Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

25/02/2017

Điểm tin báo chí Pháp - Vũ khí chiến lược của Nga

"Russia Today" và "Sputnik" : Vũ khí chiến lược của Nga

nga1

Tại một trường quay của kênh Russia Today - Ảnh : AFP/Yuri Kochetkov

Đời sống chính trị Pháp, với cuộc tranh cử tổng thống đang bước vào giai đoạn căng thẳng, chỉ còn đúng hai tháng trước ngày bầu cử (cuối tháng 4/2017), là chủ đề quan tâm hàng đầu của các tuần báo Pháp. Hồ sơ chính của L’Express đặt câu hỏi : "Vì sao bà Le Pen (đảng cực hữu) tiếp tục mở rộng ảnh hưởng ?". Nhưng trước hết xin giới thiệu với quí vị về chủ đề ám ảnh tác động của truyền thông Nga đến các cuộc bầu cử sắp tới ở Châu Âu, đặc biệt là tại Pháp.

Tuần san Le Courrier International điểm lại bài "(Ứng cử viên Emmanuel) Macron trong tầm ngắm của truyền thông Nga" trên báo Mỹ The Washington Post khẳng định "với các tin đồn, phóng sự và những lời lẽ bóng gió, nhiều kênh truyền thông thân Moskva, từ nhiều tháng nay, đang tìm cách làm mất uy tín của ứng cử viên ủng hộ Châu Âu. Ảnh hưởng của chúng đối với cuộc tranh cử tại Pháp rất đáng ngại".

Le Courrier International cũng dẫn lại một bài viết có quan điểm gần gũi với chính quyền Nga, trên tờ Nezavissimaïa Gazeta, với tựa đề "Quá dễ dàng để nói đến can thiệp nước ngoài", với nhận xét : Kết tội như vậy chỉ làm cho cuộc tranh cử tại các nước dân chủ như Pháp "mất hết ý nghĩa".

Nezavissimaïa Gazeta chê trách phản ứng đề phòng cao độ của truyền thông phương Tây : "Nếu chính sách đối ngoại trở thành vấn đề chủ yếu của cuộc tranh cử thì điều đó có nghĩa, hoặc là tất cả các vấn đề chính trị trong nước đã được giải quyết, mà điều này là không thể, hoặc các cuộc bầu cử đã xa rời khỏi các vấn đề thực sự, mà điều này sẽ hủy hoại chính uy tín của các ứng cử viên".

Nhận xét của báo Nga có vẻ rất mạch lạc, nhưng dường như đã không nhắm thẳng vào vấn đề chính, đang gây lo ngại nhiều trong công luận phương Tây. Đó là mối lo về một nền truyền thông bóp méo thông tin, được Moskva hậu thuẫn, chứ không phải là "chính sách đối ngoại" nói chung.

Cỗ máy tuyên truyền với bề ngoài dân chủ

Về toan tính quốc tế của Nhà nước Nga trong lĩnh vực truyền thông, tuần báo Le Nouvel Observateur có bài : "Những tiếng nói mới của nước Nga". Nằm ở tuyến đầu của cuộc chiến là "Russia Today" và "Sputnik", hai phương tiện truyền thông chủ lực của Moskva, bắt đầu hoạt động mạnh ở Pháp. Chủ trương của ông Putin là "phải bẽ gãy thế độc quyền của các phương tiện truyền thông Anh-Mỹ" (phát biểu trên Russia Today, tháng 6/2013).

Báo L’Obs cho biết cụ thể về kênh Russia Today, với hơn 2.000 nhân viên, khoảng 30 văn phòng trên khắp thế giới, được phổ biến bằng ba thứ tiếng : Anh, Ả Rập và Tây Ban Nha, và sắp tới là tiếng Pháp. Russia Today và Sputnik đều thuộc về tập đoàn Rossia Segodnia ("Nước Nga đương đại"), thuộc nhóm các doanh nghiệp "chiến lược" của Moskva, với ngân sách hàng năm 250 triệu euro, "vượt xa đầu tư cho văn hóa".

Tại trụ sở chính của Russia Today, người ta có thể thấy các nhà báo rất trẻ, tuổi không quá 30, làm việc trong không khí hài hước, nhẹ nhõm, có cảm tưởng không khác gì với một trung tâm báo chí chuyên nghiệp tại những quốc gia dân chủ. Tuy nhiên, các phóng viên ở đây bắt buộc phải sử dụng "các ngôn từ" mang tính tuyên truyền của điện Kremlin, như chính phủ Ukraine phải gọi là "nhóm phát xít", hay quân nổi dậy ở Syria là "bọn khủng bố". Russia Today sử dụng mọi cách để lấy lòng cánh cực tả, với việc lên án chủ nghĩa tư bản ; lấy lòng cánh cực hữu, với việc khai thác vấn đề khủng hoảng nhập cư…

Russia Today tự coi là một phương tiện ngoại giao của nước Nga, giống như kênh CNN đối với Mỹ hay France 24 đối với Pháp. Tuy nhiên, theo L’Obs, vấn đề là Russia Today và Sputnik đã bất chấp đạo lý báo chí, khi coi việc sử dụng các tin tức bịa đặt như một phương tiện chinh phục cử tri. Hồi tháng 4/2014, phẫn nộ vì "các tuyên truyền trơ trẽn" của kênh RT (tức Russia Today) về cuộc khủng hoảng Ukraine và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, "Liz Wahl, một nữ phóng viên Mỹ làm việc cho kênh này, đã tuyên bố từ nhiệm ngay trong một buổi truyền hình trực tiếp"...

Làm gì để bảo vệ nền dân chủ ?

Ít tháng nữa, Russia Today sẽ mở kênh bằng tiếng Pháp. Đề nghị của Russia Today đã được cơ quan quản lý Pháp bật đèn xanh. Trong một xã hội mở như hiện nay, nhất là với sự phát triển của internet, "làm thế nào để có thể bảo vệ được các nền dân chủ chúng ta (cụ thể là các đảng phái trong tranh cử)", trước ảnh hưởng tuyên truyền của Nga ? Tuần báo Le Courrier International dẫn lại một số gợi ý của tuần báo Đức Die Zeit.

Đó là các nạn nhân "cần ngay lập tức công bố các hành động tấn công, thông tin xuyên tạc…, và đưa tác giả của chúng ra trước công lý", trong quá trình tranh cử, các đảng phái "cần tập trung vào các vấn đề thuộc về thế mạnh của họ, như công lý, an toàn trong nước, hội nhập xã hội, giáo dục, cơ sở hạ tầng", cần phải "đến với các cử tri không tha thiết với bầu cử", hướng đến "các nhóm thiểu số", "các mạng xã hội", cũng như đầu tư thích đáng cho khâu "kiểm chứng thông tin".

Le Pen và "Nước Pháp ngoại vi"

Đời sống chính trị trong nước với cuộc tranh cử tổng thống đang bước vào giai đoạn căng thẳng, hai tháng trước ngày bầu cử, cuối tháng 4 tới, là chủ đề quan tâm hàng đầu của các tuần báo Pháp. Hồ sơ chính của L’Express đặt câu hỏi : "Vì sao Le Pen (tiếp tục) mở rộng ảnh hưởng ?".

L’Express đối diện với một thực tế là ứng cử viên Mặt Trận Quốc Gia (FN), bà Marine Le Pen, đang có được một tỉ lệ ủng hộ "cao chưa từng có trong lịch sử" của phong trào này. Tuần báo Pháp muốn đi sâu tìm hiểu cội rễ sâu xa của tình trạng này, được đánh giá là hậu quả của "hàng chục năm sai lầm" (về chính trị) …

"Một tấm bản đồ tốt có ý nghĩa hơn nhiều so với một bài diễn văn dài", câu nói được cho là của Napoleon, được L’Express dẫn ra để mở đầu cho một giới thiệu tóm lược về những mảnh đất màu mỡ của phong trào Le Pen.

Bốn tấm bản đồ cho phép độc giả nhận thấy : phong trào Le Pen phát triển mạnh ở những nơi nào dân chúng thất nghiệp nhiều, giới trẻ hội nhập khó khăn, nơi thu nhập thấp, và nơi có nhiều công nhân, người làm công ăn lương sinh sống.

L’Express nói đến một "Nước Pháp ngoại vi" (La France périphérique), luận đề và cũng là tên cuốn sách của nhà địa lý học Christophe Guilluy, qua bài phỏng vấn "Đảng FN, đảng của sự chấm dứt tầng lớp trung lưu".

Hàng chục năm sai lầm mà L’Express nhắc đến là thời gian các đảng phái của "nước Pháp bên trên" nắm quyền, "đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác", "nhưng, bởi mô hình được tạo ra không làm nên một xã hội gắn bó (dù vẫn tạo nên tăng trưởng), nên nó không bền vững", không bền vững vì ở đó "những con người có thân phận khiêm tốn" không có vị trí, không có triển vọng tương lai.

Theo tác giả cuốn "Nước Pháp ngoại vi", trong tình hình hiện nay, không có cách nào khác là phải trao quyền cho các dân biểu của khu vực "nước Pháp bên lề, để cho họ phát triển các dự án, tạo điều kiện cho các nỗ lực tự quản địa phương".

Cũng về phong trào Le Pen, báo L’Obs có bài : "Nước Pháp tầng trên không còn hiểu nước Pháp tầng dưới", phóng sự về một khu công nghiệp ở Nantes, nơi từng có một người thất nghiệp tự thiêu năm 2013. Cũng L’Obs có bài phỏng vấn diễn viên tấu hài Yassine Belattar, từng ủng hộ tổng thống Hollande, nhưng vỡ mộng : "Cánh tả (cầm quyền) đã thất bại tại các vùng ngoại ô".

Bầu cử Pháp : "Trò súng ru lét"

Các cây bình luận của nhiều tuần báo hết sức cảnh giác trước viễn cảnh hậu bầu cử. Le Point có bài "Trò súng ru lét Pháp". So sánh cuộc bầu cử tổng thống lần này của nước Pháp với trò tiêu khiển nguy hiểm chết người có nguồn gốc từ nước Nga quý tộc, thời thi sĩ Lermontov, đầu thế kỷ 19, bởi "tính chất vô cùng bạo lực và đầy bất trắc".

Một khả năng không cao nhưng có thể xảy ra, theo Le Point, nếu ứng cử viên đảng Xã Hội Hamon lọt vào vòng hai, bà Le Pen có cơ hội thắng cử, lịch sử có thể "sẽ đứt đoạn", nước Pháp có thể phải rời khỏi đồng euro, số phận Châu Âu không biết sẽ ra sao.

Còn tác giả Raphael Gucksmann trên L’Obs thì nhấn mạnh là "Le Pen có thể chiến thắng, nếu các đối thủ không nỗ lực xứng tầm với các thách thức". Bài "Marine và các cậu con trai" ví lãnh đạo đảng cực hữu như "một phụ nữ trẻ trung, vui tươi, đầy vẻ tự tin chiến thắng", trong lúc các đối thủ bám xung quanh chỉ là "những người vừa qua tuổi thiếu niên".

Truyền thông vụ lợi, đồng minh của các thế lực dân túy

Vẫn về chủ đề này, học giả Jacques Attali trên L’Express đưa ra một góc nhìn rất khác với bài "Các phương tiện truyền thông phải chăng là đồng minh khách quan của Marine Le Pen ?".

Jacques Attali lên án tính vụ lợi, cái nhìn thiển cận của nhiều phương tiện truyền thông trong "các xã hội dân chủ". Coi việc phê phán hết thảy giới cầm quyền là đặc quyền của báo chí, việc phê phán, chống lại những người nắm quyền đồng thời cũng mang lại độc giả, tăng doanh thu.

Tuy nhiên, với một chính quyền như Donald Trump, hay có thể một ngày nào đó không loại trừ là Marine Le Pen, báo giới sẽ phải đặt câu hỏi : sự phê phán nửa vờ - chỉ để tỏ ra là phê phán, tỏ ra là một thế lực đối lập, cùng lúc với các lợi ích tài chính nhờ bán báo - rất có thể sẽ biến họ trở thành đồng lõa của các lãnh đạo dân túy. Đó cũng là lúc nền dân chủ tiêu vong, như điều "từng xảy ra ở Châu Âu", có thể sẽ xảy ra ở nước Mỹ.

Đồng hồ sinh học : Bạn thuộc nhóm nào ?

Tuần san Le Point giới thiệu với độc giả về những bí ẩn của chiếc "Đồng hồ sinh học" bên trong mỗi con người. Cảm nhận về tính chất biến hóa tuần hoàn theo chu kỳ thời gian của cơ thể là điều nhiều người có thể tự thấy, nhưng chỉ ra những nguyên lý của nó lại là điều "không hề đơn giản". Cuộc cách mạng công nghiệp với việc phát minh ra đèn điện, khiến cho bóng tối bị đẩy lùi. Với ánh sáng 24 giờ/24 giờ, con người tưởng sẽ không còn đêm tối.

Thiên tài sáng chế Thomas Edison, vào cuối thế kỷ XIX, thậm chí cho rằng giấc ngủ là "một điều ngớ ngẩn, một thói quen xấu", và chỉ cần nỗ lực một chút là con người có thể giảm được sự lãng phí thời gian này.

Đi ngược dòng thời gian, Le Point khẳng định : chiếc đồng hồ sinh học trong cơ thể sinh vật nói chung mới chỉ được các nhà khoa học phương Tây thừa nhận kể từ thập niên 1950. Năm 1990, ê kíp của Martin Ralph (Canada) phát hiện được một cấu trúc nhỏ nằm trong bộ phận đồi hải mã trong não, phụ trách chiếc đồng hồ sinh học.

Hiểu biết nhiều hơn về "vị nhạc trưởng" của cơ thể con người này khiến chúng ta có một thái độ cởi mở nhiều hơn với nhịp sống riêng của mỗi người, mà ảnh hưởng di truyền là không nhỏ. Bài "Khi nào thì uống cafe, khi nào làm tình ?" của Le Point giới thiệu cuốn sách dịch "The Power of When" (Quyền lực của chữ Thời) của Michael Breus, người được mệnh danh là "chuyên gia về giấc ngủ" tại Hoa Kỳ, sắp ra mắt độc giả Pháp.

Nếu như trực giác dân gian phân thành hai nhóm đồng hồ sinh học, chim dậy sớm và cú thức khuya, thì tác giả phân thành bốn nhóm : "Sư tử" (dậy sớm), "Gấu" (dậy tương đối sớm), "Sói" (thích dậy muộn, thức khuya) và "Cá heo" (cao điểm hoạt động là tối và thường tỉnh giấc vào khoảng 3 giờ sáng).

Mỗi nhóm tuân theo một đồng hồ sinh học riêng, mỗi đồng hồ sinh học lại gắn liền với một số tố chất tâm lý hết sức khác biệt. Sống đúng theo đồng hồ sinh học của mình sẽ đạt hiệu quả cao nhất. Với hồ sơ này, Le Point muốn giải tỏa ám ảnh đồng phục hóa, coi dậy sớm là con đường duy nhất cho phép sống hiệu quả hơn (theo gương cuốn "Miracle Morning" của Hal Elrold).

"Phẫu thuật tâm lý" : Con đường chữa bệnh hiệu quả

Trong khi chủ đề chính của Le Point là đồng hồ sinh học, thì hồ sơ chính của L’Obs tuần này là các phương tiện trị liệu mới đối với các bệnh liên quan đến tinh thần, thông qua một chuyên ngành có tên gọi kỳ lạ "Phẫu thuật tâm lý" (Psychochirugie). Tại Pháp, đã có khoảng một chục bệnh viện thực hành trị liệu theo hướng này.

Phẫu thuật tâm lý hay nói cách khác sử dụng xung điện tác động vào các bộ phận trong não, có thể chữa nhiều chứng bệnh như bệnh Parkinson (liệt rung), Alzheimer (mất trí nhớ), biếng ăn, suy nhược, nghiện chất, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive-Compulsive Disorder)… Nhà nghiên cứu Pháp Alim-Louis Benabid, người đầu tiên dùng phương pháp này chữa bệnh Parkinson đã nhận được giải thưởng cao quý Lasker 2014, và một trong những ứng cử viên hàng đầu của giải Nobel y học.

Không chỉ để chữa bệnh, hiện tại trên thế giới đã xuất hiện nhiều start-up, đang phát triển những phương tiện điện tử dùng xung điện tác động vào não, để nâng cao các tố chất sinh học, hay tâm lý, chẳng hạn như trong thi đấu thể thao, hay các hoạt động cần đến sự tập trung cao, giấc ngủ sâu…

Trọng Thành

********************

Mỹ mở kênh truyền hình tiếng Nga thách thức Kremlin (RFI, 25/02/2017)

nga2

Hình minh họa - Ảnh : Internet

Ba thập niên sau khi đã góp phần làm sụp đổ các chế độ cộng sản ở Đông Âu, Đài Châu Âu Tự do/Đài phát thanh Tự do (RFE/RL), do Mỹ tài trợ, lại thách thức chính quyền Moskva với một kênh truyền hình tiếng Nga.

Theo hãng tin AFP, được đặt tên là "Giờ hiện tại" (Nastoïachtchee Vremia), kênh truyền hình này bắt đầu phát hình trong tháng này, nhắm tới 270 triệu khán giả ở các nước thuộc Liên Xô cũ. Kênh truyền hình mới phát sóng 24 giờ/ trên 24, nhằm đối lại các phương tiện truyền thông thân điện Kremlin. Chương trình của kênh truyền hình này sẽ được phát từ Praha, qua vệ tinh, hệ thống cáp và Internet.

Theo lời một lãnh đạo của đài "Giờ hiện tại", Kenan Aliev, mục tiêu của đài cũng tương tự như Đài Châu Âu Tự do, đó là nhắm vào chế độ của tổng thống Vladimir Putin, với các chương trình nói về tham nhũng, nạn nghèo khó, chăm sóc y tế, ngoài các bản tin thời sự. Một số chương trình được dành cho các nước vùng Baltic, Moldova và Ukraine, nơi có những cộng đồng người Nga sinh sống.

Kênh truyền hình tiếng Nga do Mỹ tài trợ ra đời trong bối cảnh quan hệ giữa Moskva và phương Tây đang xấu đi rất nhiều, kể từ khi Nga sát nhập vùng Crimea và mở chiến dịch quân sự ở Syria.

Moskva đã phản ứng qua lời một xướng ngôn viên nổi tiếng thân Putin, ông Dmitri Kisseliov, cáo buộc kênh truyền hình nói trên là nơi rửa tiền dưới danh nghĩa chống tuyên truyền của Nga. Tuy nhiên ông Kissieliov không đưa ra bằng chứng nào.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ
Read 741 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)