Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

21/12/2020

Điểm báo Pháp – Châu Âu rối loạn vì Covid-19

RFI tiếng Việt

Covid-19 : Châu Âu bấn loạn giữa vac-xin, tiêm chủng và virus đột biến

Tình hình dịch bệnh gần đến kỳ lễ Noel và đón năm mới càng diễn biến phức tạp khó lường ở Châu Âu. Vac-xin ngừa Covid-19, Liên Âu chuẩn bị triển khai chiến dịch tiêm chủng mở rộng, virus corona đột biến ở Anh... đó là những tin tức được các báo Pháp hôm nay 21/12/2020 quan tâm hàng đầu.

chauau1

Sân bay Fiumicino, Roma, Ý, ngày 20/12/2020.  Reuters – Remo Casilli

Tựa chính trang nhất Le Figaro"Covid 19, các nước Châu Âu cách ly nước Anh".Tựa lớn của Libération"Vac-xin và đột biến, cuộc chạy đuổi". Giữa lúc Liên Âu chuẩn bị cấp phép lưu hành vac-xin ngừa Covid của Pfizer/BioNTech, trên nguyên tắc thông báo ra ngày hôm nay để các nước có thể nhanh chóng triển khai tiêm chủng đại trà, thì chính phủ Anh thông báo một chủng mới virus corona đột biến, có mức độ lây lan rất mạnh (hơn 70% so với virus cũ). Cùng với thông báo lo ngại đó là quyết định phong tỏa Luân Đôn. Ngay lập tức, hàng loạt các nước bên này biển Manche đóng cửa với Anh Quốc để chặn chủng mới tràn vào lục địa.

Le Figaro ghi nhận, "một nỗi sợ hãi lan trong Châu Âu trước sự xuất hiện chủng virus corona đột biến". Tất cả các nước Châu Âu đều không thể xem nhẹ mối đe dọa mới này, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đã rất căng thẳng, khiến nhiều nước Châu Âu những ngày qua phải siết chặt thêm các biện pháp phòng dịch khi mà Noel và năm mới đang đến rất gần. Les Echos thì chạy tựa : "Châu Âu : Mối đe dọa làn sóng thứ 3". Tờ báo cho thấy ở khắp Châu Âu đang bao trùm bầu không khí lo lắng trước nguy cơ làn sóng dịch thứ 3 bùng lên. Les Echos cho biết, thông báo về chủng virus đột biến hôm thứ Bảy vừa rồi "đã thổi một luồng gió hoảng loạn sang Châu Âu". Ngay trong ngày Chủ Nhật, một loạt nước Hà Lan, Bỉ, Ý, Đức, Bulgari và cả Cộng hòa Ireland sát nách nước Anh đã cho ngừng tất cả các chuyến bay đến từ Anh. Áo cũng đang tính đến biện pháp này. Pháp thì cho triệu tập họp khẩn Hội đồng Quốc phòng Y tế và ra ngay quyết định ngừng tất cả các liên hệ đường biển, hàng không, đường sắt với Vương quốc Anh ít nhất trong vòng 48 giờ.

Diễn biến bất ngờ về dịch bệnh này đang đặt ra nhiều câu hỏi lớn. Trong bài xã luận "Thách thức mới cho vac-xin", nhật báo Le Figaro đặt câu hỏi : "Liệu việc khóa cửa biên giới với nước Anh có phải là đã muộn ? Như vậy có đủ để tránh chủng virus mới này lây lan sang Âu lục ? Không ai biết nhưng có điều là không thể trách cứ các nước Châu Âu đã kiên quyết hành động đối phó với mối đe dọa tiềm ẩn này. Hơn hết trận đại dịch đã dạy cho chúng ta bài học là phải hành động nhanh chóng".

Theo Le Figaro, đến giờ thì mối lo lớn lại liên quan đến vac-xin : Liệu các loại vac-xin đang được triển khai có bị vô hiệu trước chủng virus đột biến ? Rất may là kịch bản thảm họa này ít có khả năng xảy ra. Tờ báo kết luận : "Cuộc chiến chống virus vẫn chưa kết thúc. Các loại vac-xin vẫn là thứ vũ khí tốt nhất của chúng ta".

Vac-xin Covid vũ khí địa chính trị

Cả thế giới đang hy vọng vũ khí vac-xin để chống đại dịch, nhưng có nước lại dùng đó là vũ khí chính trị như nhận định của nhật báo Le Monde qua tựa chính : "Vac-xin chống Covid, vũ khí địa chính trị mới".

Tờ báo dành hai trang để trở lại chủ đề đã được báo chí đề cập đến không ít lần đó là Bắc Kinh đã sử dụng vac-xin như một thứ vũ khí ngoại giao trong lúc cả thế giới đang bấn loạn vì trận đại dịch xuất xứ từ Trung Quốc cách đây gần 1 năm.

Trong cuộc chạy đua vac-xin chống Covid-19, Trung Quốc có hai loại do Sinovac và Sinopharm bào chế. Bài báo của Le Monde cho thấy giữa lúc đại dịch, Trung Quốc đang triển khai một chiến lược ngoại giao y tế với việc liên tiếp ký các thỏa thuận song phương cùng với việc bán vac-xin cho các nước đang phát triển với giá rẻ mạt. Bắc Kinh còn hy vọng mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị và lợi ích kinh tế bằng cách cung cấp tài chính cho các cơ sở bệnh viện ở Châu Phi, tất nhiên đổi lại là những thỏa thuận buôn bán, chính trị…

Theo Le Monde, ngoại giao vac-xin của Bắc Kinh có thể triển khai là vì môi trường quốc tế đang thuận lợi cho họ : Ấn Độ, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và Nga thì đang lấn bấn vì những vấn đề y tế của riêng mình. Nhật Bản cũng không thể chế được vac-xin trước năm 2022. Các phòng thí nghiệm lớn của phương Tây như Pfizer/ BioNTech, AstraZeneca, Moderna chỉ quan tâm đến nước mình, Sanofi thì cũng đã chậm chân…. Thế là Bắc Kinh có cả một con đường thênh thang ở các nước đang phát triển. Cuối cùng bài viết của Le Monde kết luận : "Một năm sau khi virus xuất hiện tại Vũ Hán, bằng cách lợi dụng tác động của khủng hoảng y tế ở các nước đang phát triển, rõ ràng Trung Quốc đang nuôi dưỡng tham vọng lớn cho chính sách ngoại giao y tế của họ, xa hơn chuyện vac-xin".

Nhật Bản : Trang bị quân sự bao nhiêu cho đủ ?

Vẫn trên Le Monde, trang quốc tế của tờ báo chú ý tới Nhật Bản với bài mang tựa đề "Quân đội Nhật Bản thách thức mối đe dọa quân sự Trung Quốc", đề cập đến việc Nhật Bản đang ra sức hiện đại hóa lực lượng quân đội thế nào để có thể đối phó với các mối đe dọa ngày càng lớn từ bên ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Le Monde cho biết, hôm 18/12 vừa rồi chính phủ Nhật đã quyết định trang bị cho hải quân hai chiến hạm cực kỳ hiện đại được trang bị hệ thống phòng không chống tên lửa Aegis, đồng thời mua thêm các loại tên lửa chống hạm siêu thanh tầm xa. Nhưng như thế vấn chưa thỏa mãn được Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, tên gọi quân đội trên nền tảng của bản Hiến pháp hiếu hòa của Nhật Bản.

Tờ báo nhắc lại, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được thành lập 1954 với nhiệm vụ tự vệ vùng lãnh thổ quần đảo bị vây xung quanh là Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc, những nước mà Nhật luôn có các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Để bảo đảm nhiệm vụ, Nhật Bản phải hợp tác với quân đội Mỹ, hiện vẫn duy trì 57 nghìn quân tại quần đảo, trong khuôn khổ một hiệp ước an ninh chung ký từ năm 1960.

Giờ đây quân đội Nhật đang phải đối mặt với tình hình mới đầy biến động với những đe dọa từ bên ngoài ngày càng lớn. Các đe dọa từ phía bắc, có tên lửa Bắc Triều Tiên và đặc biệt là Trung Quốc với các vụ xâm nhập không phận và hải phận Nhật thường xuyên. Giới quan sát ở Tokyo có một so sánh khá thú vị là chế độ Trung Quốc ngày nay hành xử giống như chế độ quân phiệt Nhật của những năm 1930.

Trong bối cảnh đó, quân đội Nhật phải được hiện đại hóa, có các thiết bị cực kỳ hiện đại cùng một đội quân được huấn luyện tốt, mở rộng nhiệm vụ tác chiến mà đi kèm đó là phải sửa đổi điều khoản Hiến pháp hiếu hòa.

Theo Le Monde, ngân sách dành cho Quốc Phòng của Nhật năm 2020 là 42 tỷ euro, cao hàng thứ 9 thế giới. Tokyo sẽ mua 147 chiến đấu cơ F35 thế thứ 5 của Mỹ, hợp tác với tổ hợp chế tạo vũ khí Mỹ Lockheed Martin đóng hai tàu sân bay loại nhỏ. Nhật Bản cũng sẽ trang bị thêm tàu ngầm, nâng cấp khả năng giám sát trên biển, trên không và khả năng chống tàu ngầm. Bên cạnh đẩy mạnh hợp tác quân sự với Mỹ, Nhật còn đa dạng hóa các mối hợp tác quốc phòng, nhất là tham gia các hoạt động quân sự trong khuôn khổ Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, những cố gắng đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu theo Le Monde, Lực lượng Phòng vệ còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết mới có thể đương đầu với những thách thức mới hiện nay trong đó có cả cơ cấu tổ chức. Một vấn đề nữa đang đặt ra cho Quốc Phòng Nhật, như ghi nhận của chuyên gia Céline Pajon, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp được Le Monde trích dẫn "Nhật bản phải nhanh chóng phát triển năng lực để đối phó với đe dọa về an ninh mạng. Đây là một trong những điểm trung tâm của định hướng phòng thủ của Nhật". Le Monde cho biết thêm, hồi tháng 5 vừa rồi, các dữ liệu của tên lửa siêu thanh trong tương lai đã bị đánh cắp trong một cuộc tấn công tin tặc vào tập đoàn chế tạo vũ khí lớn nhất Nhật, Mitsubishi Electric. Cuộc tấn công này được quy trách nhiệm cho các hacker Trung Quốc.

Donald Trump vẫn tiếp tục cuộc chiến "chống thất cử"

Mục "Câu chuyện trong ngày" của nhật báo Libération có bài viết đáng chú ý về màn kịch bầu cử tổng thống Mỹ 2020, lại được Donald Trump bổ sung thêm hồi mới.

Donald Trump tiếp tục kháng cự lại với kết quả phũ phàng của cuộc bầu cử tổng thống, khi mà chưa còn đầy một tháng nữa đến ngày phải bàn giao Nhà Trắng cho Joe Biden. Libération dẫn thông tin báo Mỹ New York Times cho biết, hôm thứ Sáu vừa qua, Donald Trump đã tổ chức một cuộc họp tại Nhà Trắng với các nhân vật thân cận nhất gồm chánh văn phòng, lãnh đạo tư pháp Nhà Trắng, luật sư trong các vụ kiện vừa rồi và cả cựu cố vấn an ninh quốc gia, Michael Flynn bị kết án năm 2019 vì vụ điều tra quan hệ với Nga và vừa được tổng thống Trump ân xá. Mục đích cuộc gặp để bàn cách lật ngược chiến thắng của Joe Biden sau 59 vụ kiện vẫn không thành, trong đó khả năng sử dụng biện pháp thiết quân luật cũng đã được gợi lên. Những phát hiện của báo New York Times đang gây lo ngại ngay cả trong đảng Cộng hòa có thể gây tác động tiêu cực đến cuộc bầu cử Thượng Viện bổ sung tại bang Georgia vào ngày 05 tháng Giêng tới. Nhưng với ông Donald Trump lúc này cuộc bầu cử duy nhất mà ông quan tâm đó là cuộc bầu cử mà ông đã thất bại.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 460 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)