Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Mỹ - Nga : Nguy cơ đụng độ cao trên chiến trường Syria

Quân nổi dậy rút hoàn toàn khỏi đông Ghouta, đế chế Nga củng cố vị thế tại Syria. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bảo vệ các kế hoạch cải cách trên truyền hình. Giáo hoàng Francis thừa nhận "sai lầm nghiêm trọng" trong hồ sơ ấu dâm. Trên đây là một số tít lớn các nhật báo Pháp ngày 13/04/2018.

syria1

Tổng thống Syria Assad thăm căn cứ không quân Nga ở Hmeymim năm 2017. Reuters nhận được từ hãng tin Syrira SANA

Công luận quốc tế đặc biệt chú ý đến cuộc tấn công của phương Tây có thể sắp xảy ra, trong vụ chính quyền Syria bị nghi dùng vũ khí hóa học. Nếu chiến dịch xảy ra, nguy cơ đụng độ Mỹ - Nga là rất cao. Le Figaro có bài phân tích : "Thế đối đầu Mỹ - Nga đang ở thời điểm có thể chuyển thành đụng độ".

Hiếm khi nguy cơ đụng độ trực tiếp giữa Hoa Kỳ và Nga lại cao như hiện nay. Le Figaro so sánh không khí hiện nay với tình hình cuối 1962, với cuộc "khủng hoảng tên lửa" Cuba, khi Washington và Moskva "trên bờ vực chiến tranh".

Kể từ can thiệp quân sự Nga tại Gruzia năm 2008, các bất đồng giữa phương Tây và Nga ngày càng chồng chất : từ vụ Moskva can thiệp vào Ukraine (sáp nhập bán đảo Crimea, hỗ trợ phe ly khai miền đông), đến việc Nga ủng hộ chính quyền Assad tại Syria, nỗ lực can thiệp vào bầu cử Mỹ, hay đưa oanh tạc cơ khiêu khích NATO, và mới đây là vụ Skripal. Về phần mình, Nga cũng lên án kế hoạch của Hoa Kỳ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tại Châu Âu, và việc NATO "lấn sâu" vào vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga. Tuy nhiên, chính trên chiến trường Syria mà nguy cơ đụng độ giữa hai đại cường là lớn nhất.

Các hệ thống chống tên lửa S-300, và S-400 của Nga đặt tại Syria, từ năm 2015, khiến liên quân quốc tế do Hoa Kỳ dẫn đầu phải dè chừng. Đầu tháng 2/2018, hàng chục "lính đánh thuê" Nga bị không quân Mỹ tiêu diệt, trong chiến dịch bảo vệ lực lượng nổi dậy đồng minh tại Syria. Căng thẳng tăng thêm một nấc với chiến dịch can thiệp quân sự, mà Mỹ, Pháp, Anh đang chuẩn bị, để trừng phạt chính quyền Damascus.

Le Figaro đặt câu hỏi : Điều gì sẽ xảy ra, nếu Nga bắn hạ một oanh tạc cơ hay một tàu chiến của Mỹ (như đe dọa của một quan chức cao cấp trong chính quyền Nga) ? Và ngược lại, nếu binh sĩ Nga bị thiệt mạng do "vô tình" bị trúng đạn của quân đội phương Tây, Moskva sẽ phản ứng thế nào ?

Theo Le Figaro, Washington và Paris ý thức rất rõ, là nếu xảy ra một chiến dịch quân sự, thì nguy cơ đụng độ với Nga hiện nay "cao hơn rất nhiều" so với năm 2013. Nhật báo Pháp phỏng đoán, đây "chắc chắn là một trong các lý do" khiến chiến dịch tấn công bị chậm lại, để có thời gian chuẩn bị "tránh mọi va chạm với quân đội Nga". Về phần mình, Moskva hiểu là trong lĩnh vực chiến tranh quy ước, quân đội Nga không thể sánh được với Hoa Kỳ.

Thế nhưng vấn đề là "các yếu tố bất ngờ" có thể đi ngược lại logic tránh va chạm của hai bên. Thái độ khó lường đoán của tổng thống Mỹ Donald Trump cũng làm gia tăng tính bất trắc của khủng hoảng. Le Figaro lưu ý "bắt đầu một cuộc chiến thì dễ, chấm dứt mới khó".

Thời điểm tấn công : Mơ hồ bao trùm

Về chiến dịch tấn công của phương Tây vào Syria, Les Echos cho biết Washington và Paris đang tiếp tục cân nhắc. Thông điệp Twitter của tổng thống Mỹ sáng ngày 12/04, gieo thêm không khí mơ hồ về thời điểm diễn ra cuộc tấn công, "có thể sẽ rất sớm, nhưng cũng có thể không sớm như vậy".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo Paris sẽ ra quyết định vào thời điểm cần thiết, đồng thời nhấn mạnh đã có "bằng chứng" về việc Damascus sử dụng vũ khí hóa học. Thủ tướng Đức cũng bày tỏ lập trường của Berlin là kho vũ khí hóa học của chính quyền Syria chưa bị phá hủy hoàn toàn.

Theo Les Echos, Mỹ - Pháp – Anh đứng trước tình thế "khó trở lui", nếu không muốn mất uy tín trong con mắt cộng đồng quốc tế.

Moskva sống trong "không khí chờ Tweet" của Trump

Về thái độ của Nga, Les Echos có bài : "Điện Kremlin thử xuống thang", mở đầu với nhận định : "Tại Moskva, người ta sống trong không khí chờ đợi cú Tweet sắp tới của Trump" của tổng biên tập báo "Russia in Global Affairs", ông Fiodor Loukianov, người được coi là am hiểu về giới cầm quyền Nga.

Nhật báo kinh tế trích dẫn nhận định tờ báo Nga Kommersant, cho rằng để tránh thiệt hại cho quân đội nước mình, Moskva chờ đợi phía Mỹ chuyển giao thông tin về các mục tiêu tấn công. Trong khi đó, nhật báo Nezavisimaia Gazeta thì khẳng định quân đội Nga được đặt trong tình trạng báo động tối đa, các tên lửa nhắm vào các mục tiêu quân sự Mỹ.

Dù sao, người phát ngôn phủ tổng thống Nga vẫn bảo đảm là "đường dây nóng" giữa hai bên được duy trì. Có điều đụng độ là kịch bản hoàn toàn có thể xẩy ra, theo nhà báo Fiodor Loukianov, nếu Mỹ tấn công thủ đô Damascus, hoặc vào các cơ sở hạ tầng của Nga, việc trả đũa quân sự là chắc chắn, ngược lại, nếu chỉ có các địa điểm của chính quyền Syria bị tấn công, giữa Washington và Moskva sẽ chỉ có "khẩu chiến".

Syria : Trừng phạt Damascus, nhưng sau đó thì sao ?

Về xung đột Syria, Le Monde có bài phân tích đáng chú ý khác "Syria : Tên lửa, còn sau đó thì sao ?". Nhà bình luận Alain Frachon chua chát rút ra nhận xét về tình trạng thiếu vắng một chính sách thực sự nhằm tìm lối thoát cho khủng hoảng Syria hiện nay, cả về phía phương Tây, cũng như phía Nga, hay Iran. Chưa có ai giành thắng lợi trong các cuộc chiến tại quốc gia này.

Điều mà nhà báo Le Monde lo ngại là, "bên ngoài Syria trong các trại tị nạn, và trên các đống đổ nát hoang tàn trong nước, chắc chắc một thế hệ thánh chiến mới đang hình thành".

Biển Hoa Đông : Nhật thành lập đơn vị đặc biệt để phòng Trung Quốc

Quan hệ Nhật – Trung căng thẳng. Le Monde chú ý đến việc quân đội Nhật vừa được bổ sung một đơn vị thủy quân lục chiến, 3.000 binh sĩ, hôm 7/4. Đây là lần đầu tiên kể từ Thế chiến Hai, Tokyo thành lập lực lượng lính thủy đánh bộ. Đơn vị, đồn trú trên đảo Kyushu (đảo lớn, cực nam quần đảo Nhật Bản), được trang bị 17 máy bay vận tải Osprey, cất cánh thẳng đứng, và hàng chục tàu đổ bộ tấn công AAV-7. Trước đó ít tuần, Bộ quốc phòng Nhật thông báo hai tàu chở trực thăng lớp Izumo có thể biến thành tàu sân bay, chuyên chở các phi cơ chiến đấu tàng hình F-35B.

Mục tiêu của Tokyo là sẵn sàng có phương tiện phản ứng, một khi các đảo của Nhật Bản bị "nước ngoài" xâm chiếm. Nước ngoài ở đây chắc chắn là Trung Quốc. Còn mục tiêu bảo vệ của Tokyo là quần đảo Senkaku, mà Bắc Kinh đang dòm ngó. Trung Quốc gọi quần đảo này là Điếu Ngư.

Vụ Skripal : Nga bị "thêm một vố đau"

Về nghi án cựu điệp viên Nga bị đầu độc, Les Echos với bài Vụ Skripal : Nga bị "thêm một vố đau", chú ý đến kết luận của Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học, được đưa ra hôm 12/04.

Điều tra của các chuyên gia quốc tế khẳng định các kết luận trước đó của Luân Đôn. Đó là chất độc được sử dụng có thành phần giống với các chất thuộc nhóm Novitchok, một loại chất độc do Liên Xô sản xuất trước đây.

Kết luận của các chuyên gia quốc tế, về mặt khách quan, ủng hộ cho hướng nghi ngờ của Luân Đôn. Đó là : chỉ có Nga mới có "khả năng, quyết tâm và động cơ" để hành động như vậy, theo thủ tướng Anh Theresa May. Luân Đôn hy vọng triệu tập Hội Đồng Bảo An ngay trong tuần này để bàn về vấn đề này.

Quản lý Facebook : Mỹ sẽ phải noi gương Liên Âu ?

Chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân chặt chẽ của Liên Hiệp Châu Âu có thêm uy tín, sau một thời gian dài bị khinh thường. Đó là nhận định của trang mạng Wired đầu tuần này, được Les Echos dẫn lại. Chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân của Liên Âu đã được nêu ra trong hai phiên điều trần trước Quốc Hội Mỹ của lãnh đạo Facebook.

Theo báo kinh tế Pháp, các bê bối của Facebook làm nổi rõ thực trạng hệ thống tư pháp Mỹ rất kém cỏi trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trên mạng.

Với Châu Âu, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân là điều vô cùng hệ trọng, một quyền công dân, được ghi trong Hiến pháp, bởi Châu Âu không chấp nhận để cho trở lại các hệ thống "mật thám chính trị" kiểu như Gestapo (phát xít Đức) hay Stasi (mật vụ Đông Đức). Trong khi đó, tại Mỹ, dữ liệu của các cá nhân trên mạng cũng được bảo vệ, nhưng chỉ với tư cách "người tiêu thụ». Đối với Hoa Kỳ, tự do ngôn luận cao hơn là quyền của các cá nhân giữ thông tin riêng trong vòng bí mật. Lãnh đạo các tập đoàn tin học Mỹ vốn rất coi nhẹ vấn đề thông tin riêng tư.

Luật của Châu Âu bảo vệ các công dân Châu Âu, cho dù các doanh nghiệp thu thập dữ liệu nằm ở Mỹ hay Châu Á. Vì vậy, quan điểm của Apple hay LinkedIn là có thể áp dụng nhất loạt luật Châu Âu cho mọi trường hợp, để tránh rơi vào xung đột. Trong khi đó Facebook cho đến nay vẫn đưa ra quan điểm nước đôi.

"Chỉ số nỗi sợ" gia tăng

Trong lĩnh vực kinh tế, phụ trương báo Le Monde đặc biệt chú ý đến "chỉ số nỗi sợ", đang tăng cao trong những ngày gần đây, do những căng thẳng liên quan đến Syria, đặc biệt qua các thông điệp Tweet của tổng thống Mỹ (bài "Trump đánh thức ''chỉ số nỗi sợ''"). Theo Le Monde, chỉ số VIX - thường gọi là "chỉ số của nỗi sợ" - được dùng để đo lường "mức độ thất thường" của cổ phiếu, dựa trên các thông số của S&P-500, tức 500 doanh nghiệp lớn có mặt trên sàn chứng khoán Mỹ.

Theo một chuyên gia của Eurasia Group, giới đầu tư lo ngại năm 2018 là năm có "nhiều nguy cơ địa chính trị nhất, kể từ 20 năm nay" (cụ thể là Chiến tranh lạnh công nghệ, Châu Phi bất ổn, khủng hoảng bản sắc tại Nam Á, làn sóng dân túy, bảo hộ, Brexit theo phương án rắn, Mỹ bác bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, hay vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên…).

Nợ nần khủng khiếp : Khủng hoảng mới có thể đáng sợ "gấp 10"

Le Monde chú ý đến "chỉ số nỗi sợ" của giới đầu tư, còn Les Echos lo ngại về núi nợ nần khủng khiếp của thế giới, ẩn đằng sau tình trạng tăng trưởng trở lại có vẻ khả quan.

Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, tổng nợ của thế giới hiện nay là khoảng 164.000 tỉ đô la. IMF một lần nữa cảnh báo nếu khủng hoảng tài chính mới bùng nổ, núi nợ sụp đổ, thiệt hại sẽ gấp "10 lần" so với cuộc khủng hoảng cách nay 10 năm.

Còn theo Viện Tài Chính Thế Giới (IIF), nợ toàn cầu lên đến 237.000 tỉ đô la vào cuối 2017, tăng 11.000 tỉ đô la trong một năm, tương đương với GDP một năm của Trung Quốc. Không khó để nhận ra mức chênh lệch vô cùng lớn giữa hai cách đánh giá của IMF và IIF, đây là điều cho thấy "tài chính quốc tế" có thể ví với một "thiên hà đen" gần như thoát khỏi mọi kiểm soát. Chỉ có một điểm chung là "thiên hà" này đang nở ra với tốc độ cao.

Phát biểu tại Đại học Hồng Kông, hôm thứ Tư, 12/04, tổng giám đốc IFM nhấn mạnh gánh nợ khổng lồ là điều đáng lo ngại thứ hai sau chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của tổng thống Mỹ. Theo bà Christine Lagarde, nợ thế giới đã tăng 40% kể từ năm 2007, và 40% trách nhiệm thuộc về Trung Quốc. Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng nguy hiểm này là tỉ lệ nợ so với GDP quốc gia tăng lên khắp mọi nơi, người ta vay mượn rất nhiều và dễ dãi, nhưng đầu tư lại rất ít.

Theo IMF, cho đến nay, bất chấp cảnh báo "dàn nhạc trên con tàu Titanic vẫn chơi" như thường lệ, tỉ lệ tăng trưởng đang tạo ra "ảo ảnh" về tình hình tốt đẹp.

Les Echos cho rằng, để cứu chữa, bên cạnh việc các quốc gia, doanh nghiệp, ngân hàng phải có chính sách thắt lưng buộc bụng, tìm mọi cách hạn chế bong bóng bất động sản, thì điều cần phải điều chỉnh căn bản là cơ chế tiền tệ quốc tế phi lý hiện nay, với việc kinh tế Mỹ chỉ chiếm 23% GDP toàn cầu, 12% thương mại toàn cầu, nhưng đồng đô la lại chiếm đến 87% thị trường hối đoái, 61% ngoại tệ dự trữ. Các lãnh đạo như tổng thống Pháp Emmanuel Macron có rất nhiều việc để làm trong chuyện này.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Facebook, ông khổng lồ bị chao đảo

Cuộc điều trần của chủ nhân mạng xã hội Facebook trước Quốc hội Mỹ đẩy hồ sơ Syria xuống hàng thứ yếu trên các trang báo Pháp ngày 12/04/2018. "Facebook : Mark Zuckerberg gặp khó khăn trước các dân biểu Mỹ", tựa trên Les Echos.

fb1

Chủ tịch tổng giám đốc Facebook, Mark Zuckerberg, điều trần trước các Ủy ban Tư pháp và Thương mại Thượng viện Mỹ, ngày 10/04/2018. Reuters/Aaron P. Bernstein

Trang nhất tờ Le Monde đăng ảnh sáng lập viên mạng xã hội với khoảng hai tỷ người sử dụng đang bị phóng viên săn ảnh bao vây trong cuộc điều trần tại Thượng viện Mỹ ngày 10/04/2018, bên trên là hàng tựa "Mark Zuckerberg cứu vãn danh dự tại Thượng viện".

Một ngày sau một cuộc điều trần hơn 5 tiếng đồng hồ ở Thượng viện, chủ nhân Facebook xuất hiện ở Hạ viện với nét mặt căng thẳng và mệt mỏi, mắt thâm quầng. Cửa ải ở Hạ viện còn gian nan hơn là ở Thượng viện. Mark Zuckerberg không dễ thuyết phục các dân biểu Mỹ.

Facebook trước búa rìu của công luận

Le Figaro chạy tít Zuckerberg "trong tầm ngắm" của Hạ viện Hoa Kỳ và dành bài xã luận ngay trên trang nhất để nói về mặt trái của thế giới "kết nối- connected". Facebook không là một "thiên đường digital", không chỉ là nhịp cầu kết nối. Đứa con tinh thần của Mark Zuckerberg hiện nguyên hình là một con "bạch tuộc", vươn vòi hút thông tin cá nhân của những người sử dụng.

Tờ báo không khoan nhượng khi cho rằng Facebook đã "vô trách nhiệm, để cho những thông tin điên rồ nhất và đôi khi bẩn thỉu nhất được phổ biến". Facebook đã làm giàu nhờ hàng tỷ những chi tiết trong đời tư của mỗi người có tài khoản và kể cả bạn bè, thân nhân họ nữa. Những thông tin ấy khi thì được dùng vào những mục tiêu chính trị và thương mại, cũng có khi được sử dụng một cách "không mấy lương thiện".

Không chắc là những lời xin lỗi hay cam kết khắc phục sai lầm của chủ nhân Facebook đủ sức thuyết phục. Với báo Les Echos, sau hai buổi điều trần ở Quốc hội Lưỡng viện, các dân biểu Hoa Kỳ vẫn "hoài nghi về khả năng của Facebook làm thay đổi các mạng xã hội".

Le Monde nhận xét, Zuckerberg hứa tăng cường các phương tiện để bảo vệ đời sống cá nhân cho các thân chủ và để ngỏ cánh cửa để các nhà lập pháp "điều tiết" thể thức vận hành của các mạng xã hội, nhưng "làm thế nào để kiểm soát" những thông tin loan truyền trên các mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng ?

Facebook, uy tín bị sứt mẻ

Từ nhiều tháng qua, Facebook tứ bề thọ địch. Le Monde trong bài viết mang tựa đề "những tranh cãi về vai trò của mạng xã hội tại Châu Á" không vòng vo : Facebook bị nêu đích danh "là phương tiện để truyền tải những tư tưởng đầy hận thù" giữa các cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo ở Miến Điện và Sri Lanka vào lúc cả hai quốc gia này đang phải đối mặt với phong trào bài Hồi giáo dâng cao. 14 triệu dân Miến Điện có tài khoản Facebook, ở Sri Lanka là 6 triệu.

Sau cáo buộc bất cẩn để tin nhảm lan truyền gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, đây là một đòn mới giáng vào công ty do Mark Zuckerberg đã lập ra.

Phụ trang kinh tế của Le Figaro tìm cách trả lời câu hỏi : vụ tai tiếng Cambridge Analytica đánh cắp thông tin cá nhân của gần 90 triệu người có tài khoản Facebook liệu có là trận bão nhận chìm công ty đã giúp do Zuckerberg trở thành tỷ phú khi chưa đầy 20 tuổi hay không ?

Mối đau đầu khác của Zuckerberg là cổ phiếu chứng khoán giảm 17% trong vòng một tháng. Một thách thức khác nữa là hình ảnh của mạng xã hội Facebook đã phần nào bị sứt mẻ. Sau vụ tai tiếng Cambridge Analytica, có tới 56% người Mỹ được hỏi cho biết là "ít tin tưởng hơn". Le Figaro bồi thêm : "tỷ lệ nay quá cao cho với các mạng xã hội khác".

GAFA trong cơn giông bão

Không chỉ riêng gì Facebook và ông chủ Zuckerberg trong tâm bão. Theo Les Echos các cây đại thụ khác của nền công nghệ kỹ thuật số là Google, Apple hay Amazon… đều đang đánh mất hào quang.

Google bị tố cáo chiếm độc quyền trên thị trường quảng cáo trên mạng. Apple thì bị chỉ trích là cố ý rút ngắn tuổi thọ của các sản phẩm để bắt người tiêu dùng phải chăm sắm hàng mới hơn. Facebook thì bị cáo buộc thao túng công luận, bán dữ liệu cá nhân của khách hàng để làm giàu. Còn Amazon thì đang bóp chết giới tiểu thương, bóc lộc từ nhân viên đến các đối tác thương mại. Uber thì trong tầm ngắm của công luận vì bóc lột tài xế … Danh sách còn dài.

Les Echos nhận thấy rằng, nhờ có những phát minh mới các tập đoàn tin học và công nghệ cao đã "đi nhanh hơn" luật pháp, làm giàu trong một thời gian ngắn kỷ lục và các "tập đoàn công nghệ thế hệ 2.0" này đã tập trung nhiều quyền lực trong tay đến mức đáng sợ.

Nhưng gió đã xoay chiều. Ở khắp mọi nơi trên thế giới, kể cả ngay trên lãnh thổ Hoa Kỳ, người sử dụng hay tiêu dùng, công luận và chính giới, các nhà lập pháp, giới tài chính cho rằng đã đến lúc những tập đoàn high tech đó cần phải vào "khuôn phép", tức là cần phải đặt lại câu hỏi về mô hình phát triển của chính các con chim đầu đàn trong lĩnh vực công nghệ digital này.

High tech, tai mắt của Trung Quốc để theo dõi những thành phần bất hảo ?

Đâu phải chỉ có Facebook mới thu thập thông tin cá nhân của người sử dụng và khai thác nguồn dữ liệu đó. Trung Quốc cũng rất tinh vi trong việc sử dụng những thông tin cá nhân nhưng là để theo dõi các nhà bất đồng chính kiến hay kiểm duyệt các mạng xã hội.

Le Monde báo động, Bắc Kinh dùng những công nghệ mới để đưa vào danh sách đen những thành phần "nhậy cảm". Thông tín viên của tờ báo kể lại trường hợp của một luật sư Trung Quốc đã nhiều lần bị chận lại ở sân bay vì ông có tên trong danh sách thuộc "thành phần ly khai" hay bị xếp vào danh sách "nguy hiểm đối với an ninh quốc gia". Cho dù là vị luật sư này "chưa từng bị đưa ra tòa, chưa từng bị xét xử hay tuyên án về bất kỳ một hành vi ly khai nào".

Đây không phải là một trường hợp riêng lẻ. Trong thời gian từ 2013 đến tháng 3/2018 có khoảng 10 triệu người "bị từ chối khi mua vé máy bay" ; 6 triệu không được mua vé xe lửa vì lý do "không tuân thủ phán quyết của tư pháp". Theo tổ chức bảo vệ nhân quyên Human Rights Watch, tại Trung Quốc "không có giới hạn nào trong việc thu thập thông tin về các công dân của nước này nhằm mục tiêu theo dõi, kiểm soát".

Syria, Nga bao che cho chế độ Damascus

Trở lại với hồ sơ nóng bỏng là Syria : "Hãy coi chừng, hỏa tiễn sắp bay qua". Les Echos trích lại lời lẽ khiêu khích của tổng thống Trump làm tựa cho một bài báo ngắn. Tác giả bình luận, trong lúc lãnh đạo Hoa Kỳ sử dụng ngôn ngữ không mấy hoa mỹ và ngoại giao, thì ngược lại ở Moskva, chính quyền Nga tỏ ra hết sức bình tĩnh và chừng mực.

Báo Le Figaro không còn nghi ngờ gì nữa về thái độ "Bao che" của nước Nga đối với tổng thống Syria, Bachar -ssad. Đại sứ Nga tại Lebanon tuyên bố là Nga sẽ bắn hạ tên lửa của mà tổng thống Trump dành tặng cho Syria. Theo tờ báo này, thái độ hiếu chiến của Hoa Kỳ càng thắt chặt hợp tác quân sự giữa Nga, Iran và Syria. Tổng thống Putin điều cố vấn an ninh đến Damascus trong những giờ qua, lực lượng quân sự can thiệp ngoài lãnh thổ của Iran là Al Qods đã có mặt tại Syria.

"Sôi động ngoại giao trước khả năng phương Tây tấn công", tựa trên Libération. Tờ báo cho rằng trên hồ sơ này, "Nga mới là mục tiêu mà tổng thống Trump nhắm tới". Trong khi đó thì ngay ở Mỹ là nhất là tại Châu Âu, "mọi người còn do dự về phương thức để can thiệp vào Syria"trừng phạt chế độ Damascus sử dụng vũ khí hóa học.

Le Monde chừng mực hơn khi đưa ra nhận định : Pháp tuy sát cánh với Hoa Kỳ nhưng tổng thống Macron trong cuộc họp báo cách nay hai ngày đã nhấn mạnh rằng trong trường hợp đánh Syria, phương Tây cần phải tránh động chạm đến các đồng minh của chế độ Damascus, loại trừ khả năng đẩy tình hình "leo thang".

Pháp : đòn chiêu dụ của tổng thống Macron

Về thời sự nước Pháp, các báo tập trung vào buổi nói chuyện trưa nay trên đài truyền hình TF1 của tổng thống Macron trong lúc các cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra, từ trong ngành xe lửa đến sinh viên ở khoảng 20 trường đại học, hay nhân viên làm việc trong các tòa án.

Có điều tổng thống Pháp trả lời phỏng vấn trực tiếp từ một ngôi làng hẻo lánh trong vùng Normandy, miền bắc nước Pháp. Mục tiêu nhằm chứng minh ông không chỉ quan tâm đến các thành phố lớn và phát triển. Các vấn đề của những vùng nông thôn, từ y tế đến giáo dục cũng là những ưu tiên của chủ nhân điện Elysée.

Libération có một bài phóng sự dài về làng Berd'huis với 1118 dân cư, đang chuẩn bị như thế nào để đón tổng thống Macron về đây, trả lời phỏng vấn trong một chương trình thời sự lúc một giờ trưa của đài TF1. Berd'huis là nơi trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp hồi năm 2017, đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu của bà Le Pen đã về đầu ở vòng một với hơn 30% phiếu ủng hộ.

Gagarin, sao chổi của nước Nga

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày phi hành gia Liên Xô, người đầu tiên bay vào vũ trụ, Yuri Gagarin qua đời, nhà nghiên cứu Pháp Anne-Marie Revol cho ra mắt công chúng cuốn tiểu sử mới với tên gọi đơn giản "Ngôi sao của Nga" Nhà xuất bản JC Lattès.

Tác giả thu thập lời kể của những người từng quen biết, làm việc với Gagarin, cùng với nhiều tài liệu chính thức để nói về một nhân vật mà trước khi đi vào huyền thoại, thì ông từng là một chàng thanh niên 27 tuổi, hiền lành và dễ mến.

Gagarin không ý thức được hết mối nguy hiểm chờ đợi anh trong và sau chuyến bay lịch sử ngày 12 tháng Tư năm 1961. Từ chuyến bay lịch sử đó trở về, Gagarin chỉ còn là một con rối trong tay Moskva.

Năm 1968, khi qua đời, Gagarin là một người hùng mệt mỏi, mệt mỏi vì phải "mang trên vai biểu tượng của một nước Liên Xô kiêu hãnh đã qua mặt được Mỹ trong lĩnh vực chinh phục không gian". Anne-Marie Revol không gột tẩy những mảng tối trong cuộc đời và sự nghiệp của người hùng Gagarin.

Thanh Hà

Published in Quốc tế

Kim Jong-un chuẩn bị ngoại giao trước cuộc đọ sức với Donald Trump

Phương Tây trước thách thức tấn công quân sự trừng phạt Syria vì sử dụng vũ khí hóa học. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên lần đầu tiên đề cập đến chiến lược ngoại giao với kẻ thù, Facebook khủng hoảng ngày thêm nghiêm trọng. Đó là những sự kiện quốc tế chính được các báo Pháp ra hôm nay quan tâm.

kim1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un vẫy tay chào khi tàu rời nhà ga Trung Quốc Đan Đông (Dandong). Ảnh do KRT công bố ngày 29/03/2018KRT/via Reuters

Trước hết xin được đến với hồ sơ Bắc Triều Tiên. Một tháng sau khi bất ngờ đưa lời mời gặp thượng đỉnh với tổng thống Donald Trump, hôm qua (10/04), "lãnh đạo tối cao" Bắc Triều Tiên lần đầu tiên trong một cuộc họp Đảng công khai đề cập đến "viễn cảnh đối thoại" với Washington, kẻ thù không đội trời chung với Bình Nhưỡng từ hơn nửa thế kỷ qua.

Sự kiện được nhật báo Le Figaro đề cập qua bài viết : "Kim thắt chặt các liên minh quốc tế trước cuộc gặp thượng đỉnh với Trump". Tờ báo ghi nhận lãnh đạo Bắc Triều Tiên đang liên tục tìm kiếm chỗ dựa ngoại giao trước cuộc đọ sức với tổng thống Mỹ. Việc Kim Jong-un công khai nói đến chiến lược xích lại gần kẻ thù là dấu hiệu khẳng định cuộc gặp lịch sử này đang được chuẩn bị. Hôm thứ Hai, ông Trump đã khẳng định dự tính gặp Kim trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Theo Nhà Trắng thì Bình Nhưỡng đã trực tiếp tỏ cho Hoa Kỳ thấy quyết tâm đặt hồ sơ hạt nhân lên bàn đàm phán.

Le Figaro trích dẫn bà Sue Mi Terry, chuyên gia thuộc Center For Strategic & International Studies - CSIS, từng là cựu nhân viên CIA cho biết : "đã có những cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa các cơ quan tình báo" hai bên. Kênh liên lạc bí mật này đã được Mike Pompeo, cựu lãnh đạo CIA vừa được bổ nhiệm ngoại trưởng Mỹ, khởi xướng và chủ yếu để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh tới. Một nhà ngoại giao Mỹ tháng trước đã có các cuộc trao đổi với các quan chức Bình Nhưỡng tại Phần Lan còn khẳng định với le Figaro rằng lần này thì "Bắc Triều Tiên rất nghiêm túc xem xét sự việc".

Hội nhập quốc tế trong tư thế cường quốc hạt nhân

Nhật báo Pháp nhắc lại là sau khi có hồi âm nhanh chóng nhận lời của tổng thống Mỹ, Kim cũng đã không chậm trễ tạo vị thế ngoại giao. Theo chuyên gia chính trị Abraham Denmark thuộc trung tâm Wilson Centre, "Kim có sáng kiến. Ông ta mở ra một giai đoạn mới trong thời kỳ trị vì của mình nhằm tái hòa nhập Bắc Triều Tiên với quốc tế, nhưng trong tư thế là cường quốc hạt nhân". Để chuẩn bị cho cuộc gặp Kim-Trump, những ngày qua, Bình Nhưỡng liên tục có các cuộc tiếp xúc ngoại giao với nhiều nước, cử ngoại trưởng tới Nga, còn với Trung Quốc Kim Jong-un trực tiếp tới Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình.

Le Figaro nhận định, cuộc phản công ngoại giao nhằm tìm kiếm thêm sự hậu thuẫn trước khi lên "võ đài" đấu với Trump, người vẫn luôn đe dọa dùng giải pháp quân sự trong trường hợp giải pháp ngoại giao thất bại. Việc bổ nhiệm nhân vật có tiếng là diều hâu John Bolton làm cố vấn an ninh quốc gia sẽ co hẹp phạm vi hành động của các nhà đàm phán Bắc Triều Tiên. Bởi vì theo Le Figaro, chính nhân vật này dưới thời tổng thống Bush đã làm cho quan hệ với Bình Nhưỡng trở nên tồi tệ hơn khi đặt Bắc Triều Tiên vào "trục tội ác" để rồi Bình Nhưỡng đáp lại bằng đẩy mạnh chạy đua vũ khí hạt nhân. Thậm chí ở Mỹ, có ý kiến ví von rằng "kho vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên hiện nay là con đẻ của Bolton".

Đàm phán nhưng không từ bỏ bom hạt nhân

Có một điều mà các chuyên gia khẳng định, dù sẵn sàng đàm phán nhưng Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ bom hạt nhân.

Từ thời Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng vẫn gắn vấn đề ngừng chương trình hạt nhân với một hiệp ước hòa bình ký với Washington, một sự bảo đảm cho chế độ tồn tại. Theo Le Figaro, Bắc Triều Tiên đang thăm dò qua các đồng minh về những đề nghị đàm phán với tổng thống Mỹ.

Ngoài ra, vấn đề chọn địa điểm cho cuộc gặp thương đỉnh cũng là một vấn đề nhạy cảm và đau đầu trên phương diện ngoại giao cũng như an ninh. Mặc dù khu phi quân sự hai miền Triều Tiên DMZ có thể là địa điểm mang tính biểu tượng cao, nhưng Washington dường như lại thích chọn một nước thứ 3 để khỏi mang tiếng lệ thuộc vào người "môi giới" Hàn Quốc.

Tờ báo cho biết, Thụy Điển, Thụy Sĩ đã sẵn sàng cho mượn địa điểm. Tuy nhiên, một vị trí gần với bán đảo Triều Tiên chẳng hạn như Oulan Bator của Mông Cổ hay Vladivostok (Nga) có thể tiện hơn cho việc di chuyển bằng xe lửa của Kim Jong-un. Biết đâu ông Trump, một người vốn tính khí khó lường lại một lần nữa làm sai lệch mọi dự đoán khi chấp nhận đến Bình Nhưỡng thì sao ?

Mỹ-Trung : Tranh chấp thương mại triền miên

Một chủ đề khác liên quan đến Châu Á được nhật báo kinh tế Les Echos chú ý. Đó là căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tờ báo ghi nhận : "Đối mặt với Donald Trump, Tập Cận Bình chơi bài mở cửa nhưng hạn chế nhượng bộ".

Trong bối cảnh những đe dọa trả đũa nhau giữa Mỹ và Trung Quốc trong làm ăn kinh tế tiếp tục leo thang, tại diễn đàn kinh tế Bát Ngao Trung Quốc ngày hôm qua, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một bài diễn văn dài nhằm đáp lại chủ trương bảo hộ mậu dịch của người đồng nhiệm Mỹ. Ông Tập hứa hẹn sẽ mở cửa hơn nữa nền kinh tế Trung Quốc cho các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên ông không tuyên bố một biện pháp cụ thể nào.

Vẫn liên quan đến thương mại Mỹ -Trung, Les Echos có bài viết nhắc lại 16 năm tranh chấp thương mại Mỹ- Trung ở Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (OMC). Tờ báo cho biết, từ khi Trung Quốc gia nhập OMC năm 2001, Mỹ và Trung Quốc đã kiện nhau ra tổ chức này 38 vụ. Gần nhất là ngày hôm qua (10/03/2018) Trung Quốc lại chính thức kiện Mỹ về vụ áp mức thuế với mặt hàng nhôm 10% và thép 25% nhập vào Mỹ. Theo tờ báo thì hầu hết các vụ kiện trên đều không được giải quyết thỏa đáng và các tranh chấp thương mại giữa hai bên vẫn như những đợt sóng ngầm, có điều kiện lại nổi lên.

Tấn công Syria : Phương Tây tiến thoái lưỡng nan

Trở lại với sự kiện quốc tế nóng nhất của báo chí Pháp : Phương Tây lại bị đặt trước tình thế thách thức nan giải tấn công trừng phạt Syria vì những cáo buộc đã sử dụng vũ khí hóa học tại thành phố Douma, cứ địa cuối cùng của quân nổi dậy hôm 07/04 vừa qua.

Pháp và Mỹ đã hứa đáp trả cứng rắn vụ tấn công hóa học được cho là do quân đội của Assad tiến hành. Nhật báo Le Monde chạy tựa xã luận : "Syria : Đòn đáp trả tất yếu của phương Tây".

Theo Le Monde thì đây là lần thứ 2 cộng đồng quốc tế lại đối mặt với thách thức chế độ Damascus sử dụng vũ khí hóa học sát hại chính dân mình. Xã luận Le Monde tỏ phẫn nộ : "Trừng phạt thế nào với những thủ phạm của hành động mà theo luật pháp quốc tế gọi là tội ác chiến tranh ?"

Lần trước cách đây gần 5 năm, chế độ Damascus cũng đã vượt qua "làn ranh đỏ" dùng vũ khí hóa học làm hàng trăm thường dân Syria thiệt mạng. Nhưng lần đó kế hoạch tấn công quân sự đã bị chính quyền Obama bỏ rơi sát giờ khai hỏa, ngày 31/08/2013, khiến Pháp chưng hửng đành phải thu quân. Lần này, sau vụ thảm sát ở Douma, tổng thống Donald Trump và Emmanuel Macron trong hai ngày đã gọi nhau hai lần và đồng thuận là nhất thiết phải "có phản ứng cứng rắn của cộng đồng quốc tế".

Theo Le Monde : "Như vậy, một sự đáp trả là tất yếu … Vấn đề không còn là có phải đáp trả hay không ? mà là đáp trả thế nào ?". Xã luận bài báo phân tích, "trên bình diện ngoại giao, tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Nga, người bảo vệ Bachar al-Assad đồng thời là ông chủ của bầu trời Syria phủ quyết mọi ý định trừng phạt Damascus. Một khi con đường ngoại giao đã bị đóng, Pháp và Mỹ sẽ phải hành động theo ý riêng của mình, có thể với sự hỗ trợ của Anh".

Xã luận Le Monde kêu gọi : "Mỹ và Pháp cần phải nghĩ xa hơn, không hấp tấp, càng có nhiều đồng minh càng tốt, không coi thường hệ lụy của chiến dịch trong một môi trường dễ bùng nổ bởi sự có mặt của các tác nhân như Nga, Iran và Israel cũng như là Thổ Nhĩ Kỳ. Hiếm khi nào Trung Đông lại ở trong tình thế nguy hiểm như thế này".

Facebok chưa hết lao đao vì vụ rò rỉ thông tin cá nhân

Thời sự thế giới được Libération quan tâm nhiều là vụ Facebook đang đối mặt với một khủng hoảng lớn để rò rỉ thông tin cá nhân người sử dụng mạng xã hội.

Người sáng lập mạng xã hội này hôm qua phải ra điều trần trước Thượng Viện Mỹ, liên quan đến vụ Facebook để công ty Cambridge Analytica khai thác bất hợp pháp thông tin cá nhân của người dùng mạng xã hội.

Bài phân tích của Liberation chạy tựa lớn "Facebook : Với Zuckerberg, những phiền toái đang hiện rõ".

Từ những ngày qua, người sáng lập ra mạng xã hội hàng đầu thế giới cùng với các giám đốc bộ phận phải đôn đáo ngược xuôi khắp nơi để giải trình, phân trần và xin lỗi. Theo Libération, "vụ Scandal Cambridge Analytica đang kéo Facebook vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có, sức ép của các nhà chính trị và của dư luận mạnh chưa từng thấy". Libération khẳng định đây là một vụ bê bối 2 trong 1 : Một là vai trò của Cambridge Analytica, một công ty "tiếp thị"thương mại và chính trị đã sử dụng bất hợp pháp thông tin cá nhân của hàng chục triệu người để phục vụ mục đích chính trị là chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ và chiến dịch vận động trưng cầu dân ý về Brexit. Mặt khác đó là chuyện Facebook, nắm giữ một khối lượng khổng lồ thông tin cá nhân người sử dụng và chuyển cho bên thứ 3 để sử dụng. Vấn đề không còn là uy tín hay khả năng bảo mật của Facebook mà đó là cách làm ăn của Facebook. Trong khi lãnh đạo của Facebook đang tìm cách dập đám cháy thì các cáo buộc, chỉ trích mạng xã hội số 1 thế giới này ngày thêm nhiều về tính năng cũng như mô hình hoạt động của nó. Tài sản của Facebook từ xếp hạng 7 thế giới đang bốc hơi và tụt xuống 2 bậc kể từ khi nổ ra vụ bê bối.

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Hungary : Viktor Orban thắng cử, Châu Âu "đau đớn" thức tỉnh

Tại Hungary, với kết quả 48,5% lá phiếu ủng hộ, đảng Fidesz của thủ tướng mãn nhiệm Viktor Orban đã về đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày Chủ Nhật 08/04 vừa qua. Thắng lợi này đã làm cho Bruxelles chao đảo. Các nhật báo lớn của Pháp ngày 10/04/2018 cho rằng đây chính là hệ quả tất yếu của những tính toán sai lầm của Liên Hiệp Châu Âu trong quan hệ với các nước từng là thành viên của Liên Xô cũ.

viktor1

Với chiến thắng áp đảo, thủ tướng Hungary mãn nhiệm Viktor Orban tiếp tục lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ thứ ba. Reuters/Bernadett Szabo

"Viktor Orban thắng vẻ vang kỳ bầu cử lập pháp", Le Monde thông báo. Kết quả này cho phép "Viktor Orban, người được cánh hữu Châu Âu bảo hộ có thêm nhiệm kỳ thứ ba", tựa bài viết của La Croix.

Tuy nhiên, theo Le Figaro, vụ việc cho thấy, "Tư tưởng chủ quyền dân tộc của Orban đang thắng thế tại Hungary". Khi có được đa số theo quy định, thủ tướng Orban rộng tay thực hiện ba mục tiêu sắp tới : chiến dịch chống các tổ chức phi chính phủ, tăng cường kiểm soát nhà nước và truyền thông và cuộc chiến chống nhập cư.

Đau đớn vì những sai lầm

Liên Hiệp Châu Âu đã bị giáng một đòn mạnh đến mức nhật báo kinh tế Les Echos chua chát nhìn nhận "Châu Âu đau đớn thức tỉnh sau thắng lợi của Orban".

Đau đớn là vì Hungary chẳng khác gì một đứa em ngỗ nghịch. Không những Bruxelles rất "hào phóng" về mặt tài chính mà đảng chính trị Fidesz của ông Orban còn nhận được sự ủng hộ của đảng PPE, đảng dân tộc Châu Âu, tập hợp tất cả các đảng thuộc phe trung hữu trong đó có đảng CDU – CSU của thủ tướng Đức Angela Merkel.

Les Echos cho rằng đây chính là hệ quả tất nhiên của những sai lầm mà giờ đây Liên Hiệp Châu Âu phải gánh chịu trong mối quan hệ của mình với các nước thuộc khối Liên Xô cũ. Lỗi thứ nhất là đã quá "ngây thơ" tin vào sự chuyển đổi tất yếu theo phương Tây.

Thứ hai, Châu Âu đã quá cứng nhắc trong các quy định về tài chính đối với các tân thành viên của Liên Hiệp. Cuối cùng là Liên Hiệp Châu Âu đã đánh giá thấp phản ứng gay gắt của những nước này trong hồ sơ di dân. Sự việc cũng cho thấy là thủ tướng Viktor Orban có "một tầm nhìn hoàn toàn đối lập với tổng thống Macron về Liên Hiệp Châu Âu" theo như quan điểm của tờ Le Figaro.

Thắng lợi của mô hình dân chủ phi tự do

Về điểm này, bài xã luận của Les Echos cũng có cùng ý kiến. Chiến thắng của ông Viktor Orban cho thấy đó là một thắng lợi của mô hình "dân chủ phi tự do" mà Hungary, thành viên của Liên Hiệp Châu Âu đang đi tiên phong.

Thành công này trước hết là hệ quả của một chiến dịch vận động tranh cử được dựa trên những tuyên bố chống nhập cư gay gắt và mang đậm tư tưởng dân tộc chủ nghĩa khi nhắc đến những mối họa đến từ làn sóng "xâm lược Hồi giáo" nhắm vào một "Châu Âu Công giáo" trước cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria.

Les Echos lưu ý, Hungary không phải là quốc gia duy nhất tự khép mình. Ông Viktor Orban và mô hình "dân chủ phi tự do" đang là một nguồn cảm hứng cho nhiều nước khác như Ba Lan, Cộng hòa Czech hay Slovakia.

Do đó, theo nhật báo, sự chia rẽ chưa hẳn là một nguy cơ tiềm tàng cho Liên Hiệp Châu Âu, mà chính những giá trị cơ bản dựa trên nền tảng cởi mở, chủ nghĩa tự do và dân chủ là cần phải được xem xét lại. Nói tóm lại như xã luận của Le Monde : "Hungary chính là một thách thức mới dành cho Liên Hiệp Châu Âu".

Syria : Phương Tây đã thua ?

Báo Pháp hôm nay dành nhiều trang viết về tình hình Syria. Diễn biến tình hình tại khu vực này ngày càng trở nên phức tạp. Một câu hỏi đặt ra là phải chăng phương Tây đang thua đậm trong ván cờ Trung Đông này ?

Thua đậm là vì tại Syria, phương Tây một lần nữa bất lực nhìn thường dân bị tấn công bằng vũ khí hóa học. Liberation giận dữ đặt câu hỏi : "Vũ khí hóa học tại Syria, tình trạng miễn bị trừng phạt cho đến bao giờ nữa ?". Vụ tấn công bằng vũ khí hóa học một lần nữa cho thấy "phương Tây lần nữa bị dồn vào chân tường trước một Ghouta đang hồi cáo chung".

Mọi nghi ngờ giờ đổ dồn vào chế độ Damascus và đồng minh Nga trước hành động "tàn sát" người dân bằng chất hóa học này như nhận xét của Le Monde. Bởi vì ngay từ tối Chủ Nhật 08/04, Bộ quốc phòng Nga đã cho biết là đã đạt được mục tiêu ở Douma, theo đó, một thỏa thuận đã được đúc kết với nhóm nổi dậy Jaych al-Islam về việc sơ tán toàn bộ quân nổi dậy ra khỏi thành phố cuối cùng của Đông Ghouta.

Phải chăng kết quả này có được là sau ba ngày quân đội Nga và Damascus tăng cường chiến dịch oanh kích đi cùng với việc dùng chất độc hóa học nhằm gây sức ép với phe nổi dậy như tường thuật của Libération. Nếu đúng như thế, quả thật "chế độ Damascus đã thực hiện các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học" như cáo buộc của Le Monde.

Syria : "Sàn đấu" không hồi kết giữa các cường quốc

Sở dĩ người dân Syria phải hứng chịu những thảm cảnh này do các cuộc xung đột quân sự vẫn tiếp diễn tại Syria từ 7 năm qua đó là do đất nước vẫn phải chịu đựng ba vết thương chưa lành, theo như nhận định của nhà báo Renaud Girard trong mục Ý kiến của báo Le Figaro.

Vết thương thứ nhất : Syria là nơi diễn ra xung đột giữa Israel và Iran. Theo ông, vụ căn cứ không quân Tayfur, nằm giữa Homs và Palmyra bị tên lửa tấn công rất có thể là do quân đội Israel tiến hành. Nơi đây có sự hiện diện của lực lượng Vệ binh Hồi giáo Iran và đồng minh Hezbollah Liban. Quân đội Israel lo ngại là trục Hồi giáo Shia do Iran dẫn đầu sẽ hiện diện lâu dài dọc theo vùng cao nguyên Golan mà Israel đã chiếm đóng từ sau cuộc chiến tranh Sáu Ngày năm 1967.

Từ năm 2012, cuộc nội chiến tại Syria đã tạo thuận lợi cho việc nẩy sinh trên lãnh thổ nước này hai mối đe dọa Hồi giáo cực đoan ở phía bắc Israel : đó là mối đe dọa Hồi giáo Shia do Tehran thao túng và mối đe dọa Hồi giáo Sunni của tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi giáo – Daesh, cũng như al-Qaeda. Nếu Hoa Kỳ xé bỏ hiệp định hạt nhân Iran được ký năm 2015 thì Tehran sẽ tiếp tục chương trình hạt nhân. Nguy cơ này đối với Israel là càng lớn.

Vết thương thứ hai là ốc đảo Đông Ghouta, cách Damascus khoảng 10 km về phía đông. Ngày 07/04 vừa qua, các hình ảnh thường dân bị ngạt thở, giống như là nạn nhân của một vụ tấn công vũ khí hóa học. Câu hỏi được đặt ra là phải chăng chế độ Damascus là thủ phạm, chấp nhận rủi ro một cách phi lý là khiêu khích chính quyền Hoa Kỳ hay đây là một sự khiêu khích của quân nổi dậy Hồi giáo cực đoan. Cho đến lúc này, theo Renaud Girard, vẫn chưa có nguồn thông tin độc lập để kiểm chứng.

Vết thương cuối cùng là việc người Kurdistan ở Afrin (tây bắc Syria) phải ồ ạt chạy lánh nạn sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, với sự hỗ trợ của lực lượng dân quân nổi dậy Hồi giáo, chiếm được thành phố này.

Nói tóm lại, lãnh thổ Syria giờ đã trở thành một bãi chiến trường khổng lồ, nơi đọ sức của các hệ tư tưởng, tôn giáo và các cường quốc Trung Đông. Hơn một chục lực lượng quân sự hiện diện tại đây và thường dân là nạn nhân đầu tiên. Có thể hơn 100 ngàn người đã thiệt mạng, gần 10 triệu người phải bỏ cửa bỏ nhà ra đi. Thậm chí giáo hoàng Francis nói đến một vụ "diệt chủng".

Câu hỏi đặt ra là tại sao phương Tây không ngăn chặn vụ thảm sát này ? Nhà Renaud Girard cho rằng, phương Tây lên án, tố cáo chế độ Bachar al-Assad nhưng không đi tới mức dùng vũ lực lật đổ chế độ đó bởi vì không muốn lặp lại hai kinh nghiệm sai lầm trong việc thay đổi chế độ, ở Afghanistan và Iran.

Tại hai nước này, phương Tây đã dùng sức mạnh quân sự và chi hàng trăm tỷ đô la, để lập ra các định chế mới và tổ chức bầu cử. Nhưng việc áp đặt mô hình dân chủ theo kiểu phương Tây tại hai quốc gia này không thành công. Tư tưởng bè phái, hệ phái đã thắng thế. Nếu như phương Tây lựa chọn một thống đốc biết nói tiếng Ả rập trên vô tuyến, lôi kéo kết hợp với quân đội tại hai nước này trong công cuộc tái thiết, đổi mới quốc gia, thì có thể họ đã thành công.

Mạng xã hội : Con dao đa năng hai lưỡi sắc bén

Vào lúc ông chủ Facebook phải ra điều trần trước nghị viện Hoa Kỳ về việc mạng xã hội này được sử dụng như công cụ để tác động đến công luận, báo Le Monde có bài "Mạng xã hội : Con dao đa năng hai lưỡi"

Trong thời buổi hiện nay, hầu như ai cũng có điện thoại thông minh và có thể trở thành một nhà tranh đấu khi quay hình ảnh, thu âm một sự kiện gì đó. Theo bà Veronique Reille Soult, chủ tịch công ty tư vấn Dentsu Consulting, được Le Monde trích dẫn, "từ nay, tất cả các cuộc khủng hoảng đều được phát tán trước tiên qua các mạng xã hội".

Vì sao ? Ông Olivier Midière, thuộc Medef, một tổ chức đại diện cho giới chủ Pháp giải thích. Thứ nhất, mạng xã hội đang làm thay đổi cách thức hoạt động, phục vụ của các doanh nghiệp. Khi một khách hàng không hài lòng, công ty chỉ có hai tiếng để xử lý ngay, nếu không tai tiếng của công ty sẽ được loan tải trên mạng xã hội. Rõ ràng, mạng xã hội đã góp phần cải thiện mạnh mẽ mối quan hệ giữa công ty và khách hàng.

Mạng xã hội cũng làm thay đổi đáng kể cách thức tuyển dụng nhân sự : Doanh nghiệp có khả năng lựa chọn nhiều hơn, hiểu rõ hơn ứng viên. Mặt khác, qua mạng xã hội, những vấn đề của doanh nghiệp được loan tải và buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng xử lý.

Tuy nhiên, mạng xã hội cũng làm cho việc bảo vệ các thông tin cá nhân, thông tin của doanh nghiệp khó khăn hơn. Theo ông Olivier Midière, Facebook thu thập tất cả các dữ liệu của doanh nghiệp, các công ty tư vấn khai thác đối chiếu rồi bán lại cho các đối thủ của doanh nghiệp. Như vậy, mạng xã hội trở thành mối đe dọa, rủi ro đối với doanh nghiệp.

Mặt khác, mạng xã hội cũng là tấm gương phản chiếu hành vi, sở thích của khách hàng. Tập đoàn siêu thị Pháp Carrefour dùng mạng xã hội để hiểu biết rõ hơn xu hướng tiêu thụ, tung ra các đợt tiếp thị đáp ứng nhu cầu khách hàng, theo dõi "hành trình" của sản phẩm, từ sản xuất, chế biến, vận chuyển, thương mại và tiêu dùng.

Le Monde kết luận, cùng với sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội ngày nay trở thành những con dao đa dụng hai lưỡi sắc bén mà không một ai, không một doanh nghiệp nào có thể bỏ qua.

Minh Anh

Published in Quốc tế

Hàng không mẫu hạm, sức mạnh thống trị đại dương thế kỷ 21

Le Figarohôm nay đặt vấn đề "Vai trò địa chính trị mới của các hàng không mẫu hạm là gì ?". Những chiếc tàu sân bay đang quay lại với đại dương, không gian chiến lược mà nhiều Nhà nước đang bày tỏ tham vọng hơn bao giờ hết.

uss1

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson - Uy lực 'pháo đài nổi' trên biển tới Đà Nẵng, Việt Nam ngày 05/03/2018. ZingNews

1. Vì sao hàng không mẫu hạm lại trở thành mốt ?

Trước đây người ta cho rằng chúng quá nặng nề chậm chạp, quá đắt tiền, và dễ tổn thương trước các lại vũ khí hiện đại chống hạm. Nhưng ngày nay, cơn sốt hàng không mẫu hạm lại trở nên mạnh mẽ nhất kể từ sau Đệ nhị Thế chiến. Nhà nghiên cứu Jean-Sylvestre Mongrenier của Viện Thomas More giải thích : "Hồi trước hàng không mẫu hạm được coi là lực lượng hỗ trợ, nhưng nay lại trở thành ưu thế chính của Hải quân".

Hoa Kỳ đang thống trị lãnh vực này. Hải quân Mỹ là lực lượng duy nhất có thể gởi hàng không mẫu hạm đến bất kỳ đại dương nào trên hành tinh, đã khai trương chiếc tàu sân bay thứ 11 là USS Gerald Ford. Anh sau một thời gian khựng lại, đã khẳng định vị trí trong câu lạc bộ khép kín này với hai chiếc Queen Elizabeth và Prince of Galles. Tây Ban Nha, Ý, Úc, Nhật cũng sở hữu tàu chở máy bay. Nhưng phương Tây không độc quyền.

Vào lúc tương quan lực lượng thế giới đang thay đổi, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ ngày càng quan tâm đến công cụ đầy mãnh lực này. "Trong số các khuôn mặt mới, có những nhân tố bạo lực, không tôn trọng quan hệ quốc tế" - đô đốc Coldefy, chủ nhiệm tạp chí Quốc phòng lo ngại. Từ nhiều năm qua, biển cả đã trở thành nơi phô trương sức mạnh. Tháng Ba vừa qua, lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm Mỹ đã đến thăm cảng Đà Nẵng của Việt Nam ; còn các tàu chiến Trung Quốc và tàu ngầm Nga nay phiêu lưu đến tận Địa Trung Hải, gần các bờ biển Châu Âu.

2. Hàng không mẫu hạm trong thế kỷ 21 có tác dụng gì ?

Theo Le Figaro, tàu sân bay cùng với hạm đội của mình giúp Hải quân một nước thay đổi được thế cờ. Hỏa lực khủng khiếp của chúng giúp giáng được những đòn đầu tiên, tính cơ động giúp nắm vững được chiến trường cả trên biển và trên bộ, không phải lệ thuộc vào các thủ thuật ngoại giao rắc rối cũng như hậu cần. Henri Kissinger từng gọi hàng không mẫu hạm là "công cụ ngoại giao 100.000 tấn".

Đô đốc Coldefy nhận định : "Hàng không mẫu hạm không thay thế được các trận đánh trên đất liền, nhưng là chỗ dựa địa chính trị độc lập". Đô đốc Anh Keith Blount nhắc nhở : "Trong lịch sử, ngay cả đồng minh thân cận nhất cũng có thể không hỗ trợ chúng ta khi xảy ra xung đột".

3. Các tàu sân bay Trung Quốc có phải là mối đe dọa ?

Từ nhiều năm qua luôn diễn ra căng thẳng tại Biển Đông, Bắc Kinh và Hà Nội tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Le Figaro nhận xét, Trung Quốc khổng lồ mà bóng đen đầy đe dọa bao trùm lên tất cả các láng giềng, tạo ra một "chuỗi ngọc trai" cho đến tận Ấn Độ Dương, dựng lên các tiền đồn, căn cứ quân sự ở khắp nơi. Trung Quốc quay lại với các trận hải chiến, qua việc đánh đắm các tàu của Việt Nam, đóng các con tàu bọc thép, dành ngân sách ngày càng lớn cho việc hiện đại hóa hải quân.

Bắc Kinh đã bắt đầu đóng chiếc tàu sân bay thứ ba trong số từ bốn đến sáu chiếc dự kiến. Bên cạnh đó còn chi hàng trăm triệu đô la để chế tạo các hỏa tiễn chống hạm, nhằm đẩy Hải quân Mỹ ra xa khỏi Biển Đông. Nhưng mối đe dọa Trung Quốc không chỉ nhắm vào Hoa Kỳ, mà liên quan đến tất cả các nước trong khu vực, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Các nước Châu Âu cũng lo ngại trước sự hiện diện ngày càng lớn của các chiến hạm Trung Quốc trên biển.

4. Sự tăng cường năng lực của Hải quân Nga có ý nghĩa gì ?

Từ cuộc khủng hoảng Syria cho đến việc sáp nhập Crimea, Hải quân Nga là trung tâm của một loạt sự kiện, nhằm tái lập vị trí "cường quốc biển" ; trong đó tàu sân bay Amiral-Kuznetsov cùng với các tàu ngầm nguyên tử là một trong những thế mạnh chủ chốt. Moskva đang mơ sau khi Kuznetsov về hưu, có được một hàng không mẫu hạm 100.000 tấn cạnh tranh được với Mỹ. Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu Alexandre Sheldon-Duplaix : "Nga muốn có tiếng nói trên Đại Tây Dương, nhưng lại không có khả năng thay thế chiếc Kuznetsov".

5. Pháp có cần thêm hàng không mẫu hạm thứ hai hay không ?

Tất cả các cuộc xung đột địa chính trị mà Pháp có can dự đều chứng tỏ giá trị chiến lược của chiếc Charles-De-Gaulle. Từ Afghanistan đến vùng Gulf of Persia, sang Libya, Syria, sức mạnh của hàng không mẫu hạm giúp Pháp tăng thêm ảnh hưởng trong các liên minh.

Nhưng nếu không có người kế nhiệm, sau khi chiếc Charles-De-Gaulle "về hưu" vào khoảng năm 2040, thế mạnh quân sự và ngoại giao của Paris sẽ giảm sút. Để đối phó với sức mạnh đang lên của các nước ngoài phương Tây, Hải quân Pháp đang đòi hỏi đóng thêm hàng không mẫu hạm thứ hai, tuy nhiên tài chính vẫn là vấn đề đau đầu.

Vây hãm, vũ khí chiến thuật đáng sợ

Cũng về quân sự, Le Monde nhận định "Vây hãm, loại vũ khí đáng sợ". Bachar al-Assad và các đồng minh luôn dùng chiến thuật này để bóp nghẹt quân nổi dậy và thường dân Syria. Được sử dụng từ thời cổ đại, lần đầu tiên chiến thuật vây hãm bị coi là "tội ác chống nhân loại" sau trận chiến Sarajevo.

Một trong những cuộc bao vây nổi tiếng nhất là cuộc chiến thành Troy vào thế kỷ thứ 7 trước công nguyên, đã được Homère kể lại trong tác phẩm Iliade. Cuộc vây hãm dài nhất trong lịch sử, theo nhiều sử gia, diễn ra tại Hissarlik (Thổ Nhĩ Kỳ) vào thế kỷ thứ 7, kéo dài đến 23 năm ! Thành Constantinople, nay là Istanbul, là thành phố bị bao vây nhiều lần nhất, đến 30 lần trong 1.000 năm qua.

Nhìn chung, nạn đói đóng vai trò quyết định trong chiến thắng. Trong trận bao vây Paris 1870-1871, hết thực phẩm, người dân phải ăn đến thịt chuột, và khi không còn con chuột nào để ăn, không còn ai chống cự được nữa. Chiến thuật vây hãm cho đến nay vẫn rất giá trị, đối với các lực lượng quân sự phi nhân.

Macron-Salman, hai nhà lãnh đạo trẻ chủ trương cải cách

Chuyến thăm Pháp của thái tử Saudi Arabia là đề tài được nhiều báo Pháp chú ý nhất hôm nay. Le Monde chạy tựa trang nhất "Mohammed Ben Salman, những bí mật của một ông hoàng". Tờ báo dành năm trang để thuật lại sự thăng tiến của vị thái tử trẻ, phân tích quan hệ ngoại giao và kinh tế với Pháp, vấn đề nhân quyền và tương lai của vương quốc Ả Rập lâu nay nổi tiếng là có luật Hồi giáo nghiêm khắc.

Le Figarocho rằng ông Mohammed Ben Salman (thường được gọi tắt là MBS) "đến Paris với bàn tay trắng". Một "hiệp ước đối tác chiến lược" mới sẽ được ký kết, nhưng số lượng hợp đồng kinh tế thì thấp hơn rất nhiều so với những gì đã ký với Hoa Kỳ và Anh quốc, và đa số chỉ là những bản ghi nhớ không mang tính ràng buộc.

Từ mười năm qua, Pháp không có được hợp đồng quan trọng nào với Saudi Arabia, trong khi Paris luôn ủng hộ Riyad trong hồ sơ nguyên tử Iran hay cuộc chiến ở Yemen. Vương quốc này nay chú trọng đến quan hệ với Mỹ từ sau khi ông Donald Trump đắc cử, và Châu Á, thậm chí với Nga, thay vì Pháp.

Cả hai nhà lãnh đạo Macron và Salman đều là những nhà cải cách trẻ tuổi. MBS có đội ngũ cố vấn là những nhà kỹ trị trẻ, đã tạo nên những thay đổi trong bộ máy chính quyền, cũng như nới rộng các quyền cho phụ nữ. Liệu lần này "ma thuật" Macron có hiệu nghiệm đối với MBS hay không, hồi sau rồi sẽ rõ.

Còn theo Les Echos, Saudi Arabia là một thử thách đầy rủi ro cho tổng thống Pháp, bởi vì Paris không thể đóng sập cánh cửa đối với kẻ thù chính của Riyad là Tehran. Dù vậy cũng cần phải khuyến khích vị thái tử trẻ nói không với Hồi giáo cực đoan, và cải tổ không chỉ kinh tế mà cả trong lãnh vực xã hội.

Cựu tổng thống Brazil, tù nhân được ưu đãi

Nhìn sang Châu Mỹ la-tinh, thông tín viên Le Figaro tả lại sự kiện "Người hùng của người nghèo", Luiz Inacio Lula da Silva hôm Chủ nhật đã chấp nhận vào tù, tại trụ sở cảnh sát Curitiba, miền nam Brazil. Trước đó cựu tổng thống đã thách thức tư pháp trong suốt hai ngày đầy náo động.

Rốt cuộc ông Lula đã đến nộp mình cho cảnh sát vào cuối giờ chiều thứ Bảy 7/4. Vị cựu tổng thống rời ghế với tỉ lệ tín nhiệm kỷ lục sau hai nhiệm kỳ (2003-2010) được dành cho một chiếc giường nhỏ, trong xà lim rộng 15 mét vuông ở tầng trên cùng trụ sở cảnh sát bang Parana, có phòng tắm riêng - một ưu đãi trong khi các nhà tù Brazil bị quá tải. Một điều mỉa mai : hàng xóm của ông Lula là một cựu bộ trưởng thuộc đảng của ông, và doanh nhân đã xây tặng cho ông căn hộ - khiến ông phải lãnh án vì tham nhũng.

Lula còn phải ở tù bao lâu ? Theo kịch bản lạc quan nhất, ông có thể được trả tự do vào thứ Tư tới nếu 11 thẩm phán Tối cao Pháp viện chấp nhận cho tại ngoại. Tuy nhiên ông Lula còn bị khởi tố trong sáu vụ khác, trong đó có một vụ có thể được đưa ra xử vào cuối tháng Năm.

Đường sắt đình công : Tựa chính báo Pháp

Về nội tình nước Pháp, cuộc đình công của ngành đường sắt lại tiếp diễn hôm nay. Libération đăng ảnh một nhân viên tập đoàn hỏa xa Pháp SNCF đình công, cầm chiếc loa với vẻ mặt cương quyết. Tờ báo thiên tả nhận định, những cuộc thương lượng dậm chân tại chỗ, chính quyền không khoan nhượng, các nghiệp đoàn quyết dấn tới : cuộc xung đột có nguy cơ kéo dài.

Cũng về chủ đề này, nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa "SNCF : Macron sẵn sàng tung ra cuộc chiến công luận". "Đình công SNCF, chính quyền vẫn không suy suyển" - tựa của Le Figaro. Dự thảo cải cách được trình bày tại Quốc hội hôm nay, và tổng thống Macron sẽ phát biểu trên đài truyền hình vào thứ Năm tới để tìm cách thuyết phục.

Riêng nhật báo công giáo La Croix chạy tít "Người Công giáo gặp gỡ Macron" : Tối nay giáo hội tập hợp 400 nhân vật trong cuộc đối thoại chưa từng thấy vớitổng thống Pháp.

Thụy My

Published in Quốc tế

Nguồn : RFI, 08/04/2018

Published in Video

Giáo hoàng Francis, lãnh tụ thế giới tự do ?

"Giáo hoàng Francis đóng vai trò như thế nào trước Donald Trump, Erdogan, Vladimir Putin, Tập Cận Bình, Emmanuel Macron…". Đó là chủ đề của tuần báo Le Point kỳ này. Tờ báo đặt vấn đề, ảnh hưởng của người đứng đầu Giáo hội Công giáo không ngừng tăng lên, trước các nhà lãnh đạo cá tính, phải chăng ngài đang trở thành lãnh tụ của thế giới tự do ?

francis1

Giáo hoàng Francis vẫy chào giáo dân sau khi cử hành thánh lễ Phục Sinh ở quảng trường Thánh Phêrô, Vatican, 01/04/2018. Reuters/Max Rossi

"Tôi sẽ nhớ những gì ngài nói !". Khi rời văn phòng Vatican hôm 24/05/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã quay trở lại, nói nhỏ vào tai Giáo hoàng Francis như thế - theo lời kể của Hồng y Jean-Louis Tauran. "Giáo hoàng để lại dấu ấn nơi tất cả các vị khách, thế nên ai cũng muốn gặp ngài".

Dưới thời Francis, vị giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Dòng Tên và không phải là người Châu Âu, Vatican đã trở thành ngã tư của thế giới. Tổng thống, thủ tướng các nước thi nhau đến khu vực Đại giáo đường Thánh Peter : trong năm năm qua có đến 90 nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ đã được Giáo hoàng tiếp, trong đó có những vị được tiếp nhiều lần.

Ngay cả nữ hoàng Elisabeth của Anh quốc, cũng đã đến Vatican lần đầu tiên. Ông chủ điện Kremlin đến Vatican năm lần, trong đó có hai lần để gặp Giáo hoàng Francis. Bà Angela Merkel trước đây thường đến thăm người đồng hương - Giáo hoàng Benedict XVI - nay cũng rất thân thiết với vị giáo hoàng kế nhiệm, nhất là sau khi mở cửa biên giới cho người tị nạn. Giáo hoàng Francis chìa bàn tay cho mọi người, kể cả Joseph Kabila (nhà độc tài Congo), Erdogan (thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ).

Ngoại giao Vatican hiện diện khắp nơi. Tại Châu Mỹ la-tinh, Giáo hoàng đã cố gắng đưa Cuba quay lại với cộng đồng quốc tế, xúc tiến hòa bình cho Colombia. Tại Châu Á, ngài đang xích gần lại với Trung Quốc, và luôn lên tiếng bênh vực người Rohingya ở Miến Điện. Ở Châu Phi, ngài vận động cho hòa bình ở Mozambique, Trung Phi, Congo, và dự định đến Nam Sudan dù mọi người can gián vì lý do an ninh. Tại Cận Đông, trên vùng Đất Thánh, Giáo hoàng liên tục tìm cách làm dịu đi xung đột Israel-Palestine.

Vatican, ngã tư quốc tế

Người đứng đầu một giáo hội 1,2 tỉ tín đồ còn là một thủ lãnh chính trị. Vatican, nhà nước nhỏ bé với diện tích vỏn vẹn 44 hecta có một bộ máy rất hiệu quả. Quốc vụ khanh là Hồng y Pietro Parolin là nhà ngoại giao lão luyện, từng đóng vai trò quan trọng trong các hồ sơ lớn như việc thương lượng với Lực lượng FARC ở Colombia, giúp quan hệ Hoa Kỳ-Cuba tan băng. Khoảng một trăm sứ thần, tức đại sứ của Vatican, mỗi vị chỉ có một hoặc hai cộng sự.

Tuy số lượng khiêm tốn, nhưng đây là một mạng lưới toàn cầu, vì trong số 195 quốc gia trên thế giới, chỉ có hơn một chục nước không có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Trong đó có ba quốc gia quan trọng nhất, theo đánh giá của một nhà ngoại giao, là Saudi Arabia, Trung Quốc và Việt Nam. Vatican là thành viên của Hội đồng Châu Âu, các tổ chức quốc tế như OSCE (Tổ chức An ninh Hợp tác Châu Âu), AIEA (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế), và có tư cách quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc, thậm chí là Nhà nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí nguyên tử vào tháng 7/2017.

Nhà báo Constance Colonna-Cesari, tác giả cuốn "Bí mật của nền ngoại giao Vatican" nhận định : "Thế mạnh chính là chất lượng thông tin. Các nhà ngoại giao được thông báo lập tức từ các hồng y, linh mục, tu sĩ… là chứng nhân của những gì đang diễn ra khắp nơi trên thế giới. Và Tòa Thánh không hề tìm cách bán vũ khí, giành thị phần hay lấn lướt bất kỳ quốc gia nào, nhờ đó được rộng tay hơn".

Le Point cho rằng trong lúc bản đồ địa chính trị đang được vẽ lại và các chế độ độc tài nở rộ, những ý tưởng của Giáo hoàng Francis mang một tầm quan trọng mới. Nelson Mandela đã qua đời, bà Aung San Suu Kyi của Miến Điện và ông Lula của Brazil bị mất uy tín, giải Nobel hòa bình Obama gây thất vọng, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres chưa gây được dấu ấn, Dalai Lama lặp lại những điều đã cũ… Giáo hoàng Francis có cơ hội trở thành lương tâm của thế giới.

Tiếng nói của ngài hàng ngày được đưa đến cả những nơi xa xôi hẻo lánh trên toàn cầu, với 350 nhân viên của Radio Vatican - từ ngày 01/01/2018 đã đổi tên thành Vatican News - phát bằng 40 thứ tiếng. Tài khoản Twitter của Giáo hoàng có 43 triệu người theo dõi. Bài trả lời phỏng vấn, bài giảng, sắc thư… rồi những chuyến tông du : trong 5 năm qua, Giáo hoàng Francis đã thăm 33 nước. Ở Vatican người ta nói đùa : "Chúa hiện diện ở mọi nơi, nhưng Giáo hoàng John Paul II đã đến thăm trước đó. Còn Giáo hoàng Francis thì tìm đến những nơi mà người tiền nhiệm chưa hề đặt chân đến" - như đảo Lampedusa của người tị nạn, hay giữa rừng Amazon.

Tất nhiên bên cạnh đó vẫn có những vùng xám. Một linh mục Pháp ở Roma nhận định : "Giáo hoàng rất quan tâm đến những người bên ngoài Giáo hội, nhưng lại ít chú ý hơn đối với những cộng sự". Ngoại giao thành công, nhưng quản lý lại gây thất vọng. Đến nỗi ngài từng thốt lên : "Cải cách ở Roma, cũng giống như dùng bàn chải đánh răng để làm sạch tượng Nhân sư lớn ở Ai Cập".

Chiến tranh thương mại, trò chơi rủi ro

L’Expresstrích đăng cuốn sách nói về thực trạng các bệnh viện Pháp, chạy tựa "SOS, các bệnh viện đang trầm cảm", còn L’Obs tìm hiểu những gì diễn ra "Trong đầu của loài vật", từ tác phẩm của nhà văn Đức Peter Wohlleben, tác giả cuốn best-seller "Cuộc sống bí mật của cây cối".

Trên lãnh vực kinh tế, Le Courrier International dịch bài viết của Wall Street Journal mang tựa đề "Thương mại, trò chơi đầy rủi ro giữa Bắc Kinh và Washington".

Tờ báo lo ngại cho các công ty Mỹ, đặc biệt trong lãnh vực nông sản phẩm, nếu chiến tranh thương mại trở nên gay gắt hơn. Năm ngoái Mỹ bán được hơn 1 tỉ đô la thịt heo vào thị trường Trung Quốc, táo của tiểu bang Washington được xuất qua từ năm 2015 đã tăng rất cao, rượu vang, hạt dẻ cười (pistachio)… đang được ưa chuộng có thể bị Bắc Kinh áp thuế.

Tác giả cho rằng ông Donald Trump có thể làm mất đi lợi ích của việc cải cách ngân sách cũng như các biện pháp khác đang giúp kinh tế tăng trưởng, và đặt câu hỏi : Có ai đó ở Nhà Trắng theo dõi hồ sơ này hay không ?

K-pop với vòng lưu diễn ngoại giao ở Bình Nhưỡng

Tại Châu Á, Le Monde cuối tuần mô tả "K-pop với vòng lưu diễn ngoại giao ở Bình Nhưỡng", thuật lại câu chuyện của một ca sĩ Hàn Quốc có mẹ là người gốc Bắc Triều Tiên, đã tham gia đoàn nghệ sĩ từ Seoul sang Bình Nhưỡng trình diễn mới đây.

Ca sĩ Kang San-eh, tên thật là Kang Young-gul cho biết cuộc đời của mẹ anh điển hình cho lịch sử đương đại Triều Tiên. Khi chiến tranh nổ ra trên bán đảo, cặp vợ chồng trẻ vừa có em bé tìm cách chạy sang miền Nam, nhưng họ bị lạc nhau trong đợt di tản Hungnam. Từ ngày 15 đến 24/12/1950, gần 100.000 thường dân chạy khỏi thành phố cảng miền Bắc, cùng lúc với 100.000 quân Hàn Quốc và Liên Hiệp Quốc, trước đà tiến của liên quân Trung-Triều. Những người di tản Hungnam hầu hết định cư tại Geoje thuộc Hàn Quốc. Mẹ của Kang tái giá, sinh ra Kang San-eh và em gái, còn chồng cũ của bà ở lại miền Bắc.

Quá khứ và nỗi đau của người di tản ghi dấu ấn trong một số bài hát nổi tiếng của Kang San-eh. Trước đây anh từng trình diễn tại khu công nghiệp liên Triều Kaesong, nhưng nay người ca sĩ có cảm giác khác hẳn khi được đến tận Bình Nhưỡng, trái tim của Bắc Triều Tiên, trong một bối cảnh chính trị nhạy cảm.

Miến Điện : Tương trợ không dành cho người Rohingya

Còn tại Miến Điện, bài báo "Một sự hào hiệp tương đối" của Nikkei Asian Review, được Le Courrier International dịch lại, cho biết người dân Miến Điện có tinh thần tương trợ rất cao - tuy nhiên đối với người Rohingya thì họ lại không ngó ngàng đến.

Phóng viên của tờ báo tại Rangoon cho biết, một buổi tối anh nhìn thấy một chiếc xe hơi tông phải một người đàn ông đang đi bộ. Trong vòng chưa đầy một phút, hàng mấy chục người đã xúm lại. Hai người lo cho người bị thương, hơn một chục người làm thành hàng rào chắn xe cộ qua lại, còn những người khác ngăn chận người tài xế say rượu rời khỏi hiện trường, trong khi chờ đợi cảnh sát đến. Một chiếc xe cấp cứu gồm toàn người tình nguyện nhanh chóng tới nơi, đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất.

Sau trận lụt năm 2015 khiến 100.000 người dân nông thôn phải sơ tán, có những hội thiện nguyện đã được lập ra ở Rangoon. Họ quyên góp trên đường phố để mua thực phẩm, chở về đến tận các trại tạm cư.

Nhưng những hành động nhân ái này không dành cho người Rohingya, thiểu số Hồi giáo bị kỳ thị. Tại bang Arakan, dân địa phương đồng lòng ngăn cản viện trợ nhân đạo đến tay người Rohingya, cô lập những ai chấp nhận làm việc cho các tổ chức phi chính phủ thiện nguyện. Một chủ tiệm là Phật tử đã bị cạo đầu, buộc phải đi diễu trên đường phố với tấm bảng "Phản quốc" chỉ vì buôn bán với người Hồi giáo.

Cho đến nay, chính quyền của bà Aung San Suu Kyi vẫn làm ngơ trước tình trạng này. Các tổ chức xã hội dân sự không được tham vấn, các chuyên gia tài năng không có quan hệ chặt với đảng của bà Suu Kyi bị nghi ngại. Còn những ai lên án nạn bạc đãi người Rohingya thì bị đe dọa mà cảnh sát không hề can thiệp, hoặc bị kiện tụng tơi bời.

Hai lần ly dị của Ireland

Le Courrier Internationaltuần này ra số đặc biệt "Du hành tại Ireland trong thời Brexit". Từ Derry đến Dublin, tờ báo vẽ nên chân dung của một quốc gia đã trở thành con tin của sự kiện Anh quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU), nhấn mạnh đến "Hai lần ly dị của Ireland". Vào lúc Anh quốc đang chuẩn bị ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, nước láng giềng Ireland đang phải gánh chịu hậu quả của cuộc ly dị vất vả này.

Một ly bia trong một "pub" ở Dublin hay Luân Đôn giá bao nhiêu ? Khoảng 5 euro, nhưng tất cả còn tùy thuộc vào những thỏa thuận cuối cùng trong hợp đồng Brexit, sẽ bắt đầu có hiệu lực vào lúc 23 giờ ngày 29/03/2019, và những thay đổi của đồng bảng Anh.

Bởi vì nếu quay trở lại với đường biên giới thực tế giữa Bắc Ireland - là một tỉnh trực thuộc Vương quốc Anh - và Cộng hòa Ireland, thì việc vận chuyển bia từ nhà máy ở Dublin (Cộng hòa Ireland) đến xưởng đóng chai ở Belfast (Bắc Ireland) sẽ mất nhiều thời gian hơn, và giá cước đắt hơn. Còn đồng bảng Anh hiện đã sụt giá đến 13% kể từ cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/06/2016.

Không chỉ loại bia nâu thông dụng này trở nên "đắng" hơn, mà Brexit còn đe dọa toàn bộ nền kinh tế Ireland, có nguy cơ khoét lại vết thương đã liền sẹo từ 20 năm qua với Hiệp định Thứ Sáu Tuần Thánh. Cách đây hai năm, khi bày tỏ mong muốn ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu, người dân Bắc Ireland đã phản đối hai vụ ly dị, một với Bruxelles và một với láng giềng phương Nam. Nhưng các đồng bào của họ ở Anh đã quyết định ngược lại. Hậu quả là : sau hai thập niên hâm nóng quan hệ giữa hai Ireland, các bức tường chia cách ở Belfast đang bị đập bỏ, nhưng những hàng rào khác có thể được dựng lên trong tương lai.

Các viên chức Châu Âu luôn nói rằng mọi thỏa thuận về Brexit sẽ không được ký nếu Ireland không bật đèn xanh. Thế nhưng theo tờ báo bảo thủ The Spectator có trụ sở ở Luân Đôn, thì đó chỉ là những lời lẽ mị dân. EU tôn trọng đường biên giới và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ireland "cũng như cá mập tôn trọng hải cẩu" - theo tác giả, và EU chỉ muốn Ireland giúp mình chơi cho Brexit một cú !

Hungary : Thủ tướng Orban sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba ?

Cũng về Châu Âu, tờ Magyar Idok thân cận với chính quyền Budapest được Le Courrier International trích dịch, giải thích "Vì sao ông Orban sẽ thắng cử thêm một nhiệm kỳ thứ ba" : đó là nhờ những thành công về kinh tế và chính trị của thủ tướng Hungary.

Đối lập không thuyết phục được dân chúng, đảng cực hữu Jobbik không có chương trình hành động rõ ràng, phe xã hội bị mất đi sự ủng hộ của giai cấp trung lưu. Trong khi đó chính phủ của ông Orban đã giúp GDP tăng lên, nợ công giảm xuống, nâng cao mức sống người dân, tỉ lệ người nghèo từ 1/3 xuống còn 1/4 dân số.

Những tấm hộ chiếu Châu Âu bằng vàng cho đại gia

Trang kinh tế của L’Express đề cập đến một khía cạnh khác "Bán quốc tịch Châu Âu" : một số nước Nam Âu bán tư cách công dân cho những nhà đầu tư giàu có từ Trung Quốc, Nga hay Châu Phi.

Những người nhập cư này không phải chen chúc trên những chiếc tàu cũ kỹ có nguy cơ bị đắm. Họ du hành bằng ghế hạng thương gia tiện nghi trên máy bay, sẵn sàng ký những tấm séc có sáu, bảy con số zéro để có được tấm hộ chiếu Châu Âu, sự bảo đảm vượt qua các biên giới một cách thoải mái, an toàn và… một cuộc đời mới.

Trong một thế giới toàn cầu hóa, đồng tiền không mang màu cờ nào, khoảng hai chục quốc gia nhỏ đã thu hút những người siêu giàu bằng món quà loại này. Hiện tượng "chiếu khán bằng vàng" kể từ đầu năm 2010 từ vịnh Caribean đã lan đến Châu Âu. Những nước bị khủng hoảng tài chính làm ảnh hưởng như Chyprus, Malta, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và ngay cả Bulgaria, Hungary coi đây là cơ hội để có thêm nguồn ngoại tệ. Nếu đầu tư từ 500.000 euro cho đến 2,5 triệu euro tùy theo từng nước, người giàu có thể nhập tịch. Một nhà môi giới cho biết phân nửa số khách hàng là người Trung Quốc, 1/3 từ Trung Đông, số còn lại từ các nước thuộc Liên Xô cũ.

Syria : Thổ-Kurdistan, một cuộc chiến khác

Còn tại Trung Đông, cây bút Christian Makarian trên L’Express nhận định "Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người Kurdistan : Một cuộc chiến trong cuộc chiến". Theo tác giả, việc Ankara tăng cường áp lực quân sự tại Syria làm gia tăng nhịp độ tan rã của Trung Đông.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan muốn loại hẳn sự hiện diện của quân Kurdistan, không chỉ dọc theo biên giới với Syria, mà cả ở biên giới Iraq, tổng cộng 900 km. Sau khi chiếm Afrin hôm 19/3, Ankara nay nhắm vào các thành phố khác ở Syria mà người Kurdistan đang trấn giữ - Manbij, Kobane, Tall Abyad - những địa danh oai hùng, nơi dân quân Kurdistan từng đối đầu với tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Đây là một cuộc chiến trong cuộc chiến : Thổ Nhĩ Kỳ lợi dụng thảm kịch Syria để lấn tới. Như vậy Ankara đang tiến hành một cuộc xâm lược vào Syria, làm phức tạp thêm tình hình và càng khiến phương Tây khó thể bỏ rơi người Kurdistan - đồng minh duy nhất ở Syria chống quân thánh chiến. Mặt khác, nếu Lực lượng Kurdistan bị tiêu diệt sẽ bất lợi cho quốc tế trong cuộc chiến chống nạn khủng bố, vốn đã tạo ra rất nhiều nạn nhân vô tội ở Châu Âu, và ngay tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thụy My

Published in Quốc tế

Phía sau cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung

Hoa Kỳ - Trung Quốc tuyên chiến thương mại, cựu tổng thống Brazil Lula trước ngưỡng của nhà tù, Hungary bầu cử Quốc hội trong không khí bài ngoại, các trường đại học Pháp trở thành con tin của phong trào xã hội ... là những chủ đề chính của các báo Pháp ra ngày 06/04/2018.

phia1

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước khi ký bản ghi nhớ về quyền sở hữu trí tuệ công nghệ, Washington ngày 22/03/2018. Reuters/Jonathan Ernst

Trang kinh tế nhật báo Le Monde tập trung vào chủ đề đang được cả thế giới theo dõi trong những ngày qua đó là cuộc đấu thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, dù vẫn chỉ mới ở giai đoạn dạo đầu với mà thông báo đánh thuế cao vào hàng hóa của hai bên.

Đặt vấn đề "Thương mại : Tại sao Trump gây sự với Trung Quốc", nhật báo Le Monde cố gắng cho thấy đằng sau thông báo áp thuế cao vào hàng nhập khẩu Trung Quốc, Hoa Kỳ đang theo đuổi một mục tiêu khác đó là hạn chế mất cắp công nghệ.

Cuộc đọ sức thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dường như vẫn tiếp tục leo thang từng ngày khiến thế giới tài chính, doanh nghiệp không khỏi sửng sốt và lo ngại. Le Monde tự hỏi : "Liệu đây có phải là một trận đấu vật biểu diễn cách mà tổng thống Mỹ Donald Trump rất mê, hay đó là sự hỗn loạn không tránh được ? Không ai trả lời được câu hỏi này trong khi mà chưa có một hàng rào thuế quan nào có hiệu lực".

Nhưng theo ông Trump, chính Trung Quốc mới là kẻ xâm lược. Hôm thứ Tư (04/04) vừa rồi, tổng thống Mỹ tung lên twitter những dòng bình luận : "Chúng ta không chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Cuộc chiến này đã thất bại cách đây nhiều năm bởi những người đại diện cho nước Mỹ hoặc là mất trí hoặc bất tài. Chúng ta đã bị thâm hụt thương mại 500 tỷ đô la, thêm vào đó mà 300 tỷ vì sở hữu trí tuệ bị đánh cắp. Chúng ta không thể để điều đó tiếp diễn".

Dòng twitter này phản ánh phần nào mục tiêu gây chiến của tổng thống Mỹ với Trung Quốc. Tuy nhiên nhiều câu hỏi được đặt ra : Ông Trump hy vọng gì vào các mức thuế hải quan áp cho hàng Trung Quốc ? Trump có hy vọng gây thiệt hại cho Trung Quốc ? Câu trả lời là có nhưng kết quả không nhiều, thậm chí còn gây tác động thiệt hại trở lại đối với các công ty Mỹ vẫn phải nhập thiết bị Trung Quốc để sản xuất tại nước Mỹ.

Mục tiêu của Mỹ là đưa Bắc Kinh ngồi vào bàn đàm phán. Điều này có lẽ đã diễn ra trong hậu trường rồi. Nhưng Trung Quốc cứ tuân theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và Washington không thể thắng được hoàn toàn.

Câu hỏi cuối cùng được đặt ra liên quan đến cáo buộc đánh cắp công nghệ. Le Monde nhận định : "Trận chiến này Mỹ đã thua chăng ? Các nước phương Tây từ 1/4 thế kỷ qua vẫn chuyển giao công nghệ để có thể sản xuất trên đất Trung Quốc. Họ không có sự lựa chọn nào khác. Một khi hàng đã sản xuất trên một đất nước thì người ta mất sự kiểm soát công nghệ là điều tất yếu".

Hoa Kỳ hy vọng các quy định ngặt nghèo trong việc thành lập liên doanh ở Trung Quốc phải được nới lỏng, nhưng đối tác của họ không cùng quan điểm trên vấn đề này.

Tóm lại theo Le Monde, bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross đã phát biểu khi thông báo các biện pháp trừng phạt hàng Trung Quốc : "Thuế áp cho nhôm thép là hiện tại, quyền sở hữu trí tuệ là tương lai". Thực chất của cuộc đấu thương mại này là : Mỹ không chịu được ý tưởng cho rằng thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của Trung Quốc, sau thế kỷ 20 đã là thế kỷ của Mỹ, tờ báo kết luận.

Thần tượng Lula bị tống giam

Chuyển qua đất nước Nam Mỹ, Brazil với thời sự nóng liên quan đến số phận của cựu tổng thống Lula.

Cánh cửa nhà tù có thể sẽ khép lại cuộc sống và sự nghiệp chính trị của ông Lula khi Tòa án tối cao Brazil đã bác bỏ đề nghị được tại ngoại của cựu tổng thống Brazil. Mặc dù ông Lula chưa thi hành ngay phán quyết của tòa án nhưng ông đang ở rất gần cánh cửa nhà tù. Hầu hết các báo pháp đều không bỏ qua sự kiện này. Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa bài viết : "Trận động đất chính trị ở Brazil".

Phóng viên của Les Echos ghi nhận, quyết định của Tòa Án Tối Cao được đưa ra giữa đêm qua đã gây phản ứng khác nhau. Đảng Người Lao Động của cựu tổng thống khẳng định "Hiến pháp Brazil đã bị xé nát bởi chính những người bảo vệ nó".

Những người ủng hộ cựu tổng thống còn đề nghị làm một hàng rào người ngăn không để ông Lula không bị bắt giam. Trong khi đó những người chống Lula thì cho rằng quyết định trên là một thông điệp cho thấy không ai có thể là ngoại lệ được miễn trừ nếu phạm tội.

Còn báo Le Figaro thì ghi nhận sự kiện bằng hàng tựa "Lula tới nhà tù, sự sụp đổ một thần tượng".

Tờ báo nhắc lại : Khi rời khỏi quyền lực ngày 01 tháng Giêng 2011, Luis Inaco Lula da Silva ở trên đỉnh cao của tín nhiệm. Sau hai nhiệm kỳ tổng thống 4 năm, 8 trên 10 người Brazil vẫn ủng hộ vị cựu tổng thống xuất thân từ một thợ tiện bình dân. Theo họ ông là người đã làm rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng trong xã hội Brazil, đem lại sự tăng trưởng chắc chắn cho đất nước, khẳng định vị thế vai trò của Brazil trên trường quốc tế.

Thế nhưng chỉ 8 năm 3 tháng sau, cựu tổng thống cánh tả, 72 tuổi đang trên đường hướng tới nhà giam để thi hành bản án 12 năm tù vì tội tham nhũng và rửa tiền. Sau một cuộc chiến pháp lý liên miên, Tòa án tối cao đã bác bỏ quyền tại ngoại của ông Lula trong khi chờ đợi kháng án.

Theo Le Figaro, "đây là đòn định mệnh đối với nhân vật đã 5 lần ra tranh cử tổng thống và đang nhắm tới nhiệm kỳ thứ 3 trong cuộc bầu cử vào tháng 10 năm nay mà hiện ông luôn là ứng viên có nhiều triển vọng thắng cử".

Trong khi đó, nhật báo thiên tả Libération nhận định về sự kiện : "Khúc tưởng niệm cho Lula chăng ? Không gì có thể nói trước được (….) Dù điều gì xảy đến, chắc chắn ông vẫn có sức nặng với cuộc bầu cử bởi vì Lula vẫn còn sự ủng hộ vô điều kiện của một bộ phận lớn giới trí thức và ông vẫn là nhà vô địch của tầng lớp bình dân, ở Brazil người ta vẫn coi tư tưởng của Lula gần như là một tôn giáo".

Hungary : Bầu cử Quốc hội trong không khí bài ngoại chống Châu Âu

Trở lại khu vực Châu Âu, nhiều tờ báo chính đều hướng chú ý tới đất nước Hungary, nơi sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội quan trọng vào ngày Chủ nhật tới.

Mới gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, nhưng dưới thời của thủ tướng Viktor Orban, Hungary trở thành một thành viên ngỗ nghịch của gia đình Liên Âu. Đất nước Hungary đang sống trong chiến dịch vận động tranh cử của đảng cầm quyền với màu sắc nổi bật chống Liên Hiệp Châu Âu và bài ngoại. Le Monde có bài viết : Châu Âu tận thế dưới cái nhìn của "Truyền hình-Orban".

Le Monde cho hay, các chương trình truyền hình dưới sự kiểm soát của chính phủ Viktor Orban, những ngày qua liên tục tuyên truyền mô tả các nước Tây Âu nhưng là những nơi chỉ có máu và lửa. Một thế giới trong đó người da trắng trở thành thiểu số, bị loại ra ngoài để dành chỗ cho người nhập cư, một thế giới mà "ở đó người ta không thể đi tàu điện ngầm giữa ban ngày mà không bị tấn công bằng dao" hay ở đó "người ta có thể bị hãm hiếp mà cảnh sát không can thiệp"…

Theo Le Monde, từ khi lên nắm quyền 2010, thủ tướng cực bảo thủ và chính phủ của ông dần dần kiểm soát một phần lớn truyền thông của đất nước. Giữa chiến dịch vận động tranh cử lập pháp nhằm giúp ông Orban tiếp tục lãnh đạo nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp này, các kênh truyền hình thân chính phủ lại rộ lên chiến dịch thông tin bài ngoại bóp méo sự thật ở Châu Âu nhằm kích động tâm lý chống Châu Âu, đề cao vai trò của ông Orban với chủ trương dân tộc cực đoan.

Pháp : Phong trào phản kháng đe dọa các trường đại học

Trở lại với trang nhất báo Le Figaro. "Trường đại học : Các sinh viên con tin của những "người phong tỏa"", tờ báo đề tựa.

Trong làn sóng phản đối các chủ trương cải cách của chính phủ Pháp, sau những nhân viên đường sắt, đến lượt các sinh viên phong tỏa trường học. Cho dù đó không phải tất cả nhưng là một bộ phận trong số họ. Việc phong tỏa trường học diễn ra hiện ở mức độ hạn hẹp nhưng đang đe dọa các kỳ thi cuối năm học và gây lo ngại cho các giới chức đại học.

Phong trào đang có nguy cơ lan rộng với những khẩu hiệu kêu gọi bạo lực. Các trường đại học có nguy cơ bị biến thành chiến lũy chống chính phủ. Những sinh viên tham gia vào phong trào phản kháng có xu hướng hành động cực đoan, muốn làm một cuộc "cách mạng".

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Trump muốn triệt tham vọng của Bắc Kinh thống lĩnh công nghệ thế giới

"Nga-Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, ba bố già của Syria" đã họp thượng đỉnh ở Ankara để tìm kiếm hòa bình cho cuộc xung đột đã kéo dài này, nhưng "không đạt tiến bộ". "Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang". Gần một nửa các trường đại học Pháp, bị sinh viên chiếm đóng, trong lúc chính phủ thông báo kế hoạch cải tổ cách hoạt động của Thượng và Hạ Viện là những chủ đề trải rộng trên các báo Paris ngày 05/04/2018.

thamvong1

Công nhân làm việc trong một phân xưởng sản xuất màn hình tinh thể lỏng (LCD), tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 8/5/2013. Reuters/China Daily/File

Dùng vũ khí hạng nặng, nhưng... cuộc chiến chưa khai mào

Báo Le Figaro chạy tựa Trung Quốc tung "vũ khí hạng nặng" đáp trả Hoa Kỳ áp thuế. Chỉ vài giờ sau khi Washington công bố danh sách những sản phẩm của Trung Quốc sẽ bị đánh thuế, Bắc Kinh đáp trả một cách tương xứng. Mỹ phạt Trung Quốc 60 tỷ đô la, Bắc Kinh phạt lại Washington 50 tỷ, tăng thuế 25 % nhắm vào những lĩnh vực mà thị trường Trung Quốc là khách hàng quan trọng bậc nhất của các nhà sản xuất Hoa Kỳ. Đậu nành, xe hơi, máy bay... Bắc Kinh đánh trúng "tâm điểm" của nền kinh tế Hoa Kỳ.

Trong đợt phản công thứ nhì lần này, những tập đoàn Mỹ làm ăn nhiều nhất với Trung Quốc như Apple và kể cả ông khổng lồ Boeing không còn được bình yên. Theo tính toán của tờ báo, những mặt hàng trong tầm ngắm của cả đôi bên chiếm 17 % tổng trao đổi mậu dịch hai chiều. Căng thẳng thương mại leo thang, nhưng liệu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung thực sự "đã mở màn" ?

Les Echos trong bài xã luận nhận định "dao có nhọn, nhưng chích không đau", bởi cả Washington lẫn Bắc Kinh đều mới chỉ trưng ra những vũ khí để dọa nhau, mà tránh tuyên bố là khi nào các biện pháp đó sẽ được áp dụng. Les Echos ví von : chính quyền Trump như thể đã dàn sẵn một loạt máy bay ném bom B52 khi nhắm vào 1.300 mặt hàng của Trung Quốc nhưng "Nhà Trắng chưa ra lệnh cho những chiếc B52 đó cất cánh".

Còn Bắc Kinh thì chắc chắn là sẽ án binh bất động, bởi "Hoa Kỳ vẫn là thị trường tiêu thụ số 1 của thế giới, và GDP của Trung Quốc lệ thuộc vào khối lượng hàng hóa bán cho người tiêu dùng ở Mỹ đến gấp 5 lần so với mức độ lệ thuộc của Mỹ vào thị trường Trung Quốc".

Mỹ muốn tiêu diệt kế hoạch chinh phục công nghệ mới của Trung Quốc

Mở ra một cuộc chiến để giảm thâm thủng cán cân thương mại với bạn hàng Trung Quốc thực ra chỉ là một trong hai mục tiêu mà Nhà Trắng hướng tới, như ghi nhận của thông tín viên báo Les Echos tại Bắc Kinh.

Mục tiêu thực sự của tổng thống Trump là "ngăn cản Trung Quốc cất cánh" trở thành nền công nghiệp cạnh tranh trực tiếp với Hoa Kỳ. Kế hoạch đó mang tên "Made in China 2025" đã được Trung Quốc công bố năm 2015.

Trong báo cáo dài 215 trang của Mỹ về tham vọng của Trung Quốc này, kế hoạch "Made in China 2025" đã được nhắc đến 126 lần.

Bắc Kinh đề rõ mục tiêu từ một "công xưởng của thế giới", nước này phải vươn lên thành "một cường quốc công nghiệp" làm chủ các khâu từ nghiên cứu, đến sản xuất các mặt hàng có trị giá gia tăng cao. Trung Quốc có tham vọng trở thành một "con chim đầu đàn của nền công nghệ mới", nắm giữ chìa khóa công nghệ để không còn cần đến nước ngoài.

Bên cạnh kế hoạch "Made in China 2025", năm ngoái Bắc Kinh khẳng định quyết tâm trở thành nhà vô địch trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. Tác giả bài báo cho rằng, tổng thống Trump ít có khả năng phá vỡ kế hoạch đó của Trung Quốc. Nước cờ mà chủ nhân Nhà Trắng đang đi, có nguy cơ càng thúc đẩy Bắc Kinh nhanh chóng thực hiện mục tiêu đầy tham vọng đã đề ra.

Ba bố già của Syria

Hồ sơ quốc tế thứ nhì thu hút báo chí Pháp là thượng đỉnh ba bên tại Ankara để tìm kiếm hòa bình cho Syria. Le Figaro trên trang nhất đăng ảnh ba nguyên thủ Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bên cạnh hàng tựa "ba bố già của Syria", thế nhưng các ông Rohani, Erdogan và Putin vẫn "không tìm ra đồng thuận chính trị để giải quyết một cuộc xung đột kéo dài từ bảy năm qua".

Tờ báo không quên nhấn mạnh rằng thượng đỉnh ba bên mở ra tại Ankara ngày 04/04/2018 mang ý nghĩa đặc biệt đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Từ trước tới nay, nếu như Iran và Nga luôn ủng hộ chính quyền Damascus, thì ngược lại nước Thổ Nhĩ Kỳ của ông Erdogan lại yểm trợ phe nổi dậy. Nhưng tình thế đã đổi thay : Ankara đã mở mặt trận ở Afrin miền bắc Syria, sát với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào lực lượng dân quân Kurdistan. Sau thắng lợi ở Afrin, tổng thống Erdogan dự trù hướng tới một thành trì quan trọng khác là Manbij, gần thành phố Aleppo. Trong chiến lược này, Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh thân thiết của phương Tây, cần có sự trợ giúp của Nga.

Chính vì thế mà tổng thống Vladimir Putin đã được tiếp đón như một vị thượng khách, như ghi nhận của nhật báo Le Monde trong bài viết mang tựa đề "để đối phó với người Kurdistan, Erdogan trông cậy vào Putin".

Trong khi đó ở Washington, Donald Trump vẫn "mập mờ" về kế hoạch thoái lui khỏi mặt trận Syria. Nếu như Le Monde cho rằng những tuyên bố của tổng thống Mỹ luôn trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, thì Le Figaro xem tuyên bố "đưa con em chúng ta trở về nhà" của chủ nhân Nhà Trắng như chuyện "ván đã đóng thuyền". Tờ báo này tiếc là những tính toán địa chiến lược "chẳng quan trọng gì trong mắt ông Trump". Ngay từ khi lên cầm quyền, tổng thống Mỹ đã chẳng che giấu là trên hồ sơ Syria, ông sẵn sàng "nhường sân chơi" cho nước Nga của Vladimir Putin.

Medvedev sắp mất ghế thủ tướng ?

Về nội tình nước Nga, Les Echos có bài báo ngắn đập vào mắt độc giả : "Thủ tướng Dmitri Medvedev sắp mất ghế". Hai tuần lễ sau khi Putin tái đắc cử, ở hậu trường, nhiều người đánh cuộc là thủ tướng Medvedev sẽ bị cách chức trước ngày 07/05/2018, khi Vladimir Putin tuyên thệ nhậm chức thêm một nhiệm kỳ thứ tư. Lý do là chung quanh ông Putin, hai phe diều hâu và cải tổ đang đánh nhau tơi tả, để gài người vào chính quyền sắp tới.

Trên bàn cờ chính trị đó, Dmitri Medvedev đang bị suy yếu. Dù rất trung thành với Putin, nhưng tuần qua một nhân vật rất thân tín với ông Medvedev là nhà tỷ phú Ziavoudine Magomedov đã bị bắt với tội danh biển thủ công quỹ 35 triệu đô la trong một dự án xây dựng sân vận động ở Kalinigrad, nơi diễn ra các trận đấu nhân mùa Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018. Có điều, World Cup đã cận kề, mà công trình vẫn chưa hoàn tất !

Pháp, trăm mối ngổn ngang

Về thời sự Pháp, Libération dành trang nhất nói về dự luật nhập cư vừa được bộ trưởng nội vụ Gérard Collomb trình bày. La Croix chú ý đến phiên xử một đường dây khủng bố cắm rễ ở thị trấn Lunel, miền nam nước Pháp.

Trong số 5 người phải trình diện tại tòa đại hình Paris hôm nay, hai thanh niên từng sang Syria tham chiến, ba người còn lại bị xử vì tội "giúp đưa người sang Syria". Tờ báo đặt câu hỏi tại sao một thị trấn bình yên với 26.000 dân cư này lại có thể trở thành "ổ thánh chiến" của nước Pháp ? Tới nay khoảng 20 người dân ở Lunel đã sang Trung Đông chiến đấu trong hàng ngũ của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Câu trả lời được tìm thấy trên các trang báo Le Figaro : khủng hoảng kinh tế và nạn thất nghiệp, thanh niên không trông thấy tương lai, khiến Lunel trở thành một "Djihad City" (thành phố thánh chiến), một biệt danh không mấy hay ho gì mà các phương tiện truyền thông ngoại quốc đã dành tặng cho Lunel.

Charles Perrault, ông là ai ?

Mọi người thuộc nằm lòng những câu chuyện, cổ tích như là Công Chúa Ngủ Trong Rừng, Cô Bé Lọ Lem hay Chú Mèo Đi Hia, Con Yêu Râu Xanh, nhưng chúng ta biết những gì về tác giả của chúng, nhà văn Charles Perrault (1628-1703) ?

Cuốn tiểu sử đầu tiên về tác giả này vừa được ấn hành. Trong đó tác giả bà Patricia Bouchenot Déchin nhấn mạnh đến vị trí quan trọng của ông trên văn đàn Pháp thế kỷ thứ 17-18 và tựa như nhân vật chính trong Cậu Bé Tí Hon, ông đã từng bước đặt những viên đá nhỏ để cho các anh em cùng thăng tiến trên con đường danh vọng.

Là bác sĩ hay kỹ sư, luật sư hay tu sĩ, trong thế giới âm nhạc hội họa hay văn chương 5 người con trai của dòng họ Perrault đều rất danh giá. Riêng Charles, ông không ngừng cọ sát tư tưởng với những cây bút nổi tiếng thời đó, bất luận đấy là những Boileau La Fontaine, hay Racine....

Còn trong mắt nhà văn nữ Amélie Nothomb, cùng thời viết truyện cổ tích, Charles Perrault hơn hẳn hai anh em nhà Grimm hay Andersen, bởi theo bà, chỉ có Perrault mới có thể "kể được những điều kinh khủng nhất với văn phong bay bổng, nhẹ nhàng nhất". Ông không viết chuyện để ru ngủ trẻ con, không giấu diếm những mặt trái của tính người, đó là điều độc giả đã nhận thấy chỉ cần đọc qua Công Chúa Da Lừa. Sự độc ác, tham lam và những gì xấu xa nhất trong bản tính con người dưới ngòi bút của Charles Perrault như gió thoảng qua.

Thanh Hà

Published in Quốc tế

Không chỉ có thuế quan Trung Quốc mới đáng sợ cho doanh nghiệp Mỹ (RFI, 04/04/2018)

Tháng Ba 2018 : Mỹ quyết định đánh thuế nhôm và thép nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Chỉ ít lâu sau, ngày Thứ Hai, 02/04/2018, đến lượt Trung Quốc trả đũa, loan báo việc áp thuế lên đến mức 25% đối với 128 mặt hàng nhập của Mỹ - có cả thịt heo, trái cây, rượu – trị giá ước tính 3 tỷ đô la.

trade1

Hàng nhập từ Mỹ tại một siêu thị Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh 03/04/2018. Reuters/Aly Song

Bắc Kinh nói rõ : Quyết định đánh thuế đó là "để bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc và bù đắp thiệt hại" do mức thuế mới của Mỹ, và cũng như Donald Trump, Trung Quốc đã nêu bật vấn đề "an ninh quốc gia".

Tổng thống Donald Trump đã cho rằng chiến tranh thương mại là điều ‘tốt’ và ‘dễ thắng’ nhưng giới kinh tế có nhận định chung là các bên đều thua thiệt. Trong bài phân tích đăng ngày 02/04/2018 mang tựa đề : "Không chỉ có thuế quan Trung Quốc mới đáng ngại cho doanh nghiệp Mỹ (It’s Not Just China's Retaliatory Tariffs That Should Worry U.S. Businesses)", tạp chí Time đã không ngần ngại cảnh báo Hoa Kỳ rằng thiệt hại do thuế quan Trung Quốc sẽ chẳng thấm vào đâu so với tác động của một loạt biện pháp khác mà Bắc Kinh chưa dùng tới : đó là kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa để tẩy chay hàng hóa Mỹ.

Một cuộc chiến tranh thương mại bán chính thức

Bài báo trước tiên ghi nhận phản ứng ầm ĩ của báo chí Trung Quốc, đã lớn tiếng hoan nghênh việc trả đũa.

Trong bài xã luận, Hoàn Cầu Thời Báo mô tả việc "ăn miếng trả miếng"này như là "một cuộc chiến tranh thương mại bán chính thức" đang diễn ra. Đối với tờ báo, "đã đến lúc Washington từ bỏ ảo tưởng mà họ đã sống trong đó từ bấy lâu nay, theo đó Trung Quốc không dám đáp trả và khoan dung với thuế của Mỹ".

Theo báo Time, cho đến giờ này, cuộc tranh chấp không có dấu hiệu là sẽ leo thang mạnh, có điều tình hình có thể thay đổi nếu Nhà Trắng tiếp tục thúc đẩy những thứ thuế mới lên đến 60 tỷ đô la mà ông Trump đe dọa áp đặt, vì cho là Trung Quốc ăn cắp sở hữu trí tuệ.

Như giáo sư kinh tế Jeffrey Towson thuộc Đại Học Bắc Kinh nhận định : "Nếu đây là một trận đấu võ, thì tôi chưa thấy có chiêu thức quan trọng nào, mà chỉ là những cú vờn nhau, chưa ai tìm cách hạ gục đối phương cả".

Dù vậy, tác giả bài phân tích trên Time cảnh báo : nếu vụ việc biến thành một cuộc quần thảo công khai, thì Trung Quốc biết cách sử dụng thủ đoạn như họ vẫn thường làm. Trong quá khứ, Bắc Kinh từng nhiều lần dùng thủ đoạn áp thuế nhắm vào các nước khác để trả đũa hay để đạt được mục tiêu chính trị.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng không cần có hành động cụ thể để đánh vào hầu bao của nước khác, vì bản thân người dân Trung Quốc có thể tự làm điều đó.

Vũ khí hủy diệt : tâm lý dân tộc chủ nghĩa của dân Trung Quốc

Như nói ở trên, một trong những vũ khí lớn nhất mà Trung Quốc có thể sử dụng là tâm lý dân tộc chủ nghĩa của dân chúng, thường rất hiệu nghiệm khi đi kèm với các thủ đoạn cưỡng ép từ phía chính quyền.

Năm ngoái, Trung Quốc đã đánh vào kinh tế Hàn Quốc khi muốn trả đũa quyết định của Seoul cho Mỹ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD trên đất Hàn Quốc, điều mà Bắc Kinh cực lực phản đối.

Theo số liệu của ngành du lịch Hàn Quốc, chỉ riêng việc tẩy chay du lịch, với tỷ lệ du khách Trung Quốc thăm Hàn Quốc giảm đến 67%, cũng đã gây thiệt hại cho Hàn Quốc 6,8 tỷ đô la.

Cộng thêm vào đó, những cửa hàng ở Trung Quốc của tập đoàn Hàn Quốc Lotte, chủ nhân mặt bằng để đặt hệ thống THAAD, đã bị buộc đóng cửa. Các tập đoàn Hyundai và Samsung cũng bị thiệt hại. Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, đã có tổng cộng 43 vụ Trung Quốc trả đũa Hàn Quốc trong vòng 6 tháng, tính đến tháng Hai vừa qua.

Pháp, Mỹ, Nhật, Na Uy, Philippines đều đã là nạn nhân của Trung Quốc

Chiến tranh kinh tế thường bùng lên một cách tự nhiên. Vào năm 2008, Pháp bị nhắm khi các thành phần dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc kêu gọi tẩy chay dây chuyền siêu thị Carrefour tại Trung Quốc sau khi những người ủng hộ Tây Tạng biểu tình phản đối vào lúc ngọn đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh đi qua Paris.

Vào năm 2010, Trung Quốc chính thức tẩy chay cá hồi Na Uy sau khi giải Nobel Hòa Bình được trao cho ông Lưu Hiểu Ba. Việc nhập chuối từ Philippines cũng bị cấm do tranh chấp Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh.

Nhật Bản là nước thường bị nhắm do tranh chấp hải đảo với Trung Quốc ở vùng biển Hoa Đông và những uất ức trước các hành vi tàn bạo của Nhật thời còn chiếm đóng Trung Hoa. Các thương hiệu xe hơi và điện tử nổi tiếng của Nhật như Honda, Toyota và Sony vẫn thường là đối tượng của những lời kêu gọi tẩy chay.

Thậm chí Hoa Kỳ cũng đã trở thành đối tượng đánh phá vào năm 2016 sau phán quyết lịch sử của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ngày 12/07, bác bỏ yêu sách chủ quyền Biển Đông dựa trên lịch sử của Trung Quốc. Những người biểu tình đã nhắm vào một số biểu tượng của Mỹ như cửa hàng gà rán KFC và dây chuyền cửa hàng ăn nhanh McDonalds, nhưng đã bị cảnh sát Trung Quốc giải tán.

Từ ngữ "mậu dịch chiến" ngày càng thông dụng

Cho dù những phản ứng như kể trên có thể là một sự bộc phát tự nhiên, nhưng ở Trung Quốc, các hành động đó không thể biến thành phong trào nếu không được chính quyền cho phép, và dường như chính quyền Bắc Kinh không mấy thoải mái khi chính thức cho phép một hành động chống Mỹ.

Thế nhưng, theo bài phân tích trên báo Time, nếu căn cứ vào giọng điệu ngày càng sô vanh nước lớn và hiếu chiến trên báo chí Nhà nước Trung Quốc, với từ "mậu dịch chiến (maoyi zhan) ngày càng trở thành một phần của ngôn từ hàng ngày, thái độ của chính quyền có thể sớm thay đổi.

Điều đáng lo lắng cho các công ty Mỹ là việc Trung Quốc không chỉ mang lại một khoản thu nhập lớn tại nước ngoài cho các doanh nghiệp Mỹ trong hiện tại, mà còn là một trọng điểm cho sự tăng trưởng của họ trong tương lai. Apple chẳng hạn, tập đoàn Mỹ có giá trị lớn nhất thế giới hiện nay, đã kiếm được 17,9 tỷ đô la ở Trung Quốc trong quý cuối cùng của năm 2017, tương đương khoảng 20% doanh thu toàn cầu của Apple.

Tổng thống Mỹ Donald Trump buộc tội Trung Quốc là đã có những hành vi thương mại không công bằng khiến cho 60.000 nhà máy Mỹ phải đóng cửa, làm mất đi 6 triệu công ăn việc làm. Thế nhưng Mỹ chưa hề thấy sức tàn phá của 1,3 tỷ người tiêu dùng Trung Quốc đang giận dữ là như thế nào.

Nông sản thực phẩm Mỹ có nguy cơ bị điêu đứng

Về tác hại của một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đối với Hoa Kỳ, trang mạng Mỹ Reason ngày 02/04/2018 cũng có một bài phân tích cho rằng, căn cứ vào tình hình hiện nay, biện pháp trừng phạt của tổng thống Trump nhắm vào Trung Quốc, hay biện pháp trả đũa của Bắc Kinh đều dẫn đến một hậu quả : Người Mỹ sẽ bị thua thiệt.

Một ví dụ được nêu bật : Quyết định của Trung Quốc đánh thuế nông sản, thực phẩm nhập khẩu từ Mỹ có nguy cơ làm cho nhiều trang trại và nhà máy rượu tại Mỹ bị mất đi thị trường nước ngoài. Nếu thịt heo, rượu vang và các sản phẩm khác của Mỹ trở nên đắt hơn, giới nhập khẩu Trung Quốc có thể tìm nơi cung cấp khác. Thịt heo Tây Ban Nha, rượu Chi Lê, và hạt dẻ Úc đều có thể thay thế các sản phẩm Mỹ.

Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi thấy các nhà sản xuất Mỹ lo lắng. Ông Jim Heimerl, chủ tịch hiệp hội của giới sản xuất thịt heo tại Mỹ, đồng thời là chủ một trang trại ở Ohio, nói : "Chúng tôi bán rất nhiều thịt heo qua Trung Quốc, do đó, mức thuế cao sẽ gây thiệt hại cho các nhà sản xuất và tác hại đến nền kinh tế nông nghiệp Mỹ".

Theo ông Heimerl, Hoa Kỳ đã xuất khẩu 1,1 tỷ đô la thịt heo sang Trung Quốc, biến nước này thành thị trường thịt heo lớn thứ ba của Mỹ trên thế giới.

Mai Vân

********************

Chiến tranh thương mại : Mỹ-Trung leo thang trả đũa nhau (RFI, 04/04/2018)

Washington công bố thêm một danh sách các mặt hàng Trung Quốc sẽ bị tăng thuế nhập khẩu. Ngay lập tức, Bắc Kinh thông báo những biện pháp tương tự nhắm vào đậu nành, xe hơi và hàng không của Mỹ.

trade2

Ảnh minh họa : Cảnh chuyển đậu nành nhập khẩu ở cảng Nam Thông (Nantong), Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh ngày 22/03/2018. Reuters

Sau cuộc đọ sức đầu tiên, mỗi bên đã tung ra một biện pháp trừng phạt hàng hóa của "đối tác", Hoa Kỳ vừa tung đòn thứ hai.

Theo AFP, danh sách thứ hai, được trình bày là "tạm thời", do bộ Thương Mại Hoa Kỳ thông báo gồm những sản phẩm thuộc công nghệ cao cấp từ hàng không, viễn thông cho đến người máy (robot) và máy móc, tổng trị giá khoảng 50 tỷ đôla. Những mặt hàng sẽ bị tăng thuế nhập khẩu được "lựa chọn dựa trên cơ sở phân tích kỹ càng" tức là sẽ gây thiệt hại nặng cho các dự án công nghiệp của Trung Quốc, nhưng cùng lúc không tác hại gì nhiều cho kinh tế Mỹ, theo giải thích của bộ trưởng Robert Lighthiger.

Gần như ngay lập tức, Bắc Kinh đáp trả với một danh sách mà AFP gọi là "vũ khí hạng nặng" cũng tương đương với 50 tỷ đôla : đậu nành, xa hơi và hàng không, những sản phẩm có trọng lượng trong cán cân mậu dịch giữa hai nước.

Trong danh sách trả miếng thứ nhất sau khi Mỹ thông báo tăng 25% thuế nhập khẩu đánh vào thép và nhôm Trung Quốc, Bắc Kinh tránh không đụng đến những mặt hàng nhập khẩu quan trọng nhất là đậu nành (14 tỷ đôla mỗi năm) và xe hơi Mỹ.

Quyết định mới này cho thấy Trung Quốc chấp nhận leo thang tiến tới một cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ. Tuy vậy, Bắc Kinh cũng nhắn gửi tín hiệu muốn duy trì cơ hội xuống thang, theo nhận định của AFP từ thủ đô Trung Quốc. Thông báo của bộ Thương Mại Trung Quốc chỉ trích Mỹ "đặt Trung Quốc vào thế khó xử" nên phải trả đòn, nhưng "thời điểm áp dụng sẽ được thông báo sau".

Trị giá các mặt hàng "bị hy sinh" trong cuộc đọ sức này đã lên đến 100 tỷ đôla, chiếm khoảng 17% trong số 580 tỷ trao đổi thương mại giữa hai nước, theo thống kê 2017.

Tú Anh

Published in Quốc tế