Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/09/2018

Điểm báo Pháp - Châu Âu và giấc mơ tự chủ

Châu Âu và giấc mơ tự chủ

Mở đầu bài xã luận mang tựa đề "Sự tự chủ mà Châu Âu mơ ước", Le Point nhận định Liên Hiệp Châu Âu đã biết rằng họ chỉ là một "chú lùn trên chính trường". Qua hồ sơ Iran, giờ đây Châu Âu biết thêm rằng họ cũng chỉ là "một chú lùn" trong lĩnh vực tài chính. Do sự thống trị của đồng đô la Mỹ, Châu Âu không thể cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran. Tác giả Luc De Barochez nhận định Liên Âu đã không làm những điều cần làm, nên cho đến giờ Châu Âu tự chủ vẫn chỉ là một giấc mơ.

eu1

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Châu Âu tại FrankfurtReuters

Mùa hè vừa qua, các tập đoàn Châu Âu như Total, Peugeot, Siemens, Daimler, Air France-KLM, British Airways… đã đồng loạt thông báo rút khỏi thị trường Iran, cho dù Liên Hiệp đã "nài nỉ" các doanh nghiệp tiếp tục giao thương với Iran.

Trước đây, Liên Hiệp tin rằng có thể giúp cho các công ty Châu Âu không bị Mỹ trừng phạt nếu tiếp tục làm ăn với Iran. Ngày 07/08/2018, bà Federica Mogherini, lãnh đạo ngoại giao Châu Âu, thậm chí còn khẳng định : "Chính Châu Âu mới có quyền quyết định giao thương với ai". Thế nhưng, chỉ một tháng sau đó, các ngân hàng Châu Âu đã từ chối giao dịch với Iran, vì họ chưa quên vụ BNP Paribas do vi phạm lệnh cấm của Mỹ mà bị phạt tới 8,9 tỉ đô la hồi năm 2015.

Để gia tăng áp lực lên các nhà băng, Mỹ còn yêu cầu SWIFT, công ty viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế loại Iran ra khỏi danh sách dịch vụ kể từ ngày 04/11/2018. Nhưng trên thực tế, trong giai đoạn 2012 - 2016, các ngân hàng Iran đã gặp trở ngại khi sử dụng dịch vụ của SWIFT, khiến xuất khẩu dầu lửa của nước này giảm 50% : không có SWIFT, ngay lập tức Iran đã mất đáng kể khách hàng. Tất cả những điều đó cho thấy Mỹ sẽ lại đạt được mục đích trong những tuần sắp tới.

Thế nhưng, theo tác giả Luc De Barochez, thủ phạm thực sự không phải là SWIFT, mà là sự thống trị của đồng đô la Mỹ. Đã đến lúc Liên Hiệp Châu Âu phải nâng cao vị thế của đồng euro trên thị trường quốc tế, điều mà từ trước tới nay Châu Âu không làm vì họ cảm thấy "thoải mái khi phục tùng một nước Mỹ bảo trợ nhân từ". Giờ đây, Liên Âu đã nhận ra chính sách đó tai hại đến mức nào.

Nhà báo Luc De Barochez cho rằng để đối phó với chính sách hung hăng của Donald Trump, Liên Hiệp Châu Âu cần chú trọng phát triển để tự chủ trên mọi lĩnh vực. Không thể ngồi chờ Donald Trump mãn nhiệm để lấy lại "quan hệ lệ thuộc một cách thoải mái" với Mỹ có từ năm 1945. Xu hướng chia rẽ giữa Mỹ và Châu Âu thực ra đã có thể thấy rõ từ thời George W. Bush với cuộc chiến Irak và ở thời Barack Obama với sự xoay trục sang Châu Á. Có lẽ sự chia rẽ đó sẽ tiếp tục ngay cả sau khi ông Donald Trump hết nhiệm kỳ tổng thống. Châu Âu cũng không nên vì chống Mỹ mà ngả sang Trung Quốc và Nga nhằm tạo đối trọng với Hoa Kỳ, vì chắc chắn sẽ không có lợi.

Đi tìm sự tự chủ cho Châu Âu là nhiệm vụ dài hạn, không chỉ là xây dựng nền tài chính tự chủ dựa trên đồng euro, mà còn phải xem xét lại cơ cấu an ninh và phòng vệ cho Châu Âu, nếu Liên Âu không muốn mãi là "một chú lùn".

Ngày mà Châu Âu chao đảo vì di dân

Liên quan tới hồ sơ di dân, trên trang Thế giới, tuần báo Le Point có bài "Ngày mà Châu Âu chao đảo vì di dân". Đó là ngày 04/09/2015, cách nay vừa tròn 3 năm. Trước làn sóng di dân quốc tế tìm cách vượt biên giới Hungary sang Áo, để rồi sang Đức, thủ tướng Áo đã điện đàm với bà Merkel về việc có nên đóng cửa biên giới với Hungary để ngăn làn sóng di dân hay không. Câu trả lời của thủ tướng Đức Angela Merkel là không. Bà hứa với thủ tướng Áo là sẽ tiếp nhận di dân tới từ ngả nước Áo, cho dù nhiều đến đâu đi chăng nữa.

Trong vòng nhiều tuần lễ, bà Merkel được hoan nghênh, khâm phục vì quyết định rộng lượng nói trên đối với di dân. Nhiều thành phố của Đức huy động các sáng kiến, tình nguyện viên, tổ chức các hoạt động đón tiếp, cứu giúp di dân, phân phát quần áo, dạy tiếng Đức… Một số gia đình còn cho di dân ở nhờ trong nhà. Các chủ doanh nghiệp lạc quan thậm chí còn khẳng định di dân sẽ là nguồn nhân công tuyệt vời, đẩy mạnh sự cạnh tranh trong nước. Không ai có thể ngờ quyết định của bà Merkel mở cửa biên giới đón tiếp di dân sẽ làm đảo lộn đời sống chính trị tại nước Đức và cả Châu Âu.

2 năm sau, AfD, đảng dân túy bài di dân, chiếm được 93 ghế tại Quốc Hội. Phe dân túy bài di dân cũng lên nắm quyền ở Ý. Tại Hungary, thủ tướng Orban, nổi tiếng với các chính sách khắc nghiệt với người xin tị nạn, đã tái đắc cử. Còn chiếc ghế thủ tướng của bà Angela Merkel thì vẫn đang bị đe dọa.

Một hệ thống bấp bênh 10 năm sau khủng hoảng

Ngày 15/09/2018 là tròn 10 năm ngân hàng Mỹ Lehman Brothers phá sản. Tuần báo L’Obs giới thiệu bài viết của giáo sư Daniel Cohen, trưởng khoa Kinh tế của Đại học sư phạm ENS. Bài viết có tiêu đề "Một hệ thống bấp bênh 10 năm sau khủng hoảng".

Nếu so sánh Đại suy thoái 2008 do sự sụp đổ của Lehman Brothers gây ra với cuộc Đại khủng hoảng 1930, giáo sư Daniel Cohen đánh giá là Đại suy thoái 2008 ít nghiêm trọng hơn. Phần nào đó là nhờ các nhà quản lý đã rút ra bài học kinh nghiệm, nhất là nhờ chủ tịch ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) - thời đó là giáo sư kinh tế Ben Bernanke - là chuyên gia về Đại khủng hoảng 1929. Các công trình nghiên cứu của ông đều liên quan đến tác động của sự sụp đổ của các nhà băng đối với sự lây lan của cuộc khủng hoảng. Dưới sự điều hành của Ben Bernanke, Fed đã can thiệp liên tục để cứu các ngân hàng. Còn tại khu vực đồng tiền chung Châu Âu, chủ tịch ngân hàng trung ương Châu Âu, với đầu óc thực tế tuyệt vời, đã mở van tín dụng, ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng tiền tệ trầm trọng tại Châu Âu.

Trong Đại suy thoái 2008, nhất là với nhóm G20, hợp tác quốc tế ban đầu diễn ra tốt đẹp. Nhưng sau này, mọi chuyện dần xấu đi. Chính phủ các nước thành viên khu vực đồng euro vội vã thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng khiến cuộc khủng hoảng kéo dài hơn, thậm chí nền kinh tế Hy Lạp sụp đổ, tương tự như trong thập niên 1930.

Về hợp tác quốc tế, ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ và đã thay đổi các thỏa thuận đã có từ trước đó, đẩy thế giới vào cuộc chạy đua tăng thuế suất mà hiện chúng ta chưa biết sẽ được dẫn tới đâu.

Từng chút, từng chút một, những sai lầm trong thập niên 1930 đã lặp lại. Những sai lầm đó không chỉ là do chẩn đoán không tốt mà còn là hệ quả do chính cuộc khủng hoảng gây ra. Chính sách bảo hộ của tổng thống Mỹ Donald Trump thực ra cũng xuất phát từ tư tưởng bài ngoại.

Trong lĩnh vực ngân hàng, hiện nay, việc cứu một nhà băng lớn khỏi bị phá sản lại gặp nhiều khó khăn hơn hồi năm 2008, do lập luận "tại sao lại phải dùng tiền thuế của dân để cứu các chủ ngân hàng thiếu năng lực ?". Người ta cũng không chấp nhận việc bắt dân chúng đóng thêm thuế để trả những món nợ cũ. Quyết tâm chính trị để khắc phục hậu quả của vụ ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ cũng suy giảm. Cuộc khủng hoảng đã tạo ra sự lớn mạnh cho các lực lượng chống hệ thống và chính các lực lượng này sẽ cản trở việc vực dậy hệ thống nếu một cuộc khủng hoảng mới nổ ra.

Syria, hành động cuối cùng

Trên mục Ý kiến, tuần báo L’Express giới thiệu bài viết của Christian Makarian "Syria, hành động cuối cùng". Tại Idlib, cứ địa cuối cùng của quân nổi dậy tại Syria, sẽ diễn ra một trong những trận đánh phức tạp nhất trong cuộc nội chiến thảm khốc đã tàn phá đất nước Syria.

Trên bình diện quân sự, các đội quân của chính phủ Syria với sự hậu thuẫn của quân đội Nga và sự tham gia của binh lính Iran, sẽ phải đối đầu với phe nổi dậy dạn dày kinh nghiệm chiến đấu, trong đó, theo đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura, có khoảng 10.000 chiến binh thuộc các phong trào Hồi giáo cực đoan.

Các cuộc tấn công sẽ khủng khiếp tới mức nhiều người nghi ngờ là các loại vũ khí hóa học sẽ được sử dụng. Để tránh nguy cơ phương Tây tấn công quân chính phủ Syria với lý do chế độ Damascus sử dụng vũ khí hóa học, Nga khẳng định nhiều chất hóa học đã được lực lượng Mũ Trắng - lực lượng cứu hộ tình nguyện Syria do phương Tây hỗ trợ - chuyển tới Idlib.

Trong những ngày qua, Hải quân Nga đã được tăng cường tới phía đông Địa Trung Hải, ngoài 30 chiến đấu cơ Nga đặt tại căn cứ ở Syria. Về phía Mỹ, USS Ross, khu trục hạm được trang bị tên lửa Tomahawk, cũng được triển khai tới gần khu vực.

Trong lĩnh vực cứu trợ nhân đạo, gần 3 triệu thường dân đang mắc kẹt tại vùng sắp có giao tranh, đa số sống sót được trong nhiều tháng qua nhờ vào sự trợ giúp của quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.

Về mặt chiến lược, điều đáng lo ngại nhất là quan hệ phức tạp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tại khu vực vốn nằm dọc biên giới giữa Syria với Thổ Nhĩ Kỳ. Từ nhiều năm nay, Ankara ủng hộ phe đối lập với tổng thống Syria Bachar al-Assad và hỗ trợ phe đối lập Syria tạo dựng thành trì ở Idlib, chủ yếu để phe này chặn đường không cho người Kurdistan kiểm soát miền bắc Syria. Để hậu thuẫn chế độ Damascus, một mặt, Nga tấn công các nhóm đối lập được Ankara ủng hộ, mặt khác Matxcơva vẫn phải dàn xếp với Ankara vì trên danh nghĩa, Nga vẫn cần có Thổ Nhĩ Kỳ làm đồng minh trên bàn đàm phán quốc tế để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.

Tác giả Christian Makarian cho rằng "sự nhập nhằng không tên" đó ở Idleb liên quan đến các lợi ích trái ngược nhau của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, không thể để các lực lượng nổi dậy Syria, vốn xuất thân từ các phần tử Hồi giáo cực đoan nguy hiểm, tan rã rồi lọt vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, đối với Nga, điều quan trọng là đánh đuổi các phần tử Hồi giáo cực đoan khỏi vùng Idlib, lấy lại quyền kiểm soát khu vực này cho chế độ Damascus, để từ đó kết thúc các hoạt động quân sự, chuyển sang bước tiếp theo. Theo nhà báo Christian Makarian, có lẽ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải nhượng bộ Nga, từ bỏ mục tiêu ở Syria.

Idlib sẽ trở thành ván bài cuối cùng trong tay tất cả các cường quốc đang sa lầy trong cuộc khủng hoảng Syria. Ít ra thì tổng thống Syria Bachar al-Assad cũng đã chiến thắng khi đưa cả các đồng minh, đối tác và đối thủ vào một tình thế rối ren, khó gỡ.

Du khách muôn năm !

Trong bài xã luận "Du khách muôn năm", Courrier international cho biết Tổ chức thế giới về du lịch thống kê trong cả năm 2017, số du khách trên toàn thế giới là 1 tỉ 323 triệu người, tăng 7% so với năm 2016. Lượng du khách quốc tế tăng mạnh do tầng lớp trung lưu trên thế giới tăng và chi phí các chuyến đi giảm, dẫn đến hiện tượng bài du khách.

Tuy nhiên, Courrier international lưu ý là sự bùng nổ du lịch kéo theo sự phát triển kinh tế và tạo nhiều công ăn việc làm. Hy Lạp là một ví dụ điển hình. Trong vòng 20 năm, lượng du khách tới Hy Lạp đã tăng gấp 5 lần. Doanh thu từ du lịch chiếm 10% GDP toàn cầu. Thay vì hạn chế lượng du khách đến một số thành phố hay quốc gia, nên khuyến khích du khách khám phá các điểm đến mới, tránh mùa cao điểm, và đặc biệt tránh phản ứng thái quá với việc bùng nổ du khách quốc tế.

Tái chế thiết bị điện tử cũ : thách thức chiến lược

Trong lĩnh vực Môi trường, tuần báo Courrier International giới thiệu bài viết "Những thứ bỏ đi tốt hơn các loại quặng" trên tạp chí Ensia, do Viện môi trường thuộc đại học Minesota tài trợ. Việc tái chế máy tính và thiết bị điện tử cũ là một thách thức mang tính chiến lược vì dù phép thu được các kim loại với chi phí thấp hơn khai thác quặng nhưng lại có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Mỗi năm, khoảng 20-50 triệu tấn máy tính, ti vi, máy điều hòa nhiệt độ, điện thoại di động, tủ lạnh, bóng đèn và các loại rác thải điện tử khác bị thải ra trên toàn thế giới. Nhưng những "đồ bỏ đi" nói trên lại có nhiều kim loại có giá trị quý, như vàng, bạc, đồng, chì… có thể phân tách, thu gom để tái sử dụng. Nhiều doanh nghiệp chuyên về tái chế rác thải điện tử từ Mỹ, tới Trung Quốc làm ăn rất phát đạt. Nhà nghiên cứu Mỹ Cornelis Baldé ước tính trong năm 2016, tổng giá trị các nguyên liệu thu được từ rác thải điện tử đạt khoảng 55 tỉ đô la, cao hơn GDP của phần lớn các quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, nếu không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và sức khỏe thì lĩnh vực tái chế rác thải điện tử và điện gia dụng cũng gây ra một cơn ác mộng về cả phương diện môi trường và xã hội. Một ví dụ điển hình là tại các khu gia công ở Mandoli, ngoại ô New Delhi, Ấn Độ. Axit được sử dụng để thu tách đồng khiến cả nguồn nước và không khí bị ô nhiễm nặng. Người ta sử dụng nhiều trẻ em làm công việc nguy hiểm khiến sức khỏe các em bị tàn phá.

Trang nhất các tuần báo Pháp

Trên trang nhất, tuần báo L’Express kêu gọi độc giả học hỏi cách học nhân mùa tựu trường. Tuần báo Le Point tôn vinh rượu vang, còn tuần báo Courrier International lại dành trang nhất cho đề tài du lịch. Trong khi đó, tuần báo L’Obs tiết lộ về Dubai Papers, một vụ bê bối trốn thuế mới liên quan quan tới nhiều chủ doanh nghiệp Pháp, nhiều lãnh đạo chính trị Nga, các nhân vật quý phái ở Châu Âu …

Thùy Dương

Quay lại trang chủ
Read 645 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)