Mỹ-Trung : Bắc Kinh phá giá tiền tệ, chiến thuật lợi bất cập hại (RFI, 06/08/2019)
Bắc Kinh vừa mở một mặt trận mới trong cuộc thương chiến với Mỹ. Biện pháp thả nổi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có ít nhiều cơ may giới hạn thiệt hại trước đòn tấn công áp thuế của Donald Trump. Tuy nhiên, theo giới phân tích cả quốc tế lẫn Trung Quốc, chiến thuật này là con dao hai lưỡi, lợi ít, nhưng hại nhiều cho kinh tế Hoa Lục.
Cờ Trung Quốc và Mỹ đặt trước Đô la Mỹ và Nhân dân tệ Trung Quốc. Ảnh minh họa ngày 20/05/2019. Reuters/Jason Lee/Illustration/File Photo
Hôm thứ hai, lần đầu tiên đồng tiền Trung Quốc mất giá kỷ lục tính từ 11 năm qua. Phải hơn 7 đồng nhân dân tệ mới đổi được một đôla Mỹ thay vì 6,9 đồng một ngày trước đó. Bắc Kinh sử dụng vũ khí tiền tệ để đương đầu với Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại, nhưng ở thế bị động.
Chủ nhân Nhà Trắng phản ứng tức khắc. Vài giờ sau khi Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc thả nổi đồng tiền, Donald Trump bắn lên Twitter cáo buộc : "Trung Quốc cho đồng tiền của mình rơi giá đến mức gần như thấp nhất lịch sử. Hành động này gọi là thao túng tiền tệ và sẽ làm cho Trung Quốc suy yếu nghiêm trọng hơn theo thời gian". Tổng thống Mỹ cũng nhân cơ hội này một lần nữa thúc giục Cục Dự trữ Liên bang FED giảm lãi suất chỉ đạo để cho đô la giảm theo.
Cho dù thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc Dịch Cương phủ nhận cáo buộc phá giá đồng tiền để trả đũa Mỹ, nhưng trong một bản thông cáo, ngân hàng này xác nhận đang phải "đối phó với những tác động đơn phương, những biện pháp bảo hộ mậu dịch".
Theo AFP, giới phân tích tin rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng sử dụng vũ khí tiền tệ để trả đũa Mỹ trong bối cảnh thương chiến không lối thoát. Bo Zhuang, chuyên gia người Trung Quốc của trung tâm nghiên cứu TS Lombard, cho rằng sự kiện đồng nhân dân tệ mất giá đột ngột là hậu quả của một cuộc "can thiệp chủ động" của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ cho hàng xuất khẩu, cũng như để làm giảm bớt phần nào tác động của biện pháp áp thuế của Mỹ.
Vì sao Bắc Kinh sử dụng vũ khí này và hiệu năng đến đâu ?
Tuần trước, Donald Trump lên án Trung Quốc tìm mọi cách kéo dài thời gian đàm phán để chờ một chủ nhân mới tại Nhà Trắng sau năm 2020. Rất có thể vì vậy mà thay vì gây áp lực với Washington bằng cách ngưng mua công trái phiếu của Mỹ, Bắc Kinh thao túng tỷ giá đoái của đồng tiền quốc gia để duy trì xuất siêu. Vấn đề là vũ khí này có giới hạn và lắm tác dụng ngược.
Trả lời câu hỏi của RFI tiếng Pháp, giáo sư Nathalie Janson, đại học thương mại NEOMA, Paris giải thích : "Đây là dấu hiệu căng thẳng cao độ và trong bối cảnh không có đối thoại thật sự, Trung Quốc chỉ có tiền tệ để làm vũ khí. Nhưng vấn đề là phương tiện này có hiệu quả hay không, bởi vì không phải giảm giá đồng bạc là xuất khẩu gia tăng. Nhiều nước đã học được kinh nghiệm này. Không có gì bảo đảm là Trung Quốc sẽ thành công, nhưng Bắc Kinh chỉ có phương tiện này, trong cuộc chiến tranh thương mại, để hỗ trợ xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ".
Chiến lược tiền tệ của Trung Quốc còn một số điểm bất cập khác. Cho dù có phá giá "đồng nguyên" đến đâu cũng không đủ bù đắp thiệt hại vì chiến tranh thương mại, chuyên gia Tao Wang của ngân hàng Thụy Sĩ UBS cảnh báo. Mặt khác, chính sách phá giá cũng bất lợi cho Trung Quốc bởi vì từ năm 2015, Bắc Kinh cố gắng ổn định đồng tiền để ngăn chận xu hướng vốn đầu tư chạy ra nước ngoài.
Vòng xoáy đầy bất trắc
Trong bối cảnh tăng trưởng bị hụt hơi trong quý hai năm nay, 6,2%, mức thấp nhất từ 27 năm qua, lẽ nào chính quyền Trung Quốc để cho bản thống kê đầy mũi tên, đỏ nhất là sắp đến ngày 01/10, ngày sinh nhật 70 năm chế độ cộng sản ?
Do vậy, theo nhận định của Mark Sobel, một cựu viên chức của bộ Tài Chính Mỹ, Bắc Kinh có thể sẽ kiểm soát chặt chẽ vốn đầu tư và tránh không để cho đồng nhân dân tệ lao dốc không phanh.
Nguy cơ này được tạp chí tài chính Tài Tân (Caixin) nêu rõ : Đồng tiền Trung Quốc có thể rơi vào vòng xoáy không lối thoát. Vì lo sợ vốn liếng tiêu tan, người dân sẽ tống khứ đồng Yuan và càng làm cho đồng nội tệ mất giá với những hệ quả tai hại, như lạm phát, vật giá leo thang, hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là dầu hỏa, đắt đỏ sẽ tác động tiêu cực lên kinh tế Trung Quốc.
Tú Anh
*****************
Trung Quốc hạ giá nhân dân tệ, ngừng mua nông sản của Mỹ (VOA, 06/08/2019)
Trung Quốc ngày 5/8 lần đầu tiên để đồng nhân dân tệ của mình suy yếu hơn ngưỡng tỉ giá 7 tệ đổi một đôla Mỹ sau hơn một thập niên và sau đó nói rằng họ sẽ ngừng mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, leo thang chiến tranh thương mại ngày càng trầm trọng với Mỹ.
Ngày 5/8 Bắc Kinh hạ giá tỷ lệ thanh khoản của đồng CNY để chống lại áp lực của Mỹ : 7 CNY = 1 USD
Việc làm suy yếu nhân dân tệ 1,4% diễn ra vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gây choáng váng cho thị trường tài chính khi tuyên bố sẽ áp thuế quan 10% đối với 300 tỉ đôla hàng nhập khẩu Trung Quốc còn lại từ ngày 1 tháng 9.
Ông Trump hôm thứ Hai lên Twitter cáo buộc Bắc Kinh là nước thao túng tiền tệ.
Ông không tiết lộ bất kì phản ứng cụ thể nào của Mỹ. Một số nhà phân tích cho rằng bước đi này của Trung Quốc có thể mở ra một mặt trận mới đầy nguy hiểm trong chiến tranh thương mại - một cuộc chiến tiền tệ.
Sau khi ông Trump phát biểu, Bộ Thương mại Trung Quốc loan báo các công ty Trung Quốc đã ngừng mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và rằng Trung Quốc sẽ không loại trừ thuế quan nhập khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ được mua sau ngày 3 tháng 8.
Việc đồng nhân dân tệ lao dốc đã làm rúng động thị trường tài chính toàn cầu.
*******************
Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng đồng nhân dân tệ (RFI, 06/08/2019)
Chính quyền Mỹ chính thức lên tiếng ngày 05/08/2019, cáo buộc Trung Quốc đang phá giá đồng nhân dân tệ, hạ giá đồng tiền xuống ngưỡng trên 7 nhân dân tệ đổi lấy 1 đôla.
Cuộc đấu giữa hai đồng tiền : Đô la Mỹ và Nhân dân tệ Trung Quốc. Ảnh minh họa chụp ngày 20/05/2019. Reuters/Jason Lee/Illustration/File Photo
Đây là tỷ giá yếu nhất của đồng nội tệ Trung Quốc trong 11 năm vừa qua. Hành động này của Bắc Kinh đã tác động mạnh lên thị trường tài chính toàn cầu. Sau sự sụt giảm ngay lập tức tại các thị trường chứng khoán Châu Á và Châu Âu, chỉ số của 3 sàn chứng khoán lớn của Wall Street đã rơi xuống mức thấp nhất trong năm nay : Dow Jones mất 2,9%, Nasdaq mất 3,47% và S&P giảm 2,98%.
Việc phá giá đồng nhân dân tệ có thể làm gia tăng căng thẳng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung do tổng thống Donald Trump khởi xướng năm ngoái. Mục tiêu của Mỹ là buộc Trung Quốc đàm phán lại các hiệp định nhằm cân bằng lại cán cân thương mại của Mỹ đang bị thâm hụt trầm trọng.
Trong thông cáo báo chí của Bộ Tài Chính Hoa Kỳ ngày 05/08, bộ trưởng Steven Mnuchin khẳng định "sẽ thảo luận với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế để loại trừ lợi thế cạnh tranh mà Trung Quốc có được nhờ quyết định này".
Hạ giá đồng nội tệ không phải là giải pháp duy nhất của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại. Tân Hoa Xã hôm 05/08 thông báo các doanh nghiệp Trung Quốc đã ngừng mua sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc Hoa Kỳ, một quyết định khiến cho chỉ số các thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm thêm.
Đây có thể coi là những hành động đáp trả của Trung Quốc sau khi tổng thống Trump đe dọa sẽ áp thuế bổ sung đối với gần như toàn bộ các mặt hàng Trung Quốc từ ngày 01/09 tới, cho dù hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đã mở lại các cuộc đàm phán cấp cao về thương mại, hiện vẫn gặp bế tắc từ đầu năm nay.