Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

19/08/2018

Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh, Hoa Kỳ và Việt Nam hợp tác đề phòng

Tổng hợp

Không quân Trung Quốc đang luyện tập để tấn công vào các mục tiêu của Hoa Kỳ (RFA, 19/08/2018)

Không quân Trung Quốc đang mở rộng vùng hoạt động của máy bay ném bom, tích luy kinh nghiệm và có thể đang luyện tập để nhắm vào các mục tiêu của Hoa Kỳ và đồng minh.

tq1

Chiến đấu cơ Su-35, Su-35 bay cùng máy bay ném bom H-6K trong một cuộc tập trận của Trung Quốc. Reuters

Một báo cáo hàng năm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ gửi cho Quốc hội hôm 16/8 đã đưa ra nhận định như vậy.

Theo báo cáo, "trong vòng 3 năm qua, quân đội Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động của máy bay ném bom trên mặt nước, tích luy kinh nghiệm ở những vùng biển có tầm quan trọng và có thể đang luyện tập để tấn công nhắm vào các mục tiêu của Hoa Kỳ và đồng minh".

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ đề cập đến máy bay ném bom H-6K được Trung Quốc đưa vào hoạt động từ năm 2013 và có gắn tên lửa hành trình khiến cho loại máy bay này có khả năng nhắm bắn đến những mục tiêu xa như Australia và đảo Guam.

Máy bay H-6K cũng đã được Trung Quốc cho triển khai trong các cuộc tập trận gần Đài Loan thời gian qua.

Hồi tháng 5 vừa qua, Trung Quốc cũng cho biết nước này đã cho triển khai máy bay H-6K ra khu vực Biển Đông. Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, máy bay H-6K đã hạ và cất cánh từ đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 17/8 lên tiếng phản đối báo cáo mới của Lầu Năm Góc, gọi đây là một phỏng đoán thuần túy.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc viết "Trung Quốc đang trên đường phát triển hòa bình và theo đuổi một chiến lược phòng vệ quốc gia, và luôn là một bên đóng góp vào hòa bình, bảo vệ trật tự toàn cầu". Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng khẳng định "việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc là để bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và các lợi ích phát triển, cũng như hòa bình, ổn định và thịnh vượng của thế giới".

****************

Quan hệ an ninh Việt – Mỹ ‘phát triển nhanh chóng’ (VOA, 19/08/2018)

Văn phòng Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ mới ra tuyên bố nói rằng "mối quan hệ an ninh của Mỹ với Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây", và rằng "hai nước chia sẻ một tầm nhìn chung về tương lai của một khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

tq2

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert.

"Mối quan hệ đối tác an ninh mạnh mẽ của chúng tôi dựa trên sự cam kết chung nhằm làm sâu sắc quan hệ quốc phòng và quyết tâm chung để xử lý các thách thức an ninh khu vực", tuyên bố hôm 16/8 có đoạn.

Văn phòng Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng tầm nhìn chung này đã được nêu lên trong tuyên bố chung Mỹ - Việt nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Trump hồi tháng 11 năm 2017, cũng như trong các chuyến công du sau đó của quan chức quốc phòng và ngoại giao Hoa Kỳ.

Tuyên bố trên được công bố đúng dịp bà Andrea L. Thompson, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ chuyên trách về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế, thăm Việt Nam trong chuyến công du ba nước.

Trên Twitter chính thức, bà Thompson cho biết đã gặp quan chức ngoại giao và quốc phòng Việt Nam để bàn về nhiều vấn đề, trong đó có an ninh hàng hải.

Nữ quan chức ngoại giao Mỹ cho biết bà còn tới thăm nhà tù Hoa Lò, và đó là "một sự nhắc nhớ đầy xúc động về quá khứ chung của chúng ta" cũng như cho thấy một chặng đường dài "hai nước đã trải qua".

Văn phòng Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố về mối quan hệ hợp tác an ninh song phương ít ngày sau khi một quan chức Mỹ cho VOA Việt Ngữ biết rằng Hà Nội có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Hoa Kỳ trị giá tới hàng chục triệu đôla.

Tuyên bố cũng nhắc tới việc Bộ Ngoại giao Mỹ cho phép các vụ mua bán cho Việt Nam trị giá 25 triệu đôla trong chương trình Mua bán Thương mại Trực tiếp (DCS) từ năm 2012 tới năm 2017.

DCS là một trong hai chương trình chính để Hoa Kỳ chuyển giao các dịch vụ và thiết bị quốc phòng cho đồng minh và đối tác. Chương trình kia là Mua bán Quân sự Nước ngoài (FMS).

Ngoài ra, theo phía Mỹ, cũng trong khoảng thời gian trên, "Việt Nam đã nhận hơn 55 triệu đôla hỗ trợ an ninh do Bộ Ngoại giao Mỹ cấp theo chương trình Cung cấp Tài chính Quân sự Nước ngoài (FMF)".

"FMF hỗ trợ tài chính cho việc chuyển giao và nâng cấp một tàu cũ của Lực lượng Tuần duyên Mỹ cho Việt Nam theo chương trình cung cấp Thiết bị Quốc phòng Dư thừa (EDA)", tuyên bố viết tiếp.

"Đây là việc chuyển giao quốc phòng lớn đầu tiên giữa Mỹ và Việt Nam, và hiện là con tàu lớn nhất trong kho quân sự của Việt Nam".

tq3

Trung tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam, và Chuẩn đô đốc Tuần duyên Hoa Kỳ Michael J. Haycock, trợ lý tham mưu trưởng về quân dụng và cán bộ chuyên trách quân dụng, tại lễ chuyển giao tàu tuần duyên trọng tải cao ở Honolulu, Hawaii, tháng Năm năm ngoái.

Theo Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, EDA là chương trình "cung cấp thiết bị quân sự dư thừa cho đối tác Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh để hỗ trợ cho các nỗ lực hiện đại hoa an ninh và quân đội của họ".

"FMF cho Việt Nam còn bao gồm một khoản 10,25 triệu đôla trong năm tài khoa 2017 theo Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á nhằm củng cố nhận thức trong lĩnh vực hàng hải, gia tăng sự hiện diện của các nước đối tác trong lãnh hải của họ cũng như giúp họ duy trì các quyền và quyền tự do theo luật hàng hải quốc tế", Văn phòng Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Tuyên bố về hợp tác an ninh Mỹ - Việt được công bố đúng ngày Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói rằng quân đội Trung Quốc "đã nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động của các máy bay ném bom trên các vùng biển" và "nhiều khả năng đang huấn luyện để tấn công các mục tiêu của Mỹ và các đồng minh". Hai ngày sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã "kiên quyết phản đối" nhận định này.

Trong một tuyên bố cho thấy nhân quyền vẫn là một vấn đề gai góc trong quan hệ Việt - Mỹ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 17/8 cho biết "hết sức quan ngại" về vụ kết án nhà hoạt động Lê Đình Lượng 20 năm tù giam và 5 năm quản chế, coi "xu hướng gia tăng các vụ bắt giữ và các án tù khắc nghiệt đối với các nhà hoạt động ôn hòa ở Việt Nam là điều đáng lo ngại".

Viễn Đông

********************

Bóng dáng Việt Nam trong luật quốc phòng Mỹ (VOA, 16/08/2018)

Luật quốc phòng của Mỹ, mới được Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký ban hành, có nhiều điểm được cho là cứng rắn hơn với Trung Quốc, khiến Bắc Kinh tức giận, nhưng lại giúp Việt Nam "hưởng lợi".

tq4

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký ban hành Luật Chính sách Quốc phòng Mỹ tại một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở New York hôm 13/8.

Luật Chính sách Quốc phòng 2019, được đặt kèm theo tên của thượng nghị sĩ nhiều duyên nợ với Việt Nam, ông John McCain, đề ra mức chi tiêu quốc phòng 716 tỷ đôla mà nguyên thủ Mỹ nói là "khoản đầu tư đáng kể nhất vào quân sự và các binh sĩ trong lịch sử hiện đại".

Ông Murray Hiebert, chuyên gia cấp cao về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở thủ đô Washington, nói với VOA tiếng Việt rằng luật "có một số điều khoản mới liên quan tới các hành động củng cố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông".

tq5

Luật Chính sách Quốc phòng Mỹ 2019 được đặt kèm theo tên của Thượng nghị sĩ John McCain.

Nhà nghiên cứu này nói thêm : "Luật này yêu cầu Bộ Quốc phòng phải đệ trình một báo cáo lên Quốc hội cũng như công bố cho công chúng biết bất cứ khi nào Lầu Năm Góc phát hiện sự gia tăng đáng kể các hành động quân sự mang tính cưỡng chế hay các hoạt động bồi lấp đảo và xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở Biển Đông. Mục tiêu là soi chiếu hành vi của Trung Quốc với hy vọng rằng nguy cơ gây tổn hại tới danh tiếng sẽ buộc Bắc Kinh phải thay đổi hành vi của mình".

Ngoài ra, theo ông Hiebert, "luật mới đề ra yêu cầu rất cao đối với Trung Quốc nếu nước này muốn trở lại tham dự cuộc Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) mà năm nay Bắc Kinh lần đầu tiên bị cấm tham gia. Trung Quốc bị cấm dự cuộc thao dượt RIMPAC cho tới khi nào nước này ngưng mọi hành động bồi lấp đảo nhân tạo ở Biển Đông, dỡ bỏ mọi vũ khí tại các nơi bồi đắp và thiết lập hồ sơ theo dõi bốn năm, cho thấy nước này có các bước đi nhằm ổn định Biển Đông và khu vực kế cận".

Hồi tháng Năm, Hải quân Mỹ mời Việt Nam tham dự sự kiện quy mô lớn với sự hiện diện của 47 tàu chiến, 5 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25 nghìn quân nhân của 26 quốc gia.

tq6

Một tàu chiến Mỹ tham dự RIMPAC.

Theo quan sát của phóng viên Voa tiếng Việt, Luật Chính sách Quốc phòng của Mỹ còn đổi tên "Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á" thành "Sáng kiến An ninh Hàng hải Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương", theo đúng như đường lối chính sách ngoại giao dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Đầu tháng Tám, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo rằng Mỹ cam kết cung cấp gần 300 triệu đôla nhằm "thúc đẩy an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực.

Khoản tiền được dùng nhằm "củng cố an ninh hàng hải" và "chống lại các mối đe doa xuyên quốc gia" sẽ được trao cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam và Philippines.

Nhà nghiên cứu Hiebert nói rằng Việt Nam có thể "hưởng lợi" từ Luật về chính sách quốc phòng 2019 của Mỹ.

Chuyên gia về Đông Nam Á của CSIS nói thêm : "Luật mới tạo cơ sở cho Hoa Kỳ giúp đỡ các nước láng giềng của Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia bằng cách thúc đẩy nhận thức về lĩnh vực hàng hải để các nước này có thể nắm rõ hơn về những gì Trung Quốc đang thực hiện ở Biển Đông. Chiến lược của Mỹ phần lớn dựa trên các hoạt động tự do hàng hải và việc củng cố khả năng cho các nước láng giềng của Trung Quốc".

Tuy nhiên, ông Hiebert nói thêm rằng "điều không có trong luật này đó là đưa ra một chiến lược toàn diện, rộng hơn về cách thức Hoa Kỳ cùng các quốc gia bạn hữu và đồng minh như Nhật, Australia, Ấn Độ và Liên hiệp châu Âu thách thức các hành động tiếp tục củng cố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông".

Luật về quốc phòng 2019 của Mỹ còn nhắc đích danh Việt Nam trong phần nói tới các hoạt động tẩy độc dioxin ở sân bay Biên Hoa với việc "không chuyển quá 15 triệu đôla trong năm tài khoa 2019" cho nỗ lực này.

Dự luật Chính sách Quốc phòng của Mỹ được ký thành luật đúng thời gian Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ chuyên trách về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế, bà Andrea L. Thompson, công du ba nước trong đó có Việt Nam.

Trên Facebook hôm 16/8, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink viết : "Tôi rất vui mừng được gặp gỡ Thứ trưởng Hoa Kỳ chuyên trách về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế Andrea Thompson để chia sẻ những nỗ lực của Đại sứ quán nhằm hỗ trợ việc phát triển một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập góp phần vào an ninh quốc tế, tham gia vào thương mại tự do, công bằng và có đi có lại, đồng thời tôn trọng nhân quyền và pháp quyền".

Viễn Đông

*****************

‘Tàu cứu nạn’ ở Trường Sa : Vỏ bọc của Trung Quốc ? (VOA, 19/08/2018)

Bắc Kinh đã lần đầu tiên đặt vĩnh viễn một tàu nghiên cứu và cứu nạn ở Biển Đông, và bước đi gây quan ngại các quốc gia khác cũng tuyên bố chủ quyền ở vùng biển tranh chấp này bị coi là một "vỏ bọc" của Trung Quốc.

tq7

Tàu và trực thăng Trung Quốc tham gia "cứu hộ" ở Biển Đông.

Bộ Giao thông Trung Quốc mới đây đã đưa con tàu mà Tân Hoa Xã nói là có thể chống đỡ sóng cao tới 6 mét tới Trường Sa. Con tàu có tên Cứu hộ Biển Nam 115 còn có bãi đáp trực thăng.

Quan chức của Bộ này được trích lời nói rằng Trung Quốc sẽ "liên tục cải thiện khả năng sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu nạn hàng hải ở Biển Đông theo các thoa thuận quốc tế".

Các chuyên gia nhận định với Voa rằng Trung Quốc có thể đã triển khai tàu và quảng bá hình ảnh tốt đẹp về nước mình quanh nỗ lực cứu nạn, sau khi khiến nhiều quốc gia láng giềng tức giận vì các hoạt động quân sự hoa ở vùng biển tranh chấp với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Ông Jonathan Spangler, Giám đốc Cơ quan nghiên cứu Biển Đông ở Đài Bắc, Đài Loan, nhận định với Voa : "Toàn bộ chuyện rầm rộ thông báo một hoạt động mang tính nhân đạo như vậy nhằm để che đậy việc quân sự hoa rõ ràng và tẩy não bằng một vỏ bọc thân thiện".

Những năm gần đây, Trung Quốc đã cấp tập xây cất các đảo nhân tạo trên Biển Đông, và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị từng tuyên bố rằng Bắc Kinh làm vậy để "tự vệ" trước "áp lực từ Hoa Kỳ".

tq8

Công trình xây dựng của Trung Quốc trên một hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông.

"Trung Quốc có thể tìm cách để làm dịu sức nóng từ các hành động quân sự bằng cách công bố các hoạt động cứu nạn, nhưng tôi không nghĩ rằng nó sẽ giúp thay đổi nhận thức", ông Euan Graham, Giám đốc An ninh Quốc tế tại Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney, nhận định với VOA.

"Nó giống như đang có một cuộc chiến PR [quan hệ công chúng], nhưng tôi nghĩ rằng khả năng giành chiến thắng của Trung Quốc trong cuộc chiến về quan hệ công chúng này kém hơn vài năm trước vì tôi nghĩ rằng yếu tố quân sự [ở Biển Đông] ngày càng trở nên lộ rõ, khó có thể che giấu".

Ông Graham nói rằng các tàu và máy bay quân sự Trung Quốc đã được triển khai ra Biển Đông trước cả tàu cứu nạn.

Các nhà phân tích tin rằng Bắc Kinh có thể đang hy vọng sẽ đuổi kịp chính phủ các nước khác bằng việc đưa tàu cứu hộ ra vùng biển tranh chấp.

Đài Loan, đối thủ chính trị của Trung Quốc, đã thực hiện công tác nghiên cứu và cứu hộ tại Thái Bình mà Việt Nam gọi là Ba Bình, hòn đảo lớn nhất ở Trường Sa.

Một quan chức tuần duyên Đài Loan nói hồi năm 2015 rằng cơ quan của ông đã cứu các ngư dân không phải là Đài Loan khỏi các cơn bão ở Trường Sa.

Năm ngoái, các binh sĩ Australia đã tham gia một cuộc diễn tập cứu hộ với lực lượng Philippines ở một vịnh gần Biển Đông.

Bà Maria Ela Atienza, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Philippines Diliman, cho rằng các nhà lập pháp Philippines có thể coi tàu cứu hộ của Trung Quốc với một thái độ "ngờ vực".

Quay lại trang chủ
Read 712 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)