Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

16/08/2024

Điểm báo Pháp - Bắc Cực : Mỹ chạy đua với Nga và Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Bắc Cực : Mỹ tìm kiếm liên minh để chạy đua với Nga và Trung Quốc

Những căng thẳng địa chính trị trên thế giới vẫn là chủ đề được các báo Pháp quan tâm nhiều. Báo chí Pháp cũng quan tâm đến cuộc đột kích của quân Ukraine vào sâu trong lãnh thổ Nga, chiến tranh tại Gaza, đối đầu giữa phương Tây với Trung Quốc, Nga… ở Bắc Cực.

baccuc1

Tàu phá băng MSV Nordica của Phần Lan di chuyển dọc theo Hành lang Tây Bắc ở Quần đảo Bắc Cực thuộc Canada, ngày 21/07/2017. AP - David Goldman

Về cuộc xâm nhập của Ukraine tại tỉnh biên giới Kursk của Nga, Les Echos chạy tựa chính trang nhất : "Nước Nga mất ổn định vì cuộc tấn công bất ngờ của Ukraine". Tờ báo nhận thấy "Xã hội Nga choáng váng trước cuộc đột nhập của Ukraine", tựa bài viết của nhật báo kinh tế.

Cho dù vẫn còn những câu hỏi về khả năng quân đội Ukraine trụ lại được ở những vùng đang kiểm soát hay mục tiêu chiến lược của Kiev trong chiến dịch đột nhập này, rõ ràng là cuộc tấn công đã sắp lại cục diện của cuộc chiến và trên hết, đã phá vỡ cách diễn giải của Kremlin rằng chính quyền đủ khả năng "bảo vệ người dân Nga" và rằng mọi chuyện đang diễn ra theo đúng kế hoạch.

Theo Les Echos, rõ ràng là "Putin đã bị sỉ nhục" như lời thừa nhận của Sergei Markov, một trong những cố vấn cũ của tổng thống Nga, đặc biệt là khi Kiev đang thực hiện cuộc xâm nhập đầu tiên của quân đội nước ngoài vào lãnh thổ Nga kể từ năm 1941. Ukraine đã đưa chiến tranh đến đất Nga, chỉ cách Moskva có sáu giờ lái xe.

Tuy nhiên, các diễn văn chính thức của Kremlin vẫn cố gắng giảm thiểu tầm mức vụ việc, coi cuộc đột nhập chỉ là "sự khiêu khích của Ukraine" và vẫn khẳng định kiểm soát được tình hình và quân Ukraine đang bị tổn thất lớn. Mặt khác, ông Putin quả quyết đó là "hoạt động khủng bố" do NATO đạo diễn. Nhiều tiếng nói thân cận với chế độ còn khẳng định các binh sĩ tiến hành đột nhập không phải người Ukraine mà là của phương Tây.

Trong khi đó, tờ báo cho biết, những nhà bình luận tuyên truyền trên truyền hình Nga nhận thấy tình hình nghiêm trọng. Với việc kiểm soát thông tin và tuyên truyền mạnh, không ít người Nga tin là chiến dịch này chỉ là cuộc xâm nhập của các nhóm phá hoại được hỗ trợ bằng những kẻ phản bội trong nước.

Cú sốc cho xã hội Nga

Tờ báo ghi nhận có điều lạ là tổng thống Vladimir Putin không hề đe dọa trả đũa quân sự bằng vũ khí quy ước hay hạt nhân khi chủ quyền lãnh thổ của Nga bị xâm phạm, mà chỉ bóng gió nói rằng Ukraine "xứng đáng bị trừng phạt".

Chính quyền đang kiểm soát tốt dư luận xã hội trong nước hơn là chiến sự tại vùng biên giới Kursk, Les Echos nhận xét.

Tuy nhiên OSW, một trung tâm nghiên cứu phương Đông của Ba Lan, nhận định cuộc tấn công của Ukraine là "một cú sốc cho xã hội Nga", phơi bày những "lỗ hổng trong phòng thủ và tổ chức cứu trợ của Nga. Nhưng ở giai đoạn này không có lý do gì để tin rằng điều đó sẽ dẫn đến một sự thay đổi chính trị và càng không dẫn đến một cuộc nổi dậy".

Cùng chủ đề cuộc đột nhập của Ukraine, nhật báo La Croix có bài phóng sự ghi nhận cuộc tấn công của quân đội Ukraine làm phấn chấn tinh thần người dân tại Sumy vùng biên giới Ukraine và là hậu cứ của chiến dịch đột nhập, mặc dù họ đang phải phải hứng chịu những trận mưa bom trả đũa của Nga.

Trong khi đó, nhật báo Le Figaro cho biết, "Ukraine tìm cách củng cố sự kiểm soát tại Kursk" với thông báo ý định thành lập một sở chỉ huy quân sự trên đất Nga.

Trong khi màn "sương mù chiến sự" vẫn gây khó khăn cho việc đánh giá chính xác cán cân lực lượng trên thực địa, quân đội Ukraine hôm thứ Năm đã cố gắng củng cố các vị trí của họ ở khu vực Kursk trên lãnh thổ Nga, mười ngày sau khi phát động một cuộc xâm nhập bất ngờ chưa từng có.

Phương Tây và Mỹ cuộc đua trên băng

Liên quan đến cuộc đọ sức trên mọi mặt trận giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc, trang nhất Le Figaro chạy tựa : "Bắc Cực, Mỹ tìm kiếm đồng minh chống Nga và Trung Quốc".

Tờ báo trở lại sự kiện Hoa Kỳ, Phần Lan và Canada đã ký "Hiệp ước băng" nhằm đáp lại sự thống trị áp đảo của hạm đội tàu phá băng Nga và tham vọng của Trung Quốc về "những con đường tơ lụa ở vùng cực bắc" của Trái đất. Thỏa thuận này đã được ba nước thông báo tại hội nghị thượng đỉnh NATO hôm 11/07 tại Washington.

Le Figaro khẳng định, ngoài vấn đề an ninh "kinh tế và khí hậu", sự hợp tác này trước hết nhằm mục đích chống lại tham vọng của Nga ở Bắc Cực. Ba nước đồng minh đang tụt hậu đáng kể so với Nga về hạm đội tàu phá băng. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Moskva có 46 tàu phá băng đang hoạt động và 10 tàu đang được đóng thêm. Hoa Kỳ chỉ có 5 tàu đang hết thời hạn sử dụng, Canada khoảng 10 tàu và Phần Lan có 12. Không chỉ vượt trội về số lượng, Nga còn là nước duy nhất có tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng hoạt động quanh năm trên vùng cực băng giá của trái đất. Theo nhiều nguồn tin, các đồng minh trong "Hiệp ước băng" dự kiến đóng từ 70 đến 90 tàu phá băng trong những năm tới.

Bắc Cực đang ngày càng trở thành khu vực chiến lược. Với Nga, đây là tuyến đường hàng hải phương Bắc để chuyên chở dầu khí, tránh các trừng phạt của phương Tây. Nhưng từ hàng chục năm trước, tổng thống Putin đã lường trước được tầm quan trọng về quân sự và kinh tế của Bắc Cực, ông đã cho đẩy mạnh phát triển đội tàu phá băng của Nga.

Trung Quốc, trong chiến lược "các con đường tơ lụa vùng cực", cũng đã tăng cường năng lực. Hồi đầu tháng 7 vừa qua, Bắc Kinh đã hạ thủy con tàu phá băng thứ 4. Le Figaro nhận xét, đây quả thực là một thách thức vô cùng lớn và phức tạp cho các đồng minh. Nhất là hiện nay, Nga và Trung Quốc ngày càng hợp tác chặt chẽ với nhau trên nhiều lĩnh vực, kể cả quân sự, ở vùng Bắc Cực, nơi mà hai cường quốc đôi khi có những lợi ích tương đồng.

Căn cứ không quân của NATO bên sườn đông

Cũng về cuộc đối đầu phương Tây và Nga, nhật báo Le Monde có bài phóng sự dài về công trường cải tạo căn cứ không quân lớn của NATO tại Romania.

Le Monde cho biết, căn cứ quân sự Mikhail-Kogalniceanu tại Romania có từ thời Xô Viết, nằm gần với bán đảo Crimea, đang được cải tạo nhằm tăng cường khả năng của không quân Liên minh ở sườn đông Châu Âu. Đây là một công trình quân sự lớn nhất ở Romania từ năm 1990. Căn cứ có diện tích 3000 hecta được đầu tư 2,5 tỷ đô la. Le Monde nhắc lại, Romania gia nhập NATO từ năm 2004 cùng với Ba Lan, nước láng giềng quan trọng nhất hậu thuẫn cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine.

Lợi ích quân sự chính trị chưa thấy ngay, nhưng theo ghi nhận của Le Monde, công trình đã mang lại nguồn lợi kinh tế cho địa phương, ngoài công ăn việc làm được tạo ra, đời sống của họ cũng được cải thiện. Một người dân trong vùng cho biết, không có căn cứ này, người dân ở đây chỉ làm nông nghiệp.

Indonesia : Phá rừng xây thủ đô mới

Nhìn sang Châu Á, báo Libération chú ý đến Indonesia với bài phóng sự về thủ đô mới của nước này mang tên Nusantara thay thế cho Jakarta, được khánh thành ngày thứ Bảy 17/08.

Thủ đô mới, rộng 650 km², nằm bên bờ đảo Bornéo được chính quyền cho biết là thành phố xanh, trung hòa các-bon… Theo Libération, việc xây dựng, còn chưa kết thúc, đã kéo theo việc phá rừng ồ ạt, gây tác hại cho đa dạng sinh học cũng như đời sống của dân địa phương.

Vẫn liên quan đến Châu Á, báo Les Echos có bài "Chế độ Taliban thích nghi với sự cô lập" nhân 3 năm phe này trở lại nắm quyền ở Afghanistan. Bài báo cho thấy, sau 3 năm, chế độ Taliban vẫn không được một quốc gia nào trên thế giới chính thức công nhận. Chỉ có một vài mối liên lạc được thiết lập lại một cách kín đáo, nhưng chủ yếu là để cung cấp viện trợ nhân đạo thiết yếu cho đất nước đang kiệt quệ, người dân ngày càng khốn khổ.

Thế Vận Hội 2024 thành công và lợi ích chính trị cho thị trưởng Paris

Về thời sự nước Pháp, Le Figaro quan tâm đến hậu Thế Vận Hội mùa hè Paris 2024, nhưng trên khía cạnh chính trị với tựa chính trang nhất : "Anne Hidalgo trông cậy vào lợi ích chính trị của Thế Vận Hội". Bài báo cho biết, 2 năm trước cuộc bầu cử họi đồng thành phố, nữ thị trưởng Anne Hidalgo đang tìm cách tận dụng thành công không thể phủ nhận của Olympic Paris để củng cố cơ sở chính trị của mình với tham vọng ra ứng cử nhiệm kỳ thứ 3.

Xã luận Le Figaro viết : Suốt mùa hè, người dân Paris đã tìm lại được một thủ đô sạch sẽ, an toàn và nhân văn. Đây là sự đánh cược của Anne Hidalgo : Trong hai tuần, dân Paris sẽ quên đi một thập kỷ quản lý thành phố gây nhiều tranh cãi, dập tắt những chỉ trích của các đối thủ, 2 năm trước cuộc bầu cử hội đồng thành phố kỳ tới. Trên phương diện này, việc tổ chức Thế Vận Hội là một thành công không thể phủ nhận đối với thị trưởng Paris.

Nhưng coi chừng vỡ mộng. Khi lớp bụi vàng của Thế Vận Hội đã lắng xuống, sự trở lại với thực tế có thể sẽ khắc nghiệt với người dân Paris : Tắc nghẽn giao thông, mất an ninh và quấy rối trên đường phố, tệ nạn ma túy, công trường khắp nơi, rác rưởi nơi công cộng... Anne Hidalgo sẽ nỗ lực rất nhiều để chứng minh di sản của Thế Vận Hội có thể được trường tồn, đồng thời kiểm soát khoản nợ vẫn tiếp tục gia tăng kể từ khi bà bước vào Tòa thị chính Paris.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 127 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)