BBC, 10/10/220
Trung Quốc đã yêu cầu một tàu khu trục của Hải quân Mỹ rời Biển Đông "ngay lập tức" sau khi tàu này đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John McCain
Hôm thứ Sáu, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John McCain đã đi vào vùng biển xung quanh các đảo tranh chấp mà không được phép của chính phủ Trung Quốc, theo Express.
Sau khi phát hiện tàu hải quân Mỹ, "quân đội Trung Quốc đã nhanh chóng ra lệnh cho tàu này rời đi, trước khi cử lực lượng tiến hành các thủ tục theo dõi", theo Express.
Thượng tá Zhang Nandong cũng kêu gọi Mỹ "ngừng vi phạm chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực".
Ông này nói : "Chúng tôi yêu cầu Mỹ dừng ngay các hành động khiêu khích như vậy, đồng thời kiểm soát chặt chẽ và hạn chế các hoạt động quân sự trên biển và trên không".
Vị này cũng tuyên bố Trung Quốc "sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ sự ổn định của khu vực ở Biển Đông".
Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang cố gắng tăng cường hiện diện trong khu vực bằng cách cử các tàu hải quân tiến hành các hoạt động tự do hàng hải.
Do có lực lượng hải quân khổng lồ, Bắc Kinh đã có thể gây áp lực ngày càng gia tăng lên các quốc gia láng giềng như Philippines, Malaysia và Việt Nam để đòi các đảo mà họ coi là của riêng mình.
Đáp lại, Washington đã cố gắng đưa ra lập trường cứng rắn với Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Mike Pompeo đã kiên trì cảnh báo về đế chế hải quân đang phát triển của Tập Cận Bình.
Trước đó, ông đã tuyên bố : "Chúng tôi nói rõ : yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn trái pháp luật, cũng như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát chúng.
Ở Biển Đông, chúng tôi tìm cách duy trì hòa bình và ổn định, duy trì tự do trên biển theo cách phù hợp với luật pháp quốc tế, duy trì dòng chảy thương mại không bị cản trở và phản đối mọi nỗ lực sử dụng cưỡng bức hoặc vũ lực để giải quyết tranh chấp.
"Chúng tôi chia sẻ những lợi ích sâu sắc và lâu dài này với nhiều đồng minh và đối tác của chúng tôi, những người từ lâu đã tán thành một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
"Bắc Kinh sử dụng sự đe dọa để làm suy yếu quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển Đông Nam Á ở Biển Đông, bắt nạt họ liên quan đếng các nguồn tài nguyên ngoài khơi, khẳng định quyền thống trị đơn phương và tự cho mình quyền thay thế luật pháp quốc tế.
"Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình".
*******************
Bộ Quốc phòng Trung Quốc phản đối tàu chiến Mỹ đi vào gần quần đảo Hoàng Sa
RFA, 10/10/2020
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 9/10 lên tiếng phản đối việc Hoa Kỳ điều tàu chiến John McCain đi vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa mà không được phép của Trung Quốc.
Tàu chiến John McCain của Hải quân Mỹ - Reuters
Theo Reuters, phát biểu của người đại diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc được viết trên tài khoản chính thức WeChat.
"Chúng tôi yêu cầu Mỹ dừng ngay những hành động gây hấn như vậy, kiểm soát chặt chẽ và kiềm chế các hoạt động quan sự tại vùng biển và vùng trời này (Biển Đông)". Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc viết.
Người phát ngôn Bộ tư lệnh Quân khu miền Nam của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Zhang Nandong cũng đồng thời gọi vụ tàu chiến Mỹ đi vào gần Hoàng Sa là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc, phá hoại hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Đại tá Zhang Nangong đồng thời cũng cho biết Trung Quốc đã điều máy bay và tàu chiến để theo dõi tàu của Hải quân Mỹ và đuổi tàu này ra khỏi vùng nước gần quần đảo Hoàng Sa.
Bắc Kinh hiện đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa từ Việt Nam vào năm 1974.
Từ năm 2015, Hoa Kỳ đã thực hiện chiến dịch Tự do Hàng hải qua việc điều tàu chiến đi vào khu vực Biển Đông, đi sát các thực thể, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cho xây lấp để thách thức chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh ở vùng nước tranh chấp.
Người đại diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói việc Mỹ thường xuyên điều tàu chiến đến Biển Đông là để phô diễn lực lượng và vi phạm nghiêm trọng chủ quyền cũng như lợi ích an ninh của Trung Quốc. Đại tá Zhang Nandong đồng thời lên tiếng cảnh báo Bắc Kinh sẽ có các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông.
*********************
Nhật Bản điều ba tàu đến Biển Đông tập trận chống tàu ngầm
VOA, 10/10/2020
Lực lượng Tự vệ Hàng hải của Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tập trận chống tàu ngầm ở Biển Đông vào ngày 9 tháng 10, điều ba tàu bao gồm một tàu sân bay trực thăng và một tàu ngầm, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
3 tàu chiến tham gia tập trận ở biển Đông hôm 9/10, gồm tàu khu trục chở trực thăng JS Kaga, tàu khu trục Ikazuchi và tàu ngầm tấn công JS Shoryu. Ảnh: JMSDF - Ảnh minh họa
Mục đích của cuộc tập trận là "để tăng cường khả năng chiến thuật của các tàu", bộ nói trong một thông cáo mà không cho biết thêm chi tiết về vị trí địa lý của cuộc tập trận.
Ba tàu sẽ dừng tại Vịnh Cam Ranh của Việt Nam vào cuối tuần để tiếp nhiên liệu, thông cáo cho biết.
Không thể liên lạc được với bộ ngay lập tức yêu cầu đưa ra thêm bình luận.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển giàu năng lượng ở Biển Đông và đã thiết lập các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo trong khu vực. Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền đối với một số phần của vùng biển này.
Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và tìm cách đe dọa các nước láng giềng Châu Á, những nước có thể muốn khai thác trữ lượng dầu khí to lớn trong khu vực này.
Hoàn cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc, ghi nhận các cuộc tập trận mới nhất của Nhật Bản, ngày thứ Bảy nói rằng việc thường xuyên tiến hành các hoạt động quân sự ở Biển Đông không có lợi cho an ninh và ổn định của khu vực và Trung Quốc kiên quyết phản đối việc này.
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ, bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và các lợi ích phát triển của Trung Quốc, báo này nói. Hoàn cầu Thời báo được xuất bản bởi Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của Đảng cộng sản cầm quyền của Trung Quốc.
Hoàn cầu Thời báo nói các tàu chiến Nhật Bản gần đây đã tiến hành các hoạt động ở Biển Đông, với một tàu sân bay trực thăng được phát hiện trên vệ tinh vào ngày 5 tháng 9.
Ngày thứ Sáu, một phát ngôn viên quân đội Trung Quốc cho biết tàu khu trục John McCain của Mỹ đã đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp ở Biển Đông mà không có sự cho phép của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Mỹ dừng "các hành động khiêu khích như vậy".
Theo Reuters
RFI, 10/10/2020
Bộ Quốc Phòng Nhật thông báo Lực Lượng Phòng Vệ Biển đã tham gia đợt tập trận chống tàu ngầm ở Biển Đông. Ngày 09/10/2020 ba chiến hạm của Nhật gồm một tàu trực thăng vận và một tàu ngầm hiện diện trong khu vực.
Không đi sâu vào chi tiết và không nói rõ hơn về vị trí của những chiếc tàu nói trên, bộ Quốc Phòng Nhật Bản chỉ giải thích mục tiêu cuộc thao diễn lần này nhằm "tăng cường khả năng tác chiến". Tuy nhiên ba tàu chiến của Lực Lượng Phòng Vệ Biển Nhật Bản sẽ dừng tại Vịnh Cam Ranh của Việt Nam cuối tuần này để tiếp liệu.
Sự hiện diện của tàu Nhật Bản ở Biển Đông khiến Bắc Kinh phẫn nộ. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo ngày 10/10/2020 cho rằng "các hoạt động quân sự thường xuyên ở Biển Đông bất lợi cho an ninh và ổn định tại khu vực. Trung Quốc mạnh mẽ chống lại việc này".
Bắc Kinh không chỉ phẫn nộ vì sự hiện diện quân sự của Nhật Bản tại Biển Đông. Hôm 09/10/2020 phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc yêu cầu tàu khu trục có trang bị tên lửa dẫn đường của Mỹ USS John McCain "rời ngay ngay lập tức" ra khỏi vùng biển chung quanh các đảo có tranh chấp chủ quyền thuộc Hoàng Sa. Bắc Kinh xem đây là "những hành vi khiêu khích ... xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực", và "đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định tại Biển Đông".
Trong bối cảnh các hoạt động quân sự dồn dập tại Biển Đông, ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin, hôm 09/10/2020 đã lên đường tới Bắc Kinh, bắt đầu chuyến công du ba ngày. Theo chương trình nghị sự ngoại trưởng Philippines đến Trung Quốc thể theo lời mời của đồng nhiệm Vương Nghi. Hai bên tập trung vào "đối thoại đẩy mạnh hợp tác song phương và thúc đẩy trở lại một số những cam kết liên quan đến nhiều lĩnh vực". Cách nay hai tuần, tổng thống Rodrigo Duterte đã thay đổi lập trường về những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Phát biểu trong khuôn khổ khóa họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, lãnh đạo Philippines khẳng định phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye là "một phần của luật pháp quốc tế, vượt ra ngoài mọi thỏa hiệp và ngoài tầm với của các chính phủ".
Thanh Hà
Biển Đông : Tầu chiến Mỹ lại tuần tra Hoàng Sa, thách thức yêu sách của Trung Quốc (RFI, 29/05/2020)
Ngày 28/05/2020, một khu trục hạm của Hải Quân Mỹ lại tuần tra vì tự do lưu thông hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam. Đây là lần thứ hai liên tiếp trong vòng một tháng, Hải Quân Mỹ thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.
Tàu chiến Mỹ USS Mustin (trái) và chiến hạm Nhật Bản JS Kirisam trong một lần thao dượt chung tại Biển Đông ngày 21/04/2015. U.S. Navy/Handout via Reuters
Trong một thông cáo, trung úy Anthony Junco, phát ngôn viên Hạm đội 7 của Hải Quân Mỹ, cho biết : "Ngày 28/05 (giờ địa phương), tầu USS Mustin (DDG 89) đã khẳng định các quyền và quyền tự do hàng hải tại quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Khi tiến hành chiến dịch trên, Hoa Kỳ đã chứng tỏ rằng vùng biển này không nằm trong đòi hỏi chủ quyền vùng biển quốc gia của Trung Quốc".
Theo một quan chức Hải Quân Mỹ, được trang CNN trích dẫn, khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Mustin lớp Arleigh Burke đã đi vào vùng 12 hải lý của đảo Phú Lâm (Woody Island) và đá Tháp (Pyramid Rock) thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Phía Trung Quốc cho biết đã điều tầu đến nhận dạng, theo dõi và cảnh báo tầu USS Mustin. Trong một thông cáo được trang China Daily trích dẫn, phát ngôn viên Chiến khu Nam Bộ Trung Quốc lên án "Quân đội Mỹ là nguồn gốc của những rắc rối và hỗn loạn ở Biển Đông".
Philippines, Việt Nam muốn giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông
Trong khi đó, Mỹ cáo buộc Trung Quốc lợi dụng dịch Covid-19 để củng cố yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và bắt chẹt các nước trong khu vực, đặc biệt là với Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Tuy nhiên, giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp với Trung Quốc, duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực vẫn là ưu tiên của Việt Nam và Philippines, theo nội dung cuộc điện đàm tối 26/05 giữa thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Sau Việt Nam và Malaysia, đến lượt Indonesia phản đối "đường 9 đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông trong một công hàm gửi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Gueterres ngày 26/05. Theo công hàm mà trang Wion (28/05) tra cứu được, "Indonesia tái khẳng định bản đồ "đường 9 đoạn" hàm ý đòi hỏi chủ quyền lịch sử, không có cơ sở pháp lý quốc tế và tương đương với việc đảo lộn UNCLOS 1982".
Thu Hằng
****************
Tàu khu trục USS Mustin tiến gần quần đảo Hoàng Sa (RFA, 28/05/2020)
Hôm 28/5, Hải quân Hoa Kỳ đã điều tàu khu trục USS Mustin mang tên lửa hành trình, thuộc lớp Arleigh Burke tiến gần quần đảo Hoàng Sa. Bộ Quốc phòng Mỹ loan tin vừa nói cùng ngày.
Tàu khu trục USS Mustin mang tên lửa hành trình, thuộc lớp Arleigh Burke (phải) trong một lần diễn tập trước đây. (Ảnh minh họa) - AFP
Trung úy Anthony Junco, phát ngôn viên của Hạm đội 7, Hải quân Hoa Kỳ, cho biết cụ thể vào ngày 28/5, tàu USS Mustin (DDG 89) đã khẳng định các quyền tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Khi tiến hành hoạt động này, Hoa Kỳ đã chứng minh rằng các vùng biển này nằm ngoài những gì Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền một cách hợp pháp.
Trong khi đó theo South China Morning Post dẫn lời một phát ngôn viên của quân đội nước này rằng Hải quân Trung Quốc hôm 28/5 đã đuổi tàu USS Mustin của Mỹ khi tàu này xâm phạm vùng biển chủ quyền của Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Tây Sa ở Trung Hoa Nam Hải, theo cách gọi của Trung Quốc. Tức Hoàng Sa ở Biển Đông.
Cách đây đúng một tháng vào ngày 28 tháng tư ,chiến hạm USS Barry của Hoa Kỳ cũng có chuyến đi qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa trong khuôn khổ chiến dịch tự do hàng hải- FONOP.
Hiện Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa.
Hải quân Hoa Kỳ đã nhiều lần điều tàu chiến tiến gần các khu vực tranh chấp, trong một nỗ lực nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
***************
Tàu chiến Mỹ lại thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông (VOA, 28/05/2020)
Hải quân Hoa Kỳ lại một lần nữa thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, với việc điều tàu khu trục USS Mustin mang tên lửa có điều hướng thuộc lớp Arleigh Burke đi gần quần đảo Hoàng Sa hôm thứ Năm 28/5.
Tàu USS Mustin của Mỹ đi qua Biển Đông hồi năm 2015
Hải quân Hoa Kỳ đã hai lần điều tàu chiến đi như vậy trong một nỗ lực nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong tháng trước, và cũng thực hiện một cuộc hành quân như vậy gần Hoàng Sa hồi tháng 3.
Sự gia tăng nhịp độ các hoạt động này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh về một loạt các vấn đề, bao gồm các nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm kiểm soát Hong Kong và trách nhiệm của họ đối với dịch virus corona.
"Vào ngày 28/5 (giờ địa phương), tàu USS Mustin (DDG 89) đã khẳng định các quyền đi lại và tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế", Trung úy Anthony Junco, phát ngôn viên của Hạm đội 7, Hải quân Hoa Kỳ, cho biết trong một tuyên bố.
"Khi tiến hành hoạt động này, Hoa Kỳ đã chứng minh rằng các vùng biển này nằm ngoài những gì Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền một cách hợp pháp", tuyên bố của phía Mỹ nói thêm.
Trong khi đó, tin tức từ phía Trung Quốc dẫn lời một phát ngôn viên của quân đội nước này nói rằng Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc hôm 28/5 đã "đuổi" tàu USS Mustin của Mỹ khi con tàu "xâm phạm vùng biển chủ quyền của Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Tây Sa [tức Hoàng Sa] ở Trung Hoa Nam Hải [tức Biển Đông]".
Cả Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa.
Hoa Kỳ lâu nay vẫn nói rằng Bắc Kinh đã quân sự hóa các đảo trên Biển Đông với việc triển khai các thiết bị quân sự và xây dựng các cơ sở quân sự.
Quân đội Hoa Kỳ gần đây cáo buộc Trung Quốc tìm cách lợi đại dịch virus corona để giành lợi thế quân sự và kinh tế trong khu vực.
(CNN, Thời báo Hoàn cầu)
Hải quân Đài Loan tập trận chống Trung Quốc xâm lược (RFI, 22/05/2019)
Hải quân Đài Loan hôm 22/05/2019 tập trận bắn đạn thật tại khu vực bờ biển phía đông, trong bối cảnh liên tục bị chiến hạm và chiến đấu cơ Trung Quốc đe dọa.
Khu trục hạm Đài Loan DDG-1801 bắn tên lửa trong cuộc tập trận gần Hoa Liên, ngày 22/05/2019. Reuters/Tyrone Siu
Đây là một phần của cuộc tập trận thường niên Hán Quang (Han Kuang), nhằm đối phó với cuộc tấn công xâm lược giả định của Trung Quốc – vốn không loại trừ khả năng thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.
Các chiến hạm bắn ra những loạt đại bác, hỏa tiễn và những quả bom tấn công tàu ngầm ; trong khi các chiến đấu cơ nã đạn và các phi cơ chống tàu ngầm thả phao cấp cứu. Hãng tin AP nhấn mạnh, tàu ngầm cùng với nhiều loại hỏa tiễn đạn đạo nằm trong số các loại vũ khí có uy lực mạnh nhất, có thể được Trung Quốc sử dụng để tấn công Đài Loan.
Tại vùng duyên hải thưa dân ở phía đông Đài Loan có một căn cứ Không quân, cùng với nhiều cơ sở quân sự quan trọng khác. Chỉ huy trưởng Soong Shu Kou nói với báo chí : "Chúng tôi tập trận thường xuyên ở những địa điểm được cho là chiến tranh có thể xảy ra. Vùng biển phía đông là nơi thiết yếu, vì có thể trở thành chiến trường tương lai".
Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Chen Jung Ji tuyên bố, Đài Loan phải tăng cường tập trận chống Trung Quốc vì "chỉ có thể dựa vào chính mình để tự vệ".
Gần đây Bắc Kinh đã tăng cường đe dọa Đài Bắc bằng cách gởi nhiều tàu chiến đến vùng biển kế cận, cho máy bay chiến đấu bay vòng quanh hòn đảo với lý do tập dượt. Trong khi phải cần gởi hàng ngàn binh lính qua eo biển Đài Loan để có thể đổ bộ, các nhà hoạch định của Bắc Kinh tin rằng một cuộc tấn công chớp nhoáng có thể hủy hoại khả năng tự vệ của Đài Loan, buộc Đài Bắc phải đầu hàng trước khi đồng minh Hoa Kỳ kịp cứu viện.
Bên cạnh việc gia tăng áp lực về quân sự, Bắc Kinh còn nỗ lực cô lập Đài Bắc về mặt ngoại giao và kinh tế, nhằm buộc tổng thống Thái Anh Văn phải nhìn nhận Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, tuy đảo quốc này đã độc lập từ năm 1949.
Thụy My
******************
Tàu chiến Mỹ đi vào vùng biển gần Scarborough (RFI, 20/05/2019)
Một nguồn tin quân sự Mỹ cho biết một tàu chiến Hoa Kỳ đã áp sát bãi cạn Scarborough hôm 19/05/2019, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines. Theo giới quan sát, Washington thách thức Bắc Kinh trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ- Trung thêm căng thẳng.
Ảnh minh họa : Chiến hạm Mỹ USS Stethem (DDG-63) làm nhiệm vụ tuần tra tại Biển Đông - Wikipedia
Hãng tin Reuters ngày 20/05/2019 trích lời phát ngôn viên Hạm Đội Bảy của Hoa Kỳ, thiếu tá Clay Doss, cho biết khu trục hạm Preble đã "đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của bãi cạn Scarborough để thách thức yêu sách đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc đồng thời nhằm bảo vệ quyền tiếp cận các tuyến đường thủy chiếu theo luật pháp quốc tế".
Đây là lần thứ nhì trong vòng một tháng Mỹ điều tầu tuần tra Biển Đông. Lực lượng tuần duyên Mỹ ngày 14/05/2019 cho biết đã đưa tàu tuần tra USCG Bertholf vào Biển Đông, tham gia một cuộc thao dượt chung với hai tàu tuần duyên của Philippines. Tuy nhiên, tuyên bố của chỉ huy Doss hôm nay trái ngược với phát biểu hôm 15/05/2019 của tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ. Đô đốc John Richarson tuần trước đã bác bỏ lập luận cho rằng Washington tăng cường các chiến dịch tuần tra ở Biển Đông nhằm thách thức các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc.
Theo ghi nhận của hãng tin Reuters, hai đợt can thiệp nói trên của Hải quân Hoa Kỳ tại Biển Đông nhằm đối phó với điều mà Washington coi là những "nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giới hạn quyền tự do lưu thông" tại một vùng biển chiến lược, nơi tàu bè của Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước Đông Nam Á thường xuyên hoạt động.
Thanh Hà
**********************
Tàu khu trục USS Preble áp sát bãi cạn Scarborough (BBC, 20/05/2019)
Quân đội Hoa Kỳ cho biết một trong những tàu chiến của họ hôm 19/5 đã áp sát bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, trong một động thái có tiềm năng chọc giận Bắc Kinh. Sự việc xảy ra giữa thời điểm mà chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang thêm căng thẳng.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Preble lớp Arleigh Burke quá cảnh Ấn Độ Dương hồi tháng 3/2018
Tuyến đường thủy bận rộn là một trong những điểm nóng ngày càng cao độ trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, gồm cuộc chiến thương mại, và các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, và Đài Loan.
Tàu khu trục USS Preble thực hiện chiến dịch này, phát ngôn viên của quân đội Hoa Kỳ tiết lộ với Reuters.
"Preble đã đi vào trong phạm vi 12 hải lý của bãi cạn Scarborough để thách thức yêu sách hàng hải quá mức và bảo vệ quyền tiếp cận các tuyến đường thủy theo luật pháp quốc tế", chỉ huy Clay Doss, phát ngôn viên của Hạm đội Bảy, nói.
Đây là lần thứ hai Hoa Kỳ tuần tra ở Biển Đông trong tháng qua. Hôm 15/5, Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ cho biết quyền tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông đang thu hút sự chú ý quá mức.
Từ lâu, quân đội Hoa Kỳ có lập trường là các hoạt động của họ được triển khai trên toàn thế giới, gồm các khu vực mà các đồng minh tuyên bố chủ quyền, và chúng tách biệt với các cân nhắc chính trị.
Chiến dịch lần này là nỗ lực mới nhất nhằm chống lại những gì Washington cho là toan tính của Bắc Kinh nhằm hạn chế tự do hàng hải trong vùng biển chiến lược, nơi hải quân Trung Quốc, Nhật và các nước Đông Nam Á hoạt động.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, thường xuyên lên án Hoa Kỳ và các đồng minh về các hoạt động gần các đảo do Trung Quốc chiếm đóng.
Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng có các tuyên bố chủ quyền trong khu vực.
Tầu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan lần đầu tiên từ một năm nay (RFI, 08/07/2018)
Hai tầu chiến Mỹ ngày hôm qua, 07/07/2018, đi vào khu vực eo biển Đài Loan. Việc tầu quân sự Mỹ lần đầu tiên có mặt tại khu vực nhạy cảm này, kể từ một năm nay, có thể khiến quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington thêm căng thẳng.
Hải quân Đài Loan tập trận gần cảng Cao Hùng ngày 27/01/2016. AFP PHOTO / Sam Yeh
AFP dẫn thông báo của bộ Quốc Phòng Đài Loan xác nhận là hai con tầu USS Mustin và USS Benton của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đi vào "vùng biển quốc tế" của eo biển Đài Loan hôm qua. Tàu USS Benton có trang bị hệ thống tên lửa đánh chặn tên lửa BMD.
Trả lời Reuters, người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương, đại úy Charlie Brown, nhấn mạnh là việc tàu chiến Mỹ sử dụng con đường eo biển Đài Loan để di chuyển từ Biển Đông sang Biển Hoa Đông là hoạt động mà hải quân nước này vẫn thường tiến hành từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, Bắc Kinh không coi chuyến đi nói trên là một cuộc qua lại vô hại. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo ngay lập tức tố cáo Washington đang làm căng thẳng tại eo biển Đài Loan gia tăng, đồng thời khẳng định quân đội Trung Quốc đã được đặt trong tình trạng cảnh giác, trong thời gian hai tầu chiến Hoa Kỳ đi qua khu vực này.
Vẫn theo Reuters, hồi tháng trước, trong bối cảnh Trung Quốc vừa tiến hành nhiều cuộc tập trận tại Biển Đông, Hoa Kỳ dự định điều một tàu sân bay qua eo biển Đài Loan, nhưng rút cục đã rút lại kế hoạch, để không khiến Bắc Kinh thêm tức tối. Lần cuối cùng một tầu sân bay Mỹ qua eo biển Đài Loan là vào năm 2007.
Từ khi tổng thống Thái Anh Văn, có xu hướng độc lập, lên cầm quyền tại Đài Loan, Bắc Kinh liên tục đe dọa dùng vũ lực chống lại hòn đảo ly khai. Washington cắt đứt quan hệ với Đài Bắc từ năm 1979, nhưng trên thực tế Hoa Kỳ là đồng minh lớn nhất của Đài Bắc. Mỹ sẵn sàng bảo vệ, nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan.
Hồi cuối tháng 6/2018, theo CNN, bộ Ngoại Giao Mỹ đề nghị triển khai một đơn vị lính thủy đánh bộ để bảo vệ Viện Hoa Kỳ, cơ quan đại diện ngoại giao trên thực tế của Mỹ tại Đài Bắc. Nếu điều này xảy ra, đây là lần đầu tiên thủy quân lục chiến Mỹ trở lại Đài Loan kể từ 40 năm nay.
Trọng Thành
*******************
Hai tàu chiến Mỹ đi qua Eo biển Đài Loan giữa căng thẳng với Trung Quốc (VOA, 08/07/2018)
Hai tàu chiến của Mỹ đã đi ngang qua Eo biển Đài Loan hôm thứ Bảy trong một chuyến hải hành có phần chắc sẽ được hòn đảo tự trị này xem là một dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của Tổng thống Donald Trump trong bối cảnh căng thẳng tăng cao với Trung Quốc.
Tư liệu - Khu trục hạm gắn phi đạn điều hướng USS Benfold cập cảnh ở Thanh Đảo, Trung Quốc, ngày 8 tháng 8, 2016. Tàu Benfold là một trong hai chiến hạm đi qua Eo biển Đài Loan vào ngày 7 tháng 7, 2018.
"Hai tàu Hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện một chuyến đi ngang mang tính thường lệ qua vùng biển quốc tế là Eo biển Đài Loan vào ngày 7-8 tháng 7 (giờ địa phương)", Đại tá Charlie Brown, phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, nói với Reuters trong một thông cáo.
"Các tàu của Hải quân Hoa Kỳ thường đi lại giữa Biển Đông và Biển Hoa Đông thông qua Eo biển Đài Loan và đã làm như vậy từ nhiều năm qua", ông Brown nói.
Các quan chức Mỹ, phát biểu trong điều kiện ẩn danh, cho biết hai khu trục hạm Mustin và Benfold thực hiện chuyến đi này.
Trước đó trong ngày thứ Bảy, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết các tàu di chuyển theo hướng đông bắc, nói thêm rằng việc này là phù hợp với các qui tắc.
Washington không có quan hệ chính thức với Đài Loan nhưng bị ràng buộc bởi một luật qui định phải giúp hòn đảo này phòng vệ và là nguồn vũ khí chính của họ. Trung Quốc thường xuyên nói rằng Đài Loan là vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ với Mỹ.
Chuyến đi ngang qua Eo biển Đài Loan là chuyến đi đầu tiên của một tàu Hải quân Mỹ trong khoảng một năm trở lại, theo Reuters. Nó diễn ra sau một loạt các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc quanh hòn đảo này mà đã gây căng thẳng giữa Đài Bắc và Bắc Kinh.
"Mỹ đang làm trầm trọng thêm căng thẳng ở Eo biển Đài Loan", Hoàn Cầu Thời Báo của nhà nước Trung Quốc nói trên Twitter.
"Hải quân Trung Quốc chắc chắn đã theo dõi tình hình và kiểm soát được nó, một chuyên gia về quân sự cho biết sau khi hai tàu Hải quân Mỹ đi thuyền qua Eo biển Đài Loan hôm thứ Bảy", báo này nói thêm.
Trung Quốc tuyên bố Đài Loan thuộc chủ quyền của mình và chưa bao giờ từ bỏ ý định sử dụng vũ lực để buộc hòn đảo mà Bắc Kinh coi là một tỉnh li khai về dưới sự kiểm soát của mình.
Việc này diễn ra giữa lúc một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được xem là có thể sẽ tiếp diễn trong một thời gian dài, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thị uy lẫn nhau mà không có dấu hiệu sẽ đàm phán để giảm bớt căng thẳng.
Lần cuối cùng một hàng không mẫu hạm của của Mỹ đi ngang qua Eo biển Đài Loan là vào năm 2007, dưới thời chính quyền của Tổng thống George W. Bush, và một số quan chức quân sự Mỹ tin rằng kể từ lúc đó đáng ra đã phải có một hàng không mẫu hạm phải đi qua eo biển này.
Những bước đi của Mỹ, từ việc công bố một đại sứ quán trên thực tế mới ở Đài Loan cho tới thông qua Đạo luật Du hành Đài Loan khuyến khích các quan chức Mỹ đến thăm, đã làm căng thẳng leo thang hơn nữa giữa Bắc Kinh và Đài Bắc.
********************
Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan (RFA, 08/07/2018)
Hai tàu chiến của Hải quân Mỹ vừa thực hiện chuyến đi thường kỳ qua eo biển Đài Loan vào hai ngày 7 và 8/7. Hãng tin Reuters trích tuyên bố của thuyền trưởng Charlie Brown, phát ngôn nhân Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết như vậy hôm 8/7.
Hình minh hoạ. Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, khu khục hạm USS Halsey và tuần dương hạm USS Bunker Hill trên đường đi ra tập trận ở Thái Bình Dương hôm 11/8/2017 - AFP
Thuyền trưởng Brown cho biết các chuyến đi của tàu chiến Mỹ qua eo biển Đài Loan và Biển Đông đã được thực hiện trong nhiều năm.
Các giới chức Hoa Kỳ giấu tên cho Reuters biết hai tàu thực hiện chuyến đi là tàu Mustin và Benfold.
Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 7/7 cho biết các tàu này đi theo hướng đông bắc và hoàn toàn theo đúng các quy định.
Tàu chiến Hoa Kỳ đi qua eo biển Đài Loan vào giữa lúc có những căng thẳng trong quan hệ Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc từ trước tới nay vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và chưa bao giờ từ bỏ ý định sẽ dùng vũ lực thống nhất Đài Loan.
Mỹ dù công nhận chính sách một Trung Hoa nhưng vẫn giúp đỡ đảo quốc này trong quốc phòng, đồng thời là nguồn cung cấp vũ khí chính của Đài Loan.
Hoa Kỳ mới đây đã khai trương văn phòng ngoại giao tại Đài Bắc và thông qua dự luật cho phép các giới chức Hoa Kỳ tới thăm viếng Đài Loan. Điều này đã làm tăng thêm căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan
Chuyến đi của hai tàu chiến Mỹ được thực hiện sau khi Trung Quốc tiến hành một loạt các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan.
Hồi tháng trước, Reuters cho biết Mỹ đang xem xet đưa hàng không mẫu hạm tới Đài Loan nhưng đã không thực hiện vì lo ngại sẽ làm Trung Quốc tức giận.
Lần cuối cùng một hàng không mẫu hạm Mỹ đi qua eo biển Đài Loan là vào năm 2007 dưới thời của Tổng thống George W. Bush.
Hai tàu chiến Mỹ tiến lại gần quần đảo Hoàng Sa (VOA, 27/05/2018)
Hai tàu chiến của hải quân Mỹ đã tới gần các hòn đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông để thể hiện "quyền tự do hàng hải", Reuters đưa tin hôm 27/5, dẫn hai quan chức Mỹ.
Thủy thủ Mỹ trên tàu chiến Antietam.
Hãng tin Anh nhận định rằng, dù bước đi này đã được hoạch định nhiều tháng trước và nó đã trở thành thường lệ, động thái diễn ra ở một thời điểm nhạy cảm, vài ngày sau khi Hoa Kỳ rút lại lời mời Trung Quốc tham dự một cuộc thao dượt hải quân uy mô lớn do Mỹ tổ chức.
Reuters dẫn các quan chức Mỹ giấu tên cho biết rằng chiến hạm được trang bị trên lửa là Higgins và Antietam đã tiến vào phạm vi 12 hải lý cách các hòn đảo thuộc Hoàng Sa như Tri Tôn và Phú Lâm mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Hãng tin này cũng trích lời những người chỉ trích hoạt động này nói rằng động thái như trên ít tác động tới Trung Quốc và gần như chỉ mang tính biểu tượng.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 27/5 phản đối "sự khiêu khích" của Washington.
Trong tuyên bố ngắn được Reuters trích dẫn, Bộ này nói rằng hành động của Mỹ vi phạm chủ quyền của Trung Quốc vì hai tàu chiến tiến vào vùng lãnh hải của Bắc Kinh khi chưa được phép.
Bộ này cũng nói thêm rằng tàu và máy bay của Trung Quốc đã được triển khai để cảnh cáo và yêu cầu chiến hạm Mỹ rời đi.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung với các thủy thủ trên một tàu chiến của nước này ở Biển Đông hồi tháng Tư.
Các bức ảnh chụp từ vệ tinh hôm 12/5 cho thấy rằng Trung Quốc dường như đã triển khai các tên lửa đất đối không và tên lửa hành trình chống hạm ở Phú Lâm.
Đầu tháng này, không lực Trung Quốc đã cho các máy bay ném bom đáp xuống các đảo nhân tạo ở Biển Đông, gây quan ngại ở Việt Nam và Philippines.
Hoa Kỳ lâu nay muốn các nước khác cũng tham gia hoạt động thể hiện "quyền tự do hàng hải" ở Biển Đông.
Reuters cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy cuộc họp thượng đỉnh với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un đã gây thêm căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục tranh chấp về thương mại.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 24/5 chỉ trích Mỹ rút lại lời mời nước này tham dự cuộc diễn tập hải quân do Hoa Kỳ tổ chức có tên gọi Vành đai Thái Bình Dương, viết tắt là RIMPAC, vì việc quân sự hóa Biển Đông.
Theo Reuters, Bắc Kinh từng tham gia cuộc thao dượt hàng hải quốc tế được coi là lớn nhất thế giới, diễn ra hai năm một lần ở Hawaii vào tháng Sáu và tháng Bảy.
Tin cho hay, RIMPAC tạo cơ hội cho lực lượng vũ trang của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trao đổi trực tiếp, và điều này sẽ giúp giảm bớt căng thẳng cũng như tính toán sai lầm nếu đôi bên đối đầu trong tình thế xấu hơn.
Theo Reuters, Lầu Năm Góc nói rút lại lời mời vì Bắc Kinh quân sự hóa các hòn đảo ở Biển Đông.
Trong một tuyên bố ngắn, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng Hoa Kỳ đã "phớt lờ sự thật và làm rùm beng cái gọi là quân sự hóa Biển Đông", và lấy đó là cái cớ để không mời Trung Quốc.
*********************
Tàu chiến Mỹ đi sát quần đảo Hoàng Sa (RFA, 27/05/2018)
Reuters hôm 27/5 trích nguồn tin từ hai giới chức Hoa Kỳ giấu tên cho biết hai tàu chiến Mỹ vừa tiến hành cuộc tuần tra trong vòng 12 hải lý gần quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc kiểm soát ở khu vực Biển Đông vào cùng ngày.
Hình ảnh vệ tinh đảo Phú Lâm với những vũ khí mới được Trung Quốc triển khai - AMTI (CSIS)
Hai giới chức được Reuters dẫn tin cho biết động thái mới này của Mỹ có thể khiến Bắc Kinh tức giận trong khi Tổng thống Donald Trump đang cần sự cộng tác của Trung Quốc về vấn đề Bắc Hàn. Trước đó, Tổng thống Hoa Kỳ vừa tuyên bố huỷ bỏ cuộc gặp với Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jon Un dự định diễn ra ở Singapore trong tháng tới vì những lời nói mà ông cho là thù địch của Bắc Hàn nhắm vào Mỹ.
Theo hai giới chức Mỹ, hai tàu được nói là khu trục hạm có tên lửa dẫn đường Higgins và tuần dương hạn có tên lửa dẫn đường Antietam. Hai tàu đi qua các đảo Tree, Licoln, Triton và đảo Phú Lâm.
Đảo Phú Lâm là một căn cứ quân sự quan trọng của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi nước này triển khai những vũ khí quân sự và xây đường băng. Hình ảnh vệ tinh hôm 12/5 cho thấy Trung Quốc đã bố trí thêm những vũ khí mới ra đảo này, theo Chương trình Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI). Theo AMTI, các vũ khí này bao gồm tên lửa đất đối không, tên lửa hành trình chống ngầm và hệ thống radar.
Hôm 18/5 vừa qua Trung Quốc cũng lần đầu tiên lên tiếng xác nhận đã điều máy bay ném bom H-6k đến Biển Đông. Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, các máy bay này đã được triển khai đến đảo Phú Lâm.
Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ sau đó đã lên tiếng phản đối hành động này của Trung Quốc, coi đây là sự liên tục quân sự hoá Biển Đông của Trung Quốc.
Hoàng Sa là quần đảo hiện đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam. Ngoài Hoàng Sa, Trung Quốc cũng có tranh chấp về chủ quyền tại quần đảo Trường Sa với một số nước châu Á trong đó có Việt Nam.
Hoa Kỳ từ trước đến nay vẫn duy trì lập trường trung lập trong tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông nhưng nói Hoa Kỳ có quyền lợi về tự do hàng hải, và hàng không trong khu vực.
Từ năm 2015, Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra trong chương trình tự do hàng hải tại Biển Đông, theo đó các tàu chiến Mỹ đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo ở khu vực Biển Đông, thách thức đòi hỏi về chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Chiến hạm Mỹ tuần tra gần đá Vành Khăn : Bắc Kinh phản ứng gay gắt (RFI, 24/03/2018)
Khu trục hạm USS Mustin thuộc Hạm Đội 7 của Hải Quân Mỹ ngày 23/03/2018 đã tiến vào tuần tra bên trong khu vực 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn (Mischief Reef) đang tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng. Hoạt động của chiến hạm Mỹ đã lập tức làm dấy lên những phản ứng gay gắt từ phía Bắc Kinh.
Khu trục hạm USS Mustin thuộc Hạm Đội 7 của Hải Quân Mỹ ghé Cam Ranh (Việt Nam) ngày 15/12/2016. Ảnh minh họaUS. NAVY
Theo hãng tin Anh Reuters, bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết đã cử 2 tàu chiến ra để nhận diện và xua đuổi tàu Mỹ, bị cho là có hành động gây hại nghiêm trọng cho an ninh và chủ quyền của Trung Quốc, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực.
Theo bộ Quốc Phòng Trung Quốc : "Hành vi khiêu khích của phía Mỹ sẽ chỉ khiến quân đội Trung Quốc tăng cường củng cố năng lực phòng thủ ở mọi nơi".
Trong một tuyên bố riêng, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng cho biết là Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các bước cần thiết để bảo vệ chủ quyền, hòa bình và ổn định ở Biển Đông, nơi tình hình đang chuyển biến tốt hơn nhờ nỗ lực của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Bắc Kinh tố cáo Mỹ cố tình "tạo ra căng thẳng", trái ngược với mong muốn của các quốc gia trong khu vực là hợp tác và phát triển, và do đó không được ủng hộ.
Đối với nữ trung tá Nicole Schwegman, phát ngôn viên Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ, chiếc USS Mustin chỉ thực hiện một hoạt động bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) bình thường, theo đúng luật quốc tế, một hoạt động mà Mỹ đã và sẽ tiếp tục tiến hành trong tương lai.
Đây không phải là lần đầu tiên mà chiến hạm Mỹ tiến hành tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải gần các thực thể trong tay Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng hoạt động lần này lại diễn ra cùng lúc với việc quan hệ thương mại Mỹ-Trung đột nhiên căng thẳng hẳn lên.
Trên nhật báo Hồng Kông South China Morning Post (24/03/2018), chuyên gia quân sự Trung Quốc Nghê Nhạc Hùng (Ni Lexiong) cho rằng Mỹ đã cân nhắc kỹ thời điểm thực hiện cuộc tuần tra hôm 23/03, vào đúng ngày Trung Quốc phản pháo trước quyết định tăng thuế của Hoa Kỳ.
Trọng Nghĩa
*******************
Bản tin của Reuters nói khu trục hạm USS Mustin đã tiến vào trong phạm vi 12 hải lý sát đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp thuộc Quần đảo Trường Sa.
Hành động này khiến Bắc Kinh tức giận.
Đây là hành động mới nhất trong việc đối phó với điều mà Washington coi là các nỗ lực của Trung Quốc trong việc hạn chế tự do đi lại ở vùng biển chiến lược.
Đá Vành Khăn là nơi Trung Quốc đang có tranh chấp với các nước trong khu vực.
Đây không phải là lần đầu tiên các tàu hải quân Mỹ áp sát nơi này.
Gần đây nhất, hồi tháng 8/2017, khu trục hạm USS John S McCain đã áp sát trong phạm vi cách Đá Vành Khăn 12 hải lý.
Hoa Kỳ từng chỉ trích việc Bắc Kinh bồi đắp các đảo nhân tạo và xây dựng các cơ sở quân sự trong khu vực.
Washington cũng lên tiếng quan ngại về việc các cơ sở đó có thể được sử dụng để hạn chế việc tự do hàng hải.
Hoạt động mới nhất này của hải quân Hoa Kỳ diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh trừng phạt Trung Quốc, sự kiện có thể dẫn đến cuộc chiến thương mại toàn diện giữa hai nền kinh tế.
Ngay lập tức, Trung Quốc cáo buộc Mỹ 'khiêu khích nghiêm trọng về quân sự', South China Morning Post nói.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói hai hộ tống hạm của nước này đã được gửi ra để xác định danh tính tàu Mỹ và ra cảnh báo, đòi tàu khu trục phải rời đi.
Bắc Kinh nói các hành động của tàu Mỹ gây tổn hại nghiêm trọng tới chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, và điều đó dẫn tới việc đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực.
Trung Quốc luôn cho rằng mình bảo vệ quyền tự do hàng hải và tự do bay trên bầu trời Biển Đông, nhưng phản đối các hoạt động "bất hợp pháp và khiêu khích" nhân danh tự do hàng hải.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, nơi có tuyến đường biển giao thương quan trọng trị giá 5 nghìn tỷ đô la mỗi năm, nơi mà các nước Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Viêt Nam cũng tuyên bố chủ quyền từng phần.
Hôm thứ Sáu 23/03 là một ngày xảy ra nhiều sự kiện đáng chú ý ở Biển Đông.
Cùng ngày với việc tàu Mỹ áp sát Đá Vành Khăn, Bắc Kinh tuyên bố hải quân Trung Quốc 'sẽ có cuộc diễn tập thường niên ở Nam Hải' tuy chưa cho biết cụ thể thời gian và địa điểm.
Cũng trong ngày, có các tường thuật nói Việt Nam do áp lực từ phía Trung Quốc đã buộc phải yêu cầu hãng Repsol của Tây Ban Nha bỏ một dự án khai thác dầu khí nhiều tiềm năng, dự án Cá Rồng Đỏ.
Image caption
Reuters dẫn nguồn ẩn danh nói các bộ ngành của Việt Nam đã tạm dừng hoạt động và quyết tâm chấm dứt dự án.
Tuy nhiên, quyết định cuối cùng nằm trong tay Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, xem liệu sẽ chỉ tạm ngưng hay chấm dứt hợp đồng đã ký với các đối tác trong dự án.
Phóng viên BBC, ông Bill Hayton nói việc ngưng dự án sẽ khiến Repsol và các đối tác thiệt hại khoảng 200 triệu đô la.
Theo Reuters, Bộ Chính trị đang cân nhắc xem hơn thiệt của hai quyết định : hủy hợp đồng hay là chống lại sức ép từ phía Trung Quốc.
Tuy nhiên, vẫn Reuters nói cuộc họp của Bộ Chính trị hiện chưa diễn ra bởi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang có chuyến công du nước ngoài, trong lúc Việt Nam đang đón tiếp nhiều quan chức nước ngoài tới thăm, và bởi tang lễ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
**********************
Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ ‘khiêu kích nghiêm trọng’ ở Biển Đông (RFA, 23/03/2018)
Trung Quốc vào ngày 23 tháng 3 lên tiếng cáo buộc Hoa Kỳ ‘khiêu khích nghiêm trọng’ ở Biển Đông sau khi Khu trục hạm USS Mustin đi qua vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn tại Quần Đảo Trường Sa.
Lính Mỹ đứng gác trên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson ở Manila, Philippines hôm 17/2/2018 - AP
Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng loan tin vừa nêu dẫn lời phát ngôn nhân Nhiệm Quốc Cường của Bộ quốc phòng Trung Quốc rằng việc mà Hoa Kỳ thực hiện làm phương hại đến mối quan hệ giữa quân đội Trung Quốc và Hoa Kỳ. Điều đó có thể dễ dàng dẫn đến phán đoán sai và những tai nạn hàng không hoặc hàng hải. Đây là một sự khiêu khích chính trị và quân sự nghiêm trọng đối với Trung Quốc nên Quân Đội Hoa Lục mạnh mẽ phản đối.
Người phát ngôn Bộ quốc phòng Trung Quốc còn nói thêm hoạt động từ phía Hoa Kỳ như thế sẽ thúc đẩy Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự trong khu vực.
Phản đối và cảnh báo như vừa nêu của phía Trung Quốc được đưa ra vào khi Bắc Kinh thông báo tiến hành cuộc tập trận chiến đấu tại Biển Đông cũng vào ngày 23 tháng 3.
Tân Hoa Xã dẫn phát biểu của Hải Quân Trung Quốc rằng cuộc tập trận chiến đấu là hoạt động huấn luyện thường xuyên được tiến hành như một phần trong kế hoạch hằng năm giúp tăng khả năng chiến đấu cho binh sĩ chứ không nhắm đến bất cứ quốc gia hay mục tiêu nào.
Bộ quốc phòng Trung Quốc còn nói cho hai tàu chiến Trung Quốc ra cảnh báo Khu trục hạm USS Mustin khi đi qua vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn ngày 23 tháng 3.
Còn một quan chức ẩn danh Hoa Kỳ thì nói với Reuters rằng Khu trục hạm USS Mustin thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ‘tự do hàng hải’ FONOPS trong chiến dịch lâu nay của phía Mỹ.
Tuy vậy, đây là chuyến FONOPS đầu tiên mà Hoa Kỳ tiến hành chỉ một ngày sau khi tổng thống Donald Trump công bố biện pháp sẽ đánh thuế trên số hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ trị giá 60 tỷ đô la Mỹ, và là chuyến thứ hai tính từ đầu năm đến nay.
Tàu USS Stethem hôm 02/07/2017 áp sát đảo Tri Tôn thuộc Quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền, khiến Bắc Kinh gọi đây là "khiêu khích quân sự".
Đảo Tri Tôn nằm về phía Nam của nhóm đảo Lưỡi Liềm thuộc Hoàng Sa
Vậy thông điệp từ hoạt động của tàu USS Stethem là gì và lịch sử tranh chấp tại vùng này có gì liên quan đến hòn đảo nhỏ này ?
BBC Tiếng Việt điểm qua năm vấn đề cơ bản :
1. Không công nhận đường cơ sở quanh Hoàng Sa
Đài Fox News ở Hoa Kỳ nói đi vào phạm vi 12 hải lý cách đảo Tri Tôn là thông điệp "Hoa Kỳ không công nhận" chủ quyền của Trung Quốc tại đây.
Lucas Tomlinson trên trang Fox News, kênh truyền hình "yêu thích" của Tổng thống Trump, trích dẫn một quan chức quốc phòng Mỹ nói USS Stethem cũng "thách thức cả tuyên bố chủ quyền của Việt Nam và Đài Loan" về đảo này.
"Phạm vi 12 dặm biển là biên giới lãnh hải bao quanh mọi quốc gia có biển, và đi tàu vào bên trong phạm vi này chính là cách gửi ra thông điệp Hoa Kỳ không công nhận tuyên bố chủ quyền đó".
Cùng lúc, trang Independent ở Anh trích lời bà Mira Rapp-Hooper, chuyên gia về Biển Đông tại Center for a New American Security, nói :
"Khác với Trường Sa, nơi Trung Quốc đã xây đảo nhân tạo mấy năm qua, tại Hoàng Sa, nước này trên thực tế đã kiểm soát toàn bộ từ 1974".
Bà giải thích mục đích của Hoa Kỳ sử dụng quyền tự do hàng hải (freedom-of-navigation operation, gọi tắt là FONOP) là nhằm thử thách "đường cơ sở bất hợp pháp của Trung Quốc quanh vùng Hoàng Sa".
2. Trump bắt đầu nản về Trung Quốc
USS Stethem vào bên trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn để gửi thông điệp tới Trung Quốc
Nhưng động thái mới nhất của Hải quân Mỹ còn được thực hiện trong bối cảnh "có vẻ như chính quyền Trump hết kiên nhẫn với Bắc Kinh về các công tác tiếp tục xây đắp quân sự ở Biển Nam Trung Hoa", tác giả Tomlinson viết.
Bên cạnh đó, "Hoa Kỳ cũng thất vọng rằng Bắc Kinh không kiềm chế được Bắc Hàn về chương trình nguyên tử và hỏa tiễn".
Hôm 1/7, báo The Guardian ở Anh cũng nhận định rằng "tuần trăng mật của hai ông Trump và Tập Cận Bình đã chấm dứt".
Hoa Kỳ cố ý chọn ngày ông Tập Cận Bình sang duyệt binh ở Hong Kong tuần qua để kêu gọi "thêm dân chủ cho Hong Kong và rằng Trung Quốc phải tôn trọng các quyền tự do, gồm cả tự do báo chí".
Tàu Mỹ áp sát đảo Tri Tôn
3. Vì sao Tri Tôn quan trọng ?
Quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) gồm 130 đảo san hô, bãi đá và đá ngầm, cách miền Trung Việt Nam 250 hải lý (400 km) về phía Đông và đảo Hải Nam của Trung Quốc 220 hải lý (350 km) về phía Nam, theo Britannica.
Quần đảo Hoàng Sa gồm hai nhóm đảo, là nhóm đảo Lưỡi Liềm ở phía Tây, và nhóm đảo An Vĩnh ở phía Đông.
Đảo Tri Tôn - có tên theo chiếc tàu của Anh HMS Triton, nằm riêng lẻ ra về phía Nam và thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm. Trung Quốc gọi đây là đảo Trung Kiến.
Khoảng cách từ Tri Tôn vào đảo Lý Sơn của Việt Nam lại chỉ có 123 hải lý.
Bản đồ và tên gọi nhiều đảo trong vùng Hoàng Sa từ một tài liệu tiếng Việt
Khoảng cách từ Tri Tôn đến mũi Ba Làng An trên đất liền Việt Nam chỉ có 135 hải lý, gần hơn khoảng cách từ đảo Hoàng Sa đến đảo Lăng Thuỷ thuộc Hải Nam của Trung Quốc (140 hải lý).
Cũng vì vị trí nằm ngoài hẳn nhóm đảo chính, Tri Tôn có ý nghĩa phòng thủ, chặn lối vào các đảo còn lại.
Trước lần vào gần đảo Tri Tôn hôm đầu tháng 7 mới đây, một chiến hạm của Hoa Kỳ hồi tháng 10 năm 2016 cũng đi vào gần đảo này.
Để thách thức chủ quyền của bất cứ nước nào đang kiểm soát Hoàng Sa, Hoa Kỳ không cần phải vào sâu trong nhóm đảo An Vĩnh và Lưỡi Liềm mà chỉ cần đến gần đảo Tri Tôn là đủ.
4. Lịch sử chủ quyền và quyền kiểm soát
Năm 1932, Pháp tuyên bố đưa quần đảo Hoàng Sa vào thuộc Liên bang Đông Dương và lập một trạm khí tượng tại đây.
Không ảnh của DigitalGlobe tháng 2/2016 chụp Đảo Bắc (North Island), cách đảo Phú Lâm 12 km về phía Bắc
Năm 1933, Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier ra Nghị định đặt Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa và Hoàng Sa tách khỏi tỉnh Nam Nghĩa và đặt vào Thừa Thiên.
Trong Thế Chiến 2, Nhật Bản chiếm một số đảo nhưng rút đi để rồi đến năm 1951 tuyên bố từ bỏ chủ quyền tại đây.
Năm 1947, quân đội Trung Hoa Dân quốc chiếm đảo Phú Lâm (Woody Island), đảo lớn nhất trong nhóm An Vĩnh (phía Đông).
Cùng thời gian, trên đảo Hoàng Sa (Prattle Island), là đảo lớn nhất trong nhóm đảo Lưỡi Liềm (phía Tây), người Pháp vẫn vận hành trạm khí tượng và sau đó, Quốc gia Việt Nam tiếp tục công tác này.
Đảo Tri Tôn (đánh dấu đỏ trên bản đồ) nằm gần bờ biển Việt Nam hơn là khoảng cách từ đảo Hoàng Sa (trong cùng nhóm đảo Lưỡi Liềm) tới khu vực đảo Hải Nam của Trung Quốc
Sau khi trở lại Đông Dương, Pháp đã yêu cầu quân Trung Hoa Dân quốc rút khỏi các đảo mà họ đã chiếm đóng năm 1946 và Pháp đã cho quân thay thế quân Trung Hoa Dân quốc, xây dựng lại trạm khí tượng, đài vô tuyến.
Sau năm 1954, khi Hiệp định Geneva chia đôi Việt Nam (tạm thời), con số quốc gia tuyên bố chủ quyền tăng lên gấp đôi.
Sau khi tiếp quản từ Trung Hoa Dân quốc, Trung Quốc cộng sản và Việt Nam Cộng hòa là hai nước kiểm soát trên thực tế một số đảo, bên giữ nhóm đảo phía Đông, và bên giữ nhóm phía Tây.
Nhưng hai nước khác cũng nói họ là bên tiếp nhận chủ quyền đã nêu.
Trong trường hợp Đài Loan thì họ vẫn tiếp tục coi mình là Trung Hoa Dân quốc cùng mọi chủ quyền tại quần đảo này trước khi mất về tay Bắc Kinh.
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng nói họ mới là bên có chủ quyền chính đáng từ tất cả những gì người Pháp trao trả lại.
5. Khai thác dầu khí và căn nguyên xung đột
Hải quân Trung Quốc tập trận gần Hoàng Sa hồi tháng 7/2016
Theo Bách khoa Toàn thư Anh, xung đột ở Biển Đông bùng lên năm 1974 sau khi Việt Nam Cộng hòa bắt đầu ký các hợp đồng khai thác dầu khí với công ty nước ngoài, khiến Trung Quốc có phản ứng.
Trung Quốc đã tấn công các đảo ở Quần đảo Hoàng Sa bằng không quân và hải quân, chiếm trạm khí tượng (trên đảo Phú Lâm), và kiểm soát toàn bộ Quần đảo Hoàng Sa từ đó.
Nhưng kể từ đó đến nay, chủ quyền các hòn đảo ở đây vẫn là cốt lõi của tranh chấp, theo Britannica.
Các vấn đề lại bùng nổ năm 2014 khi giàn khoan HD-981 của Trung Quốc được kéo xuống khu vực gần Quần đảo Hoàng Sa, khiến Việt Nam phải đối.
Tin tức về một giàn khoan khác mà Trung Quốc đưa ra Biển Đông gần đây dù không được nước này xác nhận, đang tiếp tục làm nóng lên bầu không khí xung quanh các vùng đảo ở đây.