‘Cảnh giác' với nỗ lực của Trung Quốc tác động lên thế giới (VOA, 15/02/2020)
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper hôm thứ Bảy 15/2 kêu gọi các nhà lãnh đạo an ninh thế giới "cảnh giác" trước các nỗ lực của Trung Quốc tác động đến các vấn đề thế giới, duy trì các kế hoạch của quốc gia đông dân nhất thế giới để đạt được các mục tiêu của mình bằng mọi cách cần thiết.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper phát biểu vào ngày thứ hai của Hội nghị An ninh ở Munich, Đức, ngày 15 tháng 2 năm 2020.
"Điều cần thiết là chúng ta với tư cách là một cộng đồng quốc tế phải thức tỉnh trước những thách thức do Trung Quốc thao túng các trật tự đã dựa trên các quy tắc quốc tế lâu đời", Bộ trưởng Esper tuyên bố tại một hội nghị an ninh quốc tế ở Munich.
Ông Esper nhấn mạnh Hoa Kỳ không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc nhưng bày tỏ lo ngại về những gì ông nói là mục tiêu của Trung Quốc hiện đại hóa quân đội từ đây cho đến năm 2035 và thống trị Châu Á vào năm 2049.
Ông cáo buộc Trung Quốc xen vào ngày càng nhiều các vấn đề ở Châu Âu và các nơi khác bên ngoài biên giới với mục đích "giành lợi thế bằng mọi cách và bằng mọi giá".
Sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị của Trung Quốc nói ông Esper và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người đã cáo buộc Trung Quốc sử dụng một "chiến lược bất chính" để giành được sự ủng hộ cho nhà sản xuất thiết bị mạng không dây thế hệ mới Huawei Technologies, "nói dối".
Ông Pompeo nói : "Chúng tôi không thể để thông tin đi qua các mạng mà chúng tôi không tin tưởng sẽ không bị Đảng Cộng sản Trung Quốc chiếm đoạt. Điều đó không thể chấp nhận được".
Ông Vương nói : "Hoa Kỳ không muốn thấy sự phát triển và trẻ hóa nhanh chóng của Trung Quốc" và đặc biệt không thích "sự thành công của một quốc gia xã hội chủ nghĩa". Ông cũng nói rằng "điều quan trọng nhất" là hai siêu cường nên bắt đầu đàm phán với nhau để "tìm cách cho hai nước lớn có những hệ thống xã hội khác nhau sống hòa thuận và tương tác trong hòa bình".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich rằng Trung Quốc đặt ra cả thách thức lẫn cơ hội cho phương Tây. Ông nói rằng Hoa Kỳ và Châu Âu phải đồng ý với nhau một cách tiếp cận thống nhất để giải quyết ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc.
Ông Esper mưu tìm sự ủng hộ của Châu Âu đển ngăn chặn Huawei sau khi Anh trước đó vài tuần quyết định sử dụng thiết bị 5G của Huawei. Quyết định của Anh đã giáng một đòn mạnh vào những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm thuyết phục các đồng minh không cho Huawei xây dựng các mạng điện toán cho họ, với lý do đưa ra là Trung Quốc có thể sử dụng thiết bị của Huawei để làm gián điệp, một cáo buộc mà cả Huawei lẫn các quan chức Trung Quốc bác bỏ.
Ông Esper nói : "Chúng tôi đang khuyến khích các công ty công nghệ và đồng minh của Hoa Kỳ phát triển các giải pháp 5G thay thế và chúng tôi đang làm việc cùng với họ để thử nghiệm các công nghệ này tại các căn cứ quân sự của chúng tôi như chúng tôi đã nói".
*******************
Tư pháp Mỹ cáo buộc Hoa Vi đánh cắp bí mật công nghiệp (RFI, 14/02/2020)
Tư pháp Mỹ hôm qua 13/02/2020 lại giáng thêm một đòn vào tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi. Chưởng lý liên bang tại Brooklyn, Richard Donoghue, cáo buộc tập đoàn viễn thông Trung Quốc đánh cắp bí mật công nghiệp và vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Bắc Triều Tiên, trong bối cảnh Hoa Vi vẫn đang bị truy tố về tội vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran.
Logo Hoa Vi (Huawei) tại hội chợ triển lãm công nghệ tiêu dùng Berlin, Đức, ngày 05/09/2019 Reuters/Hannibal Hanschke
Tập đoàn Hoa Vi ngay lập tức chỉ trích những lời tố cáo mới của Tư Pháp Mỹ là "vô căn cứ và phi pháp", tố cáo các chưởng lý Mỹ cố ý, dứt khoát muốn làm hại vĩnh viễn tới danh tiếng và gây hại cho các hoạt động của Hoa Vi, vì những lý do liên quan đến sự cạnh tranh chứ không phải về việc tuân thủ luật pháp.
Cáo buộc mới của tư pháp Mỹ có nhắc đến tên bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Hoa Vi và cũng là con gái nhà sáng lập tập đoàn, hiện đang được tại ngoại hầu tra ở Vancouver, Canada, nhưng bà không bị buộc thêm các tội mới về tham ô, nhận hối lộ.
Hiện nay, tư pháp Canada vẫn chưa ra phán quyết dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu sang Mỹ theo yêu cầu của Washington. Một phát ngôn viên của chưởng lý liên bang tại Brooklyn Richard Donoghue từ chối cho hãng tin Pháp AFP biết liệu lời tố cáo mới của tư pháp Mỹ nhắm vào tập đoàn Hoa Vi có làm tăng khả năng dẫn độ bà Mạnh về Mỹ hay không.
Trong khi đó, tại Châu Âu, sau Anh Quốc, hôm qua đến lượt Pháp cho Hoa Vi tham gia thị trường mạng 5G nhưng một cách hạn chế. Cho dù bị Mỹ gây áp lực, bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire vẫn khẳng định đảm bảo "lợi ích chủ quyền của Pháp", ưu tiên các nhà cung cấp Nokia và Ericsson của Châu Âu, nhưng nếu Hoa Vi có đề xuất tốt hơn về kỹ thuật hay chi phí thì vẫn có thể được tham gia, dù không được triển khai gần những vị trí nhạy cảm, quân sự và hạt nhân tại Pháp.
Thùy Dương
********************
Mỹ cáo buộc Huawei ăn cắp bí mật thương mại, tiếp tay Iran (VOA, 14/02/2020)
Trong bản cáo trạng mới nhất về hãng Huawei của Trung Quốc, các công tố viên Hoa Kỳ hôm thứ Năm 13/2 cáo buộc hãng này ăn cắp bí mật thương mại và giúp Iran truy tìm người biểu tình. Bản cáo trạng được xem là động thái leo thang cuộc chiến của Hoa Kỳ đánh vào nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.
Logo của Huawei tại một triển lãm ở Berlin, Đức, tháng 9/2019
Theo bản cáo trạng, Huawei Technologies bị cáo buộc có mưu đồ đánh cắp bí mật thương mại của 6 công ty công nghệ của Mỹ và vi phạm luật chống trục lợi thường được sử dụng để chống tội phạm có tổ chức.
Các tội danh mới về trộm cắp bí mật thương mại liên quan đến mã nguồn của bộ định tuyến internet, công nghệ anten trạm phát sóng điện thoại di động và robot.
Bản cáo trạng cũng có những cáo buộc mới về việc Huawei dính líu đến các quốc gia bị trừng phạt. Một số các cáo buộc là hãng này đã cài đặt thiết bị giám sát ở Iran được sử dụng để theo dõi, nhận diện và bắt giữ người biểu tình trong các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2009 ở Tehran.
Washington đã đưa Huawei vào danh sách đen trong lĩnh vực thương mại hồi năm ngoái, với lý do có những quan ngại về an ninh quốc gia.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm thứ Sáu 14/2 kêu gọi Hoa Kỳ dừng ngay việc đàn áp các công ty Trung Quốc mà không có lý do. Những hành động như vậy làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín và hình ảnh của Hoa Kỳ, ông ta nói.
Trong khi đó, ở Mỹ, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Richard Burr và Phó Chủ tịch Mark Warner nói trong một tuyên bố chung rằng "Bản cáo trạng cho thấy chân dung xấu xa của một tổ chức bất hợp pháp không đếm xỉa gì đến luật pháp".
Các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ gọi đây là "một bước quan trọng trong việc chống lại băng nhóm tội phạm và được nhà nước chỉ đạo trong Huawei".
Hôm 13/2, có một vài tin tức tích cực liên quan đến hãng này, đó là Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố sẽ gia hạn giấy phép chung tạm thời trong 45 ngày cho phép các công ty Mỹ tiếp tục kinh doanh trong một số lĩnh vực với Huawei. Động thái này nhằm duy trì các thiết bị hiện có và cho phép các nhà cung cấp ở các cộng đồng nông thôn có thêm thời gian để tìm giải pháp thay thế cho các mạng của Huawei.
Đồng thời, Hoa Kỳ đang cân nhắc các quy định mới để ngăn chặn thêm việc xuất khẩu các sản phấm có công nghệ của Hoa Kỳ cho Huawei.
Và Washington vẫn tiếp tục gây áp lực với các quốc gia khác để loại bỏ Huawei khỏi mạng di động của họ, khẳng định rằng thiết bị của hãng có thể được Bắc Kinh sử dụng để do thám.
Theo Reuters