Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/03/2019

Vụ Huawei : Canada không chấp nhận bị áp lực

Tổng hợp

Lãnh đạo tài chính Hoa Vi kiện chính phủ Canada (RFI, 04/03/2019)

Vụ lãnh đạo tài chính của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi (Huawei), bị chính quyền Canada bắt giữ đầu tháng 12/2018, có thêm diễn biến mới. Ngày 03/03/2019, các luật sư của lãnh đạo tài chính Hoa Vi thông báo đệ đơn khởi kiện chính phủ Canada lên tư pháp bang British Colombia.

canada1

Bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính của Hoa Vi (Huawei) tại tòa án ở Vancouver, Canada, ngày 07/12/2018 Reuters

AFP dẫn lời các luật sư của bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) cho hay giám đốc tài chính Hoa Vi quyết định khởi kiện vụ án dân sự chống lại chính phủ Canada, bị cáo buộc vi phạm "các quyền hiến định" của đương sự, trong vụ bà Mạnh bị bắt giữ ngày 01/12/2018 tại phi trường Vancouver, trong lúc đang trong thời gian chờ đợi giữa hai chuyến bay. Hồ sơ khởi kiện, được nạp tại Tòa Án Tối Cao bang British Colombia.

Bên bị kiện là một số thành viên trong chính phủ Canada, một số nhân viên ngành hải quan và cảnh sát liên bang. Các luật sư đặc biệt tố cáo các nhân viên hải quân đã xâm phạm quyền hợp pháp của bà Mạnh Vãn Châu khi thẩm vấn, lục soát các điện thoại cầm tay và máy tính cá nhân cũng như hành lý của đương sự trong khoảng thời gian ba giờ đồng hồ, trong khuôn khổ một cuộc kiểm tra thông thường của nhân viên công lực tại sân bay, trước khi có quyết định bắt giữ chính thức.

Lãnh đạo tài chính Hoa Vi khởi kiện đúng vào ngày thứ Sáu 01/03, ngày mà Tư pháp Canada chính thức khởi động thủ tục dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu sang Hoa Kỳ, theo yêu cầu của Tư pháp Mỹ. Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ cáo buộc tập đoàn Hoa Vi và giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu đã vi phạm các quy định cấm vận của Hoa Kỳ đối với Iran, cũng như đã đánh cắp nhiều bí mật công nghiệp của tập đoàn viễn thông Mỹ T-Mobile.

Kể từ giữa tháng 12/2018, bà Mãnh Vãn Châu được nộp tiền bảo lãnh để tại ngoại. Lãnh đạo tài chính Hoa Vi phải nộp hộ chiếu và mang vòng giám sát điện tử.

Quan hệ Canada và Trung Quốc xấu đi trầm trọng với vụ này. Bắc Kinh lên án vụ bắt giữ và liên tục yêu cầu Ottawa trả tự do cho lãnh đạo tài chính Hoa Vi.

Ngày thứ Tư tới, 06/03, bà Mãnh Vãn Châu sẽ phải ra trình diện trước một thẩm phán ở Vancouver, để chuẩn bị cho một phiên tòa liên quan đến vấn đề dẫn độ. Thủ tục dẫn độ có thể sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, do đương sự có nhiều cơ hội khiếu nại phúc thẩm.

Trọng Thành

************************

Trung Quốc cáo buộc hai công dân Canada là gián điệp (BBC, 04/03/2019)

Trung Quốc cáo buộc hai công dân Canada là gián điệp trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước khi Giám đốc Huawei có thể sẽ bị dẫn độ sang Mỹ.

canada2

Michael Spavor (trái) và Michael Kovrig bị tạm giam từ tháng 12 năm 2018

Ông Michael Kovrig, một nhà cựu ngoại giao, và ông Michael Spavor, một doanh nhân, đã bị bắt giam vào tháng 12 năm ngoái, sau khi bà Mạnh Vãn Chu bị bắt ở Canada vì Mỹ nói họ nghi ngờ gian lận và vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran.

Hiện bà Mạnh Vãn Chu đang kiện Canada vì vụ bắt giữ do Mỹ yêu cầu này, và Trung Quốc cũng đã lên án vụ bắt giữ bà.

Căng thẳng ngoại giao đã làm tổn hại không nhỏ đến mối quan hệ của Trung Quốc và Canada, và vụ bắt giữ hai công dân Canada được xem là hành động trả thù của Bắc Kinh.

Canada đã đưa ra quy trình dẫn độ bà Mạnh vào thứ Sáu tuần trước, tuy nhiên quy trình pháp lý chỉ đang ở giai đoạn đầu và có thể sẽ kéo dài.

Trung Quốc cáo buộc hai công dân Canada tội gì ?

Theo truyền thông Trung Quốc, ông Kovrig, hiện đang làm việc cho tổ chức International Crisis Group (ICG) có trụ sở tại Brussels, Bỉ, "bị nghi ngờ là gián điệp và đánh cắp bí mật quốc gia cho các đặc vụ nước ngoài".

Trong khi đó, người còn lại, ông Spavor bị cáo buộc "đã cung cấp thông tin tình báo cho ông Kovrig và là người liên lạc tình báo quan trọng của ông Kovrig".

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra cáo buộc cụ thể đối với Kovrig và Spavor, mà chỉ cho biết họ bị nghi ngờ làm tổn hại an ninh Trung Quốc.

ICG chưa bình luận gì về các cáo buộc mới nhất nhưng trước đó nói : "Kovrig không làm gì có hại đến Trung Quốc. Ngược lại, sứ mệnh của ICG là xoa dịu mọi cẳng thẳng giữa Trung Quốc với các quốc gia lân cận, cũng như đưa ra đánh giá mới mẻ, độc lập về vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc trên thế giới."

ICG cho biết, công việc của Kovrig là gặp gỡ các quan chức, giới học thuật, các nhà phân tích và tham gia các cuộc hội thảo.

Trong khi đó, ông Spavor sống tại thành phố Đan Đông, Trung Quốc, giáp với Bắc Hàn. Ông Spavor có mối quan hệ thân với chế độ Bắc Hàn và đã từng đưa các nhà đầu tư nước ngoài đến đây du lịch.

Thủ thướng Canada Justin Trudeau đã kêu gọi thả hai công dân nước này.

canada3

Nhà của bà Mạnh Vãn Chu ở Vancouver

Quá trình dẫn độ Mạnh Vãn Chu đang ở đâu ?

Bà Mạnh Vãn Chu, 47 tuổi, sẽ xuất hiện tại tòa lần tiếp theo vào thứ Tư, ngày chính phủ Canada sẽ xác nhận ban hành văn bản pháp lý về việc dẫn độ bà Mạnh đến Mỹ. Thời gian cho phiên điều trần việc dẫn độ cũng sẽ được đưa ra.

Tuy nhiên, đây chỉ mới là giai đoạn đầu. Thẩm phán phải phê chuẩn việc dẫn độ trước, rồi sau đó Bộ trưởng Tư pháp sẽ quyết định có nên đưa bà Mạnh sang Mỹ hay không.

Có khả năng bà Mạnh sẽ kháng cáo, và thông thường các trường hợp kháng cáo sẽ kéo dài trong nhiều năm.

Tại sao bà Mạnh kiện Canada ?

Vụ kiện của bà Mạnh Vãn Chu đã được đệ trình lên lên tòa án British Columbia hôm thứ Sáu. Bà Mạnh kiện Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP), Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (CBSA) và chính phủ liên bang vì đã vi phạm quyền dân sự của bà theo Hiến chương Quyền và Tự do của Canada.

Theo bà Mạnh, vụ bắt giữ bà là "trái pháp luật" và "tùy tiện", và các cảnh sát đã "cố tình không cho bà biết lý do thực sự của việc bắt giữ, quyền tư vấn và quyền im lặng của bà".

Trước đó, vào ngày 1/12/2018, bà Mạnh Vãn Chu, con gái ông chủ tập đoàn Huawei, đã bị bắt khi đang đổi máy bay ở Vancouver.

Ngày 7/12/2018, bà Mạnh xuất hiện lần đầu tiên tại tòa án Vancouver, nơi bà bị cáo buộc phá vỡ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Trung Quốc đã yêu cầu Canada thả bà Mạnh Vãn Chu.

Huawei bị buộc tội gì ?

Mỹ cáo buộc Huawei đã lừa dối Mỹ và một ngân hàng toàn cầu về mối quan hệ của Huawei với hai công ty con, Huawei Device USA và Skycom Tech, để hợp tác kinh doanh với Iran.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khôi phục các lệnh trừng phạt đối với Iran sau khi chúng bị hủy bỏ theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, và gần đây đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn đánh vào xuất khẩu dầu, vận chuyển và ngân hàng.

Chính quyền ông Trump cũng cáo buộc Huawei ăn cắp công nghệ mà T Mobile sử dụng để kiểm tra độ bền của điện thoại thông minh cũng như ngăn chặn các vụ lừa đảo qua điện thoại.

Tổng cộng, Mỹ đã đưa ra 23 cáo buộc đối với Huawei.

Theo đó, một số quốc gia phương Tây đang xem xét lại mối quan hệ hợp tác kinh doanh với Huawei, mặc dù công ty này luôn duy trì các hoạt động kinh doanh một cách độc lập.

Trung Quốc phản ứng như thế nào ?

Vụ bắt giữ bà Mạnh đã đưa căng thẳng giữa Trung Quốc, Mỹ và Canada lên đỉnh điểm.

Bắc Kinh nói vụ bắt giữ bà Mạnh "vi phạm hiệp ước dẫn độ song phương" giữa Canada và Mỹ, và bày tỏ "sự phản đối kiên quyết" và "sự bất mãn mạnh mẽ" đối với các thủ tục tố tụng.

Trung Quốc cho rằng, cáo buộc đối với Huawei, công ty sản xuất số lượng điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, là "cuộc săn bắt phù thủy".

Quay lại trang chủ
Read 462 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)