolivia đã chấp nhận Morales ra ứng cử nhiệm kỳ thứ tư bất chấp việc này bị cấm trong hiến pháp và kết quả trưng cầu dân ý phản đối cuộc tái bầu cử như vậy. Cuộc bầu cử cho nhiệm kỳ Tổng thống năm năm tới dự kiến diễn ra vào tháng Mười.

Trung Quốc

Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của Venezuela, với số nợ khổng lồ 20 tỷ đôla, nói hôm 24/1 là nước này phản đối những can thiệp bên ngoài sau khi Hoa Kỳ lên tiếng ủng hộ Guaidó, và cho biết họ ủng hộ những nỗ lực trong việc bảo vệ chủ quyền, độc lập và ổn định đất nước của chính phủ Venezuela.

"Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt hoặc can thiệp từ bên ngoài thường làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn và không hữu ích trong việc giải quyết các vấn đề thực tế,'' một phát ngôn viên của bộ ngoại giao Trung Quốc nói.

Trung Quốc đã dồn nhiều tiền vào Venezuela với hy vọng có thể tiếp cận được nguồn tài nguyên dầu khí khổng lồ.

Việt Nam

Lên tiếng sau khi Trung Quốc tỏ thái độ, Việt Nam nói "luôn quan tâm, theo dõi mong muốn Venezuela hòa bình và ổn định, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Venezuela, vì lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực cũng như trên toàn thế giới".

Quan hệ giữa Việt Nam và Venezuela dù đã được thiết lập từ tháng 9 năm 1989, nhưng tương quan giữa hai bên không được cho là mật thiết, vì thế thái độ trung lập của Việt Nam không làm ai ngạc nhiên.

Thêm vào đó, Việt Nam có lẽ cũng không muốn mâu thuẫn với quan điểm của Trung Quốc trước cuộc khủng hoảng chính trị của Venezuela.

Nga

Là chủ nợ lớn thứ hai của Venezuela, Nga là quốc gia lên tiếng ủng hộ Tổng thống Maduro rõ ràng, mạnh mẽ nhất.

Một tuyên bố của Nga trích lời Tổng thống Putin viết : "Sự can thiệp phá hoại từ nước ngoài đã vi phạm một cách trắng trợn các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế".

Tổng thống Vladimir Putin cũng gọi phôn cho Maduro bày tỏ sự hỗ trợ của mình.

Thủ tướng Nga, Dmitry Medvedev, mô tả sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Guaidó là một cuộc đảo chính và buộc tội Hoa Kỳ đạo đức giả , lý luận rằng người Mỹ sẽ phản ứng ra sao nếu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, tuyên bố mình là Tổng thống.

Franz Klintsevich, thượng nghị sĩ Nga và một đại tá đã nghỉ hưu, nói rằng nếu cần, Moscow có thể kết thúc hợp tác quân sự với Venezuela nếu Maduro, người mà ông nói là Tổng thống hợp pháp, bị lật đổ.

Đối với Nga, Venezuela cho đến nay vẫn là một nền tảng quan trọng trong chiến lược giành chiến thắng trước các quốc gia gần Hoa Kỳ, cả vì lý do quân sự và kinh tế.

Nga đã đầu tư rất nhiều vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela. Nó có quan hệ quân sự chặt chẽ với đất nước này. tháng 12 năm ngoái, hai máy bay ném bom tầm xa của Nga đã bay tới Venezuela như một cử chỉ ủng hộ Tổng thống Maduro, làm tức giận Washington.

Nga hy vọng rằng các khoản đầu tư sẽ biến Maduro thành một đối tác kinh doanh lâu dài, và mất đi Maduro không có lợi cho những đầu tư này.

Thổ Nhĩ Kỳ

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ủng hộ Tổng thống Maduro - một động thái mà đối với một số người sẽ đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào một trục mới nổi của các chính phủ thiên về độc tài.

Recep Tayyip Erdoğan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, gọi điện cho ông Maduro để đề nghị hỗ trợ vào hôm 24/1, sau đó ông Erdoğan nói trong một cuộc họp báo rằng ông đã bị sốc khi nghe tin Mỹ ủng hộ Guaidó.

"Bạn phải tôn trọng kết quả bầu cử. Tuyên bố của ông Trump, một người tin vào dân chủ, đã gây sốc cho tôi", ông Erdoğan nói. Tôi đã gọi Maduro trên đường trở về từ Nga. Tôi nói rất rõ ràng : "Không bao giờ cho phép những hành vi chống dân chủ. Anh phải đứng vững".

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu đưa ra cảnh báo về tuyên bố của Guaidó :

"Có một Tổng thống dân cử và một người khác tuyên bố mình là Tổng thống và một số nước công nhận điều này. Điều này có thể gây ra sự hỗn loạn", ông Mevlüt Çavuşoğlu nói với kênh tin tức A Haber.

"Chúng tôi chống lại sự cô lập của các nước. Tôi hy vọng tình hình sẽ được giải quyết một ôn hòa".

Thổ Nhĩ Kỳ, trên danh nghĩa là một đồng minh của Hoa Kỳ và là thành viên của NATO, có thể gắn bó với Maduro vì mối quan hệ kinh tế sâu rộng với Venezuela.

Iran

Iran phản đối các sự kiện ở Venezuela, nói tuyên bố của phe đối lập rằng họ nắm giữ chức Tổng thống là một cuộc đảo chính, và một nỗ lực giành quyền lực bất hợp pháp.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran, Bahram Ghasemi, cho biết : "Cộng hòa Hồi giáo Iran hỗ trợ chính phủ và nhân dân Venezuela chống lại bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài, và bất kỳ hành động phi pháp và bất hợp pháp nào như việc đảo chính".

Giới quan sát cho rằng, thường là nạn nhân của những chỉ trích của Hoa Kỳ, việc ủng hộ chính quyền Maduro của Iran còn là thái độ ủng hộ một đồng minh cũng là cái gai trong mắt Mỹ.

Uruguay

Hôm 23/1, Bộ Ngoại giao Uruguay đưa ra tuyên bố rằng hai nước Uruguay và Mexico đang đề xuất một "quá trình đàm phán mới đáng tin cậy và hoàn toàn tôn trọng luật pháp và nhân quyền để giải quyết tranh chấp của Venezuela một cách hòa bình".

Uruguay cùng với Mexico kêu gọi tất cả các bên trong và bên ngoài liên quan đến cuộc khủng hoảng xoa dịu căng thẳng và ngăn chặn bạo lực leo thang.

******************

Venezuela : Tổng thống lâm thời Guaidó nói 'đã gặp quân đội' (31/01/2019)

Lãnh đạo phe đối lập của Venezuela, Juan Guaidó, đã tổ chức các cuộc họp bí mật với quân đội để giành được sự ủng hộ trong việc lật đổ Tổng thống Nicolás Maduro.

cuba7

Nhà lãnh đạo phe đối lập, ông Guaidó tuyên bố là Tổng thống lâm thời của Venezuela

Ông Guaidó tiết lộ tin này trong một bài bình luận trên New York Times.

Nhà lãnh đạo phe đối lập tuyên bố mình là Tổng thống lâm thời hồi đầu tháng này, khiến căng thẳng cuộc đấu tranh quyền lực leo thang.

Nga và Trung Quốc tiếp tục ủng hộ ông Maduro, trong khi Mỹ và một số nước Mỹ Latinh đã công nhận ông Guaidó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tweet hôm thứ Tư rằng ông đã nói chuyện với ông Guaidó và ủng hộ "việc tuyên bố làm Tổng thống lịch sử", viết trong một tweet thứ hai rằng "Cuộc chiến giành tự do đã bắt đầu !

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt dự kiến sẽ thúc giục các quốc gia EU áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với các nhân vật chủ chốt trong chính quyền Maduro vào thứ Năm, sau khi cũng nói chuyện với ông Guaidó hôm thứ Tư.

Khoảng ba triệu người đã trốn chạy khỏi Venezuela trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng cao độ, và gia tăng bạo lực trong những tuần gần đây.

Các cuộc biểu tình đã được tổ chức trên khắp đất nước Venezuela kể từ khi ông Maduro bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 10 tháng 1. Ông đã được bầu vào năm ngoái trong một cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi, trong đó nhiều ứng cử viên phe đối lập đã bị cấm tranh cử hoặc bị bỏ tù.

Bài viết của ông Guaidó nói gì ?

"Chúng tôi đã có những cuộc họp bí mật với các thành viên của lực lượng vũ trang và lực lượng an ninh", ông Guaidó viết trong bài báo trên New York Times.

"Việc quân đội thôi hỗ trợ ông Maduro rất quan trọng để tạo ra sự thay đổi trong chính phủ và phần lớn những người phục vụ quân đội đồng ý rằng các biến chuyển gần đây của đất nước không thể tiếp tục mãi được".

Bài báo cũng nói rằng phe đối lập đã đề nghị ra ân xá cho các lực lượng vũ trang "không bị kết tội chống lại loài người".

Là người đứng đầu Quốc hội Venezuela, ông Guaidó nói rằng hiến pháp cho phép ông nắm quyền lực tạm thời khi Tổng thống đương nhiệm được coi là bất hợp pháp.

Tuy nhiên, Tối cao Pháp viện Venezuela đã cấm nhà lãnh đạo phe đối lập rời khỏi đất nước, và đóng băng các tài khoản ngân hàng của ông.

Bài viết của ông Guaidó diễn ra cùng ngày khi các cuộc biểu tình mới bắt đầu chống lại ông Maduro.

Tổng thống Venezuela trước đó nói với hãng thông tấn Nga RIA rằng ông đã sẵn sàng đàm phán với phe đối lập "để chúng ta có thể nói chuyện vì lợi ích của Venezuela".

Ông nói thêm rằng ông không sẵn sàng chấp nhận tối hậu thư hay tống tiền, và khăng khăng rằng ông có sự hậu thuẫn của quân đội Venezuela, cáo buộc những kẻ đào ngũ đã âm mưu đảo chính.

Phản ứng về cuộc khủng hoảng

Hoa Kỳ và hơn 20 quốc gia khác đã ủng hộ ông Guaidó.

Hôm thứ Hai, Hoa Kỳ áp đặt kiềm chế đối với công ty dầu khí quốc doanh PDVSA.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Bolton đã nói chuyện với các doanh nghiệp thông qua Twitter hôm thứ Tư, nói với họ rằng đừng giao dịch với "vàng, dầu hoặc các hàng hóa khác của Venezuela" bị đánh cắp khỏi người dân bởi "băng đảng Maduro".

Ông Maduro có sự ủng hộ của Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Bolton đã nói chuyện với các doanh nghiệp thông qua Twitter hôm thứ Tư, nói với họ rằng đừng giao dịch với "vàng, dầu hoặc các hàng hóa khác của Venezuela" bị đánh cắp khỏi người dân bởi "băng đảng Maduro".

Ông Maduro được sự ủng hộ của Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Giới chức Nga đã phủ nhận các báo cáo rằng lính đánh thuê từ nước này đã được gửi qua Venezuela để bảo vệ mạng sống của Maduro.

Mexico và Uruguay trong khi đó đã công bố kế hoạch cho một hội nghị của các quốc gia "trung lập" vào ngày 7 tháng 2 tại thủ đô Montevideo của Uruguay, để thảo luận về cuộc khủng hoảng.

Áp lực ngoại giao gia tăng

Phân tích của James Landale, phóng viên đặc trảch ngoại giao của BBC

cuba8

Bản đồ những quốc gia ủng hộ và chống Maduro và Guaido

Các nhà lãnh đạo Châu Âu đã cảnh báo rằng nếu ông Maduro không công bố có cuộc bầu cử mới vào Chủ nhật, thì họ sẽ cùng Hoa Kỳ và những người khác chính thức công nhận nhà lãnh đạo phe đối lập, Juan Guaido, làm Tổng thống lâm thời.

Hôm thứ Năm, tại một cuộc họp ở Romania, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt sẽ thúc giục các đối tác EU của mình tiến xa hơn và xem xét việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các nhân vật chủ chốt trong chính phủ.

Điều đó sẽ không dễ dàng, đòi hỏi sự ủng hộ nhất trí của EU, nhưng bộ trưởng ngoại giao Anh tin rằng đề nghị ấy nên được cứu xét.

EU có một chế độ trừng phạt hiện có đối với 18 người Venezuela bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và danh sách này có thể được gia tăng.

Ông Guaido, người đã nói chuyện với ông Hunt hôm thứ Tư, được hiểu là đang thúc giục EU thực hiện một hành động cứng rắn hơn đối với chính phủ ở Caracas.

Giới chức Hoa Kỳ trước đây đã tuyên bố rằng tất cả các lựa chọn "đang ở trên bàn" để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Venezuela, mà các nhà quan sát đã diễn giải là có thể bao gồm các hành động quân sự.

Ông Bolton cũng xuất hiện trong một cuộc họp báo với một cuốn sổ ghi chú có dòng chữ "5.000 quân tới Colombia", giáp biên giới Venezuela.

Tập đoàn Lima - một cơ quan gồm 14 quốc gia bao gồm Canada được thành lập vào năm 2017 để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng - đã phản đối bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào nước này.

Quay lại trang chủ
Read 538 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)