Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

14/04/2017

Điểm tin báo chí Pháp - Bốn thách thức vũ khí hạt nhân

Bốn thách thức vũ khí hạt nhân đặt ra cho Donald Trump

Hai ngày trước sinh nhật lần thứ 105 của Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) người sáng lập ra nền Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, Bình Nhưỡng thách thức cộng đồng quốc tế trên hồ sơ hạt nhân. Thế nhưng Bắc Triều Tiên chỉ là một trong số bốn thách thức hạt nhân chờ đợi tổng thống Mỹ Donald Trump như phân tích trên báo kinh tế Les Echos.

bon1

Tổng thống Mỹ Donald Trump họp báo với lãnh đạo NATO. Ảnh ngày 12/04/2017. REUTERS/Jonathan Ernst

Bắc Triều Tiên là thách thức số 1 trong danh sách được tác giả bài báo, Jacques Hubert Rodier, nhắc đến. Báo chí Bình Nhưỡng đe dọa dùng vũ khí nguyên tử để tấn công Hàn Quốc, các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và kể cả nhắm tới lãnh thổ Hoa Kỳ. Washington đã điều tàu chiến đến Đông Bắc Á. Đây mới chỉ là những động thái diễu võ dương oai để hù dọa lẫn nhau, đồng thời Mỹ muốn gia tăng áp lực để Bắc Kinh kềm chế nước láng giền khó bảo. Chiến tranh không bắt buộc nổ ra. Nhưng thông thường, chung quanh vấn đề hạt nhân, hậu quả tiếp theo luôn rất khó lường.

Thử thách thứ nhì xuất phát từ những tuyên bố "hỏa mù" về chính sách hạt nhân của Mỹ. Qua Twitter, tổng thống Trump từng tuyên bố Hoa Kỳ sẽ "tăng cường khả năng nguyên tử, cho tới khi nào thế giới bắt đầu giác ngộ trên lĩnh vực này". Thông điệp đó có thể diễn giải theo nhiều cách : hoặc là Washington có kế hoạch hiện đại hóa khả năng tấn công của Mỹ- như điều cựu tổng thống Barack Obama đã đề xuất, hoặc là chính quyền Trump đe dọa triển khai tên lửa đến sát cạnh các "đối thủ" của Hoa Kỳ, trong đó có Nga.

Vì không biết Mỹ muốn gì nên tác giả bài phân tích lo ngại các nước đang có vũ khí hạt nhân sẽ lao vào một cuộc chạy đua vũ trang. Tình trạng này có thể dẫn tới những tình huống "vượt ngòa i tầm kiểm soát".

Thách thức thứ ba là nguy cơ "leo thang khủng hoảng hạt nhân" trên thế giới. Hiệp định chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt đã được 190 quốc gia phê chuẩn có nguy cơ bị khai tử.

Cuối cùng, giấc mơ được sống trong một thế giới không có vũ khí hạt nhân của tổng thống Barack Obama còn quá xa vời. Theo hiệp hội các nhà khoa học Mỹ- Federation Americain Scientits, hiện vẫn còn 14.900 đầu đạn hạt nhân chưa được tháo gỡ, 90 % trong tay Hoa Kỳ và Nga. So với thời kỳ chiến tranh lạnh, số lượng vũ khí nguyên tử đã giảm đi đáng kể (hơn 70.000 vào thời điểm 1986). Nhưng kho vũ khí còn lại đó thừa sức để hủy diệt hành tinh.

Tác giả bài xã luận về chính trị quốc tế trên báo Les Echos bi quan đưa ra kết luận : trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô đều có vũ khí hủy diệt hàng loạt để dằn mặt đối phương. Với Kim Jong-un ở Bắc Triều Tiên hay bất kỳ một nhóm khủng bố nào, không chắc chính sách răn đe đó còn có giá trị.

"Seoul sẽ bị xóa sổ trong vài giờ"

Trả lời báo Les Echos, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược, Olivier Guillard quả quyết : Bình Nhưỡng thừa sức để "xóa sổ Seoul trong vài giờ".

Từ năm 1953 tới nay "mỗi ngày, quốc gia này đều chuẩn bị đối phó trước một vụ tấn công". Đất nước với 25 triệu dân này có 1 triệu binh sĩ, 4.700 chiến xa, 950 chiếc đấu cơ, 70 tàu ngầm. Đành rằng, các trang thiết bị này của quân đội Bắc Triều Tiên đã lỗi thời. Bình Nhưỡng không có tàu sân bay hay khu trục hạm. Nhưng khi nổ ra chiến tranh, kho đạn dược và vũ khí của Bắc Triều Tiên rất lợi hại.

"Tên lửa Bắc Triều Tiên có thể bắn trúng bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong lĩnh vực hạt nhân, mỗi năm, khối lượng chất uranium được làm giàu mà Bình Nhưỡng tích lũy để chế tạo vũ khí nguyên tử cứ lớn dần và Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế không hề hay biết". Kể từ khi Kim Jong-un lên cầm quyền, Bình Nhưỡng đã ba lần thử bom nguyên tử. "Chắc chắn là chế độ này không có ý định từ bỏ chương trình hạt nhân".

"Quả bom nổ chậm" Obama để lại

Trở lại với căng thẳng Nga-Mỹ chung quanh hồ sơ Syria, Le Monde nói tới "một mối quan hệ ở mức độ zero" giữa Washington và Matxcơva. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson ngày 12/04/2017 đã phải đợi ba tiếng đồng hồ trước khi được tiếp kiến tổng thống Putin trong cuộc chạy đua việt dã ngoại giao chưa đầy 24 giờ đồng hồ tại thủ đô nước Nga.

Họp báo, hai ông Rex Tillerson và Serguei Lavrov nhấn mạnh đến những từ ngữ như là " hợp tác " và " đối thoại " nhưng trên thực tế, chẳng bên nào biết trước là bang giao Nga-Mỹ sẽ đi về đâu.

Trong khi đó, Le Figaro ghi nhận vụ oanh kích của Mỹ đã củng cố thêm " trục Damascus-Matxcơva-Teheran " để kháng cự với Washington. Ngoại trưởng Serguei Lavrov hôm nay tiếp hai đồng nhiệm Syria và Iran tại thủ đô nước Nga. Chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ là bị rơi vào thế kẹt, giữa Nga và Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ : Quyền lực tuyệt đối cho tổng thống Erdogan ?

Một hồ sơ quốc tế khác được các báo Pháp quan tâm là cuộc trưng cầu dân ý vào Chủ Nhật này ở Thổ Nhĩ Kỳ về cải cách Hiến Pháp nhằm trao thêm quyền lực cho tổng thống. La Croix nêu câu hỏi phải chăng đây là cơ hội để " Một bạo chúa lên ngôi ", thâu tóm trọng quyền lực trong tay ?

Liên Hiệp Châu Âu không còn biết phải làm gì để đối phó với một lãnh đạo ngay sát cạnh cửa ngõ Châu Âu toan tính thâu tóm quyền lực. Erdogan, vị tổng thống đi tìm "quyền lực tuyệt đối", tựa lớn trên báo Les Echos.

Le Monde đánh giá : "Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sẽ được ăn cả, ngã về không". Kết quả chưa có gì chắc chắn. Nhiều viện thăm dò ý kiến dự báo phe ủng hộ cải cách Hiến Pháp chiếm 51-52%. Một số khác thì đưa ra kết quả ngược lại.

Chỉ biết trước một điều là "hiếm khi người dân Thổ Nhĩ Kỳ bị chia rẽ như hiện nay, ngay cả trong nội bộ đảng AKP của tổng thống Erdogan".

Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ theo chế độ Cộng Hòa Nghị Viện, về nguyên tắc, tổng thống chỉ có vai trò danh dự. Le Monde cũng giải thích là nếu Hiến Pháp được cải cách, chế độ này sẽ bị đảo lộn hòa n tòa n : Erdogan sẽ trở thành " vị tổng thống siêu quyền lực " lãnh đạo đất nước thông qua các sắc lệnh, bổ nhiệm chỉ huy quân sự cấp cao, lãnh đạo cơ quan tình báo, giám đốc các trường đại học, một số quan chức cấp cao và quan tòa.

Trong khi đó, báo Libération thì nhận xét : càng gần đến ngày trưng cầu dân ý, "Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ càng lộng hành sách nhiễu" những tiếng nói đối lập, những người chống cải tổ Hiến pháp.

Bầu cử tổng thống Pháp

Nhìn đến phần trang nói về bầu cử tổng thống Pháp 2017 : 9 ngày trước cuộc bỏ phiếu mang tính quyết định, Le Figaro chú ý tới lá phiếu của cộng đồng người Hồi giáo ở Pháp : những thành phần đã thất vọng sau 5 năm cầm quyền và những hứa hẹn không được thực hiện của tổng thống đảng Xã Hội François Hollande.

Libération thiên tả dành trang nhất để giới thiệu ứng cử viên Philippe Poutou, đại diện Đệ Tứ Quốc Tế của Tân Đảng Chống Tư Bản (Nouveau Parti Anticapitaliste NPA). Với báo công giáo La Croix, sự vươn lên của ứng cử viên cực tả phong trào Nước Pháp Bất Khuất, Jean-Luc Mélenchon gây lo ngại.

Nhật báo kinh tế Les Echos, không vòng vo : viễn cảnh một "ông cộng sản" lên làm tổng thống Pháp là một mối đe dọa với kinh tế nước này. Tờ báo liệt kê ra những mối đe dọa đó là : khả năng nước Pháp ra khỏi khu vực đồng euro, FREXIT, ghép từ hai chữ France và Exit ; kịch bản Pháp chia tay với các định chế tài chính, kinh tế đa quốc gia tư Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Thế Giới hay Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.

Phải chăng chính vì thế mà như Le Monde ghi nhận ngay trên trang nhất ông Mélenchon đang trở thành mục tiêu tấn công của các phe tả lẫn phe hữu ? Còn ứng cử viên của đảng Xã Hội Benoit Hamon thì coi như đã "bị loại" khi mà báo chí Pháp giờ đây chỉ còn nói tới một cuộc đọ sức 4 bên, giữa các ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, ông Macron của phong trào Tiến Bước, Mélenchon và ứng cử viên cánh hữu Fillon.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ
Read 834 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)