Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thế Vận 2018 : Seoul-Bình Nhưỡng hòa dịu nhưng khó "đột phá ngoại giao"

Chính phủ Pháp phát triển cảnh sát gần dân để bảo vệ an ninh tốt hơn, dự kiến ngân sách quốc phòng 2019-2025 theo hướng gia tăng, 500 doanh nghiệp năng động nhất đóng góp cho tăng trưởng nước Pháp là một số chủ đề lớn trang nhất báo Pháp hôm nay, 09/02/2018. Tuy nhiên, chủ đề thu hút nhiều giấy mực nhất vẫn là Thế Vận Hội Mùa Đông, khai mạc hôm nay, với sự tham gia của Bắc Triều Tiên, đang bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt về chương trình hạt nhân.

olympic1

Biểu diễn nghệ thuật trong buổi khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông 2018 tại Pyeong Chang - RFI

Le Figaro có bài phân tích : "Giai đoạn hòa dịu Olympic giữa hai miền Triều Tiên", nhấn mạnh là chế độ Bình Nhưỡng đã tận dụng tối đa giai đoạn hòa hoãn này để đạt được một số nhân nhượng từ Seoul và quốc tế, nhưng cơ hội cho một "đột phá ngoại giao" là rất mong manh.

Một trong những bất ngờ lớn nhất của "giai đoạn hòa hoãn" Thế Vận Hội này là việc Bình Nhưỡng cử em gái của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, bà Kim Yo-jong, trạc 30 tuổi, đến dự lễ khai mạc. Tối nay, em gái của Kim Jong-un – một đối tượng trừng phạt của chính quyền Mỹ (do vai trò của nhân vật này trong bộ máy kiểm duyệt thông tin) - ngồi trên khán đài chính, chỉ cách phó tổng thống Mỹ Mike Pence vài mét. Theo Le Figaro, việc bà Kim Yo-jong hiện diện tại Hàn Quốc, vào đúng dịp này, chẳng khác nào một hành động chọc tức Washington khá ngoạn mục.

Việc thành viên đầu tiên trong gia tộc họ Kim tới Hàn Quốc kể từ khi cuộc chiến Triều Tiên kết thúc (1950-1953), trên thực tế, chỉ được chính thức quyết định "vào phút chót", khi Bình Nhưỡng hoàn tất danh sách gần 300 thành viên phái đoàn tham dự Thế Vận.

Seoul hoan nghênh quyết định này, coi như "một dấu hiệu mới cho thiện chí của Bình Nhưỡng", mang lại hy vọng sẽ có "một đột phá ngoại giao bên lề các cuộc tranh tài thể thao", kéo dài đến ngày 25/02.

Hàn Quốc muốn tranh thủ cơ hội thoát khỏi bóng Mỹ

Theo nhà nghiên cứu Kim Ji Yoon, viện tư vấn độc lập Asan Institute ở Hàn Quốc, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thuộc cánh trung tả – đắc cử tháng 5/2017 - muốn tranh thủ thời cơ hòa hoãn, để thoát khỏi cái bóng của nước Mỹ, nhằm khởi sự một cuộc "đàm phán trực tiếp" với lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Nếu xảy ra, đây sẽ là "lần đầu tiên" lãnh đạo hai miền đối thoại trực tiếp, kể từ 10 năm nay, tức là từ khi phe bảo thủ lên nắm quyền.

Hàn Quốc đã có một loạt nhân nhượng trong dịp Thế Vận, như yêu cầu Hội Đồng Bảo An hủy bỏ một số quy định trừng phạt Bắc Triều Tiên trong thời gian sự kiện thể thao này. Việc ông Choe Hwi - một quan chức cao cấp Bắc Triều Tiên bị cấm ra nước ngoài, do trừng phạt của Hội Đồng Bảo An – đến Hàn Quốc được coi là "một thắng lợi ngoại giao" của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, về triển vọng biến các cơ hội hòa hoãn ngoại giao thành giải pháp đột phá, nhà phân tích Tertitsky của kênh truyền thông Mỹ NK News – chuyên về Bắc Triều Tiên, có trụ sở ở Hàn Quốc – cho rằng cơ hội không nhiều, bởi Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ rất đối kháng trong vấn đề hạt nhân, và những nhà chiến lược có quan điểm thực tế ở Bình Nhưỡng cũng hiểu rõ là "không thể bẻ gẫy trục hợp tác Seoul-Washington".

Dù sao, Le Figaro nhấn mạnh là, đằng sau hậu trường, tổng thống Hàn Quốc vẫn hết sức nỗ lực để môi giới cho các cuộc gặp trực tiếp giữa phái đoàn Bắc Triều Tiên và phó tổng thống Mỹ, thậm chí một cuộc gặp giữa em gái Kim Jong-un và con gái tổng thống Mỹ, Ivanka Trump, dự kiến sẽ tham gia lễ bế mạc. Một trắc nghiệm cho thấy có đột phá ngoại giao hay không đó là vấn đề : Liệu các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, được đẩy lùi đến cuối tháng 3, theo đề nghị của tổng thống Hàn Quốc, có một lần nữa được hoãn lại hay không ?

Giai đoạn hòa hoãn trên bán đảo Triều Tiên có thể sẽ "nhanh chóng chấm dứt" là ý kiến của nhà nghiên cứu Barthélemy Courmont, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) trên La Croix.

Kim Jong-un – "Người làm chủ cuộc chơi"

Về chiến lược tận dụng thời kỳ hòa hoãn của Bắc Triều Tiên, báo Libération có cái nhìn lạc quan hơn, với hàng tựa trang nhất : "Kim Jong-un, người làm chủ cuộc chơi", trên nền hình ảnh ông chủ Bình Nhưỡng trong trang phục vận động viên trượt băng nghệ thuật, nghiêng mình trong một vòng lượn trên băng, với nụ cười hoan hỉ. Theo Libération, giai đoạn hòa hoãn "chưa từng có" lần này là do "thiện chí bất ngờ" của ông Kim Jong-un, muốn biến cơ hội này thành dịp quảng cáo cho chế độ.

Ông Pierre Rigoulot, một "chuyên gia về các chế độ cộng sản" có bài phân tích trên Le Figaro mô tả chiến thuật truyền thống, "đã được minh chứng" của chế độ Bắc Triều Tiên, đó là luân phiên đe dọa với đề nghị hòa bình. Le Monde có bài "Trò chơi hai mặt của Kim Jong-un".

Cũng Le Monde, có nhận định của nhóm ba chuyên gia làm việc cho một số định chế khoa học Hàn Quốc, lưu ý : "Hạt nhân Bắc Triều Tiên cũng là một mối đe dọa với châu Âu".

Thế Vận Hội mùa đông : Thể thao của các nước giàu

Về phương diện thể thao, theo Libération, Thế Vận Hội mùa đông lần này tại Hàn Quốc, tuy được sự tham gia của 92 đoàn thể thao các nước, nhưng trên thực tế chỉ là nơi đua tài của khoảng 20 quốc gia. Khoảng 10 quốc gia – trong đó đứng đầu là Canada, Thụy Sĩ, Nga, Hoa Kỳ và Đức – chiếm đến hơn 80% trong tổng số 3.000 vận động viên tham dự.

Nhận xét của Libération là, trái với Olympic Mùa Hè, Thế Vận Hội Mùa Đông chủ yếu vẫn là sự kiện thể thao "của các nước giàu, nhiều hơn là các nước có địa hình núi non". Đoàn thể thao nước Anh nhiều gấp 8 lần so với nước Chili, một quốc gia ôn đới, nhiều núi. Con số quốc gia đoạt huy chương trong lần Thế Vận trước là 26, điều mà Thế Vận Mùa Hè đã làm được từ những năm 1920.

Tranh cử tổng thống Nga : Putin rút cục chỉ có 8 "đối thủ"

Về thời sự quốc tế, Le Figaro chú ý đến cuộc tranh cử tổng thống Nga chính thức khởi sự hôm qua. Theo Ủy ban bầu cử Nga, rút cục chỉ có 8 ứng cử viên được chấp nhận ra đấu với tổng thống mãn nhiệm Putin, trong số 64 người nộp đơn lúc khởi sự.

"Một ngọn núi hy vọng của xã hội, chỉ sinh ra có một con chuột nhắt", tờ báo ví von châm biếm. Le Figaro điểm mặt phía những người cầm chắc thất bại, trong cuộc đọ sức với tổng thống Nga cầm quyền từ 18 năm nay, có "nhà báo đối lập Ksenia Sobtchak, có cha là người đỡ đầu ông Putin về chính trị".

Theo Vtsiom, cơ quan điều tra dư luận của Nhà nước, cơ sở duy nhất được phép tiến hành các thăm dò, tổng thống Nga sẽ được 71% phiếu bầu trong cuộc bầu cử 18/03 tới. Nhà chính trị học Mark Ournov nhận xét, điều chủ yếu là chính quyền "loại trừ mọi ứng cử viên, tỏ ra là nguy hiểm với ông Putin". Nhiều nhà phân tích độc lập lưu ý đến tính chất trình diễn của cuộc tranh cử tổng thống Nga, nơi các ứng cử viên được chọn thành từng cặp, để các phe dân tộc chủ nghĩa, phe cộng sản, phe tự do tự đối đầu và triệt tiêu lẫn nhau.

Về cuộc tranh cử tổng thống Nga, báo Le Monde có bài mô tả, với nhiều vẻ hài hước, nhận xét là, chắc chắn giành thắng lợi, tổng thống Nga liên tục có các chuyến đi để quảng bá hình ảnh của mình, nhưng từ chối các tranh luận.

Trong lúc một trợ lý truyền thông của tổng thống Nga cho báo chí biết cương lĩnh tranh cử của tổng thống đang được chuẩn bị, thì một tình nguyên viên khác cho rằng, tổng thống Putin không cần cương lĩnh.

"Cương lĩnh chính là ông ấy !". Người này chỉ lên một loạt các bức ảnh Putin, Putin với các vận động viên, với giới trẻ, với binh sĩ, với các nhạc sĩ… Truyền thông Nhà nước và truyền thông thân chính quyền đóng vai trò lớn cho các ảnh hưởng "sâu sắc và thực sự" của ông Putin tại Nga.

Chỉ số Dow Jones lao dốc : Thêm dấu hiệu cáo chung của chính sách tín dụng 30 năm dễ dãi ?

Trong lĩnh vực kinh tế, báo Le Monde đặc biệt chú ý đến một số dấu hiệu cho thấy có thể có những thay đổi lớn trong chính sách cho vay dễ dãi của ngân hàng trung ương của các cường quốc. Đầu tuần này, chỉ số chứng khoán Mỹ Dow Jones lao dốc đến 4,6%.

Bất chấp dấu hiệu trên, nhiều chuyên gia như ông Paul Jackson (Invesco PowersShares) tỏ ra lạc quan là các nền kinh tế châu Âu và Mỹ hiện nay đều "khỏe mạnh", và đây đơn giản chỉ là một triệu chứng "tiêu hóa kém", sau gần hai năm liên tục tăng trưởng. Thế nhưng, theo Le Monde, "các rung chấn" nói trên là một dấu hiệu rõ ràng mới cho thấy chính sách cho vay với lãi suất hết sức thấp của các ngân hàng trung ương đang bước vào giai đoạn cáo chung.

Le Monde điểm lại chính sách Nhà nước Mỹ, hồi năm 1987, can thiệp trực tiếp vào thị trường tài chính, với việc bơm tiền ồ ạt để cứu thị trường Wall Street, mất giá hơn 20% trong vòng hai tháng. Nhờ can thiệp của chính quyền, thị trường đã phục hồi, nhưng chính sách can thiệp được tiến hành liên tục từ đó đến nay cũng đi kèm với việc lãi suốt cho vay liên tục sụt giảm trong ba thập niên qua, từ 10% vào cuối những năm 1980 đến chỉ còn 1,3% hồi giữa năm 2016. Lãi suất rất thấp có hệ quả là khuyến khích vay mượn tràn lan, đầu mối dẫn đến các bong bóng địa ốc chẳng hạn. Đó là mầm mống của cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế năm 2008.

Việc vay nợ tràn lan cũng làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa các thế hệ, với tình trạng nhà ở đang ngày càng trở nên đắt đỏ, giới trẻ càng ít người có cơ hội sở hữu nhà, so với các thế hệ trước. Theo một điều tra của S&P, công bố hôm ngày 5/2, về 13.000 doanh nghiệp trên thế giới, thì có đến 37% là "nợ nần đầm đìa", với tổng nợ gấp hơn 5 lần so với kết quả kinh doanh).

Gần đây, các ngân hàng trung ương bắt đầu lo sợ hậu quả khủng khiếp của tình trạng vay nợ tràn lan này. Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (FED) dần dần điều chỉnh theo hướng lãi suất tăng lên, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (BCE) cũng ngưng dần can thiệp vào thị trường.

Trọng Thành

Published in Châu Á

Bắc Triều Tiên : Kim Jong-un và bản lĩnh trong 6 năm cầm quyền

Báo chí Paris đã tốn không ít giấy mực để nói về chế độ độc tài cộng sản Bắc Triều Tiên với lãnh đạo hiện tại Kim Jong-un. Nhật báo Le Monde trở lại chủ đề này với bài viết của nhà báo Philippe Pons, một chuyên gia về Châu Á.

kim1

"Kim Jong-un, một nhà lãnh đạo bản lĩnh hơn cha" -KCNA/via Reuters

Bài viết có tựa đề "Những nhà độc tài cha truyền con nối". Đúng là chế độ độc tài cộng sản đã ngự trị ở Bắc Triều Tiên trong suốt 70 năm chỉ với ba người lãnh đạo, trong cùng một gia đình từ đời ông đến đời cháu. Giờ đây, cháu nội của Kim Nhật Thành, cha đẻ của chế độ cộng sản Bình Nhưỡng, là Kim Jong-un, dù rất trẻ tuổi, nhưng đã thành công không chỉ trong việc củng cố vị thế quyền lực mà còn tỏ ra là một nhà chiến lược khôn khéo, ngoài dự đoán của dư luận bên ngoài.

Le Monde nhắc lại, Kim Jong-un được đẩy lên lãnh đạo Bắc Triều Tiên khi chưa đầy 30 tuổi sau khi người cha Kim Jong-il qua đời hồi tháng 12/2011. Khi đó hầu hết các nhà phân tích nước ngoài đều nhìn thấy việc nối ngôi chỉ mang tính tượng trưng chứng tỏ sự tiếp tục đường lối nhà họ Kim. Mọi người đều nghĩ rằng Kim Jong-un rồi sẽ bị giới lão thành trong bộ máy thao túng, điều khiển. Một số chuyên gia còn đoán là chế độ Bình Nhưỡng "không thể tránh khỏi" sụp đổ.

Thế nhưng tác giả bài viết khẳng định : "Sáu năm sau, không những vẫn tại vị mà lãnh tụ trẻ Bắc Triều Tiên còn củng cố vững chắc thêm vị thế. Sau khi đã loại bỏ bằng sức mạnh mọi đối kháng tiềm tàng, Kim Jong-un đã lột xác thành một thủ lĩnh chiến tranh, không ngại thách thức Hoa Kỳ".

Thực sự Kim Jong-un là người thế nào ?

Nếu tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng những ngôn từ miệt thị coi thường lãnh đạo Bắc Triều Tiên thì tổng thống Nga Vladimir Putin lại nhìn nhận Kim Jong-un như là "một nghệ sĩ khôn khéo" trên sân khấu chính trị quốc tế, một lãnh tụ có khả năng theo đuổi chiến lược đã được ông cha khởi sự từ hơn hai chục năm trước, đó là tạo cho Bắc Triều Tiên có được sức mạnh răn đe tin cậy.

Bài viết trích dẫn chuyên gia Andrei Lankov, nhà sử học thuộc Đại học Kookmin tại Seoul khẳng định Kim Jong-un "hoàn toàn có lý trong cái logique của chế độ từ hàng thập kỷ qua". Cũng về góc độ này, chuyên gia John Delury thuộc Đại học Yonsei, Seoul nhận định rằng tham vọng trang bị vũ khí hạt nhân là hoàn toàn có lý đối với "một đất nước phải đối mặt thường trực với một siêu cường thù nghịch" như Hoa Kỳ, cường quốc từng không ngần ngại xâm lược, lật đổ chính phủ nhiều quốc gia.

Theo tác giả Philippe Pons : "Kim Jong-un tỏ ra dữ dội hơn cha mình, qua việc đẩy mạnh chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo : Trong 6 năm, Kim Jong-un đã ra lệnh 4 lần thử hạt nhân và riêng trong năm 2017, cho bắn tới 3 quả tên lửa tầm xa".

Mặc dù vậy, người ta vẫn biết rất ít về con người Kim Jong-un. Đã có lãnh đạo phương Tây nào gặp ông ta đâu. Còn các cơ quan tình báo cũng khó có thể phác họa được tính cách của nhân vật này và cũng không thể giải mã được guồng máy của chế độ. Chính sự thiếu hiểu biết đó đã nuôi dưỡng các thông tin đồn đoán huyễn hoặc nhất về Kim Jong-un. Ngay cả tuổi của ông cũng không ai dám chắc chắn.

Làm được nhiều điều hơn ông cha

Về khía cạnh quyền lực, bài viết nhắc lại là khi lên kế thừa quyền lãnh đạo của cha năm 2012, Kim Jong-un quả thực là một người hầu như chưa có một chút kinh nghiệm gì để lãnh đạo một đất nước. Ông hoàn toàn vẫn còn xa lạ trong dân chúng cũng như trong bộ máy đảng. Nhưng cỗ máy tuyên truyền của chế độ đã tạo dựng cho Kim Jong-un hình ảnh như là hiện thân của Kim Nhật Thành.

Chiến dịch tuyên truyền đã tạo thành cái gọi là "hội chứng Kim Jong-un" giúp ông ta lãnh đạo trong sự trung thành tuyệt đối. Từ đó, Kim Jong-un có thể gia cố quyền lực, loại trừ các đối thủ tiềm tàng trong bộ máy, kích thích dân chúng bằng niềm tự hào dân tộc về những tiến bộ hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Là người kế thừa di sản của ông và cha, Kim Jong-un không thụ động điều hành chiến lược riêng của mình. Chuyên gia Andrei Lankov nhận định : "Sau sáu năm, rõ ràng thân phụ của ông ta đã lựa chọn đúng người. Kim Jong-un tỏ cho thấy rất khôn khéo, thô bạo khi cần thiết và đôi lúc hơn cả cần thiết. Đó là một người tính toán thực dụng hơn là nhà tư tưởng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, và đúng ra ông ta là một nhà chiến thuật giỏi với các con bài có trong tay".

Pháp muốn củng cố sức mạnh răn đe hạt nhân

Liên quan đến nước Pháp, sự kiện của nhật báo Libération là dự luật chi tiêu quân sự hôm nay được trình lên chính phủ, trong đó đặc biệt có nội dung nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của Pháp.

Trang nhất của Libération chạy tựa : "Vũ khí hạt nhân, cuộc tranh luận cấm kỵ". Đúng là vấn đề trang bị vũ khí hạt nhân đang làm dấy lên tranh luận xung quanh khả năng răn đe hạt nhân của Pháp, một chủ đề dường như đang bị rơi vào quên lãng nay lại nổi lên. Người ủng hộ thì cho rằng tăng cường kho vũ khí hạt nhân là "sự bảo đảm cuối cùng cho vị thế của đất nước trên trường thế giới".

Tờ báo trích dẫn các chuyên gia ủng hộ khả năng răn đe hạt nhân của Pháp, như chuyên gia Tiphaine de Champschesnel, Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Trường Quân sự Pháp cho rằng : "Răn đe hạt nhân luôn có căn cứ. Việc chấm dứt chiến tranh lạnh đã không thiết lập được một thế giới ổn định, mà trái lại, thế giới đang trở nên ngày càng khó lường". Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, Pháp cần phải độc lập với Mỹ và nước Nga cũng muốn đẩy mạnh hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân.

Những ý kiến chống thì lập luận vũ khí nguyên tử có thể bị dùng sai mục đích hay trở nên cực kỳ nguy hiểm khi rơi vào tay những kẻ khủng bố. Điều quan trọng là một khi tính chất răn đe của vũ khí hạt nhân không còn ý nghĩa, thì đó là thứ vũ khí hủy diệt thực sự.

Xã luận của Libération viết : Giấc mơ của tất cả chúng ta là được sống trong một thế giới sạch bóng vũ khí hạt nhân cũng như vũ khí quy ước. Nhưng chúng ta vẫn còn ở rất xa mục tiêu đó. Hành tinh này đã bước vào thời kỳ bất ổn, không loại trừ một vùng nào, cùng với việc phổ biến điên cuồng vũ khí và sẵn sàng sử dụng hoặc tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trước hiện trạng đó, có hai lựa chọn : Từ chối lao vào vòng xoáy nguy hiểm hoặc trái lại thì cho rằng vũ khí hạt nhân là không thể thiếu nếu muốn tồn tại trên trường quốc tế và để sẵn sàng răn đe mọi cuộc tấn công vào lãnh thổ mình.

Giờ đây, theo Libération, vũ khí hạt nhân vẫn được cho là không bao giờ được sử dụng. Thế nhưng gần đây người ta cảm nhận thấy, nhất là phía Mỹ, có ý đồ đưa vũ khí hạt nhân vào chiến trường. Như vậy thì khái niệm răn đe đâu còn nữa.

Châu Á : Tụ điểm căng thẳng hạt nhân của thế giới

Nhân chủ đề vũ khí hạt nhân, Libération có bài viết ngắn cho thấy Châu Á không phải là nơi cất giữ nhiều bom nguyên tử nhất của cả hành tinh nhưng lại là vùng đất có nhiều cường quốc hạt nhân nhất thế giới (4 trong số 9 nước).

Tất cả các cường quốc này đều đang phát động một chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân. Nhất là các nước Châu Á đó khẳng định : Khả năng răn đe dựa trên sức mạnh hạt nhân hơn bao giờ hết đang là vấn đề mang tính thời sự.

Tờ báo nhận định, môi trường an ninh Châu Á đang rất căng thẳng. Trung Quốc ngày càng tỏ quyết tâm bành trướng trên biển cũng như trên không ; Bắc Triều Tiên vẫn luôn là mối đe dọa và hai nước láng giềng Pakistan và Ấn Độ thì thường trực mối hiềm khích.

Bốn quốc gia gọi là cường quốc hạt nhân Châu Á này hiện giữ 560 đầu đạn hạt nhân, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Quốc tế về Hòa bình Sipri. "Chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên ảnh hưởng đến an ninh của toàn khu vực, đẩy các nước vào cuộc chạy đua. Nhật Bản, Hàn Quốc không có vũ khí hạt nhân nhưng trên thực tế lại có chiếc ô hạt nhân của Mỹ bảo vệ".

Tên lửa cực mạnh Falcon Heavy chỉ mang tính biểu tượng

Phần cuối mục điểm báo dành cho thông tin liên quan đến vụ phóng thành công tên lửa đầu tiên cực mạnh Falcon Heavy của dự án chinh phục sao hỏa SpaceX do ông chủ của Tesla khởi xướng và điều hành.

Le Figaro ghi nhận thành công của tên lửa Falcon Heavy chỉ mang tính biểu tượng hơn là giá trị thương mại. Bởi hiện không có vệ tinh nào nặng đến mức phải cần đến loại tên lửa cực mạnh này, trong khi giá thành lên tới 90 triệu đô la. Để so sánh, loại tên lửa Falcon 9 chi phí chỉ bằng 30% cũng có thể là đủ.

Sức mạnh của loại tên lửa Falcon Heavy tuy nhiên khai mở ra khả năng cho các chuyến thám hiểm hệ mặt trời xa xôi tới đây mà các nhà thiên văn học vẫn ao ước tìm hiểu. Tuy nhiên việc này nếu có cũng chỉ diễn ra vài lần mỗi thập kỷ mà thôi.

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Tai nạn trên biển Hoa Đông : Nhật lo nhiều bãi biển đẹp bị xăng trắng tàn phá (RFI, 07/02/2018)

Tai nạn tàu chở dầu ở biển Hoa Đông, đầu tháng Giêng 2018, một tháng sau thảm họa vẫn tiếp tục gây lo ngại, do các tác động đến môi trường chưa được xác định rõ. Trong lúc chính quyền Trung Quốc tuyên bố phạm vi dầu loang đang dần dần thu hẹp, một số thông tin cho biết dầu có thể lan đến nhiều vùng bờ biển Nhật Bản.

hoadong1

Dân cư cụm đảo Amami-Oshima, tây nam Nhật Bản, lo ngại thảm họa dầu Sanchi. Trong ảnh, một đảo nhỏ thuộc cụm đảo Oshima. Wikipedia

Đây không phải là lần đầu tiên tai nạn xảy ra tại khu vực được mệnh danh là "Tam giác Qủy" mới ở biển Hoa Đông, nơi ít nhất 33 tàu mất tích năm 2016. Tuy nhiên, thảm họa đắm tàu Sanchi gây lo ngại lớn, bởi loại dầu được chuyên chở trên tàu là "condensate" (thường gọi là xăng nhẹ hay xăng trắng).

Đây là tai nạn tàu chở xăng trắng lớn đầu tiên trên biển, cũng là tai nạn tàu dầu lớn đầu tiên tại biển Hoa Đông. Các tác động môi trường biển của loại hóa chất này còn rất ít được nghiên cứu, cho dù về mặt định lượng, số xăng dầu trên chiếc tàu gặp nạn ở biển Hoa Đông được coi là "chỉ bằng" khoảng 1 phần 5 so với lượng dầu thoát ra vùng Vịnh Mêhicô, trong thảm họa BP năm 2010.

hoadong2

Xăng trắng trên biển Hoa Đông sau tai nạn tàu Sanchi, đầu tháng Giêng 2018 - ảnh chụp màn hình

Hiện tại không biết rõ bao nhiêu trong số 136.000 tấn xăng trắng đã hòa vào đại dương, còn bao nhiêu đã bốc cháy. Trả lời báo La Croix hôm 23/01/2018, ông Christophe Rousseau, phó giám đốc trung tâm Pháp CEDRE (Trung tâm tư liệu và nghiên cứu về các tai nạn trên sông biển), cho biết thứ xăng thoát ra từ chiếc tàu dầu Iran là "một loại dầu thô rất nhẹ, độc hại và dễ bắt lửa".

Khó dự đoán tác động của xăng trắng

Chuyên gia Christophe Rousseau giải thích : Xăng trắng không màu, ảnh hưởng rất khác đến môi trường, so với với các loại thảm họa mà chúng ta vẫn quen gọi là "thủy triều đen". Xăng trắng bốc rất nhanh, thành các loại hơi độc. Xăng trắng, ít hòa tan trong nước biển, một phần lớn nổi lên trên mặt biển thành một lớp váng mỏng, lấp lánh như màu cầu vồng.

Để dễ hình dung, ta lấy một lượng xăng trắng bằng một thìa xúp, và đổ lên mặt nước phẳng, lượng xăng này sẽ mở rộng ra một diện tích tương đương với một sân bóng đá. Hãy tưởng tượng với hàng chục nghìn tấn ! (1)

Theo chuyên gia Pháp, về mặt lý thuyết, thảm dầu sẽ còn tiếp tục trải rộng ra, và bốc hơi, trước khi bị sóng biển làm tan đi, cùng với tác động của các vi khuẩn trong nước biển. Tuy nhiên đó chỉ là dự báo lý thuyết, vì đây là tai nạn tàu chìm đầu tiên với lượng xăng trắng lớn đến như vậy. Rất khó dự đoán điều gì xảy ra tiếp theo. Rất khó dự đoán về tác động của xăng trắng đến các loại chim biển, các loài sinh vật dưới biển, đặc biệt là loài phù du – thức ăn chính của nhiều sinh vật biển - sống ở tầng nước mặt.

Theo Le Monde, nếu như xăng trắng không tác động nhiều đến các tầng nước sâu, nguy hiểm đầu tiên là ô nhiễm không khí, và nguy cơ gây cháy gia tăng hơn nữa tại vùng biển giao thông tấp nập này. Bên cạnh đó, nếu lan về phía Trung Quốc, thảm dầu có thể đe dọa vùng biển Châu Sơn (Zhou Shan), vùng đánh cá lớn nhất của nước này, ngoài khơi tỉnh miền đông Chiến Giang (Zhejiang).

Năm 2016, khoảng 5 triệu tấn cá đã được khai thác ở đây. Châu Sơn cũng là nơi di trú của nhiều loài cá voi. Riêng các loài cá biển khơi sống ở các tầng dưới, sẽ tìm cách nhanh chóng lánh khỏi khu vực ô nhiễm trên bề mặt này, làm sụt giảm hơn nữa nguồn hải sản, vốn đã bị đánh bắt quá mức, như dự đoán của ông Christophe Rousseau.

Chính quyền Trung Quốc tỏ ra lạc quan về mức độ tác động môi trường của thảm họa đắm tàu dầu. Báo Japan Times, hôm 02/02, dẫn lời bộ Giao Thông Trung Quốc cho hay hơn 770 km² mặt nước bị ảnh hưởng "đã được phục hồi". Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc loan báo đã trắc nghiệm hơn 100 mẫu nước biển (nhưng không rõ ở đâu), và khẳng định "không tìm thấy gì bất thường". Tuy nhiên, việc đánh bắt bị cấm tại khu vực cách điểm xảy ra tai nạn trong phạm vi khoảng 30 hải lý.

Có dấu hiệu dầu loang tới bờ biển Nhật

Về phía Nhật Bản, có một số dấu hiệu là xăng dầu từ tàu Sanchi đã lan tới một số vùng bờ biển nước này, như tại các đảo Amami-Oshima, vốn nổi tiếng về các bãi biển nguyên sơ và các rạn san hô tuyệt đẹp. Reuters hôm 02/02 dẫn lời người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga, cho biết Tokyo đã thành lập một nhóm đặc biệt trực thuộc văn phòng thủ tướng, để điều phối các phản ứng đối phó với các diễn biến mới của tai nạn tàu Sanchi. Cụ thể là nghiên cứu về các mảng dầu vón cục mà người dân phát hiện được trên các bãi biển, và mức độ ảnh hưởng của hiện tượng này.

Thái độ nói trên của chính phủ Nhật là ngược lại với quan điểm bình chân như vại của bộ Môi Trường Nhật Bản hồi tháng trước, khi tai nạn mới xảy ra. Trả lời AFP, một giới chức đảo Takarajima, Nhật Bản, lo ngại dầu loang có thể ảnh hưởng đến việc sinh đẻ của các loài cá di cư, có thói quen đến khu vực này vào khoảng tháng 4, tháng 5 hàng năm.

Theo dự đoán của National Oceanography Centre và đại học Southampton, thảm xăng loang sẽ dạt vào bờ biển Nhật Bản trong vòng một tháng, theo dòng hải lưu Kuroshio.

Trung Quốc và Nhật Bản phản ứng "quá trễ"

Về phản ứng từ phía chính quyền trong vụ tai nạn tàu dầu ở biển Hoa Đông, AFP dẫn quan điểm của một số chuyên gia, chỉ trích việc Bắc Kinh và Tokyo giảm thiểu nguy cơ môi trường của tai nạn. Đại diện của tổ chức Greenpeace, ông Paul Johnston kêu gọi chính quyền các nước nỗ lực tẩy rửa khu vực thảm họa, và kiểm soát chặt chẽ các vùng bờ biển.

Chuyên gia người Mỹ Mark J. Valencia, cộng tác với viện nghiên cứu về Nam Hải (tức Biển Đông) của Trung Quốc, cũng phê phán "các phản ứng quá ít, và quá trễ" của hai chính quyền Trung Quốc và Nhật Bản. Nhà nghiên cứu, vốn được đánh giá là thân Bắc Kinh, cho nguyên nhân của sự chậm trễ này là do "các căng thẳng chính trị" giữa Trung Quốc và Nhật Bản, cụ thể là các tranh chấp về chủ quyền tại vùng biển Hoa Đông, cũng như về các chồng lấn ở vùng đặc quyền kinh tế.

Theo ông Valencia, Bắc Kinh và Tokyo cần tôn trọng các đòi hỏi của Công Ước Quốc Tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), yêu cầu các bên tham gia, chia sẻ các nguồn lợi tại các khu vực chồng lấn, và có cơ chế hợp tác khoa học để dự báo các tác động môi trường, sau mỗi tai nạn nghiêm trọng. Ông cũng nhấn mạnh là hai bên cần vượt qua các trở ngại chính trị, để hướng đến việc "hợp tác khẩn cấp". Tai nạn này có thể được coi là một cơ hội, nếu không, hai bên cần chuẩn bị để chung tay đối phó với một tai nạn tương tự trong tương lai.

Trọng Thành

(1) Diện tích bị ô nhiễm tại biển Hoa Đông lên đến khoảng 330 km² vào cuối tháng 1/2018 (tương đương với ba lần thành phố Paris).

*********************

Hồng Kông : Ba nhà hoạt động trẻ được tha bổng (RFI, 06/02/2018)

Ba gương mặt tiêu biểu của phong trào đòi dân chủ ở Hồng Kông đã được tha bổng trong phiên xử hôm nay, 06/02/2018. Tuy nhiên, họ không hoàn toàn hài lòng về phán quyết của tòa.

hoadong3

Từ trái qua : Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), Châu Vĩnh Khang (Alex Chow) và La Quán Thông (Nathan Law) tại Hồng Kông, ngày 06/02/2018.Reuters

Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), La Quán Thông (Nathan Law) và Châu Vĩnh Khang (Alex Chow) trong phiên xử phúc thẩm vào tháng 8/2017 đã bị kết án từ 6 đến 8 tháng do vai trò của họ trong phong trào biểu tình đòi dân chủ mang tên "phong trào Dù Vàng" vào mùa thu năm 2014. Ba nhà hoạt động trẻ này đã kháng án lên Tòa Thượng Thẩm.

Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy gởi về bài tường trình :

"Vài phút sau phán quyết của Tòa Thượng Thẩm bác bỏ phán quyết của Tòa Phúc Thẩm, Hoàng Chi Phong, lãnh đạo trẻ biểu tượng của phong trào sinh viên đòi dân chủ ở Hồng Kông, ra phát biểu trước các ống kính truyền hình trên sân của Tòa Thượng Thẩm, nằm ở trung tâm Hồng Kông. Anh được tự do, nhưng không tỏ vẻ hài lòng.

Châu Vĩnh Khang, lớn tuổi nhất trong 3 sinh viên này, vào lúc diễn ra phong trào Dù Vàng còn là sinh viên làm luận án văn chương và là tổng thư ký liên đoàn sinh viên, thì giải thích rằng đây chỉ là một thắng lợi nửa vời. Anh nói : "Dĩ nhiên chúng tôi hiểu là nhiều người sẽ ăn mừng việc chúng tôi được tự do, nhưng nếu đọc kỹ phán quyết thì sẽ thấy phán quyết này vẫn kết luận rằng hành động bất phục tùng dân sự của chúng tôi mang tính bạo lực".

Chính điểm đó là điều có thể gây ra nhiều hệ lụy cho những hành động phản kháng sau này của ba nhà lãnh đạo trẻ của phong trào dân chủ Hồng Kông".

Thanh Phương

*********************

Đài Loan : Động đất làm ít nhất 6 người chết, 200 người bị thương (RFI, 07/02/2018)

Thành phố Hoa Liên (Hualian) của Đài Loan bị hư hại nặng nề vì một cuộc động đất với cường độ 6,4 trên bậc thang Richter vào đêm thứ Ba 06/02/2018. Nhiều cao ốc bị sụp, ngoài 6 nạn nhân thiệt mạng và hơn 200 người bị thương, không rõ số người mất tích là bao nhiêu.

hoadong4

Một tòa nhà ở Hoa Liên, Đài Loan, đổ nghiêng vì động đất, 07/02/2018. Reuters/Stringer

Theo AFP, sáng thứ Tư hôm nay, các toán cứu hộ khẩn cấp tìm kiếm những người mất tích sau vụ động đất tại thành phố cảng Hoa Liên, khu du lịch nổi tiếng của Đài Loan ở bờ biển phía đông.

Cơn địa chấn làm nhiều ngôi nhà sụp đổ trong đó có một khu chung cư 12 tầng bị nghiêng một cách đáng ngại. Năm tòa nhà khác, trong đó có bệnh viện, khách sạn bị hư hại, đường xá bị tách đôi.

Tổng thống Thái Anh Văn đã đến tận nơi. Các toán cứu hộ tìm thấy 6 thi hài, nhưng không rõ số phận của 88 người bị xem là "mất tích". 2.000 ngôi nhà bị mất điện.

Đài Loan nằm giữa hai mảng kiến tạo Trái đất, vì vậy thường bị động đất. Tháng 9 năm 1999, một cơn địa chấn ở cường độ 7,9 đã làm thiệt mạng 2.400 người. Cách nay hai năm, Đài Nam, một thành phố phía nam hải đảo bị động đất làm chết gần 100 người trong một cao ốc. Xây dựng không tôn trọng chuẩn mực an toàn là tệ nạn trong giới nhà thầu.

Tú Anh

Published in Châu Á

"Con đường tơ lụa mới" : Toàn cầu hóa theo kiểu Trung Quốc

Les Echoshôm 07/02/2018 có bài phân tích mang tựa đề "Con đường tơ lụa mới : Kế hoạch thực sự của Tập Cận Bình". Theo tác giả Michel de Grandi, không nên bị choáng ngợp trước kế hoạch đại quy mô này mà quên đi những nguy cơ đang đe dọa, vì ẩn giấu phía sau là tham vọng của Bắc Kinh : nhào nặn một quá trình toàn cầu hóa theo kiểu Trung Hoa.

obor1

Con đường tơ lụa trên bộ và trên biển. NASA/Goddard Space Flight Center/Wikipedia

Kế hoạch thật là vĩ đại với ngân sách khoảng 1.000 tỉ đô la, các dự án trải rộng trên tất cả các Châu lục, từ vận chuyển trên bộ lẫn trên biển. Về mặt tài chính, có sự tham gia của nhiều quỹ, một ngân hàng phát triển tập hợp khoảng 60 nước : Con đường tơ lụa mới có những con số gây chóng mặt.

Dự án được Bắc Kinh lăng-xê năm 2013 không được Paris hưởng ứng mấy. Tuy nhiên từ khi chuyến tàu nối liền Vũ Hán với Lyon đến nơi, và khi tổng thống Pháp thăm Trung Quốc, chủ đề này được chính thức nêu ra và bắt đầu được chú ý hơn. Liên tục diễn ra các hội nghị để thông tin, các diễn giả cố thuyết phục các doanh nghiệp tham gia "kế hoạch Marshall tuyệt vời" này. Tuy nhiên theo Le Figaro, dự án này có nhiều mối nguy tiềm ẩn, nhất là với sự mù quáng của phương Tây, cách suy nghĩ đơn giản với mối lợi trước mắt.

Kế hoạch đầy tham vọng bao trùm toàn cầu

Ba năm sau khi giới thiệu, "Con đường tơ lụa mới" không ngừng mở rộng về mặt địa lý : từ 60 nước ban đầu, nay đã lên đến khoảng 100. Chẳng hạn Châu Phi hầu như tham gia toàn bộ, Bắc Cực có "Con đường tơ lụa mới" riêng, hoặc Nam Mỹ, nơi Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện.

Danh sách các lãnh vực cũng được nối dài. Từ các cơ sở hạ tầng giao thông đơn thuần, nay gồm cả hợp tác văn hóa, du lịch. Tên của kế hoạch cũng được đổi từ "Con đường tơ lụa mới" sang "Một vành đai, một con đường" (One Belt, One Road hay Nhất Đới, Nhất Lộ). Trong nước cũng như ngoài nước, Trung Quốc tổ chức các cuộc hội thảo để làm phong phú nội dung cho bộ khung kế hoạch.

Theo Les Echos, rõ ràng là sau lớp vỏ dự án kinh tế, "Con đường tơ lụa mới" mang nhiều tham vọng, mà trước hết là kế hoạch tuyên truyền hoàn hảo. Để khuyến dụ, chính quyền Bắc Kinh sử dụng giọng lưỡi khác nhau cho từng đối tượng. Các lý lẽ đưa ra trước các nhà nghiên cứu khác hẳn so với trước các nhà báo, còn đối với giới kinh doanh thì được nhấn mạnh về các mặt khác. Tất cả những hoạt động quảng bá này chuyển đổi "Con đường tơ lụa mới" từ một khái niệm sơ khai ban đầu trở thành một việc đương nhiên.

Xuất khẩu quyền lực mềm và mô hình Nhà nước tập quyền

"Con đường tơ lụa mới" mang lại tầm vóc cho ngoại giao kinh tế, giúp Bắc Kinh và các công ty Trung Quốc tìm kiếm tăng trưởng bên ngoài Hoa lục. Nhưng không chỉ có thế. Dự án này còn xuất khẩu quyền lực mềm của Trung Quốc và quyết tâm nhào nặn lại thế giới. Tập Cận Bình và Trung Quốc muốn lãnh đạo việc tái tổ chức các định chế toàn cầu.

Cái nhãn "Con đường tơ lụa mới" trở nên lý tưởng để quy tụ mọi người từ khắp nơi trên thế giới, từ các quan chức cao cấp Nhà nước đến doanh nhân. Có thể gọi đây là "ngoại giao diễn đàn", một lãnh vực mà Bắc Kinh rất tích cực hoạt động. Không chỉ tham gia vào việc hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, mà còn phổ biến một thông điệp mới mang tính ý thức hệ.

Chủ tịch Trung Quốc muốn rao giảng về phương thức phát triển thay thế cho mô hình dân chủ phương Tây đang gặp nhiều khó khăn. Ông Tập khoe khoang một Nhà nước vững mạnh, tập quyền, có khả năng nhanh chóng ra quyết định và áp đặt thực hiện trong thời gian ngắn. Và cuối cùng, đừng quên phương diện địa chính trị của dự án này.

Trung Quốc mong muốn trở thành đại cường hàng đầu thế giới vào năm 2050, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (01/10/1949) ; tìm lại thời vàng son đã đánh mất vào thế kỷ 19.

Con đường tơ lụa không trải thảm đỏ

Bên cạnh những kế hoạch trên bộ là các dự án trên biển. Từ những tuyến cáp xuyên đại dương cho đến đầu tư vào các cảng biển, với tầm vóc quy mô, mà giai đoạn cuối cùng là lưu chuyển các dữ liệu tin học từ vùng này đến vùng khác thông qua mạng cáp quang. Chỉ riêng vùng Địa Trung Hải, đã có hơn một chục hải cảng được dự kiến đầu tư.

Tác giả cảnh báo, không nên chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt của kế hoạch đại quy mô này. Tuyến đường xe lửa nối liền Trung Quốc với Châu Âu là một ví dụ. Những chuyến tàu đến Châu Âu chất đầy hàng hóa made in China, nhưng chiều ngược lại thì ít hẳn. Từ đó có thể đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có việc thâm nhập thị trường Hoa lục, hiện hết sức bất bình đẳng đối với phương Tây.

Cũng không có gì cho thấy người nước ngoài có thể dễ dàng tham gia những kế hoạch được Trung Quốc đưa ra. Hành lang kinh tế mà Bắc Kinh xây dựng tại Pakistan với 50 tỉ đô la, đã trở thành một khu vực dành riêng cho doanh nghiệp Trung Quốc, không có bất kỳ một công ty Pakistan nào được phép bổ một nhát cuốc. Thế nên không nên mơ tưởng rằng thảm đỏ được Bắc Kinh trải ra trước "Con đường tơ lụa mới".

Vatican xích gần lại Bắc Kinh

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Figaro cho biết "Vatican xích gần lại Bắc Kinh". Một thỏa thuận sắp được ký kết, giúp nối lại mối quan hệ đã bị cắt đứt từ năm 1949 sau khi quân cộng sản chiến thắng.

Cuộc họp lần thứ 13 của nhóm công tác sẽ diễn ra tại Vatican trước cuối tháng 2 mang tính quyết định. Một thỏa thuận khung sẽ được hai phái đoàn của Bắc Kinh và Tòa Thánh ký kết, sẽ giải tỏa tình trạng bế tắc trong mối quan hệ từ 70 năm qua. Theo đó, nếu Roma chấp nhận việc chọn lựa các tân giám mục thông qua Hội Công Giáo "yêu nước" do chính quyền kiểm soát, thì Bắc Kinh sẽ công nhận quyền quyết định phong chức của Giáo hoàng.

Cựu tổng giám mục Hồng Kông Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen) kịch liệt phản đối, coi đây là sự "phản bội" những người công giáo Trung Quốc bị đàn áp và luôn từ chối tuân phục chế độ cộng sản. Nhưng xem chừng Vatican không thay đổi quan điểm.

Thế vận hội Pyeongchang trước nguy cơ tin tặc Bắc Triều Tiên

Cũng tại Châu Á, đặc phái viên Les Echos tại Pyeongchang mô tả "Thế vận hội trước mối đe dọa của tin tặc Bắc Triều Tiên". Tấn công tin tặc giúp Bình Nhưỡng kiếm tiền mà không mấy tốn kém, và không có nguy cơ bị trả đũa – một hiện tượng đang gia tăng nhanh chóng.

Khoảng mấy chục sàn giao dịch tiền ảo ở Hàn Quốc đã bị rơi vào bẫy tin tặc, bị nhiễm virus Peachpit. Sàn Youbit phải tuyên bố phá sản, sàn Bithumb bị cướp mất 7 triệu đô la. Còn tại Nhật Bản, sáng sớm hôm thứ Hai 26/1 chỉ trong vài phút ngắn ngủi, 534 triệu đô la của sàn giao dịch Coincheck đã bị bốc hơi. Trong các vụ cướp tiền ảo này, dấu ấn của Bình Nhưỡng đều được tìm thấy trong các mã độc giấu sau các đường dẫn, file đính kèm hoặc thông báo tuyển dụng.

Trong nhiều thập niên qua, Bắc Triều Tiên bị cô lập trên trường quốc tế, có thể trông cậy vào Binh đoàn 39 bí ẩn để thu tiền cho ngân sách. Đơn vị này dường như đặt tại trụ sở đảng Lao Động ở Bình Nhưỡng, thông qua các công ty chính thức hoặc bình phong, chuyên buôn lậu vàng, ma túy, thiết bị quân sự, sản xuất tiền giả… đặc biệt là những đồng 50 và 100 đô la trong thập niên 70.

Tuy nhiên nguồn thu nhập này ít dần do bị tăng cường kiểm soát và trừng phạt. Hoạt động tin tặc hiện có vẻ "ngon ăn" hơn. Công ty an ninh mạng Kaspersky ghi nhận trong các vụ tấn công vào Sony và Ngân hàng Bangladesh, có cả những địa chỉ từ Ấn Độ, Mozambique, Kenya… có thể là những lính đánh thuê cho tin tặc. Bóng đen hacker như vậy đang đe dọa Olympic Pyeongchang, dù hai miền Triều Tiên đang tạm thời hòa dịu.

Bộ phim của Clint Eastwood về chuyến tàu Thalys với người thật, việc thật

Bước sang lãnh vực điện ảnh, Le Figaro viết về bộ phim "The 15:17 to Paris" với Clint Eastwood và những người hùng bình dị trên chuyến tàu Thalys.

Đạo diễn nổi tiếng Mỹ đã dựa vào vụ khủng bố hụt trên chuyến tàu cao tốc Amsterdam-Paris hôm 21/08/2015 để dựng thành phim. Trong vụ này, ba thanh niên từ California đi nghỉ hè đã khống chế được kẻ khủng bố, và nay những người hùng bất đắc dĩ của đời thường này lại thủ diễn chính vai của mình trong phim. Một bộ phim hội tụ được ba thế giới khác hẳn nhau : điện ảnh Hollywood, người tỉnh lẻ Pháp và tư pháp, trong khi cuộc điều tra vẫn chưa hoàn tất.

Không có gì ngạc nhiên khi Clint Eastwood nắm lấy sự kiện này : ông luôn bị mê hoặc bởi những người hùng, đặc biệt là những con người bình thường có những hành động nghĩa hiệp trong những hoàn cảnh đặc biệt. Spencer Stone, cựu quân nhân Không quân Mỹ, một trong ba người hùng của chuyến tàu Thalys cho biết, anh khó tưởng tượng ra việc được diễn lại những hành động hôm ấy, trong một bộ phim của Clint Eastwood.

Một hành khách người Anh đã can thiệp, lính cứu hỏa, nhân viên y tế cấp cứu, cảnh sát… cũng được mời đóng lại vai của mình. Còn 500 hành khách trên chuyến tàu ngày nọ có đi xem phim hay không ? Ít nhất là 500 trừ đi 1, vì diễn viên Anh Jean-Hugues Anglade, có mặt trên tàu Thalys cùng với gia đình cho rằng "không bao giờ có thể lột tả được nỗi sợ những người thân của mình sẽ biến mất, cảm nhận tử thần đang đến gần".

Tựa chính báo Pháp

Les Echos hôm naychạy tựa "Thị trường chứng khoán : Những lý do của sự đảo chiều đột ngột", còn Le Figaro đặt câu hỏi "Có nên lo sợ một cuộc khủng hoảng tài chính mới ?". Về mặt xã hội, Libération dành tựa chính cho "Huyền thoại về các bậc phụ huynh hoàn hảo", biết lắng nghe và bàn bạc với con cái. Về tình hình quốc tế, Le Monde nhấn mạnh "Nguyên tử : Thách thức của Donald Trump với Trung Quốc và Nga", còn nhật báo công giáo La Croix nói về "Afghanistan : Chiến tranh thường nhật".

Thụy My

Published in Quốc tế

Hàng rào kẽm gai và tường ngăn cách đang trở thành công cụ để các nước bảo vệ đường biên và chủ quyền trước mối đe dọa khủng bố và di dân. Trong một thế giới bị giằng co giữa tiến trình toàn cầu hóa ngày một phát triển và thu mình bảo vệ bản sắc, những thành lũy này ngày càng xuất hiện nhiều, song song với những biện pháp an ninh.

mur1

Hàng rào biên giới ngăn cách Hoa Kỳ và Mexico ở Tijuana, Mexico. Ảnh chụp ngày 06/02/2017. CC/Tomascastelazo

Khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, Châu Âu và phương Tây từng nghĩ là Chiến tranh lạnh đã chấm dứt và sự chia rẽ giữa các dân tộc đã biến mất. Vậy mà gần 30 năm sau, số lượng tường và hàng rào lại tăng lên gần như khắp nơi trên thế giới. "Bức tường lớn nhất, đẹp nhất"có thể sẽ là dự án kéo dài "bức tường của Bush" ngăn cách biên giới Mỹ và Mexico và được Tổng thống Trump nâng thành thách thức chính trị quan trọng trong nhiệm kỳ của ông.

Thế giới có khoảng 70-75 bức tường biên giới

Tác giả Rémy Ourdan, trên nhật báo Le Monde (05/02/2018), nhận định chính sách "Đường biên - Tường rào là lời đáp trả cho những nỗi sợ mới". Số lượng tường hoặc hàng rào chiếm từ 6% đến 18% trên tổng số hơn 250.000 km biên giới đường bộ trên trái đất. Tuy nhiên, con số này giao động tùy theo "định nghĩa" rào cản, đường biên của mỗi nhà nghiên cứu.

Ông Rémy Ourdan lấy ví dụ thống kê của nhà nghiên cứu chính trị Elisabeth Vallet, thuộc đại học Québec ở Montréal (UQAM), "trên thế giới, có khoảng 70 đến 75 bức tường đã được xây hoặc thông báo sẽ được khởi công, riêng những bức tường đã tồn tại trải dài khoảng 40.000 km". Con số này thấp hơn, khoảng 60 bức tường, theo thẩm định của hai nhà báo phụ trách bộ phận bản đồ và đồ họa của nhật báo Le Monde. Còn với một số chuyên gia khác, chỉ có khoảng 20 hoặc 10 hàng rào trên thế giới.

Tuy nhiên, các chuyên gia này đều có chung một nhận định : thời kỳ xây tường đang trở thành trào lưu. Từ hàng rào, chướng ngại vật, tường thật cho đến những "bức tường điện tử, tường ảo" như Brazil đang muốn thiết lập ở biên giới với 10 nước, tất cả đều phản ánh thực trạng thế giới chính trị hiện nay.

Theo nhà nghiên cứu Elisabeth Vallet, có ba nguyên nhân giải thích cho trào lưu này : hậu quả từ sau loạt khủng bố của Al Qaeda nhắm vào Mỹ ngày 11/09/2001 ; nhu cầu đảm bảo an ninh trước mối đe dọa thánh chiến và nhập cư ; khẳng định chủ quyền và biên giới quốc gia. Bà giải thích :

"Sau khi số lượng tường tăng cao từ năm 1945 - và còn khoảng 15 hàng rào ngăn cách kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ - hiện tượng này trở nên phổ biến trong những năm 2000. Từ năm 2003 số lượng tường tăng nhanh sau sự kiện 11/09, nhưng thực ra việc xây dựng này đã bắt đầu từ trước năm 2001 và nguyên nhân sâu xa có lẽ là do toàn cầu hóa. Tường rào là lời đáp trả tức thì của các chính trị gia trước tâm trạng mất quyền kiểm soát lãnh thổ của người dân, làn sóng nhập cư và các giá trị quốc gia".

Nhà nghiên cứu Alexandra Novosseloff, kiêm chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, cũng có cùng nhận định : "Năm 2001 là thời điểm quan trọng đối với thế giới. Những bức tường mới được xây dựng để chống chọi những nỗi sợ toàn cầu mới, như khủng bố và di dân. Chúng là một trong những giải pháp an toàn trong quan điểm an ninh của thế giới". Nhà nghiên cứu Pháp Michel Fourcher nhấn mạnh "khẳng định đường biên giới là điều không tránh được : nếu vẫn còn những vấn đề về an ninh, thì sẽ còn nhu cầu về bảo vệ. Và công việc bảo vệ đầu tiên, chính là đường biên giới".

Xu hướng xây tường bảo vệ chủ quyền, chống khủng bố và di dân

Trào lưu dựng tường biên giới trở nên phổ biến sau Thế Chiến II, khi thế giới bị chia thành hai cực tư tưởng : cộng sản và tư bản. Berlin trở thành biểu tượng của giai đoạn này, từ 1961 đến 1989. Hiện thế giới vẫn còn một đường biên giới hàng rào kẽm gai thể hiện rõ tư tưởng Chiến tranh lạnh, ngăn cách hai miền Triều Tiên, được dựng từ năm 1953 và là "bức tường"cổ nhất trong thế giới hiện đại. Tuy nhiên, bức tường này lại nhằm ngăn chặn người dân trong nước tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Số lượng tường rào biên giới tăng dần từ thập niên 2000 và do nhiều yếu tố khác nhau. Một số tường là kết quả của chiến tranh, như giữa Israel và Liban, giữa Kuwait và Iraq, hoặc bên trong một số thành phố như Belfast hay Bagdad. Ngoài ra, hàng rào an ninh được Israel xây từ năm 2002 tại Cisjordanie là một trong những "bức tường" gây nhiều tranh cãi nhất thế giới, bị Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án năm 2003 và bị Tòa án Công lý Quốc tế La Haye phản đối năm 2004.

Một số khác nhằm mục đích phân chia biên giới chưa chính thức tồn tại, như tường ngăn Maroc với Tây Sahara, ngăn Thổ Nhĩ Kỳ với Cyprus, ngăn Ấn Độ với vùng Cachemire. Cuối cùng, còn có những tường rào nhằm ngăn làn sóng nhập cư như tường ngăn Ấn Độ với Bangladeh, giữa Hoa Kỳ và Mexico, giữa Tây Ban Nha và Morocco, hoặc giữa hai thành phố Ceuta, Melilla (thuộc Tây Ban Nha) với phần lãnh thổ Morocco ở Bắc Phi.

Châu Âu phòng thủ

Hàng rào ngăn cách Ceuta, Melilla không phải là chướng ngại vật chống di dân duy nhất trên lãnh thổ Châu Âu, mà hiện còn nhiều hàng rào như vậy được dựng lên tại Hy Lạp, Bulgaria, Hungary.

Pháp cũng đang cố tìm cách ngăn chặn người nhập cư vượt biển Manche sang Anh Quốc, với dự án xây một bức tường kéo dài cao 4 mét ở Calais. Vậy mà, vào năm 2015, thông qua phát biểu của ngoại trưởng Laurent Fabius, Pháp từng chỉ trích hàng rào mà Hungary xây ở biên giới Serbia là "đi ngược lại với các giá trị của Châu Âu". Một bức tường chia rẽ ngay trong lòng Liên Hiệp Châu Âu còn trái ngược với những giá trị căn bản về sự liên kết giữa các dân tộc và quyền tự do đi lại. Theo cách gọi của nhà nghiên cứu Elisabeth Vallet, đây là "bức trường thành văn minh : một bức tường giữa một quốc gia phương Bắc và một quốc gia phương Nam", để ngăn làn sóng nhập cư đến từ phương Nam.

Về mặt chính trị, xây một bức tường thường được cho là cách thể hiện sức mạnh, nhưng thực ra, lại là một dấu hiệu thể hiện điểm yếu. Dĩ nhiên, theo nhà nghiên cứu Alexandra Novosseloff, "một bức tường không bao giờ hiệu quả trong dài hạn. Nhưng đôi khi, nó mang lại hiệu quả trong ngắn hạn, hoặc tạo cảm giác là giới chính trị đã làm điều gì đó".

"Bức tường Bush" mà Tổng thống Trump đang muốn kéo dài là một ví dụ, giúp giảm một nửa số người nhập cư trái phép từ Mexico và Trung Mỹ. Tuy nhiên, minh chứng điển hình nhất vẫn là bức tường Berlin, được xây trong vòng một đêm (12-13/08/1961). Trước khi có bức tường, hàng tháng có khoảng 30.000 người Đông Đức trốn sang Tây Đức và sau khi bức tường xây xong, người dân Đông Đức bị khép kín trong suốt 28 năm.

Châu Âu cũng phải đối mặt với hiện tượng tương tự như ở Mỹ, như nhận định của Michel Fourcher : "Chính sự hiểu biết thế giới đẩy mạnh quá trình di dân : người ta biết rằng "ở bên kia" tốt hơn, vì vậy họ cứ đi. Những hàng rào chống nhập cư chỉ làm chậm lại hoặc đổi hướng các luồng nhập cư mà thôi". "Giữa Ceuta, Melilla, quần đảo Canaries, Hy Lạp, giữa những đường biên giới trên bộ và Địa Trung Hải, đó là một hệ thống bình thông nhau. Không một bức tường nào có thể ngăn chặn làn sóng di dân đến Châu Âu", theo ghi nhận của Alexandra Novosseloff.

Trong một xã hội bị giằng xé giữa một bên là tiến bộ của toàn cầu hóa và bên kia là bảo vệ bản sắc, dường như ý muốn phòng vệ đằng sau bức tường ngày càng thắng thế. Bức tường là biểu hiện của sự sợ hãi, là biểu tượng của sự đối chọi giữa một bên là người chu du thế giới, bị buộc tị nạn hoặc di dân tự nguyện và bên kia là một Nhà nước thu mình phòng thủ.

Vạn Lý Trường Thành, bức tường biên giới chính trị đầu tiên

Vạn Lý Trường Thành chính là bức tường chính trị đầu tiên trên thế giới. Được khởi công vào thế kỷ thứ VII trước công nguyên, bức tường trải dài đến 50.000 km trong nhiều triều đại và có vị thế khác nhau tùy theo từng giai đoạn lịch sử : chiến tuyến, chiến lũy, biên giới.

Ngoài ra, còn phải kể đến những bức tường lớn khác mang tính chính trị trong quá khứ, như phòng tuyến biên giới thời La Mã cổ đại xây từ thế kỷ I trước công nguyên đến thế kỷ III. Hoàng đế Julius Ceasar là người Châu Âu đầu tiên xây tường biên giới. Dưới thời hoàng đế Hadrianus, khoảng 7.000 km thành lũy đã được xây dựng. Từ đó, những bước tường vẫn được nhắc đến trong lịch sử của các triều đại, vương quốc, Nhà nước, qua nhiều thế kỷ và ít được nhắc đến hơn vào thế kỷ XX.

Nguồn : RFI tiếng Việt, 06/02/2018

Published in Diễn đàn

Biển Đông : Manila cấm nước ngoài thăm dò một khu vực bị tranh chấp chủ quyền (RFI, 06/02/2018)

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ra lệnh cấm "tất cả" người ngoại quốc thực hiện khảo sát khoa học tại một vùng biển rộng lớn ở ngoài khơi đảo Luzon nơi mà Bắc Kinh vừa tiến hành một hải vụ nghiên cứu. Quyết định này được loan báo hôm thứ Ba 06/02/2018.

phi1

Ảnh chụp ngày 06/05/2017 một tàu tuần duyên Philippines đang hoạt động tại vùng biển Benham Rise, ngoài khơi đảo Luzon, PhilippinesHandout/ DA-AFID/AFP

Trong cuộc họp báo, phát ngôn viên phủ Tổng thống Harry Roque cho biết từ nay "chỉ có người Philippines mới được quyền khảo sát, thăm dò khoa học và khai thác tài nguyên ở khu vực được gọi là Philippines Rise".

Theo AFP, đây là một vùng biển rộng 13 triệu hecta, giàu tài nguyên thiên nhiên, nằm cách đảo Luzon, đảo lớn nhất của Philippines, 250 km. Từ năm 2012, khu vực này được Liên Hiệp Quốc công nhận là thuộc đặc quyền kinh tế của Manila trong bối cảnh bị Bắc Kinh tranh chấp chủ quyền.

Quyết định của Tổng thống Duterte khá bất ngờ vì cách nay ba tuần, Philippines còn cho phép Trung Quốc thực hiện một hải vụ khoa học trong vùng tranh chấp này. Theo lệnh mới của Tổng thống Philippines, chuyến thăm dò của Trung Quốc nói trên là "chuyến cuối cùng". Tất cả giấy phép đã cấp cho các nước khác, kể cả 26 giấy phép đã cấp cho các tổ chức khoa học Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đều bị thu hồi.

Bộ trưởng Nông Nghiệp Emmanuel Pinol cho biết thêm : Hải quân được lệnh "truy đuổi"mọi tàu nước ngoài lai vãng đến khu vực để đánh cá hay khảo sát.

Không rõ có phải do tình cờ hay không, cùng ngày, nhật báo độc lập Philippines Daily Inquirer công bố không ảnh, có lẽ do bộ quốc phòngng cung cấp, cho thấy Trung Quốc "hầu như đã hoàn tất kế hoạch quân sự hóa Biển Đông" trong đó có các đảo đá trong vùng biển thuộc chủ quyền truyền thống của Philippines. Các bức ảnh này một lần nữa nêu lên những nghi vấn về đường lối thỏa hiệp của Tổng thống Duterte với Bắc Kinh.

Tú Anh

**********************

Chuyên gia Trung Quốc : Bắc Kinh sẽ tăng cường bồi đắp ở Biển Đông (RFI, 06/02/2018)

Cùng lúc với việc báo chí Philippines tung thêm ảnh chụp tố cáo Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông, các chuyên gia Trung Quốc đã xác nhận rằng Bắc Kinh sẽ mở rộng các hoạt động cải tạo đất đai ở Biển Đông. Tuy nhiên, theo ghi nhận của nhật báo Singapore The Straits Times ngày 06/02/2018, các chuyên gia này cho là Trung Quốc sẽ tập trung vào việc thành lập cơ sở hạ tầng dân dụng trên các đảo nhân tạo hơn là các cơ sở quân sự.

phi2

Ảnh vệ tinh cho thấy Đảo Cây (Tree Island) bị Trung Quốc kiểm soát trong quần đảo Hoàng Sa, ngày 12/10/2017. Planet Labs/Handout via Reuters

Theo The Straits Times, trả lời Hoàn Cầu Thời Báo ngày 05/02, chuyên gia Trần Tương Miểu (Chen Xiangmiao), thuộc Viện Nghiên Cứu Nam Hải ở Hải Nam, nhận định : "Hầu hết các công trình xây dựng trên các hòn đảo ở Biển Đông đã được hoàn thành vào năm 2015, và tốc độ bồi đắp đã chậm lại. Công việc xây dựng cơ sở dân sự sẽ là trọng tâm chính..., còn phần triển khai quốc phòng tương đối nhỏ".

Theo nhà nghiên cứu này, một số hòn đảo có khả năng được mở rộng trong tương lai thông qua việc nạo vét thêm. Điều đáng chú ý là chuyên gia Trung Quốc xác định rằng việc giảm bớt căng thẳng giữa Bắc Kinh và các nước Đông Nam Á như Philippines đã tạo "cơ hội vàng" cho Trung Quốc nâng cấp hạ tầng cơ sở trên Biển Đông.

Theo một chuyên gia khác, tiến sĩ Trang Trung Thổ (Zhuang Guotu), lãnh đạo Trung Tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại Hoc Hạ Môn ở Trung Quốc, các phương tiện truyền thông nước ngoài đã "thổi phồng" công việc xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhân vật này đã nhắc lại gần như nguyên văn quan điểm của Bắc Kinh : "Trung Quốc có quyền xây dựng bất cứ cái gì trên lãnh thổ của mình", và nói thêm là việc Bắc Kinh triển khai quân sự tại Biển Đông chỉ để bảo vệ an ninh và lợi ích của Trung Quốc chứ không phải là hành động bành trướng quân sự.

Cả hai chuyên gia nói trên đều tố cáo Mỹ là mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định ở Biển Đông.

Theo một báo cáo chính thức của Trung Quốc được công bố vào tháng 12/2017 trên trang web của Cơ Quan Thông Tin và Dữ Liệu Hàng Hải Quốc Gia Trung Quốc và tờ Nhân Dân Nhật Báo, ấn bản hải ngoại, trong năm 2017, Bắc Kinh đã xây dựng trên một diện tích khoảng 290.000 mét vuông ở Biển Đông. Các công trình mới kho chứa ngầm dưới mặt đất, tòa nhà hành chính và đài radar lớn.

Báo Philippine Daily Inquirer mới đây đã công bố một báo cáo cho thấy là Trung Quốc đã gần như hoàn tất việc chuyển bảy rạn san hô ở Biển Đông thành "pháo đài trên đảo" nhằm "thống trị" Biển Đông.

Mai Vân

Published in Châu Á

Những hạn chế trong chiến lược Syria của điện Kremlin

Thất bại của "Đại hội đối thoại quốc gia" Syria do điện Kremlin tổ chức tại Sochi, ngày 30/01/2018 cho thấy Nga bất lực trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho thảm họa Syria. Về chủ đề này, bài phân tích của tác giả Marc Semo trên báo Le Monde ngày 06/02/2018 điểm ra "Những hạn chế về chiến lược Syria của điện Kremlin".

syria1

"Đại hội đối thoại quốc gia" Syria do Nga tổ chức tại Sochi, ngày 30/01/2018. Reuters/Sergei Karpukhin

Theo tác giả, Moskva cũng tỏ ra bất lực trong việc buộc chế độ Damascus đối thoại với phe đối lập trong nhiều vòng đàm phán dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Tiến trình ngoại giao bế tắc trong lúc xung đột quân sự đang biến chuyển một cách nguy hiểm.

Việc Nga điều động không quân và triển khai khoảng 5.000 quân nhân tại Syria từ mùa thu năm 2015 đã giúp cứu được chế độ Damascus. Thế nhưng, bất chấp các nỗ lực, điện Kremlin vẫn không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng Syria.

Theo chuyên gia Bruno Tertrais, thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, từ 15 năm qua, Nga đã tỏ ra có hiệu quả qua các can thiệp quân sự vào khu vực thuộc ảnh hưởng của Liên Xô cũ, nhưng Moskva không thành công về mặt ngoại giao. Syria không phải là một cuộc xung đột mà người ta có thể làm "đông cứng lại", do liên quan đến nhiều tác nhân trong khu vực, khác với cuộc xung đột ở Gruzia hay Ukraina.

Nguy cơ bị sa lầy là có thực trong lúc thắng lợi của chế độ Damascus có phần mang hình thức bề ngoài, ảo giác, bởi vì đúng là chế độ Damascus kiểm soát được một phần lãnh thổ, ở miền trung, được coi là "cần thiết", nhưng chỉ chiếm không quá 50% diện tích đất nước với gần một nửa dân số. Phần còn lại phải bỏ cửa bỏ nhà ra đi hoặc lưu vong.

Một nhà ngoại giao Pháp phân tích, điều trớ trêu là Nga bị mắc kẹt do sự yếu kém của chế độ Damascus. Nếu Moskva không ủng hộ nữa, chế độ Bachar al-Assad lại có nguy cơ sụp đổ và đó sẽ là một thất bại nặng nề đối với Nga. Đương nhiên, Moskva không tính đến khả năng này bởi vì nhờ can thiệp vào Syria, Nga đã tìm lại được vị trí của mình với tư cách là một tác nhân chủ chốt ở Trung Đông.

Thế nhưng, tổng thống Nga Vladimir Putin không có nhiều phương tiện để gây sức ép với chế độ Damascus, cho dù khi đi thăm căn cứ không quân Hmeimim, Syria, hồi tháng 12/2017, nguyên thủ Nga đã nhắc lại rằng các điều kiện đã được hội tụ đầy đủ để đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.

Vòng đàm phán tại Astana, Kazakhstan, do Nga cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ cũng cho thấy rõ những hạn chế. Tại Idlib, phía tây bắc Syria, cũng như tại Đông Gouta, ở cửa ngõ Damascus - hai trong số bốn "vùng giảm leo thang" do vòng đàm phán Astana lập ra - quân đội chính phủ Syria đã mở những cuộc tấn công trên quy mô lớn nhắm vào những thành trì cuối cùng của phe đối lập.

Thất bại của Nga trong lĩnh vực ngoại giao tạo cơ hội tái thúc đẩy vòng đàm phán Geneva, trong khuôn khổ nghị quyết 2254 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tháng 12/2015. Văn bản này vạch ra lộ trình thiết lập một chính quyền trong giai đoạn chuyển tiếp, soạn thảo một Hiến Pháp mới và tổ chức bầu cử dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc. Không có đầu tư của phương Tây và các nước vùng Vịnh, thì không thể tái thiết được Syria.

Tuy nhiên, theo Le Monde, vấn đề chủ chốt hiện nay là Hoa Kỳ không có lập trường rõ ràng trong hồ sơ Syria, còn Pháp thì tỏ ra bất lực. Tổng thống Pháp nhiều lần tuyên bố việc sử dụng vũ khí hóa học là vượt qua lằn ranh đỏ. Thế nhưng, vừa qua, Damascus dường như vẫn tiếp tục dùng vũ khí hóa học tại Gouta và Paris chỉ kêu gọi thành lập một liên minh đối tác quốc tế chống lại việc không trừng phạt sử dụng vũ khí hóa học.

Sự hồi sinh chiến lược của vũ khí hạt nhân

Bộ Quốc Mỹ ngày 02/02/2018 công bố một tài liệu "Đánh giá về khả năng hạt nhân - NPR". Báo Le Figaro nhân vụ việc này có bài nhận định của tác giả Renaud Girard đề tựa "Sự hồi sinh chiến lược của vũ khí hạt nhân".

Khi Chiến tranh lạnh kết thúc, nhiều nước phương Tây nghĩ rằng vũ khí nguyên tử không còn là vấn đề của các siêu cường và lĩnh vực này sẽ dịch chuyển sang các cường quốc tầm trung, chủ trương phát triển loại vũ khí chiến này, như Pakistan, Iran, Bắc Triều Tiên… Châu Âu cũng tỏ ra yên tâm với một loạt các hiệp định kiểm soát, giảm trừ vũ khí hạt nhân, như Hiệp định về lực lượng hạt nhân tầm trung (IFN), Hiệp định giảm trừ vũ khí chiến lược liên lục địa (START)… và Hiệp định mới về giảm trừ vũ khí chiến lược liên lục địa (NEW START), được Thượng Viện Hoa Kỳ phê chuẩn hồi tháng 12/2010.

Tác giả đặt câu hỏi : Phải chăng Châu Âu quá lạc quan, nhất là khi nhìn vào phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc và Nga về tài liệu "Đánh giá về khả năng hạt nhân - NPR" mà bộ quốc phòngng Mỹ công bố ngày 02/02/2018.

Tài liệu này cho thấy các mục đích và học thuyết sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ, không xóa bỏ các cam kết đã ký, nhưng lại chủ trương thay thế một số đầu đạn hạt nhân lớn, cực mạnh bằng các đầu đạn nhỏ và có sức công phá nhỏ hơn, để có thể trang bị cho tàu ngầm, máy bay hoặc các dàn tên lửa đặt trên đất liền. Tài liệu của Mỹ cũng đề nghị lắp đặt đầu đạn hạt nhân có sức công phá nhỏ vào một số tên lửa hành trình trên các tàu chiến của hải quân Hoa Kỳ.

Nghịch lý ở đây là để làm cho kẻ thù sợ hãi thì phải chuyển từ loại vũ khí hạt nhân có sức công phá lớn sang loại đầu đạn hạt nhân nhỏ hơn. Tuy gọi là vũ khí hạt nhân loại nhỏ, sức công phá yếu, nhưng đó chính là bom H, có sức công phá bằng một nửa bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống Nagasaki, giết chết 70 ngàn người, hồi tháng 08/1948.

Vũ khí nguyên tử truyền thống có sức công phá khủng khiếp không bao giờ được sử dựng trừ phi các bên chấp nhận hủy diệt lẫn nhau toàn bộ. Do vậy, các chiến lược gia của bộ quốc phòngng Mỹ cho rằng cần phải có vũ khí hạt nhân tầm trung, để có thể răn đe, ngăn cản đối thủ tiến quân trong khu vực, đe dọa trực tiếp các đồng minh của Hoa Kỳ.

Cụ thể hơn, cần một loại vũ khí nguyên tử rất hiệu quả, khả tín, nhằm răn đe Nga mơ tưởng đến việc đánh chiếm các nước vùng Baltic chẳng hạn, hay răn đe hải quân Trung Quốc tìm cách đánh chiếm quần đảo Senkaku của Nhật Bản, thậm chí đảo quốc Singapore. Tài liệu NPR ghi rõ là nhằm răn đe Nga nghĩ đến việc dùng vũ khí hạt nhân có công suất thấp tại Châu Âu, cũng như Trung Quốc sử dụng loại vũ khí này ở Châu Á.

Ngày 03/02, Nga và Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ, tố cáo Mỹ muốn tái khởi động chiến tranh lạnh. Theo tác giả, Nga và Trung Quốc không hề liên minh với nhau, cho dù quan hệ giữa hai nước, nhìn bề ngoài, tỏ ra tốt đẹp. Nga trang bị loại vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp với mục tiêu đầu tiên là bảo vệ vùng Siberia (rộng 10 triệu km vuông và chỉ có 10 triệu dân).

Tác giả nhấn mạnh, trái ngược với những khẳng định của các chiến lược gia Nga, Trung Quốc, bản thân việc hiện đại hóa khả năng hạt nhân của Mỹ với kế hoạch mở rộng, phát triển loại vũ khí chiến lược có sức công phá thấp, nhưng khả tín, không phải là một sự khiêu khích. Chiến lược này chỉ nhằm tăng cường khả năng răn đe. Nhưng để cho có hiệu quả, thì phải có đối thoại thường xuyên và chất lượng. Rất tiếc là cho đến nay lại thiếu vắng đối thoại.

Người Hồng Kông không tiếc tiền với người quá cố

Trong lĩnh vực xã hội, Libération có bài phóng sự khá thú vị cho biết các dịch vụ chăm lo ma chay mồ mả cho người quá cố tại Hồng Kông đang là một ngành "hốt bạc".

Libération đề tựa "Tại Hồng Kông, với người quá cố không nên tiếc tiền". Có lẽ chưa có một thành phố nào đắt đỏ như tại Hồng Kông. Đất chôn người chết cũng đắt ngang ngửa như đất nhà ở. Từ 10 năm nay, do thiếu đất chôn tại các nghĩa trang, hài cốt của người quá cố được xếp chồng chất lên nhau tại các nhà để tro hỏa táng tư nhân.

Một dịch vụ béo bở đến mức đền thờ, nhà giả cổ, tòa nhà công nghiệp hay nơi sinh sống đều được hoán đổi công năng một cách bất hợp pháp, để trở thành nơi cất tro hỏa táng. Libération đưa ra ví dụ tại một cửa hàng bán áo quan. Trong một gian phòng nhỏ, tối tăm, ẩm thấp, chỉ có 20m² nhưng lại cất giữ đến hơn 10.000 tro cốt người chết.

Mỗi một hộp có đến 100 túi tro. Hơn 100 hộp như thế được xếp chồng lên nhau ngay trên nền đất. Mỗi một túi tro cũng có ghi tên, một số hiệu và các sản phẩm hóa học để chống ẩm. Tất cả tốn hết của gia đình mỗi tháng 15 euro. Cao cấp hơn nữa có những nghĩa trang tư nhân để chôn hài cốt, có đài phun nước, tượng Phật và bể nước có cá ba đuôi đỏ… Chi phí dịch vụ dao động từ 2.000 đến 20.000 euro.

Vì sao như vậy ? Theo giải thích của ông Gilbert Leung, lãnh đạo nghiệp đoàn các doanh nghiệp dịch vụ hỏa táng, "tại Hồng Kông, số người chết ngày càng nhiều và chỗ chôn cất ngày càng ít. Thị trường dịch vụ mai táng nở rộ một cách bừa bãi" tại vùng lãnh thổ đông dân cư, nhưng ít nhất có đến 1/3 trong số 7,3 triệu cư dân là trên 65 tuổi.

Khan hiếm đất chôn, người dân Hồng Kông đành phải chấp nhận từ bỏ truyền thống "chết có mồ có mả" để chọn giải pháp hỏa thiêu (chiếm đến 93% trong số 46.000 người lìa cõi đời mỗi năm). Những người hiếm hoi được chôn cất cũng phải nhường chỗ cho người khác sau 6 năm và phải được hỏa thiêu.

Trong hoàn cảnh này, một dịch vụ khác đã nảy sinh một giải pháp khác được cho là "tôn trọng môi trường" và "lý tưởng" để đáp ứng việc khan hiếm chỗ cũng như "không bao giờ bị mất sợi dây liên hệ với người quá cố" : Biến tro hỏa táng thành các món đồ trang sức. Doanh nghiệp Algordanza tại Thụy Sĩ đề nghị chế biến các loại kim cương tổng hợp từ chất carbon chứa trong tro hỏa táng. Và đương nhiên cái giá cho sự thương tiếc vĩnh hằng này là không hề nhỏ : từ 2.700 đến 18.000 euro.

Trang nhất các báo Pháp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến thăm đảo Corse. Đây là chủ đề thời sự chính trên hầu hết trang nhất các nhật báo Pháp số ra ngày 06/02/2018. Ngoài hàng tít lớn "Sức mua của người dân áp đặt lịch trình làm việc của chính phủ", Le Monde thông báo "Macron đối mặt với vấn đề Corse".

"20 năm sau vụ Erignac : Thời khắc Corse" là tít lớn của Libération. Bởi vì, ông Macron đến Ajaccio để tưởng niệm vị tỉnh trưởng bị ám sát cách nay 20 năm. Và đồng thời để đáp trả những đòi hỏi "tự quyết" của ban lãnh đạo mới của đảo. Chính vì thế, La Croix phải thốt lên rằng "đảo Corse, một câu chuyện phức tạp !".

Về phần mình, Le Figaro chú ý đến thất bại của đảng LREM trong cuộc bầu cử bán phần qua hàng tựa "Macron và phe đa số ở Quốc Hội đối mặt với cảnh báo bầu cử bán phần". Nhật báo kinh tế Les Echos có lời "Báo động trên thị trường chứng khoán thế giới".

Minh Anh

Published in Quốc tế

Quan hệ Nga-Mỹ sẽ đi đến đâu ?

Ông Donald Trump, khi tranh cử tổng thống Mỹ, đã muốn cải thiện quan hệ Nga-Mỹ. Nhưng để thực hiện được là cả một chặng đường, trong khi ông và các cộng sự thân cận lại đang lún trong cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

nga-my1

Putin và Trump, một cảnh trên tường ở thủ đô Vilnius, Litva, 13/05/2016. Petras Malukas / AFP

Trên nhật báo Le Figaro, nhà báo Laure Mandeville, trích lại nhận định của phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, cho rằng một năm sau khi ông Trump nhậm chức tổng thống, quan hệ song phương rơi vào tình trạng "sụp đổ".

Ai là thủ phạm khiến qua hệ Nga-Mỹ xấu đi ?

Từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ năm 1991, các đời tổng thống Mỹ đã tìm cách "mở cửa" với Nga. Nhưng tất cả đều không thay đổi được tình thế, khiến người ta nghĩ là quan hệ Nga-Mỹ là do những "nguyên tắc căn bản hơn" quy định, hơn là vấn đề con người.

"Điểm bất đồng đầu độc quan hệ song phương từ năm 1991 là trật tự quốc tế sau khi bức tường Berlin sụp đổ và sự tan rã của Liên Xô", theo nhận xét của ông John Herbst, một cựu đại sứ Mỹ, hiện là nhà nghiên cứu ở Atlantic Council. Sau Chiến tranh lạnh, Moskva vẫn chưa nguôi ngao vì đế chế sụp đổ, nhiều nước thuộc liên bang gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và khối NATO, như vậy thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Nga.

Ý đồ khôi phục lại ảnh hưởng trở nên rõ nét hơn kể từ khi ông Putin trở thành tổng thống Nga. "Không chỉ mỗi Putin muốn có vị trí trong câu lạc bộ những nhà quyết định thế giới, mà các nhân vật tự do quanh ông cũng cho rằng quá trình làm suy yếu nước Nga là cố ý", theo nhận định của nhà báo Mikhaïl Zygar. Một bộ phận thiểu số chính trị gia Mỹ thuộc trường phái "hiện thực" cũng từng kêu gọi "Washington cân nhắc đến lợi ích của Nga".

Tuy nhiên, thực tế lại đẩy xa ý tưởng này, bắt đầu từ việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, khiến đa số chính trị gia tại Mỹ cho rằng Nga là một cường quốc xâm lăng, tìm cách thách thức hiện trạng và gây hại đến lợi ích của Washingtong ở khắp nơi. Còn nhà báo Evguenia Albats, thành viên của phe đối lập tự do Nga, nhận định "bước ngoặt Ukraine 2014 vận dụng tinh thần dân tộc và phương Tây như kẻ thù tưởng tượng làm phương tiện để củng cố quyền lực của Putin", sau nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn chống tổng thống Nga năm 2012.

5 điểm chia rẽ sâu sắc nhất quan hệ Nga-Mỹ ?

Thứ nhất, hồ sơ Ukraine chiếm vị trí chính. Moskva bác bỏ là nguồn cội của quyết định ly khai của phe thân Nga ở Ukraine. Washington yêu cầu bán đảo Crimea được trả lại cho Ukraine để dỡ bỏ cấm vận được áp đặt từ thời tổng thống Obama. Trái với những gì người ta tưởng trong kỳ vận động tranh cử của ông Trump, chính quyền hiện nay lại nghiêm giọng hơn và còn cấp vũ khí cho Kiev.

Thứ hai là nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Bộ quốc phòng Mỹ liệt chính sách tài trợ và tuyên truyền của Nga tại Mỹ và Châu Âu vào hàng những mối đe dọa nghiêm trọng, còn trên cả "đe dọa khủng bố".

Thứ ba là vai trò "tiêu cực" do Nga cố tình trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Tổng thống Mỹ cáo buộc Moskva, cùng với Bắc Kinh, phá vỡ lệnh trừng phạt dầu lửa nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng.

Thứ tư là chiến sự tại Syria. Tổng thống Nga đã tài tình tận dụng sự không can thiệp của đồng nhiệm Obama để chiếm ưu thế và loại bỏ nỗ lực của Mỹ trong hồ sơ này.

Cuối cùng, căng thẳng Nga-Mỹ cũng rất rõ nét trên hồ sơ hạt nhân Iran. Chính quyền Trump liên tục đưa ra những tín hiệu cổ vũ các cuộc biểu tình phản đối chính phủ Tehran, trong khi Nga lại tỏ ra lo lắng về "việc thay đổi chế độ".

Ảnh hưởng của cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ ?

Trái ngược với những hy vọng ban đầu, Moskva hiện tin chắc rằng cuộc điều tra về nghi an Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ sẽ ngăn cản mọi cải thiện quan hệ song phương. Và "điều này không sai, ông Trump sẽ không thể tự phép đưa ra bất kỳ sách lược nào liên quan đến Nga một khi cuộc điều tra chưa kết thúc", theo khẳng định của cựu đại sứ John Herbst.

Tuy nhiên, chưa chắc rằng tình thế sẽ thay đổi khi cuộc điều tra kết thúc, nếu căn cứ vào những điểm bất đồng gay gắt hiện nay, cũng như việc toàn bộ đội ngũ cố vấn, bộ trưởng của chính quyền Trump, và Nghị Viện đã bỏ phiếu gần như tuyệt đối loạt biện pháp mới trừng phạt Nga. Tuy nhiên, cựu đại sứ Mỹ John Herbst cũng không loại trừ điều bất ngờ nếu tổng thống Mỹ được rảnh tay hành động và tổng thống Putin đổi ý về hồ sơ Ukraine.

Trung Quốc đáp trả tấn công thương mại của Mỹ

Bắc Kinh quyết định "ăn miếng trả miếng" sau quyết định của Washington đánh thuế cao vào pin mặt trời, máy giặt, bị cáo buộc là được trợ giá.

Nhật báo kinh tế Les Echos cho biết "Bắc Kinh đáp trả tấn công thương mại của Mỹ" với quyết định, được đưa ra ngày 04/02/2018, mở điều tra chống phá giá nhắm vào cao lương của Mỹ, bị cho là nhập vào Trung Quốc với giá thấp hơn giá thị trường, như vậy gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất địa phương.

Trước những xích mích về thương mại, Bắc Kinh yêu cầu Mỹ từ bỏ "tư tưởng chiến tranh lạnh" sau khi tổng thống Donald Trump đánh giá Trung Quốc là "đối thủ" đe dọa lợi ích của Hoa Kỳ trong Thông điệp liên bang đọc trước Quốc Hội.

Làn sóng sốc toàn cầu của cải cách thuế của Trump

Chủ đề kinh tế Mỹ cũng được Les Echos đưa lên trang nhất với hàng tựa : "Cú sốc toàn cầu từ chính sách cải cách thuế của Trump". Các doanh nghiệp Mỹ có thể hồi hương đến 3.000 tỉ đô la. Thêm vào đó là doanh nghiệp được giảm thuế, từ 35% xuống còn 21%.

Giới chủ chấp nhận cuộc chơi với lời hứa đầu tư thêm và tăng lương cho nhân viên của họ, như Walmart, ExxonMobil… Tuy nhiên, lợi nhuận có được sẽ chủ yếu được tái phân phối đến các cổ đông, thông qua việc mua lại cổ phiếu hoặc trả lợi tức. Các chuyên gia kinh tế tỏ ra hoài nghi. Theo họ, tác động của chính sách cải cách thuế đến GDP của Mỹ sẽ giới hạn từ 0,3 đến 0,5 điểm vào năm 2018.

Cũng về kinh tế Mỹ, nhật báo Le Monde nhận định "Tăng lương tại Mỹ làm sụt giảm phố Wall". Đến cuối tháng 01/2018, lương ở Mỹ đã tăng thêm 2,9%. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 06/2009 khi Hoa Kỳ vừa thoát khỏi suy thoái. Trong vòng 88 tháng liên tiếp, nền kinh tế số 1 thế giới liên tục tạo thêm việc làm, như thêm 200.000 việc làm vào tháng 01/2018, và tỉ lệ lao động ổn định, hiện là 62,7%.

Nga : Tăng trưởng sụt giảm đe dọa kỳ tranh cử trổng thống của Putin

Tăng trưởng Nga chỉ đạt mức 1,5% trong năm 2017, dưới ngưỡng 2% dự kiến của Kremlin, là một tin không vui đối với tổng thống Putin, trong khi ông bắt đầu vận động tranh cử để tiếp tục nhiệm kỳ mới.

Theo nhật báo Le Figaro, về mặt tiêu thụ, động cơ tăng trưởng thứ hai của nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ, các hộ gia đình tiếp tục tỏ ra do dự trong bốn năm liên tiếp. Tương tự, thu nhập cũng sụt giảm trong năm 2017 (giảm 1,7% so với dự kiến giảm 1%) khiến tổng thống Putin lại càng gặp khó khăn hơn để thực hiện lời hứa tăng lương, đặc biệt là trong lĩnh vực công.

Tổng thống Macron dưới sức ép của phe dân túy đảo Corse

Thời sự Pháp là chủ đề chính trên các nhật báo Le Figaro, Le Monde, La Croix, Libération. Trong hai ngày 06-07/02/2018, tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ thăm đảo Corse, nơi nổi tiếng với khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa và muốn gìn giữ bản sắc văn hóa.

Nhật báo Les Echos nhận định : "Tổng thống Macron mắc vào hồ sơ Corse đầy tế nhị". Với tỉ lệ thất nghiệp là 13,2%, Corse còn có tỉ lệ nghèo cao nhất nước Pháp. Hòn đảo xinh đẹp cần được đầu tư lớn và dường như bị các quỹ của Liên Hiệp Châu Âu lãng quên.

Trang nhất của Le Figaro đưa tin : Chuẩn bị tinh thần đón tổng thống, phe dân túy, chiến thắng trong cuộc bầu cử địa phương, đã biểu tình vào thứ Bẩy 03/02 yêu cầu tổng thống trình bày về quan điểm của ông đối với hòn đảo quanh những điểm bất đồng chính : Hiến pháp công nhận "đặc thù Corse", công nhận thổ ngữ Corse là ngôn ngữ chính thức như tiếng Pháp và yêu cầu tù nhân Corse phải được giam trên đảo, thay vì bị giam giữ trên đất liền. Với bài xã luận của Le Figaro, giữa tổng thống Macron mà phe dân túy trên đảo, có "sự hiểu lầm sâu sắc".

Trong mục "Thảo luận", nhật báo La Croix đặt câu hỏi : Liệu tiếng Corse có nên được hưởng vị trí cùng là ngôn ngữ chính thức ? Một nghị sĩ nam đảo Corse cho rằng "hai ngôn ngữ là công cụ để bảo tồn tiếng nói Corse", còn một giáo sư Lịch sử thuộc đại học Tours thì nhận định : "Tiếng Corse sẽ không tái sinh chỉ vì ý đồ chính trị".

Xét xử Salah Abdeslam, kẻ khủng bố tại Paris năm 2015

Ngày 05/02/2018, "Phiên xét xử đầu tiên kẻ khủng bố Salah Abdeslam mở ra tại Bruxelles", theo thông tin của La Croix. Le Figaro nhận định : "Phiên tòa xử Abdeslam được bảo vệ nghiêm ngặt".

Trang nhất của Libération là hình ảnh kẻ khủng bố còn sống sót duy nhất trong loạt tấn công ngày 13/11/2015 với hàng tựa : "Salah Abdeslam, kẻ khủng bố không hé lời". Nhân vật này sẽ bị xét xử vì đã bắn vào cảnh sát trong khi trốn chạy ở Bruxelles vào năm 2016.

Người nhập cư trong ngõ cụt ở Calais

Trang nhất của La Croix trở lại tình trạng người nhập cư "Trong ngõ cụt ở Calais", miền bắc nước Pháp. Họ vẫn giữ ý đồ vượt biển Manche sang Anh Quốc, bất chấp điều kiện sống tạm bợ và bạo lực khiến vài người bị thương trong những ngày qua.

Theo bài xã luận nhật báo công giáo, việc sử dụng vũ khí trong cộng đồng người nhập cư ở Calais cho thấy tình trạng nặng nề và đầy những nguy hiểm. Việc quản lý làn sóng nhập cư là công việc lâu dài, và sẽ phải trải qua những bước mò mẫm, điều chỉnh. Những biện pháp được đưa ra cũng khá nhiều, bắt đầu từ việc rút ngắn thời hạn xem xét đơn xin tị nạn, điều phối chính sách tị nạn của Châu Âu và mở thêm các bộ phận nhập cư ngay trên đất nước khởi đầu hành trình… Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất là chiến đấu không nhân nhượng mạng lưới buôn người, mà theo La Croix, hiện vẫn chưa đủ.

Quần thể Angkor và thách thức của du lịch đại trà

Năm 2017, quần thể Angkor nổi tiếng của Cam Bốt đón 5 triệu lượt khách. Theo dự kiến sẽ đón 7 triệu người vào năm 2020 và khoảng 10 triệu du khách vào năm 2025.

Tuy nhiên, theo bài phóng sự trên trang Le Monde, lượng khách càng tăng, càng khiến di tích được xếp hạng Di sản thế giới của Unesco xuống cấp. Một mặt, người dân địa phương tận dụng được lợi ích từ du lịch của quần thể, nhưng cũng trở thành nạn nhân trước tình trạng ô nhiễm không khí và lượng khách ồ ạt, đặc biệt là du khách Trung Quốc lên đến 1 triệu người vào năm 2017, coi "quần thể Angkor là Venise Châu Á". Nhiều hướng suy nghĩ đang được cân nhắc để di sản này không trở thành nạn nhân của sự nổi tiếng.

Thu Hằng

Published in Quốc tế

Trung Quốc : Quy định mới gia tăng kiểm soát tôn giáo chính thức có hiệu lực (RFI, 02/02/2018)

Một loạt quy định mới nhằm tăng cường an ninh quốc gia, "ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan" và phòng chống "lực lượng ngoại quốc sử dụng tôn giáo thâm nhập vào xã hội", chính thức có hiệu lực tại Trung Quốc từ ngày 01/02/2018.

tq1

Một buổi lễ tại nhà thờ Thái Nguyên (Taiyuan), tỉnh San Tây (Shanxi), Trung Quốc, ngày 14/03/2013 Reuters/Stringer

Theo thông tín viên Cyrille Puyette tại Bắc Kinh của nhật báo Le Figaro (01/02/2018), gọng kìm đang dần xiết chặt hơn tại Trung Quốc nhằm đưa tự do tín ngưỡng vào khuôn khổ theo những quy định mới, được công bố hồi tháng 09/2017.

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (PCC) vào tháng 10/2017, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Tập Cận Bình đã kêu gọi đập tan mọi ý đồ, hành vi có thể đe dọa đến quyền lực của chế độ và "an ninh quốc gia", đồng thời nhấn mạnh sẽ "trấn áp mạnh mẽ" các "hoạt động tôn giáo cực đoan". Đây là lý do giải thích ý định "Hán hóa" mọi tín ngưỡng phổ biến trên lãnh thổ Trung Quốc của ông Tập Cận Bình. Ông còn nhấn mạnh rằng các loại hình tôn giáo phải "phù hợp hơn" với "thực tế Trung Hoa" và "xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Tại Trung Quốc, ngay cả những tôn giáo được chính thức công nhận (Phật giáo, Đạo giáo) cũng bị kiểm soát chặt chẽ và phải trung thành với các hiệp hội "yêu nước" do Nhà nước giám sát. Chính quyền tỏ ra đặc biệt nghi kị với Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và Phật giáo Tây Tạng, ba tín ngưỡng bị coi là chịu ảnh hưởng từ bên ngoài nhiều hơn.

Tuy nhiên, những quy định mới vừa có hiệu lực còn đi xa hơn, ví dụ cấm nhận tiền, quà biếu từ nước ngoài và áp dụng hình thức phạt tiền nặng trong trường hợp tổ chức sự kiện mà không được cấp phép. Ngoài ra, việc mở trường tôn giáo cũng phải chịu những điều kiện nghiêm ngặt hơn.

Đề phòng cao độ với ba tôn giáo chịu tác động từ nước ngoài

Trung Quốc đặc biệt chú ý đến tình hình ở tỉnh Tân Cương, nơi có khoảng 10 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ sinh sống, trong khi vùng này lại là nơi xảy ra nhiều vụ bạo động trong những năm gần đây. Lo ngại về những mối quan hệ được cho là giữa "những người ly khai" và các tổ chức thánh chiến quốc tế, chính quyền đã bố trí lực lượng an ninh tinh nhuệ và liên tục áp dụng những biện pháp quản lý sâu sát đời sống của người dân theo đạo Hồi.

Chính quyền trung ương cấm phụ nữ trùm khăn kín đầu, khuyến khích "tố" những "bộ râu bất thường" ở đàn ông, gây khó dễ cho việc giáo dục tôn giáo cho trẻ em và thiếu niên hoặc cản trở công chức và sinh viên tuân thủ mùa chay tịnh Ramadan của người Hồi Giáo.

Về phần Phật giáo Tây Tạng, các nhà sư Tây Tạng thường xuyên bị giám sát. Cuối năm 2017, tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch) đã lên án chính quyền Trung Quốc từng bước "giành quyền kiểm soát" Học viện Phật giáo Lạc Nhược Hương (Larung Gar), một trong những trung tâm Phật giáo Tây Tạng có sức ảnh hưởng nhất thế giới, nằm ở tây nam tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan).

Theo một tài liệu chính thức mà tổ chức phi chính phủ này có được, khoảng 200 cán bộ của đảng Cộng sản Trung Quốc đang dần giữ mọi chức vụ quản lý và thậm chí là tự lựa chọn những tác phẩm để nghiên cứu. Quá trình chiếm quyền này diễn ra sau khi chính quyền đã tiến hành một chiến dịch đập phá và trục xuất kéo dài trong suốt 8 tháng và kết thúc vào tháng 04/2017 với kết quả là thu nhỏ quy mô của học viện. Dĩ nhiên là chính quyền bác bỏ mọi cáo buộc tổ chức đập phá, mà khẳng định là "trùng tu" vì lý do an toàn.

Đối với Công giáo, chính phủ tỏ rõ ngờ vực. Trong những năm gần đây, hơn một nghìn cây thánh giá trên nóc nhà thờ, chủ yếu là nhà thờ Tin Lành, đã bị tháo bỏ vì quá "chướng". Đầu năm 2018, chính quyền Trung Quốc còn cho phá hủy một nhà thờ Tin Lành rất lớn ở tỉnh Thiểm Tây (Shanxi), phía bắc Trung Quốc, vì lý do "bất hợp pháp". Ngoài ra còn phải kể đến vài chục nghìn nhà thờ không chính thức bị dỡ bỏ trên khắp nước này trong những năm vừa qua.

Giáo sư chính trị học Hồng Kông Lâm Hòa Lập (Willy Lam) từng nhận xét : "Đảng Cộng sản như bị ám ảnh trước cộng đồng Công giáo, rất có tổ chức, vì trong vòng chưa đến 10 năm, số giáo dân có thể vượt qua ngưỡng 90 triệu người, gần bằng số đảng viên hiện nay". Còn theo giáo sư Dương Phượng Cương (Yang Fenggang) thuộc đại học Purdue (Mỹ), với đà tăng số lượng giáo dân như hiện nay, "gần như chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia Công giáo lớn nhất thế giới từ giờ đến năm 2030", vượt qua cả Hoa Kỳ.

"Vatican bán đứng Giáo Hội Trung Quốc"

Bắc Kinh hăm dọa các linh mục "bất hợp pháp", có nghĩa là những người không tuyên thệ trung thành với chế độ. Ngoài ra, rất nhiều linh mục tỏ ra lo ngại trước chính sách xích lại gần hơn giữa Vatican và Bắc Kinh, thậm chí họ còn sợ bị chính quyền rút phép thông công. Lo lắng này là có cơ sở vì mới đây, hai giám mục Trung Quốc, được Giáo Hoàng công nhận, đã bị một quan chức ngoại giao cao cấp của Tòa Thánh đề nghị nhường lại vị trí cho hai giáo sĩ cao cấp do Bắc Kinh trực tiếp lựa chọn, trong đó có giám mục Joseph Hoàng Bính Chưởng (Huang Bingzhang) đã bị Vatican rút phép thông công năm 2011.

Liệu Vatican sẵn sàng để Bắc Kinh toàn quyền hành động nhằm đạt được một "thỏa thuận hòa giải lịch sử" và tái lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, bị cắt đứt từ năm 1951 ? Theo thông tín viên RFI Heike Schmidt tại Bắc Kinh, dù sao, bàn tay chìa ra của Giáo Hoàng đang khiến nhiều giáo dân lo ngại, như hồi chuông cảnh báo hôm 30/01/2018 của hồng y Trần Nhật Quân (Joseph Zen), nguyên giám mục địa phận Hồng Kông :

"Trên mạng Facebook, hồng y Trần Nhật Quân viết : Liệu Vatican đang "bán đứng Giáo Hội Trung Quốc" ? và tự trả lời : "Đúng vậy, không chút nghi ngờ nào cả". Tòa Thánh Vatican đánh giá những lời lẽ này là "ngạc nhiên và đáng tiếc".

Từ lâu, nguyên giám mục Hồng Kông đấu tranh phản đối thỏa hiệp giữa Bắc Kinh và Vatican và hiện ông tỏ ra "bi quan" vì Tòa Thánh nhượng bộ Bắc Kinh quá nhiều, và có nguy cơ hy sinh cả tự do tín ngưỡng của khoảng 7 triệu giáo dân ở những giáo xứ "không chính thức" để phục vụ chính sách xích gần hơn về ngoại giao.

Dường như các đặc sứ từ Roma đã đề nghị hai giám mục của Giáo Hội "ngầm", không được chính quyền công nhận, rút lui để nhường chỗ cho hai giám mục được Bắc Kinh phê chuẩn.

Giáo Hội Trung Quốc hiện bị chia thành hai : một bên là được Bắc Kinh cho phép và bên kia trung thành với Roma và từ chối phục tùng đảng Cộng Sản Trung Quốc từ 66 năm nay. Những tín đồ của Giáo Hội "ngầm" này tổ chức lễ ở những địa điểm bí mật và sợ sẽ bị thiệt thòi trong chiến lược xích lại gần hơn giữa Vatican và Bắc Kinh".

Nương tay với Phật giáo vì đề cao vai trò của nhà lãnh đạo

Dù Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ mọi tôn giáo, nhà báo Cyrille Puyette cho rằng Phật giáo và Đạo giáo vẫn được hưởng một chút ưu ái hơn so với những tôn giáo chịu tác động từ bên ngoài. Phật giáo Trung Hoa có nguồn gốc từ Ấn Độ nhưng vì "giao hòa với Khổng giáo và Đạo giáo", nên Phật giáo mang "những đặc trưng Trung Hoa" và đề cao vai trò của người đứng đầu nhà nước.

Theo nhà nghiên cứu Mỹ Ian Johnson, thực ra ông Tập Cận Bình "hiểu rằng phần lớn người Trung Quốc không tin vào chế độ Cộng sản và bị thiếu thốn về tâm linh trong khi cuộc chạy đua theo đồng tiền vẫn không bù đắp được. Ông nghĩ rằng những tín ngưỡng dựa trên nguồn gốc Trung Hoa sâu sắc, như Phật giáo, có thể có ích để đáp ứng nhu cầu về mặt này".

Khi làm việc này, chủ tịch Trung Quốc không chỉ tìm cách tăng cường sự gắn kết xã hội, đang bị đe dọa vì kinh tế suy giảm, mà còn hợp pháp hóa quyền lực của ông. Giáo sư Dương Phượng Cương nhận xét, trong quá khứ, "giới lãnh đạo Phật giáo đã chấp nhận quyền lực của hoàng đế" nên "tiếp tục quy phục, hơn những tôn giáo khác, sự ảnh hưởng của đảng Cộng sản Trung Quốc và các luật lệ của đảng".

Cuối cùng, theo giáo sư Lâm Hòa Lập, khi đề cao Phật giáo, ông Tập Cận Bình tìm cách đạt được hai mục tiêu, "thuyết phục người theo Công giáo bỏ đạo và đi theo đường hướng của đảng Cộng sản Trung Quốc". Tuy nhiên, không gì cấm cản người dân đi theo tín ngưỡng riêng, miễn là họ trung thành với chế độ và với chủ tịch Tập Cận Bình.

Thu Hằng

*****************

Vatican-Trung Quốc tiến gần đến thỏa thuận về bổ nhiệm giám mục (RFI, 02/02/2018)

tq2

Giáo hoàng Francis tại quảng trường Thánh Phêrô, Roma, ngày 31/01/2018 Reuters/Tony Gentile/File Photo

Ngay từ thập niên 1980, Vatican đã thương lượng với Trung Quốc để cố nối lại bang giao bị cắt đứt từ năm 1951. Cách đây 3 năm, Tòa Thánh đã khởi động lại các cuộc thương lượng này với Bắc Kinh và có vẻ như hai bên đang tiến gần đến một thỏa thuận lịch sử về vấn đề gay góc nhất, đó là vấn đề bổ nhiệm giám mục.

Hiện nay, cộng đồng Công giáo Trung Quốc vẫn bị chia thành hai bên, một bên là Giáo hội chính thức, gọi là Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Quốc, với các giám mục do chính quyền Bắc Kinh bổ nhiệm và bên kia là Giáo hội không chính thức, trung thành với Vatican, không được chính quyền thừa nhận, nhưng không bị cấm, với các giám mục do giáo hoàng bổ nhiệm.

Vấn đề bổ nhiệm giám mục từ lâu vẫn là trở ngại chủ yếu trên con đường bình thường hóa bang giao giữa Vatican và Trung Quốc, cũng như là trở ngại cho việc hòa giải giữa hai giáo hội Công giáo ở Trung Quốc. Theo hãng tin AFP, thỏa thuận bí mật mà Vatican đang thương lượng với Bắc Kinh là Tòa Thánh sẽ công nhận một số giám mục của Hội Công Giáo Yêu Nước, đổi lại, chính quyền Trung Quốc sẽ có thái độ khoan dung hơn đối với Giáo hội thầm lặng.

Một nguồn tin từ Vatican hôm nay, 2/2/2018 đã xác nhận thông tin của tờ The Wall Street Journal rằng Vatican đã quyết định sắp tới đây giáo hoàng sẽ công nhận 7 giám mục do chính quyền Bắc Kinh bổ nhiệm. Trong số 7 giám mục đó, có ba vị đã bị rút phép thông công (khai trừ khỏi Giáo Hội).

Trước đó, vào tháng Giêng, AsiaNews, một hãng tin có liên hệ với Tòa Thánh, tiết lộ là gần đây hai giám mục mà giáo hoàng thừa nhận đã được một quan chức cao cấp của Vatican yêu cầu nhường ghế lại cho hai giám mục do chính quyền Bắc Kinh bổ nhiệm, trong đó có một vị đã bị Tòa Thánh rút phép thông công.

Khi biết thông tin này, hồng y Trần Nhật Quân, nguyên giám mục Hồng Kông, đã cực lực chỉ trích Vatican. Thật ra thì phản ứng của hồng y Trần Nhật Quân không có gì là bất ngờ, vì ông vẫn là một người chống lại việc bình thường hóa bang giao giữa Tòa Thánh với Bắc Kinh. Nhưng không những lên tiếng chỉ trích vụ thay thế hai giám mục nói trên, vị hồng y 86 tuổi của Hồng Kông còn hàm ý là giáo hoàng Francis không đồng ý với quan chức làm trung gian mà ngài gởi đến Bắc Kinh. Cho nên, hồng y Pietro Parolin, quốc vụ khanh Vatican hôm thứ Ba vừa qua đã phải vội vàng cải chính là không hề có bất đồng trong nội bộ Tòa Thánh.

Không chỉ có hồng y Trần Nhật Quân, một số linh mục và giáo dân của Giáo hội không chính thức cũng đã bày tỏ sự bất bình hoặc đau buồn khi thấy Tòa Thánh nhân nhượng Trung Quốc đến mức đó, trong khi Giáo hội thầm lặng vẫn còn bị chính quyền Bắc Kinh sách nhiễu, đàn áp. Những phản ứng này đã được hãng tin AsiaNews đăng tải vào tuần trước.

Để xoa dịu nỗi bất bình đó, quốc vụ khanh Vatican Parolin hôm thứ Ba vừa qua đã nhấn mạnh rằng Giáo hội "sẽ không bao giờ quên những nổi thống khổ trước đây và hiện nay" của người Công Giáo Trung Quốc, nhưng vị hồng y này kêu gọi "xây dựng một tương lai êm thắm hơn"

Theo hồng y Parolin, ở Trung Quốc không có hai Giáo hội, mà chỉ có hai cộng đồng giáo dân "được mời gọi đi theo con đường từ hòa giải đến thống nhất". Để đạt được mục tiêu đó, Vatican bắt buộc phải giải quyết vấn đề bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc và dường như cuộc thương lượng trên vấn đề này sắp đạt kết quả cụ thể.

Thanh Phương

Published in Châu Á

Marseille lọt vào tầm nhắm của Trung Quốc

Các tạp chí Pháp ra mắt đọc giả tuần này phần lớn dành hồ sơ trang bìa và nhiều bài bên trong cho tình hình xã hội Pháp qua những chủ đề khác nhau. Đáng chú ý nhất có lẽ là hồ sơ trên trang kinh tế của L’Express : "Marseille, đích nhắm mới của Trung Quốc". Tuần báo Pháp giải thích : Trong kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới, Trung Quốc đang nhắm đến cảng Marseille của Pháp để làm một đầu cầu tiến vào Châu Âu.

marseille1

Một cảnh thành phố cảng Marseille. Ảnh chụp ngày 23/01/2018. Reuters/Jean-Paul Pelissier

Bài viết mở đầu với phần nói về một bộ phịm truyện tình cảm rất ăn khách trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc, lấy bối cảnh là Marseille và vùng Provence, miền Nam nước Pháp : Có đến gần 150 triệu người say mê theo dõi câu chuyện của hai gia đình người Ôn Châu tại thành phố cảng Pháp.

Trong mắt tác giả bài báo, Bắc Kinh có vẻ như muốn chiêu dụ du khách Trung Quốc đến đấy, nhưng giới tài phiệt mới của Trung Quốc thì chẳng cần ai dụ dỗ đã đến Marseille rồi. Trong năm 2017, đã có 25 đoàn đến vùng này của Pháp, so với vỏn vẹn 6 đoàn vào năm trước.

Trong chuyến công du Bắc Kinh ngày 09/01/2018 của thống thống Macron, Pháp đã ký hợp đồng xây dựng một nhà máy hóa chất trị giá 100 triệu euro tại cảng Marseille với tập đoàn Trung quốc Quechen Silicon Chemical.

Nói đến sự hiện diện của Trung Quốc tại Marseille thì còn phải kể đến hàng chục nhà bán sỉ vải sợi, đã dời đến hoạt động ở khu vực thương mại Marseille International Fashion Center 68, rộng khoảng 60.000 mét vuông, và biến Marseille thành trung tâm bán sỉ vải sợi lớn nhất Pháp, ngoài Aubervillliers ở phía bắc Paris.

Tác giả bài báo hóm hỉnh cho là "câu chuyện tình" giữa Bắc Kinh và Marseille đâu phải chỉ mới có vào hôm nay. Vào thế kỷ XIX và cho đến đầu những năm 1960, người Trung Hoa đến Châu Âu đều xuống cảng Marseille sau một hành trình kéo dài cả tháng. Sau đó quan hệ lạnh nhạt đi cho đến khi cựu thị trưởng Robert Vigouroux thắt chặt lại quan hệ nhân dịp Marseille kết nghĩa với Thượng Hải năm 1987.

Theo bài viết, tại Marseille hiện có khoảng 2.000 kiều dân Trung Quốc sinh sống, với hơn 500 là sinh viên. Và dấu hiệu thể hiện sự quan tâm của Trung Quốc đối với Marseille là Diễn Đàn Kinh Tế Pháp-Trung lần thứ 12, đầu tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên đã rời vùng Paris để xuống Marseille.

Cái gì làm cho Trung Quốc ngày nay nhắm đến Marseille như thế ?

Tác giả bài viết nhìn thấy một số ưu thế hấp dẫn như số 40.000 công việc làm trong ngành kỹ thuật số, cũng như các ngành nghiên cứu chuyên sâu, mũi nhọn như trong năng lượng hay drone…, một hệ thống viễn thông thuộc loại phát triển nhất.

Trong không đầy 2 thập niên, Marseille đã trở thành điểm đến của nhiều đường cáp ngầm dưới biển, nhất là những đường dây đến từ Châu Á, và thu hút một phần đầu tư quan trọng của thế giới trong lãnh vực này.

Nhưng lợi thế của Marseille trong mắt Trung Quốc trước tiên là vị trí địa lý của thành phố cảng này, và hoạt động của Marseille ngày càng phát triển : 20,4 triệu tấn hàng xuống cảng vào năm ngoái, tăng 10% so với năm trước, cao gấp đôi mức trung bình ở Châu Âu. Trụ sở tập đoàn vận tải biển thứ 3 thế giới CMA-CGM làm việc chặt chẽ với Bắc Kinh cũng ở Marseille. Các tập đoàn Trung Quốc đang ráo riết tìm nơi xây kho hàng.

Vị trí của Marseillle khiến cảng này không chỉ là một đầu cầu vào Châu Âu mà còn là một cánh cửa tiến vào Bắc Phi và Tây Phi, rất thuận lợi cho kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc.

Bài viết trích lời lãnh sự Trung Quốc tại Marseille, công nhận rằng : "Marseillle hiện là thành phố thu hút nhất sự chú ý của chúng tôi, dĩ nhiên là sau Paris".

Lãnh đạo Marseille rất hoan nghênh công cuộc hợp tác mang lại đầu tư và việc làm cho thành phố cảng, tuy nhiên một số người không khỏi đắn đo, thận trọng.

Xử lý sao đối với những thành phần thánh chiến hồi hương ?

Về thời sự Châu Âu, Courrier International đã dành trang bìa và hồ sơ chính cho một vấn đề nhức nhối cho nhiều quốc gia phương Tây hiện nay : Đó là xử lý thế nào đối với những công dân nước mình đi tham gia thánh chiến ở Iraq hay Syria, nay trở về nước.

Tuần báo Pháp tự hỏi trên trang bìa là phải chăng đối với thành phần đã đi thánh chiến, chuyện trở về nước là điều bất khả ? Câu hỏi này được đặt bên trên một bức tranh minh họa cho thấy ba bóng người màu đen trên phông nền màu đỏ lửa, một người đàn ông, một phụ nữ và một đứa bé, cả ba đều mang trên lưng một vật thể có hình dạng một trái lựu đạn. Lời giải thích kèm theo nêu bật vấn đề đang được tranh cãi gay gắt : Xét xử các chiến binh thánh chiến và gia đình của họ, giúp họ khôi phục lại cuộc sống bình thường, hay ngăn họ trở về nước ?

Bài xã luận của Courrier International khẳng định rằng "Cần phải xét xử các phần tử thánh chiến" và giải thích vì sao phải làm như vậy.

Trích một câu nói của Gandhi, biểu tượng của chủ nghĩa bất bạo động, theo đó "Nếu cứ áp dụng phương châm mắt đền mắt, thì cả thế gian sẽ trở thành đui mù", tờ báo nêu bật bài toán khó đang đặt ra cho các nền dân chủ phương Tây : Làm gì với hàng trăm kẻ thánh chiến đã bỏ đi tham gia chiến đấu, một tay cầm súng AK, một tay cầm dao, nhân danh một vương quốc Hồi Giáo giả hiệu và ngày nay đang tàn lụi ?

Làm gì với những thanh niên cực đoan, với những bộ não chỉ biết giết chóc, với những cánh tay cầm vũ khí sẵn sàng sử dụng bạo lực chưa từng thấy mượn danh tôn giáo ? Phải làm gì với những phụ nữ đó, đã ra đi từ Pháp, Anh, hoặc Đức, để sinh ra thế hệ chiến binh Hồi Giáo tương lai ?

Và phải làm gì trước một công luận hoang mang, một đám đông thẫn thờ vì bị tổn thương sâu bên trong bản thân mình, và sống trong nỗi sợ hãi là những kẻ gọi là đã ăn năn đó lại nổi lên thành những phần tử thánh chiến ?

Đối với Courrier International, có một nguyên tắc đó là tuyệt đối không bao giờ được quên rằng "sức mạnh của nền dân chủ của chúng ta chính là đến từ việc thượng tôn luật pháp".

Hiểm họa mới : Hồi Giáo cực đoan ngay trong lực lượng an ninh Pháp

Cũng bàn về các thành phần Hồi Giáo cực đoan, tạp chí L’Express đã nêu lên một hiện tượng đang khiến cho ngành an ninh Pháp hết sức lo ngại : Đó là khả năng một số nhân viên cảnh sát và hiến binh ngả theo xu hướng Hồi Giáo cực đoan.

Theo L’Express, hiện đã có khoảng vài chục cảnh sát và hiến binh Pháp bị giám sát chặt chẽ vì bị tình nghi là đang chuyển biến theo chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan, và một đạo luật mới sẽ cho phép trừng phạt những người này, thậm chí sa thải họ một cách dễ dàng hơn.

Tờ báo đã nêu lên một vụ mới xẩy ra gần đây : Ngày 16 tháng Giêng vừa qua, các cơ quan tình báo đã bắt giữ một người đàn ông 23 tuổi đã "tuyên thệ trung thành với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daesh" trong một đoạn video quay vào mùa thu năm ngoái trước lá cờ đen của tổ chức này. Trên mạng Internet, người này tỏ ý muốn mua vũ khí, và khi khám soát nhà của thanh niên này, người ta tìm thấy "những sản phẩm có thể được sử dụng để chế tạo chất nổ".

Điều đáng nói, theo L’Express, là nếu cảnh sát không biết gì về nghi phạm này, thì hiến binh lại biết rất rõ anh ta. Lý do rất đơn giản : anh ta nguyên là trợ lý hiến binh tình nguyện.

Theo L’Express, trường hợp trên không phải là duy nhất, và đó đang là một ác mộng cho Bộ Nội Vụ Pháp, với một kịch bản như sau : "Một cảnh sát viên hay hiến binh chạy theo xu hướng Hồi Giáo cực đoan và quyết định hành động giúp thánh chiến, cung cấp thông tin cho "anh em" của mình, tiết lộ danh tánh và địa chỉ của đồng nghiệp, mở cửa kho vũ khí cho các phần tử thánh chiến, hoặc sử dụng ngay vũ khí của mình để gây ra một vụ tàn sát". Đây là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra vì cảnh sát giờ đây đã có quyền mang súng theo người ngoài giờ làm việc.

Cho đàn ông nghỉ hộ sản khi vợ sinh : bí quyết thúc đẩy bình quyền nam nữ

Cũng đề cập đến Pháp, nhưng trái với đồng nghiệp Courrier International hay L’Express, tuần báo L’Obs đã giành trang bìa cho một vấn đề nhẹ nhàng hơn : Quyền nghỉ "hộ sản" của những người đàn ông khi vợ sinh con. Quan điểm của tờ báo đã được nêu bật trong hàng tựa lớn ở trang bìa "Quyền nghỉ hộ sản của người làm cha : Chìa khóa cho quyền bình đẳng nam nữ".

Tạp chí L’Obs đã nhắc lại rằng chính phủ Pháp vừa cho mở ra cuộc tranh luận về việc nên hay không nên biến việc cho đàn ông nghỉ phép để chăm sóc con nhỏ khi vợ vừa mới sinh thành một chế độ bắt buộc ? Nên hay không nên kéo dài thời gian được nghỉ phép trong trường hợp đó ?

Đối với L’Obs, nếu người cha có điều kiện chăm sóc đứa bé tương tự như người mẹ, cách nhìn nhận sự việc sẽ thay đổi, và phụ nữ sẽ có thể được hưởng một quyền bình đẳng nam nữ thực sự trong công việc.

Hồ sơ dài 10 trang của L’Obs rất lý thú, và cho ta biết nhiều điều về các nước đi tiên phong trong việc cho đàn ông nghỉ hộ sản như là Iceland hay Thụy Điển. Tại Iceland, quốc gia đầu tiên áp dụng chế độ cho người cha nghỉ hộ sản khi vợ sinh, thì thời gian nghỉ là 9 tháng cho cả hai vợ chồng, được phân bố như sau : ba tháng đầu tiên cho người vợ, ba tháng cho người cha, và ba tháng cho cả hai người, phân chia tùy theo sắp xếp của chính họ. Con số này cao hơn rất nhiều so với vỏn vẹn 14 ngày tại Pháp.

Bạo lực trong trường học tại Pháp

Trong hồ sơ trang bìa, L’Express chú ý đến các thành phố khác của Pháp, những nhấn mạnh đến góc độ xã hội : tình trạng bất an do bạo lực trong trường học, với một ví dụ được nêu bật trong hàng tựa : "Một trường trung học trong tình trạng chiến tranh".

Đó là trường hợp của trường trung học chuyên nghiệp Gallieni ở thành phố Toulouse, miền Nam nước Pháp với lời kêu cứu của các giáo viên : "Nhà Nước Cộng Hòa đang bỏ rơi chúng tôi !".

Theo L’Express, tại trường học này, các giáo viên tố cáo một tình trạng bạo lực chưa từng thấy đang đe dọa từ học sinh đến giáo viên và nhân viên, và dĩ nhiên là tác hại đến giáo dục.

Tuần báo Pháp đã đọc được một bản phúc trình chính thức trong đó có những số liệu thống kê cho thấy rõ tình trạng bất an của trường này : từ 60 đến 80 học sinh đang phải chịu chế độ giám sát tư pháp ; một số có vũ khí trên người ; 95% người được hỏi (học sinh và nhân viên) đã xác nhận mình là nạn nhân của bạo lực ...

Mai Vân

Published in Quốc tế