Mỹ : Các bang có cưỡng lại được chính quyền trung ương ?
Tổng thống Donald Trump từ khi lên lãnh đạo nước Mỹ đã đưa ra không ít những quyết sách. Có điều hầu hết trong số đó đều gây tranh cãi hoặc vấp phải chống đối của tư pháp hay chính quyền ở tiểu bang. Trên nhật báo Le Monde có bài viết mang tựa đề khá hấp dẫn : "Các bang của nước Mỹ liệu có thể sửa chữa sai lầm của Trump ?".
Pin mặt trời trên nóc trụ sở Google tại Mountain View, California, Hoa Kỳ. Ảnh 18/06/2007. REUTERS/Kimberly White/File Photo
Bài viết của tác giả Barry Eichengreen, giáo sư Đại học Cambridge (Anh) và Đại học Berkeley tại California. Nhắc lại một loạt các quyết định của tổng thống Donald Trump từ khi bước vào Nhà Trắng, tác giả viết : "Với sự hậu thuẫn của Quốc hội do phe Cộng Hòa nắm, Donald Trump đang rắp tâm phá hoại khá nhiều giá trị căn bản gần gũi với người Mỹ. Ông hứa hẹn cho dân Mỹ được hưởng chăm sóc y tế bằng cách hủy luật Obamacare. Ngân sách quốc gia của Trump dự kiến các khoản cắt xén lớn trong nhiều lĩnh vực, từ trường mẫu giáo đến trợ cấp thực phẩm cho người bần cùng rồi qua đến ngân sách dành cho nghiên cứu y học. Kế hoạch cải cách thuế khóa của ông chỉ nhằm phân chia thu nhập mang lợi cho người giàu có. Gần đây hơn là quyết định không suy tính của ông bác bỏ thỏa thuận khí hậu Paris, khiến vị thế của nước Mỹ trên thế giới bị suy yếu. Nghiêm trọng hơn là quyết định đó còn mang hiểm họa cho sức khỏe và lợi ích của toàn cầu".
Từ cách đặt vấn đề như vậy, tác giả nhắc lại hệ thống chính trị của Hoa Kỳ theo thể chế liên bang chứ không như nước Pháp, một thể chế cộng hòa thống nhất, Nhà nước trung ương có quyền lực tối cao. Hiến Pháp Mỹ quy định các tiểu bang của Mỹ có quyền tương đối độc lập không chỉ được phân chia bởi chính phủ liên bang. Tuy nhiên, vai trò quyền lực của các tiểu bang Mỹ giờ đang bị đảo lộn và tác giả đặt vấn đề : "Liệu người Mỹ có thể dựa trên cơ sở các quyền của tiểu bang để đấu tranh chống lại việc cắt giảm chương trình xã hội và hủy bỏ các quy định pháp chế liên bang ?"
Tác giả bài viết lấy ví dụ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tiểu bang California ấn định cho mình những chuẩn mực riêng, khá khắt khe, về khí phát thải của xe hơi. Có 14 tiểu bang khác ở Mỹ đã thông qua các chuẩn mực đó và nó được áp dụng cho 40% dân số Mỹ. Các nhà chế tạo xe hơi không thể tự ý sản xuất các mẫu xe khác nhau ở mỗi bang. Như vậy California có thể áp đặt cho cả nước những chuẩn mực của họ về khí phát thải của xe hơi.
Đi xa hơn, tác giả còn cho rằng California có quyền tự do ký các thỏa thuận về khí hậu với Trung Quốc hay với các nước khác. California là một tiểu bang có tiềm lực kinh tế đứng hàng thứ 6 thế giới, nên có thể là một đối tác đáng tin cậy đối với những nước quan tâm lo lắng đến môi trường.
Bài viết cũng cho biết, ngoài lĩnh vực môi trường, California còn có những quyết sách về thuế khóa, chi tiêu cưỡng lại chính sách của chính quyền liên bang.
Tuy nhiên theo tác giả, Donald Trump và Quốc hội có thể tìm cách hạn chế các quyền của các tiểu bang tiến bộ bằng cách vận dụng các điều khoản Hiến Pháp về tài chính để ngăn cản các tiểu bang hành động một cách tự do .
Tác giả bài viết kết luận, "Chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ biết chúng ta đang sống trong một nước Mỹ thế nào, một nước Mỹ nhân từ hay thù hằn".
Ford thách thức khẩu hiệu "mua hàng Mỹ tuyển người Mỹ" của D.Trump
Le Monde cho biết, "bất chấp Trump, hãng xe Ford vẫn di dời sản xuất sang Trung Quốc". Tờ báo viết : Thái độ huênh hoang của Donald Trump về việc chống di dời sản xuất ở các công ty Mỹ đã không kéo dài lâu. Hôm mùng 3 tháng Giêng, tổng thống Mỹ la toáng lên là đã thắng lợi khi hãng xe Ford thông báo từ bỏ đầu tư một nhà máy lắp ráp xe hơi mới tại Mexico. Thế nhưng, ông chủ Nhà Trắng không nghĩ được chỉ 6 tháng sau đó, hãng xe hơi Mỹ đã quyết định làm mẫu xe mới Focus ở Trung Quốc thay vì ở Mexico. Hôm 20/06, hãng này thông báo, bắt đầu từ năm 2019, các xe Ford bán tại thị trường Mỹ sẽ được nhập từ xưởng sản xuất của hãng đặt tại Trùng Khánh, Trung Quốc.
Hãng xe Ford không phải là nhà chế tạo duy nhất lắp ráp tại Trung Quốc rồi cho nhập về Mỹ. Hãng General Motors nổi tiếng cũng đã nhập về thị trường trong nước hàng chục nghìn xe Made in China trong năm nay.
Người ta đang chờ xem tổng thống Trump sẽ tung ra đòn phép gì đối với những nhà khổng lồ ngành công nghiệp xe hơi Mỹ dám thách thức khẩu hiệu "mua hàng Mỹ tuyển nhân công Mỹ" của ông.
Pháp : Cuộc điều chỉnh chính phủ ồn ào
Trở lại với thời sự nóng đang làm náo động chính trường cũng như báo chí Pháp từ hôm qua đến nay là cuộc cải tổ chính phủ hậu bầu cử Quốc hội. Cuộc điều chỉnh thành phần nội các ban đầu tưởng chừng đơn giản và mang tính thủ tục nhưng đã trở nên phức tạp sau khi 3 Bộ trưởng chủ chốt thuộc Phong Trào Dân Chủ-Modem, một đồng minh quan trọng của đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước (LREM), lần lượt thông báo không tham gia thành phần chính phủ mới.
Cuộc cải tổ nội các đã được các báo chính của Pháp đưa lên trang đầu và giành khá nhiều thời lượng để phân tích bình luận.
Ngoài ông Richard Ferrand, một trong những nhân vật tin cẩn nhất của tổng thống Macron, đã thông báo rời chính phủ trước đó một hôm, các báo Pháp ra hôm nay đều tập trung nhiều vào trường hợp của ba bộ trưởng thuộc Modem, đảng liên minh của LREM và góp phần quan trọng trong chiến thắng của ông Macron trong cuộc tranh cử tổng thống vừa qua. Đó là ông François Bayrou, Bộ trưởng tư pháp đang chủ trì dự luật lành mạnh hóa đời sống chính trị của Pháp, bà Marielle de Sarnez, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Châu Âu và Bộ trưởng quốc phòng Sylvie Goulard.
Điều khiến các báo dồn sự chú ý đó là nguyên nhân rời khỏi chính phủ của các nhân vật trên đó là vì tất cả họ đều rơi vào vòng điều tra của tư pháp liên quan đến những nghi vấn xung đột lợi ích, lạm dụng công quỹ, tạo công ăn việc làm khống… từ cách đây nhiều năm. Cuộc cải tổ chính phủ ban đầu được giới quan sát đánh giá chỉ mang tính kỹ thuật, thủ tục, giờ trở nên phức tạp hơn dự kiến nhiều.
Nhật báo Le Monde nhận định qua hàng tựa : "Bayrou gây ra khủng hoảng đầu tiên trong kỷ nguyên Macron". Theo tờ báo việc cả "chủ tịch đảng Modem và bà Marielle de Sarnez (nguyên phó chủ tịch Modem) phải rời khỏi chính phủ trong bối cảnh bị nghi ngờ tạo việc làm khống cho các trợ lý nghị viện Châu Âu là một cú sốc đối với hành pháp"
Nhật báo Libération nhận xét : "Macron sao chép lại chính phủ cho sạch" nhưng cũng đầy hoài nghi với cuộc điều chỉnh cơ quan hành pháp của ông Macron. Nhật báo công giáo La Croix cũng dành nhiều trang bài cho sự kiện này với ghi nhận "làm lành mạnh hóa đời sống chính trị thật khó khăn".
Vẫn là chính trường sôi động của nước Pháp. Le Figaro nhìn sang đảng cánh hữu với bài "Ngày mà Những Người Cộng Hòa bị nổ tung", đề cập đến sự kiện liên minh đối lập cánh hữu và trung (LR và UDI) đông dân biểu nhất (135 ghế) đang bắt đầu rạn nứt trong nội bộ. Hôm qua, một nhóm dân biểu của LR cùng với một nhóm của UDI đã chính thức thành lập nhóm dân biểu độc lập tại Quốc hội. Đây là một dấu hiệu cho thấy, phe đối lập hiện được cho là lớn nhất ở Quốc hội cũng đang đứng trước nguy cơ tan vỡ.
Lãnh đạo Uber bị cổ đông đẩy ra khỏi cửa
Một tin tức thời sự quốc tế khác cũng được các báo Pháp chú ý nhiều đó là việc "chủ tịch tổng giám đốc của Uber từ chức vì sức ép của các cổ đông".
Theo nhật báo kinh tế Les Echos, "Uber đang lật sang trang mới". Travis Kalanick, chủ tịch tổng giám đốc của tập đoàn khổng lồ về dịch vụ thuê xe du lịch , hôm qua đã thông báo từ chức. Người đồng sáng lập ra công ty này đã bị đẩy ra khỏi cửa bởi 5 nhà đầu tư góp vốn quan trọng nhất của tập đoàn.
Uber là công ty khởi nghiệp ban đầu thành lập 2009 mới chỉ có vốn 11 tỷ đô la. Uber nhanh chóng làm ăn thành công với việc mở rộng mạng lưới trên khắp thế giới với loại hình dịch vụ đa dạng phù hợp cho nhiều đối tượng khách hàng. Giờ đây giá trị của tập đoàn này ước tính khoảng 70 tỷ đô la, một con số mà không có công khởi nghiệp nào trên thế giới có thể sánh kịp. Mặc dù vẫn đang ăn nên làm ra, nhưng thời gian gần đây hãng bắt đầu lâm vào khủng hoảng bởi lãnh đạo công ty Travis Kalannick liên tục bị rơi vào những bê bối trong công việc cũng như đời tư.
Nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng, vượt qua được khủng hoảng lần này có thể Uber sẽ "bước vào tuổi trưởng thành".
Anh Vũ
Bảy thủy thủ mất tích khi xảy ra vụ tàu khu trục USS Fitzgerald bị va chạm bởi tàu chở container gắn cờ hiệu Philippines, vào hôm thứ Bảy tại nam Vịnh Nhật Bản. Cả bảy nạn nhân được Hải quân Hoa Kỳ xác nhận đã chết.
Hình bảy thủy thủ Mỹ tử vong trên chiến hạm USS Fitzgerald do va chạm với tàu chở hàng của Philippines tên vùng biển Nhật Bản hôm 16/6/2017. AFP photo
Thông tin vừa nêu được hãng thông tấn Reuters loan tải vào hôm thứ Hai, ngày 19 tháng 6.
Tin nói vụ va chạm xảy ra trong lúc một số thủy thủ đoàn của tàu khu trục USS Fitzgerald đang ngủ. Vụ tai nạn làm bể đường ống nước của tàu khiến hai khoang ngủ, phòng radio và phòng máy phụ trợ bị ngập nước.
Chiếc USS Fitzgerald phải quay trở lại căn cứ hải quân Yokosuka phía nam Tokyo vào tối thứ Bảy để sửa chữa.
Hạm trưởng Bryce Benson, một thành viên bị thương được đưa đến Bệnh viện của Hải quân Hoa Kỳ ở Yokosuka bằng trực thăng đã rời bệnh viện vào hôm thứ Hai. Hiện chỉ còn một thủy thủ nằm viện nhưng tình trạng sức khỏe không được thông báo.
Hoa Kỳ và Nhật Bản đang tiến hành điều tra vụ va chạm tàu. Phó Đô đốc Joseph P. Aucoin, chỉ huy trưởng Hạm Đội 7vào hôm Chủ nhật từ chối đưa ra bình luận về nguyên nhân vụ va chạm.
Một trong bảy hải quân bị thiệt mạng trong vụ việc vừa nêu được xác nhận là người gốc Việt có tên Ngọc T Trương Huỳnh 25 tuổi từ Oakville, bang Connecticut.
Giải Nobel Kinh tế Joseph Stiglitz : "Với Donald Trump, Hoa Kỳ còn khổ sở"
Từ khi vào Nhà Trắng đến nay mới chưa được nửa năm, tổng thống Donald Trump đã khiến dư luận báo chí tốn không ít giấy mực về những tác phong, phát ngôn đến đường lối chính trị. Ông Trump không những là nỗi thất vọng của những ai vốn vẫn quen nhìn Hoa Kỳ như là cường quốc lãnh đạo thế giới mà sẽ còn làm cho nước Mỹ khổ sở.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington DC, ngày 14/06/2017. REUTERS/Kevin Lamarque
Nhật báo kinh tế Les Echos ngày 15/06/2017 có bài viết của Joseph E. Stiglitz, giải thưởng Nobel Kinh Tế và hiện là giáo sư Đại học Columbia, New York. Bài báo lấy tựa đề : "Đã đến lúc hành động chống lại Donald Trump".
Mở đầu bài viết, nhà kinh tế Mỹ khẳng định : "Donald Trump đã ném quả bom vào cấu trúc kinh tế thế giới được xây dựng với muôn vàn khó khăn từ sau Thế Chiến Thứ II". Theo tác giả thì việc tổng thống Trump quyết định "rút Hoa Kỳ ra khỏi Thỏa thuận về khí hậu Paris vừa qua chỉ là màn mới nhất tấn công vào nền tảng giá trị của chúng ta, vào các thể chế của chúng ta".
Giải Nobel Kinh Tế đã vạch ra tất cả những cách nghĩ, cách làm của ông Donald Trump đều phủ nhận tất cả những gì đã có, phục vụ lợi ích riêng chứ không hề vì quyền lợi chung của nước Mỹ, dân Mỹ. Tác giả Joseph Stiglitz viết : "Việc phủ nhận khoa học của ông ta, đặc biệt trong lĩnh vực khí hậu đang đe dọa những tiến bộ công nghệ… Ông Trump đang đe dọa sự vận hành của xã hội Mỹ và nền kinh tế Mỹ".
Theo giải Nobel Kinh Tế, ông Trump đã lợi dụng nỗi bất bình trong người dân Mỹ về kinh tế trì trệ trong nhiều năm qua.Thế nhưng, chương trình thuế khóa và bảo hiểm y tế cho thấy thực chất mục tiêu của ông, đó là : "Làm giàu cho bản thân, tạo đặc quyền đặc lợi cho những người đã ủng hộ ông". Dẫn chứng là : "Trong một đất nước tuổi thọ giảm, cải cách bảo hiểm y tế của ông ta đã để mặc thêm 23 triệu người khánh kiệt trước bệnh tật ". Tác giả nhận định : "Với Trump, nước Mỹ sẽ còn phải khổ sở".
Trump chấm dứt vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ
Trong những điều kiện như vậy, tác giả đặt câu hỏi, "phải làm gì trước một loại bạo chúa tính khí thất thường muốn tất cả thuộc về mình ? Thế giới có thể hành động thế nào trước một nước Mỹ đang trở thành Nhà nước lưu manh ?"
Tác giả nhận thấy, riêng vấn đề khí hậu toàn cầu, "bây giờ chúng ta đã biết thế giới không thể tin vào Hoa Kỳ để đối mặt với những đe dọa hiện hữu của quá trình khí hậu ấm lên. Châu Âu và Trung Quốc đã đúng khi khẳng định cam kết ủng hộ một tương lai biết tôn trọng môi trường. Đó là sự lựa chọn tốt cho hành tinh và cho cả kinh tế… Châu Âu và Châu Á rồi sẽ bỏ cách xa Hoa Kỳ trên lĩnh vực công nghệ xanh. Các nước còn lại của thế giới không nên ngần ngại đánh thuế các-bon vào những hàng xuất khẩu Mỹ không tôn trọng chuẩn mực thế giới".
Cuối cùng tác giả kết luận : "Đối với ông Trump, rõ ràng là một cuộc tranh luận có lý lẽ không làm ông ta thay đổi ý. Đã đến lúc phải hành động".
Các đảng chính trị truyền thống : nguy cơ phá sản cả chính trị lẫn kinh tế
Nước Pháp đang ở giữa hai vòng bầu cử Quốc hội. Báo Le Monde trở lại với thất bại của hai đảng chính trị truyền thống tả - hữu của Pháp, nhưng trên khía cạnh tài chính.
Sau thất bại ở cuộc bầu cử tổng thống và nay đến bầu cử Quốc hội, Đảng Xã Hội (PS) bên cánh tả và đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa ( LR) không chỉ bị đặt trước nguy cơ phá sản về chính trị mà sẽ còn phải điêu đứng về tài chính. Bởi vì phần lớn những chu cấp tài chính của Nhà nước cho các đảng chính trị phụ thuộc vào số lượng các nghị sĩ trúng cử và số phiếu thu được trong bầu cử.
Theo Le Monde, cứ mỗi nghị sĩ trúng cử sẽ mang lại cho đảng mình 37.280 euro. Thêm vào đó, mỗi phiếu thu được ở vòng 1 sẽ được ngân sách Nhà nước trợ cấp cho 1,42 euro. Theo như ước tính kết quả vòng 1, Đảng Xã Hội có thể mất 245 đại biểu, đảng LR mất từ 80 đến 150 đại biểu. Như vậy con số thất thoát tài chính của hai đảng này sẽ phải lên tới hàng triệu euro. Hai đảng truyền thống thay nhau lãnh đạo nhiều thập kỷ qua sắp tới sẽ phải vật lộn với nguồn kinh phí cạn kiệt để sinh tồn dưới thời Macron.
Đảng Xã Hội còn đứng trước thực tế nghiệt ngã khác, đó là số lượng đảng viên giảm sút tới một nửa từ hơn 250 nghìn xuống còn khoảng 120 nghìn người. Đây cũng là một nguồn góp quỹ đáng kể cho đảng. Vì thế, sau vòng 2 tới đây, PS sẽ phải tính toán và có thể sẽ phải bán trụ sở hoành tráng của mình ở trung tâm thủ đô để tồn tại.
Với đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, dù về thứ nhì ở vòng một, nhưng đảng này cũng dự báo sẽ mất khoảng 100 đại biểu. Như vậy nguồn thu sẽ bị giảm ít nhất gần 4 triệu euro trong khi đảng này trong những năm qua đang bị thâm hụt chi tiêu hàng chục triệu euro do các chiến dịch tuyển cử tốn kém. Thêm vào đó, Những Người Cộng Hòa đang gánh món nợ tới 55 triệu euro. LR đang phải chuẩn bị cho những ngày tháng thắt lưng buộc bụng.
Một kịch bản thất thu khác cũng xảy ra với đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia (FN). Đảng này trong vòng 1 vừa qua chỉ thu được 2.990 454 phiếu, tức giảm 538.209 phiếu so với kỳ bầu cử năm 2012 và như thế FN thất thu khoảng 764 nghìn euro.
Thế mới thấy, ở Pháp, thất bại trong tuyển cử của một đảng phái không đơn thuần là chính trị mà còn là tổn thất kinh tế trực tiếp. Và tổn thất này cũng không hề nhỏ.
Phải giảm nhẹ gánh nặng cho Hy Lạp !
Chuyển qua nhật báo Libération. Chủ đề chính của tờ báo là Hy Lạp. Trang nhất Libération chạy tựa lớn : "Ông Macron, hãy chìa tay ra với nhân dân Hy Lạp !".
Lý do có lời kêu gọi đó là hôm nay, 15/06/2017, nhóm nước khu vực đồng euro (Eurogroupe) gặp nhau để quyết định số phận con nợ Hy Lạp. Xã luận của Libération, nhân dịp này kêu gọi nước Pháp hãy cân nhắc ủng hộ giải pháp xóa cho Hy Lạp ít ra là một phần nợ khiến người dân đất nước này đang phải è cổ ra trả nợ trong bao nhiêu năm qua.
Libération nhắc lại : "Dưới sự lãnh đạo can đảm của thủ tướng Alexis Tsipras, đất nước Hy Lạp đã phải chấp nhận chịu đựng phi thường để tôn trọng các cam kết vay nợ. Ủy Ban Châu Âu cũng thừa nhận kể từ đầu cuộc khủng hoảng chưa bao giờ có một lãnh đạo Hy Lạp đáng tin cậy như ông Tsipras. Những hy sinh đã tác động nghiệt ngã đến xã hội Hy Lạp. (…) Rõ ràng là dưới con mắt của tất cả các chuyên gia có thiện ý, giờ đây không chỉ giảm nhẹ càng nhiều càng tốt gánh nợ của nước này, mà phải có biện pháp cụ thể xóa bớt khoản nợ nay đã chiếm gần 180% GDP đang đè nặng lên nền kinh tế của Hy Lạp…".
Libération kêu gọi tổng thống Pháp : "Ông tổng thống, trong thành phần chính phủ trước, ông đã tỏ sự ân cần với Hy Lạp. Giờ đây ở vị thế mạnh, ông có dịp để đóng vai trò quyết định trong lịch sử của Liên Hiệp Châu Âu. Ông sẽ làm như vậy chứ ?"
Đi cùng với bài xã luận trên, Libération còn dành nhiều trang bài điểm lại tình hình nợ công của Hy Lạp để cho thấy suốt từ năm 2009, người dân ở quốc gia thành viên nhỏ bé của Liên Hiệp Châu Âu này đã phải gồng mình sống trong kham khổ cũng chỉ để được vay tiền, và gánh nợ lớn thì vẫn ngày thêm chồng chất.
Trung Quốc : Bùng nổ phẫu thuật thẩm mỹ trong giới trẻ
Liên quan đến Châu Á, báo Le Figaro có bài phóng sự về đề tài xã hội với hàng tựa khá thú vị : "Cuộc đua dao kéo của giới trẻ Trung Quốc". Bài phóng sự điều tra của Le Figaro nói về một hiện tượng xã hội đang rất phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc hiện nay.
Với hy vọng trở nên nổi tiếng để làm giàu nhanh nhờ vào sự bùng nổ phát video trực tiếp trên internet, ngày càng đông các cô gái trẻ ở Trung Quốc nhờ cậy đến dao kéo để thay đổi diện mạo. Họ sẵn sàng bỏ những khoản tiền lớn để phẫu thuật thẩm mỹ, để rồi kết quả là họ đều có những khuôn mặt giống nhau, rập khuôn với những nhân vật trong truyện tranh hay phim hoạt hình. Mục đích là trở nên nổi tiếng để dễ dàng kiếm tiền trong thời đại internet. Xu hướng này trong giới trẻ đang làm bùng nổ thị trường thẩm mỹ ở đất nước hơn 1,2 tỷ người.
Tại Bắc Kinh, tác giả bài báo đã gặp một cô gái chân quê, đến từ tỉnh Sơn Đông. Cô đã xoay xở để có được 9.000 euro, một tài sản lớn với nhiều người Trung Quốc, để làm lại khuôn mặt, mà theo cô đó là cách đầu tư tuyệt vời. Với một khuôn mặt khả ái nhờ phẫu thuật thẩm mỹ, cô xuất hiện trên các video phát trực tiếp trên các mạng xã hội để bán hàng qua mạng, và cô đã thu hút được rất nhiều fan theo dõi. Kết quả đó giúp công việc làm ăn của cô tiến triển tốt. Cô gái này cho biết, chỉ sau 6 tháng, mỗi tháng cô đã có thể kiếm được từ 8-10 nghìn euro. Trường hợp của cô gái trẻ này giờ không còn là cá biệt mà đang thành một trào lưu trong giới trẻ Trung Quốc, những người muốn kiếm tiền dễ mà không phải lao động vất vả.
Nhiều năm gần đây, trên mạng xã hội ở Trung Quốc đã bùng nổ các trang cá nhân phát video trực tiếp của các cô gái trẻ mong muốn trở thành người nổi tiếng nhanh chóng trên internet. Họ ý thức được thu nhập của họ liên quan trực tiếp đến diện mạo và sự nổi tiếng. Điểm hẹn của thành công trước tiên phải là các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ. Theo thống kê của một hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc, trong năm 2014 có 7 triệu người nhờ đến dao kéo để tân trang lại khuôn mặt. Thị trường này ước tích giá trị khoảng 52 tỷ euro trong năm 2015 và sẽ tăng gấp đôi vào năm 2019. Trung Quốc sẽ trở thành thị trường lớn thứ 3 trong lĩnh vực này, sau Mỹ và Brazil.
Thế nhưng ở Trung Quốc, thị trường này không được quản lý chặt. Cả nước chỉ có 3.000 bệnh viện tư được cấp phép hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ. Trong khi đó vẫn có khoảng từ 50 nghìn đến 100 nghìn salon làm đẹp, không có chuyên môn, giấy phép nhưng vẫn tiến hành các hình thức phẫu thuật thẩm mỹ khác nhau.
Anh Vũ
"Có phải Trump đang bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ ?"
Phóng viên Paul Adams đã đặt câu hỏi như vậy trên trang BBC News khi có tin Tổng thống Mỹ rút ra khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris.
Lãnh đạo Mỹ và Anh tại hội nghị NATO cuối tháng 5. Không rõ ông Trump ngủ gật hay nhắm mắt vì chói nắng
"NATO tạo ra bộ khung cho mối liên hệ mạnh mẽ xuyên Đại Tây Dương nên không thể nào hình dung được NATO không có Hoa Kỳ," Tổng thư ký Liên minh quân sự Jens Stoltenberg nói với đài CNBC.
Điều "không ai dám nghĩ đến sau Thế Chiến 2" là Hoa Kỳ bỏ vai trò lãnh đạo an ninh - quân sự Châu Âu, đã trở thành điều được nói ra công khai.
Các động thái liên tiếp của Tổng thống Donald Trump đang nêu chỉ dấu Hoa Kỳ không coi trọng các cam kết từ nhiều năm qua với những định chế quốc tế.
Với Châu Á, ông cũng bỏ Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP), để cho một nước nhỏ như New Zealand quyết định phê chuẩn một mình và kêu gọi các nước từng cùng đàm phán "đi tiếp" bằng TPP mà không cần Mỹ.
Tỷ phú Donald Trump và con gái Ivanka
Tại Châu Âu, hôm 25/05, ông Trump không cam kết về Điều 5 Hiến chương NATO về "đồng thuận phòng phủ", coi mọi tấn công vào một thành viên là tấn công vào mọi thành viên NATO.
Sau đó, các quan chức Mỹ phải "thanh minh" rằng tổng thống nước họ vẫn mặn mà với NATO nhưng cảm giác đắng ngắt đã có ở đó.
Sau đây là một số ý kiến :
Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia thời Obama :
"Tác động cộng hưởng từ các chính sách của Trump, cộng với quyết định tai hại và ngu dốt về Thỏa thuận Paris, có nghĩa là Hoa Kỳ từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu. Thật xấu hổ !"
G John Ikenberry, Giáo sư chính trị Đại học Princeton :
"Bản năng của Donald Trump là đi ngược lại các ý tưởng là xương sống cho hệ thống quốc tế sau Thế Chiến 2".
HR McMaster, cố vấn an ninh và Gary Cohnin, cố vấn kinh tế cho Tổng thống Mỹ :
"Nước Mỹ trên hết không có nghĩa là nước Mỹ đơn độc (America First does not mean America alone)".
Lính NATO tập trận
Tuy thế, điều chắc chắn là trong con mắt của Donald Trump, thế giới không còn là "cộng đồng toàn cầu" (global community), mà đơn giản là sân khấu của các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, của doanh nghiệp cùng giao lưu nhưng cũng cùng cạnh tranh để giành ưu thế, phóng viên BBC Paul Adams trích thuật các ý kiến.
Angela Merkel, Thủ tướng Đức :
"Người Châu Âu chúng ta nay thực sự cần phải tự quyết định số phận của mình".
"Chúng ta sống trong thời đại bất định toàn cầu...".
David Frum, tác giả nghiên cứu chính trị :
"Hoa Kỳ không còn là nước lãnh đạo các đối tác kính trọng mà trở thành thế lực bất trắc, nguy hiểm trong chính trị quốc tế, và cần được kiềm chế, nhắc nhở bởi một liên minh mới gồm các đồng minh cũ".
Trump bảo hộ mậu dịch : Mỹ cũng bị hại
Courrier International tuần này dành hồ sơ quan trọng với tựa trang bìa cho nước Mỹ : "Toàn cầu hóa : Nước Mỹ rời cuộc chơi". Bên dưới tuần báo ghi nhận là chủ trương bảo hộ mậu dịch của Donald Trump gây xáo trộn thương mại toàn cầu. Courrier International tự hỏi : Phải chăng đó là một mối đe dọa đối với Châu Âu và một cơ may đối với Trung Quốc ?
Donald Trump trong buổi lễ tuyên thệ của bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis, ngày 27/01/2017. REUTERS/Carlos Barria
Ở trang trong tạp chí nói rõ hơn : Với Trump, Hoa Kỳ chơi lá bài yêu nước trên bình diện kinh tế, để thế giới mỗi người tự lo liệu. Khúc quanh này là một mối đe dọa đối với Châu Âu nhưng có thể giúp Trung Quốc xuất khẩu mô hình của mình.
Nhưng trước khi trích dẫn những phân tích về tác động đối với các nước khác, Courrier International trong bài xã luận phân tích hệ quả đối với nước Mỹ.
Dưới tựa đề "Ảo tưởng bảo hộ", tạp chí nhìn thấy nước Mỹ, nước nhập khẩu hàng đầu thế giới và xuất khẩu thứ nhì toàn cầu, sẽ lãnh hậu quả đầu tiên, nếu ông Trump đi đến tận cùng trong dự tính của ông và trở lại truyền thống bảo hộ từ thời Chiến Tranh Nam Bắc đến thời giữa hai Thế Chiến (tức cuộc khủng hoảng đầu những năm 1930). Thời đó thì cũng "Nước Mỹ trước tiên" để bảo vệ mức sống người lao động Mỹ. Ngày nay thì Donald Trump cũng có lập luận tương tự, bảo vệ công việc làm người Mỹ trước mối đe dọa hàng nhập khẩu Trung Quốc.
Theo Courrier International, đây là một lập luận mang tính dân túy và không thực tế. Tuần báo nhắc lại là ngay năm 1930, luật Hawley-Smoor quy định đánh thuế 59% trên hàng nhập đã đẩy mạnh xu thế bảo hộ mậu dịch, nhưng Hoa Kỳ đã thụt lùi trên thương trường quốc tế.
Đối với Courrier International, đây là một bài học cần nghiền ngẫm đối với một quốc gia sẽ mất mát nhiều với một chính sách co cụm. Tại một số thành phố miền Middle West rất lệ thuộc vào xuất khẩu, ví dụ như Colombus-Indiana, một thành phố rất ủng hộ Trump, mà kinh tế dựa hơn 50% vào xuất khẩu, người dân sẽ khám phá hậu quả của chính sách bảo hộ.
Courrier International còn trích dẫn tính toán của báo Anh The Economist, ước tính nếu đánh thuế 35% trên hàng nhập từ Mêhicô và 45% trên hàng nhập từ Trung Quốc và Nhật Bản, thì sức mua của người dân trung bình giảm sụt, và nêu lên con số 11.500 đô la mà mỗi gia đình Mỹ chịu thiệt trong 5 năm, có nghĩa là số 10% gia đình nghèo nhất phải trả một khoản thuế tiêu thụ cao đến 18%.
Ly dị với Mỹ rất khó
Về hệ quả đối với quốc tế, dưới tựa đề "Khó mà ly dị với Mỹ", Courrier International nhìn sang Châu Âu và thấy là Đức sẽ là nạn nhân đầu tiên. Trích dẫn tờ báo Đức Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung, cho biết là các kinh tế gia đều trong tình trạng báo động, không loại trừ khả năng một cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Hiện thời thì chỉ mới nói đến Mêhicô nhưng chính sách bảo hộ sẽ lan ra những nước có thặng dư thương mại với Mỹ và Đức là nước Châu Âu dễ kích động Trump nhất vì xuất sang Mỹ nhiều hơn là nhập từ Mỹ. Và nếu áp dụng chính sách bảo hộ thì Đức sẽ mất 1 triệu công việc làm trong các công ty xuất khẩu. Riêng ngành xe hơi xuất sang Hoa Kỳ sử dụng 200.000 người.
Nhiều người đang tự lên tinh thần : Thì đi tìm khách hàng khác ! Thế nhưng điều này không dễ.
Trung Quốc khéo lợi dụng thời cơ
Trung Quốc dĩ nhiên nằm trong tầm nhắm của ông Trump, nhưng thái độ co cụm của Mỹ đã bị Trung Quốc khai thác. Trích dẫn tờ Minh báo Hồng Kông, bài viết nhắc lại phát biểu của chủ tịch Tập Cận Bình ở Diễn đàn kinh tế thế giới Davos (Thụy Sĩ) ngày 17/01, đã lên tiếng bảo vệ toàn cầu hóa kinh tế, ca ngợi tự do mậu dịch, gây hứng thú, nơi cử tọa vốn lo âu trước hướng đi của tổng thống Mỹ Donald Trump.
Không nêu đích danh tổng thống Mỹ, nhưng ông Tập Cận Bình cho là bảo hộ mậu dịch là tự khép mình trong phòng kín. Phải biết giữ lời hứa, phải tôn trọng luật chơi, không thể chấp nhận hay bãi bỏ tùy hứng. Ông còn hứa "Trung Quốc luôn mở cửa, không bao giờ khép lại".
Trung Quốc đã thông báo một số điều kiện cho các công ty nước ngoài vào Trung Quốc về vốn liếng hay vấn đề niêm yết ở thị trường chứng khoán Trung Quốc. Trung Quốc đã cố cho thấy mình sẵn sàng gánh vác trách nhiệm của một cường quốc.
Trump quả là đã tạo điều kiện cho Tập Cận Bình trên trường quốc tế. Trước một Trump khó lường, một Châu Âu đón làn sóng tỵ nạn ồ ạt và nghèo đi, chủ nghĩa dân túy lan tràn, và đứng bên bờ tan rã, thì ông Tập Cận Bình đề nghị thế giới đi theo mô hình Trung Quốc.
Nhưng tờ Minh Báo cũng nhắc nhở lãnh đạo Trung Quốc là phải hiểu rằng nếu chỉ dựa trên sức mạnh kinh tế, quân sự, thì chưa đủ mà còn phải cho thấy làm cách nào nâng cao khả năng điều hành đất nước trên bình diện đổi mới định chế, tỏ sự bao dung đối với con người.
Pháp : Fillon là Tartuffe, một "ngụy quân tử" phương Tây ?
Ngoại trừ Courrier International – nhìn sang nước Mỹ hay Le Point – dành tựa trang bìa cho nhà văn "bất khuất" Kamel Daoud người Algeria - các tạp chí đều chú trọng đến ứng viên tổng thống cánh hữu Pháp, François Fillon, bị cuốn vào trong vụ tai tiếng tiền nong và việc làm giả.
Mỗi báo mỗi vẻ, đánh giá sự kiện và tìm hiểu những gì xẩy ra chung quanh và trong hậu trường, với câu hỏi là liệu cánh hữu có thể tìm được "kế hoạch B'' thay thế người được cử tri cánh hữu chọn hay không. Đa số có cái nhìn khá chỉ trích về ông Fillon.
Nổi bật nhất là tuần báo L’Obs, thiên tả, trên trang bìa gọi ông Fillon là "Tartuffe Fillon". Tartuffe là nhân vật biểu tượng của một kẻ ngụy quân tử đạo đức giả trong tác phẩm của nhà biên kịch cổ điển Pháp Molière. Tạp chí cũng nhắc lại ở trang trong là nhiều người, trong đó có cựu tổng thống Sarkozy, từng gọi ông Fillon là kẻ gian xảo.
L’Obs quả là không ưa thích ông Fillon, mô tả ông như là một người thích xa hoa, mặc những bộ quần áo đến hơn 8000 euro, mê xe hơi cho dù ông chỉ có một chiếc Toyota và một Peugeot mua cách đây 15 năm. Ông có một công ty cố vấn tài chính, môi trường, vấn đề là tên tuổi khách hàng của ông… rất khó tìm.
Đối với báo giới Pháp, một người như thế làm sao có thể kêu gọi người dân chịu khó chịu khổ. Mỗi khi ông nói hay làm điều gì chắc chắn sẽ bị chất vấn. Chẳng hạn như ông không thể giảm biên chế công chức, nói đến tinh thần liên đới mà không bị hỏi ngay là vợ của ông trong nhiều năm đã hưởng trợ cấp hậu hĩnh.
L’Express nói đến "những ngày nghiệt ngã", và nhân dịp này mở rộng chủ đề tìm hiểu những đặc quyền, đặc lợi đối với các nghị sĩ mà theo tạp chí "nên bỏ đi", nhất là khi họ luôn vắng mặt ở nghị trường.
Trong diễn các biến hiện nay, L’Express ghi nhận thái độ nghi kỵ của ứng viên Fillon đối với truyền thông, bị ông chỉ trích là đã bới móc.
Tạp chí đã đặt câu hỏi với chuyên gia về truyền thông Marcel Gauchet. Chuyên gia này công nhận là truyền thông từ vai trò đối trọng cần thiết trong một nền dân chủ, nay đã bị tố cáo là chống quyền lực, tức là cản trở việc thi hành quyền lực, vì muốn tìm hiểu những gì diễn ra ở hậu trường và những mục tiêu thực sự của các chính khách.
Theo ông Gauchet, trong hồ sơ Fillon, truyền thông cũng chỉ làm một nửa công việc của mình, và độc giả cũng như khán giả vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn. Người ta cũng muốn biết ai đứng sau vụ tiết lộ về Fillon.
Dân Hàn Quốc muốn chấm dứt chế độ "con vua vẫn làm vua"
Về Châu Á, Courrier International quan tâm đến Hàn Quốc, năm nay, 2017, mừng 30 năm dân chủ hóa, nhưng với cái nhìn không mấy lạc quan. Dưới tựa đề "Chấm dứt với chế độ tài phiệt gia đình trị", tạp chí ghi nhận : Người Hàn Quốc nhận thấy một cách phẫn nộ là nền dân chủ mà họ giành được qua đấu tranh đã dần dà biến thái thành một chế độ "quý tộc" gia đình trị.
Courrier trích bài viết trên của một nhà nghiên cứu Chung Sok-jun trên báo Pressian, Seoul, Hàn Quốc, phân tích là những cuộc biểu tình phản đối diễn ra ồ ạt từ tháng 11/2016, có mục tiêu chính là phế truất tổng thống Park Geun-hye, tập hợp những người từ mọi tầng lớp và không hẳn cùng quan điểm trên mọi vấn đề như lương tối thiếu hay lá chắn chống tên lửa. Và trên nguyên tắc, thì cuộc tập hợp này kết thúc lúc tòa Bảo Hiến thông qua việc phế truất tổng thống.
Nhưng theo tác giả bài viết, điều này không thể xẩy ra. Sự huy động đông đảo người có khi lên đến cả triệu, bắt nguồn từ việc người dân ý thức họ đang đứng trước một cuộc khủng hoảng, lo ngại nền dân chủ mà họ giành được cách đây 30 năm, vào tháng 6/1987, tụt hậu và trở nên một chế độ quý tộc cha truyền con nối.
Dĩ nhiên Hàn Quốc không còn là chế độ độc tài của Park Chung Hee, cha của bà Park Geun-hye hay của Chun Doo-hwan, nhưng người xuống đường tức giận khi thấy đất nước trong tay một số gia đình.
Bài viết nêu ví dụ vụ xì căng đan lạm quyền của quân sư Choi Soon-sil nằm trong giới quyền thế, thân cận với bà Park Geun-hye từ đời cha, Choi Tae-min, rồi đến chị em, cháu và con của bà, Chung Yoo-ra mà qua những tiết lộ cho thấy đang chuẩn bị "nối nghiệp''. Dĩ nhiên bà Choi không phải trường hợp duy nhất, nhưng là điểm bị phơi ra ánh sáng một thực tế. Theo bài viết, những người như bà Choi nắm quyền lực rất lớn, người ta càng ủng hộ tổng thống Park, thì quyền lực bà Choi càng lớn.
Liếc nhìn sang lãnh vực kinh tế với các đại tập đoàn Chaebol, thì cũng là hiện tượng cha truyền con nối gia đình trị, như trong vụ Samsung, mà vụ tai tiếng về bà Choi đã rọi sáng.
Bài viết cho là ai cũng biết là các đại tập đoàn công nghiệp vốn như thế, và người ta đã đành chấp nhận. Nhưng một lần nữa chế độ này bị soi rọi với mối lo ngại là cả nước rơi vào tay ‘các người thừa kế’, thế hệ thứ 3, như Lee Jae-yong của Samsung dính vào vụ tai tiếng Choi, là cốt lõi của của nhóm quý tộc mà bà Park Geun-hye là biểu tượng.
Trong bối cảnh này, thế hệ giành được dân chủ, nay vào tuổi hơn 50, đã trở lại biểu tình ồ ạt thời gian qua.
Ngành dễ tìm việc ở Pháp : kỹ thuật số, y tế, kỹ sư, kế toán
Trở lại với nước Pháp, tạp chí L’Obs tuần này dành nguyên một ‘hồ sơ đặc biệt về bằng cấp’ lược qua những lãnh vực bảo đảm tìm được việc làm : kỹ thuật số, y tế, kỹ sư, kế toán. Nhưng hãy thận trọng với các ngành báo chí, in ấn và dịch thuật, việc làm khó khăn hơn nhiều.
Mai Vân
Châu Á giữa ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc. Ảnh minh họa.
Trong những năm gần đây, chiến lược "xoay trục" sang Châu Á vẫn là trụ cột chủ yếu trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, nhằm một mặt củng cố hoặc phát triển các liên minh với các nước trong khu vực, mặt khác kềm chế sự bành trướng của Trung Quốc.
Nhưng những quan điểm mang tính biệt lập chủ nghĩa của tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang đặt ra nhiều câu hỏi về định hướng địa chính trị từ Washington trong tương lai, với mối quan ngại là chủ nghĩa biệt lập này có thể giúp Trung Quốc thống trị vùng Đông Nam Á.
Đó là nhận định chung ông Yigal Chazan, một nhà phân tích thuộc công ty tư vấn Alaco, Luân Đôn, trong một bài viết đăng ngày 19/01/2017 trên trang mạng của tuần báo Mỹ Newsweek. Dưới thời tổng thống Obama, Hoa Kỳ đã thiết lập đối tác chiến lược với Việt Nam và Indonesia, yểm trợ hiệp hội ASEAN, gia tăng đầu tư vào khu vực, với đầu tư ngoại quốc trực tiếp tăng gần gấp đôi từ năm 2013 đến 2015 lên tới 13,6 tỷ đôla. Cũng chính ông Obama đã thúc đẩy việc thành lập một vùng tự do mậu dịch rộng lớn, thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, quy tụ 12 quốc gia, nhưng không bao gồm Trung Quốc.
Trong thời gian đó, Trung Quốc cũng đã gia tăng đầu tư vào khu vực nhằm đối lại chiến lược của Mỹ. Theo một bản tin của hãng Bloomberg tháng 12/2016, đầu tư ngoại quốc trực tiếp của Trung Quốc vào sáu nền kinh tế lớn nhất của ASEAN được dự báo sẽ lên tới 16 tỷ đôla trong năm qua và Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn ở các nước như Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Nhưng Bắc Kinh cũng không quên gia tăng đầu tư vào các nước nhỏ như Cam Bốt, Lào và Miến Điện, chủ yếu trong các dự án cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ 3 nước này cũng đã tăng hơn gấp đôi trong 5 năm qua.
Cho dù chưa lên nhậm chức tổng thống Mỹ, Donald Trump đã gây phản ứng giận dữ từ phía Bắc Kinh khi ông tố cáo Bắc Kinh thao túng tiền tệ, đánh thuế hàng Mỹ quá cao, lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và nhất là ông đã không tuân thủ chính sách "một nước Trung Hoa duy nhất", khi điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Ngược lại vị tổng thống - tỷ phú của Mỹ cũng đã tuyên bố là ngay trong ngày đầu tiên ở Nhà Trắng sẽ ra quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định TPP, một hiệp định mà ông cho sẽ là một "thảm họa" cho nước Mỹ. Ông Trump tuyên bố sẽ chỉ thương lượng những hiệp định tự do mậu dịch nào "mang trở lại việc làm và công nghiệp cho nước Mỹ". Bắc Kinh vẫn xem hiệp định TTP là một nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm ngăn chận Trung Quốc nắm vai trò quyết định trong thương mại thế giới, cho nên dĩ nhiên là họ rất vui mừng trước viễn cảnh hiệp định TPP bị "khai tử"
Hiện giờ chưa biết là tân tổng thống Mỹ có sẽ thực hiện việc "xóa sổ" TTP hay không, nhưng những tuyên bố của ông Trump đã gây lo ngại cho nhiều nước Châu Á, không biết là Washington có sẽ tiếp tục "xoay trục" sang Châu Á-Thái Bình Dương hay không.
Việc TPP bị "thủ tiêu" sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc thúc đẩy dự án tự do mậu dịch của họ Regional Comprehensive Economic Partnership -RCEP (Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực), nhằm kéo các nước Châu Á vào quỹ đạo của Bắc Kinh.
Trong những tháng gần đây, có lẽ cảm thấy rằng Hoa Kỳ sẽ không còn yểm trợ mạnh mẽ Đông Nam Á nữa, nên Bắc Kinh đã tìm cách tăng cường quan hệ với các quốc gia chủ chốt trong khu vực, như Thái Lan, Malaysia, Philippines.
Tuy nhiên, do là những đồng minh lâu đời của Mỹ ở Châu Á, nhất là Thái Lan và Philippines, các nước nói trên chắc là sẽ không hoàn toàn ngả vào tay Trung Quốc, mà có thể là họ đang cân bằng lại quan hệ với hai cường quốc hàng đầu thế giới. Mặt khác, cho dù có quan điểm bảo hộ mậu dịch, tân tổng thống Trump chắc là sẽ không quay lưng lại với Châu Á một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất.
Thanh Phương
Khẩu hiệu của Donald Trump khi ra tranh cử là "Make America Great Again" (Hãy làm cho Mỹ vĩ đại trở lại), nhưng các nhà quan sát nhận thấy rằng Donald Trump đang thu nhỏ nước Mỹ lại ở bên trong cũng như bên ngoài. Ở trong nước, ông đang lập "Câu lạc bộ tỷ phú" (Billionaires’ Clup), còn ở bên ngoài ông chỉ chơi trò "thọc gậy bánh xe" hay làm "kỳ đà cản mũi", chứ chẳng có sách lược gì.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump
Trên ABC News, dưới đầu đề "Liên bang Nga, Trung Quốc, ISIS : Trump sẽ phải đối phó với những thách thức đối ngoại", bình luận gia Bill Neely đã nói với Donald Trump rằng "Nước Mỹ vẫn là cường quốc kinh tế và quân sự quan trọng nhất thế giới", tức không cần làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại ; vấn đề là "một Trung Quốc trỗi dậy và Nga đang quyết tâm điều chỉnh lại các quyền lực đã chỉ đạo thế giới từ 1945". Nhưng ngoài những trò thọc gậy bánh xe vớ vẩn, Trump chưa cho thấy chính phủ ông đã có một kế hoạch nào có hiệu quả để đối phó. Và Bill Neely đã đặt câu hỏi : "Nước Mỹ còn có trách nhiệm toàn cầu không ?" (Does the U.S. still have global responsibilities ?).
Câu lạc bộ tỷ phú, triệu phú
Ký giả Ryan của CNN loan báo Tổng thống đắc cử Donald Trump đang căng đầy nội các của ông với các triệu phú và tỷ phú, còn William D. Cohan báo động : "Vấn đề lớn đối với Nội các của Trump căng đầy tỷ phú : Quả thật, điều hành một đất nước chắc chắn không giống như điều hành một doanh nghiệp" (Actually, running a country isn’t exactly like running a business).
1. Câu lạc bộ tỷ phú
Số lượng tỷ phú trong chính quyền mới của Trump sắp tới nhiều chưa từng có trong lịch sử chính trị của nước Mỹ. Vì thế, Nội các của Trump được báo chí Mỹ coi như là "Câu lạc bộ tỷ phú" (Billionaires’ Club).
Ông Harold Hamm được đặt ở vị trí Bộ trưởng Năng lượng là giám đốc điều hành tập đoàn dầu mỏ Continental, sở hữu khối tài sản khoảng 15 tỷ USD. Bà Betsy DeVos, người đồng thừa kế cùng chồng khối tài sản lên đến 5,4 tỷ USD, làm Bộ trưởng Giáo dục. Wilbur Ross, 78 tuổi, doanh nhân được mệnh danh "vua phá sản" của phố Wall, đang nắm trong tay số tài sản trị giá 2,9 tỷ USD, được chọn làm Bộ trưởng Thương mại. Ông Todd Ricketts, người đứng đầu chuỗi câu lạc bộ Chicago Clubs, có số tài sản khoảng 1,7 tỷ USD, được chọn làm Thứ trưởng Thương mại.
Bà Betsy DeVos, người có tài sản lên đến 5,4 tỷ USD, làm Bộ trưởng Giáo dục.
Ông Steven Mnuchin, cựu giám đốc điều hành tập đoàn Goldman Sachs, có tài sản khoảng 46 triệu USD, làm Bộ trưởng Tài chính. Bác sĩ giải phẫu thần kinh nghỉ hưu Ben Carson, cũng có 26 triệu USD trong tài khoản ngân hàng, làm Bộ trưởng Gia cư và Phát triển đô thị.
Bà Ivana, vợ cũ của Donald Trump
Bà Ivana, vợ cũ của Donald Trump, một cựu người mẫu, lại muốn đi làm đại sứ Cộng hòa Czech. Bà nói với New York Post hôm 13/11/2016: "Tôi sẽ đề nghị ông ấy cho tôi làm đại sứ Cộng hòa Czech. Lý do bởi đó là nơi tôi sinh ra, tôi thông thạo ngôn ngữ ở đây và được mọi người biết đến. Tôi nổi tiếng khắp thế giới…". Bà ca tụng Trump : "Ông ấy có vẻ bề ngoài như một tổng thống, nói chuyện như một tổng thống và sẽ làm được những thay đổi như ông đã hứa".
Trong khi đó, báo chí Mỹ đã tập hợp những lời tuyên bố ngây ngô và hớ hên của Donald Trump trong thời kỳ tranh cử và hiện nay để giúp đọc giả mua vui ! Nhật báo Le Monde của Pháp dưới tiêu đề "Trump và ngoại giao Twitter", đã đặt câu hỏi : Tới đây "liệu nước Mỹ có cần phải làm quen với một cách thức lãnh đạo mới, lãnh đạo bằng Twitter ?".
2. Chỉ là tỷ phú cắc ké !
Tạp chí Politico làm một bài tính rất thú vị, nếu tất cả những tên tuổi này đều được chọn vào nội các mới, tổng trị giá tài sản của họ và Trump gộp lại sẽ ước vào khoảng 35 tỷ USD.
Giáo sư chính trị học Larry Sabato thuộc Đại học Virginia nhận định : "Bất chấp đường lối tranh cử hướng tới tầng lớp trung lưu da trắng và chống lại giới tinh hoa Mỹ, ông Trump vẫn muốn lựa chọn nhiều người giàu có vào nội các sắp tới. Bởi một tỷ phú luôn có xu hướng thích cộng tác với những tỷ phú".
Một phần không nhỏ những thành viên trong Nội các của Donald Trump là tỷ phú
Tuy nhiên, dù lập được một Câu lạc bộ tỷ phú, các thành viên của câu lạc bộ này, kể cả Donald Trump, với tổng số tài sản 35 tỷ USD cũng chỉ là những tỷ phú cắc ké so với các đại tỷ phú của nước Mỹ. Thí dụ : Steady Bill Gates 81,7 tỷ USD, Jeff Bezos 72 tỷ USD (Amazon.com), Warren Buffett 66,4 tỷ USD (Berkshire Hathaway), Mark Zuckerberg 55,3 tỷ USD (Facebook), v.v. Còn nếu so tài sản tập đoàn Trump Organization với những công ty khác thì phải nói tài sản của tập đoàn Trump (chưa tới 10 tỷ USD) quá nhỏ, chẳng hạn như Apple 581,8 tỷ USD, Alphabet 536,4 tỷ USD, Microsoft 468,2 tỷ USD, Berkshire Hathaway 395,2 tỷ USD, Exxon Mobil 362,8 tỷ USD, Amazon.com 360,8 tỷ USD, Facebook 338,5 tỷ USD, v.v.
Các đại tỷ phú đang ngồi nhìn bọn tỷ phú cắc ké múa rối.
Cả thế giới đang chờ xem
Hiện nay, Donald Trump đã gọi điện thoại cho một số nhà lãnh đạo trên thế giới để giải thích đường lối của ông, nhưng chẳng ai quan tâm vì hai lý do :
Lý do thứ nhất, những điều ông nói chỉ là những chuyện lặt vặt không đầu không đuôi, không phải là chính sách của một chính phủ đã được hệ thống hóa.
Lý do thứ hai, Donald Trump là người bất nhất, sáng khác chiều khác, nên chẳng ai quan tâm làm gì. Tất cả đang chờ xem và ai cũng tính đường tiến thoái riêng của mình.
1. Angela Merkel "lãnh đạo thế giới tự do"
Hôm 30/11/2016, Ủy ban Châu Âu công bố kế hoạch hành động trong lĩnh vực quốc phòng trong đó có việc thành lập một quỹ chung nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu về quốc phòng và cùng sử dụng các thiết bị quân sự. Ủy ban kêu gọi các nước thành viên hãy phối hợp, cùng nhau mua các thiết bị quân sự, qua đó giúp phát triển các ngành công nghiệp quy mô. Mục tiêu của Châu Âu là có được sự tự chủ chiến lược về an ninh và quốc phòng, vào lúc nước Nga ngày càng trở nên đáng gờm hơn, và cam kết của Hoa Kỳ bảo vệ Châu Âu dường như không còn chắc chắn rõ ràng như trước nữa.
Như vậy Châu Âu phải có biện pháp dự phòng khi Donald Trump nói ngược nói xuôi.
Tờ New York Times nhận định rằng với việc Trump đắc cử tổng thống Mỹ, bà Angela Merkel trở thành "người cuối cùng bảo vệ các giá trị nhân bản của phương Tây". Từ nay bà sẽ thay thế Hoa Kỳ lãnh đạo "Thế Giới Tự Do". Còn nhật báo cánh tả của Đức Die Tageszeitung cho rằng vai trò của Thủ tướng Đức sẽ ngày càng quan trọng, vì bà phải làm sao duy trì sự gắn kết của khối Liên Hiệp Châu Âu, vừa đối phó với Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, vừa phải kềm chế Donald Trump. Ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký khối Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã cảnh cáo tổng thống đắc cử Trump rằng đơn độc không phải là phương án cho Châu Âu và Mỹ.
Sự kiện Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ rõ ràng không nằm trong kịch bản đối ngoại của nhiều nước. Vì vậy, ngay sau khi Trump đắc cử, nhiều nước đã phải họp khẩn cấp để đưa ra chính sách đối với tình hình mới của thế giới, kể cả Mỹ. Chẳng nước nào coi Trump ra gì.
2. APEC sắp tan rã ?
Ngày 18/11/2016, lãnh đạo 21 quốc gia thành viên Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) họp ở Lima, Peru, đã chia tay Tổng thống Obama. APEC với 21 quốc gia bao gồm 40% dân số toàn cầu và bảo đảm 60% tổng số trao đổi mậu dịch của thế giới sẽ đi về đâu khi Donald Trump lên làm tổng thống ?
Bắc Kinh bị gạt ra ngoài hiệp định tự do mậu dịch TPP, giờ đây là thời điểm thuận lợi để Bắc Kinh lôi kéo các đồng minh của Mỹ về phía mình. Trung Quốc đề nghị đẩy mạnh dự án Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực (RCEP) trong đó không có Hoa Kỳ. Bộ trưởng Thương Mại Úc là Steven Ciobo tuyên bố coi "đề nghị của Bắc Kinh là một ý kiến thú vị" !
Trung Quốc lưu ý rằng chỉ có thị trường Trung Quốc rộng lớn, đầy tiềm năng mới là đối thủ cạnh tranh với Hoa Kỳ. Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski của Peru nói đến một TPP mới với Nga và Trung Quốc là đầu tàu sẽ thay thế TPP của Hoa Kỳ đang chết yểu.
Việt Nam và Cuba là hai nước đang đu dây giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ. Nếu Donald Trump có trở mặt hay bắt nạt, hai nước này vẫn còn có Nga và Trung Quốc đứng đàng sau. Cuba có thể trả đũa bằng cách tuyên bố cho Trung Quốc đặt căn cứ tàu ngầm ở Cuba chẳng hạn.
Nga và Trung Quốc đều vui khi Donald Trump lên làm tổng thống, vì chiến tranh lạnh mà ông Obama đã phát động trong 4 năm qua bằng cách bắt NATO phải đối đầu với Nga, còn Nhật, Úc, Phi và Việt Nam phải đối đầu với Trung Quốc để Mỹ bán vũ khí, nay sẽ không còn. Nga và Trung Quốc sẽ dễ dàng mở rộng quan hệ về quân sự cũng như mậu dịch trong vùng.
Bloomberg News nhận định : "Donald Trump tạo ra lỗ hổng lớn trong thương mại toàn cầu, Nga - Trung - Nhật sẽ là người đi vá lỗ hổng ấy !" và "Donald Trump mở cánh cửa rước Trung Quốc vào ‘sân sau’?
3. Bỏ rơi những đứa con ở Trung Đông
Đầu tháng 9 năm 2016, với sự yểm trợ của Nga, quân của chính phủ Assad đã mở cuộc tấn công vào phía đông Aleppo, nơi các đứa con của Mỹ đang chiếm giữ, để cắt đứt thông lộ tiếp tế cho phiến quân từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Syria, đi dọc theo phía đông sông Euphrates. Mỹ đã làm mọi cách nhưng không chận đứng được. Khi thấy Aleppo sắp mất, Mỹ yểm trợ quân Iraq đánh vào Mosul để khai thông con đường thứ hai đi từ Iraq qua Thổ Nhĩ Kỳ dọc theo con sông Tigris. Khi việc khai thông chưa thành thì Donald Trump thắng cử. Vì biết Donald Trump có thể sẽ không tiếp tục kế hoạch "Một Trung Đông Mới" của Mỹ, Obama đành bỏ rơi các đứa con của mình với một kế hoạch đang dang dở.
Trong khi người Việt đấu tranh đang phấn khởi ngồi chở Donald Trump đánh Trung Quốc thì hôm 6/12/2016, Donald Trump tuyên bố "sẽ ngưng tìm cách lật đổ các chế độ nước ngoài mà Mỹ không biết gì về họ cũng như không có liên can gì với họ", và hứa sẽ tập trung vào cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Như vậy nước Mỹ đang bị thu nhỏ lại.
Cựu cố vấn an ninh Tòa Bạch Ốc Zbigniew Brzezinski đã đưa ra lời khuyên với Trump : Cẩn thận với các tuyên bố công khai và thể hiện rõ ràng hơn những cam kết của Mỹ trên toàn thế giới nên được xếp ở vị trí ưu tiên trong danh sách việc tổng thống tiếp theo cần làm". Nhưng Donald Trump chẳng hiểu gì.
Đặt cái cày trước con trâu
Khi muốn thực hiện một công trình gì, công việc đầu tiên là cho các chuyên gia nghiên cứu xem nếu công trình đó được thực hiện sẽ đem lại những lợi ích thực tế như thế nào, nó sẽ được thực hiện ra sao, những trở ngại sẽ gặp, số chi phí cần có để thực hiện, v.v. Nhưng Donald Trump không biết hay không tôn trọng tiến trình hành động theo khoa học đó. Thích cái gì là tuyên bố sẽ làm, chẳng cần biết có làm được hay không và kết quả sẽ như thế nào. Ngay cả những vấn đề có liên quan đến pháp lý, ông cũng chẳng cần biết luật pháp đã quy định như thế nào. Coi "miệng tao là luật", Trump tuyên bố sẽ truy tố bà Clinton, bắt giam những kẻ đốt cờ Mỹ, v.v.
Đúng như tờ New York Times và tạp chí Business Insider đã tiên đoán, ông ta sẽ coi nước Mỹ này như Trump’s Business Organization của ông, ở đó ông vẫn tiếp tục dùng cảm tính và tiểu xảo để lãnh đạo, không cần quan tâm đến luật pháp và cơ chế chính trị của nước Mỹ. Thế mà có "bình luận gia" đã dám lên truyền hình nói đó là "phương thức đổi mới" của Trump !
Với lối quản trị như vậy trong quá khứ, ông ta đã gây ra 4.095 vụ kiện (lawsuites), trong đó có 150 vụ khai phá sản. Mới đây ông đã phải bồi thường cho các sinh viên Trump University 25 triệu USD về tội lường gạt. Hiện nay công ty của ông đang phải đối phó với khoảng 75 vụ kiện lừa đảo nữa. Liệu ông có thể điều khiển nước Mỹ và thế giới như điều khiển tập đoàn Trump Organization được không ?
Trong cuộc phỏng vấn của đài RFI ngày 10/11/2016, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc trường đại học George Mason ở Virginia đã nói rằng điều làm người ta lo ngại là (1) sự thiếu hiểu biết và kinh nghiệm của ông Trump về những vấn đề thế giới phức tạp ; (2) tính nóng nẩy, hiếu thắng, và độc tôn của ông không thích hợp với những tình huống phức tạp, tế nhị, và đòi hỏi sự tự chế.
Có lẽ người viết nhiều bài nhất để khuyến cáo Donald Trump về chính sách đối ngoại là Joseph S. Nye, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng và chủ tịch Hội đồng Tình báo quốc gia Hoa Kỳ, Giáo sư tại Đại học Harvard. Từ "Những thách thức đối ngoại của Donald Trump", "Mỹ nắm bá quyền hay chỉ chiếm ưu thế ?", "Mỹ-Trung nên tránh xung đột ở Biển Đông", "Thách thức từ sự suy thoái của Nga"… đến "Nếu để chiến tranh lạnh xảy ra cả Nga lẫn Mỹ không bên nào có lợi cả", ông Nye đã phân tích rất sâu sắc và chính xác những gì đang xảy ra và Mỹ phải đối phó như thế nào. Nhưng Donald Trump chẳng đọc những bài đó và nếu có đọc cũng chẳng hiểu, mặc dầu đây là những chỉ dẫn làm cho nước Mỹ đứng vững và tiến lên trong thế kỷ 21.
Vấn đề bây giờ không phải là diều hâu hay bồ câu. Jonathan Marcus, phóng viên ngoại giao của BBC đã viết : "Cái chúng ta đang tìm kiếm là một sự thông hiểu chiến lược với Moscow về cách đem lại sự ổn định toàn cầu, sự ổn định trên khắp Châu Âu giữa Nga và Mỹ. Và vì vậy, sự ổn định căn bản của thế giới được đặt trên một cơ sở vững chắc hơn so với trước đây".
Jonathan Marcus lưu ý : Thời kỳ đơn cực của nước Mỹ "là rất ngắn ngủi và giờ đã kết thúc".
Giống Nguyễn Văn Thiệu
Khi viện trợ Mỹ cho Việt Nam Cộng Hòa bị cắt giảm, Tổng thống Thiệu ra lệnh cho Tướng Đặng Văn Quang hợp với Tướng du kích Ted Seron của Úc soạn thảo kế hoạch rút Quân Đoàn 1 và Quân Đoàn 2 về đóng ở phòng tuyến Tuy Hòa kéo dài đến Tây Ninh. Kế hoạch này khi đem ra thăm dò ý kiến thì không chuyên gia nào tin rằng có thể thi hành được vì hai lý do : Lý do thứ nhất là tại Tuy Hòa không có phòng tuyến tự nhiên kéo dài đến Tây Ninh nên không thể lập phòng tuyến ở đó được. Lý do thứ hai là muốn rút quân phải có một hiệp ước với Bắc Việt như hiệp định Genève 1954. Không có một hiệp ước như vậy không thể rút quân được. Nhưng ông Thiệu vẫn làm và Miền Nam đã mất trong chỉ 40 ngày.
Donald Trump rồi cũng sẽ làm theo ý riêng của mình bấp chấp khuyến cáo của các chuyên gia như cố Tổng thống Thiệu, tức suy nghĩ và hành động theo cảm tính. Nhưng nước Mỹ sẽ không thể sụp đổ được vì nước Mỹ có một đội ngũ chuyên gia đầy đủ kinh nghiệm và có một hệ thống siêu quyền lực đứng đàng sau lãnh đạo. Nếu có chuyện gì xảy ra thì Donald Trump sẽ ra đi, còn nước Mỹ vẫn đứng vững như bàn thạch.
Biểu tình phản đối Donald Trump không phải Tổng thống của tôi
Trong một email gửi ngày 17/06/2016 cho Emily Miller, phóng viên và cựu trợ lý của ông Trump, tướng 4 sao Colin Luther Colin Powell, cựu Ngoại trưởng Mỹ, đã mô tả Donald Trump như là một "xấu hổ quốc gia" và "hạ đẳng quốc tế" (as a "national shame" and "pariah internationally"). Ông nói rằng "Trump bước vào giai đoạn "tự hủy hoại" (Trump entered the "self-destructive" phase).
Trang bìa tạp chí Time số tháng 12/2016
Donald Trump vừa được tạp chí Time số tháng 12/2016 bầu làm "Nhân vật của Năm" (Person of the Year). Tấm hình ông được in ở trang bìa với lời ghi : "Donald Trump - President of the Divided States of America" (Donald Trump – Tổng thống của nước Mỹ bị chia rẽ).
Ngày 8/12/2016
Lữ Giang
Phần lớn những thành viên trong Nội các của Donald Trump đều là tỷ phú
Báo Trung Quốc : Bắc Kinh sẽ ‘trả đũa’ nếu ông Trump không tôn trọng chính sách một Trung Quốc (VOA, 09/01/2017)
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trên đường thăm các nước Nam Mỹ
Hoàn Cầu Thời Báo của nhà nước Trung Quốc cảnh báo Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump rằng Bắc Kinh sẽ "trả đũa" nếu ông không tôn trọng chính sách một Trung Quốc. Lời cảnh báo được đưa ra chỉ vài giờ sau cuộc dừng chân gây tranh cãi của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ở Houston, Mỹ.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã gặp gỡ các nhà lập pháp cấp cao của đảng Cộng hòa Mỹ trong chặng dừng ở thành phố Houston hôm Chủ nhật trong chuyến đi tới Trung Mỹ, nơi bà sẽ đến thăm Honduras, Nicaragua, Guatemala và El Salvador. Bà Thái cũng sẽ dừng chân ở San Francisco, Mỹ, vào ngày 13 tháng 1 khi quay trở về Đài Loan.
Trung Quốc đã yêu cầu Hoa Kỳ không cho phép bà Thái nhập cảnh hoặc có các cuộc gặp chính thức ở cấp độ quốc gia, theo chính sách một Trung Quốc.
Bắc Kinh lâu nay xem Đài Loan là một tỉnh phản loạn của Trung Quốc và Ðài Loan không đủ tiêu chuẩn để thiết lập quan hệ nhà nước với nhà nước. Đây là một vấn đề nhạy cảm đối với Trung Quốc.
Một bức ảnh đăng trên trang Tweeter của Thống đốc bang Texas Greg Abbott cho thấy trong cuộc họp của ông với bà Thái có cờ Mỹ, cờ của bang Texas và cờ của Đài Loan trên bàn họp. Hôm thứ Hai, văn phòng của bà Thái cho biết bà cũng đã nói chuyện điện thoại với Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, người đứng đầu Ủy ban Thượng viện đầy quyền lực phụ trách về vấn đề vũ trang. Bà Thái cũng đã gặp gỡ Thượng nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas.
Bài xã luận trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 8/1 khuyến cáo :
"Việc tôn trọng nguyên tắc (một Trung Quốc) không phải là một yêu cầu bất thường của Trung Quốc đối với các tổng thống Mỹ, nhưng nghĩa vụ của các tổng thống Mỹ là duy trì mối quan hệ Mỹ - Trung và tôn trọng trật tự hiện hữu ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương".
Tờ báo Trung Quốc cảnh báo thêm rằng "Nếu ông Trump từ bỏ chính sách một Trung Quốc sau khi nhậm chức, người dân Trung Quốc sẽ yêu cầu chính phủ trả đũa. Không có sự thương lượng".
Hồi tháng trước, Bắc Kinh đã giận dữ phản đối ông Trump về việc nhận cuộc gọi điện thoại chúc mừng của bà Thái Anh Văn và đặt nghi vấn về cam kết của Hoa Kỳ đối với quan điểm của Bắc Kinh là Đài Loan thuộc về Trung Quốc.
********************
Tổng thống Đài Loan gặp chính khách Mỹ, Trung Quốc giận dữ (RFI, 09/01/2017)
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (giữa) tại phi trường Taoyuan ngày 7/01/2017, khi lên đương công du Trung Mỹ và quá cảnh Hoa Kỳ.
Bắc Kinh hôm nay, 09/01/2016 đã lên tiếng "kiên quyết phản đối" cuộc tiếp xúc giữa tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz tại Houston, tiểu bang Texas (Hoa Kỳ) hôm 08/01 vừa qua. Cuộc gặp được tổ chức nhân dịp tổng thống Đài Loan quá cảnh nước Mỹ trên đường công du một số quốc gia Châu Mỹ La Tinh. Trung Quốc cũng bật đèn xanh cho báo chí đe dọa "trả thù" Washington và Đài Bắc.
Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng xác định : "Chúng tôi cực lực phản đối lãnh đạo Đài Loan viện cớ quá cảnh để tiếp xúc với các quan chức Mỹ, và âm mưu phá hoại quan hệ Trung-Mỹ". Phát ngôn viên này đồng thời kêu gọi Mỹ tuân thủ chính sách một nước Trung Hoa và "thận trọng xử lý" các vấn đề liên quan đến Đài Loan.
Trước đó, trong một bản thông cáo, thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz, cựu ứng viên tổng thống đảng Cộng Hòa đã bị thua ông Donald Trump trong vòng bầu cử sơ bộ, cho biết là ông đã gặp bà Thái Anh Văn ở thành phố Houston vào cuối tuần qua, và hai bên đã thảo luận về các thương vụ vũ khí, trao đổi ngoại giao và quan hệ kinh tế.
Thượng nghị sĩ bang Texas còn tiết lộ việc Bắc Kinh gây sức ép đối với ông để không tiếp xúc với nữ tổng thống Đài Loan. Trên vấn đề này, ông Ted Cruz nói thẳng : "Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa cần phải hiểu rằng ở Mỹ, chính chúng tôi là người tự quyết định về việc đón tiếp và gặp gỡ khách của mình".
Ông nói tiếp : "Người Trung Quốc đâu có cho Mỹ quyền phủ quyết đối với những người mà họ gặp. Chúng tôi sẽ tiếp tục gặp bất cứ ai, kể cả người Đài Loan, nếu như chúng tôi thấy phù hợp".
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã quá cảnh Houston hôm 08/01 trên đường đi thăm Honduras, Nicaragua, Guatemala và El Salvador, các nước vùng Châu Mỹ La Tinh đã công nhận Đài Loan là quốc gia độc lập. Ngay trước lúc lãnh đạo Đài Loan lên đường, Bắc Kinh đã liên tiếp đòi Mỹ phải cấm cửa, không cho lãnh đạo Đài Loan quá cảnh, điều đã bị Hoa Kỳ bác bỏ.
Dĩ nhiên là ngoài việc lên tiếng phản đối về mặt ngoại giao, Bắc Kinh đã bật đèn xanh cho báo chí đả kích Mỹ và Đài Loan.
Theo hãng tin Pháp AFP, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã lên tiếng dọa Mỹ rằng Bắc Kinh đã "chuẩn bị đầy đủ" cho việc phá vỡ quan hệ với Hoa Kỳ, nếu ông Trump từ bỏ chính sách một nước Trung Hoa.
Không chỉ nhắm vào Mỹ, tờ báo theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan của đảng Cộng Sản Trung Quốc còn đe dọa rằng Hoa Lục có thể có những động thái gây áp lực quân sự lên Đài Loan, và sẽ "giáng một đòn mạnh" vào kinh tế Đài Loan.
Sau khi kết thúc vòng công du Châu Mỹ La Tinh, nữ tổng thống Đài Loan trên đường về sẽ lại quá cảnh Hoa Kỳ ngày 13/01), nhưng tại San Francisco.
Trọng Nghĩa
*************************
Trung Quốc cảnh cáo ông Trump sau khi Mỹ cho Tổng thống Đài Loan quá cảnh (RFA, 09/01/2017)
Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn trước khi khởi hành công du các nước Trung Mỹ và quá cảnh Hoa Kỳ. Ảnh chụp tại sân bay Taoyuan, Đài Loan hôm 7/1/2017. AFP photo
Bài bình luận mới nhất đăng tải trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo xuất bản tại Bắc Kinh cảnh báo Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump phải tôn trọng chính sách chỉ có một nước Trung Hoa, dọa sẽ có biện pháp trả đũa nếu ông Trump không làm điều này.
Lời cảnh báo được đưa ra sau khi Tổng Thống Thái Anh Văn của Đài Loan quá cảnh ở Houston, Texas hôm thứ Bảy vừa rồi, nhân chuyến công du các nước Trung Mỹ có quan hệ ngoại giao với Đài Bắc.
Bài bình luận có đoạn viết, và chúng tôi xin được trích nguyên văn như sau : "Nếu sau ngày lên nắm quyền ông Trump không giữ đúng cam kết về chính sách chỉ có một nước Trung Hoa, người dân Trung Quốc sẽ yêu cầu chính phủ phải trả thù, không có chỗ cho sự mặc cả", nhắc lại "trách nhiệm của các Tổng Thống Mỹ là phải duy trì mối quan hệ Mỹ- trung và trật tự hiện tại của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương".
Mặc dù ông Trump chưa tuyên thệ nhậm chức, nhưng quan hệ giữa ông với Trung Quốc đang ở giai doạn khó khăn, sau khi ông lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh cố ý trục lợi khi đưa hàng xuất khẩu sang Mỹ, ngoài ra ông còn nhận điện thoại chúc mừng của bà Thái Anh Văn, cũng như tỏ ý cho thấy sẵn sàng gặp bà Tổng Thống Đài Loan sau ngày ông nhậm chức.
Hôm nay trong cuộc họp báo thường lệ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng nói đến điều này, cho rằng ông Trump và tân chính phủ Mỹ phải thật thận trọng, không nên để chuyện Đài Loan gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.
Tại Houston, bà Thái Anh Văn đã gặp Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Mỹ Ted Cruz và Thống Đốc bang Texas là ông Greg Abbott. Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh cũng lên tiếng phản đối những cuộc gặp này, nhưng theo lời Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz, Trung Quốc không có quyền cấm các quan chức Mỹ gặp gỡ với bất kỳ ai, kể cả gặp với các quan chức Đài Loan.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia, James Clapper (giữa) điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện, ngày 05/01/2017. REUTERS/Kevin Lamarque
Hôm qua, 05/01/2017, lãnh đạo các cơ quan An ninh và Tình báo Mỹ điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện về việc tin tặc Nga xâm nhập mạng lưới thông tin của Hoa Kỳ, đặc biệt là của đảng Dân chủ, để tung tin thất thiệt và phá rối cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, với mục đích giúp ông Donald Trump thắng cử trước đối thủ Hillary Clinton.
Trước đó, tổng thống mãn nhiệm Obama cũng đã được giới an ninh-tình báo thuyết trình đầy đủ cuộc điều tra. Hôm nay, 06/01/2017, lãnh đạo CIA và an ninh Quốc gia có buổi họp với Donald Trump. Theo nhà báo Phạm Trần từ Washington, trái với quan điểm của ông Donald Trump, hầu hết các nghị sĩ thuộc hai đảng Cộng Hòa và Dân chủ, cũng như đại bộ phận người dân Mỹ đều tin rằng Nga có can dự vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Nhà báo Phạm Trần, Washington : 06/01/2017 Nghe
Phạm Trần, RFI tiếng Việt