Hải quân Mỹ không phục chức hạm trưởng tàu sân bay bị nhiễm virus corona (VOA, 20/06/2020)
Đảo ngược một quyết định trước đó, Hải quân Hoa Kỳ ngày thứ Sáu bãi bỏ khuyến nghị của họ phục chức cho Hạm trưởng Brett Crozier và thay vào đó giữ nguyên quyết định sa thải ông khỏi vị trí chỉ huy một hàng không mẫu hạm bị nhiễm virus corona, nơi ông trở thành anh hùng trong mắt các quân nhân dưới quyền của ông.
Hạm trưởng Brett Crozier được thủy thủ đoàn ca ngợi như một anh hùng vì đã mạo hiểm chức vụ của mình bằng cách viết một lá thư bị rò rỉ, kêu gọi Hải quân cung cấp thêm những biện pháp bảo vệ an toàn.
Hải quân cho biết một cuộc điều tra sâu cho thấy ông Crozier, dù đã khẩn cầu ban lãnh đạo hàng đầu làm nhiều hơn nữa để bảo vệ các thủy thủ, chính ông đã không làm đủ để cố gắng ngăn chặn virus corona lây lan. Cuối cùng hơn 1.200 nhân viên trên tàu Theodore Roosevelt bị nhiễm bệnh, một trong số họ tử vong.
Hải quân cũng tuyên bố sẽ đình chỉ việc thăng chức cho cấp trên của ông Crozier vào thời điểm đó, Chuẩn đô đốc Stuart Baker, chỉ huy nhóm tàu sân bay tấn công.
Đô đốc Mike Gilday, chỉ huy các hoạt động hải quân và sĩ quan hàng đầu của Hải quân Hoa Kỳ, trước đó đã đề nghị phục chức cho ông Crozier vào tháng 4 sau một cuộc điều tra sơ bộ. Nhưng ông Gilday cho biết cuộc điều tra sâu hơn cho thấy cả ông Crozier và ông Baker đều "không đạt được" kì vọng.
"Nếu khi đó tôi biết những gì mà bây giờ tôi biết, tôi đã không đưa ra khuyến nghị phục chức cho Hạm trưởng Crozier. Hơn nữa, nếu Hạm trưởng Crosier vẫn còn chỉ huy ngày hôm nay, tôi sẽ bãi nhiệm ông ấy", ông Gilday nói trong một cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc.
Ông Gilday nói ông Crozier sẽ không đủ điều kiện đảm nhiệm một vị trí chỉ huy khác và sẽ được thuyên chuyển công tác, một bước đi mà trên thực tế dường như sẽ chấm dứt sự nghiệp của ông.
Ông Crozier được thủy thủ đoàn của ông ca ngợi như một anh hùng vì đã mạo hiểm chức vụ của mình bằng cách viết một lá thư bị rò rỉ, kêu gọi Hải quân cung cấp thêm những biện pháp bảo vệ an toàn.
Ông bị sa thải bởi quan chức dân sự hàng đầu của Hải quân, khi đó là quyền Bộ trưởng Hải quân Thomas Modly, nhưng quyết định này phản tác dụng. Video các thành viên thủy thủ đoàn cổ vũ hạm trưởng của họ khi họ tụ tập trên boong tàu để chia tay ông lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.
Ông Modly sau đó làm trầm trọng thêm vấn đề bằng cách bay ra tận tàu sân bay để chế nhạo ông Crozier về vụ rò rỉ và đặt nghi vấn về nhân cách của ông trong một bài phát biểu trước thủy thủ đoàn mà cũng bị rò rỉ ra giới truyền thông. Ông Modly sau đó từ chức.
Cuộc điều tra cho thấy virus corona có thể đã xuất hiện trên tàu sau chuyến thăm hồi tháng 3 tại Việt Nam, nước mà vào thời điểm đó được chính phủ Mỹ coi là nguy cơ thấp.
*******************
Tàu tác chiến Mỹ vừa tuần tra ở Biển Đông (RFA, 18/06/2020)
Tàu tác chiến cận bờ của hải quân Mỹ USS Gabrielle Giffords thực hiện hoạt động tuần tra ở Biển Đông vào ngày 16 tháng 6 năm 2020.
Tàu tác chiến cận bờ của hải quân Mỹ USS Gabrielle Giffords - Photo : The defendpost
Hải quân Mỹ cho hay, tàu USS Gabrielle Giffords đang thực hiện đợt triển khai luân phiên, hoạt động trong khu vực Hạm đội 7 phụ trách nhằm nâng cao khả năng tích hợp với các đối tác và sẵn sàng ứng phó. Tàu USS Gabrielle Giffords đã tới khu vực Nam Biển Đông hôm 12 tháng 5 để hỗ trợ đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tư lệnh Hạm đội 7, Phó Đô đốc Bill Merz, tái khẳng định rằng Hải quân Hoa Kỳ sẽ cho máy bay và tàu thuyền hoạt động trên Biển Đông ở bất kỳ nơi nào và thời điểm nào theo luật pháp quốc tế.
Tàu USS Gabrielle Giffords được trang bị tên lửa tấn công trên biển (Naval Strike Missile) mới. Đây là loại tên lửa có khả năng tàng hình để tránh hệ thống radar của đối phương.
Về phía Trung Quốc, hôm 29 tháng 5 và 4 tháng 6, Hải quân Trung Quốc tiến hành huấn luyện tác chiến trên Biển Đông. Trước đó hai ngày, trang mạng Star and Stripes của Mỹ đưa tin Trung Quốc sẽ triển khai 2 tàu sân bay vào mùa hè này trong một cuộc tập trận ở Biển Đông.
Vào khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông, Mỹ cũng đưa nhiều máy bay quân sự và tàu chiến vào vùng biển này.