Cựu thủ tướng Thái Yingluck có thể đang ở Dubai (RFI, 26/08/2017)
Trốn ra nước ngoài để tránh bị kết án tù, cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra có thể đang ở Dubai, nơi anh của bà, ông Thaksin, có một dinh thự sang trọng. Một quan chức cao cấp trong đảng của bà đã khẳng định như trên hôm nay, 26/08/2017.
Cựu thủ tướng Thái Yingluck Shinawata chào đám đông ủng hộ, lúc đến Tòa án Tối cao tại Bangkok, ngày 01/08/2017 Reuters
Hôm qua, bà Yingluck đã không ra tòa để nghe tuyên án về "tội bất cẩn gây thiệt hại cho Nhà nước khi còn đương nhiệm", trong chương trình trợ giá gạo cho nông dân, mà chính phủ của bà thi hành vào thời gian trước cuộc đảo chính quân sự 2014. Với tội danh này, cựu thủ tướng Thái có thể lãnh án đến 10 năm tù.
Ngay hôm qua, một quan chức trong đảng Puea Thai ( Vì người Thái ) của bà Yingluck Shinawatra cho biết cựu thủ tướng Thái đã trốn ra nước ngoài. Hôm nay, một quan chức cao cấp của đảng này tuyên bố với hãng tin AFP rằng có thể bà Yingluck đang ở Dubai.
Đây cũng là nơi mà anh của bà, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006, đã đến tị nạn vào năm 2008, cũng để tránh bị đem ra xử ở Thái Lan. Ông Thaksin ở Dubai phần lớn thời gian trong năm, nhưng cũng đi rất nhiều đến Châu Á và Châu Âu.
Trong khi đó, một quan chức cao cấp của chính quyền quân sự, xin giấu tên, nói với hãng tin AFP hôm nay rằng bà Yingluck đã rời Thái Lan trên máy bay riêng, bay đến Dubai qua ngỏ Singapore. Nhưng quan chức này khẳng định Dubai không phải là chặng cuối cùng, mà cựu thủ tướng Thái muốn đến định cư ở Anh Quốc.
Hôm nay, báo chí Thái Lan đang cố lần trở ngược hành trình của cựu thủ tướng Yingluck. Lần cuối cùng bà xuất hiện trước công chúng là vào thứ tư vừa qua, trong một ngôi chùa Phật Giáo ở Bangkok. Hôm sau, trên mạng Facebook, bà Yingluck kêu gọi những người ủng hộ bà không nên đến trước Tòa án Tối cao hôm qua để nghe tòa tuyên án, vì bà sợ sẽ xảy ra bạo động. Trên Facebook, cựu thủ tướng Thái mặc y phục toàn màu đen, tại một nơi không rõ là ở đâu.
Theo các quan chức đảng Puea Thai được AFP hỏi, bà Yingluck đã rời khỏi Thái Lan ngay từ hôm thứ tư. Nhiều tờ báo Thái Lan khẳng định là bà đã đi qua ngõ Cam Bốt. Báo chí Thái Lan cũng phỏng đoán rằng bà đã thương lượng việc ra đi này với phe quân sự. Với việc bà Yingluck chấp nhận sống lưu vong, phe đối lập Thái Lan kể từ nay sẽ yếu thế và các tướng lãnh cầm quyền sẽ kiểm soát toàn bộ sân khấu chính trị nước này.
Vào đầu tháng 8 vừa qua, chính bà Yingluck đã lên án một vụ xử "mang tính chính trị" nhằm triệt tiêu ảnh hưởng của gia đình Shinawatra, vốn vẫn giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử Quốc Hội từ năm 2001.
Thanh Phương
************************
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck 'đã sang Dubai' (BBC, 26/08/2017)
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã sang Dubai, các thành viên cao cấp của đảng của bà cho biết hôm thứ Bảy, một ngày sau khi bà không xuất hiện tại tòa, theo Reuters.
Nếu bị kết tội, bà Yingluck có thể đối mặt với 10 năm tù giam và bị cấm tham gia chính trường Thái Lan vĩnh viễn
Nguồn tin trong đảng Puea Thai cho biết cựu thủ tướng rời Thái Lan vào tuần trước và bay từ Singapore đến Dubai, nơi anh trai bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đang sống lưu vong để tránh án phạt tù năm 2008 vì tội tham nhũng.
Một thành viên cao cấp của đảng Puea Thai ẩn danh nói : "Chúng tôi nghe rằng bà ấy đến Campuchia và Singapore và bay tiếp tới Dubai và đã đến nơi an toàn".
Quan chức cảnh sát Srivara Rangsibrahmanakul cho biết họ không có ghi nhận về việc bà Yingluck xuất cảnh.
Một phóng viên của Reuters bị bảo vệ chặn lại trước khu biệt thự Emirates Hills ở Dubai, nơi ông Thaksin có một ngôi nhà.
Tờ Bangkok Post cho hay, một số quan chức "tiếp tay" cho bà Yingluck bay sang Campuchia, nơi bà được những người có ảnh hưởng giúp tìm đường đến Trung Đông.
Một nguồn tin nói với báo này : "Một số quan chức đã bật đèn xanh cho bà ra đi".
Bà Yingluck bác mọi hành động sai trái trong chương trình trợ giá gạo gây thiệt hại cho Thái Lan hàng tỷ đô la. Nếu bị kết tội, bà có thể đối mặt với 10 năm tù giam và bị cấm tham gia chính trường Thái Lan vĩnh viễn.
Sự nghiệp chính trị của bà YingluckShinawatra
Tháng 7/2011 : Giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử để trở thành Thủ tướng thứ 28 và nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan
Tháng 8/2011 : Đợt lũ lụt tồi tệ nhất ở Thái Lan trong 50 năm xảy ra và chính phủ của bà bị chỉ trích nặng nề vì không giải quyết vấn đề triệt để
Tháng 10/2011 : Khởi động chương trình trợ giá gạo, mua đồng ruộng từ nông dân với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường. Chính quyền quân sự khi đó đã cáo buộc dự án gây ra thiệt hại cho ngân sách nhà nước một nửa nghìn tỷ baht (15 tỷ đôla)
Tháng 11/2013 : Giới thiệu một dự luật về ân xá cho tất cả các vụ án liên quan đến chính trị, khiến các cử tri trung lưu ở thành thị phẫn nộ và dẫn đến các cuộc biểu tình đường phố kéo dài
Tháng 12/2013 : Giải tán quốc hội và kêu gọi một cuộc bầu cử nhanh khi bà vẫn giữ chức thủ tướng
Tháng 5/2014 : Bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự
Tháng 1/2015 : Các nghị sĩ phe đảo chính bỏ phiếu cách chức bà và cấm bà tham gia chính trị trong 5 năm.
Tháng 3/2015 : Tòa án tối cao bắt đầu các phiên điều trần về hành vi sao nhãng bổn phận của bà trong khi hàng ngàn người ủng hộ đã đến Bangkok để ủng hộ bà tại tòa án
Tháng 10/2016 : Bộ Tài chính đã ra lệnh cho bà bồi thường nhà nước khoản lỗ 35,7 tỷ Baht
Tháng 7/2017 : 12 tài khoản ngân hàng của bà đã bị đóng băng
*******************
Cựu thủ tướng Thái Lan trốn khỏi nước trước ngày bị tuyên án (RFI, 25/08/2017)
Diễn biến bất ngờ trong vụ xét xử cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra : Hôm 25/08/2017, một quan chức giấu tên của đảng Puea Thai ( Vì Người Thái ), cho AFP biết, bà Yingluck đã ra nước ngoài từ hôm thứ tư, 23/08.
Những người ủng hộ cựu thủ tướng Thái Yingluck Shinawatra tập họp trước Tòa Án Tối Cao tại Bangkok, ngày 25/08/2017. Reuters
Tòa Án Tối Cao dự kiến tuyên án cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra vì tội bất cẩn trong thời gian đương nhiệm, một tội danh có thể dân tới mức án 10 năm tù. Bị cáo Yingluck qua luật sư thông báo không đến tòa nghe tuyên án vì lý do sức khỏe. Ngay lập tức các thẩm phán phát lệnh bắt giữ cựu thủ tướng, đồng thời quyết định hoãn tuyên án sang cuối tháng 9. Lãnh đạo tập đoàn quân sự, thủ tướng Chan-O-Cha cũng cho biết đã "ra lệnh tăng cường kiểm soát an ninh" ở biên giới và trên toàn lãnh thổ.
Trước đó, vào sáng nay, khi Tòa Án Tối Cao dự kiến tuyên án cựu thủ tướng Thái, vì tội bất cẩn gây thiệt hại cho Quốc gia, vì tội bất cẩn trong thời gian đương nhiệm, một tội danh có thể dẫn tới mức án 10 năm tù, luật sư thông báo bà không đến tòa nghe tuyên án vì lý do sức khỏe.
Ngay lập tức các thẩm phán phát lệnh bắt đối với cựu thủ tướng đồng thời quyết định hoãn tuyên án sang cuối tháng 9. Lãnh đạo tập đoàn quân sự, thủ tướng Chan-O-Cha cũng cho biết đã "ra lệnh tăng cường kiểm soát" ở biên giới và trên toàn lãnh thổ.
Thông tín viên RFI tại Bangkok, Arnaud Dubus,tường thuật :
Hàng nghìn người ủng hộ cựu thủ tướng Thái Lan đã tập hợp trước Tòa Án Tối Cao ngay từ đầu giờ sáng nay. Sau nhiều tiếng đồng hồ chờ đợi, một thông báo bất ngờ được đưa ra : Luật sư của bà Yingluck Shinawatra giải thích thân chủ của ông có vấn đề về sức khỏe, bị đau tai, vì thế bà không thể đế để nghe tuyên án.
Không thuyết phục với lý do trên, Tòa đã phát lệnh bắt giữ, cho rằng bà Yingluck Shinawatra có thể bỏ trốn, đồng thời Tòa thu giữ khoản tiền bảo lãnh 25 nghìn euro mà bà đã nộp. Trong khi chờ đợi, Tòa quyết định hoãn tuyên án đến ngày 27/09 tới.
Những ngày qua, không khí căng thẳng đã tăng cao xung quanh vụ xử cựu thủ tướng. Chính quyền quân sự lo ngại những người ủng hộ sẽ tụ tập đông khi tòa tuyên án. Diễn biến mới này có thế càng làm bùng lên căng thẳng. Những người ủng hộ cựu thủ tướng cho rằng tập đoàn quân sự đang truy bức chính trị đối với bà Yingluck.
Bà cựu thủ tướng bị cáo buộc đã tiến hành chương trình trợ giá gạo cho nông dân trong thời gian lãnh đạo chính phủ từ năm 2011 cho đến khi bị đảo chính năm 2014. Chương trình này đã làm thâm hụt lớn cho ngân sách Nhà nước nhưng cũng đã mang lại lợi ích cho hàng triệu nông dân Thái.
Anh Vũ
******************
Nữ cựu thủ tướng đã 'trốn khỏi Thái Lan' (BBC, 25/08/2017)
Nguồn trong đảng Puea Thai Party của bà Yingluck Shinawatra nói với Reuters rằng bà "dứt khoát rời Thái Lan".
Các nguồn tin thân cận của bà cho biết bà đã bất ngờ quyết định rời Thái Lan, ngay trước phiên tòa phán quyết về các cáo buộc của bà hôm 25/8.
Thái Lan thắt chặt kiểm soát biên giới sau khi cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra không xuất hiện trong phiên tòa phán quyết về cáo buộc 'sao nhãng bổn phận' của bà trong chương trình trợ giá gạo năm 2011.
Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan nói có thể bà đã bỏ trốn.
Các luật sư của bà Yingluck nói bà không thể đến tòa vì bị ốm.
Tuy nhiên, Tòa án Tối cao đã ban hành lệnh bắt giữ và tịch thu số tiền bảo lãnh của bà là 900.000 đôla và trì hoãn bản án đến hôm 27/9.
Bà Yingluck bác mọi hành động sai trái trong chương trình trợ giá gạo gây thiệt hại cho Thái Lan hàng tỷ đô la. Nếu bị kết tội, bà có thể đối mặt với 10 năm tù giam và bị cấm tham gia chính trường Thái Lan vĩnh viễn.
Bản án buộc tội bà Yingluck có tội sẽ khiến những người ủng hộ phe Áo đỏ giận dữ, các nhà quan sát cho biết
Hôm 25/8, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho biết tất cả các tuyến đường ra khỏi lãnh thổ Thái đang được giám sát chặt chẽ.
"Tôi chỉ biết rằng bà ta đã không xuất hiện (tại tòa)", ông nói với các phóng viên. "Tôi đã ra lệnh tăng cường tại trạm kiểm soát biên giới".
Ông Prawit ban đầu nói rằng ông không có thông tin về nơi ở của bà Yingluck nhưng khi ông rời một cuộc họp ở Bangkok, ông nói : "Có thể bà ta đã trốn rồi".
Trước đó, luật sư của bà Yingluck yêu cầu trì hoãn phiên tòa phán quyết, nói bà bị chóng mặt và đau đầu dữ dội và không thể tham dự.
Tuy nhiên, thông cáo chính thức của Tòa án Tối cao cho biết họ không tin rằng bà bị bệnh vì không có giấy chứng nhận y khoa và bệnh này không đủ nghiêm trọng đến mức không thể ra tòa.
"Hành vi như vậy cho thấy có thể bà ta đã đào tẩu. Vì vậy, tòa án đã ban hành một lệnh bắt giữ và tịch thu số tiền bảo lãnh", thông cáo của tòa cho biết.
Trưởng phòng cảnh sát nhập cư nói với Reuters rằng ông tin rằng bà Yingluck vẫn còn ở Thái Lan vì ông không có thông tin cho thấy bà đã rời đi.
Tuy nhiên, khi được BBC hỏi liệu bà vẫn còn ở trong nước, luật sư của bà Yingluck Norrawit Larlaeng nói : "Tôi không biết, tôi không biết".
****************
Cựu thủ tướng Thái Lan không ra hầu tòa (BBC, 24/08/2017)
Nữ cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã không xuất hiện tại phiên tòa xét xử về cáo buộc 'sao nhãng bổn phận' của bà trong chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi năm 2014.
Chính quyền quân nhân Thái Lan đã đóng băng một phần trong số tài sản bà Yingluck Shinawatra khai báo ở trên
Tòa án tối cao đã dời ngày tuyên bố bản án đến 27/9 và ban hành lệnh bắt giữ đối với bà Yingluck.
Nếu bị buộc tội, bà sẽ phải đối mặt với án tù và bị cấm tham gia chính trường suốt đời.
Tuy nhiên bà vẫn rất được yêu mến. Hàng trăm người ủng hộ bà đã xuất hiện tại Tòa án Tối cao hôm nay ở Bangkok chờ đợi phán quyết trước khi bà cáo 'bệnh' không dự phiên tòa.
Bản thân bà luôn bác bỏ các cáo buộc và nói vụ xử mang động cơ chính trị.
Theo Reuters, phán quyết buộc tội bà Yingluck Shinawatra có thể đẩy căng thẳng leo thang và có thể để lại hậu quả sâu sắc cho vương quốc vốn bị chia rẽ về mặt chính trị.
Giới đầu tư từ Nhật Bản, nước bỏ nhiều tiền vào các dự án xe hơi, cơ sở hạ tầng và thương mại tại Thái Lan cũng quan sát kỹ vụ xử.
Quân đội Thái Lan hiện nắm chính quyền cho biết hơn 3.000 người ủng hộ Yingluck có thể xuất hiện tại tòa vào hôm 25/8 trong phiên xử chính trị lớn nhất kể từ khi chính quyền của bà Yingluck bị lật đổ sau đảo chính năm 2014.
Bà Yingluck đã bị cáo buộc là do sơ suất trong việc xử lý chương trình trợ cấp gạo trị giá hàng tỷ đô la, theo đó chính phủ đã mua gạo từ nông dân với giá cao.
Hoạt động trợ giá này dẫn tới việc tích trữ hạt thóc làm ảnh hưởng giá trên thị trường thế giới và làm Thái Lan mất vị trí nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Chính phủ hiện nay cho biết thiệt hại cho ngân sách lên đến 8 tỷ đôla.
Giới chỉ trích cho biết anh trai bà Yingluck, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra mới là người lên kế hoạch trợ giá gạo để giúp dân nông thôn vốn là nhóm cử tri đã giúp đem lại chiến thắng cho đảng của ông trong các cuộc bầu cử từ năm 2001.
Hôm 23/08, bà Yingluck đang ở nhà riêng tại Bangkok, nơi bà đã quyên góp bố thí cho các nhà sư và đang chuẩn bị cho quyết định của tòa án, luật sư của bà nói.
"Các luật sư và cựu Thủ tướng Yingluck sẵn sàng nghe bản án", luật sư của bà, Norrawit Larlaeng nói với Reuters.
Trakool Meechai, cựu giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn, Bangkok, nói với Reuters rằng "Cho dù trường hợp này ra sao, nó sẽ ảnh hưởng đến chính trị Thái Lan.
Yingluck Shinawatra (giữa) giành chiến thắng và trở thành Thủ tướng thứ 28 và nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan năm 2011
"Nếu tòa bác cáo buộc, điều này sẽ làm tăng sức mạnh của Yingluck và đảng Puea Thai Party của bà và điều này sẽ thể hiện trong cuộc bầu cử sắp tới, " ông Trakool nói.
Nhưng một phán quyết có tội sẽ đánh dấu kết thúc sự nghiệp chính trị của Yingluck và sẽ gây ra một cú sốc lớn cho Shinawatras và những người ủng hộ trung thành và làm sâu sắc thêm các sự phân rẽ chính trị mà quân đội đã hứa sẽ hàn gắn.
Trả lời BBC Tiếng Thái, Giáo sư Yasuhito Asami từ Đại học Tokyo nói :
"Đa số các nhà đầu tư Nhật Bản nhìn nhận xấu về dự án trợ giá gạo của chính phủ Yingluck nhưng họ cũng nhìn nhận cách tòa án Thái Lan xử vụ việc này với bà như một biểu hiện của tiêu chuẩn nước đôi trong hệ thống tư pháp nước này.
Họ cũng biết rằng nhiều dự án của các chính phủ kế tiếp nhau tại Thái Lan, gồm cả các chính phủ do phái chống Thaksin lập ra, cũng có đầy các vấn đề khuất tất.
Vì thế, giới đầu tư Nhật Bản lo ngại một bản án buộc tội bà Yingluck sẽ chỉ khiến những người ủng hộ bà thêm phẫn nộ và việc hòa giải dân tộc chỉ thêm khó khăn".
Nơi nào lũ lụt quét qua cũng gây nên tổn thất cho người dân. Sau đợt lũ gần đây tại Thái Lan, phóng viên RFA đến ghi nhận thực tế tại khu vực trung tâm tỉnh Sakon Nakhon, vùng Đông Bắc Thái Lan nơi có cộng đồng Việt Nam được cho là có cuộc sống thành công tại đó.
Hình ảnh trận lũ lụt tại một thị trấn của Thái Lan, ngày 28 tháng 7 năm 2017. AFP
Một tuần lễ sau khi nước lũ rút, cảnh mua bán tại khu chợ địa phương vẫn tấp nập, tuy nhiên giới tiểu thương gốc Việt không vui vì họ đang phải bán những mặt hàng ẩm ướt vớt vát lại sau lũ với giá rẻ.
Một cái quần kaki thường ngày có giá 200 baht, nhưng nay chỉ bán với giá 50 baht, chỉ khoảng 30 ngàn Việt Nam đồng.
Ông Nguyễn Văn Cường, 58 tuổi buôn bán đồng hồ ở đường Rath Pattana, trung tâm Sakon Nakhon chia sẻ :
"Hỏng hết, người Việt ở nơi đây hỏng hết mà không biết kêu ai. Người mà đi bán hàng bán rẻ lại 50%. Người nào cũng lỗ hết, chẳng lẽ khóc, mà khóc cho ai nghe, đâu có ai giúp mình đâu.
Lấy đồ cũ mà ăn, có người thất bại không có tiền mà trả cho chủ hàng.
Buổi sáng ngày 28/7 nước vào nhà không làm gì được hết.
Ngày 28, 29 cúp điện hết ở khu vực, sợ bị lụt chết. Tới ngày mùng 2/8 nước mới rút, mà đồ đạc hỏng hết. Mở nước tắm ra thì nước rất bẩn. Thiệt hại hơn 1 triệu baht Thái, có người làm quần áo mất 10 - 20 triệu".
Linh mục Đỗ Bá Hoàng, thuộc dòng Đa Minh có thâm niên thực hiện mục vụ ở tỉnh Sakhon Nakhon cho chúng tôi biết :
"Khi nhìn vào cái cây này vẫn còn thấy được cái dấu hiệu của cái mức độ của nước lên cao như thế nào. Những vùng trắng này là nước ngập lên đến đây, những cái mà xe đậu ở đây thì chắc chắn là ngập gần hết xe rồi.
Vùng này người Việt nhiều và đa số người Việt không làm lúa, mà mở tiệm, buôn bán thì bị thiệt hại rất là nhiều. Đặc biệt là những người buôn bán như máy móc, buôn bán hàng hóa này thì cũng không có chỗ nào để mà di chuyển đi, và máy móc thì cũng không thể nào di chuyển dễ dàng được, nên bị thiệt hại rất là nhiều".
Bà Đinh Thị Tân, năm nay 75 tuổi hiện đang sống 1 mình cho hay, đây là trận lụt lịch sử lớn nhất sau 43 năm. Bà kể lại thời khắc nước lụt vào.
"Ngày 28/7, mưa từ đêm đến sáng. Lúc 7, 8 giờ sáng nước bắt đầu vào, cứ từ từ vào. Bà con thấy lên dần dần thì không nghĩ nước lên cao đến vậy, cho nên cứ đưa đồ lên dần dần cho đến khi nước ập về 1 cái là chuyển đồ không kịp nữa, là ướt hết, hỏng hết chỉ chạy lấy người.
Trong khi chạy lấy người như vậy thì chính quyền họ cho lính mang thuyền vào để cứu người ra, còn đồ thì chuyên chở không được. Họ chở người đến chỗ cao ráo, có nơi ăn chốn ở đàng hoàng".
Bà Phan Thị Lộc thì nói, thiệt hại là như vậy nhưng không thấy Hội người Việt ở đây đi thăm kiều bào :
"Chưa có Hội người Việt đi thăm kiều bào hỏi kiều bào thiệt hại bao nhiêu. Kiều bào thì họ thiệt hại nhiều, không có tiền của rồi cũng không biết làm ăn ra sao. Cái người giàu có thì không sao mà cái người nghèo thì hết vốn, hết tài sản".
Quân đội Thái Lan đang di tản cư dân thị trấn Kalasin, đông bắc Thái Lan, ngày 29 tháng 7 năm 2017. AFP
Linh mục PraJun ở nhà thờ Chính tòa Thái Lan nói rằng, điều làm ông ấn tượng nhất trong và sau thảm họa này là các tôn giáo giúp đỡ nhau không phân biệt :
"Bất kể là tôn giáo nào cũng giúp nhau, chính các sư trụ trì cũng mời Cha đi giúp đỡ những người công giáo, đó là 1 hình ảnh rất đẹp khi các sư Phật giáo đem hàng đến giúp đỡ những người giáo dân, đem thuyền, đem hàng đến, chính bản thân họ đi trao tận tay.
Theo những gì Cha biết được thì tất cả những thiệt hại người Thái gốc Việt khoảng hơn 100 triệu baht. Và đặc biệt là bệnh viện ở Sakon Nakhon đã hơn 10 triệu baht, những hộ dân trồng lúa, cây ăn trái vẫn chưa thống kê được thiệt hại.
Khi mà có trung tâm cứu trợ đặt ở nhà thờ chánh tòa Tha Rae, thì những người khắp nơi trên đất Thái đến giúp đỡ và gửi hàng, gửi tiền đến thì bên các Cha sẽ dùng những khoản đó để phân phát cho những người Công giáo, không Công giáo, Phật giáo… và số tiền mặt họ nhận được là 2,9 triệu baht".
Những người Việt ở đây lý giải rằng, vị vua quá cố trước đây dự trù chống lụt bằng cách cho đào những hồ nước xung quanh tỉnh Sakon Nakhon. Để khi mưa xuống nước sẽ thoát ra những hồ này, rồi thoát ra hồ lớn Nong Han từ đó dẫn ra sông Mekong. Tuy nhiên cơn bão Sơn Ca lần này trút xuống 1 lượng nước cực lớn làm cho nước sông Mekong lại dâng cao hơn, khiến cả tỉnh Sakon Nakhon chìm trong cơn lụt.
Những ngày này, đi đến đâu ở trung tâm tỉnh Sakon Nakhon cũng thấy những bao tải cát còn sót lại, các bao rác to là hàng hóa bị hư hại, những cửa hàng thì đang xây tường cao hơn để phòng ngừa trận lụt sau nếu có. Mất mấy mươi năm để kiều bào ở đây hội nhập vào đời sống Thái Lan, qua giai đoạn vất vả đến lúc làm ăn khấm khá thì vướng vào cơn lũ lịch sử.
Luật mới của Thái 'ảnh hưởng lao động Việt Nam' (BBC, 04/07/2017)
Luật Lao động mới của Thái Lan có thể ảnh hưởng người Việt Nam lao động bất hợp pháp tại quốc gia này.
Điều luật lao động mới của Thái sẽ ảnh hưởng đến lao động Việt Nam ?
Hôm 23/6, Chính phủ Thái Thái Lan đã bắt đầu áp dụng luật lao động mới.
Bộ luật mới này có thể ảnh hưởng đến hơn 50.000 lao động trái phép người Việt Nam tại Thái Lan.
Bốn điều luật mới này đánh mạnh vào chủ lao động, với việc thuê lao động bất hợp pháp, chủ lao động có thể bị phạt từ 400.000 - 800.000 Baht (267 - 534 triệu đồng).
Việc này khiến hàng loạt chủ xưởng, nhà máy, nhà hàng đồng loạt sa thải các lao động không đăng ký người nước ngoài, hầu hết là lao động từ Myanmar, Lào và Campuchia.
Trước tình trạng người lao động ồ ạt vượt biên về nước, tân Tư lệnh Lục quân Hoàng gia Thái Lan Đại tướng Chalermchai Sittisart nói sẽ tạm ngưng thi hành bốn điều luật mới trong bộ luật lao động đến hết năm nay, theo tờ The Nation hôm 3/7.
Ông Sittisart nói bộ luật này sẽ đi vào hiệu lực vào 1/1/2018.
Anh "Buchai" Nguyễn, một lao động ở Thái Lan cho biết một số lao động Việt Nam đã về quê, một số khác thì rời Bangkok đến vùng tỉnh lẻ của Thái Lan.
Tuy luật đã tạm ngưng, nhưng anh "Buchai" cho biết vẫn có trường hợp lao động Việt Nam bị cảnh sát bắt giam và cần gia đình bảo lãnh.
Anh Đỗ Hồng Quân, tiến sĩ ngành tài nguyên nước tại trường Đại Học Khon Kaen cho biết "Hầu hết lao động Việt Nam tại Thái Lan là người nghèo. Chỉ nghèo họ mới qua Thái Lan tìm kiếm việc làm".
Nhiều lao động Việt Nam làm việc tại các nhà hàng hoặc bán hàng rong trên đường phố Thái
Anh Quân ở trong ban điều hành nhóm công giáo nhỏ ở tỉnh Khon Kaen và đã tiếp xúc và giúp đỡ nhiều lao động Việt Nam tại đây.
Anh cho biết tại Khon Kaen, hiện có khoảng 1000 lao động bất hợp pháp người Việt Nam.
"Những người Việt Nam họ chỉ đi làm, họ không biết nhiều thông tin về luật. Tôi có cơ hội tiếp cận nhiều thông tin hơn nên tôi đăng lên trên mạng giúp đỡ mọi người".
Hầu hết lao động Việt Nam tại Thái Lan làm việc tại các nhà hàng, hoặc giúp việc gia đình.
Một số khác bán hàng rong trên đường phố.
"Ở Việt Nam tỉ lệ thất nghiệp cao, lương thấp, trong khi ở Thái Lan, một người không có trình độ có thể kiếm 15-20 triệu một tháng", anh Quân nói thêm.
Bốn điều luật quy định :
Điều 101 : Người nước ngoài lao động không đăng ký hoặc ngoài khu vực cho phép sẽ bị giam giữ 5 năm hoặc/và bị phạt 100.000 Baht Thái.
Điều 102 : Chủ thuê lao động nước ngoài bất hợp pháp sẽ bị phạt 400.000 - 800.000 Baht Thái.
Điều 119 : Người lao động không khai báo công việc lao động sẽ bị phát 20.000 - 100.000 Baht Thái.
Điều 122 : Chủ thuê lao động sẽ bị phạt 400.000 - 800.000 Baht Thái khi thuê lao động đăng dưới một danh tính khác.
BBC đã tìm cách liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi vào thời điểm đăng bài.
Cần 1.300 tỷ để xuất khẩu lao động thất nghiệp
Bộ Lao động cho rằng cần khoảng 1.300 tỷ để hỗ trợ 54.000 cử nhân thất nghiệp đi lao động ở nước ngoài, theo báo VnExpress.
Hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài, có thể mang về từ 1,7 tỷ - 2 tỷ đôla.
Theo báo này, Bộ Lao động đang đưa ra Đề án đưa lao động ra làm việc ở nước ngoài nằm năm 2018-2020.
Trong đó, sẽ đưa 14.700 lao động đi Đức, 1.500 đi Nhật và 1.800 sang Hàn Quốc.
Đến hết tháng 3/2017, số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 139.00 người, cao đẳng là 104.000 và trung cấp là 83.000 người.
**********************
Hàng chục ngàn người lao động nhập cư chạy khỏi Thái Lan (RFI, 04/07/2017)
Hơn 60.000 người lao động nhập cư hoảng hốt rời Thái Lan trong những ngày qua, để tránh bị cảnh sát bắt giữ và bị phạt vạ nặng nề, sau khi các quy định mới về người lao động nước ngoài bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/06/2017. Tình trạng này đã buộc chính quyền Thái Lan phải tạm ngưng áp dụng một số điều khoản trong bộ luật đã ban hành.
Lao động nhập cư rời Thái Lan bằng tầu, ngày 03/07/2017. REUTERS/Daily News
Thông tín viên RFI, Carol Isoux tường thuật từ Bangkok :
"Giới lao động nhập cư đã hốt hoảng, nhất là những người Miến Điện, phần đông là thuộc sắc tộc Karen, cộng đồng thiểu số sống ở biên giới Miến Điện-Thái Lan.
Tại Thái Lan, những người Karen này làm công việc chân tay : khuân vác ngoài chợ, lao động trong các công trường xây cất, trợ giúp việc nhà… Cùng với người Cam Bốt và Lào, họ chiếm phần quan trọng trong số nhân công trên thị trường Thái Lan. Một số người đã lớn lên trong các trại tị nạn ở vùng biên giới và phần lớn cuộc sống là ở Thái Lan.
Quy định mới của chính phủ Thái Lan về người lao động nhập cư được đưa ra vài ngày sau báo cáo của Mỹ về tình trạng buôn người, và Thái Lan lại bị liệt vào danh sách "học trò kém cỏi".
Những thông báo của chính quyền Thái Lan thường không có hiệu quả lâu dài. Vào năm 2014, cũng trong tình hình tương tự, hàng trăm ngàn người lao động Cam Bốt đã trở về nước, nhưng vài tháng sau, đã thấy họ quay trở lại Thái Lan.
Đường dây người lao động nhập cư bất hợp pháp mang lợi không nhỏ, không chỉ cho kẻ tổ chức mà còn cho một số viên chức ở vùng biên giới. Và để tránh tình hình hốt hoảng hỗn loạn, chính quyền Bangkok vừa cho một kỳ hạn 120 ngày để người lao động không giấy tờ hợp thức hóa tình trạng của họ".
Mai Vân
********************
Khoảng 1.500 bạn trẻ Công giáo sinh sống, học tập và làm việc tại Thái Lan vào ngày chủ nhật 2 tháng 7 tập trung tham gia Đại hội Di dân giáo phận Vinh lần thứ hai, trong bối cảnh Lao động mới của nước sở tại được thực thi, khiến nhiều di dân rất lo lắng.
Khoảng 1.500 bạn trẻ Công giáo sinh sống, học tập và làm việc tại Thái Lan vào ngày chủ nhật 2 tháng 7 tập trung tham gia Đại hội Di dân giáo phận Vinh lần thứ hai. RFA
Giám mục Phao lô Nguyễn Thái Hợp, vị chủ chăn của giáo phận Vinh, sang Thái Lan chủ sự đại hội. Trước tình hình được cho là ‘nóng’ hiện nay đối với lao động nhập cư, đức giám mục Phao lô Nguyễn Thái Hợp có ý kiến đề đạt với chính quyền Việt Nam trong việc hỗ trợ cho người Việt Nam phải sang làm ăn trên Xứ Chùa Vàng.
"Ít nhất phải có một kiến nghị gửi thẳng tới Tòa Đại sứ, gửi về Bộ lao động, gửi về bên nhà rồi cho lên mạng". Theo Giám mục Giáo phận Vinh vấn đề cần thiết phải có Hiệp ước lao động giữa 2 nước.
Ngày 23/6/2017, luật Lao động nhập cư mới của Chính phủ Thái Lan có hiệu lực, cảnh sát Thái Lan tổ chức nhiều đội truy quét lao động nhập cư bất hợp pháp trong đó có Việt Nam.
Thực tế những di dân từ Việt Nam đều cầm hộ chiếu du lịch và làm trong những ngành nghề may mặc, bán hàng rong… là những ngành cấm lao động nước ngoài.
Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp nói, ông rất thông cảm với các di dân Việt Nam vì hầu hết đều làm việc "chui".
Tuy nhiên "chui" vẫn là công dân Việt Nam cho nên "chúng ta có thể liên kết ở Việt Nam để yêu cầu nhà nước phải giải quyết vấn đề bang giao cụ thể với những hiệp ước cụ thể về vấn đề trao đổi nhân sự với đất nước Thái Lan".
"Cha ước mong 1 ngày nào đó được cầm những cái Kiến nghị của di dân Việt Nam ở Thái Lan để rồi yêu cầu nhà cầm quyền phải nghĩ đến điều kiện làm việc của công nhân của mình với tình trạng bất bình đẳng, với tình trạng lao động rất là khó khăn", ông nói thêm.
Theo qui định mới của Thái Lan thì lao động nhập cư trái phép, người lao động không có giấy phép hoặc làm việc trong các lĩnh vực bị cấm có thể bị phạt tù tới 5 năm, bị phạt tiền từ 20.000 Baht đến 100.000 Baht (khoảng 13 triệu - 67 triệu VND).
Trong khi đó chủ sử dụng lao động vi phạm có thể bị phạt đến mức 800 ngàn bath Thái, tương đương hơn 23 ngàn đô la Mỹ theo tỷ giá hiện hành.
Giám mục Phao lô Nguyễn Thái Hợp, vị chủ chăn của giáo phận Vinh, sang Thái Lan chủ sự Đại hội Di dân giáo phận Vinh lần thứ hai. RFA
Ngoài lo lắng cho tình hình thực tế tại Thái Lan khi lao động nhập cư bất hợp pháp bị truy lùng, thì những bạn trẻ từ các tỉnh miền Trung sang Thái Lan tiếp tục lo lắng cho người thân tại những nơi chịu tác động trực tiếp của thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa gây nên.
Tuy nhiên vì cách trở về địa lý nên họ cũng chỉ biết cùng nhau dâng lời cầu nguyện.
Anh Nguyễn Văn Long, quê ở Hà Tĩnh có thâm niên 10 năm ở Thái Lan, hiện nay đang làm công nhân may mặc, anh cho hay :
"Sau biến cố thảm họa môi trường của 4 tỉnh miền Trung, trong đó tỉnh Hà Tĩnh của chúng em là tỉnh trực tiếp chịu ảnh hưởng.
"Chúng em đi xa nhưng vẫn cảm thấy xót thương cho đồng bào cũng như con em 4 tỉnh miền Trung. Mặc dù không giúp được gì chỉ biết bằng những lời cầu nguyện cho quê nhà sớm khắc phục thảm họa môi trường", anh Long chia sẻ.
Còn anh Trần Văn Sơn, làm thợ may ở Thái Lan 13 năm và tham gia Đại hội di dân Giáo phận Vinh với vai trò bảo vệ an ninh nói : "Mong muốn những nhà lãnh đạo biết suy nghĩ biết lo lắng, giải quyết vấn đề thảm họa môi trường thật minh bạch, người dân 3 tỉnh miền Trung (Giáo phận Vinh) mình rất là khổ, thảm họa môi trường, thảm họa thiên tai, đất đai khô cằn….
"Tụi em đi xa quê làm ăn chỉ mong sao chính quyền và các nhà lãnh đạo tìm ra nguyên nhân để dân đỡ khổ 1 chút", anh Sơn cho biết.
Số tham gia Đại hội Di dân Giáo phận Vinh lần thứ hai không đông như lần thứ nhất vì lý do chiến dịch truy bắt, buộc lao động nhập cư bất hợp pháp về nước.
Hãng tin Reuters vào ngày 3 tháng 7 loan tin dẫn phát biểu của một viên chức Văn phòng Nhập cư Thái Lan cho biết từ ngày 23 đến 28 tháng 6 có chừng 60 ngàn lao động nhập cư rời khỏi Thái Lan. Trong số này có đủ quốc tịch ; nhưng nhóm đông nhất là người Miến Điện. Trong những ngày sắp tới số lao động nhập cư bất hợp pháp phãi rời xứ Chùa Vàng được nhận định còn tăng lên nữa.
Thống kệ của Tổ chức Quốc tế Di dân cho thấy tại Thái Lan có hơn 3 triệu lao động nhập cư ; tuy nhiên những tổ chức theo dõi nhân quyền nói con số này phải cao hơn nữa.
Chân Như, phóng viên RFA
Tôi thấy lũ trẻ "phượt" ào ào nên cũng vội vã phóng theo (chớ ở nhà hoài buồn quá) dù chả có chút ý niệm gì, về những nẻo đường sắp tới.
Đi đâu đây cà ?
Hàng quán san sát, thức ăn ê hề, rẻ rề, ngon miệng
Ngần ngừ chút xíu rồi tôi quyết định là mình nên khởi sự bằng cách trở lại một chốn đã quen – Thái Lan – nơi mà tôi bắt đầu cuộc đời tị nạn, gần bốn mươi năm trước !
Vì không biết rằng tiếng anh có từ ngữ "guest house" nên tôi gu gồ (đại) "bangkok hotel" và tìm ra một cái khách sạn, ở giữa thủ đô, với giá 40 USD mỗi ngày. Kể cũng chả mắc mỏ gì, nếu so với loại phòng bình dân ở California.
Ngủ qua đêm, sáng hôm sau đi lơn tơn mới thấy trên cùng một dẫy phố nhưng có rất nhiều nhà trọ mà chỉ phải trả 18 Mỹ Kim hà. Thế là tôi lật đật xách ba lô, chạy sang chỗ mới.
Qua đêm sau nữa, tôi "khám phá" ra rằng không chỉ ở mặt tiền mà trong những con hẻm (lủa tủa) hai bên cũng có cả đống guest house. Giá cả, tất nhiên, nhẹ nhàng hơn thấy rõ : mười hai đô la chẵn. Còn nếu "chịu" ở chung (ở dorm) với vài ba mạng nữa thì chỉ nửa giá đó thôi – breakfast included !
Tôi "chịu" liền. Tưởng gì chớ "chung đụng" thì có hề chi. Số trại lính, trại tù, trại cải tạo, trại tị nạn... mà tôi từng sống qua – trên những cái giường đôi – nếu chỉ tính bằng đầu ngón tay, không kể ngón chân, dám thiếu !
Thêm vài ba bữa, sau khi la cà với một mớ đồng hương (mấy anh chị tị nạn, cùng với những em nhỏ chạy bàn, phụ hồ, bán kem, bán nước dừa, bán trái cây...) tôi được cho hay là có rất nhiều cao ốc, ở ngoại ô Bangkok, phòng thuê hàng tháng chưa tới ba ngàn tiền baht – tròm trèm chỉ cỡ 100 USD thôi – tính luôn wifi và điện nước.
Loại chung cư này thường cao tới bẩy tám tầng, nằm cạnh bên nhau, tạo nên những con hẻm nhỏ song song, vô cùng xầm uất. Hàng quán san sát, thức ăn ê hề, rẻ rề, ngon miệng, và chưa nghe có ai bị ngộ độc phải vô nhà thương hết trơn hết trọi. Vào giờ cao điểm, xe cộ – đôi khi – phải di chuyển cùng với tốc độ của... khách bộ hành nhưng không nghe tiếng còi và cũng không có tiếng người chèo kéo/mời mọc hay cãi cọ gì ráo trọi.
Tôi dọn vô thử. Ở tuốt trên tầng sáu. Tuy thang máy chậm, phòng hơi chật và hành lang hơi tôi tối nhưng sạch sẽ, và yên tĩnh đến không ngờ. Cũng như người Lào, người Thái không ồn. Tiếng duy nhất mà tôi nghe suốt ngày, từ sáng sớm đến chiều, chỉ là tiếng chim thôi.
Ảnh chụp tháng hai 2017
Dân Thái tin rằng chim chóc mang lại điềm lành nên để chúng được sống hoàn toàn tự do, và tha hồ ca hót. Nhiều loại chim lắm. Có con líu lo, có con rủ rỉ, có con tíu tít không ngừng nhưng tôi nhận ra ngay tiếng ríu rít quen thuộc của những con se sẻ.
Loài chim này có lẽ hiện diện khắp địa cầu. Tiếng kêu thân quen của chúng, trong những lùm cây, vào lúc chiều tàn, đã nâng đỡ cho tâm hồn đa cảm và yếu ớt của tôi – không biết bao lần – suốt cả cuộc đời lưu lạc. Cứ nghe se sẻ huyên náo chuyện trò là tôi lại trạnh nhớ tiếng chim ngày cũ, dù bao kỷ niệm (không mấy êm đềm) đều đã phôi pha.
Từ một trại cải tạo heo hút, tôi nhận được giấy "tạm tha" cho trở về nhà, vào năm 1978. Mùa mưa nào mà Đà Lạt chả buồn nhưng mùa mưa năm ấy, tôi không chỉ buồn mà còn đói nữa. Ở tù bị đói, đã đành ; ở nhà, ai ngờ, cũng đói !
Lòng buồn, bụng đói, dạ hoang mang, tôi không biết làm chi với cuộc đời mình nên đành chỉ nằm nghe mưa và chờ nắng. Mong có chút xíu nắng thôi cho trời bớt lạnh, cho bầy se sẻ túa lên mái nhà (âu yếm rỉa lông, rỉa cánh cho nhau) và tíu tít mừng vui, đón chào nắng ấm.
Đà Lạt hay có những cơn bão rớt, và những trận mưa dầm dề lê thê kéo dài cả tuần chứ không phải cả ngày. Tuy thế, vẫn có những lúc mặt trời cũng lấp ló ở một nơi nào đó. Nắng cũng làm sáng, và làm ấm phố phường đôi chút nhưng tiếng chim kêu rộn ràng (như những ngày xưa cũ) thì không còn nữa.
Thỉnh thoảng mới có tiếng kêu thương lạc lõng của một con chim se sẻ, trên mái ngói, rồi tiếng đáp trả nho nhỏ buồn buồn (nghe cũng cô đơn và não lòng không kém) từ một căn nhà xa xa nào đó. Cả một dãy phố mà dường như chỉ còn sót vài đôi chim bé bỏng thôi.
Cái đói của chính mình giúp cho tôi đoán được chuyện gì đã xẩy ra cho loài chim này trong mấy năm qua. Sự khắc nghiệt của chế độ hiện hành, hoá ra, không chỉ ảnh hưởng riêng chi đến con người.
Tôi không hiểu là loài se sẻ chết dần vì đói, hay chúng rời đi đến một phương trời nào khác, bỏ tôi ở lại với đói lạnh và buồn. Buồn quá, tôi cũng đi luôn và chưa bao giờ lần dò trở về chốn cũ.
Ảnh chụp tháng hai 2017
Gần nửa thế kỷ đã qua, không biết bây giờ thì bầy sẻ nhỏ ra sao nhưng đồng bào hay đồng hương của tôi thì vẫn vậy – vẫn cứ tiếp tục ra đi bằng mọi giá và mọi cách. Từ Việt Nam, luật sư Võ An Đôn mới buồn bã cho hay :
Tôi vừa nhận được tin gia đình chị Trần Thị Thanh Loan, Trần Thị Lụa và Trần Thị Phúc đang trên đường vượt biên từ Việt Nam qua Úc bằng đường biển, hiện tại ghe chở người vượt biên đã qua khỏi lãnh hải Indonesia, tiến vào hải phận nước Úc.
Cả 3 gia đình trước đây đã một lần vượt biên qua Úc, bị trả về Việt Nam 7/2015. Tòa án tỉnh Bình Thuận phạt tổng cộng hơn 6 năm tù giam về tội "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép". Cụ thể : chị Loan 36 tháng tù giam, anh Hồ Trung Lợi (chồng chị Loan) 24 tháng tù giam, chị Lụa 30 tháng tù giam. Riêng anh Lợi đang chấp hành hình phạt tù được 20 tháng, chị Loan và chị Lụa được hoãn chấp hành hình phạt tù 1 năm, đến tháng 7/2017 thì đi tù.
Nếu lần vượt biên này bị Úc trả về thì chị Loan sẽ đối mặt với bản án 7 năm tù giam và chị Lụa 6 năm tù giam (cộng bản án cũ và bản án mới).
Qua điện thoại chị Loan và chị Lụa cho biết : Nếu lần vượt biên này chính phủ Úc không nhận hai chị tị nạn mà trả về nước, thì hai chị sẽ nhảy xuống biển tự tử, chứ không bao giờ chịu trở về Việt Nam lần thứ 2.
Cầu mong cho ba gia đình thượng lộ bình an và sớm đến được bến bờ tự do !
Ủa, chớ "bến bờ tự do" có gì quyến rũ mà dân Việt – từ thế hệ này sang thế hệ khác – cứ mãi khát khao đi tìm mãi thế ? Tôi đang sống ở Thái Lan, một đất nước "tự do" đây, có thấy chi hấp dẫn lắm đâu ?
Chả qua chỉ là một căn phòng nho nhỏ, vừa đủ cho đôi vợ chồng son, với những tiện nghi căn bản – trong một khu chung cư ở ngoại ô – mà số tiền phải trả hàng tháng chỉ bằng một phần tư lợi tức của một người công nhân, dù với đồng lương tối thiểu.
Nơi đây, tuy phần lớn chỉ là những người lao động có lợi tức thấp nhưng đời sống riêng tư của họ được tôn trọng hoàn toàn và tuyệt đối. Không có ông công an khu vực, bà tổ trưởng dân phố, hay chị hội trưởng phụ nữ (dấm dớ) nào lai vãng cả ! Cũng chả thấy bóng dáng đám công an giao thông, cảnh sát cơ động, hay lực lượng dân phòng lảng vảng (xớ rớ) kiếm ăn ở chung quanh !
Dọc theo mấy dẫy chung cư là một dòng sông nhỏ, nước tuy bẩn nhưng cá vẫn còn sống được. Kiên nhẫn ngồi câu, chừng hai ba tiếng, cũng chỉ kéo được hơn chục chú cá rô con.
Phần lớn bờ sông là đất trống, bỏ hoang, mọc tá lả đủ thứ loại trái cây thông thường của vùng nhiệt đới : vú sữa, mít, ổi, chuối, xoài, mãng cầu, đu đủ ... Với tay phía nào cũng có thể bẻ được một chùm tầm ruột, vừa mới chín hườm hườm, hay một quả khế (không biết chua/ngọt) vàng ươm.
Bên kia bờ sông – đôi chỗ – cũng thấy nhô lên một toà biệt thự kín cổng, cao tường. Còn phần lớn đều chỉ là những căn nhà nhỏ, vách ván đơn sơ, sắc mầu lộn xộn. Từ ngoài nhìn vào cũng có thể thấy hết đồ vật luộm thuộm bên trong : giường tủ, ghế bàn, tuyềnh toàng, cũ kỹ.
Cái nghèo cũng được bầy ra qua những mâm cơm chiều thanh đạm, dọn ngay trước sân nhà : cá khô, rau luộc, rổ đậu, đĩa trứng chiên nhỏ xíu, và mấy xâu thịt nướng mỏng tang, cùng vài chai bia (hoặc rượu) địa phương – met dze in Thai.
Tuy thế, trông người Thái nào tôi cũng cảm được là họ đang sống rất bình an. Nỗi an bình của một của cả một dân tộc chưa từng "dám" đánh thắng một đế quốc to nào ráo, đế quốc nhỏ cũng chưa !
Dân Thái – chắc chắn – chưa bao giờ nghe nói đến những thứ (thổ tả) đại loại như chủ nghĩa mác xít lê nin nít vô địch muôn năn, cải cách ruộng đất, hợp tác xã, đánh công thương nghiệp, đổi tiền, vượt biên, trại cải tạo, nợ công, lạm phát, vỡ qũi bảo hiểm xã hội, sự cố môi trường biển, Hội Nghị Thành Đô ...
Cộng lại tất cả những cái "chưa" này của dân tộc Thái Lan thì thành một giấc mơ xa vời (và mỗi lúc một thêm xa) của người dân Việt !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 02/03/2017 (tuongnangtien's blog)
Philippines lo ngại Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough (RFA, 07/02/2017)
Một nhóm dân biểu và hải quân Philippines đến bãi cạn Scarborough hôm 17/5/1997. AFP photo
Bộ Trưởng Quốc Phòng Philippines tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục cải tạo, xây dựng trên những hòn đảo mà Bắc Kinh đang chiếm giữ ở Biển Đông, đồng thời e ngại sẽ có ngày Phi mất bãi Cạn Scarborough, tức Đảo Hoàng Nham, vào tay Hoa Lục.
Những điểm này được ông Delfin Lorenzana, Bộ Trưởng Quốc Phòng Phi nói ngày hôm nay khi trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn AFP, cho rằng Trung Quốc đang cố chiếm đoạt bãi Cạn Scarborough ngoài những đảo đang giữ ở khu vực quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Ông Bộ Trưởng Lorenzana tin rằng Trung Quốc không từ bỏ ý đồ kiểm soát Biển Đông để dùng tuyến đường biển quan trọng này làm áp lực với những cường quốc khác.
Tháng Bảy năm ngoái, Tòa Trọng Tài Quốc Tế ra phán quyết nói rằng Trung Quốc không có chủ quyền pháp lý lẫn chủ quyền lịch sử ở những hòn đảo, bãi đá mà họ đang chiếm giữ tại Biển Đông. Nhưng từ ngày nhậm chức hồi cuối tháng Sáu tới nay, Tổng Thống Phi Rodrigo Duterte không muốn nói tới phán quyết này, vì ông chủ trương kết thân với Bắc Kinh.
***************
Manila tố cáo Bắc Kinh muốn xây đảo nhân tạo ngoài khơi Philippines (RFI, 07/02/2017)
Bãi cạn Scarborough cách căn cứ quân sự Vịnh Subic, Philippines, khoảng 200 km về phía tây. (Ảnh chụp ngày 12/03/2016) - REUTERS/Planet Labs
Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP ngày 07/02/2017, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết ông tin rằng Trung Quốc có thể sẽ bồi đắp bãi cạn Scarborough, chỉ nằm cách đảo Luzon của Philippines 230 km. Trung Quốc đã chiếm giữ bãi cạn này từ năm 2012.
Bắc Kinh hiện đã xây nhiều đảo nhân tạo ở Biển Đông, trong đó có Đá Chữ Thập mà Manila cũng đòi chủ quyền, và đặt các thiết bị quân sự trên một số đảo đó. Theo các nhà phân tích, việc đặt các thiết bị quân sự trên bãi cạn Scarborough sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát về mặt quân sự vùng Biển Đông, điều mà Hoa Kỳ báo trước là sẽ không chấp nhận.
Theo lời bộ trưởng Lorenzana, các công trình xây dựng trên bãi cạn Scarborough sẽ đáng lo ngại hơn nhiều so với trên Đá Chữ Thập, vì bãi cạn này nằm rất gần Philippines. Từ Scarborough, các chiến đấu cơ phản lực và tên lửa của Trung Quốc có thể dễ dàng tấn công lực lượng Mỹ đóng tại Philippines. Tiền đồn trên Scarborough có thể giúp Trung Quốc ngăn chận tàu của các nước khác sử dụng con đường hàng hải trọng yếu này.
Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines nói với AFP, việc bồi đắp các đảo ở Biển Đông là chiến lược của Trung Quốc nhằm chống lại những cường quốc nào can dự vào Biển Đông, vì đối với Bắc Kinh, đây là vùng biển của Trung Quốc.
Chính quyền của tân tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ đẩy lùi mọi mưu toan của Trung Quốc nhằm củng cố kiểm soát Biển Đông. Trong cuộc điều trần trước Thượng viện để được phê chuẩn việc bổ nhiệm, tân ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tuyên bố là Hoa Kỳ sẽ ngăn chận Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo trên Biển Đông, mặc dù các nhà phân tích cho rằng, muốn làm như thế Washington phải phong tỏa trên biển, và đây là một hành động chiến tranh.
Nhưng theo tờ The Japan Times của Nhật số ra ngày 07/02/2017, một tài liệu được tiết lộ trên một trang mạng cho thấy là sau đó ông Tillerson đã có giọng điệu hòa dịu hơn. Trả lời các câu hỏi về các công trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, tân ngoại trưởng Mỹ chỉ viết : Không thể để Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo để cưỡng ép các nước láng giềng hoặc hạn chế quyền tự do lưu thông hàng khải và hàng không ở Biển Đông. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hành xử các quyền tự do ấy bằng cách đưa phi cơ và tàu đến hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép.
Thanh Phương
*********************
Cam Bốt phá đường dây buôn người sang Nhật làm gái mại dâm (RFI, 07/02/2017)
Cảnh sát Cam Bốt áp giải nghi can người Nhật Susumu Fukui (đeo khẩu trang) tới tòa án Phnom Penh, ngày 07/02/2017 - TANG CHHIN Sothy / AFP
Một chủ nhà hàng Nhật Bản tại Phnom Penh, Cam Bốt hôm nay 07/02/2017 bị cáo buộc buôn người và kiểm soát một đường dây gái mại dâm ở Nhật.
Theo AFP, một tòa án ở Phnom Penh ngày 07/02/2017 cáo buộc ông Susumu Fukui, chủ một nhà hàng Nhật, cùng với Lim Leakhana, 28 tuổi - người vợ Cam Bốt của ông này và một nhân viên nhà hàng người Cam Bốt 30 tuổi, tên là Seng Chandy về tội buôn người.
Quyết định trên được đưa ra sau cuộc giải cứu 7 phụ nữ Cam Bốt tại một nhà hàng ở Gunma, khu vực tây bắc Tokyo, hồi tháng 12/2016, sau khi một trong số những phụ nữ này tuyệt vọng kêu cứu trên Facebook.
Cảnh sát khẳng định chủ nhà hàng Nhật Susumu Fukui, 52 tuổi, đã dụ dỗ phụ nữ bằng cách hứa hẹn trả lương cao và đã đích thân đưa những phụ nữ này tới một mối quen ở Gunma, Tokyo hồi tháng 11/2016.
Mới đầu, những người phụ nữ Cam Bốt này nghĩ rằng họ sẽ làm nhân viên nhà hàng, nhưng ngay sau đó họ bị ép buộc quan hệ tình dục với khách hàng.
Từ lâu nay, Nhật đã trở thành một điểm đến cho phụ nữ Đông Nam Á muốn ra nước ngoài tìm kiếm công việc có thu nhập cao hơn công việc trong nước. Tại Nhật, họ thường bị bắt ép bán dâm hoặc lao động cưỡng bức.
Tháng 01/2017, trong một chiến dịch truy quét, cảnh sát Nhật Bản đã phát hiện 10 phụ nữ Thái Lan có thể là nạn nhân của cùng một đường mại dâm liên quan đến vụ chủ nhà hàng Nhật ở Cam Bốt. 2 người Nhật và 1 người Thái Lan đã bị bắt.
Thùy Dương
**********************
Liên Hiệp Quốc kêu gọi Thái Lan hủy luật chống khi quân (RFI, 07/02/2017)
Pornthip Mankong (P) và Patiwat Saraiyaem bị kết án 2 năm rưỡi tù vì đã tham gia vở kịch bị coi là phạm tội khi quân, tại Thái Lan - REUTERS/Athit Perawongmetha
Hôm 07/02/2017, một đặc phái viên về tự do ngôn luận của Liên Hiệp Quốc ra thông cáo kêu gọi Bangkok hủy bỏ luật khi quân, bị cáo buộc được dùng như một công cụ đàn áp chính trị.
Thông cáo của ông David Kaye, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh đến trường hợp một sinh viên Thái Lan, hiện đang bị giam giữ, chỉ vì chia sẻ trên internet một bài báo về tân vương Maha Vajiralongkorn, vừa kế nhiệm ngai vàng, ngày 01/12/2016, ít tuần sau khi vua Bhumibol qua đời.
Trong số hàng nghìn người chia sẻ một bài báo của BBC, cung cấp nhiều chi tiết về cuộc đời của tân vương, nổi tiếng với nhiều xì-căng-đan, duy nhất chỉ có nhà tranh đấu dân chủ Jatupat Boonpatararaksa, có biệt danh "Pai", là bị bắt. Nhà tranh đấu nói trên được coi là nạn nhân đầu tiên của luật chống khi quân Thái Lan, kể từ khi thái tử Maha Vajiralongkorn kế nhiệm.
Thông cáo của đại diện Liên Hiệp Quốc về tự do ngôn luận nhấn mạnh là "các điều khoản về chống khi quân của luật hình sự Thái Lan không phù hợp với luật pháp quốc tế về nhân quyền" và lưu ý "các nhân vật chính trị, kể cả những người giữ chức vụ cao nhất, vẫn có thể bị phê phán".
"Điều 112" của luật chống khi quân của Thái Lan dự kiến phạt từ 3 đến 15 năm tù đối với ai báng bổ vua, hoàng hậu, thái tử hay nhiếp chính vương.
Kể từ khi tập đoàn quân sự lên nắm quyền tháng 5/2014, chính quyền liên tục sử dụng luật khi quân để trấn áp các tiếng nói khác biệt, với các án nặng hơn trước rất nhiều. Năm 2015, một người đàn ông bị kết án đến 30 năm tù và một phụ nữ 28 năm tù, vì đưa lên Facebook nhiều thông điệp bị cáo buộc là nhục mạ gia đình hoàng gia.
Tại Thái Lan, cuộc đời phóng túng của tân vương Maha Vajiralongkorn, 64 tuổi, từng có ba đời vợ, là chuyện mà mọi người có thể đàm tiếu, tuy nhiên nhìn chung không có phương tiện truyền thông hay mạng xã hội nào dám nhắc đến. Ngay về các án phạt, cũng rất ít phương tiện truyền thông, kể cả phương tiện truyền thông quốc tế, dám nêu chi tiết, vì sợ phạm vào luật trừng phạt tội khi quân.
Trọng Thành
Trump hạn chế thuê lao động nước ngoài trình độ cao, Ấn Độ lo lắng
Ấn Độ là nơi cung cấp nhiều lao động trình độ cao cho thị trường Mỹ. Trong ảnh, ông Joe Biden, phó tổng thống Mỹ nhiệm kỳ trước tới thăm một viện công nghệ Ấn Độ (The Indian Institute of Technology) ở Mumbai. Reuters
Nhằm thúc đẩy tạo công ăn việc làm cho người Mỹ, tân tổng thống Donald Trump tiếp tục tăng cường chính sách bảo hộ. Dự thảo sắc lệnh này kèm theo một dự luật mới đã khiến New Delhi lo ngại, vì Ấn Độ là sẽ nước bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tạp chí Thế Giới Đó Đây giới thiệu.
Donald Trump đang chuẩn bị ra một sắc lệnh hạn chế cấp visa cho người lao động nước ngoài có trình độ cao trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ mới. Từ New Delhi, thông tín viên RFI Sébastien Farcis giải thích :
Visa Mỹ có tên gọi H1B là sợi dây kết nối các lĩnh vực công nghệ mới của Ấn Độ với Hoa Kỳ, thị trường lớn nhất của nền công nghiệp Ấn Độ. Nhờ loại visa này mà gần 300.000 kỹ sư Ấn Độ được sang Mỹ làm việc trong các công ty tin học của Hoa Kỳ.
Chính quyền Washington mới lại muốn thay thế nguồn nhân lực này bằng người Mỹ. Bên cạnh dự thảo sắc lệnh của tổng thống theo đó việc cấp visa H1B sẽ trở nên phức tạp hơn, còn có một dự luật quy định số lương tối thiểu để được cấp visa H1B sẽ phải tăng gấp đôi. Dự thảo sắc lệnh và dự luật này sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp Ấn Độ cử nhân viên sang làm việc tại Hoa Kỳ. Còn trên sàn chứng khoán Bombay, kể từ hôm thứ Ba, cổ phiếu của các công ty này đều sụt giảm.
Nhưng, chính các doanh nghiệp Mỹ cũng có thể bị thiệt hại. Ông Shivendra Singh, phó chủ tịch Nasscom - Hiệp hội các công ty tin học của Ấn Độ, giải thích : "Bộ trưởng Lao Động Mỹ đã ra một báo cáo liên quan tới công việc trong các lĩnh vực khoa học mà không thể tuyển dụng nhân lực vào năm 2018. Và một nửa trong số đó là các vị trí trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tất cả các doanh nghiệp, cho dù là của Hoa Kỳ hay của Ấn Độ, đều phải bù đắp thiếu hụt này bằng cách tuyển dụng nhân công nước ngoài ngắn hạn".
Phó chủ tịch hội tin học Ấn Độ nhận xét, nếu ra điều kiện là mức lương tối thiểu của họ phải cao hơn nữa thì họ mới được nhập cảnh, thì điều đó cũng chẳng thay đổi được gì cả. Bởi vì phía Mỹ không thể tuyển dụng tại chỗ các nhân công Mỹ có trình độ cao,chỉ trong ngày một ngày hai".
Chính phủ Ấn Độ cũng đã phản ứng và tỏ ra lo ngại về chính quyền mới của Hoa Kỳ.
Thái Lan : Dự luật "độc tài" về kiểm soát truyền thông
Cũng liên quan tới các dự thảo luật, nhưng tại Thái Lan, tập đoàn quân sự cầm quyền mới đây đã soạn thảo một dự luật mới nhằm kiểm soát ngành truyền thông. Nhưng tất cả các hiệp hội nhà báo đều phản đối dự luật này vì nó sẽ làm mất tự do báo chí.
Thông tín viên RFI Arnaud Dubus từ Bangkok giải thích :
Dự luật này, theo cách nói của tập đoàn quân sự cầm quyền ở Thái Lan, là nhằm đưa ra các tiêu chuẩn đạo đức để đánh giá công việc của các phóng viên và để đảm bảo trật tự xã hội. Tập đoàn quân sự đánh giá là công tác tự kiểm duyệt của các tổ chức chuyên môn trong lĩnh vực truyền thông đã thất bại, nên chính phủ phải đứng ra kiểm duyệt. Dự luật này sẽ cho phép triển khai hội đồng kiểm duyệt gồm đại diện của báo chí, truyền thông và các quan chức cao cấp của chính phủ Thái Lan.
Điều gây nhiều tranh cãi nhất là hội đồng này sẽ cấp giấy phép hành nghề cho tất cả phóng viên và sẽ rút giấy phép của một phóng viên, nếu người này bị hội đồng đánh giá là thiếu đạo đức nghề nghiệp hoặc làm mất trật tự xã hội. Hai khái niệm này đều rất mơ hồ và rất có thể sẽ bị hiểu sai lệch đi.
30 hiệp hội nhà báo của Thái Lan đều coi là dự luật này xâm phạm tự do báo chí, vốn được Hiến Pháp Thái Lan bảo vệ. Tuy nhiên, tập đoàn quân sự cầm quyền cho biết họ sẽ không thay đổi bất cứ một chữ nào trong dự luật. Và vì Quốc Hội là do tập đoàn quân sự bổ nhiệm, nên chắc chắn dự luật này được Quốc Hội phê chuẩn. Tất cả các hiệp hội nhà báo cho biết là nếu điều này xảy ra, họ sẽ kiên quyết đấu tranh chống lại đạo luật mới, mà họ gọi là "độc tài".
Nhật Bản : Nhà tù, nơi "an hưởng" tuổi già
Tại Nhật Bản, nơi người cao tuổi chiếm 25% dân số thì tỉ lệ tù nhân cao tuổi ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê chính thức, nếu vào năm 2000, chỉ có 5% tù nhân trên 65 tuổi thì con số này tăng đã lên tới 20% vào năm 2015.
Nhiều người cao tuổi ở Nhật thích cuộc sống an toàn trong nhà tù, nơi họ được ăn uống đầy đủ, được chăm sóc sức khỏe, hơn là cuộc sống tự do, nhưng đầy bắt trắc bên ngoài. Chính vì thế, nhiều người già cố tình vi phạm pháp luật để "được" phạt tù.
Chính điều này đã khiến công việc của quản giáo tại nhiều nhà tù giờ đây giống với công việc của y tá. Ở Fuchu, nhà tù cho nam giới lớn nhất đất nước, quản giáo không sợ tù nhân bỏ trốn. Nhiệm vụ của quản giáo chủ yếu là… thay bỉm cho những tù nhân già yếu và giúp họ tắm gội. Ông Shinsuke Nishioka, một quan chức của bộ Tư Pháp thì giải thích là nhiều tù nhân cao tuổi nặng tai, họ không nghe rõ hiệu lệnh, và họ thường xuyên phải đi vệ sinh. Điều này gây khó khăn cho ban quản lý trại giam. Các nhà tù phải có nhiều quản giáo hơn nữa.
Trước tình trạng này, chính phủ Nhật đã quyết định từ tháng 04/2017, sẽ tăng cường nhân lực cho 50% trên tổng số 70 trại giam trên toàn đất nước, đồng thời tăng cường đội ngũ huấn luyện thể thao cho tù nhân cao tuổi.
Ô nhiễm không khí : "mặt hàng xuất khẩu mới" của Trung Quốc
Để đảm bảo cam kết giảm thải khí gây hiệu ứng nhà kính, Bắc Kinh đã yêu cầu cắt giảm sản lượng than trong nước. Năm 2016, sản lượng than của Trung Quốc đã giảm tới 9%. Tuy nhiên, nhập khẩu than của nước này lại tăng 25%. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc khai thác ngày càng ít than, nhưng lại nhập khẩu ngày càng nhiều, đặc biệt từ Mông Cổ : một cách "xuất khẩu" ô nhiễm không khí ra nước ngoài.
Mới đây, Bắc Kinh đã ký với Ulan Bator thỏa thuận, theo đó Mông Cổ thúc đẩy sản xuất than đá và xuất khẩu sang Trung Quốc với giá tăng gấp đôi. Từ 4 năm nay, giá than đá của Mông Cổ xuất sang Trung Quốc rẻ chỉ bằng 1/3, 1/4 giá than trên trị trường thế giới. Để có tiền trả nợ vào mùa xuân, Mông Cổ không thể từ chối đề nghị của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng nhập than đá từ Úc, nhưng với một chiến thuật hoàn toàn khác, thông qua việc mua các mỏ than của Úc. Công ty than đá lớn của Trung Quốc Yanzhou Coal đã mua cổ phần của công ty Rio Tinto và trở thành nhà khai thác than đá lớn nhất nước Úc.
Trung Quốc : "Thuê bạn gái" về quê ăn Tết
Tết Nguyên Đán là dịp để 300 triệu người Trung Quốc đi làm ăn xa ở thành phố trở về quê hương đoàn tụ với gia đình. Nhưng đối với nhiều người độc thân, đây cũng là dịp phải đối mặt với sức ép lập gia đình từ cha mẹ. Theo một cuộc thăm dò mới đây, 60% nam giới và 50% phụ nữ bị gia đình gây sức ép để có người yêu và kết hôn. Một số người không ngần ngại tìm đến trung tâm môi giới để "thuê người yêu" về quê ăn Tết. Phần lớn các "cặp đôi giả vờ" chọn gói "Dịch vụ Xanh" (lü se fuwu). Có nghĩa là : trong kỳ nghỉ đến ở nhà bố mẹ, nhưng không ngủ cùng phòng.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt kể lại :
Trong mắt bố mẹ, Cao Nhạc có một vấn đề cần khắc phục hay lập tức. Cao Nhạc là người Bắc Kinh, 32 tuổi, khá đẹp trai, nhưng vẫn chưa có bạn gái. Và mỗi năm, ngày Tết lại làm Cao Nhạc sợ đến toát mồ hôi hột.
Cao Nhạc chia sẻ : "Từ năm tôi 25 tuổi, nhất là vào dịp lễ Tết, bố mẹ tôi luôn hỏi tôi vẫn chưa có bạn gái à. Càng nhiều tuổi, tôi càng cảm thấy sức ép. Bố mẹ tôi thấy mất thể diện trước người thân và bạn bè. Vì thế, mỗi lần gia đình tụ họp, tôi thường tìm cách lẩn tránh".
Nhiều người tìm cách đối phó rất độc đáo. Họ tìm đến dịch vụ "Cho thuê người độc thân" của anh Vương Kiến Hoa. Anh Vương giải thích : "Giá thuê bạn gái trung bình là 67 euro/ngày, nhưng tới dịp Tết, giá tăng ít nhất là gấp đôi. Chúng tôi ký hợp đồng với nhiều điều khoản : gặp gỡ bố mẹ, gia đình, bạn bè. Vào dịp Tết, nhu cầu thuê bạn gái rất cao, chỉ riêng công ty chúng tôi đã cung gấp dịch vụ cho thuê bạn gái cho hàng ngàn người.
Pháp : sức mua thực phẩm giảm kỷ lục
Một cuộc khảo sát mới đây của Nielsen cho thấy tại Pháp, tổng chi tiêu cho thực phẩm và các sản phẩm vệ sinh, chăm sóc nhà cửa năm 2016 đã tăng 0,9 %, đạt 103,6 tỉ euro. Nhưng, nếu tính theo đầu người, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008, lượng thực phẩm và các sản phẩm chăm sóc, vệ sinh nhà cửa mà người dân Pháp mua sắm đã giảm (- 1,2 %) và số tiền mua sắm cũng giảm (- 0,6 %).
Mặc dù mức giảm không quá cao, nhưng nó cũng cho thấy người Pháp, đặc biệt là những người trẻ tuổi, đã thay đổi thói quen chi tiêu, mua sắm hàng ngày. Tuy nhiên, không phải là do các gia đình ăn uống ít đi hay giảm lãng phí thức ăn, mà chủ yếu là do họ đang còn rất nhiều đồ ăn thức uống dự trữ trong kho, nên không cần mua thêm nhiều thực phẩm.
Hiện tượng này liên quan chủ yếu đến các loại hàng hóa có hạn sử dụng dài như sữa (- 8 %), nước uống đóng chai (- 3 %), nước uống có ga (- 5 %), đường (- 6 %) cũng các loại dầu gội, sữa tắm, mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc nhà cửa.
Thêm vào đó, họ ngày càng ít đi các siêu thị lớn ở xa. Thay vào đó, họ chọn các cửa hàng nhỏ gần nhà. Đây cũng là một cách để kiểm soát việc mua sắm. Giá cả giảm không thúc đẩy người Pháp mua sắm nhiều hơn về lượng, nhưng họ chuyển sang xu hướng mua sắm các sản phẩm đắt tiền hơn, sạch hơn và an toàn hơn.
Thùy Dương
Hồng Kông : Tỷ phú Tiêu Kiến Hoa bị Trung Quốc bắt cóc (RFI, 02/02/2017)
Khách sạn Four Seasons, Hồng Kông, nơi nhà tỷ phú Tiêu Kiến Hoa được nhìn thấy lần cuối ngày 27/01/2017. REUTERS/Bobby Yip
Theo báo chí Hồng Kông, nhà tỷ phú Tiêu Kiến Hoa đột nhiên mất tích cách nay một tuần, thật ra đã bị an ninh Trung Quốc bắt cóc đưa về Hoa lục để điều tra một vụ đầu cơ chứng khoán. Đây là trường hợp tiêu biểu Bắc Kinh can thiệp vào nội tình Hồng Kông một cách thô bạo từ sau vụ bắt cóc chủ nhân và bốn nhân viên một nhà xuất bản sách bị Trung Quốc xem là nhạy cảm.
Theo South China Morning Post được AFP trích dẫn trong bản tin 02/02/2017, nhà tỷ phú Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) hiện đang ở Hoa lục "để giúp điều tra" về vụ chỉ số thị trường chứng khoán Thượng Hải bị rơi tự do vào năm 2015, trong vòng hai tháng, mất 40% trị giá. Vấn đề là trong vụ này, chính quyền Trung Quốc đã góp phần khuyến khích đầu cơ cho đến khi "bong bóng" chứng khoán bị vỡ thì tìm cách qui tội cho người khác để phủi tay trốn trách nhiệm.
Như vậy, "thông tin" đầu tiên của báo chí thân Bắc Kinh nói rằng tỷ phú Tiêu Kiến Hoa "tự ý" về Trung Quốc trị bệnh, không còn đứng vững.
Sự kiện ông Tiêu Kiến Hoa mất tích cũng diễn ra tương tự như trường hợp 5 nhân viên một nhà sách Hồng Kông "mất tích" năm 2015 và sau đó sự thật được phơi bày khi Bắc Kinh biết không thể tiếp tục giấu diếm.
Hồng Kông được Anh Quốc trao trả lại Trung Quốc với quy chế bán tự trị từ năm 1997 theo đó công an Hoa lục không có quyền sang Hồng Kông bắt người.
Cũng theo South China Morning Post, không rõ tỷ phú Tiêu Kiến Hoa có trách nhiệm gì trong vụ thị trường chứng khoán mất giá. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang nhắm vào một loạt các đại gia Trung Quốc và cuộc điều tra này có liên quan đến cựu chỉ huy cơ quan phản gián, Mã Kiến, bị buộc tội tham ô, bị cách chức và khai trừ khỏi đảng Cộng sản.
Theo một số nhà bình luận, tỷ phú Tiêu Kiến Hoa chỉ là người thừa hành của ban lãnh đạo Trung Quốc trong vụ khủng hoảng chứng khoán. Nhưng một số tờ báo lại cho rằng nhà tài chính này có quan hệ với những thế lực chống lại chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và trở thành nạn nhân của chiêu bài chống tham nhũng.
Tú Anh
*********************
Báo chí Thái Lan chống luật hạn chế hoạt động của nhà báo (RFI, 02/02/2017)
Thủ tướng Thái Prayuth Chan-ocha đến họp nội các hàng tuần ngày 10/01/2017. Reuters
Ngày 02/02/2017, dự luật giới hạn quyền hoạt động của các phóng viên Thái Lan được thảo luận tại một ủy ban Quốc hội. Liên đoàn các phóng viên Thái viết thư ngỏ phản đối mọi ý đồ bịt miệng báo chí của chính quyền quân sự Bangkok.
Theo hãng tin Mỹ AP, dự luật về báo chí của Thái Lan quy định các phóng viên phải được chính phủ cấp giấy phép hành nghề, và dự trù thành lập một hội đồng kỷ luật để trừng phạt những phương tiện truyền thông "phao tin thất thiệt" hay "vi phạm đạo đức báo chí". Phía chính quyền giải thích, dự luật này nhằm "trong sạch hóa các cơ quan thông tin và tránh để một số phương tiện truyền thông đưa tin thất thiệt".
Thủ tướng Thái, tướng Chan Ô Cha, trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây đã tuyên bố : "Tất cả mọi ngành nghề đều phải được kiểm soát và tuân thủ luật pháp quốc gia, ngành báo chí không là một ngoại lệ"
Ngược lại, Hiệp hội các nhà báo Thái Lan coi đây là phương tiện để Bangkok tăng cường kiểm duyệt, trực tiếp kiểm soát các hành vi của các phóng viên độc lập. Trong bức thư ngỏ gửi tới Quốc hội Thái ngày 02/02/2017, Hiệp hội các phóng viên Thái Lan cho rằng dự luật nói trên "đưa Thái Lan trở về với thời kỳ đen tối, khi báo chí nằm trong tay chính quyền".
Theo giới quan sát, từ khi tập đoàn quân sự Thái Lan lên cầm quyền hồi tháng 5/2014 tới nay, quyền tự do thông tin đã bị giới hạn đáng kể. Tránh để bị ghép vào tội khi quân, nhiều tờ báo Bangkok đã phải tự kiểm duyệt. Tháng 7/2016, nhiều đài phát thanh đã bị đóng cửa với lý do "đe dọa an ninh quốc gia". Tháng 12/2016, tập đoàn quân sự cầm quyền tại Thái Lan đã dùng luật chống tội phạm tin học để tăng cường các biện pháp kiểm duyệt thông tin trên mạng.
Thanh Hà
***********************
Tổng thống Philippines "sẽ giết thêm" và huy động quân đội chống ma túy (RFI, 02/02/2017)
Tổng thống Rodrigo Duterte trưng ảnh những kẻ dính líu đến ma túy tại một cuộc họp ở Davao ngày 02/02/2017. REUTERS/Lean Daval Jr
Tổng thống Rodrigo Duterte, hôm nay, 02/02/2017, thông báo là quân đội sẽ đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chiến chống ma túy và ông còn cam kết sẽ giết thêm những kẻ buôn lậu và tiêu thụ ma túy.
Ông Duterte, được AFP trích dẫn, tuyên bố : "Tôi huy động quân đội Philippines và tôi coi vấn đề ma túy là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, do vậy, tôi sẽ kêu gọi sự giúp đỡ của toàn bộ các binh chủng". Nguyên thủ Philippines còn bổ sung là ông sẽ ra lệnh giết chết thêm những con nghiện mà ông gọi là "đồ súc sinh".
Đây là phản ứng đầu tiên của ông Duterte kể từ khi Ân Xá Quốc Tế, vào hôm qua, đã công bố một báo cáo cho rằng các vụ giết người như vậy ở Philippines có thể coi là những tội ác chống nhân loại.
Ông Duterte đã bác bỏ những cáo buộc vi phạm nhân quyền, với những lời lẽ thô tục nguyền rủa những người tố cáo ông và cho rằng họ đã thương xót 3000 "kẻ súc sinh", tức 3000 con nghiện bị giết chết. Nguyên thủ Philippines tuyên bố, "tôi sẽ cho giết thêm, để xóa bỏ tệ nạn ma túy".
Trong tuần, ông Duterte đã thừa nhận là tệ nạn tham nhũng ngấm sâu vào tận xương tủy cảnh sát, lực lượng hiện đang đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chiến chống ma túy. Trong thời gian qua, một loạt vụ bê bối đã bị phát giác, cho thấy nhiều sĩ quan cảnh sát dính líu đến các vụ giết người, bắt cóc, tống tiền. Những kẻ này lộng hành nhân danh cuộc chiến chống ma túy.
Theo số liệu chính thức, kể từ khi ông Duterte nhậm chức tổng thống Philippines cuối tháng 06/2016 đến nay, 6500 người đã thiệt mạng, trong đó cảnh sát thông báo bắn chết 2555 người, còn gần 4000 trường hợp khác chưa được làm rõ.
RFI tiếng Việt
Chùa Dhammakaya tại Thái Lan. (Photo by David Longstreath/LightRocket via Getty Images)
Tại Thái Lan, chính quyền quân sự đang ra sức kìm hãm ảnh hưởng của chùa Dhammakaya, được sự ủng hộ của hàng trăm nghìn tín đồ. Nhiều chiến dịch cảnh sát đã được tiến hành nhắm vào ngôi chùa này để bắt sư trụ trì, đang bị truy nã khắp nơi, nhưng các chiến dịch đó đều gặp thất bại trước sự kháng cự của những người ủng hộ ngôi chùa này.
Theo tường thuật của thông tín viên RFI, Arnaud Dubus tại Bangkok, chùa Dhammakaya nằm ở phía bắc thủ đô. Chùa sử dụng nhiều chiêu quảng bá rầm rộ để thu hút tiền quyên góp của nhiều Phật tử. Theo đó, người ta có thể mua một chỗ trên cõi niết bàn, nếu như đã có những khoản cúng dường quan trọng.
Nhưng chùa cũng giảng giải Phật pháp theo một phiên bản không chính thống, theo đó sự thành đạt chiếm một vị trí trung tâm. Môn phái Phật giáo này có đến gần 2000 chi nhánh trên khắp cả nước, và có mặt tại 33 quốc gia. Sức mạnh chính trị và tài chính của môn phái này là khá lớn, điều đó giải thích vì sao chính quyền Thái Lan gặp khó khăn để vô hiệu hoángôi chùa này.
Một cơ cấu đáng lo ngại
Ông Dhammachayo, 72 tuổi, sư trụ trì của chùa bị cáo buộc biển thủ công quỹ. Nhưng nguyên do chính yếu là vì chùa Dhammakaya dường như có liên hệ với phong trào Áo Đỏ, một phong trào chính trị được những người chủ trương thay đổi xã hội và phản đối chính quyền quân sự thành lập. Ngoài chế độ quân sự ra, nhiều nhân vật Thái Lan e ngại rằng chùa này đơn giản nắm quyền kiểm sóa t giáo hội Phật giáo Thái.
Năm rồi, cảnh sát Thái Lan đã tiến hành hai chiến dịch lớn : vào tháng 6 và tháng 12. Trong cả hai chiến dịch này, gần 1.000 cảnh sát đã được huy động để truy bắt sư trụ trì. Nhưng lần nào các Phật tử cũng đều dựng một tường người và cảnh sát buộc phải rút lui. Người ta không khỏi ngạc nhiên trước cảnh toàn bộ sức mạnh nhà nước Thái bị tiêu tan trước ngôi chùa này.
Nguồn tài chính của chùa Dhammakaya dồi dào đến mức không thể loại trừ khả năng có sự dàn xếp ngầm với chính quyền, nhất là cảnh sát, và các vụ tấn công này mang tính dàn cảnh hơn là thực tế. Dẫu sao thì, chùa này đã có ảnh hưởng quá lớn, nhất là đến tầng lớp trung lưu Thái, đến mức người ta không biết chính quyền Thái Lan làm thế nào có thể vô hiệu hóa hoàn toàn được ngôi chùa này.
RFI tiếng Việt