Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 27 décembre 2017 15:59

Tám sự kiện khoa học nổi bật năm 2017

Tàu vũ trụ Cassini kết thúc sứ mệnh 13 năm hay phát hiện sóng hấp dẫn từ vụ va chạm thảm khốc của hai ngôi sao chết là hai trong số các sự kiện khoa học, môi trường nổi bật năm 2017.

sk1

Khoảnh khắc ấn tượng khi hai ngôi sao va chạm

Va chạm giữa hai vì sao chết

Năm 2017, các nhà khoa học dò ra sóng hấp dẫn của Einstein từ một nguồn mới - sự va chạm của hai ngôi sao chết, hay còn gọi là sao neutron. Phát hiện đầu tiên về sóng này được công bố năm 2016, khi nhóm nghiên cứu thuộc dự án LIGO mô tả sự giãn nở của không gian thông qua sự hợp nhất của hai lỗ đen cách xa nhau. Kết quả được ca ngợi như là xuất phát điểm cho một ngành mới của thiên văn học, sử dụng sóng hấp dẫn để thu thập dữ liệu về các hiện tượng vũ trụ.

Vụ nổ xảy ra trong một dải thiên hà thuộc chòm sao Hydra cách trái đất hàng tỷ tỷ kilomet. Một số thông số đáng kinh ngạc được ghi nhận xung quanh vụ va chạm này. Chẳng hạn, sao nơtron đậm đặc đến nỗi một thìa cà phê có thể cân nặng một tỉ tấn. Nhóm nghiên cứu cũng xác nhận những vụ va chạm như vậy dẫn tới việc sản sinh ra vàng và bạch kim tồn tại trong vũ trụ.

Sứ mệnh cuối của tàu vũ trụ Cassini

sk2

Tàu vũ trụ Cassini hoàn thành sứ mệnh 13 năm khám phá Sao Thổ

Tàu vũ trụ Cassini bắt đầu chuyến thám hiểu Sao Thổ năm 2004. Trong 13 năm hoạt động, nó đã thay đổi hiểu biết của chúng ta về hành tinh và mặt trăng. Chuyến thám hiểm giúp phát hiện các vòi phun nước từ mặt trăng Enceladus của Sao Thổ, xác nhận một đại dương ẩn dấu dưới bề mặt băng. Nó cũng giúp phát hiện các biển và hồ mê tan trên mặt trăng Titan lớn nhất của sao Thổ.

Tuy nhiên khi các thùng nhiên liện dần cạn, để ngăn chặn khả năng Cassini đâm vào hai mặt trăng có thể tồn tại sự sống quay quanh Sao Thổ - Titan và Enceladus, NASA buộc phải ngừng sứ mệnh của con tàu này. Ngày 15/9, Cassini lao vào bầu khí quyển, bốc cháy dưới áp suất và nhiệt độ cao của khí quyển Sao Thổ, vỡ ra thành hàng triệu mảnh.

Mỹ rút khỏi Thỏa thuận chung Paris

Khi còn đang trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump nói ông sẽ đưa Hoa Kỳ 'rút khỏi' thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu. Nhưng sau khi trở thành tổng thống tháng 11 năm đó, ông đưa ra vài tuyên bố công khai về chủ đề biến đổi khí hậu. Các báo cáo lộ ra việc các cố vấn của ông Trump bị chia rẽ về vấn đề này, khiến một số nhà bình luận đặt câu hỏi liệu Tổng thống có thể bị thuyết phục để ở lại trong tiến trình này hay không.

Tuy nhiên, vào 1/6, Tổng thống Trump tổ chức họp báo ở Rose Garden của Nhà Trắng tuyên bố Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định nói trên. Ông Trump nói : "Để hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng là bảo vệ đất nước và công dân Hoa Kỳ, Hoa Kỳ sẽ rút khỏi hiệp định khí hậu Paris ... nhưng bắt đầu các cuộc đàm phán để quay trở lại hoặc là hiệp định Paris hoặc là một thỏa thuận mới với các điều khoản công bằng cho Hoa Kỳ".

Tuyên bố này vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ đảng Dân chủ và các nhà lãnh đạo thế giới như cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry.

Phát hiện thêm nhiều "trái đất"

sk3

Các hành tinh có kích cỡ Trái Đất mới được phát hiện cùng quay quanh một ngôi sao

Trong số 3.500 hành tinh được ghi nhận tồn tại ngoài Hệ Mặt trời, có một số hành tinh khá 'kỳ quặc'. Trước kia, đó là hành tinh mang tên J1407b có vành đai bụi lớn gấp 200 lần so với vành đai quanh sao Thổ.

Nhưng năm nay, các nhà thiên văn học phát hiện ra một hệ thống hành tinh với bảy hành tinh có cùng kích cỡ với Trái Đất. Những hành tinh này quay quanh một ngôi sao chủ. Điều thú vị là, ba trong số các hành tinh có thể có nước trên bề mặt, một dấu hiệu quan trọng của sự sống.

Họ hàng gần đây của con người

sk4

Việc tái tạo hộp sọ Homo sapiens dựa trên thông tin từ vô số nguyên bản hóa thạch

Vào tháng Bảy, các nhà nghiên cứu công bố năm hóa thạch cổ đại tại Bắc Phi cho thấy loài người - Homo sapiens - xuất hiện sớm hơn ít nhất 100.000 năm so với khái niệm trước đó. Những phát hiện này gợi ý rằng loài người chúng ta không tiến hóa trong một "cái nôi" duy nhất ở Đông Phi. Thay vào đó, con người hiện đại có thể đã tiến hóa theo cùng một hướng trên toàn lục địa.

Năm nay cũng có nhiều tin tức chấn động khác về sự tiến hóa của loài người. Năm 2015, khi các nhà khoa học công bố tìm thấy phần còn lại của 15 bộ xương thuộc một loài mới, Homo naledi, nó đã trở chủ đề nóng hổi trên khắp thế giới. Vào thời điểm đó, các nhà nghiên cứu không thể nói chắc các mẫu vật này bao nhiêu tuổi, nhưng cho rằng một số đặc điểm nguyên thủy cho thấy chúng có thể lên đến ba triệu năm tuổi.

Năm nay, trưởng nhóm nghiên cứu Lee Berger tuyên bố rằng những hóa thạch này chỉ khoảng 200.000-300.000 năm tuổi và có thể không phải là tổ tiên của loài người hiện đại. Homo naledi thậm chí có thể đã từng gặp gỡ các các thành viên sơ khai của loài người hiện đại - Homo sapiens.

Nhật thực

Ngày 21/8, Hoa Kỳ chứng kiến nhật thực toàn phần kể từ khi tuyên bố độc lập năm năm 1776. Trong kỳ nhật thực này, bóng của Mặt trăng đi qua 14 bang của Hoa Kỳ, kéo dài từ bờ biển phía Đông sang bờ biển phía Tây nước Mỹ trong 99 năm qua.

Khách phương xa

sk5

Tiểu hành tinh được đặt tên "Oumuamua", nghĩa là "sứ giả đầu tiên từ phương xa "

Mặc dù các nhà khoa học đã dự đoán suốt nhiều năm qua về khả năng một tiểu hành tinh sẽ ghé thăm trái đất, năm 2017 là lần đầu tiên chúng ta phát hiện một 'vị khách' như vậy. Một nhóm nhà nghiên cứu đã phát hiện ra vật thể lạ hồi tháng Mười. Họ cũng sớm chắc chắn rằng tốc độ và quỹ đạo của hành tinh này cho thấy nó có nguồn gốc ngoài Hệ Mặt Trời. 'Vị khách' được đặt tên là "Oumuamua", nghĩa là "sứ giả đầu tiên từ phương xa ".

Hành tinh mới phát hiện có màu hơi đỏ, giống với các vật thể ở vùng ngoài Hệ Mặt Trời. Ước tính hành tinh nhỏ này có chiều dài gấp 10 lần chiều rộng, đặc điểm nổi bật chưa từng thấy ở các tiểu hành tinh Hệ Mặt Trời vốn không dài đến thế.

Núi băng trôi khổng lồ

sk6

Vệ tinh phát hiện vết nứt lớn trên thềm băng Larsen C

Một trong những tảng băng trôi lớn nhất tách khỏi thềm băng Larsen C của Nam Cực vào tháng Bảy. Các nhà khoa học đã theo dõi sự phát triển của vết nứt lớn trên thềm băng trong suốt hơn một thập kỷ. Khối băng trôi khổng lồ ước tính bao phủ diện tích khoảng 6.000 km vuông - khoảng một phần tư diện tích xứ Wales.

Các tảng băng tách khỏi Nam Cực là hoạt động tự nhiên. Tuy nhiên giới khoa học cho rằng thềm băng Larsen C có kích cỡ nhỏ nhất kể từ cuối kỷ băng hà khoảng 11.700 năm trước . Họ cũng cho rằng cần có các nghiên cứu trong tương lai để tìm hiểu việc thềm băng đáp ứng với việc khí hậu ấm lên như thế nào.

Nguồn : BBC, 26/12/2017

Published in Văn hóa

Việt Nam đang có hoạt động nâng cấp vùng biển của mình ở Biển Đông trong lúc Trung Quốc tiếp tục cải tạo để duy trì các căn cứ không quân và hải quân của mình ở các khu vực đang có tranh chấp trên biển này, hãng Bloomberg đưa tin hôm 17/12.

vnbd1

Hình ảnh DigitalGlobe cho rằng Việt Nam xây ụ cạn ở khu Đá Tây

Hãng tin này dẫn hình ảnh do vệ tinh DigitalGlobe chụp hồi tháng Chín cho thấy một số cơ sở mới, trong đó có một ụ cạn ở khu Đá Tây, thuộc quần đảo Trường Sa, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 680 km về hướng đông nam, có thể cho phép tàu thuyền ghé qua để bảo dưỡng và tuần tra trong thời gian dài hơn.

Mới hồi tháng 11, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hai ngày của Chủ tịch Tập Cận Bình, các lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã đồng ý sẽ tăng cường hợp tác trên biển và phấn đấu cùng nhau giữ gìn hòa bình, ổn định.

Tuyên bố chung của hai bên nói sẽ "kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, không mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông".

Quy mô bồi đắp

Tuy quy mô rất nhỏ nếu so với những gì Trung Quốc đang làm, điều này cho thấy Hà Nội muốn giữ đất ở tuyến đường thủy đang trong vòng tranh chấp, ngay cả khi điều đó có nguy cơ làm phật lòng Bắc Kinh, vẫn theo Bloomberg.

Việt Nam đã bồi đắp khoảng 120 mẫu Anh trên 10 đảo nhỏ kể từ năm 2014, theo tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á có trụ sở ở thủ đô Washington, Mỹ.

Việt Nam đã kéo dài đường băng và tăng cường khả năng về radar và tuần tra.

Để so sánh, Trung Quốc đã bồi đắp hơn 3.200 mẫu Anh trên bảy điểm ở quần đảo Trường Sa, xây dựng các cảng, hải đăng và đường băng mà họ nói chủ yếu phục vụ mục đích dân sự hoặc phòng thủ.

Trung Quốc đòi chủ quyền với hơn 80% Biển Đông, nơi có lượng thương mại toàn cầu trị giá khoảng 3,4 nghìn tỷ đôla qua lại.

Tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền vùng biển này chồng lấn với Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia, và Đài Loan. Trong năm qua, Hà Nội đã trở thành nước có tiếng nói mạnh nhất chống lại các tuyên bố của Trung Quốc.

Mâu thuẫn tiềm tàng

Bloomberg trích lời Bill Hayton, một nhà nghiên cứu tại Viện Chatham, London, nói hoạt động nâng cấp mới nhất của Việt Nam ở Đá Tây diễn ra sau khi tin cho hay Trung Quốc đã gây áp lực, buộc Việt Nam phải ngừng khoan tại khu vực tranh chấp mà Việt Nam đã cho Repsol SA của Tây Ban Nha thuê.

Một điều khác cũng gây mâu thuẫn tiềm tàng giữa Hà Nội và Bắc Kinh là cuộc đàm phán được nối lại về Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên.

Mặc dù đã thông qua văn kiện khung dài một trang hồi tháng Tám, trong đó kêu gọi các bên cam kết thực hiện các nguyên tắc của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Trung Quốc muốn bộ quy tắc này có tính tự nguyện, trong khi Việt Nam lại muốn nó có tính ràng buộc pháp lý.

Trong bài viết trên Tạp chí Forbes hôm 19/12, ông Peter Pham, Giám đốc điều hành của hãng Phoenix Capital cho rằng mối lo của các nước láng giềng rằng Bắc Kinh muốn làm chủ vùng biển này, cũng như các nguồn lợi và các tuyến giao thương, không phải là không có cơ sở.

"Ngoài chuyện "quân sự hóa" các bãi đá, Trung Quốc cũng nói đến chuyện thành lập 'Vùng nhận dạng phòng không' trên vùng biển này, buộc bất kỳ máy bay nào bay qua vùng biển phải xin phép Trung Quốc trước khi bay", ông Pham viết.

Tình hình hiện nay ở Biển Đông không dễ cho các nước nhỏ. Dù nhiều nước đang tìm sự ủng hộ quân sự của Mỹ, Trung Quốc có sức mạnh kinh tế nổi bật không thể chối cãi ở khắp nơi trong khu vực Đông Nam Á.

Các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Phillipines buộc phải cân nhắc kỹ làm thế nào để khẳng định chủ quyền mà không gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của mình, theo ông Peter Pham.

Published in Việt Nam

Bản kiến nghị đề ngày 10/12, với 20 luật sư ký trực tiếp ngay từ đầu và khoảng 100 người khác ký bổ sung sau đó, kêu gọi Liên đoàn cân nhắc"dựa trên tinh thần bảo vệ đồng nghiệp, bảo vệ nghề luật sư, bảo vệ công bằng và lẽ phải".

ls1

Luật sư Võ An Đôn - ảnh chụp trước Văn phòng Luật sư

Theo luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một trong những người khởi xướng bản kiến nghị nói với BBC, thì những người ký tên muốn quyết định này về ông Võ An Đôn được xem xét lại.

Hôm 26/11, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên "bỏ phiếu thống nhất hình thức kỷ luật xóa tên luật sư Võ An Đôn khỏi Đoàn Luật sư tỉnh".

Lý do, là bởi ông Võ An Đôn đã "lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt, nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm mục đích kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư Việt Nam" báo Tuổi Trẻ dẫn lời một thành viên Ban Chủ Nhiệm nói khi đó.

"Luật sư Võ An Đôn bị kỷ luật oan"

Tuy nhiên, bản kiến nghị của các luật sư gửi Liên đoàn nói rằng quyết định của Phú Yên là "chưa làm đúng trình tự", trong lúc các phát ngôn của ông Đôn về hiện tượng luật sư "chạy án" trên thực tế "là một phần sự thật phũ phàng mà bất cứ luật sư hay người dân nào cũng biết và cảm nhận".

Bên cạnh đó, bản kiến nghị cũng nêu ra những sai phạm liên quan tới việc kết luận ông Đôn "trả lời phỏng vấn của báo đài nước ngoài".

Quyết định của Đoàn Luật sư Phú Yên là "quá khắc nghiệt và mang tính áp đặt", bản kiến nghị viết.

Việc nhiều người tham gia ký kiến nghị là bởi "từ trước đến nay, việc kỷ luật luật sư [của các đoàn luật sư tỉnh, thành] là không oan, chưa từng gây bức xúc trong giới luật sư nên không có phản ứng, kiến nghị từ phía các luật sư" như vụ Võ An Đôn, ông Trịnh Vĩnh Phúc nói với BBC hôm 18/12/2017.

"Thông qua việc kiến nghị và thu thập chữ ký ủng hộ việc kiến nghị, chúng tôi thể hiện thái độ của mình đối với Quyết định kỷ luật và tình đoàn kết đối với đồng nghiệp".

ls2

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc : "Thông qua việc kiến nghị và thu thập chữ ký ủng hộ việc kiến nghị, chúng tôi thể hiện thái độ của mình đối với Quyết định kỷ luật và tình đoàn kết đối với đồng nghiệp".

Vai trò của Liên đoàn Luật sư

Bản kiến nghị nhắc lại việc hồi 2015, Luật sư Võ An Đôn từng bị liên ngành nội chính thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đề nghị xử lý kỷ luật "do phát ngôn".

Khi đó, Liên đoàn Luật sư đã "cử đoàn công tác" về địa phương và ra kết luận "bênh vực luật sư thành viên", bản kiến nghị viết, và nêu rõ lần này Luật sư Đôn cũng bị Đoàn Luật sư Phú Yên kỷ luật cũng vì vấn đề "phát ngôn".

Ông Trịnh Vĩnh Phúc nói ông hy vọng Ban Thường vụ Liên đoàn, là cấp có thẩm quyền xét lại quyết định kỷ luật ở cấp đoàn luật sư tỉnh thành, sẽ "có hướng giải quyết khiếu nại phù hợp" trong trường hợp Luật sư Võ An Đôn bị xóa tên lần này.

Ông Trịnh Vĩnh Phúc, người từng là Phó Chủ tịch Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trên thực tế từng có trường hợp bị đoàn luật sư xóa tên, nhưng được Liên đoàn Luật sư sửa án kỷ luật còn mức đình chỉ hoạt động có thời hạn, từ 6 tháng đến 24 tháng.

Bảo vệ đồng nghiệp

Tính đến 18/12, đã có 117 người ký tên vào bản kiến nghị, với danh sách đầy đủ đã được chuyển tới Liên đoàn.

"Nếu còn nhiều luật sư lên tiếng ủng hộ, chúng tôi sẽ cập nhật danh sách và gửi tiếp", Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nói với BBC.

Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên giới luật sư Việt Nam gửi kiến nghị bảo vệ đồng nghiệp, tuy đã từng có các trường hợp bị kỷ luật, bị xóa tên trước đây.

Đây cũng là sự kiện đánh dấu việc giới luật sư Việt Nam từ các tỉnh thành trong Nam, ở miền Trung và ngoài miền Bắc lần đầu tiên có nhiều người cùng tham gia thể hiện quan điểm ngoài khuôn khổ các hoạt động chính thức do Liên đoàn, các đoàn luật sư hoặc giới hữu quan tổ chức.

Trước đây, hồi cuối 2015, tin tức nói có chừng 200 luật sư lên kế hoạch tổ chức tuần hành tại để phản đối việc hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân bị hành hung trong vụ "bụi Chương Mỹ".

Tuy nhiên, việc tuần hành đã không diễn ra.

Liên quan đến các hoạt động của xã hội dân sự mà vai trò của luật sư đóng một phần quan trọng, gần đây, luật sư Lê Công Định từ TPHồ Chí Minh nói với BBC rằng "chính quyền đừng nên coi xã hội dân sự và giới bất đồng là thù địch".

Published in Việt Nam

Cuộc họp của Ban Bí thư do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hôm 17/12 đã cách chức nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010 - 2015 của ông Phạm Văn Vọng, từng là Ủy viên Trung ương Đảng.

Đây là diễn biến mới nhất sau hai năm, kể từ Đại hội Đảng 12, khi ông Nguyễn Phú Trọng kêu gọi đấu tranh "chống tham nhũng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống".

chinhdon1

Sau khi được bầu lại làm Tổng bí thư tháng Giêng 2016, ông Nguyễn Phú Trọng cùng giới chức trong Đảng đã ban hành hàng loạt văn bản về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng.

Tháng 10/2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Ủy ban Kiểm tra là đạo diễn chính

Ủy ban Kiểm tra trung ương đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, thi hành kỷ luật đảng.

Một trong những vụ kỷ luật lớn nhất, đến nay vẫn đang tiếp diễn, liên quan ông Trịnh Xuân Thanh, khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, bị điều tra từ tháng 6/2016.

Bắt đầu từ việc ông Thanh dùng ô tô Lexus trị giá hơn 5 tỷ đồng gắn biển xanh, do báo chí đưa tin, Ủy ban Kiểm tra trung ương của Đảng cộng sản công bố điều họ nói là các vi phạm trong việc quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm…

Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức trung ương đều bị kiểm tra liên quan vụ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, người bị khai trừ Đảng.

Các ủy viên trung ương bị kỷ luật

  • Tháng 12/2016 : Cảnh cáo hai cựu ủy viên Trung ương Đảng, Trần Lưu Hải và Huỳnh Minh Chắc
  • Tháng 1/2017 : nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bị xóa tư cách nguyên bộ trưởng
  • Tháng 4/2017 : cảnh cáo nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang
  • Tháng 9/2017 : ông Nguyễn Phong Quang, bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng.
  • Tháng 10/2017 : ông Nguyễn Xuân Anh bị cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng
  • Tháng 12/2017 : ông Phạm Văn Vọng bị cách chức nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

Cảnh cáo hai cựu ủy viên trung ương

Tháng 12/2016, hai cựu ủy viên Trung ương Đảng bị cảnh cáo vì liên quan việc đề nghị, tiếp nhận Trịnh Xuân Thanh từ Bộ Công thương về tỉnh Hậu Giang để giữ chức Phó Chủ tịch UBND Tỉnh.

Hai người này là ông Trần Lưu Hải, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức trung ương và Huỳnh Minh Chắc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cũng bị Ban Bí thư khiển trách vì vụ này.

Xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công thương

Ông Trịnh Xuân Thanh đứng đầu Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) giai đoạn 2011-2013, bị cho là thua lỗ hơn 3.200 tỷ thời gian này.

Đến tháng 8/2013, ông Thanh đã thôi toàn bộ các chức vụ ở PVC, nhưng được Bộ Công thương, dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đưa về Bộ, làm Phó Chánh Văn phòng Bộ.

Một năm sau, ông Thanh được bổ sung quy hoạch Thứ trưởng Công thương.

Vì vụ này, cộng thêm việc bổ nhiệm con trai Vũ Quang Hải vào các vị trí ở Tổng công ty thuốc lá Việt Nam và Sabeco, ông Vũ Huy Hoàng, vào tháng 11/2016, bị Đảng cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương giai đoạn 2011 - 2016.

Đến tháng 1/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương của ông Hoàng.

chinhdon2

Ông Trần Quốc Vượng (bìa trái) đang lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra trung ương

Điều tra Tập đoàn Dầu khí

Theo một bài báo trên trang web Ủy ban Kiểm tra trung ương, "cũng từ việc" ông Trịnh Xuân Thanh có những sai phạm khi còn làm trong ngành dầu khí, nên cơ quan này ", đặt ra vấn đề phải gấp rút kiểm tra các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước".

Ủy ban này nói khi điều tra Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, đã "phát hiện ra vi phạm" của Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Tập đoàn.

Trong một diễn biến hiếm có, ông Đinh La Thăng bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị hồi tháng 5/2017, và bị bắt tạm giam đầu tháng 12.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị ghi nhận đang trong cơn khủng hoảng, với việc hàng loạt cựu và đương kim lãnh đạo bị kỷ luật.

Nhóm lãnh đạo PVN giai đoạn 2009 - 2015 bị Đảng kết luận đã "thiếu trách nhiệm", khiến mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng Cổ phần Đại dương (OceanBank), và nhiều khoản đầu tư "bị tổn thất".

Sự cố Formosa Hà Tĩnh

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2011-2016 Nguyễn Minh Quang bị cảnh cáo vì để xảy ra sự cố môi trường liên quan Formosa Hà Tĩnh xả thải hủy diệt đáy biển bốn tỉnh miền Trung.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự, bị cách chức Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2005-2010 và nhiệm kỳ 2010-2015, bao gồm các chức vụ Bí thư Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

Ông Võ Kim Cự đã nghỉ hưu từ đầu tháng 10 năm nay.

Kỷ luật các cựu ủy viên trung ương

Tháng 5/2017 : ông Nguyễn Văn Thiện, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư tỉnh ủy Bình Định bị cảnh cáo, do "có trách nhiệm trong việc bổ sung quy hoạch, bổ nhiệm đối với cán bộ không bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn và không đúng quy định".

Tháng 9/2017 : ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ giai đoạn 2011 - 2016, bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng.

Ông Quang bị kết luận có những vi phạm, khuyết điểm "gây hậu quả rất nghiêm trọng".

Tháng 10/2017 : ông Nguyễn Xuân Anh bị cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII

Tháng 12/2017 : ông Phạm Văn Vọng, đã nghỉ hưu, bị cách chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Ông Vọng đã "bổ nhiệm một số cán bộ không bảo đảm nguyên tắc", "chủ trương nhiều dự án có sử dụng đất không đúng quy định", theo Ban Bí thư Đảng cộng sản.

Đánh giá từ nước ngoài

Với giới quan sát nước ngoài, không ít người vẫn hoài nghi về thực chất chiến dịch chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam.

Một bài của Reuters hôm 11/12, sau khi ông Đinh La Thăng bị bắt, cho rằng chiến dịch chống tham nhũng nhằm "kiềm chế tham nhũng lớn".

Nhưng chiến dịch cũng giúp ban lãnh đạo Đảng củng cố vị thế dưới thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo bài báo.

"Dù các vụ bắt giữ có lên cao hơn hay không, uy thế của ông Trọng được bảo đảm trong nhiệm kỳ kéo dài tới 2021, và phe này có điều kiện tốt hơn để duy trì ưu thế cả sau đó", bài báo nhận xét.

Từ Mỹ, chuyên gia về chính trị học Đông Nam Á Zachary Abuza bình luận với BBC :

"Toàn bộ vụ ông Đinh La Thăng, từ chuyện ông mất ghế ủy viên Bộ chính trị cho đến vụ xử đại án Ocean Bank, đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đầy ngạc nhiên, đều là những chỉ dấu cho thấy vụ này lớn hơn nhiều chứ không đơn giản chỉ là nhằm thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát".

"Tất cả đều là chính trị. Ông Nguyễn Phú Trọng không chỉ củng cố vị trí của mình. Ông còn triệt hạ các đối thủ chính trị trước Đại hội Đảng sắp tới. Ông Trọng giờ đây đang ở vị thế không ai tấn công được".

Published in Việt Nam

Một số nhà hoạt động và quan sát xã hội dân sự ở Việt Nam nói với BBC họ đang gặp phải một đợt 'theo dõi', 'tấn công mạng' hay 'tai nạn' khó hiểu.

tranap1

Luật sư Lê Công Định trong một dòng trạng thái đăng hôm 16/12/2017 trên FB cá nhân của ông

Hôm thứ Bảy, 16/12/2017, từ Sài Gòn, Luật sư Lê Công Định cho BBC Việt ngữ hay ông bị một nhóm người là an ninh theo dõi, khi ông ra khỏi nhà tới thăm nhà người thân.

Trên trang Facebook cá nhân của mình cùng ngày, Luật sư cho biết :

"Từ sáng đến giờ tôi đi đâu cũng có 3, 4 người theo. Đến nhà thăm mẹ tôi, trông ra đã thấy hai chiếc xe gắn máy nằm trước cửa, phía trên có hai người nằm vắt vẻo nhìn vào lấm lét. Đây là hình nhân viên an ninh vừa chạy theo tôi đến đây.

"Khi thấy tôi ghi hình anh ta yêu cầu tôi bỏ máy xuống. Tôi hỏi vì sao anh ta theo tôi, thì được trả lời rằng : "Tôi theo anh vì mục đích gì cũng phải báo anh biết sao ?" Tôi bảo anh ta không được phép xâm phạm quyền riêng tư của tôi, thì anh ta im lặng và cứ đi theo tôi. Hôm nay là ngày gì vậy ?".

Hôm Chủ nhật, trong một chương trình phỏng vấn cuối tuần của BBC Việt ngữ, blogger Trương Duy Nhất khẳng định một số tài khoản của ông trên Facebook, hay trang blog cá nhân bị tấn công và khóa.

Trước đó, cùng ngày, ông nói với BBC qua điện thoại :

"Tôi không thể vào được các trang FB, YouTube hay blog của tôi. Ai đó đã gửi đi các yêu cầu gọi là 'report' hay báo cáo và các tài khoản của tôi đã bị khóa".

Nhà báo tự do từ Đà Nẵng cũng nói về một điều mà ông mô tả là 'khó hiểu' :

"Nhiều người khác trong giới viết blog hay anh em khác trong giới hoạt động xã hội dân sự cũng nói với tôi là họ cũng bị tương tự, trong cùng một ngày và trong cuối tuần này, thật khó hiểu. Dường như đang có một đợt sóng nhắm vào chúng tôi".

'Rủi ro, nguy hiểm'

Và ông Trương Duy Nhất cũng nói thêm qua điện thoại :

"Và tôi cũng phải nói là các nhà quản trị các trang như Facebook hay YouTube cũng cần phải xem lại, hình như họ không hề thẩm định lại, nhiều người là những người viết blog, các nhà hoạt động rất đứng đắn, đàng hoàng, tử tế, chỉ bày tỏ quan điểm ôn hòa, nhưng khi nhận được report (báo cáo, đề nghị) của ai đó, là các trang đó bị đóng lại ngay, gây ra sự bức xúc của nhiều người".

Cùng ngày 17/11/2017, từ Sài Gòn, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam nói với BBC :

"Ngày hôm nay, tôi đã cảm thấy như bị ai đó theo dõi, không khí rất lạ.

"Sau khi trao đổi điện thoại với một cơ quan truyền thông quốc tế ở hải ngoại, thì trên đường về, tôi suýt bị chết.

"Tôi đã bị ai đó đi xe máy theo từ đằng sau và đâm vào đuôi xe của tôi, đúng hơn là vào bánh sau, và tôi đã ngã tung ra khỏi xe.

"Nếu không có chiếc mũ bảo hiểm mà bây giờ bong, tróc, bẹp, thì hôm nay tôi đã chết. Tôi cũng đã phải băng vết thương của mình, ở bàn tay cũng có vết thương phải băng đây".

Và nhà báo độc lập này nói với BBC :

"Tôi đã nhiều lần bị theo dõi, thậm chí bắt cóc bởi an ninh, có lần xảy ra ở cả nơi tôi đưa đón con đi học, nhưng hôm nay rất khủng khiếp, có thể nói là hoạt động báo chí độc lập, hay lên tiếng cho xã hội dân sự, cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam hiện nay, giới này đang gặp rất nhiều rủi ro và nguy hiểm," TS Phạm Chí Dũng nói.

Trong một diễn biến khác, hôm thứ Bảy, từ Hà Nội, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động xã hội gần đây gắn bó với các công tác trợ giúp khắc phục thiên tai, bão lụt, đói nghèo ở cộng đồng cho BBC hay :

"Tôi có theo dõi và được cho biết là sáng ngày 17/12, khi bà con giáo dân ở Giáo xứ Kẻ Gai thuộc Giáo Phận Vinh đang chuẩn bị xây dựng một ngôi nhà thờ thuộc xã Hưng Thịnh để tách họ thì nhà cầm quyền địa phương ở Tỉnh Nghệ An huy động một lực lượng lớn trong đó có các Cảnh sát cơ động, công an cùng nhiều thành viên Hội cờ đỏ đến quấy phá và hành hung người dân," ông Lân Thắng nói với BBC qua điện thoại.

BBC chưa có điều kiện kiểm chứng các thông tin trên trong dịp cuối tuần này, nhất là từ phía các tổ chức, cơ quan thuộc chính quyền địa phương mà các nhà hoạt động trực tiếp, hoặc gián tiếp đề cập.

'Một năm đen tối'

Tuy nhiên, cũng hôm 16/12, ngay trước một chương trình phỏng vấn cuối tuần từ Sài Gòn, Luật sư Lê Công Định chia sẻ với BBC :

"Tôi có thể nói năm 2017 là một năm rất đen tối với nhân quyền ở Việt Nam, giới hoạt động, bất đồng, đối lập bị đàn áp, bắt bớ, đe dọa rất nhiều, nhiều bản án bị xử rất bất công và nặng nề".

Về triển vọng của năm mới 2018, nhà hoạt động này nói :

"Với những gì đã xảy ra trong năm nay, năm 2018, tôi không thấy sẽ có sự khả quan, hay tiến bộ gì hơn. Tôi chỉ khuyên và hy vọng nhà cầm quyền Việt Nam hãy thôi coi các tổ chức xã hội dân sự, giới bất đồng như những thế lực thù địch, mà ngược lại nên coi đó là những tiếng nói xây dựng," ông nói với BBC Tiếng Việt.

Mới đây, hôm 10/12, nhân ngày Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhiều báo đài thuộc các cơ quan truyền thông chính thức của Nhà nước Việt Nam, đã lên tiếng cho rằng Việt Nam đã và đang đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ và được quốc tế, khu vực thừa nhận.

tranap2

15 vụ bắt giữ tù nhân chính trị và lương tâm mà Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho là cần phải được chú ý ở Việt Nam

Truyền thông nhà nước nhấn mạnh qua các cuộc kiểm định phổ quát định kỳ về nhân quyền, quốc tế thừa nhận Việt Nam đã hoàn thành và cải thiện nhiều chỉ tiêu về quyền con người đã cam kết, báo chí nhà nước cũng cho hay thành tích nhân quyền của Việt Nam thể hiện qua việc nước này giành được ghế trong Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.

Ngoài ra, thành tích còn được khẳng định qua phiên bản Hiến pháp gần nhất sửa đổi đã đưa vào nhiều điều khoản bảo vệ nhân quyền, cũng như liên tục tăng cường chất lượng sống của người dân, đảm bảo nhiều quyền tự do của công dân từ tự do tôn giáo, tín ngưỡng, cho tới các quyền của người đồng tính, chuyển giới, hay quyền của giới khuyết tật v.v...

Trước đó và trong nhiều năm qua, truyền thông chính thống liên tục nêu quan điểm của đảng và nhà nước Việt Nam khẳng định Việt Nam không có cái gọi là 'tù nhân chính trị' và 'tù nhân lương tâm', mà chỉ có những người vi phạm pháp luật đã bị xét xử theo luật pháp của Việt Nam.

**********************

Tình hình sức khỏe của ông Trần Anh Kim chuyển biến rất xấu (VNTB, 17/12/2017)

Trưa hôm nay 17/12, bà Nguyễn Thị Thơm gọi điện cho biết bà vừa vào trại giam thăm ông Trần Anh Kim và đang ngoài cổng trại giam. Bà Thơm thông báo tình hình sức khỏe của ông Trần Anh Kim rất xấu. Ông bị viêm tiền liệt tuyến, đến giờ sưng to, ngoài khả năng điều trị của bệnh xá trại giam nhưng chưa được đưa đi chữa trị lên tuyến trên (bệnh viện tỉnh). Lý do là đề nghị đưa đi chữa bệnh của ông Kim lên giám thị trại giam, trại giam còn phải chờ ý kiến cấp trên.

Bà Thơm nói ông Kim có nhiều chứng bệnh. Ngoài viêm tiền liệt tuyến, ông đang bị chứng đau đầu hành hạ do bị sọ não. Đây là hậu quả của những năm tháng ông Kim tham gia chiến đấu chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc.

tranap3

Ông Trần Anh Kim và ông Lê Thanh Tùng tại phiên tòa phúc thẩm ngày 16/12/2016. Ảnh Vietnamnet

Trước đó, tối hôm qua, 16/12, bà Lê Thị Minh Hà sau khi đi thăm chồng là Nguyễn Hữu Vinh - Anh Ba Sàm về cũng cho tôi biết về tình trạng sức khỏe của ông Kim hiện nay. Thông tin do ông Vinh báo cho bà Hà. Theo đó, ông Nguyễn Hữu Vinh tỏ ra rất lo ngại về tình trạng sức khỏe của ông Trần Anh Kim, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng rất xấu.

Ông Nguyễn Hữu Vinh và ông Trần Anh Kim đều đang bị giam ở Trại giam số 5, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Việc đi lại thăm nuôi của gia đình rất khó khăn. Bà Thơm không đi được ô tô vì say xe, chỉ có thể đi bằng phương tiện duy nhất là xe ôm vì bà không thể đi xe máy một mình.

Ông Trần Anh Kim từng bị kết án 5 năm 6 tháng tù giam vì bị cáo buộc tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Ông ra tù ngày 7/1/2015 Ngày 21/9/2015, ông bị bắt lại, bị cáo buộc cũng tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền sau đó bị kết án 13 năm tù và 4 năm quản chế. Người cùng vụ án với ông là Lê Thanh Tùng bị kết án 12 năm và cũng 4 năm quản chế. Tuy nhiên luật sư và giới hoạt động dân chủ đều cho rằng hai ông không phạm tội.

Lê Thị Minh Hà

Published in Việt Nam
mercredi, 13 décembre 2017 22:00

'Jerusalem phải là thủ đô Palestine'

Phát biểu ở Istanbul, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi các nước Hồi giáo "công nhận Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine".

jerusalem1

Ông Erdogan tại đại hội của đảng cầm quyền AK hôm đầu tháng 12 ở Istanbul : Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng cổ vũ cho nghị trình dân tộc chủ nghĩa Hồi giáo.

Ông Erdogan đọc diễn văn trước hội nghị của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) để phê phán quyết định của chính phủ Hoa Kỳ coi Jerusalem là thủ đô Israel.

Dù là đồng minh quan trọng của Mỹ trong khối NATO, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ coi đó là "quyết định vô giá trị" từ Hoa Kỳ.

Ông nay muốn thế giới Hồi giáo công nhận Jerusalem là "thủ đô bị chiếm đóng của nhà nước Palestine".

Không chỉ vậy, ông Erdogan còn gọi Israel là "nhà nước khủng bố".

Hoa Kỳ đã hết vai trò

Lãnh đạo Palestine, Mahmoud Abbas nói Hoa Kỳ "tự loại mình ra khỏi vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình".

Cũng phát biểu tại hội nghị tụ họp nhiều lãnh đạo các nước Hồi giáo, ông Abbas nói :

"Chúng ta không thể nào chấp nhận vai trò nào của Mỹ trong quá trình hòa bình. Họ chứng tỏ là họ hoàn toàn thiên vị Israel".

Theo BBC Indonesia, Tổng thống Joko Widodo cũng đại diện cho nước Hồi giáo Đông Nam Á đến dự hội nghị OIC ở Istanbul.

Chủ đề chiếm lĩnh nghị trình của thượng đỉnh OIC là vấn đề Jerusalem, sau khi ông Donald Trump nói Hoa Kỳ công nhận thành phố này là thủ đô Israel, gây phẫn nộ trong nhiều nước Hồi giáo tuy không phải là tất cả.

Hiện thủ đô của Israel là Tel Aviv nhưng nước này cũng làm chủ Jerusalem, thành phố là thánh địa của ba tôn giáo : Do Thái, Ki Tô và Hồi giáo.

Hoa Kỳ nói sẽ chuyển Đại sứ quán hiện ở Tel Aviv về phía Tây Jerusalem.

Mới đây nhất, Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu trong chuyến thăm đến Brussels đã nói Châu Âu cũng nên công nhận Jerusalem là thủ đô nước ông.

Tuy thế, các lãnh đạo EU vẫn duy trì quan điểm rằng quy chế cho Jerusalem phải là kết quả của thỏa thuận hai bên giữa Israel và chính quyền Palestine.

EU theo đuổi chính sách Hai quốc gia trong khu vực : Israel và Palestine.

jerusalem2

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi các nước Hồi giáo "công nhận Jerusalem là thủ đô bị chiếm đóng của nhà nước Palestine"

Hiện nay, EU công nhận Chính quyền Palestine của ông Mahmoud Abbas như một thực thể chính trị và hỗ trợ kinh tế nhiều cho họ nhưng vẫn chưa công nhận một quốc gia Palestine độc lập.

Vấn đề "Jerusalem là thủ đô Israel" mà Hoa Kỳ nêu ra đặt EU và "thế bí", theo một số báo Châu Âu.

Cùng lúc, tiếng nói của nhiều quốc gia Hồi giáo ủng hộ Palestine và lên án ông Trump có nguy cơ làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực.

Trong bài viết về quyết định của ông Trump gần đây, Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai, một nhà nghiên cứu Trung Đông từ Hà Lan dự đoán trên BBC Tiếng Việt :

"Palestine giờ đã trở thành biểu tượng của mối hằn thù tôn giáo, là kho chất nổ tiềm năng, chỉ cần độc lập là lập tức sẽ bị các nước Ả Rập xung quanh biến thành một cái vòi rồng, cuốn lũ xả bão san phẳng Israel đến ngọn cỏ cuối cùng".

Published in Quốc tế

Liên Hiệp Châu Âu nói với Việt Nam rằng họ lo ngại về 'sự xuống cấp của quyền dân sự và chính trị' trong lúc các vụ bắt giữ, giam cầm 'gia tăng mạnh mẽ'.

Đây là nội dung trong thông cáo của EU sau Đối thoại Nhân quyền tăng cường lần thứ 7 tại Hà Nội ngày 1/12.

Thông cáo này được dịch sang tiếng Việt, đăng trên trang Facebook chính thức của phái đoàn EU ở Việt Nam.

civil1

Phiên tòa phúc thẩm đối với blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh diễn ra một ngày trước cuộc Đối thoại Nhân quyền

Theo nội dung thông cáo ghi cuộc "Đối thoại đã đánh giá những phát triển gần đây trong lĩnh vực nhân quyền ở Việt Nam và Châu Âu, và trước đó là các cuộc họp với các tổ chức phi chính phủ từ Châu Âu và Việt Nam".

"Liên Hiệp Châu Âu đã nhấn mạnh về sự xuống cấp của quyền dân sự và chính trị và đã thảo luận về quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền liên kết, tự do tôn giáo và quyền tiếp cận thông tin".

"Liên Hiệp Châu Âu đã bày tỏ những quan ngại sâu sắc về việc áp dụng rộng rãi các điều khoản an ninh quốc gia trong Luận Hình sự của Việt Nam và ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ của việc bắt giữ, giam cầm và kết án các công dân Việt Nam liên quan đến việc bày tỏ ý kiến của họ".

Bản thông cáo báo chí sau cuộc gặp Đối thoại Nhân quyền lần thứ 7 EU-Việt Nam, ngắn hơn, ngôn ngữ chung chung và chỉ dùng từ "nhân quyền" đúng một lần.

Trái với thông cáo báo chí sau hai cuộc họp Đối thoại Nhân quyền năm 2015 và 2016, bản thông cáo về cuộc họp hôm 1/12, có vẻ ngắn gọn hơn.

Trong khi đó bản thông cáo báo chí năm 2016, viết cụ thể về trường hợp của ông Nguyễn Hữu Vinh "Anh Ba Sàm" , Nguyễn Ngọc Như Quỳnh "Mẹ Nấm", ông Trần Huỳnh Duy Thức và luật sư Nguyễn Văn Đài.

Bản thông cáo năm nay chỉ ghi rằng EU nêu ra một số trường hợp cá nhân, đồng thời nhắc lại yêu cầu phía Việt Nam thả các công dân đang bị giam giữ vì đã thể hiện "quyền tự do biểu đạt một cách ôn hòa".

Hôm 30/11, Phái đoàn EU ra thông cáo cuối ngày, phản đối bản án đối với bà Quỳnh và cho biết phía chính quyền Việt Nam đã không cho phép đại diện phái đoàn khán dự phiên tòa, và nói sẽ nêu vấn đề này trong cuộc Đối thoại Nhân quyền.

Tuy nhiên, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang cho rằng thông cáo của EU mang "ngôn ngữ ngoại giao, rất chung chung, mơ hồ".

"Các đề nghị, đề xuất của phía EU đều không mang tính căn bản. Nội dung như thế này là đặc biệt yếu nếu xét trong bối cảnh hiện nay, khi mà chính quyền VN vừa xử nặng, xử oan hai blogger Nguyễn Văn Hóa và Mẹ Nấm", bà Đoan Trang nói với BBC hôm 2/12.

BBC đã nhiều lần liên hệ với phía phái đoàn EU, và được cho biết lịch trình phái đoàn bận rộn chưa thể thu xếp trả lời phỏng vấn.

Trước Đối thoại : diễn biến trong giới xã hội dân sự

Trước đó đại diện phái đoàn EU đã có buổi gặp gỡ tiếp xúc với một số đại diện xã hội dân sự Việt Nam, nhưng ba trong bốn người đi dự đã bị phía an ninh câu lưu.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, bà Bùi Thị Minh Hằng và nhà báo tự do Phạm Đoan Trang cáo buộc họ bị phía công an Việt Nam bắt về đồn câu lưu nhưng sau đó được thả.

Một ngày trước cuộc Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam, diễn ra phiên tòa án phúc thẩm xét xử blogger và nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay còn biết đến là "Mẹ Nấm".

Tòa cuối cùng giữ nguyên bản án 10 năm tù cho bà Quỳnh.

Trước đó luật sư Võ An Đôn, một trong những luật sư đứng ra bào chữa cho bà Quỳnh bị tước thẻ luật sư, gây nhiều tranh cãi trong giới luật sư và hoạt động dân sự.

HRW kêu gọi phái đoàn gây áp lực

Hôm 28/11, tờ trình của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi phái đoàn EU phải gây áp lực lên chính quyền Việt Nam.

"Tình hình nhân quyền Việt Nam xấu đi đáng kể trong năm 2017. Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục độc chiếm quyền lực và trừng phạt những người dám thách thức vị trí của mình. Tất cả các quyền chính trị cơ bản, trong đó có quyền tự do chính kiến, lập hội, nhóm họp và đi lại đều bị hạn chế. Các nhóm tôn giáo chỉ được hoạt động dưới sự quản lý của chính quyền".

"Nhà cầm quyền dùng nhiều cách để cản trở các nhà hoạt động chính trị và nhân quyền, kể cả sách nhiễu tâm lý và cơ thể, theo dõi, quản chế trái pháp luật, ngăn cấm đi ra nước ngoài một cách tùy tiện, gây sức ép với nơi làm việc, chủ nhà hay người thân của các nhà hoạt động. Công an thường buộc các nhà vận động nhân quyền phải chịu những cuộc thẩm vấn kéo dài, đầy tính dọa dẫm".

"Nhà cầm quyền tùy tiện giam giữ biệt lập những người lên tiếng phê bình trong thời gian dài mà không cho tiếp xúc với luật sư hay gia đình thăm gặp. Nhiều người đã bị kết các bản án nhiều năm tù theo các tội danh an ninh quốc gia mơ hồ hoặc các điều luật hà khắc khác. Công an thường xuyên tra tấn các nghi can để ép nhận tội và đôi lúc sử dụng vũ lực quá mức để đối phó với các cuộc biểu tình đông người".

civil2

15 vụ bắt giữ tù nhân chính trị mà Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho là cần phải được chú ý

Phái đoàn EU do bà Mercedes Garcia Perez, Trưởng Vụ trưởng Vụ Nhân quyền của Cơ quan Ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu dẫn đầu.

Phái đoàn Việt Nam do ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Quốc tế Bộ Ngoại giao Việt Nam dẫn đầu, ngoài ra còn có các đại diện từ các cơ quan, bộ, ngành khác nhau.

Trước đó, truyền thông Việt Nam nhiều lần trích dẫn quan điểm của Đảng và nhà nước, chính quyền cũng như Bộ Ngoại giao cho rằng nhân quyền Việt Nam đã được nhà nước Việt Nam bảo đảm từ trong Hiến pháp cho tới trên thực tế, rằng Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu trong nâng cao mức sống của người dân và các chỉ số về chất lượng sống, trong đó có địa hạt quyền con người.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao gần đây cũng như trong suốt nhiều năm trở lại nhiều lần công bố các tuyên bố và quan điểm của Bộ ngoại giao và chính phủ Việt Nam bác bỏ hoàn toàn các báo cáo nhân quyền của Mỹ và nhiều tổ chức chính phủ, liên chính phủ hoặc phi chính phủ quốc tế khác, trong đó có các tổ chức giám sát nhân quyền, cho rằng các quan điểm đó là sai trái, thiên lệch, thậm chí xuyên tạc, có dụng ý xấu và không đúng với thực tế nhân quyền tại Việt Nam.

Nhiều phát ngôn của phía chính quyền Việt Nam cũng khẳng định Việt Nam không hề có cái gọi là tù nhân chính trị hay lương tâm đang bị giam giữ, mà chỉ có những người vi phạm pháp luật hình sự đã bị tòa án nhân dân xét xử theo luật pháp của Việt Nam.

Published in Việt Nam

Đại sứ Hoa Kỳ tại Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đưa ra lời khuyên để Việt Nam thu hút đầu tư và nói về sự khác biệt về thể chế và luật pháp giữa hai nước.

minhbach1

Ông Robert Orr có bề dày về kinh doanh tại Nhật Bản.

Trả lời phỏng vấn với Nguyễn Hoàng của BBC, ông Robert Orr cũng bình luận về vai trò của Hoa Kỳ khi không tham gia các hiệp định mậu dịch song phương cũng như về cá nhân Tổng thống Trump trong nỗ lực cầm lái về kinh tế cho đất nước.

BBCLần đầu tiên trong hai thập niên, Hoa Kỳ không tham gia vào bất kỳ hiệp định mậu dịch quốc tế nào. Ông nghĩ sao về điều này ?

Robert Orr : Tôi nghĩ đúng là Hoa Kỳ hiện không tham gia vào hiệp định mậu dịch đa phương nào, do chính phủ đang đẩy mạnh việc tham gia các thỏa thuận song phương. Tôi nghĩ điều này là có vấn đề vì tôi nghĩ các hiệp định đa phương là hướng đi mà cả thế giới đang theo đuổi. Và nếu Hoa Kỳ không đi theo hướng này, có nghĩa là khả năng lãnh đạo của chúng tôi sẽ giảm sút.

BBC : Tổng thống Trump đồng thời là một doanh nhân, một tỉ phú. Điều này có thể giúp Hoa Kỳ về kinh tế trong chừng mực nào đó hay không ?

Robert Orr : Tôi nghĩ chúng ta cần phải nhìn vào thành tích kinh doanh của ông Trump để biết được là có giúp phần nào hay không. Và thành tích kinh doanh ấy cũng không có gì quá ấn tượng. Bản thân tôi cũng là lãnh đạo doanh nghiệp nên tôi thấy cảm kích với một doanh nhân thật sự và theo tôi doanh nhân như vậy sẽ phải chú tâm nhiều hơn vào tiềm năng hợp tác đa phương. Bởi vì nếu không làm vậy thì ta tự loại ta ra ngoài. Và tôi chưa thấy bất kỳ điều gì thể hiện rằng kinh nghiệm kinh doanh của ông Trump có thể giúp đất nước chúng tôi.

minhbach2

Robert Orr hiện là Đại sứ Hoa Kỳ tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), được Tổng thống Obama bổ nhiệm vào chức vụ này năm 2010.

BBCMột trong những điều mọi người thường nói là các hiệp định thương mại quốc tế giúp các tập đoàn lớn và công ty đa quốc gia, bỏ lại những nhóm được cho là yếu thế ở phía sau.

Robert Orr : Tôi nghĩ đó là quan ngại lớn đối với TPP ngay từ khi người ta mang hiệp định này ra đàm phán vì đúng là những người yếu thế đối diện nhiều khó khăn nhất. Nhưng tôi nghĩ rốt cùng, đây là việc sẽ giúp mang lại nhiều chuyển biến và sự hợp tác chặt chẽ, tốt đẹp hơn khi hợp tác với nhau và cho tương lai. Và chúng ta có thể bắt đầu giải quyết những vấn đề đó. Nhưng nếu không có cơ chế đa phương như vậy, họ sẽ không thể đạt được bất kỳ điều gì. Theo tôi đây là vấn đề.

BBC : Việt Nam đã và đang cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài và làm việc với các đối tác như Hoa Kỳ. Hoa Kỳ và Việt Nam khác nhau về nhiều mặt bao gồm thể chế và hệ thống luật pháp. Vậy cơ chế hợp tác đôi bên cùng có lợi nên được hiểu thế nào ?

Robert Orr : Tất nhiên rồi. Đây không phải lần đầu tiên Hoa Kỳ hợp tác với một quốc gia châu Á có cơ cấu luật pháp rất khác mình. Tôi đã dành nhiều thời gian tại Nhật Bản. Có thể thấy là lúc ban đầu khi Hoa Kỳ hợp tác với Nhật Bản, đó là hai thế giới hoàn toàn khác nhau, và hai bên đã đến với nhau. Ngày nay hai thế giới này có giống hệt nhau không thì câu trả lời là không.

Nhưng khả năng làm việc chung, cho dù có nhiều khác biệt về cơ cấu thể chế, rõ ràng có thể xảy ra. Tôi không nghĩ đây là một trở ngại thật sự. Tôi nghĩ chúng ta cần làm việc để vượt qua những khác biệt, nhưng tôi nghĩ mọi chuyện sẽ có thể giải quyết được.

BBCNếu có thể đưa ra một lời khuyên cho chính phủ Việt Nam, ông sẽ nói điều gì ?

Robert Orr : Công khai. Theo tôi sự minh bạch là yếu tố tốt nhất, là thang thuốc tốt nhất để thu hút đầu tư nước ngoài. Tôi đã mất rất nhiều thời gian để thực hiện điều đó, tôi đã dành 30 năm cho Nhật Bản để biến điều này thành hiện thực. Nhưng nó đang bắt đầu xảy ra. Tôi tin đây chính là chìa khóa của sự thành công.

Ông Robert Orr là Đại sứ Hoa Kỳ tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), được Tổng thống Obama bổ nhiệm vào chức vụ này năm 2010. Ông là cựu Chủ tịch Boeing Japan, Giám đốc quan hệ chính phủ của Motorola tại Nhật Bản và là giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Temple University ở Tokyo.

Published in Việt Nam

Một luật sư ở Sài Gòn nói với BBC rằng việc xử lý luật sư Võ An Đôn với lý do "Lợi dụng quyền tự do ngôn luận" sẽ là tạo một tiền lệ rất xấu.

vuvad1

Luật sư Võ An Đôn nói với BBC rằng 'ông bị tước thẻ nên phải làm nông mưu sinh'

Hôm 27/11, báo Việt Nam dẫn lời đại diện Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên giải thích quyết định nêu trên là vì ông Đôn "lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt, nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm mục đích kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư Việt Nam".

Động thái này nghĩa là ông Đôn không thể tham dự phiên phúc thẩm xử blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) hôm 30/11 với tư cách một trong bốn luật sư bào chữa.

'Tiền lệ xấu'

Hôm 29/11, trả lời BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng văn phòng luật mang tên ông, nói : "Tôi không nghĩ rằng có sự chia rẽ trong giới luật sư về việc ông Võ An Đôn vừa bị Đoàn luật sư Phú Yên kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách đoàn luật sư. Tôi biết có một vài luật sư cho rằng hình thức xử lý kỷ luật này là thích đáng".

"Tuy nhiên, tôi đoán chắc rằng số đó có ý kiến rất cá biệt. Mà ý kiến của luật sư Trần Vũ Hải cho rằng việc xử lý luật sư Đôn như thế là không chính đáng và cũng thiếu cơ sở pháp luật mới đích thực là quan điểm chung mà nhiều luật sư quan tâm đến sự kiện này cùng chia sẻ".

Ông Mạnh nói thêm : "Đồng thời, giới luật sư cũng chia sẻ một mối lo ngại chung rằng việc xử lý luật sư Đôn với lý do "Lợi dụng quyền tự do ngôn luận" sẽ là tạo một tiền lệ rất xấu, ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận là một quyền hiến định và cũng là một quyền mà giới luật sư thường hành xử trong quá trình hành nghề cũng như phản biện xây dựng xã hội".

"Thế nên, hiện có sự vận động chung của luật sư từ nhiều tỉnh thành cùng ký tên vào đơn kiến nghị chung gởi đến Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị xem xét lại vấn đề. Bởi lẽ, theo quy định của Luật Luật sư, thì hiện Liên đoàn Luật sư Việt Nam là nơi có thẩm quyền xem xét lại việc kỷ luật ông Đôn".

"Việc giới luật sư vận động cùng ký tên vào đơn kiến nghị chung không chỉ mang ý nghĩa bảo vệ cá nhân ông Đôn, mà mục tiêu chung là bảo vệ sự chính đáng trong hoạt động nghề nghiệp luật sư".

"Về phương diện cá nhân, cho dù ông Đôn đã từng có một số phát biểu cảm tính và chủ quan gây khó chịu cho nhiều người trong giới luật sư, thế nhưng, điều đó đã không ngăn cản nhiều luật sư đã từng khó chịu, thậm chí bị phiền nhiễu trước đây khẳng định rằng sẽ ký tên vào đơn kiến nghị chung".

"Với tư cách là một luật sư, tôi đã cùng góp ý vào dự thảo đơn kiến nghị và vận động các đồng nghiệp của mình để ký đơn", Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với Ben Ngô của BBC Tiếng Việt.

Published in Việt Nam

Chính phủ Campuchia bắt đầu tiến hành chiến dịch rà soát "giấy tờ không đúng quy định" mà chủ yếu tác động lớn tới cộng đồng người gốc Việt ở Campuchia, tờ Phnom Penh Post đưa tin.

kampu1

Hàng ngàn người gốc Việt tại tỉnh Kampong Chhnang, Campuchia đã bị tịch thu giấy tờ

Hồi tháng 10, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng khẳng định tiếp tục chính sách thu hồi giấy tờ của 70.000 người ngoại quốc "sinh sống bất hợp pháp" tại vương quốc này.

Nhưng hầu hết bảy vạn người này là người gốc Việt đã sinh sống qua nhiều thế hệ ở Campuchia.

Theo tờ Phnom Penh Post, tỉnh Kampong Chhnang là tỉnh đầu tiên phát động chính sách này từ 23/11 và giới chức địa phương đã xác nhận hơn 10.000 người với "giấy tờ không đúng quy định".

Những giấy tờ này gồm giấy khai sinh, thẻ căn cước, hộ chiếu và hộ khẩu.

Ông Bouy Nyu Lung, 52 tuổi, có mẹ là người Việt, cha người Khmer những vẫn bị tịch thu hộ khẩu. Gia đình ông Lung đã sinh sống ở Campuchia qua nhiều thế hệ, từng phải chạy trốn qua Việt Nam dưới thời Khmer Đỏ.

Ông nói với báo này rằng chính quyền địa phương cấp cho ông một giấy tờ "tạm thời" và ông không biết tiếp theo sẽ phải làm gì.

kampu2

Hai phụ nữ gốc Việt chuẩn bị giấy tờ khi chính quyền địa phương bắt đầu chiến dịch rà soát người nhập cư hôm 27/11

Một người gốc Việt khác là bà Kai Thy Heang, người không có thẻ căn cước Campuchia, vừa bị tịch thu giấy tờ còn sót lại là sổ hộ khẩu.

Bà Heang cho biết bà không biết gia đình bà đã nhập cư vào Campuchia từ khi nào nhưng chỉ biết ông bà và cha mẹ bà đều sinh ra ở đó.

Bà bị yêu cầu trả một số tiền phạt 250.000 riel, tương đương gần 1,4 triệu VND vì "cư trú trái phép" ở Campuchia.

Giống như cha mẹ mình, ông Hong Hay, 65 tuổi, cũng sinh ra ở Campuchia. Ông nói với phóng viên của Phnom Penh Post rằng: "Tôi không biết gì về Việt Nam. Tôi không có cảm giác gì về Việt Nam. Tôi chỉ sống ở đây",

Khi được hỏi chuyện gì xảy ra đối với những cá nhân không có giấy tờ Campuchia hay Việt Nam, quan chức Bộ phận Dân nhập cư địa phương Pan Laikhean nói: "Chúng tôi vẫn không biết làm gì tiếp theo, nhưng giờ chúng tôi cứ phạt họ 250.000 riel vì sống ở đây".

kampu3

Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói: "Đại sứ quán và các Tổng lãnh sự quán Việt Nam đang làm việc với các cơ quan hữu quan của Campuchia...".

Hôm 12/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trả lời báo chí về một số thông tin liên quan đến người gốc Việt tại Campuchia.

"Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Campuchia gốc Việt tại Campuchia và mong muốn cộng đồng người Campuchia gốc Việt có địa vị pháp lý vững chắc bảo đảm cuộc sống ổn định".

"Trên tinh thần đó, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đang tiếp tục trao đổi với các cơ quan chức năng của Campuchia động viên bà con yên tâm tham gia quá trình hoàn thiện các giấy tờ pháp lý của mình.

"Đại sứ quán và các Tổng lãnh sự quán Việt Nam đang làm việc với các cơ quan hữu quan của Campuchia để tiếp tục tạo điều kiện pháp lý thuận lợi, có biện pháp phù hợp, đảm bảo duy trì cuộc sống bình thường ổn định của mọi người dân, " bà Thu Hằng nói tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao.

BBC đã tìm cách liên hệ với phía đại sứ quán và tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Campuchia nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.

Published in Châu Á