Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

17/08/2024

Điểm tuần báo Pháp - Ukraine tính toán gì ở Kursk

RFI tiếng Việt

Ukraine tính toán gì ở Kursk, sau thành công vẻ vang bước đầu ?

Le Nouvel Obs coi "Cuộc tấn công của Ukraine vào Kursk là một sự sỉ nhục mới về quân sự cho Vladimir Putin". Sau thành công ngoài sức tưởng tượng ban đầu, tiếp đến sẽ là gì ? - The Economist đặt câu hỏi. Liệu có thể biến lợi ích trước mắt thành ưu thế chiến lược lâu dài hay không ?

uk1

Các chiến binh lữ đoàn cơ giới 22 Ukraine trên quân xa Humvee khi luyện tập tại Sumy gần biên giới Nga, ngày 17/08/2024. Reuters - Thomas Peter

Ukraine tiến vào Kursk : Sỉ nhục mới cho Vladimir Putin

Bên cạnh những vấn đề xã hội như tình dục, tâm lý học, câu chuyện hậu Thế vận hội Paris 2024, thời sự quốc tế trong mùa hè trên các báo vẫn sôi động với cuộc tiến công táo bạo của Ukraine vào đất Nga.

Le Nouvel Obs coi "Cuộc tấn công của Ukraine vào Kursk là một sự sỉ nhục mới về quân sự cho Vladimir Putin". Kursk, nơi từng diễn ra trận chiến xe tăng lớn nhất trong lịch sử là một cái tên xui xẻo cho Nga. Cách đây 24 năm, tàu ngầm nguyên tử Kursk bị chìm làm 118 thủy thủ Nga tử nạn, và nay thì phải tháo chạy khi Ukraine bất ngờ đánh sang.

Hiện nửa triệu quân Nga đang tập trung ở miền đông Ukraine, sở hữu đạn pháo nhiều hơn, tuy nhiên trong đợt tấn công chớp nhoáng này Kiev đã chiếm được số đất nhiều hơn Nga ở Kharkiv suốt ba tháng qua. Tuần báo viết, "do sợ hãi, do chậm giúp đỡ đồng minh, chúng ta đã bỏ mặc hơi quá sớm một dân tộc can đảm với sức kháng chiến tuyệt vời". Lằn ranh đỏ - cấm Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công sang đất Nga - cho đến nay vẫn tạo ưu thế lớn cho Nga.

Từ "chiến dịch quân sự đặc biệt" đến chiến tranh thực sự

Libération cuối tuần chạy tít trang nhất "Ukraine-Nga đối đầu". Ban đầu chỉ là một cuộc đột kích, rồi trở thành xâm nhập, và sau mười ngày đã là một cuộc tiến công thực sự vào lãnh địa kẻ xâm lăng : nước Nga của Vladimir Putin. Từ hôm 06/08, Kiev đã thực hiện được điều không tưởng mà chẳng báo trước cho đồng minh Mỹ. Kể từ sau Đệ nhị Thế chiến chưa hề có đội quân nước ngoài nào tràn vào Nga.

"Chiến dịch quân sự đặc biệt" của Putin hiện nguyên hình là chiến tranh. Sau khung cửa sổ, người dân Nga vùng biên giới thấy tận mắt lực lượng Ukraine tiến vào, và 200.000 người phải di tản, đôi khi đến tận Moskva, là những bằng chứng sống động cho thấy đất nước không phải bất khả xâm phạm như nhà độc tài vẫn khẳng định.

Hôm 15/08, thậm chí quân đội Ukraine còn tuyên bố thành lập chế độ quân quản để quản lý vùng đất giành được. Tổng tham mưu trưởng Oleksandr Syrsky cho biết đã xuyên thủng được 35 km chiều sâu, chiếm 1.150 km² và 82 địa điểm, trong đó thành phố Sudzha với 5.500 dân, "hoàn toàn được giải phóng". Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định sẽ không sáp nhập Kursk và ngưng tiến quân nếu Moskva chấp nhận "một nền hòa bình công chính". Trong khi chờ đợi, Kiev lập ra vùng đệm với các hành lang nhân đạo cho công dân Nga cũng như Ukraine. Có vẻ như một trong những mục tiêu của chiến dịch nhằm làm giảm bớt áp lực quân Nga ở miền đông. Nhưng nhà nghiên cứu Jade McGlynn của King’s College nhận thấy tuy Nga rút bớt quân từ nhiều nơi, nhưng trừ Donbass ra.

Lực lượng Ukraine xâm nhập được sâu nhờ các ê-kíp hết sức linh hoạt, với sự trợ giúp của các xe thiết giáp được phương Tây viện trợ như Stryker của Mỹ, Marder của Đức, Challenger 2 của Anh ; được hỗ trợ bởi các thiết bị gây nhiễu radar, phòng không cơ động, và drone không kích để buộc phi cơ Nga không thể cất cánh. Một cuộc tấn công phối hợp đêm thứ Tư rạng sáng thứ Năm đánh vào ít nhất bốn căn cứ không quân Nga ở sâu vài chục kilomet.

Nga huy động cả lính trẻ quân dịch : Rủi ro cho chế độ

Cựu tướng Mỹ Christopher G. Cavoli nhận xét : "Kiev đã tìm ra điểm yếu của Nga và nhanh chóng khai thác một cách rất khôn khéo. Người Nga bị sốc, nhưng không thể kéo dài và họ sẽ phản ứng". Chưa chi vùng Sumy đã phải chịu 56 trận pháo kích chỉ riêng trong ngày thứ Năm. Lính quân dịch cũng bị huy động – một hành động được cho là khá tuyệt vọng của Putin.

Theo trang web đối lập Nga Verstka, có trên 100 lính nghĩa vụ đóng ở biên giới khi Ukraine tấn công, và theo Radio Liberty thì hầu hết đã bị bắt sống. Kênh Telegram "Ê-kíp Navalny" và mạng xã hội Vkontakte đưa lên một số trường hợp, như bà Victoria, có con trai duy nhất đi quân dịch đóng ở gần Sudzha đến nay không có tin tức gì. Các gia đình đã đưa kiến nghị đòi Vladimir Putin rút lính nghĩa vụ ra khỏi vùng chiến sự ở Kursk, vì các tân binh này không có kinh nghiệm và vũ khí cần thiết để giao tranh, đến nay đã thu thập được trên 8.000 chữ ký.

Theo luật pháp Nga, các thanh niên đi quân dịch một năm, không bị buộc phải tham gia các chiến dịch quân sự trừ phi đã phục vụ ít nhất bốn tháng và được huấn luyện đặc biệt. Thế nhưng đa số ở Sudzha chỉ mới đi nghĩa vụ được hai, ba tháng và chưa được huấn luyện. Nhà nghiên cứu Igor Gretskiy cảnh báo rủi ro chính trị cho chế độ trước sự bất mãn của thân nhân các tân binh.

Tấn công sang đất kẻ xâm lược : Quyền tự vệ chính đáng của Kiev

The Economist phân tích về những lợi ích và nguy cơ từ chiến dịch Kursk của Ukraine. Về cả đạo lý lẫn pháp lý, Kiev hoàn toàn có quyền đánh sang đất Nga. Mỗi nước đều có quyền tự vệ và quyền này không dừng lại ở biên giới ; quân xâm lược, vũ khí và các căn cứ xuất phát đều là những mục tiêu hợp pháp có thể trả đũa.

Chiến dịch của Ukraine đã có được một số thành công, mang lại ba lợi ích lập tức. Thứ nhất là nâng cao tinh thần chiến sĩ, thứ hai là chứng tỏ với các đối tác quốc tế là Ukraine có thể ở thế công, và thứ ba là làm bộc lộ những điểm yếu của Nga. Hồi năm 2022, Vladimir Putin ngỡ rằng sẽ chiếm được Ukraine chỉ trong vài ngày nhưng đã hơn hai năm qua, mục đích này hãy còn xa. Khi Yevgeny Prigozhin nổi loạn, quân đội vẫn đứng ngoài ; và nay khi Ukraine xâm nhập vào Kursk, dân địa phương không có phản ứng.

Về phía Ukraine cũng chịu rủi ro cao : Một phần lớn lực lượng tinh nhuệ từ Donbass sang Kursk, nếu bị thiệt hại nhiều sẽ nguy hiểm cho miền đông đồng thời làm mất đi khí thế vừa tạo được tuần qua.

Moskva khó thể trả đũa mạnh hơn những đợt trước

Chiến dịch Kursk còn là bài học cho các đồng minh : tấn công cũng là tự vệ. Mỹ, Anh, Pháp tiếp tục cấm Ukraine dùng hỏa tiễn tầm xa đánh vào đất Nga. Nhưng thật phi lý khi Kiev không đươc tấn công vào các căn cứ không quân của Nga – nơi thả những quả bom lượn để tàn phá các thành phố Ukraine và giết hại những chiến binh. Lực lượng Nga đang vi phạm trắng trợn biên giới Ukraine, không thể thảnh thơi trú ẩn phía sau biên giới của họ - theo The Economist.

Le Monde cuối tuần ghi nhận "Sự hài lòng lặng lẽ của các đồng minh Kiev trước chiến dịch tiến công vào Kursk". Cho đến nay Nga vẫn chưa tập trung được nhiều quân để đối phó, chẳng thấy dân Nga tổ chức kháng chiến, mà hàng trăm ngàn người lo di tản. Ukraine bắt được một số lượng lớn tù binh, chủ yếu là lính quân dịch và Vệ binh Quốc gia.

Trả lời Libération, nhà sử học Galia Ackerman nhận định việc Putin bổ nhiệm Alexey Dyumin, cựu vệ sĩ của mình chỉ đạo chiến dịch phản công cho thấy sự lộn xộn trong ban lãnh đạo Nga. Bình thường thì bộ tham mưu phụ trách phối hợp, nhưng Vladimir Putin lại chỉ định FSB, một cơ quan an ninh không thể quản lý một chiến dịch quân sự phức tạp. Dyumin không có kinh nghiệm quân sự nhưng đối với ông chủ điện Kremlin, sự tin cậy quan trọng hơn năng lực. Theo bà Ackerman, mỗi lần bị thất bại nặng nề như một số tàu thuộc Hạm đội Hắc Hải bị đánh chìm, Kremlin lại trả đũa bằng cách oanh tạc ồ ạt. Lần này có lẽ cũng vậy, Nga khó thể làm hơn.

Hồi tiếp theo chiến dịch Kursk là gì ?

Sau thành công ngoài sức tưởng tượng ban đầu, tiếp đến sẽ là gì ? The Economist đặt câu hỏi. Liệu có thể biến lợi ích trước mắt thành ưu thế chiến lược lâu dài hay không ? Tấn công quá nhanh, nhưng Nga phản ứng quá chậm, khiến Ukraine có thể xem lại các mục tiêu. Theo tướng Úc về hưu Mick Ryan, Kiev có ba chọn lựa.

Hoặc cố giữ những vùng đất chiếm được thậm chí tiến xa hơn, nhưng rất nguy hiểm vì không còn được phòng không và các phương tiện chiến tranh điện tử bảo vệ. Hoặc rút về phía biên giới, duy trì quân số và vũ khí cho việc tái chiếm lãnh thổ năm tới. Khả năng thứ ba là rút một phần về những vị trí dễ bảo vệ hơn, nằm gần biên giới Ukraine, sẽ cần ít quân hơn, thuận tiện về hậu cần cũng như được pháo yểm trợ.

Đây sẽ là cơ sở cho những cuộc tấn công mới khi có cơ hội. Một nguồn tin từ bộ tham mưu Ukraine nói rằng giải pháp thứ ba là khả thi nhất : một bộ phận logistic gồm công binh, xăng dầu, bệnh viện dã chiến, kho thực phẩm và cơ sở bảo trì đã được chuyển đến nhiều cây số phía sau biên giới Nga. Không thấy các đồng minh phàn nàn gì. Thách thức của ông Volodymyr Zelensky là làm sao biến thắng lợi vừa rồi thành kết quả lâu dài.

"Tất cả đã đi gặp Thánh Phêrô"

Một phóng sự của The Economist cho biết thêm về một đơn vị đặc biệt tham gia chiến dịch. Trung úy Nazariy Kishak đến nơi hẹn trễ bốn tiếng đồng hồ, anh cười vui vẻ : "Cả một đoàn xe với 70 lính Chechnya, tất cả đều đã đi gặp Thánh Phêrô".

Đơn vị 200 người do Kishak chỉ huy có 1/4 là tù nhân xung phong ra trận để đổi lấy tự do, nhiệm vụ đầu tiên là chiến đấu cho Tổ quốc trên đất Nga. Người sĩ quan khẳng định họ là những chiến binh gan dạ chưa từng thấy. Cách đây vài ngày, đơn vị đã mất người đầu tiên là Mykhailo, bị lãnh án vì tội trộm cắp. Một cựu tù nhân nay là binh sĩ mang bí danh "Wikipedia" nói rằng bằng cấp vi tính của mình rất hữu ích trong việc điều khiển drone và chiến tranh điện tử.

Bất ngờ lớn nhất của Thế vận hội Paris : Dân Pháp không còn cằn nhằn

Dư âm ngọt ngào của Thế vận hội Paris 2024 cũng dày đặc trên mặt báo. Le Figaro Magazine ra số chuyên đề "Không thể nào quên !", là một album với nhiều hình ảnh độc đáo để kỷ niệm dịp Olympic rất thành công. Nhìn từ các nước khác, Courrier International chạy tít trang bìa "Thế vận hội : Khúc khải hoàn ca". Hồ sơ của tờ báo tập hợp những bài viết trên báo chí quốc tế, hầu hết đều khen ngợi Paris 2024. Wall Street Journal nhận xét "Bất ngờ lớn nhất của Thế vận hội Paris là gì ? Đó là người Pháp không còn phàn nàn nữa". Nhật báo El Pais của Tây Ban Nha dẫn lời nhà văn Sylvain Tesson : "Nước Pháp là một thiên đường đầy những người tin rằng mình đang sống trong địa ngục".

Dân Pháp than phiền đủ mọi thứ, từ giao thông, việc một số trạm métro đóng cửa, làn sóng du khách Mỹ sắp ào đến. Trong cuộc điều tra vào tháng 7, chỉ có 12% cho biết cảm thấy "nhiệt tình" khi Paris là nơi diễn ra Thế vận hội. Nhưng đó đã là quá khứ, trước khi ngày hội thể thao của hành tinh khởi động. Khẩu hiệu Olympic "Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn" (Citius, Altius, Fortius) trên miệng người Pháp đã trở thành "Allez, les Bleus !". Câu này vang vọng khắp nơi ở Paris, trên khán đài Roland-Garros khi đội tuyển rugby Pháp nhận huy chương vàng, lan tỏa bên bờ sông Seine khi các vận động viên ba môn phối hợp (triathlon) Pháp chiến thắng.

Các vận động viên Pháp phấn chấn trước làn sóng cổ động mạnh mẽ hiếm thấy. Người hâm mộ thay nhau hát vang những bài hát nổi tiếng của Pháp và quốc ca La Marseillaise. Vận động viên bơi Léon Marchand khi đoạt huy chương vàng thứ hai về 200 mét bướm trong những tiếng hô vang trời của 15.000 khán giả, cứ như trong một trận bóng đá. Tờ Neue Zürcher Zeitung của Thụy Sĩ cho rằng Thế vận hội 2024 phải là mẫu mực cho các Thế vận hội sau này, nhất là Los Angeles có đến 11 năm chuẩn bị thay vì 7 năm như Paris.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 104 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)