Công nghệ : Phương Tây có nguy cơ bị Trung Quốc soán ngôi
Trung Quốc phát triển vượt bậc về công nghệ, Syria thời hậu Bachar al-Assad, chiến tranh Ukraine là những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm hôm 13/12/2024.
Cờ Trung Quốc (trên) và cờ Mỹ / AP - Andy Wong
Trang nhất và bài xã luận của tờ Les Echos nói về việc Trung Quốc, vốn là một quốc gia giá rẻ, giờ đã trở thành một nhà vô địch về công nghệ cao. Từ một nhà máy của thế giới, giờ đã trở thành phòng thí nghiệm của hành tinh.
Trong một số lĩnh vực, như ngành năng lượng mặt trời, sản phẩm "Made in China" đã đánh bại tất cả các đối thủ. Trong những lĩnh vực khác, mối đe dọa từ Bắc Kinh ngày càng hiện hữu. Các nhà sản xuất xe hơi phương Tây thừa nhận xe điện do Trung Quốc sản xuất gần như không thua kém sản phẩm phương Tây. Tương tự như tàu siêu tốc hay các lĩnh vực khác.
Trong lĩnh vực điện tử, mặc dù hứng chịu những lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, được ban hành trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Donald Trump, các đại tập đoàn từ Thâm Quyến đã vượt qua mọi khó khăn. Doanh thu của Hoa Vi (Huawei) đã vượt qua mức 100 tỷ đô la và tập đoàn này vẫn là nhà cung cấp viễn thông số một thế giới, ngày càng ít phụ thuộc vào các linh kiện và phần mềm của Mỹ.
Trong ngành dược phẩm và công nghệ sinh học, hàng không vũ trụ, trí tuệ nhân tạo và năng lượng hạt nhân, Bắc Kinh chưa dẫn đầu, nhưng những thành công của TikTok, Alibaba hay Bách Độ (Baidu) đã cho thấy họ có khả năng cạnh tranh trực tiếp với Silicon Valley, và phương Tây không còn độc quyền về đổi mới sáng tạo.
Công thức của Bắc Kinh rất đơn giản. Sản phẩm của họ trước đây chỉ rẻ, nay vừa rẻ lại vừa hiệu quả hơn. Để thành công trong việc nâng cấp chất lượng, Trung Quốc, vốn bị cho là nhà vô địch hàng giả, trên thực tế đã sao chép Nhật Bản trong những năm 1970-1980 và Hàn Quốc trong các thập kỷ tiếp theo.
Nhật báo kinh tế cũng nhấn mạnh bí quyết giúp Bắc Kinh thành công, đó là họ không dàn trải, mà chỉ tập trung làm tốt trong những lĩnh vực chiến lược, cho dù cuộc khủng hoảng bất động sản ảnh hưởng đến nhiều nơi trong nước hay tỷ lệ thanh niên thất nghiệp gia tăng là những yếu tố đang đè nặng lên chủ tịch Tập Cận Bình.
Les Echos kết luận đây là thời điểm mà Châu Âu, đang tụt lại phía sau, phải thức tỉnh, không bao giờ được đánh giá thấp Trung Quốc, và chính Bắc Kinh đang ngần ngại chuyển giao công nghệ quan trọng cho lục địa già.
Syria : Thái độ đạo đức giả của phương Tây
Nhìn sang Trung Đông, nhật báo Le Monde dành trang nhất và bài xã luận cho Syria thời hậu Bachar al-Assad. Một số quốc gia Châu Âu đã phản ứng rất nhanh sau khi chế độ này sụp đổ hôm 08/12. Chỉ 24 giờ sau, Đức, nước tiếp nhận chính di dân Syria, chạy trốn cuộc chiến tranh khốc liệt, tàn phá đất nước từ năm 2011, đã thông báo tạm dừng xử lý các đơn xin tị nạn, trong khi có khoảng 47.000 hồ sơ đang chờ được giải quyết. Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và Ý cũng đã có hành động tương tự. Văn phòng bảo vệ người tị nạn và người không quốc tịch của Pháp (Ofpra) cũng thông báo sẽ "hoãn" xem xét những đơn xin tị nạn này.
Trong bối cảnh bầu cử Quốc hội Đức diễn ra ngày 23/02/2025, một số nhân vật cánh hữu và cực hữu đã đề xuất đưa những người tị nạn trở về Syria, hoặc ít nhất là không tiếp nhận thêm những di dân mới. Jens Spahn, dân biểu thuộc đảng CDU (Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo), đã đề xuất tổ chức các chuyến bay đặc biệt để đưa người Syria về nước với khoản hỗ trợ 1.000 euro cho mỗi người. Áo cũng đã thông báo một chương trình hồi hương và trục xuất.
Le Monde nhận định sự vội vàng này là điều gây sốc. Thuần túy về mặt pháp lý, sự sụp đổ đột ngột của chế độ Bachar al-Assad có thể giải thích cho việc các nước tạm dừng những thủ tục tiếp đón di dân, song vẫn còn quá sớm để biết lực lượng chính trị nào sẽ xuất hiện ở Damascus. Hơn nữa, không ai có thể khẳng định lực lượng đang chiếm thế thượng phong sẽ tôn trọng các quyền cơ bản của người dân Syria.
Thái độ đạo đức giả của các nước Châu Âu trở nên rõ ràng khi vào tháng 07/2023, mười quốc gia, trong đó có Áo và Ý, đã kêu gọi bình thường hóa quan hệ với Syria, khi tưởng rằng chế độ Bachar al-Assad vững như bàn thạch. Mục đích của những nước này là "tạo điều kiện thuận lợi cho người Syria tự nguyện trở về một cách an toàn". Tuy nhiên, cảnh tượng địa ngục trần gian trong các nhà tù Syria, được tiết lộ gần đây, khiến người ta nghĩ rằng các nước Châu Âu sẵn sàng đang tâm đẩy người Syria, muốn chạy trốn khỏi sự tàn bạo của chế độ, vào một hoàn cảnh thảm khốc, điều mà nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền đã khẳng định.
Không ai có thể phủ nhận làn sóng di dân Syria tràn vào Châu Âu vào giữa những năm 2010 đã khiến tư tưởng bài ngoại gia tăng và giúp tiếng nói của những đảng cực hữu ngày càng có trọng lượng, đồng thời thúc đẩy lập trường cứng rắn hơn đối với vấn đề nhập cư, cho dù các quốc gia láng giềng của Syria, như Thổ Nhĩ Kỳ hay Lebanon, đã tăng cường việc tiếp nhận di dân chạy loạn.
Le Monde kết luận ý định bình thường hóa quan hệ với một chế độ khát máu, không thể cải cách, là một sai lầm chính trị không thể chối cãi. Giờ đây, tất cả các quốc gia Châu Âu đều phải tìm cách giúp cho sự ổn định xuất hiện trở lại ở thủ đô Damascus cũng như trên toàn quốc. Chính sự ổn định đó sẽ giúp những người tị nạn có thể trở về nước.
Phương Tây lo ngại quân đội Ukraine "sụp đổ"
Về chiến tranh Ukraine, trang nhất của nhật báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa phương Tây lo ngại trước sự "sụp đổ" của quân đội Ukraine.
Vài ngày trước, thông báo về việc Nga đóng không phận gần căn cứ Kapustin Yar đã khiến giới chuyên gia quân sự thân Ukraine lo ngại. Chính tại căn cứ này, vào cuối tháng 11, Nga đã phóng tên lửa Oreshnik vào Ukraine. Mặc dù về mặt kỹ thuật, vụ thử tên lửa này không có gì nổi bật, nhưng đây là thông điệp cho thấy khả năng và quyết tâm của Nga trong việc phá vỡ mọi hệ thống phòng thủ. Giới quân sự phương Tây, bao gồm cả Lầu Năm Góc, đã cảnh báo Nga có thể tiếp tục tiến hành những cuộc tấn công nhằm làm tê liệt Ukraine.
Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mark Rutte, tuần trước đã cảnh báo năm nay Kiev có thể sẽ phải đối mặt với mùa đông khắc nghiệt nhất kể từ năm 2022, đặc biệt do những bước tiến đáng kể của quân đội Nga. Từ vài tuần qua, tình hình trên chiến trường đã thay đổi, quân đội Nga đã gia tăng cường độ các cuộc tấn công và đạt được những chiến thắng đáng kể. Đặc biệt, họ đã tiến gần đến khu vực ngoại ô của Pokrovsk, một thành phố chiến lược đối với Ukraine.
Ở phía Bắc, tại khu vực Kursk, Nga tuyên bố đã "giải phóng" Novoivanovka, tiếp tục giành lại những khu vực đã để mất vào tay Ukraine mùa hè vừa qua. Nga cũng tiếp tục tiến về phía Kramatorsk ở miền đông Ukraine và đang tìm cách vượt sông Oskil. Moskva cũng có thể sẽ phát động một cuộc tấn công mới ở phía Nam, cụ thể là Robotyne. Theo một chuyên gia quân sự của Pháp, điện Kremlin đang làm mọi cách để Ukraine phải phân tán lực lượng để có thể hiện diện ở mọi mặt trận. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) của Mỹ, quân đội Nga có thể tiến hành đến 30 cuộc oanh kích mỗi ngày ở khu vực Pokrovsk. Nếu tình hình này tiếp diễn, tuyến phòng thủ của Ukraine có thể sẽ sụp đổ, tạo cơ hội cho Nga tiến thêm vài cây số.
Mặc dù chiến dịch của quân đội Nga rất tốn kém về nhân mạng, với con số lên tới 1.500 lính Nga thiệt mạng hay bị thương mỗi ngày trong tháng 11, Moskva vẫn có thể huy động khoảng 30.000 binh sĩ mỗi tháng, đủ để duy trì áp lực trên chiến trường. Tổn thất của quân đội Ukraine được cho là thấp hơn, nhưng con số chính xác vẫn chưa được tiết lộ. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đề cập đến con số 40.000 người chết kể từ khi chiến tranh bắt đầu.
Giờ đây, quân đội Ukraine chỉ có thể phản ứng bằng những cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa hay drone nhắm vào các căn cứ quân sự và cơ sở năng lượng của Nga. Tuy nhiên, do thiếu nguồn lực và lo ngại leo thang xung đột, Kiev dường như không thể giành lại thế công. Trong tuần này, lãnh đạo Ukraine lại kêu gọi các đối tác cung cấp thêm hệ thống phòng thủ Patriot và tìm kiếm những bảo đảm an ninh để có thể hướng đến một thỏa thuận ngưng bắn trong tương lai.
Pháp : Những thách thức đối với tân thủ tướng
Về thời sự nước Pháp, tờ Libération dành trang nhất chú ý đến những thách thức mà thủ tướng tương lai sẽ phải đối mặt. Bài xã luận của nhật báo thiên tả chạy tựa "Địa ngục", ngụ ý rằng điện Matignon (dinh thủ tướng) giờ đây đã trở thành nơi không chính khách nào muốn làm chủ.
Việc bổ nhiệm thủ tướng mới, ban đầu dự kiến sẽ diễn ra trong vòng 48 giờ, đã bị trì hoãn thêm. Sự kéo dài này cho thấy nhiệm vụ khó khăn của tổng thống Emmanuel Macron trong việc tìm một nhân vật có thể làm vừa lòng tất cả các chính đảng. Vấn đề không chỉ là tìm một cái tên, mà là liệu tân thủ tướng có thể giúp đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị mà chủ nhân điện Elysée đã gây ra hay không.
Chủ nhân tương lai của điện Matignon sẽ có nhiều hồ sơ phải giải quyết nhanh chóng như vấn đề ngân sách, khủng hoảng nông nghiệp... Tuy nhiên, theo Libération, nhiệm vụ chính của người được chọn là tìm lại một sự ổn định chính trị tối thiểu, tránh để xảy ra hiện tượng hỗn loạn dân chủ.
Vấn đề quan trọng hơn là tái thiết lập sự liên kết giữa người dân Pháp với giới chính trị. Một phần lớn đã mất niềm tin từ lâu và ngay cả những người trước đây quan tâm đến chính trị cũng bắt đầu "ngán ngẩm". Tờ báo thiên tả kết luận, hơn bao giờ hết, chính quyền cần khôi phục niềm tin cho giới trẻ, ngày càng xa rời chính trị.
Cúm gia cầm gây lo ngại trở lại
Về lĩnh vực y tế, nhật báo công giáo La Croix có bài viết về việc Hoa Kỳ đã ghi nhận một số trường hợp cúm gia cầm ở người mà không tiếp xúc với động vật. Virus này, sau khi đột biến và lây lan giữa các đàn bò sữa, có khả năng lây lan sang người cao hơn, khiến các chuyên gia hết sức lo ngại.
Tại Pháp, mức độ rủi ro đã tăng từ "vừa phải" lên "cao". Cúm H5N1 đã gây tử vong cho gần một nửa số ca bệnh ở người. Việc tiêm vac-xin bắt buộc cho vịt ở Pháp đã cho thấy kết quả tích cực và các chuyên gia nhấn mạnh phải theo dõi chặt chẽ sự lây lan của virus và cải thiện hệ thống chăn nuôi, để ngăn chặn các dịch bệnh trong tương lai.
Phan Minh
Thủ tướng Việt Nam chiêu dụ đầu tư Hoa Kỳ vào lĩnh vực công nghệ vi mạch
RFA, 19/09/2023
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vào chiều ngày 18/9 (giờ miền tây Hoa Kỳ) đến tại trụ sở một số tập đoàn công nghệ Hoa Kỳ ở Silicon Valley gồm Nvidia, Meta và Synopsys.
Chuyến đi Hoa Kỳ của Thủ tướng Việt Nam diễn ra sau chuyến công du của Tổng thống Biden đến Hà Nội vào ngày 10-11/9 vừa qua. Báo Nhân dân
Reuters loan tin ngày 19/9 cho biết chuyến đi Hoa Kỳ của Thủ tướng Việt Nam diễn ra sau chuyến công du của Tổng thống Biden đến Hà Nội vào ngày 10-11/9 vừa qua.
Lần này ông Chính đến Mỹ để dự họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc ; nhưng trước khi sang New York, ông đã dừng tại miền Tây và gặp doanh giới Hoa Kỳ như vừa nêu.
Tại diễn đàn đầu tư ở San Francisco, ông Chính lặp lại rằng "Việt Nam mong muốn mở cửa đón tất cả các nhà đầu tư" và cam kết tạo điều kiện cho những khoản đầu tư trong tương lai của những tập đoàn như Nvidia, Synopsys.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, nhân chuyến thăm của ông Phạm Minh Chính, Synopsys ký kết hai biên bản hợp tác về phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam và về hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam. Tập đoàn Meta cũng bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam, trong đó có việc tiếp tục sản xuất các thiết bị của metaverse (vũ trụ ảo).
Tập đoàn Nvidia cho biết mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ thông tin, và trí tuệ nhân tạo (AI).
Nguồn : RFA, 19/09/2023
Mỹ hứa hẹn đầu tư công nghệ, liệu Việt Nam có đủ năng lực tiếp nhận ?
RFA, 18/09/2023
Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam mang theo hàng loạt dự án từ các tập đoàn khổng lồ của Mỹ. Thực tế đó được cho sẽ mang lại cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế đánh giá Việt Nam cần phải thay đổi rất nhiều nữa mới có thể tận dụng tối đa nguồn lực mà Mỹ cam kết hỗ trợ.
Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam được kỳ vọng sẽ bay cao, bay xa nhờ "cơn gió tây" từ Hoa Kỳ…
Cam kết của Mỹ
Trong chuyến thăm chính thức đến Hà Nội vào hai ngày 10 và 11/9 vừa qua, theo Reuters, Nhà Trắng công bố một số thỏa thuận thương mại của hai bên, bao gồm Vietnam Airlines được hỗ trợ mua 50 máy bay Boeing 737 Max có trị giá khoảng 7,8 tỷ USD.
Kế hoạch của Microsoft (MSFT.O) nhằm tạo ra một "giải pháp sáng tạo dựa trên công nghệ AI phù hợp với Việt Nam và các thị trường mới nổi".
Nvidia (NVDA.O) cũng sẽ hợp tác với các tập đoàn của Việt Nam như FPT, Viettel và VinGroup… trong lĩnh vực AI.
Nhà Trắng cũng nhấn mạnh số lượng về nguồn đầu tư của các công ty Mỹ tại Việt Nam liên quan đến chip, bao gồm cả kế hoạch của Marvell và Synopsys (SNPS.O) để xây dựng các trung tâm thiết kế chip tại Việt Nam.
Một nhà máy mới của Amkor trị giá 1,6 tỷ USD ở gần Hà Nội chuyên lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 10. Intel cũng sẽ đầu tư một nhà máy lắp ráp chip trị giá 1,5 tỷ USD ở miền Nam Việt Nam.
Tập đoàn Honeywell (HON.O) của Hoa Kỳ sẽ hợp tác với một đối tác Việt Nam để triển khai dự án thí điểm phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng pin đầu tiên của Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, cho rằng đây thực sự là cơ hội lớn để Việt Nam có thể phát triển vượt bậc, đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Do đó, Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực để tạp điều kiện cho các dự án này được đi vào thực tiễn :
"Mình tin rằng là họ (Chính phủ Việt Nam - PV) sẽ tạo điều kiện hết sức cho các dự án, các cái sáng kiến như vậy chứ không có trở ngại về mặt pháp lý hay về bản thủ tục hành chính hiện nay vẫn thường thấy đối với một số dự án bình thường khác.
Tại vì đây là một cái lĩnh vực ưu tiên cao. Ngoài việc phục vụ các lợi ích của Việt Nam thì nó cũng là nằm trong cái thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ, cho nên chắc chắn sẽ được ưu tiên, sẽ không gặp nhiều khó khăn.
Việc triển khai khó khăn chủ yếu là đến từ các cái nguồn lực cũng như là các biện pháp triển khai của các bên đối tác cụ thể, chứ không phải là từ nhà nước".
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết hồi năm 2006, ông từng tham gia các hội nghị về kinh tế khi Tổng thống Bush đến Việt Nam dự APEC. Lúc đó cũng đã có nhiều Biên bản ghi nhớ (MoU) giữa các doanh nghiệp lớn hai nước Việt - Mỹ, nhưng kết quả lại thực hiện không được bao nhiêu :
"Trước nhất là trong những hội nghị như thế thì thường tổng thống Mỹ mang theo một phái đoàn rất là rầm rộ với các doanh nghiệp lớn của Mỹ và để kết thúc hội nghị một cách tốt đẹp thì thường là họ đưa ra những cái hợp đồng MoU để ký kết với nhau và được báo chí tung hô lên như là một thời điểm của một giai đoạn mới. Lần này cũng vậy, rất nhiều những hợp đồng ký kết với nhau…
Tất cả những cái đó dĩ nhiên là cần phải có. Thế nhưng từ cái lần trước cho thấy rằng những cái MoU đó nó không đi vào thực hiện được là bởi vì ngồi trên bàn hội nghị thì có thể dễ dàng ký kết với nhau, nhưng mà khi thực hiện các dự án lớn lao hàng tỷ đô thì cần phải có một sự nghiên cứu về tính khả thi của các dự án đó, môi trường pháp lý, môi trường tài chính như thế nào…".
Rào cản
Các dự án hợp tác cụ thể đã có, nhưng làm thế nào để hiện thực hóa những dự án này không phải là điều dễ dàng cho Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, dù môi trường kinh doanh của Việt Nam bây giờ đã cải thiện rất nhiều so với những năm 2006 ; tuy nhiên, các nhà đầu tư Hoa Kỳ vẫn e ngại về những rào cản như pháp lý, quy định về đất đai, trình độ lao động và cả tình hình chính trị không ổn định ở cả khu vực Đông Nam Á hiện nay.
Trở ngại lớn nhất của nhà đầu tư Mỹ khi vào Việt Nam, theo ông Hiếu, là những luật lệ của Việt Nam, đặc biệt là liên quan đến bất động sản. Đất đai là cơ sở nền tảng để xây dựng xí nghiệp cũng như các cơ sở sản xuất ; do đó, các doanh nghiệp Mỹ cũng ái ngại khi luật về đất đai ở Việt Nam còn chồng chéo, nhiều thủ tục rắc rối :
"Không chỉ là về vấn đề đất đai mà tất cả những quy định về luật pháp liên quan đến đầu tư thương mại ở Việt Nam nó còn rất chồng chéo với nhau và cần phải có một sự cải tiến để có thể làm cho các nhà đầu tư yên tâm về tài sản của họ được ổn định".
Về nguồn nhân lực, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đánh giá dù trình độ người lao động của Việt Nam đã tăng cao trong 20 năm qua nhưng vẫn chưa đủ, đặc biệt là lao động trong các ngành liên quan đến công nghệ, AI, bán dẫn…
Trong một bài viết được đăng trên Reuters hôm 31/8, ông Vũ Tú Thành - người đứng đầu văn phòng Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN - cho biết "con số các kỹ sư phần cứng có sẵn ở Việt Nam hiện thấp hơn số lượng cần thiết cho việc đầu tư vào ngành công nghiệp hàng tỷ đô la này".
Cũng theo ông Thành, Việt Nam hiện có khoảng từ 5.000 đến 6.000 kỹ sư được đào tạo cho ngành chip bán dẫn, trong khi nhu cầu cần có là 20.000 kỹ sư trong năm năm tới và 50.000 kỹ sư trong một thập niên tới.
Liên quan đến vấn đề môi trường, ông Hiếu đánh giá tình trạng ô nhiễm không khí, nước và đất vẫn còn nặng, đặc biệt ở những khu vực có nhièu khu công nghiệp, nơi đặt các nhà máy, hãng xưởng nước ngoài :
"Sang đến vấn đề môi trường thì chưa có sự quan tâm đủ từ chính quyền, mặc dù Việt Nam đã có chương trình đến năm 2050 thì sẽ đạt "zero carbon". Trên giấy tờ thì rất tốt về các chính sách và kế hoạch nhưng mà việc thực hiện thì còn rất thô sơ để có thể tiến đến một môi trường không có khí thải".
Giải pháp
Việt Nam cần phải giải quyết các rào cản kể trên thì mới có thể tận dụng tốt nhất các cơ hội và nguồn lực mà Mỹ sẽ hỗ trợ cho Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nêu một số giải pháp sau. Trước tiên là về vấn đề luật pháp :
"Đây là một quá trình sửa đổi cải tiến rất lâu dài, không thể nào trong một thời gian ngắn có thể thay đổi được. Chính phủ và Quốc hội Việt Nam cần phải là rà soát tất cả những luật lệ, đặc biệt là những luật lệ sẽ có tác động đến nhà đầu tư nước ngoài
Các dự án nước ngoài thì cần phải có sự xem xét chỉn chu để có thể đáp ứng những yêu cầu mới, đặc biệt là trong các hàng hóa mà bán sang Mỹ cũng cần phải được rà soát lại về vấn đề vệ sinh và tất cả những quy định ở trong các hiệp định thương mại".
Việt Nam cũng phải tăng cường đào tạo, tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ để có đủ khả năng đón đầu những dự án đầu tư lớn từ những các "ông lớn" của Mỹ về chất bán dẫn, AI hoặc kỹ thuật số…
Ngoài ra, vấn đề tham nhũng cũng cần phải được quản lý tốt hơn :
"Bên cạnh đó, một trong những vấn đề gây trở ngại cho quan hệ làm ăn với nước ngoài là tham nhũng. Dù hiện tượng tham nhũng cũng đã giảm nhiều, những chiến dịch chống tham nhũng của Đảng và nhà nước đã có tác động lớn nhưng tham nhũng vẫn còn và đó cũng làm nhụt chí các nhà đầu tư nước ngoài rất nhiều. Đó là những cái cần phải thay đổi".
Tập có dám chơi nước cờ liều thách thức và leo thang chiến tranh với Mỹ khi điều kiện chưa đủ thì chưa rõ. Nhưng Tập cũng không kiên nhẫn để chờ đến khi đủ điều kiện.
Điều rõ ràng là Tập đang chuẩn bị Trung Quốc trong thế sẵn sàng chiến tranh và không giấu diếm điều này.
Tổng thốngThái Anh Văn ghé Mỹ trong những ngày qua làm gia tăng căng thẳng trong vùng Á Châu Thái Bình Dương. Tuy nhiên những tiến ồn rồi sẽ xuống. Chuyến đi như thế chính nó cũng làm cho sự căng thẳng giảm xuống, qua thời gian. Dù sao Đài Loan vẫn là điểm nóng, có thể là điểm nóng nhất, trong bối cảnh căng thẳng leo thang này.
Tình hình thực tế là Bắc Kinh ngày càng hung hăng hơn. Mới đây Tậptuyên bố muốn xây dựng Trung Quốc thành bức tường vĩ đại bằng thép (great wall of steel). Tập cũng khẳng định chống lại mọi thế lực ủng hộ Đài Loan độc lập và can thiệp nước ngoài. Tập muốn Trung Quốc đóng một vai trò ảnh hưởng hơn trên bình diện quốc tế. Kevin Rudd, trước khi qua Washington DC nhận lãnh vai trò Đại sứ mới của Úc tại Mỹ,nhận định rằng cung cách của Tập không bình thường, và trong 24 giờ qua Rudd moi lục để tìm ra thời điểm mà một nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc đã đích danh tấn công Hoa Kỳ.
Giấc mơ của Tập Cận Bình là xây dựng một nước Trung Hoa mà sức mạnh ngang hàng hay trên Mỹ để không những không bị lấn ép mà còn có khả năng ảnh hưởng và thiết lập một trật tự mới có lợi hơn cho Trung Quốc hiện nay. Quyền lực mềm chỉ là tượng trưng, và thứ yếu, trong mắt Tập. Khi Trung Quốc có đủ quyền lực cứng, Tập tự tin rằng không mấy ai còn kiềm chế hay kiểm soát được, Bắc Kinh có thể tung hoành hơn trong bang giao quốc tế.
Tập đã thử nghiệm phương pháp xây dựng quyền lực bên trong Trung Hoa. Quyền lực mềm chỉ để quảng cáo, và bất cứ điều gì cản trở hay thách thức Tập đều được giải quyết bằng điểm yếu của con người. Tâm lý bất an và sợ hãi, tuy là điểm yếu của người khác, chính là chìa khóa xây dựng thế lực cho Tập. Stalin, Mao và giờ đây Tập đều hiểu rất rõ sức mạnh có thể được xây dựng bằng việc vận dụng sự hiện hữu của kẻ thù, thật hay giả, trong hay ngoài nước. Mỹ nói riêng hay Tây phương nói chung và thế lực phản động trong nước đều được vận dụng trong chiêu bài chính trị. Trong văn hóa chính trị như thế, Tập là tay chơi cờ chính trị bằng mạng sống hay xương máu của người khác.
Để đi xa hơn, viễn kiến và mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Tập phải xây dựng quyền lực cứng cho Trung Quốc mới là cách thực tiễn hơn. Chính sáchMade in China 2025 nằm trong viễn kiến đó. Hình thành từ năm 2015, dựa trên thành quả đạt được từ khi mở cửa với thế giới bên ngoài, Bắc Kinh chủ trương phát triển 10 công nghệ cao cấp mà trong đó Trung Quốc là cơ sở sản xuất hàng đầu. Nhữngcông nghệ này là xe điện hay xe sử dụng năng lượng mới khác, công nghệ thông tin và viễn thông thế hệ tiếp theo, người máy tiên tiến và trí tuệ nhân tạo v.v… Những lĩnh vực khác bao gồm công nghệ nông nghiệp ; kĩ thuật không gian ; vật liệu tổng hợp mới ; thiết bị điện tiên tiến ; thuốc sinh học mới ; cơ sở hạ tầng đường sắt cao cấp ; và kỹ thuật hàng hải công nghệ cao.
Trước MIC 2025 thì Tập cũng đã tiến hànhVành đai Con đường (BRI) kể từ năm 2013 khi Tập mới lên thay thế Hồ Cẩm Đào. Tuy không thành công như dự đoán, và phần nào bị phản tác dụng bởi mưu "bẫy nợ" bị vạch trần, Trung Quốc đã đạt được một số thành công trong việc vẽ lại bản đồ thương mại trên toàn thế giới, trong đó một số quốc gia lấy Trung Quốc làm trung tâm chứ không phải Mỹ hay Châu Âu, theo chuyên gia về quan hệ Trung - Mỹ David Sacks thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations).
Được nỗ lực thực hiện trong 8 năm qua, tính đến nay Trung Quốc đã tiến triển rất xa trong chiến lược MIC 2025. Vào năm 2007 khi công ty Apple bắt đầu sản xuất iPhone, Trung Quốc được thế giới biết đến vì nhân công rẻ, nhưng phần lớn các bộ phận được nhập cảng từ Đức, Nhật và Mỹ, trong khi Trung Quốc chưa chế tạo gì đáng kể. Năm 2018, khi Apple cho ra đời iPhone X, tình thế đã thay đổi sâu sắc. Các hãng Trung Quốc đã làm chủ được các công nghệ phức tạp, và các công ty này có thể sản xuất sản phẩm tốt hơn so với các đối thủ Châu Á và Châu Âu của họ. Ngay bây giờ giá trị của hãng xưởng Trung Quốc chiếm hơn 25% giá trị gia tăng của thiết bị iPhone.
Một thí dụ thành công nổi bật khác là thiết bị năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Vào năm 2010 khi Hội đồng Nhà nước Trung Quốc chỉ định năng lượng mặt trời là một "ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược", kích hoạt một loạt các khoản trợ cấp của chính phủ và thành lập doanh nghiệp, thì ngày nay các công ty Trung Quốc chiếm lĩnh hầu hết mọi phân khâu của chuỗi giá trị năng lượng mặt trời. Các tấm pin mặt trời của Trung Quốc không chỉ rẻ nhất trên thị trường mà chúng còn là hiệu quả nhất.
Dan Wang, viết trên Foreign Affairs, nhận định rằng Trung Quốc đã chế ngự được tri thức quy trình (process knowledge) trong khả năng sản xuất, và điều này đã giúp cho Trung Quốc có thể khai dụng nó ở tầm quy mô, sẵn sàng cung cấp số lượng lớn cho toàn thế giới các sản phẩm công nghệ cao. Đây là sức mạnh của Trung Quốc. Trong khi đó Mỹ đã đi đầu bao thập niên về mọi mặt công nghệ, từ sáng tạo đến chế tạo và sản xuất hàng loạt, nhất là trong suốt thời gian chuẩn bị cho Thế Chiến II và mãi đến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nhưng thị trường nhân công rẻ đã làm cho nhiều công ty Mỹ quyết định rời Mỹ sang sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc. Kể từ năm 2000 Mỹ đã mất khoảng 5 triệu nhân công trong ngành sản xuất, dẫn đến hàng loạt tình trạng mất kỹ năng không chỉ ở công nhân dây chuyền mà còn ở thợ máy, nhà quản lý và nhà thiết kế sản phẩm. Wang nhận định rằng tình trạng ngày sẽ không giúp Mỹ thống lĩnh được các công nghệ mới đang hình thành trên đường dài, nếu Mỹ không thay đổi chiến lược.
MIC 2025 là chiến lược trung hạn, 10 năm. Lãnh đạo Bắc Kinh tính xa hơn, muốn chạy đua với Mỹ mà đích đến là 2049, tức khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được 100 tuổi.
Vào đầu tháng 3 năm nay, Viện Chính sách Chiến lược Úc (Australian Strategic Policy Institute) công bố bản nghiên cứu có tên công cụ Theo dõi Công nghệ Quan yếu (Critical Technology Tracker). APSI đã dựa trên dữ kiện nghiên cứu, trong đó có 10% ấn phẩm nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất trong 5 năm qua về mỗi công nghệ trong số 44 công nghệ được phân tích, và những dữ kiện khác. APSIliệt kê 44 công nghệ quan yếu mang tính nền tảng cho kinh tế, xã hội, an ninh quốc gia, sản xuất năng lượng, y tế và an ninh khí hậu. APSI cho biết :
"Các công nghệ quan yếu đã làm nền tảng cho kinh tế toàn cầu và xã hội của chúng ta. Từ bộ vi xử lý (microprocessor) tiết kiệm năng lượng trong điện thoại thông minh đến an ninh cho phép mua sắm và ngân hàng trực tuyến, những công nghệ này đều phổ biến và thiết yếu. Chúng đang mở khóa sản xuất năng lượng xanh và hỗ trợ các đột phá y học. Chúng cũng là cơ sở cho khả năng quân sự trên chiến trường, đang củng cố các kỹ thuật chiến tranh hỗn hợp mới và có thể mang lại cho các cơ quan tình báo lợi thế lớn trước các đối thủ".
APSI cho biết cùng với việc theo dõi quốc gia nào đang dẫn đầu, công cụ CTT nêu bật các tổ chức, chẳng hạn như trường đại học, công ty hay phòng thí nghiệm nào đang dẫn đầu về công nghệ nào. Ví dụ, Đại học Công nghệ Delft của Hà Lan có uy thế tối cao trong một số công nghệ lượng tử.
APSI đánh giá Trung Quốc đã đi đầu 37 trên 44 công nghệ này, và 7 công nghệ còn lại do Mỹ dẫn đầu.
APSI nhận định đây là chuông cảnh tỉnh các quốc gia có nền chính trị dân chủ. APSI cho rằng các nền dân chủ cần hiểu rõ khả năng tổng hợp của mình, và khả năng tổng hợp với các nước thuộc khối hay vùng khác. Nhưng khả năng tổng hợp dẫn đầu như vậy sẽ chỉ được thực hiện nếu có sự hợp tác sâu sắc hơn giữa các đối tác và đồng minh, đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực bao gồm nghiên cứu và phát triển (R&D), tài năng và thương mại hóa, cũng như các chiến lược tình báo tập trung hơn. Và cuối cùng, các chính phủ phải dành nhiều không gian hơn cho các ý tưởng chính sách mới, lớn hơn và sáng tạo hơn, bởi vì việc nâng cao hiệu quả hoạt động đòi hỏi không thể ít hơn thế.
Tuy Trung Quốc đang dẫn đầu 37 trên 44 quốc gia về các công nghệ mới này, Trung Quốc vẫn cần thời gian dài để có đủ điều kiện và tiềm năng hầu khai triển và biến nó thành sức mạnh vật chất. Và sau cùng là quyền lực cứng. Để bắt kịp hay qua mặt Mỹ về quyền lực lại là chuyện khác. Chuyên gia về Trung Quốc Michael Pillsbury đã từng đưa ranhận định sâu sắc để cảnh tỉnh giới ưu tú chính trị tại Mỹ là Trung Quốc đã chạy đua Marathon với Mỹ lâu rồi, và dự tính vượt qua Mỹ năm 2049. Trung Quốc có vượt qua được Mỹ không, và khi nào, ngay cả khi dẫn dầu các công nghệ quan yếu này ? Như đã từng chia sẻ trongmột bài trước đây, Lowy Institute kết luận sau một nghiên cứu sâu rộng rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ vượt trội Mỹ về quyền lực.
Điều rõ ràng là Tập đangchuẩn bị Trung Quốc trong thế sẵn sàng chiến tranh và không giấu diếm điều này. Một sốnhà chuyên môn và chiến lược phân tích rằng thế giới nên để tâm đến tuyên bố này của Tập. Úc, Anh và Mỹ đang gia tăng hợp tác quốc phòng qua AUKUS. Tập đã sang Nga đểtái khẳng định tăng cường hợp tác không giới hạn với Putin của Nga. Khi căng thẳng gia tăng và không quản lý chặt chẽ, sự leo thang về quân sự và vũ khí có khả năng đưa đến "cuộc chiến tình cờ", mà Rudd lo ngại có thể xảy ra.
Khi nào Tập Cận Bình của Trung Quốc sẵn sàng lấy những quyết định có khả năng đưa đến chiến tranh lan rộng thì chưa rõ. Mấu chốt vẫn là sự tính toán rủi ro, cơ hội, thời điểm, và mức đo lường tương quan quyền lực của Trung Quốc với Mỹ và liên minh của Mỹ. Tức thế ta bạn thù. Có những chuyên gia đánh giá thời gian đó là 3 năm, vì đến khoảng năm 2026, Trung Quốc có thể sẵn sàng đối đầu để tiến chiếm Đài Loan, ngay cả khi họ biết Mỹ sẽ can thiệp, và chiến tranh sẽ leo thang và lan rộng.
Trong lúc này cuộc chạy đua công nghệ mang tính quyết định với các bên. Ba năm nữa Trung Quốc vẫn còn thua xa Mỹ về quyền lực cứng lẫn mềm. Tập có dám chơi nước cờ liều thách thức và leo thang chiến tranh với Mỹ khi điều kiện chưa đủ thì chưa rõ. Nhưng Tập cũng không kiên nhẫn để chờ đến khi đủ điều kiện. Đến 2030, 2040 hay 2049 thì đã qua thời của Tập rồi. Lịch sử chiến tranh, dù là nội chiến, hay giữa các quốc gia, hay tầm thế giới, cho thấy nguyên do xảy ra không phụ thuộc vào tương quan quyền lực. Trong khi đó Tập muốn lịch sử Trung Quốc không chỉ ghi lại bao chức tước Chủ tịch mọi thứ trong thời kỳ cai trị của mình mà còn ghi công trạng đã lấy lại Đài Loan thống nhất toàn Trung Quốc. Và sẵn sàng đối đầu lại cường quốc Mỹ để lấy lại niềm tự hào cho Hán tộc.
Tư duy này là điều đáng lo ngại cho nhân loại.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 03/04/2023
"Việt Nam sẵn sàng trở thành 'cứ điểm' sản xuất quan trọng của thế giới", theo khẳng định ngày 25/05/2022 của chính phủ trên trang thông tin Facebook. Tuy nhiên, từ một nước gia công cho thế giới, Việt Nam muốn thu hút những nguồn đầu tư mang tính công nghệ cao, phát triển thị trường tài chính sau khi gây dựng được uy tín trong các ngành sản xuất điện tử, công nghệ cao từ vài năm gần đây.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiếp thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong cuộc họp song phương ngày 13/05/2022 tại Washington, Mỹ. AP - Jose Luis Magana
Ngoài việc tham dự hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN tại Washington - mục đích chính của chuyến công du Mỹ (11-17/05/2022), thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ quan chức của nhiều tập đoàn lớn, định chế Hoa Kỳ để giới thiệu triển vọng đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, ba lĩnh vực : tăng trưởng xanh, đổi mới công nghệ - chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng, được thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh là tiềm năng cho hợp tác song phương khi phát biểu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế Mỹ (CSIS) chiều 11/05. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995, kim ngạch thương mại Việt - Mỹ đã tăng 248 lần sau 27 năm, theo trang VnExpress ngày 23/05.
Trong những năm gần đây, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ vào Việt Nam đã tăng nhiều nhưng tập trung chủ yếu ở những lĩnh vực dịch vụ. Hà Nội muốn các doanh nghiệp Mỹ đầu tư nhiều hơn vào các ngành công nghệ cao. Tiềm năng thúc đẩy hợp tác với Mỹ còn được tăng cường khi cả Washington và Hà Nội tham gia Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPEF), được khởi động ngày 23/05 tại Tokyo.
Trên đây là một số điểm chính được giáo sư Eric Mottet, Đại học Công giáo Lille, Pháp, nhận định khi trả lời RFI tiếng Việt ngày 27/05.
*******
RFI : Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ngày 12-13/05. Trang Facebook Thông tin Chính phủ và truyền thông Việt Nam cập nhật liên tục hoạt động của phái đoàn chính phủ Việt Nam, cũng như các cuộc gặp gỡ với các nhà ngoại giao, chủ các tập đoàn lớn của Mỹ. Theo ông, chiến dịch truyền thông này nhằm quảng bá ở trong nước ? Hay đây là mong muốn của chính phủ Việt Nam hướng đến hợp tác với Mỹ nhiều hơn về kinh tế và công nghệ ?
Eric Mottet : Mọi hoạt động truyền thông của một chính phủ thường nhắm đến hai đối tượng trong và ngoài nước. Trường hợp này lại đặc biệt đúng đối với Việt Nam. Chúng ta thấy từ cuộc họp thượng đỉnh gần đây giữa Hoa Kỳ và ASEAN, chính phủ Việt Nam liên tục đưa tin, dĩ nhiên là về tăng cường hợp tác với Mỹ trong nhiều khuôn khổ.
Việt Nam muốn chứng minh năng lực mới, được coi là một quốc gia quan trọng ở Châu Á-Thái Bình Dương, là một nhân tố có trách nhiệm về mặt ngoại giao và địa-chính trị. Chiến lược truyền thông đó cũng để cho người dân Việt Nam thấy là hiện giờ, Hà Nội có khả năng đàm phán, trao đổi với cường quốc số 1 thế giới, trong khi đây là điều không thể trong lịch sử đau thương, khó khăn trước đây giữa Mỹ và Việt Nam.
Về đối nội, chiến dịch truyền thông cũng cho phép nâng tính chính danh của Đảng cộng sản Việt Nam, đặc biệt là các vấn đề quốc tế. Trong thời gian dài, Đảng cộng sản Việt Nam bị coi là thiếu kinh nghiệm đối ngoại. Thế nhưng ở đây, người ta thấy là Đảng và dĩ nhiên là Chính phủ, bắt đầu có năng lực và cũng thấy rằng uy tín quốc tế của Việt Nam chưa bao giờ cao như vậy.
Đối với Việt Nam, cũng như phần lớn các nước trong ASEAN, chiến lược đa dạng hóa đối tác không có gì là mới. Việt Nam muốn có quan hệ đối tác với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là với các cường quốc. Nếu nhìn vào mối quan hệ đối tác giữa Hà Nội và Washington trong những năm gần đây, có thể thấy là mối quan hệ này được tăng cường mạnh mẽ về mặt thương mại. Năm 2021, thương mại song phương đã tăng gần 25%. Đúng là Hà Nội muốn đầu tư nước ngoài trực tiếp của Mỹ tăng tại Việt Nam và Hoa Kỳ đầu tư vào một số ngành công nghệ, đặc biệt là các ngành năng lượng, y tế, công nghệ số. Hà Nội trông đợi rất nhiều vào Hoa Kỳ trong tất cả những lĩnh này.
RFI : Việt Nam không bỏ phiếu lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga, cũng như không loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Sự bất đồng với lập trường của Mỹ có ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương ?
Eric Mottet : Chuyện đó có làm thay đổi mối quan hệ với Mỹ hay không ? Tôi nghĩ là không vì thực ra Việt Nam ở cùng thế với Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này cố tỏ ra trung lập phần nào về cuộc khủng hoảng Ukraine khi không muốn liên kết với Nga hay Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Hoa Kỳ cần ASEAN, cần Việt Nam để triển khai chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương. Như tôi đã đề cập ở trên, Việt Nam đã trở thành một yếu tố, một động cơ quan trọng trong ASEAN về mặt chính trị và kinh tế. Chúng ta thấy rõ là Hà Nội và Washington ngày cách xích lại gần nhau từ nhiều năm qua, từ thời tổng thống Trump và tiếp tục được củng cố với chính quyền Joe Biden. Xin nhắc lại là Mỹ chú ý đến Việt Nam về mặt kinh tế và dĩ nhiên là cả mặt chính trị trong tương lai.
RFI : Thủ tướng Việt Nam nhiều lần nhắc đến "đối tác chiến lược toàn diện" trong bài tham luận tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - CSIS trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN. Liệu có thay đổi nào sau chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Phạm Minh Chính không ?
Eric Mottet : Đúng là từ nhiều năm nay, người ta vẫn nói về mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam. Ở đây có thể có hai giả thuyết. Thứ nhất, như chúng ta biết, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, và câu hỏi mà tôi thắc mắc trong thời gian gần đây là việc thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh đến quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ liệu có phải là để mọi người quên đi rằng Việt Nam đang có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga.
Giả thuyết thứ hai là từ khoảng hai năm nay, Mỹ rất muốn Việt Nam gia nhập Bộ Tứ mở rộng (QUAD +), một diễn đàn về các vấn đề an ninh và quốc phòng. Trong bối cảnh này, có thể Việt Nam gửi một thông điệp đến Trung Quốc, kiểu : "Thấy đấy, chúng tôi cũng có khả năng ký một thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ". Đây được coi như một kiểu bảo đảm về an ninh và phòng thủ trước Trung Quốc.
RFI : Việt Nam nằm trong số 7 nước ASEAN tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPEF) của Mỹ. Khuôn khổ này có tầm quan trọng như thế nào đối với Việt Nam ? Việc Hà Nội tham gia có khiến Bắc Kinh tức giận không trong khi Trung Quốc không được mời ?
Eric Mottet : Trước tiên phải nói rằng hiện chúng ta không biết gì nhiều về IPEF, cũng như nội dung của IPEF, vì vẫn đang trong quá trình đàm phán.
Ngược lại có hai điểm mà chúng ta biết. Thứ nhất, IPEF sẽ không phải là một thỏa thuận tự do thương mại vì dù sao chính quyền Joe Biden sẽ không có được sự ủng hộ từ đa số đảng Dân Chủ nếu như chính quyền Mỹ ký một thỏa thuận tự do thương mại với các nước Châu Á-Thái Bình Dương. Điểm thứ hai, IPEF sẽ bao gồm 4 đến 5 lĩnh vực chủ đạo, gồm kinh tế kỹ thuật số, chuỗi logistic, kinh tế xanh, minh bạch và chống tham nhũng.
Nhìn chung IPEF có thể sẽ là một thỏa thuận ít vững chắc hơn rất nhiều so với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RECEP) hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hoặc so với Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Tuy nhiên, đây sẽ là một thỏa thuận có lợi cho Việt Nam bởi vì IPEF có cả Mỹ và Ấn Độ tham gia, trong khi hai nền kinh tế rất năng động này không tham gia vào RCEP hay CPTPP.
Việc Việt Nam tham gia IPEF có khiến Trung Quốc tức giận không ? Chưa chắc ! Trung Quốc coi IPEF là một quan hệ đối tác vô cùng lỏng lẻo, ít tương lai vì sẽ không có bất kỳ ràng buộc pháp lý nào giữa các nước tham gia. Hơn nữa, đó cũng không phải là một thỏa thuận tự do thương mại theo đúng nghĩa nên Trung Quốc không mấy lo lắng về kế hoạch kinh tế của IPEF. Ngược lại, Bắc Kinh quan ngại về các vấn đề quốc phòng và an ninh nếu như IPEF có thể có thêm một mảng thiên về an ninh và quốc phòng. Nhưng hiện giờ khả năng này chưa xảy ra nên Bắc Kinh không lo lắng lắm.
Xin nhắc lại là Việt Nam và Trung Quốc cũng có rất nhiều thỏa thuận đối tác kinh tế không ngừng được tăng cường trong 10 năm gần đây. Thậm chí, khối lượng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần trong nhiều năm qua. Tôi cho rằng Bắc Kinh quan sát bởi vì hiện giờ IPEF không đủ sức thuyết phục, có thể chỉ là một vỏ ốc và không dẫn đến kết quả lớn. Vì thế Trung Quốc không thấy vị thế kinh tế của họ bị đe dọa.
RFI : Washington lần lượt thông báo Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, sau đó là Khuôn khổ IPEF. Mỹ có thể trông cậy vào vai trò như thế nào của Việt Nam ?
Eric Mottet : Phải nhắc lại là khó biết được nội dung của IPEF vì vẫn đang trong quá trình đàm phán. Điều mà Việt Nam mong muốn, đó là Hoa Kỳ, thông qua IPEF, đầu tư vào các đặc khu kinh tế, củng cố các chuỗi cung ứng, như Google, Microsoft hay Apple đã làm một chút trong những năm vừa qua, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử. Việt Nam cũng muốn Hoa Kỳ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng xanh. Hà Nội cũng muốn các doanh nghiệp Mỹ, trong đó có nhiều công ty đi đầu trong lực này, chia sẻ các phương tiện và công nghệ của họ với Việt Nam.
Chúng ta cũng thấy là Hoa Kỳ và tất cả các nước Châu Á-Thái Bình Dương ngày càng tìm các giải pháp thay thế cho Trung Quốc nên Việt Nam có thể đóng vai trò tiếp nhận quan trọng nguồn đầu tư Mỹ vào Châu Á-Thái Bình Dương trong khuôn khổ IPEF. Cuối cùng, việc này cũng có thể sẽ tăng cường thêm cho các khoản đầu tư của Mỹ vào Việt Nam trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, nếu nhìn vào đầu tư nước ngoài của Mỹ hiện giờ ở Việt Nam, có thể thấy chúng tập trung chủ yếu vào ngành khách sạn, nhà hàng, sản phẩm chế biến, nhưng vẫn còn vắng bóng trong lĩnh vực công nghệ cao.
RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Eric Mottet, trường Đại Học Công Giáo Lille tại Pháp.
Thu Hằng thực hiện
Nguồn : RFI, 06/06/2022
Tư pháp Canada mở lại vụ xét thủ tục dẫn độ giám đốc tài chính Hoa Vi sang Mỹ
RFI, 28/09/2020
Ngày 28/09/2020, Tư Pháp Canada mở lại phiên xét xử thủ tục dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính tập đoàn Hoa Vi (Huawei), sang Hoa Kỳ theo yêu cầu của Tư Pháp Mỹ.
Theo AFP, trong phiên xử dự kiến kéo dài một tuần này, các luật sư của bà Mạnh Vãn Châu sẽ phải chứng minh là tư pháp Mỹ đã nói dối Canada về các tội mà giám đốc tài chính của tập đoàn Hoa Vi bị cáo buộc, cụ thể là những cáo buộc của Mỹ là "sai" và "thiếu yếu tố bối cảnh". Vì vậy, họ sẽ yêu cầu dừng ngay tiến trình xét xử về thủ tục dẫn độ.
Ngoài ra, đội ngũ luật sư của bà Mạnh Vãn Châu có thể sẽ chứng minh rằng chính quyền Canada và Mỹ đã câu kết với nhau để tập hợp bằng chứng và thẩm vấn thân chủ của họ trong vòng nhiều giờ khi trung chuyển ở sân bay Vancoucer mà không có luật sư. Bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giam từ ngày 01/12/2018 tại Vancouver (Canada), theo yêu cầu của tư pháp Mỹ với cáo buộc lách trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran.
TikTok vẫn được hoạt động tại Mỹ
Tương tự, TikTok, một hồ sơ căng thẳng Mỹ-Trung khác, vẫn chưa được định đoạt. Ngày 27/09, thẩm phán Carl Nicholas đã chặn lệnh của chính quyền tổng thống Mỹ loại ứng dụng này khỏi các kho ứng dụng, chỉ vài giờ trước khi quyết định có hiệu lực sau khi TikTok nộp đơn kháng cáo ngày 18/09. Như vậy, người sử dụng Mỹ vẫn có thể tải được ứng dụng, cũng như những cập nhật của TikTok.
Tuy nhiên, theo AFP, vị thẩm phán do tổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm, từ chối đình chỉ lệnh cấm hoàn toàn ứng dụng TikTok, dự kiến có hiệu lực từ ngày 12/11, vì lý do an ninh quốc gia.
Thu Hằng
***********************
Mỹ hạn chế bán công nghệ cho nhà sản xuất vi mạch lớn nhất Trung Quốc
RFI, 27/09/2020
Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung lại sang một chặng mới. Nhật báo Mỹ The Wall Street Journal hôm qua 26/09/2020 cho biết Washington đã yêu cầu các doanh nghiệp Mỹ phải có giấy phép thì mới được cung cấp công nghệ bán dẫn cho Semiconductor Manufacturing International Corp. (Smic), tập đoàn sản xuất vi mạch lớn nhất của Trung Quốc.
Bộ Thương mại Mỹ hôm qua thông báo cho các nhà sản xuất chip điện tử của Mỹ là họ phải xin giấy phép trước khi bán một số công nghệ cho nhà sản xuất thiết bị bán dẫn chính của Trung Quốc. Theo thông báo của bộ Thương Mại, các công nghệ bán dẫn mà các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu cho Smic hoặc các công ty con của tập đoàn này có thể được sử dụng cho các hoạt động quân sự của Trung Quốc.
The Wall Street Journal trích dẫn các nguồn thạo tin theo đó Washington đặc biệt nghi ngờ tập đoàn Smic hỗ trợ cho bộ Quốc Phòng Trung Quốc và chính quyền Donald Trump ngày càng lo ngại về việc Bắc Kinh dựa vào giới doanh nghiệp tư nhân để đạt được các mục tiêu quân sự.
Smic không chỉ là tập đoàn sản xuất thiết bị bán dẫn lớn nhất của Trung Quốc, mà còn là một trong những doanh nghiệp trọng yếu mà Bắc Kinh dựa vào để thực hiện tham vọng tự chủ về công nghệ bán dẫn. Bắc Kinh đang tìm cách đưa Trung Quốc thoát khỏi sự lệ thuộc vào các nhà sản xuất chip điện tử của nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp Mỹ, nhà cung cấp lớn nhất cho Trung Quốc trong lĩnh vực này. Bộ Thương mại Mỹ từ hồi tháng 05/2020 đã có ý định ngăn cản các doanh nghiệp sản xuất thiết bị bán dẫn nước ngoài mua công nghệ của Mỹ.
Thông báo của bộ Thương mại Mỹ liên quan đến Smic được đưa ra trong bối cảnh việc tải ứng dụng chia xẻ video TikTok của tập đoàn Trung Quốc ByteDance, vốn bị cáo buộc làm gián điệp cho Bắc Kinh, trên nguyên tắc sẽ bị cấm sử dụng kể từ tối nay 27/09.
Thùy Dương
Đài Hàn Quốc ‘xin lỗi’ vì đã chỉ trích điều kiện cách ly ở Việt Nam (VOA, 07/03/2020)
Một đài truyền hình ở Hàn Quốc lên tiếng họ ‘lấy làm tiếc’ vì đã phát đoạn phỏng vấn một du khách Hàn Quốc chỉ trích điều kiện cách ly ở Việt Nam nhưng hành đông này lại gặp chỉ trích từ nhiều người Việt Nam trong khi một số nhà hoạt động xã hội bày tỏ cảm thông với các du khách Hàn Quốc.
Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, nơi nhóm du khách Hàn Quốc được cách ly
Tối 25/2, kênh YTN News của Hàn Quốc đã đưa tin về việc 20 du khách Hàn đến từ tâm dịch Daegu bị cách ly ở Đà Nẵng giữa lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ở Hàn Quốc. Trong đó, các du khách Hàn Quốc cho biết ‘điều kiện cách ly rất tệ’, rằng họ bị ‘giam cầm nghiêm ngặt’, và ‘vài giờ mới được cho ăn một lần’ với ‘chỉ có vài mẩu bánh mì’ và gọi đó là ‘thức ăn của người nghèo’.
‘Lấy làm tiếc’
Trong khi đó, chính quyền Đà Nẵng nói rằng họ ‘đã rất cố gắng’ tìm khách sạn đủ tiêu chuẩn để cách ly nhóm du khách Hàn Quốc nhưng vì do sợ dịch bệnh ‘tất cả các khách sạn và nhà khách đều từ chối’ nên phải đành đưa họ về Bệnh viện Phổi để cách ly. Lãnh đạo Bệnh viện này cho biết đã ‘mua các suất cơm với giá 200.000 đồng một suất’ để phục vụ nhóm khách Hàn Quốc này.
Bản tin này đã gây bão trên cộng đồng mạng Việt Nam với những lời chỉ trích nhóm du khách này là ‘trịch thượng’, ‘coi thường Việt Nam’, ‘ăn cháo đá bát’ và Việt Nam đã ‘làm ơn nhưng mắc oán’. Rất nhiều người Việt yêu cầu đài YTN News phải lên tiếng xin lỗi.
Hôm 2/3, Đài YTN News đã đăng tải thông báo ‘lấy làm tiếc’ về vụ việc trên trang web của Đài. Thông báo viết bằng cả hai thứ tiếng Hàn và Việt.
"Chúng tôi lấy làm tiếc vì trong quá trình phát sóng cả một phần thể hiện và sự bất mãn cảm tính trong những nội dung phỏng vấn về đồ ăn được cung cấp và tình hình cách ly", thông báo viết và cho rằng họ đưa tin này ‘vì sự trở về an toàn của công dân Hàn Quốc’ và họ đã ‘truyền đạt toàn bộ nội dung phỏng vấn liên quan, không thêm không bớt’.
"Chúng tôi chỉ định truyền đạt nguyên si lập trường của những cá nhân bị cách ly tại bệnh viện Việt Nam chứ không hề có ý định hạ thấp hay coi thường văn hóa đặc trưng của Việt Nam", thông báo viết.
Đài truyền hình này cũng nói rằng họ ‘sẽ thận trọng hơn trong cách truyền đạt để không gây hiểu lầm do khác biệt văn hóa trong quá trình truyền lại phát ngôn của người được phỏng vấn’.
‘Cần hiểu biết thêm về Việt Nam’
Tuy nhiên, lời xin lỗi này không được nhiều người trong cộng đồng mạng Việt Nam hoan nghênh.
"Cá nhân tôi chẳng cần nhận lời xin lỗi của những người như vậy. Tôi chỉ muốn những người như vậy có thêm 1 chút hiểu biết về đất nước và con người Việt Nam hơn", Nguyễn Long viết trên diễn đàn báo Người Lao Động.
Cũng trên diễn đàn này, một độc giả khác có tên là Nguyễn Tân yêu cầu đài YTN ‘có trách nhiệm hơn để ủng hộ biện pháp tích cực của Việt Nam nhằm ngăn chặn sự lây lân của dịch’.
"Chúng tôi đã làm trước hết là vì các bạn, nếu các bạn bị nhiễm bệnh thì chắc chắn các bạn sẽ được điều trị tức thời. Đáng tiếc là ý thức của một số người quá kém", Lê Ngọc viết.
Hoa Hạ, một đạo diễn sân khấu có tên tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh, viết trên trang cá nhân: "Không phải cố tình xúc phạm rồi xin lỗi. Nên nhớ Việt Nam chúng tôi đã vị tha cho đất nước đã từng tàn sát dân tôi. Chúng tôi phải bảo vệ sinh mạng người dân Việt Nam, trong đó có sinh mạng 20 du khách Hàn. Người Việt nghèo nhưng xem thường không được đâu nhé".
‘Giận dữ là phải’
Trao đổi với VOA, ông Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động xã hội ở Hà Nội, bày tỏ sự thông cảm với các du khách Hàn Quốc bị cách ly.
"Việt Nam điều kiện kinh tế và vệ sinh rất kém. Việc chuẩn bị cơ sở vật chất và thái độ cách ly những người đến từ ngoại quốc cũng rất kém", ông nói. "Những vị khách Hàn Quốc bị cách ly giận dữ là phải".
Ông Thắng cho rằng ‘lẽ ra phải cảnh báo trước cho những du khách này biết là họ sẽ bị cách ly trước khi đến Việt Nam’ vì ‘họ chỉ có vài ngày ngắn ngủi để đi du lịch Việt Nam mà bị cách ly đến 14 ngày thì chắc chắn không ai có thể chịu được’.
Khi được hỏi Việt Nam có nên hạn chế tối đa việc nhập cảnh đối với du khách Hàn Quốc cũng giống như đối với khách Trung Quốc vì lý do dịch bệnh hay không, ông Thắng nói: "Những người nào có công việc thật sự cần thiết ở Việt Nam thì nên cho họ vào nhưng nên cảnh báo trước là họ sẽ bị cách ly".
"Còn khách du lịch thì đừng vì lợi ích trước mắt mà để lọt những người có thể mang mầm bệnh vào Việt Nam", ông nói thêm.
‘Nên cấm người vùng dịch’
Đồng ý kiến với ông Nguyễn Lân Thắng, ông Lâm Bùi, một nhà hoạt động ở Đà Nẵng, cũng cho rằng việc du khách Hàn Quốc chỉ trích Việt Nam ‘là không có gì sai’.
"Người dân Hàn Quốc sống ở xứ sở tự do với nhu cầu tối thiểu khác nên qua Việt Nam đòi hỏi khách sạn này nọ. Nếu nhìn kỹ thì sẽ thấy điều kiện Việt Nam thiếu thốn. Người ta đòi hỏi cũng là dễ hiểu vì họ không tin tưởng vào điều kiện cách ly", ông lý giải.
Ngoài ra, ông cho rằng ‘Nhà nước Việt Nam không minh bạch’ nên những gì họ mô tả ở khu cách ly là ‘rất đầy đủ’ nhưng ‘thật ra rất thiếu thốn, rất tệ’.
Khi được hỏi nhà nước lấy nguồn lực đâu để cách ly phục vụ cho nhiều ngàn người đi từ các vùng dịch về, trong đó có du khách Hàn Quốc, ông Lâm nói việc cách ly ‘không phụ thuộc vào chi phí mà phụ thuộc vào sự quan tâm, trách nhiệm của chính quyền’.
"Không cần sang trọng mà chỉ cần sạch sẽ. Khẩu phần ăn không cần cao sang mà chỉ cần đảm bảo dinh dưỡng và đảm bảo sức khỏe", ông nói.
"Gánh nặng cách ly là rất lớn", ông thừa nhận. "Nhưng nếu chính quyền Việt Nam ngay từ đầu nhận thấy sự yếu kém của bản thân mình nhắm thấy không thể kham nổi thì phải đóng cửa biên giới".
Ông chỉ trích Việt Nam đã ‘cho cả ngàn du khách Trung Quốc vào du lịch sau khi dịch bùng phát ở Vũ Hán’.
"Thời điểm đầu bùng phát dịch nên cấm người Trung Quốc qua", ông nói.
Khi được hỏi giờ đây khi dịch đã bùng phát ở Hàn Quốc và Nhật Bản thì có nên hạn chế tối đa công dân hai nước này đến Việt Nam không, ông Lâm cho rằng ‘cũng nên cấm luôn’.
Ông thừa nhận rằng ‘nếu cấm hết ba nước có làm ăn lớn nhất với Việt Nam thì Việt Nam bị thiệt hại về kinh tế’ nhưng ‘không nên đem lợi ích kinh tế ra so sánh với sức khỏe và tính mạng’.
******************
Samsung sẽ tạm dời sản xuất điện thoại thông minh sang Việt Nam (VOA, 07/03/2020)
Tập đoàn công nghệ Samsung đã tạm ngưng hoạt động tại Gumi, nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung ở Hàn Quốc, sau khi một công nhân tại đó xét nghiệm dương tính với virus viêm phổi cấp chủng mới Covid-19, hãng tin Reuters đưa tin.
Công nhân viên tới nơi làm việc tại nhà máy Samsung ở tỉnh Thái Nguyên, ngày 13/10/2016. Reuters/Kham
Công ty Samsung Electronics hôm 6/3 tuyên bố sẽ tạm thời dời khâu sản xuất điện thoại thông minh từ Hàn Quốc sang Việt Nam sau khi có thêm một công nhân Hàn Quốc xét nghiệm dương tính với virus Covid-19, buộc lãnh đạo công ty phải đóng cửa nhà máy này.
Một người phát ngôn của Samsung loan báo tập đoàn này đã tạm ngưng các hoạt động ở nhà máy của Samsung tại thành phố Gumi ở miền Nam Hàn Quốc.
Từ cuối tháng Hai vừa rồi, có tất cả 6 công nhân viên làm việc tại Gumi xét nghiệm dương tính vớ virus Covid -19. Nhà máy Gumi chủ yếu sản xuất các thiết bị cầm tay cao cấp chủ yếu dành cho thị trường Hàn Quốc, nhưng cũng bao gồm các điện thoại màn hình gập như Galaxy Z Flip và Galaxy Fold. Nhà máy này nằm gần thành phố Daegu, tâm dịch corona ở Hàn Quốc.
Quyết định dời việc sản xuất một số điện thoại thông minh hàng đầu của Samsung, nhằm mục đích "cung cấp các sản phẩm cho giới tiêu thụ một cách hiệu quả hơn, ổn định hơn và đúng thời biểu hơn", Reuters trích dẫn tuyên bố của Samsung.
Vẫn theo tuyên bố này, "Một khi tình hình Covid-19 ổn định lại. Chúng tôi dự định sẽ đưa sản xuất trở lại Gumi". Thực ra, Samsung đã dời phần lớn các cơ sở sản xuất điện thoại thông minh của công ty sang Việt Nam từ suốt thập niên qua. Việt Nam là nơi sản xuất 50% các sản phẩm của Samsung, và cho tới nay tiến trình sản xuất không mấy bị gián đoạn. Nhà máy Gumi trên thực tế chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong sản lượng của toàn công ty.
Hôm thứ Sáu, Samsung tung ra thị trường toàn cầu chiếc điện thoại thông minh S20 theo lịch trình giữa lúc đang có lo ngại là nhu cầu về điện thoại thông minh sẽ suy yếu trên cả thị trường nội địa lẫn nước ngoài.
*****************
Covid-19 : Đòn nặng giáng xuống Hàn Quốc, nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam (VOA, 07/03/2020)
Tập đoàn công nghiệp khổng lồ của Hàn Quốc đang có kế hoạch đưa hơn 1.000 chuyên gia Hàn Quốc sang Việt Nam để giúp điều hành dây chuyền sản xuất của họ, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan cho biết, nhưng ông nói rằng nếu Việt Nam không châm chước, miễn cách ly cho các kỹ sư Hàn Quốc, Samsung có thể thua lỗ tới 10 tỷ USD, truyền thông Việt Nam và Hàn Quốc cho hay.
TM Roh, Chủ tịch của Mobile Communications Business, cầm trong tay điện thoại thông minh Samsung Galaxy S20 Ultra 5G tại San Francisco, ngày 11/2/2020. (AP Photo/Jeff Chiu)
Việt Nam gần đây đã áp dụng chính sách đòi hỏi tất cả mọi hành khách đến từ Hàn quốc hoặc đã quá cảnh tại Hàn Quốc, phải bị cách ly 14 ngày giữa lúc dịch viêm phổi cấp chủng mới Covid-19 tiếp tục lây lan, bất chấp các hành khách này là doanh gia, nhà ngoại giao hay quan chức chính phủ.
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Park Noh-wan, yêu cầu chính quyền địa phương hãy ‘điều chỉnh’ chính sách để miễn áp dụng đối với nhân viên của các công ty Hàn Quốc đặc biệt là Samsung và LG.
Đại sứ Park nói những người mang hộ chiếu ngoại giao nên được xét theo từng trường hợp một. Ông đề nghị rằng tất cả các công dân Hàn Quốc có giấy chứng nhận sức khoẻ do thẩm quyền Hàn Quốc cấp, nên được nhập cảnh Việt Nam mà không bị cách ly.
"Chúng tôi lo ngại rằng cách ly người Hàn Quốc có thể dẫn tới những thiệt hại rất lớn về tài chính", VnExpress dẫn lời Đại sứ Park nói.
Đại sứ Hàn Quốc nói hai nước nên hợp tác chặt chẽ với nhau để phòng chống dịch Covid-19 và bảo đảm tự do đi lại.
Từ ngày 29/2/2020 vừa qua, số người Hàn Quốc tới Việt Nam đã tuột dốc sau khi Việt Nam ngưng miễn thị thực cho công dân Hàn Quốc. Trong hai tháng đầu năm, trung bình mỗi ngày chỉ có 100 người Hàn Quốc tới Việt Nam, thấp hơn nhiều so với con số 13.000 người trong cùng kỳ năm ngoái.
Đại sứ Park lưu ý rằng kể từ ngày 7/3, tất cả các hãng hàng không Việt Nam đều ngưng các chuyến bay đi hoặc đến từ Hàn Quốc. So với trước đó, mỗi ngày có 80 chuyến bay trực tiếp, 550 chuyến mỗi tuần giữa hai nước. Hiện nay có gần 170.000 người Hàn Quốc sinh sống tại Việt Nam.
Đại sứ Park nói : "Tôi hy vọng là hai nước sẽ có những giải pháp hữu hiệu để chống dịch bệnh, đồng thời giảm thiểu những tác động lâu dài đối với các quan hệ song phương".
Virus Covid-19 đã giáng những đòn nặng liên tiếp xuống công ty đa quốc gia Hàn Quốc sản xuất linh kiện điện thoại thông minh được sử dụng bởi Apple và LG Electronics.
Đầu tiên, dịch bệnh này buộc công ty phải đóng cửa trong gần 3 tuần lễ, khiến nhà máy tại Việt Nam cạn nguồn cung ứng. Thế rồi khi dịch viêm phổi Covid-19 lây lan sang Hàn Quốc, lệnh hạn chế du hành được áp dụng cản trở kế hoạch mở rộng nhà máy ở Hải Phòng. Giờ đây công ty đang đối mặt với những sự gián đoạn tại nhà máy ở Gumi, cách Daegu, tâm dịch tại Hàn Quốc, chưa đầy một giờ lái xe.
"Virus corona gây ra hiệu ứng domino tới các nhà cung ứng", một nhà điều hành cấp cao của LG nói với Reuters. Ông nói thêm : "Tôi chỉ biết ngước lên trời mà thở dài !".
Các công ty Hàn Quốc dẫn đầu bởi các tập đoàn khổng lồ như Samsung và LG, đã tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam trong nhiều năm qua trong bối cảnh chi phí sản xuất tại Trung Quốc tăng cao cùng với những rủi ro chính trị và quan ngại về nguy cơ bị đánh cắp tài sản trí tuệ.
Các công ty Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với hơn 4.000 cơ sở tại đây. Chỉ riêng Samsung đã chiếm 1/4 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong khi Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và nguồn nhập khẩu lớn thứ 5 của Hàn Quốc.
Hoa Kỳ tiếp tục siết chặt vòng vây chung quanh các tập đoàn công nghệ cao của Trung Quốc. Ba ngày trước vòng đàm phán với Bắc Kinh tại Washington hôm 10/10/19 để giải quyết tranh chấp thương mại, bộ Thương Mại Mỹ đưa 8 tập đoàn công nghệ cùng 20 cơ quan Nhà nước của Trung Quốc vào "danh sách đen" vì lý do các thực thể này tham gia chiến dịch đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Washington cấm các công ty công nghệ cao Trung Quốc mua trang thiết bị công nghệ cao của Mỹ.Reuters
Ngoại trưởng Pompeo lên án Trung Quốc bắt giữ "hơn một triệu người Hồi giáo trong khuôn khổ một chiến dịch tùy tiện và thô bạo nhằm xóa sổ đạo Hồi và văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương". Tuy nhiên, không một nhà quan sát nào tin rằng, chính quyền Donald Trump trừng phạt 28 thực thể nói trên vì bỗng dưng động lòng trắc ẩn trước hoàn cảnh của người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi bị đàn áp, của những đứa trẻ bị cướp khỏi vòng tay yêu thương của cha mẹ để bị đưa vào các trại tập huấn, nơi chúng bị nhồi sọ để trở thành những "người tốt".
Bởi trong số 28 doanh nghiệp trong tầm ngắm của bộ Thương Mại Hoa Kỳ, có 8 công ty trong lĩnh vực công nghệ cao, là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn high tech của Mỹ. Tám công ty đó gồm : Dahua Technology, Hikvision, iFlytek, Megvii Technology, SenseTime Technology, YITU Technology, Wuhan Yixin Technology và Xiamen Meiya Pico.
Đây là những con chim đầu đàn của Trung Quốc trong các lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, bảo mật không gian mạng và dữ liệu tin học, hay là những tên tuổi trên thị trường giám sát video, nhận diện khuôn mặt...
Trả lời đài RFI Pháp ngữ, giáo sư Grégory Vanel, giảng dậy tại trường Quản Trị Kinh Doanh ở Grenoble và cũng là chuyên gia về kinh tế Hoa Kỳ cho rằng, đòn phạt mới này nhắm vào các quyền lợi của Bắc Kinh trước hết là vì mục tiêu kinh tế. Đây là một bước kế tiếp của Hoa Kỳ trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung :
"Thực ra, tất cả những động thái này nằm trong khuôn khổ một lịch trình khá rõ ràng : Mỹ và Trung Quốc đang đàm phán tay đôi và Washington đề ra ba kỳ hạn cho phía Bắc Kinh : Thứ nhất là ngày 15 tháng 10, nếu đối thoại không có tiến triển, Mỹ đánh thuế 30 % thay vì 25 % nhắm vào 250 tỷ đô la hàng của Trung Quốc ; Nhà Trắng dọa đến ngày 27/11/2019 sẽ đánh thuế vào xe hơi của Trung Quốc và thời hạn quan trọng thứ ba là ngày 15/12/2019, chính quyền Trump đòi đánh thuế vào gần như toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Trong bối cảnh đó tổng thống Donald Trump viện cớ nhân quyền, lên án Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ để giới hạn giao thương với một số công ty và cơ quan của Trung Quốc. Theo tôi, tổng thống Mỹ không chỉ quan tâm đến vấn đề nhân quyền mà vấn đề ở đây liên quan đến khả năng cạnh tranh của các tập đoàn Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao".
Mũi nhọn high tech của Trung Quốc
Megvii hay YITU đang là những ngôi sao sáng của Trung Quốc trong lĩnh vực nhận diện khuôn mặt. Nhờ có sự yểm trợ của tập đoàn mua bán trên mạng Alibaba, Megvii đã phát triển nhiều ứng dụng được dùng trong nhiều lĩnh vực tại Trung Quốc, từ dịch vụ thanh toán tiền qua điện thoại thông minh cho đến chức năng nhận diện các đối tượng bị công an Trung Quốc theo dõi. YITU không chỉ nhận diện khuôn mặt mà tương tự như iFlytek còn nhận ra cả giọng nói của các đối tượng cần nhắm tới.
Riêng công ty Xiamen Meiya Pico thì chuyên về các dịch vụ thu thập dữ liệu điện tử, bảo mật không gian mạng và thông tin dữ liệu lớn.
Về phần Hikvision, công ty có trụ sở ở Hàng Châu này là một trong những nhà cung cấp trang thiết bị theo dõi qua video lớn trên thế giới. Gần 1/3 doanh thu của tập đoàn trong năm 2018 có được là nhờ các hợp đồng làm ăn với nước ngoài. Nhưng một năm trước đó, Hikvision đã trúng thầu 5 hợp đồng trị giá 240 triệu đô la với các cơ quan đặc trách về an ninh tại tỉnh Tân Cương.
SenseTime là một công ty khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, phát triển phần mềm cho phép nhận diện khuôn mặt. Ba cổ đông chính của SenseTime là tập đoàn ngân hàng Nhật Bản Softbank, Alibaba của Trung Quốc và tập đoàn sản xuất bọ điện tử của Mỹ Qualcom.
Trong kế hoạch "Made In China 2025" Bắc Kinh đã đề ra mục tiêu dẫn đầu thế giới về thông minh nhân tạo. Bởi đây vừa là phương tiện để tăng cường kiểm soát an ninh nội địa, vừa là công cụ để khẳng định vị trí của Trung Quốc trên trường quốc tế, tranh giành ảnh hưởng với Hoa Kỳ, đảo lộn trật tự quốc tế trong tương lai. Chẳng vậy mà hội nghị thế giới về trí thông minh nhân tạo (WAIC) lần thứ nhì đã được tổ chức cuối tháng 8/2019 tại Thượng Hải, hơn 200 nhà thuyết trình, 400 công ty tham dự. Trong số này có những tên tuổi như tập đoàn IBM hay Microsoft, Tesla, Amazon của Mỹ...
Quyết định của Nhà Trắng đưa các công ty này vào danh sách đen, dẫn tới hậu quả trước mắt là các tập đoàn nói trên bị cấm mua trang thiết bị của Mỹ và điều đó gây trở ngại cho đà phát triển của các con chim đầu đàn Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao.
Vậy phải chăng, sau khi tấn công hai đại tập đoàn của Trung Quốc là Hoa Vi và ZTE chính quyền Trump mở rộng mặt trận triệt hạ công nghệ high tech của đối phương ? Giáo sư Grégory Vanel, trường Quản Trị Kinh Doanh Grenoble trả lời :
"Đúng như vậy, Donald Trump sử dụng nhiều chiến lược cùng một lúc. Một mặt, ông đe dọa tăng thuế nhập khẩu, áp dụng các hàng rào quan thuế để "tấn" vào đối phương. Mặt khác, Hoa Kỳ viện lý do an ninh để hạn chế các khoản giao dịch giữa các công ty Mỹ với các hãng của Trung Quốc qua đó gia tăng áp lực với Bắc Kinh.
Như chúng ta đã biết, để phát triển, Trung Quốc cần đến các đối tác Mỹ. Mùa hè vừa qua, Washington cấm các công ty Mỹ dùng trang thiết bị của các tập đoàn Trung Quốc như Hoa Vi hay ZTE. Năm 2018, ZTE đã phải tạm ngưng hoạt động trong vòng một tháng.
Ông Trump gây sức ép rất lớn đối với các tập đoàn Trung Quốc, nhất là những hãng có liên hệ mật thiết với chính quyền nước này. Tấn công trên cả hai mặt như vậy Nhà Trắng muốn Bắc Kinh hiểu rằng, kinh tế Trung Quốc sẽ bị thiệt thòi rất nhiều nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được đồng thuận giải quyết tranh chấp".
Câu hỏi cuối cùng, trong cuộc đọ sức dài hơi với Trung Quốc về thương mại, những mũi tấn công liên tiếp đó của Nhà Trắng có hiệu quả hay không ? Thủ tướng Lý Khắc Cường nói tới tỷ lệ tăng trưởng khoảng từ 6 đến 6,5 % cho năm 2019, và đây là mức tăng chậm nhất từ khi Trung Quốc mở cửa kinh tế. Chuyên gia về kinh tế Hoa Kỳ, giáo sư Vanel giảng dậy tại trường Quản Trị Kinh Doanh Grenoble phân tích :
"Đúng là kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, nhưng không chỉ có một mình Trung Quốc gánh chịu hậu quả. Ngay cả các hãng công nghệ cao của Mỹ cũng bị ảnh hưởng bởi vì họ lệ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nói cách khác, Mỹ và Trung Quốc vừa là những khách hàng vừa là các nguồn cung cấp của nhau. Tôi lấy ví dụ, khi Google dọa ngưng cấp một số ứng dụng cho điện thoại thông minh của Hoa Vi, hãng này đã lúng túng, nhưng ngay sau đó, chính Google cũng đã phải rút lại kế hoạch này bởi vì đóng cửa với một khách hàng như Hoa Vi là điều bất khả thi.
Thực ra mục tiêu của Donald Trump không chỉ dừng lại trong lĩnh vực kinh tế hay thương mại, bởi vì Mỹ cứ phạt Trung Quốc mà vẫn không thu hẹp được thâm hụt mậu dịch với Bắc Kinh. Theo tôi, giảm thâm thủng mậu dịch chỉ là hàng thứ yếu trong mắt chính quyền Trump. Ưu tiên của Washington là cắt đứt liên hệ giữa các tập đoàn công nghệ cao của Mỹ và Trung Quốc, tránh để thế thượng phong của Hoa Kỳ bị đe dọa.
Hoa Kỳ lo ngại khi thấy Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ cao, vào trí thông minh nhân tạo ... Mỹ sợ bị qua mặt. Ngoài ra, tổng thống Mỹ đang lúng túng về chính trị nội bộ, đảng đối lập đòi truất phế và ông ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nên Donald Trump cần chứng minh rằng ông là nhà lãnh đạo bảo vệ công ăn việc làm cho dân Mỹ.
Đành rằng từ khi chiến tranh thương mại khai mào, kinh tế của Trung Quốc bị chựng lại, nhưng theo tôi đấy là do những bất cập của tự bản thân mô hình phát triển Trung Quốc hơn là do tác động từ các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh do Washington ban hành".
Nói cách khác, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ còn kéo dài, và bằng chứng rõ rệt nhất là sự kiện Washington thông báo đạt được đồng thuận "ở giai đoạn 1" làm các nhà đầu tư không mấy hào hứng. Chỉ số chứng khoán không tăng mạnh tại Châu Á và cả ở Hoa Kỳ trong ngày đầu tiên hoạt động trở lại sau tin vui Mỹ - Trung "đình chiến". Giá dầu hỏa trên thế giới cũng không khởi sắc.
Giới quan sát thận trọng cho rằng tổng thống Hoa Kỳ vẫn thường xuyên đổi ý trên tất cả những điều ông đã nói ra. Vả lại tới nay Washington vẫn để ngỏ khả năng đánh thuế vào toàn bộ hàng của Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ, từ điện thoại thông minh đến phụ tùng xe hơi cũng như trên rất nhiều các mặt hàng khác. Việc trừng phạt các công ty công nghệ cao của Trung Quốc cho thấy Nhà Trắng đang sử dụng cùng lúc các hàng rào quan thuế và phi quan thuế để bắt bí đối phương.
Mục tiêu chính quyền Trump nhắm tới là cắt các nguồn cung cấp giúp các công ty Trung Quốc vươn vòi đe dọa thế thượng phong về kinh tế, chiến lược của Mỹ. Không chắc Bắc Kinh dễ dàng để cho phía Washington ghi những bàn thắng quan trọng trong cuộc đọ sức này.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 15/10/2019
Một thế giới lưỡng cực về công nghệ đang hình thành. Hoa Vi chỉ là một biểu tượng trong cuộc đọ sức Mỹ - Trung nhằm kiểm soát kinh tế và cả sức mạnh quân sự trong thế kỳ 21. Trên đây là phân tích của chuyên gia Julien Nocetti, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI.
Một dây chuyền chế tạo điện thoại di động Hoa Vi, tại Đông Hoàn, Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh chụp ngày 25/03/2019) Reuters/Tyrone Siu/File Photo
Tháng 05/2019 tổng thống Donald Trump viện cớ an ninh quốc gia cấm các tập đoàn Mỹ dùng và cung cấp trang thiết bị viễn thông cho các công ty nước ngoài thuộc diện nguy hiểm. Đối tượng đầu tiên trong tầm ngắm của chính quyền Mỹ là Hoa Vi, con chim đầu đàn của công nghệ viễn thông và high tech Trung Quốc. Nhưng Hoa Vi chỉ là "một cái cây che khuất cả một khu rừng" như người Pháp thường nói.
Trở lại với điểm ban đầu là Hoa Vi : Báo chí quốc tế từ 5 tuần qua thường xuyên nêu ra ba lý do thúc giục Nhà Trắng chĩa mũi dùi vào Hoa Vi. Một là chính quyền Trump dùng công ty có trụ sở tại Thẩm Quyến này để mặc cả với phía bên ông Tập Cận Bình nhằm khai thông đàm phán thương mại đang bị bế tắc. Thứ hai là tính toán về chiến lược và quân sự : Washington lo ngại công ty do ông Nhậm Chánh Phi, một kỹ sư từng phục vụ trong quân đội Trung Quốc sáng lập, thì ít nhiều cũng là tai mắt của Bắc Kinh. Yếu tố thứ ba được nhắc đến nhiều lần đó là Mỹ không chấp nhận để Trung Quốc trở thành một đối thủ cạnh tranh về công nghệ cao.
Tuy nhiên, trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, công nghệ của Mỹ và Trung Quốc đã đan kết quá chặt chẽ vào nhau. Trường hợp của Hoa Vi là một điển hình.
Trả lời đài RFI tiếng Việt, chuyên gia Julien Nocetti thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp – IFRI nhấn mạnh đến mối liên hệ "môi hở răng lạnh" giữa các hãng điện tử Mỹ và đối tác Trung Quốc Hoa Vi :
Julien Nocetti : Mối liên hệ rất chặt chẽ giữa Hoa Vi với các công ty Mỹ đã bị Donald Trump đánh giá thấp. Hoạt động của Hoa Vi và các hãng Mỹ - kể cả các hãng của Châu Âu đã đan kết vào nhau, các công ty này thực ra đang lệ thuộc vào nhau. Nhìn riêng vào lĩnh vực công nghệ bán dẫn, chúng ta thấy ngay là điện thoại thông minh hay máy vi tính chỉ có thể hoạt động nếu như được trang bị "chíp điện tử" mà để chế tạo được ra những "con bọ" điện tử này thì bắt buộc phải có đất hiếm. Cho tới nay Trung Quốc chiếm thế gần như độc quyền về xuất khẩu đất hiếm. Nhưng ngay cả đất hiếm của Trung Quốc cũng cần phải chuyển sang Hoa Kỳ để "sàng lọc" rồi mới có thể dùng để chế tạo linh kiện bán dẫn... Chúng thấy rõ là kinh tế của thế giới đã được toàn cầu hóa. Các quốc gia tham gia vào dây chuyền cung cấp của toàn cầu. Trong cuộc đọ sức Mỹ - Trung lần này, cả Washington lẫn Bắc Kinh cùng muốn thay đổi mô hình của một nền kinh tế toàn cầu hóa đó.
Rủi ro gián đoạn dây chuyền cung cấp
Với việc cấm cửa Hoa Vi này, Hoa Kỳ làm gián đoạn dây chuyền cung cấp của thế giới trong lĩnh vực công nghệ cao. Julien Nocetti viện IRFI nhìn nhận đây là một rủi ro có thực :
Julien Nocetti : Đây là rủi ro khá lớn. Dây chuyền cung cấp của thế giới có thể bị xáo trộn qua việc Mỹ chĩa mũi dùi vào Hoa Vi. Một số đối tác của Hoa Vi, chẳng hạn như nhà sản xuất linh kiện bán dẫn ARM của Anh đã phải xét lại chiến lược phát triển. Cần biết rằng chỉ một mình Hoa Vi hiện đang mua vào từ 9 đến 10 % linh kiện bán dẫn của thế giới. Hoa Vi là một khách hàng vô cùng lớn đối với các nhà sản xuất trong ngành mà không hãng nào muốn hay dám bỏ qua. Tập đoàn viễn thông Trung Quốc này mà bị cấm giao lưu với các đối tác Châu Âu và Mỹ thì chính bản thân các nhà cung cấp của Mỹ, của Châu Âu điêu đứng. Sắc lệnh của tổng thống Trump cấm cửa Hoa Vi tác động trực tiếp đến nhiều công ty lớn của Hoa Kỳ như Qualcomm hay Intel.
Mỹ - Trung Quốc : ai cần ai ?
Theo điều tra của hãng tin Mỹ Bloomberg được công bố hôm 22/06/2019 năm 2018 Trung Quốc mua vào khoảng 300 tỷ đô la linh kiện bán dẫn của Mỹ (thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc năm 2018 là 323 tỷ đô la theo thống kê của Bắc Kinh). Ba nhà cung cấp quan trọng nhất của Trung Quốc là Intel NVIDIA và AMD. Chỉ riêng một mình Intel đang kiểm soát 36 % thị phần toàn cầu.
Một mình Hoa Vi mua vào trên dưới 10 % linh kiện bán dẫn của thế giới như chuyên gia Nocetti vừa giải thích và linh kiện bán dẫn luôn được ví là bộ não của từ máy vi tính đến điện thoại cầm tay hay máy tính bảng.
Nhìn đến lĩnh vực điện thoại di động, vẫn điều tra của hãng tin Bloomberg cho thấy, bản thân Hoa Vi không lệ thuộc nhiều vào "bọ của Mỹ", bởi gần ba phần tư điện thoại thông minh do tập đoàn này chế tạo sử dụng chip riêng của mình. Một số đối thủ của Hoa Vi trên thị trường nội địa Trung Quốc không được độc lập như vậy với chip của Hoa Kỳ. Chẳng hạn như là điện thoại Xiaomi chỉ hấp dẫn nhờ có bọ do tập đoàn Qualcomm chế tạo.
Xiết chặt gọng kềm công nghệ
Nhưng Hoa Vi không chỉ đơn thuần là một nhà sản xuất điện thoại cầm tay. Đây trước hết là một tập đoàn cung cấp trang thiết bị dịch vụ về mạng và viễn thông, sản xuất thiết bị truyền thông. Tập đoàn này được sáng lập năm 1987, hiện có khoảng gần 190.000 nhân viên trên thế giới. Gần một nửa trong số đó công tác tại 21 trung tâm nghiên cứu và phát triển trên toàn cầu. Hoa Vi cộng tác với khoảng 1.500 công ty quốc tế.
Phần nổi của "tảng băng" trong số các hoạt động của Hoa Vi được công chúng biết đến nhiều hơn cả là những chiếc điện thoại cầm tay. Năm ngoái trên thị trường điện thoại thông minh, Hoa Vi soán ngôi Apple, đứng hàng thứ nhì thế giới chỉ thua có Samsung của Hàn Quốc.
Theo nhà phân tích Julien Nocetti viện IFRI của Pháp chắc chắn là khi tuyên chiến với Hoa Vi, tổng thống Trump không chỉ nhằm bảo vệ một mình hãng điện thoại có logo hình quả táo :
Julien Nocetti : Đúng là chiến tranh về công nghệ đã mở ra. Cần nhắc lại, ban đầu mục tiêu của Donald Trump khi ông mở cuộc chiến thương mại là để bảo vệ việc làm cho dân Mỹ. Nhưng với thời gian, và nhất là trong những tháng gần đây, chiến tranh thương mại đã chuyển hướng thành một cuộc chiến công nghệ. Công nghệ đã trở thành một vấn đề chiến lược.
Ông Trump muốn tách công nghệ ra thành hai khối. Một bên là những quốc gia sử dụng kỹ thuật, sử dụng các phương tiện và các dịch vụ viễn thông của Mỹ, bên kia là những quốc gia dùng ứng dụng và trang thiết bị công nghệ của Trung Quốc.
Hai khối này cạnh tranh với nhau và thậm chí là đối đầu với nhau. Đây là một nước cờ đầy mạo hiểm vì nhiều lý do. Một là về mặt địa chính trị, thế giới lại bị phân chia ra thành hai khối, nhưng lần này sẽ do Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu. Mỗi bên sẽ mở rộng ảnh hưởng, lôi kéo các đồng minh về phía mình. Châu Âu, đặc biệt là Đông Nam Á, Châu Phi, các nước ở Châu Mỹ Latinh, sẽ bị giằng co giữa hai ông khổng lồ này. Đến một lúc nào đó họ phải lựa chọn đứng về một phe. Rủi ro thứ hai là thuần túy về mặt kỹ thuật, Mỹ hiện không có một tập đoàn này làm chủ toàn bộ quy trình công nghệ như là Hoa Vi. Châu Âu thì có Nokia và Ericsson gần bắt kịp Hoa Vi, nhưng cũng bị chậm hơn tập đoàn viễn thông Trung Quốc này mất từ một năm rưỡi đến hai năm.
Còn quá sớm để thẩm định chính xác về những thiệt hại từ các đòn trừng phạt về công nghệ mà cả phía Mỹ và Trung Quốc đang hứng chịu nhưng rõ ràng là nhắm vào Hoa Vi, Washington đã xoáy vào một biểu tượng lớn của phép lạ kinh tế Trung Quốc. Đây là tập đoàn thành công nhất trong số tất cả các hãng của Trung Quốc trên con đường chinh phục tế giới, là niềm tự hào của một quốc gia không chỉ là "công xưởng" của thế giới mà đang trở thành một trong những ngọn hải đăng của công nghệ cao ngang tầm với Mỹ.
Hơn một tháng sau, khi quyết định phạt Hoa Vi, chính quyền Trump vừa thông báo đưa thêm vào danh sách đen 5 công ty khác của Trung Quốc, tất cả đều trong lĩnh vực công nghệ cao. Ba cơ sở đặt tại Thành Đô, một ở Thiên Tân và thực thể thứ 5 là một viện nghiên cứu công nghệ (Viện Công Nghệ máy tính Vô Tích Giang Nam - Wuxi Jiangnan Institute of Computing Technology). Theo bộ Thương Mại Hoa Kỳ, viện nghiên cứu này là một chi nhánh trực thuộc Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc.
Báo tài chính Wall Street Journal số ra ngày 23/06/2019 trích dẫn nhiều nguồn tin thông thạo cho biết, Mỹ sẽ thắt chặt thêm nữa gọng kềm nhắm vào high tech của Trung Quốc. Tổng thống Trump chuẩn bị ban hành thêm một sắc lệnh cấm tất cả các trang thiết bị sản xuất tại Trung Quốc dùng để phục vụ hệ thống viễn thông 5G tại Hoa Kỳ.
Chuyên gia Dereck Scissors thuộc viện American Enterprise Institute được hãng tin Bloomberg trích dẫn đánh giá, cuộc đọ sức Mỹ - Trung không chỉ thu hẹp ở trường hợp của Hoa Vi mà tất cả các động thái gầy đây nhất từ phía chính quyền Trump cho thấy, Hoa Kỳ không có dấu hiệu muốn nhượng bộ Bắc Kinh cho dù là hai ông Tập Cận Bình và Donald Trump sắp sửa bắt tay nhau tại thượng đỉnh G20 Osaka và đôi bên sẽ ngồi vào bàn đàm phán để "giải tỏa xung khắc về thương mại".
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 25/06/2019
Washington ngày càng ngăn chặn nhiều vụ Trung Quốc thâu tóm công nghệ và yêu cầu các đồng minh hành động tương tự. Mục tiêu là chiến thắng trong cuộc cách mạnh kỹ nghệ sắp tới : trí thông minh nhân tạo.
Ảnh minh họa : Tìm việc tại hội chợ việc làm công nghệ TechFair ở Los Angeles, California, Hoa Kỳ ngày 26/01/2017. Reuters/Lucy Nicholson /File Photo
Từ công nghệ nhận diện của một start-up…
Eva Chen không cần đến thẻ từ để vào được văn phòng lịch sự trên một tòa tháp bằng thép, đường bệ nhìn xuống khu Bund. Ở cửa vào, một con mắt thủy tinh bí ẩn nhận ra khuôn mặt của cô, và như có phép lạ, cánh cửa trụ sở Yitu mở ra.
Công ty start-up Thượng Hải đã làm nên tên tuổi trên thế giới về công nghệ nhận diện, thậm chí qua mặt cả Thung lũng Silicon. Cô Chen, phụ trách truyền thông của công ty, khoe : "Thuật toán của chúng tôi đứng hàng đầu thế giới, có thể nhận ra khuôn mặt một người trong số một tỉ người khác, chỉ trong vòng một giây đồng hồ".
Ngay cả Mỹ, thông qua cơ quan rất nghiêm túc là National Institute of Standards and Technology (NIST), đã trao cho Yitu giải nhất năm 2017…
Với tỉ lệ chính xác 95%, công nghệ này giúp rút tiền mặt từ máy ATM chỉ bằng một cái nhìn, hay nhận diện tất cả những người gây rối trong một đám đông, bảo đảm an ninh cho ông Tập Cận Bình trong Diễn đàn Bác Ngao gần đây. Phát ngôn viên Yitu cho biết : "Lãnh vực hoạt động chính của chúng tôi là an ninh công cộng, nhưng tôi không thể bình luận gì thêm". Công ty mới thành lập năm 2012 nhưng đã sinh lợi.
Hai nhà sáng lập của Yitu là bạn học cùng trường trung học Phúc Châu (Fuzhou) ở tỉnh Phúc Kiến (Fujian), sau đó sang Mỹ học MIT và đại học California ở Los Angeles (UCLA), trước khi làm giàu ở Thượng Hải và nay quay lại cạnh tranh với Thung lũng Silicon.
…đến 40 năm đuổi theo Mỹ về công nghệ
Thành công của start-up này là minh chứng cho sự rượt đuổi về công nghệ của Trung Quốc trong 40 năm, kể từ khi Đặng Tiểu Bình cho mở cửa năm 1978. Ngày nay Bắc Kinh thách thức nước Mỹ của ông Donald Trump ngay trong lãnh vực này, với mục tiêu chiếm lĩnh ngôi vị đầu thế giới.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại do tổng thống Donald Trump phát động, vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), con gái người sáng lập tập đoàn Hoa Vi (Huawei) tại Canada theo yêu cầu của Mỹ, nhắc nhở rằng công nghệ chính là trung tâm của cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tập đoàn viễn thông do một cựu quân nhân Trung Quốc thành lập, đã bị cấm vào thị trường Mỹ do nghi ngờ làm gián điệp cho Bắc Kinh. Hôm nay Reuters cho biết tổng thống Trump dự định ra sắc lệnh cấm sử dụng thiết bị viễn thông do nước ngoài sản xuất : rõ ràng Hoa Vi và ZTE nằm trong tầm ngắm.
Washington cảm thấy phải ra tay ngăn chặn những vụ Bắc Kinh thâu tóm các công ty công nghệ, và các đồng minh Mỹ cũng bắt đầu theo chân.
Mục tiêu Trung Quốc : Hất cẳng toàn bộ các nước phương Tây
Alicia Garcia Herrero, kinh tế gia trưởng phụ trách Châu Á của Natixis tại Hồng Kông phân tích : "Mục tiêu của chiến tranh thương mại, trên thực tế là ngăn chặn việc Trung Quốc leo lên hàng đầu về công nghệ". Đặc biệt là chiến lược "Made in China 2025" do Tập Cận Bình đưa ra từ năm 2015, với tham vọng trở thành nước đứng đầu thế giới trong các lãnh vực kỹ nghệ chủ chốt.
Theo Council on Foreign Relations, tham vọng này là "mối đe dọa sống còn cho ngôi vị của công nghệ Mỹ". Think tank uy tín có trụ sở tại New York cảnh báo : "Mục đích của Trung Quốc không phải là cùng ngồi ngang hàng với các nước kỹ nghệ phát triển như Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, mà thay chân tất cả".
Để đạt được điều này, Bắc Kinh trợ cấp ồ ạt cho các tập đoàn quốc doanh, thông qua các ngân hàng nhà nước nhằm đè bẹp những người cạnh tranh trên thế giới, trong khi vẫn tiến hành chiến dịch thâu tóm những công ty mũi nhọn để rút ngắn khoảng cách về công nghệ.
Tập Cận Bình, sứ thần kiêu hãnh của tư bản đỏ nhà nước, hoàn toàn biết cách thủ lợi từ toàn cầu hóa, chủ trương "tự cung tự cấp". Trận đấu thế kỷ đã bắt đầu, và cũng diễn ra trong các phòng thí nghiệm, tại những "lò ấp start-up" như trên các chiến trường quân sự tương lai. Ngay cả trên trận địa ngày nay cũng đầy những sản phẩm công nghệ.
Sử dụng sức mạnh của chính đối thủ để quật ngã địch
Tuy nhiên chính Hoa Kỳ đã chắp cánh cho đối thủ của mình. Năm 1978, tổng thống Jimmy Carter lần đầu tiên chấp thuận cấp visa cho 52 nhà khoa học Trung Quốc đến Mỹ nghiên cứu, sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền cộng sản Bắc Kinh. Những giảng viên đại học trẻ tuổi đã phải chịu đựng bạo lực của Hồng vệ binh trong Cách mạng văn hóa, sững sờ khám phá các khu đại học phủ xanh cây cỏ ở Mỹ. Một cuộc cách mạng đối với họ !
Năm ấy, Đặng Tiểu Bình với tầm nhìn xa đã lật sang một trang mới, tránh xa khỏi chủ nghĩa mao-ít điên rồ, đã mở ra cánh cửa của một Trung Quốc nghèo khổ cho các nhà đầu tư ngoại quốc, với khẩu hiệu "Hãy làm giàu !". Nhưng đây là việc dùng sức mạnh của địch để quật ngã địch.
Đợt các nhà nghiên cứu đến Mỹ lần đầu này là lớp tiên phong cho cả một đội quân trẻ tuổi khát khao kiến thức, và cả sự tự do. Ngày nay có đến 350.000 trí thức trẻ Trung Quốc đang thưởng thức American way of life, trước khi quay lại Hoa lục, đóng góp vào sự tái sinh của người khổng lồ Trung Hoa. Những con diều hâu ở Nhà Trắng nay đang đe dọa ngưng cấp visa cho sinh viên Trung Quốc để cắt ngang cặp cánh rồng.
Trung Hoa đỏ giàu lên sẽ có dân chủ ?
Vào thời đó, Washington và Bắc Kinh đang trong tuần trăng mật mặn mà, sau hoạt động ngoại giao lịch sử của tổng thống Richard Nixon năm 1972 – liên kết với chế độ cộng sản Trung Quốc để rảnh tay đối phó với địch thủ Liên Xô. Trong những đốm lửa cuối cùng của cuộc chiến tranh lạnh, lợi ích địa chính trị và kinh tế của hai bên phù hợp với nhau, với niềm tin vào toàn cầu hóa. Các tập đoàn Mỹ trước sự cất cánh ngoạn mục của Trung Quốc, cho di dời hàng loạt nhà máy đến "công xưởng thế giới".
Vụ đàn áp đẫm máu Thiên An Môn tháng Sáu năm 1989 đã tưới lên một gáo nước lạnh, nhưng không cắt đứt mối quan hệ chiến lược. Họ Đặng siết chặt quyền lực, tái khẳng định sự toàn trị của Đảng cộng sản, nhưng tung ra một giai đoạn mới tự do hóa nền kinh tế, trấn an được thị trường.
Vào thời điểm bước qua thiên niên kỷ mới, nước Mỹ của ông Bush cũng như của ông Clinton tin chắc rằng hồi cuối lịch sử đang đến, sau khi Liên Xô và chế độ Saddam Hussein sụp đổ : Trung Quốc đỏ buộc phải tham gia vào kinh tế thị trường và đến một ngày nào đó, sẽ có được tự do dân chủ, mặc dù vẫn tiếp tục trưng ra ngọn cờ cộng sản.
Không hề hài lòng với vị trí thứ nhì thế giới
Nhưng giới tinh hoa phương Tây vẫn chưa biết được tham vọng và niềm kiêu hãnh thầm kín của Trung Quốc, không hiểu được lịch sử ngàn năm của nước này. Đối với các nhà lãnh đạo ở Bộ Chính trị cũng như một người bán hàng trên đường phố Nam Kinh, sự tái sinh của đế quốc Trung Hoa là cần thiết để xóa đi nỗi nhục nhã phải gục đầu trước những khẩu đại bác trong cuộc chiến tranh nha phiến. Trong lúc các nhà đầu tư chỉ nhìn thấy biểu đồ tăng trưởng, thì đảng muốn gợi lên tình cảm dân tộc chủ nghĩa.
Đại tá Lưu Minh Phúc (Liu Mingfu), giảng viên trường đại học Quốc phòng nói : "Giấc mộng Trung Hoa là vượt qua Hoa Kỳ. Chúng tôi không thể tự hài lòng với vị trí thứ nhì thế giới, và sẽ vươn lên hàng đầu trong 20 hoặc 30 năm tới". Ông Lưu là một diều hâu Trung Quốc, với các tác phẩm được gợi hứng từ câu khẩu hiệu của chủ tịch Tập Cận Bình.
Năm 2008, Wall Street sụp đổ, phương Tây hoảng hốt. "Cuộc khủng hoảng tài chính là một bước ngoặt lớn : người Trung Quốc hiểu rằng nước Mỹ xuống dốc nhanh hơn dự báo. Tập Cận Bình coi đây là cơ hội ngàn năm một thuở, và đã nắm lấy" - Aaron Friedberg, giáo sư ở Princeton giải thích.
Bành trướng trên Biển Đông
Trước một Obama rụt rè, ông hoàng đỏ Tập dấn mạnh các quân cờ, xây lên bảy đảo nhân tạo tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh yêu sách đến 90% diện tích bất chấp các nước láng giềng.
Tân hoàng đế quẳng vào sọt rác các lời khuyên của Đặng Tiểu Bình nên thận trọng ẩn mình chờ thời. Tương quan lực lượng quân sự và công nghệ ngày càng nghiêng về Trung Quốc.
Năm 1976, Hải quân Mỹ đã làm mất mặt chủ tịch Giang Trạch Dân khi gởi hàng không mẫu hạm USS Nimitz đến eo biển Đài Loan, trả đũa các vụ thử hỏa tiễn của Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc bèn nỗ lực tái vũ trang ồ ạt, ngân sách quốc phòng luôn tăng với hai con số. Hiện nay Bắc Kinh triển khai Đông Phong 26, được khoe là "sát thủ hàng không mẫu hạm", hỏa tiễn đạn đạo tầm trung có thể cầm chân Hải quân Mỹ tại căn cứ Guam trong trường hợp xung đột.
Ngày nay điều quan trọng nhất là chiến thắng trong cuộc cách mạng kỹ nghệ mới, đó là trí tuệ nhân tạo. Ông François Godement, giám đốc ECFR nhận định, đối với Tập Cận Bình, kỹ thuật số mang tính chiến lược. Nó giúp chế độ Bắc Kinh kiểm soát trực tiếp được dân chúng, đồng thời áp đặt sức mạnh Trung Quốc và các tiêu chí của mình lên toàn cầu. Trước bộ tứ GAFA của Mỹ, chỉ có các tập đoàn Trung Quốc như Alibaba, Tencent hay Baidu mới có tầm cỡ đối mặt.
Và như vậy, sau bốn thập niên hợp tác, bây giờ là thời điểm đối đầu trực diện Mỹ-Trung.
Phần I
Thu hút FDI công nghệ cao : Một bài toán khó
Việt Nam được đánh giá là cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á thu hút các tập đoàn sản xuất thế giới trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Hình minh họa : Chủ tịch Foxconn Terry Gou (bìa phải) hướng dẫn Tống thống Donald Trump (người thứ nhì từ phải sang) tham quan trụ sở Foxconn tại bang Wisconsin hồi tháng 6/18. AFP
Đài RFA ghi nhận ý kiến của giới chuyên gia xoay quanh thông tin Foxconn đang xem xét mở nhà máy lắp ráp Iphone ở Hà Nội cũng như đã đến lúc Việt Nam sẵn sàng để thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghệ cao hay chưa ?
Hãng thông tấn Reuters vào đầu tháng 12 loan tin đại diện của Foxconn, đối tác gia công các sản phẩm Iphone lớn nhất của Apple, cho biết tập đoàn này cân nhắc Việt Nam và Thái Lan là những nơi có thể giúp tránh tác động bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng như những trở ngại về công nhân lành nghề và cơ sở hạ tầng.
Reuters còn dẫn nguồn từ Báo mạng Vietnam Investment Review đăng tải thông tin Foxconn đang xem xét mở nhà máy lắp ráp Iphone ở Hà Nội và vấn đề này đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ vào hạ tuần tháng 11 vừa qua. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc cũng lên tiếng xác nhận với Reuters rằng Việt Nam đang thảo luận với Foxconn về vấn đề này.
Tập đoàn Foxconn của Đài Loan, còn có tên gọi là Tập đoàn Hồng Hải có hơn 100 công ty và chi nhánh trên thế giới, chuyên về lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin và máy tính. Foxconn xây dựng một số nhà xưởng ở các tỉnh thành của Việt Nam từ hồi tháng 3 năm 2007.
Một số chuyên gia kinh tế ở trong nước cho rằng nếu như Foxconn thành lập nhà máy lắp ráp Iphone tại Hà Nội thì điều này cho thấy cánh cửa cơ hội của Việt Nam được mở ra để chào đón những tập đoàn gia công lắp ráp của thế giới dịch chuyển từ Trung Quốc sang, hay các nhà sản xuất với công nghê tiên tiến từ Châu Âu, Châu Mỹ đến và thu hút đầu tư trực tiếp (FDI) vào lĩnh vực công nghệ cao trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng như mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 mà Chính phủ Hà Nội đề ra.
Tiến sĩ kinh tế Ngô Trí Long nhận định với RFA :
"Điều này thấy rất là rõ, trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thì một số nhà đầu tư vào Trung Quốc rút về và chẳng hạn như định hướng của Foxconn đưa lắp ráp Iphone sang Việt Nam. Đây là một cơ hội nên tận dụng vì ngoại lực cũng là một yếu tố quan trọng, góp phần vào tốc độ tăng trưởng của Việt Nam. "
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung được xem là mở màn hồi đầu tháng 7 năm 2018, khi Mỹ ra quyết định áp thuế bổ sung 25% đối với 34 tỷ đô la Mỹ (USD) hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ tiếp tục công bố danh sách chính thức áp dụng mức thuế 25% lên 279 mặt hàng, tương ứng 16 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, kể từ ngày 23 tháng 8. Vào ngày 24 tháng 9, Mỹ tuyên bố áp mức thuế quan bổ sung 10% lên 200 tỷ USD các sản phẩm từ Trung Quốc và sẽ tự động tăng lên 25% từ năm 2019.
Trong năm 2017, phần lớn mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ là mặt hàng điện tử, đồ gia dụng và quần áo. Và trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra, các tập đoàn sản xuất thế giới, đặc biệt trong lãnh vực công nghệ đầu tư ở Trung Quốc lên kế hoạch di chuyển sang Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á để tránh ảnh hưởng tác động bởi mức thuế mới của Mỹ.
Một số các tập đoàn như SK Hynix của Hàn Quốc, Mitsubishi Electric, Toshiba Machine Co., và Komatsu của Nhật Bản hồi tháng 7 cho biết có kế hoạch di chuyển sản xuất. Tập đoàn GoerTek, chuyên sản xuất thiết bị điện tử thông minh cho Apple, có trụ sở ở Sơn Đông-Trung Quốc vào tháng 10 thông báo sẽ chuyển nhà máy sản xuất thiết bị tai nghe không dây qua Việt Nam.
Trong Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư FDI tại Việt Nam, diễn ra ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia vào ngày 04/10/18, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tuyên bố đầu tư nước ngoài luôn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam kể từ khi Việt Nam mở cửa thu hút FDI 3 thập niên qua.
Những số liệu được trưng dẫn tại Hội nghị cho thấy từ năm 1987 đến năm 2018, Việt Nam thu hút được tổng số vốn FDI đăng ký hơn 334 tỷ USD với gần 27 ngàn dự án và khu vực FDI liên tục phát triển cho đến thời điểm hiện tại chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp khoảng 20% GDP, tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp và 5 triệu lao động gián tiếp. Điểm đáng chú ý trong đầu tư FDI tại Việt Nam là đầu tư trong công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 190,8 tỷ USD) và những công ty công nghệ cao chọn Việt Nam là "cứ điểm" sản xuất toàn cầu, như Samsung, Sony, Intel, Microsoft… Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết trong thời gian tới, Việt Nam sẽ ưu tiên FDI vào công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Trong cuộc trao đổi với RFA vào tối ngày 12 tháng 12, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển Liên Hiệp Quốc, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng nền kinh tế của Việt Nam đã phát triển thêm một bước trong vòng 30 năm trở lại đây cùng với chủ trương của Chính phủ Hà Nội là thu hút FDI ưu tiên cho lĩnh vực công nghệ cao thì Việt Nam cần tận dụng những cơ hội và tạo ra được môi trường thu hút các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới, chẳng hạn như Foxconn đầu tư vào Việt Nam. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định :
Số liệu về dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 30 năm (1998-2018).Courtesy : Ảnh chụp màn hình vov.vn
"Theo tôi, Việt Nam rất có thiện chí để thu hút còn điều kiện mà các tập đoàn đó yêu cầu hoặc mong đợi thì không thể nào nghĩ rằng Việt Nam có thể sẵn sàng đáp ứng ngay. Nhưng nếu với sự hợp tác một cách có thiện chí của các tập đoàn đó với các cơ quan của Việt Nam thì tôi hy vọng Việt Nam sẽ có thể tạo ra được các sức hút đáng kể và có được những năng lực ngày càng tăng để thu hút và tiếp thu công nghệ của các tập đoàn lớn".
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nêu lên trong trường hợp Foxconn đầu tư công nghệ vào Việt Nam thì Foxconn có thể tận dụng được lợi thế ưu đãi về thuế cũng như lực lượng lao động trẻ, giá rẻ với năng suất lao động cao và dễ dàng đào tạo trở thành công nhân lành nghề, đáp ứng yêu cầu của Foxconn ; về phía Việt Nam bên cạnh việc hưởng lợi từ giá trị gia tăng của sản phẩm do Foxconn tạo ra, Việt Nam còn tận dụng được công nghệ của Foxconn và Foxconn có thể sẽ chuyển giao một phần công nghệ trong tương lai gần.
Tuy nhiên, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận cũng có những ý kiến của giới chuyên gia khẳng định qua thực tiễn hoạt động và cơ sở hạ tầng của các khu công nghệ cao tại Việt Nam, điển hình 3 khu công nghệ cao ở Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh trong vòng 2 thập niên cùng những rào cản về cơ chế thì Việt Nam thật sự đối mặt với rất nhiều thách thức trong thu hút FDI về công nghệ cao mặc dù cánh cửa cơ hội dành cho Việt Nam có thể xem là đang rộng mở trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
**********************
Phần II
Thu hút FDI công nghệ cao : Tiềm lực-Thách thức
Việt Nam được đánh giá là cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á thu hút các tập đoàn sản xuất thế giới trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Đài RFA ghi nhận ý kiến của giới chuyên gia xoay quanh thông tin Foxconn đang xem xét mở nhà máy lắp ráp Iphone ở Hà Nội cũng như đã đến lúc Việt Nam sẵn sàng để thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghệ cao hay chưa ?
Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh. Courtesy : shtp.hochiminhcity.gov.vn
Trong Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam, diễn ra ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia hồi đầu tháng 10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tuyên bố đầu tư nước ngoài luôn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam 3 thập niên qua và trong thời gian tới, Việt Nam sẽ ưu tiên vào công nghệ cao thân thiện môi trường. Ông Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến một trong những điểm chính của ‘Chiến lược Thu hút FDI thế hệ mới" của Việt Nam là chuyển giao công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng…
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng yếu tố lợi thế mạnh nhất của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư FDI công nghệ cao là yếu tố về nhân lực. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói với RFA :
"Đặc biệt Việt Nam có một đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin và công nghệ phần mềm giỏi và có uy tín trên thế giới, có khả năng giúp cho các hãng như Foxconn hay Samsung soạn thảo các văn bản phần mềm mới để điều hành các hệ thống smart phone mới. Tôi cũng rất hy vọng rằng Việt Nam sẽ phát huy được những lợi thế đó. Và muốn như vậy thì cần phải có sự chuẩn bị, sự nỗ lực, hợp tác giữa các bộ, ngành với các địa phương để sớm có thể cung ứng những lao động có chất lượng và có thể khuyến khích chuyển giao một số công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời gia tăng giá trị gia tăng của Việt Nam bằng cách là tăng số doanh nghiệp Việt Nam cung ứng các sản phẩm và dịch vụ để sản xuất cho những tập đoàn đầu tư FDI đó".
Truyền thông trong nước, vào hạ tuần tháng 9, đăng tải số liệu thống kê không chính thức hiện có khoảng 400 ngàn trí thức Việt Nam định cư ở nước ngoài và hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Nguồn nhân lực này được xem là tài sản quý giá của quốc gia, góp phần cho sự phát triển của đất nước trong thời đại công nghiệp 4.0.
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một số chuyên gia kinh tế mà Đài RFA trao đổi khẳng định trong bối cảnh kinh tế-xã hội của Việt Nam hiện nay cũng như chủ trương của Chính phủ Hà Nội nhắm vào ưu tiên thu hút FDI công nghệ cao thì cần nên có cái nhìn lạc quan cho mục tiêu này. Tuy nhiên, các chuyên gia cùng cảnh báo Việt Nam phải hết sức thận trọng trong việc quyết định các dự án đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ cao. Tiến sĩ kinh tế Ngô Trí Long nêu lên quan điểm của ông :
"Việt Nam cần phải xem xét ngoài mặt được thì những mặt không được là gì ? Vấn đề có chuyển giao công nghệ được hay không ? Vấn đề có đào tạo được đội ngũ để sau này phát huy được hay không ? Và ngoài vấn đề kinh tế thì đối với vấn đề xã hội liên quan môi trường thì đấy là những vấn đề hiện nay Việt Nam cần xem xét".
Đài RFA ghi nhận một số ý kiến của các chuyên gia nhận định để thực hiện mục tiêu thu hút FDI công nghê cao thì Việt Nam đối diện với nhiều thách thức. Trong 30 năm qua, đa số các dự án đầu tư vào Việt Nam là những dự án có công nghệ lạc hậu. Điển hình, Dự án gang thép Hưng Nghiệp Formosa ở Hà Tĩnh, dự án lớn thứ nhì trong danh sách tốp 7 FDI đầu tư ở Việt Nam, với mức đầu tư 7,9 tỷ USD đã gây ra hệ quả ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại khu vực biển 4 tỉnh Bắc Trung Bộ hồi tháng 4 năm 2016.
Tình trạng bò ăn cỏ ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội trong nhiều năm. Courtesy : Ảnh chụp màn hình thiennhien.net
Bên cạnh đó, số dự án công nghệ tiên tiến hiện đại được đầu tư tại Việt Nam trong 3 thập niên chỉ chiếm 5-6%. Ba khu công nghệ cao tại Việt Nam, ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng được đánh giá là hoạt động "èo uột" kể từ khi được Chính phủ phê duyệt gần 20 năm trước.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc ở Hà Nội là một dẫn chứng cụ thể. Được xem như là thành phố khoa học và công nghệ của Việt Nam, tuy nhiên khu công nghệ này được truyền thông quốc nội mô tả là "chỉ lấy cỏ nuôi bò" trong nhiều năm qua. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hồi tháng 2 năm 2017, từng lên tiếng rằng Khu công nghệ cao Hòa Lạc "20 tuổi vẫn còn bú sữa", một dự án trọng điểm mà giải phóng mặt bằng mãi vẫn không xong.
Tại miền Trung, Khu công nghệ cao Đà Nẵng được cho là hội tụ nhiều lợi thế, với tên gọi "mảnh đất vàng" để thu hút nhà đầu tư. Thế nhưng, tính đến thời điểm tháng 9 năm 2017, chỉ có 2 dự án hoạt động tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, với tổng số vốn gần 400 tỷ đồng.
Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá đạt kết quả tốt nhất so với 2 khu công nghệ cao còn lại, sau 15 năm hoạt động. Mặc dù vậy, hiệu quả vẫn không được như mong đợi so với tiềm lực của khu công nghệ cao này.
Trả lời câu hỏi của RFA về những rào cản và khó khăn khi các tập đoàn công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới là gì, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, từ Na-Uy, qua ứng dụng Messenger đưa ra nhận định của ông :
"Có 4 khó khăn chính, bao gồm :
- Hạ tầng còn yếu kém. Mạng viễn thông đắt đỏ. Hệ thống truyền Internet tốc độ chậm. Hệ thống cầu cảng, bốc dỡ còn chậm.
- Thiếu mạng lưới các công ty cung cấp linh kiện, bộ phận đủ chất lượng.
- Việt Nam thiếu lực lượng nhân lực có tay nghề và thạo tiếng Anh để có thể nhanh chóng cập nhật các công nghệ mới. Thiếu cả các quản lý bậc trung và cao cấp có kinh nghiệm quốc tế.
- Tình trạng tham nhũng lan tràn, hệ thống hành chính nhiêu khê và không rõ ràng. Điều này làm nản lòng những nhà đầu tư ở Âu Mỹ, nhất là khi mà luật pháp nước sở tại của họ cấm đút lót, hối lộ".
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ và một số các chuyên gia Đài RFA có dịp trao đổi nêu vấn đề cánh cửa cơ hội thu hút FDI về công nghệ cao của Việt Nam được xem như đang rộng mở, tuy nhiên viễn ảnh cho mục tiêu đề ra của Việt Nam không phải là một bức tranh màu hồng tươi sáng.
*********************
Phần III
Thu hút FDI công nghệ cao : Giải pháp-Viễn ảnh
Việt Nam được đánh giá là cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á thu hút các tập đoàn sản xuất thế giới trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, vào ngày 04/10/18, cho biết Việt Nam sẽ ưu tiên FDI vào công nghệ cao. Courtesy : Ảnh chụp màn hình vov.vn
Đài RFA ghi nhận ý kiến của giới chuyên gia xoay quanh thông tin Foxconn đang xem xét mở nhà máy lắp ráp Iphone ở Hà Nội cũng như đã đến lúc Việt Nam sẵn sàng để thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghệ cao hay chưa ?
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tuyên bố tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư FDI tại Việt Nam, diễn ra hồi đầu tháng 10 vừa qua rằng Việt Nam sẽ ưu tiên FDI vào công nghệ cao, thân thiện môi trường trong kế hoạch đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh thu hút FDI thời kỳ mới cần sự dịch chuyển trọng tâm từ thu hút nhà đầu tư phù hợp cho "sản phẩm" của Việt Nam sang phát triển sản phẩm phù hợp cho loại hình đầu tư mà Việt Nam cần trong tương lai, đồng thời phải có chính sách chủ động phát triển doanh nghiệp trong nước lớn mạnh để có thể liên doanh, liên kết các nhà đầu tư nước ngoài cùng phát triển. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng đây là một trong những yếu tố quan trọng Chính phủ Việt Nam cần phải bắt tay làm :
"Vấn đề của Việt Nam bây giờ phải nâng quy mô cũng như trình độ của các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam lên đến một tầm thích hợp để có thể hợp tác và có thể cung ứng các trang thiết bị và dịch vụ cho các hãng có công nghệ cao như Foxconn hay Samsung. Và, đấy là một nỗ lực mà chính quyền địa phương, các bộ ngành cần phải giúp đỡ các doanh nghiệp để họ có thể vươn lên được".
Nhằm thực hiện mục tiêu thu hút FDI thời kỳ mới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng còn đề cập đến việc chú trọng tăng cường khâu thực thi pháp luật ở tất cả các ngành, các cấp, nâng cao năng lực khâu kiểm tra, giám sát đối với cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp FDI. Tiến sĩ Ngô Trí Long chia sẻ quan điểm của ông trong yếu tố vừa nêu :
"Nói chung một trong những nguyên nhân gây trở ngại cho đầu tư tại Việt Nam là vấn đề tham nhũng, quan liêu, cửa quyền của các cơ quan và những người thực thi pháp luật Việt Nam. Vấn đề này tất nhiên tạo ra những rào cản và một môi trường không tốt cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cả một quá trình thì Việt Nam đã cải cách thể chế, đặc biệt trong môi trường chống tham nhũng. Hiện nay, cuộc chống tham nhũng của Việt Nam đã bước đầu đi vào thực chất hơn. Phải nói thẳng như vậy ! Và với cuộc chống tham nhũng đi vào thực chất thì chắc chắn tất cả những rào cản, những tệ nạn đó sẽ được đẩy lùi và cũng sẽ là một điều kiện để tạo thu hút thêm cho môi trường đầu tư nước ngoài vào Việt Nam".
Bên cạnh đó, yếu tố nâng cao trình độ nguồn nhân lực cho phù hợp với điều kiện làm việc của các nhà đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam cũng được ông Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu lên.
Truyền thông trong nước, hồi đầu tháng 10 trích dẫn ý kiến của Tiến sĩ Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng cần phải đào tạo, hướng dẫn nguồn lao động này qua thực tế, được làm việc tại các doanh nghiệp FDI để tiếp cận, tiếp thu kiến thức lẫn kinh nghiệm và có thể quay trở lại làm việc cho các doanh nghiệp Việt Nam khi có những quá trình chuyển giao công nghệ được thực hiện.
Tiến sĩ Phan Hữu Thắng cũng đưa ra giải pháp Việt Nam cần nên có chính sách thu hút FDI công nghệ cao và ưu đãi khi chuyển giao công nghệ cần phù hợp với nhu cầu đổi mới công nghệ của quốc gia ; đồng thời phải nâng cao chất lượng thẩm định, trách nhiệm quản lý công nghệ trong nhập khẩu và vận hành công nghệ FDI tại Việt Nam.
Trong khi đó, không ít ý kiến của giới chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn sẽ mãi loay hoay trong mục tiêu ưu tiên thu hút FDI về công nghệ cao. Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Vũ Quang Việt, từng làm việc trong Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh :
"Đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam là rất lớn so với các nước khác. Vấn đề chính của Việt Nam, tức là Việt Nam chưa bao giờ nghĩ đến hoặc là rất ít khi nghĩ những công nghệ gì mà Việt Nam có lợi thế tập trung vào để phát triển".
Dự án gang thép Hưng Nghiệp Formosa, dự án FDI lớn thứ nhì đầu tư vào Việt Nam gây ô nhiễm môi trường biển hồi tháng 04/16. AFP
Tiến sĩ Vũ Quang Việt dẫn chứng Tập đoàn Foxconn đầu tư vào Việt Nam với mục đích chỉ gia công lắp ráp hay sẽ hoạt động về công nghệ cao, cũng như có ý định chuyển giao một phần công nghệ cao cho Việt Nam hay không ? Tiến sĩ Vũ Quang Việt còn nêu lên trường hợp Tập đoàn Samsung, nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam, nhận được nhiều ưu đãi lớn về miễn giảm thuế, hoạt động từ tháng 4 năm 2009 với mức doanh thu hàng năm tăng trưởng cao. Năm 2017, Samsung xuất khẩu trên 40 tỷ USD, đạt mức kim ngạch xuất khẩu khẩu "ngoạn mục" mà chưa một doanh nghiệp nào ở Việt Nam đạt được. Tổng doanh thu và lợi nhuận của Samsung trong năm 2017 tăng 40% so với năm 2016. Tập đoàn Samsung được ghi nhận đóng góp không nhỏ vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Mặc dù vậy, Tiến sĩ Vũ Quang Việt giải thích :
"Phần Việt Nam có được là chỉ trong GDP, là phần trả lương cho công nhân của Việt Nam. Còn phần tiền lương rất cao trả cho chuyên gia của Nam Hàn thì sau đó chuyển ra nước ngoài và lợi nhuận của Samsung chuyển về nước ngoài. Tôi tính sơ lược là số tiền Samsung chuyển ra nước ngoài hàng năm lớn hơn số tiền đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam hằng năm".
Các chuyên gia mà Đài RFA tiếp xúc nêu lên vấn đề chính của Việt Nam trong thu hút FDI về công nghệ cao là cần phải cân nhắc thận trọng và chọn lọc đối với các dự án nào có lợi về lâu dài, có lợi cho phát triển công nghệ tại Việt Nam hay không ? Một số vị chuyên gia cho rằng với bối cảnh hiện tại của Việt Nam thì mục tiêu thu hút FDI về công nghệ cao như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tuyên bố sẽ còn lâu lắm mới có thể được thực hiện, như nhận định của Tiến sĩ Vũ Quang Việt :
"Chẳng hạn, tôi có coi 3 đặc khu (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc) thì tôi thấy về chuyên môn chẳng có gì cả. Những bản báo cáo, những bản nghiên cứu hoàn toàn không có gì đáng nói đến. Thế mà họ nói công nghệ cao…Cuối cùng thì chia các khu đất cho công ty này, công ty kia và cơ bản thì cũng là được đầu tư ưu đãi đất đai và miễn thuế. Và cơ bản thì chỉ là xây nhà bán và khu đánh bạc. Thế thôi".
Tiến sĩ Vũ Quang Việt cảnh báo rằng nếu như Việt Nam cố gắng lôi kéo các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, mà những tập đoàn đó chỉ hưởng lợi nhiều và chia chác cho quan chức Việt Nam thì Việt Nam sớm muộn gì cũng trở thành bãi rác công nghệ của thế giới.
Hòa Ái
Nguồn : RFA, 19/12/2018
Tham khảo :
Phần I : Thu hút FDI công nghệ cao : Một bài toán khó
Phần II : Thu hút FDI công nghệ cao : Tiềm lực và Thách thức