Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong phần tiếp theo câu chuyện của mình, bà Isabelle Nguyễn Thu Giang từ tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ kể chuyện bà đã đem lại cho các học viên học tiếng Việt tại xứ cờ hoa những hiểu biết ra sao về Việt Nam và cuộc chiến tranh chấm dứt 49 năm về trước ở đất nước này, qua những bài giảng Việt ngữ trên lớp của bà.

Nguồn : VOA, 04/05/2024

Additional Info

  • Author Quốc Phương, Isabelle Nguyễn Thu Giang
Published in Video

Đối với người Việt, cuộc chiến Nam Bắc trên quê hương được coi như chấm dứt vào ngày 30/4/1975 khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa đầu hàng bộ đội cộng sản miền Bắc.

Nhưng với nước Mỹ, rộng ra là cả các nước đã đưa quân qua tham chiến tại Việt Nam như Úc, Tân Tây Lan hay Nam Hàn thì cuộc chiến đó chấm dứt vào năm 1973, khi nước ngoài rút hết quân và Hiệp định Ba Lê chấm dứt chiến tranh, tái lập hòa bình được Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ký tại Paris ngày 27/1/1973.

bvp1

Giáo sư sử học Liên-Hằng Nguyễn tại hội thảo hôm 29/4/2023 tại Đại học George Washington (Chụp màn hình C-SPAN)

Với dấu mốc ngày ký Hiệp định Ba Lê 1973, đánh dấu 50 năm chấm dứt Chiến tranh Việt Nam ở Úc và Mỹ đã có những sự kiện để ghi nhớ thời điểm này.

Nếu nhà nước Việt Nam không đề cập đến chuyện bên Úc đã cho phát hành đồng xu với hình cờ Việt Nam Cộng hòa mà ít ai biết đến, nhưng khi Hà Nội lên tiếng phản đối thì dư luận chú ý nhiều. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Phạm Thu Hằng hôm 4/5 đã chỉ trích việc làm này của Kho Bạc và sở Bưu chính Úc là không phù hợp với mối quan hệ chiến lược hai nước đang có và yêu cầu Úc dừng lưu hành đồng bạc cắc, dù thực tế nó cũng chỉ là đồng tiền để sưu tầm mà thôi.

Lịch sử cận đại của Úc có liên hệ đến cuộc chiến Việt Nam vì đã đưa 60 nghìn quân đến miền Nam chiến đấu và hơn 500 lính Úc đã hy sinh ở đó. Chính phủ Úc ghi ơn cựu chiến binh mà Hà Nội lại lên tiếng phản đối đã cho thấy nửa thế kỷ đã qua mà lãnh đạo cộng sản Việt Nam nay vẫn còn bực bội khi nhìn thấy hình ảnh lá cờ của phe đối nghịch.

Ngoài tiền cắc có cờ vàng, bưu điện Úc vào ngày 18/4/2023 cũng đã phát hành bộ tem kỷ niệm với cùng mục đích, gồm hai con tem in hình các huân chương cũng có cờ Việt Nam Cộng hòa trên đó.

bvp2

Tem thư của bưu điện Úc phát hành ngày 18/4/2023 (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Hoa Kỳ là quốc gia can dự sâu đậm nhất vào cuộc chiến mà lúc cao điểm đã có hơn nửa triệu lính Mỹ tại miền Nam. Hơn hai triệu lính Mỹ đã phục vụ trong chiến tranh Việt Nam, gần 60 nghìn hy sinh.

Sau chiến tranh, dịp lễ Cựu Chiến binh 11/11/1979 bưu điện Hoa Kỳ phát hành tem thư có in huy chương tuyên dương những chiến binh Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam, với hình cờ vàng ba sọc đỏ trên đỏ.

Năm 1982 đài tưởng niệm Vietnam Veterans Memorial ở Thủ đô Washington được khánh thành. Mỗi năm vào dịp lễ Chiến sĩ Trận vong hay vào ngày Cựu Chiến binh luôn có những vòng hoa tưởng niệm mang mầu cờ vàng ba sọc đỏ đặt trước đài.

Tổ chức Vietnam Veterans of America dùng lá cờ vàng làm huy hiệu mà đi trên đường phố nếu thấy dán sau xe là biết người đó là một cựu chiến binh từng phục vụ tại Việt Nam.

Hình ảnh cờ vàng bây giờ không còn là đại diện cho một quốc gia trong cộng đồng thế giới, vì chính thể Việt Nam Cộng hòa đã chấm dứt từ 48 năm qua, nhưng quan chức Việt Nam khi qua Mỹ, qua Úc hay những nơi có đông người Việt lại rất sợ khi thấy cờ vàng tung bay.

Ngày nay tại Hoa Kỳ cờ vàng là biểu tượng, là di sản tự do của cộng đồng người Việt và đã được hơn 50 đơn vị hành chánh từ cấp tiểu bang, quận hạt đến thành phố công nhận.

Trong khi cờ đỏ sao vàng còn bị cấm treo trên các công sở hay tòa nhà thuộc về thành phố, như ở San Jose, Westminster là những nơi có đông người Việt sinh sống ở hai miền nam bắc California.

bvp3

Tem thư của bưu điện Hoa Kỳ phát hành ngày 11/11/1979 (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Từ năm 1995 Hoa Kỳ và Việt Nam đã chính thức bang giao, nhưng ít khi thấy cờ đỏ sao vàng tung bay ở Mỹ. Cơ sở ngoại giao của Việt Nam ở San Francisco cũng không thấy treo cờ đỏ.

Cuối thập niên 1990, một lần Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco tổ chức liên hoan đón Tết tại Veteran Memorial Building trên đường Van Ness và có treo cờ đỏ sao vàng trước tiền đình, nhưng chỉ một lúc sau đã phải kéo xuống vì người Việt doạ biểu tình và có những cựu chiến binh Mỹ đã gọi điện vào thành phố phản đối, yêu cầu hạ cờ xuống vì không muốn thấy lá cờ của chế độ cộng sản mà họ đã từng chiến đấu chống lại được tung bay trên tòa nhà dành cho cựu chiến binh.

Tại San Francisco, đến ngày quốc khánh của một quốc gia có cơ sở ngoại giao tại đây thì thành phố sẽ cho kéo cờ của nước đó trước tiền đình tòa thị chính một ngày.

Trong 10 năm qua, mỗi dịp Quốc khánh 2/9 của Việt Nam khi Tổng Lãnh sự quán Việt Nam làm lễ kéo quốc kỳ cờ đỏ sao vàng trên tầng lầu của tòa thị chính, bên dưới có người Việt biểu tình với cờ vàng.

Cách đây hơn hai thập niên, một lần tham dự hội nghị về Việt Nam tại Texas Tech University ở Lubbock, gặp Đại tướng Nguyễn Khánh tôi được nghe kể chuyện về một lần ông đối mặt với Trung tướng Quân đội Nhân dân Nguyễn Đình Ước, cũng trong một hội nghị tại đại học này năm trước đó, khi tướng Khánh có bài phát biểu và ông đã hãnh diện vẫy lá cờ vàng trên tay khiến vị tướng cộng sản tỏ ra khó chịu, phản đối.

Nếu cứ thấy cờ vàng ở một nơi ngoài Việt Nam mà lên tiếng phản đối thì Hà Nội phải phân công một quan chức chuyên lo việc phản đối cờ vàng, vì như ở California vào các dịp lễ tết, sinh hoạt truyền thống hay tưởng niệm 30/4 thì tràn ngập cờ vàng.

Sans titre

Cờ đỏ và Cờ vàng trước tiền đình tòa thị chính San Francisco trong dịp Quốc Khánh 2/9/2014 (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Bưu điện của một số quốc gia trên thế giới trong những năm qua còn phát hành tem thư liên quan đến chiến tranh Việt Nam.

Tôi đã thấy những bộ tem từ các nước Cộng hòa Guinée, Cộng hòa Tchad, Cộng hòa Trung Phi hay Grenada, Gambia, Tuvalu, Guyana, Marshall Islands với hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng thống Lyndon Johnson, Tổng thống Richard Nixon, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Tướng William Westmoreland, Tướng Võ Nguyên Giáp và cũng có cờ đỏ, cờ vàng trên đó.

Tuvalu phát hành tem kỷ niệm "Battle of Cồn Thiên", Marshall Islands có tem "Battle of Ia Drang" và "Gulf of Tonkin Incident".

Tem "Tet Offensive : Battle of Hue" của Guyana phát hành năm 2013, trên tờ tem có hình cờ Việt Nam Cộng Hòa tung bay ở cửa Đông Ba và 4 tem hình các binh lính đang chiến đấu tại Huế năm 1968.

Năm nay bưu điện Gambia đã phát hành tem thư "Operation Linebacker" là chiến dịch ném bom miền Bắc Việt Nam của Hoa Kỳ vào cuối năm 1972 mà Hà Nội gọi đó là trận "Điện Biên Phủ trên không".

Năm 2020, kỷ niệm "45 Năm chấm dứt Chiến tranh Việt Nam", bưu điện Cộng hòa Tchad phát hành bộ tem bốn con hình súng ống, xe tăng, máy bay đã được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Không hiểu các nước nhắc đến ở trên đã can dự vào cuộc chiến đến mức nào mà ngày nay vẫn nhớ đến những lãnh đạo, địa danh và mốc thời gian của Chiến tranh Việt Nam qua nhiều bộ tem thư. Đúng là Chiến tranh Việt Nam đã là một sự kiện quan trọng của thế kỷ trước, khó phai mờ trong tâm thức thế giới.

Gần nửa thế kỷ đã qua, hình ảnh cờ vàng mà Hà Nội muốn chôn vùi nó, cùng với những gì thuộc về Việt Nam Cộng hòa, nhưng họ đã thất bại vì di sản của chế độ này đang sống lại trong lòng nhiều người Việt và đang được nghiên cứu, tìm hiểu.

Nhạc thời Việt Nam Cộng hòa nay tràn ngập trên Youtube, nhiều bài hát có hàng triệu lượt nghe. Kênh "Giọng ca để đời" có giọng hát Thúy Hà với nhiều bài ca bất tử của Anh Việt Thu, Trần Thiện Thanh. Hay Đạt Võ, gốc Hải Phòng, song ca với Hà Kiều ca khúc "Nếu ai có hỏi", sáng tác của Anh Bằng và Lê Dinh đã có 121 triệu lượt nghe trong 5 năm qua. Lệ Quyên được xem là ca sĩ miền bắc hát boléro ăn khách nhất từ trong nước ra hải ngoại.

Nhiều sinh viên gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai học về lịch sử, chính trị, kinh tế, văn chương, nghệ thuật và có những nghiên cứu, tìm hiểu để đặt Việt Nam Cộng hòa vào đúng vị trí trong lịch sử dân tộc.

Hôm 29/4 vừa qua kênh C-SPAN đã phát trực tuyến các buổi hội thảo chủ đề "Vietnam : A 50 Year Retrospective" do Đại học George Washington ở thủ đô nước Mỹ tổ chức. Nhiều diễn giả nổi tiếng như cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey, cựu Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel, các nhà văn, phóng viên chiến trường, cựu chiến binh như Phillip Caputo, Frances Fitzgerald, Fredrik Logevall, John Balaban, Mark Godfrey, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Raymond Burghardt đã chia sẻ những bài học rút ra từ cuộc chiến mà họ tham gia hay là nhân chứng.

bvp5

Hội thảo về Chiến tranh Việt Nam tại Đại học George Washington ngày 29/4/2023 (Chụp màn hình C-SPAN)

Đại sứ Burghardt nhắc đến việc khi ông đề nghị với Việt Nam cho phép bảo tồn và trùng tu Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa lúc đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng sau ông đưa những đề nghị nhìn qua lăng kính văn hóa Việt thì được sự đồng ý của Hà Nội.

Diễn giả gốc Việt duy nhất là giáo sư sử học Liên-Hằng Nguyễn từ Đại học Columbia, tuổi chưa đến 50, khi nói về Việt Nam ngày nay có nhận định là ông Nguyễn Phú Trọng đã già, hết nhiệm kỳ vẫn muốn ở lại trong lúc thành phần lãnh đạo trẻ mong thay đổi. Bà đề cập đến hiện tình "bỏ phiếu bằng chân" của người Việt nay vẫn còn tiếp tục. Nhắc đến chuyện hòa giải, theo bà giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thì dễ nhưng giữa nhà nước với dân và với người Việt hải ngoại còn nhiều khó khăn.

Bùi Văn Phú

(11/05/2023)

Additional Info

  • Author Bùi Văn Phú
Published in Diễn đàn

Australia phát hành đồng hai đô la kỷ niệm cuộc chiến Việt Nam có hình cờ Việt Nam Cộng Hòa

Đồng tiền hai đô la mới của Úc kỷ niệm cuộc chiến Việt Nam hiện có giá hơn 1.200 đô la chỉ sau khoảng hơn một tuần phát hành.

uc0 (2)

Đồng 2 đô la Úc có cờ Việt Nam Cộng Hòa được bán trên eBay với giá 1.360 đô la Úc - Chụp màn hình eBay

Australia Mint (công ty độc quyền sản xuất tiền cho Australia) phát hành đồng bạc hai đô la lần đầu tiên hôm 6/4 với thiết kế màu sắc kỷ niệm 50 năm kết thúc sự tham gia của Úc vào cuộc chiến Việt Nam năm 1973.

Báo Daily Mail của Anh dẫn lời một người sưu tập tiền có tên Jeol Kandiah ở Perth, cho biết người này phải chờ đến 16 giờ đồng hồ để mua được một đồng trong khi nhiều người khác phải xếp hàng dài để mua.

Mint cho biết chỉ phát hành giới hạn 5.000 đồng bạc với giá 80 đô la trong khi bản vàng có 80.000 đồng và được bán với giá là 15 đô la.

Cả hai đồng tiền đều có hình máy bay trực thăng UH-1 bao quanh bởi đường tròn màu sắc giống như ba miếng ribbon trao cho các cựu binh Việt Nam. Trong hình ảnh của đồng tiền này có hình cờ của Việt Nam Cộng Hòa.

Hiện giá của một đồng bạc được bán trên eBay là từ 1.200 đến 2.300 đô la và giá đồng vàng là khoảng 80 đô la. 

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam

Lời giới thiệu : Chúng đăng lại dưới đây đoạn cuối trong cuốn sách của Uwe Siemon-Netto, Phóng viên chiến trường người Đức tại Việt Nam năm 1968, rất cảm động. Ông đã kể lại một cách trung thực về cuộc chiến Việt Nam để thế hệ mai sau có một cái nhìn đúng đắn hơn về cuộc chiến này, đồng thời cũng diễn tả đúng tâm trạng của những người trong cuộc : dân tộc Việt Nam và những người đã dũng cảm chiến đấu bảo vệ nền dân chủ mong manh của chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975.

"Nhưng là một người ngưỡng mộ tính kiên cường của dân tộc Việt Nam, tôi tin là họ sẽ cuối cùng tìm ra phương cách ôn hòa và các lãnh tụ chân chính để họ có thể thoát khỏi những tay bạo chúa. Có thể sẽ phải mất nhiều thế hệ, nhưng điều đó sẽ xẩy ra". (Thông Luận)

hauqua1

Phóng viên chiến trường Uwe Siemon-Netto tại Huế năm 1968

Đoạn kết : Hậu quả của khủng bố và đức hạnh của hy vọng

Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ khi tôi giã biệt Việt Nam. Vào năm 2015, thế giới sẽ chứng kiến kỷ niệm lần thứ 40 chiến thắng của cộng sản và nhiều người sẽ gọi đó là ngày "giải phóng".

Ga xe lửa Huế, nơi một đầu máy và một toa hành lý khởi hành chuyến tầu tượng trưng 500 thước mỗi buổi sáng vào lúc 8 giờ sẽ không còn đáng đi vào kịch trường của sự phi lý nữa. Nó đã được phục hồi đẹp đẽ và sơn phết lại mầu hồng. Một lần nữa, tương tự như những ngày dưới sự thống trị của người Pháp, nó là nhà ga xe lửa đẹp nhất vùng Đông Dương và tài xế tắc-xi không phải chờ đợi vô ích bên ngoài.

Mười chuyến tầu thong dong chạy qua mỗi ngày, năm chuyến xuôi Nam và năm chuyến ra Bắc. Gộp chung lại chúng được mệnh danh một cách không chính thức là Tàu Tốc Hành Thống Nhất. Chẳng lẽ nào tôi lại không mừng vui ? Chuyện này có khác nào bên Đức khi bức tường Bá Linh đổ xuống và những bãi mìn biến mất, và nay những chuyến tầu cao tốc phóng ngược xuôi giữa hai xứ nguyên là Cộng sản bên Đông và Dân chủ bên Tây với tốc độ lên tới 200 dặm một giờ ?

hauqua02

Mười chuyến tầu thong dong chạy qua mỗi ngày, năm chuyến xuôi Nam và năm chuyến ra Bắc. Gộp chung lại chúng được mệnh danh một cách không chính thức là Tàu Tốc Hành Thống Nhất.

Hiển nhiên là tôi rất vui khi chiến tranh kết thúc và Việt Nam được thống nhất và phát triển, những chuyến xe lửa đã hoạt động trở lại và các bãi mìn đã được tháo gỡ. Nhưng đến đây thì sự tương đồng với nước Đức chấm dứt.

Nước Đức hoàn thành sự thống nhất, một phần nhờ người dân tại Đông Đức đã lật đổ chế độ độc tài toàn trị bằng những cuộc biểu tình và phản kháng ôn hòa, một phần nhờ vào sự khôn ngoan của các nguyên thủ quốc tế như các vị Tổng thống Ronald Reagan và George G.W. Bush, của Thủ tướng Helmut Kohl, của lãnh tụ Sô Viết Mikhail Gorbachev, và cũng phần khác vì sự sụp đổ có thể đoán trước được của hệ thống xã hội chủ nghĩa sai lầm trong khối Sô Viết.

Không có ai bị thiệt mạng trong tiến trình này, không một ai bị tra tấn, chẳng có ai phải vào trại tù và cũng không có ai bị buộc phải trốn chạy.

Có một khuynh hướng khó hiểu, ngay cả trong số các vị học giả đáng kính của phương Tây đã diễn tả sự kiện Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam như là một cuộc "giải phóng". Điều này đặt ra một câu hỏi : giải phóng cái gì và cho ai ?

Có phải miền Nam đã được "giải phóng" khỏi sự áp đặt một nhà nước độc đảng toàn trị được xếp hạng chung với những chế độ vi phạm tồi tệ nhất thế giới về các nguyên tắc tự do tôn giáo, tự do phát biểu, tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do báo chí ? Một thứ giải phóng gì đã làm chết 3,8 triệu người dân Việt từ 1954 đến 1975 và đã buộc hơn một triệu người khác phải trốn ra khỏi đất nước, không những từ miền Nam bại cuộc mà cả từ những bến cảng miền Bắc và làm từ 200.000 đến 400.000 người gọi là thuyền nhân bị chết đuối ?

Có phải là hành động giải phóng không khi xử tử 100.000 người lính miền Nam và viên chức chính phủ sau ngày Sài Gòn thất thủ ? Phải chăng chỉ là một màn trình diễn nhân đạo của bên thắng cuộc bằng cách lùa từ một triệu đến 2 triệu rưỡi người miền Nam vào các trại tù cải tạo, trong đó có khoảng 165.000 người mất mạng và hàng ngàn người khác đã bị tổn thương sọ não lâu dài và bị các vấn đề tâm thần do hậu quả của tra tấn, theo một cuộc nghiên cứu của một nhóm học giả quốc tế do Bác sĩ tâm thần Richard F. Molina của đại học Harvard dẫn đầu ?

Từ giữa những năm 1960, những tay bịa đặt chuyện huyền thoại về chính trị và lịch sử của phương Tây, hoặc ngây thơ hoặc bất lương, đã chấp nhận lời giải thích của Hà Nội rằng cuộc xung đột là một cuộc "chiến tranh nhân dân".

Cũng đúng thôi nếu chấp nhận định nghĩa của Mao Trạch Đông và Võ Nguyên Giáp về cụm chữ đó. Nhưng theo luật văn phạm về sở hữu tự theo cách Saxon Genitive qui định thì "chiến tranh nhân dân" phải được hiểu là cuộc "chiến tranh của nhân dân". Thực tế không phải như vậy.

Ðã có khoảng 3,8 triệu người Việt Nam đã bị giết giữa các năm 1954 và 1975. Khoảng 164.000 thường dân miền Nam đã bị thủ tiêu trong cuộc tru diệt bởi Cộng sản trong cùng thời kỳ, theo nhà học giả chính trị Rudolf Joseph Rummel của trường Đại học Hawaii. Ngũ Giác Ðài ước tính khoảng 950.000 lính Bắc Việt và hơn 200.000 lính Việt Nam Cộng Hòa đã ngã xuống ngoài trận mạc, cộng thêm 58.000 quân Hoa Kỳ nữa.

Đây không thể là một cuộc chiến tranh của nhân dân mà chính là chiến tranh chống nhân dân.

Trong tất cả những lập luận đạo đức giả về cuộc chiến Việt Nam, ta gặp quá thường trong vòng 40 năm qua cái câu hỏi quan trọng nhất đã bị mất dấu hay AWOL (absent without official leave), nếu dùng một từ ngữ viết tắt quân sự có nghĩa là "vắng mặt không phép". Câu hỏi đó là : Dân Việt Nam có mong muốn một chế độ cộng sản hay không ? Nếu có, tại sao gần một triệu người miền Bắc đã di cư vào Nam sau khi đất nước bị chia cắt năm 1954, trong khi chỉ có vào khoảng 130.000 cảm tình viên Việt Minh đi hướng ngược lại ?

- Ai đã khởi đầu cuộc chiến tranh ? Có bất kỳ đơn vị miền Nam nào đã hoạt động ở miền Bắc hay không ? Không.
- Có du kích quân miền Nam nào vượt vĩ tuyến 17 để mổ bụng và treo cổ những người trưởng làng thân cộng, cùng vợ và con cái họ ở đồng quê miền Bắc hay không ? Không.

- Chế độ miền Nam có tàn sát cả một giai cấp hàng chục ngàn người trên lãnh thổ của họ sau năm 1954 bằng cách tiêu diệt địa chủ và các đối thủ tiềm năng khác theo cách thống trị theo lối Sô Viết của họ hay không ? Không.

- Miền Nam có thiết lập chế độ độc đảng toàn trị hay không ? Không.

Với cương vị một người công dân Đức, tôi không can dự gì đến cuộc chiến này, hay nói theo lối người Mỹ là "I have no dog in this fight" (tôi chẳng có con chó nào trong vụ cắn lộn này cả). Nhưng, nhằm chú giải cho cuốn sách "Lời nguyện của nhà báo", tương tự như các phóng viên kỳ cựu có lương tâm, lòng tôi đã từng và vẫn còn đứng về phía dân tộc Việt Nam nhiều đau thương.

Lòng tôi hướng về những người phụ nữ tuyệt vời với tính tình rất thẳng thắn và vui vẻ ; hướng về những người đàn ông Việt Nam khôn ngoan và vô cùng phức tạp đang theo đuổi giấc mơ tuyệt hảo theo phong cách Khổng giáo ; hướng về các chiến binh giống như trẻ con đi ra ngoài mặt trận mang theo cái tài sản duy nhất là một lồng chim hoàng yến ; hướng về các góa phụ chiến tranh trẻ với cơ thể bị nhào nặn méo mó chỉ vì muốn bắt một tấm chồng lính Mỹ nhằm tạo một ngôi nhà mới cho con cái và có thể cho chính họ, còn hơn là đối mặt với độc tài cộng sản ; hướng về nhóm trẻ em bụi đời trong thành thị cũng như ngoài nông thôn săn sóc lẫn nhau và những con trâu đồng.

Với trái tim chai cứng còn lại, lòng tôi thuộc về những người trốn chạy khỏi lò sát sinh và vùng chiến sự, luôn luôn đi về hướng Nam mà không bao giờ về hướng Bắc cho đến tận cùng, khi không còn một tấc đất nào vắng bóng cộng sản nữa để mà trốn. Tôi đã chứng kiến họ bị thảm sát hay bị chôn sống trong những ngôi mồ tập thể và mũi tôi vẫn còn phảng phất mùi hôi thối của những thi thể đang thối rữa.

hauqua3

Tôi đã chứng kiến họ bị thảm sát hay bị chôn sống trong những ngôi mồ tập thể và mũi tôi vẫn còn phảng phất mùi hôi thối của những thi thể đang thối rữa.

Tôi không có mặt vào lúc Sài Gòn thất thủ sau khi toàn bộ các đơn vị Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, thường xuyên bị bôi bẩn một cách ác độc bởi truyền thông Hoa Kỳ, giờ đây bị những đồng minh người Mỹ của họ bỏ rơi, đã chiến đấu một cách cao thượng, biết rằng họ không thể thắng hay sống sót khỏi trận đánh cuối cùng này.

Tôi đang ở Paris, lòng sầu thảm khi tất cả những chuyện này xẩy ra và tôi ước gì có dịp tỏ lòng kính trọng năm vị tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa trước khi họ quyên sinh lúc mọi chuyện chấm dứt, một cuộc chiến mà họ đã có thể thắng : Lê Văn Hưng (sinh năm 1933), Lê Nguyên Vỹ (sinh năm 1933), Nguyễn Khoa Nam (sinh năm 1927), Trần Văn Hai (sinh năm 1927) và Phạm Văn Phú (sinh năm 1927).

hauqua4

Tôi ước gì có dịp tỏ lòng kính trọng năm vị tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa trước khi họ quyên sinh lúc mọi chuyện chấm dứt, một cuộc chiến mà họ đã có thể thắng 

Khi tôi viết đoạn kết này, một ký giả đồng nghiệp và một loại học giả sinh năm 1975 khi Sài Gòn bị thất thủ, đã tự tạo cho bản thân một thứ tên tuổi bằng cách bêu xấu tội ác chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Vâng, họ thật đáng bị bêu xấu. Đúng, đó là sự thật. Mỹ Lai có thật. Tôi biết, tôi đã có mặt trong phiên tòa mặt trận khi Trung úy William Calley bị kết án là có tội.

Tôi biết cái tiêu chuẩn đếm xác chết được tôn sùng bởi đầu óc méo mó của các cấp chỉ huy quân sự cũng như dân sự thời đại Mc Namara tại Washington và bản doanh Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã làm tổn hại hàng ngàn mạng sống của người dân vô tội.

Nhưng không có hành vi tàn ác nào của các đơn vị rối loạn Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa có thể sánh bằng cuộc tàn sát do lệnh nhà nước giáng xuống đầu người miền Nam nhân danh Hồ Chí Minh. Những tội ác mà cho đến ngày nay những kẻ kế thừa thậm chí vẫn không thừa nhận vì không ai có cái dũng cảm hỏi họ : Tại sao các anh thảm sát tất cả những người vô tội mà các anh rêu rao là đi chiến đấu để giải phóng họ ?

Với tư cách một người Đức, tôi xin được thêm một đoạn chú thích như sau : tại sao các anh giết người bạn của tôi là Hasso Rüdt von Collenberg, tại sao lại giết các bác sĩ người Đức ở Huế, và anh Otto Söllner tội nghiệp mà "tội ác" duy nhất là dạy trẻ em Việt Nam cách điều khiển một ban nhạc hòa tấu ? Tại sao các anh bắt cóc những thanh niên thiện nguyện Knights of Malta, làm cho một số bị chết trong rừng rậm và số khác thì bị giam cầm tại Hà Nội ? Tại sao các anh không bao giờ tự xét lương tâm về những hành động đó, theo cách những người Mỹ chính trực trong khi họ đã được xác định một cách đúng đắn là họ thuộc về phía lẽ phải trong cuộc Đại Chiến Thứ Hai, vẫn bị dằn vặt bởi
cái di sản khủng khiếp để lại vì đánh bom rải thảm những khu dân cư trong nước Đức và tấn công bằng bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki ?

Hồi tưởng lại cuộc thử thách trên con đường mòn Hồ Chí Minh trong tạp chí Der Spiegel, cô y tá Tây Đức Monika Schwinn nhớ lại cuộc gặp gỡ với các đơn vị chiến đấu Bắc Việt trên đường xuống phía Nam như là một trong những kinh nghiệm khủng khiếp nhất. Cô diễn tả cái cường độ của mối hận thù trên khuôn mặt của những tên lính đó và cô viết chính những tên Việt Cộng canh chừng phải khó khăn lắm mới ngăn chặn họ không giết những người Đức ngay tại chỗ.

Không có ai sinh ra là biết hận thù cả. Sự thù hận chỉ có thể có được do dạy dỗ. Nuôi dưỡng tính giết người trong lòng thanh niên là một khuôn phép huấn luyện chỉ có trường phái chủ nghĩa toàn trị là giỏi nhất.

Trong cuốn tiểu sử rất hay nói về tay chỉ huy SS Heinrich Himmler, sử gia Peter Longerich diễn tả là ngay cả gã sáng lập viên cái lực lượng tàn độc gồm những tên côn đồ mặc đồ đen cũng khó lòng buộc thuộc hạ vượt qua sự kiềm chế tự nhiên để thi hành lệnh thảm sát Holocaust (Longerich, Heinrich Himmler, Oxford, 2012). Chính cái ánh mắt thù hận của những tên sát nhân Bắc Việt tại Huế làm ám ảnh những người tôi phỏng vấn hơn cả.

Nhưng dĩ nhiên phải dành nhiều thời gian với họ, chịu sự đau khổ cùng họ, tạo niềm tin và trò chuyện với họ thì mới khám phá ra cái cốt lõi của một phần nhân tính con người, một hiểm họa về mặt chính trị và quân sự vẫn còn quanh quẩn bên chúng ta từ bốn thập niên qua. Chỉ phán ý kiến về nó từ trên tháp ngà đài truyền hình New York hay các trường đại học Ivy League thì không bao giờ đủ cả.

Trong một cuốn sách gây chú ý về đoàn quân Lê Dương Pháp, Paul Bonnecarrère đã kể lại cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đại tá đầy huyền thoại Pierre Charton và Tướng Võ Nguyên Giáp sau khi Pháp thất trận tại Điên Biên Phủ (Bonnecarrère, Par le Sang Versé, Paris, 1968).

Charton là tù binh trong tay cộng sản Việt Minh. Giáp đến thăm Charton nhưng cũng để hả hê. Cuộc gặp gỡ xẩy ra trong một lớp học trước mặt khoảng 20 học viên đang tham dự một buổi tuyên truyền chính trị. Cuộc đối thoại giữa hai nhân vật đối chọi nhau đã xẩy ra như sau :

Giáp : "Tôi đã đánh bại ông, thưa Đại tá !"

Charton : "Không, ông không đánh bại tôi, thưa Đại tướng. Rừng rậm đã đánh bại chúng tôi… cùng sự hỗ trợ các ông đã nhận được từ người dân bằng các
phương tiện khủng bố".

Võ Nguyên Giáp không ưa câu trả lời này và cấm các học viên không được ghi chép nó. Nhưng đó là sự thật, hay chính xác hơn : đó là một nửa của sự thật.

Cái nửa kia là các nền dân chủ như Hoa Kỳ đúng là không được trang bị về chính trị và tâm lý để theo đuổi một cuộc chiến trường kỳ. Sự nhận thức này, cùng với cách sử dụng các phương tiện khủng bố đã trở thành trụ cột trong chiến lược của Võ Nguyên Giáp. Hắn đã đúng và hắn đã thắng. Thậm chí nguy hiểm hơn nữa là ngày nay các chế độ toàn trị đang chú ý đến điểm này.

hauqua2

Uwe Siemon-Netto 2013

Cho đến tận ngày hôm nay tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi cái kết luận mà tôi bắt buộc phải rút ra từ kinh nghiệm về Việt Nam là : khi một nền văn hóa bê tha hủ hóa đã mệt mỏi về lòng hy sinh, nó sẽ có khả năng vứt bỏ tất cả. Nó đã chín mùi để bỏ rơi một dân tộc mà đáng lẽ nó phải bảo vệ. Nó còn thậm chí sẵn sàng xóa đi những mạng sống, sức khỏe về thể chất và tinh thần, nhân phẩm, trí nhớ và danh thơm của những thanh niên đã được đưa ra mặt trận. Điều này đã xảy ra trong trường hợp các cựu chiến binh Việt Nam. Tác động của sự khiếm khuyết đã ăn sâu trong các nền dân chủ tự do này rất đáng sợ vì cuối cùng nó sẽ phá hỏng chính nghĩa và tiêu diệt một xã hội tự do.

Tuy nhiên tôi không thể kết thúc câu chuyện ở đây bằng điều tăm tối này được. Là một người quan sát về lịch sử, tôi biết là lịch sử, mặc dù được khép kín trong quá khứ, vẫn luôn luôn mở rộng ra tương lai. Là một Ki-Tô hữu, tôi biết ai là Chúa của lịch sử. Chiến thắng của Cộng sản dựa vào những căn bản độc ác : khủng bố, tàn sát và phản bội.

Hiển nhiên tôi không biện minh cho chuyện tiếp tục đổ máu nhằm chỉnh lại kết quả, cho dù có khả thi đi chăng nữa. Nhưng là một người ngưỡng mộ tính kiên cường của dân tộc Việt Nam, tôi tin là họ sẽ cuối cùng tìm ra phương cách ôn hòa và các lãnh tụ chân chính để họ có thể thoát khỏi những tay bạo chúa. Có thể sẽ phải mất nhiều thế hệ, nhưng điều đó sẽ xẩy ra.

Trong ý nghĩa này, tôi bây giờ chỉ muốn xếp hàng vào đoàn xích-lô bên ngoài ga xe lửa Huế vào năm 1972, nơi chẳng có người khách nào quay trở lại. Chỗ của tôi ở đâu bây giờ ? Tôi còn lại gì nữa ngoài niềm hy vọng ?

Uwe Siemon-Netto

Nguyên tác : "Triumph of the Absurd : A reporter’s love for a wounded people" ("Vinh quang của sự Phi lý : Tình yêu của một phóng viên dành cho một dân tộc nhiều đau thương"), Nhà xuất bản Amazon, 09/01/2015, 254 trang.

Lý Văn QuýNguyễn Hiền biên dịch

Nguồn : ongvove, 21/04/2015

Additional Info

  • Author Uwe Siemon-Netto, Lý Văn Quý, Nguyễn Hiền
Published in Diễn đàn

1. Hòa giải nỗi đau chiến tranh - nhớ và quên có chủ đích ?

Gần đây, hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam có nhiều động thái thúc đẩy cuộc hòa giải và xoa dịu những vết thương chiến tranh. Hội nghị bàn về hòa giải do Viện Hòa Bình Hoa Kỳ (USIP) tổ chức tháng trước với sự tham gia của quan chức, học giả nhiều bên là một minh chứng. Tiếp theo bài phỏng vấn cựu Đại sứ Ted Osius, Đài RFA trò chuyện cùng Giáo sư Alex Thái Võ ở Trung tâm Việt Nam học, Đại học Kỹ thuật Texas, về chủ đề vừa mang tính lịch sử vừa mang tính thời sự này.

hoagiai1

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel phát biểu tại Hội nghị về hòa giải chiến tranh tại Viện USIP vào 11/10/2022 - RFA

1.1. Tại sao Việt Mỹ bàn về hòa giải ?

RFA : Như anh thấy trong hội thảo về hòa giải trong Hội thảo USIP, Trung tướng Việt Nam Hoàng Khánh Hưng nói rằng ông rất cảm thương những người lính Mỹ đã chết và mất tích trong chiến tranh. Nhưng ông không nói gì về những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã chết và mất tích trong chiến tranh, trong khi không thể phủ nhận đó là đồng bào của ông. Hai chính phủ Việt Nam - Hoa Kỳ hôm nay đã hòa giải với nhau theo cách quên đi nỗi đau và chấn thương tinh thần của những người Việt Nam Cộng Hòa. Tại sao ? 

Alex Thái Võ : Theo mình thì không thể dùng chữ "quên" được. Quên là vô tình. Còn ở đây là "quên" có mục đích. 

Tại sao có nỗ lực hòa giải này ? Vì từng có một cuộc chiến giữa "Việt Nam" và Hoa Kỳ. Cuộc chiến này có sự tham gia của nhiều phe nhóm khác nhau. Khi nói đó là cuộc chiến giữa "Việt Nam" mà Mỹ thì chúng ta vô tình coi đó là cuộc chiến giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ. Nhưng trong cuộc chiến đó có nhiều "Việt Nam" khác nhau, với những niềm tin khác nhau, mục đích khác nhau. 

Sau thời kì thuộc địa, ở Miền Bắc, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cố gắng thành lập một nước theo chủ nghĩa cộng sản, dưới sự lãnh đạo của một đảng là Đảng cộng sản. Đó là mục đích của họ. Ở Miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa mặc dù có nhiều thất bại nhưng đã cố gắng trong hai mươi năm đó xây dựng một đất nước theo cái nhìn tự do, dân chủ, thị trường. 

Ở đây rõ ràng không ai có thể "quên" là trong cuộc chiến đó, đối diện với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là Việt Nam Cộng Hòa. Ở đây mình nghĩ họ "ignore" (không quan tâm) hay "neclect" (bỏ qua một bên).

Nói đến chiến tranh Việt Nam thì không thể không nói đến Việt Nam Cộng Hòa nhưng ở Việt Nam người ta không muốn nói đến Việt Nam Cộng Hòa. Ở Mỹ cũng vậy. Lý do là họ không còn đại diện nữa, họ chỉ còn tồn tại trong ký ức một số người. 

RFA : Tại sao ở Mỹ sau cuộc chiến Việt Nam thì sách vở học thuật của họ lại hạ thấp Việt Nam Cộng Hòa ?

Alex Thái Võ : Cái này mình chỉ luận thôi chứ không có căn cứ chính xác. Người Mỹ tự hào vì chiến thắng trong thế chiến thứ 2, chiến thắng trong cuộc chiến Triều Tiên, nhưng từ cuộc chiến Việt Nam và các cuộc chiến sau đó nữa thì họ thất bại. Họ có nhu cầu đổ lỗi cho ai đó về những thất bại đó. 

Trong bài phát biểu trong Hội nghị vừa rồi, như ông Chuck Hagel đã nói chúng ta thua vì chúng ta sai. Nhưng đó là nói với phương diện cá nhân. Còn khi nhìn toàn cảnh, khi người Mỹ viết về lịch sử thì họ không nói như vậy mà nói là trước hết chúng ta không nên đến Việt Nam, còn đi sâu hơn thì họ sẽ nói là chúng ta thua vì ủng hộ một phe không đáng ủng hộ là Việt Nam Cộng Hòa, vì đó là một đất nước tham nhũng, quân lính thì yếu hèn. Bằng cách tâng bốc kẻ địch là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và hạ thấp đồng minh thì họ có thể giải thích sự thất bại không phải là lỗi của họ, rằng họ đến Việt Nam với tấm lòng đúng đắn nhưng thất bại là tại sự yếu kém của phe mà ủng họ. 

2.2. Hòa giải nhắm đến lợi ích 

RFA : Khi chính phủ hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ bây giờ đang bàn về hòa giải, họ đã nỗ lực vượt lên những vết thương chiến tranh, bằng cách đi tìm quân nhân hai bên bị mất tích trong chiến tranh. Nhưng như anh đã nói, hai chính phủ ấy đều không quan tâm đến những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã mất tích trong chiến tranh hoặc chết trong các trại tù cải tạo sau cuộc chiến mà cho đến giờ gia đình vẫn chưa nhận được hài cốt của họ. Ở đây có hai vấn đề : một là cách quan niệm về nỗi đau chiến tranh, hai là cách vượt lên vết thương chiến tranh đó. Anh đánh giá như thế nào về điều đó ?

Alex Thái Võ : Nói chung là những ai, nhưng nước đã tham gia vào cuộc chiến đó thì ai có một vết thương chiến tranh cả. Vấn đề là cách mình đối diện với vết thương chiến tranh đó như thế nào, đúng không ? 

Đến nay thì cuộc chiến đã kết thúc gần 50 năm rồi nhưng vết thương chiến tranh vẫn còn đó : đối với những người Cộng sản cũng vậy, đối với những người Việt Nam Cộng Hòa cũng vậy, đối với người Mỹ cũng vậy. 

Nhưng mình phải nhìn lại cái đối thoại về hòa giải, về vết thương chiến tranh để đi đến sự an bình, thì mình phải thấy là cuộc đối thoại về hòa giải đó mang tính chất chiến lược hơn, nó phục vụ cho những nhu cầu chính trị hiện nay hơn. 

Mình là cá nhân, mình nhìn vấn đề hòa giải ở nhiều khía cạnh khác nhau, còn đối với một đất nước thì họ thường nhìn ở khía cảnh chiến lược nhiều hơn. Về chiến lược của Việt Nam ngày nay thì tôi xin không nói, nhưng về chiến lược của Hoa Kỳ thì đó là họ đối diện với sự bành trướng của Trung Quốc trên toàn cầu cả về kinh tế và chính trị. Đối với Hoa Kỳ thì đó là một vấn đề đáng lo ngại. Và như từ thời Tổng thống Obama, xoay trục về Châu Á thì đối diện với Trung Quốc là một chiến lược lớn. Đối đầu với Trung Quốc không nhất thiết là đối đầu trực tiếp mà có thể là củng cố các mối quan hệ với các nước xung quanh Trung Quốc. Thành ra Hoa Kỳ muốn Việt Nam gần lại họ, như thế có lợi cho họ hơn. Để được sự ủng hộ của Việt Nam thì Hoa Kỳ có trách nhiệm giải quyết những nỗi đau chiến tranh trước đây, như đi tìm liệt sĩ Cộng sản mất tích, giúp đỡ thương phế binh, tẩy chất độc màu da cam, gỡ mìn còn sót lại… 

Còn ở phía Việt Nam thì mình bị ở vào cái thế có hai cực đang lôi mình, bên nào cũng muốn tạo ảnh hưởng lên mình. Nên Việt Nam cũng sẽ muốn tạo ra cái thế dung hòa, cân bằng. Theo Thái nghĩ thì nếu nhìn từ góc độ của mình là người dân Hoa Kỳ thì mình sẽ hỏi tại sao không nghiêng hẳn về Hoa Kỳ. Nhưng nếu nhìn từ phía lãnh đạo Việt Nam thì nghiêng hẳn về Hoa Kỳ chưa chắc đem lại sự tồn tại lâu dài cho Việt Nam và chính thể của họ. Ngược lại, họ cũng thấy là nếu nghiêng hẳn về Trung Quốc thì đó là tình thế nguy hiểm chứ không phải chỉ có lợi. Do đó họ sẽ chọn đứng dung hòa, trung dung. Dung hòa để mang lại cái lợi cho mình. Đó là nhiệm vụ của họ. Là lãnh đạo một đất nước thì họ phải mang lại lợi ích cho đất nước họ. Tìm liệt sĩ Cộng sản mất tích, giúp đỡ thương phế binh, tẩy chất độc màu da cam, gỡ mìn còn sót lại… là những lợi ích đó. Đó là những vấn đề khó khăn mà họ không giải quyết hết được nên họ cũng phải lợi dụng chính sách, chiến lược của Hoa Kỳ mà giải quyết những vấn đề mà chính họ phải có trách nhiệm giải quyết. Đó là lí do vì sao hai nước đặt ra vấn đề hòa giải. Mỗi bên đều vì lợi ích của mình.

Trong cả hội nghị về hòa giải ở USIP thì ngoài những người là con em Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi thì không có ai nhắc đến "Việt Nam Cộng Hòa" khi nói về chiến tranh Việt Nam. Bởi vì cả hai nước đang nói về quá khứ nhưng với nhu cầu hiện tại nên không có lý do gì để họ nói về Việt Nam Cộng Hòa vì Việt Nam Cộng Hòa không còn tồn tại. 

2.3. Hòa giải Việt Mỹ : lãng quên Việt Nam Cộng Hòa ?

RFA : Nhưng chiến tranh thì ai cũng đau thương cả. Những người Việt Nam Cộng Hòa cũng đau thương và vết thương tinh thần vẫn còn nguyên đó. Tại sao hai chính phủ bàn về hòa giải mà không nhắc đến Việt Nam Cộng Hòa ?

Alex Thái Võ : Ở đây chúng ta đang nói về hòa giải trong khuôn khổ chính sách hòa giải của hai chính phủ Hà Nội và Washington DC mà Viện Hoa bình Hoa Kỳ (USIP) tổ chức. Nếu đặt vấn đề hòa giải chiến tranh thì đúng là không thể nào không nói đến Việt Nam Cộng Hòa, một bên của cuộc chiến, nhưng hiện nay thì hai nước cố tình không bàn đến Việt Nam Cộng Hòa. Nước Mỹ hiện nay không phải là quên, nhưng về mặt ngoại giao thì họ phải biết là nước Việt Nam ngày nay chấp nhận những gì và không chấp nhận những gì. Nước Mỹ muốn Việt Nam lại gần mình thì phải bắt đầu từ những cái chung, hai đều đều chấp thuận. 

Tôi cũng nghĩ vậy nhưng Chính phủ Việt Nam rất ngại nhắc đến Việt Nam Cộng Hòa. Tôi nghĩ nguyên nhân chủ yếu là do nếu nhắc đến Việt Nam Cộng Hòa thì sẽ tạo ra một sự so sánh, đối chiếu giữa Việt Nam Cộng Hòa thời xưa và Việt Nam bây giờ. 

Sách sử Việt Nam thậm chí không nhắc đến cái tên của chính thể là "Việt Nam Cộng Hòa" vì nhắc đến tên chính thức của chính thể thì giống như thừa nhận họ. Khi nói về cuộc chiến thì Việt Nam ngày nay chỉ nói đó là cuộc chiến giữa người Việt và người Mỹ, họ loại Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi diễn ngôn về cuộc chiến, dù thời đó họ chỉ đại diện cho một nửa Việt Nam thôi. 

Cách tư duy đó vẫn tồn tại đến bây giờ, sau gần 50 năm chiến tranh kết thúc. Nghị quyết 36 mới đây kêu gọi sự đoàn kết của người Việt hải ngoại để về phục vụ đất nước, về mặt bề nổi thì họ kêu gọi đoàn kết, nhưng bề sâu thì họ không chấp nhận cái thể chế một thời đã gắn liền với những người họ kêu gọi đoàn kết. Anh kêu gọi người ta nhưng không công nhận người ta thì anh đang nói chuyện với ai ? 

Những hội nghị như của USIP mang tính chất tác động chính sách cho nên họ rất là ngoại giao. Giống như đến nhà người ta vận động kết thân trong khi gia đình người ta đã ly dị thì không nên nói chuyện ly dị làm gì. Nó sẽ không vui cho chủ nhà. Cho nên không ai nhắc đến Việt Nam Cộng Hòa cả. Ai cũng biết Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn rất nhiều người mất tích trong chiến tranh nhưng họ không nhắc đến.

hoagiai2

Phó Giáo sư Tiến sĩ Alex Thái Võ (ngoài cùng bên trái) tại Hội nghị bàn về hòa giải và hàn gắn vết thương chiến tranh tại Viện Hòa Bình Hoa Kỳ hôm 11/10/2022

2. Con đường hòa giải : đi tìm điểm chung qua sự thật lịch sử

2.1. Hòa giải xét từ lợi ích 

RFA : Các chính phủ, cả Hà Nội và Washington DC, thường chỉ đặt câu hỏi là lợi ích cụ thể khi hành động. Có vẻ như cả chính phủ Hà Nội và DC đều nghĩ rằng hòa giải với cộng đồng người Mỹ gốc Việt, hoặc nói một cách bình thường về Việt Nam Cộng Hòa trước đây thì không có lợi ích gì cả về mặt kinh tế và chính cho ngày nay cả, bởi vì Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa. Nhưng thực thế có phải như vậy không ? Anh Phillip Nguyễn (Vietnamese American Foundation) có nói là sinh viên Nhật, Hàn, Hoa sang Mỹ du học thì được cộng đồng người Mỹ gốc Nhật, Hàn, Hoa giúp đỡ, nhưng điều đó không xảy ra với Việt Nam. Một ví dụ khác, trong kinh tế, doanh nghiệp công nghệ cao người Mỹ gốc Việt cũng không giúp giới công nghệ cao Việt Nam. Như vậy Chính phủ Hà Nội đang bị thiệt hại có phải không ?

Alex Thái Võ : Đúng vậy. Theo Thái thì không phải Chính phủ Việt Nam không biết điều này. Họ biết nên mới ra Nghị quyết 36. Mục đích của Nghị quyết 36 là chiêu nạp lại cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Nhưng cái lấn cấn của họ là họ muốn nhận nhưng vẫn chưa muốn cho. Họ luôn có một phần đa nghi, lo ngại với những người liên hệ tới Việt Nam Cộng Hòa. Mặc dù 2,5 triệu người Mỹ gốc Việt ở đây cũng chẳng làm gì mà lung lay được hệ thống chính trị ở Việt Nam. Nhưng Chính phủ Việt Nam họ sợ nên họ không dám bước một bước kế tiếp, là ngửa bàn tay của mình ra mà nói rằng "chúng tôi muốn bắt tay với các anh, các chị, các cháu trên tinh thần bình đẳng". Thay vì như vậy họ chỉ kêu gọi trung thành với đất nước trong khi vẫn đa nghi. Đa nghi như vậy nên về mặt lịch sử, họ mới không nhắc đến Việt Nam Cộng Hòa nữa. Vì vẫn như thế nên mới có thiệt thòi. 

Ví dụ như có khoảng 36 ngàn sinh viên Việt Nam du học Mỹ. Phần đông cộng đồng người Mỹ gốc Việt tập trung ở những trung tâm lớn như Nam Cali, Bắc Cali, vùng Washington DC, vùng New York. Đó là những nơi cộng đồng người Mỹ gốc Việt rất lớn, business rất nhiều, các công ty, hãng xưởng của người Mỹ gốc Việt rất cần người. Nhưng các bạn ấy không có cơ hội ở đó. Vì các bạn là du học sinh, khi ra nước ngoài thì cũng là đại diện cho một đất nước. Nếu giữa Việt Nam và cộng đồng người Mỹ gốc Việt không có quan hệ tốt thì các bạn cũng bị thiệt thòi. 

2.2. Hòa giải là công nhận lẫn nhau 

RFA : Các bạn du học sinh Việt Nam khi ra nước ngoài thì mang theo một ý thức về "bản sắc quốc gia" mà họ được giáo dục và tuyên truyền ở Việt Nam. Đó là cái "bản sắc quốc gia" gắn liền với Đảng cộng sản. Cái "bản sắc quốc gia" đó khác hoàn toàn với "bản sắc quốc gia" của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Như anh Phillip Nguyễn nói, khác nhau như nước với dầu, cứ cố mà trộn vào nhau thì chỉ một lúc sau cả hai lại tách ra. Vậy theo anh phải làm sao ?

Alex Thái Võ : Nếu chọn nước và dầu như anh Phillip Nguyễn làm ví dụ thì theo như mình được nghe lại là chúng ta có thể dùng xà phòng làm chất xúc tác để giúp hai loại chất khác biệt này hòa hợp với nhau. Theo mình sự hòa hợp giữa hai thái cực cách nhau quá xa, 

Một bên thì đất nước được quan niệm là cái gì gắn chặt với Đảng cộng sản, cờ đỏ sao vàng. Họ dạy cho các cháu điều đó là điều đúng thôi, rất dễ hiểu. Và bên này cộng đồng người Mỹ gốc Việt dạy cho thế hệ sau lịch sử của Việt Nam Cộng Hòa, của lá cờ vàng thì cũng đúng và dễ hiểu. 

Vấn đề là hai thái cực đó như là nước và dầu, không thể hòa vào nhau được. Chiến tranh đã gần 50 rồi, mình thấy là không ai có thể thay đổi điều đó hết. Cho nên điều quan trọng bây giờ theo Thái nghĩ trước hết là hai bên cần phải công nhận sự tồn tại của nhau, hay là đã từng tồn tại của nhau. Chúng ta không thể "deny" (từ chối), "ignore" (làm như không thấy) sự tồn tại của nhau mà nên công nhận sự tồn tại của nhau. Theo Thái thì với vị thế của Nhà nước Việt Nam ở Việt Nam và trên thế giới ngày nay thì sự thừa nhận đó không ảnh hưởng gì đến vị trí, vị thế chính trị của họ. Mà ngược lại, điều đó sẽ mang lại sự đoàn kết hơn giữa họ và người Việt trong nước với cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Sự thừa nhận này nên xuất phát từ họ trước vì Nhà nước Việt Nam ở trong thế mạnh. 

Sự thừa nhận này không phải là thừa nhận một Việt Nam Cộng Hòa trong hiện tại để mà cạnh tranh với Nhà nước Việt Nam ngày nay mà chỉ là một vấn đề lịch sử trong quá khứ : Thể chế Việt Nam Cộng Hòa là một thể chế đã từng tồn tại trong lịch sử Việt Nam. 

RFA : Thể chế đó là một cách lựa chọn con đường cho Việt Nam là thị trường tự do, khác biệt với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong 20 năm. Họ có thể có sai chỗ này, đúng chỗ kia, nhưng đó là chuyện khác ?

Alex Thái Võ : Đúng vậy. Đúng sai chỗ này chỗ kia là chuyện khác. Nhà nước Việt Nam nên nghĩ như thế này : Mỗi bên chọn một con đường cho Việt Nam. Hai bên tranh chấp với nhau và đưa đến sự thắng và thua. Bên thua họ đã thua rồi. Còn bên ta thì ta đã thắng rồi. Gần 50 năm nay ta đã củng cố được vị thế của ta rồi, cả trong nước và ngoài nước. Nếu thẳng thắn nhìn lại lịch sử đi nữa thì chúng ta cũng đâu có bị đe dọa gì về mặt quyền lực đâu. Ngược lại nữa, chúng ta có 2,5 triệu người Mỹ gốc Việt và ở các nước khác nữa là 4 triệu người. Nếu ta công nhận họ là một thành viên trong trang sử của chúng ta thì nó không có mất mát gì hết. Thay vì cứ phải nói về họ là "Ngụy quân Ngụy quyền" thì thay đổi cách nói, rằng từ 1955 đến 1975 dưới vị tuyến 17 có một chính thể là Việt Nam Cộng Hòa. 

Bằng những động thái nhỏ như vậy, người ta có thể hóa giải được những khúc mắc, những vết thương của cuộc chiến. 

Và những người bên Việt Nam Cộng Hòa cũng nên nhìn nhận sự thật lịch sử là không nên vì chính kiến của mình và phủ nhận sự thật lịch sử là trước 1975 từ vĩ tuyến 17 trở lên, có sự tồn tại của một nhà nước là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Và dù chúng ta không thích, không đồng ý, chúng ta phải vẫn thừa nhận là sau 1975 thì có một nhà nước trên toàn lãnh thổ Việt Nam là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quốc tế công nhận. Ngày nay Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng có những chính sách mang lại nguồn lợi cho Việt Nam và đang bảo vệ Việt Nam.

Chúng ta có một vết thương. Có hai cách trị thương. Cách một là chúng ta không thừa nhận vết thương đó tồn tại để chữa. Nó ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong một điều kiện nào đó, vết thương có thể phát triển thành hoại tử rồi chết thôi. Cách hai là chúng ta thừa nhận nó để tìm cách chữa trị. 

Theo Thái thì nếu chúng ta không thừa nhận vết thương, nói cách khác là không thừa nhận sự tồn tại của nhau, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, thì không giải quyết được vấn đề gì mà chỉ tranh cãi nhau, dẫn đến không còn tin nhau và không hòa giải được. 

Nhưng nếu chúng ta công nhận được vết thương đó, tức là nếu chúng ta công nhận được Đảng cộng sản và thể chế Việt Nam hiện tại và thể chế này công nhận được là trong lịch sử có sự tồn tại của chính thể Việt Nam Cộng Hòa và cộng đồng người Mỹ gốc Mỹ cũng như một số không nhỏ ở trong nước có một mối liên hệ với Việt Nam Cộng Hòa thời đó. Công nhận như vậy thì họ cũng không làm gì chính thể hiện nay cả, nhưng là một sự tôn trọng của chúng ta đối với giai đoạn lịch sử đó của họ. 

Trong hội nghị về hòa giải của USIP thì hầu hết các diễn giả của hai chính phủ như bà Tôn Nữ Thị Ninh hay các diễn giả khác đều nhấn mạnh là để hòa giải thì không thể bắt đầu những bất đồng mà phải bắt đầu bằng những gì hai bên đồng ý. 

RFA : Tức là chúng ta có thể áp dụng nguyên lý hòa giải giữa Chính phủ Hà Nội và Chính phủ Washington DC cho sự hòa giải giữa Chính phủ Hà Nội và cộng đồng người Mỹ gốc Việt hay nói chung là với cộng đồng có quan hệ với chính thể Việt Nam Cộng Hòa trước đây ?

Alex Thái Võ : Đúng vậy. Tức là chúng ta phải tìm được một điểm chung. Theo Thái nghĩ, điểm chung này có thể là những lợi ích về kinh tế và chính trị, nhưng trước hết, điểm chung này chính là thừa nhận lẫn nhau, thừa nhận sự tồn tại của nhau trong hiện tại và trong quá khứ. 

2.3. Hòa giải hay hòa hợp ?

RFA : Nói về sự thừa nhận quá khứ, chúng ta cần nhìn nhận một thực tế là giáo dục lịch sử và tuyên truyền chính trị cố gắng quên đi rất nhiều điều. Có một bản sắc quốc gia được xây dựng dựa trên sự nhớ và quên, nhớ những gì có lợi và quên những gì bất lợi.

Alex Thái Võ : Như trường hợp ông Phạm Quỳnh, trong số những người con của ông có một người là nhạc sĩ Phạm Tuyên mà sự nghiệp âm nhạc của cả cuộc đời ông là ca tụng thể chế đã giết cha mình. Hiện tượng đó khá phổ biến. Ông Phạm Quỳnh là một trong số những người đầu tiên bị chế độ sát hại nhưng sau đó thì liên tục lặp lại ở mức độ cao hơn, từ Cải cách Ruộng đất đến Nhân văn Giai phẩm, rồi Cải tạo tư sản miền Bắc và Cải tạo tư sản miền Nam, rồi tù cải tạo sau 1975… Cuộc chiến Việt Nam ngoài việc đánh với ngoại xâm như người ta thường gọi còn là cuộc chiến giữa những người anh em, giữa người Việt đánh với người Việt. Chúng ta đã vì những lý tưởng khác nhau mà xung đột nhau ngay trong một gia đình. 

RFA : Cụ Nguyễn Xuân Vinh là Tư lệnh Không quân của Việt Nam Cộng Hòa nhưng cha của cụ là Liệt sĩ của Chính phủ Việt Minh.

Alex Thái Võ : Hoặc ví dụ như gia đình cô Tôn Nữ Thị Ninh, cô ấy đại diện cho Nhà nước Việt Nam bây giờ, còn em trai cô là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa. Chính cô ấy nói phần lớn gia đình Việt đều có người bên này và bên kia. Tất cả những điều này không phải là nội chiến thì là cái gì ? Nó là nội chiến bởi vì nó có sự tồn tại của những người Việt Nam khác, có suy nghĩ khác, lý tưởng khác vào giai đoạn lịch sử đó. Cái chúng ta cần là nhìn nhận nhau, tức là tôn trọng nhau. Tôn trọng nhau thì không nhất thiết là nói đến thể chế chính trị mà là nói đến con người. Cuối cùng thì tất cả chúng ta là người Việt Nam, không phải là người Việt Nam này hay người Việt Nam kia. 

Khi chúng ta có một điểm chung như vậy thì chúng ta dễ dàng giải quyết những khúc mắc khác. Nhưng chúng ta không dễ dàng công nhận lẫn nhau. 

RFA : Chính phủ Việt Nam có hai từ là "hòa giải" (reconciliation) và "hòa hợp" (integration). Bây giờ Chính phủ Việt Nam dường như dùng từ "hòa hợp" nhiều hơn chứ ít dùng từ "hòa giải" nữa. "Hòa giải" tức là tôi và anh công nhận lẫn nhau để bắt tay với nhau, gác lại những đau thương trong quá khứ. Còn "hòa hợp" là anh phải đến với tôi.

Alex Thái Võ : Như Thái có nói, Chính phủ Việt Nam có rất nhiều lựa chọn. Cách họ là chọn là các anh phải đến với chúng tôi, đem tài nguồn lực và chất xám về với chúng tôi. Họ quên mất là cách đây mấy chục năm họ gọi những người bỏ nước ra đi là "phản quốc". 

RFA : Anh vừa dùng từ "quên" ?

Alex Thái Võ : Đúng, họ "quên", nhưng là quên cố tình. Họ là người làm chính sách mà, không thể quên thật. Bây giờ họ gắn cho những người ngày xưa họ gọi là "phản quốc" là "Việt kiều" và thêm là tính từ "yêu nước" nữa. Vẫn là những con người đó nhưng qua thời gian tùy theo mục đích họ đặt cho những tên gọi khác nhau. Thay vì sử dụng cách làm đó, họ có thể bắt đầu bằng cách ngửa bàn tay ra, rằng chúng ta có thể bắt tay nhau, bằng cách trước tiên là công nhận sự khác biệt của nhau. Khi đã chấp nhận sự khác biệt của nhau rồi thì chúng ta mới bắt đầu đến với nhau được. Đúng là chúng ta khác nhau như nước và dầu, và đó là hai thái cực khác biệt. Hai thái cực đó là hiển nhiên và không thay đổi được. Không nên mất thời gian làm cho chúng ta trở nên giống nhau. Hãy chấp nhận là dầu và nước là khác nhau và dầu và nước luôn luôn tách khỏi nhau. Nhưng hai yếu tố này đều có thể làm một việc gì đó đặc thù của riêng nó. Chúng ta có thể chấp nhận tách nó ra, dầu có thể dùng để chiên đồ ăn, còn nước để uống chẳng hạn. 

RFA : Việc cố gắng làm cho dầu và nước hòa tan vào nhau là không cần thiết và thay vào đó chỉ cần tôn trọng sự khác biệt của nhau ?

Alex Thái Võ : Đúng vậy. Chính quyền Việt Nam chỉ cần tôn trọng sự thật lịch sử, thay vì tiếp tục đặt tên là "Ngụy quân Ngụy quyền" thì chỉ cần một sự thừa nhận sự thật rằng Việt Nam Cộng Hòa là một chính thể được công nhận bởi bao nhiêu nước trong giai đoạn lịch sử đó nhưng chúng ta không đồng ý với nhau rồi có một cuộc chiến và chính thể đó không còn tồn tại. Chỉ cần như vậy thôi thì số đông người Việt Nam ở Mỹ sẽ ít nhất thấy cái lòng của giới lãnh đạo hiện tại đối với họ. 

RFA : Và nếu làm như vậy thì đối với phần đông người Việt Nam, họ lại thấy Nhà nước Việt Nam có một cái tầm cao hơn ?

Alex Thái Võ : Đúng, tức là có cái nhìn khoan dung.

hoagiai3

Vietnam American Foundation đi tìm hài cốt người tù Việt Nam Cộng Hòa mất trong các trại cải tạo sau 1975. Vietnam American Foundation

3. Hòa giải dân tộc nhìn từ cách đối xử với người đã mất trong chiến tranh

3.1. Nghĩa tử là nghĩa tận 

RFA : Cách đây gần hai mươi năm, phía Mỹ tìm thấy một chiếc máy bay rơi trong chiến tranh Việt Nam, trong đó họ tìm thấy khoảng 81 hài cốt quân nhân Việt Nam Cộng Hòa và 4 hài cốt người Mỹ. Họ mang hài cốt binh sĩ Mỹ về nước và đề nghị Chính phủ Việt Nam nhận những bộ hài cốt của quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng phía Việt Nam không nhận, và Mỹ phải mang về an nghỉ tại Hawaii và sau đó là California.

Alex Thái Võ : Mình nghĩ rằng Nhà nước Việt Nam ngày nay với tư cách là bên thắng cuộc, họ tiếp quản mọi thứ thuộc về Việt Nam Cộng Hòa và họ có trách nhiệm với cả những tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã mất. Khi thắng cuộc, họ tiếp quản mọi tài sản của Việt Nam Cộng Hòa thì xét về mặt lý thuyết, họ cũng phải có trách nhiệm với cả những người lính Việt Nam Cộng Hòa dù xác của những người lính ấy nằm ở đâu. Nhưng đó chỉ là nói về mặt lý thuyết thôi. Còn về mặt thực tế thì họ bối rối vì nhiều câu hỏi : Mang những bộ hài cốt đó về thì chôn cất thế nào ? Bia mộ lại phải ghi là Việt Nam Cộng Hòa hay sao ? Họ đâu phải là lính của chúng ta ?... Cho nên họ từ chối cũng là điều dễ hiểu. 

Nhưng mình muốn kể thêm một câu chuyện thế này. Khi làm việc cho Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trong dự án tìm hài cốt quân nhân mất tích trong chiến tranh Việt Nam, mình biết là Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã tìm thấy nhiều hài cốt của binh sĩ cộng sản, dù là họ không thể xác định được đó là binh sĩ cộng sản ở Miền Nam nổi dậy hay là quân nhân từ Bắc Việt. Nhưng Chính phủ Việt Nam cũng không chấp nhận mang những hài cốt đó về, dù đó là xác những người đã từng đánh cho mình. Chính họ không nhận về những bộ hài cốt của người bên mình, nên việc họ không nhận hài cốt quân nhân Việt Nam Cộng Hòa cũng là điều dễ hiểu. Bây giờ ở trung tâm bên Hawaii vẫn còn giữ hài cốt của quân nhân cộng sản mất tích. Đó là những hài cốt chúng tôi xếp vào nhóm "Stateless" (không được quốc gia nào nhận về). Thành ra đó là những hài cốt còn "lang thang". 

RFA : Tại sao Trung tâm Việt Nam học ở Đại học Kỹ thuật Texas nơi anh đang làm việc hiện đang xây dựng cơ sở dữ liệu về quân nhân mất tích của cả ba bên : Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ?

Alex Thái Võ : Nếu mà có đủ kinh phí, chúng tôi còn muốn mở rộng cơ sở dữ liệu cho tất cả các bên khác như Hàn Quốc, Úc… kể cả Liên Xô và Trung Quốc. Đảng cộng sản Trung Quốc đã gửi khoảng 320 ngàn quân nhân vào Việt Nam. Và theo tư liêu mà mình có được thì ở những giai đoạn cao điểm của cuộc chiến, quân nhân Liên Xô và Trung Quốc có mặt ở chiến trường Miền Nam, có mặt ở tận vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Họ có thể là cố vấn quân sự, làm phim tuyên truyền, tình báo... đều có hết. Họ đi theo các đơn vị Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, cố vấn cho họ cách tuyên truyền. 

Mình đặt tên cho bài phát biểu của mình tại Hội nghị về hòa giải vết thương chiến tranh ở Viện Hòa Bình Hoa Kỳ là "Reconciliation with the Stateless" (Hòa giải với những người không còn quốc gia). Về lý thuyết như mình đã nói, Chính phủ Việt Nam là bên thắng cuộc thì họ có trách nhiệm kế thừa và có trách nhiệm với mọi thứ nhận từ bên thua cuộc, kể cả hài cốt quân nhân. Nhưng Chính phủ Việt Nam không nhận họ thì họ trở thành "Stateless" (không còn quốc gia). Trong gần 50 năm qua, những người Việt bỏ nước ra đi đã mang quốc tịch nước ngoài, không còn tư cách pháp lý để về nước tìm hài cốt người anh em cũ, còn Nhà nước Việt Nam thì không quan tâm đến họ. Nhưng mình nghĩ bây giờ cuộc chiến đã kết thúc gần 50 năm rồi. Cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ đã củng cố lại được vị trí của họ. Họ có nhiều đại diện trong Quốc hội Mỹ, nhiều người thành công trong quân đội Mỹ, trong kinh tế, công nghệ, giáo dục. Chúng ta với tư cách là người Mỹ có quyền đưa ra tiếng nói yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ có trách nhiệm cả với hài cốt quân nhân Việt Nam Cộng Hòa mất tích. Lý do là khi Chính phủ Mỹ lấy tiền thuế của dân để giúp Chính phủ Việt Nam tìm hài cốt quân nhân mất tích, họ lấy tiền thuế đó từ đâu ?

RFA : Từ người Mỹ, trong đó có hai triệu rưỡi người Mỹ gốc Việt.

Alex Thái Võ : Và vì thế, anh lấy tiền thuế đó đi giúp cho những người ngày xưa là kẻ địch nhưng bây giờ là đối tác thì anh cũng phải có trách nhiệm với những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, những người hi sinh trong chiến tranh hoặc trong các trại cải tạo, trại tị nạn, có trách nhiệm với cả những người mất mạng ở ngoài biển. 

3.2. Nhìn nhau như những con người 

RFA : Ở Sài Gòn có những nhà thờ, ngôi chùa đang nuôi dưỡng các cụ già thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa bây giờ đều đã là bảy tám mươi tuổi, bị tàn tật từ thời chiến.

Alex Thái Võ : Và trong các chương trình trợ giúp của Chính phủ Mỹ cho Việt Nam thuộc khuôn khổ chính sách hòa giải Mỹ Việt này có cả chương trình giúp đỡ cho thương binh cộng sản. Trong khi đó thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa thì sống lê lết gần 50 năm nay rồi thì không ai quan tâm. Họ cụt chân cụt tay. Theo tôi được biết cộng đồng Việt Nam bên này gây quỹ gửi về giúp họ mà đôi khi còn bị làm khó khăn nữa. 

Không phải là mình cứ cố khơi lại chuyện Việt Nam Cộng Hòa đâu, mà sự thực là ban tổ chức của hội nghị về hòa giải chiến tranh của Viện Hòa Bình Hoa Kỳ này đã mời Thái đến và muốn Thái nói về việc tìm hài cốt quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Đó là bài nói chuyện được đặt hàng bởi chính Viện Hòa Bình Hoa Kỳ của Chính phủ Mỹ. Thành ra tôi mới đưa ra tiếng nói là Chính phủ Hoa Kỳ phải có trách nhiệm với quân nhân Việt Nam Cộng Hòa mất tích. Chính phủ Việt Nam phải có trách nhiệm với quân nhân mất tích của họ. Đó là việc đương nhiên. Nhưng họ cũng có trách nhiệm với cả cộng đồng họ kế thừa sau chiến thắng. Nếu chúng ta không muốn nói đến "trách nhiệm" thì chúng ta hãy nói như chính các vị Đại sứ Phạm Quang Vinh hay Tôn Nữ Thị Ninh đã nói là "humantarian aid" (hỗ trợ nhân đạo). Tất cả những xác người đang còn nằm lại rải rác trên mảnh đất này vì cuộc chiến, dù là "người Cộng sản" hay "người Cộng hòa", thì trước khi họ thuộc về một thể chế nào thì họ là một con người, có cha có mẹ, có anh có chị có em, có dòng họ, bạn bè. Chúng ta đang muốn tìm một điểm chung để nói chuyện mà, phải không ? Nếu tìm điểm chung trong chính trị thấy khó quá, dễ tranh cãi, vậy thì hãy đặt chuyện đó sang một bên. Còn nếu nhìn những xác người còn nằm lại đó từ góc độ con người, góc độ nhân đạo, thì nó xóa đi những khó khăn do vấn đề chính trị tạo ra. 

Hãy nhìn họ như những người đang cần được đưa về với gia đình họ. Đưa họ về với gia đình để khép lại cho gia đình họ, cho chính những người đã hy sinh những đau thương. 

RFA : Chính phủ Việt Nam cũng nói "khép lại quá khứ" ?

Alex Thái Võ : Người ta có thể khép lại quá khứ, có thể forgive (tha thứ) nhưng không thể forget (lãng quên). Không thể hòa giải bằng cách lãng quên vì đó là điều bất khả thi. Quá khứ là cái không thể quên vì là cái định hình hiện tại của mỗi bên. Nhưng chúng ta có thể forgive, tha thứ cho nhau, như thế thì có thể đi đến hòa giải cùng nhau. 

Người Nhật, người Đức, người Mỹ đều trải qua những xung đột nội bộ nhưng bên thắng cuộc với lợi thế về mặt quyền lực là bên chủ động hòa giải cùng bên thua nên nước họ thành công. Ở Mỹ bên thua vẫn có những nghĩa trang chôn cất tử sĩ bên mình một cách tử tế. Ngay cả khi người Mỹ bên thắng đã nỗ lực hòa giải với bên thua như vậy nhưng mâu thuẫn đến giờ vẫn còn. Dẫu sao nó cũng không gay gắt như ở Việt Nam.

Mấy năm trước mình làm cho dự án của Bộ Quốc phòng Mỹ tìm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Sau đó mình làm cho Trung tâm Việt Nam học của Đại học Kỹ thuật Texas. Trung tâm này có dự án tìm quân nhân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mất tích sau chiến tranh. Mình tham gia vào dự án đó vì thấy đây là cơ hội để hàn gắn người Việt với nhau. Mình muốn nhận công việc đó. Nhưng để thể hiện sự tôn trọng với ba mình, mình đã gọi điện cho ba : Bây giờ con sẽ tham gia vào một dự án tìm hài cốt những người lính cộng sản mất tích. Họ là những người ở phía bên kia chiến tuyến của ba, và sau cuộc chiến thì ba đã bị tù tội sau bảy năm trong nhà tù của họ. Ba nghĩ con có nên nhận công việc này không ? Ba suy nghĩ như thế nào ? 

Ba tôi trả lời ngay : Nên làm. Con nên làm việc đó. Đó là việc nhân đạo phải làm. 

Một người như ba mình, mất hết những gì mình có trong thời trẻ, khi ba mươi mấy tuổi, lúc qua Mỹ cũng khó mà gầy dựng lại được hết những gì đã mất. Những người như ba đáng lý ra có nhiều uất ức lắm chứ, nhưng họ chịu bỏ qua một bên, khuyến khích con mình tham gia tìm hài cốt của phía bên kia. Chính vì vậy, mình muốn "challenge" (thử thách) Chính phủ Việt Nam lẫn Chính phủ Hoa Kỳ là họ ở vị thế cao hơn, họ cũng có thể làm như vậy được không ? 

3.3. Động lực của hòa giải : văn hóa hay thể chế ? 

RFA : Đằng sau hành động của ba anh và anh có phải là một nền tảng văn hóa, giáo dục nào đó ? 

Alex Thái Võ : Cũng có thể. Như cô Olga Dror ở Đại học Texas A&M đã phân tích trong cuốn sách của cô, so sánh về văn hóa giáo dục hai miền Nam Bắc Việt Nam thời chiến, thì ở miền Nam văn hóa giáo dục tôn trọng bản ngã con người, tính nhân văn, trong khi miền Bắc giáo dục con người để phục vụ hoàn toàn cho cuộc chiến. Về âm nhạc thì nhạc đỏ của miền Bắc cũng rất khác nhạc miền Nam. Mình nghe nhạc đỏ miền Bắc, không dám nói chuyện hay dở, nhưng thấy nó tạo ra sát khí, nó tạo ra "ta" và "địch", phải giết, phải thắng bằng mọi giá. Mình không nghĩ đó chỉ là âm nhạc, không ảnh hưởng đến tư duy con người. Nếu người ta nghe mấy chục năm nhạc đó trong chiến tranh rồi tiếp tục gần 50 năm sau vẫn nghe liên tục thì ít nhiều nó cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ của con người. Âm nhạc miền Nam thì dù nói về người lính hay xã hội thì luôn luôn nhắc đến tính nhân bản, nhắc đến vấn đề con người. 

RFA : Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, một người của Cục Tâm lý chiến Việt Nam Cộng Hòa, sáng tác "Kinh khổ" năm 1967, kêu gọi "thù hằn anh em… bỗng nhìn nhau gọi nhau thật đậm đà".

Alex Thái Võ : Đó là một dòng văn hóa âm nhạc nhìn con người như là con người. Tuy nhiên, mặc dù văn hóa rất quan trọng và ảnh hưởng lớn đến tư tưởng con người, nhưng mình nghĩ dù là bên nào đi nữa, xét đến cùng, ai cũng có nền tảng là tính người giống nhau. 

Họ chỉ khác nhau ở giới tuyến. Giới tuyến thì ảnh hưởng đến văn hóa, dẫn đến người ta dễ chấp nhận để chúng ta có hành động nhân bản hơn, nhưng trong công việc của mình, mình cũng tiếp xúc với những người phía bên kia, có con em đi lính và chết. Họ cũng bị tuyên truyền để nghĩ này khác. Nhưng khi mình liên hệ và nói thưa cô, thưa chú, chúng cháu muốn cùng nhau để tìm lại hài cốt những người đã mất của tất cả các bên trong cuộc chiến thì họ cũng bình tâm nghĩ lại mà nói : Đúng rồi, chúng ta không nên vì cuộc chiến đó mà phân biệt gì nữa hết. Phải tìm cách để tìm được hài cốt của những người đã mất của nhau. 

Như vậy ta thấy dù bên nào thì ai cũng có cái nền tảng nhân bản của con người hết. Ngay cả một số loài thú còn biết đối xử với hài cốt của đồng loại đã mất một cách tử tế nữa huống chi chúng ta là con người. Nhưng cái cản trở ở đây là cái cản trở do tính chất của hệ thống. Hệ thống làm lãnh đạo họ sợ, họ nghi ngờ. Họ sợ nhiều quá nên họ tạo ra rào nhiều rảo cản, rồi ấn cái rào cản đó xuống hệ thống. Trong hệ thống không có cá nhân nào dám làm một cái gì thực chất để hòa giải cả.

Vì vậy, văn hóa rất quan trọng ? Đúng. Giáo dục rất quan trọng ? Đúng. Nhưng nếu chúng ta chỉ đơn thuần quy mọi thứ về cho văn hóa, rồi dẫn đến miền này thế này miền nọ thế nọ thì chúng ta hạ thấp con người quá. 

Mà suy cho cùng văn hóa cũng là do hệ thống mà ra. Nếu đổ hết cho văn hóa thì con đường hòa giải sẽ trở nên mù mờ. Với kinh nghiệm của Thái thì về mặt con người, chúng ta không khác biệt nhau quá xa đâu. 

Mặc dù cả hai bên đều có những người không chấp nhận phía bên kia, không chấp nhận lẫn nhau, nhưng Thái nghĩ những người đó không nhiều. Chúng ta không nên quá bận tâm đến những thái cực đó. Chúng ta nên dành công sức và thời gian cho việc khác, có ích hơn. Nhưng chúng ta vẫn nên tôn trọng sự cực đoan của họ. Đó là sự lựa chọn của họ và chúng ta không nên phải chỉ trích làm gì. Tại sao mình dùng từ "tôn trọng" ? Bởi vì mình không trực tiếp trả qua những đau thương mất mát lớn lao mà họ, ở cả hai bên, đã trải qua. Họ đã trực tiếp phải chôn cất anh em, đồng đội, hoặc bị trực tiếp bắn vào tay vào chân, trải qua những đau thương không thể tả bằng lời. Cho nên theo mình đừng nên khuyên ai "bỏ qua" quá khứ. Có thể nói họ hãy "forgive" (tha thứ). "Tha thứ" là quyền của người ta. Còn "bỏ qua" thì có phần ép buộc họ. Chúng ta không biết, không trải qua những gì họ đã chịu đựng. Chúng ta không thể đặt mình vào vị trí của họ rồi nói tại sao không "bỏ qua" đi. Không nên làm điều đó vì điều đó chỉ làm hại mình và hại họ thôi. Với bên này cũng vậy. Bạn đã phải ngồi tù tám năm sau cuộc chiến chưa ? Bạn đã phải ôm con mình lết vào bờ khi thuyền của bạn bể làm đôi ngoài biển và bao nhiêu người chết chưa ? Bạn có vượt biên để rồi chết hết tất cả chỉ còn mình sống sót hay chưa ? Nếu chúng ta chưa trải qua những điều đó thì chúng ta không thể ngồi đây phán họ "bảo thủ" hay "tại sao không chấp nhận lẫn nhau". 

Như cô Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh trong hội nghị về hòa giải tại Viện Hoa Bình Hoa Kỳ, cô ấy đại diện cho Nhà nước Việt Nam đi kêu gọi "reconciliation" (hòa giải) mà cô ấy lại đổ cho việc không thể hòa giải được lên đầu cộng đồng Việt Nam ở Mỹ, là do có một số người "bảo thủ". Nói về hòa giải Việt Mỹ thì sao cô không nói về một số người Mỹ, vì cũng có những người Mỹ không chấp nhận Mỹ đi giúp Việt Nam như vậy. Nhất là trong hiện tại, Việt Nam vẫn đang có những vấn đề về "human rights" (nhân quyền) cho nên rất nhiều cựu quân nhân Hoa Kỳ không đồng ý Hoa Kỳ hòa giải với Việt Nam. Nhưng cô Tôn Nữ Thị Ninh chỉ nhìn vấn đề trong mối quan hệ với đối tác Mỹ, còn với cộng đồng người Mỹ gốc Việt thì cô chỉ nhìn theo kiểu họ không có ích gì cho mình. Nhưng Nghị quyết 36 cho thấy là Nhà nước Việt Nam nhìn người Việt ở nước ngoài như là một khối tài nguyên. Khối này mỗi năm gửi về Việt Nam hơn chục tỷ đô la, ngay cả trong những năm Covid thì vẫn không giảm. Cô Ninh với tư cách là người đại diện cho Nhà nước khi nói như vậy là vô trách nhiệm. Đang đi kêu gọi tình thương của nhau nhưng lại xoáy vào nỗi đau của người ta thì làm sao nhìn vào mặt nhau mà cười ? Vì vậy mình hơi tiếc vì cô Ninh vốn là người giàu kinh nghiệm, và chính cô nói cô có một người em trai là cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. 

3.4. Lịch sử và hiện tại

RFA : Triết gia Pháp thế kỷ 19 Renan có nói : sứ mệnh của khoa học lịch sử là tìm ra sự thật trong quá khứ. Nếu không thừa nhận sự thật thì không tạo ra được nhận thức lịch sử chung, do đó cũng không hòa giải được. Nhưng khi làm rõ sự thật thì sự thật đó phá vỡ những truyện kể lịch sử có tính tuyên truyền của hệ thống chính trị để tạo ra một "bản sắc quốc gia" có lợi cho nó. Như thế nó phá hỏng cái "nationhood" (tính chất như một dân tộc) mà hệ thống đó đang xây dựng. Đó là một nghịch lý. Làm sao để nghiên cứu lịch sử nói chung vượt lên nghịch lý này ?

Alex Thái Võ : Trong công việc của mình, Thái đã chuyển từ công việc của Bộ Quốc phòng ở Hawaii, đi tìm hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh, sang một công việc khác, là xây dựng cơ sở dữ liệu về quân nhân mất tích của tất cả các bên. Đó cũng là một hành động hướng đến sự hài gắn. Tôi là con em của một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, biết là cha mẹ mình đã bị như thế, anh chị em mình đã bị nhiều thiệt thòi. Nếu tôi suy nghĩ theo kiểu, ôi, đó là xác của mấy ông cộng sản, những người đã hại cha, hại mẹ mình, hại anh em mình, thì sẽ không bao giờ hàn gắn được hết. Đối với mình, mỗi lần tìm được một hài cốt dù của người đã mất của bên nào thì cũng là tìm thấy được lịch sử. Tìm được cái lịch sử chung đó là có thể tạo ra được sự hàn gắn.

Chính phủ Việt Nam ngày nay nói là họ còn ít nhất khoảng 300 ngàn quân nhân mất tích. Phía Mỹ thì nói là họ còn khoảng một ngàn rưỡi. Ít nhất họ còn biết con số tương đối. Nhưng không ai biết còn bao nhiêu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa mất tích mà chưa được đem về. 

Chúng tôi lập một cơ sở dữ liệu về những người tử sĩ, những liệt sĩ của tất cả các bên đã hi sinh, tức là về hoàn cảnh họ bị chết, rồi tập hợp lại, để sau này phân tích để tìm vị trí hài cốt của họ. Phải có nền tảng dữ liệu này thì chúng tôi mới có thể yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam hành động. 

Trung tâm Việt Nam học chỗ chúng tôi hiện có trên 30 triệu tài liệu, trong đó có hơn 260 ngàn hồ sơ trong thời chiến mà quân nhân Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh đã thu thập được khi những người Cộng sản hi sinh hoặc bỏ lại khi chạy trốn. Dựa vào những thông tin đó, chúng tôi có thể phân tích, ví dụ như chỗ này có thể có bao nhiêu người chết, chỗ kia có thể có người được chôn cất. Chẳng hạn như cuốn nhật ký này được lấy ở tọa độ này thì chúng tôi biết ít nhất là ở tọa độ này đã từng có một xác chết có thể được chôn ở khu vực đó. Chúng ta không có tư liệu nói rõ ràng theo kiểu xác chết của người này nằm đúng vị trí kia. Chúng ta chỉ có thể phát hiện thông qua phân tích tư liệu. Chẳng hạn nhật ký này có vết máu thì tọa độ nơi lấy được nhật ký có thể có xác chết để tìm. Nếu mà biết được cuốn nhật ký đó liên quan đến đơn vị nào thì có thể liên lạc với những người còn sống để hỏi. Chẳng hạn nếu có được câu trả cụ thể kiểu như "tôi biết người đó chết ở đâu nhưng lúc đó không mang đi được" thì càng dễ tìm hơn. Hoặc chúng ta có thể phỏng vấn quân nhân Việt Nam Cộng Hòa có liên quan đến trận đánh để khảo sát kỹ hơn. 

Đại khái, trung tâm chúng tôi bây giờ đang tìm để xây dựng một cơ sở dữ liệu để tìm hài cốt quân nhân mất tích của tất cả các bên. 

Và chúng tôi cần sự giúp đỡ của người Việt Nam cả trong nước và khắp thế giới. Khi đã có cơ sở dữ liệu là có bao nhiêu người mất, bao nhiêu người mất tích, thì trên nền tảng đó chúng tôi sẽ tiến tới bước đi tìm trực tiếp. Sau cuộc chiến này thì hầu như gia đình nào cũng có người mất mà chưa tìm được. Nếu họ nhập dữ liệu người đã mất vào hệ thống của chúng tôi, như họ tên, ngày sinh, năm sinh, nhập ngũ khi nào, đơn vị là gì, cấp bậc là gì, năm mất tích là gì… Cho chúng tôi những thông tin đó thì chúng tôi có thể tìm và khảo sát.

RFA : RFA xin trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư Tiến sĩ Alex Thái Võ đã dành cho độc giả chúng tôi cuộc trò chuyện này.

Nguồn : RFA, 07/11/2022

Additional Info

  • Author Alex Thái Võ
Published in Diễn đàn

Có nhng s tht không nên phi nói ra, vì s làm pht lòng rt nhiu người khác trong đó có các bn ca chúng ta, nht là thi gian đã qua quá lâu. Nhưng chng đng đng vì không th đ cho nhng s tht b chôn vùi, xuyên tc mà nn nhân là nhng người lính Việt Nam Cộng Hòa tng chu quá nhiu cay đng, kh nhc trong chiến tranh cũng như sau đó. H đã đ máu, hy sinh cuc đi mình cho t quc và dân tc ; thì nay không lý do gì đ h c b nhng k t tôn và nng óc kỳ th tiếp tc xúc phm.

vnwar1

Chúng tôi không rõ nhng người lính M trước khi lên đường sang Vit Nam đã được dy nhng gì v lch s, phong tc, ngôn ng Vit Nam, hay ch vài điu căn bn va đ đ tiếp xúc mà thôi. Vì thế, do s thiếu hiu biết v lch s Vit Nam, nht là v chiến tranh Vit Nam, mà đã dn đến nhng ng nhn quá đáng trong qun chúng Hoa Kỳ, th hin qua phim nh, sách báo, các bài thuyết trình, các câu đi thoi trên truyn thông xã hi (mà gn đây chúng tôi phi đương đu). Đây là điu mà đi đa s người M – ngay c nhng cu quân nhân tng tham chiến ti Vit Nam – đã hiu sai. Theo h :

- Cuc chiến Vit Nam là gia nước M và Vit Nam (b quên s hin din và vai trò chính ca Vit Nam Cng Hòa và Quân lực Việt Nam Cộng Hòa)

- Nếu có nơi nào nhc đến Vit Nam Cng Hòa thì đa s là vu khng, m l Việt Nam Cộng Hòa nào là tham nhũng, vô tài ; Quân lực Việt Nam Cộng Hòa thì hèn nhát, không chu đánh nhau, b chy trước đch quân…

Trước hết, chúng ta phi xác đnh li tính cht tht s ca cuc chiến.

Cuc chiến tranh Vit Nam là gia min Nam, Vit Nam Cng Hòa theo chế đ dân ch t do, chng li s xâm lăng ca min Bc, Vit Nam Dân Ch Cng Hòa theo chế đ cộng sản. Nhìn rng hơn trong bi cnh cuc chiến tranh lnh sau Thế Chiến th Hai, đó là cuc chiến gia thế gii t do mà Hoa Kỳ đng đu chng li s bành trướng ca cộng sản quc tế do Liên Xô cm đu.

– Người Vit đã chiến đu chng cộng sản t khi H Chí Minh và Mt Trn Vit Minh l din là cộng sản. C Tng thng Ngô Đình Dim là người quc gia chân chính. Ông chng chế đ thc dân ca Pháp, khước t hp tác vi Nht và không chu cng s vi H Chí Minh dù được ông H mi tham gia.

– T ngày thành lp nn Cng Hòa Vit Nam năm 1955, thế trn Quc Cng đã thành hình. C Tổng thống Dim đã không đng ý ch trương ca Hoa Kỳ là dùng chiến tranh quy ước đ chng li cuc chiến du kích ca cộng sản. Tổng thống Dim mun áp dng li đánh du kích ca Anh mà đã thành công  Malaysia nhưng Hoa Kỳ c ép Việt Nam Cộng Hòa phi hun luyn và t chc quân đi theo khuôn mu quân đi nhà giàu ca M. Tướng John O’Daniel, người cm đu Phái bộ Vin tr và C vấn Hoa Kỳ (MAAG) trng trn tuyên b "Ai chi tin, người đó ch huy" (Who pays, gives orders). C Tổng thống Dim đã không mun Hoa Kỳ đưa quân chiến đu vào Việt Nam vì mun bo v chính nghĩa và nn đc lp ca quân dân min Nam, không đ cho cộng sản có cơ hi tuyên truyn trong dân chúng v cuc chiến tranh chng M.

Trong giai đon t 1955 đến 1963, min Nam phát trin vượt bc va v kinh tế xã hi, va v xây dng dân ch. Phía người M phê phán chính quyn Tổng thống Dim mt cách ch quan và phiến din khi h đem tiêu chun ca nước M là mt quc gia có mt th chế dân ch n đnh nht hoàn cu và nn văn minh vt cht cao đ đ so sánh vi mt nước có xã hi và nn chính tr c truyn, mi giành li đc lp, và đang trong giai đon đu tiên ca s xây dng và phát trin. Đó là hai li lm nghiêm trng ca M v chiến lược quân s và chính tr  Vit Nam lúc ban sơ.

Do đó, Hoa Kỳ đã nhìn c Tổng thống Dim như mt tr ngi cho chính sách ca h. Tổng thống Kennedy đã thuê đám tướng tá phn phúc lt đ chế đ Đ Nht Cng Hòa và thm sát anh em c Tổng thống Dim. Biến c 1 tháng 11, 1963 đã đưa min Nam vào mt giai đon hn lon nghiêm trng, to cơ hi cho Cng quân phát tri nông thôn và gây r thành th. Vic này to ra duyên c đ Hoa Kỳ đưa 500 ngàn quân chiến đu vào min Nam năm 1965. Vào tháng 4, 1964, phng trước tuyên b ca Thượng nghị sĩ Wayne Morse,       Bộ trưởng Quc phòng McNamara nói vi báo chí rng "Theo tôi, đây là mt cuc chiến rt quan trng, và tôi rt sung sướng được gn lin vi nó và s làm bt c điu gì đ chiến thng". Ri khi đến thăm vùng Phi Quân S  Bến Hi, ông ta đã ngo ngh tuyên b : "Chúng ta s  li đây cho đến ngày chiến thng".

Sau by năm vi 500 ngàn quân trang b vũ khí ti tân, vi mt Không lực và Hi lực hùng hu nht thế gii, Hoa Kỳ thy không th thành công, nên đã phi rút quân. Tổng thống Nixon đ ra cái gi là "Vit Nam hóa chiến tranh" đ trao li trong trách cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau đó, đ phi tay hoàn toàn, Hoa Kỳ đã ép buc Việt Nam Cộng Hòa phi ngi vào bàn Hi ngh Paris đ ký vi phe Cng mt hòa ước bt tương xng. Hoa Kỳ rút lui hoàn toàn và gi đó là mt gii pháp là "Hòa bình trong danh dự". Thế là thế nào ? Không mun thng hay không th thng ? B cuc, rút lui trong mt cuc chiến thì còn danh d ni gì ?

Hoa Kỳ, vi sc mnh vô song, tng v vang chiến thng trc Đc Ý Nht, đã có th chiến thng Việt Cộng d dàng. Nhưng h đã c tình hay vô tình đ vut nhiu cơ hi. H đánh không quyết thng mà rt nhiu ln dng l giai đon quyết lit nht, đ thi gian cho đch phc hi. Hoa Kỳ trong sut 21 năm có m min Nam, đã không có mt chính sách và chiến lược nht quán. H thay đi chính sách tùy nhu cu tranh c và áp lc qun chúng mi bn năm mt gia các ng c viên Cng Hòa và Dân Ch. S ra đi ca chiếc máy TV trong phòng khách mi gia đình người M đã gây ra kinh hoàng cho dân chúng khi nhìn thy hình nh chết chóc ca con em mình xy ra mi ngày  chiến trường. Đi quân báo chí bt lương tha h xuyên tc bóp méo tin tc đ to áp lc. Hai tnh do Eddie Adams chp v Tướng Loan bn chết tên Việt Cộng Nguyn Văn Lém và Nick Ut chp cnh em bé Kim Phúc b cháy vì bom la ca phi cơ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã như hai can xăng đ thêm vào đám cháy ca phn chiến.

T năm 1972 đến 1975. Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã phi nhn hành quân trong mt lãnh th mà trước đây có mt các sư đoàn Việt Nam Cộng Hòa và thêm hàng chc sư đoàn, l đoàn ca M. Mt ví d : Sư đoàn 5 B binh vi quân s khong 10 ngàn binh sĩ, phi gánh mt vùng hành quân trước đây là ca chính h cng vi gn hai sư đoàn M (một phn Sư đoàn 25 Hoa Kỳ, mt L đoàn Không kỵ, và Sư đoàn 1 Bộ binh Hoa Kỳ mà quân s trang b xem như gp đi Sư đoàn 5 B binh ca Vit Nam). Các đơn v phi dàn mng ra trong vùng rng rm ca ba tnh Bình Dương, Bình Long, và Phước Long.

Cn nhc li là trong giai đon trước 1968, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa ch được trang b các vũ khí li thi, thng dư sót li ca Thế chiến th Hai ; trong khi Cng quân đã có vũ khí ti tân t Liên Xô và Trung Cng. Súng trường Garant M1 làm sao so vi tiu liên AK-47 ca Tip Khc ; Đi bác 155 ly ch bn khong 15 cây s, trong khi tm bn ca đi bác 130 li xa ti 30 cây s, súng ci 61 ly và 82 li ca Việt Cộng có th xài đn 60 li và 81 li ca chúng ta, xe tăng M-41 làm sao chi vi T-54 ? Không quân Việt Nam Cộng Hòa tuy được đánh giá vào hàng th sáu trên thế gii, Hi quân Việt Nam Cộng Hòa mang tiếng là đng hàng th nh Đông Nam Á. Nhưng có th hng cao là nh  lượng vi hơn 200 phi cơ đ loi và 1500 chiến thuyn các c. Còn v phm cht thì rt kém. Ngoài F-5E là loi phn lc chiến đu Hoa Kỳ sn xut cho các đng minh, các loi phi cơ khác đu thuc đi cũ nht (series A hay B) ; tàu chiến thì chn t nghĩa đa tàu (junk yards) ri sơn phết li và gn mt s trang b căn bn. Thế là oách lm so vi các nước nh xung quanh.

Vào giai đon sau cùng t 1972 đến 1975, quân vin b ct thê thm. Cui năm 1974 coi như binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa không có đ đn các loi ; phi cơ, xe c không đ xăng du ; trong khi Bc Vit chuyn vào Nam hàng chc sư đoàn vi s tiếp tế vũ khí đn được vô hn t Liên Xô và Trung Cng. Hoa Kỳ đã bước, không can thip như trong các văn thư ca Tổng thống Nixon gi Tổng thống Nguyn Văn Thiu khi ông Thiu buc lòng chp nhn ký Hòa ước Paris !

Bây gi, người M quay ra trút s tht bi ca h lên đu Việt Nam Cộng Hòa, t chính quyn đến quân đi ! Người M, vi tính t tôn, coi các dân tc khác là kém ci. H đã nói đến người Vit Nam là bn "little bastards", nhc m vi tiếng lóng "bn gooks","bn khó dy !".

Nhng bng chng cho thy h đã làm ngơ v các đóng góp tích cc ca quân sĩ Việt Nam Cộng Hòa như :

- Khi viết hay làm phim v trn Khe Sanh, h không h nhc đến s có mt ca Tiu đoàn 37 Bit Đng Quân Việt Nam Cộng Hòa đã cùng h chiến đu sut thi gian b vây hãm, tn công.

- Khi viết hay làm phim v trn tái chiếm c đô Huế, h ch phô trương hình nh người lính Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ mà không h có mt hình nào v nhng người lính Thủy quân lục chiến, B binh Việt Nam Cộng Hòa .

- Khi viết và làm phim The Hamburger Hill, h đã tiếm đot công trn ca Quân lực Việt Nam Cộng Hòa khi vinh danh tiu đoàn 3/187 thuc Sư đoàn 101 Nhy Dù M đã chiếm ngn đi đy máu và tht băm. Nhưng tài liu ca B T Lnh M ti Vit Nam (bn báo cáo ngày 22 tháng 5, 1969 ca Đi tá Wilson C. Harper) đã xác nhn đơn v đu tiên đt chân lên đnh đi Đng L Đng p Bia – tc đi 937 trên bn đ quân s – là Tiu đoàn 2 thuc Trung đoàn 3, Sư đoàn 1 Bộ binh Việt Nam Cộng Hòa.

Nhng trn đánh long tri l đt ca Việt Nam Cộng Hòa đã b người M làm ngơ không h nhc ti. Ví d :

- Trn đi thng Tết Mu Thân năm 1968 thì b h bóp méo là tht bi vì cho rng phía Việt Nam Cộng Hòa đã không tiên liu cuc tng tiến công ca Việt Cộng,

- Trn t th An Lc ca B binh, Nhy dù, Bit Đng Quân (mt chi sáu) trong hai tháng t tháng 4 đến cui tháng 5, 1972,

- Trn t th Tng Lê Chân ca Tiu đoàn 92 Biệt Động Quân (mt chi chín) trong hơn mt năm rưỡi,

- Trn tái chiếm C Thành Qung Tr ca Thủy quân lục chiến Vit Nam năm 1972,

- Trn Sa Huỳnh ca Trung đoàn 6 Bộ binh vân vân.

Ngay v Trung tá Iceal Hambleton – sĩ quan không hành trên chiếc EB-66 – b bn rơ phía nam vùng Phi Quân S  Qung Tr mùa hè năm 1972, sau hàng lot hành quân cu nn tht bi vi thêm năm phi cơ b bn rơi và gn 20 lính M b bn chết, b bt làm tù binh ; cui cùng ông được Đi úy Thomas Norris và H sĩ Nguyn Văn Kit thuc đi Người Nhái cu thoát khi vòng vây tìm ca c ngàn quân thù. Khi làm cun phim truyn v cuc cu thoát này, anh Kit không h được nói ti dù anh đã được thưởng huy chương Navy Cross, là loi huy chương cao nht ca Hi Quân M dành thưởng cho người ngoi quc. Trung tá Hambleton, có l do tính t cao, kỳ th cũng chng h nhc ti mt người lính Vit Nam nh bé đã cu mng mình.

Người quân nhân M đến Vit Nam theo tiêu chun mi vòng (tour) là mt năm, xong s v li M. Sau đó, có th tình nguyn thêm mt vài vòng khác. Trong mt năm  Việt Nam phi qua giai đon processing mt chng 1 tun, h cũng hưởng 15 ngày phép  các trung tâm du lch. Ch có 10 phn trăm tng s quân nhân M  Vit Nam là ra chiến trường. Như thế, trong s 2,7 triu quân nhân M tham gia toàn cuc chiến, thì có 270 ngàn là lính tác chiến.  mc quân s cao nht là 363 ngàn binh sĩ M trong năm 1969, ch có 36 ngàn là  chiến trường.

Th so vi mt triu quân Việt Nam Cộng Hòa dưới c, thì ch có chng khong 150 ngàn quân tác chiến (thêm vài trăm ngàn nếu tính luôn Đa Phương Quân và Nghĩa Quân). Thanh niên Vit Nam t khi vào lính  đ tui 18 (tình nguyn hay quân dch) thì coi như không thy ngày v. Quân nhân các đơn v tác chiến ch v khi t trn hay b thương nng. H chiến đu trin miên trong hoàn cnh ăn ung kham kh và ni khó khăn v kinh tế gia đình ; cm c trong 20 năm chiến tranh thì phi nói là quá phi thường, dũng cm mà chc người lính Hoa Kỳ hay các đng minh khác s không th nào cam chu ni.

Chúng tôi phi lên tiếng đ ly li danh d cho người lính Việt Nam Cộng Hòa, dù đôi khi phi nói thng nhng điu có th mt lòng các bn M có s hiu biết trung thc. Như như Chúa Jesus tng nói khi mt đám đông đòi ném đá mt ph n phm trng ti ngoi tình : "Ai là người chưa h phm ti thì hãy ném đá người đàn bà này" ("Let him who is without sin among you be the first to cast a stone at her", New TestamentBook of John 8.7). Chúng tôi cũng mun nhn ti các anh M t tôn, đy óc kỳ th rng : "Nếu anh chưa h nếm mùi chiến trường thì anh hãy câm mm li, vì anh không đ tư cách đ phê phán chúng tôi".

Đ Văn Phúc

Nguồn : VNTB, 15/07/2022

Additional Info

  • Author Đỗ Văn Phúc
Published in Diễn đàn

Quân đội Mỹ đang kiểm soát sân bay quốc tế của Kabul, trong khi những người dân tuyệt vọng đang cố gắng chạy khỏi thành phố sau khi Taliban trở lại Kabul.

Quân đội Mỹ đã đảm bảo an ninh cho khu vực này và đang kiểm soát không lưu để sơ tán nhân viên Mỹ và đồng minh.

kabul1

Người Afghanistan xếp hàng dài chờ hàng giờ tại văn phòng hộ chiếu ngày 14 tháng 8 năm 2021 tại Kabul

Nhưng các chuyến bay thương mại hầu hết đã bị hoãn, khiến hàng trăm người Afghanistan và các công dân nước ngoài khác bị mắc kẹt.

Đến tối ngày Chủ nhật 15/8, lực lượng nổi dậy của Taliban đã tiến vào thủ đô Kabul và Tổng thống Ashraf Ghani đã chạy khỏi Afghanistan.

Trong bối cảnh chính phủ Afghanistan sụp đổ chóng vánh, các nhà quan sát một lần nữa nhắc lại những ngày cuối Chiến tranh Việt Nam năm 1975.

Quân đội Mỹ bắt đầu rút khỏi Afghanistan theo thỏa thuận từ ngày 1/5. Đáng kinh ngạc khi biết rằng cho tới ngày đó, chính phủ Afghanistan còn đang kiểm soáttoàn bộ 34 thủ phủ cấp tỉnh, và Taliban chưa chiếm được thủ phủ nào.

Từ ngày 3/5, Taliban bắt đầu mở cuộc tấn công, ban đầu đánh tỉnh Helmand.

Đến ngày 6/8, Zaranj là thủ phủ tỉnh đầu tiên lọt vào tay Taliban.

Sự sụp đổ nhanh chóng bắt đầu từ đó, với Taliban chiếm được năm thủ phủ trong vòng 48 tiếng.

Thủ phủ các tỉnh bắt đầu rơi liên tục như quân cờ domino chỉ trong vài ngày.

Hai thành phố lớn thứ ba và thứ hai, Herat và Kandahar, rơi vào tay Taliban ngày 12/8. Qalat, thủ phủ tỉnh Zabul, là thành phố thứ 18 đầu hàng ngày 13/8.

Jalalabad, thành phố lớn cuối cùng sau thủ đô, bị chiếm ngày 15/8.

Cùng ngày, Taliban bao vây rồi tiến vào thủ đô Kabul. Các hãng tin quốc tế lúc này nói Tổng thống Ashraf Ghani đã bỏ chạy.

Nhiều nhà bình luận đang so sánh Afghanistan với sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa khi Hà Nội mở Chiến dịch mùa xuân năm 1975.

kabul2

Một chiến binh Taliban ngồi bên trong xe dọc theo vệ đường ở tỉnh Laghman vào ngày 15 tháng 8 năm 2021

Ngoại trưởng Mỹ bác bỏ so sánh

Còn Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm Chủ nhật khẳng định rằng tình hình xấu đi ở Afghanistan "không phải là Sài Gòn".

Người dẫn của CNN, Jake Tapper, hỏi Blinken rằng liệu chính quyền Biden có ở trong "khoảnh khắc Sài Gòn" hay không, ám chỉ việc di tản vội vàng khỏi Việt Nam khi thành phố Sài Gòn thất thủ.

"Không", Blinken nói. "Hãy nhớ rằng, đây không phải là Sài Gòn. Chúng ta đến Afghanistan cách đây 20 năm với một nhiệm vụ, và nhiệm vụ đó là đối phó với những kẻ đã tấn công ta vào ngày 11/9 và chúng ta đã thành công trong nhiệm vụ đó".

"Mục tiêu mà chúng ta đặt ra : đưa những kẻ đã tấn công ra trước công lý, đảm bảo rằng họ không thể tấn công một lần nữa từ Afghanistan - chúng ta đã thành công trong nhiệm vụ đó. Đồng thời, ở lại Afghanistan thêm một, năm, 10 năm nữa không phải là lợi ích quốc gia".

"Người Anh đã ở đó rất lâu trong thế kỷ 19, người Nga ở đó rất lâu trong thế kỷ 20. Giờ đây, chúng ta đã ở đó lâu gấp đôi so với người Nga, và lợi ích quốc gia như thế nào, tôi không rõ".

"Tôi nghĩ rằng hầu hết các đối thủ cạnh tranh chiến lược của chúng ta trên toàn thế giới sẽ mong ta ở lại Afghanistan thêm một năm, năm năm, 10 năm nữa, dành hết nguồn lực cho nội chiến tại đó".

kabul3

Bản đồ Afghanistan - ngày 15 tháng 8 năm 2021

Mỹ 'ở lại quá lâu'

Chuck Hagel, từng là Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ tại bang Nebraska từ năm 1997 đến năm 2009 và là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ năm 2013 đến năm 2015 trong chính quyền Obama.

Hagel từng tham chiến tại Việt Nam từ 1967 tới 1968.

Nói với trang USA Today ngày 15/8,  ông so sánh Afghanistan với Việt Nam.

"Tôi đã tham gia một trong những cuộc chiến đó ở Việt Nam. Chúng tôi đã ở lại đó quá lâu. Và chúng tôi đã ở lại Afghanistan quá lâu. Chúng ta chỉ làm hộ mọi thứ, tiếp quản cơ cấu kinh tế của họ, an ninh và quân sự của họ".

Hagel ủng hộ quyết định rút khỏi Afghanistan của Tổng thống Joe Biden nhưng thừa nhận thảm họa nhân đạo có thể xảy ra dưới sự cai trị của Taliban.

"Có rất nhiều hậu quả, hậu quả không công bằng, và rất nhiều người sẽ mất mạng và bị đau vì điều này. Nhưng tôi không thấy cách nào khác. Mọi chuyện sẽ không khá hơn trong một năm, hai năm hay ba năm. Đó là một trong những tình huống khó khăn, khủng khiếp, không công bằng".

'Quá dễ'

Viết trên The Diplomat ngày 16/8, Luke Hunt cho rằng có những điều khác so với Việt Nam.

"Đáng chú ý là Bắc Việt sợ Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và viễn cảnh ném bom trở lại nếu họ vượt vĩ tuyến 17 vào miền Nam Việt Nam vi phạm hiệp định hòa bình đạt được năm 1973.

"Watergate đã thay đổi điều đó. Khi Nixon phải từ chức, Bắc Việt Nam đã được khuyến khích và đánh cược rằng một chính quyền nhu nhược, và sau đó là một tổng thống mới Gerald Ford, sẽ bỏ rơi đồng minh của họ ở miền Nam Việt Nam một khi xe tăng cộng sản vượt qua biên giới.

"Hà Nội đã có hai năm để chuẩn bị và phía nam đã sụp đổ".

"Giống như những người cộng sản Bắc Việt Nam, Taliban không bao giờ có ý định tôn trọng thỏa thuận hòa bình được ký kết vào năm ngoái với người tiền nhiệm của Biden là Donald Trump.

"Nhưng không giống như những người cộng sản, Taliban không hề sợ hãi người Mỹ, những người chỉ muốn bỏ đi. Họ đã phát động một cuộc tấn công được lên kế hoạch tốt, được trang bị đầy đủ và đến Chủ nhật, mục tiêu của họ đã được chứng minh là quá dễ dàng".

Mỹ 'quên bài học Việt Nam'

Đăng trên Washington Post ngày 16/8,  chuyên gia về chiến tranh Việt Nam, Andrew Wiest, chỉ ra Hoa Kỳ đã lãng quên bài học từ Việt Nam.

Andrew Wiest là tác giả sách "Vietnam's Forgotten Army : Heroism and Betrayal in the ARVN".

"Đến năm 1960, Hoa Kỳ quan tâm thành lập một quân đội Nam Việt Nam là một bản sao nhỏ hơn của chính họ - một quân đội dựa trên việc sử dụng hỏa lực lớn và nguồn cung cấp vô tận. Nói tóm lại, đó sẽ là quân đội của một quốc gia giàu có.

"Đó là giải pháp đơn giản và tức thời cho mối đe dọa mà hầu hết người Mỹ đánh giá thấp. Kết quả là Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đã chiến thắng trong các trận chiến nhờ sức mạnh của hỏa lực khổng lồ do Hoa Kỳ cung cấp. Nhưng họ không bao giờ liên kết đủ chặt chẽ với dân tộc hay quốc gia của mình, và không bền vững.

"Đó là kết quả của việc Hoa Kỳ không tập trung vào việc tạo ra sự bền vững ở miền Nam Việt Nam. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ tập trung hạn chế vào thành công ngay lập tức trên chiến trường.

"Một sai sót chiến lược chết người là cho rằng chiến thắng trong các trận đánh, từ Thung lũng Ia Drang năm 1965 đến Tết Mậu Thân năm 1968, đến cuộc Tổng tấn công năm 1972, đồng nghĩa sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến".

Andrew Wiest kết luận :

"Bài học của Việt Nam - và Afghanistan - là Hoa Kỳ không thể giành chiến thắng giùm các quốc gia có chính phủ yếu kém, phải chống chọi với bất ổn bên trong và các mối đe dọa từ bên ngoài.

"Nếu không có chiến tranh tổng lực - bất cần thương vong dân sự - thì chiến thắng đòi hỏi phải xây dựng các quân đội bản địa có thể tồn tại mà không cần Hoa Kỳ để phục vụ các chính phủ xứng đáng với sự hy sinh của người dân.

"Liệu Hoa Kỳ có thể nhảy dù vào và xây dựng các quân đội và chính phủ như vậy hay không là một câu hỏi mở, nhưng có một điều chắc chắn : Ít nhất, làm như vậy sẽ yêu cầu các chính trị gia Hoa Kỳ hiểu rõ hơn và sau đó giải thích sự cần thiết và lý do cho một nỗ lực quân sự kéo dài. Rốt cuộc, có bao nhiêu người Mỹ có thể đưa ra lời giải thích cho lý do tại sao Hoa Kỳ lẽ ra phải ở lại Afghanistan ?".

Việt Nam – Afghanistan : Giống và khác

Lionel Barber từng là tổng biên tập báo Financial Times từ 2005 tới 2020.

Viết trên Nikkei Asia ngày 16/8,  ông vạch ra những điểm giống và khác của diễn tiến chiến tranh Việt Nam 1975 và Afghanistan 2021.

Giống như tại Việt Nam, ông nói, can thiệp quân sự của Hoa Kỳ đã "kết thúc bằng một thất bại nhục nhã do các mục tiêu chiến tranh xung khắc nhau, niềm tin đặt sai chỗ vào việc xây dựng quốc gia và một niềm tin ngây thơ vào những lời hứa được đưa ra trên bàn đàm phán của một đối thủ quân sự đang thắng thế".

Cũng giống như 1975, lần này, "việc từ bỏ các đồng minh một thời có nguy cơ làm tổn hại nghiêm trọng đến vị thế toàn cầu của Mỹ, làm suy yếu các liên minh và làm Trung Quốc và Nga thêm tự tin".

Nhưng Lionel Barber nói có những điểm khác biệt quan trọng giữa việc Hoa Kỳ chiếm đóng Việt Nam và cuộc phiêu lưu sai lầm của Hoa Kỳ ở Afghanistan.

"Thứ nhất, bối cảnh trong nước. Vào cao điểm của cuộc chiến, Mỹ đã triển khai 500.000 quân tại Việt Nam, gấp 5 lần so với thời kỳ cao điểm có mặt ở Afghanistan. Khoảng 58.000 lính Mỹ đã chết, so với khoảng 2.300 người ở Afghanistan và hơn 20.000 người bị thương".

Hiện nay, tại Mỹ không có phong trào phản chiến vì Afghanistan, trái ngược trước đây.

kabul4

Hình ảnh một máy bay trực thăng quân sự của Mỹ đang bay gần đại sứ quán Mỹ ở Kabul vào ngày 15/8/2021.

Lionel Barber nói chia rẽ tại Hoa Kỳ ngày nay có những lý do khác thập niên 1970.

"Nước Mỹ thời đó đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng lan tỏa về quyền lực được thể hiện qua vụ bê bối Watergate khiến Tổng thống Richard Nixon phải từ chức. Ngày nay, người Mỹ đang phải chịu đựng nhiều hơn sự mệt mỏi từ 'các cuộc chiến tranh mãi mãi'".

Tác giả cho rằng tuy chi phí cho cuộc can thiệp của Afghanistan là cao - 2 nghìn tỷ đôla trong 20 năm - nhưng gánh nặng được chia sẻ bởi các đồng minh NATO, dẫn đầu là Anh (một nước vắng mặt trong cuộc xung đột Việt Nam).

Can thiệp tại Afghanistan, theo tác giả, dù sao cũng đã giúp giáo dục thế hệ phụ nữ Afghanistan và xây dựng tầng lớp trung lưu non trẻ ở một đất nước xa xôi, đa dạng về sắc tộc và có lịch sử bài ngoại. Tất cả những lợi ích này có nguy cơ bị Taliban nghiền nát.

Nhìn về trước, tác giả ngụ ý chiến tranh Việt Nam kết thúc mà không đem lại thiệt hại lớn cho khu vực, nhưng chiến thắng của Taliban liệu có đem lại thảm họa quốc tế hay không.

Ông viết : "Sau khi cộng sản tiếp quản Việt Nam, "lý thuyết domino" được ca tụng rất nhiều đã không bao giờ xảy ra. Ngoài Campuchia và Lào, Đông Nam Á không chìm trong thủy triều đỏ. Trên thực tế, Việt Nam đã tham gia một cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc vào năm 1979 và sau đó đã khôi phục quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ".

"Taliban sẽ không đem lại kết quả hiền lành như vậy. Họ đã từng chứa chấp những kẻ khủng bố Al-Qaeda chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công đẫm máu nhất vào lãnh thổ Hoa Kỳ".

Chính phủ Afghanistan 'tệ hơn Nam Việt Nam'

Tạp chí The Economist,  ngày 15/8, đăng bài bình luận, có đoạn so sánh rằng chiến thắng của Taliban là quá chóng vánh khi nhớ lại Nam Việt Nam năm 1975.

"Làm thế nào mà một chính phủ với 350.000 binh sĩ, được huấn luyện và trang bị bởi những đội quân tốt nhất trên thế giới, lại sụp đổ nhanh chóng như vậy ?".

"Năm 1975, quân đội miền Bắc Việt Nam, được sự hậu thuẫn của một siêu cường, vẫn phải mất nhiều tháng để tiến qua miền Nam Việt Nam, nơi chiến đấu kiên cường để giành giật lãnh thổ".

"Taliban, được cho là với số lượng không quá 200.000 binh sĩ, được trang bị phần lớn bằng thiết bị mà họ thu giữ được từ kẻ thù, đã chiếm tất cả các trung tâm đô thị của Afghanistan trong vòng chưa đầy một tuần, nhìn chung không có nhiều sự kháng cự".

"Câu trả lời dường như là họ thiếu sức mạnh, họ được bù đắp ở khối óc, sự quyết tâm và sự khôn ngoan trong chính trị".

Thỏa thuận 'hòa bình' gợi nhắc Hiệp định Paris 1973

Quyết định rút quân đội Mỹ ra khỏi Afghanistan là một phần của thỏa thuận mà cựu Tổng thống Donald Trump đã đạt được với Taliban vào tháng 2 năm 2020.

Theo thỏa thuận đó, Mỹ đồng ý rút toàn bộ lực lượng của mình. Đổi lại, Taliban hứa sẽ cắt đứt quan hệ với Al-Qaeda và chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ.

Chính quyền Donald Trump đã bắt đầu giảm bớt lực lượng Hoa Kỳ và khoảng 2.500 binh sĩ Hoa Kỳ còn ở lại vào thời điểm ông ra đi đầu năm 2021.

Khi Joe Biden nhậm chức, ông lên kế hoạch chấm dứt sự can dự của Hoa Kỳ vào cuộc chiến nhưng trì hoãn việc rút quân.

Ban đầu, Biden cho biết ông sẽ rút toàn bộ lực lượng Hoa Kỳ trước ngày 11 tháng 9, kỷ niệm 20 năm ngày 11/9. Sau đó, ông đổi ngày rút quân thành ngày 31 tháng 8.

Trong một phỏng vấn ngày 9/8,  Tiến sĩ Rani D. Mullen, chuyên về vùng Nam Á, chỉ ra điểm tương đồng của thỏa thuận 2020 và hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam năm 1973.

"Không có gì lạ khi nhiều nhà phân tích Afghanistan đã so sánh thỏa thuận năm 2020 với Taliban với thỏa thuận hòa bình năm 1973 mà Hoa Kỳ đã thực hiện với lực lượng cộng sản Bắc Việt Nam. Thỏa thuận hòa bình năm 1973 giống như thỏa thuận năm 2020 với Taliban, dẫn đến việc Tổng thống Nixon tuyên bố rút toàn bộ quân đội Hoa Kỳ khỏi Việt Nam.

"Và cũng giống như các cuộc đàm phán của Hoa Kỳ với Taliban, các cuộc đàm phán năm 1973 đã bỏ qua các đối tác của Mỹ. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người Afghanistan và quân nhân Hoa Kỳ từng tham chiến ở Afghanistan cảm thấy bị phản bội và đau lòng. Đây không phải là một thỏa thuận danh dự. Và như bất kỳ người có lý trí nào cũng đoán ra, Taliban đã không tôn trọng thỏa thuận".

Số phận người di tản

Amanda C. Demmer là tác giả sách "After Saigon's Fall : Refugees and US-Vietnamese Relations, 1975-2000".

Viết trên Washington Post ngày 16/8,  bà đặt câu hỏi những người cộng tác với Mỹ tại Afghanistan sẽ ra sao.

Bà nhắc lại : "Khoảng 130.000 người Nam Việt Nam di tản cùng với nhân viên Hoa Kỳ vào tháng 4 năm 1975, và 20 năm sau, hơn 1 triệu người đã tái định cư tại Hoa Kỳ, chưa kể hàng trăm ngàn người Lào và Campuchia".

Bà cho biết thời điểm 1975 nhiều người Mỹ không thích đón nhận người di tản.

"Sự phản đối gay gắt đối với việc thu nhận người Nam Việt Nam đã có từ nhiều nơi. Mệt mỏi về chiến tranh, kinh tế khủng hoảng, phân biệt chủng tộc và xu hướng coi người Việt Nam là kẻ thù hơn là đồng minh, tất cả đều tạo thêm kêu gọi chỉ sơ tán những người Mỹ cuối cùng".

"Tuy nhiên, bất chấp những trở ngại này, 130.000 người Việt Nam đã di tản cùng với nhân viên Mỹ vào tháng 4 năm 1975".

"Tính tới năm 1995, tổng số người di cư do các cuộc xung đột và sau đó đã vượt quá 1,4 triệu người. Chỉ hơn 63% trong số những người di cư này, tương đương 822.977 người, đã đến Hoa Kỳ".

"Ngoài 130.000 người đã di tản cùng với Hoa Kỳ vào năm 1975 và hơn 822.000 người di cư bổ sung, Hoa Kỳ cũng tiếp nhận một nửa triệu người khác trực tiếp từ Việt Nam thông qua Chương trình ODP".

Ý kiến hai tờ báo Trung Quốc và Mỹ

Báo Trung Quốc Global Times hôm 15/8 ngay lập tức có xã luận mang tính chế nhạo Hoa Kỳ bại trận ở Afghanistan.

"Một quốc gia hùng mạnh như Mỹ không thể đánh bại Taliban, lực lượng hầu như không nhận được viện trợ từ bên ngoài, kể cả trong 20 năm. Trận thua này của Mỹ là một minh chứng rõ ràng hơn về sự bất lực của Mỹ so với chiến tranh Việt Nam - Mỹ đúng là "hổ giấy". Ở một góc độ khác, thất bại của Mỹ thậm chí còn nhục nhã hơn cả Liên Xô ở Afghanistan trong những năm 1980".

Xã luận của báo này nói :

"Trung Quốc sẽ không bao giờ nhảy vào cái bẫy mà dư luận phương Tây dựng lên, đặc biệt là đối với Trung Quốc. Cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đã thất bại. Chính Mỹ và phương Tây phải chịu thách thức lớn nhất về tình hình đang thay đổi ở Afghanistan.

"Trung Quốc đang ở một vị trí tương đối thuận lợi. Trung Quốc không muốn lấp đầy khoảng trống mà Mỹ đã bỏ lại ở Afghanistan. Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác luôn là định hướng cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ đóng một vai trò xây dựng trong việc giúp Afghanistan đạt được hòa bình và tham gia vào công cuộc tái thiết. Thiện chí chiến lược và sự ổn định chính sách của Trung Quốc sẽ đảm bảo rằng Trung Quốc luôn giữ thế chủ động trong tình hình Afghanistan".

Trong khi đó, báo Mỹ New York Times ngày 15/8 cũng đăng xã luận thể hiện quan điểm của báo.

"Chính quyền Biden đã đúng khi kết thúc cuộc chiến. Tuy nhiên, không cần thiết phải kết thúc trong sự hỗn loạn như vậy, với quá ít suy nghĩ cho tất cả những người đã hy sinh rất nhiều với hy vọng về một Afghanistan tốt đẹp hơn".

"Lầu Năm Góc và Quốc hội Hoa Kỳ phải chia sẻ trách nhiệm về sự thất bại này, cho các báo cáo tiến bộ màu hồng thường công bố".

"Trách nhiệm thuộc về cả hai đảng. Tổng thống George W. Bush phát động chiến tranh chỉ để chuyển trọng tâm sang Iraq trước khi đạt được bất kỳ sự ổn định nào. Tổng thống Barack Obama tìm cách rút quân Mỹ nhưng thay vào đó, tăng quân. Tổng thống Donald Trump đã ký một thỏa thuận hòa bình với Taliban vào năm 2020 để rút quân hoàn toàn".

"Chiến tranh cần kết thúc. Nhưng chính quyền Biden có thể và lẽ ra phải quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ những người liều lĩnh mọi thứ để theo đuổi một tương lai khác, cho dù những giấc mơ đó được chứng minh là viển vông".

Nguồn : BBC, 16/08/2021

Additional Info

  • Author BBC tiếng Việt
Published in Quốc tế
jeudi, 06 mai 2021 23:07

Dư âm từ một kỳ nghỉ dài

Thật nghịch lý nhưng đúng là phải cảm ơn đại dịch Vũ Hán (Trung Quốc). Hội hè rình rang và ầm ĩ bị cấm trong kỳ nghỉ. Nhờ đó, 30/4 năm nay bớt nhức óc và trầm cảm. Hai trạng thái tinh thần này không đồng nguyên, hẳn nhiên ! Thế giới ít có nước nào mà ngày "Tưởng niệm quốc gia" lại có triệu người vui nhưng cũng kèm theo cả triệu người buồn.

duam1

Diễu hành với cờ của Mặt trận giải phóng hôm 30/4/2015 ở thành phố Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 40 năm kết thúc cuộc chiến Việt Nam - AFP

"Mẹ Âu Cơ" khô hết nước mắt

"Tưởng niệm quốc gia ?". Lão phu cứ phán ra như thế, chứ lũ con cháu Vua Hùng "vừa khùng vừa điên" này chắc còn lâu… còn rất lâu mới đồng thuận được với nhau tên gọi cho cái ngày 30/4 oan nghiệt ấy. Cánh "Giải phóng" và cánh "Quốc hận" vẫn sẽ còn say sưa trên "sới vật" của Dân tộc chừng nào mà Trung Cộng chưa biến xứ Đông Lào này thành một quận huyện của Trung Hoa.

Thì đấy, câu chuyện từ năm 1974 chắc chẳng ai quên. Tại hòa đàm Paris, đại diện Việt Nam Cộng Hòa đã chủ động đề nghị với phái đoàn Bắc Việt tạm "gác" Hội nghị bốn bên trong một khoảnh khắc để cùng ra một "Tuyên bố chung" từ những đứa con của "Mẹ Âu Cơ", phản đối giặc Tàu cướp quần đảo Hoàng Sa.

Nhưng lập trường giai cấp như cái bẫy chuột, mà miếng mồi "ý thức hệ" hồi bấy giờ vẫn còn thơm ngậy, khiến cho các đồng chí Bắc Việt không thể "xực" được sáng kiến có thể đi vào lịch sử ấy. Biển đảo mất dần… mất dần từ ngày hai anh em tỷ thí để cho kẻ thù rảnh tay cướp một cách có hệ thống từng mảng "rừng vàng biển bạc" do tiền nhân để lại.

Cho đến tận hôm nay sau 46 năm, ngày "Thống nhất" – định danh này cũng chỉ là sự xuống thang nhất thời của chính quyền – "bên thắng cuộc" vẫn chưa diễn xong màn tranh công. Ai có mặt đầu tiên tại Dinh Độc lập ? Ai thảo tuyên bố đầu hàng cho Big Minh ? Xe tăng nào húc đổ cổng chính ? Chiếc tăng húc đổ cổng chính trên thực tế không được công nhận (vì do Trung Quốc sản xuất), cấp trên quyết định phải coi xe tăng vào sau (do Liên Xô chế tạo) mới là chiếc đi đầu.

Câu chuyện trên đây có thể chỉ là "thuyết âm mưu", dân Việt chẳng mấy ai quan tâm, xe nào do nước nào sản xuất. Nhờ tuyên bố của Lê Duẩn mà dân chúng được biết : "Ta đánh là đánh cho cả Trung Quốc lẫn Liên Xô". Và trong cuộc "nồi da nấu thịt" ấy, Trịnh Công Sơn đã khô hết nước mắt với biết bao "đoạn trường tân thanh" nhưng được mấy ai chia sẻ. Thậm chí cách mạng nhiều lần còn cưỡng bức ông xoá ngay hai từ "nội chiến" ra khỏi các ca khúc.

Đến nhà thơ Nguyễn Duy, một chân lý giản dị mới được khái quát : "Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh, phe nào thắng thì nhân dân đều bại". Khi ngộ ra điều này, chắc chắn thi sĩ đã nhớ về mẹ Thứ ở Quảng Nam, từng 14 lần tiễn chồng-con-cháu ra chiến trường thì 12 người không bao giờ trở về. Bao dịp ngồi thắp hương bên cạnh các mâm cơm, chờ 9 con trai dứt ruột đẻ ra nhưng không bao giờ được trở lại trên con đường làng năm xưa khi mẹ lần lượt tiễn từng đứa ra trận.

duam2

Áp phích cổ động ngày 30/4 ở Hà Nội hôm 29/4/2020 ở Hà Nội. AFP

Giờ thì Mẹ chẳng cần đến bất cứ một danh hiệu nào. Trái tim già nua quá khô héo để nhận những lời an ủi từ người đời. Nhưng người mẹ ấy – Bà Mẹ Việt Nam – vẫn là đề tài bất tận để nghệ thuật khai thác tiếp hình tượng người phụ nữ quanh năm "gửi lưng cho trời, gửi mặt cho đất". Đành mượn lời nhà thơ để giải bày nỗi buồn nhân thế :

"Ta đi trọn kiếp con người

Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru".

Những đứa con bất hạnh

Được biết khi Tổng bí thư Lê Duẩn đáp máy bay vào Sài Gòn, ông đi nhiều nơi, nhận thấy việc tiếp quản Sài Gòn và các thành phố gần như nguyên vẹn, đời sống ổn định, khu công nghiệp Biên Hòa hiện đại, nền kinh tế thị trường nhộn nhịp. Đáng ra, nếu Tổng Bí thư quyết định Sài Gòn vẫn giữ nguyên mô hình quản lý, các quan hệ trong nước và quốc tế đã tạo lập, các thành phần kinh tế – như nhiều người đề nghị – để từ đó thúc đẩy cả nước đi lên thì tình hình đã khác.

Từ thời điểm ấy, có nhiều chuyện "đáng ra" lắm… Nhưng tại Hội nghị trù bị lần thứ 24 (tháng 8 năm 1975), đa số lãnh đạo chóp bu của Đảng cộng sản đã lập tức đề nghị áp dụng ngay mô hình XHCN (xuống hố cả nút) từ miền Bắc lên cả nước. Kết quả là một nghị quyết chính thức được ban hành, chủ trương cải tạo và xóa bỏ nền kinh tế đa thành phần ở miền Nam.

Để thực hiện chủ trương trên, việc "cần làm ngay" là tập trung giam giữ và cải tạo những con người trong bộ máy chính quyền vừa sụp đổ. Từ đấy, một hướng đi đã đưa nhân dân miền Nam và cả dân tộc vào chặng đường đói nghèo và khủng hoảng trầm trọng. Cơ hội hòa giải, hòa hợp dân tộc đã bị gạt bỏ ngay từ những tháng đầu tiên sau ngày "Giải phóng".

Cách đối xử của chính quyền mới hoàn toàn mất nhân tính và trái với Công ước Genève quy định về đối xử không phân biệt với tù binh chiến tranh ở bất cứ phía nào. Nhiều người bị cải tạo trên 10 năm và cũng không ít người bị cải tạo trên 20 năm. Những trường hợp chết, kể cả bị tra tấn trong thời gian giam giữ cải tạo đều bị liệt vào mất tích, gia đình không được hồi báo rõ ràng, càng không thể tìm thấy hài cốt.

Những người sống sót hết hạn về địa phương trong tình trạng quản chế tại gia vẫn tiếp tục bị theo dõi. Hàng trăm ngàn người bị tước đoạt quyền được sống cả cuộc đời hay phần lớn cuộc đời. Theo sau họ, nạn bị phân biệt lý lịch dẫn đến gia đình, nhất là thế hệ con cái bị đối xử một cách bất bình đẳng về mặt xã hội. Liên quan đến cuộc "tắm máu mềm mại" ấy, một luật sư đã nhận định : "Không có thời đại nào có cuộc trả thù khủng khiếp như thời kỳ cộng sản thống nhất đất nước".

duam33

Một lớp học tập cải tạo quân nhân Việt Nam Cộng Hòa do Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tổ chức tại Vĩnh Long ngày 01/06/1975 Ảnh minh họa - hinhanhlichsu) 

Nhưng ngay cả anh em bên "Giải phóng" cũng bất hạnh đâu có kém. Những ai cất công xem trọn bộ 10 tập phim về các lực lượng biệt động Sài Gòn chắc không khỏi rơi nước mắt trước những kiếp người đã có thời khắc được tôn vinh với sứ mệnh "nút bấm lịch sử", nhưng sau đó lại âm thầm sống tiếp những tháng ngày còn lại với những bi kịch của riêng mình.

Nữ đạo diễn Phong Lan thật đáng được vinh danh khi chị đã chọn cách dẫn dắt khá hấp dẫn trong một mạch truyện đầy những xúc cảm bi tráng, được kìm nén trong những thước phim tư liệu khách quan từ cả hai bên chiến tuyến. Ðặc biệt, tập cuối (tập 10) với tên gọi "Hòa bình và Người ở lại" có rất nhiều ưu tư và nhiều đau đớn, cùng với hàng loạt những câu hỏi chưa có lời giải đáp nào thỏa đáng.

Dòng người tỵ nạn trong thời bình

Tưởng niệm ngày chấm dứt cuộc chiến huynh đệ ấy, nhiều người vẫn còn trăn trở với câu hỏi : Tại sao đất nước đã "rũ bùn" đứng dậy "sáng loà" mà cho đến hôm nay sau hơn 46 năm, vẫn xuất hiện dòng người tỵ nạn qua Mỹ và thế giới phương Tây ? Trong "vườn địa đàng" của người Việt di tản sau 1975 (Washington D.C. Eden Center), được biết có thêm một làng Việt Cộng ngay trong lòng thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Trước một xã hội Việt Nam thời mạt pháp như hiện nay, người Việt vẫn còn đó nỗi lo sâu thẳm trong bản năng. Nhiều người vì thế, đã từ bỏ quê hương tươi đẹp mà dứt áo ra đi. Sau "bên thắng cuộc" của Huy Đức, những người từ "bên thắng cuộc" ấy đã kiếm chác được cả đống của nả, trong đó không ít người chụp giật một cách bất lương, giờ đây đã trở thành những người "ngoài cuộc", thậm chí họ tình nguyện phất cao ngọn cờ "bên bỏ cuộc".

Lập Quyền Dân

Nguồn : RFA, 06/05/2021

Additional Info

  • Author Lập Quyền Dân
Published in Diễn đàn

Từ Sài Gòn 1975 đến Afghanistan 2021 : Chiến thắng không do chiến trường quyết định

Sự hiện diện của quân Mỹ ở Afghanistan kéo dài hơn so với Việt Nam, nhưng rồi Mỹ cũng triệt thoái sau cuộc đàm phán dai dẳng với kẻ thù - tuy không thất bại trên chiến trường. Kẻ chiến thắng là kẻ lì lợm đeo bám nhất. Đó là nguyên nhân khiến mọi cuộc rút quân, vốn là điều không thể tránh đối với một đội quân viễn chinh, đều có vẻ như một sự thua cuộc.

19751

Ảnh tư liệu ngày 29/04/1975 : Người dân Sài Gòn hoảng loạn tìm cách leo vào bên trong đại sứ quán Mỹ để lên những chiếc trực thăng di tản cuối cùng.  AP

Courrier International dịch bài viết của trang Gandhara ở Kaboul, điểm qua tình hình Afghanistan sáu tháng trước khi khi quân Mỹ rút đi và kết luận "Không, phe Taliban không hề thay đổi"như họ khẳng định. Tại những vùng phe này kiểm soát, người dân vẫn bị đàn áp, tự do ngôn luận không hiện hữu. Phụ nữ không được đi làm, các bé gái không còn được đến trường. Từ 2016, Taliban cấm các chiến binh dùng điện thoại thông minh, và nay mở rộng lệnh cấm đến thường dân.

Trang web tuần báo Le Point có bài viết so sánh việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan trong hiện tại với cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây. Việt Nam, Iraq rồi đến Afghanistan : từ nửa thế kỷ qua, người Mỹ tuy chưa bao giờ chiến bại, nhưng vẫn liên tục có những cuộc triệt thoái, dẫn đến thất bại trong cuộc chiến truyền thông.

Cùng với loan báo rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, một kỷ niệm lại hiện đến. Ký ức tập thể in đậm dấu ấn cuộc di tản bằng trực thăng trên nóc tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn - thủ đô Việt Nam Cộng Hòa sắp bị quân cộng sản Bắc Việt tràn ngập ngày 30/04/1975.

Kẻ chiến thắng là kẻ dai dẳng không chịu bỏ cuộc

Người ta quên rằng trong chiến dịch "Frequent Wind" (Gió Lốc), trong số 7.000 người được di tản chỉ có khoảng 1.000 người Mỹ. Tuy chiến dịch điều tàu thuộc lực lượng đặc nhiệm 76 đến Vũng Tàu để giúp di tản do MACV (Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam) tiến hành, nhưng hầu như tất cả các quân nhân Mỹ đã ra đi từ lâu. Cụ thể là vào mùa hè 1973, tức sáu tháng sau khi ký Hiệp định Hòa bình Paris ngày 27 tháng Giêng năm đó.

Cũng vào mùa hè 1973, con số lính Mỹ đóng tại Việt Nam lại về zéro, sau khi từ 20.000 năm 1964, lên đến 543.000 tháng 4/1969 rồi sụt dần xuống 27.000 cuối 1972 theo chủ thuyết Việt Nam hóa chiến tranh của tổng thống Richard Nixon. Sau trận đánh cuối cùng để gỡ thể diện - oanh kích ồ ạt Hà Nội trong dịp Noel 1972 - Hoa Kỳ thương lượng điều mà ông Nixon gọi là "hòa bình trong danh dự". Lính Mỹ rút về nước, nhưng quân Bắc Việt vẫn tiếp tục ở lại miền Nam. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn tại vị, nhưng một cái chết dần mòn hiển hiện đối với Việt Nam Cộng Hòa.

Như tác giả John Prados trong cuốn "Chiến tranh Việt Nam" đã viết, Hoa Kỳ lẽ ra có thể chiến thắng nếu tiếp tục thả bom Bắc Việt trong nhiều tháng, nhưng chính quyền phải đối mặt với sự chống đối ở Quốc hội, tâm trạng chán nản của công chúng. Ngay cả Nixon sau này tỏ ra hối tiếc là đã không cứng rắn hơn. Sài Gòn năm 1975 với dòng người hoảng loạn trước đại sứ quán Mỹ, những chiếc trực thăng bị quăng xuống biển để các phi cơ di tản đậu xuống hàng không mẫu hạm, vẫn còn gây đau lòng cho dư luận Mỹ hơn hết mọi thứ. Nước Mỹ đã thua trong cuộc chiến hình ảnh.

Sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan kéo dài hơn so với Việt Nam, nhưng Mỹ cũng triệt thoái sau cuộc đàm phán dai dẳng với kẻ thù, lần này là Taliban - tuy không thất bại trên chiến trường. Kẻ chiến thắng là kẻ lì lợm đeo bám nhất. Đó là nguyên nhân khiến mọi cuộc rút quân, vốn là điều không thể tránh đối với một đội quân viễn chinh, đều có vẻ như một sự thua cuộc. Như chính khách Pháp Maurice Thorez đã nói, cần phải biết kết thúc một cuộc chiến.

Miến Điện : Các sắc tộc khó có thể đoàn kết chống lại quân đội

Cũng tại Châu Á, L’Express đặt câu hỏi: phải chăng nội chiến là khó tránh khỏi ở Miến Điện ? Sau các thành phố lớn, phong trào phản kháng lan rộng đến các địa phương nhỏ. Điểm mới là nhiều nhóm thiểu số, trong đó có những nhóm đã ký ngưng bắn năm 2015, nay lại tấn công quân đội. Ở miền bắc, Quân đội Độc lập Kachin (KIA) đã sát hại khoảng 100 binh lính Miến Điện trong trận đánh giành một căn cứ chiến lược, trong khi Liên minh Hữu nghị tập hợp ba phong trào thì bắn hạ hơn 10 cảnh sát. Ở miền đông, lực lượng du kích Liên minh Quốc gia Karen (KNU) chiếm được một đồn, giết 10 người lính.

Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Miến Điện báo động nguy cơ nội chiến. Tuy nhiên, theo L’Express, từ khi Miến Điện độc lập năm 1948, các nhóm thiểu số chưa bao giờ đoàn kết được với nhau để chống lại quân đội. Có nhiều lý do từ khoảng cách địa lý, khác biệt ý thức hệ, văn hóa, tín ngưỡng cho đến sự chia rẽ ngay trong nội bộ.

Chẳng hạn Hội đồng Tái lập Nhà nước Shan (RCSS) lợi dụng tình hình hỗn loạn để chiếm đất của sắc tộc Palaung. Quân đội Arakan ở bang Rakhine - nơi có cảng nước sâu do Trung Quốc xây dựng, và Quân đội Thống nhất của bang Wa, cũng được Bắc Kinh ủng hộ, chưa hề phản đối vụ đảo chính. Hơn nữa, các lực lượng thiểu số chỉ có tổng cộng 80.000 quân, còn quân đội có đến 350.000 binh lính được huấn luyện và trang bị đầy đủ.

TSMC của Đài Loan, tập đoàn quan trọng ít được biết nhất thế giới

Trên lãnh vực kinh tế, Courrier International dành hồ sơ cho thực trạng thế giới đang thiếu trầm trọng chip bán dẫn vốn hiện diện khắp nơi, trong xe hơi, đồng hồ, máy tính, hàng điện tử gia dụng… Những tháng gần đây, các tập đoàn xe hơi Ford, Toyota, Volswagen đã phải ngưng hoạt động một số nhà máy vì thiếu chip bán dẫn, việc ra mắt một số máy chơi game và smartphone đã phải hoãn lại. Có nhiều lý do : đại dịch, thương chiến Mỹ-Trung, hỏa hoạn, hạn hán… xảy ra trùng hợp với lúc nhu cầu tăng cao.

Theo Financial Times, TSMC của Đài Loan là "doanh nghiệp quan trọng ít được biết đến nhất trên thế giới". Tập đoàn này kiểm soát hơn phân nửa thị trường toàn cầu, và gần 90% đối với các loại chip tân tiến nhất. Việc sản xuất tập trung ở Đài Loan, trong các nhà máy hiện đại nhất : TSMC là bậc thầy trong việc thu nhỏ con chip được tính bằng đơn vị nano.

Các cường quốc lo ngại trước việc Đài Loan đang bị Trung Quốc đe dọa quân sự. Trong kế hoạch tái thúc đẩy, tổng thống Mỹ dự định dành 50 tỉ đô la cho lãnh vực bán dẫn, còn Châu Âu đang nỗ lực rút ngắn khoảng cách. Về phía Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ đã trừng phạt Hoa Vi (Huawei), khiến các công ty đua nhau dự trữ chip. Ý thức đây là mắt xích yếu nhất, Bắc Kinh đầu tư ồ ạt : chỉ trong tháng Giêng đã có trên 12,5 tỉ nhân dân tệ (1,6 tỉ euro) được đổ vào 47 công ty bán dẫn. Bên cạnh đó, Trung Quốc cố thu hút các kỹ sư Nhật với số lương cao gấp 5 đến 7 lần so với làm việc tại Nhật Bản.

Nga : Putin vẫn e sợ tù nhân của mình

Trên trang bìa L’Express tuần này là hình vẽ hai phi hành gia đang đối mặt, hai tay sẵn sàng rút súng, chạy tựa "Vũ trụ, miền Viễn Tây mới". L’Obs đăng ảnh tổng thống Mỹ, gọi ông là một "Roosevelt mới" khi Joe Biden muốn chấm dứt chủ nghĩa siêu tự do. Courrier International báo động nạn thiếu chip bán dẫn, mà theo tờ báo, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung, sự thống trị của tập đoàn Đài Loan TSMC gây lo ngại.

Ảnh bìa The Economist là khuôn mặt ông Putin sau những hàng cột màu xanh đỏ của lá cờ Nga, chân dung nhà đối lập Navalny nhỏ hơn ở góc phải với hàng rào kẽm gai, phía dưới là những chiếc xe tăng đang giương nòng súng. Trong bài viết "Hành động sắp tới của Putin", The Economist nhận định tổng thống Nga đang đe dọa các nước láng giềng và chính nhân dân Nga. Phương Tây nên bắt Putin phải trả một cái giá đắt hơn cho cách xử sự tệ hại này.

Tuần báo so sánh hai khuôn mặt : người thì lãnh đạo một nhà nước công an, người kia trong cảnh tù tội và đang cận kề cái chết. Tuy vậy, Vladimir Putin vẫn e ngại tù nhân của mình. Alexei Navalny có thể yếu ớt về thể chất sau gần một tháng tuyệt thực, nhưng vẫn là thủ lãnh đối lập hiệu quả nhất nước Nga.

Các video của ông gây tác động mạnh, đặc biệt là clip đưa độc giả thăm thú dinh thự bí mật của Putin đã thu hút đến 116 triệu lượt người xem. Navalny xây dựng được một phong trào, chế giễu những dối trá của điện Kremlin và thách thức đảng của ông Putin trong các cuộc bầu cử. Thế nên Navalny mới bị đầu độc và tống giam, tổ chức của ông mới bị coi là "cực đoan" và bị đóng cửa. Có thể vì thế mà tổng thống Nga muốn đánh lạc hướng qua việc lại đe dọa láng giềng.

Moskva đe dọa Ukraine để lôi kéo sự chú ý về hướng khác ?

Những tuần lễ vừa qua, Putin tập trung hơn 100.000 quân tại biên giới Ukraine – vốn đã bị chiếm mất Crimea và bị quấy nhiễu ở miền đông. Hải quân Nga hăm dọa phong tỏa eo biển Kerch, cắt mất đường ra Hắc Hải của một số phần đất Ukraine. Hôm thứ Năm 22/04, Nga loan báo rút quân sau khi "tập trận" xong, nhưng The Economist lưu ý là trong quá khứ, Moskva thường để lại một lực lượng quan trọng.

Không rõ mục đích của việc giương oai diễu võ này là gì, nhưng có thể nhằm gây áp lực để Ukraine có những nhượng bộ như công nhận Donbass tự trị chẳng hạn, hay chuẩn bị cho những cuộc tấn công tương lai. Trong bài diễn văn trước quốc dân ngày 21/04, Putin chỉ nói chung chung : hứa rộng tay về phúc lợi cho quần chúng và răn đe kẻ thù, lặp lại thuyết âm mưu.

Putin thật ra yếu hơn so với những gì ông muốn chứng tỏ, nhưng vì vậy mà tổng thống Nga trở nên nguy hiểm. Vụ xâm chiếm Crimea trước đây diễn ra trong bối cảnh kinh tế Nga gặp khó khăn. Còn giờ đây theo thăm dò, đảng của Putin chỉ được không đầy 1/4 dân Nga ủng hộ, các cuộc biểu tình phản đối việc bắt Navalny đông đảo chưa từng thấy từ một thập niên qua. Tại Belarus, biểu tình làm đồng minh Lukashenko yếu đi hẳn, phải dựa hoàn toàn vào Nga, còn nếu Putin lâm vào hoàn cảnh tương tự, ông không có ai để dựa dẫm.

Phương Tây cần buộc Nga trả giá đắt hơn cho thái độ hiếu chiến

The Economist cho rằng phương Tây cần thực dụng khi muốn răn đe Nga. Không ai muốn chiến tranh với một cường quốc nguyên tử, và việc trừng phạt thường kém hiệu quả : các nhà độc tài Cuba và Venezuela vẫn còn đó. Cấm vận dầu khí Nga - nhà cung cấp lớn không thua Saudi Arabia - là ngây thơ, vì sẽ ảnh hưởng đến kinh tế thế giới. Mục tiêu của trừng phạt cần khiêm tốn, không nhằm lật đổ chế độ, mà để buộc Putin phải trả cái giá đắt hơn cho việc tấn công nước khác và đàn áp trong nước.

Nếu Mỹ hạn chế các định chế tài chính phương Tây giao dịch với các doanh nghiệp có liên hệ với Kremlin, sẽ khoét sâu thêm nỗi đau. Bên cạnh đó, Mỹ cần đoàn kết được các đồng minh trong một mặt trận thống nhất, Đức phải khai tử dự án Nord Stream 2 đi vòng qua Ukraine, Anh tăng cường chống rửa tiền. NATO cũng phải trấn an các láng giềng của Nga, gia tăng hiện diện ở Hắc Hải, cung cấp vũ khí tự vệ cho Ukraine.

Nga không thể nào sánh được Trung Quốc về kinh tế, cũng như trong thương lượng về khí hậu, nhưng vẫn là một sức nặng. Đó là nhân tố gây bất ổn ở biên giới Châu Âu, tài trợ cho các đảng cực đoan, lan truyền các thông tin bóp méo, gây chia rẽ… Trung Quốc đang dòm ngó, nếu Mỹ để yên cho Nga xâm lược Ukraine, Bắc Kinh có thể cho rằng sẽ nuốt chửng được Đài Loan. Phương Tây nên ủng hộ các nhà dân chủ Nga như thời Liên Xô cũ, Biden nên gây áp lực trả tự do cho Navalny. Không có những nhà đối lập như vậy, Nga mãi là kẻ côn đồ và các láng giềng sẽ không bao giờ được yên ổn.

Le Point cũng có ý kiến tương tự. Trong bài "Trò chơi rắc rối của Erdogan trước Putin", tờ báo nhận định điều nghịch lý là Ukraine, đất nước theo văn hóa công giáo, lại phải cậy nhờ đến Thổ Nhĩ Kỳ. Khi giúp đỡ Ukraine, nạn nhân của Nga, tổng thống Erdogan đã dùng một mũi tên để bắn đến ba con chim : mở rộng ảnh hưởng chính trị ở Hắc Hải, lấy điểm với Mỹ cũng như NATO, đồng thời cạnh tranh với Putin cho dù là đồng minh với Nga ở Syria.

Montenegro nhỏ bé sẽ phải mất đất cho Trung Quốc ?

Liên quan đến một mảnh đất nhỏ bé khác ở Châu Âu, L’Express đặt vấn đề "Montenegro, sắp tới sẽ là một mẩu confetti của Trung Quốc ?".Đất nước Montenegro có những bãi biển xinh đẹp, những ngôi làng với kiến trúc thời Trung Cổ… và xa lộ, cụ thể là một đoạn cao tốc 41 kilomet nối với Serbia láng giềng. Dự án đắt đỏ này làm Montenegro rơi vào móng vuốt Trung Quốc. Tất cả bắt đầu từ năm 2014, khi Ngân hàng Thế giới từ chối tài trợ dự án vì nợ công sẽ tăng cao, Bắc Kinh bèn nhảy vào, cho vay 944 triệu đô la.

Hợp đồng bắt buộc chính phủ Montenegro phải bảo đảm bằng hàng ngàn hecta đất, nếu không trả nổi, một phần lãnh thổ quốc gia này sẽ trở thành sở hữu của một ngân hàng quốc doanh Trung Quốc. Tệ hơn nữa, mọi kiện tụng sẽ được giải quyết theo luật Trung Quốc ! Do đại dịch, thu nhập từ du lịch giảm hẳn, Montenegro không thể trả được đợt đầu 67,5 triệu đô la vào tháng Bảy tới, đành cầu cứu Liên Hiệp Châu Âu nhưng không thành công. L’Express nhắc lại tấm gương của Sri Lanka, hồi năm 2019 phải gán nợ bằng cách giao một cảng nước sâu mới toanh cho Trung Quốc đến 99 năm.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Việt Nam

Nếu năm 1950 ch có khong dưới 10% gia đình M có truyn hình thì đến năm 1966, khi cuc chiến Vit Nam leo thang và có khong hơn 400 ngàn lính M đang tham chiến ti Vit Nam vi khong sáu ngàn binh sĩ t trn, đã có hơn 90% gia đình M có truyn hình và theo dõi tin tc chiến s t Vit Nam qua truyn hình. Truyn thông vi cuc chiến truyn hình (television war) đã đóng vai trò và nh hưởng gì đến kết qu cuc chiến ?

vietnamwar1

Ta phim tài liu Through Our Eyes - The Vietnam War. Photo USAVN.org. Hình minh ha.

Khác vi trong Đệ nhị Thế chiến, truyn thông trong cuc chiến tranh Vit Nam đã thay đi nhiu, nếu không nói là hoàn toàn khác bit t s tham d, cách đưa tin cho đến nghip v, k thut s dng và cung cp tin tc đến người dân M và thế gii.

Nếu trong Đệ nhị Thế chiến các phóng viên chiến trường là nhng quân nhân làm nhim v chp và thu hình trc tiếp trong chiến trn đ làm tư liu cho quân đi thì hu hết các ký gi dân s ch tp trung ti các khu vc phi quân s đ tường trình tin tc.

Nhng ký gi mun có các tin tc, tài liu quân s phi có nhng h sơ nhân thân được quân đi duyt xét và cung cp nhng điu có th cung cp. Tin tc v A-bomb, tc bom hch tâm không được công chúng biết đến cho đến khi chiến tranh kết thúc. Phn ln các tin tc chuyn v M là nhng tin tc khích l và gây s lc quan, hy vng v chiến thng ca M và quân đng minh.

Nhng điu này đã thay đi trong chiến tranh Vit Nam khi vào thi đim cao nht, đã có hơn 600 ký gi đ quc tch thường trú ti Vit Nam làm công vic tường trình, phân tích và chuyn tin cho các h thng truyn thông Hoa K. Cơ quan Vin tr Quân s Hoa K MACV đã to cơ hi và phương tin di chuyn đ h có th theo chân các binh sĩ Hoa K và quân lc Vit Nam Cng Hòa đ viết tin, làm phóng s gia khói la. Phn ln thì thường trú ti Sài Gòn đ đưa tin qua các cuc hp báo vi các y ban quân s M và Vit Nam Cng Hòa.

Các phương tin k thut và nghip v tân tiến hơn gp bi so vi Đệ nhị Thế chiến, các ký gi tr luôn mun có nhng tm nh, thước phim hay các phóng s trc tiếp và đu tiên đến công chúng M và thế gii. Các thước phim thu được đã nhanh chóng chuyn v Tokyo đ hoàn tt các bước k thut và biên tp cn thiết và chuyn v M đ phát sóng hay có th dùng v tinh cho các bn tin nóng st, được đăng báo hay phát trên truyn hình, nơi người dân M có th theo dõi chiến cuc cùng tin tc con cái h ngay trong phòng khách ca mình.

Các phong trào nhân quyn phát trin mnh m hơn, mt trong điu được gii s gia nhìn nhn là truyn thông trong chiến tranh Vit Nam đã không b kim duyt nh vào quyn t do báo chí. Không ch theo dõi các hình nh, các phóng s, công chúng M còn da vào các bình lun ca nhng nhà bình lun chính tr và phân tích thi cuc. Hàng lot các tên tui truyn thông go ci ca Hoa K được biết đến t thi chiến tranh Vit Nam.

Chính vì vy mà tin tc và din biến ca chiến tranh Vit Nam đã áp đo ti M trong na cui thp niên 60s ti M đã gây nên cm xúc và nh hưởng đến nhìn nhn ca đi chúng. Ln đu tiên người dân M chng kiến nhng hình nh và thước phim hoc nguyên thy hay kch tính hóa v s khc lit, bo tàn ca chiến tranh vi hình nh gian kh, nguy him ri thương tích, chết chóc ca người lính đánh đng vào người xem rt ln, dn đến làn sóng phn đi chiến tranh khi con s t vong ca binh sĩ Hoa K cùng chi phí chiến tranh ngày càng tăng cao.

Nhng người chng chiến tranh cho rng đó là mt cuc chiến không cn thiết và người lính M chết ti nơi xa l nào đó không phi đ bo v cho chính h, cho chính nước M. Mà nó là s sai lm ca chính ph đ b sa ly vào mt cuc chiến thot đu ng ch là mt cuc thanh trng phiến quân s nhanh chóng kết thúc khi 3.500 lính Thủy quân lục chiến thin chiến được ch huy bi nhng cp ch huy tài ba trong chiến tranh Triu Tiên hay Đệ nhị Thế chiến đ b xung Đà Nng vào tháng Ba năm 1963.

Truyn thông Hoa K đã b đ trách nhim cho vic tht bi trong cuc chiến Vit Nam và là nguyên nhân gây chia r gia hai bên ng h và phn chiến. Còn gii truyn thông bào cha rng, h ch làm công vic tường trình chiến tranh còn các quyết đnh hay chiến lược là t Ngũ Giác Đài và các đi tng thng. H không có thm quyn hay kh năng can d, bt đu hay kết thúc cuc chiến ngoài vic thc hin vai trò ca mình.

Trên thc tế thì gii truyn thông cũng không lường trước v cuc chiến như nhng cp thm quyn quân đi và chính ph Hoa K. Nhiu ký gi tr đã hào hng xin qua Vit Nam ngay nhng ngày đu tiên đ tường trình cuc tiu tr phiến quân cng sn mà h e rng, nếu không nhanh chân thì h s b l chuyến đò và nó s nhanh chóng kết thúc. Các nhà s hc và gii nghiên cu v chiến tranh Vit Nam ghi nhn rng cho đến năm 1968, gii truyn thông Hoa K cũng đã ng h cuc chiến và đưa tin tc khá tích cc v nó. Nhưng ri cuc chiến đã kéo dài và mt mát nhiu hơn gp bi nhng ai đã tng tưởng tượng đã làm thay đi điu này.

Truyn thông cũng tr giá cho thách thc ngh nghip đó khi có hơn 60 ký gi thit mng khi tường trình v cuc chiến. Mt s ký gi mt mng ngay ti chiến trường, mt s b bn h khi theo chân các cuc hành quân hay th sát chiến trường, trong đó có nhiu ký gi tài ba ca các hãng thông tn tên tui thế gii. Trong vai trò truyn thông, các ký gi đã đ li cho các thế h sau nhiu tm nh, thước phim quý giá v cuc chiến Vit Nam.

Không ít người cho rng truyn thông đã góp phn nh hưởng và chu trách nhim v s tht bi ca cuc chiến Vit Nam. Nhưng điu này cũng ch mt phn khi nguyên nhân trc tiếp có th thy được là tn tht tài chính và nhân mng ca binh lính Hoa K cùng s phn đi ca người dân M đã buc chính ph Hoa K phi tìm kiếm mt gii pháp khác nhm rút quân và kết thúc chiến tranh. Bi cui cùng thì các đi tng thng M và Quc Hi Hoa K là nhng người quyết đnh trc tiếp v cuc chiến tranh Vit Nam.

Sau gn na thế k, có vô s lý do và s tht v cuc chiến Vit Nam vn đang còn là điu gây tranh cãi, khó lòng tha mãn cho tt c nhng bên d phn. Nhìn vào vai trò và trách nhim mi góc khác nhau, k c vai trò ca truyn thông Hoa K, s cho người ta ghép li phn nào bc tranh toàn cnh ca cuc chiến đy ám nh này.

Đinh Yên Thảo

Nguồn : VOA, 17/04/2021

Additional Info

  • Author Đinh Yên Thảo
Published in Diễn đàn
Trang 1 đến 5