Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

24/03/2018

Bắc Kinh bối rối trước tàu chiến Mỹ đi vào vùng "cấm địa" trên Biển Đông

Tổng hợp

Chiến hạm Mỹ tuần tra gần đá Vành Khăn : Bắc Kinh phản ứng gay gắt (RFI, 24/03/2018)

Khu trục hạm USS Mustin thuộc Hạm Đội 7 của Hải Quân Mỹ ngày 23/03/2018 đã tiến vào tuần tra bên trong khu vực 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn (Mischief Reef) đang tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng. Hoạt động của chiến hạm Mỹ đã lập tức làm dấy lên những phản ứng gay gắt từ phía Bắc Kinh.

bd1

Khu trục hạm USS Mustin thuộc Hạm Đội 7 của Hải Quân Mỹ ghé Cam Ranh (Việt Nam) ngày 15/12/2016. Ảnh minh họaUS. NAVY

Theo hãng tin Anh Reuters, bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết đã cử 2 tàu chiến ra để nhận diện và xua đuổi tàu Mỹ, bị cho là có hành động gây hại nghiêm trọng cho an ninh và chủ quyền của Trung Quốc, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực.

Theo bộ Quốc Phòng Trung Quốc : "Hành vi khiêu khích của phía Mỹ sẽ chỉ khiến quân đội Trung Quốc tăng cường củng cố năng lực phòng thủ ở mọi nơi".

Trong một tuyên bố riêng, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng cho biết là Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các bước cần thiết để bảo vệ chủ quyền, hòa bình và ổn định ở Biển Đông, nơi tình hình đang chuyển biến tốt hơn nhờ nỗ lực của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Bắc Kinh tố cáo Mỹ cố tình "tạo ra căng thẳng", trái ngược với mong muốn của các quốc gia trong khu vực là hợp tác và phát triển, và do đó không được ủng hộ.

Đối với nữ trung tá Nicole Schwegman, phát ngôn viên Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ, chiếc USS Mustin chỉ thực hiện một hoạt động bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) bình thường, theo đúng luật quốc tế, một hoạt động mà Mỹ đã và sẽ tiếp tục tiến hành trong tương lai.

Đây không phải là lần đầu tiên mà chiến hạm Mỹ tiến hành tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải gần các thực thể trong tay Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng hoạt động lần này lại diễn ra cùng lúc với việc quan hệ thương mại Mỹ-Trung đột nhiên căng thẳng hẳn lên.

Trên nhật báo Hồng Kông South China Morning Post (24/03/2018), chuyên gia quân sự Trung Quốc Nghê Nhạc Hùng (Ni Lexiong) cho rằng Mỹ đã cân nhắc kỹ thời điểm thực hiện cuộc tuần tra hôm 23/03, vào đúng ngày Trung Quốc phản pháo trước quyết định tăng thuế của Hoa Kỳ.

Trọng Nghĩa

*******************

Tàu Mỹ 'thăm Đá Vành Khăn' sau lệnh trừng phạt (BBC, 24/03/2018)

Một tàu hải quân Hoa Kỳ lại vừa áp sát Mischief Reef (Việt Nam gọi là Đá Vành Khăn) hôm thứ Sáu nhằm tiến hành hoạt động 'tự do đi lại' ở Biển Đông.

bd2

Tàu USS Mustin - ảnh từ trang Facebook của Hải quân Hoa Kỳ

Bản tin của Reuters nói khu trục hạm USS Mustin đã tiến vào trong phạm vi 12 hải lý sát đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp thuộc Quần đảo Trường Sa.

Hành động này khiến Bắc Kinh tức giận.

Đây là hành động mới nhất trong việc đối phó với điều mà Washington coi là các nỗ lực của Trung Quốc trong việc hạn chế tự do đi lại ở vùng biển chiến lược.

bd3

Trung Quốc tăng cường xây dựng trên Đá Vành Khăn

Đá Vành Khăn là nơi Trung Quốc đang có tranh chấp với các nước trong khu vực.

Đây không phải là lần đầu tiên các tàu hải quân Mỹ áp sát nơi này.

Gần đây nhất, hồi tháng 8/2017, khu trục hạm USS John S McCain đã áp sát trong phạm vi cách Đá Vành Khăn 12 hải lý.

Hoa Kỳ từng chỉ trích việc Bắc Kinh bồi đắp các đảo nhân tạo và xây dựng các cơ sở quân sự trong khu vực.

Washington cũng lên tiếng quan ngại về việc các cơ sở đó có thể được sử dụng để hạn chế việc tự do hàng hải.

Hoạt động mới nhất này của hải quân Hoa Kỳ diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh trừng phạt Trung Quốc, sự kiện có thể dẫn đến cuộc chiến thương mại toàn diện giữa hai nền kinh tế.

Ngay lập tức, Trung Quốc cáo buộc Mỹ 'khiêu khích nghiêm trọng về quân sự', South China Morning Post nói.

bd4

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mới chỉ bắt đầu : Hình của Tân Hoa Xã mô tả các mặt hàng của Mỹ mà Bộ Thương mại Trung Quốc xem xét sẽ đánh thuế nhập cao hơn

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói hai hộ tống hạm của nước này đã được gửi ra để xác định danh tính tàu Mỹ và ra cảnh báo, đòi tàu khu trục phải rời đi.

Bắc Kinh nói các hành động của tàu Mỹ gây tổn hại nghiêm trọng tới chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, và điều đó dẫn tới việc đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực.

Trung Quốc luôn cho rằng mình bảo vệ quyền tự do hàng hải và tự do bay trên bầu trời Biển Đông, nhưng phản đối các hoạt động "bất hợp pháp và khiêu khích" nhân danh tự do hàng hải.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, nơi có tuyến đường biển giao thương quan trọng trị giá 5 nghìn tỷ đô la mỗi năm, nơi mà các nước Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Viêt Nam cũng tuyên bố chủ quyền từng phần.

Căng thẳng ở Biển Đông

Hôm thứ Sáu 23/03 là một ngày xảy ra nhiều sự kiện đáng chú ý ở Biển Đông.

Cùng ngày với việc tàu Mỹ áp sát Đá Vành Khăn, Bắc Kinh tuyên bố hải quân Trung Quốc 'sẽ có cuộc diễn tập thường niên ở Nam Hải' tuy chưa cho biết cụ thể thời gian và địa điểm.

Cũng trong ngày, có các tường thuật nói Việt Nam do áp lực từ phía Trung Quốc đã buộc phải yêu cầu hãng Repsol của Tây Ban Nha bỏ một dự án khai thác dầu khí nhiều tiềm năng, dự án Cá Rồng Đỏ.

bd5

Image caption Trung Quốc đã xây cất thế nào ở Biển Đông

Reuters dẫn nguồn ẩn danh nói các bộ ngành của Việt Nam đã tạm dừng hoạt động và quyết tâm chấm dứt dự án.

Tuy nhiên, quyết định cuối cùng nằm trong tay Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, xem liệu sẽ chỉ tạm ngưng hay chấm dứt hợp đồng đã ký với các đối tác trong dự án.

Phóng viên BBC, ông Bill Hayton nói việc ngưng dự án sẽ khiến Repsol và các đối tác thiệt hại khoảng 200 triệu đô la.

Theo Reuters, Bộ Chính trị đang cân nhắc xem hơn thiệt của hai quyết định : hủy hợp đồng hay là chống lại sức ép từ phía Trung Quốc.

Tuy nhiên, vẫn Reuters nói cuộc họp của Bộ Chính trị hiện chưa diễn ra bởi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang có chuyến công du nước ngoài, trong lúc Việt Nam đang đón tiếp nhiều quan chức nước ngoài tới thăm, và bởi tang lễ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

**********************

Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ ‘khiêu kích nghiêm trọng’ ở Biển Đông (RFA, 23/03/2018)

Trung Quốc vào ngày 23 tháng 3 lên tiếng cáo buộc Hoa Kỳ ‘khiêu khích nghiêm trọng’ ở Biển Đông sau khi Khu trục hạm USS Mustin đi qua vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn tại Quần Đảo Trường Sa.

bd6

Lính Mỹ đứng gác trên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson ở Manila, Philippines hôm 17/2/2018 - AP

Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng loan tin vừa nêu dẫn lời phát ngôn nhân Nhiệm Quốc Cường của Bộ quốc phòng Trung Quốc rằng việc mà Hoa Kỳ thực hiện làm phương hại đến mối quan hệ giữa quân đội Trung Quốc và Hoa Kỳ. Điều đó có thể dễ dàng dẫn đến phán đoán sai và những tai nạn hàng không hoặc hàng hải. Đây là một sự khiêu khích chính trị và quân sự nghiêm trọng đối với Trung Quốc nên Quân Đội Hoa Lục mạnh mẽ phản đối.

Người phát ngôn Bộ quốc phòng Trung Quốc còn nói thêm hoạt động từ phía Hoa Kỳ như thế sẽ thúc đẩy Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự trong khu vực.

Phản đối và cảnh báo như vừa nêu của phía Trung Quốc được đưa ra vào khi Bắc Kinh thông báo tiến hành cuộc tập trận chiến đấu tại Biển Đông cũng vào ngày 23 tháng 3.

Tân Hoa Xã dẫn phát biểu của Hải Quân Trung Quốc rằng cuộc tập trận chiến đấu là hoạt động huấn luyện thường xuyên được tiến hành như một phần trong kế hoạch hằng năm giúp tăng khả năng chiến đấu cho binh sĩ chứ không nhắm đến bất cứ quốc gia hay mục tiêu nào.

Bộ quốc phòng Trung Quốc còn nói cho hai tàu chiến Trung Quốc ra cảnh báo Khu trục hạm USS Mustin khi đi qua vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn ngày 23 tháng 3.

Còn một quan chức ẩn danh Hoa Kỳ thì nói với Reuters rằng Khu trục hạm USS Mustin thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ‘tự do hàng hải’ FONOPS trong chiến dịch lâu nay của phía Mỹ.

Tuy vậy, đây là chuyến FONOPS đầu tiên mà Hoa Kỳ tiến hành chỉ một ngày sau khi tổng thống Donald Trump công bố biện pháp sẽ đánh thuế trên số hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ trị giá 60 tỷ đô la Mỹ, và là chuyến thứ hai tính từ đầu năm đến nay.

Quay lại trang chủ
Read 676 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)