Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

17/07/2024

Cuộc chiến tại Ukraine bước vào giai đoạn vừa đánh vừa đàm ?

RFI tổng hợp

Ukraine đổi chiến lược "vừa đánh vừa đàm" với Nga vì nhiều đồng minh phương Tây bị khủng hoảng ?

Thu Hằng, RFI, 17/07/2024

Sau hai năm gạt Nga ra bên lề do thất bại của cuộc đàm phán không chính thức ở Thổ Nhĩ Kỳ, mùa xuân 2022, cũng như không mời Nga tham dự Thượng đỉnh về Hòa bình cho Ukraine, tổ chức ở Thụy Sĩ, tháng 06/2024, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky giờ đây muốn mời Nga tham dự Thượng đỉnh lần thứ hai, tổ chức tháng 11 năm nay. Nga tỏ ra dè chừng nhưng không bác bỏ. Phải chăng Ukraine muốn "vừa đánh vừa đàm" trong bối cảnh không thuận lợi về quân và ngoại giao ?

uk1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phát biểu trước các quân nhân khi đến thăm một trung tâm huấn luyện pháo binh, trong bối cảnh Nga tấn công Ukraine, tại một địa điểm không được tiết lộ ở Ukraine ngày 3/11/2023. via Reuters – Server Presidential Ukrainian

Lần đầu tiên kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, tổng thống Zelensky "dịu giọng". Trả lời họp báo ngày 15/07, khi đề cập đến hội nghị vì hòa bình nguyên thủ Ukraine cho rằng nên có sự tham dự của "đại diện phía Nga" mà không đặt ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, ví dụ yêu cầu quân Nga rút hết khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Ukraine.

Thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine lần thứ nhất đã không mang lại kết quả cụ thể, ngoài những lời động viên, hứa sát cánh và hỗ trợ Ukraine. Theo giới phân tích, điều này dễ hiểu vì Nga, bên tham chiến trực tiếp, không có mặt và nhiều đối tác của Nga không tham dự.

Ukraine : Nạn nhân của các đấu đá chính trị ở nhiều nước đồng minh

Chỉ trong vòng một tháng, cục diện chính trị ở những nước ủng hộ chủ chốt bị xáo trộn theo hướng bất lợi cho Kiev. Pháp rơi vào khủng hoảng chính trị từ sau cuộc bầu cử Hạ Viện đầu tháng 07, và hiện nay gần như vô chính phủ. Sẽ không có một quyết định nào về viện trợ cho Ukraine được đưa ra từ nay cho ít nhất đến hết Thế Vận Hội. Liên Hiệp Châu Âu có Nghị Viện mới với phe cực hữu thân Nga và phản đối viện trợ cho Ukraine chiếm nhiều ghế hơn.

Hoa Kỳ vừa trải qua cú sốc sau vụ ám sát hụt cựu tổng thống Donald Trump. Ông được đảng Cộng hòa chính thức đề cử ra tranh chức tổng thống, với số phiếu gần như tuyệt đối. Việc ông lựa chọn thượng nghĩ sĩ trẻ J. D. Vance của bang Ohio, liên danh phó tổng thống thể hiện rõ ý định đoạn tuyệt với chính sách trợ giúp hào phóng cho Ukraine. Tại Hội nghị An ninh Munich tháng 02/2024, thượng nghị sĩ Vance thẳng thừng phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine và đe dọa châu Âu không nên trông đợi vào Mỹ để bảo vệ lục địa. Đương kim tổng thống Joe Biden, người ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, đang phải đối mặt với những lời kêu gọi rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng vì tình trạng sức khỏe.

Phương Tây tiếp tục ủng hộ chính trị và quân sự cho Ukraine được bao lâu trong bối cảnh khủng hoảng nội bộ như vậy ? Một số nhà phân tích, được AP trích dẫn ngày 16/07, cho rằng "hai đến ba tháng tới rất có thể là những tháng khó khăn nhất trong năm nay đối với Ukraine".

Viện trợ vũ khí bị chậm vì khủng hoảng chính trị

Ukraine cần tới 25 hệ thống phòng không Patriot để bảo vệ toàn bộ không phận, nhưng sắp tới chỉ nhận được 4 hệ thống từ Mỹ và các đồng minh. Kho đạn dược bị tiêu hao cũng cần thời gian để được bổ sung trong khi vũ khí, khí tài lại là yếu tố giúp Ukraine kháng cự phần nào trên chiến trường. Chỉ riêng khoảng thời gian 6 tháng chậm viện trợ từ phía Mỹ đã giúp Nga mở thêm mặt trận ở vùng Kharkiv, đông bắc Ukraine, trong khi vẫn duy trì áp lực ở vùng Donetsk miền đông và Zaporijjia ở miền nam. Gần 20% diện tích Ukraine hiện bị Nga chiếm giữ.

Để kéo dài thời gian trong khi chờ đợi tiếp viện, Ukraine đổi sang chiến lược phòng thủ "đàn hồi", có nghĩa là buộc quân Nga phải tiêu hao lực lượng để chiếm được một số địa phương. Nhưng theo giới phân tích, đây không phải là chiến lược "khôn ngoan" vì tổng thống Putin tự tin rằng cuộc chiến tiêu hao sẽ làm nhụt chí phương Tây gửi hàng chục tỉ đô la viện trợ cho Kiev, trong khi Nga không tiếc tiền và nhân mạng để quyết tâm giành chiến thắng.

Ngày 15/07, khi được hỏi về phát biểu của tổng thống Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nhắc lại "nếu họ (Ukraine) muốn mời Nga họp thượng đỉnh, chúng tôi (Hòa Kỳ) sẽ ủng hộ họ". Nhưng nếu nhìn vào phát biểu ngày 15/07 của tổng thống Zelensky, không có chuyện "đình chiến" trong "kế hoạch" cho "hòa bình công bằng" ở Ukraine. Ông nhấn mạnh vào ba chủ đề lớn : an ninh năng lượng của Ukraine, tự do lưu thông ở Biển Đen - vấn đề quan trọng đối với xuất khẩu của Ukraine và trao đổi tù binh.

Điện Kremlin chưa chính thức trả lời nhưng theo giới quan sát, hiện giờ rất khó hình dung ra được viễn cảnh hòa bình vì các điều kiện mà Nga và Ukraine đưa ra quá khác nhau.

Thu Hằng

**************************

Nga dè chừng ý tưởng tổ chức họp thượng đỉnh "vì hòa bình" của Ukraine

Thu Hằng, RFI, 17/07/2024

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai vì hòa bình vào tháng 11/2024 và mời đại diện Nga tham gia để trình bày "một kế hoạch" cho "một nền hòa bình công bằng". Ngày 16/07, Moskva không phản đối nhưng tỏ ra dè chừng về ý tưởng này.

uk2

Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitry Peskov, trong một cuộc họp báo, Moskva, ngày 05/07/2024. Reuters - Evgenia Novozhenina

Thông tín viên RFI Anissa El Jabri tại Moskva cho biết thêm về phản ứng của Nga :

Moskva vẫn thường xuyên chê bai hội nghị vì hòa bình được tổ chức vào tháng 6 ở Thụy Sĩ. Trước cả khi diễn ra, Nga đã đánh giá hội nghị này là "vô ích" và không thể có kết quả nếu không có họ tham gia. Đến trước ngày diễn ra hội nghị, tổng thống Vladimir Putin lại tìm cách phá cuộc đàm phán ngoại giao khi nhắc lại những yêu cầu của Nga, được đánh giá như là những đòi hỏi buộc Kiev và các đồng minh của Ukraine đầu hàng.

Lần này, về đề nghị của tổng thống Ukraine tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh với các đại diện của Nga, phía Moskva không thể từ chối thẳng thừng nhưng rất thận trọng. Người phát ngôn điện Kremlin Dimitri Peskov phát biểu : "Thượng đỉnh về hòa bình đầu tiên không phải là một thượng đỉnh về hòa bình. Vì vậy, rõ ràng trước tiên phải hiểu được ý ông ấy (Zelensky) muốn nói gì".

Phát biểu của ông Peskov rất ngắn vì hiện giờ rất khó để hình dung ra được viễn cảnh hòa bình. Điều kiện được mỗi bên đưa ra rất khác nhau. Trong khi tại Nga, mọi ánh mắt đổ dồn về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ".

Cựu tổng thống Nga Dmitri Medvedev, hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh, vẫn nổi tiếng với những phát biểu "diều hâu", tuyên bố rằng việc Ukraine gia nhập NATO đồng nghĩa với lời tuyên chiến chống Moskva. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tuần báo Argumenty I Fakty, đăng ngày 17/07, ông Medvedev cảnh báo "càng có nhiều âm mưu như vậy, cách đáp trả của chúng ta càng cứng rắn hơn. Việc này có thể khiến hành tinh bùng nổ hay không chỉ phụ thuộc vào sự thận trọng bên phía NATO".

Thu Hằng

************************

Tổng thống Zelensky muốn Nga tham dự hội nghị hòa bình cho Ukraine

Minh Phương, RFI, 16/07/2024

Hôm 15/07/2024, trong cuộc họp báo ở Kiev, tổng thống Volodymyr Zelensky lần đầu tiên tuyên bố muốn Moskva tham dự hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine vào tháng 11 tới. Nhưng phía Nga tỏ vẻ nghi ngờ về đề xuất của ông Zelensky. 

uk3

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky họp báo tại Kiev ngày 15/07/2024. AP - Efrem Lukatsky

Trước đó, hội nghị đầu tiên đã được tổ chức vào giữa tháng 6 tại Thụy Sĩ, với sự tham dự của hàng chục quốc gia, nhưng Nga đã không được mời.

Ông Zelensky cho biết : "Tôi nghĩ rằng các đại diện của Nga nên tham gia hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai này". Sau gần hai năm rưỡi chiến tranh, đây là lần đầu tiên tổng thống Ukraine thể hiện mong muốn đàm phán với Moskva mà không đặt điều kiện tiên quyết là Nga phải rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine. Trước đây, ông từng tuyên bố không muốn thảo luận với Moskva chừng nào Vladimir Putin còn nắm quyền và thậm chí còn ký sắc lệnh xem việc đàm phán với Nga là "bất hợp pháp". 

Tổng thống Zelensky cũng khẳng định đặt mục tiêu là đến tháng 11 tới, Kiev sẽ đưa ra "một kế hoạch đầy đủ" cho "một nền hòa bình công bằng". Nguyên thủ Ukraine không nói đến việc chấm dứt chiến sự, mà chỉ đề cập đến việc thiết lập kế hoạch về ba lĩnh vực chính : an ninh năng lượng, sau khi các cơ sở hạ tầng của Ukraine bị tàn phá do các vụ ném bom của Nga, tự do hàng hải ở Hắc Hải, một vấn đề quan trọng đối với xuất khẩu của Ukraine và cuối cùng là trao đổi tù binh. Theo AFP, Nga hiện vẫn chiếm đóng gần 20% lãnh thổ Ukraine và triển vọng về một lệnh ngừng bắn hay hòa bình lâu dài giữa Kiev và Moskva sẽ khó có thể xảy ra ở giai đoạn hiện nay. 

Đáp lại đề xuất của tổng thống Zelensky, phía Nga tỏ vẻ nghi ngờ và cho biết trước tiên họ cần hiểu hội nghị hòa bình mà Kiev nhắc tới là gì, trước khi chấp nhận tham gia đàm phán. Trên kênh truyền hình Nga Zvezda, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay trả lời : "Hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên hoàn toàn không phải là hội nghị thượng đỉnh hòa bình. Vì vậy, có lẽ trước hết cần phải hiểu ý của ông ấy (Zelensky) là gì".

Cũng trong ngày hôm qua, trả lời phỏng vấn đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, tướng Pat Ryder tái khẳng định rằng Hoa Kỳ không cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa mà Mỹ đã cấp cho quân đội Kiev để oanh kích vào lãnh thổ Nga. Ông nói : "Gần đây chúng tôi đã cho phép Ukraine sử dụng đạn pháo của Mỹ ở phía bên kia biên giới để đáp trả và phòng thủ. Nhưng chính sách của chúng tôi về tên lửa tầm xa vẫn không thay đổi (…) Chúng tôi muốn tránh những hậu quả không lường trước được, như một sự leo thang căng thẳng có thể biến cuộc xung đột này thành một cuộc đối đầu rộng hơn, vượt ra ngoài biên giới Ukraine".

Về tình hình chiến sự, Ukraine cho biết máy bay Nga hôm qua đã thả hai quả bom nặng 250 kg xuống tỉnh Donetsk khiến 5 người bị thương, ba cơ sở kinh doanh, một cơ sở hạ tầng và một ngôi nhà đã bị hư hại nặng. 

Minh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng, Minh Phương
Read 326 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)