G20 cam kết 5 nghìn tỷ đô la cho kinh tế toàn cầu nhằm giảm tác động Covid-19 (VOA, 27/03/2020)
Các nhà lãnh đạo của Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) hôm 26/3 cam kết bơm hơn 5 nghìn tỷ đô la vào nền kinh tế toàn cầu để hạn chế tổn thất do mất công ăn việc làm và thu nhập từ ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo Reuters.
Các nguyên thủ G20 tham dự Hội nghị trực tuyến về Covid-19.
Cùng với Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức quốc tế khác, "G20 cam kết sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để vượt qua đại dịch", nhóm này nói.
Ả Rập Xê Út, hiện là chủ tịch Nhóm G20, đã triệu tập hội nghị thượng đỉnh qua đường truyền video trong bối cảnh xuất hiện những lời chỉ trích trước đó nói rằng G20 phản ứng chậm với dịch bệnh Covid-19.
Nhóm này cho biết họ "đang bơm hơn 5 nghìn tỷ đô la vào nền kinh tế toàn cầu, như là một phần của chính sách tài khóa có trọng điểm, các biện pháp kinh tế và các kế hoạch bảo đảm", nhằm giảm bớt thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra.
Phát biểu sau khi dự Hội nghị G20, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói Hội nghị cho thấy "tinh thần quyết liệt để vượt qua dịch bệnh".
Ông nói tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng rằng các nước G20 đang thông báo cho nhau về những nỗ lực của họ để chống lại cuộc khủng hoảng.
"Chúng ta ứng phó bệnh dịch theo những cách khác nhau nhưng có chung sự đồng thuận tuyệt vời", ông Trump nói.
Truyền thông Việt Nam hôm 27/3 loan tin Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc có tham dự Hội nghị trực tuyến G20.
"Chia sẻ với các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đoàn kết, hợp tác, phối hợp toàn cầu và khu vực là rất quan trọng ; khẳng định quyết tâm, cam kết của Việt Nam trong chống dịch Covid-19", Cổng thông tin Chính phủ cho biết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ với các nhà lãnh đạo nhiều biện pháp về thúc đẩy hợp tác, hành động chung trong ứng phó với dịch Covid-19, như tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật trong xét nghiệm, kiểm soát và điều trị ; tranh thủ sự đồng lòng, hợp tác, tham gia của người dân, các tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang.
***********************
Virus corona làm nạn thất nghiệp ở Mỹ tăng vọt (RFI, 27/03/2020)
Số người đăng ký thất nghiệp tại Hoa Kỳ vào hôm qua, 26/03/2020, đã đạt đỉnh cao kỷ lục : Gần 3,3 triệu người đã xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua, hệ quả của việc dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ. Theo dự luật mà Hạ Viện sẽ thông qua hôm nay, 27/03, tiền trợ cấp thất nghiệp dự kiến sẽ tăng thêm 600 đô la hàng tuần. Tuy nhiên nhiều người không nằm trong diện được hưởng trợ cấp rất lo ngại.
Sở đang ký lao động bang New York, tại khu Brooklyn thành phố New York, Hoa Kỳ ngày 20/03/2020. REUTERS/Andrew Kelly/File Photo
Thông tín viên RFI tại Washington, Anne Corpet cho biết thêm chi tiết :
Kathryn Harris là giáo viên thay thế tại các trường công lập ở thủ đô liên bang. Từ hai tuần lnay bà không còn làm việc nhưng lại không thể đăng ký thất nghiệp.
Qua điện thoại bà giải thích là bà vẫn là nhân viên của ngành giáo dục công lập tại thủ đô Hoa Kỳ, nhưng không làm việc vì trường học đóng cửa. Do vậy, bà không thể được trợ cấp thất nghiệp như những người khác. Bà không thể đi làm và với quy chế giáo viên thay thế, bà không được trả lương.
Những người làm việc độc lập chiếm 34% lực lượng lao động tại Mỹ. Kế hoạch mà Hạ Viện dự kiến thông qua hôm nay có dự trù việc mở rộng trợ cấp cho một số người. Nhưng René Davilla, diễn viên đồng thời là giáo viên dạy múa, vừa không thể trình diễn, vừa không thể dạy học, cho nên không biết là mình có thể được hưởng trợ cấp hay không.
Đối với ông, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã đẩy ông vào một tình thế rất khó khăn. Ông có thể cầm cự trong một tháng, nhưng sau đó thì không biết sẽ ra sao, lấy đâu ra tiền để trả các hóa đơn. Ông không chắc sẽ được trợ giúp của chính phủ và thấy rằng mình không được bảo vệ chút nào.
Những người mất việc làm phần lớn cũng mất luôn bảo hiểm xã hội, tức là thêm một mối lo âu trong thời buổi dịch bệnh, trong một quốc gia mà dịch vụ chăm sóc sức khỏe vô cùng đắt đỏ.
Mai Vân
******************
Corona có thể khiến hàng chục triệu người thất nghiệp (VOA, 27/03/2020)
Những người mất việc trên toàn cầu vì cuộc khủng hoảng virus corona có thể vượt quá 25 triệu, theo ước lượng cách đây vài ngày, các giới chức Liên Hiệp Quốc cho biết hôm 26/3 giữa lúc đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ lên đến mức kỷ lục cho thấy mức độ tai họa của nền kinh tế.
Tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế ILO Guy Ryder phát biểu tại hội nghị lần thứ 108 của ILO ở Geneva, Thụy sĩ ngày 10/6/2019.
Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, một cơ quan Liên hiệp quốc, ước lượng cách đây một tuần căn cứ vào những kịch bản khác nhau về ảnh hưởng của đại dịch đối với tăng trưởng, con số thất nghiệp toàn cầu sẽ tăng từ 5,3 triệu tới 24,7 triệu ngưởi.
Tuy nhiên ông Sangheon Lee, giám đốc cục chính sách nhân dụng của ILO, nói với Reuters hôm 26/3 là mức độ thất nghiệp tạm thời và con số những người xin trợ cấp thất nghiệp cao hơn dự tính.
"Dự tính sẽ lớn hơn, cao hơn 25 triệu như chúng tôi ước lượng".
Cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu 2008/2009 khiến 22 triệu người thất nghiệp trên thế giới.
Tại Mỹ, cũng như nhiều phần trên thế giới, các biện pháp chế ngự đại dịch đã làm cho nước Mỹ thình lình ngưng trệ, con số người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp tăng hơn 3 triệu trong tuần qua.
Điều này phá kỷ lục trước đây là 695.000 người năm 1982. Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò nói người xin tiền thất nghiệp sẽ lên đến 1 triệu, dù ước lượng có thể lên tới 4 triệu.
Dữ liệu do chủ tịch Ngân hàng Trung ương Saint Louis James Bullard đưa ra làm tăng thêm báo động. Ông cảnh báo là khoảng 46 triệu người, một phần ba nhân công Mỹ, có thể mất việc trong ngắn hạn.
Trong khi đó, tại Anh, chính phủ nói 477.000 người trong 9 ngày qua đã đệ đơn xin Universal Credit, tức tiền giúp chi trả cho những người thất nghiệp hay lợi tức thấp. Cơ quan nghiên cứu Resolution Foundation cho hay số này đã tăng hơn 500% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Reuters
*****************
Đại thế chiến với corona : Gần nửa triệu dân bị nhiễm, tác hại kinh tế leo thang (VOA, 27/03/2020)
Số ca nhiễm virus corona trên toàn cầu hiện gần nửa triệu người, cả Ý và Mỹ đang trên đà qua mặt Trung Quốc về số bệnh nhân. Con số kỷ lục, 3,3 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong một tuần. Đó là những con số cho thấy mức tàn phá tai hại của virus corona không chỉ với sức khỏe con người, mà cả với kinh tế.
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Louis Pasteur, Pháp, ngày 26/3/20.
Các hệ thống y tế ở Châu Âu và Mỹ đang nỗ lực tối đa. Số người chết tại Tây Ban Nha vì virus corona lên hơn 4 ngàn.
Tại Mỹ, Thượng viện đã thông qua gói cứu nguy kinh tế 2,2 ngàn tỷ đô nhằm giúp doanh nghiệp, bệnh viện, và dân Mỹ qua cuộc khủng hoảng. Theo đó, nhà nước sẽ cấp ngân phiếu cho mỗi người lớn 1.200 đô và mỗi trẻ em 500 đô. Dự kiến, dự luật sẽ được Hạ viện biểu quyết ngày 27/3.
Ít nhất 2,8 tỷ người, tức trên 1/3 dân số toàn cầu, bị hạn chế du hành.
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới, Tedros Adhanom Ghebreyesus, đả kích các lãnh đạo thế giới đã phí phạm thời gian quý báu trong cuộc chiến chống virus corona.
"Thời gian hành động thật ra là đã cách đây 1-2 tháng rồi. Chúng ta đã lãng phí cánh cửa cơ hội đầu tiên…Đây là cơ hội thứ hai, chớ nên phí phạm mà phải làm mọi cách để chế ngự virus", ông nói.
Covid-19 đã giết chết hơn 22 ngàn người và làm trên 480 ngàn người bị nhiễm, đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp và dày vò kinh tế thế giới.
Tại Ấn Độ, 1,3 tỷ dân đang chịu lệnh ở nhà, số người mất việc làm chưa thống kê hết, nhiều gia đình đang chật vật kiếm ăn.
Trong khi tại Châu Phi, Nam Phi từ giữa đêm 26/3 sẽ có lệnh phong tỏa trong khi nước này báo cáo hơn 700 người bị nhiễm Covid-19, nhiều nhất trên lục địa đen.
Tại Mỹ, số tử vong vượt qua 1.050 và khoảng 70 ngàn người bị nhiễm. Số người xin trợ cấp thất nghiệp tuần rồi cao gần gấp 5 lần kỷ lục trước đây vào năm 1982.
Tây Ban Nha trở thành quốc gia ở Châu Âu có dịch lây lan nhanh chóng nhất. Hôm 26/3, Bộ Y tế báo cáo có thêm gần 8.600 người nhiễm và 655 người chết vì virus corona, nâng tổng số người nhiễm tại Tây Ban Nha lên hơn 56 ngàn và trên 4 ngàn ca tử vong, đứng thứ hai sau Ý, nơi có khoảng 7.500 người chết.
Đức cũng có nhiều người nhiễm, hơn 39 ngàn ca, nhưng số tử vong chỉ là 222 nhờ vào các biện pháp xét nghiệm sớm và mạnh tay.
Trong khi đó, Pháp mở "Chiến dịch Kiên cường", một sự đáp ứng có quân đội hậu thuẫn trước cuộc khủng hoảng Covid-19.
Theo AP