Phá vỡ cấm kỵ vũ khí hóa học, bước leo thang mới của Putin ở Ukraine
Le Point nhận định Vladimir Putin đã phá vỡ điều cấm kỵ xưa nay, cho dùng vũ khí hóa học trên mặt trận Ukraine, bất chấp các thỏa thuận quốc tế đã ký kết. Đáng ngạc nhiên là Châu Âu ít phản ứng trước sự vi phạm trầm trọng lằn ranh đỏ này.
Một phụ nữ đi qua những ngôi nhà bị hư hại ở Mariupol, ngày 08/04/2022. Ukraine cho biết đang điều tra về việc Nga thả chất độc hóa học xuống thành phố Mariupol bị vây hãm. AP - Alexei Alexandrov
Trong tháng 5, tháng có nhiều ngày nghỉ nhất trong năm tại Pháp, tuần này chỉ có Le Point ra báo, những tuần báo khác đã ra số đúp kỳ trước. Trên trang mạng của các báo, thời sự vẫn được cập nhật, nhất là hai cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine và Trung Đông.
Lần đầu tiên từ một thế kỷ, vũ khí hóa học xuất hiện ở Châu Âu
Le Point chú ý đến sự kiện "Vladimir Putin đã phá vỡ cấm kỵ vũ khí hóa học", khi quân Nga bất chấp các thỏa thuận quốc tế đã sử dụng khí độc trên mặt trận Ukraine. Lần đầu tiên để từ hơn một thế kỷ, vũ khí hóa học vừa được quân Nga sử dụng trên một chiến trường ở Châu Âu là Donbass. Người Ukraine đã tố cáo từ nhiều tháng qua, nhưng Hoa Kỳ chỉ vừa mới xác nhận. Trong thông cáo ngày 01/05, Washington công nhận việc Nga dùng chloropicrine, một hóa chất vô cùng độc hại được quân Đức sử dụng trong Đệ nhất Thế chiến.
Công ước về vũ khí hóa học ký tại Paris năm 1993 cấm các Nhà nước dùng đến và buộc phải tiêu hủy số dự trữ. Nga đã phê chuẩn văn bản quan trọng này, là công ước đầu tiên cấm tất cả vũ khí phi quy ước trên toàn cầu. Nhưng Vladimir Putin chẳng hề quan tâm đến những hiệp ước mà nước mình đã ký kết. Hàng ngày ông ta đang dẫm đạp lên bản ghi nhớ Budapest năm 1994, trong đó Nga cam kết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine kể cả Crimea.
Đáng ngạc nhiên là Châu Âu ít phản ứng trước sự vi phạm trầm trọng lằn ranh đỏ này. Sau khi hủy diệt toàn bộ các thành phố như Mariupol, Bakhmut, những vụ hãm hiếp, tra tấn, bắt cóc trẻ em, cố ý tấn công thường dân, phá hủy bệnh viện, nhà máy điện, hành quyết tùy tiện tù nhân, Kremlin vừa có bước leo thang mới. Điều này chứng tỏ Vladimir Putin ngày càng ngoan cố, biết rằng số phận của ông ta nay gắn liền với kết cuộc của chiến tranh.
Răn đe không tác dụng do nhiều lần "nói mà không làm"
Thái độ của Putin là do răn đe của phương Tây không hiệu quả. Hôm 19/04, các ngoại trưởng G7 đã cảnh báo Nga là "mọi việc sử dụng vũ khí hóa học, sinh học hay nguyên tử đều sẽ dẫn đến hậu quả trầm trọng". Ngay từ tháng 3/2022, vài tuần sau khi quân xâm lăng Nga tràn sang, tổng thống Joe Biden cũng đã cảnh cáo Vladimir Putin về cái giá "nghiêm trọng" nếu dùng vũ khí hóa học. Có thể nghĩ rằng những lời cảnh báo đã bị coi thường, kể từ hôm 30/08/2013, khi Barack Obama nuốt lời, không tấn công chế độ Bachar Al-Assad vì dùng vũ khí hóa học.
Tại Ukraine, theo Kiev, mấy trăm vụ dùng khí độc đã diễn ra trong tháng 4. Bị những quả lựu đạn chứa chloropicrine, chất độc hại cho phổi, da và mắt, các chiến binh trong chiến hào không có chọn lựa nào khác là phải chạy trốn để tránh bị chết ngạt, nhờ đó quân Nga giành được ưu thế mà ít tốn kém. Khoảng 500 chiến sĩ Ukraine đã được chữa trị vì nhiễm khí độc, ít nhất một quân nhân đã tử vong.
Ngày 01/05, Washington đã trừng phạt ba định chế Nga liên quan đến một chương trình vũ khí hóa học và sinh học (gồm một đơn vị đặc biệt và hai viện nghiên cứu), bốn công ty Nga đã hợp tác ; tuy nhiên hiệu quả không cao. Trước hết, phần nào do một loạt sự kiện : Tấn công Iraq năm 2003, nhân nhượng trước Damascus, rút quân khỏi Afghanistan năm 2021… Nhưng cũng do Nga cảm thấy đang ở thế mạnh, chủ yếu nhờ Trung Quốc tiếp tay. Tổng thống Emmanuel Macron rốt cuộc đã hiểu ra, vấn đề còn lại là huy động các đồng nhiệm nhất là Đức. Le Point cho rằng điều này là khẩn cấp, trước khi Vladimir Putin chuyển sang giai đoạn mới.
Tấn công Kharkiv, Nga mở chiến dịch mới ?
Phải chăng giai đoạn đó đã đến rồi ? Trước việc quân Nga tấn công vào gần Kharkiv, Courrier International tự hỏi liệu có phải đây là khởi đầu cho một chiến dịch lớn hay không, khi Moskva loan báo đã "giải phóng" sáu ngôi làng ở miền đông Ukraine. Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo ở Kiev hôm thứ Sáu cùng với đồng nhiệm Slovakia cho biết Nga đang có đợt tấn công mới vào Kharkiv. Trước đó, bộ trưởng quốc phòng Ukraine nói rằng từ sáng sớm những xe thiết giáp của quân Nga đã cố xuyên thủng phòng tuyến ở nhiều điểm, và không kích những vùng gần biên giới. Chính quyền đã cho sơ tán thường dân ở một số nơi.
Tờ Kyiv Independent cho rằng cuộc tấn công này nằm trong khuôn khổ một chiến dịch rộng lớn hơn trong những tháng tới. Tương tự, Newsweek nhận định đây có thể là khởi đầu cho mục tiêu chiếm Kharkiv, thành phố chiến lược lớn thứ nhì Ukraine, tạo ra một "vùng đệm" và tránh được những vụ tấn công của lực lượng Ukraine vào Belgorod. Tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung dẫn một số nguồn tin ước tính quân đội Nga tập trung khoảng mấy chục ngàn binh lính vào đây. Sự kiện Bộ Quốc phòng ở Kiev phát biểu về việc này thay vì Bộ Tổng tham mưu như thường lệ cho thấy tình hình là trầm trọng.
Từ Luân Đôn, nhật báo The Guardian nêu ra một giả thiết khác : "Các chuyên gia khẳng định Nga triển khai nửa triệu quân trên lãnh thổ Ukraine, có thể tấn công nhiều địa điểm khác nhau, dựa vào ưu thế pháo binh trong khi phòng không của Ukraine không đáng kể. Các hoạt động ở Kharkiv có thể chỉ nhằm buộc Ukraine phải huy động lực lượng vào đây, nhưng Nga chủ yếu nhắm vào Donbass và tây nam Ukraine". Còn theo thông tin của Politico được Courrier International trích dẫn, Hoa Kỳ hôm qua viện trợ thêm 400 triệu đô la bằng hỏa tiễn Patriot, hỏa tiễn địa-không Stinger, chiến xa Bradley, thiết giáp MRAP và hỏa tiễn chống tăng Javelin.
Nga giành lợi thế trước Ukraine do viện trợ phương Tây quá chậm
Trả lời phỏng vấn The Economist, tư lệnh lục quân Ukraine nhận định quân Nga tiếp tục tập trung vào Donetsk, nhưng muốn kéo giãn quân Ukraine về Kharkiv và Sumy. Tuần báo Anh lấy làm tiếc rằng việc phương Tây chi viện chậm trễ đã giúp Vladimir Putin khai thác lợi thế quân đông hơn Ukraine.
Đặc phái viên của tờ báo tại Kostiantynivka, một ngôi làng nhỏ ở Donbass, gặp gỡ trung tá Alexander Timshenko, chỉ huy đơn vị phòng không Ukraine. Lực lượng của ông không sở hữu phương tiện nào để tiêu diệt phi cơ hay bom lượn của Nga, có nhiệm vụ cảnh báo cho các đơn vị pháo binh và các nhóm cơ động trên mặt trận. Là người nói tiếng Nga sống ở Kharkiv, người sĩ quan vốn là độc giả trung thành của Aleksandr Solzhenitsyn nói rằng ông chiến đấu để không phải sống trong một "quần đảo ngục tù" mới.
Mục tiêu của các trận đánh xung quanh Chasiv Yar không phải để giữ từng centimet đất, mà nhằm cầm chân quân Nga không tràn xuống phần còn lại của Ukraine và chiếm các thành phố chính như Kharkiv, Dnipro, Odessa và Kiev. Tuần trước khi trả lời phỏng vấn The Economist, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo "mọi sự có thể diễn biến nhanh hơn chúng ta nghĩ nhiều". Từ lính trơn đến tướng lãnh Ukraine đều nói với tuần báo Anh rằng Kiev không có đủ nguồn lực để quay về với biên giới năm 1991. Trung tá Timchenko đề nghị những ai nói về việc này "hãy đến tận Bakhmut".
"Nếu họ không về, có thể sẽ không còn Tổ quốc để mà trở về"
Vấn đề không còn là toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine mà là sự tồn tại. Lo sợ leo thang, phương Tây chưa bao giờ chuyển giao tất cả những loại vũ khí mà Kiev cần đến. Sau sáu tháng phải đếm từng viên đạn do phe Cộng hòa ở Quốc hội Mỹ cản trở, nay nhiều vũ khí đã đến được Ba Lan. Tuy Nga chiếm ưu thế về quân số và đạn pháo, đại tá Fedosenko cho rằng có thể họ đã nỗ lực tối đa.
Mới cách đây vài tuần bộ binh Nga còn được 10 đến 20 xe tăng, thiết giáp hộ tống, cứ hai đến ba tiếng đồng hồ lại có một đợt xung phong. Nhưng nay khoảng năm ngày quân Nga mới tấn công một lần, dùng mô tô và xe địa hình với những nhóm nhỏ. Theo ông, khoảng 70% lính Nga trong các vụ tấn công này là tù nhân, bên cạnh đó là lính đánh thuê người Tadjikistan, Uzbekistan, Turkmenistan, Cuba, Somalia.
Dù không bị vỡ trận, nhưng mỗi tuần Ukraine mất khoảng 20 kilomet vuông lãnh thổ. Đồng thời Putin bóp nghẹt kinh tế Kiev bằng cách đánh vào các nhà máy điện, oanh kích các thành phố để làm kiệt lực dân chúng. Kharkiv đã phải định lượng điện sử dụng, ngày nào cũng bị bom lượn đe dọa. Nhưng thành phố một triệu dân này vẫn bình tĩnh, người ta vẫn đi dạo công viên, nhân viên vệ sinh vẫn chăm chỉ quét rác. Giữ cho thành phố sạch sẽ và hoạt động bình thường cũng là một cách kháng chiến.
The Economist nhận thấy cho đến nay, chiến sự chỉ tập trung ở một số nơi, nhưng Nga càng mở rộng tấn công, càng ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Mọi nam giới từ 25 đến 60 tuổi sống tại Ukraine biết rằng sẽ có ngày đến lượt mình cầm súng. Áp lực tăng dần lên những người đàn ông Ukraine đã chạy ra nước ngoài. Trung tá Timchenko nói : "Nếu họ không quay về, có thể họ sẽ không còn Tổ quốc để mà trở về nữa !".
Đổ bộ Normandy : Câu chuyện về cựu quân nhân da đỏ 100 tuổi
Tại Châu Âu, sống trong hòa bình quá lâu, người ta ngỡ rằng an ninh, thịnh vượng có được là điều đương nhiên, quên mất phải trả giá bằng máu. Nhân kỷ niệm 80 năm đồng minh đổ bộ, khởi đầu công cuộc giải phóng nước Pháp, Le Nouvel Obs chọn lựa 18 câu chuyện đặc sắc để thuật lại, trong đó có chuyện "Một người da đỏ ở Omaha Beach".
Ngày 06/06/1944, y tá Charles Norman Shay đi vào lịch sử khi xông pha dưới màn lưới lửa cứu được nhiều đồng đội bị thương. Ông là một trong số 500 người da đỏ Mỹ tham gia cuộc đổ bộ. Trong những giấc mơ của ông Shay ở tuổi 100, những viên đạn vẫn bắn như mưa trên một vùng biển đỏ máu. Người lính mới 19 tuổi thuộc một bộ lạc da đỏ ở bang Maine, không giống chút nào với những chú GI cao lớn trong túi đầy những gói thuốc Lucky Strike và chewinggum.
Vào lúc 6 giờ 35 sáng, đơn vị The Big Red One do tướng Huebner chỉ huy thuộc những toán đầu tiên trong số 160.000 quân nhân đổ bộ xuống bãi biển Colleville-sur-Mer ở Normandy, bằng những chuyến phà từ các tàu đậu ngoài khơi. Shay lao xuống nước dưới những làn mưa đạn của quân Đức, xung quanh có những đồng đội bị trúng đạn hay chết đuối. Ông nhớ lại "một vùng biển loang đỏ máu của những người lính tử thương và bị thương".
Tìm được một góc an toàn trên bờ biển, Shay cứu chữa khoảng mấy chục thương binh. Thấy những đợt sóng có thể kéo các quân nhân bị thương khác trở lại biển, anh y tá trẻ vội vàng chạy đến kéo từng người lên, dưới trận mưa đạn và những khẩu đại bác 75 ly của quân Đức trên đồi cát gần đó. Big Red One mất đến 30% quân số trong những giờ đầu tiên. Trong số 34.250 quân nhân Mỹ đổ bộ xuống Omaha Beach, 2.500 người đã tử trận chỉ trong vòng một ngày. Người bạn thân của Shay thở hơi cuối cùng trên tay anh.
Charles Norman Shay được Hoa Kỳ tặng huy chương Silver Star và Pháp tặng Bắc Đẩu bội tinh. Kể từ 2007, hàng năm ông đều trở lại Normandy. Mặc chiếc áo khoác bằng da hươu trên lưng gắn hình một con rùa, biểu tượng của bộ lạc, ông đốt những điếu thuốc quấn bằng lá thơm, dùng một chiếc lông đại bàng quạt lên "để tiếp xúc với linh hồn những người lính can đảm còn ở lại".
Giám đốc CIA Bill Burns và các "điệp vụ bất khả thi"
Quay lại với chiến tranh ở Ukraine, L’Express đề cập đến một nhân vật nhiều ảnh hưởng ở Hoa Kỳ : Bill Burns, giám đốc CIA. Chính ông đã thuyết phục Mike Johnson bằng những báo cáo cụ thể, khiến chủ tịch Hạ Viện Mỹ rốt cuộc đã thay đổi ý kiến, ủng hộ viện trợ quân sự cho Kiev.
Tác giả Chris Whipple nhận xét, một lần nữa người đứng đầu cơ quan tình báo CIA đã chứng tỏ có thể thực hiện những nhiệm vụ bất khả thi. Trong ba năm qua, Bill Burns đã tiến hành 50 chuyến đi bí mật để gặp gỡ các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới. Cựu đại sứ Pháp ở Liên Hiệp Quốc và Washington Gérard Araud nhận xét "ông ấy là người Mỹ tử tế nhất mà tôi từng làm việc cùng".
Vào lúc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine và Gaza, kinh nghiệm của Bill Burns về thế giới hậu xô-viết và Cận Đông trở nên vô cùng quý giá. Ông là nhà ngoại giao chuyên nghiệp đầu tiên được bổ nhiệm làm lãnh đạo CIA. Đội ngũ này khoảng 22.000 người gồm điệp viên, chuyên viên tin học, nhà khoa học, luật sư, nhà ngôn ngữ học, nhà kỹ trị, quân nhân. Điều hành đội quân trong bóng tối này vốn là điều không dễ dàng vì phải đưa ra những quyết định mang tính sống còn.
Những thông tin làm thay đổi cục diện chiến trường
Ông Burns có thế mạnh là được tổng thống tin tưởng hoàn toàn. Thành công bắt đầu từ tháng 11/2021, khi Joe Biden gởi Bill Burns làm nhiệm vụ bí mật ở Moskva. Ông kinh ngạc khi thấy mình biết nhiều hơn đồng nhiệm Nikolai Patruchev : do sợ Covid, ông chủ điện Kremlin ở ẩn trong dacha, chỉ nói chuyện qua điện thoại với giám đốc tình báo. Burns cảnh báo về hậu quả nếu xâm lăng Ukraine, và khi trở về Washington ông khẳng định với Biden : Chiến tranh nhất định sẽ xảy ra. Với sự đồng ý của tổng thống, giám đốc CIA quyết định công khai những thông tin về ý định xâm lược Ukraine của Putin.
Việc "giải mật chiến lược" này là sự kiện chưa từng thấy, hóa giải hết những cái cớ mà Kremlin định đưa ra. Vào thời đại mạng xã hội, đây là vũ khí răn đe hiệu quả. Không dừng lại ở đây, Burns sang Kiev để thông báo cho Volodymyr Zelensky cách mà tình báo Nga dự định ám sát ông. Chưa hết sững sờ, tổng thống Ukraine còn được biết kế hoạch chi tiết của đặc nhiệm Nga chiếm phi trường Antonov, nhờ đó Kiev đã "tiên hạ thủ vi cường".
Giờ đây CIA đã trở thành hấp dẫn với số người ứng tuyển cao kỷ lục trong năm 2023. Bill Burns tăng gấp đôi ngân sách dành cho Trung Quốc – điểm yếu hiện nay, bộ phận chuyên về Trung Quốc chiếm hẳn một tòa nhà trong trụ sở CIA bên bờ sông Potomac. Ông đã trở thành nhân vật chủ chốt trong chính quyền Biden, ảnh hưởng vượt lên cả ngoại trưởng Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, nhưng vẫn có quan hệ tốt đẹp. Bí quyết của Bill Burns ? Không hề kiêu căng, thực sự lắng nghe người khác.
Thụy My