Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đầu tư Trung Quốc : Tại sao Châu Âu phải theo dõi chặt chẽ hơn ?

Ngày 24/02/2018, tỉ phú Trung Quốc Lý Thư Phúc (Li Shufu), chủ tập đoàn công nghiệp Geely, sở hữu 9,6% cổ phần và trở thành cổ đông lớn nhất của Daimler, công ty mẹ Mercedes-Benz và Smart, đã khiến công luận Đức sững sờ.

dautu1

Ông Lý Thư Phúc (Li Shufu) - nhà sáng lập kiêm chủ tịch tập đoàn Geely của Trung Quốc - đại biểu Quốc Hội Trung Quốc, trả lời truyền thông trước lễ bế mạc kỳ họp Quốc Hội ngày 20/03/2018. Reuters/Stringer

Theo đánh giá trong bài phân tích của nhật báo kinh tế Les Echos (22/03/2018), thêm một thương vụ của Trung Quốc khiến nhiều nhà lãnh đạo Châu Âu lo ngại thực sự, đồng thời đặt câu hỏi "Các nhà đầu tư Trung Quốc : Tại sao Châu Âu phải theo dõi chặt chẽ hơn ?"

Khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào Châu Âu, 75 tỉ euro chỉ trong năm 2016, tương đương với cả tổng đầu tư của 10 năm trước đó. Nổi bật là cảng Pirée của Hy Lạp được bán cho tập đoàn Cosco ; nhà sản xuất robot Đức Kuka bị tập đoàn điện máy gia dụng Midea thâu tóm ; Club Med của Pháp nằm dưới sự điều hành của tập đoàn Phục Tinh (Fosun) ; cổ đông chính của tập đoàn Accor là Cẩm Giang (Jin Jiang) ; nhà sản xuất xe hơi Đông Phong (Dongfeng) chiếm 1/3 vốn của tập đoàn Peugeot ; Ý cũng không phải là trường hợp ngoại lệ với hãng lốp Pirelli cũng bị chuyển sang tay người Trung Quốc vào năm 2015.

Một số quan chức Châu Âu tỏ ra lo lắng về các thương vụ thâu tóm nhiều ngành công nghiệp trọng điểm. Với bộ trưởng Kinh Tế Đức, sự kiện, như việc nhà tỉ phú Trung Quốc trở thành cổ đông chính của Mercedes-Benz, "không được là cánh cửa để phục vụ chính sách công nghiệp của các nước khác".

Đầu năm 2018, bộ trưởng Tài Chính Pháp Bruno Le Maire lên tiếng "mở cửa không có nghĩa là cướp bóc công nghệ, sự tinh thông và kỹ năng của chúng ta". Pháp quyết định bổ sung thêm một số lĩnh vực mới - cơ sở dữ liệu, trí thông minh nhân tạo - vào danh sách những lĩnh vực trọng điểm cần giấy phép của Nhà nước để mở cửa cho đầu tư nước ngoài, được ban hành năm 2014, gồm giao thông, năng lượng, truyền thông, nước, y tế, quốc phòng.

Theo Les Echos, dĩ nhiên Châu Âu muốn mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng không phải với bất kỳ giá nào, đặc biệt là với các nhà đầu tư Trung Quốc với những lợi ích chiến lược của họ. Thực vậy, theo một nghiên cứu do Đài Quan sát Tình hình Kinh tế Pháp (OFCE) công bố vào cuối tháng 01/2018, "các chiến dịch mua lại cổ phiếu nước ngoài của các nhà đầu tư Trung Quốc đã tăng lên nhiều trong những năm gần đây. Điều này cho thấy ý đồ sở hữu kỹ năng và công nghệ của các doanh nghiệp này".

Đối với tổ chức OFCE, Trung Quốc tiến hành bành trướng theo ba bước để dần tăng cường mối đe dọa công nghiệp đối với các nền kinh tế phương Tây. Bước thứ nhất, về mặt thương mại, Trung Quốc thâu tóm các phần thị trường. Bước thứ hai, Bắc Kinh buộc các doanh nghiệp nước ngoài muốn hoạt động tại Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ. Bước thứ ba, đang diễn ra hiện nay, là thâu tóm cổ phiếu ở nước ngoài ; đây chính là cách để có được công nghệ, kinh nghiệm và kỹ năng.

Liên Hiệp Châu Âu phải hành động

Les Echos cảnh báo Bruxelles phải hành động trước vòng xoáy Trung Quốc, nếu không muốn chứng kiến công nghệ, kỹ năng, bằng sáng chế... bị đánh cắp. Tuy nhiên, Liên Hiệp Châu Âu lại không có cách tiếp cận chung và không có chung quan điểm về đầu tư nước ngoài. Trong số 28 nước thành viên, chỉ có 12 nước (trong đó có Pháp, Đức, Ý, Anh, Tây Ban Nha) có một ủy ban theo dõi đầu tư nước ngoài.

Paris, Berlin và Roma cùng nhau đề xuất thảo luận tăng cường quy định về vấn đề đầu tư nước ngoài trên quy mô toàn Liên Hiệp. Tuy nhiên, vấn đề có vẻ tế nhị. Công việc nghiên cứu kỹ thuật đã được bắt đầu với kết quả là bản báo cáo mang tên "Sự ngây thơ trước sự cạnh tranh bất chính đã chấm dứt", được trình lên Hội Đồng Châu Âu vào ngày 22/03, cùng với nhiều đề xuất của tác giả bản báo cáo, nghị sĩ Châu Âu Franck Proust, một người ủng hộ việc thành lập một cơ chế quản lý.

Hội Đồng Châu Âu hy vọng sẽ nhận được sự ủy nhiệm từ giờ đến cuối năm 2018. Tuy nhiên, nhiều nước thành viên khác lại phản đối cơ chế thanh lọc này, như Phần Lan, Hà Lan, Hy Lạp và một số quốc gia Đông Âu. Lý do chính là dự án con đường tơ lụa mới của Trung Quốc, trên lãnh thổ Châu Âu, sẽ mang lại vốn và lợi ích cho các nước có con đường đi qua. Nhiều nước Đông và Nam Âu sẵn sàng quy phục dưới đồng tiền Trung Quốc, kể cả trong nhiều lĩnh vực chiến lược. Tuy nhiên, theo kết luận của Les Echos, cần phải nhanh chóng hành động và ưu tiên lợi ích của Châu Âu trước lợi ích ngắn hạn của quốc gia.

Pháp : Cựu tổng thống Nicolas Sarkozy bị khởi tố

Trở lại thời sự trên trang nhất, tất cả các nhật báo Pháp đồng loạt đưa tin ông Nicolas Sarkozy bị truy tố tối thứ Tư 21/03 vì các tội "nhận hối lộ", "tài trợ bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử" và "tàng trữ tiền biển thủ công quỹ của Libya".

Ngoài thông tin "Nicolas Sarkozy bị khởi tố" được đưa trên đầu trang nhất, Libération nhận định đây là "cơn địa chấn tư pháp mới đối với ông Nicolas Sarkozy" vì trước đó, cựu tổng thống Pháp từng bị điều tra trong hai vụ khác "Bygmalion" và "Bismuth".

Có cùng nhận định với Libération, nhật báo kinh tế Les Echos, trong bài viết "Tài trợ của Libya : Sarkozy bị khởi tố", cho rằng cú tăng tốc trong hồ sơ này, do các thẩm phán thuộc bộ phận tài chính điều tra từ 5 năm nay, đánh dấu rắc rối với tư pháp trở lại với ông Sarkozy, người từng bị khởi tố trong vụ "nghe lén" và trong hồ sơ Bygmalion.

Nhật báo thiên hữu Le Figaro dĩ nhiên chỉ đưa ra những phát biểu ủng hộ cựu tổng thống Pháp của các chính trị gia thuộc đảng Những Người Cộng Hòa : "sự dàn dựng ly kỳ", theo đánh giá của cựu thủ tướng Raffarin ; "những lời giải thích chi tiết cho phép khép lại hàng loạt những sai lầm và dối trá", như ý kiến của ông Brice Hortefeux, sau khi rời khỏi trụ sở của cơ quan điều tra OCLCIFF ở Nanterre.

Riêng nhật báo công giáo La Croix, trong bài viết "Nicolas Sarkozy đối mặt với những cáo buộc", đề cập đến nghi ngờ cho rằng liệu việc tài trợ của chính quyền Kadhafi có liên quan đến quyết định can thiệp quân sự vào Libya năm 2011 hay không.

Chuyên gia Jalel Harchaoui thuộc trường đại học Paris 8, bác bỏ lập luận này vì khác với những gì người ta vẫn nghĩ, cuộc chiến ở Libya không phải là cuộc chiến của Pháp. Ông nói : "Hoa Kỳ, và đặc biệt là ngoại trưởng Hillary Clinton, muốn chấm dứt chế độ Kadhafi. Quyết tâm này của Mỹ đã chắp cánh cho nước Pháp. Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ đang rút quân khỏi Irak và không muốn tỏ ra là một cường quốc hiếu chiến nữa, nên để cho các nước Châu Âu và vùng Vịnh lên tuyến đầu".

Pháp : Quyền lực của tổng thống Macron đối đầu với "đường phố"

Trên lĩnh vực xã hội, cuộc tổng đình công của nhân viên ngành đường sắt và công chức Pháp được đề cập và bình luận rộng rãi trên các nhật báo. Ngày thứ Năm 22/03 tê liệt : nhà trẻ, trường học đóng cửa vì công chức đình công, các chuyến tầu bị cắt giảm hoặc bị hủy do nhân viên biểu tình phản đối loạt cải cách của chính phủ.

"Một bài trắc nghiệm trên đường phố" là nhận định chính trên các mặt báo. Le Monde chơi chữ : "Công chức và nhân viên ngành đường sắt tiến bước chống Macron". Khoảng 5,4 triệu công chức được kêu gọi đình công để bảo vệ thu nhập và quy chế của họ với khoảng 150 đoàn biểu tình dự kiến trên khắp nước Pháp.

Bài xã luận của nhật báo Le Figaro tính "cái giá của sự hèn nhát chính trị" mà nước Pháp phải trả : khối nợ như núi của công ty đường sắt SNCF lên đến 54,5 tỉ euro, công chức nhà nước quá thừa với khoảng 5,7 triệu công chức. Vẫn theo bài xã luận, tại một nước Pháp thâm hụt kinh niên từ 4 năm qua, nơi lĩnh vực công xuống cấp, thì sự thay đổi như vậy lẽ ra phải diễn ra từ lâu rồi.

Theo nhận định của bài xã luận trên La Croix, "từ khi lên nắm quyền cách đây một năm, chưa bao giờ Emmanuel Macron lại phải đối đầu với làn sóng phản đối vững chắc như vậy, kể cả trong lĩnh vực chính trị hay trên mặt trận xã hội". Vấn đề là liệu cuộc tổng đình công ngày thứ Năm có đánh dấu một bước ngoặt hay không ? Liệu các đoàn biểu tình có nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ và lâu dài của công luận hay không ? Trong bối cảnh nước Pháp đang lấy lại được sự năng động nhờ tình hình kinh tế thuận lợi, việc xem xét lại một số quy chế, như quy chế của công chức hoặc nhân viên đường sắt, được cho là cần thiết, ít nhất là vì chi phí và tính cứng nhắc của khu vực này.

Venezuela : Tổng thống Maduro thanh lọc lực lượng quân sự

Từ hai tháng qua, tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho tiến hành nhiều vụ bắt giữ hoặc cách chức nhiều nhà lãnh đạo quân đội, phần lớn là các đại diện quan trọng cho chế độ Chavez xưa kia.

Cụ thể, theo nhật báo Le Figaro, ngày 28/02, tổng thống Maduro đã giáng cấp 24 sĩ quan vì tội phản quốc. Đây là lần đầu tiên các sĩ quan quân đội lo ngại về một vấn đề khác, ngoài việc tham gia vào chiến dịch chống ma túy. Bà Rocio San Miguel, chủ tịch Control ciudadanos đánh giá "thông điệp truyền tải tới giới quân nhân rất rõ ràng : Chính quyền sẽ trừng phạt mọi quân nhân không tỏ ra trung thành với cuộc cách mạng". Ngày 02/03, thêm 9 quân nhân bị giam giữ, và thêm 30 người khác cũng có chung số phận trong tháng Ba.

Vẫn theo nhận định của bà Rocio San Miguel, "nguy cơ đảo chính quân sự từ giờ có vẻ được chính phủ Maduro nhìn nhận một cách nghiêm túc". Vì trong hệ thống chính trị Venezuela, theo thuyết của cựu tổng thống Chavez, thì "liên minh dân sự và quân sự" đóng vai trò trụ cột, ông Maduro đang có điểm yếu là không xuất thân từ nhà binh mà là tài xế xe buýt trước khi trở thành tổng thống.

Hiện tượng đào ngũ cho thấy sự bất bình trong các doanh trại quân đội ngày càng tăng. Thái độ bất bình trong phe theo khuynh hướng Chavez lại diễn ra vào trước kỳ bầu cử tổng thống Venezuela vào ngày 20/05 tới đây.

Thu Hằng

Published in Quốc tế

Người Duy Ngô Nhĩ sống lưu vong cũng không yên với Bắc Kinh

Cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bị tạm giữ để thẩm vấn về nghi án nhận 50 triệu euro tài trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống 2007 từ chính phủ Lybia của Kadhafi. Thổ Nhĩ Kỳ làm tới, tấn công lực lượng nổi dậy người Kurdistan trước sự thờ ơ phương Tây. Thế giới phẫn nộ với việc Facebook để lộ dữ liệu thông tin cá nhân người sử dụng, nhà mạng xã hội số 1 thế giới mất cả tỷ đô la trong hai ngày. Đó là những chủ đề lớn của các báo Pháp ra hôm nay.

uighur1

Các nhà hoạt động biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc ở Vienna ngày 01/08/2011, phản đối chiến dịch đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. AFP PHOTO/DIETER NAGL

Liên quan đến Châu Á, mối quan tâm của các báo vẫn như thường lệ là Trung Quốc. Nhật báo Le Monde dành sự chú ý đến số phận người Duy Ngô Nhĩ, sắc tộc theo Hồi giáo nạn nhân của chính sách truy bức của chính quyền Bắc kinh. Nhưng lần này Le Monde nói về những người Duy Ngô Nhĩ (Uighur) đang sống ở Châu Âu mà vẫn không thoát khỏi sự truy đuổi của Trung Quốc, qua bài viết : "Trung Quốc truy đuổi người Duy Ngô Nhĩ ở Châu Âu như thế nào ?".

Le Monde ghi nhận thực tế là Bắc Kinh đang liên tục làm áp lực đối với cộng đồng sắc tộc này ngay cả khi họ đã phải ra nước ngoài, ở rất xa với Trung Quốc, để sống lưu vong.

Theo Le Monde : "Ở Paris, Berlin hay Istanbul, những người Duy Ngô Nhĩ, dù là đã được nhập quốc tịch của nước đón nhận hay vẫn còn là kiều dân Trung Quốc, tất cả vẫn luôn là mục tiêu của chiến dịch răn đe quy mô chưa từng có của Bắc Kinh".

Le Monde đã tiếp cận được với ít nhất 6 nhân chứng người Duy Ngô Nhĩ cho biết đã bị mật vụ Trung Quốc gây sức ép, buộc họ làm các việc, như theo dõi cộng đồng Duy Ngô Nhĩ lưu vong, buộc họ không biểu tình chống Trung Quốc hay phải cung cấp tài liệu cá nhân. Thậm chí một số người còn bị dọa đưa trở về Trung Quốc.

Vũ khí gây sức ép của mật vụ Trung Quốc là dọa bỏ tù gia đình họ còn ở lại Tân Cương. Mỗi khi sắp có các cuộc biểu tình của người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài là họ nhận được những tin nhắn đe dọa sẽ xử lý, bắt giam gia đình ở trong nước. Mọi hoạt động của cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài đều bị theo dõi rất sát không kém gì ở trong nước.

Abduweli Ayup, một nhà ngôn ngữ học người Duy Ngô Nhĩ sống lưu vong tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết : "Những người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài cảm thấy lo lắng, bất an, họ không thể liên lạc được với gia đình mình ở trong nước, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ người thân của họ bị bỏ tù".

Tương tự, những người Duy Ngô Nhĩ sống ở Pháp hay Đức, dù đã được nhập quốc tịch nhưng cũng không được yên thân, an toàn. Họ thường xuyên nhận được tin nhắn đe dọa bắt về nước nếu không đáp ứng các yêu cầu của mật vụ Bắc Kinh. Như vậy, gia đình bị chính quyền sử dụng là con tin để gây sức ép truy bức những người Duy Ngô Nhĩ sống bên ngoài đất nước.

Cựu tổng thống Pháp bị tạm giữ vì nghi án nhận tài trợ của Kadhafi

Trở lại với sự kiện thời sự trên trang nhất các báo Pháp. Như vậy đã hơn một ngày ông Nicolas Sarkozy bị tạm giữ tại trụ sở của cảnh sát tư pháp, sự kiện đang gây xáo động dư luận Pháp.

Cựu tổng thống Pháp bị triệu tập để thẩm vấn từ sáng hôm qua (20/03) trong khuôn khổ cuộc điều tra nghi vấn nhận tiền tài trợ của chính phủ Libya cho chiến dịch tranh cử tổng thống 2007 mà ông đã giành thắng lợi. Thời hạn tạm giữ kéo dài 48 giờ, sau đó ông có thể phải ra trước tòa để được thông báo lệnh khởi tố. Sau 5 năm điều tra đây là lần đầu tiên ông Sarkozy bị cơ quan điều tra thẩm vấn về hồ sơ này. Hình ảnh của cựu nguyên thủ Pháp xuất hiện trên khắp các trang nhất báo ra hôm nay

Trang báo mạng Mediapart, nơi nắm giữ thông tin và tung ra vụ bê bối, cho hay, trong vụ scandal Libya bị phát giác từ năm 2011 này, "cuộc điều tra dưới sự chỉ đạo của một thẩm phán chuyên về vấn đề tài chính của Paris, giờ nhằm trực tiếp vào Nicolas Sarkozy và những người thân cận nhất của ông. Danh sách các tội trạng được điều tra tư pháp kê ra trong vụ này khá dài : Tham nhũng chủ động và thụ động, hối mại quyền thế, biển thủ công quỹ, lạm dụng tài sản xã hội, giả mạo tài liệu, rửa tiền trốn thuế, oa trữ tài sản bất hợp pháp…".

Le Monde thắc mắc : "Quyết định tạm giữ để thẩm vấn Nicolas Sarkozy phải chăng có nghĩa là các thẩm phán thụ lý vụ án đã tập hợp được những bằng chứng mới về tài trợ bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử tổng thống để có thể trực tiếp cáo buộc ông Sarkozy ? Phải chăng chính quyền Libya cuối cùng đã quyết định hợp tác (với các nhà điều tra Pháp) ? " Theo Le Monde, nhiều cựu quan chức của Libya dước thời Kadhafi có lẽ đã cung cấp những chi tiết mới cho phép khẳng định các nghi vấn. Từ nhiều tuần qua, tư pháp của Pháp đã có được nhiều tài liệu thư giữ trong lần khám nhà nhân vật người Thụy Sĩ Alexandre Djouhri (nhân vật trung gian trong vụ này) hồi 2015". Tuy nhiên từ trước đến giờ, ông Nicolas Sarkozy vẫn phản bác mọi cáo buộc là chiến dịch tranh cử tổng thống 2007 của ông đã được tài trợ bất hợp pháp.

Nhật báo Libération thì nhận thấy diễn tiến mới cho thấy vụ việc này vừa "đáng mừng" vừa"chán nản". Xã luận của Libération viết : "Đúng là chính trị là môn thể thao chiến đấu, nhưng tại sao ta cứ phải làm quen với việc đưa chính trị lên sàn đấu ? Chán nản vì cái cảnh cánh hữu cứ kêu gào tư pháp ngoan cố truy đuổi ông Sarkozy. Còn vui mừng vì không phải thấy cựu tổng thống bị câu lưu, việc này thậm chí còn đáng buồn, mà là việc này cho thấy các cảnh sát, thẩm phán vẫn tiếp tục công việc, theo nhịp độ của họ, một cách hoàn toàn độc lập để cố gắng trả lại công lý".

Phương Tây bỏ mặc đồng minh người Kurdistan

Chuyển sang một chủ đề chiếm trang nhất của tờ Le Figaro : "Tại Syria : Người Kurdistan bị phương Tây bỏ rơi".

Vấn đề liên quan đến sự kiện sau khi chiếm thành phố Afrin từ tay quân nổi dậy người Kurdistan, Thổ Nhĩ Kỳ được đà lấn tới mở rộng cuộc tấn công ở vùng đông bắc Syria, truy quét đến cùng lực lượng người Kurdistan, một đồng minh của các nước phương Tây trong cuộc chiếng chống Daesh, nhưng lại là kẻ thù không đội trời chung của Ankara.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO, nhưng các nước phương Tây dường như bất lực, không ngăn cản được Ankara ngừng tấn công lực lượng người Kurdistan. Xã luận tờ báo mang tựa đề ngắn gọn : "Chối bỏ", để nói lên thái độ của các nước phương Tây trước đồng minh người Kurdistan, "những người đã phục vụ như là những người lính xung kích của phương Tây trên mặt trận chống Daesh. Vậy mà phương Tây lại bỏ rơi họ, hy sinh họ".

Chính những người lính Kurdistan này đã trực diện chiến đấu chống thánh chiến giúp phương Tây, nhưng giờ đây, khi họ bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công thì các nước phương Tây im lặng làm ngơ bỏ rơi họ, thì quả thật đây là một thái độ "hèn kém", Le Figaro tỏ phẫn nộ.

Facebook, bị cáo toàn cầu

Tiếp tục với trang báo Le Figaro, đến với một thời sự đang nóng lên những ngày qua liên quan đến Facebook để lộ thông tin cá nhân của những người sử dụng mạng xã hội.

Vụ công ty Mỹ Cambridge Analytica thu thập bất hợp pháp thông tin cá nhân của hàng triệu người sử dụng Facebook đang gây lo ngại khắp toàn cầu. Facebook, không được cho là vô can, cũng phải hứng chịu nhiều sóng gió từ vụ việc này những ngày qua.

Le Figaro ghi nhận : "Facebook đối mặt với sự giận giữ của chính quyền Mỹ và Châu Âu". Các nhà điều tra Mỹ và Châu Âu đã mở các điều tra, vụ việc không còn chỉ liên quan đến công ty Cambridge Analytica, nữa mà bản thân Facebook cũng phải đối mặt với những cáo buộc nặng nề và sẽ còn phải gặp nhiều rắc rối như có thể sẽ phải chịu những khoản tiền phạt lớn vì không tôn trọng người sử dụng, hướng điều tra của Châu Âu đang nhằm vào nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội số một thế giới.

Theo Le Figaro, vụ việc đã làm tổn hại rất nhiều hình ảnh của Facebook dưới con mắt của công chúng, cũng như của chính quyền nhiều nước trên thế giới. Một viễn ảnh đáng lo ngại cho các nhà đầu tư vào Facebook. Từ thứ hai đến hôm qua, cổ phiếu của tập đoàn Facebook đã mất hơn 11% trên thị trường chứng khoán tương đương 60 tỷ đô la Mỹ. Trong vụ việc này, nội bộ của Facebook cũng đang gặp nhiều rắc rối.

Pháp : Không còn đất lành để chim đậu

Trong lĩnh vực môi trường, Libération lưu ý đến một hiện tượng đáng lo ngại liên quan đến đa dạng sinh học ở Pháp : "Tại những vùng thôn quê, quần thể chim giảm nghiêm trọng".

Hôm thứ Ba (20/03/2018), Viện Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Pháp công bố một nghiên cứu về các loài chim ở Pháp cho thấy trong vòng 15 năm qua, 1/3 các loài chim ở Pháp đã bị biến mất trong các vùng đất nông nghiệp. Nguyên nhân không khó tìm đó chính là do việc đẩy mạnh hoạt động nông nghiệp và sử dụng ngày càng nhiều thuốc trừ sâu.

Các nhà khoa học Pháp khẳng định các loài chim đang biến mất khỏi các vùng nông thôn Pháp với "tốc độ nhanh chóng mặt", đến mức sự sụt giảm đó đang "đạt tới gần thảm họa sinh thái". Đây là một thực trạng đáng báo động về cách làm nông nghiệp từ vài ba chục năm trở lại đây. Các chuyên gia cho rằng "phải cấp tốc thay đổi mô hình để có một nền nông nghiệp vừa cao sản, vừa tôn trọng cá thể sống. Nếu cá thể sống bị tiêu diệt thì điều này cũng liên quan đến con người và nguy hiểm không kém gì hiện tượng biến đổi khí hậu".

Vẫn liên quan đến môi trường và đa dạng sinh học, Le Figaro cho biết con tê giác trắng Châu Phi vừa chết tại Sudan. Cá thể tê giác trắng đực cuối cùng này đã 45 tuổi bị nhiều biến chứng bệnh vì đã già. Hiện trên thế giới chỉ còn hai con cái cùng loài, khi con đực cuối cùng không còn thì tức là không còn hy vọng gì để duy trì giống loài tế giác quý hiếm này. Nếu như trường hợp của con tê giác trắng trên chết vì già yếu thì các loài tê giác khác ở Châu Phi đang bị đe dọa tuyệt chủng bởi nạn săn bắt trộm để lấy sừng, một mặt hàng rất được giá và được ưa chuộng ở Châu Á.

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Sự khác nhau giữa Trung Quốc và Nga

Ngày 17/03/2018, Tập Cận Bình được toàn thể 2.970 đại biểu Quốc Hội bỏ phiếu thông qua nhiệm kỳ thứ hai. Một ngày sau, 18/03, đến lượt Vladimir Putin tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 4 với hơn 76% phiếu bầu. Theo góc nhìn từ phương Tây, đây là thắng lợi của hai nhà độc tài. Nhưng thắng lợi Putin lại không giống với chiến thắng của Tập. Nhà báo Renaud Girard trên Le Figaro (20/03/2018) đưa ra "Những lý do của sự chênh lệch lớn" này.

ngatrung1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Trung Quốc, Tập Cận Bình tại điện Kremlin, Nga, ngày 04/07/2017. Reuters/Sergei Karpukhin

Theo tác giả, cả Trung Quốc lẫn Nga đều không phải là Nhà nước pháp quyền theo định nghĩa của phương Tây, sau khi hệ tư tưởng cộng sản bị xóa bỏ vào năm 1989. Điểm khác biệt giữa hai thể chế chuyên quyền lớn là đối lập được Moskva nhắm mắt cho tồn tại ở một mức độ nào đó, còn Bắc Kinh thì nghiêm cấm. Dân Nga có thể phê phán trên một số báo chí hoặc mạng xã hội. Điều này không thể xẩy ra tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc thì phát triển kinh tế một cách ngoạn mục, trong lúc nền kinh tế Nga phụ thuộc vào xuất khẩu nhiên liệu. Tác giả nhấn mạnh, sự khác biệt giữa hai nước không phải do mức độ chuyên quyền ít hay nhiều. Nguyên nhân là kể từ năm 1989, Trung Quốc không hề phạm một sai lầm chiến lược nào trong lúc Nga vẫn chưa định ra được chiến lược.

Nhà nước và xã hội của Nga và Trung Quốc do đảng cộng sản thiết kế, tổ chức và lãnh đạo. Tại Moskva, Gorbachev rồi Yeltsine đã phá vỡ tổ chức này và không có gì để thay thế. Còn tại Bắc Kinh, giới lãnh đạo không ngừng củng cố hiệu quả hoạt động của đảng cộng sản, với mục đích là quản lý tốt hơn một xã hội tư bản mới của Trung Quốc. Chính thông qua cơ chế Đảng mà Tập Cận Bình tiến hành chiến dịch chống tham nhũng (khoảng một triệu rưỡi vụ bắt giữ).

Giới lãnh đạo Trung Quốc không cần quan tâm đến nghĩa gốc của từ "cộng sản" hay "Tư Bản". Đó là những người mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và họ chỉ quan tâm đến một việc là tái lập vị thế đứng đầu Châu Á mà Trung Quốc đã từng nắm giữ hồi đầu thế kỷ 19, trước khi bị Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản tới khuất phục.

Ba gương mặt của Trung Quốc

Để thế chỗ chủ nghĩa cộng sản, giới lãnh đạo tại Bắc Kinh đã lựa chọn con đường riêng của Trung Quốc. Họ phát huy tối đa tài buôn bán, đầu óc sản xuất của người dân, vốn bị bóp nghẹt dưới thời Mao Trạch Đông, giữ lại những tập đoàn lớn của Nhà nước, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển, không phải để chống mà phát triển cùng với Bắc Kinh.

Đối với bên ngoài, Trung Quốc đã từng bước thể hiện ba gương mặt : Giai đoạn đầu tiên, đó là một nước chậm phát triển và phương Tây cần phải giúp đỡ. Giai đoạn hai, đó là một cường quốc thương mại hữu hảo, tôn trọng các quy định tự do trao đổi của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới trước tiên, sẵn sàng chuyển giao các công nghệ đã làm chủ được.

Phương Tây đã tin vào lời nói và Trung Quốc đã lao vào một cuộc đánh cắp công nghệ trên quy mô lớn để trở thành công xưởng của thế giới. Giai đoạn ba, dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình : Bắc Kinh củng cố sự bành trướng thương mại với chiến lược Con đường tơ lụa, hướng sang Châu Âu mà Trung Quốc từng bước chinh phục.

Tập Cận Bình – Vladimir Putin : Kẻ thong dong, người hối hả

Để thay thế chủ nghĩa cộng sản, thì Nga lại làm ngược lại hoàn toàn. Họ ngây thơ nghĩ là đã lựa chọn con đường phát triển như phương Tây, mời các chuyên gia của Havard, các kinh tế gia "xó bếp" đến tiến hành những cuộc thử nghiệm khổng lồ.

Tất cả bộ máy công nghiệp đã bị tư nhân hóa vội vã và do vậy, rơi vào tay giới tài phiệt, quả đầu mafia, để rồi giới này quay lại áp đặt quan điểm, lợi ích của họ đối với Kremlin. Vladimir Putin đã tái lập trật tự trong xã hội và quyền lực của chính quyền trung ương chống lại những quý tộc mới này, nhưng ông đã không biết xây dựng một Nhà nước pháp quyền cho phép giữ lại cho nước Nga các nhà nghiên cứu và giới đầu tư.

Vẫn theo nhà báo Renaud Girard, về đối ngoại, ông Putin đã lấy được Crimea nhưng mất Ukraine và nguồn vốn từ các ngân hàng phương Tây. Ông giành thắng lợi tại Syria nhưng thắng lợi này không mang lại lợi lộc gì cho dân Nga… Nói tóm lại, Putin dậm chân tại chỗ với các chiến thuật ngắn hạn, trong lúc Tập Cận Bình rảo bước với chiến lược dài hạn.

Do vậy, theo Renaud Girard, trước một Hoa Kỳ tỏ thái độ coi thường, trước một Trung Quốc chỉ chực chờ để ăn tươi nuốt sống, Châu Âu chỉ có một giải pháp : đó là hiểu được bệnh hoang tưởng của Nga, giúp chữa trị, rồi lôi kéo Nga trở lại gia đình Châu Âu. Nhà báo kết luận : Sẽ là điên rồ khi đẩy Nga rơi vào vòng tay Trung Quốc.

Trung Quốc : Tư pháp mang hơi hướm thời phong kiến ?

Cũng liên quan đến Trung Quốc, thành phần nội các mới vừa được công bố đã được một số nhật báo Pháp khai thác dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Les Echos chú ý đến lĩnh vực kinh tế với bài viết đề tựa "Tập Cận Bình bổ nhiệm một người thân cận để lèo lái nền kinh tế".

Vương Kỳ Sơn, người tiến hành chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi" do Tập Cận Bình khởi xướng, nắm cương vị phó chủ tịch nước. Lưu Hà, cố vấn kinh tế, từng học tại đại học Harvard làm phó thủ tướng. Và Dịch Cương lên thay ông Chu Tiểu Xuyên làm thống đốc Ngân hàng Trung ương… Một loạt các vị trí quan trọng đã được giao cho những người thân tín của Tập Cận Bình. Với những quyết định trên, Les Echos cho rằng thủ tướng Lý Khắc Cường xem như bị gạt ra bên lề.

Le Monde quan tâm đến việc Tập Cận Bình thông báo thành lập một cơ quan chống tham nhũng mới : Ủy ban Giám sát quốc gia, do Dương Hiểu Đỗ (Yang Xiaodu), một người thân tín khác của Tập Cận Bình đến từ Thượng Hải lãnh đạo. Bài viết đề tựa : "Tại Trung Quốc, giới công chức dưới ách một nền tư pháp đặc biệt".

Cơ quan này sẽ có những quyền hạn rộng hơn trong việc chống tham nhũng, giám sát toàn bộ công chức Trung Quốc chứ không chỉ giới hạn trong giới lãnh đạo. Nghĩa là từ nhân viên cho đến lãnh đạo, từ trường học cho đến bệnh viện, qua cả truyền thông, tòa án hay các công ty Nhà nước, kể từ giờ đều có thể là đối tượng điều tra của định chế mới này.

Theo Le Monde, quyền hạn của cơ quan này còn trên cả tư pháp và Tòa Án Tối Cao theo như một loạt sửa đổi bổ sung về luật được thông qua hôm 11/03. Một loạt ủy ban giám sát ở cấp địa phương cũng sẽ được thành lập. Và một mô hình giam giữ mới gọi là "lưu trệ" được thiết lập, giống với kiểu giam giữ "song quy" dành cho đảng viên, bị hạn chế về địa điểm và thời gian.

Ông Nicholas Bequelin, giám đốc Amnesty International phụ trách Đông Á, cảnh báo tình trạng các nhà điều tra lạm dụng quyền hạn cưỡng bức hỏi cung do các quy định áp đặt cho các thành viên trong ủy ban là rất mơ hồ và do tính chất thiếu vắng việc không tôn trọng các quyền cơ bản của người dân.

"Bất kỳ ai làm việc trực tiếp hay gián tiếp cho chính phủ có thể sẽ bị giam giữ, thẩm vấn, cưỡng bức nhận tội hay bị trưng dụng mà không cần thông qua một tiến trình pháp lý cũng như các biện pháp hỗ trợ khác trong trường hợp bị các nhà điều tra lạm dụng. (…) Những người bị giam giữ sẽ không có cách nào tiếp cận luật sư và gia đình sẽ không được thông báo trong vòng 24 giờ, nếu như các nhà thẩm vấn cho rằng việc này có thể gây nhiễu cuộc điều tra".

Nhà nghiên cứu Eva Pils, chuyên gia về luật Trung Quốc trường King’s College tại Luân Đôn cũng lưu ý là việc dỡ bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ lãnh đạo cũng như là những quyền hạn tu chính án mới cho lĩnh vực công là hoàn toàn đi ngược với ý tưởng rằng Luật Pháp và Hiến Pháp có thể cản trở quyền lực.

Bà nói : "Ủy ban Giám sát mới còn tăng cường hơn nữa việc hợp nhất Đảng và Nhà nước bằng cách thông qua trong Hiến Pháp một hình thức điều tra mà nhìn từ góc độ nhân quyền và những người ủng hộ hiến pháp, không hề có một biện pháp bảo vệ cần thiết nào".

Nói tóm lại việc trao cho Ủy ban Giám sát quốc gia mới này những quyền hạn to lớn khiến người ta nhớ lại một giai đoạn hãi hùng dưới triều đại nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Đội Cẩm Y Vệ, Đông Xưởng, Tây Xưởng thời kỳ đó cũng có những quyền hạn tương tự khiến bao công thần và dân vô tội bị chết thảm.

Nga : Nhờ Anh Quốc, Putin có thêm lá phiếu toàn dân

Kết quả bầu cử tổng thống Nga vẫn được các báo Pháp tiếp tục bàn luận. Le Monde nhìn nhận rằng "Putin đã có được lá phiếu của toàn dân". Xã luận của nhật báo độc lập này cũng đặt câu hỏi : "Putin thắng cử để làm gì ?"

Ở tuổi 65, và sau 18 năm cầm quyền, ngày Chủ Nhật 18/03/2018, ông Vladimir Putin, tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 với 76,6% lá phiếu ủng hộ, cao hơn mức tỷ lệ phiếu bầu năm 2012 đến hơn 13 điểm. Một tỷ lệ cao ngất ngưỡng mà không một lãnh đạo Châu Âu nào có thể có được. Và bất chấp các cáo buộc có gian lận, tỷ lệ cử tri đi bầu lần này cũng cao hơn lần trước.

Ông Putin thắng lợi vẻ vang là nhờ vào việc đã gạt ra được các ứng viên đối lập "nặng ký", do kiểm soát được toàn bộ truyền thông hay như biết dựa vào các lực lượng an ninh, bắt đầu từ các cơ quan tình báo.

Nhưng mỉa mai thay, với Le Monde, thắng lợi đó còn có sự góp phần của nước Anh và phương Tây. Chính việc gây ầm ĩ vụ hai cha con cựu điệp viên hai mang người Nga, Sergei Skripal bị đầu độc đã mang lại lợi thế cho ông Putin.

Đành rằng không phải ai cũng toàn tâm toàn ý bỏ phiếu cho Vladimir Putin nhưng vụ việc này đã khiến nhiều người dân Nga nghĩ rằng chỉ có ông mới là người đủ sức bảo vệ đất nước trước những mưu đồ chia rẽ nước Nga của Hoa Kỳ và Châu Âu.

Những thách thức

Cuộc vui nào rồi cũng chóng tàn, ly sâm banh đã cạn, giờ phải lao vào đối mặt với nhiều thách thức lớn. La Croix đặt câu hỏi : "Những thách thức nào đang chờ đợi chủ nhân điện Kremlin ?"

Kinh tế Nga từ năm 2009 vẫn chậm hồi phục. Ít nhất 23 triệu dân vẫn sống dưới ngưỡng nghèo đói, trong khi mà mức thu nhập trung bình đã bị giảm mất 15% trong vòng 4 năm qua, một phần là do giá dầu thô giảm. Do quá lệ thuộc vào dầu khí, nước Nga của Putin chỉ chăm chăm lo cho các tập đoàn Nhà nước mà bỏ lơ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tự xoay sở với nạn tham nhũng và cướp bóc lộng hành.

Trong khi đó, công cuộc hiện đại hóa đất nước lại bị các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và Châu Âu cản trở, làm hạn chế các dự án đầu tư và chuyển giao công nghệ. Và thách thức cuối cùng, trong một chế độ chuyên chế, Putin giờ sẽ phải tính đến việc hoặc tìm người kế nhiệm hoặc tiếp tục cầm quyền, do việc Hiến Pháp hiện hành cấm ông tiếp tục tranh cử sau năm 2024.

Trang nhất các báo Pháp

Le Monde tiếp tục quan tâm đến bầu cử Nga với hàng tít lớn "Sự tấn phong mới của Vladimir Putin". Les Echos thông báo : "Kiểm soát người thất nghiệp : những quy định mới". Bộ trưởng Lao Động cho biết sẽ gia tăng trừng phạt những người thất nghiệp nào không tích cực tìm kiếm việc làm.

La Croix quan tâm đến số phận của hàng nghìn thường dân đông Ghouta ở Syria, đang phải chạy trốn chiến sự do các trận oanh kích dữ dội trong những ngày qua. Tờ báo tìm cách giải thích "Chuyện gì đang diễn ra ở Ghouta, Syria".

Libération trên nền ảnh món hotdog, nhưng thay miếng xúc xích bằng củ cà rốt với sốt mù tạt chạy tựa lớn : "Những người ăn chay triệt để phản công". Nguyên nhân là hôm qua, một vài diễn đàn đã lên tiếng đả kích việc tuyên truyền ăn chay toàn phần, nghĩa là chỉ dùng rau củ, không dùng bất kỳ sản phẩm thịt, cá, trứng, sữa nào.

Le Figaro báo động tình trạng "Chim chóc biến mất dần khỏi những vùng nông thôn Pháp". Chỉ trong vòng 15 năm, nông thôn Pháp đã mất đi 1/3 số lượng chim, và hiện tượng giảm này đã gia tăng nhịp độ trong những năm gần đây.

Minh Anh

Published in Quốc tế

Putin : Người kiểm soát toàn diện

Bầu cử tổng thống Nga hôm qua, 18/03/2018, kết quả không có gì bất ngờ. Ông Putin – không có đối thủ thực sự - đắc cử lần thứ tư, ngay từ vòng đầu. Báo Pháp dành một số bài cho sự kiện này, đáng chú ý hơn cả là phân tích của La Croix, giới thiệu chân dung của lãnh đạo Nga, sau gần 20 năm cầm quyền, vẫn tiếp tục là một nhân vật bí ẩn.

putin1

Ông Putin bỏ phiếu tại một đơn vị bầu cử ở Moskva, 18/03/2018.Ảnh : Sergei Chirkov/POOL via Reuters

Bài viết mang tựa đề : "Putin, con người khống chế toàn bộ", mô tả những nét chính làm nên diện mạo Putin. "17 năm trôi qua, mọi thứ, hoặc gần như tất cả đã được viết về cựu đại tá an ninh Nga, người từng thương thuyết với các tổng thống Mỹ Clinton, George W. Bush, với Brack Obama và với Donald Trump hiện nay. Ông Putin được biết đến như là người đưa nước Nga ra khỏi hỗn loạn, hạ bệ các nhà tài phiệt, giới hạn các quyền tự do xã hội, bóp nghẹt đối lập, mang lại cho Giáo Hội Chính Thống sức mạnh, chấn hưng quân đội. Người tiến hành bốn cuộc chiến tranh (Chechnya, Georgia, Ukraine và Syria hiện nay), người sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ, và đảo lộn trật tự thế giới". Nhưng cho dù Putin được biết đến rất nhiều, lãnh đạo Nga vẫn còn là một ẩn số.

Trên thực tế, cựu sĩ quan an ninh Nga, 65 tuổi, đã hết sức kín đáo trong tất cả những gì liên quan đến đời tư. Ngay từ khi bước chân vào điện Kremlin, nhà chính trị với "cái nhìn sắc lạnh" này đã chọn ba nhà báo, để dựng lên cho mình một tiểu sử, với những nét chính, mà gần như mọi người đều biết. Từ một thiếu niên lêu lổng ở Saint Petersburg, phát hiện môn judo, học ngành luật, được tuyển vào KGB (mật vụ Nga), thăng tiến tại chính quyền thành phố Petersbourg, đột nhiên được bổ nhiệm đứng đầu KGB, và sau đó trở thành thủ tướng Nga.

Những nguyên tắc của Putin

La Croix tìm cách vén màn bí ẩn che phủ Putin. Theo cựu đại sứ Pháp tại Nga Claude Blanchemaison (tác giả cuốn sách mới ra mắt "Vivre avec Putin/Sống với Putin"), ông Putin nổi tiếng là "biết quyến rũ người khác", đặc biệt nhờ ở thái độ biết lắng nghe, và chịu khó tìm hiểu, trước khi tiếp xúc, để biết được các sở thích của đối tác.

Nét tính cách nổi bật thứ hai của Putin là ông ta duy trì nhiều nguyên tắc bất di bất dịch, bất kể thời thế, bất kể ý thức hệ. Đó là tìm mọi cách để duy trì các nước Liên Xô cũ trong quỹ đạo của nước Nga. Một vấn đề có tính nguyên tắc khác của Putin, đó là không bao giờ, hoặc gần như không bao giờ thay đổi các cộng sự thân cận nhất, trong đó bao gồm chủ yếu là các thành phần "diều hâu", xuất thân từ quân đội và an ninh. Tổng thống Nga nhìn nhận về thế giới chủ yếu qua các báo cáo tình báo.

Về mặt đối nội, ông Putin tìm cách tập trung tập trung toàn bộ quyền lực trong tay, bằng cách xóa bỏ chính sách tản quyền dưới thời tiền nhiệm Yeltsin, và coi việc hậu thuẫn cho các doanh nghiệp Nhà nước kiểm soát nền kinh tế, là điều kiện để thúc đẩy phát triển (kinh tế Nhà nước chiếm đến 70% trọng lượng GDP).

"Theo năm tháng, đứa con thành Petersburg năm xưa nắm ngày càng nhiều quyền hành, đặc biệt thông qua bộ máy tuyên truyền, đàn áp đối lập có trọng điểm và tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ giả hiệu", nhà chính trị học Dmitri Oreshkin nhận xét.

La Croix khép lại bài phân tích với nhận xét ít nhiều hài hước của một cựu cộng sự của Putin : "Trong vòng 18 năm, ông ấy đã chuyển từ môn judo sang môn khúc côn cầu, tóc ông ấy rụng nhiều, Putin đã ly dị. Nhưng não trạng chính trị của ông ấy thì không hề thay đổi. Nước Nga đã thay đổi. Nhưng tổng thống của chúng ta không thay đổi cùng nhịp với đất nước. Có một khoảng cách giữa Putin và xã hội Nga, cho dù chưa đến mức nguy hiểm… Putin vẫn là đồng chí (hay "Tovaritch" – trong tiếng Nga) của chúng ta".

Nắm quyền bằng mọi giá

Le Monde dành nhiều bài viết về Putin, nước Nga và quan hệ giữa Moskva với phương Tây. Bài "Vladimir Putin, hồi V" lưu ý lập trường nắm quyền "bằng mọi giá" của Putin. Chỉ với khoảng vài chục cộng sự, Putin kiểm soát mọi nguồn lực "về kinh tế, hành chính và quân sự", cho phép thống trị đất nước.

Vấn đề lớn nhất, mà Le Monde gọi là "gót chân Achille" của Putin, đó là viễn cảnh chuyển giao quyền lực sau khi nhiệm kỳ lần này kết thúc. Putin chiến đấu đến cùng để nắm quyền, để khẳng định uy lực cá nhân, vượt lên mọi định chế chính trị. Le Monde dự đoán, với việc từ chối chuẩn bị cho một thế hệ kế nhiệm mới, xây dựng hình ảnh mình như người bảo vệ một dân tộc đang lâm nguy, tổng thống Nga sẽ trì hoãn mọi cải cách, buộc nước Nga phải sống liên tục trong trạng thái xung đột.

Nga-Phương Tây : Vòng xoáy kích động truyền thông

Le Monde còn có hai bài bình luận khác về quan hệ Nga – phương Tây. Bài của chuyên gia về Nga Jean Radvanyi, nhấn mạnh đến "vòng xoáy đe dọa" giữa hai bên, đang ngày một trở nên tồi tệ hơn, một lần nữa được kích phát với nghi án cựu điệp viên Nga Skrypal bị đầu độc tại Anh.

Theo tác giả, một mặt cần lên án các hành động phiêu lưu chính trị nguy hiểm của tổng thống Nga, khi chúng đi ngược lại các quy tắc quốc tế, nhưng mặt khác cũng cần kiềm chế, không nên để cho một số phương tiện truyền thông kích động không khí Chiến tranh Lạnh, với các sản phẩm kiểu như bộ phim tài liệu Inside the War Room, về một cuộc Thế chiến thứ Ba, sau biến cố tại Latvia. Phim được BBC sản xuất năm 2016.

Cùng về truyền thông, nhưng về phía Nga, phát triển trên Le Monde, ông Oleksiy Makukhin, thành viên một tổ chức phi chính phủ Ukraine, tố cáo các kênh truyền thông lớn của nước Nga tấn công một cách hệ thống "các giá trị (tự do) của Châu Âu", "bóp méo tình hình tại Châu Âu". Hoạt động biểu tình, phản kháng ôn hòa, của nhiều tầng lớp xã hội tại Châu Âu, vốn là các hành động biểu thị quyền tự do ngôn luận trong các xã hội dân chủ, được truyền thông Nga mô tả như là hậu quả của tình trạng yếu kém của Châu Âu về kinh tế, chính trị, an ninh.

Phố Wall : Mỹ Trung "ly dị", trước giờ Trump nổ súng

Về kinh tế quốc tế, đáng chú ý có bài "Cuộc ly dị Mỹ-Trung tại Wall Street (Phố Wall), trước giờ tấn công của Donald Trump". Nhật báo tài chính Mỹ Wall Street Journal dự báo tháng Ba này là tháng "đụng độ lớn". Washington đã "mài gươm" từ mùa hè năm ngoái để chuẩn bị cho đòn phản công kinh tế, nhằm mục tiêu buộc Bắc Kinh phải giảm bớt 100 tỉ đô la xuất siêu sang Mỹ. Kể từ hai tuần nay, nhiều biện pháp được đưa ra, như đe dọa đánh thuế vào thép và nhôm, và hàng chục tỉ đô la hàng hóa khác.

Trong những ngày gần đây, Bắc Kinh rút khỏi hàng loạt đầu tư vào các cơ sở, một thời từng được coi là biểu tượng cho quan hệ song phương có đi có lại. Điển hình là việc ra khỏi quỹ đầu tư Blackstone của tỉ phú Schwarzman. Quỹ này được lập ra với mục tiêu thu hút các sinh viên trên toàn thế giới đến theo học tại trường Thanh Hoa (Tsinghua), một đại học danh tiếng của Trung Quốc, để siết chặt quan hệ với Bắc Kinh, ngăn ngừa "một cuộc chiến không tránh khỏi giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ", theo tiên đoán của giáo sư Allison, đại học Havard. Nhìn chung, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ giảm 35% trong năm 2017, đầu tư mới giảm đến mức thấp nhất kể từ 6 năm nay, theo trung tâm tư vấn Rhodium Group.

Trung Quốc : "Vua chống tham nhũng" trở lại

Vẫn về Trung Quốc, Le Monde chú ý đến việc cộng sự hàng đầu của lãnh đạo họ Tập, ông Vương Kỳ Sơn – 69 tuổi - được bầu vào vị trí phó chủ tịch. Le Monde dự đoán "ông vua chống tham nhũng" sẽ chiếm một vị trí trung tâm trong chính trường. Theo truyền thống chính trị dưới thời cộng sản Trung Quốc, chức vụ phó chủ tịch nước thường chỉ mang tính tượng trưng, tuy nhiên với "ông vua chống tham nhũng", cận thần của lãnh đạo Tập Cận Bình, chắc chắn vị trí này sẽ còn quan trọng hơn cả chức thủ tướng.

Le Monde điểm lại các cương vị chủ chốt trong bộ máy chính trị Trung Quốc mà Vương Kỳ Sơn từng đảm nhiệm, đặc biệt là lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đầu tiên lên sàn chứng khoán trong những năm 90, phó thủ tướng vào thời điểm xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới 2008, mà ông Vương vào thời kỳ đó không ngừng nhắc lại, đó là "một cơ hội chiến lược" cho Trung Quốc.

Theo Le Monde, vị trí cao cấp này cho phép Vương tránh được mọi hành động trả thù. Bởi sau 5 năm lãnh đạo bộ máy thanh trừng trong đảng, Vương Kỳ Sơn đã hạ bệ tổng cộng "250 con hổ", tức quan chức cao cấp, và hơn 2 triệu công chức cấp thấp.

Đánh thuế tập đoàn tin học : Liên Âu tuyên chiến với Mỹ

Trong lúc tổng thống Mỹ khởi sự cuộc chiến về thuế trên nhiều mặt trận, với Trung Quốc, nhưng kể cả với các đồng minh, hôm nay, Liên Hiệp Châu Âu khởi sự bàn thảo về chính sách thuế mới nhắm vào các tập đoàn internet lớn, mà tất cả đều là của Mỹ. "Châu Âu sẵn sàng thách thức Donald Trump" là tựa lớn của báo kinh tế Les Echos.

Theo Les Echos, thuế đánh vào các tập đoàn như Apple, Facebook hay Amazon, có thể mang lại cho Châu Âu từ 5 tỉ đến 8 tỉ euro tiền thuế/ một năm. Khoản thuế mới được đề nghị sẽ dựa vào doanh thủ của các doanh nghiệp tại Châu Âu, chứ không căn cứ theo trụ sở của các doanh nghiệp, vốn vẫn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này lách thuế, bằng cách không đặt cơ sở ở nước sở tại.

Ủy Ban Châu Âu sẽ ra các quyết định đầu tiên về vấn đề này, kể từ thứ Tư. Song song với Liên Hiệp Châu Âu, OCDE (Cơ Quan Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế) cũng vừa công bố một bản báo cáo sơ bộ về thuế với các tập đoàn kỹ thuật số, kết quả làm việc của một nhóm chuyên gia, đại diện cho 110 quốc gia. Theo Les Echos, Hoa Kỳ không chấp nhận việc đánh thuế các tập đoàn Mỹ trong nhóm GAFA.

Vẫn về chủ đề này, Libération có bài "Đối phó với GAFA, cách tự vệ tốt nhất là đánh thuế", cho biết thêm, Liên Âu tuy nỗ lực tìm giải pháp, để việc đánh thuế không làm thui chột các doanh nghiệp nhỏ của Châu Âu, mới nổi lên, cụ thể là chỉ đánh thuế với các công ti có doanh thu 750 triệu euro trở lên. Theo Libération, cuộc thảo luận về chính sách thuế của Châu Âu sẽ kéo dài đến tháng Sáu, khả năng đạt đồng thuận là không cao. Nguy cơ mà Châu Âu phải đối mặt là, nếu không đồng thuận, thị trường Châu Âu trong lĩnh vực này sẽ bị chia năm, xẻ bảy với quyết định riêng rẽ của mỗi quốc gia.

Dự án Châu Âu : Pháp – Đức nỗ lực thống nhất quan điểm

Để Liên Hiệp Châu Âu tìm được tiếng nói chung, nỗ lực của Pháp và Đức là then chốt. Theo Les Echos, thứ Sáu vừa rồi, thủ tướng Đức có cuộc hội kiến tổng thống Pháp tại điện Elysée. Lãnh đạo hai nước hứa sẽ coi dự án xây dựng Châu Âu là ưu tiên số một. Cuộc hội kiến Pháp – Đức được tổ chức, ngay sau khi thủ tướng Đức Agela Merkel chính thức được tái bổ nhiệm, sau 6 tháng thương lượng cam go, để thành lập liên minh với đảng Xã Hội Dân Chủ.

Cùng với cuộc hội kiến Emmanuel Macron – Angela Merkel, hai bộ trưởng Tài Chính Pháp – Đức cũng có buổi làm việc để bàn về các vấn đề cụ thể, như khu vực đồng euro, thống nhất chế độ thuế, thuế nhắm vào các tập đoàn kỹ thuật số, hay kiểm soát vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực chiến lược. Tuy nhiên, một số lãnh đạo Châu Âu cũng bắn tiếng với lãnh đạo Pháp-Đức là họ không muốn bị gạt sang lề. Thủ tướng Hà Lan vào hôm qua tái khẳng định sẵn sàng có quan điểm ngược lại với các đề xuất của Paris và Berlin, cụ thể như về ngân sách chung của khối euro, hay việc tăng đóng góp cho ngân sách của Liên Hiệp.

Cũng Les Echos có hai bài viết đáng chú ý khác, về "Châu Âu – nền dân chủ tự do duy nhất còn lại", sau khi nước Mỹ của Donald Trump co mình với chủ nghĩa bảo hộ, cần "thức tỉnh trước các đe dọa".

Lịch sử người da đen Mỹ qua triển lãm búp bê Paris

Trong lĩnh vực văn hóa, Libération giới thiệu về một triển lãm đặc biệt về búp bê Mỹ tại Paris. Triển lãm mang tên "Black Dolls" (tạm dịch là Búp bê da đen). Cuộc triển lãm giới thiệu với công chúng về sưu tập hiếm có về các búp bê của trẻ em da đen ở Mỹ, được sản xuất trong khoảng thời gian từ 1840 đến 1940, được một nữ luật sư Mỹ sưu tầm từ 20 năm nay.

Chỉ căn cứ vào các dấu vết lưu lại trên các búp bê, cũng có thể nhận ra đằng sau chúng là những cuộc đời thực, những bàn tay nhỏ bé mâm mê, ve vuốt… Tuy nhiên, điều gây xúc động đặt biệt qua trưng bày này là, câu chuyện xung quanh các búp bê cho thấy nhiều mặt khuất trong lịch sử đau thương, gian truân của người gốc Phi tại Mỹ, từ chế độ nô lệ, đến xã hội kỳ thị chủng tộc, trước khi giành được quyền bình đẳng, trên nguyên tắc, với người da trắng.

Khép lại cuộc triển lãm là một bộ phim tài liệu, kể lại một nghiên cứu tại Mỹ trong những năm 1940, cho thấy trẻ em da đen nhìn chung đều chỉ thích búp bê người da trắng, được coi là "đẹp hơn", hay "tốt hơn" là người da đen.

Triển lãm của Deborah Neff tại Maison rouge, quận 12 Paris sẽ mở cửa đến ngày 20/05.

Trang nhất các báo

Les Echos chạy tựa trang nhất : Châu Âu thách thức tổng thống Mỹ, với dự án tăng thuế các tập đoàn tin học đa quốc gia. Phong trào phản kháng xã hội khắp nơi tại Maroc, quốc gia Bắc Phi vốn được coi là bình yên nhất trong thế giới Ả Rập, tựa của Le Monde.

Libération tố cáo chính quyền Damascus sử dụng cưỡng hiếp làm công cụ đàn áp đối lập "một cách có hệ thống", ngay từ năm 2011, với bài phóng sự dài dẫn lời các nhân chứng, và giới thiệu báo cáo của một ủy ban quốc tế về Syria, được công bố ngày 15/03. Do các hủ tục truyền thống, các nạn nhân thường bị gia đình và chồng từ bỏ. Một số người phải tìm đến cái chết.

Tựa chính của La Croix : Tiền từ thiện tại Pháp hơn 7 tỉ đô la một năm, ngang chi phí cho ngành tư pháp. Hồ sơ số một của Le Figaro là tình hình bất ổn tại Mayotte, tỉnh hải ngoại của Pháp, trên Ấn Độ Dương, tê liệt từ một tháng nay, do chính quyền địa phương bất lực trước nạn quá tải nhập cư, đời sống khổ cực. Khoảng 75% trẻ sơ sinh tại bệnh viện có mẹ là dân nước ngoài, mà đa số là người vượt biên.

Trái đất đang khô kiệt nhanh chóng

Về môi trường, Les Echos có bài "Hạn hán : Trái đất đang khô kiệt nhanh chóng", giới thiệu một báo cáo của Liên Hiệp Quốc về nước, khai mạc hôm nay, tại Brasilia. Bên cạnh vấn đề khí hậu Trái đất nóng lên do khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhu cầu sử dụng nước tăng lên rất mạnh là một nguyên nhân khác.

Theo dự báo của các chuyên gia, nhu cầu nước đến 2025 sẽ tăng gấp 60% so với hiện nay, khiến các mạch nước ngầm ngày càng nhanh chóng cạn kiệt. Vấn đề chia sẻ nguồn nước là chủ đề trung tâm của hội nghị quốc tế về nước lần thứ tám.

Pháp : 3 tháng thảo luận công dân về "năng lượng Xanh"

Từ ngày 19/03/2018, trong vòng ba tháng, 400 công dân Pháp – theo kết quả rút thăm – sẽ thảo luận về chiến lược chuyển sang năng lượng Xanh. 400 công dân bày tỏ ý kiến về "400 hoặc 500 vấn đề quan trọng", tại chỗ hoặc qua mạng internet, để phục vụ xây dựng kế hoạch thực hiện các cam kết của Pháp và Châu Âu.

Trọng Thành 

Published in Quốc tế

Putin muốn tiếp tục lãnh đạo Nga trong tư thế một chiến tướng

Trái với các đồng nghiệp đã chú trọng đến nội tình nước Pháp, Courrier International số ra tuẫn lễ này (15-21/03/2018) đã dành trang nhất cho nhân vật Putin, người chắc chắn sẽ trở thành tổng thống nước Nga nhân cuộc bầu cử ngày 18/03. Tuần báo đã nhấn mạnh trên giọng điệu "sắt thép" nhắm vào nước ngoài, để nêu bật sự kiện ông Putin đã phô trương vai trò chiến tướng của mình để chinh phục cử tri trong nước.

nga1

Tổng thống Nga Vladimir Putin mít tinh vận động bầu cử ngày 14/03/2018 tại Crimea. Reuters/Maxim Shemetov

Trang bìa tuần báo Courrier International rất rõ ràng : Hàng tựa lớn "Putin, ông chủ cuộc chơi" nổi bật bên trên ảnh vẽ một hệ hành tinh, với mặt ông Putin ở trung tâm, kèm theo ghi chú : "Chắc chắn được bầu lại ngày 18 tháng Ba, tổng thống Nga thách thức Phương Tây và chứng tỏ mình là chiến tướng.

Đối với tuần báo Pháp, ngay trước ngày bầu cử, Vladimir Putin đã muốn gây ấn tượng mạnh nơi cử tri ủng hộ ông cũng như cộng đồng thế giới bằng cách phô trương một kho vũ khí hạt nhân mới. Sự kiện này đã được báo chí Nga cũng như quốc tế bình luận rộng rãi.

Putin nỗ lực khai thác chiêu bài sức mạnh quân sự Nga

Trong một hồ sơ chạy trên 6 trang, Courrier International đã trích dẫn báo Nga nhận định : Ngày 18 tháng Ba tới đây, các công dân Nga sẽ bầu "một vị tổng tư lệnh quân đội" lên làm tổng thống, và để bảo vệ quyền lợi của đất nước được cho là đã bị phương Tây "chà đạp", Putin sẽ quyết tâm khôi phục nước Nga thành một cường quốc đáng gờm như Liên Xô thời xưa.

Đối với tờ Nezavissimaïa Gazeta, nếu vào năm 2012, cử tri Nga đã bầu ông Putin lên làm tổng thống trong tư cách là một người bảo vệ thành quả của những năm 2000 chống lại các tầng lớp tự do giàu có trong nước, vào năm 2018, người Nga sẽ bày tỏ lập trường ủng hộ vị tổng tư lệnh quân đội chống lại một kẻ thù ở bên ngoài.

Theo nhật báo Nga, trong một vài tuần lễ gần đây, Vladimir Putin đã liên tục khai thác chiêu bài sức mạnh quân sự. Ngày 05/03, cuộc mít tinh tại Moskva để ủng hộ ứng cử viên Putin đã diễn ra dưới khẩu hiệu "Vì một nước Nga hùng mạnh". Bản thân ông Putin cũng khai triển chủ đề này trước đó nhân một buổi lễ trao huân chương ngày 23/02, hoặc là trong bài phát biểu gần hai tiếng đồng hồ tại Quốc hội. Putin không còn nói đến khái niệm quyền lực mềm rất phổ biến ở phương Tây, mà chủ yếu đề cập đến sức mạnh quân sự và vũ khí siêu tối tân.

Xã hội Nga, theo tờ Nezavissimaïa, đã chuyển biến từ năm 2014, thời xẩy ra vụ sát nhập bán đảo Crimea, và chiến sự ở vùng Donbass bên Ukraine, dẫn đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Dư luận nhập tâm lập luận của chính quyền về việc Nga là một pháo đài bị bao vây, và cần phải đấu tranh chống lại các mối đe dọa bên ngoài.

Trong bối cảnh đó, cuộc bỏ phiếu năm 2018 không còn là bầu lên một người có nhiệm vụ quản lý các nguồn lực của đất nước, mà là bày tỏ sự ủng hộ đối với nhân vật lãnh đạo lực lượng vũ trang. Theo các cuộc thăm dò dư luận, cử tri của ông Putin đã chấp nhận cách tiếp cận đó, và trong thời chiến - dù đó là chiến tranh "tiềm tàng", chiến tranh lạnh, hay thậm chí chiến tranh ấm, mọi người đều sẵn sàng chịu đựng gian khó.

Muốn Nga hùng mạnh như Liên Xô "phi Xô Viết"

Courrier International cũng trích dẫn tạp chí "Chuyên Gia", ấn hành tại Moskva, phân tích ý đồ của Vladimir Putin là xây dựng một nước Nga hùng mạnh như Liên Bang Xô Viết thời xưa.

Tuy nhiên, theo tạp chí Nga, ông Putin không hề muốn quay trở lại mô hình chính trị Xô Viết, mà chỉ muốn tiếp tục đề án khôi phục sự thịnh vượng của nước Nga đã bắt đầu từ thời perestroika trước khi Liên Xô bị phân rã. Và trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc khôi phục đó sẽ không làm được nếu không có sức mạnh quân sự.

Tạp chí Chuyên Gia không che giấu thái độ phấn khởi khi nhận định rằng nước Nga đã hùng mạnh trở lại về mặt quân sự, và cho rằng đã có lại một cơ may hoàn thành những gì đã bỏ lỡ trong quá khứ.

Với nước Nga của Putin ngày càng phô trương cơ bắp, phương Tây, và cụ thể là Mỹ, cần phản ứng ra sao ? Courrier International đã trích dẫn một bài báo trên tờ báo Mỹ Washington Post, cho rằng Hoa Kỳ cần phải nhanh chóng tái lập đối thoại với Nga, một quan hệ đang càng lúc càng phức tạp sau khi Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ.

Riêng nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung thì cho rằng khi tuyên bố hung hăng trên vấn đề vũ khí hạt nhân, Vladimir Putin đã lao vào một chuộc chạy đua võ trang mà ông ta không thể thắng. Có điều là hành động này của tổng thống Nga không phải là không nguy hiểm.

Bí mật về các điệp viên

Hồ sơ lý thú nhất trên các tạp chí Pháp tuần này có lẽ nằm trên tờ Le Point, đã dành trang bìa cho các "Bí mật của các điệp viên Pháp".

Trong hồ sơ dài 15 trang, Le Point trước tiên ghi nhận quân số ngày càng tăng của lực lượng bí mật này : Ở cơ quan tình báo hải ngoại DGSE, hiện có 6500 người, so với 5000 nhân viên trong năm 2014. Còn tại cơ quan phản gián DGST, đang có 4400 người làm việc, trong khi mà vào năm 2014, đơn vị này chỉ có khoảng 3300 nhân viên.

Tạp chí Pháp đặc biệt phác họa chân dung của một số gương mặt lớn của ngành tình báo Pháp, và dành 5 trang để nói về tướng Philippe Rondot (1936-2017), bí danh Max, một nhân vật được coi huyền thoại của ngành tình báo Pháp, nổi tiếng với vụ bắt giữ tay khủng bố khét tiếng Carlos tại Sudan vào năm 1994.

Theo ghi nhận của Le Point, tổng thống Pháp Macron rất quan tâm đến ngành tình báo, nhưng một sĩ quan Pháp đã nhắc nhở rằng ông không nên quên quân đội nói chung trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho đất nước.

Le Point đã được độc quyền giới thiệu trước quyển Từ Điển Tình Báo (Dictionnaire du renseignement) mà tác giả là những nhân vật thực thụ trong ngành. Quyển sách sắp ra mắt độc giả bao gồm hàng trăm đề mục, nói về những khuôn mặt tiêu biểu trong lịch sử tình báo, những vụ gián điệp nổi bật, các phương pháp hoạt động, các tổ chức…

Ngoài những thông tin bổ ích, quyển từ điển còn có nhiều mẩu chuyện vui nhưng có thật, ví dụ như trường hợp một nhân viên CIA của Mỹ vào năm 2008 hoạt động tại Afghanistan. Vào lúc đang bị khó khăn trong việc thu thập thông tin, điệp viên Mỹ này gặp một tộc trưởng Afghanistan đã già nhưng có bốn cô vợ trẻ. Anh đã sáng trí tặng cho người này bốn viên thuốc Viagra. Lần tiếp xúc thứ hai đã cho thấy ngay hiệu quả của món quà : Vị tộc trưởng đã vui vẻ cung cấp rất nhiều thông tin về phong trào Taliban và các tuyến cung cấp của lực lượng này. Và cuộc nói chuyện kết thúc bằng việc xin thêm vài viên Viagra !

Dân Pháp ủng hộ việc mang thai hộ và thụ tinh nhân tạo

L’Obs đã chú ý đến vấn đề được gói trong hai nhóm từ tắt PMA-GPA, ghi bằng chữ lớn trên trang bìa, dưới ảnh một cậu bé kháu khỉnh, bên trên lời hô : "Người Pháp đồng ý !". Bên trong là một hồ sơ dài 15 trang.

PMA đến từ Procréation Médicalement Assistée, nghĩa là "Sinh sản với sự hỗ trợ của y học", hay nói đơn giản hơn là thụ thai nhân tạo, hoặc là thụ tinh trong ống nghiêm. GPA là chữ viết tắt của Gestation Pour Autrui, tức là "Mang thai hộ người khác".

Đây là hai hoạt động vẫn còn bị hạn chế tại Pháp, mang thai hộ người khác bị cấm hoàn toàn, trong lúc thụ tinh nhân tạo để có con bị cấm nơi các cặp đồng giới tính hay phụ nữ độc thân. Thế nhưng, điều được tuần báo L’Obs ghi nhận, thông qua một cuộc thăm dò do viện BVA thực hiện, là đa số người Pháp ngày nay đã cởi mở hẳn ra và chấp nhận hai vấn đề này :

Có đến gần 60% ủng hộ việc cho các cặp phụ nữ đồng tính, cũng như phụ nữ độc thân được quyền dùng phương pháp thụ tinh nhân tạo để có con. Điều đáng ngạc nhiên hơn là 55% người được hỏi cũng tán đồng hành động mang thai hộ người khác, và hơn 70% người Pháp giờ đây nghĩ rằng một cặp vợ chồng đồng tính có thể nuôi dạy một đứa trẻ một cách đàng hoàng.

Cuộc thăm dò như vậy đã xác nhận một chuyển biến nhận thức quan trọng trong xã hội Pháp vào lúc bộ luật về đạo đức sinh học sẽ được điều chỉnh từ nay đến cuối năm (2018).

Nhà thần học Hồi giáo Tariq Ramadan bị tố lạm dụng tình dục

Tạp chí L’Express cũng bỏ qua các vấn đề quốc tế nóng bỏng để xoáy vào một vụ tai tiếng lạm dụng tình dục đang sôi nổi tại Pháp : Học giả Tariq Ramadan, giáo sư thần học Oxford, một tên tuổi của xu hướng Hồi giáo có thể nói là cực đoan, từng được nhiều học giả, trí thức hay giới trẻ Hồi giáo tung hô, đã bị nhà chức trách Pháp tống giam sau khi bị ít nhất là ba phụ nữ tố cáo về tội hiếp dâm.

L’Express đã dành trang bìa và một hồ sơ dài 12 trang để công bố những "Tiết lộ mới về vụ Ramadan", đặc biệt là trường hợp của "Marie", một cô gái đã nộp đơn kiện Tariq Ramadan tại Paris về tội cưỡng dâm. Cho đến nay, học giả Hồi giáo này luôn bác bỏ những cáo buộc, cho rằng những phụ nữ kiện ông là những kẻ hoang tưởng, trục lợi, nhưng theo L’Express, "câu chuyện của Marie, với hàng ngàn tin nhắn SMS hoặc tài liệu khác mà các nhà điều tra sẽ phân tích, có vẻ rất đáng tin cậy".

Điểm mà L’Express chú ý là hiện một chiến dịch bênh vực Tariq Ramadan đang được tung ra, mà một trong những nhà tài trợ là một doanh nhân người Tunisia, thành thạo trong việc phản công trên Internet, có dưới tay cả một đạo quân gồm từ 1000 đến 2000 "tài khoản giả" trên các mạng xã hội…

Theo L’Express, những người ủng hộ của Ramadan đã được khuyến khích gởi thơ khiếu nại việc Tariq Ramadam bị truy bức đến các tòa soạn báo chí, một bức thư được định dạng sẵn. Bên cạnh đó, cũng có khoảng sáu mươi "trí thức và nhân sĩ thuộc mọi giai tầng xã hội" đã ký tên vào một bài viết đăng trên báo mạng Mediapart ở Pháp, đòi "công lý bình đẳng và vô tư" cho Tariq Ramadan.

Vấn đề được L’Express ghi nhận tuy nhiên là nếu chiến dịch bênh vực Tariq Ramadan có vẻ sôi nổi trên mạng, thì trên đường phố, chiến dịch này hầu như thất bại. Thứ Bảy, mồng 03 tháng Ba vừa qua, trên quảng trường Trocadéro ở Paris, chỉ là một vài chục người là đã dũng cảm chịu đựng giá rét cuối mùa đông để đến biểu tình ủng hộ học giả Hồi giáo.

Cuộc chiến tranh nhôm thép của Donald Trump

Quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế trên nhôm thép nhập khẩu dĩ nhiên đã được các tuần báo bình luận. Đáng chú ý nhất có lẽ là phân tích trên Courrier International, trích dịch bài viết của tờ báo Mỹ Bloomberg Businessweek tại New York, tố cáo sự kiện "Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của Trump làm lợi cho Bắc Kinh".

Theo tờ báo, khi đánh thuế nhập khẩu trên thép và nhôm, Washington đã đánh vào những nước bạn mà lẽ ra Mỹ nên kết hợp để ngăn chặn Trung Quốc, một nước nổi tiếng là không từ một trò xấu nào để giành thắng lợi.

Tuần báo Pháp L’Express cũng lo lắng về cuộc chiến tranh thương mại có thể nổ ra giữa Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ do vụ thuế thép và nhôm của Donald Trump.

L’Express đã nêu bật phản ứng của châu Âu khi cho biết : "Jean-Claude Juncker, chủ tịch Uỷ Ban Châu Âu, vừa vạch ra một danh sách các sản phẩm thường được sản xuất tại Mỹ, như bơ đậu phộng, nước cam ở California, rượu Bourbon hoặc xe máy Harley-Davidson".

Có điều là L’Express đã nói thêm : "Tất cả đều được sản xuất tại các bang của trong tay đảng Cộng Hòa – những nơi mà Bruxelles có thể áp dụng các biện pháp trả đũa".

Nhận xét trên có phần không chính xác : California không hề là một tiểu bang trong tay đảng Cộng Hòa, thống đốc hiện thời của California là một đảng viên Dân Chủ, và bản thân tiểu bang này đang đấu tranh chống chính quyền Trump !

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Putin không cải cách nổi Nhà nước Nga

Đòn phản công "giới hạn" của Anh chống Nga trong nghi án đầu độc cựu gián điệp, tổng thống Trump nhắm tăng thuế với 60 tỉ hàng hóa Trung Quốc, chủ trương "xóa bỏ" quy chế đặc biệt dành cho nhân viên hỏa xa của chính phủ Pháp vấp phải phản ứng quyết liệt từ các nghiệp đoàn là một số tít lớn.

putin1

Trang bìa một cuốn sách mới về tổng thống Nga : "Vivre avec Putin/Sống với Putin" của Claude Blanchemaison.© Editions Temporis

Nước Nga, trước cuộc bầu cử tổng thống Chủ Nhật tới 18/03/2018, với phần thắng được xem như chắc chắn thuộc về ông Putin, là chủ đề thu hút hầu hết các báo. Les Echos có bài phân tích về "những thất vọng", "bất an" tràn ngập xã hội Nga, trái ngược với các tuyên truyền của Moskva.

"Putin hay sự thất bại của hiện đại hóa" của Les Echos mở đầu với một cuộc trò chuyện thân mật giữa một nhóm đồng nghiệp xung quanh tách cà phê. Tất cả đều chắc chắn là Putin sẽ lại tái đắc cử, nhưng mặt khác tất cả cũng đều phẫn nộ về tình trạng "kinh tế bế tắc", "chính trị tù đọng", và "mong mỏi xã hội được tự do hơn", họ lo ngại thế đối đầu giữa Nga với phương Tây không biết đến khi nào mới dứt.

Những nhân vật trong câu chuyện mà Les Echos thuật lại không phải là các nhà ly khai, họ làm việc cho một tập đoàn năng lượng lớn của Nhà nước Nga, có lương bổng hậu hĩnh. Tất cả đều được hưởng lợi nhờ hai thập niên "ổn định" dưới thời Putin, sau thập niên "hỗn loạn" những năm 1990 hậu Xô Viết. Tuy nhiên, tất cả đều quyết định sẽ không bầu cho ông Putin ngày Chủ Nhật tới. Một người trong số họ giải thích : "ổn định mà điện Kremlin bảo đảm nay không còn đủ nữa".

Theo Les Echos, thái độ bất mãn nói trên là rất phổ biến trong xã hội Nga, trước thềm bầu cử, đặc biệt trong "tầng lớp trung lưu mới". Thái độ này có xu hướng ngày càng gia tăng. Lý do chính là vì hệ thống chính trị hiện hành tại Nga "bất lực trong việc tự thay đổi", tiến hành các cải cách khẩn cấp để xây dựng một Nhà nước pháp quyền và giải phóng nền kinh tế.

Về kinh tế, Les Echos ghi nhận một phát biểu rất lạ thường mới đây của thủ tướng Medvedev, chống lại việc "tư nhân hóa", tại một diễn đàn kinh tế. Thủ tướng Nga từng một thời được coi là đại diện cho xu thế cải cách. Trên thực tế, hiện tại 70% kinh tế Nga phụ thuộc vào chính quyền, so với 50% cách đây ít năm.

Theo Les Echos, ông Putin chắc chắn sẽ tiếp tục tại vị, nhưng ông sẽ không thể trả lời được ba câu hỏi lớn. Thứ nhất là nước Nga hình dung thế nào về vị trí của mình trong thế giới, ngoài các khiêu khích chống phương Tây ? Thứ hai là dự án kinh tế nào cho nước Nga, ngoài nguồn lợi chủ yếu từ dầu mỏ lâu nay ? Và thứ ba là tổng thống Putin sẽ chuẩn bị thế nào cho việc chuyển tiếp quyền lực sau hơn 20 năm cai trị ?

Giới tinh hoa Nga co lại

Les Echos nhận xét : Tổng thống Nga là một "nhà chiến thuật giỏi hơn là một nhà chiến lược tài ba", nước Nga Putin thành thạo trong các ứng xử tùy thời trong hiện tại, nhưng không táo bạo trong các dự phóng hướng đến tương lai. Nước Nga chắc chắn có rất nhiều tiềm năng gây bất ngờ, nhưng vấn đề là kể từ thời điểm Moskva sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, giới tinh hoa Nga "dường như đang sống co lại", tách rời khỏi thực tại, cự tuyệt cải cách.

Trái ngược với nỗi bất an, thất vọng phổ biến trong xã hội, cuộc tranh cử tổng thống Nga, theo Les Echos, thực chất chỉ là một màn trình diễn hoành tráng, với nhiều ứng cử viên do chính điện Kremlin dựng lên cho vở tuồng thêm màu mè.

Thứ nhất là nữ ứng cử viên Ksenia Sobtchak, với lập trường có vẻ tự do, thân phương Tây, nhưng mục tiêu chính điện Kremlin đưa nhân vật này ra là để che khuất nhà đối lập thực sự, ông Alexei Navalny thân Châu Âu, người bị tước quyền ứng cử.

Nhân vật thứ hai Pavel Grudinin, nổi tiếng là một "nhà cộng sản triệu phú", được dựng lên nhằm quyến rũ nhóm cử tri cánh tả có quan điểm thân phương Tây. Tuy nhiên, để hãm bớt ảnh hưởng đang ngày càng mạnh của "nhà cộng sản triệu phú", truyền thông Nhà nước Nga không ngừng đưa ra các chiêu trò bôi nhọ ông.

Thế hệ trẻ thờ ơ với Putin

Về cuộc bầu cử tổng thống Nga, Le Figaro có bài giới thiệu một số gương mặt chính, trong cuộc bỏ phiếu ngày mai. Trong khi đó, La Croix có hai bài phóng sự thú vị. Bài thứ nhất nói về những suy nghĩ của giới trẻ Nga, từ 18 đến 25 tuổi. Phóng sự cho thấy đa số những người lớn lên dưới thời Putin có thái độ rất dè dặt với chính trị, đặc biệt là cảnh giác với các tuyên truyền của điện Kremlin.

Lôi kéo cử tri : Muôn hình muôn vẻ

Phóng sự thứ hai cho biết, trước sự thờ ơ của xã hội Nga, Moskva đã sử dụng hàng loạt thủ đoạn để huy động cử tri đi bỏ phiếu. La Croix thuật lại, kể từ tháng Hai đến nay, nhiều đoạn video rất lạ đời, không rõ xuất xứ, được các diễn viên chuyên nghiệp đóng vai, rất phổ biến trên các mạng xã hội Nga.

Trong số đó, có một đoạn phim mô tả cơn ác mộng của một người không đi bỏ phiếu ngày 18/03. Nhiều quân nhân mang trang phục như thời cộng sản đến gõ cửa bắt ông đi lính, ắt hẳn theo lệnh của một tân tổng thống theo cộng sản. Hoảng sợ, chạy vào bếp, ông bất ngờ gặp phải một người đồng tính đã chiếm hữu vị trí này không biết từ lúc nào, ắt hẳn là theo luật mới do một lãnh đạo thân phương Tây ban bố. Tỉnh dậy, thoát cơn ác mộng, cử tri này vội vã chạy đi bỏ phiếu.

Có khoảng một chục đoạn video tương tự được tung ra để đánh đòn cân não.

Bà Clémentine Fauconnier, chuyên gia về Nga của Trường EHESS, nhận xét : Sau thất bại thảm hại của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử 2016 (với kết quả dưới 50% lần đầu tiên kể từ khi Putin lên nắm quyền), Kremlin tìm mọi cách để chống nạn vắng mặt, với các biện pháp muôn hình, muôn vẻ.

Từ tổ chức thi chụp ảnh selfie trong phòng bỏ phiếu, để tranh giải điện thoại di động Iphone 10, hay tặng vé đi xem buổi hòa nhạc thời thượng của Egor Kreed, một nhân vật rất được giới trẻ hâm mộ, hay tổ chức các buổi trưng cầu dân ý địa phương về xây dựng các công trình phúc lợi, như công viên, nhà hát, trùng với ngày bầu cử…

Trump đe kiện Trung Quốc ra WHO

Sau khi tấn công Liên Hiệp Châu Âu với đe dọa tăng thuế thép-nhôm, đến lượt Trung Quốc là đích nhắm của chính quyền Donald Trump.

Theo Les Echos, Washington sẽ tăng thuế đối với khoảng 30 đến 60 tỉ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu. Chính quyền Trump tố cáo Bắc Kinh gây thiệt hại cho Mỹ đến 30 tỉ đô la/năm, do xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là bắt buộc các doanh nghiệp Mỹ nào muốn kinh doanh tại Trung Quốc phải "chuyển giao công nghệ".

Washington dự định đưa vụ việc ra trước Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), nhằm thu hút sự tham gia của một số quốc gia khác, cũng là nạn nhân của Trung Quốc (điều trớ trêu là theo nhiều nhà quan sát, chính cơ quan trọng tài của WTO có nguy cơ bị tê liệt trong những tháng tới, do thiếu thẩm phán, mà Mỹ lại chính là quốc gia cản đường việc bổ nhiệm - người viết).

Hai câu hỏi mà Les Echos đặt ra là : Liệu chủ trương mới của Donald Trump có được "các đồng minh" - như Châu Âu hay Hàn Quốc - ủng hộ hay không, đúng vào lúc họ vừa bị Washington tấn công trong lĩnh vực nhôm - thép ?

Thứ hai là các nghiệp đoàn thuộc các ngành công nghiệp của Mỹ, tuy bất mãn với Trung Quốc, nhưng cũng rất lo ngại về các biện pháp tăng thuế có thể dẫn đến các trả đũa từ Bắc Kinh.

Trung Quốc : Mở rộng "chống tham nhũng" theo kiểu Tập Cận Bình

Vẫn về Trung Quốc, Le Figaro tiếp tục theo dõi các diễn biến của Quốc hội Trung Quốc, sẽ kết thúc vào tuần tới, với bài "Bắc Kinh mở rộng cuộc chiến chống tham nhũng". Luật xử "công chức tham nhũng" sẽ được thông qua đầu tuần tới.

Với luật mới, "cuộc chiến chống tham nhũng" theo kiểu Tập Cận Bình giờ đây sẽ nhắm vào toàn bộ giới công chức, viên chức, thay vì chỉ là 90 triệu đảng viên Đảng cộng sản như trong 5 năm vừa qua.

Luật chống tham nhũng mới dự kiến sẽ chỉ cho phép tạm giữ nghi phạm tối đa là 6 tháng. Quy định "song quy" (shuangui) của Ủy ban Kiểm tra trung ương, hoàn toàn nằm ngoài hệ thống pháp lý, đã dẫn đến rất nhiều trường hợp giam giữ vô thời hạn, và tra tấn nhằm ép cung. So với cách xử lý nội bộ nói trên, tuy luật mới có vẻ như minh bạch hơn, nhưng nhiều luật sư, nhà bảo vệ nhân quyền lo ngại luật sẽ không cản được các lạm quyền phổ biến.

Luật chống tham nhũng mới sẽ tăng gấp đôi số đối tượng bị theo dõi. Kể từ giờ các các công chức có thể bị bắt bất cứ lúc nào, trong các điều kiện mờ ám. Theo một chuyên gia Trung Quốc, hệ quả chính của nỗ lực chống tham nhũng theo kiểu Tập Cận Bình là "hủy bỏ thực sự ranh giới vốn đã rất mỏng manh giữa Đảng cộng sản và Nhà nước tại Trung Quốc".

Đàm phán Trump - Kim : "Phi hạt nhân hóa" mỗi bên hiểu một khác

Vẫn về thời sự Châu Á, Le Monde có phân tích đáng chú ý của nhà báo Alain Frachon về các khả năng đàm phán giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, với cuộc gặp dự kiến vào tháng 5.

Nhà báo Le Monde nhấn mạnh đến những cách hiểu rất khác nhau giữa hai bên xoay quanh thuật ngữ chung "phi hạt nhân hóa" bán đảo Triều Tiên, mà hai bên tạm thời đồng ý.

Nếu như đối với Donald Trump, phi hạt nhân hóa có nghĩa là Bình Nhưỡng phải từ từ dỡ bỏ hoàn toàn hệ thống vũ khí hạt nhân, trong khi đó, với Bắc Triều Tiên, việc phi hạt nhân hóa rất có thể sẽ phải đi kèm với việc Hoa Kỳ triệt thoái 30.000 binh sĩ tại Hàn Quốc, cũng có nghĩa là "giải trừ quân bị" song phương. Le Monde hoài nghi khả năng lèo lái của Donald Trump.

Nghi án cựu điệp viên Nga trúng độc : Khủng hoảng còn dài

Trở lại thời sự Châu Âu, nghi án cựu điệp viên Nga bị đầu độc tiếp tục ám ảnh quan hệ phương Tây - Nga. Theo Le Monde, chính quyền Anh đã có phản ứng chừng mực với Moskva, với việc trục xuất 23 nhà ngoại giao. Hành động được đánh giá là một cuộc phản công, nhưng Luân Đôn vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại.

Xã luận Le Monde nhấn mạnh là phương Tây đoàn kết trong một mặt trận chung, đối mặt với Moskva, qua các phản ứng tức thời của lãnh đạo khối NATO, của Hoa Kỳ, nhưng đồng thời cũng dự đoán đây sẽ là "một cuộc khủng hoảng kéo dài và sâu rộng, vượt xa khỏi mối quan hệ song phương giữa Luân Đôn và Moskva".

Văn học Nga : Kremlin triển khai "quyền lực mềm", gạt bỏ tác phẩm phản kháng ?

Le Monde dành phụ trương đặc biệt cho văn học Nga, nhân dịp bầu cử tổng thống, nhưng cũng là dịp nước Nga là "khách mời danh dự" của Triển lãm Sách Paris 2018, vừa khai mạc hôm 16/03 (sẽ diễn ra đến 19/03).

Bài "Phổ biến văn học Nga như một quyền lực mềm" giới thiệu chiến lược đưa văn học cổ điển Nga ra nước ngoài, được khởi sự từ năm 2012. Theo đó Cơ quan xuất bản Nga tài trợ toàn bộ cho việc dịch và ấn hành của hơn một trăm đầu sách, do nhà xuất bản các nước lựa chọn trong số 150 cuốn mà phía Nga đề xuất. Dự án đã được khởi sự tại Trung Quốc, Mỹ và Anh, và giờ đến lượt Pháp.

Việc dịch thuật các tác phẩm văn học cổ điển hiển nhiên là chuyện đáng được khuyến khích, có lợi cho hình ảnh nước Nga - quốc gia có một nền văn học cổ điển đáng ngưỡng mộ, thế nhưng nhiều người cảnh giác trước việc Kremlin gạt các tác giả có quan điểm "chống độc tài" ra ngoài.

Tương tự trong cuộc Triển lãm Sách Paris, mà Nga là khách mời danh dự, Le Monde nhận thấy rất nhiều tên tuổi lớn của văn học Nga vắng mặt trong đoàn khách mời chính thức. Nhà văn nổi tiếng Boris Akunin cũng nhận lời mời, nhưng là khách mời riêng của một nhà xuất bản Pháp.

Cũng trong phụ trương này, Le Monde chọn giới thiệu một tác giả lớn của nền văn học Nga. Nhà thơ Ossip Madenstam, với toàn bộ tác phẩm như một lời thách thức trực diện nhắm vào lãnh đạo độc tài Stalin. Ông chết năm 1938, trong một trại tập trung. Ossip Madenstam đã dành những vần thơ tha thiết nhất để ngợi ca cuộc sống ngay cả trong cảnh khốn cùng.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Trung Quốc gia tăng kiểm soát chặt chẽ 10 triệu dân Duy Ngô Nhĩ, tộc người Thổ Nhĩ Kỳ theo Hồi Giáo tại Tân Cương, vùng tự trị viễn Tây đất nước. Số liệu thống kê chính thức đưa ra hôm qua 14/03/2018 cho thấy ngân sách cho chiến dịch an ninh mang tên "Đánh mạnh" do chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng đã tăng gấp đôi trong vòng một năm.

tancuong1

Ảnh chụp ngày 26/06/2017 cho thấy lực lượng an ninh đứng canh gác khi người Hồi Giáo tới buổi cầu nguyện Eid al-Fitr ở đền thờ Id Kah tại Kashgar, thuộc vùng tự trị Tân Cương, Trung Quốc. Johannes EISELE / AFP

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmidt cho biết thêm chi tiết :

"Trang bị camera nhận dạng khuôn mặt và vũ khí tối tân nhất cho 100.000 nhân viên cảnh sát vừa được tuyển dụng để bảo đảm ổn định vùng Tân Cương, khu vực mà Bắc Kinh nói là phải chiến đấu chống lại ‘‘những thành phần đòi ly khai, cực đoan và khủng bố’’ : Tất cả những thứ ấy đều rất tốn kém, giá rất là đắt.

Trong giai đoạn 2016-2017, chi tiêu cho an ninh của vùng tự trị này đã tăng lên gần 93%, đạt mức 7 tỷ euro, theo như một báo cáo chính thức được công bố bên lề cuộc họp Quốc hội. Cao gấp 10 lần so với cách nay 10 năm.

Nhà nghiên cứu Adrien Zenz, vừa cho đăng một nghiên cứu về việc bùng nổ ngân sách, nhấn mạnh rằng Trung Quốc chi tiêu cho an ninh vùng Tân Cương nhiều hơn là Mỹ chi cho toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ.

Ông Chen Quanguo, người cai trị vùng tự trị này từ mùa hè năm 2016 bằng bàn tay sắt, thì lại tỏ ra hồ hởi trước các đại biểu : "Chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc duy trì bình ổn xã hội tại Tân Cương, vốn cho đến giờ vẫn là một mặt trận chính trong cuộc chiến chống khủng bố".

Minh Anh

Published in Châu Á

Liên Hiệp Quốc : "Chính quyền Cam Bốt không cải thiện tình trạng nhân quyền" (RFI, 15/03/2018)

Ngày 14/03/2018, báo cáo viên Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, giáo sư Rhona Smith, đã kết thúc chuyến công tác 10 ngày tại Cam Bốt. Bà cho rằng khi gây sức ép, hạn chế các quyền tự do chính trị và báo chí, chính quyền Phnom Penh đã phạm sai lầm khi không ưu tiên cải thiện và phát triển nhân quyền trong nước.

campu1

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Rhona Smith (T) đã kêu gọi chính phủ Cam Bốt lựa chọn con đường tôn trọng nhân quyền.RFI/ Siv Channa

Từ Phnom Penh, thông tín viên Juliette Buchez cho biết thêm thông tin :

"Sau chuyến thăm Cam Bốt, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền cho rằng nước này đang ở ngã tư đường. Do vậy, bà Rhona Smith kêu gọi chính phủ Cam Bốt hãy lựa chọn con đường tôn trọng nhân quyền.

Bà nói : Tôi đã bày tỏ lo ngại do tầm quan trọng của các khuyến cáo nhấn mạnh là cần ưu tiên duy trì hòa bình, ổn định và phát triển về nhân quyền. Do vậy, tôi nhắc lại rằng nhân quyền có tầm quan trọng đặc biệt để có được hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Các quyền này không thể bị chà đạp hoặc bỏ qua, tùy theo từng trường hợp.

Từ mùa hè năm ngoái, Cam Bốt đã bị chỉ trích sau khi chính quyền đóng cửa nhiều cơ quan truyền thông, giải tán đảng đối lập chính hoặc đưa ra đạo luật về tội khi quân. Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc cho biết : Tôi đã nêu ra nhiều trường hợp với chính phủ Cam Bốt và theo tôi, những trường hợp này cho thấy bầu không khí lo sợ, hăm dọa. Điều này rất nghiêm trọng vì sắp tới có bầu cử.

Trường hợp nghiêm trọng nhất là việc giải tán Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt. Trước đó, đảng đối lập này có 55 dân biểu trong tổng số 123 ghế tại nghị viện và giờ đây, dường như không còn một chính đảng nào có thể đảm trách được vai trò đối lập.

Theo báo cáo viên Liên Hiệp Quốc, nếu không có đảng đối lập tham gia cuộc bầu cử được tổ chức vào tháng Bảy, thì đây là một vấn đề nghiêm trọng, đối với bất kỳ quốc gia nào có Hiến Pháp chủ yếu dựa vào hệ thống bầu cử và chính trị đa đảng. Trước mặt các nhà báo, bà Rhona Smith nhắc lại rằng nhiều nước đã chỉ trích tính chính đáng của cuộc bầu cử lập pháp tại Cam Bốt".

Minh Anh

******************

Thượng đỉnh với ASEAN : Giới nhân quyền kêu gọi Úc không nhượng bộ độc tài (RFI, 15/03/2018)

Thượng đỉnh Úc-ASEAN diễn ra cuối tuần (17-18/03/2018). Nhiều tổ chức tranh đấu kêu gọi Úc nhấn mạnh đến nhân quyền nhân dịp này, tránh thỏa hiệp với "các lãnh đạo độc tài", đồng thời hậu thuẫn xây dựng dân chủ.

campu2

Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, người cầm quyền suốt 33 năm qua, bị tố cáo đã sử dụng các mạng xã hội để tìm ra những người chỉ trích chính quyền. Ảnh chụp tại Phnom Penh ngày 19/01/2018. Samrang Pring / Reuters

Thượng đỉnh Úc-ASEAN lần đầu tiên diễn ra tại Canberra có đích chính là thúc đẩy kinh tế và phối hợp chống khủng bố. Giới tranh đấu lo ngại nhiều hồ sơ nóng bỏng ở Đông Nam Á bị Úc gạt sang lề. Hôm qua, Human Rights Watch (HRW) thông báo quan ngại về xâm phạm nhân quyền tại 8 nước Cam Bốt, Indonesia, Malaysia, Miến Điện, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

HRW tố cáo việc nhiều tổ chức dân sự, truyền thông độc lập bị đàn áp, định chế dân chủ bị tấn công. HRW đặc biệt chú ý đến việc quân đội Miến Điện đàn áp người Rohingya, cuộc chiến chống ma túy đẫm máu ở Philippines và Cam Bốt nỗ lực loại bỏ đối lập trước thềm bầu cử tháng 7/2018. Giám đốc văn phòng Úc của HRW, bà Elaine Pearson, nhấn mạnh : "Nếu Úc thất bại…, đây không chỉ là cơ hội tuyên truyền cho một số lãnh đạo ASEAN độc tài, mà còn khuyến khích gia tăng đàn áp…".

Cũng trong thông báo nói trên, HRW đề nghị Úc, "quốc gia dân chủ lâu đời nhất trong khu vực", hậu thuẫn lãnh đạo ASEAN nào "muốn cải cách thực sự, cổ vũ họ cộng tác với các tổ chức dân sự, để xây dựng các định chế dân chủ".

Đặt vấn đề nhân quyền trong thượng đỉnh có thể gây khó khăn cho lãnh đạo một số nước. Tổng thống Philippines từ chối dự thượng đỉnh, trong bối cảnh áp lực quốc tế gia tăng. Úc từng chỉ trích mạnh Manila tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Thủ tướng Cam Bốt, trước nguy cơ bị phản đối dữ dội tại Úc, đe dọa làm Canberra "mất mặt", với việc không ký tuyên bố chung.

Trọng Thành

Published in Châu Á

London - Moskva : Theresa May đọ sức với Vladimir Putin

"Chiến tranh lạnh", thủ tướng Anh "đi thêm một nước cờ", "so càng", "trả đũa", "giọng điệu cực kỳ cứng rắn". Báo chí Paris ngày 15/03/2018, mượn nhiều thuật ngữ trong binh thư khi bình luận về phản ứng mạnh mẽ của Luân Đôn sau vụ cựu điệp viên hai mang Skripal và con gái bị đầu độc. Nhìn từ số 10 Downing Street, thủ phạm là nước Nga của Vladimir Putin.

london1

Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trước nghị viện Anh Quốc, ngày 14/03/2018. Reuters

Vụ đầu độc hai bố con ông Skripal là "giọt nước làm tràn ly", buộc Luân Đôn phải ra tay sau 14 vụ ám sát liên quan đến các nhà đối lập Nga trên đất Anh, theo ghi nhận của báo La Croix. Nhật báo kinh tế Les Echos nói đến "Đợt trục xuất các nhà ngoại giao quy mô nhất", khi Luân Đôn gia hạn một tuần lễ cho 23 nhà ngoại giao Nga rời khỏi nước Anh. Luân Đôn cũng đình chỉ mọi đối thoại với Moskva ở cấp cao, rút lại lời mời ngoại trưởng Lavrov sang Anh và sẽ không có một quan chức cao cấp nào trong thành phần chính phủ hay trong hoàng gia đến dự cúp bóng đá Thế Giới, lần đầu tiên tổ chức tại Nga và sắp mở ra trong chưa đầy một trăm ngày nữa.

Riêng thủ tướng Theresa May, bà không ngần ngại "nêu đích danh" ông Vladimir Putin trong vụ đầu độc hai cha con cựu điệp viên Serguei Skripal hôm 04/03/2018 khi lên án "Nhà nước Nga sử dụng vũ lực bất hợp pháp nhắm vào nước Anh". Để trả đũa, Luân Đôn hứa sẽ phong tỏa tài sản của Nga ở "bất kỳ nơi nào mà nước Anh có được bằng chứng là những tài sản đó được dùng vào mục đích đe dọa các công dân Anh".

Thái độ cứng rắn của thủ tướng May khiến "hàng ngàn người Nga sống tại Luân Đôn và cả khu trung tâm tài chính City lạnh xương sống", bởi vì, như báo Libération giải thích : "Kiều dân Nga mỗi năm, vẫn rót hàng tỷ đồng bảng Anh vào các ngân hàng, vào thị trường địa ốc trên vương quốc Anh".

Thông tín viên của Libération tại Luân Đôn lưu ý, lời lẽ "cực kỳ cứng rắn của thủ tướng Anh lần này, trái ngược hẳn với sự thờ ơ và phản ứng rất dè dặt của chính quyền Anh trong vụ cựu điệp viên Alexandre Litvinenko bị đầu độc bằng chất Polonium 210 có nồng độ phóng xa rất cao, hồi năm 2006. Phải mất 10 năm, công chúng mới được biết sự thật. Theresa May lúc ấy ở cương vị bộ trưởng Nội Vụ trong một thời gian dài đã ngăn cản công cuộc điều tra". Bà luôn chủ trương Luân Đôn "nên giữ quan hệ ngoại giao với nước Nga" là hơn.

Tính toán của thủ tướng May

Trong nhiều năm, Luân Đôn không mấy hào hứng trước việc "trực tiếp đối đầu" với Moskva. Vậy, lần này có gì khác ?

Về mặt đối nội, bà May đang cần được Quốc hội yểm trợ trong lúc bà đang bị cả đối lập lẫn đảng bảo thủ chỉ trích về hồ sơ Brexit. Còn về đối ngoại, Libération nhận thấy thủ tướng Anh đang tìm cách "lôi kéo cộng đồng quốc tế về phía Luân Đôn" trong cuộc đọ sức với Moskva, làm sống lại bầu không khí những năm tháng "chiến tranh lạnh".

Le Monde bình luận, trong mọi trường hợp, tính toán của bà Theresa May "hết sức tế nhị". Ba ngày trước bầu cử tổng thống Nga mà kết quả đã được báo trước, chiến lược cứng rắn của Luân Đôn càng tô điểm thêm hình ảnh của một Vladimir Putin một mình đương đầu với phương Tây. Lá bài ấy giúp ông Putin kiếm phiếu của cử tri.

Angela Merkel, một nhiệm kỳ mới với nhiều thách thức

Nhân vật nữ thứ nhì chiếm nhiều trang trên các tờ báo Pháp là thủ tướng Đức Angela Merkel, sau khi bà chính thức tuyên thệ nhậm thêm nhiệm kỳ thứ tư.

Phải mất sáu tháng sau bầu cử, bà Merkel mới thành lập được nội các với tỷ lệ tín nhiệm ở Quốc hội thấp hơn dự kiến. "Chưa gì mà đa số ủng hộ Merkel ở Quốc hội đã bị thu hẹp" là tựa một bài báo trên Le Figaro. Tờ Les Echos nêu bật những thách thức chờ đợi bà Angela Merkel ở nhiệm kỳ vừa chính thức mở ra hôm 14/03/2018 : "Có 15 bộ trưởng, trong đó có 7 phụ nữ, ưu tiên của nội các mới là phải vượt qua những bất ổn chính trị trong nước có thể cản trở mọi kế hoạch cải tổ, trong đó có tham vọng cải tổ Liên Hiệp Châu Âu." Chính sách nhập cư và thương mại là những hồ sơ nhậy cảm không kém.

Le Monde đi sâu hơn vào chi tiết trong bài xã luận : "25 tuần lễ để thành lập chính phủ và đà vươn lên của phe cực hữu là hai thách thức chờ đợi thủ tướng Merkel trên chính trường Đức. Còn trên trường quốc tế, đành rằng, đồng euro không còn bị đe dọa như hồi năm 2009, nhưng trên cả Lục Địa Già, các làn sóng bài châu Âu đang dâng cao. Trung Quốc, Nga, và cả Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành những chế độ độc đoán, còn nước Mỹ của Donald Trump đang mở ra một cuộc chiến thương mại với toàn thế giới. Angela Merkel bước vào một nhiệm kỳ thủ tướng mới trong hoàn cảnh bất thuận lợi hơn bao giờ hết".

Iran, Bắc Triều Tiên : hai hồ sơ nhạy cảm trong tay phe "diều hâu"

Hồ sơ quốc tế thứ ba được cáo báo Pháp tiếp tục bình luận nhiều là sự kiện Bộ ngoại giao Mỹ đổi chủ. Theo La Croix, để chuẩn bị cho hai sự kiện ngoại giao quan trọng trong tháng 05/2018, Nhà Trắng đã chọn nhân vật "diều hâu" Mike Pompeo đứng đầu Bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Hai sự kiện ngoại giao đó gồm việc Mỹ có tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hay không và cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Donald Trump với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un.

Tờ báo lo ngại rằng tổng thống Mỹ không chọn đúng người để đứng đầu Bộ ngoại giao : "Từng phục vụ trong quân đội, từng là một doanh nhân trước khi ra làm chính trị, nhưng tài ngoại giao của ông này tới nay còn là một ẩn số".

Đầu năm 2017, khi được chỉ định đứng đầu cơ quan tình báo CIA, Mike Pompeo đã chủ trương là để cơ quan này thành công, CIA phải "hung hăng, thô bạo, không dung tha, quyết liệt và không nương tay". La Croix đặt câu hỏi : Liệu đó có là kim chỉ nam trong đường lối đối ngoại giao của người sắp thay thế ông Rex Tillerson hay không ?

Le Monde, trong bài viết mang tựa đề "Ngoại giao Mỹ trong tay một nhân vật cứng rắn", nói đến một sự "gần gũi" giữa hai nhân vật Donald Trump và Mike Pompeo. Giám đốc CIA làm việc với tổng thống Mỹ hàng ngày và trong lúc mọi người chỉ trích những tin nhắn thô bạo của Donald Trump trên Twitter thì Mike Pompeo cho rằng chính những dòng Twitt đó đã "có tác động thực sự để chúng ta hiểu được thế giới chung quanh". Le Monde bình luận thêm : "Lời ca tụng đó không lọt khỏi tai người được khen".

Bắc Triều Tiên trong mắt tân ngoại trưởng Mỹ

Về lập trường của ngoại trưởng Mỹ tương lai trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, tác giả bài báo, Gilles Paris, chờ đợi Mike Pompeo đưa ra một cái nhìn "bi quan hơn". Trong một phát biểu gần đây, giám đốc CIA từng khẳng định, Kim Jong-un trang bị vũ khí nguyên tử không chỉ để bảo đảm chế độ được tồn tại mà mục tiêu sau cùng của Bình Nhưỡng là "thống nhất bán đảo Triều Tiên".

Le Monde kết luận, với tin đồn là sớm muộn gì cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, tướng McMaster cũng sẽ ra đi, khi đó, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sẽ được đặt trong tay ba nhân vật là Donald Trump, ngoại trưởng Pompeo và đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley. Nhân vật này nổi tiếng là hiếu chiến.

Syria, một dân tộc quá mệt mỏi vì cuộc nội chiến

Ở cách rất xa Washington, tại Damascus, người dân "mệt mỏi vì chiến tranh". Nhưng chủ đề này không thu hút báo chí bằng việc ngoại trưởng Rex Tillerson bị cách chức một cách thô bạo.

La Croix chạy tựa trên trang nhất : "Syria, cả một dân tộc đang kiệt sức". Cuộc chiến tại Syria bước sang năm thứ 8, gần nửa triệu người thiệt mạng, 80% dân số sống trong cảnh bần cùng, một số ít lợi dụng chiến tranh và lệnh cấm vận làm giàu. La Croix là tờ báo duy nhất dành hai trang để nói về chủ đề này.

"Đến khi nào tai họa mới chấm dứt ? Biết đến bao giờ du khách trên thế giới mới trở lại Syria ?" là câu hỏi mà nhiều dân cư ở thủ đô Damas đã hỏi phóng viên của báo La Croix. Nhưng ngay cả khi im tiếng súng, làm thế nào để xóa đi dấu vết của chiến tranh, khi mà trong suốt 7 năm trời đã nảy sinh nhiều nghi kỵ giữa chính những con người sinh ra trên cùng một mảnh đất ? Syria làm thế nào để hàn gắn vết thương khi cuộc chiến đã cướp đi hơn 350 ngàn sinh mạng ?

Người Ả Rập cổ xưa tin rằng, những người bị ám sát, đêm đêm hiện hồn về đòi công lý, họ mang hình hài của những con chim, cất tiếng kêu thấu trời cho đến khi nào thủ phạm đền tội mới thôi. Một nhà văn Syria nói với phóng viên của La Croix, "sẽ có bao nhiêu con chim cất tiếng gào thét như thế trong đêm ?".

Tiền bạc chung quanh gia tài của Jonny Hallyday

Lơ là với thảm họa nhân đạo ở Syria, Le Monde, Le Figaro hay Libération đều mổ xẻ hiệp một trong cuộc đọ sức pháp lý giữa Laeticia, người vợ góa của nam danh ca Johnny Hallyday và hai người con lớn của ông là Laura Smet và David Hallyday. Mấu chốt trong hiệp đầu này liên quan tới đĩa hát cuối cùng của nam danh ca Johnny Hallyday sắp được cho ra mắt công chúng.

Laura và David đều là nghệ sĩ, thậm chí David từng soạn nhạc cho cha, đòi được quyền "can thiệp" vào đĩa hát cuối cùng của thần tượng Johnny. Can thiệp ở đây cần hiểu theo nghĩa là cả nghệ thuật và tác quyền. Libération chán ngán chạy tựa : Gia tài của Hallyday, giữa hai phe "chỉ có tiền bạc".

Các nhà văn Nga nghĩ gì về nước Nga của Putin ?

Vào lúc Hội chợ sách Paris 2018 sắp mở cửa, với khách mời danh dự năm nay là Nga, La Croix dành một hồ sơ lớn để nói về "Nước Nga của Putin trong mắt các nhà văn Nga".

Khoảng 30 cây bút của làng văn học Nga đương đại sẽ không đi bầu lại tổng thống vào Chủ Nhật này, vì họ đang ký sách ở Hội chợ Paris. Khi được hỏi về tình hình chính trị tại trong nước, nhiều người bực mình cho rằng họ đến Paris để nói chuyện về văn chương, chứ không để bình luận về chính sách của Putin.

Một vài cây bút khác, như nhà văn nữ Narina Abgaryan, 47 tuổi thì không ngần ngại tâm sự : nước Nga của tổng thống Putin là nơi "không có dân chủ, không có bình đẳng trước pháp luật và hệ thống tư pháp không được độc lập".

Theo nhận định của La Croix, giới văn nghệ sĩ ở Nga "chán nản, mệt mỏi". Văn sĩ Dmitri Danilov không vòng vo : bầu cử tổng thống tại Nga là "một trò hề để phục vụ một ứng cử viên mà ai cũng biết là đã cầm chắc phần thắng trong tay. Bầu cử tổng thống Nga, chẳng có gì đáng để chú ý".

Thanh Hà

Published in Quốc tế

Nga-Anh có nguy cơ khủng hoảng lớn

Theresa May luận tội Moskva. Washington chuẩn bị một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn. Ngân hàng Trung Quốc trước nguy cơ khủng hoảng. Angela Merkel bước vào thời hoàng hôn. Kinh tế Pháp lên điểm. Trên đây là những chủ đề quốc tế trên báo chí Pháp hôm nay.

anhnga1

Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trước Quốc Hội, ngày 14/03/2018. Parliament TV handout via Reuters

Bản cáo trạng của Theresa May

Khủng hoảng Nga-Anh trong vụ mưu sát cựu gián điệp đôi Serguei Skripal và sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đưa giám đốc tình báo CIA thay thế ngoại trưởng Rex Tillerson chiếm trang nhất thời sự. Theo La Croix, vụ cha con cựu sĩ quan an ninh quân đội Nga bị đầu độc có nguy cơ biến thành khủng hoảng quốc tế. Thủ tướng Anh Theresa May yêu cầu chính quyền Nga trả lời cũng như chuẩn bị các biện pháp trừng phạt.

Le Figaro nhấn mạnh đến kỳ hạn tối hậu thư ấn định vào giữa đêm thứ ba và dành một cột báo để nói về chất độc Novichok, một loại vũ khí hóa học bí mật của quân đội Liên Xô. Trong khi đó, Le Monde dành một bài dài để phân tích căn nguyên nguồn cội cuộc khủng hoảng này. Trong bài Theresa May luận tội Moskva, nhật báo độc lập của Pháp cho biết thủ tướng Anh dựa vào kết quả điều tra của cảnh sát khoa học Anh, nhận dạng được hóa chất sử dụng đầu độc cựu sĩ quan tình báo Nga hoạt động cho gián điệp Anh.

Đối với thủ tướng Anh, nước Nga đã sử dụng vũ khí bị quốc tế bị cấm để tấn công Anh Quốc hoặc là mất kiểm soát loại vũ khí này. Nếu Nga không trả lời dứt khóat thì sẽ bị trừng phạt. Trong khi đó Moskva cho là Anh Quốc đang làm trò "xiệc" trong một chiến dịch mới chống Nga. Giới bình luận chính thức tại Moskva còn tung những giả thuyết, mà theo Le Monde, "rất khó tin". Đó là chính phủ Anh muốn công luận quên đi chính sách Brexit thảm hại nên tìm cách bôi nhọ nước Nga trước thềm Cúp bóng đá thế giới…

Thông điệp thách thức của Moskva

Tuy nhiên, các chuyên gia chiến lược Anh khẳng định "gần như chắc chắn" Nga là thủ phạm vụ mưu sát. Qua hành động táo bạo này Moskva đưa ra hai thông điệp :

Thứ nhất là, cảnh cáo các điệp viên "phản bội" chọn Anh làm nơi định cư là không bao giờ bình yên, thứ hai nhắm vào Anh Quốc : chúng tôi xem nhẹ các anh vì biết các anh đã yếu.

Vụ tấn công còn nhằm trắc nghiệm phản ứng của Anh trong bối cảnh ngân sách quốc phòng bị cắt giảm. Cách nay 12 năm, sau vụ trung tá mật vụ Nga Alexandre Litvinenko bị đầu độc bằng polonium (2006), chính quyền David Cameron (2010-2016) tìm mọi cách trì hoãn điều tra vì bị áp lực của thế lực tài chính Anh, muốn tiếp tục thu hút đầu tư của giới tài phiệt Nga. Nhưng, theo Le Monde, ngày nay tình thế đã đổi khác : quan hệ Anh-Nga xấu đi sau những vụ tin tặc và nhiễu loạn tin giả can thiệp vào cuộc trưng cầu dân ý Brexit. Giới phân tích của viện nghiên cứu Chatham House khuyến cáo chính phủ Anh là cần phải thay đổi chiến lược, không để cho người Nga lấn áp người Anh trên thị trường chứng khoán.

Sau khi tham khảo đồng minh, thủ tướng Anh sẽ loan báo một số biện pháp trừng phạt tài chính lẫn thể thao như tẩy chay cúp bóng đá 2018 tại Nga. Nói cho cùng, theo Le Monde, vụ đầu độc này cho thấy rõ một sự thật khác mà Nga muốn khai thác : đó là tình trạng tương đối cô lập của nước Anh trong tiến trình ly dị với Liên Hiệp Châu Âu.

Rex Tillerson bị thay thế : điềm thế giới biến động ?

Nhiều dấu hiệu báo trước thế giới sắp đi vào một chu kỳ đầy biến động. Iran, Bắc Triều Tiên : Donald Trump muốn một chính sách vũ bão, nhận định của Les Echos về tin giám đốc CIA Mike Pompeo thay thế ngoại trưởng Rex Tillerson. Nhật báo kinh tế xem sự kiện này là tín hiệu Nhà Trắng sắp tiến hành một chính sách cứng rắn trên trường quốc tế.

Theo Les Echos, Mike Pompeo là một trong những người thân cận của ông Donald Trump. Trong bộ áo mới ngoại trưởng, giám đốc CIA Mỹ sẽ phụ trách những hồ sơ nóng mà chủ nhân Nhà Trắng luôn thêm dầu vào lửa : Iran và Bắc Triều Tiên, mà khẩn cấp nhất là thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong-un dự trù vào tháng 5. Cũng khẩn cấp không kém là hồ sơ Iran. Đến giữa tháng 5, tối hậu thư của tổng thống Mỹ hết kỳ hạn. Washington sẽ ban hành một loạt biện pháp trừng phạt Iran trừ phi các cường quốc khác bảo trợ Hiệp định hạt nhân 2015 là Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc đồng ý "bổ sung những thiếu sót khủng khiếp" để trói tay Iran, theo quan điểm của Mỹ.

Không kể các điểm nóng cấp vùng từ Syria cho đến an ninh Châu Á-Thái Bình Dương, quan hệ khó khăn với Trung Quốc, hồ sơ nóng thứ ba liên quan đến cả thế giới là "chiến tranh thương mại" : nếu Donald Trump thực hiện lời đe dọa tăng thuế đánh vào hàng nhập khẩu thì quyết định này có thể đưa đến "chiến tranh mậu dịch".

Không khỏi lo ngại, Les Echos điểm lại trong 14 tháng cầm quyền, tổng thống Trump "đã sa thải gần như tất cả mọi người". Cũng cùng nhận định lo ngại, Libération trích lời một nhà ngoại giao Pháp : Tillerson là tường thành lý trí cuối cùng trong bộ tham mưu của Donald Trump tránh cho nhiệm kỳ đã phát cuồng biến thành điên loạn. Rào cản này nay đã sụp đổ.

Trong tình thế bấp bênh này, thế giới cần những cột trụ ổn định. Trong bài xã luận : Trump, kẻ khó lường, cách chức ngoại trưởng mà không cần thông báo, La Croix kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu, cột trụ quốc tế trong lãnh vực kinh tế, hãy chuẩn bị cho vai trò cốt lõi trong lãnh vực chính trị và an ninh chiến lược.

Khác với Les Echos, nhật báo cánh tả Libération nhấn mạnh đến yếu tố "đồng thanh tương ứng" giữa tổng thống Mỹ và ngoại trưởng mới trên hồ sơ Bắc Triều Tiên và Iran. Nếu Tillerson khuyên Trump nên tuyên bố thận trọng thì trái lại, ông Trump dọa "hủy diệt" đối phương. Trái lại, theo chính miệng tổng thống Mỹ, ông và giám đốc CIA Mike Pompeo "hoàn toàn ý hiệp tâm đầu". Libération suy đoán có thể đó là lý do làm Tillerson bị thay thế. Từ nay, chính quyền Mỹ sẽ "huy động mọi nguồn lực ngoại giao một cách hiệu quả" cho thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Ngân hàng Trung Quốc báo động "đỏ"

Viễn ảnh xảy ra khủng hoảng ngân hàng ở Trung Quốc, Hồng Kông và Canada là báo động của Ngân hàng giám sát quốc tế, ngân hàng trung ương của mọi ngân hàng trung ương.

Trong bối cảnh Trung Quốc thông báo sẽ thống hợp cơ quan điều hành lãnh vực ngân hàng với bảo hiểm để có thể đối phó hiệu quả hơn khi xảy ra khủng hoảng tài chính thì Ngân hàng giám sát quốc tế báo động Canada và Hồng Kông và nhất là Trung Quốc có nguy cơ khủng hoảng. Ít nhất hai chỉ số, mức nợ so với GDP và dịch vụ nợ, đã rơi vào vùng báo động đỏ.

Merkel hồi thứ tư

Thời sự Châu Âu nổi bật nhất là chính phủ liên minh Đức chính thức hoạt động sau gần nửa năm khủng hoảng chính trị. Libération đề tựa : Angela Merkel bắt đầu "thời hoàng hôn" của bốn nhiệm kỳ thủ tướng. Nhưng đòn tấn công mạnh nhất Libération dành cho chính phủ Pháp với bài xã luận mang tên "Ác ý". Công ty xe lửa Pháp SNCF cần cải cách cấu trúc, nhưng Libération không chấp nhận được tuyên bố của một vị bộ trưởng Pháp khi cho rằng cần phải cải thiện tình trạng khách hàng của xe lửa Pháp để biện minh cho dự án cải cách, buộc nhân viên hỏa xa, mà đồng lương trung bình chỉ có 2000 euro phải hy sinh một số phụ cấp.

Les Echos lạc quan hơn với tin : nhờ kinh tế tăng trưởng cao, Pháp tạo ra nhiều công ăn việc làm kỷ lục tính từ 2007 : hơn 268.000, theo thống kê trong năm 2016.

Liên quan đến Ấn Độ, tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa kết thúc chuyến thăm viếng ba ngày, tuyên bố hai nước thắt chặt mối quan hệ "chiến lược trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương" . Nhưng trong lĩnh vực thương mại, các hợp đồng mang lại 13 tỷ euro dường như thấp hơn sự Paris mong đợi. Tổng thống Macron thổ lộ : thủ tướng Modi là một người "rất cứng rắn".

Đừng quên nhà văn Solzhenitsyn

Ở trang văn hóa, Le Figaro kêu gọi "thanh niên, thiếu nữ học sinh sau ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, đừng quên năm nay là 100 năm ngày sinh của văn hào Nga Aleksandr Solzhenitsyn và 10 năm ngày tác giả "Quần đảo ngục tù qua đời".

Qua ngòi bút của cựu bộ trưởng Hervé Mariton, một người đam mê văn hóa Nga, Aleksandr Solzhenitsyn là hiện tượng văn học, chính trị và đạo đức. Văn chương của nhà ly khai Liên xô quá cố, vừa sắc bén, vừa nghiêm khắc tố cáo những sai trái của xã hội con người mà trong đó có "xã hội chủ nghĩa Liên xô" và kể cả báo chí Tây phương, cho dù báo chí Tây phương đã bảo vệ ông trước gọng kềm đàn áp của Liên xô.

Đi bộ 10.000 bước, trị bệnh teo cơ

Cuối cùng, trong lãnh vực y khoa, một khám phá mới có thể giúp cho các vị lớn tuổi hăng hái tập thể thao thể dục : bệnh teo cơ Sarcopénie. Sở dĩ về già, bắp thịt teo lại là vì dây thần kinh phụ trách co giãn cơ không hoạt động bình thường. Để ngăn chặn chứng bệnh này, xảy ra ở 10% người lớn tuổi, biện pháp hiệu quả nhất là phải đi bộ, mục tiêu đi tới là 10.000 bước mỗi ngày, hơn 30 phút và ăn chất đạm theo tỷ lệ : cân nặng mỗi 10 ký thì dùng 12 gram chất đạm.

Tú Anh

Published in Quốc tế