Tư pháp Mỹ : FBI khám nhà cựu Tổng thống Trump vì tình nghi tàng trữ tài liệu tối mật
Trọng Nghĩa, RFI, 27/08/2022
Chính sự hiện diện của nhiều tài liệu tuyệt mật trong những chiếc hộp hồ sơ được cựu tổng thống Mỹ Donald Trump mang đi khi ông rời Nhà Trắng mà một phần được giao lại cho Cơ Quan Lưu Trữ Quốc Gia hồi đầu năm nay, đã khiến Cục Điều Tra Liên Bang FBI mở cuộc khám soát tư dinh của ông Trump tại Florida. Một tài liệu chính thức của Bộ Tư pháp Mỹ công bố hôm 26/08/2022 đã xác định như trên.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, trong thông cáo thứ Sáu, 26/08/2022, khẳng định các tài liệu mà FBI tịch thu đều được giải mật. AP - Julia Nikhinson
Theo yêu cầu của tòa án, Bộ Tư pháp Mỹ buộc phải công bố tờ trình xin lệnh khám nhà, được viết trước cuộc khám soát hôm 08/08, trong đó nêu rõ lý do vì sao hoạt động này là cần thiết. Tuy nhiên, rất nhiều đoạn trong tờ trình dài 32 trang đã bị bôi đen để che giấu danh tính của các nhân chứng và tránh tiết lộ các phương pháp điều tra nhạy cảm.
Từ Miami, thông tín viên RFI David Thomson giải thích :
"Đó là một thủ tục pháp lý nêu chi tiết lý do tại sao FBI cho là cần thiết phải khám nhà của cựu tổng thống Hoa Kỳ. Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 2/2022, khi sau nhiều tháng gây sức ép, Donald Trump rốt cuộc đã trả lại cho chính quyền 15 hộp tài liệu mật mà ông mang theo một cách bất hợp pháp khi rời Nhà Trắng.
Bên trong có 184 hồ sơ được xếp vào diện tài liệu mật, với 25 trong số đó được ghi là tối mật (top secret), tức là mức độ bảo mật cao nhất. Một số tài liệu này, bị sắp xếp lộn xộn, chứa các thông tin có khả năng gây nguy hiểm cho các nhân viên tình báo hoạt động bí mật ở nước ngoài.
Sau khi xem xét các tài liệu đó, các nhà điều tra FBI tin rằng cựu tổng thống còn giữ nhiều hồ sơ khác loại như vậy ở Mar A Lago. Do đó, FBI quyết định khám soát tư dinh của ông Trump tại Florida, nơi họ đã thu giữ khoảng 30 chiếc hộp khác.
Trên mạng xã hội của mình, ông Trump tố cáo một cuộc "săn bắt phù thủy", nhưng theo nhiều người, vụ việc có thể khiến ông bị truy tố về tội vi phạm luật của Mỹ về gián điệp."
Trọng Nghĩa
*************************
Vụ khám xét Mar-a-Lago : Trump đúng hay sai ?
VOA, 25/08/2022
Vụ FBI khám xét dinh thự Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dẫn đến những phản ứng bùng nổ ở cả hai phía : một phía lên án mạnh mẽ ông Trump và đòi truy tố ông trong khi phía bên kia chỉ trích FBI ‘phục vụ mưu đồ chính trị’ của Đảng Dân chủ, theo ghi nhận của VOA.
Khu dinh thự Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Donald Trump nhìn từ trên cao
Cuộc khám xét Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida, vào ngày 8/8 năm 2022 đã thu giữ 11 bộ tài liệu được đánh dấu mật, trong đó có 1 bộ ở cấp độ cao nhất là ‘thông tin tuyệt mật, nhạy cảm’ và 4 bộ ở cấp độ ‘tối mật’ còn các bộ còn lại ở cấp độ mật.
Theo tường thuật của New York Times, hơn 300 tài liệu mật của CIA, FBI và NSA về các chủ đề lợi ích an ninh quốc gia đã được thu hồi trong cuộc khám xét này. Giới chức Mỹ lo ngại nguy cơ những tài liệu này bị rò rỉ ra bên ngoài ở một nơi không an toàn với nhiều người ra vào như Mar-a-Lago, gây phương hại cho an ninh quốc gia.
Lệnh khám xét dựa trên khiếu nại của Cục Lưu trữ và Văn thư Quốc gia, được Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland ủy quyền và được một thẩm phán phê duyệt. Lệnh khám xét này sau đó đã được công bố và cho thấy FBI đang điều tra ông Trump về ba tội liên bang : xóa hoặc hủy hồ sơ chính phủ ; phá hủy hay che giấu hồ sơ ‘với mục đích cản trở, ngăn chặn hay ảnh hưởng’ đến hoạt động của chính phủ liên bang ; và vi phạm Luật Gián điệp về chiếm giữ trái phép thông tin quốc phòng.
Tuy nhiên, ông Trump đã lên án mạnh mẽ vụ khám xét này, gọi đó là ‘săn phù thủy’, ‘ngược đãi chính trị’ và ‘vũ khí hóa hệ thống tư pháp’. Đội ngũ pháp lý của ông mới đây còn đệ đơn kiện lên tòa án liên bang ở Florida, đòi chỉ định một bên thứ ba để xem xét các hồ sơ mà FBI tìm thấy tại dinh thự của ông.
‘Bắt buộc phải khám xét’
Trao đổi với VOA từ Houston, bang Texas, nơi ông đang là giáo sư Toán của Đại học Lone Star, ông Nguyễn Đình Minh Quốc nhận định rằng việc khám xét Mar-a-Lago là một quá trình lâu dài, thận trọng, có trù tính kỹ lưỡng của Bộ Tư pháp chứ không phải là ‘hành động ngang nhiên’ như có người chỉ trích.
Ông cũng cho rằng đó cũng là hậu quả của việc bản thân ông Trump đã gian dối, không chịu hợp tác với giới chức ngay từ đầu trong việc giao nộp các tài liệu mật mà ông nắm giữ trái phép.
Vị giáo sư Toán này chỉ ra việc phải mất một năm sau khi rời Tòa Bạch Ốc, ông Trump mới bắt đầu trả lại hồ sơ mà ông đã đem đi khi mãn nhiệm bất chấp Cục Lưu trữ và Văn thư Quốc gia đã nhiều lần viết thư yêu cầu ông trả lại.
Với những tài liệu mà Cục Lưu trữ và Văn thư Quốc gia lấy về, Bộ Tư pháp ‘thấy rõ có tài liệu mật bị thiếu’ nên mới âm thầm điều tra. "Đến tháng Sáu, Bộ Tư pháp đã yêu cầu ông Trump trả lại tài liệu mật mà ông ấy làm ngơ nên FBI bắt buộc phải đột kích để thu hồi", ông Quốc nói.
"Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland đã cho Trump thời gian để trả tài liệu, đã thương lượng để ông Trump trả nhưng không được nên mới ra lệnh khám xét chứ không phải vì ông Trump tuyên bố ra ứng cứ tổng thống mới khám xét", ông phân tích và chỉ ra một khi thẩm phán phê chuẩn lệnh khám xét thì phải có trong tay đầy đủ bằng chứng.
Về việc ông Trump không có mặt khi FBI khám xét, ông Quốc nói rằng ‘có mặt hay không cũng không thay đổi gì cả’ vì người luật sư đại diện cho Trump ‘đã ký chứng nhận và chứng kiến tất cả việc làm của FBI’.
Trước những chỉ trích chính quyền ông Biden muốn dùng cơ quan tư pháp nhằm ‘ngáng đường tranh cử của ông Trump’, ông Quốc nói ‘nếu có bằng chứng thì hãy trưng ra chứ đừng nói miệng’.
Ông cũng chỉ ra việc bản thân ông Garland cũng bị nhiều người bên Đảng Dân chủ lên án vì có các bước đi pháp lý nhằm vào ông Trump ‘quá chậm chạp’ và ông Biden ‘chưa từng chỉ trích gì ông Garland’ về cuộc điều tra ông Trump từ lúc ông vào Tòa Bạch Ốc.
Ngược lại, ông Quốc cho rằng chính ông Trump khi còn tại vị mới là người tận dụng Bộ Tư pháp để thực hiện những thủ đoạn chính trị làm lợi cho mình, chẳng hạn như để cho Bộ trưởng Tư pháp William Barr sửa lại bản báo cáo của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về cáo buộc thông đồng với Nga, hay giảm án cho bạn bè và những người thân tín của ông Trump như Roger Stone, Michael Flint, hay sa thải giám đốc FBI James Comey vì ‘không trung thành với ông Trump’.
"Ông Trump là người thối nát, làm lũng đoạn nền Dân chủ và phá hoại tính độc lập của Bộ Tư pháp một cách rất rõ ràng", ông lên án và nhắc lại việc ông Trump đã áp lực Bộ Tư pháp lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020 như thế nào.
Trước những chứng cớ ‘không thể chối cãi’ mà FBI ‘bắt được quả tang’ trong nhà ông Trump, ông Quốc cho rằng ông Trump xứng đáng bị điều tra và truy tố theo pháp luật.
"Ông Trump là cái gì mà phải khác những công dân khác khi ông không tuân thủ pháp luật", ông Quốc lập luận và nhắc lại nguyên tắc pháp trị của nước Mỹ.
Ông nhắc lại vụ việc khi bà Hillary Clinton đang ra tranh cử tổng thống với ông Donald Trump, giám đốc FBI khi đó là ông James Comey đã tuyên bố vẫn tiếp tục điều tra bà Clinton về nghi vấn bà xử lý email công vụ không đúng cách chỉ bốn ngày trước khi cuộc bầu cử diễn ra, góp phần khiến bà Clinton thua trước ông Trump.
Cũng theo phân tích của ông thì ông Biden và Đảng Dân chủ không có lý do để sợ ông Trump ra tranh cử một lần nữa vì ông Trump đã thua bà Hillary Clinton hồi năm 2016 về số phiếu phổ thông (thắng nhờ phiếu đại cử tri) và thua ông Biden trong cuộc bầu cử năm 2020, thậm chí còn để mất cả Hạ viện và Thượng viện về tay Đảng Dân chủ.
"Ông ta đã thua thì bây giờ lấy lý do gì mà thắng ông Biden ?" ông đặt vấn đề và khẳng định ông Trump thực sự ra tranh cử với ông Biden thì ‘cơ hội thắng của Biden sẽ cao hơn rất nhiều’.
"Ông Trump mà ra ứng cử thì số cử tri Dân chủ đi bầu còn đông hơn", ông lý giải. "Bây giờ tình hình giá xăng dầu, lạm phát, kinh tế đều đang theo chiều hướng có lợi cho Biden".
Tuy nhiên, vị giáo sư này cho rằng với những gì mà ông Trump đã làm, nhất là vai trò của ông trong vụ bạo loạn ở Quốc hội ngày 6/1 năm 2021, thì ông Trump ‘nên vô tù chứ không thể ra ứng cử nữa’.
"Những ai theo dõi vụ 6/1, bất kể cử tri Dân chủ, Cộng hòa hay độc lập, đều thấy ông Trump không xứng đáng ra tranh cử nữa", ông khẳng định. "Chỉ những ai không đọc tin tức và tôn sùng ông Trump bằng mọi giá thì mới ủng hộ mà thôi".
‘Ám hại ông Trump’
Từ Phoenix, bang Arizona, ông Nhất Trần, 79 tuổi, kỹ sư của hãng điện tử Intel nay đã nghỉ hưu, lên án mạnh mẽ hành động khám xét dinh thự ông Trump của Cục Điều tra Liên bang mà ông cho là ‘thiếu khôn ngoan’.
"Tại sao họ đột nhập vô nhà ông Trump khi không có chủ nhà ? Đó là sai luật", ông Nhất nói với VOA và khẳng định rằng chỉ có chủ nhà mới có thể đứng ra nhận lệnh khám xét.
Mặc dù thừa nhận việc ông Trump đưa tài liệu mật từ Nhà Trắng về nhà làm của riêng là ‘hết sức bậy’, nhưng ông Nhất nói nếu chính quyền Biden biết ‘tại sao không thu hồi sớm mà phải đợi một năm rưỡi sau, lúc ông Trump nhăm nhe ý định ra tranh cử lần nữa, mới thu hồi ?’
Ông nói việc ông Trump ngay từ đầu không hợp tác trao trả tài liệu cho chính quyền là ‘quá lỗi’ nhưng thay vì khám nhà khi không có ông Trump, FBI ‘có thể cho người canh giữ nhà ông Trump 24/7 phòng tài liệu mật rò rỉ ra ngoài trong khi chờ đợi ông Trump quay về’.
Do đó, ông Nhất, vốn từng tạo ra những chiếc drone mang cờ Mỹ có in hình ông Trump để bay lên trời vận động mọi người bầu cho ông, nói việc nhà ông Trump bị khám xét khiến ông thấy ‘rất buồn và bực mình’.
"Nước Mỹ chưa bao giờ có tiền lệ một cựu tổng thống bị khám nhà, giờ chỉ mình ông Trump", ông nói và cho biết bản thân chiếc xe lăn mà ông ngồi cũng có treo cờ có hình ông Trump mỗi khi ông di chuyển.
"Đảng Dân chủ tìm mọi cách ám hại ông Trump một cách không quân tử", ông nói với VOA nhưng không đưa ra bằng chứng mà lập luận rằng tại vì Trump ‘vừa đánh tiếng sẽ tranh cử năm 2024 nên bị Dân chủ đánh’.
Mặc dù Giám đốc FBI Christopher Wray, người ký lệnh cho nhân viên thực hiện cuộc khám xét, là người do ông Trump bổ nhiệm, ông Nhất cho rằng ông Wray ‘phải nghe theo lệnh của tổng thống hiện tại là ông Biden’.
"Trên danh nghĩa thì Bộ Tư pháp Mỹ hoạt động độc lập với chính quyền nhưng Tổng thống Biden có thể dùng cách nhắc khéo Bộ trưởng Tư pháp điều tra ông Trump", ông nói.
Nếu quả như những tài liệu thu được từ nhà ông Trump đúng là tài liệu tối mật, ông Nhất cũng không đồng ý Bộ Tư pháp truy tố ông Trump.
"Dù sao ông ấy cũng là cựu tổng thống. Truy tố ông ấy thì được cái gì hay là chỉ đẩy nước Mỹ xuống hố trong con mắt thế giới", ông lập luận.
Về khả năng ông Trump ra tranh cử tổng thống lần nữa, ông Nhất nói ông tin rằng ‘ông Trump chắc chắn sẽ thắng nếu đối đầu ông Biden’.
"Ông ấy bị đủ mọi bê bối pháp lý vây quanh nhưng khi ông ấy đi về một quận hạt nhỏ ở bang Arizona vẫn có đông đảo người dân ra ủng hộ, còn ông Biden đi đến đâu có ai ra ủng hộ không ?" ông Nhất lập luận.
"Khi ông Trump bị khám nhà, có những người sống chết vì Trump sục sôi lên", ông nói thêm và cho rằng những cử tri này cho dù ông Trump có nói bậy, làm sai gì đi nữa thì họ cũng hết lòng ủng hộ.
Tuy nhiên, về phần mình, ông Nhất cho biết từ hai tháng qua, ông ‘đã xếp cờ quạt in hình ông Trump đem đi cất’.
Ông nói lý do ông ủng hộ ông Trump nhiệt thành vì ‘ông Trump nói đánh Trung Quốc’ nhưng ‘ông ấy nói miệng mà chỉ làm được phần nào thôi’.
"Trong thời gian 4 năm của ông Trump và chưa đến 2 năm của ông Biden thì cường độ của Mỹ đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông và cường độ triển khai tàu chiến hỗ trợ Đài Loan thì ông Trump không bằng ông Biden. Vì chỗ đó nên tôi bất mãn với ông Trump", ông Nhất nói.
Nguồn : VOA, 25/08/2022
*************************
Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ : ông Trump đã chuyển 700 trang tài mật đến Florida
VOA, 24/08/2022
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rời Washington với hơn 700 trang tài liệu mật, bao gồm một số tài liệu chứa những bí mật hàng đầu của chính phủ, khi nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc vào năm ngoái, Cục Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ tiết lộ hôm 24/8, theo VOA News.
Không ảnh khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Donald Trump ở Palm Beach, Florida.
Tiết lộ phơi bày từ nội dung của bức thư đề ngày 10/5 của giới chức lưu trữ Hoa Kỳ, Debra Steidel Wall, gửi cho ông Evan Corcoran, một trong những luật sư của ông Trump, khi bà không chấp nhận tuyên bố của đại diện của ông Trump rằng cựu tổng thống có quyền giữ một số tài liệu bằng đặc quyền hành pháp khi còn ở Nhà Trắng.
Bà Wall mô tả cảnh báo ngày càng tăng trong Bộ phận An ninh Quốc gia của Bộ Tư pháp về "thiệt hại tiềm ẩn do cách thức rõ ràng mà các tài liệu này được lưu trữ và vận chuyển" đến dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump thay vì được chuyển đến Cục Lưu trữ Quốc gia khi nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc, theo yêu cầu của luật pháp Hoa Kỳ.
Bức thư của bà cho biết có "hơn 100 tài liệu có đánh dấu mật" trong 15 thùng tài liệu mà chính phủ thu hồi từ khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago vào tháng 1/2022, lần đầu tiên trong ba lần trong năm nay FBI và các giới chức lưu trữ Hoa Kỳ đã thu hồi các thùng tài liệu mật từ nơi nghỉ mùa đông của ôngTrump và câu lạc bộ trên bờ biển Đại Tây Dương.
Ông Trump và các trợ lý của ông đã bàn giao thêm một số tài liệu vào tháng 6, và sau đó các đặc vụ FBI, theo lệnh khám xét được tòa án phê duyệt, thu hồi thêm hai chục thùng tài liệu, bao gồm 11 thùng hồ sơ mật vào ngày 8/8, khi họ khám xét văn phòng của ông, một kho chứa ở khu vực tầng hầm và các phòng khác tại khu nghỉ dưỡng này.
Một số tài liệu được truy xuất đã được phân loại mật đánh dấu là "TS/SCI", viết tắt của từ "Thông tin tối mật / nhạy cảm" hoặc được gắn nhãn là "Chương trình truy cập đặc biệt", chứa một số bí mật được giữ chặt chẽ nhất của chính phủ và được cho là chỉ được xem trong các cơ sở an ninh của chính phủ, chứ không được lưu giữ ở nơi cư trú như Mar-a-Lago.
Nguồn : VOA, 24/08/2022
**********************
Vụ khám xét tư dinh Trump : Tư pháp Mỹ ra lệnh công bố một tài liệu pháp lý
Minh Anh, RFI, 26/08/2022
Một thẩm phán Hoa Kỳ hôm 25/08/2022, ra lệnh công bố một tài liệu tư pháp trình bày động cơ FBI khám xét tư dinh cựu tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng đồng thời chấp nhận xóa bớt một số đoạn.
Tư dinh Mar-a-Lago của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/08/2022, tại Palm Beach, bang Florida, Mỹ. AP - Steve Helber
Thẩm phán liên bang Bruce Reinhart quyết định hồ sơ tư pháp sẽ được công bố vào thứ Sáu 26/08, lúc 12 giờ (tức 16 giờ GMT). Ngoài việc nêu rõ những lý do khiến bộ Tư Pháp mở cuộc điều tra, tài liệu này rất có thể sẽ tiết lộ danh tính một số tác nhân trong hồ sơ này.
Tuy nhiên, thẩm phán Reinhart nêu rõ phần lớn các yếu tố trong tài liệu vẫn sẽ được giữ bí mật theo yêu cầu của bộ Tư Pháp, viện dẫn một nhu cầu "cấp thiết" xóa bớt những phần quan trọng của tài liệu vì lợi ích của cuộc điều tra.
Hôm 22/8, Bruce Reinhart đã ra lệnh biên bản này chí ít phải được công bố một phần, do mối quan tâm của công luận về vụ khám xét tư dinh của một cựu tổng thống, một sự kiện chưa từng có.
AFP nhắc lại, hôm 08/8, cảnh sát liên bang FBI đã lục soát tư dinh của ông Donald Trump tại Florida, tịch thu nhiều thùng tài liệu mật mà ông đã không trao trả lại cho chính quyền bất chấp nhiều lần đề nghị.
Hôm qua, cựu tổng thống Mỹ, một lần nữa lên tiếng kêu vô tội trên mạng xã hội Truth Social của ông, đồng thời cáo buộc "các thẩm phán dân chủ cánh tả cực đoan" đã "khám xét nhà ông một cách bất hợp pháp". Ông giận dữ tuyên bố "họ thậm chí phá cả tủ sắt, một hành vi quá đáng !"
Minh Anh