‘Lời nói dối hào nhoáng’
Hãy xem xét Tuyên bố chung đạt được giữa tổng thống Nga, Vladimir Putin, và lãnh đạo Ba Đình ! Theo đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm và Putin nhất trí làm sâu sắc hơn nữa quan hệ "đối tác chiến lược toàn diện", tăng cường tương tác, tạo ra các hình thức và cơ chế hợp tác mới.
Ông Tô Lâm (phía trái trên thảm đỏ), và ông Putin, duyệt hàng quân danh dự tại Phủ Chủ Tịch tại Hà Nội, 20 tháng Sáu, 2024.
Trong Tuyên bố chung có hai điểm giới quan sát cho là quan trọng trong tình hình địa-chính trị thế giới và khu vực hiện nay.
Điểm thứ nhất, hai bên thỏa thuận tăng cường quan hệ "đối tác chiến lược toàn diện", đồng thời nhất trí không "gia nhập liên minh hay hiệp ước với bên thứ ba để gây tổn hại cho độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau".Điểm quan trọng tiếp theo, Tổng thống Nga nhận định rằng Liên bang Nga và Việt Nam có quan điểm giống nhau về tình hình khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Và khu vực này đang là "điểm nóng thứ hai" trong quan hệ quốc tế sau "điểm nóng thứ nhất" ở Châu Âu (1).
Nếu công nhận Châu Á – Thái Bình Dương là "điểm nóng thứ hai" có nghĩa Tổng thống Putin gián tiếp thừa nhận tình hình căng thẳng lâu nay trên Biển Đông là một trong những nguồn gốc gây ra "điểm nóng" ấy và đó cũng là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam hiện thời. Dõi theo các diễn biến gần đây nhất có thể thấy, tình hình căng thẳng ấy chính là do Trung Quốc triển khai "chiến lược vùng xám". Theo đó, lệnh cấm đánh bắt cá từ ngày 1/5 đến 16/9/2024 trên các khu vực biển, trong đó có Biển Đông, không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, mà còn vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 (2).Tiếc rằng, Tuyên bố chung giữa hai nước đã không có lấy một lời nào đề cập đến biến cố ngang ngược này từ phía nhà cầm quyền Trung Quốc.
Trong khi đó, dư luận chưa quên một phát ngôn trước đây của Putin từng gây chấn động xã hội Việt Nam. Theo đó, trong một phát biểu tại Quảng Châu, Putin ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh rằng, phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague là không hợp lý… Việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông chỉ làm phức tạp thêm tình hình (3). Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn một mực phủ nhận phán quyết của PCA, một phán quyết bác bỏ các yêu sách vô thiên, vô pháp của Bắc Kinh về các vùng biển chủ quyền của Việt Nam và một số nước ASEAN khác. Cho nên Tuyên bố chung với Việt Nam ngày 20/6, nói rằng,Nga khẳng định tính phổ quát và toàn vẹn của Công ước liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) – là nền tảng pháp lý cho tất cả hoạt động trên biển và đại dương và có vai trò chủ đạo trong phát triển hợp tác ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, nhấn mạnh cần duy trì tính toàn vẹn của Công ước (4) – hoàn toàn là những lời nói dối hào nhoáng.
Tuyên bố chung cũng đề cập tới việc "thúc đẩy tiến trình khách quan hình thành trật tự thế giới đa cực… dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc… bao gồm tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền dân tộc tự quyết, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực…". Căn cứ những cơ sở pháp lý tại Tuyên bố chung này, rõ ràng, Tổng thống Putin đang đối mặt với lệnh bắt giữ ông, với tư cách là Tổng thống Nga, liên quan đến tội ác chiến tranh gây ra cho trẻ em Ukraine. Lệnh này do Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành ngày 17/3/2023, sau cuộc điều tra về tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng… (5). Không ai được phép lãng quên, cuộc xâm lược của Putin tiến hành chống lại dân thường Ukraine đã và đang ảnh hưởng đến hàng ngàn gia đình Việt Nam sinh sống tại đó, mang đến đau khổ, gây ra đổ nát, tuyệt vọng và tiếp tục đe dọa các công trình văn hóa Việt Nam trên xứ sở Hoa Hướng Dương, cũng như tính mạ ng của những người dân Việt vẫn còn đang cư trú trong mái nhà của họ ở Ukraine (6).Vậy điều mà Tuyên bố chung gọi là "không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình tranh chấp", có phải là những lời nói dối đáng hổ thẹn ?
Hệ lụy từ các chuyến thăm của Putin
Tổng thống Putin vừa làm được điều báo giới gọi là "động thái chiến lược" nhằm củng cố liên minh và chống lại ảnh hưởng của phương Tây khi đi thăm Triều Tiên và Việt Nam.Còn quá sớm để đánh giá hiệu ứng từ các chuyến thăm của Tổng thống Putin vừa rời các thủ đô của "hai nước anh em". Báo chí chính thống của Đảng những ngày này được bật đèn xanh để tung hô lên tận "thiên đình" tình hữu nghị vĩ đại và cảm động Việt – Trung – Nga (như Việt – Trung – Xô ngày nào ?) nhưng không một tờ báo nào có trí nhớ để nhắc lại nguồn gốc của quan hệ tay ba – tay tư đáng ngờ trong cái "cấu trúc an ninh đáng tin cậy" mà Putin muốn áp đặt lên hai đàn em cộng sản. Không rõ Tập Cận Bình có ủy thác cho Putin mở rộng "sự hợp tác không giới hạn" lên hai nước đàn em Việt Nam và Triều Tiên từng được Tố Hữu "đúc thành tượng" bằng thi pháp ?
"Ta thành hai đồng chí,
Ta thành hai anh hùng
Ta thành hai chiến lũy
Cùng bảo vệ hòa bình
Kim Nhật Thành – Hồ Chí Minh
Hai chúng ta là một
Qua Trung Hoa ta như liền khúc ruột
Với Liên xô ta chung một mái nhà…" (7).
Giờ này, Đảng cộng sản Việt Nam không hề muốn quân và dân nhắc lại cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc tiến công đồng loạt vào các tỉnh biên giới phía Bắc năm 1979. Đảng cũng không muốn nhắc lại quan hệ của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên với Pol Pot trong giai đoạn chiến tranh biên giới Tây Nam (8). Tổng thống Putin thực lòng muốn cả Việt Nam lẫn Triều Tiên hãy quên đi bài học đau thương còn tươi roi rói ! Thay vào đó, hãy "ăn mày dĩ vãng" cái lịch sử xa xưa hơn, thời ông Hồ Chí Minh từ Pháp sang Moscow, với ước mơ được gặp lãnh tụ Lê Nin những năm 20 đầu thế kỷ trước… Tham vọng thiết kế một trục mới cho địa-chính trị thời kỳ này, ông Putin muốn cả Kim Jong-un lẫn Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm hãy thực hành bài học : Tất cả chúng ta là một, qua Trung Hoa như liền khúc ruột, với nước Nga ta chung một mái nhà (!)
Hệ lụy này, nếu xảy ra trên thực tế, sẽ là một cơn ác mộng đối với toàn thể dân tộc Việt Nam, một sự đe dọa trực tiếp đến hòa bình và an ninh trong khu vực cũng như trên toàn cầu. Hiệp ước mới giữa Nga và Triều Tiên cho phép hỗ trợ quân sự lập tức đã bị nhiều nước phản ứng. Hàn Quốc triệu tập ngay một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia và cho biết họ sẽ xem xét việc gửi vũ khí tới Ukraine, điều mà trước đây họ đã loại trừ. Sau cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia, Seoul cho biết sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác an ninh với Mỹ và Nhật Bản. Cố vấn An ninh Quốc gia Chang Ho-jin cho biết Seoul sẽ bổ sung 243 mặt hàng mới vào danh sách hàng hóa bị cấm xuất khẩu sang Nga, nâng tổng số lên 1.402 mặt hàng, đồng thời sẽ xem xét lại lập trường của mình trong việc trang bị vũ khí cho Ukraine. Không phải ngẫu nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cảnh báo, Hiệp ước mới Nga – Triều cho thấy các cường quốc độc tài đang liên kết với nhau (9).
Chuyên cơ của Putin vừa rời phi trường Nội Bài đã có tin nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink (cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam) thăm Hà Nội hai ngày cuối tuần. Ông Kritenbrink gặp các quan chức cấp cao của chính phủ Việt Nam "để nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong việc thực hiện Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam và hợp tác với Việt Nam để hỗ trợ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP)" (10). Đằng sau sự mượt mà của ngôn ngữ ngoại giao này, các doanh nghiệp và nhà sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ nóng lòng muốn biết, tháng 7 tới, liệu Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ bóc nhãn "kinh tế phi thị trường" (NME) cho các sản phẩm của Việt Nam ? Thương mại với Hoa Kỳ có thể đạt tới 145 tỷ USD, với EU có thể tới 75 tỷ USD trong năm nay. Còn với Nga, phấn đấu lên 2,5 tỷ USD. Sau hồi "cờ – đèn – kèn – trống" đón rước một tội phạm quốc tế, liệu bát cơm sắp đưa lên miệng người dân rồi đây có bị hất khỏi tay ?
Trần Đông A
Nguồn : VOA, 22/06/2024
Tham khảo :
(2) https://www.voatiengviet.com/a/7584773.html
(3) https://vneconomy.vn/putin-ung-ho-trung-quoc-van-de-bien-dong.htm
(4) https://baotintuc.vn/thoi-su/toan-van-tuyen-bo-chung-viet-nam-lien-bang-nga-20240620194530522.htm
(7) https://trieuxuan.vn/en/De-hieu-them-tho-To-Huu/
(8) https://chientruongvietnam.com/2018/11/19/cac-quoc-gia-tung-ho-tro-che-do-khmer-do-pol-pot/
Tổng thống Putin thăm Việt Nam : Châu Âu phản ứng khác Mỹ
BBC, 20/06/2024
Liên Hiệp Châu Âu (EU) không trực tiếp nói đến Việt Nam trong những tuyên bố liên quan đến chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hội đàm và hội kiến với "Tứ Trụ" Việt Nam trong ngày 20/6 tại Hà Nội
Cho đến nay, phản ứng chính thức từ Mỹ là tuyên bố từ người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội liên quan đến chuyến công du của ông Putin đến Việt Nam, theo Reuters tường thuật ngày 17/6 :
"Không có quốc gia nào nên cho Putin một nền tảng để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta và nếu làm vậy là cho phép ông ta bình thường hóa những tội ác của mình".
"Nếu ông ta có thể đi lại tự do, điều này có thể bình thường hóa những vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế",
Reuters đánh giá phản ứng này của Mỹ, quốc gia vừa nâng cấp mối quan hệ với Việt Nam lên tầm đối tác chiến lược toàn diện hồi tháng 9/2023, là gay gắt.
Trước khi ông Putin đặt chân tới Hà Nội, Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam nhắc lại việc ông Putin đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh truy nã từ tháng 3/2023.
Việt Nam không phải là thành viên của ICC, đây có thể là lý do khiến ông Putin chọn Việt Nam làm điểm đến.
Tuyên bố của Mỹ phần nào mang tính chỉ trích việc Hà Nội đã tiếp đón một nguyên thủ quốc gia đang bị truy nã liên quan đến các cáo buộc về tội ác chiến tranh, bao gồm cả việc bắt nhiều trẻ em từ Ukraine đưa về Nga.
Trong khi đó, Ukraine và các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đã không đề cập đến việc Hà Nội tiếp đón ông Putin mà chỉ nhắc lại ông này đang bị truy nã và nhắc lại cuộc chiến tranh Ukraine, vốn đã bước sang năm thứ ba.
Dòng thông điệp của Đại sứ Oleksandr Gaman trên Facebook của Đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội có nội dung :
"Vladimir Putin đối mặt với sự lên án toàn cầu như một tội phạm quốc tế. Những hành động của ông ta trong cuộc xâm lược Ukraine, bao gồm cả việc cưỡng bức trục xuất và các hành động hủy diệt hệ sinh thái, đã gây ra đau khổ tột cùng và vi phạm luật pháp quốc tế. Cộng đồng quốc tế vẫn kiên định ghi lại những hành động tàn bạo này và đảm bảo trách nhiệm phải giải trình. Việc ICC ban hành lệnh bắt giữ nêu bật mức độ nghiêm trọng của những vi phạm này và nhu cầu cấp thiết về công lý. Điều quan trọng là phải đưa những kẻ chịu trách nhiệm về những hành động tàn ác như vậy ra trước công lý và thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn tổn hại thêm những sinh mạng vô tội".
Ngày 20/6, Đại sứ quán Ukraine nhắc lại "10 năm cuộc chiến tranh xâm lược của Nga", nhấn mạnh thời điểm 2014 khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của quốc gia này.
"Hơn 10 năm của cuộc chiến tranh xâm lược bất hợp pháp, vô cớ và phi lý chống lại Ukraine.
Hơn 10 năm qua đất nước chúng tôi đã tự vệ bằng lòng dũng cảm và quyết tâm của mình.
Hơn 10 năm đất nước chúng tôi phải gánh chịu những tội ác chiến tranh của Putin".
EU không bình luận trực tiếp
Dòng thông điệp vào ngày 19/6 của Đại sứ Ukraine tại Việt Nam, ông Oleksandr Gaman, có nội dung "[Tòa án] La Hague đang chờ [Putin]".
Các quốc gia thuộc EU cũng không nói đến trực tiếp chuyến đi của ông Putin mà đồng loạt đăng các thông điệp lên Facebook chỉ trích cuộc chiến tranh Ukraine và nhắc lại việc ông Putin đang bị ICC truy nã liên quan đến tội ác chiến tranh.
Đại sứ quán Đức tại Việt Nam ngày 20/6 tuyên bố :
"Putin phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với những tội ác chiến tranh nghiêm trọng, đặc biệt là việc đưa hàng loạt trẻ em Ukraine sang Nga một cách bất hợp pháp. Chính vì lý do này, Tòa án Hình sự Quốc tế đã phát lệnh bắt Putin".
Với hình ảnh vườn hoa hướng dương cùng dòng thông điệp "Đoàn kết với Ukraine", Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tuyên bố :
"Pháp mong muốn trở lại nền hòa bình lâu dài nhưng Pháp từ chối một trật tự thế giới dựa trên luật pháp của kẻ mạnh và vi phạm các nguyên tắc cơ bản chi phối mối quan hệ giữa các quốc gia".
Ngày 20/6, Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam nhấn mạnh lập trường của quốc gia này là sát cánh với Ukraine :
"Trong hơn hai năm qua, người dân Ukraine đã tự bảo vệ mình bằng lòng can đảm và sự quyết tâm. Ba Lan đứng về phía họ".
Đại sứ quán Ý tại Việt Nam viết trên Facebook ngày 20/6 :
"Cộng đồng quốc tế cần đoàn kết và nhất trí lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Nga, đây không chỉ là cuộc tấn công vào Ukraine mà còn nhằm vào trật tự quốc tế của chúng ta dựa trên luật lệ. Sự tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc phải được ưu tiên, cũng vì lợi ích hòa bình và ổn định ở các khu vực khác trên thế giới".
Nhắc lại ngày 19/6 là ngày Quốc tế Xóa bỏ Bạo lực Tình dục trong Xung đột, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam nêu tuyên bố :
"Ở Ukraine, các lực lượng Nga tiếp tục vũ khí hóa bạo lực tình dục - hãm hiếp tập thể, hãm hiếp bằng mũi súng và thiến chỉ là một vài ví dụ về những gì phụ nữ, đàn ông và trẻ em Ukraine hiện đang phải chịu đựng".
Cách phản ứng khác nhau giữa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu (EU) về chuyến đi của ông Putin đến Hà Nội cho thấy dường như EU và cả Ukraine không muốn can thiệp vào những vấn đề nội bộ của Việt Nam, nhưng vẫn lên án Nga và ông Putin gay gắt.
Hiện không có một lộ trình hòa bình rõ ràng cho cuộc chiến tranh Ukraine
Trong một động thái khác, Liên Hiệp Châu Âu (EU) hôm nay (20/6) đã công bố một loạt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, lần đầu tiên nhắm đến việc cung ứng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) sang một số quốc gia thành viên trong liên minh sau quá trình thương thảo kéo dài giữa đại sứ các nước.
Đây là gói trừng phạt thứ 14 của EU nhắm đến Nga, được đưa ra vào thời điểm quân đội Nga đang ra sức giành lấy lợi thế trên chiến trường Ukraine.
Hiện không có một lộ trình hòa bình rõ ràng cho cuộc chiến tranh Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin không cho thấy dấu hiệu muốn có hòa bình.
Hồi giữa tháng 6, ông Putin tuyên bố Ukraine cần phải rút quân khỏi các vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố đã sáp nhập trước khi lệnh ngừng bắn có thể được thực hiện - một đề xuất mà Tổng thống Ukraine gọi là "tối hậu thư" giống như của Hitler.
Thượng đỉnh hòa bình về Ukraine ở Thụy Sĩ hồi cuối tuần rồi đã kết thúc vài giờ trước dự định.
Ukraine đã không đạt thành công như dự định.
Nhưng đây cũng được xem là cơ hội cho ông Zelensky thúc đẩy một thông điệp chính ngay chính tại Ukraine : Nga giống một kẻ bắt nạt tại trường học, chỉ dùng sức mạnh để nói chuyện.
Điều đó thể hiện cả trên chiến trường lẫn con đường ngoại giao.
Trước đó, Việt Nam đã không tham dự thượng đỉnh này dù được mời và không công bố lý do.
Ngày 18/6, Giáo sư Alexander L Vuving từ trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam không tham dự là vì mối quan hệ ngoại giao với Nga "quan trọng hơn nhiều nếu so với Ukraine", đồng thời Nga đã không được mời tham dự thượng đỉnh vừa qua.
"Quan điểm của Việt Nam, theo tôi, đó là bất kỳ câu chuyện gì liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraine thì phải có hai bên tham gia. Không biết một hội nghị hòa bình mà chỉ có Nga tổ chức, không có Ukraine tham gia thì Việt Nam có tham gia hay không", ông đánh giá.
Việt Nam tiếp tục quan hệ truyền đời với Nga
Sau khi hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng thống Putin đã có cuộc hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại trụ sở Trung ương Đảng vào ngày 20/6
Ngày 20/6, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, hòa bình, có chính sách đối ngoại đa dạng và đa phương, nhưng vẫn luôn xem Nga là người bạn truyền thống quan trọng.
Quan hệ hữu nghị với Nga là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, theo báo Tuổi Trẻ.
Về phần mình, ông Putin nói Nga rất xem trọng việc phát triển đối thoại với ASEAN, trong đó có Việt Nam là quốc gia thành viên hàng đầu.
"Việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là một trong những ưu tiên của chúng tôi", ông Putin nhấn mạnh.
Ngày 20/6, Jonathan Head, phóng viên Đông Nam Á của BBC News, nhận định về chuyến đi của ông Putin đến Hà Nội cùng viễn cảnh quan hệ Việt - Nga như sau :
"Việt Nam duy trì tình hữu nghị truyền thống lâu đời với ông Vladimir Putin trong bao lâu vẫn là điều chưa rõ ràng. Việt Nam vẫn đang tìm kiếm các nguồn thay thế cho vũ khí quân sự, nhưng chuyện chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga sẽ phải mất nhiều năm".
"Việc một loạt các quan chức cấp cao trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam từ chức gần đây đã phơi bày sự đối đầu nội bộ trong thế hệ lãnh đạo kế tiếp và có thể gợi ý về hướng đi mà Việt Nam chọn. Thế nhưng, vẫn chưa có ai đả động tới chuyện từ bỏ tham vọng làm bạn với tất cả các nước và không kết thù với nước nào".
Giáo sư Alexander L Vuving đánh giá với BBC vào ngày 18/6 rằng nếu nhìn lại quá trình cân bằng quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Mỹ và Nga thì Hà Nội đang thực hiện "một bước lùi, hai bước tiến" trong chiến lược ngoại giao "cây tre".
"Làm sao để vẫn chơi được vẫn cả Nga lẫn Mỹ thì Việt Nam đã dùng phương pháp một bước lùi, hai bước tiến. Việt Nam đã lùi một bước trong quan hệ với Mỹ trong năm 2022 và sau đó tiến hai bước trong quan hệ với Mỹ trong năm 2023. Trong lúc đó, Việt Nam vẫn tiếp tục tiến trong quan hệ với Nga", ông giải thích.
Nguồn : BBC, 20/06/2024
**************************
Ông Putin tới Việt Nam : Quốc tế nói gì khác với báo chí Việt Nam ?
BBC, 20/06/2024
Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Việt Nam được báo giới không chỉ trong nước mà cả quốc tế quan tâm. Cách tiếp cận và đưa tin về sự việc cũng có sự khác biệt.
Tổng thống Vladimir Putin là nguyên thủ quốc gia đầu tiên ông Tô Lâm đón tiếp với tư cách chủ tịch nước
Trong những ngày vừa qua, khi viết về chuyến thăm của ông Putin, nhiều tờ báo trong nước và cơ quan ngôn luận của chính quyền tập trung vào mối quan hệ truyền thống lâu dài giữa Việt Nam và Nga, cũng như những hợp tác kinh tế, quốc phòng giữa hai nước.
Ngày 19/6, báo Nhân Dân, cơ quan trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam, đã đăng tải bài viết của chính ông Putin với nhan đề "Nga và Việt Nam : Tình hữu nghị được thử thách qua thời gian".
Trong bài viết, ông Putin đã cảm ơn "lập trường cân bằng" của Việt Nam về cuộc chiến ở Ukraine.
Trước đó, Việt Nam dù được mời nhưng đã không tham dự Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ vào hai ngày 15 và 16/6 vừa rồi.
Trong bài viết ngày 17/6 trên Reuters đưa tin về chuyến thăm của ông Putin tới Việt Nam, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết :
"Không có quốc gia nào nên cho Putin một nền tảng để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta và nếu làm vậy là cho phép ông ta bình thường hóa những tội ác của mình".
"Nếu ông ta có thể đi lại tự do, điều này có thể bình thường hóa những vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế".
Quốc tế 'đánh giá cao' ?
Ngày 20/6, báo Tiền phong đã có bài viết phản ánh lại nội dung của nhiều tờ báo quốc tế về chuyến thăm Việt Nam của ông Putin. Tuy nhiên, khi trích bài báo của Reuters, bài viết trên báo Tiền Phong đã lược bỏ đi các phần đánh giá tiêu cực, chỉ trích dẫn các đánh giá tích cực.
Cụ thể như sau :
Mở đầu bài viết, báo Tiền Phong đề cập một số đánh giá tích cực trong một bài báo ngày 18/6 của Reuters.
Bài viết mà tờ báo của Trung ương Đoàn đề cập có nhan đề "Treated as a pariah by the West, Putin set for warm welcome in Vietnam", tạm dịch là "Bị phương Tây khinh ghét, ông Putin được chào đón nồng nhiệt ở Việt Nam".
Dù nhan đề có phần "phương Tây khinh ghét", bài báo trên Tiền Phong chỉ trích dẫn nội dung liên quan tới sự "chào đón nồng nhiệt" của người dân Việt Nam dành cho ông Putin.
Theo bài viết của Reuters, ở một đất nước bị lãnh đạo cộng sản kiểm soát chặt và nơi tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói rằng quyền tự do ngôn luận bị hạn chế nghiêm ngặt, ông Putin ít khả năng phải đối mặt với những lời chỉ trích công khai.
Bài viết trên báo Tiền Phong đã bỏ qua ý này.
Nội dung liên quan tới việc ông Putin bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy nã cũng bị bỏ qua.
Cần lưu ý rằng Việt Nam không phải là quốc gia thành viên của ICC. Do đó, Việt Nam không có trách nhiệm bắt giữ ông Putin khi ông ấy đặt chân đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, bài viết trên Reuters còn có ý như sau :
"Tương tự Moscow, Hà Nội kiểm soát chặt chẽ nội dung đưa tin của các phương tiện truyền thông trong nước.
"Các nhóm vận động phương Tây cho rằng quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam đang bị hạn chế nghiêm trọng".
Bài viết trên báo Tiền phong sau đó còn trích dẫn thêm các đánh giá tích cực mà bỏ qua các đánh giá tiêu cực trên một số trang báo khác như Channel NewsAsia (Singapore), Al Jazeera, Bloomberg, Tass của Nga.
Nếu chỉ đọc báo Tiền Phong, người đọc có thể nghĩ rằng "báo chí quốc tế" đánh giá rất cao quan hệ Việt Nam-Nga cũng như chuyến thăm của ông Putin. Trên thực tế, các đánh giá của báo chí nước ngoài nói chung rất đa chiều, bao gồm cả tích cực, tiêu cực lẫn những đánh giá rất gay gắt.
Giáo sư Alexander L Vuving từ trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nhận định với BBC News tiếng Việt ngày 18/6 như sau :
"Sự biểu lộ của người dân Việt Nam đối với tổng thống Putin sẽ là thứ mà chính quyền kiểm soát rất ngặt nghèo. Thành ra người nào mà thích Nga và hoan hô Putin thì sẽ được thoải mái.
"Thế nhưng những người không thích Putin mà thậm chí là muốn phản đối thì sẽ không có đất để thể hiện được cái chuyện đó".
Bên cạnh Trung Quốc, Việt Nam và Bắc Hàn là một trong số ít "bạn bè" của Nga ở Châu Á.
Hàng chục ngàn cán bộ và chuyên gia ở Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh đang giữ những trọng trách quan trọng trong bộ máy của đảng và nhà nước.
Lãnh đạo cấp cao Việt Nam luôn gọi quan hệ Việt Nam - Nga là "quan hệ truyền thống đồng chí, anh em", luôn xem Nga là "một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu của mình".
Trong khi đó, nhiều người dân Việt Nam vẫn có tình cảm tốt đẹp với Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay và cũng có một giới hâm mộ ông Putin.
Quốc tế nêu những gì ?
Nếu nhìn sang báo chí quốc tế thì ngoài những khía cạnh trên, người đọc có thể thấy được nhiều khía cạnh khác.
Trong bài viết ngày 19/6 trên báo Al Jazeera, bà Lê Thu Hường, Phó Giám đốc Chương trình Châu Á, Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group), nói rằng quan hệ giữa Việt Nam và Nga "sâu đậm" hơn, chứ không chỉ là đối tác an ninh quốc phòng.
"Họ từng ở cùng một phía của lịch sử, họ chia sẻ cùng một lý tưởng chống lại chủ nghĩa tư bản và đế quốc phương Tây. Di sản của lý tưởng chung này vẫn đang tồn tại", bà nói.
Ngày 17/3, Reuters đã đưa tin về chuyến thăm của ông Putin tới Việt Nam. Theo đó, Mỹ đã gay gắt phản đối việc này.
Việc Mỹ lên tiếng phản đối một lần nữa được nhắc tới trong một bài viết ngày 20/6 trên Financial Times.
Tuy nhiên, bài viết này cũng cho rằng đường lối ngoại giao "cây tre" của Việt Nam đã thành công khi liên tục đón tiếp Mỹ, Trung Quốc và giờ là Nga.
Ngày 18/6, giáo sư Tiến sĩ Ian Storey, học giả của Viện ISEAS (Singapore), nêu đánh giá với BBC News Tiếng Việt:
"Suy cho cùng, Mỹ hiểu rằng Việt Nam có mối quan hệ lâu bền với Nga và theo thời gian, mối quan hệ của Hà Nội với Moscow sẽ trở nên kém quan trọng hơn, đặc biệt là quan hệ quốc phòng giữa hai nước".
Bài viết nói trên của Financial Times dẫn lời ông Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cao cấp về chính trị thuộc Viện Nghiên cứu ISEAS (Singapore), nói rằng chuyến thăm lần này có thể sẽ "có lợi cho ông Putin hơn là cho Việt Nam" khi thể hiện rằng vẫn còn quốc gia đang chào đón ông.
Liên quan đến vấn đề này, giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, đã nêu nhận định với Reuters :
"Chuyến thăm của ông Putin tới Bắc Hàn và Việt Nam nhằm thể hiện rằng các nỗ lực cô lập Nga từ phương Tây đã không thành công, rằng Nga vẫn có đối tác ở Châu Á".
Bài viết ngày 20/6 trên trang Fulcrum của Viện nghiên cứu ISEAS cho rằng "Truyền thông Nga khả năng cao là sẽ quảng cáo chuyến thăm lần này là một chiến thắng ngoại giao trước Mỹ nhằm đánh tiếng rằng Việt Nam chưa hoàn toàn chuyển sang phe Mỹ".
Ngoài ra, tác giả bài viết đánh giá rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể coi việc đón tiếp ông Putin là một thành tựu của đường lối ngoại giao "cây tre".
Theo cuộc khảo sát thường niên năm 2024 của ISEAS, Nga xếp gần cuối bảng về tầm quan trọng chiến lược với khu vực ASEAN.
Ngoài các yếu tố chính trị, Việt Nam được cho là sẽ tìm kiếm một thỏa thuận vũ khí với người bạn lâu năm vì các khí tài từ thời Liên Xô đã lỗi thời, bất chấp việc này sẽ khiến Mỹ phật lòng.
Liên quan tới vấn đề này, Giáo sư Vuving cho rằng :
"Vấn đề buôn bán vũ khí thì tôi nghĩ là sẽ không có trong công bố chính thức của chuyến thăm, nhưng chắc chắn sẽ được nói trong bí mật, vì Việt Nam rất cần vũ khí của của Nga để mà bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông".
Bài báo ngày 20/6 trên South China Morning Post (SCMP) dẫn lời ông Chris Miller, giáo sư tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts (Mỹ), rằng Nga đã đưa nhiều vũ khí, vốn được dự tính để xuất khẩu, tới chiến trường ở Ukraine.
Khả năng cung cấp vũ khí của Nga cho Việt Nam cũng được nhắc tới trong bài viết nói trên của trang Fulcrum.
Theo bài viết này, đang có một dấu hỏi về khả năng của Nga, sau khi ngành công nghiệp nước này phải tìm kiếm "hỗ trợ từ Trung Quốc, Triều Tiên và Iran để duy trì cỗ máy chiến tranh của mình tại Ukraine".
Nguồn : BBC, 20/06/2024
Tổng thống Putin khen ngợi lập trường của Việt Nam về Ukraine
Reuters, VOA, 20/06/2024
Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi Việt Nam vì lập trường "cân bằng" trong cuộc chiến Ukraine và nêu ra những tiến bộ về thanh toán, năng lượng và thương mại trong một bài xã luận được tờ báo của Đảng cộng sản Việt Nam đăng hôm 19/6.
Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Nga Putin trò chuyện trước khi vào hội đàm. Ảnh : Minh Nhật
Trong bài viết được báo Nhân Dân đưa ra ngay trước chuyến thăm cấp nhà nước của ông Putin tới Việt Nam, tổng thống Nga ca ngợi quốc gia do cộng sản Đông Nam Á cai trị vì đã "thể hiện lập trường cân bằng về cuộc khủng hoảng Ukraine" và " thúc đẩy việc tìm kiếm con đường thiết thực giải quyết cuộc khủng hoảng bằng các biện pháp hòa bình".
Việt Nam, nước chính thức theo đuổi chính sách đối ngoại trung lập trong quan hệ với các cường quốc thế giới, đã không lên án việc Nga tấn công Ukraine, một quan điểm mà các nước phương Tây cho là quá thân thiết với Điện Kremlin.
Trong bài viết có tựa đề "Nga và Việt Nam : Tình hữu nghị được thử thách qua thời gian", ông Putin nhấn mạnh tới việc Hà Nội "theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập" và "không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau".
Ông Putin dự kiến sẽ đến Hà Nội trong đêm ngày 19/6 và gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam vào ngày 20/6, ngay sau chuyến thăm của ông tới Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Nga, người có chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên kể từ năm 2017 khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), cho biết Nga và Việt Nam cũng chia sẻ "những đánh giá tương đồng về tình hình khu vực Châu Á-Thái Bình Dương".
Quan điểm của Việt Nam trên Biển Đông khác với quan điểm của Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ tuyến đường thủy chiến lược này, bao gồm các mỏ khí đốt trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nơi các công ty Nga khai thác dầu khí.
Năng lượng và thanh toán
Ông Putin cho biết năng lượng là "lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược trong hợp tác song phương" và nhắc tới các liên doanh Nga-Việt về nhiên liệu hóa thạch ở Biển Đông và miền bắc nước Nga.
Ông lưu ý rằng Gazprom cũng vận hành các mỏ khí đốt ở Việt Nam. Công ty năng lượng Nga Novatek "dự định triển khai các dự án khí hóa lỏng (LNG) trên lãnh thổ Việt Nam", theo ông Putin cho biết mà không nêu chi tiết.
Tổng thống Nga cũng nêu sáng kiến "thành lập Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam" với sự hỗ trợ của Rosatom, tập đoàn năng lượng hạt nhân thuộc sở hữu nhà nước của Nga.
Khoảng một thập kỷ trước, Việt Nam đã đình chỉ kế hoạch phát triển nhà máy điện hạt nhân và không rõ liệu quốc gia Đông Nam Á này có ý định xem xét lại quan điểm đó hay không. Theo những người biết về vấn đề này, Hàn Quốc và Canada nằm trong số các quốc gia đã đề xuất các phương án năng lượng hạt nhân cho Việt Nam.
Ông Putin cũng ca ngợi những tiến bộ về tài chính và thương mại trong bài viết đăng trên tờ báo của Đảng cộng sản Việt Nam.
Các quan chức cho biết, việc giải quyết các khoản thanh toán giữa hai nước trở nên phức tạp do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với các ngân hàng Nga và vấn đề này từ lâu đã trở thành ưu tiên trong các cuộc gặp song phương.
Việt Nam trong lịch sử là nước nhập khẩu lớn vũ khí của Nga.
Theo ông Putin, các giao dịch bằng đồng rúp và đồng Việt Nam chiếm 60% thanh toán thương mại song phương trong quý đầu năm nay, tăng từ hơn 40% vào năm ngoái.
"Ngân hàng Liên doanh Việt-Nga đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm các giao dịch tài chính đáng tin cậy", ông Putin viết, đề cập đến một ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội mà ông đã tham dự lễ khai trương vào năm 2006.
Ông cũng lưu ý rằng thương mại song phương đang gia tăng.
Tuy nhiên, thương mại của Việt Nam với Nga vẫn còn hạn chế và Hoa Kỳ và Trung Quốc là đối tác thương mại chính của Hà Nội.
Reuters
********************************
Việt Nam chuẩn bị thảm đỏ đón ông Putin, có nguy cơ khiến phương Tây phẫn nộ
Reuters, VOA, 19/06/2024
Việt Nam hôm 19/6 chuẩn bị trải thảm đỏ chào đón ông Vladimir Putin trong chuyến thăm được coi là một cuộc đảo chính công khai cho Tổng thống Nga, người bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine, khi đồng thời mang lại lợi ích và rủi ro cho các nhà lãnh đạo cộng sản ở Hà Nội.
Cờ Việt Nam và Nga được treo trên các cột đèn dọc đường phố hôm 19/6 bên ngoài Khác sạn Metropole ở trung tâm Hà Nội, nơi Tổng thống Vladimir Putin dự kiến sẽ lưu trú trong thời gian thăm Việt Nam.
Ông Putin dự kiến sẽ đến Hà Nội vào tối ngày 19/6 sau chuyến thăm Bình Nhưỡng, nơi ông ôm hôn lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Mặc dù cả Triều Tiên và Nga đều phải đối mặt với sự cô lập quốc tế nhưng Việt Nam đã xây dựng các liên minh thận trọng với Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu. Hoa Kỳ đã lên án việc Hà Nội tiếp đón nhà lãnh đạo Nga.
Điều đó khiến điểm dừng Hà Nội trong chuyến công du của ông Putin đặc biệt quan trọng đối với nhà lãnh đạo Nga, theo ông Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Inouye có trụ sở tại Hawaii cho biết.
"Nga muốn gửi thông điệp rằng họ có bạn bè ở khắp nơi trên thế giới và nỗ lực cô lập Nga của phương Tây là vô ích", ông Vuving nói và cho biết thêm rằng Hà Nội có những lợi ích riêng ngoài nguồn gốc cộng sản chung của hai nước.
"Nga đóng một vai trò đặc biệt và quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam", ông Vuving nói, đồng thời lưu ý rằng Moscow là nhà cung cấp vũ khí chính cho Hà Nội.
Nga đã phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây do Mỹ dẫn đầu sau khi nước này xâm chiếm nước láng giềng Ukraine vào tháng 2/2022 trong cái mà Moscow gọi là một "chiến dịch quân sự đặc biệt". Vào tháng 3/2023, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có trụ sở tại The Hague đã ban hành lệnh bắt giữ Putin vì cáo buộc tội ác chiến tranh ở Ukraine, những cáo buộc mà ông phủ nhận.
Cả Việt Nam và Nga đều không phải là thành viên của ICC.
Mối quan hệ lịch sử
Việt Nam sẽ là quốc gia thứ ba ông Putin đến thăm, sau Trung Quốc và Triều Tiên, kể từ khi ông tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ năm hồi tháng 5. Ông Putin ít đi ra nước ngoài kể từ khi lệnh của ICC được ban hành.
Việt Nam đang chuẩn bị đón chào cấp nhà nước đầy đủ đối với ông Putin, trong chuyến thăm đầu tiên của ông kể từ năm 2017 và là chuyến thăm thứ năm của ông tới quốc gia Đông Nam Á. Cảnh sát được triển khai trên hàng chục tuyến phố Hà Nội từ sân bay đến khu vực trung tâm thành phố nhiều giờ trước chuyến thăm dự kiến của ông Putin.
Hai nước có mối quan hệ lịch sử chặt chẽ và có chung nguồn gốc cộng sản. Hàng chục nghìn cán bộ Việt Nam đã học tập tại Liên Xô cũ trong Chiến tranh Lạnh, trong đó có người đứng đầu Đảng cộng sản hiện nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Tổng thống Vladimir Putin là người có nhiều đóng góp cho quan hệ Việt-Nga. Ông luôn có tình cảm tốt đẹp, quan tâm đến Việt Nam và coi trọng mối quan hệ với lãnh đạo cấp cao Việt Nam", báo Quân Đội Nhân Dân viết trong một bài viết.
Hoa Kỳ, đối thương mại hàng đầu của Việt Nam và đã nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hà Nội vào năm ngoái, đã phản đối chuyến thăm của Putin.
Người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết trong tuần này rằng "không quốc gia nào nên cho Putin một nền tảng để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta và mặt khác cho phép ông ta bình thường hóa hành vi tàn bạo của mình".
'Ngoại giao Cây Tre'
Tuy nhiên, Việt Nam có lý do để mạo hiểm với chuyến thăm của các đối tác ngoại giao khác, theo ông Ian Storey, chuyên gia cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore, cho biết.
"Hà Nội muốn ông Putin tới vì nhiều lý do", ông Storey nói. "Đầu tiên, để chứng minh rằng Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng, không thiên vị bất kỳ cường quốc nào".
Việt Nam theo đuổi cái mà họ gọi là "ngoại giao cây tre", duy trì quan hệ tốt đẹp với các cường quốc thế giới, bất chấp sự thù địch giữa các cường quốc này.
Lưu ý rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm Việt Nam, sau đó là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vài tháng sau đó, ông Storey cho biết "chuyến thăm của ông Putin sẽ hoàn tất các chuyến thăm của lãnh đạo ‘Bộ Ba Lớn’".
Nga từ trước đến nay là nhà cung cấp quân sự chính cho Việt Nam nên mọi thông báo về bất kỳ thương vụ vũ khí nào cũng sẽ được theo dõi chặt chẽ.
Hai quan chức nói với Reuters trong tuần này rằng ông Putin cũng dự kiến sẽ công bố các thỏa thuận trong các lĩnh vực bao gồm thương mại, đầu tư, công nghệ và giáo dục, mặc dù điều đó có thể thay đổi.
Trước đó trong ngày 19/6, Việt Nam công bố rằng họ muốn công ty dầu khí nhà nước Zarubezhneft của Nga đầu tư vào năng lượng xanh ở nước này.
Reuters
Nguồn : VOA, 19/06/2024
*****************************
Tổng thống Nga Putin công du Việt Nam cấp Nhà nước
Nguyễn Giang, Trọng Thành, RFI, 19/06/2024
Trong hai ngày, hôm nay 19/06 và ngày mai, 20/06/2024, tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin công du Việt Nam cấp Nhà nước theo lời mời của tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn xe của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin di chuyển đến Phủ Chủ tịch - Ảnh: TTXVN
Tháp tùng tổng thống Nga, có nhiều lãnh đạo cao cấp trong chính quyền Nga, như ngoại trưởng Sergei Lavrov, phó thủ tướng, chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Việt Nam-Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật Dmitri Chernyshenko ; bộ trưởng Tư pháp Konstantin Chuichenko, bộ trưởng Công thương Anton Alikhanov, bộ trưởng Giao thông Roman Starovoit, bộ trưởng Năng lượng Sergei Tsivilev.
Trong phái đoàn Nga còn có đại diện nhiều công ty, ngân hàng, như tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Rosatom, công ty cổ phần Xuất khẩu quốc phòng Nga Rosoboronexport, tập đoàn Ngân hàng Kinh tế đối ngoại Liên bang Nga…
Đây là lần thứ năm ông Putin công du Việt Nam với tư cách tổng thống Liên bang Nga và là lần thứ hai công du Việt Nam cấp Nhà nước.
Đây là dịp để lãnh đạo hai nước "gặp gỡ, thảo luận, thống nhất những vấn đề quan trọng và định hướng chiến lược cho tương lai, xác định rõ hơn các lĩnh vực hợp tác trọng điểm, từ kinh tế, thương mại, quốc phòng an ninh, năng lượng, khoa học công nghệ đến giáo dục, văn hóa ngoại giao nhân dân".
Theo giới quan sát, nhân dịp này Nga và Việt Nam muốn thúc đẩy trao đổi kinh tế-thương mại song phương.
Trong bối cảnh chiến tranh Ukraine và Nga bị phương Tây cô lập và trừng phạt, Câu hỏi đặt ra đối với giới quan sát là chính quyền Việt Nam tính toán gì khi đón tiếp tổng thống Putin ?
Từ Singapore, thông tín viên Nguyễn Giang cho biết.
Nhìn từ phía Việt Nam thì đây là chuyến thăm nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga trên tất cả các lĩnh vực và nâng tầm trong tình hình mới", theo lời Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, ông Đặng Minh Khôi nói với báo chí hôm nay 19/06.
Đây cũng là quan hệ được cho là "tin cậy lẫn nhau", có truyền thống từ thời chiến tranh. Và chuyến thăm của ông Putin, người bị Tòa án Hình sự quốc tế ICC truy nã từ tháng 3/2023 nhưng Việt Nam không ký công ước làm thành viên của tòa án này nên ông Putin an toàn khi tới Việt Nam.
Theo giới quan sát thì các tính toán địa chính trị gần đây được lãnh đạo Việt Nam đặt vào đường lối gọi là "tự chủ chiến lược", hàm ý Hà Nội có thể phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước lớn, theo thể chế khác nhau, thậm chí đối chọi nhau.
Không e ngại chỉ trích đó, giới chức Nga và Việt Nam hai bên cho hay chuyến thăm có mục tiêu làm "giữ lửa" cho quan hệ song phương, từ thương mại, năng lượng, dầu khí tới mua bán vũ khí. Phía Nga hẳn đánh giá cao tình hữu nghị và hành động trải thảm đỏ đón ông Putin của Việt Nam khi mà ông bị nhiều nước khác tẩy chay, thậm chí lên án.
Điều đáng nói là chuyến thăm xảy ra khi hai nước kỷ niệm 30 năm ngày ký "Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị" năm 1994. Tuy ít người để ý đến văn bản này nhưng nó lại khá quan trọng, giúp Nga đảm bảo có một vị trí vững chắc sau Chiến tranh Lạnh ở Đông Nam Á, thông qua quan hệ với cựu đồng minh là Việt Nam.
Đài báo Nga vẫn dùng di sản chủ nghĩa cộng sản, các tài liệu về Lenin, thậm chí cả Stalin để tạo mối ràng buộc về chiều sâu với các cơ quan Đảng, công an, quân đội và truyền thông Việt Nam.
Cũng hiệp ước đó tạo nền móng cho hợp tác quân sự và năng lượng, gồm cả năng lượng nguyên tử hai bên dù trước mắt, mảng khai thác dầu khí là quan trọng nhất.
Hai bên Nga-Việt cũng muốn đẩy thêm trao đổi kinh tế-thương mại vì đây là lĩnh vực phản ánh quan hệ song phương của Việt Nam với Nga còn quá thấp, chỉ đạt có 3,6 tỷ USD năm 2023, so với con số khổng lồ 171 tỷ đô la với Trung Quốc, 111 tỷ với Hoa Kỳ và 72 tỷ với Liên Hiệp Châu Âu.
Thế nhưng phía Việt Nam ý thức được rằng Nga bị Hoa Kỳ cấm vận tài chính, các trao đổi với Nga sẽ khiến Việt Nam phải cân nhắc để không bị trừng phạt như một số ngân hàng Trung Quốc gần đây. Báo chí Việt Nam nói tiềm năng đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Nga còn cao, vì tính đến hết tháng 5 năm nay Việt Nam có khoảng 25 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ đô la, tức là cao hơn nhiều so với tổng vốn đầu tư xấp xỉ một tỷ đô la của Nga vào Việt Nam tính tới cùng thời điểm nói trên.
Tóm lại, trong các tính toán của Việt Nam thì tự chủ chiến lược đang là nét nổi bật trong việc đón ông Putin sang thăm, nhưng kết quả tốt đẹp, những lợi ích mà Nga đem lại cho Hà Nội, cũng như hệ quả của việc này ra sao trong quan hệ với các nước Phương Tây thì còn cần thời gian chúng ta mới có thể biết được.
Nguyễn Giang – Trọng Thành
******************************
Công du Hà Nội, Tổng thống Putin giúp Việt Nam tăng trọng lượng trước Trung Quốc ở Biển Đông ?
Thu Hằng, RFI, 19/06/2024
Hà Nội trải thảm đỏ đón tổng thống Nga Vladimir Putin công du cấp Nhà nước trong hai ngày 19-20/06/2024. Chọn công du Bắc Triều Tiên và Việt Nam, tổng thống Nga muốn khẳng định còn nhiều bạn, dù bị phương Tây "cô lập". Về phía Việt Nam, liệu có thể trông cậy vào mối quan hệ bằng hữu với Nga để tạo thêm trọng lượng với Trung Quốc ở Biển Đông, trong khi Hà Nội hiểu rõ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, sẽ khó bỏ qua chuyến công du này ?
Công an đứng gác và ngăn đường trước Nhà Hát Lớn, để chuẩn bị đón tổng thống Nga Vladimir Putin, Hà Nội, Việt Nam, ngày 19/06/2024. Reuters - Athit Perawongmetha
Chuyến thăm của tổng thống Putin diễn ra đúng dịp kỉ niệm 30 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị (1994-2024), được đại sứ Nga tại Hà Nội đánh giá là "văn kiện đặt nền móng cho sự phát triển, thực hiện các dự án, ý tưởng lớn". Hai bên dự kiến sẽ thông qua Tuyên bố chung và ký văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có năng lượng.
Dù Nga gây chiến ở Ukraine và bị các nước phương Tây trừng phạt, Hà Nội vẫn duy trì mối quan hệ nồng ấm với Matxcơva trong khuôn khổ "ngoại giao cây tre" cân bằng giữa các cường quốc. Việt Nam cần Nga để tạo trọng lực đối phó với Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Chiến lược này nằm trong những dự án, hợp đồng khai thác dầu khí ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đòi độc chiếm đến 80% diện tích.
Việt Nam hợp tác khai thác dầu khí với Nga để bảo vệ chủ quyền
Từ khoảng 40 năm nay, liên doanh dầu khí Việt-Nga Vietsovpetro khai thác mỏ Bạch Hổ, một trong những mỏ dầu lớn nhất của Việt Nam. Theo trang PetroTimes ngày 16/03, kế hoạch mỏ Thiên Nga - Hải Âu, Lô 12/11 của tập đoàn Zarubezhneft EP Vietnam B.V sẽ tiếp nhận dòng khí đầu tiên vào quý IV/2026. Tháng 03/2024, tập đoàn Nga đã gửi tới bộ Tài Nguyên và Môi Trường báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án. Tổng sản lượng của mỏ trong toàn chu kỳ khai thác từ 2025 đến 2047 dự kiến sẽ đạt hơn 7,43 tỷ mét khối khí đốt và 332,5 ngàn tấn condensate.
Năm 2023, khi tham gia Diễn đàn Tuần lễ năng lượng, bộ trưởng Công thương Việt Nam và bộ trưởng Năng lượng Nga đã ký bản ghi nhớ sửa đổi thỏa thuận cấp chính phủ về hoạt động của liên doanh Vietsovpetro và Rusvietpetro. Theo trang Thông tấn xã Việt Nam ngày 18/06, thỏa thuận trên "phản ánh sự ủng hộ mạnh mẽ của các bên đối với hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng và dầu khí".
Trong khi một số tập đoàn Châu Âu, như Repsol, phải từ bỏ một số dự án do bị Trung Quốc gây sức ép, nhưng các doanh nghiệp Nga vẫn trụ lại. Có lẽ Matxcơva nằm trong số những "người bạn hùng mạnh" mà "Việt Nam có thể viện đến trong trường hợp cần thiết", theo nhận định của nhà nghiên cứu Collin Koh trong thư điện tử trả lời trang Deutsche Welle ngày 18/06. Hà Nội không che giấu điều này, đặc biệt khi đón tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin, bất chấp chỉ trích từ Hoa Kỳ và phương Tây, cũng là những đối tác quan trọng.
"Mượn" Nga làm đối trọng với Trung Quốc ?
Có lẽ chiến lược "ngoại giao cây tre", "kết bạn" với các cường quốc đang giúp Hà Nội tiếp tục củng cố đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông. Một mặt Việt Nam vẫn lên tiếng phản đối mọi hoạt động của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa. Ví dụ gần đây, Việt Nam phản đối một tầu quân y của hải quân Trung Quốc được đưa đến Hoàng Sa để chăm sóc quân nhân. Mặt khác, Hà Nội vẫn lặng lẽ tăng tốc, thậm chí sử dụng cả máy nạo vét hút, giống như thiết bị được Trung Quốc sử dụng, để gia tăng xây dựng tiền đồn ở quần đảo Trường Sa. Trong báo cáo ngày 07/06, Viện Nghiên cứu Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), trực thuộc Trung tâm CSIS, cho rằng "năm 2024 sẽ là năm bồi đặp đảo kỷ lục của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa".
Một ý khác được nhà nghiên cứu Collin Koh ở Singapore lưu ý là Bắc Kinh hiện đang đối đầu căng thẳng với Manila ở Biển Đông, dùng vòi rồng cản trở các tầu tiếp liệu cho lực lượng đồn trú trên những hòn đảo Philippines đòi chủ quyền cùng với hàng loạt sự cố khác từ tháng 02 vừa qua. Việt Nam cũng thường xuyên tiếp tế cho các đảo nằm trong quyền kiểm soát ở Trường Sa, nhưng Trung Quốc không can thiệp mạnh mẽ như đang làm với Philippines.
Bất chấp lập trường và phản ứng ngày càng hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông, "Việt Nam sẽ không nhân nhượng về chủ quyền", theo nhà nghiên cứu Collin Koh, nhưng "điều mà họ tìm kiếm là quản lý vấn đề một cách hợp lý với Trung Quốc". Khó có thể giải quyết tranh chấp chủ quyền một sớm một chiều và Việt Nam có lẽ sẽ đi theo còn đường "quản lý" hơn là "giải quyết". Trong hành trình này, người bạn Nga tiếp tục là một trong những đối tác có trọng lượng cho Việt Nam.
Thu Hằng
*****************************
Ông Putin đến Hà Nội : Việt Nam quan trọng như thế nào với Nga ?
BBC, 19/06/2024
Chuyên cơ chở Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hạ cánh tại sân bay Nội Bài ở thủ đô Hà Nội vào lúc 1 giờ 40 ngày 20/6.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung (bìa trái) đón ông Putin vào rạng sáng 20/6
Đón Tổng thống Putin tại sân bay Nội Bài vào rạng sáng 20/6 có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung ; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải ; Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ; Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ; Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi.
Chuyến thăm cấp nhà nước của ông Putin tới Việt Nam diễn ra ngay sau chuyến thăm Bắc Hàn và không lâu sau khi ông thăm Trung Quốc hồi tháng 5.
Thông qua chuyến công du của ông Putin tới Việt Nam và các nước trước đó, Nga được cho là đang gửi tín hiệu cho thế giới rằng chính sách "hướng về phương Đông" vẫn đi đúng hướng và phương Tây đã thất bại trong việc cô lập Nga sau cuộc chiến ở Ukraine.
Một số nhà phân tích nhận định với BBC rằng trong khi chuyến thăm Bắc Hàn là tình hữu nghị mang tính vụ lợi vì các mục tiêu ngắn hạn vì ông Putin cần đạn dược còn ông Kim Jong-un cần công nghệ quân sự, thì vai trò của Việt Nam đối với Nga quan trọng hơn nhiều so với trước đây.
Các chuyên gia an ninh-quốc phòng cũng cho hay việc ông Putin thăm Hà Nội ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới cho thấy sự coi trọng của ông đối với quan hệ Nga - Việt Nam.
Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin vào ngày 20/6 là theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Vai trò của Việt Nam với Nga
Sau khi Tổng thống Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine, Nga đã bị quốc tế cô lập và áp những lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ.
Tổng thống Putin cũng bị Tòa án Hình sự Quốc tế ICC phát lệnh truy nã vào ngày 17/3/2023 với cáo buộc "có thể liên quan tội ác chiến tranh".
Trong hai năm qua, nhà lãnh đạo Nga chỉ công du đến các quốc gia láng giềng, chẳng hạn các nước thuộc Liên Xô cũ mà vẫn còn nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga, cũng như Trung Quốc và những nước ngoài khối thân hữu với Nga là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).
Các chuyên gia cho rằng ông Putin đến Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Hàn là phương pháp giúp Nga tái định hình lại mối quan hệ, cố gắng đào sâu vào những mối quan hệ sẵn có để có thể giảm thiểu tác động của chính sách có thể gọi là thù địch, cấm vận của phương Tây.
"Việt Nam càng quan trọng với Nga vì Nga hiện không có nhiều bạn nữa. Bạn thân của Nga hiện chỉ có một số nước do quá gần Nga, chịu quá nhiều ràng buộc nên buộc phải làm bạn như những nước cộng hòa Trung Á", Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đánh giá với BBC.
Về kinh tế, các nước phương Tây nhắm vào các cá nhân giàu có, ngân hàng, các công ty và doanh nghiệp quốc doanh của Nga, hạn chế khả năng của Nga trong việc chi tiền cho cuộc chiến.
Nga cũng bị ngăn cản tiếp cận với nhiều loại hàng hóa, bao gồm các sản phẩm điện tử thương mại, bán dẫn và linh kiện máy bay.
Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Khoa Luật quốc tế, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18/6 nhận định với BBC rằng, trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, Việt Nam có thể mang lại lợi ích cho Nga về khía cạnh kinh tế.
"Kinh tế Nga đang gặp khó khăn như thế mà Việt Nam có thể trao đổi hàng hóa với Nga ở mức độ nào đó thì cũng là điều mà Nga cần", ông đánh giá.
Hà Nội là đối tác thương mại lớn nhất của Moscow tại Đông Nam Á, trong đó Nga xuất khẩu các mặt hàng như than đá, phân bón, hóa chất, thực phẩm… sang Việt Nam.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên đạt 3,63 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022, dù vẫn chịu nhiều tác động từ biến động địa chính trị, theo lãnh đạo Vụ Thị trường Châu Âu-Châu Mỹ thuộc Bộ Công thương Việt Nam.
Tính đến hết tháng 5/2024, Nga có 186 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1 tỷ USD. Hôm 19/6, Việt Nam tuyên bố muốn công ty dầu khí nhà nước Zarubezhneft của Nga đầu tư vào năng lượng xanh ở nước này.
Ngoài ra, ông Hoàng Việt cũng cho rằng Việt Nam về mặt chính trị còn có thể đóng vai trò là "cầu nối" giữa Nga với các tổ chức khu vực ASEAN.
Chính sách trọng tâm "hướng Đông" của Nga được chú trọng từ năm 2012 khi ông Putin lên nắm quyền nhiệm kỳ thứ ba. Chiến lược tập trung vào ba mục tiêu, gồm thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Viễn Đông nước Nga, hồi sinh quan hệ với các nước thuộc Liên Xô cũ thông qua hội nhập Á-Âu và tăng cường quan hệ với các nước Đông Á.
"Việt Nam đang nổi lên như một ngôi sao khá hay và khá tốt ở trong khu vực Đông Nam Á. Mà khu vực Đông Nam Á này cũng đang nổi lên là một khu vực đóng vai trò quan trọng", Thạc sĩ Hoàng Việt đánh giá.
"Chúng ta thấy là chuyến thăm của Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc đến Hà Nội năm ngoái cho thấy vị thế của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á như thế nào. Thế thì nói cho cùng, không chỉ Nga mang lại lợi ích cho Việt Nam mà Việt Nam cũng mang lại lợi ích cho Nga", ông lập luận.
Và cũng theo các nhà quan sát, mối quan hệ Việt - Nga có thể trở thành hình mẫu cho các nước ASEAN đang muốn tăng cường hợp tác với Moscow trong những lĩnh vực mà hai bên cùng có lợi.
Vai trò của Nga với Việt Nam
Trong hơn 74 năm thiết lập bang giao, có những nhân tố bên trong và bên ngoài tác động không thuận tới quan hệ giữa Việt Nam và Nga, nhưng tình hữu nghị giữa hai nước được chính quyền Việt Nam rao giảng là thân thiết, thủy chung, sâu sắc vẫn bền vững qua thời gian.
"Sự hỗ trợ của Moscow trong Chiến tranh Việt Nam rất quan trọng đối với chiến thắng của Hà Nội. Đảng cộng sản Việt Nam luôn biết ơn sự hỗ trợ của Moscow trước, trong và sau cuộc chiến và điều này sẽ không thay đổi", Tiến sĩ Ian Storey, học giả của Viện ISEAS (Singapore), nói với BBC.
Ngoài ra, hàng chục ngàn cán bộ đã học tập tại Liên Xô cũ trong Chiến tranh Lạnh, trong đó có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay.
Hà Nội cũng được cho là sẽ phụ thuộc vào Moscow về hỗ trợ quân sự trong nhiều năm tới, khi quân đội Việt Nam vẫn phụ thuộc vào ngành công nghiệp quốc phòng của Nga để mua phụ tùng, đạn dược và nâng cấp vũ khí, bất chấp nỗ lực bắt đầu đa dạng hóa nguồn cung.
"Ngoài ra, giới lãnh đạo của lực lượng vũ trang Việt Nam vẫn coi Nga là người bạn đáng tin cậy", ông Storey bổ sung.
Từ Úc, ông Nguyễn Thế Phương, chuyên gia về quốc phòng Việt Nam tại Đại học New South Wales, nói với BBC rằng vị thế của Nga trong chính sách đối ngoại và đặc biệt là trong chính sách an ninh quốc phòng của Việt Nam rất to lớn.
Về chính sách đối ngoại, ông cho rằng việc tăng cường và duy trì quan hệ với Nga thể hiện Việt Nam vẫn duy trì chính sách đối ngoại tạm gọi là trung lập nhưng cố gắng duy trì quan hệ tốt đẹp với dường như là tất cả mọi quốc gia, đặc biệt là các cường quốc G5 ở trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Còn về chính sách quốc phòng, theo ông Phương, mối quan hệ tốt đẹp với Nga cũng giúp Việt Nam duy trì khả năng tiếp cận công nghệ vũ khí của Nga trong tương lai trong bối cảnh tình hình thế giới đang ngày càng phức tạp, khó đoán.
Nga từ lâu vẫn là nguồn cung cấp vũ khí chính của Việt Nam, từ máy bay chiến đấu và tàu ngầm công nghệ cao, cho đến xe quân sự và vũ khí thô sơ.
Trong khi đó, Giáo sư Vuving đánh giá nếu nói về việc Việt Nam cần Nga thì không phải chỉ là vấn đề cung cấp vũ khí, mà còn vì Nga có thể giúp cho Việt Nam bớt đi những áp lực từ cả Mỹ lẫn Trung Quốc.
"Vì Việt Nam là một nước nhỏ nằm ở vị trí chịu áp lực rất mạnh mà Việt Nam không muốn ngả theo Mỹ cũng không muốn ngả sang Trung Quốc thì Nga sẽ giúp Việt Nam bớt áp lực", chuyên gia này lí giải.
Ông cũng nhấn mạnh rằng trong vấn đề Biển Đông, Nga đang đứng gần với Việt Nam hơn là Trung Quốc trong cuộc tranh chấp sẽ là điều hết sức có lợi cho Việt Nam.
"Các công ty dầu khí của Nga đã hoạt động ở Việt Nam cũng góp phần nào giúp Việt Nam giữ chủ quyền lãnh thổ ở khu vực Biển Đông, và nếu Nga giúp Việt Nam trên Biển Đông thì Trung Quốc sẽ không phản ứng mạnh mẽ lắm".
"Nếu như Mỹ hay Nhật Bản mà giúp Việt Nam trên Biển Đông thì Trung Quốc phản ứng mười, còn Nga giúp thì có thể Trung Quốc chỉ phản ứng một nửa thôi", ông nêu ví dụ.
Chính sách ngoại giao 'cây tre'
Trong bối cảnh các siêu cường cạnh tranh mức độ ảnh hưởng trong khu vực, Mỹ, quốc gia nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hà Nội vào năm ngoái, đã phản đối chuyến thăm của ông Putin.
"Không có quốc gia nào nên cho Putin một nền tảng để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta và nếu làm vậy là cho phép ông ta bình thường hóa những tội ác của mình", người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội phát biểu trước chuyến thăm.
Các chuyên gia cho rằng Hà Nội có nhiều lý do để mạo hiểm khiến các đối tác khác phật lòng vì chuyến công du của nhà lãnh đạo Nga.
"Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng, trong đó cố gắng duy trì mối quan hệ thân thiết và hiệu quả với tất cả các cường quốc, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga", Tiến sĩ Storey trả lời phỏng vấn của BBC.
Ông cho rằng với chính sách "ngoại giao cây tre", Việt Nam cố gắng không thiên vị nước nào, đưa ra dẫn chứng rằng Hà Nội tuy không lên án việc Nga xâm lược Ukraine nhưng cũng không bỏ qua điều đó. Nhiều quan chức của Việt Nam dù không bày tỏ công khai nhưng họ cho rằng Điện Kremlin đã phạm phải một sai lầm to lớn về mặt chiến lược.
Riêng đối với Nga, chuyên gia Thế Phương nhận xét vì Moscow luôn là một đối tác truyền thống và đem lại rất nhiều lợi ích nên "Việt Nam không thể bỏ rơi Nga lúc khó khăn nhất".
"Việt Nam vẫn luôn giữ mối quan hệ tốt với Nga nhưng không có nghĩa là Việt Nam vì mối quan hệ với Nga mà sẽ gây ảnh hưởng tới mối quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây. Cho nên Việt Nam sẽ cố gắng để cân bằng các mối quan hệ này".
Giáo sư Vuving cho rằng nếu nhìn lại quá trình cân bằng quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Mỹ và Nga thì Hà Nội đang thực hiện "một bước lùi, hai bước tiến".
"Làm sao để vẫn chơi được vẫn cả Nga lẫn Mỹ thì Việt Nam đã dùng phương pháp một bước lùi, hai bước tiến. Việt Nam đã lùi một bước trong quan hệ với Mỹ trong năm 2022 và sau đó tiến hai bước trong quan hệ với Mỹ trong năm 2023. Trong lúc đó, Việt Nam vẫn tiếp tục tiến trong quan hệ với Nga", ông bình luận.
Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng Hà Nội đã rút ra bài học trong lịch sử khi cân bằng quan hệ với các cường quốc.
"Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm, từng về phe của Liên Xô nhưng cuối cùng sau này Việt Nam cũng chịu rất nhiều thiệt hại trong chiến tranh. Nhưng mà cũng không có cường quốc nào đứng ra chịu với Việt Nam cả".
Theo ông, đó là bài học, và nếu Việt Nam xử lý tốt trong lúc này thì Hà Nội sẽ chứng tỏ vai trò của Việt Nam như thế nào trên trường quốc tế.
Nguồn : BBC, 19/06/2224
**************************
Tổng thống Putin : Phương Tây khinh ghét, Việt Nam chào đón
BBC, 19/06/2024
Tổng thống Nga Vladimir Putin được nhiều người miêu tả là một người bị phương Tây khinh ghét, nhưng ông nhận được sự chào đón nồng nhiệt khi đến thăm Việt Nam, theo Reuters.
Tình cảm của người dân Việt Nam dành cho ông Putin vẫn ở mức rất cao, bất chấp quyết định xâm lược Ukraine của ông ta", Tiến sĩ Ian Storey, học giả của Viện ISEAS (Singapore), nói với BBC tiếng Việt hôm 18/6.
"Tình cảm của người dân Việt Nam dành cho ông Putin vẫn ở mức rất cao, bất chấp quyết định xâm lược Ukraine của ông ta", Tiến sĩ Ian Storey, học giả của Viện ISEAS (Singapore), nói với BBC tiếng Việt hôm 18/6.
"Putin được coi là người đã đưa quan hệ Việt – Nga trở lại đúng hướng sau khi ông Gorbachev bỏ rơi Hà Nội.
"Hình ảnh 'người đàn ông mạnh mẽ' của Putin cũng được người Việt Nam yêu thích, đặc biệt là đối với nam giới trẻ tuổi", ông Storey nhận định.
Việt Nam không phải là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), nơi đã ban hành lệnh bắt giữ Putin với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine.
Mối quan hệ giữa Hà Nội và Moscow bền chặt trong nhiều thập kỷ.
Giống như Moscow, Hà Nội cũng theo dõi chặt chẽ những gì truyền thông nhà nước đưa tin, và các nhóm vận động phương Tây cho rằng quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận bị hạn chế nghiêm trọng ở Việt Nam.
"Tôi rất vui khi biết ông Putin tới Việt Nam vì ông rất tài năng, thực sự là một nhà lãnh đạo thế giới", ông Trần Xuân Cường, 57 tuổi, cư dân Hà Nội, nói trước tượng đài người sáng lập nhà nước Liên Xô Vladimir Lenin ở thủ đô Việt Nam, theo trích dẫn của Reuters.
Một người dân Hà Nội khác, Nguyễn Thị Hồng Vân, cho biết quà lưu niệm Nga ở cửa hàng của bà bán rất chạy.
"Người Việt Nam rất yêu thích các sản phẩm của Nga", bà nói với Reuters, xung quanh là búp bê Matryoshka và mũ có thêu chữ CCCP - viết tắt của Liên Xô.
Nhà lãnh đạo Nga ít có các chuyến công du nước ngoài kể từ phán quyết của ICC, điều mà Moscow cho biết họ không công nhận.
Nga cũng phủ nhận việc phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine kể từ khi nổ ra cuộc xâm lược toàn diện mà Putin phát động vào tháng 2/2022.
'Thích lãnh đạo quyền lực'
Ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Úc, cũng có chung nhận định rằng "cả giới lãnh đạo và công chúng Việt Nam vẫn dành tình cảm lớn cho Nga" vì tâm lý của người Việt là "thích những nhà lãnh đạo mạnh và có quyền lực".
Ông Phương nói với BBC :
"Quan sát cuộc chiến của Nga tại Ukraine thì một bộ phận lớn công chúng vẫn ủng hộ hành động quân sự của Nga.
"Mối quan hệ với quốc gia mà Việt Nam luôn tuyên bố là có 'tình hữu nghị thủy chung, sâu sắc' được xây dựng trên cơ sở hỗ trợ của Liên Xô trong Chiến tranh Việt Nam và thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội.
"Tâm lí lịch sử tạo ra một sự yêu mến rất lớn của đông đảo người dân Việt Nam với nước Nga, cũng như ông Putin.
"Vì đứng dưới góc độ của công chúng Việt Nam, ông Putin là một nhà lãnh đạo mạnh.
"Xu hướng của người Việt Nam hiện nay là thích những nhà lãnh đạo mạnh và có quyền lực, nên ông Putin sang Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ từ công chúng.
"Tuy nhiên, không thể bỏ qua một thực tế rõ ràng là vẫn có những luồng quan điểm không ủng hộ Nga, hoặc có những người vẫn yêu mến nước Nga nhưng không ủng hộ hành động quân sự của quân đội Putin ở Ukraine".
Trao đổi với BBC tiếng Việt trước chuyến thăm lần thứ năm của ông Putin tới Việt Nam, Tiến sĩ Ian Storey nói rằng "Nga là một người bạn lâu năm và đáng tin cậy của Việt Nam".
Ông nói :
"Sự hỗ trợ của Moscow trong Chiến tranh Việt Nam rất quan trọng đối với chiến thắng của Hà Nội.
"Đảng cộng sản Việt Nam luôn biết ơn sự hỗ trợ của Moscow trước, trong và sau cuộc chiến và điều này sẽ không thay đổi.
"Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng, trong đó cố gắng duy trì mối quan hệ thân thiết và hiệu quả với tất cả các cường quốc, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga.
"Hà Nội tuy không lên án việc Nga xâm lược Ukraine nhưng cũng không bỏ qua điều đó. Nhiều quan chức của Việt Nam dù không bày tỏ công khai nhưng họ cho rằng Điện Kremlin đã phạm phải một sai lầm to lớn về mặt chiến lược".
Theo ông Storey, tình cảm của người dân Việt Nam dành cho ông Putin vẫn ở mức rất cao, bất chấp quyết định xâm lược Ukraine của ông ta.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một bộ phận người dân Việt Nam phản đối hành động gây hấn của Nga và không đồng tình với việc Việt Nam bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khi biểu quyết lên án Nga.
"Những người chỉ trích lập trường của Việt Nam trong cuộc chiến Ukraine đã đặt câu hỏi : 'Nếu chúng ta không đứng lên vì Ukraine, ai sẽ đứng lên bảo vệ chúng ta nếu Việt Nam bị Trung Quốc tấn công ?'", ông Ian Storey nói với BBC tiếng Việt.
Thạc sĩ Hoàng Việt từ Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thì nhìn nhận rằng tình cảm của người Việt Nam với ông Putin có sự thay đổi sau cuộc chiến Ukraine.
"Có nhiều người học ở Nga đã từng hoặc đang nắm giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự và công an. Nhóm này thì vẫn rất thích và thần tượng vai trò của ông Putin.
"Nhưng sau cuộc chiến Ukraine thì dư luận Việt Nam có sự phân hóa trong cái nhìn về ông Putin".
Trong khi đó, Giáo sư Alexander L Vuving từ trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, thì nhận định với BBC rằng "sự biểu lộ của người dân Việt Nam đối với tổng thống Putin sẽ là thứ mà chính quyền sẽ kiểm soát rất ngặt nghèo".
"Thành ra người nào mà thích Nga và hoan hô Putin thì sẽ được thoải mái.
"Thế nhưng những người không thích Putin mà thậm chí là muốn phản đối thì sẽ không có đất để thể hiện được cái chuyện đó".
Mối quan hệ truyền thống
Tổng thống Nga Vladimir Putin nâng ly cùng các quan chức Việt Nam vào ngày 12/11/2013 tại Hà Nội
Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Việt Nam và các công ty Nga khai thác dầu khí tại các mỏ của Việt Nam ở Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Hàng chục ngàn cán bộ Việt Nam đã đi học ở Liên Xô cũ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, trong đó có các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu và người đứng đầu Đảng cộng sản hiện nay là ông Nguyễn Phú Trọng, một nhà tư tưởng Mác-Lênin.
Hà Nội rải rác những tòa nhà theo phong cách Liên Xô, bao gồm bảo tàng Hồ Chí Minh, Cung Hữu nghị Việt-Xô, được xây dựng vào cuối những năm 1970 trên địa điểm nơi có một phòng triển lãm của Pháp bị ném bom.
Ở một đất nước bị lãnh đạo cộng sản kiểm soát chặt và nơi tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói rằng quyền tự do ngôn luận bị hạn chế nghiêm ngặt, ông Putin ít khả năng phải đối mặt với những lời chỉ trích công khai, theo Reuters.
"Tâm hồn Nga là một điều tuyệt vời. Nó nhẹ nhàng tình cảm, yêu hòa bình", ông Trần Xuân Việt, 83 tuổi, nói với Reuters. "Tôi sẽ luôn dành sự tôn trọng và tình cảm cho Putin. Thực tế, có rất nhiều điều về ông ấy mà tôi thường (...) áp dụng trong cuộc sống hằng ngày của mình".
Một số thanh niên Việt Nam cũng hoan nghênh chuyến thăm của Putin.
"Tôi khá thích Tổng thống Nga Putin. Tôi hy vọng chuyến thăm này sẽ tăng thêm tình đoàn kết, hợp tác và hữu nghị giữa Nga và Việt Nam", Phạm Hoàng Hải Đăng, sinh viên 20 tuổi, nói với Reuters.
Nguồn : BBC, 19/06/2024
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chứ không phải Chủ tịch nước Tô Lâm mời, tại sao ?
BBC, 18/06/2024
Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin trong hai ngày 19 và 20/6 là theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chứ không phải Chủ tịch nước Tô Lâm như giao thức quốc tế thông thường.
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đón ông Putin tại Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2001
Đây là lần thứ 5 ông Putin tới Việt Nam trên cương vị tổng thống Liên bang Nga.
Trong bốn lần trước, có hai lần là thăm chính thức, một lần thăm cấp nhà nước, một lần đến dự hội nghị APEC ở Đà Nẵng.
Không kể lần đi dự hội nghị, ba chuyến thăm Việt Nam còn lại của Tổng thống Putin đều thực hiện theo lời mời của nguyên thủ quốc gia Việt Nam, tức chủ tịch nước.
Tuy nhiên, chuyến thăm trong năm 2024 này thì người đưa ra lời mời và sẽ là người tiếp đón chính thức là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sự thay đổi lần này nói lên điều gì ?
Bốn lần tới Việt Nam của ông Putin
Chuyến thăm đầu tiên (28/2 đến 2/3/2001) : Chủ tịch nước Trần Đức Lương mời.
Một năm sau khi trở thành tổng thống Nga, ông Putin đã thăm hữu nghị chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
Trong chuyến thăm, Tổng thống Putin đã hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đức Lương, hội kiến Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Thủ tướng Phan Văn Khải và Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh.
Ông Putin cũng đi thăm Nhà sàn thuộc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh và ghi lưu bút trong Sổ vàng của Khu di tích.
Ông cũng thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám và gặp những người Việt Nam từng học tập, công tác tại Liên Xô và Nga.
Hai nước đã ra Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược.
Dịp này, Việt Nam đã trao tặng ông Putin Huân chương Hồ Chí Minh.
Chuyến thăm thứ hai (2006) : Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mời
Ông Putin và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết năm 2006 tại Hà Nội
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, ngày 20/11/2006, Tổng thống Putin đã thăm chính thức Việt Nam sau khi tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 14 tại Hà Nội.
Ông đã hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Hai nguyên thủ đã ký "Tuyên bố chung của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng thống Liên bang Nga về việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí" và chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác.
Ônh Putin cũng hội kiến Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
Lần thứ ba (12/11/2013) : Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mời
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đón Tổng thống Putin vào năm 2013 tại Hà Nội
Ngày 12/11/2013, Tổng thống Vladimir Putin đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Ông Putin đã hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hội kiến với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Putin cũng đã đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ; chứng kiến lễ ký nhiều văn kiện hợp nhằm tăng cường hợp tác cả về chính trị, quốc phòng, thương mại và năng lượng.
Lần thứ tư (11/2017) : dự hội nghị APEC
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và nguyên thủ các quốc gia tại APEC năm 2017 tổ chức ở Đà Nẵng - hàng đầu từ trái qua phải : Vladimir Putin, Donald Trump, Trần Đại Quang, Tập Cận Bình)
Ông Putin đến Đà Nẵng để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017 cùng các hoạt động khác trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Ông đã hội kiến Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người khi đó đã khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi trọng và ưu tiên củng cố, tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga.
Ông Putin khẳng định Việt Nam luôn là một trong những ưu tiên đối ngoại của Nga tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Hai bên nhất trí cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu.
Hai nước nhất trí ra Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm an ninh thông tin quốc tế.
Vì sao ông Trọng mời lần này ?
Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam từ ngày 19 đến 20/6 theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên sau khi ông Putin đắc cử Tổng thống Liên bang Nga nhiệm kỳ 2024-2030 hồi tháng 3/2024, nhiệm kỳ thứ 5 của ông.
Theo thông lệ ngoại giao quốc tế, chuyến thăm cấp nhà nước của các nguyên thủ quốc gia thường do người đồng cấp mời, tức là nguyên thủ mời nguyên thủ.
Trước đây, vai trò tiếp nguyên thủ tại Việt Nam vẫn do chủ tịch nước đảm nhiệm.
Trong thời gian gần đây, vai trò này lại do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm.
Hồi tháng 9/2023, Tổng thống Joe Biden của Mỹ đã đến thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khi đó, ông Trọng là người đại diện Việt Nam đón tổng thống Mỹ trong lễ đón chính thức. Báo chí cũng được chỉ đạo nêu rõ chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trước đó, vào năm 2015, ông Trọng trên cương vị tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đã có chuyến thăm Mỹ và được Tổng thống Barack Obama tiếp tại Phòng Bầu Dục.
Việc nguyên thủ quốc gia Mỹ tiếp người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam tại Phòng Bầu Dục là một điều chưa có tiền lệ.
Trong cuốn sách Nothing Is Impossible của ông Ted Osius, người lúc bấy giờ là đại sứ Mỹ tại Việt Nam, tác giả đã kể rằng đã có những gợi ý (ban đầu) và (sau đó là) vận động ngoại giao ráo riết từ phía Việt Nam để Mỹ chấp nhận một chuyến thăm vô tiền khoáng hậu như vậy. Ông Osius cũng đã mất rất nhiều thời gian và công sức để thuyết phục Bộ Ngoại giao chấp nhận một điều mà họ chưa từng hình dung trước đây : tiếp đón một lãnh đạo đảng chính trị như một nguyên thủ quốc gia.
Cuối cùng, phía Mỹ đã thay đổi nhận thức và chấp nhận điều này mà theo đánh giá của nhiều nhà quan sát là một sự nhìn nhận về tính chính danh của Đảng cộng sản Việt Nam, điều cực kỳ có ý nghĩa đối với đảng này.
Với vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng cộng sản tại Việt Nam, tổng bí thư trên thực tế là "nguyên thủ" theo nghĩa người đứng đầu hệ thống chính trị, người có quyền lực nhất. Tuy nhiên, về mặt đối ngoại, vai trò đó lâu nay chỉ được thừa nhận chủ yếu trong khối các nước có hệ thống chính trị tương đương. Đối với các nước dân chủ phương Tây, việc nhìn nhận lãnh đạo một chính đảng cầm quyền như là nguyên thủ quốc gia là điều khó chấp nhận hơn. Các hoạt động ngoại giao, trong đó có các chuyến thăm của nguyên thủ Việt Nam ra nước ngoài và việc đón tiếp nguyên thủ nước ngoài tại Việt Nam, chủ yếu là do chủ tịch nước đảm nhiệm. Tuy nhiên, sự kiện ông Trọng thăm Mỹ năm 2015 đã thay đổi điều này.
Trong thời gian gần đây, vai trò "nguyên thủ quốc gia trên thực tế" của ông Trọng càng được nhấn mạnh. Các cuộc điện đàm với tổng thống Mỹ và nguyên thủ Trung Quốc thường do ông Trọng thực hiện. Chẳng hạn, vào tối 29/3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm cấp cao với Tổng thống Joe Biden.
Vào tháng 12/2023, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Giờ đây, chuyến thăm của ông Putin được thực hiện theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngay cả khi ông Tô Lâm lên vị trí chủ tịch nước thì ông Trọng vẫn đảm trách việc mời và tiếp nguyên thủ các nước lớn. Điều này tô đậm vai trò của Đảng và vai trò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Một số nhà quan sát cho rằng điều này cho thấy ông Tô Lâm vẫn chưa xoay chuyển được tình hình.
Trả lời BBC tiếng Việt hôm 18/6, ông Hoàng Việt, giảng viên Luật Quốc tế, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng "về thực tế thì Việt Nam có hai nguyên thủ".
"Ở Việt Nam thì phải nói thêm rõ ràng là về mặt lý thuyết theo hiến pháp thì chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, đại diện cho nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để đối ngoại với nước ngoài.
"Nhưng trong thực tế thì Việt Nam có hai nguyên thủ.
"Tổng bí thư cũng được coi là một nguyên thủ, thậm chí có quyền lực và vị trí còn lớn hơn so với chủ tịch nước.
"Chúng ta thấy trong 'Tứ Trụ', tổng bí thư xếp đầu tiên, sau đó tới chủ tịch, rồi thủ tướng, cuối cùng là chủ tịch Quốc hội.
"Thế nên chuyện này cũng không có gì lạ cả, bởi vì dù là chủ tịch nước hay là tổng bí thư thì cũng khá giống nhau về cơ bản, dù cho là chủ tịch nước thì vẫn phải chịu sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và tổng bí thư vẫn là người cao nhất.
"Chúng ta đã thấy là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã thăm nhiều quốc gia, kể cả Mỹ năm 2015 và Mỹ cũng đã đón ông Nguyễn Phú Trọng với nghi thức trọng thể của một quốc gia
"Chúng ta có thể hiểu rằng vị trí tổng bí thư mới là nguyên thủ quốc gia đóng vai trò quyết định ở Việt Nam vào lúc này".
Trong khi đó, Tiến sĩ Ian Storey, học giả của Viện ISEAS (Singapore), cho rằng vấn đề đơn giản chỉ là ông Trọng, trong cuộc điện đàm hồi tháng Ba đã mời ông Putin sang thăm Việt Nam.
"Mà khi ấy chức chủ tịch nước còn đang trống do ông Võ Văn Thường vừa thôi chức".
Nguồn : BBC, 18/06/2024
Carl Thayer, Nguyễn Thế Phương, RFA, 13/06/2024
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Việt Nam dự kiến diễn ra trong hai ngày 19 và 20/6 ngay sau chuyến thăm Triều Tiên.
AFP
Reuters, hôm 10/6, dẫn lời một quan chức Việt Nam nói như vậy và cho biết thêm rằng chương trình nghị sự vẫn đang được bàn bạc.
Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam nhận định, về phía Nga, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin gồm có các mục tiêu chính :
"Đầu tiên, Nga muốn chứng minh cho liên minh phương Tây phản đối sự can thiệp của nước này vào Ukraine rằng Nga không bị cô lập.
Thứ hai, Nga và Việt Nam sẽ tìm cách củng cố quan hệ kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.
Thứ ba, Nga sẽ thúc đẩy Việt Nam cam kết mua sắm vũ khí.
Thứ tư, Việt Nam và Nga sẽ tìm cách tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Việt Nam đang tìm kiếm sự đảm bảo rằng quan hệ Nga - Trung sẽ không gây tổn hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam".
Theo The Diplomat, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga đã được thảo luận vào cuối tháng ba. Trong một cuộc điện đàm của ông Nguyễn Phú Trọng với ông Putin, "Tổng Bí thư Trọng đã gởi lời mời Tổng thống Putin đến thăm Việt Nam trong thời gian tới và Tổng thống Putin đã vui vẻ nhận lời".
Ông Putin đã có bốn chuyến thăm Việt Nam kể từ khi ông nắm quyền. Lần gần đây nhất là dự Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng năm 2017.
Tờ Vedomosti của Nga dẫn lời đại diện thương mại của nước này tại Việt Nam cho biết vào tháng trước rằng vấn đề thương mại cấp bách nhất giữa hai nước là hỗ trợ ngân hàng để giải quyết các khoản thanh toán.
Thạc sĩ Nguyễn Thế Phương, chuyên gia an ninh quốc phòng, nhận định về kinh tế, Nga mong muốn được đa dạng hoá đối tác của họ với hi vọng thoát khỏi cấm vận và sức ép kinh tế từ phương Tây nên sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương, kinh tế và thương mại với Việt Nam. Trước hết là tăng cường hơn nữa hiệu lực của Hiệp ước Thương mại Tự do Liên minh kinh tế Á Âu :
"Thứ hai là thảo luận về các cơ chế tài chính làm sao cho các công ty của cả hai bên được thanh toán với nhau dễ dàng hơn. Rõ ràng là Nga bị cấm vận thì vấn đề thanh toán đang rất là khó.
Ngoài ra còn những thỏa thuận về khoa học công nghệ khác, ví dụ như về hạt nhân, hàng không vũ trụ chẳng hạn. Vậy thì Việt Nam sẽ tập trung nói nhiều về vấn đề phi an ninh và quốc phòng nhiều hơn".
Theo Bloomberg, Việt Nam và Nga có mối quan hệ từ nhiều thập kỷ trước Liên Xô. Moscow là nhà cung cấp viện trợ quân sự chính cho Việt Nam trong cuộc chiến với Mỹ. Quốc gia Đông Nam Á này kể từ đó đã phụ thuộc vào Nga về vũ khí quân sự, bao gồm máy bay và tàu ngầm Kilo chạy bằng diesel.
Moscow hiện cũng là bên đối tác chính trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam. Vietsovpetro, liên doanh giữa Việt Nam và Nga, điều hành một trong những mỏ dầu lớn nhất Đông Nam Á tại Bạch Hổ, đã hoạt động được khoảng bốn thập kỷ qua.
Ông Phương nói, lần này, hai nước sẽ thúc đẩy mạnh hơn về hợp tác năng lượng và an ninh quốc phòng :
"Hai mảng này có vai trò rất quan trọng trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Vai trò và sự hiện diện của các công ty dầu khí Nga và các lô dầu khí ở Biển Đông giúp cho Việt Nam có một cái thế cân bằng so với Trung Quốc".
Theo ông Thế Phương, dù Việt Nam muốn giảm sự phụ thuộc vũ khí vào Nga, nhưng Việt Nam vẫn đang dựa vào vũ khí của Nga, đặc biệt là các loại vũ khí lớn :
"Việt Nam muốn giảm phụ thuộc vấn đề vũ khí vào Nga không thể một sớm một chiều là thực hiện được.
Nói về hợp tác an ninh quốc phòng thì thực ra không chỉ có buôn bán vũ khí, mà còn có những thứ khác nữa, như là tình báo, chia sẻ kinh nghiệm chiến trường hoặc là buôn bán những cái không phải là vũ khí lớn…
Và cái nữa là một số vũ khí của Việt Nam rất khó tìm được nguồn thay thế nên Việt Nam vẫn phải dựa vào Nga trong một số mặt hàng vũ khí cụ thể.
Đó là lý tại sao an ninh quốc phòng vẫn là một trong những lĩnh vực mà hai bên tiếp tục đào sâu hơn".
Tuy nhiên, ông Phương cũng lưu ý thêm rằng nếu Việt Nam có mua thêm vũ khí từ Nga thì cả hai bên cũng phải tập trung thảo luận tạo ra cơ chế để Việt Nam có thể chuyển tiền cho Nga. Bởi vì bây giờ việc chuyển tiền bằng đồng đô-la Mỹ thì khó đối với Nga do liên quan tới cấm vận.
Theo giáo sư Carl Thayer, do lo ngại lệnh trừng phạt của phương Tây dành cho Nga, kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Việt Nam đã hạn chế mua vũ khí từ Nga vì lo ngại các lệnh trừng phạt của phương Tây :
"Việt Nam cũng đã tuyên bố chuyển chính sách, từ bỏ phiếu trắng trong ba phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc và bỏ phiếu phản đối nghị quyết đình chỉ Nga khỏi Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, sang lập trường trung dung, khiêm tốn.
Việt Nam tán thành các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời kêu gọi "các bên liên quan… kiềm chế, ngừng chiến đấu, nối lại đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế".
Thạc sĩ Thế Phương cũng cho rằng Việt Nam hiện nay đang rất cân nhắc đặt mối quan hệ giữa mình với Nga như thế nào để nó không làm ảnh hưởng tới mối quan hệ đang rất tốt đẹp giữa Việt Nam với một số nước phương Tây. Dù vậy, xu hướng tương lai của mối quan hệ song phương giữa Việt Nam với Nga vẫn là thân thiết :
"Việt Nam cũng khá cần Nga trong việc cân bằng mối quan hệ Việt Nam với các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.
Bởi vì cả Trung Quốc và Mỹ thì Việt Nam đều có vấn đề nhưng mà với Nga thì không có vấn đề gì. Không có tranh chấp lãnh thổ cũng không có sức ép về dân chủ, nhân quyền.
Việt Nam và Nga đã có mối quan hệ bạn bè truyền thống từ xưa đến giờ, cho nên Nga là một đối tác, dưới con mắt của các nhà lãnh đạo Việt Nam, là đóng vai trò then chốt để Việt Nam có thể cân bằng với cả Mỹ và Trung Quốc".
Hồi tháng 3/2023, Tổng thống Nga Putin đã bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh truy bắt vì liên quan đến tội ác chiến tranh ở Ukraine. Theo giáo sư Carl Thayer, do Việt Nam không phải là quốc gia thành viên Công ước Rome về thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế ; do đó, Việt Nam không có nghĩa vụ bắt giữ ông Putin.
Nguồn : RFA, 13/6/2024
***************************
Vì sao Putin đến Hà Nội sẽ giải tỏa nghi vấn về quyền lực và sức khỏe của Tổng Trọng ?
Trà My, Thoibao.de, 12/06/2024
Trung tuần tháng 5/2024, truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ sớm tới thăm Việt Nam. Tuy nhiên, ngay sau đó, các hãng tin quốc tế đưa tin, chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Nga có thể sẽ không thành hiện thực, với lý do, Việt Nam chuẩn bị bầu tân Chủ tịch nước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tới thăm Việt Nam và Bắc Hàn sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 20/6/2024
Mới nhất, ngày 10/6, báo Vedomosti của Nga đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tới thăm Việt Nam và Bắc Hàn vào tuần tới đây. Trong khi, một hãng tin quốc tế đưa tin, với một sự dè dặt hơn, khi cho biết, "một nguồn tin cho hay, chuyến thăm Việt Nam của ông Putin, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 20/6, nhưng vẫn chưa ấn định cụ thể".
Từ trước chuyến thăm Bắc Kinh của ông Putin, trong các ngày 16 và 17/5, đã có các thông tin về khả năng ông sẽ thăm Việt Nam sau đó. Thậm chí, Hà Nội từng hoãn cuộc họp với quan chức hàng đầu Liên Hiệp Châu Âu (EU), vốn đã được lên lịch vào 2 ngày, 13 và 14/5, để chuẩn bị cho khả năng ông Putin thăm Việt Nam.
Thực tế, chuyến thăm dự kiến của ông Putin vào trung tuần tháng 5/2024 đã không thành hiện thực, bởi tình hình bất ổn chính trị ở thượng tầng lãnh đạo Việt Nam. Khi đó, Việt Nam vẫn chưa có Chủ tịch nước và Chủ tịch quốc hội, đồng thời đang trải qua một thời kỳ xáo trộn chưa từng thấy, đối với giới chức lãnh đạo cấp cao.
Đến nay, chính trị Việt Nam đã dần dần ổn định, và bộ máy "tứ trụ" đã bầu bán xong. Một hãng tin quốc tế dẫn lời một quan chức Việt Nam, nói rằng, tuy ngày thăm đã được thống nhất, chương trình nghị sự vẫn đang được thảo luận. Các vấn đề liên quan tới năng lượng, hợp tác quân sự, giải quyết vấn đề thanh toán, và một thỏa thuận trong lĩnh vực giáo dục, dự kiến sẽ nằm trong chương trình nghị sự, trong chuyến thăm này của ông Putin.
Đáng chú ý, BBC ngày 15/5, tiết lộ, theo Tiến sĩ Ian Storey – chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chính trị Đông Nam Á (ISEAS), có trụ sở tại Singapore, đã nhận định rằng "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang không có sức khỏe tốt, và có lẽ, không thể gặp ông Putin".
Tại Hội nghị Trung ương 9 khóa 13 của Đảng cộng sản Việt Nam, diễn ra từ ngày 16 đến 18/5, người ta vẫn thấy ông Trọng xuất hiện để điều hành Hội nghị quan trọng này. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, Tổng Trọng lại tiếp tục biến mất một cách bí ẩn, giữa lúc có những đồn đoán cho rằng, ông Trọng đang ở một tình trạng sức khỏe rất xấu.
Vào trung tuần tháng 9/2023, trong chuyến thăm cấp cao của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Hà Nội, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất "Đối tác chiến lược toàn diện". Vào thời điểm đó, ông Trọng nổi lên như một lãnh đạo kiểm soát toàn bộ vấn đề đối nội và đối ngoại của nhà nước Việt Nam.
Vẫn theo giới quan sát, Tổng Trọng là người lên kế hoạch, chủ trì lễ đón chính thức, cũng như hội đàm và thảo luận trực tiếp với Tổng thống Mỹ, tại trụ sở Văn phòng trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Khi đó, bộ 3 trong "Tứ trụ", là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, và Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ, cũng chỉ là những cái bóng mờ nhạt sau lưng ông Trọng.
Đó là lý do vì sao, giới quan sát trong nước cũng như quốc tế, đã và đang tỏ ra hồi hộp, trông chờ sự xuất hiện của Tổng Trọng – người nắm giữ quyền lực cao nhất (trên danh nghĩa), của Việt Nam. Liệu ông Trọng có tham gia đón tiếp Tổng thống Nga Putin hay không ?
Sự kiện này hết sức quan trọng, để có thể khẳng định chính thức, về vai trò quyền lực cũng như sức khỏe của ông Trọng hiện nay, là như thế nào ?
Hơn nữa, ông Trọng được cho là tác giả của cái gọi là chính sách ngoại giao "cây tre" của nhà nước Việt Nam, thì đây cũng là một phép thử, đối với Chủ tịch nước Tô Lâm.
Sau khi ông Tô Lâm nhậm chức Chủ tịch nước vào ngày 22/5, ông Putin là một trong những vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên, gửi điện và thư chúc mừng Chủ tịch nước Tô Lâm. Và trong những ngày tiếp theo, cũng chỉ có một vài quốc gia độc tài chúc mừng ông, như Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên, Lào, Campuchia…
Trong khi đó, Việt Nam cũng nằm trong số ít quốc gia, bao gồm Bắc Hàn, Trung Quốc… có lãnh đạo nhiệt liệt chúc mừng ông Putin tái đắc cử nhiệm kỳ 5 Tổng thống Nga, trong cuộc bầu cử bị phương Tây chỉ trích là giả hiệu.
Ông Putin đã bị Tòa án hình sự quốc tế ICC phát lệnh truy nã, vào tháng 3/2023, vì liên quan đến các tội ác chiến tranh ở Ukraine. Việt Nam hiện không phải là thành viên của Tòa Hình sự quốc tế này, nên Tổng thống Nga Putin sẽ không bị bắt tại Việt Nam, theo lệnh truy nã của ICC.
Trà My
**************************
Tổng thống Putin sẽ thăm Việt Nam trong tuần tới
VOA, 12/06/2024
Tổng thống Vladimir Putin sẽ tới Việt Nam trong tuần tới, theo các nguồn tin và truyền thông Nga, giữa lúc Kremlin bị cô lập và người đứng đầu nước Nga đang chịu lệnh bắt giữ của tòa quốc tế vì cuộc chiến ở Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một lần gặp gỡ Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng - Ảnh minh họa
Thông tin về chuyến thăm của ông Putin được đưa ra không lâu sau khi Việt Nam kiện toàn được ‘bộ tứ’ lãnh đạo hàng đầu sau một thời gian khủng hoảng các vị trí chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội.
Một nguồn tin nói với VOA rằng chuyến thăm của ông Putin đã được Hà Nội ấn định cho ngày 19 và 20 tháng này. Reuters cũng trích dẫn một quan chức dấu tên cho biết chuyến thăm Việt Nam của người đứng đầu nước Nga được dự kiến vào thời gian như trên nhưng chưa được khẳng định. Đài truyền hình NHK của Nhật Bản dẫn các nguồn ngoại giao giấu tên, trong đó có các quan chức cấp cao của Nga, nói rằng ông Putin đang chuẩn bị thăm Triều Tiên và Việt Nam vào tuần tới.
Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora được truyền thông Nga, gồmVedomosti và Moscow Times, trích lời nói hôm 10/6 rằng ông đang "tích cực" chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Putin tới Bình Nhưỡng trong khi một quan chức ngoại giao dấu tên được trích dẫn cho biết ông Putin sẽ đi thăm Việt Nam sau đó.
Trả lời phóng viên hôm 10/6 về chuyến thăm của ông Putin tới Triều Tiên và Việt Nam, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết "khi thời điểm đến, chúng tôi sẽ đưa ra thông báo thích hợp", theo Moscow Times. Trước đó hôm 30/5, ông Peskov nói với Sputnik rằng chuyến thăm của ông Putin tới Việt Namđang được chuẩn bị và ngày giờ cụ thể sẽ được thông báo vào thời điểm thích hợp.
Đại sứ quán Nga ở Hà Nội không trả lời yêu cầu bình luận của VOA về thông tin chuyến thăm của ông Putin tới Việt Nam. VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Người phát ngôn Phạm Thu Hằng tháng trước nói rằng hai bên vẫn đang chuẩn bị cho chuyến thăm này và sẽ thông tin chi tiết khi phù hợp.
Nga đang chịu hàng nghìn chế tài từ Mỹ và các nước phương Tây do cuộc xâm lược của họ ở Ukraine trong khi Tổng thống Putin bị Tòa án hình sự quốc tế phát lệnh bắt giữ vào tháng 3 năm ngoái vì cáo buộc chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh trục xuất bất hợp pháp trẻ em khỏi Ukraine.
Việt Nam, giống như Trung Quốc và Triều Tiên, đã không bỏ phiếu chống lại Nga trong các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và vẫn tiếp tục quan hệ hợp tác với Nga trên nhiều mặt dù Kremlin bị cô lập khỏi thế giới phương Tây.
Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã mời ông Putin đến thăm trong một cuộc điện đàm diễn ra hôm 26/3 ngay sau khi ông Putin tái đắc cử tổng thống Nga và theo truyền thông trong nước, ông Putin đã nhận lời.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 23/5 nói rằng Kremlinđề cao "quan điểm hợp lý" của Hà Nội về cuộc khủng hoảng Ukraine và rằng các lãnh đạo Việt Nam "vẫn tuân thủ các tiếp cận cân bằng và có trách nhiệm". Việt Nam khẳng định rằng họ "không chọn bên mà chọn chính nghĩa" khi bị chỉ trích từ truyền thông quốc tế vì quan điểm "tránh đối đầu" với Nga.
"Việt Nam khẳng định không đứng về bên nào trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Nhưng việc trốn tránh Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine ở Thụy Sỹ, trong khi tiếp đón ông Putin đến thăm cùng thời điểm gửi đi một thông điệp khá mâu thuẫn", nhà nghiên cứu Huong Le Thu, phó giám đốc về Châu Á của Crisis Group, nói trong mộtđăng tải trên X hôm 11/6, ngụ ý tới việc Việt Nam chưa có tuyên bố gì về việc có cùng 90 nước tham gia Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine sẽ được tổ chức ở Burgenstock từ 15-16 tháng này hay không.
Ông Putin được cho là đã dự kiến tới thăm Việt Nam trên đường trở về từ chuyến thăm Trung Quốc vào ngày 16-17 tháng 5. Reuters lúc đó cho biết rằng Việt Nam đã trì hoãn cuộc họp với quan chức hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu về các biện pháp trừng phạt Nga trước chuyến thăm có thể diễn ra của ông Putin tới Hà Nội. Nhưng đài DW của Đức sau đó tiết lộ chuyến thăm của ông Putin dự kiến vào thời gian đó có thể không thành hiện thực trong lúc Đảng cộng sản Việt Nam rơi vào hỗn loạn do đấu đá nội bộ và chưa bầu được chủ tịch nước mới. Vị trí chủ tịch Quốc hội của Việt Nam lúc đó cũng đang bị bỏ trống.
Ông Putin đã có 4 chuyến thăm tới Việt Nam trong thời gian nắm quyền, bao gồm chuyến thăm gần đây nhất vào năm 2017 khi nhà lãnh đạo Nga tới Đà Nẵng tham dự Diễn đàn APEC.
Việt Nam và Nga dự kiến sẽ bàn thảo để thống nhất các phương hướng hợp tác chiến lược, nhất là về thương mại và thanh toán trong chuyến thăm của ông Putin vào tuần tới, theo nguồn tin của VOA. Nguồn tin không muốn nêu danh tính nói rằng hai bên sẽ ký kết hàng chục văn kiện, trong đó có việc giữ liên doanh dầu khí, và thúc đẩy phát triển năng lượng hạt nhân.
Một quan chức được Reuters trích dẫn nói rằng nghị trình vẫn còn được bàn thảo nhưng các vấn đề chính dự kiến sẽ được thảo luận trong chuyến thăm của ông Putin bao gồm năng lượng, hợp tác quân sự, giải quyết các khoản thanh toán và thỏa thuận trong lĩnh vực giáo dục.
Theo nguồn tin của VOA, Việt Nam muốn tranh thủ sự ủng hộ của ông Putin về các vấn đề Biển Đông, Mekong và người Việt ở Nga.
Ông Ian Storey, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, nói với VOA hồi tháng trước rằng ông Putin sẽ sử dụng chuyến thăm Việt Nam "để đánh tính hiệu tới thế giới rằng chính sách ‘Hướng Đông’ của chính phủ ông vẫn đi đúng hướng và phương Tây đã thất bại trong việc cô lập Nga".
Nguồn : VOA, 12/2024
Báo Nga loan tin ông Putin chuẩn bị thăm Triều Tiên, Việt Nam
Reuters, VOA, 11/06/2024
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Triều Tiên và Việt Nam trong những tuần tới, tờ báo Vedomosti của Nga đưa tin ngày 10/6. Đồng thời, một quan chức nói với Reuters rằng chuyến thăm Việt Nam đã được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 19/6 và 20/6 nhưng chưa được xác nhận.
Tổng thống Nga Vladimir Putin dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg ngày 7/6/2024. Báo Vedomosti của Nga đưa tin ông Putin có thể thăm Việt Nam sớm nhất là vào tháng 6 và rất có thể là ngay sau chuyến thăm Triều Tiên.
Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora xác nhận với tờ báo rằng chuyến thăm của ông Putin tới Bình Nhưỡng đang được "tích cực chuẩn bị".
Báo này đưa tin ông Putin có thể thăm Việt Nam sớm nhất là vào tháng 6 và rất có thể là ngay sau chuyến thăm Triều Tiên.
Một quan chức Việt Nam nói với Reuters rằng thời gian chuyến thăm Hà Nội đã được thống nhất nhưng chương trình nghị sự vẫn đang được thảo luận. Quan chức này cho biết, năng lượng, hợp tác quân sự, giải quyết các khoản thanh toán và thỏa thuận trong lĩnh vực giáo dục là một trong những vấn đề chính dự kiến sẽ được thảo luận.
Vedomosti dẫn lời đại diện thương mại của Nga tại Việt Nam cho biết vào tháng trước rằng vấn đề thương mại cấp bách nhất giữa hai nước là hỗ trợ ngân hàng để giải quyết thanh toán.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận.
Quan hệ với Triều Tiên
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đến thăm Nga vào tháng 9 năm ngoái để hội đàm với ông Putin. Ông Kim đã đến thăm trung tâm phóng không gian Vostochny Cosmodrome của Nga ở vùng Viễn Đông của Nga và ông Putin hứa sẽ giúp Triều Tiên chế tạo vệ tinh.
Điện Kremlin cho biết Nga muốn xây dựng quan hệ đối tác với Triều Tiên "trong mọi lĩnh vực" nhưng chưa xác nhận ngày của chuyến thăm.
Nga đã tăng cường quan hệ với Triều Tiên và các quốc gia thù địch với Mỹ như Iran kể từ khi bắt đầu cuộc chiến với Ukraine – các mối quan hệ này đang là nguồn gây lo ngại cho phương Tây.
Hoa Kỳ và Ukraine hồi tháng 1 đã cáo buộc Nga bắn phi đạn đạn đạo tầm ngắn do Triều Tiên cung cấp vào Ukraine, điều mà Nga từ chối xác nhận hoặc phủ nhận.
Vedomosti cho biết ông Putin và ông Kim có thể thảo luận về việc liệu Nga có tiếp nhận lao động nhập cư từ Triều Tiên hay không. Nga đang thiếu hụt lao động trầm trọng vì chiến tranh Ukraine ; hàng trăm nghìn người đã đi chiến đấu hoặc trốn ra nước ngoài để tránh bị động viên.
Chuyến đi duy nhất trước đây của ông Putin tới Triều Tiên là vào năm 2000, năm đầu tiên ông làm tổng thống.
Reuters
**************************
Tổng thống Putin thăm Việt Nam tuần tới trong bối cảnh có đủ 'Tứ Trụ' ?
BBC, 10/06/2024
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tới thăm Việt Nam và Bắc Hàn vào tuần tới, báo Vedomosi của Nga đưa tin hôm 10/6.
Lần gần nhất ông Putin công du tới Việt Nam là vào năm 2017
Một nguồn tin cho Reuters hay rằng chuyến thăm Việt Nam của ông Putin dự kiến sẽ diễn ra vào 19-20/6 nhưng vẫn chưa ấn định.
Đại sứ Nga tại Bắc Hàn Alexander Matsegora xác nhận với trang Vedomosti rằng chuyến thăm của ông Putin tới Bình Nhưỡng đang được "tích cực chuẩn bị".
Báo này đưa tin ông Putin có thể thăm Việt Nam sớm nhất là vào tháng Sáu và rất có thể là ngay sau chuyến thăm Bắc Hàn.
Một quan chức ở Việt Nam nói với Reuters rằng tuy ngày thăm đã được thống nhất, chương trình nghị sự vẫn đang được thảo luận.
Cũng theo quan chức này, những vấn đề liên quan tới năng lượng, hợp tác quân sự, giải quyết vấn đề thanh toán và một thỏa thuận trong lĩnh vực giáo dục dự kiến sẽ nằm trong chương trình nghị sự.
Ngay từ trước chuyến thăm Bắc Kinh của ông Putin ngày 16-17/5, đã có các thông tin về khả năng ông Putin sẽ thăm Việt Nam sau đó.
Hà Nội thậm chí được cho là đã hoãn cuộc họp với quan chức hàng đầu Liên Hiệp Châu Âu (EU) - vốn đã được lên lịch vào 13-14/5 - để chuẩn bị cho khả năng ông Putin thăm Việt Nam vào thời gian này.
Ngày 15/5, Tiến sĩ Ian Storey, học giả của Viện ISEAS (Singapore) đã nhận định với BBC News tiếng Việt rằng những "bất ổn chính trị" ở Việt Nam sẽ khiến ông Putin chưa tới Việt Nam.
Ông Storey khi đó đã đặt vấn đề rằng trong bối cảnh Việt Nam đang khuyết mất hai vị trí trong "Tứ Trụ", liệu ông Putin có muốn được quyền chủ tịch nước tiếp đón ?
Ngoài ra, ông cũng nói thêm rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang không có sức khỏe tốt và có lẽ không thể gặp ông Putin.
Khi đó, Việt Nam vẫn còn chưa có chủ tịch quốc hội và chủ tịch nước và đang trải qua một thời kỳ xáo trộn chưa từng thấy ở dàn lãnh đạo Việt Nam.
Chỉ trong vòng hơn một tháng, Việt Nam lần lượt miễn nhiệm một chủ tịch nước và một chủ tịch Quốc hội.
Hàng loạt quan chức cấp cao khác cũng bị kỷ luật đảng hoặc bị khởi tố hình sự trong giai đoạn này.
Những xáo trộn ấy khiến Việt Nam được cho là dần mất đi hình ảnh một đất nước "ổn định chính trị" mà giới lãnh đạo luôn quảng bá.
Thăm Việt Nam khi đủ 'Tứ Trụ' ?
Giờ đây, với việc ông Tô Lâm nhậm chức chủ tịch nước và ông Trần Thanh Mẫn trở thành chủ tịch Quốc hội, lần lượt vào ngày 22/5 và 20/5, "Tứ Trụ" đủ người, lại có thông tin ông Putin sẽ tới thăm Việt Nam.
Về chương trình nghị sự giữa hai quốc gia, báo Vedomosi từng có bài viết vào tháng 5/2024 dẫn lời người đại diện thương mại của Nga tại Việt Nam cho biết vấn đề thương mại cấp bách nhất là hỗ trợ ngân hàng trong việc thanh toán giao dịch giữa hai quốc gia.
Một thỏa thuận vũ khí mới cũng từng được cho sẽ là một chủ đề thảo luận giữa Nga và Việt Nam.
Sau khi Nga xâm lược Ukraine, Việt Nam dường như đang tăng tốc đa dạng hóa kho vũ khí của mình, thông qua mua vũ khí từ Mỹ, Israel, Châu Âu và gần đây là Hàn Quốc.
Các chuyên gia về quốc phòng - an ninh nhận định với BBC News Tiếng Việt việc Việt Nam "chuyển hệ" sang mua vũ khí, khí tài của phương Tây, giảm phụ thuộc vào Nga đã bắt đầu từ hơn một thập niên trước và là một xu hướng dài hạn.
Lần gần nhất ông Putin có chuyến công du tới Việt Nam là vào năm 2017.
Bên cạnh Trung Quốc, Việt Nam và Bắc Hàn là một trong số ít "bạn bè" của Nga ở Châu Á.
Diễn biến gần đây trong quan hệ Việt Nam và Nga
Ngày 5-8/6, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã dẫn Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint-Peterburg lần thứ 27 được tổ chức tại TP Saint-Petersburg (Nga).
Diễn đàn được tổ chức với chủ đề "Nền tảng đa cực - hình thành các trung tâm tăng trưởng mới".
Tại đây, ông Quang cho biết Việt Nam đánh giá cao sáng kiến "Đối tác Đại Á - Âu" của Tổng thống Putin về kết nối các tiến trình liên kết kinh tế khu vực, trong đó có Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) và ASEAN.
Ông Quang cũng nêu ra một số đề xuất giúp gia tăng kết nối kinh tế Á – Âu.
Sau khi ông Tô Lâm nhậm chức chủ tịch nước vào ngày 22/5, ông Putin là một trong những vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên gửi điện và thư chúc mừng Chủ tịch nước Tô Lâm nhậm chức.
Tổng thống Putin bày tỏ hy vọng rằng trên cương vị Chủ tịch nước, ông Tô Lâm sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương mang tính xây dựng trên mọi lĩnh vực, vì lợi ích của hai dân tộc, nhằm củng cố an ninh và ổn định tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Khi đó, Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Volodin cũng đã chúc mừng tân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Ông Volodin đã nhấn mạnh việc hợp tác giữa các đại biểu Quốc hội Nga và Việt Nam nhằm thúc đẩy củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Ngày 23/5, hãng Thông Tấn Nga TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói Nga quyết tâm tiếp tục đối thoại thực chất thường xuyên với Việt Nam và cho rằng Hà Nội đã có cách tiếp cận cân bằng và có trách nhiệm về cuộc chiến ở Ukraine.
Khi nhắc tới cuộc chiến ở Ukraine, Việt Nam luôn sử dụng cụm từ "chiến dịch quân sự đặc biệt" – cách Nga gọi cuộc xâm lược ở Ukraine - trong các phát ngôn chính thức.
Việc Việt Nam bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về vấn đề Ukraine-Nga vào tháng 2/2023 được đánh giá là nỗ lực duy trì mối quan hệ cân bằng với cả Nga và Mỹ.
Ông Putin đã có chuyến thăm hai ngày 15-16/5 tới Trung Quốc
Tuy nhiên, trong bối cảnh Nga ngày càng xích lại với Trung Quốc, Việt Nam được cho là cần hạn chế quan hệ đối tác chiến lược với Nga để bảo toàn vị thế cân bằng trước ba cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Trong bài viết ngày 22/3 trên trang Fulcrum của Viện ISEAS (Singapore), Tiến sĩ Ian Storey cho rằng cuộc chiến ở Ukraine đã khiến Nga phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc về mặt kinh tế và chính trị.
Theo ông Storey, "không có quốc gia nào khác ở Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi điều này nhiều như Việt Nam. Điều này tác động lớn đến tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về các vấn đề trên Biển Đông, cũng như việc hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với Nga".
Việt Nam và Nga đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950, trở thành Đối tác chiến lược năm 2001 và nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện tháng 7/2012.
Tới nay, Việt Nam luôn khẳng định "là bạn, là đối tác tin cậy của Liên bang Nga", luôn nhắc tới sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô trước đây cũng như Nga ngày nay.
Các lãnh đạo Việt Nam luôn gọi quan hệ Việt Nam và Nga là quan hệ truyền thống "đồng chí, anh em".
Gần đây đã có thông tin Việt Nam muốn gia nhập khối BRICS, một nhóm quốc gia mà Trung Quốc và Nga đóng vai trò chủ chốt.
Việt Nam là điểm đến an toàn của Tổng thống Putin ?
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại thành phố Sochi (Nga) vào tháng 9/2018
Vị tổng thống Nga từng công du Việt Nam vào các năm 2001, 2006, 2013, 2017.
Việt Nam nằm trong số ít quốc gia bao gồm Bắc Hàn, Trung Quốc... có lãnh đạo "nhiệt liệt chúc mừng" ông Putin tái đắc cử để bước vào nhiệm kỳ 5 tổng thống Nga trong cuộc bầu cử bị phương Tây chỉ trích là "giả hiệu".
Ông Putin bị Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court - ICC) phát lệnh truy nã vào tháng 3/2023 vì liên quan đến các tội ác chiến tranh, bao gồm cả việc bắt nhiều trẻ em từ Ukraine đưa về Nga.
Từ thời điểm đó, ông Putin đã công du đến các nước không phải là thành viên của ICC.
Việt Nam hiện không phải là thành viên của ICC, nên ông Putin sẽ không bị bắt theo lệnh truy nã của ICC nếu công du đến đây.
"Khả năng Việt Nam bắt giữ ông Putin theo lệnh của ICC thì cũng giống như trẻ em đắp người tuyết ở Sài Gòn. Việt Nam là một trong những nơi an toàn nhất để Putin công du nước ngoài", Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College (Mỹ) nói với BBC News Tiếng Việt.
Bên cạnh việc Nga là nhà cung cấp vũ khí truyền thống, mối quan hệ đặc biệt giữa Hà Nội và Moscow được coi là sự kế thừa về tình cảm từ thời Liên Xô.
Nhiều lãnh đạo cấp cao, quan chức các cấp, trí thức, doanh nhân Việt Nam từng học tập tại Liên Xô và nước Nga thường giữ tình cảm đặc biệt với Nga và cả ông Putin.
Nguồn : BBC, 10/06/2024