VinFast công bố sai sót kế toán khiến doanh thu 2023 bị thổi phồng
Nhà sản xuất xe điện VinFast vừa gửi một văn bản lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) hôm 29/7 thông báo họ đang điều chỉnh lại báo cáo tài chính năm 2023 do lỗi kế toán.
Bên trong một cửa hàng VinFast ở Hà Nội
Trong thông cáo báo chí hôm 29/7 đăng trên trang web chính thức của VinFast Mỹ, hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết doanh thu bán hàng trong năm tài chính 2023 đã bị thổi phồng 33,9 triệu USD (tương đương hơn 850 tỷ đồng - khoảng 2,8% tổng doanh thu đã báo cáo trước đó).
Ngoài ra, chi phí bán hàng và phân phối cũng như khoản lỗ ròng của công ty lần lượt bị phóng đại lên lần lượt 6,1 triệu USD (hơn 154 tỷ đồng) và 1,8 triệu USD (hơn 45 tỷ đồng).
VinFast cũng cho biết báo cáo tài chính chưa kiểm toán được phát hành trước đây sẽ không còn được áp dụng nữa và công ty sẽ cập nhật lại thông tin tài chính liên quan trong báo cáo điều chỉnh lần tới.
'Sai sót kế toán'
Thông cáo của VinFast cho biết nguyên nhân khiến doanh thu bị thổi phồng là do "những sai sót kế toán được xác định từ một cuộc đánh giá nội bộ định kỳ của công ty".
Con số vượt trội này bao gồm 454 ô tô điện và 2.192 xe máy điện bán cho Công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM), nhà điều hành taxi và cho thuê xe điện mà ông Vượng sở hữu 95%, được xuất hóa đơn trong năm tài chính 2023, nhưng việc giao hàng được bắt đầu vào năm 2024.
Do đó, doanh số bán hàng này lẽ ra không được ghi nhận là doanh thu vào năm 2023, dẫn đến doanh thu của VinFast trong năm tài chính 2023 đã bị thổi phồng khoảng 17,2 triệu USD (gần 435 tỷ đồng).
VinFast cho biết khoảng 70% lượng xe bàn giao trong năm 2023 là cho khách hàng GSM
Ngoài ra, còn có 205 chiếc ô tô điện cho được bán cho một bên thứ ba tại Việt Nam không liên quan tới Vingroup vào năm 2023 và ghi nhận doanh thu cho năm tài chính 2023.
Tuy nhiên, phần lớn những chiếc xe điện này đã được trả lại vào tháng 2/2024 để cập nhật phần mềm và được giao lại cho khách hàng từ tháng 4/2024 đến tháng 6/2024.
Theo các điều khoản giao hàng và trong hợp đồng bán hàng của công ty, doanh thu từ những lần bán hàng này lẽ ra không được ghi nhận vào năm tài chính năm 2023.
Riêng 205 ô tô điện này khiến doanh thu của VinFast bị phóng đại khoảng 10,5 triệu USD (hơn 265 tỷ đồng) trong năm 2023.
Thay vào đó, VinFast cho biết 15,7 triệu USD (gần 397 tỷ đồng) trong số này dự kiến sẽ được ghi nhận trong quý 1/2024, số tiền còn lại dự kiến sẽ được ghi nhận trong suốt năm 2024.
Một khoản nữa cũng cần điều chỉnh là khi cung cấp chính sách hậu mãi cho khách hàng hoặc phiếu dịch vụ nếu xe của họ gặp sự cố kỹ thuật cần được bảo dưỡng đã được tính vào năm 2023, gắn liền với doanh thu bán xe.
Theo đó, hãng xe điện sẽ giảm khoảng 6,1 triệu USD (hơn 154 tỷ đồng) từ doanh thu bán hàng và phân phối.
VinFast nhấn mạnh rằng việc điều chỉnh này không ảnh hưởng đến khoản lỗ ròng của năm tài chính 2023.
Tuy nhiên, trên trang web của Vingroup không đăng bất kì thông tin gì về sai sót này.
Truyền thông Việt Nam cũng không có thông tin gì về báo cáo này.
Ông Vượng và Vingroup đã giải ngân 1,5 tỷ USD cho VinFast
Trong một báo cáo mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Vietcap cho biết tính đến cuối quý 2/2024, Tập đoàn Vingroup và Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng đã hoàn thành các khoản giải ngân trong khuôn khổ thỏa thuận thông báo vào tháng 4/2023.
Thỏa thuận này bao gồm khoản tài trợ 1 tỷ USD của ông Phạm Nhật Vượng và khoản tài trợ 500 triệu USD của Vingroup sẽ được giải ngân cho VinFast trong 12 tháng.
Trong đại hội cổ đông thường niên vào cuối tháng 4/2024 của VinFast, tỷ phú giàu nhất Việt Nam tuyên bố sẽ bỏ tiền túi tài trợ thêm 1 tỷ USD nữa cho hãng xe điện này. Tuy nhiên, thông tin chi tiết hơn về thời gian chuyển giao chưa được công bố.
Cũng trong cuộc họp cổ đông trên, khi được hỏi thời điểm nào thì VinFast sẽ hòa vốn, bù được lỗ lũy kế, ông Vượng tuyên bố từ năm 2026, VinFast sẽ có được dòng tiền dương.
Tới tháng 6/2024, hãng tin Bloomberg đăng bài phỏng vấn ông Vượng tại trụ sở chính Vingroup ở Hà Nội, chủ hãng xe điện khẳng định dù VinFast chưa có lãi song ông sẽ tiếp tục hỗ trợ VinFast cho đến khi nào "hết tiền".
Theo Bloomberg, từ năm 2017 tới hết quý 1/2024, Vingroup, các công ty liên kết và các bên cho vay bên ngoài đã cung cấp cho VinFast khoảng 12,9 tỷ USD để trang trải chi phí hoạt động và chi phí vốn.
Không chỉ tài trợ tiền mặt, tháng 10/2023, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tặng 99,8% cổ phần của CTCP Giải pháp Năng lượng VinES cho hãng xe điện VinFast. VinES là công ty thành viên của Vingroup có tổng vốn pháp định 6.500 tỷ đồng.
Mới đây, vào giữa tháng 7/2024, VinFast thông báo đã quyết định dời việc khánh thành nhà máy trị giá 4 tỷ USD ở bang Bắc Carolina, Mỹ sang năm 2028, so với thời điểm 2025 theo kế hoạch ban đầu. Hãng cũng hạ mục tiêu bán hàng cả năm từ mức 100.000 chiếc xuống còn 80.000, trong bối cảnh thị trường xe điện toàn cầu bất ổn.
Tổng cộng, VinFast đã bán được 21.747 ô tô điện trong nửa đầu năm 2024, tăng 92% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chỉ bằng 1/4 so với mục tiêu mới của cả năm.
VinFast cho biết đang xây dựng một nhà máy ở Ấn Độ và có kế hoạch xây một nhà máy ở Indonesia bên cạnh nhà máy hiện có ở Việt Nam.
Riêng nhà máy tại Indonesia, theo Bloomberg, VinFast đang tìm kiếm khoản vay khoảng 250 triệu USD từ các ngân hàng Indonesia để xây dựng nhà máy lắp ráp tại thành phố công nghiệp Subang.
Nguồn : BBC, 30/07/2024
VinFast lỗ hơn 600 triệu USD dù số lượng xe bàn giao tăng
BBC, 20/04/2024
VinFast lỗ hơn 600 triệu USD trong quý 1/2024 dù số lượng xe bán ra và doanh thu tăng, theo báo cáo chưa kiểm toán mới nhất của công ty.
Một số khách mời tại sự kiện trải nghiệm VinFast's Experiential Event hồi tháng 2/2024 ở West Hollywood, California, Mỹ
Thông cáo báo chí mới nhất của VinFast, công bố ngày 17/4, nêu bật các chỉ số tăng trưởng ấn tượng từ báo cáo chưa kiểm toán.
Ngay lập tức, các con số này được nhiều tờ báo tại Việt Nam thuật lại, khuếch đại lên, tạo nên một ấn tượng đẹp về tình hình kinh doanh của công ty.
Trên thực tế, báo cáo chưa kiểm toán của VinFast về tình hình kinh doanh trong quý 1/2024 vừa có điểm sáng vừa có điểm tối.
Bao nhiêu xe được bàn giao ?
Khách hàng tham quan cửa hàng của VinFast tại Irvine, California hồi tháng 12/2022
Báo cáo chưa kiểm toán của VinFast cho biết lượng ô tô điện bàn giao trong quý 1/2024 đạt 9.689 chiếc, tăng 444% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 28% so với quý 4/2023.
Đối với xe máy điện (hai bánh), VinFast giao 6.632 chiếc trong quý đầu tiên của năm nay, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 73% so với quý 4/2023.
VinFast cũng tái cam kết mục tiêu giao 100.000 ô tô điện trong năm 2024.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị VinFast, chia sẻ : "VinFast nhận thấy những bất ổn kinh tế và địa chính trị đang diễn ra trên toàn cầu là thách thức ngắn hạn. Với dải sản phẩm đa dạng và mạng lưới bán hàng đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, dịch vụ hậu mãi vượt trội và chính sách thuê pin mang tính đột phá, VinFast giữ vững mục tiêu giao 100.000 ô tô điện và đã vạch ra lộ trình rõ ràng từ giờ đến cuối năm".
Do thông cáo báo chí của VinFast nhấn mạnh vào các điểm tích cực, và nhiều tờ báo Việt Nam đăng tải lại cũng theo hướng đó, nên bức tranh tạo ra một ấn tượng chung tươi sáng.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào bản báo cáo chưa kiểm toán được đăng trên website chính thức của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ, người đọc sẽ có một cái nhìn toàn diện hơn.
Một điểm cần lưu ý về lượng ô tô bàn giao, đó là trong số 9.689 xe nói trên, có 56% được giao cho các bên có liên quan tới VinFast, có thể hiểu là các công ty trong hệ sinh thái Vingroup.
VinFast lời lỗ thế nào ?
Theo báo cáo chưa kiểm toán, VinFast đạt doanh thu bán xe 270,5 triệu USD trong quý 1/2024, tăng 324,4% so với quý 1/2023 và giảm 31,6% so với quý 4/2023.
Tổng doanh thu của công ty đạt 302,6 triệu USD, tăng 269,7% so với quý 1/2023 và giảm 31% so với quý 4/2023.
Tổng doanh thu của công ty chủ yếu đến từ bán xe điện.
Dù so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu và lượng xe bàn giao đều tăng, nhưng VinFast vẫn lỗ rất nặng.
Trong quý 1/2024, công ty lỗ ròng 618,3 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 12,3% so với quý 4 năm 2023.
Trong một bài viết mới đây , hãng tin Reuters cho biết VinFast đã lỗ tổng cộng 5,7 tỷ USD trong ba năm qua và tình trạng này làm gia tăng áp lực lên Vingroup, khiến các nhà đầu tư vào Vingroup lo ngại.
Phần lớn ô tô điện VinFast được bán cho các công ty trong hệ sinh thái Vingroup. Ảnh chụp xe điện VinFast tại một trạm sạc ở Hà Nội vào tháng 10/2023.
VinFast mở rộng thị trường như thế nào ?
Tính tới thời điểm 31/3/2024, VinFast có 119 cửa hàng bán ô tô điện trên toàn cầu cùng 235 cửa hàng và xưởng chăm sóc xe máy điện. Con số này bao gồm cả của VinFast lẫn các cửa hàng của đối tác đại lý.
VinFast từng công bố kế hoạch đầy tham vọng tại thị trường Mỹ , bao gồm xây một nhà máy 4 tỷ USD và thâm nhập mạnh vào thị trường này.
Trong báo cáo quý 1/2024, VinFast cho biết đã ký thỏa thuận với thêm 10 đại lý nữa, nâng tổng số lên 16 đại lý tại bảy tiểu bang : Connecticut, Florida, Kansas, Kentucky, New York, Bắc Carolina và Texas.
Các đại lý mới ký này dự kiến sẽ bắt đầu bán xe trong quý 2/2024.
Tại Indonesia, VinFast cho biết đã ký với năm đối tác phân phối. Cửa hàng VinFast đầu tiên tại nước này đã được mở vào ngày 2/4/2024.
Tại Thái Lan, thông qua Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok 2024, VinFast đã ký thư ý định (LOI) với 15 đại lý và dự kiến mở 22 cửa hàng tại thủ đô Bangkok và các đô thị lớn khác. Dự kiến hoạt động bán xe tại thị trường này sẽ bắt đầu trong vài tháng tới.
Nhà máy tại Mỹ gặp trục trặc ?
Lễ động thổ nhà máy VinFast tại Bắc Carolina vào tháng 7/2023
Năm 2023, VinFast đã khởi công nhà máy tại hạt Chatham, bang Bắc Carolina, Mỹ vào ngày 28/7 (ngày 29/7 theo giờ Việt Nam).
VinFast cho biết nhà máy có "diện tích khoảng 800 ha" và có "công suất dự kiến 150.000 xe/năm trong giai đoạn 1", bắt đầu từ năm 2025 .
Giai đoạn 1 của nhà máy có vốn đầu tư 2 tỷ USD, trong tổng mức đầu tư 4 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, báo chí địa phương cho biết hoạt động xây dựng tại công trường nhà máy đã bị đình lại. Các quan sát tại hiện trường cho thấy đến nay không có công trình đáng kể nào được xây dựng.
Bà Kara Lusk, quan chức phụ trách truyền thông của hạt Chatham, cho biết VinFast đã đệ trình đề nghị điều chỉnh thu hẹp diện tích nhà máy. "Hiện vấn đề này đang được xem xét. Trong quá trình xem xét, việc xây dựng sẽ không được tiến hành", bà Kara Lusk nói với báo Carolina Journal.
Hai trang tin địa phương WRAL và The News & Observer dẫn lời bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch VinFast, nói với các nhà đầu tư trong một cuộc họp trực tuyến hôm 17/4 rằng dự án tại Bắc Carolina "vẫn tiếp tục".
"Chúng tôi vẫn giữ đúng tiến độ để có thể bắt đầu tuyển dụng nhiều nhân viên và đi vào hoạt động vào cuối năm sau. Nhưng có lẽ phải mất vài tháng mới hoạt động toàn bộ".
Ra mắt ‘thiếu chuyên nghiệp’ tại Thái Lan
Xe điện VinFast tại Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok 2024
VinFast đã có màn chào sân Thái Lan tại Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok 2024 diễn ra cuối tháng 3, đầu tháng 4.
Chuyên gia nổi tiếng về ô tô của Thái Lan, ông Nithi Thuamprathom, Giám đốc kênh Autolife Thái Lan, nhận định tân binh VinFast cần phải chứng tỏ nhiều điều, đặc biệt về hình ảnh và chất lượng sản phẩm.
"Sự khó khăn nằm ở chỗ hình ảnh và thương hiệu VinFast ở đây chưa mấy tốt đẹp. Đa số người dân Thái Lan chỉ biết đến VinFast thông qua tin tức quốc tế. Những thông tin đó không mấy tích cực", ông nói với BBC.
Theo ông, để dễ bán được hàng thì giá của xe VinFast tại thị trường Thái Lan phải được đặt ở mức không cao hơn xe Trung Quốc.
Ông nói rằng nếu VinFast đưa ra mức giá mà khách hàng không chấp nhận ngay từ đầu thì sẽ rất khó khăn cho việc thâm nhập vào Thái Lan.
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến của người Thái Lan về VinFast cũng không được tích cực, đa phần dẫn lại các đánh giá từ Mỹ, cùng các nhận xét cho rằng thiết kế, độ hoàn thiện sản phẩm chưa được ấn tượng.
Báo The Standard của Thái Lan mô tả màn ra mắt của VinFast tại triển lãm ô tô vừa qua là "thiếu chuyên nghiệp".
Theo tờ báo này, tại sự kiện ra mắt, trong khi giới truyền thông chờ đợi thông điệp chính thức của lãnh đạo công ty, thì VinFast chủ yếu sử dụng hình thức nói chuyện bên lề, kiểu : "Chúng ta tới đây để làm quen".
Cũng theo The Standard, khi chụp hình giới thiệu đại lý đối tác, có nhiều người không phải đại lý cũng đứng vào như thể mình là nhà phân phối, tạo nên hình ảnh dễ gây hiểu nhầm. Thêm vào đó, có một số đại lý đang phân phối cho hãng ô tô khác cũng có mặt, điều đó có thể dẫn tới các rắc rối khác.
Tờ báo này cũng đánh giá xe có độ hoàn thiện chưa cao, chưa khẳng định được chất lượng, thiết kế không đặc sắc, nhưng giá không hề rẻ.
Những điều trên sẽ khiến VinFast khó tạo dựng được chỗ đứng tại Thái Lan, tờ báo kết luận.
Vụ kiện tại Mỹ
Vào ngày 12/4, Công ty luật Robbins đã thông báo cho các nhà đầu tư việc một cổ đông đã phát đơn kiện tập thể (class action) đối với VinFast.
Vụ kiện đưa ra cáo buộc VinFast và một số quan chức điều hành, giám đốc cũ hoặc đương nhiệm của VinFast vi phạm Đạo Luật Chứng khoán năm 1933 (Securities Act of 1933) và/hoặc Đạo luật Giao dịch Chứng khoán năm 1934 (Securities Exchange Act of 1934) của Mỹ.
Theo nội dung vụ kiện mà công ty luật Robbins đăng tải vào ngày 12/4, các cáo buộc bao gồm, trước và sau vụ sáp nhập, VinFast đã thổi phồng tiềm năng của công ty, tuyên bố về mục tiêu hoàn thành các chiến lược tăng trưởng trong dài hạn, và bên cạnh đó, "tiếp nối dấu ấn tăng trưởng toàn cầu tại các khu vực kỳ vọng có nhu cầu xe điện", và tuyên bố doanh số kỳ vọng "giao số lượng xe điện từ 40.000 đến 50.000 chiếc trong năm tài khóa 2023".
Tuy nhiên, theo nội dung đơn kiện, vào ngày 18/1/2024, VinFast đã công bố số lượng xe điện bàn giao trong Quý 4 năm 2023 thấp hơn mục tiêu đã được đề ra trước đó.
Kết quả là giá cổ phiếu VinFast đã bị sụt giảm 2% gần xuống mức 5,64 USD mỗi cổ phiếu, sụt giảm 84,78% nếu so với mức giá 37,06 USD vào ngày 15/8/2023 khi kết thúc phiên giao dịch đầu tiên sau phi vụ sáp nhập, theo nội dung đơn kiện.
Liên quan đến cáo buộc trên, Công ty VinFast từ Việt Nam đã phản hồi với BBC News Tiếng Việt vào hôm 16/4 :
"Cáo buộc này là vô căn cứ. VinFast hoạt động theo các tiêu chuẩn đạo đức cao nhất, luôn tuân thủ pháp luật cũng như quy định tại các thị trường mà Công ty đang hiện diện. Chúng tôi sẽ không bình luận gì thêm".
Nguồn : BBC, 20/04/2024
*******************************
Việc xây nhà máy 4 tỷ USD của VinFast tại Mỹ bị đình trệ
RFA, 19/04/2024
Công trường xây dựng nhà máy sản xuất xe điện VinFast tại tiểu bang North Carolina, Hoa Kỳ đang bị đình trệ kể từ lễ động thổ hồi tháng 7 năm ngoái giữa lúc công ty Việt Nam đang đối diện với vụ kiện tập thể về gian lận cổ phiếu.
Lễ động thổ xây dựng nhà máy sản xuất xe điện VinFast ngày 28/7/2023 tại tiểu bang North Carolina - X @Governor Roy Cooper
Tờ nhật báo khu vực News & Observer có trụ sở tại North Carolina cho biết, đoạn phim quay bằng máy bay không người lái (drone) của họ cho thấy, không có công trình xây dựng đáng kể nào mọc lên ở khu vực dự định xây nhà máy sản xuất xe điện trị giá 4 tỷ USD.
Các quan chức của quận hạt Chatham, North Carolina ngày 16/4 xác nhận việc xây dựng nhà máy đang bị tạm hoãn trong khi địa phương đang chờ đợi kế hoạch xây dựng cập nhật từ nhà sản xuất ô tô Việt Nam.
Tờ nhật báo khu vực có trụ sở tại tiểu bang North Carolina cho biết, hạt Chatham phê duyệt giấy phép cho VinFast xây dựng khu lắp ráp chung rộng 9,2 ha (995.000 bộ vuông) hồi tháng 7 năm ngoái, tuy nhiên, đến ngày 8/12 VinFast sửa đổi thiết kế giảm xuống 20% so với diện tích ban đầu, chỉ còn khoảng 7,2 ha (782.250 bộ vuông).
David Camp, giám đốc cấp phép và kiểm tra của Chatham cho biết, diện tích nhỏ hơn không nhất thiết cho thấy VinFast sẽ thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạo việc làm ít hơn như đã hứa tại địa điểm này, lưu ý rằng điều đó "có thể có nghĩa là họ đang sử dụng không gian bên trong hiệu quả hơn", cho biết thêm "việc thực hiện bước tiếp theo là tùy thuộc vào công ty".
Ông Camp cho biết, VinFast sau đó đã trình kế hoạch xây dựng bổ xung nhưng "không giải quyết được ý kiến" của cơ quan thẩm định.
Địa phương cũng yêu cầu VinFast trình bản kế hoạch tổng thể về phần móng và thiết kế theo chiều dọc của nhà máy lắp ráp, tuy nhiên đến nay công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn chưa làm được điều này.
Kara Lusk - Người phát ngôn của quận hạt nói với tờ nhật báo địa phương trong một email hôm thứ 16/4 khẳng định : "Không có công trình xây dựng nào được thực hiện cho đến khi bản sửa đổi giấy phép này được ban hành".
Hãng tin Axios cho biết, trả lời câu hỏi về tiến độ xây dựng nhà máy đầu tiên tại Hoa Kỳ, Chủ tịch công ty Lê Thị Thu Thủy cho biết : "North Carolina vẫn đang tiếp tục".
Bà nói, công ty vẫn đang trên đường bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2025 : "Thuê nhiều công nhân và đưa vào hoạt động vào cuối năm tới. Nhưng có lẽ để vận hành đầy đủ, sẽ mất vài tháng".
Tòa nhà lắp ráp chung là một trong nhiều công trình mà công ty xe hơi cho biết họ hy vọng sẽ xây dựng tại khu vực có diện tích 733 ha, trải rộng trên tám công trình.
Quận Chatham hiện đang xem xét thiết kế cho một xưởng sửa chữa xe rộng 7,9 ha và VinFast đã nhận được giấy phép xây tường chắn mà Lusk cho biết đang được xây dựng.
VinFast đã công bố địa điểm xây dựng này vào tháng 3/2022 sau khi tiểu bang North Carolina và quận hạt Chatham đưa ra các ưu đãi tổng hợp trị giá 1,25 tỷ USD, bao gồm hơn 300 triệu USD lợi ích về thuế tiền lương nếu công ty đáp ứng các mục tiêu tuyển dụng và đầu tư. Theo khoản trợ cấp đầu tư phát triển việc làm của nhà nước, VinFast cam kết sẽ tạo ra ít nhất 1.997 việc làm vào cuối năm nay.
Nhà máy của VinFast dự kiến đi vào vận hành vào tháng 7/2024 nhưng sau đó đã bị đẩy lùi sang năm 2025.
Nguồn : RFA, 19/04/2024
*****************************
Bị kiện tại Mỹ với cáo buộc thổi phồng thông tin, VinFast phản hồi như thế nào ?
BBC, 16/04/2024
Một cổ đông đã có đơn kiện tập thể nhằm vào VinFast liên quan đến các tài liệu mà công ty xe điện của Việt Nam đệ trình để niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq, theo thông tin từ công ty luật Robbins.
Hình ảnh xe điện VinFast tại triển lãm xe Los Angeles Auto Show vào ngày 17/1/2021 tại Mỹ
Công ty luật Robbins - tên đầy đủ là Robbins Geller Rudman & Dowd LLP, có trụ sở tại thành phố San Diego, bang California của Mỹ - đang phụ trách một vụ kiện tập thể đối với VinFast.
Phản hồi với BBC News tiếng Việt, công ty xe điện Việt Nam nói cáo buộc nhằm vào họ là "vô căn cứ".
Cáo buộc điều gì ?
Vào ngày 12/4, Robbins đã thông báo cho các nhà đầu tư việc một cổ đông đã phát đơn kiện tập thể (class action) đối với VinFast.
Theo đó, cổ đông này đã phát đơn kiện, đại diện cho tất cả cá nhân hoặc pháp nhân đã mua hoặc giành được quyền sở hữu (thông qua hình thức khác) cổ phiếu của VinFast Auto Ltd. Inc. (mã Nasdaq : VFS) trong một số giai đoạn của năm 2023 và 2024.
Đơn kiện cáo buộc công ty xe điện của Việt Nam đã không trung thực về năng lực tài chính trong quá trình đệ trình hồ sơ cho phi vụ sáp nhập trước khi được niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq.
Vụ kiện đưa ra cáo buộc VinFast và một số quan chức điều hành, giám đốc cũ hoặc đương nhiệm của VinFast đã vi phạm Đạo Luật Chứng khoán năm 1933 (Securities Act of 1933) và/hoặc Đạo luật Giao dịch Chứng khoán năm 1934 (Securities Exchange Act of 1934) của Mỹ.
Theo nội dung vụ kiện mà công ty luật Robbins đăng tải vào ngày 12/4, các cáo buộc bao gồm, trước và và sau vụ sáp nhập, VinFast đã thổi phồng tiềm năng của công ty, tuyên bố về mục tiêu hoàn thành các chiến lược tăng trưởng trong dài hạn, và bên cạnh đó, "tiếp nối dấu ấn tăng trưởng toàn cầu tại các khu vực kỳ vọng có nhu cầu xe điện", và tuyên bố doanh số kỳ vọng "giao số lượng xe điện từ 40.000 đến 50.000 chiếc trong năm tài khóa 2023".
Tuy nhiên, theo nội dung đơn kiện, vào ngày 18/1/2024, VinFast đã công bố số lượng xe điện bàn giao trong Quý 4 năm 2023 thấp hơn mục tiêu đã được đề ra trước đó.
Kết quả là cổ phiếu VinFast đã bị sụt giảm 2% gần xuống mức 5,64 USD mỗi cổ phiếu, sụt giảm 84,78% nếu so với mức giá 37,06 USD vào ngày 15/8/2023 khi kết thúc phiên giao dịch đầu tiên sau phi vụ sáp nhập, theo nội dung đơn kiện.
Nguyên đơn cáo buộc hồ sơ VinFast đã không cung cấp các nội dung sau đây :
Kiện tập thể là gì ?
Tại Mỹ, kiện tập thể (class action) là một hình thức khiếu kiện quan trọng, trong đó một nhóm cùng chịu thiệt hại tương tự nhau, hoặc có yêu sách pháp lý chung tương tự nhau, sẽ cùng đệ trình vấn đề của mình ra tòa với tư cách là đại diện cho một nhóm lớn hơn (được gọi là tập thể, hay "class").
Các vụ kiện tập thể được điều chỉnh theo Luật 23 (Rule 23) trong Quy trình Tố tụng Dân sự Liên bang (Federal Rules of Civil Procedure) hoặc các quy định tương tự ở cấp bang.
Để có thể thực hiện một vụ kiện tập thể, nguyên đơn bắt buộc phải hội đủ các điều kiện dưới đây (ở đây chỉ dẫn một số tiêu chí cơ bản) :
Số lượng lớn : Số lượng các cá nhân của tập thể phải đủ lớn tới mức việc tất cả các thành viên cùng đứng ra kiện là không khả thi, do đó cần có cơ chế đại diện đi kiện.
Tính đại diện : Yêu sách từ các đại diện của tập thể phải mang tính đặc trưng, đại diện cho yêu sách của cả tập thể.
Tư cách đại diện : Các đại diện tập thể phải đảm bảo đủ tư cách và sự công bằng khi đại diện cho lợi ích của tập thể.
Chứng nhận : Tòa án phải chứng nhận tập thể đó, xác định rằng tập thể đó hội đủ các yêu cầu của một vụ kiện tập thể.
Các vụ kiện tập thể thường được tiến hành trong nhiều trường hợp, như lừa đảo người tiêu dùng, lừa đảo chứng khoán, tranh chấp về sử dụng lao động,…
Nếu kiện thắng, "chiến lợi phẩm" sẽ được chia cho các thành viên của tập thể theo một kế hoạch được tòa án duyệt.
VinFast phản hồi như thế nào ?
Liên quan đến cáo buộc trên, Công ty VinFast từ Việt Nam đã phản hồi với BBC News tiếng Việt ngày hôm nay 16/4 như sau :
"Cáo buộc này là vô căn cứ. VinFast hoạt động theo các tiêu chuẩn đạo đức cao nhất, luôn tuân thủ pháp luật cũng như quy định tại các thị trường mà Công ty đang hiện diện. Chúng tôi sẽ không bình luận gì thêm".
VinFast niêm yết trên Nasdaq theo SPAC
VinFast đã lên sàn Nasdaq thông qua một "công ty rỗng". Ảnh chụp sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq ở thành phố New York, Mỹ vào ngày 24/1/2023.
Vào ngày 12/5/2023, theo một nghị quyết mà Vingroup gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Việt Nam), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh thì Hội đồng Quản trị tập đoàn đã thông qua giao dịch sáp nhập theo hình thức de-SPAC giữa VinFast Auto Pte. Ltd, Nuevo Tech Limited và Black Spade Acquisition Co với mục đích niêm yết cổ phần phổ thông của VinFast tại Mỹ.
Vào tháng 8/2023, VinFast đã phát hành đại chúng bằng cách sử dụng một công ty 'rỗng' (shell company) thông qua sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (Special Purpose Acquisition Company - SPAC) là công ty Black Spade Acquisition, vốn đã được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE).
Ngày 14/8/2023 theo giờ Mỹ, tức 15/8 giờ Việt Nam, VinFast và Black Spade Acquisition đã công bố hoàn tất hợp nhất kinh doanh.
SPAC là loại công ty thường được những công ty khởi nghiệp sử dụng để đẩy nhanh quy trình niêm yết công khai trên sàn chứng khoán.
Hiểu một cách đơn giản, điều này có nghĩa là sáp nhập một công ty chưa được niêm yết trên thị trường giao dịch chứng khoán với một công ty đã được niêm yết.
Vào ngày 15/8 theo giờ Mỹ, tức ngày 16/8 giờ Việt Nam, VinFast đã chính thức "rung chuông" trên sàn chứng khoán Nasdaq.
Trước đó, Vingroup đã đưa ra thông cáo chính thức vào ngày 10/8 về vụ hợp nhất :
"Ngày 10/08/2023 – VinFast Auto Pte. Ltd. (VinFast) và Black Spade Acquisition Co (NYSE : BSAQ) (Black Spade) công bố Cổ đông Black Spade đã thông qua kế hoạch hợp nhất kinh doanh tại Đại hội Cổ đông Đặc biệt (EGM) diễn ra vào ngày 10/08/2023.
Kết quả bỏ phiếu chính thức sẽ được bổ sung trong Báo cáo theo Mẫu 8-K, do Black Spade nộp cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC).
Giao dịch hợp nhất dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 14/08/2023. Sau giao dịch, VinFast sẽ hoạt động như một công ty hợp nhất. Cổ phiếu phổ thông và chứng quyền VinFast dự kiến sẽ bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq Stock Market LLC (Nasdaq) vào, hoặc khoảng, ngày 15/08/2023, dưới các mã niêm yết mới lần lượt là 'VFS' và 'VFSWW'".
Trong giao dịch này, "VinFast được định giá với giá trị doanh nghiệp khoảng 27 tỷ USD và giá trị vốn chủ sở hữu 23 tỷ USD". theo thông cáo của Vingroup hồi tháng 7/2023.
Vào ngày 15/8/2023 theo giờ Mỹ, khi được niêm yết trên sàn Nasdaq, giá trị vốn hóa của VinFast là 23 tỷ USD. Công ty tuyên bố có thể huy động thêm vốn từ các nhà đầu tư toàn cầu trong vòng 18 tháng tiếp theo.
Khi đó, giá cổ phiếu trong phiên mở cửa giao dịch ngày đầu tiên là 22 USD, cao hơn gấp đôi so với 10 USD mỗi cổ phiếu đã đồng thuận với đối tác Black Spade Acquisition.
Một số nét về tình hình của VinFast
Xe điện VF-8 của VinFast được trưng bày tại Santa Monica, California vào tháng 9/2022
Công ty luật Robbins kêu gọi các nhà đầu tư là nguyên đơn chính hợp pháp trong vụ kiện tập thể nhằm vào VinFast hãy liên lạc với công ty này để đệ đơn lên tòa án trước ngày 11/6.
Nguyên đơn chính là người đại diện cho các bên đi kiện trong quá trình kiện tụng của một vụ kiện tập thể.
BBC News tiếng Việt đã email đến công ty luật Robbins để có thêm thông tin.
VinFast có công ty mẹ là tập đoàn VinGroup. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup.
Từ tháng 1/2024, ông Vượng kiêm chức tổng giám đốc (CEO) của công ty sản xuất xe điện VinFast, thay bà Lê Thị Thu Thủy, người chuyển sang làm chủ tịch hội đồng quản trị.
Ông Phạm Nhật Vượng hiện đang "trực tiếp điều hành các hoạt động vận hành, bao gồm sản xuất toàn cầu, bán hàng và chiến lược thị trường" của VinFast, theo thông cáo từ công ty.
Hồi tháng 2/2024, VinFast đã động thổ xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại bang Tamil Nadu ở miền nam Ấn Độ với kỳ vọng đi vào sản xuất xe trước thời điểm giữa năm 2025.
Việc sản xuất trước hết là để phục vụ thị trường nội địa và sau đó là hướng đến xuất khẩu, Tổng Giám đốc điều hành VinFast tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu nói với Reuters.
Ông Châu là cựu Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ.
Hiện Vingroup đang phải đối mặt với những rủi ro tài chính ngày càng tăng do công ty con VinFast thua lỗ, bất chấp kế hoạch mở rộng toàn cầu đầy tham vọng, theo phân tích của Reuters ngày 12/4 dựa trên hồ sơ chứng khoán gần đây và thông tin do công ty cung cấp.
Reuters cho biết VinFast lỗ tổng cộng 5,7 tỷ USD trong ba năm qua.
Ông Phạm Nhật Vượng đã công bố tặng 1 tỷ USD cho VinFast vào cuối tháng 4/2023 từ nguồn tài sản cá nhân và từng tuyên bố "Vingroup quyết định làm VinFast xuất phát từ trách nhiệm xã hội và lòng yêu nước".
Vingroup cũng đã triển khai dịch vụ Taxi Xanh SM (GSM) bằng taxi bằng xe điện VinFast từ tháng 4/2023. GSM chính là một trong những khách hàng mua xe điện VinFast nhiều nhất.
Nguồn : BBC, 16/04/2024
Vụ kiện tập thể VinFast : Hai hãng luật đã đệ đơn tại tòa án quận ở New York
RFA, 15/04/2024
Hai hãng luật nổi tiếng đã đệ đơn kiện tập thể hãng xe điện VinFast của Việt Nam theo luật chứng khoán của Hoa Kỳ, đồng thời tìm kiếm nguyên đơn chính cho vụ kiện này.
CEO VinFast bà Lê Thị Thu Thủy (trái) và ông Phạm Nhật Vượng (áo đỏ) trong tấm hình tháng 5/2022 - Reuters
Đài địa phương ABC4 của tiểu bang Utah dẫn thông cáo báo chí từ hãng luật Pomerantz hôm 12/4 cho biết, một vụ kiện tập thể đã được đệ trình chống lại công ty VinFast (mã cổ phiếu VFS) và một số lãnh đạo nhất định tại Tòa án Liên bang Hoa Kỳ, Quận phía Đông New York và được ghi trong hồ sơ số 24-cv-02750.
Hãng luật này thông báo, những ai là cổ đông đã mua hoặc mua lại chứng khoán VinFast trong thời gian từ ngày 15/8/2023 đến ngày 17/1/2024 có thể yêu cầu Tòa án bổ nhiệm làm Nguyên đơn chính của vụ kiện, có thời hạn đến ngày 11/6/2024.
Công ty luật Robbins Geller cũng có thông cáo báo chí cho biết thêm, vụ kiện có tên là "Comeau kiện VinFast Auto Ltd". theo Đạo luật Chứng khoán năm 1933 và Đạo luật Giao dịch Chứng khoán năm 1934.
Phóng viên RFA tra thông tin về vụ kiện này trên trang web Justia Dockets & Filings - chuyên cung cấp hồ sơ kiện tụng công khai từ tòa phúc thẩm liên bang và tòa án quận, cho biết bị đơn của vụ kiện này là công ty xe điện VinFast ở Mỹ cùng với hàng loạt các lãnh đạo như Phạm Nhật Vượng, Lê Thị Thu Thủy, Nguyễn Thị Lan Anh, Phạm Nguyễn Anh Thư, Nguyễn Thị Vân Trinh... và tòa cũng đã ban hành lệnh triệu tập.
Trong khi đó, nguyên đơn là Jeremie Comeau và thẩm phán chủ tọa là Robert M Levy.
Hãng luật Robbins Geller cho biết, cáo buộc của vụ kiện này là VinFast tự mô tả mình là "một nền tảng di chuyển toàn diện, sáng tạo, tập trung chủ yếu vào thiết kế và sản xuất xe điện, xe máy điện và xe buýt điện cao cấp".
Trước khi sáp nhập, VinFast hoạt động như một công ty mua lại có mục đích đặc biệt được giao dịch công khai (SPAC hoặc công ty séc trắng).
Vụ kiện tập thể của VinFast cáo buộc rằng các bị cáo trong suốt 4 tháng cuối năm 2023 và tháng đầu năm 2024 cũng như trong các tài liệu chào bán đã đưa ra những tuyên bố sai sự thật và/hoặc gây nhầm lẫn và/hoặc không tiết lộ rằng : VinFast thiếu vốn để thực hiện chiến lược tăng trưởng mục tiêu của mình ; VinFast sẽ không thể đạt mục tiêu giao hàng năm 2023 ; và theo đó, VinFast đã cường điệu hóa sức mạnh của mô hình kinh doanh và năng lực hoạt động cũng như triển vọng kinh doanh và/hoặc tài chính sau sáp nhập.
Vụ kiện tập thể VinFast còn cáo buộc rằng vào ngày 15/10/2023, Bloomberg đã xuất bản một bài báo có tựa đề "VinFast mở rộng sang Đông Nam Á, huy động thêm vốn", trong đó tiết lộ rằng VinFast sẽ cần huy động "rất nhiều vốn" để tiếp thêm cho kế hoạch mở rộng toàn cầu của mình và sẽ "dựa vào sự hỗ trợ (tài chính) từ công ty mẹ VinGroup và người sáng lập Phạm Nhật Vượng trong 18 tháng tới".
Trước thông tin này, giá cổ phiếu phổ thông của VinFast đã giảm hơn 18%, theo đơn khiếu nại.
Sau đó, vào ngày 18/1/2024, đơn khiếu nại tiếp tục cáo buộc rằng VinFast tiết lộ rằng họ đã giao tổng cộng 34.855 xe điện vào năm 2023, không đạt được mục tiêu giao hàng hàng năm là 40.000-50.000 chiếc. Giá cổ phiếu của VinFast cũng đã giảm theo sau tin tức này.
Hồi tháng 11 năm ngoái, hai hãng luật tư nhân tại Mỹ là Robbins Gelleer Rudman & Dowd cùng với Pomerantz ra thông báo tìm kiếm khách hàng có nhu cầu điều tra về khả năng vi phạm luật chứng khoán liên bang Mỹ của công ty VinFast.
Khi đó, bà Hồ Ngọc Lâm, Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn Vingroup kiêm Phó tổng giám đốc phụ trách pháp chế Công ty VinFast, cho rằng việc kiện tụng tại Mỹ là hết sức bình thường, sẵn sàng cho kiện tụng từ khi bắt đầu triển khai kinh doanh tại Mỹ và VinFast "luôn hướng tới việc công bố thông tin minh bạch tới nhà đầu tư tại thị trường".
Khi sáp nhập với mục đích phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn Nasdaq vào tháng 8/2023, cổ phiếu VFS nhanh chóng đạt đỉnh hơn 92 USD/cổ phiếu nhưng chỉ còn khoảng 5 đô la ở thời điểm hai công ty này thông báo tìm kiếm khách hàng để kiện.
Cho đến nay, cổ phiếu của công ty xe điện này đã đâm thủng đáy 4 đô la và chỉ còn khoảng 3,6 USD/cổ phiếu khi kết thúc phiên giao dịch chiều 12/4.
Nguồn : RFA, 15/4/2024
*************************
Cổ phiếu VinFast xuống đáy mới thấp chưa từng có, sau bản tin về thua lỗ trên Reuters
VOA, 13/04/2024
Giá cổ phiếu của hãng xe hơi Việt Nam VinFast rơi xuống mức đáy mới, thấp nhất từ trước đến nay, là 3,6 đô la khi thị trường Nasdaq ở Mỹ đóng cửa hôm thứ Sáu 12/4. Chỉ một ngày trước hãng tin Reuters đăng bài phân tích dài chỉ ra rằng VinFast thua lỗ nặng, tạo ra rủi ro cho cả tập đoàn mẹ là Vingroup.
Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần, cổ phiếu của VinFast với mã VFS tụt từ mức 4,03 đô la của cuối ngày hôm trước xuống dưới 3,7 đô la ngay trong ít giờ đầu phiên, sau đó dao động trên mức này một chút trong phần lớn thời gian và sát giờ đóng cửa chỉ còn có giá từ 3,59 đến 3,6 đô la.
Hôm thứ Sáu tuần trước, VFS cũng đã lập mức sàn tính đến thời điểm đó, và đến nay, sau 1 tuần, giá của cổ phiếu này lại mất thêm 14%. Từ đầu năm đến nay, VFS mất đi gần 54% giá trị.
Tình trạng giá cổ phiếu của VinFast giảm liên tục trong nhiều ngày xảy ra trong bối cảnh có nhiều tin bất lợi cho hãng như việc các thương hiệu Trung Quốc gồm Great Wall Motors, Chery, GAC, BYD… tuyên bố đẩy mạnh bán xe hoặc cân nhắc mở nhà máy ở Việt Nam và mới nhất là bài phân tích của Reuters về hoạt động kinh doanh thua lỗ của chính VinFast.
Bài viết dài hơn 1.000 từ của Reuters dựa vào báo cáo mà VinFast gần đây nộp cho cơ quan quản lý chứng khoán Mỹ cũng như những thông tin do hãng cung cấp, từ đó chỉ ra rằng hãng lỗ tổng cộng 5,7 tỷ đô la trong 3 năm vừa qua, trong khi số tiền đi vay tăng lên.
Song song với hai điều kể trên, giá cổ phiếu của hãng đã giảm hơn 38% kể từ khi niêm yết tại Mỹ vào tháng 8/2023, còn tính từ mức đỉnh đạt được trong cùng tháng đó, giờ đây VFS đã mất đi hơn 97% giá trị.
Những kết quả như vậy cho thấy rõ có những rủi ro đối với tập đoàn mẹ là Vingroup, Reuters nhận xét.
Vẫn bài báo cho biết trong năm 2023, VinFast đạt doanh thu 1,1 tỷ đô la nhưng 82% số đó là nhờ bán xe cho các công ty trong cùng tập đoàn Vingroup hoặc thuộc sở hữu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, ông chủ của cả tập đoàn lẫn VinFast.
Bên cạnh đó, hầu hết số xe bán lẻ của VinFast tại Việt Nam là qua các chương trình khuyến mại, tiếp thị thực hiện chung với hãng bất động sản Vinhomes cùng tập đoàn.
VinFast đưa ra thông tin rằng khoảng 70% lượng xe giao trong năm ngoái là cho hãng taxi GSM mà ông Vượng sở hữu 95%.
Reuters chỉ ra rằng GSM hoạt động theo hình thức tài xế là nhân viên của hãng này và các chiếc xe thuộc sở hữu của hãng, được xem là chiến lược "giúp hãng tăng trưởng nhanh chóng nhưng cũng làm tăng chi phí".
Ông Kengo Kurokawa, đứng đầu công ty nghiên cứu Asia Plus, được Reuters trích lời nói rằng ông nghĩ mô hình kinh doanh của GSM không bền vững do "cơ cấu chi phí cao" và "khả năng sinh lời thấp" trên thị trường.
Với thực trạng VinFast bị thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận ròng của Vingroup giảm gần một nửa trong năm 2023 xuống còn 1,2%, Reuters cho biết.
VOA, 13/04/2024
******************************
VinFast thua lỗ làm tăng rủi ro cho Vingroup
BBC, 12/04/2024
Tập đoàn lớn nhất Việt Nam Vingroup đang phải đối mặt với những rủi ro tài chính ngày càng tăng do công ty con VinFast thua lỗ, bất chấp kế hoạch mở rộng toàn cầu đầy tham vọng.
Có tới 70% lượng xe bàn giao của VinFast trong năm ngoái thuộc về GSM, hãng điều hành taxi và cho thuê xe điện mà ông Vượng sở hữu 95% cổ phần
VinFast sẽ tiếp tục bán xe điện cho các công ty thành viên của Vingroup trong năm nay, khi hãng phải vật lộn để thu hút người mua lẻ trong bối cảnh nhu cầu xe điện trên toàn cầu chậm lại, theo phân tích của Reuters dựa trên hồ sơ chứng khoán gần đây và thông tin do công ty cung cấp.
Những phát hiện này cũng nhấn mạnh những rủi ro đối với công ty mẹ Vingroup khi VinFast lỗ tổng cộng 5,7 tỷ USD trong ba năm qua.
Giá cổ phiếu của hãng xe điện Việt Nam đã giảm 38% kể từ khi niêm yết tại Mỹ vào tháng 8/3023, trong khi số tiền đi vay tăng lên.
Theo hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ vào cuối tháng 3, VinFast nhận được 11,4 tỷ USD vốn đầu tư từ Vingroup, các công ty liên kết và nhà sáng lập làtỷ phú Phạm Nhật Vượng từ khi thành lập vào năm 2017 đến ngày 31/12/2023.
Tháng trước, VinGroup đã công bố bán cổ phần và tài sản trị giá 1,6 tỷ USD tại đơn vị bán lẻ Vincom Retail. Đơn vị bán lẻ này là một trong những cỗ máy tạo ra lợi nhuận chính của tập đoàn, bên cạnh công ty con bất động sản Vinhomes, đơn vị dù vẫn tạo ra doanh thu nhưng đang đối mặt với một thị trường bất động sản đầy khó khăn.
Vingroup nói rằng một phần số tiền thu được từ đây sẽ được chuyển cho VinFast, công ty con mà hãng cho biết có tiềm năng tăng trưởng cao hơn.
Nhưng VinFast đang gặp khó khăn ngay cả ở thị trường nội địa.
Có tới 82% trong tổng doanh thu 1,1 tỷ USD từ bán xe của VinFast là từ các công ty thuộc Vingroup hoặc thuộc sở hữu của ông Vượng, người đồng thời là Tổng Giám đốc điều hành VinFast và kiểm soát gần 98% cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ Nasdaq.
Gần như toàn bộ doanh số bán lẻ của VinFast tại Việt Nam cũng được thúc đẩy bởi các chương trình chiết khấu mạnh thông qua chiến dịch tiếp thị chung với người mua bất động sản của Vinhomes.
Mức độ phụ thuộc của VinFast vào bán hàng và tài chính từ các công ty của Vingroup chưa từng được báo cáo trước đây.
Cho đến nay, VinFast cho biết khoảng 70% lượng xe bàn giao trong năm ngoái là cho khách hàng Green SM (GSM), nhà điều hành taxi và cho thuê xe điện mà ông Vượng sở hữu 95%.
Ngoài doanh thu bán ô tô và xe máy điện trị giá 839 triệu USD cho GSM, VinFast còn có hợp đồng bán xe điện trị giá 57 triệu USD với Vinhomes, hợp đồng bán xe điện trị giá 1 triệu USD với Vingroup và xe buýt điện trị giá 7 triệu USD cho VinBus vào năm ngoái.
VinFast cũng tặng phiếu mua hàng trị giá lên tới 350 triệu đồng cho mỗi khách hàng mới mua nhà của Vinhomes vào năm ngoái. Dữ liệu cho thấy doanh số bán xe điện từ chương trình giảm giá đã tạo ra khoảng 14% doanh thu xe điện, có thể đại diện cho gần như toàn bộ doanh số bán lẻ của hãng tại Việt Nam.
Việc chiết khấu mạnh cho thấy rõ áp lực bán hàng mà VinFast đang phải đối mặt khi các dòng sản phẩm từ mẫu xe thể thao đa dụng VF8 đến crossover đa dụng VF5 vẫn chưa thu hút được sự quan tâm đáng kể từ người mua lẻ, khiến công suất đang được giữ ở mức không có lãi.
Con số 35.000 chiếc xe điện được bán ra vào năm ngoái, thấp hơn mục tiêu 50.000 chiếc, chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng công suất 300.000 xe tại nhà máy ở Hải Phòng.
Năm nay, VinFast đặt mục tiêu đạt doanh số 100.000 xe khi mở rộng trên toàn cầu.
'Không bền vững'
GSM, công ty đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng doanh số bán hàng của VinFast kể từ khi thành lập vào năm ngoái, đã ký một thỏa thuận trị giá 419 triệu USD để mua thêm 14.600 ô tô điện. Khoản này chưa từng được công bố trước đây.
Vingroup, công ty mẹ phụ trách truyền thông cho cả VinFast và GSM, cho biết hãng taxi đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng tài xế lên tới 50.000 người trong năm nay.
Không giống như các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á là Grab và Gojek, những chiếc taxi và tài xế của GSM được thêm trực tiếp vào bảng lương (tức tài xế là nhân viên của GSM và xe là do công ty sở hữu), một chiến lược giúp hãng tăng trưởng nhanh chóng nhưng cũng làm tăng chi phí.
Dữ liệu ngành cho thấy GSM chiếm 18% thị trường dịch vụ gọi xe tại Việt Nam trong quý 4/2023, xếp sau Grab.
Kengo Kurokawa, người đứng đầu công ty nghiên cứu Asia Plus, cho biết ông không nghĩ mô hình kinh doanh của GSM bền vững do cơ cấu chi phí cao và khả năng sinh lời thấp của thị trường. "Phần lớn nó chỉ có ý nghĩa khi được coi là một công cụ quảng cáo cho VinFast", ông nói.
Vingroup cho biết GSM sẽ không sinh lời ngay lập tức mà là "trước năm 2030" và bản thân các tài xế cũng có thể trở thành đối tác thay vì nhân viên nếu sở hữu xe VinFast. Tập đoàn lớn nhất Việt Nam từ chối đưa ra dự báo về doanh số bán xe dự kiến của VinFast cho GSM trong năm nay nhưng cho biết nhà điều hành taxi này đang đàm phán với VinFast "để tăng thêm quy mô đội xe của mình".
Hoạt động kinh doanh của VinFast
Giới đầu tư lo ngại
Mục tiêu tăng gần gấp ba doanh số bán xe trong năm nay của VinFast giờ đây càng khó khăn hơn do nhu cầu xe điện toàn cầu giảm mạnh, có thể buộc hãng phải tìm kiếm thêm hỗ trợ tài chính từ tập đoàn mẹ trong lúc đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo với các nhà đầu tư chiến lược tỏ ra quan tâm khi hãng niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ vào năm ngoái.
Cổ phiếu của VinFast đã giảm mạnh 97% so với mức đỉnh sau khi ra mắt thị trường, thời điểm giá trị vốn hóa của công ty này vượt qua nhà sản xuất ô tô lão làng Ford của Mỹ. Hiện nay, vốn hóa của công ty là 9,2 tỷ USD.
Với việc VinFast thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận ròng của Vingroup giảm gần một nửa trong năm ngoái xuống còn 1,2%.
"Chúng tôi hy vọng rằng mối lo ngại của các nhà đầu tư sẽ giảm dần", Vingroup cho biết và tuyên bố thêm rằng họ "sẽ thực hiện các cam kết còn lại với VinFast", rồi từ đó VinFast sẽ chuyển sang "độc lập tài chính hơn".
VinFast có kế hoạch chi tới 1,5 tỷ USD trong năm nay và tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã cam kết dùng 400 triệu USD để xây dựng các trạm sạc tại Việt Nam.
Vingroup cho biết ông Vượng cam kết đầu tư nhiều hơn vào VinFast nếu cần thiết, một chiến lược mà ông thừa nhận vào năm ngoái là không có nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế.
"Nếu vì kiếm tiền, ban lãnh đạo Vingroup không dại gì lao vào một lĩnh vực khó như sản xuất ô tô", ông Vượng nói tại đại hội cổ đông hồi tháng 5/2023.
"Vingroup quyết định làm VinFast xuất phát từ trách nhiệm xã hội và lòng yêu nước".
Nguồn : BBC, 12/04/2024
Báo chí trong nước nhấn mạnh con số doanh thu tăng 91% của VinFast, báo chí nước ngoài quan tâm nhiều hơn tới con số 2,4 tỷ USD – lỗ ròng của VinFast trong năm 2023.
Báo chí Việt Nam đưa nhiều thông tin về những hoạt động quốc tế của VinFast
VinFast, hãng xe điện đầu tiên ở Việt Nam, được cả báo chí trong và ngoài nước chú ý khi công bố báo cáo tài chính chưa kiểm toán quý 4 và cả năm 2023 vào thứ Năm (22/2). Tuy nhiên, yếu tố được quan tâm và lượng thông tin được đưa ra lại có sự khác biệt.
Báo chí trong nước tập trung vào doanh thu tăng 91% của VinFast, báo chí nước ngoài quan tâm nhiều hơn tới con số 2,4 tỷ USD lỗ ròng.
Có những lo ngại cho rằng việc này có thể dẫn đến cách nhìn nhận không toàn diện và chính xác cho công chúng, cũng như những khách hàng tiềm năng của hãng xe VinFast.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt từ Việt Nam vào ngày 25/2, cho biết ông "hết sức cẩn trọng khi nhìn những con số của VinFast".
Sự khác biệt trong cách đưa tin
Trên trang web chính thức hãng xe VinFast, thông tin liên quan tới tình hình tài chính năm 2023 được viết trong một bài viết có nhan đề "VinFast ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh trong năm 2023".
Bài đăng tiếp tục bằng nhiều gạch đầu dòng những mục "tăng trưởng mạnh", bao gồm doanh thu, biên lợi nhuận, mục tiêu giao xe năm 2024…
Vào thời điểm 9 giờ ngày 26/2/2024, bài viết này trên trang web chính thức của hãng không đề cập đến những thông tin về lỗ ròng, nợ dài và ngắn hạn, cũng như số lượng tiền mặt không đủ trả nợ mà hãng còn vào ngày 31/12/2023.
Có cái nhìn tương đồng, các tờ báo trong nước tập trung hơn vào những điểm sáng trong năm qua của VinFast.
Cụ thể, trong những bài báo của VnExpress, Thanh Niên hay Tuổi Trẻ, yếu tố được tập trung là doanh thu vượt một tỷ USD, tăng 91% so với năm 2022.
Sự gia tăng 374% so với năm trước của số lượng xe ô tô điện bàn giao cũng được đề cập.
Tuy nhiên, những con số này chỉ phản ánh phần nào tình hình kinh doanh của hãng.
Theo báo cáo tài chính năm 2023 của VinFast được đăng trên trang web của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) ngày 22/2/2024, dù doanh thu tăng trưởng 91%, lỗ ròng của hãng trong năm 2023 là 2,4 tỷ USD.
Cũng theo báo cáo, đến ngày 31/12/2023, nợ ngắn hạn và dài hạn lần lượt là hơn 5,8 tỷ USD và hơn 2,4 tỷ USD – tổng cộng nợ hơn 8,2 tỷ USD. Thời điểm cuối năm 2023, lỗ lũy kế của VinFast là 7,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, vào ngày 31/12/2023, hãng chỉ có lượng tiền mặt gần 168 triệu USD.
Đáng chú ý, theo báo cáo này, VinFast nhận được 16,5 triệu USD tài trợ từ chính phủ. Báo cáo không nói rõ là chính phủ quốc gia nào.
Dưới một bài đăng trên Facebook của VTVMoney với nội dung "VinFast công bố doanh thu gần 1,2 tỷ USD năm 2023, tăng trưởng 91%", nhiều người lại quan tâm đến con số lỗ của VinFast hơn.
"Đoạn lỗ thì không thấy bảo gì", tài khoản Facebook "Sơn Soda" bình luận.
"Vẫn còn bị lỗ dù tăng trưởng 91%. Vậy tăng trưởng đến mức nào thì sẽ hòa vốn và đến mức nào thì có lãi ? Nhờ tính giùm để biết thời điểm ôm cổ phiếu này", một tài khoản khác có tên "Quang Nguyen Huy" bình luận.
Về lượng xe bàn giao năm 2023, VinFast bàn giao 34.855 xe ô tô điện - không đạt mục tiêu 50.000 chiếc hãng đặt ra trước đó.
Trong đó, 72% lượng xe được giao tới cho các đơn vị liên kết với hãng và "chủ yếu là tới Công ty cổ phần Di chuyển xanh và thông minh (GSM)" – công ty do ông Phạm Nhật Vượng, Tổng Giám đốc VinFast, thành lập đầu năm 2023, trích thông tin được ghi trong bản báo cáo.
Trong 72.468 xe máy điện hãng giao, 46% cũng được giao tới các đơn vị liên kết với hãng và "chủ yếu là tới Công ty cổ phần Di chuyển xanh và thông minh (GSM)".
Trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu đánh giá rằng trong trường hợp này, nếu chỉ nhìn vào báo cáo tài chính của VinFast thì "bức tranh không còn hoàn hảo nữa".
"Với hàng chục ngàn xe giao cho GSM, chúng ta phải xem công ty đó [GSM] lỗ hay lời", ông thêm.
Về phần báo chí nước ngoài, cách tiếp cận có sự khác biệt.
Là một hãng xe đã thực hiện sản xuất hàng loạt, việc VinFast có số nợ lớn sau hơn sáu năm hoạt động được đánh giá là có "tình hình tài chính tệ", một nhà phân tích tài chính ẩn danh nói với BBC News Tiếng Việt trong cuộc phỏng vấn vào ngày 23/2.
Nhà phân tích này đánh giá rằng cách báo chí trong nước đưa tin có thể tạo ra "kỳ vọng ảo" cho người đầu tư.
Trên mạng xã hội, nhiều người đang so sánh VinFast với Tesla.
Dưới một bài đăng của VOA tiếng Việt, tài khoản Facebook "Nấm Độc" cho rằng "Tesla lỗ lũy kế 10 năm liên tiếp sau đó mới sinh lời. VinFast có lỗ thời điểm đầu cũng là chuyện bình thường".
Tương tự, tài khoản "Mộc Ca" cũng đưa ra nhiều dẫn chứng về sự thua lỗ của Tesla để bình luận về bài viết phản ánh con số thua lỗ của hãng xe VinFast.
Nhà phân tích tài chính ẩn danh nói trên đánh giá rằng những gì VinFast đang làm về mặt truyền thông có thể giúp làm đẹp bộ hồ sơ đầu tư để hấp dẫn những nhà đầu tư cổ phiếu.
Ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết rằng việc các doanh nghiệp áp dụng phương pháp "window dressing" (làm đẹp báo cáo tài chính) để hấp dẫn các nhà đầu tư cổ phiếu "rất là phổ biến ở Việt Nam và cả ở Mỹ".
Hiện tại, nếu nhìn vào doanh thu từ báo cáo tài chính, ông Hiếu chưa kết luận rằng hãng xe VinFast có áp dụng phương pháp window dressing hay không.
Trong trường hợp của VinFast, ông cho biết phải đợi kết quả kiểm toán của báo cáo cũng như biết "công ty kiểm toán là ai".
Ông Hiếu cũng nhắc lại về sự "tăng trưởng bất thường" của cổ phiếu VFS khi mới lên sàn chứng khoán Nasdaq.
"Sự tăng trưởng như vậy theo tôi cần phải quan sát và cẩn trọng. Báo chí trong nước xem những sự tăng trưởng đột biến như thế là tin rất vui", ông thêm.
Thời điểm đó, ông Hiếu đã lên nhiều kênh truyền thông để khuyến cáo mọi người cẩn trọng về việc dùng sự tăng trưởng này để đánh giá cổ phiếu của VinFast.
"Thái độ của tôi là hết sức cẩn trọng khi nhìn những con số của VinFast", ông nói.
Ngày 15/8/2023, cổ phiếu VFS của VinFast trong ngày đầu tiên lên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq ở Mỹ có giá 37 USD - tăng 68% so với mức giá mở cửa.
Khi đó, vốn hóa của hãng vượt mốc 85 tỷ USD, bỏ xa các hãng xe gã khổng lồ trong ngành ô tô như Ford, General Motors…
Tuy nhiên, hiện tại (26/2/2024), cổ phiếu VFS của VinFast chỉ có mức giá 5,06 USD.
‘Tặng’ tiền nhà báo
Đầu năm 2023, nhà báo Matt Farah chuyên về ô tô từng xác nhận với BBC News Tiếng Việt rằng ông được VinFast mời tới Việt Nam để trải nghiệm xe và đề nghị tặng ông số tiền 10.000 USD để ông lái thử sản phẩm.
Sự việc sau đó được ông chia sẻ trên kênh podcast "The smoking tire". Ông cho rằng điều này "thật mờ ám".
Cũng vào thời điểm đầu năm 2023, nhà báo người Mỹ Kevin Williams chia sẻ với BBC News Tiếng Việt về sự khác lạ mà ông nhận thấy trong cách làm truyền thông của VinFast.
Trong một bài viết của ông trên trang web Jalopnik - một trang web đưa tin về ngành ô tô, ông chia sẻ cách VinFast làm truyền thông khiến cho nhà báo cảm thấy như bị đe dọa.
Williams cũng nhắc về vụ ông Trần Văn Hoàng , một YouTuber chuyên về ô tô của Việt Nam, từng bị công an mời và bị VinFast kiện khi ông quay video mô tả các lỗi trên chiếc xe VinFast Lux A2.0 và đăng trên kênh YouTube GoGoTV do ông Hoàng điều hành với hơn 455.000 người đăng ký.
Trong bài viết của nhà báo John Reed trên tờ Financial Times xuất bản tháng 6/2019 có nhan đề "Sự trỗi dậy của đế chế Vingroup", ông cũng đề cập việc mình được đưa cho phong bì tiền trong một cuộc họp báo của Vsmart – một công ty khác trực thuộc Vingroup.
Nguồn : BBC, 26/02/2024
Mạng xã hội Việt Nam xôn xao khi tin tức lan khắp nơi, khi một kỹ sư tin học và phân tích tài chính Sonnie Tran, tên thật là Trần Mai Sơn, sinh năm 1986, đột nhiên bị công an đưa đi thẩm vấn với lý do "VinFast tố cáo theo điều 331". Sơn cho biết anh bị mời làm việc suốt nhiều ngày liền, từ 18 tháng 12 cho đến hết tuần này ở trụ sở của Bộ Công an nằm trên đường Nguyễn Trãi, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân mà Sơn phải làm việc với công an, là những bài viết phân tích về vấn đề tài chính cũng như hoạt động của Vinfast đủ nhức nhối đến mức khiến anh rơi vào tình trạng khó khăn này.
VinFast cáo buộc nhà phân tích Facebook lạm dụng quyền tự do ngôn luận
Tuy nhiên, theo điều tra của giới báo chí độc lập cho biết, là dường như đơn tố cáo không đặt vấn đề là những phân tích và vạch trần của anh Sơn đúng hay sai, mà anh bị điều tra là liệu có tổ chức phản động nào đứng sau những bài viết của anh không. Máy tính và điện thoại của anh đã bị tịch thu và dữ liệu đã được sao chép, truy vấn với các mối quan hệ qua mạng xã hội.
Trong ngày đầu điều tra, anh Trần Mai Sơn được Công an đưa cho xem một trang gọi là đơn tố cáo của VinFast theo điều 331. Anh Sơn nói không biết liệu công ty VinFast có ý định tranh luận hay phản bác những điều anh viết trên Facebook về những sai lầm của VinFast, nhưng anh biết chắc chắn là anh bị VinFast đưa vào tội "lợi dụng quyền tự do ngôn luận, báo chí và các quyền tự do dân chủ khác nhằm xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Một người đọc facebook nhận định về hành động này của VinFast là vô cùng kiêu ngạo, khi dùng đến công an để phủ định những quan điểm và phân tích chính xác của anh Sơn. "Vậy nếu như Sonnie Trần giúp người ta nhận ra Vinfast đang lợi dụng quyền ngôn luận và báo chí để lừa gạt người sử dụng hàng của họ thì có bị tội 331 không", người này nói.
Quan sát trang facebook cá nhân của anh Sonnie Trần, với hơn 3.000 người theo dõi, người ta thấy chứa đầy trên đó là các bài đăng luôn soi rõ những thiếu sót và điểm yếu kém trong hoạt động và sản phẩm của VinFast. Các bài viết gần đây được coi là nguyên nhân của lời "tố cáo" gồm như ‘VinFast giấu mình như thế nào’, ‘Lộ diện đầy đủ các nhà phát triển đằng sau các dòng xe của VinFast’ và ‘VF bị kiện ở Mỹ vì xe chất lượng kém’... đã gây ra nhiều tranh cãi. Các văn bản này cáo buộc rằng các dòng xe của VinFast chủ yếu được thiết kế và phát triển bởi các nhà sản xuất Ấn Độ và Trung Quốc, đồng thời công ty đang phải đối mặt với các vụ kiện có thể xảy ra ở Mỹ do thông tin sai lệch hoặc không đầy đủ. Trước đó, Sonnie Trần nói cho bạn bè biết, có những cuộc gọi thăm dò từ người của VinFast về nguồn tư liệu của anh. Thế nhưng, hầu hết là những bài báo được đăng trên các mạng báo nước ngoài.
Những người đọc Facebook của Sonnie Trần nói họ có cảm giác các bài viết phân tích về VinFast như bị "che" đi - một thuật toán về chuyện giảm tương tác của facebook mà lâu nay người Việt đã quen gặp. Nhiều người đã lưu về nhà giữ lại những bài và anh Sonnie Trần vạch ra VinFast có liên hệ với hàng loạt công ty vỏ bọc được cho là dùng để che giấu tổn thất và các giao dịch tài chính phức tạp. Những bài viết này đã được copy, và đăng lại trên một diễn đàn facebook có tên là ‘Financial Expose’, nơi có hơn 176.000 thành viên, từ đó tạo ra sự lan tỏa nhanh chóng.
Sonnie Trần nói anh không có mục đích kiếm tiền, gây hấn hay được một tổ chức nào trợ lực sau lưng mà khẳng định rằng mục đích của anh là cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư, giúp họ đánh giá rủi ro và đưa ra quyết định sáng suốt. Sonnie Trần cũng trích dẫn những vụ sụp đổ của công ty trước đây là kết quả của thông tin bị che giấu hoặc bị thao túng. Có vẻ như cáo buộc của VinFast dành cho ông Sonnie Trần là muốn đẩy ông về phía một thế lực theo phản động nào đó đang muốn chống lại một sản phẩm mang màu sắc "quốc gia yêu nước".
VinFast, được nói là thuộc sở hữu của "cá nhân giàu nhất Việt Nam" Phạm Nhật Vượng và là một phần của tập đoàn VinGroup, được thành lập vào năm 2017 và nuôi dưỡng những kế hoạch đầy tham vọng về phát triển xe điện trên toàn cầu. Tính đến tháng 11/2022, VinFast trở thành hãng ô tô Việt Nam đầu tiên xuất khẩu xe sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên lịch sử phát triển của Vinfast cũng gắn liền với những câu chuyện trấn áp, kiện tụng những người phàn nàn về sản phẩm của họ hoặc chỉ trích về hoạt động của họ mà được coi là bất minh.
Một nguồn tin riêng chưa được kiểm chứng cho biết, là anh Sonnie Trần cảm thấy khó chịu về cách hình sự hóa sự việc của công ty VinFast, và có dự định mời luật sư để khởi kiện ngược lại công ty này về cách đã nguỵ tạo lời tố cáo, mượn tay công an để tạo áp lực với anh.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 21/12/2023
***************************
Facebooker Sonnie Tran hay phân tích về VinFast bị công an câu lưu trong hàng chục giờ
VOA, 20/12/2023
Một Facebooker thường viết bài phân tích về tình hình hoạt động và tài chính của hãng VinFast mới bị công an tạm giữ, chất vấn ở thành phố Hồ Chí Minh trong hàng chục tiếng đồng hồ, một nguồn tin nắm vấn đề cho VOA biết.
Hôm 20/12, Facebooker Phuong Ngo đăng ảnh chụp chung với Facebooker Sonnie Tran.
Theo nguồn tin, từ tối 18/12, ông Trần Mai Sơn, 37 tuổi, chủ tài khoản Facebook có tên Sonnie Tran, bị các nhân viên công an buộc phải đi theo họ về trụ sở của Tổng cục Cảnh sát phía Nam thuộc Bộ Công an, nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận 1, Tp.HCM.
Ông Sơn phải “làm việc” với công an ở đó hai lần trong các ngày từ 18 đến 20/12, với tổng thời gian lên đến khoảng 35 giờ, nguồn tin không muốn nêu danh tính cho hay.
Khi VOA liên lạc được với ông Sơn, ông chỉ nói ngắn gọn rằng ông không muốn thảo luận về vấn đề này vì không muốn gặp rắc rối thêm nữa.
Trong khi đó, nguồn tin ẩn danh nói rằng phía công an thông báo với ông Sơn rằng ông bị hãng ô tô VinFast cáo buộc là các bài viết của ông trên mạng xã hội có nội dung tiêu cực gây tác động xấu đến hãng, vi phạm vào Điều 331 trong Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Điều luật này viết rằng những ai “lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí” và một loạt các quyền tự do dân chủ khác “xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” sẽ bị phạt các mức từ cảnh cáo cho đến ngồi tù từ 6 tháng tới 7 năm, tùy mức độ vi phạm.
Công an đã chất vấn ông Sơn có động cơ gì khi viết bài mổ xẻ về tình hình VinFast và có tổ chức, hội nhóm nào đứng sau việc làm của ông không. Công an cũng thu giữ một số đồ điện tử của ông Sơn và sao chép dữ liệu từ các thiết bị này, nguồn tin nắm được diễn biến chia sẻ lại với VOA.
VOA cố gắng liên lạc với trụ sở của Tổng cục Cảnh sát phía Nam nhưng không kết nối được. VOA gửi email tới hãng VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng để hỏi xem hãng có liên quan như thế nào đến sự việc được nguồn tin kể lại như nêu trên, nhưng hãng chưa có hồi đáp tính đến lúc bài này được đăng.
Theo quan sát của VOA, trang Facebook mang tên Sonnie Tran của ông Sơn có tổng cộng hơn 3.000 người theo dõi, bao gồm gần 1.000 người bạn. Ông Sơn tự giới thiệu trên trang rằng ông làm việc cho CapIgnite, một nền tảng gọi vốn cộng đồng có mục đích giúp các hãng khởi nghiệp gọi vốn từ các nhà đầu tư vào tiền điện tử mã hóa hoặc các nhà đầu tư khác.
Trang của ông có hàng loạt bài viết về các vấn đề, khiếm khuyết, nhược điểm trong hoạt động cũng như trong các sản phẩm của VinFast, nổi bật là 3 bài viết gần đây có tên “VinFast Đã Giấu Mình Như Thế Nào?” hôm 4/12, “Lộ Diện Đầy Đủ Các Bên Phát Triển Các Dòng Xe VinFast, Hoàn Toàn Không Phải Vinfast Như Tuyên Bố” hôm 28/11, và “VF Bị Kiện Ở Mỹ Vì Xe Chất Lượng Kém” hôm 27/11.
Ông Sơn nêu trong các bài viết rằng ông chỉ tổng hợp, chắt lọc các thông tin được trích dẫn từ chính các báo cáo của VinFast, bên cạnh đó là các tài liệu nước ngoài như hồ sơ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của hãng Tata, Ấn Độ; hồ sơ IPO của LongChuan, Trung Quốc; và trang web của UniCourt.
Chỉ riêng trong 3 bài viết kể trên, ông Sơn chỉ ra rằng các dòng xe của VinFast thực chất là do các cơ sở thuộc các hãng Ấn Độ và Trung Quốc thiết kế, phát triển; ngoài ra, hãng xe của tỷ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng đang đối mặt nguy cơ bị kiện ở Mỹ vì đưa ra thông tin sai hoặc không tiết lộ đầy đủ thông tin; và đáng chú ý nhất, hãng này gắn với một loạt các công ty “vỏ bọc” che giấu các khoản lỗ và các luồng luân chuyển tài chính hết sức phức tạp.
Những bài viết nổi bật của ông Sơn cũng được đăng lại trong diễn đàn trên Facebook có tên “Bóc phốt tài chính” gồm hơn 176.000 thành viên, thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác gồm các phản ứng yêu thích, chia sẻ và nhiều lời bình luận.
Trên cả trang cá nhân lẫn trong diễn đàn, ông Sơn đều thể hiện quan điểm rằng ông viết các bài về VinFast chỉ nhằm cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư tự xem xét, cân nhắc các rủi ro mà rút ra quyết định. Ông liên hệ đến thực tế đã có những vụ đổ vỡ doanh nghiệp lớn như FLC, Vạn Thịnh Phát-SCB… vì thông tin bị giấu giếm, bị thao túng nên các nhà đầu tư không nắm được tình hình.
VinFast được tỷ phú Phạm Nhật Vượng, chủ tập đoàn Vingroup và là người giàu nhất Việt Nam, thành lập vào năm 2017 và tuyên bố nhiều kế hoạch phát triển xe ô tô điện đầy tham vọng ở nước ngoài. Hãng này trở thành nhà sản xuất xe hơi đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu xe vào thị trường Mỹ hồi tháng 11/2022.
Hồi giữa tháng 8 năm nay, VinFast được niêm yết trên Nasdaq, Mỹ, sau khi hoàn tất thương vụ sáp nhập với Black Spade, một công ty mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC), hay còn gọi là công ty séc khống.
Đến tháng 11, như VOA đã đưa tin, hãng luật Robbins Geller, một trong những công ty khởi kiện hàng đầu của Mỹ công bố họ điều tra về những vi phạm có thể xảy ra của VinFast theo luật chứng khoán của Hoa Kỳ.
Cuộc điều tra sẽ “tập trung vào việc liệu VinFast và một số giám đốc điều hành hàng đầu của hãng có đưa ra những tuyên bố sai trái và/hoặc gây hiểu lầm và/hoặc không tiết lộ thông tin quan trọng cho các nhà đầu tư hay không”, theo thông cáo của Robbins Geller.
Hãng luật Mỹ này kêu gọi công chúng nếu có thông tin có thể hỗ trợ cho cuộc điều tra, hoặc nếu là nhà đầu tư của VinFast bị thua lỗ và muốn tìm hiểu thêm về cuộc điều tra hãy liên hệ với Robbins Geller.
Một đại diện của VinFast nói trên báo chí Việt Nam hôm 17/11 rằng việc kiện tụng là “hết sức bình thường” và hãng “luôn sẵn sàng đối diện”.
Nguồn : VOA, 20/12/2023
‘Hỗn loạn, khó đoán định’
Chỉ trong vòng 5 năm, VinFast đã sản xuất và đưa được ô tô điện của họ lăn bánh trên đường phố. Hãng xe điện khởi nghiệp của Việt Nam cũng đã bắt đầu xây nhà máy ở Mỹ và giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq ở New York.
CEO toàn cầu của VinFast Lê Thị Thu Thủy và nhiều thành viên của công ty ăn mừng khi cổ phiếu của hãng xe khởi nghiệp Việt Nam chính thức lên sàn giao dịch Nasdaq ở New York, Mỹ, hôm 15/8.
Nhưng hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã gặp nhiều vấn đề trong việc mở rộng sản xuất toàn cầu, trong đó có sự đảo lộn chiến lược cùng sự ra đi hàng loạt của những lãnh đạo cấp cao. Theo mô tả của một số cựu nhân viên từ Mỹ, Việt Nam và Ấn Độ, từng làm việc cho VinFast, môi trường làm việc tại đây thường xuyên có sự thay đổi nhân viên và mục tiêu kế hoạch.
‘Áp lực cao’
Nền văn hóa làm việc "không ngừng nghỉ" và những "bất đồng" trong lựa chọn chiến lược là lý do ông Hùng (*) quyết định rời VinFast sau gần 3 năm làm việc ở chi nhánh của công ty tại Mỹ.
Từng giữ vai trò cấp cao trong bộ phận bán hàng và tiếp thị tại VinFast Hoa Kỳ, ông Hùng cho VOA biết ông gia nhập hãng xe vì "rất hào hứng được tham gia vào dự án đầy tham vọng nhằm đưa Việt Nam nổi lên trong ngành công nghiệp ô tô và xe điện toàn cầu".
Nhưng dù có một số khía cạnh bổ ích trong công việc, ông Hùng cho biết trải nghiệm thực tế khó khăn hơn ông dự đoán.
"Khi ở VinFast, tôi đã chứng kiến tỷ lệ thay đổi nhân viên đáng lo ngại," ông Hùng cho VOA biết qua email. "Nhiều chuyên gia tài năng đã chọn ra đi hoặc bị sa thải".
Còn theo lời kể của 9 cựu nhân viên với Rest of World dưới điều kiện ẩn danh do sợ bị công ty này trừng phạt, làm việc tại VinFast "không dành cho những người yếu tim". Nói với tờ báo vốn tập trung đưa tin về công nghệ ở các nước đang phát triển, những cựu nhân viên này cho biết, từ những mục tiêu luôn thay đổi cho đến những hình phạt khắc nghiệt, nhà sản xuất xe điện Việt Nam nuôi dưỡng nền văn hóa làm việc áp lực cao mà họ cho là "bình thường hóa việc sa thải" và "kiệt sức".
James, một cựu nhân viên đã được đổi tên do sợ bị VinFast trả thù, nói với Rest of World rằng ông đã chứng kiến nhiều đồng nghiệp nước ngoài tại hãng xe nghỉ việc hoặc bị sa thải. Đến từ Mỹ, ông James gia nhập đội ngũ tiếp thị của VinFast khoảng một năm sau khi nhà sản xuất xe điện của Việt Nam sa thải một loạt giám đốc điều hành.
Giám đốc điều hành người Đức Michael Lohschellertừ chức chỉ sau 5 tháng gia nhập công ty và ít nhất bốn giám đốc điều hành hàng đầu khách cũngnhanh chóng ra đi sau đó.
Một cựu quản lý cấp trung tại nhà máy sản xuất của VinFast ở Hải Phòng, được đặt tên Thảo, cũng nói với Rest of World rằng ông chứng kiến nhiều quản lý phương Tây đã ra đi.
"Rất nhiều người đã ra đi, nhiều người đến và đi. Ai không làm được thì ra đi," người này nói với tờ báo Mỹ.
"Kiệt sức"
"Đáng tiếc, văn hóa làm việc áp lực cao ở VinFast, như các cựu nhân viên khác mô tả, là một minh chứng chính xác," ông Hùng nói với VOA. "Việc sa thải thường xuyên và tình trạng kiệt sức của nhân viên đã trở thành bình thường, tạo ra một môi trường căng thẳng mà cuối cùng lại phản tác dụng".
Hồi tháng 3 vừa qua, ba giám đốc điều hành hàng đầu người Mỹ tại VinFast đã thôi việc trong cùng một tuần. Phó giám đốc điều hành phụ trách sản xuất toàn cầu của công ty, Micheal Johnson, trong tháng này đã xác nhận với Rest of World rằng ông cũng đã rút lui và "không giám sát các hoạt động hàng ngày ở Việt Nam hoặc Hoa Kỳ nữa" trong khi vẫn còn là thành viên của hội đồng quản trị.
Phản hồi các câu hỏi của VOA, hãng xe điện Việt Nam nói rằng "mỗi doanh nghiệp đều có chính sách của công ty đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nơi làm việc hoạt động hiệu quả, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn như VinFast và Vingroup". Đại diện của công ty cho biết trong một email gửi cho VOA rằng họ "tạo cơ hội cho mọi cá nhân phát triển sự nghiệp tại VinFast".
Ông Hùng cho VOA biết, tại VinFast, ông được làm việc với "nhiều cá nhân có tay nghề cao trong ngành công nghiệp ô tô và xe điện". Tuy nhiên theo ông Hùng, người thôi việc ở VinFast trong năm nay, "môi trường làm việc bị ảnh hưởng nặng nề bởi ban lãnh đạo người Việt Nam của công ty, trong đó các quyết định quan trọng được tập trung và phải tuân thủ tuyệt đối các chỉ thị cấp cao nhất".
Phong cách quản lý mà ông Hùng gọi là "ra lệnh và kiểm soát" này, cùng với "sự khác biệt về văn hóa và lỗ hổng trong kiến thức bán lẻ ô tô, đã tạo ra sự phức tạp đáng chú ý". Tuy nhiêu, ông Hùng không cho biết cụ thể sự phức tạp đó là gì.
Còn một kỹ sư người Việt từng làm việc cho VinFast trong 5 năm, được Rest of World đặt tên là Luân, cho biết người nước ngoài được đưa đến công ty để "nuôi dưỡng và xây dựng đội ngũ kỹ sư Việt Nam". Người này nói rằng các kỹ sư Việt Nam có nhiệm vụ học hỏi "nhanh nhất có thể" từ những kỹ sư nước ngoài "để bạn có thể tiếp tục khi họ không còn làm việc cho VinFast nữa".
Ông Luân cho biết ông làm việc nhiều giờ, có khi lên tới 50-60 giờ một tuần và thường xuyên ăn ngủ tại nhà máy.
Các nhân viên cũ cho Rest of World biết họ cũng phải vật lộn với các kế hoạch và mục tiêu luôn thay đổi của công ty. Ông Akshay nói rằng ông đã làm việc với 6 kỹ sư trưởng khác nhau trong 2 năm làm việc tại VinFast.
"Công ty đặt ra một mục tiêu. Nhưng rồi họ cứ thay đổi từng ngày," ông Akshay nói. "Họ sẽ thay đổi thông số kỹ thuật, họ sẽ thay đổi mục tiêu. Vì vậy không có gì là ổn định".
Ông Hùng khẳng định với VOA về sự thay đổi thường xuyên các mục tiêu ở VinFast và cho rằng việc này "đặt ra những thách thức đáng kể".
"Sự thay đổi liên tục này đã tạo ra sự nhầm lẫn và bất ổn, gây khó khăn cho việc thực hiện hiệu quả các chiến lược dài hạn," ông Hùng nói.
Theo ông Akshay, nhiều kỹ sư Ấn Độ bị thu hút đến Việt Nam với mức lương hấp dẫn. Ông cho Rest of World biết rằng nếu ở Ấn Độ "nếu họ được trả 1.000 USD mỗi tháng thì VinFast sẽ trả cho họ gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba số tiền đó". Tuy nhiên, theo ông Akshay, không có gì chắc chắn về thời gian làm việc được trả lương cao này có thể kéo dài bao lâu. Ông cho biết các vụ "sa thải" là rất phổ biến trong thời gian ông làm việc tại đây và đưa ra ví dụ một nhân viên công nghệ thông tin bị đuổi việc chỉ vì đến cuộc họp muộn 5 phút.
Các đánh giá về VinFast và môi trường làm việc ở đây trênGlass Door, một trang web của Mỹ nơi các nhân viên đương nhiệm và cựu nhân viên đánh giá ẩn danh về các công ty, cũng cho thấy những nhận xét tương tự.
Một số nhân viên, gồm cả những người đã và đang làm việc tại đây, cho biết trên trang web –nơi có hàng triệu người sử dụng để tìm kiếm thông tin "trực tiếp từ nguồn" trước khi xin việc làm – rằng môi trường làm việc áp lực cao, khó đoán định và thậm chí hỗn loạn vì những thay đổi thường xuyên.
Nói với VOA, ông Hùng cho biết ông cũng có những trải nghiệm tương tự những gì mà các cựu nhân viên khác bày tỏ.
"Môi trường không thể đoán định trước, với cảm giác không ổn định về đảm bảo công việc," ông Hùng nói và cho rằng điều này "có hại cho tinh thần và hiệu suất của nhân viên".
‘Đào thải qua sa thải’
Một cựu nhân viên văn phòng làm việc tại VinFast gần hai năm, được đặt tên là Hoa, cho Rest of World biết dù doanh thu cao nhưng công việc của họ không được đảm bảo.
"Chúng tôi nói với nhau rằng môi trường làm việc tại VinFast và Vingoup là môi trường đào thải [thông qua sa thải] và là môi trường đòi hỏi nhân viên phải đa kỹ năng chứ không chỉ giỏi chuyên môn," bà Hoa nói.
Vingroup, tập đoàn mẹ của VinFast, thường đóng cửa hoặc bán bớt các dự án kinh doanh mới được cho là không hiệu quả ngay khi chúng được thành lập. Được ca ngợi là tập đoàn cung cấp dịch vụ cho người Việt suốt cả một vòng đời – từ khi sinh ra đến khi chết đi, Vingroup đã bán chuỗi siêu thị Vinmart, đóng cửa trang thương mại điện tử Adayroi và nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vinsmart. Năm 2021, VinFast đóng cửa trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Australia, nơi đã tuyển dụng gần 100 nhân viên. Công ty cũng đã rao bán một đường chạy thử ô tô mà họ đã mua với giá hơn 30 triệu đô la Úc (hơn 20 triệu USD) vào năm trước.
Trái ngược với những nhân viên nước ngoài, các cựu nhân viên Việt Nam cho Rest of World biết họ có niềm tự hào dân tộc khi làm việc cho VinFast và cho mục tiêu mà chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đặt ra là xây dựng VinFast thành một trong những hãng xe điện hàng đầu thế giới.
Một cựu nhân viên làm việc trong bộ phận sản xuất xe máy điện của VinFast, có tên Tiến, nói rằng ông "là một người yêu nước" và "muốn thấy một lĩnh vực sản xuất đứng vững" ở Việt Nam.
"VinFast cần bắt kịp với các quốc gia đã có thời gian phát triển sản phẩm của họ," ông Tiến nói. "(Do đó) thức cả ngày lẫn đêm (để làm việc) là chuyện bình thường".
Bất chấp những thách thức, gồm áp lực làm việc cao và môi trường căng thẳng cùng sự thay đổi liên tục, ông Hùng cho biết rằng ông đã có được cơ hội phát triển trong thời gian làm việc tại VinFast.
"Việc phải điều chỉnh trong một môi trường thường xuyên biến động đã giúp tôi nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng phục hồi của mình," ông Hùng nói.
Trong email gửi VOA, đại diện công ty cho biết họ tin rằng "những người chia sẻ tầm nhìn và mục tiêu của VinFast xứng đáng có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp cùng công ty".
Việc mở rộng sản xuất cho tham vọng toàn cầu của hãng xe khởi nghiệp Việt Nam vấp phải nhiều khó khăn khi lô hàng ô tô điện đầu tiên, gồm 999 xe, của VinFast xuất sang Mỹ đã bị triệu hồi do "lỗi phần mềm". Một hồ sơ pháp lý gần đây tiết lộ rằng khoản lỗ ròng của VinFast đã tăng lên 599 triệu USD trong quý đầu tiên của năm nay, theo Rest of World.
Nhưng bất chấp sự hoài nghi từ các nhà quan sát và công chúng, VinFast vẫn tiếp tục với kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất xe điện ở Mỹ sau vài lần trì hoãn khi đã động thổ ở North Carolina. Sau nhiều lần trì hoãn, VinFast đã niêm yết trên sàn chứng khoán của Mỹ thông qua một công ty séc khống cho mục tiêu huy động hơn 2 tỷ USD. Tuy nhiên, cổ phiếu của VinFast đã sụt giảm nhanh chóng sau khi tăng hơn 180% khi mới lên sàn hồi giữa tháng trước.
Theo ông Hùng, xây nhà máy và niêm yết tại Mỹ là "chiến lược mở rộng toàn cầu táo bạo" của VinFast. Nhưng ông Hùng cho rằng VinFast cần phải giải quyết các vấn đề về "văn hóa của công ty, chất lượng sản phẩm và chiến lược hoạt động" thì mới có thể "đảm bảo thành công bền cũng tại những thị trường đầy thách thức mới này".
Vào năm 2016, ông Vượng, cũng là tỷ phú giàu nhất Việt Nam và nắm giữ đến 99% cổ phần của VinFast, nói rằng ông dự đoán một số khó khăn cho công ty và cho rằng "có chỗ chưa hoàn hảo, chưa tốt" nhưng "không sao" vì nếu sai sẽ sửa và "sẽ lớn khôn hơn".
Nguồn : VOA, 24/09/2023
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi vì lý do người được phỏng vấn không muốn tiết lộ danh tính)
Đó là tựa đề rất sốc của nhà báo Chris Bryant, người phụ trách chuyên mục Quan điểm của tờ Bloomberg, chuyên đưa tin về các công ty công nghiệp ở Châu Âu. Trước đây, ông là phóng viên lâu năm của tờ Financial Times. Bài viết xuất hiện như mộtkhoảng lặng đáng suy ngẫm giữa lúc tiếng hò reo và sự ủng hộ không ngớt của giới truyền thông Việt Nam nhưng lại thiếu một cách lạ lùng những nhận định hay dự đoán chuyện nghiệp nào về tương lai.
Logo hiệu xe VinFast- Silly. Ảnh : Nhac Nguyen/AFP - Ảnh minh họa
Nhà báo Chris Bryant nhận định không ngại ngùng : Cú bơm thổi chứng khoán của Vinfast rồi sẽ đi đến đoạn cuối. Bài viết trên Bloomberg là một kết luận chắc nịch như vậy.
Vài ngày trước, 28/8, Bloomberg cũng đã làm một động tác không nể mặt, khi rút tên ông Phạm Nhật Vượng ra khỏi danh sách 500 người giàu nhất hành tinh, ngay khi giá cổ phiếu của Vinfast/VFS tăng lên mức trên $85, cao thêm 25% so với giá của hôm 25/8.
Giống như những kết quả những trận túc cầu, truyền thông của nhà nước và giới mộ tín Vinfast hò reo hể hả. Nhưng hầu hết là đưa tin, mà không có bất kỳ sự phân tích nào về thị trường chứng khoán - có lẽ vốn vẫn còn quá mới mẻ hay mù mờ với người dân Việt. Suốt nhiều ngày, dù không nói thẳng, nhưng sự ngây ngất tựa như một chiến thắng thần thánh của Hà Nội trên chiến trường tư bản đang bùng nổ. Ông Phạm Nhật Vượng được nhắc tên như một thần tượng đương thời của giới trẻ xã hội chủ nghĩa. Nhiều trang tin ở Việt Nam bao gồm cả CafeF, Tài Chính Doanh Nghiệp, Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ, Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh… bừng bừng với dòng tin tạm thời, viết rằng với $160 tỷ giá trị vốn hóa hiện có, hãng VinFast của "Việt Nam vô địch", giờ đây đã đứng trên các đối thủ tư bản kỳ cựu như Porsche, Mercedes, BMW, Volkswagen, Stellantis, Ferrari, Honda, Ford, GM, Hyundai…
Thế nhưng những con sói già của Phố Wall thì nhìn sự kiện này với tầm nhìn không có màu hồng. Nhà báo Chris Bryant nhấn mạnh "Khi nhà sản xuất xe điện Việt Nam VinFast Auto thông báo kế hoạch niêm yết công khai tại Mỹ hồi tháng 5, tôi đã nói rằng thỏa thuận được định giá cao này đánh dấu sự trở lại của sự ngớ ngẩn trong chuyện cổ phiếu biến động, do số lượng cổ phiếu có sẵn để giao dịch thấp".
Ngớ ngẩn là những cách mô tả quá nhẹ nhàng. Sau khi hoàn tất thương vụ sáp nhập tạm thời vào đầu tháng này, giá trị vốn hóa thị trường của VinFast đã tăng vọt lên trên $160 tỷ vào thời điểm đóng cửa ngày thứ Hai (28/8) - khiến VinFast trở thành nhà sản xuất ô tô có giá trị thứ ba trên thế giới, sau Tesla Inc và Toyota Motor Corp.
Tương tự, doanh nhân Phạm Nhật Vượng trở thành một trong những người giàu nhất thế giới – thật đơn giản, bởi vì các đơn vị mà ông kiểm soát sở hữu gần như toàn bộ cổ phần của VinFast.
Tuy nhiên, những giá trị trên giấy tờ này về cơ bản là vô nghĩa và có thể sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Chỉ một phần rất nhỏ trong số 2,3 tỷ cổ phiếu được đưa ra để giao dịch. Rõ là không mất nhiều thời gian để bơm một chiếc phao nhỏ và những người chơi chứng khoán đã vui vẻ tận dụng lợi thế. Trong những phiên giao dịch gần đây, toàn bộ số cổ phiếu này đã được đổi chủ trong một ngày và vì vậy, giá trị số cổ phiếu đó cũng đã tăng khoảng 8 lần.
Vốn là một nhà quan sát dày dặn, Chris Bryant nhận định rằng mặc dù phần lớn cổ phiếu VinFast vẫn chưa thể bán hết, nhưng rõ là những người đầu cơ VinFast đang chơi với lửa : Vấn đề tài chính của hãng xe này rất kém, và các sản phẩm đưa ra thì bị đánh giá gay gắt.
Nhà báo Chris Bryant vạch rõ vì sao có chuyện thao túng giá cổ phiếu của Vinfast, và mục đích để làm gì. Những người thực hiện giao dịch này – VinFast và Black Spade Acquisition Co. có trụ sở tại Hồng Kông – hẳn nhiên đã đoán trước chuyện cổ phiếu có thể tăng giá với trò thao túng kiểu như vậy.
"Tôi bắt đầu viết về các công ty low-float được hỗ trợ niêm yết IPO cách đây hai năm. Kể từ đó, đã có một số trường hợp các công ty được có spac (**) chống lưng để ra mắt công chúng với số lượng cổ phiếu nhỏ và sau đó tăng giá một cách ngắn ngủi - trong một số trường hợp, chỉ làm giàu riêng cho những người có liên quan đến công ty", Chris Bryant nhấn mạnh, "Nguyên nhân luôn luôn là như nhau - số lượng lớn cổ đông spac yêu cầu hoàn lại tiền thay vì đóng góp vào việc sáp nhập. Bằng cách hoàn lại, cổ đông spac đang nói thẳng rằng : Chúng tôi không thấy có định giá gì hấp dẫn. Bằng cách đấu giá tăng giá sau khi sáp nhập hoàn thành, các nhà đầu tư bán lẻ cũng đang huỵch toẹt rằng : này, chúng tôi không quan tâm số phận của cái sản phấm ấy ra sao.
Trong trường hợp của VinFast, 92% cổ đông đã chế giễu giá trị vốn chủ sở hữu được cho là $23 tỷ và yêu cầu hoàn lại. Vì số lượng ít cổ đông ủng hộ thỏa thuận, các nhà sáng lập của Black Spade đã buộc phải cung cấp một hỗ trợ tài chính để đảm bảo số tiền tối thiểu đã thỏa thuận là $30 triệu được gọi về".
Những lần chuyển đổi cổ phiếu để nâng giá đó đã để lại chỉ còn 1,3 triệu cổ phiếu, tuy nhiên có thể hiện tại có thêm : Báo cáo này cho thấy gần 3 triệu cổ phiếu đã được giải phóng khỏi hạn chế lock-up vào đầu tháng này theo thỏa thuận chung giữa VinFast và nhà tài trợ spac.
Gần 15 triệu quyền mua cổ phiếu VinFast cũng sẽ sớm trở thành có thể thực hiện, bao gồm cả những quyền mua của Black Spade, nhưng ngoại trừ đó, cổ phiếu của nhà tài trợ spac bị khóa trong vòng một năm, trong khi của Vượng bị khóa trong vòng 180 ngày, theo bản mô tả.
Lý thuyết, VinFast có thể cố gắng tận dụng giá trị thị trường cổ phiếu cao thông qua một đợt phát hành phụ - công ty chắc chắn cần tiền. Công ty chỉ có $159 triệu tiền mặt vào cuối tháng Ba và gần $6 tỷ lỗ tích luỹ. Tuy nhiên, việc bán nhiều cổ phiếu hơn có thể làm giảm giá vì một lượng cổ phiếu lớn hơn sẽ làm khó khăn hơn trong việc ép giá.
Cách vốn hóa thị trường leo lên đến $190 tỷ của VinFast khiến cách tính toán có vẻ như là một bước đi có vẻ thông minh, nhưng có lẽ nó sẽ không còn được như vậy, trong vài tháng tới.
"Tôi đặt câu hỏi rằng, liệu thị trường vốn Mỹ có được bình ổn bởi các công ty niêm yết chơi trò đưa ra số lượng cổ phiếu nhỏ như vậy hay không ? Bên cạnh đó, cách ham hố nhất thời của những người chơi cổ phiếu dẫn đến mất mát là không thể tránh. Đến giờ này, họ nên đã quen với việc các nhà sản xuất xe điện được hỗ trợ bởi spac tăng lên như diều gặp gió và sau đó chìm xuống như viên đá. Nhưng sao họ vẫn không học được gì nhỉ ?", Chris Bryant kết luận.
Theo Chris Bryant
Nguyên tác : "VinFast SPAC Silliness Will End in Tears", Financial Times, 28/08/2023
Tuấn Khanh tóm lược
Nguồn : RFA, 30/08/2023
(*) Low-float : tức là cổ phiếu thả nổi thấp, là những cổ phiếu có số lượng thấp. Cổ phiếu thả nổi được tính bằng cách trừ đi số cổ phiếu nắm giữ, và cổ phiếu bị hạn chế từ tổng số cổ phiếu đang lưu hành của công ty. Cổ phiếu nắm giữ là cổ phiếu thuộc sở hữu của người nội bộ, cổ đông lớn và nhân viên.
(**) SPAC (Special Purpose Acquiring Company) là một phương thức đặc biệt có thể giúp các doanh nghiệp rút ngắn thời gian lên sàn Mỹ. SPAC được niêm yết trước tại các sàn giao dịch chứng khoán lớn, do một nhóm nhà đầu tư thành lập để đi huy động vốn rồi sau đó tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Giá cổ phiếu của VinFast tăng liên tục trong những ngày qua là do số cổ phiếu lưu hành quá ít trong khi nhu cầu cao, một chuyên gia về chứng khoán nói với VOA, và ông dự đoán cổ phiếu VFS sẽ nguội trong thời gian tới nếu có hàng tung ra thị trường.
Cổ phiếu VinFast hôm 29/8 đã tăng 20% lên 82,35 đô la vào lúc đóng cửa thị trường. Như vậy, kể từ khi ra mắt trên thị trường Nasdaq ở New York hôm 15/8, cổ phiếu VFS đã tăng gần gấp 7 lần, Bloomberg cho biết.
Với mức giá như vậy, ở thời điểm đó, giá trị vốn hóa thị trường của VinFast, về lý thuyết, là khoảng 190 tỷ đô la, cao hơn so với 111 tỷ của Goldman và 137 tỷ của Boeing, và gấp khoảng 10 lần Walgreens, chuỗi nhà thuốc hàng đầu của Mỹ. Mức định giá này của VinFast cũng cao hơn một nửa các công ty nằm trong chỉ số công nghiệp Dow Jones, vẫn theo Bloomberg.
Theo hãng tin này, đà tăng mạnh mẽ của cổ phiếu VinFast diễn ra trong lúc thị trường chứng khoán Mỹ nhìn chung đã hạ nhiệt. Hãng xe điện này đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nhỏ lẻ vốn nhắm vào cổ phiếu của các hãng xe điện, trong khi số lượng cổ phiếu lưu hành thấp cũng giúp củng cố đà tăng của VFS.
Dữ liệu từ hãng Vanda Research cho thấy sự quan tâm của các nhà giao dịch cá nhân đối với cổ phiếu VFS bắt đầu tăng lên hồi tuần trước. Nhóm nhà đầu tư này trước đây đã từng thúc đẩy đà cổ phiếu của những công ty như Nikola và Rivian.
Mặc dù mức định giá cực đoan như vậy không phải là bất thường đối với các công ty khai thác công nghệ mới – chẳng hạn như cơn sốt trí tuệ nhân tạo – việc VinFast tiến đến mốc 200 tỷ đô la trong giá trị vốn hóa thị trường chỉ trong 10 ngày giao dịch là một hiện tượng. Để so sánh, Tesla, hãng xe điện dẫn đầu thị trường, phải mất hơn 3.600 phiên giao dịch mới đạt được mốc đó, trong khi hãng sản xuất chip Nvidia vốn cần thiết cho AI đã phải trải qua hơn 7.700 phiên giao dịch.
Mất cân đối cung-cầu
Trao đổi với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tuấn, nhà đầu tư chứng khoán lâu năm và cũng là chuyên gia môi giới chứng khoán của công ty chứng khoán Techcombank (TCBS) lý giải về đà tăng của cổ phiếu VFS này như sau : "Nhìn chung mức tăng của VinFast hơi điên rồ và theo tôi nhận định VinFast có thể được định giá hơi quá cao so với thực tế".
Theo phân tích của chuyên gia này, doanh số bán xe của VinFast ở Việt Nam hiện ở mức 22.000 chiếc, tức là ‘không quá nổi bật so với Tesla hay BYD (hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc)’, trong khi VinFast lại đang bị lỗ so với Tesla đã có lợi nhuận rồi mà giá trị vốn hóa của Tesla, hiện là hơn 700 tỷ đô la, chỉ gấp hơn 3 lần của VinFast mà thôi.
Ông Tuấn cũng so sánh VinFast với trường hợp cổ phiếu của Nvidia, hãng sản xuất chip cho trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới với vị thế gần như độc tôn và doanh số tăng gần như đột biến thì giá trị của nó ‘cũng chỉ tăng khoảng 200%’.
Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán Mỹ những chuyện gia tăng điên rồ như vậy ‘đã từng xảy ra rồi’, theo lời ông Tuấn. Ông dẫn chứng như trường hợp cổ phiếu của Tesla, Zoom hay GameStop trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
Khi được hỏi về khả năng cổ phiếu VFS bị thao túng hay làm giá, ông Tuấn nói ông ‘không chắc’ nhưng việc VFS tăng giá phi mã trong thời gian qua là ‘do mất cân bằng giữa bên mua và bên bán’.
"Một phần VFS tăng như vậy là vì cổ phiếu cô đặc, phần lớn cổ phần nằm trong tay các tổ chức lớn, số cổ phiếu trôi nổi nằm trong tay các nhà đầu tư nhỏ lẻ khá khiêm tốn, đâu đó chỉ vào khoảng hàng triệu cổ phiếu thôi, trong khi số cổ phiếu đăng ký lưu hành là hơn 2,3 tỷ", ông lý giải.
Ông nói ví von VFS tăng theo kiểu ‘cổ phiếu bán ra bao nhiêu thì họ gom vào hết bấy nhiêu’ và số lượng cổ phiếu giao dịch đó chủ yếu là từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ. "Mọi người cứ tranh nhau mua nên đặt giá cao để mua", ông nói và chỉ ra trong phiên giao dịch ngày 25/8 chỉ có 8 triệu lượt cổ phiếu VFS được giao dịch, tức là chỉ có 4 triệu cổ phiếu đã được mua hay bán.
"Giả sử như tất cả 2,3 tỷ cổ phiếu đó giao dịch hết thì VinFast không có chuyện tăng giá như vậy được", vẫn lời chuyên gia này.
‘Đầu cơ, không nên đầu tư’
Về lý do các nhà đầu tư săn đón cổ phiếu VFS như hiện nay, ông Tuấn cho rằng ‘là để đầu cơ, lướt sóng’ trong ngắn hạn để tận dụng đà tăng như hiện nay.
"Sau phiên đầu tiên VFS tăng lên 37 đô, rồi phiên tiếp theo giảm xuống còn 20 đô, tôi đã nói với bạn bè là VFS có thể tăng lên nữa vì số cổ phiếu trôi nổi thấp, chỉ cần có nhiều người đặt lệnh mua thì nó sẽ tăng. Xem những kết quả trong những phiên vừa qua thì giá VFS sắp tới có thể tăng lên đến 100 hoặc hơn", ông nói.
Ông cho rằng mức giá VFS hiện nay nhà đầu tư vẫn có thể đầu cơ và vẫn có thể mua vào được nếu số lượng mua ít vào khoảng vài ngàn cổ phiếu.
"Theo kinh nghiệm của tôi thì những lúc mọi người nghi ngờ giá cổ phiếu đang quá cao thì nó sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa", nhà đầu tư này cho biết.
Tuy nhiên, ông cho rằng do cổ phiếu VinFast hiện ‘được định giá quá cao’ nên ‘sẽ rất nguy hiểm’ nếu muốn đầu tư lâu dài. Ông đưa ra những lý do như VinFast vẫn chưa đến điểm hòa vốn, không phải là nhà tiên phong trong lĩnh vực xe điện, có lợi thế nhưng không phải độc tôn…
"Nếu VinFast là nhà tiên phong thì là câu chuyện khác", ông nhận định và chỉ ra trường hợp của một nhà tiên phong như Uber, khi ra mắt cổ phiếu trên sàn bị giảm giá nhưng về lâu dài đã tăng.
Khi được hỏi liệu cơ quan quản lý chứng khoán của Mỹ có can thiệp trước sự tăng giá điên rồ của mã cổ phiếu nào đó hay không, ông Tuấn chỉ ra trường hợp cổ phiếu GameStop đã tăng lên gần 20 lần hồi đầu năm 2021 mà SEC, Ủy ban Chứng khoán Mỹ, lúc đó ‘không có hành động gì’.
"Ở Việt Nam nếu cổ phiếu nào đó tăng liên tục 5 phiên thì phải có giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, còn ở Mỹ tự do hơn Việt Nam", ông cho biết.
‘Chưa muốn bán ra’
Khi được hỏi liệu giá cổ phiếu VFS tăng vọt như vậy thì có ích gì cho VinFast hay không, ông Tuấn nói VinFast sẽ được lợi nếu cổ phiếu của họ thiết lập mặt bằng giá mới. Theo lời ông thì nếu VFS tiếp tục tăng hơn nữa thì mức giá được coi là rẻ cũng sẽ ở mức cao vì ‘tâm lý người mau là so sánh giá lúc đỉnh và lúc thấp để mua vào để đảm bảo bắt được đáy’.
"Sau này kiểu gì VinFast cũng phải bán ra số cổ phiếu quỹ họ đang nắm. Lúc đó họ bán ra được giá cao thì huy động được vốn nhiều hơn".
Trước câu hỏi VinFast niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ là để huy động vốn mà tại sao họ không bán ra cổ phiếu, ông Tuấn cho rằng ‘có thể họ thấy thời điểm chưa phù hợp hoặc là họ chưa cần tiền lắm’.
"Đến lúc bán ra cả trăm triệu cổ phiếu thì giá chắc chắn sẽ giảm", ông nói thêm.
Ông cho biết ở Việt Nam, VinFast hiện đang có chương trình khách hàng mua xe điện của họ sẽ được tăng 30 cổ phiếu nhưng phải chờ hai năm sau mới được bán.
"Nếu được tặng 30 cổ phiếu thì sau này nếu họ thấy giá cổ phiếu VFS tăng thì họ sẽ có nhu cầu mua thêm vì những người có tiền mua ô tô thì họ cũng đã vô cùng tin tưởng vào VinFast rồi", ông phân tích.
Đây là cách VinFast mời gọi thêm nhà đầu tư, và chỉ cần mỗi khách hàng mua thêm một hay hai ngàn cổ phiếu thôi thì họ cũng huy động thêm được nhiều vốn.
Hôm 28/8, khi VOA đề nghị VinFast đưa ra bình luận về giá cổ phiếu tăng vọt sau 9 ngày lên sàn, hãng nói trả lời rằng họ "vui mừng trước sự đón nhận của thị trường".
VinFast khẳng định rằng "Điều này chứng tỏ nhiều người đã nhìn nhận được các thế mạnh của VinFast trong năng lực triển khai vượt trội, tốc độ và chữ tín với khách hàng".
Hãng cũng nói thêm rằng "Giá cố phiếu phản ánh niềm tin của thị trường vào triển vọng phát triển và tương lai của công ty và chúng tôi cho rằng thị trường có cơ sở để tin vào điều đó".
Đến hôm 29/8, giá VFS đã hạ đáng kể còn hơn 50 đô la sau những ngày tăng với tốc độ gây sốc.
Nguồn : VOA, 30/08/2023
VinFast, "Tesla Việt Nam" thử thời vận trên đất Mỹ
Le Figaro hôm 17/08/2023 nói về "VinFast, hãng xe hơi điện Việt Nam" thách thức Tesla, còn Les Echos nhận định "VinFast, hãng xe điện Việt gây phấn khích ở Wall Street một cách đáng kinh ngạc".
Xe hơi điện của VinFast chuẩn bị giao cho những khách hàng đầu tiên trước một cửa hàng ở Los Angeles, California, Hoa Kỳ ngày 01/03/2023. Reuters – Lisa Baertlein
VinFast chen chân vào thị trường Mỹ và Wall Street
Tỉ phú Phạm Nhật Vượng, người sáng lập tập đoàn Vingroup vừa làm một cú đúp. Kinh doanh trong ngành địa ốc, công viên giải trí, khách sạn, thương mại, giáo dục, y tế, nay ông muốn cạnh tranh với Tesla. Nhiều người đã thất bại khi làm xe điện, nhưng ông Vượng có hầu bao rủng rỉnh. Người giàu nhất Việt Nam đã khởi nghiệp ở Ukraine trong thập niên 90 bằng việc sản xuất mì ăn liền rồi bán lại công ty cho Nestlé, giờ đây thử sức ngay trên lãnh địa của Elon Musk.
Hôm 28/07, VinFast làm lễ đặt viên đá đầu tiên cho nhà máy ở Moncure, Bắc Carolina. Với năng lực sản xuất 150.000 chiếc/năm trong giai đoạn đầu, nhà máy sẽ đi vào hoạt động từ 2025, tranh thủ trợ giá của chính quyền Biden trong ngành xe điện. Dự án này được đầu tư 6 tỉ đô la, trong đó gồm cả việc sản xuất bình điện và phụ tùng. Năm ngoái, VinFast huy động được 4 tỉ đô la từ Credit Suisse và Citigroup cho nhà máy.
Để tài trợ cho tham vọng vươn ra thế giới, VinFast vừa được niêm yết trên thị trường chứng khoán Nasdaq (như Tesla), thông qua một SPAC (Special Purpose Acquisition Company) là Black Spade Acquisition của tỉ phú Hồng Kông Hà Du Long (Lawrence Ho). Hôm thứ Ba 15/08, cổ phiếu của công ty có giá 22 đô la ở Wall Street, gấp đôi so với giá 10 đô la ban đầu, rồi vọt lên 37,06 đô, khiến giá trị chứng khoán của nhà sản xuất xe điện Việt Nam lên đến 85 tỉ đô la, cao hơn cả Ford (48 tỉ) và General Motors (46 tỉ).
Hiện thời ông Phạm Nhật Vượng vẫn nắm hầu hết cổ phiếu, trong ngày lên sàn chỉ có 185 triệu đô la được trao tay. David Mansfield, giám đốc tài chánh của VinFast nói hiện đang có một số nhà đầu tư chiến lược và định chế, đang chờ đợi huy động vốn trong 18 tháng tới. Cần phải nhiều tháng nữa mới đánh giá được cơ hội thành công của người cạnh tranh với Testa - nhưng không phải từ Trung Quốc.
Thành công vang dội hay chỉ là lửa rơm ?
Hiện nay tất cả những chiếc xe hơi mang logo chữ V bóng loáng được xuất xưởng từ nhà máy Hải Phòng ở miền bắc Việt Nam. Ngoài những linh kiện bằng thép và nhựa, nhà máy còn sản xuất chất bán dẫn và động cơ điện, chi nhánh VinES phụ trách về bình điện. Tại đây VinFast còn sản xuất xe gắn máy và xe buýt chạy điện. Bà Thủy, phó chủ tịch Vingroup và giám đốc VinFast nói rằng tập đoàn cố gắng đưa về một mối để không bị gián đoạn nguồn cung.
Le Figaro nhắc lại, từ tháng Giêng 2022 ban lãnh đạo tập đoàn đã thay đổi kế hoạch, chuyển từ xe động cơ nhiệt sang chạy điện. Tháng 2 vừa qua, những chiếc xe địa hình điện đầu tiên là VF8 đã được giao cho khách hàng Mỹ sau 20 ngày lênh đênh trên biển. Nhưng VinFast gặp nhiều khó khăn : phần mềm chưa cập nhật, thu hồi một số xe, thiếu linh kiện bán dẫn...
Theo S&P Global Mobility, trong số 3.000 chiếc đưa sang Hoa Kỳ, tới tháng 6 chỉ mới có 137 chiếc xe đăng ký bảng số. Về phía VinFast cho biết đã có 10.000 đơn đặt hàng ở Hoa Kỳ và Canada, khách Châu Âu sẽ được phục vụ sau Bắc Mỹ. Hiện VinFast bị lỗ 2,1 tỉ đô la trong năm 2022 và 598 triệu đô la trong quý I năm nay, ông Vượng phải bơm thêm 2,5 tỉ đô la vào nhánh xe hơi. Con đường còn dài để đạt đến sản lượng 1,1 triệu xe/năm, mục tiêu đặt ra cho năm 2026.
Les Echos ghi nhận thành công rực rỡ của VinFast trên thị trường chứng khoán Wall Street, với giá cổ phiếu tăng đến 270%. Nhưng liệu đây có phải là ngọn lửa rơm ? Thương hiệu này chỉ mới bán được gần 20.000 chiếc xe, và chỉ mới đưa ra thị trường 1% số cổ phiếu. Theo số liệu của Bloomberg, các công ty niêm yết từ các SPAC tại New York từ đầu năm nay đều có trị giá cổ phiếu sụt giảm trung bình 45%. Trên thị trường xe hơi điện, sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt với cuộc chiến giá cả.
"Thực tập sinh" Việt bị ngược đãi tại Nhật
Cũng liên quan đến Việt Nam, Le Monde có bài phóng sự "Số phận bất bình đẳng của những người lao động tại Nhật Bản". Những thanh niên không có tay nghề đến từ Đông Nam Á và Nam Á bị bóc lột và bạc đãi. Đặc phái viên tờ báo nêu ra trường hợp anh thanh niên Ngô Gia Khanh (hoặc Khánh), 22 tuổi, gốc ở Quảng Ninh.
Với hai mục tiêu học tiếng Nhật và học nghề, cách đây một năm Khanh lên Hà Nội, được những người môi giới cho học tiếng sơ qua rồi chuyển sang một cơ quan Nhật phụ trách "thực tập sinh". Đến Tokyo, anh nhanh chóng thất vọng. Được hứa hẹn sẽ là thợ hồ, lương 180.000 yen (1.144 euro) một tháng, nhưng anh chỉ được trả 124.000 yen và làm mỗi công việc tráng xi-măng. Trình độ tiếng Nhật không đủ để trao đổi các đồng nghiệp, có lần anh bị người phụ trách đánh bằng một cái bay, bị một công nhân Nhật nắm cổ áo mắng mỏ…
Các "thực tập sinh" như Ngô Gia Khanh thường bị chủ nhân lạm dụng. Trường hợp nữ công nhân hái dâu Sophan Ean, 21 tuổi, người Cam Bốt còn tệ hại hơn : cô bị hãm hiếp. Trong số những khó khăn của lao động nhập cư còn có đặc thù văn hóa Nhật Bản với xu hướng khép kín, ít chấp nhận người ngoại quốc. Asahi Shimbun tố cáo đây là cách để bóc lột công nhân.
Hiện có khoảng 340.000 "thực tập sinh" tại Nhật. Tuy nhiên do đồng yen sụt giá, Nhật Bản không còn thu hút như trước. Tại Fukuoka, cách Tokyo năm tiếng đồng hồ tàu cao tốc, Sushil Paudel, một lao động người Nepal nhờ thông thạo tiếng Nhật, đã tạo lập được cơ sở làm ăn. Người này cho biết dân Nepal không bị ghét như người Triều Tiên, Trung Quốc hay Việt Nam, có lẽ vì số lượng còn ít.
Trung Quốc : Địa ốc khiến nhà đầu tư vừa quay lại đã tháo chạy
Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos chạy tựa trang nhất "Khủng hoảng địa ốc: Lo âu tăng lên tại Trung Quốc". Nguy cơ tập đoàn Country Garden bị phá sản ảnh hưởng đến nhiều tên tuổi lớn ở phương Tây, có thể lây lan sang ngành tài chính, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang xuống dốc.
Hai năm sau xì-căng-đan Evergrande, Trung Quốc tiếp tục gây lo ngại, dù Bắc Kinh cố trấn an. Country Garden có đến trên 3.000 dự án địa ốc, nhiều gấp bốn lần so với Evergrande. Những cá nhân gởi tiền cho các công ty tài chánh có nguy cơ không thu hồi được vốn, một số cuộc biểu tình đã diễn ra trước trụ sở công ty Trung Dung (Zhong Rong) ở Bắc Kinh. Nếu chỉ là một trường hợp đơn lẻ thì không thể làm rúng động nền kinh tế thứ nhì thế giới, tuy nhiên lại xảy ra vào lúc Trung Quốc từ nhiều tháng qua cố chiêu dụ các nhà đầu tư quay trở lại.
Sau khi Bắc Kinh loan báo một số biện pháp hỗ trợ, các quỹ đầu tư mạo hiểm vào cuối tháng 7 giúp thị trường chứng khoán lên được đôi chút. Nhưng kể từ đầu tháng 8, nhà đầu tư nước ngoài lại tiếp tục bán ra các cổ phiếu Trung Quốc. Và các chỉ số hiện nay khó kích thích được họ : Trung Quốc rơi vào giảm phát, xuất nhập khẩu đều giảm, tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao đến nỗi chính quyền quyết định không công bố nữa. Đồng nhân dân tệ ở mức thấp nhất kể từ hơn 15 năm qua so với đồng đô la.
Tài phiệt Đài Loan muốn giúp dân chuẩn bị chống xâm lăng
Về quan hệ giữa Bắc Kinh với Đài Bắc, Le Monde nói về "Tào Hưng Thành (Robert Tsao), người muốn thức tỉnh dân Đài Loan trước hiểm họa Trung Quốc". Doanh nhân 75 tuổi vốn là một trong những cột trụ của kỹ nghệ chip điện tử Đài Loan, đã quyết định dành thời giờ và một phần sản nghiệp, để chuẩn bị về quân sự và tâm lý cho đồng bào mình trong trường hợp bị Trung Quốc xâm lăng.
Tháng 8/2022, ông Tào Hưng Thành loan báo sẽ dành 3 tỉ Đài tệ (trên 90 triệu euro) để huấn luyện quân sự cho 3 triệu người dân Đài Loan trong vòng ba năm, để họ có thể sẵn sàng về mặt tâm lý và thể chất trong thời chiến. Theo ông, "Cách duy nhất để khiến Trung Quốc thối chí không tấn công chúng tôi là chứng minh họ sẽ thua như Nga ở Ukraine". Nhà tài phiệt cho biết hồi tháng 7/2019, khi chứng kiến những người biểu tình ôn hòa Hồng Kông bị bọn xã hội đen đánh đập tàn nhẫn ở trạm métro Nguyên Lãng (Yuen Long) nhưng cảnh sát không hề can thiệp, ông tự nhủ những cam kết của Bắc Kinh 50 năm qua chỉ là lời hứa hão. Không thể để Đài Loan bị rơi vào tình trạng tương tự.
Có nên đua chen với "bảng xếp hạng Thượng Hải" ?
Tại Pháp trên lãnh vực giáo dục, Le Monde kêu gọi nên có tư duy về giảng dạy đại học không lệ thuộc vào những bảng xếp hạng quốc tế như Thượng Hải. Từ 20 năm qua, các chính khách Pháp coi "tiêu chuẩn" Thượng Hải là chìa khóa cho việc tái tổ chức ngành đại học, nhưng mục tiêu tham gia đua tài với quốc tế không thể thay thế cho một chính sách đại học có chiều sâu.
Nguyên tắc "mở rộng để được thăng hạng" đã mang lại một số thành công : nếu năm 2003 chưa có trường đại học Pháp nào nằm trong số 50 hạng đầu thì nay đã có được 3. Đại học Paris-Saclay là kết quả hợp nhất một trường đại học, bốn trường cao đẳng kỹ thuật nổi tiếng và bảy cơ quan nghiên cứu. Nhưng như vậy định chế mới thêm cồng kềnh, và chưa giải quyết được những vấn đề như chất lượng giảng dạy, nguồn tài trợ, chảy máu chất xám, và nhất là vai trò kiến tạo tri thức trong một đất nước và thế giới đang thay đổi. Trước những vấn đề lớn lao này, ám ảnh về bảng xếp hạng Thượng Hải trong đó vai trò xúc tiến các tiêu chí của Trung Quốc ngày càng rõ, không thể là câu trả lời.
Pháp : Một tháng truy lùng những kẻ nổi loạn
Trong tháng 7, khi nước Pháp đang còn rung chuyển với làn sóng bạo động sau cái chết của cậu thanh niên Nahel ở Nanterre hôm 27/06, các nhà điều tra đã phải thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ. Trước hết là phải liên tục ghi hình những vụ bạo động, với kết quả 3.800 người bị câu lưu vì bị bắt quả tang. Việc kế tiếp ít được biết đến là truy lùng ráo riết : đến 31/07 có thêm 314 người bị bắt vì phá hoại, phóng hỏa… Chỉ riêng cảnh sát hình sự đã thực hiện 170 cuộc điều tra về những vụ trầm trọng như đốt tòa thị chính, tấn công trụ sở cảnh sát, cướp phá quy mô. Các thủ phạm bị bắt tại nhà, thường là với đơn vị can thiệp nhanh của hiến binh (BRI) hay đơn vị tinh nhuệ RAID của cảnh sát.
Các chuyên gia xem xét đủ mọi dấu vết tại hiện trường : gạch đá, những vật cứng dùng để tấn công, dấu vân tay, vết máu, ADN trên những chai dùng làm bom xăng… Bên cạnh đó camera giám sát, định vị điện thoại, mạng xã hội cũng được khai thác. Khi khám nhà, cảnh sát tìm được những tài sản bị cướp bóc như quần áo hàng hiệu, những cây thuốc lá… và bất ngờ là có cả nhiều ký lô ma túy. Trong số 1.239 bị cáo bị lãnh án tù, có đến 62% là tù giam hoặc buộc đeo còng điện tử.
Để so sánh, trong vụ bạo loạn năm 2005 có 4.728 người bị câu lưu nhưng chỉ có 400 bản án tù giam. Sự cứng rắn lần này đã giúp sớm hạ nhiệt nạn bạo động, đặc biệt không thể để tái diễn trong lúc cả thế giới nhìn về nước Pháp nhân Thế vận hội Paris 2024.
Thụy My
Còn quá sớm để nói VinFast có vốn hóa 85 tỷ USD trên sàn chứng khoán Mỹ
Nguyễn Trường Sơn, RFA, 16/08/2023
Công ty sản xuất xe điện của Việt Nam hôm 15 tháng 8 đã có phiên giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán Nasdaq ở Mỹ với mã VFS.
Xe VinFast 8 và giá trị cổ phiếu VinFast trên sàn Nasdaq sau ngày đầu niêm yết - AP/RFA edited
Phiên giao dịch được cho là đã thành công khi giá trị cổ phiếu của công ty VinFast tăng hơn 250%, từ 10 USD lên 37 USD cho mỗi cổ phiếu của công ty này.
Việc này cũng biến VinFast trở thành một trong những hãng xe điện có giá trị vốn hóa cao nhất trên sàn chứng khoán Mỹ, ở mức 85 tỉ USD. Chỉ đứng sau cổ phiếu của hãng xe Mỹ, Tesla đình đám, và hãng BYD của Trung Quốc.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup - công ty mẹ của VinFast cũng lọt vào nhóm 30 người giàu nhất thế giới, theo danh sách The Real-time Billionaires của Forbes.
Tuy nhiên, theo ý kiến nhận định của chuyên gia các con số trên chưa phản ảnh thực chất giá trị cổ phiếu và vốn hóa của VinFast trên thị trường Mỹ, vì một vài lý do.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự do, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, cho biết tổng số lượng cổ phiếu của VinFast được giao dịch trong phiên đầu tiên là ở mức gần 7 triệu cổ phiếu, trong khi tổng số cổ phiếu mà hãng này phát hành là 2,41 tỉ cổ phiếu.
Tức là số cổ phiếu được giao dịch chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, khoảng 0,3% tổng giá trị số cổ phiếu phát hành.
"Nếu muốn biết thị trường đánh giá giá trị của một công ty như thế nào thì phải xem số lượng giao dịch hàng ngày của cổ phiếu công ty đó". Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho hay.
Do đó ông cho rằng với việc chỉ một lượng rất nhỏ cổ phiếu của VinFast được giao dịch như hiện nay, sẽ còn quá sớm để biết thị trường Mỹ đánh giá cổ phiếu này ra sao.
Ông này cũng đưa ra ví dụ về cổ phiếu của hãng xe điện Tesla, khi cho biết trung bình mỗi ngày có đến 133 triệu cổ phiếu của hãng xe Mỹ được giao dịch, chiếm hơn 4% tổng giá trị vốn hóa. So với con số gần 7 triệu cổ phiếu và 0,3% tổng giá trị vốn hóa của VinFast trong phiên giao dịch đầu tiên.
Ngoài ra, vị chuyên gia kinh tế sinh sống tại Na Uy này cũng cho biết VinFast vẫn đang giới hạn việc giao dịch cổ phiếu của họ, bằng cách không phép giới đầu tư bán khống (short sale), và không cho phép giao dịch quyền chọn (option). Đây là những dịch vụ phổ biến ở thị trường chứng khoán Mỹ, nhưng vẫn chưa được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam.
Việc thiếu vắng các dịch vụ chứng khoán phát sinh đã giúp đẩy giá của cổ phiếu VinFast lên cao do không có sự tham gia của các quỹ đầu tư lớn, tránh được trường hợp bị bán khống. Giới quan sát cũng nhận định rằng hầu hết các giao dịch liên quan đến chứng khoán của VinFast hiện nay vẫn chỉ diễn ra trong nội bộ những cổ đông của công ty này.
Do vậy, ông Nguyễn Huy Vũ kết luận "vẫn còn quá sớm để nói thị trường đánh giá vốn hóa của VinFast là bao nhiêu".
VinFast là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam có cổ phiếu được niêm yết trên sàn chứng khoán Hoa Kỳ. Doanh nghiệp này cho biết việc quyết tâm "lên sàn" ở thị trường lớn nhất thế giới là để huy động vốn, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất xe điện của hãng.
Trước đó, hãng xe điện của Việt Nam này cũng công bố dự án đầu tư nhà máy sản xuất xe điện ở bang North Carolina, Hoa Kỳ, có tổng vốn đầu tư lên đến 4 tỉ USD.
Nguyễn Trường Sơn
Nguồn : RFA, 16/08/2023
****************************
VinFast đối mặt với áp lực về doanh số bán hàng để duy trì mức định giá hào nhoáng
Reuters, VOA, 16/08/2023
Công ty xe hơi điện của Việt Nam, VinFast, trong vài ngày qua đã gây chú ý khi chính thức lên sàn chứng khoán Mỹ Nasdaq, và được định giá trị vốn hóa ở mức 85 tỷ USD, cao gần gấp đôi so với Ford hay General Motors. Đây được xem là một mức định giá "hào nhoáng" đối với một công ty khởi nghiệp đang bị thua lỗ như VinFast, nhưng theo Reuters, giờ mới đến lúc cho phần khó khăn : đưa doanh số bán xe ở nước ngoài ra khỏi tình trạng lẹt đẹt lâu nay.
Xe điện VF-8 của VinFast được trưng bày tại một showroom ở Santa Monica, California, ngày 18/7/2022.
Theo hãng thông tấn Anh, trong 5 tháng còn lại của năm nay, VinFast cần phải đạt con số hơn gấp đôi doanh số bán hàng từ đầu năm đến nay để có thể đạt được mục tiêu cả năm do người sáng lập đặt ra là bán được 50.000 xe điện.
Để làm được điều này, công ty của Việt Nam cần phải hoàn thành việc cải tiến chiến lược bán hàng để thu hút các nhà phân phối và đại lý, thay vì chỉ bán thông qua nền tảng của riêng mình, một cách tiếp cận mà VinFast vay mượn từ Tesla.
VinFast cũng sẽ cần phải giảm chi phí để cạnh tranh về giá với những công ty như Tesla, là công ty đã sử dụng quy mô và lợi nhuận dẫn đầu ngành của mình để giảm giá và gây áp lực lên các đối thủ kể từ đầu năm nay.
Cổ phiếu của hãng chỉ chuyên sản xuất xe điện VinFast, là hãng đã sáp nhập với công ty mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC) Black Spade, đã tăng mạnh khi ra lần đầu lên sàn Nasdaq vào thứ Ba 15/8. Do 99% cổ phần của công ty thuộc về người sáng lập VinFast, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, nên tỷ lệ cổ phiếu chuyển nhượng tự do rất nhỏ khiến cho cổ phiếu của VinFast càng nhiều biến động hơn.
Các giao dịch của các hãng xe điện theo kiểu SPAC khác, bao gồm cả hãng Lucid, là công ty xe điện mà Black Spade đã sử dụng để làm cơ sở định giá 23 tỷ đô la ban đầu cho VinFast, đã chứng kiến cổ phiếu của họ sụt giảm sau khi niêm yết.
Lucid hiện được định giá dưới 15 tỷ USD, thấp hơn gần 40% so với mức định giá qua SPAC là 24 tỷ USD vào năm 2021.
Ý định huy động thêm vốn của VinFast cũng là một mối đe dọa tiềm ẩn đối với mức định giá cao của công ty này. Reuters dẫn lời Giám đốc tài chính David Mansfield cho biết hôm 15/8 rằng VinFast đang thảo luận với nhiều nhà đầu tư, bao gồm cả các quỹ đầu tư quốc gia, và đang trên đường huy động vốn bổ sung trong 18 tháng tới.
"Giống như bất kỳ giao dịch nào, giá cả do thị trường quyết định. Vì vậy, chúng tôi không thể nói là cứ lấy (mức giá) chứng quyền hay cổ phiếu của chúng tôi ngày hôm nay mà làm căn cứ được", Giám đốc điều hành (CEO) của VinFast, bà Lê Thị Thu Thủy, nói với Reuters khi được hỏi về các điều kiện đầu tư trong tương lai.
Việc niêm yết của VinFast tạo ra một cách để công ty ô tô Việt Nam, vốn đã phải vất vả trong việc giữ chân các giám đốc điều hành cấp cao, đưa ra mức thù lao dựa trên cổ phần, một triển vọng được nêu rõ trong hồ sơ của họ.
Đem đối tác vào
CEO Thủy của VinFast Thuy nói hôm 15/8 rằng VinFast sẽ chuyển sang "mô hình bán hàng lai ghép" kiểu mới để bán hàng, thu hút các nhà phân phối và đại lý cho thị trường nước ngoài.
Kể từ khi công bố kế hoạch mở rộng ra nước ngoài, VinFast đã tính đến việc chỉ sử dụng các phòng trưng bày của riêng mình, giống như Tesla.
"Mở cửa hàng của riêng chúng tôi là điều tuyệt vời nhưng mất rất nhiều thời gian", bà Thủy nói. "Hợp lực với các đối tác khác để đi nhanh hơn luôn là bản chất của chúng tôi".
Tính đến tháng 6, VinFast đã mở 122 phòng trưng bày trên toàn cầu, chủ yếu tập trung ở Bờ Tây Hoa Kỳ, công ty cho biết.
Người sáng lập là tỷ phú Phạm Nhật Vượng hồi tháng 5 nói rằng VinFast có thể bán 50.000 xe điện trong năm nay.
Trong 7 tháng đầu tiên, VinFast đã bán được hơn 16.000 chiếc, tính cả doanh số bán hàng tại Việt Nam. Con số trên bao gồm doanh số bán chỉ được 137 chiếc mẫu VF8 tại Hoa Kỳ, mẫu duy nhất mà hãng hiện đang bán tại thị trường Mỹ.
Nhưng Giám đốc Tài chính (CFO) Mansfield vẫn khẳng định "Những con số ước tính mà chủ tịch của chúng tôi định ra cho năm nay vẫn đang đi đúng hướng".
Vẫn theo Reuters, VinFast chỉ bán được khoảng 1/6 công suất sản xuất tại nhà máy ở Hải Phòng. Còn nhà máy mới đang được xây dựng ở bang North Carolina, Mỹ, dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2025.
Công ty tư vấn AlixPartners cho hay họ ước tính các nhà sản xuất xe điện cần phải đạt doanh số 400.000 xe hàng năm để hòa vốn, bao gồm cả ở Trung Quốc, nơi hầu hết đang thua lỗ trong cuộc chiến giá cả ngày càng lớn để giành thị phần.
Ngoài ra, giá cả là một thách thức khác.
Tesla hiện tiếp tục g