Trong nhiều thập kỷ, sự phát triển kinh tế của các thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bị cản trở bởi tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Vấn đề là các nước này không có khả năng tiếp cận vốn và đầu tư. Tìm kiếm đầu tư trực tiếp nước ngoài cho cơ sở hạ tầng trong giai đoạn từ cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Á năm 1997 đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là một thách thức đặc biệt đối với các quốc gia ASEAN. Tuy nhiên, "phép màu" kinh tế của Trung Quốc đã giúp ASEAN giải quyết thách thức trên. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc đã đổ vào khu vực này từ trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình công bố sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) năm 2013, và sự ra đời của BRI chỉ là một bước ngoặt trong lộ trình phát triển cơ sở hạ tầng của ASEAN.
AFP
Đến năm 2015, với hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, các nhà lãnh đạo ASEAN không những có thể cam kết về tầm nhìn kinh tế khu vực mà còn có thể triển khai các biện pháp nhằm đạt được hội nhập gắn kết trên thực tế. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kuala Lumpur năm 2015, các nhà lãnh đạo ASEAN cam kết tiếp tục hội nhập khu vực và thông qua Tầm nhìn 2025. Kế hoạch Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025 được thực hiện nhằm tạo ra một nền kinh tế gắn kết và hội nhập cao ; một ASEAN cạnh tranh, đổi mới và năng động ; tăng cường kết nối và hợp tác ngành ; một ASEAN kiên cường, toàn diện, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm ; và một ASEAN toàn cầu. Từ năm 2016, các nỗ lực phát triển này đã được thúc đẩy nhờ các khoản đầu tư bổ sung từ Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB). Kể từ năm 2016, phần lớn các nước thành viên ASEAN đã có thể tìm ra nguồn vốn đầu tư nước ngoài cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Châu Á.
Người nước ngoài trên biểu tượng nổi tuyến đường sắt tốc hành Trung Quốc thuộc sáng kiến Vành Đai Con Đường trong lễ diễu hành kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 1/10/2019. Reuters
Nâng cấp các liên kết giao thông trên bộ - mạng lưới đường sắt và đường bộ tạo nên các hành lang kinh tế chính của ASEAN - luôn là một ưu tiên hàng đầu. Thành công ở đây một phần không nhỏ nhờ vào nguồn tài chính và các dự án BRI của chính phủ Trung Quốc. Cho đến khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) bùng phát, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào kết nối khu vực - đường sá, cầu, đường ray và cảng - đã tạo ra các cấp độ kết nối khu vực hoàn toàn mới. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm ở đây là gì ? Có ba yếu tố cần xem xét : chất lượng và tính bền vững của các khoản đầu tư ; các khoản nợ liên quan ; và các lỗ hổng tiềm ẩn trong chuỗi cung ứng mà các khoản đầu tư này đã tạo ra. Phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn ASEAN, đặc biệt là ở khu vực sông Mekong, đã diễn ra với tốc độ chóng mặt. Việc nhanh chóng có được vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, mặc dù được hoan nghênh, đã làm dấy lên những lo ngại chung về chất lượng và tính bền vững của các dự án cơ sở hạ tầng. Trong một số trường hợp, các nhà đầu tư chính phủ nước ngoài đã hưởng quyền miễn trừ quốc gia, vì vậy sẽ chịu rất ít trách nhiệm nếu có các vấn đề về chất lượng gây rủi ro xảy ra.
Điều đáng quan tâm hơn là tác động lâu dài của các điều kiện liên quan đến nhiều khoản đầu tư này. Trong nhiều trường hợp, các điều khoản của các khoản vay không rõ ràng. Có thể cho rằng đối với một số quốc gia liên quan - đặc biệt là Myanmar, Lào và Campuchia - việc hoàn trả các khoản vay, bất kể có các điều khoản hào phóng đến đâu, sẽ rất khó khăn nếu không muốn nói là không thể. Những thỏa thuận kiểu này sẽ làm dấy lên lo ngại trong ASEAN về khả năng sử dụng ngoại giao bẫy nợ, đặc biệt là của chính phủ Trung Quốc.
Các thách thức an ninh quốc gia lớn hơn liên quan đến cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia, tính dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng và khả năng phục hồi của quốc gia. Các nhà phát triển cơ sở hạ tầng thu được rất nhiều thông tin về các quốc gia nơi họ hoạt động. Thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài, chính phủ của các quốc gia như Trung Quốc có thể nắm được thông tin chuyên sâu về cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng và các điểm yếu cố hữu của nó. Nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn của khu vực đã làm giảm sự quan tâm chính sách về các vấn đề an ninh.
Mối quan hệ không rõ ràng giữa các công ty xây dựng và kỹ thuật Trung Quốc và nhà nước Trung Quốc là nguyên nhân gây lo ngại. Các công ty quốc doanh của Trung Quốc có quyền truy cập vào lượng lớn thông tin kinh tế và an ninh có giá trị. Những thông tin như vậy mang lại lợi thế chiến lược trong mọi giai đoạn của một cuộc xung đột tiềm tàng. Một chính phủ thù địch có thể lợi dụng giá trị quan trọng từ các thông tin này để thúc đẩy quyền lực mềm và quyền lực cứng. Loại thông tin này rất quan trọng đối với những kẻ muốn phá vỡ chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu của quốc gia. Với lợi thế đó, một quốc gia thù địch hoặc thậm chí một quốc gia có lợi ích cạnh tranh có thể làm suy yếu sâu sắc khả năng phục hồi quốc gia của đối thủ cạnh tranh.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm giảm mạnh đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nó cũng tạo cơ hội cho các quốc gia thành viên ASEAN đánh giá lại một cách nghiêm túc các nhu cầu về cơ sở hạ tầng và giảm thiểu rủi ro của đầu tư nước ngoài. ASEAN có cơ hội tận dụng các nỗ lực hội nhập kinh tế của mình để ứng phó với rủi ro cơ sở hạ tầng của các quốc gia thành viên. Một cơ quan hoặc mạng lưới khu vực có thể giám sát và chứng nhận các khía cạnh của sự phát triển cơ sở hạ tầng trong tương lai để giải quyết các mối lo ngại về chất lượng, tính bền vững và an ninh.
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cạn kiệt, các thị trường toàn cầu đang điều chỉnh để thích ứng với các tác động kinh tế của đại dịch. Lãi suất đang ở mức thấp lịch sử và kỳ vọng về lợi tức đầu tư đã thay đổi. Cuộc khủng hoảng tài chính do đại dịch vẫn đang diễn ra, nhưng giống như tất cả các cuộc khủng hoảng, nó cũng sẽ qua đi. Và khi đó, đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực ASEAN sẽ lại tăng tốc, đó là lý do tại sao bây giờ là thời điểm tốt nhất để đồng bộ hóa giữa tăng trưởng kinh tế và an ninh.
Đối với Việt Nam và một số quốc gia ASEAN khác đang có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông như Philippines, Malaysia, nếu các quốc gia này vay các khoản vay lớn của Trung Quốc, và đặc biệt nếu như sau này họ không đủ khả năng trả nợ, họ sẽ bị phụ thuộc vào Trung Quốc. Chính vì thế, các quốc gia này, trong đó bao gồm cả Việt Nam, có thể sẽ phải chấp nhận nhượng bộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Chưa kể, các khoản vay của Trung Quốc không hề rẻ, thường đi kèm rất nhiều điều kiện, ví dụ phải sử dụng các nhà thầu Trung Quốc, mua trang thiết bị từ phía Trung Quốc để phục vụ các dự án đó. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp Việt Nam tại vì Việt Nam đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc vay vốn từ Trung Quốc.
Những dự án đó gây ra rất nhiều tai tiếng, ví dụ trễ tiến độ, đội vốn, công nghệ thiết bị không hiện đại, lạc hậu, gây ra chi phí bảo dưỡng lớn ; các nhà thầu Trung Quốc thuê lao động phổ thông mang từ Trung Quốc sang, gây ra những vấn nạn ở địa phương. Một ví dụ cụ thể về việc vay vốn của Việt Nam , đó là dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Theo giới phân tích, vụ Trung Quốc thâu tóm cảng Hambantota có thể đặt ra một tiền lệ xấu cho Sri Lanka và không ít nước khác đang vay tiền Trung Quốc. Theo đó, họ có thể chấp nhận những thỏa thuận bất lợi để gán nợ, thậm chí phải hy sinh cả chủ quyền ở một số vùng lãnh thổ hay tài sản quốc gia. Chính vì vậy, Việt Nam cần phải hết sức thận trọng trước các khoản vay này từ Trung Quốc.
Vũ Thư
Nguồn : RFA, 08/12/2020
Giáo sư Trần Văn Thọ nói Việt Nam cần có luật về an ninh kinh tế trong bối cảnh Nhật có biện pháp ngăn Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp quan trọng.
Trả lời phỏng vấn BBC News tiếng Việt, Giáo sư Trần Văn Thọ từ Tokyo, một thành viên của Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Việt Nam, cũng nói rằng Việt Nam phải khẩn trương "đặt lại toàn bộ" chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI).
Một phụ nữ Việt Nam lái xe gắn máy trước một nhà máy trong khu công nghiệp ở trung tâm thành phố Đà Nẵng ở Việt Nam, ngày 10 tháng 11 năm 2017. (Lillian Suwanrumpha / AFP / Getty Images)
BBC : Giáo sư đánh giá gì về việc Bộ quốc phòng Việt Nam nói về thực trạng doanh nghiệp và cá nhân Trung Quốc thông qua người có quốc tịch Việt Nam đứng tên mua và sở hữu nhà đất tại các khu vực có quan ngại về an ninh quốc phòng ?
Trần Văn Thọ : Vấn đề này đã được dân chúng nhận biết từ lâu, bây giờ chính thức có công bố của Bộ Quốc phòng càng thấy tình hình trầm trọng rồi. Một trong những nguyên nhân đưa đến tình trạng đó là do có chính sách phân quyền về cấp địa phương khi duyệt xét và cấp giấy phép đầu tư nước ngoài (FDI).
Trong quá trình đó đã có kẽ hở hoặc quá dễ dãi nên doanh nghiệp Trung Quốc đã có thể sở hữu đất nhạy cảm về an ninh quốc phòng. Đã đến lúc phải sửa lại Luật về đầu tư nước ngoài và sớm ban hành luật về an ninh kinh tế, trong đó vừa ngăn ngừa nước ngoài đầu tư vào các lãnh vực nhạy cảm về an ninh, và có các điều khoản xử lý người trong nước tiếp tay cho nước ngoài lách luật để chi phối kinh tế hoặc gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Từ 5-6 năm nay thế giới đã cảnh giác Trung Quốc có ý đồ chi phối kinh tế và can thiệp vào tình hình chính trị các nước khác thông qua hình thức đầu tư và đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn ngừa. Nhật Bản vừa mới sửa Luật ngoại hối, quy định chặt chẽ tỉ lệ tối đa mà doanh nghiệp nước ngoài có thể mua cổ phần của doanh nghiệp Nhật.
Đối với nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ quan trọng, tỉ lệ 1% trở lên là phải xin phép, v.v. Ngoài Nhật, những nền kinh tế tiên tiến như Hoa Kỳ, Pháp, Úc, cũng đang ngăn cản Trung Quốc mua bán và sáp nhập những công ty thuộc diện ảnh hưởng tới quốc phòng và an ninh kinh tế thông qua việc ban hành các sắc luật mới hoặc sửa đổi các luật cũ nhằm ngăn ngừa các dự án FDI ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Việt Nam là nước yếu hơn lại nằm gần Trung Quốc thì việc cảnh giác và đối phó còn quan trọng hơn các nước tiên tiến nhiều.
BBC : Trong bài viết mới đây đăng trên trang The Leader, Giáo sư nói về thực trạng xuất hiện doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư nhiều vào Việt Nam. Nhưng nếu không tận dụng đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc thì cũng khó kêu gọi các nước khác vì các nước phát triển đang gặp nhiều vấn đề về kinh tế kể từ đại dịch Covid-19 ?
Trần Văn Thọ : Khi một số lượng lớn các doanh nghiệp nước ngoài rút đi khỏi Trung Quốc thì có phải họ rút hết về nước họ đâu. Chỉ một phần thôi và một phần khác là họ đi tìm những nước thứ ba và Việt Nam là một trong những nước họ muốn chọn lựa. Cho nên những doanh nghiệp như vậy rất nhiều và chúng ta không phải lo là nếu không đón nhận doanh nghiệp Trung Quốc thì cũng không có doanh nghiệp nước nào khác đến.
Doanh nghiệp từ các nước tiên tiến Âu Mỹ và Nhật Bản ngoài vốn đầu tư thì họ có văn hóa kinh doanh lâu đời, có công nghệ cao, có trách nhiệm xã hội trong đó có ý thức bảo vệ môi trường, nhất là những doanh nghiệp đa quốc gia tầm cỡ đã xác lập thanh danh trên thị trường thế giới. Trung Quốc là nước mới phát triển gần đây, văn hóa và đạo đức kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chưa được xác lập. Dĩ nhiên nhìn chung là như vậy, không kể các trường hợp cá biệt, ngoại lệ.
BBC : Trong bài viết đó, Giáo sư nói rằng trong hơn 30 năm thu hút FDI, chiến lược và chính sách của Việt Nam chưa đạt được "bốn tiêu chí" ?
Trần Văn Thọ : Đôi khi người ta tập trung vào báo cáo "thành quả" của FDI thông qua số dự án đăng ký và tiền vốn đăng ký chứ ít khi đi vào mặt chất lượng. Mà muốn FDI có được chất lượng và hiệu quả thực sự thì chính phủ phải tích cực hành động, phải tiếp thị và đối thoại với các công ty, các nhà đầu tư uy tín trên thế giới về công nghệ, về năng lực cạnh tranh,…và xây dựng các điều kiện về môi trường đầu tư, về nội lực để tiếp đón các nhà đầu tư ấy một cách hiệu quả.
Trong bài viết trên báo The Leader, tôi có nói về bốn tiêu chí là (1) FDI phải được đặt trong một chiến lược phát triển kinh tế hoàn chỉnh, (2) tạo điều kiện để nhiều dự án FDI lập ra theo hình thức liên doanh với doanh nghiệp trong nước, (3) liên kết giữa FDI với các công ty trong nước và (4) đánh giá FDI xem đa số các dự án đến từ các nước tiên tiến hay là từ các nước mới phát triển xung quanh Việt Nam. Trong đó, tiêu chí 2 và 3 là liên quan tới nội lực của Việt Nam. Tức là nội lực trong nước phải mạnh thì mới liên kết và phát huy được nhằm có hiệu quả nhất với FDI. Còn tiêu chí thứ nhất rất quan trọng là FDI phải đặt trong chiến lược phát triển kinh tế nói chung, nghĩa là tùy theo giai đoạn phát triển kinh tế mà nội dung, tính chất của FDI phải khác.
Mục tiêu quốc gia của Tập Cận Bình
BBC : Luật Đầu tư Nước ngoài của Việt Nam hiện nay có vấn đề gì đáng quan ngại ?
Trần Văn Thọ : Trong thời kỳ mới bắt đầu đổi mới cho đến khi gia nhập WTO thì Việt Nam sợ FDI chi phối nền kinh tế thành ra luật nói chung không thông thoáng và khi áp dụng lại gây khó dễ cho nhà đầu tư nước ngoài, việc xét duyệt cấp phép rất phức tạp và tốn thời gian. Việc này làm nản lòng nhiều doanh nghiệp lớn từ các nước tiên tiến. Tuy nhiên từ khi Việt Nam gia nhập WTO thì lại dễ dãi quá trong đó có phân quyền xuống các địa phương. Các địa phương tranh nhau dự án, xem việc thu hút số lượng dự án FDI là thành quả phát triển của địa phương mình.
Nguồn : BBC, 07/06/2020
Chủ tịch Bắc Giang xin phê duyệt dự án tỷ đô (RFA, 03/06/2020)
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái, trong tháng 2 và tháng 3 ký liên tiếp 2 văn bản đề nghị Bộ Công Thương phê duyệt Dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang.
Phối cảnh dự án Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang. http://nhietdienankhanhbacgiang.com.vn/
Lý do kiến nghị vì chỉ khi Bộ Công Thương chấp thuận, chủ đầu tư mới đáp ứng yêu cầu cho vay 753 triệu USD của Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC).
Theo thông tin truyền thông trong nước loan đi ngày 3/6, tỉnh Bắc Giang ban hành 2 văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị chấp thuận sản lượng điện hợp đồng của Nhà máy Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang (AKBG). Nội dung văn bản tháng 3 có đề cập quy mô dự án lên đến trên 1 tỷ USD nhưng không có bảo lãnh của Chính phủ. Vì vậy, ngân hàng cho vay đề nghị làm việc với Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để chấp thuận hợp đồng mua bán điện bằng 90% sản lượng điện bình quân trong thời gian 10 năm.
Về đề xuất của AKBG và Chủ tịch Bắc Giang, EVN nêu lên quan điểm rằng đề nghị này không trái quy định Thông tư 24/2019/TT-BCT. Tuy nhiên, việc thỏa thuận sản lượng hợp đồng có thể tạo tiền lệ cho các nhà đầu tư khác khi có yêu cầu vay vốn lớn ; điều này sẽ gây khó khăn cho công tác vận hành hệ thống và thị trường điện các năm tới.
Sau khi nhận được văn bản của Chủ tịch tỉnh Bắc Giang, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN căn cứ vào Thông tư 24/2019/TT-BCT và trên cơ sở kế hoạch dự kiến huy động AKBG để xem xét, đàm phán và thỏa thuận sản lượng hợp đồng cụ thể bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên.
********************
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông : Tổng thầu Trung Quốc đòi thêm 50 triệu đôla Mỹ (BBC, 02/06/2020)
Sau gần 10 năm kể từ ngày khởi công, đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể chính thức vận hành trong khi tiền đầu tư tiếp tục tăng.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông vẫn chưa hẹn ngày hoàn thành
Tổng thầu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã đề nghị cần 50 triệu đô la Mỹ để vận hành hệ thống và yêu cầu thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao, báo Thanh Niên hôm 1/6 dẫn báo cáo của chính phủ Việt Nam cho biết.
Hiện Ban quản lý dự án đường sắt đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải để tìm hướng giải quyết.
Chưa đủ điều kiện nghiệm thu
Báo cáo của chính phủ cũng cho biết dự án tại Hà Nội đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên 3/5 hạng mục xây dựng cơ bản chưa đủ điều kiện nghiệm thu, nên toàn bộ hệ thống chưa được bàn giao đưa vào khai thác.
Cụ thể, dự án còn tồn tại một số vướng mắc về thiết bị công nghệ, đánh giá an toàn đoàn tàu, công tác vận hành toàn hệ thống…
Báo cáo của chính phủ nêu rõ do tổng thầu chưa xác định được mốc thời gian hoàn thành các hạng mục trên nên dự án chưa có cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện, dẫn đến gói thầu tư vấn giám sát chưa có cơ sở để cho phép kéo dài trong thời gian tới.
Một khó khăn nữa là do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên chỉ mới có 4 chuyên gia cấp cao của tổng thầu dự án có mặt tại Việt Nam.
Hiện Ban quản lý dự án đang đề nghị đưa thêm 150 nhân sự của tổng thầu từ Trung Quốc sang Việt Nam bằng đường bộ do đường hàng không giữa hai nước tạm ngưng.
Những nhân sự này khi sang Việt Nam sẽ phải thực hiện cách ly 14 ngày trước khi thực hiện công việc.
Bên cạnh đó, nhân sự tư vấn của Pháp cũng chưa xác định được thời điểm sang Việt Nam để đánh giá an toàn hệ thống do ảnh hưởng của dịch Covid-19, báo Tuổi trẻ hôm 1/6 cho hay.
Đội vốn, lùi thời gian
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được khởi công xây dựng vào ngày 10/10/2011 với vốn đầu tư ban đầu là 8.770 tỉ đồng (tương đương 552,86 triệu đôla Mỹ theo tỉ giá lúc bấy giờ). Trong số đó, vốn vay tín dụng ưu đãi của chính phủ Trung Quốc là 1,2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 169 triệu đôla Mỹ) ; vốn vay ưu đãi bên mua là 250 triệu đôla và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam là hơn 2.100 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (bìa phải) làm việc với nhà thầu đường sắt Cát Linh-Hà Đông
Tuyến có chiều dài 13,1km, đi hoàn toàn trên cao, với 12 nhà ga và theo kế hoạch ban đầu sẽ đưa vào khai thác trong năm 2015, báo Dân trí ngày 10/10/2011 cho biết.
Việc chọn tổng thầu Trung Quốc cùng với quá trình thực hiện không đảm bảo tiến độ, liên tục đội vốn đã gây ra nhiều tranh cãi tại Việt Nam.
Tính đến tháng 7/2019, dự án này đã 8 lần vỡ tiến độ, theo báo Vietnamnet. Vào ngày 1/10/2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong cuộc họp về các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Hà Nội đã chỉ đạo "khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngay trong năm nay". Tuy nhiên, đến giữa năm 2020, vẫn chưa có một thời hạn chính xác cho ngày chính thức vận hành.
Số liệu cập nhật mới nhất cho thấy tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án hiện đã lên 18.002 tỉ đồng (tương đương 868,04 triệu đôla), trong đó vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỉ đồng (669,62 triệu đôla) và vốn đối ứng 4.134 tỉ đồng (198,43 triệu USD). Số tiền giải ngân đạt 81,9%.
Bình luận về vấn đề này trên trang Facebook cá nhân, nhà báo Hoàng Hải Vân viết :
"Chấp nhận chỉ định nhà thầu Trung Quốc, nhà tư vấn giám sát Trung Quốc, vật tư thiết bị mua của Trung Quốc theo giá của Trung Quốc, khiến cho giá công trình cao vọt so với đấu thầu quốc tế, vay thương mại hay ODA cũng chẳng khác gì tín dụng đen".
"Nhà thầu đội vốn bao nhiêu vay thêm bấy nhiêu và bỏ tiền đối ứng ra bấy nhiêu, nhà thầu bàn giao công trình vào lúc nào không theo ý của chủ đầu tư mà theo ý của nhà thầu. Kiểm toán từng chỉ ra hàng loạt những sai phạm, nhưng chẳng ai bị làm sao. Công trình dở dang vẫn nằm trơ giữa thủ đô Hà Nội, đưa cái cổ người dân vào thòng lọng bẫy nợ tín dụng đen của Trung Quốc, thách thức lương tri, thách thức tổ tiên nòi giống, trải qua hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng và chừng ấy nhiệm kỳ Quốc hội nhưng chẳng một ai chịu trách nhiệm", ông nêu vấn đề.
Bên cạnh tiến độ và vốn, nhiều người cũng nghi ngờ công nghệ được áp dụng tại dự án này là "lạc hậu".
*******************
Cát Linh-Hà Đông : phía Trung Quốc cần gấp 50 triệu USD, không hứa thời hạn hoàn thành (RFA, 01/06/2020)
Tổng thầu Trung Quốc cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội dù không hứa ngày chạy tàu, nhưng lại đề nghị giao thêm số tiền 50 triệu USD để thực hiện công tác hoàn thiện.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông - AFP
Thông tin vừa nói được truyền thông trong nước loan hôm 1/6, theo báo cáo chính phủ gửi Quốc hội về một số dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải, trong đó có dự án Đường sắt.
Cụ thể báo cáo nêu rõ, trong khi hồ sơ hoàn công và nghiệm thu chưa đủ điều kiện, cơ sở pháp lý ; chưa đưa ra được cam kết thời gian hoàn thành bàn giao, thì Tổng thầu Trung Quốc tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại cần 50 triệu USD để thực hiện công tác vận hành hệ thống, đồng thời phải thanh toán toàn bộ cho Trung Quốc trước khi bàn giao
Cũng theo báo cáo, dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông dù cơ bản đã hoàn thành, nhưng còn một số các vướng mắc như thiết bị công nghệ khu Depot, đánh giá an toàn đoàn tàu, công tác vận hành và quyết toán....
Về việc Tổng thầu Trung Quốc cần 50 triệu USD để thực hiện công tác vận hành hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao. Bộ Giao thông- Vận tải nêu rõ quan điểm, việc thanh toán phải tuân thủ theo quy định Hợp đồng EPC. Do đó, hai bên đồng ý sẽ xem xét các điều khoản hợp đồng trong vòng 15 ngày.
Trong báo cáo, Ban Quản lý Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn vướng mắc để ‘sớm’ đưa dự án vào vận hành khai thác.
Tuy nhiên, Ban Quản lý Dự án trong báo cáo không cho biết ‘sớm’ là bao giờ và không có mốc thời gian cụ thể, dù đến nay dự án đã giải ngân hơn 14,7 nghìn tỷ đồng trong tổng số trên 15 nghìn tỷ đồng, đạt 81,9%.
Dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, dài khoảng 13km, ban đầu dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Nhưng sau đó, dự án được lùi lại đến năm 2010 mới khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014. Tuy vậy đến nay, dự án này vẫn chưa thể đi vào vận hành.
Tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án được Bộ Giao thông- Vận tải phê duyệt năm 2008 là 8,7 ngàn tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), trong đó vay Trung Quốc là hơn 400 triệu USD. Vào năm 2016, dự án được điều chỉnh lên hơn 18 ngàn tỷ đồng.
Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc cũng lên con số 13,8 ngàn tỷ đồng (tương đương trên 669 triệu USD).
*******************
Người dân chặn cổng Nhà máy thép Hòa Phát - Dung Quất phản đối ô nhiễm (RFA, 01/06/2020)
Người dân xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi sáng ngày 30/5 đã kéo đến chặn cổng Nhà máy thép Hòa Phát - Dung Quất sau nhiều ngày liên tiếp phải chịu đựng mùi hôi, khét từ khí thải Nhà máy.
Người dân tập trung trước cổng Nhà máy thép Hòa Phát-Dung Quất Nguồn : Báo Mới
Báo trong nước loan tin ngày 1/6, trích phát biểu của người dân nơi đây cho biết thêm từ ngày 22-30/5, mùi hôi, khét từ khí thải nhà máy vẫn tiếp tục xuất hiện nên phải cùng nhau phản đối.
Ông Ngô Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, có mặt tại hiện trường xác nhận rằng mùi hôi, khét rất nặng, rất khó chịu, ảnh hưởng đến các địa bàn dân cư trên toàn xã. Ngoài ra còn có khói từ nhà máy bay ra mù mịt đến khu dân cư, hình ảnh khá phức tạp và nhạy cảm.
Phía UBND xã Bình Thuận cũng xuống làm việc với công ty Hòa Phát nhưng tình trạng vẫn không được khắc phục.
Trưa ngày 30/5, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, ông Lý Thọ đã xuống trực tiếp khu vực Nhà máy để gặp gỡ, trao đổi nhân dân. Đồng thời giao trách nhiệm cho lãnh đạo Công ty thép Hòa Phát - Dung Quất phải cho kiểm tra hiện trường. Nếu có vấn đề gì trong quá trình vận hành khu vực Nhà máy thì có ý kiến với nhân dân về hướng khắc phục.
Bên cạnh đó, UBND xã Bình Thuận cũng đề nghị lãnh đạo Công ty thép Hòa Phát - Dung Quất cùng các ngành chức năng sớm có biện pháp giải quyết, tôn trọng cuộc sống, sức khỏe nhân dân, đảm bảo cho tình hình an ninh của địa phương được ổn định…
Phía người dân cho hay họ đã phải chịu đựng trong suốt thời gian dài vì mùi hôi, khét ảnh hưởng sinh hoạt.
Có nên sợ đầu tư Trung Quốc vào Trung và Đông Âu ? (RFI, 23/04/2019)
Kết nạp thêm một thành viên mới là Hy Lạp, Trung Quốc tiếp tục lôi kéo các nước trong khối Liên Hiệp Châu Âu về phía Bắc Kinh. Lá bài đầu tư Trung Quốc và dự án Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21 tiếp tục làm mê hoặc, nhưng cũng bắt đầu gây nên mối hoài nghi ngay cả với 17 đối tác Châu Âu của Bắc Kinh trong nhóm vừa được đổi tên 17 +1.
Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trước khi khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Trung, Đông Âu và Trung Quốc tại Dubrovnik, Croatia, ngày 12/04/2019. Reuters/Stringer
Phải chăng đó là do một số quốc gia trong khối này bắt đầu thất vọng trước những hứa hẹn "có lợi cho cả đôi bên" luôn được Bắc Kinh rao giảng ?
Ngày 12/04/2019, thượng đỉnh Dubrovnik - Croatia hạ màn, thủ tướng Trung Quốc kết thúc một tuần công du Châu Âu. Trước đó ba hôm, tại chặng dừng Bruxelles, ông Lý Khắc Cường đã vất vả trấn an các nước tây Âu rằng Trung Quốc sẽ mở rộng cửa hơn nữa thị trường với gần 1,5 tỷ dân này cho các doanh nghiệp nước ngoài, trao đổi mậu dịch với phương Tây trên cơ sở luật pháp và công bằng, không áp dụng chính sách bảo hộ …
Ngược lại, tại thành phố ven biển Adriatic, các đối tác của Bắc Kinh đã bày tỏ nhiều thiện cảm với thủ tướng họ Lý, vì biết chắc rằng "Trung và Đông Âu là mắt xích quan trọng" trong dự án Con Đường Tơ Lụa mới, mà chính quyền của hai ông Tập Cận Bình – Lý Khắc Cường hứa đầu tư đến 1000 tỷ đô la trên bộ và trên biển, để kết nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.
Nhóm 16+1 mà giờ đây vừa đón nhận thêm Hy Lạp, được thành lập năm 2012, bao gồm Trung Quốc và các đối tác Châu Âu, trải dài từ vùng Baltic xuống đến Nam Âu (Estonia, Litva, Latvia, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Slovakia, Hungary, Romania, Bulgaria, Slovenia, Croatia, Bosnia–Herzegovina, Montenegro, Albania, Bắc Macedonia). Trong số này có 11 quốc gia và mới đây thêm Hy Lạp là thành viên Liên Hiệp Châu Âu.
Trung Quốc chịu chi tiền
Thượng đỉnh đầu tiên của nhóm 16+1 được tổ chức tại thủ đô Ba Lan trong bối cảnh Châu Âu phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế và tài chính, khối euro bị đe dọa tan vỡ, vì Hy Lạp có nguy cơ mất khả năng thanh toán. Bruxelles và Berlin đòi tất cả các thành viên áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu. Còn Bắc Kinh chủ trương mở van tín dụng, khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đầu tư ở nước ngoài.
Theo cơ quan nghiên cứu EPSR trực thuộc Nghị Viện Châu Âu, trong thời gian từ năm 2000 đến 2017, Trung Quốc đã đầu từ hơn 1, 2 tỷ euro vào Hy Lạp và một phần lớn khoản vốn nói trên được dành để phát triển hải cảng Pireus, một trong những "điểm chiến lược" của Con Đường Tơ Lụa mới. Hungary thu hút được 2,1 tỷ euro. Kế tới là Ba Lan với 1 tỷ, hay Romania với 900 triệu euro.
Tại khu vực vùng Balkan, trong một sớm một chiều tập đoàn khai thác quặng mỏ Zijin bỏ ra 1,46 tỷ đô la mua lại 63 % mỏ đồng tại Bor, cách thu đô Beograd 220 cây số về phía đông, thanh toán món nợ cỏn con 200 triệu đô la mà tập đoàn khoáng sản của Serbia không tài nào trả nổi từ hai thập niên qua. Chưa hết, Zijin còn hứa bảo đảm việc làm cho 5.000 thợ mỏ tại Bor và sẽ đầu tư thêm 1,3 tỷ đô la để làm sống lại niềm tự hào của nền công nghiệp khai thác quặng mỏ Nam Tư xưa kia. Đương nhiên, giới trong ngành thừa biết Bor là "một trong những mỏ đồng và mỏ vàng lớn nhất thế giới".
Cũng với Serbia, Bắc Kinh đã phát triển nhiều dự án bạc triệu khác, từ công trình xây dựng cây cầu bắt ngang dòng sông Danube tại Beograd, đến dự án đường xe lửa cao tốc xuất phát từ cảng Pireus của Hy Lạp đến tận thủ đô Budapest của Hungary, với một chặng dừng quan trọng là Beograd.
Vào lúc Hoa Vi đang tìm cách thoát khỏi vòng vây của Hoa Kỳ, tổng thống Serbia mở rộng cửa mời tập đoàn viễn thông Trung Quốc này vào hoạt động. Do đứng ngoài Liên Âu, Serbia không bị các chuẩn mực của Bruxelles về môi trường, y tế, hay lao động… ràng buộc.
Nhìn đến một quốc gia khác trong khu vực là Montenegro, kể từ khi ngân hàng ngoại thương Trung Quốc cho quốc gia này vay 809 triệu euro để xây một đoạn xa lộ, Bắc Kinh nắm giữ đến 40 % tổng số nợ của quốc gia nhỏ bé này trong vùng Balkan ; 20 % tổng số nợ nước ngoài của Macedonia cũng trong tay Trung Quốc ; Bosnia Herzegonia cũng vừa phải đi vay 600 triệu của Trung Quốc để tài trợ công trình xây dựng một nhà máy nhiệt điện. Toàn bộ dự án do một tập đoàn Trung Quốc đảm nhiệm.
Sườn đông, cánh cổng dễ mở vào Châu Âu
Ngay từ đầu, Bắc Kinh quan niệm "diễn đàn" 16+1 là bệ phóng cho dự án Một Vành Đai Một Con Đường. Kèm theo đó là mục tiêu mở rộng ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn địa chính trị của Bắc Kinh tại Châu Âu.
Trả lời đài RFI Jean-François di Meglio, giám đốc trung tâm nghiên cứu Asia Centre, trụ sở tại Paris, nêu lên hai rủi ro gắn liền với việc Trung Quốc đang trở thành chủ nợ của nhiều nước Đông và Trung Âu :
"Trước hết là rủi ro về tầm ảnh hưởng. Thí dụ rõ rệt nhất là hồi năm 2016, khi Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế La Haye ra phán quyết về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, bất lợi cho Trung Quốc, thì Mỹ và Úc đã mạnh dạn ủng hộ quyết định của Tòa Án. Ngược lại, Liên Hiệp Châu Âu đã không có được một tiếng nói chung, vì một số thành viên – trong đó có nhiều nước thuộc khối 16+1, đã chống đối quyết định bất lợi cho Bắc Kinh.
Rủi ro thứ nhì là nợ của Trung Quốc có một nét đặc thù. Tới nay, Trung Quốc không tham gia Câu Lạc Bộ Paris. Đây là một tổ chức không chính thức của các chủ nợ quốc tế. Câu lạc bộ này có thể xóa nợ hay triển hạn cho một quốc gia mang nợ có thêm thời gian để thanh toán … Trung Quốc không nằm trong Câu Lạc Bộ Paris, nên luôn giải quyết vấn đề nợ một cách song phương. Thành thử không ai biết là khi mất khả năng thanh toán, một quốc gia phải đàm phán những gì với Bắc Kinh, Trung Quốc có biện pháp khoan hồng nào hay là Trung Quốc Bắc Kinh mạnh tay siết nợ, bằng cách đòi được trả bằng nguyên và nhiên liệu …
Riêng với Châu Âu, cần lưu ý rằng khoản vốn đầu tư của Trung Quốc vào các nước Tây Âu phát triển mới là lớn, còn đầu tư vào các nước Trung và Đông Âu thật sự không nhiều.
Bức tranh màu hồng ?
Gần một chục năm sau khủng hoảng trên Lục Địa Già, sau tám thượng đỉnh với Trung Quốc, các nước Trung và Đông Âu nghĩ gì về sự hào phóng của Bắc Kinh ?
Tại Dubrovnik, thủ tướng Lý Khắc Cường muốn mở rộng thêm cánh cổng Châu Âu, giải tỏa bớp áp lực của Hoa Kỳ trong lúc đang phải đọ sức thương mại với Washington ; thủ tướng Tsipras xem việc được kết nạp vào nhóm 16+1 là một vinh dự đối với Athens ; thủ tướng Victor Orban vốn đang hục hặc với nhiều nước Tây Âu tuyên bố Hungary muốn "đẩy mạnh quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc". Còn Serbia cũng như Romania kỳ vọng ký được thêm nhiều hợp đồng với Trung Quốc trong thời gian thủ tướng Lý Khắc Cường có mặt tại Dubrovnik.
Nhìn lại chặng đường 7 năm Bắc Kinh đồng hành với 16 nước Trung và Đông Âu, không thể phủ nhận Bắc Kinh đã hứa hẹn nhiều và nhiều dự án đầu tư với vốn của Trung Quốc đã chào đời tại Trung và Đông Âu, cũng như trong vùng Địa Trung Hải. Dù vậy, các nhà quan sát và cả những quốc gia trong cuộc đều nhận thấy rằng, Bắc Kinh "hứa nhiều, nhưng làm chẳng được bao nhiêu".
Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc MERICS của Đức trong báo cáo gần đây cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào Châu Âu năm 2018 giảm đi mất 40 % so với hồi năm 2017. Nhiều dự án tại Ba Lan liên tục bị hoãn lại, thậm chí là bị bỏ dở.
Trong bài tham luận đăng trên trang mạng của Mỹ Foreign Policy ngày 11/04/2019, chuyên gia người Romania Andreea Brinza, phó chủ tịch Viện nghiên cứu về Châu Á Thái Bình Dương, nhận định : "Năm nay, những thất vọng đã thay thế vào chỗ của những hứa hẹn ban đầu được thủ tướng Ôn Gia Bảo đưa ra hồi năm 2012. Đối thoại giữa Trung Quốc với các đối tác Trung và Đông Âu là một chuỗi dài thất bại do Bắc Kinh đã không giữ đúng lời hứa. Nhiều chương trình hợp tác đã bị đình hoãn và thậm chí bị khai tử. Trung Quốc đã thất bại, vì không trấn an được các đối tác Châu Âu và cả các nước ở Tây Âu về những mục tiêu của mình tại Châu Âu (…) Bắc Kinh luôn nói đến một sự hợp tác có lợi cho cả đôi bên, nhưng đó chỉ là một thông điệp trống rỗng (…) Bởi nhìn kỹ vào hợp tác Á-Âu này, người ta thấy Trung Quốc cấp vốn cho các đối tác Châu Âu xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng đó là những khoản tín dụng mà các con nợ của Trung Quốc không hề được hưởng những điều kiện ưu đãi".
Tệ hơn nữa, vẫn theo chuyên gia Andreea Brinza, Viện nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương của Romania, tương tự như với Châu Phi, trong mỗi dự án, Bắc Kinh luôn áp đặt các đối tác Châu Âu phải nhận 50 % lao động Trung Quốc.
Về phía Trung và Đông Âu, một số quốc gia đã nhận ra rằng "chơi với Bắc Kinh không dễ", vay vốn của Trung Quốc không nhẹ lãi hơn vay của Liên Âu, các dự án đầu tư của Trung Quốc không là chiếc đũa thần giải quyết thất nghiệp tại nhiều nước Đông và Trung Âu.
Năm 2013 Bucarest ký hợp đồng với tập đoàn điện lực quốc gia Trung Quốc để xây dựng hai nhà máy điện tại Rovinari và Tarnita. Từ đó tới nay, sau 5 đời thủ tướng, mùa thu 2018, dự án tại Rovinari vừa mới được khởi công. Còn tại Tarnita, đôi bên đàm phán lại từ đầu …
Điểm sau cùng khiến một số đối tác của Bắc Kinh tại Trung và Đông Âu thất vọng, là Trung Quốc thường bắt chẹt các nước trong các cuộc đàm phán song phương và trong các cuộc thương lượng đó, một nước như Montenegro hay Croatia không có chọn lựa nào khác là phải tuân thủ luật chơi của Bắc Kinh.
Có điều, chính sự hiện diện ngày càng lớn của tư bản Trung Quốc trong các hoạt động kinh tế tại Châu Âu gây nhiều lo ngại, cho dù trong mọi tuyên bố các lãnh đạo Trung Quốc đều mạnh mẽ khẳng định quyết tâm "thúc đẩy tiến trình hội nhập giữa các nước trong Liên Âu", nhưng nhìn từ Bruxelles thì Bắc Kinh luôn dùng đòn bài chia để trị. Chuyên gia Pháp, Jean-François di Meglio, giám đốc trung tâm Asia Centre phân tích :
"Về câu hỏi Trung Quốc có chơi trò "hai mặt" hay không, chúng ta thấy thông điệp chính thức của Bắc Kinh từ trước đến nay rất rõ ràng. Khác với Liên Xô xưa kia, Trung Quốc không muốn gây chia rẽ nội bộ Châu Âu. Ngược lại, Bắc Kinh luôn tuyên bố ủng hộ một khối Liên Hiệp Châu Âu phát triển, vững mạnh. Thế rồi, với dự án Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21, Trung Quốc muốn lôi kéo Châu Âu vào kế hoạch đầy tham vọng này, kể cả các nước Tây Âu.
Nhưng song song với những tuyên bố chính thức đó, Bắc Kinh luôn có những cuộc vận động ngầm và đặc biệt là qua việc Hy Lạp vừa tham gia nhóm 16+1, tức là giờ đây Trung Quốc có đến 17 đối tác tại Châu Âu. Đây là một bước ngoặt quan trọng".
Thanh Hà
*********************
Thủ tướng Nhật công du Châu Âu và Bắc Mỹ với Trung Quốc trong tầm nhắm (RFI, 23/04/2019)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến Paris vào hôm nay, 23/04/2019, hội đàm với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong khuôn khổ chuyến công du 6 quốc gia Châu Âu và Bắc Mỹ, kéo dài đến ngày 29/04. Sau chặng đầu tiên là Pháp, ông sẽ ghé Ý, Bỉ và Slovakia, trước khi qua Mỹ và Canada.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Nhật Shinzo Abe họp báo chung tại điện Elysée ngày 23/04/2019. Reuters/Philippe Wojazer
Mục tiêu chính thức được loan báo của vòng công du là chuẩn bị cho thượng đỉnh G20 ở Osaka vào tháng Sáu, nhưng giới quan sát cho rằng ý muốn của thủ tướng Abe là nâng cao vai trò của Nhật Bản trong tư thế một cường quốc đủ sức cạnh tranh với Trung Quốc trong thương mại thế giới, mà không khiến Bắc Kinh tức giận.
Đối với ông Abe, vào thời điểm hiện nay, vai trò của tổng thống Macron rất quan trọng trên hai điểm : Pháp là nước sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào tháng 8 tới đây, do đó sự phối hợp giữa hai nước chủ tịch G20 và G7 là một điều rất có lợi. Ngoài ra, tổng thống Pháp đã cho thấy là ông rất muốn Liên Hiệp Châu Âu có một phản ứng thương mại chung đối phó với sự lấn lướt của Trung Quốc.
Chặng thứ hai trong vòng công du của thủ tướng Nhật là Ý, được cho là rất tế nhị, do việc Rôma vừa ký kết thỏa thuận tham gia dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh. Ông Shinzo Abe được cho là sẽ tìm cách thuyết phục giới lãnh đạo Ý rằng Nhật Bản hoàn toàn có thể tài trợ cho các cơ sở hạ tầng có lợi cho tăng trưởng, mà không tạo ra nguy cơ "bẫy nợ" thường được gắn liền với các đề xuất của Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản cũng sẽ có những cố gắng thuyết phục tương tự khi ông ghé Slovakia, nơi ông sẽ gặp các nhà lãnh đạo của Nhóm Visegrad, bao gồm 4 nước Trung Âu là Ba Lan, Hungary, Séc và Slovakia, được cho là các đồng minh Châu Âu của Trung Quốc.
Chặng ghé Bruxelles của ông Abe cũng là dịp để thủ tướng Nhật thảo luận với đối tác Liên Hiệp Châu Âu về Trung Quốc, đúng vào thời điểm Châu Âu được cho là đã "thức tỉnh" trước những ngón đòn thương mại của Bắc Kinh. Một hồ sơ quan trọng khác sẽ được nêu lên là Brexit.
Sau Châu Âu, ông Abe sẽ bay sang Bắc Mỹ, với hai chặng dừng ở Hoa Kỳ và Canada. Trên đất Mỹ, thủ tướng Nhật sẽ phải nỗ lực trấn an Donald Trump, đang rất muốn đàm phán lại thỏa thuận thương mại song phương để giảm thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Nhật Bản. Đây được cho là một cuộc đàm phán khẩn cấp đối với ông Abe, nếu ông muốn có thêm sức mạnh để đối phó với Trung Quốc.
Nhìn chung, vòng công du của thủ tướng Nhật Bản sẽ rất tế nhị, vì ông sẽ phải cố gắng để khỏi đụng chạm Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ Bắc Kinh-Tokyo đang càng lúc càng được cải thiện, mà dấu hiệu cụ thể nhất là việc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhận lời đến Osaka để dự hội nghị thượng đỉnh G20.
Mai Vân
Cảnh báo vốn đầu tư Trung Quốc tràn vào Việt Nam kéo theo nhiều rủi ro (RFA, 17/04/2019)
Các chuyên gia kinh tế ở Việt Nam mới đây cảnh báo dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đang tăng mạnh kéo theo các rủi ro về môi trường, tăng thâm hụt thương mại và quản lý lao động nước ngoài.
Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ Tân Thuận - Ảnh minh họa. AFP
Truyền thông trong nước hôm 17/4 trích báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 1 năm 2019 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội mới đây cho biết Trung Quốc hiện đã vươn lên là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là hơn 723 triệu đô la, vượt lên trên Singapore, Hàn Quốc, và Nhật Bản.
Theo nhận định của các chuyên gia của VEPR, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là nhằm né tránh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời đón đầu Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Truyền thông trong nước trích lời ông Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR cho biết nguồn vốn FDI từ Trung Quốc dù tạo thêm nguồn vốn cho nền kinh tế, nhưng mặt khác lại gây áp lực đối với doanh nghiệp Việt Nam về mặt cạnh tranh, nhất là trong lĩnh vực dệt may.
Quan ngại thứ hai, theo ông Phạm Thế Anh, là vấn đề môi trường vì tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam so với các nước khác là khá thấp. Do đó khi doanh nghiệp Trung Quốc vào, Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Quan ngại thứ ba là vấn đề lao động vì các doanh nghiệp Trung Quốc cũng mang theo công nhân từ Trung Quốc. Đó là chưa kể việc nhập khẩu nhiều máy móc thiết bị Trung Quốc gây thâm hụt thương mại cho Việt Nam.
******************
Ấn Độ điều tra sản phẩm nhôm Việt Nam bị cáo buộc phá giá (RFA, 17/04/2019)
Chính phủ Ấn Độ vừa bắt đầu một cuộc điều tra về các cáo buộc bán phá giá các sản phẩm nhôm và thép tráng kẽm cán mỏng từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam.
Công nhân Trung Quốc đóng gói các cuộn nhôm tại nhà máy nhôm ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy miền Đông Trung Quốc hôm 20/5/2017 - AFP
Trang mạng Seeking Alpha loan tin hôm 17/4 cho biết Tổng cục Phòng vệ Thương mại Ấn Độ (DGTR) thuộc Bộ Thương mại Ấn sẽ tiến hành các điều tra trong giai đoạn từ tháng 10/2017 đến tháng 9/2018, và cả những dữ liệu từ năm 2015.
Theo báo cáo từ tổ chức Tin cậy Báo chí của Ấn, các cuộc điều tra được đưa ra sau khiếu nại của Công ty sản xuất mạ thép JSW của Ấn Độ.
Các sản phẩm nhôm và thép tráng kẽm cán mỏng được dùng trong các dự án năng lượng mặt trời tại Ấn Độ, nhưng các nhà sản xuất Ấn Độ lo lắng các dự án trên đã bắt đầu sử dụng sản phẩm rẻ hơn nhập từ nước ngoài.
Nếu cáo buộc phá giá nói trên được xác nhận là đúng, DGTR sẽ áp mức thuế chống phá giá đối với mặt hàng này.
Hồi tháng 7/2018, Tòa Trọng tài Thương mại Quốc tế của Canada cũng đưa ra những chỉ dấu cho thấy Trung Quốc, Nam Hàn và Việt Nam đã bán các sản phẩm thép trợ giá vào Canada và có thể gây tổn hại cho các nhà sản xuất địa phương.
Hôm 5/12/2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã quyết định áp thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá lên tới hơn 500% đối với sản phẩm thép chống rỉ và 200% lên thép gia dụng từ Việt Nam với lý do các sản phẩm này được sản xuất với vật liệu phải chịu thuế trừng phạt từ Trung Quốc.
********************
Dân Trung Quốc chê nông sản Việt Nam (RFA, 16/04/2019)
Tôi về miền Tây chơi. Vô vườn, thấy đang thu hoạch chôm chôm đẹp quá, xin chụp hình thì chủ vườn không cho, nói vườn trái cây đang trúng mà có người lạ chụp hình thì mùa tới cách gì cũng thất (trúng mùa rớt giá hoặc trúng giá nhưng vườn ít trái, trái xấu, bịnh, v.v.). Tôi ham cái vườn chôm chôm trái đỏ tươi, vàng cam trĩu trịt trên cành quá, mà đành chịu.
Hình chụp hôm 16/6/2015 : những người phụ nữ xếp vải ở một cửa hàng tại Lục Ngạn, Bắc Giang (AFP) - Hình minh họa.
Vậy mà mấy bữa sau đi ngang, thấy chính cái vườn đó người ta đốn sạch trơn chôm chôm từ lúc nào. Những thân cây đường kính cả gần hai gang tay đã được cưa từng khúc đều đặn chất lên xe tải. Cả hecta chôm chôm trụi lủi. Chủ vườn nhận ra tôi, xẻn lẻn kể phải đốn đểtrồng sầu riêng, sầu riêng giờ đang ngon, chớ chôm chôm hết ăn rồi.
Điệp khúc trồng-đốn
Lòng tiếc tiếc, tôi về lần mò báo đọc thì ra thông tin này : "Theo kết quả thống kê đến cuối năm 2017, trên địa bàn huyện Chợ Lách diện tích sầu riêng đã tăng 93 ha so năm 2016 ; diện tích chôm chôm giảm 68 ha và đang có xu hướng giảm mạnh trong thời gian tới" (Thông tin của kỹ sư Lê Văn Đơn, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, đăng trên trang chủ của Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bến Tre ngày 1/11/2018).
Bất ngờ hơn, là thông tin này :
"Nhà vườn ở Ngũ Hiệp, Cai Lậy, Tiền Giang có đến 1.100ha sầu riêng đang vào vụ thu hoạch rộ. Sáng sớm, nhà nào cũng đem sầu riêng ra trước nhà chờ thương lái tranh bán. Sầu riêng đang được thương lái mua với giá rất thấp : 2.000đồng/kg" (tin đăng trên trang của Trung tâm thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn, thuộcViện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, vào ngày 9/5/2018).
Hóa ra bãi bể nương dâu không chỉ là để tả cảnh vật dời đổi. Tôi nghĩ nó áp dụng vô vòng lặp đốn-trồng-trồng-đốn của nông dân Việt Nam mới chuẩn.
Hóa ra cách đây đúng 10 năm, những vườn sầu riêng đang là ao ước của nông dân miền Tây đã từng bị triệt hạ để trồng… chôm chôm.
Một người bán dưa hấu ở Hà Nội hôm 5/2/2016 (AFP) - Hình minh hoạ.
Hóa ra, trước khi có giá bán rẻnhất chừng 50.000 đ-70.000 đ/ký cắt tại vườn như bây giờ, lên Sài Gòn thì trung bình 150.000 đ/ký, và bạn biết đó, trái sầu riêng vỏ dày, nên trung bình một trái loại ăn được phải cỡ 4 ký-là 600.000 đ/trái, chắc nhiều nhất được 10 múi. Thì đã có lúc loại trái mắc tiền này chỉcó 2.000 đ-3.000 đ/ký, rẻ hơn cả dưa leo.
Rồi giờ, nông dân ra sức đốn chôm chôm để tái trồng sầu riêng. Nhiều người tính toán chừng 5 năm nữa mới có thu hoạch từ sầu riêng, còn giờ giữ chôm chôm cầm chừng để có tiền sống và mua giống sầu riêng. Cây sầu riêng khó tánh, mỗi cây phải trồng trên một ụ đất cao để khỏi ứ nước, và làm cỏ, bón phân, xịt thuốc thường xuyên hơn chôm chôm nên trong 5 năm chỉ có chi ra mà chưa thu vô được đồng nào.
Liệu sau 10 năm nữa-tức là khi những vườn sầu riêng mới lên ụ năm nay vừa thu hoạch được 5 năm, có lặp lại một vòng sầu riêng rớt giá, chôm chôm tăng, và nông dân lại đua nhau đốn sầu trồng chôm nữa không ? Tôi không biết. Và những cơ quan phụ trách nông nghiệp của Việt Nam chắc cũng chẳng biết hơn tôi.
Cây này trồng riêng cho cháu nội ăn nên không xịt thuốc, nghe dễ thương nhưng có gì sai sai
Về nhà vườn này là để đón gió, chớ mùa trái cây rộ thì còn phải chờ chừng hai tháng nữa. Được cái bạn tôi làm vựa trái cây và là dân gốc tại miệt trái cây Chợ Lách-Bến Tre, nên dẫn vô vườn ai cũng hồ hởi mời ăn trái cây (trừ vụ chụp hình). Đặc biệt ai cũng có câu mời giống nhau : Trái này là nhà trồng ăn (cho cháu ngoại, cho cháu nội, cho mấy đứa nhỏ trên thành phố) nên hổng xịt thuốc à nghen, trái sạch đó.
Ủa vậy cái gọi là thời gian cách ly sau xịt thuốc, mà thứ thuốc bảo vệ thực vật nào cũng ghi rõ trên nhãn, nó có còn giá trị gì chăng ? Rồi nếu nhà vườn hái trái cây liền sau khi xịt thuốc mà không chờ đủ thời gian cách ly, thì nó đâu có đảm bảo trái sẽ ngon hơn, hơn vậy còn tiềm ẩn rủi ro nếu bị người tiêu dùng tẩy chay, sao họ lại không chờ ? Mà ai cũng biết trái cây bán rộng rãi là loại trái xịt thuốc, nghĩa là không "sạch" theo quan điểm của họ, thì tại sao người ta vẫn ăn hà rầm vậy ?
Nên tôi nghĩ cái quan niệm chừa mấy cây lại để nhà ăn cho "sạch" không xịt thuốc, nghe giống như họ đang quý mình lắm, nhưng nó có gì sai sai. Chúng ta sợ sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chứ thời này với 7,6 tỷ người trên trái đất, mà khư khư cách mạng một cọng rơm thì chắc cả thế giới chết đói trước khi chết vì "ăn bẩn". Và tiến bộ khoa học nữa, các nhà sinh vật học miệt mài tìm gene lặn gene trội, thu hẹp hàng thế kỷ phát triển hoang dã của cây trồng để có trái đẹp, năng suất, ngọt, ngon, kháng bệnh hơn, những loại thuốc bảo vệ thực vật an toàn hơn…, họ hóa ra đều là bọn tổ sư nói dóc hết ư ?
Và với tư duy như vậy, mà nhiều người (tính theo chỉ số to mồm trên mạng) vẫn ra rả gào thét ối trái cây (rau, thịt heo, thịt gà, hoa, thực phẩm bất kỳ) Trung Quốc đó, nó toàn tẩm thuốc độc để đánh bại sức sống dân ta.
Hình chụp hôm 24/7/2013 : một nông dân đang chăm vườn thanh long ở Thanh Hóa (AFP) - Hình minh hoạ.
Nhiều nông dân cũng hồn nhiên nói hàng này xuất qua Trung Quốc bao nhiêu nó cũng ăn hết, nên chẳng cần tốn công theo Global Gap làm gì.
Họ sẽ nghĩ gì, có còn khinh thường thị trường Trung Quốc nữa không khi biết cho tới nay Việt Nam mới chỉ 8 loại trái cây được phép xuất khẩu vào Trung Quốc (thanh long, xoài, chôm chôm, mít, chuối, vải, nhãn và dưa hấu). Rồi, chỉ hai tháng nữa thôi thì các lô hàng nông sản của Việt Nam vào thịtrường Trung Quốc phải có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, phải truy xuất được nguồn gốc, phải có vùng nguyên liệu và nhãn mác thê ghi rõ các thông tin nói trên. Riêng dưa hấu, nhãn mác phải dán trên từng quả, các loại khác dán trên thùng đựng.
Dân Trung Quốc chê nông sản Việt Nam chất lượng thấp
Ngoài ra, ngay từ đầu tháng 5 tới, xe chở trái cây dùng rơm rạ hoặc các loại thực vật để lót, bảo quản cũng sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc. Tất cả các vật dụng bằng gỗ, kểcả bao bì máy móc đều phải có giấy chứng nhận khử trùng. Doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc sẽ phải thay đổi việc dùng rơm rạ để lót như trước đây.
Vậy thị trường Trung Quốc có dễ tính không, bạn đọc tự trả lời.
Trở lại chuyến đi vườn ăn trái cây, xin nói ngay là ngoài việc không được chụp hình và đâu đâu cũng được mời "cây này trồng riêng để nhà ăn đó", còn một điều thú vị khác với dân du lịch ba lô nghèo như tôi, là chỉ đi loanh quanh (rất nhỏ hẹp chừng vài dặm vuông) đã được nếm đủ loại trái cây. Từ vườn này sang vườn sát cạnh bên, hay ngay trong một vườn đã được ăn vài ba thứ trái. Anh Hai có vườn cam sành và bưởi da xanh kế bên ông Năm trồng toàn sầu riêng Ri 6. Bên tay trái vườn ông Năm, bà Bảy vẫn để nguyên chôm chôm còn chú Sáu chơi toàn chanh không hột…
Mỗi khu vườn nhỏ nhất một, hai công (một công=1.000 m2), phổ biến 3-5 công, lớn nhất vài ba mẫu (một mẫu =10 công, 10.000 m2), mỗi chủ vườn là ông vua của một giang san thực sự. Họ hoàn toàn tự quyết định trồng cây gì, vào mùa nào, tưới bón, xịt thuốc ra sao.. cho tới bán cho ai, bán lúc nào, giá bao nhiêu. Cũng chỉ bẻ trái cây bán tươi vậy thôi, công nghệ chế biến sau thu hoạch (như làm mứt, sấy khô, đóng hộp, ép...) chưa phát triển. Vùng chuyên canh trái cây chưa được hình thành rõ nét với những quy hoạch bài bản về diện tích, giống, chăm sóc và thu hoạch trên diện rộng để bán cho các doanh nghiệp lớn, hướng tới xuất khẩu.
Vì vậy, hầu như không mấy năm không thấy hết loại trái cây này tới nông sản kia dội chợ, cũng một phần do thói quen làm ăn manh mún, nhỏ lẻ mà ra.
Ông Trần Văn Nhật, Giám đốc kinh doanh của Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng (TP.Hồ Chí Minh), chuyên về kiểm nghiệm thực phẩm và quan trắc môi trường nói : "Nếu nông dân không thực hiện ngay việc chuẩn hóa về chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc cho trái cây thì ngay cả thị trường được cho là "dễ dãi" như Trung Quốc, trái cây Việt Nam cũng sẽ không đủ điều kiện xuất khẩu vào như trước nữa".
Báo Tuổi trẻ ngày 22/12/2018 thì dẫn lời ông Wei Xiang Qian, đại diện Tập đoàn Sunwah (Liêu Ninh, Trung Quốc), nói nông sản Việt Nam rất thơm ngon, có nhiều tiềm năng xuất sang Trung Quốc. Ông Xing Jun, đại diện Tập đoàn phân phối và tiêu thụ nông sản tỉnh Liêu Ninh, cũng khen sầu riêng, nhãn, xoài, thanh long, cá tra... được người Trung Quốc rất ưa chuộng, trong đó có Liêu Ninh.
Nhưng, hai "tay Tàu" cũng nhắc khéo. Ông Wei Xiang Qian khoe đang có lượng khách hàng 3 triệu người thuộc nhóm có khả năng chi tiêu lớn, do vậy muốn bán được hàng cho nhóm này thì doanh nghiệp Việt Nam phải sản xuất được nông sản, thực phẩm chất lượng cao.
Quê thật, trước giờ toàn chằm hăm chê Tàu, hóa ra sự thực lại là bị Tàu chê. Mong rằng câu nói của hai tay Tàu kể trên sẽ kích thích được lòng tự ái dân tộc của các doanh nghiệp và nhà vườn để làm ra nông sản nào cũng tốt và sạch. Nhất là không còn cái chiêu vuốt ve nhau "cây này trồng riêng cho nhà ăn đó, sạch lắm" nữa.
Tre
Nguồn : RFA, 16/04/2019
Tham khảo :
http://vneconomy.vn/xuat-khau-sang-trung-quoc-ngay-cang-kho-20190304093411452.htm
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2019-01-30/xuat-khau-dua-hau-sang-trung-quoc-tuan-thu-quy-dinh-moi-tranh-rui-ro-67360.aspx
http://agro.gov.vn/vn/tID14168_DBSCL-Noi-lo-tu-vung-chuyen-canh-cay-an-trai-xuat-khau-.html http://dost-bentre.gov.vn/TinTuc/NoiDung.aspx?tintuc=8118
http://agro.gov.vn/vn/tID8733_Sau-rieng-Ngu-Hiep-2000-dongkg-.html
http://vneconomy.vn/xuat-khau-thuc-pham-vao-my-kho-tu-nhung-quy-dinh-khat-khe-20181005132909338.htm
http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201902/xuat-khau-trai-cay-rong-cua-van-kho-qua-2933254/
https://vietnammoi.vn/xuat-khau-trai-cay-loi-the-mong-manh-140347.htm
Liên Hiệp Châu Âu tăng cường tự vệ trước Trung Quốc háu ăn
Sự kiện Nghị Viện Châu Âu chuẩn bị thông qua ngày 14/02/2019 các quy định mới về đầu tư nước ngoài vào Liên Hiệp, được nhiều tờ báo chú ý. Nếu nhật báo kinh tế Les Echos nhận thấy là "Châu Âu tăng tốc trên vấn đề giám sát đầu tư ngoại quốc", thì tờ báo công giáo La Croix nêu rõ mục đích của Châu Âu : "Tự vệ tốt hơn trước thói ăn tham của Trung Quốc".
Nghị Viện Châu Âu chuẩn bị thông qua các quy định mới về đầu tư nước ngoài vào Liên Hiệp "Tự vệ tốt hơn trước thói ăn tham của Trung Quốc". Ảnh minh họa
Đối với Les Echos, văn bản mà Nghị Viện Châu Âu phê duyệt chỉ nhằm thiết lập một nguyên tắc cảnh giác, nhưng thể hiện một thay đổi suy nghĩ đáng chú ý của Liên Hiệp Châu Âu, một bước tiến dù khiêm tốn, nhưng lại là một cử chỉ quan trọng trên phương diện chính trị.
Tờ báo Pháp đã trích lời nghị sĩ Châu Âu Franck Proust, một trong những kiến trúc sư hàng đầu của các quy định mới này, cho rằng Châu Âu rốt cuộc đang cố "tìm lại thời gian đã mất" trong một lãnh vực mà các cường quốc thế giới khác đã biết cảnh giác từ lâu.
Dù các quy định mới này bao trùm mọi đầu tư nước ngoài vào Châu Âu, Les Echos xác định rằng chính các hoạt động trong thời gian qua của Trung Quốc nhằm thâu tóm công nghệ mới của Liên Hiệp Châu Âu là chất xúc tác thúc đẩy phản ứng của Châu Âu.
Bài báo trích một nguồn tin từ Nghị Viện Châu Âu nhận định rằng với kế hoạch "Made in China 2025", phô bày tham vọng trở thành cường quốc công nghệ và sau vụ mua lại hãng chế tạo robot Kuka của Đức, "Trung Quốc đã trở thành một chất xúc tác và góp phần đẩy nhanh tiến độ thương thuyết" giữa các nước trong Liên Hiệp để tìm cách đối phó.
Theo nhật báo Pháp, chính sự thay đổi thái độ của Đức, trước đây rất miễn cưỡng trong việc giám sát đầu tư ngoại quốc, đã đóng vai trò quyết định. Vào lúc này, hiện chỉ có 14 trong số 28 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu là có cơ chế quốc gia nhằm giám sát đầu tư nước ngoài. Quy định mới của Châu Âu sẽ thúc đẩy tất cả các quốc gia Liên Hiệp Châu Âu tăng cường hệ thống kiểm tra của mình.
Đối với Ủy Ban Châu Âu, việc đề cao cảnh giác đối với Trung Quốc không nên được thực hiện bằng cách hy sinh chính sách cạnh tranh, mà bằng cách yêu cầu Trung Quốc phải áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong mối quan hệ song phương.
Nhật báo La Croix cũng xem việc Liên Hiệp Châu Âu tăng cường giám sát đầu tư ngoại quốc chính là một biện pháp tự vệ chống lại thói háu ăn của Trung Quốc
Đối với La Croix, sự gia tăng của các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Liên Âu đã khiến cho ngày càng có nhiều chính trị gia nhận thấy là không nên thụ động, mà không can thiệp.
Xu hướng kiên quyết đặc biệt tăng mạnh vào năm 2016, khi Kuka, một nhà sản xuất robot công nghiệp của Đức, bị công ty Trung Quốc Midea mua lại. Berlin ngay sau đó đã nhận thấy rằng mình cần có phương tiện đối phó, điều mà hai nước Pháp và Ý đã có từ trước đó.
Trang nhất các báo
Trong tình hình không có thời sự nào nổi bật, trang nhất các nhật báo Pháp ra ngày hôm nay 14/02/2019 rất đa dạng.
Vấn đề xã hội đã được cả Le Figaro lẫn La Croix quan tâm, nhưng trong lúc Le Figaro chú ý đến nạn nghiện màn hình nơi trẻ em Pháp, thì La Croix lại tập trung nói về thị trấn nhỏ Bernay ở Pháp đang đấu tranh để bệnh viện phụ sản của họ không bị đóng cửa.
Le Monde, Les Echos và Libération đều quan tâm đến chính trị Pháp, nhưng Le Monde tìm hiểu hậu thuẫn của giới chủ nhân Pháp đối với tổng thống Macron, Les Echos khẳng định là chính phủ Macron sẽ không tăng thuế, còn Libération nêu bật khả năng chính quyền tái lập các sắc thuế "bảo vệ môi trường" từng bị gác bỏ dưới sức ép của phong trào Áo Vàng.
Áo Vàng làm số lượng các vụ phạm pháp nhẹ tăng vọt
Tác hại của phong trào Áo Vàng cũng được các báo chú ý. Tờ báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa : "Áo Vàng : Tình trạng phạm pháp ‘nhẹ’ bùng nổ trong ba tháng gần đây". Les Echos cũng ghi nhận : "Hóa đơn phải trả nặng nề vì Áo Vàng".
Bài viết của tờ Le Figaro cho biết là trong 12 tháng qua (từ tháng 2 năm 2018 đến tháng 1 năm 2019), các vụ đốt phá tài sản công cộng và tư nhân đã tăng 6,7% lên đến 39.474 vụ, và nếu chỉ tính riêng ba tháng gần đây nhất, từ tháng 11 năm 2018 đến tháng 1 năm 2019, giai đoạn bao trùm hầu hết các cuộc biểu tình của phong trào Áo Vàng, thì số vụ cố tình phóng hỏa đã bùng nổ, tăng 45,2%, từ 8.982 vụ lên 13.042. Riêng tại Paris, nơi liên tục phải chịu những cuộc biểu tình Áo Vàng, tỷ lệ tăng trong ba tháng gần đây là 295% !
Song song với các vụ phóng hỏa, các vụ đập phá, hủy hoại tài sản công công hay tư nhân cũng tăng vọt, tăng 51,8% trong 12 tháng qua, và 233% riêng trong ba tháng gần đây !
Số liệu liên quan đến cảnh sát cũng phản ánh đà bùng nổ các vụ phạm phép nhẹ. Đã có 63.590 vụ khiêu khích và có hành vi bạo lực đối với nhân viên công lực trong một năm qua, tăng 11,2%. Tỷ lệ này là 36% trong ba tháng cuối năm. Lượng vũ khí bị cấm bị thu giữ cũng tăng 12,3%.
Trên bình diện tài chánh, theo hiệp hội các đại biểu dân cử tại các đô thị Pháp, sau 13 tuần bị phá hoại dưới đủ mọi hình thức, mức độ thiệt hại do phong trào Áo Vàng gây ra được ước tính "từ 20 đến 25 triệu euro" liên quan đến 20 thành phố hàng đầu của Pháp.
Đó mới chỉ là các thiệt hại liên quan đến các tài sản công cộng. Trên cấp độ cả nước, theo ước tính của Bộ Kinh tế Pháp, cuộc khủng hoảng Áo Vàng đã làm mất 0,1 điểm tăng trưởng ở Pháp trong qúy IV năm 2018.
Sắc thuế - bị khai tử vì Áo Vàng - nay đang được hồi sinh
Liên quan ít nhiều đến phong trào Áo Vàng, Libération hôm nay đã dành trang nhất cho hồ sơ môi trường, với khuôn mặt đen trắng của tổng thống Pháp Macron như xuất hiện bên trên một đám khói đen, trên một phông nền màu xanh lá. Bên dưới là câu hỏi : Phải chăng sắc thuế ban đầu (liên quan đến sinh thái) đang quay trở lại ?
Theo ghi nhận của Libération, sắc thuế mất lòng dân mang tên chính thức là khoản "đóng góp vì khí hậu, năng lượng", gọi nôm na là thuế carbone - yếu tố đã kích hoạt cuộc khủng hoảng Áo Vàng - vẫn đang được thúc đẩy dù đã bị tạm gác trong thời gian qua.
Nhật báo Pháp tiết lộ : "trong những ngày gần đây, ba thành viên của chính phủ và hàng chục dân biểu đang cố gắng khôi phục sắc thuế môi trường của Pháp, bị chính quyền đóng băng vào tháng 12, do áp lực của phong trào Áo Vàng".
Đối với dân biểu Matthieu Orphelin, một người thân cận với cựu bộ trưởng môi trường Nicolas Hulot, vấn đề là phải tìm ra những loại thuế sinh thái khác, vì dẫu sao vấn đề tài trợ cho các biện pháp chống biến đổi khí hậu luôn luôn là một điều cấp thiết.
Côn trùng đang âm thầm biến mất trên Trái đất
Không hẹn mà gặp, dù dành tựa lớn trang nhất để giải thích "Vì sao tổng thống Pháp Macron vẫn được giới chủ nhân ủng hộ", nhật báo Le Monde đã đặt trọng tâm cho vấn đề môi trường với bức ảnh màu chụp một con bọ ngựa, làm nền cho tựa lớn thứ hai : Sự biến mất vô hình của các loài côn trùng.
Le Monde đã giới thiệu một công trình nghiên cứu mới, xác nhận rằng, tiếp theo một số loài động vật có vú, hay chim chóc, các loài côn trùng cũng đang biến mất mà ít ai để ý tới. Đây là kết luận đáng buồn của một công trình nghiên cứu do các nhà khoa học Úc thực hiện, và được công bố vào Chủ nhật tuần trước.
Theo nghiên cứu này : "bướm, bọ cánh cứng, chuồn chuồn, kiến, ong, phù du, v.v... tất cả những loài côn trùng này đều có thể sẽ biến mất trong vòng một thế kỷ". Hệ quả, theo ghi nhận của Le Monde, là một sự sụp đổ thảm khốc của tất cả các hệ sinh thái tự nhiên.
Tính ra, 40% các loài côn trùng đang suy giảm về số lượng. Từ 30 năm nay, tổng sinh khối của côn trùng đã giảm 2,5% mỗi năm. Tốc độ tuyệt chủng của chúng nhanh gấp tám lần so với động vật có vú, chim và bò sát.
Tại sao côn trùng biến mất ? Đó là vì con người, với các hoạt động đô thị hóa, nạn phá rừng và ô nhiễm. Nhưng, đặc biệt tai hại là hiện tượng thâm canh trong nông nghiệp trong nửa thế kỷ qua, với việc sử dụng ồ ạt thuốc trừ sâu, nhất là loại neonicotinoid trong vòng 20 năm gần đây.
Báo động về hiện tượng trẻ nhỏ nghiện màn hình
Một vấn đề xã hội nhức nhối của thời hiện đại đã được nhật báo Le Figaro đưa lên trang nhất với một lời báo động được nêu lên thành tựa lớn : "Các nguy cơ đến từ nạn nghiện màn hình ở trẻ em".
Theo Le Figaro tình hình đang rất đáng lo ngại : "Từ các em bé siêu quậy ở nhà trẻ, học sinh mẫu giáo không chịu trả lời khi được điểm danh hoặc không thể cầm bút, cho đến những đứa trẻ không tài nào tập trung được vào bất kỳ việc gì, các học sinh thụ động hoàn toàn trong lớp...", câu hỏi đặt ra là : phải chăng nguyên nhân đến từ các màn hình đủ loại.
Theo các chuyên gia chăm sóc trẻ nhỏ thì quả đúng là như vậy. Bên cạnh đó còn có yếu tố gia đình, với thái độ đôi khi là vô tâm quá đáng của một số bậc cha mẹ, để cho đưa trẻ muốn làm gì thì làm.
Le Figaro đã nhắc tới cuộc điều tra Elfe vào đầu năm 2019, thực hiện nơi một nhóm bao gồm hơn 10.000 trẻ em, nhấn mạnh rằng "trình độ học vấn của cha mẹ càng thấp, trẻ em càng tiếp xúc với màn hình nhiều hơn".
Trọng Nghĩa
Ngoại thương sụt mạnh, khiến Bắc Kinh thêm khó khi đàm phán với Mỹ (RFI, 15/01/2019)
Theo số liệu được công bố hôm nay 04/01/2019, tuy thặng dư thương mại với Hoa Kỳ đạt kỷ lục vào năm ngoái, nhưng xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm hẳn trong tháng 12/2018. Tình hình này cho thấy nền kinh tế thứ nhì thế giới đang chao đảo do cuộc thương chiến Mỹ-Trung, gây thêm áp lực trong cuộc đàm phán thương mại của Bắc Kinh với Washington.
Thép ống xuất khẩu chồng chất tại Liên Vân Cảng (Lianyungang), tỉnh Giang Tô (Jiangsu) ngày 08/12/2018. Mặt hàng thép của Trung Quốc bị Mỹ và Châu Âu tố cáo là bán phá giá, do sản xuất thừa. Reuters/Stringer
Bloomberg cho biết xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 12/2018 sụt mất 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tệ hại nhất kể từ 2016. Bối cảnh u ám này gây thêm khó khăn cho các nhà đàm phán Bắc Kinh, đang tìm kiếm một thỏa thuận với chính quyền Donald Trump để thoát khỏi ngõ cụt hiện nay.
Nhập khẩu của Trung Quốc giảm đến 7,6%, cũng tồi tệ nhất kể từ năm 2016, cho thấy nhu cầu tiêu thụ trong nước đã chậm lại.
Trong khi đó thặng dư thương mại với Mỹ đã đạt con số kỷ lục trong năm 2018, lên đến 323,32 tỉ đô la, cao nhất từ một thập niên qua theo Reuters. Nhưng đó là do các nhà xuất khẩu hối hả giao hàng để né mức thuế do ông Trump áp đặt, nay nhiều kho dự trữ ở Mỹ đã bão hòa.
Những con số đáng thất vọng trên đây chứng tỏ nền kinh tế Trung Quốc đang sa sút, cho dù Bắc Kinh đã có một loạt biện pháp để thúc đẩy trong những tháng gần đây, từ gia tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đến giảm thuế.
Bloomberg dẫn lời ông Louis Kuijs, kinh tế gia trưởng của Oxford Economics ở Hồng Kông : "Dữ liệu xấu về thương mại có thể làm gia tăng sức ép lên Trung Quốc để đạt cho được một thỏa thuận với Hoa Kỳ, hoặc ít nhất là ngưng việc tăng thuế hải quan".
Cho đến nay, không có mấy tiến triển đối với các hồ sơ phức tạp nhất trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung, như sở hữu trí tuệ hay việc trợ giá cho các công ty quốc doanh. Xuất nhập khẩu sụt giảm vào lúc các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đang đau đầu vì tiêu thụ chậm lại, các nhà sản xuất mất tinh thần vì sợ giảm phát, nguy cơ thất nghiệp gia tăng.
Kinh tế Trung Quốc sa sút khiến thị trường chứng khoán từ Âu sang Á hôm nay đều sụt giảm.
Riêng với Bắc Triều Tiên, doanh số mua bán Trung-Triều giảm 52,4% trong năm 2018 do áp dụng trừng phạt của quốc tế.
Thụy My
*******************
Bị lên án nhưng tại sao viện trợ và đầu tư Trung Quốc vẫn được chào đón ? (VOA, 15/01/2019)
Cộng đồng chiến lược phương Tây và Ấn Độ ngày càng lo ngại về dấu chân ‘bành trướng’ của Trung Quốc ở Nam Á và Châu Phi. Các dự án của Trung Quốc đã làm tăng quan ngại về sự thiếu minh bạch, phát triển bền vững và có động cơ chính trị. Điều này đã dẫn đến sự phản công chống lại Trung Quốc, theo bài phân tích đăng trên tờ The Interpreter ngày 14/1.
Hải cảng chiến lược Hambantota ở Sri Lanka đã về tay Trung Quốc
Tác giả bài viết cho rằng sự thiếu hiểu biết về tính năng động, những quan ngại, và những ưu tiên của khu vực đã khiến cho các cường quốc kỳ cựu để mất dần phạm vi ảnh hưởng.
Tuy nhiên ở nhiều nước có các đảng phái chính trị thu tóm quyền lực nhờ vào lập trường bài Trung Quốc, tác giả nói, những đảng này sau khi lên cầm quyền lại ký những thỏa thuận mới với Bắc Kinh. Đây là điều đã xảy ra ở Sri Lanka nơi mà sự thay đổi chế độ sau cuộc tổng tuyển cử hồi năm 2015 không dẫn đến sự chuyển hướng sang bài Trung Quốc và xích lại gần Ấn Độ.
Chính phủ mới của nước này tiếp tục giao tiếp với Trung Quốc, không chỉ trong việc cho thuê các cảng Hambantota và Colombo mà còn ký một loạt những thỏa thuận khác. Hồi tháng Tư năm 2018, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc đã được giao cho hợp đồng xây dựng 40.000 ngôi nhà ở tỉnh Jaffna. Mặc dù dự án này đã bị đình trệ do các vấn đề cơ sở hạ tầng và do Ấn Độ đã nhảy vào, Sri Lanka có thể xem xét nhờ Trung Quốc xây dựng các dự án nhà ở còn lại.
Bài phân tích cho thấy tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Châu Phi nơi các quốc gia đã chứng kiến làn sóng bài Trung Quốc nhưng cuối cùng lại ký thỏa thuận mới với Bắc Kinh. Chẳng hạn như trong cuộc bầu cử ở Zambia hồi năm 2011, ứng viên Tổng thống Michael Sata đã vận động tranh cử với những lời cảnh báo về ‘những kẻ trục lợi’ từ Trung Quốc và nhờ đó ông đã đánh bại Tổng thống đương nhiệm Rupiah Banda. Một vài năm sau đó, Bắc Kinh vẫn tiếp tục là nhà cung cấp vốn hàng đầu cho những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như xây đường sá và nhà máy thủy điện ở Zambia.
Có một số lý do khiến cho các chính phủ đi từ chỗ chống Trung Quốc sang tiếp tục nhờ vả Trung Quốc.
Theo tác giả bài phân tích, thứ nhất, các dự án của Trung Quốc quá hấp dẫn nên không thể chối từ. Những dự án lớn của Trung Quốc đem đến cơ hội nhất là cơ hội phát triển cơ sở hạ tầng. Dự án Jaffna ở Sri Lanka lúc đầu được giao cho công ty Trung Quốc do công ty này hứa sẽ xây dựng công trình này với giá thấp, thời gian ngắn hơn các nhà thầu từ các nước khác. Dự án nhà ở cũng không phải là ngoại lệ. Chính phủ mới đã giao nhiều dự án cho Trung Quốc từ việc xây bệnh viện mới ở Polonnaruwa, nâng cấp khu phức hợp Tòa án Tối cao, cho đến dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp. Không giống như những gì chúng ta nghĩ, tác giả trình bày, phần lớn những dự án này là viện trợ chứ không phải các khoản cho vay có lãi suất cao. Pakistan dưới chính quyền mới của ông Imran Khan, hồi tháng 10 năm 2018 tuyên bố muốn tái đàm phán một số dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan. Đã có sự ngờ vực rằng liệu sẽ có dự án nào trong số này được tái đàm phán và có dự án nào sẽ bị lấy khỏi tay Trung Quốc để giao cho đối tác khác hay không.
Thứ hai, vẫn theo bài phân tích, Trung Quốc được xem là đối trọng của các cường quốc lớn ở các khu vực ảnh hưởng truyền thống của họ. Sự bá chủ của văn hóa phương Tây ở Châu Phi thông qua giáo dục, truyền thông đại chúng, văn hóa và tư tưởng gợi nhớ những ký ức về thời thuộc địa. Hiện giờ đang có sự phản kháng mạnh mẽ đối với sự tiếp tục của chủ nghĩa đế quốc văn hóa phương Tây. Tương tự, tầm ảnh hưởng của Ấn Độ ở Nam Á thông qua sự bá chủ về văn hóa, thái độ người anh cả và các chính sách can thiệp đã dẫn đến sự bất bình và bất mãn ở những nước láng giềng, tác giả bài viết trên The Interpreter liệt kê.
Sự thiếu hiểu biết về tính năng động, những quan ngại, và ưu tiên của khu vực đã khiến cho các cường quốc kỳ cựu để mất dần phạm vi ảnh hưởng. Các nước này muốn được xem là những nước có chủ quyền. Do đó, Trung Quốc được xem là quốc gia cân bằng lại trước sự bá chủ của phương Tây và Ấn Độ ở Châu Phi và Nam Á.
Thứ ba, tác giả nói, bất chấp những tiến bộ đáng kể của Trung Quốc trong sự phát triển ở trong nước, họ vẫn có thể xem mình là cùng hoàn cảnh với các nước đang phát triển. Phương Tây được xem là quá xa cách đối với những vấn đề mà các nước nghèo gánh chịu chẳng hạn như đói nghèo, bất bình đẳng và tham nhũng. Tác giả dẫn lập luận của Jonathan Holslag phân tích rằng Bắc Kinh đã làm việc chặt chẽ với các nước Châu Phi để thúc đẩy một hệ thống các giá trị kinh tế-chính trị khác với phương Tây. Điều này đã giúp tiếng nói của họ được lắng nghe trên các diễn đàn đa phương.
Thứ tư, theo bài phân tích, ‘quyền lực mềm, của Trung Quốc đã là công cụ ngoại giao hữu ích. Một số người đã ước tình rằng Trung Quốc đã bỏ ra khoảng 10 tỷ đô la mỗi năm cho chiến dịch quyền lực mềm của họ. Có trên 30 Viện Khổng Tử chỉ tính riêng ở Châu Phi nơi họ tổ chức các lớp học tiếng Quan thoại, thư pháp và nấu ăn Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cũng có chương trình học bổng cho sinh viên Châu Phi muốn đến Trung Quốc học tập. Quyền lực mềm của Bắc Kinh cũng được cảm nhận ở Nam Á. Bắc Kinh mới đây đã bắt đầu cấp visa tại cửa khẩu cho công dân Bangladesh. Trung Quốc cũng có nỗ lực phối hợp để giải quyết xung đột bằng cách tổ chức nhiều vòng đàm phán với phe Taliban ở Afghanistan.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều diễn ra theo ý muốn của Bắc Kinh. Thái độ bất bình đối với sự can dự của Trung Quốc ở cả Nam Á và Châu Phi là rất nhiều. Có sự phàn nàn rằng các nhà thầu Trung Quốc không thuê mướn công nhân sở tại mà đưa vào hàng ngàn công nhân Trung Quốc. Những người dân địa phương được thuê phải làm việc trong nhiều giờ dưới điều kiện làm việc nghèo nàn và nhận đồng lương bèo bọt. Trong những trường hợp khác, Bắc Kinh bị chỉ trích đã bỏ qua những vi phạm nhân quyền, pháp trị và quản trị tốt ở những quốc gia mà họ làm việc cùng như Sudan và Congo.
Vì lẽ đó, bài phân tích cho rằng các cuộc tấn công nhằm vào công nhân Trung Quốc do các nhóm chủ nghĩa dân tộc và khủng bố tiến hành không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, bất chấp sự ngờ vực và bất bình, các chính phủ mới lên cầm quyền ở khu vực sẽ tiếp tục giao tiếp với Trung Quốc, tác giả nêu rõ. Những khu vực này tiếp tục chứng kiến sự ganh đua giữa các cường quốc. Đầu tư và các dự án Trung Quốc có thể đi kèm với điều kiện tiên quyết nhưng ngay cả những người chỉ trích cũng phải thừa nhận rằng một số những dự án này là làm lợi cho quốc gia sở tại.
Bài viết đăng trên tờ The Interpreter kết thúc với nhận định rằng Bắc Kinh ý thức rất rõ họ đang nắm giữ chìa khóa để trở thành đối thủ cân bằng lại ảnh hưởng của các cường quốc truyền thống trong khu vực của họ.
*******************
Nạn ‘trai thừa gái thiếu’ Trung Quốc thúc đẩy tệ buôn người Việt Nam (VOA, 14/12/2018)
Các hoạt động buôn người mà nạn nhân là người Việt Nam vẫn phát triển mạnh trước thềm năm dương lịch mới 2019. Theo các nguồn tin tổng hợp, nhiều nạn nhân là những phụ nữ bị lường gạt hoặc lừa tình, rồi bán sang Trung Quốc để bị bóc lột sức lao động, hoặc làm nô lệ tình dục. Trang mạng Asia Times nói một số nạn nhân khác là những thiếu nữ bị dụ dỗ trên mạng hoặc bị bắt cóc ở các chợ, cũng rơi vào cảnh nô lệ "mới". Mặt khác, nhiều người Việt đã chi tiền cho những đường dây buôn người để mong có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở các nước Tây Phương. Báo Local Spain của Tây ban nha hôm 7/12 cho biết Europol-Cảnh sát Châu Âu vừa phá vỡ một đường dây buôn người Việt vào Tây Ban Nha.
Tư liệu : Bích chương chống nạn buôn người (AP Photo/Jae C. Hong)
Theo Asia Times, tại khu vực biên giới giáp ranh với Trung Quốc, nhiều người kể chuyện về những trường hợp phụ nữ bị buôn sang Trung Quốc. Có người có bà con, thân nhân bị bắt cóc, có những bà vợ, những thiếu nữ bỗng dưng mất tích, như trường hợp cô con gái tuổi teen của bà Vũ Thị Định tên Dua, mất tích hồi tháng Hai năm nay cùng với cô bạn thân tên Di ở Mèo Vạc, một huyện nghèo thuộc tỉnh Hà Giang. ở vùng núi non sát biên giới Trung Quốc.
Bà Định đã đi tìm con ở khắp mọi nơi, mang theo ảnh của hai cô gái 16 tuổi, mặc áo đầm trắng và đỏ. Giờ thì bà lo sợ hai cô đã bị bán sang Trung Quốc làm vợ.
"Tôi chỉ mong con tôi gọi về cho biết nó an toàn, chỉ cần nó nói ‘con đi rồi nhưng con vẫn an toàn, xin đừng lo cho con’".
Bà Định chỉ là một trong vô số các bà mẹ có con mất tích, có phần chắc đã bị đưa sang Trung Quốc nơi mà tình trạng trai thừa gái thiếu dẫn tới tệ nạn buôn người.
Vẫn theo Asia Times, nhiều học sinh địa phương kể chuyện về một người chị họ hoặc em họ bị bắt cóc, nhiều người vợ bỗng nhiên biến mất trong đêm.
Nhiều bà mẹ như bà Định và bà Lý thị My, mẹ của Di, lo sợ sẽ không bao giờ được trông thấy con lần nữa. Bà Định không được tin gì về Dua từ khi con gái mất tích. Bà sợ hai cô gái đã bị bán làm vợ hoặc bị đưa vào các động mãi dâm ở Trung Quốc.
Nhiều người mất tích ở sát biên giới Trung Quốc là người Hmong, một trong các nhóm thiểu số nghèo nhất, bị cô lập nhất nước. Những kẻ buôn người thường nhắm vào những cô thiếu nữ tại những ngôi chợ cuối tuần. Một số bị dụ dỗ trên mạng như Facebook, những kẻ xấu đôi khi tán tỉnh các cô nhiều tháng trước khi ra tay, lừa nạn nhân sang Trung Quốc.
Một số người tự nguyện đi vì được hứa hẹn có việc làm tốt, nhưng trong nhiều trường hợp, nạn nhân bị đưa sang Trung Quốc trái với ý muốn.
Asia Times dẫn lời bà Lê Quỳnh Lan thuộc tổ chức phi chính phủ Plan International ở Việt Nam :
"Có người sang Trung Quốc để cố làm việc nuôi thân, nhưng lại rơi vào cái bẫy của những kẻ buôn người".
Bà Lau Thị My, 35 tuổi, giận chồng say rượu, bồng con trai, đi theo một người hàng xóm sang Trung Quốc tìm việc. Người này hứa sẽ giúp bà tìm việc làm tốt nhưng bà bị lừa, bị cách ly với con, và bán đi tới 3 lần, trước khi một người đàn ông Trung Quốc mua đứt bà với 2.800 đôla. Sau 10 năm sống tù túng, bà dành dụm đủ tiền để đào thoát về nhà, nhưng đứa con vẫn bị thất lạc.
Tư liệu - Trụ sở chính của Europol - Cảnh sát Châu Âu ở The Hague, Hà Lan
Asia Times tường thuật rằng theo các số liệu chính thức, Việt Nam có 3000 ca buôn người từ năm 2012 tới năm 2017. Tờ báo dẫn lời bà Lê Quỳnh Lan của Plan International nói con số trên thực tế chắc chắn phải cao hơn thế nhiều.
Mặt khác, nhiều người Việt Nam đã chi tiền cho các tổ chức buôn người để hy vọng có cơ hội làm lại cuộc đời ở các nước Tây Phương, tuy nhiên một số cũng rơi vào tình trạng bị khai thác sức lao động.
Báo Local Spain trích dẫn một phúc trình của Europol, Cảnh sát Châu Âu, cho biết tổng cộng 37 nghi can có dính líu tới đường dây buôn người Việt nam vào Tây Ban Nha đã bị bắt giữ hồi tuần trước sau một trong một chiến dịch kéo dài gần một năm trời.
Báo Tây Ban Nha này cho biết đường dây buôn người này đã đưa lậu 730 người Việt vào Tây Ban Nha. Mỗi người phải trả 18.000 EUR, tương đương với 20.471 USD, qua nhiều cách. Một là trả tiền mặt trước, hai là trả bằng đất hoặc tài sản ở Việt Nam, và cách thứ ba là làm việc không lương ở Châu Âu.
Báo địa phương cho biết nhiều người được đưa lậu vào Tây Ban Nha đã bị buộc phải lao động 12 giờ mỗi ngày tại các trung tâm làm móng, phải sống trong các điều kiện vô cùng tệ hại, và không được tự do đi lại. Mỗi ngày họ được đưa tới chỗ làm và đưa về dưới sự giám sát của những kẻ buôn người.
Local Spain cho biết chỉ tính từ đầu năm 2018 tới bây giờ, đường dây này đã thu về 13 triệu euro từ các hoạt động bất hợp pháp đó.
*******************
Hàn Quốc không còn xem Bắc Triều Tiên là "kẻ thù" (RFI, 15/01/2019)
Trong sách trắng về quốc phòng 2018 được công bố ngày 15/01/2019, Hàn Quốc không còn xem Bắc Triều Tiên là kẻ thù, trong bối cảnh quan hệ giữa Seoul với Bình Nhưỡng đang trở nên nồng ấm một cách nhanh chóng.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (P) và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Bàn Môn Điếm ngày 27/04/2018. Reuters
Sách trắng quốc phòng, được công bố hai năm một lần, vạch ra những mục tiêu về an ninh và quốc phòng Hàn Quốc trong hai năm tới, nhắc lại rằng "bất cứ thế lực bên ngoài nào" đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đều sẽ bị xem là kẻ thù. Sách trắng 2018 vẫn mô tả các vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bình Nhưỡng là một "mối đe dọa", nhưng Bắc Triều Tiên nay không còn bị xem là "kẻ thù" của Hàn Quốc nữa.
Sách trắng này khẳng định rằng ba cuộc họp thượng đỉnh liên Triều, cũng như cuộc gặp lịch sử giữa tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un "đã tạo ra một môi trường an ninh mới cho việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và một nền hòa bình cho bán đảo Triều Tiên".
Chuẩn bị cho thượng đỉnh Trump-Kim lần 2
Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, một nhà ngoại giao cao cấp của Bắc Triều Tiên hôm nay thông báo sẽ đến Thụy Điển, vào lúc đang có nhiều đồn đoán về thượng đỉnh thứ hai giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng Kim Jong-un.
Tuyên bố khi vừa đáp xuống sân bay Bắc Kinh, thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên Choe Son Hui cho biết bà sẽ đi dự "một hội nghị quốc tế" ở Thụy Điển. Bà Choe Son Hui là nhà ngoại giao cao cấp đặc trách về đàm phán với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vị thứ trưởng này đã không trả lời báo chí khi được hỏi là bà có sẽ gặp các quan chức Mỹ ở Thụy Điển hay không.
Quốc gia Bắc Âu này vốn có nhiều kinh nghiệm làm trung gian giữa Hoa Kỳ với Bắc Triều Tiên. Do Washington và Bình Nhưỡng không có quan hệ ngoại giao, nên Thụy Điển vẫn đại diện cho lợi ích của Mỹ và Bắc Triều Tiên.
Trong khi đó, theo nhật báo Hàn Quốc Chosun Ilbo hôm nay, hai nước cũng đang dự trù một cuộc họp cấp cao tại Washington trong tuần này để thảo luận về việc tổ chức thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai. Tờ báo Hàn Quốc cho biết hai phái đoàn, đứng đầu là ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và quan chức cao cấp Bắc Triều Tiên Kim Yong Chol, sẽ họp với nhau vào thứ Năm hoặc thứ Sáu 18/01 tới. Chosun Ilbo khẳng định cuộc họp lần này sẽ đúc kết vấn đề ngày giờ và địa điểm tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai.
Theo báo chí Hàn Quốc, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có thể được chọn để đón tiếp Donald Trump và Kim Jong-un.
Thanh Phương
Đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh làm quan hệ nồng ấm ? (VOA, 07/09/2018)
Mặc dù mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang căng thẳng nhưng dòng vốn đầu tư theo chiến lược Một Vành Đai Một Con Đường đổ vào Việt Nam tăng mạnh cùng với việc khu vực thương mại giáp biên giữa hai nước sẽ được thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc gần đây đang tăng mạnh vào Việt Nam, một trong những nước mà Trung Quốc nhắm tới cho sáng kiến Vành Đai Con Đường.
Việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong khu vực được coi là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng 5/2014 đã làm cho mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng. Trong hơn một năm qua, Trung Quốc còn được cho là gây sức ép buộc Việt Nam hai lần ngừng khoan thăm dò dầu khí với tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha trên Biển Đông.
Tuy nhiên dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc gần đây đang tăng mạnh vào Việt Nam, một trong những nước mà Trung Quốc nhắm tới cho sáng kiến Vành Đai Con Đường, theo truyền thông trong nước.
Thống kê của Cục quan Đầu tư nước ngoài cho thấy FDI từ Trung Quốc tăng từ hơn 570 triệu USD lên hơn 2,1 tỷ USD trong vòng 10 năm qua. Chỉ trong năm 2017, có 284 dự án mới của Trung Quốc với tổng trị giá hơn 1,4 tỷ USD được đăng ký ở Việt Nam.
Vậy sự gia tăng trong đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam có làm cho những căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước hạ giảm ?
Trả lời câu hỏi này, Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam và Đông Nam Á của Đại học New South Wales, cho biết : "Việt Nam đón nhận dòng vốn đầu tư của Trung Quốc một phần để giảm bớt mức thâm hụt thương mại lớn giữa hai nước".
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, Việt Nam chi hơn 250 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng từ Trung Quốc trong khi Trung Quốc chỉ nhập 100 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam trong sáu năm qua, theo ZingNews.
Theo ông Thayer, Việt Nam cũng đang gây áp lực đối với Bắc Kinh để xóa bỏ các rào cản đối với việc đầu tư của Việt Nam vào Trung Quốc.
"Nói tóm lại, hai bên đã giữ không cho mối tranh chấp về Biển Đông bùng ra và làm ảnh hưởng tới các mối quan hệ kinh tế song phương nói chung", GS Úc trả lời câu hỏi trong một bản tin ra hôm 5/9.
Biển Đông được nhắc tới trong các cuộc gặp vào đầu năm ngoái trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Bắc Kinh và cuối năm ngoái trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hà Nội. Tuy nhiên, hai bên đều cam kết cùng hợp tác trên vùng biển có nhiều tranh chấp chủ quyền. Truyền thông trong nước cho rằng mối quan hệt giữa Việt Nam và Trung Quốc "tiếp tục duy trì xu thế phát triển tích cực" nhưng theo đánh giá của các nhà quan sát chính trường Việt Nam, vẫn có những căng thẳng trong mối quan hệ được gọi là "môi hở răng lạnh" này.
Việc Trung Quốc tiếp tục các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông, mà gần đây Bộ ngoại giao Việt Nam cũng nhiều lần phải lên tiếng phản đối, và chiến lược Vành Đai Con Đường nhằm phát triển quyền lực mềm của Trung Quốc làm người dân Việt Nam lo ngại.
Một minh chứng cho việc quan ngại về sự đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là làn sóng phản đối của người dân không những trong nước mà cả hải ngoại đối với dự án luật đặc khu. Công chúng cho rằng các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ thâu tóm ba đặc khu kinh tế nếu dự luật được thông qua.
Trong khi chính phủ Việt Nam đón nhận dòng đầu tư của Trung Quốc thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại cảnh báo về việc tiếp nhận sự trợ giúp phát triển và các khoản cho vay từ Trung Quốc.
Các nhà phân tích cũng cho rằng vốn của Trung Quốc giống như một dòng sông đưa phù sa màu mỡ vào nhưng cùng lúc sẽ làm Việt Nam có nguy cơ lũ lụt, theo VnExpress.
Các nhà đầu tư Trung Quốc bị cho là đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam gây ô nhiễm môi trường cùng với việc đưa nhiều công nhân Trung Quốc vào lãnh thổ.
Trong khi một số nhà phân tích kêu gọi chính phủ Việt Nam từ chối dòng vốn của Trung Quốc như những nước khác đang làm, với Malaysia là một ví dụ, thì một số người lại tin rằng Việt Nam vẫn cần dòng vốn này. Tuy nhiên họ đề xuất rằng chính phủ cần áp dụng các chính sách hợp lý để tận dụng tốt nhất dòng vốn của Trung Quốc trong khi giảm thiểu tối đa các nguy cơ từ các dự án đầu tư của họ.
********************
Khách du lịch Trung Quốc được lái xe vào Lạng Sơn (RFA, 06/09/2018)
Bắt đầu từ ngày 6/9, Khách du lịch Trung Quốc từ Quảng Tây có thể lái xe đến tham quan khu vực Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn.
Cửa khẩu Tân Thanh, biên giới Việt Trung, tỉnh Lạng Sơn - AFP
Ngược lại, khách du lịch Việt Nam cũng có thể lái xe đến tham quan thành phố Sùng Tả, thành phố Nam Ninh, của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Báo trong nước trích dẫn nguồn tin từ Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết như vậy.
Đối với xe từ Trung Quốc, Việt Nam đưa ra những hạn chế về số lượng xe qua biên giới, cũng như thời gian những chiếc xe này thực hiện tour du lịch. Hiện nay mỗi đoàn xe du lịch phải có ít nhất là 3 xe, và nhiều nhất là 10 xe, và thời gian tối đa thực hiện tour du lịch là ba ngày, tại Lạng Sơn. Tổng số xe du lịch tự lái nhập cảnh, lưu hành tại khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn được quy định là không quá 50 xe 1 ngày.
Như vậy Lạng Sơn là địa phương thứ hai cho xe Trung Quốc theo tour du lịch vào Việt Nam. Hồi tháng ba năm nay, xe Trung Quốc theo tour du lịch cũng được phép vào thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Đối với xe không theo tour, từ tháng 1/2017, tỉnh Quảng Ninh cũng đã cho phép các xe Trung Quốc của cá nhân không đi theo tour, từ 9 chổ ngồi trở xuống được vào thành phố Hạ Long, ngược lại xe của người Việt Nam cũng được phép vào thành phố Đông Hưng bên kia biên giới.
Giới chức Việt Nam cho biết việc cho phép xe tự lái được phép đi lại giữa hai bên biên giới giúp tăng cường hợp tác, hữu nghị hai nước, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch biên giới.
Truyền thông trong nước trích lời ông Phạm Minh Đạo, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lạng Sơn cho biết hai bên sẽ tiếp tục tham mưu các bộ ngành và chính phủ để ban hành các cơ chế thông thoáng cho xe tự lái hai nước được phép vào sâu trong nội địa nước bạn.
Đầu tư Trung Quốc : Tại sao Châu Âu phải theo dõi chặt chẽ hơn ?
Ngày 24/02/2018, tỉ phú Trung Quốc Lý Thư Phúc (Li Shufu), chủ tập đoàn công nghiệp Geely, sở hữu 9,6% cổ phần và trở thành cổ đông lớn nhất của Daimler, công ty mẹ Mercedes-Benz và Smart, đã khiến công luận Đức sững sờ.
Ông Lý Thư Phúc (Li Shufu) - nhà sáng lập kiêm chủ tịch tập đoàn Geely của Trung Quốc - đại biểu Quốc Hội Trung Quốc, trả lời truyền thông trước lễ bế mạc kỳ họp Quốc Hội ngày 20/03/2018. Reuters/Stringer
Theo đánh giá trong bài phân tích của nhật báo kinh tế Les Echos (22/03/2018), thêm một thương vụ của Trung Quốc khiến nhiều nhà lãnh đạo Châu Âu lo ngại thực sự, đồng thời đặt câu hỏi "Các nhà đầu tư Trung Quốc : Tại sao Châu Âu phải theo dõi chặt chẽ hơn ?"
Khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào Châu Âu, 75 tỉ euro chỉ trong năm 2016, tương đương với cả tổng đầu tư của 10 năm trước đó. Nổi bật là cảng Pirée của Hy Lạp được bán cho tập đoàn Cosco ; nhà sản xuất robot Đức Kuka bị tập đoàn điện máy gia dụng Midea thâu tóm ; Club Med của Pháp nằm dưới sự điều hành của tập đoàn Phục Tinh (Fosun) ; cổ đông chính của tập đoàn Accor là Cẩm Giang (Jin Jiang) ; nhà sản xuất xe hơi Đông Phong (Dongfeng) chiếm 1/3 vốn của tập đoàn Peugeot ; Ý cũng không phải là trường hợp ngoại lệ với hãng lốp Pirelli cũng bị chuyển sang tay người Trung Quốc vào năm 2015.
Một số quan chức Châu Âu tỏ ra lo lắng về các thương vụ thâu tóm nhiều ngành công nghiệp trọng điểm. Với bộ trưởng Kinh Tế Đức, sự kiện, như việc nhà tỉ phú Trung Quốc trở thành cổ đông chính của Mercedes-Benz, "không được là cánh cửa để phục vụ chính sách công nghiệp của các nước khác".
Đầu năm 2018, bộ trưởng Tài Chính Pháp Bruno Le Maire lên tiếng "mở cửa không có nghĩa là cướp bóc công nghệ, sự tinh thông và kỹ năng của chúng ta". Pháp quyết định bổ sung thêm một số lĩnh vực mới - cơ sở dữ liệu, trí thông minh nhân tạo - vào danh sách những lĩnh vực trọng điểm cần giấy phép của Nhà nước để mở cửa cho đầu tư nước ngoài, được ban hành năm 2014, gồm giao thông, năng lượng, truyền thông, nước, y tế, quốc phòng.
Theo Les Echos, dĩ nhiên Châu Âu muốn mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng không phải với bất kỳ giá nào, đặc biệt là với các nhà đầu tư Trung Quốc với những lợi ích chiến lược của họ. Thực vậy, theo một nghiên cứu do Đài Quan sát Tình hình Kinh tế Pháp (OFCE) công bố vào cuối tháng 01/2018, "các chiến dịch mua lại cổ phiếu nước ngoài của các nhà đầu tư Trung Quốc đã tăng lên nhiều trong những năm gần đây. Điều này cho thấy ý đồ sở hữu kỹ năng và công nghệ của các doanh nghiệp này".
Đối với tổ chức OFCE, Trung Quốc tiến hành bành trướng theo ba bước để dần tăng cường mối đe dọa công nghiệp đối với các nền kinh tế phương Tây. Bước thứ nhất, về mặt thương mại, Trung Quốc thâu tóm các phần thị trường. Bước thứ hai, Bắc Kinh buộc các doanh nghiệp nước ngoài muốn hoạt động tại Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ. Bước thứ ba, đang diễn ra hiện nay, là thâu tóm cổ phiếu ở nước ngoài ; đây chính là cách để có được công nghệ, kinh nghiệm và kỹ năng.
Liên Hiệp Châu Âu phải hành động
Les Echos cảnh báo Bruxelles phải hành động trước vòng xoáy Trung Quốc, nếu không muốn chứng kiến công nghệ, kỹ năng, bằng sáng chế... bị đánh cắp. Tuy nhiên, Liên Hiệp Châu Âu lại không có cách tiếp cận chung và không có chung quan điểm về đầu tư nước ngoài. Trong số 28 nước thành viên, chỉ có 12 nước (trong đó có Pháp, Đức, Ý, Anh, Tây Ban Nha) có một ủy ban theo dõi đầu tư nước ngoài.
Paris, Berlin và Roma cùng nhau đề xuất thảo luận tăng cường quy định về vấn đề đầu tư nước ngoài trên quy mô toàn Liên Hiệp. Tuy nhiên, vấn đề có vẻ tế nhị. Công việc nghiên cứu kỹ thuật đã được bắt đầu với kết quả là bản báo cáo mang tên "Sự ngây thơ trước sự cạnh tranh bất chính đã chấm dứt", được trình lên Hội Đồng Châu Âu vào ngày 22/03, cùng với nhiều đề xuất của tác giả bản báo cáo, nghị sĩ Châu Âu Franck Proust, một người ủng hộ việc thành lập một cơ chế quản lý.
Hội Đồng Châu Âu hy vọng sẽ nhận được sự ủy nhiệm từ giờ đến cuối năm 2018. Tuy nhiên, nhiều nước thành viên khác lại phản đối cơ chế thanh lọc này, như Phần Lan, Hà Lan, Hy Lạp và một số quốc gia Đông Âu. Lý do chính là dự án con đường tơ lụa mới của Trung Quốc, trên lãnh thổ Châu Âu, sẽ mang lại vốn và lợi ích cho các nước có con đường đi qua. Nhiều nước Đông và Nam Âu sẵn sàng quy phục dưới đồng tiền Trung Quốc, kể cả trong nhiều lĩnh vực chiến lược. Tuy nhiên, theo kết luận của Les Echos, cần phải nhanh chóng hành động và ưu tiên lợi ích của Châu Âu trước lợi ích ngắn hạn của quốc gia.
Pháp : Cựu tổng thống Nicolas Sarkozy bị khởi tố
Trở lại thời sự trên trang nhất, tất cả các nhật báo Pháp đồng loạt đưa tin ông Nicolas Sarkozy bị truy tố tối thứ Tư 21/03 vì các tội "nhận hối lộ", "tài trợ bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử" và "tàng trữ tiền biển thủ công quỹ của Libya".
Ngoài thông tin "Nicolas Sarkozy bị khởi tố" được đưa trên đầu trang nhất, Libération nhận định đây là "cơn địa chấn tư pháp mới đối với ông Nicolas Sarkozy" vì trước đó, cựu tổng thống Pháp từng bị điều tra trong hai vụ khác "Bygmalion" và "Bismuth".
Có cùng nhận định với Libération, nhật báo kinh tế Les Echos, trong bài viết "Tài trợ của Libya : Sarkozy bị khởi tố", cho rằng cú tăng tốc trong hồ sơ này, do các thẩm phán thuộc bộ phận tài chính điều tra từ 5 năm nay, đánh dấu rắc rối với tư pháp trở lại với ông Sarkozy, người từng bị khởi tố trong vụ "nghe lén" và trong hồ sơ Bygmalion.
Nhật báo thiên hữu Le Figaro dĩ nhiên chỉ đưa ra những phát biểu ủng hộ cựu tổng thống Pháp của các chính trị gia thuộc đảng Những Người Cộng Hòa : "sự dàn dựng ly kỳ", theo đánh giá của cựu thủ tướng Raffarin ; "những lời giải thích chi tiết cho phép khép lại hàng loạt những sai lầm và dối trá", như ý kiến của ông Brice Hortefeux, sau khi rời khỏi trụ sở của cơ quan điều tra OCLCIFF ở Nanterre.
Riêng nhật báo công giáo La Croix, trong bài viết "Nicolas Sarkozy đối mặt với những cáo buộc", đề cập đến nghi ngờ cho rằng liệu việc tài trợ của chính quyền Kadhafi có liên quan đến quyết định can thiệp quân sự vào Libya năm 2011 hay không.
Chuyên gia Jalel Harchaoui thuộc trường đại học Paris 8, bác bỏ lập luận này vì khác với những gì người ta vẫn nghĩ, cuộc chiến ở Libya không phải là cuộc chiến của Pháp. Ông nói : "Hoa Kỳ, và đặc biệt là ngoại trưởng Hillary Clinton, muốn chấm dứt chế độ Kadhafi. Quyết tâm này của Mỹ đã chắp cánh cho nước Pháp. Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ đang rút quân khỏi Irak và không muốn tỏ ra là một cường quốc hiếu chiến nữa, nên để cho các nước Châu Âu và vùng Vịnh lên tuyến đầu".
Pháp : Quyền lực của tổng thống Macron đối đầu với "đường phố"
Trên lĩnh vực xã hội, cuộc tổng đình công của nhân viên ngành đường sắt và công chức Pháp được đề cập và bình luận rộng rãi trên các nhật báo. Ngày thứ Năm 22/03 tê liệt : nhà trẻ, trường học đóng cửa vì công chức đình công, các chuyến tầu bị cắt giảm hoặc bị hủy do nhân viên biểu tình phản đối loạt cải cách của chính phủ.
"Một bài trắc nghiệm trên đường phố" là nhận định chính trên các mặt báo. Le Monde chơi chữ : "Công chức và nhân viên ngành đường sắt tiến bước chống Macron". Khoảng 5,4 triệu công chức được kêu gọi đình công để bảo vệ thu nhập và quy chế của họ với khoảng 150 đoàn biểu tình dự kiến trên khắp nước Pháp.
Bài xã luận của nhật báo Le Figaro tính "cái giá của sự hèn nhát chính trị" mà nước Pháp phải trả : khối nợ như núi của công ty đường sắt SNCF lên đến 54,5 tỉ euro, công chức nhà nước quá thừa với khoảng 5,7 triệu công chức. Vẫn theo bài xã luận, tại một nước Pháp thâm hụt kinh niên từ 4 năm qua, nơi lĩnh vực công xuống cấp, thì sự thay đổi như vậy lẽ ra phải diễn ra từ lâu rồi.
Theo nhận định của bài xã luận trên La Croix, "từ khi lên nắm quyền cách đây một năm, chưa bao giờ Emmanuel Macron lại phải đối đầu với làn sóng phản đối vững chắc như vậy, kể cả trong lĩnh vực chính trị hay trên mặt trận xã hội". Vấn đề là liệu cuộc tổng đình công ngày thứ Năm có đánh dấu một bước ngoặt hay không ? Liệu các đoàn biểu tình có nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ và lâu dài của công luận hay không ? Trong bối cảnh nước Pháp đang lấy lại được sự năng động nhờ tình hình kinh tế thuận lợi, việc xem xét lại một số quy chế, như quy chế của công chức hoặc nhân viên đường sắt, được cho là cần thiết, ít nhất là vì chi phí và tính cứng nhắc của khu vực này.
Venezuela : Tổng thống Maduro thanh lọc lực lượng quân sự
Từ hai tháng qua, tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho tiến hành nhiều vụ bắt giữ hoặc cách chức nhiều nhà lãnh đạo quân đội, phần lớn là các đại diện quan trọng cho chế độ Chavez xưa kia.
Cụ thể, theo nhật báo Le Figaro, ngày 28/02, tổng thống Maduro đã giáng cấp 24 sĩ quan vì tội phản quốc. Đây là lần đầu tiên các sĩ quan quân đội lo ngại về một vấn đề khác, ngoài việc tham gia vào chiến dịch chống ma túy. Bà Rocio San Miguel, chủ tịch Control ciudadanos đánh giá "thông điệp truyền tải tới giới quân nhân rất rõ ràng : Chính quyền sẽ trừng phạt mọi quân nhân không tỏ ra trung thành với cuộc cách mạng". Ngày 02/03, thêm 9 quân nhân bị giam giữ, và thêm 30 người khác cũng có chung số phận trong tháng Ba.
Vẫn theo nhận định của bà Rocio San Miguel, "nguy cơ đảo chính quân sự từ giờ có vẻ được chính phủ Maduro nhìn nhận một cách nghiêm túc". Vì trong hệ thống chính trị Venezuela, theo thuyết của cựu tổng thống Chavez, thì "liên minh dân sự và quân sự" đóng vai trò trụ cột, ông Maduro đang có điểm yếu là không xuất thân từ nhà binh mà là tài xế xe buýt trước khi trở thành tổng thống.
Hiện tượng đào ngũ cho thấy sự bất bình trong các doanh trại quân đội ngày càng tăng. Thái độ bất bình trong phe theo khuynh hướng Chavez lại diễn ra vào trước kỳ bầu cử tổng thống Venezuela vào ngày 20/05 tới đây.
Thu Hằng