Cố vấn ông Trump cảnh báo Bắc Kinh đừng thao túng đồng nhân dân tệ
Reuters, VOA, 14/12/2024
Một cố vấn thương mại hàng đầu của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói với Reuters hôm 12/12 rằng chính quyền mới sẽ không để yên bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm thao túng đồng nhân dân tệ của họ, sau khi có tin tức của Reuters rằng giới chức Bắc kinh đang nghiên cứu để cho đồng nhân dân tệ mất giá vào năm tới.
Ông Peter Navarro được cho là có lập trường diều hâu về thương mại
Ông Peter Navarro, cố vấn cấp cao sắp tới của ông Trump về thương mại và sản xuất, cho biết Nhà Trắng sẽ không can thiệp vào công việc của Bộ Tài chính xem xét định kỳ hai năm một lần liệu các đối tác thương mại nước ngoài có thao túng tiền tệ của họ hay không.
Tuy nhiên, ông nói thêm : "Tôi không tin rằng Bộ Tài chính của ông Trump sẽ hân hoan chào đón việc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Trung Quốc có lịch sử thao túng tiền tệ được nhiều người biết".
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, được yêu cầu bình luận, nói rằng phát ngôn của ông Navarro ‘không có cơ sở thực tế’ và quốc gia họ không phải là một nước thao túng tiền tệ.
"Là một nước lớn có trách nhiệm, Trung Quốc đã nhiều lần nhắc lại rằng họ sẽ không tham gia vào việc tranh nhau phá giá đồng tiền", đại sứ quán cho biết.
Chính quyền Trump đã gọi Trung Quốc là một nước thao túng tiền tệ vào năm 2019, lần đầu tiên chính phủ Mỹ có quyết định đó kể từ năm 1994. Quyết định này đã bị thu hồi vào năm sau.
Động thái này mang tính biểu tượng hơn là thực chất, nhưng dù sao nó cũng báo hiệu rằng ông Trump sẵn sàng tham gia vào một cuộc chiến thương mại chưa từng có với Trung Quốc, nền kinh tế số 2 thế giới, như ông thường xuyên đe dọa trong chiến dịch tranh cử.
Quyết định của Bộ Tài chính hồi năm 2019 được đưa ra sau một giai đoạn mà chính phủ Trung Quốc cho phép đồng tiền của họ giảm giá so với đồng đô la.
Hôm 11/12, Reuters đưa tin rằng các nhà lãnh đạo hàng đầu và các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang xem xét cho phép đồng nhân dân tệ giảm giá vào năm 2025 khi họ chuẩn bị cho thuế quan cao hơn khi ông Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng tới.
Động thái này cho thấy sự thừa nhận của Trung Quốc rằng họ cần gói kích thích kinh tế lớn hơn để chống lại các lời đe dọa của ông Trump về trừng phạt thương mại, Reuters đưa tin. Ông Trump cho biết ông có kế hoạch áp đặt thuế nhập khẩu phổ quát 10% và mức thuế 60% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ.
Ông Navarro, người cũng từng là cố vấn kinh tế trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, cho biết ông Trump có thể chọn leo thang cuộc chiến thuế quan hơn nữa nếu Trung Quốc làm suy yếu đồng tiền của mình, thay vì chờ đợi báo cáo hai năm một lần của Bộ Tài chính.
Nguồn : VOA, 14/12/2024
***************************
Trung Quốc cân nhắc phá giá đồng nhân dân tệ khi rủi ro thương mại của Trump đang rình rập
Reuters, VOA, 11/12/2024
Các nhà lãnh đạo và nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc đang cân nhắc việc cho phép làm suy yếu đồng nhân dân tệ vào năm 2025 giữa bối cảnh họ chuẩn bị đối phó với mức thuế quan thương mại cao hơn của Hoa Kỳ khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Hình minh họa cho thấy xe đẩy hàng chứa tiền đô la và nhân dân tệ trên nền cờ Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tổng thống đắc cử Donald Trump dọa sẽ áp thuế 60% lên hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Động thái được cân nhắc này phản ánh sự thừa nhận của Trung Quốc rằng họ cần có biện pháp kích thích kinh tế lớn hơn để chống lại các mối đe dọa về các biện pháp trừng phạt thương mại của ông Trump, theo những người hiểu biết về vấn đề này cho biết.
Ông Trump đã nói rằng ông có kế hoạch áp dụng mức thuế nhập khẩu phổ cập 10% và mức thuế 60% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Hoa Kỳ.
Việc để đồng nhân dân tệ mất giá có thể khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn, làm giảm tác động của thuế quan và tạo ra các thiết lập tiền tệ lỏng lẻo hơn ở Trung Quốc đại lục.
Reuters đã nói chuyện với ba người có hiểu biết về các cuộc thảo luận về việc phá giá đồng nhân dân tệ. Những người này yêu cầu được giấu tên vì họ không được phép nói công khai về vấn đề này.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước, đơn vị xử lý các truy vấn của giới truyền thông cho chính phủ, cũng không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận.
Financial News, ấn phẩm của PBOC, sau đó đã đăng một bài viết nói rằng nền tảng cho tỷ giá hối đoái "ổn định về cơ bản" của đồng nhân dân tệ vẫn "vững chắc" và rằng đồng nhân dân tệ có khả năng ổn định và mạnh lên vào cuối năm nay.
Các nguồn tin cho biết việc cho phép đồng nhân dân tệ mất giá vào năm tới sẽ đi chệch khỏi thông lệ thông thường là giữ tỷ giá hối đoái ổn định.
Đồng nhân dân tệ, vốn được quản lý chặt chẽ, có biên độ tỉ giá 2% do ngân hàng trung ương ấn định. Các bình luận về chính sách từ các quan chức cấp cao thường bao gồm các cam kết giữ cho đồng nhân dân tệ ổn định.
Một nguồn tin có hiểu biết về vấn đề cho biết rằng mặc dù ngân hàng trung ương Trung Quốc khó có thể nói rằng họ sẽ không giữ giá đồng tiền này nữa, nhưng họ sẽ nhấn mạnh việc cho phép thị trường có nhiều quyền hơn trong việc quyết định giá trị của đồng nhân dân tệ.
Tại cuộc họp tuần này của Bộ Chính trị, một cơ quan ra quyết định của các quan chức Đảng cộng sản, Trung Quốc đã cam kết sẽ áp dụng chính sách tiền tệ "nới lỏng một cách thích hợp" vào năm tới, đánh dấu lần đầu tiên quốc gia này nới lỏng lập trường chính sách như vậy trong khoảng 14 năm qua.
Các bình luận tại cuộc họp không đề cập đến nhu cầu về một "đồng nhân dân tệ ổn định một cách cơ bản", vốn lần gần nhất được đề cập vào tháng 7 nhưng cũng không có trong bản báo cáo tháng 9.
Chính sách đồng nhân dân tệ đã được đề cập nhiều trong các ghi chú của các nhà phân tích tài chính và các cuộc thảo luận của các nhóm nghiên cứu khác trong năm nay.
Trong một bài báo do nhóm nghiên cứu hàng đầu China Finance 40 Forum công bố vào tuần trước, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc nên tạm thời chuyển từ việc neo đồng nhân dân tệ vào đô la Mỹ sang liên kết nó với một nhóm các loại tiền tệ không phải đô la, đặc biệt là đồng euro, để đảm bảo tỷ giá hối đoái linh hoạt trong thời kỳ căng thẳng thương mại.
Một nguồn tin thứ hai nắm được ý định của ngân hàng trung ương nói với Reuters rằng PBOC đã cân nhắc khả năng đồng nhân dân tệ có thể giảm xuống mức 1 USD tương đương 7,5 nhân dân tệ để chống lại bất kỳ cú sốc thương mại nào.
Đó là mức mất giá khoảng 3,5% so với mức hiện tại là 1 USD tương đương khoảng 7,25 nhân dân tệ.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump với tư cách là tổng thống, đồng nhân dân tệ đã suy yếu hơn 12% so với đô la Mỹ trong bối cảnh một loạt các thông báo về thuế quan trả đũa từ tháng 3/2018 đến tháng 5/2020.
Lựa chọn khó khăn
Một đồng nhân dân tệ mất giá có thể giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi họ tìm cách đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% được kỳ vọng là đầy thách thức và giảm bớt áp lực giảm phát bằng cách thúc đẩy thu nhập từ xuất khẩu và làm cho hàng hóa nhập khẩu đắt hơn.
Một sự suy giảm mạnh trong xuất khẩu sẽ tạo thêm lý do để nhà chức trách tìm cách sử dụng đồng tiền này bảo vệ lĩnh vực vốn đang hoạt động tốt của nền kinh tế.
Xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh và nhập khẩu bất ngờ giảm vào tháng 11. Điều này thúc đẩy những lời kêu gọi hỗ trợ chính sách nhiều hơn để tăng nhu cầu trong nước.
"Công bằng mà nói, đó là một lựa chọn chính sách. Điều chỉnh tiền tệ đang được xem xét như một công cụ để giảm thiểu tác động của thuế quan", kinh tế gia trưởng khu vực Châu Á của HSBC Fred Neumann cho biết.
Nhưng, theo ông, đó sẽ là một lựa chọn chính sách thiển cận.
"Nếu Trung Quốc hạ giá đồng tiền một cách quyết liệt, điều này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra một loạt thuế quan và các quốc gia khác lúc đó sẽ nói rằng, nếu đồng tiền Trung Quốc suy yếu đáng kể, thì chúng ta có thể không có lựa chọn nào khác ngoài việc áp đặt các hạn chế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốc", ông Neumann nói.
"Vì vậy, có một chút rủi ro ở đây là nếu Trung Quốc sử dụng góc độ tiền tệ của mình một cách quá quyết liệt, điều này có thể dẫn đến phản ứng dữ dội từ các đối tác thương mại khác và điều đó không vì lợi ích của Trung Quốc".
Dự báo chung của các nhà phân tích là đồng nhân dân tệ sẽ giảm xuống còn 7,37 nhân dân tệ đổi 1 USD vào cuối năm sau, mặc dù một yếu tố chính sẽ là mức tăng thuế của ông Trump sẽ đến đâu và tốc độ tăng như thế nào.
Đồng tiền này đã mất gần 4% giá trị so với đồng đô la Mỹ kể từ cuối tháng 9 khi các nhà đầu tư hướng vào nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.
Ngân hàng trung ương trước đây đã kiềm chế sự biến động và các động thái hỗn loạn của đồng nhân dân tệ thông qua tỷ giá tham chiếu hàng ngày cho các thị trường và thông qua việc mua và bán đồng tiền của các ngân hàng nhà nước.
Giá trị của đồng nhân dân tệ, hay còn gọi là renminbi (RMB), đã bấp bênh kể từ năm 2022 và bị kéo xuống bởi nền kinh tế yếu kém và dòng vốn giảm từ nước ngoài chảy vào thị trường Trung Quốc. Lãi suất của Hoa Kỳ cao hơn và lãi suất của Trung Quốc giảm cũng khiến đồng tiền này chịu áp lực.
Đồng nhân dân tệ ở nước ngoài đã giảm khoảng 0,3% xuống còn 7,2854 nhân dân tệ đổi 1 USD sau bản tin của Reuters. Giá trị của đồng won của Hàn Quốc cũng giảm và đồng đô la Úc cũng như đô la New Zealand, vốn nhạy cảm với Trung Quốc, cũng bị mất giá.
Trong những ngày tới, mục tiêu tăng trưởng, thâm hụt ngân sách và các mục tiêu khác của năm tới sẽ được thảo luận – nhưng không được công bố – tại cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản, được gọi là Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương (CEWC).
Cam kết "duy trì sự ổn định cơ bản của tỷ giá hối đoái Nhân dân tệ ở mức hợp lý và cân bằng" đã được đưa vào bản tóm tắt của CEWC từ năm 2020, 2022 và 2023. Cam kết này không được đưa vào bản tóm tắt của năm 2019 và 2021.
Nguồn : VOA, 11/12/2024
Ngày 19/07/2021, Việt Nam và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận liên quan đến hồ sơ "thao túng tiền tệ". Phía Việt Nam cam kết sẽ không cố tình giảm giá tiền "đồng" để được lợi về xuất khẩu và sẽ minh bạch hơn về chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong phiên điều trần trước một ủy ban của Thượng Viện Hoa Kỳ, Washington, ngày 23/06/2021. Reuters - Pool
Thông báo chung của bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, đăng trên trang mạng của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, nhấn mạnh đến "những cuộc đàm phán mang tính xây dựng" trong những tháng gần đây.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng những nỗ lực từ phía Việt Nam không chỉ đáp ứng các mối quan tâm của Hoa Kỳ mà còn giúp thúc đẩy hơn nữa "sự phát triển, cũng như nâng cao khả năng phục hồi tài chính và kinh tế vĩ mô của thị trường tài chính Việt Nam".
Về phần mình, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, trọng tâm chính sách tiền tệ là "thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát" và "không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng trong thương mại quốc tế".
Thông cáo chung cũng khẳng định "Hoa Kỳ và Việt Nam là đối tác tin cậy với tình hữu nghị trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau". Phía Việt Nam "sẽ tiếp tục duy trì đối thoại mang tính xây dựng với Hoa Kỳ để giải quyết những vấn đề kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước", theo phát biểu trong buổi họp báo ngày 20/07 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.
Việt Nam nhiều lần bị cáo buộc "thao túng tiền tệ" và bán phá giá một số mặt hàng (cao su, gỗ…) dưới thời tổng thống Donald Trump. Trong báo cáo vào tháng 12/2020 tại Quốc hội, Bộ Tài chính Mỹ chính thức cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ "trên quy mô lớn, nhiều hơn so với các giai đoạn trước, để ngăn tăng giá tiền đồng". Đến tháng 04/2021, Việt Nam không còn nằm trong danh sách các nước "thao túng tiền tệ" nhưng vẫn bị cảnh cáo, cùng với Thụy Sĩ và Đài Loan, là vượt ngưỡng được phép chiểu theo một đạo luật năm 2015.
Thu Hằng
VOA, 19/04/2021
Việt Nam hoan nghênh quyết định của Bộ tài chính Mỹ gỡ mác thao túng tiền tệ và, theo tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, Hà Nội đã "nỗ lực lớn" về ngoại giao trong việc thuyết phục Hoa Kỳ "đánh giá phù hợp" cũng như cam kết hài hoà cán cân thương mại với Mỹ.
Bộ Tài chính Mỹ hôm 16/4 đưa ra báo cáo bán thường niên, trong đó kết luận rằng chưa có đủ bằng chứng để khẳng định Việt Nam thao túng tỷ giá hối đoái theo Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại Omnibus 1988, dù vào tháng 12 năm ngoái đã gắn nhãn "thao túng tiền tệ" cho Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 17/4 hoan nghênh quyết định này của Bộ tài chính Mỹ, theo Reuters.
Còn Thủ tướng Chính cùng ngày cho biết kết quả này có được nhờ "nỗ lực lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong tiếp xúc ngoại giao và sự làm việc tích cực, nhất là Ngân hàng Nhà nước để Hoa Kỳ có đánh giá phù hợp liên quan đến vấn đề tiền tệ của Việt Nam", theo Thông tin Chính phủ.
Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump khởi xướng cuộc điều tra theo Mục 301 về việc định giá tiền tệ của Việt Nam hồi đầu tháng 10 năm ngoái và 2 tháng sau đó, Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam, cùng Thuỵ Sỹ, vào danh sách các quốc gia "thao túng tiền tệ" theo luật thương mại 2015, với nguy cơ bị Mỹ áp thuế lên hàng nhập khẩu vào thị trường
Đã có nhiều cuộc đàm phán căng thẳng giữa Việt Nam và Mỹ dưới thời chính quyền Trump, trong đó có cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Trump. Thủ tướng Phúc lúc đó cho biết chính sách tiền tệ của Việt Nam không nhằm cạnh tranh không công bằng với Mỹ. Cuộc điều tra của USTR được tiếp tục dưới thời Tổng thống Joe Biden và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine.
Hồi đầu tháng này có cuộc gặp trực tuyến với Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, trong đó bà nêu lên những quan ngại của Mỹ về các hành vi tiền tệ và khai thác gỗ bất hợp pháp của Việt Nam.
Một trong những tiêu chí để Mỹ đánh giá các nước thao túng tiền tệ là có thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ trên 20 tỷ USD. Việt Nam là nước có mức thặng dư thương mại hàng hóa lớn thứ 3 đối với Mỹ, với gần 69,7 tỷ USD – tăng gần 25% so với năm trước đó, theo thống kê của Cục Dân số Hoa Kỳ.
Bộ Tài chính Mỹ, trong báo cáo trình lên Quốc hội hôm 16/4, xác định Việt Nam, cùng Thuỵ Sỹ và Đài Loan, đã vượt ngưỡng để có thể bị coi là thao túng tiền tệ trong năm 2020 nhưng lại nói rằng không có đủ bằng chứng để kết luận rằng Việt Nam và các nước kể trên đang thao túng tỷ giá hối đoái để đạt lợi thế thương mại hoặc cản trở việc điều chỉnh cán cân thanh toán.
"Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ trong tổng thể Kế hoạch hành động để hướng đến cán cân thương mại hài hoà bền vững giữa hai nước", Thủ tướng Chính nói tại buổi làm việc với Ngân hàng nhà nước hôm 17/4.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và quốc gia Đông Nam Á này được cho là đã nỗ lực làm "hài hoà hoá" cán cân thương mại với Mỹ bằng cách nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng của Mỹ trong những năm gần đây. Năm ngoái, Việt Nam phê duyệt một dự án điện khí hóa lỏng (LNG) của tập đoàn ExxonMobil của Mỹ ở Hải Phòng trị giá hơn 5 tỷ USD để sử dụng LNG nhập khẩu từ Mỹ. Trước đó, một công ty liên doanh của Mỹ với Việt Nam, LNG Chân Mây, cũng đang có kế hoạch đầu tư tới 6 tỷ USD vào một dự án điện ở Việt Nam để tìm cách thu lợi nhuận từ nhu cầu điện tăng cao của quốc gia Đông Nam Á cũng như giúp thu hẹp thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam.
************************
Thanh Phương, RFI, 17/04/2021
Hôm 16/04/2021 Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết Việt Nam cùng với Thụy Sĩ và Đài Loan đã vượt qua ngưỡng có thể thao túng tiền tệ, chiếu theo Luật Thương mại năm 2015 của Mỹ, nhưng không chính thức coi ba nước này là những quốc gia thao túng tiền tệ.
Trong "Báo cáo chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ" vào cuối năm 2020, do bộ trưởng Tài Chính Janet Yellen công bố, Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong năm 2020, Đài Loan, Việt Nam và Thụy Sĩ đã vượt ngưỡng quy định cho phép, theo Luật Thương mại năm 2015 : thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ hơn 20 tỷ đôla, can thiệp ngoại tệ vượt quá 2% tổng sản phẩm quốc nội GDP và thặng dư tài khoản vãng lai vượt quá 2% GDP.
Tuy vậy, Bộ Tài chính Hoa Kỳ nói họ không có đủ bằng chứng chiếu theo luật năm 1988 để kết luận rằng Việt Nam, Thụy Sĩ hoặc Đài Loan đang thao túng tỷ giá hối đoái của họ để đạt được lợi thế thương mại hoặc ngăn cản việc điều chỉnh cán cân thanh toán.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết họ sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán với Việt Nam và Thụy Sĩ, hai quốc gia mà chính quyền Trump vào tháng 12 năm ngoái đã dán nhãn "thao túng tiền tệ".
Theo hãng tin Reuters, viêc Mỹ dỡ bỏ nhãn "thao túng tiền tệ" ít nhất trong sáu tháng tới sẽ làm giảm bớt một số áp lực đối với Thụy Sĩ và Việt Nam. Đáp lại thông báo của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, trong một tuyên bố đưa ra hôm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định "sẽ tiếp tục làm việc về những vấn đề mà Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi", đồng thời cam kết "sẽ tiếp tục điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng".
Thanh Phương
**********************
Hoa Kỳ không đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ
RFA, 16/04/2021
Bộ Tài chính Hoa Kỳ vừa quyết định không đưa Việt Nam vào danh sách những nước thao túng tiền tệ dù nhìn nhận Việt Nam đã vượt ngưỡng của thao túng tiền tệ theo luật của Mỹ.
Hình minh hoạ. Nhân viên ngân hàng Vietinbank đếm đồng đô la Mỹ tại Trung tâm hội nghị Quốc gia ở Hà Nội hôm 5/5/2011. Reuters
Trong báo cáo được đưa ra hôm 16/4, Bộ Tài chính Mỹ cho biết chính phủ Mỹ đang làm việc với các nước đang ở ngưỡng của thao túng tiền tệ bao gồm Việt Nam, Đài Loan, và Thuỵ Sĩ. Đây là những quốc gia đã bị chính quyền của Tổng thống Trump dán nhãn thao túng tiền tệ vào tháng 12 năm ngoái.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, cả ba nước đều vượt ngưỡng quy định về thao túng tiền tệ theo luật của Mỹ. Đó là xuất siêu vượt mức 20 tỷ đô la vào Mỹ, mua ròng ngoại tệ vượt quá 2% mức GDP, thặng dư tài khoản vãng lai vượt quá 2% GDP.
Mặc dù vậy, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng vẫn không đủ bằng chứng để kết luật Việt Nam, Đài Loan, và Thuỵ Sĩ đã thao túng tiền tệ nhằm trục lợi thương mại hoặc ngăn cản việc cân bằng cán cân thương mại.
Hiện chính phủ Việt Nam vẫn chưa đưa ra phản ứng nào trước thông tin nào.
Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam xuất siêu vào Mỹ đạt hơn 79 tỷ đô la.
Nguồn : RFA, 16/04/2021
BBC, 17/01/2021
Chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm 15/01/2021 nói việc Việt Nam can thiệp vào đồng nội tệ là "không hợp lý" và gây sức ép lên hoạt động thương mại của Hoa Kỳ, nhưng không ngay lập tức áp thuế quan trừng phạt lên Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Trump năm 2017 tại Nhà Trắng, Mỹ
Quyết định của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) được đưa ra dựa trên kết quả cuộc điều tra từ hồi tháng 10, theo Điều 301 Đạo luật Thương mại 1974.
Điều 301 cũng là căn cứ pháp lý mà chính quyền ông Trump đã dùng để đánh thuế lên các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có trị giá 370 tỷ đô la mỗi năm, khiến nhiều công ty đã phải chuyển chuỗi cung ứng hàng hóa ra khỏi Trung Quốc.
Công bố kết quả điều tra về chính sách kiểm soát tiền tệ của Việt Nam, USTR nói họ sẽ tiếp tục xem xét toàn bộ các khả năng sẵn có để xử lý tình hình, và tiến trình này sẽ được chuyển giao sang cho chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden, người sẽ nhậm chức vào thứ Tư tới đây.
"Các hành động, chính sách và việc thực thi không công bằng, khiến đồng tiền tệ bị yếu đi, đã làm tổn hại tới người lao động và các doanh nghiệp Hoa Kỳ, và việc này cần phải được xử lý," Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer nói trong một tuyên bố. "Tôi hy vọng rằng Hoa Kỳ và Việt Nam có thể tìm được phương hướng xử lý những quan ngại của chúng tôi."
USTR nói họ đã tham vấn với Bộ Tài chính Hoa Kỳ về chính sách ngoại hối của Việt Nam.
Hôm 16/12, Bộ Tài chính lần đầu tiên xác định Việt Nam và Thụy Sĩ là các nước thao túng tiền tệ, trong lúc đưa Trung Quốc vào danh sách các nước cần theo dõi chính sách tiền tệ bên cạnh chín quốc gia khác.
Các nhóm doanh nghiệp và các chuyên gia thương mại đã lo sợ rằng điều này có thể dẫn tới việc áp biểu thuế quan lên Việt Nam. Việc tung ra những biểu thuế quan cứng rắn lên đối phương là điều mà ông Trump đã không ngần ngại thực hiện trong thời gian bốn năm cầm quyền của mình, thể hiện rõ nhất trong cuộc thương chiến với Trung Quốc.
Việt Nam hôm thứ Bảy hoan nghênh quyết định của Hoa Kỳ và gọi đó là một "kết quả tích cực" đạt được nhờ nỗ lực của chính phủ và các doanh nghiệp từ cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ.
"Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cởi mở thị trường và tăng đối thoại chính sách, và tuân thủ chặt chẽ các thỏa thuận giữa hai bên... nhằm duy trì mối quan hệ thương mại ổn định, với mục tiêu đạt thương mại cân bằng, bền vững và cùng có lợi," chính phủ nói trong một tuyên bố.
Trước đó, Việt Nam đã ráo riết thảo luận với Hoa Kỳ trong việc tìm cách tháo gỡ nhãn "thao túng tiền tệ".
Các cuộc liên lạc trực tiếp ở cấp cao nhất, giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống Trump, và ở cấp bộ, đã được thực hiện kể từ lúc Bộ Tài chính Hoa Kỳ ra cáo buộc đối với Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hồi tháng trước nói họ không dùng tỷ giá ngoại hối làm công cụ tạo lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng trong hoạt động thương mại, và rằng "việc quản lý ngoại hối trong những năm gần đây được thực hiện trong phạm vi chung của chính sách tiền tệ, và nhằm đạt mục tiêu nhất quán trong việc kiểm soát lạm phát và bình ổn kinh tế vĩ mô".
Nguồn : BBC, 17/01/2021
*********************
USTR công bố kết quả điều tra Việt Nam thao túng tiền tệ
VOA, 16/01/2021
Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 15/1 công bố kết luận điều tra rằng hành động, chính sách, cách thực hành của Việt Nam, bao gồm sự can thiệp vào thị trường ngoại hối và các hành động liên hệ, là không thoả đáng và tạo gánh nặng hoặc hạn chế thương mại của Mỹ.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer.
Thông cáo của Văn phòng USTR cho biết trong quá trình điều tra, USTR có tham khảo ý kiến với Bộ Ngân khố về vấn đề đánh giá tiền tệ và chính sách tỷ giá ngoại hối của Việt Nam.
Kết quả cuộc điều tra được hỗ trợ bởi một báo cáo đầy đủ và được đăng tải trên trang web của USTR.
"Những hành động, chính sách và tập tục không công bằng góp phần vào việc hạ giá tiền tệ gây tổn hại cho người lao động và các doanh nghiệp Mỹ, và cần phải được giải quyết," Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert E. Lighthizer tuyên bố.
"Tôi hy vọng Hoa Kỳ và Việt Nam có thể tìm ra con đường giải quyết những quan tâm của chúng tôi," ông Lighthizer nói thêm.
USTR chưa có hành động cụ thể liên quan tới phát hiện từ cuộc điều tra, nhưng cho biết sẽ tiếp tục xem xét tất cả các lựa chọn có sẵn.
Cuộc điều tra, chiếu theo mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974, được USTR khởi xướng từ tháng 10 năm ngoái.
(Nguồn : Đại diện Thương mại Hoa Kỳ)
Nguồn : VOA, 16/01/2021
**********************
VNTB, 16/01/2021
Ngày 15/1, cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố kết luận điều tra, xác định Việt Nam có các hành động, chính sách, cách thức "không hợp lý" nhằm can thiệp vào thị trường ngoại hối, tạo hạn chế thương mại của Mỹ.
USTR cho biết sẽ tiếp tục đánh giá tất cả các lựa chọn có sẵn để khắc phục tình hình, và sẽ chuyển giao cho chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Đây là cuộc điều tra được USTR tuyên bố bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái theo mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974.
Theo USTR, trong quá trình điều tra, cơ quan này cũng tham vấn Bộ Tài chính Mỹ liên quan đến cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ và chính sách tỷ giá ngoại hối của Việt Nam.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer được trích lời trong thông báo của USTR nói rằng : "các hành động, chính sách và cách làm không công bằng góp phần làm giảm giá trị tiền tệ gây hại cho người lao động và doanh nghiệp Hoa Kỳ, và cần phải được xem xét".
Trước khi USTR có kết quả cuộc điều tra, vào ngày 16/12/2020, chính phủ Mỹ đã gắn mác Việt Nam là quốc gia thao túng tiền tệ sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố kết luận rằng Việt Nam đã vượt quá cả 3 tiêu chuẩn đánh giá về thao túng tiền tệ, bao gồm can thiệp vào thị trường ngoại hối, thặng dư tài khoản vãng lai và thặng dư thương mại.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng hồi tháng 10/2020 cho biết : "NHNN chưa và sẽ không bao giờ sử dụng công cụ chính sách tiền tệ như tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong giao dịch thương mại và quốc tế."
Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chối bỏ cáo buộc thao túng tiền tệ của Mỹ đối với Việt Nam khi khẳng định "quan điểm cần phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, lòng tin của người dân, các nhà đầu tư", Chính phủ ông Phúc không thể phá giá mạnh đồng tiền Việt Nam vì e rằng sự xáo trộn có thể gây thiệt hại lớn đối với cả nền kinh tế.
Trong suốt quá trình USTR điều tra, các chuyên gia kinh tế Việt Nam liên tục khẳng định Việt Nam không có lý do gì phải thao túng tiền tệ.
Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan cho đến tháng 11/2020, xuất khẩu sang Mỹ tăng gần 25%,đạt mức 69,38 tỷ USD so với cùng kỳ. Trong khi đó nhập khẩu hàng hoá từ Mỹ chỉ đạt 12,45 tỷ USD, giảm 4,7% so với năm trước.
Nguồn : VNTB, 16/01/2021
**********************
Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ
RFA, 15/01/2021
Ngày 15/1, cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố kết luận điều tra, xác định Việt Nam có các hành động, chính sách, cách làm can thiệp vào thị trường ngoại hối, tạo gánh nặng và hạn chế thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, USTR cho biết cơ quan này chưa đưa ra một hành động trừng phạt cụ thể nào đối với Việt Nam và sẽ tiếp tục cân nhắc các lựa chọn có sẵn.
Tiền đồng của Việt Nam - Reuters
Đây là cuộc điều tra được USTR tuyên bố bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái theo mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974.
Theo USTR, trong quá trình điều tra, cơ quan này cũng tham vấn Bộ Tài chính Mỹ liên quan đến cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ và chính sách tỷ giá ngoại hối của Việt Nam.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer được trích lời trong thông báo của USTR nói rằng : "các hành động, chính sách và cách làm không công bằng góp phần làm giảm giá trị tiền tệ gây hại cho người lao động và doanh nghiệp Hoa Kỳ, và cần phải được xem xét".
Trước khi USTR có kết quả cuộc điều tra, vào ngày 16/12/2020, chính phủ Mỹ đã gắn mác Việt Nam là quốc gia thao túng tiền tệ sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố kết luận rằng Việt Nam đã vượt quá cả 3 tiêu chuẩn đánh giá về thao túng tiền tệ, bao gồm can thiệp vào thị trường ngoại hối, thặng dư tài khoản vãng lai và thặng dư thương mại.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng hồi tháng 10/2020 cho biết : "NHNN chưa và sẽ không bao giờ sử dụng công cụ chính sách tiền tệ như tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong giao dịch thương mại và quốc tế."
Trong suốt quá trình USTR điều tra, các lãnh đạo Việt Nam bao gồm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có những điện đàm với phía Mỹ, cam kết hợp tác với phía Hoa Kỳ, hướng tới cán cân thương mại hài hoà, bền vững
Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong 11 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đạt hơn 69 tỷ đô la, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Bộ Công thương Việt Nam.
Nguồn : RFA, 15/01/2021
Việt Nam bị Mỹ tố dùng rào cản thuế quan, ưu tiên hàng trong nước và thao túng ngoại tệ.
Trước hết xin bàn thế nào là mậu dịch công bằng. Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn nhập khẩu, lẽ thường thì VND phải tăng giá so với USD. VND nếu lên giá sẽ khiến hàng Việt mắc trong khi đồ Mỹ rẻ lại, cho nên Hoa Kỳ sẽ bớt mua quần áo, đồ gỗ từ Việt Nam trong khi Việt Nam mua thêm xăng dầu, máy bay của Mỹ. Nhờ vậy cán cân thương mại sẽ tái quân bình một khi USD và VND có giá trị tương xứng.
Có nhiều cách can thiệp để làm chênh lệch cán cân thương mại như dùng rào cản thuế quan, ưu tiên hàng trong nước và thao túng ngoại tệ. Việt Nam ép giá VND bằng cách tích trữ USD vào kho ngoại tệ khiến USD trở nên khan hiếm trên thị trường để đẩy giá USD cao hơn so với VND. Nhờ vậy hàng Việt vẫn rẽ hơn so với đồ Mỹ cho dù Việt Nam xuất cảng nhảy vọt sang Hoa Kỳ.
Có những lý do chính đáng để dự trữ kho ngoại tệ lớn rút tỉa từ bài học của khủng hoảng tài chính Châu Á 1998. Tâm lý lạc quan rằng Thái Lan sẽ trở thành một con rồng Châu Á khiến giới tư bản nước ngoài đổ tiền ồ ạt bơm lên bong bóng đầu tư. Đến khi bóng xì do vốn đầu tư bị phung phí thì giới tài phiệt lại tranh nhau tháo chạy đổi Baht ra USD khiến thị trường hoảng loạn và đồng Baht phá giá.
Chính phủ Thái Lan bán ra USD hòng kiềm giữ giá trị đồng Baht nhưng chỉ cầm cự được một thời gian cho đến lúc kho dự trữ ngoại tệ cạn kiệt thì đồng Baht thủng đáy rồi lạm phát tăng vọt. Thái Lan mất khả năng trả nợ nước ngoài và hết đô-la để nhập cảnh những nhu cầu thiết yếu như xăng dầu, máy móc.
Kinh tế Thái sụp đổ rồi sau đó khủng hoảng lan ra khắp vùng Đông Á. Từ đó các nước Đông Á đều rút tỉa bài học là lúc nào cũng phải dự trữ USD đủ cho 3 tháng nhằm ngăn ngừa bị đầu cơ tiền tệ. Nhưng nhiều hơn 3 tháng lại có dấu hiệu thao túng ngoại tệ để hỗ trợ xuất khẩu làm thiệt hại cho Hoa Kỳ.
Dân Mỹ mất việc vì thương mại không bình đẳng. Ước tính cán cân thương mại với Việt Nam chênh lệch 70 tỷ USD năm 2020 sẽ khiến 420 ngàn công nhân thất nghiệp [1] Hiện 10.7 triệu người Hoa Kỳ không có việc làm thì con số nói trên đủ lớn để chính quyền dù Biden hay Trump phải quan tâm.
Trong hoàn cảnh kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 cho thấy hai bên sai biệt chỉ vài ngàn lá phiếu ở các tiểu bang trọng điểm như Georgia, Wisconsin, Pennsylvania vốn bị tác động bởi ảnh hưởng của toàn cầu hóa thì 420 ngàn lá phiếu có thể làm thay đổi đảng cầm quyền trong tương lai.
Giới tinh hoa ưu tú (elites) trong ngành ngoại giao Hoa Kỳ phản đối cho rằng Mỹ cần Việt Nam ngăn cản Trung Quốc nên quyết định về thao túng ngoại tệ sẽ tạo bất lợi. Nhưng con số 420 ngàn người Mỹ thất nghiệp nói trên muốn nhà nước tạo ra việc làm thay vì bảo vệ an ninh cho Việt Nam !
Dùng phong cách giang hồ kiểu Donald Trump thì anh cần tui hơn tui cần anh : anh muốn được bảo vệ thì khi đi ăn chung phải mời thay vì chờ tui trả tiền tức là chơi không đẹp ! Nước Mỹ Trên Hết (America First) nên dằn mặt chẳng những Việt Nam mà cả Nam Hàn, Nhật Bản, Âu Châu đừng tiếp tục chơi gác kiểu này. Phía Biden có thể lịch sự nhân nhượng nhiều hơn nhưng cũng phải quan tâm đến ½ dân Mỹ học Donald Trump cách tính toán lời lỗ, rằng quyền lợi kinh tế chính là quyền lợi chiến lược.
Từ sau Thế Chiến Thứ Hai Mỹ chịu buôn bán thua thiệt với Âu-Nhật-Hàn nhằm (1) hỗ trợ USD trở nên đơn vị tiền quốc tế, và (2) tìm "đàn em" chống Nga Xô. Nhưng lúc đó GDP của Hoa Kỳ là 50% của toàn thế giới, nay GDP chỉ còn trên 20% thì Hoa Kỳ không cam nổi gánh nặng này thêm nửa.
Một cách nhìn từ Việt Nam là nhờ vào lợi thế nhân công rẻ nên xuất cảng những món tiêu dùng như quần áo, bàn ghế mà dân Mỹ muốn mua. Tuy nhiên gia đình Hoa Kỳ nào cũng thừa thãi các vật dụng trong nhà nên năm 2021 bớt lại cũng không sao ! Ở Mỹ lạm phát thấp do nhập cảng hàng hóa không cần thiết (tivi, điện thoại thông minh, quần áo, v.v…) mua từ Trung Quốc hay Việt Nam còn có thể dùng thêm 1-2 năm nữa.
Trong khi đó giá cả của những thứ quan trọng như tiền nhà, y tế, giữ trẻ và đại học lại tăng vọt. Mô hình tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ từ 30 năm nay khuyến khích giới tiêu thụ (consumers) mượn tiền tiêu xài…bậy cho nên đã đến lúc phải thay đổi.
Nhiều công ty nước ngoài như Samsung khuếch trương sản xuất sang Việt Nam để vừa dùng nhân công rẻ lại lợi dụng VND bị ép giá bán hàng giá rẻ sang Hoa Kỳ. Sản xuất từ Trung Quốc nhưng dán nhãn Việt Nam, cho nên thao túng ngoại tệ không những chỉ giúp cho Việt Nam mà còn tạo lợi thế cho các đối thủ cạnh tranh với Mỹ. Việt Nam thặng dư mậu dịch với Hoa Kỳ trong khi lại thâm thủng con số tương đương với Trung Quốc, nên nhìn trên đại thể (macro) thì Việt Nam là trạm trung chuyển để Tàu rút ruột Mỹ. Lại chơi xấu !
Một khía cạnh ít được nhắc đến khi nhà nước thao túng ngoại tệ chính là đánh thuế dân nghèo hỗ trợ nhà giàu. Nếu VND lên giá thì sức mua của công nhân cũng tăng giúp cải thiện đời sống. Ngược lại VND bị hãm giá cho nên sức mua sụt giảm, tức là nhà nước chèn ép thị trường tiêu thụ để hổ trợ cho khâu xuất khẩu nên gọi đây là financial repression. Cho nên khoảng cách giàu nghèo ở VN nhảy vọt, các đại gia tiến lên hàng cự phú quốc tế trong khi đời sống công nhân chật vật còn công đoàn quốc doanh bênh phe chủ hơn là thợ.
Đồng thời tình trạng thao túng ngoại tệ cũng khiến khoảng cách giàu nghèo tăng vọt ở Mỹ. Lý do vì USD là đơn vị tiền quốc tế nên các nước khi tích trữ USD phải tìm chốn an toàn để gửi. Chẳng ở đâu an toàn hơn gửi tiền vào Hoa Kỳ vì Mỹ in USD trả nợ (!) nên chẳng sợ quỵt nợ !
Tiền đổ vào Hoa Kỳ không đầu tư sản xuất vì mang hãng xưởng ra nước ngoài có lợi khi đồng USD cao giá. Cho nên tiền USD đổ ngược vào Mỹ lại bơm giá địa ốc và cổ phiếu giúp cho các gia đình sở hữu đất đai và chứng khoán giàu thêm trong lúc lương bổng và đời sống của công nhân không hề tăng trưởng trong 30 năm nay kể từ ngày toàn cầu hóa – người Mỹ gọi đây là asset inflation (tài sản lạm phát) do thế giới dự trữ tiền ngập lụt tràn vào Hoa Kỳ (savings glut).
Tổng thống Pháp Charles De Gaulle có lần phàn nàn rằng Hoa Kỳ được hưởng tiện nghi quá đáng (exorbitant privilege) nhờ vào USD là đơn vị tiền quốc tế, nhưng thực tế cho thấy giá USD cao chỉ có lợi cho giới thượng lưu sở hữu tài sản và nhà đất cùng các tập đoàn Hoa Kỳ đầu tư ra nước ngoài trong khi hàng triệu công nhân với việc làm bấp bênh hay thất nghiệp dẫn đến tình trạng khủng hoảng chính trị và xã hội ngày hôm nay. Nói cách khác, USD là đơn vị tiền quốc tế lại trở thành gánh nặng bất công quá đáng (exorbitant burden) cho người lao động thợ thuyền ở Mỹ.
Nếu chênh lệch thương mại và thao túng ngoại tệ thiệt hại đến cả hai giới công nhân Việt lẫn Mỹ thì tại sao Hoa Kỳ sinh biến động trong khi Việt Nam vẫn ổn định đủ để thu hút tư bản ngoại quốc bỏ vốn đầu tư ? Lý do thứ nhất vì nhà nước Việt Nam đàn áp gắt gao công đoàn độc lập và những phong trào công nhân tranh đấu đòi cải thiện lương bổng và phúc lợi. Thứ nhì đời sống công nhân Việt cho dù ngày càng thua kém các đại gia nhưng vẫn tiến lên bước rất dài trong vòng 30 năm kể từ ngày hội nhập trong khi giới thợ thuyền ở Mỹ bị mất việc hay mức sống không hề tăng trưởng cũng trong suốt 30 năm đó.
Cả hai nước đều gánh chịu hệ lụy của việc thao túng tài chính nhưng Việt Nam hỗ trợ khâu sản xuất tạo ra công ăn việc làm trong khi Hoa Kỳ tăng chi vào phúc lợi xã hội cho người thất nghiệp. Giá trị và sự tự trọng của mỗi người đến từ công ăn việc làm còn nhàn cư vi bất thiện, cho nên nhìn theo cách đó thì trong 30 năm nay nhà nước Việt Nam (và Trung Quốc) quản lý đất nước tốt hơn Mỹ !
Khi Nhật Bản thao túng ngoại tệ bị Hoa Kỳ áp lực vào cuối thập niên 80 khiến đồng Yen tăng vọt gần 100% làm kinh tế suy sụp trong suốt 30 năm sau đó ! Bắc Kinh rút tỉa kinh nghiệm nên tăng giá đồng Nhân Dân Tệ lên chậm khoảng 20%. IMF ước tính VND thấp giá 15% [1] nếu tăng lên ở khoảng này không phải là quá đáng.
Đoàn Hưng Quốc
Nguồn : VNTB, 26/12/2020
[1] Michael Stumo, "Vietnam is copying China’s aggressive currency playbook", The Detroit News, 27/11/2020
Tổng thống Donald Trump có thể sẽ công bố các mức thuế đề xuất đối với hàng hóa Việt Nam trước khi rời nhiệm sở vào tháng Giêng, các chuyên gia tiền tệ và thương mại cho biết, sau khi Bộ Tài chính Hoa Kỳ gắn mác đối tác thương mại ngày càng lớn của Hoa Kỳ là "thao túng tiền tệ" hồi tuần trước.
Các chuyên gia nhận định, các công ty Hoa Kỳ nhập khẩu hàng hoátừ Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế quan đáng kể từ cuộc điều tra "Mục 301" của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) về thực tiễn định giá tiền tệ.
Kết quả của cuộc thăm dò, song song với cuộc xem xét của Bộ Ngân Khố được công bố vào tuần trước, có thể được công khai ngay sau ngày 7/1.
Deborah Elms, giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại Châu Á có trụ sở tại Singapore cho biết :
"Đây là lúc khôn ngoan để lên kế hoạch cho việc kết thúc quy trình Mục 301 bởi vì, đặc biệt là với sự chỉ định của Bộ Ngân khố, rất có thể Hoa Kỳ sẽ áp đặt một số hình thức trả đũa đối với Việt Nam.
Các công ty Hoa Kỳ nhập khẩu khoảng 65 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2020, so với 66,6 tỷ USD của cả năm 2019. Thuế quan có thể đánh vào doanh thu hơn 400 tỷ đô la của ngành may mặc và giày dép của Mỹ, cùng với đồ nội thất, điện tử và hàng gia dụng".
"Sẽ có những hậu quả kinh tế", Elms nói trong một sự kiện trực tuyến hôm thứ Sáu do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tổ chức tại Việt Nam.
Những kẻ thù đối đầu trong Chiến tranh Việt Nam những năm 1960 và đầu những năm 1970, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có mối quan hệ nồng ấm hơn đáng kể trong những năm gần đây. Washington đã coi Hà Nội là một đối tác kinh tế và an ninh chiến lược ở Đông Nam Á để giúp chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, kể cả dưới thời chính quyền Trump, nhưng thuế quan sẽ khiến mối quan hệ này gặp trở ngại.
Đánh thuế hàng hoánhập khẩu của Việt Nam sẽ gây ra sự phức tạp thương mại khác cho Tổng thống đắc cử Joe Biden khi ông tiếp quản, và có thể thúc đẩy thuế quan trả đũa đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam.
Trump đã đưa ra các hạn chế kinh tế mới đối với Trung Quốc trong những tuần gần đây, bao gồm việc thêm nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc SMIC và nhà sản xuất máy bay không người lái SZ DJI Technology vào danh sách đen công nghệ vào thứ Sáu.
Người phát ngôn của nhóm chuyển đổi chính quyền Biden đã không trả lời các câu hỏi về cuộc điều tra của Việt Nam hoặc phát hiện của Bộ Ngân Khố. Một phát ngôn viên của USTR cũng không trả lời.
Báo cáo tiền tệ của Bộ Ngân khố, được công bố ngày 16 tháng 12, kết luận rằng Việt Nam, cùng với Thụy Sĩ, đã vượt quá cả ba ngưỡng về thao túng tiền tệ trong năm tính đến ngày 30 tháng 6.
Cả hai nước đều có những can thiệp vào thị trường ngoại hối và thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu vượt quá 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thặng dư thương mại trên 20 tỷ đô la với Hoa Kỳ.
Việc chỉ định này tiếp thêm dầu cho cuộc điều tra Mục 301 của USTR về "các hành vi, chính sách và thực tiễn của Việt Nam có thể góp phần vào việc định giá thấp đồng tiền của mình", gây tổn hại cho thương mại Hoa Kỳ. USTR có các phiên điều trần công khai từ ngày 28 – 29/12 tại đây về cuộc điều tra và phiên điều trần thứ hai về việc các nhà sản xuất Việt Nam có sử dụng gỗ khai thác bất hợp pháp hay không.
Ba nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết USTR sẽ không cắt ngắn thời gian bình luận công khai kết thúc vào ngày 7 tháng 1, cho Trump khoảng hai tuần để thực hiện bất kỳ khuyến nghị thuế quan nào của Việt Nam trước khi ông rời nhiệm sở vào ngày 20/1. Thuế quan có thể bắt đầu được đưa ra trong những tuần đầu tiên của Biden ở Nhà Trắng.
Matthew Goodman, cựu quan chức Bộ Ngân Khố và là chuyên gia kinh tế Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết : "Chính quyền này rõ ràng không hài lòng và muốn gửi đi một tín hiệu rằng Việt Nam cần phải quay lại với các chính sách tiền tệ của mình".
Thông điệp là Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận việc Việt Nam sử dụng đồng tiền thấp giả tạo để hỗ trợ phát triển giống như Trung Quốc đã định giá thấp đồng tiền của họ trong nhiều thập kỷ, Goodman nói và nói thêm rằng ông coi thặng dư tài khoản vãng lai cao của Việt Nam là một hiện tượng tạm thời.
USTR đã sử dụng một cuộc điều tra tương tự với Mục 301 để áp thuế lên tới 25% đối với hàng hoánhập khẩu trị giá 370 tỷ USD của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại kéo dài 2,5 năm của Trump với Bắc Kinh.
Hiện vẫn chưa rõ liệu thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam có đạt đến mức đó hay gần với mức thuế từ 6,2% đến 10% mà Bộ Thương mại đã áp dụng đối với lốp xe Việt Nam vào tháng 11 theo một quy tắc tiền tệ mới hay không.
Các nhà phân tích cho rằng việc Việt Nam vi phạm ngưỡng thặng dư tài khoản vãng lai của Bộ Ngân Khố một phần là kết quả của cuộc chiến thương mại của chính quyền Trump với Trung Quốc, khiến các công ty đang tìm cách né tránh thuế quan của Trung Quốc và lượng lớn xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng mạnh.
Các giám đốc điều hành có liên quan của Hoa Kỳ đã liên hệ với Quốc hội. Một phụ tá quốc hội nói với Reuters : "Chỉ tin đồn về một khoản thuế lớn khác đối với các công ty Mỹ đã tạo ra một sự hoảng loạn đến mức các văn phòng quốc hội đã nhận được cuộc gọi hoảng loạn từ các doanh nghiệp ở quê nhà".
Trong các bình luận gửi cho cuộc điều tra tiền tệ USTR, Hiệp hội May mặc và Da giày Hoa Kỳ cho biết Việt Nam "thậm chí còn trở nên quan trọng hơn khi các công ty Hoa Kỳ thực hiện các chiến lược đa dạng hóa khỏi Trung Quốc. Việc áp đặt các mức thuế trừng phạt mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng ".
Ngọc Lan dịch
Nguồn : VNTB, 22/12/2020
David Lawder và Andrea Shalal ở Washington, và James Pearson ở Hà Nội ;
Bổ sung : Phương Nguyễn và Khánh Vũ tại Hà Nội ;
Biên tập : Heather Timmons và Robert Birsel.
***********************
Thủ tướng Việt Nam lên tiếng sau khi bị Mỹ dán mác ‘thao túng tiền tệ’
VOA, 22/12/2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh cho các bộ ngành hữu quan làm việc với các đối tác Mỹ để "xử lý những tồn tại, vướng mắc" ngay sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump định danh Việt Nam là quốc gia thao túng tiền tệ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dùng hình ảnh đôi giày để minh họa lợi nhuận của các nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Mỹ và vừa bị chính quyền Tổng thống Trump định danh là nước "thao túng tiền tệ".
Bộ Tài chính Mỹ hôm 16/12 đưa Việt Nam, cùng với Thụy Sỹ, vào danh sách các nước thao túng tiền tệ sau khi cho rằng quốc gia Đông Nam Á, hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hoa Kỳ, đã can thiệp mạnh vào thị trường tiền tệ nhằm điều chỉnh hiệu quả cán cân thanh toán.
Mỹ cho rằng Việt Nam đã đáp ứng 3 tiêu chí mà Bộ Tài chính Mỹ dùng để đánh giá việc thao túng tiền tệ của một quốc gia, bao gồm thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% GDP, thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ USD, và can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất là 2% GDP.
"Trên thực tế, thời gian quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều chỉ đạo liên quan tới quan hệ thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ", ông Phúc đượcBáo điện tử Chính phủ trích lời nói hôm 19/12. "Thực hiện các chỉ đạo này, các bộ, cơ quan Việt Nam đã chủ động hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ, đạt nhiều kết quả rất tích cực, nhát là về thương mại, đầu tư…".
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam cho biết các bộ ngành Việt Nam và các đối tác Mỹ đang "cùng xử lý những tồn tại, vướng mắc, duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi cho cả đôi bên".
Trước đó một ngày, Thủ tướng Phúc tại một cuộc họp của chính phủ một lần nữa nhấn mạnh quan điểm Việt Nam "không thao túng tiền tệ" như kết luận của Bộ Tài chính Mỹ đưa ra hôm 16/12. Ông Phúc đượcVnExpress trích lời nói rằng "chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam là để ổn định kinh tế vĩ mô, không phải hạ giá tiền tệ có lợi thế thương mại không công bằng".
Quan điểm này của Chính phủ Việt Nam cũng được cả Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước đề cập hôm 17/12. Theo giải thích củaNgân hàng Nhà nước, "thặng dư thương mại việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng". Trong khi đó,người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam "đặc biệt coi trọng quan hệ kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ" và "thực hiện nghiêm túc" các cam kết cũng như thoả thuận thương mại giữa hai nước.
Hồi tháng 10, Thủ tướng Phúc đã lên tiếng phủ nhận chính sách tỷ giá tiền tệ của Việt Nam nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố cuộc điều tra về việc Việt Nam thao túng tiền tệ. Ông Phúc, trong cuộc gặp với Tổng Giám đốc Cơ quan phát triển Tài chính Quốc tế Hoa Kỳ Adam Boehler tại Hà Nội, đã đề nghị người đứng đầu DFC "có tiếng nói với Tổng thống" Donald Trump để có "đánh giá khách quan hơn về thực tiễn tại Việt Nam".
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long hôm 17/12 nhận định với VOA rằng Việt Nam không nên cải chính mà phải chứng minh là không có những dấu hiệu thao túng tiền tệ như Bộ Tài chính Mỹ vừa định danh theo Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại Quốc tế Omnibus năm 1988.
Với việc bị Mỹ định danh là nước thao túng tiền tệ, Việt Nam được cho là có khả năng bị chính quyền Tổng thống Trump áp thuế lên hàng hoánhập vào Mỹ. Theo tuyên bố của Bộ Thương mại Việt Nam gửi choReuters, các quan chức Việt Nam và Mỹ sẽ gặp nhau vào cuối tháng này để bàn thảo các vấn đề thương mại. Bộ này nói rằng việc "hai bên duy trì các cuộc thương thảo vào lúc này là vô cùng quan trọng" và cho biết thêm rằng bất cứ hàng động nào của Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) nhằm đánh thuế lên hàng hóa của Việt Nam sẽ gây tổn hại đến các mối quan hệ song phương giữa hai nước.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 1/4 tổng số kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay, theo thống kê của Tổng cục Hải quan đượcTuổi Trẻ trích dẫn. Trong khi đó thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đạt con số kỷ lục hơn 56,6 tỷ USD tính đến hết tháng 10 năm nay, theo thống kê củaCục Thống kê Hoa Kỳ.
Việt Nam được cho là đang nỗ lực làm "hài hòa hóa " cán cân thương mại với Mỹ bằng cách nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng của Mỹ từ năm ngoái và mới đây phê duyệt một dự án điện khí hóa lỏng (LNG) của tập đoàn ExxonMobil của Mỹ ở Hải Phòng trị giá hơn 5 tỷ USD để sử dụng LNG nhập khẩu từ Mỹ. Trước đó, một công ty liên doanh của Mỹ với Việt Nam, LNG Chân Mây, cũng đang có kế hoạch đầu tư tới 6 tỷ USD vào một dự án điện ở Việt Nam để tìm cách thu lợi nhuận từ nhu cầu điện tăng cao của quốc gia Đông Nam Á cũng như giúp thu hẹp thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam.
Nguồn : VOA, 22/12/2020
**********************
BBC, 22/12/2020
Giới chức Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ gặp nhau vào cuối tháng này để thảo luận về các vấn đề thương mại, chính phủ Việt Nam cho biết vào hôm thứ Hai, sau khi Bộ Tài chính Hoa Kỳ tuần trước nói Việt Nam "thao túng tiền tệ".
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin (ngoài cùng, trái)
"Việt Nam lấy làm tiếc về quyết định của USTR (Đại diện Thương mại Hoa Kỳ) vào ngày 2 tháng 10 khởi động cuộc điều tra theo Khoản 301 về tiền tệ và gỗ của Việt Nam", Bộ Công thương Việt Nam được Reuters dẫn lời trả lời hãng tin này bằng email.
Chính quyền Trump tuần trước đã gọi Việt Nam là nước thao túng tiền tệ, một động thái mà các doanh nghiệp cho rằng sẽ mở đường cho USTR áp thuế đối với hàng hóa Việt Nam.
Bộ Công thương Việt Nam cho biết "điều rất quan trọng đối với hai bên là duy trì các cuộc đàm phán vào lúc này", đồng thời cho biết thêm rằng bất kỳ động thái nào của USTR nhằm áp thuế với hàng hóa Việt Nam "sẽ làm tổn hại quan hệ thương mại song phương".
"Về phía Việt Nam, các công ty sẽ mất lòng tin khi kinh doanh với các đối tác Hoa Kỳ, dẫn đến việc giảm nhập khẩu nguyên liệu và công nghệ của Hoa Kỳ", Bộ Công thương Việt Nam cho biết thêm, theo Reuters.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn một phần tư tổng doanh thu xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm nay.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hoa Kỳ bao gồm hàng may mặc, điện tử và các sản phẩm từ gỗ.
Các công ty Mỹ đã nhập khẩu khoảng 65 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2020, so với 66,6 tỷ USD của cả năm 2019,
USTR đã từng sử dụng một cuộc điều tra Khoản 301 tương tự để biện minh cho mức thuế lên tới 25% áp với hàng nhập khẩu trị giá 370 tỷ USD của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại kéo dài hai năm rưỡi của Tổng thống Trump với Bắc Kinh.
Hiện vẫn chưa rõ liệu thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam có đạt đến mức đó hay gần với mức thuế 6,2% đến 10% mà Bộ Thương mại đã áp dụng đối với lốp xe Việt Nam vào tháng 11 theo một quy tắc tiền tệ mới hay không.
Các nhà phân tích cho rằng việc Việt Nam vi phạm ngưỡng thặng dư tài khoản vãng lai của Bộ Tài chính Hoa Kỳ một phần là hệ quả của cuộc chiến thương mại của chính quyền Trump với Trung Quốc, khiến các công ty đổ xô đầu tư vào Việt Nam vì tìm cách tránh thuế quan của Hoa Kỳ với Trung Quốc theo đó làm tăng mạnh lượng xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ.
"Với tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ mới đây cùng việc điều tra theo Mục 301 thì rất có thể Hoa Kỳ sẽ áp đặt một kiểu trả đũa đối với Việt Nam", Deborah Elms, giám đốc điều hành của Tổ chức Thương mại Châu Á tại Singapore nói. "Sẽ có những hậu quả kinh tế".
Áp thuế hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ làm phức tạp về thương mại cho Tổng thống đắc cử Joe Biden khi ông nhậm chức, và có thể châm ngòi cho trả đũa thuế quan đối với hàng hóa của Hoa Kỳ xuất sang Việt Nam.
Nguồn : BBC, 21/12/2020
***********************
Quan chức thương mại Việt Nam và Mỹ sắp gặp nhau thảo luận về thao túng tiền tệ
RFA, 21/12/2020
Các quan chức Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ gặp nhau vào cuối tháng này để thảo luận về các vấn đề thương mại. Reuters loan tin hôm nay.
Tiền đồng Việt Nam. AFP
Cuộc gặp gỡ này được diễn ra sau khi Bộ Tài chính Hoa Kỳ hồi tuần trước dán nhãn Việt Nam là một nước thao túng tiền tệ. Trong một tuyên bố quan email, Bộ thương mại cho biết lấy làm tiếc khi Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ vào ngày 2 tháng 10 đã khởi động điều tra Việt Nam về thao túng tiền tệ, theo mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974.
Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) tháng 10 vừa qua đã thiết lập quy trình điều tra có thể dẫn đến việc Mỹ áp thuế đối với hàng tỷ USD hàng nhập khẩu từ Việt Nam, song Phòng Thương mại Mỹ và các đại diện doanh nghiệp đã cảnh báo về những hậu quả của việc áp thuế đối với quan hệ song phương. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn một phần tư tổng doanh thu xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm nay. Các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm hàng may mặc, điện tử và các sản phẩm gỗ. Hồi tháng 8 năm nay, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cũng xác định Việt Nam đã hạ giá đồng tiền vào năm 2019 và bắt đầu áp thuế lên mặt hàng vỏ lốp xe xuất khẩu của Việt Nam vào tháng 11.
Trong cuộc họp báo thường kỳ vào chiều ngày 17/12/2020, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng được truyền thông trong nước dẫn lời rằng Việt Nam đặc biệt coi trọng mối quan hệ thương mại, kinh tế với Hoa Kỳ và luôn duy trì đối thoại, tham vấn để duy trì hài hòa lợi ích giữa đôi bên. Khi có bất kỳ vấn đề gì phát sinh, Việt Nam đều tiếp xúc, trao đổi trên tình thần thẳng thắn, cởi mở để giải quyết vấn đề.
Nguồn : RFA, 21/12/2020
******************
Bị gắn mác thao túng tiền tệ, liệu Hà Nội có bị trừng phạt ?
Mai Hương, RFA, 20/12/2020
Từ tháng 5/2019, Việt Nam bị xếp vào danh sách giám sát do có 2 tiêu chí vượt ngưỡng là thặng dư thương mại song phương (xuất siêu lớn) và thặng dư cán cân vãng lai (trên 2% GDP). Từ tháng 1/2020, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách bị giám sát. Theo báo cáo mới đây nhất của Bộ Tài chính Mỹ thì Việt Nam (cùng với Thụy Sĩ) đã vượt cả 3 tiêu chí đó là :
i) Xuất siêu sang Mỹ gấp 2,85 lần ngưỡng qui định.
ii) Thặng dư cán cân vãng lai 4,6% GDP (tiêu chí là 2% GDP).
iii) Mua ròng ngoại tệ 5,1% GDP (tiêu chí là 2% GDP). Đấy chính là những lý do khiến Việt Nam bị gắn nhãn quốc gia thao túng tiền tệ. Cùng với Việt Nam và Thụy Sĩ, thì Đài Loan, Thái Lan và Malaysia cũng ở sát ngưỡng thao túng tiền tệ, vì đã vượt 2 tiêu chí xuất siêu và thặng dư cán cân vãng lai, còn mua ròng ngoại tệ đã gần đến 2% GDP.
Hình minh họa. Tiền đồng Việt Nam - AFP
Việt Nam phủ nhận
Vậy hậu quả việc bị liệt vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ là gì ? Trước tiên là sẽ bị loại trừ khỏi các hợp đồng của chính phủ Hoa Kỳ, tiếp theo có thể bị Bộ Thương mại sử dụng các phát hiện định giá thấp tiền tệ để bắt đầu áp thuế chống trợ cấp đối với các ngành được hưởng lợi từ việc định giá thấp (sẽ được dỡ bỏ khi được cho ra khỏi danh sách thao túng). Thực ra nếu trong năm 2020 Việt Nam không mua dự trữ ngoại tệ nhiều thì chắc chắn vẫn chỉ ở nhóm 10 nước bị giám sát thôi. Vậy sự hóa giải tới đây khá đơn giản. Nếu trong vòng 1 năm nữa Hà Nội mua ròng ngoại tệ dưới 2% GDP thì lại có thể được rút khỏi danh sách quốc gia thao túng tiền tệ. Với lý giải như vậy thì việc suy đoán là ông Trump đánh Việt Nam để "giã biệt", rồi các nhà máy sẽ rời Việt Nam sang các nước khác để tránh bị đánh thuế cao có lẽ là chưa đúng về bản chất.
Liên quan đến việc Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc Việt Nam có hành vi thao túng tiền tệ trong báo cáo định kỳ 6 tháng về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ", báo cáo cập nhật vĩ mô Công ty Chứng khoản Bản Việt (VCSC) của bà Nguyễn Thị Thanh Phượng cũng có những phân tích đáng chú ý. Theo Bản Việt, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường củng cố dự trữ ngoại hối trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào là "hợp lý". Nói "hợp lý" là vì, vẫn theo các chuyên gia của VCSC, tỷ lệ dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức thấp so với thế giới và chỉ rơi vào xung quanh ngưỡng khuyến cáo tối thiểu của IMF.
Cụ thể, tham chiếu dữ liệu của Ngân hàng Thế giới - World Bank, Công ty chứng khoán Bản Việt cho rằng tỷ lệ dự trữ ngoại hối so với nợ nước ngoài của Việt Nam năm 2018 mới chỉ ở mức 51,3%. Mức này hiện thấp hơn tỷ lệ 57,8% của các nước thu nhập trung bình thấp và 88,5% của các nước thu nhập trung bình cao trên thế giới. Vào cuối năm 2019, dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng chỉ vào mức 3,43 tháng nhập khẩu và tăng lên 4,4 tháng hiện tại (vượt ngưỡng khuyến cáo tối thiểu ba tháng nhập khẩu của Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF).
Tuy vậy, theo Chứng khoán Bản Việt, tỷ lệ này vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình 11,5 tháng nhập khẩu của thế giới và 7,7 tháng của các nước thu nhập trung bình thấp. VCSC nhận định : "Chỉ số dự trữ so với khoảng khuyến cáo phù hợp với chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng mới chỉ đang tiến dần đến ngưỡng khuyến cáo tối thiểu của IMF".
Hình minh họa. Nhân viên ngân hàng ở Hà Nội đang đếm đồng đô la Mỹ. AFP
Trong báo cáo cập nhật vĩ mô, chuyên gia của VCSC dự báo, cả Việt Nam lẫn Mỹ sẽ tiến hành đàm phán, trao đổi, thương lượng để tìm giải pháp chung tốt nhất cho vấn đề này. Trong trường hợp không tìm được cách giải quyết có lợi, phù hợp cho cả hai bên, Mỹ mới tính đến áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Việt Nam. Như thông tin trước đó, Phòng Thương mại Mỹ (US Chamber of Commerce) ngày 16/12 cho hay, Cơ quan đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đang xem xét việc thông báo đánh thuế lên hàng hoánhập khẩu từ Việt Nam trước phiên điều trần theo Điều 301 (Luật Thương mại Mỹ 1974) về định giá tiền tệ (dự kiến sẽ diễn ra ngày 29/12 tới đây và hạn chót để phản hồi là 7/1/2021).
Về phía Việt Nam, Chứng khoán Bản Việt cho rằng, giới chức trách, cơ quan hữu quan của Việt Nam đã "tiếp cận với vấn đề một cách tích cực" và hiện vẫn đang phối hợp trao đổi với Mỹ. Nhận định về khả năng Việt Nam có bị chính quyền Hoa Kỳ áp lệnh trừng phạt hay không, theo nhóm chuyên gia của VCSC, có thể phiên điều trần tới đây vẫn được tiếp tục và khả năng cao là USTR sẽ chỉ đưa ra quyết định sau khi quá trình điều trần kết thúc. Sàn chứng khoán Việt Nam cũng hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực khi hàng loạt mã cổ phiếu giảm giá sau khi thông tin Hoa Kỳ gắn mác thao túng tiền tệ cho Việt Nam.
Mỹ có xem lại cho phù hợp ?
Việc bị xếp vào danh sách này sẽ khiến Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro về kinh tế. Do đó, cần chú trọng hơn nữa việc kiên trì, ổn định trong điều hành chính sách tiền tệ. Chia sẻ xoay quanh vấn đề Mỹ nghi Việt Nam thao túng tiền tệ, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh (Trưởng bộ môn Quản trị tài chính quốc tế, Học viện Tài chính) cho rằng việc Chính phủ Mỹ công bố danh sách thao túng tiền tệ mỗi năm là bình thường. Hoa kỳ có những tiêu chí cụ thể để đánh giá vấn đề thao túng tiền tệ. Mỹ xác định là những quốc gia có thặng dư thương mại với Washington từ 20 triệu USD trở lên là những nước cần phải xem xét. Tiếp đó, một nước nếu trong vòng khoảng 6 tháng thường xuyên mua vào các đồng ngoại tệ có thể coi là điều chỉnh tỷ giá hối đoái một cách khiên cưỡng ý muốn chủ quan của ngân hàng quốc gia nước đó. Cuối cùng là thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP. Đây cũng là tiêu chí để xem xét thao túng tiền tệ.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh trao đổi với VOV rằng, Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ trước hết là căn cứ trên các tiêu chuẩn của Mỹ. Tuy nhiên, việc này phía Mỹ nên xem xét thêm các tiêu chí khác cho phù hợp với tình hình chung. Việt Nam vốn không có ý định phá giá đồng tiền để đẩy mạnh cạnh tranh. Mục tiêu của Việt Nam chỉ nhằm ổn định đồng tiền để không bị mất giá thái quá. Do đó, việc mua vào ngoại tệ này chủ yếu có 2 lý do : Thứ nhất là để giữ ổn định giá trị Việt Nam đồng, nghĩa là Việt Nam không phá giá đồng tiền để cạnh tranh thương mại một cách bất bình đẳng. Thứ hai, việc mua ngoại tệ vào liên tục là do hiện nay dự trữ ngoại tệ của Việt Nam còn rất mỏng so với mức dự trữ mà IMF khuyến cáo, thậm chí mỏng so với mức dự trữ ngoại tệ của các quốc gia xung quanh của Việt Nam. Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh : "Do đó, Việt Nam mới mua ngoại tệ để tăng cường dự trữ hối đoái đề phòng những biến động bất thường trên thị trường tài chính. Có thể thấy, Chính phủ Mỹ chưa xem xét cẩn trọng vấn đề này".
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, khi bị liệt vào danh sách thao túng tiền tệ, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, bao gồm sự phân biệt đối xử trong việc áp thuế, cũng như định giá hàng hóa Việt Nam khi vào thị trường Mỹ.
Đặc biệt, thị trường tài chính, tiền tệ sẽ gặp nhiều vấn đề nảy sinh, từ việc có thể đánh giá đồng Việt Nam đang rẻ hơn giá trị thực tế của nó, khiến cho việc tiếp cận với thị trường tài chính thế giới trở nên khó khăn, chi phí đắt đỏ, cũng như liên quan đến lãi vay, nợ vay gây nhiều trở ngại cho việc tiếp cận thị trường quốc tế. Ông Thịnh lưu ý : "Trong khi đó, Việt Nam lại đang rất cần vốn đầu tư nước ngoài, cũng như cần dòng vốn quốc tế. Có thể nói, việc bị xếp vào danh sách này là rất nguy hiểm đối với nền kinh tế Việt Nam".
Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo, Việt Nam cần kiên trì ổn định chính sách điều hành, đồng thời nên có giải thích rõ hơn đối với các bộ, ban, ngành. Đặc biệt, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần làm việc, trao đổi trực tiếp và đầy đủ các vấn đề liên quan với Bộ Tài chính Mỹ. Từ đó, phía Mỹ sẽ có đánh giá toàn diện, đầy đủ những điều kiện khiến Việt Nam phải thực thi các chính sách của mình. "Hiển nhiên, Chính phủ Việt Nam không muốn phá giá đồng tiền để tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng, từ đó làm lệch cán cân thương mại về phía Việt Nam. Do đó, cần giải thích rõ ràng, cụ thể để nhà chức trách Mỹ hiểu và xem xét, điều chỉnh phù hợp với Việt Nam", Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính nhận xét.
Cần tính tới yếu tố chính trị
Phó Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) Vũ Tú Thành trao đổi với Forbes nhận định, việc gắn mác Việt Nam thao túng tiền tệ mang yếu tố chính trị nhiều hơn là xét trên các yếu tố kỹ thuật. Theo ông Thành, "nếu xét riêng các yếu tố kỹ thuật, tôi nghĩ rằng các đại diện từ phía Mỹ hoàn toàn hiểu rằng Việt Nam không hề và cũng khó có thể phá giá tiền đồng để tăng lợi thế thương mại". Tuy nhiên, theo con số thống kê, thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hiện tại ở con số xấp xỉ 70 tỷ USD tính tới tháng 11 năm nay, cùng với hai cuộc điều tra gần đây theo điều khoản 301 về gian lận thương mại đối với hai ngành hàng đồ gỗ và dệt may là điều thực sự đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Nếu quyết định của Bộ Tài chính trong những tuần tới đây không có khả năng dẫn đến bất kỳ kết quả rõ ràng nào về các biện pháp trừng phạt, thì tầm quan trọng của nó nằm ở tính biểu tượng của thông báo. Về vấn đề này, Bộ Tài chính vừa đưa ra một chìa khóa quan trọng trong các hoạt động của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, coi Việt Nam là đối tác ngày càng quan trọng khi Hà Nội tiếp tục là đối thủ lớn nhất của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông.
Mỹ chính thức áp thuế 456% lên một số sản phẩm thép nhập từ Việt Nam. Ngoài ra, trong báo cáo về phòng vệ thương mại của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), nhóm nghiên cứu kinh tế từ HSBC cũng cho rằng phần thặng dư thương mại gia tăng đến từ nhóm các mặt hàng điện tử được sản xuất ở Việt Nam ngày càng tăng, kết quả của dòng vốn FDI được duy trì trong nhiều năm qua. Khuyến cáo với các doanh nghiệp trong nước, chuyên gia Vũ Tú Thành lưu ý : "Các doanh nghiệp Việt Nam đang có hoạt động giao thương với Hoa Kỳ sẽ phải tiếp tục theo dõi sát sao những động thái từ phía các cơ quan như Bộ Tài chính và USTR. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đối tác là doanh nghiệp tại Hoa Kỳ để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra từ các biện pháp áp thuế trừng phạt".
Mai Hương
Nguồn : RFA, 20/12/2020
***********************
Liệu Việt Nam có thoát mác "thao túng tiền tệ" của Mỹ trong năm tới ?
Trần Văn Thông, RFA, 20/12/2020
Mới đây, nhiều hãng tin khu vực và quốc tế đồng loạt đưa tin về việc Mỹ xác định Việt Nam "thao túng tiền tệ", đồng thời bình luận về những hậu quả và tác động đối với thị trường và thương mại song phương, cũng như dự đoán về những bước đi tiếp theo của Washington.
Hình minh họa. Tiền đồng của Việt Nam - Reuters
Hậu quả sẽ là gì ?
Động thái này của Mỹ sẽ không dẫn đến "hậu quả" cụ thể ngay lập tức, song có thể sẽ làm leo thang căng thẳng và tác động tới thị trường trong ngắn hạn.
Theo luật, chính quyền Mỹ sẽ phải đàm phán với các đối tác thương mại để giải quyết vấn đề mất cân bằng tỷ giá hối đoái. Sau 1 năm, Washington có thể sẽ áp dụng các hình phạt thương mại nếu quyết định gắn mác thao túng tiền tệ không được gỡ bỏ. Vì thế, các quốc gia bị xác định là "nước thao túng tiền tệ" sẽ phải bắt đầu các cuộc đàm phán với Mỹ và có thể có sự tham gia của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Nếu những lo ngại của Bộ Tài chính Mỹ không được giải quyết, Mỹ có thể áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt, bao gồm cả trừng phạt thuế quan. Một số ý kiến trong giới kinh doanh lo ngại Tổng thống Donald Trump sẽ nhanh chóng cho tiến hành biện pháp đánh thuế.
Liệu Việt Nam có thực sự "thao túng tiền tệ" ?
Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) tháng 10 vừa qua đã thiết lập quy trình điều tra có thể dẫn đến việc Mỹ áp thuế đối với hàng tỷ USD hàng nhập khẩu từ Việt Nam, song Phòng Thương mại Mỹ và các đại diện doanh nghiệp đã cảnh báo về những hậu quả của việc áp thuế đối với quan hệ song phương.
Trong một động thái cần thiết, Bộ Tài chính Mỹ đã thiết lập các "tiêu chí khách quan" rõ ràng để đánh giá liệu một đối tác thương mại có thao túng tiền tệ hay không. Điều này đặc biệt quan trọng vì luật pháp Mỹ trao quyền ưu tiên cho Bộ Tài chính trong những vấn đề này. Việc áp dụng các tiêu chí này đối với trường hợp của Việt Nam đặc biệt hữu ích. Trên thực tế, Việt Nam đã không vi phạm 2 trong 3 tiêu chí mà Bộ Tài chính Mỹ đề ra.
Tiêu chí 1 : Việt Nam có thặng dư tài khoản vãng lai ít nhất 2% GDP ?
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam đã chuyển từ thặng dư 6,26 tỷ USD trong quý 3/2019 sang thâm hụt 323 triệu USD trong quý 2/2020 (theo số liệu cập nhật mới nhất). Nếu Việt Nam thực sự có hành vi định giá thấp đồng nội tệ, điều đó sẽ theo hướng ngược lại.
Sự thay đổi tài khoản vãng lai của Việt Nam theo hướng thâm hụt không có gì ngạc nhiên. Kinh tế phát triển nhanh và Việt Nam tiếp nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khổng lồ, một phần do Mỹ áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và nỗ lực chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Dòng vốn FDI - được coi là thặng dư tài khoản vốn trong cán cân thanh toán quốc gia - là hình ảnh phản chiếu thâm hụt tài khoản vãng lai của quốc gia.
Tóm lại, Việt Nam không vi phạm tiêu chí về tài khoản vãng lai vì tài khoản vãng lai của Việt Nam bị thâm hụt chứ không phải thặng dư.
Tiêu chí 2 : Mua ròng ngoại tệ với tổng giá trị ít nhất bằng 2% GDP trong 12 tháng.
Đối với tiêu chí trên, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt 84,1 tỷ USD vào tháng 7/2019 (số liệu mới nhất), tăng 3 tỷ USD từ mức 81,1 tỷ USD của tháng 1/2019. Mức này thấp hơn 0,9% GDP của Việt Nam, mà IMF ước tính sẽ đạt khoảng 340 tỷ USD trong năm 2020.
Hình minh họa. Nhân viên ngân hàng ở Hà Nội đang đếm các đồng đô la Mỹ
Mặc dù những dữ liệu này không phải của cả năm 2020, song báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ hồi tháng 1 cho biết : "Các cơ quan chức năng Việt Nam đã truyền đạt một cách đáng tin cậy tới Bộ Tài chính Mỹ rằng mua ròng ngoại hối là 0,8% GDP trong 4 quý, tính đến tháng 6/2019". Việc Bộ Tài chính Mỹ thêm dữ liệu của IMF vào báo cáo hồi tháng 1 cho thấy Việt Nam không vượt ngưỡng mà Bộ này đặt ra liên quan đến mua ròng ngoại tệ.
Tóm lại, quỹ đạo mua ròng ngoại tệ của Việt Nam trong nửa đầu năm 2020 không vi phạm tiêu chí của Bộ Tài chính Mỹ về các hành vi tiền tệ không công bằng dẫn đến đồng tiền bị định giá thấp.
Tiêu chí 3 : Có thặng dư thương mại song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD trong 12 tháng.
Thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Việt Nam là 54,5 tỷ USD vào năm 2019 và tiếp tục tăng lên vào năm 2020. Dù các nhà kinh tế đều cho rằng cán cân thương mại là thước đo không chính xác để đánh giá lợi ích thương mại trong một mối quan hệ, song rõ ràng Việt Nam vi phạm tiêu chí này của Bộ Tài chính Mỹ.
Dẫu vậy, sự gia tăng thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam ở mức độ lớn là kết quả trực tiếp của việc Mỹ áp thuế đối với hơn 350 tỷ USD hàng hoánhập khẩu từ Trung Quốc. Thật vậy, nhiều công ty đã chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, để né tránh các mức thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Việt Nam cuối tháng 11 vừa qua, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien khuyến nghị Việt Nam "mua thêm hàng hóa của Mỹ như khí đốt tự nhiên hóa lỏng và thiết bị quân sự để tránh phải chịu thuế trừng phạt của Mỹ".
Trung Quốc thoát mác "thao túng tiền tệ"
Trung Quốc, cũng bị Bộ trưởng Tài chính Mnuchin "gắn mác" thao túng tiền tệ vào tháng 8/2019 (khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung lên đến đỉnh điểm), giống như giai đoạn 1992-1994, nhưng đã được 'trắng án' vào tháng 1/2020 (hai ngày trước khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ký kết một thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1").
Trung Quốc là "cái gai" trong mắt Trump và là đối tượng bị Bộ Tài chính Mỹ nhắm đến lâu nay vì cách nước này quản lý đồng Nhân dân tệ. Trung Quốc nhiều lần thoát khỏi nhãn thao túng tiền tệ là nhờ sức mạnh kinh tế và chiến lược. Lý do là liên tiếp các chính quyền Mỹ muốn can dự với Trung Quốc và thúc đẩy nước này đi theo con đường cải cách thay vì đối đầu.
Lần này, Trung Quốc vẫn không bị gắn mác thao túng tiền tệ, dù vẫn có tên trong số 10 đối tác thương mại của Mỹ bị đưa vào danh sách giám sát về tiền tệ. Dù Trung Quốc chỉ đáp ứng 1 trong 3 tiêu chí chính để bị xác định là nước thao túng tiền tệ, song Mỹ vẫn khuyến cáo : "Bộ Tài Chính Mỹ kêu gọi Trung Quốc cải thiện tính minh bạch đối với việc quản lý tỷ giá hối đoái của họ, đặc biệt liên quan đến việc can thiệp ngoại hối chính thức…"
Việc Mỹ "ân xá" cho Trung Quốc có thể có tác dụng khuyến khích các nhà đầu tư quốc tế đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu Trung Quốc, vốn mang lại lợi suất cao hơn hầu hết các thị trường tương đương. Ngoài ra, việc Trung Quốc "thoát" mác thao túng tiền tệ lần này có thể giúp các nhà đầu tư Mỹ tự tin hơn trong việc mua các tài sản có lợi suất cao của Trung Quốc.
Liệu tình thế có tuyệt vọng đối với Việt Nam ?
Về mặt nào đó, Việt Nam có lẽ đã quá thành công trong việc mở cửa nền kinh tế. Các nhà lãnh đạo Việt Nam chủ yếu học tập mô hình của Trung Quốc, mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất, tạo ra những thứ rẻ tiền cho thị trường Mỹ và cải thiện đời sống cho người dân. Trong quá trình này, thặng dư thương mại với Mỹ đã tăng lên đáng kể.
Hình minh họa. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross phát biểu tại một sự kiện do Phòng Thương mại Mỹ tổ chức ở Hà Nội hôm 8/11/2019. AFP
Dù có quan hệ thân tình với Washington, Việt Nam giống Trung Quốc ở nhiều mặt. Tuy vậy, Việt Nam nhỏ hơn Trung Quốc nhiều. Việt Nam cũng là nước quan trọng mà Mỹ cần giữ quan hệ thân thiết trong khi tìm cách kiềm chế một Trung Quốc ngày càng quyết đoán ở Biển Đông. Nếu Việt Nam cảm thấy quá tệ thì cần xem Bộ Tài chính Mỹ đang theo dõi những nước nào thao túng : ngoài Trung Quốc còn có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italy, Singapore, Malaysia. Mới nhất, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ đã được thêm vào danh sách theo dõi. Do vậy, đây không phải là ngày tận thế đối với Việt Nam.
Chính quyền Biden có thể làm gì ?
Cho đến nay, chính quyền Biden chưa thể hiện rõ liệu có tiếp tục chiến dịch gây sức ép của chính quyền Trump đối với Việt Nam hay không. Tuy nhiên, nhiều liên đoàn lao động và đảng viên Dân chủ tiến bộ ủng hộ việc áp dụng các biện pháp thương mại cứng rắn hơn đối với các quốc gia cố tình giảm giá đồng tiền của mình để tạo lợi thế thương mại.
Việc giữ nguyên hay bãi bỏ quyết định gắn mác thao túng tiền tệ sẽ tùy thuộc vào quyết định tiếp theo của Bộ trưởng Tài chính.
Tuy nhiên, việc Washington nhanh chóng gỡ bỏ mác thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc chỉ vài tháng sau khi xác định Bắc Kinh là "kẻ thao túng tiền tệ" vào tháng 8/2019 – ngay trước khi ký thỏa thuận thương mại song phương vào tháng 1/2020 – cho thấy động thái gắn mác của chính quyền Trump có yếu tố chính trị chi phối. Như vậy, hoàn toàn có khả năng chính quyền Mỹ có thể ra một báo cáo khác cho trường hợp của Việt Nam vào năm tới. Bilal Hafeez, Giám đốc điều hành của Macro Hive và là cựu giám đốc chiến lược tại Nomura Holdings Inc., cho biết : "Tôi không nghĩ Janet Yellen (người được Tổng thống đắc cử Joe Biden để cử làm Bộ trưởng Tài chính) sẽ quá lớn tiếng về khía cạnh chính sách tiền tệ".
Theo hãng Nikkei của Nhật Bản, kết luận trong báo cáo nửa năm của Bộ Tài chính Mỹ đã được nhiều nhà phân tích ngoại hối dự đoán từ trước, song vấn đề này chưa được đưa ra thảo luận với chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ứng cử viên Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen có thể sẽ chỉnh sửa những phát hiện trên trong báo cáo tiền tệ đầu tiên của bà, dự kiến sẽ được công bố vào tháng 4/2021. Một quan chức Mỹ khẳng định : "Chính quyền Biden không liên quan đến việc này. Đây là quyết định của chính quyền Trump".
Win Thin, người đứng đầu bộ phận chiến lược tiền tệ tại ngân hàng lâu đời BBH ở New York cho rằng báo cáo này đã "hoàn toàn bị chính trị hóa" dưới thời Trump. Ông nhấn mạnh : "Mọi động thái của Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm đều có thể dễ dàng bị đảo ngược khi Bộ trưởng Tài chính mới nhậm chức".
Nhiều ý kiến giới phân tích cho rằng việc Bộ Tài chính Mỹ "gắn mác" một số nền kinh tế là thao túng tiền tệ nằm trong ý định của Tổng thống Donald Trump trước khi rời nhiệm sở trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm gia tăng thâm hụt của Mỹ với các đối tác thương mại. Dù Tổng thống đắc cử Joe Biden được cho là sẽ bớt "nghiêm khắc" trong các vấn đề thương mại, song chính quyền mới của Nhà Trắng có thể sẽ rơi vào thế khó chính trị nếu ngay lập tức dừng các cuộc điều tra về thao túng tiền tệ - di sản của chính quyền hiện tại.
Trần Văn Thông
Nguồn : RFA, 20/12/2020
Diễm Thi, VNTB, 18/12/2020
Việt Nam bị Bộ Tài chính Mỹ xác định là thao túng tiền tệ - Ảnh minh họa
Chiều 17/12/2020, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thu Hằng tuyên bố Việt Nam luôn ủng hộ và đảm bảo thực thi quyền tự do báo chí khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Tổ chức quốc tế Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cho rằng Việt Nam quá khắt khe với tự do báo chí.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết : "Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật, không khách quan, với định kiến xấu mà Tổ chức Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) đưa ra về tình hình Việt Nam".
Tổ Chức Phóng Viên Không Biên giới (RSF) cũng đã phát hành báo cáo năm 2020 chỉ ra rằng Việt Nam đứng hạng thứ 5 toàn thế giới trong việc bắt giam các nhà báo. RSF cho biết Việt Nam hiện đang giam giữ 7 nhà báo chuyên nghiệp và 21 bloggers.
Theo người phát ngôn Bộ ngoại giao tính đến hết năm 2019, Việt Nam có 868 cơ quan báo chí, 125 kênh truyền hình ; mạng di động phủ sóng 99,7% dân số, trong đó mạng 3G và 4G phục vụ 98% dân số ; hơn 64 triệu người dân Việt Nam đang sử dụng Internet và hơn 62 triệu người dân sử dụng mạng xã hội.
Do đó việc bắt bớ và giam giữ các nhà báo hay bloggers là do có những "hành vi vi phạm pháp luật" nên "đều phải bị xét xử theo đúng trình tự tố tụng đã được quy định trong pháp luật hiện hành".
Những điều khoản được áp dụng để xử tội các nhà báo, bloggers là điều 117, 331 với những tội danh mơ hồ như "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"hay "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" thường được đưa ra sử dụng để truy tố và kết án các nhà báo và bloggers.
Cũng trong cùng ngày 17/12/2020 Công an Thành phố Cần Thơ đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với ông Trương Châu Hữu Danh để điều tra về tội, quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đây là minh chứng cho sự tôn trọng tự do ngôn luận, tự do báo chí của Việt Nam ? !
Ngoại trưởng Mỹ Pompoe cho biết hôm 16/12 trên Twitter rằng Hoa Kỳ đã tiến hành trừng phạt 5 thực thể vì cáo buộc tham gia vận chuyển dầu mỏ và các sản phẩm hóa dầu của Iran và rằng Hoa kỳ sẽ không ngừng truy đuổi những kẻ cố trốn tranh các lệnh trừng phạt.
Cùng ngày, Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ cũng đã ra thông báo chính thức về việc trừng phạt Công ty cổ phần Vận tải khí và hóa chất Việt Nam (PCT) cùng giám đốc là ông Võ Ngọc Phụng, với cáo buộc PCT đã "cố ý tham gia các giao dịch vận chuyển sản phẩm dầu mỏ từ Iran trong hoặc sau ngày 5/11/2018". Cá nhân giám đốc điều hành và Công ty PCT bị trừng phạt theo sắc lệnh hành pháp số 13846 (IRAN-EO13846) được Tổng thống Donald Trump ký ngày 6-8-2018.
Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ cho biết ông Võ Ngọc Phụng sinh ngày 10/12/1981 có quốc tịch Việt Nam bị trừng phạt theo Điều Lệnh 13846 với các khoản 5 (a) (ii), (iii), (iv) và (vi) về ngoại hối, giao dịch ngân hàng, chặn sở hữu và lợi tức tải sản, và các hoạt động nhập khẩu vào Hoa Kỳ.
Công ty PCT có trụ sở tại quận 11 Thành phố Hồ Chí Minh bị trừng phạt theo các khoản 5 (a) (i) – (a) (vi) về vay từ các tổ chức Tài Chính Hoa Kỳ, ngoại hối, giao dịch ngân hàng, chặn sở hữu và lợi tức tải sản, quyền đầu tư vào vốn có hoặc nợ vủa thực thể bị phạt, các hoạt động nhập khẩu vào Hoa Kỳ,
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng trong ngày 17/12/2020 đã phản đối lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và khẳng định Việt Nam làm ăn minh bạch với Iran.
Bà Hằng tuyên bố : "Là thành viên có trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc và của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết và xử lý nghiêm, một cách thỏa đáng các trường hợp vi phạm. Quan hệ giữa Việt Nam và Iran luôn công khai, minh bạch và hợp pháp.
Giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Iran là hàng hóa dân sinh phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và không trái với các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc".
Trước đó một công ty Cường Thịnh có trụ sở tại Hải Phòng và tài sản thuộc công ty là tàu chở hàng Star 18 cũng đã bị trừng phạt vì tham gia chuyên chở than đá cho Bắc Triều Tiên đến Việt Nam.
Ngày 16/12/2020 Việt Nam và Thụy Sĩ chính thức bị Hoa Kỳ gắn mác thao túng tiền tệ. Theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988, Việt Nam (cùng với Thụy Sỹ) đáp ứng 3 tiêu chí và bị Bộ Tài chính Mỹ xác định là thao túng tiền tệ trong Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD ; Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP ; và Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.
Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam cho biết việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung – nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.
Việc NHNN mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Thặng dư thương mại của Việt Nam gia tăng liên tục từ năm 2010 cho đến nay.
Trong nửa đầu năm 2020, thặng dư tài khoản vãng lai trong 4 quý đến hết tháng 6/2020 tăng lên 4,6% GDP. Trong cùng thời kỳ, hàng hóa của Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ đến 58 tỷ đôla, lớn thứ tư trong số các đối tác thương mại. Kho bạc Nhà nước Việt Nam mua ròng ngoại hối trong bốn quý cho đến tháng 6/2020 đến 16,8 tỷ đôla, tương đương 5,1% GDP.
Phát biểu về vấn đề này bà Lê Thị Thu Hằng cho biết Chính phủ Việt Nam rất coi trọng quan hệ kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ, và "thực hiện nghiêm túc các cam kết cấp cao, thỏa thuận thương mại giữa hai nước, cũng như các cam kết thương mại đa phương".
Thiết nghĩ việc thừa nhận những thiếu sót, sai phạm không có gì là điều xấu, ngược lại đó là động lực để có thể khắc phục nhược điểm để phát triển, hội nhập vào thế giới. Nhưng cứ chối cãi, bao biện cho hành động của mình thì sẽ đến lúc bị gạt ra khỏi cuộc chơi chung.
Diễm Thi
Nguồn : VNTB, 18/12/2020
*******************
An Hải, VOA, 17/12/2020
Hôm 17/12, Việt Nam lên tiếng nói rằng chính sách điều hành tỷ giá thời gian qua "không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng", biện hộ cho các chính sách kinh tế vĩ mô của Hà Nội mà Washington gọi là "thao túng tiền tệ".
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở Hà Nội.
Phản ứng của Việt Nam
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 17/12 khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và thực hiện "nghiêm túc" các cam kết song phương với Mỹ lẫn các cam kết đa phương mà Việt Nam tham gia.
Trang Thanh Niên dẫn lời bà Hằng nói : "Đối với Mỹ, Việt Nam đặc biệt coi trọng mối quan hệ thương mại, kinh tế với nước này và luôn duy trì đối thoại, tham vấn để duy trì, hài hoà lợi ích hai bên. Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy quan hệ trên nguyên tắc cân bằng hài hoà lợi ích".
Cũng hôm 17/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định "việc điều hành tỷ giá những năm qua chỉ để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng", theo trang VnExpress.
Cùng ngày, ngân hàng trung ương của Việt Nam khẳng định thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.
Trước đó, hôm 16/12, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành Báo cáo về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ". Chiếu theo Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại Quốc tế Omnibus năm 1988, Việt Nam đáp ứng 3 tiêu chí nên bị Bộ Tài chính Mỹ xác định là thao túng tiền tệ. Ngoài Việt Nam, còn có Thụy Sỹ cũng bị xác định thao túng tiền tệ.
Chuyên gia kink tế Việt Nam, tiến sĩ Ngô Trí Long ở Hà Nội nêu nhận định với VOA rằng Việt Nam không nên cải chính mà phải chứng minh điều ngược lại.
"Họ nói thao túng tiền tệ thì những dấu hiệu của nó là gì ? Những dấu hiệu đó Việt Nam có hay không ? Chứ không phải họ nói như vậy mà mình cải chính. Việt Nam phải chứng minh là không có những dấu hiệu đó".
Kết quả điều tra của Bộ Tài chính Mỹ
Mỹ sử dụng ba tiêu chí để đánh giá việc thao túng tiền tệ của một quốc gia : thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% GDP, thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ đôla, và can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất 2% GDP.
Báo cáo dài 69 trang vào tháng 12/2020 của Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết Việt Nam đã đáp ứng đủ cả ba tiêu chí này.
"Việt Nam đáp ứng tất cả ba tiêu chí theo Đạo luật năm 2015 trong bốn quý tính cho đến tháng 6/2020", báo cáo viết, dẫn chiếu Đạo luật Xúc tiến và Tăng cường Thương mại năm 2015.
Vẫn theo báo cáo, "Việt Nam đã quản lý chặt chẽ giá trị tiền đồng so với giá trị tiền đôla ở mức định giá thấp từ năm 2016. Việt Nam đã áp dụng nhất quán chính sách này trong cả hai giai đoạn áp lực tăng giá và giảm giá".
Báo cáo cho biết thêm : "Trong Báo cáo 5/2019, Việt Nam đã đáp ứng hai trong ba tiêu chí, đó là thặng dư tài khoản vãng lai và thặng dư thương mại song phương đáng kể với Hoa Kỳ ; và đến tháng 1/2020, lại đáp ứng thêm một trong ba tiêu chí nữa".
Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết thêm rằng thặng dư thương mại của Việt Nam tiếp tục tăng so với năm trước trong nửa đầu năm 2020, giúp đẩy thặng dư tài khoản vãng lai trong 4 quý đến hết tháng 6/2020 lên 4,6% GDP. Trong cùng thời kỳ, hàng hóa của Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ đến 58 tỷ đôla, lớn thứ tư trong số các đối tác thương mại. Kho bạc Nhà nước Việt Nam mua ròng ngoại hối trong bốn quý cho đến tháng 6/2020 đến 16,8 tỷ đôla, tương đương 5,1% GDP.
Lời khuyên cho Việt Nam
Trong báo cáo, Bộ Tài chính Mỹ khuyên rằng Việt Nam cần khẩn trương tăng cường khuôn khổ chính sách tiền tệ của mình để tạo điều kiện cho việc chuyển động lớn hơn trong tỷ giá hối đoái để phản ánh các nguyên tắc cơ bản về kinh tế, đồng thời giảm can thiệp và cho phép tăng giá hiệu quả thực sự của tỷ giá hối đoái. Việt Nam cũng nên tăng tính minh bạch về quản lý ngoại hối, can thiệp, cũng như dự trữ ngoại tệ.
Khuyến nghị của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Trích báo cáo 12/2020 của Bộ Tài chính Hoa Kỳ.
"Việt Nam cũng cần nỗ lực để giảm đáng kể sự mất cân đối bên ngoài và củng cố nhu cầu trong nước bằng cách san bằng sân chơi cho khu vực tư nhân trong nước thông qua các biện pháp như cải thiện khả năng tiếp cận đất đai và tín dụng, giảm vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, và cải thiện giám sát tài chính để giúp tạo điều kiện cho vay có hiệu quả hơn và thúc đẩy đầu tư tư nhân trong nước", Bộ Tài chính Hoa Kỳ khuyến nghị.
Hoa Kỳ cũng đề nghị rằng Việt Nam cần dỡ bỏ các rào cản đối với các công ty Hoa Kỳ và hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam để giảm mất cân bằng thương mại song phương.
An Hải
Nguồn : VOA, 17/12/2020
************************
Mỹ chế tài Công ty Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam và giám đốc điều hành
VOA, 17/12/2020
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 16/12 loan báo áp đặt chế tài lên Công ty Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam, theo sắc lệnh hành pháp 13846 vì cố ý tham gia, trong hoặc sau ngày 5/11/2018, trong một vụ giao dịch quan trọng để vận chuyển sản phẩm dầu từ Iran.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Thông cáo cùng ngày của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết thêm Bộ cũng áp đặt chế tài theo sắc lệnh hành pháp 13846 lên Giám đốc công ty là Võ Ngọc Phụng trong tư cách giới chức điều hành chính của công ty.
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng áp đặt chế tài lên các công ty có trụ sở tại Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, tố cáo các công ty này hỗ trợ việc bán sản phẩm hóa dầu của Iran trong lúc Washington gia tăng áp lực lên Tehran.
Hành động này diễn ra trong lúc chính quyền Trump trong vài tuần qua hầu như mỗi ngày đều ban hành chế tài phần lớn nhắm vào Iran.
"Các lãnh vực hóa dầu và dầu của Iran là nguồn tài trợ chính của chế độ Iran, được dùng để hỗ trợ nghị trình đối nội và đối ngoại xấu xa của Iran", Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Steven Mnuchin nói.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay các chế tài mới ban hành sẽ làm giảm khả năng chế độ Iran vi phạm nhân quyền đối với người dân Iran.
"Chúng tôi lặp lại chỉ có thay đổi cơ bản về thái độ hành xử của chế độ Iran mới có thể dẫn tới con đường dỡ bỏ chế tài", thông cáo kết luận.
(Nguồn Reuters/Bộ Ngoại giao Mỹ)
*******************
Việt Nam lên tiếng khi Hoa Kỳ cáo buộc Công ty Việt Nam "làm ăn" với Iran
RFA, 17/12/2020
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 17/12 lên tiếng về quyết định của Hoa Kỳ trừng phạt một công ty của Việt Nam liên quan đến vận chuyển sản phẩm dầu mỏ từ Iran. Reuters và truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin vào cùng ngày.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng - AFP
Theo nguồn Reuters, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói tại buổi họp báo thường kỳ rằng "Mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Iran là hàng hóa dân sinh phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và không trái với các nghị quyết của Liên hiệp quốc (Liên Hiệp Quốc)".
Bà Lê Thị Thu Hằng cũng tại buổi họp báo trên nói thêm rằng Việt Nam lấy làm tiếc về quyết định của phía Hoa Kỳ và đề nghị Hoa Kỳ trên tinh thần quan hệ tốt đẹp giữa hai nước sớm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Công ty cổ phần Vận tải khí và hóa chất Việt Nam ; không làm ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế bình thường của các doanh nghiệp Việt Nam.
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ hôm 16/12 đã áp lệnh trừng phạt lên một số công ty toàn cầu, cáo buộc họ hỗ trợ việc bán hóa dầu của Iran vào khi Washington đang tăng áp lực lên Tehran trong những ngày cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho biết Công ty cổ phần Vận tải khí và Hóa chất của Việt Nam đã kết nối giao dịch và vận chuyển các sản phẩm dầu mỏ từ Iran.
Với cáo buộc đó, bà Lê Thị Thu Hằng nói Việt Nam luôn tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và đã xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm theo đó Việt Nam hy vọng Hoa Kỳ sẽ dỡ bỏ biện pháp trừng phạt lên công ty Việt Nam.
Hoa Kỳ hôm 16/12 cũng áp các biện pháp trừng phạt với đối với các công ty có trụ sở ở Trung Quốc và tại Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.
********************
Việt Nam ‘lấy làm tiếc’ về việc Mỹ trừng phạt PCT liên quan đến Iran
VOA, 17/12/2020
Hôm 17/12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng Việt Nam "lấy làm tiếc" về việc Hoa Kỳ trừng phạt Công ty Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam (PCT) và giám đốc của công ty vì vi phạm lệnh cấm vận đối với Iran.
Tàu của Công ty cổ phần Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam. Ảnh : PCT.
Bà Hằng cho biết rằng quan hệ giữa Việt Nam và Iran luôn "công khai, minh bạch và hợp pháp".
"Giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Iran là hàng hóa dân sinh, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và không trái với các quy định liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc", báo Tiền Phong dẫn lời bà Hằng nói.
"Việt Nam lấy làm tiếc về quyết định của phía Mỹ và đề nghị phía Mỹ trên tinh thần quan hệ tốt đẹp giữa hai nước sớm dỡ bỏ biện pháp đối với Công ty cổ phần Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế bình thường của các doanh nghiệp Việt Nam", bà Hằng nói thêm.
Ngày 16/12, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo trừng phạt Công ty Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam và giám đốc công ty là ông Võ Ngọc Phụng, vì cho rằng công ty này đã "tham gia giao dịch đáng kể trong việc vận chuyển dầu từ Iran".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định : "Là thành viên có trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế, Việt Nam tuân thủ các nghị quyết và xử lý nghiêm và thỏa đáng các trường hợp vi phạm".
Hôm 16/12, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ra thông cáo đưa ông Võ Ngọc Phụng, 39 tuổi, và Công ty Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam (PCT) vào danh sách Các Cá nhân và Thực thể bị Chỉ định Đặc biệt (SDN) thuộc diện quản lý của Văn phòng Quản trị Tài sản Nước ngoài (OFAC) của bộ này.
Ông Võ Ngọc Phụng bị đưa vào danh sách SDN theo Sắc lệnh hành pháp EO 13846, được Tổng thống Donald Trump ký từ năm 2018, theo đó OFAC sẽ chặn các giao dịch ngân hàng, chặn các giao dịch nhập khẩu, phong tỏa tài sản và các lợi ích tài sản.
Về phần Công ty Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam (viết tắt là PCT), tên giao dịch trước đây là Công ty Cổ phần Dịch vụ - Vận tải Dầu khí Cửu Long, trụ sở ở thành phố Hồ Chí Minh, cũng bị trừng phạt theo Sắc lệnh hành pháp 13846. Theo đó, PCT sẽ bị chặn các khoản vay tín dụng từ các định chế tài chính Hoa Kỳ, cấm chuyển đổi ngoại tệ và các giao dịch với ngân hàng Mỹ, đóng băng tài sản và các lợi ích tài sản, cấm đầu tư hay nhập khẩu từ Mỹ.
Trước đó, một doanh nghiệp vận tải khác của Việt Nam cũng bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ chế tài vì vi phạm lệnh cấm vận đối với Triều Tiên.
Ngày 8/12, Hoa Kỳ đưa Công TNHH Thịnh Cường ở Hải Phòng vào diện quản lý của OFAC theo Sắc lệnh Hành pháp EO 13810.
Hoa Kỳ cũng phong tỏa tài sản là tàu Star 18 (IMO : 9020015) của Công TNHH Thịnh Cường vì tàu này đã "chở than từ cảng Songnim, Triều Tiên về một cảng biển Việt Nam".
*********************
Thanh Phương, RFI, 17/12/2020
Bộ Tài Chính Mỹ lần đầu tiên chính thức xem Việt Nam, cùng với Thụy Sĩ, là quốc gia thao túng tiền tệ, cáo buộc hai đối tác thương mại này can thiệp một cách không công bằng vào thị trường hối đoái. Bị cáo buộc thao túng tiền tệ như vậy, Việt Nam và Thụy Sĩ sẽ phải thương lượng với Hoa Kỳ và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF để giải quyết vấn đề.
Đây là lần thứ ba, chính quyền Mỹ gắn nhãn thao túng tiền tệ lên một quốc gia, lần đầu là vào năm 1994 và lần thứ hai là vào năm 2019 đối với Trung Quốc, khi hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đang thương lượng một thỏa thuận thương mại. Sau đó, Washington đã không còn xem Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ nữa, nhưng Bộ Tài chính Mỹ vẫn xếp đồng nhân dân tệ vào danh sách các đồng tiền cần phải theo dõi.
Theo tờ New York Times, quyết định ngày hôm qua, 16/12/2020, của Bộ Tài chính Mỹ, xem Việt Nam là một quốc gia thao túng tiền tệ là biện pháp mới nhất của chính quyền Trump nhắm vào các hành vi thương mại của nước này. Ngay từ tháng 10, Washington đã mở điều tra để xem Việt Nam có đã cố tình hạ thấp giá trị của tiền đồng để hàng hóa xuất khẩu của nước này có giá rẻ hơn hay không. Vào tháng trước, cũng viện lý do Hà Nội hạ thấp giá trị tiền đồng, Hoa Kỳ đã áp các thuế mới đối với lốp xe hơi và xe tải nhập từ Việt Nam.
Nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm gần đây kể từ khi chính quyền Donald Trump tăng thuế và ban hành các hạn chế khác nhắm vào hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Cho nên, thâm thủng mậu dịch của Mỹ với Việt Nam đã tăng thêm.
Cần chờ xem tân bộ trưởng Tài Chính của chính quyền Joe Biden sẽ giữ nguyên hay bãi bỏ nhãn thao túng tiền tệ đối với Việt Nam. Chính quyền Biden hiện chưa nói rõ là có sẽ tiếp tục chính sách của Donald Trump gây áp lực đối với Việt Nam hay không. Nhưng theo tờ New York Times, các thành phần cấp tiến trong đảng Dân Chủ, cũng như các công đoàn ở Mỹ, vẫn chủ trương là phải có biện pháp thương mại cứng rắn đối với những nước bị xem cố tình hạ giá đồng tiền của họ, khiến cho hàng xuất khẩu của Mỹ có giá đắt hơn.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm nay đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ về thao túng tiền tệ, khẳng định là chính sách quản lý tiền tệ của Việt Nam chỉ nhằm "kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, chứ không nhằm tạo ra lợi thế không công bằng trong thương mại quốc tế".. Còn phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam thì chỉ ra tuyên bố : "Việt Nam duy trì đối thoại và tham vấn trên tinh thần xây dựng với phía Hoa Kỳ để xử lý các vấn đề vướng mắc trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương theo hướng bền vững và hài hòa lợi ích của cả hai bên".
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 17/12/2020
******************
Việt Nam và Thụy Sĩ bị Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ liệt vào danh sách các nước thao túng tiền tệ
RFA, 16/12/2020
Vào ngày 16 tháng 12, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ công bố Việt Nam và Thụy Sĩ là những quốc gia thao túng tiền tệ. Ngoài ra, bộ này còn đưa thêm 3 quốc gia khác là Thái Lan, Ấn Độ và Đài Loan vào danh sách các nước cần theo dõi về những biện pháp bị nghi nhằm phá giá đồng tiền so với đồng đô la Mỹ.
Nhân viên ngân hàng tại Hà Nội đang đếm đồng đô la - Reuters
Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ rằng tình đến tháng 6 năm nay, Việt Nam và Thụy Sĩ đã can thiệp mạnh mẽ vào thị trường tiền tệ nhằm ngăn chặn cân bằng hiệu quả về điều chỉnh thanh toán.
Bộ Công thương Việt Nam từ chối bình luận với Reuters về thông tin vừa nêu và đề nghị Reuters liên lạc với Bộ Ngoại giao Chính phủ Hà Nội để hỏi.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ bác bỏ cáo buộc, và nói rằng họ không thao túng, và chính sách tiền tệ của Thụy Sĩ sẽ không có gì thay đổi, với ý thêm rằng ‘vẫn mong muốn can thiệp một cách mạnh mẽ hơn nữa vào thị trường ngoại hối".
Theo báo cáo bán thường niên về thao túng tiền tệ do Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ đưa ta thì ít nhất một phần của biện pháp can thiệp ngoại hối của Việt Nam là nhằm giảm giá tiền đồng, giúp tạo lợi thế mậu dịch. Trong khi đó phía Thụy Sĩ là nhằm giảm giá đồng franc để ngăn chặn cân bằng hiệu quả về điều chỉnh thanh toán.
Theo một quan chức Bộ Ngân khố Hoa Kỳ thì cả Việt Nam và Thụy Sĩ đã vượt đáng kể 3 tiêu chuẩn liên quan mà bộ này đề ra.
Vị quan chức Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho biết nước này mong muốn hợp tác với cả hai nước để đưa tỷ lệ thao túng xuống dưới ngưỡng ; tuy nhiên từ chối không dự đoán liệu biện pháp vừa nêu có dẫn đến thuế đánh vào hàng hóa của hai nước nhập vào thị trường Mỹ hay không.
Tin cho hay Việt Nam có thể bị đánh thuế theo một điều tra khác do Văn Phòng Đại diện Thương Mại Hoa Kỳ tiến hành về nguyên nhân đồng tiền Việt được phá giá. Tuy nhiên, biện pháp mới nhất có thể tác động đến cuộc điều tra của Văn Phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ và một số người trong doanh giới tỏ ra e ngại là ông tổng thống Donald Trump sẽ nhanh chóng cho tiến hành biện pháp đánh thuế.
Trong Báo cáo vào tháng 5 năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam trở thành một trong 9 quốc gia nằm trong danh sách bị giám sát do đá ứng hai tiêu chí được quy định của Mỹ là thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai.
Theo quy định của Mỹ, những nước bị xếp vào danh sách thao túng tiền tệ dựa trên ba tiêu chí bao gồm :
- Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ đô la
- Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP
- Can thiệp một chiều kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.
Sau khi có tin Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lên tiếng khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ.
Nguồn : RFA, 16/12/2020
********************
Mỹ đưa Thụy Sĩ, Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ
VOA, 16/12/2020
Bộ Tài chính Hoa Kỳ hôm 16/12 đã đưa Thụy Sĩ và Việt Nam vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ, theo Reuters.
Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ.
Ngoài ra, tin cho hay, Bộ này cũng thêm ba nước vào danh sách các quốc gia bị nghi phá giá đồng nội tệ.
Theo Reuters, Bộ Tài chính Mỹ nói rằng trong khoảng thời gian tính tới tháng Sáu năm 2020, Thụy Sĩ và Việt Nam đã can thiệp mạnh vào thị trường tiền tệ nhằm điều chỉnh hiệu quả cán cân thanh toán.
Đáp lại cáo buộc của Mỹ, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ tuyên bố không thao túng đồng nội tệ và rằng cách tiếp cận chính sách tiền tệ của ngân hàng này sẽ không thay đổi.
Reuters dẫn lời thể chế tài chính của Thụy Sĩ cho biết "vẫn sẵn sàng can thiệp mạnh hơn nữa vào thị trường ngoại hối".
Theo hãng tin Anh, Bộ Công thương Việt Nam từ chối bình luận và đề nghị hãng chuyển câu hỏi sang Bộ Ngoại giao.
Bộ Tài chính Mỹ đã đưa thêm Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ vào danh sách các nước bị nghi phá giá đồng nội tệ, vốn còn gồm có Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Đức, Italy, Singapore và Malaysia, theo Reuters.
Hãng tin này dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ nói rằng Bộ này không thảo luận với chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden về báo cáo trên.
Tin cho hay, bà Janet Yellen, ứng viên cho vị trí Bộ trưởng Tài chính, có thể đưa ra các thay đổi trong báo cáo tiền tệ đầu tiên của bà, dự kiến sẽ được công bố vào tháng Tư.
Nguồn : VOA, 16/12/2020
Chính quyền Hoa Kỳ vào đầu tháng 10 tuyên bố tiến hành điều tra Việt Nam về thao túng tiền tệ, theo mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974. Mới đây, ngày 4 tháng 11, Bộ Thương mại Hoa Kỳ quyết định áp đặt thuế chống trợ cấp sơ bộ đối với lốp xe hơi và xe tải nhập từ Việt Nam, viện dẫn tiền đồng của Việt Nam ‘bị định giá thấp.’
Tiền đồng Việt Nam. AFP
Giang Nguyễn có cuộc nói chuyện với ông Gregory Poling, nghiên cứu viên cao cấp về Đông Nam Á của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) tại Washington DC để tìm hiểu thêm về diễn tiến mới nhất này và tác động đến quan hệ chiến lược Việt-Mỹ.
Giang Nguyễn : Chúng ta biết rằng Hoa Kỳ đang tiến hành cuộc điều tra theo Mục 301 (của Đạo luật Thương Mại 1974) cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ. Tổng thống Trump đã nhiều lần lên án Việt Nam vì những hành vi này. Và mới hôm thứ Tư, Bộ Thương mại đã thông báo rằng họ sẽ áp dụng mức thuế chống trợ cấp sơ bộ đối với lốp xe hơi và xe tải nhập từ Việt Nam. Năm 2019, giá trị của hàng nhập khẩu này đạt gần 470 triệu đô la. Ông đánh giá như thế nào về hành động mới nhất này ?
Gregory Poling : Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy rõ ràng chính quyền (Hoa Kỳ) sẽ không lùi bước. Thuế quan mà Bộ Thương mại áp đặt mới đây chỉ ảnh hưởng đến nhập khẩu lốp xe tải nhẹ và xe hơi. Nhưng USTR, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, vẫn còn cuộc điều tra 301 lớn hơn và nó có thể có nhiều tác động đối với mọi sản phẩm mà Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Giang Nguyễn : Chúng ta có thể mong đợi gì từ cuộc điều tra này ? Mục 301 cũng là luật thương" mại đã được sử dụng đối với Trung Quốc để áp đặt mức thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, và có thể nói là điều đó đã khởi đầu chiến tranh thương mại. Liệu điều này có thể xảy ra với Việt Nam ?
Gregory Poling : Tôi nghĩ rằng Nhà Trắng đang chỉ đạo USTR và Bộ Ngân khố tìm kiếm một thắng lợi. Cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc rõ ràng không phải là một thắng lợi cho chính quyền (Hoa Kỳ). Liệu cuộc điều tra thao túng tiền tệ có hậu quả tiêu cực hay không thì không ai biết được. Có một số người có thể lý luận rằng điều Hoa Kỳ đang làm là gửi một thông điệp đến những nước bị cho là thao túng tiền tệ khác. Tất cả điều này thực sự rất khó đoán bởi vì toàn bộ quá trình này diễn ra rất một cách rất lộn xộn và không có tính toán, và không ai có thể thực sự hiểu được có lý do chiến lược nào hay không.
Giang Nguyễn : Ông có thể giải thích thêm ? Vậy đây có phải là một hành vi chính trị ? Hay là có những mục tiêu kinh tế thực sự mà Mỹ đang theo đuổi ?
Gregory Poling : Điểm mấu chốt là chính quyền (Mỹ) không thích thâm hụt thương mại. Thặng dư thương mại của Việt Nam đối với Hoa Kỳ đã gia tăng dưới thời chính quyền Trump, một phần cũng vì chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Trong nhiều trường hợp, ngành sản xuất đã rời bỏ Trung Quốc và chuyển sang Việt Nam. Trong suy nghĩ của Nhà Trắng, thâm hụt thương mại là điều xấu, bất kể các nhà kinh tế có thể nói gì. Và đây là một cách để họ cố gắng giải quyết vấn đề. Bây giờ đã có một mức thuế hạn chế đã được áp dụng cho lốp xe hơi. Liệu các mức thuế này sẽ được mở rộng hay đây chỉ là một hành động có tính cách biểu trưng, thì còn quá sớm để khẳng định.
Một điểm đáng chú ý ở đây là Việt Nam đã rất lo lắng về mối quan hệ thương mại kể từ khi chính quyền Trump lên nắm quyền. Họ đã bị chỉ trích nhiều về khoản thâm hụt. Nhưng trong 6 tháng qua họ thực sự nghĩ rằng họ đã giải quyết được vấn đề này. Và đã có những tiến bộ trong mối quan hệ ngoại giao và an ninh, có các chuyến công du quan trọng của các bộ trưởng Hoa Kỳ v.v. Tôi nghĩ hành động này thực sự làm cho Hà Nội ngạc nhiên.
Giang Nguyễn : Trong các lĩnh vực khác, Việt Nam và Mỹ dường như có cùng quan điểm về mặt chiến lược, chẳng hạn như về hành vi lấn chiếm của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo ông, cuộc điều tra này sẽ ảnh hưởng như thế nào trên quan hệ này ?
Gregory Poling : Đó là điều chúng ta chắc chắn nên quan tâm. Có hai vấn đề với những thuế quan và rộng hơn là cuộc điều tra 301. Một là những người có kinh nghiệm làm việc tại Bộ Ngân khố và tại USTR không nghĩ rằng cuộc điều tra này có lý về khía cạnh kinh tế.
Và thứ nhì là đặc biệt với mối quan hệ Việt-Mỹ, (Việt Nam) là đối tác mới có của Hoa Kỳ. Hai bên có quan hệ đối tác toàn diện. Việt Nam chia sẻ những lo lắng của Hoa Kỳ về Trung Quốc. Mối quan hệ quốc phòng đã có những bước tiến vượt bậc trong 10 năm qua. Bây giờ Washington lại chọn một cuộc chiến mà các nhà kinh tế của chính họ cho rằng là vô lý ? Tất nhiên điều này sẽ khiến các nhà lãnh đạo ở Việt Nam phải suy ngẫm. Nó làm cho Mỹ có vẻ không ổn định và thiếu tin cậy hơn. Và Việt Nam sẽ có sự chuyển giao quyền lãnh đạo và đại hội Đảng sắp diễn ra vào năm tới. Sẽ có những động lực để các nhà lãnh đạo Việt Nam trả đũa.
Giang Nguyễn : Nói đến sự thay đổi lãnh đạo, chúng ta vẫn chưa hoàn toàn kết thúc cuộc bầu cử ở Mỹ và chúng ta chưa biết ai sẽ là Tổng thống tiếp theo. Nhưng nếu như cựu Phó Tổng thống Joe Biden sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo, điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc điều tra và thuế quan mà chúng tôi đã đề cập trước đó và nói chung về mối quan hệ chiến lược với Việt Nam ?
Gregory Poling : Nếu là Biden, thật khó để tưởng tượng rằng điều này sẽ tiếp diễn. Như tôi đã nói, cuộc điều tra 301 dường như không có lý lắm theo tiêu chuẩn của chính USTR đưa ra. Thật khó để tìm ra các nhà kinh tế học nào cho rằng điều này có lý. Toàn bộ tiêu chí thao túng tiền tệ mà Bộ Ngân khố đã sử dụng ở đây đã bị chỉ trích rất nhiều. Vì vậy những quyết định về cơ cấu đã được đưa ra để chống lại thâm hụt bất cứ nơi nào cũng sẽ bị loại bỏ. Cụ thể đối với các mức thuế đã được công bố, tôi nghĩ một chính quyền Biden có lẽ sẽ dỡ bỏ nó. Tuy nhiên về mặt chính sách, họ có thể tận dụng nó để có được một số loại nhượng bộ khác từ Hà Nội, chẳng hạn như về thương mại hoặc về các vấn đề lao động.
Giang Nguyễn : Còn dưới chính quyền Donald Trump thì tất nhiên nó sẽ tiếp tục, có phải vậy không ?
Gregory Poling : Có lẽ là vậy. Có vẻ như có rất ít sự phối hợp giữa kinh tế của chính phủ Hoa Kỳ và chiến lược. Thực tế là điều này đã làm suy yếu chính sách chính thức của Bộ Ngoại giao hoặc của Bộ Quốc phòng, nhưng hình như điều này đã không được đo lường trong quyết định của USTR hoặc của Bộ Thương mại. Đáng lý Nhà Trắng phải là nơi đảm bảo việc ăn khớp giữa các bộ. Vì vậy, các mức thuế này là thêm một dấu hiệu cho thấy sự hỗn loạn trong quy trình ra quyết định về an ninh quốc gia của chính quyền này.
Giang Nguyễn : Vậy cuộc điều tra 301 tra này sẽ diễn ra như thế nào ?
Gregory Poling : Bộ Ngân khố đã nhận định rằng Việt Nam đã định giá thấp tiền tệ Việt Nam và đó là lý do cho các việc áp thuế mới đây. Bây giờ Đại diện thương mại Hoa Kỳ phải quyết định xem việc định giá thấp đó dẫn đến thiệt hại không công bằng cho Hoa Kỳ hoặc cho các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ hay không. Nếu họ kết luận điều đó thì sau đó họ sẽ phải quyết định về cách hành xử, ví dụ qua hành vi trừng phạt, áp nhiều thuế quan hơn. Họ có thể ngồi xuống đàm phán với Việt Nam để giải quyết vấn đề. Tất cả những thứ đó đều là khả thể.
Giang Nguyễn : Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo ? Khi nào họ sẽ tới kết luận và rồi những bước tiếp theo là gì ?
Gregory Poling : Tôi không nghĩ rằng chúng ta có một mốc thời gian rõ ràng. Theo tôi câu hỏi là liệu cuộc điều tra sẽ tiếp nối hay không nếu nó chưa kết thúc vào tháng Giêng. Và tôi cho rằng dưới một chính quyền Biden, cuộc điều tra có thể sẽ không có kết luận hoặc kết thúc nhanh chóng và họ quyết định rằng không tìm thấy gì cả. Và vẫn còn những mức thuế mà Bộ Thương mại đã áp đặt. Vì vậy, chính quyền mới phải quyết định sẽ làm gì với những mức thuế đó. Như tôi đã nói, họ có thể tận dụng nó như một đòn bẩy chính trị cho một số nhượng bộ khác từ Việt Nam.
Giang Nguyễn : Cảm ơn ông Greg Poling rất nhiều đã chia sẻ hiểu biết và thời gian của ông dành cho tôi hôm nay.
Giang Nguyễn thực hiện
Nguồn : RFA, 06/11/2020
Gregory Poling, nghiên cứu viên cao cấp về Đông Nam Á của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) Courtesy of CSIS
Hoa Kỳ chính thức điều tra Việt Nam thao túng tiền tệ
RFA, 03/10/2020
Hoa Kỳ chính thức mở cuộc điều tra về việc Việt Nam hạ giá tiền đồng, gây hại đến thương mại Mỹ. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ ra thông báo vào ngày 2/10.
Tiền đồng của Việt Nam - Reuters
Theo thông báo, cuộc điều tra được bắt đầu theo lệnh của Tổng thống Donald Trump.
Hôm 25/8 vừa qua, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã lên tiếng xác định Việt Nam hạ giá tiền đồng vào năm 2019, và vì vậy Hoa kỳ sẽ bắt đầu áp thuế lên mặt hàng vỏ lốp xe xuất khẩu của Việt Nam.
Theo thông báo của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, tiền đồng của Việt Nam đã được định giá thấp hơn 4,7% trong năm 2019
Hồi đầu năm nay, Bộ Tài chính Mỹ đã xếp Việt Nam vào danh sách 10 nước cần phải giám sát về thao túng tiền tệ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng hôm 2/10 lên tiếng phản bác cáo buộc Việt Nam hạ giá tiền đồng. Reuters trích lời ông Lê Minh Hưng nói Việt Nam “chưa từng có và sẽ không có ý định dùng các chính sách tiền tệ nói chung và tỷ giá hối đoái nói riêng để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế”.
Ông Hưng nói trong một họp báo sau cuộc gặp các đối tác Đông Nam Á rằng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tỷ giá hối đoái ổn định và giữ lạm phát trong tầm kiểm soát.
Hiện Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ trong 8 tháng qua là hơn 37 tỷ đô la, vượt con số 29,8 tỷ đô la vào cùng kỳ năm ngoái.
Tổng thống Donald Trump trước đây đã từng lên tiếng chỉ trích Việt Nam về thặng dư thương mại với Mỹ và gọi Việt Nam là nước lạm dụng thương mại với Mỹ tồi tệ nhất.
********************
Chính quyền Donald Trump chính thức điều tra Việt Nam ‘thao túng tiền tệ’
BBC, 03/10/2020
Loan báo của đại diện thương mại Mỹ đưa ra tối thứ Sáu, theo điều 301 của đạo luật thương mại ban hành năm 1974, cũng chính là quy trình mà Mỹ sử dụng để áp đặt thuế lên hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Hoa Kỳ mở điều tra cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ, có thể tạo ra chiến tranh thương mại mới, chỉ vài tuần trước bầu cử tổng thống Mỹ.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer nói "hành vi tiền tệ bất công có thể gây hại cho lao động và doanh nghiệp Mỹ cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam, mà hàng này có thể được giảm giá giả tạo vì việc hạ giá đồng tiền".
Cũng cùng ngày thứ Sáu, Hoa Kỳ loan báo một điều tra riêng biệt khác về việc nhập khẩu gỗ của Việt Nam.
Ông Robert Lighthizer giải thích nếu xảy ra việc "dùng gỗ phi pháp trong hàng xuất sang Mỹ thì sẽ gây hại cho môi trường và bất công cho công nhân, doanh nghiệp Mỹ".
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 23/05
Tranh cãi vấn đề tiền tệ
Trong một diễn biến khác, cũng ngày 2/10 tại Hà Nội diễn ra một họp báo thông báo kết quả Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN 2020.
Tại đây, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không phát ngôn về diễn tiến ở Mỹ.
Nhưng ông có đưa ra bình luận về chính sách tỷ giá và hoạt động can thiệp thị trường ngoại hối trong giai đoạn hậu Covid-19.
Ông Lê Minh Hưng nói với báo chí : "Ngân hàng nhà nước chưa và sẽ không bao giờ sử dụng công cụ chính sách tiền tệ như tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong giao dịch thương mại và quốc tế."
Vào tháng Tám 2020, Bộ Tài chính Mỹ nói họ đã xác định rằng đồng tiền của Việt Nam đã cố tình bị định giá thấp hơn vào năm 2019 khoảng 4,7% so với đồng USD.
Theo phía Mỹ khi đó, trong năm 2019, Việt Nam đã mua ròng 22 tỷ USD ngoại hối thông qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, làm giảm giá tiền đồng từ 3,5% đến 4,8%.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, việc mua USD của Việt Nam khiến tỷ giá hối đoái tiền đồng, vốn ở mức 1 USD đổi được 23.224 đồng vào năm 2019, về mức 1 USD đổi được 24.314 đồng.
Tỷ giá này thấp hơn khoảng 1.090 đồng so với mức phù hợp với tỷ giá hối đoái thực tế.
Trước đó, ngày 14/1/2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành Báo cáo về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ". Trong báo cáo đó, Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách 10 nước cần giám sát.
Còn trong báo cáo của Mỹ tháng 5/2019, lần đầu tiên Việt Nam trở thành một trong 09 quốc gia nằm trong Danh sách giám sát do đáp ứng hai tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai.
Báo cáo tháng 5/2019 cũng nêu một quốc gia vào Danh sách giám sát sẽ tiếp tục được theo dõi trong hai kỳ Báo cáo tiếp theo.
Khi Mỹ đưa ra báo cáo tháng Giêng 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói họ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Hoa Kỳ quan tâm.
*********************
Hoa kỳ sẽ điều tra Việt Nam thao túng tiền tệ
RFA, 01/10/2020
Chính quyền Hoa Kỳ có kế hoạch trong tuần này công bố cuộc điều tra về hoạt động tiền tệ của Việt Nam.
Tiền đồng Việt Nam. Reuters
Bloomberg News đưa tin ngày 30/9, dẫn 3 nguồn liên hệ chặt chẽ với vấn đề này, rằng cuộc điều tra bắt nguồn từ Tháng 8, sau khi Bộ Thương Mại và Bộ Ngân khố Mỹ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ qua vụ việc cụ thể liên quan lốp xe nhập khẩu từ Việt Nam.
Trả lời báo chí về tin vừa nêu, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng vào ngày 1 tháng 10 cho biết các cơ quan chức năng Việt Nam đang liên hệ với phía Hoa Kỳ đề kiểm chứng thông tin này.
Theo Bloomberg, chính quyền Trump thực hiện cuộc điều tra theo mục 301 của Đạo luật Thương Mại 1974. Mục 301 này cũng đã được áp dụng đối với Trung Quốc để áp đặt thuế quan lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá lên hàng tỷ Mỹ kim. Biện pháp này khởi sự cuộc chiến mậu dịch giữa hai nước.
Việt Nam là một trong 10 đối tác mậu dịch lớn nhất của Hoa Kỳ. Thâm thủng mậu dịch của Hoa Kỳ trong thương mại với Việt Nam tính đến tháng 7 năm nay gần 35 tỷ Mỹ kim. Tổng thống Donald Trump thường chỉ trích hành động thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại.
*******************
Ấn Độ điều tra chống phá giá ống đồng từ Việt Nam, Malaysia, và Thái Lan
VOA, 30/09/2020
Ấn Độđang điều tra chống phá giáđối với mặt hàng ống đồng và các loại ống khác nhập khẩu từ Việt Nam, Malaysia và Thái Lan, để xác định xem liệu các nhà sản xuất tại những nước này cóđược trợ giáđể cạnh tranh một cách không công bằng hay không.
Chính phủ Ấn Độ hiện đang điều tra việc nhập khẩu ống và ống đồng từ Malaysia, Việt Nam, Thái Lan
Cuộc điều tra do cơ quan điều tra của Bộ Thương mại Ấn Độ, Tổng cục Phòng vệ Thương mại Ấn Độ tiến hành, có thể khiến những mặt hàng nhập khẩu này bịáp thuế chống trợ giá, theo một thông tư của chính phủẤn Độ công bố hôm thứ Sáu.
Cuộc thăm dò bao gồm hàng nhập khẩu được vận chuyển từ ngày 1/4/2019 đến ngày 31/3/2020.
Cuộc điều tra sẽ tập trung vào các mặt hàng nhập khẩu ống đồng được vận chuyển từ ngày 1/4/2019 tới ngày 31/3/2020.
Thông tư cho biết : "Cơ quan thẩm quyền cũng đã nhận được các dữ liệu nhập khẩu ống đồng của hải quan Ấn Độđối với hàng hóa bịđiều tra trong 4 năm qua, cho thấy hàng nhập khẩu tăng chủ yếu từ Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, chiếm hơn 90% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này".
Bộ thương mại Thái Lan cho biết họ sẽ chờ xem các hành động của Ấn Độ nhưng dự kiến sẽ cóít tác động vì trị giá các mặt hàng xuất khẩu này của Thái Lan không mấy cao.
"Tuy vậy cuộc điều tra có thể tạo ra tình trạng bất định cho các sản phẩm liên hệ, có thể khiến các nhà nhập khẩu ngần ngại đặt hàng", bà Pimchanok Vonkorpon, Tổng Giám đốc Văn phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại của Bộ Thương mại Thái Lan, nói với Reuters.
Từ tháng 1 đến tháng 8 nay, Thái Lan xuất khẩu khoảng 17,4 triệu USD ống vàống đồng sang Ấn Độ, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng lượng hàng xuất sang Ấn Độ là 3,3 tỷ USD, chiếm 2,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan trong năm nay.
Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố nói rằng Việt Nam tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuyên bố gửi cho Reuters, cóđoạn viết :
"Các vấn đề thương mại giữa Việt Nam vàẤn Độ cần được xem xét một cách khách quan, công bằng và minh bạch, phù hợp với các quy định WTO, cũng như với các hiệp định thương mại song phương vàđa phương mà hai nước cùng tham gia", phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.
Hãng tin Reuters nói thêm rằng họđã gọi điện thoại cho hai công ty có trụ sở tại Việt Nam có tên trong cuộc điều tra của Ấn Độ, nhưng không được hồi đáp.
***********************
Chỉ dẫn địa lý giúp thanh long Bình Thuận chinh phục thị trường nước ngoài
RFA, 01/10/2020
Chỉ dẫn địa lý (Geographical indication-GI) của trái thanh long trồng ở tỉnh Bình Thuận đã được Liên Hiệp Châu Âu (EU) bảo hộ, giúp cho trái thanh long của tỉnh này chinh phục các thị trường lớn nước ngoài.
Nông dân đang thu hoạch Thanh long. (Ảnh minh họa) - AFP
Trang tin về xuất khẩu Fresh Plaza dẫn nguồn Thông Tấn Xã Việt Nam và loan tin vừa nêu hôm 30/9.
Thương hiệu "Binh Thuan Dragon Fruit" (Thanh Long Bình Thuận) cũng đã được 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc, đăng ký và bảo hộ.
Theo Fresh Plaza, GI cho phép trái thanh long của Bình Thuận được bán tốt hơn trong nước và có chỗ đứng vững chắc hơn ở nước ngoài. Từ năm 2016, tỉnh Bình Thuận đã cấp phép cho 17 cơ sở sản xuất thanh long địa phương sử dụng GI, nâng tổng số lên 96 cơ sở cho đến nay.
Nhiều hợp tác xã thanh long như Thuận Tiến, Hòa Lễ, Hồng Sơn, Hàm Tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Nhãn hiệu tập thể. Tính đến tháng 6 năm nay, Bình Thuận là quê hương của khoảng 32.000 ha thanh long, có thể cho sản lượng hơn 640.000 tấn mỗi năm.
Tin cho biết, tỉnh Bình Thuận đã xuất khẩu khoảng 24.500 tấn thanh long, trị giá trên 28 triệu USD trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2019. Trái cây của Bình Thuận không chỉ được xuất sang các thị trường truyền thống như Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan mà còn vào các thị trường mới như Đức, Hà Lan, Hoa Kỳ và New Zealand.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, đang phối hợp với Hiệp hội Thanh long Bình Thuận đăng ký GI với Nhật Bản để giúp trái cây được tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường Nhật Bản.
********************
44 người tham gia hỗn chiến tranh giành đất tại thành phố Biên Hòa bị bắt
RFA, 01/10/2020
Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Công an thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ngày 1/10 tiến hành tạm giữ hình sự 44 người trong 2 băng nhóm liên quan vụ "dàn trận" thanh toán nhau để tranh chấp đất đai ở phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa.
Nhóm giang hồ bị công an Biên Hòa bắt giữ. RFA Edited
Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin cùng ngày dẫn thông tin từ cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Biên Hòa cho biết, trong số nhóm người bị tạm giữ có hai vợ chồng xưng là chủ khu đất là bà Mai Thị Hồng (1979) và ông Nguyễn Thành Hưng hay còn gọi là Hưng "xăm" (1975), cùng bị tạm giữ có Lâm Thanh Sang (1988) được bà Hồng thuê đến giữ đất.
Theo cơ quan điều tra, Hưng "xăm" từng bị xử phạt 20 tháng tù về tội "Cố ý gây thương tích", còn Sang được cho là cầm đầu băng nhóm giang hồ và từng có tiền án 7 năm tù liên quan việc "Cố ý gây thương tích".
Bà Hồng khai nhận đã thuê Sang đến giữ đất trồng cây ở khu đất đang tranh chấp, Sang đã gọi thêm nhiều đàn em đến khu vực đất để tranh chấp với một nhóm giang hồ khác đang ở trong ba phòng trọ trên mảnh đất 3000m2 này. Băng nhóm đối phương do Đen cầm đầu và được bà Nguyễn Thị Soi (1955) thuê để trông giữ mảnh đất tranh chấp với bà Mai Thị Hồng.
Trước đó, vào ngày 29/9, tại khu đất 3000m2 phường Thống Nhất có khoảng 60 người thuộc hai băng nhóm đang chuẩn bị hỗn chiến để tranh giành đất thì lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ. Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ 35 vũ khí tự chế, 5 búa tạ và một máy hàn. Hiện cơ quan chức năng thành phố Biên Hòa đang truy bắt Đen cùng các đối tượng khác bỏ trốn để củng cố hồ sơ khởi tố vụ án.
Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào danh sách các nước phải theo dõi về thao túng tiền tệ (RFA, 29/05/2019)
Bộ Tài chính Mỹ hôm 28/5 xếp Việt Nam vào danh sách 9 nước cần phải theo dõi về thao túng tiền tệ vì chưa đáp ứng được một số tiêu chí của Mỹ.
Hình minh họa. Tiền VND - AFP
Báo cáo hàng năm của Bộ Tài chính Mỹ được gửi cho Quốc hội, xem xét các chính sách của 21 đối tác thương mại lớn của Mỹ. 9 nước bị đưa vào danh sách phải theo dõi bao gồm Ireland, Ý, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản và Nam Hàn.
Có 3 tiêu chí để Bộ Tài chính Mỹ quyết định một nước có bị xem là thao túng tiền tệ hay không gồm : có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, có thặng dư tài khoản vãng lai lớn và thiên lệch với bằng chứng rõ ràng, thường xuyên can thiệp tiền tệ.
Trong báo cáo năm nay, Bộ Tài chính Mỹ đã mở rộng phạm vi xem xét. Theo tiêu chí mới, bất cứ quốc gia nào có kim ngạch thương mại hai chiều với Mỹ hơn 40 tỷ đô la đều bị xem xét, thay vì chỉ 12 đối tác lớn nhất trước kia. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng hạ ngưỡng thặng dư tài khoản vãng lai xuống từ 3% GDP còn 2% GDP.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam năm ngoái đã đạt gần 60 tỷ đô la. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ vào năm 2018 là gần 35 tỷ đô la, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
*****************
Việt Nam : ngư ông hưởng lợi trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung (VOA, 29/05/2019)
Hàng Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ tăng vọt trong quý đầu tiên của năm 2019 giữa lúc các doanh nghiệp thay đổi chuỗi cung ứng trong bối cảnh những căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington.
Tư liệu : Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Ảnh chụp 3/10/2014. Reuters/Kham
Hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ đã tăng 40,2% trong quý I/2019, so với cùng kỳ năm trước. Bản tin của Newsweek dẫn nguồn tin từ Văn Phòng Đại diện Thương Mại Hoa Kỳ cho biết là trong năm 2018, mặt hàng nhập vào Mỹ nhiều nhất là hàng máy móc điện tử, trị giá 11 tỉ USD, kế đó là hàng dệt may : 7,2 tỉ, và giầy dép : 6,2 tỉ.
Theo đà này, thì Việt Nam có triển vọng qua mặt nước Anh, hiện xếp hạng 7 trong danh sách các nhà cung cấp hàng nhập khẩu lớn nhất của Mỹ trong năm 2018, theo Bloomberg.
Nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng tăng 18,4% năm nay. Trong khi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sụt giảm 13,9%.
Bản tin của Vnexpress còn cho rằng Việt Nam có triển vọng qua mặt không những nước Anh, mà còn nước Pháp, Ý và Ấn Độ, để trở thành nhà xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 7 của Mỹ, với giá trị dự kiến lên đến gần 69 tỷ USD".
Trang mạng này trích số liệu của Tổng cục Hải quan, cho biết trong 4 tháng đầu năm 2019, "Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu nhiều nhất các mặt hàng của Việt Nam. Đứng đầu là hàng dệt may với giá trị 4,42 tỷ USD, và sau đó giày dép, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, gỗ và sản phẩm gỗ ".
Chính phủ của ông Trump trước đó đã nói rằng thuế đánh trên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ buộc các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc dời hãng xưởng sang các nước láng giềng.
Bản tin của Newsweek dẫn nhiều nguồn tin từ các chủ nhân doanh nghiệp và các nhà phân tích nói rằng họ đã chứng kiến nhiều hãng xưởng Trung Quốc dời sang Việt Nam.
Từ khi Mỹ và Trung Quốc tăng thuế quan đánh trên hàng nhập khẩu của nhau, giới phân tích đã khuyến cáo rằng cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn này có thể có những hậu quả nguy hiểm cho nền kinh tế toàn cầu.
****************
Hoa Kỳ tăng nhập hàng từ Việt Nam vì thương chiến với Trung Quốc (BBC, 29/05/2019)
Nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Việt Nam tăng mạnh trong quý đầu của năm 2019 trong bối cảnh các doanh nghiệp thay chuỗi cung ứng vì Bắc Kinh và Washington tiếp tục có căng thẳng thương mại.
Hàng dệt may chiếm tỉ trọng cao trong xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ
Nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam tăng 40,2% trong ba tháng đầu năm 2019, so với năm 2018 và có thể vượt nhập khẩu từ Anh, là nhà cung cấp hàng nhập khẩu lớn thứ 7 của Hoa Kỳ vào năm 2018, theo Bloomberg.
Nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Hoa Kỳ cũng tăng 18,4% trong năm nay.
Tuy nhiên nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Trung Quốc, giảm 13,9%.
Năm 2018, xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Hoa Kỳ là hàng điện máy.
Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho biết, Hoa Kỳ đã nhập khẩu trị giá 11 tỷ đô la hàng điện máy, cộng với 7,2 tỷ đô la hàng dệt kim và 6,2 tỷ đô la giày dép.
Đó là 'kỳ vọng' của chính Hoa Kỳ
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington, chính quyền Trump nói rằng thuế quan sẽ buộc các công ty sản xuất tại Trung Quốc phải di dời các nhà máy sang các nước lân cận.
"Kỳ vọng của tôi là rất nhiều doanh nghiệp này sẽ được chuyển từ Trung Quốc đến những nơi khác trong khu vực", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện hôm thứ Tư.
Và đó dường như là những gì đang xảy ra. Tin tức cũng cho thấy bằng chứng về sự thay đổi, với các chủ doanh nghiệp và các nhà phân tích nói rằng họ thấy việc di dời các cơ sở sản xuất của các công ty đến Việt Nam.
Triển lãm motor Thượng Hải. Joseph Nye nói Trung Quốc đã là một xã hội trung lưu nhưng đảng cầm quyền vẫn bám theo tư duy cũ
Trong khi đó cũng có nhiều công ty Trung Quốc âm thầm chuyển sang Việt Nam do thương chiến với Mỹ.
Một số hãng đối diện các khó khăn và chi phí cao hơn những hãng đã chuyển sang Việt Nam từ hai năm qua không muốn phát biểu công khai.
Có một số nguyên nhân như việc họ phải giải quyết khéo léo kế hoạch sa thải công nhân và bồi thường, chưa kể phản ứng từ các nhà cung cấp hay biến động về giá cả đối với các doanh nghiệp lưu hàng với số lượng lớn.
Trong một số trường hợp, chính quyền địa phương phía Trung Quốc thậm chí không cho chủ hãng rời máy móc nhà xưởng đi chừng nào chi trả được tiền bồi thường và an sinh xã hội hay thuế thỏa đáng.
Một cửa hàng đồ lót thương hiệu Mỹ Victoria's Secret tại Trung Quốc
Trong bài 'Thương chiến Mỹ-Trung và cơ hội 'ngàn năm một thuở cho VN' gửi BBC, Tiến sĩ Đinh Trường Hinh biện luận đây là cơ hội "độc nhất vô nhị", mà nếu nắm bắt được thì nó sẽ giúp Việt Nam tiến lên rất mạnh và rất xa trong kỹ nghệ hóa, trở thành một nước tân tiến trong 20-30 năm.
Ông Hinh cho rằng chính phủ Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng và nếu Việt Nam không nắm lấy thì chắc chắn các nước cạnh tranh sẽ lấy đi mất.
****************
Có sự hiểu nhầm về ‘kinh tế Việt Nam sớm vượt Singapore’ ? (VOA, 29/05/2019)
Một bản tin của Bloomberg nói nền kinh tế của Việt Nam "có thể lớn hơn" Singapore vào năm 2029 đang gây ra nhiều tranh luận theo hướng ngờ vực, mỉa mai trên một số diễn đàn mạng ở Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam bị cho là còn lệ thuộc nhiều vào lao động giá rẻ, đầu tư nước ngoài và xuất khẩu
Các chuyên gia kinh tế nói có tâm lý hoài nghi đó là do nhiều người hiểu nhầm giữa các khái niệm "quy mô nền kinh tế" và "mức sống". Đồng thời, các chuyên gia cũng khuyến cáo Việt Nam cần thay đổi mô hình kinh tế mới duy trì được tăng trưởng.
Bản tin ngắn do Bloomberg đăng lên hôm 28/5 trích dẫn dự báo của Ngân hàng DBS nói rằng Việt Nam "có tiềm năng tăng trưởng với tốc độ 6-6,5% trong thập kỷ tới", căn cứ vào dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào Việt Nam cũng như sự gia tăng về năng suất trong những năm tới.
"Nếu Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng đó, kinh tế Việt Nam sẽ có quy mô lớn hơn kinh tế Singapre sau 10 năm nữa", nhà kinh tế Irvin Seah làm việc ở Singapre viết trong tài liệu nghiên cứu được công bố hôm 28/5, theo bản tin của Bloomberg. Thông tin này được nhiều tờ báo, trang tin điện tử của Việt Nam đăng lại.
Trên các diễn đàn Bàn luận về Kinh tế-Chính trị và Góc nhìn Báo chí-Công dân với tổng cộng hơn 263.000 thành viên, xuất hiện hàng trăm ý kiến bình luận về bản tin. Đa số những người tham gia bình luận cho rằng việc kinh tế Việt Nam vượt Singapore là "hoang đường", "ảo tưởng", hay "mơ hão".
Một số ít người có cách nhìn nhận điềm tĩnh hơn, bày tỏ quan điểm rằng dự báo của ngân hàng DBS là "hoàn toàn có khả năng", giống như Trung Quốc đã vượt Nhật Bản về quy mô kinh tế. Tuy nhiên, họ lưu ý rằng "không nên nhầm lẫn giữa Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP), tức là tầm vóc nền kinh tế, với thu nhập đầu người". Họ nói thêm rằng GDP đầu người "mới thể hiện sự thịnh vượng của quốc gia", và việc báo chí trong nước so sánh tổng GDP "thật buồn cười".
Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới
Doanh nhân Trần Quốc Quân, người nổi tiếng trên mạng xã hội và hiện sinh sống ở Ba Lan, chia sẻ với quan điểm cho rằng nhiều người có sự nhầm lẫn về các khái niệm kinh tế.
Dựa vào các số liệu do các tổ chức quốc tế công bố, ông Quân, với chuyên môn về thống kê, tính toán rằng với mức tăng trưởng trung bình 3,2%/năm, GDP của Singapore năm 2019 dự kiến là 359 tỷ đô la Mỹ sẽ tăng thành 492 tỷ đô la vào năm 2029.
Về mức dự báo cho Việt Nam, doanh nhân Trần Quốc Quân tính toán rằng với tốc độ tăng trưởng trung bình 6,5%/năm, GDP của Việt Nam sẽ tăng từ 266 tỷ đô la của năm 2019 lên 499 tỷ đô la vào năm 2029.
VOA thực hiện tính toán độc lập với các số liệu tự thu thập và cũng đi đến kết quả tương tự.
"Năm 2029 QUI MÔ kinh tế của Việt Nam đuổi kịp và vượt Singapore nhé. 499 tỷ USD so với 492 tỷ USD", ông Quân viết trên trang Facebook cá nhân có tổng cộng hơn 13.000 người theo dõi.
Mặc dù vậy, doanh nhân này cũng lưu ý rằng "QUI MÔ nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn có thể đuổi kịp và vượt Singapore nhưng MỨC SỐNG tính theo đầu người thì còn lâu, chắc phải hơn nửa thế kỷ nữa nếu vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng này".
Từ góc nhìn của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, quy mô kinh tế của Việt Nam có vượt Singapore hay không, điều đó không quá quan trọng, mà theo bà, vấn đề chính của Việt Nam là "phải cải thiện một cách rất cơ bản về hiệu quả của tăng trưởng kinh tế để có thể hướng tới tăng trưởng bền vững".
Nữ chuyên gia kinh tế kỳ cựu phân tích với VOA rằng mô hình tăng trưởng của Việt Nam lâu nay vẫn dựa vào các nhân tố cũ như lao động giá rẻ, đầu tư nước ngoài và xuất khẩu, điều đó sẽ bộc lộ nhược điểm trong những năm tới. Bà Lan nói thêm với VOA :
"Vấn đề là ở chỗ duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện nay mà lại vẫn dựa trên mô hình cũ thì liệu có duy trì được hay không về lâu về dài. Hai là duy trì tốc độ tăng trưởng như vậy có thực sự có ý nghĩa không cho sự phát triển về lâu dài của Việt Nam ? Vì vậy, có vượt Singapore về quy mô trong một thời gian nào đó thì nó cũng không phải là những cái mang lại giá trị lớn hay dài hạn cho đất nước và người dân".
Việt Nam cần "phát triển dựa vào nội lực nhiều hơn" thay vì dựa quá nhiều và đầu tư nước ngoài, song song với điều đó, cải cách thể chế để chống tham nhũng tốt hơn, giúp tăng hiệu quả cho nền kinh tế là việc "hết sức cần thiết", nữ chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đề xuất.
"Chỉ cần làm được như vậy không thôi, Việt Nam đã có thể tăng trưởng cao hơn, nhất là hiệu quả tăng trưởng được cải thiện hơn", bà Lan nói với VOA.
Hồi tháng 3/2006, trong một cuộc trà lời phỏng vấn được nhiều báo lớn của Việt Nam đăng tải, nói về khoảng thời gian mà Việt Nam cần để đuổi kịp các nước trong khu vực về thu nhập bình quân đầu người với điều kiện tất cả các nước đều duy trì đà tăng trưởng, ông IL Houng Lee, Trưởng đại diện IMF ở Việt Nam tại thời điểm đó, cho rằng Việt Nam có thể phải mất 18 năm để đuổi kịp Indonesia, 34 năm với Thái Lan và 197 năm với Singapore.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, GDP đầu người của Singapore năm 2017 là 55.235 đô la Mỹ. Con số trong cùng năm của Việt Nam là 2.343 đô la.
*****************
Làm rõ về dự báo qui mô kinh tế Việt Nam vượt Singapore vào 2029 (RFA, 29/05/2019)
Bloomberg dẫn một báo cáo của ngân hàng DBS Bank thuộc Singapore dự báo qui mô nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua Singapore vào năm 2029.
Ảnh minh họa chụp tại Singapore hôm 4/4/2019. AFP
Cụ thể, DBS Bank dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng từ 6% đến 6,5% trong 10 năm tới, nhờ tăng năng suất lao động và nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh thời gian gần đây.
Cũng trong báo cáo của ngân hàng DBS Bank, chuyên gia kinh tế Irvin Seah cho rằng, nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng này, nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn quy mô nền kinh tế Singapore sau 10 năm nữa.
Trao đổi với RFA từ Hà Nội hôm 29/5, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc học viện Kinh tế Tài chính Việt Nam nhận định :
"Theo tôi, dự báo đó có một nét tương đối sáng với nền kinh tế Việt Nam. Và trong thời gian vừa qua chúng ta cũng thấy kinh tế Việt Nam đã vượt lên với một tốc độ phát triển tương đối nhanh chóng. Và đặc biệt từ một nền kinh tế phát triển đơn thuần theo chiều rộng, nay đã có một độ bền vững nhất định, mặc dù có nhiều biến động trên trường quốc tế, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn phát triển tốt. Và với tốc độ như thế thì đến năm 2029 hay có thể sớm hơn, GDP(tổng sản phẩm quốc nội) Việt Nam vượt Singapore cũng là điều bình thường thôi".
Tin cho biết, Chính phủ Việt Nam dự báo tổng sản phẩm quốc nội GDP tăng ít nhất 6,8% trong năm nay.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Irvin Seah cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai sẽ được thúc đẩy bởi lợi thế về cơ cấu dân số, lực lượng lao động, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, và nền chính trị ổn định giúp thu hút dòng vốn nước ngoài.
"Không có ý nghĩa gì cả"
Tuy nhiên, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, khi trao đổi với RFA hôm 29/5 từ Hà Nội cho rằng, so sánh theo GDP của DBS Bank không có ý nghĩa gì cả:
"Trước hết chúng ta cần phải hiểu chính xác hơn, tức là đến thời điểm 2029 thì quy mô GDP của Singapore và Việt Nam tương ứng nhau, và đến năm 2030 GDP của Việt Nam sẽ vượt Singapore. Có nghĩa là khi đó GDP của Singapore dự tính tương đương 445 tỷ đô, và đến năm 2030 GDP của Việt Nam sẽ là 465 tỷ đô. Tuy nhiên, so sánh đó không có ý nghĩa gì cả, vì phải so sánh với nhau dựa trên thu nhập bình quân đầu người (GDP per Capital)."
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn từ Sài Gòn khi trả lời RFA, cũng cho rằng, sau 10 năm thì dân số Singapore nếu có tăng thì cũng chỉ khoảng 1/20 dân số của Việt Nam. Tất nhiên khi đó GDP của Việt Nam có thể lớn hơn Singapore, nhưng GDP (per capital) tính theo đầu người của Việt Nam chắc sẽ còn thấp hơn Singapore rất là nhiều. Cho nên theo ông, sự so sánh của các chuyên viên kinh tế Singapore cũng cho thấy sự tăng đáng kể của GDP Việt Nam, nhưng nếu so GDP tính theo đầu người thì còn thấp hơn Singapore rất nhiều.
Ảnh minh họa chụp tại một công ty may ở Hà Nội hôm 24/5/2019. AFP
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, nếu tính theo giá thực thể thì thu nhập bình quân đầu người của Singapore đang gấp 25 lần Việt Nam, và đến 2029 vẫn gấp khoảng 17 lần so với Việt Nam. Khi đó theo ông, Việt Nam vẫn là nước thu nhập trung bình, trong khi Singapore là nước thu nhập cao và phát triển.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy cho rằng, nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế của 90 triệu người, còn nền kinh tế của Singapore là nền kinh tế của hơn 5 triệu người. Nếu nền kinh tế Việt Nam có mức phát triển ngang bằng với Singapore thì đúng ra nền kinh tế Việt Nam phải lớn gấp 20 lần nền kinh tế của Singapore. Ông nói tiếp:
"Dự báo cho rằng phải 10 năm nữa nền kinh tế Việt Nam mới ngang bằng của Singapore nó cho thấy một sự thật rằng nếu Việt Nam tiếp tục mô hình hiện nay thì 10 năm nữa vẫn mãi là một nước nghèo, rất nghèo của khu vực".
Nếu so sánh GDP trên đầu người thì hiện nay của Việt Nam là khoảng 2.500 đô la Mỹ trong khi của Singapore là 64 ngàn đô la Mỹ, gấp 25 lần. Tức hiện nay thu nhập trung bình của 25 người Việt Nam mới bằng một người Singapore. Và giả sử 10 năm tới khi hai nước có nền kinh tế bằng nhau và dân số Việt Nam tăng lên khoảng 100 triệu trong khi dân số Singapore chỉ khoảng hơn 5 triệu người thì sự phát triển của Việt Nam cũng chỉ đạt đến mức là thu nhập của 20 người Việt mới bằng thu nhập của một người Singapore. Đó là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ.
Báo cáo của Ngân hàng DBS đưa ra số liệu, trong 4 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông vào Việt Nam đạt 2 tỷ USD, nên DBS dự báo nhiều khả năng năm nay sẽ là năm mà Việt Nam đón lượng vốn FDI lớn nhất từ hai nhà đầu tư này. Các chuyên viên của ngân hàng DBS cũng cho rằng Việt Nam đang hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lo ngại ảnh hưởng tiêu cực của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong khi đó, vào ngày 28/5/2019, IMD World của Thụy Sỹ công bố bảng xếp hạng 63 nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới 2019, thì không hề có Việt Nam. Ngược lại, Singapore vượt 3 bậc so với năm 2018, vượt cả Mỹ và Hong Kong, Singapore trở thành nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới năm 2019.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ nhận định :
"So sánh về mức độ sáng tạo và sự cạnh tranh, thì nếu tiếp tục với thể chế và mô hình hiện nay Việt Nam khó có thể bắt kịp được Singapore trong vài chục năm nữa. Singapore có một thể chế tốt, mặc dù tương đối khắc khe về chính trị. Hệ thống luật và áp dụng luật rõ ràng, minh bạch. Chính quyền ít tham nhũng, nhỏ gọn, thích nghi nhanh với các thay đổi của thế giới. Hệ thống giáo dục theo tiêu chuẩn Âu Mỹ, đứng hàng đầu châu Á. Chính quyền khuyến khích tư bản và kinh doanh. Họ trọng dụng nhân tài".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, tất cả những điều vừa nêu sẽ hình thành nên một văn hóa và một môi trường kinh doanh cạnh tranh, từ đó đưa Singapore trở thành nước hàng đầu trên thế giới về sáng tạo lẫn năng lực cạnh tranh.
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, GDP của Việt Nam dự kiến đạt 260,3 tỷ USD trong năm 2019, còn GDP của Singapore dự kiến đạt 372,8 tỷ USD.