Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

17/08/2023

Điểm báo Pháp – VinFast thử thời vận trên đất Mỹ

RFI tiếng Việt

VinFast, "Tesla Việt Nam" thử thời vận trên đất Mỹ

Le Figaro hôm 17/08/2023 nói về "VinFast, hãng xe hơi điện Việt Nam" thách thức Tesla, còn Les Echos nhận định "VinFast, hãng xe điện Việt gây phấn khích ở Wall Street một cách đáng kinh ngạc".

vinfast1

Xe hơi điện của VinFast chuẩn bị giao cho những khách hàng đầu tiên trước một cửa hàng ở Los Angeles, California, Hoa Kỳ ngày 01/03/2023. Reuters – Lisa Baertlein

VinFast chen chân vào thị trường Mỹ và Wall Street

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng, người sáng lập tập đoàn Vingroup vừa làm một cú đúp. Kinh doanh trong ngành địa ốc, công viên giải trí, khách sạn, thương mại, giáo dục, y tế, nay ông muốn cạnh tranh với Tesla. Nhiều người đã thất bại khi làm xe điện, nhưng ông Vượng có hầu bao rủng rỉnh. Người giàu nhất Việt Nam đã khởi nghiệp ở Ukraine trong thập niên 90 bằng việc sản xuất mì ăn liền rồi bán lại công ty cho Nestlé, giờ đây thử sức ngay trên lãnh địa của Elon Musk.

Hôm 28/07, VinFast làm lễ đặt viên đá đầu tiên cho nhà máy ở Moncure, Bắc Carolina. Với năng lực sản xuất 150.000 chiếc/năm trong giai đoạn đầu, nhà máy sẽ đi vào hoạt động từ 2025, tranh thủ trợ giá của chính quyền Biden trong ngành xe điện. Dự án này được đầu tư 6 tỉ đô la, trong đó gồm cả việc sản xuất bình điện và phụ tùng. Năm ngoái, VinFast huy động được 4 tỉ đô la từ Credit Suisse và Citigroup cho nhà máy.

Để tài trợ cho tham vọng vươn ra thế giới, VinFast vừa được niêm yết trên thị trường chứng khoán Nasdaq (như Tesla), thông qua một SPAC (Special Purpose Acquisition Company) là Black Spade Acquisition của tỉ phú Hồng Kông Hà Du Long (Lawrence Ho). Hôm thứ Ba 15/08, cổ phiếu của công ty có giá 22 đô la ở Wall Street, gấp đôi so với giá 10 đô la ban đầu, rồi vọt lên 37,06 đô, khiến giá trị chứng khoán của nhà sản xuất xe điện Việt Nam lên đến 85 tỉ đô la, cao hơn cả Ford (48 tỉ) và General Motors (46 tỉ).

Hiện thời ông Phạm Nhật Vượng vẫn nắm hầu hết cổ phiếu, trong ngày lên sàn chỉ có 185 triệu đô la được trao tay. David Mansfield, giám đốc tài chánh của VinFast nói hiện đang có một số nhà đầu tư chiến lược và định chế, đang chờ đợi huy động vốn trong 18 tháng tới. Cần phải nhiều tháng nữa mới đánh giá được cơ hội thành công của người cạnh tranh với Testa - nhưng không phải từ Trung Quốc.

Thành công vang dội hay chỉ là lửa rơm ?

Hiện nay tất cả những chiếc xe hơi mang logo chữ V bóng loáng được xuất xưởng từ nhà máy Hải Phòng ở miền bắc Việt Nam. Ngoài những linh kiện bằng thép và nhựa, nhà máy còn sản xuất chất bán dẫn và động cơ điện, chi nhánh VinES phụ trách về bình điện. Tại đây VinFast còn sản xuất xe gắn máy và xe buýt chạy điện. Bà Thủy, phó chủ tịch Vingroup và giám đốc VinFast nói rằng tập đoàn cố gắng đưa về một mối để không bị gián đoạn nguồn cung. 

Le Figaro nhắc lại, từ tháng Giêng 2022 ban lãnh đạo tập đoàn đã thay đổi kế hoạch, chuyển từ xe động cơ nhiệt sang chạy điện. Tháng 2 vừa qua, những chiếc xe địa hình điện đầu tiên là VF8 đã được giao cho khách hàng Mỹ sau 20 ngày lênh đênh trên biển. Nhưng VinFast gặp nhiều khó khăn : phần mềm chưa cập nhật, thu hồi một số xe, thiếu linh kiện bán dẫn...

Theo S&P Global Mobility, trong số 3.000 chiếc đưa sang Hoa Kỳ, tới tháng 6 chỉ mới có 137 chiếc xe đăng ký bảng số. Về phía VinFast cho biết đã có 10.000 đơn đặt hàng ở Hoa Kỳ và Canada, khách Châu Âu sẽ được phục vụ sau Bắc Mỹ. Hiện VinFast bị lỗ 2,1 tỉ đô la trong năm 2022 và 598 triệu đô la trong quý I năm nay, ông Vượng phải bơm thêm 2,5 tỉ đô la vào nhánh xe hơi. Con đường còn dài để đạt đến sản lượng 1,1 triệu xe/năm, mục tiêu đặt ra cho năm 2026.

Les Echos ghi nhận thành công rực rỡ của VinFast trên thị trường chứng khoán Wall Street, với giá cổ phiếu tăng đến 270%. Nhưng liệu đây có phải là ngọn lửa rơm ? Thương hiệu này chỉ mới bán được gần 20.000 chiếc xe, và chỉ mới đưa ra thị trường 1% số cổ phiếu. Theo số liệu của Bloomberg, các công ty niêm yết từ các SPAC tại New York từ đầu năm nay đều có trị giá cổ phiếu sụt giảm trung bình 45%. Trên thị trường xe hơi điện, sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt với cuộc chiến giá cả.

"Thực tập sinh" Việt bị ngược đãi tại Nhật

Cũng liên quan đến Việt Nam, Le Monde có bài phóng sự "Số phận bất bình đẳng của những người lao động tại Nhật Bản". Những thanh niên không có tay nghề đến từ Đông Nam Á và Nam Á bị bóc lột và bạc đãi. Đặc phái viên tờ báo nêu ra trường hợp anh thanh niên Ngô Gia Khanh (hoặc Khánh), 22 tuổi, gốc ở Quảng Ninh.

Với hai mục tiêu học tiếng Nhật và học nghề, cách đây một năm Khanh lên Hà Nội, được những người môi giới cho học tiếng sơ qua rồi chuyển sang một cơ quan Nhật phụ trách "thực tập sinh". Đến Tokyo, anh nhanh chóng thất vọng. Được hứa hẹn sẽ là thợ hồ, lương 180.000 yen (1.144 euro) một tháng, nhưng anh chỉ được trả 124.000 yen và làm mỗi công việc tráng xi-măng. Trình độ tiếng Nhật không đủ để trao đổi các đồng nghiệp, có lần anh bị người phụ trách đánh bằng một cái bay, bị một công nhân Nhật nắm cổ áo mắng mỏ…

Các "thực tập sinh" như Ngô Gia Khanh thường bị chủ nhân lạm dụng. Trường hợp nữ công nhân hái dâu Sophan Ean, 21 tuổi, người Cam Bốt còn tệ hại hơn : cô bị hãm hiếp. Trong số những khó khăn của lao động nhập cư còn có đặc thù văn hóa Nhật Bản với xu hướng khép kín, ít chấp nhận người ngoại quốc. Asahi Shimbun tố cáo đây là cách để bóc lột công nhân.

Hiện có khoảng 340.000 "thực tập sinh" tại Nhật. Tuy nhiên do đồng yen sụt giá, Nhật Bản không còn thu hút như trước. Tại Fukuoka, cách Tokyo năm tiếng đồng hồ tàu cao tốc, Sushil Paudel, một lao động người Nepal nhờ thông thạo tiếng Nhật, đã tạo lập được cơ sở làm ăn. Người này cho biết dân Nepal không bị ghét như người Triều Tiên, Trung Quốc hay Việt Nam, có lẽ vì số lượng còn ít.

Trung Quốc : Địa ốc khiến nhà đầu tư vừa quay lại đã tháo chạy

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos chạy tựa trang nhất "Khủng hoảng địa ốc: Lo âu tăng lên tại Trung Quốc". Nguy cơ tập đoàn Country Garden bị phá sản ảnh hưởng đến nhiều tên tuổi lớn ở phương Tây, có thể lây lan sang ngành tài chính, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang xuống dốc.

Hai năm sau xì-căng-đan Evergrande, Trung Quốc tiếp tục gây lo ngại, dù Bắc Kinh cố trấn an. Country Garden có đến trên 3.000 dự án địa ốc, nhiều gấp bốn lần so với Evergrande. Những cá nhân gởi tiền cho các công ty tài chánh có nguy cơ không thu hồi được vốn, một số cuộc biểu tình đã diễn ra trước trụ sở công ty Trung Dung (Zhong Rong) ở Bắc Kinh. Nếu chỉ là một trường hợp đơn lẻ thì không thể làm rúng động nền kinh tế thứ nhì thế giới, tuy nhiên lại xảy ra vào lúc Trung Quốc từ nhiều tháng qua cố chiêu dụ các nhà đầu tư quay trở lại.

Sau khi Bắc Kinh loan báo một số biện pháp hỗ trợ, các quỹ đầu tư mạo hiểm vào cuối tháng 7 giúp thị trường chứng khoán lên được đôi chút. Nhưng kể từ đầu tháng 8, nhà đầu tư nước ngoài lại tiếp tục bán ra các cổ phiếu Trung Quốc. Và các chỉ số hiện nay khó kích thích được họ : Trung Quốc rơi vào giảm phát, xuất nhập khẩu đều giảm, tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao đến nỗi chính quyền quyết định không công bố nữa. Đồng nhân dân tệ ở mức thấp nhất kể từ hơn 15 năm qua so với đồng đô la.

Tài phiệt Đài Loan muốn giúp dân chuẩn bị chống xâm lăng

Về quan hệ giữa Bắc Kinh với Đài Bắc, Le Monde nói về "Tào Hưng Thành (Robert Tsao), người muốn thức tỉnh dân Đài Loan trước hiểm họa Trung Quốc". Doanh nhân 75 tuổi vốn là một trong những cột trụ của kỹ nghệ chip điện tử Đài Loan, đã quyết định dành thời giờ và một phần sản nghiệp, để chuẩn bị về quân sự và tâm lý cho đồng bào mình trong trường hợp bị Trung Quốc xâm lăng.

Tháng 8/2022, ông Tào Hưng Thành loan báo sẽ dành 3 tỉ Đài tệ (trên 90 triệu euro) để huấn luyện quân sự cho 3 triệu người dân Đài Loan trong vòng ba năm, để họ có thể sẵn sàng về mặt tâm lý và thể chất trong thời chiến. Theo ông, "Cách duy nhất để khiến Trung Quốc thối chí không tấn công chúng tôi là chứng minh họ sẽ thua như Nga ở Ukraine". Nhà tài phiệt cho biết hồi tháng 7/2019, khi chứng kiến những người biểu tình ôn hòa Hồng Kông bị bọn xã hội đen đánh đập tàn nhẫn ở trạm métro Nguyên Lãng (Yuen Long) nhưng cảnh sát không hề can thiệp, ông tự nhủ những cam kết của Bắc Kinh 50 năm qua chỉ là lời hứa hão. Không thể để Đài Loan bị rơi vào tình trạng tương tự.

Có nên đua chen với "bảng xếp hạng Thượng Hải" ?

Tại Pháp trên lãnh vực giáo dục, Le Monde kêu gọi nên có tư duy về giảng dạy đại học không lệ thuộc vào những bảng xếp hạng quốc tế như Thượng Hải. Từ 20 năm qua, các chính khách Pháp coi "tiêu chuẩn" Thượng Hải là chìa khóa cho việc tái tổ chức ngành đại học, nhưng mục tiêu tham gia đua tài với quốc tế không thể thay thế cho một chính sách đại học có chiều sâu.

Nguyên tắc "mở rộng để được thăng hạng" đã mang lại một số thành công : nếu năm 2003 chưa có trường đại học Pháp nào nằm trong số 50 hạng đầu thì nay đã có được 3. Đại học Paris-Saclay là kết quả hợp nhất một trường đại học, bốn trường cao đẳng kỹ thuật nổi tiếng và bảy cơ quan nghiên cứu. Nhưng như vậy định chế mới thêm cồng kềnh, và chưa giải quyết được những vấn đề như chất lượng giảng dạy, nguồn tài trợ, chảy máu chất xám, và nhất là vai trò kiến tạo tri thức trong một đất nước và thế giới đang thay đổi. Trước những vấn đề lớn lao này, ám ảnh về bảng xếp hạng Thượng Hải trong đó vai trò xúc tiến các tiêu chí của Trung Quốc ngày càng rõ, không thể là câu trả lời.

Pháp : Một tháng truy lùng những kẻ nổi loạn

Trong tháng 7, khi nước Pháp đang còn rung chuyển với làn sóng bạo động sau cái chết của cậu thanh niên Nahel ở Nanterre hôm 27/06, các nhà điều tra đã phải thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ. Trước hết là phải liên tục ghi hình những vụ bạo động, với kết quả 3.800 người bị câu lưu vì bị bắt quả tang. Việc kế tiếp ít được biết đến là truy lùng ráo riết : đến 31/07 có thêm 314 người bị bắt vì phá hoại, phóng hỏa… Chỉ riêng cảnh sát hình sự đã thực hiện 170 cuộc điều tra về những vụ trầm trọng như đốt tòa thị chính, tấn công trụ sở cảnh sát, cướp phá quy mô. Các thủ phạm bị bắt tại nhà, thường là với đơn vị can thiệp nhanh của hiến binh (BRI) hay đơn vị tinh nhuệ RAID của cảnh sát.

Các chuyên gia xem xét đủ mọi dấu vết tại hiện trường : gạch đá, những vật cứng dùng để tấn công, dấu vân tay, vết máu, ADN trên những chai dùng làm bom xăng… Bên cạnh đó camera giám sát, định vị điện thoại, mạng xã hội cũng được khai thác. Khi khám nhà, cảnh sát tìm được những tài sản bị cướp bóc như quần áo hàng hiệu, những cây thuốc lá… và bất ngờ là có cả nhiều ký lô ma túy. Trong số 1.239 bị cáo bị lãnh án tù, có đến 62% là tù giam hoặc buộc đeo còng điện tử.

Để so sánh, trong vụ bạo loạn năm 2005 có 4.728 người bị câu lưu nhưng chỉ có 400 bản án tù giam. Sự cứng rắn lần này đã giúp sớm hạ nhiệt nạn bạo động, đặc biệt không thể để tái diễn trong lúc cả thế giới nhìn về nước Pháp nhân Thế vận hội Paris 2024.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 191 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)