Hai con voi trên trảng cỏ : Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc khiến Đông Nam Á lo ngại như thế nào
Khi Donald Trump bắt đầu áp thuế nhập khẩu đối với hàng từ Trung Quốc vào đầu năm 2018, Tổng thống Indonesia, Joko Widodo (hay Jokowi, cách ông thường được gọi) đã nhìn thấy cơ hội. Ông hỏi những vị khách nước ngoài làm thế nào Indonesia có thể tận dụng tình trạng căng thẳng ngày càng tăng. Chẳng hạn, liệu ông có thể lôi kéo các công ty đa quốc gia chuyển một phần chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc không ?
700 triệu người trong khu vực này có nhiều thứ để mất
Tình hình đã thay đổi. Dưới thời tổng thống kế nhiệm của ông Trump, Joe Biden, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đã gia tăng và được củng cố bởi sự cạnh tranh địa chính trị, ý thức hệ và thậm chí cả quân sự mà đôi khi dường như có nguy cơ dẫn đến xung đột. Về phía Trung Quốc, Chủ tịch đầy sức mạnh Tập Cận Bình nói về một cuộc đấu tranh vĩ đại với phương Tây do Mỹ lãnh đạo. Về phía Mỹ, ông Biden vào tháng 10 đã công bố các biện pháp kiểm soát hà khắc nhằm ngăn chặn các công ty Trung Quốc hưởng lợi từ công nghệ Mỹ – một nỗ lực rõ ràng là để kìm hãm Trung Quốc. Ông cũng đã đoạn tuyệt với chính sách dùng những lời lẽ không rõ nghĩa đã được sử dụng nhiều thập niên, trong đó Mỹ từ chối công khai cam kết bảo vệ Đài Loan, hòn đảo tự trị mà sự thống nhất với đại lục là nguyên tắc thiêng liêng nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trước sự cạnh tranh của các siêu cường, người Đông Nam Á cảm thấy bất lực. Các chiến lược gia khu vực cho rằng họ là "cỏ chứ không phải voi". Jokowi đã chuyển từ nhìn thấy cơ hội sang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Tháng này, ông nói với tờ The Economist rằng ông "rất lo lắng" về khả năng xảy ra xung đột ở Đài Loan, nhất là vì nó có thể phá hủy hy vọng phát triển và thịnh vượng của khu vực này. Ông đã thúc đẩy mạnh mẽ cho cuộc gặp tuần vừa rồi giữa ông Biden và ông Tập ở Bali, vào đêm trước khi ông tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 cho các nhà lãnh đạo thế giới ở đó. Ông ấy gọi nó là hội nghị G20 "khó khăn nhất" từ trước đến nay. "Chúng ta không nên chia thế giới thành nhiều phần", ông nói trong bài phát biểu khai mạc. "Chúng ta không được để thế giới rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh khác".
Mặt khác, cuộc chiến của Tổng thống Vladimir Putin ở Ukraine đã chi phối các cuộc thảo luận tại G20, nơi tâm trạng phản đối cuộc xâm lược của Nga trở nên cứng rắn hơn. Đối với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á, đó không phải là cuộc chiến của họ : chỉ một số ít chính phủ trong khu vực này công khai lên án cuộc xâm lược. Tuy nhiên, Châu Á đang vật lộn với những hậu quả của nó, bao gồm nguồn cung lương thực bị gián đoạn và giá cả tăng cao.
Cuộc xung đột ở xa cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình trong khu vực này. Như thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long, đã phát biểu tại một cuộc biểu tình nhân ngày quốc khánh vào tháng 8 : "Hãy nhìn xem mọi thứ đã trở nên tồi tệ như thế nào ở Châu Âu. Bạn có thể chắc chắn rằng mọi thứ không thể sai trong khu vực của chúng ta không ? Tốt hơn hết hãy đối mặt với thực tế và chuẩn bị tâm lý".
Đài Loan là mối quan tâm an ninh chính của các nhà hoạch định chính sách Đông Nam Á. Họ từ lâu đã lo lắng về một cuộc đụng độ giữa hai siêu cường. Nhưng người ta cho rằng nhiều khả năng nó sẽ xảy ra ở Biển Đông, nơi "đường chín đoạn" mơ hồ của Trung Quốc bao trùm gần như toàn bộ vùng biển này và là nơi Trung Quốc đã xây dựng các căn cứ quân sự trên các rạn san hô ngoài khơi. Điều này đã thay đổi, một nhà ngoại giao trong khu vực này nói. "Đường chín đoạn", nhà ngoại giao nói. "Đó không phải là một lằn ranh đỏ. [Đối với Trung Quốc] Đài Loan là lằn ranh đỏ thực sự".
Hòn đảo trong một cơn bão
Trong bối cảnh đó, các chiến lược gia khu vực lo ngại trước sự thay đổi trong giọng điệu của Mỹ. Họ cho rằng chính quyền Biden đã đi quá xa. Họ cũng lên án chuyến thăm Đài Loan vào tháng 8 của bà Nancy Pelosi, người phát ngôn Hạ viện thuộc đảng Dân chủ, là hành động khiêu khích không cần thiết. Trung Quốc đáp trả bằng các cuộc tập trận bắn đạn thật quanh hòn đảo này. Do đó, họ lo lắng về các hậu quả có thể xảy ra nếu Kevin McCarthy, người có khả năng thay thế bà Pelosi, cũng thực hiện lời hứa thăm Đài Loan.
Họ cũng lo lắng rằng sự thiếu tin tưởng cản trở việc giao tiếp. Từ đó, sự coi thường lẫn nhau ngày càng tăng. Một nhà ngoại giao Đông Nam Á nói chuyện với cả hai bên nói rằng các quan chức Trung Quốc coi sự phân cực chính trị của Mỹ là bằng chứng về sự suy tàn của một cường quốc. Cả hai bên phàn nàn rằng các cuộc trò chuyện là hời hợt. Nhà ngoại giao này cho biết các quan chức Trung Quốc và Mỹ sẽ nỗ lực gặp riêng để thảo luận thẳng thắn về cách xoa dịu căng thẳng. Đại dịch làm giảm các cuộc gặp mặt trực tiếp, khiến tình hình tồi tệ trở nên tồi tệ hơn.
Đối với việc vũ khí hóa công nghệ chống lại Trung Quốc, ngay cả những người bạn thân nhất của Mỹ ở Đông Nam Á cũng nói rằng chính quyền Biden đang đưa khu vực này vào con đường nguy hiểm. Họ buộc các quốc gia phải chọn một bên một cách đau đớn. Singapore đã chấp nhận rằng trong một thế giới chia đôi, nơi công nghệ sẽ được chia sẻ với các quốc gia "bạn bè", thành phố-nhà nước này sẽ tham gia chuỗi cung ứng do Mỹ dẫn đầu. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc nặng về công nghệ hoạt động bên ngoài Trung Quốc ? Theo một quan chức Singapore, điều này sẽ tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan lớn đối với một thành phố-nhà nước vốn nổi tiếng là một khu vực tài phán an toàn, có thể dự đoán được và cởi mở cho hoạt động kinh doanh. Đối với vấn đề đó, liệu một ngày nào đó, ngành công nghiệp cung cấp năng lượng cho xe điện đang chớm nở của Indonesia sẽ bị buộc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc ?
Ông Biden và nội các của ông nhận thức được một số mối quan ngại của khu vực. Ngay trước thềm G20, tổng thống Mỹ đã có mặt ở Phnom Penh, nơi Campuchia tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 nước. Ông đảm bảo với ASEAN rằng khu vực này là "trái tim" trong chính sách của ông ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông hứa hẹn một "kỷ nguyên mới" của sự hợp tác – một sự thừa nhận rằng lợi ích của khu vực này đã phần nào bị xem nhẹ.
Bất chấp tình trạng nền kinh tế của họ bị ràng buộc với Trung Quốc, người Đông Nam Á thực sự muốn sự tham gia của Mỹ như một đối trọng với nước láng giềng khổng lồ phía bắc của họ. Sự hiện diện của Trung Quốc mang lại những khả năng kinh tế nhưng cũng có những nguy cơ, chẳng hạn như mở rộng quân sự ở Biển Đông, mắc nợ từ các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc lãnh đạo và sự phá hoại của Trung Quốc đối với sự thống nhất của ASEAN khi nước này biến Campuchia và Lào thành các quốc gia chư hầu.
Sự tham gia của Mỹ, do đó, được hoan nghênh. Tuy nhiên, theo một nhà lãnh đạo chính trị, nó phải nằm trong một khuôn khổ "cân bằng" hơn trong đó có các cam kết kinh tế dài hạn. Tại Phnom Penh và Bali, ông Biden đã hứa điều này. Mỹ và Nhật Bản (tự coi mình là quốc gia khôn ngoan hơn trong việc tác động đến các nước Châu Á nghèo hơn so với đồng minh Mỹ của họ, xem Banyan) đã đề xuất những phương pháp mới để giúp Indonesia giảm sử dụng cacbon. Nhiều người Đông Nam Á nghi ngờ rằng những lời hứa như vậy sẽ đem lại những kết quả thực tế đáng kể. Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ông Biden, một đề xuất cho sự tham gia của Mỹ vào khu vực, thiếu sức nặng. Chỉ một số bộ phận trong chính quyền của ông Biden, chẳng hạn như Bộ Thương mại, thúc đẩy sự cởi mở hơn. Các chiến lược gia của khu vực này cho rằng, phần lớn chính sách Châu Á của ông được thúc đẩy bởi tư tưởng chống Trung Quốc.
Do đó, nhiều người cảm thấy nhẹ nhõm khi ông Biden gặp ông Tập. Cuộc gặp này không khôi phục được mối quan hệ nhưng đã phục hồi việc liên lạc. Ít nhất, theo một quan chức Đông Nam Á, hai con voi đã thể hiện mong muốn ngăn chặn hậu quả của chiến tranh. Trảng cỏ tạm yên, nhưng trong bao lâu ?
The Economist
Nguyên tác : How the rivalry between America and China worries South-East Asia, The Economist, 17/11/2022
Anh Khoa dịch
Nguồn : VNTB, 23/11/2022
Sân khấu chính trị Pháp đặc biệt là cách tổng thống Macron xử lý tình trạng liên minh cầm quyền không nắm được đa số tuyệt đối sau cuộc bầu cử Quốc hội dĩ nhiên vẫn là chủ đề được báo chí ra ngày 24/06/2022 theo dõi nhiều nhất. Đối với thính giả Việt Nam, đáng chú ý có lẽ là bài viết trên Le Monde về xu hướng chạy theo năng lượng hạt nhân của nhiều nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Khói trắng thoát ra từ các tháp giải nhiệt của nhà máy điện hạt nhân là hơi nước. Những tháp này chỉ có ở các nhà máy điện nằm ven sông. © Jaromir Sebek S ebek / M afa F iles / AFP
Trong bài viết "Indonesia, Việt Nam và Philippines bị nguyên tử cám dỗ", Le Monde ghi nhận sự kiện ba nước Đông Nam Á mong muốn thúc đẩy lĩnh vực điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và giảm sự phụ thuộc của mình vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, ý muốn hồi sinh các dự án hạt nhân dân sự của ba nước đã bị giới chuyên gia đón nhận với tâm lý hoài nghi.
Theo tờ báo, khu vực này hiện phải nhập khẩu đến 40% năng lượng, và chủ yếu phụ thuộc vào nguồn dầu hỏa từ Trung Đông và nguồn than từ Úc. Về cơ cấu năng lượng sử dụng, 80% dựa vào nhiên liệu hóa thạch, phần còn lại là năng lượng tái tạo, cụ thể là thủy điện. Trong những điều kiện đó, hạt nhân trở nên hấp dẫn, ngay cả khi nhiều chuyên gia đã hoài nghi về khả năng tất cả những thông báo thúc đẩy điện hạt nhân của ba nước Việt Nam, Indonesia và Philippines sẽ trở thành hiện thực.
Việt Nam : nước Đông Nam Á đầu tiên có nhà máy điện hạt nhân ?
Ở Việt Nam chẳng hạn, cuối tháng 5 vừa qua, bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã tuyên bố trước Quốc hội rằng phát triển năng lượng hạt nhân là "xu hướng tất yếu".
Năm 2016, một dự án xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân của tập đoàn Rosatom của Nga và Tập đoàn Điện Nguyên tử Nhật Bản tại tỉnh Ninh Thuận đã bị bỏ dở do thiếu ngân sách, nhưng bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhắc lại rằng dự án đã bắt đầu được thực hiện, hiện chỉ bị "đình chỉ" chứ không phải "hủy bỏ", hàm ý rằng các cơ quan chức năng có thể khởi động lại dự án này.
Theo ông Diên : "Chúng ta không thể phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện, trong khi tiềm năng thủy điện của đất nước đã bị khai thác hết". Ông còn cho biết thêm rằng Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, nên cần một nguồn năng lượng "ổn định".
Đối với Philip Andrews-Speed, nhà nghiên cứu chính tại Viện Nghiên cứu Năng lượng thuộc Đại học Quốc gia Singapore, sự tồn tại của một dự án cũng như tính chất chuyên chế của chế độ cho thấy Việt Nam được xem là quốc gia đầu tiên trong khu vực có được nhà máy điện hạt nhân.
ASEAN : Hạt nhân là năng lượng sạch
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào năm 2020 đã khuyến nghị dùng năng lượng hạt nhân "như một nguồn năng lượng sạch", để giúp khu vực đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của mình. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu đã tăng 80% kể từ năm 2000 và sẽ tăng thêm 60% vào năm 2040.
Tại Philippines, tân tổng thống Ferdinand Marcos Junior, đắc cử ngày 09/05/2022, đang có kế hoạch mở cửa trở lại nhà máy điện hạt nhân Bataan, nằm cách thủ đô Manila 80 km về phía Tây, hoàn thành vào năm 1984, nhưng chưa bao giờ được đưa vào hoạt động. Còn tại Indonesia, một dự luật mới đã được đưa ra vào đầu tháng 6 để có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào năm 2045.
"Chúng tôi nhận thấy rằng các vấn đề về biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng đang nằm trong chương trình nghị sự", Philip Andrews-Speed lưu ý. Các công nghệ mới, các biện pháp an toàn được cải thiện cho các nhà máy điện hạt nhân và cuộc chiến ở Ukraine, đã dẫn đến bùng nổ chi phí năng lượng (khí đốt, dầu mỏ), đã đưa năng lượng hạt nhân trở lại vị trí hàng đầu.
Xu hướng chạy theo hạt nhân : "Ngọn lửa rơm"?
Jean-Christophe Simon, thành viên nghiên cứu tại Phòng Thí nghiệm Kinh tế Ứng dụng ở Grenoble, Pháp, nghĩ rằng lựa chọn hạt nhân ở Đông Nam Á sẽ là "một ngọn lửa rơm".
Ngoài những "trở ngại về tài chính và môi trường", chuyên gia về phát triển công nghiệp của các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á này cho rằng : "Khi xem xét kỹ hơn, các dự án đang mang lại những thách thức lớn. chẳng hạn như vị trí, bảo trì và độ tin cậy (theo tiêu chuẩn hậu Fukushima), cũng như kiểm soát thời gian vận hành". Thêm vào đó là những lo ngại về nạn tham nhũng và chủ nghĩa bè phái tồn tại ở những quốc gia này.
Thời sự Pháp là chủ đề được tất cả các tờ báo lớn đưa lên trang nhất vào hôm nay. Không hẹn mà gặp, cả Le Monde lẫn Le Figaro đều nhấn mạnh trong tựa lớn trang nhất của mình khó khăn mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang gặp phải trong việc kêu gọi các đảng đối lập hợp tác với liên minh cầm quyền, trong lúc Libération lại chú ý đến số phận nữ thủ tướng Elisabeth Borne.
Nếu Le Monde nhìn thấy là : "Trong hoàn cảnh bế tắc, Macron kêu gọi phe đối lập", thì Le Figaro nói thẳng "Macron bị cô lập sau câu trả lời "không" của các phe đối lập".
Le Monde nhắc lại : "Vì chỉ nắm được đa số tương đối trong Quốc hội, người đứng đầu nhà nước hôm thứ Tư (22/06) đã kêu gọi tinh thần "trách nhiệm" của "tất cả các lực lượng chính trị". Do phải đối mặt với điều mà ông gọi là một "thực tế mới" trong nền Đệ Ngũ Cộng Hòa, ông Macron đề ra một phương pháp dựa trên "thỏa hiệp" và "đối thoại".
Vấn đề theo tờ báo, là tổng thống và đảng của ông lại không chịu loại trừ việc xem đảng Tập Hợp Dân Tộc là một tác nhân đối thoại hợp pháp, một điều có nguy cơ thể chế hóa phe cực hữu tại Pháp. Bà Marine Le Pen lãnh đạo đảng này xem điều đó là đỉnh cao của hai mươi năm nỗ lực đã qua, và như ghi nhận của Le Monde, 89 dân biểu cực hữu của đảng đứng đầu phe đối lập này, đang cố phô trương một hình ảnh ôn hòa, có sức trấn an.
Về phần mình, Le Figaro đã nhấn mạnh đến việc các đảng đối lập, từ liên minh cánh tả Nupes cho đến đảng Những Người Cộng Hòa cánh hữu và đảng Tập Hợp Dân Tộc cực hữu, tất cả đều bác bỏ yêu cầu mà tổng thống Pháp Macron đưa ra muốn họ nhanh chóng cho biết "sẵn sàng đi bao xa" để "xây dựng các thỏa hiệp" và ngăn chặn cuộc khủng hoảng chính trị.
Đối với Le Figaro, ba thành viên chủ chốt trong phe đối lập đã từ chối "khoán trắng" việc nước cho tổng thống và cho rằng chính ông Macron mới là bên phải nhờ vả đến họ và đưa ra những cam kết trước.
Le Figaro không ngần ngại nhận định rằng sau cuộc bầu cử Quốc hội, ông Emmanuel Macron đã bị cô lập và lâm vào thế yếu. Tờ báo cho biết rằng đó cũng là ý kiến 83% người Pháp, được ghi nhận trong một cuộc thăm dò ý kiến do viện Odoxa-Backbone Consulting thực hiện. Theo công trình điều tra dư luận này, cứ 10 người Pháp thì có đến 7 người đổ lỗi cho ông Macron về việc liên minh cầm quyền mất đa số tuyệt đối trong Quốc hội.
Cuộc thăm dò ý kiến này cũng cho thấy là 57% người được hỏi không muốn thấy bà Elisabeth Borne tiếp tục làm thủ tướng Pháp.
Số phận của đương kim thủ tướng Pháp chính là đề tài quan trọng trong ngày của tờ báo thiên tả Libération. Ngay trang nhất, bên trên một bức hình ghép một tấm ảnh bị làm cho nhòa đi của bà Borne đứng trên sân cỏ của điện Matignon – tức phủ thủ tướng Pháp – tờ báo chạy hàng tựa lớn : "Elisabeth Borne : Bóng ma của điện Matignon".
Theo tờ báo, "được chọn làm thủ tướng nhờ đức tính nghiêm túc và kín đáo, nhưng lại bị cuộc bầu cử Quốc hội đẩy vào tình trạng bấp bênh và hầu như bị làm ngơ trong bài diễn văn hôm thứ Tư của tổng thống Macron, nữ thủ tướng Pháp gặp khó khăn trong việc áp đặt uy quyền của mình, và thấy chiếc ghế của mình khơi dậy lòng thèm muốn".
Khó khăn kinh tế mà nước Pháp phải gánh chịu, chủ yếu trên vấn đề nguồn cung ứng khí đốt đang bị Nga bóp nghẹt đã được nhật báo kinh tế Les Echos nêu bật trong hàng tựa trang nhất : "Khí đốt : Kế hoạch của Pháp nhằm tránh thiếu hụt".
Theo Les Echos, chính quyền Pháp đã yêu cầu các xí nghiệp và cơ quan giảm 10% mức tiêu thụ của mình, đồng thời ra lệnh đổ đầy 100% các kho dự trữ khí đốt ngầm dưới lòng đất từ nay đến 01/09. Hiện các kho này đã đầy khoảng 59%, một mức cao hơn bình thường, nhưng khả năng bơm thêm có nguy cơ bị chậm lại do việc nguồn cung cấp từ Nga cạn dần.
Tuy vậy, theo nhận định của tờ báo, tình hình ở Pháp chưa nghiêm trong đến mức phải kích hoạt lệnh báo động, như điều đã xẩy ra tại Đức và 9 nước Liên Âu khác.
Lý do là Pháp ít lệ thuộc vào khí đốt của Nga hơn, và nhất là có sẵn những cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng và được nối với hệ thống ống dẫn khí tại Tây Ban Nha.
Vào lúc các đồng nghiệp chú ý đến các chủ đề nặng nề, nhật báo công giáo Pháp La Croix hôm nay đã chọn khai thác sâu một đề tài nhẹ nhàng. Trên trang nhất, tờ báo chạy hàng tựa lớn : "Đi hè nghỉ hè bằng mọi giá".
Theo La Croix, mệt mỏi với hai năm khủng hoảng Covid và nỗi lo lắng về bối cảnh địa chính trị và kinh tế, nhiều người Pháp đã quyết định sẽ đi nghỉ hè. Mùa hè này hứa hẹn sẽ rất đặc biệt, cả về điểm đến lẫn giá cả tăng cao.
Theo giới chuyên môn trong ngành du lịch, số người Pháp đi nghỉ hè năm nay sẽ cao kỷ lục, lên đến 32 triệu, một mức hơn hẳn con số 30 triệu khách, vốn đã cực cao của năm 2019, tức là trước khi bùng nổ đại dịch Covid.
Một dấu hiệu cụ thể : sự gia tăng của lượng vé xe lửa đặt mua trước. Đến giữa tháng 6, công ty đường sắt Pháp SNCF đã bán được 6,5 triệu vé tàu cao tốc TGV cho các đợt chạy trong tháng 7 và tháng 8, tức là nhiều hơn 10% so với giữa tháng 6 năm 2019 (và tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái).
Một dấu hiệu thứ hai : Lượng vé máy bay được đặt cũng tăng vọt, vượt qua mức của năm 2019. Vấn đề đối với các hãng hàng không hiện nay không còn là thiếu khách, mà là thiếu nhân viên, đến mức một số đã phải hủy chuyến bay…
Tại các công ty du lịch cũng vậy, lượng đặt chỗ đã cao hơn 20% so thời kỳ trước khủng hoảng Covid.
Vấn đề là mức cầu gia tăng tất yếu dẫn đến việc giá cả dịch vụ gia tăng, từ nhà hàng, khách sạn, cho đến vận chuyển hay cho thuê xe. Nguyên nhân tăng giá thường được đưa ra là do vấn đề nhiên liệu đã trở nên đắt đỏ hơn.
Trọng Nghĩa
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang có chiều hướng giảm ở Châu Á, các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á đang đua nhau mở cửa trở lại để đón khách du lịch quốc tế, vực dậy ngành du lịch, vốn là một trong những nguồn thu nhập chính yếu đối với các nước này.
Những du khách quốc tế đầu tiên đến sân bay quốc tế Phuket, Thái Lan ngày 01/07/2021. AP - Sakchai Lalit
Ngoại trừ một số nước như Philippines và Miến Điện vẫn tiếp tục đóng cửa với du lịch quốc tế, các quốc gia Đông Nam Á khác đều đã thông báo các kế hoạch đón tiếp trở lại du khách quốc tế đã được chích ngừa Covid đầy đủ, nhưng mở cửa một cách thận trọng để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan từ bên ngoài.
Bắn phát súng đầu tiên chính là Thái Lan, quốc gia mà ngành du lịch chiếm đến 20% GDP vào thời gian trước đại dịch. Sau một năm rưỡi đóng cửa, ngày thứ hai 1/11, Thái Lan sẽ bắt đầu đón tiếp những du khách ngoại quốc đã được chích ngừa Covid đầy đủ.
Có thể nói là các biện pháp phong tỏa để chống dịch đã khiến ngành du lịch Thái Lan kiệt quệ. Trong khi vào năm 2019 có đến 40 triệu khách đến thăm Thái Lan, thì trong 8 tháng đầu năm nay, chỉ có 73.000 du khách ngoại quốc đến vương quốc này. Hậu quả là thiệt hại cho ngành du lịch lên đến hàng chục tỷ đôla, ấy là chưa kể hơn 3 triệu người bị thất nghiệp.
Phải mất rất nhiều thời gian, Thái Lan nói chung và Bangkok nói riêng mới có thể gượng dậy được từ cuộc khủng hoảng dịch tễ. Theo bảng xếp hạng hàng năm mà công ty Mastercard công bố năm 2019, thủ đô Thái Lan là thành phố được viếng thăm nhiều nhất thế giới, với gần 23 triệu du khách quốc tế năm 2018, so với hơn 19 triệu khách đến Paris và Luân Đôn.
Thái Lan đã ngưng các chuyến bay quốc tế kể từ tháng 04/2020. Sau đó chính phủ Bangkok đã mở cửa trở lại, nhưng những người đến Thái Lan bị cách ly nghiêm ngặt đến 14 ngày trong một khách sạn được chỉ định, cho nên chẳng có mấy ai muốn thăm nước này. Kể từ tháng 7, các quy định về cách ly đã được nới lỏng, nhưng chỉ là đối với khách quốc tế đến đảo Phuket, nên cũng chỉ thu hút được vài chục ngàn người, chẳng thấm vào đâu so với trước khi có dịch.
Để tránh cho ngành du lịch bị sụp đổ hoàn toàn, kể từ ngày 1/11 tới, chính phủ Bangkok bãi bỏ việc cách ly đối với các du khách đã được chích ngừa đầy đủ đến từ khoảng 40 quốc gia được xem là có "nguy cơ thấp" về dịch Covid ( Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Đức….). Tuy nhiên, du khách vẫn phải trình kết quả xét nghiệm Covid âm tính và phải xét nghiệm lần thứ 2 trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau khi đến Thái Lan và trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm thứ hai, họ phải ở trong một khách được chỉ định.
Vấn đề là những người sống nhờ vào du lịch ở Thái Lan trước mắt sẽ không thể trông chờ vào du khách đến từ Trung Quốc, vốn chiếm đến hơn 25% tổng số du khách ngoại quốc trong năm 2019. Lý do là vì hiện giờ những ai rời khỏi Trung Quốc khi trở về đều sẽ bị cách ly ít nhất 14 ngày, nên chắc là sẽ chẳng có bao nhiêu người sang Thái Lan du lịch. Cũng chưa có gì bảo đảm là khách từ Ấn Độ và Nga, hai thị trường lớn khác của Thái Lan, sẽ nhanh chóng quay trở lại.
Trong khi chờ đợi, các khách sạn ở Bangkok phải thích ứng với tình hình mới : bảo đảm an toàn dịch tễ, linh động cho khách hàng dễ dàng đổi ngày đặt phòng, và nhất là ra giá thật "hấp dẫn" để cạnh tranh với nhau.
Về phần Cam Bốt, quốc gia vẫn thu hút rất nhiều du khách ngoại quốc này đang thận trọng mở cửa dần dần cho du lịch quốc tế, sau khi đạt thành công về chương trình chích ngừa Covid-19.
Theo kế hoạch dự kiến, Cam Bốt sẽ mở lại các bãi biển Sihanoukville, Koh Rong và Dara Sakor kể từ ngày 30/11 tới. Bộ Du Lịch Cam Bốt ngày 26/10 thông báo là du khách ngoại quốc sắp tới đây cũng sẽ được đến thăm khu đền cổ Angkor Vat, sau khi chính quyền Phnom Penh quyết định thành phố Siem Reap sẽ mở cửa cho du lịch quốc tế kể từ tháng 1/2022. Thành phố này sẽ là một trong những nơi thí điểm tiếp đón du khách mà không cần cách ly.
Trong năm 2019, khoảng 2 triệu du khách đã đến thăm khu đền Angkor, di sản của thế giới, nhưng kể từ khi bùng phát đại dịch, khu du lịch này gần như vắng bóng người. Do đại dịch mà thu nhập từ du lịch của Cam Bốt từ 5 tỷ đô la năm 2019 khi nước này đón tiếp đến 6,6 triệu du khách, xuống chỉ còn 1 tỷ đô la năm 2020.
Theo quy định của bộ Du Lịch, ngoài việc đã được chích 2 mũi vac- xin ngừa Covid, du khách đến Cam Bốt còn phải xét nghiệm trước khi đi và xét nghiệm lần nữa khi đến. Sau đó, họ còn phải ở ít nhất 5 ngày tại một địa điểm du lịch thí điểm, rồi phải xét nghiệm một lần nữa nếu muốn đến thăm những nơi khác.
Cam Bốt hiện là một trong những nước thành công nhất ở Châu Á về chương trình chích ngừa Covid-19, với 96% dân số trưởng thành đã được tiêm chủng hoàn toàn.
Cũng giống Thái Lan đối với đảo Phuket vào tháng 7, sau nhiều tháng phải đóng cửa do đại dịch, Việt Nam dự trù mở lại đảo du lịch Phú Quốc kể từ ngày 20/11 tới cho khách quốc tế đã được chích ngừa Covid-19 đến từ những quốc gia và vùng lãnh thổ "có độ an toàn cao về phòng, chống dịch bệnh" ở Châu Âu, Trung Đông, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Bắc Mỹ, Úc... .
Theo "kế hoạch thí điểm" đón khách quốc tế, từ ngày 20/11, Phú Quốc sẽ đón một số chuyến bay thuê bao (charter) để thử nghiệm việc tiếp đón và phục vụ những du khách đã có hộ chiếu vac-xin. Sau đó, trong thời gian từ cuối tháng 12/2021 cho đến cuối tháng 3/2022, đảo này dự trù sẽ đón tổng cộng 5.000 du khách ngoại quốc mỗi tháng. Tiếp đến, từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 6/2022, Phú Quốc dự trù sẽ đón từ 5000 đến 10.000 du khách/tháng.
Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng dự kiến là sau Phú Quốc sẽ mở rộng thí điểm đón khách quốc tế ra một số điểm đến khác đáp ứng yêu cầu từ tháng 12/2021 đến tháng 6/2022, như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng).
Nói chung là kể từ tháng 11, nếu xét nghiệm âm tính sau khi nhập cảnh Việt Nam, du khách sẽ được tham gia tour du lịch trọn gói ngay mà không phải cách ly 7 ngày. Nhưng đi du lịch kiểu này cũng khá là bó buộc : khách tuyệt đối không được tách đoàn hoặc rời khỏi khu vực đón khách đã được bố trí, đồng thời phải hạn chế tiếp xúc gần với các thành viên của đoàn khách du lịch khác. Với du khách đăng ký tour trên 7 ngày, sau khi được xét nghiệm âm tính trong ngày thứ 7, có thể kéo dài hành trình du lịch sang địa phương khác được phép đón khách, nhưng vẫn phải theo tour trọn gói, khép kín.
Với những quy định bó buộc như vậy, không có gì bảo đảm là số du khách ngoại quốc trong những tháng tới sẽ đông đảo. Chắc là không ít người sẽ chờ cho đến khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn với khách quốc tế, theo dự kiến là từ quý 2/2022.
Về phần Singapore, chính quyền nước này hôm 26/10 thông báo kể từ ngày 8/11 sẽ cho phép nhập cảnh đối với các du khách đã được chích ngừa đầy đủ và có kết quả xét nghiệm âm tính đến từ Úc và Thụy Sĩ.
Như vậy là có thêm 2 nước vào danh sách 10 nước khác, trong đó có Hoa Kỳ và nhiều nước Châu Âu, mà công dân sẽ được nhập cảnh Singapore nếu đã được tiêm hai mũi vac-xin ngừa Covid-19.
Singapore hiện vẫn duy trì một số biện pháp hạn chế, nhưng chính quyền nước này đã không ban hành lệnh phong tỏa nghiêm ngặt như những nước láng giềng. Tính đến nay đã có đến 84% dân số Singapore được chích ngừa đầy đủ. Chính quyền Singapore chủ trương chiến lược sống chung với Covid để cố phục hồi nền kinh tế của một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới.
Nước láng giềng Malaysia cũng đang có một dự án mở cửa trở lại cho du khách quốc tế đến đảo Langkawi, được mệnh danh "viên ngọc" của du lịch Malaysia, nơi có nhiều bãi biển rất đẹp. Trong khi đó Indonesia cũng đã mở lại đảo Bali cho du khách từ một số nước, nhưng chương trình này khởi động rất chậm, nhất là vì du khách đến đảo này vẫn còn bị cách ly 5 ngày.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 29/10/2021
Trước thái độ hung hăng, uy hiếp ngày càng lộ liễu của Trung Quốc về mặt chính trị, ngoại giao và kinh tế, đối với các quốc gia trong vùng và toàn thế giới, vai trò của các quốc gia tại Đông Nam Á càng trở nên quan trọng.
Quốc kỳ bên ngoài tòa nhà ASEAN tại Indonesia. Hình minh họa.
Chính sách đối ngoại thích hợp cho hoàn cảnh mỗi quốc gia là quan trọng, nhất là trước các hiểm họa bên ngoài. Nhưng để đối ngoại thì sức mạnh quốc gia phải có, và thế liên minh với các quốc gia trong vùng và quốc tế phải vững.
Chính trị quốc gia và quốc tế mang tính liền lạc. Nó không thể tách rời trong mọi thời đại, nhất là toàn cầu hóa và công nghệ thông tin như hiện nay.
Đông Nam Á bao gồm11 quốc gia thành viên : Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, Mã Lai, Singapore, Nam Dương, Phi Luật Tân, Brunei và Đông Timor (Timor-Leste).
Freedom House phân tích và cho điểm các quốc gia này về tự do toàn cầu, và tự do Internet, trong bản báo cáo năm 2021, như sau :
Bản phân tích và cho điểm về tự do toàn cầu và tự do internet 2021 của các quốc gia Đông Nam Á, do Freedom House thực hiện.
Ngoại trừ Timor-Leste được đánh giá là tự do, và Mã Lai, Nam Dương, Phi và Singapore là phần nào tự do, tất cả các nước còn lại đều độc tài bằng hình thức này hay khác.
Thể chế và văn hóa chính trị của một quốc gia mang tính sống còn của quốc gia đó. Khả năng cạnh tranh, khả năng quản lý những thay đổi lớn lao và cấp bách trong thời đại nay, và khả năng đối phó với mối đe dọa bên ngoài, có tính cách quyết định. Để có được khả năng này, nó đòi hỏi sức mạnh tập thể.
Sức mạnh của một tập thể, một tổ chức, hay một cộng đồng, không dựa vào một hay vài người quản lý, lãnh đạo. Nó phải là sức mạnh tổng hợp của từng cá nhân trong tập thể đó, và sự tương thuận, hòa hợp cho mục tiêu chung của tổng thể. Những công dân có ý thức, hiểu biết, và tinh thần trách nhiệm là yếu tố cần cho nền thịnh vượng chung. Trên nền tảng như thế, chỉ có thể chế chính trị dân chủ cấp tiến trong đó tôn trọng quyền con người, nhất là sự tự do của mỗi người, mới hình thành và phát triển được những công dân nói trên. Không có nhân quyền và nền tảng pháp quyền thì người dân không thể phát triển lành mạnh. Quốc gia cũng vậy.
Trong thời đại cạnh tranh chiến lược đang gia tăng cao mức như hiện nay, các nước như Trung Quốc, Nga và các thể chế độc tài vì quyền lợi mà bất chấp luật lệ, chuẩn mực và định chế (rules, norms and institutions). Trung Quốc luôn dùng các định chế quốc tế đểlàm bàn đạp cho mục tiêu của mình, như WTO, hay để vô hiệu hóa các nỗ lực nào đang cản trở bước tiến của mình, như khi làm một thành viên trongHội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Vấn đề là, nếu các nước lớn không lên tiếng bảo vệ luật lệ, chuẩn mực và định chế, cũng như bảo vệ quyền lợi của các nước nhỏ, thì sau cùng những nước như Trung Quốc sẽ tự tung tự tác như chỗ không người, và các định chế quốc tế không còn giá trị nào nữa.
Vì hiểu được tầm quan trọng của luật lệ, chuẩn mực và định chế trong chính trị quốc tế, nhất là khi chính mình và các quốc gia trong vùng đang bị thách thức bởi mối hiểm họa to lớn Trung Quốc, chính quyền Úc đã vạch rasách lược ngoại giao cho mình vào năm 2017. Chính sách Đối ngoại năm 2017kêu gọi nước Úc hỗ trợ một "Đông Nam Á ngày càng thịnh vượng, hướng ngoại, ổn định và kiên trì". Bộ Ngoại giao Úc DFAT đã tài trợ hơn 2 triệu đô la cho trường đại học hàng đầu của Úc Australian National University/ANU trong ba năm qua, từ năm 2018 đến 2020, để nghiên cứu chiến lược hỗ trợ một trật tự dựa trên luật lệ tại Đông Nam Á, có tên SEARBO (Supporting the Rules-Based Order in Southeast Asia).
Các học giả chuyên gia về chính trị học nhận định rằng, mặc dầu mục tiêu của dự án là để duy trì và phát huy một trật tự dựa trên luật lệ trong vùng, sự nghiên cứu cho thấy việc thúc đẩy xây dựng những cơ chế trong nước phục vụ cho một trật tự như vậy là vô cùng quan trọng. Nói cách khác, để có thể đối phó một cách chiến lược với các xu hướng phi cấp tiến/tự do ở phần lớn khu vực, Úc có thể tập trung nhiều hơn vào việc hỗ trợ, nuôi dưỡng các cấu trúc dân chủ toàn diện hơn, với tiềm năng mạnh mẽ hơn, để duy trì nhân quyền và pháp quyền ngay trong các quốc gia này. Sự kiên trì của các quốc gia này đối với những cường quốc muốn chơi trò chính trị lên nước mình nằm ở sự năng động của nền chính trị nội địa, và ở xã hội đó. Tính cách dân chủ, hay phi dân chủ, của một quốc gia sẽ ảnh hưởng lên khả năng của họ trong việc phản ứng với các thách thức trong vùng, kể cả cung cách quản lý dịch bệnh Covid-19 như đ ang xảy ra hiện nay.
Hiện nay, tại Đông Nam Á như Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân nói riêng, và vài nơi khác trên thế giới nói chung, các nhà lãnh đạo dân túy đã lên nắm quyền lực bằng tiến trình dân chủ, nhưng sau đó củng cố quyền lực bằng việc sử dụng luật và lệ/quy định (law and regulations) để coi thường, phá hoại chính tiến trình dân chủ.Rodrigo Duterte của Phi Luật Tân, hay Viktor Orban của Hungary, Janez Jansa của Slovenia, và Jaroslaw Kaczynski của Ba Lan, nhữnglãnh đạo dân túy tại Đông Âu, đang nắm quyền lực trong tay, tuy đang mất dần ảnh hưởng. Ở những nơi này, loại tin giả cố tình gây thiệt hại (disinformation) đã tràn lan trên mạng xã hội, trong đó một số được chính nhà nước bảo trợ. Nó đã trở thành thế lực đáng kể trong việc định hình câu chuyện chính trị được tường thuật, qua đó làm lợi cho kẻ đang nắm quyền. Điều này dẫn đến sự chia rẽ, phân hóa sâu sắc giữa người dân với nhau. Nó cản trở khả năng để đạt được sự đồng thuận chính trị, và làm tổn hại sự đoàn kết xã hội.
Ngoài chủ nghĩa dân túy, văn hóa chính trị chuyên chế lâu dài cũng là những cản trở to lớn cho sự phát triển của toàn quốc gia. Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Lào v.v… là những điển hình. Cuộcđảo chánh của quân đội vào ngày 1 tháng 2 năm nay đã giết hại hơn 800 người và bỏ tù hơn 5 ngàn người cho đến nay. Sau khi mọi cuộc đối thoại thất bại và giải pháp chính trị chẳng đi về đâu, tình trạng đấu tranh võ lực giữa phe quân đội và hơn hai chục tổ chức võ trang sắc tộc (ethnic armed organizations/EAOs) có vẻ sẽ quyết định tương lai của nước này. Một thiểu số tham quyền cố vị đã đưa toàn nước Miến Điện đến tình cảnh bi đát như thế này, bất chấp mọi hậu quả có thể tiên đoán được.
Sự tham quyền cố vị của các chế độ độc tài thường được nguỵ trang dưới nhiều hình thức khác nhau. Nào là mối đe dọa đến nền an ninh quốc gia, hiểm họa của thế lực ngoại bang, hay ý đồ gây chia rẽ và phá hoại đoàn kết dân tộc v.v… Họ luôn chủ trương phải có kẻ thù, nên phải tạo ra kẻ thù ảo ngay cả khi không có, để tiếp tục chính nghĩa hóa vai trò của họ từ xưa đến nay. Trên thực tế, sự cầm quyền của họ bóp chết mọi tiềm năng, và mọi khả năng để quốc gia đó có cơ hội dân chủ hóa. Hun Sen, chẳng hạn, đã loại trừ hầu như gần hết các đảng đối lập có khả năng đe dọa sự cầm quyền của mình, nhất là Đảng Cứu Nguy Quốc Gia Campuchia (Cambodian National Rescue Party/CNRP), và dùng tòa án để chính thức giải tán đảng này từ cuối năm 2017. Một tá tướng lãnh trung thành tuyệt đối với Hun Sen đã vi phạm nhân quyền trầm trọng và hệ thống để duy trì quyền lực tại đây, trục lợi cho cá nhân và gia đình mình.
Đó là lý do vì sao một số nhà nghiên cứu gia về Đông Nam Á phân tích rằng các quốc gia này không phải đang trải nghiệm sự thoái trào dân chủ, mà thật ra là sự cố chấp kéo dài độc tài. Tại Miến Điện quân phiệt đã cai trị nước này hơn 50 năm nên di sản nó để lại còn mạnh. Sự thắng thế mạnh mẽ của Liên đoàn Quốc gia Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2020 làm cho họ sợ hãi. Chế độ cảm thấy sự từ chối, phủ nhận các di sản còn lại của mình, nên họ quyết định đảo chánh để sống còn.
Tất nhiên, sự phân hóa trong nền chính trị quốc gia đến từ nhiều thành phần xã hội. Theonghiên cứu về phân hóa chính trị tại Nam Á và Đông Nam Á của viện Carnegie Tài trợ cho Hòa bình Quốc tế vào tháng 8 năm 2020, phía lãnh đạo chính trị đương quyền thường đóng một vai trò quan yếu trong việc gia tăng sự chia rẽ. Họ không chỉ sử dụng những luận điệu phân hóa, mà về cơ bản hơn, chính họ tìm kiếm những thay đổi đối với hiện trạng. Phía đối lập cũng gây leo thang sự phân hóa bằng cách vũ khí hóa các cuộc biểu tình quần chúng hoặc đáp trả bằng các chiến thuật gây chia rẽ. Dù vậy, tuy giới lãnh đạo chính trị đóng vai trò quan trọng, họ cũng chỉ là một thành phần gây thêm phân hóa trong xã hội mà thôi. Các lực lượng mang tính cách cấu trúc và sâu sắc hơn (deeper, structural forces) - bao gồm các thành phần vận động chính trị xã hội xung quanh tôn giáo, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, chuyển đổi kinh tế, thiết kế hệ thống chính trị và những thay đổi liên quan đến truyền thông truyề n thống và xã hội - đã thúc đẩy gia tăng sự phân cực trên khắp Nam và Đông Nam Á.
Sự phân hóa này dễ dàng dẫn đến sự xói mòn về dân chủ, và tự do. Như Freedom Housenhận xét. Báo cáo năm 2021 đánh dấu sự xuống cấp tự do toàn cầu trong suốt 15 năm qua.
Theo nghiên cứu SEARBO của đại học ANU thì các tổ chức xã hội dân sự mất đi khả năng tạo ra những thay đổi tích cực bởi vì họ bị các giới hạn về quy định từ chính quyền, và sự đàn áp hệ thống từ phía chính quyền. Những cuộc đàn áp trong những tháng qua từ chính quyền Prayut Chan-o-cha của Thái Lan, và đặc biệt của quân phiệt Miến đảo chánh đầu tháng 2 năm nay, đã gây nguy hại đáng kể về tình hình dân chủ trong vùng.
Cung cách quản lý quốc gia như thế sẽ ảnh hưởng lên sự vận hành quốc gia, kể cả đại dịch Covid-19. Những quốc gia nào cai trị một cách chia rẽ, dùng thủ thuật chia để trị, hoặc bưng bít thông tin và triệt tiêu phê bình, hay coi thường khả năng của các định chế quốc gia của mình, thì ảnh hưởng sẽ vô cùng tiêu cực. Rất có khả năng là sự phục hồi từ đại dịch tại đây sẽ chậm chạp và khó khăn. Trong khi đó, ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ, đa số các quốc gia đối phó thành công với đại dịch là những nước có lãnh đạo quyết đoán, nhanh nhẹn, và minh bạch, cùng với các định chế nhà nước hiệu quả, và trên hết là được sự tín nhiệm rộng rãi trong người dân.
Xuyên suốt Đông Nam Á, các nhà nghiên cứu của SEARBO muốn chứng minh rằng các yếu tố căn bản của nền độc tài đang hiện hữu trong các nhà nước dân chủ, và ngược lại. Tức các yếu tố căn bản về dân chủ cũng phần nào được thể hiện trong các nền độc tài. Các chính quyền độc tài lâu dài đã trở nên khá điêu luyện trong việc nhượng bộ, là chiến thuật của họ nhất thời, để có thể tiếp tục duy trì quyền lực. Cho đến nay cách làm này của họ vẫn còn hữu hiệu.
Tình hình chính trị tại Đông Nam Á cho thấy một viễn ảnh không lạc quan chút nào về con đường cải tổ chính trị quốc gia tại ASEAN. Và tình hình chính trị trên bình diện quốc tế, và vai trò của ASEAN, vẫn cứ bất định. Cuộchọp thượng đỉnh của ASEAN vào cuối tháng 4 tại Nam Dương là để tìm giải pháp cho Miến Điện, chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị và bạo lực tại đây. Nhưng vì thái độ nửa vời, không muốn và không dám mạnh mẽ lên tiếng, nên cuối cùng nó cũng chẳng đi đến đâu cả. Nói cách khác, khi phần lớn các chế độ tại Đông Nam Á đang mang bản chất chuyên quyền và chủ trương duy trì quyền lực cai trị bằng mọi thủ đoạn thì ASEAN cũng không thể đưa ra bất cứgiải pháp thực tiễn và tối ưu nào cho Miến Điện. Sự liên minh lỏng lẻo này cũng không giúp ích gì được cho các nước Đông Nam Á đối phó với một nước Trung Quốc đang tìm mọi cách vô hiệu hóa ASEAN tại Biển Đông, hay các vấn đề địa chính trị khác. Những cuộc nghiên cứu như SEARBO, mang tính hàn lâm và giá trị, nhưng cũng sẽ là lý thuyết nếu phong trào dân chủ, nhân quyền của các tổ chức xã hội tại đây không thể vận dụng cho sự thay đổi nào của họ trong thời gian tới.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 14/07/2021
Trong khi than đang bị dần loại bỏ ở thế giới phát triển vì những quan ngại về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, loại nhiên liệu này hiện vẫn là một lựa chọn năng lượng đang ngày một gia tăng ở nhiều nơi tại Đông Nam Á với vốn đầu tư từ Trung Quốc.
AFP
Trong khi nhiều thị trường, bao gồm Mỹ, Châu Âu và Đông Á, đang tránh sử dụng than, các ngân hàng, các công ty xây dựng và năng lượng của Hoa Lục vẫn tiếp tục cam kết cung cấp tài chính và xây dựng hàng chục nhà máy chạy than ở Indonesia, Việt Nam, Campuchia và Lào.
Điều này diễn ra bất chấp những quan ngại về sự xuống cấp của môi trường, mức cung về điện vượt quá mức cầu, và ô nhiễm không khí. Than hiện được nhiều nơi xem là nguồn nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất cho việc phát điện, với việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính cao nhất, cộng thêm là các vấn đề về chất lượng đất, nước và không khí rộng khắp do việc khai thác, đốt và chất thải từ than.
Bầu trời Hà Nội bao phủ bởi khói bụi hôm 27/9/2019. Hình AFP
"Rõ ràng là Trung Quốc là nhà đầu tư chính cho than ở Đông Nam Á", Isabella Suarez, một nhà phân tích ở Philippines thuộc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và không khí sạch (CREA) nói. "Nếu bạn nhìn vào hồ sơ đầu tư ở nước ngoài của than Trung Quốc, thì Indonesia, Việt Nam đứng thứ hai và thứ ba trên thế giới".
Nhiệt điện than chiếm 56% năng lượng điện của Indonesia, 34,3% ở Việt Nam và 29,3% ở Campuchia.
Trung Quốc là nước duy nhất ngày càng tích cực trong việc theo đuổi việc đầu tư vào các dự án than. Các tổ chức tài chính của Trung Quốc bao gồm Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc, ICBC, và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc được xếp vào những tổ chức đứng đầu danh sách 11 tổ chức cung cấp tài chính cho nhiệt điện than và top 10 tổ chức cung cấp tài chính cho việc khai thác than. Đó là kết quả theo báo cáo có tựa Banking on Climate Chaos được công bố vào cuối tháng ba của một liên minh các tổ chức NGO quốc tế bao gồm Rainforest Action Network (Mạng lưới Hành động bảo vệ rừng), Sierra Club, và Oil Change International.
Báo cáo cho thấy trong tổng số vốn đầu tư, các ngân hàng Trung Quốc chiếm tới 244,7 tỷ đô la đầu tư vào lĩnh vực liên quan đến than kể từ năm 2016, nhiều hơn các ngân hàng lớn nhất của Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada cộng lại.
Các dự án do Trung Quốc tài trợ ở Đông Nam Á bao gồm cơ sở 8 của trạm phát điện Baten Suralaya với công suất 625 MW và các nhà máy Bangko Tengah Sumsel 8 với công suất 1.200 MW ở Indonesia ; nhà máy điện Vĩnh tân 3 với công suất 1.980 MW ở Việt Nam ; trạm phát điện Botum Sakor 700 MW ở Campuchia ; và trạm phát điện Dinginin 668 MW ở Philippines.
Các cộng đồng cư dân địa phương tích cực phản đối các dự án này vì ảnh hưởng lên môi trường và xã hội. Nhà máy Sumsel 8 ở Indonesia là một dự án đặc biệt gây quan ngại vì cơ sở khai thác than lộ thiên mà gần đó nhà máy nhiệt điện than được xây dựng.
"Khi các nhà máy này hoạt động, cộng đồng dân cư gần đó sẽ phải đối mặt với ảnh hưởng kép", chuyên gia Pius Ginting - Giám đốc điều hành của tổ chức Akssi Ecologi Dan Energi Rakyat (AEER) ở Jakarta nói. Đây là tổ chức lên tiếng phản đối các dự án than của Trung Quốc. "Một là ô nhiễm nước và không khí từ nhà máy than, thứ hai là từ việc khai thác than, vì mỏ than cũng nằm cùng nơi".
AEER (Năng lượng của người dân và hành động sinh thái) hôi đầu năm 2021 đã gửi một bức thư bày tỏ quan ngại đến nhà cung cấp tài chính chính là Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc, công ty đi đầu trong việc xây dựng dự án nhiệt điện này tại Indonesia, Tập đoàn Huadian của Trung Quốc, và Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta. AEER vẫn chưa nhận được phản hồi nào.
Bên cạnh những tác động về môi trường, chuyên gia Ginting lo ngại là việc tài trợ từ Trung Quốc cho các dự án than sẽ khiến Indonesia khó có thể đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Một tàu chở than ở sông Mahakam ở Samarinda, Indonesia hôm 2/3/2016. Reuters
Một mối lo ngại nữa là ô nhiễm không khí. Các thành phố ở Đông Nam Á bao gồm Jakarta và Hà Nội thường xuyên bị xếp vào các thành phố ô nhiễm nhất thế giới, và than là tác nhân gây ra tình trạng này do sự hiện diện của các nhà máy than do Trung Quốc tài trợ.
Theo một báo cáo vào năm 2020 của CREA, ô nhiễm qua biên giới từ các nhà máy nhiệt điện than ở các tỉnh láng giềng, như nhà máy do Trung Quốc tài trợ ở Baten, có thể dẫn đến ảnh hưởng đến sức khoẻ cao một cách đáng kể ở Jakarta. Tương tự, một phân tích vào tháng ba năm 2021 ở Việt Nam cho thấy 24 nhà máy nhiệt điện than đã được lên kế hoạch, phần lớn được Trung Quốc đầu tư, có thể khiến 70.000 người chết sớm.
Một nhân tố lớn là thiếu tiêu chuẩn về kiểm soát ô nhiễm.
"Các nhà máy than đang được xây dựng ở nước ngoài nhìn chung gây ô nhiễm nhiều hơn và ít hiệu quả hơn so với các nhà máy được xây dựng ở trong Trung Quốc", Chuyên gia Suarez cho biết.
Một quan ngại nữa là những thoả thuận này đặt gánh nặng tài chính trong thời gian dài lên nước nhận đầu tư, bằng cách khóa chặt họ vào điều khoản thanh toán dài hạn ngay kể cả nếu như nhà máy đó không còn cần thiết nữa. Khi xem xét tuổi đời rất lâu của các nhà máy điện chạy than – lên đến 50 năm – các nước như Indonesia, Việt Nam, Campuchia có thể sẽ phải trả cho Trung Quốc vì năng lượng bẩn trong nhiều thập kỷ.
"Đối với Trung Quốc, đó là một trò chơi dễ dàng. Cung cấp vốn lưu động, xây dựng một nhà máy với lực lượng lao động của chính họ, rồi sau đó phía bên kia sẽ trả lại tiền, và thế là tôi đòi lại được tiền cho vay của mình", chuyên gia Ghee Peh, một nhà phân tích tài chính năng lượng than ở Hong Kong thuộc Viện Kinh tế Năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA), cho biết. Theo IEEFA, phần lớn các tài trợ than của Trung Quốc ở nước ngoài tận dụng nguồn lao động Trung Quốc là chủ yếu, bao gồm các nhà thầu Trung Quốc, công nghệ Trung Quốc. Điều này đặt ra câu hỏi nền kinh tế địa phương thực sự được lợi bao nhiều từ các thoả thuận này.
Những dự án nhiệt điện than do Trung Quốc tài trợ tại Đông Nam Á - Hình : RFA
Trong năm qua, những nhà cung cấp tài chính lớn thứ hai và thứ ba cho các dự án nhiệt điện than ở Đông Nam Á là Nam Hàn và Nhật Bản đã công bố kế hoạch giảm dần các khoản đầu tư vào than. Sau đó, vào đầu năm nay, Ngân hàng CIMB ở Malaysia tuyên bố ngân hàng này cũng loại bỏ than khỏi hồ sơ đầu tư chậm nhất đến năm 2040. Đây là ngân hàng đầu tiên ở Đông Nam Á làm như vậy.
Đã có nỗ lực nhằm đưa các nguyên tắc xanh và bền vững vào Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI), một chiến lược phát triển hạ tầng cơ sở do chính phủ Trung Quốc đầu tư đưa ra vào năm 2013 nhằm đầu tư vào gần 70 quốc gia khắp thế giới. Cũng đã có hy vọng rằng việc Trung Quốc thêm điều khoản "Văn minh sinh thái" vào năm 2018 là một phần của chương trình phát triển kinh tế bền vững sẽ đồng nghĩa với việc ít đầu tư hơn cho than.
Tuy nhiên, tại Đông Nam Á, hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ theo các nước láng giềng và ngừng xuất khẩu cũng như tài trợ rộng rãi cho công nghệ than gây ô nhiễm trong khu vực.
"Cho đến khi có được những hướng dẫn chính sách cho các tổ chức đầu tư, chúng tôi sẽ không nhìn thấy thay đổi nào, và đó là lý do một Sáng kiến Vành đai Con đường xanh vẫn chưa thực sự xảy ra", chuyên gia Suarez nói. "Việc đầu tư ra nước ngoài thì tốt cho các tổ chức nội địa của họ (Trung Quốc) và giúp cho nền kinh tế của chính họ"
Nithin Coca
Nguồn : RFA, 02/05/2021
Thu Hằng, RFI, 09/04/2021
Khu vực Đông Nam Á hiện là điểm nóng trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung. Bắc Kinh không để Washington gây ảnh hưởng với các nước ASEAN về vac-xin ngừa Covid-19 khi thông báo ý định kết hợp với ít nhất bốn nước Đông Nam Á để sản xuất đại trà vac-xin.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lần lượt họp với ngoại trưởng bốn nước Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines tại tỉnh Phúc Kiến từ ngày 31/03 đến 02/04/2021 trong đó có dự án hợp tác riêng lẻ với 4 nước này để sản xuất vac-xin của Trung Quốc.
Theo trang Global Times ngày 05/04, Trung Quốc và Indonesia, cũng như Trung Quốc và Malaysia thống nhất về nghiên cứu, phát triển các loại vac-xin, cũng như hợp tác về sản xuất. Trong khi đó, với Singapore, hai nước sẽ thúc đẩy hợp tác về toàn bộ chuỗi cung ứng trong việc cung cấp vac-xin. Còn với Philippines, hai nước nhất trí tăng cường công tác phê duyệt vac-xin.
Khác với dự án vac-xin của Bộ Tứ - QUAD, chủ yếu sản xuất tại Ấn Độ với mục tiêu cung cấp 1 tỉ liều từ nay đến cuối năm 2022 cho các nước Đông Nam Á và rộng hơn là cho vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, Bắc Kinh chủ trương lôi kéo các nước ASEAN trực tiếp tham gia sản xuất và phân phối vac-xin của Trung Quốc.
Hầu hết các nước Đông Nam Á (trừ Việt Nam và Singapore chưa cấp phép sử dụng), được Trung Quốc tặng vac-xin. Indonesia và Malaysia kết hợp vac-xin AstraZeneca trong khuôn khổ chương trình Covax và vac-xin của Trung Quốc để thực hiện chiến dịch tiêm chủng từ đầu năm. Ngày 08/04, Jakarta cho biết đang đàm phán với Bắc Kinh để mua 100 triệu liều của tập đoàn Sinovac Biotech do vac-xin AstraZeneca bị giao chậm.
Một khó khăn khác cho chiến lược vac-xin của QUAD là Ấn Độ, nhà sản xuất chính, đang đối mặt với làn sóng dịch tái bùng phát. New Delhi từng tuyên bố hạn chế xuất khẩu vac-xin AstraZeneca để ưu tiên tiêm chủng trong nước. Trong khi đó, Mỹ, nước phát triển vac-xin Pfizer/BioNTech, dường như chưa sẵn sàng chia sẻ công nghệ. Ngày 05/04, đại sứ Việt Nam tại Mỹ gợi ý Washington hợp tác chuyển giao công nghệ, bằng sáng chế, sản xuất vac-xin. Đến ngày 08/04, Indonesia cũng "đề nghị Mỹ cung cấp vac-xin khi nước này kết thúc tiêm chủng và bán vac-xin ra nước ngoài".
Ngược lại với các nước phương Tây bị dịch tác động mạnh, Trung Quốc tăng tốc mở rộng ảnh hưởng khắp thế giới thông qua chính sách ngoại giao vac-xin nhờ khống chế được dịch ở trong nước. Đây chính là một trong những lý do để Bắc Kinh không ngừng chỉ trích "chủ nghĩa dân tộc vac-xin".
Thông qua chiến lược vac-xin ở Đông Nam Á, Trung Quốc còn muốn tái khẳng định "luôn là đối tác lớn của vùng", đồng thời gửi tín hiệu đến các nước ASEAN là nên "ngả theo Bắc Kinh thay vì ngả theo Washington", theo nhận định của giáo sư Stephen Nagy, Đại học Thiên Chúa Giáo Quốc Tế Tokyo, được trang VOA trích ngày 05/04.
Thúc đẩy hợp tác vac-xin với các nước ASEAN còn nhằm mục đích phục hồi kinh tế khu vực Đông Nam Á, bị sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2020 do mất doanh thu từ du lịch và giảm xuất khẩu. Từ năm 2020, ASEAN trở thành đối tác hàng đầu của Trung Quốc nên Bắc Kinh cần nền kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng trở lại và như vậy mới có thể tái khởi động các dự án trong khuôn khổ Con đường tơ lụa mới. Cuối cùng, nếu có được miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm chủng, các nước Đông Nam Á mới có thể hy vọng đón được du khách Trung Quốc, chiếm nguồn thu chính của nhiều nước ASEAN.
Tuy nhiên, Bắc Kinh vừa quyết định tăng tốc tiêm chủng cho dân với mục tiêu đạt 40% vào tháng Sáu và 80% đến cuối năm để chuẩn bị cho Thế Vận Hội Mùa Đông 2022. Với số dân cư đông nhất thế giới, liệu Trung Quốc có thể vừa bảo đảm đủ được số liều trong nước lẫn tiếp tục chính sách ngoại giao vac-xin trên thế giới ?
Thu Hằng
*********************
Thanh Phương, rfvi, 05/04/2021
Là nơi xuất phát đại dịch Covid-19, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc cung cấp vac-xin ngừa virus corona như một chính sách ngoại giao để gia tăng ảnh hưởng trên khắp thế giới, đặc biệt là tại Đông Nam Á. Nhưng Việt Nam đang cố cưỡng lại chính sách ngoại giao vac-xin này của Bắc Kinh, cho tới nay vẫn chưa dùng thuốc tiêm ngừa "made in China". Vấn đề là, về lâu dài, để có đủ vac-xin chích cho toàn dân, chính phủ Hà Nội chắc sẽ buộc phải nhập luôn cả vac-xin Trung Quốc.
Mặc dù đã phê chuẩn tổng cộng 4 loại vac-xin, nhưng chính phủ Trung Quốc lại không vội vã chích ngừa Covid cho người dân nước họ. Tính đến tháng 3, chỉ mới có chưa tới 50 triệu dân Trung Quốc được tiêm chủng, tức chỉ khoảng 4% tổng dân số, so với tỷ lệ 19% ở Hoa Kỳ.
Trung Quốc đã từng tuyên bố họ có thể sản xuất ít nhất 2,6 tỷ liều vac-xin trong năm 2021. Là nước sản xuất vac-xin hàng đầu thế giới, Trung Quốc cũng là quốc gia xuất khẩu vac-xin nhiều nhất : 560 triệu liều, tức là một phần tư sản lượng quốc gia. Bắc Kinh đã ký hiệp định thương mại về cung cấp vac-xin với 27 quốc gia, tặng các liều vac-xin cho hơn 50 quốc gia. Theo tổng kết của hãng tin AP, Trung Quốc đã cam kết cung cấp tổng cộng nửa tỷ liều vac-xin cho hơn 45 quốc gia.
Nhằm mục đích quảng bá cho vac-xin "made in China", gần đây Bắc Kinh còn đề nghị sẽ cho nhập cảnh dễ dàng đối với những du khách nào đã chích ngừa Covid-19 bằng một vac-xin của Trung Quốc.
Như nhận định của chuyên gia Pháp về chính sách ngoại giao và an ninh của Trung Quốc Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, trả lời đài TV5MONDE ngày 27/03/2021, một mặt cố làm cho mọi người quên đi trách nhiệm của họ trong việc để cho đại dịch Covid-19 lan ra toàn cầu, mặt khác, Bắc Kinh "kể từ nay tìm cách lợi dụng đại dịch để thúc đẩy ngoại giao y tế nhằm đạt được những mục tiêu chính trị, ngoại giao và kinh tế".
Theo nhận định của nhật báo Anh The Guardian ngày 27/03/2021, chính sách "ngoại giao vac-xin" của Trung Quốc đang bị quốc tế chỉ trích, vì việc cung cấp thuốc tiêm ngừa kèm theo nhiều điều kiện và bị xem như là một công cụ để gia tăng ảnh hưởng địa chính trị. Ấy là chưa kể những cáo buộc rằng kiều dân Trung Quốc tại những nước nhận vac-xin "made in China" đã được ưu tiên chích ngừa.
Cũng theo đài TV5MONDE, đa số các liều vac-xin xuất khẩu là sang Châu Phi. Vào lúc mà Mỹ và Châu Âu đang phải lo chích ngừa cho dân của họ và chương trình COVAX của Liên Hiệp Quốc không thể đáp ứng nhu cầu của các nước nghèo, dĩ nhiên là các nước Châu Phi rất hoan nghênh món quà "made in China" này. Trung Quốc nay đã cung cấp thuốc tiêm ngừa Covid cho 17 nước Châu Phi, chủ yếu là loại vac-xin Sinopharm. Vac-xin này có ưu điểm là vừa rẻ tiền, vừa dễ lưu giữ, vì chỉ cần được giữ với độ lạnh từ 2 đến 8 độ, tức là trong những tủ lạnh thường, chứ không phải trong những tủ đá cực lạnh, như với các loại vac-xin Pfizer/BioNtech và Moderna.
Chính sách "ngoại giao vac-xin" của Trung Quốc cũng có vẻ thành công đối với các nước Đông Nam Á. Theo The Guardian, Bắc Kinh đã hứa tặng thuốc tiêm ngừa cho các nước Brunei, Cam Bốt, Lào và Miến Điện. Philippines, tuy đang có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc, cũng đã được tặng hơn 600.000 liều, trước khi đặt mua 25 triệu liều. Indonesia thì đã mua hơn 150 triệu liều vac-xin Sinovac, Sinopharm và CanSino. Malaysia, Thái Lan cũng đã đặt mua vac-xin Trung Quốc. Nói chung, các nước Đông Nam Á tiếp nhận chính sách "ngoại giao vac-xin" của Trung Quốc như thế nào, trả lời RFI Việt ngữ ngày 31/03/2021, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, cho biết :
"Hiện tại đã có rất nhiều nước ở Đông Nam Á phê duyệt và bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng sử dụng vac-xin Sinovac của Trung Quốc, nhất là Indonesia. Malaysia, Thái Lan, Cam Bốt ... đều đã triển khai sử dụng vac-xin Sinovac của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Kể cả Philippines, nước có quan hệ khá là căng thẳng với Trung Quốc, đặc biệt là trên hồ sơ Biển Đông, cũng đã duyệt sử dụng vac-xin Sinovac của Trung Quốc.
Nhìn rộng ra hơn, chúng ta thấy có một số khác biệt trong thái độ đối với vac-xin Sinovac ở cấp độ chính phủ và cấp độ người dân. Chẳng hạn như Philippines, chính phủ đã phê duyệt sử dụng đại trà vac-xin Sinovac, tuy nhiên đa số người lại ngờ vực và không muốn được chích bằng vac-xin này.
Singapore thì mặc dù chưa phê duyệt vac-xin Sinovac của Trung Quốc và cũng chưa có đề nghị gởi vac-xin này sang Singapore, nhưng Trung Quốc đã chủ động gởi một lô vac-xin Sinovac cho Singapore cách đây hai tháng, hàm ý hối thúc Singapore phê duyệt sử dụng vac-xin này. Singapore là một quốc gia phát triển và có tiêu chuẩn rất cao về an toàn y tế, cho nên nếu Singapore phê duyệt vac-xin Sinovac của Trung Quốc thì uy tín của loại vac-xin này sẽ tăng lên trên thế giới.
Cùng quan điểm thận trọng như Singapore thì có Việt Nam. Cho tới nay Việt Nam cũng chưa phê duyệt sử dụng vac-xin nào của Trung Quốc cả. " Ngoại giao vac-xin" của Trung Quốc nhìn chung có một số bước tiến trong khu vực. Tuy nhiên, những bước tiến này không đồng đều và vẫn gặp phải một số trở ngại đáng kể.
Ngay trong người dân Trung Quốc cũng có rất nhiều người e ngại về sự an toàn và hiệu quả của vac-xin Trung Quốc, thì cũng dễ hiểu khi các quốc gia khác hay người dân ở các quốc gia khác không tin tưởng vào các loại vac-xin này".
Riêng tại Philippines, công luận đã tỏ ra quan ngại khi thấy có 400.000 liều vac-xin CoronaVac mà Trung Quốc tặng đã được đưa đến nước này vào ngày 24/03, chỉ một ngày sau khi Manila vừa lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh rút các tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Phó chủ tịch Hạ Viện Philippines Rufus Rodriguez đã yêu cầu làm sáng tỏ một điều : chính phủ có đã " đổi chác " gì với Trung Quốc hay không khi nhận món quà tặng này, bởi vì thời điểm tặng vac-xin trùng hợp với việc Trung Quốc đưa tàu xâm nhập lãnh hải của Philippines ? Nhưng ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. khẳng định là hai vấn đề này không có liên hệ gì với nhau.
Còn Việt Nam thì đang cố cưỡng lại chính sách "ngoại giao vac-xin" của Trung Quốc, nhưng trong bao lâu nữa ?
Với chưa tới 3000 ca nhiễm và chỉ có 35 ca tử vong cho tới nay, theo các số liệu chính thức, Việt Nam hiện chưa phải gấp rút chích ngừa Covid-19 như nhiều nước khác. Nhưng để có thể mở cửa biên giới trở lại đón khách nước ngoài, về lâu dài, Việt Nam cũng phải làm sao tiêm phòng cho toàn dân.
Việt Nam đã khởi động chiến dịch chích ngừa từ ngày 08/03 với 117.600 liều vac-xin AstraZeneca nhận được vào tháng trước trong khuôn khổ chương trình COVAX. Nhưng chương trình này đang bị chậm trễ đối với toàn bộ các nước, kể cả Việt Nam. Cho nên, ngoài AstraZeneca, Việt Nam sau đó đã phải cấp phép cho vac-xin Sputnik V của Nga. Vì sao cho tới nay Hà Nội vẫn chưa muốn sử dụng vac-xin của Trung Quốc, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp giải thích :
"Có lẽ là do Việt Nam đã thành công đáng kể trong việc dập dịch vào năm ngoái, cho nên các giới chức Việt Nam có phần nào đây hơi chậm trễ so với các nước khác trong việc ký các hợp đồng mua vac-xin và triển khai sử dụng vac-xin.
Chỉ tới khoảng tháng 1, tháng 2 vừa rồi, khi dịch bùng lên trở lại, tôi mới thấy có sự cấp bách trong cách tiếp cận của Việt Nam đối với vac-xin. Điều này cũng dẫn tới việc là Việt Nam chưa xét duyệt nhiều loại vac-xin, cho tới nay chỉ mới phê duyệt hai loại vac-xin AstraZeneca và Sputnik V của Nga.
Ngoài lý do có sự chậm trễ, còn có lý do về sự an toàn. Các dữ liệu về vac-xin Trung Quốc thì không minh bạch, đầy đủ, cho nên Việt Nam chưa có đủ cơ sở để phê duyệt loại vac-xin này. Hôm nay (31/03/2021), bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thanh Long có đề nghị là Trung Quốc nộp đơn đăng ký để cho các loại vac-xin này được kiểm tra và phê duyệt sử dụng ở Việt Nam.
Ngoài ra cũng có những người nói đến lý do tâm lý bài Trung Quốc, e ngại Trung Quốc, hay lý do nhạy cảm về chính trị. Cũng có thể như thế, nhưng tôi nghĩ lý do quan trọng nhất đó là sự an toàn. Nếu trong thời gian tới các loại vac-xin của Trung Quốc được chứng minh là an toàn và hiệu quả, thì Việt Nam sẽ sử dụng vac-xin này. Nếu như các nước khác đã sử dụng được, thì Việt Nam không có lý do gì để từ chối, nhất là trong bối cảnh Việt Nam cũng rất cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng ngừa Covid-19, để có thể sớm khôi phục các hoạt động kinh tế, giao thương và du lịch".
Để có đủ thuốc tiêm ngừa cho dân số gần 100 triệu, Việt Nam hiện đang tiếp tục tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung cấp vac-xin Covid-19. Theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo ngày 25/03, cho đến nay, Việt Nam "đã tiếp cận được với một số nguồn cung ứng vac-xin và đã có cam kết cung ứng trong khuôn khổ chương trình COVAX từ nhà sản xuất vac-xin AstraZeneca và vac-xin Sputnik V của Nga". Tuy nhiên, Hà Nội cũng đang "khẩn trương làm việc với một số nhà sản xuất khác trên thế giới tại các quốc gia như Hoa Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc".
Trước đó, Cục Quản lý Dược phẩm của bộ Y Tế Việt Nam cũng đã yêu cầu các nhà nhập khẩu đẩy mạnh việc nhập vac-xin Covid-19 từ nhiều nguồn khác kể cả AstraZeneca, Pfizer, Johnson & Johnson, Sputnik V, Moderna và cả Sinovac của Trung Quốc. Như vậy là không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ buộc phải nhờ đến vac-xin của Trung Quốc, trong khi chờ hoàn tất việc nghiên cứu và phát triển vac-xin "made in Vietnam", theo dự kiến sẽ được sử dụng vào năm tới. Về khả năng này, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nhận định :
" Trung Quốc đang gia tăng áp lực với các nước khác để đẩy nhanh chiến dịch "ngoại giao vac-xin" của họ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng sẽ chịu sức ép. Trong khi Việt Nam đã phê duyệt các vac-xin khác rồi mà các dữ liệu của vac-xin Trung Quốc chứng minh là an toàn và hiệu quả mà Việt Nam không sử dụng, thì Việt Nam sẽ rất là khó ăn, khó nói với Trung Quốc.
Điều mà chúng ta phải xem xét sau đó là ngay cả khi chính quyền Việt Nam đã phê duyệt cho sử dụng các vac-xin Trung Quốc thì thái độ của người dân Việt Nam sẽ như thế nào. Điều này sẽ là một thách thức đối với chính phủ Việt Nam, bởi vì ở Việt Nam, tâm lý thận trọng và e ngại các sản phẩm của Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, thì rất phổ biến. Trong bối cảnh đó, cũng sẽ có rất nhiều người ngần ngại hoặc không muốn sử dụng vac-xin của Trung Quốc, nếu họ không có nhu cầu đi sang Trung Quốc hoặc không cảm thấy có rủi ro cao để chích".
Nói chung công luận Việt Nam vẫn nghi kỵ các sản phẩm của Trung Quốc và chính phủ vẫn dè chừng đồng chí phương Bắc. Vào năm 2019, Việt Nam đã từng loại tập đoàn viễn thông Hoa Vi ra khỏi kế hoạch phát triển mạng di dộng 5G, do những lo ngại về an ninh quốc gia.
Thanh Phương
Trong trận chiến tranh lạnh kéo dài 45 năm giữa Mỹ và Liên Xô, hai bên đã đụng độ hoặc nóng (qua những đại diện hoặc trực tiếp) hoặc lạnh trên khắp thế giới. Nhưng chiến truờng chính của cuộc chiến tranh lạnh là Châu Âu, nơi mà Liên Xô thường xuyên lo ngại các chư hầu có thể tách ra theo phương Tây, trong lúc Mỹ thì lo rằng các đồng minh của mình có thể tìm một thỏa thuận riêng với Liên Xô.
Đông Nam Á giữa Mỹ và Trung Quốc
Cuộc cạnh tranh lần này giữa Mỹ và Trung Quốc may mắn là còn ít căng thẳng hơn. Thứ nhất lực lượng quân sự hai bên hãy còn chưa ở trong tình trạng tích cực chuẩn bị chiến đấu qua một đuờng chiến tuyến vạch sẵn, tuy rằng tại Đài Loan và Bắc Hàn hai bên vẫn còn ở trong tình trạng căng thẳng vốn có từ nhiều chục năm nay. Tuy nhiên giống như chiến tranh lạnh, hai bên cũng có một chiến trường chính mà cạnh tranh sẽ gay gắt nhất : Đông Nam Á. Và tuy rằng tại đây không có một chiến tuyến vạch sẵn như Châu Âu thời chiến tranh lạnh, nhưng điều đó chỉ làm cho cuộc đấu tranh trở thành phức tạp hơn.
11111111111111111111111
Các nước Đông Nam Á lúc này đã nhìn Mỹ và Trung Quốc như hai cực của môt nam châm kéo đất nước mình đi theo hai chiều đối nghịch. Tỷ dụ như những người chống lại cuộc đảo chính gần đây tại Miến Điện đã giăng các biểu ngữ tấn công Trung Quốc vì đã ủng hộ các ông tướng cũng như kêu gọi Mỵ can thiệp. Các chính phủ vì thế cảm thấy bị áp lực phải chọn bên. Năm 2016, ông Rodrigo Duterte hung hăng tuyên bố nuớc ông, Philippines "ly dị nước Mỹ" và cam kết phục tòng Trung Quốc. Trung Quốc đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông và việc Mỹ bác bỏ việc đòi chủ quyền này đã tạo ra những tranh cãi gay gắt bên trong tổ chức chính tập hợp các quốc gia này, Hiệp Hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà Trung Quốc tìm cách thu phục.
Tranh chấp về Đông Nam Á sẽ còn trở nên gay gắt nữa vì hai lý do. Thứ nhất Đông Nam Á càng ngày càng trở nên có tầm quan trọng chiến luợc đối với Trung Quốc. Đông Nam Á nằm ngay phía dưới Trung Quốc, chặn ngang con đường hàng hải huyết mạch chuyên chở dầu hỏa và các nguyên liệu đến cho Trung Quốc và mang hàng hóa Trung Quốc xuất cảng sang các nước khác. Trong lúc Trung Quốc bị chặn ngang ở phía đông bởi Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan, cả ba đều là những đồng minh trung thành của Mỹ, thì Đông Nam Á là trận địa đỡ khó khăn hơn cả về kinh tế và quân sự. Đông Nam Á cũng cung cấp cho Trung Quốc cửa ngõ để có thể đi ra đuợc cả Thái Bình Dương lẫn Ấn Độ Dương. Chỉ trở thành thế lực chi phối tại Đông Nam Á, Trung Quốc mới có thể giải tỏa đuợc mối lo bị bao vây.
Nhưng Đông Nam Á không chỉ là môt trạm trung chuyển trên đuờng đi đến các nơi khác. Đông Nam Á tự nó cũng có tầm quan trọng. Đông Nam Á là quê hương của 700 triệu người, đông hơn là Liên Hiệp Châu Âu, Châu Mỹ La Tinh hay là vùng Trung Đông. Kinh tế vùng, nếu tính như là một quốc gia sẽ đứng thứ tư trên thế giới tính theo chỉ số sinh họat, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Ấn độ. Và các nước này còn đang tăng truởng kinh tế rất mau. Indonesia và Malaysia tăng truởng với tốc độ 5-6% trong 10 năm qua ; Việt Nam và Philippines với tốc độ 6-7%. Các nước nghèo như Myanmar và Cambodia còn tăng truởng nhah hơn nữa. Đông Nam Á nay trở thành nơi các công ty quốc tế lựa chọn làm nơi sản xuất, trong lúc dân chúng tại đây nay đã giầu đủ để có thể tạo ra một thị truờng hấp dẫn. Trên phương diện thương mại cũng như trên phương diện địa chính trị, Đông Nam Á là một phần thưởng đáng quý cho kẻ nào thắng.
Trong hai đối thủ, Mỹ và Trung Quốc, cho đến nay Trung Quốc đang dẫn truớc. Trung Quốc trở thành nước bạn hàng lớn nhất, và đầu tư vào Đông Nam Á cao hơn Mỹ nhiều lần. Ít nhất một quốc gia Đông Nam Á, Cambodia nay trở thành hầu như là chư hầu của Trung Quốc. Và hầu như không nước nào dám công khai đứng về phía Mỹ trong các cuộc tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên Trung Quốc cũng có nhiều nhược điểm lớn. Đầu tư Trung Quốc, tuy nhiều nhưng có nhiều khuyết điểm. Các công ty Trung Quốc bị tố cáo là làm hủ hóa hay phá hũy môi sinh. Nhiều công ty mang công nhân Trung Quốc đến làm thay vì dùng dân bản xứ, tạo ra những tranh chấp với dân chúng bản xứ. Và ngoài ra còn thói của Trung Quốc dùng những biện pháp trừng phạt thương mại hoặc đầu tư để cảnh cáo các quốc gia nào mà có gì làm Trung Quốc không hài lòng.
Trung Quốc cũng làm cho các nuớc láng giềng bất mãn bằng những hành động đe dọa quân sự. Việc Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng những đảo nhân tạo vũ trang trên các cồn cát và ghềnh đá trên Biển Đông cũng như quấy rối các tầu đánh cá hoặc các tầu thăm dò của các nước khác cũng là một nguồn căng thẳng với hầu hết các quốc gia trong vùng từ Việt Nam đến Indonesia. Trung Quốc cũng giữ liên hệ với các đám phiến quân chống lại các chính phủ trong quá khứ.
Chính những hành động đó đã làm Trung Quốc mất đi nhiều sự ủng hộ của dân chúng Đông Nam Á. Các cuộc bạo động chống Trung Quốc thường xuyên xảy ra tại Việt Nam và Indonesia. Ngay cả nước Lào nhỏ bé, một nuớc độc tài cộng sản mà dân chúng cũng lên tiếng chống lại sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc. Lãnh tụ các quốc gia Đông Nam Á có thể không dám công khai chỉ trích Trung Quốc vì sợ những ảnh hưởng kinh tế, nhưng họ cũng không dám thân cận quá với Trung Quốc vì sợ phản ứng của chính dân chúng mình.
Thành ra việc Trung Quốc tìm cách bá quyền tại Đông Nam Á chưa chắc đã có thể thành công. Các quốc gia Đông Nam Á có thể không muốn từ bỏ buôn bán và đầu tư với nước láng giềng phía Bắc nhưng họ cũng muốn những cái gì mà Mỹ có thể mang lại : hòa bình, ổn định và một trật tự thế giới dựa trên luật pháp, Trung Quốc không phải cứ cậy sức của mình mà muốn làm gì thì làm. Giống như tất cả những nước nhỏ khác, các quốc gia Đông Nam Á đều muốn né tránh không theo một nước nào và tìm cách lợi dụng cuộc đấu tranh giữa hai bên để kiếm mối lợi cho nước mình.
Đó là cơ hội cho Mỹ. Để tránh cho Đông Nam Á rơi vào quỹ đạo Trung Quốc, Mỹ nên khuyến khích các quốc gia tại đây hãy mở cửa và xây dựng các đối trọng chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Một nhu cầu là xây dựng việc hội nhập vùng cũng như củng cố các quan hệ với các nước Đông Á như Nhật Bản và Nam Hàn. Trên hết Mỹ phải sẵn sàng đứng ra bảo vệ trật tự quốc tế mỗi khi có những vi phạm về phía Trung Quốc.
Lê Mạnh Hùng
(14/03/2021)
Cuộc xung đột Mỹ-Trung lần này sẽ tập trung vào khu vực Đông Nam Á, vốn có tầm quan trọng chiến lược rất lớn đối với Bắc Kinh. Theo The Economist, để tránh cho Đông Nam Á không bị rơi vào quỹ Trung Quốc, Washington nên buôn bán, đầu tư nhiều hơn vào khu vực, và không nên buộc các nước phải chọn phe.
L’Obsdành trang nhất cho tỉ phú Pháp Vincent Bolloré, người đang có kế hoạch xây dựng một đế chế truyền thông mà tuần báo cánh tả cho là "siêu bảo thủ". Le Point chú ý đến "Những đòn chơi xấu của một nền tư pháp rất chính trị" nhắm vào cựu tổng thống Nicolas Sarkozy. Hồ sơ của L’Express nói về tập đoàn bán hàng trên mạng Amazon. Courrier Internationalbăn khoăn "Còn ai lắng nghe Châu Âu ?" : đang lạnh nhạt với Nga, bị Trung Quốc qua mặt tại Châu Á và vẫn chưa hòa giải với Mỹ, tiếng nói của Liên Hiệp Châu Âu khó có trọng lượng.
Liên quan đến Châu Á, The Economistnói về "Cuộc chiến Mỹ-Trung để giành sân sau của Bắc Kinh", chủ yếu ở Đông Nam Á. Trong cuộc xung đột kéo dài 45 năm, Hoa Kỳ và Liên Xô tiến hành những cuộc chiến ủy nhiệm ở nhiều nơi, nhưng chiến tranh lạnh gay gắt nhất tại Châu Âu. Cuộc xung đột Mỹ-Trung lần này sẽ tập trung vào khu vực Đông Nam Á, và do không có chiến tuyến rõ ràng nên càng phức tạp.
Người dân Đông Nam Á coi Mỹ và Trung Quốc là hai cực, kéo đất nước mình về hai hướng khác nhau. Chẳng hạn những người biểu tình chống vụ đảo chính ở Miến Điện mang biểu ngữ đả kích Trung Quốc và kêu gọi người Mỹ can thiệp. Các chính phủ cảm thấy chịu áp lực phải chọn phe : hồi năm 2016 tổng thống Philipppines Rodrigo Duterte đã lớn tiếng loan báo chia tay với Mỹ và quy phục Trung Quốc.
Sự giằng co này sẽ càng dữ dội hơn vì hai lý do. Trước hết, Đông Nam Á có tầm quan trọng chiến lược rất lớn với Bắc Kinh. Khu vực này nằm ngay cửa ngõ Trung Quốc, án ngữ con đường thương mại đưa dầu lửa, nguyên liệu vào và hàng hóa thành phẩm từ Hoa lục ra bên ngoài. Trong khi ở phía đông là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, những đồng minh trung thành của Mỹ, Đông Nam Á là vùng đất ít thù địch hơn, có thể mở đường ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cho cả mục đích thương mại và quân sự. Chỉ khi nào khống chế được Đông Nam Á, Bắc Kinh mới mất đi ám ảnh bị bao vây.
Lý do thứ hai, Đông Nam Á là khu vực quan trọng trên thế giới với 700 triệu dân, đông hơn cả Liên Hiệp Châu Âu, Châu Mỹ La-tinh hay vùng Trung Đông. Nền kinh tế của các nước Đông Nam Á gộp lại có thể xếp thứ tư thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Ấn Độ ; và lại tăng trưởng rất nhanh, như Việt Nam và Philipppines có tỉ lệ đến 6-7%. Đối với các nhà đầu tư muốn dịch chuyển khỏi Hoa lục, Đông Nam Á là chọn lựa hàng đầu, và người tiêu thụ tại đây đã đủ giàu để trở thành một thị trường hứa hẹn.
Trung Quốc thoạt nhìn có vẻ chiếm ưu thế so với Hoa Kỳ, vì là đối tác thương mại lớn nhất và đầu tư vào khu vực nhiều hơn Mỹ. Ít nhất đã có một nước Đông Nam Á là Cam Bốt trên thực tế đã là chư hầu của Bắc Kinh, và không một nước nào dám đứng hẳn về phía Washington. Tuy nhiên đầu tư của Trung Quốc có những bất lợi : các công ty Trung Quốc thường bị cáo buộc tham nhũng, gây ô nhiễm, đưa lao động từ Hoa lục vào thay vì tuyển dụng người địa phương, và nhất là Bắc Kinh thường dùng thế mạnh kinh tế để trừng phạt những khi không hài lòng.
Trung Quốc còn làm các láng giềng sợ hãi khi phô trương sức mạnh quân sự. Việc cưỡng chiếm và quân sự hóa các đảo trên Biển Đông, quấy nhiễu tàu của các nước Đông Nam Á khi họ đánh cá, hoặc khoan dầu ở vùng biển nước mình, là nguồn gây căng thẳng với hầu hết các quốc gia trong khu vực, từ Việt Nam cho đến Indonesia ; xúi giục và vũ trang cho các lực lượng du kích trong toàn khu vực.
Sự hiếu chiến này khiến Trung Quốc bị ghét bỏ tại đa số các nước Đông Nam Á. Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc thường xuyên diễn ra tại Việt Nam. Indonesia, nước Hồi giáo đông dân nhất thế giới, cũng có những cuộc xuống đường chống lại người nhập cư bất hợp pháp từ Hoa lục, hay phản đối việc Bắc Kinh đàn áp các thiểu số theo đạo Hồi. Ngay cả tại nước Lào cộng sản độc tài, người dân cũng không ưa sự thống trị của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á có thể không dám công khai chỉ trích Bắc Kinh do lo ngại hậu quả kinh tế, nhưng họ cũng không dám tỏ ra thuần phục, vì sợ bị người dân nước mình chỉ trích.
Theo The Economist, để tránh cho Đông Nam Á không bị rơi vào quỹ đạo Bắc Kinh, Washington nên buôn bán và đầu tư nhiều hơn vào khu vực, siết chặt quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, và nhất là không nên buộc phải chọn phe.
Về quan hệ giữa Đông Nam Á và Trung Quốc, tuần báo Anh đề cập đến "liên minh trà sữa", một tập hợp gồm những người trẻ chủ yếu ở Đông Nam Á nhằm chống lại sự thống trị của Trung Quốc độc tài.
Ở Hoa lục, người ta uống trà không pha thêm sữa, nhưng tại Đài Loan, có cả sữa và những hạt tapioca được gọi là "trân Châu". Hồng Kông uống trà sữa kiểu Anh, người Thái dùng trà với sữa đặc. Cư dân mạng Ấn Độ sau vụ đụng độ đẫm máu với quân Trung Quốc ở vùng núi đã tham gia với món "masala chai" (trà gia vị) và tại Miến Điện, sau vụ đảo chính, hình ảnh "laphet yay" tức trà sữa của xứ Miến, tràn ngập mạng xã hội. Thật ra "liên minh trà sữa" không đồng nhất, và cũng không đơn thuần bài Hoa. Hiện tượng này cho thấy dù mang lại lợi ích kinh tế, mọi việc không dễ dàng như các nhà lãnh đạo Bắc Kinh vẫn tưởng.
Tập Cận Bình nhấn mạnh "đôi bên cùng có lợi", không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác. Nhưng đầu tư của Trung Quốc luôn kèm theo các điều kiện, những hợp đồng không minh bạch và thường có giá trên trời, vì phải tính cả các khoản hối lộ.
Tham nhũng có yếu tố Trung Quốc đã làm thủ tướng Malaysia, Najib Razak và đảng của ông – cầm quyền từ khi độc lập – bị thất cử năm 2018. Đại sứ Trung Quốc còn công khai mở chiến dịch ủng hộ đảng của người gốc Hoa trong liên minh cầm quyền. Người ta cũng cho rằng chiến thắng của Duterte trong cuộc bầu cử tổng thống Philipppines năm 2016 là nhờ tiền của Trung Quốc.
Một số dự án Trung Quốc như xa lộ cao tốc tại nước Lào nghèo nàn, nhỏ bé có cái giá khá đắt cho môi trường. Những đập thủy điện Trung Quốc ở thượng nguồn làm vùng hạ lưu sông Mê kông bị khô hạn, khiến cuộc sống hàng triệu ngư dân Việt Nam và Cam Bốt thêm khó khăn. Ở Cam Bốt, Lào và Miến Điện, việc Trung Quốc chiếm đất đồng nghĩa với phá rừng.
Bắc Kinh miệng hô hòa bình, nhưng lại yêu sách chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, tranh chấp với Việt Nam, Philipppines, Malaysia, Indonesia, Brunei. Dù Duterte đã từ bỏ chiến thắng ở Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye với hy vọng ông Tập sẽ đầu tư nhiều tỉ đô la vào cơ sở hạ tầng, nhưng đến nay vẫn chỉ là lời hứa trong khi Bắc Kinh ngày càng hung hăng trên Biển Đông. Như Bilahari Kausikan, nhà cựu ngoại giao cấp cao Singapore, đã nói : "Chỉ có những kẻ tham nhũng đã thành cố tật, hoặc ngây thơ vô biên mới tin vào luận điệu một cộng đồng cùng chung vận mệnh của Bắc Kinh".
Cùng với việc Trung Quốc phát triển về phía nam là sự hiện diện của đông đảo di dân mới người Hoa. Nhiều người làm việc cho các dự án hạ tầng của Trung Quốc ở Đông Nam Á, số khác bám theo kiếm sống. Rõ nhất là tại các nước nhỏ yếu như Cam Bốt, Lào, Miến Điện.
Hàng trăm ngàn người từ Hoa lục tràn sang Miến Điện, đa số mang căn cước giả. Tại "đặc khu tam giác vàng" ở vùng ba biên giới (Thái, Lào, Miến) mọc lên một thành phố cờ bạc, buôn lậu, trác táng ; sử dụng đồng nhân dân tệ và chữ Hoa giản thể, lực lượng bảo vệ được tuyển từ Hoa lục. Ở xa hơn biên giới Trung Quốc, nhưng tại Manila các công ty cờ bạc trực tuyến của người Hoa chiếm nhiều văn phòng hơn các trung tâm dịch vụ hậu mãi. Trước đại dịch, có đến nửa triệu người Hoa hoạt động tại thủ đô Philipppines, đa số visa đã hết hạn nhưng các công ty dịch vụ Trung Quốc lo hết từ visa, nơi lưu trú do đến mát-xa và gái gọi.
Khắp Châu Á đều có những tiếng than phiền người Trung Quốc chiếm mất việc làm của người địa phương, nhập vật liệu từ Hoa lục và làm tăng giá địa ốc. Đáng ngại là tuy ngôn ngữ Trung Hoa phân biệt "hoa kiều" (huaqiao, người Hoa sống ở nước ngoài) với "hoa nhân" (huaren, người nước ngoài gốc Hoa), nhưng Tập Cận Bình trong diễn văn năm 2014 gọi chung là "hải ngoại kiều bào" (haiwai qiaobao), nhấn mạnh rằng họ có nghĩa vụ "xúc tiến sự phục hưng của quốc gia Trung Hoa".
L’Express nhận xét thủ tướng Viktor Orban của Hungary là người thân Trung Quốc nhất tại Châu Âu.
Mùa tựu trường 2024 đại học đầu tiên ở Châu Âu của trường Phục Đán, Thượng Hải, sẽ khai trương tại Budapest. Với ngân sách lớn bằng toàn bộ các trường đại học Hungary cộng lại, đại học này đào tạo 5.000 sinh viên mỗi năm. Chính quyền Orban đã hào hiệp bỏ ra 2,2 triệu euro mua đất cho ngôi trường Trung Quốc, bất chấp tai tiếng. Đáng chú ý là khi thương lượng với Phục Đán, ông Orban đã xua đuổi trường đại học Trung Âu do tỉ phú George Soros sáng lập, nơi đào tạo giới tinh hoa cho khu vực, khiến ngôi trường nổi tiếng này phải chuyển sang Vienna vào mùa thu 2019.
Từ năm 2013, tại Hungary đã khai trương trung tâm hậu cần Huawei lớn nhất ngoài Trung Quốc rộng 30.000 mét vuông, thủ đô Budapest có đến năm Viện Khổng Tử. Hungary là thành viên Liên Hiệp Châu Âu duy nhất mua vac-xin của Trung Quốc, và ông Viktor Orban tuyên bố bản thân ông sẽ tiêm chủng bằng vac-xin này "vì người Trung Quốc biết rõ con virus nhất".
Bắc Kinh đang hiện đại hóa tuyến đường sắt Belgrade-Budapest để đưa hàng Trung Quốc từ cảng Piraeus đến, cảng quan trọng này của Hy Lạp đã lọt vào tay Trung Quốc từ năm 2008. Hungary phải vay nợ của Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc để chi trả phần mình trong dự án này, món nợ 20 năm mà chi tiết hợp đồng sẽ được giữ bí mật trong 10 năm.
Courrier International đặt câu hỏi : "Có nên tẩy chay Thế vận hội mùa đông 2022 tổ chức tại Trung Quốc ?". Tuần báo Pháp trích đăng các bài viết có quan điểm khác nhau. Một số báo như La Presse ở Québec (Canada) cho rằng không nên để vấn đề chính trị làm cho các vận động viên phải chịu thiệt thòi, còn theo The Conversation tốt nhất là đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Ngược lại, The Washington Examiner nhấn mạnh, khi tranh cử ông Joe Biden cam kết dành ưu tiên cho nhân quyền, thì đây chính là lúc chứng tỏ lời nói đi đôi với việc làm. Bắt đầu bằng việc phê chuẩn dự thảo của hai thượng nghị sĩ Cộng hòa là Rick Scott (Florida), Todd Young (Indiana) và kêu gọi các thượng nghị sĩ Dân chủ ủng hộ.
Gần đây đã có những chứng cứ không thể chối cãi về việc phụ nữ Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo bị cưỡng hiếp, bị buộc triệt sản – và đây không phải là những bằng chứng cuối cùng về cách đối xử phi nhân với những nô lệ thời hiện đại. Bản dự thảo nhấn mạnh, thảm kịch Duy Ngô Nhĩ chỉ là một trong những hành động tàn bạo từ Trung Quốc của Tập Cận Bình.
Tại Hồng Kông, ông Tập xé bỏ những cam kết quốc tế ; trên Biển Đông và dọc theo dòng sông Mêkông, quân của Tập đánh đập thậm chí sát hại các ngư dân không tấc sắt trong tay. Trên thế giới, đến tận quần đảo Galapagos, Tập Cận Bình phá hủy môi sinh, xây những cây cầu và công trình sau đó bị sập. Tại Châu Phi, ông Tập khai thác cạn kiệt hải sản, hối lộ các chính khách, làm ngơ trước nạn kỳ thị. Ngay trong Hoa lục, những bộ óc xuất sắc bị bịt miệng, đàn áp. Thế vận hội là nơi vinh danh những tài năng, lòng can đảm và tinh thần đồng đội, nhưng Trung Quốc cộng sản là phản ví dụ cho những giá trị này, nên không thể để cho Bắc Kinh tổ chức Olympic mùa đông 2022.
Thụy My
Khu vực này tiết lộ gì về tương lai của cạnh tranh Mỹ-Trung
Khi Tổng thống đắc cử Joe Biden và chính quyền sắp tới của ông bắt đầu đưa ra chiến lược nhằm quản lý sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, họ cần chú ý đến Đông Nam Á. Cuộc đua với Trung Quốc hiện đang diễn ra trên toàn thế giới và trên tất cả các lĩnh vực - ngoại giao, thương mại, an ninh, tầm ảnh hưởng, hệ tư tưởng, giá trị, giáo dục, khoa học và công nghệ, v.v. Sự cạnh tranh trong những lĩnh vực này ở Đông Nam Á đại diện cho một mô hình thu nhỏ và báo trước về cách nó có thể phát triển ở những nơi khác trên thế giới. Kết quả ở đó ít nhất sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn, vốn ngày càng trở thành trung tâm trong các vấn đề quốc tế.
Vẫy cờ Trung Quốc và Việt Nam tại Hà Nội, Việt Nam, tháng 11 năm 2017 - Hoàng Đình Nam / Pool / Reuters
Trong những năm gần đây, nhiều nước Đông Nam Á dường như đang "ngả theo" và thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh. Nhiều chuyên gia và quan chức trong khu vực và các nơi khác phát hiện ra sự thay đổi trong cán cân quyền lực và ảnh hưởng, một yếu tố có lợi cho Trung Quốc hơn Hoa Kỳ. Nhưng các nhà quan sát không nên phóng đại xu hướng này hoặc mong đợi nó sẽ tiếp tục vô thời hạn. Trung Quốc vẫn chưa thống trị Đông Nam Á và chắc chắn sẽ không làm được như vậy trong tương lai. Với các chính sách và cách tiếp cận đúng đắn, Washington có thể đối trọng với Bắc Kinh trong khi thúc đẩy các lợi ích của chính họ và đóng góp vào sự ổn định, an ninh và phát triển trong khu vực.
Tại sao Đông Nam Á là quan trọng ?
Đông Nam Á là quan trọng. Đó là một khu vực năng động và trải rộng, kéo dài 1,7 triệu dặm vuông : hơn 3.000 dặm từ đông sang tây và hơn 2.000 dặm từ bắc xuống nam. Khu vực này bao gồm 11 quốc gia, 10 trong số đó là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Với tổng dân số 636 triệu người, Đông Nam Á là một trong những khu vực đông đúc nhất trên hành tinh. Kích thước nhân khẩu học phù hợp với quy mô của sự đa dạng tôn giáo và văn hóa của nó, với 240 triệu người Hồi giáo, 140 triệu Phật tử, 130 triệu Cơ đốc giáo và bảy triệu người Ấn Độ giáo sống ở Đông Nam Á. Đây cũng là một khu vực đa nguyên về chính trị, bao gồm năm loại hệ thống chính trị khác nhau, từ các nhà nước theo chủ nghĩa Lênin đến các nền dân chủ hoàn toàn. Về mặt kinh tế, Đông Nam Á đã có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất so với bất kỳ khu vực nào trên thế giới kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ngày nay, các thành viên của nó hợp lại tạo thành nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới, với tổng GDP là 2,8 nghìn tỷ USD vào năm 2018.
Bản đồ của quốc gia Đông Nam Á – Nguồn : sailordotorg.github.io
Tầm quan trọng chiến lược của khu vực là dựa trên địa lý. Eo biển Malacca và Biển Đông là những tuyến đường biển được sử dụng nhiều nhất trên thế giới ; hàng năm, khoảng 50.000 tàu thuyền, 40% hoạt động trao đổi hàng hóa và 25% nguồn cung cấp dầu của thế giới đi qua chúng. Điều này giúp giải thích sự nhạy cảm về an ninh ngày càng tăng trong khu vực. Đặc biệt, việc Trung Quốc xây dựng các tiền đồn quân sự ở Biển Đông đã làm tăng sự nguy hiểm và tính linh hoạt chiến lược. Kết quả là trong những năm gần đây, các nước ASEAN ngoại trừ Campuchia và Lào đã tăng chi tiêu cho mua sắm quốc phòng và quân sự.
ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập vào năm 2017. Mặc dù thường xuyên bị chỉ trích vì những thiếu sót của mình, nhưng tổ chức này vẫn có nhiều điều đáng tự hào - đặc biệt là sự vắng bóng của chiến tranh giữa các thành viên kể từ cuộc xung đột Campuchia-Việt Nam kết thúc vào giữa những năm 1990. ASEAN cũng đã khá thành công trong việc giải quyết các thách thức an ninh xuyên quốc gia như cướp biển, buôn người, buôn lậu, tội phạm có tổ chức, đại dịch và ô nhiễm môi trường. Tổ chức này tự hào về "Phương thức ASEAN" : các quyết định đạt được bằng sự đồng thuận, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và hợp tác tự nguyện. Những chuẩn mực đó đã giúp gắn kết nhóm nhưng cũng cản trở nghiêm trọng khả năng của tổ chức trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn và hành động khi cần thiết. Một điểm yếu đặc biệt rõ ràng là không có khả năng làm trung gian hòa giải các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông hoặc ngăn chặn hoạt động xây dựng đảo quân sự hóa của Trung Quốc ở những vùng biển đó.
Khu vực này không còn xa lạ với sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Kết quả là, các nước trong khu vực thực hành nghệ thuật phòng hộ chiến lược, có khuynh hướng trung lập và không liên kết, do lịch sử thuộc địa của họ. Mặt khác, một số nước Đông Nam Á đã lựa chọn chiến thuật phòng thủ truyền thống, áp dụng chính sách hình thành liên minh hoặc liên kết chiến lược với các cường quốc lớn hơn. Kể từ giữa những năm 1990, ASEAN đã áp dụng cách tiếp cận chủ động và bao trùm trong việc thu hút các cường quốc bên ngoài tham gia các cuộc đối thoại và gặp gỡ đa phương. Một số nhà quan sát chỉ trích các diễn đàn như vậy chỉ là "cửa hàng nói chuyện", thực hiện được ít thứ và tạo ra phần lớn các thỏa thuận không ràng buộc. Trong chừng mực các cơ chế này nhằm mục đích trở thành các biện pháp xây dựng lòng tin để liên kết các cường quốc chặt chẽ hơn với khu vực, cho nên, ít nhất chúng phải được coi là thành công.
Mắc kẹt ở giữa
Mặc dù sự cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã bùng phát một thời gian ở Đông Nam Á, nhưng sự điều động giữa Washington và Bắc Kinh đã gia tăng đáng kể sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đưa ra chính sách "xoay trục" về Châu Á vào năm 2011, điều này đã kích thích Bắc Kinh gia tăng hiện diện riêng trong khu vực. Sự điều động chiến lược giữa hai đối thủ tiếp tục phát triển trong suốt những năm của chính quyền Trump. Về phần mình, Trung Quốc đã tăng cường can dự vào khu vực, đặc biệt là thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Roa d Initiative-BRI), nhằm tìm cách mở rộng đáng kể các liên kết kinh tế và thương mại vốn đã rộng rãi của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng đã tăng cường các hoạt động tiếp cận ngoại giao, giao lưu văn hóa và tạo ảnh hưởng trong toàn khu vực. Thách thức đối với tất cả các nước trong khu vực là điều hướng mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với Bắc Kinh mà không trở nên quá phụ thuộc. Như một quan chức ngoại giao cấp cao của Thái Lan đã nói với tôi tại Bangkok : "Đã quá muộn để người Thái chúng tôi thoát khỏi vòng tay của Trung Quốc - chúng tôi chỉ đang cố gắng để không bị nó bóp nghẹt".
Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều nhận thấy lợi ích thiết thực trong việc xích lại gần Bắc Kinh, và cho đến nay, họ chưa nhận thấy hậu quả thực sự nào từ Washington khi làm như vậy. Như một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Malaysia giải thích với tôi, "Chúng tôi không có cách tiếp cận ý thức hệ đối với Trung Quốc, chỉ thực dụng và mang tính giao dịch. Trung Quốc cần bạn bè và chúng tôi có tư cách là bạn. Chúng tôi phải trả những giá nào khi đến gần Trung Quốc ? Mỹ có thể làm gì với nó ?".
Xu hướng ngả theo này là có thật và đáng kể - nhưng không nên bị phóng đại. Thật vậy, một số yếu tố có thể góp phần vào sự đảo ngược của nó trong những năm tới.
- Thứ nhất, Bắc Kinh hoàn toàn có khả năng sử dụng quá mức và quá tay bằng cách trở nên quá khắt khe và bóc lột. Bằng chứng về hành vi này đã có thể được thấy trong các quan hệ của Trung Quốc với Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Ngay ở quốc gia thân cận của Trung Quốc là Campuchia, cũng có sự bất bình trong xã hội về làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào các giao dịch mua đất, các sòng bạc và các dự án xây dựng. Chính phủ Indonesia rất lo ngại về 30.000 lao động Trung Quốc trong nước cũng như việc Trung Quốc khai quật khoáng sản từ Kalimantan và Sumatra. Năm 2011, Myanmar đã từ bỏ việc xây dựng một con đập do Trung Quốc tài trợ trên sông Irrawaddy vì có sự lo lắng về những rủi ro mà nó gây ra cho môi trường và khiến hàng chục nghìn dân phải di dời. Tương tự như vậy, vào năm 2017, Malaysia đã đóng băng hầu hết các dự án BRI của mình vì lo ngại về các khoản nợ và chi phí quá cao, tham nhũng, cơ sở hạ tầng không cần thiết và chủ quyền bị xâm phạm. Những trường hợp như vậy phản ánh sự thiếu chú ý và thiếu hiểu biết của Bắc Kinh về cảm xúc địa phương, và những phản ứng tương tự dường như có thể xảy ra ở những nơi khác.
- Tai tiếng của Bắc Kinh là kết quả của việc các quan chức và nhà ngoại giao Trung Quốc sống trong bong bóng tuyên truyền và tạo tiếng vang của riêng họ, không quan tâm đến cách nhìn nhận về Trung Quốc trong khu vực. Các cơ quan tình báo của Bắc Kinh cũng có những hiểu biết đáng ngờ về khu vực, vì họ có xu hướng tập trung vào giới tinh hoa thương mại và chính trị và cộng đồng người gốc Hoa hơn là tìm hiểu những nghi ngờ và bất mãn của dân địa phương, xã hội dân sự, xu hướng chính trị, chính trị sắc tộc và những đặc thù phức tạp của các xã hội Đông Nam Á.
- Hầu hết người Đông Nam Á có bản sắc hậu thuộc địa ; họ nhanh chóng phản ứng trước những quyền lực lớn hơn đang tìm cách thiết lập các mối quan hệ bất đối xứng và hành động với thái độ kiêu ngạo. Họ cũng có những ký ức tươi mới về các chính sách và hành động lật đổ của Trung Quốc trong khu vực trong những năm 1960 và 1970, khi Bắc Kinh tích cực hỗ trợ các cuộc nổi dậy của cộng sản ở mọi quốc gia trong khu vực. Và các chính phủ và công chúng Đông Nam Á vẫn nhạy cảm sâu sắc với sự ủng hộ lịch sử của Trung Quốc dành cho các thành viên của cộng đồng người Hoa trong khu vực - đặc biệt là ở Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam, nơi ngày càng trở thành mục tiêu trong các hoạt động gây ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Một sức mạnh không được ưa chuộng
Khi Trung Quốc mở rộng dấu chân của mình trong khu vực, nhiều nhà quan sát cho rằng sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ đang yếu đi và suy giảm nhanh chóng. Đây là một nhận thức sai lầm. Dấu ấn về văn hóa, kinh tế và an ninh của Hoa Kỳ trên khắp Đông Nam Á vẫn còn rất lớn. Trong hầu hết các tầm kích, nó thậm chí còn lớn hơn của Trung Quốc.
Chắc chắn, sự quan tâm ngoại giao không nhất quán của Washington là một trong những mắt xích yếu nhất đối với vị thế của Hoa Kỳ trong khu vực, vì các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ hiếm khi xuất hiện trong khu vực. Nhưng trong các lĩnh vực khác, Hoa Kỳ sở hữu sức mạnh toàn diện. Sự hiện diện quân sự và mạng lưới các đối tác an ninh của Hoa Kỳ hoạt động rộng khắp và sâu rộng. Quyền lực mềm của Hoa Kỳ - đặc biệt trong văn hóa và giáo dục đại chúng - vẫn mạnh mẽ. Sự hiện diện thương mại của nó lâu đời và rất lớn : hơn 4.200 công ty Hoa Kỳ hiện đang hoạt động ở Đông Nam Á. Tổng hợp lại, các nước ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Hoa Kỳ trên toàn thế giới, chiếm khoảng 350 tỷ đô la vào năm 2018.
Con số đó không sánh ngang được với 587,8 tỷ USD thương mại của Trung Quốc với các nước ASEAN vào năm 2018, nhưng điều đó hầu như không đáng kể. Ấn tượng hơn nhưng ít được đánh giá cao hơn là lượng đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ vào các nước ASEAN, hiện đạt tổng cộng 329 tỷ USD - nhiều hơn cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại. Theo ASEAN, hàng năm đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ vào khu vực này cao gần gấp đôi Trung Quốc : 24,9 tỷ USD so với 13,7 tỷ USD vào năm 2017.
Khi vị trí của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á được xem xét và đo lường một cách toàn diện thì các lợi thế so sánh và sức mạnh nội tại của Washington trở nên rõ ràng. Hơn nữa, các cuộc điều tra dư luận cho thấy một nguồn nhận thức tích cực về Hoa Kỳ trong nhiều công chúng Đông Nam Á (mặc dù, song song với xu hướng toàn cầu, đã giảm đáng kể trong thời Trump). Tuy nhiên, sức mạnh vị thế của Hoa Kỳ sẽ là một điều ngạc nhiên đối với bất kỳ ai chỉ sử dụng phương tiện truyền thông khu vực, vì nó duy trì thông tin lan truyền rằng Trung Quốc là cường quốc thống trị ở Đông Nam Á. Trên thực tế, Trung Quốc là một cường quốc được đánh giá hơi cao và Hoa Kỳ lại bị đánh giá hơi thấp.
Không bỏ Washington ra ngoài
Tất nhiên, sẽ là sai lầm nếu đánh giá quỹ đạo có thể có của khu vực bằng việc chỉ xem xét Bắc Kinh và Washington. ASEAN và các nước thành viên riêng lẻ có khả năng điều chỉnh lại, ở một mức độ nào đó, các mối liên kết bên ngoài của họ. ASEAN không phải là một khối thụ động, nó có tổ chức riêng và trong lịch sử đã chứng tỏ rất giỏi trong việc điều động và bảo hiểm rủi ro. Câu hỏi đặt ra lần này là : Với sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực và mức độ thay đổi theo kỳ của Washington, liệu ASEAN có thể duy trì quyền tự chủ và tính linh hoạt của mình - hay Bắc Kinh sẽ dần dần xói mòn nó ?
Các cường quốc tầm trung ở Châu Á có thể giúp ASEAN tránh bị rơi vào gọng kìm giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Đặc biệt, Nhật Bản là một nước đóng vai trò quan trọng về kinh tế và quyền lực mềm ở Đông Nam Á, và Tokyo gần đây đang tăng cường hợp tác an ninh với một số quốc gia ASEAN. Ấn Độ cũng đang nhanh chóng mở rộng vị thế của mình ở Đông Nam Á, tương xứng với chính sách "Hành động hướng Đông" của Thủ tướng Narendra Modi. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đã công bố "chính sách hướng Nam" cho đất nước của ông trong khu vực. Với sự gần gũi và liên kết thương mại của Australia với khu vực, Canberra tự coi mình có mối quan hệ đặc biệt với nhiều thành viên ASEAN. Ngay cả Nga cũng đang cố gắng đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực. Những tác nhân này càng làm phức tạp thêm bàn cờ khu vực và khiến sự thống trị của Trung Quốc ít có khả năng xảy ra.
Do đó, bất chấp sự thay đổi lực hấp dẫn rõ ràng của Đông Nam Á đối với Trung Quốc, cái kết vẫn chưa được xác lập. Một trong những lợi thế so sánh của Hoa Kỳ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc (ở Đông Nam Á và các nơi khác) là chính Trung Quốc. Sự bắt nạt ngông cuồng của Bắc Kinh, ngoại giao công khai kiểu "chiến binh sói", bong bóng tuyên truyền, không chú ý đến mối quan tâm của địa phương và không có khả năng đưa ra những lời chỉ trích một cách xây dựng, tất cả đều làm suy yếu sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trong nhiều trường hợp, điều tốt nhất mà Washington nên làm là đơn giản để Bắc Kinh quá khích và xa lánh những người khác. Nếu chính quyền Biden đặt khu vực trở thành ưu tiên và liên kết lại với mục đích và tính nhất quán (đó là điều mà người Đông Nam Á tìm kiếm), thì Trung Quốc có thể trở thành đối trọng - và người Đông Nam Á có thể tận hưởng những gì tốt nhất của cả hai thế giới.
David Shambaugh
Nguyên tác : "The Southeast Asian Crucible ", Foreign Affairs, December 17, 2020
Vũ Duy Mẫn dịch
Nguồn : Viet-studies, 19/12/2020
David Shambaugh là Giáo sư Gaston Sigur về Nghiên cứu Châu Á, Khoa học Chính trị và các Vấn đề quốc tế, và Giám đốc Chương trình Chính sách Trung Quốc tại Đại học George Washington. Bài báo này được chuyển thể từ cuốn sách "Nơi các cường quốc gặp gỡ : Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á" (Bản quyền © Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2020).
Trọng Thành, RFI, 24/11/2020
Chính quyền Indonesia quyết định tăng cường khả năng tác chiến của lực lượng Hải quân, để đối phó với nguy cơ từ Trung Quốc. Một lãnh đạo Hải quân Indonesia thông báo bộ chỉ huy lực lượng tác chiến của Hải quân nước này sẽ chuyển về quần đảo Natuna, khu vực mà tàu cá và tàu Hải quân Trung Quốc nhiều lần xâm nhập trong những năm gần đây.
Hãng thông tấn Anadolu cho hay, phát biểu trước báo giới hôm 23/11/2020, tổng tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, đô đốc Yudo Margono cho biết trụ sở của Hạm đội 1 kể từ giờ sẽ được chuyển từ thủ đô Jakarta về quần đảo Natuna. Các đơn vị của Hạm đội 1 có nhiệm vụ sẵn sàng tác chiến trên biển, bảo đảm việc tuân thủ luật pháp trên biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Nói chuyện với báo giới, tổng tham mưu trưởng Hải quân Indonesia cho biết, quyết định này cho phép triển khai nhanh chóng chiến hạm để "phản ứng kịp thời" trước các sự cố bất ngờ. Việc Jakarta tăng cường lực lượng hải quân tại quần đảo Natuna ở Biển Đông diễn ra vào lúc căng thẳng gia tăng với Trung Quốc tại khu vực này.
Yêu sách chủ quyền "đường 9 đoạn" của Trung Quốc bao gồm cả một phần vùng đặc quyền kinh tế xung quanh quần đảo Natuna. Tháng 1/2020, Indonesia huy động lực lượng chưa từng thấy, gồm 120 tàu đánh cá, cùng tàu chiến, phi cơ để ngăn chặn sự xâm nhập của tàu cá Trung Quốc có tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống tại khu vực quần đảo Natuna. Tháng 5/2020, Jakarta đã gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc, vốn đã bị Tòa Trọng Tài Thường Trực bác bỏ hồi 2016, trong vụ kiện của Philippines. Tháng 7/2020, 24 tàu chiến của Indonesia đã tham gia cuộc tập trận 4 ngày ở Biển Đông nhằm thách thức các yêu sách "đường 9 đoạn" của Bắc Kinh.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 24/11/2020
*********************
Thụy My, RFI, 24/11/2020
Tổng thống Thái Anh Văn ngày 24/11/2020 loan báo Đài Loan sẽ tự đóng các tàu ngầm để bảo vệ chủ quyền trước Trung Quốc, một dự án quan trọng được Hoa Kỳ hỗ trợ.
Trong lễ khởi công tại thành phố cảng Cao Hùng, có sự hiện diện của ông Brent Christensen, thực chất là đại sứ Mỹ, bà Thái Anh Văn tuyên bố đây là một quyết định "lịch sử", sau khi đã vượt qua được "nhiều thử thách và nghi ngờ". Bà nói : "Dự án này chứng tỏ quyết tâm cao độ của Đài Loan nhằm bảo vệ chủ quyền. Tàu ngầm rất quan trọng để tăng cường năng lực chiến đấu của hải quân, nhằm răn đe các tàu địch bao vây Đài Loan".
Tập đoàn Đài Loan CSBC cho biết sẽ giao chiếc tàu ngầm đầu tiên vào năm 2025, trong số 8 chiếc được đặt hàng. Chủ tịch tập đoàn nói rằng đã gặp phải rất nhiều khó khăn, nhất là việc mua thiết bị và những cản trở từ các thế lực bên ngoài.
Hải quân Đài Loan hiện có bốn tàu ngầm, trong đó có hai chiếc sản xuất tại Mỹ từ thập niên 40, không thể nào so sánh được với hạm đội hùng hậu của Trung Quốc gồm cả những tàu chiến trang bị vũ khí nguyên tử và cả hàng không mẫu hạm.
Trong những thập niên qua, hòn đảo này đầu tư rất lớn vào kỹ nghệ quốc phòng, do Bắc Kinh gây áp lực lên những nước bán vũ khí cho Đài Loan. Năm 2018, chính quyền Donald Trump đã bật đèn xanh cho các nhà sản xuất Mỹ tham gia cung cấp, nhưng không rõ là những công ty nào.
Quân đội Trung Quốc không ngừng đe dọa Đài Loan, với việc gia tăng các hoạt động quân sự sát hòn đảo. Năm nay các máy bay tiêm kích Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan. Nhiều nhà quan sát lo ngại nguy cơ Bắc Kinh sẽ đánh chiếm Đài Loan nhân kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) đã "cực lực phản đối" mọi sự hợp tác quân sự giữa Đài Bắc và Washington, nhấn mạnh vấn đề Đài Loan là "hết sức nhạy cảm". Trước đó Reuters hôm Chủ nhật dẫn hai nguồn tin cho biết đô đốc Michael Studeman, phụ trách tình báo quân sự Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương đã bất ngờ đến thăm Đài Loan.
Thụy My
Nguồn : RFI, 24/11/2020
**********************
Tú Anh, RFI, 23/11/2020
Theo Reuters, tướng hải quân Mỹ Michael Studerman đã âm thầm đến Đài Bắc vào chiều Chủ Nhật 22/11/2020. Đến sáng hôm nay, thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương mới xác nhận chuyến viếng thăm bất ngờ của một lãnh đạo tình báo Mỹ thuộc Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc đe dọa trả đũa.
Đề đốc Michael Studerman, chỉ huy trưởng đơn vị tình báo J2 Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, đã đến phi trường Tùng Sơn, Đài Bắc. Chuyến viếng thăm của viên tướng Mỹ hai sao chỉ được Đài Loan, qua trả lời báo chí của thủ tướng Tô Trinh Xương, xác nhận vào sáng thứ Hai, kèm theo lời giải thích : "Phải đặt nhà hàng, món ăn đãi khách, chuẩn bị xong rồi mới báo cáo với dân chúng".
Lịch trình thăm viếng của tướng tình báo Michael Studerman tại Đài Loan không được thông báo, nhưng theo Reuters, sự kiện chính quyền Donald Trump tăng cường trợ giúp Đài Loan trên nhiều mặt đã gây phản ứng tức giận tại Bắc Kinh.
Trong cuộc họp báo sáng nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố "kiên quyết chống lại mọi hình thức trao đổi giữa Mỹ và Đài Loan hay quan hệ quân sự". Phát ngôn viên này đe dọa thêm : "Trung Quốc sẽ theo dõi diễn biến tình hình và sẽ có hành động chính đáng để trả đũa".
Trong khi đó, Hải quân Hoa Kỳ tiếp tục duy trì hiện diện thường xuyên tại Biển Đông. Theo thông tin của Hạm Đội 7, khu trục hạm USS Barry, thuộc hải đội khu trục hạm số 15, đã trở lại Biển Đông với nhiệm vụ được giao phó là bảo vệ an ninh hàng hải và ổn định trong khu vực.
Trong năm nay, khu trục hạm trang bị tên lửa hành trình này từ Nhật Bản đã bốn lần băng qua eo biển Đài Loan để xuống Biển Đông.
Tú Anh
Nguồn : RFI, 23/11/2020
**********************
Trung Quốc chỉ trích Mỹ gây mất ổn định Biển Đông
RFA, 24/11/2020
Đại sứ quán Trung Quốc ở hai nước Philippines và Việt Nam hôm 24/11 đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ đang gây mất ổn định tình hình Biển Đông và chia rẽ Trung Quốc với các nước láng giềng.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien phát biểu tại Học viện Ngoại giao ở Hà Nội hôm 21/11/2020 - Đại sứ quán Mỹ
Tuyên bố này của hai Đại sứ quán được đưa ra sau chuyến thăm mới đây của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien đến Việt Nam và Philippines.
Bài viết của Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội đăng trên Fanpage nói rằng phát biểu của ông O’Brien tại Việt Nam là "hoàn toàn đi ngược lại sự thật khách quan, chứa đầy tư duy chiến tranh lạnh và thành kiến ý thức hệ mạnh mẽ".
Phát biểu tại Học viện Ngoại giao ở Hà Nội hôm 21/11, ông O’Brien đã nói đến mưu đồ của Trung Quốc trong các hành động nhằm kiểm soát sông Mekong và Biển Đông : "Từ biển Đông đến lưu vực sông Mekong, những nguồn tài nguyên phong phú dồi dào của đất nước các bạn thuộc về con cháu của các bạn".
Quyền thừa hưởng những nguồn tài nguyên này không thể bị cướp mất chỉ đơn giản vì một nước láng giềng lớn hơn và thèm muốn những gì thuộc về các bạn".
Ông O’Brien đồng thời cũng khẳng định cam kết của Mỹ với các nước trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương : "Hoa Kỳ có một lập trường vững chắc phản đối sự cưỡng ép bắt nạt của Trung Quốc tại biển Đông và các mối đe dọa an ninh trong khu vực Mekong".
Bài viết của Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội khẳng định Trung Quốc luôn tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển" (UNCLOS), đồng thời khẳng định Trung Quốc đang làm việc với các nước ASEAN để giải quyết các vấn đề ở Biển Đông một cách hòa bình, không liên quan đến Mỹ.
Đại sứ quán Trung Quốc cũng cáo buộc Mỹ đã đặt vấn đề sông Mekong để vu khống Trung Quốc, phóng đại cái gọi là "mối đe doạ từ Trung Quốc", mục đích để chia rẽ mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước thuộc khu vực sông Mekong.
Cũng trong ngày 24/11, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tổ chức đối thoại trực tuyến chính sách quốc phòng Việt - Mỹ 2020. Hai bên đã cam kết sẽ tiếp tục hợp tác, thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh.
Nguồn : RFA, 24/11/2020
**********************
Tú Anh, RFI, 23/11/2020
Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ đến Manila ngày 23/11/2020 với lời khẳng định sẽ giúp Philippines chống lại các mối đe dọa biển đảo từ Trung Quốc. Robert O’Brien nhắc đến bổn phận của Mỹ qua hiệp ước phòng thủ hỗ tương Mỹ-Phi từ năm 1951.
Sau chuyến viếng thăm Việt Nam, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đến Manila. Trong buổi lễ trao tặng cho quân đội Philippines nhiều loại vũ khí mới, được tổ chức trong ngày thứ Hai với sự hiện diện của Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr, ông Robert O’Brien tuyên bố Hoa Kỳ "sẽ bảo vệ chủ quyền quốc gia và các nguồn tài nguyên trên biển của Philippines đúng theo quy định của luật quốc tế".
Lập trường của Mỹ tại Biển Đông, cũng theo ông Robert O’Brien, đã được ngoại trưởng Mike Pompeo xác quyết trong tuyên bố hồi tháng Hai năm nay : "Mọi cuộc tấn công quân sự vào quân đội Philippines, vào phi cơ hay thương thuyền của nước này trong vùng Biển Đông, sẽ buộc Hoa Kỳ thực hiện bổn phận tương trợ phòng thủ với Philippines".
Ngoài hiệp định 1951, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ còn xác quyết là Washington ủng hộ quyết định của Tòa Trọng Tài Thường trực La Haye công bố ngày 12/07/2016 sau khi xem xét lập trường của Philippines, bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Đánh động tinh thần tự hào của người dân Philippines, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh "tài nguyên thiên nhiên của Philippines là của thế hệ con, cháu của qúy vị … mà không thuộc một nước nào khác, dù lớn hơn hay mạnh hơn Philippines, cũng không thể bị chiếm đoạt và mang đi được", theo tường thuật của báo mạng Inquier.net.
Viện trợ vũ khí
Cũng theo nguồn tin này, vũ khí mới của Mỹ viện trợ cho quân đội Philippines trị giá 18 triệu đô la gồm bom thường, bom bộc phá hầm bê tông, tên lửa TOW 2A. Theo tuyên bố của ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr, số vũ khí này được tổng thống Donald Trump hứa tặng cho Philippines để chống khủng bố Hồi Giáo nhân cuộc điện đàm hồi tháng Tư năm nay với tổng thống Duterte.
Tú Anh
Nguồn : RFI, 23/11/2020
*********************
Hoa Kỳ cung cấp tên lửa, gia hạn cam kết bảo vệ Philippines
RFA, 23/11/2020
Hoa Kỳ đã cung cấp tên lửa dẫn đường và các vũ khí khác để giúp Philippines chiến đấu với các tay súng liên kết cùng Nhà nước Hồi giáo và gia hạn hiệp ước cam kết bảo vệ đồng minh nếu nước này bị tấn công ở vùng Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippines. AP đưa tin hôm 23/11/2020.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Robert O'Brien (phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin tại văn phòng Bộ Ngoại giao ở Manila vào ngày 23/11/2020. AFP
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, Robert O’Brien đã đại diện cho Tổng thống Donald Trump thông báo như vậy tại Manila. Chính quyền của Tổng thống Trump cam kết cung cấp số tên lửa trị giá 18 triệu USD trong cuộc điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vào tháng 4 vừa qua.
Trong phát biểu của mình về việc cung cấp tên lửa cho Manila, ông O'Brien đã trích dẫn vai trò của chính quyền Trump trong việc đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Trung Đông và vụ giết thủ lĩnh của nhóm này, Abu Bakr al-Baghdadi, ở Syria năm ngoái, và tiếp tục cam kết giúp Philippines đánh bại các tay súng có liên hệ với IS ở miền nam nước này.
Ông O'Brien bày tỏ hy vọng về việc duy trì một thỏa thuận an ninh quan trọng cho phép các lực lượng Mỹ huấn luyện trong các cuộc tập trận chiến đấu quy mô lớn ở Philippines. Ông nói rằng Hoa Kỳ sát cánh với Philippines trong nỗ lực bảo vệ các quyền chủ quyền của mình ở Biển Đông.
Tổng thống Phillipines đã bãi bỏ Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng với Hoa Kỳ vào đầu năm nay nhưng sau đó đã dời hiệu lực của quyết định này đến năm sau. Tháng trước, Philippines đã thông báo rằng họ sẽ nối lại các hoạt động thăm dò dầu khí trong hoặc gần Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), nơi Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ nhắc lại tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vào đầu năm nay rằng "bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào máy bay hoặc tàu công cộng của lực lượng Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt nghĩa vụ phòng vệ chung của chúng ta". Các đồng minh đã có hiệp ước phòng thủ chung 69 năm.
Trong một tuyên bố đưa ra hồi tháng 7 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết rằng, "các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, đồng thời bác bỏ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc tự vẽ ra và lên án chính quyền Bắc Kinh đang bắt nạt các nước khác trong khu vực. Thế giới sẽ không cho phép Trung Quốc ứng xử với Biển Đông như đế chế hàng hải của riêng mình".
Nguồn : RFA, 23/11/2020
*********************
Mỹ gia tăng mức độ ‘sẵn sàng’ ở Đông Nam Á
Trân Văn, 21/11/2020
Sau sự kiện Tư lệnh Không quân khu vực Thái Bình Dương của quân đội Mỹ yêu cầu các đơn vị thuộc quyền chỉ huy của ông phải sẵn sàng cho cuộc chiến với Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương (1), tới lượt hải quân và lục quân Mỹ thực hiện hàng loạt các kế hoạch nhằm gia tăng mức độ sẵn sàng của những quân chủng này.
Tàu khu trục USS Roosevelt (DDG-80). Hình minh họa.
***
Ông Kenneth Braithwaite, Bộ trưởng Hải quân Mỹ, vừa giới thiệu ý định tái thành lập Hạm đội 1 để nâng cao năng lực hải quân của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm kiềm chế và đối phó với tình trạng Trung Quốc dốc sức phát triển bộ máy quân sự trong khu vực này (2).
Hạm đội 1 được thành lập hồi đầu năm 1947 và bị giải thể vào đầu năm 1973. Nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm của Hạm đội 1 được giao cho Hạm đội 3 đảm nhận. Vào lúc này, tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương chỉ có Hạm đội 7, đồn trú ở căn cứ hải quân Yokosuta – Nhật.
Thỉnh thoảng, Hạm đội 7 nhận thêm sự hỗ trợ của Hạm đội 3 – đóng ở San Diego (California, Mỹ) nhưng con số từ 50 đến 70 chiến hạm (bao gồm cả tàu ngầm), 150 phi cơ quân sự các loại, cộng vói hàng không mẫu hạm Ronald Reagan, không tương xứng cả với bối cảnh khu vực lẫn phạm vi trách nhiệm (diện tích khoảng 48 triệu dặm vuông, trải rộng từ ranh của hải phận quốc tế ở giữa Thái Bình Dương đến hải phận của Ấn Độ, Pakistan và quần đảo Kurin ở phía Bắc Đại Tây Dương).
Ông Braithwait nhấn mạnh,thời gian vừa qua, Hạm đội 7 còn phải thực hiện các cuộc tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải ở biển Đông, nơi Trung Quốc bất chấp các khuyến cáo của cộng đồng quốc tế, thản nhiên bồi đắp hàng loạt bãi đá ngầm thành đảo rồi xây dựng một chuỗi các căn cứ quân sự ở khu vực vốn đang có tranh chấp về chủ quyền. Đó là lý do phải tái thành lập Hạm đội 1, vừa nâng cao năng lực hải quân trong khu vực, vừa gia tăng mức độ răn đe.
Tại hội nghị thường niên về họat động của mạng lưới tàu ngầm, ngoài việc giới thiệu dự định tái thành lập Hạm đội 1, ông Braithwait nói thêm,Hạm đội 1 nên đồn trú ở ‘ngã tư’ nào đó giữa khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, phù hợp với lợi ích của cả Mỹ lẫn các đồng minh, đối tác của Mỹ tại khu vực này.
Ông Braithwaith chỉ đề cập đến Singapore như một trong những nơi có thể sẽ được chọn làm chỗ để Hạm đội 1 trú đóng, song vài chuyên gia khẳng định, Singapore là vị trí phù hợp nhất. Từ 2013 đến nay đã có khoảng 1.000 quân nhân Mỹ và nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ thuộc Lực lượng Đặc nhiệm 73 và Bộ Chỉ huy Hậu cần Khu vực Tây Thái Bình Dương trú đóng tại Singapore để hỗ trợ cho hoạt động của Hạm đội 7 cũng như những hoạt động khác của hải quân Mỹ.
Ian Chong – Giảng viên về Khoa học Chính trị của Đại học Quốc gia Singapore – giải thích,sở dĩ Singapore là địa điểm lý tưởng nhất vì hội đủ cả yêu cầu về vị trí địa lý lẫn nền tảng sẵn có về hạ tầng, cũng như tiềm năng phát triển các khả năng gia tăng mức độ hỗ trợ toàn diện cho Hạm đội 1.
Theo Chong, khu vực Đông Nam Á vẫn còn một vài địa điểm phù hợp với mục tiêu của hải quân Hoa Kỳ nhưng vì nhiều lý do rất khó nhắm tới. Ví dụ một số vị trí ở Indonesia, Malaysia sẽ cần rất nhiều thời gian để chuẩn bị về hạ tầng. Vịnh Subic ở Philippines dù thuận lợi hơn nhưng bối cảnh chính trị ở Philippines khiến lựa chọn này thiếu chắc chắn.
Vịnh Cam Ranh của Việt Nam dẫu là một địa điểm lý tưởng nhưng Chong tin là hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của Việt Nam không sẵn sàng. Ngay cả Thái Lan – quốc gia vốn là đồng minh của Mỹ có lẽ cũng sẽ không hào hứng với việc gật đầu để Mỹ đặt căn cứ của Hạm đội 1.
Bởi rất nhiều quốc gia – không loại trừ Singapore – sẽ ngần ngại trong việc công khai bắt tay với Mỹ, can dự trực tiếp vào việc răn đe, sẵn sàng đối đầu với sự hung hăng của Trung Quốc, một số chuyên gia phỏng đoán, hải quân Hoa Kỳ có thể nhắm tới việc đặt căn cứ cho Hạm đội 1 tại quần đảo Andaman của Ấn Độ - một nơi rất gần Singapore…
***
Giống như không quân và hải quân, lục quân Mỹ vừa công bố hàng loạt kế hoạch gia tăng mức độ sẵn sàng tham chiến ở Đông Nam Á. Một trong bảy lữ đoàn của Bộ Chỉ huy Hỗ trợ an ninh (Security Force Assistance Command - SFAC) vừa được điều động đến Joint Readiness Training Center (JRTC) ở Fort Polk (tiểu bang Louisiana) (3).
SFAC được thành lập hồi giữa năm 2018, nay có bảy lữ đoàn chuyên đảm nhận vai trò hỗ trợ huấn luyện các lực lượng ngoại quốc bảo vệ an ninh, quốc phòng (Security Force Assistance Brigade – SFAB). Các SFAB chuyên tuyển lựa những sĩ quan, hạ sĩ quan giàu kinh nghiệm, giỏi kỹ năng trong lục quân Mỹ để huấn luyện thêm rồi gửi họ đến huấn luyện, gia tăng khả năng phối hợp, kể cả về hỏa yểm (yểm trợ bằng pháo binh), không yểm cho quân đội của các quốc gia hoặc là đồng minh, hoặc là đối tác trên toàn thế giới.
Lục quân Mỹ có hai trung tâm huấn luyện thực địa nổi tiếng. Một là National Training Center (NTC) ở Fort Irwin (California) và một là JRTC. Trong vài thập niên gần đây, đa số đơn vị lục quân chỉ được gửi đến NTC - nơi tập luyện chiến đấu ở hoang mạc – để làm quen, tập thích nghi với đặc điểm các chiến trường ở khu vực Trung Đông. Giờ, JRTC – nơi tập luyện chiến đấu ở khu vực rừng rậm nhiệt đới, đầm lầy… vốn là đặc điểm chung của khu vực Đông Á – bắt đầu được sử dụng thường xuyên.
Theo Army Times, sở dĩ Lữ đoàn 5 của SFAC được gửi đến JRTC vì vài tháng nữa, các đơn vị của lữ đoàn này sẽ được gửi đến một số quốc gia ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Chuẩn tướng Curtis Taylor, Chỉ huy trưởng Lữ đoàn 5 thuộc SFAC, tiết lộ, đơn vị của ông sẽ hỗ trợ quân đội của các quốc gia đồng minh và đối tác gia tăng khả năng tương tác giữa viễn thám, phòng không, pháo binh, công binh của các bên. Một nhóm của lữ đoàn này đã đến Thái Lan. Sau đó hai bên đã tập trận chung ở Hawaii.
Mục tiêu sắp tới là sử dụng các SFAB nhằm cải thiện hơn nữa khả năng hợp tác – hỗ trợ về hậu cần, thu thập – chia sẻ thông tin tình báo, hỗ trợ cả hỏa yểm, không yểm và nâng chất lượng đội ngũ hạ sĩ quan của quân đội các quốc gia đồng minh, đối tác ở Đông Nam Á. SFAC không đề cập đến việc sẽ gửi các SFAB đến những quốc gia nào trong khu vực này, tuy nhiên tướng Taylor thừa nhận, trên thực tế, quân đội của một số quốc gia ở Đông Nam Á muốn thắt chặt quan hệ với cả Mỹ lẫn Trung Quốc.
Cho dù đã có những lo ngại rằng việc hỗ trợ những quốc gia như thế có thể giúp Trung Quốc dễ dàng thu thập thông tin về kỹ thuật, chiến thuật của Mỹ nhưng tướng Taylor trấn an :Vào lúc này, ưu tiên hàng đầu là nâng cao năng lực cho quân đội của các quốc gia đồng minh và đối tác. Các thành viên của những SFAB chỉ hướng dẫn, hỗ trợ phối hợp chứ không được phép ép đồng minh hay đối tác thực hiện những tiêu chuẩn của Mỹ, theo kiểu của Mỹ.
Chỉ huy trưởng Lữ đoàn 5 của SFAC nhấn mạnh, điều mà SFAC mong muốn là để lãnh đạo quân đội của các quốc gia đồng minh và đối táchiểu hơn về cách hoạt động của chúng ta, cách chúng ta chia sẻ quyền hành cho cấp dưới, cách chúng ta đầu tư vào đội ngũ hạ sĩ quan. Chẳng có gì đáng phàn nàn nếu họ muốn chia sẽ những yếu tố đó với Trung Quốc. Chẳng có gì phải lo nếu họ muốn chia sẻ những gì họ tiếp nhận từ chúng ta với các đối tác khác của họ (3).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 21/11/2020
Chú thích