Hôm qua tôi đến bác sĩ nhãn khoa của tôi để coi lại con mắt. Cô y tá cầm máy hình bảo tôi đứng dựa lưng sát tường, ngó thẳng trước mặt. Mở mắt. Chụp. Nhắm mắt. Chụp. Quay sang một bên, nhìn ra cửa. Mở mắt. Chụp. Nhắm mắt. Chụp. Quay lại180 độ nhìn thẳng ra cửa sổ. Mở mắt. Chụp. Nhắm mắt. Chụp.
Joe Biden ngày đầu tiên tại Nhà Trắng.
Cô y tá chụp xong, tôi tiếp tục quay thêm một góc vuông nữa, nhìn thẳng vô tường. Cô phải nói lớn : No ! No ! Đằng sau gáy ông không có mắt !
Tôi nói đùa : Tôi bắt chước một cảnh trong cuốn phim Charlot thời mới. Do ông Rudy Giuliani ở New York sản xuất năm 2020. Tựa đề cuốn phim là "Joe Buồn Ngủ đi Bác sĩ".
Năm ngoái Tổng thống Donald Trump đặt cho ông Joe Biden biệt hiệu : Joe Buồn Ngủ - Sleepy Joe. Hoặc Joe Ngủ Gật. Cũng có thể dịch là Joe Lù Đù hay Joe Khờ. Trên mạng đã thấy có tên Sleepy Joe's Café ở San Bernardino, California ; thấy quảng cáo món Sleepy Joe 's Frauder Flakes. Có cả những đoạn video ngắn chế nhạodài 1 phút, như "Joe Khờ bị Gạt" (Sleepy Joe Cheated). Nếu có đoạn phim riễu ngắn về Sleepy Joe đi khám mắt, cũng không ai ngạc nhiên !
Nhưng bây giờSleepy Joe đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ !
Ai tin tử vi chắc phải nghĩ cái số Tổng thống Joe Biden là may mắn, tiền hung hậu kiết. Trong đời ông đã chứng kiến gia đình bị bao nhiêu tai nạn, vợ, con chết yểu. Nhưng ông vẫn bình an, sống đến 78 tuổi để đạt giấc mơ làm tổng thống sau bao lần bị hụt. Năm 2016 đáng lẽ ông phải tranh cử nhưng chịu lép phải nhường cho bà Clinton. Thế mà lại may. Số trời run rủi cho ông còn cơ hội năm nay, tranh cử khi ông Donald Trump đang yếu thế.
Đầu năm 2020, trong cuộc vận động sơ bộ của đảng Dân chủ, ông Biden cũng rất lệt bệt ngay từ đầu. Ông thua các đối thủ tại những tiểu bang đầu tiên, Iowa, New Hampshire và Nevada. Lúc đó Bernie Sanders là ứng cử viên sáng nhất trong số hơn mười ngôi sao khác. Một người đã đứng ra ủng hộ, cứu ông Biden : Dân biểu James Clyburn kỳ cựu ở South Carolina. Biden thắng với 61% số phiếu ở tiểu bang miền Nam này, Sanders rớt xuống thảm hại, chỉ được 17%, bèn chịu thua ngay. Pete Buttigieg, Kamala D. Harris rút lui, đều ủng hộ Biden. Joe không có vẻ gì buồn ngủ, tiếp tục thắng 10 tiểu bang trong một ngày "Super Tuesday" đầu tháng Ba, rồi cứ thế tiến tới, ứng cử tổng thống cho đảng Dân chủ.
Ông Biden cũng may mắn nữa vì bệnh dịch Covid-19 bắt đầu gây họa mà ông Trump không chịu nhìn sự thật để tìm cách đối phó. Ông Trump có thể huy động cả nước đoàn kết chống Covid-19, coi đó là một cuộc chiến đe dọa đất nước. Ông có thể ngưng tuýt, ngưng kêu gọi biểu tình ủng hộ mình. Ông có thể không trả lời những lời công kích của đối thủ, lấy cớ mình đang bận lo ngăn chặn loài vi khuẩn nguy hiểm.
Tổng thống Trump làm ngược lại. Ông tiếp tục lo tranh cử với các người biểu tình đầy cờ quạt, không coi những con virus ra cái gì cả. Ông Trump còn chế nhạo "Joe Buồn Ngủ" không dám ra khỏi nhà, "tranh cử" dưới hầm chui lủi.
Cảnh tượng giống như trận đấu giữa một võ sĩ Quyền Anh (Boxing) liên tiếp tấn công và một võ sĩ Thái Cực Quyền chỉ khéo tránh đòn. Ông Trump làm gương cho những người ủng hộ, không ai coi bệnh dịch là mối nguy hiểm chung. Ông chống những biện pháp phòng bệnh của các tiểu bang, hô hào mở cửa kinh tế, bất chấp loài vi khuẩn. Cuối cùng vì để cho cơn bệnh dịch lan rộng khiến kinh tế đình đốn mà nhiều người dân không tin vào ông nữa. Ông Trump không thua Joe Buồn Ngủ. Ông thua Coronavirus.
Joe Biden bất chiến tự nhiên thành. Ông vẫn tiếp tục may mắn sau khi đếm phiếu. Trong lúc Donald nổi giận, tố cáo chức tổng thống của mình bị "Ăn Cắp" vì gian lận, thì guồng máy chính trị và tư pháp nước Mỹ vẫn làm việc nghiêm chỉnh, mọi người làm bổn phận của họ trong luật pháp. Sáu mươi phiên tòa bác bỏ các đơn kiện tố cáo bầu cử gian lận, vì thấy không có bằng cớ. Nhiều vị quan tòa do chính ông Trump bổ nhiệm, ba người trong Tối cao Pháp viện. Các thống đốc và nghị viện tiểu bang từ chối khi ông Trump yêu cầu thay đổi kết quả.
Trong hai tháng trời, cảnh hỗn loạn không thể kéo dài. Dân Mỹ mong trở lại cuộc sống bình thường sau bốn năm sôi sục với những trận bão "tuýt" hàng ngày. Khi những người ủng hộ ông Trump tấn công quốc hội, Phó Tổng thống Mike Pence bình thản làm phận sự theo hiến pháp, Joe Biden chính thức đắc cử.
Ông Biden vẫn còn may mắn trước khi nhậm chức. Đáng lẽ ông phải đối đầu với một Thượng viện với đa số 52 nghị sĩ Cộng Hòa, do đó sẽ khó thông qua các dự luật mới. Nhưng đảng Dân chủ đã đoạt được hai ghế nghị sĩ tiểu bang Georgia, ngay trước ngày Quốc hội bị tấn công. Họ trở thành khối đa số.
Kết quả ở Georgia một phần do ông Trump tạo ra. Trong hai tháng trời, ông Trump đã nhiều lần yêu cầu các người lãnh đạo tiểu bang "tính lại", thay đổi kết quả bỏ phiếu. Các vị dân cử Cộng Hòa này, theo lương tâm và luật pháp, đã từ chối. Ông Trump hết lời đả kích rằng guồng máy tổ chức bầu cử của Georgia đầy gian lận lận. Nhiều cử tri Cộng Hòa nghe ông tổng thống nói, không đi bỏ phiếu nữa. Lần đầu tiên một người da đen và một người gốc Do Thái đảng Dân chủ đắc cử nghị sĩ ở Georgia, cùng một năm.
Khi bắt đầu nhậm chức, ông Biden vẫn hên. Ông Biden có thể ký các sắc lệnh theo chủ trương của đảng Dân chủ, lật ngược các chính sách của ông Trump mà không lo dư luận chỉ trích, vì tất cả đều là những "chuyện nhỏ" so với một vấn đề mà cả nước Mỹ lo lắng : Bệnh dịch. Con số hơn 400 ngàn người chết cao hơn số tử sĩ trong Đại chiến Thứ Hai ; không ai chối được.
Ông Biden có thể nấp đằng sau cuộc chiến chống bệnh dịch mà đề nghị những khoản chi tiêu vài ngàn tỷ mỹ kim, mà các đại biểu Cộng Hòa khó phản đối. Chưa hết, ông còn nêu thêm lý do khác để biện minh cho các chương trình chi tiêu vĩ đại : Phục hồi kinh tế bằng cách tiếp tục trao tiền cho người tiêu thụ. Vì bệnh dịch và kinh tế đình trệ đã "tước khí giới" các đại biểu Cộng Hòa. Họ khó nêu khẩu hiệu "chính phủ nhỏ" để chặn các chương trình chi tiêu mới.
Ông Biden còn may mắn hơn nữa, vì cả hai vấn đề, bệnh dịch và kinh tế, sẽ được giải quyết trong vòng một, hai năm. Điều này sẽ đạt được dù bất cứ đảng nào nắm quyền.
Đến cuối năm 2021, Covid-19 sẽ lắng xuống dần. Vì số người được chích vaccine và số người đã nhiễm bệnh đều tăng lên, loài vi khuẩn không còn đất để lan tràn nữa. Nhờ thế, nền kinh tế sẽ tự động hồi phục.
Cuộc suy thoái kinh tế năm 2020 xảy ra không phải vì những nguyên nhân nội tại. Kinh tế xuống thời 2001, 2002 do quả bong bóng Dot.com xẹp bể, sau khi Thị trường Nasdaq tăng từ dưới 1,000 năm 1995 lên hơn 5,000 vào năm 2000. Cuộc suy thoái năm 2007, 2008 là do quả bóng địa ốc nổ bùng, sau khi các ngân hàng cho vay quá dễ dãi, rồi người vay tiền phá sản.
Cuộc suy thoái năm 2020 hoàn toàn do yếu tố bên ngoài gây ra. Các cửa hàng và công ty sản xuất đóng cửa, hàng chục triệu người mất việc, không phải vì họ làm ăn dở, quyết định sai, mà chỉ vì bị loài vi khuẩn tấn công. Cho nên, khi Covid tan thì không cần ai khích lệ, kinh tế nước Mỹ sẽ đứng dậy. Người dân Mỹ nhịn tiêu thụ cả năm trời, để dành được vài ngàn tỷ mỹ kim, sẽ đua nhau mua sắm.
Hơn nữa, khi kinh tế hoạt động trở lại, các xí nghiệp sẽ mạnh hơn thời trước khi có bệnh dịch. Vì trong hơn một năm trời họ đã tìm mọi cách để nâng cao năng suất. Họ sẽ tiếp tục giữ khả năng sản xuất cao đó. Nước Mỹ đang trải qua một cuộc cách mạng kỹ thuật mới, khi các thứ robot tự động, xe giao hàng và xe tải chạy bằng điện, năng lượng tự nhiên và Trí khôn nhân tạo đua nhau phát triển. Chưa bao giờ có những điều kiện thuận lợi như vậy !
Tất nhiên, có những hậu quả kinh tế do cơn bệnh dịch gây ra sẽ làm nước Mỹ nhức đầu trong hàng chục năm nữa. Quan trọng nhất là người Mỹ nhìn ra tình trạng chênh lệch giàu nghèo đã gia tăng. Dù kinh tế đứng dậy nhưng không phải ai cũng khá lên. Những người lao động được trả lương thấp nhất sẽ mất việc nhiều hơn.
Nhưng có thể đó cũng là một điều kiện tốt cho ông Biden. Ông có thể đề nghị chính sách thuế khóa và những chương trình xã hội để giảm bớt chênh lệch về lợi tức. Sau khi bị vi khuẩn tấn công toàn diện, dân Mỹ thấy vai trò của nhà nước cần thiết hơn là họ vẫn nghĩ. Họ có thể chấp nhận các chính sách can thiệp của chính quyền. Nhất là về y tế. Phải làm sao người Mỹ nào cũng được chăm sóc sức khỏe. Người ta không thể sống bình an nếu những người hàng xóm của mình bệnh tật.
Quả thật, Tổng thống Joe Biden có số may mắn. Ông đang được hưởng tuần trăng mật. Trong bốn năm sắp tới người Mỹ sẽ phán xét ông có phải là Joe Ngủ Gật hay không.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 25/01/2021
Thu Hằng, RFI, 20/01/2021
Ông Joe Biden và bà Kamala Harris chính thức nhậm chức tổng thống và phó tổng thống vào ngày 20/01/2021. Ngoài lực lượng Vệ Binh Quốc Gia, đông hơn tổng số quân Mỹ ở Afghanistan, và cảnh sát bảo vệ thủ đô Washington bị giới nghiêm, không một người dân nào được tham dự buổi lễ vì đại dịch và vì lý do an ninh sau vụ chiếm Đồi Capitol. Thay vào đó là gần 200.000 lá cờ Mỹ được cắm trên bãi cỏ Quảng trường Quốc gia (National Mall), trước tòa nhà Quốc hội Mỹ.
Thông tín viên RFI Anne Corpet tường trình từ Washington :
"Thông thường lễ nhậm chức của tổng thống là một ngày vui toàn dân. Ông Donald Trump từng khẳng định đã tập hợp được đông người chưa từng có vào ngày ông nhậm chức. Rõ ràng ông Joe Biden sẽ không thể cạnh tranh được với tổng thống mãn nhiệm về điểm này. Tổng thống tân cử Mỹ kêu gọi người dân ở nhà để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh cũng như về lý do an ninh.
Trong khi đó, trung tâm thành phố Washington bị chặn hoàn toàn. Chỉ vài người có quyền ưu tiên được vào khu vực rộng lớn quanh trụ sở Quốc hội, cũng như Nhà Trắng. Khu Quảng trường Quốc gia, nơi có thảm cỏ trải dài thường vẫn có đông người đứng xem, giờ cũng bị cấm.
Thực ra, từ vài ngày nay Washington giống như một doanh trại : 25.000 thành viên của lực lượng Vệ Binh Quốc Gia được triển khai tại đây. Đó là chưa kể đến lực lượng cảnh sát, xe bọc thép chặn mọi ngả đường mà hàng ngày vẫn đông nghẹt người, hàng rào chắn được dựng lên khắp nơi. Bầu không khí có phần nào đó không bình thường. Dù rất nhiều người dân Mỹ, đặc biệt là tại Washington, muốn được mừng ông Joe Biden nhậm chức, nhưng họ sẽ ăn mừng tại nhà, trước màn ảnh truyền hình".
Sau khi đến Washington vào chiều 19/01, ông Joe Biden và phu nhân cùng bà Kamala Harris và phu quân đã tới tưởng niệm hơn 400.000 người qua đời vì Covid-19, trong ánh sáng của 400 cây nến tượng trưng được thắp quanh hồ nước và phản chiếu Tượng đài Washington. Hoa Kỳ là quốc gia bị dịch nặng nhất thế giới với hơn 24,3 triệu ca nhiễm, tăng thêm hơn 185.000 ca trong vòng 24 tiếng, theo số liệu tối 19/01.
Theo AFP, tổng thống tân cử Mỹ đã gửi đi thông điệp đoàn kết, cả nước "đề tang và bắt đầu cùng nhau hàn gắn vết thương". Còn phó tổng thống tân cử Kamala Harris khẳng định dù "xa cách nhau" nhưng "chúng ta, những người dân Mỹ, vẫn đoàn kết trong tâm trí". Buổi lễ diễn ra đầy xúc động trong tiếng hát Amazing Grace của Lorie Marie Key, một nữ y tá chăm sóc cho bệnh nhân và từng hát bài này vào tháng 04/2020 tại bệnh viện nơi cô làm việc. Ca sĩ gospel, Yolanda Adams kết thúc buổi lễ với bài Hallelujah.
Thu Hằng
***********************
Anh Vũ, RFI, 20/01/2021
Hôm 20/01/2021, ông Joe Biden chính thức bước vào Nhà Trắng sau lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Từ khi có ngày nhậm chức đầu tiên được tổ chức năm 1789 với lễ tuyên thệ của George Washington cho tới buổi lễ tuyên thệ của Donald Trump năm 2017, nghi thức tuyên thệ nhậm chức tổng thống đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn là một truyền thống đã ăn sâu vào nền chính trị của nước Mỹ.
Lễ nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ thứ 46 của ông Joe Biden thuộc đảng Dân Chủ diễn ra hôm nay 20 tháng Giêng tại Washington. Chính tại thủ đô của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, vắng tanh vắng ngắt, quân đội rải khắp nơi mà ông Joe Biden cùng với phó tổng thống Kamala Harris tuyên thệ nhậm chức. Những chi tiết của ngày trọng đại trong lịch sử nước Mỹ này diễn ra theo những quy ước và truyền thống đã ăn sâu trong lịch sử nước Mỹ.
Buổi lễ nhậm chức đầu tiên trong lịch sử Mỹ đó là của George Washington, diễn ra vào ngày 30 tháng Tư năm 1789 vì lý do thời tiết, phải đợi băng giá mùa đông tan dần để mọi người có thể đến dự. Thời điểm cho lễ nhậm chức tổng thống sau đó đã được ấn định vào ngày 04 tháng 3, tức là gần 4 tháng sau ngày đại cử tri bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống, Election Day.
Nhưng đến năm 1933, Franklin Roosevelt đắc cử, trong khi tổng thống đương nhiệm Herbert Hoover đang rất mất uy tín trong dân chúng. Giai đoạn chuyển tiếp quyền lực này dường như quá dài. Một tháng trước khi ông Roosevelt nắm quyền, tu chính án thứ 25 được phê chuẩn, thay đổi thời điểm khởi đầu các nhiệm kỳ của tổng thống và phó tổng thống lên ngày 20 tháng Giêng. Tuy nhiên đã có 3 ngoại lệ. Đó của Dwight D. Eisenhower năm 1957, Ronald Reagan năm 1985 và của Barack Obama năm 2013. Các buổi lễn nhậm chức này đã được dịch lên ngày thứ Hai 21 tháng Giêng vì các ngày 20 tháng Giêng đó rơi vào Chủ nhật mà đã nhậm chức tức phải bắt tay vào công việc nên không thể là ngày nghỉ.
Buổi lễ khai mạc nhiệm kỳ tổng thống diễn ra trước Capitol, trụ sở của Quốc hội, tại Washington DC. Địa điểm này được chọn tư năm 1801 khi Thomas Jefferson, tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ, tuyên thệ nhậm chức. Lễ nhậm chức đầu tiên của George Washington đã diễn ra tại Federal Hall ở New York, trong khu Wall Street. Hai lễ tuyên thệ khác của William Howard Taft năm 1909 và của Ronald Reagan năm 1985 lại diễn ra bên trong điện Capitol, vì điều kiện thời tiết. Khi đó nhiệt độ bên ngoài là -13° C, Ronald Reagan đã để đám đông dân chúng và gồm 140 nghìn khách mời chờ đợi ở bên ngoài trời lạnh.
Donald Trump sẽ không tham dự lễ nhậm chức người kế nhiệm Joe Biden. Theo truyền thống, tổng thống mãn nhiệm và đệ nhất phu nhân đón vợ chồng tân tổng thống buổi sáng trong ngày lễ nhậm chức và cùng nhau đến điện Capitol. Nghi thức này cũng đã nhiều lần bị bỏ qua.
Năm 1801, vị tổng thống thứ 2 của Hoa Kỳ John Adams đã từ chối dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm Thomas Jefferson. Bị vị cựu phó của mình đánh bại, tổng thống thất cử Adams đã rời Nhà Trắng từ sáng sớm ngày 4 tháng 3, ngày nhậm chức. Con trai ông, John Quincy Adams sau đó đã đắc cử tổng thống năm 1824 trong những điều kiện gây nhiều tranh cãi. Người thua cuộc năm đó Andrews Jackson cũng hô hào là bị đánh cắp bầu cử.
Bốn năm sau đó, sau một chiến dịch tranh cử dữ dội, ông Jackson đã phục thù được thất bại. Hai đối thủ đã không gặp nhau và Adams không xuất hiện từ hôm trước lễ nhậm chức. Năm 1841, vì những lý do không rõ ràng, tổng thống Dân Chủ Martin Van Bruen, cũng vắng mặt trong lễ nhậm chức của William Henry Harris. Ngày 4 tháng 3 năm 1869, Andrews Johnson cũng ở lại trong Nhà Trắng không dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm Ulysses Grant chỉ vì tổng thống đắc cử từ chối ngồi chung xe ngựa với người mãn nhiệm để tới đồi Capitol.
Một thế kỷ sau, năm 1974, Richard Nixon cũng vắng mặt tại buổi lễ của Gerald Ford. Lý do đơn giản là vì Nixon đã từ chức và rời Nhà Trắng trước khi người kế nhiệm tuyên thệ nhậm chức. Năm nay, các cựu tổng thống Barack Obama, George W.Bush và Bill Clinton cũng như phó tổng thống Mike Pence đã nhận lời mời tới dự lễ nhậm chức của Joe Biden.
Sự kiện duy nhất được ghi trong Hiến Pháp là nghi thức tuyên thệ của tân tổng thống vào lúc 12 giờ trưa, theo truyền thống là trước chủ tịch Tối Cao Pháp Viện. Khoảng 15 phút trước, tân phó tổng thống đọc tuyên thệ. Trong trường hợp tân tổng thống đột ngột qua đời trong khoảng thời gian này, phó tổng thống là người kế nhiệm.
Lời văn chính xác mà tổng thống tân cử đọc :" Tôi trịnh trọng tuyên thệ rằng, tôi sẽ đảm đương chức vụ tổng thống Hoa Kỳ một cách trung thành và sẽ cố gắng làm hết khả năng của mình để giữ gìn, che chở và bảo vệ Hiến Pháp Hoa Kỳ ". Năm 2009, Barack Obama đã đọc nhầm lời tuyên thệ này. Trách nhiệm thuôc về chủ tịch Tối Cao Pháp Viện khi đó đã đọc lộn xộn trật tự ngôn từ tuyên thệ theo Hiến Pháp. Để cho cẩn thận, tổng thống thứ 44 của Hoa Hoa Kỳ đã tuyên thệ lại vào ngày hôm sau tại Nhà Trắng. Sự cố tương tự cũng đã xảy ra với Herbert Hoover năm 1929: Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện khi đó đã gần như sáng tác lại câu chữ của văn bản hiến định này.
Vào lúc 12 giờ trưa, giờ Washington, Joe Biden đọc lời tuyên thệ với bàn tay phải giơ lên trời và tay trái đặt trên kinh thánh. Ông đã chọn dùng cuốn kinh của gia đình có từ 1893, theo như ông thông báo trong một cuộc phỏng vấn gần đây. Ông đã sử dụng cuốn kinh này cho các lễ tuyên thệ thượng nghị sĩ và phó tổng thống Mỹ. Nhiều vị tổng thống Mỹ sử dụng các cuốn kinh thánh thuộc sở hữu của các nhân vật lịch sử nổi tiếng. Warren G. Harding năm 1921, Eisenhower 1953, Jimmy Carter năm 1977 và George H. W.Bush đã tuyên thệ trên cuốn kinh thánh mà George Washington đã dùng. Cũng có thể sử dụng 2 cuốn kinh để tuyên thệ. Đó là trường hợp Barack Obama đã tuyên thệ trên hai cuốn kinh của Abraham Lincoln và của Martin Luther King. Trong khi đó Donald trump dùng cuốn kinh của Abraham Lincoln như người tiền nhiệm và cuốn do mẹ ông tặng khi ông còn nhỏ.
Hiến Pháp không yêu cầu nhất thiết phải tuyên thệ trên kinh thánh. Một số tổng thống Mỹ đã sử dụng các cuốn sách khác như John Quincy Adams đã tuyên thệ trên một cuốn sách trong đó có một phần nội dung Hiến Pháp Mỹ, Theodore Roosevelt không sử dụng kinh sách, Lyndon Johnson thì lại dùng một cuốn kinh lễ.
Sau lễ tuyên thệ, theo truyền thống là có diễu hành trên đại lộ Pensylvania dài 3 km. Nhưng năm nay do đại dịch Covid-19, nghi thức này không diễn ra và sẽ được thay thế bằng cuộc diễu hành ảo phát trên truyền hình được gọi là "Parade Across America". Ông Joe Biden dự kiến sẽ đi qua sông Potomac để tới đặt vòng hoa viếng các tử sĩ vô danh tại nghĩa trang Arlington. Đi cùng ông có ba cựu tổng thống Bill Clinton, George W.Bush và Barack Obama. Buổi dạ tiệc với các nghị sĩ Quốc hội trong điện Capitol cũng như lễ hội khiêu vũ theo truyền thống tổ chức tại Washington cũng bị hủy vì lý do dịch bệnh. Thay vào đó là một chương trình truyền hình đặc biệt do tài tử điện ảnh Tom Hanks dẫn chương trình.
(Tổng hợp từ France 24.com)
Anh Vũ
*********************
Thu Hằng, RFI, 20/01/2021
Vào lúc máy bay chở tổng thống tân cử Mỹ Joe Biden hạ cánh xuống căn cứ Andrews chiều 19/01/2021, tổng thống thứ 45 của Mỹ Donald Trump đã cho đăng bài diễn văn từ biệt được thu trước, dài 20 phút. Không một lời nhắc đến người kế nhiệm, ông Donald Trump cầu nguyện cho chính quyền mới bảo đảm được an ninh và thịnh vượng cho Hoa Kỳ.
Ngoài ca ngợi kết quả đạt được trong nhiệm kỳ của mình, đặc biệt là chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc trong quan hệ đối ngoại, ông Donald Trump cũng lên án bạo lực chính trị và báo trước rằng phong trào của ông mới chỉ bắt đầu :
"Vào lúc tôi kết thúc nhiệm kỳ với tư cách là tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, tôi hoàn toàn tự hào trước quý vị về những gì chúng ta đã cùng nhau đạt được. Chúng ta đã thực hiện những gì chúng ta muốn làm, thậm chí còn nhiều hơn thế. Tôi đã không tìm con đường dễ dàng nhất, nhưng cũng không hẳn là còn đường khó khăn nhất. Tôi cũng không tìm hướng đi khiến tôi ít bị chỉ trích nhất.
Tôi đã tiến hành những trận chiến cam go, những trận đấu nặng nề nhất, những lựa chọn khó khăn nhất, bởi vì quý vị đã bầu cho tôi vì những điểm này. Nhu cầu của quý vị là ưu tiên đầu tiên và cũng là cuối cùng của tôi. Tôi hy vọng đó là di sản lớn nhất của tôi.
Hiện giờ tôi chuẩn bị nhường chỗ cho chính quyền mới vào trưa thứ Tư 20/01, tôi muốn quý vị biết rằng phong trào mà chúng ta khởi xướng mới chỉ bắt đầu mà thôi. Chưa bao giờ có một sự kiện như vậy. Tôi rời nơi uy nghiêm này với lòng trung thành và vui vẻ, với tinh thần lạc quan và tuyệt đối tin rằng điều tốt đẹp nhất sẽ đến cho đất nước chúng ta và cho con cháu của chúng ta".
Thu Hằng
Tổng thống thứ 46 của Mỹ nhậm chức. Lời hứa đoàn kết cùng hành động mang ý nghĩa gì ? Covid-19, có vac-xin, Châu Âu loay quay với vac-xin. Le Monde đặc biệt phân tích con đường chông gai của Alexei Navalny và Maria Kolesnikova hai nhà đối lập Nga và Belarus và con đường danh lợi của đại gia Trung Quốc Mã Vân (Jack Ma) và tỷ phú Mỹ Elon Musk.
Le Monde chạy một loạt tựa : Covid, dân chúng Pháp đổ xô ghi danh tiêm ngừa, chính phủ lúng túng. Điện thoại bão hòa, xin khất ngày hẹn, các trung tâm tiêm ngừa quá tải hai ngày sau khi chiến dịch chủng ngừa siêu vi cho người trên 75 tuổi khai màn.
Bộ Y tế cam kết cải thiện phương tiện y tế. Trên toàn quốc, các đại biểu dân cử tố cáo tình trạng thiếu thuốc, thiếu ống tiêm và hướng dẫn minh bạch về liều lượng.
Cả Châu Âu lên con sốt tranh cãi về đề xuất thiết lập "thông hành tiêm ngừa" để kích hoạt ngành du lịch. Le Figaro báo động với thông tin "bằng cách nào siêu vi corona xâm nhập vào tế bào não".
Le Monde trên trang nhất và quốc tế, cho rằng "Giữa Trump và Biden, cuộc chuyển giao quyền lực thù nghịch", bởi vì Donald Trump bằng mọi cách tránh mặt Joe Biden.
Trong bài diễn văn từ giã, Trump chứng tỏ không đủ khả năng nhắc tên của người kế nhiệm. Trong bài "Biden, tổng thống bị Trump làm ngơ", Le Monde trách tổng thống mãn nhiệm không tôn trọng truyền thống, không tham dự lễ bàn giao, xách chiếc vali có hệ thống mật mã chỉ huy và điều động vũ khí hạt nhân về Florida trong tâm trạng ta vẫn còn làm tổng thống đến phút chót mà !!! Vì lý do an ninh quốc gia, một chiếc vali tương tự lập tức được đặt bên cạnh Joe Biden.
Chuyển giao quyền lực căng thẳng nhưng cũng xong. Le Monde tóm gọn nội dung qua biếm họa của Plantu : Donald Trump như chú bé con giận dỗi ngồi một góc trong phòng bệnh viện tâm thần còn trên màn ảnh truyền hình Joe Biden đưa một bàn tay phải lên tuyên thệ.
Libération chúc mừng "Joe Biden, tổng thống của tình trạng khẩn cấp". La Croix tự hỏi liệu báo chí Mỹ có còn được hay bị Donald Trump "thu hút" nữa hay không ?
Trong diễn văn tuyên thệ, tổng thống thứ 46 của Mỹ kêu gọi hòa giải hòa hợp chung quanh những giá trị "dân chủ và sự thật". Le Figaro đi sâu vào những điểm cốt lõi và không quên hai câu hỏi : Châu Âu cần Mỹ hay Mỹ cần Châu Âu ? Trung Quốc có thể "thở phào hay chưa ?".
Joe Biden tập họp người Mỹ lại, lời thề của tân tổng thống. Kamala Harris, nữ phó tổng thống đầu tiên. Chương trình khẩn cấp 100 ngày đầu. Nhật báo thiên hữu nhấn mạnh đến bốn biện pháp khẩn cấp : 100 triệu liều vac-xin, 1.900 tỷ đô la vực dậy kinh tế và trợ cấp xã hội, hội nhập trở lại Hiệp định khí hậu Paris và phục hồi vai trò lãnh đạo thế giới.
Về điểm thứ tư này, Le Figaro, qua bài xã luận "Thế giới lộn ngược" khuyến cáo Châu Âu : Không nên hưng phấn quá mức trước lời tuyên bố "Nước Mỹ trở lại tuyến đầu" của Antony Blinken. Tân ngoại trưởng Mỹ đã lấy lại luận điểm của Mike Pompeo : cứng rắn với Bắc Kinh cũng như giữ nguyên trạng các quyết định của Donald Trump về Jerusalem, về quyết định rút quân ở Afghanistan và Iraq. Còn phục hồi Hiệp định hạt nhân với Iran, chuyện này còn tùy thuộc vào sự "khéo léo" của chính quyền mới.
Châu Âu có một "người bạn ở Nhà Trắng" nhưng theo Le Figaro, Joe Biden là một nhân vật quốc tế tự do theo trường phái cũ cộng với quan điểm thực tiễn, thận trọng trước những dự án can thiệp. Tuy ông có "tinh thần đạo đức" nhưng không phải là một nhà truyền đạo dân chủ. Tổng thống mới có nhiều công việc nội trị phải lo trước. Nếu có tái định vị theo hướng đa phương thì cũng chỉ là "vì quyền lợi nước Mỹ". Để có thể trông cậy "vào người bạn ở Nhà Trắng", Châu Âu phải tỏ ra hữu dụng cho nước Mỹ trước đã. Hoa Kỳ ngày nay cũng mong chờ Châu Âu giúp đỡ như đã giúp Châu Âu.
Nhật báo thiên hữu cũng đặt câu hỏi với chuyên gia François Godement liệu Trung Quốc có cảm thấy nhẹ nhõm hay không ? Câu trả lời là "Không". Bởi lẽ, Biden đã cho biết lập trường cứng rắn với Bắc Kinh. Donald Trump cứng rắn nhưng tiền hậu bất nhất. Bắc Kinh ghét thái độ đổi thay như chong chóng nhưng hiện tượng hỗn độn ở thượng tầng lãnh đạo của chính quyền Trump làm đồng minh của Mỹ hoài nghi các tuyên bố của tổng thống Mỹ và như thế tạo thuận lợi cho Trung Quốc.
Giờ đây, người ta thấy chọn lựa của chính quyền Biden, ít ra là qua các tuyên bố "lên án chính sách diệt chủng ở Tân Cương" rất quan trọng. Bởi vì những gì Trung Quốc thi hành nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và người Kazakhstan đúng là "tội ác chống nhân loại". Tín hiệu thứ hai là chính quyền Biden sẽ tiếp tục tẩy chay sản phẩm công nghệ điện tử của Trung Quốc nhất là nếu có quan hệ với quân đội Hoa lục.
Đó là tựa và cũng là nội dung bài bình luận về địa chính trị của Le Monde qua tấm gương can đảm của hai nhà đối lập đồng tâm bám trụ ở Nga và Belarus.
Giữa Alexei Navalny và Maria Kolesnikova có một định mệnh bi thảm tương đồng ngoài sự kiện cả hai đều ngồi tù. Điểm gắn kết hai nhà tranh đấu này là tự chọn đi vào tù khi tình thế đòi hỏi. Một người ở Nga và một người ở Belarus, hai nhà đối lập đồng tâm bám trụ ở Nga và Belarus.
Bài phân tích khá dài, xin điểm qua một số ý chính. Ngày 07/09/2020, Maria Kolesnikova, 38 tuổi, nhạc sĩ, một trong những khuôn mặt đối lập chống nhà độc tài Lukashenko bị cảnh sát bắt cóc đưa đến biên giới Ukraine để trục xuất. Tại biên giới, bà xé hộ chiếu. Không có hộ chiếu, Ukraine không nhận, thế là trục xuất bất thành. Từ đó Maria Kolesnikova bị giam trong một nhà tù ở Minsk.
Chủ nhật 17/01/2021, Alexei Navalny cũng lấy quyết định tương tự, trở về Nga cho dù biết chắc sẽ bị tù : Tôi không sợ, tôi có quyền trở về.
Chính quyền Nga và Belarrus làm đủ cách để buộc các nhà tranh đấu lưu vong nhưng ra đi là tự sát chính trị. Từ nhà tù, Alexei Navalny kêu gọi "dân Nga xuống đường vào Chủ Nhật 23/01".
Maria Kolesnikova và Alexei Navalny dũng cảm chọn con đường tù tội. Họ chứng tỏ không sợ một chính quyền đang sợ họ.
Một phụ nữ khác, bà Svetlana Tsikhanovskaia, cựu ứng cử viên tổng thống Belarus cũng bị đặt trong sự lựa chọn tương tự : nhà tù hay lưu vong. Bà không có cách nào khác vì chồng ngồi tù, hai con còn nhỏ, nên đành chọn Litva dung thân và từ bên ngoài phát động chiến dịch yểm trợ đối lập trong nước đang bị đàn áp rất mạnh.
Nhưng đối đầu với chế độ độc tài hậu cộng sản khổ nhọc vô cùng, theo thú nhận của Svetlana Tsikhanovskaia.
Cho dù cuộc đấu tranh ngày nay không khác gì cuộc chiến của nhà ly khai Liên Xô Andrei Sakharov và phong trào đoàn kết ở Ba Lan nhưng giới lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu rất thận trọng, con mắt lúc nào cũng nhìn về Moskva.
Le Monde thất vọng vì Châu Âu không sử dụng các đòn bẩy mà Navalny nêu ra "Phong tỏa tài sản của những quan chức thi hành lệnh trấn áp đối lập". Đánh vào chỗ làm họ đau nhất : "Tài sản cất giấu trong ngân hàng phương Tây, bất động sản ở Nice, Luân Đôn, Viena, Berlin…".
Đòn bẩy thứ hai là hệ thống ống dẫn khí đốt Nord Dream số 2. Nhật báo độc lập kêu gọi Berlin hãy ra tay : Đức đã cứu mạng Navalny thì không thể nào quay lưng lại với nhà đối lập Nga.
Qua góc nhìn của chuyên gia, một đại gia đỏ ở Trung Quốc và một đại gia tư bản Mỹ có một điểm chung nào cho phép họ làm giàu ?
Hai nhân vật được Le Monde nói đến là Jack Ma (Mã Vân) và Elon Musk : không cùng đảng nhưng cùng chí hướng khai thác nhược điểm của chế độ để trở thành tỷ phú.
Cả hai đều gầy dựng cơ nghiệp riêng nhờ vào ô dù của Nhà nước. Alibaba phất lên là nhờ luật Trung Quốc cấm nước ngoài cạnh tranh với xí nghiệp Trung Quốc. Elon Musk cứu công ty không gian SpaceX khỏi tình trạng phá sản nhờ ký hợp đồng với NASA.
Hai tay đại gia này không hề tranh đấu chống lại bộ máy hành chánh kềnh càng, trái lại họ lợi dụng kẽ hở không thể sửa đổi này. Mặt khác, cả hai đều thân cận với chế độ chính trị : Jack Ma là đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc còn Elon Musk vào năm 2016 là cố vấn của Donald Trump và đến 2020 là ủng hộ viên đắc lực.
Chủ nghĩa tư bản Trung Quốc và Mỹ tuy dựa vào những định chế khác nhau nhưng sự thành công của các xí nghiệp công nghệ siêu sao của họ thể hiện thành đạt cá nhân, của chủ nghĩa tư bản đầu cơ miễn là đừng đe dọa chế độ hay trật tự tài chính có sẵn, nếu không muốn bị thất sủng.
Trong chiều hướng này, bài "Jack Ma tái xuất" của Les Echos suy đoán : sau hai tháng biệt tăm, Jack Ma tái xuất hiện chứng tỏ là "đã bình thường hóa quan hệ" với chính quyền trung ương.
Trong hồ sơ nhân quyền, Le Figaro dành một trang lớn giới thiệu "Người nữ tù thoát chết từ Goulag Trung Quốc" : Gulbahar Haitiwaji được Pháp cưu mang.
Phóng viên của Le Figaro giới thiệu tác giả quyển sách kể lại ba năm trong lao tù Trung Quốc, trải nghiệm bản thân của chính tác giả, Gulbahar Haitiwaji bị bắt trong một cuộc bố ráp vào năm 2016 khi từ nước ngoài về thăm gia đình. Hai chân còn dấu cùm tra tấn. Bị cáo buộc là khủng bố, phiên tòa diễn ra có 9 phút.
Cảm giác tuyệt vọng khủng khiếp đến mức độ : "nếu họ đem tôi ra bắn, tôi cũng bất cần". Lý do duy nhất để Gulbahar Haitiwaji phấn đấu để tồn tại là cần phải sống để thuật lại những gì diễn ra trong quần đảo ngục tù Trung Quốc, thay cho những nạn nhân không có cơ may thoát chết.
Le Figaro cũng có một bài thuật lại chi tiết đoạn băng dài hai tiếng đồng hồ, kết quả cuộc điều tra độc đáo của Alexei Navalny, về "tòa lâu đài xa hoa của Putin". Cuốn băng được phát tán một ngày sau khi nhà đối lập trở về nước và bị tống giam.
Tú Anh
"Hôm nay, chúng ta mừng chiến thắng không phải của một ứng cử viên, mà cho một lý tưởng, lý tưởng của Dân chủ. Nguyện vọng của người dân đã được lắng nghe, và ý muốn của người dân đã được đón nhận" (1)0
Tổng thống thứ 46 của Mỹ Joe Biden tuyên thệ nhậm chức trưa 20/1/2021 theo giờ Washington D.C. Ảnh : CNN
Đó là lời tuyên bố đầu tiên của Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, Joseph Robinette Biden Jr trong diễn văn nhận chức trưa ngày 20/1/2021 trước Tòa nhà Quốc hội ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Nơi đây, vào ngày 6/1 đã có cuộc tấn công bạo động của những người ủng hộ nguyên Tổng thống Cộng hòa Donald Trump, người bị ông Biden đánh bại trong cuộc bầu cử ngày 3/11/2020.
Tổng thống Biden, nói tiếp :
"Chúng ta đã được học thêm rằng Dân chủ thật vô cùng qúy giá, nhưng Dân chủ cũng mong manh. Và trong giờ phút này, thưa các bạn. Dân chủ đã tồn tại. Giờ đây, ngay tại mảnh đất vô giá này, mới mấy ngày trước đây, bạo lực đã đến làm rung chuyển mọi nền tảng của điện Capitol, nhưng chúng ta đã đến với nhau như một Quốc gia, dưới sự che chở của Thượng Đế, bất khả phân, để tiến hành cuộc chuyển quyền êm thắm như chúng ta đã có trên hai trăm năm qua" (2).
Không bình thường
Lễ nhận chức của Tổng thống 78 tuổi Joe Biden không bình thường. Nó đã diễn ra, lần đầu tiên trong 152 năm, với sự bảo vệ an ninh của khoảng 50 ngàn Vệ binh Quốc gia và lực lượng an ninh chìm nổi được gọi về từ mọi miền đất nước, dù nước Mỹ không có chiến tranh.
Lý do an ninh được tăng cường vì, sau cuộc bạo động của nhiều nhóm người Mỹ da trắng cực đoan tấn công vào Quốc hội ngày 6/1, cơ quan FBI đã báo động, cũng chính những nhóm này đã phân tán tin nhắn và muốn tổ chức kéo về Thủ đô chống Tổng thống Biden, song song với các cuộc tấn công vào cơ sở chính quyền trên khắp 50 tiểu bang của Hiệp Chủng Quốc.
Ngày ông Biden nhận nhiệm vụ cũng đã được tổ chức giữa trận cuồng phong của dịch bệnh Covid 19 đã giết hại trên 400 ngàn người Mỹ, trên 40 triệu người Mỹ nhiễm bệnh, trong khi viễn ảnh ngăn chặn còn xa vời.
Vì dịch bệnh, người dân Mỹ đã đươc yêu cầu ở nhà coi truyền hình hay các phượng tiện điện tử khác về lễ nhậm chức của Tổng thống Biden và bà Phó Tổng thống Kamala Harris. Vì vậy, Công viên Quốc gia dài trên 2 cây số, đáng lẽ có hàng trăm ngàn người đến tham dự lễ trọng đại này, đã bị đóng cửa và hoang vắng.
Tuy nhiên, bà Harris, cựu Thượng nghị sĩ của California, đã đi vào lịch sử không chỉ là nữ Phó Tổng thống đầu tiên từ ngày lập quốc mà còn là một người con di dân có 2 dòng máu Ấn Độ và Jamaica (Caribbean Sea). Mẹ bà - Shyamala Gopalan - là nhà nghiên cứu bệnh ung thư người Mỹ gốc Ấn Độ và bố - Donald Harris – là giáo sư kinh tế, gốc Jamaica.
Những việc trước mắt
Với bối cảnh này, Tổng thống Biden thừa nhận ông sẽ phải đối phó với một nước Mỹ phân hóa trầm trọng hơn bao giờ hết, cộng thêm với nạn dịch thế kỷ và một nền kinh tế suy thoái, với 6,7% người Mỹ thất nghiệp. Con số này tương đương với khoảng 40 triệu người cần được trợ giúp khẩn cấp.
Tổng thống Biden nói với nhân dân Mỹ rằng ông biết rất rõ phải làm gì trong cương vị Tổng thống để hàn gắn vết thương chia rẽ do các khuynh hướng bạo lực và cường quyền gây ra, nhanh chóng ngăn chặn dịch Covid 19 và phục hồi kinh tế.
Do đó, trước ngày tuyên thệ, Tổng thống Biden đã đề nghị một ngân sách 1.900 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu chích ngừa Covid 19 rộng khắp và miễn phí cho người dân, song song với trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ tài chính cho mỗi công dân và các cơ sở thượng mại được sống còn.
Tuy nhiên, đề nghị của Tổng thống Biden phải được Quốc hội đồng ý. Rất may cho ông là đảng Dân chủ đã chiếm đa số ở cả hai viện Quốc hội nên việc thông qua ngân sách sẽ thuận chiều hơn.
Vì vậy, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi đoàn kết, cùng nhau làm việc để giải quyết những khó khăn trước mắt.
Ông nói : "Để vượt qua những thử thách này, phục hổi bản lĩnh và bảo đảm tương lại của đất nước, đòi hỏi nhiều hơn những lời nói. Đó là đòi hỏi những yếu tố cốt lõi của nền dân chủ : Đoàn kết. Đoàn kết… Hôm nay, trong ngày này của tháng Giêng, nguyện vọng lý tưởng của tôi là : Hãy đem nước Mỹ lại với nhau. Đoàn kết nhân dân ta. Hãy đoàn kết Tổ quốc lại. Tôi mong mỗi người hãy cùng tôi chia sẻ trong sứ mệnh này. Hãy đoàn kết chống lại kẻ thù chung chúng ta đang phải đối phó : Sự tức giận, bất bình, thù nghịch. Chủ nghĩa cực đoan, vô pháp luật, bạo động. Dịch bệnh, thất nghiệp, tuyệt vọng…" (3).
Trong phần kết, Tổng thống Biden nói bằng một giọng tự tin : "Nếu chúng ta cùng chung sức thực hiện những việc này, tôi bảo đảm với mọi người, chúng ta sẽ không thất bại…Hãy lắng nghe nhau. Hãy nghe người khác nói. Hãy gặp nhau, và hãy tôn trọng lẫn nhau" (4).
Sau đó, tân Tổng thống đã làm cho các nước Đồng minh của Hoa Kỳ, từng bị gây mâu thuẫn và mất tin nhau dưới thời chính quyền Trump, an tâm khi ông nói : "Đây là thông điệp của tôi gửi những quốc gia bên ngoài biên giới Hoa Kỳ. Nước Mỹ đã từng bị thử thách và chúng tôi đã trở lại hùng mạnh hơn. Chúng tôi sẽ hàn gắn sư liên kết và một lần nữa hội nhập với cộng đồng thế giới. Không phải để dương đầu với thách đố của quá khứ mà trong hiện tại và ngày mai. Chúng tôi sẽ lãnh đạo không chỉ thuần túy bằng sức mạnh mà bằng sức mạnh của hành động cụ thể. Chúng tôi sẽ sẽ là một đối tác mạnh, đáng tin cậy cho hòa bình, tiến bộ và an toàn. Chúng tôi đã trải qua nhiều thử thách tại đất nước này" (5).
Tổng thống Joe Biden đã nói với nhân dân Mỹ và cả thế giới về kỳ vọng hợp tác và hòa giải của chính quyền ông trong 4 năm tới. Nhưng ông không hề nói gì về chính quyền tiền nhiệm, đặc biệt đối với cá nhân nguyên Tổng thống Donald Trump.
Nhưng điều này không gây ngạc nhiên cho ai. Bởi vì chính ông Donald Trump, sau khi thất cử đã không nhìn nhận thất cử, và không hề thừa nhận ông Jose Biden đã thắng cử hợp pháp.
Tương lai chính trị nào dành cho Donald Trump ?
Ông Trump và đảng Cộng hòa đã dấy động những cuộc chống Tổng thống đắc cử Joe Biden bằng cách tung ra những tin bầu cử gian lận do đảng Dân chủ chủ động. Có ít nhất 25 vụ kiện do phe ông Trump và đảng Cộng hòa chủ động nhưng đều bị bác vì không có bằng chứng. Tối cao Pháp viện cũng đã không công nhận hồ sơ kiện của ông Trump.
Tổng thống Donald Trump rời Tòa Bạch Ốc lúc 8g23 sáng ngày 20/01/2021 bằng chiếc Trực thăng Marine One, để sau đó cùng gia đình các con cháu đáp chuyến Air Force One lần cuối tại Phi trường Quân sự Andrews Airforce Base, lúc 8g57 phút, để về Palm Beach, Florida
Với những "biến chứng" của ông Trump, cuối cùng Lưỡng viện Quốc hội đã thống nhận xác nhận ông Joe Biden đắc cử càng khiến ông Trump càng phẫn uất hơn. Thái độ này thể hiện qua cuốn băng video cùng lời phát biểu ngắn tại Phi trường quân sự Andrew, bên ngoài Hoa Thịnh Đốn sáng ngày 20/1/2021, qua đó ông Trump không hề nhắc đến tên ông Jose Biden trong những lời nói sau cùng trong cương vi Tổng thống Mỹ.
Hành động của một Tổng thống mãn nhiệm như ông Trump phản ảnh một tình trạng chia rẽ nghiêm trọng giữa 2 chính quyền trong 4 năm tới.
Đó là lý do tại sao nội dung bài diễn văn nhận chức của ông Biden đã bao trùm những lời kêu gọi hòa giải, đoàn kết trong nhân dân Mỹ.
Trước đó, ông Trump đã cùng vợ, Menalia, rời Tòa Bạch Ốc lúc 8g23 sáng ngày 20/01/2021 bằng chiếc Trực thăng Marine One, để sau đó cùng gia đình các con cháu đáp chuyến Air Force One lần cuối tại Phi trường Quân sự Andrews Airforce Base, lúc 8g57 phút, để về Palm Beach, Florida, là nơi ông cư ngụ.
Hình ảnh ông Trump rời Hoa Thịnh Đốn trước giờ Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên thệ nhận chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ lúc 12 giờ trưa, đã bị hoen ố bởi cuộc tấn công bạo động vào Quốc hội ngày 6/1/2021, của những người ủng hộ ông Trump đòi hủy bỏ cuộc kiểm phiếu xác nhận ông Joe Biden đã thắng cử.
Sau 6 tiếng trì hoãn, Quốc hội đã xác nhận ông Biden đắc cử với số 306 phiếu, trong khi ông Trump được 232 phiếu.
Có 5 người chết, trong đó có 1 cảnh sát viên bảo vệ Tòa nhà Quốc hội và một số nhân viên công lực bị thương trong cuộc bạo loạn lớn nhất trong lịch sử điện Capitol.
Do hành động này mà Hạ nghị viện đã biểu quyết luận tội Tổng thống Trump ngày 13/01/2021 vì ông đã "kích động nổi loạn" chống lại Chính phủ và "hành động vô luật pháp tại Quốc hội". Nghị quyết luận tội được 232 phiếu thuận, chống 197 và 5 dân biểu không bỏ phiếu.
Có 10 dân biểu Cộng hòa, đứng đầu là bà Liz Cheney, nhân vật thứ 3 của đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã bỏ phiếu luận tội ông Donald Trump.
Với quyết định lần này của Hạ viện, ông Trump là Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội hai lần.
Lần đầu tiên xẩy ra năm 2019, khi ông bị Hạ viện luận tội vì đã lạm dụng chức vụ để ép buộc Chính phủ Ukraine moi móc hồ sơ làm ăn của ông Hunter Biden, con ông Joe Biden, với mục đích ràng buộc ông Biden vào hồ sơ tham nhũng và làm ăn bất chính của người con.
Mục đích của ông Trump là muốn làm mất uy tín ông Joe Biden trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2020. Tuy nhiên, cuộc điều tra của Chính phủ Ukraine đã không tìm được dấu vết nào như lời cáo buộc của ông Trump.
Phiên tòa xử cựu Tổng thống Donald Trump sẽ do Thượng viện triệu tập, nhưng do Chủ tịch Tối cáo Pháp viện chủ tọa. Khi nào phiên tòa xẩy ra thì chưa biết. Theo Hiến pháp, ông Trump chỉ có thể bị kết án nếu có 2/3 (67/100) nghị sĩ đồng ý. Đây là đa số rất khó vì đảng Dân chủ và Cộng hòa ngang phiếu nhau 50/50. Phe Dân chủ có lợi thêm 1 phiếu của bà Phó Tổng thống Kamala Harris, khi cần thiết.
Trước ngày ông Trump mãn nhiệm, Lãnh tụ đa số Cộng hòa ở Thượng viện, Nghị sĩ Mitch McConnell, đã bất ngờ cáo buộc những người bạo động đã bị tiêm nhiễm bởi những tin giả dối và bị kích động bởi ông Trump và những người có quyền lực khác. Nghị sĩ McConnell, một đồng minh cật ruột của ông Trump, ủng hộ việc luận tội, nhưng không cho biết là liệu ông có đồng ý kết án ông Trump hay không (5).
Nếu bị kết án, tương lai sự nghiệp chính trị của ông Trump coi như chấm dứt vì ông sẽ bị cấm suốt đời không được giữ bất cứ chức vụ công nào.
Trước khi rời Bạch Ốc, ông Trump đã có quyết định sẽ tiếp tục lãnh đạo đảng Cộng hòa và dự định sẽ ra tranh cử Tổng thống năm 2024. Ông Trump tự tin số ngót 75 triệu cử tri đã bầu cho ông năm 2020 sẽ tiếp tục ủng hộ ứng cử viên Donald Trump trong tương lai.
Tuy nhiên, sau hành động nhúng tay kích động của ông trong vụ biểu tình bạo động ngày 6/1/2021, nhiều lãnh tụ Cộng hòa đã không còn mặn mà với tư cách chính trị và khả năng lãnh đạo của ông nữa.
Phạm Trần
(20/01/2021)
-------
(1) "Today, we celebrate the triumph not of a candidate, but of a cause, the cause of democracy. The will of the people has been heard and the will of the people has been heeded".
(2) "We have learned again that democracy is precious. Democracy is fragile. And at this hour, my friends, democracy has prevailed. So now, on this hallowed ground where just days ago violence sought to shake this Capitol’s very foundation, we come together as one nation, under God, indivisible, to carry out the peaceful transfer of power as we have for more than two centuries".
(3) "To overcome these challenges – to restore the soul and to secure the future of America – requires more than words.
It requires that most elusive of things in a democracy: Unity.Unity….Today, on this January day, my whole soul is in this:
Bringing America together. Uniting our people.
And uniting our nation. I ask every American to join me in this cause. Uniting to fight the common foes we face: Anger, resentment, hatred. Extremism, lawlessness, violence. Disease, joblessness, hopelessness…".
(4) "If we do that, I guarantee you, we will not fail…Let us listen to one another. Hear one another. See one another. Show respect to one another".
(5) "So here is my message to those beyond our borders : America has been tested and we have come out stronger for it. We will repair our alliances and engage with the world once again. Not to meet yesterday’s challenges, but today’s and tomorrow’s. We will lead not merely by the example of our power but by the power of our example. We will be a strong and trusted partner for peace, progress, and security. We have been through so much in this nation".
(6) "The mob was fed lies", McConnell, a Kentucky Republican, said on the Senate floor. "They were provoked by the President and other powerful people".
Sau khi tuyên thệ sẽ giữ vững và bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ, ông Joe Biden ngày 20/1 chính thức trở thành tổng thống.
Joe Biden, Tổng thống thứ 46 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, phát biểu trong lễ nhậm chức Tổng thống hôm 20/01/2021 tại Washington D.C
Việc tuyên thệ nhậm chức của ông diễn ra dưới sự điều hành của Thẩm phán Tối cao Pháp viện John Roberts.
Năm nay 78 tuổi, Joe Biden là người lớn tuổi nhất từng tuyên thệ nhậm chức tại Capitol Hill.
Joe Biden đã chạy đua tranh cử không thành công hai lần, hồi 1987 và 2008, trước khi ông trở thành phó tổng thống trong chính quyền của ông Barack Obama.
Trong diễn văn nhậm chức, ông Joe Biden nhấn mạnh cần đoàn kết để viết nên chương mới cho Hoa Kỳ.
----------------------
"Thưa Chánh án Tối cao Roberts, Phó tổng thống Harris, Chủ tịch Hạ viện Pelosi, Lãnh đạo Schumer, Lãnh đạo McConnell, Phó tổng thống Pence, các vị khách quý, đồng bào Hoa Kỳ.
Đây là ngày của nước Mỹ. Đây là ngày của dân chủ. Một ngày lịch sử và hy vọng, của đổi mới và quyết tâm. Thông qua thử thách thời đại, Hoa Kỳ đã được thử lửa, và Hoa Kỳ đã xứng tầm thử thách. Hôm nay, chúng ta đón mừng thắng lợi không phải của một ứng viên mà của một chính nghĩa, chính nghĩa dân chủ. Nhân dân - ý nguyện của nhân dân - đã được lắng nghe, và ý nguyện của nhân dân đã được chú ý.
Chúng ta lần nữa học rằng dân chủ thật quý giá, mong manh, và thời khắc này, thưa các bạn, dân chủ đã chiến thắng.
Vậy nên lúc này, ở nơi thiêng liêng này, nơi mà chỉ vài ngày trước, bạo lực đã nổ ra, làm rung chuyển đến tận nền móng Tòa Quốc hội Hoa Kỳ, chúng ta cùng tới đây, như một quốc gia, dưới ơn Chúa, không thể bị chia rẽ, để thực hiện chuyển giao quyền lực êm ả như chúng ta đã làm từ hơn hai thế kỷ qua.
Khi chúng ta nhìn tới theo cách đặc trưng của người Mỹ - không ngơi nghỉ, mạnh mẽ, lạc quan, và quyết trở thành một quốc gia mà chúng ta biết là chúng ta có thể, và cần phải trở thành, tôi cảm ơn những người tiền nhiệm của cả hai đảng. Tôi cảm ơn họ từ tận đáy lòng mình. Và tôi biết sự kiên cường của Hiến pháp và sức mạnh của đất nước chúng ta, cũng như cựu Tổng thống Carter cũng biết, ông là người tôi nói chuyện đêm qua và không thể ở bên chúng ta hôm nay, song là người chúng ta tôn vinh vì cả đời phụng sự của ông.
Tôi vừa thực hiện lời thề thiêng liêng mà mỗi người yêu nước từng thề. Lời tuyên thệ được George Washington thực hiện đầu tiên. Nhưng câu chuyện của nước Mỹ không phụ thuộc vào bất kỳ ai trong số chúng ta mà là tất cả. Chúng ta, những người dân tìm kiếm một liên minh hoàn hảo hơn. Đây là một đất nước vĩ đại. Chúng ta là những người tốt. Và qua nhiều thế kỷ, qua going bão, xung đột, dù hòa bình hay chiến tranh, chúng ta đã đi rất xa. Nhưng vẫn còn phải đi tiếp.
Chúng ta sẽ tiến về trước thật nhanh, thật khẩn trương vì có nhiều việc phải làm trong mùa đông khó khăn mà cũng nhiều điều có thể xảy ra. Nhiều việc phải làm, phải hàn gắn, phục hồi, xây dựng và thu hoạch. Ít ai trong lịch sử dân tộc ta lại bị thử thách, sống trong một giai đoạn khó khăn như chúng ta hiện nay. Một con virus gặp một lần trong thế kỷ, âm thầm đánh lén đất nước, đã lấy đi sinh mạng trong một năm bằng cả Thế chiến Hai.
Hàng triệu việc làm đã mất. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp đóng cửa. Lời đòi hỏi công bằng sắc tộc, âm ỉ suốt 400 năm, làm ta cảm động. Giấc mơ công lý cho tất cả sẽ không còn bị đình hoãn. Lời kêu gọi sống còn đến từ chính hành tinh, chưa bao giờ tuyệt vọng, chưa bao giờ rõ vậy. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan chính trị, thượng đẳng da trắng, khủng bố nội địa, chúng ta phải đối đầu và sẽ đánh bại. Để vượt qua những thử thách này, để khôi phục tâm hồn và bảo đảm tương lai nước Mỹ, đòi hỏi nhiều hơn lời nói. Nó đòi hỏi điều khó tìm nhất trong một nền dân chủ - đoàn kết.
Đoàn kết. Trong ngày đầu năm 1863, Abraham Lincoln đã ký Tuyên Ngôn Giải Phóng. Khi viết xuống giấy, tổng thống nói, và tôi dẫn lại, 'nếu tên tôi đi vào lịch sử, sẽ là vì hành động này, và cả tâm hồn tôi đặt vào nó'.
Cả tâm hồn tôi đặt vào nó hôm nay, vào ngày tháng Giêng này. Cả tâm hồn tôi hướng về điều này. Đưa Hoa Kỳ xích lại gần nhau, đoàn kết nhân dân, đoàn kết quốc gia. Và tôi kêu gọi mọi người Mỹ cùng tham gia. Đoàn kết để chống kẻ thù của chúng ta - sự giận dữ, phẫn uất và hận thù. Chủ nghĩa cực đoan, vô pháp, bạo lực, bệnh tật, thất nghiệp, và vô vọng.
Nhờ đoàn kết, ta có thể làm những điều lớn, quan trọng. Ta có thể sửa lại điều sai, giúp người dân có việc làm tốt, có thể dạy con cái chúng ta trong những ngôi trường an toàn. Ta có thể vượt qua con virus chết người, dựng lại việc làm, dựng lại tầng lớp trung lưu, giữ gìn việc làm, có thể đạt được công bằng sắc tộc và có thể đưa Hoa Kỳ lần nữa trở thành xung lực tốt đẹp trên thế giới.
Tôi biết nói về đoàn kết, với một số người, có thể nghe như tưởng tượng khùng điên giờ này. Tôi biết các thế lực chia rẽ ta thật sâu, có thật. Nhưng tôi cũng biết chúng không phải là mới. Lịch sử chúng ta là cuộc đấu tranh liên tục giữa lý tưởng Mỹ, rằng ta được tạo ra bình đẳng, và thực tế xấu xa rằng phân biệt sắc tộc, bài ngoại và sợ hãi đã chia rẽ chúng ta. Trận chiến là vĩnh viễn và chiến thắng không bao giờ an toàn.
Qua nội chiến, Đại khủng hoảng, Thế chiến, 11/9, qua đấu tranh, hy sinh, thất vọng, những thiên thần tốt đẹp hơn đã luôn chiến thắng. Trong từng khoảnh khắc, vẫn đủ người xích lại để vượt lên và ta có thể làm điều đó bây giờ. Lịch sử, niềm tin và lý trí dẫn đường. Con đường của đoàn kết
Chúng ta có thể nhìn nhau không phải như kẻ thù mà như láng giềng. Ta có thể đối xử với nhau với sự tự trọng và tôn trọng. Ta có thể hợp tác, ngừng to tiếng, bình tĩnh. Vì không có đoàn kết, thì không có hòa bình, chỉ có cay đắng, giận dữ, không có tiến bộ, chỉ có sự phẫn nộ mệt mỏi. Không có quốc gia, chỉ có hỗn loạn. Đây là khoảnh khắc lịch sử của khủng hoảng và thử thách. Và đoàn kết là con đường phía trước. Và chúng ta phải làm được vào lúc này như Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Nếu làm thế, tôi bảo đảm chúng ta sẽ không thất bại. Chúng ta chưa bao giờ thất bại tại Mỹ khi chúng ta xích lại với nhau. Và hôm nay, lúc này, tại đây, hãy bắt đầu mới, tất cả mọi người. Hãy bắt đầu lắng nghe nhau lần nữa, nhìn nhau. Tôn trọng nhau.
Chính trị không cần phải là ngọn lửa thiêu đốt mọi thứ. Bất đồng không cần phải là nguyên nhân cho chiến tranh tổng lực, và ta phải bác bỏ văn hóa khi mà dữ kiện bị lung lạc và thậm chí bị ngụy tạo.
Thưa đồng bào, chúng ta phải khác đi. Phải tốt hơn thế, và tôi tin nước Mỹ tốt hơn thế nhiều.
Xin nhìn xung quanh. Chúng ta đứng dưới bóng của mái vòm Quốc hội. Như đã nói ban đầu, nơi này hoàn thành trong Nội chiến. Khi sự thống nhất bị đe dọa, chúng ta đã chịu đựng và chiến thắng. Nay chúng ta đứng ở đây, nhìn ra Quảng trường Quốc gia, nơi Mục sư King nói về giấc mơ của ngài.
Nay chúng ta đứng ở đây, nơi 108 năm trước, tại một lễ nhậm chức, hàng ngàn người phản đối cố ngăn bước những phụ nữ dũng cảm đòi quyền bỏ phiếu. Và hôm nay, ta đánh dấu việc tuyên thệ của người phụ nữ đầu tiên, phó tổng thống Kamala Harris. Đừng nói với tôi rằng mọi thứ không thể thay đổi.
Chúng ta đứng ở đây, nơi những người anh hùng tận hiến đang an nghỉ.
Và ta ở đây, chỉ vài ngày sau khi đám côn đồ nghĩ chúng có thể dùng bạo lực để bóp nghẹt ý chí nhân dân, để ngăn nền dân chủ, đuổi ta ra khỏi mảnh đất thiêng này. Điều đó đã không xảy ra, sẽ không bao giờ, không phải hôm nay, ngày mai, mãi mãi.
Đối với những ai ủng hộ chiến dịch của chúng tôi, tôi cảm thấy rất nhỏ bé trước niềm tin mà các bạn đặt vào chúng tôi. Đối với những ai không ủng hộ chúng tôi, hãy để tôi nói điều này. Hãy lắng nghe tôi khi chúng ta tiến lên phía trước. Hãy xem xét tôi và trái tim tôi. Nếu bạn vẫn không đồng ý, hãy cứ như vậy. Đó là dân chủ, đó là nước Mỹ.
Quyền bất đồng chính kiến một cách ôn hòa. Bảo vệ nền dân chủ của chúng ta có lẽ là sức mạnh lớn nhất của đất nước này.
Hãy nghe rõ lời tôi, bất đồng không được dẫn đến tan rã. Tôi cam kết điều này với các bạn, tôi sẽ là tổng thống của tất cả người dân Mỹ. Tôi hứa với các bạn sẽ đấu tranh hết mình cho những người không ủng hộ tôi lẫn những ai ủng hộ.
Nhiều thế kỷ trước, Thánh Augustinô - vị thánh nhà thờ của tôi - viết rằng một dân tộc được định hình bởi những điều mà họ cùng yêu quý. Đâu là những điều mà người Mỹ cùng yêu quý, định nghĩa ta là người Mỹ? Tôi nghĩ chúng ta đều biết. Là cơ hội, an toàn, tự do, tự trọng, tôn trọng, danh dự, và sự thật.
Những tuần và tháng gần đây đã dạy ta bài học đau đớn. Có sự thật và có dối trá. Dối trá vì quyền uy và lợi nhuận. Mỗi chúng ta có nghĩa vụ và trách nhiệm như công dân, và đặc biệt là như lãnh đạo. Những người lãnh đạo phải tuân thủ Hiến pháp để bảo vệ quốc gia. Để bảo vệ sự thật và đánh bại dối trá.
Tôi hiểu nhiều đồng bào nhìn tương lai với sự e sợ. Tôi hiểu họ lo lắng về việc làm. Như cha của họ, họ cũng nằm trên giường trong đêm, nhìn trần nhà và nghĩ, tôi có thể giữ y tế của mình? Có thể trả tiền vay nhà? Nghĩ về gia đình họ, về điều sắp tới. Tôi hứa, tôi hiểu. Nhưng câu trả lời không phải là nhìn về trong. Rút vào những phe nhóm đối địch. Nghi ngờ những ai không trông giống bạn, không tôn thờ như bạn, không đọc tin từ cùng một nguồn như bạn.
Chúng ta phải chấm dứt cuộc chiến thô bỉ giữa đỏ và xanh, nông thôn và thành thị, bảo thủ và cấp tiến. Chúng ta làm được nếu mở rộng lòng mình thay vì khép cửa trái tim, nếu ta chứng tỏ một chút bao dung và khiêm tốn, và nếu sẵn lòng đứng vào vị trí người khác, như cách mẹ tôi vẫn nói. Chỉ một lúc thôi, thử đứng vào vị trí của họ.
Bởi vì có một điều về cuộc đời. Không biết định mệnh sẽ đặt ra chuyện gì. Có lúc bạn cần một bàn tay. Có lúc khác, chúng ta phải giúp đỡ. Đời là thế, chúng ta làm cho người khác. Nếu ta làm được thế, đất nước ta sẽ mạnh mẽ hơn, phồn vinh hơn, sẵn sàng hơn cho tương lai. Và chúng ta vẫn có thể bất đồng.
Thưa đồng bào, để làm việc phía trước, chúng ta cần có nhau. Ta cần mọi sức lực để đi qua mùa đông đen tối này. Chúng ta đang ở trong giai đoạn có thể là đen tối và nguy hiểm nhất của virus. Chúng ta phải gạt bỏ chính trị, đối diện đại dịch như một quốc gia. Và tôi hứa, như Kinh thánh nói, 'Khóc lóc đến trọ trong đêm, niềm vui lại đến trong buổi sáng'. Chúng ta sẽ vượt qua cùng nhau. Cùng nhau.
Những đồng liêu tôi làm việc ở Hạ và Thượng viện, chúng tôi đều hiểu thế giới đang xem. Đây là thông điệp của tôi đến những người bên ngoài biên giới của chúng ta. Nước Mỹ đã được thử thách và chúng tôi mạnh mẽ hơn. Chúng tôi sẽ hàn gắn các liên minh và một lần nữa tương tác với thế giới. Không phải để đối đầu thách thức hôm qua mà hôm nay và ngày mai. Chúng tôi sẽ dẫn lối không chỉ nhờ tấm gương về sức mạnh, mà còn nhờ sức mạnh của tấm gương.
Đồng bào người Mỹ ơi, các bà mẹ, người bố, người con, bè bạn, láng giềng, đồng nghiệp. Chúng ta sẽ vinh danh họ bằng cách trở thành dân tộc và quốc gia mà ta có thể và nên trở thành. Tôi xin mọi người hãy thầm cầu nguyện cho những người đã mất, bị bỏ quên và cho đất nước.
Các bạn ạ, đây là giai đoạn thử thách. Chúng ta đối diện vụ tấn công vào nền dân chủ, vào sự thật, con virus đang đe dọa, sự bất bình đẳng, phân biệt sắc tộc hệ thống, khí hậu khủng hoảng, vai trò của Mỹ trên thế giới. Bất kỳ thử thách nào cũng đủ làm ta khó khăn. Nhưng chúng ta hãy cùng đối diện, đem lại trách nhiệm to lớn cho quốc gia này. Chúng ta sẽ bị thách thức đấy. Liệu có đảm đương được chăng ?
Đây là lúc phải táo bạo vì nhiều việc lắm. Chắc chắn, tôi hứa. Chúng ta sẽ được phán xét qua cách chúng ta giải quyết các khủng hoảng thời đại. Chúng ta sẽ làm được.
Liệu chúng ta có vượt qua giờ khắc hiếm hoi khó khăn này ? Có làm đúng trách nhiệm và chuyển lại một thế giới mới tốt đẹp hơn cho con cháu ?
Tôi tin rằng ta phải làm, và tôi tin bạn cũng vậy. Sẽ làm được, và khi đó, chúng ta sẽ viết nên chương vĩ đại tiếp theo trong lịch sử Hoa Kỳ. Câu chuyện Mỹ.
Một câu chuyện có thể nghe giống bài ca rất có ý nghĩa cho tôi. Đó là bài hát American Anthem. Có một lời hát trong đó khắc sâu ít nhất cho tôi, 'Công việc và lời nguyện của nhiều thế kỷ đã đưa ta đến hôm nay, đó sẽ là di sản chúng ta, các con cháu sẽ nói gì ? Hãy cho tôi biết, khi đời sống đi qua, Hoa Kỳ, tôi đã tận hiến vì người'.
Chúng ta hãy cùng đưa việc làm của mình, lời nguyện của mình vào câu chuyện đang diễn ra của đất nước. Nếu ta làm, thì khi tuổi mình đã hết, con cháu sẽ nói về ta, rằng 'Họ đã tận hiến, đã làm xong nghĩa vụ, họ đã hàn gắn một đất nước tan vỡ'.
Hỡi đồng bào, tôi dừng ngày hôm nay ở nơi tôi bắt đầu, với lời thề thiêng liêng trước Thượng đế và các bạn, tôi hứa. Tôi sẽ luôn trung thực với các bạn.
Tôi sẽ bảo vệ Hiến pháp. Tôi sẽ bảo vệ nền dân chủ của chúng ta, tôi sẽ bảo vệ nước Mỹ. Tôi sẽ cống hiến cho tất cả, làm mọi việc để phục vụ các bạn, không nghĩ về quyền lực mà về trách nhiệm. Không vì lợi ích riêng mà vì lợi ích chung.
Chúng ta sẽ cùng nhau viết nên một câu chuyện của người Mỹ về hy vọng, không phải nỗi sợ hãi, về đoàn kết, không phải sự chia rẽ, về ánh sáng, không phải về bóng đêm.
Câu chuyện về sự đàng hoàng và phẩm giá, tình yêu và sự hàn gắn, sự vĩ đại và những điều tốt đẹp.
Xin đây là câu chuyện dẫn đường cho chúng ta, câu chuyện truyền cảm hứng và câu chuyện kể về thời đại chưa tới mà chúng ta đáp lại tiếng gọi của lịch sử. Dân chủ và hy vọng, sự thật và công lý không chết trước mắt ta mà sẽ phát triển.
Là câu chuyện về nước Mỹ bảo đảm quyền tự do ở quê nhà và một lần nữa đứng vững như ngọn hải đăng cho thế giới.
Đó là những gì chúng ta nợ những người đi trước, nợ lẫn nhau và các thế hệ tiếp theo.
Vậy nên, với mục đích và quyết tâm, chúng ta hướng đến những nhiệm vụ thời đại.
Tiếp sức bằng niềm tin, thúc đẩy bằng quyết tâm và sự cống hiến cho nhau lẫn đất nước mà chúng ta yêu bằng cả trái tim.
Xin Thượng đế ban phúc cho Hoa Kỳ và bảo vệ quân đội chúng ta".
Joe Biden
Tổng thống thứ 46 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ
Nguồn : BBC, 20/01/2021
Quốc hội Mỹ vừa xác nhận Tổng thống đắc cử Joe Biden đã giành chiến thắng trước Tổng thống Trump.
Các nghị sĩ Cộng hòa vỗ tay tại phiên họp lưỡng viện chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống 2020
Các nghị sĩ tại phiên bỏ phiếu xác nhận kết quả bầu cử tổng thống Mỹ
Việc đếm thêm ba phiếu đại cử tri của bang Vermont đã đưa ông Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris vượt qua ngưỡng 270 cần thiết để đắc cử tổng thống. Trước đó, sau khi chứng nhận kết quả bang Pennsylvania, ông Biden đã được 268 phiếu.
Cho đến giờ, trong năm lần các nghị sĩ Cộng hòa phản đối kết quả bầu cử, Thượng viện và Hạ viện đã biểu quyết bác bỏ phản đối kết quả của bang Georgia và Pennsylvania. Còn các thách thức kết quả của các bang Arizona, Nevada và Michigan, thậm chí còn thất bại trước khi được đưa ra tranh luận.
*******************
Diễn tiến những sự kiện trong và ngoài tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ, Điện Capitol, ngày 6 và 7/1/2021
VOA tiếng Việt, 07/01/2021
Hạ viện vừa bác bỏ thách thức đối với kết quả phiếu đại cử tri tại bang Pennsylvania với tỷ lệ 282-138 vào lúc gần 3g sáng ngày 7/1.
Dự kiến sau lần thách thức này, các phiếu bầu cho 12 bang còn lại sẽ nhanh chóng được chứng nhận. Sau cùng, ông Joe Biden sẽ được tuyên bố chiến thắng trước ông Donald Trump.
Hiện giờ Quốc hội đã xác nhận đến 268 phiếu đại cử tri cho ông Biden và 166 phiếu cho ông Trump.
*******************
Matt Pottinger, phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, đã từ chức để đáp lại phản ứng của Trump trước hành động bạo loạn của những người ủng hộ ông, CNN và Bloomberg đưa tin.
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Matt Pottinger
Ông Pottinger nói với mọi người rằng ông ấy không có gì để cân nhắc, người này cho biết.
Một số trợ lý an ninh quốc gia hàng đầu của Trump – bao gồm cả cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien và phó tổng tham mưu trưởng Chris Liddell – cũng đang cân nhắc từ chức, CNN cho hay.
Trước đó, ông O’Brien đã có bước đi bất thường khi lên tiếng bảo vệ Phó Tổng thống Mike Pence giữa cơn giận của ôngTrump vì ông Pence đã từ chối thực hiện theo yêu cầu của ông Trump là thay đổi kết quả bầu cử có lợi cho ông.
"Tôi vừa nói chuyện với Phó Tổng thống Pence. Ông ấy là một người đàn ông thực sự đàng hoàng và tử tế. Hôm nay ông ấy đã thể hiện sự dũng cảm như khi ông đã làm tại Điện Capitol vào ngày 11/9 với tư cách là một dân biểu. Tôi tự hào được phục vụ cùng ông ấy", ông O’Brien nói.
*******************
Thượng viện đã nhanh chóng bác bỏ thách thức của một số nghị sĩ Cộng hòa đối với kết quả phiếu đại cử tri của bang Pennsylvania.
Mặc dù đã quá nửa đêm và đã bước sang ngày 7/1 nhưng các thượng nghị sĩ vẫn bỏ phiếu với tỷ lệ 92-7. Khác với lần thách thức trước, lần này Thượng viện biểu quyết mà không có bất kỳ tranh luận nào.
Đây là bang thứ hai mà nhóm nghị sĩ Cộng hòa đã cố gắng thách thức kết quả nhưng thất bại.
Lãnh đạo Đa số tại Thượng viện Mitch McConnell nói ông tin sẽ không có phiếu bầu nào của các bang khác bị thách thứcnữa. Điều đó có nghĩa việc Quốc hội chính thức xác nhận chiến thắng của Joe Biden có thể kết thúc nhanh chóng một khi Hạ viện biểu quyết xong về thưa kiện kết quả ở Pennsylvania.
Những người thách thức kết quả ở Pennsylvania bao gồm 80 dân biểu Cộng hòa ở Hạ viện và Thượng nghị sĩ đồng đảng Josh Hawley, người được xem là ứng cử viên tổng thống tiềm năng cho năm 2024.
*******************
Stephanie Murphy, Dân biểu gốc Việt duy nhất trong Hạ viện Hoa Kỳ, đả kích những người ủng hộ Tổng thống Trump xông vào tòa nhà Quốc hội để uy hiếp các nghị sĩ thực hiện thủ tục chứng nhận kết quả bầu cử.
"Một đám đông bạo động tìm cách cản trở tiến trình dân chủ của chúng ta và lật ngược cuộc bầu cử tự do và công bằng. Họ đã thất bại. Quốc hội sẽ không khiếp sợ. Chúng tôi sẽ hoàn thành công tác của mình và chứng nhận kết quả", bà viết trên Twitter.
"Nước Mỹ đã cứu gia đình tôi khỏi chế độ chuyên chế. Tôi yêu nước Mỹ không nói nên lời", bà chia sẻ trong một dòng tweet đăng trước đó vào lúc hỗn loạn bên trong Điện Capitol. "Tôi sẽ không bao giờ lùi bước trong việc bảo vệ nước Mỹ".
Bà Murphy, tên tiếng Việt là Đặng Thị Ngọc Dung, là ngôi sao đang lên của Đảng Dân chủ với lập trường ôn hòa và chủ trương hợp tác lưỡng đảng. Bà là người gốc Việt thứ hai đắc cử vào Hạ viện Hoa Kỳ và là người gốc Việt duy nhất tái đắc cử sau nhiệm kì đầu tiên hai năm.
Bà tái đắc cử nhiệm kì thứ ba trong cuộc bầu cử vừa qua, đại diện một địa hạt quốc hội ở khu vực thành phố Orlando thuộc bang Florida.
*******************
Bốn người chết khi những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump chiếm đóng bạo lực ở Điện Capitol trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ.
Cảnh sát trưởng thủ đô Washington, D.C. Robert Contee cho biết những người thiệt mạng ngày thứ Tư bao gồm một người phụ nữ bị Cảnh sát Điện Capitol bắn trúng. Ba người khác chết trong "tình huống khẩn cấp y tế".
Cảnh sát cho biết cả lực lượng chấp pháp lẫn những người ủng hộ ông Trump đều sử dụng chất hóa học gây khó chịu trong suốt khoảng thời gian chiếm đóng tòa nhà Quốc hội kéo dài hàng giờ trước khi nó được lực lượng chấp pháp giành lại quyền kiểm soát vào tối ngày thứ Tư.
Người phụ nữ bị bắn trước đó trong ngày thứ Tư khi đám đông bạo động tìm cách phá rào chắn ở Điện Capitol, nơi cảnh sát được trang bị vũ khí đứng ở phía bên kia. Cô này nhập viện với nhiều vết thương do đạn bắn và sau đó đã tử vong.
Các quan chức cảnh sát thủ đô cũng cho biết hai quả bom ống đã được thu giữ, một quả nằm ngoài Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc và một quả nằm ngoài Ủy ban Đảng Cộng hòa Toàn quốc. Cảnh sát tìm thấy một thùng lạnh từ một chiếc xe chứa một khẩu súng dài và bom xăng trong khuôn viên Điện Capitol.
*******************
Hạ viện Hoa Kỳ bác bỏ thách thức đối với chiến thắng của Joe Biden ở bang Arizona.
Thượng viện Hoa Kỳ bác bỏ với tỉ lệ áp đảo một thách thức đối với chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden ở bang Arizona.
Thách thức này - do Dân biểu Paul Gosar và Thượng nghị sĩ Ted Cruz dẫn đầu - bị bác bỏ với tỉ lệ 93-6 vào tối ngày thứ Tư. Cả sáu người ủng hộ đều thuộc Đảng Cộng hòa, nhưng sau khi những người biểu tình bạo lực xông vào Điện Capitol trước đó trong ngày thứ Tư, một số thượng nghị sĩ Cộng hòa từng có ý định ủng hộ thách thức giờ đã đổi ý.
Ba thượng nghị sĩ Cộng hòa đổi ý và sẽ không phản đối việc chứng nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Thượng nghị sĩ Steve Daines của bang Montana, Mike Braun của Indiana và Kelly Loeffer của Georgia đều nói rằng vì vụ đám đông ủng hộ Trump dùng bạo lực xông vào Quốc hội, họ sẽ từ bỏ ý định chống đối chién thắng của ông Biden.
*******************
Phó Tổng thống Mike Pence, phát biểu từ ghế chủ tịch Thượng viện nơi các thượng nghị sĩ tái hội họp sau khi đám đông bạo loạn bị đẩy lùi, phát biểu:
"Tôi nói với những kẻ gây cảnh tàn phá trong Điện Capitol ngày hôm nay, các người đã không chiến thắng. Bạo lực không bao giờ chiến thắng. Tự do chiến thắng và nơi này vẫn là ngôi nhà của nhân dân".
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết Quốc hội sẽ tái tục các thủ tục chứng nhận kết quả bầu cử một khi Điện Capitol không còn những người biểu tình ủng hộ Donald Trump và an toàn để sử dụng.
Bà Pelosi cho biết đã đưa ra quyết định với sự tham vấn của Lầu Năm Góc, Bộ Tư pháp và phó tổng thống, người sẽ chủ trì phiên họp của lưỡng viện.
Bà lưu ý rằng ngày hôm nay sẽ luôn là "một phần của lịch sử", nhưng bây giờ nó sẽ là "một bức tranh đáng hổ thẹn về đất nước của chúng ta trưng ra trước thế giới".
Ông Trump đã khuyến khích những người ủng hộ đến Washington để chống lại việc Quốc hội chứng nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ông đã tổ chức một cuộc tập hợp trước đó vào ngày thứ Tư và kêu gọi những người ủng hộ ông tuần hành đến Điện Capitol, kêu gọi với họ "loại bỏ những kẻ kém cỏi của Quốc hội" và "giờ là lúc biểu dương sức mạnh".
Những người ủng hộ ông Trump đã phá hàng rào an ninh và xông vào tòa nhà Điện Capitol và đụng độ với các nhân viên chấp pháp trước khi làm gián đoạn quá trình kiểm đếm phiếu của Cử tri đoàn. Ông Trump đã nhiều lần nói với những người ủng hộ rằng cuộc bầu cử tháng 11 đã bị đánh cắp khỏi tay ông, dù điều đó là sai trái.
*******************
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mitt Romney quy trách Tổng thống Donald Trump kích động một "cuộc nổi dậy" bạo lực tại Điện Capitol.
Ông Romney, ứng cử viên tổng thống năm 2012 của Đảng Cộng hòa và là người thường xuyên chỉ trích ông Trump, cho biết vụ xâm nhập bạo lực Điện Capitol ngày thứ Tư là "vì niềm kiêu hãnh bị tổn thương của một con người ích kỉ và sự phẫn nộ của những người ủng hộ ông ta mà ông ta đã cố tình cung cấp thông tin sai lạc trong hai tháng qua".
Thượng nghị sĩ bang Utah cho biết những người tiếp tục ủng hộ "trò nguy hiểm" của ông Trump bằng việc phản đối kết quả của một cuộc bầu cử chính danh, dân chủ "sẽ mãi mãi bị coi là đồng lõa trong một cuộc tấn công chưa từng có nhắm vào nền dân chủ của chúng ta".
Ông Romney chế nhạo Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz và các nghị sĩ Đảng Cộng hòa khác muốn "kiểm toán" kết quả bầu cử: "Làm ơn! Không có cuộc kiểm toán nào do Quốc hội lãnh đạo mà sẽ thuyết phục được những cử tri đó, đặc biệt khi tổng thống sẽ tiếp tục tuyên bố cuộc bầu cử đã bị đánh cắp".
Ông Romney nói sự thật đơn giản "là Tổng thống đắc cử (Joe) Biden đã thắng cuộc bầu cử này. Tổng thống Trump đã thua".
*******************
Trong một dòng tweet vào tối ngày thứ Tư, Trump nói, "Đây là chuyện xảy ra khi một chiến thắng bầu cử áp đảo thiêng liêng bị tước đoạt một cách tàn bạo và tàn nhẫn khỏi những người yêu nước vĩ đại, những người đã bị đối xử tồi tệ và bất công trong suốt thời gian dài".
Ông nói thêm, "Hãy trở về nhà với tình yêu và trong sự yên ổn. Hãy nhớ mãi ngày này! "
Tổng thống Donald Trump dường như biện minh cho việc những người ủng hộ của ông dùng vũ lực xông vào Quốc hội Hoa Kỳ.
Những người ủng hộ ông Trump đã phá hàng rào an ninh và xông vào tòa nhà Điện Capitol và đụng độ với các nhân viên chấp pháp trước khi làm gián đoạn quá trình kiểm đếm phiếu của Cử tri đoàn. Ông Trump đã nhiều lần nói với những người ủng hộ rằng cuộc bầu cử tháng 11 đã bị đánh cắp khỏi tay ông, dù điều đó là sai trái.
*******************
Quyền Bộ trưởng Tư pháp Jeffrey Rosen nói cuộc biểu tình bạo lực ủng hộ Trump tại Điện Capitol trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ là một "cuộc tấn công không thể dung thứ nhắm vào một định chế căn bản" của nền dân chủ.
Ông Rosen nói rằng Bộ Tư pháp đang làm việc với Cảnh sát Điện Capitol và các cơ quan chấp pháp khác để bảo vệ Điện Capitol. Ông nói hàng trăm đặc vụ liên bang từ các cơ quan của Bộ Tư pháp đã được điều đến để trợ giúp.
Ông gọi đó là một "tình huống không thể chấp nhận được" và cho biết các công tố viên liên bang "có ý định thực thi luật pháp của đất nước chúng ta".
*******************
Một người phụ nữ bị bắn bên trong Điện Capitol trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ trong cuộc biểu tình bạo lực ủng hộ Trump đã tử vong.
Hai quan chức nắm rõ tình hình cho hãng tin AP biết vào chiều tối ngày thứ Tư với điều kiện ẩn danh vì họ không được phép phát biểu công khai.
Sở cảnh sát Đô thành của thủ đô Washington cho biết họ đang dẫn đầu cuộc điều tra vụ nổ súng. Cảnh sát không cung cấp ngay tức thì thông tin chi tiết về hoàn cảnh của vụ nổ súng.
Hàng chục người ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã vượt qua hàng rào an ninh và tiến vào Điện Capitol khi Quốc hội đang hội họp, dự kiến sẽ biểu quyết khẳng định chiến thắng bầu cử của ông Joe Biden. Họ ẩu đả với cảnh sát cả bên trong lẫn bên ngoài tòa nhà.
Vài giờ sau, cảnh sát tuyên bố Điện Capitol đã được bảo vệ an toàn.
*******************
Cảnh sát dùng hơi cay giải tán người biểu tình ủng hộ Trump ra khỏi khuôn viên Điện Capitol trước giờ giới nghiêm 6 giờ chiều ngày 6/1/21 (giờ địa phương).
Nhiều ủng hộ viên của ông Trump trước đó vượt qua hàng rào an ninh xông vào trụ sở Quốc hội trong lúc Quốc hội đang họp để biểu quyết xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống 3/11/2020. Người biểu tình xô xát với cảnh sát cả bên trong lẫn bên ngoài tòa nhà Quốc hội.
Cảnh sát cho hay ít nhất 1 người bị trúng đạn bên trong Điện Capitol, chưa rõ tình trạng thế nào.
Cảnh sát trưởng của thủ đô cho biết ít nhất 13 người bị bắt.
*******************
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ben Sasse trực tiếp quy lỗi cho Tổng thống Donald Trump về vụ các đám đông giận dữ xông vào Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ.
Nhà lập pháp đại diện bang Nebraska, người thường xuyên chỉ trích ông Trump, nói Điện Capitol "bị tấn công trong khi nhà lãnh đạo của thế giới tự do ẩn trốn sau bàn phím để tải lên những dòng tweet chỉ trích Phó Tổng thống của ông chỉ vì ông Pence hoàn thành nhiệm vụ như đã tuyên thệ khi nhậm chức, là sẽ bảo vệ Hiến pháp".
Thượng nghị sĩ Ben Sasse viết trong một tuyên bố: "Những lời nói dối có những hậu quả của chúng. Tình trạng bạo động hôm nay là hậu quả xấu xa và không thể tránh của thói xấu của Tổng Thống Trump, liên tục khích động và gây chia rẽ".
Những người biểu tình xông vào tòa nhà giữa lúc Quốc hội Mỹ đang bắt đầu tiến trình chính thức xác nhận kết quả bầu cử đã trao thắng lợi cho Tổng thống tân cử Joe Biden, đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11. Phó Tổng thống Mike Pence có nhiệm vụ giám sát tiến trình này, một nhiệm vụ mang tính cách nghi lễ, và ông cưỡng lại áp lực của Tổng Thống Trump đòi ông lật ngược kết quả bầu cử.
Tổng Thống Trump tiếp tục tuyên bố một cách sai trái rằng đây là một cuộc bầu cử gian lận mà ông đã thắng. Trước đó trong ngày, phát biểu trước một đám đông những người biểu tình ủng hộ ông bên ngoài Tòa Bạch Ốc, ông Trump hối thúc họ hãy kéo tới Quốc hội Hoa Kỳ.
*******************
Cảnh sát bang New Mexico sơ tán nhân viên ra khỏi nghị viện tiểu bang, kể cả văn phòng Thống đốc và Chánh Văn phòng tiểu bang như một biện pháp thận trọng, sau khi hàng trăm ủng hộ viên của Tổng Thống Trump tay phất cờ tới trước trụ sở chính quyền trong xe van và trên lưng ngựa. Một người phát ngôn của Thống đốc New Mexico cho biết không có dấu hiệu nào là nghị viện tiểu bang bị đe dọa.
Nhân viên của Thống đốc bang Utah, Spencer Cox, được lệnh hãy về nhà giữa lúc hàng trăm người biểu tình ủng hộ ông Trump tụ tập bên ngoài Nghị viện tiểu bang, mặc dù cuộc biểu tình tương đối diễn ra trong ôn hòa.
Một vụ xô xát đã diển ra giữ những người biểu tình ủng hộ ông Trump, gồm thành viên của nhóm cực hữu Proud Boys, và những người chống biểu tình tại thành phố Columbus ở bang Ohio, hiện trụ sở nghị viện không bị đe dọa.
*******************
Những người biểu tình ủng hộ ông Trump đã tụ tập bên ngoài nghị viện tiểu bang trên khắp nước, dẫn đến việc sơ tán tại ít nhất hai bang. Ở St. Paul, bang Minnesota, các đám đông biểu tình hò reo khi nghe tin các ủng hộ viên của ông Trump đã xông vào Điện Capitol ở Washington.
Hàng trăm người, đa số không mang khẩu trang, tụ tập bên ngoài các nghị viện tiểu bang hôm thứ Tư 6/1, vẫy cờ và giương biểu ngữ ghi hàng chữ "Hãy ngưng cướp bầu cử". Tại Georgia và Oklahoma, một số người biểu tình mang súng trên người.
*******************
Cảnh sát trưởng của thủ đô Washington nói các giới chức công bố hiện trường khu vực là một vụ bạo loạn. Một thường dân bị bắn bên trong Điện Capitol hôm 6/1/21.
Đô trưởng Muriel Bowser lên án hành xử của những người ủng hộ ông Trump là "đáng xấu hổ, không yêu nước, và trên hết tất cả là phi pháp".
Cảnh sát thủ đô được điều tới Quốc hội, giới hữu trách từ các bang Maryland, Virginia, và New Jersey hỗ trợ tiếp sức.
Vệ binh Quốc gia cũng được huy động, cùng với các thanh tra Bộ An ninh Nội địa và Cơ quan Mật vụ.
Một nguồn tin hiểu rõ tình hình nói rằng các nhân viên Tòa Bạch Ốc bày tỏ "kinh hoàng" về vụ bạo động tại điện Capitol và lo ngại sẽ xảy ra thêm những cảnh bạo động khác trên các đường phố của thủ đô Washington trong đêm nay.
Cảnh sát thành phố New York nói với đài Fox: "Chúng tôi đang theo sát tình hình ở Washington DC. Ngay trong lúc này, không có liên hệ nào giữa những diễn biến tại Washington với bất cứ điều gì ở thành phố New York".
*******************
Các nhà lãnh đạo trên thế giới và Tổng thư ký khối NATO ngày 6/1 bày tỏ bàng hoàng trước hình ảnh những người biểu tình bạo động tràn vào Quốc hội Mỹ và tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử Tổng thống.
*******************
Tổng Thống Trump công bố thông điệp video, kêu gọi các ủng hộ viên hãy "về nhà bây giờ", ông kêu gọi mọi người hãy giữ hòa bình. "Tôi biết nỗi đau của các bạn, tôi biết các bạn cảm thấy bị tổn thương. Cuộc bầu cử đã bị cướp khỏi tay của chúng ta. Ai cũng biết là chúng ta đã giành được thắng lợi áp đảo, nhất là phía bên kia, nhưng các bạn phải về nhà bây giờ", ông Trump nói. "Chúng ta phải có hòa bình, phải có luật pháp và trật tự, chúng ta phải tôn trọng nhân dân vĩ đại của chúng ta trong luật pháp và trật tự. Chúng ta không muốn bất cứ ai bị thương tổn".
*******************
3 thiết bị khả nghi được tìm thấy gần điện Capitol.
Thông tín viên Jake Gibson của chương trình tin tức đài Fox cho hay đài Fox đã được một nhân viên thi hành công lực cho biết là có ít nhất 3 thiết bị khả nghi được phát hiện gần điện Capitol hôm 6/1/21. Giới chức cho biết các thiết bị này màu đen và bao gồm một ống có gắn nhiều dây điện. Hiện không rõ các thiết bị này có phải là thiết bị nổ hay không.
*******************
Tổng thống tân cử Joe Biden vừa đọc diễn văn, nói rằng "nền dân chủ Mỹ đang bị tấn công, điều chưa từng xảy ra trong thời hiện đại. "Một cuộc tấn công vào nền Cộng hòa của chúng ta, một cuộc tấn công vào nền pháp trị… những khái niệm thiêng liêng nhất của nước Mỹ - việc nước việc dân", ông Biden nói. Ông đả kích "một số nhỏ những kẻ cực đoan, theo đuổi tình trạng vô pháp luật". "Đây không phải là bất đồng chính kiến, mà là vô trật tự, là hỗn loạn, gần vượt qua lằn ranh của nổi loạn, và tình trạng đó phải chấm dứt ngay bây giờ".
Tổng thống tân cử Joe Biden nói những gì diễn ra ở thủ đô DC "gần như nổi loạn".
Tổng thống tân cử Joe Biden vừa đọc diễn văn, nói rằng "nền dân chủ Mỹ đang bị tấn công, điều chưa từng xảy ra trong thời hiện đại. "Một cuộc tấn công vào nền Cộng hòa của chúng ta, một cuộc tấn công vào nền pháp trị… những khái niệm thiêng liêng nhất của nước Mỹ - việc nước việc dân", ông Biden nói. Ông đả kích "một số nhỏ những kẻ cực đoan, theo đuổi tình trạng vô pháp luật". "Đây không phải là bất đồng chính kiến, mà là vô trật tự, là hỗn loạn, gần vượt qua lằn ranh của nổi loạn, và tình trạng đó phải chấm dứt ngay bây giờ".
Ông Biden kêu gọi ông Trump hãy lên đài truyền hình quốc gia và "yêu cầu chấm dứt vụ phong tỏa".
*******************
Những người biểu tình bị trục xuất khỏi Thượng viện.
Thượng viện Mỹ không còn bóng người biểu tình bạo loạn, một nhân viên cảnh sát xác nhận với đài CNN rằng cảnh sát đã thành công trong việc đẩy lùi đám biểu tình ra khỏi cánh Thượng viện của điện Capitol về hướng phòng vòm cung, và những người biểu tình đang bị đẩy ra khỏi cửa phía Đông và Tây của tòa nhà Quốc hội.
Tình hình dường như đã yên tĩnh trở lại tại Thượng viện.
Một nạn nhân bị trúng đạn được đưa ra khỏi Điện Capitol.
Fox News cho hay một nạn nhân bị trúng đạn đã được đưa ra khỏi điện Capitol cách đây hơn 30 phút. Hiện chưa có chi tiết nào khác.
*******************
"Chúng tôi kêu gọi Tổng Thống Trump hãy lập tức nói với các ủng hộ viên của ông, hiện đang chà đạp khu vực thủ đô và xâm nhập trụ sở quốc hội Mỹ, hãy ngưng ngay lập tức và trở về nhà một cách hòa bình. Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ là nền dân chủ vĩ đại nhất thế giới, và nền dân chủ đó dựa trên nguyên tắc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Chúng tôi kêu gọi Tổng Thống Trump hãy làm điều mà ông chưa làm, nhưng phải làm: ra lệnh cho những người ủng hộ ông hãy rời khỏi khu vực thủ đô và chấp nhận tiến trình chuyển giao quyền lực sang cho Tổng thống tân cử Joe Biden và Phó Tổng thống tân cử Kamala Harris.
Bộ trưởng Tư pháp DC thúc giục Tổng thống Trump kêu gọi ủng hộ viên hãy lập tức chấm dứt biểu tình
Trong bối cảnh này, tất cả mọi cư dân tại khu vực thủ đô, quận Columbia, phải ở nhà. Không có bất cứ ai được xuống phố DC hoặc ở gần các tòa nhà liên bang.
Tổng Thống Trump đã tải một dòng tweet, kêu gọi những người ủng hộ ông hãy duy trì thái độ ôn hòa, nhưng không yêu cầu họ rời khỏi Washington DC.
*******************
Vệ binh Quốc gia của DC, khoảng 1800 binh sĩ, đang được huy động tới Quốc hội. Qúa trình này sẽ mất vài tiếng.
Fox News cho hay Bộ Quốc phòng đã chuẩn thuận cho huy động toàn bộ Vệ binh Quốc gia DC, gồm 1800 binh sĩ. Thống đốc bang Virginia kế cận cũng gửi khoảng 200 Vệ binh Quốc gia, theo yêu cầu của Đô trưởng khu vực Thủ đô Washington, tới tiếp ứng.
Những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump phản đối kết quả bầu cử tràn vào Điện Capitol, trụ sở quốc hội Mỹ tại thủ đô Washington, gây gián đoạn tiến trình xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống hôm 3/11/2020.
Ông Trump đã hối thúc những người ủng hộ ông hãy tụ tập tại thủ đô Washington để phản đối Quốc hội chính thức chuẩn thuận chiến thắng của ông Biden.
Nhiều nhà lập pháp Đảng Cộng hòa ủng hộ lời kêu gọi của ông Trump, bất chấp không có bằng chứng nào cho thấy có gian lận bầu cử hoặc hành động sai trái nào trong cuộc bầu cử vừa rồi.
Tại thời điểm này, nhiều người biểu tình đang có mặt trong hội trường của Thượng viện Mỹ. Một người hô to: "Trump đã thắng bầu cử!"
Hàng chục người khác tràn vào khắp các hành lang của Điện Capitol, hét to: "Họ ở đâu?"
Một số có mặt tại các sảnh đường dành cho khách đến thăm Điện Capitol.
Trước đó, Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump nói chuyện với hàng ngàn ủng hộ viên, kể cả những thành viên của các tổ chức cực hữu, tại một cuộc tập họp ở thủ đô Washington, phản đối phiên họp ngày 6/1 của Quốc hội xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng 11/2020.
Phát biểu tại một sân khấu ngoài trời gần Tòa Bạch Ốc, ông Trump tuyên bố sai lạc rằng ông thắng cử trong khi, theo lịch trình, ông Biden sắp tuyên thệ nhậm chức trong hai tuần tới.
Đám đông tụ họp tại cuộc biểu tình "Tuần hành Cứu nước Mỹ" hoan nghênh khi ông Trump nhắc lại thuyết âm mưu vô căn cứ về gian lận bầu cử.
"Chúng ta không công nhận [kết quả] khi có chuyện gian lận", ông Trump nói. "Đất nước chúng ta đã chịu đựng quá đủ rồi và chúng ta sẽ không chịu đựng thêm nữa".
Nhiều tuần đã qua kể từ khi các tiểu bang hoàn tất việc phê chuẩn là ông Biden, một đảng viên Dân chủ, thắng cuộc bầu cử với 306 phiếu cử tri đoàn so với 232 phiếu của ông Trump, và những vụ kiện tụng của ông Trump tại nhiều tòa án Mỹ.
*******************
Đụng độ với các ủng hộ viên của Tổng thống Trump, cảnh sát dùng hơi cay trong khu Rotunda của Quốc hội. Cảnh sát yêu cầu các nghị sĩ Quốc hội bên trong Hạ viện mang mặt nạ chống hơi cay.
Các ủng hộ viên của ông Trump xông vào tòa nhà Quốc hội chiều 6/1, đụng độ bạo động với lực lượng thực thi luật pháp trong lúc các nghị sĩ Quốc hội họp để chính thức hoá chiến thắng của Tổng thống tân cử Joe Biden trong cuộc bầu cử ngày 3/11 vừa qua. Quốc hội phải sơ tán, cuộc kiểm phiếu đại cử tri bị gián đoạn.
2g40 chiều 6/1/21 (giờ thủ đô Mỹ): Đô trưởng khu vực thủ đô Washington DC ra lệnh giới nghiêm toàn thành phố từ 6 giờ chiều ngày 6/1 tới 6 giờ sáng ngày 7/1.
Cảnh sát thủ đô Mỹ ngày 6/1 phong toả tòa nhà Quốc hội và sơ tán nhiều cao ốc văn phòng làm việc của Quốc hội trong lúc các cuộc biểu tình bên ngoài đang trở nên bạo động.
Trong số các cao ốc được sơ tán có Tòa nhà Madison của Thư viện Quốc hội nằm đối diện trụ sở Quốc hội và Tòa nhà Cannon văn phòng làm việc của Hạ viện.
Cảnh sát cho biết thời gian phong toả sẽ kéo dài tuỳ vào hành xử của người biểu tình.
Video do phóng viên tờ Washington Post đăng tải cho thấy người biểu tình vượt những dãy hàng rào tiến về Quốc hội.
Ước tính hàng ngàn ủng hộ viên của Tổng thống Trump tề tựu về thủ đô Washington ngày 6/1 để gây áp lực buộc Quốc hội và Phó Tổng thống Mike Pence đảo ngược kết quả cuộc bầu cử Tổng thống hôm 3/11 vừa qua.
Nguồn : VOA, 07/01/2021
**********************
Tổng thống Trump phát biểu tại mít tinh 'Cứu nước Mỹ' trưa 6/1/2021
VOA, 07/01/2021
VOA tiếng Việt lược dịch bài phát biểu của Tổng thống Trump trước những người ủng hộ tại cuộc mít tinh có tên "Cứu nước Mỹ" (Save America) diễn ra hồi trưa ngày 6/1/2021 tại thủ đô Washington của Mỹ :
Tổng thống Trump tại buổi mít tinh hôm 6/1/2021 ở Washington
Tổng thống Trump : Tôi khẳng định đã có gian lận nhưng tôi thắng cử. Nếu Phó Tổng thống Pence làm điều đúng đắn, chúng ta sẽ thắng.
Các bang muốn bầu cử lại. Phó Tổng thống Pence hãy gửi phiếu lại các bang để xác nhận lại. Tôi sẽ là Tổng thống, các bạn sẽ hài lòng. Mike Pence cần phải hành động cho chúng ta. Giờ là tùy thuộc vào Quốc hội làm điều đúng đắn.
Chúng ta muốn quay trở lại 8 tuần trước. Có quá nhiều đảng viên Cộng hòa yếu đuối.
Quốc hội phải làm điều đúng đắn. Các bạn hãy lên tiếng. Xin cảm ơn các bạn. Đây là một phong trào tuyệt vời.
(Đám đông hô : Chúng tôi yêu Trump)
Năm nay, lợi dụng đại dịch và bỏ phiếu qua thư, bên Dân chủ đã gian lận bầu cử.
Tôi sẽ cũng các bạn đi đến Quốc hội và hoan nghênh các nghị sỹ. Một số người sẽ không được hoan nghênh.
Cuộc bầu cử của chúng ta là một sự gian lận lớn. Bầu cử không tự do, không công bằng.
Thậm chí các nước thế giới thứ 3 cũng không làm như cuộc bầu cử vừa rồi. Đất nước chúng ta đang bị vây hãm.
Các bạn là những người xây dựng đất nước này. Có nhiều đảng viên Cộng hòa yếu đuối, nhắm mắt làm ngơ để nước Mỹ suy yếu.
Tôi xin cảm ơn hơn 100 dân biểu Hạ viện, họ biết chúng ta có quyền bỏ đi các lá phiếu "tồi". Tôi xin cảm ơn mọi nghị sĩ, đặc biệt là 13 Thượng nghị sĩ.
Chúng ta sẽ thấy lịch sử. Chúng ta sẽ thấy nước Mỹ có nhà lãnh đạo mạnh hay nhà lãnh đạo đáng xấu hổ.
Trung Quốc đã hủy hoại người dân chúng ta. Tôi muốn trao cho người dân 2000 USD/người. Nhưng có những nghị sĩ chỉ muốn gửi cho dân 600 USD.
Chúng ta đã chăm sóc các cựu chiến binh rất chu đáo. Giờ chúng ta có mặt ở đây để chiến đấu.
Báo chí luôn nói là không có bằng chứng. Người dân Mỹ không tin báo chí "Fake News" (tin giả). Dù báo chí nói chúng ta thua ở nơi này nơi kia, chúng ta đã giành những số phiếu kỷ lục.
Chúng ta không còn có báo chí công bằng. Chúng ta trong những tuần qua đã thu thập được bằng chứng về bầu cử gian lận.
Báo chí dập tắt tiếng nói. Điều đó giống ở các nước cộng sản. Chúng ta sẽ không bao giờ nhượng bộ.
[Kết thúc]
VOA, 04/01/2021
Hôm 3/1, tất cả 10 cựu Bộ trưởng Quốc phòng lên tiếng phản đối bất kỳ động thái nào đưa quân đội vào việc theo đuổi các cáo buộc gian lận bầu cử, cho rằng điều đó sẽ đưa đất nước tới nơi "nguy hiểm, bất hợp pháp và vi hiến" theo AP.
10 cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, đã ký vào một bài xã luận được đăng trên trang The Washington Post. Nhóm này viết rằng sau cuộc bầu cử ngày 3/11 và các cuộc kiểm phiếu tiếp theo ở một số bang, cũng như các thách thức không thành công tại tòa án, kết quả đã rõ ràng, trong khi không nêu tên ông Trump trong bài báo.
"Đã qua rồi thời hạn thẩm vấn kết quả ; thời gian để kiểm phiếu chính thức các cử tri đoàn, theo quy định trong Hiến pháp và quy chế, đã đến", các cựu bộ trưởng viết.
Các cựu lãnh đạo Lầu Năm Góc cũng cảnh báo không nên sử dụng quân đội trong bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả bầu cử.
Họ viết : "Những nỗ lực để lực lượng vũ trang Hoa Kỳ tham gia giải quyết các tranh chấp bầu cử sẽ đưa chúng ta vào nơi nguy hiểm, bất hợp pháp và vi hiến".
Nhóm này viết tiếp: "Các quan chức dân sự và quân sự chỉ đạo hoặc thực hiện các biện pháp như vậy sẽ phải chịu trách nhiệm, bao gồm cả khả năng phải đối mặt với các tội hình sự, về hậu quả nghiêm trọng của hành động của họ đối với nền cộng hòa của chúng ta".
Một số sĩ quan quân đội cấp cao, bao gồm Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã tuyên bố công khai trong những tuần gần đây rằng quân đội không có vai trò quyết định kết quả của các cuộc bầu cử Hoa Kỳ và rằng lòng trung thành của họ là với Hiến pháp, không phải đối với cá nhân lãnh đạo hoặc một đảng chính trị.
10 cựu lãnh đạo Lầu Năm Góc cũng cảnh báo trong bài viết trên The Washington Post về những nguy cơ cản trở quá trình chuyển giao quyền lực đầy đủ và suôn sẻ tại Bộ Quốc phòng trước Ngày nhậm chức 20/1 như một phần của việc chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Theo AP
Lời giới thiệu :
Cách đây gần hai năm, vào giữa nhiệm kỳ của Donald Trump, tôi đã viết một bài dài (20.000 từ), đăng làm 5 kỳ trên trang Nghiên cứu Quốc tế (1). Bài đó và một số bài khác đã được Derek Grossman (một chuyên gia phân tích quốc phòng của RAND) tham khảo và trích dẫn trong một báo cáo về khu vực do RAND Corporation xuất bản gần đây (2).
Nay tôi viết bài này (15.000 từ) khi Joe Biden chưa tuyên thệ nhậm chức (20/1/2021), hy vọng góp phần làm sáng tỏ bức tranh đối ngoại của chính quyền mới. Tuy còn quá sớm để đưa ra các nhận định chủ quan, nhưng có thể dựa vào tài liệu tham khảo và cập nhật diễn biến để phác họa chính sách đối ngoại của chính quyền Biden đối với Trung Quốc và khu vực Indo-Pacific, là tâm điểm của những bất ổn toàn cầu. Bài khảo cứu này giới thiệu những cơ sở ban đầu để phân tích và đánh giá tình hình cũng như chính sách trong bối cảnh mới.
Trong khi Chính quyền Biden chờ Thượng viện (hiện đảng Cộng Hòa vẫn nắm đa số) phê chuẩn nhân sự chủ chốt cho nội các mới, thường phải nửa năm sau thì chính quyền Biden mới chính thức có chính sách đối ngoại và an ninh quốc phòng mới (National Security Strategy/National Defense Strategy). Đây là chủ đề còn đang diễn biến với nhiều ẩn số và biến số, nên bài này chỉ có thể phác họa một phần chính sách đối ngoại của Biden liên quan đến Trung Quốc và khu vực, trong đó có Biển Đông và Việt Nam, là một ưu tiên hàng đầu.
Bài này đề cập đến 8 vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại mới : (1) Cơ sở và đặc điểm chính sách đối ngoại mới ; (2) Các trụ cột của chính sách đối ngoại mới ; (3) Chính sách đối ngoại vì tầng lớp Trung lưu ; (4) Tầm nhìn Indo-Pacific và Bộ tứ mở rộng ; (5) Đánh giá các thách thức của Trung Quốc ; (6) Triển vọng quan hệ Mỹ-Trung và khu vực ; (7) Triển vọng quan hệ Mỹ-Việt và Biển Đông ; (8) Rủi ro trong thương mại Mỹ-Việt.
Nguyễn Quang Dy
————
1. Cơ sở và đặc điểm chính sách đối ngoại mới
Theo quy luật, cái gì phải đến sẽ Phó tổng thống đắc cử. Trước đó (8/12) Toàn án Tối cao bác đơn kiện của phe Cộng hòa đòi phủ nhận kết quả bầu cử. Tuy Trump chưa thừa nhận thất bại nhưng nền dân chủ Mỹ đã thắng. Các thẩm phán tòa án tối cao trung thành với Hiến pháp chứ không phải với tổng thống.
Sau một năm khủng hoảng y tế, đại dịch Corona đã làm gần 20 triệu người Mỹ lây nhiễm và gần 350 ngàn người chết (đứng đầu thế giới) nhưng chưa dừng lại. Khủng hoảng chính trị và chiến dịch tranh cử tổng thống làm nước Mỹ chia rẽ sâu sắc. Tuy phải chờ tổng thống đắc cử tuyên thệ nhậm chức (20/1/2021) nhưng "trò chơi đã kết thúc". Đã đến lúc người Mỹ Pphải gác lại bất đồng để hòa giải, nhằm hàn gắn vết thương và phục hồi đất nước.
Chính sách đối ngoại phải dựa trên thực trạng và thực lực của đất nước. Hiện nay, nước Mỹ đứng trước ba vấn đề lớn và cấp bách phải ưu tiên xử lý trước. Một là hệ quả nặng nề của đại dịch Coronavirus. Hai là tình trang chia rẽ sâu sắc không chỉ giữa hai chính đảng mà còn trong cộng đồng, do hệ quả trực tiếp của tranh cử tổng thống năm 2020. Ba là kinh tế suy thoái do hệ quả của đại dịch cũng như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Đối ngoại có lẽ chưa phải là ưu tiên số một của chính quyền Joe Biden, ít nhất trong năm đầu tiên (2021). Biden có thể kế thừa và duy trì di sản đối ngoại của Trump liên quan đến Trung Quốc và tầm nhìn Indo-Pacific, cũng như ASEAN và vấn đề Biển Đông. Nếu có thay đổi, chắc Joe Biden sẽ nhấn mạnh khẩu hiệu "Nước Mỹ trở lại" (America is Back !) và "Xây dựng lại tốt hơn" (Build Back Better), để củng cố quan hệ với đồng minh tại khu vưc Indo-Pacific (với Nhật, Úc, Ấn, ASEAN), và tại khu vực Eurasia (với NATO và EU).
Nếu Chính quyền Joe Biden vẫn xác định Trung Quốc là đối thủ số một, thì phải ưu tiên các đồng minh và đối tác khu vực này theo tầm nhìn Indo-Pacific, lấy Bộ tứ (Quad) làm trụ cột (với Nhật, Úc, Ấn độ), và tăng cường đối tác chiến lược ASEAN (trong đó có Việt Nam) để đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông. Trong bối cảnh bầu cử Mỹ đầy kịch tính, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brian đã vội đến thăm Việt Nam và khu vực (29-30/10 và 20-22/11) nhằm trấn an đồng minh và đối tác.
Các chuyên gia vẫn chưa biết rõ liệu Joe Biden sẽ triển khai chiến lược "tái cân bằng Châu Á-Thái Bình Dương 2.0" hay khởi động lại chiến lược "Indo-Pacific An toàn và Thịnh vượng" như gần đây Biden đã đề cập với các nguyên thủ quốc gia của "Bộ Tứ" (Quad). Về kinh tế và địa chiến lược, Chính quyền Biden có thể đàm phán lại một số điều khoản để gia nhập lại CPTPP, nhằm đối trọng với hiệp định RCEP mà Trung Quốc vừa ký với 10 nước ASEAN và 4 nước Đông Á (Nhật, Hàn Quốc, Úc, Tân Tây Lan), không có Mỹ và Ấn Độ.
Theo Bill Reinsch (CSIS) Joe Biden sẽ không ký hiệp định thương mại mới nào cho đến khi có thể đàm phán trên thế mạnh với "chính sách đối ngoại vì tầng lớp trung lưu". Nói cách khác, Joe Biden sẽ không lặp lại học thuyết của Trump/Lighthizer, cũng không quay lại chính sách truyền thống thời Bill Clinton. "Chúng ta sẽ đi tìm một cái gì đó mới và chưa được định nghĩa. Chúng ta có thể mất vài năm để tranh luận về nó" (3).
Biden đã đề cử một số nhân vật vào các vị trí chủ chốt về đối ngoại và an ninh quốc gia, phản ảnh tầm nhìn và lập trường của chính quyền mới. Tuy Biden nhấn mạnh tính đa dạng về sắc tộc và giới tính, nhưng hầu hết các nhân vật chủ chốt gồm những quan chức chuyên nghiệp đã từng phục vụ trong chính quyền Clinton và Obama, như Tony Blinken (làm Ngoại trưởng), Jake Sullivan (Cố vấn An ninh Quốc gia), Linda Thomas-Greenfield (Đại sứ tại LHQ), tướng Lloyd Austin (Bộ trưởng bộ Quốc phòng), Susan Rice (Hội đồng Chính sách Đối nội), Katherine Tai (Đại diện Thương mại), John Kerry (Đặc Phái viên về Khí hậu)…
Một số nhân vật khác tuy chưa được đề cử nhưng chắc có vai trò và ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Đó là Michele Flournoy (CNAS CEO, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thời Obama) ; Kurt Cambell (Asia Group CEO, cựu trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á thời Obama) ; Ely Ratner (CNAS Vice President, CFR fellow, cựu Phó cố vấn an ninh quốc gia cho Joe Biden) ; Elbridge Colby (CNAS fellow, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, 2017-2018) ; Mat Pottinger (Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia)…
Chiến dịch tranh cử của Joe Biden đã quy tụ được hơn 2.000 chuyên gia các loại, biên chế thành các tiểu ban để vừa phục vụ cho tranh cử vừa làm kho dự trữ nhân sự một khi Joe Biden đắc cử. Điều đáng lưu ý là Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris là một ủy viên công tố sắc sảo và có tư duy độc lập, nhưng cũng là một thành viên (team player) hiện đang làm quen với vị trí Phó tổng thống cho Joe Biden. Tương lai của Harris còn ở phía trước sau bốn năm nữa, nên cần tranh thủ sự ủng hộ của các cố vấn chuyên nghiệp và trung thành với Biden.
Khẩu hiệu "Nước Mỹ trở lại" có thể hiểu là "Bộ Ngoại giao Trở lại". Biden đề cử Blinken làm Ngoại trưởng là một tin vui cho Bộ Ngoại giao, từ nay có vai trò chủ lưu (mainstream) và làm việc chuyên nghiệp (professionalism) cùng đồng đội (teamwork), sau bốn năm bị Trump coi nhẹ (với kinh phí và nhân sự thiếu hụt). Từ nay, Nhà Trắng và nội các sẽ phối hợp chặt chẽ, với Susan Rice là "cầu nối" giữa Bộ Ngoại giao với Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), giữa đối nội với đối ngoại. Theo Blinken, chính quyền Biden sẽ hàn gắn quan hệ với đồng minh bị rạn nứt dưới thời Trump, và phục hồi cam kết của Mỹ với các tổ chức quốc tế.
Joe Biden nhấn mạnh : "chúng ta phải chứng minh với thế giới là Mỹ sẵn sàng lãnh đạo, không chỉ bằng tấm gương về quyền lực mà bằng quyền lực của tấm gương". Sự phát triển của chủ nghĩa độc đoán, chủ nghĩa quốc gia, và chủ nghĩa phi tự do, làm suy yếu khả năng chúng ta đối phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, di cư ồ ạt, và đình đốn công nghệ. Trong khi lòng tin vào các thể chế dân chủ bị giảm sút thì nỗi lo sợ thể chế độc tài tăng lên. Các nền dân chủ bị tê liệt bởi chia rẽ đảng phái, què quặt bởi tham nhũng, và còng lưng bởi bất công (4).
Theo Giáo sư Francis Fukuyama (Standford University), trong năm 2020, dân chủ đã thụt lùi so với chuyên chế, nhưng có lý do để hy vọng tình hình bắt đầu đảo ngược. Những người dân túy như Donald Trump đã dùng quyền lực làm suy yếu hàng loạt cơ quan chức năng của Mỹ như FBI, cộng đồng tình báo, các dịch vụ công, thẩm phán liên bang, và báo chí dòng chính mà Tổng thống thường gọi là "kẻ thù của nhân dân Mỹ". Cho đến nay, sự tấn công nghiêm trọng nhất là vào các thể chế dân chủ khi Donald Trump từ chối thừa nhận thất bại trong cuộc tranh cử với Joe Biden, và những cáo buộc thiếu căn cứ rằng bầu cử gian lận.
Nhưng cuối cùng, hệ thống dân chủ của Mỹ vẫn đứng vững và người Mỹ đã từ chối nhiệm kỳ thứ hai của Trump. Tuy nhiều người phe Cộng Hòa vẫn tiếp tục bác bỏ lá phiếu chính danh, nhưng Joe Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/1 và bắt tay vào hàn gắn những tổn thất do Trump gây ra (5).
Các trụ cột của chính sách đối ngoại mới
Đầu năm 2019, Tony Blinken đã viết bài phê phán chủ trương "Nước Mỹ Trước hết" (America First) của Trump và đề xuất chủ trương mới (6). Theo Blinken, ai lên làm Tổng thống cuối năm 2020 sẽ khó đảo ngược xu hướng trước Trump và kéo dài sau Trump. Trong thế kỷ này, có những thách thức mới mà không có nước nào có thể một mình đối phó. Ngoan cố duy trì "Nước Mỹ Trước hết" với chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa đơn phương và bài ngoại, sẽ làm vấn đề trầm trọng hơn.
Blinken đề xuất một chính sách đối ngoại mới để kết nối toàn cầu có trách trách nhiệm hơn và được hầu hết người Mỹ ủng hộ. Chính sách đó phải đúc kết kinh nghiệm từ các bài học thất bại trước đây để tránh cả hai khuynh hướng đều nguy hiểm là "đối đầu" hay "thoái lui", và phải hiểu sự khác biệt giữa "lợi ích riêng" (self-interest) và "ích kỷ" (selfishness). Trước những vấn đề của thế giới hiện nay và sai lầm của Mỹ, "chúng ta không được quên những gì đã đạt được và những gì thế giới này sẽ tạo ra, nếu Mỹ thiển cận đánh mất tương lai".
Chính sách đó dựa trên bốn trụ cột. Một là ngoại giao phòng ngừa và răn đe. Một chính sách đối ngoại có trách nhiệm phải phòng ngừa hay ngăn chặn được khủng hoảng trước khi bị mất kiểm soát. Hai là thương mại và công nghệ. Trump coi thương mại là trò chơi thắng-thua (zero-sum) mà bên thắng kiếm được nhiều tiền hơn bên thua. Ba là đồng minh và thể chế . Mỹ không phải đối phó hay chịu tốn kém một mình. Bốn là nhập cư và tị nạn. Mỹ phải làm quen với nạn di cư ồ ạt (hơn 70 triệu người) gây chia rẽ và bất ổn về địa chính trị.
Blinken chỉ trích lập trường của Trump về Trung Quốc là không hiệu quả (ineffective) và cho rằng chủ trương tách Mỹ khỏi Trung Quốc về kinh tế (decoupling) là không thực tế và phản tác dụng (unrealistic and counter-productive). Trump đã làm cho Trung Quốc mạnh lên về một số mặt chiến lược (key strategic goals) và làm cho quan hệ với đồng minh yếu đi, không coi trọng nhân quyền và làm tổn hại đến nền dân chủ. Theo Blinken, Mỹ phải tìm cơ hội hợp tác với Trung Quốc, để kiểm soát vũ khí và đối phó với biến đổi khí hậu.
Dưới thời Obama, Tony Blinken là đồng tác giả của chính sách xoay trục sang Châu Á. Lý do chính Mỹ muốn hòa giải với Việt Nam vì Hà Nội có tiếng nói mạnh nhất ASEAN chống lại Trung Quốc bành trướng tại Biển Đông. Trong dịp trao đổi với Walter Russell Mead tại Hudson Institute (9/7/2020) Blinken nói "Có sự đồng thuận ngày càng cao giữa các bên rằng Trung Quốc có một loạt thách thức mới nên rất khó duy trì nguyên trạng".
Dưới thời Biden, để triển khai chính sách đối ngoại vì giới trung lưu, Mỹ sẽ gắn kết thương mại với phục hồi kinh tế như nhiệm vụ hàng đầu. Nếu Robert Lighthizer là một "deal maker" thì Katherine Tai là một "team player". Thương mại là một công cụ đối nội hoặc đối ngoại, tự nó không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện để tạo ra cơ hội. Dưới thời Biden, sự phân định ranh giới giữa thương mại (Katherine Tai) và đối ngoại (Tony Blinken), giữa đối nội (Susan Rice) và an ninh quốc gia (Jake Sullivan) sẽ càng mờ nhạt (fuzzy).
Tuy Katherine Tai có bề dầy kinh nghiệm đàm phán thương mại, đặc biệt là với Trung Quốc, nhưng chắc sẽ không được phe Cộng Hòa ủng hộ như với Lighthizer trong các vấn đề thương mại với Trung Quốc. Trừ phi phe Dân Chủ giành được hai ghế của phe Cộng Hòa tại bang Georgia để nắm đa số tại Thượng viện, Joe Biden sẽ gặp trở ngại tại Thượng viện nếu phe Cộng Hòa vẫn kiểm soát như trước. Tuy chủ trương chống Trung Quốc đã trở thành đồng thuận lưỡng đảng trong Quốc Hội, sự phân hóa giữa hai đảng là một thực tế.
Để đối phó với Trung Quốc đang trỗi dậy, Tony Blinken có ý tưởng thiết lập "một mặt trận thống nhất gồm các nước dân chủ" (a formal concert of liberal nations) để đối phó với "chủ nghĩa dân tộc hoang dã" (brute nationalism). Việc xóa bỏ những di sản cực đoan và thiếu nhất quán của Trump trong bốn năm qua là cần thiết, nhưng chính quyền Biden chắc không theo xu hướng "thực dụng giả tạo" (deceptive pragmatism) thời Obama, mà có thể giống lựa chọn của Bill Clinton giữa xu hướng giá trị (idealism) và lợi ích (realism).
Theo Alexander Vuving (Trung tâm APCSS), tuy các nước lớn là tác nhân quyết định hệ thống quốc tế, nhưng sự thăng trầm của họ và cân bằng lực lượng giữa họ cũng chịu tác động mạnh bởi các tác nhân khác làm thay đổi hệ thống. Có ba loại cấu trúc chính định hình quan hệ giữa các nước lớn. Một là hệ thống các tín điều của giới tinh hoa và dân chúng. Hai là cấu trúc chiến lược hình thành từ sự tương tác của trật tự giữa các nước lớn có liên quan. Hiểu được cấu trúc chiến lược trong cạnh tranh nước lớn sẽ giúp trả lời câu hỏi cơ bản liên quan đến chiến tranh và hòa bình. Ba là cạnh tranh nước lớn cũng bị định hình bởi địa lý, như hình thái đất, biển, và địa hình sẽ cho đấu trường cạnh tranh nước lớn một hình thái độc đáo.
Về hình thái cấu trúc, tiền lệ gần nhất về cạnh tranh nước lớn ở Châu Á là sự đối đầu đang diễn ra giữa Nhật Bản và Trung Quốc cũng như giữa Nhật Bản và Nga trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Nhật Bản là một cường quốc hải đảo lúc đó trỗi dậy, trong khi Trung Quốc là một cường quốc đất liền hiện đang trỗi dậy. 90% dầu thô nhập khẩu cho Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc, gần 2/3 nguồn cung năng lượng cho Hàn Quốc, 60% nguồn cung năng lượng cho Nhật Bản và Đài Loan, và 4/5 thương mại của Đông Nam Á đều qua Biển Đông. Theo Alexander Vuving, "Ai kiểm soát được Tây Thái Bình dương và Đông Ấn Độ dương sẽ làm chủ Châu Á ; Ai làm chủ Châu Á sẽ kiểm soát vận mệnh thế giới" (7).
Trong một cuốn sách mới xuất bản (8) giáo sư Blumenthal (American Enterprise Institute) đã phân tích nghịch lý Trung Quốc. Đó là một cường quốc quyết đoán và tham vọng nhưng tiềm ẩn những điểm yếu có thể chặn lại sự trỗi dậy hay đẩy nhanh sự suy tàn. Theo Blumenthal, tuy bên trong Trung Quốc ngày càng yếu, nhưng bên ngoài vẫn đầy tham vọng chiến lược. Vì vậy, Mỹ và các đồng minh phải cảnh giác vì "các cường quốc đang suy tàn vẫn nguy hiểm như các cường quốc đang trỗi dậy" (9).
Theo Giáo sư Rana Mitter (University of Oxford), quyền lực của Trung Quốc gồm quan hệ nhân quả giữa bốn yếu tố là chủ nghĩa độc đoán (authoritarianism), chủ nghĩa tiêu thụ (consumerism), tham vọng toàn cầu (ambition), và công nghệ (technology), gọi tắt là mô hình ACGT. Các yếu tố đó kết hợp lại để hình thành bản sắc chính trị và cách tiếp cận của Trung Quốc đối với thế giới. Xu thế ngày càng độc đoán dưới thời Tập Cận Bình chỉ dẫn đến một tương lai duy nhất cho Trung Quốc. Lãnh đạo Trung Quốc muốn củng cố quyền lực không chỉ trong nước mà còn tham vọng toàn cầu. Điều đó không có gì mới. Tầm nhìn của Trung Quốc còn dẫn đến một tham vọng khác là Trung Quốc muốn lãnh đạo thế giới thứ ba (global South).
Trở ngại lớn nhất với Trung Quốc không phải là sự thù địch của Mỹ và các nước đồng minh, mà chính là chủ nghĩa độc đoán (authoritarianism). Sự cam kết của Bắc Kinh đối với yếu tố cốt lõi đó của bản sắc Trung Quốc gây khó khăn lớn cho ba yếu tố còn lại (là chủ nghĩa tiêu thụ, tham vọng toàn cầu, và công nghệ, như mật mã di truyền DNA) để kết hợp bên trong thành công, gây hận thù với thế giới bên ngoài, và tạo ra hàng rào ngăn cách giữa Trung Quốc và thế giới mà nó muốn kiến tạo (10).
Trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21, Trung Quốc đã tự hào về sự phát triển của báo chí điều tra (investigative journalism), xã hội dân sự (civil society) và mạng xã hội (social media) dù chưa có dân chủ thực sự. Tuy đảng cộng sản không có khả năng trở thành đảng dân chủ xã hội, nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc không thể trở lại hình thái trước đây. Nói cách khác, chủ nghĩa độc đoán của Trung Quốc trước năm 2012 đỡ khó chịu hơn đối với nhân dân trong nước cũng như thế giới bên ngoài. Chủ nghĩa độc đoán cực đoan khi kết hợp với bành trướng đối đầu đã làm xấu đi các yếu tố khác của mô hình Trung Quốc muốn nhấn mạnh chủ nghĩa tiêu thụ nhằm cải thiện đời sống vật chất. Tương lai của Trung Quốc phụ thuộc vào việc kết hợp thành công các yếu tố khác của mô hình ACGT. Nhưng lúc này, chủ nghĩa độc đoán đe dọa hạn chế khả năng Bắc Kinh kiến tạo một hình thức khả thi cho trật tự thế giới.
2. Chính sách đối ngoại vì tầng lớp trung lưu
Để lãnh đạo thế giới, chính sách đối ngoại của chính quyền Biden sẽ khác với Obama và Trump là dựa trên "tầng lớp trung lưu" (middle class) như "tài sản lớn nhất của chúng ta". Ngoại giao là công cụ đầu tiên của quyền lực Mỹ. Joe Biden hứa sẽ nâng ngoại giao lên làm công cụ số một của chính sách đối ngoại, và tái đầu tư vào Bộ Ngoại giao, bị Chính quyền Trump làm "rỗng ruột" và đặt Bộ Ngoại giao Mỹ vào tay các nhà ngoại giao chuyên nghiệp (11).
An ninh kinh tế là an ninh quốc gia, nên chính sách thương mại phải bắt đầu từ trong nước. Vấn đề là ai sẽ viết ra các quy tắc thương mại ? Biden khẳng định "Mỹ chứ không phải Trung Quốc sẽ dẫn đầu công việc đó. Mỹ phải cứng rắn với Trung Quốc. Không có lý do gì Mỹ lại tụt hậu so với Trung Quốc hay bất cứ ai". Cách hiệu quả nhất để đối phó với Trung Quốc là xây dựng một mặt trận thống nhất gồm các nước đồng minh và đối tác của Mỹ để ngăn chặn các hành động vi phạm luật pháp và nhân quyền của Trung Quốc. Mỹ chiếm 1/4 GDP toàn cầu, nên khi liên kết với các nền dân chủ khác, chắc sức mạnh Mỹ sẽ tăng gấp đôi.
Để phát huy vai trò của tầng lớp trung lưu Mỹ, các nhà ngoại giao Mỹ phải có chính sách đối ngoại mới "ít tham vọng hơn" (less ambitious), dựa vào tầng lớp trung lưu để xây dựng lại lòng tin trong nước và ngoài nước. Chính sách này đã được nghiên cứu và đề xuất trong một báo cáo gần đây của quỹ Carnegie Endowment, "Làm cho Chính sách Đối ngoại của Mỹ phù hợp hơn với tầng lớp Trung lưu"(12).
Nhóm tác giả tại Carnegie Endowment gồm 11 người, trong đó có Jake Sullivan, vừa được Biden đề cử làm Cố vấn An ninh Quốc gia. Theo các nhà phân tích, báo cáo đề cập đến ba đặc điểm nổi bật. Một là toàn cầu hóa không có lợi cho nhiều người Mỹ. Hai là khuyến nghị nhóm đối ngoại phối hợp chặt chẽ với nhóm đối nội và nhóm kinh tế để Mỹ có một chính sách nhất quán hơn. Ba là phải xây dựng "một đồng thuận chính trị mới" trên cơ sở chính sách đối ngoại có lợi cho tầng lớp trung lưu (13).
Báo cáo này đưa ra năm khuyến nghị cơ bản. Một là phải mở rộng cuộc tranh luận vượt ra khỏi vấn đề thương mại. Hai là phải xử lý hệ quả phân phối trong chính sách kinh tế đối ngoại. Ba là phải phá vỡ những "lô cốt" về đối nội và đối ngoại, Bốn là phải từ bỏ các nguyên tắc tổ chức đã lỗi thời trong chính sách đối ngoại. Năm là phải xây dựng đồng thuận chính trị mới trên cơ sở chính sách đối ngoại dựa vào tầng lớp trung lưu Mỹ. Tóm lại, các khuyến nghị của nhóm tác giả soạn thảo báo cáo này đề xuất một kế hoạch xây dựng lại lòng tin.
Trong báo cáo, Jake Sullivan lập luận về sự "cộng sinh quản trị được" (managed coexistence) giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy Trung Quốc là "đối thủ đáng gờm" (formidable competitor) nhưng cũng là "đối tác thiết yếu" (essential patner). Khái niệm này tương tự như "cạnh tranh qua hợp tác" (cooperative competition) mà Trung Quốc thường đề cập (với hàm ý hợp tác G-2). Trước khi chết, Richarrd Nixon thừa nhận đã tạo ra Frankenstein bằng cách mở cửa cho Trung Quốc hội nhập thế giới. Trump cũng thừa nhận sai lầm lớn nhất của chính sách đối ngoại Mỹ sau Đại chiến II là tạo ra con quái vật bằng cách giúp Trung Quốc trỗi dậy.
Trong số các nhân vật được Biden đề cử, có hai trường hợp đáng lưu ý, chứng tỏ báo cáo này của Carnegie Endowment có ảnh hưởng lớn. Một là Jake Sullivan (đồng tác giả của báo cáo, làm cố vấn cho Biden trong suốt chiến dịch tranh cử) được đề cử làm cố vấn an ninh quốc gia. Hai là Susan Rice (chuyên gia về đối ngoại, cựu cố vấn an ninh quốc gia cho Obama), được Biden đề cử làm Giám đốc Hội đồng Chính sách Đối nội tại Nhà Trắng. Susan Rice sẽ làm "cầu nối" giữa nhóm đối nội với nhóm kinh tế và nhóm an ninh quốc gia, phối hợp chặt chẽ với Jake Sullivan và Brian Deese được đề cử làm Giám đốc Hội đồng Kinh tế.
Phát biểu trong dịp được đề cử, Susan Rice nhấn mạnh : "trong thế kỷ 21, các yêu cầu về đối nội, đối ngoại, và kinh tế sẽ gắn chặt với nhau" (deeply intertwined). Cũng với tinh thần đó, Biden đã đề cử Katherine Tai làm Đại diện Thương mại (USTR). Theo Biden, "Thương mại là một trụ cột thiết yếu trong kế hoạch của chính quyền mới để "Xây dựng lại Tốt hơn" (Build Back Better) nhằm triển khai một chính sách đối ngoại vì tầng lớp trung lưu.
Từ khi đắc cử, Biden thường nói với người Mỹ rằng "sự giúp đỡ đang đến" (help is on the way). Chính sách đối ngoại vì tầng lớp trung lưu nhằm đáp ứng vấn đề này. Theo báo cáo của Carnegie, chính quyền Trump hầu như không được sự ủng hộ của đa số người Mỹ để đổi mới chính sách đối ngoại. Muốn khôi phục tính nhất quán và ổn định trong chính sách đối ngoại, phải có sự ủng hộ rộng rãi của người dân. Có lẽ lối thoát duy nhất và tốt nhất lúc này để xây dựng sự ủng hộ đó là làm cho chính sách đối ngoại phù hợp với tầng lớp trung lưu Mỹ.
Tuy báo cáo đó không đề cập đến việc Mỹ có gia nhập CPTPP hay không, nhưng người Mỹ từ thành thị đến nông thôn đều cho rằng các chính quyền trước chưa làm đủ để chính sách đối ngoại có ích cho giới trung lưu. Nhu cầu "đồng thuận chính trị mới" (new political consensus) là do các đồng minh và đối tác trên thế giới không còn tin vào các thỏa thuận với Washington, vì họ lo ngại thỏa thuận với chính quyền trước sẽ không bền vững khi Mỹ chuyển sang chính quyền sau. Vì vậy, họ phải tiếp tục đánh cược (hedging their bets) để duy trì quan hệ với Mỹ trong khi vẫn quan hệ với Trung Quốc và các đối thủ khác của Mỹ.
Theo Bilahari Kausikan (cựu Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Singapore), Chính quyền Biden sẽ phản ứng tích cực hơn về "vai trò trung tâm của ASEAN" và đỡ tiêu cực hơn về các hiệp định thương mại CPTPP và RCEP. Mỹ sẽ tiếp tục chống Trung Quốc tại Biển Đông và sông Mekong. Tuy Chính quyền Biden chú trọng xây dựng quan hệ với đồng minh, nhưng họ có thể đẩy ASEAN xuống "vị trí ưu tiên hạng hai", trừ phi ASEAN vận dụng quyết tâm chính trị của cả khối để hỗ trợ các mục tiêu của Mỹ (14).
Tuy Biden đề cử các nhà ngoại giao chuyên nghiệp làm làm Cố vấn An ninh Quốc gia và Ngoại trưởng, nhưng họ chẳng có kinh nghiệm gì đặc biệt và quan hệ gắn bó với Đông Nam Á. Bộ trưởng Quốc phòng được đề cử cũng không có kinh nghiệm gì về Châu Á ngoài Trung Đông. Chẳng ai trong số họ quan tâm đến chính sách ngoại giao thận trọng và từ tốn của ASEAN mà trong đó hình thức và thủ tục cũng quan trọng như kết quả. Cũng như những người tiền nhiệm, họ ưu tiên quan hệ song phương với các nước đồng minh lớn hơn như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, và Ấn Độ. Các nước đó sẽ tiếp tục được Mỹ quan tâm hơn ASEAN. Trước mắt, Joe Biden sẽ ưu tiên hơn cho y tế trong nước và hậu quả kinh tế do đại dịch.
Chính quyền Biden sẽ chịu nhiều sức ép từ đảng Cộng Hòa và cánh tả của đảng Dân Chủ. Việc Biden sẽ xoa dịu cánh tả thế nào sẽ tác động đến Đông Nam Á. Vì vậy, ASEAN không nên phản ứng thái quá nếu Chính quyền Biden không ưu tiên ASEAN như vẫn mong đợi. Cái bóng Trung Quốc sẽ tiếp tục trùm lên Đông Nam Á, như một mối lo hay một cơ hội, để tái cân bằng hay để tương tác. Chỉ có những ai quá tham nhũng hay quá ngây thơ mới tin vào tuyên truyền của Bắc Kinh về "một cộng đồng cùng chung vận mệnh". Hầu hết các nước ASEAN đều hiểu rằng sự có mặt của Mỹ ở Đông Nam Á vẫn là yếu tố không thể thay thế để cân bằng lực lượng, và sự cân bằng đó là điều kiện thiết yếu để quan hệ với Trung Quốc.
Tầm nhìn Indo-Pacific và Bộ tứ mở rộng
Tầm nhìn Indo-Pacific với Bộ tứ (Quad) làm nòng cốt, phản ánh xu hướng đối đầu chiến lược Mỹ-Trung (US-China rivalry) bắt đầu từ chủ trương "xoay trục sang Châu Á" (Pivot hay rebalance) dưới thời Obama, tuy tuần tra FONOP như "đi qua vô hại" (innocent passage) là "tiếng kèn ngập ngừng" (uncertain trumpet). Dưới thời Trump, mật độ tuần tra và tập trận tăng lên cả số lượng và chất lượng, gồm tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Ronald Reagan đến thăm Đa Nẵng, nhưng không đủ răn đe Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ chiếm đóng trái phép và kiểm soát Biển Đông như cái ao của họ.
Trong hai năm qua, không chỉ có các nước Bộ tứ (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn) tham gia tuần tra và tập trận ở Biển Đông và vùng Indo-Pacific, mà có 9 nước khác trong khối EU cũng tham gia, đặc biệt trong đó có hải quân Anh và Pháp. Trong năm 2020, Trung Quốc đã lợi dụng đại dịch Corona để đưa tàu thăm dò và tàu hải giám vào hoạt động liên tục trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước Việt Nam, Malaysia, Philippines, và Indonesia.
Khi Joe Biden đối thoại với Thủ tướng Úc Scott Morrison, Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (tháng 11/2020), ông đã sử dụng cụm từ "Indo-Pacific", như cố ý khẳng định sự nhất quán để kế tục tầm nhìn Indo-Pacific. Nhưng Joe Biden đã tế nhị thay hai chữ "tự do và rộng mở" (free and open) bằng hai chữ "an toàn và thịnh vượng" (secure and prosperous). (15).
Theo các nhà phân tích, tuy bốn ngoại trưởng Bộ tứ (Quad) gặp tại Tokyo (6/10/2020) đã đề cập đến khái niệm "Secure and Prosperous" nhưng diễn ngôn nói trên của Joe Biden có hai ý nghĩa đáng lưu ý. Một là ông khẳng định lập trường của chính quyền mới về "Tầm nhìn Indo-Pacific" trước thách thức chiến lược của Trung Quốc. Hai là nhân dịp này ông điều chỉnh tầm nhìn đó một cách thực dụng và thiết thực hơn với quan điểm và lợi ích của các nước khu vực. Theo Alexander Vuving (tweeted 19/11) : "Cách diễn đạt này phù hợp hơn với lãnh đạo Châu Á vì họ coi trọng "An toàn và Thịnh vượng" hơn "Tự do và Rộng mở".
Theo Giáo sư Graham Allison (Belfer Center, Harvard), thuyết "cái bẫy Thucydides", cho rằng hai siêu cường cũ và mới là Mỹ và Trung Quốc có xu hướng bá quyền nên khó thoát "cái bẫy Thucydides". Alexander Vuving phản biện rằng lý thuyết của Graham Allison sai vì dựa trên giả thuyết nhầm lẫn. Nguy cơ chiến tranh tồn tại theo thuyết chọi gà (chicken game), phụ thuộc vào sai lầm của con người, khuyết tật của máy móc, hay yếu tố ngoài hệ thống, chứ không phải do "cái bẫy Thucydides" (16 ).
Cạnh tranh nước lớn tiếp tục tồn tại dưới dạng chạy đua vũ trang, chiến tranh ủy nhiệm, và "chiến tranh bằng phương tiện khác". Tham vọng và sáng tạo của con người sẽ tìm ra cách để các cường quốc theo đuổi "cạnh tranh không tốn kém" như chiến tranh gián tiếp, chiến tranh tâm lý, chiến tranh kinh tế. Chiến tranh hạt nhân giữa hai cường quốc có thể hủy diệt cả hai, nên cạnh tranh nước lớn như "thế lưõng nan của người tù" (prisoner’s dilemma) biến thành trò chơi "chọi gà" (chicken game). Nếu chiến tranh không thể tránh khỏi vì cạnh tranh giữa các nước lớn được thiết chế theo trò chơi "prisoner’s dilemma" thì hòa bình cũng có thể đạt được qua cạnh tranh giữa các nước lớn được thiết chế theo trò chơi "chicken game".
Quan niệm về bá quyền đã ăn sâu vào tâm trí người Trung Quốc và nay được thể hiện ra bằng "Giấc mộng Trung Hoa". Về cơ bản, Mỹ có hai lựa chọn chiến lược. Nếu Mỹ muốn đứng đầu bằng cách phân chia quyền lực với Trung Quốc thì phải chơi trò "chicken game" đối xứng. Nhưng nếu Mỹ muốn phân chia quyền lực với Trung Quốc theo vị trí đứng đầu thì phải chơi trò bất đối xứng (asymmetric) mà Alexander Vuving gọi là trò chơi "peace-lover’s dilemma". Xét về chiến lược, nếu một bên leo thang và bên kia xuống thang, thì bên nào hiếu chiến hơn sẽ thắng thế và sẽ tìm cách biến kết quả đó thành nguyên trạng.
Vậy Mỹ hành xử thế nào khi Trung Quốc hiếu chiến và leo thang ? Một là Mỹ chịu thua Trung Quốc về cái gọi là "lợi ích cốt lõi" để tránh đối đầu. Nếu buộc phải ngã ngũ thì Mỹ sẽ chia sẻ quyền lực với Trung Quốc hoặc không theo đuổi "Hòa bình Kiểu Mỹ". Sự lựa chọn chiến lược đó sẽ biến trò chơi "chicken game" đối xứng thành trò chơi "peace-lover’s dilemma" bất đối xứng. Một chiến lược khác tốt hơn có thể ngăn chặn chiến tranh và Trung Quốc cầm đầu là phải đứng vững (hold the line) khi Trung Quốc thử gân, và sẵn sàng đáp trả sự leo thang của Trung Quốc bằng sự leo thang của Mỹ, tuy vẫn để ngỏ kênh đàm phán.
Trên thực tế, sự quyết đoán (assertiveness) sẽ thành công trong trò chơi "chicken game". Theo Alexander Vuving, Trung Quốc đã chứng tỏ thành công lớn bằng hành động "hiếu chiến nhưng không quá hiếu chiến" được vận dụng trong "vùng xám" (gray zone) giữa chiến tranh và hòa bình. Cách ứng xử trong vùng xám là vận dụng khoảng cách (gap) giữa bản chất hữu biến của thực tế và tính chất bất biến của luật lệ, tiêu chí, và quy ước.
Vùng xám thường có ba chiều, và bậc thầy trò chơi "chicken game" phải vận dụng cả ba chiều của vùng xám, với các chiến thuật như chuyện đã rồi (fait accompli), cắt lát salami, và bắp cải, bằng cách bao bọc mục tiêu như các lớp bắp cải bao gồm lực lượng dân sự ở trong cùng, lực lượng dân quân ở giữa, và lực lượng quân sự ở ngoài. Dựa trên các nguyên lý như loại trừ (deniability), ngụy trang (camouflage), vô hình (stealth), vô phương (indirection), tiệm cận (gradualism), và chuyện đã rồi (fait accompli), các chiến thuật này và chiến thuật khác được sáng tạo hay tái tạo để có ý nghĩa chiến lược trong các thập kỷ tới.
Chiến tranh quy ước quá rủi ro trong thời đại hạt nhân, nên chiến tranh "bằng phương tiện khác", như chiến tranh chính trị, chiến tranh thông tin, chiến tranh tâm lý, chiến tranh kinh tế, chiến tranh pháp lý, có thể biến các phương tiện dân sự như báo chí, du lịch, đại học, tổ chức quốc tế, thành vũ khí thiết yếu để giành quyền lực. Một chiến thuật hiệu quả trong trò chơi "chicken game" là "riskfare", được Trung Quốc vận dụng để có lợi thế. Riskfare là cách vận dụng rủi ro làm đối phương lo sợ không dám leo thang. Lo sợ leo thang lan nhanh ở các xã hội cởi mở và các nước nhỏ hơn, nên Trung Quốc có lợi thế trong việc biến lo sợ thành vũ khí để đạt được mục đích mà không cần sử dụng lực lượng quy ước.
Gần đây, Quốc Hội Mỹ đã thông qua "Đạo luật Chuẩn chi Quốc phòng" (NDAA 2021), để triển khai "Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương" (Pacific Deterrence Initiative), trong đó, có kế hoạch cải tổ Hạm đội 1 theo tầm nhìn Indo-Pacific. Vấn đề là :
1) nếu Tổng thống Donald Trump veto đạo luật NDAA 2021 thì Quốc hội có phủ quyết (override) được không và Chính quyền Biden có xem xét lại quyết định về Hạm đội 1 hay không, và
2) sẽ chọn nơi nào làm căn cứ đóng quân cho Hạm đội 1. Sự hiện diện của Hạm đội 1 không chỉ có ý nghĩa chiến lược mà còn thúc đẩy đầu tư hạ tầng, tăng thêm việc làm, và nâng cao mức sống người dân.
Kenneth Braithwaite (Bộ trưởng Hải quân Mỹ) đã thông báo tại Tiểu ban Quân lực Thượng viện (2/12/2020) về quyết định cải tổ Hạm đội 1, sau khi Ngoại trưởng bốn nước Bộ tứ (Quad) đã họp tại Tokyo (tháng 10/2020). Hiện nay Singapore và Úc đều muốn làm nước chủ nhà cho Hạm đội 1. Theo các chuyên gia, Singapore thuận tiện cho việc sửa chữa tàu và tiếp liệu, lại gần eo Malaca, nhưng hải lộ chật hẹp, mật độ tàu thuyền quá đông và quá gần Trung Quốc. Trong khi đó, cảng Darwin (Bắc Úc) hoặc Perth (Tây Úc) có cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt và phù hợp với chiến lược Indo-Pacific. Nhưng năm 2015, tiểu bang Bắc Úc đã cho tập đoàn Landbridge của Trung Quốc thuê cảng Darwin trong 99 năm với giá 506 triệu AUD.
Quyết định gây tranh cãi này của Úc đã làm Washington tức giận và phản ứng vì Canberra không tham khảo ý kiến Mỹ trước trong khi Mỹ đã chọn Darwin làm nơi đồn trú cho 2.500 thủy quân lục chiến để luân chuyển hàng năm, và tham gia tập trận với quân đội Úc (Pitch Black exercises). Tuy chưa biết Mỹ sẽ chọn phương án nào, nhưng gần đây Úc đang điều chỉnh chiến lược vì quan hệ Úc-Trung ngày càng căng thẳng dưới thời Chính phủ Morrison, và lập trường của Washington ngày càng cứng rắn trước thái độ của Trung Quốc.
Gần đây Đại tướng Mark Milley (Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ) đề xuất :
1) thay đổi thời hạn điều động quân nhân Mỹ đồn trú tại châu Á từ dài hạn (khoảng ba năm) thành ngắn hạn (chín tháng), và
2) mở rộng phạm vi có mặt của quân đội Mỹ không chỉ ở Nhật, Nam Hàn (có căn cứ quân sự) mà còn có nhiệm vụ tăng cường huấn luyện cho quân đội một số nước khác (như Việt Nam, Papua New Guinea, Palau, Bangladesh) để nâng cao khả năng tương tác về viễn thám, phòng không, pháo binh, công binh, theo kế hoạch huấn luyện "Pacific Pathways" của Bộ chỉ huy Hỗ trợ An ninh (Security Force Asistance Command).
Theo Derek Grossman, các nước Bộ Tứ hợp tác với Việt Nam, Hàn Quốc, Tân Tây Lan, trong khuôn khổ Bộ tứ Mở rộng theo tầm nhìn Indo-Pacific, trước mắt để chống đại dịch Covid-19, nhưng về lâu dài đáp ứng nhu cầu hợp tác giữa các nước cùng quan điểm (like-minded) và lợi ích chung (common interests), để đảm bảo an ninh hàng hải (tuần tra chung và tập trận). Trong khi các nước khu vực thận trọng trước việc thay đổi chính quyền ở Washington có thể tác động đến kế hoạch triển khai Hạm đội 1, Trung Quốc đã thành công trong việc thúc ép các nước khu vực ký RCEP (17).
3. Đánh giá các thách thức đến từ Trung Quốc
Thời chiến tranh lạnh, để đối phó với Liên Xô, George Kennan đã viết "Nguồn gốc Hành vi của Liên Xô" (The Sources of Soviet Conduct, "MrX", July 1947), sau đó đã trở thành kinh điển. Nay để đối phó với Trung Quốc, một số tác giả bắt chước Kennan lý giải hiện tượng Trung Quốc trỗi dậy và đề xuất cách đối phó. Giáo sư Odd Arne Westad (Yale University) viết The Sources of Chinese Conduct, Foreign Affairs, September/October 2019.
Tháng 11/2020, Vụ Hoạch định Chính sách (Policy Planning) Bộ Ngoại giao Mỹ đã báo cáo về "Các yếu tố thách thức của Trung Quốc" (the Elements of the China challenge) cho rằng Trung Quốc muốn thay đổi trật tự thế giới để phục vụ mục tiêu độc đoán và tham vọng bá quyền của họ. Theo Odd Arne Westad, để đối phó với Trung Quốc, Mỹ không thể hành động một mình (18).
Tuy báo cáo của Bộ Ngoại giao chuẩn bị cho "nhiệm kỳ hai của Trump", nhưng nó liên quan đến các vấn đề của chính quyền Biden. Có lẽ chỗ yếu nhất của báo cáo là ý tưởng "dùng giải pháp của thế kỷ 20 để giải quyết vấn đề của thế kỷ 21". Dù nhận định của báo cáo gần đúng với sự thật, nhưng giải pháp mà nó đề xuất có thể thất bại vì Bộ Ngoại giao đã hiểu sai về Bắc Kinh. Vì vậy, cần xem xét các mục tiêu cơ bản của Bắc Kinh là gì ?
Một là Trung quốc tiếp tục trỗi dậy để kinh tế mạnh hơn và củng cố sự lãnh đạo lâu dài của đảng ở trong nước. Hai là Trung Quốc tiếp tục triển khai sức mạnh vượt trội tại Châu Á gồm phía Tây Thái Bình Dương, khu vực Trung Á và Đông Nga, vùng Himalayas và Ấn Độ Dương. Các mục tiêu này khá thuận lợi vì Nga và Nhật đều ốm yếu, còn Mỹ thì thất thường. Nhưng thái độ của Trung Quốc còn bị tác động bởi các yếu tố trong nước. Vì vậy, nếu báo cáo chỉ đổ lỗi cho sai lầm của Mỹ thì không chỉ chủ quan và sai lầm mà còn nguy hiểm.
Cách tốt nhất để Mỹ triển khai chiến lược là lợi dụng mâu thuẫn giữa hai mục tiêu cơ bản của Trung Quốc là vừa tăng trưởng kinh tế, vừa bành trướng ra ngoài. Mỹ cần tăng sức ép để buộc Trung Quốc phải chọn giữa hai mục tiêu đó. Chính quyền Biden cần nỗ lực hơn chính quyền Obama và Trump để giúp các nước Châu Á chống lại sức ép của Trung Quốc, như tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ tại Indo-Pacific và thúc đẩy thương mại, đầu tư, công nghệ, khuyến khích Trung Quốc tuân thủ hiệp định và trừng phạt nếu họ vi phạm.
Báo cáo đề xuất rằng lợi ích của Mỹ là phải hủy bỏ và xây dựng lại có chọn lọc các thể chế quốc tế hiện hành. Với so sánh lực lượng hiện nay, đó là một ý tưởng điên rồ. Việc chính quyền Trump không thiết tha ủng hộ các tổ chức khu vực như EU và ASEAN nhằm tăng cường hợp tác đa phương, cũng là một sai lầm. Mỹ chỉ dựa vào sức mình là quá sức do thực tế hiện nay không giống thời chiến tranh lạnh bắt đầu. Lúc đó, Mỹ chiếm gần 50% GDP toàn cầu, nhưng Mỹ vẫn cần sự hỗ trợ của các nước đồng minh để giành thắng lợi.
Hiện nay, Mỹ chỉ chiếm một tỷ trọng GDP bằng một nửa thời trước. Nếu kinh tế Mỹ không đổi mới thì nó sẽ tiếp tục đà suy thoái. Hơn nữa, hệ thống chính trị gồm hai đảng của Mỹ không ổn định, và Washington không đủ năng lực để đối phó với đại dịch Covid-19, làm bộc lộ những điểm yếu của Mỹ. Hiện nay, đối với các nước trên thế giới, các chính sách và thể chế của Mỹ không còn là hình mẫu để họ noi theo. Báo cáo đề cao các chính sách của Mỹ nhằm "đem lại tự do" (secure freedom) đã hoàn toàn bỏ qua một thực tế cơ bản hiện nay là Mỹ chỉ có thể cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc nếu họ chịu cải cách thể chế trong nước.
Theo Joe Nye (cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), nhiều đồng minh tự hỏi điều gì đang xảy ra với nền dân chủ Mỹ. Nếu Mỹ đã sinh ra một lãnh đạo như Donald Trump năm 2016 thì liệu có thể lặp lại vào năm 2024 hay 2028 ? Phải chăng nền dân chủ suy thoái, làm cho Mỹ không còn đáng tin. Nhưng bất chấp dự đoán của cánh tả về sự suy sụp (doom) và của cánh hữu về sự gian lận (fraud), nền dân chủ Mỹ đã chứng tỏ sức sống bền bỉ (resilience). Nếu Trump kiểm soát được đảng Cộng hòa và nếu Cộng hòa vẫn nắm đa số tại Thượng viện thì Biden sẽ rất khó khăn. Điều đó lý giải tại sao tranh cử tại bang Georgia lại quan trọng như vậy (19).
Để đánh giá về nguồn gốc sức mạnh của Trung Quốc, James Homes (Naval War College) đã nhận định : "Bắc Kinh muốn thắng mà không cần phải đánh". Bắc Kinh tin tưởng có thể thắng dù Trung Quốc yếu hơn Mỹ về tổng thể, vì Quân đội Trung Quốc (PLA) có thể đảo ngược so sánh lực lượng tại chiến trường để áp đảo đối phương tại nơi và lúc quyết định. Trung Quốc có thể tồn tại lâu hơn Mỹ bằng "chiến tranh nhân dân trên biển", một học thuyết được Bắc Kinh vận dụng để đối phó với liên minh gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ…
PLA ngày nay có nhiểu sự lựa chọn hơn Hồng quân trước kia. Thay vì chiến tranh nhân đân thuần túy kiểu Mao, PLA sẽ vận dụng tổng hợp các đơn vị lớn/nhỏ gồm tuần duyên, hải giám, và "dân quân biển" để đối phó với liên mình do Mỹ cầm đầu. Chiến sự có thể xảy ra khi "ngoại giao bằng cái gậy bé" (small-stick diplomacy) được Trung Quốc vận dụng để kiểm soát vùng biển họ đòi chủ quyền. Một khi điều đó trở thành "bình thường mới" hay "chuyện đã rồi" (fait accompli) thì nó có chính danh (20).
Theo báo chí, các nước phương Tây trước đây thường tránh làm mất lòng Bắc Kinh, nay đang xích lại gần hơn lập trường cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc. Nếu trước đây, lãnh đạo EU coi Trung Quốc là "cơ hội" thì nay họ coi Trung Quốc là "đối thủ". Năm ngoái, một báo cáo về chính sách của EU đã không coi Trung Quốc là đối tác (partner) hay đối tượng cạnh tranh (competitor) mà là "đối thủ hệ thống" (system rival). Khi một nhà ngoại giao Trung Quốc hỏi có thật EU coi Trung Quốc là đối thủ không, Tổng thống Pháp Macron đã nói thẳng "đúng thế" (You are a rival) (21).
Theo một khảo sát của Pew Research (10/2020) mức độ bất tín nhiệm (distrust) đối với Tập Cận Bình lên rất cao ở hầu hết các nước được khảo sát. Tâm trạng này ở Châu Âu ngày càng lan rộng. Đại sứ EU ở Bắc Kinh nói năm ngoái sự ủng hộ Trung Quốc tại Châu Âu và các nơi khác đã giảm sút mạnh (massive disruption/reduction). Theo Wess Mitchell (cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Châu Âu) "đồng minh tốt nhất của chúng ta để coi Trung Quốc là đối thủ, chính là thái độ của họ". Trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói họ coi Châu Âu là "đối tác chiến lược" (strategic partner) chứ không phài "đối thủ" (rival), thì Bắc Kinh luôn đe dọa trừng phạt các nước mỗi khi có bất đồng. Đại sứ Trung Quốc tại Thủy Điển có lần nói với báo chí : "đối với kẻ thù, chúng tôi có súng săn" (for our enemies, we got shotguns).
Tuy Úc phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế, nhưng là nước đầu tiên cấm công nghệ Hoa Vi (Huawei Technology) và kêu gọi thế giới điều tra Trung Quốc xử lý coronavirus. Tuy Ấn Độ là một trụ cột của phong trào không liên kết trên thế giới nhưng đang mở rộng hợp tác quân sự với Mỹ và đồng minh trong khi có chiến sự với Trung Quốc tại biên giới hai nước. Trong khi Đức vẫn thận trọng thì cuộc tranh luận về sự phụ thuộc của Châu Âu vào Trung Quốc càng bức xúc. Tuy Đức có hơn 5,200 công ty kinh doanh tại Trung Quốc, nhưng đang chịu nhiều sức ép phải lên tiếng vì lợi ích của Châu Âu, dù Đức bị Trung Quốc trả đũa.
Nhiều người ảo tưởng Tập Cận Bình sẽ đưa Trung Quốc theo trật tự thế giới của Mỹ, nhưng đó là "một trong những tính toán chiến lược sai lầm lớn nhất thời hậu chiến tranh lạnh". Tám năm qua, Tập theo đuổi tầm nhìn về tương lai Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bộc lộ tham vọng kiểm soát và thao túng chính trị làm ngạc nhiên giới tinh hoa Mỹ và Trung Quốc. Nay nhìn lại, người ta ngạc nhiên là Tập tìm cách khôi phục Mao để củng cố chính danh cho mình và cho Đảng, trước những cảnh báo về sự bất ổn trong 5 năm tới và lên án Tập đã biến Đảng thành "hình nhân chính trị" (22).
Triển vọng quan hệ Mỹ-Trung và khu vực
Cách đây mấy thập kỷ, Samuel Huntington đã viết trên Foreign Affairs rằng Mỹ có khả năng tự chỉnh sửa, và những người thuộc "trường phái suy thoái" (declinists) đóng vai trò không thể thiếu "trong việc ngăn chặn những gì mà họ dự báo". Đối với Mỹ, suy thoái là do chính trị nên đó là một sự lựa chọn, vì vậy suy thoái là sự lựa chọn chứ không phải hiện tượng. Suy thoái diễn ra trong hệ thống chính trị phân cực, với Tổng thống Dân chủ sắp nhậm chức, trước một Thượng viện vẫn do Cộng Hòa nắm đa số. Nhà báo Noah Smith (Bloomberg) cho rằng nếu đối nội Mỹ không thay đổi thì chỉ vài thập kỷ nữa "Mỹ sẽ giống như một nước đang phát triển" (23).
Theo Kurt Campbell (cựu trợ lý Ngoại trưởng), chính sách Trung Quốc là tâm điểm của sự lựa chọn này. Trung Quốc càng quyết đoán thì Quốc hội và người dân càng đoàn kết xung quanh lo ngại về ý đồ lâu dài của Bắc Kinh và tác động của chủ nghĩa trọng thương (mercantilism) được các tiểu bang ủng hộ. Đề ra chương trình nước Mỹ không dựa trên đối nội, mà là một phần của nỗ lực duy trì khả năng cạnh tranh của Mỹ đối với Trung Quốc, có thể được lưỡng đảng ủng hộ. Theo học giả Tom Wright (Brookings), những người Cộng hòa tại Thượng viện nên tự hỏi liệu nước Mỹ có chịu nổi bốn năm ách tắc nếu tiếp tục đối đầu với Trung Quốc.
Gần đây, giáo sư David Shambaugh (George Washington University) đã viết "Nơi gặp mặt của các cường quốc : Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Biển Đông (24). Trong cuốn sách đó, Shambaugh đã nhấn mạnh vị trí sống còn của Biển Đông trong bàn cờ địa chiến lược Mỹ-Trung. Hàng năm, khoảng 50.000 tàu thuyền qua lại trên Biển Đông, chiếm 40% thương mại và 25% vận tải dầu khí trên thế giới. Đặc biệt, Trung Quốc đã thay đổi thực địa, bồi đắp các đảo họ chiếm đóng trái phép thành "chuyện đã rồi", và quân sự hóa các đảo Hoàng Sa và Trường Sa thành căn cứ quân sự.
Các nước ASEAN tự hào về phong cách riêng của mình (ASEAN Way), như nguyên tắc đồng thuận, không can thiệp vào nội bộ của nhau, và hợp tác tự nguyện. Tuy điều đó giúp các nước ASEAN gắn kết nhưng cũng bộc lộ các điểm yếu cơ bản, làm vô hiệu hóa khả năng của ASEAN đối phó với các vấn đề nhạy cảm như tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và ngăn chặn Trung Quốc quân sự hóa các đảo họ chiếm đóng. Giới quan sát cho rằng các diễn đàn ASEAN chỉ là nơi "tranh cãi" (talk shops) mà không có giá trị ràng buộc pháp lý.
Một số nước ASEAN bị mắc kẹt trong thế đối đầu Mỹ-Trung, đã ngả theo Bắc Kinh (như Cambodia và Philippines). Tuy xu hướng này đáng lo ngại, nhưng không nên quá lo lắng và phóng đại, vì xu hướng đó có thể đảo chiều trong thời gian tới. Một là Bắc Kinh có thể đi quá xa và ra tay quá đà, như đòi hỏi quá nhiều và bóc lột quá đáng. Hai là các nhà ngoại giao Trung Quốc quen với lối tuyên truyền một chiều, dễ vô cảm với tâm trạng của khu vực. Ba là nhiều nước Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề bởi tâm lý "hậu thực dân", nên rất dễ phản ứng trước thái độ ngạo mạn và quan hệ bất đối xứng (asymmetric relationship).
Tổng giá trị thương mại giữa Mỹ và ASEAN khoảng 350 tỷ USD (năm 2018) trong khi tổng giá trị thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN là 587,8 tỷ USD (năm 2018). Tuy con số của Trung Quốc với ASEAN lớn hơn con số của Mỹ với ASEAN, nhưng không quá xa, và ASEAN vẫn là bạn hàng lớn thứ tư của Mỹ. Trong khi đó, tổng giá trị đầu tư trực tiếp của Mỹ tại các nước ASEAN là 329 tỷ USD (bằng cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại).
Khi Trung Quốc bành trướng ở khu vực thì giới quan sát cho rằng quyền lực Mỹ bị suy yếu. Đó là một ngộ nhận vì ảnh hưởng kinh tế, văn hóa, an ninh của Mỹ ở khu vực còn rất lớn, xét trên nhiều mặt lớn hơn Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc được đánh giá quá cao, còn Mỹ bị đánh giá quá thấp. Tuy Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ nhưng chưa thống trị được khu vực (25).
Chính quyền Biden sẽ hàn gắn quan hệ với các nước đồng minh, nên vai trò của Nhật, Ấn độ, Úc, và Hàn Quốc tại khu vực càng quan trọng, theo tầm nhìn Indo-Pacific, nhất là với ASEAN (trong đó có Việt Nam), làm các nước ASEAN đỡ mắc kẹt trong đối đầu Mỹ-Trung. Vai trò của Nhật ngày càng quan trọng đối với kinh tế và an ninh khu vực, mặc dù Yoshihide Suga đã thay Shinzo Abe làm Thủ tướng. Trong khi Chính phủ Narendra Modi triển khai chính sách "Hành động Hướng Đông" (Act East) của Ấn Độ, thì Tổng thống Moon Jae-in thúc đẩy chính sách "Hướng Nam" (Southward Policy) của Hàn Quốc. Vì quan hệ Úc-Trung căng thẳng, nên Thủ tướng Morrison đang điều chỉnh chính sách của Úc với khu vực.
Tuy vai trò của Mỹ với các nước đồng minh là then chốt, nhưng chính thái độ của Trung Quốc cũng là một lợi thế so sánh cho Mỹ ở khu vực. Bắc Kinh càng hung hăng bắt nạt các nước khu vực bằng "ngoại giao chiến lang", tuyên truyền thô thiển, vô cảm với tâm trạng của khu vực, và không biết lắng nghe ý kiến phê phán, sẽ góp phần làm suy giảm quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc. Có lẽ cách tốt nhất là Mỹ để mặc Trung Quốc hành động quá trớn, làm mất lòng các nước. Nếu chính quyền Biden biết lựa chọn ưu tiên, làm việc với khu vực một cách nhất quán như họ mong đợi, thì Mỹ có thể đối phó được với Trung Quốc.
Theo Kurt Campbell và Jake Sullivan (hai cố vấn đối ngoại chủ chốt của Joe Biden), mục tiêu của Washington là kiến tạo điều kiện thuận lợi để cùng tồn tại với Bắc Kinh trên bốn lĩnh vực cạnh tranh chính là quân sự, kinh tế, chính trị, và quản trị toàn cầu (global governance). Sai lầm cơ bản trước đây khi Mỹ hợp tác (engagement) với Trung Quốc là cho rằng nó sẽ làm thay đổi cơ bản hệ thống chính trị, kinh tế, và chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Nay Mỹ có thể mắc lại sai lầm tương tự khi cho rằng cạnh tranh có thể làm Trung Quốc thay đổi, phải đầu hàng hay sụp đổ, điều mà hợp tác trước đây đã thất bại (26).
Trung Quốc ngày nay là một đối thủ khác hẳn với Liên Xô trước đây : đáng gờm hơn về kinh tế ; tinh tế hơn về ngoại giao ; linh hoạt hơn về hệ tư tưởng. Trung Quốc đã hội nhập sâu hơn với thế giới và nền kinh tế Mỹ. Chiến lược ngăn chặn của Mỹ được dựa trên dự báo là Liên Xô sẽ đến lúc sụp đổ vì nó mang theo "hạt giống suy tàn" như George Kennan đã tự tin vạch ra chiến lược ngăn chặn. Nhưng ngày nay không thể dự báo Trung Quốc như vậy vì thiếu cơ sở cho một chính sách ngăn chặn mới trên tiền đề là Trung Quốc cuối cùng sẽ sụp đổ. Mặc dù Trung Quốc đứng trước nhiều thách thức về dân số, kinh tế, và môi trường, nhưng đảng cộng sản (CCP) đã chứng tỏ năng lực đáng kể có thể thích nghi với hoàn cảnh khó khăn.
Mỹ và Trung Quốc đối đầu tại Indo-Pacific, nơi có bốn điểm nóng là Biển Đông, Biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan, và bán đảo Triều Tiên. Washington lo Trung Quốc đẩy Mỹ ra khỏi Tây Thái Bình Dương còn Bắc Kinh lo Mỹ dồn Trung Quốc vào bẫy. Đài Loan không chỉ là một điểm nóng, mà còn là một bài học thành công lớn trong lịch sử bang giao Mỹ-Trung, trong khi Biển Đông là tâm điểm của đối đầu Mỹ-Trung. Để hai siêu cường có thể chung sống hòa bình, Washington cần tăng cường răn đe và quản trị khủng hoảng, không để Bắc Kinh tự do đe dọa sử dụng vũ lực để tranh chấp chủ quyền và làm "chuyện đã rồi". Elbridge Colby lập luận "có thể răn đe mà không cần sức mạnh để đương đầu với đối thủ đáng gờm".
Để đảm bảo răn đe tại Indo-Pacific, Mỹ cần giảm đầu tư vào các hệ thống vũ khí đắt tiền nhưng dễ tồn thương như tàu sân bay, mà nên tăng đầu tư vào các hệ thống vũ khí bất đối xứng, được tạo ra để hạn chế sự phiêu lưu của Trung Quốc mà không quá tốn kém. Washington cần đa dạng hóa sự có mặt của quân đội Mỹ ở Đông Nam Á và vùng Biển Ấn Độ Dương, mà không cần phải lập căn cứ quân sự cố định. Vì vậy, Mỹ cần xây dựng một mặt trận thống nhất gồm các đồng minh và đối tác có cùng chí hướng (like-minded nations).
4. Triển vọng quan hệ Mỹ-Việt và Biển Đông
Theo Lê Hồng Hiệp (fellow, ISEAS Yusof Ishak Institute), Mỹ và Việt Nam có lợi ích chiến lược song trùng tại Biển Đông. Trung Quốc càng hiếu chiến thì càng thúc đẩy hợp tác chiến lược Mỹ-Việt, giúp nâng cao năng lực hàng hải cho Việt Nam, phù hợp với cơ chế an ninh khu vực, theo tầm nhìn Indo-Pacific, trong khuôn khổ "Bộ tứ mở rộng". Dù Chính quyền Biden có bỏ qua khoản thặng dư thương mại (58 tỷ USD) hay không thì Biden với quan điểm thân thiện với Việt Nam, chắc sẽ có cách đề cập hợp lý hơn (27).
Theo Carl Thayer, lợi ích cơ bản của Mỹ sẽ không thay đổi sau khi Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 46 (20/1/2021). Các thỏa thuận Hà Nội ký với Robert O’Brien là nhằm tăng cường hợp tác hàng hải và mua thiết bị quân sự, để đối phó với Trung Quốc đang gây sức ép tại Biển Đông. Quan điểm chính thống của Mỹ thời Biden là coi trọng chủ nghĩa đa phương, như một điểm khác biệt cơ bản so với Trump vốn coi nhẹ đồng minh. Biden sẽ tăng cường ủng hộ Bộ Tứ (Quad) và ý tưởng Bộ Tứ Mở rộng (Quad plus), để phối hợp tập trận không chỉ với Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, mà còn với các nước khác như Việt Nam.
Derek Grossman (RAND annalyst) tin rằng Việt Nam có thể đóng góp tốt cho Bộ Tứ Mở rộng, để đối phó với Trung Quốc. Nếu Bộ Tứ Mở rộng có một nước khu vực như Việt Nam tham gia sẽ làm suy yếu lập luận của Bắc Kinh cho rằng "Bộ Tứ" chỉ là một nhóm các nước bên ngoài khu vực muốn "ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc". Theo Kent Calder (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Johns Hopskins), chính quyền Joe Biden sẽ thắt chặt quan hệ với Việt Nam. Sự ủng hộ rộng rãi của các nước Bộ Tứ, trong đó có các nước trong Indo-Pacific, sẽ mở rộng thêm các thỏa thuận thương mại đa phương.
Gần đây, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Đặc biệt ở Thái Bình Dương (SOCPAC) đề cập khả năng hợp tác giữa lực lượng đặc biệt của Mỹ với đặc công của Việt Nam. Bộ Chỉ huy Tiếp vận Lục quân Mỹ (USAMC) cũng muốn xây dựng một hệ thống kho tiếp liệu và dự trữ quân nhu tại Việt Nam để Mỹ có thể triển khai nhanh các hoạt động nhân đạo nhằm giúp Việt Nam đối phó với thiên tai. Nhưng hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt còn hạn chế chừng nào Việt Nam vẫn duy trì nguyên tắc "ba không". Trong một báo cáo gần đây của RAND về đối đầu Mỹ-Trung ở khu vực Indo-Pacific, Derek Grossman có năm nhận xét (28).
Một là, tuy Mỹ duy trì ưu thế về an ninh, nhưng lại đứng sau Trung Quốc về các chỉ số kinh tế và xấp xỉ nhau về chính trị và ngoại giao, vì vậy không thuận cho Việt Nam "chọn Mỹ". Thực ra, Việt Nam chọn cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Do đó, Washington nên để cho quan hệ với Việt Nam diễn ra một cách tự nhiên (organically), tức là để cho lãnh đạo Việt Nam tự đi đến kết luận về thái độ của Trung Quốc và sự cần thiết phải chơi với Mỹ. Nếu thúc Hà Nội phải chọn bên khi đối đầu Mỹ-Trung căng lên có thể phản tác dụng.
Hai là, giống nhiều nước khác ở khu vực, Việt Nam nghi ngờ chiến lược Indo-Pacific của Mỹ có thể bền vững với thời gian và có thể răn đe hiệu quả các hành động quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông. Mỹ nên cân nhắc làm sâu sắc thêm và thường xuyên trao đổi với các đối tác Việt Nam, ưu tiên về chất lượng hơn là số lượng, để tránh những thách thức không đồng bộ. Làm như vậy sẽ giúp thuyết phục Hà Nội rằng Washington là một cường quốc Thái Bình Dương trong tương lai có thể giúp ích Việt Nam đối phó với Trung Quốc.
Ba là, ngoài vấn đề Biển Đông, Việt Nam muốn Mỹ tập trung xem tác động của chương trình Vành đai Con đường (BRI) của Trung Quốc ở các nước láng giềng Đông Dương tác động trực tiếp đến Việt Nam thế nào. Việt Nam lo ngại rằng Campuchia và Lào đang gắn chặt với Trung Quốc, và trên thực tế làm xói mòn quan hệ đặc biệt của Việt Nam với các nước này. Mỹ nên cam kết cạnh tranh với BRI để giúp Việt Nam tránh bị bao vây bởi các nước thân Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ cần cam kết sâu hơn để chống tác động tiêu cực của BRI tới môi trường các nước này, nhất là các đập thủy điện của Trung Quốc trên sông Mekong.
Bốn là, Mỹ nên tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác để tìm kiếm sự bổ sung cho các mục tiêu cơ bản nhằm tránh lặp lại các nỗ lực ở Việt Nam. Ví dụ, Nhật, Ấn Độ, và Hàn Quốc ủng hộ các mục tiêu an ninh hàng hải của Việt Nam. Úc làm rất tốt và Canberra sẵn sàng giúp lực lượng gìn giữ hòa bình (PKO) huấn luyện quân sự chuyên nghiệp (PME) và thậm chí lực lượng đặc biệt của Việt Nam. Nhật cũng tích cực trong công tác cứu hộ (SAR) và tăng cường luật biển trong và ngoài Indo-Pacific. Úc, Tân Tây Lan, Anh có thể hỗ trợ đào tạo tiếng Anh, công tác gìn giữ hòa hòa bình, và huấn luyện quân sự chuyên nghiệp.
Năm là, trong các chuyến thăm cấp cao của Bộ Quốc phòng (MND), không quân Mỹ (USAF) đề xuất hợp tác binh chủng trở thành thường xuyên hơn để làm giảm thiểu khả năng gián đoạn trong tương lai. USAF nên tìm kiếm cơ hội để xây dựng năng lực tổ chức của VAD-AF, nhất là chức năng hỗ trợ, bao gồm bảo dưỡng, duy tu và an toàn, có nhiều khả năng đem lại kết quả lâu bền. Vì tính chất nhạy cảm của VAD-AF tại căn cứ quân sự do "chính sách quốc phòng ba không", nên USAF có thể đề xuất hợp tác tại các địa điểm dân sự.
Tuy Biden không chỉ trích Trung Quốc nặng nề như Mike Pompeo, nhưng sẽ giữ nguyên thuế quan và trừng phạt Trung Quốc như đối thủ chính của Mỹ (rival/competitor). Biden sẽ ủng hộ Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, ASEAN, và Bộ Tứ (Quad), hàn gắn quan hệ kinh tế song phương với khu vực. Trong một hay hai năm đầu, Biden khó tham gia CPTPP và RCEP, vì phải được Thượng viện chấp thuận, và trong nhiệm kỳ đầu rất ít khả năng Mỹ thông qua Luật Quốc tế về Biển (UNCLOS). Nhưng Biden chắc có chính sách khác hẳn Trump về WHO và WTO, sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề toàn cầu như COVID-19, biến đổi khí hậu, phục hồi tăng tưởng kinh tế thế giới, và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Dưới thời Biden, Mỹ không đối đầu với Trung Quốc như thời Trump, nên Việt Nam không bị ép phải chọn một bên. Tuy quan hệ Mỹ-Trung còn căng thẳng, nhưng hai bên sẽ tìm cách hợp tác, tạo cơ hội hơn là thách thức. Việt Nam có thể hợp tác với cả Trung Quốc và Mỹ, nhất là về kinh tế và thương mại. Trung Quốc không muốn Việt Nam đi theo quỹ đạo của Mỹ, nên Việt Nam có cơ hội tranh thủ kịch bản này. Chính quyền Biden có thể coi Việt Nam như "đối tác chiến lược" và ủng hộ vai trò Việt Nam lãnh đạo ASEAN. Khả năng quan hệ thân thiện giữa hai nước lớn (G2) rất khó hình thành để Mỹ hy sinh Việt Nam hay khu vực.
Trong bốn năm tới, quan hệ Mỹ-Trung chắc sẽ "không ấm quá" (intimate) cũng "không lạnh quá" (hostile). Biden sẽ không quá cứng rắn với Trung Quốc như Mike Pence và Mike Pompeo, nên có thể hợp tác về các vấn đề toàn cầu để chống dịch (WHO), phục hồi kinh tế toàn cầu (WTO), biến đổi khí hậu, và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Chính quyền Biden sẽ tiếp tục chống Trung Quốc đe dọa và bắt nạt ở Biển Đông, trong khi tăng cường đối tác chiến lược với ASEAN về các vấn đề khu vực. Vì vậy, ASEAN sẽ có vai trò quan trọng để gìn giữ hòa bình, ổn định, tăng cường hợp tác khu vực, trước những khó khăn mới.
Chính quyền Biden cần ít nhất nửa năm để ổn định, phụ thuộc nhiều vào kết quả bầu cử bổ sung hai ghế Thượng viện ở tiểu bang Georgia. Nếu đảng Cộng hòa nắm đa số Thượng viện, họ có thể phủ quyết đề cử nhân sự như Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, Giám đốc Tình báo Quốc gia. Ưu tiên số một của Biden là kiểm soát đại dịch và phục hồi kinh tế. Theo luật Mỹ, Chính quyền Biden phải trình Quốc hội Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) trong vòng 150 ngày. Nếu được phê chuẩn thì Bộ Quốc phòng đề xuất Chiến lược Quốc phòng (NDS), và chiến lược Indo-Pacific. Trước khi có NDS, chính sách đối ngoại của Mỹ thường dựa trên cơ sở lâm thời (adhoc basis). Dự kiến lưỡng đảng sẽ đồng thuận một chính sách cứng rắn với Trung Quốc liên quan đến thặng dư thương mại và can thiệp vào nội bộ Mỹ.
Theo Carl Thayer, nếu đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt năm 2021 thì ASEAN và Trung Quốc có thể tiếp tục đàm phán về DOC và COC ở Biển Đông. Tuy quan hệ Việt-Trung về kinh tế và thương mại tương đối ổn, nhưng vẫn thường xuyên xảy ra căng thẳng trên Biển Đông. Nếu Việt Nam tiếp tục thăm dò hay khai thác dầu khí tại mỏ Lan Đỏ (lô 06-01) gần Bãi Tư Chính thì Trung Quốc chắc chắn sẽ gây căng thẳng, có thể lặp lại tình huống đối đầu như năm 2019. Năm 2020, các tàu tuần duyên Trung Quốc vẫn tiếp tục quấy rối tại khu vực này, để cảnh báo Việt Nam không được khai thác (29).
Hiện nay PetroVietnam đang hợp tác với Idemitsu và Teikoku (của Nhật) để khai thác hai mỏ Đại Nguyệt và Sao Vàng (lô 05-01). Các công ty Nhật mạnh hơn Repsol và Rosnneft vì :
1) Họ có thể thuê tàu khảo sát và tàu khoan của Nhật ;
2) Trung Quốc và Nhật đã có quan hệ làm ăn tốt trong mấy năm qua nên chắc Trung Quốc không muốn làm mất lòng Nhật ;
3) Chính quyền Biden sẽ mau chóng phối hợp chính sách với Nhật ở khu vực ;
4) Nhật có thể điều tàu tuần duyên hay hải quân phối hợp với tàu hải cảnh của Việt Nam để bảo vệ lô 05-01 ;
5) Trung Quốc phải tính đến yếu tố Nhật Bản có hiệp ước an ninh với Mỹ.
Trong khi đó, Việt Nam chắc là khâu yếu nhất, như vụ Respol đã chứng minh khi lãnh đạo Việt Nam phải xuống thang trước sức ép của Trung Quốc, phải bỏ hợp tác với Repsol (Tây Ban Nha). Hiện nay các công ty dầu khí của Nhật đã bỏ vốn và kế hoạch khai thác của họ đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt. Trong khi ExxonMobile (của Mỹ) có thể rút khỏi dự án Cá Voi Xanh trước một số khó khăn mới, tập đoàn này có dự án xây dựng nhà máy điện khí hóa lỏng có vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD tại Tiên Lãng và Cát Hải (Hải phòng).
Hợp tác Mỹ-Việt về năng lượng gồm các dự án nhà máy điện chạy bằng khí hóa lỏng (LPG) nhập từ Mỹ, là một lĩnh vực hợp tác được hai nước ưu tiên thúc đẩy vì "ý nghĩa chiến lược đúp". Nó vừa giúp giảm sức ép thặng dư thương mại (trước mắt), vừa giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng (lâu dài) và bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Nhà máy điện khí Chân Mây có vốn đầu tư 6 tỷ USD (tại Lăng Cô gần chân đèo Hải Vân) chỉ là bước đầu. Theo báo Năng lượng (2/12/2020) mỏ khí Kèn Bầu (lô 114) có trữ lượng 250 tỷ m3, lớn hơn cả mỏ khí Cá Voi Xanh (150 tỷ m3) nhưng chất lượng tốt hơn, và chỉ cách Đà Nẵng hơn 80 km.
Rủi ro trong thương mại Mỹ-Việt
Gần đây, Chính quyền Trump đã "gắn mác" Việt Nam "thao túng tiền tệ" (16/12) sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố kết luận Việt Nam (và Thuỵ Sỹ) đã vượt cả ba ngưỡng về thao túng tiền tệ bao gồm :
1) các tiêu chí về can thiệp vào thị trường ngoại hối,
2) thặng dư tài khoản vãng lai và
3) thặng dư thương mại.
Trước khi rời nhiệm sở (20/1), Trump dọa đánh thuế hàng may mặc và giày dép, đồ gỗ, điện tử và gia dụng của Việt Nam. Mỹ nhập khoảng 65 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam (trong 10 tháng đầu năm 2020) so với 66,6 tỷ USD (cả năm 2019).
Theo chỉ đạo của Trump, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã tiến hành điều tra (từ tháng 10/2020) việc định giá tiền tệ của Việt Nam (theo điều khoản 301) và sẽ điều trần công khai (ngày 29/12) trước khi công bố kết quả (ngày 7/1/2021). Động thái này của Trump không chỉ làm khó cho Chính quyền Biden với một di sản bất lợi, mà còn làm hại cho quan hệ Mỹ-Việt vì Việt Nam là đối tác quan trọng nhất của Mỹ trong ASEAN, theo tầm nhìn Indo-Pacific và trước diễn biến ở Biển Đông (30).
Nhưng Mỹ có trừng phạt Việt Nam hay không còn phụ thuộc vào chính quyền mới, khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen sẽ xem xét lại (tháng 4/2021). Tuy quan điểm của Yellen đối với các nước dùng đòn bẩy vĩ mô trong chính sách tiền tệ và tài khóa khá linh hoạt, nhưng Blinken nói (tháng 9/2020) sẽ "kiên quyết thực hiện luật lệ thương mại của Mỹ mỗi khi gian lận nước ngoài đe dọa việc làm của Mỹ". Dù quyết định của Mỹ là "tượng trưng", nó có thể làm lãnh đạo Hà Nội phải suy nghĩ lại xem có thể tin vào Mỹ như một đối tác chiến lược hay không và tác động đến sắp xếp nhân sự và quyết sách của Hà Nội cho 5 năm tới.
Giám đốc Amcham tại Viet Nam Adam Sitkoff nói "thao túng tiền tệ không phải là một vấn đề đối với các thành viên của chúng tôi, và bất cứ hành động tiềm ẩn nào trong những ngày cuối của chính quyền này làm tổn hại cho kinh tế Việt Nam qua trừng phạt bằng thuế quan sẽ làm tổn hại cho quan hệ đối tác gần gũi mà hai nước đã đạt được" (31USD ).
Theo Nikkei, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng từ 32 tỷ USD (2016) lên 38,3 tỷ USD (2017), lên 39,4 tỷ USD (2018), vọt lên 55,7 tỷ USD (2019) và 58 tỷ USD (2020), còn lớn hơn cả Nhật 57 tỷ USD (2020). Việt Nam xếp thứ tư trong số các đối tác thương mại của Mỹ (2019), nay đã vượt qua Nhật để xếp thứ ba, chỉ sau Trung Quốc và Mexico (2020). Tuy Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng Việt Nam chỉ chiếm 2,7% nhập khẩu của Mỹ. Dù Việt Nam có thoát trừng phạt của Mỹ hay không, thì cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump (22/12) là một cố gắng để tháo gỡ.
Thực ra trong mấy năm qua (2018 và 2019), chính quyền Trump đã gây sức ép với Việt Nam, và đánh thuế nhập khẩu 456 % lên thép của Việt Nam, và gọi Việt Nam là "kẻ vi phạm tồi tệ nhất" (single worst abuser of everybody). Do hệ quả của chiến tranh thương mại, nhiều công ty nước ngoài đã rời Trung Quốc để chuyển sang Việt Nam, nhưng "Việt Nam đã lợi dụng chúng ta còn tồi tệ hơn cả Trung Quốc" (32).
Để triển khai chiến lược "China plus One", nhiều công ty nước ngoài đã rời Trung Quốc. Việt Nam đã thu hút được hơn $38 tỷ đầu tư FDI năm 2019, tăng 7,2% so với năm 2018. Samsung Electronics đã chuyển dây chuyền sản xuất smartphone sang Việt Nam và xuất khẩu của họ chiếm 1/4 giá trị xuất khẩu của Việt Nam (năm 2019). Ngoài Samsung, còn nhiều công ty khác có nhà máy ở Việt Nam như Canon, Toyota Motor, Honda Motor, Panasonic, LG Electronics, Hyundai Motor, TCL Technology, và Foxconn Technology, v.v.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đại dịch Covid-19 đã gây khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu. Chủ chương tách Mỹ khỏi Trung Quốc về kinh tế và công nghệ (decoupling) là một cách đối phó bị động của Chính quyền Trump làm nhiều doanh nghiệp phải rời Trung Quốc và chuyển đến các nước Châu Á khác như Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, v.v. Tuy Việt Nam được hưởng lợi từ dòng chuyển dịch này, nhưng sẽ tiếp tục sa vào vào "cái bẫy gia công", nếu không cơ cấu lại doanh nghiệp và đổi mới thể chế để tăng cường nội lực.
Theo các chuyên gia, thay vì trừng phạt Việt Nam "thao túng tiền tệ", Mỹ có thể ép Việt Nam nhập thêm hàng hóa của Mỹ và ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc tuồn qua Việt Nam để xuất sang Mỹ. Trước mắt, chắc Biden không bỏ ngay 25% thuế đánh vào gần một nửa hàng hóa từ Trung Quốc, và tiếp tục "thỏa thuận thương mại giai đoạn một", để Trung Quốc mua thêm hàng hóa Mỹ (khoảng 200 tỷ USD), nhằm làm giảm thặng dư thương mại.
Lời kết
Theo thông báo chính thức, Đại hội Đảng lần thứ 13 sẽ họp từ ngày 25/1 đến 2/2/2021, để chuyển giao lãnh đạo và xác định đường lối cho 5 năm tới. Năm 2020, Việt Nam đã đạt được thành tích ấn tượng trên ba mặt chính. Một là kiểm soát được đại dịch Covid-19 (đến nay chỉ có 1.454 người lây nhiễm và 35 người chết). Hai là tiếp tục chống tham nhũng và "tự diễn biến" (có 69 cấp trưởng và cấp phó bị kỷ luật) ; Ba là kinh tế vẫn tăng trưởng dương (2,8%) trong khi đại dịch làm kinh tế toàn cầu suy thoái. Năm 2021 (dưới thời Biden) có hai vấn đề nổi cộm mà Việt Nam phải tháo gỡ là nhân quyền và vấn đề thao túng tiền tệ.
Lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và tổ chức thành công các Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, Hội nghị Cấp cao Đông Á 15 (trực tuyến), và sau đó tổ chức lễ ký trực tuyến RCEP (15/11/2020). Đây là hiệp định Thương mại lớn nhất thế giới, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng lợi bất cập hại (33).
Nhưng các sự kiện quan trọng nói trên vẫn chưa đem lại đổi mới thể chế như dư luận mong đợi. Ngoài nguyên nhân nội tại, Việt Nam vẫn mắc kẹt trong thế đối đầu Mỹ-Trung ở khu vực, nên vẫn phải tiếp tục giữ thế cân bằng như tại "ngã ba đường" với trò chơi "hedging game" với hai nước lớn. Tiếp theo chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đại dịch Covid-19 đã xô đẩy Việt Nam và thế giới vào nguy cơ khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ đầy kịch tính cuối năm 2020 đã trùm lên nước Mỹ và thế giới đám mây đen khủng hoảng chính trị và khủng hoảng truyền thông.
Tuy còn quá sớm để nhận định về chính sách đối ngoại của chính quyền mới khi chính sách đó còn đang hình thành, khi Joe Biden chưa chính thức tuyên thệ nhậm chức và Ngoại trưởng mới chưa được Quốc hội chấp thuận. Nhưng sẽ quá muộn nếu để đến lúc đó mới bắt đầu tìm hiểu và trao đổi về chính sách đối ngoại mới, vì tầm quan trọng của nó đối với Việt Nam và ASEAN cũng như toàn cầu, đặc biệt là khu vực Indo-Pacific. Nhưng trong khi tìm hiểu về một chính sách còn đang hình thành như một bức tranh mới, cần để ngỏ tiếp tục cập nhật thông tin mới, và đổi mới tư duy cùng hệ quy chiếu để phân tích các sự kiện.
Thích hay không, nước Mỹ và thế giới phải chuẩn bị tinh thần cho bốn năm hay tám năm với Chính quyền Joe Biden sẽ thay thế Chính quyền Donald Trump đang đi vào lịch sử như một hiện tượng lạ ngoại lệ mang tính lâm thời. Trong khi chính quyền mới ưu tiên tập trung giải quyết mấy vấn đề nội bộ cấp bách như :
1) Hệ quả nặng nề về y tế do đại dịch Covid-19 ;
2) Hệ quả nặng nề về kinh tế do đại dịch và chiến tranh thương mại ;
3) Hệ quả nặng nề về phân cực xã hội do cuộc tranh cử tổng thống gây ra, chính sách đối ngoại của chính quyền mới liên quan đến Trung Quốc và khu vực Indo-Pacific chắc sẽ không thay đổi mấy về thực chất, ngoài cố gắng hàn gắn các quan hệ đồng minh và cam kết quốc tế của Mỹ.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam nên nhìn lại bốn năm dưới thời Donald Trump xem đã tranh thủ được cơ hội gì và đánh mất những cơ hội gì, để rút kinh nghiệm cho bốn năm hay tám năm tới dưới thời Biden. Nhìn lại 25 năm quan hệ Viêt-Mỹ sau bình thường hóa, người ta không khỏi luyến tiếc vì Việt Nam đã bỏ qua các cơ hội để tạo bước ngoặt cho đất nước bứt phá nhằm thoát khỏi ngã ba đường để đổi mới thể chế và kiến tạo động lực mới cho phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trước những thách thức và cơ hội mới, với ẩn số và biến số khó lường, người Việt Nam cần đổi mới tư duy để đối phó với tình thế mới.
Nguyễn Quang Dy
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 02/01/2021
----------------------
Chú thích :
(1) Việt Nam và đối đầu Mỹ-Trung, Nguyễn Quang Dy, NCQT, 5-23/12/2018
(2) Regional responses to US-China Competition in the Indo-Pacific, Derek Grossman, RAND, December 2020
(3) Saying Goodbye to US Trade Chief Lighthizer’s Doctrine, Shawn Donnan, Bloomberg, December 23, 2020
(4) Why America Must Lead Again, Joseph Biden, Foreign Affairs, March/April 2020
(5) Francis Fukuyama on the State of Democracy in 2020 and Beyond, Francis Fukuyama, Wall Street Journal, December 15, 2020
(6) America First is only making the world worse. Here’s a better approach, Anthony Blinken and Robert Kagan, Washington Post, January 1, 2019
(7) Great Power Competition : Lessons from the Past, Implications for the Future, Alexander Vuving, October 2020
(8) The China Nightmare : The Grand Ambitions of a Decaying State, Dan Blumenthal, AEI Press, October 2020
(9) China Is Both Weak and Dangerous, Matthew Kroenig & Jeffrey Cimmino, Foreign Policy, December 7, 2020
(10) The World China Wants : How Power Will – and Won’t – Reshape Chinese Ambitions, Rana Mitter, Foreign Affairs, January/February 2021
(11) Why America Must Lead Again, Joseph Biden, Foreign Affairs, March/April 2020
(12) Making US Foreign Policy Work Better for the Middle Class, Jake Sullivan and others, Carnegie Endowment, September 23, 2020
(13) Biden’s middle-class foreign policy departs from Obama and Trump, Ken Moriyasu, Nikkei Asian Review, December 15, 2020
(14) Southeast Asia must prepare for the worst in 2021, Bilahari Kausikan, Nikkei AsianReview, December 27, 2929
(15) Biden Preparing to Tweak the Indo-Pacific Strategy ? Sebastian Strangio, Diplomat, November 20, 2020
(16) Great Power Competition : Lessons from the Past, Implications for the Future, Alexander Vuving, Hindsight, Insight, Foresight : Thinking about Security in the Indo-Pacific, Alexander Vuving (ed), DKI APCSS, October 2020
(17) Blinken’s call : opportunities abound to revitalise US engagement in the Indo-Pacific, Yan Bennet and John Garrick, ASPI, December 16, 2020
(18) The US Can’t Check China Alone, Foreign Affairs, December 10, 2020
(19) Can Joe Biden’s America be trusted, Joseph Nye, Project Syndicate, December 4, 2020
(20) A People’s War Could Be China’s Key to Winning the South China Sea, James Homes, National Interest, December 22, 2020
(21) Pushback on Xi’s Vision for China Spreads Beyond US, Drew Hinshaw, Sha Hua, Laurence Norman, Wall Street Journal, December 28, 2020
(22) How the US Misread China’s Xi : Hoping for a Globalist, It Got an Autocrat. Jeremy Page, Wall Street Journal, December 23, 2020
(23) The China Challenge Can Help America Avert Decline : Why Competition Could Prove Declinists Wrong Again, Kurt Campbell and Rush Doshi, December 3, 2020
(24) Where Great Powers Meet : America and China in Southeast Asia, David Shambaugh, Oxford University Press, December 11, 2020
(25) The Southeast Asian Crucible : What the Region Reveals About the Future of US-Chinese Competition, David Shambaugh, Foreign Affairs, December 17, 2020
(26) Competition Without Catastrophe, Kurt Cambell and Jake Sullivan, Foreign Affairs, September/October 2019
(27) Vietnam – US Relations Under the Biden Administration, Le Hong Hiep, ISEAS, November 30, 2020
(28) Regional responses to US-China Competition in the Indo-Pacific (Vietnam), Derek Grossman, RAND, December 2020
(29) Background Brief : Factors Affecting Vietnam’s Policy on the South China Sea, Carlyle Thayer, December 13, 2020
(30) Trump Leaves Biden Administration a Parting Gift in Currency Wars, Joseph Sullivan, Foreign Policy, December 18, 2020
(31) Trump’s parting blow wrong-foots Biden in Vietnam, David Hutt, Asia Times, December 18, 2020
(32) Vietnam, with larger trade surplus than Japan, draws US Ire, Tomoya Onishi, Nikkei Asian Review, December 18, 2020
(33) Vietnam’s Communists brace for next 5 years after big 2020, Tomoya Onishi, Nikkei Asian Review, December 22, 2020
------------------
Tài liệu tham khảo
Books & Reports :
1. Making U.S. Foreign Policy Work Better for the Middle Class, Jake Sullivan and others, Carnegie Endowment, September 2020
2. In the Dragon’s Shadow : Southeast Asia in the Chinese Century, Sebastian Strangio, Yale University Press, September 2020
3. The China Nightmare : The Grand Ambitions of a Decaying State, Dan Blumenthal, AEI Press, October 2020
4. Great Power Competition : Lessons from the Past, Implications for the Future, Alexander Vuving, in Hindsight, Insight, Foresight : Thinking about Security in the Indo-Pacific, Alexander Vuving (edited), DKI APCSS, October 2020.
5. The Elements of the China challenge, Policy Planning Staff, Office of the Secretary of State, November 2020
6. Regional responses to US-China Competition in the Indo-Pacific – Vietnam), Derek Grossman, RAND, December 2020
7. Where Great Powers Meet : America and China in Southeast Asia, David Shambaugh, Oxford University Press, December 2020
Essays & Articles :
1. Việt Nam và đối đầu Mỹ-Trung, Nguyễn Quang Dy, NCQT, 5-23/12/ 2018
2. America First is only making the world worse. Here’s a better approach, Anthony Blinken and Robert Kagan, Washington Post, January 1, 2019
3. Competition Without Catastrophe, Kurt Cambell and Jake Sullivan, Foreign Affairs, September/October 2019
4. The Sources of Chinese Conduct, Old Arne Westad, Foreign Affairs, September/October 2019
5. Why America Must Lead Again, Joseph Biden, Foreign Affairs, March/April 2020
6. Biden and Australia, John McCarthy, Asialink Insight, 8 August 2020
7. Is Biden Preparing to Tweak the Indo-Pacific Strategy ? Sebastian Strangio, Diplomat, November 20, 2020
8. Vietnam – US Relations Under the Biden Administration, Le Hong Hiep, ISEAS, November 30, 2020
9. Biden’s Vision of US-China Relations Begins to Take Shape, Situation Report, Geopolitical Monitor, December 2, 2020
10. The China Challenge Can Help America Avert Decline : Why Competition Could Prove Declinists Wrong Again, Kurt Campbell and Rush Doshi, Foreign Affairs, December 3, 2020
11. Can Joe Biden’s America be trusted, Joseph Nye, Project Syndicate, December 4, 2020
12. China Is Both Weak and Dangerous, Matthew Kroenig & Jeffrey Cimmino, Foreign Policy, December 7, 2020
13. The US Can’t Check China Alone, Odd Arne Westad, Foreign Affairs, December 10, 2020
14. Background Brief : Factors Affecting Vietnam’s Policy on the South China Sea, Carlyle Thayer, December 13, 2020
15. Francis Fukuyama on the State of Democracy in 2020 and Beyond, Francis Fukuyama, Wall Street Journal, December 15, 2020
16. Biden’s Middle-class Foreign Policy Departs from Obama and Trump, Ken Moriyasu, Nikkei Asian Review, December 15, 2020
17. Blinken’s call : opportunities abound to revitalise US engagement in the Indo-Pacific, Yan Bennet and John Garrick, ASPI, December 16, 2020
18. The Southeast Asian Crucible : What the Region Reveals About the Future of US-Chinese Competition, David Shambaugh, Foreign Affairs, December 17, 2020
19. Vietnam, With Larger Trade Surplus Than Japan, Draws U.S. Ire, Tomoya Onishi, Nikkei Asian Review, December 18, 2020
20. Trump Leaves Biden Administration a Parting Gift in Currency Wars, Joseph Sullivan, Foreign Policy, December 18, 2020
21. Trump’s Parting Blow Wrong-foots Biden in Vietnam, David Hutt, Asia Times, December 19, 2020
22. A People’s War Could Be China’s Key to Winning the South China Sea, James Homes, National Interest, December 22, 2020
23. Vietnam’s Communists brace for next 5 years after big 2020, Tomoya Onishi, Nikkei Asian Review, December 22, 2020
24. How the US Misread China’s Xi : Hoping for a Globalist, It Got an Autocrat. Jeremy Page, Wall Street Journal, December 23, 2020
25. Saying Goodbye to US Trade Chief Lighthizer’s Doctrine, Shawn Donnan, Bloomberg, December 23, 2020
26. Southeast Asia must prepare for the worst in 2021, Bilahari Kausikan, Nikkei Asian Review, December 27, 2020
27.Pushback on Xi’s Vision for China Spreads Beyond US, Drew Hinshaw, Sha Hua, Laurence Norman, Wall Street Journal, December 28, 2020
28. The World China Wants : How Power Will – and Won’t – Reshape Chinese Ambitions, Rana Mitter, Foreign Affairs, January/February 2021
Góp thêm vài ý vào bài "Dự báo chính sách đối ngoại của chính quyền Biden" các phần I, II, III của Nguyễn Quang Dy
Vũ Quang Việt, boxitvn, 04/01/2021
Bài của anh Nguyễn Quang Dy tổng kết rất hay nhiều nhận định của các nhà phân tích chiến lược về nhiều vấn đề, nhưng tựu trung là tập trung vào chiến lược quân sự và ngoại giao và mọi người nên đọc.
Nhưng ở dưới, tôi chỉ giới hạn về vấn đề mang tính dài hạn và vì vậy chỉ cắt xén ra 2 nhận định chính sau :
1. Trung Quốc ngày nay là một đối thủ khác hẳn với Liên Xô trước đây : đáng gờm hơn về kinh tế ; tinh tế hơn về ngoại giao ; linh hoạt hơn về hệ tư tưởng. Trung Quốc đã hội nhập sâu hơn với thế giới và nền kinh tế Mỹ. Chiến lược ngăn chặn của Mỹ được dựa trên dự báo là Liên Xô sẽ đến lúc sụp đổ vì nó mang theo "hạt giống suy tàn" như George Kennan đã tự tin vạch ra chiến lược ngăn chặn. Nhưng ngày nay không thể dự báo Trung Quốc như vậy vì thiếu cơ sở cho một chính sách ngăn chặn mới trên tiền đề là Trung Quốc cuối cùng sẽ sụp đổ. Mặc dù Trung Quốc đứng trước nhiều thách thức về dân số, kinh tế, và môi trường, nhưng đảng cộng sản (CCP) đã chứng tỏ năng lực đáng kể có thể thích nghi với hoàn cảnh khó khăn (Bài 3).
2. Theo các nhà phân tích, báo cáo đề cập đến ba đặc điểm nổi bật. Một là toàn cầu hóa không có lợi cho nhiều người Mỹ. Hai là khuyến nghị nhóm đối ngoại phối hợp chặt chẽ với nhóm đối nội và nhóm kinh tế để Mỹ có một chính sách nhất quán hơn. Ba là phải xây dựng "một đồng thuận chính trị mới" trên cơ sở chính sách đối ngoại có lợi cho tầng lớp trung lưu (Bài 2).
Theo tôi điểm 2 hơi nghiêng về ngoại giao. Vấn đề chính của Mỹ hiện nay không chỉ là xoay chuyển chính sách ngoại thương để có lợi cho tầng lớp trung lưu Mỹ (nói chung là tầng lớp đông đảo và rường cột của xã hội Mỹ).
Vấn đề chính của Mỹ là xoay chuyển chính sách đối nội để không chỉ vì người nghèo (thời Obama) hay người giàu (thời Trump) mà là vì tầng lớp trung lưu.
Theo tôi nhận định, hướng phát triển chung của các nền kinh tế hiện nay đặc biệt là Mỹ là ngày càng dựa vào công nghệ cao, dùng ít lao động và lao động được hưởng nhiều nhất là lao động liên quan đến công nghệ số và buôn bán tài chính (chỉ tạo ra thu nhập cao cho một số nhỏ lao động trong xã hội). Xin gửi đường link hai bài trình bày cụ thể nhận định của tôi trên đây kèm theo vài đoạn trích ở phần tóm tắt :
Bài 1. Chuyển biến kinh tế Mỹ và sự thất thế của tầng lớp trung lưu
Vũ Quang Việt, Thời Đại Mới số 39, tháng 12/2020.
Trích đoạn :
"Lịch sử phát triển kinh tế ở Mỹ cho thấy kinh tế Mỹ đo bằng GDP (gross domestic products) nhìn dài hạn đang trên đà giảm dần. Với năng suất cao và tăng nhanh đặc biệt trong khu vực sản xuất hàng hóa đã đưa dần đến giảm thiểu nhu cầu lao động tay chân không cần nhiều học vấn nhưng lương cao vì lao động được tổ chức thành nghiệp đoàn gây áp lực. Tăng năng suất lao động là yếu tố chính làm kinh tế phát triển và tạo ra tầng lớp trung lưu ở Mỹ nhưng cũng là yếu tố hủy diệt nó. Năng suất cao đưa đến việc giảm thiểu nhu cầu lao động.
"Đồng thời do lao động ngày càng được nghiệp đoàn bảo vệ, để lương phản ánh năng suất lao động, do đó để giảm áp lực phải tăng lương và nhằm tăng lợi nhuận, tư bản Mỹ sẵn sàng đưa tư bản và sản xuất ra nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, lợi dụng lao động rẻ của họ, sản xuất rồi đưa hàng về Mỹ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Mỹ phải mở cửa cho hàng Trung Quốc (cũng như các nước đang phát triển khác), lúc đầu hàng hóa thực chất của chính Mỹ do nguồn vốn đầu tư và kỹ thuật của công ty Mỹ, nhưng khi Trung Quốc học được kỹ thuật và với vốn thừa thãi do tỷ lệ để dành của dân cao, tới hơn 50% thu nhập, Trung Quốc dần trở thành mối đe đọa với Mỹ. Người Mỹ được hàng rẻ để tăng tiêu dùng, còn Trung Quốc, sản xuất, tạo việc làm, tích lũy vốn và dần học hay đánh cắp để tự phát triển kỹ thuật tiên tiến.
"Kết quả của sự phát triển này là sự thất thế nếu không nói là nghèo đi của tầng lớp trung lưu Mỹ, trước đây nắm 62% thu nhập kinh tế Mỹ tạo ra thì ngày nay chỉ còn nắm 43%. Điều này đưa đến tình trạng phân cách xã hội ngày càng trầm trọng giữa những người lao động trong công xưởng sản xuất hàng hóa đã từng là rường cột tạo dựng tầng lớp trung lưu bị thu nhỏ lại vì nhiều lý do : phát triển kỹ thuật đưa đến việc dùng ít lao động ; tư bản Mỹ chuyển đầu tư ra nước ngoài để tăng lợi nhuận ; và sự cạnh tranh giá của hàng Trung Quốc ; kết quả là đa số người Mỹ bị đẩy vào lao động dịch vụ lương thấp, để chỉ có thiểu số làm dịch vụ cần chuyên môn với học vấn cao và lương hậu có ảnh hưởng lớn trong xã hội về mặt văn hóa và chính trị. Sự phân cách này lại cộng hưởng với sự trỗi dậy trong phân cách lớn trong quá khứ giữa những người da trắng đã từng được quyền kỳ thị, từng là nông dân, chủ yếu sống ở miền Trung Tây và đặc biệt là miền Nam nước Mỹ, rồi một phần chuyển thành tầng lớp trung lưu lao động trong công nghiệp, nhưng ngày nay đang dần mất thế, nên họ dễ dàng trở nên nhạy cảm với sự kiện đầu tiên trong lịch sử là một người da đen trở thành Tổng thống Mỹ.
"Sự phân cách này đã thể hiện cụ thể qua thái độ bất mãn với :
"(a) các chương trình trợ cấp xã hội cho 74 triệu người nghèo (bằng 22.5% dân số Mỹ) (1) tưởng như chỉ có người da màu nhận được nhưng thực tế số người nhận trợ cấp có đến 43% người da trắng (2019) qua các chương trình như Medicare (bảo hiểm y tế cho người cao tuổi), Medicaid (bảo hiểm y tế cho người nghèo và tàn tật), phiếu mua thực phẩm (food stamp), huấn nghiệp, trợ cấp cho học sinh nghèo, cho vay với lãi suất thấp cho học sinh nghèo đi học đại học, v.v. Các trợ cấp xã hội này thuộc Chiến tranh Chống Nghèo (War on Poverty) là một phần của Chương trình Xã hội Vĩ đại (Great Society) mà Tổng thống Lyndon B. Johnson thuộc Đảng Dân Chủ khởi động từ năm 1965 và sau đó Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford thuộc đảng Cộng Hòa mở rộng thêm để lấy lòng dân Mỹ lúc đó có khuynh hướng chống chiến tranh Việt Nam.
"(b) Và tất nhiên là không ít người trong giới này cũng bất mãn với Đạo luật Dân quyền (Civil Right Act 1964) cấm phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính, nguồn gốc quốc gia và sau này là khuynh hướng tình dục.
"Trận chiến giữa quá khứ và tương lai này ở Mỹ đã được chính trị gia kiểu Trump lợi dụng làm chiêu bài mà bỏ qua thực tế là nền kinh tế Mỹ hiện nay chỉ làm lợi cho một thiếu số hoạt động trong ngành dịch vụ như tài chính, thông tin và địa ốc. Theo Bloomberg, dựa vào số liệu của Ngân hàng Trung ương Mỹ, 50 người giầu nhất Mỹ nắm giá trị tài sản bằng 165 triệu người có thu nhập thấp (một nửa dân số Mỹ), và trong đó 1% người giầu nhất nắm 50% giá trị cổ phiếu trên thị trường (2).
"Những nhận xét ở trên khá chủ quan mang tính xã hội và tâm lý chỉ đúng với xã hội Mỹ mà tác giả bài này sẽ không cố gắng lý giải. Bài viết chú trọng vào phân tích thực tế chiều hướng tốc độ phát triển ngày càng chậm lại trong kinh tế Mỹ vì ngày càng ít dựa vào sản xuất hàng hóa và tập trung vào dịch vụ môt khu vực khó tăng năng suất lao động. Nhìn dài lâu thì sự chuyển dịch này là tương lai của mọi nền kinh tế, kể cả của Trung Quốc. Sự chuyển dịch này như đã nói sẽ chỉ làm lợi cho một số nhỏ người và làm mất đi cơ sở tạo ra tầng lớp trung lưu trong xã hội. Thế nào là tầng lớp trung lưu cũng khó định nghĩa nhưng nói chung ở Mỹ nó là tầng lớp người có thu nhập từ lao động đủ để chăm nuôi gia đình có 2 con ăn học xong đại học, có bảo hiểm sức khỏe, có khả năng vay mượn và trả nợ mua xe, mua nhà và đủ sống khi về hưu (3). Tuy thế, định nghĩa chính thức của chính phủ vẫn là liên quan đến thu nhập hộ gia đình tính bằng tiền (sẽ bàn sau).
"Tác giả cũng không tìm cách lý giải trên cơ sở lý thuyết kinh tế mà chỉ cố gắng vẽ ra một số mặt của bức tranh kinh tế Mỹ từ 1960 đến nay. Nhưng qua phân tích số liệu, điều rất dễ thấy là không thể giải quyết việc làm và thu nhập không đủ sống ở Mỹ bằng cách bảo hộ mậu dịch. Mỹ có thiếu hụt cán cân thương mại về hàng hóa và dịch vụ với cả thế giới là khoảng 1.4% GDP (2019) trong đó một nửa là với Trung Quốc. Dù xóa được thiếu hụt 1.4% này và bù đắp bằng sản xuất nội địa thì cũng không thể đưa trở về thời 1960-70 khi công nghiệp chiếm tới 25% GDP nhưng hiện nay chỉ còn 11% (và 9% số lao động).
"Số liệu thống kê dùng để phân tích được thu thập từ các cơ quan chính thống có trách nhiệm thu thập thống kê như US Bureau of Census (US Census), Bureau of Labor Statistics (BLS), Bureau of Economic Analysis (BEA) và Office of Management and Budget (OMB). Một số ý niệm cần thiết để hiểu về thống kê lao động, việc làm được ghi trong bảng "một số chú thích quan trọng…" ở Mục II và các ghi chú khác khi cần" (4).
Vũ Quang Việt, Hội thảo Hè 2019, Porto, Portugal, June 2019.
Trích đoạn :
"Cho đến nay lịch sử và các yếu tố đưa đến phát triển dường như đã khá rõ. Phát triển kinh tế gắn liền với sự phát triển và kết hợp giữa ba yếu tố. Yếu tố thứ nhất là tư tưởng dân chủ – tự do – cơ sở để phát triển khoa học và kỹ thuật. Yếu tố thứ hai là nền kinh tế thị trường – với vai trò điều tiết của nhà nước, một nhà nước dân chủ dựa trên sự cân bằng quyền lực giữa lập pháp và hành pháp với sự độc lập của tư pháp nhằm ngăn cản lạm quyền và độc đoán của người cầm quyền đồng thời đảm bảo dân quyền. Và cuối cùng, yếu tố thứ ba là cơ chế đảm bảo sự cạnh tranh và hợp tác hòa bình giữa các quốc gia, dựa trên sự tuân thủ các qui ước dần dần được thiết chế thành luật pháp quốc tế, hoạt động và giải quyết tranh chấp trong các định chế do các tổ chức quốc tế quản lý như Tòa án Quốc tế, Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) để các quốc gia giải quyết tranh chấp, cạnh tranh và hợp tác trên cơ sở hòa bình, tôn trọng nhân quyền và mọi người cùng có lợi.
"Các định chế này dường như đang bị phá vỡ dần bởi Trump hay chính nước Mỹ, một nước đề xướng và đóng góp vào các qui ước và định chế quốc tế về một thế giới tự do về chính trị, và mở rộng thương mại nhằm để các nước cùng phát triển, nhằm lấy lòng một khối dân chúng bảo thủ Mỹ khoảng 30-40% dân, ủng hộ Trump, không chỉ trong cuộc bầu cử năm 2016 mà còn tiếp tục hiện nay. Khối dân chúng này nghĩ gì ? Thứ nhất là sự thất bại hay không thể thắng của các cuộc can thiệp quân sự rất tốn kém vế sức người và sức của, gần như một mình, ở Iraq, Aghanistan, và ở cuộc chiến chống khủng bố của các nhóm Hồi giáo quá khích, và sự thất bại khi hô hào mùa xuân Ả Rập. Thứ hai là nước Mỹ đang dần mất khả năng cạnh tranh với Trung Quốc, một nước được Mỹ lôi kéo, cho nhiều ưu đãi, nhằm chống Liên Xô, đang muốn vươn lên thách thức Mỹ và thống trị thế giới, bất chấp luật pháp quốc tế. Khối dân chúng theo Trump này một phần lớn là tàn dư của đầu óc bảo thủ tôn giáo, đàn ông trị, và kỳ thị da mầu của quá khứ và sự "nổi loạn" của giới thợ thuyền mất việc, trước đây hoạt động trong các ngành công nghiệp như sắt thép, xe hơi, làm hàng tiêu dùng lâu bền…, và một thời là xương sườn của giới trung lưu Mỹ. Trump dù thua phiếu cử tri đã thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 vì phiếu đại cử tri ở 4 bang thường trước đây bầu cho Dân chủ, đó là Michigan, Ohio, Pensylvania, và Wisconsin.
"Như thế, phải chăng thế chế quan hệ quốc tế đã lỗi thời và cần điều chỉnh vì nước Mỹ không thể tiếp tục nhận nhiệm vụ cường quốc số một thế giới mà cần chia sẻ trách nhiệm và Mỹ cũng cần bảo hộ mậu dịch để tự bảo vệ minh ? Và Trump là người bắt đầu bằng cách đập phá thể chế cũ dù không đưa ra được viễn kiến về thể chế mới ? Làm một cách ý thức hay vô ý thức ? Vấn đề gì sẽ xảy ra sau đó ? Bài này chỉ nhằm đặt câu hỏi sau khi đánh giá khả năng phát triển của Trung Quốc như một lực lượng kinh tế và qua đó là lực lượng quân sự.
"Bài viết kết luận về khả năng vươn lên về kinh tế của Trung Quốc như là lực lượng hàng đầu sánh ngang Mỹ vào năm 2035 so về khả năng tài chính, qua đó có thể tăng chi cho quân sự ngang bằng Mỹ, dù thu nhập đầu người còn thấp hơn nhiều. Cũng chính khả năng vươn lên của Trung Quốc, vì họ có thể cùng một lúc dùng ưu thế thị trường lớn và tính phi thị trường của nền kinh tế. Sự hấp dẫn của thị trường lớn với tiềm năng doanh thu và lợi nhuận cao cho phép họ đòi hỏi hoặc ép các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ. Tính phi thị trường thể hiện qua việc doanh nghiệp không thể cưỡng lại chỉ thị của Đảng, dù là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, trong đó có mục tiêu ngăn chặn cạnh tranh song phẳng. Sức mạnh kinh tế cho phép tăng cường quân sự nhằm áp đảo nước khác. Phải chăng chính thái độ này của Trung Quốc đã đẻ ra hiện tượng Trump ? Và thế giới sẽ đối phó như thế nào khi khả năng Trung Quốc sánh ngang Mỹ trở thành hiện thực và nhất là khi các cam kết của Mỹ mất đi tính khả tín ?
"Kết quả dự đoán
2017 2035
Tỷ trọng GDP so với thế giới
Mỹ 21,7% 19,3%
Trung Quốc 12,7% 19,3%
GDP đầu người (tính theo giá 2010 USD) % Tăng
Mỹ 53.469 75.486 41%
Trung Quốc 7.207 17.665 145%
Thế giới 10.665 15.556 46%
"Hiện tượng Trump ở Mỹ có thể không phải nhất thời, nhất là khi Trung Quốc trở thành nguy cơ cho hòa bình thế giới. Vì vậy, cần đánh giá khả năng tan rã của cái gọi là thế giới tự do. Trump, đại diện cho một khuynh hướng ở Mỹ, chỉ tập trung bảo vệ quyền lợi của Mỹ, không chỉ chống Trung Quốc mà chống mọi người. Khuynh hướng Trump không còn đặt vấn đề xây dựng khối đoàn kết hay đồng minh trên thế giới để chống lại lực lượng phản động có thể gây chiến tranh thế giới. Đây là hiện tượng nhất thời hay dài lâu ? Cuộc chiến giữa hai con hổ liệu có thể xảy ra ? Và cuộc chiến này nếu có không phải là cuộc chiến bảo vệ hòa bình mà vì quyền lợi riêng tư.
"Tình hình này sẽ đi về đâu ? Khi bị bỏ rơi, liệu các nước nhỏ có thể liên minh hình thành một lực lượng thứ ba, và liệu liên minh này có thể tự đứng vững hay là đành lép vế trở thành chư hầu của Trung Quốc ?
"Và thái độ thích hợp nhất cho Việt Nam ? Đồng minh với Trung Quốc thì câu trả lời rõ ràng là không. Đồng minh với Mỹ dựa vào quyết định hai chiều, mà hai bên đều chưa thấy lý do, sự tin cậy và lợi ích để cam kết. Cho nên Việt Nam chỉ có một con đường là sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của mình theo đúng luật quốc tế, nhất là luật biển, phát động chiến lược và chiến thuật tranh thủ quốc tế ủng hộ mình nhằm ngăn chặn Trung Quốc xâm phạm bằng bạo lực, và đó chính là con đường đi đến tự do, dân chủ, tự do và nhân quyền, vừa lợi cho chính dân tộc mình mà vừa dễ dàng tranh thủ được sự đồng tình của thế giới. Có thể tóm gọi bằng một khẩu hiệu sau : Việt Nam không thân Trung Quốc, không thân Mỹ, nhưng cần thân tự do dân chủ nhân quyền" (5).
***
Như thế, về đối nội, có lẽ đây là lúc mà Mỹ phải có chính sách bảo đảm thu nhập tối thiểu cho mọi người, xây dựng hạ tầng và nhất là vốn xã hội để tầng lớp trung lưu thấy cơ hội thăng tiến và như thế không thể không tăng thuế đối với người giàu và hoạt động kinh doanh tài chính (ngày càng phục vụ người giàu). Những điều đối nội này không dễ thực hiện nếu không có đồng thuận chính trị. Mỹ tiếp tục đi xuống hay chặn được đi xuống là vấn đề khó kết luận vào lúc này.
Nếu không giải quyết được vấn đề đối nội thì tôi sợ rằng Mỹ sẽ là một cường quốc đi xuống không khác nhiều với Nga hiện nay.
Dĩ nhiên là Mỹ vẫn phải điều chỉnh chính sách ngoại thương nhưng nhìn xa thì đây không phải là chuyện thật lớn. Chính sách điều chỉnh phải bảo đảm an ninh quốc gia, nhưng tựu trung là bảo đảm các nước thực hiện đúng cam kết, và xóa bỏ ưu đãi đối với những nước như Trung Quốc được coi là nước "đang phát triển". Mỹ không thể đóng cửa, cũng không thể có hàng trăm hiệp định với hàng trăm nước.
Vũ Quang Việt
Chú thích :
(1) 74 triệu là con số chính thức của chính phủ về người nhận trợ cấp qua Medicaid và CHIP. Con số này cao hơn con số người nghèo trong phụ lục bàn về người nghèo.
(3) https://money.cnn.com/infographic/economy/what-is-middle-class-anyway/index.html.
(4) Phần trích dẫn bài Chuyển biến kinh tế Mỹ và sự thất thế của tầng lớp trung lưu tác giả ủy cho BVN chọn lựa từ bản gốc.
(5) Phần trích dẫn bài Mô hình khối thế giới dân chủ – tự do – nhân quyền và phát triển kinh tế : đang thoái trào hay tan rã tác giả ủy cho BVN chọn lựa từ bản gốc.
Chào quý vị,
Hơn bất cứ điều gì, điều tiên quyết mà nội các của tôi và tôi đã tâm niệm trong những tuần qua là tìm cách giải quyết đại dịch coronavirus và bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận với dịch vụ y tế phải chăng đầy phẩm chất.
Tổng thống đắc cử Joe Biden chính thức công bố các thành viên chủ chốt trong nhóm y tế của anh ấy. (Nguồn : CNN)
Khi Kamala và tôi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 tới, nhiệm vụ đầu tiên và cấp thiết nhất là chống lại đại dịch và bảo đảm sự an toàn cho người dân Mỹ khắp đất nước. Đó là lý do tôi rất vinh hạnh được giới thiệu ban y tế quốc gia mà tôi tin chắc họ có thể đáp ứng được thử thách phía trước.
1. Bộ trưởng Y tế và Dân sinh Xavier Becerra : Ông là Tổng Chưởng lý của tiểu bang California, một chiến binh thâm niên trong việc mở rộng chương trình y tế đến người dân. Ông là một cựu dân biểu quốc hội từng giúp thúc đẩy việc thông qua Obamacare và dẫn dắt việc bảo vệ đạo luật này tại Tối cao Pháp viện vào tháng trước. Nếu được chuẩn thuận, Becerra sẽ là người gốc Latino đầu tiên lãnh đạo Bộ Y tế. Tôi rất hân hạnh có được sự lãnh đạo và tầm nhìn của ông là cốt lõi của ban y tế.
(Tiểu sử : Sinh trong một gia đình lao động gốc Mexico, Xavier Becerra là người đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp đại học. Ông tốt nghiệp Tiến sĩ Luật khoa Đại học Stanford, hành nghề luật sư trước khi tham gia chính trường cấp tiểu bang và liên bang từ năm 1990. Ông là một dân biểu 12 nhiệm kỳ tại Hạ Viện Hoa Kỳ trước khi trở thành Tổng Chưởng lý California).
2. Y sĩ trưởng Hoa Kỳ Vivek Murthy : Bác sĩ Murthy là một bác sĩ danh tiếng, nhà nghiên cứu và là cựu Phó Đô đốc trong Biệt đoàn Dịch vụ Y tế công cộng. Ông đã được Thượng Viện chuẩn thuận cho nhiệm vụ tương tự, giữ chức vụ "Bác sĩ Hoa Kỳ" từ năm 2014 đến năm 2017. Là tiếng nói tín cẩn của quốc gia về các vấn đề y tế và là một trong những cố vấn lâu năm của tôi, ông hiện là đồng Chủ tịch Ban cố vấn nhóm chuyển tiếp về Covid-19. Tôi rất phấn khích chào đón Bác sĩ Murthy trở lại cương vị cũ.
(Tiểu sử : Bác sĩ Vivek Murthy sinh tại Anh trong gia đình gốc Ấn Độ, sang Mỹ từ nhỏ. Ông tốt nghiệp MBA và Y khoa tại Đại học Yale. Đồng sáng lập tổ chức giáo dục về HIV/AIDS khi đang theo học Đại học Harvard và sáng lập viên kiêm Chủ tịch tổ chức Doctors of America với sự tham gia của 15.000 bác sĩ và sinh viên y khoa, ông sáng lập các hãng y tế khởi nghiệp trước khi vào Ban cố vấn y tế cho tổng thống và trở thành Y sĩ trưởng vào năm 2013 trong nội các Tổng thống Obama).
3. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC : Bác sĩ Rochelle Walensky là một chuyên gia hàng đầu về xét nghiệm, phòng ngừa và điều trị virus. Là Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Massachusetts và là Giáo sư Y khoa tại Đại học Harvard, Bác sĩ Walensky ở ngay tuyến đầu trong việc đối phó đại dịch Covid-19 tại Massachusetts. Tôi tự hào khi có bà vào Ban y tế.
(Tiểu sử : Bác sĩ Rochelle Walensky tốt nghiệp bác sĩ Y khoa tại Đại học Johns Hopkins và Cao học Y tế Cộng đồng tại Đại học Harvard, giảng dạy tại Đại học Harvard từ năm 2001. Bà là khoa học gia chuyên nghiên cứu bịnh truyền nhiễm và HIV/AIDS nổi tiếng thế giới).
4. Chủ tịch Ban Đặc nhiệm về Covid-19 : Bác sĩ Marcella Nunez-Smith là một trong những chuyên gia hàng đầu quốc gia về vấn đề cách biệt y tế giữa các nhóm dân và là Giáo sư Y khoa tại Đại học Yale. Bác sĩ Nunez-Smith là Giám đốc sáng lập của Trung tâm Nghiên cứu và Đổi mới về Công bằng của Đại học Yale và là đồng chủ tịch Ban cố vấn nhóm chuyển tiếp về Covid-19 của tôi. Tiến sĩ Nunez-Smith sẽ cố vấn về nỗ lực giảm bớt sự cách biệt trong việc đối phó, chăm sóc và điều trị Covid, bao gồm cả sự cách biệt vì chủng tộc và sắc tộc của toàn chính phủ. Không có ai đủ phẩm chất hơn Bác sĩ Nunez-Smith để đảm nhận nhiệm vụ quan trọng này.
(Tiểu sử : Nguyên quán từ Virgin Islands, lãnh thổ của Hoa Kỳ, Bác sĩ Marcella Nunez-Smith tốt nghiệp bác sĩ Y khoa tại Đại học Jefferson Medical College và Cao học Y tế Cộng đồng tại Đại học Yale. Các nghiên cứu của bà chú trọng vào các vấn đề y tế cộng đồng, sự phân biệt đối xử trong y khoa và tại các trường Y).
5. Trưởng Cố vấn Y tế về Covid-19 cho Tổng thống : Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và bệnh truyền nhiễm là một trong những nhân vật được tin cậy nhất nước Mỹ trong suốt đại dịch và trong nhiều thập niên trước. Ông sẽ vẫn là một tiếng nói cần thiết để chiến thắng đại dịch Covid-1, cả việc thông tin về các rủi ro y tế và các biện pháp an toàn đến công chúng cũng như giúp cộng đồng khoa học, nội các Biden-Harris cùng giới lãnh đạo địa phương. Bác sĩ Fauci có kinh nghiệm cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ.
(Tiểu sử : Bác sĩ Anthony Fauci tốt nghiệp Đại học Y khoa Cornell và được xem là một trong những bác sĩ hàng đầu nước Mỹ với 45 bằng tiến sĩ danh dự được các đại học khắp thế giới trao tặng. Phục vụ nền y tế Hoa Kỳ qua sáu đời tổng thống trong hơn 50 năm qua, Bác sĩ Fauci sẽ trở thành người đầu tiên liên tục phục vụ bảy đời tổng thống khi trở thành cố vấn y tế cho Tổng thống tân cử Joe Biden).
6. Chánh điều hợp viên nhóm đối phó Covid-19 và Cố vấn Tổng thống : Jeff Zient là một công chức tài ba được nhiều người biết đến về các thành tích đặc biệt trong việc quản trị thành công các sáng kiến to lớn và phức tạp. Anh từng nhận được sự tán thưởng rộng rãi vì khả năng lãnh đạo cuộc bức phá công nghệ cho trang HealthCare.gov vào năm 2013 và đã giám sát chương trình tiết kiệm nhiên liệu "Cash for Clunkers". Zient sẽ cố vấn cho chúng tôi về việc thực hiện cuộc đối phó Covid của chính phủ liên bang, bao gồm việc quản trị sự phân phối thuốc chủng ngừa được an toàn và công bằng, chuỗi cung ứng liên quan đại dịch và sự phối hợp giữa các cơ quan liên bang, chính quyền tiểu bang và địa phương. Tôi rất vui được bổ nhiệm anh vào vai trò quan trọng này.
(Tiểu sử : Jeff Zient, gốc Do Thái và tốt nghiệp ngành Chính trị học tại Đại học Duke. Từng nắm giữ các chức vụ Chủ tịch, Tổng Quản trị các hãng tài chính, đầu tư trước khi trở thành Phó Giám đốc Văn phòng Quản trị và Ngân sách, thành viên Hội đồng Kinh tế quốc gia trong nội các Tổng thống Obama).
7. Phó điều hợp viên đối phó Covid-19 : Natalie Quillian là một chuyên gia an ninh quốc gia và cựu cố vấn cấp cao của Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài, đã từng đóng một vai trò quan trọng đối phó vấn đề opioid trong nội các Obama-Biden. Tôi rất phấn khích được chào đón cô trở lại trong vai trò mới này.
(Tiểu sử : Natalie Quillian tốt nghiệp Cao học về Đối ngoại tại Đại học Princeton, ban giám đốc học bổng Fulbright. Bà nằm trong phái bộ ngoại giao Hoa Kỳ tại NATO, Giám đốc Chính sách Quốc phòng tại Bộ Quốc phòng, Phó Phụ tá Tổng thống và thành viên Hội đồng An ninh quốc gia trong nội các Tổng thống Obama).
Đây là một ban gồm các cấp lãnh đạo vô cùng kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế công cộng, chính phủ và quản trị khủng hoảng mang hình ảnh nước Mỹ. Họ là những chuyên gia trong các lĩnh vực của mình, những người sẽ khôi phục lòng tin của công chúng trong việc ứng phó đại dịch qua sự lãnh đạo bằng dữ liệu, khoa học, sự ngay thẳng và nhất quán trong việc kiểm soát Covid-19.
Tôi hứa với quý vị điều này rằng : Ban y tế của chúng tôi sẽ sẵn sàng ngay ngày đầu tiên để huy động mọi nguồn lực của chính phủ liên bang nhằm mở rộng việc xét nghiệm, giám sát việc phân phối thuốc ngừa và việc điều trị được an toàn, công bằng và miễn phí, tái mở cửa trường học và các doanh nghiệp một cách an toàn, giảm giá thuốc và các chi phí y tế khác, mở rộng chương trình y tế phải chăng cho tất cả người dân Mỹ. Họ được trang bị rất tốt để tập hợp quốc gia và khôi phục lại niềm tin rằng không có gì vượt quá khả năng nước Mỹ nếu chúng ta cùng chung tay.
Cảm ơn quý vị đã cùng tôi chào đón họ vào nội các chính phủ.
Joe Biden
Nhã Duy chuyển dịch và giới thiệu tiểu sử
(09/12/2020)
Thư tổng thống tân cử Joe Biden giới thiệu ban lãnh đạo kinh tế quốc gia
Chào quý vị,
Đây là Biden,
Năm nay chúng ta không phải chỉ có những cuộc tụ họp ít người quanh bàn tiệc lễ Tạ ơn mà nhiều gia đình Mỹ còn đối diện lắm điều bất ổn. Đại dịch Covid-19 không chỉ gây ra cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng mà còn gây ra cả khủng hoảng kinh tế. Nhiệm vụ của tân Phó Tổng thống Kamala Harris và tôi sẽ là đối đầu trực tiếp với cuộc khủng hoảng kinh tế này và trợ giúp người dân ngay khi nhậm chức.
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden giới thiệu Ban lãnh đạo kinh tế quốc gia của tại Nhà hát Queen ở Wilmington, Delaware, ngày 1/12/2020. (Hàng trên từ trái sang phải) Cecilia Rouse, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế ; Janet Yellen, Bộ trưởng Ngân khố (Tài chính) và Adewale Wally Adeyemo, Phó Bộ trưởng Bộ Ngân khố. (Hàng dưới từ trái sang phải) Jared Bernstein, Hội đồng Cố vấn Kinh tế ; Neera Tanden, Giám đốc Văn phòng Quản trị và Ngân sách ; Heather Boushey, Hội đồng Cố vấn Kinh tế. Ảnh Chandan Khanna / AFP Getty images
Đó là lý do tôi rất hãnh diện để giới thiệu đến quý vị ban lãnh đạo kinh tế của nội các chúng tôi, sẽ giúp chúng ta tái dựng nền kinh tế quốc gia được phồn thịnh hơn bao giờ.
1. Bộ trưởng Ngân Khố Janet Yellen (Secretary of the Treasury) : Janet là một trong những kinh tế gia hàng đầu của nước Mỹ. Bà từng là Chủ tịch thứ 15 của Cục Dự trữ Liên bang, là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo hệ thống ngân hàng trung ương Hoa Kỳ. Một khi được chuẩn thuận, bà sẽ lập kỷ lục khác khi trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức Bộ trưởng Ngân Khố trong 231 năm qua và là người đầu tiên đã từng kinh qua các chức vụ Bộ trưởng Ngân Khố, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang và Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế. Tôi rất tự hào khi có bà cầm lái dàn cố vấn kinh tế quốc gia bằng khả năng lãnh đạo đầy tiên phong của bà.
(Tiểu sử : Thủ khoa trung học, Tiến sĩ Kinh tế Đại học Yale, giáo sư kinh tế học Đại học Harvard và Berkely. Thành viên ban Thống đốc Ngân hàng Liên bang trước khi nắm giữ các trọng trách kinh tế trong các nhiệm kỳ tổng thống Bill Clinton và Barack Obama. Bà từng được tạp chí Forbes sắp hạng là người phụ nữ quyền lực thứ nhì thế giới, theo sau thủ tướng Đức Angela Markel vào năm 2014. Chồng bà là kinh tế gia George Akerlof đã đạt giải Nobel Kinh tế 2001).
2. Giám đốc Văn phòng Quản trị và Ngân sách Neera Tanden (Director of Office of Management and Budget - OMB) : Neera đã được thử thách và sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ Giám đốc OMB. Bà từng tiên phong trong việc kiến tạo các chính sách hỗ trợ các gia đình thuộc giới nhân công của Hoa Kỳ. Neera sẽ chiến đấu cho gia đình của quý vị như thể cho chính mình vì là người từng nhận giúp đỡ tem phiếu thực phẩm và trợ giúp gia cư (Section-8), yếu tố này đã truyền cho Neera niềm tin rằng, nền kinh tế của chúng ta phải phục vụ dựa trên phẩm giá và nhân đạo của tất cả mọi người. Nếu được chuẩn thuận, bà sẽ là phụ nữ da màu đầu tiên và là người Mỹ gốc Châu Á đầu tiên lãnh đạo OMB. Tôi rất phấn khích chứng kiến cô tạo nên lịch sử.
(Tiểu sử : Neera Tanden, sinh năm 1970 tại Massachusetts trong một gia đình di dân Ấn Độ. Bà tốt nghiệp tiến sĩ Luật Đại học Yale. Làm việc cho các tổ chức Think Tank trước khi tham gia các các vai trò lãnh đạo và cố vấn trong các vấn đề chính sách thời Clinton và Obama. Bà được các tạp chí Elle, National Journal xếp vào danh sách những phụ nữ quyền lực tại Wahington DC trong năm 2012 và 2014).
3. Phó Bộ trưởng Ngân Khố Wally Adeyemo : Wally là người đứng đầu và trung tâm trong nhóm cố vấn đưa ra các quyết định kinh tế trong nội các Obama-Biden. Trong nhiều trọng trách đa dạng từng nắm giữ, ông từng là cố vấn kinh tế quốc tế cho Tổng thống Obama và hiện đang là Chủ tịch tổ chức Obama Foundation. Nếu được chuẩn thuận, Wally sẽ là Thứ trưởng Bộ Ngân Khố gốc Châu Phi đầu tiên. Không ai bản lãnh hơn Wally cho chức vụ này nhằm giúp nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại và tôi tự hào có được Wally trong nội các mình.
(Tiểu sử : Sinh năm 1981, Wally Adeyemo tốt nghiệp tiến sĩ Luật Đại học Yale. Là cố vấn kinh tế và chính trị trong nội các Tổng thống Obama, Phó Chánh Văn phòng Bộ trưởng Bộ Ngân Khố, Wally Adeyemo là đặc sứ kinh tế của tổng thống tại các hội nghị G7, G20 và thương thuyết gia trưởng Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP)
4. Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Cecilia Rouse (Chair of the Council of Economic Advisers-CEA) : Nếu được chuẩn thuận, Cecilia Rouse sẽ là người Mỹ gốc Phi đầu tiên và là người phụ nữ thứ tư lãnh đạo Hội đồng Cố vấn Kinh tế quốc gia. Cecilia đã từng làm việc trong Hội đồng Cố vấn nội các Obama-Biden và Hội đồng Kinh tế Quốc gia trong nội các Clinton. Cecilia là Trưởng hoa Chính sách công và Quốc tế học thuộc Đại học Princeton. Tôi biết Cecila là một nhà lãnh đạo xuất chúng, có kinh nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ và mang lại kết quả thực sự.
(Tiểu sử : Cecilia Rouse tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế Đại học Harvard, Giáo sư trưởng khoa Đại học Princeton, tác giả nhiều nghiên cứu kinh tế quan trọng về chính sách kinh tế. Sinh ra trong một gia đình học thuật khi có cha mẹ và các chị em đều là những giáo sư, tiến sĩ, bà Cecilia Rouse chuyên nghiên cứu về kinh tế việc làm và thị trường nhân công. Bà cũng là con dâu của văn sĩ nổi tiếng Toni Morrison, người đạt giải Nobel Văn Chương năm 1993).
5. Thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế Jared Bernstein : Jared là một trong những cố vấn kinh tế tín cẩn nhất của tôi và từng là kinh tế gia trưởng của tôi thời nội các Obama-Biden. Ông từng là Giám đốc Điều hành của Nhóm Đặc nhiệm Bạch Ốc về tầng lớp trung lưu cho nội các Obama-Biden, làm việc tại Học viện Chính sách Kinh tế, phục vụ trong nội các Clinton. Từng là nhân viên xã hội, Jarred được trang bị những phẩm chất riêng biệt để lãnh đạo các chính sách kinh tế mở rộng các cơ hội cho giới nhân công Mỹ.
(Tiểu sử : Jared Bernstein tốt nghiệp Tiến sĩ Xã hội học Đại học Columbia, giáo sư Đại học và nhà bình luận kinh tế cho các cơ quan truyền thông quốc gia như Washington Post, New York Times, CNBC..., chuyên nghiên cứu và làm việc về các chính sách công, tạo công ăn việc làm)
6. Thành viên của Hội đồng Cố vấn Kinh tế Heather Boushey : Tôi đã biết Heather đã lâu và tôi biết bà sẽ đóng góp lớn cho CEA. Heather là tiếng nói hàng đầu về các chính sách kinh tế và hiện là Chủ tịch kiêm Tổng Quản trị tổ chức Washington Center for Equitable Growth. Heather có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các tổ chức cố vấn think tank và tại Quốc hội. Bà là chuyên gia về tác động của sự bất bình đẳng hệ thống đối với tăng trưởng kinh tế. Tôi tự hào khi có cô cùng tham gia.
Tiểu sử : Heather Boushey, sinh năm 1970, là Tiến sĩ Kinh tế, tác giả của nhiều sách kinh tế học. Từng là kinh tế gia của các tổ chức và ủy ban kinh tế Quốc hội và quốc gia, bà được công bố là trưởng kinh tế gia liên danh tổng thống Hillary Clinton một khi đắc cử năm 2016)
Thưa quý vị,
Ban lãnh đạo kinh tế này gồm những nhân vật có tài năng xuất chúng được kính trọng và từng trải qua thử thách trong vai trò phục vụ đại chúng. Họ sẽ giúp đỡ các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 và giải quyết những bất bình đẳng có hệ thống trong nền kinh tế chúng ta. Đây là một ban lãnh đạo mang hình ảnh nước Mỹ, có mục đích cao cả, khả năng siêu việt và niềm tin vững chắc vào lời tuyên hứa của nước Mỹ.
Họ sẽ làm việc không mệt mỏi để bảo đảm mọi người Mỹ đều được đáp trả công bằng trong công việc và cơ hội thăng tiến bình đẳng, đồng thời giúp các doanh nghiệp của chúng ta có thể phát đạt và cạnh tranh với thế giới.
Tôi tin tưởng vào ban cố vấn này và biết rằng chẳng có gì mà người Mỹ chúng ta không cùng nhau làm được, khi dồn hết tâm trí cho nó.
Cảm ơn quý vị đã đọc
Joe Biden
Nhã Duy chuyển dịch và giới thiệu tiểu sử ban cố vấn
(04/12/2020)
Việc Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ vấp phải nhiều phản ứng trái chiều từ công chúng Việt Nam. Một số bày tỏ sự thất vọng trước thất bại của Tổng thống Donald Trump vì cho rằng Việt Nam nhìn chung được hưởng lợi từ các chính sách của Trump, chẳng hạn như lập trường cứng rắn của ông đối với Trung Quốc hay cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Những người khác hy vọng rằng Biden sẽ áp dụng một lập trường cứng rắn tương tự đối với Trung Quốc trong khi có các hành vi dễ đoán hơn và ít hung hăng hơn trong việc thúc đẩy các biện pháp thương mại trừng phạt chống lại Việt Nam.
Vẫn cần thêm thời gian để biết chính sách Việt Nam của chính quyền Biden sẽ như thế nào, nhưng có cơ sở để tin rằng chính sách đó sẽ mang nhiều tính kế thừa hơn là thay đổi, và quan hệ song phương sẽ nhiều khả năng tiếp tục được tăng cường bất chấp những trở ngại nhất định.
Thứ nhất, lợi ích chiến lược của hai nước sẽ tiếp tục hội tụ, đặc biệt là trên Biển Đông. Do cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung đang gia tăng, chính quyền Biden có thể sẽ duy trì một lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành động gây hấn ở Biển Đông, hai nước có thể tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác chiến lược. Hoa Kỳ cần tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải và khuyến khích Việt Nam tham gia vào các thỏa thuận an ninh đa phương hẹp, ví dụ như các hoạt động của Bộ Tứ. Việt Nam có thể mua vũ khí và trang thiết bị quân sự từ Mỹ, hoặc cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận thường xuyên hơn các cơ sở dịch vụ quân sự của mình.
Thứ hai, mặc dù chính quyền Biden sẽ không bỏ qua khoản thâm hụt thương mại lớn và đang gia tăng của Mỹ với Việt Nam, nhưng họ có thể sẽ áp dụng một cách tiếp cận hợp lý hơn để giải quyết vấn đề này. Thay vì cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ – một cáo buộc mà Việt Nam luôn phủ nhận và các học giả và nhà phân tích đã chứng minh là không có cơ sở – chính quyền Biden có thể sẽ gây áp lực buộc Việt Nam nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ và ngăn các công ty Trung Quốc trung chuyển hàng xuất khẩu sang Mỹ qua Việt Nam. Chính quyền Biden cũng có thể nhận ra rằng sự gia tăng gần đây trong xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ một phần là do cuộc chiến thương mại mà Mỹ đang tiến hành chống lại Trung Quốc, điều khuyến khích một số nhà cung cấp chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam.
Biden có thể muốn dẫn dắt Mỹ quay lại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trong thương mại đa phương. Nếu điều này thành hiện thực, quan hệ song phương sẽ được tăng cường đáng kể. Tuy nhiên, nếu Biden thực sự muốn Mỹ tham gia trở lại, ông có thể sẽ tìm kiếm những thay đổi đối với Hiệp định mà các thành viên hiện tại không muốn thực hiện. Vào tháng 9, một quan chức Việt Nam cho biết Việt Nam có thể muốn đàm phán một hiệp định thương mại tự do song phương với Mỹ nếu Biden giành chiến thắng. Nếu bắt đầu một cuộc đàm phán như vậy, hai bên có khả năng giải quyết các bất đồng thương mại một cách "hòa bình hơn" và củng cố hơn nữa nền tảng kinh tế của quan hệ song phương.
Thứ ba, bản thân Biden dường như có quan điểm tích cực về Việt Nam. Năm 2015, trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Biden, lúc đó là Phó Tổng thống, đã tổ chức tiệc chiêu đãi ông Trọng và lảy Kiều để bày tỏ sự lạc quan về quan hệ song phương. Tuần trước, ông đã bổ nhiệm Antony Blinken làm Ngoại trưởng trong nội các sắp tới của mình. Blinken cũng có quan điểm thân thiện đối với Việt Nam. Trong thời gian diễn ra chuyến thăm Hoa Kỳ của TBT Trọng hồi năm 2015, Blinken, khi đó là Thứ trưởng Ngoại giao, đã viết một bài bình luận có tựa đề "Cơ hội chiến lược để thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ", trong đó ông bày tỏ sự lạc quan mạnh mẽ về quan hệ song phương. Mặc dù chính sách Việt Nam của chính quyền Biden sẽ được định hướng chủ yếu bởi lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ, nhưng quan điểm cá nhân tích cực của các quan chức chủ chốt về Việt Nam có thể giúp duy trì quỹ đạo đi lên của quan hệ song phương.
Tuy nhiên, một yếu tố tiềm tàng có thể gây cản trở cho quan hệ song phương trong bốn năm tới là việc chính quyền Biden nhấn mạnh khía cạnh dân chủ và nhân quyền, dự kiến sẽ là một trong những yếu tố chính giúp phân biệt chính sách đối ngoại của Biden với chính sách đối ngoại của Trump. Nếu Biden thực hiện cam kết này, Việt Nam sẽ cần phải cải thiện hồ sơ nhân quyền của mình để tránh những trở ngại trong quan hệ song phương.
Tuy nhiên, vấn đề này nhiều khả năng sẽ không làm chệch hướng quan hệ song phương. Mặc dù có những khía cạnh trong hồ sơ nhân quyền Việt Nam cần cải thiện, nhưng nhìn chung hồ sơ nhân quyền của Việt Nam không quá tệ đến mức khiến Washington phải áp dụng các biện pháp mạnh tay, đặc biệt nếu so với một số quốc gia láng giềng. Do mong muốn thu hút sự tham gia của Hà Nội vào các nỗ lực nhằm cân bằng lại Bắc Kinh, Washington sẽ có xu hướng giảm nhẹ vấn đề nhân quyền trong quan hệ với Hà Nội. Rốt cuộc, dưới thời chính quyền Obama, quan hệ song phương vẫn được cải thiện đáng kể, tiêu biểu là việc hai bên thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013.
Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam vẫn chưa chúc mừng Biden đắc cử là một vấn đề gây khó hiểu với nhiều người. Năm 2016, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã chúc mừng Trump rất sớm ngay sau ngày bầu cử. Còn lần này, có lẽ Hà Nội muốn chờ kết quả chính thức. Một lý do khả dĩ cho điều này là Việt Nam có thể vẫn muốn làm việc với các quan chức cấp cao của chính quyền Trump nhằm "khóa chốt" những bước tiến gần đây trong quan hệ song phương. Một số nhà phân tích cũng cho rằng Việt Nam có thể muốn tránh chọc giận Trump, người có thể đưa ra các quyết định bất lợi cho Việt Nam trong những ngày cuối cùng tại nhiệm. Cho dù lý do cho sự thận trọng này là gì, động lực mạnh mẽ của quan hệ Việt – Mỹ sẽ nhiều khả năng tiếp tục được duy trì sau khi Tổng thống Biden tuyên thệ nhậm chức.
Lê Hồng Hiệp
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 01/12/220
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên Fulcrum.sg, chuyên trang bình luận quốc tế của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), Singapore.