Thế giới đang theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ trong cảm giác kinh hoàng : đó là một quá trình mà người đương nhiệm dường như quyết tâm thuyết phục những người ủng hộ mình rằng bất kỳ kết quả nào khác ngoài chiến thắng cho ông ta đều có nghĩa là cuộc bầu cử đã bị gian lận. Một chiến thắng dành cho Joe Biden sẽ trấn an hầu hết các nhà lãnh đạo nước ngoài rằng sự hỗn loạn như vậy, ít nhất, đã kết thúc. Nhưng thực tế chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sẽ thực sự thay đổi bao nhiêu ? Về mặt phong cách sẽ đáng kể. Nhưng về hành động thực chất, có thay đổi nhưng không hoàn toàn.
Các bài báo do ứng cử viên tổng thống Mỹ Joe Biden viết cho thấy rằng các trụ cột trong chính sách đối ngoại của ông có thể được nắm bắt bởi ba chữ D: Đối nội, Răn đe và Dân chủ © Jonathan Ernst / Reuters
Mỹ sẽ đón nhận lại chủ nghĩa đa phương và tiếp cận với các đồng minh và đối tác với một sức sống mới. Nhưng Mỹ vẫn sẽ tập trung vào các vấn đề trong nước hơn. Mỹ sẽ trở lại hợp tác toàn cầu dựa trên sự cần thiết của việc chống lại biến đổi khí hậu, đại dịch và các mối đe dọa toàn cầu khác. Nhưng Mỹ vẫn sẽ chấp nhận cạnh tranh quyền lực nước lớn và tập trung vào Trung Quốc như là đối thủ chính của mình. Hoa Kỳ sẽ áp dụng một chính sách đối ngoại dựa trên giá trị thay cho một cách tiếp cận dựa trên sức mạnh. Nhưng Hoa Kỳ sẽ không đưa quân trở lại Syria hoặc Afghanistan và sẽ vẫn hoài nghi về sự can thiệp vào nước ngoài.
Các bài viết của ông Biden và những người có khả năng nắm giữ các vị trí chính sách đối ngoại cấp cao trong chính quyền của ông cho thấy rằng các trụ cột trong chính sách đối ngoại của ông có thể gồm ba chữ D : Domestic (Đối nội), Deterrence (Răn đe) và Democracy (Dân chủ). Các đầu mục này chứa rất nhiều chính sách phụ, nhưng chúng là những nguyên tắc chung hướng dẫn việc đầu tư thời gian và nguồn lực của chính quyền Biden.
Các cố vấn chính sách đối ngoại của Biden sẽ không bao giờ sử dụng thuật ngữ "Nước Mỹ trên hết", mà đối với họ có nghĩa là "Nước Mỹ đơn độc", chĩa mũi dùi vào thế giới và xúc phạm các đồng minh. Nhưng họ sẽ tập trung vào đầu tư trong nước để đổi mới nước Mỹ. Jake Sullivan, một cựu cố vấn an ninh quốc gia của Biden, và Jennifer Harris, người từng làm việc tại bộ ngoại giao dưới thời Obama, gắn các khoản đầu tư này với sự cạnh tranh Mỹ – Trung, cho rằng kết quả phụ thuộc "vào mức độ hiệu quả của mỗi quốc gia trong việc phát triển nền kinh tế quốc gia và định hình nền kinh tế toàn cầu".
Theo quan điểm này, Mỹ cần đầu tư lớn vào "cơ sở hạ tầng, công nghệ, đổi mới và giáo dục". Tôi muốn bổ sung vào đây sự cần thiết phải thu hẹp một cách rõ ràng khoảng cách chủng tộc đang gia tăng trong hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế Hoa Kỳ. Chính sách công nghiệp cũng sẽ rất cần thiết, đặc biệt là nhằm trợ cấp cho các công ty Mỹ chuyển đổi sang năng lượng sạch và cạnh tranh trong một nền kinh tế xanh đang nổi lên. Và chính phủ liên bang sẽ cần đầu tư để đảm bảo Mỹ tự chủ hơn trong việc sản xuất mọi thứ, từ thiết bị y tế đến công nghệ quân sự.
Một khía cạnh khác của việc tăng cường sức mạnh trong nước của Mỹ là tập trung vào thuế để đảm bảo các tập đoàn đóng góp một phần công bằng cho đất nước. Các giao dịch thương mại cũng sẽ được nhìn nhận nhiều hơn thông qua lăng kính "thương mại công bằng" hơn là lăng kính "thương mại tự do" – một khía cạnh khác mà Biden khác Tổng thống Donald Trump chủ yếu về mặt phong cách thay vì thực chất.
Ngoài việc đổi mới trong nước, chính sách đối ngoại của Biden sẽ làm sống lại tầm quan trọng của khả năng răn đe như thời Chiến tranh Lạnh, nhưng với một điều chỉnh cho phù hợp với thế kỷ 21. Đối với Liên Xô, khả năng răn đe chủ yếu là việc đếm số lượng tên lửa. Tên lửa vẫn còn quan trọng, nhưng khả năng răn đe ngày nay phải được điều chỉnh để ứng phó với các chiến thuật ưa thích của các đối thủ, chủ yếu là Trung Quốc và Nga cũng như Iran và Triều Tiên.
Michèle Flournoy, một ứng cử viên hàng đầu cho chức Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền Biden, đã đưa ra các bước cần thiết để "thiết lập lại khả năng răn đe khả tín đối với Trung Quốc" bằng cách thay đổi tính toán chi phí-lợi ích của Bắc Kinh khi nước này xem xét các hành động hiếu chiến. Bà đặc biệt tin tưởng vào sự cần thiết của Lầu Năm Góc trong việc đầu tư vào các công nghệ mới nhằm bảo vệ các mạng lưới thông tin liên lạc và quản lý khả năng chiến đấu của Hoa Kỳ trước những nỗ lực của Trung Quốc nhằm làm suy yếu chúng. Việc ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu của Nga và những nỗ lực gây chia rẽ và bóp méo nền dân chủ ở Mỹ và Châu Âu đòi hỏi các công cụ khác, nhiều trong số đó hướng đến việc thực thi pháp luật trong nước và toàn cầu hơn là chính sách đối ngoại.
Nguyên tắc thứ ba của chính sách đối ngoại Biden là lấy dân chủ làm cơ sở để lựa chọn đối tác. Ông đã thông báo rằng ông có kế hoạch triệu tập một hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống ; Antony Blinken, một cố vấn chính sách đối ngoại lâu năm của Biden và là cựu Thứ trưởng Ngoại giao, đã đề xuất một Liên minh Dân chủ.
Nhà bình luận James Traub chỉ ra rằng những cụm từ như "thế giới tự do" được Biden đón nhận một cách tự nhiên, dù chúng có vẻ lỗi thời đối với nhóm cánh tả tiến bộ đến đâu. Trong công thức này, Biden "sẽ tái tạo lại ‘phương Tây’ để ứng phó với một thời đại mới của các vấn đề không biên giới". Có lẽ Biden và các cố vấn của ông vẫn cảm thấy thoải mái hơn khi giải quyết các vấn đề đòi hỏi phải đánh bại hoặc gắn kết với các quốc gia khác hơn là những vấn đề vượt ra khỏi biên giới các quốc gia như biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, không giống như Trump, họ thừa nhận sự cần thiết phải quản lý cả hai loại vấn đề này.
Anne-Marie Slaughter
Nguyên tác : "The three pillars of US foreign policy under Biden", Financial Times, 19/10/2020.
Trần Hùng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 22/10/2020
Anne-Marie Slaughter là Giám đốc điều hành của viện nghiên cứu chính sách New America.
Chiến thắng của Biden có thể khôi phục quan hệ đối tác Mỹ- EU trong việc phối hợp đối phó với Trung Quốc
*Sự khác biệt về chính sách vẫn còn giữa Washington và Brussels nhưng các nhà ngoại giao nhìn thấy cơ hội đoàn kết nhiều hơn sau thời Trump.
*Bắc Kinh ngày càng phản ứng cấp bách để có thể tái cân bằng các mối quan hệ địa chính trị.
Khi 27 nhà lãnh đạo của Liên Hiệp Châu Âu tập trung tại Berlin để thảo luận về một chủ đề duy nhất - Trung Quốc - vào ngày 16 tháng 11, một số quyết định sẽ nằm ngoài tầm tay của họ và chính phủ Trung Quốc.
Trái lại, kết quả cuộc họp của EU diễn ra chưa đầy hai tuần sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với quan hệ Mỹ-Trung, mà còn cả với quan hệ EU-Trung Quốc trong tương lai.
Nếu Donald Trump giành được chiến thắng, sự đồng thuận chung ở EU là nên chuẩn bị thêm 4 năm giọng lưỡi chống Châu Âu từ Tòa Bạch Ốc, khiến quan hệ xuyên Đại Tây Dương ở tình trạng tồi tệ nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Khối này ít nhiều sẽ bị cô lập trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung đang diễn ra và buộc phải tìm sự hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc, ở bất cứ nơi nào có thể được.
Mặt khác, một chiến thắng của Joe Biden, đối thủ thuộc Đảng Dân chủ, sẽ mở ra khả năng liên kết giữa Mỹ và EU nhằm đối phó với vấn đề Trung Quốc, theo các nhà ngoại giao, nhà phân tích và cố vấn chiến dịch được phỏng vấn bởi South China Morning.
"Một nhiệm kỳ tổng thống của Biden sẽ khôn khéo hơn nhiều trong cách đối phó với Trung Quốc so với chúng tôi trong 4 năm qua", theo Anthony Gardner, đại sứ Mỹ tại EU từ năm 2014 đến năm 2017 dưới thời tổng thống Barack Obama.
Gardner nói: "Việc hợp tác với EU sẽ dễ dàng hơn hơn so với thời chính quyền hiện tại, bởi vì không ai muốn dành cho Donald Trump bất kỳ sự ưu ái nào". "Giờ đây, chúng ta có một thời điểm khả thi mà Mỹ và EU có thể thực sự đồng ý về nhiều vấn đề liên quan đến thương mại và Trung Quốc".
Nhìn bề ngoài, Mỹ và EU có những mối quan ngại tương tự đối với Trung Quốc. Nhiều biện pháp của Trump đối với công nghệ và nhân quyền của Trung Quốc đã giành được sự ủng hộ của lưỡng đảng, trong khi tất cả 27 quốc gia EU đều đồng lòng áp dụng cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc qua việc gọi nước này là đối thủ có hệ thống vào năm ngoái.
Họ cũng chia sẻ những bất mãn chung trong quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc, sân chơi bình đẳng và bảo vệ tài sản trí tuệ - đến nỗi các cuộc đàm phán đầu tư của EU với Trung Quốc có những điểm giống với các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ với Bắc Kinh - bao gồm nhiều ví dụ về cách diễn đạt giống hệt nhau.
Tuy nhiên, hai bên đã thể hiện rất ít sự phối hợp khi nói đến Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump. Mặc dù đã đồng ý đối thoại với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về Trung Quốc, các ngoại trưởng EU vẫn không sẵn sàng thực hiện các kế hoạch chung, theo các nguồn tin của EU.
"Khi Pompeo nói về nhân quyền, không ai tin ông ta thực sự quan tâm đến nó", David O'Sullivan, người từng là đại sứ EU tại Mỹ cho đến năm ngoái nói, cho dù những chủ đề này - từ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đến Hồng Kông- là "những vấn đề thực sự đáng quan tâm".
Nếu Biden trở thành tổng thống ở tuổi 78, O'Sullivan mong đợi một "sự thay đổi dứt khoát trong giọng điệu".
Ông nói : "Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ mở cánh cửa cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng hơn về những vấn đề này, cố gắng tìm ra các giải pháp phù hợp cho người Mỹ và người Châu Âu. "[Biden] sẽ quan tâm đến liên minh xuyên Đại Tây Dương theo cách mà Trump rõ ràng không làm. Sau đó, tất nhiên bạn sẽ phải lắng nghe những gì ông ấy nói. "
Bắc Kinh đã phản ứng với việc gấp rút gia tăng khả năng tái cân bằng trong nhận thức địa chính trị của EU.
Tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ảo với các nhà lãnh đạo Châu Âu, gồm cả Thủ tướng Đức Angela Merkel, trong nỗ lực xúc tiến một hiệp ước đầu tư đã chờ đợi từ lâu giữa Trung Quốc và khối này vào cuối năm nay.
Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trước các chuyến công du đến bảy nước Châu Âu vào tháng 8 và tháng 9 của hai nhà ngoại giao cấp cao - Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì -, những người liên tục nhắc nhở khán giả Châu Âu của họ về các chiến thuật bắt nạt của Trump.
Các quan chức Châu Âu cần vài lời nhắc nhở về phong cách của tổng thống Mỹ. "Liên Hiệp Châu Âu : rất, rất khó", Trump nói vào năm ngoái. "Những rào cản mà họ dựng lên thật khủng khiếp, khủng khiếp. Về nhiều mặt, tệ hơn cả Trung Quốc".
Sau khi ký kết thỏa thuận thương mại tự do với Châu Âu, chính quyền Trump tập trung vào việc giảm thâm hụt hàng hóa ngày càng tăng đến mức kỷ lục 178 tỷ USD vào năm 2019 của mình.
Lập trường của Trump về EU trái ngược với Biden, người không có gì ngoài những lời lẽ tử tế khi phát biểu trước Nghị viện Châu Âu trong chuyến công du Brussels năm 2010 của phó tổng thống.
"Một số chính trị gia Mỹ và các nhà báo Mỹ gọi Washington là 'thủ đô của thế giới tự do'. Nhưng đối với tôi, có vẻ như thành phố vĩ đại này, tự hào có 1.000 năm lịch sử và là thủ đô của Bỉ, quê hương của Liên minh Châu Âu và trụ sở chính của Nato, thành phố này có yêu sách chính đáng của riêng mình đối với danh hiệu đó", ông nói.
Sự thù hận của Trump đối với các tổ chức này đã chuyển thành các quyết định đơn phương được thực hiện trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, chẳng hạn như rút khỏi hiệp định khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran - cả hai đều do Obama và các đồng minh EU của ông làm trung gian - giống như cách ông cố gắng loại bỏ cơ quan phúc thẩm của Tổ chức Thương mại Thế giới , với lý do nó không có khả năng kiềm chế các hành vi buôn bán không công bằng của Trung Quốc.
"Một trong những khía cạnh kỳ lạ nhất của chính quyền [Trump] là họ tin rằng chúng ta nên phớt lờ EU về việc cải tổ WTO, và đặc biệt là việc cải tổ tình trạng lạm dụng thương mại của Trung Quốc", Gardner, cựu đại sứ Hoa Kỳ cho biết. "Nó kỳ lạ, bởi vì cùng nhau chúng ta sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn".
Trước khi tham gia nhóm vận động tranh cử của Biden, với tư cách là cố vấn về các vấn đề xuyên Đại Tây Dương và Trung Quốc, bà Julianne Smith đã viết trên tạp chí Foreign Affairs năm ngoái rằng, EU và Mỹ nên cùng nhau giải quyết các hành vi bóp méo thị trường của Trung Quốc và khai triển các giải pháp thay thế Sáng kiến Vành đai và Con đường , kế hoạch đầu tư và cơ sở hạ tầng toàn cầu trị giá hàng tỷ đô la của Trung Quốc.
Smith cho biết EU và Mỹ cũng nên "làm việc cùng nhau để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong hệ thống chính trị của họ" và "hiểu rõ hơn về các kênh ảnh hưởng của Trung Quốc", không chỉ ở cấp chính quyền quốc gia mà còn ở cả "cấp địa phương và xã hội".
Điều thú vị là cách tiếp cận của bà lại hòa điệu với đường lối cứng rắn, ngôn ngữ công kích Đảng Cộng sản của Pompeo và chiêu bài "đối thủ có hệ thống" của EU đối với Trung Quốc, đồng thời dứt khoát bác bỏ những lời kêu gọi lặp đi lặp lại của Trung Quốc với phương Tây để tránh "đối đầu ý thức hệ".
Tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chỉ trích Trung Quốc sau hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của EU và kêu gọi Trung Quốc chấp thuận mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp EU vào cuối năm nay - nếu không Bắc Kinh có nguy cơ mất một số quyền tiếp cận thị trường nội địa EU.
Jonas Parello-Plesner, giám đốc điều hành của Liên minh các nền dân chủ (Alliance of Democracies), một tổ chức có trụ sở tại Copenhagen, cho biết : "Kỷ nguyên của sự gắn bó ngây thơ với Trung Quốc đã qua".
Ông nói thêm rằng nhiệm kỳ tổng thống của Biden có khả năng liên lạc chặt chẽ hơn với EU về nhân quyền và các chủ đề khác mà hai bên cùng quan tâm.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng, một chiến thắng của Biden sẽ không bảo đảm ngay lập tức sự liên kết toàn diện giữa EU và Mỹ về chủ đề quá rộng lớn này.
"Người ta không thể cứ quay ngược kim đồng hồ và giả vờ rằng Donald Trump không tồn tại trong bốn năm qua", Gardner nói.
Ngoài chuyện lòng tin cậy giữa Washington và Brussels đã bị tổn thương, còn có những khác biệt cơ bản trong cách tiếp cận của EU với chính sách về Trung Quốc của Washington.
Đây là trường hợp đặc biệt vì một vài nước EU có lợi ích kinh doanh ở Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với các nước khác, đồng thời cả khối cần sự hỗ trợ của Trung Quốc trong các vấn đề đa phương như thương mại và biến đổi khí hậu.
Ví dụ, Đức đã bác bỏ lời kêu gọi của Hoa Kỳ về việc cấm Huawei Technologies xây dựng mạng 5G của mình vì sợ Trung Quốc trả đũa ngành công nghiệp xe hơi của Đức, trong khi Ý trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên ghi danh vào dự án vành đai và con đường của Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của Washington.
"Tòa Bạch Ốc hiện chủ trương tách rời và gây hấn với Trung Quốc. Tôi hy vọng Biden và những người xung quanh ông ấy sẽ có cái nhìn tinh tế hơn ", O'Sullivan, cựu quan chức ngoại giao EU nói. "Người ta phải nhìn thấy [các vấn đề của Trung Quốc] trong bối cảnh cố gắng huy động một diễn viên cực kỳ quan trọng trong thế kỷ 21".
Nhưng Erik Brattberg, giám đốc Chương trình Châu Âu (Europe Program) và là thành viên của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace) cho biết, ông mong sự cởi mở của người Châu Âu khi làm việc với Washington sẽ "cao hơn nhiều" dưới thời chính quyền Biden, ngay cả khi EU bị áp lực phải có lập trường kiên quyết chống lại Trung Quốc trong các vấn đề đầu tư và công nghệ quan trọng.
Volker Stanzel, cựu đại sứ Đức tại Trung Quốc và Nhật Bản, đồng ý. Ông nói : "Như lịch sử đã cho thấy, [EU] có thể đạt được nhiều hơn thế nếu hợp tác với các đối tác". "Nếu trong tương lai, chúng ta có một đối tác chuyên nghiệp ở Washington một lần nữa, thì điều này sẽ tạo rất nhiều thuận lợi cho các cách đối phó với thách thức cùa Trung Quốc".
Stuart Lau
Nguyên tác : "Biden win could restore US-EU partnership for a coordinated approach to China", South China Morning Post, 04/10/2020
Hoàng Thủy Ngữ chuyển ngữ
07/10/2020
Hai ứng cử viên tổng thống đã đối mặt nhau trong cuộc tranh luận đầu tiên trước khi người Mỹ đi bỏ phiếu vào ngày 3 tháng 11. Tổng thống Donald Trump đã biến nó thành một cuộc ẩu đả, thậm chí khiến người ta nghi ngờ về sự đúng đắn của chính quy trình bầu cử. Joe Biden thì dành cả buổi để chế giễu ông Trump vì đã đưa đất nước sụp đổ. Và Trump đã làm những gì ông hy vọng sẽ là một đòn hạ gục Biden, cáo buộc đối thủ là một kẻ yếu ớt, người sẽ không chống đỡ nổi kế hoạch của phe tả nhằm mở rộng đáng kể chính phủ và làm tê liệt hoạt động kinh doanh.
Joe Biden muốn đổi mới nền kinh tế của Mỹ và đảm bảo nước này tiếp tục dẫn đầu thế giới giàu có
Một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ lo sợ về một sự ngả sang cánh tả như vậy dưới thời Biden. Tuy nhiên, cáo buộc này không chính xác. Biden đã bác bỏ những ý tưởng không tưởng của cánh tả. Các đề xuất về thuế và chi tiêu của Biden là hợp lý. Chúng chỉ dẫn đến một nhà nước phình to hơn một ít và nỗ lực để giải quyết các vấn đề thực sự mà Mỹ đang phải đối mặt, bao gồm cơ sở hạ tầng kém chất lượng, biến đổi khí hậu và sự tàn phá các doanh nghiệp nhỏ. Trên thực tế, lỗ hổng trong các kế hoạch của Biden là chúng không đủ sâu rộng ở một số lĩnh vực.
Khi Trump lên nắm quyền vào năm 2017, ông hy vọng sẽ giải phóng tinh thần kinh doanh bằng cách cung cấp cho các ông chủ một đường dây nóng nối với Phòng Bầu dục và cắt giảm các khoản thuế và thủ tục hành chính. Trước Covid-19, kế hoạch này đã có hiệu quả, được trợ giúp bởi chính sách tiền tệ nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang. Niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ gần mức cao nhất trong 30 năm ; cổ phiếu tăng mạnh và lương của một phần tư người lao động nghèo nhất tăng 4,7% một năm, nhanh nhất kể từ năm 2008. Các cử tri coi nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu và nếu không phải vì virus thì thành tích kinh tế đó có thể đã đủ để giúp Trump tái đắc cử.
Tuy nhiên, một phần do đại dịch, những thiếu sót của Trump cũng đã trở nên rõ ràng. Các vấn đề lâu dài đã nổi lên, bao gồm cơ sở hạ tầng yếu kém và mạng lưới an sinh xã hội chắp vá. Tính năng động của doanh nghiệp vẫn còn yếu. Đầu tư ít và ít công ty mới được thành lập trong khi những công ty lớn ngày càng có ảnh hưởng. Phong cách hỗn loạn của Trump, gồm việc bêu rếu các công ty và các cuộc tấn công vào nềnpháp quyền, là một loại thuế đánh vào tăng trưởng. Việc bãi bỏ quy định đã trở thành một ngọn lửa bất cẩn làm suy yếu các quy tắc. Cuộc đối đầu với Trung Quốc đã giành được ít nhượng bộ từ nước này, đồng thời gây bất ổn cho hệ thống thương mại toàn cầu.
Nếu trở thành tổng thống thứ 46, Biden sẽ khắc phục một số vấn đề này chỉ bằng cách trở thành một nhà quản trị có năng lực, người tin tưởng vào các thể chế, chú ý đến lời khuyên và quan tâm đến kết quả. Những phẩm chất đó sẽ cần thiết vào năm 2021 vì có lẽ sẽ có 5 triệu người phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp dài hạn và nhiều công ty nhỏ đối mặt với phá sản. Ưu tiên kinh tế của Biden sẽ là thông qua một dự luật "phục hồi" khổng lồ, trị giá khoảng 2 -3 nghìn tỉ đô la, tùy thuộc vào việc liệu một kế hoạch kích thích có được Quốc hội thông qua trước bầu cử hay không. Điều này sẽ bao gồm các khoản chi ngắn hạn, thúc đẩy bảo hiểm thất nghiệp và trợ giúp các chính quyền tiểu bang và địa phương, những nơi đang đối mặt với thâm hụt ngân sách. Biden cũng sẽ mở rộng các khoản tài trợ hoặc cho vay cho các doanh nghiệp nhỏ không nhận được nhiều hỗ trợ như các doanh nghiệp lớn. Ông sẽ giảm căng thẳng với Trung Quốc, xoa dịu thị trường. Và nếu vắc-xin xuất hiện, cách tiếp cận hợp tác thay vì giao dịch đổi chác nhất thời với nước ngoài sẽ giúp phân phối toàn cầu dễ dàng hơn và cho phép biên giới mở cửa trở lại và thương mại phục hồi nhanh hơn.
Dự luật phục hồi cũng sẽ nhằm mục đích "xây dựng lại tốt hơn" bằng cách tập trung vào một số vấn đề lâu dài của Mỹ vốn cũng là ưu tiên của Biden trong nhiều năm qua. Ông muốn có một sự bùng nổ cơ sở hạ tầng khổng lồ, thân thiện với khí hậu để khắc phục tình trạng thiếu đầu tư trong nhiều thập niên : các cây cầu ở Mỹ trung bình đã được xây từ 43 năm trước. Chi cho nghiên cứu và phát triển của chính phủ đã giảm từ hơn 1,5% GDP vào năm 1960 xuống 0,7% ngày nay, trong khi Trung Quốc đang đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với khoa học Mỹ. Biden cũng sẽ đảo ngược điều đó, với nhiều nghiên cứu hơn về công nghệ và năng lượng tái tạo. Ông sẽ loại bỏ các hạn chế khắc nghiệt của ông Trump đối với nhập cư, vốn là mối đe dọa đối với khả năng cạnh tranh của Mỹ. Và ông muốn nâng cao mức sống của tầng lớp trung lưu và khả năng thăng tiến của người dân. Điều đó có nghĩa là chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nhà ở, đi kèm mức lương tối thiểu 15 đô la, điều có lợi cho 17 triệu người lao động đang kiếm được ít hơn mức đó hiện nay.
Đây không phải là chương trình nghị sự của một nhà xã hội chủ nghĩa. Biden đã bỏ qua những viễn vông của cánh tả, bao gồm đề xuất Medicare For All, lệnh cấm năng lượng hạt nhân và chương trình đảm bảo việc làm. Các kế hoạch của ông có quy mô cũng như phạm vi vừa phải, làm tăng chi tiêu công hàng năm lên 3% GDP, với giả định rằng tất cả chúng đều có thể được Thượng viện thông qua. Con số này ít hơn so với mức tăng 16-23% của Elizabeth Warren và Bernie Sanders. Ông cũng sẽ tăng thuế để chi trả cho khoảng một nửa khoản chi tiêu được chấp thuận, với mức thuế cao hơn nhắm vào các công ty và người giàu. Ngay cả khi tất cả các kế hoạch về thuế của ông được ban hành, điều rất khó xảy ra, các nghiên cứu cũng cho thấy lợi nhuận sau thuế của các công ty có thể giảm tới 12% và thu nhập của top 1% những người có thu nhập cao nhất sẽ giảm tới 14%. Nếu bạn giàu, điều đó sẽ gây khó chịu, nhưng không phải là một thảm họa.
Rủi ro thực sự của "Bidenomics" là tính thực dụng của Biden sẽ khiến ông không đủ táo bạo. Đôi khi Biden không hoá giải được các mục đích mâu thuẫn nhau. Ví dụ, ông đã đúng khi ủng hộ khả năng thăng tiến của người dân cũng như một mạng lưới an sinh tốt hơn cho những người lao động bị mất việc làm ; kế hoạch của ông bao gồm cả nhà ở giá cả phải chăng hơn cho đến các trường đại học công lập miễn phí. Nhưng nếu được trang bị những bộ đệm an sinh xã hội này, ông nên sẵn sàng chào đón sự phá hủy sáng tạo lớnhơn để nâng cao mức sống về lâu dài. Thay vào đó, bản năng của Biden là bảo vệ các công ty và ông không có quá nhiều điều để nói về việc thúc đẩy cạnh tranh, bao gồm cả việc giảm bớt độc quyền công nghệ. Các công ty hiện tại và những người trong nội bộ thường khai thác các quy định phức tạp nhằm tạo rào cản gia nhập thị trường. Kế hoạch của Biden được bó bọc trong các thủ tục hành chính.
Chính sách khí hậu của Biden thể hiện sự tiến bộ thực sự. Việc xây dựng lưới điện xanh và mạng lưới sạc có ý nghĩa vì khu vực tư nhân thường ngần ngại trước các sáng kiến như vậy (nên nhà nước phải dẫn dắt – ND). Nhưng, một lần nữa, tác dụng của nó sẽ bị giảm bớt bởi quy định rằng 40% chi tiêu phải dành cho các cộng đồng khó khăn và trao đặc quyền cho các nhà cung cấp trong nước : đây là một công thức cho sự kém hiệu quả. Kế hoạch cắt giảm khí thải của ông đặt ra các mục tiêu, nhưng lại né tránh thuế carbon, biện pháp sẽ khai thác sức mạnh của thị trường vốn để phân bổ lại các nguồn lực. Đó là một cơ hội bị bỏ lỡ. Chỉ mới tháng trước, Hội nghị Bàn tròn Kinh doanh, một tổ chức đại diện cho công ty Mỹ, cho biết họ ủng hộ việc đánh thuế carbon.
Sự thiếu táo bạo này cũng phản ánh việc thiếu một chiến lược được phát triển đầy đủ. Biden có thành tích là một người ủng hộ thương mại tự do nhưng ông sẽ không nhanh chóng dỡ bỏ thuế quan và kế hoạch của ông là áp dụng chủ nghĩa bảo hộ quy mô nhỏ, ví dụ như bằng cách nhấn mạnh rằng hàng hóa phải được vận chuyển trên các tàu của Mỹ. Điều đó sẽ làm phức tạp thêm nhiệm vụ khó khăn trước mắt của ông : tạo ra một khuôn khổ mới để điều chỉnh mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, bao gồm việc thuyết phục các đồng minh của Mỹ ủng hộ ngay cả khi các nước này cũng đang muốn áp dụng chủ nghĩa bảo hộ.
Chính sách tài khóa cũng vậy. Biden muốn tự kiếm ngân sách thanh toán cho một số khoản chi tiêu của mình – một điều đáng kể ngày nay. Tuy nhiên, đến năm 2050, nợ công sẽ đạt mức gần 200% GDP. Hiện tại, có rất ít lý do để lo lắng khi lãi suất gần bằng 0 và Fed đang mua trái phiếu chính phủ. Nhưng Mỹ sẽ được lợi nếu tổng thống tiếp theo đối mặt với thách thức dài hạn này. Điều đó có nghĩa là cần bắt đầu xây dựng một sự đồng thuận chặt chẽ hơn về chi tiêu cho phúc lợi và một nền tảng thu thuế bền vững.
Biden vẫn cần phải giành chiến thắng vào tháng 11 nên sự mơ hồ của ông là điều dễ hiểu. Nhưng có một rủi ro là ông tự tin sẽ chiến thắng và cho rằng chỉ cần đưa nền kinh tế quay lại tăng trưởng cũng như phụchồi các năng lực quản trị là sẽ đủ để đưa nước Mỹ đi đúng hướng. Nếu Biden muốn đổi mới nền kinh tế của Mỹ và đảm bảo Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới các nước giàu trong nhiều thập niên tới, ông cần phải táo bạo hơn thế. Trước ngưỡng cửa quyền lực, Biden phải nhẫn tâm hơn khi xem xét những ưu tiên của mình và nhìn xa trông rộng hơn.
The Economist
Nguyên tác : "Bidenomics : the good the bad and the unknown", The Economist, 03/10/2020.
Phan Nguyên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 03/10/2020
Nếu Biden đắc cử, chính sách của Mỹ đối với Australia và Châu Á sẽ ra sao ?
Căn cứ vào đánh giá về xác suất hiện nay, ông Joe Biden sẽ thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3 tháng 11 sắp tới. Chúng ta cần đề cập đến các ý nghĩa tiềm ẩn của sự kiện này đối với quan hệ đối ngoại của Australia.
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden phát biểu trước đám đông tại một cuộc mít tinh ở Philadelphia, Pennsylvania, Hoa Kỳ - ngày 18-05/2019. Nguồn : Jana Shea, Shutterstock.
Chúng ta không nên trông đợi vào điều chỉnh tức thì trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Các ưu tiên của Biden là đổi mới trong chính sách đối nội, như phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và đạt được các thay đổi về xã hội vì nước Mỹ bị chia rẽ nghiêm trọng hơn bao giờ hết từ sau nội chiến, mà sự phân hóa còn tệ hơn nếu kết quả bầu cử bị tranh chấp.
Tham vọng của Australia về Chính quyền Biden không nên khác với tham vọng của chính ông Biden. Nếu nước Mỹ không làm mới được chính mình, thì quyền lực toàn cầu của Mỹ sẽ còn suy thoái hơn nữa. Lợi ích của chúng ta cũng vì vậy mà tổn hại theo.
Hơn nữa, chủ thuyết cơ bản của chính quyền Mỹ về các vấn đề đối ngoại sẽ không rõ ràng ngay. Ông Biden tuy có kinh nghiệm đối ngoại, nhưng về cơ bản là một chính khách Mỹ gốc Ireland, nên sẽ ưu tiên các vấn đề đối nội trước, và ông là người tin vào "nghệ thuật của điều có thể". Một số người trong chính quyền sẽ có ý thức hơn những người khác về vị trí của Mỹ trên thế giới. Trong khi một số người lý tưởng hóa thì một số khác sẽ thực dụng. Quá trình thu xếp ai sẽ làm việc gì đã bắt đầu và sẽ tiếp tục cho đến mùa xuân tới.
Nói như vậy có nghĩa rằng trong mấy tháng vừa qua, một số chủ thuyết chung đã hình thành trong đầu các nhà tư tưởng của Mỹ mà một số sẽ phục vụ trong Chính quyền Biden. Các chủ thuyết này sẽ tác động đến các nước đồng minh của Mỹ.
Thứ nhất, ông Biden sẽ ưu tiên xây dựng lại các khối liên minh đã từng đóng góp cho việc gìn giữ hòa bình từ sau Thế chiến II. Chúng ta có lợi ích sát sườn trong vấn đề này. Cũng như những người của đảng Cộng hòa trong Chính quyền Trump, không phải tất cả mọi thành viên đảng Dân chủ đều tích cực ủng hộ các cam kết an ninh của Mỹ.
Thứ hai, trong khi những người của đảng Dân chủ chia sẻ một số lo ngại nóichung của Mỹ về chủ nghĩa đa phương, họ sẽ đầu tư nhiều năng lượng tích cực vào các nỗ lực và thể chế đa phương ở phạm vi khu vực và toàn cầu, bao gồm cải tổ lại một số thể chế. Họ sẽ dựa vào các nền dân chủ phương Tây, bao gồm Australia, để hợp tác nhằm mục đích này.
Thứ ba, hệ trọng đối với Australia, là cách đề cập của Chính quyền Biden đối với Trung Quốc.
Các nhà hoạch định chính sách đối ngoại chủ lưu của Mỹ, gồm những người xung quanh Biden, đều có đầu óc thực tiễn. Họ hiểu rằng Trung Quốc đã thay đổi. Nhưng thay vì dùng ngôn ngữ ý thức hệ đối đầu như Ngoại trưởng Mike Pompeo, họ sẽ tìm cách khác.
Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell và cựu Cố vấn An ninh Quốc gia cho cựu Phó Tổng thống Biden là Jake Sullivan, đã lập luận chống lại chủ nghĩa ngăn chặn mới và ủng hộ việc thiết lập với Trung Quốc các điều kiện thuận lợi để cùng chung sống trên bốn lĩnh vực là quân sự, kinh tế, chính trị, và ứng phó toàn cầu, nhằm đảm bảo lợi ích của Mỹ mà không tạo ra dạng nhận thức đe dọa đã từng là đặc trưng của đối đầu Mỹ – Xô trước đây.
Phó Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa lúc bấy giờ là Tập Cận Bình, cựu Phó Tổng thống Joe Biden và Thị trưởng thành phố Los Angeles lúc đó là Antonio R. Villaraigosa đến thăm Trung tâm Học tập Nghiên cứu Quốc tế, Los Angeles, California, Hoa Kỳ - ngày 17/02/2012. Nguồn : Antonio R. Villaraigosa, Flickr.
William Burns có thể làm ngoại trưởng trong Chính quyền Biden, hiện là Chủ tịch của Carnegie Endowment, đã nói rằng kiểu tư duy không có nguyên tắc đã dẫn dắt nước Mỹ theo ảo tưởng rằng hợp tác, can dự với Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích. "Ngày nay, tư duy vô nguyên tắc theo kiểu khác đã làm cho chúng ta ảo tưởng về khả năng tách đôi và ngăn chặn (decoupling and containment) và đối đầu là không tránh khỏi (inevitability of confrontation)".
Ông Burns còn ủng hộ "can dự trực tiếp với lãnh đạo Trung Quốc – dùng ganh đua để trói Bắc Kinh, xác định điều kiện cùng chung sống, ngăn chặn cạnh tranh trở thành đối đầu, và duy trì không gian hợp tác nhằm đối phó với các thách thức toàn cầu".
Cựu đại sứ Mỹ tại một số nước, Frank Wisner, và cựu đại sứ Mỹ tại LHQ, Samantha Power, đã đề xuất chia chính sách Trung Quốc thành ba phần : đối đầu (các lĩnh vực phải đối đầu với Trung Quốc như Biển Đông hay tình báo mạng) ; cạnh tranh (thương mại, hạ tầng toàn cầu, Trí tuệ Nhân tạo) ; hợp tác (Covid-19, biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân).
Một nhóm chuyên gia nổi tiếng của cả hai đảng về đối ngoại và an ninh, gồm cựu ngoại trưởng George Schultz, cựu Bộ trưởng Quốc phòng William Perry và cựu Thượng nghị sỹ Sam Nunn cũng kêu gọi cách đề cập cứng rắn nhưng thực tế hơn với Nga dựa trên tư duy đối phó với Nga theo thực tế vốn có chứ không phải như những gì Mỹ muốn Nga trở thành, và hành động dựa trên sự giảm thiểu trừng phạt để đổi lại những cam kết của Nga.
Nếu Biden có thể đạt được sự cân bằng nội bộ và một số tư duy đối ngoại như trên được ủng hộ, thì một chính sách đối ngoại chặt chẽ hơn của Mỹ có thể hình thành, gần giống như cách ứng xử của Mỹ với Liên Xô và Trung Quốc trong thập niên 1970-1980, chứ không như giai đoạn Mỹ trở thành độc tôn sau sự sụp đổ của Liên Xô cho đến sự kiện 11/9, hay hai thập niên vừa qua khi Mỹ bị sa lầy tại Afghanistan và Iraq.
Điểm thứ tư cần xem xét là ông Biden sẽ ứng xử với Châu Á như thế nào.
Về vấn đề này, Mỹ phải xác định ưu tiên bốn nhóm vấn đề :
- Sự kết thúc của thời kỳ Abe trong chính trị Nhật. Washington sẽ phải đảm bảo có cơ sở cho một chính sách phù hợp cho nước Nhật thời kỳ hậu Abe, tiếp tục cân bằng lo ngại an ninh với lợi ích kinh tế trong việc cộng tác có giới hạn với Trung Quốc.
- Mối đe dọa hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ông Biden hầu như ngay lập tức phải xác lập một chính sách để thay thế dạng ngoại giao cá nhân bốcđồng mà ông Trump đã theo đuổi với chế độ của Kim Jung-un.
- Vị thế chiến lược của Ấn Độ đối với Trung Quốc và phương Tây. Ấn Độ, đất nước đã gắn liền với sự ra đời của phong trào không liên kết, trong thập niên qua đã có một tầm nhìn gần với tầm nhìn của Mỹ và xu hướng đó đã phát triển từ sau xung đột biên giới gần đây với Trung Quốc. Nhưng sức mạnh kinh tế của Ấn Độ đang bị suy yếu bởi Covid-19 và quan điểm cứng rắn của Thủ tướng Narendra Modi dựa trên chủ nghĩa dân tộc Hindu sẽ phải nhượng bộ trước một số nhân vật có quan điểm tự do trong Chính quyền Biden.
- Vai trò của Đông Nam Á trong thế cân bằng chiến lược mới ở khu vực và trên toàn cầu. Trừ ngoại lệ đặc biệt là thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, một khía cạnh lịch sử trong chính sách Châu Á của Mỹ là tập trung chủ yếu vào Đông Bắc Á nơi lợi ích của Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật cọ xát với nhau. Với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Đông Bắc Á và Đông Nam Á không còn khác biệt về chiến lược. Biden sẽ phải đầu tư năng lượng chính trị vào Đông Nam Á nhiều hơn thời kỳ Obama và Trump – nhưng phải thận trọng. Như Wisner đã nói gần đây, các nước ASEAN muốn có sự nhất quán trong chính sách của Mỹ và muốn có năng lực duy trì độc lập về chiến lược. Điều này đòi hỏi hai bên phải cư xử tế nhị.
Biden sẽ gần như ngay lập tức làm việc để phát triển các chính sách ở Bán đảo Triều Tiên thay thế chính sách ngoại giao tự đề cao cá nhân mà Tổng thống Trump đã phát triển. Nguồn : @WhiteHouse, Twitter.
Australia có lợi ích sống còn và vai trò trong việc khuyến khích hình thành một chính sách đúng đắn về về các vấn đề như vậy đối với Trung Quốc.
Trong bốn năm qua, trong khi ông Trump làm chủ Nhà Trắng thì chúng ta có hai thủ tướng chính phủ liên hiệp, đã tìm cách vận dụng lịch sử và hệ tư tưởng chung để tạo dựng quan hệ làm việc với một tổng thống thất thường khó đoán và duy trì sự cam kết của ông ấy trong các vấn đề quan trọng nhất đối với lợi ích đối ngoại của chúng ta.
Nhiệm kỳ tổng thống Biden, bằng cách phục hồi một mức độ bình thường hóa nhất định trong hoạt động của chính quyền, sẽ giúp các nước khác làm việc dễ hơn với Washington. Nhưng thực chất các thách thức đối với những người làm chính sách của chúng ta sẽ không thay đổi. Việc sống còn là phải đảm bảo rằng ảnh hưởng của chúng ta đối với Mỹ sẽ giúp hình thành một chính sách mới của Mỹ đối với khu vực, qua đó tăng cường cam kết của Mỹ, duy trì hứa hẹn vềmột sự chung sống Mỹ – Trung, đồng thời đảm bảo lợi ích của các nước khác.
John McCarthy
Nguyên tác : "Biden and Australia",Asialink, 08/09/2020.
Nguyễn Quang Dy dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 10/09/2020
John McCarthy là cố vấn cao cấp của Asialink, và là cựu đại sứ của Australia tại Việt Nam, Mexico, Thailand, Mỹ, Indonesia, Nhật Bản và Ấn Độ.
Tựa chính của các báo Paris hôm nay tập trung vào thời sự nước Pháp. Le Monde chạy tựa "Covid-19 : Cảnh báo của Hội đồng Khoa học". La Croix nói về "Binh đoàn Covid" : tờ báo theo chân các nhà điều tra ở Nanterre để tìm kiếm những người tiếp xúc với các bệnh nhân Covid-19.
Le Figaro nhấn mạnh đến "Du lịch ở Pháp : Ngạc nhiên thú vị trong mùa hè", ngược lại Libération nói về "Mùa hè u ám của các rạp chiếu phim". Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến "Chủ tư doanh : Cuộc khủng hoảng sẽ thay đổi những gì".
Về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, La Croix giải thích vì sao việc chọn lựa người làm phó cho ứng cử viên Joe Biden lại gây chú ý nhiều như thế tại Hoa Kỳ, khác hẳn với những lần trước.
Đối thủ Dân Chủ của ông Donald Trump trong những ngày tới sẽ loan báo người được chọn để làm phó tổng thống trong trường hợp chiến thắng. Vì sao quyết định này rất được chờ đợi, trong khi thường thì chỉ có báo chí và các chuyên gia để ý phân tích, còn dư luận khá thờ ơ ?
Trước hết vì đó sẽ là một phụ nữ. Trong lịch sử bầu cử Mỹ, đây chỉ là trường hợp thứ ba sau bà Geraldine Ferraro năm 1984 và Sarah Palin năm 2008. Tiếp theo, trong bối cảnh phong trào Black Lives Matter, xã hội dân sự đang mạnh mẽ đòi hỏi một phó tổng thống phù hợp với nước Mỹ đa sắc tộc của năm 2020.
Cuối cùng, vì ông Joe Biden đã 78 tuổi, nên nếu thắng cử, ông sẽ trở thành tổng thống lớn tuổi nhất từ trước đến nay khi bước chân vào Nhà Trắng. Do quá cao tuổi, ông khó thể tranh cử được một nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2024. Dù người phụ nữ được Biden chọn làm phó là ai đi nữa, thì bà này sẽ có nhiều ưu thế để một ngày nào đó trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ.
Quyết định này sẽ có tác động như thế nào đến cuộc bầu cử ? Cho dù các chuyên gia thường nói rằng việc chọn người đứng chung liên danh không giúp cho ứng cử viên chiến thắng, nhưng quy trình chọn lựa rất chặt chẽ. Phải tìm được một người bù đắp được một điểm yếu của ứng cử viên – năm 2008, ứng viên trẻ Barack Obama đã chọn một nhân vật kinh nghiệm là Joe Biden – nhưng cũng phải bảo đảm rằng quá khứ người này không có vấn đề gì có thể gây rắc rối một khi được "soi" trước bàn dân thiên hạ.
Thế nên xu hướng chung là tìm một người đầy kinh nghiệm, quá khứ rõ ràng. Trong số những cái tên được nhắc đến hiện nay có bà Susan Rice, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc thời Obama, một cái tên có thể làm yên tâm. Bên cạnh đó là thượng nghị sĩ Kamala Harris và dân biểu Karen Bass, cả hai đều ở bang California ; Elizabeth Warren, đối thủ cũ của Joe Biden trong kỳ bầu cử sơ bộ, và Tammy Duckworth, thượng nghị sĩ Illinois.
Câu hỏi cuối cùng, phó tổng thống Mỹ có vai trò gì ? Hiến pháp Hoa Kỳ không quy định cụ thể, ngoài việc quyết định đứng về bên nào trong trường hợp Thượng Viện bất phân thắng bại trong một vấn đề. Trên thực tế, đó là một cố vấn có thể được tổng thống lắng nghe hoặc không, và được giao phó một số công tác. Dưới thời Barack Obama, ông Joe Biden phụ trách cải cách việc mang vũ khí, sau vụ xả súng cuối năm 2012.
Còn lại, vai trò của phó tổng thống Mỹ chủ yếu là phải sẵn sàng… trong trường hợp xấu nhất. Trong lịch sử, đã có tám vị phó được cánh cửa Phòng Bầu dục mở ra sau khi tổng thống qua đời – vì bạo lực hoặc bệnh. Riêng ông Gerald Ford năm 1974 là trường hợp đặc biệt, đã trở thành nguyên thủ nước Mỹ mà không hề tham gia chiến dịch tranh cử nào. Tuy không được chọn đứng chung liên danh với ông Richard Nixon năm 1968 lẫn 1972, nhưng ông Ford đã thay thế phó tổng thống Spiro Agnew khi ông này phải từ chức năm 1973 vì trốn thuế.
Chức phó tổng thống còn có thể là lực đẩy : George Bush cha hay Richard Nixon chẳng hạn, đã từng giữ chức vụ này trước khi lên làm tổng thống.
Liên quan đến cuộc thương lượng giữa Microsoft và mạng xã hội TikTok, Le Monde nói về"đèn xanh và…tối hậu thư của Donald Trump",còn Les Echos nhận xét về"đòi hỏi hiếm thấy" của ông Donald Trump trong thương vụ này.
Tổng thống Mỹ cho phép hai bên thương thảo, nhưng yêu cầu phải đạt đến thỏa thuận trước ngày 15/09. Trong trường hợp thất bại, ứng dụng này sẽ bị cấm trên lãnh thổ nước Mỹ. Còn nếu Microsoft mua được, ông Trump đòi phải dành một số "phần trăm" cho ngân khố Hoa Kỳ !
Theo Le Monde, các cuộc thương lượng bí mật giữa tập đoàn Microsoft với ByteDance, công ty sở hữu TikTok đang diễn ra và có thể đạt đến thỏa thuận vào thứ Sáu tuần trước, thì tổng thống Donald Trump tuyên bố muốn cấm ứng dụng này. TikTok, có trên 80 triệu người sử dụng tại Mỹ, bị nghi ngờ thu thập dữ liệu của người tiêu dùng Mỹ để chuyển cho Bắc Kinh, tiếp tay tuyên truyền cho Trung Quốc và kiểm duyệt các video, chủ yếu liên quan đến Hồng Kông. Mới đây Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ đã cấm nhân viên sử dụng trên các máy do cơ quan cung cấp.
Người sáng lập TikTok là Trương Nhất Minh (Zhang Yimin) đã làm mọi cách để đánh tan những nghi ngờ : ứng dụng này không hoạt động tại Hoa lục, chọn tân tổng giám đốc là một người Mỹ và dự định chuyển trụ sở sang Anh. TikTok cũng đã bị Ấn Độ chặn, sau vụ đụng độ đẫm máu ở Himalaya.
Nhà Trắng chia làm hai phe. Phe kịch liệt chống Trung Quốc, nhất là phó thủ tướng Mike Pence và cố vấn thương mại Peter Navarro muốn loại
hẳn TikTok. Phe ôn hòa hơn, trong đó có bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin và ngoại trưởng Mike Pompeo, chủ trương để một tập đoàn Mỹ mua lại. Các cố vấn cảnh báo ông Trump về rủi ro khi cấm một ứng dụng rất được giới trẻ ưa chuộng, kể cả cử tri Cộng hòa.
Les Echos cho biết đến tối Chủ nhật, sau khi nói chuyện điện thoại với tổng giám đốc Microsoft, tổng thống Donald Trump chuyển sang ủng hộ việc mua TikTok, nhưng đặt ra tối hậu thư phải xong trước 15/09. Tuy nhiên yêu cầu của ông Trump dành một số phần trăm cho ngân khố Mỹ bị chỉ trích. Một giáo sư luật trên New York Times cho rằng việc này sẽ ít bị tranh cãi nếu được áp dụng đồng đều cho các doanh nghiệp khác, thông qua một sắc thuế. Còn tờ báo chuyên ngành Techcrunch gọi đây là một kiểu đòi "hoa hồng trung gian".
Cũng trên lãnh vực kinh tế, Les Echos cho biết "Samsung sẽ ngưng sản xuất máy tính tại Trung Quốc". Sau khi chuyển sản xuất điện thoại thông minh sang Việt Nam, tập đoàn Hàn Quốc đến cuối tháng Tám sẽ đóng cửa các dây chuyền lắp ráp máy tính bàn và máy tính xách tay có từ năm 2002 ở Tô Châu (Suzhou).
Hôm thứ Hai 03/08, một phát ngôn viên Samsung Electronics xác nhận với Yonhap tin trên, và phân nửa trong số 1.700 công nhân sẽ bị sa thải hoặc chuyển sang cơ sở khác. Tuy Samsung không cho biết sẽ chuyển sang nước nào, nhưng báo chí Hàn Quốc khẳng định máy tính từ nay sẽ được lắp ráp tại Việt Nam, nơi tập đoàn này đã đầu tư ồ ạt vào khoảng giữa những năm 2010.
Đối với nhiều tập đoàn, Made in China giờ đây trở nên quá tốn kém hoặc quá nhiều rủi ro, từ khi xung đột Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng. Nhà máy ở Tô Châu, 18 năm sau khi Trung Quốc được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không còn thu hút nữa vì giá lao động tăng lên, trong khi thị phần của Samsung lại giảm xuống, từ 4,3 tỉ đô la chỉ còn 1 tỉ. Nhà máy Tô Châu bị đóng cửa sau khi ba nhà máy khác của Samsung ở Thâm Quyến (Shenzhen), Thiên Tân (Tianjin) et Huệ Châu (Huizhou) bị cho ngừng hoạt động vào năm 2018 và 2019 để chuyển sang Việt Nam.
Một tin mừng khác cho Việt Nam, lần này dành cho người trồng cà phê : việc phong tỏa tại nhiều nước trên thế giới do đại dịch đã khiến cho tiêu thụ cà phê tại nhà tăng lên. Chủ yếu là loại robusta mà Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, đa số trồng tại vùng đất đỏ bazan Ban Mê Thuột.
Giá cà phê robusta (còn gọi là cà phê vối) đã tăng lên, và xu hướng này vẫn tiếp tục trong trung hạn, còn loại arabica (cà phê chè) lại giảm xuống. Đó là do robusta được sử dụng làm cà phê hòa tan bán cho các gia đình, và tiêu thụ tại nhà sẽ còn kéo dài cùng với nhu cầu làm việc từ xa – theo dự báo của các nhà phân tích Rabobank được Les Echos trích dẫn. Một yếu tố khác khiến giá tăng là sản lượng robusta của Việt Nam và Brazil bị sút giảm.
Còn arabica (cà phê chè) được cho là "danh giá" hơn, thường sử dụng tại các quán cà phê, ít có khả năng tăng giá trở lại vì mối lo một đợt dịch mới, và Brazil năm nay được mùa arabica.
Tại Châu Âu, sự kiện cựu vương Tây Ban Nha Juan Carlos đi lưu vong được tất cả các báo Pháp chú ý. Le Monde và Le Figaro gần như đưa cùng một ý"Bị điều tra, cựu vương Juan Carlos chọn lựa lưu vong". La Croix nói về"Thảm họa tại hoàng gia Tây Ban Nha", Les Echos tỏ ý tiếc cho"Juan Carlos, sự xuống dốc của một nhà vua từ lâu được ngưỡng mộ". Còn Libération tóm lược"Juan Carlos lưu vong, Felipe bị cô lập, Tây Ban Nha chán ngán".
Cựu vương sẽ được lịch sử ghi nhận như một nhà vua đã giúp Tây Ban Nha quay lại với chế độ dân chủ, vào cuối thời kỳ Franco độc tài. Tuy nhiên hồi kết của ông lại không mấy gì làm vẻ vang : phải chạy trốn để tránh tiếng xấu cho con trai là quốc vương đương nhiệm, sau phát hiện về mạng lưới tham nhũng xung quanh ông.
Vương triều Juan Carlos (1975-2014) là độc nhất vô nhị trong thế kỷ 20, chưa bao giờ một nhà vua lại đóng vai trò chính trị quan trọng như thế trong lịch sử đất nước. Khi nhà độc tài Francisco Franco qua đời năm 1975, ông lên ngôi theo luật và lập tức được sự ủng hộ của một thế hệ quyết tâm kết thúc những thù địch của thời kỳ nội chiến. Nhưng đến 1981, khi quốc vương ra tay ngăn chận một vụ đảo chính của quân đội trong lúc Quốc Hội đã bị bao vây, Juan Carlos mới chiếm được trái tim của mọi người dân Tây Ban Nha.
Năm 2012, ông bị ngã gãy xương đùi trong một cuộc đi săn voi xa hoa do người tình người Đức Corinna Larsen tổ chức ở Botswana, khiến dư luận bất bình trong lúc đất nước đang lâm vào khủng hoảng tài chính nặng nề. Sau một loạt xì-căng-đan, ông nhường ngôi cho con trai Felipe năm 2014, tuy nhiên việc thoái vị đã khiến Juan Carlos không còn được quyền đặc miễn.
Phát súng ân huệ đến từ tư pháp Thụy Sĩ tháng Ba vừa qua, với cuộc điều tra về món quà 100 triệu đô la của Ả Rập Xê Út, liên quan đến một hợp đồng tàu cao tốc ; và năm tháng sau đến lượt Công tố viện Tây Ban Nha mở điều tra. Quốc vương Filipe loan báo từ chối nhận gia tài của cha, thậm chí còn hủy bỏ trợ cấp chính thức cho Juan Carlos.
Cựu vương sẽ lưu vong ở đâu ? Cộng hòa Dominicana, vùng vịnh Caribê hay Bồ Đào Nha, Pháp, Ý theo những lời đồn đãi ? Đa số các chính đảng cho rằng việc Juan Carlos ra đi là đúng để giữ thể diện cho một hoàng gia đang xuống dốc, nhưng phe dân tộc chủ nghĩa và cực tả cho rằng đó là một thái độ "đáng phẫn nộ". Họ công kích tính chính danh của Felipe VI, vị vua trẻ đang cô đơn hơn bao giờ hết.
Tại Lebanon, hai vụ nổ lớn đã làm rung chuyển thủ đô Beirut vào 18 giờ hôm qua 04/08/2020, làm hơn 100 người thiệt mạng và khoảng 4.000 người bị thương. Những cuộn khói hình cây nấm khổng lồ khiến người ta liên tưởng đến quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki.
Libération mô tả cửa kính các tòa nhà cách đó nhiều cây số đều bị vỡ tung, làm cư dân bị thương. Hầu như toàn bộ cửa kính các cửa hàng và kính xe hơi ở khu Hamra để vỡ vụn, còn những tòa nhà cao tầng ở gần địa điểm tai nạn đều sụp đổ. Các bệnh viện vốn đã bị quá tải vì các bệnh nhân Covid, chỉ có thể nhận những ca nặng. Nguyên nhân được cho là do kho chứa 2.750 tấn nitrat ammonium phát nổ. Đây một loại muối trắng không mùi vị, là hóa chất có trong thành phần phân bón lẫn chất nổ - đã từng gây ra nhiều tai nạn công nghiệp như vụ nổ nhà máy AZF ở Toulouse (Pháp) năm 2001.
Nhiều nước đề nghị giúp đỡ, kể cả kẻ thù Israel cũng muốn viện trợ cho Lebanon, đặc biệt Pháp đã gởi ngay nhiều tấn vật liệu y tế đến Beirut. Thảm họa này xảy ra vào lúc Lebanon đang bị khủng hoảng tài chính, kinh tế, xã hội lẫn dịch tễ, quả là họa vô đơn chí !
Thụy My
Phản biện bài báo của ông Lê Công Tâm trên mạng Hội Ái hữu Luật khoa về ông Joe Biden
Anh Ngô Tằng Giao, một trong người quen thuộc trong cộng đồng Việt, vừa phổ biến một bài báo của ông Lê Công Tâm nhan đề "Bản chất tàn độc của Joe Biden đối với người Việt tị nạn cộng sản 1975". Bài báo này được phổ biến trên mạng của Hội Ái Hữu Luật Khoa vào ngày 24/7/2020 có một số sai lầm nghiêm trọng nếu không muốn nói là xuyên tạc sự thật.
Nguồn : Hội Ái Hữu Luật Khoa vào ngày 24/7/2020
Tôi đã nghiên cứu hồ sơ giải mật của Quốc hội và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và đã tìm ra sự thật rõ ràng rằng ông Joe Biden ủng hộ người Việt đến tị nạn tại Hoa Kỳ. Bài báo của tôi nhan đề "Joe Biden ủng hộ người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ" đã được phổ biến vào ngày 26/6/2020. Bản tiếng Anh đã được phổ biến vào giữa tháng 7 với tựa đề "U.S. Congressional Records : Joe Biden Welcomed Vietnamese Refugees to The United States".
Hồ sơ của Quốc hội Hoa Kỳ cho thấy rõ ông Joe Biden và 91 nghị sĩ khác đã ký vào nghị quyết có tên là "S. Res. 148 (94th) : A resolution to welcome the latest refugees to our shores" ngày 8/5/1975. Chỉ có một nghị sĩ Cộng hòa là ông William Scott (Virginia) là chống nghị quyết này. Ngoài ra có bẩy nghị sĩ vắng mặt.
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Joe Biden vận động giúp đỡ cộng đồng người Châu Á và Châu Mỹ la-tinh trong một kết hợp phòng chống đại dịch Covid-19
Tôi có toàn bộ biên bản của buổi họp tại Nhà Trắng vào ngày 14/4/1975. Biên bản này không hề có câu tuyên bố sau đây để trong ngoặc kép mà Luật sư Lê Công Tâm đã ngụy tạo và nói là của ông Joe Biden (1) :
"Không có một trách nhiệm, kể cả lương tâm để di tản những người ngoại quốc".
Theo biên bản buổi họp tại Nhà Trắng, Tổng thống Ford có vẻ giận giữ về đề nghị của Nghị sĩ Clairborne Pell cho người Việt định cư tại đảo Borneo của Nam Dương. Tổng thống Ford đã tuyên bố như sau (2) :
"Chúng ta đã mở cửa đón người Hung. Tôi không muốn nói rằng tình trạng giống nhau nhưng truyền thống của chúng ta là tiếp nhận những người bị đàn áp. Tôi không nghĩ rằng những người này nên được đối sử khác biệt với những người khác - người Hung, người Cuba, người Do Thái từ Liên Xô".
Ông Lê Công Tâm đã bóp méo sự thật khi nói rằng Tổng thống Ford đã giận dữ về lời tuyên bố của ông Biden.
Có hai dự luật về việc di tản và cứu trợ người Việt tị nạn được đệ trình Quốc hội Hoa Kỳ :
Thứ nhất là S.1484 (Vietnam Contingency Act) được Thượng viện chấp thuận với số phiếu 75-17 vào ngày 24/4/1975. Ông Biden là một trong 17 nghị sĩ chống vì dự luật này có điều khoản cho phép tổng thống đưa quân Mỹ trở lại Việt Nam để bảo vệ việc di tản. Khi dự luật S 1484 đưa xuống Hạ viện đã bị bác chung với dự luật HR 6096 cũa Hạ viện.
Tổng thống Ford đã nhờ Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện đệ trình dự luật mới S 1661 (Indochina Migration and Refugee Assistance Act) và được chấp thuận với số phiếu 77-2. Hai phiếu chống là của hai nghị sĩ Cộng hòa Jessy Helm và Silliam Scott. Dự luật S. 1661 nhập với dự luật 6755 của Hạ viện được chấp thuận với số phiếu 381-31. Tổng thống Ford đã ký thành luật ngày 23/5/1975.
Ông Lê Công Tâm hiển nhiên chưa nghiên cứu kỹ tài liệu, nhầm luật này với luật kia. Ông viết "Biden bỏ phiếu không cho phép Chính phủ Mỹ di tản người Việt ở miền Nam Việt Nam khi chiến tranh sắp kết thúc năm 1975" là hoàn toàn bịa đặt. Một bài báo về pháp luật vọn vẻn 6 trang giấy với 6 tấm hình đã chiếm hết 3 trang chứa đựng quá nhiều sai lầm trầm trọng. Ông nên công tâm viết lại một cách chính xác.
Nguyễn Quốc Khải
(30/07/2020)
Chú thích :
(1) Biden : I feel put upon in being presented an all or nothing number. I don’t want to have to vote to buy it all or not at all. I am not sure I can vote for an amount to put American troops in for one to six months to get the Vietnamese out. I will vote for any amount for getting the Americans out. I don’t want it mixed with getting the Vietnamese out.
(Nguồn : https://history.state.gov/historicaldocuments/frus1969-76v10/d232)
(2) Pell : We could put these people in Borneo. It has the same latitude, the same climate, and would welcome some anti-Communists.
President : Let me comment on where they would go : We opened our door to the Hungarians. I am not saying the situation is identical but our tradition is to welcome the oppressed. I don’t think these people should be treated any differently from any other people—the Hungarians, Cubans, Jews from the Soviet Union.
Clark : Is the request for military assistance primarily to arrest the situation and bring on negotiations, or for something else?
Presidentv: I think I stated it clearly : We wanted the sum to stabilize the military situation in order to give a chance for negotiations and to permit evacuation of Americans and deserving Vietnamese.
(Nguồn : https://history.state.gov/historicaldocuments/frus1969-76v10/d232)
Mùa bầu cử 2020 đang sôi động. Chỉ còn hơn bốn tháng nữa là đến ngày bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Joe Biden sẽ là ứng cử viên tổng thống chính thức của Đảng Dân chủ. Do đó trong những ngày gần đây những người ủng hộ Tổng thống Trump dựng lên mẩu tin rằng ông Biden là người chống tị nạn Việt Nam vào giữa thập niên 1970 để lấy phiếu của người Việt cho ông Trump. Vì ông Biden là một thượng nghị sĩ rất trẻ từ khi mới 30, vừa đủ tuổi tối thiểu để nhậm chức, cho nên kiểm lại hồ sơ của Quốc hội có thể sẽ biết thực hư như thế nào. Đây cũng sẽ là cơ hội để xem lại những dự luật về việc cứu trợ người Việt tị nạn và tin tức thời sự liên quan vào khoảng thập niên 1970.
Đạo luật di tản và cứu trợ người tị nạn cộng sản
Trong hồ sơ pháp luật của Quốc hội Hoa Kỳ, tôi tìm thấy ba tài liệu chính liên quan đến việc di tản và cứu trợ người Việt tị nạn vào 1975. Thứ nhất là dự luật S. 1484 (Vietnam Contigency Act) được Thượng viện chấp thuận với số phiếu 75-17 vào ngày 24/4/1975. Trong số 17 phiếu chống có phiếu của ông Joe Biden. Ngay từ khi tranh cử vào thượng viện khi vừa 30 tuổi vào 1972 ông đã ủng hộ việc rút quân Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam.
Khi chuyển xuống Ha Viện, dự luật S. 1484 bị bác bỏ chung với dự luật cũa Hạ viện H.R. 6096 (Vietnam Humanitarian Assistance and Evacuation Act of 1975) với 162 phiếu thuận và 246 phiếu chống vào ngày 1/5/1975.
Rất tiếc tôi chì tìm thấy một vài chi tiết giải thích những lý do những dự luật trên đây bị Quốc hội bác bỏ. Lý do đầu tiên là chính quyền Ford muốn Quốc hội cho ông quyền sử dụng quân đội Mỹ nếu cần thiết để bảo vệ việc di tản người Mỹ và người Việt ra khỏi Việt Nam.
Nghị sĩ Robert C. Byrd (Dân chủ, West Virginia) chống việc dùng quân đội Mỹ để di tản người Việt vì biện pháp này "không thiết thực và nguy hiểm". Ông nói "Nếu chúng ta bắt đầu làm như vậy, chúng ta sẽ nhập vào cuộc chiến trở lại".
Dân Biểu Bob Carr (Dân chủ, Michigan) nói rằng Tổng thống Ford biết Quốc hội sẽ không bao giờ chấp thuận viện trợ quân sự, cho nên Tổng thống cho di tản ngay những người còn ở đó và chấm dứt chơi trò chính tri với họ".
Ngoài ra, Thư ký Báo chí Ron Nessen của Nhà Trắng thừa nhận rằng đa số điện báo (1,125 – 443) và điện thoại (342 – 290) gọi vào chống lại kế hoạch của Tổng thống Ford.
Chính quyền Ford chủ tâm liên kết việc di tản người Mỹ và người Việt với khoản xin viện trợ quân sự cho Việt Nam mà Tổng thống Ford cho là cần thiết để ổn định tình thế và nhờ vậy việc di tản sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Sau khi bị thất bại tại Hạ viện với dự luật H.R. 6096, Tổng thống Gerald Ford vào ngày 6/5/1975, qua Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, đã đệ trình Quốc hội dự luật mới có tên là Indochina Migration and Refugee Assistance Act (S. 1661). Dự luật này được đa số Thượng viện chấp thuận với 77 phiếu thuận và hai phiếu chống của hai nghị sĩ Cộng hòa là Jesse Helm (North Carolina) và William Scott (Virginia). Ngoài ra có 20 nghị sĩ không bỏ phiếu.
Dự luật của Thượng viện S. 1661 được sát nhập vào một dự luật của Hạ viện có tên là Authorizing Funds for Assistance to Refugees from South Vietnam and Cambodia (H.R. 6755). Dự luật này được đệ trình Hạ viện vào ngày 7/5/1975 và đã được thông qua với 381 phiếu thuận và 31 phiếu chống. Tổng thống Ford ký thành luật vào ngày 23/5/1975. Quốc hội Hoa Kỳ chấp thuận cho Tổng thống Ford dành một ngân khoản là 455 triệu USD để di tản và cứu trợ những người tị nạn từ Việt Nam và Campuchia, không kể một ngân khoản $98 triệu để chi vào việc di tản và hỗ trợ người tị nạn. Trong đạo luật này không có một ngân khoản nào dành cho viện trợ quân sự. Và nếu có cũng đã quá trễ vì Saigon đã thất thủ vào 30/4/1975.
Ngoài ra, Thượng viện Hoa Kỳ có ra một nghị quyết (resolution) S. Res. 148 có tên là "Chào mừng những người tị nạn mới nhất đến đất nước chúng tôi" (Welcome the latest refugees to our shores) vào ngày 8/5/1975 với 92 phiếu thuận trong đó có Nghị sĩ Joe Biden, một phiếu chống của Nghị sĩ William Scott (Cộng hòa, Virginia) và bẩy nghị sĩ vắng mặt.
Buổi họp tại Nhà Trắng vào ngày 14/4/1975
Tôi cũng đã tìm thấy trong kho hồ sơ lịch sử đã được giải mật của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ một tài liệu về buổi họp vào ngày 14/4/1975 tại Tòa Bạch Cung giữa Tổng thống Gerald Ford, Ngoại trưởng Henry Kissinger, Bộ trưởng Quốc phòng James R. Schlesinger và Ủy ban Ngoại giao Thượng viện trong đó có Nghị sĩ Joe Biden và một số viên chức cao cấp trong chính quyền.
Trong tài liệu này, tất cả mọi người, đặc biệt là Tổng thống Ford, Ngoại trưởng Kissinger, xem ra đều đồng thuận về hai việc quan trọng : 1) Mang người Mỹ ra khỏi Việt Nam an toàn ; 2) Di tản khoảng 175.000 người Việt. Riêng việc viện trơ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa được đề cập tới nhưng không đưa đến một quyết định nào cả.
Theo Ngoại trưởng Kissinger kế hoạch di tản người Mỹ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Di tản số người Việt lớn lao là một bổn phận của Hoa Kỳ (obligation) sẽ phức tạp hơn, cần sự hợp tác của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và và có thể của cả Bắc Việt. Cũng theo ông Kissinger, "Tổng cộng số người Việt bị nguy hiểm lên đến trên một triệu. Danh sách không thể giảm bớt là 174.000 người. Điều này không có nghĩa là chúng ta có thể di tản hết những người ở trong tình trạng cực kỳ nguy khốn này. Chúng ta phải tập trung họ lại ở nơi mà chúng ta có điều kiện để di chuyển họ".
Nghị sĩ Frank Church (Dân chủ, Idaho) góp ý rằng về mặt pháp lý rõ ràng không có khó khăn gì để di tản người Việt cùng với người Mỹ, nhưng với 175.000 người cần có hàng ngàn quân Mỹ bảo vệ.
Nghị sĩ Stuart Symington (Dân chủ, Missouri) đặt câu hỏi về người Việt tị nạn sẽ định cư ở đâu, Nghị sĩ Clairborne Pell (Dân chủ, Rhode Island) góp ý rằng "Chúng ta có thể đưa họ đến Borneo, cùng một vĩ độ, cùng một khí hậu, và đón nhận những người chống cộng sản".
Tổng thống Ford ngay lập tức đáp lại rằng "Chúng ta đã mở cửa đón người Hung. Tôi không muốn nói rằng tình trạng giống nhau nhưng truyền thống của chúng ta là tiếp nhận những người bị đàn áp. Tôi không nghĩ rằng những người này nên được đối sử khác biệt với những người khác - người Hung, người Cuba, người Do Thái từ Liên Xô".
Ý kiến của Tổng thống Ford là quyết định sau cùng vì sau đó không ai đem vấn đề này ra bàn thêm.
Trong buổi họp, Nghị sĩ Biden chỉ phát biểu ba lần ngắn gọn. Ông than phiền rằng Bộ Ngoại giao chưa cho xem kế hoạch [di tản]. Ông Biden muốn tách riêng ba vấn đề đã nêu trên là di tản người Mỹ, di tản người Việt và viện trợ quân sự. Ông muốn tập trung ngay vào việc di tản người Mỹ vì việc này dễ dàng và đã chuẩn bị đầy đủ. Cũng như đa số ở Quốc hội ông Biden không ủng hộ viện trợ quân sự cho Việt Nam.
Ông Biden nói nguyên văn bằng tiếng Anh như sau "We should focus on getting them out. Getting the Vietnamese out and military aid for the GVN are totally different". Vài phút sau ông nói tiếp "I don’t want to have to vote to buy it all or not at all. I will vote for any amount for getting the Americans out. I don’t want it mixed with getting the Vietnamese out".
Tuy nhiên Jerry Dunleavy của báo The Washington Examiner đã bẻ quẹo lời ông Biden vừa phát biểu "Biden said U.S. allies should not be rescued". Tại buổi họp không ai nói câu nào như vậy.
Cũng trong buổi họp tại White House, Tổng thống Ford tỏ ra bực tức với Nghị sĩ Clairborne Pell khi ông này đề nghị định cư người Việt ở đảo Borneo của Nam Dương.
"Pell : We could put these people in Borneo. It has the same latitude, the same climate, and would welcome some anti-Communists".
"President : Let me comment on where they would go: We opened our door to the Hungarians. I am not saying the situation is identical but our tradition is to welcome the oppressed. I don’t think these people should be treated any differently from any other people—the Hungarians, Cubans, Jews from the Soviet Union".
Một cách tồi tệ, thiếu lương tâm nghề nghiệp, nhà báo Dunleavy đã thay thế câu nói của ông Pell bằng một phát biểu trước đó của ông Biden không liên quan gì đến nơi định cư của người tị nạn Việt :
"I will vote for any amount for getting the Americans Out. I don’t want it mixed with getting the Vietnamese out".
Dunleavy muốn độc giả hiểu lầm rằng Biden không muốn di tản người Việt và Tổng thống Ford bực tức ông Biden chứ không phải ông Pell.
Ngoại trưởng Kissinger trả lời Nghị sĩ Biden rằng đây là một vấn đề hết sức tế nhị. Hoa Kỳ không thể di tản những người tị nạn trong điều kiện khủng hoảng. Không ai nghĩ cần có một thời gian dài để di tản những người này. Chỉ có 10 ngày hay hai tuần mà thôi.
Tổng thống Ford nói "Chúng ta không muốn mang quân đội Hoa Kỳ vào nhưng chúng ta cần có đủ ngân khoản để làm như chúng ta dự định cầm cự một thời gian… Nếu đây là một buổi họp để chuẩn bị di tản, nó sẽ làm chính phủ Việt Nam hoảng sợ. Nghị sĩ Jacob Javits (Cộng Hòa, New York) đề nghị nói với báo chí 200 triệu USD.
Toàn bộ buổi thảo luận tại Nhà Trắng vào ngày 14/4/1975 có thể tìm đọc : 232. Memorandum of Conversation
Viện trợ quân sự
Cũng trong buổi họp tại Nhà Trắng vào ngày 14/4/1975, Bộ trưởng Quốc phòng James R. Schlesinger nói rằng "Có những tiến bộ trong những ngày vừa qua. Họ [quân đội Việt Nam Cộng Hòa] đã chiến đấu tốt tại Xuân Lộc và vùng châu thổ [sông Cửu Long] nhưng tình trạng này là tạm bợ hay không tùy thuộc vào Bắc Việt và yêu cầu [viện trợ quân sự] của Tổng thống. Tại vùng quân sự, Bắc Việt có tám sư đoàn, chính phủ Việt Nam có bẩy sư đoàn. Họ chiến đấu tốt nhưng họ đang thiếu đạn dược. Nói một cách tổng quát, nếu Bắc Việt tung hết lực lượng ra họ sẽ có ưu thế, nhưng quân đội miền Nam biết địa thế và bị dồn vào chân tường".
Bộ trưởng Schlesinger yêu cầu 722 triệu USD viện trợ quân sự. Trong đó 140 triệu USD để trang bị bốn sư đoàn bộ binh, 120 triệu USD để cải tổ bốn đơn vị biệt động quân và 190 triệu USD cho đạn dược. Tổng thống Ford nhắc tới một ngân khoản thứ hai là 300 triệu USD đã được Quốc hội chấp thuận nhưng chưa có ngân khoản.
Nghị sĩ Richard Clark (Dân chủ, Iowa) nêu một câu hỏi về mục đích của viện trợ quân sự mà Tổng thống Ford yêu cầu. Một lần nữa Tổng thống Ford xác nhận rằng ông muốn dùng viện trợ quân sự để ổn định tình hình quân sự và tạo cơ hội thương thuyết và cho phép di tản người Mỹ và người Việt.
Theo tường thuật của New York Times vào ngày 18/4/1975, Ngoại trưởng Kissinger, tại buổi điều trần trước Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, tiên đoán rằng nếu không có viện trợ quân sự quân lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ cạn hết đạn dược vào cuối tháng 5. Tướng Frederick C. Weyand, Tham mưu trưởng Bộ binh cũng có một nhận định tương tự trước Ủy ban Quân sự Hạ viện.
Sau cùng Quốc hội Hoa Kỳ đã không chấp thuận một ngân khoản viện trợ quân sự nào cho Việt Nam Cộng Hòa theo yêu cầu của Tổng thống Ford. Ông cũng chịu chung một số phận như Tổng thống Nixon.
Cả hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội Hoa Kỳ đều tiếp tay gây áp lực để ép Nixon chấm dứt chiến tranh qua luật ngân sách quốc phòng. Hai nghị sĩ John Sherman Cooper (Cộng hòa) và Frank Church (Dân chủ) đã đệ trình một số tu chính án cho luật ngân sách quốc phòng để cấm Nixon chi tiền không những vào chiến tranh Việt Nam mà còn cả ở Thái Lan, Lào và Campuchia. Có đến 73 nghị sĩ trên tổng số 100 ủng hộ, không phải chỉ có nghị sĩ Dân chủ mà thôi.
Một tu chánh án khác do hai nghị sĩ Mark Hatfield (Cộng hòa) George McGovern (Dân chủ) bảo trợ đòi chấm dứt hoạt động quân sự vào 31/12/1970 và rút quân ra khỏi Việt Nam vào 31/12/1971, nhưng tu chánh án này không đạt được đa số phiếu ủng hộ (39/55).
Tổng thống Nixon xin viện trợ cho Việt Nam trong tài khóa 1/7/1974 đến 30/6/1975 một ngân khoản là 1,45 tỉ USD nhưng chỉ được Quốc hội chấp thuận 700 triệu USD.
Tóm lại cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã bỏ rơi Việt Nam.
Hiệp định Paris 1973
Để trả lời một câu hỏi của Nghị sĩ John Sparkman (Dân chủ, Alabama) về trách nhiệm của Hoa Kỳ theo Hiệp định Paris 1973, Tổng thống Ford nói rằng Hoa Kỳ đã ký và ủng hộ Hiệp định Paris 1973 thiết lập do sáng kiến của Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Kissinger giải thích rằng với Hiệp định Paris Hoa Kỳ không có bổn phận gì cả nhưng có thẩm quyền đó là Điều 7. Hoa Kỳ có quyền cung cấp viện trợ và ép buộc thi hành những thỏa hiệp.
Ông Kissinger trình bầy tiếp rằng đối với chính quyền Việt Nam, Hoa Kỳ đã nói nếu họ để quân đội Hoa Kỳ rút ra khỏi Việt Nam, chính phủ Hoa Kỳ sẽ có nhiều may mắn hơn để trợ giúp Việt Nam và buộc phải thi hành Hiệp định Paris. Một vài người gọi đó là trách nhiệm tinh thần. Tuy nhiên, Hoa Kỳ không bao giờ tự cho rằng có bổn phận, không bao giờ nhận trách nhiệm theo Hiệp định Paris.
Điều 7 của Hiệp định Paris nói rằng cả hai phe của miền Nam Việt Nam không được phép tiếp nhận nhận binh sĩ, cố vấn và nhân viên quân sự, kể cả nhân viên kỹ thuật quân sự, súng đạn và vật liệu chiến tranh vào miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên đôi bên có quyền thay thế những những vũ khi, đạn dược bị phá hủy, hư hại hay hao mòn.
Câu nói của Ngoại trưởng Kissinger rất quan trọng. Do đó tôi chép lại nguyên văn bằng tiếng Anh như sau :
"The Accords had not obligations but authorities, that is, Article 7. President Nixon and others judged that permitting the United States to extricate itself would permit the United States to provide aid and enforce the agreements. Under the Paris Accords, we have no obligation. To the GVN we said that if they let us get our forces out it would enhance our chances of getting aid for them and enforcing the agreement. It was in this context, not that of a legal obligation. We never claimed an obligation ; we never pleaded an obligation. But some of us think there is a moral obligation".
Không ít hội đoàn và một số nhân vật chính trị và tôn giáo Việt Nam ở hải ngoại trên 10 năm nay bám vào Hiệp định Paris 1973 để nuôi hi vọng lấy lại miền Nam Việt Nam, phục hồi chế độ Việt Nam Cộng Hòa để đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa, không những nên nghiên cứu lại nội dung của Hiệp định mà quan trọng hơn cả là nên tìm hiểu kỹ về chính giới Hoa Kỳ trước đây và hiện nay quan niệm như thế nào về trách nhiệm của Hoa Kỳ đối với Hiệp định này. Nếu thấy đây đã là ngõ cụt, thời nên tính chuyện làm ăn khác.
Kết luận
Trên thực tế, tình hình chiến sự biến chuyển rất nhanh tại Việt Nam. Chỉ hơn hai tuần sau buổi họp ở Nhà Trắng, Sài Gòn thất thủ. Cuộc di tản người Mỹ hoàn tất. Một số người Việt làm việc với các cơ quan của Mỹ tại Việt Nam được đưa đi cùng lúc với người Mỹ. Nhưng nói chung cuộc di tản người Việt đã diễn ra trong hỗn loạn hầu hết bằng cách vượt biên. Khoảng hơn 120.000 người Việt tị nạn đã đến Hoa Kỳ trong năm 1975.
Những năm sau này Hoa Kỳ có những chương trình tị nạn cho người Việt là Humanitarian Operation (HO), Orderly Departure Program (ODP), Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees (ROVR), Amerasian Homecoming (AH) và Humanitarian Resettlement (HR). Theo U.S. Census Bureau, dân số người Mỹ Việt là 2.104.217 vào năm 2017.
Bình tĩnh và công bình mà nói, những tài liệu lịch sử đã được phổ biến Hoa Kỳ cho thấy một phần nào rằng chiến tranh Việt Nam không thể thắng được ngay từ 1964. Chính Tổng thống Johnson cũng rất do dự về việc đem quân vào Việt Nam vào 1965. Ngay sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, Tổng thống Johnson nhìn xa trông rộng, tuyên bố không ra tranh cử nhiệm kỳ 2.
Vào đầu năm 1969, Hoa Kỳ có gần 550.000 quân ở Việt Nam. Không đợi đến 1973, Tổng thống Nixon đã bắt đầu rút quân và thực hiện chương trình Việt Nam hóa chiến tranh. Số phận của miền Nam Việt Nam đã an bài từ khi Nixon ép Việt Nam Cộng Hòa ký vào Hiệp định Paris vào tháng Giêng 1973, không phải vì Quốc hội không chấp thuận 722 triệu USD hay 300 triệu USD viện trợ quân sự vào những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa.
Chỉ có người Việt mới chậm hiểu và tiếp tục bản chất đó cho đến bây giờ, nên đã, đang và sẽ bị thiệt thòi. Cái giá phải trả đôi khi rất cao như vài triệu người chết trên chiến trường, vài trăm ngàn người chết chìm dưới biển cả.
Mặc dù ông bà nội là người Đức, mẹ ông là người Scottish, hai người trong ba người vợ là người gốc Tiệp và Slovenia, Tổng thống Trump đối xử tàn nhẫn đối với người tị nạn và cực kỳ khắt khe đối với di dân. Ông ra lệnh tách riêng và tập trung 15.000 con cái của những người di dân bất hợp pháp trong vài năm gần đây vào 9 trại giam lỏng, thiếu vệ sinh và chăm sóc cần thiết và bị lam dụng. Ngày 26/6/2020 Tòa án liên bang tại District of Columbia đã ra lệnh cho chính quyền Trump phải thả tất cả những trẻ em đang bị giam giữ một phần vì đại dịch Covid-19.
Tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa chủ trương trục xuất khoảng 650.000 di dân được cha mẹ đưa vào Mỹ bất hợp pháp từ khi còn là trẻ con. Tuy nhiên Tối cao Pháp viện Liên bang vừa bác bỏ yêu cầu của chính quyền Trump đòi chấm dứt chương trình Defered Action for Childhood Arrivals (DACA) do chính quyền Obama thiết lập để tạm thời cho phép họ lưu trú tại Hoa Kỳ và được phép đi làm.
Ông Trump còn ra những quyết định hành pháp để hạn chế số di dân vào nước Mỹ trái với luật định, đặt thêm những điều kiện khắt khe về lợi tức, trình độ Anh ngữ, kỹ năng chuyên môn, tuổi tác, sức khỏe và tình trạng gia đình để giới hạn số người vào Mỹ và cơ hội trở thành người thường trú và công dân Mỹ. Những sắc dân da mầu chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Khoảng 49% người theo Đảng Cộng hòa xem di dân là một gánh nặng xã hội so với 38% xem di dân là một lợi ích cho quốc gia.
Trái lại, ông Joe Biden và Đảng Dân chủ xem Hoa Kỳ là một nước của di dân, nên đón nhận, đối xử nhân đạo và công bằng hơn với người tị nạn và tôn trọng những di dân hợp pháp. Khoảng 83% số người theo Đảng Dân chủ nghĩ rằng di dân làm cho dất nước mạnh hơn, không phải là mối đe dọa an ninh quốc gia hay trở nên gánh nặng cho xã hội về việc làm, nhà ở và dịch vụ y tế. Những công đoàn lao động Hoa Kỳ ngày nay cũng không còn xem di dân là một mối đe dọa về việc làm và lương bổng mà là vấn đề quyền dân sự.
Nếu là người Việt tị nạn hay là di dân, tôn trọng chính sách di dân công bằng và nhân đạo, chống kỳ thị sắc tộc, ông Joe Biden là người đáng được ủng hộ trong cuộc bầu cử vào ngày 3, tháng 11 năm nay.
Nguyễn Quốc Khải
(26/06/2020)
Người Mỹ gốc Việt trước cơn lốc chống phân biệt chủng tộc
Trùng Dương, BBC, 19/06/2020
Như thể đại dịch Covid-19 chưa đủ, nước Mỹ từ hơn ba tuần nay bị cuốn vào một trận dịch khác trong cơn đại dịch - trận dịch chống bạo lực của cảnh sát và phân biệt chủng tộc sau cái chết tức tưởi của một người da đen dưới đầu gối của một viên cảnh sát da trắng ngày 25/5, 2020 ở thành phố Minneapolis thuộc tiểu bang Minnesota.
Người Mỹ gốc Việt tại một buổi lễ nhập tịch Hoa Kỳ hồi tháng 7/2018
Cơn lốc không chỉ diễn ra tại các thành phố ở Mỹ mà đã lan ra các nước khác, như Pháp, Anh, Đức, Úc, New Zealand và vài nơi khác.
Cơn lốc dường như không ngưng ở hiện tại mà còn vươn vào cả quá khứ, khi nhiều pho tượng không chỉ của phe phiến loạn Confederate đòi ly khai trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ 19 bị giật đổ, mà cả những pho tượng của những nhân vật xưa tại một số thành phố ở Âu Châu cũng bị chiếu cố vì đã chủ mưu, tiếp tay hay dung dưỡng nạn buôn bán nô lệ da đen và tiêu diệt các sắc dân thuộc địa vào các thế kỷ trước.
Tất nhiên cơn lốc đã không chừa những gia đình gốc Á. Và đã hẳn người gốc Việt cũng bị cuốn vào trong đó.
Hầu như mọi người quên hẳn Covid, mặc các chuyên viên y tế báo động về sự gia tăng của các ca nhiễm, của những ca phải vào bệnh viện chữa trị, về các con số tử vong.
Một người bạn gửi cho tôi bản điện thư bằng tiếng Việt kèm với hình chiếc quan tài mạ vàng chở xác người đàn ông da đen chết dưới đầu gối của viên cảnh sát da trắng, đặt trong chiếc xe tang sơn trắng do ngựa kéo, đưa người quá cố tới nơi yên nghỉ cuối cùng, với những lời lẽ miệt thị, vô ý thức, như sau :
''Đang là 1 tội phạm ma túy phút chốc trở thành thiên thần, với quan tài mạ vàng, có xe ngựa kéo, không khác gì Tổng Thống, với hàng trăm nhân vật quan trọng trong đảng dân chủ, cùng hàng ngàn người tham dự.''
''Hàng trăm viên chức Chính Phủ quì mọp dưới linh cửu của ngài để tỏ lòng thành kính và ngưỡng mộ.''
''Quỹ tương trợ đám tang cho ngài đã quyên góp được trên 13 triệu đô la. Thành viên Dân chủ của Quốc hội Mỹ đã quỳ cầu nguyện cho ngài và phong tặng ngài là Anh Hùng liệt sỹ. Nếu đảng Dân chủ nắm đa số trong Quốc Hội, ngài sẽ được đặt tên đường. Tiểu sử của ngài tội phạm sẽ được đem dạy cho lớp trẻ. Các em sẽ theo gương ngài, không cần phải học hành. Cứ phạm tội xong vô tình tìm cách để cho cảnh sát bóp cổ chết, sẽ trở thành anh hùng đời đời đi vào lịch sử. Nếu chưa được trở thành anh hùng cũng thành triệu phú trong vài ngày.
Hy vọng ngài sẽ hiển linh để giúp đảng dân chủ nắm quyền từ trên xuống dưới như ước mơ của đảng".
Người Mỹ gốc Việt trước cơn lốc chống phân biệt chủng tộc
Chắn hẳn lời "tang điếu" này đã khiến một chị bạn của tôi, một nhà truyền thông gốc Việt và là người triệt để hỗ trợ Tổng thống Trump vì tin ông chống Trung Quốc, bất nhẫn trước một viễn tượng kết quả bầu cử tổng thống sắp tới có thể ngoài ý muốn đó, đã tuyên bố là nếu ông Trump thất cử và người của đảng Dân Chủ lên, chị sẽ… dọn về Việt Nam. Ba mươi lăm năm trước, như bao người Miền Nam dạo ấy, chị đã xoay sở để di cư sang Mỹ lánh nạn cộng sản độc tài đảng trị. Tôi nghĩ chị cũng chỉ nói vậy trong cơn giận dữ.
Gia đình tôi cũng không tránh khỏi chia rẽ, dù phần lớn ngấm ngầm. Cậu con lớn thuộc phe Cộng Hòa, tất nhiên là ít nhiều chia sẻ và hỗ trợ đường lối của chính quyền ông Trump, từ một số biện pháp chống dịch tới việc nhìn một cách tiêu cực các cuộc biểu tình của người da đen, mặc dù đã có sự tham dự của nhiều sắc dân khác, kể cả người gốc Á. Trong khi đó, hai cô em - một thuộc đảng Xanh, và một kín đáo hơn nên tôi không biết cô thuộc đảng nào - có quan niệm chính trị phóng khoáng, tất nhiên là bất đồng với cái gọi là chính sách chống dịch của chính quyền ông Trump. Và hai cô có thái độ bao dung hơn, nếu không nói là có cảm tình, đối với cuộc tranh đấu của người da đen nói riêng và da mầu nói chung, chống lại sự phân biệt chủng tộc.
Phần tôi không thuộc đảng nào - "nonpartisan", như vẫn được ghi trên các giấy tờ bầu bán. Tôi hỗ trợ những việc làm có tính cách nhân bản, hữu ích cho xã hội nói chung, và chống lại bất cứ sự bất công đàn áp nào. Dù vậy, đôi khi giữa cậu con và tôi có những cuộc thảo luận dẫn tới bế tắc, đành đồng ý với nhau là… bất đồng ý. Các em của cậu ta thì hoàn toàn tránh tranh biện với ông anh.
Thành ra, trong cơn đại dịch ghê gớm chưa từng có, giữa một nền kinh tế khủng hoảng, xã hội bất ổn, không biết tới bao giờ mới chấm dứt, mẹ con tôi hầu như không dựa được vào nhau ngoài những thăm hỏi xã giao lấy lệ. Cậu con tôi, dù vậy, không nhìn các cuộc biểu tình đòi được đối xử bình đẳng bằng cái nhìn nhiễm định kiến về mầu da, chủng tộc, mà với những bận tâm thực tiễn, chẳng hạn như, nếu tước đi những lựu đạn cay, những thế khóa cổ (chockhold), làm sao một cảnh sát khống chế được một đám người giận dữ, một kẻ tình nghi to lớn hung dữ, v.v...
Tôi không có câu trả lời, chỉ nói tôi không đồng ý việc quân đội hóa cảnh sát vốn nhiệm vụ chính là bảo vệ an ninh cộng đồng. Tại sao cảnh sát mỗi khi nổ súng là phải chết người ? Tại sao không chỉ bắn bị thương một kẻ tình nghi ? Đó là câu hỏi thường đến trong đầu tôi mỗi khi nghe tin một cảnh sát bắn chết người, phần lớn là da đen.
Tôi biết nhiều gia đình gốc Á nói chung và Việt nói riêng cũng không thuận hòa gì hơn. Trên Facebook, cô con gái út kể lại (vì tôi không dùng diễn đàn này), các cháu của tôi đang phản đối việc một cô em tôi đã đưa những hình ảnh kỳ thị người da đen lên trang của mình. Trong đám cháu này có hai cô, một sinh ra ở Pháp nhưng lớn lên tại Mỹ và một sinh ra tại Mỹ, đã tham gia Cuộc Diễn Hành của Phụ Nữ vào đầu năm 2017 phản đối ông Trump.
Dường như cái hố ngăn cách thế hệ giữa các bậc cha mẹ di dân vốn bảo thủ và con cái - trưởng thành hoặc sinh ra tại Mỹ và chịu ảnh hưởng của nền giáo dục nhân bản và khai phóng, nên phóng khoáng trong các suy nghĩ về chính trị, xã hội, và cả trong việc bảo vệ môi trường - đã thêm bị khơi rộng ra trong tình huống dịch-trong-đại-dịch hiện tại".
Kỳ thị da đen trong cộng đồng gốc Á có căn nguyên từ huyền thoại 'dân thiểu số mẫu mực,' mà giới lãnh đạo người da trắng đã, để đối phó với phong trào đòi dân quyền vào thập niên 1960, tạo nên để gây chia rẽ giữa người Mỹ gốc Á với các dân da mầu khác", Marina Fang viết gần đây. "Nhiều di dân gốc Á đã nhập tâm cái tinh thần ấy, đã hành xử dưới cái cảm tưởng sai lầm là cứ sống 'ngoan ngoãn' thì sẽ sớm hội nhập vào với xã hội da trắng và được nhập phe với người da trắng".
Luật sư Tín Nguyễn (phải) trao đổi với hai người Mỹ gốc Việt bị trục xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/4/2018
Tác giả Fang cho rằng đây là nguyên nhân sâu xa của thái độ phân biệt mầu da của người gốc Á. Tất nhiên việc người gốc Á phân biệt hoặc cả kỳ thị người da đen cũng còn do những va chạm đưa tới xung đột kình chống lẫn nhau, từ đó thành định kiến, cũng có, song vấn đề đó ở ngoài phạm vi của bài này.
Trong trường hợp người Việt thì cái nguyên nhân, theo tôi, còn sâu xa hơn là muốn làm những người gốc Á "ngoan ngoãn" để mau hội nhập.
Người Việt đến Mỹ mang theo nhiều di sản quí giá có, mà không đáng gì cũng có. Quí giá thì là cái di sản Cộng Hòa (đúng nghĩa, không phải là cái lý tưởng Cộng Hòa đã bị sa đọa từ vài năm trở lại đây tại Mỹ) mà tôi đã đề cập tới trong bài "Nhìn lại hành trình dựng nước trong thời chiến : Việt Nam Cộng Hòa, 1954-1975".
Di sản không đáng mang theo là tinh thần kỳ thị đối với những chủng tộc khác, trừ người da trắng. Ai thuộc thế hệ tôi, những người hiện ở lứa tuổi 70-80 gần đất xa trời, hẳn đều nhớ hồi ở Việt Nam, người Việt có thói quen gọi tất cả những người thuộc dân tộc thiểu số, phần lớn sinh sống trên cao nguyên là Mọi, không coi họ là ngang hàng với mình. Ai cũng biết con lai đã bị đối xử thế nào, dưới thời thực dân Pháp cũng như sau này trong thời kỳ quân đội Mỹ tham chiến ở Miền Nam.
Các trẻ em lai Mỹ, nhất là Mỹ đen, đã bị hư hại tới độ nhiều em khi tới Mỹ trong chương trình Homecoming không còn có thể thích nghi, khoan nói tới hội nhập vào đời sống tại quê hương của cha, mặc cho các giúp đỡ của chính phủ và cơ hội học hành để tiến thân. Bởi vì, giản dị, nhiều em hồi còn ở Việt Nam không hề được cắp sách tới trường vì phải tranh sống và đương đầu với tinh thần kỳ thị.
Dù đã nhiều thập niên sống tại Mỹ, chúng ta vẫn có thói quen nhìn xuống những người có mầu da đậm hơn da mình. Tôi có chị bạn kể là khi con gái chị có bạn trai là người da đen, chị buồn và lo lắm. "May sau cháu lấy một một người da trắng, lại có cấp bậc cao trong quân đội, lại vừa lên chuẩn tướng", chị hân hoan kể. Đã hẳn là chị không chịu được khi Hoa Kỳ có vị tổng thống da đen đầu tiên. Chị thù ghét vợ của ông ta tàn tệ. Tới nỗi tôi phải hỏi chị tại sao, bà ta có làm gì chị không, thì chị đáp : "Tại bà ta xấu quá" !
Chị bạn này không phải là người bạn gốc Việt duy nhất của tôi ghét Tổng thống Obama vì ông đen, dù tổ tiên không phải là dân Phi Châu bị người da trắng bắt cóc mang bán làm nô lệ bốn thế kỷ trước. Có chị bạn kết tội ông cựu tổng thống da đen là tham nhũng, tôi hỏi sao biết, thì chị nói khi lên làm tổng thống, hai ông bà nghèo rớt mồng tơi, mà giờ ngồi trên bạc triệu. Chị không biết, hay không muốn biết, là cái đống bạc triệu ấy phần lớn là từ giao kèo cho hai cuốn hồi ký của ông bà. Chị bạn còn bảo tôi "chờ vụ Obamagate đang ra ánh sáng" rồi khắc biết.
Đấy là người gốc Việt ở Mỹ. Nhiều người Việt ở Âu Châu cũng không chịu thua tinh thần kỳ thị này. Tác giả Lâm Bình Duy Nhiên, một nhà hoạt động cộng đồng sinh sống tại Thụy Sĩ, mới đây kể trong một bài viết với cái tựa vỏn vẹn chữ Mọi, một lần ông theo mấy người bạn vào một tiệm ăn Việt ăn tối :
Khi chúng tôi vào, bà chủ quán nhìn anh bạn của tôi và nói lớn :
- Dữ chưa, hôm nay dẫn thằng mọi nào tới vậy ?
Tôi hiểu liền, nên nói :
- Chào cô.
Bà chủ quán đớ người, chỉ tôi hỏi :
- Ủa, da đen biết nói tiếng Việt hả ?
Anh bạn tôi vội vàng giải thích. Cô chủ quán buột miệng xin lỗi và cố giải thích vì nhìn thấy tôi "đen giống tụi da đen quá" !
Sau khi kể một số những trường hợp kỳ thị mà chính mắt ông chứng kiến, tác giả thở dài :
"[K]hông biết bao nhiêu lần, khi trò chuyện với những người Việt trong cộng đồng, thậm chí với những người bạn, họ vẫn thường có những suy nghĩ rất lạ lùng. Thậm chí, họ còn huyên thuyên giảng dạy cho con cái họ là đừng chơi với 'bọn da đen' ở trường vì 'chúng nó ngu, dốt và lười lắm'. Còn 'bọn Rệp' thì thôi khỏi nói, toàn là bọn khủng bố cực đoan và cũng lại... ngu dốt nên cũng cần phải tránh xa, không giao du với chúng !"
Tác giả bài "Mọi" trích một câu văn (nói là của Phan Chu Trinh, và tôi ghi lại đây vì không có phương tiện để kiểm chứng) : "Dân tộc nước Nam, trên lịch sử, có hai đặc tính cực đoan phản đối nhau : một là đặc tính bài ngoại và ỷ ngoại ; hai là đặc tính tự tôn và tự ti. Hai đặc tính đó sẵn ở quốc dân, trong não mọi người. Mỗi cái nhân thời thế, địa vị của nó mà phát hiện, rồi trong khi phát hiện lại đều đi tới cực đoan, lại khi đã tới cực đoan, mỗi cái đều giữ lý do, chuyên cậy vào tập quán, lợi hại đều bị che lấp không thấy".
Người Việt đặt chân tới Mỹ vào giữa thập niên 1970 khi cỗ bàn dân quyền dù chưa toàn hảo đã được bầy sẵn, chỉ việc ngồi vào bàn ăn. Ít ai hỏi cỗ bàn đó do đâu mà có.
Đó là do những cuộc tranh đấu gian khổ đẫm máu của người da đen trong phong trào tranh đấu đòi quyền công dân vào giữa thập niên 1960. Đấy là chưa kể cuộc tranh đấu kéo dài trên bẩy thập niên của phụ nữ Mỹ đòi quyền đầu phiếu. Và cả những cuộc phấn đấu của người Mỹ gốc Á, cũng không ngoài mục đích đòi quyền con người không phân biệt chủng tộc hay cái giống.
Họ phấn đấu để hoàn tất nền dân chủ chưa hoàn hảo của Hoa Kỳ vì các vị lập quốc khi viết bản Hiến Pháp 254 năm về trước chỉ mới nghĩ được tới quyền bình đẳng riêng của người đàn ông da trắng. Chính các dân thiểu số da mầu đã và đang giúp cho nền dân chủ Hiệp Chủng Quốc trở nên hiện thực và toàn hảo hơn.
May mắn thay giới trẻ gốc Việt không chia sẻ cái nhìn thiển cận của cha anh mình. Họ không quên nhắc nhở các bậc cha anh về việc vào cuối thập niên 1970 khi hàng trăm, chục, vạn người Việt lánh nạn cộng sản bị kẹt ở những trại tị nạn trong vùng Đông Nam Á, một nhóm trí thức da đen đã mua nguyên một trang báo của tờ New York Times để kêu gọi chính phủ Mỹ mở cửa giúp họ được định cư tại Mỹ.
Trang Web diacritics.org của nhóm trẻ Diaspora of Vietnamese Artist Network cũng đã dành số đặc biệt tháng này để xác định chỗ đứng bên cạnh người da đen chống lại bạo lực của cảnh sát.
Trang Pivot cũng có bài viết về người Việt và người da đen.
Giới trẻ gốc Việt đã không im lặng. Tôi cảm thấy hãnh diện về họ. Cầu xin chúng ta sẽ sớm qua các cơn dịch bệnh hiện tại. [td2020-06]
Trùng Dương
Nguồn : BBC, 19/06/2020
Nhà báo Trùng Dương là cựu Chủ nhiệm Nhật báo Sóng Thần (1971-1975), hiện đang sống tại Sacramento, California, Hoa Kỳ.
*******************
Joe Biden không hề chống người tị nạn Việt Nam vào Mỹ
Thắng Đỗ, Việt Báo, 17/06/2020
Chỉ một bài viết sai lệch (dường như cố tình) đã gây ra bao nhiêu hiểu lầm trong cộng đồng người Việt. Báo Washington Times (một tờ báo với nhiều tai tiếng như ghi ở cuối bài) đã loan tin vào ngày 4/7/2019 rằng Joe Biden, khi còn là thượng nghị sĩ vào năm 1975, đã chống việc cho người tị nạn Việt Nam vào nước Mỹ. Chúng tôi đã tra cứu tận gốc xem tin này xuất phát từ đâu và khám phá rằng điều này hoàn toàn sai.
Thượng nghị sĩ Joe Biden (đảng Dân chủ) năm 1975 và năm 2020 - Ảnh minh họa
Bài viết của tờ báo trên chỉ dựa vào nguồn tin duy nhất, đó là một bản tường trình của buổi họp tại Nhà Trắng vào ngày 14/4/1975. Những nhân vật chính tham gia buổi họp này là Tổng thống Ford, Bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger, Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia tướng Brent Scowcroft, và Ủy ban Quốc ngoại Thượng viện gồm các Thượng nghị sĩ Sparkman (DC), Case (CH), Percy (CH), Javits (CH), Baker (CH), Church (DC), Biden (DC), Symington (DC), Mansfield (DC), Scott (CH), Glenn (DC). Danh sách các thượng nghị sĩ chỉ ghi tên những ai phát biểu trong bản tường trình và có thể không đầy đủ.
Bản tường trình này là tài liệu được lưu giữ ở Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Gerald R. Ford. Người đọc có thể đọc nguyên bản tiếng Anh ở đây :
Bài viết sai lệch trên tờ Washington Times có thể đọc ở đây :
‘No obligation’ : Joe Biden opposed helping South Vietnamese refugees reach U.S. in 1970s
Chúng tôi xin tóm lược diễn tiến của buổi họp cũng như trích và dịch nguyên văn những đoạn đối thoại có liên hệ đến cựu Phó Tổng thống Joe Biden, nay là ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tháng 11 năm nay.
Phần đầu của buổi họp, họ bàn về tình hình quân sự đen tối của Nam Việt Nam, số tiền viện trợ cần thiết để tăng cường cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa, di tản người Mỹ và những người Việt liên hệ. Vài thượng nghị sĩ phát biểu ý kiến của mình, kể cả Biden. TNS Baker (CH) nói quan tâm chính phải là rút công dân Mỹ ra, còn những việc khác là phụ. TNS Javits (CH) nói sẽ chấp thuận tiền để mang người ra (không nói rõ chỉ người Mỹ hay luôn cả người Việt). TNS Church (DC) nói sẽ chấp thuận tiền để rút người Mỹ ra, còn người Việt thì phức tạp hơn. Rút người Việt ra sẽ đòi hỏi mang quân đội Mỹ trở lại. Biden (DC) nói nguyên văn như sau :
Biden : "What concerns us is that a week ago Habib told us we would be formulating a plan. A week has gone by and nothing has happened. We should focus on getting them out. Getting the Vietnamese out and military aid for the GVN are totally different".
Dịch : "Việc chúng tôi lo ngại là tuần trước, Habib (Thứ trưởng Ngoại giao) nói sẽ có kế hoạch. Một tuần sau, vẫn chưa thấy gì cả. Chúng ta phải tập trung nỗ lực đưa họ ra. Đưa người Việt ra và viện trợ quân sự cho Nam Việt Nam là hai việc hoàn toàn khác".
Kissinger nói về những khó khăn của việc di tản người Việt. Biden đáp lại :
Biden : "I feel put upon in being presented an all or nothing number. I don’t want to have to vote to buy it all or not at all. I am not sure I can vote for an amount to put American troops in for one to six months to get the Vietnamese out. I will vote for any amount for getting the Americans out. I don’t want it mixed with getting the Vietnamese out".
Dịch : "Tôi cảm thấy bị áp lực với một tình huống một là lựa hết, hai là từ chối hết. Tôi không muốn bỏ phiếu để chấp thuận tất cả hay không chấp thuận gì cả. Tôi không chắc tôi có thể hỗ trợ việc mang quân đội Mỹ trở lại từ 1 đến 6 tháng để rút người Việt ra. Tôi sẽ ủng hộ bất cứ số tiền nào đề đưa người Mỹ ra. Tôi không muốn lẫn lộn chuyện này với việc đưa người Việt ra".
Sau đó họ bàn về trách nhiệm của Hoa kỳ trong Hiệp định Paris 1973 và số tiền cần thiết.
Biden : "I don’t want to commit myself to any precise number. How much money depends on how many we try to get out".
Dịch : "Tôi không muốn buộc mình vào bất cứ con số nào. Số tiền tùy thuộc vào chúng ta dự định mang bao nhiêu người ra".
Dựa trên toàn bài tường trình, không có bất cứ chỗ nào ông Biden nói ông chống người tị nạn Việt Nam. Cuộc đối thoại phản ảnh sự mệt mỏi của các thượng nghị sĩ cả hai đảng. Không ai chống việc di tản người Việt, nhưng quan tâm chính của cả hai đảng là di tản người Mỹ ra khỏi Việt Nam bằng mọi giá. Đây chỉ là bối cảnh rất đáng buồn của tình hình chính trị nước Mỹ nói chung chứ không riêng gì bất cứ nhân vật nào vào những ngày đau thương cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa.
Vài dòng về tờ báo Washington Times và tại sao họ lại viết một bài với tin thất thiệt như thế. Tờ báo do ông Sun Myung-Moon, người Hàn Quốc đã tự nhận mình là ‘đấng cứu thế’ và sáng lập một tôn giáo mới tên Giáo Hội Thống Nhất. Ông đã từng ở tù nhiều lần do trốn thuế, và có quan hệ mật thiết với nhiều nhà độc tài trên thế giới, kể cả Kim Nhật Thành của Bắc Triều Tiên. Ông và tờ Washington Times đã từng công khai mạnh mẽ ủng hộ Tổng thống Donald Trump.
Thắng Đỗ
Nguồn : Việt Báo, 17/06/2020
Thắng Đỗ là thành viên Hội đồng quản trị của PIVOT (The Progressive Vietnamese American Organization-Hội người Mỹ gốc Việt cấp tiến) gửi bài từ San Jose, California
Có mọi triển vọng Joe Biden sẽ đánh bại dễ dàng Donald Trump trong cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới để trở thành tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Ở tuổi 78 cũng có mọi triển vọng ông sẽ chỉ tại chức một nhiệm kỳ và chủ yếu sẽ cố gắng hàn gắn những đổ vỡ do Trump gây ra đồng thời dành cho nước Mỹ bốn năm tương đối bình yên để nghĩ về mình và chuẩn bị cho đoạn đường tương lai.
Có mọi triển vọng Joe Biden sẽ đánh bại dễ dàng Donald Trump trong cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới để trở thành tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ.
Dịch cúm Covid-19 đã có tác dụng kết thúc nhanh chóng cuộc tranh cử sơ bộ trong Đảng Dân Chủ Mỹ và giáng một đòn chí tử vào hy vọng tái đắc cử của Donald Trump.
Joe Biden bất ngờ trỗi dậy mạnh mẽ sau khi thất bại trong ba cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên. Ông thắng lớn tại South Carolina và thắng liên tục sau đó, vượt xa đối thủ duy nhất còn lại, Bernie Sanders. Mới đây lại vừa thắng thêm ba cuộc bầu cử sơ bộ tại Florida, Illinois và Arizona. Rồi dịch Covid-19 ập đến Mỹ khiến những cuộc mít tinh tranh cử không còn sôi nổi nữa để có thể thay đổi tình thế. Trừ một bất ngờ không thể tưởng tượng được Joe Biden sẽ được chọn làm ứng cử viên của Đảng Dân Chủ và sau đó sẽ đánh bại Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2020 sắp tới.
Dow Jones xuống, một "mặt trận thống nhất" mạnh lên
Lý do đầu tiên khiến Donald Trump gần như chắc chắn sẽ thất bại chính là Covid-19. Trump đã hành xử quá tệ. Mới đầu nói ông đây chỉ là một trò đùa của Đảng Dân Chủ, rồi nói dịch này chẳng có gì đáng ngại, tự nó sẽ qua đi khi trời ấm lại, rồi tuyên bố sẽ tìm ra vacxin nhanh chóng trong vài tháng, sau cùng là tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Liên tục khoe khoang và liên tục bị lố bịch hóa mà không hề biết ngượng. Nhưng nếu chỉ có thế thì thế đứng của Trump cũng không hề hấn gì. Trump có một khối cử tri cơ sở ủng hộ ông một cách gần như không điều kiện dù ông có nói bậy hay làm bậy đến đâu đi nữa, miễn là kinh tế Mỹ vẫn khả quan.
Đối với Trump kinh tế thể hiện qua ba con số : tỷ lệ tăng trưởng của GDP, tỷ lệ thất nghiệp và chỉ số chứng khoán Dow Jones, trong đó chỉ số Dow Jones là quan trọng nhất. Kinh tế dĩ nhiên không đơn giản như vậy nhưng đó là niềm tin của Trump và khối người ủng hộ ông. Trump có vẻ tin rằng thắng lợi hay thất bại của ông chủ yếu tùy thuộc chỉ số Dow Jones.
Trong bài Diễn văn về Tình hình Liên bang Trump khoe rằng trong ba năm cầm quyền ông đã làm cho chỉ số Dow Jones tăng lên 70%...
Trong bài Diễn văn về Tình hình Liên bang (State of the Union Address), làm bà chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi nổi giận xé bỏ ngay trước các ống kính truyền hình vì đánh giá nó gian dối, Trump huênh hoang khoe rằng trong ba năm cầm quyền ông đã làm cho chỉ số Dow Jones tăng lên 70%. (Thực ra Dow Jones có tăng mạnh thật, cũng như mọi chỉ số chứng khoán khác trên thế giới, nhưng tăng 46% chứ không phải 70%). Nhưng Covid-19 đã đến và trong hai tuần lễ đã xóa sạch những thành quả tích lũy trong ba năm, đưa Dow Jones xuống mức thấp hơn lúc Trump lên cầm quyền và hy vọng phục hồi, dù chỉ là một phần, rất mong manh. Trump trắng tay. Khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra sẽ còn kéo dài ít nhất đến tháng 5 và từ tháng 5 cho đến hết mùa hè là giai đoạn mà hoạt động kinh tế cũng như các thị trường chứng khoán lắng xuống. Giới chơi chứng khoán Mỹ có câu "Sell in May and go away" (Tháng 5 bán hết, rồi đi). Đối với Trump đây là một đòn chí tử, ông có thể mất một phần những cử tri trung thành.
Lý do thứ hai và quan trọng không kém là một thành quả của chính Trump. Người ta có thể ngạc nhiên là các ứng cử viên khác của Đảng Dân Chủ đã nhanh chóng rút lui và tuyên bố ủng hộ Biden. Bà Elisabeth Warren tuy chưa chính thức ủng hộ nhưng cũng bày tỏ thiện cảm, Bernie Sanders tuyên bố nếu không được chỉ định làm ứng cử viên của Đảng Dân Chủ sẽ ủng hộ Biden. Có thể nói là có sự đoàn kết chặt chẽ chưa từng thấy của phe Dân Chủ sau lưng Joe Biden trong quyết tâm đánh bại Trump, trái ngược hẳn với sự hờ hững dành cho Hillary Clinton năm 2016. Số người tham gia bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử sơ bộ, trước khi dịch cúm Covid-19 xẩy ra, đã đông đảo hơn hẳn so với năm 2016. Điều này chứng tỏ rằng cử tri Dân Chủ cũng đã được động viên.
Bernie Sanders (phải) tuyên bố nếu không được chỉ định làm ứng cử viên của Đảng Dân Chủ sẽ ủng hộ Biden.
Donald Trump chỉ có thể tự trách mình. Khác hẳn với các tổng thống khác, ngay từ khi đắc cử Trump đã chỉ tự coi là tổng thống của một thiểu số người Mỹ, những cử tri cơ sở của ông, phần lớn là những người da trắng ít học (non college-educated Whites). Trump từng nói là ngay cả nếu ông ta có ra đường bắn chết một người nào đi nữa thì ông cũng không mất đi một phiếu nào. Trump không tự coi là tổng thống của cả nước Mỹ, ông lúc nào cũng sử dụng ngôn ngữ thù địch và xúc phạm đối với Đảng Dân Chủ và những người không ủng hộ ông, cũng như đối với các nước đồng minh của Mỹ, kể cả các đồng minh truyền thống, để chỉ khai thác sự hằn học của khối cử tri cơ sở của ông. Khối người này theo nhiều nghiên cứu chỉ vào khoảng 25% người Mỹ nhưng với sự tăng viện của những thành phần bất mãn khác -và với một tỷ lệ tham gia bầu cử ở mức 55% - có thể giúp ông giành được đa số đại cử tri và đắc cử nhờ thể thức bầu cử rất đặc biệt của Mỹ, ngay cả nếu thua về số phiếu trên cả nước. Đó là điều đã xẩy ra năm 2016. Nhưng cũng chính vì chỉ cố gắng giữ cho bằng được cảm tình của một thiểu số mà Donald Trump dần dần đã khiêu khích quá nhiều người và tạo ra cả một "mặt trận thống nhất" chống lại ông và mặt trận này đang mạnh lên, động viên được cả những người bình thường không đi bầu. Các cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân Chủ vừa qua cho phép dự đoán rằng số người tham gia bầu cử tháng 11 sắp tới sẽ đông hơn và nhiều người chỉ đi bầu để chống Trump. Cơn ác mộng của Trump (trên 60% người Mỹ sẽ đi bầu) rất có thể sẽ thành sự thực.
Đối thủ mà Trump lo ngại nhất
Joe Biden đã đoàn kết được mọi người chống Trump bởi vì ông là mẫu người lý tưởng để đánh bại Trump. Ông là người có kiến thức sâu rộng về chính trị nước Mỹ cũng như về tình hình thế giới. Giáo sư đại học về luật hiến pháp, ông đã từng làm chủ tịch các ủy ban pháp lý và đối ngoại tại Thượng Viện trong khoảng mười năm ở mỗi chức vụ. Có lúc đã từng bị chê trách là quan tâm tới tình hình thế giới nhiều hơn là tới bang Delaware của ông. Bây giờ, sau khi Trump đã phơi bày một cách lộ liễu sự thiếu hiểu biết về thế giới và gây những thiệt hại lớn cho uy tín của Mỹ, lý do trách móc ngày xưa trở thành một ưu điểm.
Joe Biden sau hơn 40 năm hoạt động chính trị cũng được mọi người nhìn nhận là có tài năng cao, thực thà, lương thiện và khiêm tốn, dù không mấy hùng biện và nhiều lúc phát biểu lỡ lời, hơn nữa còn có tật nói hơi cà lăm. Ông là một người hoàn toàn trái ngược với Donald Trump hời hợt, thô lỗ, dối trá, vô trách nhiệm và huênh hoang nhưng bảnh bao và hoạt bát. Joe Biden có khả năng mà Hillary Clinton trước đây không có là làm nổi bật những thói xấu không thể chấp nhận nơi Trump.
Đối mặt với Trump, Biden có ưu thế của một con người thực.
Thế mạnh của Donald Trump cho tới nay là khả năng thu hút sự ngưỡng mộ của những người nông cạn. Đẹp trai và giầu sang, Trump cũng là một diễn viên màn ảnh tài giỏi và quyến rũ. Trái với sự ngộ nhận của nhiều người, Trump không dị ứng với các Media mà còn là sản phẩm của Media. Chương trình The Apprentice mà ông hoạt náo và được chiếu trên các đài truyền hình bình dân là một bộ phim tập rất thành công. Nếu chọn nghề tài tử cinema Donald Trump không thua gì Clark Gable, Paul Newman hay Brad Pitt. Các diễn viên màn ảnh không bao giờ ngượng vì vai trò mà họ đóng và họ có tài khiến cái Giả quyến rũ hơn cái Thực. Anthony Quinn từng đóng vai một giáo hoàng và trông còn đạo mạo hơn mọi giáo hoàng thực. Cũng tương tự, Donald Trump vừa làm tổng thống Mỹ vừa là một tài tử đóng vai tổng thống Mỹ.
Đối mặt với Trump, Biden có ưu thế của một con người thực. Ông đã thực sự phấn đấu và thành công. Joe Biden đã thực sự vượt qua những khó khăn của một gia đình nghèo để trở thành một người uyên bác, tài giỏi và thành công lớn, rồi đã vượt qua những thảm kịch gia đình để tiếp tục thành công trong khi vẫn là một người trung thực. (Một thí dụ là năm 1988, giữa lúc đang tranh cử tổng thống, ông bị phát giác là đã đạo văn nguyên một câu của lãnh tụ Lao Động Anh Neil Kinnock. Dù theo bộ tham mưu của ông bài diễn văn đó chỉ là do một cộng sự viên viết cho ông nhưng Biden đã thẳng thắn nhận lỗi và rút lui khỏi cuộc tranh cử).
Người ta có thể nhận xét là những người ủng hộ Trump thường ủng hộ một cách rất cuồng nhiệt nhưng lại chẳng có lập luận nào vững vàng mà chỉ biết thóa mạ những người phê phán Trump. Đó là vì sự ái mộ mà họ dành cho Trump không do lý trí mà là một quan hệ thể xác. Họ bị quyến rũ bởi hình ảnh và ngôn ngữ của Trump và ái mộ Trump như ái mộ một tài tử màn ảnh. Họ yêu Trump vì cái giả của màn ảnh có sức quyến rũ hơn hẳn cái thực của đời thường. Với điều kiện là nó không phải đối mặt trực tiếp với cái thực. Đó là điều mà Trump sẽ gặp khi tranh cử tay đôi với Biden.
Cũng không may cho Trump là Biden giầu kinh nghiệm tranh cử. Ngay từ tuổi 30 ông đã đắc cử vào Thượng Viện và từ đó liên tục tái đắc cử với tỷ lệ cao, cho đến khi trở thành phó tổng thống. Trump và bộ tham mưu rất lo ngại Biden. Họ đã tìm mọi cách để triệt hạ ông, kể cả làm áp lực buộc chính quyền Ukraine phải bôi nhọ ông, với hậu quả là chính Trump bị luận tội.
Cả hai bà Jill Biden (trái) và Melania Trump (phải) đều đẹp và đều từng là người mẫu, nhưng…
Khó khăn của Donald Trump không dừng ở đó. Một nguy cơ khác là bà Jill Biden. Bà này chắc chắn sẽ được đem so sánh với Melania Trump xem trong hai người ai xứng đáng là đệ nhất phu nhân hơn. Sự so sánh này sẽ có kết quả dứt khoát và tức khắc. Cả hai bà đều đẹp và đều từng là người mẫu, nhưng Jill Biden đã từ chối sự nghiệp người mẫu để đi học và dạy học và để chăm sóc trẻ em khuyết tật. Bà là một tiến sĩ về ngành giáo dục, nói chuyện duyên dáng và thuyết phục, trong khi Melania Trump chỉ có nhan sắc. Sự so sánh giữa hai bà sẽ rất tàn nhẫn và càng khiến người Mỹ so sánh giữa hai ông chồng.
Chờ đợi gì ở Joe Biden ?
Có mọi triển vọng Joe Biden sẽ đánh bại dễ dàng Donald Trump trong cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới để trở thành tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Ở tuổi 78 cũng có mọi triển vọng ông sẽ chỉ tại chức một nhiệm kỳ và chủ yếu sẽ cố gắng hàn gắn những đổ vỡ do Trump gây ra đồng thời dành cho nước Mỹ bốn năm tương đối bình yên để nghĩ về mình và chuẩn bị cho đoạn đường tương lai.
Với tài năng và kinh nghiệm của ông Joe Biden có thể thành công trong việc gắn bó lại người Mỹ với nhau sau khi đã bị chia rẽ thành những người ghét Trump thậm tệ và những người mê Trump cuồng nhiệt. Cuộc tranh hùng Mỹ-Trung Quốc -bắt đầu từ thời Obama mà chính Biden tham gia khởi xướng- sẽ có bài bản hơn. Ông cũng sẽ hòa giải được nước Mỹ với các đồng minh để cùng bảo đảm một trật tự dân chủ trên thế giới, dù chén nước đã đổ xuống đất không thể nào hốt đầy lại được và Mỹ sẽ được nhìn từ nay như một nước đã có thể bầu một tổng thống như Donald Trump.
Điều mà Joe Biden sẽ không thể làm được là lấy lại cho Mỹ vai trò lãnh đạo liên minh các nước dân chủ, chưa nói vài trò lãnh đạo thế giới. Trọng lượng kinh tế của Mỹ : 21% GDP thế giới hiện nay, 15% vào năm 2030 và sẽ còn tiếp tục xuống, không còn cho phép Mỹ đảm nhiệm vai trò này nữa. Văn hóa dân chủ của Mỹ càng không tương xứng với vai trò lãnh đạo mà vả lại chính người Mỹ cũng không muốn nữa. Bằng chứng cụ thể là ngày 29/02/2020 vừa qua, không một chính khách Mỹ nào -dù Cộng Hòa hay Dân Chủ- bày tỏ một cảm xúc nào khi Mỹ đơn phương thỏa hiệp với quân khủng bố Taliban để rút hết quân Mỹ khỏi Afghanistan trong vòng 14 tháng bất chấp chính quyền dân chủ Kaboul do chính Mỹ lập ra. Không khác bao nhiêu so với cách ứng xử tồi tệ của Mỹ với chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây, hay với người Kurd gần đây.
Sau cùng có lẽ điều cần nhất và cấp bách nhất mà Joe Biden phải làm là giúp các nhà tư tưởng chính trị phát động mạnh mẽ cuộc thảo luận mà họ đã khỏi xướng từ vài năm nay và không ngừng gào thét lên sự cần thiết để xét lại và cải tiến mô hình dân chủ của nước Mỹ. Dù muốn hay không trong bốn năm tới Mỹ sẽ phải lo cho mình trước hết.
Còn đối với người Việt Nam chúng ta ?
Thỏa hiệp Mỹ-Taliban vừa nhắc lại một lần nữa rằng từ nay các dân tộc cần đấu tranh để có dân chủ như chúng ta sẽ phải trông cậy trước hết vào cố gắng của chính mình. Nói như thế không có nghĩa là bối cảnh quốc tế sẽ không thuận lợi. Trái lại, chúng ta cần chuẩn bị để tận dụng làn sóng dân chủ thứ tư đang sắp mạnh trở lại và sẽ cuốn đi các chế độ cộng sản cuối cùng, tại cả Trung Quốc lẫn Việt Nam.
Chúng ta không cần dựa vào Mỹ hay một cường quốc nào khác bởi vì chúng ta có sức đẩy toàn cầu mạnh hơn nhiều.
Nguyễn Gia Kiểng
(20/03/2020)
Đằng sau câu chuyện về con trai ông Biden, Ukraine và Tổng thống Trump (VOA, 24/09/2019)
Năm 2014, Phó tổng thống lúc đó là Joe Biden đã đi đầu trong các nỗ lực ngoại giao của Mỹ để ủng hộ chính phủ dân chủ mong manh của Ukraine trong thời điểm đang tìm cách chống lại sự xâm lược của Nga và ngăn chặn nạn tham nhũng. Vì vậy, công luận đã đặt câu hỏi khi ông Hunter, con trai của ông Biden, được một công ty khí đốt của Ukraine thuê.
Phó tổng thống Joe Biden (phải) và con trai ông - Hunter Biden.
Vào thời điểm đó, Nhà Trắng dưới thời chính quyền của ông Obama tuyên bố không có xung đột lợi ích vì con ông Biden là một công dân bình thường, và không có bằng chứng nào về việc cha con ông Biden có làm sai trái trong vụ này.
Tuy nhiên, vấn đề lại nổi lên sau những tiết lộ nói rằng Tổng thống Donald Trump đã thúc giục tổng thống Ukraine giúp ông điều tra xem có bất kỳ tham nhũng nào liên quan đến ông Joe Biden hay không, hiện là một trong những ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ đang tìm cách đánh bại ông Trump vào năm 2020. Luật sư riêng của ông Trump, Rudy Giuliani, cũng đã công khai hối thúc các quan chức Ukraine điều tra cha con nhà Biden.
Ông Hunter Biden được đưa vào làm thành viên hội đồng quản trị của công ty Burisma Holdings vào tháng 4 năm 2014. Người sáng lập công ty là một đồng minh chính trị của ông Viktor Yanukovych, Tổng thống thân Nga của Ukraine, người đã bị lật đổ vào tháng 2 năm 2014 bởi các cuộc biểu tình lớn.
Sự ra đi của ông Yanukovych đã thúc đẩy chính quyền của ông Obama nhanh chóng tăng cường quan hệ với tân chính phủ Ukraine. Ông Joe Biden đã đóng một vai trò hàng đầu, đi công du đến Ukraine và thường xuyên nói chuyện với vị tân tổng thống vốn thân thiện với phương Tây.
Vai trò kinh doanh của con trai ông Biden đã làm dấy lên mối lo ngại trong số những người ủng hộ chống tham nhũng, vốn cho rằng công ty Burisma đang tìm cách giành ảnh hưởng với chính quyền Obama. Vào thời điểm đó, công ty đang điều hành một hoạt động khai thác khí đốt tự nhiên ở Crimea, một bán đảo Ukraine đã bị Nga sáp nhập sau khi ông Yanukovych bị lật đổ.
Ông Hunter Biden đã phủ nhận việc sử dụng ảnh hưởng của bản thân với cha mình để hỗ trợ cho Burisma. Ông vẫn ở trong hội đồng quản trị cho đến đầu năm 2019, thường xuất hiện đại diện cho lợi ích của Burisma tại các hội nghị liên quan đến năng lượng ở nước ngoài.
Hôm thứ Bảy (21/9), cựu Phó tổng thống Mỹ nói ông không bao giờ nói chuyện với con trai về các giao dịch kinh doanh ở nước ngoài của con.
Tuy nhiên, vấn đề đã tiếp tục bị ông Trump và các đồng minh của tổng thống Mỹ chất vấn. Họ chỉ ra cụ thể về động thái của ông Biden từ tháng 3 năm 2016 nhằm gây sức ép buộc chính phủ Ukraine phải sa thải công tố viên hàng đầu của mình, ông Viktor Shokin, người trước đây đã dẫn đầu một cuộc điều tra về chủ sở hữu công ty Burisma.
Ông Biden là đại diện cho lập trường chính thức của chính phủ Hoa Kỳ lúc đó, vốn cũng được ủng hộ bởi các chính phủ phương Tây khác và nhiều người ở Ukraine, những người đã cáo buộc ông Shokin quá nhẹ tay với tham nhũng.
Tham nhũng vẫn tiếp tục bùng phát ở Ukraine. Vào tháng Năm, tân Tổng thống của Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đã nhậm chức mà không có kinh nghiệm về chính trị, nhưng với lời hứa táo bạo là sẽ chấm dứt tình trạng tham nhũng.
Trong khoảng thời gian này, ông Giuliani bắt đầu liên hệ với ông Zelenskiy và các trợ lý của ông để gây sức ép về một cuộc điều tra của chính phủ về công ty Burisma và vai trò của ông Hunter Biden trong công ty.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào ngày 19/5, ông Trump tuyên bố cựu công tố viên người Ukraine đang "theo dõi" con trai ông Joe Biden và đó là lý do tại sao cựu phó tổng thống đòi phải sa thải ông này. Tuy nhiên, không có bằng chứng gì về điều này.
Công tố viên hiện tại của Ukraine, Yuriy Lutsenko, được Bloomberg News trích dẫn hồi tháng Năm, nói rằng ông không có bằng chứng nào về việc làm sai trái của ông Biden hay con trai ông. Bloomberg cũng tường thuật rằng cuộc điều tra Burisma không được tiến hành vào thời điểm mà ông Biden ép sa thải ông Shokhin.
********************
Biden kêu gọi điều tra cuộc gọi của Trump với Ukraine (VOA, 22/09/2019)
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đang dẫn đầu cho đề cử tổng thống của Đảng Dân chủ năm 2020, ngày thứ Bảy kêu gọi điều tra về các bản tin cho hay Tổng thống Donald Trump đã gây sức ép để tổng thống Ukraine điều tra ông Biden và con trai của ông.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ, bước lên sân khấu phát biểu tại một sự kiện vận động tranh cử ở bang Iowa, ngày 21 tháng 9, 2019.
"Đây dường như là một sự lạm quyền trắng trợn. Gọi điện thoại cho một nhà lãnh đạo nước ngoài đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ Mỹ và gợi ý hãy điều tra tôi… chuyện này thật đáng phẫn nộ", ông Biden giận dữ thấy rõ khi phát biểu vận động tranh cử ở bang Iowa.
"Trump đang lợi dụng chuyện này vì ông ta biết tôi sẽ hạ đo ván ông ta và lạm dụng mọi quyền lực của chức vụ tổng thống để tìm cách làm điều gì đó nhằm bôi nhọ tôi", ông Biden nói.
Cuộc điện đàm vào ngày 25 tháng 7 của ông Trump với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là tâm điểm của một cuộc chiến đang leo thang về một đơn khiếu nại của một người tố cáo liên quan đến những trao đổi của nhà lãnh đạo Mỹ với Ukraine mà chính quyền Trump đã từ chối giao nộp cho Quốc hội.
Báo The Wall Street Journal và các hãng tin khác hôm thứ Sáu loan tin ông Trump đã liên tục yêu cầu ông Zelensky điều tra các cáo buộc không có căn cứ nói rằng ông Biden, trong khi còn là phó tổng thống, đã đe dọa ghim lại viện trợ của Mỹ trừ phi một công tố viên phụ trách điều tra một công ty khí đốt có liên quan tới con trai của ông Biden bị sa thải.
Các bản tin nói ông Trump đã thúc giục ông Zelensky, một diễn viên hài vừa đắc cử tổng thống, nói chuyện với luật sư cá nhân của ông Trump, Rudolph Giuliani. Ông Giuliani, cựu thị trưởng thành phố New York, đã truyền bá các cáo buộc nhắm vào ông Biden và con trai ông, Hunter, và đã thừa nhận rằng ông ta đã hối thúc Ukraine mở cuộc điều tra.
Ông Biden đã thừa nhận đe dọa từ chối cấp viện trợ trừ phi công tố viên bị sa thải, một đòi hỏi mà cũng được đưa ra bởi chính phủ Hoa Kỳ rộng hơn, Liên Hiệp Châu Âu và các tổ chức quốc tế khác vì cho rằng ông này đã không theo đuổi các vụ án tham nhũng lớn.
Các bản tin về cuộc điện đàm với ông Zelensky càng thổi bùng lên đòi hỏi của các nhà lập pháp Dân chủ đối với Hạ viện là phải khởi động các thủ tục luận tội nhắm vào ông Trump. Tin tức về tranh cãi này cũng trở thành một đề tài lớn cho các ửng cử viên vận động tranh cử.
Ông Trump phủ nhận làm bất cứ điều gì bất chính. Ông viết trong một loạt dòng tweet vào ngày thứ Bảy rằng cuộc nói chuyện của ông với ông Zelensky là "hoàn toàn ngay thẳng và diễn ra thường xuyên". Ông cáo buộc truyền thông và Đảng Dân chủ đang tìm cách né tránh những cáo buộc về ông Biden.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Vadym Prystaiko hôm thứ Bảy phủ nhận trong một cuộc phỏng vấn với một hãng tin ở Ukraine rằng ông Trump đã gây áp lực với ông Zelensky.
Ủy ban Tình báo Hạ viện đang đòi chính quyền Trump cung cấp cho họ đơn khiếu nại của người tố cáo nhất quán với kết luận của tổng thanh tra cho cộng đồng tình báo rằng vấn đề này đáp ứng ngưỡng pháp lí để được truyền đạt tới Quốc hội.
Tuy nhiên Quyền Giám đốc An ninh Quốc gia Joseph Maguire đã quyết định không cung cấp đơn khiếu nại cho ủy ban sau khi ông tham khảo ý kiến của Bộ Tư pháp và Nhà Trắng, theo các bản tin.
Ông Maguire và luật sư hàng đầu của ông cho rằng khiếu nại không đáp ứng yêu cầu đề ra trong những chỉ dẫn pháp lí để đệ trình lên ủy ban, khiến phe Dân chủ cáo buộc ông Maguire vi phạm luật.
Ba ủy ban Hạ viện đã bắt đầu điều tra cuộc gọi Trump-Zelensky một phần vì một bản tóm tắt cuộc gọi mà chính phủ Ukraine công bố cho thấy ông Trump đã khuyến khích ông Zelensky theo đuổi cuộc điều tra nhắm vào ông Biden.
*****************
Donald Trump đề nghị Ukraine điều tra con trai của Joe Biden ? (RFI, 21/09/2019)
Tổng thống Mỹ, Donald Trump ngày 20/09/2019 phản bác mạnh mẽ những nghi ngờ về nội dung đàm thoại giữa ông với một lãnh đạo nước ngoài và lên án đó là những lời báo động "nực cười".
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ngày 20/09/2019. Reuters/Joshua Roberts
Tuy nhiên, truyền thông Mỹ nghi ngờ ông Donald Trump gây áp lực với đồng nhiệm Ukraine để điều tra về gia đình ông Joe Biden. Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet giải thích :
"Theo tờ Washington Post, chính các cuộc trao đổi giữa Donald Trump và Volodymyr Zelensky đã dẫn đến lời báo động của một thành viên cơ quan tình báo Mỹ, lo lắng về một lời hứa mà tổng thống Mỹ đưa ra trong một cuộc nói chuyện với một lãnh đạo nước ngoài.
Tờ Wall Street Journal tường thuật rằng trong suốt cuộc trao đổi qua điện thoại hồi tháng 7/2019, tổng thống Mỹ đã tám lần hối thúc đồng nhiệm Ukraine giúp ông tìm thông tin về Hunter Biden, con trai của Joe Biden, nhân vật sáng giá của đảng Dân chủ đang tranh chức ứng viên tổng thống.
Hunter Biden từng làm việc cho một hãng khí đốt tại Ukraine năm 2014. Donald Trump nghi ngờ người này có hành vi tham nhũng và đã có được sự che chở của cha khi ấy còn là phó tổng thống. Bị chất vấn về cuộc điện đàm này, tổng thống Mỹ bác bỏ mọi ý đồ can thiệp.
Ông nói : "Tôi có nhiều cuộc điện đàm với rất nhiều lãnh đạo và các cuộc trao đổi này là hợp lẽ. Tôi chỉ đấu tranh cho đất nước tôi. Đó chỉ là một âm mưu chính trị. Tôi không hay biết gì về danh tính của người báo động cả, tôi chỉ muốn nói rằng người này có đầu óc bè phái. Đây là một người báo động có đầu óc bè phái".
Nhưng luật sư của ông Donald Trump nhìn nhận có yêu cầu Kiev điều tra về con trai ông Joe Biden. Vẫn theo Wall Street Journal, chính vì mục đích này mà ông Rudolf Giuliani đã hai lần đến gặp nhiều quan chức cao cấp Ukraine trong mùa hè này. Một gói hỗ trợ 250 triệu đô la cho Ukraine đã được chính phủ Mỹ giải ngân vài tuần sau đó".
Cuộc gặp cấp cao Mỹ - Ukraine tại New York
Trong bối cảnh tai tiếng chính trị này, chính quyền Kiev ngày 20/09/2019 cho biết tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ có cuộc hội kiến đầu tiên với đồng nhiệm Mỹ, bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 74 tại New York diễn ra từ ngày 24-26/09/2019. Ông Zelensky sẽ gặp gỡ các đại diện cộng đồng người Ukraine tại Mỹ, lãnh đạo các tổ chức Do Thái tại Mỹ và các doanh nhân.
Minh Anh
*****************
Trump thúc Tổng thống Ukraine điều tra con trai của Biden (VOA, 21/09/2019
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần áp lực Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, điều tra con trai của ông Joe Biden, cựu Phó Tổng thống và cũng là ứng viên Tổng thống bên đảng Dân chủ, tờ Wall Street Journal tường thuật hôm 20/9 dựa trên các nguồn thạo tin.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo tờ báo, trong cuộc điện đàm hồi tháng 7, ông Trump thúc giục ông Zelensky chừng 8 lần kêu gọi ông Zelensky hợp tác với luật sư riêng của ông Trump là Rudy Giuliani, trong cuộc điều tra về con trai ông Biden.
Một trong những nguồn tin của Wall Street Journal nói trong cuộc trò chuyện này, ông Trump không nhắc tới một điều khoản về viện trợ cho Ukraine. Và vì vậy, nguồn tin vừa kể không cho rằng Tổng thống Trump có ngỏ ý ‘lại quả’ nếu Tổng thống Ukraine hợp tác trong cuộc điều tra.
Theo Reuters