Kim Jong-un thử độ kiên nhẫn của Donald Trump
Sau loạt ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Bắc Triều Tiên bắt đầu tháo dỡ khu thử tên lửa Sohae, tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh thiện chí của Kim Jong-un và tin rằng tiến trình giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên đang có "những tiến bộ lớn" dù trên thực tế vẫn chưa có gì cụ thể.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại thượng đỉnh Singapore, ngày 12/07/2018. Anthony Wallace/Pool via Reuters
Theo nhật báo Le Figaro (26/07/2018), tổng thống Mỹ "Donald Trump đang bám chặt vào ván bài Bắc Triều Tiên".
Trong suốt 40 ngày sau thượng đỉnh với Kim Jong-un ở Singapore, tổng thống Mỹ đã phải kiên nhẫn chờ đợi tín hiệu từ phía Bình Nhưỡng. Kim Jong-un như muốn nắn gân tổng thống Mỹ. Nhiều người bắt đầu nghi ngờ thực tâm của lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã khôn khéo đưa ra một cử chỉ đúng lúc, bằng việc tháo dỡ khu Sohae, nhằm xoa dịu tâm trạng sốt ruột của tổng thống Mỹ, trong khi ông đang đánh cược vào canh bài Bắc Triều Tiên để vận động cử tri cho cuộc bầu cử bán phần Nghị Viện sắp tới.
Victor Cha, từng là nhà thương lượng về hạt nhân, hiện là giáo sư tại đại học Georgetown, cho rằng tổng thống Mỹ "đã dấn quá sâu để lùi bước. Ông còn bị kẹt cho đến kỳ bầu cử Nghị Viện vào tháng 11".
Thực vậy, chủ nhân Nhà Trắng tin vào phương pháp của ông, kết hợp từ những lời đe dọa hiếu chiến, bóp nghẹt kinh tế và đàm phán thẳng thừng. Dường như ông cũng đang tin vào ván bài chắc thắng, hiện được áp dụng với Iran, sau khi đã thử với Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, người chịu trận lại là ngoại trưởng Mỹ. Ông Mike Pompeo bị Kim Jong-un "phớt lờ" trong chuyến công du Bình Nhưỡng vào đầu tháng 07/2018. Sau đó, trong một thông cáo, những yêu cầu của Washington bị Bình Nhưỡng lên án là "mầm bệnh ung thư" và "đúng kiểu gangster".
Cũng vào thời điểm đó, Bắc Triều Tiên bị nghi là tiếp tục làm giầu uranium, vi phạm trừng phạt quốc tế với việc bán than cho Trung Quốc, mua dầu lậu với khối lượng gấp 3 lần quota cho phép của năm 2018. Ngoại trưởng Mỹ tố cáo với Liên Hiệp Quốc 89 lần vi phạm của Bình Nhưỡng, nhưng lời tố cáo lại bị Bắc Kinh và Moskva bác bỏ tại Ủy ban Trừng phạt. Chiến lược "gây áp lực tối đa" của Mỹ hứng một vố đau.
Mọi cử chỉ, thông điệp này cho thấy tổng thống Mỹ dường như đang phải nhân nhượng lãnh đạo Bắc Triều Tiên, để ông Kim tiến theo nhịp độ riêng. Nhưng chí ít, lòng kiên nhẫn của ông Donald Trump cũng được trả giá : "không một tên lửa nào được Bắc Triều Tiên phóng đi từ 9 tháng nay, không có bất kỳ vụ thử hạt nhân nào. Nhật Bản hài lòng, toàn Châu Á hài lòng" và ông cũng "rất hài lòng", theo tin nhắn của tổng thống Mỹ trên Twitter ngày 23/07.
Ông Donald Trump vẫn đặt trọn niềm tin vào"deal" với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, trong khi Kim Jong-un muốn Hoa Kỳ phải có "hành động táo bạo" trước khi cam kết cụ thể vào tiến trình giải trừ vũ khí. Cụ thể, Bình Nhưỡng muốn có một thỏa thuận hòa bình giấy trắng mực đen với Washington để đảm bảo sự sống còn của chế độ. Chính quyền Mỹ cần có ít nhất 2/3 thượng nghị sĩ bật đèn xanh để kí được thỏa thuận trên, trong khi Thượng Viện tuân theo điều kiện Bình Nhưỡng phải cam kết giải trừ hạt nhân "hoàn toàn, kiểm chứng được và không thể đảo ngược được".
Trong khi chờ đợi, Washington lại đang hy vọng vào việc Bắc Triều Tiên trao trả hơn 200 hài cốt lính Mỹ hy sinh trong cuộc chiến Triều Tiên. Thế nhưng, các cuộc đàm phán cũng đang gặp nhiều trở ngại vì phía Bình Nhưỡng yêu cầu "bồi thường", trong khi điều này lại trái với lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Từ năm 1996 đến 2005, sau khoảng 30 cuộc đàm phán song phương, 220 hài cốt lính Mỹ đã được hồi hương, còn Bình Nhưỡng nhận được 28 triệu đô la.
Sự năng động trên con đường ngoại giao vẫn có vẻ yếu ớt : Nếu tổng thống Mỹ hết kiên nhẫn và cảm thấy bị coi thường, có thể ông sẽ quay lại biện pháp đe dọa gây chiến với Bình Nhưỡng. Khi gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên tại Singapore, theo ông Jeffrey Bader, thuộc Brooking Institution, "lẽ ra tổng thống Mỹ phải đưa ra nền tảng của một cuộc thương lượng hạt nhân thực sự". Thượng đỉnh Singapore sẽ luôn được coi là lễ đăng quang của Bắc Triều Tiên thành một cường quốc hạt nhân mới.
Bầu cử Cam Bốt : Thủ tướng Hun Sen lấy lòng các nữ công nhân
Bầu cử Quốc hội tại Cam Bốt ngày 29/07 là chủ đề được nhật báo Le Monde quan tâm : "Tại Cam Bốt, các nữ công nhân được triệu tập đến phòng phiếu". Ngành công nghiệp dệt may chiếm đến 70% hàng xuất khẩu của Cam Bốt và phụ nữ chiếm đa số nhân công hoạt động trong lĩnh vực này (với khoảng 850.000 người).
Năm 2013, như giới trẻ, giới công nhân cũng đã bỏ phiếu đông đảo cho đảng đối lập. Nhưng năm nay, đối lập bị giải thể và bị cấm tại Cam Bốt vì "câu kết với Hoa Kỳ và các thế lực nước ngoài khác" nhằm xúi giục một "cuộc cách mạng". Rất nhiều công nhân, như trường hợp của Nay Yang, tỏ ra lo ngại trước một chế độ ngày càng gắn chặt về mặt kinh tế với Trung Quốc, hiện là nhà đầu tư chính vào Cam Bốt. Vương quốc Đông Nam Á này cũng là đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN.
Theo phóng sự của Le Monde, mức lương của người lao động Cam Bốt đã được tăng trong những năm vừa qua, đặc biệt sau cuộc biểu tình rầm rộ vào tháng 01/2014, nhưng vẫn không giúp cải thiện được đời sống của công nhân. Tại một số nhà máy, vẫn tồn tại cảnh bóc lột trá hình đối với người lao động. Đốc công, thường là người Trung Quốc, vẫn quát mắng thợ, còn phiên dịch thì tìm cách đốc thúc công nhân vì họ được hưởng hoa hồng trên tổng số sản phẩm.
Để "ép" công nhân đi bỏ phiếu, chính quyền Phnom Penh đã phối hợp với lãnh đạo các nhà máy. Người lao động được nghỉ ba ngày để về địa phương bầu cử. Khi trở lại làm việc, họ phải trình ngón tay có vết mực điểm chỉ để chứng minh đã làm nghĩa vụ công dân. Vì không thể bỏ phiếu cho đối lập, một số người cho Le Monde biết sẽ gạch xóa phiếu bầu để lá phiếu không hợp lệ, thay vì phải bỏ phiếu cho đảng cầm quyền của thủ tướng Hun Sen.
Lào và dự án "pin của Châu Á"
Năm tỉ mét khối nước ào xuống và nhấn chìm ít nhất 7 ngôi làng, ít nhất 27 người chết, 130 người mất tích, 6.600 người mất nhà ở là hậu quả của vụ vỡ đập Xe-Pian Xe Namnoy trên sông Mekong, nằm tại một vùng hẻo lánh ở Lào.
Trong bài viết về thảm họa trên, nhật báo Le Monde cho biết 90% khối lượng điện được dự kiến sản xuất tại đập thủy điện này là dành cho Thái Lan. Đây là công trình liên kết giữa chính phủ Lào, một công ty của Thái Lan và hai tập đoàn Hàn Quốc, trong đó có một nhánh của tập đoàn SK nổi tiếng. Dự án 410 megawatt, theo kế hoạch, sẽ đi vào hoạt động năm 2019, gồm 2 đập chính và 5 đập trữ nước phụ.
Sau thảm họa, nhiều cây hỏi đặt ra về sự yếu kém của hệ thống báo động cho dân địa phương, dù tập đoàn SK khẳng định đã báo động ngay lập tức cho chính quyền và đã bắt đầu di dời người dân.
Thảm họa này cũng tác động đến tham vọng trở thành "pin của Châu Á" vì Lào có tiềm năng đáng kể về thủy điện. Từ khoảng 10 năm nay, chính quyền Lào liên tục xây nhiều đập trên dòng chảy chính sông Mekong cũng như các chi lưu. Tổng cộng có 45 đập đang được xây dựng, trong đó khoảng 10 đập đã đi vào hoạt động.
Tai nạn vỡ đập không phải là chưa từng xảy ra ở Lào, như các vụ vỡ đập năm 2017 (ở miền trung) và 2016 (ở miền nam) vì các công trình này được xây trên nền đất không chắc. Hậu quả đối với môi trường do việc lạm dụng xây đập thủy điện cũng được cảnh báo : thay đổi hệ sinh thái sông, sự đa dạng của các loài cá bị tác động... Tuy nhiên, Lào vẫn tiếp tục theo dự án này vì ngành công nghiệp ở Lào không phát triển. Các dự án đồ sộ này thường huy động nguồn vốn lớn và đây lại là cơ hội thăng tiến, cũng như tham nhũng cho nhiều quan chức địa phương.
Vụ Benalla : Tổng thống Pháp nhận hết trách nhiệm
Vụ Benalla, phụ trách an ninh của tổng thống Pháp hành hung người biểu tình trong ngày Lễ Lao Động 01/05, tiếp tục làm tốn nhiều giấy mực của các nhật báo. Tưởng nhận hết trách nhiệm về mình là xong, tổng thống Pháp không ngờ bị phản ứng dữ dội như vậy.
Nhật báo Le Monde trích lại tuyên bố của tổng thống Pháp : "Người duy nhất chịu trách nhiệm trong vụ này là tôi và chỉ mình tôi". "Nếu họ muốn một người chịu trách nhiệm, người đó đang đứng trước mặt các vị, họ đến mà tìm", Libération, trong bài viết "Năm câu hỏi cho người chịu trách nhiệm" lại trích câu nói này của tổng thống Pháp với chỉ trích "Emmanuel Macron thích thách thức hơn là làm sáng tỏ rất nhiều điểm tối" trong vụ Benalla.
Theo nhật báo Le Figaro, hiện đang thăm vùng Pyrénées, miền nam nước Pháp, ông "Macron phản công", khẳng định"tự hào vì đã tuyển Benalla", nhưng coi "lỗi" của người phụ trách an ninh"như một sự phản bội". Trong khi đó, vẫn theo Le Figaro, "cả cánh tả và cánh hữu đều chỉ trích tuyên bố trong nội bộ đảng cầm quyền". Còn nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng trong vụ "Benalla : chính phủ trông đợi vào mùa hè để dập đám cháy".
Pháp trải qua thời kỳ nắng nóng
Hôm qua và hôm nay, vùng Ile de France và nhiều tỉnh miền bắc Pháp chịu đợt nắng nóng gay gắt.
"Làm thế nào để thích nghi với nắng nóng ?" là câu hỏi được nhật báo La Croix nêu trong mục "Thảo luận". Theo ông Erwan Cordeau, trưởng dự án tại viện Quy hoạch đô thị, giải pháp lâu dài"phủ xanh các thành phố là một ưu tiên". Một số biện pháp trước mắt được nêu lên là mở cửa công viên vào buổi đêm, đóng cửa sổ… Điều hòa lại không phải là một ý tưởng hay, vì nó thải khí nóng ra ngoài và càng làm gia tăng nhiệt độ ngoài trời. Nhật báo Le Figaro thì đưa ra dự báo "đợt nắng nóng thứ hai sẽ đến Pháp vào tuần tới do khí nóng từ Bắc Phi tràn lên".
Riêng thành phố Paris, theo Libération, tìm cách ngăn chặn hiện tượng "ốc đảo nóng bất thường" vì nhiệt độ tại Paris thường cao hơn những khu vực khác trong vùng Ile de France. Trong kế hoạch khí hậu, thành phố Paris đề ra hai cách : chống tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ; làm xanh và làm mát thành phố để đối phó với hiện tượng nhiệt độ tăng dần với mục tiêu là phủ xanh được 40% diện tích thủ đô từ nay đến năm 2050. Ngoài ra, những biện pháp hàng ngày được thành phố triển khai là cây phun mưa hoạt động ở một số khu vực nóng nhất ở Paris hoặc vòi phun nước được chôn ngầm dưới đất…
Thu Hằng