Trung Quốc thất bại trong ý đồ kéo Anh Quốc vào Con Đường Tơ Lụa
Trang nhất báo Pháp ra ngày 02/02/2018, chủ yếu dành cho thời sự liên quan đến Pháp, nhất là vòng công du Châu Phi đang diễn ra của tổng thống Emmanuel Macron. Trong toàn cảnh đó, không hẹn mà gặp, hai nhật báo lớn Le Monde và Le Figaro đã cùng chú ý đến chuyến công du Trung Quốc của thủ tướng Anh để tìm kiếm sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong thời hậu Brexit. Nhận định chung của hai tờ báo là Trung Quốc muốn lợi dụng thế yếu của Anh Quốc để thúc đẩy Luân Đôn ký tên vào đề án Con Đường Tơ Lụa Mới, nhưng đã không thành công.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp thủ tướng Anh Theresa May tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 01/02/2018. Reuters/Wu Hong
Trong bài viết mang tựa đề "Theresa May khởi sự một chuyến thăm tế nhị tại Trung Quốc", Le Monde xác định phương trình khó mà thủ tướng phải giải đáp nhân chuyến công du : làm sao thuyết phục Bắc Kinh tăng cường giao thương với Luân Đôn sau khi Anh Quốc chia tay hẳn với Liên Hiệp Châu Âu, nhưng không bị buộc phải đáp ứng mọi yêu cầu của Trung Quốc.
Tại Bắc Kinh, thủ tướng Anh Quốc đã được tiếp đón trọng thể, và cùng với đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường, hai bên đã xưng tụng "Kỷ nguyên hợp tác vàng son" giữa hai nước - một thuật ngữ có từ thời George Osborne, bộ trưởng Tài Chính của chính phủ bảo thủ Anh tiền nhiệm vào cuối năm 2015.
Đáp ứng yêu cầu của Anh Quốc, thủ tướng Lý Khắc Cường đã cam kết là Trung Quốc sẽ mở rộng cửa hơn nữa để đón Anh Quốc, và quan hệ Bắc Kinh-Luân Đôn sẽ không thay đổi "chỉ vì quan hệ giữa Anh Quốc và Châu Âu đang thay đổi".
Giống như với tổng thống Pháp Macron ba tuần trước đây, Trung Quốc đã hứa mở cửa thị trường thịt bò cho Anh Quốc, bị Bắc Kinh đóng kín từ hai thập niên nay viện có chống hiểm họa "bệnh bò dại".
Đối với Le Monde, chính sách của Bắc Kinh cho đến nay là ủng hộ sự tồn tại của Liên Hiệp Châu Âu - được xem là đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ - nhưng cũng không ngần ngại sử dụng mọi cơ hội chính trị hoặc kinh tế để gây mâu thuẫn giữa các nước Châu Âu.
Bắc Kinh đang tìm cách áp đặt trên các nước Châu Âu một thỏa thuận 15 điểm liên quan đến việc thực hiện Con Đường Tơ Lụa Mới, dự án hàng đầu của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các nước Châu Âu không chê dự án đó, nhưng lo ngại rằng Con Đường Tơ Lụa Mới chỉ có lợi cho các công ty Trung Quốc, và từ chối ký kết thỏa thuận đó ngày nào mà các quy tắc và yêu cầu của Châu Âu về tài chính (để tránh các khoản tín dụng rất tốn kém của Trung Quốc), về tính minh bạch trong đấu thầu, về trách nhiệm xã hội và sinh thái không được đưa vào văn kiện.
Tại Bắc Kinh, thủ tướng Anh Quốc đã không đi ngược lại lập trường chung của Châu Âu, và đã từ chối ký kết bản ghi nhớ về dự án của Trung Quốc.
Trung Quốc không thể bù đắp cho mất mát vì Brexit
Cũng về chuyến công du Trung Quốc của thủ tướng Anh, nhật báo Le Figaro chạy tựa rất đơn giản "Theresa May đến Trung Quốc để tìm kiếm các quan hệ hậu Brexit". Tuy nhiên, tờ báo xác định ngay là kể cả khi Luân Đôn có được một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh, điều đó vẫn không tài nào bù đắp được thiếu hụt bắt nguồn từ việc Anh Quốc chia tay với Liên Hiệp Châu Âu.
Le Figaro ghi nhận sự kiện bà May được người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường, cũng như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, long trọng tiếp đón, nhưng đã làm chủ nhà thất vọng.
Giống như tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó, thủ tướng Anh đã từ chối ký thỏa thuận về sáng kiến Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh. Bà đã hoan nghệnh các "cơ hội" mà dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ này mang tới, nhưng nhắc lại sự cần thiết phải tôn trọng "các chuẩn mực quốc tế".
Bà cũng không ngần ngại gợi lên với chủ nhà một số hồ sơ tế nhị như nhân quyền và dân chủ ở Hồng Kông trước đây là thuộc địa Anh Quốc.
Theo Le Figaro, thủ tướng May rời Trung Quốc hôm 02/02/2018 với 10 tỷ euro hợp đồng, được Trung Quốc hứa sẽ mở lại thị trường để nhận thịt bò Anh, nhiều hướng đã được mở ra để loại bỏ rào cản thương mại. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Le Figaro, Trung Quốc chỉ chiếm hơn 4% ngoại thương của Anh, trong khi Châu Âu chiếm đến 44%.
Theo những người chủ trương Brexit, tăng trưởng ngoài Châu Âu sẽ mang lại những cơ hội vàng mà Anh Quốc, một khi bỏ Liên Hiệp Châu Âu, có thể nắm bắt. Thế nhưng nghiên cứu mật của chính phủ Anh về tác động của Brexit, bị rò rỉ trên báo chí tuần này, cho thấy, một thỏa thuận tự do thương mại với Hoa Kỳ chỉ giúp Anh tăng trưởng thêm 0,2%, và các hiệp ước tương tự với Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, các quốc gia vùng Vịnh và Nam Á gộp lại cũng chỉ mang lại thêm từ 0,1% đến 0,4% tăng trưởng.
Trong khi đó thì việc chia tay với Bruxelles sẽ làm Luân Đôn mất từ 2 đến 8% tăng trưởng trong vòng 15 năm !
Đài Loan tố cáo các hành động hù dọa của Trung Quốc
Cũng nhìn về Trung Quốc, báo La Croix chú ý đến hành động "Hù dọa quân sự của Trung Quốc đã khiến Đài Loan phẫn nộ", tựa bài viết trên trang quốc tế.
Tác giả bài viết, Dorian Molovic, ghi nhận là các cuộc thao diễn trên không và trên biển chung quanh đảo từ hơn một năm nay, gây lo ngại cho Đài Bắc. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã phải lên tiếng cảnh báo về "sự bành trướng quân sự" của Trung Quốc,
Trong lúc mà thế giới dán mắt vào bán đảo Triều Tiên trước mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên, thì Trung Quốc tiếp tục phô trương sức mạnh ở Biển Đông và Hoa Đông và ngày càng thường xuyên hơn chung quanh Đài loan.
Đại diện Đài Bắc ở Paris, tiếp xúc với báo giới và chuyên gia về Châu Á, đã nêu bật các con số : "Từ 8/2016 đến 12/2017, Trung Quốc đã thực hiện 32 chiến dịch ở eo biển Đài Loan và chung quanh đảo. Đến tháng Giêng 2018, Bắc Kinh đã sử dụng những hành lang hàng không, trên eo biển, không thông báo với Đài Loan và bị Đài Loan phản đối.."..
Về vấn đề hành lang hàng không, La Croix nhắc lại rằng các quy định lưu thông ở eo biển Đài Loan đã dựa theo một thỏa thuận năm 2015 giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, cho phép những chuyến bay dọc theo một đường trung tuyến ở giữa eo biển, nhưng chỉ duy nhất từ theo hướng từ bắc xuống nam.
Điều mà Đài Loan trách Trung Quốc là việc các hãng máy bay Hoa Lục sử dụng hành lang gọi là M503, theo hướng Nam-Bắc, điều không được cho phép trong thỏa thuận 2015. Theo quy định hàng không quốc tế, trong trường hợp khẩn cấp hay khi bị đe dọa, phi công phái quẹo sang phải và như thế sẽ xâm nhập không phận Đài Loan.
Công chức : Macron phá vỡ một điều "cấm kị"
Về nước Pháp, nhật báo kinh tế Les Echos đặc biệt quan tâm đến việc tổng thống Macron đang phá vỡ "một cấm kị" : phá vỡ cái khung cứng ngắt của ngành công chức.
Theo tờ báo, phá vỡ một biểu tượng không phải là không nguy hiểm, và đụng đến quy chế của công chức, như ông Macron loan báo hôm 01/02, sẽ làm dấy lên phản ứng dữ dội từ phía các công đoàn.
Tuy nhiên, mục tiêu của tổng thống Pháp là cải tổ lãnh vực công với mục đích cuối cùng là giảm thiểu chi tiêu của Nhà Nước. Cải tổ thành công thì sẽ có thể giảm khoảng 120.000 công chức. Và các cuộc thương lượng gay go với các công đoàn sẽ diễn ra trong suốt năm 2018 này.
Hoa Kỳ : Kinh tế Mỹ có tốt lên nhờ ông Trump hay không ?
Nhật báo La Croix đã nêu lên câu hỏi ở mục tranh luận. Tờ báo nhắc lại là tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos vừa qua, và sau đó trong diễn văn về tình hình Liên Bang, tổng thống Mỹ đã khoe là kinh tế Mỹ đã hùng mạnh trở lại, và đó là nhờ công lao của ông.
La Croix đã trích ý kiến các chuyên gia, nhận xét rằng thực tế có phần khác với lời tự nhận của ông Trump.
Trong Diễn Văn về Tình Hình Liên Bang, ông Trump cho là "Cuối cùng thì người ta cũng thấy lương bổng tăng lên, sau nhiều năm bị khựng lai". Tuy nhiên, theo Gregory Daco, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế tại Oxford Economics, thực tế có hơi khác : Lương bổng tại Mỹ thực ra là đã tăng lên từ nhiều năm qua, và năm ngoái thậm chí còn tăng chậm hơn là những năm trước đó.
Còn theo Julien Marcilly, kinh tế trưởng ở hãng Coface, nếu nhìn các chỉ số kinh tế vĩ mô, phải thừa nhận là kinh tế Mỹ khá năng động. Với một tỷ lệ tăng trưởng 2,3% năm 2017, Mỹ như vậy đã kinh qua 9 năm tăng trưởng liên tục, chu kỳ thứ 3 dài nhất từ thế kỷ XX, và chỉ sau các năm 1960 và 1990. Đối với năm 2018, tăng trưởng dự báo cũng vẫn ở 2,3%, theo Coface, trong lúc một số dự báo khác còn nói đến 3%.
Nhưng phần đóng góp của ông Trump là gì ? Thật ra thì kinh tế Mỹ vực dậy là chủ yếu nhờ vào chính sách tiền tệ của Ngân Hàng Trung Ương FED, đã mau chóng quyết định giảm lãi suất chỉ đạo xuống mức zero sau khủng hoảng tài chính 2008, vực dậy được hoạt động kinh tế…
Tuy nhiên, theo chuyên gia nói trên, cũng có thể công nhận "đóng góp" của ông Trump trong 3 việc : Với những tuyên bố của ông, dù cố ý hay không, ông đã góp phần làm đồng đô la giảm sụt, điều này rất tốt cho các công ty xuất khẩu. Sau đó là việc ông đã không đưa ra biện pháp dứt khoát nào về chính sách thương mại cho dù liên tục tỏ thái độ bảo hộ mậu dịch, và thứ ba là đã thành công trong việc cải tổ thuế.
Trọng Nghĩa
Afghanistan : "Mồ chôn các đế chế"
Lãnh đạo tập đoàn sữa Pháp đứng đầu thế giới Lactalis tuyên bố rút ra bài học sau vụ bê bối vệ sinh thực phẩm gây thiệt hại hàng trăm triệu euro ; giáo hoàng Francis buộc phải cử người điều tra về nghi án một giám mục thân cận, bị cáo buộc ấu dâm ; phản ứng thái quá trên truyền thông Pháp có thể ảnh hưởng tới điều tra về một nghi án chồng giết vợ, thiêu xác, tại tỉnh Haute-Saône là một số tít lớn trang nhất báo Pháp hôm nay, 01/02/2018. Về thời sự quốc tế, đáng chú ý có bài phân tích của Le Figaro : "Mồ chôn các đế chế", về tình trạng bế tắc hiện nay của Hoa Kỳ tại Afghanistan.
Tượng Phật khổng lồ theo phong cách Hy Lạp trên vách núi - được thực hiện khoảng từ thế kỷ III đến thế kỷ VII - tại tỉnh Bamiyan, Afghanistan, bị Taliban phá hủy năm 2001. Ảnh : Wikipedia
Hàng loạt tấn công khủng bố nhắm vào thủ đô Afghanistan trong những ngày cuối tháng Giêng 2018 vừa qua một lần nữa phơi bày trước thế giới sự sa lầy của Mỹ trong cuộc can thiệp quân sự lâu dài nhất trong lịch sử quốc gia này, kể từ năm 1945. Le Figaro đặt câu hỏi : "Bao nhiêu đế chế đã vỡ mặt tại Afghanistan ? Từ hoàng đế Mông Cổ Thành Cát Tư Hãn, đến đế quốc Anh, và Liên Xô sau này".
Tờ báo điểm lại nỗ lực lớn lao của nước Mỹ, "với 140.000 binh sĩ – thời cao điểm nhất - được gửi đến vùng đất này, các vũ khí tân tiến nhất, cùng hơn một nghìn tỉ đô la đầu tư", để chống lại vài chục nghìn chiến binh trang bị thô sơ. Vậy, kết cục ra sao ?
Ngay khi quân đội Mỹ bắt đầu triệt thoái, theo quyết định của chính quyền tiền nhiệm Obama, quân Taliban ào ạt trở lại, và có lúc đã hiện diện tại 70% lãnh thổ. Hiện tại chính quyền Trump quyết định sẽ gia tăng trở lại sức mạnh quân sự tại Afghanistan, không để "địa bàn trống" cho Taliban hoành hành, nhưng không khẳng định rõ "chiến lược chính trị nào".
Xã luận Le Figaro ghi nhận tình hình tại Afghanistan "phức tạp chưa từng thấy", bởi mảnh đất này là nơi đan chéo quyền lợi của nhiều thế lực như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, các nước vùng Vịnh, cũng như Nga. Bối cảnh đó rất bất lợi cho việc xây dựng các quan hệ liên minh bền vững.
Bài học từ Alexandre Đại Đế
Trong tình thế vô vàn thử thách hiện nay, Le Figaro nhắc lại với Washington bài học của nhà chinh phục Hy Lạp Alexandre Đại Đế, cách nay hơn 2000 năm. Hoàng đế Hy Lạp là người đã từng hiện thực mơ về một vương quốc Á Âu hòa hợp. Alexandre Đại Đế "luôn đi đầu đoàn quân trong các trận đánh", và đi cùng với ông là "cả một đội ngũ các nhà bác học, văn nhân".
Nhà chinh phục người Hy Lạp năm xưa đã dành thời gian trong lều trận, để đọc Herodote (người được mệnh danh là ông tổ môn sử học), thay vì "sách giáo khoa chống nổi dậy", đồng thời đứng ra làm mối cho các cuộc hôn nhân "giữa các viên tướng của mình với các công nương quyền uy, giàu có ở địa phương… Và ông đã giành được sự kính trọng của người Afghanistan", Le Figaro kết luận.
"Bốn sai lầm" của Mỹ
Vẫn về Afghanistan, cũng trong số báo này, Le Figaro còn có ba bài phân tích khác. Bài "Tại Afghanistan, nước Mỹ bị mắc bẫy Taliban" đối chiếu "không khí lạc quan" mới trở lại cách nay hai tháng, với việc lãnh đạo liên quân Mỹ-NATO thông báo mục tiêu chiếm soát trở lại 80% lãnh thổ, trong hai năm tới, với loạt tấn công khủng bố vừa qua, như một dấu hiệu cho thấy tình hình hoàn toàn bế tắc. Bế tắc về mặt quân sự, cũng như ngoại giao. Đàm phán giữa chính quyền Afghanistan và Taliban hoàn toàn không tiến triển, cho dù hai bên liên tục đưa ra các tuyên bố hòa bình.
Bài "Những sai lầm dẫn Washington vào ngõ cụt trước Taliban" thậm chí còn khẳng định là "Hoa Kỳ trên thực tế đã thua trong cuộc chiến này", tuy nhiên "thất bại đã bị phủ nhận, bị các cường quốc phương Tây che giấu trong một thời gian dài". Bài viết chỉ ra bốn sai lầm chính.
Thứ nhất là do chính quyền Bush đã từ bỏ Afghanistan vào năm 2003, để tập trung vào cuộc can thiệp vào Irak. Thứ hai là đã không dứt khoát trong việc lựa chọn giữa hai chiến lược, chống nổi dậy và chống khủng bố, về bản chất là hai cuộc chiến khác nhau. Thứ ba là đã không sớm hiểu ra trò chơi "hai mặt" của Pakistan, căn cứ địa của lực lượng Taliban và các nhóm khủng bố. Và sai lầm thứ tư là đã lập ra và ủng hộ một chính quyền tham nhũng và mất lòng dân.
Ba trụ cột trong "chiến lược mới"
Bài "Ông Trump tìm một lối thoát – không chắc chắn – cho một cuộc nội chiến đã 16 năm" thì ghi nhận ba trụ cột trong "chiến lược mới" của tổng thống Mỹ. Thứ nhất là hứa hẹn sẽ "tiếp tục hiện diện tại Afghanistan về quân sự, kèm theo một số điều kiện, và không bị bó buộc về thời gian". Thứ hai là "đảm bảo cho các chỉ huy quân đội các quyền hạn rộng rãi và các phương tiện tương xứng", và thứ ba là "gia tăng áp lực lên Pakistan, quốc gia đồng minh, nhưng bị cáo buộc cố tình để chiến tranh kéo dài".
Theo chính quyền Mỹ, số lượng binh sĩ Hoa Kỳ tại Afghanistan đã tăng từ 8.500 đến 14.000, và sắp tới sẽ là 15.000. Quân đội Mỹ dường như có kế hoạch ở lại lâu dài tại quốc gia Nam Á này, cho dù tổng thống Trump khẳng định : "Trực giác đầu tiên" của mình là Mỹ phải rút. Donald Trump phải thừa nhận sau đó là "việc triệt thoái vội vã, sẽ để lại hậu quả rất rõ ràng và không thể chấp nhận được".
Nhiều người Mỹ vẫn tin tưởng "lợi ích lớn với an ninh quốc gia Hoa Kỳ", đó là không thể để chính quyền Afghanistan sụp đổ, và mảnh đất này trở thành đất thánh của khủng bố, như quan điểm của một thương binh Mỹ, từng chiến đấu ở Irak, nữ thượng nghị sĩ Dân Chủ Tammy Duckworth.
Dreamer : Ông Trump "không xóa được sự chia rẽ của nước Mỹ"
Về phát biểu Liên bang đầu tiên của tổng thống Mỹ tối thứ Ba vừa qua, báo Les Echos có bài nhận định : "Ông Trump không xóa được sự chia rẽ của nước Mỹ".
Theo Les Echos, bất chấp nỗ lực đoàn kết người Mỹ với bài phát biểu nói trên, tổng thống Mỹ trên thực tế, một lần nữa, đã phải nhận các chỉ trích mạnh mẽ. Tờ báo kinh tế dự đoán chính sách siết chặt nhập cư của ông Trump sẽ gặp phải các phản đối mạnh trong những ngày tới. Lãnh đạo nhóm nghị sĩ Dân chủ ở Thượng Viện lên án tổng thống Trump đã "gắn liền vấn đề nhập cư với bạo lực", thổi bùng các chia rẽ, thay vì đoàn kết mọi người.
Nghị sĩ Dân Chủ Joe Kennedy III - cháu nội của tổng thống Kennedy - được phe Dân Chủ chọn làm người phát ngôn của đảng, đáp trả các đề nghị của tổng thống Trump. Nghị sĩ Joe Kennedy đã "nói bằng tiếng Tây Ban Nha" với những "Dreamer" (tức người nhập cư vào Mỹ, cùng cha mẹ khi còn nhỏ, hiện ở trong tình trạng không giấy tờ. Đa số các Dreamer - với tổng số ước tính khoảng 2 triệu, hy vọng được hợp thức hóa - là người gốc Mỹ Latinh).
Nghị sĩ Mỹ khẳng định các Dreamer là "một phần lịch sử nước Mỹ", ông cam kết "tiếp tục đấu tranh vì họ, không bỏ rơi họ". Đối thủ của tổng thống Trump trong đảng Cộng Hòa, thượng nghị sĩ Jeff Flake thì kêu gọi một cuộc thảo luận về vấn đề nhập cư hợp pháp.
Thái Lan : "Tặng đồng hồ" để nhắc nhở tập đoàn quân sự giữ lời
Về thời sự Châu Á, báo Libération có bài "Thái Lan : những cú xuất kích đơn độc của nhà ly khai Hongkangwan". Nhà đấu tranh cho dân chủ tại Thái Lan vừa có một chiến dịch độc đáo khiến công luận chú ý : Đó là tặng đồng hồ cho lãnh đạo tập đoàn quân sự để nhắc họ giữ lời hứa (cụ thể là về thời hạn tổ chức bầu cử dân chủ, liên tục bị chính quyền quân sự đẩy lùi).
Trong xã hội Thái Lan, nơi nền dân chủ đang bị bóp nghẹt dần dần dưới sự thống trị của tập đoàn quân sự, sau cú đảo chính 2014, báo Libération ghi nhận hành động "khiêu khích" dũng cảm của nhà tranh đấu, nguyên là một người bán vé số. Trong những tháng gần đây, ông liên tục có các hoạt động lạ lùng, với hy vọng mang lại tác động lớn. Cụ thể như tăng đồng hồ cho phó thủ tướng tập đoàn quân sự Prawit Wongsuwan, một người nổi tiếng về thú chơi đồng hồ, với bộ sưu tập ít nhất 25 đồng hồ loại sang.
Viên chức cao cấp này không khai báo tài sản, theo đòi hỏi của luật pháp. Từ vài tháng nay, "lãnh chúa đồng hồ" trở thành đối tượng chế giễu của công chúng, tuy nhiên, cơ quan chống tham nhũng Thái Lan vẫn chần chừ trong việc điều tra. Tháng 12 vừa qua, nhà tranh đấu Hongkangwan đã chặn đoàn xe công cán của viên phó thủ tướng, để tặng cho ông ta một chiếc đồng hồ Senko trị giá chỉ khoảng 30 euro.
Hongkangwan từng bị tù từ 2 năm 8 tháng mới đây (2014-2016), vì tội khi quân, nhưng ông tuyên bố không sợ hãi. Hongkangwan giải thích, muốn gửi một thông điệp đến lãnh đạo Thái Lan là để xem giờ, chỉ cần một chiếc đồng hồ giá rẻ như vậy. Tuy nhiên, mục tiêu chính của ông là, với các hành động gây ngạc nhiên này, ông muốn xua tan bớt nỗi sợ hãi tràn ngập xã hội, và cho dù ông bị bắt, thì sẽ có nhiều người khác sẽ kế tục ông.
Phim "Bắc Triều Tiên : Nền độc tài nguyên tử"
Về phim ảnh, theo Le Figaro đáng chú ý có bộ phim tài liệu "Bắc Triều Tiên : Nền độc tài nguyên tử", công chiếu trên kênh truyền hình Pháp France 2 tối nay, 01/02. Bộ phim thuật lại tham vọng nguyên từ từ thời Bắc Triều Tiên lập quốc. Chế độ Bình Nhưỡng, tìm mọi cách để có được nguồn thu cho loại vũ khí siêu đẳng này, kể cả bằng việc phát triển cây thuốc phiện, hay sử dụng các nguồn viện trợ nhân đạo.
Le Figaro gọi chế độ Bắc Triều Tiên là "một hệ thống mafia" và lưu ý điều đáng tiếc là bộ phim đã không nói về trách nhiệm của Trung Quốc.
Khí hậu – Liên Âu : Sáng kiến "sốc" để thúc đẩy đầu tư
Nhóm chuyên gia cao cấp của Ủy Ban Châu Âu hôm thứ Tư, 31/01/2018, vừa đưa ra 24 khuyến nghị, để các thị trường tài chính "hội nhập các chỉ báo về rủi ro khí hậu" vào các thông số đầu tư. Les Echos có bài "Khí hậu : các sáng kiến gây sốc để thúc đẩy nhà đầu tư".
Báo cáo được gửi đến cơ quan phụ trách thị trường của Châu Âu (Autorité européenne des marchés – ESMA), và có thể sẽ được trình ra Ủy Ban Châu Âu ngày 22/03 tới, nhằm mở ra các thương lượng với Nghị Viện Châu Âu và các quốc gia thành viên.
Cho đến nay, theo nhóm 20 chuyên gia cao cấp Liên Âu, "tuyệt đại đa số tiền gửi tiết kiệm" – được đầu tư vào thị trường chứng khoán – "không hề có liên hệ" với các mục tiêu hạn chế biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận quốc tế về khí hậu Paris - COP 21 (giới hạn nhiệt độ - trong thời gian từ nay đến cuối thế kỷ - tăng ở mức dưới 2°C, thậm chí 1,5°C, so với thời tiền công nghiệp). Các chỉ số thị trường chứng khoán CAC 40 của Pháp, DAX của Đức, hay Footsie của Anh, đều không tính đến các kịch bản biến đổi khí hậu.
"Làm rõ kịch bản biến đổi khí hậu (nào được tính đến) trong mỗi chỉ số chứng khoán" là khuyến nghị của nhóm chuyên gia, nhằm "khỏa lấp một khoảng trống khổng lồ" lâu nay.
Theo tổng giám đốc WWF (Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Pháp), ông Pascal Canfin, các khuyến nghị nói trên của các chuyên gia Liên Âu nếu được thực thi là một lộ trình "tham vọng nhất" cho đến nay, trên thế giới, hướng đến mục tiêu "gắn chặt các vấn đề khí hậu với kinh tế".
Trọng Thành
Kinh tế Anh sẽ phải trả giá đắt cho Brexit
Một tài liệu mật liên quan đến Brexit, lưu hành nội bộ chính phủ Anh, bị trang Buzzfeed tiết lộ ngày 29/01/2018 khiến công luận giật mình về tác động thật sự của việc Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Theo nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos, thông tin này còn có nguy cơ tác động mạnh mẽ hơn bao giờ hết đến thủ tướng Theresa May trong các cuộc đàm phán với Bruxelles cũng như trên trường chính trị Anh.
Người biểu tình Anh phản đối Brexit trước Nghị Viện tại Luân Đôn, ngày 16/01/2018. Reuters/Hannah McKay
Tài liệu được bộ chuyên trách về Brexit thảo vào tháng Giêng thẩm định nền kinh tế Anh sẽ mất từ 2% đến 8% tăng trưởng trong vòng 15 năm tới. Hậu quả của Brexit sẽ tác động đến mọi lĩnh vực, mọi vùng trên khắp nước. Nền kinh tế Anh sẽ xấu đi, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, bất kể kết quả đàm phán về quan hệ hậu Brexit với Bruxelles ra sao.
Ba giả thuyết được thẩm định trong tài liệu của bộ Brexit. Trước hết, trong trường hợp đạt được thỏa thuận tự do thương mại toàn diện với Bruxelles, Liên Hiệp Anh có thể bị mất 5 điểm tăng trưởng trong vòng 15 năm. Nếu "không có thỏa thuận" nào, tăng trưởng của Anh sẽ bị mất 8 điểm trong cùng thời điểm. Cuối cùng, nếu Anh Quốc tiếp tục thâm nhập được thị trường chung Châu Âu, ví dụ với tư cách là một thành viên của Khu vực Kinh tế Châu Âu, thì nước này cũng chỉ có thể giới hạn được phần nào mất mát, và tăng trưởng giảm 2 điểm.
Dĩ nhiên, Anh Quốc có thể ký được các hiệp định tự do thương mại với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ và Úc, nhưng tăng trưởng có được từ những thỏa thuận này vẫn không bù được mất mát liên quan đến việc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Cụ thể, vẫn theo đánh giá của tài liệu mật trên, một thỏa thuận với Washington mang lại thêm 0,2% cho tăng trưởng, và các thỏa thuận thương mại khác là khoảng 0,4%.
Brexit tác động đến mọi lĩnh vực, mọi vùng của Anh
Vẫn theo Les Echos, tài liệu trên còn nêu rõ mọi vùng của Anh đều bị tác động, bắt đầu từ vùng Đông Bắc, vùng Birmingham và Bắc Ireland. Mọi lĩnh vực kinh tế cũng có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, hóa học, may mặc, sản xuất thực phẩm, chế tạo ô tô và phân phối. Mỗi ngành nông nghiệp có thể không bị tác động trong trường hợp "không có thỏa thuận". Ngoài ra, khu Tài chính City có thể cũng chịu thiệt hại nặng nề nếu như mất cửa thâm nhập thị trường chung Châu Âu.
Được soạn thảo để lưu hành nội bộ và đưa cho mỗi bộ trưởng xem vào tuần này, sau đó được thu lại để tránh bị rò rỉ, tài liệu trên còn có mục đích chuẩn bị cho cuộc họp vào thứ Tư tới, quy tụ các thành viên chính phủ quan tâm đến Brexit, để giúp đỡ nhóm làm việc của thủ tướng Theresa May xác định một tầm nhìn chung về thời kỳ hậu Brexit.
Theo nghiên cứu của tài liệu lưu hành nội bộ này, tác động của Brexit được dự báo không nghiêm trọng bằng những điểm được nêu trong văn bản do bộ Tài Chính soạn thảo trước cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016. Tuy nhiên, việc rò rỉ thông tin lại xảy ra vào thời điểm nhạy cảm đối với chính phủ và có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng, hiện đã rất gay gắt, trong nội các và đảng bảo thủ. Phe đối lập có thể tận dụng cơ hội này để yêu cầu chính phủ công bố toàn bộ nội dung bản nghiên cứu tác động của Brexit đến nền kinh tế Anh.
Kinh tế Pháp tăng trưởng trở lại
Năm 2017, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Pháp tăng 1,9% và là năm có sức tăng trưởng mạnh nhất kể từ 2011, theo thống kê của Viện Insee ngày 30/01/2018. Sự kiện này được hầu hết các nhật báo đăng trên trang nhất.
"Tăng trưởng Pháp cao nhất từ 6 năm qua" là hàng tựa trên trang nhất của Le Monde. Theo đánh giá của các chuyên gia Viện Insee, kết quả đạt được là nhờ đầu tư của các doanh nghiệp (tăng 4,3% trong năm 2017 so với 3,4% năm 2016), cũng như đầu tư của các hộ gia đình, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản (tăng 5,1% cao gấp hai lần so với năm 2016).
Trang nhất của La Croix là hình ảnh lá cờ Pháp xuất hiện cuối đường hầm tối tăm với hàng tựa : "Khủng hoảng kinh tế, đã đến cuối đường hầm ?". Tuy nhiên, theo nhật báo Công giáo, hậu quả của cuộc khủng hoảng vẫn còn đó, cụ thể là tỉ lệ thất nghiệp và tình trạng nợ vẫn cao.
Với nhật báo kinh tế Les Echos, "Lời hứa tăng trưởng đã tìm lại được". Tờ báo phân tích ba lĩnh vực tác động đến tăng trưởng của Pháp : đầu tư của lĩnh vực tư nhân, số lượng doanh nghiệp mới được thành lập tăng cao nhất từ năm 2010 và hiệu quả của khu vực đồng euro.
Thế giới giầu gần gấp đôi trong vòng 20 năm
Vẫn về kinh tế, nhật báo kinh tế Les Echos, trích bản báo cáo mới nhất của Ngân Hàng Thế Giới, cho biết : "Thế giới giầu gần gấp đôi trong vòng 20 năm".
Không chỉ dựa trên GDP của 141 quốc gia được nghiên cứu, mức độ giầu có của một nước còn được căn cứ vào quá trình sản sinh vốn (máy móc, trang thiết bị…), vốn nhân lực (trình độ đào tạo của người lao động…), vốn tự nhiên (rừng, hầm mỏ, đất canh tác…) và tài sản ròng ở nước ngoài. Theo tính toán của Ngân Hàng Thế Giới, sự giầu có của những nước này, vượt từ 690.000 tỉ đô la lên đến 1.143.000 tỉ đô la (tăng khoảng 66%) từ năm 1995 đến năm 2014.
Trong thời gian này, hơn 20 quốc gia có thu nhập thấp đã trở thành những nước có thu nhập trung bình. Ngoài ra, kết quả đạt được còn nhờ vào sự phát triển tuyệt vời của Châu Á, đặc biệt là của Trung Quốc và Ấn Độ. Ngược lại, khu vực Châu Phi Nam Sahara vẫn là nơi có nhiều nước có thu nhập thấp.
Chính sách nhập cư của ông Trump chia rẽ cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ
Trở lại đề xuất của tổng thống Donald Trump vê việc cấp quốc tịch cho 1,8 triệu Dreamers theo cha mẹ đến Mỹ từ nhỏ, đổi lại việc Quốc Hội thông qua ngân sách xây bức tường biên giới với Mexico, nhà báo Gilles Paris trên tờ Le Monde đánh giá đây là "Cú đánh cược rủi ro của Trump về nhập cư" vì dự án này chia rẽ cả nội bộ phe Cộng Hòa lẫn Dân Chủ.
Đối với ông Donald Trump, thành công của chính sách cải cách nhập cư phụ thuộc vào "bốn trụ cột" : tăng cường biên giới với Mexico bằng bức tường ngăn cách hai nước, hợp thức hóa giấy tờ cho những người nhập cư bất hợp pháp đến Mỹ từ nhỏ, hạn chế đoàn tụ gia đình và ngừng cấp thẻ thường trú thông qua hệ thống rút thăm ưu tiên đa dạng văn hóa.
Với một số nghị sĩ Dân Chủ, tổng thống Mỹ "cuối cùng cũng công nhận rằng những Dreamers phải được phép ở lại đây và trở thành công dân". Trên thực tế, 4,8 triệu người này có thể được trao quốc tịch Mỹ trong vòng 10 năm. Riêng trang cực hữu Breitbart News đã chỉ trích gay gắt tổng thống Trump, gọi ông là "Ngài Ân xá". Ngoài ra, nhiều chính trị gia bảo thủ phản đối đề xuất của ông chủ Nhà Trắng thì lấy làm tiếc là việc hạn chế đoàn tụ gia đình không hủy được ngay lập tức số lượng 4 triệu đơn đang được xem xét.
Syria : Vòng đàm phán Sochi thất bại
Sau vòng đàm phán thứ 9 về tình hình Syria tại Vienna do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, đến lượt Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức đàm phán riêng giữa các bên tham chiến tại Syria ở thành phố Sochi, bên bờ Biển Đen.
Tuy nhiên, theo nhật báo La Croix, "Nga đã thất bại trong việc biến hóa thành công quân sự tại Syria" vì cuộc họp đã không đưa đến bất kỳ tiến triển nào do các phe đối lập chính với chế độ Damascus, cũng như đại diện phương Tây vắng bóng. Tuy nhiên, gặp gỡ Sochi lại là một "bài tập" truyền thông tốt để điện Kremlin bày tỏ nguyện vọng xây dựng hòa bình, đặc biệt là tô bóng hình ảnh tổng thống Putin, trong bối cảnh chỉ chưa đầy hai tháng nữa, cử tri Nga sẽ bầu tổng thống mới.
Le Figaro phản ánh "sự lộn xộn trong cuộc họp về Syria tại Sochi", bắt đầu từ tranh cãi về quốc kỳ, tiếp theo là nhiều thành viên tham dự bỏ ngang cuộc họp và tiếng la ó nhắm vào ngoại trưởng Nga. Với Le Figaro, hội nghị Sochi cũng chẳng mang lại thêm kết quả gì so với hội nghị trước đó do Liên Hiệp Quốc bảo trợ.
Lực lượng Quân đội Syria tự do : từ chống Assad đến ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ
Trên chiến trường Syria, nhật báo Le Monde đề cập đến vai trò mới trong cuộc nội chiến của lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA) : "Từ cuộc chiến chống Assad đến lực lượng dân quân ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ".
Bị suy yếu sau khi các tổ chức thánh chiến chiếm ưu thế và để mất đông Aleppo vào tay lực lượng thân tổng thống Assad vào cuối năm 2016, lực lượng nổi dậy ôn hòa này đã hoạt động trở lại khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào khu vực Afrin, nằm dưới sự kiểm soát của người Kurdistan, tây bắc Syria. Vừa mới đây còn chống chế độ Assad, các lượng lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ (Sultan Mourad và Faylaq Al Sham) của Quân đội Syria Tự do giờ đóng vai trò trợ thủ cho lực lượng Ankara.
Ankara, giờ hiện là một đồng minh của Moskva trên chiến trường Syria, muốn biến Quân đội Syria Tự do thành một đội quân đối trọng với Lực lượng Dân Chủ Syria (FDS) của người Kurdistan, do lực lượng YPG đứng đầu và luôn bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố.
Theo nhận định của Le Monde, nếu như quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vây hãm được thành phố Afrin và được quân nổi dậy FSA hỗ trợ đắc lực, thì các cuộc bạo động có thể lan rộng ở bờ đông dòng sông Euphrate, hiện đang nằm trong tầm kiểm soát của FDS, nhưng phần đông dân cư lại là các bộ tộc Ả Rập. Chuyên gia phân tích người Syria, Hassan Hassan lên tiếng cảnh báo nguy cơ một "cuộc nội chiến" mới. Vậy là sẽ có thêm một cuộc xung đột sắc tộc vào thảm kịch đang xảy ra tại Syria hiện nay.
210 người thân cận của tổng thống Nga trong danh sách đen của Mỹ
Khoảng 210 nhân vật người Nga bị Hoa Kỳ liệt vào danh sách đen trong bản "Kremlin Report" của bộ Tài Chính Mỹ, công bố tối 29/01/2018. Le Monde đưa tin "Washington lập một danh sách người thân Putin nhưng không trừng phạt họ". Tương tự Les Echos nhận định "Washington đe dọa tất cả những người thân cận của Putin".
Trong bài báo "Washington liệt vào danh sách vòng thân cận của Putin", Libération cho biết danh sách gồm nhiều nhân vật được cho là thân cận với tổng thống Nga, nhiều quan chức cao cấp hoặc các tỉ phú có ảnh hưởng đến chính trị : phát ngôn viên điện Kremlin, các bộ trưởng văn hóa, ngoại giao, các phát ngôn viên của Thượng Viện và Hạ Viện... hoặc lãnh đạo các tập đoàn nhà nước Gazprom và Rosneft, cùng với 96 tỉ phú có ảnh hưởng đến đời sống chính trị Nga.
Thu Hằng
Náo loạn tại Hội nghị Hòa bình Syria ở Sochi (RFI, 31/01/2018)
Hội nghị Sochi về đối thoại giữa các bên ở Syria kết thúc tối qua 30/01/2018 với việc thông qua một tuyên bố chung, và thiết lập một ủy ban phụ trách soạn thảo một Hiến Pháp mới. Nga cho rằng hội nghị này là một "thành công" dù xảy ra nhiều sự cố, và thiếu vắng các nhóm đối lập chính ở Syria.
Phản ứng của các thành phần tham dự Hội nghị Hòa bình về Syria tại Sochi, Nga ngày 30/01/2018. Reuters/Sergei Karpukhin
Từ Sochi, đặc phái viên RFI Daniel Vallot gởi về bài tường trình :
"Không khí náo loạn ngay từ khi mới bắt đầu cuộc hội nghị mà lẽ ra phải tập trung mọi nỗ lực ngoại giao của Nga về cuộc chiến Syria. Bài diễn văn của ngoại trưởng Sergei Lavrov bị cắt ngang bởi những câu khẩu hiệu trái ngược nhau. Người thì chống đối sự can thiệp của Nga, người khác lại ủng hộ Moskva và chế độ Damascus.
Dù khởi đầu chật vật, hội nghị cũng đạt được mục đích dự kiến, là việc thành lập một ủy ban phụ trách soạn thảo Hiến Pháp mới. Theo Randa Kassis, một nhà đối lập Syria ôn hòa, thân cận với giới ngoại giao Nga, thì đây là một kết quả tích cực".
Bà nói : "Đây là bước khởi đầu, phải bắt đầu bằng một điều gì đó. Cho đến nay, các cuộc họp ở Genève vẫn thất bại. Chúng tôi đứng ở giữa phe đối lập cực đoan và một chế độ cũng cực đoan không kém, nhưng chúng tôi cố gắng làm mọi cách để tìm ra giải pháp. Vì lý do đó mà nay phải thành lập một ủy ban để bắt đầu soạn thảo ra Hiến Pháp mới".
Do các nhóm đối lập chính ở Syria tẩy chay không tham gia hội nghị, công việc của ủy ban này có nguy cơ trở thành vô ích. Cũng như hy vọng của Nga đóng một vai trò quyết định trong việc giải quyết cuộc xung đột Syria, có thể trở nên vô vọng.
Bằng chứng mới về vũ khí hóa học ?
Trong một diễn biến khác, Reuters cho biết lần đầu tiên các nhà khoa học làm việc cho Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OIAC) đã tìm ra mối liên quan giữa kho vũ khí hóa học của chính quyền Syria với các vụ tấn công bằng khí độc sarin trước đây, theo đó các xét nghiệm cho thấy những mẫu lấy ở Ghouta và Khan Sheikhoun, Khan Al Assal đều mang cùng đặc điểm.
Thụy My
*******************
Hòa đàm Syria : đến lượt Nga thúc thủ (RFI, 30/01/2018)
Đối lập Syria và người Kurdistan từ chối tham dự hòa đàm Sochi do Nga tổ chức cùng với sự bảo trợ của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Không có đại diện Tây phương, nhất là Washington và các tổ chức chính trị đối đầu với chính quyền Damascus, ít có hy vọng tìm được đồng thuận bên bờ Hắc Hải vãn hồi hòa bình sau 6 năm nội chiến tại Syria.
Một người tham dự Đại hội đối thoại quốc gia giương cờ Syria, tại Sochi, Nga, ngày 03/01/2018 Reuters
Cuộc chiến chống Daesh, ưu tiên số một của liên quân quốc tế đã che phủ phần nào xung đột tại Syria và cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa các thế lực cấp vùng. Daesh bị đánh bại, các mặt trận mới tại Syria đã được khai hỏa cản trở tham vọng của Moskva, ít nhất là trong trung hạn, tìm một giải pháp hòa bình theo hướng củng cố chế độ Bachar al-Assad và quyền lợi của Nga sau hơn hai năm can thiệp tốn kém.
Về quân sự, một mặt trận mới mở ra ở Afrin, miền bắc Syria. Từ hai tuần nay, Thổ Nhĩ Kỳ, một trong ba nước bảo trợ vòng đàm phán song song với Liên Hiệp Quốc, tấn công vào kẻ thù Kurdistan. Ở Idlib, tây bắc và gần thủ đô Damascus, quân đội chính phủ Syria liên tục oanh kích tấn công vào lực lượng đối lập. Mọi hy vọng tái thiết và hòa bình bị dập tắt với hệ quả là làm suy yếu mọi nỗ lực ngoại giao đã khá mong manh.
Hòa đàm tại Vienna, do Liên Hiệp Quốc tổ chức hồi tuần trước bị thất bại vì đối lập và đại diện chính quyền Syria từ chối đối thoại trực tiếp. Tổng cộng 8 vòng đàm phán trước tại Genève do Liên Hiệp Quốc bảo trợ không kể "sáng kiến Ả Rập" năm 2012 đều thất bại khi đụng đến số phận của Bachar al-Assad. Chế độ Damascus và Nga cương quyết chống lại mọi đề xuất chuyển tiếp chính trị. Tin tưởng vào trợ giúp quân sự của Nga và Iran, tổng thống Bachar al-Assad kỳ vọng vào giải pháp quân sự.
Vào tháng Giêng 2017, Nga cùng Iran, đồng minh của chế độ Damascus và Thổ Nhĩ Kỳ, ủng hộ phe nổi dậy tổ chức một tiến trình hòa đàm khác ở Astana, thủ đô Kazakhstan, loại Mỹ qua một bên. Tổng cộng 7 vòng thương lượng đưa đến thỏa thuận lập "4 vùng xuống thang" nhưng chiến cuộc vẫn tiếp diễn.
Hội nghị Sochi, khai mạc vào hôm nay tên thành phố nghỉ mát của Nga bên bờ Biển Đen, trong bối cảnh Daesh gần như bị tiêu diệt. Hòa đàm do ba nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ lẽ ra sẽ rất trọng thể với hơn 1600 khách mời đại diện cho mọi phe phái tại Syria từ chính phủ, đối lập ôn hòa, đối lập triệt để cho đến các lực lượng võ trang Syria và Kurdistan. Nghi ngờ chính quyền Nga có ý đồ làm suy yếu tiến trình đàm phán do Liên Hiệp Quốc bảo trợ để buộc đối lập chấp nhận một thỏa thuận hòa bình có lợi cho chính quyền Damascus và Moskva, Mỹ và Pháp không gửi quan sát viên đến Sochi. Liên minh đối lập chính yếu của Syria cũng tố cáo Damascus không thực tâm làm cho hội nghị Vienna tuần trước thất bại, tẩy chay lời mời. Phe Kurdistan-Syria cũng tẩy chay Sochi để phản đối Nga bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Afrin.
Tại Sochi, mục tiêu đã được giới hạn ở mức độ thấp nhất là "bàn về bản Hiến Pháp tương lai" mà không nói gì đến Bachar al-Assad.
Không có đối lập Syria, "yếu tố cốt lõi" theo nhận định của ngoại trưởng Pháp Jean-Yves LeDrian, Sochi sẽ không đạt được kết quả gì. Phát ngôn viên điện Kremlin cũng dự báo không có "tiến bộ đột phá".
Do Damascus không gửi phái đoàn chính phủ tham dự, thay thế bằng đại diện của đảng Baas cầm quyền, giới quan sát cũng không có cơ hội xem Nga đóng vai trọng tài quốc tế.
Tú Anh
*******************
Quân chính phủ Syria chạm súng với lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở Idleb (RFI, 30/01/2018)
Ngày 29/01/2018, lực lượng chính phủ Syria và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên đã chạm súng với nhau ở khu vực tỉnh Idleb, miền Bắc Syria. Không quân Nga cũng xuất trận để trợ giúp đồng minh Damascus.
Quân xa Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực gần biên giới với Syria, tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 28/01/2018 Reuters/Murad Sezer
Thông tín viên RFI trong khu vực, Paul Khalifeh cho biết thêm chi tiết :
"Vụ va chạm đầu tiên giữa hai quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cùng với đồng minh của họ xẩy ra ở phía nam tỉnh Aleppo, không xa Idleb, một vùng chiến sự nơi quân đội chính phủ Syria đã mở chiến dịch tấn công từ hai tháng nay.
Các nguồn tin từ cả chính quyền Damascus lẫn phía đối lập đều nói đến xung đột vũ trang giữa hai quân đội, với những trận đấu pháo và oanh kích gần thị trấn Haderc. Một đoàn quân xa, khoảng 100 chiếc của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có 15 chiếc xe tăng đã tràn qua biên giới Syria, đi ngang qua khu vực phía bắc Idleb, và tiến về đồi Al-Iss nhìn xuống các vị trí của quân đội Syria và đồng minh đóng dưới chân đồi cách đó vài trăm mét.
Theo tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, quân đội Syria đã nã pháo vào đoàn xe và va chạm đã xẩy ra giữa hai bên. Các nguồn tin của Damascus và phe đối lập cho biết là Không Quân Thổ Nhĩ Kỳ đã oanh kích vào những vị trí của quân đội Syria. Những nguồn tin khác còn nói đến máy bay Nga cũng đã lâm trận, thả bom cách đoàn xe khoảng 2 cây số để ngăn chặn đà tiến của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Đài Quan sát Nhân quyền, thì đoàn quân xa Thổ Nhĩ Kỳ đã rút khỏi khu vực sau khi quân đội Syria gia tăng các trận pháo kích và các phi vụ can thiệp của máy bay Nga.
Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là ngăn chặn, không cho quân đội Syria mở rộng chiến dịch tấn công về phía bắc tỉnh Idleb".
Mai Vân
********************
Syria : Hòa đàm Sochi bị tẩy chay (RFI, 30/01/2018)
Hội nghị bàn tròn giữa các phe xung đột tại Syria khai mạc ngày 30/01/2018 tại Sochi - Nga sau nhiều lần đình hoãn. Tổng thống Vladimir Putin muốn triệu tập 1500 đại diện chính trị, tôn giáo và sắc tộc Syria. Tuy nhiên, nhiều tác nhân chủ chốt trong cuộc chiến từ 6 năm nay, do bất bình Moskva, vắng mặt hoặc gửi đại diện cấp thấp.
Ngoại trưởng Nga S.Lavrov khai mạc hội nghị về Syria tại Sochi. Ảnh ngày 30/01/2018.Reuters
Từ Sochi, đặc phái viên Daniel Vallot tường thuật :
Hôm nay lẽ ra là một ngày trọng đại của ngành ngoại giao Nga và của bản thân tổng thống Vladimir Putin. Sau nhiều lần đình hoãn, hội nghị Sochi diễn ra trong thất bại vì thiếu người tham dự.
Trước tiên là sắc tộc Kurdistan-Syria. Phe này từ chối sang bờ Hắc Hải bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ tung quân tấn công vào Afrin, một lãnh địa của người Kurdistan ở Syria. Phe Kurdistan-Syria phiền trách Moskva bỏ rơi họ.
Kế tiếp là các tổ chức đối lập chính yếu của Syria cũng vắng mặt. Đây là lỗi của Vladimir Putin, bất lực, không ép buộc được Bachar al-Assad nhượng bộ.
Damascus cũng không giấu thái độ bất bình chỉ đưa một phái đoàn của đảng cầm quyền sang dự hội nghị.
Điểm an ủi duy nhất cho điện Kremlin là có sự hiện diện của đặc sứ Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura giúp cho hội nghị được tính chính danh.
Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, nhìn nhận "khó mà có được những bước đột phá" tại Sochi.
Tú Anh
********************
Thổ Nhĩ Kỳ cấm mọi chỉ trích về chiến dịch tấn công người Kurdistan ở Syria (RFI, 30/01/2018)
Hơn một tuần sau khi bắt đầu chiến dịch tấn công nhắm vào lực lượng người Kurdistan ở miền bắc Syria, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm dập tắt mọi chỉ trích ở trong nước, cho dù những chỉ trích đó rất hiếm hoi. Nhiều vụ bắt giữ đã xảy ra, thậm chí chỉ vì những người có liên quan đã có một bình luận mang tính phê phán trên các mạng xã hội, hay ký tên vào một kiến nghị. Hơn 300 người đã bị bắt vì tội "tuyên truyền cho khủng bố".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Tayyip Erdogan quyết tâm dập tắt mọi tiếng nói đối lập.Yasin Bulbul/Presidential Palace/Handout via Reuters
Từ Istanbul, thông tín viên RFI Alexandre Billette cho biết chi tiết :
"Cách đây 1 tuần, tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã cảnh báo rằng những người muốn chỉ trích chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria sẽ phải "trả giá". Lời đe dọa ngay lập tức đã biến thành hiện thực : những cuộc biểu tình hiếm hoi bị cấm, thậm chí một số người chỉ trích trên các mạng xã hội chiến dịch tấn công ở Syria cũng bị bắt giữ.
Theo bộ trưởng Nội Vụ, có 311 người bị câu lưu vì "tuyên truyền cho khủng bố", trong số đó có rất nhiều nhà tranh đấu và dân biểu của đảng cánh tả HDP ủng hộ người Kurdistan, đảng duy nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ phản đối vụ can thiệp quân sự. Dường như có hơn 200 thành viên của đảng HDP trong số những người bị bắt giữ.
Nhưng không chỉ có các nhà tranh đấu người Kurdistan mới bị nhắm tới mà còn có hàng trăm trí thức đã ký tên vào một kiến nghị hòa bình cũng bị tổng thống Erdogan coi là "những kẻ phản bội". Đối tượng gần đây nhất bị nhắm tới là Hiệp Hội Bác Sĩ Thổ Nhĩ Kỳ. Tổ chức này đã công bố một bức thư ủng hộ hòa bình và hôm nay 11 thành viên bị điều tra về tội "ủng hộ khủng bố".
Thùy Dương
Bốn lý do để Trung Quốc chen chân vào Bắc Cực (RFI, 30/01/2018)
Bắc Cực có nhiều lợi thế thu hút : Mở ra một tuyến đường hàng hải mới, một vùng đất và đại dương giàu tài nguyên thiên nhiên từ dầu khí đến thủy sản và những hứa hẹn về du lịch. Không là quốc gia duy nhất quan tâm đến vùng cực bắc Địa Cầu, nhưng Trung Quốc tranh thủ để dự án Con Đường Tơ Lụa của thế kỷ 21 bao hàm luôn cả một tuyến đường trên băng.
Bắc Cực và Groenland, ảnh chụp từ vệ tinh của tập đoàn NASA Mỹ.Reuters
Bắc Kinh đã chuẩn bị một kế hoạch nhiều bước để chen chân vào Bắc Cực nhưng lần đầu tiên, Trung Quốc cho công bố sách trắng về chiến lược phát triển Bắc Cực. Đâu là những điểm nổi bật trong sách trắng của Trung Quốc và phải hiểu như thế nào về những lời cam kết hòa hoãn của Bắc Kinh ?
Trong bài phân tích ngắn đăng trên trang mạng của tờ báo Nhật Bản The Diplomat, ấn bản ngày 26/01/2017, Charlotte Gao tìm cách trả lời những câu hỏi trên.
Từ quốc gia "Cận Cực" đến OBOR trên băng
Mở đầu bài báo, chiến lược về Bắc Cực của Bắc Kinh được công bố hôm 26/01/2018, khẳng định Trung Quốc là một quốc gia "Cận Cực", là một trong những quốc gia "gần Bắc Cực nhất".Theo như giải thích của Bắc Kinh, "những điều kiện thiên nhiên" của cực bắc địa cầu và mọi tác động đối với khu vực này đều "ảnh hưởng trực tiếp đến khí hậu, môi trường, hệ sinh thái" của Trung Quốc. Qua đó là cả "những quyền lợi kinh tế" của nước này trong nhiều lĩnh vực, từ "nông, lâm nghiệp, đến các hoạt động đánh bắt thủy sản công nghiệp đường biển"
Sách trắng Arctic Policy của Trung Quốc không vòng vo : Vì chia sẻ lợi ích với các quốc gia chung quanh Bắc Cực, Bắc Kinh "hy vọng cùng làm việc với tất cả các bên để cùng nhau xây dựng một Con Đường Tơ Lụa Bắc Cực và tạo điều kiện thuận lợi trong việc kết nối và phát triển kinh tế, xã hội" trong khu vực này.
Tác giả bài viết trên The Diplomat bình luận : "Mặc dù Bắc Kinh liên tục nhấn mạnh rằng sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế và tham gia vào các hoạt động phát triển Bắc Cực một cách chừng mực, sách trắng của Trung Quốc lại chỉ ra rõ mục tiêu tận dụng các nguồn tài nguyên của Bắc Cực để phục vụ lợi ích kinh tế của bản thân quốc gia này".
Charlotte Gao nêu rõ bốn mục đích mà Bắc Kinh đang theo đuổi.
Thứ nhất là Trung Quốc tham gia vào các dự án phát triển các tuyến đường hàng hải ở cực bắc địa cầu và các tuyến đường đó gồm ba ngả "Đông Bắc", "Tây Bắc" và "Trung Tâm".
Trong bối cảnh trái đất đang bị hâm nóng gây hiện tượng băng tan, "giao thương hàng hải qua Bắc Băng Dương đang trở thành những cửa ngõ quan trọng đối với mậu dịch quốc tế". Thêm vào đó Bắc Kinh nói rõ là sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia vào các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, mở ra những trục giao thương và khám phá những hành trình du lịch mới.
Mục tiêu thứ nhì Trung Quốc nhắm tới là các nguồn tài nguyên của một vùng đất còn vắng bóng người này : "tham gia vào các công trình thăm dò và khai thác dầu, khí, quặng mỏ và nhiều tài nguyên thiên nhiên". Trong chiến lược phát triển Bắc Cực, Trung Quốc không quên nhấn mạnh đến các nguồn năng lượng "không truyền thống từ năng lượng địa nhiệt đến năng lượng gió và nhiều nguồn năng lượng sạch khác". Bắc Kinh cam kết là sẽ cùng các quốc gia trong vùng "đẩy mạnh hợp tác phát triển năng lượng sạch".
Hướng thứ ba được Trung Quốc quan tâm là các nguồn hải sản phong phú của Bắc Băng Dương được Bắc Kinh coi là "đầy tiềm năng trong tương lai". Trên điểm này, Charlotte Gao lưu ý độc giả, trong thời gian gầy đây ngư dân Trung Quốc ngày càng hoạt động ở các vùng biển xa nhà, họ đi tìm những vùng nước giàu tôm cá và trên con đường đi tìm kế sinh nhai ấy, ngư dân Trung Quốc không từ các hoạt động đánh bắt trái phép.
Sau cùng Bắc Cực còn là một mảnh đất màu mỡ để mở rộng các hoạt động du lịch và sách trắng của Trung Quốc nói rõ là đã khuyến khích các công ty du lịch đào tạo nhân sự và chuẩn bị cho các chuyến du hành lên xứ sở băng giá này.
Kho dự trữ dầu khí của thế giới ?
The Diplomat nhắc lại, tham vọng chinh phục Bắc Cực của Bắc Kinh đã có từ lâu, nhưng phải đợi đến từ 2013 Trung Quốc mới được mời làm quan sát viên Hội Đồng Bắc Cực – Arctic Council. Đây là một diễn đàn giữa 8 thành viên gồm Canada, Đan Mạch, Mỹ, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Nga, được mở rộng cho hơn một chục quan sát viên, trong đó có Ấn Độ, Pháp hayTrung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu... Chức năng của diễn đàn này nhằm thảo luận và giải quyết những vấn đề liên quan đến việc quản lý cực bắc của địa cầu.
Từ sau Thế Chiến Thứ Hai, chưa khi nào khu vực có diện tích dao động từ 4 triệu cây số vuông đến 15 triệu km2 tùy theo mùa này lại được các cường quốc trên thế giới quan tâm như hiện tại.
Đầu tháng Giêng 2018 chính quyền Trump thông báo sẽ "mở cửa gần như toàn bộ" các vùng biển của Mỹ kể từ năm 2019 cho các công trình khai thác dầu khí ngoài khơi. Trong số 47 dự án được cấp giấy phép phép hoạt động, 19 trong số này bao quanh vùng biển Alaska.
Đây không phải là một tin vui với giới bảo vệ môi trường. Tai nạn thủy triều đen ở vùng Alaska hồi năm 1989 đến nay vẫn để lại dấu vết.
Bản thân các các tập đoàn dầu khí vẫn còn thận trọng trước những dự án đầu tư khai thác ở Bắc Cực. Theo giải thích của chuyên gia về dầu hỏa Matthieu Auzanneau, tác giả của Vàng Đen – Or Noir, nhà xuất bản La Découverte (một cuốn sách được xem là kinh điển đối với giới trong ngành) để đầu tư vào các dự án khai thác dầu lửa ở Bắc Cực có lãi, giá dầu phải được ấn định tối thiểu là 100 đô la một thùng.
Nga quan tâm trở lại đến Bắc Cực
Theo quan điểm của phóng viên báo Le Figaro, Frédéric Faux trong bài viết đăng ngày 29/01/2018, nhưng quan trọng hơn cả các khoản dự trữ tài nguyên tiềm tàng, là Bắc Cực tan băng mở ra những trục giao thương mới cho phép thu hẹp hành trình và thời gian để khí đốt khai của Nga từ bán đảo Yamal, miền bắc Siberia được chuyển tới tận các nước trong vùng Đông Nam Á. Đi qua Bắc Cực, cho phép Nga giao hàng sớm hơn đến 15 ngày - rút ngắn gần 1/3 thời gian- thay vì phải qua ngả kênh đào Suez.
Một điều chăc chắn là Nga chắc sẽ không phản đối sách trắng của Trung Quốc về chiến lược phát triển Bắc Cực khi biết rằng Bắc Kinh là một trong những khách hàng quan trọng nhất mua khí đốt từ Yamal.
Những chân trời mới
Nếu như giới bảo vệ môi trường, các nhà nghiên cứu về khí hậu liên tục báo động về hiện tượng trái đất bị hâm nóng làm tan băng, thì các nhà chiến lược và địa chính trị đang nhìn thấy những "chân trời mới". Phóng viên báo Le Figaro nêu lên những con số cụ thể cho thấy "Russia is Back" tại Bắc Cực : "không còn bị các tảng băng cản trở, khối lượng tàu chở hàng của Nga nối liền Châu Âu và Châu Á, trong năm 2017 tăng 25 %. Trong năm qua, 10 triệu tấn hàng đã được chuyển qua tuyến đường Đông Bắc. Nga dự trù đến năm 2020 phải có tới 40 triệu tấn hàng sử dụng con đường hàng hải mới này. Bắc Cực từng bị lơ là trong những năm 1990 nay bỗng trở thành một vùng đất hứa cả về mặt tài nguyên lẫn chiến lược".
Thanh Hà
*****************
Chuyên gia Trung Quốc : Việt Nam và Mỹ không nên vượt lằn ranh đỏ tại Biển Đông (RFI, 30/01/2018)
Lý Khiết (Li Jie), một chuyên gia hải quân của Bắc Kinh ngày 29/01/2018 phát biểu với Hoàn Cầu Thời Báo : "So với các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc trong khu vực, Việt Nam là nước có khả năng quân sự tốt nhất. Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam trở thành lực lượng mạnh nhất mà Washington có thể tin cậy để chống lại Trung Quốc trên Biển Đông".
Hoạt động của Hải quân Mỹ trên chiếc USS Carl Vinson trong lúc công tác ở vùng biển của Hàn Quốc. Ảnh tháng 3/2017. Reuters/Erik De Castro
Còn theo giáo sư Thẩm Thế Thuận (Shen Shishun) một chuyên gia Châu Á-Thái Bình Dương tại Học viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, Việt Nam cũng cần phải dựa vào ảnh hưởng của Hoa Kỳ để tăng cường tiếng nói trong cộng đồng quốc tế và kìm chế Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia Trung Quốc, hợp tác quân sự của hai nước ở Biển Đông không nên vượt quá lằn ranh đỏ để vi phạm lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, vì mối quan hệ của Việt Nam và Mỹ với Trung Quốc đang trên đà tích cực với sự tin tưởng ngày càng gia tăng.
Các chuyên gia Trung Quốc cũng khuyến cáo dù không cần lo lắng về kế hoạch tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson tới Việt Nam, nhưng Bắc Kinh nên cảnh giác trước mọi động thái của Mỹ trong khu vực và kiên quyết chống lại bất kỳ động thái gây hấn nào để bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc.
Thùy Dương
Chiến lược thương mại mới của Hoa Kỳ
Bài phát biểu của tổng thống Mỹ Donald Trump tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới, hôm thứ Sáu, 26/01/2018 thu hút sự chú ý của nhà bình luận Renaud Gerard trên báo Le Figaro, vì theo ông, diễn văn này thể hiện rõ "Chiến lược thương mại mới của Hoa Kỳ".
Donald Trump tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos. Ảnh ngày 25/01/2018.Evan Vucci/AP
Theo tác giả, đoạn quan trọng nhất trong bài phát biểu là lúc tổng thống Mỹ chỉ trích các nước lạm dụng hệ thống mở và tự do mậu dịch mà các nước phương Tây đã tạo dựng từ cuối năm 1991, khi thế giới không còn phân chia thành hai khối Đông-Tây. Nguyên thủ Mỹ nói : "Chúng tôi ủng hộ tự do mậu dịch, nhưng cơ chế này phải công bằng và vận hành trên cơ sở có đi có lại".
Tuy không nêu đích danh quốc gia nào, nhưng khi Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ không khoan dung với những kiểu làm ăn không công bằng, như đánh cắp ồ ạt sở hữu trí tuệ, chính sách của các nước hỗ trợ trá hình ngành công nghiệp để bán phá giá… tất cả mọi người đều hiểu là Donald Trump ám chỉ Trung Quốc.
Có rất nhiều ví dụ chứng minh cho điều này. Năm 2001, Trung Quốc chỉ sản xuất khoảng 1% bảng quang điện trên toàn thế giới. Với chính sách cho vay ưu đãi của các ngân hàng nhà nước, ngày nay một nửa khối lượng pin mặt trời trên thế giới do Trung Quốc sản xuất.
Tỷ trọng của Hoa Kỳ trên thị trường thế giới giảm xuống dưới mức 1% trong lúc Mỹ là nước phát minh ra công nghệ năng lượng mặt trời. Như vậy, trong trao đổi thương mại thế giới, Trung Quốc không đi theo chủ thuyết kinh tế Ricardo về lợi thế tương đối. Bắc Kinh muốn chiếm ưu thế tất cả các lĩnh vực, ở khắp mọi nơi.
Để đối phó với Bắc Kinh, Donald Trump hiểu rõ là cần phải có đồng minh. Tại Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, chính quyền Trump đã ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu trong tranh chấp thương mại với Trung Quốc.
Thế nhưng, nguyên thủ Hoa Kỳ hiểu được rằng "trò chơi lớn" về thương mại này đang chuyển dịch về khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Chính vì thế, tại Davos, Donald Trump lại đề xuất nối lại quan hệ với 11 quốc gia trong hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP mà ngay khi bước chân vào Nhà Trắng, chính ông đã rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận này.
Nguyên thủ Mỹ sẵn sàng ký hiệp định song phương với từng nước trong nhóm này và thậm chí quay lại TPP như hiện nay. Tác giả nhấn mạnh : Donald Trump không muốn chiến lược của Hoa Kỳ bị kiềm chế, chi phối trong khuôn khổ một định chế đa phương, nhưng ông hoàn toàn có thể chấp nhận các nước khác sử dụng cơ chế đa phương.
Do đó, theo nhà báo, Châu Âu đã sai lầm khi phê phán diễn văn của Donald Trump tại Davos bởi vì họ biết rõ hơn ai hết là từ một phần tư thế kỷ qua, Trung Quốc đã lấn lướt như thế nào trong trao đổi thương mại. Hoa Kỳ không nghĩ tới chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch mà chỉ muốn có một luật lệ về trao đổi thương mại giữa các quốc gia giống như tại Mỹ.
Ví dụ, tòa án ra quyết định hủy bỏ việc đánh thuế nhập khẩu rất cao, theo đòi hỏi của hãng Boeing, đối với các máy bay Bombardier của Canada. Hơn nữa, nhiều quốc gia đang rất ghen tị với Hoa Kỳ vì chưa bao giờ nước này lại thu hút nhiều đầu tư và tạo ra nhiều công ăn việc làm như hiện nay.
Cuộc chiến không có hồi kết tại Afghanistan
Trong hơn một tuần qua, Afghanistan đã phải hứng chịu bốn cuộc tấn công khủng bố làm hơn một trăm người thiệt mạng. Le Monde trên trang nhất nhận xét : "Tại Kabul, các cuộc khủng bố thường nhật không thể chịu nổi". Libération có bài viết "Một tuần lễ đẫm máu tại Afghanistan : chính phủ bất lực". Bài xã luận của Le Monde còn khẳng định rằng "Cuộc chiến không có hồi kết tại Afghanistan".
Trong số bốn vụ tấn công, có hai vụ đẫm máu nhất là nhằm vào khách sạn Intercontinental và bộ nội vụ Afghanistan. Phe Taliban nổi dậy tự nhận là tác giả, và chính quyền Kabul tố cáo thủ phạm là nhóm của Sirajuddin Haqqani, hiện là nhân vật số hai trong hàng ngũ Taliban.
"Mạng lưới Haqqani" có quan hệ gần gũi với mạng lưới khủng bố Al Qaeda, cũng như quân báo Pakistan. Trong khi đó, tổ chức Nhà Nước Hồi giáo tự nhận là thủ phạm hai vụ khủng bố khác nhắm vào tổ chức phi chính phủ Save the Children và trường võ bị ở Kabul. Chi nhánh này cũng do phe Taliban lập ra và trong những năm gần đây, tuyên bố trung thành với Abou Bakr Al Baghdadi, thủ lĩnh nhóm Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daesh.
Đối với Le Monde, năm tháng trôi qua và không có gì thay đổi tại Afghanistan. Phe nổi dậy Taliban hiện kiểm soát một nửa lãnh thổ đất nước, tiến hành chiến lược gây rối nhắm vào các thành phố. Và cứ sau một vụ khủng bố như vậy, thì sự tức giận của người dân đối với chính quyền tại Kabul lại dâng cao hơn. Các vụ tấn công khủng bố không làm thay đổi cán cân quân sự nhưng cũng cho thấy sự mong manh của các định chế tại Afghanistan.
Hoa Kỳ can thiệp vào Afghanistan từ năm 2001 và các vụ khủng bố này cho thấy thất bại nghiêm trọng. Giải pháp mà các tổng thống Hoa Kỳ, George Bush, Barack Obama và hiện nay, cả Donald Trump, đều áp dụng : đó là tăng cường lực lượng Mỹ tại Afghanistan, từ 8.400 người lên đến 14.000 quân nhân và sắp tới khoảng 1.000 binh sĩ khác sẽ được điều đến Afghanistan.
Có hai giải pháp khác : thứ nhất là Mỹ rút quân và thứ hai là mở đàm phán giữa chính phủ Kabul, Hoa Kỳ, quân Taliban và các cường quốc khu vực. Giải pháp thứ nhất quá mạo hiểm và giải pháp thứ hai thì quá sớm. Trong cả hai trường hợp này, phe Taliban được coi là ở thế mạnh, để đưa ra một giải pháp phù hợp với các lợi ích của Hoa Kỳ.
Hòa đàm Syria : Ván cờ địa chính trị mong manh của Putin
Cuộc thương thuyết hòa bình cho Syria mở ra hôm nay tại Sochi, bên bờ Biển Đen của Nga theo sáng kiến của tổng thống Vladimir Putin. Thế nhưng, vào phút chót, cả phe Kurdistan tại Syria lẫn các phong trào đối lập chế độ Damascus đều thông báo tẩy chay hội nghị.
Báo Le Monde chạy tựa nhận định "Syria : Nỗi thất vọng của Pax Putina". Bởi vì, những vùng được cho là vùng đệm giảm căng thẳng, do ba quốc gia hỗ trợ thỏa thuận Astana - Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ - còn xa mới mang đúng nghĩa của nó.
Bên này vùng Afrin, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các phe nổi dậy đồng minh tiến hành chiến dịch chống lại lực lượng người Kurdistan - Đơn vị Bảo vệ Nhân dân YPG, bị xem là "khủng bố" vì mối liên hệ của họ với đảng PKK. Bên kia, Damascus cũng mở các cuộc tấn công nhắm vào vùng Idlib, cho phe nổi dậy kiểm soát.
Đáng chú ý là thái độ "đồng tình" của Nga trong cuộc tiến công của Ankara nhắm vào người Kurdistan. Le Monde trích nhận định của ông Anton Mardasov, chuyên gia về Trung Đông tại Moskva cho rằng "đây chính là dấu ấn thực dụng của Nga". Chính quyền Moskva muốn một mũi tên trúng nhiều đích.
Một mặt, Nga đe dọa người Kurdistan vì đã từ chối sự bảo hộ của Nga, đồng thời cảnh báo phe này tốt hơn hết nên tìm "một thỏa thuận với chế độ "hợp pháp" Damascus". Mặt khác, "Nga đang tìm cách đẩy lui Hoa Kỳ ra khỏi Syria nhằm bảo vệ chế độ Assad và tăng cường chia rẽ rạn nứt giữa Washington và Ankara, đồng minh của Mỹ trong khối NATO".
Phương Tây bị tố bỏ rơi đồng đội
Cũng liên quan đến chủ đề này, Le Monde trên mục Tranh Luận có đăng bài viết của ông Kendal Nezan, lãnh đạo Viện Kurdistan tại Paris cho rằng việc Ankara đưa quân tấn công Afrin đe dọa hòa bình khu vực.
Đầu tiên hết, ông Kendal Nezan khẳng định "Việc Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm là một hành vi cố ý gây hấn". Bởi vì, vùng Afrin chưa bao giờ được dùng như là một hậu cứ cho bất kỳ vụ tấn công nào nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ. Kể cả những vùng lãnh thổ còn lại của người Kurdistan tại Syria.
Việc xem phe này là những tên khủng bố chỉ là một cái cớ. Với tổng thống Erdogan, bất kể là ai, luật sư, nhà báo, giáo sư, các nhà đấu tranh chính trị, mà bất đồng chính kiến với ông cũng đều bị liệt vào hàng "khủng bố".
Trong khi đó, người Kurdistan đã chứng tỏ lòng can trường, sự dũng cảm trong vòng bảy năm qua để đánh đuổi quân thánh chiến khủng bố Hồi giáo Daesh, bên cạnh Hoa Kỳ và Pháp. Vào lúc người Kurdistan bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công, các đồng minh phương Tây đã làm gì để giúp đỡ họ ? Câu trả lời là "chẳng có gì cả".
Ông Nezan rằng tổng thống Erdogan tung ra chiến dịch quân sự này là nhằm để đánh bóng lại hình ảnh của ông. Bởi vì, ở trong nước thì ông không được một bộ phận người dân ủng hộ, và trên bình diện quốc tế, ông bị cô lập vì các cuộc trấn áp đối lập.
Hơn bao giờ hết, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng giống Saddam Hussein những năm cuối đời. Ông Erdogan thật sự trở nên nguy hiểm cho sự ổn định và hòa bình khu vực. Cuối cùng, ông Nezan cho rằng Pháp và Anh quốc, với trách nhiệm lịch sử trong việc tạo nên bản đồ vùng Cận Đông nên sử dụng hết mọi tầm ảnh hưởng tại Liên Hiệp Quốc và Châu Âu, buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải rút quân vô thời hạn.
Có như thế người Kurdistan mới không trở thành những "vật tế thần" trong ván cờ thực tế chính trị tại các cuộc hòa đàm Syria và cho phép khai mở một tiến trình hòa bình nhằm giải quyết vấn đề người Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ các đường biên giới hiện tại.
Trang nhất các báo Pháp
Thời sự nước Pháp chiếm trang nhất các nhật báo lớn số ra ngày hôm nay. Le Monde báo động : "EhPad, hệ thống chăm sóc bị lên án". Bảy nghiệp đoàn lao động tại các cơ sở chăm sóc người già kêu gọi đình công ngày hôm nay nhằm lên án tình trạng điều kiện làm việc bị xuống cấp trong lĩnh vực tư nhân cũng như của nhà nước.
Le Figaro bồi thêm : "Những trắc trở đầu tiên cho nhiệm kỳ tổng thống Macron". Nhiều hồ sơ nóng bỏng có nguy cơ gây căng thẳng đang chờ ông Macron như các cuộc đình công của những người quản ngục, nhân viên các bệnh viện và nhà chăm sóc người già hay như là những bực bội của các dân biểu địa phương.
La Croix cũng đồng tình với các đồng nghiệp Le Monde và Le Figaro khi chạy tít : "Người lớn tuổi, nhân viên chăm sóc bị quá tải". Nhân dịp này Les Echos muốn biết : "Người dân Pháp đánh giá ông Macron và các chính sách của ông như thế nào ?". Thái độ nghi kỵ của người dân với các định chế chính trị ngày càng lớn. Người dân có những đánh giá tốt về ông Macron nhưng chưa đủ để tổng thống Pháp tạo thành một cú sốc tín nhiệm.
Còn Libération thì chạy tít lớn "Himalaya : Ác mộng trên cao 8000m". Nhật báo dành 4 trang để nói về hành trình chinh phục dốc núi Nanga Parbat, trên dãy Himalaya của nhà thám hiểm Elisabeth Revol. Chính tại nơi đây, bà đành phải bỏ rơi người bạn đồng hành Ba Lan Tomasz Mackiewicz. Tờ báo thuật lại một thảm kịch chết người, một chiến dịch giải cứu ngoạn mục giữa sự khắc nghiệt của thiên nhiên và tình liên đới.
Minh Anh
Bắc Triều Tiên : Né cấm vận, quan và dân thi nhau kiếm tiền bằng mọi cách
Le Mondehôm nay 29/01/2018 có bài điều tra về "Chiếc áo giáp của chế độ Bắc Triều Tiên trước các biện pháp trừng phạt". Với sự độc tôn ý thức hệ và chủ nghĩa dân tộc, Bình Nhưỡng hiện chống chọi được. Nhưng việc mở cửa dần nền kinh tế khiến Bắc Triều Tiên bị ảnh hưởng nhiều hơn trước áp lực từ bên ngoài. Liệu chế độ sẽ phải mềm dẻo đi ?
Những chiếc xe tải chở hàng trên cầu Hữu Nghị, tại dòng sông biên giới Áp Lục nối liền Bắc Triều Tiên với Đan Đông, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 08/01/2018. Reuters/Stringer
Bắc Triều Tiên hiện là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới : bị Hoa Kỳ cấm vận từ cuộc chiến tranh Triều Tiên, và bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt từ sau vụ thử nguyên tử đầu tiên năm 2006. Các biện pháp này được tăng cường từ năm 2017, đánh vào hầu như mọi thứ. Từ các thiết bị "nhạy cảm" (có thể sử dụng cho mục đích quân sự) cho đến các mặt hàng xa xỉ (nhưng chúng vẫn hiện diện trong một số cửa hàng), thậm chí cả dầu gội đầu, tương cà… Các doanh nghiệp bị tẩy chay, các hoạt động tài chính bị giám sát, xuất khẩu than đá, quặng mỏ và hải sản bị ngưng.
Nga, Trung Quốc vẫn đồng lõa ngầm
Nhưng chiến lược bóp nghẹt Bắc Triều Tiên vẫn có những lỗ hổng. Trung Quốc và Nga bỏ phiếu cho việc trừng phạt Bình Nhưỡng tại Liên Hiệp Quốc, nhưng vẫn tìm cách giảm nhẹ tác động. Mức trần xuất khẩu dầu thô của Trung Quốc sang Bắc Triều Tiên được ấn định tháng 9/2017 là 4 triệu thùng/năm, nhưng đây là số lượng xuất bình thường hàng năm. Chỉ có các sản phẩm tinh chế từ dầu lửa (kể cả diesel và kérosène) bị giảm đi ba phần tư.
Các tàu Trung Quốc và Nga còn tham gia chuyển dầu lậu ở ngoài khơi, mà vụ Hải quân Hàn Quốc bắt được hồi tháng 11/2017 là một ví dụ. Nhưng Bắc Kinh vẫn chối : chiếc tàu dầu này thuộc về một công ty Hồng Kông, được chi nhánh của một tập đoàn ngư nghiệp Đài Loan thuê, đăng ký ở quần đảo Marshall…
Còn việc đưa về nước mấy chục ngàn lao động Bắc Triều Tiên làm việc ở Trung Quốc, Trung Đông, Đông Âu, Nga cũng sẽ ảnh hưởng đến lượng tiền mặt thu vào, nhưng tác động chỉ cảm nhận được khoảng hai năm sau.
Không chỉ có Nga và Trung Quốc, mà theo báo cáo mới nhất của Viện Khoa học An ninh Quốc tế ở Washington, khoảng 50 nước (trong đó có Đức, Pháp, Brazil, Sri Lanka…) nhẹ tay trong việc áp dụng, thậm chí làm ngơ các biện pháp trừng phạt Liên Hiệp Quốc, qua việc nhập khẩu những sản phẩm bị cấm, mua vũ khí của Bắc Triều Tiên hoặc làm lơ cho các con tàu đồng lõa…
Tránh né cấm vận bằng mọi cách
Hơn nữa, chế độ Bình Nhưỡng là bậc thầy trong việc né tránh cấm vận. Theo các nhà buôn ở Đan Đông, vùng biên giới Trung-Triều, buôn lậu chiếm hơn phân nửa các giao dịch thương mại tại đây. Và cho dù Trung Quốc có muốn đi nữa, cũng khó giám sát cả 1.400 km đường biên.
Những giao dịch khác được tiến hành trên biển. Tương tự với Nga : hàng được chuyển từ cảng Vladivostok sang Chongjin (Thanh Tân) cách 250 km. Hầu hết được thanh toán bằng tiền mặt. Cộng đồng người gốc Triều Tiên sống tại Trung Quốc khoảng 3 triệu cũng tham gia vào các hoạt động này.
Theo Le Monde, người dân Bắc Triều Tiên ngày nay tham gia một nền kinh tế thị trường trên thực tế. Tất cả đều có thể mua được, từ sản phẩm, dịch vụ cho đến đặc quyền. Mỗi người đều bươn chải để sống còn : buôn bán nhỏ không giấy phép, cơ sở sửa chữa với các nhân viên "vắng mặt", giáo viên tổ chức dạy thêm, bác sĩ có khách hàng riêng, quan chức lập cơ sở làm ăn thuộc lãnh vực mình quản lý… Chuyên gia Andrei Lankov nhận định : "Chỉ có một điều quan trọng nhất tại Bắc Triều Tiên, đó là kiếm tiền !"
Tham nhũng và quyền lực
Nhờ được tự chủ theo nguyên tắc "trách nhiệm xã hội" đặt ra từ năm 2014, các công ty quốc doanh có thể lập các "chi nhánh" do các doanh nhân độc lập điều hành. Nhiều cơ quan nhà nước được phép có các hoạt động béo bở (giao thông, du lịch, khai khoáng), rất nhiều quan chức đồng thời là doanh nhân.
Các hoạt động "riêng tư" không được chính thức công nhận. Nhưng sự thực dụng, cùng với nạn thiếu tiền mặt, đã xóa nhòa giới hạn giữa hợp pháp và bất hợp pháp, tham nhũng và hối lộ trở nên cần thiết. Hệ thống dựa trên một tam giác : giới lãnh đạo – bắt đầu là phía quân đội, vốn kiểm soát toàn bộ nền kinh tế, quan chức, và doanh nhân – phải hối lộ để công việc được trơn tru. Hiện nay không có thành phần nào muốn phá bỏ thế thăng bằng có lợi này.
Tuy nhiên sự năng động về kinh tế dẫn đến một sự chuyển đổi âm thầm trong xã hội, quan tâm hơn đến các thông tin từ bên ngoài. Một sự chuyển biến tâm lý đang diễn ra, đặc biệt trong giới được các nhà nghiên cứu Hàn Quốc gọi là "thế hệ jangmadang" (chợ đen). Sinh ra trong thập niên 80 và 90, lớp người này lúc còn nhỏ đã biết đến nạn đói, nhưng cũng có kinh nghiệm về kinh tế thị trường.
Thế hệ chiếm 25% dân số này có thể phản biện chế độ. Nhưng hiện thời việc "lây nhiễm" virus tư bản bị hạn chế, vì an ninh vẫn giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó một số đặt hy vọng vào một thế hệ lãnh đạo trẻ, mà họ mong là sẽ thổi một làn gió mới vào Đảng Lao Động Bắc Triều Tiên.
Trung Quốc dọ thám trụ sở Liên Hiệp Châu Phi
Liên quan đến Trung Quốc, đặc phái viên Le Monde tại Addis-Abeba cho biết "Trụ sở Liên hiệp Châu Phi bị Bắc Kinh dọ thám". Các hoạt động gián điệp của Trung Quốc gây lo ngại cho các nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh Châu Phi.
Tại trụ sở vẫn còn mới tinh của Liên hiệp Châu Phi (UA), các thang máy vẫn nói tiếng Hoa, và những thân cây cọ bằng nhựa trang trí được khắc tên China Development Bank. Tòa nhà này là "món quà của Trung Quốc cho các người bạn Châu Phi" năm 2012, hoàn toàn do Bắc Kinh trang bị, hệ thống máy tính được chuyển giao tận tay.
Tháng 1/2017, đơn vị vi tính nhỏ bé của UA bỗng phát hiện máy chủ bị bão hòa một cách bất thường từ nửa đêm đến hai giờ sáng. Văn phòng không có ai, nhưng việc chuyển dữ liệu đạt mức đỉnh. Một chuyên gia bèn tìm hiểu, và nhận thấy các dữ liệu nội bộ của UA bị đánh cắp hàng loạt.
Mỗi đêm, các bí mật của định chế được lưu trữ ở cách Addis-Abeba hơn 8.000 km, trên các máy chủ bí ẩn đặt tại Thượng Hải. Việc đánh cắp ngoạn mục này diễn ra từ tháng 1/2012 đến tháng 1/2017, nghĩa là cho đến lúc UA sắm các máy chủ riêng và không cho các kỹ sư Trung Quốc tham gia lắp đặt. Đoàn đại biểu Trung Quốc tại UA từ chối trả lời tờ báo Pháp về vấn đề này.
Ấn Độ : Cảnh giác với các loại tiền "đã ảo lại còn dỏm"
Trên lãnh vực tài chính, Le Monde cảnh báo "Coi chừng tiền ảo dỏm !". Ăn theo thành công trên toàn cầu của đồng bitcoin, đã xảy ra vô số các vụ làm giả tiền điện tử tại Ấn Độ.
Tháng 12/2017, một doanh nhân 32 tuổi bị cảnh sát bắt ở Delhi vì tội lừa đảo. Đồng tiền ảo KashhCoin do anh ta tung ra cách đó một năm, đã mang lại hàng triệu rupi, nhưng vô dụng khi mua hàng. Một đồng tiền mà giá trị chỉ được những người sử dụng tin tưởng với nhau. Người tạo ra KashhCoin khôn khéo soạn thảo bản giới thiệu đầy tính kỹ thuật khiến người sử dụng tin vào sự nghiêm túc của nó, nhất là với sự tăng giá của đồng bitcoin.
Thực chất đây chỉ là mô hình tháp Ponzi, các nhà đầu tư thu được lợi tức từ những người mới tham gia. Tại một quốc gia mà lạm phát hàng năm đôi khi trên 10%, nhiều người thích đầu tư vào ngoại hối, và nếu đó là tiền ảo sẽ né tránh được ngân hàng và thuế má.
Davos : Trump trấn an, Macron tạo sức hút
Cũng về kinh tế, Les Echos nhận định "Tại Diễn đàn Davos, ông Trump gây tin tưởng còn Macron thu hút".
Các doanh nhân Pháp thường tham dự Davos chưa bao giờ thấy hiện tuợng như thế. "Khi người ta biết rằng bạn là người Pháp, lập tức họ chận bạn lại để nói chuyện về Emmanuel Macron" - chủ tập đoàn Total thổ lộ. "France is back !", nước Pháp đã quay lại. Nhà sáng lập một trường nữ ở Ấn Độ nói : "Tổng thống của quý vị trẻ tuổi, ông đã thay đổi hình ảnh của Châu Âu, chúng tôi thích có một nhà lãnh đạo như Macron".
Tại Davos, Donald Trump đã cho bà Theresa May "uống nước đường" vài ngày sau khi hủy bỏ chuyến viếng thăm Luân Đôn vào phút chót. Tổng thống Mỹ nói : "Chúng tôi đồng thuận trên mọi vấn đề". Nhưng rõ ràng đất nước của Brexit không còn đóng vai trò đầu cầu giữa Hoa Kỳ và Châu Âu như trước, mà Pháp đã bắt đầu thay chân.
Còn đối với ông Trump, lần này là một nguyên thủ như bao nguyên thủ khác. Ông đọc bài diễn văn một cách nghiêm túc, không hề phá cách, tỏ ra ủng hộ mở cửa thương mại với điều kiện có qua có lại. Theo Les Echos, tại Davos, vị tổng thống Mỹ không giống ai lần này đã đạt được một thành công hiếm hoi, đó là làm an tâm cử tọa.
Pháp phá vỡ trên 300 đường dây đưa người nhập cư bất hợp pháp
Về thời sự nước Pháp, Le Monde tiếp tục băn khoăn với việc cải cách kỳ thi tú tài. Libération đặt vấn đề "Ehpad sẽ chăm lo cho các bậc cha mẹ ?" Các cơ sở chăm sóc người già chuẩn bị đình công, đòi hỏi nhiều nhân lực và phương tiện tài chính hơn. Les Echos quan tâm đến thị trường chứng khoán : "CAC 40 (tức 40 cổ phiếu hàng đầu của Pháp) ở mức cao nhất từ mười năm qua". Về quân sự, Le Figaro chạy tựa "Năm năm sau chiến dịch Serval, Al Qaeda vẫn còn hoành hành tại Mali".
Trang nhất của La Croix dành cho các vị tử đạo : Ggiáo hoàng Francis thứ Bảy tuần trước đã công nhận tư cách này cho 19 tu sĩ nam nữ bị sát hại ở Algeria, mở đường cho việc phong thánh.
Về nhập cư, Le Figaro cho biết "Triệt phá được trên 300 đường dây đưa người nhập cư trái phép vào Pháp trong năm 2017", đây là một kỷ lục.
Trong đó có những mạng lưới người Hoa, với những công ty giả hiệu và các nhân viên ma. Đã qua rồi thời kỳ sinh viên dỏm Trung Quốc đổ xô qua Pháp với cớ theo học các chương trình tiếp thị hay quản lý. Những kẻ tổ chức đường dây mượn tên người khác để lập ra hàng chục công ty dỏm, thường là dịch vụ hay tư vấn, và lập hợp đồng tuyển dụng với các chức vụ được khai là cần kỹ năng đặc biệt.
Một khi được cấp visa, các "chuyên gia" này đến Pháp làm người giao hàng hoặc rửa chén trong các nhà hàng Châu Á. Dịch vụ này rất béo bở, mỗi người nhập cư kiểu này phải nộp 16.000 đến 20.000 euro trong năm đầu, và mỗi năm tiếp theo 2.500 đến 3.000 euro để được giúp gia hạn visa làm việc.
Thụy My
Hôm 28/01/2018, khắp nơi trên nước Nga dân chúng biểu tình lên án cuộc bầu cử tổng thống tháng Ba tới, theo lời kêu gọi của nhà đối lập với chế độ Putin. Ông Nalvany bị bắt khi tham gia tuần hành. Cảnh sát đột nhập văn phòng của lãnh đạo đối lập tại Moskva.
Biểu tình tại Saint Petersbourg ủng hộ nhà đối lập Nalvany, phản đối bầu cử giả hiệu, ngày 28/01/2018 Reuters/Anton Vaganov
Theo AFP, cảnh sát đã phá khóa, đột nhập văn phòng của ông Nalvany vào sáng nay và bắt đi một nhân viên. Ê kíp của ông Navalny cho biết an ninh đã cắt đứt buổi truyền trực tiếp các cuộc biểu tình tại miền đông nước Nga. Cảnh sát cũng bắt đi nhiều nhân viên của Quỹ chống tham nhũng (FBK), một tổ chức do ông Nalvany sáng lập.
Biểu tình đã diễn ra tại gần 120 thành phố, thị trấn trên khắp nước Nga, kể cả các thành phố miền Viễn Đông như Yakutsk, nơi nhiệt độ xuống âm 45°C.
Chính quyền Nga cảnh báo không cho phép bất cứ cuộc tập hợp "bất hợp pháp nào", và đặc biệt cấm biểu tình tại thủ đô Moskva và thành phố Saint Petersbourg. Cảnh sát bao vây nhà của ông Nalvany tại Moskva từ sáng.
Ông Nalvany bị câu lưu tại trung tâm thủ đô, ít phút sau khi ông xuống đường tuần hành. Tổng cộng khoảng 4.000 người tham gia tuần hành riêng tại Moskva, theo ban tổ chức. Hơn một nghìn người xuống đường tại Saint Petersbourg. "Nước Nga không Putin" là khẩu hiệu xuất hiện nhiều trong biểu tình. Trước đó, lãnh đạo đối lập Nga Alexei Nalvany kêu gọi dân chúng tuần hành đông đảo trên khắp cả nước ngày hôm nay, để phản đối "trò lừa đảo" của chính quyền, với cuộc bầu cử mà tổng thống mãn nhiệm Putin coi như nắm chắc thắng lợi, vì không có đối thủ.
Về không khí tại Moskva trước cuộc biểu tình, thông tín viên Daniel Vallot có bài tường trình :
"Những người tranh đấu nổi giận, đa số họ là người tình nguyện ủng hộ ông Nalvany ngay từ thời kỳ đầu. Đối với họ, lẽ ra nhà lãnh đạo đối lập đã phải được phép ứng cử tổng thống.
Chủ nhật hôm nay, họ sẽ xuống đường bất chấp nguy cơ bị chính quyền bắt bớ. Ông Alexandre Knyazev - một người phụ trách cơ sở của lãnh đạo đối lập Alexeï Navalny tại thủ đô Moskva - cho biết : "Chúng tôi muốn xuống đường để chứng minh là chúng tôi tồn tại ! Chúng tôi không chấp nhận ông Putin tự chọn cho mình các đối thủ. Cá nhân tôi sẽ tham gia chiến dịch của Nalvany để ông ấy có thể ra ứng cử. Tôi cho rằng các quyền Hiến định của mình bị xâm phạm chừng nào ông Nalvany không được phép. Tôi phải xuống đường để bảo vệ quyền của mình".
Lãnh đạo đối lập Nalvany hy vọng dân chúng xuống đường đông đảo để duy trì ngọn lửa nhiệt huyết của những người ủng hộ ông. Trong lúc cuộc tranh cử tổng thống chuẩn bị bước vào giai đoạn quyết liệt, lãnh đạo đối lập Nga hy vọng hình ảnh của ông sẽ không bị che lấp bởi các ứng cử viên được điện Kremlin cho phép ra đối đầu với tổng thống Putin".
Theo thăm dò dư luận của Levada hồi tháng 11/2017, chỉ có 58% người Nga sẵn sàng đi bỏ phiếu, so với 69% hồi bầu cử tổng thống 2012 và 75% năm 2008.
Trọng Thành
Bắc Kinh và Phnom Penh có những mối quan hệ rất "mật thiết" từ kinh tế, chính trị và quân sự. Rất hiếm khi một người dân xứ Chùa Tháp dám chỉ trích ảnh hưởng càng ngày càng mạnh của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong một bức thư gửi chính phủ, tỉnh trưởng Sihanoukville báo động tình trạng xã hội đen, theo chân đầu tư Trung Quốc, thao túng thành phố cảng.
Ngà voi buôn lậu bị tịch thu tại Sihanoukville, 09/05/2014. AFP PHOTO/STR
Theo hãng tin Asia News ngày 27/01/2018, trong một bức thư dài ba trang gửi bộ Nội Vụ, thị trưởng Yun Min cho biết "sự hiện diện của người và tiền đầu tư của Trung Quốc làm tội phạm và tình trạng mất an ninh gia tăng ở thành phố cảng và tỉnh Sihanoukville".
Trong những năm gần đây,tại tỉnh Preah Sihanoukville, miền tây nam Cam Bốt, thị trường bất động sản tăng nhiệt do những nguồn tiền lớn từ Trung Quốc ồ ạt đổ sang xây nhà hàng, sòng bạc và cao ốc. Trong thư, tỉnh trưởng Yun Min than phiền về "tình trạng giá thuê phòng khách sạn leo thang và hiện tượng người Trung Quốc nhậu nhẹt say xỉn ồn ào trong quán ăn". Nhưng nghiêm trọng hơn nữa là "các tổ chức tội phạm và xã hội đen Trung Quốc lợi dụng thời cơ mở địa bàn hoạt động tại Sihanoukville, bắt cóc tống tiền doanh nhân Trung Quốc, gây rối loạn trị an tại địa phương".
Phát ngôn viên bộ Nội Vụ Cam Bốt Khieu Sopheak nói là chưa nhận được lá thư tố cáo của tỉnh trưởng Yun Min nhưng cam kết không để cho người Trung Quốc kiểm soát Cam Bốt : "Chúng tôi luôn bảo vệ chủ quyền quốc gia. Người Trung Quốc không thể kiểm soát chúng tôi. Họ đến với tư cách nhà đầu tư và tôn trọng luật pháp thì được"
Theo Asia News, chính phủ Hun Sen cũng tìm cách trấn an công luận và báo chí quốc tế về giới đầu cơ Trung Quốc, qua thị trường địa ốc Cam Bốt, tìm cách hợp thức hóa đồng tiền thu được từ các hành vi tội ác. Cam Bốt đứng hạng thứ 9 trong số 146 quốc gia bị xem là "địa điểm thuận lợi" để rửa tiền, tương đương với Ouganda và Tanzania ở Châu Phi.
Tú Anh
Ankara tiếp tục chiến dịch quân sự khởi sự từ hơn tuần nay chống lại lực lượng Kurdistan, được Hoa Kỳ hậu thuẫn, tại vùng Afrin của Syria, giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm 27/01/2018, Thổ Nhĩ Kỳ hối thúc Mỹ rút quân khỏi một thành phố khác trong khu vực này.
Lực lượng đặc biệt Thổ Nhĩ Kỳ tại Azaz, Syria, 24/01/2018. Reuters/Osman Orsal
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo với hàng trăm lính Mỹ được triển khai để hỗ trợ lực lượng dân quân người Kurdistan YPG tại Minbej phải rút đi. Minbej nằm cách vùng Afrin nơi diễn ra chiến sự khoảng 100 cây số về phía đông.
Theo chính quyền Thổ, Minbej nằm trong khu vực 30 km dọc biên giới, khu vực mà Ankara gọi là "vành đai an toàn" của Thổ Nhĩ Kỳ. Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là đẩy lùi lực lượng Kurdistan, bị cáo buộc là khủng bố. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng đồng thời cho biết sẽ triển khai lực lượng về phía đông, tức về phía thành phố Minbej nói trên.
Lời cảnh báo của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ là một dấu hiệu cho thấy quan hệ Ankara và Washington dường như căng thẳng hơn, ba ngày sau cuộc điện đàm, giữa nguyên thủ hai nước, được coi là không mang lại kết quả.
Hôm qua, chính quyền Thổ loan báo Hoa Kỳ cam kết sẽ không cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurdistan. Hiện tại, phía Mỹ chưa đưa ra bình luận nào về thông tin này.
Trong khi đó, biểu tình ủng hộ người Kurdistan chống can thiệp Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra tại nhiều thành phố Châu Âu. Tại Paris, khoảng 2.500 người xuống đường, tại Marseille, khoảng 2.000 người. Ở thành phố Koln, Đức, cảnh sát đã giải tán cuộc tập hợp của gần 20.000 người Kurdistan, sau khi người biểu tình giương cờ của PKK Kurdistan, từng là lực lượng nổi dậy vũ trang tại Thổ Nhĩ Kỳ chống chính quyền Ankara. Tổ chức PKK bị cấm tại Đức.
Về cuộc đàm phán tìm giải pháp hòa bình giữa các phe phái Syria ngày 29 và 30/01 tại Sochi, Nga, được Moskva hậu thuẫn, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thông báo cử đặc phái viên về Syria Staffan de Mistura tham dự.
Trọng Thành