Bão Yagi tháng 9/2024 được coi là trận cuồng phong lớn nhất từ khoảng 30 năm nay ở Biển Đông. Thông tin về bão vào thời điểm ập vào bờ biển miền bắc Việt Nam được cơ quan khí tượng thủy văn cập nhật sát. Tuy nhiên, dự báo - cảnh báo về các hậu quả nhiều mặt của bão ở miền núi đã ít được chú ý hơn rất nhiều.
Núi lở trên một tuyến đường ở Lai Châu, tây bắc Việt Nam, ngày 25/06/2018. AP - Quy Trung
Trên thực tế, đa số người chết là do đất lở, lũ đá, lũ quét ở trung du và miền núi. Chính quyền trung ương và nhiều địa phương bị chỉ trích đã không có các biện pháp tương thích. Theo thừa nhận của nhiều giới chức quản lý và khoa học trên truyền thông trong nước, dù bão Yagi và mưa "hoàn lưu" sau đợt thiên tai này là hiếm có, song nhiều mạng sống có thể đã cứu được nếu có các dự báo, cảnh báo đúng lúc và kế hoạch sơ tán kịp thời. Tuy nhiên, dự báo và cảnh báo kịp thời chỉ là một phần của vấn đề. Một số chuyên gia nói đến trận bão lớn đầu tiên cho thấy Việt Nam rõ ràng đã bước vào kỷ nguyên biến đổi khí hậu, cần đến một chiến lược mới.
***
Các nạn nhân của trận lũ bùn đá lịch sử ở Làng Nủ, tỉnh Lào Cai, Việt Nam, ngày 11/09/2024. AFP - STR
Đa số người chết do sạt lở, lũ quét, nhưng tác động đến miền núi bị coi nhẹ
Theo bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn Việt Nam, sơ bộ tính đến ngày 27/9, bão Yagi và mưa lũ sau bão đã khiến 344 người chết và mất tích, trong đó có 264 người chết do sạt lở đất, lũ đá, lũ quét. Tại tỉnh Yên Bái, trong số 54 người thiệt mạng, chỉ có 3 người chết do đuối nước, 51 nạn nhân còn lại là do sạt lở đất, sập nhà gây tử vong.
Vụ lũ bùn đá ở Làng Nủ (Lào Cai) ngày 10/09 được coi là tai nạn thảm khốc tiêu biểu. Theo các nhà khoa học, ước tính hơn 1,3 triệu mét khối đất đá, bùn nước trút xuống ngôi làng trong vòng 5 phút khiến dân làng không kịp trở tay, vùi lấp 37 nhà dân, khiến hơn 60 người chết và 7 người mất tích. Cùng ngày 10/09, thôn Nậm Tông (tỉnh Lào Cai) bị đất đá lở vùi lấp khiến 18 người chết và mất tích. Cũng không thể không nhắc đến vụ đất lở rạng sáng ngày 09/09 trên quốc lộ 34, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, cuốn hai ô tô, nhiều xe máy xuống vực, khiến hơn 30 người chết.
Trả lời RFI tiếng Việt, về phản ứng cảnh báo và sơ tán cấp thời, giáo sư Nguyễn Ngọc Lung (Hà Nội) nhận định : "Các địa phương đều nhận thấy là các chuẩn bị của mình là chưa đạt yêu cầu. Có nghĩa là đã báo trước là có cơn bão mạnh nhất trong vòng thế kỷ vừa qua, nhưng sự chuẩn bị của mình là chưa đạt yêu cầu tí nào. Đặc biệt là những nơi núi cao, đèo sâu, xa dân cư. Chính vì thế nó mới trôi cả làng. Trôi rồi mới biết.
Cơn bão này đến thì chuẩn bị không được bao nhiêu. Lý do thứ nhất là báo trước không được nhiều lắm. Thứ hai là thường cái bão đặc biệt ở vùng nhiệt đới, nhất là ở Đông Nam Á đi chệnh hướng nhiều lắm. Lúc đầu người ta nghĩ đi vào hướng Trung Quốc, nhưng khi vào Biển Đông rồi thì rẽ ngang qua đảo Hải Nam, rồi vào Bắc Bộ mạnh hơn. Việt Nam không báo được đầy đủ. Tất cả tiềm lực tập trung cho hai tỉnh, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Sau khi nó vào đồng bằng rồi, nó sớt qua biên giới Việt-Trung, rồi thì nó đi ngang, đi vào Thanh Hóa, đi vào Nghệ An. Có nghĩa là nó thay đổi phương hướng, lường trước không được bao nhiêu. Những cái ấy mình còn rất yếu, mặc dù có sự phối hợp với các nước xung quanh.
Bây giờ thiệt hại thì ai thiệt hại nhiều nhất ? Chính thiệt hại các tỉnh miền núi nhiều nhất. Họ cứ nghĩ mưa với bão thì miền núi bao giờ cũng tránh được. Chỉ có đồng bằng nước mới đổ về mới phải quan tâm. Như vậy anh đã không quan tâm đầy đủ cho chính những vùng bị nguy hiểm nhất, và bị thiệt hại về nhân mạng nhiều nhất".
Trên báo chí trong nước, hai tác giả Hà Thị Hằng và Lưu Thị Diệu Chinh nêu giả thiết là so với các vùng đồng bằng và ven biển, "dường như đang có sự thiên lệch trong việc đối phó với thiên tai ở các tỉnh miền núi : sự quan tâm dường như nghiêng về giải quyết khi "sự đã rồi" hơn là quá trình phòng bị trước thảm họa" (Bài "Thảm kịch lũ quét và sạt lở sau bão Yagi : Sự cố hi hữu hay vấn đề hệ thống ?", Tia Sáng, ngày 08/10/2024).
Đất nhão dễ dàng sụp đổ do nắng to - mưa nhiều : Điều hoàn toàn có thể dự đoán
Trên thực tế, các tác động khác thường của bão Yagi và hoàn lưu bão dường như là điều mà giới chuyên gia khí tượng thủy văn và địa chất học hoàn toàn có thể dự báo được. Tình trạng mưa liên tục trong tháng 8 trước cơn bão lịch sử (với 23 trên 31 ngày mưa ở Lào Cai, và 21/31 ngày ở Yên Bái), với tổng lượng nước vượt 40 – 60% trung bình năm, cho thấy đất đã ngậm no nước ngay trước bão, với lượng mưa lịch sử như chúng ta biết. Trước khi hứng chịu đợt mưa lớn, khu vực miền núi phía Bắc đã chịu một đợt nắng nóng kéo dài (từ tháng 4 đến tháng 7), với hệ quả là cấu trúc của đất đã bị phá hủy đáng kể. Mưa nhiều sau đó khiến đất dễ dàng nhão ra, sẵn sàng sụp đổ bất ngờ.
Chính quyền Việt Nam trong những năm gần đây đã có biện pháp để thúc đẩy việc dự báo lũ quét, sạt lở, đặc biệt sau đợt bão lớn ở miền trung 2020. Năm 2023 chính phủ phê duyệt Đề án "Cảnh báo sớm sạt lở đất và lũ quét tại khu vực miền núi và trung du Việt Nam", nhằm hoàn thiện hệ thống bản đồ cảnh báo lũ quét và sạt lở đất cho 37 tỉnh ở miền núi và trung du ngay trong năm 2025, đặc biệt tập trung vào 150 điểm có nguy cơ cao nhất, với bản đồ chi tiết với tỉ lệ 1/10.000 (tức 1cm trên bản đồ tương đương 100 mét trên thực địa), thậm chí nhỏ hơn.
Khâu dự báo, cảnh báo thảm họa thiếu đầu mối thống nhất…
Tuy nhiên, để cảnh báo tốt thảm họa cần phối hợp nhiều thông số từ các ngành khác nhau (khí tượng thủy văn, địa chất, lâm nghiệp, công trình xây dựng…). Nhiều chuyên gia chỉ trích là đề án nói trên của chính phủ nhiều khả năng sẽ kém hiệu quả bởi giao cho nhiều cơ quan, mà thiếu đầu mối thống nhất (Bài "Vì sao bản đồ cảnh báo lũ quét và sạt lở đất chưa phát huy hiệu quả ?", Báo Sức khỏe và Đời sống, ngày 04/10/2024). Theo ông Tạ Đức Thịnh, chủ tịch Hội Địa chất công trình và môi trường Việt Nam, cũng như một số chuyên gia địa chất, cần một cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất để tránh tình trạng không có phối hợp.
Hiện tại có nhiều cơ quan phụ trách việc cảnh báo (như Cục Địa chất thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản và Tổng cục Khí tượng - Thủy văn). Mỗi cơ quan lại sử dụng phương pháp và công nghệ khác nhau để xác định bản đồ sạt lở, lũ quét. Kết quả là những bản đồ hiện nay thường rời rạc, không bao phủ được đầy đủ các nguy cơ, dẫn đến khả năng dự báo thiếu chính xác. Theo một đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, Trung tâm này đưa ra cảnh báo chỉ dựa trên chỉ số lượng mưa mà không nắm được thực tế ở khu vực (từ thực trạng rừng, độ dốc, cấu tạo địa chất đến mật độ công trình xây dựng, dòng chảy và vật cản…).
…khâu phòng ngừa thiếu một chiến lược tổng thể và liên ngành
Bên cạnh việc thiếu quản lý thống nhất về cảnh báo, việc thiếu một chiến lược quốc gia phát triển bền vững các vùng đất dốc với sự phối hợp liên ngành cũng là một khuyết thiếu lớn hiện nay. Trong bài nhận định về "Quy hoạch vùng dân cư và xây dựng bản đồ thiên tai để tránh sạt lở, lũ quét", phó giáo sư tiến sĩ Trần Tuấn Anh, viện trưởng Viện Địa chất, một lãnh đạo của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã không hề nhắc đến vai trò của rừng trong việc giảm nhẹ các thảm họa ở các vùng đất dốc (Dangcongsan.vn, ngày 07/10/2024).
Trả lời RFI tiếng Việt, giáo sư Đỗ Minh Đức, khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận xét : "Ở rất nhiều nước, trong đó có một số quốc gia lân cận với Việt Nam, như Malaysia, đã có kế hoạch tổng thể quốc gia phát triển bền vững các vùng đất dốc. Thực ra kế hoạch của họ có nhiều điểm chúng ta đã và đang làm rồi, ví dụ như việc xây dựng một số bản đồ với các tỉ lệ khác nhau, xác định các vùng có nguy cơ cao và rất cao. Nhưng bên cạnh đó, họ đã kết hợp với các cơ sở dữ liệu khác về điều kiện kinh tế xã hội, rồi về các yếu tố có ảnh hưởng trong tương lai, như các kịch bản biến đổi khí hậu, hay các kịch bản về sử dụng đất... Những điều này về cơ bản đâu đó chúng ta đã có rồi, nhưng chúng ta chưa có người điều phối chung, để tích hợp các thông tin trong bản đồ quy hoạch tổng thể chung.
Ở đây, về mặt khoa học, chắc chắn phải cần khoa học liên ngành rồi, bao gồm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và kinh tế, và kể cả các vấn đề về văn hóa, tập tục của các cộng đồng, sinh kế và các giá trị văn hóa đặc thù của miền núi Việt Nam, vai trò của các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách là vô cùng quan trọng. Thực ra là các lĩnh vực chuyên ngành đều làm cả rồi, nhưng tích hợp với nhau thì chưa có".
"Rừng phòng hộ" : Linh hồn của cuộc chiến chống nạn đất lở
Cách nay 4 năm, sau trận bão lịch sử ở miền Trung Việt Nam, nhà văn Nguyên Ngọc có bài "Đất chảy" gây nhiều chú ý trong công luận, dẫn lại ý tưởng của giáo sư Nguyễn Ngọc Lung : "còn rừng tự nhiên thì mưa xuống chỉ có 5% nước chảy trên mặt đất, 95% sẽ ngấm xuống thành nước ngầm… Khi mất rừng tự nhiên thì ngược lại, chỉ 5% ngấm xuống thành nước ngầm, hơn 90% sẽ chảy tràn trên mặt đất… Còn rừng tự nhiên thì chỉ có lụt… Lũ là khi đã mất rừng tự nhiên, chỉ còn lơ thơ mấy cây bụi lẹt đẹt, với cỏ, với cao su, keo, cà phê… tràn lan, là các loại cây không có bộ rễ giữ nước... 95% nước mưa chảy thành thác trên mặt đất quét hết mọi thứ, làng mạc và con người" ("Đất chảy", Người Đô Thị, 08/10/2020).
"Rừng" ở Việt Nam theo số liệu chính thức chiếm đến hơn 40% diện tích lãnh thổ (với 14,78 triệu ha). Nhưng về mặt nguyên tắc, số lượng rừng thực sự có khả năng góp phần ngăn ngừa hoặc hạn chế thảm họa chiếm không quá 20%, bao gồm Rừng đặc dụng và Rừng phòng hộ (Protection Forest) (với gần 7 triệu ha theo số liệu của Cục Lâm nghiệp). Tuy nhiên, ngay trong số 20% này, còn bao nhiêu rừng thực sự có giá trị phòng hộ ?
Tại các tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam, nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất về nhân mạng trong đợt bão Yagi vừa qua, tình trạng khai thác bất hợp pháp Rừng phòng hộ là điều đã liên tục được báo động. Theo một chuyên gia trong nước, "cần nhấn mạnh nguyên nhân quan trọng là hậu quả phá rừng tự nhiên ở nước ta và cần xem xét lại việc trồng cây kinh tế độc canh trên diện tích rừng cũ mà vẫn gọi đó là "phục hồi rừng" và gộp vào thống kê diện tích rừng" (bài "Cái giá của việc thay thế rừng bằng cây độc canh : Từ lợi ích ngắn hạn đến hậu quả dài lâu" của Tô Văn Trường, báo Nông nghiệp, ngày 04/10/2024).
Việc Rừng phòng hộ bị triệt phá, bị thay thế bằng "Rừng sản xuất", có tác động như thế nào đối với tình trạng đất lở diễn ra phổ biến tại nhiều tỉnh miền núi Tây Bắc ? Vụ đất lở rạng sáng ngày 09/09 trên quốc lộ 34, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, khiến hơn 30 người chết, cùng hàng loạt vụ đất lở trong khu vực, phần nào do khai thác quặng trái phép, phần nào do phá Rừng phòng hộ, hay do không có Rừng phòng hộ ?
Rất cần đến các khảo sát độc lập để thẩm định.
Nạn cây keo xâm lấn Rừng phòng hộ
Gọi "rừng keo" là đánh tráo khái niệm
Xét trên quy mô cả nước, trồng cây sản xuất ngắn hạn trong Rừng phòng hộ dường như đang thành xu thế. Năm 2023 vụ trồng sầu riêng trong Rừng phòng hộ ở Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), nơi xảy ra vụ lở đất khiến 4 người chết, trong đó có ba cảnh sát, gây chấn động. Tuy nhiên, việc biến Rừng phòng hộ thành "Rừng sản xuất" có lẽ đã được bình thường hoá từ nhiều năm nay.
Theo một số liệu hồi 2022, diện tích keo lên đến 2,2 triệu ha, chiếm 60% diện tích "rừng trồng", và câu chuyện không dừng ở đó. Dưới đây là mô tả diễn biến tại một địa phương : "… Hai năm trước, đây là rừng tự nhiên, nhưng cũng bị chặt phá, phát dọn trái phép rồi trồng lên rừng keo nhưng không thấy ai xử lý… Những khu rừng… cũng thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn sông Trà Bương … cũng đang bị tàn phá dữ dội từ đầu năm đến nay. Rừng phá đến đâu, keo được trồng đến đó. Người ta cứ trồng xen cây keo vô rừng, sau đó chặt hạ cây rừng tự nhiên dần dần. Khi rừng keo lớn dần, họ tiếp tục chặt phá rừng phòng hộ giáp ranh đó để mở rộng rừng keo. Cứ vậy, rừng phòng hộ "teo" dần, rừng keo lớn ra" - người dẫn đường cho biết" ("Đốn hạ rừng phòng hộ đầu nguồn để… trồng keo", Tuổi trẻ, 31/08/2021).
Keo : một thủ phạm gây sạt lở
Cây keo vốn là một giải pháp thoát nghèo khá hiệu quả. Trồng keo cũng giúp cải tạo nhanh chóng đất trống, đồi trọc trong giai đoạn ban đầu, do keo thuộc họ đậu có khả năng tổng hợp đạm từ không khí, khiến đất tốt hơn. Tuy nhiên, "có tình trạng lạm dụng trồng keo trong rừng phòng hộ. Điều này phản khoa học, bởi cây keo không có tác dụng phòng hộ" (bài "Hệ lụy và lãng phí do trồng keo thiếu khoa học", báo Nông nghiệp, 2022).
Không những thế chính cây keo được nhiều nhân chứng coi là nguyên nhân gây sạt lở. Theo một lãnh đạo địa phương, "trong đợt bão lũ này, tôi liên tục đi kiểm tra nhiều khu vực miền núi tỉnh Quảng Ngãi, nhiều điểm sạt lở cây keo bị vùi trong đất. Bộ rễ của cây keo quá nông, thời gian trồng lại ngắn nên không bám vào đất, do đó chẳng giúp ích gì trong việc ổn định lòng đất. Thực trạng thì thấy rõ, nhưng tỉnh chưa có phương án và loại cây thay thế". Người đứng đầu tỉnh Quảng Ngãi cũng thừa nhận "cây keo không thể phủ xanh rừng... thảm thực vật dưới tán cây keo gần như không còn. Nước mưa ngấm thẳng vào lòng đất và không có thời gian thẩm thấu. Cây keo còn gia tăng sức nặng cho các triền đồi, vô hình trở thành gánh nặng cho các triền núi, tăng nguy cơ sạt lở" ("Rừng" keo làm tăng nguy cơ sạt lở, báo Tuổi trẻ, 8/11/2020).
Bão Yagi tàn phá Quảng Ninh cũng bộc lộ tình trạng cây keo độc canh được trồng tràn ngập tại một số vùng rừng phòng hộ. Sau đây là một ví dụ : "Tại rừng phòng hộ thuộc địa phận xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên), trên 44ha keo trồng theo Quyết định số 661/QĐ-TTg (ngày 29/7/1998) của Thủ tướng Chính phủ "Về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng", nay đã được 10 năm. Thế nhưng, do ở vị trí ngay cửa biển, nên hứng chịu gió lớn, khiến cây cơ bản đều đã bật gốc, hoặc gãy ngang thân, thống kê sơ bộ, thiệt hại trên 95%" (bài Những vùng biển trắng, những quả đồi chết, báo Quảng Ninh).
Biến đổi khí hậu : Bài học bão lũ miền Trung 2020 chưa thấm, Yagi đã đến
Giáo sư tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Lung, viện trưởng Viện Quản lý Rừng bền vững, nguyên cục trưởng cục Lâm nghiệp, bộ Nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt lưu tâm đến việc biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan là điều dường như vẫn chưa được giới chức trách hiện tại chú ý đúng mức, bất chấp trận bão lớn bất thường ở miền Trung :
"Biến đổi khí hậu đến ngoài sức tưởng tượng của con người. Hàng bao nhiêu thế kỷ đã theo quy luật về mùa bão, rồi lượng bão, rồi tốc độ, tần số… Tất cả những cái đó đã được đưa vào sách giáo khoa. Bao nhiêu thế kỷ đã qua. Từ thời Pháp sang Việt Nam, thống kê của Pháp đã được in thành sách, từng điểm quan sát khí tượng thủy văn một. Các đài khí tượng thủy văn cũ của Pháp cho đến nay vẫn được duy trì, đều có báo, có thu thập số liệu để cho các nhà nghiên cứu.
Nhưng khi dự báo vào thời kỳ của biến đổi khí hậu thì những số liệu trên chỉ có tính tham khảo, không còn là quy luật dùng để tránh nữa. Cách đây 5 năm đã có một cơn bão vào miền Trung tương đối mạnh, thiệt hại tương đối lớn. Đấy là một cảnh báo mà thiên nhiên giúp cho mình".
Ảnh Làng Nủ, Lào Cai, sau trận lũ bùn đá, ngày 11/09/2024. AFP - STR
Dựa vào Mẹ Thiên Nhiên hay để mặc cho Đất Chảy ?
Để giảm thiểu nạn người chết do đất lở, trong giới khoa học, quản lý tại Việt Nam, đã có một số tiếng nói gióng lên kêu gọi sớm có một chiến lược phát triển bền vững tại các vùng đất dốc. Nạn phá rừng, tình trạng Rừng phòng hộ không đủ số lượng, trồng cây độc canh tại các vùng Rừng phòng hộ, biến Rừng phòng hộ thành "Rừng sản xuất", bạt núi san đồi bừa bãi, đất rừng bỏ hoang quy mô lớn… được truyền thông trong nước điểm mặt như các tác nhân chính đe dọa độ ổn định của các vùng đất dốc, ngày càng đẩy người dân vào thế bị động trước nạn đất lở, lũ đá. Chưa kể đến việc "Rừng sản xuất" thường bị "khai thác trắng", đường vận chuyển lâm sản không được quy hoạch hợp lý, làm "biến dạng đồi núi, xói mòn đất đai, tụt mạch nước ngầm", gia tăng nguy cơ sạt lở, lũ lớn.
Trên thực tế, trước trận bão Yagi tháng 9/2024, hoàn toàn không phải chính quyền không biết trước các hậu quả nghiêm trọng của việc thiếu dự báo và thiếu các biện pháp phòng vệ đối với các khu vực nhiều nguy cơ đất lở, lũ đá. Yagi chỉ là màn dạo đầu. Biến đổi khí hậu sẽ ngày càng gia tăng, các hậu quả được dự báo sẽ còn nghiêm trọng gấp bội.
Miền núi phía bắc Việt Nam được coi là một trong những khu vực dễ tổn thương nhất thế giới trước biến đổi khí hậu (do năng lượng hóa thạch tạo khí thải gây hiệu ứng nhà kính) và do các tác động khác của con người đến môi trường (1). Thiên tai giờ đây ngày càng là Nhân - Thiên Tai, tức các thảm họa môi trường do thời tiết – khí hậu trong đó có phần rất lớn là do chính con người.
Trong giai đoạn lựa chọn quyết định này, chính quyền Việt Nam sẽ áp dụng rộng rãi và thực chất (2) các Biện pháp dựa vào Thiên Nhiên (Nature based Solutions - NbS), đặc biệt là với Rừng phòng hộ, để giảm thiểu nguy cơ các thảm họa Nhân - Thiên Tai hay tiếp tục vì những cái lợi ngắn hạn mà để mặc cho "Đất Chảy", người chết ?
***
Theo một số chuyên gia, như giáo sư Nguyễn Ngọc Lung, để ngăn ngừa hiệu quả nguy cơ đất lở, lũ đá tại các vùng đất dốc, bên cạnh 5 tiểu loại Rừng phòng hộ đã có (gồm rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng bảo vệ nguồn nước, rừng an ninh - quốc phòng, rừng chắn gió – chắn cát và rừng chắn sóng - lấn biển, theo Luật Lâm Nghiệp 2017), có thể đã đến lúc cần xem xét xác lập tiểu loại thứ 6, Rừng phòng hộ vùng Đất Dốc để đối phó với đe dọa trên phạm vi toàn quốc này, đang ngày càng trở nên đáng sợ hơn, do Biến đổi Khí hậu.
Phát triển Rừng phòng hộ : Đâu là những cản trở về thể chế ?
Việt Nam đã tham gia vào nhiều cam kết với thế giới trong việc thúc đẩy các giải pháp dựa vào thiên nhiên (Nature based Solutions - NbS), giảm thiểu các thảm họa do biến đổi khí hậu, mà tiêu biểu là Khung Sendai về Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai 2015–2030 của Liên Hiệp Quốc hay 23 mục tiêu Aichi của Công ước về Đa dạng Sinh học. Vấn đề khôi phục các hệ sinh thái, đa dạng sinh học hay rừng tự nhiên (thực sự), để giảm thiểu tác hại của thiên tai cũng là một nội dung chính trong các cam kết quốc tế của Việt Nam. Mục tiêu Aichi thứ 11 hướng đến bảo tồn 17% diện tích đất liền. Thỏa thuận khung về Đa dạng Sinh học toàn cầu Montreal - Côn Minh năm 2022 nâng diện tích đất liền được bảo vệ lên 30%.
Vấn đề là khoảng cách giữa cam kết và hành động. Chính sách của chính phủ Việt Nam gần đây với Rừng phòng hộ gây nhiều lo ngại trong giới chuyên gia, khi việc phân hai loại Rừng phòng hộ "rất xung yếu" và Rừng phòng hộ "xung yếu" có xu hướng dần dần bị bỏ. Trong các quy định của chính quyền hiện nay, sự khác biệt giữa "Rừng sản xuất" và Rừng phòng hộ dường như cũng rất nhỏ. Tình trạng pháp quy này để ngỏ khả năng dễ dàng chuyển đổi loại rừng bảo vệ quan trọng này thành "Rừng sản xuất".
10% đất toàn quốc chưa có chủ, "các chủ rừng" là cộng đồng bản địa không được đối xử bình đẳng...
Tại Việt Nam, diện tích Rừng phòng hộ và Rừng đặc dụng có ý nghĩa bảo vệ, ngăn ngừa thảm họa vốn đã không nhiều, nhưng lại liên tục bị xâm phạm, trong lúc đất bỏ hoang là 3 triệu ha, với "chất lượng thấp, hạ tầng kém", chiếm khoảng 10% đất toàn quốc (và tương đương hơn 20% diện tích rừng) "chưa chính thức có chủ" (đang tạm giao cho các ủy ban nhân dân xã quản lý). Các cộng đồng dân cư bản địa (khoảng 10.000) được coi là 1 trong 7 "chủ rừng" (đang kiểm soát gần 1 triệu ha), nhưng lại không được hưởng quyền pháp nhân bình đẳng như các chủ rừng khác.
Trong lúc đó, với số lượng nhân lực lớn cùng tri thức bản địa, văn hoá bản địa, các cộng đồng lẽ ra cần được coi là những tác nhân chủ chốt đối với việc mở rộng và bảo vệ Rừng phòng hộ ("Nhìn lại mô hình cộng đồng tham gia quản lý rừng : Nhiều vướng mắc trong giao rừng" (Bài 2), Dân tộc và Phát triển, 01/07/2023).
Chính sách mập mờ : Lo ngại "Rừng" trồng cây sản xuất thôn tính Rừng tự nhiên thực thụ
Dự án quy hoạch đất chính phủ trình lên Quốc hội cuối tháng 10/2024, để chuẩn bị cho điều chỉnh quy hoạch đất quốc gia (thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050) vào cuối năm tới, dường như cũng chỉ đặt ra mục tiêu "duy trì độ che phủ rừng" chung chung, chứ chưa làm rõ tầm quan trọng đặc biệt của Rừng phòng hộ, cho dù có lưu ý đến việc cần có "đất để ứng phó với biến đổi khí hậu", trong đó có nạn sạt lở.
Một số nhà khoa học, nhà hoạt động môi trường bày tỏ lo ngại về chính sách "duy trì độ che phủ rừng" chung chung mập mờ hiện nay - không phân biệt rõ giữa Rừng phòng hộ đủ tiêu chuẩn, về cơ bản phải là rừng tự nhiên thực sự với độ đa dạng sinh học cao, với cái gọi là các khu vực trồng cây độc canh để khai thác hàng loạt, trước đây gọi là "Đồn điền" nay cũng được gọi chung là "Rừng" ("Rừng sản xuất") - có thể đang để ngỏ cánh cửa cho những lạm dụng quy mô toàn quốc, khiến Việt Nam ngày càng bị động trước nạn đất lở ở các vùng đất dốc.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 10/11/2024
Ghi chú :
(1) Một nghiên cứu mới đây cho thấy các vùng núi miền Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam thuộc 45 vùng núi có "nguy cơ sạt lở cao nhất thế giới" (trong tổng số hơn 1.000 vùng núi trên Trái đất), do nạn phá rừng và biến đổi khí hậu. Để giảm thiểu nguy cơ, nghiên cứu - đăng tải trên PNAS, tạp chí đa ngành của Viện Hàn Lâm Khoa học Mỹ - khuyến nghị "mở rộng các khu bảo tồn rừng, giảm nạn phá rừng và phục hồi rừng" (bài "Strategic protection of landslide vulnerable mountains for biodiversity conservation under land-cover and climate change impacts", PNAS, 3/2022).
(2) Đầu năm 2024, chính phủ Việt Nam đã công bố một đề án thí điểm "nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030", với đối tượng là 36.000 ha Rừng đặc dụng và 138.000 ha Rừng phòng hộ đang trong tình trạng "nghèo", "nghèo kiệt" hoặc "chưa có trữ lượng" (Quyết định 171). Đề án bắt đầu đặt vấn đề "xây dựng các mô hình điểm nâng cao chất lượng rừng bằng nhiều loài cây bản địa có cấu trúc đa tầng, đa loài, nâng cao khả năng bảo tồn của hệ sinh thái rừng và chức năng phòng hộ của rừng trên điều kiện lập địa khó khăn, vùng đất dốc…". Diện tích nói trên mới chỉ chiếm hơn 2% tổng diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ toàn quốc. Tuy nhiên, đề án của chính phủ Việt Nam đã bước đầu thừa nhận việc cần "rà soát" hiện trạng, tổng diện tích Rừng phòng hộ và Rừng đặc dụng "nghèo", "nghèo kiệt".
Thủ tướng Việt Nam cám ơn Trung Quốc chia sẻ thông tin, giúp hạn chế thiệt hại vì lũ lụt
VOA, 02/10/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 1/10 tiếp Đại sứ Trung Quốc Hà Vĩ khi nhà ngoại giao này bắt đầu nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam, và lên tiếng về nhiều vấn đề, trong đó có việc Trung Quốc chia sẻ thông tin, giúp hạn chế thiệt hại vì lũ lụt xảy ra tháng trước ở Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong một cuộc gặp đối tác nước ngoài. [Ảnh minh họa]
Theo Cổng thông tin của chính phủ Việt Nam (VGP News), ông Chính "cảm ơn phía Trung Quốc" đã "thăm hỏi, hỗ trợ" Việt Nam ứng phó và khắc phục hậu quả của cơn bão Yagi, nhất là "đánh giá cao Trung Quốc đã phối hợp chia sẻ thông tin thủy văn, điều tiết việc xả nước các đập thủy điện để hạn chế thấp nhất thiệt hại do lũ lụt gây ra".
Tháng trước, như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm cho Trung Quốc, đề nghị Bắc Kinh nếu có xả lũ thì cần thông báo kịp thời thời điểm, thời gian và lưu lượng xả lũ, nhằm giảm thiểu nguy cơ lũ lụt gây ngập úng tại hạ du sông Hồng.
Reuters sau đó dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói tại một cuộc họp báo rằng "các nhà máy thủy điện của Trung Quốc trên dòng chính của sông Hồng đang ngăn và tích trữ nước để hỗ trợ kiểm soát lũ lụt của Việt Nam".
Trong cuộc gặp với tân đại sứ Trung Quốc, theo VGP News, Thủ tướng Chính cũng nói rằng Việt Nam "nhất quán coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam".
Cổng thông tin của chính phủ của Việt Nam còn đưa tin rằng ông Chính "đề nghị hai bên thực hiện nghiêm nhận thức chung cấp cao về việc kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau, xử lý thỏa đáng bất đồng trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982".
Cuộc gặp của Thủ tướng Chính và Đại sứ Trung Quốc Hà Vĩ diễn ra giữa lúc báo chí Việt Nam đưa tin rằng một tàu cá Việt Nam đã bị tấn công ở Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa, nơi cả Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền nhưng Bắc Kinh hiện kiểm soát, và 10 ngư dân trên tàu bị thương.
Truyền thông Việt Nam chỉ đưa tin rằng các ngư dân Quảng Ngãi bị "tàu nước ngoài" tấn công nên không rõ đây là tàu của nước nào.
Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 1/10 nói rằng các tàu đánh cá của Việt Nam đã đánh bắt cá bất hợp pháp ở vùng biển liên quan của quần đảo Hoàng Sa mà không được phép của chính quyền Bắc Kinh và các cơ quan chức năng Trung Quốc liên quan đã có biện pháp ngăn chặn họ.
"Các hoạt động tại chỗ diễn ra chuyên nghiệp và kiềm chế, không phát hiện thương tích nào", Bộ này nói, khi trả lời yêu cầu bình luận của Reuters, mà không đề cập cụ thể đến vụ tấn công.
Theo báo chí Việt Nam, vụ việc đang được các cơ quan chức năng của Việt Nam tiến hành điều tra.
Tân Đại sứ Hà Vĩ đã đến Hà Nội nhận công tác từ ngày 11/9 thay cho đại sứ mãn nhiệm Hùng Ba. Ông là vị đại sứ thứ 19 của Trung Quốc tại Việt Nam và đã từng có kinh nghiệm công tác tại Philippines, Ấn Độ và Canada, Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao cho hay.
Trong thông điệp đầu tiên khi đến Việt Nam, ông Hà nói trong nhiệm kỳ của mình, ông sẽ tuân thủ chỉ đạo chiến lược của lãnh đạo cao nhất của hai bên, tập trung xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, cũng theo Tuổi Trẻ.
Nguồn : VOA, 02/10/2024
****************************
Việt Nam cảnh báo lũ quét, lở đất ở 3 tỉnh miền núi phía bắc
VOA, 02/10/2024
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thuộc Tổng Cục Khí tượng Thủy văn hôm 2/10 đã phát đi cảnh báo lũ quét, sụt lún và sạt lở đất do mưa lũ ở các tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Hà Giang, khoảng nửa tháng sau khi các tỉnh này chịu thiệt hại nặng vì hậu quả của cơn bão Yagi mà Việt Nam gọi là bão số 3.
Nhân viên cứu hộ tại hiện trường vụ lũ quét và lở đất ở Lào Cai.
Trong cảnh báo của mình, Trung tâm này cho biết rằng "trong 24 giờ qua, khu vực các tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Hà Giang đã có mưa vừa, mưa to" và rằng trong những giờ tới, "các tỉnh trên tiếp tục có mưa", gây ra "nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc".
"Thời gian qua, trên khu vực vùng núi các tỉnh Bắc Bộ đã liên tục có mưa lớn kéo dài, đất đá đã bão hòa, lũ trên các sông đã xuống nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sạt lở đất ngay cả khi không mưa", Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định.
Cơ quan nhà nước này cũng nói tiếp rằng lũ quét và lở đất "uy hiếp tính mạng của người dân" cũng như "phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế, gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế, xã hội".
Hôm 29/9, mưa lớn liên tục đã gây sạt lở đất nghiêm trọng tại xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, chôn vùi 5 nạn nhân mà cho đến ngày 2/10 mới tìm thấy hết thi thể, Báo Điện tử Chính phủ cho biết.
Sạt lở đất đã kéo xuống hàng nghìn khối đất đá vùi lấp tuyến Quốc lộ 2 đoạn nối Hà Giang với Tuyên Quang, theo Thông tấn xã Việt Nam, gây chia cắt giao thông. Đến chiều ngày 2/10, tuyến quốc lộ này mới được dọn dẹp hết và thông xe trở lại, VTV đưa tin.
Cuối tháng trước, theo VnExpress, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nói tại một cuộc họp tổng kết rằng bão Yagi gây thiệt hại kinh tế cho Việt Nam 81.500 tỷ đồng, và Lào Cai cùng Yên Bái nằm trong số các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất với số tiền tương ứng là 6.600 tỷ và 5.730 tỷ.
Tin cho hay, hai tỉnh này cũng trong danh sách các địa phương chịu tổn thất cao về nhân mạng do cơn bão số 3 gây ra với Lào Cai ghi nhận 132 người chết và 54 người chết ở Yên Bái.
VnExpress dẫn lời ông Hoan nói rằng việc dự báo, cảnh báo sớm, chính xác, phạm vi hẹp nhất về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất "có vai trò quan trọng hàng đầu trong điều hành, ứng phó".
Báo điện tử này cũng dẫn lời Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng thiệt hại về kinh tế do bão Yagi gây ra "khiến GDP cả nước năm 2024 có thể giảm 0,15% so với kịch bản đề ra (6,8-7%)".
Nguồn : RFA, 02/10/2024
Cơn bão và trận lụt lịch sử
Đến nay, cơn bão Yagi đã tràn qua Miền Bắc Việt Nam đúng 20 ngày. Cơn bão này được xác định là cơn bão hiếm có trong lịch sử mấy chục năm nay với sức gió mạnh và sự tàn phá khủng khiếp của nó.
Nhiều địa phương Bắc Lào bị lũ lụt nghiêm trọng. Ảnh: Cộng tác viên
Hậu quả của cơn bão gây ra cho người dân về của cải và tính mạng là con số không hề nhỏ. Hàng trăm người chết, cả ngàn người bị thương, hàng triệu người đã chịu ảnh hưởng, thiệt hại về của cải, tài sản…
Hai mươi ngày đã qua, những người chết dưới sông Thao do sập cầu Phong Châu vẫn còn chưa tìm thấy, nhiều người mất tích trong các vụ sụt lở đất đai vẫn chưa biết tăm hơi. Cảnh màn trời chiếu đất vẫn còn là nỗi lo của những người dân vùng lũ lụt ở các tỉnh miền núi phía Bắc…
Tất cả những điều đó vẫn còn, vẫn chưa chấm dứt nhưng đã không còn liên tiếp là những tiếng kêu khẩn thiết trên mặt báo, trên mạng xã hội như những ngày trong cao điểm của cơn bão đổ bộ vào đất liền cho đến khi nó rời đi. Cả xã hội lại hối hả với bao nhiêu bận rộn khác đời thường, những chuyến hàng cứu trợ đã dần dần ít đi, những tấm lòng đầy trắc ẩn đã dần dần bớt đi sự năng nổ để dành cho những vấn đề khác, là cơm, áo, gạo, tiền… ngày ngày đổ vào đời sống người dân.
Người ta lại hối hả để lo lắng những nỗi lo mới, những vấn đề cấp bách mới mà liên tục xảy ra trong xã hội Việt Nam từ mọi nguồn khác nhau.
Trên phương diện nhà nước, người ta thấy Tổng bí thư đảng kiêm Chủ tịch nước kéo theo bầu đoàn thê tử rầm rộ, tung tẩy đi NewYork dự Đại hội đồng Liên hợp quốc. Thế rồi tiện đường, đoàn này lại mang gạo sang thăm Cuba "anh em" như mọi bận. Lần này là con số 10.000 tấn gạo của người dân Việt Nam, được tổng bí thư đưa sang để tặng Cuba làm người dân ngỡ ngàng, cứ tưởng Cuba vừa qua đại nạn nào ghê gớm lắm chắc chắn là phải hơn cả bão Yagi tại Việt Nam ?
Trong khi đó, những vấn đề mà cơn bão Yagi đặt ra vẫn còn nguyên ở đó, việc giải quyết hậu quả của nó, vẫn là một vấn đề nặng nề. Các hãng thông tấn quốc tế vẫn đưa tin các quốc gia, các tổ chức từ thiện đang hướng sự quan tâm của họ đến nạn nhân trận bão lụt vừa qua tại Việt Nam. Họ vẫn tiếp tục vận động và gửi tiền bạc, dụng cụ, quần áo chăn màn cũng như các phương tiện giúp người dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống của mình.
Và một điều luôn luôn mới trong xã hội Việt Nam liên quan đến "Thiên tai", đó là câu hỏi : Trách nhiệm.
Trách nhiệm thuộc về ai ?
Năm 2008, một trận lụt cuối mùa vào cuối tháng 10 nhấn chìm Hà Nội với hàng chục người chết. Trong khi đó, hệ thống lãnh đạo Hà Nội do Phạm Quang Nghị và Nguyễn Thế Thảo đứng đầu đã vô cảm tập trung họp để "rút kinh nghiệm" về việc cướp hai khu đất của Giáo hội Công giáo là 40 Nhà Chung và Nhà thờ Thái Hà. Cuộc họp ấy kéo dài cả mấy ngày, không một lãnh đạo nào thò cái mặt ra để biết nỗi điêu linh khốn khổ của người dân.
Cho đến khi nước trắng đồng, dân chết mấy chục người lớn và trẻ con, Phạm Quang Nghị mới đến Đồng Chiêm và đã nói câu nói để đời rằng : "Dân bây giờ không giống dân ngày xưa, cứ ỉ lại, cái gì cũng chờ cấp trên chứ không chịu đem sức ra mà làm" để chống bão lụt.
Thái độ và câu nói của Phạm Quang Nghị lập tức như đổ thêm dầu vào đống lửa lòng dân đang cháy, tạo nên cơn phẫn nộ bùng phát trong dư luận xã hội. Bởi chẳng ai không biết rằng việc phòng, chống bão lụt, thiên tai, địch họa và dịch bệnh là việc của cả xã hội, cộng đồng với vai trò nhà nước. Không ai có thể môt mình chống bão, không ai đắp nhà mình lại để tát nước sang hàng xóm khi lũ lụt, không một khu phố nào dùng máy bơm để bơm sang khu phố khác chống lụt được cho mình…
Ở đó, vai trò của nhà nước phải là chủ đạo.
Và với sự phản ứng dữ dội của dư luận, Phạm Quang Nghị đã phải lên xin lỗi công khai về câu nói và tư duy ngu xuẩn đó.
Trở lại trận bão Yagi năm nay.
Nói về lịch sử, như một quy luật của tự nhiên, những năm Giáp Thìn, thường có những cơn bão cực lớn và gây hại nhiều nhất so với thiên tai hàng năm. Điều này đã được báo chí và người dân tổng kết. Những năm Giáp Thình như 1844, 1904, 1964 có những cơn bão gây sự tàn phá khủng khiếp.
Có thể về cá nhân không lưu những dữ kiện hoặc không chú ý đến điều này, nhưng về mặt quản lý nhà nước, điều này phải được chú ý.
Cơn bão năm Giáp Thình 2024 năm nay, đã được thông báo trước bởi hệ thống Dự báo thời tiết Quốc gia về sức mạnh, về hướng đi và thời gian nó sẽ đổ bộ vào Việt Nam rất cụ thể.
Cơn bão đã cho thấy sức mạnh của nó, sự tàn phá khủng khiếp của nó trước khi đến Việt Nam. Những hình ảnh, video, những thông tin về cơn bão này đã được cập nhật liên tục trên báo chí nước ngoài, trên mạng Internet và người dân ở đâu cũng có thể thấy rất rõ.
Thế nhưng, hệ thống chính trị Việt Nam, từ Đảng đến Chính Phủ, Nhà nước đến Quốc hội và các đoàn thể trùng điệp mà đảng đẻ ra để cho dân nuôi đã làm gì trước nguy cơ cơn bão đến ?
Ngoài những lời hò hét theo cách nhai lại mà hệ thống quan chức vẫn dùng. Rằng không để ai bị bão lũ gây hại, không ai bị bỏ lại phía sau… thì quan chức còn thêm được những câu chứng tỏ độ… ngu không hề nhỏ như Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng rằng : "Phòng chống bão với tinh thần không hối tiếc". Câu nói làm ngã ngửa cả thiên hạ bởi cái sự lạ, cái sự tối nghĩa và cái sự hài hước của nó từ miệng quan chức lãnh đạo đất nước.
Thế rồi khi bão đến, hầu như phía nhà nước, chính phủ đã bất động, để mặc người dân chống chọi với cơn bão bằng mọi khả năng có thể. Họ nương tựa vào nhau, giúp đỡ nhau bằng mọi cách có thể và bằng mọi khả năng có thể. Tịnh không hề thấy vai trò của đảng và nhà nước ở đây.
Người ta không hề thấy sự chuẩn bị phương tiện, thiết bị, vật liệu, hàng hóa hay lương thực thực phẩm để ra quân cứu hộ người dân trong bão lụt. Đến khi hàng loạt thành phố, làng mạc bị ngập chìm trong nước, bị cô lập bởi mất điện, mất nước, chia cách giao thông… Những đoàn cứu trợ của người dân với nhau thiếu thốn đủ mọi thứ phương tiện và nguồn lực mà tịnh không hề thấy một chủ trương nào của đảng và nhà nước được triển khai.
Người dân phải dùng xuồng, dùng bè, dùng đủ mọi loại phương tiện tự chế, thậm chí cả Dron để đi cứu trợ. Khắp cả nước nhộn nhạo hướng về đồng bào đang bị bão lũ đe dọa, đang kêu cứu khẩn thiết.
Người dân ước ao có chiếc trực thăng để cứu hộ những nơi không thể đến mà không hề có. Những khu vực miề núi Lao Cai, nơi rừng chỉ còn là đồi trọc bị sạt lở lấp cả thôn, cả bản và bị cô lập, muốn đến đó nhanh chóng để cứu đồng bào đang bị chôn vùi dưới bùn đất, chỉ có thể mang con người và phương tiện đến bằng trực thăng. Nhưng, làm gì có sự xa xỉ ấy.
Những đoàn trực thăng được mua sắm, được đưa đi biểu diễn giúp Malaysia chữa cháy rừng cũng như mất tích và chờ đến khi bão lặng, sóng yên thì mới có vài chiếc thi hành nhiệm vụ chở thủ tướng đi… diễn màn khóc lóc.
Người ta không hiểu, khi mà chiến tranh không có, nhà nước đầu tư mua biết bao nhiêu thiết bị, máy bay, xe lội nước, trực thăng… Không chỉ quân đội mà còn có cả lực lượng không quân của Công an thì để làm gì mà không sử dụng để cứu tính mạng người dân trong thiên tai ?
Phải chăng, họ chỉ có nhiệm vụ đàn áp dân là chính ?
Một trận bão được báo trước, đổ bộ vào Việt Nam giữa ban ngày. Qua đó, cho thấy sự vô cảm, sự tắc trách và vô trách nhiệm của hệ thống đảng, nhà nước, chính phủ và đoàn thể tại Việt Nam.
Bởi, ai cũng phải biết rằng : Một hệ thống chính trị, nhà nước được sinh ra không phải chỉ để tham nhũng, để đàn áp dân và… để khóc mà thôi.
Sau bão, điều gì đã xảy ra ?
Sau bão, là lũ lụt, là sạt lở đất, là ngâm cả thành phố, cả tỉnh và nhiều nơi dưới dòng nước lũ chảy xiết mang đi tất cả tài sản và thậm chí là tính mạng người dân, để lại bùn đất, rác rưởi và bệnh tật.
Khỏi phải phân tích nguyên nhân ngoài bão lũ thì có sự góp phần của con người, của chủ trương, chính sách của đảng và quản lý xã hội của nhà nước tạo nên những vùng đồi trọc và sạt lở, tạo nên thủy điện và phá rừng, trữ nước….
Chỉ thấy điều nhãn tiền, trực tiếp là cả một vùng rừng núi phía Bắc đã sạt lở rất đều, nhiều nơi những mảng đất đỏ phơi mình trên mạng bởi hình ảnh được chụp từ những chiếc Flycam đã cho thấy điều đó.
Và nhà cửa trôi, và cầu sập, và dân chết… là có thật.
Thế rồi cả xã hội hò nhau cứu trợ, giúp đỡ người dân trong vùng hoạn nạn. Còn chính phủ, khi đó mới đưa quân đội đến để đào đất tìm dân bị chôn vùi, rồi hò nhau làm nhà mới cho bản làng bị sạt lở vùi lấp…
Chiếc cầu Phong Châu bị sập từ ngày 9/9 vẫn còn nguyên tình trạng chia cắt, dù lũ đã rút từ lâu, dù bão đã đi gần 1 tháng. Cơ quan quân đội được giao nhiệm vụ bắc cầu phao đã khẩn trương đưa xe pháo, đưa quân cán và thiết bị đến đóng quân ở đó để… chờ nước rút cho dòng chảy thuận tiện mới có thể bắc cầu. Và gần 1 tháng người dân hai bên đầu cầu vẫn cách trở xa xôi bởi thời tiết chưa thuận.
Điều này đặt ra câu hỏi : Vậy thì nếu quân giặc tràn vào lúc nước chảy xiết, khi mực nước đang cao và dòng sông chưa thuận, thì Quân đội nhân dân Việt Nam cũng tập trung quân cho ăn rồi ngủ chờ nước rút mới bắc cầu phao để đánh địch sao ?
Có thể nói rằng, trách nhiệm phòng chống thiên tai, chủ yếu là thuộc về nhà nước, chính phủ. Bởi chỉ có nhà nước, chính phủ mới đủ nguồn lực và huy động sức mạnh tổng hợp để làm điều mà không một tổ chức, cá nhân nào làm được.
Nhưng, ở đây, vai trò của nhà nước cũng chìm nghỉm bởi nước lũ.
Khi Mặt trận không chịu hoàn lương
Bão, lũ, lụt, ngập và đủ thứ tai họa đến với người dân, điều mà người Việt Nam ai cũng thấm, cũng thấy hàng năm và không cần tưởng tượng nhiều thì cũng hình dung ra được điều gì đang đến với đồng bào mình ở đó.
Thế rồi cả xã hội lại ồn ào về việc cứu trợ, một đề tài muôn thuở mỗi khi có bão lụt đến Việt Nam.
Hầu như, việc cứu trợ, giúp đỡ nạn nhân bão lụt hàng năm, đều được nhà nước giao phó cho toàn dân, nói theo ngôn ngữ của nhà nước là "Xã hội hóa". Còn nhà nước chỉ đủng đỉnh đứng ngắm hoặc thỉnh thoảng biểu diễn vài màn lâm li bi đát mà thôi.
Tổ chức được nhà nước chăm bẵm bằng tiền dân, đó là Mặt trận Tổ Quốc có tổ chức từ trung ương đến địa phương, là một bộ máy hoàn chỉnh, trước đây được giao nhiệm vụ tiếp nhận và phân chia những sự ủng hộ và chia sẻ, giúp đỡ nạn nhân bão lụt từ nguồn lực thu được trong nước và nước ngoài viện trợ.
Thế nhưng, bao nhiêu năm trôi đi, bộ mặt của Tổ chức này đã bị vạch trần bằng những sự nhập nhằng, tham nhũng và ăn cắp ngay cả những đồng tiền nghĩa cử của người dân giúp nhau. Mà những vụ ăn cắp, tham nhũng đó không hề nhỏ.
Cái sự thiếu minh bạch là đặc tính của thể chế cộng sản xưa nay, đã tạo ra cơ hội cho nhiều đảng viên, cán bộ hút máu xương đồng bào qua những đồng tiền nghĩa tình cứu trợ nạn nhân.
Vì thế nó đã mất uy tín, không còn lòng tin, đến mức vài năm trước, hễ ứ bão lụt là các cá nhân, ca sĩ và nhiều đoàn tự phát tổ chức mang tiền bạc và đồ cứu trợ đến tận người dân bị nạn.
Thế nhưng, điều đó không dễ dàng. Bởi các cá nhân không thể bao quát toàn bộ những khu vực bị nạn, thậm chí, nhiều khi họ làm việc thiện, việc tốt trong sự thù địch của chính quyền. Bởi họ đã làm mất đi miếng mồi hàng năm quan chức vẫn có cơ hội kiếm chác nhờ bão lụt.
Và khi xuất hiện những vấn đề về cứu trợ, rồi công an điều tra, rồi truy vấn, rồi nghi ngờ… đã làm nản lòng những người kể cả có tấm lòng từ bi với những nạn nhân bão lũ.
Những tổ chức, hội đoàn tôn giáo, là những nơi tổ chức hoạt động thiện nguyện, từ thiện minh bạch, công tâm và hiệu quả nhất thì tiếc thay, lại không thuộc tổ chức nhà nước, nên không được khuyến khích.
Tất cả phải đổ về Mặt trận Tổ Quốc, đó là mục đích của nhà nước.
Nhưng, khi không còn tổ chức nào có thể đứng ra để cứu nạn nhân bão lụt, người dân kêu gọi Mặt trận Tổ Quốc : Hãy tuyên bố rằng Mặt trận sẽ hoàn lương, để dân có chỗ còn quyên góp giúp nhau.
Nhưng không. Mặt trận không tuyên bố hoàn lương, mà chỉ tung ra các bản sao kê số tiền gửi đến mà Mặt trận nhận được. Chỉ trong mấy ngày, con số tiền được gửi đến đây đã là cả hơn ngàn tỷ đồng.
Thế nhưng, người dân lại thắc mắc rằng thì các khoản thu đã được "sao kê", còn các khoản chi - điều mà người dân, người tài trợ chú ý hơn - thì liệu Mặt trận có "sao kê" hay không và khi nào ?
Dư luận đặt câu hỏi : Qua đợt dịch Covid-19, đến nay, quỹ chống dịch vẫn còn mấy ngàn tỷ, đề nghị nhà nước lấy khoản đó để cứu giúp người dân trong hoạn nạn. Không rõ khoản tiền đó có còn không mà nhà nước không thèm hồi đáp.
Thôi thì khoản dịch bệnh chưa lấy đến, nhưng dư luận thắc mắc, kiến nghị là hàng ngàn tỷ đồng quỹ phòng chống thiên tai, bão lụt từ xưa đến nay vẫn thu, vẫn còn trên sổ sách. Vậy sao không lấy ra để cứu giúp dân mà cứ phải vận động từ đứa bé nhịn ăn sáng đến học sinh đập lợn đất hay cụ già góp cả lương hưu ?
Tất cả vẫn đang "rơi vào im lặng đáng sợ" như bản chất của nhà nước xưa nay vốn coi dân – những "ông chủ" của mình tương tự cỏ rác.
Tạm kết
Một cơn bão đã qua. Rồi cũng như muôn vàn cơn bão khác, nó sẽ nhạt dần đi với thời gian, và nỗi đau của người dân sẽ dần dần được thời gian khỏa lấp.
Còn nhà nước, chính quyền vẫn lại cứ "ngựa quen đường cũ". Vẫn lại cứ tiếp tục con đường xưa. Lại thủy điện, lại phá rừng, lại tham nhũng, lại vô cảm và đủ thứ để mang lại tai họa cho người dân.
Chính phủ thống kê rằng cơn bão này gây ra thiệt hại khoảng 40.000 đến 50.000 tỷ đồng, tức là khoảng 2 tỷ đola.
Cũng con số từ Tòa án đang xử vụ án Vạn Thịnh Phát – một vụ án có thể coi là "Đảng tai", được hình thành bởi hệ thống chính trị này - với số tiền gây thiệt hại cho quốc gia, cho nhân dân là hơn 1 triệu tỷ đồng, tức khoảng 42 tỷ đola.
Nghĩa là thiệt hại của cơn bão lịch sử Yagi chỉ bằng 1/21 thiệt hại do của vụ Vạn Thịnh Phát gây ra.
Và đất nước này, hệ thống chính trị này không chỉ có một Vạn Thịnh Phát.
Thế mới biết, cái "Đảng tai" nó khủng khiếp và là đại họa như thế nào cho đất nước, dân tộc Việt Nam.
Bởi sự gây hại của nó gấp vạn lần "Thiên tai".
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 27/09/2024
Hối lộ trong ngành xuất bản : thông đồng móc túi dân ?
RFA, 25/09/2024
Cựu chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Nguyễn Đức Thái bị đề nghị truy tố vì đã nhận tổng cộng 24,9 tỷ đồng, để nâng đỡ cho doanh nghiệp trúng thầu cung cấp giấy in sách giáo khoa. Hành động của ông Thái nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực, đồng thời giúp doanh nghiệp "đưa hối lộ" lũng đoạn thi trường sách giáo khoa.
Sách giáo khoa lớp 3. Ảnh minh họa. Courtesy baochinhphu.vn
Tham nhũng - căn bệnh trầm kha
Thông tin ông Thái bị đề nghị truy tố được nhiều phụ huynh và cả giới chức trong ngành phát hành sách, giáo dục tỏ ra hài lòng. Nhiều trong số họ còn cho rằng các ngành chức năng cần xử lý nghiêm vụ việc.
Trả lời RFA hôm 24/9/2024, thầy giáo Đỗ Việt Khoa - giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín - Hà Nội, nhận định :
"Qua việc ông cựu giám đốc nhà xuất bản giáo dục vừa bị phát hiện tham nhũng đến 25 tỷ đồng, có thể nói quan chức ở Việt Nam mấy năm gần đây cứ động đến ai là người đấy sẽ có tham nhũng. Nó cho thấy ngành giáo dục cũng như các ngành khác như xuất bản, một khi có sự bao cấp, bảo vệ, che chắn thì quan chức hế sức lộng hành. Nghiêm trọng nhất là sách giáo khoa ảnh hưởng đến toàn dân, ảnh hưởng những đứa trẻ từ bé đến lớn. Vậy mà nhiều kẻ sẵn sàng làm việc táng tận lương tâm, thông đồng nhau để móc túi người dân".
Theo thầy Đỗ Việt Khoa, nhận hối lộ của các doanh nghiệp để nâng giá thành sản phẩm là một trò tham nhũng rất phổ biến ở Việt Nam :
"Các công trình xây dựng cũng rất dễ xảy ra tình trạng như thế, có thể nói nhiều công trình xây dựng trường học tại Việt Nam cũng trong tình trạng như thế, ngân sách thất thoát ít thì 30%, nhiều tới 50%. Tình trạng này cực kỳ phổ biến, do Việt Nam đang không có một cơ chế giám sát quyền lực, những vị cán bộ cầm quyền do đó mặc sức lộng hành, mặc sức tham nhũng… và rất ít khi bị phát hiện".
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an C03 hôm 24/9/2024 khi trả lời truyền thông nhà nước khẳng định có 'lợi ích nhóm' trong vụ án đấu thầu cung cấp giấy in sách giáo khoa ở Nhà xuất bản Giáo dục.
Tham nhũng là căn bệnh trầm kha của kinh tế nhà nước. Đó là nhận định của Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhà nghiên cứu ngôn ngữ từng giảng dạy nhiều năm ở Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA hôm 24/9 :
"Chuyện ông Thái tham nhũng số tiền lớn như vậy đó là bệnh chung của tất cả các công ty nhà nước, ít hay nhiều, khi này khi khác… Có chấm mút, có ăn cái này cái nọ là bệnh trầm kha của kinh tế nhà nước. Đây không phải vấn đề riêng của nhà xuất bản giáo dục, bất cứ cơ quan nhà nước nào cũng có nạn tham nhũng ít hay nhiều. Vấn đề đặt ra là quản trị các công ty nhà nước như thế nào, trong đó có nhà xuất bản giáo dục, chứ không nên tách nhà xuất bản giáo dục ra như một trường hợp đặc biệt, như vậy thật sự không thể giải quyết vấn đề".
Ông Nguyễn Đức Thái, nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam (bìa trái), cùng ba bị can - Ảnh : Bộ Công an
Dân vẫn là người chịu thiệt thòi
Sách giáo khoa nhiều năm qua liên tục tăng giá khiến nhiều phụ huynh than vãn. Trong khi Nhà xuất bản Giáo dục là doanh nghiệp độc quyền biên tập, thiết kế, chế bản, xuất bản, in, phát hành, kinh doanh đối với sách giáo khoa được biên soạn.
Trong năm 2022, những lùm xùm về độc quyền sách giáo khoa đã gây bức xúc trong dư luận và thanh tra đã phải vào cuộc. Kết luận thanh tra lúc bấy giờ cũng đã chỉ ra nhiều dấu hiệu sai phạm "lợi ích nhóm" giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nhà xuất bản. Đồng thời khẳng định những sai phạm trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến phụ huynh và học sinh khi mỗi năm con em họ phải mua sách giáo khoa bắt buộc với mức giá không phù hợp.
Nhiều người đặt câu hỏi, vậy việc bồi thường cho phụ huynh học sinh đã mua sách giá cao, vì bị đội giá do chi phí hối lộ sẽ ra sao ? Thầy Đỗ Việt Khoa nhận định :
"Chuyện mong muốn đó thì dân tình người ta mong muốn, nhưng có lẽ không bao giờ thực hiện được, Việt Nam là như thế… Quan chức đã tham nhũng, đã làm thiệt hại cho người dân thì người dân chịu, nhà nước mất thì nhà nước cũng chịu. Hầu như không thu hồi được và cũng chẳng bao giờ bồi thường thoả đáng cho người dân. Cho nên tóm lại nhân dân vẫn là người thiệt thòi".
Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng cũng cho rằng rất khó để thực hiện việc bồi thường :
"Cái đó làm sao khắc phục được, chỉ có thể phòng ngừa chuyện đó đừng xảy ra. Tức là chuyện tương lai, chứ không phải chuyện quá khứ. Ngay cả chuyện trả lại tiền đã khó, huống gì tiền đâu mà trả ? Bởi vì không có thông tin gì để thu hồi tiền đó cả. Chưa kể giá sách của các nhà xuất bản đối thủ cũng bán giá như vậy thôi, họ là tư nhân nên không có vấn đề hối lộ gì cả ? Khi bán ra, một bên là nhà nước, một bên là tư nhân, giá thành cũng như nhau".
Trong khi đó ngoài chi phí sách giáo khoa, vào mỗi đầu năm học, phụ huynh học sinh phải đóng rất nhiều khoản tiền phụ thu khác nhau, mà với một số gia đình là khoản chi phí không nhỏ.
Ông Thái, một phụ huynh có hai con trong tuổi đi học ở Quảng Nam, hôm 24/9 cho RFA biết thực tế :
"Nếu cộng cả chi phí áo quần, các loại phí phải nộp đầu năm và các khoản tiền khác… thì một tháng lương của một công nhân sẽ không đủ cho chi phí đầu năm của một đứa bé đi học. Mình có may mắn là con mình ở Quảng Nam thì chỉ tốn khoảng một nửa tháng lương, từ hai đến ba triệu là xong đầu năm, vì các phí hay quỹ lớp ít. Nhưng những nơi khác thì nghe khũng khiếp lắm, có nơi mười mấy triệu, vì họ kêu gọi mua dụng cụ, học cụ nên sẽ rất là cao, một tháng lương công nhân không thể đủ".
Liên quan việc tham nhũng của cựu giám đốc nhà xuất bản giáo dục, ông Thái nhận xét :
"Vấn đề giáo dục là công việc của cả một dân tộc, khi một học sinh đến trường thì gần như năng lượng của cả dân tộc vô chỗ đó. Mà dối trá trong giáo dục có nghĩa là dối trá cả dân tộc, có tội rất nhiều so với các ngành nghề khác. Mỗi đồng tiền bỏ vô giáo dục cũng có thể là của cha mẹ giàu có hay trung bình cũng dồn hết vào cho con, nhưng cũng có những đồng tiền từ đi mò cua bắt ốc cũng dành hết yêu thương cho con… Dối trá, gian lận, hối lộ trong đồng tiền đó có nghĩa là đang ăn rất nhiều nước mắt, thậm chí xương máu của đồng bào mình. Dù sao họ cũng là người có bằng cấp mà suy nghĩ vậy là hết sức vô tri, vô trí, vô giác, mất tính người quá…"
Theo ông Thái, nhà nước nếu không giải quyết rốt ráo vấn đề này thì không biết tương lai của Việt Nam đi đến đâu ? Bởi vì vấn đề giáo dục là vấn đề hàng đầu, tương lai nằm ở giáo dục.
Nguồn : RFA, 25/09/2024
***************************
Qua cứu trợ bão Yagi : niềm tin, nên được đặt đúng chỗ ?
RFA, 25/09/2024
Báo Nhân dân hôm 24/9/2024 có đăng bài viết của tác giả là Tiến sĩ- Bác sĩ Võ Toàn Trung – một Việt Kiều tại Pháp với tiêu đề "Vững niềm tin vào Đảng cộng sản cùng tương lai tươi đẹp của dân tộc Việt Nam".
Lào Cai là một trong những tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất vì bão Yagi
Không có cơ sở
Bài viết của Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Toàn Trung bày tỏ rằng ‘tinh thần đoàn kết, đồng lòng vượt qua mọi gian khó cũng như tầm nhìn, quyết sách của Đảng sẽ tạo bước đột phá để đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh và tiến vững’.
Trả lời RFA từ Malaysia hôm 25/9, ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội nói ông không tin vào những nội dung trên :
"Việt kiều Pháp nói chuyện tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng cộng sản là nói dối. Vì nếu tin vào đảng thì tại sao phải qua Pháp sống ? Ông Tiến sĩ, bác sĩ này cũng không đại diện cho đa số kiều bào Việt Nam ở hải ngoại, vì đa số người Việt tha hương là bởi vì họ không thể học tập hay kiếm sống được ở Việt Nam. Chứ nếu việc làm, giáo dục, an sinh xã hội của Việt Nam mà tốt thì chẳng ai muốn xa quê cha đất tổ để tha hương cầu thực".
Tiến sĩ Trung, trong bài viết của mình ghi nhận, hoan nghênh những quyết sách quan trọng của lãnh đạo Việt Nam đã mang lại những tín hiệu tích cực cho triển vọng phát triển của đất nước. Trong đó ông có nhắc đến dự án đường sắt tốc độ 350km/giờ, mà theo ông đánh giá "tương đương với giao thông của Pháp". Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Quân, không thể đưa ra so sánh như vậy được, khi dự án trên vẫn còn trên giấy và vẫn đang được nghiên cứu :
"Tiến sĩ, bác sĩ Võ Toàn Trung lấy ví dụ về dự án xây dựng đường sắt tốc độ 350km/giờ để ca ngợi nhà nước cộng sản thì quá kệch cỡm. Chứng tỏ bác sĩ này chẳng hiểu gì về cộng sản. Qua những dự án như Metro Cát Linh - Hà Đông đã cho thấy rằng nếu muốn chờ cái đường sắt Bắc Nam 350km/giờ đó thì chắc phải chờ thêm ba đến bốn thế hệ nữa. Dân Việt Nam chẳng có mấy người tin vào tính khả thi của đường sắt Bắc Nam này".
Niềm tin bị lung lay
Nội dung bài viết còn dẫn sự ca ngợi sức mạnh đồng lòng của cả dân tộc qua việc chống chọi và khắc phục hậu quả cơn bão Yagi vừa qua. Đặc biệt, với sự dốc sức của toàn bộ hệ thống chính trị, mọi người dân vùng bão, lũ đều được hỗ trợ, giúp đỡ.
Từ Paris, thủ đô nước Pháp, Giáo sư Phạm Minh Hoàng hôm 25/9 khi nhận định với RFA cho rằng, Việt Kiều cho dù là những người qua đây lâu hay mới, thì ai cũng hướng về quê hương, đặc biệt trong lúc thiên tai bão lụt.
"Tôi nghe nói cũng có nhiều người giúp đỡ với tư cách cá nhân hoặc qua người thân của họ, chứ tôi chưa thấy một tổ chức nào quyên góp gởi về Việt Nam một cách quy mô. Tuy nhiên ông bác sĩ này muốn nói thì nói vậy thôi. Nhưng mà tôi đánh giá, đồng bào lũ lụt trong nước thì cơ quan đầu tiên phải giúp đỡ là nhà nước. Việt Nam có quỹ phòng chống thiên tai do người dân đóng góp, bây giờ lên tới hai tỷ đồng, nhưng cho đến hôm nay tôi không nghe nói quỹ đó sử dụng như thế nào ?"
Liên quan đến ý kiến ca ngợi sự lãnh đạo từ các cấp chính quyền của Bác sĩ Việt kiều Võ Toàn Trung, trong đợt bão số ba vừa qua, Giáo sư Phạm Minh Hoàng nói tiếp :
"Bác sĩ này nói một cách võ đoán thôi, ông ta tự xưng hoặc nghĩ rằng ai cũng như ông ta… tôi nghĩ không có đâu… Người Việt Nam ở bên Pháp, đặc biệt Paris là nơi tôi ở, thì có thể có những hội đoàn có hành động hảo tâm, nhưng trong quy mô tương đối nhỏ và chuyện đó không có nghĩa họ ủng hộ cho chính quyền, tôi nghĩ không bao giờ có chuyện đấy. Thí dụ ở bên Pháp có thiên tai, người ta đóng góp giúp đỡ thì đâu phải người ta ủng hộ ông Macron, người ta ủng hộ cho những nạn nhân bão lũ".
Theo Giáo sư Phạm Minh Hoàng, ở Việt Nam cho đến ngày hôm nay, qua vụ tham nhũng nổi cộm nhất là đại án Việt Á - thì không còn ai có thể tin tưởng vào nhà nước được nữa :
"Thậm chí ông Nguyễn Xuân Phúc được 500 đại biểu tức 100% tín nhiệm, nhưng sau đó cũng 500 đại biểu đó phế truất ông ta. Thì ai tín nhiệm ai ? Ngay cả những người mà họ cho là đại diện cho dân đặt lòng tin vào ông ta, rồi sau đó vì một mệnh lệnh đã đưa ông ta xuống, thì tôi không hiểu cái chữ tín nhiệm ở đây như thế nào ?"
Theo ý kiến của mình, Giáo sư Hoàng cho rằng, lòng từ tâm của người Việt từ Paris hay New York hay bất kỳ đâu… lúc nào cũng có, nhưng đừng lấy chuyện đó ra để nói rằng đó là ủng hộ cho nhà nước.
Thực tế đáng buồn
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 9/2024, Quỹ Phòng chống thiên tai của 63 tỉnh thành còn dư hơn 2.200 tỷ đồng, trong đó Lào Cai là một trong những tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất vì bão Yagi, nhưng quỹ phòng chống thiên tai còn dư hơn 11 tỷ.
Điều đó được hiểu như thế nào ? Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài ở nước Đức hôm 25/9 nói với RFA :
"Trong gần 80 năm dưới sự cai trị của đảng và chế độ cộng sản Việt Nam, thì người dân Việt Nam đều rất là thuộc, người cộng sản nói thì hay, làm thì dở, nói một đằng làm một nẻo, nói nhưng không bao giờ làm… Đây là những câu rất là chân lý khi mà những người cộng sản muốn tuyên truyền một cái gì đó. Thực tế chúng ta đã xem rất nhiều video clip về những nạn nhân của cơn bão số 3 vừa qua ở Việt Nam, hay còn gọi là bão Yagi, có những nơi người dân không được trợ cấp từ chính quyền, có người nhận được ba năm cái bánh mì…"
Ông Đài cho biết, nạn nhân bão ở Việt Nam đã trả lời trực tiếp trên mạng xã hội rằng chính quyền địa phương gần như chưa có bất kỳ động thái nào để giúp đỡ trực tiếp cho người dân, mặc dù Mặt trận Tổ quốc đã nhận trên hai ngàn tỷ đồng. Ông Đài nói tiếp :
"Trong khi tất cả người dân trong vùng bão lũ đều nhận được sự trợ giúp trực tiếp từ những người đồng bào của mình, là những tổ chức cá nhân thiện nguyện. Chính quyền địa phương chỉ cử một số đơn vị quân đội đến để giải cứu người dân, chứ còn để mà nhận tiền trợ cấp từ người dân Việt Nam trong và ngoài nước góp qua chính quyền là chưa có. Chúng ta không nên tin vào những gì người cộng sản tuyên truyền".
Ngay sau khi bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam, trên mạng xã hội Facebook vào các ngày 9 và 10/9 có nhiều dòng trạng thái kêu cứu của người dân từ các vùng ngập lụt ở Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên. Trong đó bao gồm những kêu gọi cứu trợ thuyền và áo phao, cùng lương thực và nước uống.
Anh T. (người giấu tên vì lý do an toàn) cho RFA biết hôm 16/9 rằng anh không thể ngờ rằng mọi sự chuẩn bị của mình đều không đủ vì mưa quá nhiều, lũ quá lớn đã ồ ạt đổ vào TP Thái Nguyên trong đêm ngày 9/9, cuốn trôi mọi thứ trên đường đi, và cuốn đi hai thành viên trong gia đình anh gồm một con nhỏ và người em vợ. Gia đình anh không nhận được sự trợ giúp kịp thời nào từ các cơ quan chức năng và các hội đoàn từ thiện.
Theo thống kê của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến sáng ngày 17/9 bão Yagi đã làm 291 người chết và 38 người mất tích. Có khoảng 20 tỉnh, thành ở phía Bắc chịu ảnh hưởng của cơn bão, trong đó có Thái Nguyên.
Ước tính thiệt hại về kinh tế do bão Yagi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là hơn hai tỷ USD (gần 50.000 tỷ đồng).
Nguồn : RFA, 25/09/2024
"Thiện chí" của Tô Lâm, khi trả tự do cho 2 tù nhân lương tâm
Nam Việt, RFA, 22/09/2024
Ngay trước chuyến đi của ông Tô Lâm đến Hoa Kỳ, tin tức về 2 tù nhân lương tâm được trả tự do khiến cho nhiều người nức lòng. Có ý kiến nhận định rằng dường như có một sự đổi mới ngấm ngầm nào đó, và đồng thời còn cho rằng dấu hiệu cho thấy Tô Lâm sẽ là một người đem tới những cải cách.
11111111111111111111111
Nhân chuyến công tác của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Mỹ, gần 100 trí thức trong và ngoài nước đã ký vào thư kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho nhà báo Huy Đức.
Có thực sự Tô Lâm là một người đang giới thiệu những chỉ dấu tốt đẹp về tương lai một của một đất nước Việt Nam như vậy hay không ?
Trong những câu hỏi liên tục được xuất hiện trên mạng từ khi có tin ông Trần Huỳnh Duy Thức và bà Hoàng Thị Minh Hồng được trả tự do, còn có sự quan tâm về khi nào thì nhà báo Huy Đức được cho về hay chập chờn tin tức tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao được thả, rồi sau đó rút lại.
Và vì sao không phải là Phạm Đoan Trang, nhà báo nữ có số tần suất của quốc tế kêu gọi Việt Nam trả tự do cao nhất từ trước đến nay ?
Nếu quan sát thời sự và chú ý thì sẽ thấy rằng tổng thống Mỹ Joe Biden không có ý định gặp Tô Lâm hay nói cách khác là không có một cuộc hẹn chính thức nào với Tô Lâm trong chuyến đi của ông ta đến Hoa Kỳ này.
Bản thân chính quyền của tổng thống Joe Biden cũng đang thực sự vô cùng rát mặt trong thời gian gần đây, qua những lời chất vấn và chỉ trích của với chính trị gia, và các tổ chức quốc tế về việc luôn giơ cao đánh khẽ với Hà Nội để giành vị trí chiến lược địa chính trị với Trung Quốc. Chính Hà Nội cũng nhận ra lợi thế này, cho nên phớt lờ tất cả những lời cảnh báo, gia tăng đàn áp và thậm chí không ngại ngần tấn công vào giới tự do tôn giáo, bất chấp 2 lần danh sách SWL (Special Watch List – theo dõi đặc biệt về vi phạm quyền tự do tôn giáo) đang treo trên đầu của chính quyền Hà Nội.
Chắc chắn là Tô Lâm đi Mỹ là muốn hội đàm riêng với ông Joe Biden, sau chuyến đi quỳ gối rõ ràng trước Tập Cận Bình. Và việc không ra một lịch hẹn cụ thể cũng cho thấy ông Joe Biden đang ra một cái giá với Tô Lâm về vấn đề nhân quyền.
Thường thì Hà Nội chưa bao giờ thiện chí đưa ra một cái tên, hay một danh sách để trả tự do khi có những cuộc gặp quốc tế quan trọng, hoặc những bước đi ngoại giao cần thiết, mà phần lớn là các tòa Đại sứ luôn lên tiếng về vấn đề nhân quyền như Mỹ, Châu âu, trước đây là Thụy Điển đức, Đức, Anh… luôn có những cuộc gặp sớm trước khi có những chuyến đi, mà họ có thể tác động vào vấn đề trả tự do cho tù nhân lương tâm. Một nguồn tin ẩn danh cho biết Tòa đại sứ Hoa Kỳ lần này đã đưa một danh sách và đề nghị Việt Nam bộc lộ một thiện chí về nhân quyền, để tránh những rắc rối khi đến Mỹ - lần này là đứng trước Liên Hiệp Quốc - và cũng gây không gây khó cho tổng thống Joe Biden nếu như có một cuộc gặp riêng.
Và trong các giải pháp được đề nghị Tô Lâm đã chọn Trần Huỳnh Duy Thức và Hoàng Thị Minh Hồng để xoa dịu cả hai phía Hoa Kỳ và Châu âu.
Với Trần Huỳnh Duy Thức là một sự kiện vẫn gây nhức nhối cho các chính trị gia Hoa Kỳ, và cũng là một vấn đề bẽ bàng của Hà Nội, khi ông Thức đặt lại về những điểm cải cách luật của chính Hà Nội, theo đó thì ông Thức chỉ nhận án tù nhiều nhất là 5 năm. Đồng thời ông Thức cũng chỉ ra việc giam giữ ông cho đến hơn 15 là bất hợp pháp. Chính quyền cộng sản Việt Nam đã nhiều lần không dám trả lời việc xét lại này, và luôn im lặng để chờ thời điểm có thể giải quyết êm đẹp nhất. Lời đề nghị từ phía Hoa Kỳ lúc này giống như hàng cứu trợ giữa bão lũ với Hà Nội : món hàng đổi chác con tin sắp hết hạn tù, không còn lợi dụng được giá trị như trước, bên cạnh đó, việc không phải trả lời những chất vấn về mặt luật pháp của ông Trần Huỳnh Duy Thức, vốn đang làm mất tính chính danh của một hệ thống pháp luật được bịa ra để kềm giữ con người.
Còn bà Hoàng Thị Minh Hồng, nhà vận động môi trường sạch, người có nhiều giải thưởng quốc tế và có tầm hoạt động lớn từ trước đến nay, đột nhiên bị bắt về cáo buộc dựng cớ trốn thuế đã khiến nhiều người bất ngờ vì không nghĩ bà Hồng có thể rơi vào tình trạng này. Dù không liên quan trực tiếp đến những vấn đề về chuyển đổi năng lượng xanh như Đặng Đình Bách, Ngô Thị Tố Nhiên hay Ngụy Thị Khanh, nhưng để làm cho ra vẻ công bằng pháp luật xã hội chủ nghĩa, thì bà Hồng cũng phải bị bắt với cùng tội danh như những người khác. Nhưng bên cạnh đó dường như còn một lý do khác : "Bà Hồng bị đánh giá là thành phần tự diễn biến, quá gần với phương Tây", một nguồn tin từ Hà Nội ẩn danh nhận định như vậy.
Trả tự do cho bà Hồng, cũng là một giải pháp làm giảm nhiệt phía Châu Âu, vốn ngày càng bị điều tiếng là nhân nhượng Việt Nam để kiếm lợi, bất chấp môi trường, con người và luật (Lao Động) luôn bị Hà Nội đàn áp.
Như vậy cho thấy, rằng Tô Lâm không phải là người có đủ thiện chí để tự ông ta đi tới một sự cải cách hay thay đổi nào mang tính tử tế của một nhà lãnh đạo độc tài - bất ngờ một ngày xuất thần trở thành người lãnh đạo dân chủ. Trả tự do cho 2 tù nhân lương tâm, chỉ là giải pháp tình thế. Sự gấp rút thả tự do vào giờ chót cho ông Thức và bà Hồng, cho thấy sự thúc hối từ giới ngoại giao, và miễn cưỡng của chính quyền Tô Lâm.
Trong đường lối ngoại giao cây tre mà Nguyễn Phú Trọng ăn cắp của Thái Lan, rồi để lại cho hệ thống lãnh đạo cộng sản Việt Nam hôm nay, nó còn ẩn chứa một điều khác, đó là sự lươn lẹo của những nhà lãnh đạo ăn đằng sóng nói đằng gió, quay đầu này nói khác, quay đầu kia nói lại. Tô Lâm khi đến Bắc Kinh, đã lập tức thể hiện tính cách độc tài khi tuyên bố rằng mối quan hệ Việt Nam Trung quốc là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, như những quốc gia, khác nhưng "ưu tiên" hơn. Ưu tiên chỉ là một ý kiến nghiêng về ý thức hệ, nhưng hoàn toàn phản bội các chính sách được ghi trong tài liệu ngoại giao được công bố của Hà Nội.
Và đã ưu tiên Trung Quốc một cách công khai đến mức đó, thì Tô Lâm không cần phải gặp Joe Biden để làm gì, mà nên cứ để tiến trình bình thường của một quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đi tới một cách tự nhiên. Nhưng rõ là Tô Lâm có ý muốn, và chính Trung Quốc cũng cảm thấy được điều này, nên đã lên giọng "chỉnh huấn" Hà Nội vài lần trước chuyến đi của Tô Lâm
Mà bản chất đổi chủ, xoay đầu là một tính cách không thể nào quên được của Tô Lâm.
Năm 2009, triều đại công an trị dưới thời của Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng luôn tạo ra những vấn đề phức tạp đối với mối quan hệ Việt Mỹ đặc biệt qua vấn đề các nhà tranh đấu và tù nhân lương tâm. Trường hợp nổi cộm công khai trên báo chí đó là cuộc tiếp xúc của đại sứ mỹ Michael Michalak và kỹ sư Phương Nam Đỗ Nam Hải. Báo Tuổi Trẻ lúc đó bị ép đăng một bài viết mạ lị chính phủ Mỹ và bản thân ông đại sứ Mỹ. Nhưng trong một công điện của Đại sứ mỹ Michael Michalak (về sau bị tiết lộ bởi Wikileak) gửi về Washington, có kể về một nhân vật tên là Tô Lâm. Ông Đại sứ mô tả Tô Lâm là một người có thiện chí cải cách, cởi mở, và có vẻ thân phương Tây. Nhưng dĩ nhiên đó là một bộ mặt của Tô Lâm khi chưa có quyền lực, và đang xoay ở mọi hướng để tìm lợi thế.
Nhiều niềm tin của dân chúng lúc này đang bắt đầu được dựng lên về ông Tô Lâm sẽ là người cải cách và trở thành một tổng thống chế mới của Việt Nam. Nó không khác gì thời của Nguyễn Tấn Dũng mở miệng nói câu "Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa", đã làm nức lòng nhiều người miền Nam. Nhưng rồi mọi thứ cũng chỉ là cái bánh vẽ của những kẻ độc tài để dành chút cảm tình từ dân chúng, và tận dụng thời gian và cơ hội để vơ vét cho bản thân và băng nhóm.
Không chỉ là Trần Huỳnh Duy Thức hay Hoàng Thị Minh Hồng. Nếu Tô Lâm thực sự là một người yêu đất nước và muốn một đổi thay tốt đẹp cho dân tộc, thì ngay lúc này, điều đầu tiên là ông phải trả tự do cho tất cả những người bất đồng chính kiến và hủy bỏ các điều luật 117 và 331 vốn đang đẩy đất nước vào sự bế tắc và khủng hoảng trong sự cầm quyền độc tài của cộng sản Việt Nam.
Nam Việt
Nguồn : RFA, 22/09/2024
Theo ước tính sơ bộ của chính phủ Việt Nam hôm nay, 16/09/2024, cơn bão Yagi đã gây tổn thất kinh tế khoảng 1,5 tỷ euro, khiến gần 300 người chết và nhiều người khác vẫn mất tích. Còn tại Miến Điện, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc (WFP) đánh giá đây là trận "lũ lụt nghiêm trọng nhất trong lịch sử" nước này.
Cảnh đổ nát sau khi bão Yagi đổ bộ vào Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam ngày 08/09/2024. AFP - NHAC NGUYEN
Theo hãng tin AFP, đã có ít nhất 292 người chết, 38 người mất tích, hơn 230.000 ngôi nhà bị hư hại và hơn 280.000 ha đồng ruộng bị phá hủy ở miền bắc Việt Nam. Tại thủ đô Hà Nội, các cơ sở hạ tầng giao thông và nhiều nhà máy bị ảnh hưởng do bão và lũ lụt. Trong khi đó, tại Hải Phòng, nơi tâm bão trực tiếp đổ bộ, thiệt hại kinh tế ước tính vào khoảng 11 nghìn tỷ đồng. Reuters trích dẫn dự báo của chính quyền, cho biết tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 có thể sụt 0,15% so với dự đoán trước đó do tác động của bão. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tăng trưởng trong các ngành này có thể giảm 0,33%.
Nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… đã thông báo viện trợ nhân đạo, gồm tiền mặt, thuốc men, nước sạch … cho Việt Nam để khắc phục hậu quả của thiên tai. Trong khi đó, Anh Quốc cho biết đã gửi 1 triệu bảng Anh để chính quyền Việt Nam ứng phó với bão. Truyền thông nhà nước đưa tin thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã ký công văn yêu cầu theo dõi chặt chẽ giá lương thực, xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu khác để tránh tình trạng đầu cơ, tích trữ hàng hóa.
Bão Yagi cũng gây lũ lụt và lở đất tại nhiều quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan, Lào. Tại Miến Điện, số tử vong đã lên đến 113 người. Chính quyền quân sự của nước này đã phải yêu cầu viện trợ từ quốc tế, một hành động hiếm hoi đối với một chính quyền trong quá khứ từng ngăn chặn và cản trở các hoạt động hỗ trợ nhân đạo.
Trung Quốc : Thượng Hải đối đầu với cơn bão mạnh nhất từ 75 năm qua
Bão Bebinca, với sức gió lên 151 km/giờ, ập vào Thượng Hải và bờ biển phía đông Trung Quốc ngày 16/09/2024, sau khi đi qua Philippines và Nhật Bản. Chính quyền thành phố đã kêu gọi hơn 25 triệu dân ở nhà để tránh "cơn bão mạnh nhất đổ vào Thượng Hải kể từ năm 1949".
Theo đài truyền hình Nhà nước CCTV, 577 chuyến tàu và 1.461 chuyến bay đã bị hủy. Tính đến trưa 16/09, bão đã gây nhiều thiệt hại đáng kể : hơn 1.800 cây bị đổ, 30.000 hộ gia đình bị mất điện, nhiều đường phố bị ngập. Trước đó, khoảng 414.000 người dân ở Thượng Hải đã được sơ tán, lực lượng hỗ trợ khẩn cấp với vài nghìn người túc trực can thiệp nếu cần thiết.
Tại Philippines nơi vừa bị bão Yagi, bão Bebinca đã khiến 6 người thiệt mạng vì cây đổ. Bão sau đó đã ập đảo Amami, miền nam Nhật Bản, sáng sớm 15/09, với sức gió lên đến 198 km/giờ.
Minh Phương – Thu Hằng
Khắc phục hậu quả bão Yagi, phép thử đối với Tổng bí thư Tô Lâm
RFA, 12/09/2024
Vào chiều ngày 9/9, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đã họp chỉ đạo việc khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số ba (tên quốc tế là Yagi). Cuộc họp do Chủ tịch nước, Tổng bí thư Tô Lâm chủ trì. Một số ý kiến của những người quan sát tình hình chính trị Việt Nam cho rằng đây là phép thử đối với tân Tổng bí thư, cựu Bộ trưởng Công an - người vừa lên nắm chức vụ này thay cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 3 tháng 8 vừa qua.
Bức ảnh chụp từ trên không này cho thấy cảnh nước lũ bao quanh các ngôi nhà ở tỉnh Thái Nguyên vào ngày 10 tháng 9 năm 2024, sau cơn bão Yagi đổ bộ vào miền bắc Việt Nam. AFP Photo
Cơn bão Yagi được mệnh danh là cơn bão mạnh nhất ở Biển Đông trong vòng một thập kỷ qua đổ vào các tỉnh miền Bắc Việt Nam vào ngày 7/9 vừa qua. Số người chết và mất tích do bão này gây ra tiếp tục tăng và đã lên đến 292 người tính đến 11 giờ ngày 11/9, theo số liệu của Cục quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Tại cuộc họp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư hôm 9/9, Tổng bí thư Tô Lâm gửi lời chia buồn tới người thân, gia đình các đồng chí đã hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ ; chia sẻ với những mất mát, đau thương của các gia đình có người bị thiệt mạng, bị thiệt hại nặng nề do bão số 3, báo Nhà nước đưa tin.
Người đứng đầu Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam cũng chỉ đạo các địa phương phải "hạn chế các hoạt động khác, tập trung cho việc cứu trợ, cứu nạn ; triển khai các phương án tiếp cận người dân để hỗ trợ đồ ăn, nước sạch giúp đỡ người dân vượt qua thời gian khó khăn".
Tổng bí thư chỉ đạo sau bão
Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài ở Đức hôm 11/9 cho rằng khắc phục hậu quả bão Yagi là một thách thức với tân Tổng bí thư Tô Lâm, bởi vì khi ông Tô Lâm vừa lên chức thì cơn bão có thể nói là mạnh nhất trong nhiều thập kỷ đã đổ vào Việt Nam và đã tàn phá Việt Nam nặng nề. Theo Luật sư Đài, ông Tô Lâm cũng đã có những sự chỉ đạo nhất định, nhưng ông Tô Lâm vẫn lập lại những cái cũ rích trước đây, và chưa đưa ra một tuyên bố nào là sẽ đưa ra số tiền cứu trợ người dân bao nhiêu, chỉ yêu cầu Mặt trận Tổ quốc kêu gọi người dân đóng góp từ thiện.
Trước bão Yagi, nhiều cơn bão mạnh đã vào Việt Nam như siêu bão Noru đổ bộ vào miền Trung Việt Nam vào cuối tháng 9/2022 làm ít nhất 16 người thiệt mạng và mất tích, hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng, nhiều khu vực bị ngập lụt… Hay bão Damrey (tháng 11/2017) làm 107 người chết, 16 người mất tích, 342 người bị thương…
Nhưng khi đó báo chí Nhà nước không có những thông tin chi tiết về cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo trực tiếp trong việc chống bão và cứu trợ khắc phục hậu quả… giống như lần này với Tổng bí thư Tô Lâm.
Luật sư Nguyễn Văn Đài nói thêm :
"Ông Tô Lâm sức khỏe tốt hơn ông Nguyễn Phú Trọng trước đây, nên khi xảy ra bão lũ thì cũng đã triệu tập chính phủ và các cơ quan thuộc hệ thống chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam, để chỉ đạo khắc phục hậu quả. Như vậy có khác ông Trọng trước đây, ông Trọng vì sức khỏe và cũng vì ổng quan tâm đến Đảng và chế độ nhiều hơn. Nhưng thực tiễn việc phòng chống bão lũ là việc của Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan như Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành khác. Ông Tô Lâm hiện đang muốn lấy lại uy tín với người dân, cho nên những nỗ lực của ổng là bình thường thôi".
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (đã tự giải thể) cho biết :
"Tôi nghĩ chuyện bão là một tai họa thiên nhiên, ở Việt Nam người ta đã có rất nhiều kinh nghiệm về đối phó với tai họa thiên nhiên như bão, lũ, lụt. Tôi nghĩ lần này cũng thế. Tôi nghĩ bộ máy nhà nước nó vẫn cứ vận hành. Tôi không nghĩ nó là một thách thức gì đối với ông Tô Lâm. Dĩ nhiên người ta có thể xem xét nếu ông ứng phó nhanh hơn hay không…"
Chủ tịch nước, Tổng bí thư Tô Lâm tại cuộc họp chỉ đạo việc khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số ba (tên quốc tế là Yagi) hôm 9/9/2024. Courtesy chinhphu.vn
Người dân nhìn vào dàn lãnh đạo mới
Tân Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mới nhậm chức người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam vào ngày 3 tháng 8 vừa qua vào khi có nhiều bình luận ở trong nước và quốc tế về việc ông đã hạ bệ các đối thủ tiềm tàng của mình chỉ trong một thời gian ngắn trên con đường vào vị trí Tổng bí thư như cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai.
Ngay sau khi lên chức, một loạt những vị trí quan trọng trong Đảng và Chính phủ mới được bổ nhiệm cũng được cho là những người rất gần với ông Tô Lâm bao gồm tân Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, người cũng vừa được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị trong tháng tám vừa qua ; ông Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an - vừa được bầu vào Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng trong tháng tám vừa qua.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 11/9 khi nói với RFA cho rằng :
"Quá trình sắp xếp nhân sự của ông Tô Lâm đã hoàn tất. Các vị trí chủ chốt trong chính quyền đều do người thân tín của ông nắm giữ. Điểm chung là những người này là công an hoặc cùng quê Hưng Yên với ông. Vì vậy, ông Tô Lâm hiện nay là người chịu trách nhiệm chính đối với các vấn đề của đất nước, một người đứng đầu một đảng cầm quyền ở Việt Nam".
Việc ông Tô Lâm tham gia trực tiếp cuộc họp chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ từ cơn bão số ba Yagi do đó theo ông Vũ nó không chỉ thể hiện tinh thần của người đứng đầu mà còn là người chịu trách nhiệm chính trong điều hành và dẫn dắt công tác phòng chống hậu quả của bão lụt.
Nhưng ông Vũ cho rằng những gì được thấy, ít nhất là trên báo chí và mạng xã hội, cho đến nay cho thấy một sự thất bại, lúng túng, bị động và thiếu tổ chức của công tác cứu hộ.
"Thứ nhất là chính quyền đã không dự đoán và cảnh báo được sự xuất hiện của lũ lụt sau cơn bão, dẫn đến người dân các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai bị tác động bất ngờ.
Thứ hai là chính quyền đã không có một lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp sẵn sàng đối phó với các tình huống xấu nhất, dù cho ngân sách chi cho lực lượng công an hơn mười lần ngân sách chi cho giáo dục hay y tế".
Một người dân ở Hà Nội có tên là Khoa nói với RFA về hoạt động cứu hộ sau bão :
"Tôi chứng kiến mưa bão năm nay bất thường, nhất là mưa quá lớn nước, khắp nơi ngập lụt. Tại các Khu Công nghiệp nước ngập cao nửa mét, nhà máy xí nghiệp nghỉ ba bốn hôm nay. Hà Nội thì đường xá vẫn tắc, trong xóm thì nước dâng cao. Có gì đó bất thường ở trong khâu ứng cứu, đợi hoài… họp xong… nhưng quyết thì lâu quá, thay vì phải phản ứng ngay lập tức. Đó làm do cơ chế vận hành chậm chạp. Mấy ngày nay người dân kêu gọi làm sao có trực thăng cứu hộ, do nhiều gia đình cheo leo trên nóc nhà, nhưng không có, thuyền vào cũng không có, các địa phương ra đến nơi thì chết hết rồi, rất là khổ tâm".
Một người dân khác ở Hà nội có tên là Trí nhận xét :
"Tôi nghĩ chủ yếu là do chủ quan và không lường được hết tác hại của bão. Việc nhà nước muốn phòng chống, cứu trợ hay khắc phục hậu quả chủ yếu là phụ thuộc vào nguồn lực nhà nước, mà tôi nghĩ nguồn lực đấy ở Việt Nam là không có nhiều, không có trang thiết bị hiện đại".
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA hôm 10/9 cho biết ý kiến :
"Hà Nội thật sự có ý chí chủ quan đối với khả năng một cơn bão mạnh kiểu Yagi. Ứng phó của Hà Nội theo tôi đến hiện nay còn nhiều lúng túng, không giúp đỡ được kịp thời cho người dân, kể cả trường hợp những người bị chết trong vùng sông Hồng do cơn bão này tạo ra… Dù có ứng phó nhưng công tác chuẩn bị quyết định tới 90% kết quả đạt được. Nhưng do tư duy chuẩn bị của mọi người đối với việc thỉnh thoảng Hà Nội cũng sẽ nhận những cơn bão lớn. Vì vậy lần này Hà Nội nhận một kết cục tiêu cực của cơn bão Yagi".
Không chỉ thiệt hại nhiều về người, bão Yagi cũng đã làm hơn 160.000 ha lúa bị ngập úng ở miền Bắc ; hơn 30.000 ha hoa màu bị ngập úng và thiệt hại ; hơn 1.600 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi ; hơn 790.000 con gia súc, gia cầm bị chết, theo Báo cáo cập nhật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính đến trưa ngày 11/9.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia vào sáng ngày 11/9 ra cảnh báo về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đá tại 16 địa phương thuộc các tỉnh phía Bắc và bắc Trung bộ.
Nguồn : RFA, 12/09/2024
*****************************
Việt Nam bị thiệt hại nặng nề do bão lũ : Quốc tế tích cực viện trợ nhân đạo
Thùy Dương, RFI, 12/09/2024
Theo số liệu báo chí trong nước, tính đến 17 giờ hôm nay, 12/09/2024, mưa bão, lũ lụt, và đặc biệt là sụt lở đất đã khiến tổng cộng 226 người chết, 104 người mất tích và hơn 800 người bị thương.
Lũ tại Yên Bái, miền bắc Việt Nam. Ảnh chụp ngày 08/09/2024. AP - Do Tuan Anh
Yagi, ập vào hôm 08/09, là bão mạnh nhất mà miền bắc Việt Nam hứng chịu tính từ 30 năm trở lại đây, gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp… Nhiều nước như Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc … và các tổ chức quốc tế, trong đó có UNICEF, ASEAN, UN Women, Save the Children, đang tích cực viện trợ cho Việt Nam khắc phục hậu quả thiên tai.
Chính phủ Hàn Quốc quyết định viện trợ nhân đạo 2 triệu đô la cho các hoạt động cứu trợ, phục hồi cơ sở hạ tầng, giúp người dân ổn định cuộc sống. Theo Cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam, chính phủ Úc hôm nay 12/09/2022 cũng công bố khoản viện trợ khẩn cấp ban đầu trị giá 3 triệu đô la. Ngày hôm qua 11/09, chuyến bay chở lô hàng cứu trợ khẩn cấp đầu tiên của Úc đã đến Hà Nội, gồm dụng cụ vệ sinh cá nhân, dụng cụ bếp, sửa chữa nhà cửa, bạt che, thảm ngủ, chăn, màn …
Hoa Kỳ, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), thông báo hỗ trợ 1 triệu đô la, bao gồm tiền mặt và các dịch vụ thiết yếu như lều, nước sạch, vệ sinh và nhiều nhu cầu cơ bản khác.
Cũng hôm qua, chính phủ Nhật Bản, thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), đã quyết định viện trợ vật tư khẩn cấp cho Việt Nam (40 thiết bị lọc nước, 200 bạt nhựa đa năng). Dự kiến hàng cứu trợ của Nhật sẽ đến sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội, vào đầu tuần sau, 16-17/09.
Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA) sẽ hỗ trợ các bộ dụng cụ gia đình, bộ dụng cụ sửa chữa nhà cửa, bếp và vệ sinh cá nhân. Hàng viện trợ dự kiến được chuyển đến sân bay Nội Bài trong hai ngày 13-14/09.
Trong khi đó, Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ưu tiên nguồn nước sạch ở ba tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất là Lào Cai, Thái Nguyên và Yên Bái. Trên trang web văn phòng Việt Nam, Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc thông báo đã chuyển 80.000 viên lọc nước đến tỉnh Thái Nguyên và và 4.000 lít nước tới Bệnh viện tỉnh Lào Cai. Trong những ngày tới, UNICEF sẽ cung cấp viên lọc nước, bồn chứa nước, bộ lọc gốm, dung dịch rửa tay khô và xà phòng tới các tỉnh Yên Bái và Lào Cai.
Thùy Dương
Việt Nam lo đối phó bão, nhưng chính lũ lụt mới gây nhiều thiệt hại nhân mạng
Le Monde ngày 11/09/2024 có bài viết nói về tầm cỡ thiệt hại về người và tài sản ở một số địa điểm du lịch và khu công nghiệp ở miền bắc Việt Nam, sau khi bão Yagi đi qua.
Ngập lụt ở thị trấn An Châu ngày 11/09/2024 (Sơn Động)
Lũ lụt sau bão Yagi khiến gần 300 người chết và mất tích
Trong suốt 15 tiếng đồng hồ đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ nhật 08/09, trận bão có sức gió 150 km/giờ tấn công vào vịnh Hạ Long, một phần thành phố cảng Hải Phòng, làm bật gốc cây cối và mái nhà ở Hà Nội, rồi quay lên phía bắc đến tận Sapa ở cao độ 1.600 mét, vốn nổi tiếng với những ngôi làng người thiểu số và các thửa ruộng bậc thang. Bão sau đó biến thành áp thấp nhiệt đới.
Báo giấy vẫn còn số liệu cũ, nhưng bản tin trên mạng đã kịp cập nhật thiệt hại theo AFP : ít nhất 155 người thiệt mạng và 141 người mất tích. Số nạn nhân do bão tương đối ít vì dân chúng đã chuẩn bị đối phó, nhưng lại tăng vọt với hậu quả của lũ lụt sau đó : 20 người thiệt mạng hôm thứ Hai trong một chiếc xe buýt bị rơi xuống sông vì đất lở ở tỉnh miền núi Cao Bằng. Ít nhất 10 người khác bị mất tích trong cùng ngày, sau khi một chiếc cầu sắt xây năm 1995 bắc qua sông Hồng bị sập ở Phú Thọ.
Một video do một chiếc xe hơi đi gần đến cầu cho thấy một xe tải vừa lên cầu lập tức biến mất cùng với nhịp cầu bị rơi xuống sông. Người chạy xe gắn máy phía sau bất động trước cú sốc, rồi thận trọng đi bộ đến gần chiếc hố khổng lồ. Nước sông dâng cao khiến chính quyền hạn chế việc lưu thông của các xe tải nặng trên cầu Chương Dương, một trong những chiếc cầu quan trọng ở Hà Nội.
Những vùng bán nông nghiệp ở phía bắc thủ đô đều ngập nước, đôi khi đến tầng lầu. Tại Hà Nội, quân đội được điều đến để dọn dẹp đường phố ngổn ngang những mảnh vỡ do 17.000 cây bị gãy đổ. Trong số đó có những cây xoan làm nên nét duyên cho những con đường phố cổ, nhưng cũng bị chỉ trích vì rễ làm phồng vỉa hè và dễ gãy khi bị bão. Chính quyền hồi năm 2017 định thay thế bằng những cây khác nhưng đã hoãn lại kế hoạch này.
Khu du lịch hoang tàn, nhiều nhà máy bị ảnh hưởng
Bão Yagi ập thẳng xuống vịnh Hạ Long, thắng cảnh nổi tiếng ngoài khơi thành phố cùng tên có 170.000 dân. Hàng trăm chiếc tàu và thuyền buồm hàng ngày vẫn chở đầy du khách đi tham quan đã được lệnh trú bão, nên không bị thiệt hại. Nhưng ít nhất hai chục tàu du lịch neo đậu ở cảng Tuần Châu đã bị phá hủy vì va đập vào nhau. Phải mất một tháng để khôi phục lại tình trạng cũ.
Những hình ảnh ở khu du lịch Bãi Cháy cho thấy cảnh tan hoang suốt mấy trăm mét với những xà nhà, khung nhôm, những tấm tôn, mảnh nhựa từ các bảng quảng cáo, mặt tiền các cửa hiệu và nhà hàng bị bão thổi bay nằm la liệt trên đường. Bão cũng làm hư hại nhiều cơ sở nuôi thủy sản, gần 20.000 nhà bị tốc mái ở tỉnh duyên hải Quảng Ninh, nhiều nơi bị cúp điện. Chếch về phía tây, thành phố Hải Phòng ở đồng bằng sông Hồng cũng bị lụt, phải di dời 20.000 dân. Đặc biệt thành phố cảng lớn nhất miền bắc có rất nhiều khu công nghiệp với những tên tuổi lớn.
Khu Đồ Sơn hoàn toàn bị ngập ở phía nam. Ở ngoại ô phía bắc, bão làm sập nóc một nhà máy của tập đoàn Hàn Quốc LG Electronics. Được Le Monde liên lạc, ông Bruno Jaspaert, giám đốc người Bỉ của công ty Deep C, quản lý khu công nghiệp cao với 170 công ty trên diện tích 3.400 hecta, sơ kết thiệt hại : "Nhiều nhà máy bị trốc nóc, một số bức tường bị thổi bay mất, trận bão mang đi nhiều cánh cửa, hàng rào, pa-nô, hệ thống camera, ga-ra, cửa cuốn, một số kho hàng bị ngập". Điện nay đã có lại, hai phần ba số nhà máy sẽ tái khởi động từ nay đến cuối tuần, số còn lại sẽ mất nhiều thời gian.
Quan hệ Vatican-Trung Quốc : Có thể theo mô hình Việt Nam ?
Cũng về Châu Á, chuyên gia thần học Michel Chambon trên Le Monde nhận xét, "Trung Quốc chăm chú theo dõi chuyến tông du của giáo hoàng Francis" tại châu lục này. Ông Chambon cho rằng giáo hoàng tìm cách chứng tỏ chủ quyền hoàn vũ của Vatican tại khu vực đang là trung tâm của nhiều thế lực ảnh hưởng. Từ Indonesia, Papua New Guinea đến Đông Timor, Singapore, đây là chuyến đi xa nhất và dài ngày nhất của người đứng đầu Giáo hội Công giáo từ trước đến nay. Về thỏa thuận tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, chừng như Bắc Kinh không sẵn sàng kéo dài. La Mã có thể hài lòng khi đại diện Tòa Thánh có văn phòng tại Hồng Kông được sang Hoa lục thường xuyên.
Đây có thể là điểm khởi đầu cho việc thiết lập dần mối quan hệ mới, hơi giống mô hình ở Việt Nam từ những năm 2000. Đó là đại diện Vatican ban đầu thỉnh thoảng mới sang, rồi được quyền thường trú ở Hà Nội nhưng không ra khỏi thành phố, sau đó được đi lại nhưng phải báo, và giờ đây tự do di chuyển trên toàn quốc Việt Nam. Lòng tin được xây dựng từ từ, khi chính quyền chắc chắn rằng Vatican không xen vào chuyện nội bộ. Việc này cũng có lợi cho Nhà nước Việt Nam, vì có thể nghe được những gì mà các quan chức không dám nói thật.
Lực lượng Ukraine ở Pokrovsk cố chống chọi với quân Nga
Tại Ukraine, quân chính phủ ở Donbass cố gắng chống cự khi quân Nga đang tiến gần giao lộ chiến lược Pokrovsk. Đặc phái viên Le Monde cho biết một chiếc cầu ở tây bắc thành phố đã bị oanh kích. Những người dân chạy khỏi Pokrovsk phải đi theo một con đường đất đầy ổ gà, bụi bặm, sau khi chuyến xe lửa di tản cuối cùng đã rời đi cách đây vài ngày.
Trong một đất nước mà toàn lãnh thổ vẫn bị hỏa tiễn, rốc-kết và drone từ Nga bắn sang từ hai năm rưỡi qua, một khi pháo binh hoạt động có nghĩa là quân địch đang đến gần. Thống đốc Donetsk Vadym Filashkin xác nhận : "Kẻ thù đang ở cách Pokrovsk 7 cây số". Cũng như mọi thành phố, làng mạc ở cách quân Nga gần 10 kilomet, lệnh giới nghiêm được áp dụng từ 3 giờ chiều đến 11 giờ sáng. Ông Vadym Filashkin nhìn nhận "tình hình khó khăn", nhưng khẳng định quân đội Ukraine cố gắng hết sức để Pokrovsk không thất thủ.
Ngược với những chỉ trích thường nghe được từ những chiến binh về tuyến phòng thủ mong manh và chỉ huy thiếu chuẩn bị, thống đốc khẳng định "lực lượng dân sự tăng viện đã đến từ khắp nước để xây dựng phòng tuyến" đồng thời trợ lực cho các quân nhân trong việc củng cố các hầm hào gần trận địa. Khu vực này phải chịu đựng từ 2.500 đến 5.000 đạn pháo mỗi ngày.
Sasha, một sĩ quan ước lượng chỉ riêng mặt trận Pokrovsk đã có đến 15.000 lính Nga tấn công vào 15 kilomet tiền tuyến. Vấn đề là một lữ đoàn Nga bị thiệt hại nhiều vẫn không rút lui mà được bổ sung theo tiêu chí phải đủ 90% lực lượng, còn phía Ukraine phải thay quân để binh sĩ được dưỡng sức. Chính những lúc chuyển quân là Ukraine mất nhiều nhân lực và lãnh thổ nhất.
Mối đe dọa mới : Hỏa tiễn đạn đạo của Iran
Đã chịu nhiều đau thương, những người dân Ukraine ở cách các vị trí quân Nga gần 100 kilomet từ nay còn bị đe dọa bởi các hỏa tiễn đạn đạo Iran, mà Tehran vừa giao cho Moskva. Nhiều nguồn tin quân sự cho biết một tàu Nga vừa chuyển "trên 200 hỏa tiễn Fath-360" tại một cảng ở biển Caspian hôm 04/09, và các huấn luyện viên Iran hướng dẫn cách sử dụng cho lính Nga ở gần biên giới Kazakhstan.
Mang được 150 ký chất nổ, Fath-360 có tầm bắn 120 kilomet và sai số chỉ 30 mét nhờ bộ phận dẫn đường vệ tinh. Những thành phố lớn như Dnipro, Odessa, Kharkiv từ nay nằm trong tầm ngắm, trong khi Ukraine luôn thiếu thốn hệ thống phòng không như Patriot của Mỹ hay Mamba của Pháp-Ý có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo. Kremlin không cải chính tin trên, nhấn mạnh rằng Moskva đẩy mạnh quan hệ với Tehran, nhất là trong những lãnh vực "nhạy cảm nhất".
Nga : Ít nhất 10 tướng lãnh và người thân cận của Shoigu ra tòa
Tại các tòa án Moskva, những tuần lễ gần đây liên tục có những tướng lãnh phải ra trước vành móng ngựa vì cáo buộc tham nhũng hay gian lận. Le Monde kể ra một số tên tuổi : Valery Mumindzhanov, phó tư lệnh quân khu Leningrad ; cựu thứ trưởng quốc phòng Pavel Popov… Tất cả đều do Sergei Shoigu, cựu bộ trưởng quốc phòng, bổ nhiệm. Một chuyên gia Châu Âu nhận xét tham nhũng vốn là căn bệnh cố hữu trong quân đội Nga, việc chỉnh đốn này không thay đổi gì nhiều.
Tatiana Stanovaya, nhà chính trị học của think tank R. politik ở Paris, cho rằng dù là chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia, Shoigu vẫn phải bất lực ngồi nhìn bạn bè cũ bị bắt, cho thấy ảnh hưởng chính trị và mối quan hệ cá nhân giữa ông ta với Vladimir Putin đã bị giảm mạnh. Nhà chính trị học Ekaterina Schulmann, thuộc Centre Carnegie Russie Eurasie ở Berlin, nhận xét dường như có một sự thỏa thuận : Shoigu được bình an vô sự, đổi lại phải để mặc cho những người phe mình bị bắt.
Telegram bất ngờ hợp tác với nhà chức trách Pháp
Tại Pháp, Le Monde hôm nay lược lại "Mười ngày đã đưa ông Barnier đến điện Matignon", còn Le Figaro nhận xét phe Macron chỉ ủng hộ tân thủ tướng ở mức tối thiểu. Về tư pháp, theo thông tin của Libération, từ khi Pavel Durov, chủ nhân Telegram bị câu lưu, ứng dụng này đã có những thay đổi, đột ngột tỏ ra hợp tác với nhà chức trách. Cho đến nay vẫn im lặng trước những yêu cầu của tư pháp, Telegram đã có một bước ngoặt : bắt đầu trả lời Ofmin, cơ quan phụ trách về vị thành niên của cảnh sát quốc gia và hiến binh trong nhiều vụ điều tra hình sự, cung cấp những thông tin có thể giúp nhận diện một số nghi can, chủ yếu là những hồ sơ về ấu dâm.
Johanna Brousse, trưởng ban "J3" chuyên về tội phạm mạng của bộ phận chống tội ác có tổ chức thuộc Viện Công tố Paris, xác nhận "cánh cửa đã mở ra". Như một vết dầu loang, từ nay tất cả các cơ quan công tố ở Pháp có thể khởi động lại các cuộc điều tra liên quan đến Telegram. Sự hợp tác này là nhất thời hay bền vững ? Các nhà điều tra tỏ ra thận trọng.
Dù sao đi nữa áp lực không chỉ từ Paris, mà từ đầu tháng 9, Telegram bắt đầu chấp nhận xóa những tin giả khiêu dâm được cơ quan quản lý truyền thông Hàn Quốc chỉ ra, sau khi cảnh sát nước này mở điều tra. Theo hãng tin Yonhap, thậm chí Telegram còn "xin lỗi" và "cung cấp một địa chỉ mail riêng" cho nhà chức trách. Một nguồn tin tư pháp của Pháp hoan nghênh sự thay đổi nhanh chóng này.
Một dấu hiệu đầu hàng khác của Telegram là Pavel Durov hôm 06/09 viết rằng muốn việc quản lý nền tảng này sẽ được khen ngợi thay vì chỉ trích. Đặc biệt nhà tỉ phú gốc Nga loan báo hủy bỏ chức năng gây tranh cãi là "tìm kiếm những người ở gần", vì "có những vấn đề với các robot và những kẻ lừa đảo". Trên thực tế, chức năng này bị chính quyền nhiều nước cáo buộc là tạo điều kiện cho bọn buôn lậu đủ loại, nhất là buôn bán ma túy. Thay vào đó sẽ là chức năng tìm "các doanh nghiệp ở gần", giúp người sử dụng liên lạc với những công ty "hợp pháp và được kiểm chứng". Một cuộc cách mạng nho nhỏ mà mới cách đây vài tuần khó thể nghĩ đến.
Thụy My
Vì sao hàng chục ngàn cây xanh bật trơ gốc ở Hà Nội sau bão Yagi ?
BBC, 10/09/2024
Sau khi cơn bão Yagi càn quét qua các tỉnh phía Bắc Việt Nam, một trong những vấn đề đang được dư luận quan tâm là hàng ngàn cây xanh gãy đổ, bật gốc, lộ ra bộ rễ trơ trụi, thậm chí vẫn bị bó chặt trong các bầu đất.
Hàng loạt cây xanh bật gốc ở Hà Nội, trơ bộ rễ bị bó chặt trong các bầu đất, sau cơn bão Yagi
Theo ước tính sơ bộ, hàng vạn cây xanh ở các tỉnh miền Bắc nơi cơn bão đi qua đã bị bão quật đổ.
Riêng tại Hà Nội, số cây bật gốc ước tính khoảng 24.000.
"Trồng cây nhưng cây phải sống, sống khỏe, tạo mảng xanh cho đô thị, không phải trồng cho xong việc, sau khi nghiệm thu thì 'sống chết mặc cây'", một bài bình luận đăng trên báo Lao Động hôm 9/9, viết.
Bão Yagi đã ghi nhận kỷ lục là cơn bão giữ cấp siêu bão (cấp 16) lâu nhất trên Biển Đông trong khoảng 30 năm trở lại đây.
Vì sao hàng loạt cây xanh ở Hà Nội bật gốc sau bão Yagi vẫn còn nguyên bọc bầu, lộ vụ án quan trọng?
Cây đổ trơ gốc cụt
Nhiều cây xanh bật gốc sau bão Yagi ở Hà Nội
Sau cơn bão, nhiều người dùng mạng xã hội đã chia sẻ hình ảnh cây xanh đổ bật gốc trên nhiều tuyến đường đô thị nơi cơn bão đi qua.
Đặc điểm chung của các hình ảnh này khiến dư luận chú ý là có rất nhiều cây to gãy đổ để lộ ra bộ rễ chùm rất ngắn.
Nhiều cây khác bật gốc để lộ ra toàn bộ phần rễ cây vẫn bị bó chặt trong những bầu đất bằng nilon, bao bố. Rễ cây không thể xuyên qua các lớp bọc này.
Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề cây xanh Hà Nội được mang ra mổ xẻ.
Sau mỗi cơn bão và các đợt cây bị bật gốc, dư luận lại đặt câu hỏi về trách nhiệm của các công ty cây xanh trong việc trồng và chăm sóc cây.
Tuy nhiên, mỗi mùa bão qua đi, cây vẫn tiếp tục bật gốc trong khi dư luận đến nay chưa nhận được câu trả lời nào thỏa đáng.
Dư luận cũng nêu vấn đề liệu có nên ngay lập tức cưa các cây bật gốc làm gỗ thay vì trồng lại và chăm sóc.
Ngày 8/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài khi đi kiểm tra tình hình thiệt hại của bão số Ba đã yêu cầu phải cứu, trồng lại những cây xanh đổ do bão.
Đơn vị trồng cây đúng hay sai ?
Cây to còn nguyên bọc bầu và hố trồng rất nông. Ảnh : Thu Hồng.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Đặng Văn Đông - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả - trả lời báo Dân Trí rằng việc bọc gốc cho cây là cần thiết, nếu không cây sẽ dễ bị chết do bị sốc trong quá trình vận chuyển và trồng.
Tuy nhiên, khi trồng xuống đất, lẽ ra phải gỡ lớp lưới này ra, hoặc nếu giữ nguyên thì phải dùng chất liệu bọc tự tan.
Chất liệu này đảm bảo tự tan vào đất trong sáu tháng đến một năm, biến thành bùn giúp cây sinh trưởng phát triển tốt.
Dùng nilon bọc bầu cây sẽ bịt kín hơi, khiến rễ cây không thể phát triển, có thể dẫn đến làm chết cây.
Ngoài ra, đơn vị trồng cây cần đặc biệt chú ý kỹ thuật nén chặt đất vào bầu cây, để khi rễ thoát khỏi bọc sẽ ngay lập tức có sự kết nối với phần đất bên ngoài.
Trả lời báo Lao Động, Thạc sĩ Ngô Thị Minh Thê - Trưởng bộ môn Cảnh quan và Kĩ thuật hoa viên (Trường Đại học Nông Lâm TPHCM) - nói rằng những cây được lựa chọn trồng ở đô thị phải là những cây có kết cấu rễ cọc, ăn sâu xuống dưới lòng đất. Tuyệt đối không trồng những cây tăng trưởng nhanh.
Về hình ảnh những cây bị đổ còn nguyên bầu đất bọc nilon, bà Thê cũng cho rằng việc này khiến rễ cây không phát triển, khó bám chắc vào đất và dễ gãy đổ.
Cùng chung quan điểm với Tiến sĩ Đông, bà Thê cho hay cần phải sử dụng vật liệu phân hủy được để bọc bầu đất của cây nếu muốn trồng cây giữ nguyên bầu đất.
"Theo đạo đức nghề nghiệp thì không nên làm bọc bầu bằng nilon vì nó không phân hủy được, rễ sẽ không ăn được vào đất", bà Thê nói.
Để tránh cây gãy đổ trong bão, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đặng Văn Đông cho rằng với cây to, phải có cọc chống trong thời gian vài năm.
Tuy nhiên, nên hạn chế lấy các loại cây to để trồng ở đô thị, mà ưu tiên các cây có kích thước vừa phải, với đường kính 5- 10 cm, chiều cao 2- 3 mét.
Trao đổi với báo Tiền Phong liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo một đơn vị chuyên cây xanh đô thị tại Hà Nội khẳng định, tại tất cả các dự án có cây xanh thì việc đưa cây nhỏ về trồng nguyên bầu là "đúng kỹ thuật". Đợt mưa bão quá lớn vừa qua thì cây bật gốc là điều không thể tránh khỏi.
Ý kiến dư luận
Trong khi đó, nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng việc trồng cây để trong các bầu đất như vậy là không đúng cách, là cách làm gian dối.
Và rằng cơn bão này là cơ hội để "dựng lại cây và dựng lại người".
Tài khoản Cù Mai Công viết trên Facebook :
"Trước đó bốn năm, trận bão số 5 quét qua Huế hồi tháng 9/2020 khiến 15.000 cây xanh, trong đó có cả ngàn cây cổ thụ bị quật ngã, bật gốc, người Huế đã không cưa đoạn làm củi, làm bàn ghế bán mà ra sức trồng lại hàng ngàn cây, tới giờ xanh mơn mởn, cành lá sum suê.
Đây không phải là chuyện khó với người làm vườn lẫn đơn vị trồng cây...
...Riêng về mấy bầu nhựa quanh gốc cây khiến rễ cây bị bó không khó truy lại đơn vị, bộ phận trồng mấy cây đó lẫn những đơn vị làm đường, làm vỉa hè đã chặt, xén rễ… Để xử lý, kỷ luật và bồi thường về hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" này. Cũng là một cách răn đe những tái phạm và kiểm tra kỹ hơn việc trồng cây.
Dựng lại nhà, dựng lại cây và quan trọng hơn là cũng cần dựng lại người trồng lẫn kẻ phá".
Ông Huỳnh Ngọc Chênh viết trên Facebook :
"...Nhìn vào các gốc trốc lên ai cũng thấy rõ đó là những bao ni lông phải cả 100 năm sau mới tiêu hủy được. Bằng chứng là sau vài năm trồng các bao ấy vẫn còn nguyên và hoàn toàn không có cái rễ nào xuyên qua bao ấy được. Hầu hết những cây bị bọc rễ ấy phải đâm rễ ra từ phần gốc không bọc bên trên. Đó là lý do tại sao cây đổ dễ dàng. Chưa nói hàng loạt cây khác chẳng thấy gốc và rễ đâu chỉ thấy cắm thân thẳng xuống đất".
Cựu Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh đưa ra một số góp ý về cách trồng và chăm sóc cây trên Facebook cá nhân :
"Trồng cây bằng hình thức chiết cành như hình là gian dối. Theo mình thì :
- Nên trồng cây non, chọn cây phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu tại nơi trồng. Cây non giữ được rễ cái, giúp cây đứng vững khi trưởng thành
- Nếu trồng từ bầu cây nên chuẩn bị hố trồng đủ rộng và sâu, đủ chất dinh dưỡng cho cây. Sau khi đặt cây xuống hố phải cắt bỏ bọc ni lông bao dứa để rễ mới phát triển
- Chèn chống bằng khung tam giác hoặc tứ giác để giữ cây không bị lay gốc khi có gió mạnh làm đứt rễ non.
- Trước mùa mưa bão phải cắt tỉa cành để tán cây không quá sum suê, cản gió làm cây dễ gãy đổ.
Ở các thành phố miền Trung có những hàng cây Xà cừ, cây Sao do người Pháp trồng đã trải qua nhiều giông bão tồn tại hàng trăm năm cho tới nay".
Facebook Nguyễn Thùy Dương chia sẻ kinh nghiệm trồng cây xanh lâu năm :
"Thứ nhất, xét về gốc cây bị bật lên thì bầu bứng quá nhỏ so với tán cây. Bầu rễ quá nhỏ khó trụ tạo cân bằng cho cây.
Thứ hai, cây bật gốc là cây rễ cọc hay còn gọi là rễ đuôi chuột. Rễ đuôi chuột một khi đã chặt thì không thể mọc lại. Cây trồng lại vẫn sống nhưng cần diện tích mặt thoáng lớn cho các rễ khác phát triển.
Thứ ba,.. khi thợ đánh gốc bứng cây, sẽ cố định bầu cây bằng lưới hoặc bao để bảo vệ rễ cây. Cây bứng xong có thể để trên mặt đất vài tháng tới vài năm tùy từng loại cây với điều kiện vẫn bọc bầu và tưới nước đều. Nhưng khi xác định trồng lại đàng hoàng thì bắt buộc phải cắt bao, cắt lưới quanh bầu. Nếu không phần rễ bị bọc cứng sẽ không phát triển, nó sẽ bị cỗi đi. Phần rễ gần gốc cây sẽ cố ra rễ để hút dinh dưỡng sinh tồn. Điều này làm cây thiếu cân bằng, giảm tuổi thọ, dễ mục rỗng bên trong..".
"Nếu ai hỏi mình ở Hà Nội và Sài Gòn nên trồng cây gì thì an toàn nhất là trồng cây me con... Sau 5-10 năm sau cho bóng mát tốt…".
Về chuyện cứu cây, hiện cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng cần cứu, trồng lại cây gãy đổ, chỉ cây nào không thể cứu được mới bỏ.
Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng chỉ nên cứu các cây có ý nghĩa văn hóa, lịch sử, còn lại cây đã đổ nên loại bỏ, trồng cây khác. Quan trọng nhất là chọn đúng loại cây thích hợp với đô thị và trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật.
Nguồn : BBC, 10/10/2024
**************************
25.000 cây xanh ngã đổ nhờ công của cán bộ tham nhũng
Minh Hải, VNTB, 10/09/2024
Vô trách nhiệm với cây xanh, tham nhũng khi trồng cây xanh, và cuối cùng là đón nhận những hậu quả từ cây xanh.
Cây xanh gãy đổ do bão ở Hà Nội vẫn còn nguyên bọc bầu. Ảnh : Khánh An
Bão Yagi đi qua, Hà Nội có hàng vạn cây xanh ngã đổ, nhiều thương tiếc và cũng nhiều băn khoăn bởi sự thật đã chứng minh cây gãy đổ có một phần "góp công" không nhỏ đến từ những cán bộ tham nhũng…
Thống kê của truyền thông Nhà nước Việt Nam vào sáng ngày 9/9/2024 cho biết, toàn Hà Nội có hơn 25.000 cây xanh ngã đổ khi bão Yagi đi qua. Cây xanh ngã đổ cũng là nguyên nhân chính khiến 3 người ở Hà Nội tử vong.
Nhìn những cây xanh bật gốc, gãy thân nằm la liệt trên các tuyến đường, làm ách tắc giao thông nghiêm trọng ở Hà Nội, nhiều người xót xa bởi Hà Nội chưa bao giờ có nhiều cây xanh ngã đổ như vậy. Rất nhiều người thương tiếc những hàng cây bởi cây xanh là một phần linh hồn của người Hà Nội.
Có thể nói, một cơn bão đi qua đã khiến Hà Nội phải tốn rất nhiều tiền của, nhân lực và thời gian mới lấy lại mảng xanh như trước đó. Mặt khác, việc hơn 25.000 cây xanh ngã đổ, nhiều cây trong số đó to như cổ thụ cũng dễ dàng bật gốc đã bộc lộ sự yếu kém, dối trá trong khâu kỹ thuật trồng cây xanh đô thị mà nhiều người quan tâm đã chỉ thẳng ra. Ví dụ hàng loạt cây xanh trên phố Phạm Văn Bạch, trước đó được người trồng bó gốc rồi cho thêm thuốc kích để cây tươi tốt, kỹ thuật trồng cây kiểu này được cho là nông cạn, kém kiến thức và thậm chí là dối trá vì cây xanh có thể phát triển nhưng không vững chắc.
Từ đây người dân đặt luôn câu hỏi, vậy trách nhiệm của những đại diện Cơ quan chức năng ở đâu ? Sao không kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời những tình huống sai sót lúc mới trồng cây ? Để rồi những thiệt hại ngày hôm nay ai là người đứng ra chịu trách nhiệm ?.
Vấn đề cây xanh là một trong những vấn đề nóng tại Việt Nam trong thời gian qua. Vào hồi tháng 7/2024, Cơ quan An ninh điều tra (A09) Bộ Công an Việt Nam đã ra quyết định khởi tố vụ án "Hối lộ" "Nhận hối lộ" và "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiệm trọng" xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Cây xanh Công Minh và hơn 20 tỉnh thành ở Việt Nam. Hiểu đơn giản đây là vụ án liên quan đến hoạt động đấu thầu dự án trồng cây xanh mà Công ty Công Minh là "vua" trúng thầu.
Trong vụ án này, hàng loạt quan chức cấp cao bị "điểm tên" hoặc vào "lò", điển hình cựu Chủ tịch UBND Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Trương Hải Hiếu, con trai của cựu Bí thư Thành ủy-Ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải. Chỉ mình Công ty Công Minh tham gia và trúng thầu gói thầu trị giá hàng chục tỉ đồng.
Ngay tại Hà Nội, cựu Thiếu tướng Công an- cựu Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung ngoài những bản án tù vì dính líu đến các vụ án : "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước", "Vi phạm quy tắc đấu thầu cung cấp chế phẩm hỗ trợ lọc nước cho Thành phố Hà Nội" và "Vi phạm quy tắc đấu thầu cung cấp dịch vụ số hóa cho Thành phố Hà Nội" thì ông Chung còn lãnh thêm bản án 18 tháng tù giam ở vụ án "Thổi giá cây xanh ở Hà Nội".
Cũng liên quan đến cây xanh, ở Thành phố Đà Nẵng vào cuối năm 2020 đầu năm 2021, xảy ra vụ việc khó tin là nhiều cán bộ bị kỷ luật với nguyên do "ăn cây xanh sau bão". Đà Nẵng là thành phố lớn nằm ở miền Trung Việt Nam, hằng năm thường xuyên hứng chịu những cơn bão từ Biển Đông đi vào nên số lượng cây xanh ngã đổ rất lớn.
Trước tình hình đó, chính quyền Thành phố Đà Nẵng hằng năm chi gần 200 tỉ đồng để phát triển cây xanh đô thị và Công ty Công viên cây xanh là đơn vị quản lý cây xanh toàn Thành phố Đà Nẵng. Sau khi thu gom lại số cây xanh ngã đổ về bãi tập kết phía nam cầu Cẩm Lệ để xử lý, phân loại, những cây thân gỗ to còn tốt thay vì phải ươm dưỡng lại thì các cán bộ cấu kết với nhau mổ xẻ lấy gỗ đem đi bán.
Vô trách nhiệm với cây xanh, tham nhũng cây xanh và cuối cùng là đón nhận những hậu quả từ cây xanh. Đây là bài học đắt giá về cách ứng xử mà con người không ngừng học hỏi để có cách hành xử đúng đắn với mẹ thiên nhiên.
Minh Hải
Nguồn : VNTB, 10/09/2024
***************************
Bão Yagi và bộ mặt thật của thủ đô
Nguyễn Thị Sen, VNTB, 09/09/2024
Kết quả của việc học và làm theo gương lãnh đạo đã được phơi bày qua trận bão quét qua thủ đô với 17.000 cây xanh gãy đổ : lỗi do con người chứ không phải do bão.
Gian đối trong việc trồng cây xanh đô thị
Đến chiều ngày 8/9, hiện đã có 21 người thiệt mạng, 229 người bị thương, và 8.017 nhà ở bị hư do siêu bão Yagi.
Bão Yagi còn càn quét qua các tỉnh phía tây bắc, gây ra lũ lụt lớn, nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà trong biển nước, làm hư hại hạ tầng cơ sở và đáng lo hơn là ruộng lúa, hoa màu cũng hoàn toàn bị huỷ hoại. Hiện đã có 121.500 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại ; 5.027 ha cây ăn quả bị hư hại ; trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi.
Tuy nhiên siêu bão Yagi năm Thìn đi qua vùng phía bắc cùng thủ đô Hà Nội đã để lộ ra nhiều thứ khiến người ta căm phẫn lẫn chua xót.
Chất lượng các công trình xây dựng
Ở Quảng Ninh, hai công trình nghìn tỷ là Bảo tàng Hạ Long và Cung Cá Heo tan hoang, đổ nát sau cơn bão khiến người ta càng nghi ngờ chất lượng của 2 công trình này.
Nhà lợp tôn bay tróc hết nóc. Các nhà để xe, nhà dựng tạm đều không chịu được sức gió của tâm bão nên bung nóc, sập nhà. Cả một dãy nhà giả cổ ở Quảng Ninh sập đổ tan tành.
Chung cư, khách sạn 5 sao 41 tầng A La Carte Hạ Long Bay ở Hạ Long bị bể, nổ kính hàng loạt ở cả 4 mặt nhà. Trong khi đó, nhà cao tầng ở Hà Nội nứt tường, nứt bệ cửa sổ, rung lắc do gió lớn. Thậm chí có nơi nước tràn luôn vào nhà do nước chảy không kịp, thang máy bị hư do nước mưa. Còn có nhà dân ở một chung cư cao tầng tại Hà Nội cũng bị sụp trần thạch cao.
Các chung cư cao tầng bị bung kính đã được nhiều người nhắc tới do hậu quả của hiệu ứng Bernoulli, nhất là các căn góc có hai mặt kính.
Nguyên nhân một phần do thiết kế nhưng còn những nguyên nhân không kém phần quan trọng hơn đó là mật độ nhà cao tầng quá dày, xây quá cao và chất lượng vật liệu xây dựng không đảm bảo nhằm tối đa lợi nhuận ở từng khu vực xây dựng của nhà đầu tư.
Sau cơn bão Yagi này rồi thì có lẽ người ta sẽ sợ luôn chung cư cao tầng.
Gian đối trong việc trồng cây xanh đô thị
Chỉ sau 7 giờ gió lớn, toàn thành phố Hà Nội có 17.000 cây gãy đổ, trốc gốc, gãy ngang thân hay gãy cành.
Cây gãy đè lên xe đậu trên đường, đè lên nóc nhà hay thậm chí là gây thương tích cho người tình cờ đi ngang qua đó. Chưa kể đến đường dây điện, điện cáp bị đứt do cây đổ cũng làm mất điện, có thể gây nguy cơ bị giật điện cho người qua đường.
Hàng loạt cây cổ thụ cả trăm năm tuổi cũng bị bung gốc. Không biết bao giờ Hà Nội mới có thể có lại những hàng cây xanh để thay thế cho gần 2 vạn cây xanh bị gãy đổ trong trận bão vừa qua.
Được biết tại Hà Nội trong 3 năm (từ năm 2016-2018) đã chi hết 256 tỷ đồng trồng cây xanh. Cuối năm 2018, Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phấn khởi đưa tin đã hoàn thành mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh trong thành phố.
Đầu năm 2020, Sở Xây dựng Hà Nội đã duyệt chi hơn 1.800 tỷ đồng cho chăm sóc cây xanh, thảm cỏ trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong 5 năm. Tuy nhiên năm 2021, đã có thông tin cây xanh và thảm cỏ Hà Nội vẫn nhếch nhác dù đã được chi tiền tỷ.
Tham vọng của Hà Nội là trồng sao cho được 2,9 triệu cây xanh, trong đó có 1,9 triệu cây xanh cho đô thị.
Yêu cầu đặt ra cho việc trồng cây xanh của Hà Nội là "cây trồng phải được bảo vệ, chăm sóc đúng kỹ thuật". Nhưng kỳ thật qua cơn bão này mới thấy cây của Hà Nội trồng còn không đúng kỹ thuật chứ nói gì là chăm sóc.
Ngoài những cây cổ thụ, thì những cây được trồng mới khi trốc gốc làm lộ ra những bộ rễ ngắn, không có rễ cái mọc đâm dài sâu xuống đất hay rễ chùm toả ra xung quanh để giúp cho cây bám chắc vào đất. Bọc quanh nhưng bộ rễ ngắn đó là những bao nilon, bao gai hay thậm chí là dây cột cả rễ cây lẫn đất vẫn còn nguyên.
Còn có những cây trông có vẻ xanh tốt khi chưa có bão, nhưng khi bị trốc gốc thì mới phát hiện ra đó là một nhánh cây không có luôn rễ được chôn xuống để giả làm cây xanh.
Còn có những cây cổ thụ đã bị cắt gần hết rễ khi làm đường hay khi đặt cáp ngầm. Vỉa hè bị thu hẹp, khoảnh đất dành cho cây xanh cũng bị bóp lại để lát gạch vỉa hè bao kín gốc cây, đổ xi măng che kín gốc cây… Đây là những điều khiến cho cây không còn bám chắc đất và khoẻ mạnh.
Điều khó hiểu là những công ty thầu trồng cây không có đạo đức rồi, người có trách nhiệm đi nghiệm thu công trình cũng không làm tròn trách nhiệm hay không có kiến thức khi nghiệm thu để chấp nhận chi tiền cho những loạt cây trồng gian dối như vậy.
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Những hình ảnh lãnh đạo trồng cây cổ thụ để tuyên truyền vào dịp tết là minh chứng rõ nhất cho sự dối trá trong việc trồng cây xanh. Đó là họ cho bứng nguyên một cái cây lớn ở đâu đó, mang về nơi cần trồng, rồi trồng xuống để lấy tiếng.
Đừng nói là trên bảo dưới không nghe. Mà là trên sao dưới vậy. Lãnh đạo cấp cao chấp nhận gian dối trước mắt như vậy, thì làm sao lãnh đạo cấp dưới không học và làm theo ?
Kết quả của việc học và làm theo gương lãnh đạo đã được phơi bày qua trận bão quét qua thủ đô với 17.000 cây xanh gãy đổ. Cây bị hư hại là hoàn toàn do con người chứ không phải do bão. Bão Yagi chỉ là có một cú hích để làm lộ ra bộ mặt xấu xí của thủ đô mà thôi.
Coi thường cảnh báo
Những clip quay bão Yagi lan truyền trên mạng xã hội cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của một cơn siêu bão, nhưng cũng cho thấy không ít người dân ở đó coi thường mạng sống của mình.
Ở những nơi thường xuyên có bão, người dân tự giác hơn nhiều vì đã quen đối phó với thiên tai. Còn người dân Hà Nội có vẻ không tin vào sức mạnh của siêu bão, cũng chẳng tin khuyến cáo của nhà nước để tìm nơi trú ẩn, bảo vệ an toàn trước hết trong thời gian chờ cơn bão qua đi.
Đã có cảnh báo bão từ một hai ngày trước khi bão còn ở ngoài Thái Bình Dương và chưa tràn qua Philippines, nhưng người dân vẫn không quan tâm nhiều tới việc phòng chống bão cũng như bảo đảm an toàn của bản thân.
Trong cơn gió bão vẫn thấy không ít người dân bất chấp chạy xe gắn máy trên cầu cao, đường lớn. Rồi báo chí lại ca ngợi tình người Việt Nam khi có xe hơi, xe tải giúp họ chắn gió để vượt qua một quãng đường gió đùng đùng trong cơn bão cấp 13, cấp 14.
Hay ngay cả trong thành phố vẫn có người liều mạng chạy xe ra ngoài đường để ráng về nhà hay tới một nơi nào đó. Không hiếm cảnh cả người lẫn xe bị gió thổi bay, té xuống đường hên là không bị xe đè lên.
Gió lớn, xe hơi còn bị gió thổi bay, nói gì là những loại xe hai bánh hay người đi bộ. Còn có những người dám xông ra ngoài trời để quay phim, livestream mà bất chấp nguy hiểm, coi thường tính mạng của bản thân.
Ngoài ra, những nhà bị tốc mái vốn có thể phòng ngừa bằng cách chặn nóc nhà bằng bao cát trước khi bão tới nhưng hình như rất hiếm gia đình làm như vậy. Người dân sống trong những nhà tạm, nhà cấp 4 hư cũ không có nơi để tạm trú cho an toàn trong thời gian có bão, để khi nhà sập thì hoặc thiệt mạng hoặc phải lao ra ngoài đường trong lúc mưa gió.
Chính phủ và báo Thanh Niên đã có lời kêu gọi các tổ chức cá nhân ra tay uỷ lạo, cứu trợ theo như lời ông Chính nói là "trên tinh thần ‘lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn’". Chưa biết là cả nước sẽ góp bao nhiêu tiền của, nhưng đã có người cho rằng dân miền Nam sẽ ra tay cứu trợ miền Bắc.
Không biết ai sẽ cứu trợ ai, bao nhiêu. Nhưng đòi hỏi dân đang trong lúc suy thoái kinh tế lại phải chung tay cứu trợ có lẽ hơi khó. Quỹ Covid từ năm 2020-2021 tới giờ vẫn được gởi ngân hàng để lấy tiền lời tiền lãi. Cứ lấy tiền lời trong mấy năm qua cũng đủ để cứu trợ cho người dân trong lúc cấp bách này.
*************************
Sau bão, Thủ Chính khéo léo "móc túi dân giúp dân" !
Hoàng Phúc, Thoibao.de, 10/09/2024
Ngày 8/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó tình hình thiệt hại, và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả của cơn bão số 3.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đánh giá thiệt hại và khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Ảnh : Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Việt Nam đã kêu gọi "người dân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương phát huy truyền thống tương thân, tương ái, "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều", hỗ trợ những nơi bị thiệt hại do bão số 3 gây ra".
Việc người đứng đầu Chính phủ đứng ra kêu gọi xã hội giúp sức, là điều bình thường, dù là ở các nước giàu. Tuy nhiên, ở các nước tự do, nhà nước chỉ kêu gọi, còn người dân, doanh nghiệp, các tổ chức dân sự vv… tự lên kế hoạch giúp đỡ. Mọi sự giúp đỡ đều được thực hiện một cách tự do, nhà nước không ép các nhà hảo tâm phải rót tiền thông qua đại diện nhà nước, như ở Việt Nam.
Có người ví von, chính quyền cộng sản chẳng khác nào một "bầy kền kền". Họ rất giỏi trong việc lợi dụng tai họa để trục lợi. Như quỹ Vaccine mà họ từng hô hào người dân đóng góp, tại thời điểm bùng phát dịch Covid-19, đã được chi tiêu như thế nào thì người dân hoàn toàn không được biết. Trong khi đó, vaccine của Việt Nam sử dụng, chủ yếu là được Mỹ và các nước phương Tây giúp đỡ. Đấy là chưa kể đến những trò trấn lột người dân một cách tàn nhẫn, như vụ Việt Á và vụ chuyến bay giải cứu.
Thiên tai ập đến người Việt hàng năm. Cứ xảy ra thiên tai, thì Mặt trận Tổ quốc – một cánh tay nối dài của Đảng, lại đứng ra quyên góp cứu trợ. Họ thường cản trở, gây khó khăn cho những cá nhân, doanh nghiệp, hoặc các tổ chức thiện nguyện cứu trợ trực tiếp cho dân. Họ ép buộc các tổ chức này phải giao cho họ thực hiện.
Nguồn tiền từ thiện là nguồn tiền không bị kiểm toán, nên dễ xà xẻo nhất. Nếu ăn tiền ngân sách, quan chức rất dễ bị điều tra và ngồi tù, còn ăn tiền từ thiện, thì chẳng có quan chức nào chịu trách nhiệm. Cho nên, các tổ chức của chính quyền cộng sản tìm mọi cách để lùa tiền từ thiện vào tay họ, nhằm 2 mục đích. Thứ nhất là kiếm chác, thứ nhì là tạo ra cái gọi là "ơn Đảng". Nhưng thực chất, đó là sự giúp đỡ giữa đồng bào với nhau mà thôi.
Lần này cũng như những lần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính lại kêu gọi "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều". Nhà nước kêu gọi dân giúp dân, nhưng nhà nước lại đứng ra thu gom tiền, rồi phát lại cho dân. Và thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ xà xẻo tiền từ thiện, từ những gói mì tôm đến những vụ lên đến hàng tỷ đồng.
Ở các nước dân chủ, những tổ chức từ nguyện được tự do thực hiện công việc thiện nguyện theo mong muốn của họ, mà không bị cản trở. Điều này sẽ giúp cho nạn nhân tiếp nhận được hàng cứu trợ nhanh hơn, đầy đủ hơn và kịp thời hơn.
Khi hàng cứu trợ phải qua trung gian rồi mới đến tay dân, thì với cách làm việc rườm rà, kém khoa học, với đầy rẫy các chiêu trò cắt xén để tư túi, thì e rằng, tiền hàng cứu trợ vào tay nhà nước là con voi, nhưng khi đến tay dân thì chỉ là con kiến.
Quan chức cộng sản nhờ bòn rút của dân mà trở nên rất giàu. Quan phường cũng có thể mua nhà triệu đô, cho con du học nước ngoài với chi phí hàng tỷ đồng mỗi năm. Quan nào cũng giàu có, vậy mà chẳng quan nào bỏ tiền túi ra giúp dân.
Ông Tô Lâm từng ăn thịt bò dát vàng với trị giá hàng ngàn đô la Mỹ. Ông cũng cho con cái du học Anh Quốc, với chi phí lên đến vài tỷ đồng mỗi năm. Vậy sao ông không xuất tiền túi ra giúp dân ?
Hay như ông Thủ tướng, tại sao ông không bỏ tiền túi ra giúp dân để làm gương, mà ông chỉ kêu gọi miệng ? Chỉ kêu gọi suông như thế, mà xem như ông đã giúp dân ? Đảng của ông đã giúp dân theo cách như thế sao ?
Hoàng Phúc
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thành kính chia buồn cùng những gia đình có người thân bị thiệt mạng và bị thương trong cơn bão số 3 (Yagi).
Xin được chia sẻ nỗi đau cùng với những gia đình bị cơn bão số 3 gây thiệt hại về tài sản và mùa màng, và kính mong sớm hồi phục.
Kính,
Thay mặt Ban biên tập Thông Luận,
Nguyễn Văn Huy
********************************
Hơn 140 người chết và mất tích, hàng trăm người bị thương
RFA, 10/09/2024
Bão Yagi (còn gọi là cơn bão số 3) vừa tràn qua các tỉnh miền Bắc Việt Nam vào ngày 7/9 vừa qua gây lũ lụt, sạt lở đất và đã khiến ít nhất 146 người chết và mất tích, hàng trăm người khác bị thương, theo số liệu của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tính đến 13h00 ngày 10/9.
Một người đàn ông đang kiểm tra tàu bị hư hại sau bão Yagi ở Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) hôm 8/9/2024 - Nhac Nguyen / AFP
Trong số này, có 82 người chết, 64 người mất tích. Các địa phương có nhiều người chết và mất tích nhất là Cao Bằng với 55 người, Lao Cai – 30 người, Yên Bái – 28 người.
Truyền thông Nhà nước cho biết, lũ lớn ở Thái Nguyên khiến hàng nghìn hộ dân mắc kẹt. Riêng tại tỉnh Cao Bằng, lũ cuốn và sạt lở đất đã khiến 18 người chết và 37 người mất tích.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vào tối ngày 9/9 cho thấy bão, lũ đã khiến 746 người bị thương, trong đó Quảng Ninh có 536 người, Hải Phòng có 81 người và Hà Nội có 10 người.
Lũ tại những con sông lớn ở miền Bắc đã lên đến mức lịch sử hoặc cao hơn mức lịch sử, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Cụ thể là các sông Thao ở Lào Cai, Yên Bái ; sông Cầu tại Lục Nam.
Chính phủ cảnh báo, từ nay đến ngày 11/9, trên các sông ở khu vực Bắc Bộ sẽ còn xuất hiện một đợt lũ và lưu ý đỉnh lũ ở các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La lên mức báo động hai và báo động ba, có sông trên mức báo động ba là mức cao nhất gây ngập lụt nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.
Bão lũ cũng phá hủy hàng trăm ngàn ha lúa và hoa màu, cây ăn quả ở tỉnh Quảng Ninh, làm hư hỏng gần 90.000 căn nhà ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh và Lạng Sơn, theo báo cáo mới nhất của Chính phủ.
Báo cáo của Chính phủ vào sáng ngày 9/9 cũng cho thấy có trên 1.500 lồng bè nuôi trồng thủy sản của người dân ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương bị hư hỏng, cuốn trôi. Số gia cầm bị thiệt thại ở các tỉnh này được ước tính là trên 190.000 con.
Đây chỉ là những con số ước tính bước đầu vì ở một số nơi mất điện diện rộng ở Quảng Ninh và Hải Phòng, ảnh hưởng đến nuôi tôm và chưa ước tính được số thiệt hại.
Truyền thông Nhà nước vào ngày 10/9 đưa tin cho biết ngành du lịch Quảng Ninh đang điêu đứng vì bão Yagi khi các nhà hàng, khách sạn bị đánh sập, Vịnh Hạ Long chỉ có vài chục khách nước ngoài tham quan.
Báo Thanh Niên cho biết, tại Cảng tàu Tuần Châu, hơn 20 tàu du lịch bị sóng đánh chìm. Việc trục vớt, sửa chữa sẽ tốn hàng chục tỷ đồng mà chưa biết khi nào mới hoạt động trở lại ; hầu hết các điểm tham quan đều bị bão gây hư hại, đánh gãy cây cối, ước tính thiệt hại lên đến 20 tỷ đồng.
Nguồn : RFA, 10/09/2024
***************************
Tràn ngập lời kêu cứu trên mạng từ người dân mắc kẹt trong lũ
RFA, 10/09/2024
Các tỉnh miền núi phía Bắc đang hứng chịu trận lũ lịch sử sau khi cơn bão Yagi (còn gọi là cơn bão số 3) tràn qua đây vào cuối tuần qua. Người dân bị kẹt trong lũ khẩn thiết kêu cứu trên mạng xã hội trong khi chính quyền địa phương không đủ năng lực và vật lực cứu nạn.
Bão Yagi tàn phá các tỉnh miền Bắc Việt Nam - AFP
"Em cần cứu hộ gia đình tám người, có bốn trẻ con và người không biết bơi. Gọi cứu hộ không được máy bận thuê bao mãi. Ở khu vực Tổ 5 Chùa Hang (Thái Nguyên) hiện tại nước đã dâng chạm nóc tầng 1 - Từ đêm qua cả nhà chưa ăn gì ngâm nước cả ngày hiện đang chờ cứu hộ. Mọi người giúp em với".
"Nhà em ở tổ dân phố Đông, phường Đồng Bẩm, có mỗi ba mẹ con, một bé 3 tuổi, một bé mấy tháng tuổi. Điện thoại hết pin, không liên lạc được, có ai kết nối giúp em được không ?"
"Em xin cứu trợ xóm Trại Bầu - Gia Sàng. Mọi người hết pin điện thoại, đèn pin cũng hết pin, nước ngập cao cũng không có nước uống, cần hỗ trợ phao, lương thực, có nhà ngập hết tầng một ạ".
Những lời kêu cứu như thế này xuất hiện ngập tràn trên các trang mạng xã hội suốt từ đêm ngày 9/9 - rạng sáng ngày 10/10, từ người dân ở các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái… hiện đang bị kẹt trong nước lũ.
Ông M, nhà ở huyện Lục Yên, Yên Bái nói với RFA rằng ngày 9/9, mực nước lũ lên nhanh do mưa lớn, cộng với các đập thuỷ điện xả lũ người dân khiến bà con trở tay không kịp. Nhiều xã ở tỉnh này đã hoàn toàn bị cô lập. Người dân không kịp sơ tán đã bị kẹt lại giữa biển nước :
"Lượng mưa rất là nhiều. Nó tạo nên lũ, kết hợp với một số thủy điện xả lũ. Tình hình căng lắm, chưa bao giờ tôi thấy lũ lớn như bây giờ. Nhiều xã ở trong huyện đã mất điện, mất internet, không kết nối được. Họ không kêu ra bên ngoài được".
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, một số tỉnh Trung du và miền phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái… từ ngày 9/9, xuất hiện một đợt lũ. Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các con sông nhỏ tại khu vực miền núi phía Bắc nước lên nhanh đến mức báo động 3, cộng với tình hình mưa to, có thể dẫn tới ngập sâu và sạt lở ở các tỉnh này.
Báo động 3 là mức giới hạn mực nước cho biết lũ trong sông đã lên đến mức cao, gây ảnh hưởng ngập lụt nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.
Truyền thông nhà nước cho biết, sáng 9/9, lưu lượng nước về các hồ thuỷ điện tăng nhanh nên có tám hồ thủy điện đang mở tổng cộng 29 cửa xả lũ. Lũ tại hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái đã vượt mức lũ lịch sử năm 1968 và 2008.
Cảnh báo lũ sơ sài
Vào ngày 8/9, báo Chính phủ cho biết bão số 3 sau khi quét qua Hà Nội vào đêm 7 và rạng sáng ngày 8/9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Lúc này, Cổng thông tin điện tử Chính phủ chỉ cảnh báo rằng các tỉnh Tây Bắc bộ có mưa to trong ngày 8/9 và cần đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Theo ông M, sở dĩ người dân lên mạng kêu cứu hàng loạt như hiện giờ chính là do công tác cảnh báo lũ sau bão và hướng dẫn ứng phó lũ của chính quyền địa phương chưa chi tiết và đúng với mức độ nguy hiểm của đợt lũ này :
"Về công tác cảnh báo thì tôi thấy là nó cũng chung chung như những cái lần khác thôi. Tức là người ta cũng không dự báo được là mưa nghiêm trọng, thiệt hại, kinh khủng như vậy.
Cái công tác cảnh báo như vậy thì đây là một sự thất bại. Nếu mà cảnh báo tốt thì không đến mức mà người dân người ta phải chạy bão, chạy lũ rồi kêu cứu như hiện nay".
Anh T, đang sinh sống ở Hà Nội, nhưng có gia đình ở Thái Nguyên, cho biết gia đình anh cũng không lường trước được mức độ nguy hiểm của lũ khủng khiếp như vậy.
"Gia đình bảo là không được cảnh báo chi tiết, chỉ biết là sẽ mưa do ảnh hưởng của bão. Cũng may nhà tôi ở trên cao nên không ngập nặng, điện và internet vẫn còn".
Ngày 9/9, khi báo chí đăng tin cảnh báo sẽ xuất hiện một đợt lũ sau bão từ ngày 9 đến 11/9, cảnh báo về nguy cơ ngập sâu và sạt lở tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng lúc này bà con đã không còn kịp trở tay.
Số liệu của Cục Quản lý đề điều và Phòng, chống thiên tại (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tính đến 22 giờ ngày 9/9, bão Yagi và hoàn lưu bão gây mưa, lũ, sạt lở đất ở miền Bắc đã khiến ít nhất 98 người chết và mất tích. Trong số này, có 72 người là do sạt lở đất và lũ quét, sáu người do lũ cuốn.
https://youtu.be/dwwackLvfLY
Cứu nạn lúng túng
Để đối phó với tình hình mưa bão, lũ và sạt lở đất ở nhiều tỉnh thành, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam và Chính phủ vào ngày 9/9 đã có các phiên họp chỉ đạo việc cứu nạn. Báo nhà nước đưa tin, Thủ tướng chính phủ yêu cầu huy động công an và quân đội tham gia hỗ trợ.
Ông M cho rằng việc cứu nạn cho người dân của chính quyền địa phương ở đâu ? nên nhắc lại chỗ ổng vì có chắc chỗ nào địa phương cũng vậy không ? vô cùng lúng túng :
"Rất nhiều người kêu cứu nhưng chính quyền địa phương không có phương tiện. Tôi không hiểu kiểu gì luôn. Năng lực kém cỏi, không có chuyên môn, dự báo yếu kém và tệ hại về mọi mặt mới dẫn tới tình trạng nguy cấp như bây giờ".
Trên các trang Facebook page, một số người kêu cứu cho biết họ bị kẹt cả ngày trời trên mái nhà bởi chính quyền địa phương không đủ phương tiện đường thuỷ như thuyền, cano hay áo phao để đưa người dân đến nơi an toàn.
Theo ông M, chính quyền các tỉnh ngập lụt nên liên hệ với các tỉnh lân cận như Phú Thọ, Vĩnh Phúc để có thể vận chuyển thuyền bè ở các tỉnh này sang Yên Bái, Thái Nguyên để ứng cứu người gặp nạn. Ngoài ra :
"Mà cũng không thấy huy động trực thăng tìm kiếm và cứu nạn người dân luôn, trong khi sân bay quân sự Yên Bái nằm ngay đó. Thật không hiểu nổi luôn".
Trưa ngày 10/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các lực lượng công an, quân đội tỉnh Yên Bái bằng mọi cách để tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân tại các địa bàn bị chia cắt, chủ động, sáng tạo tìm cách tiếp cận, trong đó có phương án sử dụng đường hàng không, đường thủy, đường bộ.
Nguồn : RFA, 10/09/2024
***************************
Hà Nội : nước sông Hồng lên cao, sơ tán dân, cấm các phương tiện qua cầu Long Biên, Chương Dương
RFA, 10/09/2024
Sau bão Yagi, nước sông Hồng ở Hà Nội đang dâng cao khiến nhiều nơi ở thủ đô bị ngập lụt, chính quyền phải tiến hành sơ tán khẩn cấp nhiều hộ dân trong đêm ngày 9/9 và tiếp tục di dời thêm các hộ dân vào ngày 10/9.
Một người đàn ông đang đứng trên cầu Long Biên nhìn xuống những căn nhà ngập trong nước ở Hà Nội hôm 10/9/2024. Nhac Nguyen / AFP
Truyền thông Nhà nước cho biết, vào sáng ngày 10/9, lãnh đạo Thành phố Hà Nội và các quận, huyện ven sông Hồng đã đi rà soát, đồng thời yêu cầu di dời nhiều hộ dân đến nơi an toàn.
Cụ thể, tại quận Hoàn Kiếm, có hai phường Chương Dương và Phúc Tân nằm gần sông Hồng bị ảnh hưởng trực tiếp. Chính quyền thành phố trong ngày 10/9 đã yêu cầu di dời 130 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu.
Thông tin và hình ảnh từ truyền thông trong nước cũng cho biết nhiều tuyến phố ở Hà Nội bị ngập lụt sau bão khiến người dân đi làm vào sáng ngày 10/9 "phải bất lực quay về".
Chính quyền Hà Nội vào ngày 10/9 cũng ra cảnh báo đối với những cây cầu lớn trong thành phố bắc qua sông Hồng bao gồm cầu Chương Dương và cầu Long Biên.
UBND Thành phố Hà Nội vào ngày 10/9 đã quyết định cấm toàn bộ các phương tiện qua cầu Long Biên từ 15 giờ cùng ngày để đảm bảo an toàn vào khi lũ sông Hồng lên mức báo động một (cấp thấp nhất trong ba mức báo động). Các phương tiện không thể đi qua cây cầu xây từ thời Pháp vào năm 1898 được yêu cầu chuyển sang các cây cầu khác.
Bắt đầu từ sáng ngày 10/9, chính quyền Hà Nội cũng bắt đầu hạn chế các phương tiện giao thông đi qua cầu Chương Dương do nước sông chảy xiết, theo truyền thông trong nước.
Cụ thể, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấm xe khách, xe hợp đồng, ôtô du lịch trên chín chỗ, ôtô tải trên 0,5 tấn chạy trên cầu Chương Dương qua sông Hồng từ 8h30 do lo ngại mất an toàn.
Vào ngày 9/9, Ban An toàn giao thông Thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát các cầu vượt sông, nghiêm cấm phương tiện đi qua các cầu yếu.
Thông tin này được đưa ra sau khi cầu Phong Châu ở Phú Thọ vào sáng ngày 9/9 đã bị sập sau bão Yagi khiến 13 người bị rơi xuống sông.
Nguồn : RFA, 10/09/2024
****************************
Vụ sập cầu Phong Châu : 'Cứ nghĩ là mình chết rồi'
BBC, 10/09/2024
"Nếu rơi xuống nước thì chắc là chết rồi vì mình không biết bơi. Nghĩ tới đó là rùng mình, không biết hai đứa con nhỏ sẽ sống thế nào", anh Nguyễn Minh Hải kể.
Anh Nguyễn Minh Hải rơi xuống trụ cầu Phong Châu
Gần cuối buổi sáng ngày 9/9, anh Nguyễn Minh Hải, 30 tuổi, trú tại huyện Tam Nông, vừa đi làm lại mái tôn cho mấy trường học bên huyện Lâm Thao.
Trên đường về nhà, anh chạy xe qua cầu Phong Châu. Đấy là lần thứ tư trong ngày hôm đó anh đi qua cây cầu này.
Thế rồi, trong khoảnh khắc không ngờ nhất, biến cố đã xảy ra.
Phương tiện anh Hải đang điều khiển chỉ cách đoạn cầu không sập khoảng 1-2 mét thì tai nạn xảy đến
Nếu cầu Phong Châu sập muộn hơn chỉ khoảng 3 giây thôi, có lẽ anh Hải đã không rơi xuống. Còn nếu cầu sập sớm hơn vài giây, thì...
Anh Hải không dám hình dung điều gì sẽ xảy đến nếu anh đi chậm hơn, hoặc cầu sập sớm hơn, vài giây.
Lúc bấy giờ anh đang chở đồng nghiệp là anh Bùi Quý Trọng, 32 tuổi, trên đường từ nơi làm tại huyện Lâm Thao về lại nhà ở huyện Tam Nông.
Họ chạy xe chầm chậm qua cầu. Và rồi, khoảnh khắc sinh tử đã xảy đến vào lúc 10 giờ 2 phút buổi sáng ngày 9/9.
"Đi đến gần hết cầu thì có một xe tải lớn đi theo hướng ngược lại. Tôi nghe tiếng rầm rầm lại nghĩ là tiếng xe tải phanh. Nhưng chỉ chốc lát sau, cây cầu sập xuống".
"Mọi việc xảy ra quá nhanh, tôi không thể phản xạ kịp".
Anh Hải, anh Trọng cùng xe máy rơi xuống. Cùng với họ là 8 người khác đang lưu thông trên cầu vào thời điểm ấy.
Rất may, anh Hải cùng anh Trọng rơi trúng trụ cầu bên dưới.
"Rơi xuống, mình vẫn còn ngơ ngác, vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Định thần lại, mình mới biết là mình vẫn còn sống. Quay lại nhìn đoạn cầu thì thấy tất cả đã bị dòng nước cuốn trôi. Không còn gì nữa rồi", anh Hải nhớ lại.
Trong khi anh Hải đang loay hoay, anh Trọng phía sau hét :
"Mày ngồi gọn vào, [lỡ] có xe ở trên rơi xuống lại đè vào mình đấy".
Cầu Phong Châu sập vào khoảng 10 giờ 2 phút sáng ngày 9/9
Đi trước xe của anh Hải một đoạn là chiếc taxi của anh Ngô Tuấn Hùng, trong xe khi đó còn có vợ anh. Anh Hùng may mắn hơn anh Hải khi đã qua khỏi cầu.
"Mình ngồi trong xe hơi nên không nghe thấy gì. Chỉ thấy hai bên đường xôn xao nên mình quay lại thôi. [Lúc ấy] dân đổ ra đông lắm. Mình cũng hú hồn, may mà thoát nạn", anh Hùng nhớ lại sự kiện ngày 9/9.
Quay lại, anh Hùng thấy người dân tập trung lại, người thì giục nhau gọi lực lượng chức năng, người thì hô hào tìm cách cứu những người bị rơi xuống dưới.
"[Mọi người] kêu ầm lên bảo cứu người. Nhưng mà nói thật là dòng nước như thế chỉ lực lượng chức năng mới dám thôi. Nước nó [xiết] như thế cơ mà", anh Hùng nói với BBC News Tiếng Việt vào sáng 10/9.
Theo anh Hùng, chỉ khoảng vài phút sau thì lực lượng chức năng xuất hiện yêu cầu mọi người tránh xa khỏi khu vực cầu Phong Châu.
May mắn thoát nạn, nhưng cả anh Hùng và vợ vẫn một phen hú vía. Vợ anh "vã hết mồ hôi, đến hôm nay mới hoàn hồn".
"Hôm qua, hai vợ chồng đứng thất thần mãi rồi mới chạy xe về", anh Hùng chia sẻ.
Lực lượng công an tham gia cứu hộ cứu nạn tại cầu Phong Châu, ảnh chụp ngày 9/9 - Công an tỉnh Phú Thọ
Sau khi rơi xuống chân trụ cầu, anh Hải và anh Trọng mất một lúc mới lấy lại được sự bình tĩnh.
"[Lúc ấy] người dân người ta ra rồi họ bảo là ‘ô, ở đây vẫn còn người', rồi người ta kéo lên. Người dân kéo lên thì mới lên được chứ mình không tự lên được, vì khoảng cách tới chừng 3 mét".
Không có dụng cụ cứu hộ, anh Hải bám vào trụ cầu, cố gắng leo lên rồi đưa tay và được người dân kéo lên.
Lên được bên trên rồi, anh Hải quyết định chưa gọi cho gia đình vì không muốn mọi người lo lắng. Ngồi vài phút, xe cứu thương đưa anh Hải vào Trung tâm Y tế huyện Tam Nông.
"Mình vào bệnh viện rửa vết thương rồi mới gọi cho gia đình bảo là mình ổn, không có gì đáng ngại".
Anh Hải và anh Trọng đều chỉ bị xây xát và bầm ở một vài chỗ.
"Gặp lại gia đình mình nghĩ là cuộc sống vô thường quá. Còn sống còn thở thì phải yêu thương nhau, chứ đừng đến lúc chết rồi mới thương tiếc. Sống nay chết mai, như cái sự cố sập cầu này, ai mà nghĩ ra được", anh Hải chia sẻ cảm giác khi cuối cùng cũng gặp lại gia đình.
Vào thời điểm chia sẻ câu chuyện với BBC, anh Hải và anh Trọng vẫn đang ở trong bệnh viện. Dù không bị thương nặng về mặt thể chất, sự việc có thể gây ra những tổn thương về tinh thần. Anh Hải nói rằng sau sự việc thì anh cảm thấy sợ khi nghĩ tới chuyện đi qua cầu.
"Chắc chắn là sợ đấy. Vì gần như là mình từ cõi chết trở về rồi. Cái tâm lý của mình cũng ghê ấy. Thoát được cái cửa tử. Nghĩ là chết rồi mình lại được sống".
Một nạn nhân khác của vụ sập cầu cũng đang được tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông là ông Phan Trường Sơn (50 tuổi).
Theo báo Tuổi Trẻ, ông Sơn bị rơi hẳn xuống sông, bị nước lũ cuốn trôi 3 – 4km, rồi thoát nạn sau khi bám được vào một cây chuối và được người dân cứu lên.
"Chỉ khi đến bệnh viện tôi mới biết mình còn sống, thật sự là quá may mắn", báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Sơn.
Sự cố cầu Phong Châu xảy ra vào khoảng 10 giờ 2 phút ngày 9/9.
Ngoài anh Hải, anh Sơn và anh Trọng, công an tỉnh Phú Thọ xác định còn 8 nạn nhân khác đang mất tích sau tai nạn sập cầu.
Trong số các nạn nhân có 7 người dân địa phương và 1 người ở tỉnh Đắk Nông.
Các nạn nhân gồm :
- Hà Quốc Chí (38 tuổi, trú Khu 5, xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì, Phú Thọ) ; phương tiện : xe xe hơi đầu kéo biển số 19H-024.19.
- Nguyễn Thị Yến (45 tuổi, trú Khu 17, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) ; phương tiện : xe mxe hơi SYM Angel biển số 19S1-086.82
- Nguyễn Hà Chi (19 tuổi, trú xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, Đắk Nông) ; phương tiện : xe mxe hơi Honda Vision đỏ biển số 19L1-274.86
- Nguyễn Thị Lan (19 tuổi, trú Khu 18, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, Phú Thọ) ; phương tiện : xe mxe hơi Honda Vision đỏ biển số 19L1-274.86
- Dương Công Chiến (43 tuổi, trú xã Đang Phượng, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) ; phương tiện : xe xe hơi đầu kéo biển số 19H - 042.12.
- Lương Xuân Thành (56 tuổi, trú Khu 1, xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) ; phương tiện : xe mxe hơi mang biển 19L1-107.49
- Nguyễn Thị Hường (48 tuổi, trú Khu 1, xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) ; phương tiện : xe mxe hơi biển số 19L1-107.49
- Nguyễn Thị Bích Hằng (36 tuổi, trú xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì, Phú Thọ) ; phương tiện : xe mxe hơi biển số 19N1-310.61
Vụ sập cầu Phong Châu cũng đã gây gián đoạn giao thông tại tỉnh Phú Thọ.
Theo báo Thanh Niên, sáng ngày 10/9, Trung tướng Phạm Đức Duyên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 2, và đại diện các đơn vị đã tới khảo sát vị trí lắp cầu phao tại khu vực gần cầu Phong Châu.
Tới 17 giờ chiều cùng ngày, chưa có thông tin về việc cầu phao đã được lắp đặt.
Sau sự cố sập cầu Phong Châu, một số cây cầu khác đã bị hạn chế hoặc cấm lưu thông.
Vào 8 giờ 30 phút sáng ngày 10/9, Sở Giao thông vận tải Hà Nội có thông báo về việc tổ chức lại giao thông, trong đó có cấm nhiều loại phương tiện lưu thông trên cầu Chương Dương.
Các loại phương tiện bị cấm gồm : xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ, xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn. Riêng xe buýt được phép hoạt động theo chiều Long Biên đi Hoàn Kiếm, hướng ngược lại không được phép.
Những xe bị cấm lưu thông có thể chuyển sang các cầu : Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thăng Long để qua sông Hồng.
Tới 15 giờ cùng ngày, chính quyền ra lệnh cấm toàn bộ người và phương tiện đi qua cầu Long Biên (Hà Nội).
Một số cầu khác trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và các tỉnh trong vùng lũ cũng bị hạn chế hoặc cấm.
Nguồn : BBC, 10/09/2024
*****************************
Người dân miền Bắc Việt Nam : "Bão Yagi mạnh chưa từng thấy"
VOA, 10/09/2024
Người dân khắp các miền bắc Việt Nam kể với VOA về sức mạnh ‘chưa từng thấy’ của bão Yagi sau khi bão và mưa lớn đã để lại khung cảnh tan hoang ở các thành thị đồng bằng, gây sạt lở, ngập lụt ở các tỉnh miền núi, trung du và thậm chí một cây cầu đã sập, theo tìm hiểu của VOA.
Một vùng của tỉnh Bắc Giang bị nước lũ nhấn chìm do hậu quả của bão Yagi
Bão Yagi, mà Việt Nam gọi là bão số 3, đã đổ bộ vịnh Bắc Bộ và miền bắc Việt Nam vào thứ Bảy ngày 7/9 với sức gió lên đến gần 150km/h ở vùng tâm bão là Hải Phòng-Quảng Ninh và đạt trên 100km/h khi đến thủ đô Hà Nội, theo các bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.
Thiệt hại lớn
Gió bão đã quật đổ nhiều cây xanh lớn, thậm chí có cả cây cổ thụ ở các đô thị như Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long… làm tốc mái, bay mái tôn, vỡ cửa kính hàng trăm ngàn ngôi nhà. Trong khi đó, mưa lớn làm ngập lụt nhiều tuyến đường, khiến nước sông dâng cao tràn bờ nhấn chìm các khu dân cư. Ở một số tỉnh miền núi, sạt lở đất do mưa lớn đã chôn vùi người dân trong khi có người bị nước lũ cuốn trôi, theo tường thuật của truyền thông trong nước.
Đến sáng ngày 9/9, nước lũ cuồn cuộn trên sông Hồng đã kéo đổ một trụ cầu làm sập hai nhịp chính cầu Phong Châu ở tỉnh Phú Thọ. Khi cầu sập, trên cầu có một số xe hơi và xe máy đang lưu thông, theo Tuổi Trẻ.
Tại thành phố Thái Nguyên, thủ phủ tỉnh Thái Nguyên, nhiều phường, xã ven sông Cầu bị ngập sâu và bị cô lập, người dân phải leo lên mái nhà chờ cứu hộ, theo trang mạng VnExpress.
Tính đến 17g ngày 9/9 con số thương vong là 71 người chết và mất tích, theo thống kê của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống Thiên tai được báo Lao Động dẫn lại. Đó là chưa kể 8 người mất tích trên cầu Phong Châu và 16 người trên một chiếc xe khách bị cuốn trôi ở tỉnh Lào Cai, cũng theo tờ báo này.
Các nạn nhân tử vong và mất tích do bão, bị lũ cuốn hay do bị sạt lở đất chôn vùi, trải dài khắp các tỉnh thành từ ven biển cho đến trung du và miền núi, bao gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang…
Về thiệt hại vật chất, đã có 1 triệu hectare rừng bị gãy đổ, trong đó Hạ Long bị gãy đổ 90% còn Hà Nội là 10%, toàn bộ nhà thấp tầng ở các địa phương bão quét qua bị tốc mái, 100.000 hectare lúa bị ngập trong đó có đến 30.000 hectare bị mất trắng, VnExpress dẫn lời ông Nguyễn Hồng Hiệp, thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết tại cuộc họp sáng 9/9 với các tổ chức cứu trợ quốc tế và đại sứ quán các nước. Đó là còn chưa kể đến số lượng gia súc, hoa màu, cây ăn quả và lồng bè nuôi thủy sản bị mất trong bão.
Chiều ngày 9/9, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì họp Bộ Chính trị để bàn cách khắc phục thiệt hại của cơn bão, Cổng thông tin Điện tử Chính phủ cho biết, trong lúc chính quyền Việt Nam cũng đã kêu gọi quốc tế cứu trợ.
‘Sau bão vất vả’
Từ Hải Phòng, chủ một quán ăn ở phường Đông Hải, quận Hải An, cho biết gia đình ông đang tất bật dọn dẹp, lau chùi lại quán sau bão để có thể mở cửa trở lại.
Ông cho biết quán của ông trong bão đã bị tốc mái ‘theo từng mảng’ và ‘bay từ nhà nọ sang nhà kia’ khiến ông ‘muốn thót tim’.
"Mái nhà tốc hết. Xung quanh hàng xóm đều bị tốc hết", người chủ quán Lá chỉ nêu tên là Long nói với VOA và cho biết chi phí sửa chữa quán của ông có thể lên đến ‘cả trăm triệu’.
Theo lời ông Long thì đây là trận bão ‘lịch sử’ mà ông mô tả là ‘to nhất từ trước đến giờ’. Ông cho biết cây cối trong thành phố ‘100% ngã đổ hết, trong đó có cả cổ thụ mấy chục năm như xà cừ’.
Khi được hỏi về tình hình cuộc sống sau bão, ông trả lời : "Vất vả lắm. Điện nước đã mất 3, 4 ngày nay rồi. Đường phố cây cối đổ đầy, ngồn ngang. Nói chung cuộc sống vất vả lắm".
Hiện giờ một số công sở bị tốc mái, bị hư hại vẫn đang sửa chữa và một số trường học vẫn đang dọn dẹp nên công nhân viên vẫn chưa đi làm và học sinh vẫn chưa đi học trở lại, cũng theo lời người chủ quán ăn này. Trong khi đó, hàng hóa nhu yếu phẩm ‘khan hiếm hơn’ và ‘một tuần nữa mới trở lại bình thường’.
"Bây giờ sinh hoạt cả thành phố xe hơi đâu cũng tắc, người ta gọi xe suốt ngày đêm", ông cho biết.
Từ thành phố Thái Nguyên, ông Chiến, chủ tiệm sửa xe gắn máy Văn Chiến trên đường Hoàng Văn Thụ, nói với VOA chỉ trong hai ngày từ ngày 8/9 đến nay nước sông Cầu đã ‘dâng rất cao, nhiều vùng ngập lụt rất sâu’.
"Mưa thì gần như không có mưa, không đáng kể. Nhưng toàn nước miền ngược chảy về nhiều", ông Chiến nói và cho biết lần đầu tiên ông thấy nước sông Cầu dâng cao vượt các mốc lịch sử vào các năm 1986 và 2001.
Theo lời ông thì người dân trong vùng ngập đã bị cắt hoàn toàn điện nước trong khi nhiều người bị mắc kẹt không ra khỏi vùng lũ được. Về đi lại thì từ Thái Nguyên đi về xuôi xuống các tỉnh đồng bằng ‘thì vẫn được’, nhưng đi ngược lên các tỉnh miền núi như Lạng Sơn, Bắc Cạn thì ‘bị tắc không đi được’.
Ông kể bên ngoài ‘hối hả đi cứu trợ’ và ‘tàu, thuyền, ca nô đi cứu trợ rất nhiều để đưa lương thực, thực phẩm đến cho người dân bị mắc kẹt’.
Hiện giờ trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, học sinh dù vừa mới khai giảng năm học mới đã nghỉ học còn công nhân viên chức cũng nghỉ làm, cũng theo lời người chủ tiệm sửa xe này.
Tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, chủ tiệm bánh mì Thắng Lợi ở phường Hà Tu cho VOA biết nhà ông chỉ một hư hại nhẹ do mái tôn bị tốc trong cơn bão mà ông mô tả là ‘to nhất mà tôi chứng kiến từ bé đến giờ’.
Bên cạnh cây cối ngã đổ vẫn còn chưa đốn xong, người chủ tiệm bánh mì không cho biết danh tính này nói bão còn quật đổ rất nhiều cột điện mà ‘không biết bao giờ mới khắc phục được’.
"Chưa có điện thì chưa làm được gì cả. Tất cả đều ngưng hoạt động. Mất điện là chịu chết", ông nói. (9 :30)
Còn tại Hà Nội, người dân ở đây cũng cho biết trong ký ức của họ, họ chưa từng thấy có cơn bão nào mạnh như bão Yagi.
Bà Nguyễn Thị Chiên, chủ cửa hàng hoa quả ở số 46 Hàng Gai ngay giữa phố cổ, cho VOA biết nhà bà nằm trong một dãy 4 căn nhà bị gió bão làm nghiêng sang một bên, bây giờ đã bị chính quyền niêm phong không cho ra vào vì sợ nguy sập đổ.
"Chắc là phải xây lại thôi chứ không thể khắc phục được", bà Chiên nói và cho biết hậu quả lớn nhất của bão ở Hà Nội là ‘mất cây xanh’.
"Tôi từ bé đến lớn, những người già tính đến nay đã 70 tuổi người ta bảo là chưa thấy trận bão nào để lại hậu quả mà cây xanh của Hà Nội, những cây sưa, những cây đa cổ thụ của ngày xưa gần như bị bật gốc siêu nhiều", bà nói.
Về cuộc sống tại Hà Nội, bà cho biết giữa phố cổ không hề có chuyện khan hiếm nhu yếu phẩm và chính quyền đã tranh thủ ngày chủ nhật để dọn dẹp lại sau bão nên đến thứ hai ‘mọi thứ gần như đã trở lại bình thường’.
"Hôm qua di chuyển còn khó khăn, nhưng đến hôm nào phường nào phường nấy đã huy động tất cả mọi người từ công an, bộ đội, sinh viên tình nguyện, dân thường để dọn dẹp cho xong".
Nguồn : VOA, 10/09/2024
***************************
Bão Yagi suy yếu sau khi làm hàng chục người chết ở Việt Nam, Trung Quốc và Philippines
Reuters, VOA, 09/09/2024
Bão Yagi, cơn bão mạnh nhất Châu Á trong năm nay, đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới hôm 8/9, sau khi tàn phá miền bắc Việt Nam, đảo Hải Nam của Trung Quốc và Philippines, cướp đi sinh mạng của hàng chục người, theo các báo cáo sơ bộ.
Một bến tàu tại Quảng Ninh tan hoang sau bão số 3. Ảnh : Thu Báu (Lao Động)
Cơ quan khí tượng của Việt Nam hôm 8/9 thông báo rằng cơn bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, nhưng vẫn cảnh báo về nguy cơ lũ lụt và lở đất tiếp diễn trong khi cơn bão, được coi là mạnh nhất đổ bộ vào Việt Nam trong nhiều thập kỷ, di chuyển về phía tây.
Hôm 7/9, Yagi đã gây mất điện và gián đoạn viễn thông tại thủ đô Hà Nội, gây ra lũ lụt trên diện rộng, khiến hàng nghìn cây xanh bị đổ và phá hủy nhà cửa.
Chính phủ thông báo rằng cơn bão đã khiến ít nhất ba người thiệt mạng tại Hà Nội, một thành phố có 8,5 triệu dân. Tuy nhiên, đây chỉ là con số sơ bộ.
Theo các báo cáo, cho đến nay đã có 14 người tử vong ở Việt Nam, bao gồm bốn người tử vong do lở đất ở tỉnh Hòa Bình, cách Hà Nội khoảng 100 km về phía nam.
Một người đi xe máy 53 tuổi đã tử vong sau khi bị cây đổ đè ở tỉnh Hải Dương, truyền thông nhà nước đưa tin. Ít nhất một thi thể được tìm thấy trên biển gần thành phố ven biển Hạ Long, nơi có hàng chục người mất tích trên biển, và các hoạt động cứu hộ dự kiến sẽ bắt đầu hôm 8/9 khi điều kiện thời tiết cho phép.
Sau khi đổ bộ vào Việt Nam vào chiều 7/9, Yagi gây ra những con sóng cao tới 4 mét ở các tỉnh ven biển, dẫn đến tình trạng mất điện và viễn thông kéo dài, khiến việc đánh giá thiệt hại trở nên phức tạp, chính phủ cho biết.
Cơ quan khí tượng cảnh báo về "nguy cơ lũ quét tiếp tục xảy ra gần các con sông và suối nhỏ, và lở đất trên các sườn dốc ở nhiều nơi ở vùng núi phía bắc" và tỉnh ven biển Thanh Hóa.
Sự bình yên tương đối đã trở lại sáng 8/9 tại Hà Nội, nơi chính quyền đã nhanh chóng dọn dẹp các con phố bị chặn vì cây đổ nằm rải rác khắp trung tâm thành phố và các khu phố khác.
Sân bay quốc tế Nội Bài của Hà Nội, sân bay bận rộn nhất miền Bắc Việt Nam, đã mở cửa trở lại hôm 8/9 sau khi đóng cửa vào sáng 7/9.
Theo thông tin cập nhật mới nhất từ chính quyền địa phương, Yagi đã cướp đi sinh mạng của bốn người trên đảo Hải Nam, miền nam Trung Quốc.
Văn phòng phòng vệ dân sự tại Philippines, quốc gia đầu tiên mà Yagi đổ bộ sau khi hình thành vào tuần trước, đã nâng số người chết tại đó lên 20 hôm 8/9 từ 16 và cho biết vẫn còn 22 người mất tích.
Nguồn : VOA, 09/09/2024