Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

02/12/2022

Điểm báo Pháp - Merkel có lỗi để Nga gây chiến với Ukraine

RFI tiếng Việt

Merkel có lỗi để Nga gây chiến với Ukraine ?

Chuyến công du Washington của tổng thống Pháp là chủ đề được tất cả các báo đề cập ngày 02/12/2022. Tuy nhiên, trang nhất các báo lại chú ý đến thời sự Pháp : "cắt điện, nỗi sợ lớn vào tháng Giêng" trên Le Figaro"báo động về giá cả tăng mạnh ở các siêu thị lớn" trên Le Monde. Hai nhật báo Le FigaroLibération chú ý đến cuộc đua giành chức chủ tịch đảng cánh hữu Những người Cộng hòa.

merkel1

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp thủ tướng Đức Angela Merkel tại điện Kremlin, Moskva, Nga, ngày 20/08/2021. APP

Riêng La Croix quan tâm đến chủ đề văn hóa, nói về "Louvre-Lens, một bảo tàng dấn thân", sau 10 năm thành lập, đã thu hút được một lượng công chúng trước đó không quan tâm đến văn hóa và thực hiện sứ mệnh công ích xã hội.

Cựu thủ tướng Đức Merkel đã có thể giúp Ukraine tránh bị Nga xâm lược ?

Chiến tranh ở Ukraine tiếp tục là chủ đề thời sự quốc tế chính của các báo. Nhật báo Le Monde đã phỏng vấn thứ trưởng ngoại giao Ukraine Andrij Melnyk, trước làm đại sứ ở Đức, về chính sách của Berlin với Kiev. Ông đánh giá cao tình tương ái của người Đức mà Ukraine từng sợ rằng "khủng hoảng năng lượng sẽ làm xẹp đi", vì theo ông "đa số người dân Đức hiểu rằng Putin không chỉ tìm cách hủy hoại chúng tôi, người dân Ukraine, mà cả Châu Âu và xa hơn là toàn bộ cộng đồng phương Tây với những giá trị mà ông Putin muốn biến thành tro bụi".

Tuy nhiên, đối với chính phủ, ông thấy "Berlin "thiếu ý chí chính trị" trong việc giao vũ khí cho Kiev". Trong giai đoạn làm đại sứ ở Đức, ông đã không ngừng vận động để Berlin, từ đầu cuộc chiến chỉ muốn giao 5.000 mũ bảo hiểm, đã chuyển cho Kiev rất nhiều vũ khí, khí tài hiện đại (súng cối Pzh-2000, xe tăng Gepard, hệ thống phòng không IRIS-T ba ngày trước khi ông rời chức vụ, máy phát điện). Nhưng Berlin vẫn từ chối giao xe tăng chiến đấu Leopard 2 do "sợ leo thang căng thẳng", một lý do mà thứ trưởng ngoại giao Ukraine thấy "bí hiểm".

Ông Andrij Melnyk không đồng tình với những phát biểu của cựu thủ tướng Đức Angela Merkel khi bà khẳng định không hề hối tiếc về những lựa chọn của bà đối với Nga. Ngày 30/11/2022, Đức công nhận "Holodomor" (nạn đói do chế độ Stalin gây ra năm 1932-1933). Theo ông Andrij Melnyk, nếu Berlin công nhận nạn đói này sớm hơn, như vào năm 2019 khi Quốc hội Đức nhận được bản kiến nghị có hơn 70.000 chữ ký song bị "liên minh" của thủ tướng Merkel phớt lờ, thì có lẽ Berlin cũng công nhận kế hoạch diệt chủng của Vladimir Putin đối với người dân Ukraine và như vậy, có thể đã tránh được cuộc chiến man rợ này.

Đáp lại phát biểu của bà Merkel cho rằng thỏa thuận Minsk năm 2015 đã giúp Kiev có thời gian tái vũ trang, thứ trưởng ngoại giao Ukraine đánh giá "lời biện bạch đó, giống như chính sách "xoa dịu" của thủ tướng Anh Chamberlain năm 1938, là phi lý và vô liêm sỉ".

Theo ông, rất nhiều lý do giải thích cho thái độ hòa hoãn của bà Merkel với tổng thống Nga : "Trước tiên là lý do lịch sử, liên quan đến kí ức Thế Chiến II và cảm giác tội lỗi (nhưng lầm) mà Berlin thể hiện với Nga. Tiếp theo là lý do kinh tế mà mọi người đều biết. Cuối cùng là lý do văn hóa. Cho đến đầu cuộc chiến, Đức vẫn xếp người Ukraine trong cùng cánh văn hóa với Nga. Nói chung, tất cả chúng tôi là người Slave. Thế nhưng, ít nhất là từ cuộc cách mạng Maidan năm 2014, người Ukraine, không chỉ người dân ở miền tây, mà còn cả ở miền đông và miền nam, đã chọn một con đường khác, con đường của Châu Âu. Dù rất nhiều người nói tiếng Nga, nhưng họ chiến đấu chống Nga với tinh thần quyết tâm không lay chuyển".

Ông Andrij Melnyk cho rằng sẽ có hòa giải trong tương lai nếu thỏa mãn được 6 điều kiện của Kiev : Nga phải chấm dứt cuộc chiến, rút hết quân khỏi tất cả các vùng chiếm đóng trái phép, kể cả bán đảo Crimée ; Moskva phải trả vài tỉ euro sửa chữa tội ác của họ và tái thiết Ukraine ; tất cả tội phạm chiến tranh Nga phải bị đưa ra xét xử ; Nga phải phi vũ trang và phi hạt nhân để không còn khả năng tấn công Ukraine ; xã hội Nga phải chữa khỏi mọi tham vọng bá quyền ; người Nga phải xin lỗi Ukraine. Tuy nhiên, ông thừa nhận "nói thẳng ra, việc đó sẽ mất đến vài thập niên".

Tại sao lại lập một tòa án đặc biệt tại Ukraine ? 

Về việc xét xử tội phạm chiến tranh và những tội ác do Nga gây ra tại Ukraine, ngày 30/11, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu ủng hộ lập một tòa án đặc biệt. Nhật báo Công giáo La Croix có bài giải thích "Tại sao lại lập một tòa án đặc biệt tại Ukraine ?"

Ủy Ban Châu Âu đưa ra hai đề xuất : hoặc là một tòa án quốc tế đặc biệt, dựa trên một hiệp ước đa phương ; hoặc một tòa án hỗn hợp gồm các thẩm phán quốc gia và quốc tế. Cả hai trường hợp đều cần "sự ủng hộ mạnh mẽ của Liên Hiệp Quốc". Ủy Ban giải thích : "tội xâm lược - một tội do các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự cấp cao vi phạm - không thể bị Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) truy tố" vì Nga không ký hiệp ước Roma thành lập CPI. Điều 8 bis của hiệp ước Roma định nghĩa "tội xâm lược" giống khái niệm "tội ác chống hòa bình".

Liệu đề xuất của Ủy Ban Châu Âu có tăng khả năng xét xử tổng thống Nga không ? Theo giải thích của La Croix, về lý thuyết là có, vì tội xâm lược là cáo trạng duy nhất, trực tiếp dẫn đến ông Putin và những cộng tác thân cận của ông. Về tội ác chiến tranh hay tội ác chống nhân loại do thẩm phán của CPI điều tra, quá trình quản lý và phân bổ trách nhiệm sẽ khó thiết lập hơn nhiều.

Ngoài ra, còn phải vượt qua nhiều trở ngại thực tiễn, pháp luật và chính trị để lập một tòa án đặc biệt. Hơn 10 nước Châu Âu ủng hộ đề xuất, nhưng chưa đủ để tòa án này mang tính chính đáng quốc tế. Trong khi những nước như Mỹ, Anh và Pháp lại sợ tạo một tiền lệ có thể sẽ hình sự hóa việc sử dụng vũ lực.

Ủy Ban Châu Âu khuyến nghị nộp dự thảo lên Hội Đồng Bảo An. Trong trường hợp Nga phủ quyết, dự thảo sẽ được đưa ra thảo luận trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và không chắc sẽ có được ủng hộ. Ngoài ra, tổng thống, ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng Nga có thể nêu nguyên tắc miễn trừ truy tố của các nhà lãnh đạo đương nhiệm. Một khó khăn khác là làm thế nào bắt giữ các nhà lãnh đạo Nga bị cáo buộc ? Việc này cần đến quyết tâm chính trị của đội tân lãnh đạo tại Nga nếu có sự thay đổi chế độ ở Moskva, như trường hợp của Serbia trước đây.

Dù có rất nhiều khó khăn, dự án này có hai lợi ích cho Kiev : hối thúc Tòa án Hình sự Quốc tế đẩy mạnh các cuộc điều tra tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại và mang lại sự thay đổi ở Nga. Theo luật sư Philippe Sands, được La Croix trích dẫn, "việc này có thể khiến một số thành viên thân cận của ông Putin rút lui để tránh bị điều tra hoặc bị kết tộiĐiều đó đã xảy ra năm 1945 với việc thành lập tòa án Nuremberg. Nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Phát xít Đức đã bắt đầu hợp tác với quân đồng minh để tránh bị truy tố".

Putin so găng với Ủy ban Thế vận Quốc tế

Tổng thống Putin đang sử dụng một nhân vật thân cận để so gang với Ủy ban Thế vận Quốc tế (IOC) sau tai tiếng "doping cấp Nhà nước" bị phát giác trong Thế vận hội Sochi. Quá trình thăng tiến của Umar Kremlev, 40 tuổi, được nhật báo Le Monde miêu tả trong bài "điện Kremlin trên võ đài".

Từ quá khứ bất hảo (bị kết án có "hành vi bạo lực" năm 2004 và 2006), cựu vận động viên đấm bốc làm giầu trong ngành taxi, xây dựng và an ninh và nổi tiếng có quan hệ gần gũi nhóm xe mô tô yêu nước "Sói đêm". Là một người trung thành với ông Putin, được trao Huân chương Thánh Georgy (huân chương quân sự cao nhất của Liên bang Nga), Umar Kremlev làm chủ tịch Liên đoàn đấm bốc nghiệp dư quốc tế (IBA) từ năm 2020. Đây là liên đoàn thể thao quốc tế duy nhất mà Nga còn điều hành.

Tổng thống Putin muốn dùng IBA phục vụ mục đích cá nhân : thách thức Ủy ban Thế vận Quốc tế và tỉ thí từ xa với chủ tịch Thomas Bach nhằm trả đũa IOC trừng phạt Nga. Theo Le Monde, quản lý đấm bốc nghiệp dư trở thành "của trời cho" đối với quyền lực mềm và là công cụ gây ảnh hưởng của Nga trên thế giới

Nga bắt trẻ em và trẻ mồ côi Ukraine

Tội ác chiến tranh của Nga được nhật báo Le Figaro nêu trong phóng sự xúc động : "Ở Kherson, nhiều bác sĩ phải cho trẻ sơ sinh thở bằng ống thở để cứu chúng khỏi yêu tinh Nga".

Từ giữa tháng 10, chỉ trong vài ngày, quân chiếm đóng đã tập hợp vài nghìn trẻ em Ukraine trong các trường học ở Kherson để đưa "đi nghỉ" bên kia sông Dnipro, nơi quân Nga rút lui. Hiện giờ, các em bị kẹt, bị chia cắt với gia đình vì chiến tranh. Nga hứa đưa các em về Ukraine "vào mùa xuân" nhưng các gia đình sẽ còn phải chờ rất lâu để Kiev và Moskva đạt được một thỏa thuận đoàn tụ gia đình. Ngoài ra, phóng sự cho biết nhiều trẻ mồ côi đã may mắn không bị bắt đi nhờ một số nhân viên trung tâm trẻ mồ côi giấu các em trong nhà, giả làm con của họ. Hoặc trường hợp của nhiều bác sĩ một bệnh viện đã cứu được 9 bé khi cho những bé này thở bằng ống thở để viện cớ sức khỏe yếu và ngăn quân Nga đưa các bé đi.

Tình hình chiến sự căng thẳng và những khó khăn ở miền nam được Le Monde phản ánh trong phóng sự : "Ở Kherson, trong "vùng xám" sông Dnipro". Lực lượng Ukraine và Nga đối đầu từ xa ở hai bên bờ sông. Một thành viên phản gián Ukraine cho đặc phái viên Le Monde biết : "Vượt sông Dniepro là cả một vấn đề với họ cũng như chúng tôi, nhưng ở mức độ khác nhau. Chúng tôi ở nhà mình, chúng tôi không cần cầu xin người dân trợ giúp. Họ thì có. Họ rời đi vì nguồn tiếp viện bị cắt. Họ buộc phải chuyển hàng hóa từ Crimée, trong khi chúng tôi được cung ứng dồi dào. Hơn nữa, chúng tôi cũng oanh kích liên tục hậu cần của họ bằng pháo Himars".

Theo một quân nhân khác, cả hai bên đều khó khăn trong vấn đề hậu cần : "Oanh kích các vị trí của họ (Nga) bên kia sông thì dễ, tiến hành các cuộc tấn công đêm bằng thuyền nhỏ, chúng tôi cũng đã làm. Vì thế, người Nga đã củng cố các tuyến phòng phủ theo các cấp, xa bờ sông Dnipro. Ngược lại, rất rủi ro nếu đổ bộ với vũ khí hạng nặng và sẽ bị bắn ngay lập tức".

Những biện pháp của Nga để lách cấm vận 

Nhật báo Libération quan tâm đến "Những biện pháp của Nga để lách cấm vận" và bán dầu lửa cho nước thứ ba. Trước chiến tranh, Liên Hiệp Châu mua đến hơn một nửa tổng số dầu xuất khẩu của Nga, từ 2,5 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 01/2022 xuống còn hơn 1,4 triệu thùng vào tháng 10 để cắt nguồn thu của Nga phục vụ chiến tranh.

Nhưng ba nước Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã mua 1,2 triệu thùng bù cho phần giảm này. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Richard Bronze của một văn phòng nghiên cứu thị trường năng lượng, ba nước này "không còn nhiều khả năng để tăng lượng nhập khẩu". Ví dụ Ấn Độ khó có thể vượt mức 1 triệu thùng mỗi ngày "do có những hạn chế về kỹ thuật. Những nhà máy lọc dầu của Ấn Độ không được thiết kế cho loại dầu thô của Nga và có thể gây hư hại".

Chỉ mình Trung Quốc có thể nhập khẩu thêm, "nhưng chỉ khi nào nền kinh tế nước này được cải thiện và tăng nhu cầu về dầu lửa nhưng trường hợp này hiện chưa đến". Dĩ nhiên còn có một số nước khác ở Trung Đông hoặc ở Châu Á (Sri Lanka, Indonesia) có thể mua một khối lượng nào đó, tuy nhiên "rất khó cho Nga có thể tìm được các khách hàng mới và Nga sẽ còn phải giảm giá nhiều hơn" để thu hút khách hàng.

Sức mạnh liên minh Mỹ - Liên Âu được thử nghiệm ở Washington

"Chiến tranh Ukraine cho thấy sự liên kết hoàn hảo giữa hai đồng minh" Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ. Thế nhưng, hai bên còn rất nhiều bất đồng, đặc biệt là đạo luật chống lạm phát của Mỹ, ưu đãi cho chuyển đổi năng lượng, bị đánh giá là "rất hung hăng" và gây hại cho kinh tế của khối 27 nước.

Theo xã luận của Le Monde"chủ quyền của Châu Âu được mang ra trắc nghiệm ở Washington" khi phân ích những thách thức trong chuyến công du cấp Nhà nước của tổng thống Pháp Emmnuel Macron. Xã luận của La Croix hoanh nghênh tổng thống Pháp tỏ ra cứng rắn với đồng nhiệm Mỹ khi cho rằng luật RIA "gây rạn nứt phương Tây". Chính quyền của tổng thống Biden kêu gọi Châu Âu gia tăng nỗ lực giúp Ukraine nhưng vờ quên rằng các nước Châu Âu cũng đang phải trả giá cho cuộc chiến vì cuộc khủng hoảng năng lượng. Trong khi đó, Mỹ sẵn sàng bán chất đốt cho Châu Âu với giá gấp 4 lần so với giá thị trường nội địa. Một hành động mà La Croix đánh giá là "vô liêm sỉ" và cho rằng Mỹ đang áp dụng "luật của kẻ giàu hơn".

Thông qua chuyến công du của tổng thống Pháp, nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng "Macron và Biden trắc nghiệm sức mạnh liên minh của họ ở Washington". Le Figaro có nhận xét tương tự : "Tại Washington, tổng thống Pháp và Mỹ thể hiện sự vững chắc của liên minh cho dù vẫn có bất đồng". Tuy nhiên, theo nhật báo thiên hữu "Macron và Biden, tình hữu nghị căng thẳng".

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng
Read 245 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)