Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/09/2023

Điểm báo Pháp – Quốc vương Anh công du Pháp

RFI tiếng Việt

Chuyến công du Pháp của vị Quốc vương thiết tha với môi sinh

Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc với chủ đề trung tâm là yêu sách của các nước phương Nam, giá dầu mỏ tăng mạnh trở lại, Azerbaidjian mở chiến dịch tấn công trở lại vùng Thượng Karabakh là một số tin tức thời sự nổi bật trên báo chí Pháp hôm 20/09/2023. Chuyến công du Pháp ba ngày của quốc vương Anh Charles đệ tam là chủ đề trang nhất của nhiều báo.

anh1

Vua Anh Charles III (trái) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước mộ Chiến sĩ vô danh tại Khải Hoàn Môn, Paris, Pháp, ngày 20/09/2023. via Reuters - Pool

Le Figaro chạy tựa trang nhất : "Charles đệ tam, sự lên ngôi của một quân vương", nhận định : một năm sau khi đăng quang, con trai của nữ hoàng Elisabeth đệ nhị đã khẳng định được vị thế. Hồ sơ chính của Le Figaro nhấn mạnh đến thành công của vua Anh với "một năm trị vì không sai sót" : "60% thần dân Anh hoan nghênh quốc vương đã làm tốt ‘công việc của mình’ ".

Quân vương mong muốn siết chặt quan hệ với Pháp trong chuyến công du cấp nhà nước, khởi sự hôm nay. Trong bài viết nói trên, nhật báo thiên hữu Le Figaro ghi nhận tầm quan trọng của chuyến công du cấp nhà nước này của người đảm nhiệm cương vị "nguyên thủ Anh Quốc", từng công du Pháp trước đó đến 34 lần, trước khi trở thành vua. Nhật báo Pháp nhắc lại là đáng lẽ Charles đệ tam đến Pháp trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên từ tháng 3/2023, nhưng kế hoạch đã bị hoãn lại do phong trào phản kháng dữ dội chống luật cải cách hưu trí tại Pháp. Chuyến đi của vua Anh dự kiến sẽ giúp cho quan hệ Luân Đôn – Paris được hàn gắn tiếp theo các giai đoạn căng thẳng dưới thời thủ tướng tiền nhiệm Boris Johnson.

Le Figaro dẫn lại nhận định từ phủ tổng thống Pháp, theo đó vua Charles đệ tam ắt hẳn sẽ chú ý đến "việc tiếp nối con đường mẹ ông đã đi". Sinh thời nữ hoàng Elizabeth đệ nhị đã công du Pháp tổng cộng 13 lần với cương vị nguyên thủ quốc gia, nhiều nhất so với các nước Châu Âu khác. Một dạ tiệc cấp nhà nước được tổ chức để đón Quốc vương Anh tại phòng Gương Lâu đài Verseilles, biểu tượng cho sức mạnh của nước Pháp thời ông vua Mặt Trời Louis 14. Vua Charles đệ tam cũng có kế hoạch phát biểu trước Quốc hội lưỡng viện Pháp. Cũng trong hồ sơ này, Le Figaro có bài "Quốc vương Anh và nước Pháp, một quan hệ thân thiết lâu đời".

Vua Anh công du Pháp "cấp Nhà nước" mỗi lần Luân Đôn gặp khó

Libération cũng dành trang nhất cho sự kiện chuyến công du với hàng tựa bằng tiếng Anh "Charly in Paris". Nhật báo thiên tả ghi nhận chuyến công du này là "cơ hội để siết chặt các quan hệ bị suy yếu kể từ Brexit". Nhưng bên cạnh mục tiêu siết chặt quan hệ song phương, chuyến công du còn nhằm để Charles đệ tam khẳng định vị thế quân vương của ông. Libération nhấn mạnh : "cho dù hoàng gia Anh về nguyên tắc không tham gia chính trị, thế nhưng đây cũng là một công cụ rất hiệu quả về ngoại giao và là softpower (quyền lực mềm) của nước Anh. Anh Quốc thậm chí coi đây là lá chủ bài, thế mạnh quan trọng nhất, dưới thời nữ hoàng Elizabeth đệ nhị, cũng như dưới thời vua Charles đệ tam".

Libération vén lộ những khủng hoảng chồng chất của nước Anh, đặc biệt về kinh tế với các cuộc bãi công liên tiếp, giá cả đắt đỏ, lạm phát kỷ lục, cùng nhiều hệ quả của quyết định ly hôn sai lầm với Châu Âu (Brexit) của phe bảo thủ…, để khẳng định tầm quan trọng về hình ảnh của chuyến công du cấp nhà nước của vua Charles đệ tam. Theo Libération, chuyến công du của vua Charles đệ tam, ắt hẳn "theo khuyến nghị của chính phủ Anh", là một biện pháp nhằm đáp ứng tình hình khẩn cấp hiện nay. Libération điểm lại 5 chuyến công du Pháp cấp nhà nước của nữ hoàng Elizabeth đệ nhị đều diễn ra trong bối cảnh nước Anh đang trong tình trạng căng thẳng chính trị. Năm 1992, nữ hoàng Anh công du Pháp trong bối cảnh nội bộ hoàng gia có nhiều bê bối (công chúa Anne ly dị, tiểu sử công nương Diana gây xì căng đan, hay vụ cung điện Windsor bị hỏa hoạn). Trong chuyến đi này, nữ hoàng Anh đã để lại câu nói nổi tiếng : "tại Châu Âu, quan hệ giữa truyền thống Anh ("anglo-saxon" từ ngữ trong nguyên văn) với truyền thống Latin cũng giống như dầu với dấm. Thiếu một trong hai thứ đó sẽ không thể có được một thứ nước sốt ngon". Libération trong số này có bài phỏng vấn cựu đại sứ Anh tại Pháp, ông Peter Ricketts, nhan đề "Chuyến công du cho thấy chiều sâu của tình hữu nghị giữa hai đất nước chúng ta".

Quốc vương Anh, tổng thống Pháp : Ai học tập ai ?

Về chuyến công du cấp nhà nước của vua Anh, Le Figaro dành bài xã luận nhan đề "Nền ngoại giao vương đạo" (Diplomatie royale) nêu bật sự tương phản về nhiều mặt giữa hai nguyên thủ Anh và Pháp. Một bên là quân vương 74 tuổi nhưng uy tín đang lên trong xã hội, bên kia là tổng thống trẻ tuổi, vừa tái đắc cử một năm, nhưng có vẻ như đang bước vào "giai đoạn hoàng hôn của nhiệm kỳ". Le Figaro đặt câu hỏi : "không biết trong hai người, ai sẽ mang lại cho ai những tư vấn tốt nhất về chiến lược ?". Chủ đề không thiếu, theo Le Figaro, "từ môi trường đến trí thông minh nhân tạo, từ Ukraine đến vùng Sahel ở Châu Phi…".

Bảo vệ môi sinh, "sức mạnh lớn" của vua Anh

Xã luận Libération đặc biệt chú ý đến thái độ gắn bó với thiên nhiên của vua Anh Charles đệ tam. Libération dự đoán Quốc hội lưỡng viện Pháp sẽ có cơ hội được nghe quốc vương Anh, một nhà lãnh đạo có "đức tin sâu sắc về sinh thái", đức tin đã bắt rễ trong ông từ rất sớm, sớm hơn hẳn so với giai đoạn mà việc bảo vệ môi trường đã trở thành điều hiển nhiên như hiện nay. Năm 1986, lúc mới chỉ là một hoàng tử không mấy danh tiếng, Charles kể lại là "ông có thói quen trò chuyện với cây, một điều quan trọng với ông, bởi ông tin rằng cây cối phản ứng với thái độ của người. Ba mươi năm sau khoa học mới chứng minh điều ông nghĩ là có lý, nhưng Charles đã không đợi đến lúc đó, ông luôn nhắc lại khi có dịp ý nghĩa quan trọng của cây cối, của đa dạng sinh học, của khí hậu…". Xã luận Libération khép lại với nhận xét : vua Charles đệ tam đã biết tìm ra con đường để đến với trái tim người Anh, mà không từ bỏ những lý tưởng của mình. Điều ông làm được ở Pháp ắt có nhiều người mong muốn."

Bài "Sinh thái, sức mạnh lớn của vị vua" của Libération đưa độc giả đến với một số địa phương in dấu ấn các nỗ lực vì môi sinh của Charles đệ tam trước khi trở thành vua nước Anh. Ngôi làng nhỏ Poundbury với khoảng 4.600 cư dân, miền tây nam xứ Anh, được Charles – khi còn là hoàng tử xứ Wales - cho xây dựng từ đầu thập niên 1990, với thiết kế do chính ông phê duyệt, chú trọng nhiều đến vẻ đẹp kiến trúc hơn môi sinh. Khu trang trại Highgvore, rộng gần 400 hecta cách làng Poundbury khoảng 120 km, cho thấy thay đổi triệt để trong quan điểm sinh thái của Charles. Toàn bộ khu vực này, mua từ những năm 1970, đã được biến thành nơi thí điểm nông học sinh thái, với các hệ thống trữ nước mưa hay "cánh đồng hoa dại". Tại đây, hoàng tử Charles sử dụng xe chạy bằng năng lượng sinh học, chế từ cặn rượu vang và vỏ pho mát.

Libération nhấn mạnh, vua Charles đệ tam khi còn trẻ đã là một trong những nhà môi trường đi truớc thời đại. Phát biểu đầu tiên của ông về bảo vệ môi trường là vào năm 1968, rất lâu trước khi từ "khí hậu bị hâm nóng" ra đời. Hai năm sau, ông có bài diễn văn in dấu ấn về ô nhiễm hóa chất với nước, cũng nhưng ô nhiễm không khí do xe hơi, máy bay, nhà máy… Linh hồn chính trong tư tưởng của Charles là "sự hài hòa", như một tâm sự của ông. Bà Rosie Alderton, một nhân viên tại trang trại Highgvore giải thích : "Vấn đề của mọi thứ là sự cân bằng. Cần phải làm việc với thiên nhiên, tham gia cùng với thiên nhiên hơn là chống lại thiên nhiên. Các khu vườn của trang trại Highgvore này chính là biểu hiện bền vững cho niềm tin thiết thân của nhà vua".

Sự kiện ngoại giao lớn bị các lãnh đạo Hội đồng Bảo an "hờn dỗi"

Tổng thống Pháp tiếp vua Anh thay vì đến dự buổi khai mạc tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Le Monde có bài "Sự kiện ngoại giao lớn bị các lãnh đạo Pháp, Anh, Trung Quốc và Nga hờn dỗi". Nhật báo Pháp dẫn lời một bộ trưởng ngoại giao một nước Tây Phi tỏ ý là sự vắng mặt của nguyên thủ Pháp cho thấy ông sợ bị nhiều lãnh đạo Châu Phi chỉ trích, trong bối cảnh uy tín của nước Pháp đang bị tác động nặng nề với nhiều cuộc đảo chính liên tục xảy ra tại các khu vực vốn nằm trong vùng ảnh hưởng truyền thống của Pháp.

Không chỉ sự vắng mặt của lãnh đạo Pháp, việc các lãnh đạo Hội đồng Bảo an nói chung không xuất hiện tại dịp quan trọng này là "một dấu hiệu thêm nữa cho thấy sự tê liệt của định chế Liên Hiệp Quốc, do chiến tranh tại Ukraine và thế đối đầu Mỹ - Trung", theo cựu đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc, Gerard Araud.

Tuy nhiên Le Monde cũng phân biệt rõ sự vắng mặt của hai lãnh đạo Anh, Pháp với trường hợp của hai lãnh đạo Nga, Trung. Sự vắng mặt của hai ông Putin và Tập Cận Bình không gây ngạc nhiên. "Tổng thống Nga chưa bao giờ trực tiếp đến Liên Hiệp Quốc", trong lúc chủ tịch Trung Quốc tính toán từng đợt di chuyển. Trên hết, cả hai lãnh đạo Nga – Trung có chung quan điểm "lên án trật tự thế giới hiện hành, mà theo họ, do phương Tây thống trị".

Phương Nam, "đối tượng quyến rũ" tại Liên Hiệp Quốc

"Các nước phương Nam" : đối tượng quyến rũ tại Liên Hiệp Quốc" là một bài khác trong hồ sơ này của Le Monde. Hố sâu ngăn cách các nước đang trỗi dậy và phương Tây đang ngày càng nổi rõ, và chiến tranh Ukraine càng đào sâu hố cách ngăn này. Theo Le Monde, tránh để cho thế đối đầu nổi bật hơn nữa là sách lược ngoại giao của Ukraine. Hiện tại, dường như chính quyền Kiev và các đồng minh phương Tây không định tổ chức thêm một hội nghị hậu thuẫn Ukraine mới, tiếp theo hai cuộc họp tại Đan Mạch và Saudi Arabia, về một "kế hoạch hòa bình" của Ukraine, đưa ra tại G20 ở Bali cách nay một năm.

Trước khi tổng thống Ukraine đến dự Đại hội đồng, các quốc gia nghèo nhất lo ngại các vấn đề thiết thân với họ sẽ bị gạt xuống hàng thứ yếu, nếu vấn đề Ukraine được nêu bật. Tại hội nghị kiểm điểm việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (thông qua từ 2015), liên quan trước hết đến các nước nghèo – các nước đang phát triển, tổ chức trong dịp này, phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế đã ghi nhận một thất bại, với việc chỉ có 15% mục tiêu giữa kỳ được hoàn tất. 

Tổng thống Mỹ là nguyên thủ duy nhất trong số năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến phát biểu của tổng thống Joe Biden nhấn mạnh đến việc "mở cửa các định chế tài chính quốc tế, để các nước nghèo được tài trợ nhiều hơn, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững".

Cuộc tấn công của Azerbaidjian

Cuộc tấn công vùng Thượng Karabakh của Azerbaidjian, vùng Kavkaz (Liên Xô cũ) là chủ đề xã luận La Croix hôm nay. Cuộc tấn công diễn ra đúng vào lúc tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc. La Croix nói đến "Hiệu ứng Domino", khi chính quyền Azerbaidjian sử dụng lý do "chiến dịch chống khủng bố", tương tự như lãnh đạo Nga sử dụng chiêu bài "chống phát xít", "chống khủng bố" để biện minh cho cuộc can thiệp quân sự tại Ukraine. Armenia đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc và các đồng minh truyền thống, trước hết là Nga can thiệp. Tuy nhiên, La Croix đặt câu hỏi : Liệu Moskva có sẵn sàng làm mất lòng Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Azerbaidjan, để hỗ trợ Armenia ?

Doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc lo ngại cho tương lai

Trung Quốc không còn là xứ sở thiên đường với các doanh nghiệp nước ngoài như trước đây là chủ đề chính một hồ sơ trang nhất của Les Echos. Nhật báo kinh tế Pháp dẫn nhiều kết quả điều tra mới đây về quan điểm của các phòng thương mại tại Trung Quốc. Giới chủ Mỹ tại Trung Quốc có quan điểm bi quan chưa từng thấy. Vẫn về Trung Quốc, Libération có bài về "Nạn mất tích và thanh trừng ở mọi cấp chính quyền Trung Quốc".

Sự trở lại của dầu mỏ giá cao

Năng lượng hóa thạch và năng lượng xanh là chủ đề chính của nhiều báo. Hồ sơ chính trang nhất của Les Echos chạy tựa "Sự trở lại của dầu mỏ giá cao", trên nền đồ thị giá tăng đỏ rực. Giá một thùng dầu brent có thể sẽ lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 đô la, cao nhất kể từ 10 tháng nay. Giới đầu tư lo ngại làn sóng tăng giá này sẽ tác động nặng nề đến sức mua của người dân và khả năng tài chính của các doanh nghiệp. Xã luận Le Monde có chủ đề chính là giá xăng dầu. Le Monde chỉ trích chính sách của chính phủ đưa ra hôm 16/09, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này bán dầu với "giá lỗ", lần đầu tiên kể từ năm 1963. 

Trang nhất phụ trương báo Le Figaro giới thiệu về báo cáo "khuyến nghị giã từ năng lượng hóa thạch tại Pháp" của Mạng lưới điện Pháp (RTE). Bối cảnh giá cả dầu xăng tăng vọt hiện nay càng chứng tỏ việc phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch là điều nguy hiểm. "Kế hoạch hóa sinh thái : đối lập chờ đợi" là một hồ sơ trang nhất của Le Monde, sau khi chính phủ Pháp công bố kế hoạch chuyển sang nền kinh tế xanh hôm thứ Hai. Theo Le Monde, lãnh đạo các đảng phái đối lập, được mời đến phủ thủ tướng nhân dịp này, đã bày tỏ sự thất vọng trước kế hoạch của chính phủ mang tên "France nation verte" (Nước Pháp – quốc gia xanh).

Phim "Bên trong tổ kén vàng" : Hành trình tâm linh của đạo diễn người Việt

Báo Pháp hầu hết đều có bài giới thiệu phim "Bên trong tổ kén vàng". Tác phẩm đoạt giải Ống kính vàng Liên hoan Cannes, của đạo diễn người Việt Phạm Thiên Ân, ra rạp hôm nay. Le Monde nói đến "Cuộc du hành tâm linh của một thanh niên Việt Nam tìm lại với đức tin". Theo Le Monde, bộ phim "mang vẻ đẹp tạo hình tuyệt diệu không thể phủ nhận được này" có thể được thưởng thức theo hai cách. Cách thứ nhất cũng là cách trực tiếp nhất : những đoạn quay trường cảnh làm hút hồn khán giả đặc biệt với những nghi thức tôn giáo, nghi thức tang lễ. Một cách đến thứ hai với bộ phim là thông qua hành trình bên trong của nhân vật chính, Thiện (do Lê Phong Vũ thủ vai), người thanh niên rời thành phố Hồ Chí Minh trở lại với quê hương. Cuộc truy tìm tâm linh và ý nghĩa cuộc sống ấy cũng chính là cuộc đời của tác giả bộ phim, đạo diễn Phạm Thiên Ân, được tác giả thể hiện một cách trực diện, "không hề che đậy".

Libération dành hai trang báo khổ lớn cho bộ phim đầu tay của đạo diễn người Việt. Với Libération, Bên trong tổ kén vàng là một bộ phim Việt Nam và một phim về Thiên chúa giáo. Bộ phim gây ấn tượng mạnh mẽ trước hết bởi vì cái chất phương Đông lâu đời hòa trộn với Đức tin Phúc Âm. Tác phẩm đi đến tận đáy sâu tâm hồn này, của nhà đạo diễn 34 tuổi này, cho thấy "sự ra đi, xa lánh xa cõi tục để trở về với cội rễ, với tâm linh, với chính mình" cũng là một bộ phim về một đất nước chịu nhiều ảnh hưởng xâm thực từ bên ngoài, của một đất nước với rất nhiều gương mặt, với các truyền thống du nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ xưa kia với các nghi thức mật tông, cho đến đạo Thiên chúa, trước khi trở thành một xứ thuộc Pháp, rồi địa bàn của một cuộc chiến tranh không có hồi kết, với nhân chứng ông già Lưu, một cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa, tự hào đã từng chiến đấu bên cạnh quân đội Mỹ.

Về bộ phim đầu tay của Phạm Thiên Ân, nhật báo công giáo có bài "Cuộc du hành huyền bí và đầy cảm xúc". La Croix nhìn thấy trong bộ phim này một cuộc hành trình tìm kiếm, vừa gần gũi, đầy nhục cảm, nhưng nhiều khi cũng đưa người xem đến với những chân trời xa xôi, "vén lộ với chúng ta bí ẩn mầu nhiệm của sự sống".

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 190 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)